Ba người thầy vĩ đại
In từ Trang nhà: Hội Thân Hữu Gò Công
Category: Đời Sống - Xã Hội
Tên Chủ Đề: Tâm Tình
Forum Discription: Giải bài tâm sự về gia đình, xã hội hay chính mình về điều gì đó.
URL: http://www.gocong.com/forums/forum_posts.asp?TID=2246
Ngày in: 14/Jul/2025 lúc 5:23am Software Version: Web Wiz Forums 8.05a - http://www.webwizforums.com
Chủ đề: Ba người thầy vĩ đại
Người gởi: mykieu
Chủ đề: Ba người thầy vĩ đại
Ngày gởi: 10/Jan/2010 lúc 7:33pm
Ba người thầy vĩ đại

Khi Hasan, một nhà hiền triết Hồi giáo sắp qua đời, có người hỏi
ông: "Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?"
Hasan đáp: "Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên
tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại
quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba
người thầy sau của ta.
Người đầu tiên là một tên trộm. Có một lần ta đi lạc trong sa mạc,
khi ta tìm đến được một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều
đi ngủ cả. Nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang
khoét vách một căn nhà trong làng. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở
đâu, ông ta trả lời: "Khuya khoắt thế này thật khó tìm chỗ nghỉ
chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với một
tên trộm."
Người đàn ông ấy thật tuyệt vời. Ta đã nán lại đấy hẳn một tháng! Cứ
mỗi đêm ông ta lại bảo: "Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho
tôi nhé!" Mỗi khi ông ta trở về ta đều hỏi: "Có trộm được gì không?"
và ông ta đều đáp: "Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có
thể lắm chứ". Ta chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt
vọng, ông ta luôn hạnh phúc.
Có lần ta đã suy ngẫm và suy ngẫm trong nhiều năm ròng để rồi không
ngộ ra được một chân lý nào. Ta đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng,
tuyệt vọng đến nỗi ta nghĩ mình phải chấm dứt tất cả những điều vô
nghĩa này. Ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn
quả quyết: "Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!"
Người thầy thứ hai
là một con chó. Khi ta ra bờ sông uống nước, có
một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng
sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng đó là một con chó
khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn
quay trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống
sông và cái bóng biến mất.
Ta hiểu đây là một thông điệp đã được gửi
đến cho ta: con người phải biết chiến thắng nỗi sợ trong lòng bằng
hành động.
Người thầy cuối cùng là một đứa bé. Ta đến một thành phố nọ và thấy
một đứa bé trên tay cầm một cây nến dã thắp sáng để đặt trong đền
thờ. Ta hỏi đứa bé: "Con tự thắp cây nến này phải không?" Đứa bé
đáp: "Thưa phải." Đoạn ta hỏi: "Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng
chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến
không?"
Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: "Ngài thấy ánh sáng đã
biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?"
Cái tôi ngạo nghễ của ta hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của
ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân. Và
từ đó ta vất đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình.
Đúng là có thể nói ta không có một ai là thầy, nhưng điều này không
có nghĩa ta không phải là một học trò. Ta xem vạn vật là thầy. Tinh
thần học hỏi của ta luôn rộng mở hơn tất cả các người. Ta học hỏi từ
tất cả mọi vật, từ cành cây ngọn cỏ đến đám mây trên trời kia. Ta
không có một người thầy vì ta có hàng triệu triệu người thầy mà ta
đã học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn
làm một học trò. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là có khả năng học
hỏi, luôn sẵn sàng học để biết chấp nhận ý nghĩa của vạn vật.
http://www.petalia.org/Inspiration/banguoithay.htm
------------- mk
|
Trả lời:
Người gởi: mykieu
Ngày gởi: 12/Aug/2010 lúc 8:15pm
Có nhiều định nghĩa về cái “giàu“.
Định nghĩa nào cũng đúng, tùy theo tâm tư / suy nghĩ / ước mơ / hoài bão của mọi người.
10 năm trước đây, tôi định nghĩa “giàu” không phải là có nhiều tiền – mà là có… rất nhiều tiền. Nhiều tiền có nghĩa là có nhà cao cửa rộng, có xe hơi, có máy bay, có du thuyền, có… bla bla bla… Nói chung là có mọi thứ. Tôi nhìn thần tượng Bill Gates – và ước ao một ngày nào đó tôi cũng như ông ta, dù không trở thành người giàu nhất hành tinh – thì cũng là một người giàu sang quyền quý. Tôi sẽ cố gắng trở thành một nhân viên giỏi nhất, ưu tú nhất, xuất sắc nhất, có được mức lương cao nhất…
Cái “giàu” đó, bây giờ tôi gọi là “giàu sang“.
5 năm sau, khi đọc cuốn sách “Cha giàu – Cha nghèo” (Rich dad – poor dad), trong tôi hình thành một khái niệm mới về việc đi làm công cho người hoặc làm công cho bản thân mình. Lúc đó hoài bão về việc lập một business riêng để tự làm giàu cho chính mình cao như đỉnh Thái Sơn vòi vọi. Tôi sẽ là một người thành đạt bằng chính đôi tay, trí óc của mình. Sau ngần ấy năm đi làm, tôi sẽ xây dựng được 1 cái gì đó để lại sau này, chứ không phải chỉ là 1 thằng đi làm thuê quần quật suốt ngày.
Cái “giàu” này, tôi cũng chỉ gọi là “giàu sang“.
Giờ đây, tôi lại có một định nghĩa khác về cái “giàu“.
Tôi vẫn còn đó mơ ước sẽ có cái nhà – không phải nhà cao cửa rộng kiểu villa biệt thự, mà đơn giản chỉ là 1 cái nhà nhỏ / xinh đẹp, có được mảnh sân vườn phía trước trồng 1 vài hoa lá. Thật ra ở nhà to để làm gì? Chúng ta cũng chỉ “ở trọ” thôi mà – có ai ăn đời ở kiếp sống mãi đâu. Tôi đi ở trọ trần gian – đã ở trọ thì một lúc nào đó cũng phải “chuyển” đi nơi khác.
Tôi cũng còn đó mơ ước có nhiều tiền, nhưng không phải cho bản thân mình. Mà cho người thân, cho gia đình, và cho nhiều người đang có mơ ước muốn “giàu” lên như tôi 10 năm về trước. Tiền nhiều rồi cũng thế. Có cố ăn thì cũng ăn no đến cổ rồi cũng ngừng. Ăn có ngon kiểu sơn hào hải vị, gan hùm lưỡi rồng rồi cũng… đi ra hết. Cũng có “giữ” được gì đâu…
Tôi định nghĩa cái “giàu” có nghĩa là chúng ta “giàu” thời gian, sức khỏe để có thể đi đây đó, để học thêm, trải nghiệm thêm về cuộc đời và tận hưởng cuộc sống hiện tại. Chứ không phải “giàu” là cứ ra khỏi nhà lúc 7h sáng và trở về nhà lúc 10h tối – lương tháng vài chục ngàn USD – nhưng cứ phải quay cuồng trong con vụ cơm áo gạo tiền. Đến một lúc nào đó mệt mỏi, xuôi tay – mới nhận ra sao mình quá “nghèo” như vậy.
Tôi định nghĩa “giàu” là cả khi không có nhiều tiền, nhưng chúng ta vẫn sẵn lòng đến với người khác bằng cả tấm lòng giàu tình thương. Sẵn sàng giúp người khác trong khả năng mà mình có thể. Và biết tận hưởng cái “giàu” ngay cả trong cuộc sống khốn cùng. Địa ngục ở đây, và niết bàn cũng chính ở đây. Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau. Địa ngục hay niết bàn cũng do chính ta mà ra cả.
Tôi gọi đó là “giàu có“.
Giàu sang có nghĩa là bạn giàu – nhưng khi chết đi, bạn phải sang nhượng lại toàn bộ những gì bạn có cho người khác, và chẳng mang được theo mình bất kỳ cái gì cho một cuộc sống mới. Nhiều người rất giàu, có rất nhiều tiền. Họ có cái may mắn có nhiều cơ hội để “làm giàu” hơn người khác, nhưng tiếc thay họ chỉ biết chiếm đoạt, ôm giữ – mà không biết san sẻ cho bất kỳ ai điều may mắn đó.
Giàu có có nghĩa là khi chết đi, bạn vẫn còn có cái để mang theo… Sau ngần ấy năm quần quật, tôi sẽ để lại cho người và cho cả chính mình những cái mà sẽ không mất đi khi tôi chết. Cái mà nhà Phật hay gọi là: “công đức, phước báu“…
Của nào bằng của làm lành Cho đi có nghĩa để dành bấy nhiêu
Còn bạn? Bạn muốn trở thành người giàu sang hay giàu có?
http://blog.yume.vn/xem-blog/co-nhieu-dinh-nghia-ve-cai-giau-.thuan88.35CE4784.html - http://blog.yume.vn/xem-blog/co-nhieu-dinh-nghia-ve-cai-giau-.thuan88.35CE4784.html
Tác giả bài viết "Giàu" là Cam-Tuyền, tên đầy đủ là Võ Thụy Cam-Tuyền, cựu học-sinh Trung-Học Phan Chu Trinh Đà-Nẵng, sinh ngày Nov. 20, 1975.
Võ Thị Cam-Tuyền hiện là Giám-Đốc Kinh-Doanh của Công-Ty Cổ-Phần Dịch-Vụ Công-Nghệ Tin-Học HTP tại Sài-gòn, married with two children.
(Chú thích của A.HTT-ThuNhan.K1)
------------- mk
|
Người gởi: mykieu
Ngày gởi: 27/Sep/2010 lúc 6:06am
SINH LÃO BỊNH TỬ
Sau nhiều năm tinh tấn tu hành, một vị tăng vẫn không sao đạt được mục đích mà ông hướng đến là thoát ly sinh, già, đau, chết. Đang lúc buồn nản thì Sư đến thăm. Vị tăng hỏi:
- Làm sao thoát khỏi sinh - lão - bịnh - tử?
Sư than:
- Chỉ tội cho Sinh - Lão - Bịnh - Tử thoát không khỏi ông!
۞
Lời góp ý:
Có hai loại sinh - lão - bịnh - tử nơi mỗi người:
1) Của thế giới tự nhiên tâm - sinh - vật lý.
2) Của thế giới ảo tưởng ngã kiến vọng chấp.
Tâm - sinh - vật lý là diễn biến tự nhiên của sự sống:
- Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thuộc về sinh lý.
- Sắc, thanh, hương, vị, xúc thuộc về vật lý.
- Ý và pháp thuộc về tâm lý.
Ba yếu tố này tương quan, tương duyên, tương dung, tương tác, tương sinh, tương khắc mà hợp thành cái gọi là “con người” có sinh, có già, có bịnh, có chết, có khổ, có lạc, có xả một cách tự nhiên, vô tư, vô ngã.
Nhưng khi sự tương - quan - vận - hành - tâm - sinh - vật lý này bị nhìn qua ảo tưởng vọng thức (Tập đế) thì liền trở thành bản ngã cùng với sự xuất hiện của ảo giác thời gian và đau khổ (Khổ đế). Bấy giờ không phải là sinh - lão - bịnh - tử tự nhiên nữa mà là luân hồi sinh tử của bản ngã vọng chấp.
Ngược lại, khi sự tương - quan - vận - hành - tâm - sinh - vật lý này được trí tuệ soi chiếu (Đạo đế) thì không còn ảo tưởng vọng thức, không còn ảo giác thời gian và đau khổ, nghĩa là toàn bộ luân hồi sinh tử của bản ngã chấm dứt (Diệt đế). Ngay khi đó, thế giới tự nhiên tâm - sinh - vật lý được trả về đúng với bản chất nguyên thủy của nó: Sinh - Lão - Bịnh - Tử “hiện toàn chân”như thị như thực (yathàtathatà), chẳng cần thêm bớt.
Người mê không lo giải thoát khỏi sinh - lão - bịnh - tử của ngã kiến vọng chấp, lại cứ lo can thiệp vào bản chất sinh - lão - bịnh - tử tự nhiên tâm - sinh - vật lý. Ví như người quáng mắt tưởng sợi giây là con rắn rồi cứ nhè sợi giây mà đánh, chỉ tội cho sợi giây bị đòn oan trong khi con rắn ảo thì muôn đời vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi!
Nguồn : Vi Tiếu(Sư Viên Minh)
------------- mk
|
|