Người Phụ Nữ Mảnh Mai và Những Cán Bộ Hải Quan Hống Hách
Bánh máy bay vừa chạm phi đạo, không khí nhộn nhạo hẳn lên. Dù đã được
nhắc nhở là ngồi yên cho tới khi máy bay ngừng hẳn, những tiếng lách
cách mở khoá bụng cũng vẫn vang lên đâu đó. Và trong khi máy bay còn từ
từ lăn bánh vào trạm nhìều người đã đứng bật dậy, kêư gọi nhau, lôi kéo
valise trên cao xuống để chuẩn bị sẵn sàng. Đa số đều lộ vẻ nôn nóng.
Cửa máy bay vừa mở là đoàn người đã chen chúc nhau đi xuống, bước vội
lên xe bus để được đưa vào nhà ga. Và rồi tất cả đều phải ngừng lại,
xếp hàng dài rồng rắn trước các trạm hải quan. Chẳng ai bảo ai mà không
khí bỗng dưng yên lặng một cách bất ngờ. Có lẽ mọi người đều mang tâm
trạng hồi hộp chờ tới phiên mình. Chợt một giọng phụ nữ cất lên không
lớn lắm nhưng cũng đủ lớn như cố tình cho nhiều người chung quanh đều
nghe thấy "Phì trường quốc tế ở đâu cũng mát mẻ, có mỗi Tân Sơn Nhất
của mình là nóng quá". Không chỉ tôi, mà mọi người đều giật mình quay
nhìn người vừa phát biều. Một người can nho nhỏ "Chị đừng nói lớn quá,
coì chừng cán bộ họ nghe thấy". Không ngờ chị lại trả lời tỉnh bơ "Trời
ơi, tôi thấy nóng thì tôi nói nóng, có gì đâu mà sợ"
Thế rồi tới phiên chị bước lên. Vừa đưa giấy tờ chị vừa nửa cười nửa
nghiêm nói "Ồ, đâu cũng nóng, chỉ có chỗ cán bộ ngồi là mát quá" Biết
bị châm chích vì cái máy lạnh dưới chân, nhưng tên cán bộ trẻ tuổi
không biết nên phản ứng thế nào, chỉ nhìn chị một chút rồi trả lại giấy
tờ, cho qua.
Đến quầy soát hành lý, chị cùng người nhà lôi kéo, đẩy theo khá nhiều
valise, thùng, bọc lỉnh kỉnh, tổng cộng cũng đến mười món, từ từ chất
lên quầy đi qua máy kiểm soát. Trong khi tên cán bộ phụ trách đang theo
dõi qua máy thì một nữ cán bộ đứng đằng sau bước ra lớn tiếng ra lệnh
cho tên cán bộ tiếp nhận:
-Đẩy tất cả các thùng này vào kho.
Mọi người đều quay lại nhỉn, không ngờ chị cũng lớn tiếng lại :
-Chị nói gì nói lại coi? Tôi cấm chị không được đẩy hành lý của tôi đi đâu.
Tuy bị bất ngờ với phản kháng mạnh mẽ, cô nàng cán bộ vẫn nói cứng :
-Tôi nghi ngờ nên cần đem những thùng này vào kho để kiểm soát.
Chị bình tĩnh chỉ vào cái máy dò hành lý hỏi:
-Cái máy này có làm việc không?
-Đương nhiên là có.
-Tôi tưởng nó không làm việc thì vứt nó đi cho rồi. Thế nãy giờ chị có làm việc không?
-Đương nhiên là tôi cũng đang làm việc.
-Nếu làm việc thì chị có nhìn vào máy không? Nếu nhìn thì chị cũng đã
biết hành lý tôi chứa đựng những gì. Tại sao chị dám đòi đẩy hành lý
của tôi vào kho của chị. Chị định tịch thu hành lý của tôi hả?
Câu chuyện trở nên gay cấn, mọi người hình như đều đổ dồn mắt, lắng tai
nghe cuộc đối thoại giữa hai "nữ hổ". Tôi tò mò quan sát chị kỹ hơn.
Trông chị còn khá trẻ, có lẽ chưa tới 40, dáng người nhỏ nhắn, xem
chừng không hơn 100 pounds. Mắt to, mũi cao, da trắng, phải công nhận
là chị thuộc loại "người đẹp", giọng nói miền Trung lai Nam dễ nghe,
nhỏ nhẹ nhưng cứng cỏi, biểu lộ người có học và có bản lãnh, chẳng dễ
gì bắt nạt..
Bị hỏi dồn liên tục, cô cán bộ lộ rõ vẻ bất ngờ, mặt biến sắc chống chế:
-Tôi không có ý tịch thu hành lý của chị, tôi bảo đẩy vào kho của nhà nước để kiểm soát chứ không phải kho của tôi.
Trong khi cô cán bộ dịu giọng lại thì chị càng cương quyết hơn:
-Chị không được đẩy hành lý của tôi đi đâu hết. Chị muốn kiểm soát thì
cứ việc mở ra ngay tại đây. Tôi cấm chị đem hành lý của tôi đi chỗ
khác. Chính sách nhà nước kêu gọi Việt kiều về quê, giúp xoá đói giảm
nghèo, tôi tốn bao nhiêu tiền mua quần áo về tặng cho người nghèo mà
chị lại muốn lám khó dễ. Chị muốn đi ngược lại chánh sách của nhà nước
à?
Bất ngờ bị dồn cho một thôi một hồi bằng những lời lẽ quá "nặng ký"
trước bao con mắt chăm chú theo dõi, cô cán bộ mặt tái xám, lúng túng
chưa biết trả lời thế nào thì vừa lúc một tên cán bộ khác từ đâu bước
vội đến nói nhỏ vào tai cô ta vài câu rồi quay qua dịu giọng dàn xếp:
-Thôi được rồi, chị cứ đem hành lý đi đi.
Vừa nói vừa ra lệnh cho mấy tên trẻ tuổi quanh đó giúp đẩy hành lý chị
nhanh ra cổng. Những người đi sau tự nhiên được hưởng mọi sự dễ dàng,
được cho đi qua nhanh chóng, chẳng bị hỏi han chi. Aì nấy đều cảm thấy
nhẹ nhõm, thù vị và không khỏi thầm cám ơn người phụ nữ thông minh, can
đảm.
***
*** ***
Thời gian qua mau, lại đến ngày trở về Mỹ. Đề phòng mọi bất trắc, gia
đình tôi ra phi trường sớm hơn 2 tiếng đồng hồ. Đến sớm nên làm thủ tục
giấy tờ, gửi hành lý khá nhanh chóng. Lên đến phòng đợi vẫn còn hơn cả
tiếng. Khoảng 20 phút trước giờ lên phi cơ thì bỗng dưng nghe loa phóng
thanh gọi lớn tên 5 người đến quầy kiểm soát gấp, 2 vợ chồng tôi đều có
tên trong số đó. Đến nơi thì cô cán bộ lạnh lùng nói:
-Hành lý quý vị có vấn đề nên cần xuống gặp hải quan.
Rồi cô ta bảo tụi tôi đi theo 1 cán bộ mặc sắc phục.
Một ông trung niên đi trước tôi bực bội la toáng lên:
-Hải quan Việt Nam lộn xộn quá. Tôi đi khắp nơi chẳng bao giờ gặp phiền
phức như thế này. Về đến Mỹ cũng rất dễ dàng. Tại sao cứ về đến Việt
Nam thì bị khó dễ?
Anh chàng cán bộ dẫn đường mặt mũi khá trẻ vội phân trần:
-Chú ơi, tụi cháu cũng rất khổ vì mấy vụ này. Cháu chỉ có nhiệm vụ
hướng dẫn mọi người xuống hải quan nhưng cứ bị đổ mọi giận dữ lên đầu.
Thật ngạc nhiên vì lần đâu tiên nghe được lời nhỏ nhẹ phân trần từ một cán bộ mặc sắc phục, tôi đề nghị với tất cả:
-Được rồi, mình cứ bình tĩnh xuống đó coi họ làm gì. Chúng ta cứ đồng lòng, nhất định không để họ làm khó dễ, đòi ăn hối lộ.
Trên đường đi, cô vợ nhát gan của tôi lo lắng nói nhỏ "Anh ơi, chết
rồi, mình có mấy chai mắm tôm chua với một số DVD cô Thúy gửi mua, thế
nào cũng bị khó dễ. Hay là cho tụi nó ít tiền cho rồi". Tôi bực mình
nói liên "Không! Nhất định không cho một đồng nào hết. Mấy thứ đó có
phải đồ quốc cấm đâu mà sợ" Cô nàng vẫn lo lắng "Thế lỡ tụi nó cứ đòi
tịch thu thì sao?" "Giỡn hoài, muốn tịch thu của anh đâu phải dễ. Anh
sẽ đấu lý tới cùng. Anh sẽ đòi hỏi phải trưng ra giấy tờ chỉ rõ những
món nào không được đem ra khỏi Việt Nam chớ. Không có giấy tờ, văn bản
thì làm sao tịch thu của mình được. Mỹ không cấm đem mắm vào mà Việt
Nam lại cấm mang mắm đi thì thật là vô lý"
Dọc đường, lại phải đi qua một trạm kiểm soát giấy tờ nữa. Không hiểu
sao, sau khi xem giấy tờ của cả nhóm thì cán bộ trạm này lại bảo hải
quan vừa gọi lên cho biết 4 người trong nhóm có thể trở về phòng đợi,
chỉ còn lại 1 cô gái khoảng 18 tuổi phải tiếp tục theo cán bộ xuống hải
quan.. Bị trơ trọi, cô bé lo sợ quay qua hỏi ý kiến, cầu cứu vợ tôi.
Sau vài câu hỏi han mới biết đây là 1 cô học trò người Việt đi một mình
và không hiểu nhiều tiếng Việt. Cô nói trong hành lý cũng có một số
DVD. Vợ tôi trấn an là không sao đâu, họ chỉ muốn làm tiền thôi. Cô bé
càng sợ, cho biết cô không còn tiền Việt Nam. Vợ tôi dúi vội tờ 20 ngàn
vào tay cô bé trước khi bước đi.
Nghe kể lại, tôi bực mình:
-Anh đã bảo không muốn hối lộ mà sao em còn dạy cô ta hối lộ?
-Tại em thấy tôi nghiệp, cô ta không biết tiếng Việt thì làm sao cãi lý với tụi cán bộ.
-Thì tụi cán bộ cũng đâu biết tiếng Anh, làm sao mà khó dễ cô bé được?
Khi chúng tôi đi trở lại phòng đợi thì mọi người đã lên phi cơ gần hết
và loa phóng thanh đang đọc tên 3 hành khách khác yêu cầu đến quầy kiểm
soát gấp vì phi cơ sắp khởi hành. Từ xa 3 người đang đi nhanh lại. Tôi
quay nhìn thì ngạc nhiên khi thấy đi đầu chính là người phụ nữ mảnh mai
đầy can đảm hôm nọ. Tò mò, tôi nán lại chờ xem có màn gì "vui" không.
Chị bước nhanh nhưng vẻ mặt bình thản đưa boarding p*** cho cán bộ kiểm
soát. Anh ta nhìn chị một chút rồi lạnh lùng ra lệnh:
-Yêu cầu chị bỏ mũ ra.
Chị tỉnh bơ trả lời:
-Tôi thấy không có luật nào buộc hành khách phải bỏ mũ trước khi lên phi cơ hết.
Nói xong chị vẫn đứng yên. Chuyện bỏ mũ ra cũng không có gì quan trọng,
nhưng có lẽ vì thái độ hống hách, bất lịch sự của tên cán bộ khiến chị
bực mình, không chịu thua. Tên này cũng tỏ vẻ nóng mặt, gằn giọng nhắc
lại:
-Tôi yêu cầu chị bỏ mũ ra.
Chị cười trả lời:
-Tôi chỉ sợ lấy mũ ra, thấy tóc đẹp quá anh té xỉu thôi.
Vừa nói chị vừa nâng cao chiếc mũ nhỏ nhắn khỏi đầu rồi lại bỏ xuống
ngay chứ không lấy hẳn mũ ra, vừa để chứng tỏ chị không có gì trong tóc
và cũng vừa để biểu lộ thái độ không chịu thua.
Tên cán bộ càng tức giận hơn:
-Vậy yêu cầu chị đứng qua một bên để tôi kiểm vé mấy người kia rồi sẽ giải quyết với chị sau.
Không ngờ chị cũng chẳng vừa:
-Tôi không bước đi đâu hết. Tôi đến trước thì anh phải giải quyết với tôi trước. Chừng nào xong thì mới tới những người khác.
Mọi người chung quanh đều giật mình khi thấy câu chuyện chẳng có gì mà
bỗng dưng trở nên căng thẳng, bế tắc. Ai cũng tò mò, hồi hộp không biết
chuyện gì sẽ tiếp theo đây khi mà đã tới giờ máy bay sắp sửa cất cánh.
Tên cán bộ mặt đanh lại, rất tức giận, suy nghĩ vài giây. Có lẽ hắn
cũng nhận ra rằng chẳng thể làm gì được người phụ nữ cương cường nhưng
hữu lý này nên cuối cùng đành phải hầm hầm thảy giấy tờ lại cho chị và
để chị bước qua.
Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm, lần lượt đưa giấy tờ và bước cả vào phi cơ.
Vào trong, dò tìm chỗ ngồi thì tôi chợt ngạc nhiên thích thú khi thấy
chị đang ngồi xuống ngay cùng hàng ghế với tụi tôi. Vừa ngồi, tôi vừa
cười, mở lời làm quen:
-Xin chào người phụ nữ vô cùng can đảm.
Chị hơi ngạc nhiên nhìn tôi rồi cũng cười trả lời:
-Can đảm gì đâu anh, khó ưa thì có.
Tôi cười nói nhỏ:
-Có lẽ chỉ khó ưa với Việt cộng thôi, còn đám "Việt kiều" tụi tôi thì thấy chị rất cam đảm và dễ ưa.
-Trời đất, em tưởng anh thấy em dữ như vậy thì cần tránh xa chứ.
-Ồ, không đâu, tôi càng thấy vui được ngồi gần chị để hỏi han thêm nhiều chuyện.
Chị bật cười, tinh nghịch trả lời:
-Bộ bây giờ đến phiên anh muốn làm công an thẩm vấn hả?
-Không có đâu. Tôi thấy công an là sợ gần chết, làm sao dám đóng vai
công an. Vả lại, tôi mà là công an thật thì thấy chị là chạy xa chứ làm
gì dám hỏi han.
-Anh nói quá, làm như em là cọp cái không bằng.
-Không phải vậy. Tại chị không biết đó thôi. Tôi may mắn về chơi cùng
thời gian với chị nên đã được chứng kiến cả hai lần chị đối đầu với cán
bộ hải quan và lần nào cũng thắng.
Chị ngạc nhiên, trố mắt nhìn tôi, rồi lấy hai tay bụm mặt, duyên dáng cười nói:
-Chết rồi, lần nào gặp anh cũng thấy em như "bà Chằng Lửa", mắc cở quá!
Nói chuyện xã giao một chút, khi bớt khoảng cách, chị chợt đề nghị:
-Nãy giờ anh cứ gọi em bằng "Chị" nghe xấu hổ lắm. Thôi anh gọi bằng "em" hay bằng tên đi.
Tôi cười nói đùa:
-Ý chị muốn nói tôi già phải không?
Chị nhìn tôi một chút rồi bật cười:
-Anh hỏi cắc cớ quá, thật còn khó trả lời hơn khi nói chuyện với công an nữa.
Tôi cũng bật cười theo:
-Ok, vậy tên chị là gì nào để tôi gọi.
-Mai Linh.
-Ủa, vậy Mai Linh cùng họ Mai với tôi à?
Cô cười tinh nghịch:
-Không, em là họ nhà vua, tên là Mai Linh chứ không phải cùng họ Mai với anh.
-Thì họ Mai tôi cũng có thời làm vua chứ bộ.
Sau một lúc chuyện trò vui vẻ, tôi mới từ từ hỏi:
-Mai Linh qua Mỹ lâu chưa?
-Dạ, cũng chưa lâu lắm.
-Vậy là Mai Linh đã từng sống với cộng sản?
-Đúng rồi, hồi cộng sản vô gia đình em kẹt lại, ba em bị bắt đi tù cải
tạo. Còn lại mẹ và mấy chị em, thật khổ vô cùng. Đi học cũng không
được, đi làm cũng không xong. Gia đình phải cố bươn chải mà sống qua
ngày.
-Thế gia đình Mai Linh sinh sống bằng cách nào?
-Thì làm đủ thứ nghề, thượng vàng, hạ cám, cái gì ra tiền đều phải làm.
-Có lúc nào khá không?
-Cũng có. Mới đầu thì khổ lắm, nhưng từ từ học khôn. Có thời gian gia
đình em mở quán ăn ở Vũng Tàu, ngay bãi trước. Lúc đó đã có một quán
phở của một bà Bắc kỳ Hà Nội, tụi em mở quán bán cả phở lẫn bún ngay
bên cạnh. Mỗi khi xe đò các nơi đến, thấy mấy chị em chào đón vui vẻ
thì đều qua bên quán tụi em hết.
-Vậy mà bà ta để yên cho Mai Linh à?
-Đâu có, bà ta dữ lắm, cứ chạy ra ngoài đứng chửi tục tỉu hoài.
Tôi cười trêu:
-Chửi nhau là bà ta thua chắc rồi. Một mình Mai Linh bà ta cũng đủ
chết, huống chi cả mấy chị cùng hè nhau chửi thì bà ta chạy có cờ.
Mai Linh cười hiền đáp:
-Đâu có anh. Dại gì mà chửi nhau với họ, mà muốn chửi cũng không lại mấy bà Bắc kỳ đó đâu.
-Thế rồi gia đình Mai Linh làm sao?
-Mấy chị em đặt một máy phát thanh hát nhạc thật lớn chĩa qua phía bà
ta. Thành ra bả chửi gì tụi em đâu có nghe mà chỉ có gia đình bả nghe
thôi.
Được dịp , tôi hỏi qua chuyện mà tôi vẫn thắc mắc:
-Có phải vì thế mà Mai Linh ghét cộng sản không?
-Sao anh hỏi vậy?
-Tôi thấy thường người ta ngán, tránh có chuyện với tụi cán bộ hải
quan, nhưng Mai Linh thì ngược lại, hình như Mai Linh thích "kiếm
chuyện" với tụi nó phải không?
Suy nghĩ một chút, Mai Linh trả lời:
-Anh nói có phần đúng. Em rất ghét thái độ hống hách, muốn làm tiền của
tụi nó. Em về nhiều lần rồi chứ. Lần nào em cũng mong đụng độ với tụi
nó và lần nào em cũng thắng 100 phần trăm.
-Bộ Mai Linh không sợ bị tụi nó làm khó sao?
-Có gì mà phải sợ chứ. Mình về tiêu xài, nói chung là làm lợi cho dân,
có mang đồ quốc cấm về đâu mà phải sợ, phải để cho tụi nó bắt nạt.
-Nhưng nhiều người vẫn sợ, vẫn cứ hối lộ.
-Thì tại họ dại, họ nối giáo cho giặc. Em nói thật, chỉ cần 100 làm
người như em là sẽ hết sạch cái vụ tham nhũng, hối lộ tại phi trường.
-Thế có bao giờ Mai Linh bị làm tiền ở hải quan chưa?
-Có chứ. Một lần em cũng mang nhiều hành lý về, tụi nó cũng đòi mở ra
khám. Em cự thì một đứa nói nhỏ "Chị bồi dưỡng cho một chút đi" Em tức
mình nói lớn "Tôi không hối lộ" rồi chỉ cái bảng treo trên tường "Anh
không thấy bảng nói cấm hối lộ sao? Lẽ ra anh thấy ai hối lộ còn phải
bắt họ vì tội phạm pháp nữa chứ sao lại đòi hối lộ?" Tụi nó sợ quá, đẩy
em đi cho mau.
-Trời đất, khó có ai mà gan lỳ như Mai Linh. Thường thì mọi người đều e dè khi nói chuyện với tụi nó.
-Không phải lỳ mà là hiểu luật, hiểu tâm lý tụi nó. Tụi nó đòi hối lộ
là tụi nó gian, tụi nó phải sợ mình là người ngay chứ sao lại có chuyện
người ngay đi sợ kẻ gian. Chính vì sự sợ hãi vô lý của nhiều người mới
tạo ra cái thói hống hách, coi thường người dân của đám công an, cán
bộ. Anh nghĩ có phi lý không chứ khi mà mình làm việc quần quật, đổ mồ
hôi để có tiền rồi tự dưng phải dâng cho tụi nó ăn? Đã thế, chúng không
cám ơn, mà ngược lại chính mình lại còn phải khúm núm trước chúng nữa.
Tại sao nhiều người không nghĩ ra như vậy?
Càng nói chuyện tôi càng thấy mến phục Mai Linh. Con người bình thường
nói chuyện rất vui vẻ, nhỏ nhẹ, nhưng khi "đụng trận" thì thật cứng
cỏi, quyết liệt, và khi lý luận thì thật sắc bén, thâm trầm.
Tôi chợt cảm thấy mình may mắn, chuyến đi này đã được gặp một nữ anh
thư, một con cháu đích thực của Bà Trưng, Bà Triệu. Mong rằng chị làm
ăn khấm khá để có thêm nhiều dịp qua lại các phi trường Việt Nam.
mđt
|