- Và ngày nay Gò Công gồm có 2 huyện Gò Công Ðông và Gò Công Tây, thuộc tỉnh Tiền Giang.
Kể từ 1755 đến nay, trải qua trên 250 năm, Gò Công tiếp nối sự nghiệp của người mang gươm đi mở cõi Nguyễn Cư Trinh.
Nguyễn Cư Trinh (1716-1767), tổ tiên vốn người Nghệ An sau vào sống ở Hương Trà, Thừa Thiên. Thân phụ nguyên họ Trịnh được cho đổi họ Nguyễn tên Nguyễn Ðăng Ðệ làm tới chức Ðại Phu.
Nguyễn Cư Trinh đậu Hương Tiến, làm quan thời Nguyễn Phước Khoát đến Lại Bộ kiêm Tào Vận Sứ, tước Nghi Biểu Hầu. Ông từng giữ chức Tuần Vũ Quảng Ngãi và có công đầu đánh dẹp giặc Mọi Ðá Vách. Ðược bổ ra Quảng Bình lo việc tổ chức bố phòng ngăn ngừa quân Trịnh phía Bắc.
Khi Chúa Trịnh Doanh viết thơ mượn đường vào đánh Lê Duy Mật nổi lên chống họ Mạc chạy vào trốn ở phía Nam Thanh Hóa Nghệ An, lúc đó 1753 Nguyễn Cư Trinh làm Ký Lục Dinh Bố Chánh theo lịnh Chúa viết thơ khước từ.
Khi Trương Phước Loan chuyên quyền thấy triều thần không phục bèn mời Nguyễn Cư Trinh lúc ấy đang giữ chức Ðiều Khiển tại Gia Ðịnh về trung ương phong làm Lại Bộ.
Nguyễn Cư Trinh nổi tiếng là người thanh liêm, giỏi việc binh, có tài cai trị và ngoại giao nữa. Ông mất năm 1767, thời chúa Ðịnh Vương, thọ 52 tuổi. Ðến đời Minh Mạng ông được phong Tân Minh Hầu và thờ tại Thái Miếu.
Nguyễn Cư Trinh sanh thời còn có văn tài nổi tiếng với tác phẩm “Sải Vãi” (1750) nội dung kêu gọi đồng liêu không nên ham thú yên vui, chớ sợ gian nan nguy hiểm và tập thơ Ðạm Am Văn Tập.
Ông còn là bạn thơ với Mạc Thiên Tích và để lai mười bài thơ họa lại bài Hà Tiên Thập Vịnh của Mạc Thiên Tích, Ðô Ðốc Tổng trấn Hà Tiên.
Ngày nay Gò Công tuy thuộc tỉnh Tiền Giang nhưng thị xã Gò Công là thành phố lớn xếp loại II tương đương với nhiều tỉnh thị phía Nam [thành phố Mỹ Tho loại].
Gò Công có vị trí chiến lược, giáp sông Soài Rạp, có hai đường ăn ra biển là Vàm Láng và Tân Thành, với bờ biển dài 32 km.
Sông Soài Rạp ngày xưa theo Trương Vĩnh Ký tên là Sông Lôi Lạp, có vị trí trung chuyển đường biển quan trọng từ Bắc đi Sài Gòn. Bởi Soài Rạp là đoạn cuối của sông Ðồng Nai, từ Phú Xuân Nhà Bè chảy ra biển Ðông dài 42 km, cũng là hợp lưu của sông Vàm Cỏ trước khi chảy ra biển.
Gò Công với vị trí của mình tạo ra vùng sinh thái ngập mặn, và nước lợ phủ một diện tích 7500 ha với nhiều loại thủy hải sản nghêu, sò, cua, tôm có giá trị cao về kinh tế.
Gò Công nằm trên hai thế đất: 1) Ðất giồng cao, xưa của người Miên, nay chuyên trồng trầu, trồng giồng hoa màu phụ, lập vườn trồng cây ăn trái 2) Vùng đất nhiễm mặn thích hợp dưa hấu, mãn cầu, nhãn, sơ ri... Nhờ vậy Gò Công có được diện mạo văn hóa đặc thù qua sản vật: dưa hấu, mãn cầu biển, mắm còng, mắm tôm, trái sơ ri...
Thị xã Gò Công là thành phố thuộc loại xưa, rộng 32 ha với dân số trên 60 ngàn người, có ngôi chợ thuộc loại xưa, một sân vân động tiêu chuẩn, một tòa tỉnh trưởng bề thế không thua Mỹ Tho, Vĩnh Long đủ nói lên vị trí Gò Công, nó đã được xác lập và công nhận từ xưa so với toàn xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Gò Công cũng là đất của hoàng hậu, người phụ nữ xứ này hãnh diện với tên gọi “Gò Công nhan sắc”; và Gò Công nổi tiếng với những nghệ nhân khéo tay, sáng tạo làm nên “cái tủ thờ” có giá trị văn hóa nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia.
Gò Công, nơi đầu tiên nổi lên Pháp
“Triều đình Huế được tin quan quân thất thủ đại đồn Kỳ Hòa, và thành Mỹ Tho cũng thất thủ rồi, sai quan Thượng Thơ Hộ Bộ là Nguyễn Bá Nghi làm khâm sai đại thần vào kinh lý việc Nam kỳ. Nguyễn Bá Nghi biết thế không chống nổi với quân Pháp, dâng sớ về xin giảng hòa.
Nhưng ở triều lúc bấy giờ có bọn Trương Ðan Quế không chịu... Bởi vậy sự giảng hòa cứ lôi thôi mãi không xong... Mà ở trong địa hạt tỉnh Gia Ðịnh và tỉnh Ðịnh Tường lúc ấy lại có mấy người như Tri Huyện Toại (Thoại), Phó Quản Cơ Trương Ðịnh, Thiên Hộ Dương rủ những người nghĩa dũng nổi lên đánh phá quân Pháp” (theo Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim).
Ông Huyện Thoại trước là quan huyện Tân Hòa, tên thật là Ðỗ Trinh Thoại, là ông quan văn, người nổi lên chống Pháp đầu tiên tại Gò Công và cả Nam kỳ.
Ngày 12 Tháng Tư, Pháp hạ thành Mỹ Tho, hai tháng sau, ngày 22 Tháng Sáu 1861, vào lúc 5 giờ sáng ông Huyện Thoại tập họp 600 nghĩa binh bất ngờ tấn công đồn binh Pháp tại Gò Công.
Giặc phát giác, nên khi nghĩa quân vào tới chợ bị lính pháo thủ hải quân Pháp do tên trung úy hải quân Paulin Vial chỉ huy chận đánh. Nghĩa quân mất thế bất ngờ nên chủ tướng Huyện Thoại cùng 14 nghĩa quân hi sinh ngay đợt giao tranh đầu tiên. Phía Pháp có tên trung úy chỉ huy bị thương và một tên khác bị giết tại trận. Nghĩa quân mất chủ tướng nên tất cả bỏ chạy!
Huyện Thoại là một nhà Nho thuộc quan văn chết như tướng sĩ, cầm quân chống Pháp ngay buổi đầu trên đất Gò Công, mở đầu cho các cuộc kháng chiến tiếp theo của cả nước.
Thái độ nhu nhược đưa đến sự thất bại của triều đình Huế bấy giờ không có chút ảnh hưởng gì đối với tinh thần chống Pháp của người Gò Công; vì vậy nơi này là trung tâm kháng Pháp lúc bấy giờ như lời nhận định của người Pháp, tác giả cuốn “Histoire militaire de L' Indochine”.
Trước năm 1975, tại thành phố Gò Công có con đường mang tên Huyện Thoại để tỏ lòng nhớ ơn người quan huyện chọn cái chết như võ tướng, xứng đáng là hậu duệ của Nguyễn Cư Trinh.
mailto:tranvanchi@earthlink.net - tranvanchi@earthlink.net
XIN TÌM ÐỌC
- Hương Vị Ngày Xưa, Văn Hóa Ẩm Thực Lục Tỉnh, 12 MK
- Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, 50 năm đọc lại Quốc Văn Giáo Khoa Thư, 15MK
của nhà văn Trần Văn Chi vừa được tái bản.
Sách có bán tại các nhà sách, hoặc liên lạc với tác giả:
Email : tranvanchi@earthlink.net
Ðịa chỉ: Trần Văn Chi 1911 W. 148 th St., Gardena CA 90249, USA.
|