http://s253.photobucket.com/albums/hh78/tgthaithanhnguyen/tgthaithanhnguyen%20-%20bachmaithidan/?action=view¤t=BIA-Tuchindongsongvongco.jpg">
“Hòa âm điền dã” trong thơ Trần Ngọc Hưởng
Có tập thơ đến với ta như một người tình xa lạ, ta đọc nó như khám phá, chinh phục một đỉnh núi cao đầy hào hứng, ngoạn mục nhưng cũng lắm khi cảm thấy mệt nhoài.
Lại có tập thơ đến với ta như một người tình cũ, tuy lâu ngày gặp lại, nhưng vẫn ẩn hiện những nét gần gũi, thân quen, ta đọc nó như cùng người đi dạo dọc theo những con đường, bờ sông kỷ niệm, và trên từng chặng nhàn du, ta cũng như gặp lại chính tuổi trẻ mình.
Với tôi, tập thơ Từ chín dòng sông vọng cổ của Trần Ngọc Hưởng là thuộc vào trường hợp thứ hai.
Sở dĩ tôi nói như vậy vì tôi đã đọc thơ Trần Ngọc Hưởng từ khi còn học ở một trường huyện miền Trung và là độc giả của báo Tuổi Hoa mà anh là cộng tác viên thường xuyên. Trần Ngọc Hưởng hồi đó là một cây bút của Nhóm Thơ 20, cùng với Dạ Huyền, Đan Dạ Uyên, Trần Anh Tài, Như Uyên Thuỷ… Đây là bút nhóm xuất phát từ Gò Công vào giữa những năm 60 mà tác phẩm đã được giới thiệu khá rộng rãi trên các nhật báo và tạp chí thời đó: Dân đen, Diễn đàn, Cảo thơm, Thế giới, Tin điển, Tin sống, Tin, Phụ nữ Việt….
Từ miền Trung, qua thơ Trần Ngọc Hưởng và các thi sĩ miền Nam đương thời, tôi cảm nhận được tình người và hơi thở đất đai vùng đồng bằng sông Cửu. Nhưng phải đến khi vào sống ở vùng đất này, tôi mới thực sự lý hội được vẻ đẹp của sự chân thành và giản dị trong thơ các anh. Khác với văn xuôi, cảm nhận về thơ hình như cần có một bầu khí tình cảm riêng nào đó. Chẳng hạn chỉ đến khi đi về dạy học ở miền Tây, đứng trên chuyến phà qua sông Tiền dạo cầu Mỹ Thuận chưa xây, tôi mới hiểu được những điều ẩn chứa trong mấy câu thơ Trần Ngọc Hưởng:
Bồng bềnh mấy dải sông trôi,
Một thời xoã xuống vai người chiều hôm
Cho ai lấp loáng trong hồn,
Từng con sóng réo, từng cơn khát thầm.
(Riêng với sông Tiền)
Thơ Trần Ngọc Hưởng vốn hiền lành, sóng có réo cũng chỉ là sóng nhỏ và tình có khát cũng chỉ là khát thầm. Nhưng ai bảo con sóng đó, cơn khát đó không âm ỉ đến nao lòng!
Cảm giác của tôi khi đọc thơ Trần Ngọc Hưởng giữa màu khói đốt đồng hay mùi phù sa sông Tiền không giống cái cảm giác như ngày xưa, khi là cậu học trò xứ Quảng đọc trên trang báo mà tưởng tượng về đồng bằng Nam bộ. Nó cũng gần giống như khi tôi nghe một bài vọng cổ qua giọng ca “cải lương chi bảo” giữa đất Sài Gòn vẫn không xúc động bằng một buổi trưa hè kia trong căn nhà gần bờ biển Dương Tơ, Phú Quốc, nghe tiếng xuống xề của một bà mẹ trẻ ru con mà thấy gai lạnh vì cảm thấu nỗi lòng của người xa xứ.
Trần Ngọc Hưởng quê ở Gò Công, tốt nghiệp trung học rồi lên Sài Gòn vào đại học, ra trường về Long An lập nghiệp, dựng xây tổ ấm. Từ Tân An về Gò Công đâu mấy khúc đường, vậy mà nỗi cách trở làm ray rứt hồn anh, người tự ví mình như kẻ lỡ “ăn phải bùa mê thị thành”:
Mười năm khuất một nẻo về,
Mòn đôi mắt ngóng bên lề phố khuya.
(Tiền Giang)
Không lạ gì, khi sông Tiền, Cầu Nổi, Gò Công, Mỹ Tho, Vĩnh Bình… cứ mãi hiện về trong thơ anh như một nguồn suối mát múc hoài không cạn nước. Anh viết về ngôi trường tỉnh lỵ:
Nhớ trang vở cũ thương trường tỉnh,
Thương tiếng chuông tan, nhịp thước buồn.
(Qua đò Cầu Nổi)
Làm ta liên tưởng đến hai câu thơ trong bài Trường huyện của Nguyễn Bính:
“Em đi phố huyện tiêu điều quá
Trường huyện giờ xây khác kiểu rồi”.
Nhưng kết cục của trường-huyện-Nguyễn-Bính là chia xa biền biệt, còn kết thúc của trường-tỉnh-Trần-Ngọc-Hưởng là một happy-end: đôi bạn ngày xưa tái ngộ thành đôi lứa trên một chuyến phà đời:
Lòng ta nhớ mãi thương ngày đó
Áo tím bay hoài mưa bụi rơi
Đôi mảnh lòng son cùng sánh bước
Trăm năm trên một chuyến phà đời.
Trần Ngọc Hưởng tin, và ta cũng tin cùng với anh, là bao lâu anh còn cầm bút, thì bấy lâu anh còn cho ra đời những câu thơ viết về quê mẹ:
Tôi còn gửi tặng ngàn câu
Khi còn lớ ngớ bên cầu nhân gian
Gò Công ơi! Nắng mơ tan!
Tôi đem kỷ niệm dát vàng Gò Công.
(Tôi còn gửi tặng)
Đó là ánh nắng toả xuống trên dòng sông Tiền, cũng là ánh nắng phản chiếu vào lòng anh và toả ra trên những dòng thơ anh. Như cách nói của Trần Ngọc Hưởng, đó là cái “hồn rơm rạ” vẫn đi theo anh qua những nẻo đường quê, lạc vào chốn thị thành:
Xa lâu ngày lạc mất quê
Chỉ giùm tôi một lối về nhà xưa
Đâu rồi vách gió phên mưa
Đâu bờ cỏ mịn? Đâu mùa trăng ngân?
……
Rạt rào lá cỏ vẫn xanh
Tôi đi tìm nhặt bóng mình đánh rơi
Chiều im cố nín lặng lời
Đâu màu hoa của một thời đã xa?
(Rơm rạ thoảng hương)
Cho nên dù viết về quê hương mới Tân An, về Cần Thơ, Đồng Xoài, Vĩnh Hưng, Cần Giuộc, Đức Hoà hay Mộc Hoá…, thơ Trần Ngọc Hưởng vẫn thoảng mùi hương thơm rơm rạ và ánh lên màu nắng mơ tan đó. Để mượn lại nhan đề một tác phẩm của André Gide, có thể nói thơ Trần Ngọc Hưởng cũng là một khúc “hoà âm điền dã”. Đường thơ của anh đi xa hơn, về với sông Hồng, sông Hương vẫn mang theo tâm hồn ấy, tâm thức ấy của một nhà thơ đồng bằng sông Cửu Long:
Tôi mang đủ chín dòng sông
Sáu câu vọng cổ xuôi dòng Hương Giang
Thuyền ai mắc cạn thơ Hàn
Về thăm Vỹ Dạ muộn màng đêm nay.
(Đêm Vỹ Dạ)
Nhưng đừng ai nghĩ rằng trên hành trình thơ của mình, cảm hứng và tình điệu thơ Trần Ngọc Hưởng không hề thay đổi. Khi viết về Huế, chẳng hạn, cảm hứng thiên nhiên của anh được thể hiện khác hẳn và quan trọng hơn là cảm nhận về chính bản thân mình cũng không còn như cũ:
Lá vèo trước cổng vào thu
Quanh đây lãng đãng sương mù nghìn năm
Mưa trời tiếng vọng âm âm
Một tôi tâm thức đôi phần quạnh hiu.
(Mưa Huế)
Hẳn nhiên cái tâm thức “đôi phần quạnh hiu” đó ta không dễ tìm trong những bài thơ viết giữa đồng bằng lộng gió.
Có thể nói con người Trần Ngọc Hưởng sinh ra là để cho thơ. Đời anh miệt mài làm thơ, hoạ thơ, bình thơ. Từ khi được thi sĩ Kiên Giang giới thiệu trong mục “Mái nhà thơ” trên báo Tia sáng năm 1964, đến khi được thi sĩ Trinh Đường chọn in trong tuyển tập Thơ Việt thế kỷ XX, Trần Ngọc Hưởng đã trải qua một chặng đường dài của sáng tạo, với không ít giải thưởng văn chương. Nghề nghiệp và năng khiếu đã giúp anh trở thành một trong những người bình thơ cổ điển và hiện đại có uy tín trong nhà trường. Thơ, với Trần Ngọc Hưởng như nước uống, như khí trời. Không sợ quá lời nếu nói rằng anh không thể sống mà thiếu thơ.
Tôi đặc biệt thú vị với những bài cảm tác về những nhà thơ tiền bối. Anh có một cách riêng để thâm nhập và phác hoạ những thế giới nghệ thuật đã gián cách qua thời gian. Trong tập này, cũng như tập Chân dung thơ trước đây, khi viết về Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử…, Trần Ngọc Hưởng đã tìm được một ngôn ngữ tương thích với phong cách của nhà thơ. Xin dẫn vài khổ thơ trong bài Trăng Phan Thiết làm thí dụ:
Tiếng sóng gào man dại
Tiếng gió rít hoang sơ
Lòng ai xưa bão cát
Quặn thắt đến bao giờ?Trăng thất tình ứa máu
Hắt hiu lầu Ông Hoàng
Từng giọt từng giọt nhỏ
Lãng đãng trên đồi hoang.
Nhưng dù có thỉnh thoảng đi xa khỏi chính mình, Trần Ngọc Hưởng vẫn sớm quay về với bản thân anh. Người đi xa lâu ngày, khi trở về, có ai hỏi cũng bảo chỉ quê mình là đẹp nhất. Huống chi Trần Ngọc Hưởng, cả đời gắn bó với mảnh đất đã nuôi nấng thơ anh, nuôi nấng tình yêu của anh. Đọc Trần Ngọc Hưởng, ta cầu cho tình yêu và tình thơ đó suốt đời được nuôi dưỡng và đơm hoa kết trái.
Huỳnh Như Phương
TỪ SUỐI NGUỒN XANH
Hơn 30 năm nay, chưa từng đọc hết một tập thơ. Cũng một phần nào vì hoàn cảnh. Một người suốt mấy mươi lăm lao động cực nhọc thì “cơm áo không đùa với khách thơ” cũng là sự thường tình.
Chiều nay, đi đồng về thấy trên bàn có một tập thơ : “Chắc có lẽ con gái đem về từ đâu đó; cô bé muốn ba phải đọc chăng”. Thoáng mở thấy 99 bài tứ tuyệt lại đắn đo. Một lượng thơ khổng lồ chỉ trong một tập thơ khiến người muốn đọc cứ ngại ngần.
Bỏ qua những lời giới thiệu đập vào mắt là “Gánh nặng đường chiều”; chữ dùng thấy quen quen – Phải rồi “Đường xa gánh nặng” biểu trưng của nhà thơ Sông Đà Núi Tản giáo chủ của đạo “Thiên Lương”.
“Đường xa gánh nặng xế chiều,
Cơn giông, biển lớn, mái chèo thuyền nan”.
Đọc qua bài thơ và tự nhủ lòng nên đọc nghiêm chỉnh và ghi ra giấy những gì hiểu được gọi là chút lòng thành trân trọng với tâm huyết người thơ.
Bốn câu thơ đã làm khơi dậy hồi ức thuở ấu thơ bên dòng sông Vạn thẩn thờ đón mẹ buổi chiều sương. Đường xa, bóng xế mẹ thường dọn hàng khi hồi chuông Thiên Mụ gõ tiếng đầu tiên. Đường làng Kim Long, Phú Xuân, Vạn Xuân ngày xưa lợp toàn cây lá. Mẹ oằn vai gánh nặng liêu xiêu trong bóng chiều nhạt nhòa nôn nóng về nhà với lũ con thơ trước khi tiếng cuối cùng của hồi chuông chấm dứt. Hình ảnh mẹ ngày ấy chính là :
Chợ tan ngày xuống liêu xiêu,
Lưng oằn gánh nặng đường chiều, mẹ ta.
Và cứ thế, năm qua tháng hết, sáng tinh mơ, chiều tối lặng, mẹ đã vấp ngã biết bao lần giữa hai hồi chuông triêu mộ. Hồi chuông giục giã, khuyến khích kẻ tục trần men mùi đạo và chính hồi chuông bổng bay thanh thoát đó cũng đày ải bao kẻ thương sinh ! Nhịp mỏ nay, tiếng chuông xưa; thân phận của mẹ ta sao mà da diết. Cái vấp ngã ở đây phải chăng đó chính là thân phận của bào ảnh nhân sinh hay thực thể của kiếp người nhân thế.
Đi qua nhịp mõ chùa xa ..
Bồn chồn vấp tiếng ni già tụng kinh !
Xin cảm ơn nhà thơ những đêm “thắc thỏm mộng” đã khơi dậy cho người đọc những xuyến xao, thao thức cõi hoang tàn vắng lạnh thê lương mà vốn dĩ vì cơm áo mưu sinh đã chai lò theo năm tháng.
Hương tàn khói lạnh … khu nhà cũ
Lau xám chiều hoang mộ mẹ già
Chỉ 14 chữ rất bình thường nhưng vẽ được một bức tranh thủy mặc tiêu điều, ảm đạm làm da diết hồn người. Nhớ thuở thiếu niên đọc trong “Tang thương …” bài thơ cổ vô danh thường cho là khó có cảnh nào sầu thảm hơn :
“Túc thảo phần tiền thê muội hận
Hoang khâu nhất lũy táng tam hồn”
(TTNL)
Nhưng so với “lau xám chiều hoang” e rằng kém phần thê thiết tiêu sơ.
Bước qua “Trăng quê” tâm tư nhà thơ đang khắc khoải giữa hoa đèn phố thị. Cảm nhận được cái bức rức, quay quắt xốn xang của nhà thơ với ánh trăng vàng chốn cũ – Người đọc cũng từng thèm một ít sợi vàng, sợi trắng để trung hòa bớt cái nhợt nhạt, kiêu kỳ của ánh điện vàng chói chang chốn thị thành hoa lệ – ở đây xin cảm nhận sự chung thủy và tâm hồn nhã đạm của nhà thơ qua mấy câu :
Sao lòng ai cứ xốn xang
Cứ quay quắt nhớ ánh vàng trăng quê …
Phải nhận ra rằng ở đây nhà thơ cùng Tố Như chính là những tri âm. Cũng tiếc cho nhà thơ không sinh cùng thời để cùng với thiên tài so lời hoa gấm. Cũng trong cảnh xa quê và quay quắt với vầng trăng chốn cũ tâm sự của Tố Như có khác chi.
“Lòng quê lai láng gương thềm rọi
Lệ cũ đầm đìa tiếng nhạn qua”.
(ND-Thơ chữ Hán)
Vì là tri âm nên nhà thơ đã thấm đậm nỗi đau của nhà thơ qua mười năm gió bụi đất khách quê người.
Một đời gió bụi khuya thao thức
Giằng xé tâm can đến tận giờ !
Và có lẽ đoạn trường tân thanh được thai nghén trong những “khuya thao thức” đó và phiên bản cuộc đời Tố Như được thể hiện qua thân phận nàng Kiều với mười lăm năm phong trần gió bụi, đắm nguyệt chìm hoa mà:
“Tiếng kêu như cắt ruột người
Xốn xang vọng đất, vọng trời ngàn thu !”
Tiếng kêu đó phải chăng :
“Ôi Kim lang, hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây !”
Ngỡ ngàng đến “Tình si” với câu :
Mắt nghìn sau ướt lệ người nghìn xưa.
Người đọc rất thích hai từ “ướt lệ”. Ngoài sự đồng cảm với vị quân vương tài hoa lãng mạn còn chứng tỏ nhà thơ giàu lòng nhân ái và nhiều tài hoa trong ngữ nghĩa ngôn từ. Trong văn chương nhiều người đã sáng tạo nhiều từ như “từ lệ”, “dư lệ”, “thùy lệ”, “nghiêm lệ”, “u lệ”; còn từ ướt lệ đã được sử dụng nhiều nhưng cũng chỉ cho một nghĩa ướt + lệ (tính từ + danh từ). Ở đây có thể chẻ đôi từ “ướt lệ” và câu thơ này tùy theo cảm nhận mà có các cách đọc khác nhau.
Mắt nghìn sau ướt lệ – người nghìn xưa
Mắt nghìn sau- ướt lệ – người nghìn xưa
Mắt nghìn sau ướt- lệ – người nghìn xưa
Trong câu thơ này “ướt” ngoài nghĩa của một tính từ còn có thể hiểu ngầm ướt như là một động từ (ướt tương đương với khóc, chảy, ứa). Tác giả không hướng dẫn cách đọc cho câu thơ này bằng các dấu; nhưng từ đứng trước nó “mắt nghìn sau” đã cho ta hiểu và cách đọc (mắt nghìn sau ướt lệ vì lệ người nghìn xưa).
Nói đến “tình si” lại gặp nhà thơ si tình Phạm Thái. Viết đến đây trước mắt người đọc hiện lên hình ảnh chàng thi sĩ đa tình dưới lốt nhà sư, vai mang bầu rượu đang quỳ trước mộ Quỳnh Như kể lể “ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi tình cho nấn ná nhân duyên; mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hóa ngang tàng tính mệnh” và tâm đắc với câu thơ táo bạo rất mới của nhà thơ.
Chẳng mê chuông mỏ hay kinh kệ
Chỉ niệm người tình, niệm rượu thơ
Nhà sư “niệm tình”, “niệm rượu” ý tưởng lạ chẳng kém gì “Bồ tát Lỗ Trí Thâm niệm mộc tồn”.
Đi đến với “gió Vũng Tàu” người đọc miên man với câu thơ xưa của vị minh quân Hồng Đức khi đến đèo Ngang.
“Thà là cúi xuống cây đòi sụt
Xao xác trông lên sóng muốn trèo”.
(HĐ.QATT)
“Cây đòi sụt”, “sóng muốn trèo” ở đây chỉ là trạng thái tự nhiên của thiên nhiên được nhân cách hóa qua “mắt nhìn” của vị vua tài hoa. Trong “gió Vũng Tàu” khi :
Tóc cũng sổ bung theo sóng biển
Chồm lên từng đợt cứ nôn nao
Thì người thơ đã thả hồn mình vào đó. Ở đây có một sự đè nén, dồn ứ của tâm thức lãng mạn, một sự nôn nao chờ đón để rồi vỡ òa khi
Tóc bay để mặc, em đừng buộc
Dẫu rối lòng anh, gió Vũng Tàu
Sao lại không ghen được, gió thường suồng sã và hay trêu hoa ghẹo nguyệt. Đã từng có
“Vô tình để gió hôn lên má”
(HMT)
và “Tóc em dài sao em không bối
Để tóc dài bối rối dạ anh”
(Ca dao)
Nên mặc dù rối lòng, rối dạ nhưng biết làm sao ngăn được mắt thế nhân trước hình ảnh tuyệt vời, làm sao không bồn chồn khi trong cõi mơ hồ nào đó niềm lo sợ vu vơ chợt hiện về trong tâm thức.
Anh lo bỗng chốc thành hư ảo
Chốc bỗng mây theo gió của trời
Mây theo gió và biết đâu một ngày lỗi hẹn em quên luôn cây đa, bến cũ, bóng chiều xưa; “quên câu hẹn núi”, “thề sông” và
“Quên luôn bến cũ bão giông
Bỏ luôn tình cũ, phiêu hồng biển dâu”
Và khi ấy anh chỉ còn “Lòng anh cái bãi vàm Bao Ngược
Từ phút xuồng lui giữa dấu dầm ..”
Chỉ còn “dấu dầm” như một chứng tích kỷ niệm cuối cùng sau khi đã :
Đầu sông cuối bể cũng liều
Bước trèo, bước trật liêu xiêu bóng mình !
Đó là phận số để rồi kẻ ngược người xuôi sông hồ cách trở tình đã chia xa. Nhưng … tạo hóa đã không nỡ vô tình với khách tài hoa nên đã cho những kẻ
“Cùng một lứa bên trời lận đận”
(TBH)
“Nổi trôi một lứa bên trời gặp nhau”
Cho bổng trầm đàn phách hòa âm hợp nhịp. Và hạnh phúc lứa đôi của đời thường được tận hưởng trong “suối nguồn xanh”
Gặp em rồi suối nguồn xanh
Bao năm đủng đỉnh – đạo tình, duyên thơ
Chập chờn khói mộng, sương mơ
Thắm vườn mai cũ, mượt bờ cỏ xưa
Giang hồ đã mỏi, rũ áo phong sương sau những tháng năm “lấn chen khói phố bụi phường”; thi nhân đã được đắm chìm trong suối nguồn khói sương, mơ mộng, tình thơ yên ả.
Chợt yên ả một suối nguồn là em …”
Có gì đẹp hơn, hạnh phúc hơn khi thực mộng bây giờ đã hòa quyện nhau làm một. Bây giờ không còn cảnh “ước cũ duyên thừa”, “đá mòn, rêu nhạt”, “nước chảy hoa trôi” mà là một miên viễn một bến bờ hạnh phúc và
“Mãi mãi em là ngọn lửa”
Ngọn lửa sẽ lặng lẽ, âm ỉ cháy bất tận giữa bếp nhà khơi nguồn cho bao mạch sống của lứa đôi được ủ bởi hương đồng gió nội và cùng nhau
Buộc ràng dần bạc mái đầu
Tóc xưa giờ ngã trắng màu tóc sương
Tuy tóc đã ngã màu sương nhưng thủy chung vẫn bền chặt và hình ảnh trong mắt nhau chẳng khác lúc đầu.
Anh xưa, nay đã làm ông
Sao em nhìn mãi vẫn không thấy già
Em xưa, nay đã thành bà
Sao anh nhìn mãi vẫn là trẻ trung
Trong cuộc sống thường có những lúc trầm, lúc bổng, bao lo toan tất bật của đời thường và những đắng cay ngọt bùi đan xen là lẽ thường tình nhân thế. Thơ “Tặng vợ” của người rất dung dị nghĩa tình và thực cảm. Có lẽ không còn một lời nịnh đầm, ân hận nào đáng yêu hơn.
Một đời làm vợ làm chồng
Chưa mời em chén rượu nồng đầy vơi
Nhưng cay đắng lẫn ngọt bùi
Biết bao lần đã sẻ đôi vơi đầy
Tập thơ nhiều ngôn từ dung dị, biểu cảm, còn rất nhiều hình ảnh sống động, gợi nhớ rất dễ thương trong tình yêu và cuộc sống.
Gió day dứt tiếng chuông chùa
Em về nón mỏng chiều mưa nghiêng buồn
Day dứt là một từ biểu cảm diễn tả tiếng chuông đang bị gió giật đứt khúc, vừa diễn tả ray rứt nội tâm giữa thanh thoát và tục lụy của không gian, thời gian u buồn, trầm lắng, mong manh, lẻ loi.
Ai riêng khép mở một đôi tà
Đôi tà khép mở này với : “Gói vào giấy mỏng trang thư
Cho ai bấn bíu nhận từ tay nhau”
Để cho :
Mắt ai lúng liếng sau vành nón
Và làm cho người :
Quên khuấy trống trường giục nẻo xa
làm gợi nhớ thuở thiếu thời của một thế hệ đầy lãng mạn của những chàng trai, cô gái chưa vẫn đục bởi vật chất văn minh.
Đọc qua toàn bộ tập thơ, người đọc thấy người thơ sao có vẻ lạc lỏng giữa dòng đời hoa gấm. Phải chăng vì thiếu khách đồng điệu, thiếu bạn tri âm nên nhà thơ phải mãi tìm kẻ thẩm âm trong kho tàng văn học cổ. Nhiều dáng xưa rõ nét trong tư tưởng nhà thơ. Có lẽ với tâm hồn bình dị, không thích bon chen giữa chốn thị thành nên nhà thơ đã mỏi mệt thật rồi. Có lẽ nên quay về thôi, quay về thôi !… quay về với thú điền viên, hóa thân vào thiên nhiên cây cỏ sống cuộc đời ẩn sĩ để “ươm ca dao, trồng tục ngữ” vui thú với gió bãi trăng ngàn.
Men nồng chuếnh choáng ngùi nhân thế
Ngước mắt trông vời … khói trắng bay
Rất mong một ngày nào đó nhà thơ sớm tròn ước nguyện. Riêng người đọc xin gửi tặng hai câu thơ gọi là đa tạ người thơ:
Tiếng được mất mặc bon chen trần thế
Đàn không dây âm trãi núi sông dài.
Tuyên Thạnh, Mộc Hoá : 29.09.07
Đạm Thuỷ
Ghi chú :
* Trời u lệ đìu hiu sao Bắc Đẩu (NV-Hoa Lệ)
* Nhìn nghiêm lệ lòng con quay quắt (LL)
* Giận anh tôi ép dòng dư lệ (T.T.KH)
* Ta van những đóa sao thùy lệ (Đ.H)
* Từ lệ theo lần những bước đi (ĐT)