Mầu Tang Của Nắng
In từ Trang nhà: Hội Thân Hữu Gò Công
Category: Văn Học - Nghệ thuật
Tên Chủ Đề: Thơ Văn
Forum Discription: Những bài văn bài thơ hay
URL: http://www.gocong.com/forums/forum_posts.asp?TID=12917
Ngày in: 22/Jan/2025 lúc 8:44am Software Version: Web Wiz Forums 8.05a - http://www.webwizforums.com
Chủ đề: Mầu Tang Của Nắng
Người gởi: Hoa Hạ
Chủ đề: Mầu Tang Của Nắng
Ngày gởi: 09/Dec/2017 lúc 6:07am
Mầu Tang Của Nắng
Tên cũ : Vỹ Thanh
* Truyện hình thành hoàn toàn là hư cấu, được viết bởi thành viên của diễn đàn Thư Viện Toàn Cầu cũng là học viên lớp Luyện Trí Nhớ Trung Cấp* Khoá Đặc Biệt của Thầy Phan Tâm.
* Sáng tác bởi:Hoa Hạ, kiettran8, MC, Candy, Lặng Lẽ,
* Với sự cố vấn và tiếp sức của Thầy Phan Tâm.
Hoa Hạ ghi lại.
Vỹ Thanh yên lặng, nàng ngồi im như một pho tượng đá biết thở, lắng nghe tiếng sóng biển rì rào của Songkhla. Suốt ba tháng nay trong trại tị nạn của người vượt biển ở Thái Lan nầy, đêm nào, nàng cũng ra bãi biển, nhìn sóng lượn tung tăng dưới ánh trăng vàng chiếu. Nàng hồi tưởng về quá khứ: Một khoảng đời không biết vui hay buồn, sướng hay khổ, hạnh phúc hay.. đớn đau hơn bây giờ. Đưa mắt nhìn vầng trăng loang loáng áng bạc, nhấp nhô theo sóng... bổng nàng khẽ thở dài nửa như rút đi nỗi bàng hoàng kinh hải, nửa nặng gánh hồi hộp âu lo cho tương lai....
Đêm nay cũng như bao đêm khác, nàng lại ra biển ngồi nhìn xa xăm, nghe biển rì rào rót vào tai nàng lời quá khứ yêu thương gợi về.
Hồi còn ở quê nhà, chẳng ai biết nàng có cái tên Vỹ Thanh đẹp đẽ, mọi người quen gọi nàng bằng cái tên theo số thứ tự lớn nhỏ trong nhà chị hai, anh ba, anh tư rồi đến nàng thứ năm, cộng với cái khuôn mặt thông minh, hàm răng lỉa chỉa làm cho miệng nàng hơi móm nên cả nhà gọi nàng là "năm móm" riết rồi cái tên ấy theo nàng ra đến làng, đến chợ, nhỏ lớn ai ai cũng réo gọi.
Nhà Năm Móm nằm hun hút trong hóc bà tó của xóm, đi mỏi cả chân mới tới nhà chị Năm Ngò bạn thân lớn hơn Năm Móm hai tuổi. Chẳng biết phải hai đứa cùng thứ năm nên chơi thân nhau từ lúc tóc còn để chỏm đến nay cả hai đã là thiếu nữ tuổi tròn trăng, hai chị em đi đâu cũng có nhau chưa từng giận hờn, gây gỗ bao giờ.
Mùa này quê nàng nhà nhà đang chuẩn bị tát đìa bắt cá, đìa thường cách nhà một đoạn khá xa. Con nít trong xóm có nhiệm vụ đi canh đìa, đìa nhà đứa nào đứa đó giữ trông chừng kẻ trộm lén vào bắt cá vì cá đang độ tuổi lớn có thể đem bán cho các thương lái.
Xa xa cách đìa cá chừng độ trăm bước là một đầm sen mùi hương ngan ngát lôi kéo đám trẻ đìa cá. Năm Móm với chị Ngò cùng một đám con nít xúm nhau lội ra đầm tha hồ bứt, bẻ, hái từ bông đến cành chẳng còn sót lại thứ gì sau một hồi xông trận. Thy thoảng, một đứa trong đám bị cành sen có gai nhỏ, nhọn đâm đau rách cả da tay nhưng chỉ xít xoa chốc lát rồi lại cười ha ha thi nhau xem đứa nào hái được nhiều sen nhất. Sen như nổi giận kéo xé áo quần cả bọn, thế mà cả đám chẳng đứa nào than thở chi cả tranh nhau hái cho thật nhiều.
Để lại chiến trường hỗn độn, cả bọn kéo nhau lên bờ, của đứa nào đứa đó ngồi tách lấy từng hạt sen bỏ miệng nhai rốp rốp, ăn chán cả đám chia tay nhau gói đem về đìa mình. Năm với chị Ngò gom hạt sen lại bỏ vào lá gói, mấy đứa khác bỏ vào áo, vào quần. Chúng tước cành sen thành sợi nhỏ cột chung quanh bụng, ống quần cho sen khỏi rơi lăn lóc, chúng bước đi ì ạch làm Năm và chị Ngò không nhịn được cười với cái dáng đi như con vịt xim cổ lùn.Trời chạng vạng tối, cả bọn kéo nhau về nhà, đìa cá giao lại cho người lớn trong nhà thay phiên ra canh.
Tối nào Năm cũng ngồi chờ nghe tía biểu mai Năm đi học xong ghé canh đìa cá là Năm mừng húm. Năm không canh chừng cá, Năm chỉ thích được ra bày trò chơi với chị Ngò và đám con nít trong xóm.
Candy
Nhặt một hòn đá nhỏ Thanh ném ra xa. Ánh trăng vở tan và loang thành những vòng tròn sáng lấp lánh...lan xa, xa mãi rồi mất hút... như những dấu yêu thuở nhỏ, còn nhớ đó nhưng mãi không tìm gặp được. Dĩ vãng ấy không chỉ trong đầm Sen thơm ngát, hay trong đìa cá đục nước tanh mùi bùn non hay thoảng chút hương cỏ dại... mà trãi dài trên những cánh đồng ruộng mướt xanh, thơm thơm mùi lúa mới.
Năm làm sao quên được, mùa lúa trổ bông, bọn Năm thường lội xuống ruộng tước đọt đồng đồng nhai một cách thích thú đọt lúa mềm thơm thấm tận từng kẻ răng thưa...
Vâng, Năm làm sao quên được, những chiều tan học về nàng cùng các bạn ôm cặp chạy băng đồng... đôi chân trần lướt trên những gốc rạ vàng ươm vừa mới cắt... vừa đi vừa thả những cánh diều giấy cho bay cao bay cao.... Gió chiều lồng lộng thổi, mái tóc cắt ngắn củn cởn của Năm bay, diều bay theo gió, diều đem theo những ước mơ của Năm khi rời trường làng xuống chợ tiếp tục học. Năm sung sướng nhìn theo cánh diều cười khoe hai chiếc răng cửa trống trơn.
Năm chợt cười một mình. Đưa tay lên xoa xoa vào hai chiếc răng cửa giả được lấp thật khéo trước ngày Năm lìa xa xứ sở. Nàng nhớ lại ngày ấy trong lần chơi đùa nghịch ngợm với đám bạn quỷ quái ...mà bày trận đánh nhau, Năm vung tay "xung phong" rồi vượt lên chiếm nhanh gốc cây ổi, xui rủi làm sao lại trật chân té nhào ...dập mặt, gảy hai chiếc răng cửa. Từ đó cái tên Vĩ Thanh đẹp đẻ của nàng lại trở thành Năm Sún...
Năm Móm cái tên thân thương từ trong gia đình gọi nàng ra đến tận ngõ. Năm Sún là biệt danh các bạn đặt cho nàng từ sau trận xung phong, tên nào nàng cũng thích vì nó chứa đựng cả một trời tuổi thơ của nàng.
Vỹ Thanh còn nhớ sau cái thành tích xung trận ấy, anh bạn cùng học buông lời chọc ghẹo "Chèn ơi! Từ Móm qua Sún...tỉnh queo!"
Lúc té ngã nằm dài trên mặt đất, Vỹ Thanh nghe tiếng cái thằng bạn khó ưa kia chọc nàng :
- Năm Móm Em ơi! Qua sẽ mần sao cho em..tỉnh lại!
Nàng nghe anh nói vội đáp lại rằng:
- Anh muốn mần sao thì anh cứ mần....Tỉnh lại rồi anh có gì cho em măm không?
Nói xong, Năm ngồi dậy, nhổ đánh phẹt một cái. Trên bải cỏ xanh xanh một dòng máu đỏ cùng với hai chiếc răng gãy nằm buồn cô độc. Chúng buồn và đang khóc vì không được ném lên nóc nhà hay gói ghém cẩn thận trong nhiều lớp giấy, nhét tận đáy rương để dành làm nhân chứng cho tuổi lớn lên của nàng...và Năm nghe đau lắm vì môi Năm đang sưng vù, dẩu ra..trông chắc xấu tệ...nhưng các bạn không để ý điều đó, chúng đang tụ lại chung quanh Năm tíu tít, và khi thấy máu chảy ra càng lúc càng nhiều, vì hai chiếc răng nầy là răng vĩnh viễn, đáng lẽ nó phải ở với Năm suốt cuộc đời nhưng không ngờ lại chết một cái oan uổng, tức tưởi như vậy...Thật uổng công Năm mỗi buổi trưa hè gọt đẻo vỏ cau của Nội mà đánh chải từng cái răng một cho sạch sẽ trắng tươi...Những lúc đó Năm tưởng tượng một ngày nào.. cô Vỹ Thanh dáng vóc mảnh mai tha thướt trong chiếc áo dài trắng, ôm chiếc cặp da đen trước ngực, đầu đội nón lá nghiêng nghiêng... nhoẻn miệng cười e lệ...chao ôi chắc khối anh chàng phải ngẩn ngơ vì hàm răng trắng muốt, đều như hạt bắp của nàng, lại thêm cái đồng tiền lúng liếng trên đôi gò má tròn trịa của Năm... Năm bật khóc, lấy tay áo chùi miệng: Đỏ lòm...Năm càng khóc to hơn nữa, Năm tức tưởi bao nhiêu thì đám bạn càng xanh mặt bấy nhiêu... Làm sao bây giờ.. Bổng một thằng bạn vỗ tay đánh đét một cái "Thôi tao nhớ rồi"... rồi nó chạy lại gốc cây ổi, nhanh nhẹn trèo lên, một chốc sau tuột xuống đem theo nắm đọt ổi non, xòe ra trước mặt Năm:
- Nè mầy nhai đi, nhai nhuyển rồi lấy bả lá đấp vô chổ hai răng gảy đó là hết chảy máu liền hè
Nhưng Năm vẫn còn hụ hụ từng cơn....Đang sụt sùi giọt vắn giọt dài bổng có bàn tay để sau ót giữ đầu Năm, và một đứa nhét nhanh vào lổ trống trước miệng Năm:
- Nè Năm, ngậm chặt lại đi nhen "bà chị" cho hết chảy máu, bà cứ khóc rồi phun phèn phẹt thế nầy... một hồi chảy hết máu chết luôn đó...
Năm hoảng quá ngậm chặt miệng, vị chát chát của lá ổi hòa với vị mặn của máu hay của muối làm cho Năm muốn nôn... nhưng một giọng nói lo sợ mà dễ thương bên tai Năm..
-Móm ơi Móm đừng có phun ra nhen, Móm rán ngậm cho hết chảy máu. Giỏi đi tui thương chừng nào hết đau tui chống xuồng bọn tụi mình đi hái bần ăn nghen.
Hoa Hạ
Bỗng thằng Hai Rưn Rứt, cái thằng mà nhét nắm lá ổi vô miệng Năm, lần lần lại:
- Tui xin lỗi Năm, hồi nãy lúc Năm xung phong rồi bị té là tại tui ngáng giò Năm đó!
Cái thằng quỷ có lông nheo dài hơn lông mày đó, học chung lớp với Năm. Đôi khi nó gọi Năm là Dỉ, nó hổng chịu uốn cái mỏ lên như ông thầy người Bắc, Thái Hành, luôn gọi nàng là Vỹ mà cái âm còn kéo dài gần cả thước vì cái dấu ngã ấy.
- Mần người ta đau muốn chết rồi xin lỗi là trừ hả ??
Mắt nó lại ươn ướt, đúng là Hai Rưn Rứt, cái gì cũng làm nó cảm động được, trời mưa mắt nó cũng ướt, mà trời nắng mắt nó cũng hổng khô. Thằng!
Lúc nào Năm cũng bị đôi mắt nó ám ảnh, kể cả lúc Năm bắt lỗi bắt phải nó:
- Tía tui đặt tui tên Vỹ, mà sao anh cứ gọi Dỉ Dỉ ??
Nó lại tròn đôi mắt to, chu chu cái mỏ:
- Tui cũng đọc được chữ Vỹ bộ! Vỹ Thanh như ông Thái Hành gọi trong lớp, mà ổng vừa gọi Vỹ vừa cười mỉm chi, sao tui ghét quá !
- Chèn đét ơi! Không cái tự nhiên ghét thầy! Có mắc mớ gì đến tui đâu á!
Đôi mắt của Hai Rưn Rứt lại chớp chớp. Thiệt tình nó hổng muốn gây lộn với Vỹ chút nào. Vì ngoài nàng ra, mấy đứa bạn sọc dừa kia cứ gọi nó là Hai Gưng Gứt rồi phá ra cười, còn nắm tay xoay vòng tròn ca cái câu ba trợn, hổng biết ai bày đầu ra:
Trời mưa gưng gứt
anh hai gưng gứt
trời mưa vừa dứt
anh hai còn .......gưng gứt !
Kể cả Năm Ngò cũng nhảy cà tửng với đám con nít chọc ghẹo nó, cái bà lớn hơn Rưn Rứt với lại Năm Móm sắp Sún đến mười hai tuổi mà học dở ẹt, cứ vô lớp ăn vụng kẹo rồi chùm ruột, cốc, ổi. Nên cứ bị ở lại lớp hoài. Lại còn ngâm nga cái câu:
Học hoài học mãi học nữa!
Ừ thì đúng rồi! Một lớp học hoài, mài cho lủng cái đít quần luôn.
Chỉ có Vỹ là không a dua chọc Rứt, mà cũng chỉ có Vỹ thường gọi tên thiệt của Rứt là Thiên Hải. Trời và biển đó!
Dù sao cái làng Hoảng Thức nầy, nhà nào cũng biết chữ, không nhiều lắm cỡ một thúng nho thì cũng được một chùm, không một chùm thì cũng tính nhánh, không nhánh thì tính nhúm.
Như tía của Thiên Hải và tía của Vỹ Thanh, phải tính là chùm, vì hai ông hồi trước cũng vác chỏng và cuốn lều đi thi. Hai ông cứ rớt hoài nên Vua dẹp luôn cái vụ thi cử đó đi.
Kiettran8
Ông Thiên Sơn, tía của Thiên Hải và ông Vỹ Thành, tía của Vỹ Thanh trạc tuổi nhau và là bạn học thuở nhỏ. Nhà hai người lại sát vách nhau nên họ rất thân nhau và xem nhau như anh em ruột.
Ông Sơn là con cả và cũng là con trai duy nhất trong gia đình có 6 người con, dưới ông là “Tiểu Ngũ Long Công Chúa”. Mà nói rõ hơn, trong năm cô công chúa đó thì có 2 cô giống nhau như tạc bởi vì hai cô này là “rồng sinh đôi”. Còn ông Thành thì ngược lại. Ông là con trai út trong một gia đình cũng có 6 người con và ông là con trai “độc đinh” của gia đình. Trên ông là “Đại Ngũ Long Công Chúa”.
Thuở bé, vì là út, mà lại là út trai nên cậu bé Thành được các bà chị cưng hết biết. Suốt ngày các chị cứ đem út Thành ra nựng nịu, rồi chải tóc, cột nơ. Các chị coi cậu như con búp bê. Cậu được các chị lôi đi khắp làng trên xóm dưới. Khi các nàng chơi banh đũa, ô quan hay nhảy dây gì đó với các bà chị hàng xóm khác thì lúc nào cũng có cậu bé Thành ngồi ngó các chị chơi.
Cậu Sơn thì cũng bị các tiểu công chúa hành hạ chẳng kém gì cậu Thành “bị” các đại công chúa cưng. Suốt ngày các nàng cứ cà nhõng cà nhẽo, vòi vĩnh ông anh đủ thứ. Hết bắt ông anh bắt bướm, hái hoa rồi trèo cây hái ổi, vân vân và vân vân…. Lỡ mà ông anh vì lý do gì đó mà không chịu làm theo ý các nàng là các nàng giậm chân, giẫy đành đạch và năm các miệng be bé, xinh xinh cùng lúc méo xệch xuống rồi thế là giàn đồng ca cây nhà lá vườn đó đồng loạt cất lên. Ôi chao, những lần như vậy là cậu Sơn nhà ta hoảng hồn, mặt mày tái xanh. Cậu được tía má giao nhiệm vụ trông nom các em mà, nếu tía má mà nghe thấy thì Sơn chắc sẽ bị ăn roi mây. Tía má của Sơn có vườn trồng cây cà phê rất lớn sau nhà và khi cà phê được mùa là ông bà đem giao hàng cho các tiệm bán cà phê trên thị xã. Đã có vài lần bị ăn roi mây nên Sơn ớn món này lắm. Thế là cậu vội vàng phải tắt mấy cái ra-dô ấy đi bằng cách làm theo yêu cầu của các nàng mặc dù trong bụng tức anh ách. Biết được “tẩy” của ông anh yêu dấu nên các nàng càng ra sức hành hạ ông anh tội nghiệp bằng những vòi vĩnh tai quái. Nhiều lúc chịu hết nổi, cậu Sơn mặc xác các cô em muốn la gì thì la, khóc gì thì khóc, cậu leo lên cây ổi trong vườn và nhìn xuống xem các nàng ... ca. Ồ, thì ra cũng thú vị thật. Từ trên cao nhìn xuống, cậu thấy năm tiểu công chúa vừa ca vừa...giật sun ấy hay thật đấy, cứ như các ca sĩ biểu diễn trên Ti Vi mà có lần Sơn được xem khi được tía má cho lên thị xã thăm và giao cà phê cho bà Bác Mén. Bác Mén là chị của tía cậu bé Sơn. Bà có tiệm bán cà phê và tiệm của bà đông khách lắm. Bởi vậy nhà cửa của bà đầy đủ tiện nghi, chứ không như nhà của Sơn. Những lần Sơn leo lên cây coi... ca nhạc là những lần tía má bận đi lên thị xã giao cà phê cho Bác Mén. Những lần như vậy là Sơn khoái lắm. Khỏi phải làm theo những vòi vĩnh kỳ cục của các cô em và được coi ca nhạc miễn phí, thế không khoái sao được….
Lặng Lẽ
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Trả lời:
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 09/Dec/2017 lúc 6:11am
.Một cơn gió nhẹ qua, Vỹ Thanh rùn mình.Nàng vội đưa tay kéo cao cổ áo,kép kín cái khăn quàng cổ lại cho ấm.Vậy mà Thanh cũng chưa muốn quay về.Chưa có bao giờ Thanh buồn và nhớ nhà như đêm nay.
Bây giờ đã khuya lắm rồi.Trăng xuống thật thấp gần như sát mặt biển."Trời và Biển đó" Biển thì thật bình yên với những gợn sóng nhẹ nhàng., Trời thì cao với mây xám bàng bạc.Năm lại nhớ đến Thiên Hải, người bạn học cùng lớp với nàng có cái tên Trời và Biển đó..không biết bây giờ đang ở đâu, còn Năm Ngò nữa , cô bạn thân của nàng sau khi học xong lớp năm trường làng thì nghĩ học, tội cho con nhỏ, ở nhà tiếp phụ với mẹ bán bún riêu cua . Mẹ Ngò nấu bún rêu ngon lắm, nước lèo thì thơm ngát mùi cua đồng, rổ rau càng hấp dẫn hơn nữa bắp chuối thì trắng phau nõn nà bên cạnh những lá rau húng xanh tươi.Gà chưa gáy sáng bà đã thức dậy làm cua, nấu nước...Gánh bún riêu nhà Ngò ngon nổi tiếng trong vùng nên nhờ vậy mà bà một mình nuôi ba con nhỏ. Gia đình đơn chiếc Ba nó mất trong trận đánh nhau ở đâu đó bỏ lại một vợ với bốn đứa con thơ..nghe nó kể lại thì hình như ba Ngò quen với má Ngò cũng ở vườn rau thơm trước cửa
Thò tay anh ngắt cộng ngò
Thương em đứt ruột mà giả đò ngó lơ...
Hồi đó ngoại nó cũng nấu bún riêu bán chợ gần nhà. Chung quanh nhà ngoại Ngò có trồng nhiều chuối lắm, nhất là chuối hột và chuối cao mẳn. Trước nhà Ngoại có vườn rau răm , rau húng, và mấy đám Ngò gai để cắt bán bún mà không phải mua. Bởi vậy, hồi ba Ngò thương má Ngò cứ vô nhà ngoại xin vài cộng Ngò dìa nấu canh chua mà nên duyên nợ.
Đến chừng mẹ Ngò sinh ra Ngò, Ngoài cái tên cúng cơm là Kim Hiền, ở nhà ba Ngò thường gọi nó là Năm Ngò chắc để nhớ lại hồi xa xưa ấy, hay tại năm Ngò rất giống mẹ, từ mái tóc thơm mùi bồ kết đến cái dáng vóc nho nhỏ tròn tròn như trái chuối cao. Nghe đâu gia đình nó có đến bốn đứa con, nhưng đứa con đầu đã chết trong trận dịch sốt xuất huyết...nên chỉ còn Ngò với hai người anh trai đang lưu lạc tha phương, làm công cho một hãng nước mắm bên cù lao Phú Quốc, Hai anh đi làm nuôi thân và để dành tiền lo cưới vợ, trong nhà chỉ còn có hai mẹ con,.thui thủi sống bên nhau.
Hoa Hạ
Những miên man suy nghĩ buồn vui khiến Vỹ cảm thấy bàng hoàng, nhìn sang hai đứa em đang trùm mền ngũ say sưa trên bãi biển, nàng cảm thấy trách nhiệm mình sao quá lớn. Năm nay nàng 19 tuổi, Vỹ Trinh 15 và Vỹ Văn Vượng vừa mới lên 10.
Đêm hôm tía nàng chèo xuồng nhỏ lòi ba đứa ra tàu lớn để vượt biên, thằng Vượng cứ khóc thút thít đòi về nhà lại với má. Tía nàng đầm đìa nước mắt:
- Con ráng lo cho mấy em, đi bình an, viết thư về cho tía với má nghe con.
Ba chị em Vỹ cũng nước mắt chảy quanh nghẹn ngào:
- Dạ ! Tía ở nhà cũng ráng lo cho má với hai đứa kia nha. Chừng nào được tin anh Vũ, cho con hay liền nha.
Và đó cũng là lần đầu, tía nàng cuối xuống hôn lên tóc con gái một cái thật lâu. Nụ hôn che chở và bảo bọc của tía vẫn theo nàng hẵn tới nay, an ủi nàng trên biển cả, tới đất Thái Lan và trong trại tị nạn.
Ở Songkhla, từ cổng chính đi vào thì bên phải là bãi biển, bên trái là hàng chục dãy nhà dài và rộng. Hai bên chỉ cách nhau con đường đi chính giữa. Hôm nàng và hai em cùng những người đi trên ghe vào nhập trại, thì tiếng loa của Ban Điều Hành lanh lảnh vang lên:
- Thông báo ! Thông báo ! Có đồng bào nhập trại! Có đồng bào nhập trại!
Thôi thì hai bên con đường nhỏ dẫn vào, dân chúng đứng đông nghẹt nhận diện bà con bạn bè. Người đi ở giữa thì quay sang hữu rồi quay sang tả. Người đứng hai bên thì ngóng ngóng lên xem. Tiếng cười, tiếng khóc thôi ỏm tỏi !
- Ghe đi từ đâu vậy ?? Hộ Phòng Bạc Liêu hả ??? A ......có dì hai Điểm đi hông ??? A.....có biết Năm Lâu hông???
Người ta hỏi nhau nhiều lắm, toàn là những chuyện ầu ơ, nhưng đượm chứa thật nhiều thân tình và chở đầy những hoan hỉ mừng vui cho một nhóm nửa may mắn đến đất liền, đến vùng trời tự do .
Bỗng trong muôn ngàn cái âm thanh thương yêu nhộn nhịp đó, Vỹ nghe tiếng gọi to:
- Năm Móm !.....
Vỹ Thanh giật mình và quay mặt về phía tiếng gọi. Nàng lấy tay dụi dụi đôi mắt mệt mỏi sau chuyến vượt biển nhiều ngày ròng để nhìn cho rõ. Trời! Không thể tin vào mắt mình. Nàng thấy Hai Gưng Gứt, ồ, phải gọi là Thiên Hải mới đúng, đang mừng rỡ vẫy tay lia lịa và la to gọi tên nàng. Mèn, sao lại gọi nàng bằng cái tên Năm Móm mà không gọi là Vỹ Thanh. Kể từ khi nàng bước sang tuổi trăng rằm, hể ai gọi nàng bằng cái tên Năm Móm là nàng cự nự liền và bắt phải gọi bằng cái tên mỹ miều Vỹ Thanh thì nàng mới chịu. Tuy nhiên, giờ đây nàng không quan tâm đến điều này nữa. Việc gặp lại Thiên Hải ở đất Thái Lan này làm cho nàng vui mừng vô cùng. Nàng cùng hai đứa em vội chạy về phía Thiên Hải đang đứng. Họ ôm nhau mừng mừng tủi tủi…
Thiên Hải được tía má gởi gắm cho vợ chồng bà cô út nhờ lo cho Hải đi chuyến tàu vượt biên ba tháng trước. Sau khi gia đình bà cô và Hải lên chuyến tàu vượt biển tìm tự do thì sau đó bặt tin. Cả nhà lo lắng lắm nhưng biết sao bây giờ. Nhưng vì “nếu sống thì huy hoàng, nếu chết thì điêu tàn, cứ việc đi” nên dù không biết là sống chết ra sao nhưng hàng triệu người dân Việt cứ vượt biển cả để mong tìm được tự do. Tía má nàng cũng thế, dù trong lòng không muốn nhưng vì nghĩ đến tương lai bầy con nên ông bà cam lòng để cho Vỹ Thanh dẫn hai đứa em đi chuyến tàu vượt đại dương do người bạn đứng ra làm chủ tàu để mong các con được đến bến bờ tự do …. Cũng may là chuyến đi bình an.…
Cũng may là chuyến đi bình an.…
Sau hơn mười ngày lênh đênh trên biển, xuống đất liền, thì người ta bị ......say đất. Đi cứ lảo đảo như đang đi trên mây. Thằng Vượng thì bò, chứ đi hổng nổi. Vỹ Trinh ngồi bệt trên bải cát, mắt mở tròn xoe nhìn cảnh vật chung quanh, còn Vỹ mừng quá bật lên khóc, nàng muốn quỳ xuống hôn lấy mặt đất như dấu chứng của sự sống bình yên.
Cả đoàn người thếch thát mừng mừng tủi tủi. Tiếng thét vui mừng vang dội xé lồng ngực của mấy gã đàn ông, nghe sao rộn ràng cảm động! Người người không ai bảo, lâm râm nguyện cầu tạ ơn trong phút giây thật chân thành đó.
Thiên Hải vội kéo cả ba người đi lại phòng Điều Hành để nhận chiếu và mền và phòng ở. Mùng thì phải mua ngoài chợ hợp mỗi buổi sáng ngay cổng chính, không có tiền thì đợi ai đó đi định cư giao lại gia tài. Cứ chuyền tay nhau những vật gia dụng như vậy, ai cũng hớn hở nhận, ai cũng hoan hỉ cho. Không có nồi nấu cơm thì xin gửi ké lon gạo vô cái nồi đang nấu của ai đó, rồi chút cũng có cơm ăn. Người ta lúc đó vừa cùng cảnh ngộ mới vượt thoát được địa ngục âm u, thấy lại ánh sáng mặt trời và tiếng gió thổi thảnh thơi, nên đối xử với nhau thật thân tình, thật ...... đồng bào lắm.
Người mừng nhất và thân tình nhất, là Hai Gưng Gứt. Nó cõng ngay thằng Vượng lên lưng đi về lô ở mới nhận của Vỹ. Lot số 10. Trong lô lợp mái tôn, người ta đóng những tấm ván liền lạc nhau từ đầu phòng đến cuối phòng. Gặp lô trưởng Trần Trụi Kiệt để nhận chỗ nằm. Lô trưởng Trụi Kiệt chỉ cho một khoảng rộng bằng xảy tay:
- Cô thông cảm, chổ ngủ hơi chật một chút vì đồng bào đông quá! Khi nào đi bớt thì được rộng hơn.
Hải phân trần:
- Anh ráng kéo vạch phấn dài hơn một chút được hông ? Đến ba chị em lận mà !
- Anh à ! Tui kéo xuống ......đất cũng được nữa, kế bên có người rồi!
Vỹ liếc mắt nhìn sang bên, thấy mấy thanh niên ngồi ở đó. Nàng ái ngại:
- Trưởng Trụi có thể cho tui ở kế bên gia đình nào hay chị em gái nào được hông ?
- Ấy! Cô không hiểu gì hết! Tối tối mấy ông nội thanh niên vác chiếu ra biển ngủ, thì tự nhiên chỗ của cô được rộng thêm mà. Hì hì !
Vỹ và Hải nghe cũng có lý với lại tướng mạo Lô Trưởng Trụi có vẽ ngầu tén nên Vỹ ưng thuận:
- Cám ơn anh!
- Không có chi!
Lô Trưởng Trần Trụi Kiệt nói vậy mà hổng phải vậy. Tối đó tự nhiên mấy thằng thành niên trở chứng, hổng chịu xách mền chiếu ra bải biển ngủ như mọi lần. Ông nào cũng giả đò bệnh để ngủ ở trong. Vỹ phải dụng tâm bày chiến thuật, đẩy Cu Vượng nằm sát mấy ổng vì nó hay có tật đái dầm rồi trong cơn mê nó hay oánh võ, giật cùi chỏ lên gối, thỉnh thoảng nó ......cắn nữa. Vỹ Thanh nằm ở giữa, Vỹ Trinh nằm sát vách.
Tối hôm đó, thiệt tình ! Mấy ông thanh niên bị bệnh thiệt! Có ông thở dài não nuột, có ông chắc chắc lưỡi như thằn lằn, có ông khe khẻ:
- Lòng người như chiếc lá, trong cơn mê chiều ........
Còn có ông ngâm luôn một bài thơ trữ tình lãng mạng:
- Chiều hôm qua mây trôi qua đồi
Bồi hồi,
Tui nhớ Cửu Long Giang
thẩn thờ .......trôi .........ới ơi !
Tui hỏi:
Người ơi ! Có nhớ tui ??? Ầu ơ !
........
Vỹ Thanh thầm thì khẻ rít trong miệng:
Không !! Còn lâu mới nhớ !!.... Có im cho người ta ngủ chút không?
Và Năm cố nhắm mắt lại.
Ở đây xa xứ xa quê nên mây với trăng xa lạ quá ...và... Đêm đầu tiên trong trại ti. nạn Songkhla trôi qua từ lúc nào.
Kiettran8
còn tiếp
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 09/Dec/2017 lúc 6:18am
Trời mới sáng tinh sương, Thiên Hải đã chỏi mình thức dậy. Như lúc còn ở quê nhà, Hải vẫn luôn dậy sớm để thả gà vịt ra khỏi chuồng. Con trai dưới quê không chơi cái tình ......nướng đến khét như con trai thành thị.
Việc đầu tiên của Hải là xách cái thùng ra phong tên bơm nước lên kẻo chút nữa giếng cạn, phải đợi cả hơn nửa ngày nước mới tụ lại nữa. Trong trại có 36 lô nhà mà chỉ có 6 cái phong tên. Mà thiệt lạ! Ba cái đầu, tính từ cổng trại đi vô, lại rất ít nước. Ba cái sau thì quá chừng nước đi. Bởi vậy dân ở khúc trên đỗ về khúc dưới để hứng nước.
Người ta còn lịch sự nhường nhịn với nhau lắm, cứ đứng xếp hàng đợi đến phiên. Không có vụ đòn gánh lên tay thế thủ ....phạng, như những năm 60 ở mấy cái phong tên nước ở Sài Gòn .
Quý bô lão có tuổi thường được ưu tiên lấy trước , mấy cô gái đẹp vẫn có những tình nguyện viên khiêng nước về dùm, mấy cô gái không đẹp thì cứ thong thả mình ên xách. Đời nào ở đâu không gian nào, tụi thanh niên cứ vẫn giống nhau như hệt .
Hải ở lô áp chót, lô 35. Hồi đầu lúc nhận lô, Hải cứ nằng nặc xin cho ở 34 hay 36 chứ đừng 35 là vì Hải nhớ lời ba dặn:
- Sau nầy ra đời, chuyện tình cảm, con phải tỏ rõ, đừng có mập mờ quánh rồi chạy, đừng có thả dê, đừng có 35 nghe con!
Hải thắc mắc:
- 35 là gì vậy tía ?
- 35 là .......xấu đó con!
Câu trả lời đầy thâm trầm của ông Thiên Sơn nhà nho một chùm hông nhỏ hông lớn, tía của Thiên Hải ngấm vào óc chàng thanh niên bấy lâu nay.
Nhưng ở ngoài cuộc đời, có quá nhiều cái không hợp được với cái ta thích hay không. Đời dúi vào tay ta những nghẹn ngào ứa lệ hay những mật ngọt thơm môi. Nên thanh niên Thiên Hải lần đầu xa nhà ra đời, bị đì vào cái ba mươi lăm, phòng số 35.
Mãi sau nầy Thiên Hải mới nghiệm ra: Không phải cứ 35 là xấu, nhiều trường hợp lắm, ba mươi lăm lại trở thành niềm an ũi vô biên cho những người tim hay đập mạnh rỉ máu cầm không dứt.
Từ lô 35 của Hải cuốc đến lô số 10 của Vỹ cũng tàn một cây nhang.
~:kiettran8::~
Thiên Hải bây giờ thấy Vỹ qua tới lại nghe con tim mình chơi cái trò nhõng nhẽo hổng chịu đi, cho dù đã được phái đoàn Úc Đại Lợi phỏng vấn và chấp nhận, chỉ còn đợi ngày lên đường thôi. Khi còn ở Việt Nam hai đứa ở cùng một xóm, học chung một trường, biết bao nhiêu là buồn vui của tuổi nhỏ, biết bao nhiêu là giận hờn của tuổi mới lớn lên !! Và nhất là cái hôm Hải lỡ dại chặng giò của Vỹ cho Vỹ té thì Hải thấy cuộc đời " vô tư " của mình đã theo hai cái răng gãy ấy mà đi theo Vỹ mất tiêu rồi. Cực lòng cho Hải lắm Vỹ có biết không, ngày Ba Má Hải bắt Hải phải âm thầm ra đi mà không được từ giã Năm Sún, không được nhìn hai nụ đồng tiền lúng liếng của Vỹ, với nụ cười có hai cái răng cửa trống trơn của nàng thì cuộc đời của Hải còn trống vắng buồn hiu hơn nữa...lần đó Hải vùng khỏi tay ba, Hải muốn chạy qua đập cửa nhà Vỹ để nhìn Vỹ một lần cuối...ít nhất cũng phải cho Hải thấy Vỹ, cho Hải từ giả Vỹ một lần chứ.!! Nhưng Ba Vỹ đã ôn tồn khuyên Hải:
- Ba biết rõ những gì con đang nghĩ, nhưng con nghĩ kỹ đi. Chuyến đi nầy của con thật lòng mà nói, chuyện rũi may biết được ngõ nào? Con cho nó hay nó lại càng thêm lo lắng khổ sở hơn.Chi bằng con cứ cắn răng dứt áo ra đi, chừng nào có tin về Ba hứa sẽ cho con Vỹ nó hay liền, như vậy thì vui hơn, phải không??
Thế là Hải nuốt nước mắt ra đi mà trong lòng chỉ muốn được đi con đường có Vỹ kế bên mà thôi, cho dù con đường đó dẫn thẳng đi lên qua khỏi mây tới Trời hay dẫn xuống xuyên qua lòng đất thấy Lửa.
Hai tay xách hai thùng nước mà hôm nay sao không nghe nặng, lưng đẫm mồ hôi mà lòng phơi phới như đang cùng Vỹ chạy trên con đường làng. Hải ráng bước nhanh để kịp cho nàng rửa mặt với tiếng sóng biển rộn ràng hòa theo cơn gió nhẹ trong nắng sớm, ấm dịu hôm nay.
Miệng khẻ huýt sáo bản nhạc quen thuộc: "Ai bảo chăn trâu là khổ? chăn trâu sướng lắm chứ..ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao ..."..Lòng Hải thật vui.
Bổng Hải phì cười suýt vấp té khi nhớ lại ở nhà Năm Sún cũng chu miệng, phùng má tập huýt sáo như Hải. Nhưng làm sao được khi hai cái răng cửa trống không !!
Hoa Hạ
Bổng Hải phì cười suýt vấp té khi nhớ lại ở nhà Năm sún cũng chu miệng, phùng má tập huýt sáo như Hải. Nhưng làm sao được khi hai cái răng cửa trống không !!- HH -
Hai cái răng tội lỗi mà Hải hồi xưa làm gẫy nay đã thế vào hai cái răng cũng dễ thương và xinh xắn không kém!
Không phải hai cái răng làm bằng vàng tây, chói chói sáng sáng như của ông Tư Ngớ làm nghề thợ mộc trong xóm, hay mấy cái răng bịt bằng bạc như thầy Thái Hành. Răng của Vỹ Thanh làm bằng ngà ........voi, như lời thày Tám Tỏn thợ trồng răng quảng cáo.
Mà ông Tám Tỏn sao khéo tay lạ! Cứ kềm bấm, mõ lết, đục đục giũa giũa một hồi rồi lấy xi măng trét lại là cái Vỹ đẹp hẳn ra hơn ngày xưa. Như ổng có phép hóa vậy!
Vỹ nhẹ nhàng vốc nước rữa mặt, hai gò má ửng hồng với lông tơ rực rỡ chiếu sáng dưới ánh mặt trời dịu mát, thỉnh thoảng nàng ngước lên mĩm cười, những hột nước long lanh vẫn còn mờ hơn ánh mắt long lanh kỳ bí của nàng, bụi hoa hồng ai trồng gần đâu đó bổng dưng biến hẳn sắc màu khi Vỹ đứng kề bên.
Vỹ của buổi sáng tinh mơ triệt tiêu tất cả. Vạn vật và vũ trụ chợt lắng yên. Sóng và gió không dám thì thào lên tiếng. Hải suýt nữa làm đỗ cái thau nước đang bưng cho nàng rữa mặt, tim hắn không còn gõ nhịp gì nữa, tim hắn đã nát bấy rồi, người thì trân ra không nhúc nhích như mấy ông lính trong quân trường không ở thế thao diễn nghĩ mà là thế nghiêm quân kỹ. Thiệt! Không uổng công dậy sớm múc nước cho nàng. Con đường dài tàn một cây nhang, cũng thiệt, quá gần! Dù cho có xa cả bó nhang đi nửa cũng vẫn không là bao. Hắn nghĩ vậy! Hắn sung sướng nghĩ vậy! Hắn mĩm cười một mình! Hì hì !
Trời sáng tỏ rồi, người ta không nghe tiếng gà gáy, vì không có con gà nào ở trong trại. Nhà của dân Thái thì xa hẳn vào bên trong kia. Chỉ có loa phóng thanh của Ban Điều Hành vang vang lên:
- Chú ý! Chú ý! Những thanh niên có tên sau đây, thuộc lô 10, 12, 14, 16....... Xin vui lòng tập hợp tại sân trại lúc 10 giờ hôm nay đễ làm công tác vệ sinh.
- Chú ý! Chú ý! Hôm nay phái đoàn Hòa Lan vào phỏng vấn. Xin đồng bào nào muốn đi Hòa Lan tập hợp tại sân trại lúc 11 giờ.
- Chú ý! Chú ý!
Sáng nào cũng nghe Chú, chứ hỗng nghe Cô Dì Cậu Mợ gì cả. Sáng nào cũng nghe thanh niên đàn ông đi làm công tác nặng cho cộng đồng tập thể, chứ không nghe người ta gọi con gái phụ nữ đi đào kinh thủy lợi vét bùn hay khiêng cát lấn biễn biến sỏi đá thành cơm. Ít nhất, trại còn được cái lịch sự cần có đó. Ít nhất con người còn được có cái văn minh tối thiểu đó, không xà bát, không xà rong.
Vậy thì phố phường thức giấc, những quán cà phê che vải bạc ở đầu mỗi lô lại nhộn nhịp, cũng có những thúng sôi, chè cháo và bún riêu dã chiến nữa.
Cửa chính được mỡ để dân tị nạn bước ra cái chợ ngồi chồm hổm mua thức ăn và vải vóc áo quần của dân địa phương và cũng là cơ hội bán vòng vàng hay đổi đô la còn may mắn sót lại, qua tiền Bath Thái. Hải, hồi mới vô, lận trong gấu quần xà lỏn còn được hai tờ 20 đô la mà bà Thiên Sơn, mẹ Hải cậm cụi khâu chỉ dấu trong đó. Hải chỉ đổi một tờ thôi, hổm rày mua thêm chút đỉnh thức ăn thì cũng còn dư bộn lắm. Gạo, muối, nước mắm, cá tươi, than củi, quần áo củ rộng thùng thình được Cao Ủy Quốc Tế cung cấp hằng ngày. Thuốc lá, thuốc phiện, xì ke, rượu chè chịu khó tự mua lấy hay chịu khó tự ngồi đó mà... ngáp.
Hải còn được một tờ hai chục đô, dự định hôm nay ra chợ đổi, đễ đưa cho Vỹ mua sắm những cần dùng của con gái. Nhưng cái sáng rữa mặt của Vỹ làm Hải muốn quên luôn!
Thằng cu Vượng mới thức dậy đã đòi ăn, sáng nào ở nhà nó cũng dớt cho tô cháo tổ bà chảng với dưa mắm hay với hột vịt muối, nên sáng nay mặt nó phị phị ra vì đói.
Tối hôm qua, nó ngũ mê, đái cho một vủng, làm cái ông ngâm thơ trử tình sáng ngày phải tất tả chạy đi thay quần áo. Thiệt! Thơ cũng bị ướt! Người cũng bị ướt!
Bốn đứa ngồi ngay hàng cháo huyết xì xụp húp, rồi bước chéo qua đường là tới bải biển. Vỹ Trinh và Vỹ văn Vượng khoái chí chạy ào xuống dọc nước. Nắng vừa lên.
Hải nói:
- Vỹ ngồi ở đây nha, tui ra chợ chút xíu!
- Chi vậy Hải?
- Còn hai chục đô, đổi ra cho Vỹ xài.
Vỹ vươn tay kéo áo Hải:
- Ngồi xuống đây đi rồi tui nói cái nầy cho nghe.
- Gì ?
- Hải tặc nó lấy hết vòng vàng dây chuyền của tụi Vỹ rồi, nhưng mà ......
- Nhưng mà gì hả Năm ????
- Vỹ có nuốt được cái nhẩn hột xoàn của má cho, bây giờ làm sao lấy ra hả Hải ?
Ngẫm nghĩ, Hải nói:
- Vậy thì tui đi mua thuốc xổ với cái rổ mắc ruồi lổ nhỏ, rồi cứ mỗi lần ấy là cứ tưới nước lên, lấy que mà khều.
Vỹ thẹn đỏ mặt hổng nói gì nữa.
Cái nhẩn hột xoàn rồi cùng tìm được, chỉ tội Hải ngày hôm đó phải xách thêm tám thùng nước nữa. Cái gì mà nhiều quá trời !!
Gió vần trôi, mây vẫn thổi, sóng tiếp tục ngân nga ........
Ngày mai Hải phải lên đường đi Úc. Có nhờ người giỏi tiếng Áo thông dịch lại dùm tiếng Úc xin hoản chuyến đi, mà cái ông mặt đỏ lòm có mái tóc vàng hoe sũa lên một tràng:
- Sáu chuyến rồi "du" ạ ! "Du" không nhúc nhích thì qua cho "du" khỏi cục cựa luôn! Qua gạch tên "du" ra khỏi danh sách. Cứ đòi đi theo cái cô tóc dài môi hồng má đỏ hưng hưng ấy, lỡ cổ qua Na Uy Nót Quầy Norway thì cho cưng suốt ngày ăn đá nhận xịt xi rô (frosty ice xịt xịt with sweet red color, có bán ở vĩa hè nắm nắm trong tay chứ không bỏ trong ly).
Rưn Rứt nghe run quá. Rưng Rứt hết dám kỳ kèo. Rưng Rứt gồng tay, xoạc chân xuống tấn bình mã, cũng kéo không lại cái sự việc lừng lửng trôi ......
Rưng Rứt ngày mai hành lý lên vai, phải đi. Có chăng? Nước mắt luyến lưu ở lại phân nửa, nửa kia dành qua bên Úc, có Kangaroo, có Candy, có Kình Ngư. Còn nhiều nữa, cả một chuỗi tương lai ngọt ngào.
- Khóc cái gì nữa hả Rứt? Vỹ an ủi. Thư về cho Vỹ nghe!
Thư về cho Vỹ nghe! Thư về cho Vỹ nghe!
Âm thanh ngọt lịm đợi chờ dễ thương vang vang mãi...... âm thanh vọng lại như lời nguyện cầu.
Ôi! Sao nồng thắm! Ôi sao rụng rời!
Đời đứa con trai thích lắm những êm đềm và dịu dàng, đời đứa con trai thật là mong những yêu thương chót vót.
Đó là đời con trai bình thường, khác hẳn với những đứa con trai bất bình thường bệnh hoạn tâm hồn cứ thích nổi loạn, gặp ai cũng gây sự, gặp ai cũng xỏ xiên, bất mãn triền miên cã tháng ngày dài.
Hải, thanh niên bình thường và mạnh khỏe. Hải lưu luyến nhưng mạnh mẽ ra đi, chỉ cố gỡ gạc bằng cách lén lút hít lên tóc của Vỹ cho thật lâu thật sâu thật đậm. Mùi hương thơm tự nhiên của thiếu nữ không trộn hóa chất Channel 5, Portion 9 làm Thiên Hải lảo đảo xém té, quờ quạng bước chân muốn xĩu, thần trí mê man, cảnh vật quay cà vòng.
Buổi tiệc đưa tiển nhau, Vỹ kho một khuôn cá kèo mua ngoài chợ, cho thật nhiều tiêu cho ngọt, cho thật nhiều hành cho thơm. Cơm để cho nguội không đánh tơi hạt. Bốn đứa xúm lại, dùng tay bốc cơm mà ăn như bao năm về trước ở quê nhà, trên bờ đê, Vỹ, Hải từng ăn. Có con trâu thong thả nằm, có nắng ấm nhẹ mơn man và gió nữa ...... ru ngủ giấc hiu hiu ......và cha và mẹ và anh chị em với bạn bè, cả một thời thanh bình tuổi trẻ hồn nhiên.
Gió sao bỗng nổi cơn lớn đưa lũ quỷ về, chia ly mọi ngã, chia lìa người thân
Vỹ Thanh bật lên khóc! Hải đã đi hơn nhiều ngày nay, chị em nàng buồn hơn, khoắc khoải suy tư về Hải ra sao? Lo âu cho tương lai sắp tới của chị em nàng.
Đêm nay, đêm cuối ở Songkla. Khoảnh đất rộng hẹp không phải quê nàng nhưng nàng tự nhiên quyến luyến nơi chốn rộng lượng cho chị em nàng tạm ghé chân.
Cho dù có quá nhiều đồng bào khác của nàng mang nhiều hơn một nổi đắng cay nhục tủi khi bước chân lên mảnh đất này hay mảnh đất kia chạy dài theo bờ biển nước Việt Nam nhiều buồn hơn vui, nhiều tủi cực hơn hảnh diện cũng bởi ngốc lên làm ngớ!!
Nàng biết trong trại, có người đặt tên cho con mới sinh: Nguyễn Thị Song kla dù không biết cha là ai. Nàng cũng biết đứa con trai tên Trần Hy Vọng, cũng không biết cha là ai. Người ta không vì cái tủi nhục xấu hổ mà diệt đi cái sự sống đang nẩy mầm, đôi khi người ta cứ nghĩ đó là cái giá phải trã để đến bến bờ bình an trong tự do.
Ngày mai chị em nàng sẽ phải chuyển qua trại Panat ở Chonbury, không xa lắm đễ làm thủ tục cuối cùng trước khi sang Mỹ.
Mệt mõi vì thức gần trắng đêm suy nghĩ, Vỹ Thanh nằm chuồi xuống bên cạnh hai em, nhẹ tay nàng kéo cái mền phủ ấm cho thằng Vượng, cái gì mà khi ngũ nó cứ đạp lung tung tốc cã mền gối, mà cũng tại nó, hồi chiều khi Vỹ nhận được tin phải chuyển trại thì nó xin tối nay ngũ ngoài biển một lần cho biết, Vỹ Trinh cũng hai con mắt mở lớn đồng tình . Vỹ Thanh cũng muốn làm một đêm bụi đời xem sao. Hơn nữa cái ông nhà thơ mà cứ bị hối hả chạy đi thay quần áo mỗi sáng, bắt đầu làm những bài thơ máu rướm con tim:
Một con tim và một thôi
sao lặng thở!
Không hiểu vì sao?
Có phải em, đóa nhung hồng diễm lệ
khoét một mảnh trong tim .....tui ??
Vỹ hoảng quá, Vỹ hổng muốn ra hầu tòa, bơi móc trả lại cho ai trái tim nguyên vẹn. Nên tối nay ba chị em dẫn nhau ra biển ngủ.
Sáng sớm sau giờ điễm tâm, bốn chiếc xe đò đưa một số đồng bào qua trại Panat. Chị em Vỹ lên chiếc xe đầu tiên......
Kiệt Trần
còn tiếp
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 09/Dec/2017 lúc 6:19am
Xe chạy dằn như lòng Vỹ ngỗn ngang. Qua khỏi cổng trại, Vỹ quay nhìn lại, xúc động... ngậm ngùi... đắng cay... tủi nhục... tự hào... biết ơn... lo âu... thản nhiên... trăm con sóng đời xô đẩy, định mệnh đã chọn con đường nào cho chị em Vỹ?
Làm thủ tục nhập trại xong thì trời đã tối. Người ta đưa chị em Vỹ vào một láng khá rộng, người nằm san sát bên nhau. Ở đây không khí có vẽ vui hơn, có lẻ vì mọi người mừng sắp được định cư. Một bà mập mạp tươi cười với chị em Vỹ:
- Con mới tới hả? Ở trại nào sang vậy?
Không đợi trả lời, bà khoa tay:
- Mấy đứa bay nằm cạnh bà Ba đi, có chuyện gì kêu bà, bà giúp!
Chị em Vỹ khép nép làm theo lời. Bà xoay sang, nằm nghiêng đọc sách. Chị em Vỹ giăng mùng, ngồi trên chiếu, chưa biết làm gì. Tiếng động xung quanh bổng giãm đi, mọi người đồng loạt ngừng nói. Tiếng sáo réo rắc từ đâu vọng lại. Gió thổi lúc mạnh lúc nhẹ, tiếng sáo cũng theo đó mà lúc được lúc không. Tiếng buồn rầu nức nở như tâm sự kể lể những chuyện đau thương. Khi thì thê lương áo não, lúc trầm đọng lững lơ. Vỹ thẩn thờ, trãi lòng theo khúc nhạc. Thằng em kéo tay, ra dấu cho Vỹ, Vỹ thấy bà Ba úp sách lên mặt, vai rung nhẹ từng chập. Quanh Vỹ có tiếng sụt sùi, thút thít. Tiếng rền rĩ:
- Nhớ nhà thấy mụ nội mà thằng chả cứ chiều nào cũng thổi!
Một giọng khác cất lên, nghẹn ngào:
- Anh à, chỉ có mỗi chiều nghe tiếng sáo mới thấy còn một chút quê hương theo mình đến đây. Anh không nghe thì để tụi tui nghe. Mai mốt qua Úc, qua Pháp, Mỹ rồi, có muốn cũng chắc gì nghe được!
Tiếng sáo đột ngột tắt ngang. Không khí vui vẽ lúc nãy đã theo tiếng sáo tan đi. Mọi người yên lặng. Chị em Vỹ nằm xuống. Tiếng hát từ xa vọng lại, không phải một người mà cả chục giọng từ nhiều láng
.... Ở đây Panat Nikhom, quê hương cách xa muôn trùng sóng, nhiều khi nghe tiếng ca dao thêm thương nhớ em nơi quê nhà, mang yêu dấu anh đi mang theo cả cơn đau vừa nhuốm, mang yêu dấu anh đi mang trong lòng nổi nhớ người yêu...
Người đàn ông cất tiếng rền rĩ lúc nãy ồ ồ hát theo
... Sài Gòn em giờ ai đón ai đưa? Ai chờ khi sớm khi trưa? Em hờn ai dỗ em ngoan? Từ đây chỉ còn trong giấc mơ thôi! Xa rồi em dấu yêu ơi, muôn đời chẳng mong gặp nhau....
Tiếng một người con gái họa theo, ngọt ngào thánh thót
... Ở đây xa xứ xa quê nên mây với trăng xa lạ quá, nửa đêm nghe gió kêu than hay tiếng khóc ai nơi quê nhà. Mưa chưa đến nơi đây sao ta vẫn mang mang niềm nhớ? Mưa chưa đến nơi đây sao trong lòng mưa hát nghìn câu...
Vỹ thảng thốt. Tiếng hát đó Vỹ đã từng nghe. Vỹ biết người này. Nhưng là ai? Đầu óc Vỹ mụ đi. Ai?
Phải rồi! Vỹ la lớn:
- Chị Phượng! Chị Phượng!
- Vỹ? Vỹ đó hả? - Tiếng người con gái vui mừng đáp lời.
Cả láng nhốn nháo. Vỹ tung mùng chạy ra, một bóng người nhảy xổ ôm chầm lấy Vỹ. Vỹ cũng ôm chặt lấy người đó, giữa láng, hai người ôm nhau khóc. Như vòi nước bị khóa chặt lâu ngày nay có dịp tuôn chảy, cả láng khóc theo, tiếng nức nở khắp nơi:
- Giê Su Ma Chúa thánh thần! Con bỏ mẹ mà đi sao đành hả con...
- Ới anh ơi ới anh ời, vợ chồng ăn ở bấy lâu, sao bỏ em lại một mình...
Tiếng chửi thề trộn trong tiếng khóc:
- Tui hổng phải là đàn ông mà, tụi hải tặc chó đẻ đè vợ tui ra trước mặt, tui hèn nhát hổng dám làm gì.... Hu hu hu... em ơi, qua muốn đập đầu tự dận mà ngặt con mình còn nhỏ, qua phải rán chăm sóc cho nó nên người... em ơi là em...
Bà Ba ngồi dậy, sẳng giọng:
- Thôi đủ rồi! Không nghe ông Thanh dặn sao? Khóc lóc than vãn đòi tự vận, mấy người ngoại quốc tưởng mình bị bệnh tâm thần không cho đi nữa đó!
Láng yên lắng trở lại. Vỹ kéo tay chị Phượng lôi tuột vào mùng, nhỏ giọng hỏi tới tấp:
- Chị sang đây hồi nào? Hai bác khỏe không? Có ai theo chị không? Có ai... - Vỹ ngập ngừng -... bị gì không?
Chị Phượng mắt đỏ hoe đăm đăm nhìn Vỹ. Trong đôi mắt đó, Vỹ đọc thấy hết, Vỹ hiểu hết. Vỹ dịu dàng ôm chị Phượng. Hai chị em lại khóc, âm thầm.
Tâm Phan
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 09/Dec/2017 lúc 6:25am
Mệt nhoài, hai chị em lăn ra ngủ lúc nào không biết. Đang mơ mơ màng màng, Vỹ giật mình khi nghe tiếng trưởng trại lanh lảnh bên tai:
- Bà con xếp hàng đi lãnh đồ....
Vỹ nhìn bà Ba ngơ ngác:
- Đồ gì vậy bác?
- Ôi! Mấy cái đồ "mi bo" đó mà cô.....
Nhìn Vỹ nhướng mày, như định hỏi, bà Ba chặc lưỡi:
- Là....Mỹ bỏ, nó hổng xài nữa mang cho dân tị nạn, hiểu chưa?
Hai chị em Vỹ che miệng cười khúc khích. Bà Ba coi vậy mà cũng tiếu lâm gớm.
Theo mọi người lũ lượt đi về phía cổng trại, Vỹ vào xếp hàng ở bãi đất trống, trước một gian nhà trệt, lợp mái tôn. Anh trưởng trại trông thấy Vỹ, vội kéo lên hàng đầu, nói như ra lệnh:
- Người ta mới tới hôm nay, cho lên trước.
Anh chàng bị Vỹ chiếm chỗ chỉ ậm ừ không nói, mắt cứ nhìn vào khoảng không trước mặt, tay mân mê một túi vải đỏ, tròn tròn bằng ngón tay cái, dài độ tám tấc.
- Xin lỗi anh nha, tại trưởng trại biểu....
- Không sao đâu cô....
Anh ta ngắt lời, nhìn Vỹ mỉm cười, dơ tay vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán, mái tóc dầy, hơi dài, bềnh bồng và hơi quăn quăn, theo vành tai ép ra sau gáy, trông rất....nghệ sĩ. Bây giờ Vỹ mới nhìn được đôi mắt nâu đen, có đuôi, đang nhìn Vỹ chăm chú. Vỹ vội quay đi...
- Anh đến lâu chưa?
- Hơn tháng rồi cô.
Giọng anh ta trầm trầm, âm ấm kéo dài như có nhựa, hình như người Bắc. Vỹ Trinh kéo tay chị, quay ra sau chỉ vào cái túi đỏ, tò mò hỏi:
- Anh có ống sáo, phải hôn?
- Tiêu cô à....
- Ồ! Phải lúc nãy anh thổi hông?
Vỹ Thanh đánh nhẹ tay em:
- Nhỏ....
- Cứ để cô.....ấy tự nhiên
- Em tên Trinh, chị em tên Thanh, còn anh tên chi?
- Dạ tên Chi cô
Trinh lập lại từng tiếng rõ hơn.....
- Em tên TRINH, chị em là TH....
Vỹ và Chi cùng bật cười ra tiếng, làm Trinh ngẩn người. Chi lấy ống tiêu chỉ vào ngực :
- Tên tôi là Chi, Dương Văn Chi.
Vỹ Thanh chợt nhớ đến bài thơ Hải làm, trước đêm chia tay nhau, tựa bài thơ là "Khúc Tiêu Dương"....Không lẽ Hải có linh tính, biết trước là Vỹ sẽ được nghe khúc tiêu buồn của chàng họ Dương? Bài thơ Hải làm, đêm nào Vỹ cũng đem ra đọc, bây giờ đã thuộc lòng:
Mây trắng lưng trời vọng cố hương
Nhớ ai, ai nhớ khúc tiêu dương
Nhạc lòng, thơ gửi trên trang giấy
Lỡ bước chân thôi, lạc nẻo đường
Vẫn giữ trong tim kỷ niệm buồn
Mưa rơi chưa dứt dạ sầu tuôn
Ai về bến Ngự, sông Hương đó
Cho gửi muôn vàn nỗi nhớ thương
Chiều Thu mây quyện gió heo may
Vì sao mây lạc đến phương này
Sáo diều vang vọng chân mây trắng
Một khúc tiêu sầu ai có hay
Tiếng Trưởng Trại Kiệt lại vang lên, đưa Vỹ trở về với thực tại:
- Đi từ từ, hàng một nhe bà con, không chen lấn, lấy đủ xài, chừa cho người khác nữa...
Từ đằng sau, có tiếng bà Ba lẩm bẩm:
- Đồ Mỹ bỏ, Thái chê mới tới mình, ai thèm dành giựt chi cho mệt...
Người viết :MC
Thằng cu Vượng là chúa nghịch ngợm và tò mò. Trong lúc Vỹ Thanh và Vỹ Trinh đứng xếp hàng chờ lãnh đồ thì nó chạy đi cà vòng cà vòng khắp nơi. Nó xẹt tới xẹt lui hết chỗ này đến chỗ khác. Xẹt mãi cũng chán, thế là cu cậu bắt đầu sán lại làm quen với những người đang xếp rồng rắn chờ lãnh đồ. Thấy có một nhóm những đứa trẻ cỡ chừng tuổi nó đang đứng túm tụm chơi Chi Chi Chành Chành gần đó, Vượng đến làm quen. Nó tiến tới và nói:
“Mấy bạn cho tui chơi chung dzới được hông?”
Bọn trẻ gồm bốn đứa, hai đứa con gái và hai đứa con trai ngừng chơi, quay sang dòm Vượng.
Một đứa con gái mặt mày lanh lẹ có hai bím tóc, lúc lắc đầu hỏi nó:
“Bạn mới tới hả? Trước giờ tui đâu có thấy bạn đâu.”
Vượng gật gật cái đầu:
“Ừ, tui mới tới hôm qua.”
“Ba Má bạn đâu? Sao tui thấy có mình bạn à?”
“À, tui đi chung với hai chị của tui. Hai bả đang đứng xếp hàng đằng kia kìa.” Vừa nói Vượng vừa đưa tay chỉ về phía hai bà chị.
“Bạn muốn chơi chung với tụi tui hả? À, bạn tên gì dzậy?”
“Tui tên Dượng.”
“Dượn và con dượn trong Sở Thú đó hả?”
“Không phải, là V…V…V..ượng đó. Tại chữ V…V…Vượng đọc mệt quá nên tui đọc thành Dượng cho nó đỡ trẹo lưỡi đó mà. À, còn mấy bạn tên gì dzậy?”
Đứa con gái đó trả lời:
“Tui tên Cóc, nhỏ này tên Xoài. Còn thằng ròm đó tên Tí, thằng mập ú kia thì tên Tèo.”
“Ý, Sao tên mấy bạn mắc cười quá dzậy? Gì mà Cóc với Ổi. Nghe sao giống mấy thứ hai bà chị tui hay ăn quá dzậy?”
“Thì tụi tui cũng có tên đẹp đàng hoàng chứ nhưng hồi nhỏ ba má tụi tui hay gọi bằng mấy cái tên như dzậy cho dễ nuôi đó. À, bạn muốn chơi chung với tụi tui hả? Vậy tụi mình bắt đầu chơi lại đi hén.”
Bọn trẻ thật vô tư. Thế là cả bọn con nít bắt đầu chơi trò chơi mà bất cứ đứa trẻ nào cũng biết.
“Chi chi chành chành
Trái chanh hỏi lửa
Con ngựa chết chưa
Ba Vương Thượng Đế
Bắt dế đi tìm
Ù à ù ấp.”
Mọi người quay lại nhìn bọn trẻ nhí nhảnh chơi trò chơi và mỉm cười. Họ thấy lòng nhẹ đi và những lo âu, buồn bã dường như tan biến đi.....
Lặng Lẽ
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 09/Dec/2017 lúc 6:29am
Lại thêm một lần nhận đất lạ làm thân quen, đêm đầu tiên ở trại mới Vỹ Thanh gặp lại chị Phượng, nhờ giọng ca thánh thót ngọt ngào của chị, mà không thể lẫn với ai được, nhưng không phải với những bản nhạc quen thuộc Trăng Tàn Bến Ngự, hay Ai Ra Xứ Huế của ngày còn đi học, dân không chuyên mà chị hát thật hay nhưng Thanh thích nhất là nghe chị hát bản Ngăn Cách của Y Vân. Có nghe chị Phượng hát bản nầy thì mới thấy hết sự ngậm ngùi của những kẻ yêu nhau mà không được sống gần nhau
"Yêu nhau trong cuộc đời mơ duyên tình dài gắn bó đôi lời, ta quen nhau một ngày, yêu nhau trọn đời, giữ cho lâu dài ....khi chia tay lần đầu duyên chưa đậm mầu cũng đã say nhiều một thời gian quen biết tình ta tha thiết muôn phần...."
Phải rồi, không biết chị có yêu ai nhớ ai nhiều không mà lời ca tha thiết quá. Cũng như Thanh, như Hải vậy có thương chưa mà nghe nhơ nhớ làm sao!!.. Gối đầu lên tay chị, Thanh vòng tay ôm Phượng, mừng cho mình mà thương chị quá! Chị ơi đừng thèm khóc nữa nghen, nhảy xuống biển tắm thỏa thuê rồi đứng thẳng lưng thẳng người coi như qua một tai nạn giao thông, dẫu biết vết đau nếu không với người mình yêu mến thì xót như xát muối đau tựa xé da. không êm ái mật ngọt vì không thiết tha với chồng thì nhớ làm gì chị hén. Coi như đó là cái giá của hạnh phúc mai sau...
Phượng là chị bà con với Thanh lớn hơn Thanh nhiều tuổi. Ba chị đã mất. Ông là một sĩ quan của một đơn vị tác chiến nên mẹ con chị theo ba đi khắp bundefinedn vùng chiến thuật, nhà là trại gia binh. Chị nói bản Ngăn Cách đó là bài ruột của Mẹ chị hát ru con mỗi khi Ba chị theo đơn vị hành quân. Cuộc đời của mẹ chị cũng là chuỗi ngày dài mong nhớ. Ngày trước Ba Mẹ chị quen nhau cũng ngộ lắm, trên con đường liên tỉnh bé nhỏ gồ ghề "đoàn công voa" của Ba bị lọt vào ổ phục kích của VC. Chen lẫn với một vài chiếc xe đò chở đây hành khách đang chạy ngang qua. Một trận đánh không định trước diễn ra chớp nhoáng. Hành khách trên xe, hối hả, dắt díu nhau, đua nhau xuống núp dọc hai bên đường.. Mẹ chị lúc đó cũng có mặt trên chuyến xe đò lọt trong vùng phục kích, run rẩy, rối loạn không biết chổ nào mà ẩn thân khi tiếng súng hai bên đã nổ dòn giả...
Một tiếng "Ầm" nổ thật gần, cát đất bắn tung tóe... mịt mù, người con gái ngã sấp xuống... tiếng đạn vẫn còn vi vút bên tai.
Mở mắt ra, cô thấy mình nằm gọn lỏn trong vòng tay của một ông lính. Hoảng quá cô nhắm mắt nằm im... Lại thêm một tiếng nổ to thật gần.. cô giật mình vùng dậy.. thì ông ta ấn đầu cô xuống gắt nhỏ:
- "Nằm im đi...muốn chết lắm sao? Ngóc lên VC nó bắn cô bể đầu bây giờ "
Rồi như sợ cô vùng chạy ông ta càng khép chặc tay ôm, ấn cô sát vào bờ đường và nhoài người ra che chở... tay kia cầm một khẩu súng ngắn sẳn sàng nả đạn.
Có tiếng người gọi "Trình Bắc Đẩu.. có Đại Bàng trên máy..." ....Bây giờ ông lính mới rút tay đang ôm cô ra, cầm máy:
- "Alô. Bắc Đẩu nghe Đại Bàng..."
x X
Hôm qua nghe lại giọng ca quen thuộc của chị trong một bài hát lạ quắc nhưng mà hay lắm, ngậm ngùi lời ca lạ trong giọng con gái mượt mà, như nuối tiếc khoảng đời ấm áp có mẹ có ba, nhưng cũng xót xa làm sao như hoa sau cơn mưa bão...
... Ở đây xa xứ xa quê nên mây với trăng xa lạ quá, nửa đêm nghe gió kêu than hay tiếng khóc ai nơi quê nhà. Mưa chưa đến nơi đây sao ta vẫn mang mang niềm nhớ? Mưa chưa đến nơi đây sao trong lòng mưa hát nghìn câu...
Một giọt nước mắt nóng hổi rớt trên tay Thanh... Nhớ Hải quá! Thanh dụi mặt vào mái tóc dài của chị, những sợi tóc mềm mang theo hương gió biển nồng nàn, có thêm chút nắng cháy phả vào mũi Thanh làm cho Thanh chợt hiểu ra... tại sao đa số con trai đều thích tóc dài... Mà được dùi mặt vào mái tóc dài của con gái cũng thích thật chứ !! Hèn gì trước lúc đi Hải lần lựa con cà con kê bên Thanh để len lén "hun" trộm lên tóc Nàng. "Tui" biết đó nhưng "tui"...lờ cho qua....
Thanh vòng tay ôm lấy vòng eo thon nhỏ của chị mà thì thầm .."Chị ơi ! Hát cho em nghe bản Ngăn Cách đi chị. Lâu nghe chị hát.. nhớ lắm". Bây giờ Vỹ biết tại sao Dì Ba lại thích bản nầy rồi".
Phượng hát nhỏ đủ cho Vỹ nghe thôi:
"Yêu nhau trong cuộc đời, mơ duyên tình dài gắn bó đôi lời. Ta quen nhau một ngày, thương nhau trọn đời, giữ cho lâu dài.
Khi chia tay lần đầu, duyên chưa đậm mầu cũng đã say nhiều. Một thời gian quen biết, tình ta tha thiết muôn phần
Nhưng không ai nào ngờ duyên đang mặn mà bổng đã chia lìa. Đêm chia ly lạnh lùng, đưa tay một lần, đến mai không còn. Đêm nay không còn dài, xin cho vài lời, chớ trách nhau hoài. Lời từ ly êm ái, để đâu không nói đêm ngày.
Từ ngày mai ngăn cách, hết rồi là khi đưa đón. Có mấy ai không buồn lúc duyên chưa tròn trương mến. Em lên xe hoa rồi, biết rằng sầu để một người Rượu hồng chẳng được say mà đành lòng nếm chua cay.
Mây sao quên hạn kỳ cho trăng buồn vì nhớ mãi câu thề. Mây đem mưa trở lại, mưa hay nhiều lời, khiến trăng mỉm cười. Không, trăm không ngàn lần, không ai giận hờn nếu đã hay rằng:" Lòng người như chiếc lá, nằm trong cơn gió vô tình ..."
** Nhạc phẩm Ngăn Cách, sáng tác bởi Y Vân .
Ngườiiết Hoa Hạ
Thanh chạy nhanh về láng, chị Phượng thức rồi nhưng vẫn còn nằm nướng trên giường.
-Chị ơi, chị nhớ thằng Ba Gà Chọi ở xóm mình không? em mới gặp nó nè, cái thằng hay lẻo đẻo theo chị Loan em chị đó...mắc cười nhứt là mỗi ngày nó cứ đón lúc chị Loan đi học về mà đưa thơ tỏ tình, nó theo phía sau lải nhải với chị:
-Tui thương Loan thiệt tình mà, bao nhiêu nổi lòng của tui, tui viết hết trong nầy Loan nhận một lần cho tui vui đi.
Đang đi bổng Loan quay lại nghiêm trang nói:
-Đưa đây!
Thằng Ba mở tròn xoe đôi mắt tưởng mình nghe lầm:
-Loan nhận thơ tui hả?
- Ừ! Đưa đây.
Cầm lấy thư trên tay Loan nghiêm trang nói:
-Anh nói tui nhận một lần cho anh vui, tui nhận rồi nè. Bây giờ nhờ anh đem thư nầy về gửi lại cho vợ anh nhen.
Nói xong, Loan dúi lá thư vô tay Ba Gà Chọi rồi quay lưng đi thẳng.
Vừa đi Loan vừa nhớ đến Minh Cảnh, người mà Loan gặp trong một " Party " hôm nào....
" Trước lúc Sài Gòn mất độ một năm. Hôm đó tối thứ bảy, nhỏ bạn nối khố của Loan rủ đi party ở nhà người bạn, dân "Cu-văng đề Doa-dô", có nhạc sống, nhà vi-la khá rộng, party có khoảng hơn ba chục người.
Loan chả quen ai, nên chỉ ngồi một góc nghe nhạc, ngắm bà con nhảy sì-lô theo những bản nhạc pháp du dương.
Khoảng 8 giờ rưỡi tối, tự nhiên có người la hoảng.:
-Cảnh sát! Cảnh sát!
Chả biết có thật không ? Mà thiên hạ chạy tán loạn, có cô bỏ cả giày dép, có cô vừa khóc hu hu vừa đi tìm ví. Có một thanh niên đang đảo mắt nhìn xung quanh, tìm đường thoát ra, thấy bên hông nhà có con đường hẻm ở ngõ sau. Trong cơn bấn loạn, Loan ngồi chết xững trong góc cuối phòng mắt trợn tròn hoảng hốt, không biết phải làm gì, muốn gọi người ấy mà cứ ú ớ không biết gọi làm sao ?Chàng thanh niên bước lại gần, thấy hai tay Loan run cầm cập, không nói gì, chụp tay kéo vô phòng trong xuyên qua bếp, sau nhà bếp là một cái sân nhỏ có hàng rào bằng gạch bao quanh. Hàng rào không cao, gã mới khum người xuống, đưa hai tay đan nhau ra trước, bảo Loan đứng lên tay, rồi đứng thẳng, nâng Loan lên ngồi trên hàng rào. Xong người ấy leo ra ngoài trước, đỡ Loan xuống đất. Hai người theo con hẻm nhỏ ra một con đường khác, dừng ở đầu đường, hai đứa quay qua nhìn nhau, tự nhiên mặt Loan đỏ bừng khi nhìn thấy tay mình vẫn còn nằm trong tay của người ấy, nhưng chàng ta làm bộ tỉnh, đưa tay lên vuốt mấy giọt mồ hôi trên trán.
-Có đi xe không, hay ai chở?
-Loan đi xe đạp.
-Dám phải đợi ngày mai mới lấy được xe đó Loan à ! Hay mình ra uống nước sinh tố, chờ thêm chút nữa xem sao ?
- Dạ!
Lúc hai đứa băng qua đường, không hiểu tại sao Loan luồn tay, đan tay người ấy, tự nhiên như đã quen thuộc từ lâu."
Loan và người ấy quen nhau được đúng ba tháng. Loan phải bỏ học, về lại Quy Nhơn phụ giúp gia đình.
Hôm đưa Loan ra sân ga xe lửa, hai đứa cũng nắm chặt tay nhau, bỗng nhiên Loan nâng tay người ấy lên, cắn vào cổ tay thật mạnh. Không biết người ta có đau hay không mà không dám ho he một tiếng. Loan nghiến răng cắn mạnh thêm nữa thiếu điều chảy máu luôn...mới thấy người ta khẻ cau mày đưa tay kia lên môi Loan đẩy nhẹ ra.
Loan nhìn người ta qua đôi mắt long lanh ngấn lệ:
-Cho anh không bao giờ quên Loan...!
Tầu đi xa rồi, Loan nhoài người ra cửa sổ nhìn lại.
Người ấy vẫn còn đứng ở sân ga xoa xoa trên cổ tay, chắc vết răng in sâu vào thịt, vẫn còn tê tái.
Viết bởi MC & Hoa Hạ
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 09/Dec/2017 lúc 6:35am
Chuyến tầu hỏa buổi chiều ấy có mưa nhẹ, có cặp tình nhân lưu luyến giả từ nhau. Bịn rịn nàng dớt cho chàng cái thẹo để đời. Sau nầy sang Mỹ, Hằng Kim Loan mới biết hành động của nàng được Mỹ gọi là "tá tù" tattoo, xâm mình dùm người tình đắm đuối.
Nhưng nàng đâu ngờ, nàng tá tù đến hai mạng, người ở cổ tay ngây ngây sung sướng, kẻ ở trái tim quằn quại rên la.
Ba Gà Chọi thấy hết ! Ba Gà Chọi sửng sờ! Lồng ngực Ba Gà Chọi bổng nhói lên đau nhức, tim Ba Gà Chọi bị một vết xâm của Hằng Kim Loan hình con dao gâm nhọn bén xuyên qua. Ông kia thì được hai dấu răng ngà ngọc với tí nước miếng. Ba Gà không được chút nước dải mà chỉ toàn là nước mắt.
Bửa đó Ba Gà Chọi ra ga xe lửa, định mua vé về thăm lại tía má ở làng Hoảng Thức, tìm lại những kỷ niệm ngày xưa, cho dù cái kỷ niệm quê xệ của ngày nào bị Kim Loan xỏ ngọt:
-Đem lá thư nầy về cho vợ anh đi !
Với mọi người, câu nầy chua như chanh. Nhưng với Gà Cà Nhắc thì nó lại đượm nhiều trách móc dể thương như một lời nhắn bóng gió: Sao anh không trầu cau hoa quả tới ? Mà lại lẩm cẩm tình thư ? Mất hết đời con gái sớm qua nhanh của tui !
Đã nói làng Hoảng Thức nầy tuyền nhà nho, cho dù ai cũng nhường nhau hổng ai chịu lấy về một cái bằng cho cái làng kế bên, làng Mơ Nghĩ hoảng hồn chơi. Vì vậy Gà Cà Ri cũng có một cái tên nghe dịu dàng lắm: Chọi Văn Hưng.
Họ Chọi nầy thiệt ra đã lâu đời lắm rồi. Họ của người Nùng phát xuất từ ở miệt Cao Bằng Lạng Sơn, theo Chúa Nguyễn lần lần về Nam rồi đồng hóa vào tộc Việt thành anh em một nhà.
Thật ra là Trộôi, hai chử ô, nhưng gặp dân miền Nam uống nước dừa nhiều hơn nước giếng gọi luôn là Chọi, thét thành quen.
Mấy người họ Chọi có cái lạ là không biết lội chỉ biết leo.
Cũng như họ Vỹ, thoạt đầu nghe lạ nhưng truy lại nguồn gốc thì biết: xưa lắm rồi một nhóm dân Việt Nam đi bụi đời lạc hẳn sang Ai Lao: Lào. Sinh con đẻ cái làm ăn. Đám cháu chắt nhiều đời sau nầy lớn lên vẫn còn truyền thống viễn du của cha ông nên gậy gộc soong chảo lên đường đi nữa. Kỳ nầy phát xuất từ Luang Prabang miền Bắc nước Lào thả ngữa và bơi sải theo giòng Cửu Long về lại vùng đồng bằng hậu giang nước Việt.
Trái với họ Chọi, họ Vỹ chỉ biết lội mà không biết leo.
Chọi Hưng chứng kiến từ đầu đến cuối, Chọi đau lòng ghê lắm, mưa nhẹ mà cứ tưởng bão, sấm chớp lập lòe dù trời vẫn lặng yên.
Nhìn chiếc kiềng vàng trong túi xách dự định khi về quê nếu gặp Loan, Chọi sẽ tặng nàng với tất cả lòng trìu mến. Không ngờ hôm nay tình cờ gặp nhau ở Sài Gòn phố xá hoa lệ trong một tình huống thật nặng lòng.
Nặng quá! Nặng thật...!!
Chọi văn Hưng không đứng vửng được nữa, ngồi xuống vĩa hè nước chảy. Hắn nhớ lại ...
Hồi mới sinh ra. Chọi Văn Hưng đã là đứa bé bụ bẫm cứng xương cứng thịt, bú hết sữa mẹ mà cũng không đủ no nên phải uống thêm nước cơm chắt pha với ít đường thẻ. Ông Chọi Văn Mất, tía của Chọi Hưng khoái chí lắm, cứ nắm bắp chân của thằng nhỏ mà lắc lắc:
-Được đó con ! Ăn cho mau lớn, nữa làm quan võ...bắt cọp nghe con !
Bị ông Văn Mất thích đọc truyện xưa, có Võ Tòng thọc cù lét con cọp rồi vác về làng cho dân xem. Đoạn đó thiệt anh hùng quá ! Nên bao nhiêu gạo Nàng Hương trong bồ, ông biểu vợ nấu hết một lần cho Chọi Hưng ăn, để vươn vai thành Phù Đổng.
Chọi Hưng không thành Phù Đổng mà vươn vai một cái cũng là bự con nhất trong đám bạn cùng tuổi. Bởi vậy đám bạn không đứa nào dám chơi chung với nó. Cái gì, lúc đầu mới giỡn giỡn chút xíu mà đã có hai ba đứa ôm đầu máu, lác đầu gối cũng tại cái mạnh tay của Chọi.
Nói ! Thì nó nói là nó nương tay nhẹ lắm rồi đó. Có lần Năm Ngò bị bầm con mắt còn Vỹ Thanh thì cứ bưng mặt khóc hu hu mà thằng Chọi thì cứ chống nạnh cười hì hì.
Kể từ đó Chọi Hưng bị đám bạn bo bo sịt hổng cho chơi nữa, mà hổng cho nó chơi thì nó phá. Ngày nào nó cũng rượt cả đám chạy vắt giò lên cổ trên những cánh đồng có mạ vừa lên. Có con trâu nghễnh cổ nghe ngóng...
Đến bữa kia...
Cái bửa mà Chọi nhớ mãi trong đời.
Đang hùng hổ rượt theo dọa nạt mấy đứa bạn, bổng Chọi chợt vấp ngã chúi đầu xuống đám ruộng, nhìn lại thì thấy cũng thằng Gưng Gứt thò giò ra ngáng cẳng người ta :
- Tồ quả ! - Tiếng chửi thề giận dử của người Nùng xưa, tiếng cổ rồi, tìm trong tự điển hổng thấy đâu - Sao mầy chận giò tao mậy?
- Sao mầy ỷ mạnh ăn hiếp yếu?
- Tồ quả! Muốn tao dọng một cái hông?
Gưng Gứt cung tay thủ thế, gồng lên để lộ hai con chuột bự bằng trái dưa leo, nó nháy tiếng chửi thề của địch thủ:
- Tồ quả! Chơi thì chơi ! Đây đíu ngán!
Chọi Văn Hưng cuộn ống quần xà lỏn lên, ra ngay cái thế Phượng Hoàng Bay Lên rồi Đáp Xuống, xoạc hai ống chân dợm đá chiêu Hải Cẩu Trên Băng Sơn, nhưng coi bộ hơi trợt nên hắn lẹ làng chuyển qua ngay Hai Tay Khuỳnh Bóp Cổ.
Mới một thoáng mà hắn đã phóng ra ba thế sáu chiêu. Thiệt ! Người Nùng nào cũng giỏi vỏ.
Những bà mẹ nơi vùng sơn cước leo trèo đồi núi nhiều nên mỗi cử động của người mẹ là một thế vỏ của hài nhi khi còn trong bụng, khi sanh ra thì nhóc nào cũng múa vỏ ngay tức khắc, hai chân vung lên, hai tay phóng chưởng, mồm thét lên tiếng xung phong từa tựa như tiếng Nhật: Ki Ai ! Mà người thường, tưởng lầm là tiếng khóc mới sinh. Chỉ có người trong nghề mới phân biệt nổi.
Qua tới chiêu Cào Cào Quào Châu Chấu thì Chọi có vẻ chậm lại để rình mồi.
Còn Gưng Gứt cũng chẳng vừa, vỏ nghệ đã tường lúc còn ở trong bụng mẹ. Số là lúc mang thai Thiên Hải thì bà Thiên Sơn phải một ngày tám lần chạy trốn giặc Tây đi ruồng, cứ nhảy qua mương,
lườn qua bụi chuối, lạng vào đám sậy.
Cho nên lúc sinh ra Hải thì Hải đã dợm đứng dậy chạy, may mà bà mụ lẹ tay chụp lại.
Thế vỏ ruột của Gứt là vậy, hể chân phải vừa chấm đất thì chân trái phải phóng lên .....chạy cho lẹ. Chẳng những chạy, mà Gứt còn lạng nữa lúc tả lúc hửu theo địa hình địa vật, thỉnh thoảng thắng lại gầm gừ địch thủ khiến đối phương cũng chột dạ ngập ngừng.
Món nghề đó của Gứt mà sau nầy ông Kim Dung mãi ở Hồng Kông cãm mến đặt tên là Lăng Ba Vi Bộ.
Cuộc kịch chiến bên nửa ký người một bao với đám khán giả bên ngoài hò reo cổ vủ ấy làm nát đi cả mấy mẩu ruộng. Báo hại dân làng Hoảng Thức năm đó, mỗi nhà phải nhịn ăn mấy bửa cơm.
Thiệt là cuộc chiến, trước đó không có mà sau nầy cũng không thấy!
Bởi vậy mới có bài ca trầm hùng để lại:
Non nước một khoảnh chẳng bao la
Mây không phủ núi, núi chẳng cao
Vó ngựa không khua, voi không rống!
Giáo gươm sét rỉ khỏi cần mang.
Liếc mắt dưới tầm mi chỉ thấy:
Người trước cong lưng khuỳnh khuỳnh chạy, kẻ rượt sau lưng hực hực trờ .
Cây cỏ lã cành theo tiếng thét,
Tồ quả ! Tồ quả ! Đứng lại mầy !
Âm vọng nghe kinh hoàng làng Hoảng Thức
Huỵch huỵch chân vang người rượt người.
**-Thư dẫn TML. Trong tập thư Núi Cao Hơn Người
~::Người viết: kiettran8 ::~
Từ lúc gặp lại Ba Gà Chọi, Thanh cứ nhớ mãi đến chị Loan và tin là mỗi người đều có một duyên phận. Và người ta nói ghét của nào trời trao của đó không biết có đúng không nhỉ ! Theo Thanh thì ít ra là trong trường hợp của chị Loan
Thanh học cùng lớp với Loan nên ngoài tình bà con cả hai còn là bạn học nên đôi khi cũng cứ mày tao mi tớ cho thân mật. Con gái mà , cái gì cũng thủ thỉ tâm sự với nhau..Hồi đó Loan tuy không được xếp vào loại hoa khôi nhưng cũng thuộc hàng duyên dáng...chỉ với cái cái duyên ngầm của Loan mà lắm anh chàng thơ thẩn thẩn thơ...Những lúc học bài Thanh thường sang nhà chị học chung cho vui , hai đứa mắc cái võng bên hè vừa đu đưa vừa tán dóc.Thanh nhớ Loan bảo chúa ghét con trai mà đầu tóc mướt rượt, chải bảy ba thoa keo láng mướt đến con ruồi đậu cũng rượt chân té nhào ..quần áo thì phẳng phiu Ply sắc như dao cạo..tướng đi ẻo lả như..như...như gì mầy nhỉ !! ..Loan cười phá lên ,vỗ tay lên vai Thanh ; vậy mà cái thằng cha .tên gì Thanh há?....con ông hội đồng Đỗ Nhị Huề ở xóm trên đó, ngày nào hắn cũng gửi cho tao một lá thư..mùi còn hơn sáu câu vọng cổ nữa đó Thanh.Hắn nói tao mà đồng ý làm vợ gả thì khỏi cần đi học nữa, ngày ngày chỉ biết xách sổ đi thâu lúa ruộng đi đòi nợ cho ba má hắn thôi, đi đâu cũng có kẻ đưa người rước, ăn có kẻ quạt người hầu như Má hắn vậy, không phải làm gì động đến móng tay..".những ngón tay thon dài đẹp đẻ của em mà phải làm lụng vất vả cái bụng của qua đau lắm.."..mày biết hôn , nghe thằng chả nói tao tưởng tượng ngày nào đó tao cũng giống cái bà Hội đồng Huề..suốt ngày đánh bóng tay chân , đếm tiền thì ve vảnh mấy ngón tay mập mạp như trái chuối già..tiền mỏng te vậy chứ không lõi tờ nào hết nhen...tao thà chết còn hơn làm vợ hắn....
Ấy vậy mà hai năm sau...Loan âm thầm nuốt lệ lên xe bông về làm dâu nhà ấy. chỉ vì Má Loan không đủ tiền trả nợ Cửa hàng ế nhệ, dân làng bỏ xứ đi hết trơn còn ai đâu mà bán với buôn...
Từ ngày rời Sài gòn về Qui Nhơn sống với mẹ, Loan càng ngày hiểu được cảnh túng thiếu của gia đình ..Có con xấu cũng buồn , có con đẹp cũng khổ. Một đêm kia, mấy ổng về gỏ cửa nhà Ba má Loan...sau khi ăn uống no nê , chợt nghe chị Phượng hát khe khẻ ru em vừa giật mình thức giấc ở buồng trong......họ xin Mẹ cho chị Phượng xung vào đoàn dân công để ũng hộ và động viên tinh thần cho bộ đội đi giải phóng quên nổi nhớ nhà...Hoảng quá ngay hôm sau ba chị cấp tốc đưa hai chị em Phượng Loan ở tạm nhà người quen ở Sài Gòn đi học, mỗi tháng có tiền nhà ba má gửi lên..cả hai vô tư ăn họcvà học rất khá ,cả hai hồn nhiên ôm ấp những ước mơ đẹp đẻ của mình lòng nghĩ rằng đó là cách đền đáp lại sự khó nhọc của mẹ ba...Nhờ đó mà Loan quen với Minh Cảnh tuy chỉ ba tháng ngắn ngủi thôi mà dài cả cuộc đời...và ngày đó chỉ có Loan về mà không có chị Phượng , vì thằng con út ông hội đồng chỉ muốn cưới Loan mà thôi. Ba mẹ không ép duyên con , nhưng bây giờ gia đình mình sa sút, lắm rồi ! Ba không đủ tiền lo cho hai con nữa...nếu bà Hội đồng không đi hỏi con cho cậu út thì con cũng phải nghĩ học.. Ba má kêu con về là cho con hay mọi chuyện , nhưng ưng hay không ưng thì cũng ở nơi con...
Hôm làm cô dâu phụ tiển Loan về nhà chồng Thanh cũng mũi lòng mà khóc với bạn:
- Khỉ ơi không thương thì ưng làm gì...ai đời mai lên xe hoa rồi mà bây giờ còn ngồi viết nhật ký hả Loan..Đâu có ai ép mầy đâu "
Có chồng như gông đeo cổ "...gông gì còn gở nổi chứ gông duyên nợ khó gở lắm nghen...
Thanh ghé mắt nhìn.vào quyển tập : Một bài thơ Loan vừa ghi xong nét chữ còn chưa ráo mực...
Tự Tình Khúc
Bây giờ lòng tôi lạnh
Như mùa Đông võ vàng
bây giờ lòng tôi úa
Như lá buồn mang mang
Trời vào Thu rồi đó
Mưa rơi đầy ngoài song
Nghe chừng như rét mướt
Len chầm chậm vào lòng
Tôi mơ làm Chức Nữ
Cho chàng làm Ngưu Lang
Chờ đàn chim Ô Thước
Đón tôi về bên chàng
Lòng tôi sao buồn quá !
Nhơ nhớ hoài không nguôi
Nghe quanh mình tiếng lá
Rơi rơi và rơi rơi.
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
HH
Bên ngoài lao xao tiếng người bàn chuyện cưới xin...tiếng nói cười dòn dã. Tiếng heo gà bị cắt tiết để ngày mai nhóm họ, ngày mốt đưa dâu...
Loan ôm Thanh.Thanh ôm vai bạn...cả hai khóc không thành tiếng.
~::Người viết: Hoa Hạ ::~
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 13/Dec/2017 lúc 6:25am
Hai ông Chọi Văn Mất và Thiên Sơn, có thêm ông Vỹ Thành nữa, là ba ông. Một ấm trà, ngồi trên phản.
Dưới đất hai chiến sĩ còn sống sót sau trận đại chiến, nằm xấp chổng mông chờ bị đòn.
Ông chủ nhà Văn Mất tằng hắng một cái:
-Tứ hải giai huynh đệ ! Tụi bây nhà chỉ cách cái mương mà như kẻ thù !
Chót ! Cây roi trên tay ông Mất vụt xuống, trúng phóc cái mông của thằng Gưng Gứt, là con của ông Thiên Sơn.
-Á !... Gưng Gứt rống lên!
Ông Thiên Sơn tía Gưng Gứt giật nẫy mình:
-Láng giềng gần quý hơn giọt máu xa !
Vụt ! Ngọn roi trên tay ông Thiên Sơn điểm ngay đít Gà Chọi, là con của ông Mất.
- Úi !...Gà Chọi rú lên!
Cứ ông tía nầy quánh con ông kia. Dạy lẫn nhau. Làng Hoảng Thức thông thái nầy đã có cái lệ vậy. Cái lệ giúp lẫn nhau dạy con nên người, vì nếu đánh dạy con cái của mình thì bậc phụ huynh hay giơ cao đánh khẽ, không đủ phê cho con nó sợ nó bỏ nó từ những thói hư tật xấu. Phải nhờ bậc trưởng thượng nào khác trong làng dạy giùm. Như vậy cũng đỡ phải trả lời một số câu hỏi nát óc của mấy ông con nít đang chịu đòn đau:
-Ông là tía ruột tui mà sao quất tui đau dữ thần vậy ??
-Bộ tía hết thương con rồi sao ???
-Ông quýnh tui đau quá, mai mốt tui trả thù cháu nội ông !!
Lại có hăm doạ ngấm ngầm trong đó. Thiệt ! Con của mấy ông giỏi nho có mầm thông minh từ nhỏ !
Tiếng Á với tiếng Úi vang lên từng nhịp theo những câu chỉ dạy xâu xa đầy ý nghĩa.
Ông Vỹ Thành với tay lấy tích trà ra khỏi vỏ bọc giữ ấm làm bằng trái dừa còn nguyên, chỉ cạo ruột ở trong, đít thì vạt một miếng phẳng để giữ thăng bằng.
Chậm rải, ông châm thêm trà vào ba chun uống dở, đoạn gật gù:
-Tư an cư nguy ! Tư an cư nguy !
Sở dĩ có mặt ông Vỹ Thành trong sự giáo huấn ngày hôm nay cũng là do lệ làng: Phải có ông thứ ba không liên can gì trong nội vụ để làm giám khảo trọng tài, make sure bảo đảm hai ông tía kia đừng có hứng quá mà đập nhừ tử hai thằng nhóc. Đôi khi không phải đánh con mình, mà đánh con người ta, mình hay bị hứng hoảng lắm!
-Ủa ? Cái gì mà có tư an cư nguy vô đây hả anh sáu Thành ? - ông Thành là em út của Đại Ngũ Long cong vòng - Mà nó là cái giống gì vậy...a...anh Sáu ?
-Hề hề... Thì đại khái, tư là một mình, an là ở không. Cư nguy là...hiểm nghèo đó mà...
Ông hai Thiên Sơn - anh cả của Ngũ Long cong queo - thủng thỉnh làm một ngụm trà nghĩ mệt:
-A... Cái ý anh Sáu là nhàn cư vi hổng tốt đó hả ? Ở không thét rồi mần biếng đó hả ?
Ông Chọi Văn Mất bập bập vài hơi thuốc rê rồi xen vào:
-Tui hổng nghĩ vậy đâu! Bữa thằng Chọi Văn Luôn con đầu lòng tui về phép mặc đồ lễ quân trường Thủ Đức có chữ đó: Tư an cư nguy. Tui hỏi thì nó nói: Muốn có hoà bình thì phải chuẩn bị chiến tranh. Thiệt ! Cái gì mà lộn xộn quá, muốn hỏi thêm nó nữa mà sợ con chê mình dốt nên hổng hỏi tiếp.
Mấy ông nhà quê miền Nam tánh tình dễ dãi xuề xoà, từ lúc đầu là nghiêm nghị giáo huấn con cái, xẹt qua tán rộng tán hẹp dăm câu nho, có chiến tranh và hoà bình, có cả tình bằng hữu thắm thiết của xóm giềng.
Bây giờ thì mấy ổng không còn nhâm nhi nước trà nữa mà là đã tới đế.
Đề tài chữ Nho và mùa màng làm ruộng vẫn là đề tài chính.
Nhưng ông Chọi Văn Mất còn một đề tài hấp dẫn của ổng nữa là thằng con trai lớn Chọi Văn Luôn sau khi tốt nghiệp khoá sĩ quan Thủ Đức thì vào binh chủng nhảy dù đánh giặc ngoài xa. Lâu lâu về phép thăm nhà với bộ đồ hoa huyết dụ làm mê lòng chòm xóm lắm.
Ông Vỷ Thành cũng mang một tâm sự hãnh diện không kém. Con lớn của ông: Vỷ Va Vũ, đúng ra chữ lót là Văn, nhưng bị bữa làm tờ khai sanh, ông Lục Tào Hón ở sở Toà xỉn rượu nếp than quên mất của thằng nhỏ chữ en nờ với dấu á. Từ chữ Văn thành chữ Va.
Sau nầy ông Vỷ Thành có gặp ông Lục Tào Hón để phải quấy cái quên cù lần kia, thì Tào Hón mới sửa sửa cặp mắt kiếng đoạn gật gù:
-Tui thấy Văn Vũ thì vừa có võ vừa có văn. Còn Va Vũ thì võ mạnh hơn văn. Thôi thời đại nầy mình cần võ hơn văn, chiến tranh hơn hoà bình. Một thằng thầy cãi cầm cặp táp hổng bằng một kẻ vác ba lô ra chiến trường.
Vỷ Va Vũ, đúng thiệt ! Vác ba lô ra chiến trường. Cùng khoá Thủ Đức với Chọi Văn Luôn.
Vũ vào Thuỷ Quân Lục Chiến. Vũ quánh dưới biển.
Chọi là Nhảy Dù. Chọi mần trên núi.
Thiệt là! Họ Vỷ chỉ biết lội chứ không biết leo.
Họ Chọi chỉ biết leo chứ không biết lội.
Một Họ theo Mẹ lên núi thành Thần.
Một Họ với Cha xuống biển làm Vương.
Hai thằng nhóc bị đòn thì đã lặn lâu lắm rồi, hồi cái lúc mấy ông tía bắt đầu nói chữ Nho và bùi ngùi nhớ mấy thằng con lớn sao đi xa chửa về...
Vọt ra ao tắm rửa cho sạch sẽ, bổng dưng hai thằng nhìn nhau mỉm cười. Bổng dưng hai thằng cảm thấy thân nhau.
Sau cuộc chiến hai tấm lòng độ lượng gần lại nhau hơn.
Không có thằng nầy nhốt thằng kia, giựt hết bồ lúa trong nhà.
Đó là nói về người quân tử.
Chứ không quân tử thì chữ không còn để nói !!
Do đó trong thư dẫn của TML (Tám Mõ Lết ) trong tập Biển Rộng Hơn Hồ có đoạn:
Bãi biển, hề, rộng !
Lòng người, hừ, hẹp !
Quân tử ! Quân tử !
Sóng cuộn mênh mang sóng cuốn mạnh. Mây trời thênh thang. Mây lướt thướt. Cõi giang hồ mênh mông. Ruộng nước bao la.
Hà cớ ! Hừ ! Hẹp !
Ông Chọi Văn Mất ngoài việc đồng áng thăm ruộng thả trâu, dư dả thì giờ khề khà chun rượu bàn tán chữ Nho, còn một thú tiêu khiển nữa là nuôi gà đá độ.
Chuồng gà của ông có ba dũng tướng:
Một chú gà tre tướng nhỏ nhưng lông mao tuyệt đẹp, ngũ sắc rỏ ràng, chuyên dùng cái cựa bén ngót để thanh toán địch thủ.
Một con gà nòi cao lênh khênh chuyên đá đòn. Đá đòn là dùng cái giò cứng rắn dệnh vào lưng vào bụng địch thủ cho đến quị mới thôi, như mấy bà ở làng Mơ Nghĩ kế làng Hoảng Thức vẫn hay cầm chày vồ núp sau khe cửa đợi mấy ông chồng say rượu lò mò về. Bửa ông chồng say rượu bung cửa mạnh quá làm bà vợ kẹt dính sau cánh cửa đến mấy ngày mới gở ra được.
Con thứ ba là con gà đem hảnh diện về cho ông Chọi Mất nhiều nhất, con gà điều. Tên nó là Vua, dân ăn giá sống nhiều hơn cà chua gọi là Dua. Chọi Văn Hưng ví von là Hoàng Đế. Tướng cao vạm vở, lông lá đầy đủ, màu sắc huy hoàng. Vừa đá bằng cựa vừa chơi bằng đòn, không con gà nào chịu nổi nó một hiệp, như ông bốc-xờ Tyson -Mai Cắn Lổ Tai - đập người ta muốn chết, sau nầy đuối sức đè lổ tai người ta ra nhậu.
Con gà Hoàng Đế vang danh khắp chốn giang hồ, đã đưa bao con gà thua độ vào nồi cà ri hay hầm thuốc Bắc, nên dân cáp gà độ ghét không thèm gọi nó là Hoàng Đế mà gọi là Gà Ba Chọi. Hưng là đứa thường ôm gà theo tía, vì vậy nó có luôn biệt danh Ba Gà Chọi.
Gió đưa đẩy và gió lung lay tụi nhỏ làng Hoảng Thức thành người lớn. Rời khỏi những trưa hè hực nóng tắm ao, bỏ luôn vị ngọt của lúa đòng đòng đượm mùi sữa.
Chọi Văn Hưng càng lớn càng bự con càng cảm thấy cái làng quê mình sao bé quá, không đủ cao cho Phù Đổng vươn vai thành Thần.
Văn Hưng khăn gói lên Sai Gòn hoa lệ tìm kiếm tương lai và sự nghiệp.
Nhưng những dép râu mặt tái hối hả thu dọn tài sản miền Nam, quét dọn sạch cửa sạch nhà, làm Chọi Hưng tròn con mắt ngó.
Kế lại chứng kiến Hằng Kim Loan từ giả người yêu về quê lạ lấy chồng xa.
Chọi Hưng tròn mắt lần nữa!
Quyết định ra ga lên xe lửa về lại quê nhà, nơi có một thời tuổi trẻ hồn nhiên.
Nhưng...!!
Quê không còn hồn nhiên nữa.
Quê náo loạn như làng Hoảng Thức xác xơ.
Con trâu không còn thủng thỉnh nghễnh cổ bên bãi cỏ xanh mà con trâu lặng lẽ cuối đầu gánh chịu bên đồng ruộng giờ tơi tả!
Cánh đồng trống không! Cánh đồng hợp tác xã.
Ông Thiên Sơn lựng khựng tới lui lẩm bẩm: Bần Cùng Xã!
Ông Chọi Văn Mất hốc hác mặt mày tồ quả, tồ quả suốt ngày, mong ngóng thằng con lớn Nhảy Dù mất tích lâu nay.
Ông Vỹ Thành trủng sâu con mắt dỏi tìm, thằng Thủy Quân Lục Chiến mãi vẫn chưa về.
Chọi Văn Hưng lại tròn con mắt lần nữa.
Chịu không nổi với cái không khí ngột ngạt, cái thòng lọng tham lam lạnh lùng xiết cổ ngày càng chặc. Cái ngu xuẩn hềnh hệch hốc mồm cười đểu.
Trợn con mắt lên, Văn Hưng ôm con chắt 6 đời Gà Hoàng Đế vượt đường bộ đi thẳng qua Thái Lan vào đến trại Chonbury để hằng đêm chảy nước mắt với tiếng tiêu ai oán và giọng ru buồn não nuột của Hằng Kim Phượng, người cùng quê một thời cũ...
Kiệt Trần
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 13/Dec/2017 lúc 6:27am
Đã hơn nửa năm trôi qua kể từ ngày ba chị em Vỹ Thanh rời xa vòng tay cha mẹ, rời quê bỏ xứ - nơi đã một thời yên ấm, hạnh phúc - để lênh đênh trên biển với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Và giờ đây ba chị em nàng cũng như những người dân Việt khác phải tạm bợ dung thân nơi xứ người. Kể cũng lạ, xứ mình mà mình không thể sống, không thể ở mà phải sang xứ người. Khi còn ở quê nhà, sau ngày quê hương bị trận bão đỏ tai ác thổi đến thì Vỹ Thanh thường nghe những thanh niên trai tráng trong làng hay ngồi bó gối và lẩm bẩm những câu đại khái như:
"Đôi dép râu dẫm nát đời trai trẻ
Mũ tai bèo che khuất bóng tương lai."
Lúc đầu nàng chả hiểu là gì cả. Nàng đi hỏi tía má nàng thì cả hai chỉ thở dài, đôi mắt long lanh, buồn bã và không đáp lại câu hỏi của nàng. Thấy vậy, Vỹ Thanh hoảng quá, không dám hỏi nữa. Giờ thì khỏi nói, nàng chẳng những hiểu mà còn nghẹn ngào mỗi khi nhớ về thời thơ ấu êm đềm xa xưa.
Từ ngày rời quê mẹ, không ngày nào Vỹ Thanh không trông ngóng về cố hương. Nàng nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ làng, nhớ xóm, nhớ bạn, nhớ bè, nhớ tất cả mọi người trong xóm. Nàng vẫn thường tự hỏi: "Hà cớ gì mà nên cớ sự? Hà cớ gì mà nàng cũng như biết bao nhiêu người dân Việt khác phải rời bỏ quê hương ra đi? Hà cớ gì...? Hà cớ gì....? Biết bao nhiêu cái "Hà cớ gì..." cứ len lỏi trong óc nàng.
Giờ đã bước vào cuối năm, mùa Noel đã đến nên càng làm Vỹ Thanh, Vỹ Trinh và thằng cu Vượng nhớ nhà. Gia đình nàng không phải đạo Công Giáo nhưng tía má nàng rất dễ, ông bà cho rằng đạo nào cũng tốt, cũng dạy con người đi theo con đường tốt lành. Bởi vậy, trước kia, khi còn ở quê nhà, đêm Noel nào thì mấy chị em nàng cùng Hai Gưng Gức, Ba Gà Chọi và mấy đứa trong xóm hay đến Nhà Thờ để xem hang đá, xem cây thông Noel.
Những người dân ở Trại Tị Nạn này cũng ăn mừng Noel lớn lắm. Trong trại không có cây thông Noel nhưng giữa sân Trại có một cái cây, không rõ là cây gì. Cây đó cao bằng một người lớn đứng. Mấy bữa nay, ba chị em nàng cùng những người Tị Nạn khác xúm nhau lại và chế biến những sợi "kim tuyến" làm bằng giấy. Rồi ra bãi biển lụm vỏ ốc về làm đồ trang trí treo lên "cây Noel". Chà, "cây Noel" này coi bộ cũng ngon lành lắm chứ. Tuy nó không đẹp, không sang trọng như những cây Noel thứ thiệt nhưng mọi người ở Trại Tị Nạn này rất vui mừng và hớn hở ngắm nghía "cây Noel" cây nhà lá vườn này.
Đó là mùa Noel xa xứ đầu tiên của tất cả mọi người ở Trại Tị Nạn này...
~::Người viết : langle ::~
"Cười với nắng một ngày sao chóng thế,
Nay mùa Xuân, mai mùa Hạ buồn chăng?"
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 19/Dec/2017 lúc 1:27am
Đó là mùa Noel xa xứ đầu tiên của tất cả mọi người ở Trại Tị Nạn này.... Mùa Noel mà Vỹ nhận được một đồng đô la từ cha Paul, người Mỹ da trắng ốm cao, chạy chiếc mô bi lết - mobylette - hai bánh xành xạch từ trại tị nạn nầy qua trại khác để làm lể nhà thờ, an ủi, chúc mừng giáo dân, những người hãy còn say sóng và đang hớn hở ngụp lặn trong không khí tự do vừa mới tìm được. Và đặc biệt, Cha hay cho mỗi cô nhi hay gia đình nghèo một đồng bạc với lời chúc liên miệng bằng tiếng Việt: -Chúc bình yên! Chúc bình yên! Chúc may mắn! Chúc may mắn ! Một đồng không mua được gì nhiều, nhưng lời chúc của một người lạ, khác màu da với tấm lòng chân tình đã làm nhiều cụ già bật lên khóc và làm những người tuổi trẻ bổng cảm thấy bùi ngùi. Đêm buông xuống lặng lẽ. Bổng chợt có tiếng tiêu trổi lên: Dù ban mai hay đêm đen Giọng thánh thót vẫn ca, lời nguyện vẫn rầm rì Hòa tiếng chim an ủi trong gió Cho đất trời bình lặng Xin những đớn đau tủi nhục ưu phiền trôi mau Xin bình yên đến với thương nhớ một đời dài ấm áp Thật ấm áp lòng Vỹ Trinh, người thiếu nữ e ấp mười sáu tuổi rưởi đầy mơ và nhiều quá giấc mộng màu ngũ sắc. Vỹ Trinh lặng thinh nằm yên đó, không ngủ, mắt phượng to mở. Thần trí bay lờ lửng với tiếng chim an ủi trong tiếng tiêu vỗ về. Cái ông Bắc Kỳ Chi đó thiệt đáng ghét! Ngày và đêm xoay vòng điệu Valse trong óc Trinh, nàng lắc cái đầu thì ổng sang điệu Rumba. Cứ nhẹ nhàng và cuồng nhiệt chiếm cứ cỏi lòng Trinh. Nhớ ngày đầu lúc xếp hàng lảnh đồ, cũng ông Lô Trưởng Trụi Kiệt mặt mày xấu xí nhưng có tấm lòng cãm mến phái đẹp vô bờ bến ấy, bắt chị em nàng ưu tiên lên trước giành mất chổ của ông Bắc Kỳ. Mà sao ổng không tỏ vẻ phật lòng gì cả mà còn cười mĩm với hai chị em nàng và trong con mắt có ánh sao vừa lóe sáng. Thậm chí ổng còn muốn cỏng thằng cu Vượng lên lưng kẻo mỏi cẳng thằng nhỏ, tội nghiệp! Bửa, Chi có đưa cho Vỹ Trinh một lon gạo nhờ nấu giùm, nàng nâng niu nồi cơm hôm ấy cho thật dẻo cho thật ngon, nấu cơm mà nàng chỉ muốn cầu nguyện sao cho nồi cơm thành nồi .....giò thủ. Vì nàng nghe nói người Bắc thích ăn giò. Nàng muốn thật chìu lòng người con trai mà lúc nào nhìn nàng mắt cũng thật long lanh. Người mà lúc nào cũng cung nắm tay lại khi có tụi quỷ sứ huýt gió ghẹo Trinh đi ngang. ~::Người viết : kiettran8 ::~
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 20/Apr/2019 lúc 6:27pm
Cái e ấp của Trinh khiến tiếng tiêu nào giờ buồn nảo nuột của Chi bổng thoáng lên nhiều âm điệu vui tươi, chở thêm một gánh mộng mơ.
Có lúc Chi muốn chuyển qua đàn Mandoline cho nó hợp với tâm trạng lưng tưng của chàng hiện nay. Nhưng cây đàn nhỏ xíu ấy nó rộn quá, hổng trữ tình bằng đờn ....cò hay còn gọi là Violin, tuy nhiên vĩ cầm mỏi cổ vì cái ngoẹo đầu ấy quá, nên Chi gom chút tiền của người chú họ tiếp tế từ tiểu bang khoai lang tây Idaho, mua được cây Guitar.
Buổi chiều hôm ấy, nắng chưa tắt.
Chi so giây đàn:
Yêu em từ lâu lắm, thuở em còn lẩm đẩm chạy chơi ....chạy chơi.
Bước thiên thần, em hụt em té, cỏi lòng anh đau. Ôi ! Đau !
Nay vẫn còn đau vẫn còn dại, dù em không còn hụt, không còn té.
Nhưng ....em liếc người ta. Em liếc người ta. Trời! Ta đau, đau hơn xưa.
Nhiều !
Rồi :
Nắng ôm vai em
Gió vờn má em ....em ơi! Anh ghét nắng, anh ghét gió!
Anh mong trời làm cơn mưa bão, nhưng đừng làm ướt dấu em đi.
Cho anh lẩn thẩn đếm từng dấu vết xưa, gom lại cho tình gần, gom lại cho tình nồng.
Cháy bứt tóc .....tim anh .....Em ơi !!
Dương Văn Chi sửa lại thế ngồi, nhìn trời, tóc xỏa vầng trán:
Sao Hè có nắng, sao Thu lá vàng bay.
Xuân đến cây xanh tốt. Đông về hồn bơ vơ.
Tôi mình ên đứng lặng, tiếc lá vàng rơi.
Tôi mình ên đứng ngắm, từng chiều về tả tơi.
Em ơi! Em ơi! Sao bước ngắn trong chiều Hè trời trong.
Em ơi! Em ơi! Chân em như chân sáo vào mùa Xuân lá non.
Thu về, em thả tóc bay theo chiều gió vàng.
Để lại mùa Đông mình tôi cô đơn.......giữa trời.
Chời ..........lạnh thiệt!
Vỹ Trinh yên lặng bó gối lắng nghe giọng ca ấm trầm và rền rỉ của chàng thanh niên quê quán ở vùng Đà Lạt, Lâm Đồng, nơi có cơn gió phẩy đủ lạnh để trở thành thi sĩ.
Hình như mọi thi sĩ đều được sinh ra ở những vùng đất lạnh lẻo hay đồi núi âm u hoặc nơi biển rộng và sông dài. Có lẽ những nơi chốn đó có gió mây và lá và sóng tụ về nhiều hơn, gom lại thành một khối nhét vào hài nhi, đến lớn, nổ tung ra, thành thi sĩ .
Ta ít thấy thi sĩ được sinh ra những vùng nóng chảy mỡ như Sài Gòn, vì có lẽ cái thì giờ để phe phẩy quạt mát chiếm hết thời gian chăng? Lần về Phi Châu ta cũng thấy ít hơn những thi sĩ.
Vỹ Trinh chắc lưỡi một cái ! Nàng không thể trở thành một thi sĩ được .
Quê nàng, một dãi đồng lúa, con sông và cái ao, đường đê và bùn. Nàng khó mường tượng được: Em thả tóc bay theo gió mùa Thu. Quê nàng, tóc bay thì tóc cứ bay. Thật là đơn giản, không cần phải đợi đến cơn gió mùa Thu. Bửa, cơn bảo lớn đến, tóc bao thiếu nữ trong làng bay rối lên, nàng đâu thấy thi sĩ nào lẳng lặng ân cần cầm lược gỡ tóc rối cho em.
Và cũng thật khó cho nàng hình dung: Em chân sáo mùa Xuân cỏ non. Quê nàng, xình nhiều hơn cỏ, không nhảy lửng tửng tránh xình thì chút nữa phải ra ao kỳ cọ , mất thì giờ lắm.
Tuy nhiên dù gì đi nữa, hiện thời thì lòng Vỹ Trinh xúc động lắm theo tiếng hát có âm điệu rầu rầu trách trách của Chi . Nàng muốn thủ thỉ cho Văn Chi nghe: Anh sẽ không chết cóng vào mùa Đông đâu! Em sẽ đan cho anh một tấm áo ấm suốt cuộc đời bằng những sợi len chân tình nhất trong trái tim và cỏi lòng của em.
Dương Văn Chi rời Đà Lạt về Sài Gòn theo học ở trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng sau thi đậu vào đại học Kỹ Thuật Phú Thọ ngành Hàng Hải mới được hai năm thì mấy ông dép râu hồng hộc chạy vô hì hục đóng cửa mọi trường lớp.
Sinh viên ngành hàng hải thì mấy ổng cho là có đủ khả năng đi đào giếng ở vùng kinh tế mới và đào đìa ở khu thủy lợi Lê Minh Xuân
Từ biển về....đìa.
Dương Văn Chi vội vàng cuốn bảng vẽ cùng hải đồ và comp*** chạy tuốt qua Thái Lan tị nạn . Dương Văn Chi là dân học về kỹ thuật nhưng lòng lại thật dể dàng xúc động với mọi sự vật . Con chim se sẻ bị gẫy cánh làm Chi xót xa mấy ngày liền săn sóc. Ngọn gió thổi nhanh khiến cành khô rụng, đủ làm Văn Chi ngơ ngẩn buồn phiền.
Nên thơ và nhạc của Chi hay lắm, đẹp đẽ như một bức tranh nhiều màu sắc mà dân học Mỹ Thuật cũng vẽ đẹp đến thế là cùng. Thiệt! Những người học về kỹ thuật lúc nào cũng có tâm hồn nghệ sĩ . Chắc có lẽ nhờ hai chữ Thuật giống nhau.
Dương Văn Chi vuốt vuốt mái tóc, hút một hơi thuốc lá, nhìn sang Vỹ Trinh thẩn thờ ngồi bên, đoạn trầm giọng:
"Bao nhiêu năm chờ em ở gốc đa đầu làng, chờ em suốt tuổi xanh học trò. Chờ nhau!
Em đi nhanh, kìa ngọn gió phất phơ áo dài. Thèm màu nắng lung linh em cười. Thèm ơi!"
Bây giờ thì Chi đưa Trinh về lại tuổi học trò vừa lở dở mấy năm qua. Bồi hồi, Trinh vẽ ngoằn nghèo những đường vô nghĩa trên mặt cát, những con đường định mệnh đưa Trinh đến đây, gặp Chi cho lòng vấn vít.
Thằng cu Vượng thì không thèm nghe những lời tỏ tình nồng thắm gì cả. Nó muốn Chi phải đàn hát những bài ca nhi đồng mộc mạc cho nó nghe.
Chi phải bậm môi chìu ý, vì Chi nhớ lời dặn của anh Chi, Dương Văn Hỉ:
- Nghệ thuật cua đào là phải cua vòng vòng chung quanh trước. Bố Mẹ Anh Chị Em của nàng là ta phải lấy lòng trước. Cô Dì Chú Thiếm Cậu Mợ thì ta không ke - care - . Được thì tốt mà không được thì cũng đừng phí thì giờ. Điểm chính yếu là nàng , đừng lộn qua cô hàng xóm láng giềng bạn của nàng. Trên đời, có nhiều người cua ....lộn lắm ạ !!
Bởi vậy Chi phải nghe lời Hỉ để ráng ca bản:
-Kìa con bướm vàng, xòe đôi cánh, bướm kia bay vô rừng! Tang tình tang .......Hết !
Thằng Vượng không chịu, bài gì ngắn tủn, bắt Chi phải chạy vào rừng bắt con bướm lại và ca tiếp cho nó nghe.
Oải quá, Chi làm luôn:
- Con trâu già nằm coi con bò con.....gậm cỏ.
- Con trâu già nằm coi con bò con.....gậm lúa.
Rồi Chi biểu thằng Vượng cứ vậy mà thêm chữ khác vô cho thành bài hát. Thằng Vượng khoái chí lắm, thiệt hợp với bản chất thông minh của họ Vỹ. Vừa đi tưng tưng, nó vừa ca bài ca có phần hùn sáng tác của nó:
- Con trâu già nằm coi con bò con....nhúc nhích ....Con trâu già.....
lúc lắc .....
~::Người viết : kiettran8 ::~
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 20/Apr/2019 lúc 6:30pm
Chào mừng Melbourne của Victoria xứ Úc!
Chào mừng Boise, thủ phủ tiểu bang Idaho!
Chào mừng Honolulu, điểm chính của quần đảo Hạ Uy Di!
Chào mừng Los Angeles, thành phố rộng rải của California !
Dân Việt Nam bỏ xứ tù đày hắc ám, hoan hỉ và ngơ ngác chào mừng những địa danh xa lạ nhưng nhiều quá những tự do hứa hẹn và những tương lai đầy ánh sáng. Cảm tạ Thượng Đế mở con đường !
Ba Gà Cà Ri dụi mắt vì ánh sáng chói chang của buổi trưa ở phi trường Melbourne, bổng giật mình vì tiếng gọi:
- Ê! Ba Gà Chọi!
Ba Gà hốc mồm:
- Ụa! Gưng Gứt!
Hai đứa cười rống lên nắm chặt tay nhau, bốn mắt long lanh hớn hở. Bạn hiền gặp nhau. Những người Úc nhìn thoáng qua tủm tỉm. Phút gặp lại nhau thật vui!
Đứng kế bên là một ông tóc hói đeo mắt kiếng trắng, bụng hơi phệ phệ. Đang cười cười nhìn hai đứa:
- Sao? Chọi Hưng! Mầy còn nhớ tao hông? Chú Lục Tào Hón làm ở sở Tòa hồi trước nè.
- Ý! Chú Lục Tào Hón! Chú đi đâu vậy?? Ra đón tui hả?? Mà chú qua đây lâu chưa??
- Ừ! Tao qua lâu rồi. Bây giờ tao đang mần việc cho hội người tị nạn ra đón mầy dìa đây.
Hưng mừng quá! Chưa chi mà đã gặp hai người quen cùng làng quê Hoảng Thức. Nó ước ao phải chi gặp được cả làng bên đây thì mừng quá!
Ba người dẩn nhau ra bải đậu xe. Ánh nắng chói chang. Trời nóng quá! Chợt chú Hón hỏi:
- Sao tụi bây có đói bụng hông? Tao làm vài cái trứng gà ăn liền hé?
Thiên Hải hết hồn vội cản lại:
- Thôi ! Thôi ! Chú à, ra tiệm ăn.
Số là bửa ông Lục Tào Hón ra phi trường đón Hải, ổng cũng hỏi vậy và thật tình Hải trả lời: "Đói lắm". Cái ổng mở cửa xe hơi lôi ra hộp nhựa xách tay, trong có mấy trái trứng gà sống và một thỏi bơ, dùng cánh tay áo lau lau cái mui chiếc xe hơi của ổng đang đậu ngoài nắng nóng "Để tao làm hai cái ốp la cho mầy há". Thoa thoa thỏi bơ trên mui xe, trời xứ Úc nóng lắm, xe lại đậu ngoài nắng cả tiếng đồng hồ nên bơ chảy ra nhẹ nhàng, đập hai trứng hột gà, tiếng xèo nho nhỏ nghe ngọt lịm. "Mầy muốn ăn chút tỏi hông?". Hải chưa kịp trả lời thì chú Hón đã lẹ tay lôi ra chai tỏi bột rắt rắt vài cái rồi xịt xịt vài giọt tàu vị yểu, đoạn dùng cái muổng nhựa xúc hai trứng hột gà vào trong cái dỉa giấy đưa cho Hải. Những người quê làng Hoảng Thức có nhiều thiên tài hoảng hồn lắm, vượt xa làng Mơ Nghĩ hay ngũ mê và hay quánh chồng.
Phi cơ đảo một vòng lớn trên đỉnh núi Đá Rocky Mountains , đoạn nhẹ nhàng đáp xuống phi trường Bôi Sì - Boise - thủ phủ tiểu bang Idaho, có phương châm bằng tiếng cổ La Tinh: Esto Perpetual, dịch qua tiếng Anh là: Let It Be Perpetual, chơi thành tiếng Việt của dân kỹ thuật Dương Văn Chi thành: Cứ Nối Tiếp Mãi.
Như tình yêu của Chi và Vỹ Trinh cứ tạm thời gián đoạn ngày hôm nay, nhưng rồi sẽ được tiếp nối lại vào ngày xa hơn ngày mai một chút. Chắc chắn sẽ nối tiếp chuyện tình đang dở lở. Dương Chi thầm chắc như vậy.
Ôi ! Em ơi ! Anh đang ở xứ có giòng sông Xà Giang - Snake River - chảy xuyên qua Vực Âm Phủ - Hells Canyon - sâu hơn cả Đại Vực - Grand Canyon ở tiểu bang Arizona .
Vậy trên đầu anh là rặng núi hùng vĩ cao ngất trời, dưới chân anh là vực thẳm đáy sâu. Em ơi! Anh không còn lựa chọn được cái bình bình, anh chỉ hoặc bay lên hoặc rớt xuống. Vỹ Trinh ơi! Đợi anh, em nhé!
Lại một chiếc Boeing khổng lồ khác đang lựa tư thế đáp xuống phi trường Honolulu, hải đảo san hô Hạ Uy Di. Honolulu là tiếng gọi của thổ dân xưa nay, có nghĩa là: Place of Shelter. Hằng Kim Phượng cứ thích nghĩ là: Nơi Chốn Yên Lành.
Đời Phượng nhiều đau khổ quá, những vết thương cứ nhức nhối khôn nguôi. Nàng hy vọng rồi đây gặp lại người tình xưa Hải Quân Nguyễn Huy Hoàng trên hải đảo thần tiên nầy , có nhiều nắng đẹp và gió vi vu, sẽ mơn mang đưa nổi buồn của nàng ra tận biển khơi và đắm chìm ngoài ấy. Cho cuộc đời nàng, những phút giây còn lại được bình thản ở Nơi Chốn Yên Lành nầy.
Nàng nhìn qua khung cửa máy bay, cảm tạ và cầu nguyện.
Cựu Hải Quân Trung Úy Nguyễn Huy Hoàng hôm nay diện đồ kẻng lắm, bộ âu phục nhẹ màu xanh nước biển, dù chung quanh mọi người cứ tà lỏn áo thung màu mè hoa lá cành đang ỏm tỏi cười nói chờ chuyến bay xuống.
Nhẹ đưa tay vuốt tóc, Huy Hoàng nở nụ cười tươi khi thấy Phượng vấp vướng theo hành khách bước ra. Hai con mắt Phượng đỏ hoe, nàng cố gượng, cố cầm cơn xúc động gặp lại người xưa thân mến. Đất Trời như rung chuyển, con sóng vổ rầm rì ngoài biển như dâng cao.
Huy Hoàng thét lên:
- Phượng !
Phượng thầm thì hụt hơi:
- Anh ??.....cái cà vạt anh đeo .....
Cái cà vạt lâu lắm rồi, nữ sinh Hằng Kim Phượng dành dụm tiền quà mua tặng lính thủy Hoàng hồi xưa, màu xanh nước biển có sọc chéo nhỏ màu đỏ và trắng. Trắng trinh nguyên của mối tình đầu tiên và mãi mãi, màu đỏ của sự cuồng nhiệt tuổi trẻ và màu xanh hy vọng hai đứa sẽ là của nhau.
Năm 1975, Nguyễn Huy Hoàng phải bỏ hết tất cả chạy qua Mỹ, nhưng kỷ vật của người yêu thì chàng mang theo với tất cả trân trọng.
Hôm nay đi đón Phượng ở phi trường, chàng mang lên kỷ vật ngàn đời không phai.
Nắm tay Phượng như ngày xưa hai đứa vẫn nắm tay.
Sao mới chỉ không bao nhiêu năm trôi qua mà tay em giờ không còn mềm mại như xưa.
Đời hất hủi em, người đày đọa em.
Em ! Em ơi ! Anh sẽ bằng mọi giá chở che và bao bọc em, đền bù cho những đoạn đường em qua có gai đâm suốt.
- Anh sẽ đưa em tới chợ lộ thiên vỉ đại Ala Moana ở Waikiki mua sắm ít thứ cần dùng, rồi chúng ta sẽ đến thăm Thảo Cầm Viên Honolulu ở Kapiolani Park. Hay là mình đến trung tâm Ward Centre mua .....áo cưới??
Phượng đỏ hồng mặt ấp úng:
- Sao .....cũng được .....anh!!
Nước mắt Phượng ứa ra ......!
Thành phố Los Angeles tráng lệ, nắng vàng rực chiếu, phi trường mênh mông. Ba chị em Vỹ ngỡ ngàng khép nép bên cạnh những người tị nạn rụt rè khác. Trên tay mỗi người xách theo một cái túi nylon màu trắng đựng tấm phim X- Ray chụp hình phổi, ngoài có chữ ICM.
Nhóm tị nạn đứng ngẩn ngơ riêng rẻ cô đơn. Mấy người Mỹ da trắng lướt ngang qua , ánh mắt dọ hỏi??
Bổng thầy Thái Hành từ đâu xâm xở đến:
- Ha ha ha! Chào quý vị ! Chào quý vị !
Thầy cười vang lên, thầy nói to giọng mừng rơn. Thầy bắt tay từng người, thầy vổ vai tất cả. Thầy khựng lại khi thấy Vỹ Thanh, đoạn thầy hét lớn:
- Vỹ Thanh ??
Vỹ Thanh bổng chợt ấm lòng. Thầy xưa, nay tóc đã điễm chút sương nhưng vẫn ấm áp tình người. Cử chỉ mạnh khỏe và tự tin của thầy truyền hơi ấm và sức hồi sinh cho đám người tị nạn đang ngơ ngác. Mọi người bổng dưng mạnh dạn hẳn lên.
- Dạ thưa thầy, em đây, Vỹ Thanh đây! Còn đây là Vỹ Trinh và Vỹ Văn Vượng ....
Có người xen vào:
- Xin lổi thầy ơi, cho tui hỏi cái nầy được hông ??
- Thầy à! Thầy ra đón tụi tui hả??
Cái có hai ba cô bắt đầu nhõng nhẻo:
- Lạnh quá thầy ơi!!
- Đói bụng quá thầy ơi!!
Thằng Vượng chợt la lên:
- Thầy ơi! Con mắc tiểu quá! Đi tiểu ở đâu hả thầy ??
Cả đám cười rộ!!
Boise, Idaho. Trời lạnh như chưa bao giờ trời được lạnh, gió không vi vu thổi, mà gió hồng hộc cuốn bay. Dương Chi co ro trong cái sơ mi mỏng dánh ngơ ngác nhìn quanh, không có tị nạn nào đồng hành về miền núi cao đất lạnh. Mỗi mình Chi với cây đàn và cuộc tình lở dở.
Bài thơ mà Chi nắn nót từng giòng của thuở còn là sinh viên Kỹ Thuật Phú Thọ bổng dưng chợt đến.
Như nén hương
trong bình nghi ngút
Chợt
hồn thơ thẩn
thả bay cao
Tôi muốn
Được là lá trên cành
đừng rơi rụng, là chim bay mãi giửa không trung
Tôi muốn
Được là người yêu chung thủy
Trọn đời này mãi mãi yêu em
Em nhỏ bé
hồn nhiên và
thơ dại
Tôi muốn tình ta vẫn ngàn thu
Thương sao nhiều!!
Viết bởi kiettran8
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 20/Apr/2019 lúc 6:32pm
Chú của Dương Văn Chi là Dương Văn Gì cùng vợ Trần Thị Nhĩ và 8 người con trai gái đang hớn hở ồn ào ra phi trường đón Chi.
Con trai lớn của chú Gì là Dương Văn Hả vội vàng cởi áo khoác trùm lên người Chi :
- Anh mặc vào cái nầy, không thì cảm chết!
Người con gái kế, Dương Thị Đâu Đâu:
- Anh uống tí canh xúp gà hầm măng và nấm cho ấm lòng anh nhá !
Dương Chi đưa tay đở lấy bình tích nhỏ:
- Con xin chào chú thím!
Lẽ ra người Bắc như Chi phải xưng là cháu mới đúng. Nhưng gia đình Chi ở trong Nam quá lâu rồi, từ mãi hồi xưa lắm. Nên cứ xưng là con với mọi người lớn trong gia tộc, kể cả gọi là Ngoại ơi, Nội ơi .....con đói bụng quá!
Tiếng con nó thân thương và gần gủi hơn quá lắm. Người lớn nghe ai xưng là con thì tự nhiên bị động lòng vô cở. Bao nhiêu bánh trái tiền bạc có thể họ đem ra cho hết.
Chú Gì cười ha hả, nắm vai Chi lắc lắc:
- Cháu tôi lớn quá rồi! Hơi đen tí! Nhưng phong độ hẳn!!
Thím Nhĩ mĩm cười:
- Giống bố quá anh nhễ!
Cô em thứ ba vui cười bước lại:
- Còn nhớ em không anh Chi? Em là Dương Thị Ngã Hỏi nè !
Chi gật gật đầu, chưa kịp trả lời ...
- Bố mẹ và anh chị đứng sát vào nhau, con chớp cho một tấm hình.
Thằng thứ tư hét lên. Dương Văn Hử!
Còn thằng thứ năm thì nảy giờ lẳng lặng quay phim, cái máy nặng cồng kềnh vác trên vai, nó bước chéo bên trái đoạn chéo bên phải rồi vòng vòng. Dương Văn Hổng.
Con nhỏ thứ sáu Dương Thị Chấm Than được sinh ra ở những ngày tị nạn trong trại lính Pendleton mà chú thím Gì Nhĩ hảy còn hoảng hốt và ngẩn ngơ trên đất Mỹ.
Còn thứ bảy và chủ nhật ....ý! Thứ tám thì là song sinh ở tại Idaho, có lẽ trong lúc vui mừng được thoát nạn và sung sướng với cuộc sống mới đầy tự do nên tinh thần của chú thím Gì Nhĩ đầy sảng khoái cực độ chăng ?? Dương Văn Vươn Lên và Dương Thị Hy Vọng là tên của cặp song sinh đang ngơ ngác ôm quả banh da trong tay và con gấu nhồi lông trắng trong lòng lặng ngắm cảnh trùng phùng của họ hàng gia tộc.
Mãi tuốt bên kia, nửa vòng trái đất.
Trong tận rừng thẩm của một địa danh xa lạ: Kà Tum. Kà Tum thuộc tỉnh Tây Ninh, cách Sài Gòn độ 100 cây số về hướng Tây Bắc.
Trung Úy Thủy Quân Lục Chiến Vỹ Va Vũ vác phần ngọn của cái cây cổ thụ vừa đốn ngã, Trung Úy Nhảy Dù Chọi Văn Luôn, bự con hơn nên vác phần gốc. Trung Úy Bộ Binh Sư Đoàn 2 Mõ Văn Lết, mà hồi trước từng dẫm xình ở vùng Quãng Ngải, vác phần giữa. Cả ba đang men theo đường mòn để ra lộ lớn về lại trại tù cải tạo có địa chỉ là Hòm Thư 7590. Hòm chứ không phải là Hộp. Những người có địa chỉ là Hòm thì cũng đồng nghĩa là đang ở trong quan tài. Đố chạy đâu cho thoát.
Như bửa có anh kia thắc mắc về Hòm Hộp, thì ông sĩ quan quản giáo giữ tù văng nước miếng giải thích là:
- Hòm nà hòm, hộp nà hộp. Hòm hộp hai cái có cái nà khác nhau đấy!
Mấy ông quản giáo có lối giải thích hay ghê lắm:
- Cách mạng với ba giòng thác nớn, nhất chí đánh cho Mỹ khóc Ngụy gào, tiến nên xã hội chủ nghĩa. Tập chung các anh, những kẻ ăn gan đồng bào, tội lổi cây rừng làm bút, biển đông làm mực viết không kể xiết .....
Mõ Lết trợn mắt nhìn Va Vũ và Văn Luôn hỏi nhỏ:
- Tui bây ăn gan đồng bào hả??
Hai thằng lắc đầu quầy quậy!
-......Cách mạng khoan dung, cho các anh ăn học tốt thì về .....
- Thưa anh, thế nào là tốt??
- Thì tốt ....nà nao động tốt! Học tập tốt ấy mà ....Ối giào ! Thế cũng hỏi. Anh Nực đâu ? - đúng ra là Lực - có cái nà cầm cáng cho anh em hát một bài cho phấn khởi nào!
Anh Lực cũng là một anh tù sĩ quan cải tạo. Ảnh đâu có rành về nhạc pháp đâu? Ảnh cũng đâu có hai cây đủa bạc để đánh nhịp điều khiển ban nhạc hòa tấu? Ảnh cũng cứ nhận đại cầm cáng cho cả gần ngàn tù cải tạo hát trong hội trường được lợp bằng mái tranh và gổ cây rừng đốn về .
Anh Lực cứ quánh tay loạn lên! Thật ra là động tác bốc thẩy, bốc thẩy. Bốc phần dưới bụng rồi thẩy lên. Gương mặt thì tỏ vẻ nghiêm trang thành khẩn. Bốc thẩy loạn xạ! Thiệt! Tức cười muốn chết mà hổng dám cười! Bài ca thì cũng dể thôi, dựa theo bài thơ cả nước đều biết của một đại danh hào thi sĩ Cù Huy Cận:
- Như có bác tài trong nhà thương Chợ Quán ....
Tiếng ca vang cả núi rừng. Mấy con chim ngơ ngác nhìn quanh, đoạn vụt vổ cánh bay đi ......
Một B như vậy là tập hợp của hai trăm con người ở chung một phòng dài, cấp bậc từ thiếu úy một mai vàng đến đại úy ba mai. Mai bạc là Thiếu Tá hồi xưa, trở lên cao nửa thì được nhà nước ta âu yếm gởi tuốt ra Bắc đếm lá vàng bay mùa Thu trên đỉnh Chu Prong gì đâu đó.
Nhà nước phát cho mỗi người một cuộn chỉ, mút hết chỉ thì được về. Đôi khi có người lẹ làng mút hết chỉ mà vẫn chưa được thả, thì nhà nước ta lại phát cho cuộn chỉ bự hơn mút tiếp, khỏi bản án gì cả, khỏi Công Pháp Quốc Tế gì rườm rà mệt mõi.
Bốn B thì thành một khối, gọi là C.
Ba trung úy tuổi đời còn trẻ măng ở chung với nhau làm bạn thân thiết trong tù, ngày ngày đi làm công tác chung với nhau, đói cùng đói, no thì không có đứa nào no, nhưng hể có cục đường tán thì chia nhau, không chơi cái tình lũm hết một mình. Cả ba gã tuổi trẻ dể dàng tâm sự nhau tất cả mọi chuyện, không e dè gì cả.
Bửa Chọi Văn Luôn tướng tá bự con nhất, leo lên cây cao tìm hướng đi thì bổng thấy một con kỳ đà đang bám vào nhánh dưới, thế là Văn Luôn rống lên một tiếng phóng thẳng xuống con kỳ đà, cả người cả vật cả nhánh cây rớt xuống cái đùng. Va Vũ và Mõ Lết phi thân tới liền cứu bạn. Hai tay Văn Luôn ôm cứng con kỳ đà. Kỳ Đà hết hồn hết vía! Xui quá gặp ngay những gã đói triền miên, giá nào chạy cho khỏi.
Thường thì mỗi ngày có nhiều toán vào rừng chặt cây để làm cột, mè, rui xây nhà. Toán khác cắt tranh để lợp mái. Toán nữa đốn tre chẻ nhỏ thành lạt để làm dây cột. Ai nấy cái bụng cũng xẹp lép, khẩu phần là hai chén cơm nhỏ mỗi buổi, ngày hai buổi. Ăn vào còn đói bụng như chưa ăn, nên phải phân chia nhau có kẻ đi tìm thức ăn, còn những người kia phải cáng đáng thêm phần vụ của người nầy.
Bửa Tám Mõ Lết phát giác được một gò nấm mối sau trận mưa nhỏ vừa tàn. Hắn mừng quá vội cởi cái áo đang mặc bứt hết nấm túm lại, hớn hở ra điểm hẹn. Ba đứa nổi lửa luộc ngay một nồi rồi nhậu hết. Báo hại cả ba run lên cầm cập, tưởng chết tới nơi. Hình như nấm mối có một chất hóa học nào đó khiến người ta bị cảm hàn!
Bây giờ là mùa mưa, mưa trong rừng sao tự nhiên thảm não hơn mưa ở thành phố gấp bội. Hình như những giọt mưa rừng ướt hơn, làm cõi lòng con người dã dượi. Lại là tù, vừa đói vừa xa. Những thân thương bổng nhiên luyến tiếc dể sợ. Trong những giấc mơ oằn oại, kỷ niệm cứ về và ở lại, không chịu tan đi.
Vỹ Va Vũ cứ nhớ mãi hôm nào cùng Quách Chu dạo phố Sài Gòn. Bộ đồ trận vằn xanh đen xậm của hoa biển mãi ngoài khơi xa với nón bê rê xanh và đôi giày bốt cao cổ bóng loáng bên cạnh nàng nữ sinh thẹn thùa trong vui sướng và hảnh diện đã làm nắng lung linh hơn, nhạc tình rộn ràng réo rắc
Chọi Văn Luôn thì cứ mãi băn khoăn về kỷ vật cũ, đóa hoa Hải Đường mà người tình Khiết Minh có đề tặng nhưng không thấy đâu cả trong phong bì ngày xưa. Hắn cứ dỏi mắt tìm hoa. Giồng rau muống làm giống sắp già nở ra hoa mà hắn cứ ngộ nhận là hoa Hải Đường, khi được biết đó là Hoa Rau Muống thì hắn lắc đầu buồn bả bỏ đi.
Mỏ Văn Lết thì cứ lầm lì không hé môi kể chuyện tình xưa cho hai bạn thân tình nghe, như hắn không có chuyện tình nào lưu luyến ở thế gian cả.
Thời gian trong tù cải tạo nhích đi từng bước thật ngắn. Trong những bước ngắn ấy có quá nhiều nỗi nghẹn ngào vô tả.....
Biển ở Hạ Uy Di là biển lặng. Màu xanh êm ả trắng trong. Ba năm về trước, ngày hôn lể của Phượng Hoàng có chị em Vỹ Thanh và thầy Thái Hành bay ra tham dự. Buổi lể được tổ chức ngay trên bải biển đầy cát trắng ở đảo Lanai.
Chú rể Nguyễn Huy Hoàng trong bộ quân phục đại lễ Hải Quân Việt Nam màu trắng toát oai nghiêm, viền tay màu vàng Hoàng Gia, lưởi gươm dài uy nghi bên cạnh sườn phải.
Cô dâu Hằng Kim Phượng dản dị trong chiếc áo dài trắng nữ sinh, cổ đeo một vòng hoa hồng đỏ tuyệt đẹp mà người địa phương gọi là: Lei, có ý nghĩa là tình yêu vỉnh cửu. Hể hoa nầy tàn thì sẽ có hoa khác tiếp nối. Hoa không bao giờ biến mất ở thế gian. Ngay cả ở địa ngục cũng có hoa. Hoa Địa Ngục (Nguyễn Chí Thiện)
Thật là đẹp đôi bên nhau! Nước mắt của Phượng cứ chảy xuống trong niềm vui hạnh phúc.
Hồi lúc vượt biên ở trên biển, bao nhiêu là dằn vật tủi nhục. Nay thì được bao nhiêu là an ủi vổ về.
Nàng gặp người tình quân tử. Nàng bổng cảm yêu Hoàng quay quắc. Giờ thì nàng chợt biết, lúc nào Thượng Đế cũng dỏi mắt nhìn người thế gian, phạt thưởng công minh.
Trên bải biển yên vắng ngày hôm nay, dưới bóng râm của rặng dừa và trong cơn gió phe phẩy đưa mát. Có gần hai mười người bạn thân cùng ba ông thổ dân với mấy cây đàn Hạ Uy Cầm trong tay, tham dự buổi lể cưới của Huy Hoàng và Kim Phượng.
Thầy Thái Hành là chủ lể. Trịnh trọng thầy nói:
- Được diễm phúc chứng kiến buổi lể thành hôn của hai em, thầy thật vô cùng xúc động!
Thầy muốn hai em nhìn về hướng nước Việt Nam, khấu đầu ba lạy xin phép và tạ ơn Cha Mẹ.
Thầy chỉ muốn nhắn nhủ hai em:
Cho dù sau nầy có mưa bảo gió lớn hay yên lành phẳng lặng.
Cho dù có bệnh hoạn hay khỏe mạnh, cho dù có nghèo nàn túng thiếu hay dư dả phủ phê.
Hai em vẩn phải nắm tay nhau như tay hai em đang nắm.
Hai em vẩn phải yêu chìu nhau như bây giờ hai em đang yêu chìu nhau.
Sẽ không có bất cứ một lý do gì khiến hai em phải thay đổi cái tâm tình của ngày hôm nay.
Hai em có hứa với nhau và với những người đang được cái diễm phúc chứng kiến buổi hôn lể quan trọng cả một đời của hai em?
Hoàng nói thật rõ:
- Dạ! Xin hứa !
Em ơi! Từ nay và mãi mãi trên con đường em đi, có anh bên cạnh đở bước chân em, có anh lanh quanh bảo bọc những góc cạnh nhọn của cuộc đời đâm vào làm em đau. Anh hứng và chịu hết cho em và con những giấc thanh bình.
Phượng thì thầm trong nước mắt chảy tuôn:
- Dạ !.......em xin hứa!!!
Anh ơi ! Trong tận cùng tâm khảm, em vô vàn cảm tạ tình yêu độ lượng của anh. Bằng bất cứ giá nào, em sẽ mang về anh nụ cười thoải mái cùng niềm vui trọn đời còn lại. Em sẽ nấu những buổi cơm ngon vừa lòng, em sẽ giữ tổ ấm của anh thật ấm. Em sẽ sinh cho anh những đứa con hùng dũng như anh và thùy mị như....em.
Vỹ Trinh và Cu Vượng mang ra hai cái nhẩn vàng. Mọi người vỗ tay reo hò inh ỏi. Tiếng chúc tụng vang lên trong tiếng cười rổn rảng của mấy người bạn của Hoàng:
- Ê! Hoàng à! Chúc mầy ngàn năm hạnh phúc bên người đẹp!
- Ê! Hoàng! Tao muốn cột chèo với mầy. Vợ mầy có em gái hông ??
- Chúc mừng chị Phượng!
- Một đời hạnh phúc!
- Chúc chị, chúc chị, chúc em, chúc em. Hạnh phúc. Vui vẻ!
Ba ông thổ dân nở nụ cười toét miệng, cầm đàn và trống lên, làm ngay một bản rộn ràng phấn khởi.
Cu Vượng không bỏ lở cơ hội, múa tay múa chân nhảy theo điệu nhạc Pop reo vui cùng với mấy đứa nhóc trai gái của ba ông thổ dân.
Cạnh bên là một cái bàn dài có bông hoa tua tủa sắc màu, có con heo quay chểm chệ án ngữ, có thức ăn và trái cây. Bia và rượu champagne được lôi ra từ mấy thùng đựng nước đá ướp lạnh. Tiếng nút chai champagne nổ bốp bốp hòa cùng tiếng sóng réo gọi cùng tiếng gió thướt tha trong cơn nắng nhẹ và tiếng ỏm tỏi nói cười, nghe vui tai như cuộc tình Phượng Hoàng tràn ngập ái ân.
Có một đàn chim lượn ngang trên trời, kêu lên quác quác rồi bay ra biển, đùa với sóng.
Viết bởi kiettran8
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 20/Apr/2019 lúc 6:37pm
Năm Sún ú ù...
Hôm nay buồn quá, cả nhà về quê ăn Tết hết rồi, còn có mình tao ở nhà "trực trại"... nên tao soạn sách vở...đem phơi, chợt trong quyển sách cũ rơi ra tờ giấy cũ mầu trắng đã ngả vàng... trên đó có những dòng thơ nầy.
.Đọc rồi buồn ghê chợt nhớ đến Vỹ Thanh. Không định viết thư thăm mầy mà sao bổng dưng nhớ mầy lạ lùng, nhớ tất cả các bạn, nhớ từng khuôn mặt của bọn mình...nên tao chép vào đây cho mầy đọc lại những dòng thơ của hai đứa bây ngày xưa. nếu là tao chắc tao khóc quá!!
Ngày xưa đó sao đẹp nhưng chúng mình có ai biết là nó đẹp đâu!! Ngày xưa đó sao mà dễ thương, nhưng cuộc đời của chúng mình có mấy ai được trời thương ban cho ước mơ và hạnh phúc? Cho những dòng nầy là tâm sự mở đầu cuối lưu bút của Vỹ Thanh: "Xanh Mãi Còn Xanh..."......
Úp lá thư của bạn lên ngực, Thanh nghe lòng mình chơi vơi về miền quê giờ đã xa lắc lơ đó. Thanh đang cố moi óc ra coi đó là thơ chép hay thơ của mình..?? .Không nhớ nổi...có lẻ khúc trên là thơ Hải sưu tầm hay là của anh ấy cũng nên vì Hải làm thơ cũng hay lắm mà...Chắc là sưu tầm nên có trong hai cái dấu ngoặc kép, còn đoạn dưới Loan nói là thơ của nàng hoạ lại...Phải hong đó Thanh lắc đầu không nhớ nổi !! .Thuở đó bọn Thanh thường hay chơi hoạ thơ với nhau kiểu nầy., người đưa ra đầu đề có quyền " sao chép " một đoạn nào đó, người tiếp theo phải tự mình ..làm thêm đoạn dưới....
"Ngày xưa trời ở trên trời
trời xui đằng ấy đến ngồi bên ta
ngày xưa đằng ấy nhà xa
tại trời mưa quá nên ta đưa về
ngày xưa đằng ấy tóc thề
ta thời tóc ngắn nên về tương tư
ngày xưa ta viết phong thư
đằng ấy nhận được hình như bằng lòng
ngày xưa có tiếng thì thầm
" mai sau đừng có thay lòng đó nha ..."
Hoạ:
Bây giờ đằng ấy đi xa
Chờ đằng ấy mãi sao mà im hơi
2 người xa cách phương trời
Dòng thơ lưu bút cũng phai nhoà rồi
Có lẽ đằng ấy đã thôi
Không còn nhớ nữa một thời mộng du
Chiều nay nhận được lá thư
Mở ra đỏ thắm 1 tờ thiệp xinh
Chiều nay ngồi khóc 1 mình
Buồn cho ngày tháng đợi tình trong mơ
Một thời ta đã tôn thờ
Bao hy vọng đẹp bây giờ tiêu tan.
Viết bởi Hoa Hạ
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 20/Apr/2019 lúc 6:39pm
Nhắc chi những chuyện ngày xưa
Hồi còn bé xíu, hồi chưa biết buồn
Ôi! Ngày xưa nay còn đâu....Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu...hic hic.....
Ngày xưa nhỏ thích hoa Soan
Mọc đầy trên những đồi hoang sau làng
Nhỏ hay cùng hắn lang thang
Dạo chơi đuổi bướm bắt mang về nhà
Tính nhỏ hay thích la cà
Mỗi lần về trễ bị la hổng chừa
Nhỏ còn thích cả tắm mưa
Hắn chiều đủ thứ cũng chưa vừa lòng
Đã vậy còn trách hắn ngông
Càng lớn càng khó càng không biết điều
Hay hờn hay giận lại kiêu
Chỉ vì hắn dễ mới chiều nhỏ thôi
Những ngày xưa đó qua rồi
Hoa Soan vẫn nở trên đồi hoang sơ
Bây giờ hắn tập làm thơ
Ghi vào nhật ký giấc mơ không tròn
Gió đồng thổi ngọn cỏ non
Cánh hoa Soan cũ hương còn ngất ngây.....
_________ MC
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 20/Apr/2019 lúc 6:40pm
Lẳng lặng cuối xuống , nàng đọc tiếp...nhưng lại lấy nhằm thư của Hải đang để kế bên...
"Nhưng anh nhất định là không chết nếu không có em bên cạnh, mà nếu có em bên anh thì anh lại không có lý do gì để chết nữa. Thật ra là anh chỉ muốn bất tỉnh thôi , bất tỉnh để quên đi nổi buồn em hảy còn ở quá xa, bất tỉnh để không thấy tình mình không gần. Nhưng anh lại quyết định không bất tỉnh nữa mà phải tỉnh táo hẳn lên để tìm lại con đường nào thật gần về lại bên em. Được sáng trưa chiều tối mang nước nhìn em rửa mặt ...."
Xạo thí mồ tổ....huhu...
Vỹ Thanh cong môi xì một cái .....anh mới xa tui có được bao lâu đâu mà những lá thư nồng nàn ngày đó thưa dần.Rồi tàn nguội, lạnh ngắt lạnh ngơ như những đêm đông về..Tui phải lấy thư cũ ra đọc lại nè.. để hâm nóng cái tình xa xôi qua mấy cái biển xanh ngập sóng...Phải rồi Trời và Biển có bao giờ gặp nhau đâu nên con tim một đường cái miệng anh một nẻo..cái tay anh một nơi... tim thì nói yêu tay anh làm biếng viết...miệng anh nói nhớ thương mà cái đầu thì lo kiếm tiền...
Thanh quơ con gấu nhồi bông ném về góc giường rồi khóc thành tiếng Từ Úc bay qua đây đi thăm nhau mà anh đi hỏng tới thì nói gì cùng nhau đi tới thiên đường của hạnh phúc mai sau...Tên anh là Hải là biển mặn như muối ấy chứ....Thiên đường của mật ngọt chắc không có trong biển.. Thanh không muốn biển mặn , Thanh cũng không muốn biển nhớ..nhớ mà đến một biển thì nhớ xác xơ tâm hồn rồi sống gì nổi..! bây giờ mà Hải có ở đây Thanh sẽ bắt chước Loan cắn cho hắn một cái ngập răng...chảy máu tay dấu răng như dấu cái còng số 8 theo anh cả đời..
--Reng !!! Reng...!! Reng...!!
Thanh giật mình,..ngơ ngác......
Trời..! Mau quá mới đó mà đã hết đêm rồi, Thanh bật ngồi dậy, một ngày mới với những công việc thường lệ đang chờ nàng: Vừa nấu cơm đem theo ăn, vừa làm vệ sinh cá nhân, dọn dẹp...thay đồ và ..chạy xuống nhà, leo lên xe, lao ra đường ...một ngày như mọi ngày, vẫn thế ...
Hoa Hạ
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 20/Apr/2019 lúc 6:42pm
Vừa về đến nhà, Vỹ Thanh đã ào đến máy điện toán, lòng rộn rã niềm vui. "Người đó" vừa nói chuyện với nàng buổi tối tuần qua, chỉ được dăm mười phút ngắn ngủi nhưng nàng vui làm sao! "Người đó" hứa hôm nay sẽ tặng nàng một món quà nhỏ.
Đây rồi, có điện thư! Vỹ Thanh hồi hộp đọc
Áo ngủ màu xanh lá cây
Có đầy ca rô màu đỏ
Túi nằm ngay bên trái tim
đựng gì? Những niềm vui nhỏ?
Em buông câu nói thành thơ
Để anh ôm lòng thương nhớ
Em yêu, em có nằm mơ
Ở đây đêm nào cũng mớ
Yêu em thầm lặng
Vỹ Thanh nghe tim nhủn ra.....
Viết bởi : Phan Tâm
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 20/Apr/2019 lúc 6:43pm
Vỹ Thanh nghe tim nhủn ra.....
Yêu em thầm lặng ...Yêu em thầm lặng ....Yêu em thầm lặng .. Bốn tiếng ấy ngân nga trong đầu ..trầm bổng du dương như một bản tình ca tuyệt vời nhất !!
"Yêu em thầm lặng" Là một món quà thì quà nầy không nhỏ đâu!! Đối với nàng sao mà bất ngờ quá, lớn lao quá nên nàng đâm ra... ngơ ngẩn .. Đọc không biết mấy lần mà thuộc bài thơ của người đó rồi! Hay tại... nó ngắn mà chỉ có 9 câu thôi ... nhưng niềm vui đến thật lâu dài.
Thanh chạy chân sáo lại mở tung hai cánh tủ ra. Chống tay nghiêng đầu tìm kiếm. Không, Thanh không có cái áo nào mầu xanh lá cây có đầy sọc đỏ. Mai nhất định sẽ lùng mấy cửa hàng để mua. Ờ mà áo ngủ có túi không nhỉ ?! Nhưng không cần, gặp áo nào mầu xanh sọc đỏ có túi là mua hết ..Túi đựng niềm vui mà, mua biết bao nhiêu cho đủ đây !! Hi hi túi không để đựng tiền mà để đựng niềm vui, niềm vui ấp ủ con tim muộn phiền của nàng ...hay thật!! Nàng lại lăn ra giường ôm một chú gấu bông vào lòng ...
- Misa ơi hôm nay tao vui lắm mầy có biết không vậy ?
- Đồ ngốc ..!! Mi mà biết gì ..hihi ..
- Mi có biết người đó ... không?
- Mi có biết ...người ta bảo xa mặt cách lòng có đúng không ?
Xa cách nhau bao lâu nay rồi Thiên Hải có còn nhớ đến nàng không? Nhớ sao không đi thăm nàng ? Nhớ sao không gửi thư cho nàng? ...và thời đại @ ...com bây giờ chỉ cần vào máy điện toán là có thể chuyện trò với nhau rồi ...sao Thiên Hải lại làm thinh như thế .. Thanh ở đây một mình bơ vơ cô độc quá mà.. nàng cần một người bạn để san sẻ vui buồn chứ không cần tiền, mà Hải chỉ lo kiếm tiền không nhớ gì đến nàng hết... Thanh nghe nói Hải đã gặp lại bạn, cái thằng Ba Gà Chọi đó nó cũng đi qua Úc rồi .. hai người hợp tác lập nông trang nông trại gì đó giàu lắm ...Thanh đâu có cần tiền nhiều dữ vậy đâu... nàng cần những chiếc túi và giỏ xách đựng đầy niềm vui. Hôm nay người đó đã cho nàng từ máy điện toán nàng đem vào giấc ngủ
"Em thương em có nằm mơ"
Ở đây đêm nào cũng mớ .."
..và ngày mai nó sẽ theo nàng vào sở làm ...
Người viết: Hoa Hạ
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
Người gởi: Hoa Hạ
Ngày gởi: 20/Apr/2019 lúc 6:45pm
Bài tình ca anh hát
Thư tình viết chưa xong.
Nhoẻn miệng cười một nửa
Buồn một nửa vào lòng
Áo em mầu nhung nhớ
Không sọc đỏ ca rô
Nhỏ nhoi cành Hoa Nắng
Theo nổi buồn đi rong.
Niềm vui nằm trong túi
Cho đêm ngủ nằm mơ
Thấy thiên đường rộng mở
Anh thương anh có mong ?!
Ngày nay Vỹ Thanh vào sở nhưng không làm việc mà chỉ làm... thơ !! Loay hoay cả buổi sáng được có mấy câu... không hay gì hết nhưng kệ... Bấm nút gửi xong Thanh lại hối hận... Đang ngồi thừ người ra suy nghĩ, bổng ...
- Reng ...reng ...reng....
Thanh nhấc máy lên, chưa chi đã nghe tiếng Vỹ Trinh nói dồn dập:
- Chị Thanh phải không ? Chị ơi, chị có hay chưa ? Năm Ngò bạn chị... Năm Ngò chị ấy chết rồi .!!
Chúa ơi! Năm Ngò chết thật rồi sao ?
Đứa bạn dễ thương và hiền như cục đất, mà sao phận bạc như vôi. Hồi đó trong làng mấy ai biết nó còn có cái tên cúng cơm là Kim Hiền đâu?! Mọi người đều gọi nó là con Năm Ngò, cái tên giản dị mà thân thương như mùi Ngò ngan ngát trong tô chanh chua cá lóc cá Pasa, trong tô canh Khoai Mở, Khoai Cao nấu với Tép, hay trong tô phở Bắc nồng nàn... cái mùi gợi nhớ quê hương không dễ gì quên được. Vậy mà bây giờ nó chết rồi .!!
Cái chết "lãng xẹt" mà tức tưởi, Cái chết mang nó đi một cách bất ngờ với đứa con gần 6 tháng tuổi trong bụng Mẹ và để lại một thằng con trai vừa mới lên ba bốn tuổi. Hôm trước ông Ngoại nó mất, hôm sau đến phiên nó. Trong nhà Mẹ Ngò liên tiếp hai người trước sau nằm xuống... Mẹ nó xĩu không biết mấy lần, ở vào thời ăn độn khoai sắn Một gánh bún riêu nuôi không biết bao nhiêu người, cuộc sống vất vả cơ cực cứ âm thầm trôi... Rồi Năm Ngò cũng có chồng. Giao lại gánh Bún riêu cho Mẹ, Ngò phụ mẹ chồng ra chợ bán tàu hủ và đồ chay vì gia đình bên chồng ăn chay trường. Thương con chưa quen cảnh tương chao nên Mẹ nó thường gọi nó về nhà... lén cho ăn bún riêu cho đở thèm. Nhìn con hít hà vì cay và húp nước bún riêu đến "cạn đáy" tô mà Mẹ nó khóc sụt sùi giọt vắn giọt dài ...
Gia đình bên chồng Ngò trước kia cũng thuộc loại khá giả, thành phần công chức trước 1975 nên bây giờ cũng còn "quan cách" lắm Năm Ngò về làm dâu nhà nầy cũng lắm nổi đắng cay. Lúc năm Ngò có bầu thằng con lớn, thèm bún riêu mà phải trốn về nhà Mẹ để ăn cũng đủ biết vàng thau.
Hôm Ngoại nó mất, hai anh của nó chưa về kịp chỉ có mình Mẹ nó với đứa em thơ ... nên Năm Ngò xin Bên chồng cho nó về nhà phụ giúp với Mẹ lo đám tang cho Ngoại. Không ngờ Bà Mẹ chồng bảo không được đi vì đang có bầu... về đám tang như vậy chừng sinh con nó khóc chịu sao thấu... Nhà Ngò gần bên với nhà chồng, ngồi ngoài hàng hiên nhìn sang thấy Mẹ thấy em lăng xăng, khóc lóc... lòng nó nóng như lửa đốt mà "lệnh" đã không cho thì nó làm sao dám về? Mẹ Ngò chờ hoài không thấy con gái về phụ nên đâm ra giận nói lẫy:
-Thôi Ngoại nó mất mà nó không về thì thôi, tao coi như không có đứa con nầy vậy.
Sáng hôm đó khoảng 10 giờ rưởi, Năm Ngò ngồi ngoài hàng hiên nhìn qua nhà mình như nhìn đám tang xa lạ. Bản tính Ngò rất hiền, hồi đó đi học ai làm gì thì Ngò làm theo ai biểu gì thì nó làm cái đó, ai nói gì thì nó cũng chỉ cười trừ. Nhưng hiền cũng đến mức nào thôi chứ nhà nó đơn chiếc không người, Ngoại nó mất mà không cho nó về nhà phụ giúp thì nó còn hiền được không... nên khi chồng nó đạp xích lô về, vô đến nhà thấy nó ngồi khóc chưa cơm nước gì cả nên sẳn giọng hỏi Ngò:
-Giờ nầy sao không lo cơm nước mà ngồi đây ?
Ngò cũng sẳn giọng trả lời:
- Ngoại tui chết giờ nầy chưa ai về kịp bên nhà không có ai phụ với Má tui sao không cho tui về phụ Mẹ? Cơm nước ngày nào mà không nấu còn Ngoại tui chết có một lần.
Trong nhà bà Mẹ chồng nghe liền tru tréo khóc lóc lên... thế là ông con trai bênh Mẹ hai đứa cải vả rồi đánh nhau. Sức Năm như cọng Ngò trước gió mà gặp ông chồng lỡ vận lại có học võ. Những cú đấm cú đá thô bạo làm Ngò đau đớn quá nên gầm lên nguyền rũa:
- Anh có giỏi thì đánh tui chết đi, tui mà chết tui về báo oán cả dòng họ nhà anh cho coi...
Mà ngộ thiệt, con trai và con dâu mình đánh nhau trước mắt mà Mẹ chồng nằm đung đưa trên võng tỉnh queo coi như... "ne pas". Chắc bà quên con dâu bà đang mang đứa con thứ hai trong bụng. Ủa mà bà đâu có quên, bà thương nó lắm chứ, bà còn sợ nó theo Mẹ về đám tang khi sinh ra sẽ khóc hoài kia mà!! Còn chồng Ngò nữa, đàn ông mà đánh vợ tay thoi chân đá... và bóp cổ vợ như bóp cổ kẻ thù không đội trời chung ..!! Chắc những nổi nhọc nhằn vì sinh kế, nổi thất vọng chán nản của một hạ sĩ quan đi học tập cải tạo về rồi... không tìm được một việc làm khả dĩ nuôi vợ nuôi con, ngày ngày đạp xích lô kiếm sống một cách nhọc nhằn tủi cực làm cho chồng Ngò như quẩn trí, đè nén lâu ngày bây giờ có dịp trút hết cơn giận trong lòng lên vợ mình...
11 giờ người ta thấy anh chồng của Ngò đạp xích lô đưa Ngò lên bệnh viện. Và khoảng một giờ sau Ngò tắt thở.
Ở trong làng Hoảng Thức nầy, lúc Ngò còn sống thì âm thầm bình dị như củ khoai, trái ồi, không mấy ai để ý đến sự có mặt của Ngò. Ngò như đoá hoa Súng trắng nở lẻ loi trên mặt nước ao làng, mỗi ngày ra ao gánh nước người người đều ngắm nhìn hoa Súng lung linh chao động như nụ cười chào đón, nhưng không ai khen là hoa Súng đẹp cả... bổng một hôm không còn thấy đoá Súng trắng bình dị thanh thản vươn mình trên đám lá tròn xanh người ta chợt ngẩn ngơ, buồn buồn như vừa đánh mất một vật gì thân thương lắm ...
Người viết: Hoa Hạ
HẾT
-------------
Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.
Hoa Hạ
|
|