Việt Nam- Về tất cả
In từ Trang nhà: Hội Thân Hữu Gò Công
Category: Đời Sống - Xã Hội
Tên Chủ Đề: Chuyện Linh Tinh
Forum Discription: Nói chuyện linh tinh về đủ mọi điều ...
URL: http://www.gocong.com/forums/forum_posts.asp?TID=1741
Ngày in: 14/Nov/2024 lúc 2:57pm Software Version: Web Wiz Forums 8.05a - http://www.webwizforums.com
Chủ đề: Việt Nam- Về tất cả
Người gởi: ranvuive
Chủ đề: Việt Nam- Về tất cả
Ngày gởi: 24/May/2009 lúc 9:15pm
Các lễ tết cổ truyền Việt Nam
Nói đến Tết, chúng ta thường nghĩ tới một dịp vui đầu năm mới - Tết Nguyên đán (còn gọi là Tết cả). Thực tế, Việt Nam có hàng chục lễ tết cổ truyền rất ý nghĩa ở nhiều thời điểm khác nhau trong năm. Và trong từng cái Tết ấy đều chứa đựng một sự tích sâu xa, thể hiện sự giao thoa với nền văn hóa khu vực, song đã được Việt hóa một cách tự nhiên và sâu sắc.
Tết Nguyên đán
Là tết lớn nhất trong năm, Tết Nguyên đán (Tết cả) vào đúng ngày Mùng một tháng Giêng - ngày đầu tiên của năm mới.
Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, Tết Nguyên đán trước hết là tết của gia đình. Trong ba ngày tết, diễn ra ba cuộc gặp gỡ lớn ngay tại mỗi nhà:
Thứ nhất là cuộc "gặp gỡ" của những gia thần: Tiên sư hay Nghệ sư - vị tổ đầu tiên dạy nghề gia đình mình đang làm, Thổ công - thần giữ đất nơi mình ở và Táo quân - thần coi việc nấu ăn của mọi người trong nhà (Táo quân lên chầu trời ngày 23 tháng Chạp nhưng đến ngày 30 cũng về để "họp mặt" và chuẩn bị cho năm mới).
Thứ hai là cuộc "gặp gỡ" tổ tiên, ông bà... những người đã khuất. Nhân dân quan niệm linh hồn người đã khuất cũng về với con cháu vào dịp Tết.
Thứ ba là cuộc đoàn tụ của những người trong nhà. Như một thói quen linh thiêng và bền vững nhất, mỗi năm Tết đến, dù đang ở đâu, làm gì, trong hoàn cảnh nàọ.., hầu như ai cũng mong muốn và cố gắng trở về quây quần với gia đình.
Dịp Tết Nguyên đán người ta làm bánh chưng, trồng cây nêu, đi chúc mừng nhau, mở hội, tổ chức các cuộc vui chơi thi đấu, ăn uống... rất tưng bừng. Trên các bàn thờ, ngoài lễ vật, mâm ngũ quả, bánh chưng... còn thường có một cành đào (ở miền bắc) hoặc mai (ở miền nam). Tết Nguyên đán thực sự là ngày hội ngộ lớn, ngày nhớ ơn, tạ ơn, chúc mừng, sum họp vui vẻ và thiêng liêng.
Tết Khai hạ
Theo tính cách của người xưa, ngày mồng Một tháng Giêng ứng vào gà, mồng Hai - chó, mồng Ba - lợn, mồng Bốn - dê, mồng Năm - trâu, mồng Sáu - ngựa, mồng Bảy - người, mồng Tám - lúa. Trong tám ngày đầu năm, cứ ngày nào sáng sủa thì coi như giống thuộc về ngày ấy được tốt cả năm! Vì vậy, đến mồng Bảy, thấy trời tạnh ráo, quang đãng thì người ta tin cả năm mọi người sẽ gặp may mắn, hạnh phúc. Mồng Bảy hạ cây nêu, kết thúc Tết Nguyên đán cũng là lúc bắt đầu Tết Khai hạ - Tết mở đầu ngày vui để đón chào mùa xuân mới.
Tết Thượng nguyên
Tết Thượng nguyên (Tết Nguyên tiêu) vào đúng Rằm tháng Giêng - ngày trăng tròn đầu tiên của năm. Tết này phần lớn tổ chức tại chùa chiền vì Rằm tháng Giêng còn là ngày vía của Phật Tổ. Thành ngữ: "Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng" xuất phát từ đó. Sau khi đi chùa, mọi người về nhà họp mặt, cúng gia tiên và ăn cỗ.
Tết Hàn thực
"Hàn thực" nghĩa là ăn đồ nguội. Tết này vào ngày mồng Ba tháng Ba (âm lịch).
Thời Xuân Thu ở Trung Quốc, công tử Trùng Nhĩ (về sau là vua Tấn Văn Công) khi gặp cảnh hoạn nạn, đói quá, được Giới Tử Thôi cắt thịt đùi mình nấu dâng cho ăn ! Sau mười chín năm phiêu bạt, Trùng Nhĩ lại được trở về nắm giữ Vương quyền nước Tần. Vua ban thưởng cho tất cả những người đã cùng nếm mật nằm gai, nhưng lại quên mất Tử Thôi (!). Tử Thôi cũng không oán giận gì (vì nghĩ việc giúp đỡ Trùng Nhĩ là một nghĩa vụ của kẻ bề tôi) và đưa mẹ vào sống ở núi Điền. Lúc vua nhớ ra, cho người tới mời mà không được, liền sai đốt rừng để Tử Thôi phải ra. Nhưng Tử Thôi không chịu và hai mẹ con cùng chết cháy ! Hôm ấy đúng ngày mồng năm tháng Ba. Đau xót, vua sai lập miếu thờ trên núi và đổi tên núi đó là Giới Sơn. Người quanh vùng thương Tử Thôi nên hằng năm, từ ngày mồng Ba đến ngày mồng Năm tháng Ba (ba ngày) thì kiêng đốt lửa mà chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn.
Từ thời Lý (1010 đến 1225) nhân dân Việt nam đã tiếp nhận tết này nhưng chỉ tổ chức vào một ngày mồng Ba tháng Ba (âm lịch), không kiêng đốt lửa và thường làm bánh trôi, bánh chay thay cho đồ nguội. Mục đích chủ yếu là để cúng gia tiên chứ ít ai rõ chuyện Giới Tử Thôi! Hiện nay, Tết này vẫn thường đậm nét ở miền bắc - nhất là các tỉnh quanh Hà Nội.
Tết Thanh minh
Thanh minh trong tiết tháng Ba Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
(Truyện Kiều)
"Thanh minh" nghĩa là (trời) trong sáng. Nhân đó người ta đi thăm mồ mả của những người thân. Tết Thanh minh - thường vào tháng Ba âm lịch - trở thành lễ tảo mộ. Đi thăm mộ, nếu thấy cỏ rậm phát quang, đất khuyết lở thì đắp lại cho đầỵ.., rồi về nhà làm lễ cúng gia tiên.
Tết Đoan ngọ
Tết Đoan ngọ (Tết Đoan dương) vào mồng Năm tháng Năm (âm lịch). Đây là giai đoạn chuyển mùa (từ Xuân sang Hạ) nên khí hậu có nhiều thay đổi đột ngột, dễ sinh bệnh thời khí. Ca dao có câu:
Chưa ăn bánh nếp Đoan dương Áo bông chẳng dám khinh thường cởi ra
Khuất Nguyên - nhà thơ nổi tiếng, một vị trung thần nước Sở - do can ngăn vua Hoài Vương không được, đã uất ức ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Hôm ấy đúng ngày mồng Năm tháng Năm. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (chủ ý khiến cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông ném bánh xuống cúng Khuất Nguyên.
Ở Việt Nam, ít người biết chuyện Khuất Nguyên mà chỉ coi mồng Năm tháng Năm là "Tết giết sâu bọ" - vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Mọi người dậy sớm, chỉ ăn hoa quả hoặc chè. Tuy nhiên mỗi nơi có thêm phong tục riêng, ví như ở Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) vào ngày này con rể thường tới biếu bố vợ một con ngỗng to.
Tết Trung Nguyên
Tết Trung Nguyên vào Rằm tháng Bảy. Người xưa tin theo sách Phật, coi hôm ấy là ngày vong nhân được xá tội, ngày báo hiếu cha mẹ... nên tại chùa thường làm chay chẩn tế và cầu kinh Vu lan. Còn lại các nhà thì bày cúng gia tiên, đốt vàng mã...
Tết Trung thu
Tết Trung thu vào Rằm tháng Tám. Trung thu là Tết của trẻ con nhưng người lớn cũng nhân đây họp mặt, uống rượu, uống trà, ngắm trăng... Thường ban ngày người ta làm lễ cũng gia tiên, tối mới bày hoa quả, bánh kẹo, chè cháo để trẻ con vui chơi, phá cỗ, trông trăng rước đèn... Nhiều nơi còn tổ chức hát trống quân (trai gái hát đối đáp trong tiếng trống đệm nhịp).
Tết Trùng cửu
Mồng Chín tháng Chín (âm lịch) là Tết Trùng cửu. Tết này bắt nguồn từ sự tích của đạo Lão. Thời Hán, có người tên gọi Hoàn Cảnh, đi học phép tiên. Một hôm thầy Phí Tràng Phòng bảo Hoàn Cảnh khuyên mỗi người trong nhà nên may một túi lụa đựng hoa cúc, rồi lên cao mà tạm trú ngụ. Quả nhiên, ngày Chín tháng Chín có lụt to, ngập hết làng mạc. Nhớ làm theo lời thầy, Hoàn Cảnh và gia đình thoát nạn.
Từ xưa, nho sĩ Việt Nam đã theo lễ này, nhưng lại biến thành cuộc du ngoạn núi non, uống rượu cúc - gọi là thưởng Tết Trùng dương.
Tết Trùng thập
Đây là Tết của các thầy thuốc. Theo sách Dược lễ thì đến ngày Mười tháng Mười (âm lịch) cây thuốc mới tụ được khí âm dương, mới kết được sắc tứ thời (Xuân - Hạ - Thu - Đông), trở nên tốt nhất. Ở nông thôn Việt Nam, đến ngày đó người ta thường làm bánh dày, nấu chè kho để cúng gia tiên rồi đem biếu những người thân thuộc (chứ không mấy quan tâm đến chuyện cây thuốc, thầy thuốc).
Tết Hạ nguyên
Tết Hạ nguyên (Tết Cơm mới) vào Rằm hay mồng Một tháng Mười, ở nông thôn, Tết này được tổ chức rất lớn vì đây là dịp nấu cơm gạo mới của vụ vừa xong - trước để cúng tổ tiên, sau để tự thưởng công cày cấy.
Tết Táo quân
Tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp - người ta coi đây là ngày "vua bếp" lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua.
Theo truyền thuyết Việt Nam, xưa có hai vợ chồng nghèo khổ quá, phải bỏ nhau, mỗi người một nơi tha phương cầu thực. Sau đó, người vợ may mắn lấy được chồng giàu. Một năm, vào ngày 23 tháng Chạp, đang đốt vàng mã ngoài sân thì thấy một người ăn xin bước vào, nhận ra chính là chồng cũ nên người vợ động lòng, đem cơm gạo, tiền bạc ra cho. Người chồng mới biết chuyện, nghi ngờ vợ. Người vợ đâm khó xử, uất ức lao vào bếp lửa, tự vẫn. Người chồng cũ đau xót, cũng nhảy vào lửa chết theo. Người chồng mới ân hận, lao vào lửa nốt ! Trời thấy cả ba người đều có nghĩa nên phong cho làm "vua bếp".
Thế gian một vợ một chồng Chẳng như vua bếp hai ông một bà
(Ca dao)
Vì tích ấy, cứ đến phiên chợ 23 tháng Chạp, mỗi gia đình thường mua 2 mũ ông, 1 mũ bà bằng giấy và 3 con cá chép làm "ngựa" (cá chép hóa rồng) để Táo quân lên chầu Trời. Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông.
|
Trả lời:
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 24/May/2009 lúc 9:18pm
Cỗ và mâm cỗ ở Việt Nam
Mâm cỗ ở mỗi vùng quê Việt Nam có hương vị riêng nhưng bao giờ cũng vậy, mỗi mâm có 4 hoặc 6 người. Thông thường người ta kiêng ngồi 5 người, ở mâm cỗ có ít nhất hai người thân nhau, cũng có khi 3 cặp đều thân nhau thành một cỗ. Người nhà chủ tế nhị mời những người ăn ý với nhau vào một cỗ, sàn sàn lứa tuổi với nhau vào cùng mâm. Những người có tửu lượng mạnh hoặc nhẹ vào một cỗ, những người bằng vai phải lứa với nhau vào một cỗ. Đàn ông vào cỗ với nhau, còn đàn bà ngồi với đàn bà.
Cỗ là bữa ăn đặc biệt có tính chất long trọng, thân tình được tổ chức trong gia đình như: cỗ cưới, cỗ nhà đám, giỗ chạp, mừng một sự thành công, mừng cha mẹ sống lâu, tết nhất... Riêng cỗ mừng thọ của cha mẹ là do con cái đóng góp làm cỗ, các con trai làm các món ninh giò, mọc, nem, các con dâu làm các món bánh rồi quây quần với nhau ăn cỗ. Ở các gia đình khá giả hoặc ở thành phố, cỗ khai trừ tất cả các món ăn mà thường ngày dùng như dưa, cà, cá kho, rau muống... Có nhiều loại cỗ, cỗ tứ quý gồm 4 thứ hải sản chế biến thành mâm cỗ, cỗ cưới có xôi gấc đỏ, cỗ nhà đám có xôi trắng, cỗ mặn, cỗ chay... Có mâm cỗ một tầng, hai tầng, hoặc năm tầng, như ở 49 làng Quan họ xưa.
Trước đây, ở nông thôn cũng như thành phố đều có những phường nấu cỗ thuê do các nghệ nhân sành, thạo đời, khéo tay đảm nhiệm. Họ thường có kỹ thuật cao và cha truyền con nối. Họ có được những món truyền thống độc đáo. Ông Kiếm ở Cổ Nhuế biểu diễn giết gà một mình chỉ cần chiếc tăm vót nhọn. Ông Khán Trúc ở Trích Sài một mình giết một con lợn 15kg, chỉ cần một vò nước nóng. Trong phường có ông trùm phường là giỏi nhất. Những người nấu cỗ thuê rất hãnh diện về nghề và được đi nấu ở nhiều nơi, chủ yếu là để lấy tiếng chứ không vì vật chất. Họ góp ý kiến với nhà chủ, ra thực đơn rồi chia nhau mỗi người làm một hoặc nhiều món sở trường.
Mâm cỗ một tầng cơ bản thường là 5 bát: bóng, miến, măng, mọc, chim hoặc gà tần và năm đĩa: giò, chả, gà hoặc vịt luộc, nộm, xào. Có khi gia giảm bằng các món rán, nướng, quay hoặc nem Sài Gòn, xôi, chè, được xếp phía ngoài để ăn sau cùng. Bát nước mắm chấm có hồ tiêu, chanh, ớt hoặc cà cuống đặt giữa mâm.
Người uống được rượu thích những món có kèm xương xẩu hoặc sụn như đầu gà, cánh gà hoặc món nộm có đủ chua ngọt, cay, bùi, giòn, mềm. Rau thơm thường dùng húng láng thơm ngát, kinh giới thơm thanh cao hoặc rau ngổ có mùi thơm sắc gọn mà dữ dội.
Cỗ ở miền Nam có thêm chả nướng ăn với rau thơm, khế, chuối xanh, giá, đậu phộng, bánh tráng...
Mâm cỗ Việt Nam thơm ngon có truyền thống lâu đời, không cầu kỳ nhưng có đủ mùi vị, màu sắc. Trên bát bóng có những lát bóng trắng ngọc, điểm mấy lát trứng tráng vàng, vài con tôm đỏ, vài quả đậu Hà Lan xanh, nấm hương màu nâu. Trên bát miến có gan gà màu vàng đậm, tiết màu đỏ huyết dụ, thịt nạc màu trắng đục, mộc nhĩ đen nâu, ở giữa có một nhúm rau mùi xanh rờn. Khoanh giò thái ra có màu trắng ngon lành, hành xanh có củ trắng ngần, ớt đỏ hoặc vàng tươi trang điểm cho bát nước chấm vàng nâu... mâm cỗ là một bức tranh đẹp và hấp dẫn.
Ăn cỗ xong khách còn ăn xôi, chè hoa cau, chè cốm hoặc chè đậu đãi, rồi ra bàn bên cạnh uống nước trà, hút thuốc, ăn trầu.
Lúc khách ra về, chủ và khách chắp tay trên ngực, nói với nhau vài câu quý hóa rồi cùng vái nhau mấy vái. Cái kiểu chào này thật trang trọng, thân mật, giản dị, đượm màu sắc Phật giáo. Một số khách vừa thân tình vừa có họ với nhà chủ ở lui lại một chút. Họ nhận phần gồm một nắm hoặc một đĩa xôi, có thêm miếng thịt hay quả chuối, vì thế mới có câu: Có xôi có thịt mới nên phần.
Cỗ Việt Nam là cả một công trình, nó không phải là tiệc, không phải là liên hoan. Nó có cái độc đáo của nó, có điều ngày nay các phường nấu cỗ thuê không tồn tại nữa, kho tàng nghệ thuật ẩm thực Việt Nam cũng mất đi nhiều điều quý báu. Phải chăng, các nhà làm bếp bây giờ cần phải đi tìm lại kỹ thuật nấu cỗ của người xưa để bữa cỗ Việt Nam được vừa dân tộc, vừa khoa học hơn. Ẩm thực cũng là điều thiêng liêng, là nghệ thuật, là văn hóa.
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 24/May/2009 lúc 9:22pm
Tết Đoan Ngọ
Theo sách Phong Thổ ký thì tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan (mở đầu), Ngọ (giữa trưa), Đoan Ngọ là bắt đầu lúc giữa trưa, còn Dương là mặt trời, là khí dương. Đoan Dương là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Tết Đoan Ngọ ăn vào ngày mồng 5 tháng năm âm lịch, là lúc trời bắt đầu nắng to, khí dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa.
Trong ngày Đoan Ngọ, ngoài việc cúng lễ từ xưa đến nay ở một vài địa phương, người Việt có nhiều tục lệ như: tục giết sâu bọ, tục khảo cây lấy quả; tục hái thuốc vào giờ Ngọ; tục treo ngải cứu để trừ tà; tục tắm nước lá mùi; tục đeo bùa, bùa túi; tục nhuộm móng chân, móng tay; tục đi sêu. Ở đây xin nêu:
Tục giết sâu bọ: Theo quan niệm xưa, bộ phận tiêu hoá con người thường có "sâu bọ". Nếu không trừ khử đi sâu bọ sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tai hại cho người. Nhưng "giết chúng" không phải dễ và không phải giết lúc nào cũng được. Quanh năm sâu bọ ăn sâu trong bụng, duy chỉ có ngày mồng 5 tháng năm là chúng ngoi lên. Giết sâu bọ bằng gì? Bằng thức ăn, nhất là rượu nếp và hoa quả. Sáng sớm ngày mồng 5 tháng năm, ngay sau khi thức dậy, súc miệng xong là phải "giết sâu bọ" ngay. Ở ngoài Bắc, trong dịp này mỗi người đều ăn ít nhất một bát rượu nếp, sau đó ăn một bát thạch, rồi ăn các trái cây như mận, đào, sấu, roi, muỗm� Đối với trẻ con, người ta bôi một ít thần sa, chu sa vào hai bên thái dương và bụng chúng. Có khi người ta hoà với nước cho chúng uống.
Rượu nếp - tiếng gọi là rượu, nhưng rượu nếp không chỉ có nước mà có cả cái nữa. Dùng gạo nếp thổi xôi để nguội rồi rắc men lên trên, ủ ba ngày, xôi đã thành rượu nếp. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu để hứng lấy nước. Nước này là chất rượu, còn cái là xôi ủ men nổi màu ngà. Khi ăn, ăn cả cái trộn lẫn với nước rượu đã hứng được lúc ủ men. Rượu nếp ăn ngọt ngọt, cay cay cho người ta một cảm giác say say dễ chịu.
Xưa kia, mỗi lần tết Đoan Ngọ, từ ngày mồng ba, mồng bốn, các cô hàng rượu nếp đã xuất hiện len lỏi đi vào các xóm ngõ. Khách mua rượu có thể để dành một vài bữa không sợ hư. Các cô treo vào gánh rượu nếp một chùm ớt cùng một ít lá cây có tính chất khử trùng để trừ sâu bọ không làm hư gánh rượu. Phụ nữ đồng quê xưa phần nhiều đều biết ngả rượu nếp...
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 24/May/2009 lúc 9:25pm
Tết miệt vườn
Gặp nhau nâng ly "dô dô một trăm phần trăm", lâu ngày nghe hồn chai lì. Một hôm, gặp anh bạn từ trong đồng ra, đang cầm ly, nghe anh nói: "Uống đi cho thắm thía tình quê". Tôi vụt để ly xuống. Tháng Chạp, đang là lúc mùa xuân đang nhích đến gần. Từng nụ mai hé nở lúc nào không hay. Bụng dạ có điều gì đó nao nao. Lời nói mộc mạc khiến bụng nghe càng nao nao hơn "Phong sương mấy độ qua đường phố, hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê. Đấy là hai câu thơ của nhà văn Sơn Nam. Dù nghèo, dù giàu, là người Việt cũng phải cố trở về cho kịp thời giờ giao thừa. Trong giây phút năm cũ chuyển qua năm mới thiêng liêng, giây phút này một hóa thành hai. Vui bao nhiêu được cắm cây nhang lên bàn thờ tổ tiên, ông bà.
Ở những xứ nổi tiếng về ruộng như An Giang, Đồng Tháp đồng ruộng ngút ngát tầm mắt. Miệt vườn Vĩnh Long, Cần Thơ xứ vừa ruộng, vừa vườn khung cảnh tươi mát khác nhau. Người ở đồng ăn Tết như thế nào. Qua mấy đợt trang trải ruộng đất bình quân mỗi nhà 20 công là nhiều. Mỗi năm hai vụ lúa, sau khi trừ nợ ngân hàng, trừ nợ ăn trước trả sau đong lúa cho người, trừ vốn mua phân bón thuốc trừ sâu, còn lại bồ lúa ba bốn trăm giạ đã xếp vào loại khá. Rồi thì bồ lúa nhỏ bé kia nào tiền chợ mỗi ngày, tiền điện, tiền đám tiệc, tiền trường cho con, trăm thứ hằm bà lằng trông cậy vào nó.
Vì thế, mọi sinh hoạt của người nông dân có thói quen tính bằng lúa. Thí dụ như ai đó mua cái áo giá trăm ngàn thôi, nhằm nhò gì với dân ở chợ, nhưng ở quê qui nó ra lúa được ba giạ. Đi thiệp đám cưới năm chục ngàn là coi như hai giạ lúa. Cắt lúa suốt ngày giỏi lắm được giạ rưỡi lúa. Còn dân làm mướn nhổ cỏ, vít đất ăn cơm chủ, lãnh được mười tám ngàn. Ăn cơm nhà lãnh được giạ lúa. Dân quê rất quí tiền bạc, vì thế, tết đến người lớn lì xì cho trẻ con cỡ năm ngàn trở lại (có hai mươi đứa cháu là hết mấy giạ lúa rồi). Chợt nhớ tết thành thị, cầm năm ngàn lì xì cho trẻ cảm thấy ngại ngùng. Con của dân ở thị thành mỗi lần tết đến khoe với nhau: "Năm nay tao được lì xì năm trăm"... thua tao, tao tới một triệu. Nghe mà tội nghiệp cho mấy đứa trẻ nhà quê.
Ở nông thôn gạo nếp, đậu, mè, lá chuối gói bánh có sẵn. Nhà nào cũng có nuôi gà, vịt, còn chuối phơi khô đâu từ tháng mười một đem ra xào gừng. Thịt heo thì thông thường lối xóm hùn nhau mổ một con, ai không có tiền đem lúa tới đổi, cứ một giạ lúa một ký lô thịt, ai tới trễ lấy ba rọi. Nếu có đi chợ tết chỉ mua trà, đường, gia vị hoặc một hai ký thèo lèo.
Ở nông thôn thường thì mãi đến rằm tháng chạp mới hiện rõ không khí tết: Người ta sơn phết nhà cửa, lặt lá mai. Có vẻ như đồng ruộng đón tết đủng đỉnh, thật ra cuối tháng mười một mới cắt lúa xong, lại quay qua vụ đông xuân. Riêng vùng tứ giác Long Xuyên, ngày còn làm lúa mùa, mãi đến ngày 28 Tết, nhiều nhà lúa ướt còn phơi ngoài sân, chưa vô bồ.
Ngày tết thật ra dân quê vẫn làm công việc đồng áng bình thường, chỉ có trẻ nhỏ là háo hức, nôn nao. Những món ăn cho ngày đầu năm gồm có thịt kho, thịt hầm, thịt khía, dưa cải hoặc khổ qua mà không huý kỵ tên của nó, bởi khổ qua để ba bốn ngày không thiu. Món ngọt không thể thiếu bánh tét truyền thống và chuối khô xào gừng vừa ngon vừa rẻ tiền.
Riêng dân nhậu có khô làm sẵn trong mùa nước, hay cá lóc rộng trong lu, khi nào khách tới bắt cá nướng rơm hoặc nướng khô lai rai với xoài sống vì tháng giêng còn mùa xoài. Có khách quí bắt con gà nấu cháo phụ thêm. Đối với "bạn đời", ngày tết thăm nhau chẳng ngần ngại giở mắm sống ra cùng với chuối chát, rau cỏ quanh vườn.
Mấy ngày tết, phụ nữ nông thôn hay đi lễ chùa. Ngày nay, chợ quê heo hút xa mãi tận khu tứ giác cũng có ba, bốn quán cà phê hát karaoke, chuyện đá gà, cờ bạc vẫn còn đó như một tập quán chưa bỏ được của ba ngày tết. Họ xúm nhau quanh sòng bầu cua, sòng lô tô, sòng bài, công an bắt chỗ này chạy đi chỗ khác, có khi ở góc vườn um tùm nào đó.
Tết miệt vườn thanh đạm, hơi buồn tẻ. Bù lại tháng giêng có gió mát như chưa bao giờ mát vậy, dòng sông xanh, bờ cỏ non mượt mà, về quê ăn Tết vẫn nghe thích hơn. Vì thế những ngày tết dân quê ngày một ít ra chợ chơi; ngược lại dân thị thành kéo về quê ăn tết ngày một tăng. Tình cảm quê hương lúc nào cũng có giá trị cân bằng tâm hồn con người, nhất là vào những ngày đầu năm mới.
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 24/May/2009 lúc 9:27pm
Hội Sáo đền - một lễ hội thả diều độc đáo
Ở Thái Bình ngoài hội chùa Keo nổi tiếng còn có hội Sáo đền, một lễ hội thả diều độc đáo được ít người biết đến. Lễ hội diễn ra từ ngày 20 đến 27-3 hằng năm tại xã Song An, huyện Vũ Thư.
Về Thái Bình người ta thường chỉ biết đến hội chùa Keo. Ít ai biết được trên đường đi hội chùa Keo còn có một lễ hội khá độc đáo còn tồn tại đến ngày nay đó là hội Sáo đền. Hội Sáo đền diễn ra từ ngày 20 đến 27-3 hằng năm tại xã Song An, huyện Vũ Thư. Những ngày diễn ra lễ hội bà con địa phương cùng du khách thập phương về với lễ hội trong niềm vui hân hoan. Vì về nơi đây người ta còn tìm về một trong những cái nôi của làn điệu chèo ngọt ngào nổi tiếng.
Ngày nay Sáo đền được biết đến với trò chơi thả diều độc đáo. Cũng như mọi lễ hội khác ngoài phần lễ là phần hội. Phần hội với đủ các trò chơi như: chọi gà, cờ người, bắn cung, bắt vịt... và trò thi diều sáo. Đã từ hàng trăm năm nay như lời cụ Khiếu Văn Luyến cho biết; luật chơi không hề thay đổi. Người chủ diều chọn đúng hướng gió kéo dây. Ban tổ chức cắm hai cây sào trên đầu có buộc hai lưỡi mác rất bén cắm hai cây sào đó hai bên dây diều, khoảng cách của hai cây sào là 50cm. Khi nghe hồi trống lệnh nổi lên, các chủ diều chỉnh chuẩn diều kéo căng dây và đâm lên. Cánh diều nào không chuẩn đảo qua đảo lại, dây diều sẽ chạm phải hai lưỡi mác trên hai ngọn sào là đứt dây ngay. Như vậy cánh diều đó bị loại khỏi cuộc chơi, cứ thế diều nào đậu được đến ngày cuối cùng của hội thì chủ diều đó đoạt giải. Cụ Lương Thanh Được, một người cao tuổi trong làng cho biết: Theo như cụ biết từ lúc cụ còn nhỏ, mỗi năm chỉ duy nhất một người đoạt giải, có năm không có ai đoạt được giải diều, như năm 2003 này chẳng hạn. Tôi hỏi cụ thi diều phải nhờ ở gió trời, vậy có năm nào vào ngày hội mà không có gió trời hoặc gió không đủ mạnh để đâm diều sáo? Cụ nói: "Trường hợp này cũng có, mấy năm gần đây có năm 1998. Hội diễn ra đến ngày 25 mà vẫn không có gió, sáng 26 là chính hội gió chỉ hiu hiu. Mọi người đến với lễ hội đã biểu hiện tâm trạng buồn vì có lẽ năm nay không được thi và xem thi thả diều. Nhưng tôi nhớ đúng 11 giờ 15 phút trưa ngày 26 năm đó bắt đầu có từng cơn gió và sang đầu chiều gió đã đủ để tổ chức hội thi diều". Quả thực điều này khiến cụ và nhiều người khác phải ngạc nhiên, khó giải thích đến tận khi chúng tôi gặp cụ. Như cụ nói đó là ''gió thần'', vậy là nhờ ''gió thần'' hội Sáo đền không năm nào bị gián đoạn.
Diều được giải nhất ngoài việc đậu đến hết hội ở giữa hai lưỡi mác thì sáo diều phải thật hay. Sáo hay là bộ sáo gồm 2 sáo trở lên, tiếng sáo trong trẻo, âm thanh giữa các sáo trong bộ sáo phải phối hợp cho nhau hài hoà, ngọt ngào, du dương ... Nói về sáo, cụ Được kể, đời bố của cụ có người chơi diều thời đó còn buông bằng dây tre, đã làm cánh diều khung bằng 4 cây tre nối lại. Bộ sáo của chiếc diều có 2 chiếc. Chuyện còn kể rằng khi diều bổ xuống cánh đồng, chủ diều chưa kịp mang về, có người ăn xin đã chui được lọt vào chiếc sáo to của diều đó ngủ. Câu chuyện này được người dân nơi đây lấy làm tự hào và luôn kể cho khách thập phương về dự lễ hội.
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 24/May/2009 lúc 9:31pm
Hành hương về đất Phật
Hương Tích ơi, tôi còn đến mãi Như hoa mơ lại về với rừng mơ
Có người bảo: Hội chùa Hương năm nào chả giống năm nào, nhưng cũng người đó mỗi độ hội về lại không kìm hãm được bản thân để lại về đây. Bởi xuân năm nay đã không còn là xuân năm qua, mỗi khoảnh khắc qua đi lại là một "sát na" (đơn vị đo thời gian nhỏ nhất của Phật giáo) khác.
Tết Giáp Thân đến sớm. Thành ra thật hiếm hoi (chính xác hơn là 37 năm mới có một lần) bởi Lễ hội chùa Hương năm nay lại khai mạc vào một ngày cuối đông, khi "đại hàn" vừa qua, ngày "lập xuân" còn chưa tới...
Đêm trước khai hội. 22 giờ, bến Đục những chiếc thuyền đậu san sát nhau, như những đoá hoa xoè cánh. Cô gái chèo thuyền tên Hương bảo: Thuyền năm nay dễ đến cả vạn chiếc, năm ngoái đã 8.000 rồi, nay còn đông hơn nhiều. Có khoảng trên dưới chục hộ có từ 2 thuyền trở lên, đông nhất là 5 chiếc.
Mờ sáng ngày khai hội, tiết trời lạnh hẳn, lại mưa lâm thâm nữa, thế mà từng đoàn thuyền vẫn chen chúc nhau, với những du khách áo mưa trùm kín.
Nét mới của lễ hội chùa Hương năm nay? Đối với mỗi khách hành hương, nét mới có thể nằm ở các cơ sở hạ tầng được nâng cấp, việc bố trí các cửa hàng dịch vụ đã chu đáo hơn, khoa học hơn. Hay sự xuất hiện của vườn tháp với Bảo tháp Chân Tịnh - một công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo....
Hành hương là sự trở về - trở về với bản ngã đích thực. Sự an lạc trong tâm hồn xét cho cùng là mục đích tối thượng của con người; vì thế, mỗi năm chỉ một lần đến đây, có được một khoảnh khắc của an lạc thì cũng đủ cho con người cảm nhận được mùa xuân của đất trời, của lòng người.
Hương Sơn một dải lâm-khê Vân du giá hạc đi, về sớm hôm Toà sen ngự giữa Sơn môn Nam Thiên đệ nhất, Động còn thiên thu
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 24/May/2009 lúc 9:41pm
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 24/May/2009 lúc 10:07pm
Văn hóa ăn uống
Cũng như văn hóa nói chung có mấy trăm định nghĩa khác nhau, văn hóa ăn uống cũng vậy, vẫn phải tiếp tục bàn luận. Vấn đề này cũng là một đề tài nghiên cứu về học thuật, mỗi người có thể trình bày nhận thức của mình.
Một tộc người có nhiều thức ăn ngon, rượu, nước uống quí, có phải là có nền văn hóa ăn uống cao hay chưa? Đây là một tiêu chuẩn nhưng chưa đủ. Một tộc người ăn uống thanh đạm, ăn sạch, uống sạch là có nền văn hóa của mình. Ăn uống xô bồ, đơn điệu, không thể gọi là có văn hóa, hoặc là có cũng được, nhưng nghèo nàn.
Phần văn hóa trong ăn uống thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa của một dân tộc. Phần này có nhiều vấn đề: đạo lý, phép tắc, phong tục, phong cách.
Biết ăn, tức là chỉ ăn trong những trường hợp đáng ăn. Được mời ăn, ăn đúng phần mình, không xâm phạm phần người khác. Truyện cũ ghi nhiều trường hợp vô duyên của mấy danh nhân lúc thấy nhà hàng xóm có chén, không được mời mà cứ đến, bị người chê rằng không biết trọng danh dự. Một số nhà nho nói liều: "Thấy ăn mà không ăn là điên". Cả nghĩa đen và nghĩa bóng của câu này đều sai, ăn bừa, làm bừa. Tục ngữ có câu: "Ăn có mời, làm có khiến", là nói một cách ứng xử đúng. Cũng như câu: "Ăn có nhai, nói có nghĩ; Ăn trông nồi, ngồi trông hướng". Lại nói: "Miếng ăn quá khẩu thành tàn, miếng ăn miếng xấu, tôi van mẹ mày". Ai cũng cần ăn, phải làm lấy mà ăn, không nên ăn bẩn của người khác, bạ đâu ăn đấy, thấy đâu có ăn là mò tới. Chắc nhiều người đã đọc truyện Trần Thì Kiến: Vốn là môn hạ Trần Hưng Đạo. Nhờ đức liêm khiết, được vua cử về cai quản phủ Thiên Trường. Khi mới về nhậm chức, có người bưng đến biếu một mâm cỗ. Ông hỏi: "Nhà ngươi ở đâu, vì sao lại biếu ta"? Người ấy trả lời: "Bẩm quan lớn, nhà con ở bên cạnh quý Phủ, nhân có giỗ, vì lòng thành biết Ngài mới về trọng nhậm Phủ nhà xin kính biếu thôi". Mấy hôm sau, người đó đến cầu cạnh một việc hệ trọng. Bực mình, ông liền móc họng nôn mửa ra hết, rồi gọi lính đuổi cổ người đó đi. Ngày nay, những người như Trần Thì Kiến quả là hiếm.
Sống dè sẻn, tiết độ, không xa hoa, lãng phí để bảo đảm cuộc sống lâu dài - một đức tính tốt của nhân dân Việt Nam - là nguồn gốc cuộc sống lành mạnh.
Việc ăn uống trong xã hội nào cũng có luật lệ (thành văn hoặc không thành văn) từ gia đình, họ hàng, làng xã đến cả nước, không được tùy tiện vi phạm. Trong nhà, người già được dành phần quý nhất, rồi đến trẻ em, người lớn thì không phân biệt. Mỗi làng có quy ước riêng về các bữa ăn khao vọng, cưới xin, ma chay, tế lễ. Tại cung đình, bộ Lễ phải tuân thủ nghiêm ngặt luật lệ của triều đình; mỗi loại yến tiệc đều được quy định chặt chẽ từ việc xếp chỗ ngồi đến trật tự bữa ăn như một chương trình biểu diễn nghệ thuật. Vua thì một mình một cỗ; các quan ngồi theo chức tước, quan đầu triều ngồi trước, các quan cấp dưới mới được ngồi. Các quan đứng dậy nâng chén chúc vua, rồi mới được uống. Chốn đình trung ở làng cũng phải theo lễ nghi đã quy định. ăn tiệc, ăn cỗ đều phải tuân thủ phép tắc. Khi tửu nhập, ngôn xuất thường gây ra hiện tượng mất trật tự, có khi phải phạt, thậm chí phải lên quan.
Những luật lệ ấy ngày nay đã lỗi thời, nhưng luật lệ mới thì chưa kín kẽ, nhiều khi phát sinh những hiện tượng kém văn hóa hoặc đua đòi theo lối trưởng giả học làm sang. Vấn đề này rồi cũng phải giải quyết cho phù hợp với thời đại mới.
Trên đây chỉ là một số vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa ăn uống. Còn những cuộc vui bạn bè kiểu tao nhân mặc khách, những gia đình phú quý, thì còn nhiều chuyện, có cái có thể duy trì, có cái phải bỏ. Mong rằng các nhà thông thạo văn hóa nghệ thuật ăn uống góp nhiều ý kiến nhằm góp phần nâng cao nền văn hóa ăn uống nước nhà.
|
Người gởi: loiquan
Ngày gởi: 25/May/2009 lúc 12:13am
Kính gởi ông (bà) ranvuive
Những bài trên đây rất có giá trị nghiên cứu, sáng tác.
Xin ranvuive cho biết :
1. Có phải đúng ranvuive là tác giả của các bài đó hay không. Nếu đúng là tác giả, rất mong cho biết tên hoặc bút danh để chúng tôi ghi khi trích dẫn các bài này.
2. Nếu ranvuive lấy bài của chỗ khác, của tác giả khác để post vào đây thì xin dẫn nguồn - tên tác giả hoặc link.
------------- Cù lao Lợi Quan thương nhớ
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 25/May/2009 lúc 3:40am
Xin chào Bác loiquan
ranvuive đọc thấy trên web hay và có ích nên post lên cho mọi người cùng xem. Và chắc chắn một điều ranvuive không phải là tác giả của các bài trên.
Xin cảm ơn Bác đã quan tâm đến những bài mà ranvuive post . ranvuive xin gởi link cho Bác & mọi người cùng tham khảo.
URL: http://www.suutap.com/DanGian - http://www.suutap.com/DanGian
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 25/May/2009 lúc 3:50am
Danh sách Trạng Nguyên
» Tác giả: http://vantuyen.net/index.php?view=author&id=1608 - Sưu Tầm » Dịch giả: » Thể lọai: http://vantuyen.net/index.php?view=category&id=11 - Lịch sử
1. Danh sách Trạng Nguyên
1) Lê Văn Thịnh (1038- ?) Người làng Đông Cứu , huyện Yên Định, Bắc Giang . Đỗ Trạng nguyên khoa thi Ất Mão niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075), đời Lý Nhân Tông. Làm một người văn võ song toàn. Có công to trong cuộc thương lượng ở đất Vĩnh Bình( thuộc châu Ung sát huyện Quang Lang, tỉnh Cao Băn`g thời Lý ) năm 1084. Vì có công nên được thăng chức thái sự 2) Mạc Hiển Tích ( ? - ? ) Người làng Long Động, huyện Chí Linh ( Nay là Hải Hưng ). Đỗ TRạng nguyên khoa Bính Dần niên hiệu Quảng Hựu thứ 2 (1086), đời Lý Nhân Tông. Làm quan Hàn lâm Học sĩ rồi thăng lên đến Thượng thư ( Mạc Đỉnh Chi là cháu 5 đời của ông).
3) Bùi Quốc Khái ( ? - ? ) Người làng Bình Lãng, phủ Thượng Hồng ( Nay là huyện Cẩm Bình, Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Ất Tỵ niên hiệu Trịng Phù thứ 10 (1185), đời Lý Cao Tông. Ông đỗ cao và được nhận chức Nhập thị Kinh diên ( dậy Thái tử và hâù vua học )
4) Nguyễn Công Bình ( ? - ? ) Người đất Yên Lạc, phủ Tam Đới ( Vĩnh Phú ngày nay ). Đỗ Trạng nguyên khoa Quý Dậu niên hiệu Kiến Gia thứ 3 (1213), đời Lý Huệ Tông. Làm quan đến Hàn lâm Học sĩ .
5) Trương Hanh ( ? - ? ) Người làng Mạnh Tân ( Yên Tân ), huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng , Hải Dương (huyện Tứ Lộc, Hải Hưng ngày nay ). Đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Kiên Trung thứ 8(1232), đời Trần Thái Tông . Làm quan đến Thị lang, Hàn lâm Học sĩ .
6) Nguyễn Quan Quang ( ? - ? ) Người xã Tam sơn, huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc( huyện Tiên Sơn , Hà Bắc ngày nay ). Đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Ngọ(1234). Làm quan đến chức Bộc xạ, tặng hàm Đại Tư không .
7) Lưu Miễn ( ? - ? ) Còn có tên Lưu Miện, không rõ quê quán. Đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Hợi niên hiệu Thiên Ứng - Chính Bình thứ 8 (1239), đơì Trần Thái Tông. Làm quan tới chức Hàn lâm Thị độc .
8) Nguyễn Hiền ( 1234 - ? ) Người xã Dương A, huyện Thượng Hiên` , sau đổi là Thượng Nguyên ( nay là huyện Nam Ninh, Hà Nam Ninh ). Đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Muì , niên hiệu Thiên Ứng-Chính Bình thứ 16( 1247), đời Trần Thái Tông. Khi ấy ông mới 13 tuổi, vì còn thiếu niên vua cho về quê 3 năm tu dưỡng . Làm quan đến chức Thượng thư bộ Công. Về hưu, mất tại nhà. Có đi sứ Nguyên vài lân` .
9) Trần Quốc Lặc ( ? - ? ) Người làng Uông Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Thượng Hồng ( nay là huyện Nam Thanh , Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn niên hiệu Nguyên Phong thứ 6 (1256), đời Trần Thái Tông. Làm quan đến Thượng thự Sau khi mất, vua phong làm Phúc thân`, hiệu là Mạnh Đạo Đại Vương .
10) Trương Xán ( ? - ? ) Người xã Hoành Bồ, huyện Quảng Trạch , châu Bố Chính ( nay thuộc tỉnh Bình Trị Thiên ). Đỗ Trại Trạng nguyên, cùng khoa với kinh Trạng nguyên Trần Quốc Lặc năm 1256, đời Trần Thái Tông. ( Thời Trần nếu ai quê từ Ninh Bình trở ra đỗ Trạng nguyên thì gọi là Kinh Trạng nguyên, còn từ Thanh Hoá trở vào gọi là Trại). Về tri thức đều phải giỏi như nhau .
11) Trần Cố ( ? - ? ) Người xã Phạm Triền , huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng ( nay thuộc huyện Ninh Khanh, Hải Hưng ). Đỗ Kinh Trạng nguyênkhoa Bính Dần niên hiệu Thiệu Longthứ 9 (1266), đời Trần Thánh Tông. Làm quan đến Hiến sát sứ .
12) Bạch Liêu ( ? - ? ) Người xã Nguyên Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu( nay thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh ). Đỗ Trại Trạng nguyên cùng khoa với Kinh Trạng nguyên Trần Cố khoa Bính Dần. Sau khi qua đời được vua phong cho làm Phúc thần, hiệu là Đương Cảnh thành hoàng Đại Vương.
13) Lý Đạo Tái ( 1254 - 1334 ) Người làng Vạn Tải, huyện Gia Định xứ Kinh Bắc ( nay là huyện Thuận Than`h , Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tý, niên hiệu Nguyên Phong thứ 2 ( 1252 ), đời Trần Thái Tông. Làm quan ở Đông các Viện Hàn lâm, có đi sứ Trung Quốc. Về sau , ông bỏ quan đi tu ở chuà Quỳnh Lâm ( Hải Dương cũ ), được sư pháp Loa và Trần Nhân Tông ( tổ thứ nhất ) rất trọng . Năm 1317, Pháp Loa ( vị tổ thứ 2) đem y bát của Điêu ngự giác hoan`g ( tổ thứ nhất ) truyền cho . Sau khi được truyền Y bát, Đạo Tái lên tu ở núi Yên Tử làm vị tổ thứ 3 của phái Phật Trúc Lâm, với đạo hiệu Huyền Quang Tôn Giả . Huyền Quang giỏi thơ văn. Hiện còn tác phẩm " Trần triều thế phả hành trạng "
14) Đào Thúc ( ? - ? ) Người xã Phủ Lý, huyện Đông Sơn ( nay thuộc tỉnh Thanh Hoá ). Đỗ Trạng nguyên khoa Ất Hợi, niên hiệu Bảo Phù thứ 3 (1275), đời Trần Thánh Tông . Không rõ ông làm quan đến chức gì. Chỉ biết sau khi chết ông được phong Phúc thân` tại địa phương .
15) Mạc Đỉnh Chi ( 1272 - 1346 ) Có tên tự 9 tên chữ ) là Tiết Phu, người làng Lũng Động. Đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), đời Trần Anh Tông. Làm quan đến Tả bộc xạ ( tức Thượng thư ), đi sứ nhà nguyên 2 lần. Thân hình xấu xí, tính giản dị thanh liêm, minh mẫn , đối đáp nhanh . Khi vào thi Đình, vua thấy ông quái dị , tỏ ý không hài lòng. Ông liền làm bài " Ngọc tỉnh liên phú " ( bài phú hoa sen trong giếng ngọc ) để tỏ chí mình. " Ngọc tỉnh liên phú ", thơ và câu đối cu/a ông vẫn còn truyền tới ngày nay trong sách "Việt âm thi tập" và " Toàn Việt thi lục ".
16) Đào Sư Tích ( ? - ? ) Người làng Cổ Lễ, huyện Nam Chân , sau đổi là huyện Nam Trực, phủ Thiên Trường ( nay thuộc huyện Nam Ninh , Hà Nam Ninh ). Đỗ trạng nguyên khoa Giáp Dần niên hiệu Long Khánh thứ 2 (1374), đời Trần Duệ Tông. Làm quan Tả tư lang trung, Nhập nội Hà khiển Han`h khiển . Vua sai ông chép sách " Bảo hoà điện dư bút ". Thời Hồ Quý Ly, bị giáng xuống Trung tư thị lang, Tri thẩm hình viện sự. Sau khi qua đời dân làng Cổ Lễ thờ ông làm Than`h hoan`g, được nhiều triều đại vua chúa ban sắc cho làm Thượng đẳng thân`.
17) Lưu Thúc Kiệm ( ? - ? ) Người làng Trạm Lệ, huyện Gia Bình, phủ Thuận Am, xứ Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Gia Lương, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Canh Thìn niên hiệu Thánh nguyên thứ nhất (1400), đời Hồ Quý Lỵ Làm quan đến Hàn Lâm trực học sĩ. Ông giỏi văn từ biện bạch nên Hồ Quý Ly giao cho thảo các văn từ bang giao với các nước láng giềng. Ông là bạn cùng khoa với nhiều người nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên ... Họ đều phục tài năng mẫn cán và đức tính liêm khiết của ông.
18) Nguyễn Trực ( 1417 - 1474 ) Có tên chữ là Công Dĩnh, tên hiệu là Hu Liêu, người làng Bối Khê, huyện Ứng Thiên, trấn Sơn Nam ( nay thuộc huyện Thanh Oai , Hà Sơn Bình ). Đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3(1442), đời Lê Thái Tông. Làm quan đến Hàn lâm viện Thị giảng, đi sứ nha Minh gặp khi thi hội, ứng chế ông lại đỗ đầụ Người đương thời gọi ông là Lưỡng quốc Trạng nguyên- Trạng nguyên hai nước . Hiện còn 3 tác phẩm : Bảo anh lương phương ( y học ), Hu Liêu tập (văn), và Ngu nhàm (văn).
19) Nguyễn Nghiêu Tư ( ? - ? ) Có tên hiệu là Tùng Khê, thuở nhỏ còn có tên tục là Lợn vì đẻ tháng Hợi, người xã Phú Lương , huyện Võ Giàng , phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Quế Võ, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hoà thứ 6 (1448), đời Lê Nhân Tông. Làm quan An phủ sứ, Hàn lâm trực học sĩ. Đi sứ nhà Minh rồi được thăng lên Lại bộ Thượng thư .
20) Lương Thế Vinh (1441 - ? ) Có tên chữ là Cảnh Nghị , hiệu là Thụy Hiên, người làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam Hạ ( nay là huyện Vụ bản, Hà Nam Ninh ). Đỗ Trạng nguyên khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463), đời LêThánh Tông. Làm quan các chức: Trực học sĩ viện Hàn lâm, Thị thư, Chưởng viện sự. Ông chẳng những giỏi văn còn giỏi toán nên người đương thời gọi ông là Trạng Lường .
21) Vũ Kiệt ( ? - ? ) Người xã Yên Việt, huyện Siêu Loại, Kinh Bắc ( nay là huyện Thuận Thành , Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Quý Tỵ, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1473), đời Lê Thánh Tông. Làm quan đến Tả thị lang kiêm Đông các hiệu thư .
22) Vũ Tuấn Thiều ( 1425 - ? ) Người làng Nhật Thiều, huyện Quảng Đức, phủ Trung Đô ( Nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội ). Đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi , niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475), đời Lê Thánh Tông. Làm quan đến Lại bộ Tả thị lang.
23) Phạm Đôn Lễ ( 1454 - ? ) Người làng Hải Triều , huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng, trấn Sơn Nam Hạ ( nay thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình ). Đỗ Trạng nguyên khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481), đời Lê Thánh Tông. Làm quan đến Thị lang, Thượng thự Ông là tổ sư nghề dệt chiếu cói Hới nổi tiếng của tỉnh Thái Bình .
24) Nguyễn Quang Bật ( 1463 - 1505 ) Người làng Bình Ngô, huyện Gia Bình, phủ Thuận An, Kinh Bắc ( Nay là huyện Gia Lương, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484), đời Lê Thánh Tông. Làm quan Hàn lâm Hiệu lý. Ông là thành viên nhóm Tao Đàn nhị thập bát tú. Vì trái ý của LêUy Mục nên bị giáng xuống Thưà Tuyên, Quảng Nam. Vua sai người mật dìm chết ở sông Phúc Giang. Tương Dực Đế biết ông chết oan, bèn truy phong tước Bá , và tặng lá cờ thêu 3 chữ" Trung Trạng Nguyên ". Vua còn cho dân địa phương lập miếu thờ làm thành hoàng .
25) Trần Sùng Dĩnh ( 1465 - ? ) Người làng Đông Khê, huyện Thanh Lâm, phủ Thượng Hồng ( Nay là huyện Thanh Hà, Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Mùiniên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487), đời Lê Thánh Tông. Làm quan Đô ngự sử Thập nhị Kinh diên, rồi được thăng lên Hộ bộ Thượng thự Khi mất được phong cho làm Phúc thân` tại quệ
26) Vũ Duệ ( ? - 1520 ) Còn có tên là Vũ Công Duệ, tên lúc nhỏ là Nghĩa Chi, người xã Trình Xá, huyện Sơn Vi, trấn Sơn Tây( nay thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú). Đỗ Trạng nguyên khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490). Làm quan đến Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ chầu Kinh diên, được tặng Thiếu bảo, tước Trịnh Khê Hầụ
27) Vũ Tích ( ? - ? ) Có sách cho là Vũ Dương, người làng Man Nhuế, huyện Thanh Lâm, Thừa Tuyên , Hải Dương ( nay thuộc huyệ Nam Thanh , Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493). Làm quan đến Hàn lâm Thị thư, đi sứ Trung Quốc, được thăng lên Công bộ Thượng thư, tước Hầụ Có chân trong nhóm Tao Đàn thị nhập bát tú của LêThánh Tông .
28) Nghiêm Hoản ( ? - ? ) Còn có tên là Viên, xã Phùng Ninh Giang, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc ( nay huyện Quế Võ, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), đời Lê Thánh Tông. Ông mất ngay sau khi đỗ, chưa kiệp nhận chức .
29) Đỗ Lý Khiêm ( ? - ? ) Người xã Dong Lãng, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ ( Nay là huyện Vũ Thư , Thái Bình ). Đỗ Trạng nguyên khoa thi Kỷ Mùi, niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (1499), đời Lê Hiển Tông. Làm quan đến Phó đô Ngự sử. Đi sứ nhà Minh bị mất ở dọc đường.
30) Lê Ích Mộc ( ? - ? ) Người xã Thanh Lãng, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn ( Nay là huyện Thủy Nguyên , thành phố Hải Phòng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 ( 1502), đời Lê Hiển Tông . Làm quan đến Tả thị lang. Trước khi đỗ đạt , ông ở chùa Diên Phúc, nên đến khi ông chết, nhân dân địa phương lập miếu thờ và tạc tượng ông thờ ở cạnh chùạ
31) Lê Nại ( 1528 - ? ) Có sách chép là Lê Đỉnh, người xã Mộ Trạch , huyện Đường Am, phủ Thượng Hồng( nay là huyện Cẩm Bình, Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyêhn khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất (1505), đời Lê Uy Mục. Làm qua đến Hộ bộ Thị Lang , lúc mất được tặng tước Đạo Trạch Bá.
32) Nguyễn Giản Thanh ( 1482 - ? ) Người xã Hương Mặc ( Ông Mặc ), huyện Đông Ngàn , phủ Từ Sơn, Kinh Bắc ( nay là huyện Tiên Sơn , Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 ( 1508), Đời Lê Uy Mục . Làm quan đến Viện hàn lâm Thị thư, kiêm Đông các Đại học sĩ. Đi sứ phương Bắc rồi được thăng lên Thượng thư, Hàn lâm Thị độc Chưởng viện sự, tước Trung Phủ Bá, lúc mất được tăng tước Hầu .
33) Hoàng Nghĩa Phú ( 1479 - ? ) Người xã Lương Xá( sau làm nhà ở Đan Khê ), huyện Thanh Oia , tỉnh Hà Sơn Bình ( nay là xã Đa Sĩ, Thanh Oai, Hà Sơn Bình ). Đỗ Trạng nguyên khoa Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 2 (1511), đời Lê Tương Dực . Làm quan đến Tham tri chính sự, kiêm Đô ngự sử. Lúc mất được phong làm phúc thần.
34) Nguyễn Đức Lượng ( ? - ? ) Người xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam ( nay thuộc Thanh Oai, Hà Sơn Bình ). Đỗ Trạng nguyên niên hiệu Hồng Thuận thứ 5 (1514), đời Lê Tương Dực. Đi sứ phương Bắc, lúc mất được tặng Thượng thự
35) Ngô Miên Thiều ( Thiệu ) ( 1498 - ? ) Người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Tiên Sơn, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Dần, niên hiệu Quan Thiệu thứ 3 (1518), Đời Lê Chiêu Tông. Làm quan cho nhà Mạc đến Thượng thư kiêm Đô ngự sử, Nhập thị Kinh diên, tước Lý Khế.
36) Hoàng Văn Tán (? - ?) Đỗ Trạng nguyên khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên thứ 2 (1523) thời Lê Cung Đế.
37) Trần Tất Văn ( ? - ? ) Người xã Nguyệt Áng, huyện An Lão, phủ Kinh Môn, Hải Dương ( nay thuộc ngoại thành Hải Phòng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Bính Tuất, niên hiệu Thống Nguyên thứ 5 (1526), thời Lê Cung Đế . Thời Mạc, đi sứ phương Bắc, rồi làm đến Thượng thư, tước Hàn Xuyên Bá .
38) Đỗ Tông ( ? - ? ) Người xã Lại Óc, huyện Tế Giang, phủ Thuận An, Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức thứ 3 ( 1529), đời Mạc . Làm quan đến Đông các Đại học sĩ. Lúc mất được truy tặng Hình bộ Thượng thự
39) Nguyễn Thiến ( ? - ? ) Có tên hiệu là Cảo Xuyên , người làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam ( nay thuộc tỉnh Hà Sơn Bình ). Đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Đại Chính thứ 3 (1532), đơì Mạc Thái Tông ( Đăng Doanh ). Làm quan đến Thượng thư bộ Lại kiêm Đô ngự sử, tước Thư Quận Công . Thọ 63 tuổi .
40) Nguyễn Bỉnh Khiêm ( 1491 - 1585 ) Có tên chữ là Hạnh Phủ. hiệu là Bạch Vân tiên sinh , biệt hiệu Tuyết Giang Phu Tử . Đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi , niên hiệu đại chính thứ 6 (1535), đời Mạc Thái Tông. Làm Đông các Hiệu thư, Lại bộ Tả thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Trình Tuyền Hầu .
41) Giáp Hải ( ? - ? ) Sau đổi tên là Giáp Trưng, hiệu Tiết Trai, người làng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn ( nay thuộc huyện Yên Dũng, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ9 (1538), đời Mạc Thái Tông. Làm quan đến Lục bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, tước Kế Khê Bá, Luân Quận Công .
42) Nguyễn Kỳ ( ? - ? ) Người làng Bình Dân, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu , trấn Sơn Nam Hạ ( nay là huyện Châu Giang, Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Tân Sửu , niên hiệu Quảng Hoà thứ nhất ( 1541), đơì Mạc Hiến Tông ( Phúc Hải ). Làm quan đến Hàn lâm Thị thự 43) Dương Phú Tư ( ? - ? ) Người làng Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Văn Lâm, Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Muì, niên hiệu Vĩnh Định thứ nhất (1547), đời Mạc Tuyên Tông ( Phúc Nguyên ). Làm quan Tham Chính. Dâng sớ xin qui thuận Lê Thế Tông rồi đi ở ẩn .
44) Trần Bảo ( 1523 - ? ) Người xã Cổ Chữ, huyện Giao Thủy , trấn Sơn Nam Hạ ( nay thuộc huyện Xuân Thủy, Hà Nam Ninh ). Đỗ Trạng nguyên khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3 (1550), đời Mạc Tuyên Tông . Làm quan Thượng thư, đi sứ phương Bắc, tước Nghĩa Sơn Bá, được tặng Quận Công .
45) Nguyễn Lượng Thái ( ? - ? ) Người xã Bình Ngô, huyện Gia Định , phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Thuận Than`h, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Quý Sửu, niên hiệu Cảnh Lịch thứ 6 (1553), đời Mạc Tuyên Tông . Làm quan đến Tả thị lang bộ Lễ, kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Định Nham Hầu .
46) Phạm Trấn ( ? - ? ) Người xã Lam Kiều, huyện Gia Phúc , phủ Hạ Hồng , Hải Dương ( nay thuộc huyện Tứ Lộc, Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn , niên hiệu Quang Bảo thứ 3 (1556), đời Mạc Tuyên Tông . làm quan cho nhà Mạc , khi nhà Mạc mất, cự tuyệt không ra làm quan cho nhà Lê nên bị ám hạị
47) Đặng Thì Thố ( 1526 - ? ) Người làng Yên Lạc, huyện Thanh Lâm ( nay thuộc huyện Thanh Hà, Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Mùi , niên hiệu Quang Bảo thứ 6 (1559), đời Mạc Tuyên Tông. Được nhà Mạc rất trọng dụng .
48) Phạm Đăng Quyết ( ? - ? ) Tên lúc nhỏ là Phạm Duy Quyết, người làng Xác Khê, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, Hải Dương ( Hải Hưng ngày nay ). Đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất , niên hiề.u Thuần Phúc thứ nhất (1562), đời Mạc Mậu Hợp . Làm quan đến Tả thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Xác Khê Hầu .
49) Phạm Quang Tiến ( ? - ? ) Người làng Lương Xá, huyện Lương Tài, trấn Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Thuận Thành , Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Ất Sửu, niên hiệu Thuần Phúc thứ 4 (1565), đời Mạc Mậu Hợp. Mất trên đường đi sứ Trung Quốc . 50 ) Vũ Giới ( ? - ? ) Người xã Lương Xá, huyện Lương Tài , trấn Kinh Bắc ( Thuận Thành, Hà Bắc ngày nay ). Đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Sửu, niên hiệu Sùng Khang thứ 12 (1577). Làm quan đến lại bộ Thượng thự
51) Nguyễn Xuân Chính ( 1587 - ? ) Người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Tiên Sơn, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa thứ 3 (1637), đời Lê Thần Tông . Làm quan đến Lại bộ Tả thị lang. Được tặng Thượng thư, tước Hầụ
52) Nguyễn Quốc Trinh ( 1624 - 1674 ) Người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, Trấn Sơn Nam Thượng ( nay là xã Đại Áng, huyện Thanh Trì , Hà Nội ). Đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659), đời Lê Thần Tông . Làm quan đến Bồi tụng. Đi sứ Thanh ,bị giết hại, sau được truy tặng Binh bộ Thượng thư, Trì Quận Công. Vua cho tên thụy là Cường Trung và phong cho làm Thượng đẳng Phúc thân`.
53) Đặng Công Chất ( 1621 - 1683 ) Người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội ). Đỗ Trạng nguyên khoa Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661). Làm quan đến Thượng thư bộ Binh , bộ Hình. Lúc mất được tặng Thiếu Bảo, tước Bá.
54) Lưu Danh Công ( 1643 - ? ) Người làng Phương Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam ( Nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội ). Đỗ Trạng nguyên khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670), đời Lê Huyền Tông. Làm quan đến Hàn lâm Học sĩ .
55) Nguyễn Đăng Đạo ( 1650 - 1718 ) Sau đổi tên là Liên, người làng Hoài Bão, huyện Tiên Sơn, trấn Kinh Bắc nay là huyện Tiên Sơn, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Quý Hợi, niên hiệu Chính Hoà thứ 4 (1683), đời Lê Hy Tông. Làm quan đến Hữu thị lang bộ Lại, Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Bá. Đi sứ Trung Quốc, lúc mất được tặng Thượng thư bộ Lại, Thọ Quận Công .
56) Trịnh Huệ ( 1701 - ? ) Có tên hiệu là Cúc Lam, người xã Sóc Sơn, huyện Quảng Hóa, Thanh Hoá ( nay thuộc huyện Quảng Xương, Thanh Hoá ). Đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736), đời Lê Ý Tông. Làm quan Tham tụng rồi được thăng lên Thượng thư bộ Hình, Quốc Tử Giám Tế Tửu ( thời Trịnh Doanh ).
Trịnh Huệ là Trạng nguyên cuối cùng của lịch sử khoa cử Nho giáo Việt Nam |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 25/May/2009 lúc 8:53am
Nghệ thuật tranh Việt |
|
Ngoài dòng tranh vẽ của các hoạ sĩ, chúng ta còn có một dòng tranh nghệ thuật độc đáo. Qua bàn tay và trái tim của các nghệ nhân, những chất liệu thiên nhiên đã trở thành những hoạ phẩm mang hồn Việt
Là loại hình tranh dân gian độc đáo của Việt Nam, được làm từ những chất liệu cũng hết sức dân dã: giấy làm từ cây dó, bồi điệp là lớp bột màu trắng óng ánh được nghiền từ vỏ ốc, sò, màu đỏ từ gạch non, màu vàng từ hoa điệp vàng, màu đen từ lá tre đốt …
Tranh Đông Hồ không vẽ theo cảm hứng nghệ thuật mà được in từ các bản vẽ mẫu của các nghệ sĩ dân gian, thể hiện những cảnh vật rất đỗi bình dị, gần gũi với đời sống thường nhật của con người làng quê như: con vật, lễ hội, cảnh sinh hoạt trên nền màu sắc tươi sáng, đường nét mộc mạc và bố cục ước lệ nhưng lại hàm chứa nhiều tình cảm rất trong sáng, hồn hậu.
Trong hội nghị APEC 2006 tại Việt Nam, những bức tranh cát đã vinh dự được chọn giới thiệu với bạn bè quốc tế như một sản phẩm nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt.
http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/dataimages/200904/original/images1764377_tranhcat.jpg"> |
|
Từ nguồn tài nguyên do thiên nhiên ưu đãi trải suốt theo bờ biển Việt Nam, hạt cát qua tay các nghệ nhân đã trở nên thi vị và mang hồn dân tộc với những bức tranh tinh xảo, đủ màu sắc trong những ly thủy tinh, bình pha lê, khung kiếng… thể hiện phong cảnh, thư pháp, con thú, hay cả chân dung những bậc danh nhân.
Tranh cát hiện nay ngày một trở nên hiện đại hơn khi các nghệ nhân khai thác thêm nhiều màu cát nhuộm để thể hiện những bức tranh treo tường theo phong cách “họa cát” sang trọng và lộng lẫy.
Tranh ghép gỗ làm từ chất liệu gỗ nhưng không đơn thuần từ một loại gỗ và chất lượng phải là loại tốt nhất. Người họa sĩ trước tiên phải dày công tìm tòi chất liệu phù hợp để thích ứng với họa tiết và màu sắc tranh sao cho đạt hiệu quả mỹ thuật cao nhất.
Tranh ghép gỗ được ghép từ nhiều mảnh gỗ đã được chọn lựa kỹ và qua nhiều công đoạn xử lý để gắn kết lại với nhau thể hiện ý đồ thẩm mỹ của tác giả, sau đó được mài giũa, đánh bóng. Mỗi bức tranh là cả một sự kết hợp tinh tế giữa bàn tay khéo léo của người nghệ nhân trong ý tưởng nghệ thuật hội họa để tạo nên một thành quả nghệ thuật mỹ thuật đặc biệt.
Việt Nam là xứ sở của tre trúc, vì vậy, tranh tre được xem như một sản phẩm mang tâm hồn Việt. Từ những mảnh nhỏ sau khi sơ chế hun khói bằng rơm rạ để lên màu nâu bóng, ngâm vôi tạo màu vàng và màu xanh từ chính cây tre và nhiều công đoạn tỉ mỉ khác, người nghệ nhân sẽ ghép lại, in hình và khắc tranh tạo thành những tác phẩm độc đáo mang nhiều nội dung phong phú: dòng tranh Đông Hồ, tứ quý, 12 con giáp, phong cảnh trữ tình, thủy mặc. Tranh tre Việt Nam thực sự đạt đỉnh cao về nghệ thuật và khẳng định giá trị bản sắc lâu đời của dân tộc.
Những người yêu thiên nhiên sẽ rất thú vị khi có một bộ sưu tập bướm, nhưng thật giá trị và cuốn hút hơn bao giờ hết khi được sở hữu một bức tranh bướm. Niềm đam mê đó đã thúc đẩy nền nghệ thuật tranh bướm Việt Nam hình thành và phát triển.
Tranh bướm Việt được ghép kết từ muôn vàn cánh bướm mong manh tạo nên những bức tranh thơ mộng tuyệt đẹp về những phong cảnh làng quê, phố cổ trong niềm hoài niệm sâu lắng. Một tiêu bản tranh bướm thường kết tụ nhiều loài bướm khác nhau, trong đó, nhiều loài rất qúy hiếm, phải chờ đợi tới mùa mới sưu tập được. Vì vậy, có khi phải hàng tháng trời người nghệ nhân - họa sĩ mới hoàn thành xong một bức tranh nghệ thuật. Nhìn ngắm một bức tranh bướm, ta không chỉ thưởng lãm được cái hồn toát lên từ tác phẩm mà còn chiêm ngưỡng được vẻ đẹp mê hồn của muôn ngàn cánh bướm vốn đã là những tuyệt tác của tự nhiên.
Sự phát triển và bút pháp nghệ thuật sơn mài Việt Nam thực sự đã được khẳng định và làm say mê du khách khắp thế giới khi đặt chân đến nơi đây.
Không giống với sơn mài các nước khác trong khu vực chỉ tập trung thể hiện trên những đồ thủ công mỹ nghệ, sơn mài Việt Nam được xem là một chất liệu hội họa, thêm vào đó, kỹ thuât mài là điểm khác biệt lớn đã góp phần tạo nên một thể loại tranh nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.
Chất liệu truyền thống để tạo nên một bức tranh sơn mài thường là: sơn then, sơn cánh gián, bạc – vàng thếp…, vỏ ốc, vỏ trai, bột điệp, ngày nay còn thêm một số chất liệu mới như: vỏ trứng, cật tre…
Tranh sơn mài được ưa chuộng bởi sự công phu trong quá trình làm tranh, độ bóng và chiều sâu thu hút khách thưởng lãm.
Nói đến nghề thêu hẳn ai cũng biết thương hiệu tranh thêu X.Q nổi tiếng Đà Lạt sử quán và những làng nghề thêu truyền thống lâu đời nổi tiếng xứ kinh kỳ, nhưng sản phẩm được du khách ưa chuộng nhất hiện nay là tranh thêu tay Việt.
Tranh thêu là sự kết tinh cao của nghề thêu truyền thống, thể hiện tính cần mẫn, xúc cảm tinh tế và tâm hồn sâu sắc, đa cảm của người thợ thêu tài hoa qua từng đường kim mũi chỉ thể hiện trong các hình khối, họa tiết mềm mại, phóng khoáng của hội họa. Tranh thêu có một vẻ đẹp hết sức tinh túy mà sang trọng, vì thế, chiếm được sự ưu ái của hầu hết mọi người, có khi là một kỷ vật lưu niệm nhưng nhiều lúc được treo trang trọng như một bức tranh qúy làm đẹp không gian sống.
Với những viên đá quý được khai thác từ các hầm mỏ tại Việt Nam, các nghệ nhân tranh đá quý khéo léo chế tác làm nên những bức tranh tuyệt đẹp, lung linh, lấp lánh sắc màu. Trang đá quý Việt Nam được đánh giá cao trên thị trường thế giới vì được làm hoàn toàn bằng chất liệu tự nhiên, không pha màu nhân tạo nên màu sắc óng ánh, sống động.
Những cảnh đẹp quê hương, cuộc sống bình dị của con người nước Việt bỗng trở nên lung linh huyền ảo, rực rỡ sống động dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân tranh đá qúy. Những viên đá quý- báu vật thiên nhiên vĩnh cửu lại càng tỏa sáng lấp lánh hơn khi mang trong mình hơi thở cuộc sống. Dù mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng tranh đá qúy đã được giới sành điệu ưa chuộng vì tính chất sang trọng và qúy phái của nó.
(theo http://www.yp.com.vn/ - www.yp.com.vn )
|
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 25/May/2009 lúc 8:56am
Cái hay của "Nói lái" |
|
MAI VĂN SANG
Như ta đã biết, ngôn ngữ là chất liệu xây dựng hình tượng văn học, là phương tiện giao tiếp, là công cụ tư duy của con người... Trong quá trình giao tiếp người ta thường dùng cử chỉ, điệu bộ, biện pháp tu từ… để lời nói thêm sinh động, phù hợp với thế giới cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Trong đó hình thức ’’nói lái” có những nét độc đáo thường được người nói, người viết chú ý.
|
|
Trẻ em dùng hình thức nói lái như một dấu hiệu riêng để trao đổi thông tin với nhau. Chẳng hạn như “Tùng ơi đi chơi” thành ra ”Tời ung – đơi chi”, “ăn cơm” thành ra “ơm căn”… Những lúc quây quần đùa giỡn, các em không dùng từ thể hiện ý nghĩa trực tiếp mà dùng cách nói lái để chọc ghẹo nhau, ví như không nói “mít ướt” mà nói “mướt ít”, không nói “đầu bò” mà nói “đò bầu”…Có khi các em vừa nói trực tiếp vừa nói lái (tức là nói cả hai một cách liên tục) như: bọn đì + bị đòn, ăn gian + an giăn… với cách nói này, các em không cần phải học tập sách vở mà vẫn biết. Vì vậy , ngưới lớn cũng thường dùng nói lái với trẻ con giúp trẻ vui vẻ, tạo cho các em sự vận động não bộ suy nghĩ .
Có khi trẻ dùng hình thức nói lái để đố với nhau về những sự vật hiện tượng như:
“Trên trời rơi xuống mau-co” - đố là cái gì ? - cái mo cau, hoặc ”Ghe chài chìm giữa biển đông / Ván phên trôi hết cái công nó còn’’ là cái gì ?- "công còn " là con còng...
Trong văn học dân gian người ta dùng nói lái trong những lúc vui vẻ hoặc trong những hoàn cảnh khó xử, khó nói. Chẳng hạn như trong ca dao, có những đôi trai gái khéo léo gởi gắm tình cảm cho nhau:
Cam sành nhỏ lá thanh ương (anh thương)
Ngọt mật thanh đường nhắm lớ (nhớ lắm) bớ anh
Thanh ương là tuổi mong chờ
Một mai nhái lặn (nhắn lại) chà quơ (chờ qua) , quơ chà (qua chờ)
"Qua" và "bậu" là những tiếng xưng hô của những đôi trai gái ngày xưa.
Hoặc khi Trạng Quỳnh đối đáp với một bà chúa. Bà chúa thì xấu người, hay hống hách, khi Trạng Quỳnh đi trên đường gặp bà chúa thì Trạng Quỳnh hoảng sợ nhảy xuống cái ao cạnh bên đường, nhè mấy đám bèo mà đá tứ tung. Lúc bà chúa hỏi thì Trạng Quỳnh thưa: nhà buồn quá ra đây “đá bèo chơi”, bà chúa không trách móc được gì lại thúc võng đi.
Trong văn học viết, danh sĩ nổi tiếng Hồ Xuân Hương đã khéo léo đưa cách nói lái vào trong thơ. Có lẽ bà hay đùa cợt hoặc vì bà căm tức những hạng người kém cỏi trong xã hội phong kiến đương thời:
‘’Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
Chày kình tiểu để suông không đấm
Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo’’
Và nhờ nói lái như vậy mà tiếng cười trong thơ của bà thêm ý mỉa mai sâu sắc...
Trong cuộc sống hiện đại, người lao động thường tập trung vào công việc, dễ gây mệt mỏi vì vậy họ cũng thích nói lái để tạo sự hài hước, dí dỏm vui tươi.Thực tế có những cách nói lái phù hợp với hoàn cảnh. Khi vui, tuỳ lúc họ có thể nói: ngày cưới - người cái (mỗi người uống một chung rượu), ít ly - y lít, bí mật - bật mí, tình nghĩa - tỉa (một) nghìn... Hoặc khi chưa hài lòng về một điều gì đó, tuỳ lúc họ có thể nói: thi đua - thua đi, đấu tranh – tránh đâu, đầu tư - từ đâu, bàn tính - bình (rồi) tán...
Còn những lúc vui bên bàn tiệc thì người ta lại cao hứng: âu cái đằn - ăn cái đầu, ê cái mằn - ăn cái mề ...cách nói lái sáng tạo như vậy cũng được người nghe chấp nhận vì nó tạo được sự chú ý và liên tưởng bất ngờ.
Như vậy, ta có thể hiểu nói lái là cách đánh tráo vần, thanh điệu... giữa hai hoặc ba tiếng với nhau, nó không rườm rà không phức tạp mà rất đơn giản dễ vận dụng để tạo thêm nghĩa mới phù hợp với mục đích giao tiếp. Một số người cho rằng: nếu không có những cách nói lái này, quá trình giao tiếp sẽ kém sinh động hơn, đơn điệu hơn. Tuy nhiên nói lái cũng tuỳ hoàn cảnh, mức độ vừa phải, dùng thường xuyên sẽ gây nhàm chán. Ngoài ra những cách nói lái nếu dùng không đúng chỗ, đúng nơi, sẽ không thể hiện được nét văn hoá giao tiếp chắc chắn khó được chấp nhận. Ví dụ chỗ hội họp quan trọng không ai dùng cách nói lái.
(Theo Vannghedongbangsongcuulong)
|
|
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 25/May/2009 lúc 9:00am
Bữa cơm gia đình, nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam |
|
Bữa cơm gia đình Việt Nam thường có 3 món, được chế biến với nhiều vị, đủ chất, rất cân bằng âm dương, vừa ngon vừa lành… Chính vì vậy mà rất nhiều người thích ăn cơm thường ở nhà như thế, bữa ăn làm người ta rất dễ chịu vì hợp khẩu vị và không "nặng bụng" như khi đi ăn tiệc.
Văn hoá gia đình đã đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong văn hoá Việt Nam, tạo nên những nét độc đáo của văn hoá Việt Nam, đặc biệt trong phong tục, thường gọi là gia lễ, gia phong, cũng như trong cuộc sống như văn hoá giao tiếp, văn hoá ăn uống...
Tại Nam Bộ suốt thời chế độ thuộc địa Pháp, chịu ảnh hưởng rất nhiều văn hoá Pháp, xuất hiện cơm đĩa, song vẫn có “cơm phần” hay “cơm gà-men”, nấu cơm tháng, đưa tới tận nhà, thường có 3 món: canh, kho, xào như những bữa cơm gia đình. Cấu trúc bữa cơm ít nhất gồm 3 món: món thứ nhất là mặn tức các loại kho: như thịt, cá, tôm, đậu, củ… Món thứ hai là xào hay luộc với đủ loại từ rau, củ, quả với thịt, cá, trứng… Món thứ 3 là canh, đủ loại từ rau, quả củ với cá, thịt, đậu…
Với cấu trúc món ăn như thế, thường xắt thành miếng nhỏ, vừa mặn như kho hay nhạt như canh hoặc xào, thuận lợi cho việc ăn tập thể hơn là cá nhân riêng rẽ, rất khó chia thành phần riêng (rations). Món ăn lại ít thịt, chủ yếu là rau và cơm, nên thường người ta nói bữa cơm Việt Nam là “cơm rau” hay “cơm canh”. Đặc biệt món canh rất độc đáo, hầu như trên thế giới chỉ có người Việt Nam có cách ăn canh chan vào cơm. Thường các nước Tàu Tây có món súp hay nấu ăn riêng, hay bỏ một thức ăn nào đó vào súp hay cháo.
Bữa cơm Việt Nam còn không thể thiếu các loại mắm nước hay cái hay dưa, cà.
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương!”
Món ăn như thế nhiều vị, nhiều chất; rất cân bằng âm dương, vừa ngon vừa lành, ít gây tật bệnh… Chính vì vậy mà khi ăn cơm thường gia đình như thế, người ta rất dễ chịu, không nặng bụng như khi đi ăn cơm nhà hàng hay ăn tiệc.
Bữa cơm gia đình Việt Nam còn rất ấm cúng, trò truyện thân mật. Mọi người mời nhau, nhường nhịn nhau. "Học ăn, học nói, học gói, học mở". "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng!". Ăn uống cũng là bài học, là nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc!
Hầu như những tinh hoa của văn hoá ăn uống Việt Nam vẫn còn ở trong các gia đình, bởi chỉ sau 1975, mới nở rộ những món ăn Việt Nam trong những nhà hàng lớn hay những tiệc cưới. Việt Nam không có truyền thống làm nhà hàng. Tại Việt Nam trước đây các nhà hàng hầu hết đều là nhà hàng Tàu hay Tây và hầu hết các đầu bếp tại nhà hàng trước cũng như bây giờ vẫn được đào tạo theo kiểu đầu bếp Tây, Tàu, Nhật…
Trong thời đại công nghiệp hiện nay, ai lúc nào cũng vội vã, bận rộn và có thời khoá biểu riêng, tiệc tùng thường xuyên được mời. Trong gia đình các thành viên ít khi gặp nhau, chứ đừng nói hàng ngày lại có dịp ăn cơm gia đình như trước nữa. Nhiều gia đình lớn đã mất đi cái nếp nhà. Những cô gái trẻ không còn thích chuyện nữ công gia chánh. Tại học đường cũng không quan tâm đến dạy nữ công gia chánh như trước nữa. Có nguy cơ nhiều món ăn độc đáo trong gia đình bị thất truyền.
Dù rồi đây Việt Nam sẽ chuyển sang công nghiệp hoá, song dân số phần đông một thời gian dài nữa vẫn sống ở nông thôn và dĩ nhiên nền văn minh nông nghiệp lúa nước này vẫn còn tồn tại, văn hoá gia đình vẫn còn chỗ đứng.
Ngay từ bây giờ chúng ta cần phải có kế hoạch sưu tầm những món ăn từ những gia đình có truyền thống lâu đời về nghệ thuật ăn uống. Nếu được, nên xây dựng một web sites 3.000 món ăn Truyền thống Việt Nam. Những quê hương nổi tiếng như Kinh Bắc, Thăng Long – Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Huế, Quảng Nam, Biên Hoà, Bình Dương, Gia Định, Mỹ Tho, Gò Công, Sa Đéc, Cần Thơ, Hà Tiên, Rạch Giá… đều có những món ăn độc đáo, đặc sắc của Việt Nam. Cần giữ gìn bữa ăn gia đình như giữ một nét văn hóa quý báu của đời sống.
(Nguồn VOV)
| |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 25/May/2009 lúc 9:02am
Hạt đậu - thuốc của mùa hè |
|
Làm thế nào để bữa ăn mùa hè vừa ngon lại vừa mát và bổ, đó là thử thách với các bà nội trợ. Ưu tiên các loại đậu là một giải pháp hay.
Đậu xanh
Theo Đông y, hạt đậu xanh vị ngọt mát, hơi tanh có tác dụng giải nóng, tiêu khát, trừ bỏ phù thũng, lợi tiểu, chữa lở loét...
Giá đỗ: Thường ăn giá sống, xào và muối chua. Giá tính mát, tác dụng vào hai kinh bàng quang và tỳ, giúp thanh nhiệt, giải độc, chỉ khát. Ngoài ra, giá đậu còn cung cấp vitamin C và E.
Cháo đậu xanh: Đậu xanh xay nấu cả vỏ cùng gạo. Đây là món ăn rất tốt cho mùa hè, có thể ăn cháo đậu xanh với đường hay muối (nước mắm). Cháo đậu xanh trị tiêu khát, uống nhiều nước, giải độc, nóng, lợi tiểu, thanh nhiệt, hạ khí.
Kết hợp đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, mỗi thứ 300 g nấu chung với cam thảo, ăn cả bã lẫn nước trong vòng 7 ngày, dùng phòng các chứng bệnh mùa hè.
Đậu nành (đậu tương)
Đậu nành chứa 40% protit, 20% lipit. Người ta cho rằng đậu nành là “thịt chay”, vì thế nên chỉ dùng ở mức độ vừa phải. Ngoài ra, trong đậu nành có rất nhiều muối khoáng và các vitamin B1, B2, E...
Đậu phụ: Vị ngọt, tính mát, nhuận tràng, bổ trong, giải độc. Đậu phụ thích hợp với mọi lứa tuổi, là món ăn chủ đạo trong ăn chay.
Giá đậu nành: Đối với phụ nữ, ăn giá đậu nành xào tái thêm một chút gừng có thể cải thiện được mái tóc, làm cho mái tóc óng mượt và còn có thể làm giảm béo vì trong giá đậu nành có rất nhiều vitamin C, caroten, chất khoáng.
Cháo đậu nành: Đậu nành ngâm nước, đãi vỏ sạch, cùng với một ít gạo nấu nhừ thành cháo. Cháo đậu nành giúp nhuận phế, tiêu đầy trướng hơi, lợi tiểu.
Đậu nành là thức ăn rất cần thiết cho trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ chậm phát triển, người bệnh đái tháo đường, bệnh gout.
Đậu đen
Theo “Nam dược thần hiệu”, đậu đen vị ngọt, tính hàn, bổ thận, gan, máu. Đậu đen trị được nhiều bệnh như trừ phong nhiệt, giải độc, giải nhiệt và dùng làm thuốc bổ dưỡng. Đậu đen rất thích hợp với người thận yếu hư, suy nhược khi cảm nặng, là món ăn giải nhiệt rất tốt trong mùa hè.
Cháo đậu đen: Đậu đen ngâm nước 2 giờ, cho thêm một ít gạo nấu nhừ thành cháo. Ăn nóng hay ăn nguội tùy thích. Khi ăn kết hợp với đậu phụ rán. Đây là món ăn giúp lợi tiểu, giải nhiệt rất tốt, thích hợp với mọi lứa tuổi.
Đậu đỏ
Theo y học cổ truyền, đậu đỏ có vị ngọt chua, tính bình, không độc. Đậu đỏ trị được các chứng mụn lở, thủy thũng, đi tả, đau buốt cơ thể, nôn mửa...
Cháo đậu đỏ: Giúp tiêu phù nước tiểu, lợi tiểu tiện, tránh độc. Cách nấu như cháo đậu xanh, đậu đen.
Hồng Hạnh (Theo SK & ĐS)
| |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 25/May/2009 lúc 11:33am
Lễ phép - xứ người, xứ mình |
|
LIÊN HOA (ÚC)
|
Một đứa trẻ VN lễ phép thì phải biết trả lời người lớn bằng những tiếng “dạ”, “thưa”, “vâng”... |
Lớp học với nhiều sắc dân khác nhau. Vị giáo sư yêu cầu học viên đại diện cho mỗi nước lên giới thiệu về cách thức giáo dục sự lễ phép nơi con trẻ theo đặc trưng của mỗi nền văn hóa. Nước nào cũng có từng phong tục riêng để buộc con trẻ phải noi theo...
Chuyện ở trường học
Đến phiên chị giới thiệu về sự lễ phép của trẻ em VN. Chị có thể dễ dàng giải thích cho cả lớp hiểu về việc trẻ con VN phải khoanh tay khi chào người trên, trao vật gì cho người lớn cũng phải trao bằng hai tay... Nhưng loay hoay mãi chị vẫn không biết phải giải thích bằng cách nào cho rõ ràng để học viên của những sắc tộc khác hiểu được sự khác nhau giữa cách trả lời của “dạ thưa” và tiếng “ừ”. Không biết làm cách nào để họ đủ sức cảm nhận rằng một đứa trẻ VN lễ phép thì phải biết trả lời người lớn bằng những tiếng “dạ”, “thưa”, “vâng”...
Với tiếng Anh, gọi thầy cô cũng trống không bằng một cái tên, không có những tiếng: “Dạ thưa thầy, dạ thưa cô”. Trả lời người trên kẻ dưới cũng chỉ giống nhau: “yes”, “no” hoặc “O.K”. Làm thế nào để chuyển dịch sang tiếng Anh rằng với một đứa trẻ lễ phép thì luôn phải mở đầu sự đối đáp với người lớn bằng tiếng dạ, tiếng thưa. Chị cố gắng để những học viên các nước khác có thể phân biệt rõ, ở VN một người lễ phép không thể trả lời người trên bằng một tiếng cộc lốc đơn giản như tiếng Anh người ta trả lời “OK”!
Chuyện ở nhà
Bạn bè có người bật cười khi nghe chị trả lời với con: “Dạ phải... dạ đúng... dạ thưa, con chờ má chút!”. Người ta không hiểu chị đang làm trò gì!? Chị giải thích: là vì ở xứ người chị không có bà con thân nhân bên cạnh, suốt ngày tụi nhỏ chỉ quấn quít quanh mẹ. Mặc dù chị dạy con phải nói lễ phép, nhưng không có ai để nó bắt chước thì dạy xong có khi lại quên. Cách tốt nhất để con khỏi quên là cứ nhìn theo cách trả lời của mẹ mỗi ngày thì nó sẽ làm theo.
Có người cắc cớ vặn vẹo: mình là cha là mẹ, làm vậy là... tự hạ thấp mình trước mặt con cái! Chợt nhớ nhiều bậc phụ huynh VN khi làm sai rất ngại xin lỗi con cái. Người ta nghĩ rằng cha mẹ mà phải xin lỗi con, người trên mà phải xin lỗi kẻ dưới thì không còn thể thống phép tắc gì nữa, con cái sẽ... lờn mặt!
Về chuyện dạ, thưa thì tiếng Anh thua tiếng Việt. Nhưng cái khoản xin lỗi, cảm ơn có lẽ mình cũng nên học theo. Ở Úc, từ nhỏ mới vào mẫu giáo, học trò đã được cô giáo dạy nếu lỡ ợ hơi hay ho hen một chút, phải nói ngay: “Excuse me!” (Xin lỗi nhe!) để khỏi phải gây khó chịu cho người khác. Làm gì cũng thường trực mấy tiếng “cảm ơn”, “xin lỗi” ngay đầu cửa miệng. Cha mẹ làm sai, xin lỗi con cái là chuyện thường tình. Phép tắc không thể đem ra áp dụng cho riêng con trẻ. Dạy con phải biết xin lỗi mà cha mẹ làm sai lại lảng tránh trách nhiệm thì trách con sao được.
Đất nước VN mở cửa, du nhập đủ mọi nền văn hóa Đông Tây. Cái tốt giữ lại, cái dở bỏ đi. Vậy nên, nếu có phải thủ thỉ với con rằng: “Dạ thưa, má xin lỗi con!”, âu cũng là vì tương lai con em chúng ta vậy!
Theo Tuổi Trẻ
| |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 25/May/2009 lúc 11:36am
SỰ PHONG PHÚ CỦA TIẾNG VIỆT |
Thổ ngữ Huế |
|
PHAN THỊNH
Tiếng Huế không phải chỉ đơn giản tê mô răng rứa như thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong thơ, nhạc và văn xuôi, như những nét chấm phá rất dễ thương để nói về người và xứ Huế; mà nhức đầu, phức tạp, nhiêu khê, đa dạng và phong phú hơn nhiều. Tùy vào từng địa phương của Huế, cách phát âm có chỗ nặng nơi nhẹ; lúc thanh tao khi khó hiểu.
http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/dataimages/200606/original/images1019579_thieunuhue-3.jpg"> |
Xứ Huế mộng mơ |
Xin được đơn cử một câu rất Huế, một tâm sự kín đáo giữa hai o đang tuổi lấy chồng: "Tau noái với mi ri nì, en còn ở dôn, rứa mà bữa tê tề, en chộ tau phơi ló ngoài cươi, en kiêu tau vô, bồn tau lên chờn, cái ba... en đẩn. Mi quai chướng khôn?". Sở dĩ tâm sự kín đáo vì đây là chuyện riêng của hai người, nói bằng thổ ngữ, nhưng ý nghĩa thì như vầy: "Tao nói với mày như vầy, ảnh còn ở rể, vậy mà hôm kia kìa, tao đang phơi lúa ngoài sân, ảnh kêu tao vào, bồng tao lên giường, rồi ảnh... Mày coi có kỳ không?".
Chữ "đẩn", ngoài ý nghĩa một trong bốn cái nhất của đời người trên còn có nghĩa như ăn: "Đẩn cho bưa rồi đi nghể" - "Ăn cho no rồi đi ngắm gái".
Đẩn cũng có nghĩa là đánh đòn: "Đẩn cho hắn một chặp!" (Đục cho hắn một hồi!). Chữ đẩn còn được phong dao Huế ghi lại: Được mùa thì chê cơm hẩm/ Mất mùa thì đẩn cơm thiu
Xin được thêm một câu ngăn ngắn gần như rặt thổ ngữ của Huế mà, nếu không có... thông dịch viên gốc Huế hoặc Huế rặt, e rằng khó mà... đả thông cho được: "Thưa cụ mự, bọ tui vô rú rút mây về đươn trẹt, bọ tui chộ con cọt, rứa mà nỏ biết ra răng, con cọt lủi, lủi năng lắm, bọ tui mờng rứa thê! Chừ mạ tui cúng con gà, cụ mự qua chút chò bui" - (Thưa cậu mợ, bố con vào rừng rút mây về đan rá (hoặc nia), bố con thấy con cọp, vậy mà chẳng biết sao; con cọp chạy trốn, chạy lẹ lắm; bố con mừng quá. Giờ mẹ con đang cúng con gà, cậu mợ qua chút xíu cho vui). Khó hiểu chưa?!
Thổ ngữ ở Huế thì nhiều lắm và cũng lạ lắm, và vì tiêu đề của bài này là lan man về những thổ ngữ đó, nên xin được nhẩn nha tìm lại chút ít những gì đã mất và ôn lại những gì đang còn xài. Vì trang báo có hạn, không thể giải thích từng chữ một, nên trong bài này, xin được ghép thổ ngữ thành từng câu, từng nhóm thổ ngữ, vừa đỡ nhàm chán lại ra câu ra kéo, có đầu có đuôi hơn: "Đồ cái mặt trỏm lơ mà đòi rượn đực!" - (Thứ mặt mày hốc hác mà đòi hóng trai). Độc chưa! O mô mà lỡ mang cái nhãn không cầu chứng tại tòa này chắc phải ở giá hoặc phải chọn kiếp... tha hương may ra mới có được tấm chồng. Chữ "rượn" gần đồng nghĩa với câu con ngựa Thượng Tứ, câu này cũng độc không kém. Thượng Tứ là tên gọi của cửa Đông Nam, bên trong cửa này có Viện Thượng Kỵ gồm hai vệ Khinh kỵ vệ và Phi kỵ vệ chuyên nuôi dạy ngựa cho triều đình Huế. Vì thế gọi ngựa Thượng Tứ có nghĩa bóng bảy xa xôi rằng con đó nó ngựa lắm, nó đĩ lắm, nhưng thâm thúy hơn nhiều.
"Mệ cứ thộn ló vô lu, còn lưa, tui này lại!" - (Bà cứ dồn lúa vô khạp (cho đầy), còn dư ra, con mua lại). Chữ "lưa" cũng còn có nghĩa là "còn đó" như trong hai câu trong bài ca dao Huế: Cây đa bến cộ (cũ) còn lưa (còn đó)/ Con đò đã khác năm xưa tê rồi
"Này lại" (mua lại); tiếng này thường chỉ dùng nơi xóm giềng, thân cận; tương đương với chữ nhường lại, chia lại, mua lại. Chứ không dùng ở chợ búa hoặc nơi mua bán um sùm.
Đập chắc lỗ đầu, vại máu! (Đánh nhau bể đầu, toé máu!). Thương bọ mạ để mô? Để côi trốt! Chắc chúng ta cũng thường hay hỏi lũ con lúc chúng vừa tập nói, vừa biết tỏ tình thương đối với cha mẹ, câu này có nghĩa: "Thương bố mẹ để đâu? Để trên đầu!". Rồi đưa ngón tay chỉ chỉ, miệng cười cười, nghe hoài không biết chán.
Lên côi độn mà coi (Lên trên đồi mà xem). Chữ "coi" về sau này đã phổ biến đến nhiều địa phương khác.
Mự đừng có làm đày! (Mợ đừng có lắm lời, thày lay). Riêng chữ cụ mự thường là dùng cho cậu mợ. Người Huế ít dùng chữ cụ để chỉ người già vì đã có chữ ôn hay ông. Điển hình như cụ Phan Bội Châu với chuỗi ngày "an trí " ở Huế, dân Huế đã có tên gọi ông già Bến Ngự, hoặc trong ca dao Huế có câu thơ như vầy khi nói đến cụ Phan: Chiều chiều ông Ngự ra câu/ Cái ve cái chén cái bầu sau lưng
Chộ chưa? Nỏ chộ! (Thấy chưa? Không thấy!). Nỏ là lối phủ nhận gọn gàng pha chút giận hờn, chanh cốm như chả biết, chả ăn, chả thèm vào! Hắn mô rồi? Nỏ biết! Chữ "nỏ biết" ở đây pha chút, chút xíu thôi sự phủi tay về cái chuyện hắn đang ở đâu! Tục ngữ Huế: Có vỏ mà nỏ có ruột.
En dòm tui, tui dị òm! (Anh ấy nhìn tôi, tôi thẹn quá!). Chữ "òm" người Huế vẫn thường dùng để bổ túc cho cái phủ định của mình: Ngon không? Dở òm!
O nớ răng mà không biết hổ ngươi! (Cô đó sao mà không biết mắc cỡ!) Hổ ngươi cũng là tên của cây trinh nữ, cây mắc cỡ . Cũng như xấu hổ, thẹn, mắc cỡ thì ốt dột, dị và hổ ngươi có nghĩa khác nhau tuy chút ít nhưng tinh tế, nhẹ nhàng
Chiều hắn cho gắt, hắn được lờn!: Chiều nó cho lắm vào, nó làm tới. Mời ôn mệ thời cơm: Mời ông bà dùng cơm .
Mệ tra rồi mệ chướng: Bà ấy già nên sinh tật. Chữ chướng, người Huế cũng thường dùng để chỉ mấy đấng nhóc tì khóc nhè, bướng bỉnh hoặc các vị có lối nói, cách hành xử ngang như cua .
Bữa ni răng tau buồn chi lạ, buồn dễ sợ luôn ! (Sao hôm nay tao buồn quá, buồn quá trời luôn!). Dễ sợ, với người Huế không đơn thuần ở nghĩa thấy mà ghê, hoặc khủng khiếp quá, mà còn có nghĩa, thí dụ: Con nớ đẹp dễ sợ!: Con bé đó đẹp quá trời!
* * *
http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/dataimages/200607/original/images1023417_huehotinhtam.jpg"> |
Hồ Tịnh Tâm ở Huế |
Xa Huế đã lâu lắm rồi, từ ngày vừa biết tập tành đi nghễ mấy o Đồng Khánh, vừa ngấp nga ngấp nghé muốn vào (nhưng sợ bị chưởi) nhấm nháp thử ly cà phê đen sánh của cà phê Phấn, nơi mà các anh hùng trong thiên hạ vẫn tấp nập ra vào; và cũng vừa biết để dành tiền để mua những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn tại nhà sách Ưng Hạ. Phong cách Huế không ít thì nhiều cũng đã phôi pha, thổ ngữ Huế cũng không mấy khi có dịp để dùng lại cho đỡ nhớ, cho khỏi quên; thành ra cũng xao lãng đi nhiều .
Trong cái xao lãng bỗng có ý nghĩ muốn tìm lại, noái lại tiếng noái của thời cũ rích cũ rang nhưng đằm thắm đó. Cho nên chỉ xin được ghi lại đây những gì còn nhớ mài mại, để gọi là khơi lại chút âm thanh của những ngày xưa cũ.
Theo Phan Thịnh/e-cadao.com
| |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 25/May/2009 lúc 11:40am
CHUYỆN TIẾNG MẸ ĐẺ |
Tiếng nước tôi |
|
SUỐI SÂU
Nhạc sĩ Phạm Duy, từ năm 1953, tự đáy lòng một người Việt đã ngân rung lên bài hát "Tình ca" bất hủ:
Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, Người ơi! Mẹ-hiền ru những câu xa-vời, À ơi! Tiếng ru muôn đời...
Tiếng nước tôi. Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi. Nước ơi!
Tiếng nước tôi. Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi. Nước ơi!
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi... Tiếng nước tôi, thứ tiếng mà cha mẹ dạy dỗ, dìu đỡ ta từ ấu thơ đến khi thành người. Tiếng nước tôi là tiếng thét của tổ tiên xa xưa đánh giặc ngoại xâm, tiếng hát hò dô dựng nước, thả lượn câu hò đối đáp trong mùa cấy gặt, hội hè đình đám nơi cổng làng sân đình...
Hôm nay, biết bao người con Việt vì nhiều nguyên nhân phải rời xa quê mẹ sống trên xứ người khá lâu, không có dịp để dùng tiếng mẹ đẻ hàng ngày. Nhưng chắc chắn không vì thế mà họ không nhớ đến quê Cha đất Mẹ. Tâm sự quê hương vẫn nồng nàn trong mỗi trái tim Việt tha hương. Âm thanh dìu dặt "tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi" vẫn vang vọng trong tâm tưởng, và tiếng mẹ đẻ vẫn còn theo bước đàn con Việt trên khắp mọi nẻo đường diệu vợi.
Ầu ơ... ví dầu cầu ván đóng đinh Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi...
Tiếng mẹ ru năm xưa tưới tắm làn nước mát ngôn ngữ Việt để vun xới tâm hồn con trẻ. Hôm nay đi xa tít tắp nơi hải ngoại, mỗi khi lặng lẽ nhớ về quê nhà xa xôi...
http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/dataimages/200512/original/images853671_demtrang.jpg"> |
|
Khó đi mẹ dắt con đi...
Sao ta khát khao được nghe mẹ ru lại câu ca dao đó đến thế! Sao ta thèm bàn tay nâng niu, dìu dắt của mẹ đến thế?
Bao năm phiêu bạt nơi xứ người, những con đường hiện đại, cao tốc mà sao cũng gập ghềnh khó đi như chiếc cầu tre trong hát của mẹ ngày nào. Tiếng mẹ đẻ, cùng sự đùm bọc, chở che của cha, làm cho những câu ca dao, những bài học đầu đời đã giúp ta vượt bao khó khăn trên đường đời, rèn luyện ta nên người. Ôi tiếng mẹ đẻ thân yêu của ta, có đâu như ở Việt Nam quê ta, người mẹ đã đặt vào lòng con những giọng hò, câu ca êm ả, những bài học ngọt ngào... ngay từ lúc đứa con mới chào đời. Có bao giờ ta tự hỏi mình phải làm gì để giữ gìn tiếng mẹ ru ngày xưa?
Thật ra, những người Việt hải ngoại cần tìm "mọi lúc mọi nơi" để nói, viết tiếng Việt, vì khi ta nói hay viết cũng có nghĩa là ta đang tham gia sáng tạo tiếng Việt, chữ Việt. Làm cho nó sống động hoàn toàn như một thứ "sinh ngữ". Đối với con cháu, ta cần phải bỏ thời gian giúp chúng học hiểu chữ và tiếng Việt. Thực trạng khác, có thể vì tiếng Việt chưa được đề cao đúng vị trí khiến cho người Việt chúng ta thiếu vắng ý thức bảo tồn và phát huy tiếng mẹ đẻ. Đó là chưa kể đông đảo người Việt ở hải ngoại vì sinh sống trong bối cảnh xã hội bản địa ít dùng tiếng mẹ đẻ nên người Việt hải ngoại, nhất là người gốc Việt trẻ tuổi, thường không để tâm đến đến việc học hỏi, trau giồi tiếng Việt. Còn gì hay hơn khi người Việt hải ngoại cao tuổi hàng ngày dành thời giờ nói chuyện với con cháu bằng tiếng Việt, phải tranh thủ ngay tại bàn ăn và thậm chí ngay trước TV. Thường xuyên mời bà con, gia đình, thân hữu đồng hương đi thăm viếng nhau để có dịp nói tiếng mẹ đẻ...
"Tôi yêu nước tôi...". Ta hãnh diện là con Rồng cháu Tiên, mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng nở trăm con, từ đó người dân nước Việt ta gọi nhau là đồng bào. Dù nay ta đã vươn vai lớn lên cùng năm tháng, ra biển lớn, lên trời cao nhưng không bao giờ cắt đứt hơi thở nghìn đời của Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta đi khắp năm châu bốn bể nhưng cùng cầu mong sao cho tiếng "mẹ, cha" thân thương không bị thay thế bởi "mommy" và "daddy" vô cảm!
S.S
| |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 25/May/2009 lúc 11:44am
Tiếng... Sài Gòn |
|
VĨNH VÂN
Lang thang phố xá Sài Gòn là thói quen của nhiều người, nhiều thế hệ cư dân của thành phố trẻ, lớn và hiện đại nhất cả nước. Dạo phố Sài Gòn mà không nghe, không nhìn được tiếng Việt thì mất đi hơn 50 phần trăm thú vị vì người Sài Gòn tuy vẫn nói tiếng Việt, nhưng là tiếng Việt kiểu Sài Gòn, hay người ta nói gọn: tiếng Sài Gòn.
|
Người Sài Gòn sáng tạo và đóng góp cho từ điển Việt Nam rất nhiều từ... |
Tiếng Sài Gòn đơn giản mà… vui
Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai, Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!
Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau Người ra thăm bến câu chào nói lao xao Phố xá thênh thang đón chân tôi đến chung vui Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!
Những câu hát đơn giản, dung dị trong bài hát “Sài Gòn” của nhạc sĩ Y Vân. Những ca từ không văn vẻ chẳng tô son trát phấn mà sống mãi trong lòng bao thế hệ người Sài Gòn! Người Sài Gòn là vậy. Đã có một thời câu cửa miệng người Sài Gòn là: “hết xẩy”, “sức mấy”! Sức mấy mà buồn ý nói hơi nào mà buồn làm chi. Rồi “sức mấy” cũng biến mất khỏi khẩu ngữ dân Sài Gòn, giống như vậy là trường hợp của cụm từ “bỏ qua đi Tám”.
Hai cụm từ khẩu ngữ trên càng được người Sài Gòn “khoái khẩu” hơn sau khi nhạc sĩ Phạm Duy đưa vào một trong những bài “tục ca” của ông:
Sức mấy mà buồn… Buồn ơi, bỏ qua đi Tám…
Cái ông nhạc sĩ già vậy mà vui tính! Theo “con đường vui” đó, một nhạc sĩ trẻ sau này cũng đưa một cụm “khẩu ngữ” Sài Gòn vào nhạc khá thành công là “hổng dám đâu”. Đó là lúc đi đâu trên phố Sài Gòn cũng nghe con nít nghêu ngao:
Hổng dám đâu, em còn phải học bài…
Còn vô quán bia hơi bình dân thì nghe các bợm vừa khoác tay vừa hát:
Hổng dám đâu, “em” còn phải “trả bài”…
Tiếng Sài Gòn “thực dụng”
http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/dataimages/original/images779635_Nhatho.jpg"> |
Lang thang phố xá Sài Gòn... |
Tiếng Sài Gòn dễ hiểu, dễ nói, dễ viết. Người Sài Gòn sáng tạo và đóng góp cho từ điển Việt Nam rất nhiều từ hay, ngắn, gọn, ai nghe cũng hiểu ngay đó là cái gì:
- Bột ngọt (miền Bắc: mì chính)
- Mì ăn liền
- Xe hơi (miền Bắc: ô tô)
- Bánh tráng (miền Bắc: bánh đa)
- Đớp hít (“Tự vị tiếng nói miền Nam” của Vương Hồng Sển giải thích: Đớp là con thú nhảy đến mà ngoạm nhanh lấy mồi: con cóc nằm bên bờ ao, lăm le lại muốn đớp sao trên trời (Việt Nam Phong Sư). Hít là hút hơi vào bằng mũi: hít một mồi thuốc 555. Đớp hít đi đôi là tiếng lóng của bọn dùng ma tuý, đói thèm đã lâu nay gặp thuốc thì táp và nuốt ngay mất cả khói lẫn thuốc, giây lát mới phun nhả ra, đê tơ lơ mơ sảng khoái của kẻ đi mây về gió, môn đồ của nhóm yên sĩ phi lý thuần. Hiện nay đớp hít có nghĩa là hôn hít vội vã và hàm nghĩa làm tình gấp rút).
Giới trẻ ngày nay hội nhập vào nhiều nền văn hoá, nhiều ngôn ngữ quốc tế (nhất là tiếng Anh, Mỹ) nên cũng “cung cấp” thêm cho tiếng Sài Gòn một mớ từ “ba rọi”, nửa nạc nửa mỡ nghe thì kỳ kỳ nhưng cũng vui tai:
- Chết men (“nhập khẩu” từ “man” của tiếng Anh)
- Đao (Việt hoá từ “down” của tiếng Anh)
- Ô sin (tên một nhân vật trong phim Nhật, để chỉ người hầu, người ở)
…..
Thử nghe một đoạn “văn ba rọi” của một bạn trẻ Sài Gòn hôm nay: "Sorry mày nha, tối qua papa với mama cắt cơm, money hết sạch, chứ không thì tao đi overnight với tụi bây rồi. Từ đây tới chiều có chương trình gì,“phôn cho tao một tiếng. See you!”. Thật vui tai vui mắt nhưng cũng thật sự đáng lo ngại cho tiếng Việt trong thời hội nhập!
* * *
Một vài ý “dòm ngó” đến một vài tiếng Sài Gòn ngộ nghĩnh, vui vẻ là chính, chứ người viết cũng không dám “léng phéng” bàn thêm về ngôn ngữ, học thuật.
| |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 27/May/2009 lúc 2:46am
Nhạc cụ_Đàn Bầu
|
Đàn Bầu có tên chữ là Độc Huyền Cầm, là nhạc cụ họ dây chi gẩy của dân tộc Việt. Đàn có hai loại là đàn thân tre và đàn hộp gỗ. |
|
http://www.vnmusicology-inst.vnn.vn/vietnamese/nhaccu/hoday/Danbau/dbau1.JPG"> |
Đàn thân tre: là đàn của những người hát Xẩm. Thân đàn làm bằng 1 đoạn tre hoặc bương dài khoảng 120 cm, đường kính 12 cm. Mặt đàn là chỗ đã được lóc đi một phần cật thích hợp trên đoạn tre hoặc bương.
Đàn hộp gỗ là loại đàn cải tiến sau này, dùng cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đàn hộp gỗ có nhiều hình dáng, kích thước khác nhau. Loại phổ biến nhất là loại hình thang có chiều dài khoảng 115 cm. Đầu lớn rộng 10 cm, cao 9 cm, đầu nhỏ rộng 8 cm, cao 7 cm. Mặt đàn cong làm bằng loại gỗ nhẹ, xốp như gỗ Ngô Đồng, gỗ Vông. Đáy đàn phẳng cũng làm bằng gỗ nhẹ, xốp có lỗ thoát âm. Thành đàn làm bằng một loại gỗ cứng như gỗ Trắc, Mun.
Về hình dáng và chất liệu của hộp cộng hưởng (tức Thân đàn) của hai loại đàn có khác nhau, nhưng về cấu tạo, hai đàn hoàn toàn giống nhau.
Dây đàn có chiều dài chạy suốt thân đàn. Thuở xưa dây đàn làm bằng tơ tằm se thành sợi, về sau thay bằng dây sắt.
Bầu đàn làm bằng 1/2 vỏ quả bầu nậm (lấy đoạn núm thắt cổ bồng). Bầu đàn lồng vào giữa vòi đàn nơi buộc dây đàn. Bầu đàn có tác dụng tǎng thêm âm lượng cho đàn. Ngày nay người ta tiện bầu đàn bằng gỗ và chỉ có tác dụng tạo dáng mà thôi.
Trục lên dây làm bằng tre (ở đàn tre) hoặc bằng gỗ (ở đàn gỗ). Trục lên dây nằm ở cạnh trong sát phía dưới thân đàn. Dây đàn luồn qua một lỗ nhỏ ở mặt đàn rồi sâu vào trục lên dây. Phía trước lỗ nhỏ có một ngựa đàn đỡ dây đàn.
Âm hưởng của Đàn Bầu nhỏ chỉ thích hợp với không gian yên tĩnh. Thủa xưa Đàn Bầu là nhạc cụ của những người hát rong (hát Xẩm). Về sau này Đàn Bầu đã tham gia trong các dàn nhạc Chèo, Tài Tử, Ngâm Thơ, tốp nhạc, nhóm nhạc và độc tấu. Rất nhiều tác phẩm sáng tác cho Đàn Bầu độc tấu như : Vũ Khúc Tây Nguyên - Đức Nhuận, Dòng Kênh Trong - Hoàng Đạm, Vì Miền Nam - Huy Thục...
Trong số những cây đàn một dây của các nước trên thế giới như đàn Tuntina của Ấn Độ, Đàn Cung ở vùng Đông Phi, đàn TushuenKin (độc huyền cầm) của Trung Quốc. Không có cây đàn một dây nào phát ra cả một hệ thống âm bồi vừa có tính phổ cập, vừa có tính nghệ thuật cao như cây đàn Bầu của Việt Nam.
http://vanhoavietnam - http://vanhoavietnam .vn
|
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 27/May/2009 lúc 2:53am
Nhạc cụ_Tiêu |
Tiêu là loại sáo thổi dọc trung âm của dân tộc Việt. |
|
Tiêu được làm bằng thân ống nứa. Một đầu có mấu, đường kính 2 cm, dài 45 cm. Bên gờ miệng ống người ta khoét một lỗ hình bán nguyệt để thổi, thẳng hàng với lỗ thổi có 4 lỗ hình tròn, còn hai lỗ khoét ở mặt sau do ngón tay cái phụ trách. Sở dĩ phải khoét 2 lỗ bấm ở phía sau vì ống tiêu dài, đường kính rộng, muốn đạt được các âm theo yêu cầu, các lỗ bấm phải khoét cách xa nhau, nếu 6 lỗ đều khoét trên một hàng thẳng, các ngón tay không đủ sức gang ra để bấm. Khi thổi người ta cầm dọc ống tiêu và tỳ cằm vào gần lỗ thổi để tạo ra âm thanh. Âm thanh của Tiêu nghe trầm, ấm.
Tiêu tham gia trong dàn nhạc tài tử, ban nhạc tang lễ, phường bát âm, dàn nhạc sân khấu chèo, tuồng. Ngày nay, Tiêu đã được đưa vào dàn nhạc dân tộc tổng hợp hòa tấu.
|
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 27/May/2009 lúc 2:58am
Món ăn lạ lùng từ ốc
|
|
Sau khi ngâm ốc với dừa, người ta có thể cắt ngang con ốc ra nhiều miếng mỏng xào với các thứ rau: rau cần tây, tỏi tây, cà rốt, mực tươi; hoặc có thể thái nhỏ thịt ốc rồi băm cùng với thịt heo có trộn mộc nhĩ, nấm hương, đem nhồi vào trong những vỏ ốc bươu mà hấp. |
|
Chọn một con ốc bươu thật lớn, đập nhẹ lên vỏ ốc cho nứt ra thật nhiều, thật đều và nhẹ nhàng để ốc khỏi bị thương. Hái một quả dừa tươi, cắt ngang bên trên, mở một cái nắp đủ rộng để bỏ ốc lọt vào trong quả dừa, sau khi đổ bớt đi một phần nhỏ nước dừa. Dùng dây kẽm may kín nắp dừa lại cho nước bên ngoài không rỉ vào trong, nếu không dừa bên trong sẽ bị thối, ốc sẽ chết.
Chôn quả dừa ở một chỗ đất ẩm ướt(gần chum nước), sâu khoảng 30cm. Khoảng 3 tháng sau, đào đất moi quả dừa lên, mờ nắp ra bạn sẽ thấy gì?
Con ốc bươu bằng ngón chân cái đem chôn sống trong quả dừa nay đã biến hình một cách lạ thường. Nó lớn bằng cái chén ăn cơm. Nước trong quả dừa đã cạn hết và cùi dừa bên trong cũng bị con ốc buồn tình gặm hết. Có thể nói rằng đây là lần đầu tiên con ốc biết uống nước dừa, ăn cùi dừa để lớn thành một loại ốc khổng lồ đem da thịt ra hiến cho người sành ăn một món ăn đặc biệt.
Bây giờ đây, vỏ con ốc là vỏ quả dừa. Phải, nó lớn như thế đó. Cái vỏ thiên nhiên của nó đã biến đi không còn để lại dấu vết. Có lẽ trong thời kỳ bị giam trong ngục tối trái dừa, con ốc đã ăn hết cái vỏ cứng đã bị đập nứt. Nhưng không biết nó ăn ra sao? Muốn lấy con ốc ra, phải bổ vỏ dừa. Mầu đen trước kia của thân thể ốc nay thành mầu trắng vàng như miếng pho mát.
Người đầu tiên có sáng kiến này là cụ Tú quê ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
|
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 27/May/2009 lúc 10:13am
Cá thính thôn quê
|
Cá thính là món ăn độc đáo của người dân Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Tuy nhiên món ăn này đang bị mai một dần, một phần do cách chế biến rất cầu kỳ.
Món ăn không cầu kỳ nhưng lại tốn nhiều thời gian cho công đoạn "ủ". Làm cá thính, không cần những nguyên liệu phức tạp song cần có bình chứa, chỗ để và những vật dụng tối cần thiết khác. Người ta mua cá về (loại cá nào cũng được), đánh vẩy, mổ bỏ lòng, mang rồi rửa sạch. Nếu cá to phải chặt ra từng khúc xấp xỉ bằng 2 bao diêm, cá nhỏ thì để cả con. Ướp cá với muối theo tỷ lệ 10kg cá/1,5kg muối, để cho muối thấm đều cả trong và ngoài thân cá. Xếp cá vào lọ thủy tinh hoặc chum sành để 4-7 ngày tùy theo thời tiết để cho cá cứng và ngấm đều muối. Sau đó lấy cá ra khỏi lọ, dùng 2 tay ép cá cho chảy hết nước muối, để cá khô se lại. Rang ngô hoặc gạo rồi xay mịn thành bột thính. Nhồi bột thính vào trong mình và đầu cá xoa thấm đều thân cá. Xếp cá đã nhồi thính vào lọ cao cổ miệng nhỏ bằng thủy tinh hoặc sành sứ. Lấy rơm sạch hoặc lá chuối khô đặt lên trên miệng lọ và cài chặt lại bằng thanh tre. Úp ngược lọ vào một bát nước (thỉnh thoảng phải thay nước). Sau vài tháng đã có thể ăn được. Người ta chế biến cá thính bằng cách nướng cá trên than hoa. Nhiều người ngại nướng đã rán cá nhưng làm như vậy cá mất độ thơm ngon, độ cứng. Thịt cá thính nướng màu hồng, vị hơi chua, đậm đà và mùi thơm đặc trưng. Một số nhà còn lấy thính còn sót lại đem rang với mỡ ăn cũng ngon.
Cá thính ăn với cơm trong các dịp lễ, tết hoặc ngày thường. Cá thính thường được mang ra mời khách quý như một món đặc sản. Ngày nay món cá thính đang bị mai một dần. Ở một số chợ nhỏ thành phố Việt Trì (Phú Thọ) hiện nay vẫn có bán món cá thính, song do thời gian ủ chưa kỹ, hoặc bỏ bớt một số công đoạn nên cá mất đi độ thơm và chua như vốn có.(ND)
|
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 27/May/2009 lúc 10:19am
Trứng mực chiên giòn - Côn Đảo - BRVT
|
Món này chắc chỉ có dân miền biển - như Côn Đảo quê tôi - mới có dịp thưởng thức. Trứng ngon phải được lấy từ con mực thật tươi. Mực mới câu từ biển đưa lên bờ, chưa qua đêm hay chưa được bảo quản bằng bất cứ loại vật liệu nào, kể cả nước đá, thì mới tuyệt hảo!
Mực tươi mổ ra, bỏ túi mực, bỏ mai và phần gan có màu vàng đất. Được mực lá là ngon nhất. Phần thân mực và râu mực chế biến như bình thường: luộc, xào hay nhúng giấm, chiên giòn... Lấy bọng trứng trong suốt với hai nang sữa cuối bụng mực cho vào cối. Một cân mực có thể lấy được nửa tô trứng. Quết trứng ấy bằng chày gỗ. Chỉ vài ba chày lá trứng dẻo quánh bám vào đầu chày. Giã thêm một chút nữa cho trứng thật dai rồi cho gia vị vào: Một ít muối, tiêu, bột ngọt, hành lá xắt xuyễn. Thúc thêm vài lượt chày nữa cho trứng thấm đều gia vị. Lúc này, trứng đã dao, dẻo đến độ bám hết vào đầu chày. Mỗi lần kéo chày lên là kéo cả khối trứng màu sữa thơm phức mùi hành, tiêu.
Trứng ấy mà đem chiên mỡ thì dai, giòn không thua gì chả cá thát lát miền nam. Độ ngọt, thơm lại hơn cả giò sống miền bắc. Trứng mực chiên trong chảo mỡ cứ phồng dần, vàng rộm như miếng chả quế.
(Theo VHNT Ăn uống) |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 27/May/2009 lúc 10:28am
Làng gốm Bát Tràng
|
|
Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10 km về phía Đông - Nam là làng gốm Bát Tràng, nay thuộc huyện Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội). |
|
Là một làng gốm lâu đời và lừng danh nhất ở Việt Nam, làng gốm Bát Tràng ngày nay vẫn hoạt động và ngày càng phát triển mạnh. Tục truyền, làng ban đầu có tên là Bạch Thổ phường (phường những ngời thợ làm đồ đất trắng) sau đổi lại thành Bát Tràng phường (phường có lò bát).
Theo truyền thuyết dân gian thì nghề gốm xuất hiện ở Bát Tràng từ thời Lý. Do một nhóm người vùng Bạch Bát (Bồ Bát) thuộc huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình đi thuyền ngược sông Hồng để buôn bán, gần đến Thăng Long thấy một bãi đất hoang phì nhiêu họ liền ghé lên nghỉ qua đêm. Đêm ấy một trong số những người đó mơ thấy vua Thuỷ Tề rước xuống Thuỷ Cung chơi. Khi người đó về, vua sai một đoàn thợ đi theo và xây cho toà nhà lộng lẫy toàn bằng đất thó. Về sau con cháu người này cứ cậy đất thó ra ăn mà tường mãi không đổ... Tỉnh dậy người ấy đem giấc mơ của mình kể lại cho cả đoàn, mọi người cho đây là điềm lành, bèn quyết định bỏ nghề buôn ở lại cắm đất ấy lập làng.
Câu chuyện tuy không mấy thuyết phục về thời điểm xuất hiện làng gốm Bát Tràng. Song qua tài liệu khảo cổ học cho biết có nhiều di tích Lý trang trí bằng các vật liệu đồ gốm men xanh. Một tài liệu đáng tin cậy hơn là Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết đầu thời Lê cho biết: Nhà nưóc định lệ mỗi lần cống Trung Quốc, làng Bát Tràng phải cung ứng 70 bộ bát đĩa Ý. Điều đó chứng tỏ đến thời gian này gốm Bát Tràng đã khá tinh xảo.
Hiện nay, ở nhiều đình chùa vẫn còn lưu giữ các chân đèn, lư hương có chạm hình rồng phượng, mây hoa màu xanh lam, đề rõ tên, địa chỉ và thời gian chế tác tại Bát Tràng thế kỷ XVI (chùa Bối Khê - Hà Tây). Ngoài ra một số tài liệu của người nước ngoài cũng cho biết những thông tin về gốm Bát Tràng ở thế kỷ XVI - XVII (Pujio Koiama - gốm cổ châu Á). Với tất cả những thông tin đó cho phép ước đoán làng Bát Tràng đã tồn tại ở ven đô Thăng Long với tư cách một làng nghề khoảng hơn 500 năm nay.
Gốm Bát Tràng từ xa đến nay đã lưu hành trên khắp mọi miền đất nước, thậm chí ra cả nước ngoài. Nhiều loại loại gốm quý và độc đáo nhất của ta đã từng nổi tiếng trong và ngoài nước. Đó là gốm men ngọc (thời Lý - Trần), gốm hoa nâu hay gốm men nâu (cuối Trần - đầu Hồ), gốm men rạn (thời Lê - Trịnh) và gốm hoa lam (vào cuối Lê - đầu Nguyễn). Có thể xác nhận được các loại gốm quý ấy đều được sản xuất ở Bát Tràng, trừ gốm men nâu do làng gốm Thổ Hà (Hà Bắc) làm là chính.
Từ những thế kỷ trước, đồ gốm Bát Tràng đã thuộc loại cao cấp, quý hiếm nhưng phần nhiều là đồ thờ: chân đèn, lư hương, bình hoa. Về sau, do thị hiếu phát triển, cộng với nhu cầu thị trường, gốm Bát Tràng đã có nhiều đồ gia dụng, phổ biến nhất là bát, đĩa, bình, lọ Ý.
Ngày nay, gốm Bát Tràng đã sản xuất khá nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại và kiểu dáng, bao gồm cả những mặt hàng mỹ nghệ: Đĩa treo tường, lọ hoa, con giống, tượng phiên bản và phù điêu với kỹ thuật và công nghệ cao.
Đứng trước những mặt hàng mỹ nghệ gốm Bát Tràng ngày nay cho ta cảm giác thán phục đến kinh ngạc bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng gốm - những con ngời đã sai khiến được đất và lửa để tạo nên những men ngọc cho đời.
(Theo internet)
|
|
Người gởi: Phanthuy
Ngày gởi: 27/May/2009 lúc 1:22pm
PT lúc nào cung hoan nghinh sự tham gia của Ranvuive . Rất vui thích khi đọc những tài liệu do ranvuive post , rat hay và có ích. Thank you !
Món cá thính thấy ngon quá. Cha, nếu biết bây giờ có nơi nào bán món này thì dù xa tới đâu PT cũng tìm tới thử cho biết .
------------- PhanThuy-CA
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 28/May/2009 lúc 3:37am
Xin chào cô Phan Thủy,
ranvuive xin cảm ơn cô Phan Thủy đã luôn theo dõi và quan tâm đến những tài liệu mà ranvuive post lên diễn đàn. Đó là một điều khích lệ đối với ranvuive.
Còn về món "Cá thính", ranvuive sẽ tìm hiểu thêm và sẽ thông tin sau cho cô Phan Thủy rõ thêm.
Chào cô Phan Thủy.
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 28/May/2009 lúc 3:47am
Thưởng Thức Lẩu Băng Chuyền
Độc Đáo Tại Tp Hcm
http://www.amthuc.com.vn/In-tin-am-thuc_thuong-thuc-lau-bang-chuyen-doc-dao-tai-tp-hcm_84.html -
Thức ăn dần xoay tròn trên băng chuyền, qua vị trí chỗ ngồi để bạn thoải mái lựa chọn các món theo sở thích. Phong cách ăn lẩu mới này sẽ xuất hiện lần đầu tiên tại TP HCM vào 4/5 này.
Thực khách Sài Gòn biết đến chuỗi nhà hàng lẩu Coca Suki như người tiên phong trong việc mang đến thương hiệu lẩu Coca và các món Thái nổi tiếng khắp châu Á từ cuối 2007. Vào ngày 4/5, tại chi nhánh nhà hàng Coca Express ở lầu 3 Parkson Hùng Vương sẽ ra mắt một phong cách ăn lẩu hoàn toàn mới: Lẩu băng chuyền.
Lẩu băng chuyền là một khái niệm khá mới mẻ, nhưng lại thể hiện rất rõ về hình thức phục vụ độc đáo này. Thức ăn dần dần xoay tròn trên băng chuyền qua vị trí chỗ ngồi của bạn để bạn thỏa mắt ngắm nhìn những màu sắc tươi vui của món ăn. Bạn có thể vừa nhanh tay, nhanh mắt lựa chọn các món theo cá tính và sở thích của mình.
Thực đơn cho Lẩu băng chuyền rất phong phú với nhiều món ăn tươi sống của nhóm hải sản (16.000 đồng/đĩa), ngọt lành của các loại thịt (14.000 đồng/đĩa), vị thơm nồng từ các loại viên (12.000 đồng/đĩa) và tươi mát với rau, nấm (8.000 đồng/đĩa). Nước lẩu ăn kèm được tinh chế từ xương gà hầm thanh tao hay nước lẩu Tom Yum cay tê lưỡi đặc trưng của hệ thống chuỗi nhà hàng Coca.
Trong khi tham quan và mua sắm tại Trung tâm thương mại Parkson, bạn có thể thỏa thích thưởng thức Lẩu băng chuyền chỉ với 1 người hay rôm rả trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp tại khu vực 4-6 người. Với hình thức tự phục vụ, với không gian thoải mái không bị ai quấy rầy... chắc chắn đây sẽ là một điểm đến thật thú vị trong tháng 5 này.
Bạn hãy nhanh chân để là người đầu tiên thưởng thức phong cách ẩm thực mới mẻ này nhé!
Đặc biệt trong dịp khai trương tại lầu 3 Trung tâm thương mại Parkson Hùng Vương, quận 5: Tặng một đồ uống cho 500 khách hàng đầu tiên khi dùng Lẩu băng chuyền.
Điện thoại: 08 2222 0396
(Công ty CPTM Nhật Thái, Nhà hàng lẩu Cocasuki)
|
Người gởi: Phanthuy
Ngày gởi: 28/May/2009 lúc 4:55pm
Chào bạn Ranvuive.
Nội cái tên cũng đã hay rồi , PT thích vui vẻ lắm nên lúc nào cũng vui vẻ cả.
Còn ai chưa vui thì rán vui vẻ cho đời vui theo , cũng hay , hi hi.
Thật ra nhiều người thưởng thức các bài của RVV lắm đó chứ đâu phải mình PT. Hoan hô lần nữa .
Về món cá thính thì cám ơn Ranvuive chịu khó hỏi dùm , nếu nó ở ngay
Sài Gòn thì tháng tới PT sẽ mời Ranvuive đi ăn đó. Cả món Lẩu băng chuyền nữa , PT cũng mời luôn vì tháng 6 PT sẽ về VN có công việc trong 2 tuần .
Tìm mau mau lên Ranvuive nhé ! Cô cháu mình sẽ gặp nhau .
------------- PhanThuy-CA
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 29/May/2009 lúc 8:44am
Chùm ảnh:
Một đêm chơi ở chợ tình Sa Pa
(VietNamNet) - Chỉ nghe đồn chợ tình Sa Pa bây giờ tuần nào cũng có một phiên vào tối thứ 7 thì dù đôi chân chưa tới mà lòng đã tới rồi. Nghe không khí thơm nồng mùi rượu, tiếng khèn môi dìu dặt gọi mời. Chuyếnh choáng sương mờ, mắt ướt, môi tươi...
|
Rượu thì uống nhưng lòng chưa ưng đâu nhé! |
Không còn nguyên bản một phiên chợ tình thủa trước cả năm mới có một lần. Cả năm quần quật trên nương; mở mắt là vấp phải núi, bước chân là vướng cây rừng, chỉ được một ngày trọn vẹn thong dong cho chuyện tình cảm. Trai gái tìm nhau giữa chợ, vợ gặp người yêu cũ, chồng tìm bạn gái xưa. Chỉ một ngày thôi rồi ai về nhà nấy. Lại quần quật vì miếng cơm manh áo. Thương nhau, nhớ nhau phải chờ đến tận năm sau.
Bây giờ thì khác rồi. Tối thứ bẩy tuần nào cũng có một phiên chợ tình ở khu nhà thờ Sa Pa. Gọi là chợ nhưng chẳng có gì ngoài trai, gái. Không đông lắm cũng được non trăm người. Chủ yếu là người Mông, người Dao. Khách chơi chợ tình còn có cả người Kinh, người nước ngoài nữa. Họ nghe đồn chợ tình tuần nào cũng có thì vác máy ảnh đến chơi chứ không vào túm áo con gái người ta lôi ra đồi tỉ tê được.
http://vietnamnet.vn/dataimages/200610/original/images1131765_14.jpg"> |
Gọi bạn tình. |
Cũng áo quần thổ cẩm, vòng bạc lấp lánh trên tai, dưới cổ. Không có áo thổ cẩm thì chơi nguyên bộ comle tầu cộng thêm đôi dép tổ ong cũng tốt. Kẻ ôm khèn bè người xách rượu. Rượu đựng trong can nhựa, trong vỏ chai lavie; chén bằng ống tre, ống nứa, dân dã nồng nàn.
Uống mấy chén cho mắt long lanh. Ngắt lá rừng thổi kèn môi dìu dặt, thì thầm gọi bạn. Bạn tình chưa ưng thì vừa múa vừa thổi khèn bè điệu nghệ vòng quanh các nàng. Trai trổ mã, gái xiêu xiêu lòng. Rồi níu, rồi kéo, rồi đưa nhau ra đồi tâm sự tỉ tê...Cuộc vui đến tận nửa đêm chưa tàn.
Đến khi chợ tan, trai gái lại nhẩy lên xe máy tàu rú ga phóng về bản vắng trả lại cho không gian mờ mờ sương trắng sự yên tĩnh thấm hơi lạnh toát ra từ đá núi. Lý Lở Mẩy, một thiếu nữ Dao ở bản Tả Phìn, mặt ửng hồng vì men rượu nói: “cứ đến thứ 7 bọn con trai, con gái chúng em sắm sửa mặc bộ quần áo đẹp nhất đi bộ đến đây từ 2h chiều, vui lắm”. Lý Láo Sử, chàng trai 19 tuổi cũng vui không kém: “Em thì có xe máy nên gần tối em phóng một tí là tới đây, hôm nào cũng 1h sáng mới về tới nhà”.
Lôi nàng ra khỏi chỗ đông người |
Tốc độ của tình yêu |
http://vietnamnet.vn/dataimages/200610/original/images1131755_34.jpg"> |
Lôi em nhanh hơn nữa đi anh! | |
http://vietnamnet.vn/dataimages/200610/original/images1131757_53.jpg"> |
Uống thêm chén nữa cho đủ can đảm nhé | |
http://vietnamnet.vn/dataimages/200610/original/images1131759_71.jpg"> |
Đừng có vội buông tay đấy nhé! | |
http://vietnamnet.vn/dataimages/200610/original/images1131761_85.jpg"> |
Bắt ai đây? | |
|
Nửa đêm về sáng chợ tình mới tan. | | |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 29/May/2009 lúc 8:58am
6 "độc chiêu" đặc sản Nam bộ
Trần Trọng Trí
* Rắn hổ đất nằm cây thục địa, Ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên.
* Chiều chiều én liệng trên trời, Rùa bò dưới nước khỉ ngồi trên cây.
* Tới đây đất nước lạ lùng, Chim kêu phải sợ, cá vùng phải kiêng !
* Ví dầu cá bống kho tiêu, Con theo hát bội mẹ liều con hư.
Ta thử hình dung quang cảnh đồng bằng Nam bộ lùi lại 300 năm về trước. Đó đây, vài sóc Miên, dăm ba mái tranh xơ xác, còn bao nhiêu rừng là rừng ... Ngày hai buổi nếu không có chút khói lam lách qua khe lá để báo hiệu có sự sinh hoạt của loài người, thì đây chỉ có thể coi như khu rừng bốn mùa lặng ngắt. Dưới sông, khó tìm được cánh buồm. Cá mập, cá sấu, rắn ... tung hoành như một giang sơn riêng biệt. Trên bờ, dưới những bóng cổ thụ vươn dài hàng loạt cành, rễ chằng chịt là những chuột, bọ, muỗi mòng, đỉa vắt ... sinh sôi nảy nở. Đồng bằng Nam bộ phải qua quá trình khai phá, chinh phục bền bỉ mới trở nên trù phú như bây giờ. Tiến trình cải tạo thiên nhiên ấy đã được ghi nhận lưu giữ trong nền văn hoá khai hoang, lập ấp của người Việt. Nó gắn liền với "tiếng tăm " của những món đặc sản đồng ruộng, nơi thảo dã. "Chất " của các món ăn ấy bắt nguồn từ rừng, từ sông; nghe thì hơi ghê, song ăn vào thì ...
Tắc kè xào lăn
Trên cánh đồng tứ giác Long Xuyên, tiếp giáp với vùng biển và rừng Kiên Giang - Hà Tiên, cũng như vùng Đồng Tháp Mười bao la, ngút ngàn, nổi tiếng là những địa danh có nhiều tắc kè, rắn mối. Đây là món ăn khá phổ biến của dân quanh vùng. Sau khi tổ chức bắt tắc kè, người ta chặt bỏ đầu, nhúng nước sôi, cạo cho sạch lớp vẩy. Trước khi ướp, chặt tắc kè ra từng mếng, ướp với đại hồi, tiểu hồi, bắc chảo phi mỡ tỏi, rồi đổ thịt tắc kèvào xào cho săn lại; sau đó vắt nước cốt dừa vào xâm xấp, chụm lửa liu riu để thịt hoà quyện với gia vị và nước cốt (đừng để lửa nóng quá mất ngon). Hễ thấy nước cốt dừa sắc xuống, ta bắc chảo ra, rắc đậu phộng lên là xong. Thịt Tắc kè thơm ngon lạ lùng ! Đặc biệt là phần đuôi ... béo ngậy, bồi bổ ngũ tạng, lục phủ, vì nơi đây tập trung mỡ và xương sụn. Tắc kè xào lăn mà có thêm "đế" thì khỏi chê ! Nhưng không phải ai cũng có thể dùng món quí hiếm này !
Chuột xào sả ớt
Sau khi tổ chức dặm cù bắt chuột hoặc đi săn chuột bằng mũi chĩa về anh em xúm nhau đun nước cho sôi, trụng chuột vào chảo nước, lột da cho sạch, lộ ra lớp thịt chuột trắng phau đem treo lên cho ráo nước, chặt bỏ đầu, đuôi, chân... Sau đó, chặt thịt chuột thành từng miếng vừa miệng, ướp tỏi, bột ngọt, đường, muối, ngũ vị hương, nước tương... độ chừng 5 phút cho thấm. Xong đâu đó, bắc chảo lên bếp, để thật nóng, cho mỡ, phi tỏi thật vàng, thơm, đổ xả ớt giã nhuyễn vào xào liên tục đến khi se lại mới cho thịt vào đảo đều tay. Khi thịt chín múc ra dĩa, rắc tiêu, đậu phộng lên. Dùng khi thịt còn nóng thì mới "tuyệt cú mẻo - không thua gì món ngon "chốn cung đình " ! Cháo đậu xanh nấu với rắn hổ đất
Ở Đồng Tháp Mười rắn, rùa nhiều có tiếng. Khi bắt được rắn hổ đất, đem đập đầu cho chết, dùng nước sôi cạo vẩy thật sạch. Kế đến mổ lấy ruột gan, rồi chặt rắn thành từng khúc dài khoảng tấc tây; đem hầm cho nhừ mới vớt ra. Sau đó, đổ gạo và đậu xanh vào nồi nước hầm rắn. Cháo chín nêm nếm vừa miệng. Đem xé thịt rắn hổ đất nhỏ như thịt gà, trộn chanh, rau răm. Múc mỗi tô cháo cho vào một ít thịt rắn, có rắc tiêu hành trộn đều, ăn đến đâu mát đến đó ... vì cháo đậu xanh rắn hổ đất làm mát gan, giải nhiệt !
Dơi quạ hấp chao
Dơi quạ có rất nhiều ở miệt rừng U Minh thượng và hạ. Khi làm thịt dơi quạ, dứt khoát không nên để lông dính vào thịt trong lúc lột da, và phải bỏ cho hết chất xạ trong dơi đi, thịt mới không hôi. Chặt đầu, bỏ cánh, rửa sạch máu, chặt miếng vừa ăn, dùng chao ớt đã đánh nhuyễn và gia vị ướp chung với thịt; để một lúc rối bắc lên bếp hấp cách thuỷ. Món này bổ thận nhất đấy !
Ba Khía ngâm muối
Ba khía là loại sinh vật sống ở ven sông, biển, hình dáng giống con cua, lớn hơn con còng. Ba khía bắt đem về rửa sạch, chú ý làm sạch mắt và miệng, rồi ướp ba khía với muối theo tỷ lệ thích hợp, bỏ vào khạp, đậy kín nắp lại. Khoảng một tuần lễ ba khía sẽ chín, lấy ra ăn với món nào cũng đều ngon. Lúc đem ba khía ra dùng, cần ngâm với nước sôi khoảng năm phút, tách yếm bẻ càng, bỏ tròng tô ướp tỏi, ớt, chanh, đường, bột ngọt cho thấm đều, bắt chảo phi mỡ, tỏi cho thơm rồi đổ ba khía vào chiên. Khi nào ăn, vắt chanh vào, ta sẽ có món ăn ngon, nhứt là ăn với cơm nguội, hết sảy ! Cá bống kho tiêuĐây không phải là cá bống mú của cô Tấm thời xa xưa, mà là cá bống trứng xuất hiện vào lúc mùa mưa dầm ở miệt đồng bằng Nam bộ. Chúng sống bám theo những dề lục bình trôi lềnh bềnh trên sông rạch theo con nước lớn, ròng. Loại bống trứng này nhỏ con, lớn lắm chỉ bằng ngón tay út, chúng ăn toàn bọt bèo trên mặt nước nên trong ruột không có chất dơ. Thông thường, người ta bơi xuồng kè theo mấy dè lục bình, dùng rổ xúc cá bống, hoặc là dùng đáy giăng trên sông. Mỗi lần kéo đáy vài ba ký cá tươi nhảy soi sói. Do không có tạp chất, nên cá bống đem về khỏi cần mổ bụng, chỉ để vào rổ, dùng lá chuối tươi chà xát cho sạch nhớt, bớt tanh, trộn với ít muối cho thấm đều cá, rồi rưới ít dầu hoặc mỡ, nước màu, xốc cho đều, bắc lên bếp chụm lửa liu riu. Đặc biệt kho với nước mắm đồng, nêm đường, bột ngọt cho vừa ăn. Khi nước vừa cạn, rưới thêm mỡ hoặc dầu, rắc tiêu lên cho thơm. Ăn cơm với cá bống kho tiêu thật đậm đà tình quê hương ... rất hợp với cuộc sống dân dã. Sáu món ăn " độc chiêu " này của người Nam bộ gợi cho bạn điều gì ? Chắc chắn đó không đơn thuần chỉ là " quí hiếm ", " tuyệt cú mèo " hay " mát gan, bổ thận " mà còn là sự khẳng định bản lĩnh thích ứng cao độ của người Việt ta trong buổi đầu khai sơn lập địa ở vùng Nam bộ hoang dã xưa.
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 29/May/2009 lúc 9:04am
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 29/May/2009 lúc 9:32am
Thêm điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở Sa Pa | |
|
|
|
Ngoài khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, Thác Bạc... mỗi ngày thu hút hàng ngàn khách đến tham quan, hiện Sa Pa (Lào Cai) còn có thêm điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, đó là khu "Vườn hồng Sa Pa" hay còn được người địa phương gọi là "Thung lũng hoa hồng" hoặc "Thung lũng tình yêu" do một công ty du lịch liên doanh nước ngoài xây dựng.
Sa Pa trong sương
|
Với diện tích hơn 20ha, nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa chưa đầy 5km về phía đông nam hạ huyện, khu du lịch sinh thái công nghệ cao Việt - Mỹ nằm trọn trong thung lũng bốn mùa bồng bềnh mây trắng được tạo bởi hai dãy núi Hàm Rồng và Hoàng Liên Sơn. Đây là một điểm nhấn quan trọng trong bức tranh du lịch của Sa Pa. Trong mấy năm trở lại đây, khu du lịch sinh thái này được đầu tư trồng hàng triệu gốc hoa hồng Pháp. Trong khuôn viên vườn hồng có hàng chục ngôi nhà sàn gỗ pơmu, mái đá ngũ sắc với lối kiến trúc kết hợp giữa dân gian và hiện đại, thể hiện sự sáng tạo tài hoa với sự kết hợp tinh tế giữa phong cách của đồng bào vùng cao và đường nét kiến trúc mang phong cách châu Âu. Các nhà sàn đều hướng về phía thung lũng Lao Chải, nơi có những tràn ruộng bậc thang, nét độc đáo trong lối canh tác của cư dân nông nghiệp vùng cao. Ngoài thưởng thức vẻ đẹp của thung lũng hoa hồng, khu Vườn hồng còn có rất nhiều loại hình giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng độc đáo, mang phong vị Sa Pa như: dịch vụ tắm thuốc dân tộc; biểu diễn văn nghệ đặc sắc nét văn hóa của đồng bào Mông, Dao, Tày, Xa Phó; hệ thống nhà hàng, quán bar… Từ khu du lịch này, du khách còn được tham gia các chuyến dã ngoại leo núi Phan Xi Păng, khám phá văn hóa bản làng, thưởng thức các món ăn độc đáo cá Hồi Vân, ngọn su su luộc, rau cải mèo xào thịt hun khói với ớt khô; thưởng thức những trái cây ôn đới tươi ngon chỉ có ở Sa Pa.
Mới bước vào mùa du lịch 2009, du khách đến với điểm du lịch này đã lên đến con số 1.000, cả khu có chục ngôi nhà sàn, bình quân mỗi nhà 4 phòng, từ đầu năm đến nay các nhà đều khai thác hết công suất phòng nghỉ ./.
| |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 30/May/2009 lúc 9:41am
Thực đơn dựng tóc gáy
(TinNhanhBlog.com) Côn trùng đang là món ăn thịnh hành ở châu Á. Chuột, gián, cào cào, châu chấu, sâu bọ, rắn, kiến…hiện được xem như những đặc sản của các nhà hàng ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và Bangkok (Thái Lan).
Khu ẩm thực côn trùng luôn thu hút khách du lịch. Rất nhiều người cho rằng, “côn trùng là một món ăn giàu protein”.
Bạn có thể xem thực đơn, những món canh, chiên, nướng, súp côn trùng cũng vô cùng phong phú và hấp dẫn. Khuyến cáo: nếu bạn yếu tim thì không nên vào những nhà hàng kiểu này.
Món súp gián
Món sâu xiên
Rắn
Bò cạp
Chuột nướng
Châu chấu chiên giòn
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 30/May/2009 lúc 10:41am
Cúng giỗ
Theo tập quán lâu đời, dân ta lấy ngày giỗ (ngày mất) làm trọng, cho nên ngày đó, ngoài việc thăm phần mộ, tuỳ gia cảnh và tuỳ vị trí người đã khuất mà cúng giỗ. Ðây cũng là dịp gặp mặt người thân trong gia đình trong dòng họ, họp mặt để tưởng nhớ người đã khuất và bàn việc người sống giữ gìn gia phong. Vào dịp đó người ta thường tổ chức ăn uống, nên mới gọi là ăn giỗ, thì cũng là trước cúng sau ăn, cũng là để cho cuộc gặp mặt đậm đà ấm cúng, kéo dài thời gian sum họp, kể chuyện tâm tình, chuyện làm ăn. Với ý nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" việc đó có thể xếp vào loại thuần phong mỹ tục.
Ngày giỗ theo âm Hán là huý nhật hay kỵ nhật, tức là lễ kỷ niệm ngày mất của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cũng có nghĩa là ngày kiêng kỵ.
Nguyên ngày trước, "Lễ giỗ" gọi là "Lễ chính kỵ"; chiều hôm trước lễ chính kỵ có "lễ tiên thường" (nghĩa là nếm trước), con cháu sắm sanh một ít lễ vật, dâng lên mời gia tiên nếm trước. Ngày xưa, những nhà phú hữu mời bà con làng xóm ăn giỗ cả hai lễ tiên thường và chính kỵ. Dần dần hoặc vì bận việc hoặc vì kinh tế hoặc vì thiếu người phục dịch, người ta giản lược đi, chỉ mời khách một lần nhưng hương hoa, trầu rượu vẫn cúng cả hai lễ. Tóm lại, nếu vận dụng đúng phong tục cổ truyền phổ biến trong cả nước thì trước ngày chết (lễ tiên thường) phải cúng chiều, cúng đúng ngày chết (lễ chính kỵ) phải cúng buổi sáng.
Theo gia lễ: "Ngũ đại mai thần chủ", hễ đến năm đời thì lại đem chôn thần chủ của cao tổ đi mà nhấc lần tằng tổ khảo lên bậc trên rồi đem ông mới mất mà thế vào thần chủ ông khảo. Theo nghĩa cửu tộc (9 đời): Cao, tằng, tổ, phụ (4 đời trên); thân mình và tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn (4 đời dưới mình). Như vậy là chỉ có 4 đời làm giỗ (cao, tằng, tổ, phụ) tức là kỵ (hay can), cụ (hay cố), ông bà, cha mẹ. Từ "Cao" trở lên gọi chung là tiên tổ thì không cúng giỗ nữa mà nhập chung vào kỳ xuân tế, hoặc phụ tế vào ngày giỗ của thuỷ tổ.
Những người đã đến tuổi thành thân, thành nhân nhưng khi chết chưa có vợ hoặc mới có con gái, chưa có con trai hoặc có con trai nhưng con trai cũng chết, trở thành phạp tự (không có con trai nối giòng). Những người đó có cúng giỗ. Người lo việc giỗ chạp là người cháu (con trai anh hoặc anh ruột) được lập làm thừa tự. Người cháu thừa tự được hưởng một phần hay toàn bộ gia tài của người đã khuất. Sau khi người thừa tự mất thì con cháu người thừa tự đó tiếp tự.
Những người chưa đến tuổi thành thân (dưới 16 hoặc dưới 18 tuổi, tuỳ theo tục lệ địa phương) sau khi hết lễ tang yết cáo với tổ tiên xin phụ thờ với tiên tổ. Những người đó không có lễ giỗ riêng, ai cúng giỗ chỉ là ngoại lệ. Có những gia đình bữa nào cũng xới thêm một bát cơm, một đôi đũa đặt bên cạnh mâm, coi như người thân còn sống trong gia đình. Ðiều này không có trong gia lễ nhưng thuộc về tâm linh, niềm tưởng vọng đối với thân nhân đã khuất.
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 30/May/2009 lúc 10:44am
Giao thiệp
Theo phong tục Việt Nam "miếng trầu là đầu câu chuyện" miếng trầu tuy rẻ tiền nhưng chứa đựng nhiều tình cảm ý nghĩa, giầu nghèo ai cũng có thể có, vùng nào cũng có.
Miếng trầu đi đôi với lời chào, người lịch sự không "ăn trầu cách mặt" nghĩa là đã tiếp thì tiếp cho khắp. Vì trầu cau là "đầu trò tiếp khách" lại là biểu tượng cho sự tôn kính, phổ biến trong các lễ tế thần, tế gia tiên, lễ tang, lễ cưới, lễ thọ, lễ mừng...
* Tục ăn trầu
Tương truyền có từ thời Hùng Vương và gắn liền với một chuyện cổ tích nổi tiếng "chuyện trầu cau". Miếng trầu gồm 4 thứ nguyên liệu: cau (vị ngọt), lá trầu không (vị cay), rễ (vị đắng) và vôi (vị nồng). Ăn trầu thể hiện nếp sinh hoạt mang đậm tính dân tộc độc đáo của Việt Nam. Sách xưa ghi rằng "ăn trầu làm thơm miệng, hạ khí, tiêu cơm". Miếng trầu, làm cho người ta gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Miếng trầu nhân lên niềm vui, khách đến được mời trầu; tiệc cưới có đĩa trầu để chia vui; ngày lễ, tết, ngày hội miếng trầu với người lạ để làm quen, kết bạn; với người quen miếng trầu là tri âm tri kỷ. Miếng trầu cũng làm người ta ấm lên trong những ngày đông lạnh giá, làm nguôi vợi bớt nỗi buồn khi nhà có tang, có buồn được sẻ chia cảm thông bởi họ hàng bạn bè làng xóm. Miếng trầu còn là sự thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ trước cho nên trên mâm cỗ thờ cúng gia tiên của người Việt có trầu cau. * Hút thuốc lào
Trong khi đa số giới nữ ăn trầu và miếng trầu là đầu câu chuyện thì đối với đàn ông, thuốc lào gắn bó với họ lúc vui, buồn thậm trí suốt cả cuộc đời. Thuốc lào được hút bằng điếu ống, điếu bát, để cho tiện dụng khi xa nhà lại hút bằng điếu cày (điếu để hút thuốc trong lúc cày bừa ở đồng ruộng nên gọi là điếu cày).
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 30/May/2009 lúc 10:47am
Món ăn ngày tết
Bánh chưng
Bánh chưng là món ăn dân tộc không thể thiếu được trong dịp Tết Nguyên đán của mỗi người dân Việt Nam. Cứ đến dịp này, mỗi gia đình đều chuẩn bị ít ra một cặp bánh chưng, bày lên bàn thờ cúng tổ tiên.
Bánh chưng có màu xanh và vuông vắn tượng trưng cho trái đất. Theo truyền thuyết bánh chưng xuất hiện vào đời vua Hùng, khi hoàng tử Lang Liêu dâng lên vua cha, được vua ngợi khen và nhường ngôi.
Việc gói bánh chưng rất công phu. Gạo nếp để gói bánh chưng là loại nếp ngon và được ngâm từ ngày hôm trước. Thịt lợn làm nhân phải chọn miếng có đủ cả bì, mỡ, nạc. Đậu xanh đều hạt, lá dong xanh. Bánh chưng được gói vuông, không chặt quá và không lỏng quá. Bánh gói xong cho vào nồi luộc. Bánh luộc bằng củi, mùn cưa, trấu thì rất ngon.
Đến Việt Nam bạn có thể ăn bánh chưng vào bất cứ lúc nào. Nhưng bạn chỉ có thể cảm nhận hết hương vị của bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán. Lúc này cùng với đĩa bánh chưng còn có thêm đĩa giò lụa, hành muối chua để ăn kèm.
Theo truyền thống dân tộc, trước tết khoảng một hay hai ngày, bên bếp lửa hồng, cả gia đình ngồi quây quần bên nồi bánh chưng ôn lại chuyện cũ và chuẩn bị đón chào năm mới với niềm hy vọng chứa chan vào những điều tốt đẹp sẽ đến.
Dưa hành
Dưa hành là món bình dị, dân dã nhưng vô cùng độc đáo và không kém phần hấp dẫn trong bữa ăn của người Việt Nam. Ðặc biệt, vào những ngày Tết cổ truyền, trong mâm cỗ đầy thịt cá mà thiếu món dưa hành hẳn nhiên sẽ mất nhiều thú vị. Dưa hành không chỉ mang lại cho ta cảm giác ngon miệng mà nó còn có tác dụng đẩy nhanh sự tiêu hóa. Bí quyết của món dưa hành ngon chính là ở nước ngâm hành. Những củ hành trắng, mịn nổi vân xanh ăn vừa chua, vừa giòn đi cùng với bánh chưng là món khoái khẩu trong ngày Tết. .Mâm ngũ quả
Trong ngày Tết, bên cạnh những chiếc bánh chưng xanh, cành đào đỏ, gia đình nào cũng bày một mâm ngũ quả trên bàn thờ. Mỗi loại trái cây một màu sắc, tượng trưng cho thuyết ngũ hành và cũng thể hiện ước nguyện của gia chủ, mong một năm ấm no.
Chủ đạo trong mâm là nải chuối, còn xanh, quả nây đều, cái "đầu ruồi" chưa rụng. Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy những trái ngọt - thành quả cả năm lao động của người miệt vườn. Người ta thường chọn cam Bố Hạ, còn gọi là cam sành, ánh xanh chưa tan hết thì mầu vàng đã hiện, hòa vào nhau như một thứ sành già lửa. Trái cam Vinh (Xã Đoài) tròn quả, vàng tươi cũng rất được ưa thích. Mâm quả đón xuân mới sẽ thêm nền nã bởi sự có mặt của đôi quả trứng gà hình trái đào tiên hay hồng xiêm Xuân Đỉnh. Cần chút đỏ tươi thì thêm cà chua, chùm ớt sừng trâu. Có người còn trưng cả quả khế mọng nước còn vương một nhánh lá xanh. Đặc biệt nhất là quả phật thủ, chỉ có trên vùng lạnh giá Cao Bằng, Lạng Sơn. Thứ quả này sẽ làm thơm cả căn phòng suốt mấy ngày Tết.
Ở miền Nam, mâm ngũ quả có khác đôi chút. Bà con thường bày thêm trái xoài, dừa và đu đủ. Ngày nay, đời sống phong phú, mâm ngũ quả cũng có thể nhiều hơn không chỉ là 5 trái năm màu. Ngoài những loại quả truyền thống, các gia đình có thể bày thêm những trái cây ngoại nhập như táo tây, cam vàng xứ ngoại... tuỳ thuộc vào sở thích mỗi nhà. Hương vị mâm ngũ quả theo khói hương tỏa rộng, đem theo hy vọng, ước mong của các thành viên trong gia đình.
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 31/May/2009 lúc 4:02am
Thư pháp Việt Nam
Xin được giới thiệu với các bạn một bộ môn nghệ thuật đang phát triển bên Việt Nam, đó là môn Thư pháp.
Ở Việt Nam thuở xưa, vào mỗi dịp Xuân về, người dân hay đến nhà những « Thầy Ðồ » hay những người « hay chữ » để xin chữ về treo như một bức tranh, vừa là món đồ trang trí nhưng cũng vừa là món ăn tinh thần. Thầy đồ hay người hay chữ cho chữ bằng cách viết một hay nhiều chữ trên một tờ giấy lớn, với nội dung mang tính cách chúc tụng hay giáo dục, nét chữ thường được khen là đẹp như rồng bay phượng múa. Lối viết như vậy được gọi là Thư Pháp. Thư Pháp là phương pháp viết chữ (đẹp).
Cụ Ðồ xưa:
Thư pháp là một môn nghệ thuật phát xuất từ Trung Hoa và đã được các nước Nhật, Triều Tiên, Việt Nam âm thầm chấp nhận và lặng lẽ duy trì.
Ðối với phương Tây, thư pháp được thực hiện bằng nhiều phương tiện : bút sắt, cọ, thước, compa, êke...Con chữ được nắn nót theo chuẩn mực và tỷ lệ. Ðó là cái đẹp của các con chữ theo thị giác người sử dụng hệ chữ La Tinh.
Ðối với người phương Ðông, nói đến môn Thư pháp, người ta thường nghĩ đến cách viết chữ Hán với phong cách đặc biệt... Với cây bút lông, mực và giấy người Trung Hoa đã đưa nghệ thuật viết chữ vươn lên đỉnh cao với lý thuyết phong phú, mang tính triết học, thiền học.
Ở Việt-Nam vào thời điểm nầy, có lẽ ngoại trừ một số người lớn tuổi thâm Nho mới đọc được chữ Hán, chữ Nôm, chớ còn hầu hết là không đọc được.
Bởi vậy tại sao ta không viết thư pháp bằng tiếng Việt ? Viết chữ Việt cũng đẹp vậy, bởi vì sao giải thích được : « Sao là đẹp ? Sao là không đẹp ? » (KTS Nguyễn Thanh Sơn)
« Biết đâu cái gọi là đẹp đối với ta, chắc gì gọi là đẹp đối với kẻ khác !... biết đâu cái gọi là đẹp đối với ta bây giờ chắc gì gọi là đẹp đối với ta sau nầy” (Trang Tử).
Thư pháp bằng tiếng Việt:
Theo các bậc khoa giáp thời xưa, việc chọn một câu văn một bài thơ để viết lên trang giấy là việc cần hết sức cẩn trọng. Vì ngoài việc thể hiện nét bút tài hoa, năng khiếu viết chữ, nội dung một bức thư pháp còn cho thấy tư tưởng, kiến thức, tâm hồn của người viết. Khi cầm bút, ngoài thể hiện những đường nét rồng bay phượng múa, các thư pháp gia còn phải "nhiếp tâm" với những gì mình sắp sửa viết ra.
Phong trào viết Thư pháp bằng tiếng Việt đã được khôi phục một cách mạnh mẽ từ khoãng 10 năm nay. Bên Việt Nam nhiều Câu Lạc Bộ viết Thư pháp được thành lập trong các thành phố lớn, đã có nhiều "Thư pháp gia" tổ chức những cuộc triển lãm thư pháp như những hoạ sĩ triển lãm tranh vẽ. Tôi xin giới thiệu với bạn sơ lược về bộ môn nầy.
Mới nhìn qua, chúng ta có thể nghĩ là bộ môn nầy khá dễ, muốn viết sao cũng được, miễn cho đẹp thì thôi ! Thật ra môn Thư pháp cũng có nhiều qui tắc, sau đây là vài nguyên tắc chánh.
Chương pháp: tức là nguyên cứu phương pháp phân bố chữ với chữ, hàng với hàng, và các hàng với toàn bộ bức thư pháp. Một bức thư pháp thành công hay không là do ở chương pháp.
-Ðầu câu không thụt vô. -Các hàng đều và dài bằng nhau -Một chữ lẻ loi không đứng thành một hàng -Khoảng trống ở hàng cuối không dài hơn phân nửa chiều dài của hàng -Không dùng dấu chấm câu.
Hình dạng bức thư pháp: Có bốn hình dạng chánh
-Hình chữ nhật đứng (Trung đường) -Hình chữ nhật ngang (Hoành phi) -Hình vuông (Ðấu phương) -Hình mặt quạt (Phiến diện) (coi hình dưới đâÿ)
Ấn chương (hay con dấu, con triện) là một nét văn hoá rất độc đáo của người Trung Quốc.
Ấn chương là một yếu tố quan trọng của một bức thư pháp hay một bức họa. Ðặt đúng vị trí, ấn chương tăng thêm gía trị của tác phẩm, ngược lại sẽ làm hỏng nó. Nghiên cứu kỷ ấn chương, người ta có thể giám định một bức thư họa là chính bản hay ngụy tạo.
Nguyên tắc khắc ấn triện là khắc chìm hoặc khắc nổi :
-Khắc chìm khi in ra có nét chữ trắng trên nền đậm. -Khắc nổi, khi in ra có nét chữ đậm trên nền lợt. -Loại nữa chìm nữa nổi
Vị trí đặt con dấu:
Trong các thư tác của người Trung Hoa xưa có nhiều vị trí được qui ước để đóng dấu như :
-Ðóng ở bên phải, phía trên thư tác gọi là Nhân chương -Ðóng ở thắc lưng thư tác gọi là Yêu chương -Ðóng ở phía dưới, bên trái thư tác gọi là Danh chương
Tùy theo thư tác có khổ lớn hay nhỏ, dài hay ngắn mà có thể đóng một, hai, hoặc ba dấu triện. Vị trí các dấu triện đều có ý nghĩa riêng của nó.
Thư pháp Việt ngữ không hoàn toàn theo qui ước đóng dấu của người Trung Hoa mà theo cách thực hành sau đây :
Khi tác giả vừa là tác giả nội dung (Ý) vừa là tác giả hình thức (Hình) ; hoặc tác giả Hình nhưng Ý là các câu văn thơ cổ (hết bản quyền) thì con dấu ở vị trí dưới, phải. Hoặc có thể thêm một dấu ở trên, trái như dấu treo. Như vậy được gọi là Toàn triện.
Khi tác giả Hình viết Ý của tác giả khác (văn, thơ...) nhưng chưa có sự đồng ý của tác giả đó thì con dấu của tác giả Hình đặt bên dưới, phải, còn bên trái ghi tên tác giả Ý và người viết phải ghi « thủ bút » hoặc « viết ». Vị trí nầy tạm gọi là Bán triện
Khi tác giả Hình viết Ý của tác giả khác (văn, thơ...) có sự đồng ý của tác giả Ý thì được quyền đóng dấu ở dưới, bên phải nhưng phải đề tên tác giả Ý phía trên cao, bên trái ; và người viết phải ghi chữ « thủ bút » hoặc « viết ». Vị trí nầy tạm gọi là Ðồng triện.
Trường hợp ngoại lệ : vì lý do bố cục mà người viết không thể sắp xếp được vị trí nơi đóng dấu thì được đặt dấu ở vị trí khác nhưng phải ghi rõ tác giả về Ý. Vị trí nầy tạm gọi là Ngoại triện.
Các kiểu chữ trong Thư pháp
Trong thư pháp việt ngữ hiện nay xuất hiện 5 kiểu chữ chánh:
Chữ Chân Phương, tạm gọi là Chân Tự, là cách viết rõ ràng dễ đọc, rất giống chữ thường.
Chữ Cách Diệu, tạm gọi là Biến Tự, là cách viết biến đổi từ chữ Chân Phương mà ra nhưng các chữ cái hơi được biến dạng một chút để tạo ra cái lối viết riêng của mình.
Chữ Cá Biệt, tạm gọi là Cuồng Thảo, là lối viết Thư Pháp mà người phóng bút « nhiếp tâm » giữa tư tưởng và quản bút. Lối viết chữ nầy thể hiện cá tính của người viết, nhìn vào kiểu chữ nầy, người xem dễ biết tác giả mà không cần phải xem bút ký. Kiểu chữ nầy thường viết liền lạc trong một nét nên khó đọc.
Chữ Mô Phỏng là lối viết mô phỏng dựa theo kiểu chữ của nước ngoài. Có người viết chữ Việt nhìn vào ngỡ chữ Tàu, hay chữ Ả Rập, chữ Miên, v.v...
Chữ Mộc bản là kiểu chữ giống như chữ khắc trên mộc hoặc như kiểu thợ sắp chữ của nhà in mà khi viết thì theo một phương pháp đảo lộn, khi xem phải dùng gương phản chiếu. Nhìn vào chữ có dạng Hán-Nôm nhưng đó lại là chữ Việt viết ngược.
Ngoài ra trong một số tranh Thư Pháp còn có hình ảnh minh họa về thiên nhiên, trong đó phần tranh có thể chiếm khoãng không gian lớn hơn phần chữ. Với đặc trưng nầy Thư Pháp trở thành Thư Họa.
Trong một số người viết thư Pháp, có nhiều người là họa sĩ, họ thường biến chữ thành tranh, tranh là hình ảnh của chữ. Lối viết nầy rất khó. Thí dụ như :
Ta có thể hình dung ra được khuôn mặt của Ðức Phật
Sau đây là chữ "Phật" của Trần Bá Linh:
Chữ "Lệ rơi" của Tuấn Hạ :
Và cuối cùng là chữ "Mẹ" của Chính Văn:
Nếu ta nhìn kỷ thì có thể "thấy" hình dáng người mẹ tóc dài xõa lưng, đứng đưa lưng lại và dang tay ra để đở một đứa bé, đứa bé nầy nhìn ngang, nằm co lại như còn trong bụng mẹ.
Nguồn http://lichsuvietnam.com - http://lichsuvietnam.com
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 31/May/2009 lúc 4:06am
Thư pháp Việt Nam
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 31/May/2009 lúc 4:25am
Loài kiến trên cây phổ biến nhất ở Nam bộ là kiến vàng. Chúng làm tổ bằng lá cây. Có quan sát quá trình làm tổ của chúng mới thấy đó là một kỳ công. Có khi chúng phải cắn vào nhau làm thành dây chuyền để kéo những chiếc lá lại với nhau rồi dung keo dán lại
http://nguyentl.free.fr/Public/Ho_Van_Tam/kien_vang.jpg -
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 01/Jun/2009 lúc 4:35pm
Dạ, xin chào cô PT!
ranvuive đã dò hỏi khắp nơi nhưng vẫn không tìm ra nơi nào ở Sài Gòn có món "cá thính". Xin cô PT thông cảm nhe vì ranvuive không tìm được thông tin nào khác về món "cá thính" nữa.
ranvuive có một người bạn quê ở Huế, nhưng đang sống tại SG, cô ấy nói là món đó làm rất công phu nên bây giờ ít có người làm lắm. Ở Sài Gòn lại còn khó tìm ra món này lắm.
ranvuive phúc đáp lại cho cô PT rõ.
Chúc cô PT 1 chuyến về VN vui vẻ.
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 02/Jun/2009 lúc 3:02pm
Lịch sử các loại chữ viết Việt Nam
Trong lịch sử hình thành và phát triển, chữ Việt cũng chịu nhiều ảnh hưởng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt.
Chữ Hán
Chữ Hán vào Việt Nam theo con đường giao lưu văn hóa bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Hiện nay, ở Việt Nam còn lưu giữ được số hiện vật như đỉnh cổ có khắc chữ tượng hình (chữ Hán cổ). Điều này là một phần chứng minh được rằng chữ Hán cổ xuất hiện ở Việt Nam khá sớm và thực sự trở thành phương tiện ghi chép và truyền thông trong người Việt kể từ những thế kỷ đầu Công nguyên trở đi.
Đến thế kỷ VII - XI chữ Hán và tiếng Hán được sử dụng ngày càng rộng rãi ở Việt Nam. Thời kỳ này tiếng Hán được sử dụng như một phương tiện giao tiếp, giao lưu kinh tế thương mại với Trung Quốc. Do Việt Nam bị ách đô hộ của phong kiến phương Bắc trong khoảng thời gian hơn một ngàn năm, vì vậy hầu hết các bài văn khắc trên tấm bia đều bằng chữ Hán. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng chữ Hán có ảnh hưởng to lớn như thế nào đối với nền văn hóa của nước Việt Nam xưa. Từ sau thế kỷ thứ X, tuy Việt Nam giành được độc lập tự chủ, thoát khỏi ách thống trị của phong kiến phương Bắc, nhưng chữ Hán và tiếng Hán vẫn tiếp tục là một phương tiện quan trọng để phát triển văn hóa dân tộc.
Chữ Nôm
Dù chữ Hán có sức sống mạnh mẽ đến đâu chăng nữa, một văn tự ngoại lai không thể nào đáp ứng, thậm chí bất lực trước đòi hỏi, yêu cầu của việc trực tiếp ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của bản thân người Việt. Chính vì vậy chữ Nôm đã ra đời để bù đắp vào chỗ mà chữ Hán không đáp ứng nổi.
Chữ Nôm là một loại văn tự xây dựng trên cơ sở đường nét, thành tố và phương thức cấu tạo của chữ Hán để ghi chép từ Việt và tiếng Việt. Quá trình hình thành chữ Nôm có thể chia thành hai giai đoạn:
Giai đoạn đầu, tạm gọi là giai đoạn "đồng hóa chữ Hán", tức là dùng chữ Hán để phiên âm các từ Việt thường là tên người, tên vật, tên đất, cây cỏ chim muông, đồ vật... xuất hiện lẻ tẻ trong văn bản Hán. Những từ chữ Nôm này xuất hiện vào thế kỷ đầu sau Công nguyên (đặc biệt rõ nét nhất vào thế kỷ thứ VI).
Giai đoạn sau: Ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục dùng chữ Hán để phiên âm từ tiếng Việt, đã xuất hiện những chữ Nôm tự tạo theo một số nguyên tắc nhất định. Loại chữ Nôm tự tạo này, sau phát triển theo hướng ghi âm, nhằm ghi chép ngày một sát hơn, đúng hơn với tiếng Việt. Từ thời Lý thế kỷ thứ XI đến đời Trần thế kỷ XIV thì hệ thống chữ Nôm mới thực sự hoàn chỉnh. Theo sử sách đến nay còn ghi lại được một số tác phẩm đã được viết bằng chữ Nôm như đời Trần có cuốn "Thiền Tông Bản Hạnh". Đến thế kỷ XVIII - XIX chữ Nôm đã phát triển tới mức cao, át cả địa vị chữ Hán. Các tác phẩm như hịch Tây Sơn, Khoa thi hương dưới thời Quang Trung (1789) đã có bài thi làm bằng chữ Nôm. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng được viết bằng chữ Nôm là những ví dụ.
Như vậy, có thể thấy chữ Hán và chữ Nôm có những khác nhau cơ bản về lịch sử ra đời, mục đích sử dụng và mỗi chữ có bản sắc riêng về văn hóa.
Chữ Quốc ngữ hiện nay
Việc chế tác chữ Quốc ngữ là một công việc tập thể của nhiều linh mục dòng tên người châu Âu, trong đó nổi bật lên vai trò của Francesco de Pina, Gaspar d'Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre De Rhodes. Trong công việc này có sự hợp tác tích cực và hiệu quả của nhiều người Việt Nam, trước hết là các thầy giảng Việt Nam (giúp việc cho các linh mục người Âu). Alexandre De Rhodes đã có công lớn trong việc góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ Quốc ngữ. Đặc biệt là ông đã dùng bộ chữ ấy để biên soạn và tổ chức in ấn lần đầu tiên cuốn từ điển Việt - Bồ - La (trong đó có phần về ngữ pháp tiếng Việt) và cuốn Phép giảng tám ngày. Xét về góc độ ngôn ngữ thì cuốn diễn giảng vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng đàng ngoài (in chung trong từ điển) có thể được xem như công trình đầu tiên khảo cứu về ngữ pháp. Còn cuốn Phép giảng tám ngày có thể được coi như tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, sử dụng lời văn tiếng nói bình dân hàng ngày của người Việt Nam thế kỷ XVII.
Tuy chữ Quốc ngữ của Alexandre De Rhodes năm 1651 trong cuốn từ điển Việt - Bồ - La đã khá hoàn chỉnh nhưng cũng phải chờ đến từ điển Việt - Bồ - La (1772), tức là 121 năm sau, với những cải cách quan trọng của Pigneau de Behaine thì chữ Quốc ngữ mới có diện mạo giống như hệ thống chữ Việt mà chúng ta đang dùng hiện nay.
Theo e-cadao.com
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 02/Jun/2009 lúc 3:08pm
Cổ Loa - Giải mã huyền thoại |
http://www.lichsuvietnam.vn/index2.php?option=com_content&task=view&id=1639&pop=1&page=0&Itemid=67 - |
|
|
Có lẽ không người dân nước Việt nào không một lần nghe đến hai tiếng “Cổ Loa”. ở nơi đó, biết bao sự tích, bao huyền thoại kể về một thời dựng nước của tổ tiên chúng ta. Chuyện vui có, buồn có, bi hùng có, tạo nên một sức hấp dẫn kỳ lạ cho một miền đất, một địa danh mà mới chỉ nghe đã một lần muốn đến. Ở nơi đó huyền thoại và sự thật đan xen, trộn lẫn vào nhau đến mức tạo nên những huyền bí lịch sử mà không phải ở nơi nào cũng có được.
Đi tìm chứng tích
Trong những thập kỷ từ 60 đến 90 của thế kỷ trước, các nhà khoa học đã nghiên cứu, khai quật khảo cổ học ở nhiều nơi trên đất Cổ Loa và phụ cận như Bãi Mèn, Đồng Vông, Đường Mây, xóm Mít, Gò Mả Tre (nơi phát hiện trống đồng Cổ Loa cùng những lưỡi cày đồng nổi tiếng), Tiên Hội, Đình Chàng… và đã thu thập, phát hiện vô số những hiện vật đồ gốm, đồ đồng, đặc biệt là kho mũi tên đồng hàng vạn cái ở Cầu Vực (trên đường vào Cổ Loa, bên sông Thiếp) mang những thông tin thuyết phục về sự hiện diện của nhân vật An Dương Vương và thời kỳ An Dương Vương trên vùng đất này.
Tuy nhiên, bấy nhiêu là chưa đủ, đặc biệt là việc phải chứng minh rằng những mũi tên đồng đã phát hiện và cũng đã được kể trong truyền thuyết xưa là được sản xuất tại chỗ chứ không phải mang từ nơi khác đến. Phải tìm ra những chứng cứ có thật của việc cư trú của cư dân bản địa, những người đã làm ra những đồ gốm, những đồ đồng ấy, trên đúng mảnh đất Cổ Loa lịch sử.
Để làm được việc ấy, trong mấy năm gần đây, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học đã tiến hành nhiều cuộc khai quật tại Cổ Loa, đặc biệt là chính tại nơi có ngôi đền Cổ Loa đang ngự và tiến hành cắt một đoạn thành Trung ở phía Bắc nhằm nghiên cứu kỹ thuật đắp thành trong lịch sử, đồng thời phần nào giải ảo hiện thực việc truyền thuyết kể rằng xưa kia thành cứ đắp lại đổ vì bạch kê tinh phá hoại.
Về kết quả khai quật khảo cổ học khu vực Đền Thượng. Tại khu vực này trong các đợt khai quật cuối năm 2004 đầu 2005 và cuộc khai quật tháng 11-2006, đặc biệt là cuộc khai quật mới đây nhất tại khu vực này đã làm xuất lộ hàng loạt dấu tích cư trú của người xưa thuộc giai đoạn Cổ Loa-An Dương Vương, (khoảng 2.300 năm cách ngày nay).
Những lò luyện kim nhỏ được phát hiện cùng vô số những khuôn đúc mũi tên đồng đã làm tan biến mọi nghi ngờ về những mũi tên đồng Cổ Loa trong truyền thuyết được sản xuất tại chỗ hay mang từ nơi khác đến. Những dấu tích xác thực về tầng văn hoá cư trú của cư dân bản địa trên địa hình của những gò đồi cổ tại khu vực này đã đánh tan những hoài nghi về tính ngoại lai của những hiện vật khảo cổ như gốm Cổ Loa, đầu ngói ống Cổ Loa…
Những hiện vật kiến trúc như gốm hoa nâu thời Trần, ngói, đầu đao kiến trúc, vật trang trí bờ nóc kiến trúc thời Lê và những viên gạch, lò nung ngói thời Nguyễn của các tầng văn hoá kế tiếp đã cho thấy trên mảnh đất này người Việt đã liên tục cư trú và phát triển ngày một mạnh mẽ trong suốt chiều dài lịch sử.
Giải mã sự thật lịch sử
Việc cắt một đoạn thành Trung tại khu vực phía Bắc Cổ Loa cũng cho nhiều thông tin quý giá về việc đắp thành ngày xưa. Theo kết quả ban đầu cho thấy việc đào đất đắp thành cũng qua nhiều gian nan, không phải vô cớ mà truyền thuyết kể rằng cứ gần sáng khi có tiếng gà gáy thành vừa đắp lại đổ, An Dương Vương phải viện đến Thần Kim Quy mới có kế sách chống Bạch Kê Tinh để xây được Loa Thành.
Trên lát cắt của việc cắt thành, người ta có thể dễ nhận thấy rất nhiều lớp đất được đắp lên và đầm chặt, trong đó còn có dấu vết rõ ràng của những viên đất lớn, có lẽ được cắt bằng kỹ thuật cắt kéo của thợ đấu mà chúng ta vẫn còn thấy hiện nay. Tại chân thành người ta còn thấy kỹ thuật kê đá làm cho thành vững chắc, đây đó trên những vệt thành cổ chúng ta vẫn thấy những dấu tích của những vệt gốm kè thành chống trôi trượt của đất đắp thành…
Tất cả những yếu tố kỹ thuật ấy cho phép chúng ta giải ảo một hiện thực về việc thành xây cứ đổ là: có thể ban đầu khi chưa có kinh nghiệm, và chưa có những hiểu biết nhất định về địa chất nên chỉ có kỹ thuật đào đất đắp thành mà không có những vật kiệu, chất liệu làm móng (đá), làm chống trôi trượt (kè gốm, gạch, ngói …) nên thành bị sạt lở nhiều.
Qua quá trình thi công người ta nhận ra điều đó và đã có những biện pháp hiệu quả khắc phục nhược điểm này, có thể cũng có những người tài giỏi giúp cho An Dương Vương khắc phục được điểm yếu đó và trong truyền thuyết đã có sự xuất hiện của thần Kim Quy và vị tướng Cao Lỗ chế nỏ thần? Điều ấy chứng minh rằng chỉ một nhân vật như An Dương Vương thôi cũng chưa đủ làm nên lịch sử mà bên cạnh đó còn phải có sự trợ giúp của những bậc cao nhân, của cộng đồng.
Trở lại việc phát hiện hàng loạt những lò đúc kim loại và những khuôn đúc cùng mũi tên đồng chúng ta thấy việc sự thật lịch sử đã được huyền thoại hoá lãng mạn và tài tình như thế nào. Đồng thời những huyền thoại ấy, ngày nay đã được khoa học chứng minh và soi sáng để khẳng định những sự thật lịch sử mà con dân đất Việt đã tạo nên nhưng qua thời gian bị phủ mờ và hoài nghi vì những điều mà chúng ta quen gọi là huyền thoại.
Huyền thoại và sự thật có lẽ, ở đâu đó cũng chỉ cách nhau trong gang tấc. Chỉ có điều là chúng ta có giải mã và làm sáng tỏ được nó không mà thôi.
Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ | |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 02/Jun/2009 lúc 3:34pm
MỘC CHÂU- NHỮNG MÙA HOA
Cách Hà Nội 200km, cao nguyên Mộc Châu không còn là cái tên xa lạ với những người bạn đường khi mùa hoa về.
(Ảnh: http://www.chudu24.com/ - du lịch cùng chudu24)
Bốn mùa thời tiết mát mẻ đã tạo cho cao nguyên này một vẻ đẹp riêng. Người ta vẫn nhớ về Mộc Châu với những đồi chè mướt xanh, những trảng cỏ voi xanh mởn nhũng nhẵng đàn bò sữa gặm cỏ, một Mộc Châu mộc mạc yên bình và những cành đào ngày Tết. Ít ai ghé thăm Mộc Châu mùa này, có gì đâu mà đến. Con đường 6 dẫn ta đến với cao nguyên xanh đã đẹp hơn trước kia rất nhiều. Đường quốc lộ chạy gần 200km vòng qua thành phố Hòa Bình, dừng chân nghỉ lại một chút ngắm thung lũng Mai Châu xa xa trước khi tiếp tục con đường đến với Châu Mộc.
Châu Mộc những mùa hoa.
Cách nông trường bò sữa vài cây số là những cánh đồng hoa cải trắng, trải rộng đến tận chân trời tít tắp, bò lan trên những sườn đồi thoai thoải. Từ đường lớn nhìn sang, những cánh đồng như một mảng sơn vẽ những ô màu trắng bên khoảng xanh của cỏ cây và đỏ của đất. Thêm chút nữa sâu vào mảnh đất tốt tươi là rừng hoa hướng dương. Những đóa hoa cao quá đầu người, vươn mình trong nắng cuối thu đã nhạt màu.
Vạt hoa dã quỳ bên đường hôm nay đứng xen lẫn cùng hoa trạng nguyên, nở rực rỡ suốt dọc con đường. Những hàng rào hoa tự nhiên đan xen vàng cam và đỏ khiến con đường bồng bềnh trôi. Trong áng chiều đã dần ngả tím, cảnh chiều hôm ở Mộc Châu khiến bạn lâng lâng một niềm riêng. Không khí trong lành mát lạnh với hương hoa cải ngai ngái, sương lãng đãng cuối chân trời xa.
Tiếng chó sủa đâu đây trong ánh đèn điện le lói xa xa. Thung lũng sáng ánh trăng vằng vặc, soi tỏ những đồi chè mênh mang. Không khí tại Mộc Châu là một trong những của hiếm có và quý giá nhất của vùng đất này. Khu cao nguyên mát mẻ vào mùa hè, se se lạnh mùa thu, lạnh cóng vào mùa đông và ấm áp khi xuân về. Mùa xuân, cả đất trời Châu Mộc rực rỡ những sắc hoa mận hoa đào.
Thác Dải Yếm, cách nông trường 3km
(Ảnh: http://www.chudu24.com/ - du lịch cùng chudu24)
Hang Kia Pà Kò(Ảnh: http://www.chudu24.com/ - du lịch cùng chudu24)
Cánh đồng hoa cải trắng bên đường (Ảnh: http://www.chudu24.com/ - du lịch cùng chudu24)
(Ảnh: http://www.chudu24.com/ - du lịch cùng chudu24)
Hoa Dã quỳ lộng lẫy suốt dọc con đường
Người ta đến với Mộc Châu để nghỉ ngơi sau mỗi dịp cuối tuần. Lang thang trên những đồi chè cũng đang nở hoa, ngắm bầu trời xanh trong lồng lộng từ trên cao, nhón chân bước qua những phiến đá rêu phong của thác Dải Yếm, tò mò với Hang Dơi, hay đơn giản chỉ là nhấm nháp chút hương vị mát lạnh mỗi sớm sương chưa tan vẫn giăng mắc khắp các hang cùng ngõ hẻm của mảnh đất này. Nhiều đôi bạn ghé đến đây chụp ảnh cưới, có người chỉ để thư giãn cuối tuần, tự thưởng cho mình một bữa sáng nhẹ nhàng với ly sữa tươi nóng hổi nguyên chất và chiếc bánh sừng bò thơm thơm giá rẻ. Chụp cho nhau những tấm ảnh đẹp trong khung trời đầy sắc hoa trong những vườn cải trắng, vườn hoa hướng dương, vườn lan, bên cây hồng lúc lỉu quả chín mọng hay trên đồi chè cao tít tắp xanh mướt xa xa.
Bữa tối ở Mộc Châu, đừng quên ghé vào vài bản làng, làm một nồi lẩu gà chân đen đặc sản, nóng hổi và ấm cúng bên bạn bè. Và đêm về, trong màn sương nhè nhẹ, một vầng trăng, một tách trà nóng, vài ba câu chuyện tầm phào xua tan mệt mỏi dặm trường.
Một chú bé người dân tộc Mông
Một chú bé người dân tộc Mông (Ảnh: http://www.chudu24.com/ - du lịch cùng chudu24)
Lúc lỉu hồng (Ảnh: http://www.chudu24.com/ - du lịch cùng chudu24)
Sắc đỏ giữa trời xanh (Ảnh: http://www.chudu24.com/ - du lịch cùng chudu24)
Hoa cải với hương thơm ngai ngái (Ảnh: http://www.chudu24.com/ - du lịch cùng chudu24)
Mách bạn: Một chuyến đi http://www.chudu24.com/ - du lịch Mộc Châu trong 2 ngày hoặc 2,5 ngày
Mộc Châu thuộc địa phận tỉnh Sơn La. Để đến với nơi này, bạn cứ theo đường quốc lộ 6 mà thẳng tới
Vé xe ô tô tuyến Hà Nội - Sơn la: 60.000 đ
Giá phòng tại http://www.chudu24.com/khach-san.html - khách sạn Công Đoàn - nông trường Mộc Châu: 150.000 đ/phòng hai giường
Các điểm http://www.chudu24.com/ - du lịch : Nông trường chè Mộc Châu, trại nuôi bò sữa, thác Dải Yếm, Hang Dơi, cửa khẩu Pa Háng (thông với nước bạn Lào), đèo Hua Tạt (con đèo trên đường 6 cũ, cảnh sắc rất đẹp)
Quà mang về: Bánh sữa Mộc Châu
Đặc sản: sữa tươi, gà đồi, bánh sữa, chè Mộc Châu
Chi phí: 400.000 đ - 600.000 đ/người/2 ngày
Nguồn: http://www.chudu24.com/%20 - http://www.chudu24.com/
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 03/Jun/2009 lúc 2:36am
Khám phá vẻ đẹp
động Ngườm Ngao - Cao Bằng
|
Nguồn: vnexpress |
|
Các hang động với vẻ đẹp nổi tiếng như động ở Phong Nha, ở vịnh Hạ Long, còn có nhiều hang động đẹp chưa được khám phá. Hang động Ngườm Ngao - Cao Bằng mà nét đẹp lỗng lẫy, hoành tráng đang thu hút nhiều du khách tới thăm.
|
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 03/Jun/2009 lúc 2:46am
Khám phá điều thú vị
trên đèo Hải Vân |
Nguồn: VnExpress |
|
"Đến Hải Vân được uống trà, ngồi chõng tre, ở lều tranh, nghe hò Huế, hò Quảng và được tham dự các buổi ngâm thơ, bình văn thì còn gì bằng. Ở đây có gió mát của biển Đông, một ít vị mặn của biển và rất nhiều hơi ấm tình người". Trên con đường xuyên Việt qua dải đất miền Trung đầy nắng gió, đèo Hải Vân lâu nay đã trở thành nơi thưởng ngoạn lý tưởng của lữ khách vào Nam, ra Bắc.
Bạn sẽ cảm thấy rất sảng khoái khi được hít thở không khí trong lành, được nghe tiếng chim hót và điều đặc biệt nữa là được khám phá những cảnh đẹp của đèo Hải Vân
|
|
Lê Thánh Tôn là vị vua đầu tiên đặt chân đến Hải Vân năm Canh Dần (1741). Từ trên đỉnh cao nhìn xuôi về phương Nam với đồng ruộng phì nhiêu, non sông ngời sáng, vị minh quân này lúc đó đã tiên liệu được tương lai nên xúc cảm phong cho nơi này là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Đời Nguyễn - vua Minh Mạng đã cho khắc 6 chữ vàng đó lên đá trên Hải Vân quan.
| |
|
Ngọn đèo luôn có cả một biển mây vờn này được ca tụng bởi muôn vàn vẻ đẹp khác nhau. Từ bên phía bắc qua phía nam đèo và ngược lại dài chừng 20km có hàng trăm khúc cua tay áo, thật kỳ vĩ mà cũng muôn phần nguy hiểm...
| |
|
Bãi biển Lăng Cô là một danh thắng thiên nhiên của Thừa Thiên Huế, là nơi lý tưởng cho những ai đam mê tắm biển. Từ lâu đã nổi tiếng là một bãi biển có điều kiện tự nhiên và phong cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bãi cát trắng dài tới 10km bên cạnh làn nước trong xanh bao la tuyệt đẹp.
| |
|
Ngày 27/8/2000 đã mở ra một trang sử mới của Đệ nhất hùng quan - hầm đường bộ qua đèo Hải Vân chính thức được khởi công. Đã chấm dứt những chuyến xe đầy lo âu, những tai nạn thương tâm, những ngày tắc đèo dài đằng đẵng. Đà Nẵng - vùng kinh tế năng động nhất miền Trung - đã nối liền với Huế, hình thành một huyết mạch di sản nối liền quần thể di tích cố đô với phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.
| |
|
Khen ai đã khéo đặt tên cho nơi này: Hải Vân (Mây biển). Có những lúc mây nhiều che phủ cả khúc đèo. Mây quấn quýt như níu lấy chân du khách. Ở độ cao gần 500m so với mặt nước biển, đèo Hải Vân là nơi ngừng nghỉ tuyệt vời. Du khách cảm thấy ngất ngây trước trời mây non nước, tận hưởng hết vẻ đẹp vô cùng ngoạn mục của cảnh núi cao, biển rộng có một không hai này.
| |
|
Tạo hóa đã ưu đãi cho tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng đèo Hải Vân nổi tiếng. Ngọn đèo khá hiểm trở này có thể không lợi lắm về mặt giao thông nhưng về mặt du lịch lại là đoạn trời đất giao thoa và cực kỳ giàu chất thơ.
| |
|
Đèo Hải Vân đã được vua Lê Thánh Tôn phong 4 chữ "Đệ nhất hùng quan" cùng thời với "Nam thiên đệ nhất động" ( Hương Tích ) thật không ngoa, du khách một lần qua đây không khỏi mê mẩn tâm hồn cho vẻ đẹp của cảnh trời mây nước, một bên là biển xanh thăm thẳm một bên là núi cao mây trắng bay.
| |
|
Rong rêu đã mọc đầy trên chiếc lô cốt - được gọi là Đồn Nhất - do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1826 để bảo vệ con đèo chiến lược này. Nó bền bỉ bám trên sườn núi hàng chục năm nay và từ đây có thể kiểm soát được suốt dọc con đèo từ cả hai phía. Đồn Nhất đã chứng kiến biết bao cuộc nổi dậy của nhân dân Việt Nam trong suốt thời kì đấu tranh chống thực dân Pháp đô hộ. | | |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 05/Jun/2009 lúc 10:54am
Bánh Gừng
Bánh gừng luôn có mặt trong các lễ hội quan trọng như ngày tết, ngày cúng ông bà tổ tiên Prôn-chung-bân (thường gọi Dolta) của người Khmer. Cả người Chăm cũng xem bánh gừng là bánh truyền thống như người Khmer.
Bánh gừng nói theo tiếng Chăm là Hargìnònya, còn người Khmer ở Sóc Trăng thì gọi Num-khơ-nhây. Bánh được gọi tên vậy vì bánh có hình dạng củ gừng.
Muốn có những chiếc bánh thơm ngon béo giòn và tan dần trên mặt lưỡi người ta thường chọn loại nếp lớn, trắng đục, đem vo thật sạch, để ráo nước rồi xay hoặc quết nhuyễn. Khi làm, cứ một ký bột nếp cho khoảng 25 – 30 quả trứng gà và một muỗng canh bột nang mực. Trước hết, cho bột nang mực, cho nước chanh tươi vào rồi mới đập trứng gà và đánh thật đều tay cho trứng dậy lên (nổi rễ tre) thì cho bột nếp vào.
Trộn hỗn hợp này thật nhuyễn, đến khi nào nắn bột thành những chiếc bánh có hình thù giống củ gừng. Sau đó chiên bánh bằng nồi chứ không chiên bằng chảo và phải thắng đường cát cho vào vịm; bánh chiên chín vàng nhúng vào vịm đường cát đã thắng để tạo một lớp áo mỏng bên ngoài rồi đem phơi nắng thì chiếc bánh mới trơn, láng bóng không bị cong.
Trong phong tục Chăm, bánh gừng có mặt trong các lễ hội quan trọng, nhất là tết Katê, lễ hội, lễ cưới. Bánh gừng lúc nào cũng được đặt lên trên hết cùng với bánh tét (paynung) và bánh gang tay (gakiya). Bánh tét (dương) tương trưng cho người chồng. Bánh gang tay (âm) tượng trưng cho người vợ. Bánh gừng (âm dương) hoà hợp, tượng trưng cho sự thuỷ chung của vợ chồng.
Khi thưởng thức bánh gừng, người Chăm cho rằng mình đã nhớ đến hình ảnh thuỷ chung của nàng Nai Chrao Cho Phò (truyền thuyết của người Chăm giống như chuyện hòn vọng phu của người Kinh).
Sài Gòn Tiếp Thị
|
/component/banners/click/11 -
/component/banners/click/7 -
/component/banners/click/19 -
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 05/Jun/2009 lúc 10:58am
Về U Minh xem dâu vàng rực rỡ
Trung tuần tháng 5, khi vài đám mưa bắt đầu nặng hạt cũng là lúc dâu chín vàng cây. Đây là thời điểm thật lý tưởng để du khách về chơi với U Minh xem dâu vàng rực rỡ.
Vùng đất Cái Tàu, Nguyễn Phích (U Minh) từ lâu được mệnh danh là “vương quốc” của dâu vàng ở ĐBSCL, năm nay lại trúng mùa. Chủ một vườn dâu ở Cái Tàu nói rằng năm này dâu trĩu quả bất ngờ và vườn nào, nhà nào cũng vậy. Cứ cách vài trăm mét là thấy từng chùm dâu vàng, dâu xanh treo lủng lẳng, thay cho lời mời gọi du khách.
Đến Cái Tàu mùa này bạn sẽ cảm nhận vẻ đẹp mộc mạc của những xóm làng ven sông rạch với địa danh rất thân thuộc như Rạch Ông Sâu, Rạch Tắc, Rạch Đền, Rạch Chệt... uốn lượn ngoằn ngoèo sâu hút, đôi bờ cây trái xanh tươi.
Có một điều thú vị đó là nhà nào cũng có cửa sổ lớn để đón gió hoặc treo những sản phẩm làng nghề đan đát để chào hàng. Còn mùa này là dâu, mít và xoài tha hồ cho khách lựa chọn. Dâu Cái Tàu đã có hàng trăm năm nay và đã trở thành thương hiệu trái cây đặc sản nổi tiếng của địa phương.
Du lịch vườn dâu thời gian này là thích hợp nhất vì dâu đã chín vàng cây, thỏa sức để bạn thưởng thức và khám phá...
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 05/Jun/2009 lúc 11:01am
Sức mạnh lan tỏa của...Trà đá
Lịch sử nghệ thuật uống trà Việt Nam liệt kê khá nhiều loại trà: Trà sen, trà ngâu, trà lài, trà lý, trà mộc... Duy chỉ không thấy liệt kê một loại mà giờ đây dù không nằm trong “danh mục” nào của nghệ thuật uống trà Việt Nam nhưng nó có mặt từ nhà hàng 5 sao đến quán cóc vỉa hè: trà đá!
Sức mạnh lan toả của... trà đá!
Lịch sử nghệ thuật uống trà Việt Nam liệt kê khá nhiều loại trà: Trà sen, trà ngâu, trà lài, trà lý, trà mộc... Duy chỉ không thấy liệt kê một loại mà giờ đây dù không nằm trong “danh mục” nào của nghệ thuật uống trà Việt Nam nhưng nó có mặt từ nhà hàng 5 sao đến quán cóc vỉa hè: trà đá!
Có thể nói trà đá là món có xuất xứ Sài Gòn. Cũng không rõ nó ra đời từ năm nào, nhưng hơn 50 năm qua trà đá có mặt ở những bến xe, sân vận động trong những trận banh chang chang nắng, những bến cảng, khu lao động, quán bình dân, trên hè phố... Một chú bé, cô bé, một chị hàng rong với chiếc ly nhựa, cái ấm nhôm len lỏi qua hàng rừng người trong sân đá banh chào mời. Món giải khát rẻ tiền nhất, bình dân nhất, “đã” nhất giữa cái nắng Sài Gòn: “Ai trà đá! Trà đá đây”. Trà đá dần được cải tiến đựng bằng bịch ni lông thay cho ly, ấm cồng kềnh. Người uống hoặc dùng ống hút, hoặc cắn lủng bịch ni lông cứ thế mà “đã”.
Món giải khát “bình dân Nam bộ” kia giờ đây đã lan đi khắp nước, chỗ nào cũng có “trà đá”. Trà đá có thể không cần hương nhưng vẫn cứ phải có vị trà. Giờ đây, dù bạn ăn trưa nhà hàng, cơm văn phòng máy lạnh hay quán cóc vỉa hè thì món trà đá là thứ không thể thiếu được. Thiếu trà đá, quán cơm có khi... vắng khách, sập tiệm!
Trà đá “Nam tiến” ra tận thủ đô Hà Nội, nơi vốn chỉ có “chè chén”, cái chén nhỏ xíu, trà đậm đắng chát, chỉ uống nóng. Nay, thói quen uống nóng cũng bị cạnh tranh vì “trà đá”.
Theo chúng tôi, không chỉ lấn sân trà nội địa, chẳng mấy ai ngờ cái thứ uống bình dân, chỉ có màu vàng nhạt và cục nước đá kia lại có sức mạnh làm biến chuyển cả một thương hiệu quốc tế danh tiếng tận xứ Ănglê: trà Lipton! Đến Việt Nam, Lipton cũng phải... “Ice Tea” (trà đá) như thường.
Trà đá tiếp tục “tiến chiếm” các nhà hàng sang trọng. Và dù mãi mãi không có tên trong danh mục danh trà thì trà đá đã bền vững như một nét ẩm thực bình dân, đại chúng nhất mà giờ đây không chỉ ở Sài Gòn mới có.
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 05/Jun/2009 lúc 11:06am
Chè ba màu
Quán chè với những tô thủy tinh to tướng để lộ màu sắc của món chè ba màu hay sương sa hột lựu đủ màu sắc kéo chân khách gần xa ghé vào làm một ly giải khát để xua tan cái nóng...
Có lẽ không món ngon đường phố nào phổ biến và được các chị em nội trợ, các cô cậu học sinh, sinh viên... yêu thích bằng ly chè đá mát lạnh, ngọt ngào. Thưởng thức chè này cũng là một cái thú khi ngồi túm tụm ở một góc đường trên những cái ghế nhỏ lúp xúp, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả. Sang hơn một chút thì có các quán, cũng nhỏ thôi, nhưng có đủ bàn đủ ghế, thêm cái menu... trên vách tường để khách nhướng mắt lên nhìn (chủ yếu là nhìn giá bán).
Ảnh:maiyeuem
Góc phố Trần Quang Khải có một nơi bán chè 3 màu, hiện diện từ rất lâu, mà với nhiều người đôi khi đến đây ngoài thưởng thức một ly chè lạnh còn như muốn tìm lại cả một trời kỷ niệm ngày xưa. Quán chè là một cái xe lưu động với những chi tiết trang trí đơn giản, cạnh xe được gọt cho cong, bo tròn góc để khách cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng quan trọng là những tô thủy tinh to tướng để lộ màu sắc của món chè ba màu hay sương sa hột lựu đủ màu sắc kéo chân khách gần xa ghé vào làm một ly giải khát để xua tan cái nóng.
Khi ghé vào gọi một ly chè, 3 lớp màu sắc khiến người hảo ngọt không thể cầm lòng. Đầu tiên là những hột đậu trắng được luộc còn nguyên, không bị vỡ nát. Cái khó là đậu phải mềm, nếu chai sượng thì coi như hỏng cả ly chè. Kế đến là lớp đậu đỏ, phần này thì đơn giản hơn, thậm chí nát chút xíu càng tốt để tan cùng ly chè. Cuối cùng là lớp đậu xanh cà hấp chín tán nhuyễn vàng tươi, được múc nguyên mảng vào ly chè. Chỉ có người bán vụng về mới bỏ đậu xanh vào ly chè trước tiên. Đơn giản, khi đậu xanh nằm ở cuối ly, người ăn khó lòng mà đánh cho đậu tan ra.
Ảnh:motibee
Một ly chè ba màu được nói có vẻ đơn giản nhưng không dễ gì thực hiện bởi sự canh chừng củi lửa cho đậu vừa phải và nêm đường thế nào không bị ngọt gắt. Các loại đậu phải được nấu sao cho thật mềm, thật bùi mà vẫn nguyên hạt tròn trịa không bể nát, đó là cả một nghệ thuật.
Chè ba màu còn được ăn kèm với sương sa hạt lựu màu đỏ giòn giòn sựt sựt rất thú vị. Hạt lựu thường làm bằng cách xắt nhỏ củ năng rồi lăn qua lớp bột năng màu đỏ, xong thả vào nước sôi nấu chín. Khi lớp bột bên ngoài chuyển sang trong suốt là chỉ việc vớt ra thả vào nước lạnh rồi để ráo. Những hạt lựu được rắc lên trên cùng tạo thêm một lớp màu thú vị nữa cho ly "chè 3 màu" cổ điển.
Có nơi lại bán chè ba màu ăn với những cọng rau câu cắt sợi. Rau câu không đường đổ trong khuôn, có thể chỉ là màu trắng hay pha màu đỏ xanh tùy ý, xong dùng dao răng cưa xắt sợi, hoặc dùng loại dao nạo đặc biệt cào thành những sợi nhuyễn li ti, trắng trong như tuyết, trông rất vui mắt.
Ngoài ra, nước dừa cũng là điểm quyết định ly chè ngon hay không. Thông thường người ta chỉ nấu nước dừa theo dạng lỏng, nhưng điểm đặc biệt của các quán chè nổi tiếng là nước dừa quánh đặc và béo ngậy, khi quậy chung với đá bào, nước đá tan ra thì vừa, ly chè không đến nỗi quá lỏng bỏng chỉ toàn nước. Chỉ cần cầm ly chè đá mát lạnh, khuấy nhẹ thấy màu nước dừa trắng đục hòa với những hạt đậu mềm bùi như tươm mật, pha lẫn sắc màu đỏ, trắng, vàng... thì chưa ăn đã thấy thèm.
Ảnh:matnauhoctro
Thưởng thức chè ba màu mà ăn trong nhà hàng sang trọng bàn ghế đầy đủ đôi khi mất ngon. Phải là quán đông đúc, ghế thấp lè tè hoặc cứ tấp xe vào lề, gọi một ly và ngồi trên yên xe mà chén thì mới thú. Các cô cậu học trò hoặc các chị công nhân vừa ùa ra từ trường học hoặc công xưởng nào đó, cứ đứng vòng trong vòng ngoài vừa ăn vừa trò chuyện râm ran, bên cạnh cô bán hàng nhanh tay thoăn thoắt múc đậu, múc nước dừa phục vụ người ăn. Thùng nước đá bào nhuyễn cũng đã sẵn sàng, múc một muôi đá nhận thật chặt vào ly chè, người ăn dùng đến đâu quậy tan đến đó.
Có một quán chè ba màu nhỏ trong con hẻm trên đường Võ Văn Tần, quen thuộc bao năm nay với hình ảnh bà bán chè miệng móm mém nhưng luôn vui cười. Những chiếc ghế gỗ được bà mời khách bằng câu “Mời ngồi sa-lon” hay cách tính tiền “Một ngàn mốt nhưng lấy một ngàn thôi”. Giữa trưa Sài Gòn nắng gắt, chen chúc dưới tấm nylông bé tí rách tươm của bà ăn chè mà vui. Để rồi khi lớn lên, lũ bạn rong ruổi muôn phương nhưng khi gặp nhau lại rủ về quán bà ngồi túm nụm nói cười huyên thuyên. Và bà đã bắt đầu than “Già rồi, không biết bán được bao lâu nữa”. Bỗng thấy sợ một ngày không còn quán chè, không còn gì để níu chân bạn bè xưa cũ...
Monngonvietnam
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 06/Jun/2009 lúc 12:38pm
Chuyện đau lòng
ở "vương quốc" cây giết người
Tôi đã từng đi rất nhiều vùng núi phía Bắc, song chưa thấy ở đâu loài cây giết người này mọc thành rừng như ở xã Suối Tọ (Phù Yên, Sơn La).
http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/suoi-to/tin-du-lich.html - Suối Tọ là xã nằm ở nơi cao nhất của huyện http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/phu-yen-2/tin-du-lich.html - Phù Yên ( http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/son-la-2/tin-du-lich.html - Sơn La ) và cũng là xã có 100% http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/dong-bao-mong/tin-du-lich.html - đồng bào Mông sinh sống.
Chỉ cách http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/trung-tam/tin-du-lich.html - trung tâm huyện 20km, nhưng tôi phải đi mất 2 giờ đồng hồ mới vào đến http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/trung-tam/tin-du-lich.html - trung tâm xã, bởi rừng rú, đường đá hộc quá hiểm trở.
http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/ban-lung-khoai/tin-du-lich.html - Bản Lũng Khoai , cách http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/trung-tam/tin-du-lich.html - trung tâm xã 2 giờ cuốc bộ, vừa xảy ra một vụ tự tử gây xôn xao dư luận. Một cặp vợ chồng nhai http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón tự tử để lại ba đứa con nhỏ bơ vơ tội nghiệp.
Bên sườn ngọn http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/nui-pay-tro/tin-du-lich.html - núi Pay Trò hùng vĩ, hai nấm mộ cạnh nhau xếp bằng đá hộc lạnh lẽo im lìm trong mây núi.
Trong ngôi nhà nhỏ ba đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, đứa lớn nhất mới 12 tuổi, đứa bé mới 4 tuổi.
Ông Sồng A Chơ, ông nội của ba đứa trẻ kể sáng sớm hôm đó Sồng Thị Dể gọi chồng là Sồng A Hờ dậy để lên nương, nhưng do tối hôm trước Hờ uống hơi quá chén ở nhà anh trai, nên người mệt mỏi không muốn đi làm.
Chuyện chỉ có vậy mà hai người mới lời qua tiếng lại chứ chưa cãi vã to tiếng.
"Tranh luận" một lúc thì hai vợ chồng vác cuốc lên nương, nhưng đến tối không thấy về.
Ông Chơ không biết sự việc thế nào, sáng hôm sau ông cùng dân bản vào rừng tìm thì thấy xác hai người nằm cạnh nhau, quanh đó, http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón mọc thành bụi, thành rừng.
Chỉ vì giận nhau chút xíu, trong phút nông nổi, hai người đã cùng nhai http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón tự vẫn.
Ở http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/ban-lung-khoai/tin-du-lich.html - Bản Lũng Khoai có một người đàn bà ăn http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón tự vẫn chỉ vì những lý do ngớ ngẩn, đó là chị Sồng Thị Chu.
Theo anh Sồng A Lừ, Chủ tịch xã http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/suoi-to/tin-du-lich.html - Suối Tọ , chồng chị Chu, anh Sồng A Sếnh là người khá hiền lành tốt tính.
Chị Chu cũng là cô gái Mông ngoan hiền và thuộc diện xinh đẹp ở bản.
Cả hai đều đã 40 tuổi, có với nhau 4 mặt con và trong cuộc sống, không hề có mâu thuẫn gì quá lớn.
Thế nhưng, chị Chu có tính hay tự ái, nên vợ chồng chỉ có chút xíu mâu thuẫn, chị cũng tìm đến http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón để tự tử.
Lần đầu, hồi mới lấy chồng do một mâu thuẫn nhỏ, Chu ăn http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón tự vẫn nhưng may thay chồng phát hiện sớm, cứu được. Rồi từ đó cứ không hài lòng chuyện gì Chu sẵn sàng ăn http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón .
Vào cuối năm 2008, sau khi xin chồng cho đưa con về thăm ngoại không được, chị đã xơi "căng bụng" nên vô phương cứu chữa.
Người thứ 2 mà dân bản mỗi lần nhắc tới đều lắc đầu lè lưỡi đó là Lầu Thị Xay, ở bản http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/suoi-khang/tin-du-lich.html - Suối Khang .
Chị Xay cũng có một gia đình không đến nỗi nào, nhưng chị cũng đã chén http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón tới 10 lần để mong được… "giải thoát".
Chủ tịch xã Sồng A Lừ bảo: “Nhà mình ở cạnh nhà Xay nên mình hiểu rõ hoàn cảnh của nó. Chồng hiền lành, chịu khó, con ngoan ngoãn, nhưng không hiểu sao, cứ phiền lòng là nó lại vặt http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón ăn”.
10 lần chị Xay tự tử với 10 lý do rất vớ vẩn. Bảo chồng đi ngủ sớm không được: tự tử, con cãi mẹ: tự tử, chồng trách mắng vì cơm sống: tự tử, chán chồng: tự tử, tự dưng thấy buồn không rõ lý do: tự tử…
Lần cuối chị Xay ăn http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón xảy ra cách đây 2 tháng. Dù mọi người phát hiện sớm, nhưng không thể cứu được vì chị ăn quá nhiều.
Sồng A Lừ kể: “Chị Xay cứ nhảy tưng tưng như con gà bị cắt tiết. Chị nhảy một lúc thì lăn ra chết.”
Tôi đã đi khắp Tây Bắc, song chưa thấy ở đâu nhiều http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón như ở xã http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/suoi-to/tin-du-lich.html - Suối Tọ và cũng chưa thấy ở đâu xảy ra nhiều cái chết bi thương như ở đây.
Có cô gái ăn http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón chết "cho bố biết tay" chỉ vì bố bắt đi chăn trâu. Có cô xơi http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón chỉ vì gã trai mới lớn cướp cô bạn thân về làm vợ, khiến nàng không còn người tâm sự.
Lại có em nhỏ, ở bản Pắc Bệ, sau khi nhân vật chính trong một bộ phim Hàn Quốc bị ung thư máu chết, cô bé buồn quá, khóc suốt đêm, rồi hôm sau vặt http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón sau nhà ăn để được gặp thần tượng ở thế giới bên kia…
Chủ tịch xã Sồng A Lừ bảo, năm nào cũng vậy, http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/suoi-to/tin-du-lich.html - Suối Tọ đều có vài người bị con “ma ngón” giết hại. Năm ít thì hai ba trường hợp, năm nhiều có đến cả chục mạng người bị giết bởi loài cây cực độc này.
Sồng A Lừ đầy tâm trạng dẫn tôi trèo lên đỉnh http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/nui-pay-tro/tin-du-lich.html - núi Pay Trò cao vút rồi lại trượt xuống tận con http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/suoi-khang/tin-du-lich.html - Suối Khang chảy mạnh như thác trời. Tôi nhận thấy ở nơi đây có một loài dây leo chỗ nào cũng mọc, mọc thành bụi, thành rừng, đó là http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón .
Chúng bám cả vào cột nhà để leo, tràn lên bờ rào bao quanh trường học, thậm chí mọc um tùm ngay trước trụ sở UBND xã http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/suoi-to/tin-du-lich.html - Suối Tọ .
http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/suoi-to/tin-du-lich.html - Suối Tọ nằm trên độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển, trên núi đá vôi hùng vĩ, khí hậu lạnh quanh năm, là môi trường sống rất phù hợp với loài http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón . Khí hậu lạnh, khắc nghiệt cũng làm tăng độc tính của loài http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/cay-giet-nguoi/tin-du-lich.html - cây giết người này.
Thật khó có thể tin, loài dây leo lá xanh biếc, hoa vàng rực rỡ, có thể làm xiêu lòng khách lạ này lại là thứ độc có thể giết người.
http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón ở đây nhiều đến nỗi, khi bọn trẻ lên hai tuổi, bố mẹ đã dạy biết phân biệt http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón , để chúng không ăn phải.
Theo lời kể của Chủ tịch xã Sồng A Lừ, người đã chứng kiến hàng chục vụ giết người của http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón , những cái chết do http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón rất kinh hoàng.
Ở vùng khác, phải ăn 3 ngọn, gồm 9 lá, mới chết, song ở vùng đất này, chỉ cần nhai đúng 3 lá là không cứu được.
Khi nuốt http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón vào bụng, lập tức hoa mắt, chóng mặt. Dịch trong phổi trào ra đầy họng, khiến người ăn phải không kêu gào, không thở được, cứ nhảy như con gà bị cắt họng.
Chính tay anh Lừ đã nhiều lần đổ nước mùn thớt vào miệng những người tự tử bằng http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón , hoặc cho tay vào móc họng, để mong họ nôn độc tố ra, song họng đã tắc cứng, nên không có kết quả.
Người trúng độc http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón lập tức tím bầm, trương phình lên và chỉ một ngày sau là thối rữa, chảy nước.
Rời http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/suoi-to/tin-du-lich.html - Suối Tọ , mảnh đất được gọi là “vương quốc” http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/la-ngon/tin-du-lich.html - lá ngón , Sồng A Lừ cứ nhờ tôi nhắn nhủ đến các nhà khoa học, xem có loại thuốc gì http://www.chudu24.com/tu-khoa-du-lich/diet-tru/tin-du-lich.html - diệt trừ tận gốc loài cây độc hại này.
>
Nguồn: VTC
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 07/Jun/2009 lúc 10:44pm
Hương vị núi rừng Madagui
PNO - Khu du lịch (KDL) Rừng Madagui tọa lạc tại trị trấn Madaguoil, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, là một phần của rừng Nam Cát Tiên, nằm trong khu vực có khí hậu mát mẻ, độ cao biến thiên từ 150 – 500m.
KDL Rừng Madagui có sẵn nguồn tài nguyên du lịch phong phú: rừng núi, sông suối, hang động, hệ thống động thực vật phong phú, nền văn hóa đặc trưng của người dân tộc thiểu số địa phương. Với ưu thế đó, Madagui đã tạo cho mình một nét quyến rũ rất riêng.
Từng nhiều lần qua Khu du lịch Rừng Madagui trên chặng đường TP.HCM – Đà Lạt, nhưng tôi chỉ dừng chân chụp vài tấm ảnh lưu niệm trước quầy tiếp tân, hay ăn một bữa trưa tại nhà hàng Muông Xanh. Ấn tượng của KDL Rừng Madagui đọng lại chỉ là một mặt tiền thoáng đẹp để chụp hình và một nhà hàng có những món đặc sản suối, rừng khá ngon. Lần này, nghe lời khuyên: “Ở trong cũng được lắm đó!” của người bạn, tôi quyết định làm một chuyến du lịch “bụi” hai ngày khám phá Madagui.
Ngủ dậy trễ nên 7 giờ mới khởi hành, ì ạch với “con ngựa sắt” vượt qua khói bụi và kẹt xe của TP.HCM rồi Biên Hòa, gần 12 giờ tôi mới tới được chân đèo Chuối. Vượt thêm 4km đường đèo quanh co, KDL Rừng Madagui đã hiện ra bên tay trái. Khí hậu trong lành và phong cảnh hùng vĩ của núi rừng làm tôi như quên đi nỗi mệt nhọc của 152 km cầm lái từ TP.HCM lên đây.
Công viên Thần Núi
Xe Jeep của Madagui |
Vòng qua khỏi khu vực quầy tiếp tân và cổng soát vé, tôi bắt đầu cuộc khám phá Madagui của mình. Có rất nhiều phương tiện để dạo một vòng Madagui: xe Jeep, xe đạp và cả ngựa. Phân vân không biết chọn phương tiện nào, tôi quyết định… đi bộ.
Đầu tiên là Công viên Thần Núi, một khu vực hơn 10ha xanh ngắt cây cỏ, bao chung quanh là những hồ nước uốn lượn tạo cảnh quan. Chính giữa công viên là bức tượng Thần Núi cao 15m – một trong những vị thần được người dân tộc Mạ sinh sống tại đây sùng kính. Tên gọi Madagui của KDL cũng bắt nguồn từ ngôn ngữ của người Mạ. Theo ngôn ngữ của họ, “Madagui” phải được đọc là “Mạ - Đạ - Gui”. “Mạ” có nghĩa là người Mạ; “Đạ” có nghĩa là dòng sông, dòng suối; “Gui” là tên riêng của dòng sông. Như vậy, “Madagui” có nghĩa là dòng sông Gui của người Mạ.
Rời công viên Thần Núi, bước qua cầu treo để vào phía trong KDL, nhìn dòng nước sông Đạ Houai đục ngầu cuộn chảy dưới chân, tôi tự hỏi không biết đây có phải là dòng sông mà người Mạ đã tự hào dùng hình ảnh của nó để đặt tên cho vùng đất này.
Cầu treo qua sông Đạ Huoai |
Qua khỏi cầu treo, thấp thoáng trong bóng cây um tùm là những cụm phòng nghỉ, nhà hàng, khu cắm trại, hồ bơi, mê cung, hồ câu cá… Khi nghe đến chữ “rừng” trong tên của KDL, người ta thường liên tưởng đến sự hoang dã, sự thiếu thốn tiện nghi. Nhưng thực tế tại Madagui thì không như vậy. Là một phần của rừng Nam Cát Tiên, KDL Rừng Madagui um tùm cây cối, bát ngát màu xanh, nhưng mỗi góc nhỏ đều có sự kỳ công chăm chút của con người. Tất cả các khu vực từ phòng nghỉ đến nhà hàng, hồ bơi… đều được bố trí hài hòa, ẩn mình sau những rặng cây với những tiện nghi, dịch vụ chất lượng cao.
Tôi nghỉ chân tại nhà hàng Trà My Vàng rợp mát bóng cây, nhâm nhi ly cà phê, nghe nhạc Trịnh trên loa phát ra hòa với tiếng ve rừng, tiếng chim hót, máy laptop trước mặt kết nối wireless chạy vèo vèo. Cảm giác lúc đó của tôi rất lạ: không biết mình đang ở rừng hay ở phố?
Rời Trà My Vàng, tôi dạo một vòng các tiện nghi và dịch vụ của Madagui. Madagui có hệ thống phòng nghỉ phù hợp cho nhiều đối tượng khách. Khách cao cấp có thể nghỉ tại 11 cụm villa được đặt tên theo nhiều loại trái cây ngộ nghĩnh: Banana (chuối), Sapodilla (mãng cầu xiêm), Papaya (đu đủ)… Khách bình dân có thể chọn khu phòng tập thể với giường tầng (10 người/ phòng). Các nhóm sinh viên, học sinh thì có sẵn một khu cắm trại với sức chứa hơn 1000 khách. Ngoài ra, Madagui còn thiết kế một khu hồ bơi 3 tầng rất đẹp… Hệ thống nhà hàng của Madagui cũng chú trọng phát triển những món ẩm thực với nguyên liệu mang đậm hương vị của suối và rừng như: cá lăng, cá leo, cá chạch lấu, đọt đủng đỉnh, rau nhíp, măng rừng…
Nét hấp dẫn chính của Madagui là những tour khám phá rừng. Madagui có một hệ sinh thái rừng đa dạng gồm nhiều chủng loại động thực vật quý hiếm. Những địa danh như hang Dơi, hang Thầy, hang Cô, hang Tử Thần, suối Voi, cổng Trời… vừa nghe qua đã kích thích sự tò mò của những du khách ưa mạo hiểm, khám phá.
Sau khoảng 30 phút len lỏi trong rừng, vì thời gian ít, tôi chỉ chọn một hang có cái tên “rùng rợn” nhất – hang Tử Thần để khám phá. Hang Tử Thần có chiều dài 100m, uốn lượn ở độ sâu cách mặt đất 15m. Hang nằm giữa khe sâu, được bao trùm bởi các tảng đá và rễ cây cổ thụ. Chính điều này đã tạo nên những hốc sâu, những gờ đá chông chênh, những ngõ ngách tối tăm làm chùn bước du khách.
Mười lăm phút trong hang dài bằng cả tiếng đồng hồ bên ngoài khi tôi phải căng hết tất cả các giác quan để lần mò tìm lối ra. Lúc lom khom, lúc chui, lúc bò theo những mũi tên chỉ đường màu trắng lúc ẩn lúc hiện trên nền hang, nhiều lúc lý trí tôi cũng không át được sự sợ hãi theo bản năng của mình. Chui ra khỏi cửa hang, người tôi đẫm mồ hôi và bết đầy bùn đất nhưng lại có được cảm giác rất “đã” khi chiến thắng được nỗi sợ.
Miệng hang Tử Thần |
Tuy chưa hết mệt vì hang Tử Thần nhưng tôi vẫn quyết định thử một dịch vụ khá độc đáo của Madagui: “Chèo bè vượt suối”. Nai nịt áo phao gọn gàng, điện thoại di động được bọc nilon cẩn thận, trang bị thêm một cây sào tre, tôi lên bè vượt suối. Khởi hành từ ngã ba sông Tuyết Nhung cùng với một người hướng dẫn của Madagui, bè chúng tôi lúc trôi lờ lững trên dòng suối trong vắt, lúc lại băng lướt ào ào qua ghềnh đá. Về đến đích là bãi Tình Yêu, bước lên bờ mà bên tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng suối reo…
Vượt suối |
Vuợt 152 km về lại TP.HCM, nhìn dòng người kẹt xe, chen chúc nhích dần quanh những “lô cốt” đào đường dang dở, tự nhiên tôi thấy thèm nhớ chút hương vị núi rừng của Madagui.
Nguyên Hà
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 07/Jun/2009 lúc 10:51pm
Một ngày buồn
Buổi sáng vô ý bị ngã xe gần quán cà phê vỉa hè, những gã đàn ông rỗi việc ném vào em những tràng cười khả ố: "Phì nhiêu quá em ơi!". Không một bàn tay nâng đỡ. Em lủi thủi tự mình đứng dậy, nghe nỗi tủi thân cứa sâu vào tim. Em tưởng đã quá quen với những lời châm chích nhắm vào thân hình béo ú của mình, vậy mà vẫn thấy chạnh lòng. Thiên hạ nhiều khi thật cay độc.
Buổi chiều, em lại rơi rụng trong cuộc phỏng vấn lần thứ n kể từ khi ra trường. Em đủ nhạy cảm để tránh xa những thông tin tuyển dụng có dính líu tới ngoại hình. Nhưng ngay cả ở những công việc không dính dấp gì đến hình thể, người ta vẫn không buồn giấu giếm vẻ thất vọng khi diện kiến vẻ ngoài thô tháp của em. Những lời cảm ơn lịch sự của họ luôn nhấn chìm em trong nỗi thất vọng tột cùng. Như hôm nay chẳng hạn.
Ông bà xưa nói tốt gỗ hơn tốt nước sơn, nhưng dường như những gì xảy ra với em đang chứng minh điều ngược lại. Chỉ một chút khiếm khuyết về hình thể đã đủ đẩy em đứng ngoài mọi cơ hội tìm kiếm việc làm. Em đã cố lạc quan để tồn tại, nhưng không ngăn được nỗi thất vọng đang ngày một lớn thêm...
Có vẻ hôm nay là một ngày thật tệ.
Buổi tối, em vào YM, treo lên status cái câu quen thuộc "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng" mà thấy lòng thật buồn. Bạn bè online an ủi, bảo em cứ nhìn Susan Boyle mà hy vọng. Người đàn bà quê kệch và cô đơn đó chẳng phải đã thực hiện được giấc mơ của đời mình sao?
Em mở "I dreamed a dream", nghe đi nghe lại những lời tự sự chất chứa nỗi niềm. Tôi mơ giấc mơ cuộc đời tôi rất khác với địa ngục tôi đang sống. Khác với những gì tưởng như đang xảy ra. Giọng hát thánh thiện của người đàn bà xấu xí nước Anh kéo em ra khỏi nỗi buồn, đặt trở lại vào tim em niềm tin bất tuyệt.
Rằng, ở đâu đó, vẫn có những câu chuyện cổ tích đang tồn tại.
Rằng, hạnh phúc không là đặc quyền của riêng ai.
Và những ngày tuyệt vọng này rồi sẽ đi qua. Đi qua...
Chỉ cần em có niềm tin.
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 07/Jun/2009 lúc 10:59pm
8 điều cần lưu ý khi ăn dưa hấu
PNO - Vào mùa hè nóng bức, nhiều người thích ăn dưa hấu để giải khát. Tuy nhiên, không phải ai ăn dưa hấu cũng tốt cho sức khỏe,.Ngay cả những người ăn được dưa hấu cũng nên tìm hiểu xem cách ăn dưa hấu thế nào cho khoa học. Chẳng hạn, có những người mắc một số căn bệnh phải kiêng ăn dưa hấu hoặc một số trường hợp hoàn toàn không nên ăn.
1/ Người bị bệnh tiểu đường
Dưa hấu chứa một lượng đường khoảng 5%, chủ yếu là Glucose, Sucrose và một phần Fructose, ví vậy ăn dưa hấu sẽ khiến cho lượng đường trong máu tăng cao.
Cơ thể người bình thường có thể kịp thời bài tiết Insulin, giúp lượng đường trong máu và trong nước tiểu luôn giữ ở mức bình thường. Nhưng với người bệnh tiểu đường, nếu ăn quá nhiều dưa hấu, không những lượng đường trong máu tăng cao, bệnh tình thêm nghiêm trọng mà còn làm rối loạn quá trình chuyển hóa, dẫn đến ngộ độc máu, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Mỗi ngày, lượng cacbohydrate mà người bệnh tiểu đường ăn vào cần được kiểm soát nghiêm ngặt. Vì thế, nếu trong một ngày người bệnh ăn nhiều dưa hấu thì nên giảm một lượng cacbohydrate tương ứng trong thực phẩm hay các sản phẩm bột sao cho vừa phải, để không bệnh nặng hơn.
2/ Những người mắc các bệnh về thận. Những người có chức năng thận không tốt thường đi với chức năng bài tiết nước trong cơ thể kém, vì vậy thường xuất hiện triệu chứng Edema toàn thân. Những bệnh nhân này nếu ăn quá nhiều dưa hấu, trong khi chức năng thận yếu, không thể kịp thời thải ra lượng nước thừa, sẽ dẫn đến tình trạng lượng nước tích tụ trong cơ thể quá mức cho phép làm máu bị loãng, không chỉ khiến cho triệu chứng Edema trở nên nghiêm trọng mà còn gây nên bệnh tim cấp tính. Vì vậy, lời khuyên của các bác sĩ với những người bệnh thận là: Nên ăn ít hoặc không ăn dưa hấu.
3/ Người mới bị cảm
Các chuyên gia y tế cho rằng, bất kể cảm do nóng hay do lạnh, thời gian ban đầu là thời gian mà các triệu chứng của bệnh biểu hiện nên cần áp dụng các biện pháp khiển bệnh phát ra hoàn toàn. Từ đó, mới có thể chẩn bệnh đúng. Trong khi đó, dưa hấu lại có tác dụng thanh nhiệt, nên trong giai đoạn đầu bị cảm, nếu ăn nhiều dưa hấu, có thể kéo dài tình trạng bệnh.
4/ Người bị nhiệt miệng
Theo Đông y, nhiệt miệng là do nóng từ bên trong gây ra; mà dưa hấu lại có tác dụng lợi tiểu nên người bị nhiệt miệng ăn nhiều dưa hấu sẽ làm cho lượng nước cần thiết trong quá trình phục hồi bị thải đi quá nhanh. Từ đó, người bệnh sẽ bị nóng hơn bên trong. 5/ Sản phụ Thể trạng của sản phụ khá yếu, Đông y cho rằng ăn nhiều dưa hấu sẽ gây hại cho dạ dày và tì.
6/ Không được ăn dưa hấu trước và sau bữa ăn
Vì dưa hấu có nhiều nước, làm cho dịch tiêu hoá của dạ dày bị loãng ra, ăn dưa hấu ngay trước và sau bữa ăn đều ảnh hưởng không tốt đến việc hấp thụ lẫn tiêu hoá thức ăn. Hơn nữa, nếu trước bữa ăn, chúng ta ăn quá nhiều dưa hấu thì khi vào bữa ăn chính thì việc hấp thu các loại thực phẩm dinh dưỡng khác sẽ bị giảm đáng kể. Nhưng, với những người có nhu cầu giảm béo bằng cách giảm lượng dinh dưỡng hấp thu vào cơ thể, thì ăn dưa hấu trước bữa chính lại là một lựa chọn lý tưởng.
7/ Không nên ăn quá nhiều dưa hấu
Vì dưa hấu mang tính hàn nên ăn quá nhiều dưa hấu cũng có thể khiến dạ dày và tì khó chịu, như: hiện tượng chán ăn, tiêu hoá kém, thậm chí làm giảm khả năng đề kháng của dạ dày và ruột dẫn đến tình trạng chướng bụng, tiêu chảy…
8/ Nên ăn ít dưa hấu lạnh
Trong mùa hè oi bức, ăn vài miếng dưa hấu lạnh sẽ có cảm giác được giải nhiệt rất rõ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó đối với dạ dày rất lớn, dễ gây tổn thương dạ dày và tì, nên cần hạn chế nhiệt độ và lượng dưa hấu ăn vào.
Tốt nhất là nên cho dưa ở ngăn dưới cùng của tủ lạnh, nơi nhiệt độ khoảng 8-10°C là thích hợp nhất để ăn. Mỗi lần ăn, không nên quá 500g dưa và ăn từ từ.
Ngoài ra, bệnh nhân đau dạ dày cũng được khuyến cáo không nên ăn dưa hấu để tủ lạnh.
Ngọc Quỳnh (sohu.com)
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 08/Jun/2009 lúc 9:09pm
NGÔI BIỆT THỰ "MỘ" Ở BẾN TRE
Một Việt kiều sau khi qua đời đã được người nhà đưa từ Mỹ về Việt Nam và chôn ngay tại phòng khách một ngôi biệt thự.
Ngôi mộ nằm giữa phòng khách
Cuối tháng 4/2009 vừa qua, tôi có chuyến công tác về Bến Tre. Trên đường về TP HCM, khi xe chuẩn bị đi qua chiếc cầu Rạch Miễu mới tinh vừa khánh thành, anh bạn bất ngờ nói tôi nên ghé thăm một căn biệt thự đặc biệt ngay tại đây.
Ngôi biệt thự hoàng tráng còn rất mới
Tôi hỏi điểm đặc biệt đó là gì, anh nói đó là “có một ngôi mộ ngay… trong nhà”. Vốn là người làm luật, nên tôi tỏ vẻ không tin chuyện đó lắm.
Người bạn của tôi nói nghe đâu người chết là một Việt kiều. Hình như người này có di chúc chôn mình ngay trong nhà để anh em trong nhà khỏi ai tranh giành tài sản, vì nghe nói nhà này giàu lắm.
Không nén nổi sự tò mò, tôi quyết định ghé thăm ngôi biệt thự đó. Chiếc xe bốn chỗ đưa chúng tôi chạy vào một con hẻm nhỏ lát xi măng ngay khu vực bến phà Rạch Miễu cũ, thuộc địa phận xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Đi khoảng vài trăm mét, người bạn dừng xe bên một ngôi biệt thự có màu nâu đất, rất lớn và mới tinh như thể vừa mới khánh thành. Từ ngoài nhìn vào, tôi muốn nổi da gà khi thấy ngay trong phòng khách chính giữa căn biệt thự, thay vì là một bộ salon tiếp khách như thường thấy lù lù một … ngôi mộ.
Không được sống biệt thự, thì chết chôn biệt thự
Tiếp đón chúng tôi là một bà cụ có vẻ mặt phúc hậu. Bà cho biết người nằm trong mộ là chị Trần Thị Kim Liên, con gái bà. Chị Liên bị bệnh và chết ở Mỹ cuối năm 2008, khi ngoài 50 tuổi, đã xây ngôi biệt thự này khi còn sống.
Ngôi mộ tọa lạc giữa phòng khách
Bà mẹ cho biết trước khi chết, chị bày tỏ ý nguyện “cả đời chưa bao giờ được sống trong biệt thự, nên nếu chết thì cũng muốn chôn ngay trong biệt thự”.
Tôi xin phép được xem ngôi mộ, bà cụ vui lòng dẫn tôi vào phòng khách. Quả thật, nếu đúng như lời bà cụ nói thì đây là một dạng chôn nổi. Nghĩa là vị trị của người chết gần như là ngang bằng với người sống.
Và mặc dù không phải là người nhát gan, tôi vẫn có cảm giác rờn rợn khi đứng gần ngôi mộ. Bà cụ cho biết bà vẫn ở cùng mấy đưa cháu ngay trong ngồi nhà này. “Tôi quen rồi, nên không sợ. Nhưng lạ là từ ngày nó chết, tôi chưa bao giờ thấy nó về”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giải Hải: Không có oan khuất thì người chết rất “lành”
- Về mặt tâm linh, việc an táng như vậy có ảnh hưởng gì tới người sống?
- Về mặt tâm linh, thì chỉ những cái chết do tai nạn hay chết có sự oan khuất mới gây ra những vấn đề tâm linh mà ngày nay chúng ta có thể thấy đề cập trên phim ảnh.
Những ngôi nhà có ma thường là những nơi có người bị chết oan, có thể kể đến ngôi nhà ở đèo Pren Đà Lạt - nơi có những oan hồn bị lính Mỹ giết hại; hoặc các tài liệu thế giới cũng nhắc nhiều đến những ngôi nhà bị ma ám hàng thế kỷ, thậm chí người ta còn chụp được các bức ảnh ma.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu tâm linh, tôi cho rằng điều đó là có thật. Còn những trường hợp người chết bình thường, không có oan khuất thì chẳng có vấn đề gì. Có chăng chỉ là tâm lý sợ sống cạnh, hoặc sống gần người chết. Nhưng nếu người trong gia đình cảm thấy bình an, thoải mái thì không có vấn đề gì.
- Ngôi mộ này thực ra không được chôn xuống lòng đất mà chôn nổi trên nền nhà và xây kiên cố, như vậy khoảng cách giữa người sống và người chết dường như rất gần nhau, có thể nói vẫn như đang “sống” chung với nhau. Điều này có ổn khổng, thưa ông?
Do thiếu chỗ ở, hiện nay ở nhiều nơi, nhà mồ đã trở thành nơi cư trú của nhiều người. Họ sống ngay cạnh các ngôi mộ nhưng có sao đâu. Hay ở ta, nhiều khu dân cũng vẫn ở ngay sát các nghĩa trang đấy.
Chết oan mới tìm về báo mộng
- Nhưng như vậy, cái người ta vẫn gọi là “âm khí” liệu có ảnh hưởng gì đến người sống?
- Tùy theo mức độ tu dưỡng tâm linh của từng người, khi qua đời, từ mộ người chết thậm chí còn có thể phát ra những bức xạ lành, ảnh hưởng tốt đến những vùng xung quanh. Chẳng hạn, trường hợp nhà chữa bệnh tâm linh Nguyễn Đức Cần, khi qua đời được chôn vĩnh viễn, không cải táng tại một cánh đồng ở Bình Đà.
Khu mộ ông hiện được nhiều người khi xưa chịu ơn ông, đã đầu tư xây dựng cảnh quan rất đẹp. Nhiều nghiên cứu cho thấy sóng sinh học ở quanh khu mộ rất cao, nên nhiều người có bệnh đã tìm đến, ngồi ở đây và chữa được khỏi bệnh.
Hay như trường hợp ở Chợ Âm phủ 19/12 gần đây, ta mới đào được hàng trăm hài cốt dưới lòng khu chợ này. Nếu nói là có âm khí thì với số lượng hài cốt nhiều như vậy, khu chợ này chắc hẳn âm khí phải nặng nề lắm chứ. Nhưng ở đó là hài cốt các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cao cả cho đất nước, chứ không phải những cái chết oan uổng, cho nên vong hồn họ “lành” và không hề gây ra vấn đề gì.
- Ông giải thích thế nào về việc bà mẹ chưa bao giờ mơ thấy người nằm trong mộ?
- Hiện tượng không mơ thấy người thân là chuyện bình thường. Không phải khi nào người sống cũng nằm mộng thấy những người đã quá cố. Thông thường chỉ khi có chuyện gì bất thường xảy ra, hoặc trong trường hợp người chết có oan khuất, linh hồn họ không siêu thoát được mới tìm về báo mộng, coi như tìm đến sự trợ giúp của người sống.
Không ảnh hưởng vệ sinh
- Việc chôn người chết trong nhà như vậy có ảnh hưởng gì đến vấn đề vệ sinh không?
- Một người chết chôn ở đâu, hình thức như thế nào phụ thuộc vào phong tục tập quán từng dân tộc, phụ thuộc những qui tắc nhất định trong các xã hội khác nhau. Thông thường người ta phải táng tại nghĩa trang.
Ở phương Tây thì có nhà mồ - nơi người ta chỉ đặt quan tài người chết ở đó mà không cải táng. Tuy nhiên đó là ở xứ lạnh nên có thể không ảnh hưởng đến vệ sinh. Ở Tây Tạng, vùng đất cao 4.000m trên mực nước biển, còn có hình thức điểu táng – mổ xác người chết, vứt các bộ phận cơ thể cho chim kền kề rỉa, xương cốt cũng giã nát cho chim ăn.
Phương pháp địa táng ở Việt Nam cũng như một số nước vùng nhiệt đới. Chôn lần thứ nhất gọi là hung táng. Điều kiện thời tiết, vi khuẩn sẽ phân hủy phần thịt mềm; phần xương khô, sạch sẽ được đào lên và chôn lại lần thứ hai, gọi là cát táng.
Có nhiều gia đình vẫn đưa phần cát táng về chôn trong vườn nhà, cụ thể như trường hợp nhà văn Vũ Trọng Phụng được con gái đưa về chôn trong vườn nhà ở làng Mọc, Nhân Chính, Hà Nội. Hoặc thậm chí, sau khi điện táng, nhiều người vẫn lấy tro hài người chết về đặt trong lọ trên bàn thờ.
Trong việc cát táng, hiện nay cũng nhiều gia đình xây những ngôi mộ, có thể gọi là nhà mộ, nguy nga, đồ sộ. Trường hợp ngôi biệt thự mộ có thể coi là một biến thể của hình thức này, xây trên phần đất riêng của gia đình người ta. Nếu làm kiên cố như vậy thì cũng không ảnh hưởng gì đến vệ sinh môi trường.
Theo Khoa học & đời sống
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 10/Jun/2009 lúc 5:24am
Vui buồn quanh nghĩa trang
độc nhất vô nhị Việt Nam
Giadinh.net - Chuyện ông Bảo Sinh xây hotel cho chó mèo chắc hẳn nhiều người đã cho là bất thường. Nhưng có lẽ còn “khùng” hơn khi ông dành 700m² đất giữa Hà Nội đắt đỏ và nhiều tỷ đồng để dựng một nghĩa trang cho chó mèo chỉ để làm nơi những linh hồn của thú cưng có chốn đi về.
Chuyện ông Bảo Sinh xây hotel cho chó mèo chắc hẳn nhiều người đã cho là bất thường. Nhưng có lẽ còn “khùng” hơn khi ông dành 700m² đất giữa Hà Nội đắt đỏ và nhiều tỷ đồng để dựng một nghĩa trang cho chó mèo chỉ để làm nơi những linh hồn của thú cưng có chốn đi về.
Chuyện về Ami - chú chó “tổ” khổng lồ
Chúng tôi tìm đến số 167 Trương Định để tìm hiểu về nghĩa trang chuyên dành cho động vật, ông Bảo Sinh vui vẻ mở đầu câu chuyện: “Chắc là chẳng có người thứ hai nào điên như tôi đâu. Có lẽ kiếp trước tôi đã có tội gì nhiều lắm với chó mèo nên kiếp này tôi phải trả nợ đấy thôi”.
|
Ông Bảo Sinh bên bàn thờ chó "tổ" Ami. (Ảnh: H.P) |
Quan sát nghĩa trang, chúng tôi thấy vị trí trang trọng nhất được dành cho một chú chó béc giê. Ông Bảo Sinh cho biết, đây chính là chú chó “tổ” Ami giống béc giê Đức. Ami chính là chú chó đi đầu trong nghề kinh doanh chó tại Việt Nam. Ami lúc “sinh thời” nặng tới 60kg. Mẹ Ami có tên là Bạch Tuyết (vì bộ lông trắng như tuyết) được ông Bảo Sinh mua năm 1970 với giá 1 cây vàng. Ami là chó đực, lại sinh ra đúng thời đất nước độc lập nên vượt trội hơn mẹ Bạch Tuyết về tiếng tăm. Khi trở thành một chú chó trưởng thành, Ami trở nên nức tiếng trong Nam ngoài Bắc. Không chỉ là một chú chó có thể trọng lớn nhất Việt Nam lúc đó, Ami còn tự hào khi làm cha đẻ của vô số chó thế hệ sau.
Ông Bảo Sinh tâm sự, Ami chính là chú chó giúp ông khởi nghiệp để gây dựng toàn bộ cơ ngơi của ngày hôm nay. Ami theo tiếng Pháp có nghĩa là “bạn”. Ông đặt tên cho con chó như thế vì ông luôn coi đó là một thành viên gần gũi trong gia đình. Ami mất cách đây hơn 10 năm và thọ 15 tuổi. Ami mắc bệnh karê - một loại bệnh khi chó mắc phải sẽ bị phá huỷ cả về phổi, đường ruột và thần kinh. Khi ấy, thuốc chữa bệnh này ở Việt Nam rất khan hiếm. Lúc “lâm chung”, khác với loài mèo đi tìm một nơi xa nhà để chết trong lặng lẽ, Ami tìm đến bên chân chủ, mắt ứa lệ và dần gục xuống. Chính vì những “chiến tích” của Ami và những tình cảm gắn bó mật thiết với chủ, ngoài việc treo ảnh của Ami trong phòng riêng, ông Bảo Sinh đã dành vị trí trung tâm của nghĩa trang cho bài vị thờ Ami.
|
Một ngôi mộ tại nghĩa trang |
Nghĩa trang động vật duy nhất Việt Nam
Ngoài Ami, nghĩa trang xuất hiện hàng loạt những cái tên đầy ấn tượng và trìu mến như: Lucky, Xuka, Sinky, Lô lô... và còn có cả một chú mèo tên Pu Tin. Theo ông Bảo Sinh, chủ nhân của những con thú có mộ trong nghĩa trang của ông đa phần đều là những người khá giả và yêu quý động vật. Để thú yêu có một phần mộ “hoành tráng” trong nghĩa trang của ông, chủ nhân sẽ phải chi trả khoảng 2,5 triệu đồng. Số tiền này chỉ phải trả 1 lần và sẽ được dành làm tiền hương khói hàng ngày và tiền cúng lễ các ngày rằm, mùng 1 hay các lễ cầu siêu.
|
Toàn cảnh khuôn viên nghĩa trang. |
Ông Bảo Sinh cho biết, ông vừa cùng chủ nhân của các ngôi mộ lập một lễ cầu siêu khá hoành tráng tại nghĩa trang. Lễ cầu siêu có sự tham gia của 3 vị cao tăng. Theo ông Sinh, không phải vị sư nào cũng có thể tham gia lễ cầu siêu này bởi chỉ có người cao đạo mới hiểu hết được những ý nghĩa của việc cầu cúng này.
Việc lập nghĩa trang khiến nhiều người cho rằng, chủ nhân sẽ kiếm được bộn tiền nhưng nếu nhẩm tính thì số tiền mà ông Bảo Sinh thu được từ việc này chẳng bõ bèn gì so với mảnh đất 700m² ông dành cho nghĩa trang. Những người tìm đến nghĩa trang của ông không hẳn ai cũng có tiền. Ông còn nhớ như in, có lần một cô bé vừa tìm đến nghĩa trang vừa khóc thút thít. Cô bé mang 1 con rùa cụt 1 chân và đã chết đến xin được chôn tại nghĩa trang nhưng lại không có đồng nào để nộp lệ phí. Cô bé kể, trong lần đi Tam Đảo, khi thấy chú rùa này bị một đám trẻ con đánh đập, cô lại gần để hỏi nguyên nhân thì được bọn trẻ cho biết con rùa đã mất 1 chân nên bán không ai mua. Cô bé đã phải dốc hết túi lấy 100.000 đồng mua chú rùa về. Tất nhiên, kết quả là chú rùa xuất hiện tại nghĩa trang. Ông Bảo Sinh đành dành một phần đất nhỏ trong nghĩa trang cho chú rùa tội nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng lại vì vài ngày sau, chính cô bé ấy lại mang xác một con bướm đến xin chôn và cũng không đem theo đồng nào. Chủ nhân nghĩa trang vẫn đem chôn con vật ấy miễn phí chỉ bởi ông thấy cô bé có tấm lòng rộng mở đối với loài vật.
|
Cổng vào nghĩa trang và chùa "Tề động vật ngã" |
Tất cả những sinh linh có mặt tại nghĩa trang đều được thờ cúng cẩn thận. Các ngôi mộ mới thường được chủ nhân qua lại nhiều hơn. Tuy nhiên, theo ông Bảo Sinh, thông thường, sau 2 năm thì các mộ không còn ai tới thăm nom chăm sóc nữa. Là người chủ nghĩa trang nhưng không vì thế mà ông bỏ mặc những ngôi mộ lâu năm. Hàng ngày, ông vẫn thắp hương cho tất cả các mộ. Để nghĩa trang không bị chật chội, cốt ở những mộ có thâm niên lâu sẽ được đốt và giữ lại bài vị để thờ cúng.
Tu luyện thì con gì cũng có thể thành Phật
Theo ông Bảo Sinh, ông lập nghĩa trang này đã khá lâu nhưng “phong trào” lo việc “hậu sự” cho chó, mèo thì xuất hiện cách đây khoảng 7 năm. Bản thân ông luôn tâm đắc quan điểm của nhà Phật là người và vật đều đồng nhất thể. Chính vì thế, dù là người hay con vật nếu có sự tu luyện đều có thể thành Phật.
Ông đặt tên cho ngôi chùa trong nghĩa trang là “Tề đồng vật ngã” (tức là yêu thương muôn vật như con người) cũng xuất phát từ lý do ấy. Ông cho biết, việc xây dựng nghĩa trang cho thú cưng của ông không nhằm mưu cầu danh hay lợi mà đơn giản chỉ là vì ông mong cho linh hồn của chúng được nhang khói và có chốn đi về. Ông đưa ra nhận định: Con người có rất nhiều nơi thờ cúng, linh hồn con người cũng đã nhận được nhiều sự thương yêu chăm sóc. Vậy tại sao những con vật rất gần gũi với con người lại không có ai để tâm đến việc “hậu sự”?
Từ khi lập dựng đến nay, nghĩa trang có khoảng trên 200 linh hồn được quy tụ. Ông Bảo Sinh cho biết, trước đây, nghĩa trang phân thành hai khu: Một khu nằm bên Gia Lâm và khu vực hiện tại. Tuy nhiên, đến nay, nghĩa trang đã tập trung toàn bộ về Trương Định (trong khuôn viên gia đình ông Bảo Sinh). Các cốt lâu năm đều đã được thiêu nên nghĩa trang chỉ còn trên 100 ngôi mộ.
|
Trong nghĩa trang có thờ 18 vị La hán |
Để nghĩa trang được quy củ, sau Tết Nguyên đán năm nay, chủ nhân của nghĩa trang sẽ cho sửa sang lại toàn bộ khuôn viên. Trong đó, ông sẽ cho xây dựng một đài hoá thân để đáp ứng được cho nhiều đối tượng hơn. Đài hoá thân sẽ hội tụ đủ sự hài hoà của “tứ đại” là nước, lửa, gió và không khí. Chính vì vậy, đài hoá thân sẽ được dựng trên mặt hồ trong nghĩa trang. Sau khi hoá thân, bài vị của các con vật sẽ được đặt tại nghĩa trang. Ông Sinh ước tính, kinh phí để quy hoạch lại nghĩa trang và xây đài hoá thân sẽ hết khoảng 3 - 4 tỷ đồng. Có nhiều người so sánh số tiền này với khoản phí đóng góp của các chủ mộ thì ông chỉ cười. Ông nói với chúng tôi: “Nếu tính ra cũng không lỗ đâu, cơ nghiệp của tôi có được đều là nhờ kinh doanh chó. Cái nọ nó bù cái kia. Với lại, bây giờ tôi chẳng có nhu cầu nhiều về kinh tế!”.
Hoàng Phương
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 10/Jun/2009 lúc 5:29am
Ảnh hoa lộc vừng
đỏ rực bên hồ Gươm
Sau một tháng trổ màu vàng và thay lá, đêm qua cây lộc vừng bên hồ Hoàn Kiếm bắt đầu nở hoa và đến sáng nay rụng đỏ rực trải thảm đường đi và trên mặt nước. Nhiều người dân thích thú nhặt cả vốc mang về cho trẻ em chơi.
|
Trong hai cây lộc vừng bên hồ Hoàn Kiếm, chỉ một cây hoa nở. Mỗi năm hoa nở hai lần, đầu mùa hạ và giữa mùa thu. |
|
Thường nở trong khoảng nửa tháng, mỗi ngày một lần. Chiều tối, vào lúc ánh sáng trời yếu dần hoa tỏa hương thơm nồng nàn. |
|
|
|
Trong cái giá lạnh mới về sáng nay,
hoa vẫn tỏa nét đẹp riêng biệt. |
|
Rụng xuống, 'ngự' trên thân cây. |
|
|
Trải thảm đường đi. |
|
Đỏ rực trên ghế đá. |
|
|
và trên mặt nước ven hồ Gươm. |
|
|
Người dân thích thú nhặt hoa mang về. |
|
Du khách nước ngoài ngỡ ngàng. |
|
Giới nhiếp ảnh bắt đầu tìm đến sáng tác. |
Theo VnExpress
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 10/Jun/2009 lúc 5:37am
Thác Dray Sáp:
Chốn bình yên giữa núi rừng Đắk Nông
Trong sự thanh khiết của thiên nhiên Dray Sáp về đêm, hoặc đợi mặt trời lên buổi sớm, buổi chiều nghe tiếng chim gọi bạn bay từng đàn ta mới thấy cuộc sống thật đẹp, thật thanh bình.
Cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 30 km có một ngọn thác tên gọi Dray Sáp, khá đẹp được nhiều người đến thăm quan du lịch. Truyền thuyết kể về Thác Khói - Dray Sáp như sau: Có một nàng con gái tên H Mi hàng ngày vẫn cùng người yêu đi làm rẫy bên nhau.
Một hôm, trong lúc họ đang ngồi nghỉ trên một hòn đá, bỗng thấy một con quái vật đầu to như quả núi, mắt lớn tựa nồi đồng, râu dài răng nhọn và toàn thân có vảy lấp lánh như bạc hiện trên bầu trời, rồi bất ngờ sà xuống đất. Chiếc vòi của nó cắm xuống.
Bỗng một cột nước khổng lồ từ dưới mặt nước phun lên. Con quái vật xòe đôi cánh lớn lượn mấy vòng, rồi phun nước tạo thành một cơn mưa dữ dội và bay mất. Cô gái trong giây phút khiếp đảm, giờ đã tan biến vào lớp mây mù. Chàng trai đã biến thành một gốc cây lớn, cắm sâu vào ghềnh đá. Chỗ ấy ngày nay là Thác Khói - Dray Sáp...
|
Đường vào thác Dray Sáp. |
|
Khung cảnh bên trong... |
|
Toàn cảnh thác Dray Sáp. |
Những cơn mưa rừng bất chợt ào xuống rồi lại bất chợt tạnh. Những tia nắng xuyên qua cây lá rừng càng làm cho dòng nước Dray Sáp thêm kỳ ảo, lung linh. Chút mờ ảo biến hóa ở con suối tựa như mây nước tỏa khói Mang không khí lạnh, dễ chịu cho du khách khi đặt chân đến đây.
Dray Sáp được thiên nhiên ưu đãi với cảnh đẹp của rừng cây ngọn nước, cùng với huyền thoại về sự hình thành của thác nước, chuyện về tình yêu bất tử của đôi trai gái có từ xa xưa ... nay lại được con người đầu tư tu bổ khiến Dray Sáp càng thêm đẹp, thêm xinh. Nếu có dịp, mời bạn hãy một lần về bên đầu nguồn Dray Sáp.
Theo Báo Du Lịch
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 10/Jun/2009 lúc 5:39am
Gia Lai: Hùng vĩ đèo Mang Yang trên phố núi Pleiku
Người dân Gia Lai vẫn quen gọi với cái tên “Đèo cổng trời”, quãng đường đèo không dài nhưng độ dốc đứng tạo cho ta cảm giác như lên với trời xanh, có lẽ vì đặc điểm này mà nó thích hợp với tên gọi đó.
Nếu ai từng lên phố núi Pleiku theo quốc lộ 19 và lại vào 2 mùa mưa-nắng rất đặc trưng của Cao nguyên này chắc hẳn sẽ không ngỡ ngàng trước 2 vẻ đẹp rất riêng, rất nên thơ của phong cảnh nơi đây. Nếu bạn đến vào mùa nắng sẽ như lạc vào rừng cúc quỳ vàng rực rỡ dọc theo đoạn đường lên đến đỉnh trời, và nếu là mùa mưa bạn càng không khõi ngỡ ngàng trước làn sóng nhấp nhô của cỏ tranh đuổi nhau trên sườn núi.
Chùm ảnh: Cảnh quan của “Đèo cổng trời”.
|
|
|
|
“Đèo cổng trời” vừa hùng vĩ vừa nên thơ đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 13/Jun/2009 lúc 10:11am
Tây Ninh - Toà thánh Cao Đài
Vị trí : Toà thánh Cao Đài được xây dựng tại làng Long Hoa, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh 4km về phía đông nam.
Đặc điểm: Ðạo Cao Ðài ra đời vào năm 1926 ở Tây Ninh. Tòa thánh Cao Đài là một công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng, được bắt đầu xây dựng vào khoảng năm 1926.
Toà thánh toạ lạc trong một khuôn viên rộng khoảng 1km². Nổi bật trong quần thể kiến trúc là đền Thánh, với những đặc trưng tiêu biểu cho kiến trúc đền, chùa của tôn giáo Cao Đài. Công trình thể hiện sự hài hoà giữa mỹ thuật kiến trúc Á Đông và Phương Tây. Với các vòm mái và hoa văn trang trí khéo léo, tinh xảo thể hiện tinh thần tam giáo.
Tại đây còn có một số kiến trúc đẹp và kì vĩ khác nằm trong quần thể như cổng Chánh môn, các tháp mộ, đền thờ Phật Mẫu. Ðặc biệt là Bá huê viên với nhiều cây cảnh, nhiều loại hoa và cỏ lạ. Lễ hội lớn nhất hàng năm diễn ra nơi đây là vía Ðức Chí Tôn (ngày 9 tháng giêng âm lịch). Lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc và cuốn hút hàng vạn du khách từ mọi miền đất nước về dự và chiêm bái thưởng ngoạn cảnh quan. Du khách có dịp đi chợ Long Hoa, một chợ lớn nhất Tây Ninh, có bán các thực phẩm chay phong phú, đa dạng và bạn sẽ được thưởng thức những món ăn "chay giả mặn" thật độc đáo, khéo léo và ngon miệng.Biểu tượng của đạo Cao Ðài là Thiên Nhãn. Ngoài việc thờ Thiên Nhãn, đạo Cao Ðài còn thờ Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm, Chúa Giê-su, Khổng Tử, Lão Tử,... Sưu tầm
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 13/Jun/2009 lúc 10:54am
Sự tích con gái
Xưa kia ở tuốt trên trời Ngọc Hoàng Thượng Ðế thảnh thơi thấy buồn Sai bắt một con chuồn chuồn Xịt vô 10 lít nước tương đem hầm
Bỏ vô một kí ớt bằm Chanh chua 6 trái, me dầm 7 tô Nước mắt cá sấu 8 tô Dịu dàng chút xíu, 8 tô dữ chằn
Nêm thêm 9 chú lăng quăng Mít khô, mít ướt, cằn nhằn, ghen tuông Hai trăm (gr) nhõng nhẽo giận hờn Mụn cám, mụn bọc, mụn cơm, mụn đề
Ngọc Hoàng hứng chí... hề hề "Con này hoàn tất khỏi chê chỗ nào" Sai Thiên Lôi lấy bột nhào Bắc Ðẩu canh lửa, Nam Tào quạt than
Bỗng nhiên một tiếng nổ vang Thế rồi "con ấy" nhẹ nhàng bay ra Bèn đặt tên là "EVA" Còn gọi "con gái" hay là "Cô em"
Sưu tầm
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 13/Jun/2009 lúc 10:58am
Học ngoại ngữ bằng... thơ
Long dài, short ngắn, tall cao Here đây, there đó, which nào, where đâu Sentence có nghĩa là câu Lesson bài học, rainbow cầu vồng
Husband là đức ông chồng Daddy cha bố, please don't xin đừng Darling tiếng gọi em cưng Merry vui thích, cái sừng là horn
Rách rồi xài đỡ chữ torn To sing là hát, a song một bài Nói sai sự thật to lie Go đi, come đến, một vài là some
Đứng stand, look ngó, lie nằm Five năm, four bốn, hold cầm, play chơi One life là một cuộc đời Happy sung sướng, laugh cười, cry kêu
Lover tạm dịch ngừơi yêu Charming duyên dáng, mỹ miều graceful Mặt trăng là chữ the moon World là thế giới, sớm soon, lake hồ
Dao knife, spoon muỗng, cuốc hoe Đêm night, dark tối, khổng lồ giant Fund vui, die chết, near gần Sorry xin lỗi, dull đần, wise khôn
Burry có nghĩa là chôn Our souls tạm dịch linh hồn chúng ta Xe hơi du lịch là car Sir ngài, Lord đức, thưa bà Madam
Thousand là đúng... mười trăm Ngày day, tuần week, year năm, hour giờ Wait there đứng đó đợi chờ Nightmare ác mộng, dream mơ, pray cầu
Trừ ra except, deep sâu Daughter con gái, bridge cầu, pond ao Enter tạm dịch đi vào Thêm for tham dự lẽ nào lại sai
Shoulder cứ dịch là vai Writer văn sĩ, cái đài radio A bowl là một cái tô Chữ tear nước mắt, tomb mồ, miss cô
Máy khâu dùng tạm chữ sew Kẻ thù dịch đại là foe chẳng lầm Shelter tạm dịch là hầm Chữ shout là hét, nói thầm whisper
What time là hỏi mấy giờ Clear trong, clean sạch, mờ mờ là dim Gặp ông ta dịch see him Swim bơi, wade lội, drown chìm chết trôi
Mountain là núi, hill đồi Valley thung lũng, cây sồi oak tree Tiền xin đóng học school fee Yêu tôi dùng chữ love me chẳng lầm
To steal tạm dịch cầm nhầm Tẩy chay boycott, gia cầm poultry Cattle gia súc, ong bee Something to eat chút gì để ăn
Lip môi, tongue lưỡi, teeth răng Exam thi cử, cái bằng licence... Lovely có nghĩa dễ thương Pretty xinh đẹp thường thường so so
Lotto là chơi lô tô Nấu ăn là cook, wash clothes giặt đồ Push thì có nghĩa đẩy, xô Marriage đám cưới, single độc thân
Foot thì có nghĩa bàn chân Far là xa cách còn gần là near Spoon có nghĩa cái thìa Toán trừ subtract, toán chia divide
Dream thì có nghĩa giấc mơ Month thì là tháng, thời giờ là time Job thì có nghĩa việc làm Lady phái nữ, phái nam gentleman
Close friend có nghĩa bạn thân Leaf là chiếc lá, còn sun mặt trời Fall down có nghĩa là rơi Welcome chào đón, mời là invite
Short là ngắn, long là dài Mũ thì là hat, chiếc hài là shoe Autumn có nghĩa mùa thu Summer mùa hạ, cái tù là jail
Duck là vịt, pig là heo Rich là giàu có, còn nghèo là poor Crab thì có nghĩa con cua Church nhà thờ đó, còn chùa temple
Aunt có nghĩa dì, cô Chair là cái ghế, cái hồ là pool Late là muộn, sớm là soon Hospital bệnh viẹn, school là trường
Dew thì có nghĩa là sương Happy vui vẻ, chán chường weary Exam có nghĩa kỳ thi Nervous nhút nhát, mommy mẹ hiền.
Region có nghĩa là miền, Interupted gián đoạn còn liền next to. Coins dùng chỉ những đồng xu, Còn đồng tiền giấy paper money.
Here chỉ dùng để chỉ tại đây, A moment một lát còn ngay ringht now, Brothers-in-law đồng hao. Farm-work đòng áng, đồng bào Fellow-countryman
Narrow-minded chỉ sự nhỏ nhen, Open-hended hào phóng còn hèn là mean. Vẫn còn dùng chữ still, Kỹ năng là chữ skill khó gì!
Gold là vàng, graphite than chì. Munia tên gọi chim ri Kestrel chim cắt có gì khó đâu. Migrant kite là chú diều hâu Warbler chim chích, hải âu petrel
Stupid có nghĩa là khờ, Đảo lên đảo xuống, stir nhiều nhiều. How many có nghĩa bao nhiêu. Too much nhiều quá, a few một vài
Right là đúng, wrong là sai Chess là cờ tướng, đánh bài playing card Flower có nghĩa là hoa Hair là mái tóc, da là skin
Buổi sáng thì là morning King là vua chúa, còn Queen nữ hoàng Wander có nghĩa lang thang Màu đỏ là red, màu vàng yellow
Yes là đúng, không là no Fast là nhanh chóng, slow chậm rì Sleep là ngủ, go là đi Weakly ốm yếu healthy mạnh lành
White là trắng, green là xanh Hard là chăm chỉ , học hành study Ngọt là sweet, kẹo candy Butterfly là bướm, bee là con ong
River có nghĩa dòng sông Wait for có nghĩa ngóng trông đợi chờ Dirty có nghĩa là dơ Bánh mì bread, còn bơ butter
Bác sĩ thì là doctor Y tá là nurse, teacher giáo viên Mad dùng chỉ những kẻ điên, Everywhere có nghĩa mọi miền gần xa.
A song chỉ một bài ca. Ngôi sao dùng chữ star, có liền! Firstly có nghĩa trước tiên Silver là bạc, còn tiền money
Biscuit thì là bánh quy Can là có thể, please vui lòng Winter có nghĩa mùa đông Iron là sắt còn đồng copper
Kẻ giết người là killer Cảnh sát police, lawyer luật sư Emigrate là di cư Bưu điện post office, thư từ là mail
Follow có nghĩa đi theo Shopping mua sắm còn sale bán hàng Space có nghĩa không gian Hàng trăm hundred, hàng ngàn thousand
Stupid có nghĩa ngu đần Thông minh smart, equation phương trình Television là truyền hình Băng ghi âm là tape, chương trình program
Hear là nghe watch là xem Electric là điện còn lamp bóng đèn Praise có nghĩa ngợi khen Crowd đông đúc, lấn chen hustle
Capital là thủ đô City thành phố, local địa phương Country có nghĩa quê hương Field là đồng ruộng còn vườn garden
Chốc lát là chữ moment Fish là con cá, chicken gà tơ Naive có nghĩa ngây thơ Poet thi sĩ, great writer văn hào
Tall thì có nghĩa là cao Short là thấp ngắn, còn chào hello Uncle là bác, elders cô. Shy mắc cỡ, coarse là thô.
Come on có nghĩa mời vô, Go away đuổi cút, còn vồ pounce. Poem có nghĩa là thơ, Strong khoẻ mạnh, mệt phờ dog-tiered.
Bầu trời thường gọi sky, Life là sự sống còn die lìa đời Shed tears có nghĩa lệ rơi Fully là đủ, nửa vời by halves
Ở lại dùng chữ stay, Bỏ đi là leave còn nằm là lie. Tomorrow có nghĩa ngày mai Hoa sen lotus, hoa lài jasmine
Madman có nghĩa người điên Private có nghĩa là riêng của mình Cảm giác là chữ feeling Camera máy ảnh hình là photo
Động vật là animal Big là to lớn, little nhỏ nhoi Elephant là con voi Goby cá bống, cá mòi sardine
Mỏng mảnh thì là chữ thin Cổ là chữ neck, còn chin cái cằm Visit có nghĩa viếng thăm Lie down có nghĩa là nằm nghỉ ngơi
Mouse con chuột, bat con dơi Separate có nghĩa tách rời, chia ra Gift thì có nghĩa món quà Guest thì là khách chủ nhà house owner
Bệnh ung thư là cancer Lối ra exit, enter đi vào Up lên còn xuống là down Beside bên cạnh, about khoảng chừng
Stop có nghĩa là ngừng Ocean là biển, rừng là jungle Silly là kẻ dại khờ, Khôn ngoan smart, đù đờ luggish
Hôn là kiss, kiss thật lâu. Cửa sổ là chữ window Special đặc biệt normal thường thôi Lazy... làm biếng quá rồi Ngồi mà viết tiếp một hồi die soon Hứng thì cứ việc go on, Còn không stop ta còn nghỉ ngơi!
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 13/Jun/2009 lúc 11:10am
Phong cách người Sài Gòn
Nói đến phong cách người dân bình thường ở thành phố Sài gòn, ta nên dựa vào cơ sở:
• Đã gọi là phong cách, ít ra phong cách ấy cũng xuất phát từ hơn nửa thế kỷ, hoặc hơn nữa, không thể nhìn vào hiện tượng vài mươi năm rồi mất hẳn. Và trong tương lai, phong cách xưa vẫn còn tồn tại, phát triển, khó thay đổi về cốt lõi.
• Phong cách của người Sài Gòn so với cả nước không có gì khác lạ. Ở đâu trên nước Việt Nam mà người dân không hiếu khách, trọng nghĩa khinh tài, lanh lẹ, cần cù, nhưng ở Sài Gòn, phong cách ấy thể hiển đậm nét, ở vài khía cạnh nào đó.
Phong cách nào phải do trời đất ban cho, nhưng thành hình do hoàn cảnh bắt buộc con người phải thích ứng, hội nhập, bằng không thì dễ bị đào thải. Thích ứng để tồn tại, vươn lên. Hoàn cảnh do sinh hoạt kinh tế, với quy luật riêng. Ai cũng biết, đó là văn minh biển (Sài Gòn là hải cảng, ngay từ khi mở nước 300 năm trước), để giao lưu với các nước Đông Nam Á, sau đó là các nước phương Tây. Sài Gòn cũng là nơi nhộn nhịp với văn minh sông nước về phía đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, Sài Gòn còn là không cảng quốc tế quan trọng. Mà khi đã là vùng cảng, thì luôn luôn có nhiều dịch vụ cần thiết, để thu mua hàng hóa, phân phối hàng hóa… đời sống tương đối ddễ dàng hơn so với nông dân vùng xa, vùng sâu. Thành phố cảng phải có hạ tầng cơ sở cần thiết như nhà ở, đường xá, cống rãnh, bệnh viện, trường học, ăn uống, giải trí …
Một yếu tố quan trọng phải được nhắc đến, đó là trên đường mở nước, từ những làng mạc khép kín với lũy tre, làng xóm lần hồi mở rộng ra, chỉ còn ranh giới mơ hồ về quản lý hành chính. Người đã bỏ làng quê không bị ràng buộc chặt chẽ về luân lý phong kiến, thể diện gia tộc. Với phố cổ Hội An thời Chúa Nguyễn, mặc nhiên vua chúa phải ban hành cho phía Nam một qui chế dễ dãi. Quá khứ người tù đày, thường phạm bắt buộc phải đi khẩn hoang vẫn còn trong tiềm thức. Đi xa quê hương, nhưng vẫn gắn bó với sông Mã, sông Hồng, non sông liền một dải, chung một lịch sử, một văn hóa, cụ thể là về phong tục vẫn giữ cốt lõi, qua những lễ hội, văn hóa, văn học …
Người Sài Gòn cũng ưa nghe tin tức, hay còn gọi là tìm lượng thông tin, bởi vậy báo chí là là món ăn cần thiết. Họ đọc báo để tìm hiểu tình hình chung, đặc biệt là tin tức liên quan đến công việc làm ăn hàng ngày của mình. Thiếu lượng thông tin, hóa ra lạc hậu, thất bại trong việc làm ăn, vì tình hình luôn biến động từng giờ, từng phút. Và cũng vì ngành này liên quan đến ngành khác, người ta phải đọc báo để kiểm tra cho đầy đủ. Ngồi quán cà phê đọc báo, chờ bạn bè, ai không đọc báo thì lắng nghe người đã đọc tóm lược giùm. Ta không lấy làm lạ khi thấy báo bán chạy, nhất là báo Sài Gòn giải phóng, cần thiết để hiểu đường lối cho mọi công dân. Báo Công An thành phố TPHCM bán chạy lạ thường, hợp với khẩu vị của nhiều giới: tin xác thực, đọc lên thấy vui. Lại còn biết được thủ đoạn gian manh để đề phòng. Đọc báo để giải trí, xem quảng cáo xe cộ, nhà đất… ngồi không cũng vô ích.
Giao thiệp với bạn bè, tìm bạn mới, trao đổi nhau số điện thoại, danh thiếp. Ăn uống lặt vặt, ai trả tiền cũng được, người tuy khác ngành nghề nhưng biết đâu sẽ giúp đỡ mình chuyện gì đó. Làm quen với anh phu xích lô, cũng là một dịp huống gì với một thương gia. Người đang thất nghiệp cũng có thể giúp đỡ ta khi có dịp.
Làm dịch vụ mua bán lớn nhỏ cần sự sòng phẳng. Làm ăn vui vẻ, bất chấp đối tác của mình có quá khứ như thế nào, miễn là giữ chữ tín. Ai gặp khó khăn, có thể thất tín, nhưng phải khiêm tốn xin lỗi.
Giận hờn để làm lành, với một tiệc nhỏ rồi bỏ qua, nhưng theo luật giang hồ là “bất quá tam”, nghĩa là đến lần thứ ba thì không khoan dung được.
Hào hiệp, nghĩ rằng người đến Sài Gòn đa số là kẻ sa cơ thất thế, vì vậy mà giúp đỡ tận tình, nhưng đừng hiểu lầm đó là ngây thơ, khờ khạo. Là vùng ít thiên tai, bão lụt nên dễ sống. Có nhiều dịch vụ linh tinh, nhờ thế người nghèo có thể sống được, thậm chí, nếu chịu khó thì cũng có thể khá lên được sau vài tháng. “Tiến thì về nội, thôi thì về ngoại”, còn hậu phương thì khá vững, đó là bà con, họ hàng bên vợ, là bạn bè chí cốt ở đồng bằng hoặc miền Đông.
Các Chị ở Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung khá linh hoạt, giỏi làm kinh tế, nhất là trong nghề tiểu thương, tảo tần nuôi chồng con, hiếu đễ với cha mẹ. Ngoài ra còn có thói quen cho vay tiền bạc góp, làm ăn nhờ tiền vay này, “làm bữa nào xào bữa ấy”. Ta thấy suốt ngày, thậm chí đến 8 giờ khuya vẫn còn có người đi chợ mua rau cải, gạo cá.
Ham thích du lịch, nhất là đi chùa chiền, miếu mạo theo sự đồn đại của bạn bè. Tư tưởng đa thần, cái gì cũng theo, cũng tin, để cầu mong phước đức kinh tế thị trường quả là sự rủi may, cho nên giàu thì không dám khinh lờn thần thánh, nghèo thì khấn vái để được gặp may mắn.
Nét tích cực nhất của người Sài Gòn là làm điều từ thiện, theo cảm tính, dễ thương người. Luôn giúp người khuyết tật, nạn nhân bão lụt, thiên tai, theo quan niệm “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.
Hiện nay, những phong cách trên của người Sài Gòn vẫn còn thể hiện khá rõ. Mặc dầu lúc giao thời với kinh tế thị trường, một số người trẻ tuổi có những biểu hiện nông nổi, nhưng quá 50 tuổi, ai cũng trở về nguồn với kỷ niệm, với tâm linh.
Sơn Nam
Trích trong “Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ”
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 16/Jun/2009 lúc 1:53am
Cho và Nhận
Một người đàn ông bị lạc giữa một sa mạc rộng lớn. Ông mệt lả và khát khô, sẵn sàng đánh đổi bất kì cái gì chỉ để lấy một ngụm nước mát.
Đi mãi đi mãi, đến khi đôi chân của ông đã sưng lên nhức nhối, ông thấy 1 căn lều: cũ, rách nát, không cửa sổ.
Ông nhìn quanh căn lều và thấy ở 1 góc tối, có 1 cái máy bơm nước cũ và rỉ sét. Tất cả trở nên lu mờ đi bên cạnh cái máy bơm nước, người đàn ông vội vã bước tới, vịn chặt vào tay cầm, ra sức bơm. Nhưng không có 1 giọt nước nào chảy ra cả.
Thất vọng, người đàn ông lại nhìn quanh căn lều. Lúc này, ông mới để ý thấy 1 cái bình nhỏ. Phủi sạch bụi cát trên bình, ông đọc được dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng cách lấy viên đá cào lên: “Hãy đổ hết nuớc trong bình này vào cái máy bơm. Và trước khi đi, hãy nhớ đổ nước đầy lại vào chiếc bình này”.
Người đàn ông bật cái nắp bình ra, và đúng thật, trong bình đầy nước mát. Bỗng nhiên, người đàn ông rơi vào 1 tình thế bấp bênh. Nếu ông uống ngay chỗ nước trong bình, chắc chắn ông có thể sống sót. Nhưng nếu ông đổ hết nước vào cái bơm cũ gỉ, có thể nó sẽ bơm được nước trong lành từ sâu trong lòng đất - rất nhiều nước.
Ông cân nhắc khả năng của cả hai sự lựa chọn: nên mạo hiểm rót nườc vào máy bơm để có nguồn nước trong lành hay uống nước trong cái bình cũ và coi như không đọc được lời chỉ dẫn? Dù sao, lời chỉ dẫn không biết đã ở đó bao lâu rồi và không biết có còn chính xác nữa không...
Nhưng rồi cuối cùng, ông cũng quyết định rót hết nước váo cái máy bơm. Rồi ông tiếp tục nhấn mạnh cái cần của máy bơm, một lần, hai lần ….chẳng có gì xảy ra cả!Tuy hoảng hốt, nhưng nếu dừng lại, ông sẽ không còn một nguồn hy vọng nào nữa, nên người đàn ông kiên trì bơm lên xuống, lần nữa, lần nữa …. nước mát và trong lành bắt đầu chảy ra từ cái máy bơm cũ kỹ. Người đàn ông vội vã hứng nước vào bình và uống.
Rồi ông hứng đầy bình, dành cho người nào đó có thể không may mắn bị lạc đưòng như ông và sẽ đến đây. Ông đậy nắp bình, rồi viết thêm 1 câu dưới dòng chữ có sẵn trên bình: “Hãy làm theo chỉ dẫn. Bạn phải cho trước khi bạn có thể nhận.”
www.SAGA.vn - dangquangn (sưu tầm)
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 16/Jun/2009 lúc 2:00am
Tính cách người Sài Gòn
Thực ra thì ở đâu cũng có người này người kia, nhưng mỗi miền đất thường sẽ có một số nét chung nhất định mà người ta bắt gặp. Sẽ là rất không công bằng nếu như vơ đũa cả nắm. Tuy nhiên biết thêm một số tính cách đặc trưng của một miền đất nào đó cũng rất hay, phải không?
Lang thang http://www.saga.vn/view.aspx?id=2946 - cà-phê Sài Gòn một lúc thì phát hiện ra bài viết này. Sống ở miền Nam khá lâu nên tôi cảm nhận được những gì bài viết nói là khá chính xác. Mà nói đúng hơn thì tính cách người Sài gòn cũng hòa chung trong tính cách người dân Nam bộ. Mộc mạc và gần gũi.
Tính cách người Sài gòn
Tính cách người SG cũng khó mà không hiểu được, vì họ thẳng tính, bộc trực, trong bụng nghĩ thế nào thì lời nói như vậy, và họ thích bộc bạch suy nghĩ của mình với bạn bè.
SG mưa nắng thất thường, nên tính tình của người SG cũng thất thường. SG mưa đó, rồi nắng đó, người SG cũng vậy, vui đó, rồi buồn đó. Nếu bạn yêu một cô gái SG, bạn nên chuẩn bị tâm lý. Ai mà biết được, khi bạn đặt một nụ hôn của mình lên gương mặt đáng yêu đó, bạn sẽ nhận được một gương mặt lạnh lùng đáng sợ, hay bạn sẽ nhận được một nụ cười làm mát dịu cả SG đang mùa nóng nực này. Còn nếu bạn yêu một anh chàng SG, thì cũng nên chuẩn bị tâm lý, anh ta vừa cãi lộn với bạn một trận kinh hoàng xong, quay ngoắt đi một mạch khỏi nhà bạn, thì 10 phút sau anh ta quay ngoắt lại, rủ em ơi rảnh không, tụi mình đi chơi đi, tỉnh bơ.
Nhưng SG mưa hay nắng thì cũng có mùa. SG không có đủ 4 mùa như Hà Nội, chỉ có 2 mùa mưa nắng. Tôi thích cái thời tiết ở Hà Nội, vì ở đó, tôi được thưởng thức thế nào là cái nóng oi người, thế nào là cái rét nàng Bân, gió mùa đông bắc, chứ ở SG, tôi mặc một bộ đồ cả năm cũng thấy thích hợp, chẳng cần mua đồ đông hay xuân gì cả.
Người SG cũng vậy, tính tình không phức tạp, thậm chí, bạn có thể đoán trước tâm lý của họ, nếu bạn quen họ lâu ngày. Tôi có một cô bạn người HN, cô này chỉ nói chuyện với tôi chưa đến 5 lần, thế mà cô ấy nhận xét tôi chính xác, chẳng biết có phải con gái HN quá nhạy cảm, hay con trai SG quá đơn giản.
Người SG suy nghĩ đơn giản, nói chuyện cũng đơn giản, không văn hoa, không rào đón, không ẩn ý, không mỉa mai châm biếm sâu xa. Tính tình của người SG rất thoáng, nhưng không dễ dãi. Nên người SG đi đâu cũng lập thân được. Mà người SG cũng sẵn sàng đón bạn bè khắp cả nước đến SG lập thân, cùng chung tay xây dựng một thành phố phát triển, phồn thịnh và năng động nhất cả nước như ngày hôm nay. “Hợp tác phát triển đôi bên cùng có lợi” là quan điểm chung của người SG hôm nay, cho dù đối tác là người mình ưa hay không ưa.
SG không phải là thiên đường như nhiều người vẫn nghĩ. Ở SG bạn dễ bị shock, ngay cả tôi, trước phong cách suy nghĩ và làm việc của người SG. SG không bao giờ ngủ, ngay cả trong khi ngủ SG cũng vẫn thao thức về những việc của ngày mai. Người SG có thể làm việc trong bất kỳ môi trường nào.
Ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, cafe, m***age, câu cá, giải trí, bất cứ ở đâu, bạn cũng có thể bị người SG kéo bạn vào cuộc làm ăn của họ. Người SG bây giờ, làm việc đến 12h trưa, nghỉ ngơi trò chuyện một chút đến 1 giờ rồi bắt đầu làm việc tiếp là chuyện bình thường, mà trong cả lúc nghĩ ngơi đó, họ cũng có thể “tranh thủ” với một đối tác nào đó.
Ở SG, nếu bạn không năng động, không thực sự giỏi, thì bạn sẽ thấy rất khó khăn để kiếm sống, còn nếu bạn là người có tài, thì SG luôn mong mỏi sự đóng góp của bạn. Đó là lý do, ngày càng nhiều người từ những địa phương khác đổ xô đến SG làm ăn, công chức, nhân viên, ca sĩ, nhạc sĩ, những người lao động tay chân đã chọn SG làm ngôi nhà thứ 2 của họ. Thậm chí, họ chỉ đến SG kiếm tiền thôi, rồi về quê nhà lại, SG cũng vẫn chấp nhận, không định kiến, không cục bộ, lúc nào cũng mở rộng vòng tay, như bản tính của người SG, đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại.
Người SG không giận ai lâu bao giờ, trái lại, người SG rất dễ tha thứ. Nếu bạn chọc giận cô bạn gái SG của mình, bạn hãy chịu khó dỗ ngọt vài câu, cô ấy sẽ nguôi cơn giận ngay. Con trai SG cũng vậy, ít khi nào để bụng chuyện gì. Bực mình là cứ thế oang oang, ầm ĩ một lúc, hết, là hết.
Người SG không mời lơi. Người SG thảo ăn, tôi nghe mẹ tôi nói vậy. Mời là mời, khách không ăn là giận, chứ người miền khác, mời mà khách ngồi vào ăn là không thích, chỉ mời thế thôi. Người SG uống cũng vậy, uống là uống thiệt tình, uống khi nào chủ xỉn khách xỉn mới về, chứ không có bỏ cuộc giữa chừng.
Tôi có khá nhiều cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với bạn bè nhiều nơi, tôi thấy chỉ có người SG là làm biếng. Mà công nhận, SG làm biếng thật. Nhưng khi họ siêng, họ làm việc rất tích cực và có hiệu quả. Bạn bè tôi nhận xét người SG hiền, dễ tin người, tôi thấy đúng. Người SG không biết ăn miếng trả miếng, người SG không thù dai. Giận thì giận, tức thì tức, nhưng mà hết tức hết giận xong thì huề, hìhì, huề là huề, chứ không phải huề và vẫn còn quê.
Người SG sống đơn giản, ít suy nghĩ, ít để bụng, hay chia sẻ và luôn dang tay chào đón những điều mới mẻ đến với mình. Cũng như cái thời tiết của SG vậy, mưa là mưa, nắng là nắng, lâu lâu thì vừa mưa vừa nắng, nhưng căn bản, thì đất SG quanh năm cũng chỉ có nắng, gió và mưa mà thôi… khá dễ hiểu phải không bạn…
cafeSG
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 16/Jun/2009 lúc 2:07am
10 người yêu thương ta
2 người vô cùng yêu thương ta mà chẳng đòi hỏi bất kì một lời cảm ơn hay một lời cầu xin nào. Họ yêu ta cho dù ta đui, què, mẻ, sứt, nghèo, hèn và tù tội… 2 người này yêu ta từ khi ta lọt lòng cho đến khi cái chết chia tách ta và họ. Đó là http://www.saga.vn/view.aspx?id=14520 - bố và mẹ .
3 người rất http://www.saga.vn/view.aspx?id=9151 - yêu thương ta nhiều lắm, họ có thể nhường nhịn ta nhiều thứ quý giá mà họ có. Họ cũng sẽ chăm sóc ta nhiều lắm khi ta gặp khó khăn, hoạn nạn chỉ cần ta là một đứa biết chăm lo cho bố mẹ và biết tôn trọng họ. Đó là Anh, Chị và Em ta.
1 người yêu ta lắm, không được như cha mẹ, chẳng giống như anh em nhưng họ cũng có thể hi sinh vì ta nhiều thứ quý giá mà họ có. Họ yêu ta, bên ta mỗi khi ta gặp khó khăn, hoạn nạn chừng nào họ còn có cảm giác ta yêu họ. Họ là Chồng, Vợ hoặc người yêu hiện tại của ta.
1 người quý ta lắm, và cũng như 6 người trên, mong cho ta khoẻ mạnh, xinh, đẹp và làm việc tốt. Họ có thể giúp ta nhiều việc trong cuộc sống gia đình, cũng như công việc chừng nào họ còn có thể có lợi từ những việc ta làm. Họ là đồng nghiệp hiện tại của ta.
1 người nhắc đến ta khi họ vui, khi họ buồn và họ có thế bên ta nếu như họ không quá bận, họ có thể cho ta nhiều tiền lắm nếu như họ giầu lắm và hoặc hơi nghèo một chút. Họ là người đã biết ta, nói chuyện và đã làm việc cùng ta, hợp tính, hợp nết. Họ là http://www.saga.vn/view.aspx?id=3823 - bạn bè của ta.
1 người không phải là cha, mẹ, anh, chị, em, vợ/chồng/người yêu hay bạn của ta, họ chỉ gặp ta có vài lần mà luôn đối xử với ta tử tế, chu đáo giúp ta rất nhiều mặc dù ta chưa hết ngỡ ngàng và vẫn ngờ ngợ cho rằng “NÓ đang lừa lấy cái gì của ta chăng?”. Họ là những người có gốc chân, thiện, mỹ sống vì người khác nhiều hơn là vì cái thân họ. Họ là thiên thần hộ mệnh của ta.
1 người bên ta từ khi lọt lòng cho đến khi chết đi, lúc họ yêu ta, khi họ ghét ta, nhưng vẫn luôn ở bên ta cho dù ta có nhớ đến họ hay không. Họ với ta như hình với bóng như... “thịt chó và mắm tôm”. Họ chính là http://www.saga.vn/view.aspx?id=13594 - bản thân ta.
Bạn ạ, hẳn tôi cũng không cần nhắc nhớ bạn phải làm gì với 10 người này. Hãy mỉm cười thật http://www.saga.vn/view.aspx?id=14364 - hạnh phúc vì bạn còn đang sống và hẳn bạn cũng đang có vài người đang yêu thương bạn lắm lắm.
Mong bạn và tôi luôn đủ tỉnh táo, khéo léo và may mắn đề luôn có 10 người này ở bên trong cái thế giới gần 7 tỉ người như thế này nhỉ!
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 20/Jun/2009 lúc 1:37am
Một số cơ sở lý luận để
tự tin hơn trước nam giới
Mục đích của bài viết là đi tìm những nét đặc biệt của những cái thường thường trong cuộc sống có liên quan trực tiếp đến chị em phụ nữ. Có thể cái thường thường đó chỉ là một câu nói quen thuộc nhưng bị bậc thềm nho giáo làm che phủ đi chút ít, hay có thể là tên một vật dụng nào đó…
Tuy nhiên với chuyên môn không phải trong giới folklore (dân gian học) nên cũng chỉ như biết đến đâu, nghĩ và viết đến đó thôi. Mong cũng là một chút quà gửi đến các bà các mẹ và hàng đội ngũ đằng sau nữa nhân dịp 8/3, 20/10…( bài viết được phát triển từ “nguyên lý mẹ của nền văn hóa Việt Nam – cố gs Trần Quốc Vượng .)
1. Từ huyền thoại khởi nguyên
Cặp vợ chồng khởi nguyên của dân tộc ta: mẹ Âu Cơ và bố Lạc Long Quân (theo truyền thuyết là như thế) sinh ra trăm trứng nở ra trăm con. Sách toàn thư và Lĩnh Nam chích quái còn chép rằng: Mẹ Âu trách bố Lạc mải rong chơi không chăm sóc con cái nên đã chia: 50 con theo bố xuống biển, 50 con theo mẹ lên non (vùng đồng bằng thì sao? …và nói phải tội không biết như thế này có phải gọi là ly thân không?). Điều này theo suy luận của cá nhân tôi thì dù đây không phải là có thật thì cũng đã thể hiện cách nghĩ rất “hiện đại" của người xưa: vợ chồng đều phải có trách nhiệm nuôi dậy con cái, khi tách riêng ra thì mỗi người phải chịu trách nhiệm như nhau?
Có thể đọc được ở tài liệu (bằng truyền miệng, văn bản) đâu đó rằng Hùng Vương – (ông tổ dựng nước Việt Nam sau này) là một trong số con theo bố. Thì xin đính chính lại điều trên là sự xuyên tạc dân gian (fakelore) của các nhà viết sử bị ảnh hưởng lớn của tư tưởng Bắc quốc.
Một ai đó trong số bạn đọc khi nào nghĩ về nữ giới nước ta đều tưởng tượng cảnh bất bình đẳng giống như trong phim Trung Quốc hay trong quá khứ cũng như hiện tại. Ồ không, tôi sẽ đưa ra một số bằng chứng rất khác đấy.
2. Người Việt cổ chưa chắc đã “lạc hậu” so với người Việt hiện đại
Sách Hán thư của Trung Hoa quyển 116 chép: “Người Việt không biết đạo cha con, không biết đạo vợ chồng”
Người Trung Hoa đúng là rất “khinh” “Người Việt” vì không có ông Khổng Tử, không có nền Nho giáo như nước sở tại (Trong cái bối cảnh lịch sử ấy thì nói đi cũng phải nói lại Trung Hoa đã có một nền văn hóa đáng kể so với người Việt). Thế nhưng chúng ta cũng hãy “chấp” mấy ông ý đi vì thực ra trong những dòng ghi chép trên mấy ông viết sử Trung Hoa đã để lại một thông điệp có ý nghĩa lớn: Cấu trúc gia đình, xã hội của người Việt cổ khác hoàn toàn so với Hoa Hạ cổ, chí ít là từ đầu công nguyên). Tức là chưa có chuyện “thuyền theo lái, gái theo chồng”, có khi người phụ nữ còn đóng vai trò chủ động và mạnh mẽ hơn. Xin đưa một ví dụ là cuộc khởi binh kháng Hán (40 – 43 ) là do Bà Trưng lãnh đạo, Hai Bà cưỡi đầu voi dữ trên xa trường – đàn ông mấy ai đã làm được?
Thế thì có phải phụ nữ Việt ta chưa bao giờ được bình đẳng không, thưa các vị?
3. Ai là to nhất?
Theo Nho giáo thì nhất là trời, sau đó là con trời (vua – thiên tử), tiếp đó là quan lại rồi bét nhất là dân. Thế nhưng sau hơn một ngàn năm Hoa hóa thì người Việt ta vẫn không chịu công nhận như vậy và chắc “phép vua thua lệ làng” nên mấy vị Bắc quốc không thể dùng tư tưởng của mình để thay đổi cho trật tự “Nhất vợ nhì trời”. (May ra thì Vua đứng thứ ba vì còn các bà trên trời nữa…).
4. Cái gì là to nhất?
Có ai nói “Đường Bố”, “ ông Bố”…”Ngón Bố” rồi vân vân và vân vân chưa?. Câu trả lời là chả có ai cả cho dù người không được đi học hay đến ông giáo sư đại học. Chỉ có Đường Cái, Sông Cái, Ngón Cái… và từ trước đến nay có ai gọi khác đi đâu, mà nghe chữ “ Cái” cũng rất xuôi, rất ngọt đấy chứ, phải không các bạn? (Có khó nghe không khi nói “to tổ bố”? ).
5. Ai có trách nhiệm nhất?
Chúng ta hay nghe câu “con dại cái mang” (bố nó đâu rồi?). Sự việc chia con theo mẹ lên non, theo bố xuống biển liệu có phải bắt nguồn từ sự sống buông thả của người chồng không?
6. Trước khi gác tay đánh máy
Xin mạn phép thay mặt anh em cảm ơn chân thành đến các cụ, các bà các mẹ… Mấy dòng trên đã là cái gì đâu so với những gì mà các cụ… đã và đang trải qua, tất cả cũng chỉ tại cái tính “lười biếng” của anh em chúng tôi mà một phần lỗi cũng tại “ con hư tại mẹ…”. Nói không ngoa thì lỗi này chủ yếu là do cái tư tưởng Nho giáo gây ra, và rất may nó đã bị kết án tử hình vắng mặt. Bởi dư âm của cả một hệ tư tưởng là rất khó phai nhòa. Và cũng đừng vì những dòng trên mà ngày càng chiều anh em hơn trong khi công cuộc giải phóng phụ nữ vẫn đang cần đẩy mạnh. Xin hết.
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 20/Jun/2009 lúc 1:59am
Tại sao nên đi du lịch Việt Nam?
Thấm thoát ba ngày http://saga.vn/Dieulythu/Datnuocconnguoi/15081.saga - Tết truyền thống 2009 sắp qua đi, đường hoa Nguyễn Huệ và khu trung tâm TP.HCM trong ngày mùng 3 so với những gì chúng tôi ghi lại vào ngày khai mạc (28 âm lịch) có khác đi đôi chút, nhưng HOA vẫn ngự trị khắp nơi, nét xuân vẫn rực rỡ, sức cuốn hút vẫn như ngày đầu. Loạt dưới đây của chúng tôi sẽ nêu lên một số cảm nhận trên nhiều góc độ...
A. Nếu một mai trái đất này đổi thay...(Chuyện tưởng tượng giữa đời thường trong ngày Tết?)
|
Thời tiết nắng nóng làm đường hoa hóa thành sa mạc với loài xương rồng đặc trưng đang ngự trị trên cát trắng....
|
|
Nhưng rồi bỗng mưa giăng khắp lối vào ngày mùng 3 tết năm nay trên đường Nguyễn Huệ? |
|
Mưa thôi chưa đủ, triều cường khiến nước sông Sài Gòn phun mạnh thành dòng trắng xóa trên đường hoa! |
|
Và thế là giữa hai bờ phố thị chỉ còn cách duy nhất băng qua là vượt cầu khỉ, chuyện khó tin tại Sài Gòn
trong năm 2009? |
|
Người dân đau đầu vì phải dự trữ lương thực khắp nơi (các trụ bắp) ngay trên đại lộ, để đề phòng sự thất thường của thời tiết... |
|
Cũng như biết tiết kiệm năng lượng và "lấy lòng" môi trường bằng cách đi xe điện thay vì dùng xe máy như trước đây |
B. Vẫn còn đó những đốm sáng giữa đời thường (Cuộc đời là sự đan xen sáng tối?)
|
Anh nhân viên bảo vệ đường hoa đang nhặt vỏ chai nước của khách tham quan vô tâm vứt xuống mặt ao |
|
Buổi ăn trưa đơn giản (cơm hộp?) vào ngày mùng 3 Tết của các anh chị công nhân vệ sinh phục vụ đường hoa |
|
Trên đường phố anh HDV du lịch đang thuyết minh cho nhóm du khách nước ngoài (trong khi gia đình đang vui Tết tại nhà...) |
|
Để mưu sinh, anh hàng rong (măng cụt) cũng đang cố bán xong, để mau trở về nhà trong ngày Tết... |
|
Tất cả đều được người phụ nữ nước ngoài này chứng kiến, suy ngẫm trong khi ngồi nghỉ tại
băng ghế đường hoa... |
Cũng như bao du khách khác, bà đã thấy rõ rằng: tuy điều kiện môi trường ngày càng bất lợi (biến đổi khí hậu toàn cầu) nhưng đất nước Việt Nam thanh bình, người dân bền bỉ làm việc, lặng lẽ cống hiến. Chính điều này đã thu hút du khách khắp nơi trên thế giới...
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 20/Jun/2009 lúc 12:25pm
Mười điều để tham gia giao thông an toàn ở Việt Nam
1. Phải lạng lách, đánh võng giỏi: Vì nếu chẳng may có kẻ nào phóng tạt đầu còn biết cách mà né chứ.
2. Chớ dại mà tranh đường với mấy cái xe tải thồ, trông nhỏ con và xộc xệch thế thôi nhưng chạy thì “hăng máu” lắm đấy.
3. Phải tập vững thần kinh khi nghe còi ôtô tải quá lớn. Giật mình là dễ chết như chơi đấy. Đụng với xe tải thì phần thua ắt sẽ về… ta rồi.
4. Nhường đường cho mọi loại xe trên những tuyến đường hay xảy ra tai nạn. Vội gì, muộn vài phút còn hơn là muộn suốt đời.
5. Đi chậm không phải là an toàn nhất: Bằng chứng là có bận tôi đi chậm, gặp đèn đỏ, dừng lại thì bị một cái xe đi phía sau húc, méo cong cả biển số, đẩy tôi xô lên phía trước vượt qua cả vạch vôi, kèm theo một câu quát nhặng lên:”Đi gì mà chậm như rùa thế, sao không đi dừng lại làm gì, có cảnh sát đâu”.
6. Hãy đi xe buýt: Theo thống kê, trong các tai nạn giao thông do http://www.saga.vn/view.aspx?id=13715 - xe buýt gây ra thì đa số xe buýt vẫn an toàn còn nạn nhân khác thì ngắc ngoải.
7. Đi bộ qua đường cũng đừng mất cảnh giác dù là đang có đèn xanh cho người đi bộ. Nhiều người đi bộ vẫn chết như thường đấy thôi.
8. Lỡ chẳng may cùng tuyến đường với mấy “tay đua”, “tay xiếc lòng đường” thì tốt nhất là nên xuống xe, dắt bộ trên vỉa hè. Đời dài mà, đừng bán rẻ nó.
9. Nên đội thêm cái mũ vải bên trong mũ bảo hiểm. Có hai mũ vẫn an toàn hơn, vì làm sao mà biết chất lượng mũ nào thì đảm bảo được.
10. Cuối cùng, bạn hãy tự rèn luyện ở nhà sao cho mắt tinh, tai nhạy, chân tay nhanh để có bị đâm thì cố mà phóng lên vỉa hè rồi hãy ngã nhé.
Chúc các bạn vui và lái xe an toàn!
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 22/Jun/2009 lúc 10:55am
|
Bãi biển bừng sáng bởi rạng đông huyền ảo, cả mặt biển như một tấm gương bạc, trên bãi cát, những ngư chài đã kéo từng mẻ lưới tự bao giờ.
|
Rạng đông. Ảnh: Phan Anh Đào | |
|
Những con người của biển. Ảnh: Phan Anh Đào | |
|
Cần mẫn lúc rạng đông. Ảnh: Phan Anh Đào | |
|
Mặt biển như một tấm gương bằng bạc. Ảnh: Lê http://giaitri.vnmedia.vn/GoogleMap/?location=Vinh%20city,vietnam - Vinh | |
|
Thức dậy cùng bình minh. Ảnh: Lê Vinh | |
|
Những ngư chài đã kéo từng mẻ lưới tự bao giờ. Ảnh: Lê Vinh | |
|
Biển đã sang chiều. Ảnh: Lê Vinh | |
|
Bãi biển đông nghịt người tắm dù chỉ mới xế chiều. Ảnh: Lê Vinh | | |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 22/Jun/2009 lúc 10:59am
|
Bên cầu Trường Tiền, những nhành hoa phượng đỏ rực, tô điểm thêm vẻ đẹp mùa hè của xứ http://giaitri.vnmedia.vn/GoogleMap/?location=Huế%20city,vietnam - Huế mộng mơ. Phượng rụng đầy mái ngói, rung rinh trong nắng sớm, thu hút bạn trẻ tới nghỉ chân.
|
Những nhành phượng đang nở đỏ rực bên cầu Trường Tiền. |
|
|
Rụng đầy mái ngói. |
|
|
Từng chùm hoa rung rinh rủ mái nhà. |
|
Tỏa nét đẹp trong nắng sớm. |
|
Tạo nên một vẻ đẹp riêng của mùa hè bên dòng sông Hương êm đềm. |
|
|
Thành nơi trú chân, nghỉ ngơi lý tưởng của nhiều bạn trẻ. |
|
Làm bóng mát cho những người sống lênh đênh trên sông. | |
|
Người gởi: lo cong
Ngày gởi: 22/Jun/2009 lúc 11:54am
Hình ảnh rất đẹp.
------------- Lộ Công Mười Lăm
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 23/Jun/2009 lúc 12:37pm
Dạ, cháu xin cảm ơn ông Lộ Công!!!
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 25/Jun/2009 lúc 3:22am
Phượng đỏ trời Nam |
Ở miền Nam với không khí nóng nắng quanh năm, hoa phượng luôn nở sớm hơn những nơi khác. Vào thời điểm này, hoa phượng đã nở rợp trời, báo hiệu một mùa hè, mùa thi
Đi trên đường http://giaitri.vnmedia.vn/GoogleMap/?location=Hà%20Nội%20city,vietnam - Hà Nội giữa cái nắng hơi gắt đầu mùa, ta chợt thoáng thấy đâu đó bóng tim tím bông bằng lăng nở sớm. Cái sắc tím ấy báo hiệu một mùa hè nóng bỏng, sắc thái thiên nhiên sẽ bao trùm mầu tím bằng lăng và rực đỏ mầu hoa phượng vĩ.
Ở miền Nam với không khí nóng nắng quanh năm, hoa phượng luôn nở sớm hơn những nơi khác. Những người có dịp công tác vào Nam sẽ ngỡ ngàng trước bằng lăng, hoa phượng nơi đây. Từ TP HCM, http://giaitri.vnmedia.vn/GoogleMap/?location=Đà%20lạt%20city,vietnam - Đà lạt , http://giaitri.vnmedia.vn/GoogleMap/?location=Mũi%20Né%20city,vietnam - Mũi Né … đâu đâu cũng một mầu hoa phượng nở rợp trời, mầu đỏ báo hiệu mùa hè, mùa thi, mùa chia tay tuổi học trò…
Mời các cô, bác, chú và các anh, chị cùng ngắm những chùm phượng vĩ ở vùng cao Di Linh - Bảo Lộc - http://giaitri.vnmedia.vn/GoogleMap/?location=Lâm%20Đồng%20city,vietnam - Lâm Đồng . |
Theo VOV
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 25/Jun/2009 lúc 3:28am
Ngỡ ngàng cảnh
ruộng bậc thang mùa nước đổ |
Vùng núi cao tỉnh http://giaitri.vnmedia.vn/GoogleMap/?location=Lào%20cai%20city,vietnam - Lào cai có hai mùa tuyệt đẹp để ngắm cảnh kỳ thú của ruộng bậc thang: Mùa nước đổ vào vụ cấy lúa đẹp như tranh thủy mặc và mùa thu khi lúa chín vàng trải dài ven sườn núi mờ sương…
Là vùng tiểu khí hậu á nhiệt đới gió mùa và phải chờ nước mưa đổ xuống (đồng bào các dân tộc thiểu số thường gọi là mùa nước đổ), vùng cao Lào Cai cũng như một số tỉnh Tây Bắc đến tháng 5-6 hằng năm mới vào vụ gieo cấy lúa.
Đây là thời gian xuất hiện những cảnh đẹp nhất mùa hè trên những cánh đồng ruộng bậc thang lượn quanh những ngọn núi cao ở http://giaitri.vnmedia.vn/GoogleMap/?location=Sa%20Pa%20city,vietnam - Sa Pa , Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai. |
Ruộng bậc thang ở Lào Cai có từ hàng trăm năm nay và đều do những đôi bàn tay tài hoa của người Dao, Mông, Hà Nhì, Giáy, Tày, Xa Phó… đời này nối tiếp đời kia tạo ra. Có thể nói rằng, ruộng bậc thang là một kiệt tác mà con người dựa vào thiên nhiên để kiến tạo. Những cánh đồng bậc thang không chỉ đẹp mà còn là những bồ thóc di động của đồng bào các dân tộc miền núi. Đây là phương thức canh tác nông nghiệp hiệu quả, mang lại cuộc sống no ấm cho đồng bào các dân tộc; đồng thời góp phần tạo ra sản phẩm http://giaitri.vnmedia.vn/ShowCat.asp?Catid=57 - du lịch độc đáo ở vùng núi phía Bắc từ nhiều năm nay./.
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 01/Jul/2009 lúc 9:06am
Áo tứ thân - Vẻ đẹp truyền thống của người VIỆT NAM
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 04/Jul/2009 lúc 9:11am
Tản mạn với hoa mai
|
Người ta từng gọi tên của một quốc gia bằng một loài hoa, dù loài hoa đó không là tài sản riêng của đất nước ấy mà hiện diện ở hầu khắp thế giới. Hoa mai ở Việt Nam thì không như thế, dù cái tầm của mai thì dư sức đạt đến điều đó.
Hồng mai dịu dàng khoe sắc thắm.
Bungari là đất nước hoa hồng, Hà Lan là xứ sở của hoa tuylip, cũng như hoa anh đào được coi là biểu tượng của xứ Phù Tang. Cũng là hoa, là lá, là cỏ cây như bao loài thảo mộc khác, nhưng những loài hoa ấy mang trên mình sứ mệnh của một đất nước, chuyển tải cái hồn của cả dân tộc. Người Nhật từng tôn sùng hoa anh đào là kuni no hana (quốc hoa) cũng với ý nghĩa ấy. Hoa mai ở Việt Nam thì không như thế, dù cái tầm của mai thì dư sức đạt đến điều đó. Ấy là tôi “nghĩ hộ” cho hoa mai vậy, chứ bản thân hoa mai chắc cũng đã hài lòng với các “tước hiệu”: sứ giả của mùa xuân, loài hoa cao quý, kẻ song hành với các nhà thơ... mà bao thế hệ con Rồng, cháu Tiên dành tặng cho mai.
Bạch mai kiên trinh mà mềm mại.
Cũng như hoa đào ngoài Bắc, hoa mai đến với dân Việt Nam mỗi năm chỉ một lần vào dịp xuân về, nhưng sức sống của mai trong lòng người thì không chỉ giới hạn trong vài ba ngày Tết mà trở nên trường cửu. Người ta ngóng trông mai suốt cả năm ròng nên khi cái Tết qua đi, hầu như không ai muốn rời bỏ hoa mai ngay lập tức mà còn cố vương vấn, níu kéo mai ở lại với họ thêm đôi ba bữa nữa. Tôi cũng vậy.
Đào hồng e ấp dáng Xuân.
Có lần, một người bạn ngoài Bắc vô thăm Huế, ghé nhà tôi chơi. Tết đã qua được gần một tháng, song trên bàn làm việc, tôi vẫn còn chưng một cành mai, và hoa thì không còn lấy một nụ. Bạn tôi thắc mắc: “Hoa đã rụng hết sao anh chưa vứt bỏ?”. Tôi cười bảo: “Anh có biết hai câu kết trong bài Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư: "Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai" không? Vẫn biết là thiền sư có ý dạy rằng “Đừng có nghĩ xuân tàn thì hoa rụng hết, bởi đêm qua trước sân vẫn có một nhành mai” để nói về cái vòng chu chuyển tất yếu của thiên nhiên và sinh mệnh. Nhưng sao tôi vẫn nghĩ hơi khác một chút. Ðã tàn xuân mà thiền sư vẫn trông thấy mai. Ấy mới là sự lạ. Phải chăng có cành mai nở muộn, hay chỉ là lối ẩn dụ của cách nói “xuân rày tiếp nối xuân kia”. Tôi đồ rằng thiền sư đã nhìn thấy sự trường cửu của mùa xuân nơi một cành mai tàn có thực trước chùa mà nói vậy. Cành mai này hẳn là không có hoa rồi, nhưng sư Mãn Giác đã nhận ra thông điệp của mùa xuân kế tiếp, của thế hệ kế tiếp nơi cành mai ấy mà truyền bảo cho đệ tử. Tôi giữ cành mai tàn trong nhà cũng là mong được nhìn thấy sự trường cửu của mùa xuân trong căn phòng của mình vậy”. Bạn tôi đáp: “Người Huế các anh thi vị cuộc sống quá. Dân Bắc chúng tôi, sau Tết là ném ngay cành đào lên chiếc xe rác chạy ngang trước cửa cho nó rảnh nhà. Hơi đâu mà...”. Anh bỏ lửng câu nói, nhưng tôi đoán anh đang cười thầm suy nghĩ có vẻ lẩn thẩn của tôi.
Mai vàng rực rỡ.
Mà đâu chỉ một mình tôi có lòng với mai. Thử ngẫm mà xem có loài hoa nào được văn chương nước Việt nhắc đến nhiều như hoa mai. Mai đi vào “thơ thiền” của sư Không Lộ thời Lý, có mặt trong “thơ thần” của Nguyễn Trãi thời Lê. Hình ảnh của hoa mai cũng được thi hào Nguyễn Du mượn để tả về nét đẹp quý phái, đoan trang của chị em Thúy Kiều: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần. Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Tản Ðà thì dùng hình ảnh “xương mai một nắm hao gầy” để nói lên nỗi niềm của mình trong lời thề non nước. Ngay như Nguyễn Ðình Chiểu, khi đôi mắt của ông không còn nhìn được sắc vàng rực rỡ của mai, thì hình ảnh về loài hoa xuân ông từng yêu quý vẫn được ông ghi lại trong ký ức và được vẽ ra bằng một nét bút tài hoa: “Hữu tình thay ngọn gió đông. Cành mai nở nhụy, lá tòng reo vang”. Và khi muốn nói về cuộc hội ngộ đầy chất thi vị, tao nhã giữa đôi trai tài gái sắc Vân Tiên - Nguyệt Nga, Nguyễn Ðình Chiểu lại mượn hình ảnh của mai để so sánh: “Mai hòa vận điểu, điểu hòa vận mai”. Rồi Thanh Hải, Chế Lan Viên, Lê Văn Thảo ... những văn, thi sĩ thời đánh Mỹ, giữa những đau thương, khốc liệt của chiến tranh vẫn có những vầng thơ, những áng văn đằm thắm, trữ tình viết về hoa mai. Chừng đó thôi cũng nói lên cái địa vị cao quý của hoa mai trong lòng thi nhân Việt Nam.
Song theo thiển ý, có hai câu thơ, tương truyền là của Chu Thần Cao Bá Quát, xứng đáng là những ngôn từ đẹp nhất, trân trọng nhất mà người ta có thể viết ra để xưng tụng hoa mai:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm Nhất sinh đê thủ bái mai hoa. (Mười năm chu du tìm gươm cổ Cả đời chỉ cúi lạy hoa mai). Hoa mai với riêng tôi cũng đầy ắp những nỗi niềm. Trong bước đường phiêu lãng của mình, tôi có nhiều kỷ niệm với mai. Ðó là những ngày tôi là một sinh viên nghèo, không đủ tiền xuôi Nam ăn Tết cùng gia đình, đành ở lại ký túc xá, kiếm cành mai làm bạn, ngồi uống rượu suông, chờ mùa xuân mang thêm cho mình một tuổi. Ðó là những ngày theo chân bè bạn về quê người ăn Tết, ngắm nhìn vườn mai vàng rực như muốn dát vàng lên đồi cát trắng Phong Thu. Ðó là lúc tôi ngồi ngắm trăng nơi vườn mai nở muộn trong Hoàng Thành Huế, rưng lòng trước cái đẹp mờ ảo của đêm nguyên tiêu, mà ngâm ngợi bài Nguyệt mai - một bài cổ thi có trên chiếc dĩa trà sứ men đồ men lam Huế, tôi đã thuộc nằm lòng từ cái ngày đầu tiên theo nghiệp khảo cứu đồ xưa:
Mai hoa đắc nguyệt cánh thiên thần Nguyệt lý mai hoa sắc dũ chân Quế điện lung linh hoa lộng ảnh Hoa chi diêu duệ nguyệt xâm nhân Mê ly nguyệt để hoa xâm ngọc Tịch mịch hoa gian nguyệt tuyệt trần Ngã ái mai hoa kiêm ái nguyệt Nhất mai nhất nguyệt lưỡng giai xuân. Cũng vì mai, mà tôi từng liều lĩnh dấn thân vào cuộc bút đàm với các bậc cao minh trong làng cổ ngoạn về gốc gác hai câu thơ: “Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ, hạc là người xưa”. Thơ của ai đây? Của Nguyễn Du như người đời từng gán ghép, hay của Ðịnh Viễn Quận Vương, hoàng tử thứ 6 của vua Gia Long, hoặc của Ðông Các đại học sĩ Ðinh Phiên, người đã phụng mệnh vua Gia Long làm phó sứ cho Cần Chánh đại học sĩ Nguyễn Xuân Tình sang Thanh năm 1819, như một giả thuyết đang gây tranh luận.
Song cái kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi tôi đứng dưới chân lâu đài Osaka vào ngày 6/3/1998 trong một rừng mai muôn hồng nghìn tía. Hôm ấy, cô Junko Kusaka, một người bạn Nhật, biết tôi thích mai nên rủ tôi đến chân thành Osaka để ngắm hoa. Tôi hào hứng theo chân cô, những tưởng là sẽ được ngắm một rừng mai vàng rực như ở chốn quê nhà sau một cái Tết vắng bóng mai vàng. Tôi hồi hộp bao nhiêu khi thấy hai chữ Mai lâm (Rừng mai) ở lối vào vườn mai, thì càng thất vọng bấy nhiêu khi trước mắt là một rừng đầy mai đỏ và mai trắng mà không một bóng mai vàng. Hóa ra cái tôi thèm muốn, cái tôi nhớ nhung và cái tôi tản mạn nãy giờ là hoàng mai, là mai vàng xứ Huế chứ không phải một thứ mai nào khác.
Chùm hoa em gởi đẹp ghê Hoàng mai đã nở sơn khê nước mình Gió vào tháng Chạp ru tình Cho mai nẩy nụ hoa xinh xanh, vàng
Ừ nhỉ! Họ hàng mai vốn có nhiều loại, nhưng ta chỉ nặng lòng với chỉ mình ngươi. Mai vàng ơi!
DiaOcOnline.vn
|
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 05/Jul/2009 lúc 5:43am
Vị ngọt quê hương |
/van-hoa-am-thuc/180-v-ngt-que-hng.pdf - |
/van-hoa-am-thuc/180-v-ngt-que-hng.html?tmpl=component&print=1&layout=default&page= - |
/component/mailto/?tmpl=component&link=aHR0cDovL2FtdGh1Yy50di92YW4taG9hLWFtLXRodWMvMTgwLXYtbmd0LXF1ZS1obmcuaHRtbA%3D%3D - |
|
Với người xa quê, tôm khô là quà tặng quý giá nhất. Nó như chính khí trời hương đất quê nhà. Nó là sự chắt lọc của nắng, của biển, của con nước lợ, con nước ngọt Việt Nam. Màu cam của tôm chính là kết tinh của màu tôm đỏ son sắt cùng màu nắng vàng nồng nàn tỏa đều trên những góc sân quê
Ngôi chợ nhỏ vùng ngoại ô Sài Gòn những ngày giáp Tết cũng chộn rộn hơn lệ thường. Hàng hóa bắt đầu mang hơi hướm của Tết với mứt các loại, củ kiệu tươi và nếp ngon. Tôi bắt gặp một chị dáng lam lũ, giọng chào mời mang âm hưởng miền Tây ngồi bên thúng tôm khô còn già nửa. Tôm này mà chần qua nước sôi, trộn củ kiệu thì còn gì bằng! Sà vào hỏi giá rồi lân la bắt chuyện, tôi nhận ra người đồng hương Sóc Trăng. Phải rồi, tôm Sóc Trăng vốn được ưa chuộng trên thị trường bởi vị ngọt đậm đà mà thanh tao. Lại nhớ đến những ngày còn bé, tôi hay ngồi nhìn má sàng tôm. Theo đà sàng sảy của má, những vụn vỏ tôm rơi dần xuống lớp báo lót, để lộ ra những con tôm chắc nụi màu cam như đang rượt đuổi nhau trên chiếc sàng thưa mắt tạo thành một cơn lốc nhỏ cứ xoay tròn...
Má tôi kể, tôm ngày xưa dùng làm tôm khô thường là tôm sắt, đánh bắt từ biển. Loại tôm này thịt thơm ngon nhưng vỏ rất cứng, không chế biến món gì được ngoài việc nấu lên với muối rồi phơi thật khô, đập vỏ và sàng sảy lấy thịt để dành nấu canh. Cách chế biến tôm khô công nghiệp ngày nay cũng không khác là mấy. Có khác chăng là công đoạn phơi phóng được rút ngắn thời gian bằng cách sấy khô trong lò.
Các tỉnh ven biển nước ta hầu hết đều xem tôm khô là đặc sản quê mình, nhưng tuỳ vùng biển mà chất lượng có khác. Tuy nhiên, sau này, do mùi tanh đặc trưng của tôm biển nên tôm khô sông - thường làm từ tôm bạc đất - lại được ưa chuộng hơn vì mùi thơm ngon, không bị lợn cợn cát. Các bà nội trợ truyền cho nhau bí quyết chọn tôm ngon: tôm có màu đỏ tự nhiên, sạch chân và mang, hình dáng con tôm no tròn và săn chắc, bốc lên có cảm giác khô ráo, không dính tay; khi bóp nhẹ, tôm không mềm, cũng không bị gãy vụn. Tôm phơi không được nắng khi gặp thời tiết ẩm dễ bị "đổ nhựa", trở mùi khai hoặc mùi mắm ruốc, đôi khi biến màu và không còn ngọt nữa. Tốt nhất chỉ nên lưu trữ tôm khô trong vòng một năm đổ lại. Con tôm càng mới, vị càng ngon và ngọt. Để lâu, tôm sẽ dần mất mùi đặc trưng.
Con tôm khô khá phổ biến trong bữa cơm gia đình người Việt. Nó được dùng như một nguyên liệu để nấu nước dùng, cho tô canh có vị ngọt thay thế thịt cá các loại. Chẳng thế mà hầu như bà nội trợ nào cũng thích mua một lọ tôm khô để dành ăn dần. Chiều đi làm về vội vàng, lắm khi không kịp đi chợ, chỉ cần lục tủ lạnh xem còn bất cứ loại rau nào, đem nấu với tôm khô thế là được một tô canh mát ngọt. Nhiều người ưa chuộng nấu canh với tôm hơn nấu với thịt băm, bởi món canh thường có vị ngọt nhẹ nhàng, lại không vấy mỡ, trông thanh cảnh dễ ăn, đặc biệt trong tiết trời nóng nực hoặc lúc mệt nhọc sau một ngày làm việc.
Khi các ông cần gấp ít mồi đưa cay nhanh thì tôm khô củ kiệu cũng là một giải pháp lý tưởng mà các bà nội trợ hay chọn lựa. Lại có những món ngon phải dùng tôm khô mới đúng điệu, tôm tươi không thể nào thay thế. Có thể đơn cử món xôi mặn. Đĩa xôi trắng ngà, dẻo thơm ăn với nhân là tôm khô đã ngâm cho nở mềm, xào với hành tím tóp mỡ, thêm nắm hành lá xắt nhuyễn cho xanh xanh đỏ đỏ. Đó là sự kết duyên giữa vị ngọt của hạt nếp đồng xanh quyện cùng vị ngọt của con tôm biển khơi. Sớ tôm dai, càng nhẩn nha nhai càng thấy béo bùi thơm ngọt.
Tôm khô cũng có thể làm thành món chà bông (ruốc) độc đáo. Làm chà bông từ tôm tươi thì khi giã rồi sao, món chà bông không giữ được sớ dài mà hơi vụn. Chà bông làm từ tôm khô loại ngon, con to sẽ cho sợi dài, màu hồng bóng đẹp và hương vị thì miễn bàn! Thế nên chà bông tôm mới đắt nhất trong các loại chà bông, bởi vị ngon vượt xa chà bông làm từ thịt heo, thịt gà hay cá.
Với những người xa quê, tôm khô là quà tặng quý giá nhất. Nó như chính khí trời hương đất quê nhà. Nó là sự chắt lọc của nắng, của biển, của con nước lợ, con nước ngọt Việt Nam. Về thăm nhà dịp Tết Nguyên đán, trở lại xứ xa bà con kiều bào thường dạo quanh các chợ tìm mua đặc sản. Có người thích cá khô, có người lại chỉ thích mực. Riêng tôm khô là lựa chọn chung cho mọi loại sở thích. Món tôm khô luôn được trân trọng, gói ghém kỹ lưỡng và là ưu tiên số một trong hành trang của những người xa xứ. Có người mang rất nhiều, không chỉ để dành ăn dần mà còn làm món quà quý cho những người bạn đồng hương không có dịp về quê. Những ngày cuối năm âm lịch, mua ký tôm khô chuẩn bị cho Tết năm mới mà lại miên man nghĩ đến cái tài của ông cha ta, của những người khai hoang khẩn đất xưa kia đã khéo sáng tạo ra món tôm khô mang hương vị sông biển, lại thêm vị ngọt của nắng sắc lại khiến con tôm thơm ngon hẳn. Có lẽ màu cam ưng ửng cũng từ đấy mà ra chăng? Bởi đó là kết tinh của màu tôm đỏ son sắt cùng màu nắng vàng nồng nàn tỏa đều, trải dài trên những góc sân quê.
|
|
Người gởi: LanH
Ngày gởi: 06/Jul/2009 lúc 5:03am
Vẻ đẹp quê hương
Hình ảnh thiên nhiên quê hương Việt Nam sống động và gần gũi...
|
Người gởi: LanH
Ngày gởi: 10/Jul/2009 lúc 5:03am
Sông Hương thơ mộng
Cập nhật ngày: 3:05pm, 9/07/2009
|
Người gởi: LanH
Ngày gởi: 11/Jul/2009 lúc 8:56pm
Rực rỡ sắc màu lễ hội Carnaval Hạ Long
Những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa của các đoàn nghệ thuật đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Việt Nam tại lễ hội du lịch Hạ Long (Quảng Ninh).
4h30 chiều 25/4, lễ hội Carnaval Hạ Long 2009 đã diễn ra với sự tham dự của hàng chục nghìn du khách từ mọi nơi đổ về.
Sân khấu chính như thường lệ được dựng tại bến phà cũ, trung tâm thành phố Hạ Long, ngay gần cây cầu Bãi Cháy xinh đẹp. Chương trình hấp dẫn khán giả ngay từ khâu chuẩn bị khi hàng nghìn diễn viên, hoạt náo viên tụ tập đầy đường đi, bên ngoài khu vực sân khấu chính. Từ những người dân địa phương, khách du lịch, ai cũng náo nức chờ đón giờ khai mạc, xếp hàng trước hai tiếng đồng hồ chờ.
Giống như Carnaval 2008, lễ hội lần này lại được dẫn chương trình bởi 3 MC trẻ trung Lê Anh, Mỹ Vân và Mỹ Lan. Các tiết mục chính của lễ hội tượng trưng cho những hòn đảo lớn nhỏ, xen kẽ là những cánh buồm nâu quen thuộc của vùng biển Hạ Long.
Nổi bật hơn cả là những màn giới thiệu đất mỏ, nơi có tới 541 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh. Các loại hình nghệ thuật dân gian như “Hát đúm” ngày xuân từ xa xưa, cảnh sắc lễ hội Cầu ngư của người dân vùng biển Quảng Ninh cũng được các nghệ sĩ Việt Nam trình diễn.
Ngoài ra, các tiết mục tham dự của các đoàn nghệ thuật đến từ Ấn Độ, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng góp phần làm phong phú và nhiều màu sắc hơn cho ngày hội.
Dưới đây là những hình ảnh:
Múa rồng khai mạc buổi lễ. Đoàn nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc) trình diễn vở “Bay khắp thế giới” Tiết mục của các nghệ sĩ Hàn Quốc. Màn giới thiệu về Hạ Long với các di sản văn hóa nổi tiếng và các sản vật biển cả phong phú.
|
Người gởi: LanH
Ngày gởi: 11/Jul/2009 lúc 8:57pm
Người gởi: Phanthuy
Ngày gởi: 14/Jul/2009 lúc 9:28pm
Nữ tiến sĩ tuổi 25
|
Tiến sĩ Nguyễn Kiều Liên trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Dân Trí |
Trong số gần 300 tiến sĩ từ nhiều quốc gia được nhận bằng vào tháng 7 năm nay của ĐH Cambridge (Anh) có duy nhất một người Việt Nam - Nguyễn Kiều Liên.
Tốt nghiệp Đại học Adelaide (Australia) vào cuối năm 2003 với bằng ưu hạng nhất (fist-cl*** Honous), Kiều Liên đã vượt qua cuộc tuyển chọn gắt gao với 4 tiêu chuẩn: Trí tuệ đặc biệt ưu tú; Có thành tích xuất sắc trong quá trình học tập; Có tư chất của một nhà lãnh đạo trong tương lai có thể góp phần làm thay đổi bộ mặt thế giới; Có mong muốn và khả năng cống hiến cho nhân loại bằng công trình nghiên cứu cụ thể.
Cô được chọn là 1 trong 50 sinh viên trên toàn thế giới nhận học bổng Bill Gates trị giá 200.000 bảng Anh (tương đương 400.000 USD) để học thẳng tiến sĩ tại ĐH Cambride, không phải theo học thạc sĩ.
Trong thời gian học ở Cambridge (2004 - 2006), không chỉ nghiên cứu đề tài Công nghệ trong lĩnh vực cấu trúc nguyên tử và phổ cộng hưởng từ nhân trong dược phẩm với cơ thể con người, Kiều Liên còn được mời giảng dạy ở nhiều trường đại học khác nhau trên thế giới.
Điều này lại giúp cô tích lũy thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế để rút ngắn thời gian học tiến sĩ trong một lĩnh vực mới trong 2 năm.
Cô tâm sự, chính những lời động viên của Bill Gates trong lá thư gửi cho cô 3 năm trước đã là nguồn khích lệ mạnh mẽ, thúc đẩy cô học tập: “Tôi mong muốn cô có thể là một trong nhiều nhà lãnh đạo tương lai có thể thay đổi cái nhìn về thế giới, làm cho thế giới ngày một tốt đẹp hơn”.
Vì lý do công việc, nên lễ trao bằng tiến sĩ của Kiều Liên phải hoãn vào tháng 7 năm nay, nhưng cô đã tốt nghiệp từ năm ngoái, khi vừa tròn 25 tuổi.
Kiều Liên đang là Giám đốc các Dự án nghiên cứu quốc tế của Tập đoàn TWI, Vương quốc Anh.
------------- PhanThuy-CA
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 15/Jul/2009 lúc 12:05am
Hoang sơ đảo yến
ngoài khơi Nha Trang
Ngày hè nắng nóng, đảo yến Nha Trang là nơi thu hút khách tham quan. Nổi lên giữa mênh mông màu xanh biển trời, những hòn đảo quây thành cụm tạo nên cảnh đẹp hoang sơ kỳ thú, là nơi trú ngụ cho loài chim biển quý giá.
|
Đảo yến cách đất liền hơn 12 hải lý. Để đến với đảo, du khách phải có hơn một giờ đi tàu. Trong những ngày tháng 7 biển động này, tour ra đảo Yến thuộc Hòn Nội, Nha Trang vẫn không bị gián đoạn. |
|
Nhìn từ xa, đảo yến xinh xắn và hiền hòa nổi lên giữa biển xanh. |
|
Bao quanh đảo yến còn là nhiều hòn đảo lớn nhỏ khác tạo thành những cụm đảo du lịch và địa điểm ngắm cảnh rất kỳ thú. |
|
Nét đẹp hoang sơ của vùng biển bao quanh đảo yến. |
|
Đây là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn, được Nha Trang đưa vào phục vụ du khách từ năm 2001. |
|
Những tổ chim yến màu trắng bám vào vách đá của những hẻm núi, |
|
Lưới được chăng ngang vách đá để ngăn cho tổ yến khỏi bị rơi xuống biển. |
|
Đảo chỉ đón khách du lịch tham quan từ tháng 4 đến tháng 8. Những tháng còn lại của năm, đảo đóng cửa để công nhân khai thác tổ yến mang vào đất liền. |
|
Du khách đến đảo yến săn ảnh đẹp. |
|
Dưới nắng biển, những chú chim hải âu phơi mình trên đá. |
|
Chim hải âu sống rất nhiều trên đảo yến. |
|
Gần ngay bên đảo yến là một bãi tắm hai mặt, một hướng ra đại dương, mặt còn lại hướng vào trong đảo, nước xanh mát thấy rõ cả san hô dưới đáy. |
|
Từ đảo yến nhìn ra phía xa là một hòn đảo rỗng hình nón, cũng là nơi tập trung rất nhiều yến và tổ chim yến nhưng chưa được đưa vào khai thác du lịch vì địa hình còn hiểm trở. |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 16/Jul/2009 lúc 9:35am
Tượng Nữ Thần Tự Do khổng lồ bằng Chocolate
Tại trung tâm hội nghị White Palace đã diễn ra buổi tiệc mừng Quốc khánh Mỹ lần thứ 233 của Tổng Lãnh sự quán Mỹ. Trong dịp này, xưởng bánh của White Palace đã đem đến bất ngờ cho tất cả quan khách bằng một bức tượng Nữ thần Tự Do làm bằng chocolate trắng cao hơn 2,5 mét. |
Anh Nguyễn Việt Linh, đầu bếp của xưởng bánh White Palace, cho biết: anh và đồng nghiệp đã làm việc trong hai tháng, sử dụng 600kg chocolate để hoàn thiện tác phẩm này. Sau khi hoàn thành, bức tượng “kỷ lục” này nặng khoảng 320kg với chiều cao 2,5m và bề ngang 0,6m. Tượng được đặt trên phần bệ bằng chocolate sữa nặng 240kg, cao 1,2m và chiều ngang là 1,1m.
Vốn không phải là thợ điêu khắc và cũng chưa từng được tận mắt chiêm ngưỡng tượng Nữ thần Tự Do, nhưng với tâm huyết và tài năng, anh Nguyễn Việt Linh và cộng sự đã tạo ra bức tượng bằng chocolate với kích thước lớn rất có thần sắc. Được biết, anh và đồng nghiệp cũng chính là tác giả của Tòa Nhà Trắng bằng chocolate trong tiệc mừng Quốc khánh năm 2008 của Tổng Lãnh sự quán Mỹ tổ chức tại White Palace. Tác phẩm Tòa Nhà Trắng bằng chocolate đã gây ngạc nhiên thú vị đến tất cả quan khách tham dự, trong đó có cả những vị khách đến từ Hoa Kỳ.
Với đội ngũ đầu bếp lành nghề cùng hệ thống bếp hiện đại, White Palace không ngừng cho ra những sản phẩm bánh cao cấp và chocolate chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, độc đáo và ngon miệng. Bức tượng Nữ thần Tự Do khổng lồ bằng chocolate là món quà bất ngờ từ tập thể nhân viên White Palace gửi đến Tổng Lãnh sự quán Mỹ nhân ngày Lễ Quốc khánh trọng đại, đồng thời bày tỏ sự hợp tác và mến khách của con người Việt Nam.
|
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 18/Jul/2009 lúc 9:59am
Rau gia vị - Món không thể thiếu trong bữa ăn Việt Nam | |
|
|
|
Rau gia vị làm cho món ăn thêm mầu sắc, hấp dẫn, lôi cuốn bởi những hương vị đặc trưng chứa trong tinh dầu thơm của nó. Rau gia vị phần lớn có chất kháng sinh thực vật có tác dụng kìm hãm vi khuẩn phát triển. Món lòng lợn dễ nhiễm trùng gây rối loạn tiêu hóa thì đã có rau thơm rau húng. Canh trai, canh hến sợ khó tiêu đã có rau răm. Cứ thế mỗi món ăn lại kèm theo một "liều thuốc" kích thích tiêu hóa.
Rau mùi
Rau mùi trồng phổ biến khắp nước để ăn kèm với các món xào còn nóng như bò xào, mực tươi xào. Trộn lẫn với rau sa lát, bạc hà, húng quế, mùi tàu, ngổ để ăn bún chả, bún nem.
Húng láng
Húng láng là thứ rau gia vị đặc sản của vùng đất Láng, Hà Nội nơi có những nguyên tố vi lượng mà các vùng đất khác không có cho nên húng Láng đánh trồng nơi khác sẽ biến dị, hết hương vị nguyên chất. Húng Láng dùng ăn với tái dê, lòng lợn tiết canh, phở chín, tạo nên vị thơm riêng biệt, hấp dẫn.
Xương sông
Xương sông có mùi thơm hắc. Lá xương sông gói thịt băm nướng than hồng hoặc rán chả hoặc nấu canh thịt, cá.
Rau răm
Rau răm ngoài mùi thơm còn có vị chát, se cay dễ chịu. Rau răm thái nhỏ nấu canh thuôn thịt bò, thịt lợn đều dễ ăn vì lượng tinh dầu chứa nhiều trong cuộng.
Húng quế
Húng quế mùi thơm hắc thường cũng để ăn với lòng lợn tiết canh ngon như húng Láng. Đặc biệt thịt cầy húng quế thường phải đi đôi với nhau mới ngon, bùi.
Thìa là
Thìa là có mùi thơm át mùi tanh nên thường dùng nấu món cá dấm, cá om cải, cá quả luộc, mộc ếch hay trứng đúc thịt. Thìa là làm tăng gia vị cho các món sa lát, súp cũng như phó mát trắng trong món Âu.
Thìa là băm nhỏ trộn với bơ sẽ được món "patê xanh" thơm ngon mà người phương Tây ưa thích.
Tía tô
Tía tô có mùi thơm đặc biệt. Lá tía tô có loại mầu tím sẫm, có loại mầu xanh non nhưng đều công dụng như nhau. Tía tô trộn lẫn với rau sống khi ăn bún chả, nem rán nhưng ngon hơn cả là thái nhỏ nấu với ốc nhồi giả ba ba hoặc cháo cá. Khi bị cảm ăn bát cháo hành củ thật nóng rắc tía tô tím thái nhỏ trộn đều sẽ thấy nhẹ hẳn người, khỏi bệnh.
Kinh giới
Kinh giới cũng ăn kèm với rau sống để ăn những món chả, món rán. Món sứa đậu phụ nướng không có kinh giới, dù có chấm với chanh ớt cũng mất ngon và lợm giọng vì tanh.
Cây sả
Cây sả lấy rễ, củ, làm gia vị, lá làm nước gội đầu.
Mùi tàu
Lá mùi tàu ăn với các món tôm, cua, cá biển để tăng hương vị. Ăn sống hoặc ăn chín đều được và vẫn giữ nguyên mùi thơm hăng hắc.
Lá lốt
Lá lốt mọc trong vườn nhà có nhiều bóng cây. Lá lốt thái nhỏ nấu ốc, gói chả nướng gọi là chả lá lốt cũng thơm như xương sông nhưng hương vị hơi khác nhau.
Diếp cá
Diếp cá là loại rau mọc hoang ở những vùng đất ẩm. Khi cần ăn sống với món cá người ta tìm hái ở ngoài bãi ruộng ít khi phải mua. Diếp cá có mùi tanh hơn cả cá. Dân Nam Bộ rất thích loại rau này nhưng người ngoài bắc thì lại không hợp khẩu vị bởi chỉ quen rau thơm.
Cải cúc
Cải cúc sống dùng để ăn với cá, chủ yếu là cháo cá sẽ thấy bốc lên mùi thơm ngon hấp dẫn, dễ chịu.
Củ riềng
Riềng cũng là giống cây hoang dại, rừng nhiệt đới nào cũng có. Cá kho tộ, thịt chó bảy món thiếu riềng là không ngon, nhất là món nhựa mận. Nồi cá kho lót giềng dưới đáy cùng với lá chè tươi kho khô, ăn hết cá lại ăn cả riềng lẫn mùi cá ngấm sâu trong ruột, ăn bùi bùi béo béo cứ tưởng như vẫn đang ăn cá.
Củ gừng
Gừng cay thơm tẩy mùi tanh của bóng bì, mực, cá, thịt gà, thịt bò. Gừng đập dập nấu canh cải cá quả, ốc hấp lá gừng. Thịt gà, thịt vịt luộc trong nước gừng dậy mùi béo mỡ. Gừng đi đôi với muối trong bát nước dùng ngon ngọt nên có câu "Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau".
Hành hoa
Hành hoa không có củ, ống lá nhỏ, mùi thơm dịu. Người phương Tây gọi hành hoa là "cỏ quý". Bát phở tái, phở chín không có hành hoa thì không thể thơm. Nếu lại rắc một nắm lá hành củ cọng to xanh thẫm thái nhỏ vào bát phở thì lập tức bát phở sẽ chẳng ra gì bởi có mùi hôi nên hành củ chỉ ăn củ, thái mỏng ngâm dấm hoặc xào nấu, còn cọng bỏ đi.
Ớt tươi
Ớt tươi ở ta có nhiều loại: ớt chỉ thiên, ớt hạt tiêu, ớt Bình Trị Thiên, ớt cà chua, ớt móng gà, ớt rau Đà Lạt... ớt là gia vị độc đáo trong các món chấm với bất kỳ món đặc sản nào. ớt ngâm dấm cay dịu, ớt tươi thái khoanh bỏ vào nước chấm có thể ăn với tôm, cua, thịt, phở, mỳ... với bất cứ món nào.
Tỏi Khô
Tỏi khô vừa là gia vị vừa là dược liệu nhưng không hợp với người loét dạ dày, suy gan và đau thận. Tỏi ngâm dấm ớt hòa với nước mắm ngon chấm rau muống luộc mùa hè, chấm măng xào, nem rán, bún chả. Thiếu tỏi như cảm thấy thiếu vắng một cảm khoái khi ăn. Thịt bò xào tỏi dậy mùi thơm phức.
Lá chanh
Một thứ gia vị không thể thiếu được khi ăn món thịt gà luộc là lá chanh non. Mầu xanh của lá chanh, mầu vàng của da gà béo trở thành một bản "hòa tấu" trong ngày vui, ngày giỗ, ngày Tết chẳng cần thứ "âm hưởng" nào khác.
| |
|
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 20/Jul/2009 lúc 8:56am
Tất tần tật về bánh ở Cố đô Huế
Nếu đến Huế mà bạn không nếm thử các loại bánh ở đây thì thực sự là thiếu sót đấy!
Hà Phương (tổng hợp), Ảnh: Hà Phương
Các món bánh ở Huế đều được làm từ những loại bột rất cơ bản trong nghệ thuật ẩm thực của Việt Nam, đó là: bột gạo (bánh bèo, bánh ướt, bánh khoái), bột nếp (bánh ít trắng và bánh ít đen), bột năng hay còn gọi là bột lọc (bánh bột lọc, bánh phu thê). Nhân bánh cũng hết sức đa dạng và bình dân: dăm con tôm, vài miếng thịt mỡ hoặc đơn giản hơn là đậu xanh, dừa nạo… Bánh mặn thì gồm có: bánh bột lọc, bánh nậm, bánh bèo, bánh khoái, bánh ướt và bánh ít trắng.
Bánh bột lọc – bánh nậm – bánh bèo
Vào bất cứ quán bánh Huế nào, bạn cũng dễ dàng nhận ra ba loại bánh này thường đi kèm với nhau. Tuy thế nhưng mỗi loại lại có một vị đặc trưng riêng cùng với nước chấm riêng đấy bạn nhé!
Bánh bèo chén: làm từ bột gạo, trên mặt bánh rắc một lớp tôm chấy và tóp mỡ. Mỗi chén là một cái bánh thôi, nên khi ăn xong đừng bất ngờ với một chồng đĩa cao nhé.
Bánh bột lọc: có hai loại. Loại được bọc bằng lá chuối hoặc lọc trần. Bánh dai dai kèm với vị thơm ngọt của tôm và thịt mỡ. Mà loại nào cũng ngon hết ý!
Bánh nậm: giống bánh lọc chỉ khác là làm bằng bột gạo thui. Ngon lắm đấy!
Vào quán, bạn có thể gọi một đĩa tổng hợp ba loại bánh trên. Chỉ 10k mà ngon hết xẩy đó!
Bánh ướt
Bánh ướt của Huế cũng giống như bánh cuốn ở ngoài Bắc đó. Nhưng khác cái là người Huế rắc them một chút tôm chấy lên mặt, ăn rất thơm các bạn ạ.
Bánh khoái
Khá là giống bánh xèo của miền Nam, nhưng cách đổ bánh của người xứ Huế thì có khác. Bột bánh được pha thêm đường thắng để có màu vàng bắt mắt, nhân bánh ngoài tôm và giá còn có cả một miếng chả và trứng cút nữa. Đặc biệt bánh khoái Huế ngon là nhờ rau sống: cải con, rau thơm, khế, chuối chát, vả… và nước chấm đặc trưng không thể thiếu là nước lèo chế biến từ tương, đậu nành, gan, bột và gia vị vừa đủ tạo thành một thứ súp sền sệt có mùi thơm hấp dẫn. Vào những ngày mưa xứ Huế mà thưởng thức một đĩa bánh khoái này thì không còn gì “khoái” bằng.
Bánh ít trắng
Bánh làm từ bột nếp với nhân là thịt mỡ và tôm. Bánh được gói khéo léo trong lá chuối, ăn rất vừa miệng các bạn ạ.
Bánh ít đen
Giống như bánh gai ấy nhưng mà bánh được vo tròn, nhân đậu xanh, gói bằng lá chuối. Bánh làm bằng đường cát rất vừa phải nên có vị ngọt dịu và rất Huế.
Bánh phu thê
Phải nói ngay rằng bánh phu thê Huế có hình thức lần hương vị khác xa hoàn toàn so với các loại bánh phu thê ở các vùng khác. Bánh phu thê Huế được đóng khuôn trong những chiếc hộp lá dừa xinh xắn, thanh nhã, đáng yêu và ăn có vị giòn mát, thơm ngọt hấp dẫn. Chỉ với một chút bột lọc, một chút đậu xanh, một chút cơm dừa nạo sợi, một chút đường, vani, một miếng lá dứa cùng với một cọng lá dừa tươi; nhưng qua bàn tay khéo léo, cầu kỳ của người xứ Huế chúng đã hình thành nên chiếc bánh phu thê độc đáo và hấp dẫn.
Vào thăm Huế đừng quên hỏi các anh chị hướng dẫn viên những quán ngon để ăn các loại bánh đặc sản này nhé!
|
Người gởi: LanH
Ngày gởi: 20/Jul/2009 lúc 9:43pm
Vịnh Hạ Long chính thức lọt vào vòng chung kết
Cập nhật ngày: 3:16pm, 22/07/2009
- New7wonder vừa chính thức thông báo trên website rằng, Vịnh Hạ Long của Việt Nam đã chính thức lọt vào vòng chung kết.
Theo đó, 28 ứng viên đã được chọn ra để vào vòng cuối cùng. Tại vòng chung kết này, cư dân mạng có thể tiếp tục bình chọn để chọn ra 7 kỳ quan xứng đáng nhất để cho vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
Trong công bố của mình vào ngày 21/7, New7wonder cho biết Vịnh Hạ Long đứng thứ 12 trong 28 thắng cảnh. Rừng Amazon dẫn đầu bảng xếp hạng. Châu Á có 6 thắng cảnh góp mặt ở vòng chung kết, riêng khu vực ASEAN có 3 thắng cảnh của Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới sẽ được công bố vào năm 2011.
|
|
Người gởi: LanH
Ngày gởi: 21/Jul/2009 lúc 8:32pm
Người gởi: LanH
Ngày gởi: 23/Jul/2009 lúc 5:23am
Vẻ đẹp biển Đại Lãnh
cảnh nên thơ. Bến tàu. Mưu sinh.
Nghỉ ngơi.
Theo VNE |
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 26/Jul/2009 lúc 8:38am
Vỏ bầu khô trong đời sống
các dân tộc ở Việt Nam
Quả bầu khô dùng đựng nước.
Sử dụng vỏ bầu khô là một tập quán khá phổ biến của hầu hết các dân tộc ở Việt Nam. Bầu là loại cây dễ trồng nên nó có mặt ở khắp nơi, ở miền núi, cao nguyên và trung du nó được trồng trên nương, trên rẫy. Dưới đồng bằng bầu lại được trồng ngay trong vườn hay ngoài ruộng. Có hai loại bầu: bầu ngọt được trồng để lấy quả làm thức ăn. Bầu đắng có vỏ dày và cứng được dùng để chế ra các đồ vật phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Ngay từ khi bầu ra hoa kết trái, người ta đã chọn những quả có hình dáng đẹp theo ý thích và phù hợp với từng loại vật dụng định chế tác, rồi để cho quả bầu thật già, cắt về làm thành vỏ bầu khô. Về cơ bản, công việc này phải trải qua hai bước chính: loại bỏ ruột và tạo mầu cho quả bầu. Các dân tộc tương đối thống nhất với nhau ở cách dùng nước để loại bỏ ruột. Với việc tạo mầu, mỗi dân tộc, mỗi khu vực lại có cách làm riêng, hoàn toàn hoặc ít nhiều khác nhau. Ta thấy những phương pháp xử lý chính như sau:
-
Khoét lỗ, đổ nước vào, đồng thời treo trái bầu lên trên gác bếp, từ hai đến ba tháng. Sau đó đem rửa sạch vỏ và xóc sạch ruột. Theo cách này vỏ bầu thường có màu vàng nâu.
-
Ngâm quả bầu xuống bùn ao, chừng hai tháng lấy lên rửa sạch đem phơi nắng cho khô hẳn. Với cách làm đó vỏ bầu thường có màu đen.
-
Sau khi loại bỏ ruột, đem vỏ bầu luộc trong nước sôi rồi phơi khô, màu vàng óng của vỏ bầu già sẽ được giữ nguyên.
-
Cạo bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài quả bầu, dùng lá rừng nhuộm màu thích hợp rồi đánh bóng hay quét một lớp dầu lên mặt ngoài, làm tăng vẻ đẹp cho đồ vật.
Vỏ bầu sau khi được xử lý qua các công đoạn trên thường không bị mối mọt, có độ bền chắc cao, không thấm nước. Ðó là nguyên liệu chính, quan trọng để chế ra hàng loạt sản phẩm phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của cư dân các dân tộc.
Vỏ bầu khô gắn với đời sống vật chất chủ yếu gồm các đồ đựng, đồ múc, đồ rót của các dân tộc: Xơ Ðăng, Ba Na, ? Ðê, Rơ Măm, Cơ Tu... trên Trường Sơn - Tây Nguyên; Thái, Dao, La Hủ, Sán Chay, La Ha, Khơ Mú, Kháng, Lào, Mông... ở miền núi phía bắc.
Ðồ vật thuộc loại này cách chế tạo không phức tạp, song đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay, sự phong phú của trí tưởng tượng, tránh làm sứt mẻ và tạo nên tính đa dạng cho sản phẩm. ở công đoạn này chủ yếu dùng dao để tiện, gọt, khoét... tạo hình trên vỏ bầu.
Trước tiên bầu được tạo lỗ làm miệng của đồ đựng. Tùy vào công dụng và chức năng của từng loại vật phẩm mà miệng của chúng có độ lớn nhỏ và vị trí cao thấp khác nhau. Có quả bầu được cắt bỏ cuống để tạo miệng, có quả lại được khoét miệng bên cạnh cuống, chếch về một bên, nhiều quả miệng lại nằm ở bên cạnh sườn... Nắp của sản phẩm tùy thuộc vào từng vỏ bầu hay chức năng của nó. Với những vỏ bầu có miệng nhỏ, nắp thường là lõi ngô hay các loại lá cây cuốn lại.
Một số dân tộc ở miền núi phía bắc và Trường Sơn - Tây Nguyên dùng những quả bầu tròn để đựng cơm hay thức ăn mang đi làm nương. Nắp của chúng thường được làm bằng một miếng gỗ mỏng, tròn đậy kín trên miệng bầu hay chỉ là một chiếc lá rừng. Nếu dùng nắp gỗ thì trên vỏ bầu và nắp đậy được dùi hai lỗ đối xứng, sau đó luôn dây qua làm quai xách.
Nhiều dân tộc dùng vỏ bầu đựng nước sinh hoạt. Loại này thường to, thuôn dài để có thể chứa được nhiều nước. Vỏ bầu dùng đựng rượu khi tiếp khách lại tròn nhỏ, có cuống dài, miệng nhỏ. Ðặc biệt nhiều quả có hình nậm rượu. Ngoài ra bầu còn đươc sử dụng để đựng hạt giống quý như : thóc, ngô, đỗ, lạc, vừng, bí...
Ðể bảo vệ cho vỏ bầu tránh va đập và thuận tiện khi mang vác đi xa, một số dân tộc như Dao (Tuyên Quang), Thái (Nghệ An), Cơ Tu (Quảng Nam - Ðà Nẵng)... còn dùng dây rừng đan, kết tạo vỏ bọc bên ngoài. Ðặc biệt với dân tộc Cơ Tu, chúng được làm khá cầu kỳ và cẩn thận. Họ còn làm thêm đế cho vỏ quả bầu có thể đặt vững trên mặt đất, làm thêm dây quai để treo khi cần thiết.
Dân tộc X'tiêng còn sử dụng vỏ bầu để đựng canh, rau trong bữa ăn và cắt gọt những quả bầu tròn, nhỏ thành những chiếc bát ăn cơm nhẹ nhàng và tiện lợi. Ngoài chức năng làm đồ đựng, vỏ bầu còn được dùng làm gáo múc nước, muôi múc canh, múc rượu và cả những chiếc phễu. Người ta thường chọn những quả có bầu tròn, cổ thuôn dài tới cuống. Phần bụng khoét tròn tạo miệng gáo, phần cổ có thể để nguyên làm cán cầm nếu là gáo, hoặc cắt bỏ chỏm đầu gần cuống nếu vừa làm gáo vừa làm phễu. Khi chỉ dùng làm phễu người dân cắt bỏ phần lớn thân trái bầu và điểm giáp cuống. ở nơi gần cuống bầu bị cắt bỏ này, một số dân tộc còn lắp thêm một đoạn lồ ô.
|
Thiếu nữ Tày với cây đàn Tính làm từ quả bầu khô. | |
|
Vỏ bầu khô gắn với đời sống tinh thần gồm những vật dụng trong nghi lễ tôn giáo và trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, chủ yếu tập trung ở các dân tộc: Ba Na, Xơ Ðăng, Giẻ Triêng, Mạ, M'Nông, La Hủ, Kháng, Giáy, Dao, Tày.
Với những đặc tính vốn có, vỏ bầu được không ít dân tộc chọn làm hộp cộng âm cho những nhạc cụ của mình. Trước tiên phải kể đến bộ nhạc cụ dây tương đối phổ biến và phong phú như đàn sáu dây, đàn ba dây, đàn bruk-chơ ngoi, đàn brang của dân tộc Xơ Ðăng; đàn tính của dân tộc Tày, Giáy và Kháng; đàn tinh nưng, đàn brov của dân tộc Ba Na; đàn tinh ninh của dân tộc Giẻ Triêng; đàn bầu của người La Hủ...
Ðể có được cây đàn tốt không đơn giản, trong đó hộp cộng âm là một bộ phận quan trọng nhất, quyết định chất lượng âm thanh. Do vậy phải chọn những quả bầu có hình dáng tròn đều, vỏ dai và quan trọng hơn là phải kiểm tra âm thanh được phát ra từ chúng.
Cây đàn tính của một số dân tộc miền núi phía bắc, kỹ thuật chế tác khá phức tạp. Họ thường cắt bỏ một phần tư phía cuống bầu làm miệng, lắp cần đàn xuyên từ bên này qua bên kia, chia miệng hộp ra làm hai phần bằng nhau. Sau đó hộp được bịt kín bằng gỗ thông mỏng. Ðể gắn kết, người ta dùng nhựa của một loại cây rừng. Dây đàn bằng sợi tơ tằm có bôi nhựa củ nâu làm săn chắc và tăng độ bền. Ðàn tính là nhạc cụ độc đáo nhất của dân tộc Tày, được sử dụng trong lễ cúng then, trong các sinh hoạt văn hóa văn nghệ, lễ hội của dân tộc.
Trường Sơn - Tây Nguyên là khu vực có nhiều dân tộc sử dụng vỏ bầu làm nhạc cụ. Vỏ bầu được chọn thường có thân tròn, miệng thu nhỏ. Chúng được cắt bỏ phần cuống và phần đáy rồi được buộc vào cần đàn bằng dây. Hộp âm không bịt kín như cây đàn tính mà để trống một mặt trên hay cả hai phía.
Thông thường đàn có một hộp âm, nhưng có những dân tộc lại lắp hai hộp âm ở hai đầu, một hộp to và một hộp nhỏ nhưá đàn tinh nưng của dân tộc Ba Na.
Nếu cây đàn tính chủ yếu dành cho phụ nữ, thì các loại đàn làm từ vỏ bầu ở khu vực này lại dành cho giới mày râu. Họ thường đàn hát sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, vào những ngày lễ hội... Ðặc biệt còn là "công cụ" đắc lực giúp các chàng trai người Thượng đi tìm bạn tình.
Ngoài bộ nhạc cụ dây, các nhạc cụ hơi sử dụng vỏ bầu khô cũng khá phổ biến ở các dân tộc trên Trường Sơn - Tây Nguyên như : M'Nông, Kơ Ho, Mạ... Chúng gồm có hai loại: loại sử dụng sáu ống nứa và một quả bầu - khèn; loại một ống và một vỏ bầu - sáo.
Sáu ống nứa ở khèn được chia làm hai lớp: trên bốn, dưới hai. Với dân tộc Kơ Ho nhạc cụ này được gọi là kăm boát, còn người Mạ gọi là mhuốt... Ðể làm chiếc khèn này người ta thường chọn những quả bầu có thân vừa phải, tròn đều và cổ hơi cong. Cuống bầu được cắt bỏ tạo thành một lỗ nhỏ làm nơi thổi. Thân bầu được khoét sáu lỗ xuyên qua hai lớp vỏ bầu để lắp ống khèn. Khi tạo các lỗ này họ thường chú ý đến chiều cong của cổ quả bầu và hướng của ống nứa, sao cho khi thổi lỗ ống thổi quay ra phía sau còn các ống khèn chĩa phía trước.
Sáo sử dụng một quả bầu và một ống nứa được người Mạ gọi là brê. Nó cũng được chế tác tương tự khèn sáu ống, tuy nhiên phía bên ngoài thân bầu của ống nứa được người dân tạo ba lỗ nhỏ để tạo ra những âm thanh khác nhau. Dân tộc M'Nông còn có rlét, cũng dùng một ống nứa giống nhưá brê của người Mạ, nhưng đầu kia của rlét được lắp thêm một đoạn ống nứa lớn hơn đổ đầy nước khi thổi. Hơi truyền từ vỏ bầu, qua ống nứa đập vào ống chứa nước tạo nên những âm thanh khác lạ.
Với người Mạ, cả hai loại nhạc cụ hơi này đều được chơi trong các lễ hội như lễ đâm trâu, lễ cúng ngày trỉa lúa, lễ cúng lúa mới... Khèn sáu ống có thể được sử dụng thay thế âm thanh của bộ cồng chiêng. Họ cũng sử dụng chúng để thể hiện tâm sự buồn vui trong cuộc sống. Song với người Kơ Ho, chúng lại không được sử dụng trong các lễ hội, đặc biệt là lễ hội đâm trâu.
Vỏ bầu khô còn có mặt trong các nghi lễ tôn giáo, khi gặp chuyện rủi ro họ dùng vỏ bầu khô để cầu đến thần linh. Dân tộc Dao (Tuyên Quang) dùng nửa quả bầu khô làm chiếc thuyền trong lễ cúng cầu hồn cho trẻ em khi bị ốm đau. Người ta quan niệm mỗi đứa trẻ ra đời đều có một bà mụ trông nom nên khi chúng ốm đau, họ phải cầu xin bà cứu giúp, mong cho đứa bé được khỏe mạnh. Trong lễ cúng này, người Dao cắt hình đứa trẻ cho vào nửa quả bầu - chiếc thuyền, rồi thả vào một chậu nước để chúng đi tìm người mẹ sinh tạo. Người Khơ Mú thường treo vỏ bầu khô vào cây cột chính ở gian ma nhà và xem đó là vật linh thiêng vì loài người vốn được sinh ra từ "quả bầu mẹ".
Ðối với dân tộc Ba Na, vỏ bầu khô sau khi được nhuộm mầu xám đen, dùng đựng rượu và tiết gà trong những lễ cúng liên quan đến nông nghiệp mà chủ yếu có quan hệ đến cây lúa rẫy. Theo dân tộc Bru - Vân Kiều thì quả bầu còn là nơi trú ngụ của hồn lúa, được treo bên dưới bàn thờ ma nhà. Người dân thường xuyên tổ chức cúng vào những thời điểm quan trọng trong mùa vụ: trước ngày trỉa lúa, lúc làm cỏ và khi thu hoạch... Trong các dịp gia chủ tổ chức lễ cúng, lễ vật là trâu thì họ lại bỏ thêm vào vỏ bầu 8 hạt thóc...
Cho đến nay vỏ bầu vẫn được hầu hết các dân tộc ở Việt Nam sử dụng. ở người Kinh, mặc dù hiện vỏ bầu hầu như đã vắng bóng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, nhưng nó vẫn còn trong tâm thức của cả dân tộc với tên gọi đàn bầu, với hình ảnh bầu rượu nắm nem, bầu rượu túi thơ, với quả bầu trong bộ bát bảo, tượng trưng cho sự sung mãn...
Hoàng Tố Quyên
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 30/Jul/2009 lúc 7:44am
TIN THỜI SỰ
Hai ngày, 3 người chết tại công trình cao nhất Việt Nam
Chiều 22/7, tại công trường tòa nhà Keangnam (Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn làm một người chết, một người bị thương. Trước đó một ngày, hai công nhân của công trình cũng đã tử vong sau khi rơi từ tầng 13.
Theo công an Từ Liêm, 2 người rơi từ tầng 13 là Hoàng Văn Tạo, 43 tuổi và Bùi Văn Dương, 22 tuổi (đều ở tỉnh Hòa Bình). Tai nạn xảy ra lúc 22h, tại tòa nhà B của công ty Keangnam.
Các bác sĩ bệnh viện 198 xác định họ tử vong do đa chấn thương. 4h chiều 22/7 tại công trường này lại xảy ra một tai nạn lao động làm một người chết và một người bị thương. Danh tính người lao động cũng như nguyên nhân tai nạn hiện vẫn chưa được xác định.
Dự án Hanoi Landmark Tower của tập đoàn Keangnam khởi công vào năm 2007, với tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD, lớn nhất Hà Nội tại thời điểm đó. Tổ hợp này gồm căn hộ cao cấp, khách sạn, khu dịch vụ và văn phòng với 2 tòa tháp 48 tầng (gồm 918 căn hộ) và một tháp 70 tầng.
Cuối năm 2008, trước những nghi ngờ về tiến độ công trình, chủ đầu tư dự án Keangnam khẳng định sẽ hoàn thành các tòa tháp vào tháng 10/2010.
Theo chủ đầu tư, Hanoi Landmark Tower là tòa nhà cao nhất Việt Nam và cao thứ 17 trên thế giới.
Anh Thư
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 31/Jul/2009 lúc 9:21pm
Trang phục của phụ nữ Việt
PN - Cách ăn mặc của phụ nữ Việt Nam được người nước ngoài đánh giá ra sao?
Ivan Dobrowolski, người Pháp
Tôi sống ở Sài Gòn đã hơn một năm. Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến nước các bạn, tôi đã phát hiện được điều thú vị: phụ nữ VN thanh lịch, tao nhã, duyên dáng và đặc biệt rất khéo léo trong cách ăn mặc. Họ chăm chút kỹ lưỡng trang phục, người khác giới cảm nhận rất rõ vì bị... thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đánh giá này ngày càng được củng cố khi tôi đã đi qua nhiều vùng, miền khác nhau của VN, gặp gỡ phụ nữ nhiều tầng lớp. Nét chung đáng nói nhất là phụ nữ VN biết cách ăn mặc gợi cảm nhưng không dung tục.
Được tham dự vài chương trình thời trang tại VN, tôi nhận thấy, các chương trình đều được tổ chức rất tốt, người mẫu trình diễn chuyên nghiệp. Về thời trang thì VN còn non trẻ so với các nước. Tuy nhiên, các bạn đã cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách này, đặc biệt là "dân" Sài Gòn. Các cô gái ở TP.HCM biết kết hợp quần áo với các phụ kiện như: túi xách, mắt kính, trang sức... nên trông rất sành điệu. Riêng về áo dài VN, tôi thấy, tà áo ngày nay là một minh chứng thú vị cho sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, toát lên sự nền nã. Không chỉ mang lại vẻ đẹp hình thức, áo dài còn tôn vóc dáng của người mặc.
Kristian Harmston, người Úc, Giám đốc điều hành, Tập đoàn Beam
Điểm nổi bật dễ nhận thấy nhất ở phụ nữ VN là họ ăn mặc hợp thời trang, biết cách trang điểm và biết sử dụng các phụ trang phù hợp. Tôi có cơ hội gặp gỡ không ít phụ nữ công tác tại các công ty truyền thông, giải trí. Có thể nói, họ ăn mặc rất chỉn chu, duyên dáng và lịch sự. Bên cạnh đó, các cô còn biết dùng trang phục để tôn những ưu điểm sẵn có của vóc dáng thon gọn. Điều này vừa nói lên nghệ thuật trong ăn mặc vừa biểu lộ một phần cá tính, phong cách riêng. Ăn mặc phù hợp với hoàn cảnh, hài hòa với người mà mình tiếp xúc, đòi hỏi phải có trình độ nhất định. Tôi nghĩ, phần lớn phụ nữ VN đạt được nghệ thuật tinh tế này.
Nói về trang phục mà không nhắc đến quốc phục là một sự thiếu sót. Áo dài, theo ý kiến cá nhân tôi, là một trang phục rất phù hợp với phụ nữ VN. Tà áo dài trên thân hình phụ nữ "nói" được nhiều điều, từ dáng vẻ, sự tinh tế trong ăn mặc đến sự công phu và cắt may khéo léo của người thợ. Theo tôi, những nhà thiết kế trẻ của VN nên thiết kế những trang phục thông thường mặc trên đường phố, đậm nét châu Á, nhưng thuận tiện trong sinh hoạt. Điều này có thể giới hạn vẻ đẹp nhưng ở khía cạnh khác, nó lại thể hiện phong cách riêng, rất cuốn hút của phụ nữ Việt.
Cát Tường (ghi)
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 01/Aug/2009 lúc 11:31am
Đa dạng ngữ nghĩa tiếng Việt: Thật là thú vị
Thực lòng mà nói, trong cuộc sống, ngoài sự uyên bác-hiểu biết là yếu tố căn bản để một người có thể cùng đóng góp, thì trong giao tiếp-kinh doanh, khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt, đạt hiệu ứng cảm xúc sẽ đóng vai trò rất tốt.
Ngôn ngữ luôn thú vị. Tôi thỉnh thoảng lại chú ý tới những câu và chữ có thể gây cách hiểu thế này hay thế khác đều được, hoặc là hai từ ngược nghĩa mà lại cho câu cùng nghĩa.
Sự phong phú và “kỳ lạ” này có thể là điểm bắt đầu để chúng ta yêu tiếng Việt hơn nữa đấy! Xin đưa thử ở đây các bạn tham khảo.
“Chúng ta quyết tâm đánh thắng quân giặc” và “Chúng ta quyết tâm đánh bại quân giặc.” Tự nhiên, thắng = bại :D.
“Tiền chưa đủ là một vấn đề” và “Tiền chưa đủ là một vấn đề.” Vẫn một câu mà mang hai nghĩa ngược nhau, nếu tách cụm từ ra.
“Nửa lớp này dốt” và “Nửa lớp này giỏi”. Bỗng thấy Dốt = Giỏi. (Cái này thuộc về lô-gích, chứ không hẳn là ngôn ngữ, nhưng cũng hay!)
“Còn gì quý hơn sức khỏe” và “Không còn gì quý hơn sức khỏe.” Phủ định đi mà vẫn thế! (Tương tự: “Tài năng anh ấy ai sánh nổi” và “Tài năng anh ấy không ai sánh nổi.”)
Trong xã hội, khi giao tiếp, có thể chúng ta còn bắt gặp nhiều cái tương tự, các bạn nào biết thì bổ sung tôi nhé. Đúng là: “Không mày đố thầy làm nên!”
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 05/Aug/2009 lúc 9:44am
Văn hóa ngã tư |
Trần Thị Nguyên Lan Thời báo Kinh tế Sài Gòn |
javascript: - http://chungta.com/PortletBlank.aspx/E87168AED88D45648F671CE3F2BB4818/View/NgamNghi-VietNam/Van_hoa_nga_tu/?print=1319925081 -
|
|
Các ngã ba, ngã tư luôn là nơi đông đúc và dễ xảy ra tai nạn. Ứng xử hợp lý ở ngã tư vừa góp phần làm giảm tai nạn và ách tắc giao thông vừa thể hiện nét văn hóa của mỗi người.
Hôm trước, từ xa đã thấy đèn giao thông còn ba giây màu xanh nữa là chuyển sang vàng, tôi cố gắng tăng tốc thật nhanh cho kịp qua được ngã tư trước khi nó chuyển sang đỏ. Mặc dù biết vậy là có chút phạm luật nhưng không quan trọng bằng bị trễ giờ làm. Tôi tự trấn an bằng cái suy nghĩ ấy và yên tâm “phóng”.
Nhưng không kịp rồi. Xe vừa chồm qua vạch sơn trắng thì đèn đã chuyển sang vàng và trong tích tắc bật đỏ. Tôi vội đạp thắng mặc cho chiếc xe lết một đoạn dài ra gần giữa ngã tư. Thiệt ngại khi cả đám đông đằng sau nhìn vào tôi y như đang xem sân khấu. May mà tôi kịp dừng lại, chứ nếu chạy qua luôn thì chắc đã bị chiếc xe tay ga đang lao vun vút trước mặt tông vào…
Lần khác, tới gần ngã tư Pasteur - Điện Biên Phủ, tôi thắng lại khi đèn vàng đã bật. Nhưng chắc do xe còn “trớn” nên nó chẳng chịu dừng lại cho đến khi nửa bánh sau cán vạch vôi trắng cắt ngang đường.
Bỗng “rầm”, một chiếc Wave màu đỏ đằng sau ủi tới làm xe tôi lao vọt lên phía trước. Cũng may là tôi kịp phản xạ hai chân cùng với tay thắng để ghì xe lại. Vừa kịp quay lại đằng sau thì đã bị một chị gái mắng té tát: “Khùng hả, đang đi tự nhiên đứng lại”.
Hôm rồi, khi sắp đến ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Thị Sáu, trong đầu nhớ lại những lần trước nên quyết định dừng lại một cách chầm chậm để không ai có thể nhìn tôi một cách không bình thường nữa. Đèn vàng và đồng hồ bắt đầu lùi dần 4 giây, 3 giây… Một chiếc xe buýt và mấy chiếc xe hai bánh theo đuôi từ phía sau, qua mặt tôi và cố vượt ra giữa ngã tư rồi bị kẹt lại không thể nhúc nhích thêm nữa khi đám đông từ phía đường bên kia tràn lên dù đèn đỏ cũng chưa bật xanh. Mấy chiếc taxi chặn đầu, đám xe hai bánh khóa đuôi, ở giữa là chiếc xe buýt lù lù trông như một trận chiến hỗn độn. Kẹt xe!
Chuyện dễ hiểu và dễ tránh nhưng người ta vẫn cố tạo ra. Giá như ai cũng biết tuân thủ Luật Giao thông và biết nhường nhịn nhau khi đi đường… |
|
Người gởi: Lan Huynh
Ngày gởi: 05/Aug/2009 lúc 10:39pm
Khám phá du thuyền 30 tỷ ở Vịnh Hạ Long
|
- Vịnh Hạ Long đang được cả thế giới chú ý vì vững vàng trong bảng xếp hạng 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Góp phần vào việc duy trì số phiếu bình chọn không thể không kể đến dịch vụ giành cho khách du lịch nơi đây.
Việc các du thuyền du lịch Vịnh Hạ Long đang phát triển mạnh mẽ, vượt qua khủng hoảng kinh tế để đón khách du lịch là rất đáng được ghi nhận. Và ngày 1/8 vừa qua, Victory Star, chiếc du thuyền trị giá tới 30 tỷ đồng đã được khai trương giúp khách du lịch có thêm lựa chọn mới.
Bạn có muốn tham quan con thuyền đắt giá nhất, hiện đại nhất, lớn nhất... đang hoạt động trên Vịnh Hạ Long không? Hãy cùng chúng tôi tham quan một vòng nhé.
| |
|
Người gởi: Lan Huynh
Ngày gởi: 07/Aug/2009 lúc 8:24pm
Đà Nẵng: Buồng chuối 280 nải
Saigon Echo sưu tầm |
javascript:newWindow%28sendemail.php?+document.location.href,email,400,300,%29 - Email to Friend |
|
Ông Tiến bên cạnh buồng chuối lớn chưa từng có của mình. |
|
Buồng chuối được đưa đi sấy khô. Ông Tiến muốn tặng nó cho bảo tàng Đà Nẵng. | (DN) - Buồng chuối dài tít tắp, xanh nõn đó là của ông Lê Văn Tiến - nhân viên bảo vệ Bệnh viện Đà Nẵng. Ông Tiến dự định sẽ sấy khô buồng chuối này và tặng cho bảo tàng Đà Nẵng.
Đây là một loại chuối cảnh được ông Tiến lấy giống từ Tây Nguyên về trồng tại Bệnh viện C. Trong hơn 18 tháng nuôi dưỡng, cây chuối phát triển rất xanh tốt, mặc dầu quả nhỏ nhưng khi chín ăn rất ngọt.
Do khuôn viên bệnh viện đang xây dựng một số công trình phụ lấn đến khu vực trồng cây chuối, nên ông Tiến đành phải chặt bỏ nó. Theo ông Tiến, nếu không chặt thì buồng chuối này không chỉ có 280 nải như hiện nay, vì phần búp còn rất dài. |
|
Người gởi: Lan Huynh
Ngày gởi: 09/Aug/2009 lúc 2:20am
Đồng tiền Việt Nam qua các thời kỳ
|
Người gởi: ranvuive
Ngày gởi: 10/Aug/2009 lúc 12:20pm
Mùa Hái Mận |
|
Ông trời năm nay thương "cái bụng" của người dân Bắc Hà (Lào Cai) đã làm cho mùa mận năm nay trúng lớn với những cây mận sai trĩu quả gãy cành. Nụ cười không thấy tắt ở tất cả người trồng mận.
Vùng cao Bắc Hà - Lào Cai không chỉ nổi tiếng và được du khách biết nhiều với chợ phiên rực rỡ sắc màu thổ cẩm, hương rượu ngô Bản Phố đắm say lòng người, mùi vị món thắng cố ngây ngất mà còn bởi vẻ đẹp mê đắm và hương vị ngọt dịu của mận tam hoa khi vào độ chín. Mận tam hoa từ lâu đã trở thành đặc sản của đất và người nơi đây mỗi độ chính hè.
Đến Bắc Hà mùa này, du khách có dịp thư thả tản bộ giữa những rừng mận tam hoa chi chít trái, chín đỏ như má những mỹ nữ vùng sơn cước. Bạn cũng được đến thăm nhà đồng bào các dân tộc Mông, Tày…, vừa thưởng ngoạn vừa tự tay hái những quả mận mọng đỏ nhất để thưởng thức và cảm nhận hương vị đặc trưng của núi rừng Bắc Hà.
Mận tam hoa Bắc Hà đang được đồng bào nơi đây chăm sóc và phát triển, như một sản vật và một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất cao nguyên quanh năm dịu mát.
|
Mận bạt ngàn trong thung lũng. |
|
|
|
| Nhiều vườn mận chín, quả đã ngả sang màu đỏ làm sáng cả một góc rừng.
|
Những chùm mận sai lúc lỉu trông thật vui mắt. |
|
|
Đồng bào Mông, Tày nhanh tay thu hoạch. Nụ cười tươi tắn nở trên môi. |
|
|
Mùa xuân hoa mận nở trắng cây trắng rừng đầy quyến rũ |
|
Vả đẹp hoang dã của núi rừng được điểm trang với những cây mận trắng làm nên nét thơ mộng. |
|
Trái chín căng mọng là niềm thích thú của người trồng lẫn tất cả các bà các chị. | |
|
Người gởi: Hoang_Ngoc_Hung
Ngày gởi: 11/Aug/2009 lúc 10:04am
CHIỀU HÈ
Anh Thơ
***
Mặt trời lặn, mây còn tươi ráng đỏ, Cò từng đàn bay trắng phía đồng xạ Tiếng diều sáo véo von cùng tiếng gió Hoà nhịp nhàng giọng ả hái dâu ca
Trong đồng lúa tươi vàng bông rủ chín Những trai tơ từng bọn gặt vui cườị Cùng trong lúc ông già che nón kín. Ngồi đầu bờ hút thuốc thở từng hơi
Trên đê trắng, chỏm đầu phơ phất gió, Lũ cu con mê mải chạy theo diềụ Bỏ mặc cả trâu, bò nằm vệ cỏ Mắt mơ màng trông gió gợn hiu hiu
------------- hoangngochung@ymail.com
|
|