Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: ĐỜI SỐNG GIA DÌNH Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 135
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23798
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 14/Jul/2025 lúc 1:13pm

Người ĐÀN ÔNG Vừa LY DỊ VỢ 


5510%20NguoiDOngVuaLyDiVoKTAnGang

        Anh ký vào tờ đơn ly hôn bằng một cây bút mực nước màu xanh. Họ đưa anh một cây bút bi, anh bảo: “Không. Tôi muốn viết bằng mực.”
       Cô nhân viên phòng hộ tịch nhìn anh như nhìn một gã gàn dở. Nhưng anh vẫn viết, nét chữ nắn nót như ngày còn học Văn khoa Sài Gòn.
       Tờ đơn ấy là thứ duy nhất trong cả cuộc hôn nhân này mà anh viết một cách thảnh thơi. Ly hôn mà như được tặng quà. Anh biết, hôm nay phải làm một ly. Chỉ cần mình anh thôi- cũng đủ thành dạ tiệc.
        Mọi người đều nghĩ họ hạnh phúc. Một cặp đôi vợ viết văn, chồng làm thơ, có thẻ xanh điều 51- thứ dành cho tỵ nạn chính trị. Họ sống trong một căn hộ cổ ở Moabit - tầng áp mái - nơi mùa đông lạnh như một trang bản thảo bị bỏ quên.
       Anh từng viết những truyện ngắn đăng báo ở Việt Nam, rồi bị cấm. Cô thì viết tiểu thuyết - loại tiểu thuyết được các hội nghị quốc tế mời phát biểu, được dịch sang vài thứ tiếng và đoạt hai giải không to không bé. Họ có hai đứa con: một đứa chuyên IT, một đứa chuyên nhạc. Thành đạt, ngoan ngoãn, có phần xa cách- nhưng ai lại đòi hỏi con cái sống trong xã hội phương Tây phải gần gũi với cha mẹ như thời xưa?
       Trên mạng xã hội, họ hay đăng ảnh đi chợ phiên, uống vang trắng bên sông Spree, ngồi gọt khoai với con. Người ta bình luận: “Gia đình hạnh phúc quá, nhìn mà ghen tỵ.”
Cô luôn trả lời bằng một icon trái tim.
Anh thì im lặng.
       Mười tám năm. Họ sống với nhau như hai người bạn cùng phòng, cùng lý tưởng, cùng tị nạn khỏi một quê hương không còn nơi để về.
     Cô thông minh, viết sắc sảo, giao thiệp rộng, quen biết mọi nhà văn Đức từ Frankfurt tới Munich. Cô nói tiếng Đức giọng chuẩn hơn cả dân bản xứ, và có thể tranh luận chính trị bằng ba thứ tiếng trong khi gọt táo cho con. Giới văn nghệ từ trong nước đến Berlin thường kết nối trước với cô. Nếu xuôi- coi như đã qua một cửa.
       Anh thì lặng lẽ hơn. Thích đọc triết học cổ, trồng cây gia vị trên ban công và viết truyện ngắn về những gã đàn ông cô độc. Khi không viết được gì, anh làm thơ. Những câu thơ ngắn như lúa vón đòng. Đọc không biết nên hiểu thế nào, y tranh lập thể của hoạ sĩ chưa bao giờ học qua hình họa.
Cô bảo: “Viết như anh thì không ai in đâu, lỗi thời rồi.”
Anh không phản bác. Anh chỉ cười: “Viết là để sống sót, không phải để in.”
      Mỗi lần có bạn tới nhà, cô là người tiếp khách. Anh đứng sau cánh cửa bếp rửa chén. Khi khách về, cô lại bảo: “Anh đừng ngồi đấy nữa, anh khiến người ta thấy anh bất hạnh.”
       Anh lại cười: “Anh chỉ thấy bình yên thôi.” Nói xong lấy guitar ra gẩy. Anh không hát và hát không hay. Phòng bên, thằng con học nhạc mổ phím dương cầm như bão. Cô lại bảo: như cái chợ. Anh để yên cho thằng bé tập nốt Children's Corner. Mai thi rồi.
Anh không nói gì. Ôm cây đàn như ôm một hợp âm đã rạn.
       Ly dị bắt đầu từ một điều không ai ngờ tới. Một buổi chiều tháng mười, sau khi đi dạy ở trường dự bị đại học về, cô nói:
- Em sẽ chuyển ra ngoài sống một thời gian.
- Bao lâu?
-Chưa biết. Có thể là vĩnh viễn.
Không có nước mắt. Không có cãi vã.
Cũng không có một lý do cụ thể.
Chỉ là: hết.
       Sau này anh mới biết, cô đã có người khác - một dịch giả người Đức, góa vợ, thích nhạc cổ điển và có căn nhà gỗ ở Potsdam.
Ban đầu, hai đứa con không tin. “Không thể nào, bố mẹ luôn vui vẻ mà.”
       Đứa con trai lớn đấm vào tường thay vì đấm vào đàn. Con bé út thì không nói một lời trong hai tuần.
Từ đó, một màn kịch bắt đầu rơi màn.
Đứa con gái nói: “Mẹ luôn kiểm soát mọi thứ.”
Đứa con trai thú nhận: “Con từng nghĩ mẹ chỉ yêu bản thân mẹ.”
Anh không ngạc nhiên. Anh chỉ buồn.
Khi cuộc chia tay diễn ra, anh nhận nuôi cả hai đứa. Cô không phản đối.
Cô bảo: “Anh không biết dạy con đâu.”
Anh im lặng. Vì anh biết, có những điều không thể dạy bằng sách.
Rồi những điều anh từng cố che giấu bắt đầu rơi ra như gỉ sắt.
       Cô viết một bài tiểu luận dài bảy trang, đăng trên một tờ báo văn chương Đức, kể về “sự áp bức vô hình trong gia đình Á Đông”, về người chồng “trầm lặng nhưng độc đoán, ngọt ngào nhưng gia trưởng.”
        Anh đọc mà không nhận ra mình. Nhưng rồi anh nhớ lại, có lần, cô bảo: “Văn chương là thứ cho phép mình giết người mà không bị kết án.”
      Bạn bè của cô cắt liên lạc với anh. Những nhà văn từng chụp ảnh chung, bắt tay nhau, giờ tránh ánh mắt anh trong các hội nghị. Còn anh thì không viết thêm gì nữa.
Không phải vì đau. Mà vì không còn thấy gì cần phải kể.
Một năm sau ngày ly hôn, anh nhận được thư mời đến tòa.
Cô muốn chia tài sản lần hai. Lần này, là căn hộ cũ anh đang sống với các con.
“Vì tôi cũng góp công dựng nên tổ ấm này” - cô viết trong đơn.
Không một lời hỏi thăm con cái.
      Khi gặp lại trong phiên điều trần, cô mặc áo khoác cashmere, đi giày Prada, tóc cắt kiểu Pháp. Cô hơi đẫy ra.
Anh mặc chiếc áo khoác dạ cũ mèm đã vá ở hai tay.
Luật sư của cô hỏi anh: “Ông có tài sản riêng gì không?”
Anh đáp: “Chỉ có một cuốn sổ tay và hai đứa trẻ.”
Cuối cùng, cô cũng từ bỏ căn hộ. Không phải vì nhân nhượng, mà vì ngôi nhà mới của cô ở Potsdam có bồn tắm thủy lực và lò sưởi đốt gỗ.
Anh từng nghĩ: có thể họ chỉ sai thời điểm.
Nhưng dần dà, anh nhận ra, có những người không có khả năng yêu trọn vẹn.
Họ chỉ yêu khi tình yêu phục vụ cho tham vọng của họ.
Cô từng bảo anh: “Em cần một người đàn ông khiến em nể.”
       Nhưng nể không phải là yêu. Nể là khi người ta thấy mình yếu thế - và muốn vượt lên. Còn yêu là khi người ta để mình yếu đuối- và vẫn được ôm lấy, lấp đầy.
      Cô không có khả năng ấy. Cô là một người mẹ giỏi, nhưng không dịu dàng. Một người vợ chăm lo, nhưng không tha thứ. Một nhà văn tài năng, nhưng không có lòng nhân ái.
Không ai đủ sức sống gần cô quá lâu. Kể cả con cái.
Một lần, con gái anh - khi ấy mười bảy tuổi - hỏi:
- Bố có còn yêu mẹ không?
- Bố thương một phiên bản của mẹ mà chính mẹ đã giết từ lâu.
- Nếu ngày xưa bố phản kháng, mọi thứ có khác không?
- Không. Vì mẹ con không cần ai phản kháng. Mẹ con cần thắng.
Con bé nhìn anh rất lâu. Rồi nó khóc.
Không phải vì thương mẹ. Mà vì sợ mình sẽ giống mẹ.
Giờ đây, anh sống một mình, trong căn hộ ba phòng cùng hai con.
Chúng vẫn đến thăm mẹ mỗi cuối tuần - theo thỏa thuận tòa án. Nhưng không bao giờ ngủ lại.
Anh không hỏi. Chúng cũng không kể.
      Thỉnh thoảng, anh thấy cô xuất hiện trên truyền hình Đức, nói về nữ quyền, về di dân, về văn học hậu thuộc địa. Lần nào, cô cũng mặc áo trắng, nói bằng tiếng Đức trôi chảy và kể về một “cuộc hôn nhân ngạt thở kéo dài gần hai thập kỷ với một người chồng ít học và đầy kiểm soát.”
       Mỗi lần như vậy, anh lại pha trà, ngồi lặng lẽ ghi chú những từ cô dùng. Không phải để phản bác. Mà để nhớ: có những người phụ nữ càng thông minh, càng quên mất lòng trắc ẩn là gì.
Người ta hỏi anh có hận không. Anh bảo: “Không. Tôi chỉ thấy tiếc.”
- Tiếc gì?
- Tiếc cho một người phụ nữ có đủ mọi thứ trừ lòng nhân ái.
- Còn anh, anh có thiếu gì?
- Có. Tôi thiếu tham vọng để biến vợ mình thành công cụ viết lách. Và tôi thấy biết ơn vì điều đó.
Anh viết lại truyện đầu tiên sau ba năm.
Về một gã đàn ông sống với một bóng ma.
Bóng ma ấy không đáng sợ. Nhưng không ai xua đi được.
Tựa truyện: “Người đàn ông vừa ly dị vợ”
Anh không ký tên.
Chỉ để lại một câu cuối:
“Và người đàn ông ấy, cuối cùng, sống sót - không phải nhờ tình yêu, mà nhờ sự dửng dưng.”
Ka
Kiều Thị An Giang

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23798
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: Hôm nay lúc 8:40am

Mâm Cơm Gia Đình?!

Ảnh: Pinterest


Hồi nhỏ, tôi đã từng nghĩ mâm cơm gia đình là một điều hiển nhiên, một nghi lễ bất biến. Chiều nào cũng vậy, cứ tầm năm sáu giờ, cả nhà chúng tôi lại quây quần bên chiếc bàn gỗ cũ. Mùi cá kho tộ của mẹ thơm lừng gian bếp. Ba tôi, sau một ngày làm việc, sẽ kể vài câu chuyện vui. Chị Hai thì líu lo về những chuyện ở trường.

----

Bữa cơm không chỉ để no bụng, nó là một cái hẹn, một điểm dừng sau một ngày dài, nơi mọi người trút bỏ những lo toan và kết nối với nhau. Ngọn lửa trong bếp của mẹ không chỉ làm chín thức ăn, nó còn giữ ấm cho cả gia đình. 

Tôi không rõ sự rạn nứt bắt đầu từ khi nào. Có lẽ, nó bắt đầu từ chiếc điện thoại. 

Đầu tiên, chị Hai mang điện thoại lên bàn ăn. Chị vừa ăn vừa cắm mặt vào màn hình, cười một mình với những tin nhắn. Những câu chuyện của chị về trường lớp thưa dần, thay vào đó là sự im lặng và những câu trả lời nhát gừng. 


Rồi đến ba tôi, ông cũng bắt đầu xem tin tức, trả lời email công việc ngay trong bữa ăn. Không khí trên bàn ăn loãng dần. Những cuộc trò chuyện bị cắt vụn.

Rồi những chiếc ghế bắt đầu trống

"Tối nay con không ăn cơm nhà, con đi học thêm."

"Ba có hẹn tiếp khách, cả nhà cứ ăn trước đi."


Những lý do nghe có vẻ rất chính đáng. Cuộc sống hiện đại mà, ai cũng bận rộn. Nhưng tần suất lời từ chối ngày một dày hơn. Mâm cơm cứ vơi dần, không phải vì nhà thiếu thốn, mà vì thiếu người ăn.  

Mẹ tôi vẫn nấu, nhưng bà bắt đầu nấu ít lại. Những món cầu kỳ ngày xưa được thay bằng các món đơn giản hơn. Bà nói cho đỡ mất công, nhưng tôi biết, trong lòng bà có một nỗi buồn không nói thành lời. Ngọn lửa trong bếp dường như cũng bớt nồng nhiệt hơn trước. 

Mâm cơm từ một nơi sum vầy, dần trở thành một nghĩa vụ. Khi có đủ người, không khí cũng không còn như xưa. Ba tôi, mệt mỏi vì công việc, dễ cáu gắt vì những chuyện nhỏ nhặt.  

Chị Hai thì chê món này mặn, món kia nhạt, chị nói trên mạng thấy người ta nấu ngon mà sao mẹ mình nấu không ra gì. 

Sự im lặng bao trùm, nặng nề đến mức có thể nghe rõ tiếng nhai, tiếng bát đũa va vào nhau. Mọi người ăn thật nhanh, như để trốn thoát khỏi chính bữa cơm của gia đình mình. 

-----

Đỉnh điểm là vào ngày sinh nhật của mẹ 

Tối tôi thấy mẹ nằm trằn trọc suy nghĩ gì đó. Tôi không hiểu chuyện gì. 

Hôm sau, tôi thấy mẹ đi chợ từ rất sớm, nấu một bàn đầy những món mà cả nhà đều thích, hy vọng sẽ có một bữa tối ấm cúng như xưa. 

Mẹ không báo trước để cho cả nhà bất ngờ, tôi thì thấy nghi nghi. Ngồi nhớ lại thì biết hôm nay sinh nhật mẹ. Mà nghĩ lại, ba với chị tệ thật, sinh nhật mẹ cũng không nhớ.  

Buổi chiều hôm đó, chị Hai gọi điện báo có hẹn đi sinh nhật bạn thân đột xuất. Gần tối, ba cũng báo bận một cuộc họp quan trọng không về kịp.

Chỉ còn lại tôi và mẹ, ngồi trước một bàn đồ ăn thịnh soạn đang nguội dần. Mẹ không nói gì, chỉ lẳng lặng xới cho tôi một chén cơm. Nhưng khi mẹ quay đi, tôi thấy bờ vai gầy của mẹ rung lên. Bà đang khóc.

Bà gạt vội nước mắt, nhìn tôi cười gượng: "Mẹ không sợ cực, mẹ chỉ sợ nấu ra không có ai ăn... Cái nhà này, đến nỗi ăn với nhau một bữa cũng khó vậy sao?" 

Câu hỏi của mẹ như một nhát dao cứa vào lòng tôi. Tôi chợt nhận ra, chúng tôi đã để mọi thứ đi quá xa. Chúng tôi đã xem sự hiện diện của nhau, sự chăm sóc của mẹ là điều hiển nhiên, để rồi mải miết chạy theo mối bận tâm của riêng mình.

-----

Sự tan vỡ của một gia đình không phải lúc nào cũng bắt đầu từ những xung đột lớn lao, từ những lời chì chiết, mắng nhiếc. 

Đôi khi, nó lại bắt đầu từ chính mâm cơm, khi người ta không còn muốn ăn cùng nhau nữa. Người ta xem đó là một thói quen cứng nhắc, một nghĩa vụ, chứ họ không nghĩ rằng đó là sự tự nguyện, sự trân quý, sự yêu thương mà mỗi người cần có để kết nối với người thân trong nhà mình.  

Bởi vì khi họ từ chối một bữa ăn, thực ra là họ đang từ chối dành thời gian, sự quan tâm và lắng nghe cho những người thân nhất.


Tối hôm đó, tôi không nói gì nhiều. Tôi chỉ ngồi xuống, ăn hết phần cơm của mình, và khen đồ ăn mẹ nấu rất ngon. Tôi nói chuyện với mẹ nhiều hơn, về những điều nhỏ nhặt nhất, điều mà đã lâu rồi tôi không làm. 

Tôi thấy mẹ cười nhiều hơn, tôi cũng vui hơn.

Hóa ra, để hàn gắn một gia đình, đôi khi chẳng cần điều gì lớn lao. Nó bắt đầu đơn giản bằng việc, chúng ta đặt điện thoại xuống, nhìn vào mắt nhau, và cùng nhau ăn bữa cơm. Thường xuyên. Hỏi han. Quan tâm. Thế là đủ!


(Xa cách bắt đầu từ những bữa cơm, mà người ta không muốn ăn cùng nhau)


Nguyên Tác: vandieuhay.net

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 135
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.336 seconds.