Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Thơ Văn | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn |
Chủ đề: TRUYỆN HAY CHỌN LỌC | |
<< phần trước Trang of 197 |
Người gởi | Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 23148 |
Gởi ngày: 03/Jan/2025 lúc 11:16am |
Tình ghépĐang chạy dở cuốc xe anh thấy chuông điện thoại reo, cầm máy lên giọng phụ nữ nghẹn ngào: – Anh Toàn phải không? Tháng trước anh chở em từ sân bay về Thái Bình, giờ anh có thể chở em về Hà Nội được không? – Em chờ anh khoảng 30 phút nữa nhé! Rất may anh cũng đang chở khách về Thái Bình. Anh nhớ ngay ra người phụ nữ đó. Chị tầm 30 tuổi, trắng trẻo, ưa nhìn. Hôm đó suốt chặng đường dài chị vui mừng phấn khởi khoe với anh bao nhiêu là đồ chơi cho hai đứa con gái và quần áo mua cho chồng. Nhìn vẻ mặt ngập tràn hạnh phúc của chị mà anh thấy vui vẻ trong lòng. Anh không nhớ đã bao nhiêu năm rồi anh mới có lại cảm giác đó. Chị
kể chị đi giúp việc nhà ở bên Dubai, may mắn gặp được chủ nhà tốt,
ngoài tiền lương họ còn cho thêm tiền thưởng nữa, nên sau bao năm làm
việc vất vả chị cũng kiếm đủ tiền cho chồng xây lại ngôi nhà cho bằng
với người ta, vì quê chị đất chật người đông, người làng chị kéo nhau đi
làm thuê nhiều lắm! 3 năm trước chị để hai đứa bé ở nhà cho chồng, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi. Giờ chị muốn tạo niềm vui bất thình lình cho chồng và con nên chị không báo trước ngày về. Khi xe dừng trước cổng ngôi nhà 2 tầng mới tinh, chị cứ nài nỉ anh vào uống nước, ăn bữa cơm sum họp với gia đình chị rồi hãy về Hà Nội, nhưng vì có cuộc gọi gấp nên anh quay đầu xe về ngay, chỉ kịp trao cho chị cái cạc-vi-zit của anh. Đến chỗ chị hẹn là quán nước đầu làng anh ngạc nhiên nhìn chị bước ra xe. Mới có một tháng mà từ người phụ nữ vui tươi, tràn đầy sức sống chị biến thành một người khác hẳn: xanh xao, gầy yếu, hai mắt thâm quầng, sưng húp… có lẽ vì khóc nhiều. Lên xe không để anh phải hỏi, chị vừa nói vừa nước mắt lã chã rơi. –
Anh chở em lên Hà Nội kiếm giúp cho em nhà trọ tử tế để em ở tạm rồi
kiếm mặt bằng mở quán. Thấy anh đàng hoàng nên em rất tin tưởng. Nhìn vẻ mặt đầy những câu hỏi của anh, chị kể tiếp. – Hôm trước anh đưa em về bất ngờ nên em được chứng kiến cảnh còn bất ngờ hơn. Chồng em, hai con gái em đang vui vẻ quây quần ăn cơm cùng em gái ruột của em. Có điều em em có chửa to lắm rồi. Nó chưa có chồng. Từ ngày em đi đến giờ nó thường xuyên chạy qua nhà chăm các cháu, bọn trẻ con quý nó lắm, lần nào em gọi điện về cũng nhắc tới dì. Em thì ngày nào cũng làm không ngơi tay từ sáng tới khuya, hết chăm người đến dắt chó đi dạo… đâu có gọi điện thoại thường xuyên được. Hồi mới sang nhớ con đêm nào cũng khóc ướt gối, rồi dần dần cũng phải quen thôi. Nhìn cái bụng chửa vượt mặt của nó mà tim em như có ai lấy dao đâm vào. Em muốn gào, muốn đập phá cho hả giận nhưng không làm được vì nó là em ruột của em. Suốt cả tháng nay nó cứ cúi gằm mặt xuống, ăn xong bữa là chui vào buồng. Chồng
em tỏ vẻ ăn năn, hối lỗi lắm nhưng em biết lão rất mừng vì đứa bé là
con trai. Buồn nhất là hai đứa bé nhà em cứ quấn chặt lấy dì, bọn nó xa
mẹ lâu ngày nên không gần gũi nữa. Em mà còn sống ở nhà thêm ngày nào nữa chắc em phát điên mất. Cách đây mấy hôm, em gọi cả hai người ra nói chuyện. Đứa bé sắp ra đời phải làm giấy khai sinh cho nó, nên em sẽ ly hôn, em lên Hà Nội kiếm chỗ mở quán rồi đón hai đứa bé đi. Lão chồng em nhất quyết không chịu nhưng em còn lạ gì đàn ông, mía ngọt đánh cả cụm nữa. Sau cùng lão nói sẽ bán nhà để đưa lại cho em một nửa, còn một nửa hai người đó vào sâu trong làng kiếm miếng đất khác xây nhà. Những ngày ở làng, em cũng chứng kiến bao nhiêu cảnh tồi tệ hơn em nhiều. Anh biết không, em còn may gặp được chủ nhà tử tế đó chứ nhiều chị sang bên đó bị đối xử không khác gì nô lệ, ngày làm quần quật nhưng hở một tí là bị đánh, tối đến còn bị chủ sờ soạng, cưỡng dâm nữa. Vậy mà gửi tiền về chồng mang đi chơi gái hết. Vừa quệt nước mắt chị vừa lẩm bẩm: – Thôi số em nó khổ em đành chịu vậy chứ nhất quyết em không có chung chồng. Em nấu ăn ngon lắm nên em lên Hà Nội mở quán, em tin ông trời sẽ phù hộ cho ba mẹ con em. Nói xong chị mệt mỏi ngủ thiếp đi, còn anh trầm lặng tiếp tục lái xe. Cuộc đời con người chẳng biết thế nào mà nói trước, mới tháng trước ở chỗ dừng chân chị còn nhờ anh ướm thử cái áo chị mua cho chồng mà bây giờ gia đình đã tan nát hết. Xe sắp vào tới Hà Nội anh gọi chị dậy rồi nói. –
Anh có chuyện muốn nói với em. Bây giờ anh đưa em về nhà ở tạm với mẹ
anh. Nhà anh chỉ có hai mẹ con. Mẹ anh rất hiền. Mười năm trước anh lấy
vợ nhưng mấy năm vẫn chưa có con. Đi bác sĩ thì bảo tại anh bị yếu. Thay
vì cùng anh chữa trị thì cô ấy cặp bồ rồi về nhất quyết ly hôn. Về sau
anh mới biết thằng đó là người yêu cũ của cô ấy. Từ đó đến giờ anh không
tiếp xúc với phụ nữ nữa.
Vài năm sau … Ai
có đi ngang khu vực đó sẽ thấy quán phở của chị đông nghịt. Chị bán,
anh thu tiền luôn tay. Bát phở của chị giá bình dân nhưng rất đầy đặn,
ngon lành… là nhờ anh dậy từ khuya đến lò mổ lựa từng miếng thịt, cân
xương. Tính chị xởi lởi, hay giúp đỡ mọi người nên ai cũng quý. Hai bé gái đi học về là sà vào phụ mẹ và hạnh phúc nhất là bà nội lúc nào cũng bế chặt thằng cu bụ bẫm trên tay. Thỉnh thoảng có ai hỏi anh chị làm quen nhau ở đâu mà gái Thái Bình lấy trai Hà Nội, chị lại cười tít mắt: – Ở trên xe chứ còn ở đâu nữa… Chu Thị Hồng Hạnh |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 23148 |
Gởi ngày: 10/Jan/2025 lúc 10:45am |
Phần SốCha tôi kể rằng ông chỉ học đến lớp Ba trường làng, khi tôi cũng
đang học lớp Ba tại trường tiểu học Hòa Do năm 1973. Cha đọc bài thơ "Trường
học làng tôi" của Thanh Tịnh, bài thơ dài, dễ nhớ, khổ cuối rất buồn: Năm nay thôi học ở trường quê
Nhớ lại lòng tôi cảm nặng nề Những buổi thu sương buồn ảm đạm Trống trường vang dội phía sau đê.
Cha đi lính, bị thương ở mắt cá chân, giải ngũ năm 1969. Sau đó ông theo học
khóa y tá ở Quân y viện Nha Trang rồi ra dân sự làm "y tá liên gia" khu
phố Mỹ Ca, Cam Ranh. Ông nổi tiếng với phác đồ điều trị bịnh lậu cho lính và
gái bán hoa, thứ bịnh hoành hành một thời ở miền Nam Việt Nam. Tôi nhớ mẹ từng
giận dữ khi cha ấn vô mông một thiếu phụ khá lâu để dò chỗ tiêm thuốc. Ngoài
nghề y tá, cha còn kiêm thêm công việc đánh máy thuê.
Chỉ với lớp Ba, cha tôi đọc sách y học, sách về bịnh thường thức, nhất là sách
của bác sĩ Lương Phán và Nguyễn Thị Lợi, bác sĩ viết sách trị bịnh hay như sách
văn chương.
Tôi lên lớp Năm, cha vẫn theo dõi và chỉ tôi làm toán, đặc biệt mấy loại toán
trồng cây, nước chảy vào bể, động tử thuận chiều – nghịch chiều, toán khó nhưng
thực tiễn. Cha cùng nhóm thương phế binh ở Cam Ranh mở trường tiểu học tư thục
và luôn cằn nhằn với chánh quyền Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa.
Chỉ với lớp Ba, cha tôi rành văn chương Việt Nam từ khởi thủy đến cuối thế kỷ
thứ 19. Ông thuộc làu Gia huấn ca của Nguyễn Trãi và rất thích thơ "ngẫm
thế sự" của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ. Với sách học làm người,
sách khảo cứu, cha đọc nhiều hai tác gia Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Duy Cần.
Cha làm thêm cho tôi một bản thế vì giấy khai sinh dự phòng, nhỏ tuổi hơn, để
sau này dễ trốn lính, tức ông nghĩ cuộc chiến còn dài chứ không kết thúc đột ngột
vào năm 1975. Dường như với lớp Ba, ngành giáo dục thời trước, đã "sửa soạn"
cho người học ra đời sinh sống và tự học thêm lên.
*** Sau năm 1975, cha đưa gia đình về quê ở làng Long Tường, làng quê điển hình của
khu vực Nam Trung bộ. Làng quê đủ núi đủ sông, trải rộng mấy cánh đồng, đủ cả
đói nghèo và cơ cực của thời bao cấp, thời cấm chợ ngăn sông.
Dù thiếu ăn, cực khổ trăm điều, nhưng cha tự an ủi rằng gia đình mình không phải
đi kinh tế mới như toàn bộ dân trên trục đường qua bán đảo Cam Ranh. "Kinh
tế mới", tức phát hoang rừng núi để trồng sắn bắp, cụm từ gây khiếp hãi một
thời người dân các đô thị miền Nam.
Mấy năm sau, tôi tiếp tục học lên cao. Tôi nhận ra cái làng Long Tường này, chừng
mấy trăm nóc nhà, khinh rẻ gia đình tôi mà không phải lý do cha thuộc diện
"ngụy quân, ngụy quyền". Vậy thì là gì?
Thử một tình huống như vầy: Tôi mang cặp đi học. Một ông trong làng chặn tôi lại,
khi tôi đang cúi người chào ổng, hỏi có vẻ khinh khi:
- Mày con thằng Ba phải không? (Cha tôi tên Ba).
Tôi chưa trả lời thì ông đứng kế bên nói:
- Đúng đấy, nó con thằng Ba ở đợ cho ông Năm Chương đó.
Tôi về hỏi cha, cha nói: "Ờ, quãng cuối những năm 1940s cha ở đợ, chận
(chăn) trâu cho ông Năm. Hồi đó cả làng đi ở đợ chứ riêng gì cha. Ông Năm là
anh họ bà nội con, cha gọi ổng bằng cậu".
Đang bữa cơm, ghế khoai nhiều hơn cơm, nhà tôi đang quây quần, cha kể thêm chuyện
đói ăn: "Buổi sáng ở nhà ông Năm khi đó người ở đợ chỉ được ăn hai chén
cơm. Chén cơm thứ hai cha lén chan nhiều mắm cho mặn để lấy cớ xin thêm cơm,
thành ra ăn được gần ba chén".
Từ đó gặp người lớn trong làng, tôi không chào hỏi nữa. Thấy ai, tôi cũng ghét.
Thấy tôi, ai cũng không ưa. Có người méc cha, thằng con mày thấy tao nó lõ con
mắt ngó không thưa gửi gì hết. Ơ, tôi mắt sâu một mí, sao "lõ con mắt"
được hả trời?
Cha tiếp tục hành nghề y tá. Mấy ông trong làng xưa nhảy núi chiến đấu, giờ có
chức vụ trong thôn, hô hoán: "Thằng Ba ở đợ, có thấy học hành ngày nào đâu
mà giờ dám làm y tá". Vậy là xong, miếng cơm bị chặn, cha không làm y tá
được nữa.
Sau giải phóng, qua những đợt đi khai hoang, làm nông giang, sốt rét kinh hoàng
làng trên xóm dưới. Bệnh viện chỉ có ký ninh, xuyên tâm liên, uống hoài không hết,
da xanh như tàu lá chuối. Người bịnh tới cha tôi, chữa hết ngay bằng một liều
duy nhất, uống một lúc ba viên fansidar của Nhật hoặc Mỹ. Thuốc đó còn tồn ở
các pharmacy, đang bị cấm kinh doanh nên tuồn ra chợ trời.
Đúng lúc trong làng không ai đủ sức "tính cộng" để làm thủ kho hợp
tác xã, cha được ông chủ nhiệm là chỗ bạn học xưa mời "nhận chức".
Lúa nhập kho, đông đảo người, mỗi mã cân trên ba tạ, cân lia lịa. Cha vừa gạt
đòn cân, vừa cộng quá nhanh làm mấy ông trong ban kiểm soát, mỗi ông một sổ, cộng
theo không kịp, cứ nửa chừng là bỏ theo dõi. Cuối buổi cân, mấy ổng làm bộ hỏi
cha để đối chiếu: "Ba, mày cộng nhiêu?". Cha nói bao nhiêu mấy ổng
ghi sổ bấy nhiêu, cha ăn gian quá trời luôn. Kho lúc nào cũng dư hàng chục tấn
lúa, nếu "điều nghiên" trót lọt thì kiếm chác chút ít, sau khi đã
chia cho các ban bệ.
Nhờ cái vụ cha làm thủ kho nhà tôi bớt khổ, bớt khổ thôi chứ nghèo thì định số
rồi. Người trong làng vẫn không ngừng thắc mắc: "Thằng Ba nó học hồi nào
mà giỏi vậy ta?".
Tôi thi đậu sư phạm Qui Nhơn, cha tôi tuổi đã bốn mươi. Vậy mà cứ nói đến cha,
người làng gọi cha là thằng Ba, thằng Ba ở đợ. Khi tôi về dạy toán cấp ba, giờ
gọi là trung học phổ thông, tại một trường địa phương, nhiều người làng có con
cháu học trò tôi, họ uất ức ra mặt. Họ kêu tôi bằng mày và gọi tôi bằng thằng.
Ngồi uống chén rượu với họ, vài lần bị mấy người dựa hơi đâu đó chỉ mặt tôi:
"Mày có tin là tao cho mày nghỉ dạy không?". Lúc đi học, nhiều người
hăm he cho tôi nghỉ, tôi nghe quen rồi.
Cái môn toán cấp ba khó đến độ cả dòng họ xúm vô giải cũng không xong mà con thằng
Ba ở đợ thì đang dạy con cháu mình. Nó còn tranh thủ mắng con cháu mình học ngu
như bò thì làm sao chịu nổi đây, uất ức quá trời ơi. Họ mường tượng tôi mắng chửi
con họ, chứ tôi chưa làm điều ấy bao giờ.
*** Cha với mấy người tôi gọi bằng bác, con ông Năm Chương, là anh em cô cậu. Cha rất
cung kính mấy ông bác, họ vừa vai anh, vừa "cậu chủ" thời cha ở đợ. Mấy
ông bác được ông Năm cho đi học xa nhà, vừa học vừa trốn lính. Ông học cao nhất
đến đệ tam (lớp 10), ông học thấp nhất đến đệ lục (lớp 7). Ông nào cũng lưu ban
ba lần bảy lượt rồi ngưng ngang. Có lần cha nói: "Mấy ổng (tức mấy ông tôi
gọi bác) hồi đó chỉ học tính lớp, đánh đu, tiêu cho hết tiền ông Năm chứ học
hành gì".
Ông bác nhỏ nhứt, con bà vợ hai Năm Chương, học lớp 7 lúc tôi học lớp 5, ngay
sát thời điểm trước thống nhất miền Nam, năm 1975. Ổng cộng trừ nhân chia gì đó
trớt quớt, tôi lén nhìn, tôi bèn chỉ cho ổng. Hôm sau thấy tôi ngoài ngõ, ông
Năm kêu vô nói: "Thằng Phút, mày coi còn bài nào làm không được biểu thằng
Hùng nó chỉ luôn cho chớ mai cha con nó vô lại Cam Ranh rồi". Ui trời, lớp
5 chỉ toán lớp 7.
Ông bác lớn hơn chút, tên Giờ, học tới đệ tứ (lớp 9). Sau năm 1975 bác mở tiệm
sửa xe đạp. Khách đến vá xe hay sửa đúng một cái gì đó, ông nói được ngay số tiền
khách phải trả. Nếu khách thay lốp xe, thay sên líp, cân niềng, thay tăm v.v…
Khách nói tính tiền đi anh Giờ là ổng đứng sững trân. Khách nhắc nhiều lần ổng
vẫn không nói ra được số tiền. Bà vợ từ dưới bếp té tát chạy lên tính dùm.
Ông bác lớn nữa, tên Ngày, học tới đệ tam, ông này cùng tuổi cha tôi. Có lần
bác Ngày muốn vay tiền nuôi heo, số tiền vay không lớn nhưng phải chiết ra, cất
chuồng heo bao nhiêu, mua heo giống bao nhiêu, thức ăn bao nhiêu, phương án trả
nợ, rồi đơn trương thưa gửi các cấp. Bác Ngày nhờ cha tôi làm từ đầu đến cuối,
nộp đơn, vay được tiền của hợp tác xã. Trời ơi, ông lớp 10 nhờ ông lớp 3 viết
đơn vay tiền?
Ông bác lớn nhứt, tên Sáng, cũng học hết đệ tam. Ông sanh một bầy con, đẹp trai
đẹp gái. Chưa bao giờ sự học ở cấp phổ thông dễ dàng như sau ngày giải phóng, vậy
mà bầy con bác Sáng chưa ai có nổi bằng tốt nghiệp cấp ba. Mấy người con cứ đến
ngày thi tốt nghiệp hằng năm làm hồ sơ dự thi, thi mãi không đậu, thi theo hệ bổ
túc cũng không đậu. Riêng gia đình nhà bác Sáng ở thành phố Tuy Hòa, cả gia
đình đều buôn bán ở chợ. Vợ bác Sáng cặp nách cái giỏ lát, đi từ đầu chợ đến cuối
chợ, cho vay nóng và thu tiền chơi hụi, vậy là giàu lút mái.
Kỳ lạ, bốn ông bác Sáng, Ngày, Giờ, Phút học hành không nên hồn ấy nhưng ông
nào cũng giàu có, của ăn của để, của xây nhà to. Ông nào cũng có bà vợ cao ráo
– đẹp gái – chịu thương – chịu khó, hỗ trợ chồng hết mức có thể. Đàn con sanh
ra không thấy đứa nào học hành "coi được", phần lớn đều học trò tôi
nên tôi biết, nhưng không ai đói nghèo. Nhìn đàn con họ ra đời làm ăn, ai cũng
lanh lưa, chụp giựt, giàu nhanh trông thấy: người buôn gà đá, người chạy xe tải,
người bán tạp hóa, người buôn hàng chuyến qua tận bên Trung Quốc. Trong làng, họ
giàu có không thua một ai.
Bác Sáng về quê xây từ đường Phạm gia thiệt to. Tiếc không có cái để ghi vô gia
phả, cả đường học vấn lẫn công danh chốn quan trường. Người Việt thích khoe
danh chứ giàu thì ai cũng thấy rồi.
Cha tôi thì sao? Nghèo hết kiếp, dù ông có không ít cơ hội làm giàu, đó là lựa
chọn của ông. Tôi thì sao? Làm tay giáo viên lo miếng ăn cho vợ con thiếu trước
hụt sau, đói xanh xương cả nhà, cái này thì tôi không có lựa chọn nào khác.
Không lẽ bỏ nghề dạy học để đi buôn, tôi làm gì đủ gan, cái nghề bị chính quyền
khinh miệt gọi "con buôn" ấy. Còn con của tôi thì sao? Chúng học hành
giỏi giang, đứa ra làm công ty nọ kia, đứa làm bác sĩ, lại cũng chỉ đủ chi tiêu
trong chật vật lo toan.
So với người trong làng, gia đình tôi "tinh hoa" đó chớ, "trí thức"
đó chớ. Tính từ cái thời cha tôi ở đợ đến nay, hơn tám mươi năm, ba thế hệ giỏi
giang của nhà tôi, không giỏi hơn ai chứ giỏi nhất làng là cái chắc, vẫn không
"cất cái đầu" lên nổi. Học để "đổi đời" là chưa đủ, nó cần
một vài thứ nữa bổ sung.
Xem ra dân tình chỉ trọng vật chất được sở hữu chứ không trọng cái có trong đầu,
còn tìm cách khinh ghét, tâu báo với chính quyền, cái trong đầu người ta.
*** Người cố công học hành cứ luôn thấy mình hèn kém vì nghèo và đổ thừa cho phần số
đã định. Chính quyền cần hiểu rằng, kẻ thực học luôn có lòng tự trọng, khó cám
dỗ bởi bổng lộc và vô tư cống hiến. Chỉ hiểu dùm nhiêu đó để ứng xử cho đẹp, trả
lương tương xứng, thì thang giá trị đời sống đã không bị đảo lộn, nháo nhào như
hôm nay.
Con gái tôi làm ở bệnh viện tỉnh Phú Yên, tổng thu nhập năm triệu đồng trên
tháng, không đủ cho cái gọi là "tái sản xuất". Nó yêu chàng trai vốn
gốc ở làng, con một gia đình giàu xổi. Cái thằng đó hồi học toán tôi dạy, dở thậm
tệ, giờ nó làm trưởng phòng tổ chức Sở Công Thương, tức quan to đùng. Cha nó học
cùng tôi tới lớp 8 rồi nghỉ vì "đuối sức", ông ấy chưa bao giờ làm
bài tính chia đúng đáp số. Dòng họ nhà chàng rể tương lai không ai dám hó hé so
đo với con gái tôi đâu, nó không khinh ngược dốt nát là may rồi, nhưng quyền uy
chức tước làm họ tự tin bội phần và còn xầm xì: "Ông nội con bé bác sĩ trước
ở đợ cho ông Năm Chương đó".
Hôm đám cưới đàng trai tới rước dâu, xe hơi choán hết lối đi. Đến cái đoạn trao
nhẫn, thằng rể mở cái hộp màu đỏ ra thấy trống không, nó run lẩy bẩy, bảo:
"Con quên chưa bỏ đôi nhẫn vô, chúng trong túi áo con để ở nhà". Trời
đang nóng mà khoác bộ vét, tôi tháo mồ hôi đầm đìa, nói: "Sao con quên kỳ
cục vậy, giờ làm sao?". Tôi định đợi vài giây rồi sẽ bảo thôi, bỏ qua khâu
trao nhẫn. Nhưng "cây muốn yên mà gió gây sự", ông ngoại thằng rể,
cái ông ngày xưa chận tôi lại hỏi có phải con thằng Ba ở đợ nhà Năm Chương, lên
tiếng: "Tính nó hay quên là may đó, chứ nó nhớ chuyện ông nội cháu dâu ở đợ
có mà dễ cưới".
Cha tôi già nua ngồi đó, nín lặng, không biểu cảm như người cõi trên. Tôi sẵn
trong người vài ly rượu, dằn hai tay xuống mặt bàn cái rầm rồi chỉ tay ra cửa,
hét lớn: "Các ông biến mau khỏi nhà tôi, mẹ kiếp các ông”.
Cái rạp cưới rung chuyển như hứng một cơn gió lốc. Người đằng trai can ngăn đằng
trai, người đằng gái can ngăn đằng gái, huyên náo cả lên, vô phương vãn hồi. Bộ
tưởng tôi thầy giáo hiền lành dễ ăn hiếp à? Người ăn cưới, người xem cưới, bu
vô mỗi lúc một đông. Thiệt chẳng ra làm sao cả.
Sau mấy ngày tôi còn giận run cha già mắc dịch, kẻ chưa ra khỏi lũy tre làng
ngày nào nhưng rất quái, thì bảo sao lúc đó nhẫn nhịn cho qua được. Bà con được
phen bàn tán rần rần làng trên xóm dưới, nửa nói tôi đúng, nửa nói tôi ngu, thầy
giáo mà hổng khôn.
Nếu cao cơ, hôm đó tôi bảo: "Thôi đi, chuyện ở đợ hay ho gì chú cứ nhắc miết"
thì đám cưới chắc đến được hồi kết. Nhưng trước sau gì con gái tôi cũng lãnh quả
đắng với gia đình đó khi gạo đã nấu thành cơm.
Con gái nói: "Cũng không báu gì, con gái cha còn có giá lắm đó, con sẽ kiếm
chàng rể giống cha”. Nó nói rồi cười tươi nhưng tôi khó yên lòng với miệng đời
thị phi sắp tới.
Phùng Hi |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
<< phần trước Trang of 197 |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |