Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Quê Hương Gò Công
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Quê Hương Gò Công
Message Icon Chủ đề: Đất lành chim đậu quê ta Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
Hoa Đào
Newbie
Newbie


Tham gia ngày: 15/Apr/2012
Thành viên: OffLine
Số bài: 14
Quote Hoa Đào Replybullet Chủ đề: Đất lành chim đậu quê ta
    Gởi ngày: 23/Aug/2012 lúc 5:43am

ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU QUÊ TA

-----------------

Sự nổi tiếng bất ngờ

Chừng 5 năm trở lại đây, địa danh Long Bình – Gò Công Tây đã được nhiều người biết đến nhờ câu chuyện nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ. Thực tế, Long Bình mà chủ yếu là ở ấp Khương Ninh hiện nay đã là một làng yến với những ngôi nhà đặc chủng cao 3, 4 tầng thi nhau mọc lên ngày càng nhiều. Không gian luôn đặc quánh tiếng chim yến gọi đàn quen thuộc phát ra từ những chiếc loa mắc trên nóc mỗi ngôi nhà suốt từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều . Vào ban ngày, bất kể nắng hay mưa, bất cứ mùa nào trong năm, cứ ngẫng nhìn lên trời bạn sẽ bắt gặp hằng ngàn chim yến bay lượn, ra vào những “ hang” hun hút trên “ lồng cu”- tầng cao nhất của những ngôi nhà yến nhà yến nhưng tập trung đông nhất vẫn là khu vực các nhà yến của anh em ông Mười Thiết.

 Để biết chính xác số nhà yến hiện có của Long Bình, Ta hãy thực hiện một chuyến đi bộ, bắt đầu từ ngôi nhà yến xây xong từ cuối năm 2009 ở góc tây nam của ấp Khương Ninh, sát sông Cửa Tiểu, qua các con hẽm của xóm nhà thờ, đến cầu “ PMU 18” Long Bình rồi theo đường huyện 16A đi về phía ấp Thới Hòa.Quay trở lại, qua cầu Long Bình đến ấp Hòa Phú…mất đúng một buổi. 65 là số nhà nuôi yến hiện có ở Long Bình, tập trung chủ yếu ở ấp Khương Ninh với 54 cái. Riêng ấp Hòa Phú có 10  và ấp Thới Hòa mới có 1. Chủ đầu tư nhiều nhất là Công ty TNHH Dịch vụ & Xây dựng Việt - Úc  sở hữu 5 nhà với vốn đầu tư trên 1 triệu USD. Người thứ hai cũng chính là người đầu tiên nuôi yến ở Long Bình – anh Trần Văn Thiết, chủ thương hiệu “ Yến sào thiên nhiên Mười Thiết” đang sở hữu 4 nhà với diện tích xây dựng hàng ngàn mét vuông. Hầu hết được thiết kế và xây dựng theo tiêu chí của nhà nuôi yến, cao tối đa không quá 16 mét. Có 8 nhà cải hoán, cơi nới từ nhà ở cũ và nhiều nhà xây theo kiểu cộng sinh “ dưới người trên chim”. Kinh phí đầu tư cho mỗi ngôi nhà cũng rất khác nhau. Với loại nhà cải hoán, cơi nới, quy mô nhỏ chỉ tốn 5 – 7 chục đến hơn trăm triệu. Với loại xây mới theo thiết kế chuẩn, quy mô lớn phải tốn từ 7, 8 trăm đến vài tỷ đồng. Nếu tính bình quân mỗi nhà nuôi yến có giá trị đầu tư trọn gói khoảng 1,5 tỷ đồng theo thời giá hiện nay thì trên địa bàn Long Bình đã đầu tư cho nghề nuôi chim yến một nguồn vốn khá lớn.

“ Cổ tích” làng

Tổ yến là món sơn hào hải vị và chim yến là loài hoang dã chỉ sống và làm tổ ở trong hang động, hốc sâu những ngọn núi cao, hiểm trở ngoài các cù lao ven biển miền Trung mà nhiều nhất là Khánh Hòa. Chuyện hồi xưa là vậy, dân Long Bình cũng hiểu vậy. Đùng một cái có tin đồn “ Nhà Mười Thiết có chim yến làm tổ và Mười Thiết giàu lên trông thấy nhờ bán tổ yến”. Ai cũng bán tín, bán nghi. Cuối cùng thì sự thật cũng rõ ràng và bây giờ, ở Long Bình ai cũng thuộc lòng câu chuyện tưởng chừng như cổ tích của làng yến này.

Chuyện kể rằng đến những năm 1965 - 1966, Bình Luông Đông – nay là một phần của xã Long Bình, tiếng là quận lỵ của quận Hòa Bình nhưng chẳng có căn nhà lầu nào. Năm 1968, ông Lê Thành Để làm nghề thợ hồ nên còn được gọi là thợ hồ Để bỏ tiền mua đất và xây dựng một khối nhà lầu 2 tầng gồm 3 căn liền vách kiểu nhà phố mặt quay về hướng bắc nằm phía trên rạch Sáu Thoàn cách cầu sắt gần 100 mét, là một trong ba ngôi nhà lầu duy nhất ở đây vào thời điểm đó.

Anh Năm Dành, con trai cả của ông thợ hồ Để, cũng là chủ 2 ngôi nhà yến đã có thu hoạch, kể : “ Do nhà xây theo kiểu phố, gia đình chỉ sử dụng một căn bìa phía đông để ở và mua bán, hai căn kia đóng cửa bỏ trống nên chim yến vào ở và làm tổ lúc nào cũng không biết nhưng tôi nhớ rất kỹ là sau năm 1975 đã có rồi, lúc đó không ai biết giá trị của yến sào nên thỉnh thoảng ba tôi gỡ một ít tặng bạn bè hoặc đem đổi…thịt heo”. ( ! )

Năm 1988, ông Ba Để chia nhà cho các con. Khối nhà lầu 3 căn được chia cho 3 người là anh Năm Dành, chị Sáu Em ( vợ anh Mười Thiết ) và anh Mười Hai. Vợ chồng anh Mười Thiết nhận căn bìa ở phía tây.

Anh Mười Thiết kể : “ Năm 1988, trong nhà đã có nhiều cặp yến ở rồi, chúng ra vào theo cửa cái trên lầu rồi theo cầu thang xuống bám ở một góc trần nhà tầng trệt. Lúc đó mấy đứa con tôi còn xua đuổi, thậm chí còn đập chết vài con nhưng không biết sao chúng vẫn  không bỏ đi. Thấy vậy tôi không đuổi nữa. Sau đó chúng làm những cái tổ màu trắng đục giống như ổ bạp oáp ( một loại ếch nhái ) treo dính trên tường. Năm 1989, tôi đem chuyện nhà mình có chim yến vào ở và làm tổ kể cho một người bạn ở Khánh Hòa nghe, anh ấy nói có thể là yến sào, rất quý và bảo tôi về hái đem bán thử. Tôi làm theo, cạy được một số tổ rồi mang lên thành phố tìm chỗ bán được đúng 240 gram với số tiền 600.000 đồng. Trở về, tôi dọn nhà ra ngoài ở để nhường nhà cho yến. Đàn yến cứ thế mà sinh sôi nẩy nở ngày càng nhiều”. Đó là “ bí mật” của câu chuyện “ lộc trời” trong nhà Mười Thiết.

Đến đầu những năm 2000, ở Long Bình chưa ai nghĩ tới chuyện xây nhà nuôi yến vì họ cho rằng đã là lộc trời thì “ trời cho ai nấy hưởng”. Riêng anh Năm Dành lại nghĩ yến vào ở căn bên cạnh thì cũng có thể vào ở trong căn của anh. Từ đó, anh mạnh dạn cải hoán lại căn nhà với hy vọng yến sẽ vào ở. Làm đi làm lại nhiều lần suốt vài năm, yến có vào nhưng không ở. Anh không nản chí. Đến năm 2005, người của Công ty Chấn Hưng ( Eka Vietnam ) đến Long Bình tìm cơ hội đầu tư, phổ biến kỹ thuật và cung cấp thiết bị nuôi yến trong nhà. Vậy là anh ký hợp đồng để Công ty này tư vấn thực hiện ngay một nhà nuôi yến theo công nghệ dẫn dụ. Từ 2006 nghề nuôi yến trong nhà ở Long Bình bắt đầu phát triển mạnh.

Có thể giàu nhưng chẳng dễ ăn và nỗi lo còn đó

Theo chủ các nhà yến đã cho thu hoạch, hiện nay mỗi kg yến sào ở dạng thô giá từ 45 đến 50 triệu đồng, loại tinh chế giá từ 60 triệu đồng trở lên. Có lần, tôi hỏi anh Mười Thiết mỗi tháng anh thu hoạch được bao nhiêu kg ? Anh cười hiền hậu: “ Cái này không nói được nhưng vào cao điểm cứ 10 ngày thu hoạch 1 lần có thể được 6-7 kg. Bình thường cũng có khi chỉ được 500 – 700 gram”. Những con số hết sức hấp dẫn .

Từ 2006 người nuôi yến ở Long Bình đã biết ứng dụng công nghệ dẫn dụ nhưng về cơ bản, nghề nuôi yến trong nhà ở đây vẫn mang tính tự phátLà người nuôi yến thành công nhất và cũng là người may mắn nhất ở Long Bình, từ đầu năm 2011 đến nay anh Mười Thiết đang dốc vốn để xây thêm một loạt nhà nuôi yến với tổng diện tích mặt sàng lên đến vài ngàn mét vuông. Nhiều nhà đầu tư khác cũng đã vào cuộc, số lượng nhà nuôi yến tăng lên chóng mặt, nhưng theo các chuyên gia thì điều đó sẽ làm cho khả năng thành công ít đi do yến phải chia sẻ bầy đàn nhiều hơn trong khi sự sinh sản của chúng là có hạn, mặt khác còn do sự cạnh tranh nguồn thức ăn ngoài tự nhiên. Địa điểm xây nhà yến cũng rất quan trọng, không thể tùy tiện. Nhiều người chọn địa điểm xây dựng chưa tốt; thiết kế xây dựng nhà và lắp đặt trang thiết bị chưa đúng quy chuẩn…do vậy, có nhiều nhà cho dẫn dụ suốt cả năm mà vẫn chưa có cặp chim nào vào làm tổ, có nơi chim đến đảo lượn nhưng không ở hoặc ở một thời gian ngắn rồi bỏ đi, vốn bỏ ra chưa biết khi nào lấy lại. Nhiều nhà phải rước chuyên gia sửa đi, sửa lại nhiều lần và cả chuyện rước thầy cúng kiến, bùa chú mà cũng chưa ăn thua.

Bằng cảm quan thì phong trào xây nhà nuôi yến lấy tổ ở Long Bình, Gò Công Tây hiện nay vẫn còn đang “ nóng”, dù chính quyền tuyên bố tạm ngưng cấp phép nhưng còn rất nhiều dự án đang chờ. Tổ yến thật sự là “ vàng trắng”, ai có nhà yến sẽ giàu lên là điều có thể nhưng nếu việc xây nhà nuôi yến cứ tự phát như trước nay mà không có chủ trương,  không có quy hoạch, kế hoạch phát triển cụ thể thì rất dễ rơi vào tình trạng lợi bất cập hại. Cần xem lại cộng đồng sở tại  được lợi đến đâu khi đa số những nhà đầu tư xây những ngôi nhà yến có quy mô lớn từ nơi khác đến trong khi nghề “ nuôi yến” không thuộc đối tượng chịu thuế thì họ sẽ đóng góp gì?. Việc làm cho người dân địa phương từ việc phát triển nghề nuôi yến có chăng chỉ trong thời gian xây dựng nhà nhưng cũng không được mấy ngày và không nhiều. Những nông dân sang nhượng đất để làm nhà yến họ sẽ chuyển đổi nghề nghiệp như thế nào? Cảnh quan môi trường sẽ thay đổi ra sao khi hàng loạt nhà yến được xây dựng xen trong khu dân cư? Ô nhiễm môi trường do chất thải, tiếng ồn và nguy cơ dịch bệnh đối với cộng đồng dân cư nhất là đối với các trường học là một nỗi lo. Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà đầu tư, giữa những “ nhà yến” với nhà dân bình thường… hoàn toàn có thể xảy ra…

Nhưng dẫu sao cũng rất đáng tự hào vì sự độc đáo của một “ làng nghề” mới phát sinh nhưng rất nổi tiếng ở một vùng đất mà Tổ tiên xưa không thể ngờ tới được.

 

HOA ĐÀO

 

Ghi chú : Ảnh và phim về “ Làng yến Long Bình” trên mạng rất nhiều, quý thân hữu chịu khó truy cập và xem.



Chỉnh sửa lại bởi Hoa Đào - 23/Aug/2012 lúc 5:48am
hoadao
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.102 seconds.