Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Quê Hương Gò Công
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Quê Hương Gò Công
Message Icon Chủ đề: Quê hương Gò Công Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 3 phần sau >>
Người gởi Nội dung
hoangngochung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 27/Nov/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 513
Quote hoangngochung Replybullet Gởi ngày: 11/Oct/2012 lúc 8:34am
GÒ CÔNG TÂY

CĐoạn Quốc lộ dài hơn 50km đã xuống cấp nghiêm trọng. Hàng trăm vụ tai nạn xảy ra, ngành giao thông vẫn “bình chân như vại”, nên người dân đã vận động nhau cứu lấy con đường…



Đoạn Quốc lộ 50 từ TP. Mỹ Tho đến huyện Gò Công Đông hơn 50km đã xuống cấp nghiêm trọng. Hàng trăm vụ tai nạn xảy ra vì đường xấu, ngành giao thông vẫn “bình chân như vại”, nên mấy ngày qua, người dân đã vận động nhau ra tay cứu lấy con đường…

Người dân thi công giặm vá đường (ảnh chụp chiều 1.10)
Dự án mở rộng Quốc lộ 50 do Ban Quản lý Dự án 7 (PMU7 – Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, các nhà thầu cam kết hoàn thành vào tháng 6.2011. Tuy nhiên, đến nay nhà thầu đã rút quân, bỏ mặc con đường xuống cấp thê thảm, gây ra nhiều vụ tai nạn thảm thương...
“Hai Lúa” làm đường
Liên tục cả tuần qua, hàng chục người dân xã Bình Nhì và thị trấn Vĩnh Bình, lực lượng dân phòng ấp Bắc và nhân dân tự quản Ấp Bắc (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) đã giặm vá được gần 4km đường Quốc lộ 50 qua địa bàn 2 địa phương này. Ông Trần Văn Hiền – Bí thư Chi bộ ấp Bắc cho biết, ban đầu nhóm chỉ định giặm vá đoạn hư hỏng nặng nhất khoảng vài trăm mét ngay ngã 3 Hòa Đồng, nhưng khi làm gần xong thì người dân 2 bên đường tiếp tục góp thêm tiền mua ximăng, cát, đá đề nghị làm tiếp nên đoạn sửa chữa đã kéo dài đến gần 5km.
Ông Nguyễn Văn Tắng – người khởi xướng chuyện vá đường kể, người dân nơi khác khi đi ngang đoạn đường này thường sụp ổ gà, ổ voi, nếu thoát được ổ này lại dính tiếp ổ khác nên tai nạn thường xuyên xảy ra. “Cứ vài ngày lại có người té xe, có khi mới đưa nạn nhận đi bệnh viện, về tới nhà lại thấy người khác bị tai nạn đúng ngay cái ổ voi cũ. Nhìn người bị nạn máu me đầy mình, nằm rên xiết vì đau đớn, chúng tôi xót xa lắm. Dân trong xóm thay phiên nhau đưa người bị nạn đi cấp cứu nên chúng tôi chỉ mong ngành giao thông sớm sửa chữa con đường. Nhưng càng ngày đường càng xấu vẫn không thấy ai quan tâm..” – ông Tắng cho hay.
Bức xúc chuyện tai nạn, vợ chồng ông Tắng bàn cùng ông Bảy Trạng – người chuyên thi công các công trình xây dựng nhỏ tại địa phương. “Anh Bảy có sẵn xe trộn hồ và các dụng cụ vá đường, nghe tui bàn đồng ý cái rụp” – ông Tắng kể. Nói là làm, vợ chồng ông Tắng, vợ chồng ông Trạng cùng hàng chục người dân, lực lượng dân phòng, công an xã xắn tay vá đường. Hai ngày đầu tiên, công trình “ngốn” gần 70 bao xi măng làm mọi người tá hỏa. Nhưng kệ, mọi người cứ góp tiền góp sức làm cho xong.
Công nhân đặc biệt
Anh Huỳnh Phúc Tâm – công an viên viên thị trấn Vĩnh Bình, người trực tiếp làm đường cùng bà con kể, lực lượng “công nhân bất đắc dĩ” không có ai là “đại gia” nên ngoài việc bỏ tiền túi mua vật liệu, còn phải góp công vì không có tiền thuê người làm. Ngoài cánh thanh niên trẻ khỏe, đội làm đường còn có nhiều thành viên… U70 như bà Võ Thị Tốt (68 tuổi), ông Nguyễn Văn Ba (69 tuổi).
Chiều 1.10, ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết: Ngày 25.9, Bộ GTVT có cử đoàn khảo sát để tính phương án duy tu lại đường. Dự kiến, toàn bộ tuyến đường từ phà Mỹ Lợi (giáp Long An) đến TP.Mỹ Tho đều được sửa chữa. Tuy nhiên, do mấy ngày qua trời mưa nên việc thi công chưa thể tiến hành.
“Hôm trước khiêng cái máy trộn hồ cùng đám thanh niên, chú Ba bị máy đè, giập cả bàn tay. Tụi tụi đòi đi thăm, chú nói bây lo làm đường, làm xong ghé tao sau” – anh Tâm kể. Hàng ngày, hết “ca” sáng mọi người lại kéo tới nhà ông Bảy Trạng, ông Tắng và anh Tâm để ăn cơm trưa. Gạo và thức ăn chủ yếu do bà con tự góp.
Cùng ăn trưa với mọi người ở căn nhà cấp 4 nhỏ xíu chưa trát vữa của anh Tâm, có ai đó nói vui: “Chú Tâm năm nay nhà cửa ngon lành nên mới dám mời khách về nhà, chứ năm ngoái có 9m2, bà con tới chơi toàn đứng ngoài sân”.
Từ ngày làm đường, chị Nguyễn Thị Xuân Duyên (xã Bình Nhì) tạm thời đóng cửa quán cà phê ven quốc lộ, làm phu hồ. Khi nghe tin ông chủ tịch tỉnh hứa thưởng cho những người dân làm đường, chị cười nhẹ nhàng: “Thay vì thưởng dân, tôi chỉ mong lãnh đạo xem xét cho sửa những đoạn hư còn lại”.
Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn Quốc lộ 50 này trước đó có vô số ổ gà, ổ voi và ngập ngụa vì nước mưa không thoát, hiện đã khá bằng phẳng. Người dân hai bên đường cho biết, mấy ngày qua không còn ai bị té xe nữa.
Hữu Danh
http://danviet.vn/105980p1c24/chuyen-la-o-tien-giang-hai-lua-tu-sua-quoc-lo!.htm
Chiều 2.10, PV Dân Việt có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Minh Thủy – Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, xung quanh thông tin người dân phải tự đứng ra sửa Quốc lộ 50.
>> Chuyện lạ ở Tiền Giang: “Hai Lúa” tự sửa quốc lộ!
Bà Thủy cho biết, ngành giao thông chỉ khuyến khích người dân tự sửa chữa đường giao thông nông thôn. Đối với quốc lộ, trong trường hợp hư hỏng mới phát sinh mà cơ quan chức năng chưa phát hiện, nếu xét thấy nguy hiểm thì người dân có thể tự sửa chữa, nhưng sau đó ngành giao thông phải làm.


Quốc lộ 50 hiện do Ban quản lý Dự án 7 (QLDA7), thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Mấy tháng nay, dư luận bức xúc vì con đường hư hỏng gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông nên Sở GTVT đã nhiều lần có văn bản đề nghị Ban QLDA7 khắc phục. Tuy nhiên, cho đến nay con đường vẫn không được sửa chữa dẫn đến việc người dân bức xúc, tự đứng ra vá đường.
Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Như Thạo – Phó Tổng Giám đốc Ban QLDA7 cho biết đã có 3 lần nhắc nhở các đơn vị thi công và đơn vị giám sát về việc sửa chữa các hư hỏng trên Quốc lộ 50, đoạn qua Tiền Giang. Gần đây nhất là Công văn 1555 ký ngày 28.9. Công văn này yêu cầu các nhà thầu nhanh chóng tiến hành sửa chữa các hư hỏng phát sinh trong quá trình khai thác sử dụng.
Hiện nay thời tiết đang mưa liên tục, trước mắt các nhà thầu dùng đá dăm để giặm vá các ổ gà và lu lèn cho đạt yêu cầu, chờ thời tiết nắng ráo thì triển khai láng nhựa nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Chậm nhất đến ngày 1.10 phải triển khai thi công ngay công tác giặm vá cấp phối đá dăm. Công văn cũng yêu cầu tư vấn giám sát phải thường xuyên đôn đốc các nhà thầu nhanh chóng triển khai và giám sát chặt chẽ quá trình sửa chữa. Ngay trong ngày 1.10, Ban QLDA7 đã đi kiểm tra hiện trường, nếu nhà thầu nào vẫn chưa triển khai việc sửa chữa thì sẽ báo cáo Bộ GTVT xử lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những nhà thầu đang “bỏ mặc” Quốc lộ 50 gồm: Công ty TNHH Xây dựng Thành Long, Công ty CP XD-TM Tuấn Thành, Chi nhánh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Công ty CP Đầu tư xây dựng - phát triển nông thôn. Các đơn vị tư vấn giám sát gồm: Phân viện Khoa học công nghệ GTVT Miền Trung, Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình 625.
Theo khảo sát của phóng viên NTNN, trong ngày 1 và 2.10, trên toàn tuyến Quốc lộ 50, các nhà thầu vẫn án binh bất động. Chỉ có người dân sốt ruột và tự phát tổ chức giặm vá theo “kiểu nhà nông”.
Hữu Danh
hung0989077120@ahoo.com
IP IP Logged
hoangngochung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 27/Nov/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 513
Quote hoangngochung Replybullet Gởi ngày: 05/Dec/2012 lúc 8:15pm
CỬA ĐẠI, CỬA TIỂU GÒ CÔNG

birdfly77





xita

hung0989077120@ahoo.com
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 09/Dec/2012 lúc 12:02pm
TỰ HÀO NGUỒN GỐC
(Huỳnh Phạm Phước Duyên.)
 
  "Con người có Tổ có Tông
Như chim có ổ, dòng sông có nguồn"
 
  Đầu năm 2009, Ba Má tôi và tôi có dịp đi dự tiệc Xuân Kỷ Sửu của Hội Đồng Hương Gò Công. Rất may là lúc đó tôi còn đủ song thân, và cuộc họp mặt đồng hương đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng của Ba tôi, vì năm kế đó 2010 vào tháng 8 Ba tôi đã vĩnh viễn ra đi!
  Viết bài này là cách tôi trình bày những điều thu thập được từ Ba Má tôi, thời Ba tôi còn sống, và cũng để các cháu của tôi là cháu Nội, cháu Ngoại, cháu Cố của Ba Má tôi có dịp nhìn lại nguồn gốc của mình khi các cháu trưởng thành trên xứ sở Hoa Kỳ này.
  Ba tôi họ Huỳnh, còn Má tôi họ Phạm. Tôi là con út, khi sinh ra được đặc biệt nhất trong nhà là mang họ kép "Huỳnh Phạm". Thỉnh thoảng, tôi hay đùa khi nhận xét :"Má ơi, đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ của Đạo Hòa Hảo mang họ Huỳnh, còn người khai Đạo Cao Đài là Phạm Công Tắc. Vậy hai họ Huỳnh, Phạm là hai ho. lớn ở miền Nam. Con được mang một lúc hai họ lớn đó Má!". Nghe vậy, Má tôi chỉ cười không nói. Tôi không biết Má tôi cười gì, có "tự hào nguồn gốc" như tôi không?
  Má tôi vốn thuộc dòng dõi trâm anh:
  "Má tôi người gốc Gò Công
 Tuổi thơ Má sống bên giồng Sơ Ri
   Tổ tiên người gốc Sơn Qui
 Vốn dòng Thích Lý, họ thì Phạm Đăng"
  Nói cho gọn thì Má tôi vốn là cháu gọi Hoàng Thái Hậu Từ Dũ bằng Bà cố Cô. Có thể các cháu của tôi sẽ tự hào là vì chúng là con cháu của một bà Hoàng Hậu Việt Nam, nhưng Từ Dũ là ai, nổi tiếng như thế nào thì tôi chỉ có thể bảo rằng bây giờ ở Sài Gòn có một Bảo Sanh Viện mang tên Bà, giống như có một tiểu bang mang tên tổng thống Washington ở Mỹ để kỷ niệm ông vậy. Tổ tiên họ Phạm Đăng ở Gò Công đã rất lâu, cha ông Phạm Đăng Hưng, tức ông Nội của bà Từ Dũ là ông Phạm Đăng Long đã là người Gò Công. Ông Phạm Đăng Hưng là con trai Út, hai người con trai khác là Phạm Đăng Cao và Phạm Đăng Quỳnh, thì chính ông Phạm Đăng Quỳnh là ông Sơ của Má tôi. Ông Phạm Đăng Hưng làm quan cho triều Nguyễn ngoài Huế nhưng gia đình vẫn ngụ tại Gò Công. Đến năm 14 tuổi, bà Từ Dũ, tức Phạm Thị Hằng, mới từ Gò Công ra Huế nhập cung làm vợ chánh Vua Thiệu Trị và sinh Vua Tự Đức. Bây giờ Lăng Hoàng Gia của gia đình họ Phạm vẫn còn ở Sơn Qui, Gò Công. Lúc ông Ngoại tôi còn sống thì ông Huỳnh Minh, người viết cuốn "Gò Công Xưa và Nay"  vô tá túc nhà ông Ngoại tôi ở Hòa Nghị mấy ngày để thu thập tài liệu về dòng họ Phạm để viết sách này.  Không biết có phải nhờ Phước ấm tổ tiên để lại không mà Má tôi học rất giỏi! Thời đó con gái đi học đã là hiếm(thời 1930-1940), vậy mà Má tôi lại đậu Concours, tức kỳ thi Tuyển Sinh vào các trường Trung Học với thứ hạng 50! Thời đó trên toàn quốc kỳ thi Tuyển này chỉ lấy độ 1000 người và toàn tỉnh Gò Công chỉ có 3 người đậu. Hai người kia ngoài Thị Xã, chỉ có Má tôi là người trong làng. Má tôi đâu có đi học thêm như ai, ấy vậy mà đậu mới tài! Ông Ngoại tôi rất mừng, Ngoại phải đi mượn lúa của tá điền trước để đổi ra tiền mặt cho Má tôi đóng học phí, rồi sau đó trả lại bằng lúa, vì sau khi thi đậu Má tôi được vào học Trường Áo Tím trên Sài Gòn "Colle`ge Des Jeunes Filles Indige`ns", sau này đổi tên là Trường Gia Long. Má tôi có bảo với thứ hạng đậu cao như vậy Má tôi có thể xin học bổng, nhưng vì ngại rằng ông Ngoại tôi có ruộng đất, sợ chính quyền xét ra không cho, nên không xin! Theo Má tôi thì họ Phạm Đăng có một tương truyền là chỉ "phát" về nữ giới, tức đàn bà con gái dễ nổi tiếng hơn đàn ông con trai. Bằng chứng là hai cô con gái ông Chủ Ba ở Chợ Mới, Xã Yên Luông Tây, thuộc chi của ông Phạm Đăng Hưng, tức cha Bà Từ Dũ đi thi đều đậu và ra làm cô giáo. Trong đó có một cô cùng đi thi với chồng. Khi có kết quả mới biết cô đậu còn ông chồng lại rớt!  Đến khi hai vợ chồng đi qua phà trở về nhà thì ông chồng nhảy xuống sông tự vẫn! Cô sau này làm Đốc học và vẫn ở vậy nuôi đứa con gái!
 Theo gót Má, các chị 2,3,6,9 của tôi đều là nữ sinh Gia Long, chỉ có tôi vì sinh sau đẻ muộn, lại cách chị 9 tôi đến 8 tuổi nên không còn được học Gia Long nữa, vì trường đã bị đổi tên sau 75, không còn là nữ trung học nữa. Thật là "tréo ngoe", tôi lại học Lê Hồng Phong tức Pétrus Ký trước 75, cũng không còn là trường dành riêng cho Nam sinh. Ôi đáng buồn cười khi Cộng Sản vào mọi thứ đều lẫn lộn và đảo ngược!
  Năm 45 Má tôi ra trường Áo Tím và về lại Gò Công làm cô giáo. Lúc này Ba Má tôi đã thành hôn và cùng với bác Ba tôi là ông Huỳnh Công Thoại có tên trong Hội Văn Thơ Tao Đàn của cụ Hồ Biểu Chánh, một nhà văn lớn của miền Nam. Cụ Hồ Biểu Chánh có làm một bài thơ mô tả Hội Tao Đàn của cụ, với hai câu đầu như sau:
 "Vườn xưa cổ thụ sót năm, ba
  Tươi tốt nhờ thêm mấy đóa hoa..."
Mấy đóa hoa ấy theo ý cụ là để chỉ những nữ nhân như Má tôi vậy!
 
   Đó là họ Phạm, bên Ngoại của tôi.   Còn về dòng họ Huỳnh của Ba tôi vốn cũng là người Gò Công từ đời ông Cố tôi. Ông Cố tôi có ba anh em, ông Cố tôi là Huỳnh Công Giác là một quan văn và em trai ông là Huỳnh Công Điển vốn là quan võ trấn đóng tại Mỹ Tho. Khi triều đình Huế ký hòa ước giao Nam Kỳ Lục Tỉnh cho Pháp thì hai anh em họ Huỳnh xem như mất nhiệm sở. Ông Cố tôi lai kinh tức trở vễ Huế rồi được bổ làm quan tại Quảng Ngãi. Tại đây, ông Cố tôi gặp người vợ đầu là con gái quan Ngự Y của nhà Nguyễn, có một con trai với nhau. Ông Cố tôi sau đó hưởng ứng Hịch Cần Vương theo Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết bôn tẩu sang Lào, Cam Bốt, Trung Quốc, Thái Lan kháng chiến chống Pháp. Người vợ này và con trai không theo ông Cố tôi. Như vậy họ Nội tôi có một chi nhánh tại Quảng Ngãi đã mất tông tích. Người em trai của ông Cố tôi là ông Điển không lai kinh, ở lại cùng nghĩa binh đánh Pháp, thất trận bị thương nặng, cùng tàn binh chạy về đến Chợ Gạo thì chết ở đó. Hiện nay một ngôi làng vẫn còn thờ ông như một Thần Hoàng của làng. Trước khi lai kinh, trên cương vị một anh cả ông Cố tôi đứng ra gả người em gái út cho bên họ của ông Bố Thông, tức cụ Nguyễn Thông, một nho sĩ chống Pháp bị đày ra Phan Thiết. Sau này khi vào tuổi Thất tuần, ông Cố tôi cho người về Gò Công tìm em gái út. Với sự khẩn khoản của em gái và cũng vì tuổi già, ông Cố tôi trở về quê cũ Gò Công sau 40 năm xa cách và đã định cư luôn tại Gò Công.
  Trong thời gian lưu lạc tại Thái Lan, ông Cố tôi hay tin Pháp đã ký kết với triều đình Thái trục xuất hoặc bắt giao lại cho Pháp tất cả những người Việt chống Pháp đang nương náu bên Thái. Ông Cố tôi cùng gia đình và một số binh sĩ chạy về Nha Tráp, một vùng thuộc Cam Bốt sát biên giới Việt nam, khi ấy ông đã có vợ là bà Cố ruột của tôi và đã có ông Nội tôi và người chị của ông Nội tôi là bà Cô tôi. Trong một lần bị Tây bố ráp, gia đình chạy trốn và bị lạc mất bà Cô tôi. Sau đó nghe đồn là bà được một ông Bang chủ người Hoa nhận làm con nuôi và sau đó đem về Trung Quốc. Sở dĩ phải dài dòng như vậy để bạn đọc có thể hình dung một giai đoạn lịch sử của đất nước theo dòng trôi nổi của lịch sử gia đình tôi trong thời Cận đại.
  Nói về dòng dõi thì Bà Nội tôi cũng thuộc gia đình Nho Học. Bà là con ông Tú Lương Đăng Nghiêm ở Vĩnh Long. Ba tôi có kể về giai thoại kết duyên của ông bà Nội tôi như sau: Một ngày gần Tết Nguyên Đán, lúc đang cư ngụ tại vùng Nha Tráp, ông Cố tôi có làm đôi câu đối Tết bằng chữ Nho dán trước cửa:
  "Nhứt Thất Thái Hòa Chơn Phú Quí
   Mãn Môn Xuân Sắc Đại Vinh Hoa"( tạm hiểu là một gia đình ở Thái Hòa có phú quí thật sự, không phải tầm thường, và đầy nhà có sắc mùa Xuân là một vinh hoa lớn).
   Thấy một câu đối chữ xuất hiện ở Nha Tráp là một vùng thuộc Cam bốt sát biên giới hẻo lánh, thương buôn qua lại nơi đây đem câu đối đó về Vĩnh Long bàn tán, sự việc đến tai ông Tú Nghiêm. Vì tò mò và nghi ngờ tại sao tại một vùng khỉ ho cò gáy như vậy lại có người Nho học, biết thơ phú như vậy, ông Tú Nghiêm chống ghe đến Nha Tráp xem thực hư ra sao. Hóa ra mới biết ông Cố tôi và ông Tú Nghiêm là bạn học cũ! Cũng vì vậy mà hai gia đình quen thân nhau rồi gá nghĩa cho bà Nội tôi, Lương Thị Nho, làm vợ ông Nội tôi. Rất tiếc trong những năm 40 thế kỷ trước nhà ông Nội tôi ở làng Kiểng Phước đã bị Pháp đốt cháy, nay không còn lại gì! Ông bà Nội tôi cũng lần lượt qua đời trong những năm 1940, các cô chú bác của tôi cũng vì công việc bỏ làng đi nơi khác, nên giờ đây dấu vết của bên Nội tôi ở làng Kiểng Phước không còn lại gì ngoài khu Mộ của gia đình họ Huỳnh, giờ cũng nằm trong phần ruộng của người ta!
 
    Kỷ niệm về Gò công của tôi, do đó, không có gì nhiều ngoài những hình ảnh về quê Ngoại ở làng Hòa Nghị. Lúc tôi được 5,7 tuổi thì ông Ngoại tôi đã già lắm và có bộ râu thiệt là đẹp ! Ký ức tuổi thơ của tôi về ông Ngoại là những lần được ở cạnh kể chuyện cho ông nghe, những chuyện con nít ngây thơ và những câu hỏi cũng ngây thơ không kém mà tôi cứ hay hỏi đi hỏi lại hoài khiến ông Ngoại tôi phải thốt lên:" Sao mày hỏi dần lân quá vậy?!". Tôi không hiếu hỏi "dần lân"
 là gì, đem hỏi Má, Má tôi cười bảo: " là con hỏi lẩn thẩn mà hỏi nhiều nữa...Ông ngoại không biết đường trả lời, vậy là hỏi dần lân!". Tôi nhớ những đêm trời vừa sáng, Má tôi và tôi ngủ ở bộ ván bên này cái bàn nơi ông Ngoại tôi đặt bộ bình trà mà đặc biệt cái ấm trà được đặt trong một trái dừa lớn, có nắp đậy đàng hoàng mà ông Ngoại làm để giữ ấm trà được nóng lâu. Khi tôi thức giấc thì ông Ngoại tôi đã thức từ khi nào, đang lui cui nấu nước, khuấy sữa, châm trà đợi Má con tôi thức dậy. Tôi nhớ hoài cái bóng to lớn của ông phản chiếu ngọn đèn dầu in trên vách rồi di chuyển in trên xà nhà nơi có những tấm hoành phi "Long Hổ Hội", "Tích Thiện Đường", "Đức Lưu Phương"  bằng chữ Nho mà tôi vẫn hay hỏi nghĩa. Được cái bóng to lớn ấy yêu thương, che chở thì chẳng có hạnh phúc nào bằng! Đến mùa vú sữa thì ông để dành cho vài trái. Biết Má tôi ăn chay, ông lại đội nón ra ngoài mua cho Má tôi hũ chao...Bù lại, Má tôi rất thương Ông Ngoai. Lần nào về quê Má tôi cũng mua về những món ăn Ông thích như thịt quay, bánh mì... 
        Má tôi kể khoảng năm 1925 ông Ngoại tôi có lai kinh, tức là ra Huế dự "Tứ tuần Khánh thọ" của vua Khải Định. Dịp này ông được Vua ban một cái nón chóp có dát vàng và chạm hình rồng cùng một thẻ bài để đeo trên ngực áo như tấm huân chương. Ông Ngoại tôi quí hai vật này lắm. Mỗi khi đi đâu ông đều đội nón và mang thẻ bài! Dáng người ông Ngoại tôi cao lớn, da trắng trông rất phong độ, trong làng Hòa Nghị ai là người biết ông đều gọi ông là Ông Thôn Tây, vì ông Ngoại tôi trông giống Tây lại làm Thôn trưởng, giữ "bộ Đời" của người trong làng, tức những chuyện sống chết của mọi người đều do tay ông quản lý! Má tôi kể bình thường mỗi khi đi ra ngoài ông Ngoại tôi đều tự tay vấn khăn, thứ khăn vấn tuyệt đẹp của những người xưa, hoàn toàn khác xa những khăn đóng vấn sẵn ngoài chợ trông cứng và thô! Mỗi lần ông Ngoại tôi ăn mặc chỉnh tề trong áo the đen, khăn vấn và đeo thẻ bài, Má tôi hỏi Ngoại đi đâu thì ông lại cho biết có khi thì đi đám Giỗ Phước An Hầu, tức ông Phạm Đăng Long, ông Nội bà Từ Dũ, hay những vị trong gia đình Phạm Đăng có chức sắc và thường được làm Giỗ rất lớn. Cũng vì gia đình Ngoại tôi dòng dõi như vậy nên khi Cộng Sản vào họ không ưa gì nhà Ngoại.  Lúc anh 8 tôi học Đại Học Kinh Tế ở Sài gòn sau 75, khi biết được nhà một anh bạn gia đình Liệt sĩ trong lớp ở Gò Công, anh 8 tôi dò hỏi anh bạn đó về gia đình nhà Ngoại tôi, cũng là hàng xóm của gia đình anh bạn này, thì anh bạn trả lời :"Gia đình đó phong kiến phản động lắm!", tức là cùng loại "ác ôn" như Ngụy quân Ngụy quyền. Thật là sặc mùi Vô sản đấu tranh giai cấp! Mà nay thì họ những người Cộng Sản có "Vô sản" đâu?! Dù sao ông Ngoại tôi đã ra đi năm 75, vừa khi đất nước bước vào một giai đoạn đen tối nhất: quân lính sĩ quan miền Nam phải đi"học tập cải tạo", còn dân chúng thì khổ sở thiếu thốn trăm bề! Thật đỡ tủi cho Ngoại tôi phải thấy cảnh nhiễu nhương của đất nước!Lần cuối chúng tôi về quê Ngoại là vào năm 1991. Trước khi lên phi cơ qua Mỹ cả gia đình chúng tôi về thăm Gò Công lần cuối. Lúc đó, nhà Ngoại chỉ còn gia đình cậu Tư tôi sống. Tôi nhớ Má tôi cũng mua thịt quay, bánh mì về đãi, nhưng Ngoại tôi thì chẳng còn đâu nữa. Má tôi cứ nhớ ông Ngoại tôi mãi, và ân hận vô cùng vì không về kịp trước khi áo quan ông đóng lại.  Lần ấy về sau 16 năm kể từ năm 1975 Ngoại mất, tôi thấy Má tôi đứng rất lâu trong khung cửa chỗ nhìn ra cái ao bên hông nhà...Chắc Má tôi thầm từ giã Ngoại và bảo rằng theo vận nước Má tôi và chúng tôi đành ngậm ngùi nén lệ ra đi, bỏ lại phía sau ngôi nhà Ngoại cùng những kỷ niệm, bỏ lại phía sau một đất nước đen tối, thiếu thốn khổ sở vì không có tự do!
  Mấy ngày gần đây Nam California trời bỗng hay mưa! Bao giờ cũng vậy, mưa làm tôi nhớ nhà khôn xiết và tự dưng muốn làm thơ. Lần này không hiểu sao, dòng tư tưởng lại đưa tôi về ngôi nhà của Ngoại thủơ xưa, chớ bây giờ thì ngôi nhà ấy đã thay da đổi thịt, thành bê tông cốt sắt chớ không còn là ngôi nhà gỗ ba gian, hai chái như trước nữa...Tôi xin viết ra đây bài thơ vừa làm, cho bạn đọc thưởng lãm, như một lời nhắn nhủ những ai là con dân đất Gò Công, xin hãy trân quí những kỷ niệm một thời về vùng đất này, vì có thể trong tương lai chúng ta không bao giờ còn thấy những dấu vết vàng son ấy nữa...Chúng mãi mãi sẽ chỉ là kỷ niệm chúng ta mang theo trên xứ sở tạm dung này về một nguồn cội rất đáng yêu thương và hãnh diện!
  "Mợ Tư vo gạo nấu cơm
Chái nhà thơm khói bếp rơm lửa hồng
   Trời mưa bong bóng phập phồng
Mưa rơi ướt lá trầu không sau vườn
   Ngoại nằm đưa võng bên giường
Bờ ao vẳng tiếng ễnh ương vọng vào
   Đèn dầu lớn ngọn, bóng cao
Bóng in vách tối thẫm màu thời gian
   Hoành phi bảng gỗ mơ màng
Ôi ngôi nhà Ngoại thuở vàng son xưa!"
 
 
California, Mùa Đông 2012
Huỳnh Phạm Phước Duyên.

Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
Phanthuy
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 960
Quote Phanthuy Replybullet Gởi ngày: 10/Dec/2012 lúc 11:54pm
Anh Mười Lăm ơi,
Bài viết của cô Phước Duyên này hay và hấp dẫn quá. Anh lấy từ đâu vậy? Và xin hỏi anh có quen biết với cô ấy không?
PT muốn biết cô ấy đang ở đâu , ba cô ấy tên gì và quan trọng nhất là muốn xin đăng bài viết này vào báo Xuân năm nay của Hội Ái hữu Gò Công được không anh Mười Lăm?
PhanThuy-CA
IP IP Logged
Phanthuy
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 960
Quote Phanthuy Replybullet Gởi ngày: 12/Dec/2012 lúc 11:30pm
Kinh' gửi anh Mười Lăm ,
PT hỏi anh xuất xứ bài này đã 2 ngày rồi mà anh không chịu trả lời cho PT.
PT đã tìm ra được rồi , bài ấy do cô Xuân Phương đã được anh của tác giả gửi cho và XP đã forward cho bạn bè xem(mà quên tên PT ) PT đã liên lạc và xin tác giả được in bài này cho Báo Xuân Ai' hữu Gò Cổng rồi , thôi khỏi phiền anh nữa.


Chỉnh sửa lại bởi Phanthuy - 12/Dec/2012 lúc 11:30pm
PhanThuy-CA
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 15/Dec/2012 lúc 2:04pm

Cá Kèo

Nguyễn Văn Nhựt

Lời người viết: Đây không phải là bài nghiên cứu. Không theo sách vở hay theo một tác giả nào. Xin người đọc miễn thứ cho về phần văn chương hay nghệ thuật. Từ đây trên email của người viết sẽ cống hiến mục "Chuyện Quê". Viết lại những kỷ niệm của quê mình.

Cá Kèo

Cá kèo, ở quê tôi thường gọi là cá bóng kèo. Giòng họ cá bóng chăng? Cá bóng cát. Cá bóng dừa, cá bóng sao, cá bóng trứng, cá bóng kèo .... Nhưng các cá bóng nầy đâu có giống nhau đâu!

Cá kèo có một thời bị xem là hạng thấp kém, hạng “bét’. “Hạng cá kèo” thì không còn ai chấp nhứt nữa. Đi máy bay mà hạng cá kèo là hạng “Economic”. Hạng rẻ tiền nhứt. Nhưng từ khi bo bo thành món cao lương, đuôn dế cào cào, châu chấu thành món mỹ vị. Cái thời ai ai cũng thích “Khoái ăn sang” Khoai lang, khoai mì phơi khô nấu cơm thay gạo. Cái thời đỉa còn phải nuôi để xuất cảng sang ‘nước lạ” thì cá kèo lại có giá. Từ các món “Cá kèo” bình dân người ta bây giờ chế biến không biết là bao nhiêu món. Quảng

cáo trên báo chí, trên TV và cả trên internet để mời gọi các đại gia, các ngài đỉnh cao trí tuệ về miền tây để thưởng thức.

Trước năm 75, cá kèo là món ăn bình dân. Ta hãy nhìn lên bàn ăn, đúng hơn là trên cái giường tre. Vài người ở trần, bận quần xà lõn đưa cay bằng dĩa khô cá kèo nướng. Loại khô muối lạt lạt. Phơi dốt dốt một hai nắng, đem nướng thấy nó tươm mỡ mướt rượt. Mùi thơm quyện với khói trắng bốc lên từ bếp than hồng. Ai đói bụng thấy mà chẳng chảy nước miếng. Thay đổi món khác. Cũng lại là món cá kèo, cá kèo nướng.

Gần bên nhà có một cái ‘Xà ngôm”. Chừng nào muốn ăn thì đem cái rổ ra, “trút xà ngôm’, cá kèo còn sống tươi hoi hói, nhảy nhót, vùng vẫy như muốn vượt biên khỏi cái rổ tạm giam nầy. Nghề của các bà xã là cập gắp nướng. Muốn cá không bị cong queo, các bà lấy cọng lạt dừa lụi từ trên miệng xuống để giử cho nó thẳng, cập gắp rồi đem vô bếp. Ở quê, nhiều nhà thường kháp rượu (nấu rượu), lúc nào cũng có than hồng, rất tiện lợi. Cá kèo tươi bắt đầu trở thành màu vàng, mỡ chảy ra nhểu xèo xèo xuống than. Mỡ cháy thành lửa ngọn. Mùi thơm từ nhà dưới bốc lên làm mấy ông tiên đang nhậu phải hít hít mũi.

--Bà nó ơi, đem lên một hai gắp để lai rai trước đi, cái mùi cá bay lên đây ai ai cũng biết cá chín rồi!

Đúng như câu: “Gái Gò Công vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con”. Ai có phước lắm mới cưới được gái Gò Công.

Các ông chồng lo nhậu còn mấy bà hoàng hậu thì lo mồi. Có xứ sở nào được như vậy hôn?!

Có bao giờ mấy ông mời bà xã ngồi chung đâu. Một chút lại nghe sai:

-Bà nó ơi, nước mắm me gần hết rồi. Bà làm cho một chén nữa.

Cá kèo nướng hay khô cá kèo nướng phải chấm với nước mắm me mới đúng điệu. Bà xã hiểu ý ông chồng và dư biết chuyện đó nên vội vàng làm ngay.

- Bà nó ơi. Hết rượu nữa rồi, bà cho thêm một xị nữa đi.

- Bà nó ơi, cho một cái chén mới, một đôi đũa. Anh A. mới tới.

Hàng xóm không mấy người, có “động dao động thớt” thì nhào vô. Hôm nay thì nhà tao, ngày mai nhà mầy. Không mời cũng tới. Nhậu là tình nghĩa mà, vắng mặt là mất lòng. Tình nghĩa ở quê tôi là như vậy.

- Bà nó ơi. Cho thêm một chút rau

- Bà nó ơi. Nấu cho một nồi cháo.

Ông chồng hết sai chuyện nầy rồi đến chuyện khác. Đôi khi nhà hết rượu phải đi mượn nhà hàng hàng xóm, và đôi khi ông chồng còn cho chó ăn chè. Bà vợ phải nói tiếng Mỹ: “OK Thau”. Gái Gò Công là như vậy. Nếu đãi đằng không đàng hoàng thì sợ làm mất mặt chồng. Tất cả hy sinh cho chồng cho con.

***

Người Việt ở Mỹ, nói chung người Việt ở Hải Ngoại thường tưởng rằng cá kèo chỉ có ở Cà Mau, hoặc ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh. Thật ra cá kèo có ở các tỉnh nằm ven biển. Vũng tàu, Gò Công cũng có rất nhiều cá kèo.

Môi trường thích họp:

Nước ngọt: Cá kèo không sống lâu được trong nước mưa (nước ngọt). Các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương thì không có cá kèo. Nếu rọng cá kèo trong nước mưa thì nó sẽ chết hết

Nước mặn: Cá kèo cũng không sống lâu được trong nước mặn (nước biển). Nếu rọng cá kèo trong nước biển thì cũng sẽ chết hết.

Nước lợ: Nước lợ là nước “pha chè” (danh từ địa phương của tôi) là pha trộn của dòng sông nước ngọt với nước biển.

Các cù lao, các trãng cạn ở sát biển khi mùa mưa là nước đã pha chè, rất thích họp cho cá kèo sinh sống. Các ruộng rẩy ở sát biển, các láng ở sát sông gần biển là nơi cá kèo định cư thích họp.

Quan sát kỷ hơn, cá kèo sống trong hang. Các hang nhỏ bằng ngón tay. Hang nào như hang nấy. Có những nơi cá kèo nhiều thì hang dầy đặc. Trong một tất vuông có hơn 10 cái hang. Đặc biệt cá kèo thì con nào bằng con nấy. Chẳng biết con nào là mẹ con nào là con, vì tất cả bằng nhau. Theo như sự trưởng thành thì phải từ nhỏ rồi lớn lên mới phải. Còn cá kèo thì chẳng ai thấy con nào lớn hơn và con nào nhỏ hơn!

Trong ca dao Việt Nam có câu: “ Cá mè một lứa” để ám chỉ mọi vật bằng nhau, như nhau. Tại sao người ta không dùng cá kèo. ‘Cá kèo một lứa”?. Cá kèo thì thật sự mới bằng nhau.

Khi nước trong veo, nhìn kỷ thấy cá kèo bơi rất nhanh. Xẹt một cái là đi cả thước. Ít khi thấy cá kèo lội từ từ. Khi thấy bóng người thì trong một giây tất cả đều vô hầm trú ẩn. Không biết có thực tập trước hay không, không có còi báo động, không cần lịnh lạc của cấp chỉ huy, nhưng thấy có biến cố thì hành động chớp nhoáng. Muốn bắt một con “vịt đẹt” chậm chạp còn kẹt lại ở hiện trường cũng không thấy.

Một đặc biệt của cá kèo là không thấy trứng. Các cá bóng khác thì trứng đầy bụng nhìn rất rõ. Rõ nhứt là cá bóng trứng, cá bóng dừa.

Nhiều người ở quê tin rằng tôm đất và cá kèo là do đất sanh. Dì Mười quê ở xã Kiểng Phước có mấy công đất làm ruộng muối trên đường đi Vàm Láng. Xung quanh đấp đê thật kiên cố để ngăn chặn nước vào. Vậy mà vào mùa mưa nước ngập, tôm đất sanh ra nhiều muốn chật cả nước luôn. Hết tôm, kế đến là cá kèo. Cá kèo nhiều, nhiều như mình rọng trong lu.

Giải thích làm sao đây. Không có nguồn nước từ sông, từ biển vào. Xung quang là bờ đê thật kiên cố. Mùa nắng thì khô rang, đất nứt nẻ. Không thể nói cá kèo từ nước mưa trên trời rơi xuống.

Trong động vật học có câu: ‘Không động vật nào tự nó sanh ra”. Có loài sinh ra bằng cách trực phân (các loại đơn bào) như con đỉa, con rươi. Có loại sanh ra trứng và sẽ nở thành con. Có loại thì sanh ra con… Trường họp tôm đất và cá kèo thì sanh ra trứng. Vì trứng nhỏ quá, mình không để ý không thấy. Trứng càng nhỏ thì lượng càng nhiều. Trứng sẽ bám vào đất, vào cỏ vào gốc rạ đợi môi trường thích họp sẽ nở thành tôm đất con, cá kèo con. Trứng nầy sẽ sống nhiều năm, kể cả nắng khô vào mùa hạ. Sau nắng ấm, gặp nước mưa thì làm cho trứng nở nhiều.

Vài món ăn từ Cá Kèo:

1/- Cá Kèo Nấu Cháo

Cá kèo nấu cháo chỉ thấy ở quê, nơi có cá kèo phải tươi. Mới vừa lấy từ trong “Xà ngôm”, từ “đục đáy” đem ra. Tại sao? Nhiều người cứ đinh ninh rằng cá kèo có nhớt, ăn rất tanh. Điều đó chỉ đúng với cá kèo đã bị bắt hơi lâu. Vì ở dưới nước cá kèo không có nhớt. Khi lên bờ hay bị bắt khá lâu thì vì bản chất sinh tồn, cơ thể cá kèo tự tiết ra chất nhờn để thích hợp với môi trừơng mới. Khi cá kèo đã lên đến chợ thì đã có nhớt rồi. Vì vậy người ở thành thị đừng mong thưởng thức món “Cá kèo Nấu Cháo”.

Cách nấu cháo:

Trước hết, nấu một nồi cháo trắng bình thường. Nêm nếm cho vừa ăn. Khi nồi cháo còn đang sôi sùng sục thì trút cá kèo từ xà ngôm vào nồi cháo ngay. Các người đóng đáy cũng thực hiện cách nầy trên ghe khi còn ở ngoài khơi.

Phân lựợng. Trung bình thì một chén cháo với 3 hoặc 4, hoặc 5 con cá kéo. Nhiều ít thì tùy thích. Một điều chú ý là sau

khi để cá kèo vào nồi cháo thì không nên để sôi lâu hơn 5 phút. Có người chỉ đợi vừa sôi lên, cá kèo vừa nổi lên thì ăn liền.

Cách ăn. Rất đơn giản, cháo nóng, cá kèo nóng vào trời chiều trên ghe đóng đáy; chỉ có nước mắm nhỉ, một lọ tiêu sọ vài trái ớt tím và nước mắt quê hương. Chỉ bao nhiêu đó cũng làm vừa lòng những người hành nghề “Đâm Hà Bá” đang bềnh bồng trên sóng biển.

Ta hãy xem những tay sành điệu cầm đũa. Chỉ vuốt một cái là từ đầu đến đuôi, thịt cá đã vào chén cháo. Còn lại toàn bộ xương mong manh để riêng bên ngoài chiếc mâm. Có người thì dùng miệng, đưa nguyên con cá lên. Mấp mấp mấy cái rồi nhả xương ra. Thịt cá đã vào tận bao tử. Không quên nửa ly xây chừng rượu đế. Khà một cái. Đả quá.

Các bạn có biết gan mề mật cá là ngon nhứt không? Nó béo béo, đăng đắng, bùi bùi. Không thể tả được. Chỉ có cá kèo mới có những đặc điểm nầy. Vậy mà người thành thị lại bỏ đi. Quê quá, không biết ai là quê.

Có nhiều người đã từng ăn nhiều loại cá, từ cá biển, cá nước ngọt, cá nước lợ. Họ cùng có chung một kết luận: “Cá Kèo là ngon nhứt” Mà trong cá kèo thì mề, gan, mật là vật chi bảo.

Cá kèo Kho Gợt:

Cách nấu cũng giống như nấu cháo. Chỉ khác là chỉ dùng nước sôi. Sau khi nêm nếm vừa ăn thì bỏ cá tươi vào nồi. Cũng đừng để sôi lâu hơn 5 phút. Để cà chua và lá quế (lá húng quế) cho thơm. Một vài trái ớt cắt mỏng bỏ vô nồi canh.

Các món khác thì không cần thiết phải là cá kèo tươi. Tiện nhứt là Khô cá kèo. Tiện là vì di chuyển xa được.

Cũng có vài điều chú ý về khô cá kèo: nếu muốn ăn trong vài ngày thì không cần phải thêm muối. Chỉ phơi chừng một hoặc hai nắng là ăn được rồi. Nếu muốn để lâu hơn thì phải phơi khô hơn. Nhưng lâu quá thì khô cá kèo bị hôi dầu! (mỡ).

Muốn để dành trên một tháng thì phải mặn và treo ngoài thóang khí.

Các món cá kèo kho tộ, kho tiêu, kho quéo, kho quẹt là những món ăn cơm thường ngày. Thường người ta cắt đôi con cá và cho thêm một ít thịt ba-rọi, hoặc một ít tóp mở cho thêm béo. (Ở Mỹ thì sợ béo lắm)

Lẩu cá kèo và bún nước lèo là món rất thông dụng chẳng những ở miền quê mà nó đã thạnh hành ở Sài Gòn và bây giờ chạy ra tới Hà Nội. Hiện giờ vượt biên theo làn sóng người Việt tỵ nạn khắp nơi trên thế giới. Nơi nào có người Việt thì nơi đó có cá kèo.

Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
van phan
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 12/Mar/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 173
Quote van phan Replybullet Gởi ngày: 20/Feb/2013 lúc 5:49am

Về rẫy ăn còng

 
 
 Ầu ơ ...Gió đưa gió đẩy , về rẫy ăn còng
 
Còng%20ngon%20vương%20bóng%20mẹ,%20Tin%20tức%20trong%20ngày,%20cong,%20mam%20cong,%20con%20cong,%20goi%20cong,%20am%20thuc,%20mon%20ngon%20de%20lam,%20mon%20ngon
 
Còng%20ngon%20vương%20bóng%20mẹ,%20Tin%20tức%20trong%20ngày,%20cong,%20mam%20cong,%20con%20cong,%20goi%20cong,%20am%20thuc,%20mon%20ngon%20de%20lam,%20mon%20ngon
 
Thời phong kiến, nhiều người mẹ Việt Nam cam phận “gió đưa gió đẩy”. Và lỡ phải theo chàng về miệt rẫy, thì phải biết chế biến nhiều món còng ngon ... , cho tròn phận vợ hiền dâu thảo.
Đứng cạnh một góc sông Vàm cỏ, anh Tám Nhịn ở ấp Muôn Nghiệp, xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền giang, chỉ tay ra mặt sông, giọng trìu mến: "Khúc sông này có dòng nước xoáy ngầm mạnh dữ dội lắm. Cũng chỉ có chỗ này, đám cá ngát, chìa vôi, bông lau... thường lui tới kiếm mồi".

Còng ở vùng nước lợ gần cửa sông.

Khoảng 50 năm trước, vùng đất anh Tám sống hiện nay là dãy ruộng "biền dai", thuỷ triều và cá tôm lên xuống thoải mái, ngày hai lượt. Thời đó, người ta chỉ trồng lúa một vụ/năm, toàn những giống chịu phèn lợ và kháng sâu bệnh tốt như huyết rồng, nàng co... nên không cần thuốc trừ sâu. Nhờ vậy, đám còng chạy đỏ rẫy, lũ tôm đất, tôm bạc búng nghe tanh tách dưới chân ruộng, bọn cá bống kèo lội lềnh khênh ở mấy vũng trâu nằm... Cái ngon thuần phác thật gần kề!

Ấm áp quà sông

Được biết, ngày trước, từ cuối tháng mười âm lịch, sau vụ gặt, dù thất hay trúng mùa dân "khổng tước nguyên" (gò có nhiều chim công đậu) đều nấu mâm cơm gạo mới cúng thần nông, vị thần bảo hộ mùa màng. Họ nhanh tay bắt con cá lóc đồng mập ú trong ao, con cua biển "chắc nụi" ngoài bìa rẫy đem nướng trui, pha dĩa mắm còng thật khéo, cắt mớ đọt rau lang mập mạp, bới tô cơm gạo mới... thành kính khấn vái, nguyện cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa lúa sau trúng hơn mùa trước.

Còng có nhiều loại, mỗi loại hợp với vài kiểu chế biến khác nhau. Ví như còng chìa vôi, có một càng to khệnh khạng, màu vàng tươi hoặc nửa vàng nửa xanh rất bắt mắt. Thịt càng rất ngọt thơm, nên người ta chỉ dùng móc sắt ngoé lấy càng nó đem rang hoặc nướng ăn chơi. Còng ta thịt ngọt nhưng ít gạch, hợp với các món rim, lăn bột chiên... ăn cơm. Nhỏ con hơn còng ta, dáng bò lom khom trông thật khổ sở nhưng cho nhiều gạch và rất béo, đó là còng quều. Từ cuối tháng mười âm đến tháng giêng, thịt da chúng đầy đặn hơn. Bắt chúng về ủ mắm thì ngon khỏi chê.

Nỗi buồn mắm "tiến vua"

Mùa này, nắng chang chang nóng bức không kém cái nắng miền Trung. Thế mà hay! Không có nắng gắt, mắm còng sẽ không chín tới. Mặc nắng gây "nổi đom đom mắt", các mẹ các chị ở đây càng cười tươi, vì họ tin chắc sẽ có mẻ mắm còng ưng ý. Mắm ủ khoảng một tháng là ăn được. Nhưng vẫn chưa thật ngon. Phải để trong mát thêm vài tháng nữa, mắm mới thật hao cơm! Cứ vậy, họ trữ để dùng dần quanh năm.

Còn một "bí sử" về loại mắm nhà quê này. Theo ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, hoàng thân triều Nguyễn, hiện ở Gò Vấp, thời đức bà Từ Dũ (Phạm Thị Hằng) làm dâu đất thần kinh, mắm còng cũng từng thuyết phục được nhiều cái lưỡi kén ăn chốn cung đình. Thời ấy, cứ đến xuân hè, ghe bầu chở thổ sản từ Gò Công như: mắm còng, mắm tôm chà, mắm nghêu... ra Huế cho bà Từ Dũ, để khuây khoả nỗi nhớ quê!

Nhưng ông Ưng Viên khẳng định, vua xưa không hề ăn các loại mắm tiến cung, vì sợ bị đầu độc. Mặc dù không được vua "ngự", song mắm còng cũng góp phần vỗ về tâm hồn người xa xứ như bà Từ, giúp bà toàn tâm gánh tròn vai mẫu nghi thiên hạ và làm một bà mẹ mẫu mực cho hậu thế noi theo.

Thiếu vắng mắm còng lột!

Nguyên liệu để làm mắm còng chua đạt hàng đệ nhất khoái, không thể thiếu con còng lột tự nhiên. Cũng như cua, ba khía, khi chuẩn bị lột xác còng tích trữ thật nhiều dinh dưỡng, cao điểm là giai đoạn hai da (còng cốm). Còng tách bỏ "bọng đái", rửa sạch, để ráo, cho uống vài ly rượu đế. Không thể thiếu vài cục cơm nếp nấu nhão, mấy cọng củ riềng hoặc củ gừng non xắt nhuyễn để mắm nhanh lên men. Vẫn chưa hoàn hảo, cần thêm nắm lá chùm ruột nửa non, nửa "dày dày" (không quá già) và năm ba lát mía còn da lèn chặt lại. Hũ dùng nhận mắm là những vật dụng bằng gốm như vịn, tĩn, khạp nhỏ – bên trong không tráng men. Đậy kín, để ở chỗ nắng râm. Đợi ba ngày sau đã ngon ăn!

Hiện còng lột đang khan hiếm, nên gia đình anh Tám Nhịn nghĩ ra cách xả chất vôi từ con còng chắc, để ủ ra một loại mắm còng dẻo khá độc đáo. Anh Tám không giấu nghề, cởi mở chia sẻ: "Ban đầu nhận 1 ký mình còng ngập trong dung dịch đun sôi để nguội gồm: nước mưa, 8g đường, 4g muối và mớ ớt hiểm giã. Mười ngày sau chất vôi sẽ nổi hết lên trên. Đổ ra hết. Vắt khô. Gia vị thêm, ủ lại, chờ chua". Nhưng anh Tám cho rằng mắm còng dẻo ăn chỉ "đỡ ghiền thôi", chứ sao bằng mắm còng lột.

Làm mấm chà còng
 
 
Tấn Tới báo SGTT
                                      
 


Chỉnh sửa lại bởi van phan - 20/Feb/2013 lúc 7:28am
IP IP Logged
hoangngochung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 27/Nov/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 513
Quote hoangngochung Replybullet Gởi ngày: 22/Mar/2013 lúc 4:06am

Truyền kỳ về võ sĩ bất bại xứ võ Gò Công



Với chuỗi trận hầu như bất bại trên các đấu trường trong nước vào quốc tế, mới 20 tuổi, cái tên Trần Bình Long đã trở nên lừng lẫy. Dũng mãnh chiến thắng lời thách thức của Lý Diệu Quang – môn đồ Lý Tiểu Long, Trần Bình Long khiến bao nhiêu trái tim người hâm mộ Việt Nam thổn thức vỡ òa. Và cho đến tận bây giờ khi nhắc đến huyền thoại võ kinh trên xứ Gò người ta vẫn không ngớt lời ca tụng về tay đấm không biết mệt – Trần Bình Long.

Tuyệt chiêu bất bại “Phượng dực bạt phong” Quả thật rất ngạc nhiên, khi Trần Bình Long, võ sĩ một thời làm khiếp đảm các anh tài trên sới võ lại có vẻ mặt hiền hòa, nhân dáng hậu hữu đến như vậy. Trần Bình Long cười giải thích: “Bỏ tập lâu rồi, người cứ thế phát tướng. Mà người học võ đâu cốt để lộ ra mình biết võ”.

Trước mặt chúng tôi là người đàn ông luống tuổi, cách chuyện trò rặt phong thái miền tây sông nước. Và bên chén trà chiều muộn, Trần Bình Long từ từ góp nhặt những mảnh quá khứ oai hùng. Ông tên thật là Trần Văn Mừng, năm nay đã hơn 60 tuổi, đang sống tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang. Ông là một trong những môn sinh ưu tú, góp phần phát dương quang đại cho võ đường Triệu Tử Long, hệ phái võ kinh xứ Gò Công. Cùng với vị huấn luyện viên thanh sắc toàn tài Hồng Long, ông đã trở thành huyền thoại của đất võ xứ Gò.

Sở dĩ báo chí thời đó gọi Trần Bình Long là “tay đấm không biết mệt” vì trong sự nghiệp võ thuật của mình ông gần như bất bại. Với tuyệt chiêu “phượng dực bạt phong”, ông liên tục chiến thắng bằng cách hạ nốc ao đối thủ. “Phượng dực bạt phong” cùng với ông tung hoành từ nam chí bắc, qua tận xứ Miên, Nam Dương, Hong Kong, Trung Quốc … Với mãnh lực vô song, chiêu thức này đã khiến giới võ thuật thời bấy giờ vừa kinh hãi lại vừa bội phần thán phục. Đến nỗi, đến tận bây giờ người ta vẫn thêu dệt những lời đồn đại ly kỳ về “phượng dực bạt phong”. Rằng, ông đã lĩnh hội hết tinh hoa của phượng dực bạt phong, nên mỗi khi ra chiêu thức là lập tức hạ gục đối thủ. Rằng mỗi khi ông xuất chiêu, trong khoảnh khắc liền xuất hiện luồng khí mang hình dáng phượng hoàng xé gió, vút lên trời cao …

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Chính, giáo viên trường PTTH Bình Long, Gò Công, Tiền Giang là người từng học võ cùng thời với Trần Bình Long, thì sở dĩ có lời thêu dệt như vậy là vì, Bình Long liên tục hạ gục các đối thủ trên đất Miên, Nam Dương … Mà võ sĩ đến từ các nước này, thường bị đồn đại là biết sử dụng bùa chú, nên chiến thắng của Bình Long khiến người ta tin rằng ông thật sự có phượng hoàng bảo vệ. Đem những lời này thuật lại với Trần Bình Long, ông cười ngặt nghẽo: “Người ta đồn đại là vậy cho thêm phần màu nhiệm, võ thuật vận dụng sức người là chính chứ không có quyền phép gì ảo diệu đâu”. Trần Bình Long chậm rãi giải thích: “Phượng dực bạt phong hay còn gọi là nôm na là chỏ lật nằm trong bộ Phượng hoàng quyền pháp của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đòn chỏ lật chủ yếu dùng cùi chỏ để bủa ra phía sauu, hay lật bủa từ trên cao xuống”. Thấy chúng tôi ngỏ ý muốn xem thế đánh, Trần Bình Long cười tươi rồi ngay tức khắc mặt liền thay đổi. Từ hiền hòa, Trần Bình Long trở nên trang nghiêm, quắc thước đến lạ lùng. Ông vừa di chuyển, vừa dùng lời giảng giải: “Gối, chỏ là những kỹ thuật cận chiến của võ thuật cổ truyền. Tượng hình các thế đánh củi chỏ như đôi cánh phượng hoàng là 'phượng dực”. “Phượng dực bạt phong” nghĩa là cánh phượng hoàng xé gió. Đấy vốn là một đòn hiểm nhưng thường dùng để đánh ngã đối phương chứ không chủ tâm gây chết người.



Phượng hoàng là loài chim chỉ xuất hiện khi bình an, thịnh vượng nên không phải ngẫu nhiên mà các bậc tôn sư lựa chọn cánh phượng hoàng làm biểu tượng cho kỹ thuật sử dụng củi chỏ”. “Tay đấm không biết mệt”.

Thuở ấy, võ thuật được rất nhiều người yêu thích. Các sới đấu luôn đông nghẹt người và võ sĩ được tôn lên như những anh hùng. Bởi thế, như bao cậu trai cùng lứa, ao ước của cậu bé Mừng là sau này lớn lên sẽ được trở thành võ sĩ. Mỗi khi có hội đấu võ là y như rằng Mừng trốn ngủ trưa, chân trần chạy hàng mấy cây số để đến xem cho bằng được những trận thượng võ đài. Lớn lên một chút, Mừng tìm đến võ đường Triệu Tử Long, nổi tiếng khắp đất Gò Công để ghi danh học võ. Tuy gầy nhom như ống lau, ống sậy nhưng Trần Bình Long vốn dĩ có ngộ tính võ thuật nên nhanh chóng trở thành môn sinh ưu tú. Và dưới sự dìu dắt của vị võ sư tài năng Hồng Long, con trai của sư tổ hệ phái Triệu Tử Long, Mừng cùng các đồng môn chẳng mấy chốc vang danh miền lục tỉnh. Năm 1974, Trần Văn Mừng lúc ấy đã được đổi tên hiệu là Trần Bình Long, được Hồng Long ghi danh tham dự giải võ thuật quốc gia. Năm ấy, Trần Bình Long vừa mới tròn 20 tuổi. Do thể hình thấp bé, chỉ cao 1m63 lại khá nhỏ tuổi nên chẳng mấy ai chú ý đến thí sinh Trần Bình Long. Dù cậu lính mới này không cần thắng điểm, mà lọt vào vòng trong với chuỗi trận liên tiếp hạ nốc ao đối thủ. Cho đến trận bán kết 1, cái tên Trần Bình Long mới được người ta kiêng dè. Trận này, Trần Bình Long đấu với Lê Bảo Châu, một đàn anh dạn dày kinh nghiệm hơn Bình Long rất nhiều. Nhưng chỉ trong vòng 50 giây đầu tiên của hiệp đấu, Trần Bình Long đã một chiêu đánh rớt đài Lê Bảo Châu. Lúc này, người ta mới ngỡ ngàng về chiêu thức dũng mãnh mà bấy lâu Trần Bình Long sử dụng. Đó không gì khác chính là “phượng dực bạt phong”. Và cũng với tuyệt chiêu này, ông đã bước lên bục cao nhất của giải đấu võ thuật năm ấy. Mới đạt giải vô địch ngày một ngày hai, ngày thứ 3 đã có võ sĩ đến thách đấu cùng ông. Thầy trò ông dù không khiếp sợ nhưng nếu cứ thi đấu liên tục e rằng sức của ông không chịu nổi. Trong khi đó, võ sĩ đến thách đấu ngày càng nhiều. Lại có những đàn anh đã nổi danh từ trước đó như Xuân Hải, Lâm Điền Vũ (võ đường Xuân Bình, Sài Gòn cũ). Lo lắng là vậy nhưng trong những lần thượng đài, ông lại xuất sắc hạ gục các đối thủ bằng “phượng dực bạt phong”, và tiếp tục toàn thắng với chuỗi trận nốc ao. Ngày ấy, sân Tinh Võ, cạnh bên thao trường Nguyễn Trãi (nay là trường đại học Sư phạm Thể dục – Thể thao Sài Gòn), lúc nào cũng căng dải quảng cáo với cái tên Trần Bình Long thật lớn để thu hút khách. Và với chiến thắng liên tiếp, ông được giới báo chí thời bấy giờ ca ngợi là “tay đấm không biết mệt” tại Việt Nam.

Về sau, do thời gian lưu lại Sài Gòn đã quá lâu với ông cũng đã quá mệt mỏi với những trận thượng đài liên tục nên võ sư Hồng Long quyết định không nhận lời thách đấu nữa. Ông đưa Bình Long về quê để tiếp tục luyện tập và học văn hóa. Nhưng cái duyên với sới đấu chưa hết, mới nghỉ được vài ngày, Trần Bình Long lại tiếp tục bị “lôi kéo” đi chinh phục các sới võ dọc dải đất miền Trung – nơi có bề dày truyền thống võ học thuộc hàng bậc nhất ở Việt Nam. Và cũng chính chuyến du đấu này đã khiến Trần Bình Long suýt nữa bị Tổng cục võ thuật rút lại danh hiệu “Đương kim vô địch”. Chinh phục sới võ miền Trung Nguyên cớ là do võ sư Hoàng Thọ, từ miền cao nguyên đất đỏ nghe danh thầy trò Bình Long bất bại đã không quản đường đi khó, lặn lội xuống tận Tiền Giang để tìm gặp. Cảnh kích thịnh tình của Hoàng Thọ, võ sư Hồng Long đã cao hứng kết nghĩa an hem. Và Hoàng Thọ cũng không giấu giếm ý định mượn Bình Long cùng các môn đồ khác đi du đấu dọc giải đất miền Trung. Mượn nghĩa là Bình Long cùng các đồng môn phải lấy tên hiệu khác, theo tên hiệu của Hoàng Thọ và giả làm đệ tử của ông. Hồng Long cũng không hẹp hòi gì, nhưng ngặt nỗi Bình Long mới lên ngôi vô địch chưa lâu. Lỡ chuyện đến tai Tổng cục võ thuật lại rắc rối cho đứa học trò cưng. Nhưng Hồng Long từ trước đến giờ vốn rất mong muốn được giao đấu và học hỏi thêm tinh hoa của các hệ phái danh tiếng dọc vùng duyên hải miền trung. Điều này, sẽ khiến ông và các môn đồ của mình mở rộng tầm mắt, nay có người tài trợ kinh phí và đưa đi, thì quả thật rất khó từ chối. Sau vài lần hội ý, các học trò của ông đều đồng ý đòi đi. Bởi vậy, vị võ sư này cũng đành tặc lưỡi chọn quân theo Hoàng Thọ đi du đấu. Về phần Bình Long, đổi tên hiệu giả là Hoàng Hùm. Quả thật, như những gì Hoàng Thọ mong đợi, đội đệ tử giả của ông thắng trận như chẻ tre. Người ta còn ưu ái đặt cho Trần Bình Long, bấy giờ là Hoàng Hùm danh hiệu “Hùm xám của cao nguyên đất đỏ”. Lúc này, giới võ thuật đã bắt đầu xôn xao về chiêu thức hạ gục đối thủ của Hoàng Hùm. Người ta cho đó chính xác là “phượng dực bạt phong” của đương kim vô địch Trần Bình Long. Nhưng vẫn không ai dám đứng lên xác thực, vì báo chí thời ấy chưa được phổ biến, mặt mũi Trần Bình Long tròn méo ra sao, “Phượng dực bạt phong” uy dũng thế nào cũng chỉ nghe truyền miệng chứ chưa bao giờ tận mắt thấy.



Miền Trung vốn có tinh thần thượng võ rất cao, dù có bại trận các võ sĩ cũng không bao giờ để dạ hận thù, hiềm khích mà còn rất trọng vọng đối thủ đã chiến thắng mình, để được dịp học hỏi thêm tinh hoa võ học. Bởi vậy, Hoàng Hùm ở miền trung được tiếp đãi rất ân cần. Uy danh của “Hùm xám cao nguyên đất đỏ” nhanh chóng được vang xa. Bấy giờ, võ sĩ nổi danh của Quảng Ngãi là Nguyễn Tiến Dũng đã nghe tiếng Hoàng Hùm nên có ý định thách đấu. Biết Nguyễn Tiến Dũng vỗn là võ sĩ có tiếng tăm, nên Bình Long phải về hỏi ý kiến Hồng Long. Đây là cơ hội để ông càng có thêm kinh nghiệm thượng đài nên Hồng Long nhận lời. Ông đâu ngờ rằng, tuy Hoàng Hùm không ai biết, nhưng Nguyễn Tiến Dũng vốn dĩ không phải hạng tầm thường, nên trận đấu này chẳng mấy chốc đến tai Tổng cục võ thuật. Ngày thi đấu, khán giả đến xem đông nghẹt khán đài. Khán giả đông, Hoàng Hùm hơi nao núng, nên để thăm dò thực lực đối phương, ông liên tục né đòn. Đang tấn công vô thưởng vô phạt, bỗng Nguyễn Tiến Dũng tung đòn hiểm. Thì ra, từ nãy giờ Tiến Dũng chỉ đánh cầm chừng để dồn hết sức và nghi binh cho đòn hiểm này. Nhanh như cắt Hoàng Hùm xoay người né đòn, đồng thời tay phải sử dụng chiêu phượng dực bạt phong, bủa thật mạnh từ trước ra sau khiến Tiến Dũng không kịp trở tay, dính đòn và ngay lập tức rớt đài. Nguyễn Tiến Dũng không dậy nổi, trọng tài tuyên bố Hoàng Hùm thắng nốc ao. Phía dưới khán đài, tuy Bình Long chiến thắng nhưng vẻ mặt Hồng Long lại bỗng nhiên thất sắc, vì ông đã nhận ra sự có mặt của đại diện Tổng cục võ thuật. Thầy trò Trần Bình Long lập tức được lệnh triệu tập của tổng cục võ thuật. Nhưng như đã nói từ trước, Hồng Long ngoài tài huấn luyện môn sinh, ông còn nổi tiếng thanh sắc toàn tài. Với ngoại hình thanh tú, hoạt ngôn sắc sảo, Hồng Long từ trước khiến các vị chức sắc trong tổng cục có đôi phần cảm mến. Và vời tài biện hộ của mình, Hồng Long đã giúp Bình Long thoát khỏi một phen rắc rối.

Trở lại quê nhà, không lâu sau đó Trần Bình Long ghi danh tham gia giải đấu “người cày có ruộng”. Giải đấu được diễn ra ở Cần Thơ, tập trung hầu hết anh tài võ thuật miền tây. Vì đây là giải đấu giao hữu, nên không có cơ cấu giải. Tuy nhiên, lại với chuỗi bất bại, Trần Bình Long của hệ phái Triệu Tử Long, thuộc dòng võ kinh xứ võ Gò Công đã bắt đầu vang danh khắp miền Tây lục tỉnh. Lúc bấy giờ giải đấu nổi lên một cái tên cũng uy danh không kém đó là Nguyễn Hoàng Điểm, thuộc võ đường Tần Hớn, người mang đai tứ đẳng của môn phái Thái cực đạo. Ông được ghép với Nguyễn Hoàng Điểm để tranh tài. Ông hóm hỉnh kể lại: “Ông Nguyễn Hoàng Điểm có xăm trên lưng nguyên một con rồng rất to. Mình mẩy đỏ ké, nên người ta thường gọi là 'cây trụ đồng của võ đường Tân Hớn'. Nhìn ổng thôi, cũng đủ khiến mình sợ rồi”… Nhưng nói là nói vậy, ông sau hiệp đấu thăm dò đối thủ, đến hiệp thứ hai vẫn tiếp tục hạ nốc ao Nguyễn Hoàng Điểm. Hạ được đối thủ đáng gờm nhất giải, lúc này, Hồng Long mới công bố Trần Bình Long chính là đương kim vô địch.

Từ đó, tiếng tăm của Trần Bình Long danh chấn từ bắc chí nam, đi đâu ai ai cũng nể phục. Trận đấu “cân não” với môn đồ của Lý Tiểu Long Trở thành võ sĩ chiến thắng tuyệt đối tại Việt Nam thời bấy giờ, Hồng Long khuyên Bình Long ngừng nhận lời thách đấu trong nước. Nhưng cũng chẳng được nghỉ ngơi lâu, các thư mời thách đấu từ các võ sĩ ngoại quốc lại được gửi về tới tấp. Bình Long lại cùng thầy đối mặt với các võ sĩ đến từ Miên, Nam Dương, Thái Lan … Tuy chiêu thức của võ thuật các nước này chưa bao giờ Bình Long được chứng kiến, nhưng ông vẫn oai dũng giành chiến thắng mang lại niềm tự hào cho nền võ thuật Việt Nam. Trong suốt quãng thời gian chinh chiến của mình, Trần Bình Long chưa hề thất thủ và chỉ để hòa điểm một trận duy nhất với võ sĩ Thái Lan tên phiên âm là Pon-pen-ma-lai (mỗi trận đối kháng thời điểm ấy thường có 3 hiệp tính điểm, và nốc ao đối thủ ở hiệp nào thì dừng lại ngay ở hiệp đó). Và trong những lần giương cao cờ Việt trên đấu trường quốc tế, có lẽ nhớ nhất với Trần Bình Long là trận nghênh chiến với Lý Diệu Quang, môn đồ của Lý Tiểu Long. Nhận được thư thách đấu của Lý Diệu Quang, cả Trần Bình Long và Hồng Long đều bồi hồi không yên. Vì trước giờ, người bạn láng giềng phương bắc luôn tự hào về nền võ học tinh hoa đã tích tụ từ mấy ngàn năm về trước. Tuy đã không xa lạ gì với những trận tranh hùng với võ sĩ nước ngoài nhưng lần thượng đài cùng Lý Diệu Quang lại có ý nghĩa hoàn toàn khác. Không ai bảo ai nhưng tất cả những người trong đoàn đều tự hiểu rằng, đây chính là cơ hội để võ thuật cổ truyền nước ta khẳng định thế không hề thua kém công phu của Trung Hoa rộng lớn. Nhưng tình thế lại hoàn toàn bất lợi cho Bình Long. Đến cận ngày thi đấu, Bình Long mới biết là phải sử dụng găng tay mi ni, chỉ được bao nửa bàn tay, thứ mà cậu chưa bao giờ dùng tới.



Một trận đấu của võ sĩ Trần Bình Long (Ảnh: Diễn đàn người miền Tây).


Hơn nữa, Trần Bình Long lại có vóc dáng nhỏ hơn đối thủ, bấy giờ chỉ cao có 1m63 nặng 51 kg, còn Lý Diệu Quang lại cao đến 1m70. Tay và chân dài hơn, luôn là lợi thế khi giao đấu trực diện.

Bình Long khi ấy còn quá trẻ, nhận ra được tầm quan trọng của lần thượng đài này, ông cứ đứng ngồi không yên. Biết trò lo lắng, Hồng Long luôn túc trực động viên để lấy lại sự tự tin cho chàng trai trẻ. Đêm trước trận đấu, để thể hiện sự trọng thị của mình, Lý Diệu Quang đã tìm gặp Bình Long, Diệu Quang tặng cho ông một chiếc quần jeans mới tinh, ông thật lòng không muốn nhận nhưng do khác biệt về ngôn ngữ, ông không biết phải làm sao để diễn tả ý muốn của mình. Điều này khiến cậu bé Bình Long dạ đã rối, giờ lại càng rối hơn. Ngày thi đấu, Hồng Long vỗ vai Bình Long đầy tin cẩn. Bên dưới võ đài, những con tim Việt đang thổn thức hướng theo từng bước chân của Hồng Long. Vào hiệp 1, như thường lệ, Bình Long chưa vội tấn công, cả Lý Diệu Quang cũng vậy. Cả hai chỉ đánh cầm chừng để dò đòn đối phương. Tuy vậy nhưng các đòn thế vẫn không kém phần đẹp mặt. Công phu Trung Hoa quả thật không tầm thường, các đòn thế của tay chân luôn kết hợp uyển chuyển, nhìn thì đẹp mắt nhưng hiểm hóc khôn lường. Nhưng Bình Long cũng không phải là hạng tay mơ. Bao nhiêu tinh hoa của võ cổ truyền mà ông đã lĩnh hội đều được mang ra thi triển. Với năng khiếu thiên bẩm, Bình Long liên tục hóa giải thành công những thế đánh của Lý Diệu Quang. Sau mỗi lần hóa giải đều kèm theo một đòn hậu, lợi dụng lực của đối phương khiến đại diện phía Trung Hoa mấy lần thất kinh, biến sắc. Nghỉ giữa hiệp, mọi người trong đòan cố pha trò để tạo tâm lý thoải mái cho Bình Long, nhưng cả ông và Hồng Long đều không nói không rằng. Không khí căng thẳng đè nặng lên số khán giả ít ỏi có mặt tại Hồng Kông năm ấy. Vào hiệp 2, Lý Diệu Quang nhờ lợi thế chiều cao vung quyền đấm thẳng vào giữa ngực Bình Long, ông bình tĩnh né đòn. Nghĩ Bình Long mới xoay người chắc hẳn chưa kịp về lại thế thủ bộ vững nên nhanh như cắt, Diệu Quang kèm tiếp một đòn đá vắt, nhằm ngang người Bình Long lướt tới. Thì ra, cú đấm thẳng là đòn giả, bao nhiêu lực Diệu Quang dồn vào cước này, nếu Bình Long trúng đòn e rằng văng ra khỏi đài, gãy xương chứ chẳng chơi. Phía dưới võ đài, Hồng Long thất sắc, vì ông đã nhìn ra đây là một đòn sát thủ. Bình Long nhíu mày rồi như một cơn gió, ông nhẹ nhàng lướt người qua trái, đạp cước tiến, tay tung chiêu phượng dực bạt phong. Bộ quyền pháp phượng hoàng quả thực ảo diệu, lại được Bình Long sáng suốt kết hợp nhuần nhuyễn, biến thủ thành công khiến Diệu Quang trở tay không kịp, lãnh trọn một đòn trời giáng ngã lăn ra võ đài. Tất cả khán giả đồng loạt đứng dậy, hồi hộp theo từng nhịp đếm của trọng tài, rồi vỡ òa theo tiếng tung hô : “Bình Long Việt Nam đã hạ nốc ao Lý Diệu Quang của Hồng Kông”. Và cho đến tận bây giờ, Trần Bình Long nay là thầy giáo Mừng vẫn không thể nào quên được cảm xúc tuyệt vời của lần đối đầu năm ấy. Bình Long chạy ngay xuống đài, Hồng Long ôm chầm lấy học trò, những giọt nước mắt hạnh phúc vỡ òa. Tất cả những người trong đoàn Việt Nam năm ấy, đều nghẹn ngào trong niềm hạnh phúc ngập tràn.


võ sĩ Trần Bình Long đang nhận cúp vô địch


Sau 1975, Bình Long về quê theo nghề gõ đầu trẻ và trở thành thầy giáo Mừng. Sau, ông bỏ nghề giáo cùng vợ làm kinh tế, việc làm ăn cứ thế phát đạt, nhưng Bình Long vẫn canh cánh không yên vì hệ phái Triệu Tử Long đang đến hồi suy thoái. Bình Long buồn buồn nói: “Mới đầu cũng duy trì sới võ, nhưng rồi khó khăn quá, mọi việc cứ thế buông xuôi. Mà hiện nay, cũng ít ai có cái tâm theo được võ cổ truyền. Nếu mà hệ phái Triệu Tử Long thất truyền chắc an hem chúng tôi mang tội lớn”.

Trần Bình Long còn kể, các võ sư của hệ phái Triệu Tử Long như Hồng Long, Hồng Yên, Sơn Long … ai cũng muốn khôi phục lại uy danh của Võ kinh xứ Gò. Kết chuyện, Bình Long chỉ thở dài: “Nhưng tình hình hiện tại, dường như rất khó. Hồng Long bị đột quỵ, ngay cả đến tôi thầy cũng không muốn gặp, anh em người mất, người vất vả mưu sinh. Biết phải làm sao”.


Chỉnh sửa lại bởi hoangngochung - 22/Mar/2013 lúc 4:27am
hung0989077120@ahoo.com
IP IP Logged
Nhân Kiệt
Newbie
Newbie


Tham gia ngày: 23/Mar/2013
Thành viên: OffLine
Số bài: 32
Quote Nhân Kiệt Replybullet Gởi ngày: 26/Mar/2013 lúc 2:10am
Dưới bài viết này không ghi tên tác giả cũng như trích từ ấn phẩm nào nhưng ai cũng có thể truy nguyên nguồn gốc của nó thông qua công cụ Google.
Theo tôi biết thì trong bài viết này có mấy chỗ quý độc giả cần xem lại :
1/- Võ sĩ phía phải  trong tấm hình thứ hai không phải là Trần Bình Long mà chính là Hồng Long. ( Có thể đối chiếu ở nhà ông Bảy Thời )
2/- Về " nhân chứng" thầy giáo Nguyễn Văn Chính có phải là người từng học võ cùng thời với Trần Bình Long hay không ( có chỗ xưng là đệ tử Hồng Long ) thì xin mời quý độc giả hãy tìm hiểu trực tiếp ở những thầy giáo lớn tuổi ở ngôi trường này trong đó có Trần Văn Quờ cũng có tên là Trần Bình Long 2 - em ruột của Trần Văn Mừng. Chuyện học võ thì hãy trao đổi với ông Đặng Văn Chói ( hiện sống ở ấp Ninh Quới, xã Long Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang )và tất nhiên, Trần Bình Long và những bạn đồng môn cùng thời với ông cũng biết rất rõ trong số họ có ai tên Nguyễn Văn Chính hay không.
Tôi cũng đề nghị thầy Hoàng Ngọc Hùng khi cho đăng bài trích từ một ấn phẩm nào đó thì nên giữ nguyên câu chữ, hình ảnh đồng thời ghi rõ tên tác giả và ấn phẩm để độc giả có thể truy nguyên khi thấy cần thiết. Hơn nữa đó cũng là nguyên tắc tối thiểu của chuyện viết lách.


Chỉnh sửa lại bởi Nhân Kiệt - 26/Mar/2013 lúc 2:46am
IP IP Logged
Nhân Kiệt
Newbie
Newbie


Tham gia ngày: 23/Mar/2013
Thành viên: OffLine
Số bài: 32
Quote Nhân Kiệt Replybullet Gởi ngày: 28/Mar/2013 lúc 5:22am

Ngôi đình cổ có rễ bồ đề uốn quanh

Với lối kiến trúc cổ lạ lẫm, đình Tân Đông là ngôi đình độc nhất ở Việt Nam có bộ rễ ôm trọn thân đình.

Người dân ấp Gò Táo, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang coi ngôi đình như báu vật, là trái tim của cả làng, cả xã.

Ngôi%20đình%20cổ%20có%20rễ%20bồ%20đề%20uốn%20quanh

Theo những bậc cao niên làng Gò Táo thì ngôi đình đã tồn tại hơn 100 năm nay, nhờ có 2 cây bồ đề mà ngôi đình còn tồn tại được đến bây giờ.

Ông Nguyễn Văn Đời (75 tuổi), người tự nguyện chăm sóc cho ngôi đền không bị bỏ hoang từ hàng chục năm nay, cho biết, đình Tân Đông được phong sắc thần dưới thời chúa Nguyễn.

Ngôi%20đình%20cổ%20có%20rễ%20bồ%20đề%20uốn%20quanh

Tuy nhiên, tờ sắc phong đã bị mất vào khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.

Hai năm đầu hòa bình lập lại ngôi đình bị bỏ hoang. Đến năm 1978, ông Đời giết thịt 2 con gà đem hương khói lại. Từ đó, người dân tiếp tục đến cúng bái.

Ngôi%20đình%20cổ%20có%20rễ%20bồ%20đề%20uốn%20quanh

Mấy năm trở lại đây, có nhiều đoàn khách nước ngoài về đây thăm quan, chụp ảnh, quay phim.

Năm 2010, ngôi đình này được trao bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh nhưng hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo Dantr


Đọc thêm tại: http://www.vietgiaitri.com/la-vui/chuyen-la/2013/03/ngoi-dinh-co-co-re-bo-de-uon-quanh/#ixzz2OpQ6Xq5F
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 3 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.164 seconds.