Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Quê Hương Gò Công
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Quê Hương Gò Công
Message Icon Chủ đề: Hành trình ăn Tết những năm thơ… Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
hoangngochung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 27/Nov/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 513
Quote hoangngochung Replybullet Chủ đề: Hành trình ăn Tết những năm thơ…
    Gởi ngày: 08/Mar/2012 lúc 3:30am

 

Trần Lê Túy-Phượng

Gò Công, quê hương đồng sâu nước mặn của tôi với đàn cò trắng lút nhút đầy đê. Ông ngoại có vườn me và lờ, đó, đặt bên dòng sông nhỏ sau nhà, luôn luôn vớt đầy ắp cá lóc, cá bống kèo, tôm đất… Bà Năm, chị của ngoại, và chỏ xôi vò cơm rượu. Bà Chín, em của ngoại, và nồi kiểm. Dì Ba Thận, chị của mẹ, và nồi thịt kho tàu dưa giá. Dì Bảy Nghi, chị của mẹ, và nghệ thuật bánh ít bánh tét có một không hai. Và mẹ tôi với các món bánh mứt cây trái phủ phê vào những ngày đầu xuân… Những người thân yêu đó, đã qua đi trong đời này, đã có một lúc đưa tôi vào hành trình ăn Tết thời thơ trẻ xa xưa…

Những ngày Tết của tuổi thơ là áo quần mới, lì xì, chơi cả ngày, chẳng ai la mắng, và… ăn uống thả giàn, với những món ăn ít thấy trong năm. Ngày Tết đối với tôi là một hành trình thưởng thức những món ăn tuyệt vời bên ngoại. Nguời ta có thể nghỉ Tết, vui Tết, chơi Tết, thưởng thức Tết… nhưng riêng tôi thì tôi giữ đúng truyền thống “ăn Tết”.

*

Kể từ năm tôi 8 tuổi cho đến năm 18 tuổi, năm nào cũng vậy, cứ khoảng tháng 11 âm lịch là tôi và Lan, em gái, được mẹ dẫn đi may cho mỗi đứa 2 bộ bà ba mới, thường là vải tơ trắng có một chút bông hoa gì đó. Mẹ tôi thích màu trắng.

Có quần áo mới xong là chị em tôi háo hức chờ đến ngày 30 tháng chạp được về nhà ngoại ăn Tết. Mẹ và hai chị em tôi ở Xóm Đạo, Chợ Gò Công, từ đó về nhà ngọai ở Bình Luông Đông khoảng 6 km, đi bằng xe kéo, tức là xe ngựa không mui, gặp mưa mà không có áo mưa thì ráng chịu. Nhưng thường chẳng bao giờ có mưa vào dịp Tết.

Ngày 30 tháng chạp là ngày ngoại và mẹ tôi cúng rước ông bà tổ tiên và chờ đón giao thừa. Ngay sau giao thừa, ngoại và mẹ tự xông đất nhà mình để khỏi lo người vận đen xông đất, làm mình dông cả năm.

Cả một năm chỉ có đêm giao thừa là chị em tôi được phép thức khuya, được ăn đêm cùng mẹ và ngoại, nên hí ha hí hửng vui mừng, không biết mệt.

Nhưng vui nhất phải nói đến ngày mùng 1 hôm sau, ngày hai chị em tôi theo ngoại và mẹ đi mừng tuổi mọi người trong gia tộc, theo thứ tự lớn trước nhỏ sau, bắt đầu từ Bà Năm, chị ông ngọai. Dù là thức khuya đón giao thừa đêm trước, có khi gần 2 giờ sáng mới đi ngủ, nhưng hừng đông ngày hôm sau là tôi thức tọt ngay dậy, rửa mặt rửa mày, thay quần áo mới, tóc tai thắt bính, không mỏi mệt chút nào.

*

Nhà Bà Năm Tết nào cũng đầy đủ các món ăn. Nhưng đặc biệt nhất là món xôi vò cơm rượu. Ngày đó tôi không có một khái niệm nào về cái ngon cái dở của món ăn độc đáo này của Bà Năm, mà tôi chỉ biết là ăn ngon lắm. Và tôi thường chờ đợi được thêm chén thứ hai, mà hoặc Bà Năm hoặc Dì Tư con bà chắc chắn sẽ cho. Mãi sau này lớn lên, có kinh nghiệm ăn món này tại nhiều nơi, tôi mới hiểu ra bà chị của ngoại tôi khéo tay cho đến dường nào.

Bà Năm hấp xôi vò bằng chỏ, đan bằng tre, đặt khít khao trên một nồi đất nấu nước bên dưới. Xôi vò của Bà Năm là từng hột xôi tách bời rời nằm trong chỏ không bao giờ đóng cục. Xôi phải được vò tròn từng viên đặt trên tàu lá chuối, mang ra đặt trên bộ ván ngựa giữa nhà cùng với thố cơm rượu, sau bửa ăn chính.

Xôi vò cơm rượu của Bà Năm chỉ để dành ăn tráng miệng. 4 viên cơm rượu được múc ra từng chén và 4 viên xôi được nhẹ nhàng thêm vào. Viên xôi vò xốp mềm hòa tan với viên cơm rượu dịu thơm trong miệng, cùng với chất béo của nước cốt dừa hòa lẫn chất béo của đậu xanh, là cả một vị giác tở mở mãi cho đến bây giờ, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi vẫn chưa quên hương vị.

*

Nhưng trước món tráng miệng của Bà Năm, đương nhiên là một loạt các món ăn chính, trong đó món kiểm của Bà Chín cũng là một món độc đáo khác mà tôi chỉ được ăn vào dịp Tết. Món kiểm này phải chính tay Bà Chín ra chợ lựa từng gia vị. Bí rợ phải chín vừa độ, chuối xiêm đen cũng phải chín vừa độ, dừa thì không được quá khô, bột khoai và bột bán không được quá cũ, còn khoai lang thì phải là khoai lang bí màu vàng. Món kiểm của Bà Chín bao giờ cũng được ngoại tôi dặn phải để dành thêm phần cho ông, không được thiếu.

Bà Năm và bà Chín biết tôi cũng thích ăn ngon và cũng thích nấu nướng, nên đã có lần nói: “Muốn hai bà truyền nghề thì mày phải về đây ở luôn với hai bà mới được”. Tôi dạ lên dạ xuống thích thú lắm. Nhưng bao năm phải theo mẹ lo chuyện học hành, rồi thời gian trôi qua với bao biến đổi vì thời cuộc, tôi thành thân và lưu lạc xứ người, còn hai bà thì qua đời sau đó, và tâm nguyện của tôi học các món ngon của hai bà không bao giờ thành tựu.

*

Từ nhà Bà Năm về lại nhà ngoại, là mọi người sẽ được thưởng thức món cá bống kèo nướng lụi chấm nước mắm me nổi tiếng. Ôi trời, món này của ngoại tôi thật là tuyệt, do chính ông chế biến từ đầu đến cuối.

Trước hết, cá bống kèo phải được ngoại tôi bắt từ cái đó ngoại đặt bên sông sau nhà, sau đó đem chà cá với tro trong bếp cho sạch nhớt, rồi mới cắt miệng (chứ không cắt đầu, đứa nào rửa cá mà cắt mất đầu là bị ăn roi liền), cắt đuôi, không được mổ bụng, rồi đem rửa cho sạch. Xong xuôi mới lấy ống tre chẻ ra thành một mớ thanh tre, vót nhọn, lụi vào mỗi con cá. Rồi nướng bằng lửa than đốt riu riu cho tới chín vàng đều. Mùi và vị tre tươi trong các thanh tre sẽ thấm vào cá.

Nhà ngoại tôi có một vườn me gần 20 cây rất say trái nên mùa nào ngoại tôi cũng có me chín để dành trong khạp, ăn quanh năm. Món cá bống kèo nướng lụi của ngoại tôi đặc biệt phải ăn với nước mắm me. Thường thì người ta làm nước mắm chấm bằng dấm, nhưng ngoại tôi lại làm bằng me chín. Vị chua của me chín dịu dịu ngọt ngọt hoàn toàn khác hẳn với vị chua ai ái của dấm nên nước mắm me ngon rất đặc biệt. Cá bống kèo chấm nước mắm me của ngoại, ai đã ăn qua một lần chắc không bao giờ quên được.

Tôi nghe ngoại kể lại ông học ngón nghề này từ bà ngoại (vì là món bà cũng rất ưa thích), lúc bà còn sinh tiền. Từ ngày bà ngoại qua đời lúc ông 38 tuổi cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng mùa thu năm 1976, năm ông 82 tuổi, ông thủ tiết sống vui đời góa bụa bên cạnh mẹ tôi (và chị em tôi sau này) vì tình yêu của ông đối với con với vợ. Trong mỗi bửa ăn hàng ngày của ông, ông đều có cái chén trống và đôi đũa dành riêng mời bà về dùng bửa cùng ông.

Ngày nay, cứ mỗi lần đi chợ ngang qua các tủ cá bống kèo đông lạnh nhập cảng từ Việt Nam, tôi luôn thẩn thờ nhớ đến món cá bống kèo nướng lụi chấm nước mắm me của ngoại tôi, cùng đôi đũa và cái chén trống trong mỗi bửa ăn suốt cuộc đời ngoại.

*

Món thịt kho tàu dưa giá của Dì Ba Thận cũng là món tôi chờ đợi được ăn. Rạng ngày mùng hai, chị em tôi theo mẹ lên nhà dì Ba Thận. Tết năm nào các chị của mẹ–Dì Ba Thận, Dì Sáu Bộ và Dì Bảy Nghi, các con cháu của mấy dì, và chị em tôi, cũng tụ hội về nhà Dì Ba Thận để vui chơi suốt ngày.

Đến cổng nhà là mẹ đã gọi tên nguời con trai lớn của Dì Ba Thận: “Rằng ơi Rằng, má có ở nhà không con?” Và anh Rằng luôn luôn trả lời vọng ra từ trong nhà “Dạ có”. Ngày xa xưa đó… không ai có điện thoại. Điện còn chưa có nói chi điện thoại, hay chuông điện. Đến nhà nhau thì chẳng hẹn trước, cứ đến, vào tới cổng là báo tin có mặt bằng một câu hỏi “có nhà không” như thế.

Ba dì và mẹ thường chơi bài tứ sắc để lấy hên đầu năm. Các dì tôi và mẹ tôi, bốn chị em, đều là đàn bà góa chồng, thủ tiết ở vậy nuôi con. Mấy chị em đều rất khắn khít thương yêu bảo bọc lẫn nhau. Mấy đứa con nít anh chị em bạn dì cô cậu chúng tôi cũng rất thân nhau, lo khoe quần mới, áo mới, tiền lì xì… Và tôi thì chờ đợi món thịt kho tàu dưa giá của Dì Ba Thận.

Trước ngày 30 dì đã lo đặt bà bán thịt heo ngoài chợ giữ thịt đùi ngon cho dì, bà bán trứng vịt phải có trứng mới, và bà bán dừa tươi để nguyên cho dì 1 quày dừa bung. Nồi thịt kho tàu của dì được kho từ chiều ngày 30 để cúng rước ông bà và để ăn trong 3 ngày Tết. Miếng thịt kho tàu của dì mà ngậm vào là nó tan ra từ từ trong miệng, làm mình chỉ muốn ngậm mà thưởng thức hương vị ngọt ngọt mặn mặn béo béo từ từ, chứ không đành nuốt trửng.

Dưa giá làm bằng giá, hành, và hẹ đã được dì làm 3 ngày trước, đến ngày Tết là chua vừa độ. Thịt kho tàu cùa Dì Ba Thận mà cuốn với dưa giá bánh tráng thì ăn một lần là sẽ nhớ đời.

Cộng với 2 món bánh tét bánh ít của Dì Bảy Nghi tôi nữa thì lại càng nhớ đời hơn. Bánh tét của dì gồm có nếp hột dài ngâm nước cốt dừa, đậu xanh xào dừa hành bao bọc nhân thịt ba rọi chính giữa. Lá chuối phải là lá chuối già hương thì bánh mới thơm. Bánh ít nhân đậu, hay nhân dừa, của dì cũng phải dùng lá chuối già hương để gói. Không biết bao giờ tôi mới được ăn lại bánh tét, bánh ít gói bằng lá chuối già hương?

*

Và đương nhiên là phải nhớ đến các món bánh mứt tuyệt hảo của mẹ tôi. Nào mứt dừa, mứt me, mứt mảng cầu xiêm, mứt gừng chuối dẻo, mứt bí. Nhưng tôi thích nhất là mứt gừng nguyên nhánh, mà có nguời gọi là mứt gừng xăm, và mứt cà chua nguyên trái.

Mỗi năm ngày 20 tháng chạp là mẹ tôi lại lo làm bánh mứt để làm quà cáp, làm lễ đưa ông Táo về trời, và cúng kiến ông bà tổ tiên trong ba ngày Tết. Trước đó mấy hôm, vào rằm tháng chạp là mẹ đã lo đặt trước vài chục ký gừng non. Gừng non ăn ít cay, ít sơ. Khác với nhiều người khác, mẹ tôi thích làm mứt gừng nguyên nhánh, thay vì làm mứt xắt miếng, còn gọi là mứt gừng lát.

Đến ngày 20 tháng chạp là mẹ cùng chị em tôi cạo vỏ và xăm các củ gừng mệt nghỉ. Xăm xong mẹ ngâm gừng trong nước để qua đêm. Kế tiếp mẹ tôi xả nước nhiều lần để xả bớt nồng độ cay của gừng, rồi mới bắt đầu sên mứt. Mứt gừng nguyên nhánh của mẹ tôi không cay dù vẫn có hương vị the the của gừng.

Món mứt cà chua của mẹ cũng thế, trái cà còn nguyên hình thể dù đã được xẻ lấy hột bên hông. Sau khi lấy hột, mẹ ngâm cà chua trong nước vôi qua đêm, ngày hôm sau rửa sạch trước khi sên. Mứt cà chua của mẹ rất dẻo, mùi vị thơm ngon nhẹ nhàng, chứ không hăng mùi cà chua và quá ngọt như hàng bán ngoài chợ.

*

Cả mười năm ở Gò Công, thông lệ ngày Tết của nhà tôi là thế. Với một thay đổi lớn năm tôi 16 tuổi. Tết năm đó, mẹ tôi dẫn tôi đi may chiếc áo dài đầu tiên. Trước đó tôi không hề được mặc áo dài, mà cũng chẳng ai bắt tôi phải mặc áo dài. Nữ sinh thời đó đi học vẫn mặc áo bà ba.

Chiếc áo dài đầu tiên trong đời, vải orlon màu trắng sữa, có hoa tu líp lớn màu hồng tím hai bên cánh áo. Áo có dây thắt eo và tà áo dài gần đụng mặt đường. Tôi nôn nao thấp tha thấp thỏm chờ đợi ngày mẹ đưa đi lấy áo. Trong suốt khỏang thời gian chờ đợi, tôi không thể ngủ thẳng giấc. Có nhiều khi tôi chỉ muốn đạp xe qua chỗ may để nhìn thử xem áo đã may xong chưa.

Người thợ may là Cô Tư, một vị ni cô làm nghề may để giúp gây quỹ cho chùa ở quận Hòa Đồng. Phòng may áo của Cô Tư nằm trong khuôn viên chùa, bên cạnh trai đường. Cô Tư mới ngoài 30, chuyên may áo dài nổi tiếng trong quận. Ai có thể nghĩ được một ni cô lại may áo dài rất giỏi cho các bà các cô ăn diện! Cho đến ngày nay tôi vẫn mong có một ni cô thiết kế thời trang thuộc đẳng cấp Minh Hạnh, Sĩ Hoàng…

Cô Tư rất thương tôi. Ngày lấy áo, lúc đang thử áo dài cho tôi, đột nhiên cô Tư nói với mẹ: “Chị Tám, con nhỏ này nó có cốt cách người tu, chị cho cháu nó vào chùa tu với tôi nghe chị Tám?”. Mẹ tôi chỉ cười cười, còn tôi thì chỉ biết nôn nao chờ đợi cô Tư gài chiếc móc dây cuối cùng để tôi soi gương xem chiếc áo dài đầu tiên trong đời ra sao, chẳng tâm trí đâu mà nghĩ đến việc tu hành.

Đứng trước tấm gương cao từ đầu đến chân, tôi bồi hồi nhìn tôi trong chiếc áo dài đầu tiên trong đời. Tôi hoảng sợ chợt nhận ra tôi không còn là “chuột nhỏ” (tên mẹ tôi thường gọi trong nhà) của mẹ tôi, nhưng sung sướng vì tôi có dáng dấp của một thiếu nữ lạ, mà chính tôi cũng không thể tin rằng thiếu nữ duyên dáng trong gương đó lại có thể là mình. Tôi bâng khuâng nhìn về phía mẹ, bắt gặp ánh mắt tự hào hạnh phúc của mẹ tôi. Tôi vui mừng reo lên với mẹ: “Áo đẹp quá hả mẹ? Con mặc áo này đi chùa với mẹ nghen?”. Rồi tôi nghiêng qua, nghiêng lại để khoe áo đẹp với mẹ, trong khi mẹ tôi gật gật mỉm cười.

Đêm giao thừa tôi mặc áo dài mới cùng mẹ và em gái đi lễ chùa xin lộc. Mái tóc dài của tôi được mẹ rẽ ngôi bên phải, kẹp xướt hai bên, rồi chải xỏa thẳng ra phía sau. Mẹ sung sướng nhìn tôi: “Con đã sớm thành thiếu nữ…”

Ôi, câu nói nhỏ của mẹ ngày xa xưa đó, đánh dấu một mốc lớn của đời tôi…

Trần Lê Túy-Phượng
Xuân Nhâm Thìn, 2012



Chỉnh sửa lại bởi hoangngochung - 08/Mar/2012 lúc 3:34am
hung0989077120@ahoo.com
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.113 seconds.