Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn
Message Icon Chủ đề: CẦU HUYỆN QUÊ HƯƠNG TÔI Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 18 phần sau >>
Người gởi Nội dung
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 588
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 19/Jun/2012 lúc 10:40am

Ngã tư  Đường Tổng Đốc Phương với Nguyễn Thái Học  đi cặp theo sông trở về xóm Cầu Huyện bên phía tay mặt lần lượt thứ tự gồm những căn nhà như sau :

 

13- Nhà Ông Chủ Chí

 

Nhà Ông Chủ Chí mặt tiền nhìn ra đường Phan Bội Châu bên hông là đường Nguyễn Thái Học và mặt hậu một cánh cửa nhỏ xíu ngó ra  đường Tổng Đốc Phương

Chung quanh ba mặt đường xây hàng rào cao ngất, người đi đường nhìn vào  trong vườn thấy trồng nhiều chuối, lá và quày chuối nắm vắt trên đầu tường,      Cửa chính nhà ông nhìn ra đám ruộng trước mặt là cái thum tập hoá, bán cho học trò trường Khai Trí.

Trong khuôn viên nhà có nhà máy xay lúa của Thầy Tư Ngô, có hôm tôi mom men đi vào nhà máy xay lúa, dây trân chạy xành xạch, khung sàn gổ lắc tới lắc lui, những ống gổ gạo chạy qua kêu rè rè, Vách sau nhà máy có của nhỏ nhìn ra phía sau thấy cây soài to cở dưới nhà Ông Cai Tổng Thới. Sâu bên trong căn nhà xưa, kiểng cổ nằm u uất bên vườn chuối xanh um

Nhà thơ Thy Lan Thảo viết như sau :

“ Ông Chủ Chí là con ông cả Thuận, tên Cả Thuận được đặt tên đường bên hướng đông nhà ông . Thuở sinh tiền Ông Chủ Chí được đề cử lên chức Cả, Ông Chí ngại đồng chức với cha nên từ chối không nhận….           

Ông Chủ Chí có một người con trai tên là Nguyễn Minh Hiếu, ngôi nhà của Ông Hiếu bị Tây trưng dụng làm đồn lính, thời Đệ nhất Cộng Hòa là Tỉnh Đoàn Bảo An, thời Đệ nhị Cộng Hòa là hậu cứ của Tiểu Đoàn 882 Địa phương Quân, ngay trên cửa chánh vào nhà, phía bên trong còn chạm nổi ba chữ Nguyễn Minh Hiếu .

Ông Hiếu có bằng cử nhân Luật ( học hàm thụ bên Pháp) Nhưng vì giọng nói của Ông như bị dị tật rất khó nghe nên ông chỉ là luật gia chứ không hành nghề luật sư, ông làm việc ở Sài Gòn . . . .

Người thứ ba là Nguyễn Minh Phương , tức Ách Phương, từng đóng đồn ở làng Bình Xuân, thời đệ nhất Cộng Hòa trong một lần đụng độ với Việt Cộng, anh bị bắt dẫn đi mất tích .

Người thứ bảy là chị Nguyễn Thị Mẫn dạy học tại làng Tân Niên Trung.

Giữa thập niên 1950, vào mỗi buổi sáng, khách bộ hành đi trên đoạn đường nầy đều nhìn thấy một bà cụ, đầu tóc bạc phơ, ngồi câu cá bên bờ kênh, mặt ngó về phía dinh ông Phó, đó là bà Chủ Chí”.

14- Nhà Ông Quản Phát

Ông Hương Quản Huỳnh Đình Phát là con trai ông Cai Tổng Thới nhà ở cuối xóm Cầu Huyện, người gốc chợ Giồng, họ tộc Huỳnh Đình nổi tiếng giàu có ở Gò Công

Ba tôi có quen thân với Ông Quản Phát, nhưng còn nhỏ tuổi quá thành thử tôi không được biết mối thân tình như thế nào ? Khi gia đình tôi tản cư về ở hẳn Cầu Huyện ba tôi hằng tuần vẫn theo Ông đi săn tận Quán Tre Long Thành, Biên Hoà. Khi tôi biết thì Quán Tre không xa Long Thành bao nhiêu. Trên đường đi Sài Gòn Vũng Tàu, ra thị trấn Long Thành ta gặp Thánh Thất Cao Đài qua cây cầu Sắt Nhỏ đây là Quán Tre khu vực trồng Tầm Vong bạt ngàn. Từ Gò Công đến Quán Tre hơn 100 km, thường thì chiều thứ bảy ra đi, chiều tối chúa nhật mới về đến nhà.

Tôi có vài lần theo ba ghé nhà thăm ông bà, nhà nhỏ nhưng toàn đồ xịn, tủ bàn ghế làm bằng gổ tốt được chạm khắc sa cừ tinh vi, màu sa cừ chiếu long lanh tuyệt đẹp.

Trước nhà có cây soài mùa nào cũng sai trái, ngoài hàng rào dưới bóng cây soài chiếc xe jeep chình ình nằm đó, nhiều khi đi học ngang qua thấy soài rụng chẳng dám lượm vì sợ chó Berger dữ hết hồn.

Ông Quản chỉ huy mấy chục chú lính làng, văn phòng đặt phía sau Xã Long Thuận đối diện với phòng Thông Tin

Các con ông Quản Phát tôi  biết Chị Phấn, Cô Phương, Phi, Bá, Diệp, thỉnh thoảng chúng tôi có gặp nhau bên nhà Bác Năm Phi lúc các bạn xuống thăm vườn nhà ông Cai Tổng Thới.                                     

Sau năm 75 tôi thường đi xem đội Cảng Sài Gòn vì đội tuyển rất nhiều cầu thủ người Gò Công, chẳng biết vì sao chỉ riêng Tần là đầu quân cho Hải Quan, Phi cao giò đá bên cánh trái khi tung nước rút thường bỏ đối thủ phía sau, lúc bị tấn công về thật nhanh và thủ rất hay. Khoảng thời gian ngăn sông cấm chợ khi ấy đá banh thắng thua toàn  do những vị lãnh đạo đội bóng chỉ đạo, còn đi đá Tỉnh cũng thế đá thua thì có gạo, thịt, cá, nước mắn chở về chia nhau, đá thắng thì cầu thủ làm bàn vừa bị trên chưởi, đồng đội ghét mà toàn đội về tay không, nên xem đá banh thật là chán. Một lần đá ở Vĩnh Long toàn đội cứ mơ gạo, thịt, cá, trái cây chở về. Tỷ số Cãng Sài Gòn thua 1- 2 mà toàn bộ vui ra mặt đá trái banh không đi xa xìu hết biết, bổng nhiên vào phút 86 Phi mang banh ngẫu hứng từ cánh trái bất ngờ dẫn vào vùng 16 mét 50 và hạ đo ván thằng gôn bạn, đồng đội từ phía sau nhào lên chúc mừng màn làm bàn lãng òm, cú u đầu thằng nhỏ mấy cục, Hoàng Bửu từ khu vực 16 mét 50 đội nhà ba chân bốn giò chạy lên giữa sân mặt quạo đeo chúc mừng

- Ai biểu mầy đá vô ?

Phi hoàn hồn trở về nhập vai Phi cầu thủ Cảng Sài Gòn

- Đâu có ai vặn đừng đá thắng đâu ?

- Tự mầy phải biết chớ !

Cái ông Phi này ưa đá vô gôn đội bạn vào những phút 89 quá làm bể mặt lãnh đạo, làm đồng đội ra về tay không, vợ con ở nhà ăn bo bo với muối hột, nên được cho thôi đá banh nghe nói sau này về Tây Ninh lập nghiệp.

Theo Nhà Thơ Thy Lan Thảo thì :

“ Ông có biệt tài mở đường và hành quân lùng địch. Đơn vị ông từ xe (Dodge) tới súng ống đều do ông ngọai giao xin hoặc bỏ tiền túi ra mua nên hỏa lực trang bị khá mạnh, có cả đại, trung liên, súng phóng lựu…Khả năng chỉ huy như một sĩ quan bộ binh, hầu hết các cấp lãnh đạo tỉnh Gò Công đều rất tín cẩn vào khả năng của Ông, nhất là thời Đại Úy Nguyên, quận trưởng Quận Gò Công, vị chỉ huy quân sự đầu tiên ngồi ghế quận trưởng thay quận Vỹ bị Việt Cộng phục kích giết chết tại cầu Đúc( dưới), thời Đệ nhất Cộng Hòa Quận Gò Công thuộc tỉnh Định Tường.

Ông rất thích tốc độ khi lái xe, đây là một khuyết điểm nhỏ của ông, ngoài ra ông không có làm điều gì mích lòng người dân cả           

Bởi lái xe quá nhanh nên có hai lần gây tai nạn chết người, một lần từ Tân Trung về, gặp một người quen ông cho quá giang, khi quẹo cua gắt , ông hành khách nầy lọt xuống đường chết ( thân phụ Đại Úy Hương), một lần mùng 3 tết ông đưa thằng con đóng ở căn cứ Đồng Tâm dù về chơi trở lên Mỹ Tho, ông rủ thêm thằng rể đi cho có bạn , xe ông đụng vô gốc cây bên đường , ông con rể chết ( thầy giáo Nguyễn Văn Ba), con trai bị thương, ông chẳng sao cả, người ta nói mạng ông rất lớn, bị VC bắn lén, giựt mìn hoài mà chẳng hề hấn gì, thuở nhỏ ông từng bị trâu chém. Vít lên trời, rồi cũng chẳng sao. Có lần chính tôi tình cờ chứng kiến , chiếc xe dodge của ông đụng cây cột đèn trước nhà ông cả Thuận , chiếc xe chẳng hề hấn gì , cây cột đèn thì ngã vắt qua rào vào sân nhà, tôi thấy mặt ông có vẽ đổi sắc, sau nầy lớn lên tôi mới biết, thuở nhỏ ở Chợ Giồng, ông là học trò của thầy giáo Đậu (con trai ông cả Thuận).  Ông Phát có tính trọng thầy , ông đổi sắc mặt vì sợ phiền lòng thầy học cũ, ngày tôi rời Gò Công ra đi, cây trụ đèn vẫn còn đó, có chân đế to hơn các trụ đèn khác ( nhưng nhỏ hơn trụ đèn trước nhà ông Huyện Đạt) là do ông Phát bỏ tiền ra sửa đền( $2000 thời N . Đ. Diệm, lúc lương tân binh $900/tháng).

Ông hành quân liên tục mà chưa hề bị thương, bọn VC rất oán ông mà không trừ ông được. Sau 75 ông bị bắt đi tù qua 3 trại tù : khám đường Gò Công, Trại Mỹ Phước Tây, trại Chùa Phật Đá( Quận Cai Lậy) gở đâu cũng hơn 5 cuốn lịch.

Thả về ông nuôi thỏ, chim hoàng yến, sống tạm qua ngày dưới sự kiểm soát của đám cú vọ Công An, ông mượn cớ cắt cỏ cho thỏ để nhân tiện ghé nhà thăm viếng huynh đệ đồng chí hướng , Ông bị tai biến mạch máu não hơn 6 năm trời, được sự phụng dưỡng tuy khó khăn nhưng vô cùng hiếu thảo của thầy giáo Oanh là con trai thứ của ông, đây là khoảng thời gian dài nằm một chỗ đau buồn của ông, trong cảnh túng quẩn của gia đình.

Ông chứng kiến cái chết bất ngờ của người con trai lớn, Trung Úy Huỳnh Đình Bá, chỉ cảm mạo sơ sài mà qua đời, mấy tháng sau người bạn đời của ông, một người đàn bà có dáng dấp sang trọng quý phái, tận tụy cả đời cho chồng cho con lại vĩnh biệt cõi đời.

Ngày 28-6-98 vào lúc 9 giờ 55 phút Ông Phát qua đời, tang lễ cử hành trang trọng, di quan về làng Hòa Nghị, an táng trên đất nhà, một điều rất đặc biệt là những người khiên quan tài của ông đều là những người lính cũ trong trung đội mà ông chỉ huy ngày trước, điều nầy đủ nói lên cách cư xử của ông đối với thuộc cấp ngày xưa.

Cao Thệ



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 04/Jul/2012 lúc 8:19pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 588
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 25/Jun/2012 lúc 10:45pm

15- Nhà Phố 3 Căn

Kề bên nhà Ông Quản Phát là vách tường cao chạy dài đến đường Cả Thuận, khoảng giữa bức tường là cổng vào, đi vào bên tay trái là vườn cây, bên tay phải có dãy phố ba căn.

Tôi chỉ biết nhà Thầy Giáo Đồng ở ngoài bìa, Thầy dạy bên Trường Trung Học Tư Thục Khai Trí, Trường Khai Trí ngày xưa đây là khu vục Đồn lính Bảo An nằm sau lưng Trường Bà Phước.

Hai căn phố bên trong nhà Thầy Đồng của 2 gia đình người Tàu, buôn bán trên chợ, đi đường ngang qua tôi thấy nhà dán chử Tàu, sáng chiều thắp nhang thật cung kính

Theo nhà thơ Thy Lan Thảo thì :

Nhà Thầy Đồng :

“ Tôi biết đến Thầy Đồng qua sự nhắc nhở của ba tôi, ba tôi là học trò của thầy lúc học tiểu học, lúc tôi còn học tiểu học, thầy Đồng dạy pháp văn cho trường trung học Khai Trí, căn phố bìa thầy đang ở thuộc chủ quyền của ông Chín Thơ, nhà ông Chín Thơ quay mặt cùng hướng với nhà ông Chủ Chí, mặt sau tiếp giáp với mặt hậu của ba căn phố nầy, buổi sáng cũng như buổi chiều, ông thầy thường dọn một bàn trà bên hông nhà, thầy Đồng thường cùng với ông Chín Thơ, ông Huyện Đạo ngồi uống trà đàm đạo nhìn khách qua đường, nhiều buổi chiều có cả bác Sĩ Huân, tôi còn nhớ thầy Đồng có đôi chân mày rậm và dài (mày rô). Ông cũng một thời tham gia kháng chiến chống Pháp cùng thời với bác sĩ Huân và thầy Giáo Phi Líp (Cột chèo với Thầy Năm Tri).

Tôi không biết rõ ông có mấy người con, nhưng lúc tôi biết thì ông sống với 3 người con gái, Cô Năm, Cô bảy Quyên ( Nguyên) và cô Chín Duyên, cô Năm, cô Bảy có con, chồng của 2 cô nầy hình như đang họat động cho Việt Cộng.

Cô Chín Duyên là giáo viên dạy trường nữ tiểu học Gò Công, Cô có vóc người thon gọn thuộc lọai liễu yếu đào tơ, người có nhan sắc mà nhiều nơi dạm ngỏ cô đều từ chối, Thì ra cô có người yêu đang tập kết. Đến cuối năm 72, khi phái đoàn Bắc Việt vào đàm phán đóng tại Tân Sơn Nhứt, cô thoát ly theo sống với người yêu cũ là thành viên của phái đoàn nầy.

Sau ngày sập tiệm, cô và chồng có trở về, Cô có qua nhà cám ơn Ông Quản Phát biết cô mà không làm khó dễ (Quốc gia thua CS ở chỗ tình cảm nầy đây)”

 

Đường Cả Thuận

Con đường ngắn nhất Gò Công mang tên Cả Thuận, cây cỏ hai bên lề đường mọc cao lêu nghêu trổ hoa vàng nho nhỏ. Tại ngã ba đường Cả Thuận Tổng Đốc Phương có đống rác to tướng mằn cạnh bờ sông, ngày đi học tôi ghét đi ngang đây vì bầy ngổng vươn cổ dài thoòn đầu xà sát đất vổ cánh rượt , bọn tôi ôm cặp chạy trối chết.

Đường Cả Thuận từ Tổng Đốc Phương quẹo vào bên phải là vách rào của nhà Ông Chín Thơ bên trái vọn vẹn được 3 căn nhà, đặc biệt cả ba căn nhà đều đưa mặt hậu ra đường, mặt tiền nhìn ra hẻm, bên kia hẻm là hông nhà Ông Phán Đờn. Phần đường còn lại bị bít do Trại lính Bảo An.

18- Nhà Ông Phán Lạc

Thật là lạ ngôi nhà hai mặt tiền, thế mà cửa cái lại không nhìn ra đường mà nhìn vào hẻm

Bên đường Tổng Đốc Phương lơ thơ mấy cây chuối ngăn cách đường bởi con mương, Nhà bếp đưa mặt hậu ra đường Cả Thuận.

Muốn vào nhà một là đi vào con hẻm nhà Phán Đờn nhưng thường thấy đi trên đường Tổng Đốc Phương có lót dale qua con mương nhỏ đầu tấm dale có cây chùm ruột thật to lúc nào cũng thấy sai trái để đi ngang qua nhà bếp lên nhà chánh bằng cửa hậu.

Người ở nhà này Phong thuỷ cho rằng gia chủ là người thất chí, không muốn tranh đua với đời, ở nhà này tôi chỉ biết Cô Công dạy lớp tư cô giáo của em gái tôi.

Theo nhà thơ Thy Lan Thảo thì :

“ Băng qua đường Cả Thuận là dãy phố công Chức, nhà Ông Phán Lạc ở căn đầu, Ông Nguyễn văn Lạc xuất thân trường Ch***eloup Laubat, phủ toàn quyền mở kỳ thi chọn thư ký Ông dự thi và đổ hạng tư, Ông Vương Hồng Sển hình như đậu đầu,đầu tiên bổ về làm việc ở khám lớn Sài Gòn, sau đổi về làm việc ở tòa bố Gò Công lên đến chức Phán (secretaire principal) sau được thăng Huyện. Ông là người có học nhưng không được đắc dụng nên thường lấy rượu giải sầu, nếu tình cờ đi ngang nhà đúng buổi cơm chiều sẽ thấy ông ngồi bàn uống lave, ăn cơm cùng vợ con, con ông đông, tính tình hiền đều hiếu học. Tôi còn nhớ

- Anh Nguyễn Vĩnh Hồng tốt nghiệp y khoa, bác sĩ làm việc ở Phan Rang.

- Anh Nguyễn Vĩnh Châu tốt nghiệp sư phạm dạy học tại Gò Công.

- Anh Vĩnh Tấn, cựu học sinh khóa 2 , kỷ sư công chánh , trước 75 là phó ty công chánh Mỹ Tho.

- Chị Tư Công là giáo viên dãy trường nữ Gò Công, - - Chị Nhẫn tốt nghiệp đại học khoa học, dạy trường trung học Gò công.

- Chị Quyên là giáo viên sư phạm , hai chị em đều là cựu học sinh nội trú trường Gia Long…

còn mấy người nhỏ tuổi hơn tôi là Son, Tài, Phước. Gần hưu ông được thăng chức Huyện. Từ giã quan trường, ông trả nhà lại cho chính phủ về mua lại ngôi trường Huỳnh Phước làm tư gia…”

 

19- Nhà Ông Phán Danh

Gia đình chúng tôi có một người chị gần 60 năm chị em ruột thịt chúng tôi thất lạc nhau.

Gia đình Ông Phán Danh có thể có người biết vì trước khi qua đời má chúng tôi đã căn dặn : “ bằng mọi cách chị em tụi con phải liên lạc với gia đình Ông Phán Danh, nhất là Cô Nguyệt ? hỏi thăm hầu chị em gặp nhau “

60 năm thời gian quá lâu, việc sống chết không ai lường được

Hy vọng nhỏ nhoi, may mắn cho gia đình chúng tôi, nếu người nhà Ông Phán Danh xem được những dòng nầy, xin hảy thương và giúp đở chị em chúng tôi có cơ hội gặp gở.                                                                                    

Gia đình chúng tôi chân thành cám ơn ! (caothe@hotmail.com)

Thi sĩ Thy Lan Thảo viết về  gia đình Ông Phán Danh nhưng không thấy nói đến Cô Nguyệt :

Cạnh bên nhà ông Phán Lạc là nhà ông Phán Danh ( Ngôi mộ đẹp nhất trong đất thánh Tây có tượng thiên thần là mộ của bà Phán Danh dân Gò Công thường gọi là bà Mụ Chi  

Ông Phán danh có 2 người con trai :

- Người thứ hai là Võ Minh Khải, tên tân là Micheal ( Thiếu tá hành chánh quân y)

- Người kế là Võ Minh Trị, tên tây là Nicolas có thời là Trung tá quận trưởng quận 6 Sài Gòn

Khi Ông Phán Danh gần hưu lên chức Huyện cất nhà riêng, một villa dường lộ me, căn phố nầy gia đình Thầy Lang làm việc bên phòng Thuế dọn lại ở.

Cao Thệ



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 04/Jul/2012 lúc 8:20pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 588
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2012 lúc 8:13pm

20- Nhà Ông Ba Bắc

Kề nhà Ông Phán Danh là nhà Ông Ba Bắc, như vậy là con đường Cả Thuận tới đây là chấm dứt.

Thật lòng tôi không biết gì về gia đình này, nhà Thơ Thy Lan Thảo “ Thổ Địa” cũng biết rất ít.

21- Nhà Ông Phán Đờn

Hơn 7 năm ngày hai lượt đi học ngang qua nhà nhưng tôi không nhớ gì về gia đình này, chỉ nhớ con hẻm bên hông nhà cây chuối che mát rượi, trước nhà có mấy cây sứ cùi.

Mỗi lần đi ngang qua nhà tôi hầu như bị mê hoặc chiếc đồng hồ đờn treo trên vách.

Tôi biết các con của ông Mai Lang Tấn, cháu nội Ông Phán làm nghề mộc có tên thương hiệu  “ Trẻ “ rất thành công ở Mỹ Tho, sản phẩm đẹp mắt chất lượng cao, bàn tủ ghế nhà sử dụng tôi vẫn thường mua tại đây, của hàng  “Trẻ “ ở Ngã Tư Ông Thiệu nằm trên đường Rạch Gầm đối diện với trường …. Mầm Non

Thi sĩ Thy Lan Thảo viết về nhà Ông Phán Đờn như sau : “ Kế là nhà Ông Phán Đờn, tôi không rõ xuất thân của ông lắm, tôi chỉ biết ông lên Phán và Huyện đều sau ông Lạc, đi làm bằng chiếc xe đạp sườn ngang màu đen, đạp xe rất chậm, trông dáng dấp ông hiền lành, qua đời vì bệnh già tại nhà, ông có nhiều con,

- Người thứ hai là Anh Hai Ry, Anh Hai thuộc người trong gia đình giàu có ở Tăng Hòa, tôi không rõ lý do gì lại là con nuôi của Ông Phán, anh là chủ xe đò Thanh Long, lúc bến xe còn nằm phía đông mặt chợ, ngó mặt ra bờ kênh , xe anh bị hư thắng hay sao mà cấm đầu xuống kênh, hai bánh sau còn trên bờ, con nít Gò Công thường hát diễu( dĩ nhiên là có tôi) …Xe Thanh Long- chạy vòng vòng- lọt xuống sông. Anh Hai Ry có người con trai lớn là Th/tá Châu, anh là lính không quân, lái tàu bay phục vụ tại phi trường Biên Hòa, dân trong ngành gọi anh là Châu Cháy( Anh có hỗn danh nầy là vì một mình anh làm cháy hai tàu bay). Anh rất giỏi về kỳ thuật máy móc, một mình anh có thề tháo ráp một chiếc xe hơi dễ dàng, lúc tôi chuyển về trại tù Nam Hà, tôi gặp Anh Châu ở đây, Anh được cán bộ trại Nam Hà cho anh coi xếp máy phát điện trại.Anh được hưởng nhiều sự ưu tiên hơn tù bình thương khác, em trai của anh là Khanh, bạn học với tôi thời tiểu học,

- Người thứ ba là Anh Ba Jack( Mai Lang Huệ).Lúc tôi còn đi học anh mang chức Ách,

- Người thứ tư là Mai Lang Tấn, có thời làm trưởng phòng hành chánh tòa bố Gò Công, nhiều giấy tờ bản sao bằng cấp của tôi còn chữ ký thị thực của anh, người vợ thứ của anh có lúc làm trưởng ty thuế vụ Gò Công.

- Người thứ năm, trung tá Mai Lang Luông chiếm nhiều huy chương về bắn súng tại Á Vận Hội.

- kế là Anh Mai Lang Đức, bạn cùng thời với người anh thứ ba của tôi, Anh mang cấp thượng sĩ hải quân,

- Người con trai út, Anh Mai Lang Xuân, lúc tôi mới vào trung học thì anh là cầu thủ của đội tuyển Gò Công, tôi nhớ anh đứng vị trí tiếp ứng trái, sau nầy lớn lên, tôi không còn gặp lại anh nên không biết anh có vào quân ngũ hay không.

Bên gái có:

- Chị Mai thị Hạnh, cựu nữ sinh Gia Long, sau là nữ hộ sinh quốc gia.

- Chị Mai Kim Liên lập gia đình với thầy giáo Đống văn Chương.

- Chị Mai Kim Lan có chồng người Tân Phước, Ông Nghĩa nỗi tiếng đẹp trai của xã nầy

Chồng của chị Liên và Lan đều qua đời trong tuổi trung niên, sau 75 có mấy người cháu nội Ông Đờn họat động trong nhóm phục quốc Gò Công, sau bị bắt, bị tra tấn tàn nhẩn và bị tội tù cũng nhiều năm”

22- Nhà Ông Huyện Đạt

Trong khuôn viên rất rộng, nhà dạng villa trước nhà có sân trồng hoa kiểng có cả hòn non bộ. Hông nhà là đường Lộ Me.

Điểm đặc biệt là nhà thuộc dạng kín cổng cao tường, hàng rào trồng chen đủ loại cây dại có cây quý cũng có, cao ngất

Lũ chúng tôi gọi đây là nhà Thầy Huệ, thường thấy thầy vô ra nhà bên cổng đường Lộ Me nhiều hơn. Vào mùa táo đi học về tới nhà Thầy Huệ tấp vào lượm táo. Cây Táo ở nhà Thầy Huệ trái rất to ăn vào xốp xọp ngọt lịm tụi nó phong cho biệt danh là “ Thiên Hạ Đệ Nhất Táo ”, táo nhà Bác Hai Thi thua xa. Cây táo trồng ở góc vườn nằm ngay ngã ba Lộ Me, ban đầu lủ phá nhà chúng tôi vạch hoa Tygôn chui vào, sau này chúng tôi dẫm bừa lên giây hoa đi vào lượm táo, một lần mò đến hàng cây Kim Quýt tìm trái chín đỏ ăn có cảm giác vị the the phát hiện ra cây thuộc bài ( Trắc Bá Diệp ), không biết quý sư phụ lười học bài nào chế ra hái lá cây ép vào vở thì không cần học bài mà thuộc hết, báo hại cây thuộc bài nhà Thầy bị bẻ cành bẻ nhánh thảm thương và tay tôi bị Thầy giáo khẻ xưng vù do không thuộc bài.

Về sau thấy hàng rào bên Lộ Me được đóng sắt Ấp Chiến Lược và rào kẻm gai, gọi sắt Ấp Chiến Lược là Mỹ viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa sắt chử U sơn màu Nhà Binh để đóng xuống đất và mắc kẽm gai vào làm hàng rào chung quanh Ấp Chiến Lược.

Mỹ viện trợ sắt cho Chánh Quyền, Quân Đội để rào Ấp Chiến Lược , đồn bót nhưng đâu biết dân mình vốn sáng tạo số một thế giới, sắt nườm nượp đi vào sinh hoạt của dân chúng, làm cột nhà, đúc dale, lót nhà sàn, làm giường, làm khung mắc võng … hằm bà lằng xắn cấu.

 

Nhà thơ Thy Lan Thảo viết về nhà Ông Huyện Đạt như sau :

“ Ông Huyện Đạt, ông làm việc ở sở trường tiền Gò Công, nhà của ông ở trong một khuôn viên rất rộng, xung quanh rào kẽm gai, trồng chen cây kim quýt kiểng làm hàng rào, có hoa ti gôn leo quanh che kín.

Nhà ông xây theo một mô hình lạ và đẹp mắt do chính ông vẽ kiểu, nền nhà là một hồ nước cao khoảng thước tây, nhà thoáng mát rộng rãi,có hai cổng vào, một cổng ngó ra bờ kinh, một ngỏ ngó ra đường xóm lộ me đều xây bằng đá cao trên hai thước, có hai cánh cổng gổ trông rất chắc chắn.

Ông có người con trai tên Mỹ Điền từng làm việc trong văn phòng của HCM, sau ngày sập tiệm có về thăm Gò Công và nghỉ hưu ở Sài Gòn,

- Người thứ ba là cô giáo Hớn, dạy học tại trường nữ tiểu học Gò Công, chồng là thầy Nguyễn Văn Huệ ( Văn Công Huệ ) gốc người Trà Vinh, nỗi tiếng là hiền đức và là giáo viên dạy giỏi của trường nam tiểu học Gò Công, tôi là học trò của thầy năm học lớp nhì.

Sau 75 thầy được con trai bảo lảnh sang Pháp và mất bên đó.

- Cô thứ tư tôi không biết tên, cô có hai dòng con, có Tỷ trạc tuổi tôi, có Anh Kỳ lớn hơn tôi vài tuổi và nhiều chị trạc tuổi các chị tôi.

- Người thứ sáu tên Châu, trước 75 là thông tín viên của các báo ngọai quốc ở Sài Gòn, vẫn thường xuyên lên Sài Gòn bằng chiếc xe Vespa. Sau 75, Quang, con trai chú Sáu có một cây k54, Công An biết được, vây nhà bắt cả hai cha con, Chú Sáu bị tra tấn tàn nhẩn, nhà bị tịch biên, sau khi ra tù chú sống vất vưởng ở Gò Công và bệnh chết âm thầm ở đâu đó….

- Người thứ bảy tên Ngự, trước dạy học ở Gò Công, học trò cô có người thành đạt, nổi tiếng là giáo sư giỏi của trường Trung Học Gò Công là Cô Trần Thành Mỹ, Cô Bảy chỉ dạy ở Gò Công có mấy năm thì đổi về Sài Gòn.”

Bờ đê trước nhà Ông Huyện Đạt khá rộng, thỉnh thoảng tôi có nhìn thấy một cặp rắn to hơn cổ tay người lớn, dài hơn thước tây, rượt nhau đùa giỡn, đầu rắn ngẫng cao khỏi mặt đất cở hai tấc, những tháng ngày giáp tết, gió chướng thổi, bụi đường cuộn lên từng chặp, những vạt áo dài tha thướt của các cô nữ sinh như khêu vũ trên thảm cỏ xanh và cũng rất đặc biệt trên bờ đê nầy thường có một loài hoa dại vẫn thường trổ vào dịp cuối năm, hoa mang tên rất bình dân: Hoa Tép Mở, lá cây hơi nhám,to cở lá muồng, hoa kết từng chùm, mới nở hoa có màu xanh lá mạ, to hơn hoa điên điển mà bé hơn hoa so đũa, một thời gian sau ngã sang màu vàng của mở heo vừa thắng mới xong, cắt hoa chưng bình hoa tươi được mấy tháng, nhiều nhà bình dân vẫn dùng hoa nầy để chưng tết, sau nầy lớn lên tôi không còn thấy loài hoa nầy mọc trên đê nữa. Cũng trên khoảng bờ đê nầy, thuở nhỏ tôi thường hay ngồi trước trụ xi măn cổng nhà Ông Huyện Đạt để xem tập lính, có khoảng hai trung đội tân binh tập ắc ê ở đây, dân gọi là lính gạc ( lính gác các dinh thự) Tôi còn nhớ có hai huấn luyện viên, một mang Cai và một mang Đội, Thầy Đội gương mặt sáng sủa trông hiền lành, ít rầy phạt lính, Thầy Cai gương mặt khắc khổ, rất thường hằm hè quát tháo rầy la lính, thầy Cai tôi không nhớ tên, còn thầy Đội là Chú Sáu Hải , con Ông Bộ Giáp, nhà giáp ranh nhà ông Thôn Khoa,

Cao Thệ

IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 588
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 11/Jul/2012 lúc 1:20pm

Đường Lộ Me ( Nguyễn Trãi )

Đường mang tên nhà cách mạng Phan Chu Trinh, nhưng mọi người ai cũng gọi là đường Lộ Me, sau 30 tháng 4, biến thành đường Nguyễn Trãi, ngày trước đường Lộ Me băng qua sông Cầu Huyện nối liền xóm Nhà Thờ nhờ Cầu Phủ, khi tôi lớn chẳng thấy cây cầu đâu, chỉ thấy nơi chân cầu khoảng đất trống rất rộng, trên chợ thì có xe bò chuyển rác vào Cống Bà Chài, trước cổng Bệnh Viện bây giờ.

Ở khu vực này dân chung quanh đem rác đến bỏ tại đây, đống rác ngày một to đùng, thấy thỉnh thoảng những người trồng trọt đến đào rác sàng lấy phân mang về trồng cây, đống rác có thể đến ngày xây cầu Tây Ban Nha mới dẹp được ?

 

Từ ngã ba này đến Ao Trường Đua độ chừng 15 căn nhà

Bên phải qua khu vực nhà Thầy Huệ ta gặp ngã ba đường Phan Bội Châu

Đường Phan Bội Châu, một bên là ruộng của Ông Chủ Chí, một bên lèo tèo có mấy căn nhà :

- Nhà máy xay lúa của Thầy Tư Ngô

- Nhà ông Chín Thơ

- Nhà Ông Nguyễn Minh Hiếu được trưng dụng làm đồn Bảo An, dường như đồn Bảo An này trước đây nằm sau lưng Trường Bà Phước được dời xuống, sau đó trên miếng đất củ Trường Trung Học Tư Thục Khai Trí được mọc lên.

Tôi nhớ năm nào đó ở cái miếu trong Đồn Bảo An làm lễ cúng cầu Quốc Thới Dân An có tổ chức hát bội sau cùng tới màn bẻ đầu Ông Tiêu, Ông Tiêu mặt sơn vôi trắng toát bên trong chứa đầy nhóc tiền bạc cắc, mấy sư phụ dặn nhỏ phải tìm mọi cách lấy được cái lưởi Ông Tiêu, khó hơn lên trời! Sau khi cúng bái xong người phụ trách ôm Ông Tiêu từ trên bàn thờ ra trước mép sâu khấu tung lên , người lớn trẻ con dưới sân chen nhau mò dưới bụi lượm  bạc cắc, dành giựt la hét ỏm tỏi, tôi được mấy cắc bạc mà rách cái áo mới tinh mua 12 đồng ở chợ Gò Công, nhờ đình đám hội hè mới đi vào được đường này Khu Quân Sự.  

 

Kế đến căn nhà cất thụt vào bên trong không nhớ của ai ranh giáp nhà Ông Huyện Đạt

Đầu ngã ba có cái cống ăn thông qua đường Lộ Me chảy vòng vèo tôi nghĩ ra sông Cầu Huyện qua Cống sau nhà Ông Ba Khoa.

 

Từ đây bên lề đường thấy di tích Lộ Me là lèo tèo mấy cây me đèo đọt, cằn cỏi, thân cây bị bọng đứng xiêu vẹo chơ vơ ven đường.

Lũ chúng tôi thường leo trèo nên thằng nào cũng thuộc nằm lòng câu:

“ Bần dòn, ổi dẽo, me dai “

Leo bần thì cẩn thận kẻo bị gảy nhánh lọt sông cặt bần đăm lòi phèo

Hái ổi thì đu cành thoải mái, nắm nhánh chòm người ra xa để hái chẳng sợ gảy cành.

Me thì dai, tìm một nhánh cong cong về làm Cu đánh trỏng, thân cây thì cưa ra làm thớt, các bà nội trợ rất chuộng.

Me khi còn nhỏ rể cái thật dài cắm thật sâu dưới đất, nên thân cây khi còn nhỏ đứng vững chắc trước gió mưa , chẳng hiểu vì sao khi già thân bị bọng, sâu ăn tận rể cái, khi trốc góc lơ thơ vài cây rể bàng ngắn ngủn.

Lộ Me Cầu Huyện tôi nghĩ cùng thời với lộ me trên Bình Ninh, Vĩnh Hựu nhưng sao Lộ Me ở thành phố èo uột quá, chết trẻ chẳng ai ngờ !

Qua khỏi mấy cây me già nua xấu xí đứng chổng chơ ven ruộng khoảng 3 căn nhà nữa là đến Ao Trường Đua.

Quây trở lại từ lề đường Tống Thứ đi về bờ sông có khoảng 5 căn nhà là đến đường hẻm đi ra nhà thầu Quê Hương hẻm Lò bún

Kế đến dảy nhà ngói 3-4 căn ? liền nhau, lề đường có mấy cây me tây thật to che bóng mát rượi cả một vùng.

Lại đến con hẻm vào xóm Lò Rèn, hẻm này đi phía sau dảy nhà ngói 3- 4   căn phía trước, đi học về tôi thường ghé xem mấy thợ con nít kéo ống thụt hơi phì phò quạt lò than cháy đỏ lòm, nơi đây thường thấy Bác Thợ Rèn làm móng ngựa, móng bò và lưỡi liềm, thỉnh thoảng cũng thấy có rèn dao, tiếng phì pho của quạt, tiếng len ken của búa nện vào sắt thép tạo âm thanh rờn rợn mà vui tai, đi một khoảng nữa băng qua con hẻm nhỏ xíu hai bên là ao , bờ ao trồng dừa, đường đi mát rượi nhưng bị sình ra hẻm Lò bún đu cây Tra trước cửa nhà thầu Quê Hương rửa cặp giò rồi theo đường Tống Thứ về nhà thật là gian nan.

Từ hẻm đi vào Lò Rèn tiếp tục đến nhà ngói cất thụt vào trong rồi đến nhà Ông Phán Danh. Đường Lộ Me trước năm 1960 tôi biết chừng ấy những căn nhà

 

Cao Thệ



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 11/Jul/2012 lúc 7:03pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 588
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 21/Jul/2012 lúc 6:39pm

23- Nhà Ông Thân Bính

Khuôn đất rộng hàng rào thật dầy gồm những cây dại và gai keo được cắt tỉa cần thận, nổi bậc trên hàng rào, cây me cổ thụ đầy huyền thoại ma quỷ lưu truyền trong dân gian. Ấn tượng nhất Gò Công là Cổng nhà không đụng hàng vừa xưa vừa nay, hợp với nhà danh gia vọng tộc “ cổng cao, tường dầy”

Thời ấy mỗi ngày đi học ngang qua đây đôi chân không thể nào đi tiếp được, phải tấp vào đánh đáo, bắn kè hay vào ngồi bẹp dưới gạch nói dóc chờ bạn đến rồi nhập chung lên trường hoặc về nhà.

 

Trong nghệ thuật xem tướng, nhìn Khí sắc để đoán may rủi độ chính xác rất cao, trong thuật Phong Thuỷ người ta cũng cảm nhận khí sắc hoà quyện trong nhà để đoán được thịnh suy của gia chủ.

Nhà to lớn, vật dụng sang trọng, người thì hiền hoà nhân hậu, nhưng không khí như u buồn, quạnh quẻ.

Trước nhà hồ nước, hòn non bộ đã chận bớt những hăng hái đương đầu với cuộc sống đời thường, tạo cho gia chủ an phận với những gì đang có

Nếu sinh sống tại nhà này, gia chủ may mắn lắm hưởng đến đời thứ hai là hết

Nhà bếp phía sau che kín bởi những cây chuối cho đúng với phong thuỷ trước trồng cao, sau trồng chuối chăng ? nhưng vì sân nền nhà sau ẩm thấp  hậu vận không hay chút nào, tiếc !

Những ngày giáp tết đi học về thấy ghe bầu chở lúa người vác kẻ gánh ì xèo, nhưng cái không gian u uất thiếu sinh khí ấy báo hiệu gia chủ trên đường đi xuống, chứ không thể nào thăng tiến được

Nhà thuộc cách Thuỷ Hoả Ký Tế đại cát xương, thuật phong thuỷ cho rằng: gia đình hạnh phúc, người đông của nhiều, vợ chồng xứng lứa vừa đôi.

Nhưng Thoán từ lại khuyến cáo : “ Ký Tế, hanh tiểu, lợi trinh, Sơ cát chung loạn, cho nên được êm ấm thời gian đầu khoảng 40 năm, sau đó những đợt sống ngầm tạo cho gia chủ vướng nhiều nghịch cảnh ….

Theo Nhà Thơ Thy Lan Thảo nhà kiểu chữ Công,  Chử công giống như đòn sóc đăm qua hai bó lúa, nhà lớn bị đăm từ phía sau, nhà sau bị đăm từ phía trước, gia chủ dù gặp nhiều phong ba vẫn vượt qua được là nhờ vào phúc đức của tự mình tạo ra.

 

Nhiều hôm hai cánh cổng khép hờ, lũ chúng tôi đẩy nhẹ lách mình vào trong lượm me. Thỉnh thoảng gặp Bà Thân Bính với bé gái đi ra, lũ phá làng phá xóm chúng tôi phải chạy thục mạng, mãi đến ngày hôm nay nhờ một duyên lành đặc biệt mới biết bé gái ấy là Cô Nhung

Nhà Thơ Thy Lan Thảo hương lân với Cô Nhung viết như thế này :

 “ … nhà của ông Hương Thân Nguyễn văn Bính, đây là ngôi nhà thờ của gia đình Ông Đốc Phủ Nguyễn văn Hải, Ông Thân Bính là con của Ông Đốc Phủ Nguyên, gọi Ông Phủ Hải bằng Chú, ngôi nhà nầy nền cao non thước, ba căn hai chái rất rộng, nhà trên nối nhà dưới bằng một nhà cầu nhà kiểu chữ Công. Cửa ngỏ nhà xây tường ba mươi, hai cánh cổng bằng gổ ghép dầy khoảng nửa tấc có mái lợp ngói, cửa ngỏ nầy cũng là nơi trú nắng mưa cho khách bộ hành, cũng là tụ điểm cho học trò trên đường đi học về, tụ lại đây đánh đáo, bắn kè, ban đêm là chỗ hẹn hò lý tưởng cho những cặp tình nhân, hay đệ tử của thần Lưu Linh khi quá sỉn. Bờ sông trước nhà có cẩn đá, có xây bậc tam cấp để ghe chài chỡ lúa thu của tá điền cặp bến dễ dàng, nhà nầy chỉ có hai vợ chồng cho tới gần tuổi bốn mươi mới sinh một gái,… cô Nguyễn Thị Nhung là con gái duy nhất của Ông bà Hương, cô học Đại Học Khoa Học, về dạy vạn vật trường trung học Gò Công.

 

Cao Thệ



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 28/Dec/2012 lúc 3:09pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 588
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 01/Aug/2012 lúc 9:40am

24- Nhà Ông Cả Thuận

Nằm trong khuôn viên nhà ông Thân Bính, trước nhà có cây cột đèn rất khác với những cây cột đèn, đây là cây cột đèn áp chót trên đường Tổng Đốc Phương, đêm đêm đèn cháy ánh sáng vàng vọt như ai thấp bó nhang treo lũng lẵng trên cao

Xin giới thiệu bài viết của Thi Sĩ Thy Lan Thảo

            Ông Cả Thuận nguyên gốc người Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre,nội tổ của Ông, đậu tú tài tại khóa thi Gia Định, theo nghĩa quân Thiên Hộ Dương, nghĩa quân thế yếu thất bại bị Tây ruồng bắt, trốn lánh trôi dạt về lập nghiệp ở làng Yên Luông Đông sống bằng nghề dạy học. Ông Cả dạy học nhiều nơi, cuối cùng dạy tại trường làng Tân Niên Trung, Ông cất nhà định cư tại đây sau 26 năm làm nghề gõ đầu trẻ, Ông hưu trí ra làm làng, giữ chức Hương Cả, sau lên Đại Hương Cả miền Bắc gọi là Ông Cổ. Ông vốn người thông thái, giỏi chữ Hán, thông chữ Nôm, nói đọc, viết được chữ Pháp, các thú ăn chơi Ông đều rành rẽ, chánh tỉnh thời đó là Ông Grimald rất quý mến Ông, thường đánh xe ra tận nhà thăm Cả, tánh Cả không màng lợi danh; Chánh tỉnh đề nghị tặng mề đay, Ông từ chối tự cho mình không có công trạng, Chánh tỉnh đề nghị cho con trai cả làm thông ngôn, Ông cũng cám ơn mà không nhận, Ông chỉ muốn con trai nối nghiệp dạy học của Ông Bà. Thời Nhật qua, họ cũng đóng bản doanh ở nhà việc cạnh nhà Ông, Cả có thể giao tiếp được với họ bằng bút đàm, giúp đở phiên dịch cứu gỡ nhiều trường hợp oan ức cho dân. Lính Nhật cũng rất nể Ông, Ông rành điển tích sách vở, nên rất thiện nghệ cầm chầu hát bộ( bội).Bầu gánh rất nể nang Ông vì Ông thưởng phạt rất phân minh, đào kép không dám hát cương trật điển, biết rượu, biết thuốc nhưng không ghiền, chỉ uống nước trà thay nước lạnh, vợ bé vợ mọn Cả rành sáu câu, con cái cũng đôi ba dòng

dòng chính thất chỉ có một Mông sừ Đậu, học hết bậc sơ học, Cả xin cho con dạy học tại làng Vĩnh Lợi vì cưng con sợ phải lên Sài Gòn học tiếp mà xa nhà, hai người con gái ở dòng chính thất nầy, một người thứ tư và một người thứ tám … còn những người khác phát bệnh chết lúc còn thơ.

Năm 1948 vì dị ứng với giặc cờ đỏ, Cả dời nhà vô Gò Công , xin cất nhà trên miếng đất cạnh nhà thờ Ông Đốc Phủ Hải do con trai của ông đốc phủ là Ông Cai Tổng Tân làm giấy cho phép cất nhà trên đất của Ông làm chủ quyền; ngôi nhà chữ đinh được dỡ từ Tân Trung đem vào cất lại .

- Anh Ba tốt nghiệp Trường Quốc Gia Sư Phạm khóa1 ban 3 năm,

- Chị thứ hai lớn lên thời giặc giả nên chỉ học xong tiểu học ở nhà phụ việc gia đình

- Người thứ tư là chị Tuyết Nga, cựu Học sinh nội trú Gia Long, làm cán sự xã hội cho cơ quan truyền giáo Tin Lành Gia Định,

- Người thứ năm là chị Ánh Nguyệt học trung học dỡ dang theo chồng phục vụ sư đòan 23BB

- Người thứ sáu là chị Nguyễn Thị Lang tốt nghiệp Sư Phạm Cấp Tốc Sài Gòn dạy trường tiểu học Ngả năm Bình Hòa sau tiếp tục học đậu cử nhân giáo khoa Việt( Đại Học VK/SG)chuyển về dạy việt văn Trường Trung Học Gò Công.

- Người con trai út là sĩ quan tiểu đoàn 50CTCT đóng tại số 1Bis Phan Đình Phùng Sài Gòn, đã từng lảnh án lưu đày khổ sai hơn 8 năm qua các trại tù Cộng Sản ”

25- Nhà Ông Ba Khoa

Trước cổng vào nhà bên trồng cây soài, bên phía nhà Thy Lan Thảo thì trồng cây mận rất hấp dẫn , nhưng chó dữ đã hạn chế bớt sự phát phách bọn chúng tôi thật nhiều, buổi sáng sớm đi học ngang, mận hồng hồng nằm dưới đất, anh ách bên lòng !

Nhà sàn một trong bốn năm căn nhà sàn hiếm hoi ở Gò Công, trước nhà xây hồ cá, giữa hồ tạo hòn non bộ, chung quanh hoa kiểng xinh tươi, thấy có sinh khí nhưng phẳng phất nét âm u buồn bã.

Nhà ở có 2 cổng chánh thuật Phong Thuỷ chê xấu

Mời bạn xem phần viết của Thy Lan Thảo như sau :

Ông Thôn Trưởng Nguyễn Tấn Khoa , đây là một ngôi nhà cao cẳng bằng gổ, có kiến trúc rất đẹp, tọa lạc trên một khu đất rộng rãi.  Ngôi nhà nầy ông mua lại của bà Ba Thức , người đàn bà có chồng Pháp giàu có ngày xưa, nhà có hai cửa ngỏ trụ xi măng đúc hình khối chữ nhựt có mặt diện gần một thước vuông , nối liền hai cửa ngỏ là một hàng rào có chân đế đúc bằng đá xanh, trên chân đế là sắt dầy khỏang nửa phân rộng ba phân uốn hình hoa văn rất đẹp, phía trên rào sắt là hàng rào bông giấy được cắt xén cẩn thận, mỗi khung sắt là một màu bông giấy khác nhau,  màu đỏ, màu tím, màu gạch tôm …, sân hai mặt nhà phía bắc và phía tây được trán xi măng thành hình chữ T rộng rãi cho một chiếc xe hơi chạy , trước con đường trán xi măng là một sân đất , có hồ cá xây nổi trên mặt đất cao khoảng một mét, xây hòn non bộ, thả cá lia thia tàu, sau có thầy phong thủy khuyên ông bỏ đi hòn non bộ, sau cũng đập bỏ đi đổ đất vào trồng hoa kiểng, sân đất trồng nhản, xoài, một ít hoa lài sát chân rào, sân tráng xi măng và quanh nhà để hàng trăm chậu kiểng, tây, ta, hoa, lá, đủ sắc đủ màu, nhà có thuê ba bốn người phụ việc, các anh nầy đạp xích lô ( xích lô nhà) chở người nhà đi chợ ( về sau Anh Thành nghỉ làm ở đây về sống bằng nghề đạp xích lô), để chăm sóc vườn tược, để kéo lúa đi xay gạo, hai ba người đàn bà phụ bếp, sai vặt với một bà vú. Nhà Ông Thôn thường xuyên đãi tiệc, khách khứa thuộc hàng chức quyền trong tỉnh, bà Thôn thuộc kiến họ Đổ, gốc người Bình Ân cũng là một kiến họ có điền sản ở Gò Công .

Ông Thôn có ba người con trai:

- Chú Hai Nguyễn Tấn Kỳ, chủ xe đò Kỳ Quan chạy lộ trình Gò Công Sài Gòn,

- Chú Ba Nguyễn Tấn Nam.

- Chú Năm Nguyễn Tấn Lựu làm việc ở Sài Gòn, Chú Năm trong khai sinh chánh lục bộ ghi nhầm tên Lóc,

Ba người gái là:

-  Cô Sáu Bưởi chủ tiệm may y phục Việt Tân nằm trong dãy phố 12 căn ,

- Cô Tám Hoa ( khai sinh tên Ngọt)

- Cô Chín  Nguyễn Thị Nở trước học dược, sau bỏ qua cao đẳng sư phạm ra trường dạy Lý Hóa trường Trưng Vương cho tới ngày sập tiệm.

Ông Thôn có ba nhánh cháu nội đều học tại Sài Gòn, nghỉ hè thường về đây, là học sinh của các trường Ch***e Loup và P.Trus Ký Sài Gòn, mỗi lần lễ lạc hay nghỉ hè bạn bè của các anh thường tụ lại đây rất đông đa số là cầu thủ Gò Công như: Anh Tam Lang, Anh Châu Chuột, Anh Xiếu, Anh Quý nhà thờ. Cháu ông Thôn có anh Trọng là thủ môn của hội Gò Công, sau nầy là Thiếu tá Nguyễn Tấn Trọng lái Si Núc, bị VC bắn rớt bị bắt và được trao trả tù binh tại Tây Ninh, Anh Nguyễn Tấn Tâm đứng góc trái hàng tiền đạo. Mai lang Xuân trái tiếp ứng, sau nầy là cán sự phụ tá phòng thí nghiệm. Anh đền nợ nước trong trận Mậu Thân 2 tại Đức Hòa trong màu áo Biệt Động Quân,  

Cao Thệ         

IP IP Logged
thonglo2003
Admin Group
Admin Group
Avatar

Tham gia ngày: 31/May/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 406
Quote thonglo2003 Replybullet Gởi ngày: 03/Aug/2012 lúc 11:30am
 
 
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi thonglo2003 - 03/Aug/2012 lúc 11:37am
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 588
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 03/Aug/2012 lúc 1:05pm

Anh Lộ Công Thông kính !

Chân thành cám ơn Anh đã đề nghị trang ” Cầu Huyện Quê Hương Tôi” nên có tấm bản đồ và cung cấp tất cả các vật liệu để vẽ sau đó  scan, post lên trang mạng

Cao Thệ

IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 588
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 11/Aug/2012 lúc 11:12am

Nghĩa Địa

Cuối ranh nhà Ông Ba Khoa là con rạch nối với dòng sông, hai đầu cống được xây đá xanh rất đẹp, lũ chúng tôi gọi tên là cống Ông Ba Khoa

Phần cống bên sông bị nước phá đất trôi đi nên mặt lộ sụp xuống, những ngày triều cường mùng 1, 17 âm lịch thường ngập nước, học trò đi ngang qua cà ngơ cà ngáo là bị bạn đi sau đá nước văng ướt cả áo quần.

 

Bờ rạch này là đỉnh, con hẻm ranh nhà máy nước đá chạy thẳng vào giáp cái ao trước nhà thầu Quê hương là đáy

Hai chiều dài bên cặp theo sông là đường, chiều bên kia là hàng rào cuối nhà bên đường Lộ Me trồng đầy cây keo gai cổ thụ, chúng tôi thường vô đây cạy mủ về ngâm nước nóng để làm keo dán giấy Thủ Công, dính rất tốt.

Như vậy khu vực Nghĩa Địa mang hình dáng bình hành

Khởi đầu là những nắm mồ lúp xúp dưới những bụi châm bầu, cây lứt, những trãng nước, qua đây thường thấy bầy heo nằm vũng.

Thông thường chôn theo hướng Đông Tây, tại nghĩa trang này việc chôn cất rất là lộn xộn, mồ mả không theo quy luật nào.Tuỳ hứng !

Đa phần mã lạng, gần trước hẻm vào nhà Bác Năm Quăn có ngôi mộ không mang hình chử nhật mà như chiếc nón lá úp, người lớn bảo rằng đây là ngôi mả bị trời đánh,  những người chết vì “trời đánh” phải chôn ngồi, bởi khi họ sống là đứa con bất hiếu, cải lời cha mẹ nên bị trời đánh.

Tôi vốn hay không vâng lời má, thường trốn nhà đi chơi nên mỗi khi trời mưa nếu ở nhà bới tô cơm ngồi dưới đít bàn thờ ăn từ hột, đến khi hết mưa mới dám ló đầu ra vì chị tôi bảo

“ Trời đánh tránh bửa ăn”

Chị tôi hay thiệt, nhờ vậy mà sống được tới ngày hôm nay

Sau này tôi thấy khu nghĩa địa trên Tân Hiệp, Mỹ Tho dọc theo Quốc Lộ đa phần mả có hình dáng nón lá úp, chẳng lẽ người ở đây bất hiếu hết hay sao ?

Dù sao thì tôi cũng cám ơn ngôi mả nón úp đã giúp tôi trở thành đứa bé tốt hơn.

 

Nói đến Nghĩa địa này chúng tôi có kỹ niệm, không biết thế nào thuở đó các anh các chị trong xóm khoái chơi Cầu Cơ, tối tối thường tụ nhà tôi nào là mua bánh ngọt, nhang đèn, lải nhải những câu thần chú trời ơi đất hởi

Rồi hai người đặt tay vào Cơ, hai vị này phải còn Zin mới được Cơ chuyển . Làm sao mà biết được zin với không zin, bày đặt bày điều, cứ đặt ngón tay lên đại, không chuyển thì thay người khác đổ thừa tại nặng bóng vía. Đến khi Cơ chuyển mấy đứa tôi ngồi xanh mặt mày, lành lạnh ở sống lưng, thiệt giả bầt phân !

Khi Cơ chạy việc đầu tiên là xưng danh tánh, cho biết thuộc thành phần nào Thần Tiên Ma Quỷ ? Trời người đều bị gạt !

Sau màn chào nhau đúng phép các anh chị đua nhau hỏi thôi đủ thứ chuyện, từ việc học, việc yêu, cho đến nhờ đặt thơ, hỏi bài thi … hầm bà lằng xắn cấu !

Cơ chạy lăng xăng trên mấy chục chử cái, mấy con số lâu lâu ghé vào ô tròn ghi chử “ uống nước ”, “ hút thuốc ”, khi cơ nhào vào ô có chử “ Thăng “ là tiếp tục cuộc đọc thần chú chờ vị kế tiếp giáng vào.

Người nhập cơ khi thì lính tử trận lúc thì chết oan, có người không biết chử chạy lòng vòng phá đám, vậy mà vui !

Không biết vị sư phụ nào dạy phải tìm xương người giủa làm cơ, hoặc miếng ván hòm ở trên đầu làm cơ mới linh, tụi tôi lùng xục mấy ngày liền được miếng ván, không biết phải ván hòm không vì nó nằm dưới vũng nước trong nghĩa địa, đem về đưa thằng Hai Nhỏ bào cưa đục đẻo, cả chục miếng cơ mài giấy nhám láng cón .

Sau này không cần Cơ, đồng tiền cắc cũng chạy te te, chả hiểu nổi !

Nghi người ngồi cơ, lên giả nhờ tụi ba giá chưa đi học đặt tay lên cơ vẫn chạy nhưng không chử nào ra chử nào!

Phong trào chơi Cơ của đám con nít chúng tôi, bị người lớn phản đối quá chừng, nghe mấy Chú Bác lúc thì nói ở Bình Ân khi thì nói trên Hoà Đồng người chơi cơ bị Ma nhập về đòi dẩn người hạp bóng vía đi cho có bạn. phong trào chơi cơ xẹp xuống thấy rõ.

Sau này Kiến Ốc Cục cho bốc mộ cất nhà Villa cứ 2 gia đình chung một căn có đất trống 3 bên trồng cây kiểng

Bên kia đường khu vực ông Tàu Báu phơi cải muối cất lên dảy phố liền căn với nhau

Cao Thệ

 

Đôi lời về mấy tấm bản đồ.

Gọi là bản đồ cho hách, chứ thật ra chỉ là sơ đồ vẽ theo trí nhớ.

Thời con nít tối ngày trầm nghịch dưới sông, đi từ bãi sình này đến bãi sình nọ bắt vọp, thụt cua, con nước 15-16 âm lịch len lỏi sâu vào đám lá bắt cá bóng kèo, những ngày nước kém thì đi xúc tôm mò cá. Đoạn sông từ nhà Ông Thân Bính đến ngã ba sông một ra biển một về Cầu Đúc không nơi nào tôi chẳng đi qua nhớ cả từng luồn nước chảy.

Những lúc vô công rổi việc thì rủ nhau đi phá xóm phá làng.

Vì vậy hang cùng ngỏ hẽm trong khu vực đều thuộc nằm lòng, thời gian trên 50 năm rồi trí nhớ già cỏi nên sai lệch đi, nhưng chắc không nhiều.

Trên sơ đồ tôi đánh số từng lô đất tương ứng với các số được đánh trong bài viết

Căn cứ vào số ghi trên bài, tìm ra lô đất trên sơ đồ để so vào thực tế

Thân ái.

IP IP Logged
hoangngochung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 27/Nov/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 513
Quote hoangngochung Replybullet Gởi ngày: 11/Aug/2012 lúc 10:53pm


Chạnh lòng thương kiểng nhớ quê   (Ca sĩ Thùy Trang)


http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=06UncFa4Vu




hung0989077120@ahoo.com
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 18 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 2.129 seconds.