Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình
Message Icon Chủ đề: Happy Father’s Day. Bài viết cảm động ! Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Chủ đề: Happy Father’s Day. Bài viết cảm động !
    Gởi ngày: 13/Jun/2011 lúc 6:35pm
 
 
 
 
 
 
BỐ TÔI, NGƯỜI LÍNH VNCH
 
                                       
 
 
Tôi có một người cha già, lại tàn tật, cụt một chân. Khi tôi sinh ra đời bố tôi cũng đã gần 50 tuổi. Trong một thời gian dài, bố tôi đóng vai trò của một người mẹ, tuy di chuyển khó khăn, nhưng ông lo lắng cho tôi không còn thiếu một thứ gì. Bạn bè thường gọi là “Ông nội trợ” và khen là đàn ông mà bố tôi có đầy đủ các đức tính của người phụ nữ Á đông “công, dung, ngôn, hạnh”, nuôi con khéo léo không ai bằng.
Hồi còn bé, tôi không hiểu được, vì sao không phải mẹ tôi, mà bố tôi luôn luôn ở nhà chăm sóc cho tôi. Từ từ tôi mới nhận ra, trong đám bạn bè, tôi là người duy nhất luôn luôn có người bố bên cạnh. Thiếu tình mẹ, tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy an ủi, mình là người rất may mắn, còn hơn nhiều đứa trẻ thiếu cả tình thương của cha lẫn mẹ.
Sau này tìm hiểu thì tôi biết, bố tôi là một lính VNCH, bị thương trên chiến trường, được mẹ tôi bảo lãnh theo diện đoàn tụ, bà lo cho ông hưởng tiền trợ cấp tàn phế. Lúc tôi được hơn 3 tuổi, bố tôi và mẹ tôi ly dị, bà đã lập gia đình với một người đàn ông khác, nhường tôi lại cho bố tôi nuôi. Trong ký ức trẻ thơ, tôi có hình dung được hình ảnh của mẹ tôi một vài lần, khi bà đến thăm, nhưng rất xa lạ, vì luôn luôn bà đi với một người đàn ông nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng.
Tôi có tí mặc cảm về địa vị bố tôi ngoài xã hội, so với bố của những đứa trẻ khác, tuy nhiên việc chăm sóc tôi thì hoàn hảo, ông chăm lo cho tôi từ việc lớn đến việc nhỏ, không phải đụng tay vào bất cứ thứ gì. Trong suốt thời gian tôi học tiểu học, ông còn thuyết phục ông tài xế xe bus đón tôi đi học ngay tại cửa nhà, thay vì ở trạm xe , cách xa nhà tôi 4 dãy phố. Khi tôi bước vào nhà, lúc nào bố tôi cũng chuẩn bị sẵn thức ăn trưa, nào cá kho, thịt kho, rau xào và có cả canh nữa. Lâu lâu cũng có thức ăn Mỹ, sandwich, hamburger, bơ đậu phộng, và còn thay đổi theo mùa. Giáng Sinh bánh có viền xanh hình cây thông, Valentine có hình trái tim..vv…
Khi tôi lớn hơn một chút, vào năm đầu tiên trung học, tôi lại thích sống độc lập, tôi muốn thoát ra những cử chỉ yêu thương dành cho con nít của bố, vì sợ chúng bạn trêu chọc. Nhưng chẳng bao giờ bố buông tha tôi cả, một đôi khi tôi rất bực mình.
Cấp trung học, tôi không thể về nhà ăn cơm được nữa, phải bắt đầu tập tự lo cho mình. Nhưng bố tôi lại thức dậy sớm hơn thường lệ để chuẩn bị bữa ăn trưa cho tôi. Ông cẩn thận ghi cả tên tôi bên ngoài túi giấy đựng đồ ăn. Lật dưới đít bao giấy, luôn luôn có một vài hình vẽ nhỏ, khi thì căn nhà, khi thì dòng  suối, ngọn núi, chim cá và hình trái tim với dòng chữ “I Love You Tammy!” Nào hết đâu, bên trong những chiếc khăn giấy cũng có những dòng chữ triều mến “Bố thương con nhiều”. Ông luôn viết, hay có những câu nói bông đùa như thế để nhắc nhở là ông yêu thương tôi nhiều, và muốn làm cho tôi vui.
Tôi thường lén ăn trưa một mình để không ai thấy được cái túi giấy và khăn ăn. Nhưng cũng chẳng giấu được lâu. Một hôm, một đứa bạn tình cờ thấy khăn ăn của tôi, nó chộp lấy la lên và chuyền đi khắp căn phòng cho mọi người xem. Mặt tôi nóng bừng, bối rối, mắc cỡ muốn chui đầu xuống đất.
Bữa hôm đó tôi về, đã làm mặt giận với bố tôi và “cấm” ông ấy không được viết, vẽ “bậy bạ” trên khăn giấy nữa, để bạn bè không coi tôi như đứa con nít lúc nào cũng cần người lớn chăm sóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố tôi buồn, lặng lẽ vào phòng đóng cửa.
Ngày hôm sau, tôi vô cùng ngạc nhiên vì tất cả bạn bè bu chung quanh tôi, chờ để được xem chiếc khăn ăn, nhưng lần này thì trống trơn, không có dòng chữ hay hình vẽ gì cả. Nhìn mặt bọn chúng thất vọng, hụt hẫng, tôi mới hiểu ra, tất cả chúng nó đều mong ước có một ai đó biểu lộ tình thương yêu ngọt ngào giống vậy đối với chúng. Lúc đó lòng tôi len lén cảm thấy vui vui, dâng lên niềm tự hào về bố. Tôi vội về làm lành với bố, và những giòng chữ, những hình vẽ yêu thương lại tiếp tục.
Những năm còn lại trong trường trung học, tôi vẫn đều đều có những chiếc khăn đặc biệt ấy. Và từ đó, tôi giữ lại, chứa trong một cái hộp riêng, giấu kín.
Chưa hết, khi vào đại học, tôi phải rời xa bố, tôi nghĩ thông điệp xưa kia của bố sẽ phải chấm dứt. Nhưng tôi và bạn bè rất vui sướng vì những cử chỉ biểu lộ tình cảm của bố tôi vẫn tiếp tục qua hình thức khác.
Ở cấp đại học, dĩ nhiên không còn thấy bố tôi đứng chờ khi tan học, vì thế, tôi hay gọi điện thoại cho ông, chi phí điện thoại khá cao, nhưng không sao, tôi chỉ muốn nghe được giọng nói của ông mà thôi.
Suốt năm học đầu tiên, chúng tôi quen lối nói chuyện như thế và sau đó kéo dài một năm. Thường thì sau khi tôi nói lời tạm biệt, câu cuối cùng không bao giờ thiếu.
“Này Tammy”
Tôi thường trả lời “Dạ, gì thế bố?”
“Bố thương con nhiều.”
“Con cũng thế. I Love You!”
Hình như bố tôi nhận ra chi phí mắc mỏ cho những cuộc điện đàm, từ đó, tôi bắt đầu nhận thư mỗi thứ sáu. Ban thường trực phát thư của trường đều biết ai là người thường gửi lá thư này, mặc dù địa chỉ hồi âm luôn luôn ghi là KBC 1678. (Sau này tôi khám phá ra, KBC viết tắc là Khu Bưu Chính, địa chỉ trong quân đội ngày trước nơi bố tôi phục vụ. Còn số 1678 dễ quá, là số nhà tôi hiện tại.)
Nhiều lúc bên ngoài bì thư, địa chỉ được viết bằng bút chì và tiếp theo đó là những lá thư có hình con mèo và con chó của gia đình tôi, có vẽ những hình tháp nhiều từng, hình cây cầu nhiều nhịp in trên sóng nước. Hè năm đó, bố tôi và tôi du lịch về Việt Nam, lúc đó tôi mới biết là Chùa Một Cột, Chùa Thiên Mụ, Cầu Tràng Tiền v.v…
Sau chuyến du lịch ấy, tôi tìm hiểu về Việt nam nhiều hơn, nhất là cuộc chiến tranh trước 75, tôi bắt đầu thấy thương bố nhiều, ông là người lính bại trận, nhưng quân lực ấy đã chiến đấu dũng cảm cho tự do, cho hạnh phúc của người dân miền Nam trong suốt 20 năm. Nếu không bị đồng minh bán đứng, cuộc chiến chưa chắc ai thắng ai.
Thư đến và được phát mỗi ngày sau buổi ăn trưa. Tôi thường đi nhận thư và mang theo mỗi khi đi uống cà phê. Tôi nhận thấy chẳng cần phải giấu giếm làm gì nữa, bởi bạn cùng phòng tôi là những đứa bạn hồi còn trung học, chúng nó biết rất rõ về những chiếc bao giấy, khăn ăn. Và rồi trở thành như một tập tục, tôi đọc thư, còn bì thư và hình vẽ thì được chuyển khắp bạn bè, thư từ bố tôi thành niềm vui của cả phòng.
Trong năm cuối cùng đại học, bố tôi bị căn bịnh ung thư hành hạ. Mỗi khi tôi không nhận được thư vào ngày thứ sáu, tôi biết ông ốm nặng, không thể viết được. Ông thường thức dậy lúc 4 giờ sáng để có thể ngồi trong nhà yên tĩnh nắn nót viết những lá thư. Nếu không kịp cho đợt phát thư vào thứ sáu, thì chỉ sau đó, một hai ngày, thế nào rồi thư cũng đến. Bạn bè tôi bình bầu ông là “Người cha thương con nhất trên thế giới này!”
Ngày lễ cha, Father’s Day, chúng nó gởi một tấm thiệp phong tặng ông danh hiệu đó và tất cả đều ký tên trên tấm thiệp. Tôi tin rằng ông đã dạy cho tất cả chúng tôi về tình phụ tử, bạn bè tôi bắt đầu nhận những tấm khăn ăn giống như tôi từ gia đình chúng nó, với những lời để lại ấn tượng mà sẽ thôi thúc họ hãy biểu hiện tình thương của họ với con cái sau này.
Suốt thời gian đại học, những lá thư và những cú điện thoại như một chu kỳ đều đặn.
Ngày ra trường, tôi quyết định chọn công việc làm gần nhà, để được ở cạnh bố tôi, vì căn bệnh bố càng ngày càng nặng. Thời gian được ở gần bố không còn bao nhiêu lâu nữa.
Đó là những giây phút khó khăn, đau khổ nhất cuộc đời tôi phải trải qua.
Tôi ở bên cạnh bố tôi một vài ngày trong bệnh viện trước khi ông mất. Vài giờ trước khi hấp hối, ông nắm tay tôi bảo “Bố nhờ con một điều, con về nhà lấy cho bố cái hộp gỗ mà bố để trên đầu tủ, đây là hộp chứa đựng những kỷ niệm đời lính mà bố yêu thương nhất. Bố muốn nhìn nó lại một lần.”
Tôi lái xe về nhà, và cũng tìm ra ngay chiếc hộp phủ đầy bụi thời gian. Có gì bên trong? Tôi tò mò mở nắp hộp. Mắt tôi bắt đầu cay cay nhòa lệ, khi nhìn thấy những tấm hình của bố tôi còn trẻ, trong những bộ quân phục thật oai phong. Có những tấm cầm súng đằng sau chiến trường còn bốc mùi lửa khói. Lật ra đàng sau, những ngày tháng cũ, 68, 70, 71, 72… với những địa danh xa lạ: An Lộc, Bình Long, Đồng Xoài, Khe Sanh… Dưới đáy hộp là căn cước quân nhân, giấy giải ngũ và những tấm huy chương, bộ lon gắn trên cổ áo khi ông mặc những bộ quân phục.
Bây giờ thì tôi mới hiểu hết, không còn mặc cảm hình ảnh có ông bố tàn tật chỉ biết lo việc “nội trợ”, ngược lại là đàng khác, Bố tôi đã một thời là một người lính chiến oai hùng, đổ máu hy sinh một phần thân thể mình cho một cuộc chiến đầy chính nghĩa, bảo vệ quê hương.
Rõ ràng bố tôi chăm sóc tôi, vui vẻ làm những việc của người phụ nữ bao nhiêu năm nay, chỉ vì tình thương con mà thôi. Ông thật là người cha tuyệt vời
Tôi ôm cái hộp, chạy gấp lại bệnh viện, định nói lời xin lỗi với người cha thân yêu của mình, nhưng đã trễ! Người y tá trực cho biết, bố tôi vừa trút hơi thở cuối cùng. Rồi người y tá trao cho tôi chiếc khăn giấy nhà thương, với giòng chữ cuối cùng run rẩy của một người cha dành cho con “Tammy, ba thương con nhiều! Vĩnh biệt!”
Nước mắt tôi trào ra như suối, cầm tấm khăn giấy trong tay áp vào ngực, tấm khăn giấy cuối cùng, mà cả cuộc đời mãi mãi không còn nhận được nữa.
Lúc liệm xác, tôi bỏ theo chiếc hộp kỷ niệm đời lính vào hòm cho bố, còn những chiếc khăn giấy tôi sẽ giữ mãi bên cạnh cả cuộc đời tôi.
Bây giờ thì những chiếc khăn giấy đã đổi màu vàng khè, nhưng tình tôi dành cho người bố càng ngày càng thấm thiết, bất diệt, muôn đời không thay đổi.
Happy Father’s Day
Mừng Ngày Của Bố
Mừng ngày Quân Lực 19/6/2011
 
Hải Lê 
 
 
 




Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 13/Jun/2011 lúc 6:39pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 13/Jun/2011 lúc 9:10pm
 
 
 
 
Tuần lễ của anh
 
(antrinh)
 

 
Chúa Nhật tới là Father's Day
Đài tiên đoán trời có nhiều mây
Em sợ sẽ mưa ngày hôm ấy
Sân cỏ ướt nhẹp... sao cắt đây!?
 
Thế thì anh nhé làm việc này
Một việc em nghĩ cũng rất hay
Thảm dưới nhà mình dơ rồi đó
Anh chịu khó giặt sẽ sạch ngay.
 
Nếu như giặt thảm còn rảnh tay
Anh ra xén gọn hàng rào cây
Được mưa được nắng um tùm quá
Lấn chỗ của em khóm hoa gầy.
 
Bữa nay anh ạ mới thứ hai
Chiều về anh hỡi nhớ trổ tài
Giùm em thanh toán mớ quần áo
Anh ủi thẳng tắp chẳng thua ai.
 
Một việc rất khỏe ngày thứ ba
Anh đã làm giỏi nhiều năm qua
Là lau hộ em cái nhà bếp
Ông xã em clean hết sảy mà.
 
Còn chuyện nấu ăn để thứ tư
Nếu anh không thích cứ từ từ
Vì em chỉ cần một tô phở
Ra tiệm mua về - đủ ngắc ngư.
 
Thứ năm anh muốn làm gì không
Ngồi chơi rảnh rỗi cũng buồn lòng
Thôi thì đi chợ mua những thứ
Đây list em ghi... ráng cho xong.
 
Thứ sáu cuối tuần nhớ nghỉ ngơi
Ở nhà rửa chén đừng đi chơi
Anh cần ngủ sớm giữ sức khỏe
Sống lâu trăm tuổi... tận hưởng đời.
 
Sang ngày thứ bẩy mình shopping
Quà tặng cho anh với tấm tình
Là... "EM" diện vào chiếc áo mới
Đã chọn sẵn rồi...
Anh chỉ việc trả tiền thôi.
 
"Anh yêu", em thương anh nhất trần đời!!!!
 
 
antrinh
 
 
 
 
 
 
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 14/Jun/2011 lúc 5:46pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 14/Jun/2011 lúc 5:24pm
 
 
 Before Father's Day.

 


 
 
 
MUOI THUONG

                          Một thương mái tóc bồng bền,
                          Tóc nàng lạ lắm lúc vàng lúc xanh.
                          Hai thương đôi mắt long lanh,
                          Liếc tình một cái cọp thành nai tơ.
                          Ba thương cái tính thờ ơ,
                          Cái gì không nhớ chỉ chờ tiền lương.
                          Bốn thương 10 ngón thiêng đường,
                          Móng nàng lạ lắm vừa dài vừa cong.
                          Năm thương tài biết nấu ăn,
                          Ba năm một món anh ròm hơn ma.
                          Sáu thương cái tính thật thà,
                          Vòng vàng chã thích hột xoàn thì mê.
                          Bảy thương không thích ngồi lê ,
                          Suốt ngày phim bộ Đại hàn thâu đêm.
                          Tám thương chân tính tu hành ,
                          Bầy con đói khát của ngon cúng thầy.
                          Chín thương cái má hây hây..
                          Anh không dám đụng sợ trầy môi son.
                          Mười thương không thích Shopping ,
                          Online mua sắm không vừa đem cho...
                          Anh mang  số kiếp " Tò vò "
                          Thương em mười thứ ...chắc về chăn trâu.

                                Arkansas , before Father day.

 
 
 
 
 
 
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 14/Jun/2011 lúc 5:34pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 16/Jun/2011 lúc 7:13pm
 
Happy Father’s Day
 
 
 
Cám ơn anh
 
 
Cám ơn anh - những sáng hồng rực rỡ
Ánh mắt tràn âu yếm buổi sớm mai
Ly cà phê thơm phức của cả hai
Cùng thưởng thức để hai mình chỉ là một.
 
Cám ơn anh - những ngày dài ngập lụt
Trận mưa giông kéo xập cả bầu trời
Cách anh chiều sao điệu quá lả lơi
Dìm em lún trong hồ bơi hạnh phúc.
 
Cám ơn anh - những tháng năm chân thực
Mình cho nhau tất cả những gì còn
Từ sợi tơ đến tận đáy tâm hồn
Rung lên hết như sợi lau chiều đan gió.
 
Cám ơn anh - lời thề nguyền gắn bó
Trước chuyện đời lắm lúc chẳng an vui
Vì biển khơi cứ quen thói dập vùi
Con thuyền nhỏ cố vươn trên triền sóng.
 
Cám ơn anh - những hiên ngang chèo chống
Hướng dẫn con biết chăm chỉ thật thà
Luôn can trường phấn đấu trước phong ba
Gặp nguy khốn không bao giờ quỵ ngã
 
Cám ơn anh - cám ơn anh vì tất cả
Những hương hoa ngây ngất của cuộc đời
Cả chua cay đắng chát mặn  đầu môi
Mình sẽ mãi suốt đường dài cùng bước.
 
antrinh
 
 
 
 
Tháng sáu trời buồn
 

Tháng sáu trời buồn con mất cha
Mất nguồn thác đổ rất khoan hòa
Mất giòng suối ngọt tràn lai láng
Kín đáo không cùng bao thiết tha.
 
Tháng sáu mưa nhiều - Ngập ngàn sông
Ơn cha dưỡng dục biển mênh mông
Dẫu rằng đánh đổi cả mạng sống
Hạnh phúc cho con cũng vui lòng.
 
Có phải cuộc đời chẳng nghĩa chi
Nên cha cứ đành bỏ ra đi
Để con tức tưởi trong thương tiếc
Nước mắt lưng tròng khóc biệt ly.
 
Vẫn biết cha rũ sạch nợ trần
Thênh thang thanh thản nhẹ bước chân
Về nơi vĩnh cửu bên nhan thánh
Hưởng phúc muôn đời - Đấng Từ Nhân.
 
Vẫn biết cha được Chúa gọi về
Thoát vòng tục lụy lắm u mê
Nhưng sao con vẫn đau lòng quá
Như giấy trắng tinh bị rách lề.
 
Vẫn biết nhắm mắt cha lìa đời
Là hết là xong kiếp con người
Khổ ải trầm luân miền cát bụi
Mà tiếng lòng con vẫn nghẹn lời.
Cha ơi...!!!
 
antrinh
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 16/Jun/2011 lúc 7:15pm
mk
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 16/Jun/2011 lúc 7:55pm
.
 
 
Cám ơn mykieu chịu khó sưu tầm đăng nhiều bài rất hay.
 
 
 
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 17/Jun/2011 lúc 9:41am
NGHỀ "THỢ LẶN"
Tác Giả: Nguyễn Thượng Chánh   
Thứ Sáu, 17 Tháng 6 Năm 2011 05:13

Cổ nhân thường nói nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh!

 
image

Không biết tại sao cái nghề rửa chén rửa bát, muỗng nĩa, dọn dẹp chùi rửa nhà bếp bên Tây và bên Canada họ gọi là plongeur (thợ lặn)? Có lẽ là tại vì suốt ngày phải ngâm đồ và thọc tay mò trong nước chăng?

Theo văn chương vỉa hè thì "thợ lặn" là từ để ám chỉ những tay tổ nào khôn mánh quá Trời. Mỗi khi có người nào cần mượn hay nhờ vả họ làm cái gì đó là họ né liền, trốn biền biệt hoặc phịa ra đủ thứ lý do để khỏi làm... đúng theo câu "ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau". Hình như số này hơi nhiều.

Mà cũng ngộ, ngày xưa bên nhà, cái bếp là vùng bất khả xâm phạm, một thứ no man's land đối với đàn ông con trai. Lỡ rủi có láng cháng xuống đó là bị mấy bà, biểu đi lên nhà trên đi, đi chỗ khác chơi. Đây là chỗ của đàn bà con gái, xuống đây làm gì.

Bí quyết bảo vệ hạnh phúc gia đình

Đó là nói theo hoàn cảnh của riêng từng gia đình mà thôi. Nếu ở chung với gia đình bên vợ, có nhiều dì quá thì đàn ông, con trai được miễn xuống bếp. Các cậu có bộn phận ở nhà trên, coi đem phụ dọn chén dĩa dơ xuống bếp. Rồi lau bàn, lau ghế, quét nhà cho sạch sẽ là đủ trách nhiệm rồi.

Trường hợp hai vợ chồng ở riêng thì mình chia sẻ nhau công việc bếp núc. Vợ biểu gì, "mượn làm gì" thì làm y vậy. Nói theo văn chương nình ông là làm theo lệnh bà, yes mam.

Theo Tổng Hội Thờ Bà VN Hải Ngoại, nể vợ hay sovo là bí quyết để bảo vệ hạnh phúc gia đình! Hội TBVNHN là một chi nhánh của The World Sovo Organization (WSO) thuộc LHQ.

Nhưng thường thì đa số các bà Việt Nam cũng biết giữ thể diện cho chồng mình nên ít khi nào áp dụng cái nguyên tắc cầm quyền chuyên chính mỗi khi có khách khứa đến chơi.

Mà cũng độc, có nhiều cha nội lợi dụng tình hình bỏ ngõ đó nên đôi khi họ làm bộ ra lệnh, nạt nộ vợ thế này thế nọ, sai biểu thế kia, chỉnh vợ trước mặt khách để bắt le và cũng để tỏ ra là ta đây mới đúng là nam nhi chi chí, mới xứng đáng mặt mày râu, tui đây mới là chủ gia đình nè.

Khách về thì biết tay bà! Tức lắm.

Ngày xưa, thời trước 75, lúc người gõ còn ở bên nhà, thì đàn ông vô bếp rửa chén và xách giỏ đi chợ là chuyện rất hiếm thấy. Xã hội chưa quen mắt. Quê lắm.

Rồi còn vụ đàn ông cưng vợ quá mức có thể bị mấy bà già trầu rủa tắt bếp, là ăn phải bùa mê thuốc lú, là đội q... nó. Chuyện này thường thấy xảy ra 50 năm về trước. Ngày nay thì không còn thấy nữa mà ngược lại con cái đặt dâu thì cha mẹ làm ơn ngồi đó, nhứt là cha mẹ già lẩm ca lẩm cẩm quá Trời. Ngồi yên, đừng có lộn xộn.

Mà cũng mâu thuẫn thật. Ngày xưa, mấy bà già lúc gả con gái thì căn dặn con gái mình đủ điều trong chiều hướng phải xỏ mũi nó ngay từ đầu, đừng để nó ăn hiếp, phải thống lãnh uy quyền trong tay để không thôi thì sẽ mất hết cả chài lẫn chì. Còn nếu bà cưới vợ cho con trai, thì đố khỏi bà không dặn cậu em đừng để vợ mầy bắt nạt, coi thường mầy và bên nhà chồng, phải dạy vợ từ thuở ban sơ mới dìa. Má ơi nát nước rồi, còn đâu mà dạy được nữa. Trễ quá rồi.

Kẹt một cái là thằng con lại giống y chang tánh ông già tía của nó nên đành phải xếp ve, quặp râu trước mặt vợ. Cha truyền con nối mà.

Giai cấp thầy chú càng hiếm thấy vô bếp hơn giai cấp bình dân. Đó là chưa dám nói tới giai cấp bác sĩ, luật sư, sĩ quan... hét ra khói. Mới đây, báo chí có đề cập đến cựu TT Tunisie Ben Ali ngán vợ hết cỡ thợ mộc. Chính mệnh phụ phu nhân Leila Trabelsi đã quyết định tất cả kể cả việc kéo mũi chồng ôm vàng đào tẩu.

Riêng người gõ thì nằm trong ngoại lệ. Chuyện bếp núc, rửa chén là một phần trong đời sống của mình. Mình quen quá rồi không xem việc đó là một hình phạt làm tổn thương đến cái tôi. Mà theo Phật giáo thì cái tôi, cái ngã làm gì có được. Tây thì nói cái tôi là cái thật đáng ghét.

Làm những gì mình thấy vui là được rồi.

Phải tiếp vợ một tay

Từ ngày đụng má sắp nhỏ thì mình cũng thường xuống bếp hay đi chợ lúc nào cần. Mượn anh làm cái gì thì anh làm cái đó. Lặt rau, lặt giá, rửa nồi, rửa chén và đấm lưng, đấm vai, cõng đi chơi v.v... làm tuốt luốt hết. Nhằm nhò gì ba cái chuyện lẻ tẻ đó.

Khi quê hương đổi chủ thì tình hình xã hội cũng có thay đổi... Hiện tượng đàn ông vô bếp và đi chợ có khuynh hướng tăng nhiều hơn thời trước 75. Ai cũng làm vậy hết, nên bớt mắc cỡ, bớt thấy quê. Chuyện gì cũng vậy, riết rồi cũng quen con mắt mà thôi.

Tại hải ngoại thì...

Tại xứ người, vì hoàn cảnh của cuộc sống, vợ chồng đều đi làm hết nên chuyện nhà cửa, bếp núc và con cái là chuyện chung của cả hai người. Bắt buộc chồng có bổn phận phải san sẻ công việc nội trợ với bà xã.

Nình ông Tây và nình ông Việt đều đi chợ và vô bếp rửa chén hết. Đây là chuyện quá thường tình trong xã hội Tây phương. Bất luận ông gì cũng vậy. Từ bác sĩ, luật sư, giáo sư, thú y sĩ, dược sĩ, kỹ sư... đều phải a lê hấp xuống bếp hết, phải tiếp vợ, chia sẻ công việc với vợ. Phải rửa chén, phụ một tay dọn dẹp, lo cho con cái tiếp vợ để bả đỡ mệt và bớt đổ quạu cái mặt cho một đống bất tử thấy rất tội nghiệp... và cũng đáng ngại lắm. Ráng chịu cho quen.

Đó cũng là thể hiện nguyên tắc nam nữ bình quyền mà thôi. Đó là mình biết yêu thương yêu vợ mình.

Người thiệt, việc thật

Mệt nhứt là khi nhà có đãi đằng hay làm đám giỗ. Trước một hai tuần là mình được giao công tác. Coi quét dọn lại nhà cửa cho tươm tất. Đem chén dĩa, dao muỗng thứ xịn ra để dùng và để khoe của luôn một thể. Ngày thường thì không có đụng tới nó.

Mình thuộc môn phái "nhàn vi hưởng lạc thích sướng" của nhà hiền triết Épicure. Nói xin lỗi, mình là loại lè phè, tà tà, nhớt thây, xin hai chữ bình an nên đây là những dịp thử thách để mình tu tập, rèn luyện lại cái tính nhẫn.

Mình có đề nghị với má nó, sao hổng chịu xài ba cái đồ giấy cho tiện, ăn xong liệng bỏ vào bao rác, khỏe quá mà? Câu trả lời là, làm vậy coi sao được, lâu lâu có một lần mà, đồ mua về hổng xài thì chừng nào mới có dịp xài? Đúng quá. Hết ý. Yes Mom!

Cái lệ của mấy bà là hễ có đãi đằng, tiệc tùng thì có tật hay nấu đủ thứ và nấu quá nhiều. Rồi còn đồ đạc, các món của bà con bưng lại nữa. Ăn làm sao cho hết. Tiệc xong, thì chia ra, năn nỉ khách take out, làm ơn làm phước đem bớt về nhà ăn tiếp... Để lại, tủ lạnh của em hổng có chỗ đâu mà chứa cho hết.

Mệt nhứt là khi tiệc tàn. Chén dĩa, nồi niêu soong chảo, ly tách, ôi sao mà nhiều quá xá, tùm lum tùm la vậy. Thấy phát chóng mặt lắm. Cũng may là nhà có máy rửa chén tự động. Mấy đứa nhỏ phụ một tay chất vào máy và ấn nút thế là xong! Máy chỉ xài có vài ba lần trong năm mà thôi.

Đôi khi mấy em, cháu hay mấy chị khách tội nghiệp chủ nhà, hè nhau lại rửa chén bằng tay. Người rửa, người lau, vừa chem chép với nhau, rồi chất đống trên bàn. Chủ nhà đem cất sau đó. Đúng theo một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Mừng hết lớn!

Nên duy trì cái truyền thống tốt đẹp này.

Nghề thợ lặn nhà dễ òm

Ngày thường thì người gõ xin vô lông te nhiệm vụ rửa chén bằng tay. Vì nó vừa lẹ, vừa gọn, vừa dễ. Chỉ bỏ chén dơ vào bồn chứa, vặn nước nóng, lấy xà bông nước chà trong chà ngoài từng cái. Xong thì xả lại với nước sạch. Úp lên rổ cho ráo. Rửa chén không mất quá mười phút, vì nhà chỉ có hai vợ chồng mà thôi. Nước nôi đầy đủ, nóng và lạnh. Xong, thì xịt thuốc lên bàn, lên kệ bếp, chùi sơ qua là sạch trơn thơm phức.

Đôi khi bà xã cũng muốn đổi tay, giành rửa chén để khỏi quên nghề.

Lệ thường thì đứa nào nấu và dọn ra thì đứa kia phải rửa chén và chùi nhà bếp. Còn muốn giành rửa thì cũng tốt thôi. Rất dân chủ. Ai làm cũng được mà.

Có người nói rửa chén là một lối thiền, nhưng người viết đã rửa mấy chục năm rồi nhưng cũng chưa ngộ được?

Hiện mình đang nghiên cứu lối ăn của Tây, đó là ăn bằng dĩa. Mỗi người tự động múc lấy từ nồi trên bếp, để tất cả vào dĩa của mình giống như lúc ăn buffet trong nhà hàng. Như vậy, bớt được công việc phải dọn bàn, rửa quá nhiều chén bát, tô dĩa theo kiểu ăn thông thường của gia đình Việt Nam. Vừa tiết kiệm điện nước và vừa đỡ tốn sức lao động, thời gian rửa chén và dọn dẹp nhà bếp.

Nếu các bạn cho rằng đây là kiểu làm biếng thì tui cũng hổng có dám cãi đâu. Nhưng cũng có thể xem đây là một lối tổ chức Taylor rất khoa học, và hợp lý hóa công việc (rationalisation du travail).

Canada có bao nhiêu cha và mẹ?

Xin nói rõ đây không phải là các Cha đáng kính trong nhà thờ. Cũng không phải là “Cha nội” trong xã hội, vì số này nhiều không có trong thống kê nhà nước.

Thống kê Canada năm 2010 cho biết tại quốc gia này có:

* Cha: 8,1 triệu người (kể cả cha đẻ, cha nuôi, cha vợ)

3,7 triệu cha có con dưới 18 tuổi

* Mẹ: 9,2 triệu mẹ (kể cả mẹ đẻ , mẹ nuôi, mẹ chồng)

3,9 triệu mẹ có con dưới 18 tuổi và sống với họ (kể cả mẹ đẻ, mẹ nuôi, mẹ chồng, nhưng không được kể “mẹ mìn” vào danh sách).

Hèn chi, mỗi năm có hai lễ: lễ tía và lễ má. Nhà hàng và con buôn tha hồ hốt bạc là lẽ tự nhiên!

Kết luận

Tại Canada, nghề thợ lặn nhà hàng, tiệm ăn rất dễ tìm việc... Tuy nhiên, lương hướng rất thấp, thường là lương tối thiểu 9.75$/giờ. Làm từ 11 giờ sáng đến 8 giờ tối.

Nghe đồn có một số ít nơi chịu trả tiền mặt hay sú táp (sous table). Phải có quen biết, họ mới dám mướn. Đây là tiền không tính thuế. Lương tuy ít hơn nhưng người làm vẫn có thể lãnh tiền trợ cấp xã hội. "Mánh" không hợp pháp của cả người chủ lẫn của cả người làm công, nhưng trong thực tế vẫn có người làm, miễn sao cuối năm họ có đủ tiền về Việt Nam le lói trong đôi ba tuần là đã quá rồi.

Nghề thợ lặn nhà là một nghề thiện nguyện, làm chùa, làm vì bổn phận, vì yêu thương chia sẻ.

Cũng có một số bạn già nói là họ không bao giờ rửa chén, đó là nhiệm vụ và bổn phận của đàn bà con gái. Nói vậy thì tui nghe vậy, còn hư thật ra sao chỉ có vợ anh ta mới biết được mà thôi.

Hổng lẽ trên đời này chỉ có một mình tui cu ky mần cái nghề thợ lặn nhà này hay sao?

Người gõ rất tự hào là mình đã có được 35 năm hành nghề rửa chén nhà nhưng chưa dám nói là mình đã có nhiều kinh nghiệm đâu.

Bonne Fête Des Pères!

Kỷ Niệm Ngày Father's Day



Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 17/Jun/2011 lúc 9:46am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 17/Jun/2011 lúc 9:09pm
..
 

Happy Father's Day

A Dad is a person
who is loving and kind,
And often he knows
what you have on your mind.
He's someone who listens,
suggests, and defends.
A dad can be one
of your very best friends!
He's proud of your triumphs,
but when things go wrong,
A dad can be patient
and helpful and strong
In all that you do,
a dad's love plays a part.
There's always a place for him
deep in your heart.
And each year that p***es,
you're even more glad,
More grateful and proud
just to call him your dad!
Thank you, Dad...
for listening and caring,
for giving and sharing,
but, especially, for just being you!
Happy Father's Day



Chỉnh sửa lại bởi lo cong - 17/Jun/2011 lúc 9:14pm
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 19/Jun/2011 lúc 7:04pm
.
 
Father 's day ...ngày chồng ngoan.......
 
Thơ vui : Ông Chồng Ngoan
 
Ngày xưa vợ phải thờ chồng
Chồng chết ở vậy nằm không tháng ngày .
Bà nào muốn tái giá ngay
Ba năm phải đợi qua ngày mãn tang .
Bà nào giòng giống đoan trang
Trăm năm thủ tiết không màng tái hôn .
Nuôi con tới lúc lớn khôn
Hy sinh trọn nghĩa bảo tồn thanh danh ..
........
Ngày nay xã hội tan tành
Luân lý đổ vỡ nghĩa tình đáng chi .
Tha phương học được cái gì ?
Trượng phu, thằng ở cũng thì giống nhau .
Cày nhiều tiền bạc cất đâu ?
Nợ hơn chúa chổm ! phờ râu suốt đời .
Xe dơ hút buị lau chùi
Xe hỏng nằm đó ai thời sữa sang .
Xe anh cà rịch cà tang
Xe nàng láng cốm thì nàng mới vui .
Suốt ngày làm đổ mồ hôi
Cũng không hết việc , trời ơi là trời!!!!!
Lau nhà, hút bụi xong rồi
Rửa chén, rửa dĩa , rửa nồi rửa soong .
Giặt quần áo. xấy vừa xong
Ngồi ủi từng cái muốn còng cái lưng .
Đồ nàng , đồ nỉ , đồ lông
Đem tiệm giặt ủi mười đồng một manh .
Quần jean, T shirt phần anh
Quân tử độc bộ xoay quanh bốn mùa .
Máy này hỏng, máy kia khua
Phải mò, phải sữa , phải mua phụ tùng .
Nhà này sáu bảy căn phòng
Trang trí , sơn phết cho vừa lòng em .
Giường kia nằm chẳng đặng êm
Bàn ghế không hợp , phải nên đổi liền .
Suốt đời cái túi không tiền
Mặt mủi hốc hác như ghiền xì ke .
Mùa xuân rồi đến mùa hè
Trồng rau, cắt cỏ chớ hề ở không .
Qua thu rồi lại sang đông
Cào lá , xúc tuyết , việc công ông làm .
.....
Nàng rãnh nàng đi chơi mall
Nữ trang , quần áo một kho kếch xù .
Tha hồ em sắm lu bù
Thời trang lắm mốt, lắm trò đổi thay .
Tiếc tiền anh muốn giải bày
'Đồ kẹo, đồ cheap', em thời mắng anh .
Muốn cho ngon ngọt cơm canh
Nghiến răng nhịn nhục làm lành cho mau .
Chớ để cho bà giận lâu
Bà xé hôn thú là chầu diêm vương .
............
Anh kia qua Mỹ đã lâu
Mà vẫn không thuộc sáu câu thờ bà .
Đạo này không phải đạo ta
Đạo này của Mỹ luật toà hẳn hoi .
Chồng ngoan phải biết thờ bà
Nếu bà ly dị, chia ba gia tài .
Khôn ngoan lý lẽ người ngoài
Hổn láo, cãi vợ có ngày nhà tan...
 
Khuyết Danh
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 20/Jun/2011 lúc 10:52am
What is It?  
 
Ghi lại một vài cảm xúc sau khi xem phim ngắn này : 
 
Con gì thế ?
Trên băng ghế người thanh niên đọc báo
Cạnh cha già dưới bóng mát cây xanh

Chú sẻ con bay đến hót trên cành
Cha liền hỏi đó là con gì thế ?
 
Con vội đáp "ấy là con chim sẻ"
Nhìn chú chim, cha lại hỏi người con

Nén bực mình, âm giọng khó chịu hơn
"Tôi đã bảo với cha là chim sẻ !"
 
Nghe tiếng động, chim bay cao thật lẹ
Hướng theo chim, tay che mắt nhìn xa

Giọng trầm trầm cha lại hỏi lần ba
Cũng như trước "đó là con gì thế ?"
 
"Con chim sẻ, Cha à, con chim sẻ !"
Nhìn cha già, với đôi mắt đứng tròng

Và tuông ra những bực bội trong lòng
Dằn từng chữ, hét to "con... chim... sẻ"
 
Cha lại hỏi lần thứ tư "gì thế ?"
Con hét lên nghe lớn tiếng nặng lời

"Ông đang làm gì vậy? hả Ông ơi !"
"Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi nhé"
 
"Là chim sẻ, đó là con chim sẻ"
"Có biết không? sao cứ muốn hỏi hoài?"

Cha đứng lên ra dấu chờ chút thôi!
rồi cất bước. Con hỏi: "đi đâu thế?"
 
Vào nhà lấy đem ra trang nhật ký
Trao vào tay, bảo đọc lớn nghe con!

Nghe lời cha, cất giọng đọc trầm buồn
Từng câu chữ từng cảm thương vời vợi !
 
"Vài ngày nữa con trai đầy ba tuổi
Hai cha con ngồi ghế đá công viên

Một chú chim đang nhảy nhót cạnh bên
Con lên tiếng hỏi tôi "con gì thế?"
 
Nghe con hỏi, tôi trả lời "chim sẻ"
Hăm mốt lần, con vẫn hỏi một câu

Hăm mốt lần, "là chim sẻ" giống nhau
Tôi ôm nó mỗi lần nghe con hỏi
 
Cứ như thế, bên trả lời bên hỏi
Cứ lập đi lập lại mãi không ngừng

Niềm yêu thương thay vì phải nổi khùng
Với đứa bé đầy vô tư tuổi nhỏ. "
 
Tình phụ tử vẫn cao như thế đó
Mới biết đời nước mắt vẫn chảy xuôi

Trả cho cha, cao lắm bốn lần thôi
Lòng hậm hực, đã buông lời bất mãn
 
Công nuôi dưỡng, cha cho con vô hạn
Hăm mốt lần, lòng tràn ngập thương yêu

Cho thì nhiều, khi nhận chẳng bao nhiêu
Cũng vui vẻ! Ôi lòng cha cao quý!
 
Vòng tay siết, ôm cha mắt ngấn lệ
Đôi môi này xin gửi một nụ hôn

Trong thâm tâm lòng cảm xúc vô vàn
Nay đã hiểu lòng cha như núi Thái.
 
Con xin nguyện nhớ ơn cha mãi mãi !
 
cnb


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 20/Jun/2011 lúc 12:42pm
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 27/Jun/2011 lúc 10:56am





Ba ơi, mai là đến ngày báo hiếu người cha rồi! Con nhớ quê hương mình không có ngày lễ báo hiếu từ mẫu “Mother’s Day” hay ngày báo hiếu từ phụ “Father’s Day” như cái xứ con đang tạm dung đó ba! Con biết ba sẽ cười hiền lành mà bảo rằng:

“Con bé nầy nhiều chuyện rườm rà… Xứ mình cha mẹ mở mắt không lên vì chạy gạo hàng ngày cho cả nhà… thì còn có tâm tình gì mà nghĩ đến ngày báo hiếu, báo ơn… Công ơn cha mẹ trả không chỉ có ngày đó đâu con. Nhớ lúc đi tu nghiệp ở Mỹ, ba cũng biết ngày lễ báo hiếu từ mẫu hay từ phụ chớ. Nếu ở gần thì con đưa cha mẹ đi ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều… ở xa thì mua gởi cho cái áo, cái khăn… hay gởi cho mấy chục, có tiền thì được một trăm, hay nhiều hơn… Theo ba thì ơn cha mẹ sanh thành dưỡng dục như núi Thái, như đại dương vô bờ vô tận… chớ đâu chỉ có ngày đó thôi con”

Con sẽ vùi đầu vào ngực, ôm chầm lấy vai ba, mà bảo với ba rằng:

“Ba ơi, theo con biết, mỗi năm xứ người có ngày báo hiếu là để gợi nhớ, để hâm nóng, để nhắc nhở lòng tôn kính, thương yêu, hiếu thảo của con đối với cha mẹ. Đó cũng còn tùy thuộc vào tâm tình và hoàn cảnh của mỗi người nữa ba. Còn con thì ba đừng có lo nghe! Con nhớ thương và kính yêu ba dài dài, đều đều… cho đến chết không hề lạt phai chút nào hết đó ba!”

Nghĩa chép miệng thở dài! Cô nhìn những cánh hải âu bay lượn giỡn đùa, cùng tiếng kêu vang vang của chúng trên trời cao. Và cây mọc trong nước sát mé bờ, nhánh gie ra ngoài… Chim mẹ đang đút từng miếng mồi nhỏ vào miệng lũ chim con… Cô cảm thấy nao lòng thở dài nghĩ ngợi!

Vì cho đến bây giờ thật sự tôi cũng chưa biết mẹ mình là ai? Có thể mẹ tôi đã qua đời rồi chăng? Có thể vì hoàn cảnh nào đó bà không nhận con? Có thể, có thể, và có thể… Bao nhiêu nguyên nhân khiến tôi nghĩ và đặt câu hỏi trong đầu… Nhưng từ nhỏ đến giờ vẫn không có câu giải đáp. Vì tôi vẫn chưa bao giờ gặp người khi tôi biết đánh vần chữ “Mẹ” Khi tôi biết nhận xét, khi tôi hiểu, khi tôi biết nghĩ suy, và tôi biết tủi thân khi thấy những đứa trẻ tuổi cỡ mình có mẹ!

Bởi mẹ bỏ tôi cho nội, khi con bà chưa đầy 2 tuổi. Ngôi nhà cũ trống không của ông bà để lại, là di vật cuối cùng của gia đình cũng bị giặc tịch thu lấy làm chỗ hội họp cho đám thanh niên trong phường. Họ bảo đó là nhà của“Ngụy quân” Và bà cháu tôi đương nhiên có tên trong danh sách phải đi kinh tế mới, khi cha tôi còn bị họ nhốt trong tù cải tạo…

Bà đùm túm cháu, lang thang sống hẩm hiu lây lất với nhau bữa khoai bữa đậu… ở xó chợ, gầm cầu! Vì chúng tôi không nhà, bà đã già còn bịnh tật liên miên nữa.

Cho đến ngày giặc thả ba về! Vì ba tôi bị bịnh phù thủng trầm kha không lao dịch nỗi. Giặc cho về vì lý do đơn giản ông ở lại chỉ tốn kém, chớ không có lợi lộc chi cho chúng cả…

Tội nghiệp ba tôi, sau bao nhiêu năm bị đày đọa từ thể xác đến tâm hồn trong tù cải tạo. Khi trở về ông mất tất cả, cái gì cũng không có, chỉ có nhiều thứ bịnh!

Nỗi đau buồn mất mát đeo dính ba người chúng tôi. Không có ăn thì tiền đâu thang thuốc… Vì bịnh tật, thiếu thốn, khổ đau, và nỗi buồn nối tiếp buồn theo… Ba tôi như người mất trí vì bà nội qua đời sau khi ông thả về chưa đầy ba tháng!

Uất hận ngập lòng, nhiều lần ba tôi đã ngữa mặt lên trời nghẹn ngào mà than rằng:

- Ông Trời có bất công không? Hay kiếp trước tôi đã gây nhiều oan khiên cay nghiệt nên bây giờ nhận lãnh bao nhiêu đau khổ buồn thương lần lượt chụp phủ xuống cha con tôi…? Tội nghiệp con tôi còn nhỏ quá, xin cho tôi nhận lãnh tất cả mọi sự việc đã vay. Mong Ơn Trên linh thiêng giúp cho cháu có cuộc sống an ổn, cuộc sống thật sự của kiếp một con người bình thường trên cõi đời nầy.

Không còn lối thoát, ba tôi phải đi xin ăn! Đó là việc làm duy nhứt để kiếm sống cho hai cha con tôi thôi. Vì khốn khổ chất chồng, và thương đau khóc mẹ, đôi mắt ông đã bị mù lòa! Tội nghiệp ba sống không bằng chết! Ông sống trong tâm tối không được ánh sáng mặt trời chiếu rọi, cùng nỗi đau đớn xâu xé, và xấu hổ ngữa tay xin tiền… trông nhờ vào từ tâm của thế nhân!

Tuy đôi mắt bị mù lòa, nhưng tâm hồn ba tôi trong sáng như nhật nguyệt. Ông thường dạy dỗ và nhắc nhở cho tôi biết ai là bạn, ai là kẻ thù… Ông cũng không vì bịnh tật và hoàn cảnh hiện tại của mình mà thất chí, rồi làm những chuyện không nên, hay nói năng xàm xỡ với những người chung quanh... Ông luôn giữ câu của người xưa: “Lành cho sạch/ Rách cho thơm”

Ba tôi đi xin ăn từ sáng sớm tới chiều tối mới về. Nhưng không bao giờ cho tôi đi theo. Tôi được ở trong chùa để sư sai vặt và dạy cho học biết chữ. Với trí non nớt của mình, tôi không biết ông đang nghĩ suy gì? Nhưng tôi biết chắc chắn một điều là ý chí mãnh liệt để ba tôi sinh tồn vì không muốn con mình côi cút bơ vơ…

Bấy lâu nay cha con tôi nhờ sư cụ thương tình cho ở mé hiên chùa. Những ngày gió lạnh mưa chan về đến chỗ ở, có khi ông bị lạnh cóng cả người… Tôi la cầu cứu, sư cho uống nước gừng nóng, đốt củi lửa hơ, và sức dầu nắn bóp ông giãn gân cốt, và từ từ khỏe lại…

Và hai năm nay, sau khi được một đồng đội ngày xưa, giờ là ngoại kiều về thăm quê hương bất ngờ gặp lại. Ông tốt bụng đã cho ba tôi tiền để làm vốn bán vé số. Kể từ sau đó ba tôi không còn đi xin ăn nữa! Gánh nặng xót xa trong lòng ông phần nào được nhẹ đi.

Cứ sáng sớm, vầng thái dương còn e ấp ở phương đông, chim chốc gọi đàn bay đi tìm mồi… Thành phố rộn tiếng còi, tiếng động cơ xe cộ, tiếng nguời bán hàng, tiếng trẻ con cười nói trên đường đến trường… Thấy chúng ôm tập sách, mặc áo quần lành lẽ… Hồn tôi se thắt, với những ước mơ thầm kín nở lớn trong lòng! Tôi dắt ba ra ngả tư đầu đường nhiều người qua lại. Giúp treo tấm ni-long che nắng che mưa để ông ngồi bán vé số. Và chiều chiều tôi đến dắt ba về…

Khi thành phố lên đèn, dưới chân gốc những nhà cao cửa rộng… của bọn người sống trong đau khổ của dân… cha con hẫm hút có nhau. Khi vui ông thường kể cho tôi nghe những chuyện ngày xưa lúc còn là lính chiến… Ba kể trong say xưa trong niềm tinh lẫn niềm xúc động nghẹn ngào. Trong niềm tinh, niềm hy vọng thầm kín… Dần dà ba tôi đã lấy lại mức sống bình thường trong tâm hồn. Và thỉnh thoảng tôi còn bắt gặp niềm vui trong giọng nói, hoặc nụ cười nhẹ trên môi ông.



*Nắng Sài Gòn mấy ngày nay đẹp lắm… Phố phường vàng màu cờ và sắc áo lính đại diện các bịnh chủng từ chiến trường trở về thành phố… trong ngày lễ lớn.

Ngồi chung với mấy bà tán dốc, bà Tám y tá (chích thuốc theo toa bác sĩ) lên tiếng trước:

- Mấy chị biết con bà Hai bán bánh bò, bánh da lợn… ngoài chợ là cậu Nhân chớ? Tôi thấy cậu mặc bộ đồ lính Thủy Quân Lục Chiến, cùng một số quân nhân đại diện đơn vị về diễn hành ngày 19 tháng 6… Ôi đẹp trai thì thôi, và thật oai phong quá chừng chừng đi!

Bà Tư bán gạo, góp chuyện:

- Thế cho nên, sau mùa Quân lực đó, khi thấy bóng dáng thấp thoáng chàng về phép, thì các em trong xóm lượn qua lượn lại nườm nượp. Họ mong coi có được lọt mắt xanh chàng để làm người yêu của lính chiến miền xa không?

Chị Tám Dung thợ uốn tóc ngạc nhiên, lên tiếng:

- Mấy chị nói thiệt hay nói giỡn, bộ có vậy sao?

Chị Út Nga vợ ông Sáu Hiến, tài xế xe đò đường Long An-Sài Gòn. Chị là phụ nữ trẻ nhất trong nhóm đang bàn chuyện thiên hạ sự. Tánh tình vui vẻ và hay nói tiếu. Ngồi kế bà Tư cười khè khè chêm vào những lời lẽ vui nhộn… Tiếng cười chưa dứt, thì chị gống gân cổ trổi giọng hát nữa:

- Có chớ, sao không thật! Mấy bà nghĩ xem: “Bạn ơi quan hà xin cạn chén ly bôi/ Ngày mai tôi đã đã đi xa rồi… Giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu/ Trở về là khi nước non vui bình yên…” Rồi chị bắc qua bài khác, hát câu đầu nầy nhảy qua câu đầu kia: “Đừng chê anh lính đám cưới nhà binh em ơi/ Em sẽ là cô dâu đẹp tuyệt vời …/ Đám cưới bọn ta tưng bừng biết mấy…/… Tám xe lội nước theo sau/ Chín xe đại bá đi đầu… Cưới em nhỏ lắm em ơi/ cưới em mời mấy trăm người… Có ai bằng đôi ta đâu…” Mèn ơi, mấy em nghe đến đó quýnh đít thiếu điều năn nỉ ĩ ôi xin sửa túi nâng khăn là đàng khác…

Coi bộ chưa đã, chị hứng chí rống họng lớn tiếng:

- Nhưng“Sức mấy! Bỏ qua đi tám!” Bây giờ thì hai bông mai vàng trên ve áo cậu Nhân, đã bịt miệng các em cho mình là kiều nữ trong xóm… Bởi lúc chàng còn đi học, các nàng chê là thằng con bà bán bánh nghèo mạt rệp… Anh chàng lính chiến Nhân “nhà nghèo,nhưng học giỏi, và đẹp giai” tảng lờ làm ngơ các cô nàng trong xóm… Khiến các em vừa tức vừa tiếc hùi hụi, bởi ngày xưa lỡ dại chê nhằm người ta!

Các bà phá lên cười rộ vui vẻ rồi trở về nhà ai phận nấy. Họ là những người phụ nữ lam lũ ở xòm nghèo, bình dân, vui vẻ, tốt bụng giúp đỡ chòm xóm khi ai đau bịnh, tối lửa tắt đèn… Họ hay chọc ghẹo đối phương nhưng để vui cười chung rồi qua đi chớ không nói xấu, nói hành nói tỏi, hay ác ý với ai…

Cho đến ngày kia, chàng Nhân dắt về giới thiệu với mẹ, cô Hồng Thủy làm ở sở Mỹ nơi chàng thường theo mấy người bạn ngoại quốc ghé mua hàng “PX” (cửa hàng của quân đội đồng minh, không có thuế) Bà Hai má Nhân là người mẹ dễ dãi, thương yêu và luôn chiều chuộng con. Bà nghĩ giờ anh cũng đã lớn rồi, có thương cô nào thì bà cưới cô ấy cho anh.

Thế là đám cưới nhà binh được tổ chức đơn sơ nhưng đầy đủ lục lễ cho con mình. Dù là cảnh nhà mẹ góa con côi. Bà đi đủ lễ, chớ không nói đơn sơ mà giảm quà lễ để thiên hạ cười chê mẹ con bà.

Sau ngày cưới, Hồng Thủy về sống với mẹ chồng. Còn Nhân thì luôn bôn ba ngoài chiến trận, đôi ba tháng mới về thăm gia đình một lần. Khi dâu sanh đứa con gái, bà nội đặt cho tên Nghĩa (Nguyễn Thị Nhân Nghĩa) con của ông Nguyễn Vĩnh Nhân và bà Trương Hồng Thủy…

Bà Hai nghỉ buôn bán, vui mừng sung sướng ở nhà trông coi tâm can bửu bối, là đứa cháu nội bé nhỏ của bà đó đa! Cho con mình yên lòng ngoài chiến tuyến, và con dâu đi làm!

Một góc nhỏ xíu ở phương trời miền Nam tự do. Có gia đình bà Hai, không giàu sang nhung lụa, nhưng ấm êm hạnh phúc dâng đầy.

Rồi thời thế đổi thay, “Ngày 30 tháng 4 năm 1975” thì giặc phương Bắc tràn vào cưỡng chíếm miền Nam. Gia đình bà Hai tan nát, Nhân bị giặc bắt cầm tù trong cải tạo. Hồng Thủy ra buôn bán hàng ở chợ trời, nhưng không bao lâu vợ anh đi luôn không về nữa! Bà Hai già yếu phải đi bươi rác, lượm lon… khổ cực biết chừng nào để chắt chiu nuôi cháu, và bám víu cuộc sống nghèo nàn chờ ngày con trai trở về…

Đó là những gì Nghĩa nghe bà kể lại, và cô hiểu biết suy xét theo thời gian tuổi lớn khôn dần…



*Bà chủ tiệm nước Cao Thăng ở chợ thành Mỹ Tho, thường đi chùa làm việc từ thiện… Qua lời sư, bà biết được tình cảnh cha con tôi. Nên khi sắp sửa trốn chạy khỏi nuớc Cộng sản cưỡng chiếm… bà cho một người trong hai cha con tôi một chỗ ngồi rất nhỏ ở dưới tàu chở mấy trăm người vượt biên. “Một chỗ ngồi nhỏ xíu dưới hầm tàu, nhưng to lớn vô cùng, to lớn như một thế giới cho những kẻ đi tìm tự do! Và đó đã thể hiện một tấm lòng thương người, một tấm lòng Bồ Tát bao la như đại dương của bà chủ tiệm Cao Thăng và là chủ tàu vượt biên… đối với cha con chúng tôi”

Tôi khóc sướt mướt vùi đầu vào ngực ba:

- Con không đi, con không đi… con không thể xa ba… Chết sống chúng ta có nhau ba ơi…

Cặp mắt sâu hõm hàng ngày như hai cái hố nhỏ của ba càng sâu hơn. Ông lạnh lùng bảo tôi:

- Nghĩa, hãy trả lời ba: “Con có thương, và muốn trả hiếu cho ba không?”

- Dạ có, dạ có trên cõi đời nầy người con kính yêu nhứt là bà nội và ba… Ba chết con sẽ chết theo, ba ở đâu con sẽ ở đó… Xin ba đừng bắt con phải xa ba… Cho dù nơi con sắp đến là chốn Bồng lai tiên giới… nếu không có ba, con cũng không đi đâu ba ơi…

Ba ôm lấy đầu, và vuốt tóc tôi dịu giọng bảo nhỏ:

- Ba cũng không muốn xa con gái ba, nhưng vì tương lai của con… Qua bên đó may ra con còn gặp được tấm lòng nhân của người khác xứ được đi học, và tiến thân… Con ở lại là gánh nặng cho ba, vì ba không lo cho con được! Dù muốn lo nhưng tình cảnh ba mù lòa, lại là một người thất bại bị kẻ thù trù dập cố tình hủy diệt… Ở đây chúng ta ăn không no, lạnh không áo, vô gia cư, không nghề nghiệp, thì tương lai con sẽ về đâu? Và con còn chuyện phải thay ba đang làm dang dở… Trả hiếu cho ba, thì con hãy nghe lời ba. Nghe lời ba tức là đã trả hiếu cho ba rồi đó con…

Tôi ôm chầm lấy ba vừa khóc vừa trả lời: “Dạ con nghe ba… Con sẽ quyết làm những gì ba đã dặn dò… Con thương ba lắm ba ơi!”



*Trong cuộc đời bé nhỏ của tôi, chưa bao giờ tôi sung sướng bằng! Dù sau nầy ngày tôi ra trường y khoa, nhận bằng bác sĩ ở Mỹ, cũng không bằng! Tôi vẫn nhớ hoài, nhớ suốt đời kiếp nầy để không bao giờ quên ơn người, ơn đời.

Sáng nay trời trong, mây tạnh nhưng nắng gay gắt vô cùng. Tôi ngồi ôm bọc áo quần cũ vá chằng vá chịt của cha con tôi. Nhưng lòng tôi ngập tràn hạnh phúc… Cho dù trước mắt là hầm chông, là bẫy mìn… tôi vẫn thản nhiên tiến bước… vì có ba tôi bên cạnh. Mặc dù ông không nói lời nào, trong đôi mắt sâu thẩm không còn thấy ánh sáng mặt trời, nhưng trên khuôn mặt hằn nét thống khổ, kiên cường, bất khuất đó đã cho tôi niềm tinh và niềm hy vọng! Tiếng của đoàn người ngồi chờ xuống tàu lào xào, ồn ào lúc to lúc nhỏ, mặc dù người dẫn đường đã nhiều lần nhắc nhở giữ yên lặng…

Tôi nhớ rất rõ, mấy hôm trước khi phải theo đoàn người vượt biên. Tôi buồn rầu vì phải sắp xa cha tật nguyền, bịnh hoạn của mình. Ngồi bẹp dưới góc cây trắc bá diệp ngoài sân chùa, nghe sư tụng kinh có ca có kệ, khi lòng đang ngổn ngang trăm mối đau buồn, khiến tôi càng thêm buồn thúi ruột… Thút thít ngồi dựa gốc cây khóc một mình, lơ đãng đưa mắt nhìn trời xanh mây trắng, nhưng trong tâm tư tôi trời như đang tối sầm, tưởng chừng như mây khói đèn đang kín trên cao, và tôi cũng nghĩ dại mong trời sập xuống chết hết cho rồi!

Từ trong Chánh điện bước ra, dáng sư cao gầy. Mặt sư lúc nào cũng trang nghiêm, trầm tỉnh. Thấy tôi sư bảo:

- Nghĩa, cha con đâu, ông đi bán vé số rồi à? Chừng nào ba con về, dắt lên gặp sư nghe… Con đang khóc đó hả?

Tôi lau vội những giọt nước mắt còn động trên mi:

- Dạ, con khóc vì không muốn xa ba con! Tội nghiệp ba mù lòa, con đi rồi không ai đưa ông ra chỗ bán vé số, không ai rót nước, đút cơm khi ông bịnh hoạn… Con thương ba con lắm sư ơi…

Nhịn không được, tôi khóc ồ lên lớn. Sư vuốt tóc tôi chép miệng nhẹ thở dài rồi trở vào chùa… Tiếng cầu kinh hòa cùng tiếng mõ chuông lại ngân nga, êm êm vang vang trong không gian… Mùi khói, nhang, trầm hương theo gió nhè nhẹ thoảng đưa…

Chiều đó tôi dắt ba đến gặp như sư đã dặn. Tôi thấy sư đang tỉa nhành chết, lá úa của những cây kiểng trước sân chùa. Sư vẫn điềm đạm, nét mặt suy tư, và chầm chậm nói với chúng tôi:

- Nghe thấy hoàn cảnh của cha con anh, ông chủ Cao Thăng bảo vợ cho cả hai cha con cùng đi luôn…

Cha con tôi quì xuống lạy sư! Không nói gì, tay lần chuỗi, mắt u buồn hiền lành, từ tốn sư khẽ bảo:

- Cầu xin Phật Tổ phù hộ cho cha con anh! Tôi chẳng giúp gì được, có lẽ do lòng thương con của một người cha như anh, đã làm động lòng người đời và động lòng Trời khiến xui như vậy… Phải luôn ăn hiền ở lành, bởi Ơn Trên không bao giờ phụ kẻ có lòng…

Sư quay qua vuốt tóc tôi:

- Nghĩa, sư biết con là đứa trẻ ngoan! Qua tới bờ bến tự do con ráng học hành… làm người tốt, để trả hiếu cho cha con và trả ơn đời…

Mười mấy ngày trên đường vượt tuyến sóng gió biển khơi. Rồi tàu cũng được cặp một bến ở Nam Dương Quần Đảo. Trên Hành trình vượt biên của tàu mang số “Mỹ Tho 2736” của chúng tôi chết gần cả trăm người vừa già vừa trẻ em, vì sóng gió dập dồn và yếu sức…

Huyệt mộ người cha kính yêu của tôi, cũng ở lòng đại dương trong chuyến bôn đào bằng đường biển nầy!



*Hôm nay cũng trên trên chuyến tàu trên biển, tôi theo đoàn y tế thiện nguyện, đi trị bịnh cho những tù nhân trong trại tù Alcatraz, ở hòn đảo Alcatraz gần San Fransico thuộc tiểu bang California. Tôi nhìn trời nước bao la, nhìn thành phố San Fransico nhà cái cao, cái thấp… chập chùng san sát như dính liền nhau. Cả thành phố dưới bầu trời rạng rỡ nắng mai, và như nằm lững lờ trên mặt nước trong xanh lao xao sóng bủa.

Ba ơi, con đang ở trên một nước tự do, ngắm nhìn trời xanh, in những vầng mây trắng cuồn cuộn nhẹ trôi là đà. Nắng mai chiếu lung linh, gió mát thổi bồng mái tóc con… Màu nước biển xanh và trong vắt thấy cả cá lội nhỡn nhơ… Con nhớ ba lắm, con thương ba vô cùng… Con gái ba đã không phụ lòng ba, giờ con đã thành tài như ba ước mong… Ngoài những giờ làm việc ở bịnh viện chuyên khoa về mắt… Thời gian còn lại, con ghi danh hành nghề trong các đoàn y tế thiện nguyện. Con đã đi Thái Lan, Cam-Bô-Chia, các nước vùng dân nghèo… Cả ở Ép-Phi-Ca… nữa đó ba. Nhưng con chưa trở về cố quốc! Vì nơi đó chưa đổi lại màu cờ ngày xưa của Việt Nam Cộng Hòa. Sư cụ giúp chúng ta đã viên tịch… Gia đình ông Cao Thăng đang ở Canada (bà qua đời từ mấy năm trước) Các con ông đã thành nhân.

Ba và lời ba đã dạy dỗ là kim chỉ Nam đã và sẽ làm hành trình cho con suốt cuộc đời nầy! Ngày xưa ba đi lính vì an nguy cho gia đình và dân tộc. Không kể đến thân mình, ba cùng đồng đội bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải quê hương đất nước, cho một miền Nam Cộng Hòa Tự Do của chúng ta. Bây giờ con gái ba làm những gì con có thể làm được như ba dạy bảo là giúp người, giúp đời, và…

Ba ơi, mặc dù ba nay đã ra người thiên cổ, nhưng con biết ba lúc nào cũng quanh quẩn bên con, nhắc nhở con, giúp đỡ con gái ba. Con thấy tủi thân không có ba như các bạn bè. Ai còn cha thì xôn xao mua quà nầy quà kia cho cha, trong ngày lễ vinh danh người cha…

Thưa ba, mỗi năm ngày báo hiếu từ phụ, lại cận kề ngày Quân Lực của Việt Nam Cộng Hòa. Con xin gởi ba tấm lòng thành ghi nhớ ơn tiền nhân, nhớ ơn ba trong ngày báo hiếu từ phụ.

Ba đã cho con dáng dáp hình hài lành lặn nầy. Ba cho con tâm hồn tươi vui, khỏe mạnh nầy. Ba đã cho con tất cả, tất cả những gì con hiện có… Con đã làm những việc thiện mà ba dặn dò chỉ dạy… Nhưng con vẫn còn nợ ba!

Bởi trước khi lìa đời, ba đã trăn trối: “Hãy dong ruỗi con đường ba đi còn dang dở…” Xin lỗi ba, chúng con những người trẻ lưu vong sẽ hoàn tất trong ngày không xa… Ba ơi, con còn nợ ba!

Mùa báo hiếu từ phụ

Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.145 seconds.