Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Quê Hương Gò Công
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Quê Hương Gò Công
Message Icon Chủ đề: CHỢ GÒ CÔNG Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 3 phần sau >>
Người gởi Nội dung
trankimbau
Moderator Group
Moderator Group


Tham gia ngày: 02/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 424
Quote trankimbau Replybullet Gởi ngày: 20/Jan/2008 lúc 1:55pm
 
 
        No quá, ngon quá.  Nhưng hầu bao xẹp lép.
kb
IP IP Logged
Phanthuy
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 960
Quote Phanthuy Replybullet Gởi ngày: 20/Jan/2008 lúc 5:54pm
Những thứ bánh trông rất ngon. Món bánh ướt làm PT nhớ hồi nhỏ đi chợ Giồng và chợ Dinh có thứ bánh ướt nhân bằng đậu xanh nấu nhuyển với mỡ hành , thêm 1 lớp dừa non nạo cuốn lại. Khi ăn chấm với nước tương chanh ớt mà hồi xưa PT cho là ngon không gì bằng.
Còn thứ bánh anh Hùng đề là bánh nổ , PT nhớ hồi xưa người quê  gọi là cốm vòng , đúng không?
PhanThuy-CA
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 21/Jan/2008 lúc 6:35am
Mời người ở xa thưởng thức cốm (làng) Vòng.

 

 

Đến Hà Nội, không ai không nhớ đến một thứ quà ngon nổi tiếng, một thứ quà của lúa non. Cái thứ quà vừa dân dã vừa thanh tao đó có tên gọi là “Cốm làng Vòng”. Vâng! Không biết tự bao giờ, cốm làng Vòng đã quyện hoà với sắc thu Hà Nội, để trở thành nỗi nhớ của người Hà Nội lúc đi xa.



 

Cốm vòng- chắt lọc tinh tuý từ lúa nếp hoa vàng

 

Đặc sản “cốm làng Vòng” có từ lâu đời được làm từ nếp cái hoa vàng, một năm có hai vụ: vụ chiêm chỉ có cốm vào tháng tư. Vì đây là trái vụ nên cốm của vụ chiêm không mấy hấp dẫn. Muốn ăn cốm ngon phải đợi đến vụ mùa, bắt đầu từ tháng bảy đến tháng mười. Khi ấy là vào mùa thu, mùa của đất trời Hà Nội.

 

 

Người ta không biết đích xác nghề làm cốm làng Vòng có tự bao giờ, chỉ nghe các cụ xưa truyền lại: Vào một mùa thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn, đê vỡ, ruộng lúa cao nhất đồng cũng chìm nghỉm. Người làng Vòng đành mò mẫm cắt những bông lúa còn non ấy đem về rang khô, ăn dần, chống đói. Không ngờ cái sản phẩm bất đắc dĩ ấy lại có hương vị riêng, rất hấp dẫn, khiến người làng Vòng thường hay làm để ăn chơi mỗi khi mùa thu đến. Cứ mỗi lần làm là một lần rút kinh nghiệm, sáng tạo thêm. Hạt cốm ngày càng xanh, càng mỏng, càng dẻo, càng thơm... Và cốm làng Vòng vượt qua khỏi luỹ tre làng, theo những gói quà, những gánh hàng rong đến với người thân, đến với người ăn chơi sành điệu, rồi trở thành đặc sản quý tiến vua nhà Lý (1009 - 1225), trở thành món ăn tao nhã nổi tiếng của người Tràng An. Vụ cốm mùa thu kéo dài tới gần 3 tháng, bắt đầu từ mồng 1 tháng 7 âm lịch trở đi.
Làng Vòng chia làm bốn thôn là Vòng Tiền, Vòng Hậu, Vòng Sở, Vòng Trung nhưng chỉ có hai thôn Vòng Hậu và Vòng Sở là làm được cốm quý. Hạt lúa nếp hoa vàng nhỏ hơn hạt nếp thường chút xíu và cũng tròn trặn hơn, khi nhấm thử một hạt, cảm giác ngọt mát lan tỏa ở đầu lưỡi như sữa. Cốm được làm từ hạt thóc non của lúa nếp hoa vàng cấy ở cánh đồng làng Vòng, bây giờ nằm giữa hai trục đường lớn của Hà Nội là đường Xuân Thủy và đường Láng – Hòa Lạc.

Nói về cách thức làm cốm, tất nhiên là rất nhiều vùng quê biết làm nhưng phải thừa nhận rằng không có đâu làm được hạt cốm dẻo và thơm ngon bằng ở làng Vòng. Người làng Vòng làm cốm rất công phu. Đầu tiên họ trồng lúa, đợi đến lúc lúa khum ngọn, hãy còn sữa thì gặt đem về làm cốm. Lúa để làm cốm thì không được vò hay đập mà phải tuốt. Sau đó cho vào nồi rang. Cốm rang xong phải mang giã ngay, không được để nguội. Trong quá trình giã phải có kỹ thuật, không được giã mạnh tay quá cốm sẽ nát. Khi giã phải luôn tay đảo cốm từ trên xuống, dưới lên cho đều. Giã khoảng 10 lần thì đem cốm đi sáng và hồ.Cốm ngon hay kém chủ yếu phụ thuộc vào giống nếp. Tại mỗi mẻ cốm ra lò còn có cốm lá me, cốm rót, cốm mộc và cốm non thông thường.

Cốm lá me là những mầm nếp mỏng dính như thể hoặc hơn lá me, bé tí bay ra trong khi đang sàng cốm sau đợt giã cuối. Loại cốm này số lượng bao giờ cũng ít và hiếm, nếu có chỉ dành cho gia chủ thưởng thức mà thôi.
Loại ngon thứ nhì và nhiều hơn là cốm rót. Đây là những hạt nếp non sau khi giã đã tự vón vào với nhau thành từng hạt ngô, hạt đỗ. Mỗi mẻ chỉ được khoảng 2/10 khối lượng cốm rót, thậm chí ít hơn, đặc biệt đến cuối mùa thì càng hiếm. Cốm còn lại là trong cối giã là cốm đầu nia loại 1, loại 2 như ta vẫn thấy bán.

Độ ngon ngọt thơm mềm và màu xanh tự nhiên của cốm phụ thuộc vào thời điểm đầu, giữa, cuối vụ. Đến cuối tháng, cốm mộc là nếp cuối mùa nên hạt to và cứng thường để rang thành cốm khô hay gia giảm, pha chế ăn tạm đợi mùa sau. Cốm mộc cũng phải có màu xanh của mạ già pha ánh vàng mới đúng nguyên chất, còn cốm đã bị hồ qua trông xanh tươi mát mắt nhưng chất lượng pha đắng chẳng còn vị cốm thật.
Vậy đây! Không phải ngẫu nhiên mà thứ quà mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam lại cùng mùa thu Hà Nội đi vào thơ ca “Hà Nội mùa thu..., mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua...”. Cốm là thức quà riêng biệt của Hà Nội, của đất nước Việt Nam. Thức quà ấy mang trong hương vị tất cả sự đảm đang, cần cù và sáng tạo của người dân làm nông nghiệp.

 

Cốm làng Vòng: Nét văn hoá ẩm thực đậm hương sắc Việt Nam

 

Cốm vốn là thứ quà dân dã của đồng ruộng nhưng hầu hết các vùng quê khác lại không có cốm bởi thế mà thành thứ quà bình dị mà tràn đầy tinh tế của riêng Hà Nội.

Hạt cốm xanh rờn ấy vừa dẻo vừa thơm - cái hương thơm rất riêng của lúa nếp mới qua thời kỳ ngậm sữa, lại được những nghệ nhân cha truyền con nối kỳ công sáng tạo để hiến cho đời một món ăn tao nhã mang đậm hương sắc Việt Nam.

Chuyện kể rằng những chàng rể xưa muốn lấy lòng bố mẹ vợ liền làm cốm đem biếu. Dần dần phát hiện ra thứ quà thanh nhã và tinh khiết ấy rất phù hợp với các việc lễ nghi nên người ta làm cốm để thờ cúng tổ tiên, lễ chùa và dùng trong đám cưới, đám hỏi của người Kinh Bắc. Cho đến nay, cốm Vòng được bán khắp các phố, chợ Hà Nội. Cứ mỗi mùa thu đến, lại thấy các bà, các chị làng Vòng quẩy đôi gánh xinh xinh, giắt đầy cây lúa non đã tuốt hạt, đi dọc các phố mà rao “Ai cốm đây”, nghe thật quen thuộc.

Cốm vòng ăn tươi thì ngon tuyệt còn mang đi xa cũng vẫn có thể đảm bảo mùi vị chất lượng trong vài ngày nếu như bọc kỹ bằng cả lá dáy và lá sen. Lá ráy mát giữ cho Cốm không bị khô và mất màu.Cốm được gói bằng lá sen thơm và ngon hơn khi ta gói bằng một thứ lá khác.

Người ẩm thực sành điệu nhâm nhi hạt cốm làng Vòng với chén nước chè Thái Nguyên cao suốt, hay thưởng thức cốm Vòng với những quả hồng trứng đỏ mọng, quả chuối tiêu trứng cuốc: “Cái màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, không gì hòa hợp bằng”. (Thạch Lam - “Hà Nội 36 phố phường”)

Cũng từ cốm người ta có thể chế biến thành rất nhiều món ăn đặc sắc mà không kém phần hấp dẫn như: Xôi cốm, chè cốm, chả cốm… Còn một thứ được liệt vào hạng sang và gắn liền với tên tuổi của Hà Nội: Bánh cốm phố Hàng Than. Bánh cốm được coi là bánh cưới, gửi thay cho cánh thiếp hồng báo hỷ. Mình bánh làm bằng cốm Vòng xào với đường và mỡ, thêm nhân bằng đậu xanh giã nhuyễn trộn với đường và ít sợi dừa trắng muốt, gói hình vuông, bọc lá chuối xanh, buộc dây lạt đỏ. Màu lạt như màu những sợi tơ hồng vấn vít xe duyên. Mâm bánh cốm dẻo ngọt mang ý nghĩa sâu xa về nguồn cội và làm biểu tượng để chúc cho đôi uyên ương luôn có một cuộc sống hạnh phúc, ngọt ngào. Mỗi khi tết đến, xuân về người Hà Nội thường không quên gửi một vài “chục” bánh cốm Hàng Than làm quà cho họ hàng, bạn bè, người thân ở khắp moị nơi với tấm lòng thơm thảo của mình.

Gió heo may lại về, mùa thu Hà Nội như trong hơn, tinh khiết hơn phải chăng cũng là nhờ hương thảo thơm từ những hạt cốm làng Vòng.

 

CINET TỔNG HỢP

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 21/Jan/2008 lúc 6:40am
Bánh nổ, đặt sản Quảng Ngãi- quê nhà của anh hùng Trương Định  

Tháng chạp, cứ chớm tắt mưa phùn, nghe có nắng hanh, là người làng tôi đắp lò, rang nếp làm bánh nổ Tết. Ít có loại bánh nào lại làm dễ như bánh nổ, chỉ vỏn vẹn có ba thức làm nguyên liệu là .. nếp, đường và gừng già.

Chính vì dễ làm, ai làm cũng được, nên làm một chiếc bánh nổ cho ngon lại rất khó. Nó là cả một quá trình chuẩn bị khá công phu. Trước hết là chọn nguyên liệu. Nếp hạt phải được chọn từng lượm một khi còn đứng ngoài đồng, rồi phơi phóng riêng cho đủ nắng. Xong, giữ nếp trong bao ni lông kín không để lò hơi. Đường dùng làm bánh cũng phải là loại đường vừa trắng, đủ để bánh có màu hơi vàng ở mạch hồ giữa các hạt nổ. Gừng dùng làm bánh là thứ gừng cụ, được chuẩn bị từ lúc mãn mùa gừng, ủ khô trong cát chờ ngày Tết mang ra làm bánh.

Cái hay của bánh nổ là được làm rất ồn ào. Đầu tiên, nếp cho vào chảo rang như rang phỏng. Nếp càng nổ to, hạt càng lớn và lợi bánh. Sau đó sàng nhặt vỏ trấu, rồi xên đường với gừng già sắc mỏng trộn đều với nhân nếp nổ, cho vào khuôn gỗ, dùng vồ đóng mạnh và đều tay. Vừa đóng vừa đếm nhẩm số lần đóng vồ sao cho từng phần của cây bánh đều chịu một lực nén bằng nhau. Đây là công việc của người lớn. Cây bánh đóng xong, khi mang ra vuông và dài cỡ hai gang tay, được bỏ lên cái sịa xấy nhẹ bằng than nóng. Đến đây bánh đã hoàn tất, muốn cúng quảy hay dọn bánh đãi khách chỉ cần cắt ra từng lát mỏng hình vuông hay chữ nhật, tam giác, tùy thích.

Còn nhớ ngày bé, khi mẹ làm bánh nổ Tết, tôi thường được giao mấy công việc long tong như nhặt vỏ trấu, giã gừng và lau rửa khuôn gỗ. Khoái nhất là ngồi chầu rìa bên chiếc nia. Lúc bỏ nổ vào khuôn để đóng thế nào cũng có nổ rơi. Cứ hễ hạt nổ nào rơi ra chiếc nia tròn là tôi chén ngay. Vị gừng thơm cay quyện với hương nếp còn nóng sộc lên mũi nghe cứ tê tê như ăn cao lương mỹ vị. Mà đúng là không có loại cao lương mỹ vị nào thay thế được. Bởi hương vị mộc mạc của bánh nổ gợi lên trong tâm thức tôi đôi vai gầy của mẹ, cánh đồng lúa bạc màu của cha, và những đêm thức trắng khi gió mùa đông bắc thổi rộ kỳ lúa lỗ, báo hiệu một năm mất mùa.

Gần đây bánh nổ Quảng Ngãi có qui cách làm hiện đại hơn xưa nhiều. Thay vì rang nếp bằng lò củi lò than, người ta đã rang bằng lò điện. Một ang nếp, khoảng hai chục lon sữa bò, được rang xong cái vèo, khỏi phải đội nếp xếp hàng như ngày xưa. Còn bánh cũng không đóng thủ công như ngày xưa nữa, mà đóng bằng máy, nhanh gấp hàng chục lần. Công nghệ mới, chiếc bánh ra lò nhẹ và trắng tinh, trông thật xinh xắn.

Ấy thế mà mỗi độ Xuân về, không hiểu sao tôi vẫn thèm và nhớ chiếc bánh nổ xưa, thô kệch nặng mùi đường, với những mạch hồ vàng li ti mà mẹ tôi vẫn làm để cúng ông bà vào ngày Tết.

( Nguyễn Xuân Hoàng )

 



Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 21/Jan/2008 lúc 10:28pm
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Phanthuy
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 960
Quote Phanthuy Replybullet Gởi ngày: 21/Jan/2008 lúc 1:06pm
Cám ơn thầy Hùng nhiều đã phân biệt 2 thứ bánh. PT biết Cốm làng Vòng ở Hà Nội chứ ! Biết từ hồi biết đọc sách Tự lực văn đoàn. PT cũng đã thấy hình bánh nổ nên thấy nó giống với món quà nhà quê Gò công thuở xưa mà PT nhớ người lúc đó gọi là cốm vòng( có lẽ đặt tên sai vì nó không giống với cốm làng Vòng) Đọc cách làm cốm nổ ở QN thì cũng giống như cốm vòng ở Gò Công thôi ( đúng hơn là ở Chợ Gạo bán rất nhiều ) PT còn nhớ hình dạng cốm này luôn có vắt tròn bằng nắm tay và có trộn đường mạch nha màu nâu đậm , lúc bé ăn ngon lắm vì rất ngọt. Ô ô thôi xin lỗi bây giờ PT mới nhớ lại rồi là mình lộn rồi. Sorry các bạn GC , Cốm Chùi chứ không phải Cốm vòng !Dung1d là già lẩm cẩm...Embarr***ed
PhanThuy-CA
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 21/Jan/2008 lúc 10:40pm
.
Lý Hạnh
 
DU XUÂN DỌC SÔNG BỒ
 
Ơi O bán cốm hai lu

Có về An Thuận cho tui về cùng"

Men theo câu ca này, chúng tôi tìm về với làng An Thuận. Chỉ cần nghe câu hát ngọt nào văng vẳng, cũng đủ để chúng ta cảm nhận được hương vị thanh tao mà đậm đà của đặc sản vùng đất này: cốm dẹp.
 
Không như cốm làng Vòng (Hà Nội), cốm An Thuận có nét đặc trưng riêng, cũng chếbiến công phu, cũng chắt lọc cái hương vị tinh tế của trời đất nội cỏ An Nam, cũng mang cái vị tinh khiết của lúa nếp đang kỳ ngậm sữa, nhưng cốm dẹp An Thuận còn có thêm cái vị gừng cay nồng đặc trưng của xứ Huế, cái thơm bùi của mè, đậu phụng và cả cái tâm thơm thảo của người dân vùng chiêm trũng nghèo nàn.
 
Cả làng làm cốm nhưng không ai biết nghề cốm có nguồn gốc từ đâu. Phải vất vả lắm chúng tôi mới tìm đến được nhà cụ Nguyễn Xuân Quang, một người làm cốm lâu năm. Cụ Quang kể lại: Đời vua Hàm Nghi, ông cố của cụ là ông Nguyễn Xuân Chiêm, làm quan ở đất Quảng Ninh, kết hôn cùng bà Võ Thị Cẩm rồi cùng nhau về Huế. Vốn con nhà có nghề làm cốm, lúc vào Huế, bà Cẩm mang theo cả những bí quyết nghề cốm. Với tài trí và bàn tay khéo léo, bà chế biến thành món ăn thích hợp với khẩu vị người Huế, vừa thanh đạm, tinh khiết lại vừa ngọt bùi khó quên. Nếp thơm nguyên vỏ đem luộc lên rồi ngâm nước. Sau 3 ngày đem ra rang chín, giã dẹp, loại bỏ trấu, lấy nguyên hạt rồi lại tiếp tục rang hạt nếp đến khi giòn và nở bung lên. Công đoạn cuối cùng là bỏ nếp đã rang giòn vào khuôn và cho đường cát sên vàng cùng mè, gừng, đậu phụng vào. Sau khi chế biến, bà đem dâng lên vua, được vua khen thưởng, bà liền về phổ biến cho người dân trong làng, từ đó, nghề làm cốm dẹp trở thành nghề truyền thống của làng.
 
 Cũng đã khá lâu rồi, người dân An Thuận không còn sống nhờ vào cái nghề làm cốm dẹp. Thế nhưng, nghề làm cốm không vì thế mà mai một. Với các o, các mệ ở vùng đất này, đã là con gái An Thuận là phải biết làm cốm. Cứ mỗi độ xuân về, nhà nhà lại bắt đầu chuẩn bị cho một khuôn cốm mới. Trong cái se se lạnh của những ngày đầu xuân, trong không khí ấm áp của buổi gặp mặt đầu năm, không có gì thú vị bằng vừa tâm sự vừa uống một ly trà thật thơm, thật nóng và thưởng thức cái vị tinh khiết, nồng ấm của những miếng cốm giòn tan.
 
_______________________________________
Văn hoá (vật thể và phi vật thể) ở Trung Phần và Nam Phần có nhiều điều đan xen rất đáng để ý và sự kiện này cũng thấy qua "tam giác" Huế - Quảng Ngãi - Gò Công. Lạ quá !?
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 21/Jan/2008 lúc 10:43pm
Còn không hở cốm ?
Nguyên Sương

Đứng bên cốm xanh làng Vòng Hà Nội, cốm dẹp của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, có lẽ miếng cốm gạo ngào mật sực nức mùi gừng của Cát Tường (Phù Cát) mình chẳng kiêu sa, quý phái, kiểu cách bằng. Nhưng với người Bình Định, đó vẫn là một món quà dân dã truyền thống “ngon nhất trần đời”, chứa đầy ao ước tuổi nhỏ. Dẫu bây giờ cốm không địch nổi với những susu, chewingum, kẹo mút, chocopie... và chỉ quẩn quanh làm bạn với lũ trẻ làng.

 

Cốm làm xong được đóng gói từng túi nhỏ để dễ vận chuyển, bảo quản. Ảnh: N.S

 

Trong ký ức những người lớn tuổi, sáng sáng ở thôn Xuân An và thôn Chánh Liêm xưa của xã Cát Tường (Phù Cát) tiếng nổ đì đùng vang dậy. Đó là âm thanh đặc biệt của công đoạn đùng cốm mà chỉ ở đây mới có. Dân Chánh Liêm và Xuân An hầu như nhà nào cũng biết làm cốm. Cốm làm ra được mang đi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… để tiêu thụ. Cách đây chừng 10 năm, Cát Tường có 8 nhà chuyên nghề đùng cốm để phục vụ cho các hộ làm cốm. Còn bây giờ, cả xã chỉ còn duy nhất một người đùng cốm và 2 thôn cũng chỉ còn chừng 20 hộ giữ nghề.

Sáu Hổ là đời thứ 3 trong một gia đình có truyền thống làm cốm ở Chánh Liêm. Vợ chồng anh vốn khi xưa cũng làm cốm, và như bao người khác, họ thay nhau người làm, người mang cốm đi Quảng Trị, Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng… vừa bán lẻ vừa bỏ sỉ cho các quán. Năm 1996, Sáu Hổ chuyển hẳn sang nghề đùng cốm, thu nhập cũng khá hơn.

* Cốm xưa

Ông cụ Nguyễn Sự, 80 tuổi ở thôn Chánh Liêm kể rằng thời ông nội của ông đã làm cốm. Tính ra, ông có thâm niên tới 80 năm... ăn cốm. Trong ký ức của ông, cốm hồi đó ngon hơn bây giờ. Hồi đó, là cách đây vài chục năm, khi chưa ai nghĩ ra chuyện đùng cốm bằng cách rang gạo trong bình áp suất như bây giờ. Ông bồi hồi nhớ lại: “Lúa đem nấu, giã, phơi rồi rang với cát cho nở ra thành cốm và ngào mật. Mật ở Cây Bông, Nhơn Khánh, An Nhơn - nơi nổi tiếng với nghề nấu đường thủ công làm đường cát, ngon lắm. Bây giờ mật nhà máy chát, cốm không bằng”. Mà không chỉ cụ Sự, cả anh Sáu Hổ cũng nói vậy. Có lẽ cốm xưa ngon hơn bây giờ không chỉ vì mật mà còn vì ký ức bao giờ cũng lung linh hơn hiện tại, nhất là khi ký ức đó thật đáng để ta mơ ước được quay về, để nhìn ngắm, yêu thương. Cái ký ức xưa ấy, chắc chắn không thể thiếu được hình ảnh những đứa trẻ con vui sướng cầm miếng cốm trên tay, ghé mũi ngửi một cái, lắng nghe mùi mật cộng với gừng thơm ngào ngạt quyện mùi gạo bay lên, rồi cắn một miếng và nhai, ngọt lịm, nghe “rào rào” giòn rụm trong miệng. Ăn xong, vẫn còn thòm thèm.

Dân Cát Tường không có nghề cốm thì khổ lắm - nhiều người lớn tuổi ở đây nói vậy. Tuy chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn nhưng nó đã giúp bao gia đình trang trải cuộc sống. Những năm tháng khó khăn, thiếu gạo, ngoài mang cốm đi bán - gọi là cốm tiền, người ta còn đem cốm đổi lúa - gọi là cốm lúa. Những miền quê Gò Bồi, Phú Giáo, Phú Phong, An Thái… đều in dấu chân của người đi cốm lúa. Đi cốm lúa phải chở nặng nhưng lời hơn cốm tiền, ai đi nhiều cũng được 700 - 800 ký lúa/mùa cốm (mùa cốm tương ứng với mùa lúa như đông xuân, hè thu). Ngồi nhớ lại ngày xưa, ông cụ Sự kể rằng cái hồi vàng có 900 đồng/lượng, vậy mà ông dám mượn 25.000 đồng để cất nhà. Sau đó, vợ ông chỉ đi có một mùa cốm lúa mà đủ trả nợ.

* Cốm thời công nghiệp

Bây giờ, việc làm cốm đã được chuyên nghiệp hóa theo kiểu dây chuyền chứ không như trước. Người bán cốm đang rong ruổi trên các nẻo đường miền Trung, khi nào bán gần hết chỉ việc gọi điện về cho người đùng cốm, ví dụ “làm cho tôi 100 đập”, tức 100 lần đùng cốm (200 ký gạo). Người đùng cốm có nhiệm vụ liên hệ với bạn hàng gạo của mình. Gạo được chở thẳng đến nhà đùng cốm. Rồi đến lượt người bán gạo gọi đặt hàng người bán mật, số lượng tương ứng với số gạo. Mật lập tức được chở đến nhà làm cốm. Nhà làm cốm chỉ việc thuê thợ nấu mật, thợ cắt cốm, người đóng bao bì thành phẩm đến làm rồi gởi xe ra cho người bán. Cốm thời công nghiệp là vậy, tất cả đều theo dây chuyền với những thợ chuyên môn phụ trách từng công đoạn. Cốm chỉ đì đùng 8 tháng trong năm, 4 tháng còn lại cốm nghỉ hè và nghỉ Tết theo trẻ nhỏ.

Xưa, cốm là nghề phụ làm lúc nông nhàn. Nay, nhiều người Cát Tường đã biết làm giàu từ nghề truyền thống quê hương. Mà muốn làm giàu thì phải đầu tư lớn. Sau gần 20 năm nghỉ nghề, năm 2000, anh Nguyễn Văn Công (thôn Xuân An) bắt đầu làm cốm trở lại với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn. Cốm làm xong được gởi cho con gái anh ở Gia Lai bỏ sỉ cho các quán, khi nào hết gọi điện về, nhà làm tiếp gởi lên.

Còn nói đến các “đại gia cốm” phải kể đến anh Nguyễn Đăng Hiểu - chủ cơ sở bánh cốm Minh Hiếu- ở thôn Chánh Liêm. Đây vốn là nghề phía vợ của anh Hiểu và sau khi được truyền nghề, anh đã mở rộng quy mô sản xuất. Cốm Minh Hiếu có 2 loại là cốm bún (cũng làm từ gạo) ngào đường và cốm gạo ngào mật. Cốm sau khi ra lò được vào túi nylon nhỏ, bán 500 - 1.000đ/bì chứ không để nguyên cả khối to vừa khó vận chuyển đi xa vừa khó bảo quản. Ngoài làm cốm, anh Hiểu còn làm sò bắp - cũng là một loại bánh cho trẻ con làm từ bắp. Cốm làm ra được anh bỏ sỉ cho các đại lý ngoài Bắc, từ Quảng Ngãi ra đến Nghệ An. Hết hàng, đại lý điện về, anh lại gởi xe ra. Tổng cộng cả cốm và sò bắp, cơ sở bánh cốm Minh Hiếu có 7 mẫu hàng.

 

                           Gạo đã thành “nổ”. Ảnh: N.S

 

* Cốm - còn hay mất ?

Một người bán cốm ở Cát Tường kể rằng: “Tiếng là đi các tỉnh nhưng hầu như chẳng bao giờ tụi tui bán cốm ở thành phố cả, vì chẳng có ai mua. Phải về tận thôn quê như A Sầu, A Lưới, Khe Sanh, Lao Bảo, có khi đến gần sát biên giới Việt - Lào thì mới bán được”. Khi công nghiệp sản xuất bánh kẹo phát triển, món cốm dân dã không đủ sức địch lại với những chocolate, kẹo mút, kẹo cây, bánh quế, bánh quy, kem, sữa… Đời sống ngày càng khá giả, trẻ con có nhiều thứ để chọn lựa chứ không chỉ đơn điệu với cốm, kẹo cà, kẹo cứng, cà rem như thời cha mẹ, ông bà chúng, cốm cũng dần dần mất chỗ đứng. Họa chăng là vài đứa trẻ tò mò, những người lớn hoài niệm tuổi thơ của mình mà mua cho con đôi đồng bạc cốm. Nên cốm bây giờ chỉ bán được nhiều ở quê - nơi những thứ bánh kẹo, quà vặt vừa rẻ vừa bắt mắt - chưa tới nhiều hoặc so với cốm nó vẫn còn là loại quà xa xỉ.

Nghề truyền thống với cung cách sản xuất thủ công không đủ sức níu kéo người dân Cát Tường thủy chung với cốm. Hay nói đúng hơn là vì cốm đã vươn ra khỏi phạm vi nghề lúc nông nhàn. Nghề cốm chuyển sang thời công nghiệp, những hộ làm cốm nhỏ lẻ chuyển nghề vì thu nhập thấp. Phụ nữ vào Sài Gòn bán trái cây dạo hay làm công cho các lò cốm lớn với việc đóng gói, bao bì sản phẩm; đàn ông chuyển sang chuyên làm thợ nấu mật, thợ cắt cốm, đùng cốm. Cũng như nhiều gia đình khác ở Chánh Liêm, anh Phùng Văn Nghĩa bỏ nghề cốm và chuyển hẳn sang làm thợ cắt cốm cho các chủ lò. “Thu nhập khá hơn mà công việc cũng đỡ cực hơn” - anh cho biết. Ông cụ Sự, dù rất tự hào với nghề cốm của làng mình nhưng rồi cũng đành ngậm ngùi để con chia tay với nghề. Hai cô con dâu, cùng cháu dâu và cháu nội của ông đều vào Sài Gòn bán trái cây. Ở nhà cụ Sự, nghề cốm dừng lại ở đời thứ tư.

Tuy chỉ còn rất ít người làm cốm so với trước đây nhưng theo anh Sáu Hổ thì số lượng thì vẫn bằng. Hồi trước, tất cả các công đoạn làm cốm đều là thủ công nên mỗi lần làm 100 đập (200 ký gạo) là cùng. Nay thì bạn hàng của anh lúc nhiều nhất có thể đặt anh đùng đến 400 đập (800 ký gạo). Nơi làm cốm nhiều nhất như cơ sở bánh cốm Minh Hiếu có thể tiêu thụ đến 10 tấn gạo/tháng.

Hỏi chuyện đoán “hậu vận” cho cốm, ông chủ cơ sở bánh cốm Minh Hiếu cười cười: “Chừng nào người ta còn ăn cốm thì tôi còn làm cốm”. Còn anh Sáu Hổ thì quả quyết: “Nghề này có lẽ không phát triển nữa nhưng mất hẳn thì không. Bởi cốm vẫn còn chỗ đứng ở nông thôn, miền núi”.

Rồi đây, có còn không hở cốm ?

  •  

Đồ nghề để đùng cốm, có lẽ chỉ có dân làm cốm mới nghĩ ra được. Đó là chiếc ống sắt, được cắt ra từ chiếc bình chữa cháy nhỏ. Một đầu bình có nắp, đầu kia có lỗ thông hơi dẫn đến chiếc đồng hồ đo áp suất gắn ở đuôi bình. Gạo, sau khi ngâm sơ qua nước được cho vào bình (mỗi lần đùng chỉ được 2 ký gạo), đậy nắp lại và quay tròn liên tục (như người ta quay heo) trên bếp lửa. Khi thấy đồng hồ đo áp suất báo đủ độ nóng, bình được lấy ra. Người ta dùng một cái cây đập lẫy cò, nắp bình bật ra, tạo thành một tiếng nổ “đùng” thật lớn. Gạo rang trong bình bung ra, gặp không khí lạnh liền nở thành những hạt lớn bằng chiếc đũa. Sau tiếng nổ, những hạt gạo đã có một hình thức khác ấy được thay tên đổi họ thành nổ và việc làm cho gạo thành nổ được gọi là đùng cốm. Người ở quê ít chữ, diễn đạt đơn giản nhưng cũng rất chi là “ngôn ngữ học” bởi trong những từ ấy đầy tính tượng thanh và tượng hình. Nổ, đùng nghe là biết ngay cốm.

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 21/Jan/2008 lúc 10:47pm
.
Cốm trộn dừa đây |  |
Ảnh:%20Sức%20Sống%20Mới.Cốm trộn dừa là món cốm đặc biệt của miền Nam. Chưa cần ăn chỉ nghĩ thôi bạn đã như cảm nhận được mùi thơm dịu của lúa non xanh gói trong trong những tàu lá sen thơm ngát.

Nguyên liệu:

- 500 g cốm dẹp, xả nhanh qua nước lạnh cho sạch bụi bẩn, để ráo.
- 300 g dừa trắng nạo
- 200 ml nước cốt dừa
- 250 g đường cát trắng
- lá dứa hoặc vani

Cách làm:

- Lá dứa rửa sạch, xắt nhỏ, xay nhuyễn với ít nước, lược lấy nước cốt.
- Cho nước cốt dừa và đường vào nồi nấu lửa nhỏ cho tan đường.
- Cho nước lá dứa vào nước cốt dừa, khuấy lên, tắt bếp.
- Rưới hỗn hợp nước dừa từ từ vào cốm, vừa rưới, vừa trộn đều cho hạt cốm nở, mềm.
- Sau cùng trộn dừa nạo vào cốm.

* Kitty sưu tầm *

_______________________________________
Sợ mất quá, sợ đến...rưng rưng, nên mới gửi lên đây - đặng ai cùng sợ mất thì góp phần giữ lại...
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 21/Jan/2008 lúc 11:05pm
~::Trích Dẫn nguyên văn từ Phanthuy

Cám ơn thầy Hùng nhiều đã phân biệt 2 thứ bánh. PT biết Cốm làng Vòng ở Hà Nội chứ ! Biết từ hồi biết đọc sách Tự lực văn đoàn. PT cũng đã thấy hình bánh nổ nên thấy nó giống với món quà nhà quê Gò công thuở xưa mà PT nhớ người lúc đó gọi là cốm vòng( có lẽ đặt tên sai vì nó không giống với cốm làng Vòng) Đọc cách làm cốm nổ ở QN thì cũng giống như cốm vòng ở Gò Công thôi ( đúng hơn là ở Chợ Gạo bán rất nhiều ) PT còn nhớ hình dạng cốm này luôn có vắt tròn bằng nắm tay và có trộn đường mạch nha màu nâu đậm , lúc bé ăn ngon lắm vì rất ngọt. Ô ô thôi xin lỗi bây giờ PT mới nhớ lại rồi là mình lộn rồi. Sorry các bạn GC , Cốm Chùi chứ không phải Cốm vòng !...Embarr***ed
 
 
 
Món cốm chùi đầy kỷ niệm trên đây cũng được Nguyễn Văn Huy nhắc đến trong tác phẩm  "Người Hoa Tại Việt Nam Qua Các Thời Đại (Phần III)"


"...Riêng tại Sài Gòn, người Hoa đã thành lập nhiều khu thương mại nổi tiếng, còn lưu danh cho đến ngày nay: Rạch Lò Gốm nổi tiếng với các lò gạch Quảng Di Thành, Tín Di Hưng, Hiệp Hưng chuyên sản xuất gạch ngói, chén bát, lu chậu đôn bằng sành và Rạch Chợ Lớn với các lò siêu, lò lu, lò gốm v.v... Ngoài ra còn có các xóm chuyên về một nghề như xóm Than chuyên bán than, xóm Củi, xóm Dầu (dầu phọng) nổi tiếng với lò dầu Phụng Di Thôn, xóm Giá (đãi giá từ hột đậu xanh), xóm Lò Bún (xây gạo và làm bún), xóm Rẫy Cải của người Triều Châu (chuyên trồng củ cải trắng), xóm -U Ghe chuyên đóng ghe thuyền đi sông, xóm Chỉ chuyên bán kim chỉ và vải sợi, xóm Te và xóm Rớ chuyên đánh bắt cá bằng giủi và rớ, xóm Cốm bán cốm bắp và cốm chùi, xóm Cầu Đường chuyên bán các loại đường phèn, đường thẻ và đường phổi, xóm Lá chuyên sản xuất tre lá để lợp nhà, xóm Lò Rèn tại Tân Kiểng nổi tiếng với đội quân Mậu Tài rất khéo tay và thiện nghệ, xóm Câu chuyên tổ chức đánh bạc, xóm Cây Gui chuyên sản xuất rượu..."

Cảm ơn chị Thuỷ đã nhắc một đặc sản làm gợi nhớ đến cộng đồng người Hoa - đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên bản sắc văn hoá Gò Công.

 


hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 21/Jan/2008 lúc 11:13pm

món cốm chùi chị Thuỷ nhắc đến cũng được nhà văn Hồ Biểu Chánh đưa vào tác phẩm của cụ. Tiểu thuyết Tơ Hồng Vương Vấn- ĐOẠN THỨ NHỨT (Chương hai) cho thấy:

 

Tôi đi Công mà học hai năm nay, may có học bổng tôi học mới được. Nếu không có thì tôi cũng phải bỏ rồi mặc dầu cậu mợ tôi cho tôi ăn cơm.
- Anh có chí háo học, lại có khiếu thông minh, mà bị nhà nghèo, thiệt uổng quá.
- Mỗi người đều có mạng riêng. Tôi không phiền mà cũng không tiếc chi hết.
- Anh đói bụng hôn anh Xuân ? Em có tiền đây. Để em mượn học trò đi mua
cốm chùi cho anh ăn.
Mặc dầu Xuân cản, nói không đói bụng, Cúc Hương cũng đứng dậy đi lại chỗ mấy trò gái đương đánh đũa mà đưa tiền mượn một trò đi mua đồ ăn.
Một lát trò ấy đem vô hai miếng
cốm gạo với hai vắt cốm chùi. Cúc Hương bẻ ra thưởng cho trò đi mua nửa vắt cốm chùi, rồi mời Xuân ăn chơi. Xuân từ chối không chịu ăn, cử nói không đói.
Cúc Hương làm mặt buồn mà hỏi:
-
Cốm của em mua nên anh chê phải hôn ? Em cũng không đói. Sở dĩ em mượn đi mua là vì bữa nay gặp nhau lại, còn được học chung với nhau nữa, em mừng, em muốn anh em ăn chung thứ gì một chút cho vui vậy thôi. Anh ăn cốm của em mua, có gì đâu mà mắc cỡ. Anh từ chối em buồn lắm. Anh ăn một thẻ cốm gạo đây.
Cúc Hương lấy một miếng
cốm gạo đưa cho Xuân. Với những lời thiết tha vừa nghe đó thì khó cho Xuân từ nữa được, nên cậu phải lấy miếng cốm gạo của Cúc Hương đưa mời. Nhưng cậu lấy rồi cậu bẻ ra làm hai, để phân nửa trên miếng cốm thứ nhì, còn phân nửa cầm mà ăn. Cúc Hương vói lấy nửa miếng để lại đó mà ăn và nói:
- Anh chia hai như vậy em chịu lắm. Anh ăn phân nửa, em phân nửa.
Hai trẻ ngó nhau, đồng cười với nhau.

Tuy Xuân thôi học trường nầy đã hơn ba năm, nhưng ở chung một chợ, hai trẻ lâu lâu thì gặp nhau ngoài đường hoài. Mà gặp thì thấy thoáng qua vậy thôi, chớ không ngó cho kỹ. Tình cờ hôm nay được ngồi dựa bên nhau, được nói chuyện với nhau nhiều, lại nãy giờ lật sách, chỉ chữ, nhiều khi đụng chạm tay nhau, cả hài trẻ đồng nhận hình dạng bây giờ biến đổi khác hẳn với hình dạng ngây thơ hồi trước, rồi trong lòng xúc động, dường như có cái gì nó lay chuyển trong đầu óc, mà nó còn làm phơi phới trong ruột gan nữa vậy.
Cúc Hương thấy Xuân bây giờ là một cậu trai mạnh mẽ, gương mặt hiền từ, cặp mắt sáng trưng, tướng mạo nghiêm trang, nói chuyện hòa hưỡn. Xuân khác hẳn mấy cậu trai tía lia, vúc vắc, mà cũng không giống mấy cậu nhút nhát sụt sè. Tuy Xuân là con nhà nghèo mặc quần áo vải bô, song từ văn nói cho tới thái độ, con nhà giàu khó mà bì kịp.
Còn cậu Xuân thấy Cúc Hương năm nay đã ra mã con gái, tóc bới vén khéo, mặc áo lụa quần hàng, nét mặt vừa đẹp đẽ, vừa thuần hòa, tiếng nói vừa trong ngần, vừa lễ nghĩa. Đã vậy mà còn thêm tướng đi yểu điệu miệng cười có duyên, ngón tay no tròn, nước da trắng đỏ. Cả nhan sắc và tánh tình đều hiệp nhau, khêu gợi ham thèm của trai mới lớn lên. Cậu Xuân tuy nết na đằm thắm, cử chỉ đàng hoàng song cậu cũng có máu có thịt, biết muốn, biết yêu, nên thân cận với Cúc Hương, cậu chẳng khỏi rúng động can trường như muôn ngàn thanh niên khác.
Cúc Hương thấy xuân ăn hết miếng
cốm gạo rồi, cô liền lấy vắt cốm chùi bẻ làm hai mà đưa phân nửa cho Xuân và nói:
- Anh ăn thêm nửa vắt
cốm chùi với em, rồi em đi múc nước cho anh uống. Có anh học chung với em, học tới chừng nào, em cũng không lo.
Xuân không có lý mà từ được những lời mời hữu tình, hữu nghĩa của Cúc Hương, nên phải lãnh ăn thêm nửa vắt
cốm chùi nữa. Cúc Hương vui vẻ nói chuyện không ngớt, chừng thấy Xuân ăn rồi cô mới vô trong lấy tô múc một tô nước mưa bưng ra cho Xuân uống và rửa tay. Cô đứng ngó Xuân, cô rất vui lòng mà được cho Xuân ăn uống, bởi vậy cô chúm chím cười hoài.
Đợi Xuân rửa tay rồi cô lấy tô với
cốm ăn không hết đem lại chỗ ba trò gái đánh đũa mà mời ăn cốm rồi nhờ đem dùm cái tô vô trong mà cất luôn. Chừng cô trở lại cái bàn giữa thì thấy Xuân đã đem sách vở qua ngồi phía bên kia, đối diện với cô nên cô hỏi:
- Sao anh không ngồi bên nầy nữa ?
- Tôi có sách nên không phép ngồi chung hoài, nhứt là không có thầy.
- Em hiểu rồi. Thôi bây giờ để em đọc và cắt nghĩa nghe luôn. Anh dò coi nếu có chỗ nào sái, anh sửa dùm cho em.
Bây giờ Cúc Hương mới đọc và giải nghĩa. Xuân dò theo, chỗ nào Cúc Hương giải không rành thì Xuân nói thêm, có khi Cúc Hương cầm sách đi qua đứng một bên Xuân mà nói chuyện.
Xế rồi, Học trò đi chợ hoặc đi chơi lần lượt trở về đủ hết. Bàn nào cũng lo học lại đặng một lát nữa thầy sẽ xuống mà dọ bài. Mấy trò nhỏ nếu quên chữ nào hay là không hiểu câu nào thì hỏi mấy trò lớn mà học. Đó là tục lệ của trường ông Giáo Huân thuở nay, hễ lớn thì phải giúp dùm nhỏ, giỏi phải nâng đỡ dở, cho không phải như thói đời lớn thì hiếp nhỏ, giỏi thì khi dở.
Ông Giáo Huân nghỉ trưa, ông thức dậy tắm và uống trà rồi ông mới xuống trường. Ông dọ bài lớp nhỏ ngồi hai bàn hai bên rồi ông cho về trước. Còn bàn giữa, học Minh Tâm với Tứ Thơ, thì ông để ở lại đặng ông dọn kỹ. Ông biểu một trò trong đám học Minh Tâm đọc rồi giải nghĩa từ câu trong mấy tờ sách ông đã dạy hồi sớm mơi.
Mấy trò khác ngồi dò mà nghe. Trò nầy giải vài ba câu thì ông biểu trò khác giải tiếp. Có câu nào giải trật, hoặc không rành, thì ông chận mà giải lại.
Qua tới Mạnh Tử, ông Giáo buộc Cúc Hương phải giải. Cúc Hương nhờ có Xuân cắt nghĩa dùm rành rẽ trước rồi, nên cô giải có mạch lạc, nói đủ ý nghĩa, không sai không sót chi hết, làm cho ông Giáo rất hài lòng, nên ông khen Cúc Hương nửc nở, mặc dầu ông biết có Xuân phụ giúp nên Cúc Hương mới thông được như vậy.
Gần nửa chiều, dọn bài xong rồi, ông Giáo cho về hết.
Xuân bước lại để quyển Mạnh Tử trên ghế nghi và xá thầy mà ra trước một mình.
Cậu sợ mẹ không biết cậu đi đâu nên mẹ trông, bởi vậy cậu riết về nhà ở xóm Cây Me lớn.
Cúc Hương ôm sách thủng thẳng ra sau, rồi tẽ xuống phía chợ đặng về nhà ở dựa mé kinh
.

 

 

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 3 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.114 seconds.