Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: NIỀM TIN & HY VỌNG&GƯƠNG TỐT&CHIA SẼ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 135 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/Apr/2021 lúc 7:50am

Làm Lại Cuộc Đời 


Ngày 22/6/1980 chuyến bay charter Wardair cất cánh từ Bangkok đã đưa trên 300 thuyền nhân Việt Nam qua định cư tại Canada.

Sau khi ghé Nhật Bản (căn cứ Guam hay Okinawa?) để lấy thêm nhiên liệu, phi cơ tiếp tục bay đến Canada. Đáp xuống phi trường Edmonton (Alberta) một giờ, xong bay tiếp đến phi trường Mirabel, phía Bắc Tp Montreal

*****
Cuộc Đời Trước Mặt                                                                                                                          Một cảm giác mừng vui, lo âu, bồi hồi, hoang mang, xúc động không thể nào tả hết cho được.
Trên mười chiếc xe bus quân sự loại lớn đưa hết người tị nạn mới đến về tạm trú tại căn cứ quân sự Longue Pointe nằm ngay trên đường Hochelaga,Montreal. Đây là một Immigration processing center hay trung tâm làm thủ tục định cư.
Gia đình người gõ thuộc diện “mồ côi” nên được hội nhà thờ bảo trợ. Một tuần sau, thì được đưa ra phi trường Dorval (nay là phi trường Trudeau) để đi định cư tại Montague, một thành phố nhỏ với 2000 dân cư thuộc tỉnh bang PEI (Prince Edward Island), duyên hải phía Đông Canada.
Nhà thờ Công giáo St Mary’s Parish và nhà thờ Tin Lành United Hillcrest Church tại Montague đã dang rộng vòng tay nhân ái đứng ra bảo trợ gia đình tác giả trong vòng một năm..

Tại nơi đây, người gõ đi làm lặt vặt như hái thuốc lá, hái dâu Tây và làm công nhân lao động trong nhà máy biến chế thủy sản GeorgeTown Seafoods, nhưng chỉ được 3 tháng thì bị cho nghỉ việc vì mùa đông nhà máy đóng cửa.

Tháng 3 năm 1981, gia đình quyết định dọn về Montreal để lập nghiệp.
Trong một hai năm đầu, hai vợ chồng đi làm trong hãng xưởng với lương tối thiểu 3.75$/giờ. Người gõ làm cho một hãng sản xuất phụ tùng điện và plastic tại Ville Mont Royal, Montreal. Nói cho ngon vậy thôi, chớ công việc thật sự là travail genéral, anh cai sai biểu mình làm cái gì thì mình làm cái đó.
Bà nhà thì đi làm cho một xưởng sản xuất nữ trang rẻ tiền tại Ville Saint Laurent, gần phi trường Montreal.
Sau đó thì hai vợ chồng tìm cách đi học lại nghề cũ. 


Cảnh đời phiêu bạt

Nhớ hồi  năm 1980 lúc còn chân ướt chân ráo mới đến định cư tại cái xứ đất lạnh tình nồng nầy… 
Mình thấy cái gì mình cũng ham hết. 
Ôi thôi! nào là bơ, nào là sữa, nào là kẹo, bánh, thịt thà đủ thứ hết…sao mà nó ê hề nhiều quá xá cỡ thợ mộc. 
Để bù đắp lại những ngày thèm khát thiếu thốn ngày xưa lúc miền Nam vừa đổi chủ, hầu như mỗi cuối tuần mình đều bày đặt nhậu nhẹt lu bù với anh em trong nhà hoặc với bạn bè.  

Tiệc tùng làm ngay trên sàn nhà nơi “phòng khách” hoặc cạnh bên nhà bếp vì toàn là dân mới qua, nghèo rớt mồng tơi.
Đi làm lương tối thiểu 3.75$/giờ. Ai cũng đều ở apt mướn hết. Đâu có đứa nào có nhà có cửa riêng đâu. Rồi còn phải tằn tiện, dành dụm để mỗi 6-7 tháng có thể gởi chút đỉnh giúp đỡ gia đình bên Việt Nam. 
Đồ xài trong nhà toàn là đồ nhà thờ cho, mua rẻ từ Salvation Army, hoặc lượm ngoài đường đem về sửa lại qua loa rổi xài đỡ. Đó là thời của dân tị nạn boat people.
Những năm sau nầy thì bà con mình qua theo diện đoàn tụ ODP thì khỏe hơn trăm bề. 
Nhưng hồi đó lại vui.
Vui vì mình biết rằng mình được TỰ DO và con cái mình sẽ có tương lai.

Từ vài năm qua, người Viêt Nam qua Canada du lịch hay du học quá ư là dễ dàng như đi chợ vậy. Theo Chánh phủ Canada cho biết, riêng năm 2012 có trên 3400 du sinh Việt Nam qua học tại Canada trong thời gian 6 tháng hay cao hơn…Và nhớ là cha mẹ du sinh phải có thật nhiều tiền…và thuộc giai cấp COCC.


Ăn nhậu cuối tuần

Thịt heo mua cả ký, để nguyên da và mỡ cho nó béo, bỏ vô nồi luộc chín, đem ra xắt mỏng cuốn bánh tráng rau sống chấm mắm nêm hay mắm ruốc ăn sao mà thấy nó ngon quá trời quá đất.


Bia thì mua cả thùng cả két, uống hết chai nầy thì khui chai khác. 

Thuốc hút thì mỗi ngày một gói Export A, toàn là thứ nặng không hà, rẻ mạt, hút thả cửa. 

Cũng may cho cái chuyện ghiền thuốc lá.
Nhớ hồi năm 81, lúc đi học lại Thú y tại Đại học Montreal, sáng vô giảng đường, trong khi thầy bà đang giảng ào ào phía trên, tự nhiên thình lình mình bị ngứa cổ kềm hổng nổi nên phải sủa rống liên hồi như súng đại liên khạt đạn khiến thiên hạ đều phải im hết và quay đầu lại nhìn mình có vẻ khó chịu.
Quê quá trời, mất mặt thiếu điều muốn độn thổ luôn, tức mình bỏ thuốc luôn từ dạo đó.Thế mà hay. 

Chè đậu nước cốt dừa, bánh trái, đồ ngọt nữa…lúc nào cũng đầy ấp cả tủ lạnh, ăn mệt nghỉ. 
Đôi khi cũng đổi món cho đỡ ngán, khi thì thịt bò nhúng giấm, khi thì đổ bánh xèo hay chiên chả giò rồi hú bạn bè lại nhà làm một chầu càng hong ai nấy đều ngất ngư hết. Có khi thì cháo vịt, có lúc thì cháo lòng.

Còn muốn cho tiện cho lẹ thì xẹt xuống phố Tàu mua bậy một con vịt quay, con gà hấp xì dầu hoặc đôi ba kí thịt heo quay và phá lấu đem về thù tạc với nhau. Hồi đó, mình khoái nhứt là mấy cái cẳng heo sữa quay, chặt khúc nho nhỏ, vừa cạp vừa gặm uống la ve chơi đã lắm.

Tuần này nhậu ở nhà mình, tuần sau thì làm ở nhà người khác.

Mùa hè thì làm thịt nướng barbecue, thịt gà hoặc sườn ướp sả và ngũ vị hương ngon ơi là ngon, nướng lên thơm phức cả làng cả xóm. Toàn là chuyện đớp hít không hà.
Mà cũng ngộ, hồi đó mình ăn uống thả cửa, thả giàn, chẳng cần e dè kiêng cữ gì hết như bây giờ. Cholesterol, mỡ dầu, đường, muối mình coi như nơ pa chẳng làm cho mình lo âu run sợ chút nào hết. Còn ba cái chuyện tập thể dục thể thao cho có sức khoẻ thì mình đâu có huỡn, có ý thức mà làm như bây giờ…
Mà mình cũng chẳng thèm quan tâm đến ba cái vụ lẻ tẻ đó làm chi cho mất công.

Mình mới có 40 tuổi hà, chưa đến nỗi nào gọi là già cả. Mình đang khỏe, còn phong độ, còn sung, máy còn chạy quá ngon lành, bình còn đầy ấp, khỏi cần sạc điện sạc pin,.. tội gì mà không hưởng thụ chút đỉnh cho nó sướng tấm thân.

Không ăn để chết thành ma đói hay sao?

Mình nghĩ rằng ba cái chuyện bệnh hoạn là chuyện của người ta, của mấy ông già bà cả chớ đâu phải là chuyện của mình. Lo chi cho thêm mệt. Ngày nay nghĩ lại thấy hết hồn hết vía...Mình năm nay cũng nằm trong nhóm lão ông  rồi.

Xây dựng tương lai
Rồi thì hai vợ chồng phải đi học lại để mong có được một tương lai tươi sáng hơn, chớ hổng suốt đời làm “lao động chân tay” hoài hay sao?.

Cũng may là nhờ ở cái xứ tuyết giá này, nhà nước có chánh sách nâng đỡ sinh viên nghèo khó cho nên mỗi năm mình được cấp cho vài xấp gọi là học bổng, rồi còn được quyền vay mượn (loan) nhà băng thêm chút đỉnh nữa đủ để gia đình sống cầm hơi.

Khi ra trường nhớ trả lại và đóng thuế luôn thể cho tiện... 

Trong bốn năm dài đăng đẳng phải sống trong sự căng thẳng, thiếu thốn, nhọc nhằn, khó khăn, phập phòng, thử thách đủ mọi bề, trần ai lai khổ, lo sợ hổng biết mình học có nổi hay không.

Phân khoa Thú Y thuộc Université de Montréal nằm ngay tại tại thành phố St Hyacinthe cách Montreal 45 phút xe. Hồi đó mình đâu có tiền mà mua xe để đi học nên bắt buộc phải mướn phòng trọ (30$/tuần) ở luôn dưới đó những ngày trong tuần. Chỉ về Montreal mỗi cuối tuần mà thôi. Thứ sáu, sau giờ học là lúc mình náo nức nhứt để mong được gặp mặt lại vợ con…nhớ lắm.

Chiều chúa nhựt má sắp nhỏ cụ bị cho mình mấy lon thịt kho, có thêm vài cái hột gà để mình cầm cự trong suốt một tuần ở dưới đó. Có khi đổi món chiên sẵn cho 5-6 miếng sườn ướp sả thơm phức, đủ ăn trong 5 ngày. Bả còn nhét thêm cho mình năm sáu gói mě hŕnh Ramen để phòng hờ lỡ có kiến cắn bụng giữa khuya. Rồi cũng không quên dặn dò đủ thứ... trước khi khép cửa lại. Mình bước lùi ra mà trong lòng buồn man mác…

Sau đó thì lấy xe bus đầu đường, ra Métro Longueuil, rồi lại lấy xe bus khác để xuống thành phố St Hyacinthe để ngủ cho khỏe, sáng còn cuốc bộ đi học sớm nữa.
Nhưng, mình còn khỏe hơn vợ mình rất nhiều.


Bả ở Montreal rất cực vì vừa đi học, và đồng thời cũng vừa phải lo cho hai đứa nhỏ nữa. Tụi nó đứa thì đi nhà trẻ, đứa thì đi học mẫu giáo… Làm sao đây?

Đó là một vấn đề hết sức nan giải cho tụi nầy. Nghĩ lại lúc hai vợ chồng còn đi học sao ớn quá trời  quá đất.

Trong suốt bốn năm dài đăng đẳng, bà xã mình thường nói giỡn là bả có chồng bán thời gian part time mà.

Bả vừa đi học lại ngành dược tại Université de Montreal mà cũng còn phải chăm lo cho chồng và quán xuyến luôn hai đứa con nhỏ nữa. Chuyện học hành cũng đâu phải đơn giản vì ngày xưa khác với mình, bả học chương trình Việt, vốn liếng tiếng Tây tiếng U phần lớn đã trả lại cho thầy bên VN.

Tiền học bổng và tiền vay mượn nhà băng cũng không là bao nhiêu, chật vật lắm, nhưng nhờ vợ mình  khéo quản lý chi tiêu, cần kiệm tối đa nên cũng qua cầu được…Chỉ có người gõ nhờ theo học toàn thời gian ( full time) nên được cấp học bổng và còn có quyền vay mượn thêm tiền (loan) không lãi. Vợ mình thì học bán thời gia (part time).
Cuối cùng nhờ Trời Phật phù hộ, nhờ phước đức ông bà, hay nhờ may mắn gì đó nên rồi cũng xong.
Đúng là hay không bằng hên. Hú hồn hú vía! Hai vợ chồng đều trở lại nghề cũ của mình ngày xưa bên nhà.
Làm lại cuộc đời lúc 42 tuổi

Mình nhảy vô chánh phủ làm nghề khám thịt cho chắc ăn và khỏi sợ bị mất việc bất tử.

Khi ra trường vì cần có việc làm ngay để nuôi vợ con nên mình chấp nhận đi xa.

Tháng 6,1985 vừa lãnh bằng Bs Thú y xong hồi trưa thì 6.30 pm chiều hôm đó tôi lấy xe lửa Via Rail dông tuốt xuống Moncton thuộc tỉnh bang New Brunswick, cách Montreal gần 1000 km để trình diện Regional Office Agriculture Canada vùng Maritime. Họ cho hai tuần để làm orientation và thu xếp, ổn định nơi ăn chốn ở. Xong xuôi mình mới quay về Montreal rước vợ con xuống.


Thế là bắt đầu làm lại cuộc đời vào năm 1985, lúc đúng 42 tuổi.
Rồi phải học lái xe, rồi phải gấp rút mua một chiếc xế hộp, mới có thể đi làm được. Vấn đề là từ nhỏ lớn tui chưa từng cầm volant lần nào cả. Học lấy bằng thì dễ nhưng khi chính mình cầm tay lái thật sự thì khác. Lo quá. 

Lấy cái xe Toyota Tercel Hatchback mới toanh về nhà dượt sơ sơ quanh xóm chừng đâu hai ba bữa thì phải lái đi làm xa. Phải đối đầu với đường cao tốc expressway, với xa lộ và bắt buộc chạy cho lẹ, cho nhanh như mọi người. Thấy xe người ta chạy ào ào hai bên, sợ lắm thiếu điều... 
Trong hai năm đầu làm việc, mình lôi vợ con đi theo trên bước đường sương gió vùng duyên hải phía Đông Canada.

Hồi những năm 85-86, người Việt định cư ít lắm. Mua nước mắm hay đồ ăn Á Đông phải lái xe qua tận thành phố Halifax, thủ phủ của tỉnh bang Nova Scotia kế cận, cách nhà 200km mới có, bất tiện quá. 

Sau hai năm, mình làm đơn xin đổi về tỉnh bang Québec nơi có nhiều đồng hương VN để thấy bớt lẻ loi hơn và nhứt là tiện cho bà xã dễ hành nghề cũng như thuận lợi cho con cái học hành sau nầy. Mà đúng vậy.

Tại Quebec mình làm bất kể giờ giấc để gom bạc cắc. Thường, mùa hè cũng như mùa đông, 5.30 sáng là phải ra khỏi nhà vì 6.30 là nhà máy khởi sự cho chạy khi đã có sự hiện diện của thú y sĩ. Đó là luật bắt buộc. Lái xe trong mùa đông, trong mùa bão tuyết là nỗi ám ảnh triền miên của tôi cho mãi tới ngày hôm nay. Chuyện đường trơn, xe tự nhiên lủi vô cột đèn hay quay ngược đầu bê tuốt xuống vệ đường mình cũng đã từng nếm mùi đôi lần rồi. Sợ lắm.

Chỗ nào hơi hắc ám và xa lắc xa lơ, inspector da trắng chê là có tui nhận liền. Chổ nào cần tui thì tui có, chổ nào khó là có tui đây. 

Ban ngày làm tới 4 giờ. Ca chiều lỡ thiếu người, tui vô long te ở lại làm luôn để có tiền “ô quờ thêm” overtime Đôi khi thứ bảy cuối tuần, hay trúng nhầm ngày lễ nhà máy làm thêm ca bất thường, tui cũng nhận luôn. No problem.

Mấy thằng bạn da trắng từ chối đi làm vì weekend phải ở nhà hú hí với vợ với con. Tui nhảy vào vô lông te thế chỗ, xếp tui mừng lắm, cám ơn tui lia lịa mẹt xi bổ cu đốc tơ Chánh.

Còn tui thì cũng mừng thầm vì mình có cơ hội kiếm thêm chút cháo để dành lo tương lai và hậu sự... Có cái hơi đau là tiền phụ trội “ô quờ thêm” đều bị trừ thuế mất toi hết 50%. Thôi cũng được. Ít còn hơn không đúng với câu Less is more.

Trong 23 năm ngụp lặn trong nghề đâm heo thuốc chó tại xứ người, tôi đã đặt chân vào hầu hết các nhà sát sanh tại khắp các tỉnh bang Quebec, New Brunswick và Nova Scotia của Canada. Làm việc ngay tuyến đầu của ngành thịt, hằng ngày và hằng đêm (nhà máy chạy cả hai ca) mình phải chứng kiến biết bao nhiêu là cảnh máu đổ thịt rơi, cùng những âm thanh la rống ghê rợn hãi hùng của các sanh linh khốn khổ trước giờ bị hành quyết.

Thủ phạm thật sự của tội lỗi và độc ác trên cõi đời nầy vẫn là từ con người có tư duy và lý trí.

Tôi là nhân chứng của bao nhiêu sự đổi thay, thăng trầm, hỉ nộ ái ố trong kỹ nghệ thực phẩm nói chung và kỹ nghệ thịt nói riêng.

Bởi lý do nầy, những đề tài tôi viết thường xoáy quanh những mối ưu tư của bà con mình trong vấn đề dinh dưỡng sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh thịt thà cá mắm rau cải, v.v…Khi tôi viết bài đăng báo, tôi thường hay tham khảo về chuyên môn với bạn bè đồng nghiệp (da trắng) và cấp chỉ huy nên họ biết tôi có cái đam mê lạ đời nầy.

 

Lên voi xuống chó
Nhớ hồi những năm 78-79, lúc cuộc đời hai đứa đang trên đà xuống dốc thảm thương vì những chuyến vượt biên bất thành, hết hai lần nằm khám, thì từ ngôi vị một chủ nhân và đúng theo chủ trương lao động là vinh quang, lang thang là chết đói hay nói là ủ tờ của nhà nước, bà xã tui đã can đảm nhảy phóc xuống một cách tỉnh bơ làm một cô bán xôi, bán cà phê (hổng phải cà phê ôm đâu) trên vỉa hè sát bên tiệm thuốc Tây cũ của mình mà lúc bấy giờ thì nó đã được người khác quản lý rồi.

Cũng có nhiều lúc, phường khóm cũng gởi tụi cách mạng 30 đến dò la tư tưởng, nói xa nói gần chẳng hạn như sao chị là dược sĩ mà hổng chịu xin đi làm trong ngành nghề của mình mà lại đi bán cà phê làm chi cho phí cuộc đời.

Đó, dân miền Nam là như thế đó, hoàn cảnh nào cũng sống được hết, hổng cần phải cầu cạnh xin xỏ ai hết. Lao động trí óc làm được, lúc cần thì lao động chân tay cũng coi như pha chẳng nhầm nhò gì hết.
Nghề bán xôi cũng được bả đem theo qua Thái Lan trong thời gian tạm cư tại trại tị nạn Laem Sing.

Sau nầy có mấy người bạn đã gặp lại tụi nầy ở bên đây và họ có nhắc lại chuyện hồi năm xửa năm xưa lúc còn ở trại tị nạn, mỗi sáng họ mua xôi vì tội nghiệp, thương hại và cũng vì muốn ủng hộ giúp đỡ vợ chồng tụi nầy, “chớ xôi của chị nấu ăn sao nhão nhoẹt, có khi thì khen khét, có khi thì xừng xực sống nhăn, ăn vừa ngán ngược, vừa nuốt không vô chán thấy mẹ”. 

Mà họ nói cũng đúng thôi, vì có đủ củi lửa đâu mà nấu cho chín cho ngon được. Có khi đang nấu ngoài sân thì trời lại trút mưa xuống bất tử, củi lửa ướt mẹ nó hết, khiêng nồi vô ra ba lần bốn lượt thì làm sao mà xôi chín cho được.

Khi lên đến trại Thái Lan thì mình không còn một chỉ, hay một đồng xu dính túi vì bị mấy thằng hải tặc chiếu cố quá kỹ lúc còn lênh đênh ngoài biển.

Nhờ bà xã chịu khó tảo tần như thế nên mỗi ngày mình mới có chút tiền còm để mua vài thùng nước tắm cho hai đứa nhỏ, cũng như để mình mới có thể ngồi quán cóc bà Nòi gần cổng trại mà nhâm nhi ly cà phê đắng, phì phà điếu Samit và dệt mộng cho tương lai…

 

Gõ cho đời thêm vui
Nói rõ là tôi không phải là một nhà văn hay một nhà báo gì cả. Tôi chỉ là một nhà gõ mà thôi. 


Tôi gõ chùa, không vì tiền nhưng gõ cho vui, để tự mình trau dồi thêm kiến thức, để tự học hỏi, để giải khuây, để khỏi nghĩ quẩn, để khỏi bị bệnh Alzeihmer, để thoát ly và cũng để giảm bớt stress trong cuộc sống, v.v...

Thế cho nên tôi gõ cho người nhưng thật sự ra là tôi cũng đồng thời gõ cho chính tôi, cho cuộc sống của mình được thêm phần ý nghĩa hơn. 
Tôi rất vui sướng vì ít nhứt mình cũng có được tự do làm một cái gì mình ưa thích. 
                                   
Nghỉ hưu 2008-Một giai đoạn mới trong cuộc đời.
Trong đời sống của mọi người, đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải ngưng làm việc để nghỉ hưu. Phải nghỉ lúc chúng ta còn chút ít sức khỏe để có thể đi đây đi đó.

Rồi tối ngày, đi vô đi ra tà tà...chờ lệnh bà, cũng như chờ đến ngày hẹn để đi khám bác sĩ thử máu, thử tim, thử đủ thứ…
Biết chừng đâu, cũng có thể là chờ ngày mình phải...Sayonara Good Bye đi luôn.Tôi cũng như mọi người, cũng sợ bệnh sợ chết như  ai vậy.

Một số bạn bè đã lác đác bỏ đi rồi. Những người còn lại thì có người thì lo thiền, có người thì lo tu, khiến cho tôi cũng phải bắt đầu suy nghĩ.

Nhưng, tôi biết rằng căn duyên của mình chưa tới. Biết sao bây giờ?
Hai vợ chồng đã gác kiếm từ quan từ 9-10 năm nay rồi.
Đây là một giai đoạn mới vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mỗi người.

  

Cám ơn hai chữ Tự Do, cám ơn cuộc đời

Mới đây mà mình đã phải rời bỏ quê hương được 40 năm rồi...(2020)
30 năm thật sự sống trong không khí tự do trên một đất nước rộng lớn và hòa bình, một chốn tạm dung cho hằng triệu người khốn khổ đến từ khắp các miền đau thương trên thế giới.

Canada, tuyết lạnh mà tình nồng. Đất lành thì chim đậu.

Như hằng triệu người Việt Nam phải liều chết ra đi để tìm tự do, mình cũng phải cam phận đánh đổi nhiều mất mát, tù đày, đắng cay, bầm dập, v.v...trước khi đến được miền đất hứa.

Cũng như hằng triệu gia đình VN, mình vượt biên vì hai chữ Tự Do!
Mình xót xa phải bỏ lại tất cả, bỏ lại người thân, bỏ lại mồ mã tổ tiên, bỏ lại tài sản, sự nghiệp, bỏ lại những kỷ niệm vui buồn, và nhất là phải bỏ lại những gì thân thương và thiêng liêng nhất:

Đó chính là Quê Hương Việt Nam Yêu Dấu.


Mình không ân hận một chút nào cả, nhưng ngược lại nhờ những năm tháng bị kẹt lại bên nhà mình mới hiểu được thế nào là... thiên đường cộng sản (sic).

Tại miền đất tự do, cũng như tất cả đồng bào khác, mình đã phải nhẫn nại, phải cố gắng chịu đựng nhiều nhọc nhằn và khó khăn trong sự hội nhập, phải phấn đấu rất cam go để vươn lên hầu có được một chỗ đứng khiêm nhường như ngày hôm nay.
Miền đất hứa rất bao dung. Canada đã thật sự mở rộng vòng tay nhân ái, đón nhận và đã giúp đỡ tất cả mọi người tị nạn, di dân khốn khổ, để họ có thể làm lại cuộc đời trong tự do, bình đẳng và nhất là được quyền sống thật sự như một con người.
Cũng như tất cả các bậc cha mẹ di dân thuộc thế hệ thứ nhứt, mình rất sung sướng và rất tự hào là đầu cầu vững chắc cho những thế hệ con cháu nối tiếp tiến lên.

Và nay, thế hệ thứ hai và thứ ba cũng đang vững bước tiếp nối thế hệ cha, ông trong niềm lạc quan và hy vọng tràn đầy.
Mong rằng chúng sẽ không bao giờ quên ơn Canada, quê hương thứ hai đã cưu mang, tận tình giúp đỡ cũng như đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chúng sống, ăn học để trở thành những công dân hữu dụng trong một đất nước thật sự tự do, dân chủ và bình đẳng.
Nhưng trên hết, mình ước mong và hy vọng rằng con cháu mình cũng sẽ không bao giờ quên cội nguồn của chúng là người Việt Nam. Tre tàn thì măng mọc.  


Bước chân Việt Nam là biểu tượng cho sự bất khuất, cho lòng yêu chuộng tự do, hòa bình và cũng là niềm kiêu hảnh chung cho tất cả các người tị nạn trên thế giới.

Nhờ Trời Phật phù hộ mình đã đạt được ước nguyện ban đầu.

Mình rất tự hào là một thuyền nhân, một boat people, một người tị nạn CS vì lý tưởng Tự Do.

Một lần nữa, tháng tư đen lại trở về. Cố quên nhưng lòng vẫn nhớ./.


Hai vợ chồng CHÁNH-LAN Cùng già bên nhau.… 

Tình già là báu vật

Vợ chồng già như bình rượu hiếm, như gừng già càng già càng cay nhưng đôi khi cũng cần phải có tiếng qua tiếng lại chút chút để tình càng thêm mặn nồng hơn.
Mà rượu càng cũ thì càng quý có phải vậy không các ông anh? 
Coi vậy mà tôi đã đụng bả được trên 40 năm rồi…40 năm mặn nồng sương gió, vui buồn, thăng trầm sướng khổ đều có nhau. Nay thì cả hai vợ chồng đều bước vào tuổi thất thập cổ lai hy hết rồi.

Giờ đây, nhà chỉ còn có  tui với bà, sớm tối hủ hỉ bên nhau và tay trong tay, đôi ta chậm bước bên nhau trong quãng đời còn lại để cùng già bên nhau.


Nguyễn Thượng Chánh

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 13/Apr/2021 lúc 8:30am

Có Lúc Mình Cũng Nên Bớt Khôn Đi 

Tưởng niệm nạn nhân bị thảm sát tại Georgia | Ảnh: Candice Choi | AP

Một ông bạn ở Mỹ mới tâm sự trong email: Hôm nay mình bị đồng hương chửi ngu, anh ạ. Tức thế. Câu chuyện thế này: Anh bạn đi cắt tóc. Ông hớt tóc cũng người Việt, hỏi thăm: ‘Anh chích Covid chưa?’

“Chưa! Phải chờ đến phase 3, tôi chưa tới 65 tuổi.”

“Sao anh ngu thế! Vào Pharmacy CVS, bỏ tên họ của mình vào. Ghi mình bị ung thư thì tuổi nào cũng được chích!”

Ông nêu bằng chứng: “Vợ chồng em chích rồi. Hai đứa con em 18 với 20 cũng được chích cho chắc; vì tụi nó hay đi lại lung tung. Bà con em cũng chích cả, có nhà lấy 9-10 hẹn một lần.”

Bị mắng là ngu rồi, ông bạn tôi vẫn tiếp tục “ngu,” còn thắc mắc:

‘Em có biết làm vậy là trái luật không?”

“Luật gì anh! Xứ Mỹ này thằng nào ngu thằng đó chết!”

Tôi chợt nhớ tới một ông bạn già, mới qua đời vì Covid, 81 tuổi. Chắc ông chưa kịp chích ngừa thì đã bị vi khuẩn đột nhập. Tôi tự hỏi, nếu có người mách ông những mánh khóe lươn lẹo để được chích vaccine, ông có làm không. Tôi đoán ông cũng từ chối. Chúng tôi quen nhau trong Hướng Đạo. Từ thời bé loắt choắt, đi họp ở Văn Miếu, Hà Nội, những năm 1953, 54. Luật Hướng Đạo nó thấm thía trong đầu, tự nhiên mình không muốn nói dối. Nói dối xong thấy ngượng nghịu. Chỗ họp ở Quốc Tử Giám cũng thờ các thánh hiền, từ Khổng Tử đến Chu Văn An. Hồi đó người Việt mình vẫn sống với Lễ, Nghĩa, Liêm Sỉ. Sống như thế lâu thành quen,

Nhưng tôi không trách ông thợ cắt tóc đã mắng bạn tôi ngu. Ông này còn trẻ, đã sống ở một nước Việt Nam khác thời chúng tôi lớn lên. Chắc ông đã phải tranh đấu, vật lộn với cuộc sống dưới chế mới sau năm 1975. Ông học tập rồi thấm thía một lối sống khác. Trong xã hội đó, phải khôn ngoan, biết những trò ma mãnh, lươn lẹo, lắt léo, mánh mung, phải biết luồn lách, bôi trơn, chôm chỉa. Bởi vì luật pháp do cường quyền áp đặt. Khi người dân ghét và khinh tất cả những kẻ đang cai trị mình thì họ không thể nào kính trọng pháp luật. Mà những người thi hành trên dưới đều tùy tiện, chính họ cũng không coi luật lệ ra cái gì. Ai răm rắp tôn trọng luật lệ thì đúng là “dại,” là “ngu” thật!

Nhưng phần lớn người mình cũng không muốn học thứ “khôn ngoan” này. Sống với những đạo lý cổ truyền tâm bình an hơn.

Còn một thứ “khôn ngoan” khác vẫn nhiễm trong xã hội người Việt, kể cả ở nước ngoài. Vì khôn ngoan, nhiều người vẫn không phản đối khi bị đối xử bất công; và khi chứng kiến người khác bị đối xử bất công thì vẫn giữ thái độ “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại!”

Một chuyện trước mắt là nạn kỳ thị, về chủng tộc, giới tính hay tôn giáo. Năm 2020, những vụ tấn công vô cớ người Mỹ gốc châu Á đã tăng 150 phần trăm, so với năm 2019. Trong một năm qua có 3,795 vụ, phần lớn là phụ nữ. Cùng thời gian đó, tổng số những vụ phạm “tội thù ghét” (hate crime) trong toàn quốc đã giảm 7%, có lẽ vì bệnh dịch hạn chế sinh hoạt cũng giảm bớt các hành động phạm pháp.

Tại sao họ nhắm vào người Á châu? Vì chính quyền Trung Cộng đã ngăn chặn tin tức khi bệnh dịch xuất hiện ở Vũ Hán, làm cho cả thế giới không biết sớm để kịp đề phòng. Không thể bắt tất cả mọi người dân chịu tội về hành động của một đảng độc tài thống trị. Những lời lẽ hồ đồ đã đổ trách nhiệm lên mọi người Trung Hoa, bất kể họ sống ở đâu. Chỉ cần mị dân, gắn nhãn hiệu một sắc tộc lên bệnh dịch, là đã khơi dậy óc kỳ thị chủng tộc đang tiềm tàng trong tâm não nhiều người.

Phải công nhận, con người đều có hạt giống kỳ thị; chỉ có nặng nhẹ khác nhau. Người Việt cũng vẫn vô tình tỏ thái độ khinh thường các sắc dân khác dù không nuôi lòng thù ghét ai. Trong năm 2020, bệnh Covid-19 đã thổi làn sóng kỳ thị người Trung Hoa lên. Các cửa hàng, người qua lại ở Phố Tàu bị tấn công. Có các cụ già trên 70, trên 80 bị xô đẩy, đánh đập. Jeremy Lin, một cầu thủ bóng rổ nổi tiếng từ 9 năm qua, khi ra sân đã bị một cầu thủ khác gọi là “Vi khuẩn Corona!” Anh là người gốc Đài Loan.

Các tổ chức của người gốc Á châu, các đại biểu quốc hội hay nghị viện tiểu bang đang lên tiếng báo động dư luận và các cơ quan cảnh sát, tư pháp về hiện tượng này. Người Mỹ gốc Á châu đang bị kỳ thị. Nước Mỹ phải ngăn ngừa! Cộng đồng người Việt chưa đóng góp đông đảo vào cuộc vận động đó.

Không nên giữ thái độ dè dặt “khôn ngoan” quá! Khi một người bị kỳ thị, tất cả bị kỳ thị. Sống ở một nước tự do, phải bày tỏ thái độ. Bày tỏ một cách nhẹ nhàng, ôn hòa, nhưng rõ ràng, kiên quyết. Chứng kiến người khác bị đối xử bất công mà im lặng, ngoảnh mặt làm ngơ thì mình vô tình dung dưỡng những kẻ gây ra bất công và có thể khuyến khích họ cứ tiếp tục.

Trước hết là tự bảo vệ. Các phong trào kỳ thị đề cao chủng tộc da trắng vì họ khinh rẻ và thù ghét tất cả những người màu da khác. Không thể nói, “May quá, họ bị kỳ thị, không phải mình!” Nghĩ như vậy không những vô đạo đức mà còn thiếu khôn ngoan.

Khi nghe có người hô hoán lên rằng tất cả những người Mexico đi qua Mỹ đều là bọn phạm pháp, nhiều người khác có thể nghĩ rằng những lời lẽ mị dân đó không liên can gì tới mình. Sau vụ các phụ nữ Á châu bị giết trong các nhà m***age ở Atlanta, người ta có thể còn nói rằng người Á châu đến đây toàn là bọn mang bệnh dịch và đĩ điếm. Lúc đó đã thấy đụng tới mình chưa? Khi nghe người ta gọi Coronavirus là “Vi khuẩn Tàu,” nhiều người thấy vẫn yên tâm vì mình người Việt, không phải Trung Quốc!

Những kẻ mang óc kỳ thị màu da không phân biệt được ai người Trung Quốc hay Đài Loan, ai người Việt, ai người Nhật hay người Hàn quốc. Một tiệm ăn ở San Antonio, Texas, chủ người Việt, đã bị viết những chữ, gắn nhãn hiệu “Kung Flu”; “Ramen Noode Flu,” đuổi “Go Back 2 China!” và nguyền rủa cho chết, “Hope U Die!” Chỉ vì ông chủ, 33 tuổi, sau khi đóng cửa sáu tháng, mở cửa hàng và yêu cầu khách phải đeo mạng che miệng – phản đối ông thống đốc Texas cho phép khỏi cần đeo mạng!

Nếu không kiểm soát, dập tắt được những đám cực đoan đề cao chủng tộc Da Trắng Siêu Việt, thì sẽ có ngày người da vàng nào cũng có thể bị tấn công. 

Sau khi 8 phụ nữ bị bắn chết trong một buổi tối ở Atlanta, Cô Bee Nguyen, một đại biểu trong nghị viện tiểu bang Georgia đã phản đối cuộc họp báo của cảnh sát có vẻ muốn giải thích lý do gây ra cuộc thảm sát không phải vì màu da. Phát ngôn viên cảnh sát chỉ lập lại lời hung thủ, anh ta nói không có ý kỳ thị chủng tộc. Nếu bị kết tội đó thì bản án sẽ nặng hơn tội giết người bình thường. Trong nạn nhân có 4 phụ nữ gốc Hàn quốc và hai người gốc Trung Hoa, có thể nói đó chỉ là chuyện tình cờ hay không?

Nhiều chuyện tình cờ có thể do những nguyên nhân tiềm ẩn trong tâm thức con người. 2017, Bác sĩ Đào  bị tống ra khỏi chuyến bay United khởi hành từ Chicago ngày 9 tháng Tư, 2017, khi ông từ chối không bỏ chuyến đi vì đã có hẹn với bệnh nhân ở Louisville. Tại sao một bác sĩ nhã nhặn, nói năng lễ phép, bị kéo lê sền sệt giữa hai hàng ghế phi cơ để vợ ông và các hành khách khác chứng kiến? Người ta đổ lỗi cho những người thừa hành. Nhưng bây giờ chúng ta phải tự hỏi: Có phải Bác sĩ David Đào đã bị đối xử như vậy vì ông da vàng hay không? Nếu hành khách là người da trắng thì họ có lôi đi một cách thô bạo như thế hay không? Nếu là một người da đen, có thể họ sẽ nhẹ nhàng hơn, vì sợ bị chống cự hay không? 

Không thể dò xét trong tâm khảm từng người. Nhưng người Việt không thể ngoảnh mặt làm ngơ khi chứng kiến cảnh người Á châu bị kỳ thị. Phải nói rộng hơn, chúng ta không thể chấp nhận bất cứ ai bị kỳ thị. Không những để tự bảo vệ quyền lợi, phẩm giá của chính mình mà còn đóng góp bảo vệ công lý, trật tự và an lạc cho toàn thể xã hội. Phải từ bỏ lối khôn ngoan “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại!”

Ngô Nhân Dụng

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/Apr/2021 lúc 12:53pm

Chuyện Về Những Tấm Lòng Cao Thượng 

Tôi đã gặp lại hắn sau hơn 20 năm (Tranh: Đinh Trường Chinh)

Một sự tình cờ, tôi đã gặp lại hắn, sau hơn 20 năm, kể từ lúc cả hai cùng được thả ra, vào một ngày đầu Tháng Năm, 1981, từ trại tù Bình Điền, Thừa Thiên Huế. Tôi biết hắn từ trước năm 1975 không những vì cả hai cùng học một lớp bậc trung học, cùng một khóa Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, thậm chí, sau đó lại về cùng một đơn vị. Trước ngày mất nước năm tháng, hắn lấy vợ. Vợ hắn, tên là Hạ, đúng là một cô giáo hiền thục, đoan trang và thương chồng theo cách tăn măn tỉ mỉ của những cô gái Huế (thời trước.)

Rồi trôi theo vận nước, tôi đi với hắn vào cùng một trại tù và (thật kỳ lạ) sáu năm sau lại cùng với hắn ra khỏi trại. Trong khoảng thời gian (ở tù) này, và nhất là sau khi cùng được thả ra về sống tại địa phương. Tôi mới biết được và hết sức khâm phục lòng hy sinh và sự chịu đựng của vợ hắn…

Khi cuộc đời nhà binh của hắn và kể cả tôi nữa kết thúc tại bãi biển Thuận An, Huế vào ngày 26 Tháng Ba, 1975. Chúng tôi bị lùa lên trại tù Khe Sanh, rồi về Cồn Tiên, hắn hay chắt lưỡi với tôi: Trời hỡi!! vậy mà cũng còn may. Tôi hỏi thì hắn trả lời: May là vì hai vợ chồng tôi chưa có con, không bị ràng buộc chi hết, nàng có thể tự do đi lấy chồng khác, chớ đeo theo mình, cái thằng tù chung thân khổ sai này làm cái chi?!  Tại trại tù Cồn Tiên (Tỉnh Quảng Trị) lần thăm nuôi đầu tiên, vợ hắn lên thăm. Hắn nói ngay với với nàng: Thôi đến mức ni là đủ rồi, em còn trẻ, chưa có con, anh cho phép em ly dị anh, rồi về mà kiếm một thằng chồng khác, chớ đeo theo anh làm cái chi nữa?!, lấy ai cũng được, miễn răng em hạnh phúc là anh mừng rồi. 

Vợ hắn im lặng không nói. Ba tháng sau, về trại Ái Tử (Đồng Hà) lại thấy nàng tay xách nách mang giỏ lớn, giỏ nhỏ lên thăm. Hắn lại khuyên nàng như lần trước, thì bị nàng nạt: Đừng có giở trò cao thượng với tui, tui là vợ anh thì đến chết tui vẫn là vợ anh, đừng có nói ba xàm ba láp. Đến đây thì hắn tắt đài không dám hó hé thêm một tiếng. Vì chuyện này tôi không biết hắn vui hay là buồn, vui cũng đúng thôi vì thời buổi này có được một người chung tình như vợ hắn thì cũng đáng vui, nhưng buồn như trường hợp hắn lại cũng đúng. Buồn vì tội nghiệp cho cô vợ trẻ không biết có mắc nợ nần chi từ đời kiếp nào mà bây giờ phải đeo theo mà trả.

Vợ hắn đã bỏ nghề báo từ lâu để lăn lưng ra chợ trời buôn thúng bán bưng (Photo by Paula Bronstein/ Liasion)

Sau này khi được phóng thích về địa phương, nghe thuật lại thì ra vợ hắn đã bỏ nghề giáo từ lâu, để lăn lưng ra chợ trời, buôn thúng bán bưng mà kiếm từng đồng bạc lên thăm nuôi anh chồng đang sa cơ thất thế. Lại nghe nói trước đó có anh trưởng Ban Thuế Vụ tỉnh đeo theo nàng như đỉa nhưng luôn luôn bị nàng quyết liệt từ chối. Trước ngày đi vùng kinh tế mới trong Nam, tôi nói với hắn: Ông có phước lắm mới có được người vợ như rứa, ráng mà sống với nhau trọn đời. Hắn trả lời: Mẹ tôi sinh ra tôi làm người còn vợ tôi mới là người mở mắt cho tôi biết cái gì gọi tấm lòng cao thượng.

Khoảng vài năm sau thì nghe nói hai vợ chồng hắn đã lên tàu vượt biên.

Nghe tin này tôi cầu mong hai vợ chồng hắn đi đến nơi đến chốn bình yên và mãi mãi hạnh phúc bên nhau.

Mười năm sau, gia đình tôi đi Mỹ theo diện H.O. Qua Mỹ, tôi ra sức tìm kiếm hai vợ chồng hắn. Và qua nhiều người bạn tôi nghe tin hắn đang sinh sống tại một tiểu bang miền Đông và cũng nghe nhiều chuyện về hắn. Nhưng mãi đến hơn hai chục năm sau, tình cờ, tôi mới có dịp gặp lại người bạn cũ  này.

Đó là một đêm Giao Thừa âm lịch tại thành phố Salt Lake City, tiểu bang Utah. Ngoài trời tuyết rơi trắng xóa. Trong một căn chung cư ẩm thấp nghèo nàn ở vùng North Salt Lake. Ngồi trước mặt tôi là một người đàn ông ốm yếu, đầu tóc bạc trắng, nhìn tôi qua cặp mắt ủ rủ, chính là hắn.

Tôi hỏi hắn:

Chuyện gì đã xảy ra? ông có nhớ tôi đã từng nói với ông là hãy sống hạnh phúc với Hạ và hãy biết quý trọng tấm lòng cao thượng của nàng.

Hắn nhìn tôi, với ánh mắt sáng lên chút diễu cợt, rồi biến mất, chỉ còn hai bên khóe mắt của hắn tôi nhìn thấy những vết hằn buồn rầu ai oán.

Đúng rồi, chính cái tấm lòng cao thượng hay là sự hy sinh cao cả đó nhưng than ôi, kết quả mà nó mang lại là tất cả những gì anh đang thấy đây…

Hắn bắt đầu câu chuyện.

Chiếc thuyền mỏng manh chở khoảng 150 người rời khỏi Lăng Cô nhắm hướng hải phận quốc tế, vào cái ngày định mệnh đó. Chỉ 4 tiếng đồng hồ sau thì nó vỡ tan ra từng mảnh. Khi tôi tỉnh dậy thì thấy đang nằm trên một tàu hàng Nam Dương. Trong số 150 người trong đêm đen bão táp, chỉ có chừng vài mạng được vớt lên, còn hầu hết đều mất tích, vợ tôi nằm trong số người mất tích đó. Thì anh cũng biết, trên biển cả mênh mông mất tích là đồng nghĩa với cái chết. Vì thế, anh hiểu là tôi đau khổ đến mức nào không??? Vợ tôi đã hy sinh hết mọi thứ, kể cả tuổi xuân của nàng chỉ vì nàng yêu tôi. Vậy mà tôi chưa kịp đền đáp mang lại cho nàng sự hạnh phúc, chỉ còn vài bước nữa là đến bến bờ tự do thì nàng đã vĩnh viễn chìm sâu dưới lòng đại dương. Nỗi mất mát lớn lao này đã cào xé, dằn vặt tôi, tạo nên một cơn hoảng loạn dai dẳng đến nỗi người ta phải đem tôi vào bệnh viện. Tôi nằm trong một bệnh viện tâm thần, hay nói cho đúng đó là nhà thương điên trong vòng một tháng trời, và ở trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh, nửa điên nửa khùng. Trầm trọng đến nỗi ai cũng nghĩ chỉ còn nước ngồi chờ đến giờ đem tôi đi chôn.

Vợ tôi nằm trong số người mất tích đó (Photo credit should read Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty images)

Nhưng rồi như một định mệnh đã được an bài, một ngày kia, tôi bỗng tỉnh dậy và thấy một cô gái người Việt đang đứng nhìn tôi ở đầu giường. Hỏi ra, mới biết, đó là một cô gái sống tại Mỹ và làm trong một cơ quan thiện nguyện chuyên giúp đỡ những người tị nạn. Hiểu được và thông cảm nguyên nhân căn bệnh trong người của tôi, cô gái tên là Huyền, đã tình nguyện chăm sóc cho tôi và dần dần đem tôi lên từ dưới đáy sâu của cơn khủng hoảng tuyệt vọng để hồi sinh trở thành một người bình thường. Rồi cũng dần dần cả hai chúng tôi trở thành hai người bạn thân lúc nào cũng không hay. Huyền chỉ nhỏ hơn tôi vài tuổi, không đẹp, nhưng đằm thắm, dịu dàng. Nàng đã có một đời chồng, và chính điều này cũng là một tâm sự buồn mà có vài lần nàng đã bộc lộ cho tôi biết. Nhưng nàng nói cũng nhờ sự bộc lộ đó mà nàng luôn luôn giữ được trạng thái cân bằng trong tâm lý. Tôi cũng kể cho nàng thêm những chi tiết về Hạ người vợ xấu số của tôi, về cái tình yêu và sự hy sinh của nàng dành cho tôi. Tôi nói với Huyền:

Suốt đời có lẽ không bao giờ tôi quên được vợ tôi.

Huyền nói:

Đừng bao giờ quên cô ấy vì chính lúc anh nghĩ về cô ấy là chính lúc anh tự cảm thấy an ủi được rất nhiều. Nhưng anh cũng nên nhớ, anh cũng cần nghĩ về anh nữa, bởi anh cũng cần phải sống và biết cách sống nữa chứ.

Phải nói tôi cám ơn Huyền rất nhiều về những gì mà nàng đã làm cho tôi trong thời gian vừa qua và khi nhìn vào đôi mắt đằm thắm của nàng tôi chợt nghĩ biết đâu hương hồn vợ tôi đã phù hộ cho tôi gặp được cô gái này cũng nên? Hóa ra trong cuộc sống trước mắt, tôi đang có hai người đàn bà ở bên cạnh, một người ở quá khứ và một người đang sống ở hiện tại. Họ đã tạo cho tôi một thế cân bằng trong tâm lý và giúp tôi dần dần vượt qua được trạng thái hụt hẫng đau đớn trước kia.

Chừng vài tháng sau, cũng nhờ sự giúp đỡ bảo trợ của Huyền, tôi đã được phái đoàn phỏng vấn chấp thuận cho định cư tại Mỹ. Lúc đó tôi về một tiểu bang miền Đông với Huyền, và theo lời khuyên của nàng tôi ghi danh đi học, bắt đầu từ các lớp ESL, rồi qua college, sau đó lên đại học. Trong thời gian đi học tôi và nàng thuê chung một căn apartment hai phòng (dĩ nhiên). Tôi đi học ban ngày, cuối tuần đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp một phần trả tiền ăn ở. Còn nàng thì đi làm ca đêm. Cũng nên nói thêm, chúng tôi luôn luôn coi nhau như là bạn, tôn trọng nhau đối xử nhau một cách vui vẻ và chân thật. Tôi ráng sức học và hiểu rằng đó là cách để khỏi phụ lòng người đã giúp đỡ tôi đến nơi đến chốn. Tôi cũng hiểu rằng, nàng cũng đang ráng sức đi làm để tạo điều kiện dễ dàng trong việc học của tôi. Nghĩ lại, mới thấy cả hai chúng tôi cũng đều ráng sức và cũng vì nhau mà ráng sức. Phải chăng chúng tôi đang làm một việc mà chỉ có hai người đang yêu nhau mới làm?

Trong đời tôi định mệnh đã cướp đi của tôi một cơ hội là mang lại hạnh phúc cho người đã từng hy sinh cho mình, đó là Hạ. Lần này tôi không muốn mình vuột đi một cơ hội tương tự như vậy. Tôi quyết định chọn một ngày quan trọng nhất để tôi ngỏ lời cầu hôn với Huyền. Ngày đó cũng là ngày tôi tốt nghiệp với mảnh bằng kỹ sư công chánh.

Rồi cái ngày đó đã tới.

Buổi trưa sau khi làm lễ tốt nghiệp xong cả hai chúng tôi về nhà. Chúng tôi quyết định cùng nấu chung một vài món để ăn mừng và đó cũng là một cơ hội để tôi nói lời tình yêu với Huyền. Tôi nghĩ không có một cơ hội nào tốt hơn là cơ hội  này. Tôi đang lau chén đũa và trải khăn bàn trong lúc chờ nàng chạy ra cái chợ ở đầu phố nói là mua thêm ít rau, và vừa lẩm bẩm trong miệng câu nói mà tôi chờ đợi được nói suốt cả năm trời nay. Đúng lúc thì có tiếng chuông cửa. Một người đi bỏ báo đứng chờ ở ngoài, đưa cho tôi một lá thư nhỏ, nói: Phải anh là anh Tiến không? Có một người ở đằng kia nhờ tôi trao cho anh tờ giấy này.

Tờ giấy nhỏ bằng bàn tay, chữ viết tròn trịa quen thuộc.

Anh Tiến, Em là HẠ đây, em vẫn còn sống đây, nhưng chuyện dài dòng lắm, em thì không tiện vào nhà. Qua gặp em trong cái công viên phía bên kia đường.

Tôi không còn nhớ lúc đó tâm thần tôi hoảng loạn đến mức độ nào. Tôi cũng không biết mình nên làm gì nữa. Giá lúc đó mà động đất xảy ra hay núi lửa phun lên, sóng thần tràn vào tôi cũng không cần biết. Tâm trạng hoảng loạn này có lẽ cũng lớn ngang với lúc tôi tỉnh dậy trên chiếc tàu hàng Nam Dương và biết người vợ mình đã bị nhận chìm giữa lòng đại dương cách đây 7, 8 năm về trước. Nhưng rồi như cái máy tôi bước ra cửa lảo đảo băng qua bên kia đường.

Tôi nhận ra nàng ngay. Chính là Hạ. Vợ tôi, nàng không khác mấy như tôi gặp nhiều lần trong những giấc mơ trước kia. Nhưng bây giờ không phải là trong giấc mơ mà bằng xương thịt nàng, hiện ra dưới ánh nắng buổi trưa với làn da có vẻ xanh xao hơn và đôi mắt buồn rầu. Cơn xúc động đến nỗi tôi muốn ôm chầm lấy nàng. Nhưng nàng ngăn tôi lại rồi hấp tấp nói.

Anh Tiến, em không còn nhiều thì giờ nữa vì trong vòng một tiếng nữa em sẽ rời nước Mỹ trở về lại Úc.

Tôi nhìn thấy nàng cười nhưng nước mắt thì ràn rụa trên má.

Anh biết không, khi em trôi dạt trên biển và được một thương thuyền Úc vớt lên, đem về Úc. Lúc đó em vẫn tin rằng chỉ có em là người duy nhất sống sót trên chiếc tàu định mệnh đó. Mãi vài năm sau thì có người liên lạc với em và cho biết anh vẫn còn sống. Anh biết là ai không? NGƯỜI ĐÓ LÀ CÔ HUYỀN. Chính cô Huyền đã bỏ rất nhiều công sức để truy tìm em trên khắp các trại tị nạn, trong một hy vọng là em còn sống. Và thật không uổng công cho cô ấy. Huyền đã tìm ra em. Cô ấy đã liên lạc với em nhiều lần, kể hết mọi chuyện về anh và nói với em rằng sẽ tạo điều kiện cho hai người gặp nhau nhưng phải chờ anh tốt nghiệp xong. Hai ngày trước cô Huyền mua vé cho em từ Úc bay qua đây và hẹn em đúng giờ này đến ăn cơm chung để mừng anh và em. Nhưng ngồi trên máy bay em đã nghĩ lại rồi. Chính cô Huyền mới là người xứng đáng với anh, cô Huyền là người đã cứu anh ra khỏi cơn khủng hoảng tâm thần, đưa anh qua Mỹ và tạo điều kiện cho anh ăn học thành tài. Anh nên nhớ, nếu không nhờ cô ấy, chắc gì anh còn sống được đến ngày hôm nay. Hồi sáng em đứng ở đây nhìn anh và cô Huyền bước xuống xe, nhìn trong mắt anh lúc đó, anh hiểu không, em là đàn bà mà, em biết liền, trong đôi mắt anh lúc đó đang tràn trề sự hạnh phúc của một người đang yêu. Cô Huyền mới xứng đáng là người được anh trao cái hạnh phúc đó. Cô ấy đã hy sinh cho anh nhiều rồi. Đừng nên để cô ấy hy sinh thêm nữa, vì hơn ai hết chính em biết cô Huyền cũng đang yêu anh. Và em cũng yêu anh dường nào.

Tôi không hiểu Hạ bỏ đi từ lúc nào. Tôi ngồi xuống chiếc ghế đá bên cạnh, đầu óc vẫn còn choáng váng những lời nói của Hạ hồi nãy. Thật sự đến lúc này tôi vẫn không biết mình nên nghiêng về bên nào. Trời đất ơi! Tôi không ngờ Huyền là người đã âm thầm đi tìm Hạ thay cho tôi. Tôi đã mang ơn nàng nhiều quá, và không biết bằng cách nào để trả được cái ơn đó, trừ phi. Nhưng chỉ có Hạ là người biết được điều khó xử này của chồng mình. Cô ấy đã có một quyết định cũng giống như cái quyết định cách đây chục năm về trước, khi thả nổi đời xuân xanh của mình để đi nuôi một thằng tù không biết ngày nào mới được tha ra. Đó là người đàn bà suốt đời hy sinh cho hạnh phúc của chồng.

Và, trời ơi, Anh biết không. Đó là định mệnh, lại một định mệnh cay nghiệt. Nó vẫn không buông tha cho tôi. Tôi nhận ra ngay khi vừa bước chân vào nhà. Căn nhà vẫn trống rỗng y chang như lúc tôi bước ra.

Hạ đã lầm!

Tôi cũng lầm!

Làm gì có chuyện Huyền mời Hạ đến để ĂN CHUNG với CÔ ẤY bữa cơm mừng ngày tái ngộ.

Làm gì có chuyện Huyền chạy ra chợ mua thêm ít rau.

TẤT CẢ CHỈ LÀ CÁI CỚ.

Tôi đi ngay vào trong phòng nàng. Và tìm thấy một lá thư trên bàn. Chỉ có vài dòng run rẩy:

Chúc mừng hai người tìm lại được hạnh phúc bên nhau

Đừng bao giờ tìm em nữa

Huyền

Những dòng chữ còn ướt đẫm nước mắt của nàng.

Tôi lịm người đi giữa câu chuyện mà Tiến đang kể, giọng kể của hắn nghe đều đều như lời cầu nguyện, đầy cam phận cho một tên tử tù trên đường ra pháp trường.

Một lúc sau đó tôi mới hỏi hắn, một câu thiệt vô duyên:

Sao ông không đi tìm họ???

Theo anh thì tôi nên tìm ai? Nhưng định mệnh không cho tôi làm việc đó. Hai người đàn bà này, người nào cũng cho rằng tôi đang sống trong hạnh phúc với người kia. Hãy để cho họ tin như vậy đi, đừng bao giờ làm họ thất vọng. Đó cũng là một cách trả ơn những sự hy sinh đó.

Chính vì thế tôi bỏ hết tất cả và đến đây – một mình – trong cái xó này

Salt Lake City-Utah

Nguyễn Đình Liên

Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 15/Apr/2021 lúc 12:56pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 17/Apr/2021 lúc 7:19am

Cách nuôi dạy con khác thường của người phương Tây

 image

Từ việc cho con ngủ riêng cho tới việc đặt con ngồi trong xe đẩy thay vì bế ẵm, các bậc cha mẹ phương Tây còn có những ý tưởng khác thường về cách nuôi dạy trẻ nhỏ.

 

"Nó đã về phòng riêng chưa thế?" là một câu hỏi cửa miệng của những người mới sinh con khi họ có vài tiếng đồng hồ tạm xa những bận rộn của việc chăm trẻ sơ sinh.

 

Nhưng việc không để con cái ngủ chung với bố mẹ là một nếp sinh hoạt tương đối mới - và điều này chưa trở nên rộng rãi trên toàn cầu. Ở các nền văn hóa khác, việc để con nhỏ ngủ chung phòng và đôi khi chung giường với bố mẹ là chuyện hết sức bình thường.

 

Đây không phải là khía cạnh duy nhất mà những người mới sinh con ở phương Tây làm theo cách khác khi đem so sánh với những nền văn hoá khác.

 

Từ việc ngủ trưa theo lịch và tập cho con ngủ nề nếp cho đến việc đưa con đi dạo bằng xe đẩy, những gì mà ta ngỡ là cách chăm sóc con chuẩn mực thì hoá ra lại là không phải thế.


Các bậc phụ huynh ở Mỹ và Anh được khuyên là nên cho con ngủ cùng phòng với bố mẹ ít nhất là trong sáu tháng đầu đời của trẻ, nhưng nhiều người coi chỉ đây là chặng dừng chân ngắn ngủi trước khi bé đi nhà trẻ.

 

Ở hầu hết các xã hội khác trên thế giới, trẻ sơ sinh gắn bó với cha mẹ lâu hơn.

 

Một đánh giá năm 2016 xem xét nghiên cứu về việc trẻ em không chỉ ở chung phòng mà còn ngủ chung giường với mẹ hoặc với cả bố và mẹ cho thấy tỷ lệ này rất cao ở nhiều nước châu Á: hơn 70% ở Ấn Độ và Indonesia, hơn 80% ở Sri Lanka và Việt Nam.

 

Nghiên cứu về tỷ lệ ngủ chung ở các quốc gia châu Phi tuy không đầy đủ nhưng ở những vùng được xem xét thì việc trẻ em ngủ chung với bố mẹ là chuyện khá phổ biến.

 

Debmita Dutta, bác sĩ và nhà tư vấn nuôi dạy trẻ ở Bangalore, Ấn Độ, nói rằng bất chấp ảnh hưởng từ phương Tây, ngủ chung giường vẫn là thói quen phổ biến ở Ấn Độ - ngay cả trong những hộ gia đình có điều kiện có phòng riêng cho trẻ.

 

"Gia đình bốn người với ba phòng ngủ, mỗi phòng ngủ cho một đứa trẻ và một phòng cho cha mẹ, và rồi rốt cuộc bạn sẽ thấy cả hai đứa trẻ đều ngủ cùng giường với cha mẹ," cô nói. "Đó là điều hoàn toàn bình thường."

 

Dutta nói rằng việc ngủ chung giường là một cách để giảm bớt sự hốt hoảng của trẻ khi thức giấc vào ban đêm. Con gái của cô có một chiếc giường gấp bên cạnh giường của cha mẹ và cô bé có thể ngủ ở đó cho đến khi lên bảy tuổi. "Ngay cả sau khi cai sữa, con bé vẫn thích ngủ cùng phòng với chúng tôi," cô nói.


image


Thay vào đó, nhiều bậc cha mẹ ở các xã hội phương Tây chuyển sang các phương pháp huấn luyện giấc ngủ, mà kiểu huấn luyện khắc nghiệt nhất là việc để em bé "khóc chán rồi sẽ tự nín", trong nỗ lực khuyến khích em bé ngủ lâu hơn để cha mẹ được tạm thời nghỉ ngơi.

 

Ở Úc, thậm chí nhà nước còn tài trợ mở trường trong khu dân cư để dạy trẻ ngủ một mình mà phụ huynh có thể đăng ký huấn luyện giấc ngủ cho con mình.

 

Khuyến khích thói quen độc lập sớm phù hợp với trọng tâm văn hóa điển hình của phương Tây là tính tự chủ của cá nhân. Vì lý do đó, việc cho con ngủ chung giường được coi như một biểu hiện nuông chiều và khuyến khích trẻ em tiếp tục phụ thuộc vào cha mẹ.

 

Nhưng những bậc cha mẹ có tư tưởng tập thể hơn, như Dutta, thường không nhìn nhận như vậy. "Bạn trao cho trẻ em sự tự tin và độc lập, đến thời điểm thích hợp chúng sẽ tự tách khỏi bạn," cô nói. "Chúng sẽ chả dựa dẫm mãi vào bạn đâu."

 

Các yếu tố văn hóa không chỉ ảnh hưởng tới nơi chốn trẻ ngủ mà còn ảnh hưởng đến cả thời gian và thời lượng ngủ của trẻ.

 

Nghiên cứu của Jun Kohyama, Giám đốc Điều hành tại Trung tâm Y tế Vịnh Urayasu Ichikawa Tokyo và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh ở Nhật có xu hướng ngủ trưa ít hơn so với các nước châu Á khác khi chúng được ba tháng tuổi, ông nói, nguyên do có thể bởi vì "ở Nhật Bản, ngủ ngày bị coi là thói lười biếng".

 

Kohyama cũng phát hiện ra rằng trẻ em ở các nước châu Á có xu hướng đi ngủ muộn hơn so với trẻ em ở các nước chủ yếu là người da trắng. Ông cho rằng nguyên nhân là do cha mẹ muốn dành thời gian hỏi han bảo ban con cái vào buổi tối.

 

Ngủ chung giường - một chuẩn mực văn hóa ở Nhật Bản - cũng có thể là một yếu tố. "Cha mẹ cảm thấy con cái là một phần cơ thể của chính họ," ông cho biết.

 

Tuy nhiên, cũng giống như ở Anh, Viện Nhi Hoa Kỳ thì khuyên cha mẹ nên ngủ chung phòng với con để giảm nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), nhưng lại cảnh báo không nên ngủ chung giường vì việc ngủ chung giường lại là yếu tố có liên quan đến việc tăng nguy cơ SIDS.

 

Nhưng Rashmi Das, giáo sư nhi khoa tại Viện Khoa học Y tế toàn Ấn Độ ở Bhubaneswar, tác giả bài đánh giá về an toàn khi ngủ chung, cho rằng việc thiếu nghiên cứu chất lượng cao về chủ đề này khiến rất khó để khẳng định việc ngủ chung làm tăng nguy cơ SIDS khi không tính đến ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc và uống rượu. "Chúng ta không thể biết liệu ngủ chung có thực sự làm tăng nguy cơ SIDS hay không," Das nói.

 

Các nghiên cứu về chủ đề này hầu hết đến từ các quốc gia có thu nhập bình quân ở mức cao, nơi việc con cái ngủ chung giường với bố mẹ ít phổ biến hơn. Thế nhưng các quốc gia có thu nhập thấp, nơi để con ngủ chung giường là thói quen phổ biến, thì đồng thời cũng là những nơi có tỷ lệ SIDS thấp nhất trên thế giới.


image

Địu em bé trên lưng cho phép cha mẹ giữ con cái của họ gần gũi bên mình suốt cả ngày làm việc

 

Đó dường như không chỉ là vấn đề đơn giản về địa lý: khi một người sống ở phương Tây và đem tập quán văn hóa của họ từ nơi khác, họ cũng tiềm ẩn nguy cơ SIDS thấp hơn. Ví dụ, các gia đình gốc Pakistan sống ở Anh có nguy cơ SIDS thấp hơn so với các gia đình người Anh da trắng - mặc dù các bà mẹ Pakisstan thường ngủ chung giường với con của họ.

 

Helen Ball, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Durham, đồng thời là giám đốc Phòng Nghiên cứu Thực nghiệm Giấc ngủ dành cho Cha mẹ-Trẻ sơ sinh của trường này, nói: "Đó là những thói quen văn hóa có liên quan đến tỷ lệ SIDS thấp."

 

Các bà mẹ gốc Pakistan ở vùng Bradford, Anh có tỷ lệ cho con bú cao hơn. Họ ít hút thuốc, uống rượu hơn và cho con cái ngủ trong phòng riêng của chúng - tất cả các yếu tố này được biết là đều làm giảm nguy cơ SIDS.

 

Das nói rằng ông mong muốn thấy việc chung giường được khuyến khích nhưng "thận trọng lưu ý rằng những người lớn ngủ chung giường với trẻ em thì không nên hút thuốc, không nên uống rượu, không nên là người béo phì".

 

Tổ chức thiện nguyện phòng chống SIDS của Vương quốc Anh mang tên The Lullaby Trust có lời khuyên như trên dành cho các bậc cha mẹ muốn dành chiếc giường của mình thành nơi ngủ an toàn cho con cái của họ.

 

Cũng giống như việc chung giường giúp cha mẹ con cái thân thiết nhau hơn vào buổi tối, việc địu em bé trên lưng giúp trông giữ chúng gần gũi với bố mẹ vào ban ngày trong khi họ chạy đôn chạy đáo chỗ này chỗ kia hoặc làm việc nhà.

 

Không phải là một xu hướng mới, địu con là điều mà con người đã làm từ rất lâu rồi. Chỉ khi chiếc xe đẩy trở nên phổ biến trong thời Victoria thì những cái địu truyền thống mới trở nên ít phổ biến hơn trong một số bộ phận của xã hội phương Tây.

 

Ở những nơi khác trên thế giới, dường như có rất nhiều cách khác nhau để ôm ấp trẻ vì có những nền văn hóa mà trẻ được thường được bế ẵm trong vòng tay người lớn.

 

Ngay cả những bậc cha mẹ không sử dụng địu cũng biết rõ về tác dụng xoa dịu vỗ về trẻ tức thì khi bồng bế con đung đưa đi qua đi lại.

 

"Họ cảm nhận bằng trực giác rằng loại chuyển động nhịp nhàng này, cường độ trong trong khoảng từ 1-2 hertz, có công năng êm đềm giúp trẻ bớt hoảng sợ hơn," Kumi Kuroda từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Não Riken ở Nhật Bản nói.

 

Kuroda bắt đầu xem xét các tác động sinh lý của việc bế trẻ khi bà thấy rằng nghiên cứu trước đây - sử dụng nhật ký của cha mẹ thay vì các phép đo sinh lý thời gian thực - đã không tìm thấy bất kỳ mối tương quan nào giữa thời gian trẻ được bế và số lần chúng khóc.

 

"Tôi không đồng ý với điều đó," bà nói. Nghiên cứu của bà cho thấy việc bế con làm nhịp tim của trẻ đập chậm hơn và đi lại đung đưa em bé khiến chúng đỡ khóc to hơn.

 

Bà cho biết nghiên cứu tiếp theo đã phát hiện ra rằng chuyển động mà không cần bế, chẳng hạn như đặt em bé trên xe đẩy hoặc ghế ô tô, cũng như bế mà không đi lại đung đưa, cũng giúp em bé dần bình tĩnh hơn, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu kết hợp cả việc bế ẵm lẫn đung đưa cùng lúc.

 

Về mặt sinh học, tiếp xúc gần gũi với bố mẹ cả ngày lẫn đêm là những gì trẻ em mong đợi. Trong những tháng đầu đời, bé cần được cho ăn thường xuyên suốt ngày đêm. Ngay cả khi nhịp sinh học của trẻ phát triển và dần chuyển sang giấc ngủ dài vào buổi tối, thì việc tỉnh giấc ban đêm trong ít nhất năm đầu tiên của trẻ là hoàn toàn bình thường.


image

Ở phương Tây, người ta tin rằng trẻ em tự ngủ một mình sẽ độc lập hơn

 

"Cơ cấu sinh lý của trẻ sơ sinh gần như không thay đổi qua hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn năm," Ball nói. "Thế nhưng văn hoá của con người thì lại thay đổi xoành xoạch chỉ qua vài thập kỷ."

 

Song quan điểm cho rằng việc trẻ thức đêm là chuyện bình thường lại không phải là thông điệp mà những người mới sinh con ở phương Tây nhận được từ gia đình, bạn bè và từ nền văn hóa nói chung. "Chúng ta cứ mặc nhiên một mực về huyền thoại rằng trẻ sơ sinh không nên thức giấc vào ban đêm," Ball nói.

 

Huyền thoại cổ tích đó để lại những hậu quả. Giấc ngủ bị xáo trộn ngắt quãng trong thời kỳ đầu làm cha mẹ có liên quan đến chứng trầm cảm sau sinh. Nhưng Ball nói rằng những cố gắng "sửa chữa" giấc ngủ của trẻ lại làm sai bản chất vấn đề - thay vào đó, việc hỗ trợ trực tiếp cha mẹ nhiều khả năng sẽ giúp cải thiện sức khỏe tâm thần cho trẻ.

 

"Những bậc cha mẹ bị trầm cảm sẽ khiến giấc ngủ của con họ bị gián đoạn nghiêm trọng hơn những bậc cha mẹ không mắc chứng này," bà nói. "Chúng tôi cho rằng chúng ta thực sự cần thay đổi những thứ đang diễn ra trong đầu của các vị mới làm cha làm mẹ, cần hỗ trợ họ suy nghĩ về tất cả những điều này theo một cách khác." Bà đã tổng hợp Nguồn thông tin về giấc ngủ của trẻ để cung cấp cho các bậc cha mẹ thời nay dữ liệu chính xác về giấc ngủ của trẻ.

 

Ý tưởng cho rằng trẻ lớn hơn giai đoạn sơ sinh "cần" ngủ thẳng giấc vào ban đêm xuất phát từ nghiên cứu trong thời thập niên 1950, theo đó cho thấy trong số 160 trẻ sơ sinh sống ở London, 70% bắt đầu "ngủ một mạch suốt đêm" khi chúng được ba tháng tuổi.

 

Nhưng các nhà nghiên cứu đã định nghĩa "ngủ một mạch suốt đêm" ở đây là không đánh thức cha mẹ chúng bằng cách quấy khóc trong khoảng thời gian từ nửa đêm đến 5 giờ sáng - khác xa với ngủ liền tù tì một giấc trong khoảng thời gian 8 giờ liên tục mà nhiều bậc cha mẹ thời nay mong đợi - và cũng không có nghĩa là bản thân những đứa trẻ ngủ thực sự trong suốt mấy tiếng đồng hồ đó.

 

Trong mọi trường hợp, 30% trẻ sơ sinh chưa thể bắt đầu giấc ngủ dài hơn vào độ tuổi đó, và một nửa số trẻ "ngủ một mạch suốt đêm" lại bị thức giấc trở lại nhiều hơn ban đêm vào cuối năm đầu tiên của chúng.


image

Nghiên cứu cho thấy rằng việc địu bế con làm nhịp tim của trẻ đập chậm hơn và đi lại đung đưa em bé khiến chúng đỡ khóc to hơn

 

Thậm chí ngày nay, nhiều nghiên cứu về giấc ngủ của trẻ sơ sinh chỉ xem xét chọn mẫu một nhóm nhỏ cụ thể trong tập hợp lớn toàn cầu. "Rất nhiều nghiên cứu trong vài thập kỷ qua đã chỉ được thực hiện trên trẻ sơ sinh phương Tây," Ball nói.

 

Không ai nghi ngờ gì về sự khác biệt giữa các nền văn hóa khi nói đến cách chăm sóc trẻ sơ sinh, nhưng ngay cả trong cùng một nền văn hoá cũng có nhiều quan điểm không tương đồng.


Không phải ai ở phương Tây cũng nghĩ rằng một đứa trẻ ngủ trong phòng riêng là lý tưởng. Ví dụ, trong một nghiên cứu, các bậc cha mẹ người Ý lại coi việc đó là "thiếu tình thương".

 

Hoàn cảnh cá nhân đóng vai trò quan trọng trong cách mọi người chăm sóc con cái của họ, và mỗi bậc cha mẹ đều tìm ra cách riêng để xoay sở ổn thỏa. "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, vì vậy lựa chọn đa dạng là điều hoàn toàn phù hợp," Kuroda nói.

 

Về phần mình, Kuroda ngủ chung với 4 đứa con của mình như một cách để thích nghi với việc phải xa chúng vào ban ngày.

 

"Tôi đã làm việc toàn thời gian cả ngày rồi và nếu tôi lại ngủ riêng cả đêm nữa thì thời gian thực sự dành cho con chẳng còn được bao nhiêu. Chúng tôi có thể hỏi han vỗ về khăng khít nhau nhiều vào buổi tối. Đó là những giao tiếp cực kỳ thân thiết và thời gian bên nhau thực sự."

 

Nhưng cô cũng nói, với tất cả các cách nuôi dạy con cái khác nhau thì mỗi người nên tìm những gì phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình và đặc điểm của bé, thay vì lo lắng quá nhiều về những điều người khác đang làm.

 

"Tôi nghĩ rằng cha mẹ và trẻ sơ sinh có thể thích nghi dần với nhau," cô nói. "Nó nhịp nhàng như một điệu tango vậy."

 

Điểm mấu chốt là ta nên luôn nhớ rằng trẻ em sinh ra không phải để thao túng chúng ta, bất kể bạn có khao khát đến đâu trong việc muốn sang phòng ngó nhanh con một chút vào lúc 3 giờ sáng

 

"Điều chúng ta thực sự cần đối với trẻ sơ sinh là đừng nghĩ về chúng như những vị sếp khó chiều," Dutta nói. "Chúng là những sinh linh nhỏ bé đến với thế giới này và chưa thể tự làm được gì, còn chúng ta thì cần phải thấu hiểu, yêu thương chúng."

 

 

 

Kelly Oakes


image

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 19/Apr/2021 lúc 10:02am

Số Tha Hương

     Cố Quốc Vương Bhumibol Adulyadej trao bằng dvm cho bs thú y Nguyễn thượng Chánh tại Chulalongkorn University, Bangkok Thailand, June 1973


Trước năm 1975, Việt Nam Công Hòa không có trường đào tạo bác sĩ thú y. Một số ít bác sĩ thú y, lối 9-10 người thời đó đều tốt nghiệp tại ngoại quốc (Pháp, Hoa Kỳ) và một số nhỏ vài ba vị học tại Hà Nội thời trước 1954.

Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc (CĐNLS) Sài Gòn, nằm tại đường Cường Để và ngay phía sau đại học Dược khoa, chỉ đào tạo kỹ sư súc khoa hệ  4 năm (thiên về chăn nuôi nhiều hơn là thú y) mà thôi. Kỹ sư ra trường,tất cả đều là công chức phục vụ trong các bộ sở quan, hoặc sĩ quan chuyên ngành trong quân lực VNCH.

Để đáp ứng nhu cầu khẩn trương về thú y sĩ nhằm phục vụ đất nước, Bộ Canh nông, bộ Giáo dục VNCH, cũng như các vị giáo sư trách nhiệm trường CĐNLS, mới bàn với USAID để gởi công chức đã có bằng Kỹ sư súc khoa , hay bằng B. Sc hoặc M.Sc Hoa Kỳ sang học tiếp tại phân khoa Thú Y của Đại học Chulalongkorn, Bangkok Thái Lan để lấy bằng DVM.

Đây là giải pháp hợp tình hợp lý nhất để giải quyết vấn đề thiếu Bs thú y tại miền Nam VN vào thuở đó.

Đại học Chulalongkorn, nằm ngay tại thủ đô Bangkok và là một đại học rất uy tín do Quốc vương Bhumibol bảo trợ.

Đây là một chương trình đặc biệt sur mesure dành cho Việt Nam Cộng Hòa, và dạy bằng Anh ngữ. Thời gian học là ba năm.

USAID lo phần chi phí để trả cho Thái Lan cũng như cấp học bổng và nơi ăn chốn ở cho các sinh viên Viêt Nam trong suốt thời gian du học tại Bangkok.

Trước khi đi, các sinh viên phải theo một  khóa huấn luyện intensive training về Anh ngữ  trong nhiều tháng ròng do USAID SAIGON  phụ trách... 

Khóa I có 8 người được tuyển chọn: bắt đầu học tháng 8/1970, tốt nghiệp tháng 6/1973

1-        Bộ Giáo dục gởi 3 người, trong số có tác giả Nguyễn thượng Chánh

2-        Bộ canh Nông gởi 2 người, cả hai đều là cựu trưởng ty nông nghiệp tại Gia Định  và Long Xuyên

3-        Bên Quân Lực VNCH gởi 3 sĩ quan cấp đại úy chuyên ngành (2 Quân nhu và 1 Thú y quân đội


BS Chánh đang khám chó khách hàng trong giờ clinique tại trường Chula -1972

BS  Chánh đang làm Femoral Pinning (Chó bị gảy xương đùi Fémur tại trường Chula =1972  

 

Khóa II tiếp nối năm 1971 với đâu mười mấy người và họ tốt nghiệp năm 1974.

Khóa III, bắt đầu năm 1972, nhưng tác giả không biết họ có tốt nghiệp được không vì biến cố 30/4/ 1975 . 

Điểm nổi bật của Chulalongkorn University là mỗi năm chính Quốc Vương Bhumibol và Hoàng hậu Sirikit  chủ tọa lễ tốt nghiệp của tất cả các phân khoa, đồng thời chính tay ngài phát văn bằng tốt nghiệp cho từng sinh viên một.

Đây là một vinh dự vô cùng to lớn đối người sinh viên ra trường.

Trong nội bộ các sinh viên du học,  chúng tôi thường hay gọi đùa nhau bằng danh xưng: Bác sĩ Hoàng giaThái Lan.

1974-  Bs thú y Chánh đem kiến thức học bên Thái Lan về dạy

lại cho sv Đại Học Cần Thơ


CON NGƯỜI CÓ SỐ !                                                 

Tác giả xin tri ân cố giáo sư  BS thú y NGUYỄN THÀNH HẢI, dại học NÔNG NGHIỆP SAIGON  và cố GS PHẠM HOÀNG HỘ, viện trưởng VIỆN ĐẠI HỌC CẦNTHƠ đã ÂN CẦN đề cử tác giả đi tu nghiệp.

Xin tri ân cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej, vị cha già khả kính của dân tộc Thái Lan.

Đất nước của những nụ cười Land of Smiles,  đã một thời hết lòng tiếp tay VNCH trong việc bảo vệ chiến tuyến tự do, xây dựng miền Nam Việt Nam, và đồng thời cũng đã mở rộng vòng tay nhân ái đón tiếp người tỵ nạn Việt Nam trong thời điểm đen tối nhất của họ SAU 1975./.                                 

Chớp tắt cuối chân trời

https:/nguoiphuongnam52.blogspot.com/2021/04/chop-tat-cuoi-chan-troi-thuyen-nhan.html

Tác giả nhờ đi du học Thái Lan nên  nói “quọt quẹt” được  tiếng Thái, nhờ vậy  đã giúp thương lượng với bọn hải tặc Thái kéo ghe vượt  biên vào chốn an toàn.

PHỤC VỤ VNCH-1969-KHÓA GIÁO CHỨC 9 TUẦN-THỤ HUẤN QUÂN SỰ TẠI  TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN CHI LĂNG THẤT SƠN  VÀ QUANG TRUNG-HÓC MÔN.

 - 1975- HỌC TẬP CẢI TẠO “TẠI CHỔ  TẠI SAIGON, (tại đại học Khoa học”,cạnh trường Pétrus ký) .

 -VƯỢT BIÊN  1980

http://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2021/04/chop-tat-cuoi-chan-troi-thuyen-nhan.html

Năm 1980- cùng gia đình định cư tại Canada-và cả nhà đều phải di học hết.

Bắt đầu “gõ” báo chùa phổ biến vệ sinh an toàn thực phẩm- PHỤC VỤ ĐỒNG BÀO BÀO VN HẢI NGOẠI-   Quy chương “The Queen Elizabeth 2 GOLDEN JUBILEE MEDAL 2002

Nghỉ hưu -2008 (65 tuổi)


Nguyễn Thượng Chánh

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 20/Apr/2021 lúc 9:22am

9 thói quen xấu khiến người khác ‘xa lánh’ bạn

 image

Trong cuộc sống, ai cũng muốn hòa đồng và giữ mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh. Nhưng có lúc bạn nhận ra người đối diện không thích mình, hoặc bạn bè của bạn bỗng dưng xa lánh bạn. Vậy thì bạn hãy xem mình có 9 thói quen dưới đây không nhé.


1_ Hay đổ lỗi


image


“Đổ lỗi cho người khác là một hình thức tự phản bội và tự từ bỏ”, Nancy Colier viết trong Psychology Today. Nó rõ ràng giúp bạn tránh khỏi việc phải sửa chữa bản thân và đối mặt với thực tế rằng có một vấn đề trong bạn cần được giải quyết, từ đó, cản trở sự phát triển của bạn.

 

Cuộc sống không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Đôi khi những khó khăn đến với bạn là để giúp bạn trưởng thành hơn, trải nghiệm và tích lũy những kinh nghiệm phong phú trong cuộc đời. Tuy nhiên, nếu bạn không suy nghĩ tích cực và lạc quan, mà hay tỏ ra là người rất đáng thương, hoặc “đóng vai người bị hại”. Bạn sẽ làm người khác thấy mệt mỏi khi ở cạnh mình.


image


Nếu bạn luôn than vãn về những khó khăn hoặc bất công mà bạn đang phải “chịu đựng”, mà không có những giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề. Thậm chí, bạn còn đòi hỏi người khác phải giải quyết dùm bạn, hoặc “lợi dụng cơ hội” để xin, nhờ người khác phải giúp đỡ bạn. Như vậy là bạn đang lạm dụng lòng tốt của người khác. Và đây chắc chắn không phải là cách ứng xử tốt để duy trì một mối quan hệ lâu dài. 

 

2_ Thích kiểm soát người khác


image


Bạn thích mọi thứ trong cuộc sống đều phải có kế hoạch và diễn ra thật “chuẩn chỉnh”; điều đó không có gì để phàn nàn. Tuy nhiên, nếu bạn luôn muốn người khác phải làm theo ý bạn, mà không cho họ quyền tự quyết định hoặc bày tỏ ý kiến và cảm xúc thì bạn đang làm người khác cảm thấy “nghẹt thở”. Lâu dần, họ sẽ có xu hướng lảng tránh bạn.

 

3_ Hay ghen tỵ


image


Khi bạn bè hoặc người thân chia sẻ với bạn niềm vui hoặc thành tựu trong công việc của họ, bạn có thật lòng chúc mừng họ? Nếu người bạn của bạn học giỏi hơn bạn hoặc thành công hơn bạn, liệu bạn có cảm thấy ghen tức với họ?

 

Nếu bạn trong lòng bạn dâng lên cảm giác không thoải mái, căm ghét, bực bội, có thể bạn sẽ tỏ thái độ tiêu cực hoặc có những lời nói khiến họ bị tổn thương. Chỉ vài lần như thế, mọi người sẽ nhận ra bạn có tính hay ghen tỵ và họ chẳng còn muốn chia sẻ bất cứ điều gì với bạn.

 

4_ Hay nói dối


image


Nếu người khác biết rằng bạn thường hay nói dối, họ sẽ chẳng thể đặt niềm tin nơi bạn. Tin tưởng lẫn nhau là một trong những yếu tố cần thiết để xây dựng một mối quan hệ bền chặt. Do đó, khi không có niềm tin và sự chân thành, ai sẽ muốn ở gần bạn?

 

5_ Tính nhiều chuyện


image


Bạn hay “thêm mắm, dặm muối” vào các câu chuyện phiếm với bạn bè, đồng nghiệp, và bạn cho rằng nó vô hại. Hãy cẩn thận! Thói quen này sẽ đưa bạn đi xa tới mức bạn có thể kiểm soát và khiến bạn bị cô lập. Vì sao ư? Ai có thể chấp nhận trở thành “nhân vật chính” trong những câu chuyện mua vui của bạn? Điều đó thể hiện rằng bạn không tôn trọng họ, và khi không cảm thấy được tôn trọng, họ sẽ đưa bạn ra khỏi các cuộc trò chuyện.

 

6_ Tham lam và ích kỷ


image


Trong các mối quan hệ, bạn luôn đặt nặng quyền lợi của bản thân lên hàng đầu. Bạn luôn muốn được lợi cho mình, mà không hề quan tâm đến lợi ích và cảm thụ của người khác. Bạn cũng luôn cho rằng bạn là quan trọng nhất, ai cũng có nhiệm vụ phải đáp ứng mọi yêu cầu của bạn. Như thế có công bằng không? Người khác sẽ nhận ra ngay rằng bạn đang lợi dụng họ. Khi bạn cho đi nghĩa là bạn đang nhận lại nhiều hơn thế, vì vậy hãy cho nhiều để có nhiều bạn nhé!

 

7_ Suy nghĩ tiêu cực


image


Bạn luôn nghĩ về mọi việc theo chiều hướng xấu và bi quan. Bạn có xu hướng hay chỉ trích và phàn nàn bất cứ khi nào gặp chuyện không vừa ý. Thậm chí, bạn còn hay đổ lỗi cho người khác và cằn nhằn mãi không thôi chỉ vì một chuyện bé tí. Người nào sẽ có đủ kiên nhẫn để chịu đựng bạn trong một thời gian dài nếu bạn không nhận ra và thay đổi tính xấu này?

 

Theo tờ Psychology Today, khi chúng ta quét não của một người nói “không” trên màn hình trong chưa đầy một giây, hàng chục hormone và chất dẫn truyền thần kinh gây căng thẳng sẽ được giải phóng. Nếu việc tiếp xúc với các kích thích tiêu cực ít hơn một giây có thể tác động đến bạn như vậy, hãy tưởng tượng hệ quả của việc lặp đi lặp lại những suy nghĩ và lời nói tiêu cực dành cho bản thân mỗi ngày.


image


Chúng có thể phá hoại tâm trí và cơ thể của bạn, giết chết sự tự tin, niềm vui, cản trở bạn tiến đến phiên bản tốt nhất của mình, thậm chí gây ra các bệnh tâm lý như trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Hãy tránh những từ như “không thể”, “không bao giờ”, “không” và các cụm từ tiêu cực khác, đồng thời thay chế chúng bằng các cụm từ tích cực như “tôi có thể”, “tôi có khả năng”, bạn sẽ tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc sống và dần hướng đến những thứ tốt đẹp hơn.


8_ Luôn cho là mình đúng


image


Bạn cho rằng mình thông minh nhất, có năng lực nhất và luôn nổi bật nhất. Bạn tự tin rằng mình biết hết mọi thứ trên đời, và xem thường những người xung quanh bạn. Không có bạn thì chẳng ai có thể làm việc tốt chăng?… Bạn đã quá chủ quan rồi đấy! Khi bạn quá kiêu ngạo, bạn sẽ tự đánh mất đi sự phối hợp của tập thể. Điều này sẽ trở thành một mất mát lớn cho sự nghiệp và cuộc sống của bạn.

 

Bạn luôn khăng khăng cho mình là đúng trong mọi trường hợp và phớt lờ tất cả ý kiến của những người khác. Trong bất cứ cuộc trò chuyện hoặc tranh luận nào, bạn cũng muốn giành phần thắng về mình. Như vậy, mọi người sẽ nhường cho bạn tự độc thoại và rút lui. Bạn sẽ cô độc một mình trong thế giới do chính mình tạo nên.


image


Giao tiếp đóng vai trò quan trọng trong công việc và cuộc sống của mỗi người. Giao tiếp tốt giúp bạn gắn kết với mọi người. Ngược lại, giao tiếp kém sẽ khiến bạn không thể hòa đồng trong xã hội. Đôi khi, nguyên nhân không phải do chính ai khác mà do chính bản thân mình.

 

9_ Không giữ chữ tín


image


Người xưa có câu: “một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Nếu bạn có thói quen nói lời mà không giữ lấy lời, thì bạn đang gặp rắc rối trong việc xây dựng những mối quan hệ bền chặt rồi đó. Tin tưởng là một trong những yếu tố nền tảng để bạn giao tiếp và kết thân với người khác. Đây là một cách thể hiện sự tôn trọng người khác và chính là hình ảnh đại diện của bạn. Vì vậy, bạn đừng thất hứa và nên thực hiện những gì mình đã nói và đề ra.


image


Với dân tộc người Do Thái ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ, các em đã được các bậc cha mẹ dạy biết tầm quan trọng của việc giữ chữ tín, đồng thời hình thành cho trẻ những thói quen trung thực từ việc nhỏ nhất. Người Do Thái cho rằng: Thành tín, trung thực là điều căn bản của con người trong cuộc sống cũng như trong giao tiếp hàng ngày. Một người có tài giỏi đến đâu, giàu có đến thế nào, nếu không có sự thành tín thì anh ta sẽ dần dần mất đi tất cả. Việc coi trọng chữ Tín là tiêu chuẩn đạo đức mà ai cũng cần tuân thủ, đây cũng là một nhân tố quan trọng dẫn tới thành công.


Vậy nên, hãy tránh xa 9 thói quen xấu này nếu bạn muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người xung quanh và tiến tới thành công.

 

 

 

Thảo Vy


image



Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 21/Apr/2021 lúc 9:55am
CON NGƯỜI CÓ SỐ

love
Tên hắn là Khải. Hắn học với tôi năm lớp 11 tại trường Tân Phương, Gò Vấp. Nhà hắn ở trại định cư Cái Sắn nằm giữa hai tỉnh Long Xuyên và Rạch Giá. Hình như bố mẹ hắn có quen với một ông trùm họ đạo ngày trước cũng ở Cái Sắn, sau lên Sài Gòn, trông coi giúp Cha sở ở nhà thờ Ngã năm Bình Hòa, Gia Định. Rồi hắn lên Sài Gòn, nhờ ông trùm đó xin với Cha cho ở nhờ ngoài hành lang nhà thờ, làm người kéo chuông, trông coi, quét dọn... để có chỗ ăn ở, đi học. Cha thấy hắn ngoan ngoãn, lễ phép, nhất là trước đây lại cùng họ đạo với ông trùm nên rất vui lòng.
Lúc ấy, tại Xóm Gà Gia Định có trường Tân Phương của ông Phan Ngô mới mở, dạy tới lớp Đệ Nhị (tức lớp 11 bây giờ). Cha nói với ông Phan Ngô xin cho hắn học miễn phí để chuẩn bị đi thi Tú tài I. Phần vì trường mới mở đang cần học sinh, phần vì nể lời Cha nên ông Phan Ngô cũng đồng ý. Ngoài ra, Cha thấy hắn ham học ngoại ngữ, giỏi tiếng Anh nên mỗi tháng cho tiền hắn học thêm Anh văn cao cấp ở Hội Việt-Mỹ đường Mạc Đĩnh Chi, Tân Định. Như vậy, ngoài việc học ở trường Tân Phương vào các buổi sáng, cứ đến buổi chiều, mỗi tuần ba lần, hắn cuốc bộ từ Gia Định lên Tân Định để học tại Hội Việt-Mỹ. Cha cũng thích ngoại ngữ, buổi tối hắn thường chỉ dẫn thêm tiếng Anh cho Cha.
Trường hợp tôi thì lại khác. Nhà tôi cũng nghèo, mẹ tôi làm thợ dệt nhưng tôi thi đậu hạng nhì vào lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) trường Nguyễn Trãi nên được học bổng, mỗi tháng 300 đồng, tương đương với một chỉ vàng lúc bấy giờ, việc sách vở, học hành đỡ phải lo lắng. Ba năm sau, khi bắt đầu lên đến lớp Đệ Ngũ (lớp 😎, tôi và hai bạn khác trong lớp rủ nhau “học nhảy”: Trường Nguyễn Trãi lúc đó chưa có cơ sở nên phải học nhờ tại trường Tiểu học Đa Kao ở số 94 đường Phan Đình Phùng (bây giờ là đường Nguyễn Đình Chiểu). Tất cả các lớp đều học buổi chiều, còn buổi sáng thì học sinh trường Đa Kao học.
Buổi sáng được nghỉ, ba đứa chúng tôi đóng học phí học lớp Đệ Tứ (lớp 9) trường Cộng Hòa của giáo sư Phạm Văn Vận ở đường Pasteur để thi Trung học Phổ thông, nếu đậu sẽ sớm được một năm, cái đó kêu là “học nhảy”. Nhà nghèo, nên dù học thêm lớp Đệ Tứ trường tư nhưng tôi vẫn tiếp tục học lớp Đệ Ngũ trường công để được học bổng và đề phòng nếu rớt Trung học thì vẫn có chân trong trường công.
Cuối năm ấy, cả ba đứa chúng tôi đều đậu Trung học, rồi thi vào lớp Đệ Tam (lớp 10) trường Hồ Ngọc Cẩn, tức lại trở lại trường công. Tôi đậu hạng 5 trong số 52 học sinh thi đậu, hơi thấp, không được học bổng vì Bộ Quốc gia Giáo dục chỉ cho mỗi lớp có 3 người, từ hạng 1 tới hạng 3. Hai anh bạn yên tâm học lớp Đệ Tam tại Hồ Ngọc Cẩn, còn tôi, nhảy được một năm nhưng mất học bổng, tôi ân hận lắm.
Đúng lúc ấy ông Phan Ngô mở trường Tân Phương có tới lớp Đệ Nhị (lớp 11 bây giờ – thời đó trường tư chưa trường nào có lớp Đệ Nhất, học xong lớp Đệ Nhị, đậu xong Tú tài I được quyền xin vào Đệ Nhất trường công, bắt buộc trường công phải nhận, thời ông Diệm là như thế, rất ưu tiên cho học sinh).
Ông Phan Ngô là hiệu trưởng trường Tân Thạnh ở đường Đinh Công Tráng, Tân Định. Người em con chú con bác với ông là ông Phan Thuyết làm giám đốc. Trường dạy giỏi, nổi tiếng nên rất đông học sinh. Nhưng không hiểu hai anh em có chuyện xích mích gì đó nên bán trường, ông Phan Thuyết về mở trường Đạt Đức ở Phú Nhuận, còn ông Phan Ngô mở trường Tân Phương ở Gò Vấp.
Vào học lớp Đệ Nhị trường Tân Phương, tôi quen với hắn rồi dần dần hai đứa trở thành thân thiết với nhau. Tôi chưa từng thấy một người bạn nào nghèo như vậy. Ngày nào đi học hắn cũng mặc một bộ đồ duy nhất: chiếc áo sơ mi cũ màu cháo lòng có hai miếng vá, một miếng ở lưng, một miếng ở vai; chiếc quần ka ki cũng cũ, vá một miếng lớn ở mông. Có lẽ hắn tự vá lấy bằng chỉ đen, đường chỉ vụng về trông thô kệch chẳng ra sao cả. Chân hắn đi đôi dép Nhật mòn vẹt, sứt mẻ, một quai màu xanh, một quai màu đỏ, cột bằng dây kẽm. Có lần tôi hỏi sao hai quai dép lại bên xanh bên đỏ? Hắn cười, hơi mắc cỡ: “Tại mình nhặt được trong thùng rác ấy mà. Nó bị đứt, họ vứt đi, mình kiếm được hai cái quai cột vô đi tạm chứ chẳng lẽ đi học lại đi chân không”.
Hắn nghèo, cả lớp ai cũng biết nhưng ai cũng thông cảm, chẳng ai chê cười. Nhất là các chị, nhiều khi giấm giúi cho hắn tiền uống nước. Ngày tết, trường tổ chức cắm trại, thi đấu bóng chuyền và văn nghệ ở trong sân, mỗi lớp có một cái quầy nho nhỏ cung cấp bánh mì, kẹo bánh và nước ngọt cho lớp của mình. Mỗi bạn trong lớp đóng mỗi người 10 đồng, hắn không có tiền, định không tham dự, các chị bàn nhau không bắt hắn đóng.
Cuối năm ấy, lớp chúng tôi có 51 người, thi đậu ngay trong khóa 1 là 13 người, trong đó có tôi và hắn. Tỉ lệ như vậy là khá cao, bởi vì thi tú tài thời đó rất khó, trường tư giỏi lắm cũng chỉ đậu khoảng 10% là cùng, đằng này đậu tới hơn 25%. Thầy Phan Ngô mừng lắm, thầy nói: “Trường Tân Phương là nhứt, không khác gì trường Tân Thịnh ngày trước”.
Sau khi đậu xong Tú tài phần I, các bạn người Nam thì đa số nộp đơn vào học lớp Đệ Nhất (lớp 12) trường Petrus Ký, còn tôi và hắn là người Bắc nên nộp đơn vào trường Chu Văn An. Tôi từ trường công lại trở lại trường công, “nhảy” được hai năm. Còn hắn, có sự tiến bộ: ông trùm nhà thờ Ngã năm Bình Hòa cho hắn mượn một chiếc xe đạp cũ. Hội Phụ huynh học sinh Chu Văn An cứu xét, thấy hắn nghèo, cho hai kỳ học bổng, mỗi kỳ 500 đồng và một bộ quần áo may sẵn, hơi ngắn.
Cuối năm ấy, đậu xong Tú tài phần II, tôi thi vào Đại học Sư Phạm còn hắn thì thi vào trường Kỹ sư Phú Thọ nhưng rớt. “Cậu ngốc lắm, giá thi Sư Phạm với tớ có lẽ đã đậu, thi Kỹ sư Phú Thọ khó muốn chết, tớ không dám nghĩ đến”. “Tại tớ thi ngành Điện nên mới rớt chứ giá thi Công chánh hay Công nghệ thì đỡ hơn”. Hắn rớt, đáng lẽ bị kêu đi sĩ quan Thủ Đức nhưng có người anh cũng đã ở trong quân đội nên được hoãn. “Tớ phải về Cái Sắn làm giấy tờ nộp hồ sơ hoãn dịch cậu ạ”. “Hoãn thì được rồi nhưng làm sao có tiền đi xe?”. “Cha có cho. Cha dặn làm giấy tờ xong, nhớ lên xem người ta có cho thi vào ngành nào thì thi chứ không lại lỡ mất một năm học”.
Hôm lên, hắn đến nhà tôi chơi và hỏi những ngày hắn về Cái Sắn, ở Sài Gòn họ có cho thi gì không. Tôi nói Tổng nha Cảnh sát ra thông cáo cho thi lấy 50 người vào học khóa Biên tập viên cảnh sát, học bổng mỗi tháng cũng 1,500 đồng giống như Đại học Sư phạm và Quốc gia Hành chánh. “Biên tập viên cảnh sát là làm gì?”. “Tớ không rõ, họ nói cũng học 3 năm, ra làm phó quận cảnh sát”. “Được đấy, có lẽ tớ sẽ nộp đơn thi Biên tập viên cảnh sát”. Thời chúng tôi, con nhà nghèo, thi vào ngành nào thì phải nhắm có học bổng chứ nếu học những trường không có học bổng như Y khoa, Dược khoa, Luật, Văn khoa, Khoa học v.v..., tuy không phải thi tuyển nhưng không có tiền ăn học suốt bao nhiêu năm.
Giữa lúc hắn đang lo làm đơn thi Biên tập viên cảnh sát thì có tin Bộ Quốc gia Giáo dục ra thông cáo, Cơ quan Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO cho hai học bổng, một thi tiếng Anh, du học tại Mỹ, một thi tiếng Pháp, du học tại Pháp hay Thuỵ Sĩ gì đó, tất cả mọi khoản đều do Liên Hiệp Quốc đài thọ, học tiến sĩ kinh tế, sau này sẽ ra làm cho Liên Hiệp Quốc, giúp đỡ các nước nghèo. “Cậu đã biết tin đó chưa?”. “Chưa, tớ không biết gì hết, nhà thờ đâu có radio mà nghe. Cậu có nộp đơn không?”. “Không, Tú tài II tớ đậu Bình Thứ chứ đâu phải hạng Bình như cậu.
Họ bắt phải từ hạng Bình trở lên mới được thi”.
Thời chúng tôi, thi tú tài I hay tú tài II, kết quả thi đậu có 5 hạng gọi theo tiếng Pháp: đậu thường gọi là hạng Thứ (P***able); trên Thứ là Bình Thứ (***ez Bien); trên Bình Thứ là Bình (Bien); trên Bình là Ưu (Honorable); rồi đến Tối Ưu (Très Honorable) là hết mức, môn nào cũng phải đạt tối đa khoảng 20 điểm. Hắn đậu Bình, cao hơn tôi một bậc.
“Nộp thì nộp vậy thôi chứ cả Anh văn lẫn Pháp văn mới lấy có hai người, khó lắm, chắc tớ không đậu được đâu”. “Biết đâu đấy, cứ nộp đơn đi, may mà giờ vinh quang đã điểm thì bọn cắc ké nghèo mạt rệp như tụi mình cũng ngon lành ra phết”. “Vậy tớ nộp đơn cả bên UNESCO lẫn bên Biên tập viên cho chắc ăn”.
Hắn nộp đơn xong, khoảng hai tháng sau thì dự cuộc thi của UNESCO. Hắn kể rằng, đợt thứ nhất, hơn 200 người cả Anh văn lẫn Pháp văn, thi viết, loại bớt còn 50 người. Đợt thứ nhì, 50 người lại loại lần nữa, còn lại 10 người trong đó có hắn. Rồi 5 người trong nhóm Anh văn bọn hắn vào “sát hạch” tại tòa đại sứ Mỹ, còn 5 người nhóm Pháp văn thì sát hạch tại tòa đại sứ Pháp hay Thuỵ Sĩ, hắn không để ý.
Hắn kể, giám khảo nhóm Anh văn của hắn gồm ba giáo sư, một ông người Mỹ, một ông người Canada, một ông người Úc hay Tân Tây Lan gì đó hắn không biết rõ, tất cả đều nói tiếng Anh.
Họ thay đổi nhau quay hắn về tình hình kinh tế các nước trên thế giới, về vai trò của một nhà kinh tế học đối với các nước nghèo như ở châu Phi chẳng hạn.
Cuối cùng, vị giáo sư người Úc hay Tân Tây Lan hỏi hắn quê ở đâu, cha mẹ làm nghề gì, từ nhỏ tới lớn sống như thế nào..., hắn nói thật rằng quê hắn ở Nam Định, di cư vào Nam năm 1954, ở trại định cư Cái Sắn thuộc tỉnh Long Xuyên, bố mẹ hắn rất nghèo, làm nghề trồng cói và dệt chiếu ở Cái Sắn, còn hắn thì kéo chuông và hầu hạ trong Nhà thờ Bình Hòa để có chỗ ăn học.
Tất cả ba vị giám khảo đều trợn tròn mắt, không ngờ một học sinh được vào chung kết của một cuộc thi quan trọng như vậy mà gia đình lại nghèo đến thế. “Dám cậu thắng mấy người kia nhờ cái nghèo của cậu lắm ạ! Người Tây phương họ có cái nhìn khác lắm, sẵn sàng ưu tiên cho người nghèo nếu thấy thực sự đó là người giỏi chứ không khinh bỉ người nghèo như bên Việt Nam mình”.
“Tớ cũng hy vọng như vậy. Trông nét mặt ba vị giám khảo thấy họ có vẻ có cảm tình với tớ lắm. Nhưng thôi, kệ, muốn đến đâu thì đến. Tớ cam đoan với cậu thi Biên tập viên cảnh sát tớ đậu là cái chắc. Làm phó quận trưởng cảnh sát cũng bảnh ra phết!”.
Trong khi tâm sự, hắn kể với tôi rằng bữa đi mua giấy tờ lập hồ sơ thi du học, hắn mua ở tiệm sách Thanh Trúc gần Ngã tư Phú Nhuận. Cô con gái bà chủ cỡ chừng 15 – 16 tuổi, xinh lắm và rất tốt bụng.
Thấy hắn vét túi mà vẫn không đủ tiền trả, cô ta cười rồi cho luôn, không tính một đồng nào cả.
“Cô bé cỡ 15 – 16 tuổi, vậy là cô em. Cô chị lớn hơn, khoảng 17 – 18 tuổi, mặt tròn, cũng đẹp nhưng không xinh bằng cô em”.
“Ủa, thế cậu cũng biết tiệm đó?”.
“Biết chứ, tớ là dân Phú Nhuận mà, vẫn mua sách ở tiệm đó”.
Tôi kể cho hắn nghe bà mẹ còn tốt hơn nữa. Hồi tôi được phần thưởng cuối năm ở trường Tân Phương, trong số các cuốn sách lãnh thưởng có cuốn Triết Học Nhập Môn của tác giả gì tôi quên mất tên.
Cuốn sách đó nghiên cứu về triết học nói chung chứ không phải sách lớp Đệ Nhất dạy về triết học để đi thi tú tài II. Tôi đem đến tiệm Thanh Trúc nhờ bà chủ đổi cho cuốn Luận Lý Học của tác giả Trần Bích Lan tức nhà thơ Nguyên Sa, giáo sư triết trường Chu Văn An.
Bà coi qua cuốn sách của tôi rồi cười: “Sách người ta tặng cho các trường để phát phần thưởng thường là sách khó bán nên họ mới tặng. Tiệm tôi không bán loại này. Nhưng thôi, cậu được phần thưởng như vậy là quý, muốn đổi thì tôi cũng đổi để cậu may mắn, năm tới thi đậu. Một vài cuốn sách chẳng đáng bao nhiêu...”.
Cuốn Luận Lý Học của giáo sư Trần Bích Lan đắt hơn cuốn Triết Học Nhập Môn một chút nhưng bà chủ tiệm cũng cho luôn, không bắt trả tiền chênh lệch.
Tôi kết luận rằng bà mẹ tốt bụng như thế nên các cô con gái cũng tốt là một chuyện thường.
Hắn thở dài, nét mặt hơi buồn: “Nhà họ giàu, tiệm sách có tới mấy tầng lầu ở ngoài mặt đường, còn mình thì nghèo rớt mồng tơi không đáng xách dép cho họ. Tớ nói thật, nếu tớ được học bổng đi du học bên Mỹ kỳ này, đậu xong tiến sĩ tớ sẽ trở về, quỳ xuống dưới chân cô ấy, nói với cô ấy rằng nhờ cô cho giấy tờ lập hồ sơ nên tôi mới được du học, không bao giờ tôi dám quên ơn cô...”.
Tôi bật cười: “Cậu ngốc thấy mẹ, nếu đậu thì đến báo tin từ trước khi đi cho người ta còn chờ đợi chứ đậu xong tiến sĩ, hàng chục năm trời, họ lấy chồng mất tiêu rồi thì lúc ấy có ngồi mà khóc!”.
“Ừ há, mình cũng ngu thật. Nhưng biết họ có đợi hay không?”.
“Tại sao lại không? Vấn đề là cậu có thắng được mấy người kia hay không chứ nhà giàu thì họ khôn lắm, họ dư biết giá trị của một thằng học sinh nghèo được học bổng du học bên Mỹ”.
Và tôi nói thêm: “Ngoài ra, sang đấy ăn ở ra sao, học hành thế nào cậu luôn luôn viết thư về cho em chứ đâu phải như Kinh Kha sang Tần, một đi là không trở lại”. “Ờ há, vậy mà tớ không nghĩ ra, tớ phải ghi địa chỉ tiệm sách nhà em mới được”.
Thế rồi hắn đậu thật, hơn 200 người, lấy có 2 người, khó chứ không phải dễ. Tội nghiệp, trước khi đi hắn vẫn còn nghèo bởi vì sang bên ấy, vào học trường nào rồi người ta mới trả lại tiền vé máy bay và bắt đầu cho lãnh học bổng chứ không phải họ đưa trước.
Mọi thứ chi phí như mua sắm va-li, giày dép, quần áo mặc trong mùa lạnh, kể cả tiền vé máy bay v.v... đều là của Cha (LM) cho. Cha còn nói hôm hắn đi, Cha bận không đưa tiễn được nhưng sẽ cho tài xế chở hắn ra phi trường.
“Rồi ông cụ bà cụ cậu ở dưới Cái Sắn có lên không?”.
Hắn lắc đầu, vẻ mặt buồn buồn:
“Không, gia đình tớ nghèo lắm, không có bà con anh em gì ở trên này. Bố mẹ tớ nói lên đây vừa tốn tiền lại vừa làm phiền Cha, không có chỗ ở chẳng lẽ lại ở nhờ Cha trong nhà thờ”.
Tôi tưởng tượng ra cảnh hôm hắn đi, chắc chỉ có mình tôi và người tài xế của Cha đưa hắn ra phi trường. Nhưng ra đến đấy người tài xế sẽ quay trở lại chứ đâu có tiễn làm gì, chung quy chỉ có mình tôi mà thôi.
- “Cậu đã đến từ biệt cô bé chưa?”.
- “Có, tớ có đến nhưng cô ấy mắc đi học, chỉ gặp bà mẹ. Tớ kể cho bà ấy nghe chuyện cô bé cho giấy tờ làm đơn, nhờ đó tớ mới được du học, tớ đến chào từ biệt và gửi lời nhờ bà cám ơn cô bé giùm”. “Bà ấy có nói gì không?”. “Có, bà ấy xuýt xoa, thế ạ, quý hóa quá nhỉ, tôi không biết gì hết chứ nếu biết tôi đã mời cậu đến nhà dùng bữa cơm thân mật.
- Bao giờ cậu đi? –
- Dạ, thưa sáng mai. –
- Sáng mai, sớm vậy sao? Vậy là không kịp rồi, cậu không đến đây từ trước. –
Bà ấy tiếc lắm. Tớ cám ơn bà ấy rồi đi...”. “Đó, cậu thấy chưa, tớ đã nói nhà giàu, nhất là một tiệm sách quen với chữ nghĩa, họ không dại gì mà không biết giá trị của con người”, và tôi giục:
- “Cậu đến nữa đi, phải gặp cô bé bằng được và dặn cô ấy chờ đợi, học xong cậu sẽ trở về”. Hắn lắc đầu:
- “Không dám đâu, đến sợ lại gặp bà ấy nữa tớ mắc cỡ lắm. Dù sao cô ấy cũng hãy còn nhỏ...”.
- “Trời đất ơi, 15-16 tuổi mà nhỏ cái gì! Sang đấy cậu phải học cử nhân, cao học, tiến sĩ, ít nhất cũng 8 năm nữa. Lúc ấy cậu khoảng 28, cô bé 24, chả nhỏ một tí nào cả”. Hắn khẽ thở dài:
- “Nói thật với cậu, từ bé tới lớn tớ khổ sở quá nên không dám nghĩ tới chuyện cao xa. Trước khi ra đi, tớ chỉ mong được nhìn thấy cô ấy một lần, được nghe thấy cô ấy nói một tiếng là sung sướng lắm rồi. Sang đấy tớ sẽ cố gắng học hành để đền đáp ơn nghĩa cô ấy...”.
Thật kỳ cục, có đáng gì đâu mấy tờ sơ yếu lý lịch, mấy tờ mẫu đơn tiếng Việt phải dịch sang tiếng Anh để nộp cho cơ quan UNESCO mà tên bạn tôi lại đặt nặng vấn đề đến thế?
Nếu cô bé không xinh xắn, tính tình không vui vẻ và không có lòng thương người thì hắn có mê cô ta đến mức đó hay không?
Tưởng tượng tới cảnh hắn lên máy bay chẳng có ai đưa tiễn, tôi nghĩ ra cách là ngay buổi chiều hôm đó đến tiệm sách kể hết mọi chuyện với bà mẹ. Có cả cô bé cũng có ở đấy. Nghe tôi kể, cô chỉ cúi mặt mỉm cười, hai gò má ửng hồng còn bà mẹ thì rất chú ý.
Cuối cùng, bà cười dễ dãi: “Hồi sáng cậu ấy có đến đây, tôi có biết mọi chuyện. Ý cậu là muốn nhờ em Trúc đi tiễn cậu ấy giùm phải không?”.
“Vâng ạ”.
“Mấy giờ thì cậu ấy lên máy bay?”.
“Dạ thưa 11 giờ 30, nhưng phải đến sớm ít nhất 2 tiếng đồng hồ để nó còn vào làm thủ tục”.
“Có, tôi biết. Sáng mai Chủ nhật em Trúc đi được. Vậy khoảng 8 giờ 30 cậu đến đây đi cả với em cho vui. Chắc có em Thanh cũng đi nữa”.
Tôi đoán Thanh là tên người con gái lớn của bà.
“Dạ, vâng ạ”.
Cô bé vẫn cúi mặt cười, tay cầm cây bút Bic không mở nắp vẽ vẽ bâng quơ trên mặt tủ kính quầy hàng cho đỡ mắc cỡ, chắc cô cũng quên không nhớ mặt hắn.
Sáng hôm sau, tôi đến. Hai cô con gái mặc juýp theo kiểu đơn giản thời đó, cô lớn juýp trắng, cô bé juýp hồng nhưng cũng rất đẹp.
Nhất là cô chị, cô có thoa chút phấn hồng nên lại càng đẹp, tôi nghe đâu đây thoang thoảng mùi thơm của phấn son hay của hương trinh nữ?
Ôi chao, đời đẹp quá, tôi, một thằng sinh viên bắt đầu học năm thứ nhất ĐHSP, nhà nghèo, mẹ làm thợ dệt nhưng đứng bên cô, ngửi mùi hương ngan ngát đó tôi vẫn thấy đời đẹp như thường.
Chắc cô cũng có cảm tình với tôi, thấy trong lúc đợi xe taxi, cô đứng sát bên cạnh tôi. Bà mẹ tiễn ra tận vỉa hè. Bà đưa tiền cho cô lớn: “Đây, tiền đây, nhớ trả tiền cho anh, đừng để anh trả nghe con!”. Cô không cầm, giọng con gái Bắc ngọt như mía lùi: “Con có rồi mẹ!”.
Chúng tôi đến. Hắn đang đứng một mình bên cạnh chiếc va-li hơi cũ, có lẽ của Cha cho mượn và một chiếc túi xách để trên mặt chiếc va-li đó.
Thấy chúng tôi tới, hắn cứ ngớ ra coi bộ hết sức ngạc nhiên. Tôi cười, giới thiệu:
- “Đây là cô Thanh, chị của cô Trúc. Còn đây là cô Trúc, người bạn vẫn nhớ ơn đó. Các cô thân hành ra đây tiễn bạn...”. Hắn không ngờ mình được hân hạnh đó nên lúng túng như gà mắc giay thun, mỉm cười khẽ gật đầu chào. Các cô chào lại. Cô chị nói:
- “Chúng em đến tiễn anh, chúc anh lên đường mạnh giỏi. Thỉnh thoảng anh nhớ viết thư về cho Trúc”.
- “Vâng, cám ơn các cô, thế nào tôi cũng phải viết”.
Tôi cười:
- “Được viết thư cho người đẹp sướng thấy bố rồi lại còn phải viết với không phải viết. Sao nào, nếu học xong tiến sĩ kinh tế, có trở lại thăm cô Trúc không nào?”.
Hắn cười, mặt đỏ bừng, bây giờ tôi mới thấy hắn nói được một câu có thể coi là thông minh:
- “Có chứ, đó là mơ ước lớn nhất trong đời mình, nếu hai cụ nhà cho phép và cô Trúc sẵn sàng chờ đợi”. Cô chị hỏi: “Học tiến sĩ thì mất chừng bao lâu hả anh?”.
Hắn nói: “Khoảng chừng 8 năm, sớm nhất cũng phải 6 năm. Bên Mỹ nếu cố gắng vẫn có cách học vượt thời gian như vậy. Bên mình thường thường là phải 10 năm...”.
Cô chị nói:
- “Lúc ấy Trúc mới 22 hay 24 tuổi, còn sớm chán”.
Tôi cười, nói đùa:
- “Sao, ‘cô bé đẹp’, có đợi được không thì cho biết ý kiến?”.
Cô bé chỉ cúi mặt cười, không nói gì cả. Tôi hỏi gặng quá bắt buộc cô phải trả lời:
- “Dạ được”. “Được thì ngoéo tay đi, hắn là dân Công giáo, đã nói là sẽ giữ lời, có tôi làm chứng!”.
Cô chị cười: “Em cũng làm chứng luôn”.
Mọi người cùng cười, hắn đã bạo dạn nên đưa tay ra ngoéo tay cô bé khiến cô đỏ mặt nhưng cũng ngoéo lại.
Trời đất ơi, phải chi tôi được ngoéo tay cô chị nữa thì đỡ quá! Nhưng nhà tôi nghèo, mẹ tôi làm thợ dệt, tôi 20 tuổi, còn cô thì khoảng 18 tuổi, kém tôi 2 tuổi, làm sao tôi có điều kiện lấy vợ trong lúc còn đang đi học mặc dầu cô cũng có vẻ quý mến tôi, luôn luôn đứng sát cạnh tôi.
Cuộc tiễn đưa chỉ có thế. Ba năm sau, tôi tốt nghiệp, đi dạy. Thời đó chúng tôi học Đại Học Sư Phạm theo régime 3 năm, các ban khoa học đều phải học bằng tiếng Pháp, thi cử cũng bằng tiếng Pháp. Sau khóa của tôi thì được đổi sang régime 4 năm và đã được chuyển ngữ, học bằng tiếng Việt. Ngoài ra, thời đó các trường trung học đệ nhị cấp dạy tới lớp 12 rất ít, ở các tỉnh lớn mới có, nên tôi đậu hạng 5 mà phải đi xa, Bạc Liêu cách Sài Gòn gần 300 cây số, vài tháng lễ, tết mới về nhà một lần.
Có lẽ cũng đến 5-6 năm, một lần tôi về, thấy trên mặt bàn có tấm thiệp của hắn làm đám cưới với Thanh Trúc. Hai chị em nhà đó có cái lạ là cô em tên Thanh Trúc, cô chị tên Trúc Thanh, ngược lại với nhau.
Phong bì bên ngoài đã có vẻ cũ, bám bụi. Tấm thiệp bên trong đề ngày cưới cách đấy đã hơn hai tháng. “Thằng Khải nó về rồi hở mẹ?”. “Ừ, cậu ấy về, nghe đâu đã đậu tiến sĩ, về làm đám cưới với cô con gái tiệm sách ở gần ngã tư Phú Nhuận. Cả hai cô cậu ấy đến chơi, đem thiệp cưới đến mời anh nhưng tôi nói anh dạy học ở mãi Bạc Liêu, chắc không về kịp. Cậu ấy nói cưới xong sẽ đưa cô ấy sang Mỹ, bao giờ có dịp về sẽ gặp anh sau”. Thời chúng tôi, người Việt ở bên Mỹ rất ít, nên họa hoằn lắm, hễ có ai về Việt Nam cưới vợ thì sau khi cưới xong, đem đi rất dễ chứ không khó khăn, phải làm đủ thứ giấy tờ bảo lãnh mới được đi như bây giờ. Cái thằng đó giỏi thật, lúc nó ra đi thì tôi bắt đầu vào Sư Phạm, học xong 3 năm, đi dạy 6 năm, tức mới 9 năm mà nó đã đậu đạt, đi làm, để dành được tiền về cưới vợ, giỏi thật. Tôi rất phục nó.
Thế rồi tôi được đổi về trường Trung học Dĩ An, Biên Hòa, cách Thủ Đức khoảng 10 cây số.
Năm năm sau, 1975, miền Nam sụp đổ, các giáo viên – giáo sư trung học bây giờ gọi là giáo viên – của 7 trường thuộc hai huyện Dĩ An và Lái Thiêu chúng tôi phải đi cải tạo tại K4 Long Khánh. Người cán bộ giáo dục về tiếp thu các trường thuộc hai huyện đó thấy người ta cách ly các sĩ quan và hạ sĩ quan cảnh sát thuộc hai tỉnh Bình Dương và Biên Hòa tại hai trường An Mỹ và Trịnh Hoài Đức, có du kích gác, rồi sẽ đưa đi học tập cải tạo thì bắt các nam giáo viên chúng tôi đi học tập cho... có tinh thần yêu nước vậy thôi. Hơn sáu tháng trời cải tạo tại K4 Long Khánh, tôi suýt bỏ mạng tại đấy. Bởi vì cơ thể tôi ưa lạnh chứ không ưa nóng. Cứ hễ trời nóng là tôi ho rũ rượi, ở nhà thường uống Terpin-Codein, một thứ thuốc rất rẻ do Việt Nam chế tạo. Đi học tập, trong trại không có thuốc men, lại ăn uống kham khổ nên tôi ho liên tục, ban đêm không ngủ được, thân hình gầy xác như con cá mắm.
Sáu tháng sau, các giáo viên được thả về. Sài Gòn buồn thê thảm và nghèo không thể tưởng tượng nổi. Mẹ và em gái tôi nói chuyện người ta đánh tư sản mại bản (nghĩa là tư sản mất gốc), các tiệm lớn ở Phú Nhuận bị tịch thu nhà cửa, hàng hóa, gia đình bị đuổi đi kinh tế mới, tiếng khóc như di.
Còn ở Chợ Lớn, các tiệm người Tàu sợ quá, ném những cây vải còn nguyên cả xấp và các đồ đạc xuống đường, kệ ai muốn nhặt thì nhặt nhưng chẳng ai dám nhặt.
Em tôi kể thêm: “May hồi trước anh Khải về làm đám cưới với cô con gái thứ hai tiệm sách Thanh Trúc rồi đưa cô ấy sang Mỹ chứ không thì bây giờ bị kẹt, tiệm đó bị đánh, muốn cưới cũng chẳng được”.
Tôi ngạc nhiên:
“Sao, tiệm sách Thanh Trúc cũng bị đánh? Người ta bán sách chứ có làm gì đâu mà đánh?”.
“Có, cả nhà may Bảo Toàn cũng bị đánh, tiệm bị tịch thu, nghe đâu người ta đuổi ông bà ấy lên cái gác xép nhỏ tí mãi tuốt tầng ba trên lầu, bây giờ nghèo lắm”.
Bảo Toàn là nhà may lớn nhất Phú Nhuận, trước đây tôi thường may quần áo ở đấy nên cũng khá quen, ông bà Bảo Toàn rất tốt, đối đãi với khách hàng rất niềm nở, ân cần.
“Tiệm sách Thanh Trúc còn một cô con gái lớn nữa tên là Thanh. Cô có nghe nói gì về cô con gái lớn đó không?”.
“Họ nói cô ấy lấy chồng, có bầu, nhà chồng là một tiệm vàng cũng ở gần đấy.
Hôm đánh tư sản, cả hai tiệm bị tịch thâu, cô ấy buồn quá định tự tử nhưng người ta cứu được...”.
Miệng tôi đắng ngắt. Tôi nhớ đến hôm tiễn Khải ra phi trường, có cả cô chị cùng đi, cô thường đứng sát bên cạnh tôi, cái mùi son phấn thơm thơm sang trọng tôi không thể nào quên được.
Rồi chúng tôi được Ty Giáo dục Sông Bé – Dĩ An trước thuộc Biên Hòa, bây giờ thuộc tỉnh Sông Bé – cho đi học tập chính trị hè sau đó cho đi dạy lại. Nghèo lắm. Lương tôi trước 63 ngàn, bây giờ chỉ còn 41 đồng, nghèo không chịu nổi.
Rồi tôi lấy vợ. Nhà tôi cũng dạy cùng trường nhưng môn Anh văn, tốt nghiệp ĐHSP sau tôi 6 năm. Năm ấy tôi 32 tuổi.
Lương của hai vợ chồng cộng lại chưa đầy 80 đồng. Nhà tôi dạy thêm Anh văn buổi tối cho các học sinh gia đình sắp đi vượt biên hoặc được bảo lãnh. Còn tôi, lúc rảnh tôi dịch truyện bán cho các nhà xuất bản ở trên Sài Gòn, buổi tối giữ con cho vợ dạy học. Giáo viên chúng tôi anh nào cũng gầy như cò bợ, quần áo ngày trước mặc vừa, bây giờ rộng thùng thình, áo thì mặc được còn quần cài dây nịt dúm dím, mặc không được.
Một hôm tôi nghĩ ra cách là khi về nhà ở Phú Nhuận, Sài Gòn thì đem hai chiếc quần tây đến tiệm Bảo Toàn, leo lên cái gác xép tận trên lầu ba theo cái cầu thang bên cạnh, nhờ ông Bảo Toàn sửa lại giùm. Ông đo người tôi, xem kỹ hai chiếc quần tây rồi nói: “Sửa không được đâu. Bây giờ phải tháo hết các đường chỉ ra, ủi cho thẳng rồi cắt lại như cắt quần mới chứ sửa đâu có được”. Tôi hỏi giá cả, ông nói: “Ông là người quen, tôi tính ông mỗi chiếc ba đồng gọi là có thôi”.
Tôi mừng quá, cám ơn rối rít. Ông nói: “Ông thấy tôi khổ như vậy đó. Ngày trước tiệm tôi lớn nhất Phú Nhuận, ngay cả may đồ cho khách tôi cũng chỉ trông nom chứ đã có thợ, đâu phải nhúng tay vào. Bây giờ thì đi may lại chiếc quần, kiếm ba đồng bạc...”
. “Hình như tiệm sách Thanh Trúc bên kia cũng bị đánh tư sản như bên tiệm bác?”.
“Có chứ, tiệm nào hơi có máu mặt một chút mà chả bị đánh. Họ bảo bán sách là toàn các thứ phản động, đáng lẽ họ đuổi đi kinh tế mới nhưng cô Thanh cô ấy tự tử, họ cho cả nhà ở tạm cái bếp ở phía đằng sau”.
Rồi ông nói thêm:
“Nhà bà ấy cũng bị tịch thu hết, nghèo lắm. May nhờ có vợ chồng cô Trúc ở bên Mỹ gửi quà về nên mới sống được”. Tưởng tôi không biết gì về vợ chồng Khải, ông kể:
“Nghe nói người chồng cô Trúc đậu tiến sĩ kinh tế, trước làm trong cơ quan Liên Hiệp Quốc, sau làm giáo sư dạy đại học tại California”.
Rồi ông kết luận:
“Con người ta có số cả. Lúc lấy chồng, cô Trúc mới hăm mấy tuổi, gia đình lại khá giả nhưng vẫn quyết định đi, bây giờ đang bảo lãnh cho cả nhà sang bên ấy đấy. Tôi thấy họ đi được là đúng, gia đình bà ấy đối xử với ai cũng tốt lắm”.
Con người có số hay không tôi không biết, nhưng theo tôi nghĩ, câu chuyện giữa cô bé 16 tuổi tên Trúc và anh chàng học sinh nghèo tên Khải hơi giống chuyện cổ tích của một thời đã qua, nay khó có nữa.

Đoàn Dự
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 22/Apr/2021 lúc 3:39pm

Giải quyết khéo léo những mâu thuẫn trong gia đình

 image

Bạn không thể hòa hợp với một người không muốn hợp tác với bạn đúng không? Hay là bạn có thể?


Marsha đến phòng làm việc của tôi. Cô ấy rất giận dữ vì người chồng Roger của mình. Cô ấy nói rằng anh ấy bị ám ảnh bởi chiếc xe mới, đến nỗi không thèm ngó ngàng gì tới vợ con. “Anh ấy làm việc cả tuần và ra ngoài mỗi thứ Bảy cùng bạn bè bằng chiếc xe ngớ ngẩn ấy rồi dành gần hết Chủ nhật để lau chùi nó. Tại sao chiếc xe ấy lại quan trọng thế? Mình hối hận vì đã đồng ý mua nó! Tồi tệ nhất là Roger còn chẳng nói chuyện với mình về chiếc xe đó. Anh ấy nói mình luôn tức giận, nhưng mình không thể một mình giải quyết chuyện này!”

 

Marsha có đúng không? Rằng bạn sẽ không thể sống hòa thuận với những người như Roger?


image


Thực ra, cách suy nghĩ này sẽ khiến chúng ta yếu thế trong một mối quan hệ và biến chúng ta thành nạn nhân của việc người khác sẵn sàng hay không sẵn sàng hợp tác với chúng ta. 

 

Sự thật là bạn có đủ khả năng để tự điều chỉnh các mối quan hệ của mình. Tôi không nói rằng điều này là dễ dàng. Nó cần tư duy chiến lược, khả năng bao dung những tình huống “bất công” và cả lòng quyết tâm. Tuy nhiên, mọi người thường chọn mắc kẹt trong tình trạng khốn khổ lâu dài mà không tạm thời gạt bỏ lòng kiêu hãnh sang một bên để khiến tình huống tốt đẹp hơn.

 

Một mối quan hệ cũng giống như một trận đánh tennis 

 

image

Giống như một trận bóng tennis, mỗi người trong một mối quan hệ hành xử và phản ứng trước hành vi của người khác.

 

Mối quan hệ được hình thành từ sự hợp tác giữa hai bên. Mỗi người đều hành động và đáp lại hành động của nhau, nếu bạn thay đổi cách hành xử của mình, thì người khác không thể không thay đổi cách họ đối xử với bạn. Hãy tưởng tượng rằng một mối quan hệ cũng giống như một trận tennis. Nếu bạn đánh một cú thấp thì đối thủ của bạn sẽ lao đến và đánh trả lại bạn.

 

Nhưng nếu bạn đánh qua đầu họ thì họ sẽ lùi lại. 


image


Có thể bạn sẽ phản đối rằng: “Đối thủ của tôi thậm chí còn không muốn chơi trận đấu. Họ cứ để quả bóng bay sang thôi”. Miễn là các bạn vẫn còn liên lạc với nhau thì các bạn không thể nào không tác động lẫn nhau. 

 

Khi chúng ta làm điều gì đó với người khác, phản ứng của họ tương đối dễ đoán. Ví dụ, nếu bạn thể hiện rằng mình đang lắng nghe họ và thật sự quan tâm tới những gì họ nói, họ sẽ chia sẻ với bạn nhiều hơn. Nếu bạn công nhận họ, họ thậm chí còn cảm thấy gần gũi và tin tưởng bạn. Nếu bạn mắng mỏ và chỉ trích họ, họ sẽ tạo khoảng cách và xây một bức tường. Nếu bạn giận dữ và hét vào họ, họ sẽ làm theo điều bạn muốn nhưng họ sẽ tăng trưởng sự oán hận và tìm cách báo thù bạn. Nếu bạn phớt lờ họ, họ sẽ tìm người khác để thân thiết. 


image


Trong ví dụ của chúng ta, Marsha cảm thấy bị tổn thương vì Roger ngày càng dành ít thời gian cho cô ấy, và cô ấy phản đối bằng cách mắng mỏ Roger. Roger phản ứng bằng cách tạo thêm nhiều khoảng cách và từ chối bàn luận về chủ đề mà thường dẫn đến tranh cãi này.

 

Chúng ta có thể làm gì?

 

Bạn muốn chuyển từ trạng thái chịu đựng một cách bị động sang chủ động gây dựng mối quan hệ với người khác không? Nó phụ thuộc vào cách bạn muốn thay đổi mối quan hệ của mình. Bạn cần phải tìm hiểu những động lực tạo nên mối quan hệ của bạn hiện tại, biết được những gì bạn thật sự muốn, lập kế hoạch để thay đổi, bắt đầu kế hoạch, đánh giá kết quả và điều chỉnh nếu cần thiết. Bạn có thể làm theo những chỉ dẫn dưới đây. 


image


Suy nghĩ về tình trạng mối quan hệ hiện tại của bạn. Tự hỏi bản thân mình những câu hỏi sau: Điều gì đã xảy ra giữa hai người? Bạn cảm thấy thế nào về đối phương? Họ cảm thấy thế nào về bạn? Làm thế nào bạn biết đó là cảm xúc của họ? Có khả năng nào khác không? Các bạn đối xử với nhau thế nào? Không nên để thành kiến hoặc cảm xúc ảnh hưởng đến cách bạn nhận thức hay khiến bạn mù quáng trước thực tế. Để mọi chuyện thay đổi tích cực, bạn cần phải chấp nhận sâu sắc rằng bạn đang ở đâu. Họ sẽ trả lời những câu hỏi này thế nào? Bạn có thể hỏi họ nếu họ sẵn sàng trả lời. 

 

Hãy suy nghĩ xem cách bạn muốn mối quan hệ này. Tự hỏi bản thân những câu hỏi sau: Tôi muốn mối quan hệ này khác đi như thế nào? Đối phương sẽ hành xử khác biệt ra sao nếu điều này xảy ra? Tôi sẽ làm gì khác đi? Cảm xúc của hai người về nhau sẽ thay đổi thế nào? Làm cách nào tôi chắc chắn rằng sự thay đổi tôi muốn sẽ xảy ra? 


image


Đề ra một chiến lược. Hãy trả lời các câu hỏi sau cho chính bạn. Tôi đã làm những gì mà góp phần tạo ra vấn đề trong mối quan hệ của mình? Điều gì khiến tôi tiếp tục hành vi đó, mặc dù nó đi ngược lại những gì tôi muốn? Tôi có thể thực hiện những hành động nào để bắt đầu chuyển mối quan hệ theo hướng mà tôi quyết định? Có vô vàn cách thức để thực hiện điều này.

 

Nếu bạn không chắc chắn phải làm gì, hãy thực hiện một số nghiên cứu, chủ động hỏi đối phương xem họ nghĩ cách nào sẽ có tác dụng hoặc nhờ chuyên gia trợ giúp nếu cần.

 

Hãy sẵn sàng trở thành người thay đổi trước. Thông thường, chúng ta không muốn thay đổi trước vì chúng ta cảm thấy điều đó thật bất công và chúng ta nghĩ rằng người kia mới cần thay đổi. Chúng ta cảm thấy chúng ta đang thất thế. Tuy nhiên, suy nghĩ này sẽ khiến bạn bị mắc kẹt. Bạn sẽ mất sức mạnh và sự ảnh hưởng khi đợi người khác hành động trước. Hãy cố gắng thay đổi và coi đó là vì sự phát triển của cá nhân bạn, thay vì đợi người khác làm. 


image


Nếu bạn muốn yêu cầu điều gì từ người khác, thì hãy thẳng thắn và rõ ràng. Mọi người thường đòi hỏi một cách gián tiếp hay đơn giản là chỉ trích người khác vì đã không làm vậy. Ví dụ, thay vì nói “Anh chẳng bao giờ gọi cho em cả!” thì hãy nói “Em thực sự muốn anh gọi cho em nhiều hơn, em nhớ anh và cảm thấy buồn vì chúng ta không thể gần gũi. Em thực sự quan tâm tới anh và mối quan hệ của chúng ta, và cảm thấy tốt hơn sau khi chúng ta trò chuyện.” Bạn sẽ chọn cách đối thoại nào? Chúng ta thường đòi hỏi người khác gián tiếp thông qua những lời chỉ trích vì chúng ta sợ rằng người khác sẽ từ chối chúng ta, nhưng chỉ trích sẽ phá hỏng mối quan hệ, đẩy người khác ra xa và khiến họ không muốn làm những gì chúng ta muốn, hoặc họ chỉ làm điều đó để tránh sự phàn nàn của chúng ta. 

 

Đừng bị những kỳ vọng đánh bại. Nếu những nỗ lực đầu tiên của bạn không có tác dụng, hãy đánh giá lại tình hình, điều chỉnh và thử lại một lần nữa. Bạn sẽ chỉ bị đánh bạn nếu bạn bỏ cuộc!

 

 

 

Micheal Courter _ Thiên An

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 24/Apr/2021 lúc 8:20am

Những thằng già nhớ mẹ

 image

Nụ cười của mẹ già không phải là nụ cười vì tiền vì bạc, vì chén cơm manh áo, vì quyền bính thế gian. Đó là là nụ cười mãn nguyện khi con cháu ở bên mình, vẫn chưa quên mình…


Hai mươi năm trước, ông tổng giám đốc công ty tôi mất mẹ. Lúc đương quyền, ông đem mẹ vào Sài Gòn ở với ông. Khi ông về hưu, bà đòi về quê ở vùng ngoại ô Hà Nội và mất ở đó. Tôi đến thăm khi ông trở lại Sài Gòn được vài tháng.

 

– Tuổi già được về quê sống những năm tháng cuối đời, rồi mất nhẹ nhàng như thế thì còn gì bằng, tôi an ủi.

 

– Mất mẹ tớ cảm thấy như thiêu thiếu thế nào ấy…

 

– Thiếu cái gì?

 

– Tớ muốn trồng giàn bầu hay giàn mướp ở sau nhà cho mát, trồng cây nào khác hay hơn vì tớ sợ kiến… Tớ vẫn hay hỏi bà những chuyện lặt vặt như thế. Tớ sinh ra ở quê, nhưng có sống ở quê đâu. Bây giờ bà mất, tớ chẳng biết hỏi ai…

 

Hồi đó tôi chưa quá 40, còn mẹ, thấy cái thiêu thiếu của ông đúng là lẩm cẩm. Mấy chuyện vặt đó hỏi đâu chẳng được. Bây giờ thì tôi mới cảm nhận được cái thiêu thiếu của ông là thế nào.


Tôi có thằng bạn hồi trung học. Tay này quậy phá thầy cô dàn trời. Trường đuổi học, mời phụ huynh đến thông báo. Mẹ nó đến, đứng khoanh tay như người phạm tội, nhẫn nhục nghe thầy tổng giám thị trút cơn thịnh nộ, hài tội thằng con gần nửa tiếng đồng hồ.

 

Mẹ nó chảy nước mắt: Nhà cháu nghèo, chạy cơm từng bữa cho anh em nhà nó có cái ăn. Nhà cháu lại không biết chữ, biết thế nào mà dạy nó. Nhờ thầy cô thương đến mà dạy dỗ. Đuổi học, thì nó học ở đâu? Ra trường tư làm gì có tiền. Trăm sự nhờ thầy thương cháu, roi vọt cho cháu nên người. Để rồi tối về, nhà cháu răn đe nó…


image


Cơn thịnh nộ trôi qua, dường như thương cảm với người đàn bà quê mùa trước mặt, thầy tổng giám thị rồi cũng bỏ qua. Tôi và thằng ông mãnh đó lấp ló ngoài văn phòng theo dõi. Nó cười hi hí khi biết mình tai qua nạn khỏi. Chưa hết, hôm sau nó hớn hở, may quá, bà già tao giấu biệt chuyện này với ông già, nếu không thì… hì…hì…

 

Nó tiếp tục quậy phá, nhưng kín đáo hơn, quậy phá cho đến khi vào lính vẫn còn, nên lãnh “củ” đều đều. Lần này thì chẳng ai nhẫn nhục thay cho nó. Hôm rồi, thằng ông mãnh về nhà sau ca làm đêm ở Mỹ, ngồi uống rượu một mình, lướt “net”, đọc được bài “Cá bống kho tiêu” nào đó trên mạng, gọi phone cho tôi từ Mỹ, nói rằng tự nhiên nhớ mẹ, rồi khóc hu…hu… qua điện thoại: Cả đời tao làm khổ bà già. Bà già bệnh, tao bận việc, cứ hẹn lần, không về chăm sóc được. Bà già mất, tao về, không kịp nhìn mặt… Tiền bạc bây giờ có ích gì… Mẹ nó mất cũng gần 10 năm rồi… Càng quậy phá, càng mềm nhũn. Nguôi ngoai gì nổi!

 

Mẹ tôi mất hồi đầu năm. Thấy tôi buồn, thằng bạn học rủ về quê nó ở Châu Đốc chơi cho khuây khỏa. Chén thù chén tạc, say túy lúy, cả bọn chuệnh choạng kéo nhau đi hát… karaoke.

 

Thằng bạn cầm micro: Xin giới thiệu với các anh em Châu Đốc, thằng bạn tôi đây ở Sài Gòn vừa mất mẹ. Tôi xin hát tặng nó bài… “Bông hồng cài áo”… Rồi nó say sưa hát, động tác biểu diễn như một ca sĩ chuyên nghiệp. Bỗng nhiên giọng hát run run… Nó khóc nấc lên… Cách đây hai năm, tôi về Châu Đốc dự đám tang mẹ nó. Nó hát cho tôi hay hát cho nó?


BM

https://www.youtube.com/watch?v=siCuYbaKilg


Chuyện khác, lần này không phải thằng già, mà là…bà già. Tôi có cô bạn người Ý trạc tuổi, mỗi lần về Milan, ra nghĩa trang thăm mẹ, mang theo thỏi chocolate, ngày xưa bà thích ăn (mà cô ta cũng thích nữa), bẻ chocolate, cùng ăn với cái… bóng mẹ. Chocolate Tây thay cho nhang đèn Ta, cũng chỉ là tấm lòng. Mẹ cô ta mất cũng 10 năm rồi.

 

Lại có thằng, có thức ăn hay trái cây nào hay hay, lại mang để trên bàn thờ mẹ, và đặc biệt chỉ thích món ăn lấy từ bàn thờ mẹ. Khách đến chơi, thân thiết lắm, mới mang đồ cúng mẹ xuống đãi. Hỏi vì sao? Ừ, thì cũng như hồi xưa bà cho mình ăn vậy, có đồ gì ngon cũng để dành cho mình…

 

Mà có thằng con nào, dù có làm tới cái ông gì vĩ đại đến đâu lại trưởng thành dưới con mắt của mẹ mình đâu nhỉ? Có thằng 6 bó rồi, xách xe ra khỏi nhà, vẫn bị gọi lại, lại quên mang nón (bảo hiểm). Mùa mưa, trời chưa mưa, ngồi một chỗ, nhưng vẫn gọi với thằng con, nhớ mang theo áo mưa.

 

Tôi có thằng bạn trẻ người Đức chừng… 50, ra ngoài đường cũng bị bà già “vịn” theo kiểu đó Alex, quên mang dù! Thằng này lúc nào cũng tự hào vì còn mẹ. Nó khoe: Từ hồi tôi qua Việt Nam, mẹ tôi lấy làm lạ vì tôi quan tâm tới bả khác xưa nhiều lắm. Bả vui! Alex làm ăn ở Việt Nam hơn 12 năm rồi.


image


Bông hồng đỏ hay bông hồng trắng cho Ngày-của-Mẹ, đối với tôi chỉ là biểu tượng, chẳng ép phê gì. Ký ức về mẹ, dù gần hay xa, mới là điều nhức nhối. Tuổi càng cao, càng dễ quên chuyện trước mắt, nhưng càng nhớ chuyện xa xôi. Tuổi đời, tình đời trải miết rồi, nay nhớ về mẹ, thấy mình còn biết bao điều thiếu sót và day dứt, cứ giá mà… giá mà…

 

Hồi nhỏ học “Nhị thập tứ hiếu”, có chuyện lão Lai, già khú đế ra rồi mà còn làm trò hề, giả vờ té ngã như con nít để mẹ cười. Tôi thấy ông này giễu dở. Bây giờ tôi muốn giễu dở như ông cũng không được. Nụ cười của người già, dù là móm mém, dù là mù lòa, nghễnh ngãng… nhớ lại, sao thấy hiền quá. Nhớ tận đáy lòng. Day dứt và ân hận là thế! Làm sao thời gian có thể lùi lại để ngồi giã trầu, đấm lưng và chiêm ngưỡng nụ cười móm mém?


BM

https://www.youtube.com/watch?v=OK1vA9zHhJQ


Nụ cười của mẹ già không phải là nụ cười vì tiền vì bạc, vì chén cơm manh áo, vì quyền bính thế gian. Đó là là nụ cười mãn nguyện khi con cháu ở bên mình, vẫn chưa quên mình…


Các bạn trẻ hẳn có nhiều cơ may còn mẹ. Hãy biết trân trọng và tận dụng thời gian bên mẹ. Tôi biết (cũng như tôi ngày xưa), cách biện minh dễ nhất là bận việc và hẹn lần.

 

Thời gian chẳng quay lại, và cũng chẳng làm nguôi ngoai nỗi nhớ đâu! Những giọt lệ già mà nhớ mẹ, như nuốt ngược vào tim, mặn biết chừng nào!

 

 

 

Vũ Thế Thành


image
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 26/Apr/2021 lúc 3:17pm
Tôi Đã Thấy

Image%20result%20for%20tam%20the%20bai

Một buổi sáng radio tuyên bố
Chỉ một câu, thành phố ngẩn ngơ
Ngoài đường dân chúng bơ phờ
Nhìn nhau chết lịm, bất ngờ nghe tin


Chuyện%20thắng%20–%20thua%20sau%20ngày%2030%20tháng%204%20năm%201975%20|%20Tiếng%20Dân

Trời đất sụp đổ, kinh thiên động
Cuộc đổi ngôi, thất vọng bao người
Dòng xe tán loạn mọi nơi
Ba mươi ngày cuối, thay đời từ đây


Cam%20Ranh,%2030%20Tháng%203%20năm%201975.%20–%20biển%20xưa

Một tây tháng năm mây che phủ
Bởi Sàigòn đổi chủ thay tên
Ghe cây vượt sóng lênh đênh
Bến bờ hun hút, buồn tênh cõi lòng


Cầu%20sắt%20Dakao%20-%20Vụ%20cháy%20lớn%20ở%20khu%20vực%20gần%20chợ%20Bà%20Chiểu%20ngày%2011-4-1975%20do%20CS%20%20gây%20ra%20khi%20chiến%20tranh%20gần%20kết%20thúc%20|%20Vietnam%20history,%20South%20vietnam,%20%20Danang%20vietnam

Người ở lại sống không bằng chết
Biết làm gì vì hết tương lai
Vật vờ nhân kiếp từng ngày
Mặc đời đưa đẩy, đắng cay nuốt vào


Tổng%20tiến%20công%20và%20nổi%20dậy%20mùa%20Xuân%20năm%201975:%20Nét%20độc%20đáo,%20sáng%20tạo%20của%20nghệ%20%20thuật%20quân%20sự%20Việt%20Nam

Tôi vẫn nhớ buổi sáng ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm, khoảng mười giờ sáng đường xá tán loạn, đông nghẹt chân người chạy tứ phía. Sau đó, tin động trời oang oang từ chiếc radio phát sóng rung động không gian.

Lời kêu gọi của một nhân vật làm ngừng đập bao trái tim kiêu hùng. Những người đã từng xông pha chiến trận, ngăn chận giặc thù từng đêm trong ánh hỏa châu tung chớp giữa màn đêm; Khi mà súng nổ đùng đùng luôn bắn phá xóm làng.

Trước mặt tiền đường Trần Quốc Toản là trường đua Phú Thọ, là nơi đóng quân của binh chủng Biệt Động Quân vào những ngày cuối. Trời ơi, sau lời tuyên bố kinh thiên động địa đó, giày sauts, quần áo màu hoa rừng đã bị cởi bỏ thật nhanh và vất ngổn ngang đầy trong sân nhà tôi.

Nhìn sắc mặt quí anh, tôi thấy in hằn nỗi suy tư buồn bã đến rã ruột. Trong từng cử chỉ thiểu não như muốn nói lên điều gì uẩn kín trong tận trái tim sâu lắng của mình nhưng đã quá muộn màng. Lệnh buông súng bức tử, đầu hàng vô điều kiện. Còn gì buồn hơn nữa!

· Có ai thấy được nỗi thất vọng của những trái tim kiêu hùng đã từng vào sinh ra tử giữ gìn non sông bờ cõi KHÔNG?

· Có ai thấu hiểu cái nghẹn ngào tức tưởi trong từng thớ thịt, trong từng mạch máu tê cứng của mấy anh KHÔNG?

· Có ai thấy ngàn giọt nước mắt đau khổ tuyệt vọng lăn dài trên gương mặt chai sạm màu phong sương của những lần giao tranh quyết liệt, khi mà chiến trường khói lửa vang trời cần có những chàng trai trẻ gan dạ này KHÔNG?

· Có thước đo nào có thể đo được cái uất ức bức tử trong trái tim vỡ nát ngàn mảnh vụn, đang rướm máu đào tuôn chảy thành dòng, khóc cho vận nước điêu linh, kết thúc trong tủi nhục này KHÔNG?

· VÂNG ….. Tôi đã thấy!

Vì chính tôi đã chạy vào nhà lấy quần áo cho mấy anh thay để tản hàng đi về nhà. Và tôi cũng đã khóc cho gia đình mình và chính bản thân tôi.

Kính thưa quí độc giả, giây phút đó buồn tê tái, buồn não nuột, buồn thê lương…không còn lời nào có thể diễn tả cho hết nỗi buồn chết lịm tim gan.

Bạch Liên

Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 26/Apr/2021 lúc 3:19pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 135 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.439 seconds.