Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: NIỀM TIN & HY VỌNG&GƯƠNG TỐT&CHIA SẼ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 136 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22125
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 19/Apr/2023 lúc 4:31am

ĐÊM MƯA NHỚ MẸ  <<<<<<

Long%20Hồ%20Vĩnh%20Long:%20Đêm%20Mưa%20Nhớ%20Mẹ


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 19/Apr/2023 lúc 4:33am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22125
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 23/Apr/2023 lúc 11:26pm

Không phải đợi đến bây giờ tôi mới cám ơn nước Mỹ. Tôi cám ơn nước Mỹ từ khi tôi quyết định đi Mỹ định cư.

Thật lòng mà nói lúc ấy tôi rất phân vân không biết có nên bỏ tất cả để ra đi không? Tôi yêu căn nhà và mảnh vườn này lắm vì đó là kỷ niệm, là  công sức và mồ hôi. Từng viên gạch, từng chút xi măng vợ chồng tôi tiết kiệm để xây dựng nên. Những đêm trời có trăng chúng tôi hì hục khiêng đất đắp nền. 

Căn nhà do hai vợ chồng tôi thiết kế. Thợ, vật liệu xây dựng do nông trường cung cấp và thầu đứng ra thực hiện. Đó là chương trình xây nhà cấp bốn cho công nhân. Chúng tôi trả thêm tiền thợ và mua thêm vật tư để làm theo bảng vẽ của mình. Tôi xin ba tôi một cây sắt dài để giữ độ cân bằng chắc chắn khi làm thêm một tầng gác cho con. Tôi xin được một cây cao su già thanh lý, mướn thợ xẻ ra, tẩm dầu pha nhớt mấy dạo để giữ cho gỗ không bị mọt dùng để làm sàn gác. Từng chút, từng chút như con chim tha rác về xây tổ, chúng tôi tạo một tổ ấm cho các con. Bao nhiêu năm mất sạch vì chiến tranh, vợ chồng ly tán, con cái đói khổ, chúng tôi khao khát có một mái nhà và một mảnh vườn riêng. 

Ngoài đất nhà do nông trường cấp, tôi mua thêm một ít đất ruộng tư nhân sát đó dự định sẽ trồng dừa, sầu riêng và chôm chôm để tạo lập một mảnh vườn. Tôi đã bỏ hết thời gian miệt mài trên từng luống rau, tấc đất. Cũng may nhờ mấy năm gian khổ ở hợp tác xã nông nghiệp Hải Lăng- Quảng Trị tôi đã biết chút ít về trồng trọt. Hai bàn tay chai cứng khô cằn đã giúp tôi miệt mài lao động mà không sợ xấu, sợ dơ. 

Tôi đã từng cương quyết sẽ không làm hồ sơ đi Mỹ. Tôi ở lại VN để lo cho mẹ vì má tôi chỉ có mình tôi là con gái. Bây giờ má tôi đã mất, tôi có đủ điều kiện mà mọi người mơ ước tại sao tôi lại không ra đi. Dưới sự bưng bít thông tin vào thời bao cấp của CS, tôi hoàn toàn mù tịt về một nước Mỹ tự do và quyền lợi của người di dân tị nạn Cộng Sản. Tôi luôn lo lắng "Mình lớn tuổi rồi, mẹ già con dại ở xứ người làm sao để sống".  Nhưng nhìn chồng mất phương hướng, nhìn con với lý lịch ngụy to tổ bố chận đứng  tương lai, nhìn lại mình không giống ai trong xã hội đặt đường lối chính trị làm đầu mà mình thì quyết định không bao giờ làm một đảng viên CS. 


Thú thật ngày còn đi học tôi rất ghét Mỹ. Lý do là có một lần ở Biên Hòa đi học thêm Pháp văn ở nhà thầy Thạc, trên đường đi về tôi đã bị một tên Mỹ đen say rượu từ trong quán bar đi ra rượt tôi chạy có cờ, kẹp tóc văng mất tiêu tôi cũng không dám quay lại lượm. Trong xóm tôi ở trọ có bà mẹ bỏ bê con, đi làm sở Mỹ ăn mặc diêm dúa về nhà lên mặt coi thường chồng. Đứa con gái mới lớn lên đã bị mẹ trang điểm lòe loẹt đem vào sở Mỹ để làm tiền. Đồng tiền đô xanh đỏ đã khiến xã hội suy đồi. Đã khiến những cô gái chân quê thay đổi con người lẫn tính nết đi  bán bar, làm điếm, làm gái bao của Mỹ. 

Cho nên dưới mắt tôi lúc ấy lính Mỹ là nguyên nhân để Việt Cộng tuyên truyền lôi kéo dân chúng, khiến người dân ở ba gọng kìm Việt Cộng, Quốc Gia và Lính Mỹ. Rồi cũng chính Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa để Cộng Sản chiếm trọn miền Nam một cách uất ức. Chính Mỹ đã khiến mọi người dân miền Nam sống dở, chết dở với chính sách cai trị của CS: Đổi tiền, cướp nhà, quản lý hộ khẩu, ngăn sông cấm chợ, tem phiếu, đày đọa khủng bố tinh thần thể xác tù cải tạo. Như vậy qua Mỹ mình làm gì  để sống, Người Mỹ, chính quyền Mỹ tốt hay xấu, họ có giúp mình xây dựng lại cuộc sống tự do không? Đó là câu hỏi luôn hiện lên trong đầu tôi một cách ngu xuẩn. 

Con nhỏ bạn thân từ hồi còn tắm mưa giờ làm giám đốc nông trường nó kéo tôi vào văn phòng:

- Đi Mỹ làm gì? Tuổi này qua Mỹ làm gì để sống. Tao không ký đơn, mày ở lại với tao đừng đi đâu hết.

Anh chàng đảng viên chủ tịch Đoàn Thanh Niên CS HCM nông Trường lại kéo tôi ra sau nói nhỏ:

- Chị đủ điều kiện thì hãy đi đi, đừng nghe lời ai hết. Chị đừng rút đơn lại. Hãy đi cho tương lai các cháu. 

Xung quanh tôi giấc mộng đi Mỹ là ước mơ tối thượng của mọi người dân VN. Người ta liều chết để vượt biên. Mình đủ điều kiện sao lại lo lắng chi những gì chưa tới. Chồng tôi, con tôi cần một chân trời mới để thở và được sống tự do. 

Viết bài này, tôi lục lại giấy tờ còn lưu trữ đã cất hơn 32 năm. Giấy tờ úa vàng đã rách vì giấy lúc đó rất xấu. Hình ảnh tôi, chồng và các con ốm đói hốc hác không giống tôi bây giờ chút nào. Các giấy tờ với mẫu in sẵn các mộc đỏ lòm còn giữ lại:

- Bảng khai xin đi nước ngoài (Lý lịch cá nhân, gia đình ba đời)

- Hộ khẩu

- Khai sinh cá nhân, chồng, con

- Giấy hôn thú

- Quyết định nghỉ việc nông trường

- Giấy xác nhận không thiếu nợ ngân hàng.

-Giấy chứng nhận không còn liên quan đến nhà đất

- Giấy ra trại cải tạo của chồng và tất cả các giấy tờ liên quan đến lý lịch của chồng, mẹ chồng và các con ....

 

Tội nghiệp con gái tôi, từ bé đến giờ vẫn nghĩ tôi là mẹ ruột, bây giờ kinh tế gia đình khó khăn, chúng tôi không đủ tiền để nộp đơn theo hồ sơ HO. Chúng tôi đành phải chọn đi theo dạng con lai để được sự giúp đỡ của Mỹ trong thủ tục xuất ngoại. Tôi không hề biết cha ruột của con tôi họ tên gì , thuộc binh chủng nào nên đành phải đem giấy cho con của mẹ ruột cháu làm bằng chứng trong con nuôi. Ôm đứa con gái đã 23 tuổi vào lòng, tôi nói thật với con, xin lỗi nó và đón nhận những giọt nước mắt tủi thân lẫn cám ơn của con bé. Đây là lúc con tôi báo hiếu cho cha mẹ. 

Hồ sơ đi Mỹ của gia đình tôi được phái đoàn chấp thuận nhanh chóng nhờ tờ giấy ra tù Cộng Sản của chồng và khai sinh con gái nuôi "tàn dư đế quốc". Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với nhân viên của cơ quan nhà nước Mỹ. Một ông Mỹ đẹp trai, hiền hậu, vui vẻ nói tiếng VN rành rẽ. Ông không hỏi gì nhiều, bắt tay chồng tôi, hai thằng nhóc và nói lời chúc mừng hồ sơ đã được chấp thuận. Cả nhà 7 người đều được đi hết kể cả mẹ chồng. Nhưng với hồ sơ này, gia đình tôi không được trực tiếp đến Hoa Kỳ mà phải qua Phi Luật Tân 6 tháng để học cách hội nhập vào nước Mỹ. Mọi chi phí đều do chính phủ Hoa Kỳ đài thọ. Chúng tôi chỉ phải trả tiền máy bay từ VN qua Hoa Kỳ,  trả dần trong vòng 10 năm (nếu tôi nhớ không lầm)

Ngày giỗ đầu của má tôi là ngày tôi nhận được giấy báo lịch trình bay. Đó cũng là ngày em trai tôi lần đầu tiên về nước sau 16 năm di tản ra xứ người. Còn con heo cuối cùng trong chuồng, tôi cho làm thịt để đãi em,  chia tay gia đình, bạn bè và mừng mình sắp xuất ngoại.

 

Trong khi chờ đợi chuyến bay, phái đoàn Mỹ sắp xếp cho gia đình tôi tạm trú tại trung tâm Đầm Sen mười ngày. Tại đây có xe đưa rước để chúng tôi hoàn tất mọi thủ tục hành chánh cũng như khám sức khỏe theo quy định. Gia đình tôi được ở trong một căn phòng khang trang, có giường ngủ chăn êm nệm ấm, ăn ngày ba bữa với cơm trắng phục vụ tận tình. Khi đi khám bệnh hay làm giấy tờ cần thiết, các nhân viên rất lịch sự, nhẫn nại, giúp đỡ hết lòng với một nụ cười thông cảm. Khác với nhà nước ta phải đút lót cán bộ và nhận những câu nói hách dịch, dọa dẫm  như xuất ngoại theo chính sách là tội ác ngập đầu. Những mũi kim chích ngừa của Mỹ nhỏ xíu ít đau, chích xong quăng ngay vào thùng rác chứ không như ở bệnh xá một mũi kim dùng cho bao nhiêu người mà còn phải mài lại mới có thể chích được.

 

Căn nhà vườn tược tôi phải sang tên cho gia đình một công nhân khác theo đúng quy chế nhà nước để nhận một số tiền ít ỏi chi dụng ở Phi. Hành trang đem theo chỉ là quần áo, mỗi người một túi xách cá nhân. Tất cả đồ đạc đều bỏ lại VN như bỏ lại tất cả những gì mình yêu thương và trân quý. Lên tới phi trường cô nhân viên hải quan trề môi khinh bỉ: "Vậy mà cũng đi Mỹ!"  khi nhìn thùng hành lý gửi đi toàn là mì gói và ít vật dụng làm bếp. Nhìn lại mình chúng tôi đúng là dân tị nạn trắng tay.

Rất sợ sự trấn lột của hải quan VN, tôi chia mỗi người giữ một chỉ vàng, em tôi có cho chị 100 dollars, tôi dấu dưới vớ của thằng út. Đó là tài sản của 7 mạng người khi sống 6 tháng ở trại Bataan Phi luật Tân.

Máy bay lên cao rời khỏi Việt Nam để bay qua Manila, tôi rưng rưng nước mắt, nghìn trùng xa cách không biết mình có còn cơ hội trở về thăm. Lòng lo sợ không biết mình qua Mỹ không tiền, không một nghề chuyên môn  làm gì để sống với mẹ già con dại, tuổi đời đã quá 40.

 

Ở trại Bataan mọi người đều được đi học theo số tuổi và khả năng Anh Ngữ của mình. 6 tháng học về văn hóa và đời sống Mỹ chúng tôi dần dần hiểu được quyền lợi được hưởng, những văn minh trong cuộc sống mới tại Hoa Kỳ. Các con tôi sẽ được đến trường mà không tốn một đồng nào. Chúng tôi sẽ được giúp đỡ những bước đầu để hội nhập và sinh sống. Chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ rất nhiều tiền để xây dựng cơ sở vật chất này với nhà cửa, bệnh viện, đội ngũ giáo viên, bác sĩ, y tá, thức ăn và nhiều nhu cầu thiết yếu khác. Tất cả đều làm việc hết sức lịch sự, nhã nhặn, tôn trọng tự do, bình đẳng để mọi người dễ dàng hội nhập với đời sống mới ở Mỹ.

 

Điều đặc biệt và bất trắc trong thời gian chúng tôi ở Phi là cơn bão kéo về đúng lúc núi lửa Pinatubo phun trào. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là động đất và bão cát. Trời ban trưa mà tối sầm như đêm đen, gió thổi, cát bay, nhà rung lắc. Bảy người chúng tôi nằm ôm nhau trên chiếc phản gỗ nhắm mắt chờ chết. Bão tan, cả trại tị nạn bao trùm toàn cát. Cây ngã hàng loạt, những cây xoài lâu năm ngã rạp, tét nhánh nằm vắt trên mái tôn. Mọi người trèo lên nóc nhà cào cát xuống, thu dọn cây cối và dọn dẹp nhà cửa. Nước không có nên trại phải chở nước đến cho mọi người dùng. Phải một thời gian dài mọi việc mới ổn định lại, cũng là lúc chúng tôi hoàn tất khóa học, chuẩn bị mọi thủ tục cần thiết để ra trại và đi Mỹ.

 

Tôi rời VN vào tháng 3/1991. Tháng 9 chúng tôi hoàn tất các khóa học, khám sức khỏe tốt và được lên danh sách chuyến bay đến Mỹ. Máy bay rời khỏi Manila đến Honolulu Hawaii. Tại đây gia đình tôi chính thức làm giấy tờ nhập cảnh. Con gái lớn tôi vì đã 23 tuổi được tách ra một form riêng độc lập. Mẹ chồng tôi cũng một form riêng. Vợ chồng tôi và ba con nhỏ được xếp vào gia đình có con nhỏ dưới 18 tuổi  được trợ cấp theo tiêu chuẩn tị nạn. Tại phi trường Hawaii chúng tôi được chụp hình, lăn tay để làm thẻ An Sinh Xã Hội ( Social  security). Thẻ sẽ gửi về địa chỉ nhà em tôi đã mướn dùm

 

Sau khi thủ tục nhập cảnh hoàn tất, chúng tôi lên chuyến bay thứ nhì về phi trường John Wayne ở Santa Ana, California. Tại đây em trai tôi đã chờ sẵn để đón gia đình chị. Trước khi về nhà, chúng tôi đi ăn tối tại tiệm Mỹ Nguyên, một nhà hàng VN quen thuộc ở Orange County. Tại đây bất ngờ tôi gặp được một người quen gần nhà đã đi Mỹ trước tôi vài tháng. Mừng quá là mừng gặp nhau ngay ngày đầu tiên tới Mỹ. Xe trên đường về Riverside trời đã tối, những cầu xa lộ, phố xá hai bên với ánh đèn điện sáng choang lấp lánh làm gia đình tôi trố mắt nhìn ngưỡng mộ. Khâm phục vì đẹp và văn minh quá chưa bao giờ thấy trong đời.

Căn nhà em tôi mướn dùm gồm 4 phòng ngủ rất khang trang sạch sẽ, thơm lừng.  Giá thuê là 750$ nhưng nếu trả tiền nhà trước ngày 5 tây hàng tháng, ông chủ nhà sẽ bớt 25$. (Khi tôi có lịch bay em tôi đã mướn căn nhà này vì rất gần trường tiểu học và trung học cho các con tôi). Giường, nệm các phòng đều tinh tươm sạch sẽ. Một số đồ đạc em tôi và hội bảo trợ đã chuẩn bị sẵn. Lần đầu trong đời tôi ngủ không giăng mùng mà không có một con muỗi nào bay đến vo ve. Quá mệt mỏi trong suốt chuyến bay, cả nhà tôi ngủ một giấc thật ngon đêm đầu tiên ở  Mỹ.

 

Ngày hôm sau, em tôi chở gia đình tôi đi làm các thủ tục phải có. Làm thẻ xanh cho người lớn, làm giấy tờ nhập học cho trẻ con, các hồ sơ cần thiết để được hưởng trợ cấp ban đầu...

Đến lúc này tôi thật sự an tâm, cám ơn người dân Mỹ, nước Mỹ tận đáy lòng. Tôi không còn sợ chết đói, sợ sống không nhà vô gia cư, sợ con cái thất học. Nước Mỹ đã cho gia đình tôi một cuộc sống ổn định và an toàn. Con tôi đến trường bình đẵng như mọi đứa trẻ tóc vàng mắt xanh da trắng ở xứ sở này. Mẹ chồng tôi ở Mỹ vài tháng là đủ 65 tuổi, bà được hưởng quyền lợi người già mà tôi không thể tưởng tượng được bà sẽ có. Con gái tôi được hưởng trợ cấp mấy tháng theo quy định để tìm việc làm. Hai vợ chồng tôi có con nhỏ nên được hưởng trợ cấp con nhỏ và nhận thêm foodstamp để mua thức ăn. Cứ mỗi lần đi chợ là tôi lại xé tiền trong tập phiếu thực phẩm để trả cho người thu ngân. Hai vợ chồng ghi tên học ESL và được nhận thẻ đi xe bus miễn phí. Tiền trợ cấp chỉ đủ trả tiền nhà và chi tiêu lặt vặt. Foodstamp cũng chỉ đủ ăn nên chưa bao giờ tôi dám mua tôm hay thịt bò. Cứ mua thịt gà hết kho lại rim mặn. Rau lúc đó cũng không rẻ nên thường là ăn bắp cải, cà rốt và khoai lang tây.

Mì tại chợ Mỹ 1 đồng 10 gói vừa ngon, vừa rẻ nên tôi ăn thường xuyên đến nỗi mập đến không ngờ. Bà bác sĩ gia đình bảo phải ngưng ăn vì có quá nhiều tinh bột. Lúc đó tôi không có khái niệm nhiều về ăn uống, chỉ cần rẻ là tốt.


Tuy vậy chưa có khi nào chúng tôi sống vui như thế. Buổi tối gia đình đoàn viên ăn cơm sum họp rồi cùng ngồi học bài với nhau. Một người quen của em trai tôi cho một cái TV và một đầu máy đã cũ. Thế là cứ cuối tuần là vợ chồng, con cái lên xe bus đi thư viện mượn sách và DVD về xem. Bộ phim đám cưới cổ tích của công nương Diana chúng tôi coi không biết bao nhiêu lần. Các con tôi được xem các phim hoạt hình sau giờ học. Những ngày con cái còn nhỏ là những ngày hạnh phúc nhất trong gia đình tôi.

Thời gian trôi qua, các con tôi đều đã lên đại học, con gái lớn có chồng, có con. Chúng tôi đã già và mẹ chồng tôi sống những ngày cuối đời bình an trên đất Mỹ. Nước Mỹ đã cho chúng tôi nhiều thứ mà đất nước tôi khước từ. Sự tự do, bình đẳng và tôn trọng nhân phẩm con người. Chúng tôi đến Mỹ muộn màng không đóng góp được gì nhiều để đền ơn đáp nghĩa. Các con tôi đã thay cha mẹ làm những người lính để phục vụ đất nước này.

 

Mỗi năm nước Mỹ có ngày lễ Thanksgiving, tôi thường đùa nói với các con tôi: " Người Mỹ là những người từng vượt biên như VN ta. Họ là những boat people đầu tiên hiện diện trên đất nước non trẻ này" Cho nên những người VN "Ô Đi Ghe" chỉ là tái hiện lại một hành trình đi tìm đất sống như họ. Người Mỹ tổ chức lễ Thanksgiving cám ơn những người thổ dân đã giúp họ những ngày đầu tiên lập quốc. Người VN mình cũng phải biết cám ơn người Mỹ vì đã đưa bàn tay cứu vớt những người tị nạn lưu vong. 

Nước Mỹ là một nước hợp chủng quốc, có đủ mọi sắc dân, nói đủ thứ tiếng và ban đầu người di dân nào mới đến cũng dùng động từ "To Quơ" để nói chuyện. Mỗi sắc dân đến đây mang theo phong tục tập quán riêng. Theo thời gian họ cộng hưởng nền văn minh của Mỹ để hoàn thiện một nền văn minh mới, vừa không phản bội cha ông vừa làm giàu làm đẹp bản sắc dân tộc mình. 

 

Người Việt mình đến đây nhiều nhất sau 1975  khi nước Việt Nam thay đổi màu cờ. Những ngày đầu người Việt chưa đông như bây giờ. Có những thức ăn người VN rất thích mà người Mỹ lại chê. Thí dụ như lòng gà, lòng vịt, lòng heo, chân gà, móng heo... Bây giờ mấy thứ đó lại khá mắc vì đó là những món ăn khoái khẩu dùng để ...nhậu. Như ngày xưa làm gì có bán giá, rau muống, nước mắm, mắm nêm, mắm ruốc, huyết heo và ...ôi thôi những món mà bây giờ Mỹ không chê mà Mễ rất mê. 


Hiện tại tiệm phở, tiệm bánh mì, bánh ngọt, bánh ướt, bún bò Huế, bò bảy món, lẩu đồ biển của người Việt có mặt trên khắp các tiểu bang của nước Mỹ. Thật lòng người VN mình cũng góp phần không nhỏ trong văn hóa ẩm thực lẫn đời sống của người Mỹ và các nước trên thế giới. Miền Nam Cali, khu vực Little Sài Gòn số lượng người Việt lấn áp người bản xứ. Con cái người Việt đều được cha mẹ cho vào đại học và có công ăn việc làm đời sống ổn định. Số người VN giàu có và trung lưu đã tăng lên thấy rõ. 

Tất cả sự thay đổi đó phần lớn là do sự giáo dục từ gia đình. Không có người VN nào qua đây mà không mong ước cho con học tới nơi tới chốn. Người Mỹ nuôi con tới 18 tuổi thì "Mặc kệ bây" nhưng người Việt ta làm hai ba job để cho con tốt nghiệp đại học, tạo cơ hội cho con phát triển sự nghiệp. Khi con đã ổn định có gia đình cha mẹ sẵn sàng chở dùm cháu đi học hay ở nhà giữ cháu cho con đỡ tốn tiền gửi trẻ.

 

Cuối tháng 3/1975 Đà Nẵng trong cơn sốt. Tôi đã chứng kiến một Đà Nẵng mất mát, xe "Phe thắng trận" tiến vào thành phố. Tháng 3/1991 tôi rời VN lên máy bay đi tị nạn CS. Máy bay đáp xuống Phi Luật Tân và tôi lưu vong từ lúc đó. 

Hôm nay cũng cuối tháng ba, tôi ngồi trước máy computer viết bài này. Ngoài trời mưa vẫn rơi không dứt. Mưa suốt 3 ngày đêm cho miền Nam Cali no nước. Tôi đã bước qua tuổi 75 có còn gì để mất hay còn. 48 năm miền Nam VN đã thay cờ đổi chính thể. Một quê hương xa nửa vòng trái đất để tôi thương nhớ và mất mát. Có ai trong chúng ta không hoài niệm quê nhà, cha mẹ, anh em. Trong tôi ngập tràn nỗi nhớ, càng già càng nhớ nhiều để đêm mưa trăn trở không ngủ được.

 

Đã 32 năm tôi chọn nước Mỹ làm quê hương. Mẹ chồng tôi đã mất, tro cốt được đem về an táng tại quê bà. Chồng tôi chọn theo gió và nhờ sóng biển đi khắp muôn nơi. Tôi cũng vậy, cuộc sống vô thường, mạng sống nhỏ nhoi này nguyện một ngày cũng theo gió về với hư không.

 

Tôi cám ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình tôi. Hệ thống chăm sóc y tế giúp tôi tuổi đời vui vẻ ít bệnh tật. Đời sống văn minh khiến tôi lạc quan có nhiều bạn bè, tận hưởng tuổi vàng an vui yêu đời. Mỗi ngày đi bộ một vòng trong xóm tôi thấy được cái đẹp bình yên của xứ sở này. Tôi thấy mình được nhiều phước báo và tôi cầu nguyện cho mọi người trên thế giới đều bình yên no đủ, được an lạc hít thở không khí tự do.

 

Nguyễn thị Thêm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22125
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 01/May/2023 lúc 6:02am

Vẫn Còn Nước Mắt

 

Tháng tư. Khi cái nóng miền Nam lên đến đỉnh điểm và cờ đỏ giăng đầy lối phố, là đến ngày kỷ niệm. Ngày mà cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng: "Triệu người vui cũng có triệu người buồn."

Người bên thắng trận có triệu người vui, nhưng thật ra trong niềm vui cũng có chất chứa sâu kín nỗi buồn. Hàng ngàn thanh niên miền Bắc sinh Bắc tử Nam, đã đi và không về cho một chiến thắng cuối cùng. Họ nằm lại và cho đến giờ, cuộc chiến tranh chấm dứt đã 43 năm, gần nửa thế kỷ qua rồi, thịt  xương của họ đã thành cát bụi, đã hoà lẫn với đất cát, tro than, cây cỏ. Người thân của họ vẫn trông chờ, tìm kiếm trong vô vọng. Những bà mẹ miền Bắc chiều chiều vẫn ngóng về Nam, thắp nén nhang gọi hồn con về. Cắm nén nhang lên bàn thờ nhiều khi chỉ là khung ảnh trống không có hình, nhiều khi chỉ ghi một cái tên, cũng có khi là chân dung của một người rất trẻ. Họ ra đi trong chiến tranh và không trở về trong ngày hoà bình, thân xác của họ được vùi vội vàng đâu đó và bây giờ không còn dấu tích. Bạn bè, đồng đội trở về nhưng họ không về. Có người cho đến giờ vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Và hàng ngày những bà mẹ già buồn bã vẫn đợi tin con. Ngày lễ chiến thắng nhiều người vui nhưng mẹ lại buồn dù con mẹ là người lính của đoàn quân thắng trận.


Một người không về là nỗi đau không riêng người mẹ, nó là nỗi xót xa, khổ đau của cha, của anh em và còn là nỗi đau của người vợ mất chổng, những đứa con lớn lên không biết mặt cha. Chiến tranh đi qua như một con lốc dữ, để lại những nỗi đau không lấp được.


Hàng dãy mộ bia trùng trùng điệp điệp ở Trường Son, ở các nghĩa trang liệt sĩ, nhiều đến không còn nước mắt để khóc thương.

Người ta có thể tung hô, hùng hồn đọc diễn văn, vui chơi với ngày chiến thắng. Nhưng những bà mẹ, người cha, người vợ làm sao vui khi vẫn chưa tìm thấy hài cốt người thân của mình, hay chỉ thấy con, cháu mình chỉ còn là nấm mồ hiu quạnh.


Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam, trong tất cả các cuộc chiến tranh kể từ sau năm 1945 (bao gồm Chiến tranh Đông Dương, Chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh biên giới Tây Nam, Chiến tranh biên giới Việt-Trung và một số chiến dịch chống thổ phỉ và FULRO), cả Việt Nam có trên 1.140.000 liệt sĩ. Theo tài liệu thống kê của cổng thông tin điện tử ngành chính sách quân đội - Cục chính sách - Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng thì đến năm 2012, toàn quốc có 1.146.250 liệt sĩ và khoảng 600.000 thương binh, trong đó có 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.(Wikipedia)


Bên thua cuộc là hàng triệu người buồn. Họ bị mất nhiều thứ: công việc, nhà cửa, tương lai không biết về đâu? Là chia ly, là ly tán, là những bất hạnh dồn dập.

Họ cũng có những người thân cầm súng chết trong cuộc chiến. Và cũng có rất nhiều người không về. Trong cơn hoảng loạn của tháng ba, cả tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến bị kẹt lại ở biển Thuận An, pháo dội, súng nổ, nhiều người đã chết và vùi thây trong hố chôn tập thể. Trên con đường từ Phú Bổn về trong những ngày cuối tháng tư, bao nhiêu xác người đã nằm lại bên đường, họ nằm đó và cát bụi thời gian phủ thây họ, gia đình bặt tin và lấy ngày đó làm ngày giỗ. Những ngày cuối của cuộc chiến, xác người vẫn ngã xuống và nhiều người bây giờ cũng không tìm thấy xương cốt mộ bia. Rồi khi lá cờ của bên chiến thắng tung bay trên những thành phố, hàng trăm ngàn người vào trại cải tạo, và hàng ngàn người cũng không trở về, họ chết và thân xác được chôn vội vàng giữa vùng đồi núi xa lạ hoang vu. Người thân của họ đi tìm mà mấy người tìm gặp.


Con số 220.357 binh sĩ VNCH tử trận được Lewy dẫn từ tài liệu lưu trữ của Bộ quốc phòng Mỹ, tính từ năm 1965 đến năm 1974. Cộng thêm con số tử trận trong giai đoạn 1974-1975 và trước đó cho ra ước tính khoảng 300.000 tử trận. Nhà sử học R.J. Rummel đưa ra con số ước tính cao nhất có thể lên tới 313.000 tử trận.


Theo thống kê chi tiết của Jeffrey J. Clarke thì tính từ năm 1960 tới 1974, Quân lực Việt Nam Cộng hòa có 254.256 lính tử trận. Cộng thêm con số tử trận trong các năm 1956-1959 và năm 1975 thì số lính Việt Nam Cộng hòa tử trận ước tính là khoảng 310.000 người.


Sau năm 1975 ở miền Nam có hơn 1.000.000 người thuộc diện phải ra trình diện. Riêng ở Sài Gòn có 443.360 người ra trình diện, trong số đó có 28 viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, và 9.306 người trong các “đảng phái phản động”.


Hàng trăm ngàn người đi về phía biển, hàng triệu người bất chấp hiểm nguy đi ra biển và hàng trăm ngàn người chôn vùi thân xác dưới đáy đại dương. Hàng trăm, hàng ngàn người đàn bà bị hãm hiếp trên con đường đi về phía biển ấy, có người bị chết xác quăng xuống biển, cũng có người đi được đến nơi và sống đến bây giờ, nhưng dấu tích của vết thương theo suốt đời họ, không xoá được. Có hàng trăm, hàng ngàn cô gái bị bắt đi và mấy chục năm rồi không tin tức, có thể họ chết lần mòn trong những căn nhà chứa ở Thái Lan. Theo thống kê của cơ quan Tị nạn Liên Hiệp quốc thì có khoảng 500.000 người vượt biên đã bỏ xác ở biển Đông. Thế giới cho rằng đó là cuộc di dân tồi tệ nhất của lịch sử.

Nỗi đau tức tưởi đó làm sao quên, nên tháng tư đối với họ là tháng nước mắt.

Như thế, trong ngày chiến thắng của bên thắng cuộc, cả hai phía vẫn còn những nỗi đau khó xoá. Cả hai phía đều vẫn còn nước mắt. Nước mắt khóc cho một dân tộc bất hạnh có cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ hai mươi. Một cuộc chiến tranh giữa anh em mà đã 48 năm rồi vẫn chưa hàn gắn được. Thời gian đã trôi qua, cuộc chiến tranh đã lùi xa, nhưng VẪN CÒN NƯỚC MẮT, chung quy cũng chỉ vì NCS rước chủ nghĩa quái thai vào nhà.


DODUYNGOC

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22125
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/May/2023 lúc 8:56am

Cái Cho Nhân Ái 


Sau khi vượt biển thành công và tỵ nạn tại Thailand khoảng 6 tháng, tôi được nước Mỹ chấp thuận cho định cư. Lộ trình chuyến bay từ Bangkok đến San Francisco Hoa kỳ sẽ quá cảnh ở Tokyo, Nhật Bản.

Chuyện sau đây xảy ra khi đoàn chúng tôi già trẻ lớn bé… gần một trăm người tỵ nạn áo quần xốc xếch ngồi chờ 3 tiếng ở phi trường Tokyo đợi chuyển chuyến bay đi đến miền đất hứa. 

Thời gian khá lâu nên bắt đầu cảm thấy đói. Tôi và vài người nữa trong đoàn bèn tới một gian hàng nhỏ bán bánh mì ngay trong phi trường gần đó mua. 

Lúc trả tiền, người bán hỏi có phải Vietnamese refugees?

Tôi trả lời phải.

Họ nói khỏi trả tiền, lại còn tặng thêm mỗi người một lon nước.
Tôi trở về chỗ ngồi chưa kịp thưởng thức đã thấy hai người vợ chồng chủ tiệm khệ nệ khiêng ra một khay đầy bánh mì kẹp thịt và một bình nước lọc với ly giấy tới chỗ những người tỵ nạn đang ngồi tặng cả đoàn.
Khi đưa bánh thấy trong đoàn có một bé sơ sinh, họ bèn cho người đi mua thêm bình sữa.
Hình ảnh làm tôi nhớ mãi là có một bà cụ trong đoàn vì cảm kích lòng tốt của hai người chủ tiệm, bà theo lối Việt Nam cúi đầu chắp tay xá cám ơn thật sâu. 

Hai vợ chồng họ bèn nghiêm trang đứng và cùng cúi đầu trước bà cụ xá lại để trả lễ.

Tôi khi đó vẫn còn nhỏ nên hơi ngạc nhiên về thái độ lịch sự của họ. 

Càng lớn lên tôi mới hiểu không dễ gì có một tấm lòng như vậy.

Hai người này tuy là người cho, nhưng họ vẫn có tấm lòng kính trọng với người nhận. Một cái cho nhân ái, vô vị lợi, không phải là cái cho bố thí của một anh nhà giàu với một người ăn xin trên hè phố. 

Mấy chục miếng bánh mì chắc không phải món tiền lớn đối với họ, nhưng vẫn là một số tiền đáng kể họ phải bỏ công làm mới có. 

Họ biết rằng những người Việt tỵ nạn này vài tiếng nữa thôi sẽ đi về những miền xa xôi và chắc sẽ không có cơ hội gặp lại…

nhưng họ vẫn sẵn lòng giúp đỡ không hề nghĩ đến sự đền đáp.
Một lần nữa, dù rất muộn màng, xin nghiêng mình cảm tạ tấm lòng nhân ái của đôi vợ chồng người Nhật tại phi trường Tokyo năm nào./.

(A true story)  ThaiNC

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22125
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 04/May/2023 lúc 10:49am


BÀI CÔNG DÂN GIÁO DỤC NHỚ MÃI TRONG ĐỜI

Canh%20Sat%20Quoc%20Gia%20VNCHCanh%20Sat%20Quoc%20Gia%20VNCH

Năm đó tôi mới chập chửng bước vào ngưỡng cửa trung học, lớp sáu, trường Tân Định, Sài Gòn (bây giờ là trường Nguyễn Thái Sơn thì phải!). Ngoại trừ một số nhỏ các bạn có xe đạp, hầu hết số còn lại ở xa trường phải đi học bằng xe “LAM” (Lambros), loại xe ba bánh và khoảng 10 chỗ ngồi. Xe Lam này chạy tuyến đường Sài Gòn - Lăng Cha Cả theo lộ trình chính là đường Trương Minh Giảng. Mỗi ngày chúng tôi đón xe Lam đi đến góc Nguyễn Đình Chiểu phải xuống đi bộ dọc theo đường Nguyễn Đình Chiểu đến cuối đường gặp Hai Bà Trưng cắt ngang mới đến trường. Con đường này rất đẹp và sang trọng, hai bên đều là những biệt thự kín cổng cao tường, tư gia của nhân viên sứ quán ngoại giao các nước. Và tôi phải thành thực thú nhận rằng, những căn biệt thự trên đọan đường đó đã là nạn nhân của không biết bao nhiêu trò phá phách của lũ học trò chúng tôi.
Có câu “Nhứt quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Mỗi ngày hai lần: giờ đi học và giờ tan trường, con đường với những villa sang trọng đó đáng lẽ phải đưọc an ninh yên tĩnh thì trái lại ồn vang vì những trò nghịch ngợm quái quắc của đám học trò. Mặc cho nhà trường nhắc nhở, chúng tôi vẫn chứng nào tật ấy.
Sự nghiệp phá rối của chúng tôi không biết đến khi nào mới kết thúc nếu không có một ngày.
Vâng, một ngày nọ, một người cảnh sát xuất hiện.
Anh vẫn còn rất trẻ, chận chúng tôi trên đường và nói muốn nói chuyện. Một vài nhóm khác đi gần đó cũng được anh bảo như vậy, tổng cộng khoảng chục đứa. Tuy người cảnh sát tươi cười và thân thiện, nhưng chúng tôi còn con nít thấy cảnh sát đứa nào cũng sợ. Anh bảo đứng đó là cả bọn không dám cãi.
Một cách từ tốn, người cảnh sát này phân giải cho chúng tôi thấy những hành động phá phách của chúng tôi bấy lâu nay. Anh nói hồi còn nhỏ đi học anh cũng nghịch ngợm và phá rối không thua gì mấy em nên anh thông cảm. Tuy nhiên, quãng đường này hầu hết là người ngoại quốc. Họ ở một thời gian ngắn rồi sẽ về nước. Những người đó có cảm tình, có kính trọng nền văn hóa người Việt chúng ta hay không là qua những hình ảnh hằng ngày họ chứng kiến.
Người cảnh sát nói nhiều lắm, nhưng tôi nhớ câu cuối cùng anh hỏi: “Mấy em có muốn người ngoại quốc khi trở về nước nói rằng trẻ con Việt Nam là một lũ mất dạy, đi học chỉ phá làng phá xóm hay không?”
Không một tiếng trả lời. Chúng tôi đứa nào đứa nấy đứng im nghe mấy lời phân giải của người cảnh sát và cảm thấy ngượng ngùng.
Sau khi hỏi xong, anh bỏ đi để nói chuyện với các nhóm khác đang đi tới…
Khoảng một tuần sau, không cần nhà trường phải ra khuyến cáo gì cả, tình trạng phá phách trên đã giảm đi rất nhiều. Dĩ nhiên không thể hết hoàn toàn 100%. Vẫn còn đây đó chọc chó sủa, bấm chuông v v… nhưng chỉ là rải rác. Phần lớn học sinh chúng tôi đã ý thức được những gì mà người cảnh sát đó đã khuyên nhủ.
Chúng tôi bắt đầu bước vào bậc trung học. Danh dự quốc gia, lòng tự hào dân tộc đã từng được cha mẹ và thầy cô giảng dạy, nhưng chưa bao giờ cảm thấy thấm thía như lần được người cảnh sát này khuyên bảo. Bài công dân giáo dục về lòng yêu nước năm xưa đó, luôn luôn nhớ mãi trong lòng.
./.
ThaiNC



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 04/May/2023 lúc 12:01pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22125
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 06/May/2023 lúc 11:03am

Câu chuyện "Đừng nên là người võ đoán"


Tôi có một thói quen, nếu không tháp tùng sếp đi tiếp đối tác thì trưa nào cũng chọn quán cơm bụi ngay góc đường để ăn cơm. Quán nhỏ, đúng nghĩa cơm bình dân. Họ tận dụng căn trọ đầu tiên của cả dãy để mở quán kinh doanh.
Xe bán cơm cũng là loại cũ, bà chủ mua lại ở hàng đồng nát, rồi mang về sơn lại, chà rửa bằng xà bông, vậy là có ngay một chiếc xe mới. Món ăn trong quán cũng không có gì quá đặc sắc. Nguyên xe cơm bự chà bá lửa chỉ cố định có 6 món mặn, cùng với đồ xào, dưa leo, giá, đảo đi đảo lại 6 ngày trong tuần.
Mặn ngọt…cũng tùy bữa và tùy vào tâm trạng của người nấu. Nghe vậy chắc mọi người thắc mắc, không hiểu điểm níu chân tôi lại là gì đúng không?

Quán có rất nhiều tầng lớp người đến ghé ăn, nhưng đại đa số là người bình dân. Trong đó, cánh xe ôm là nhiều nhất và sặc sỡ nhất, nào là xanh lá, vàng, đỏ, xanh dương,… đủ cả. Quán cũng không thiếu những người bán vé số. Gần đây còn xuất hiện thêm mấy anh kỹ sư người Hàn đang thi công tuyến đường Metro, trưa trưa cũng lượn lờ vào ăn. Mới đầu mấy ổng cũng chê ỏng chê õng ẹo, cứ bảo phải ngồi máy lạnh, cơm văn phòng mới ăn được. Nhưng dần về sau, chắc là "thấm đòn" nên trưa nào cũng dạt ra đây để ăn cơm.

Đừng%20nên%20là%20người%20võ%20đoán:%20Câu%20chuyện%20nhân%20văn%20đầy%20xúc%20động%20-%20%20vietnamngaymai.com
Tôi cũng là nhân viên bình thường, ngày 8 tiếng "mài đít" ở công sở, nên chọn nơi này làm "bãi đáp" cho mình. Cái cuốn hút và gây nhiều thương nhớ ở quán cơm bình dân này chính là cái đời thường của nó. Ngồi nhơi nhơi muỗng cơm chừng 10 phút là người ta có thể thu vào tầm mắt đủ thứ "thượng vàng hạ cám".
Thằng nhóc tan học ca sáng, mẹ chở về ngang qua quán thì nhảy xuống mua cơm về ăn trưa. Công nhân tan ca, giữa buổi cũng chọn ăn ở quán này. Bà chủ bán cơm cũng là một điểm nhấn nổi bật, mập mập phốp pháp, tôi nghĩ cũng khoảng chừng trên 90 ký lô. Giọng nói thì sang sảng, cường độ âm thanh phát ra khinh khủng đến độ "nói cũng giống như chửi", chẳng khác gì nhau.

Bình thường chưa đến 11h30 (lúc cao điểm đông khác) thì bả còn "le te" mang cơm ra cho mình. Nhưng đến đúng giờ cao điễm là mạnh ai nấy đều phải sắp hàng tuần tự, tay cầm đĩa cơm trắng chờ đến lượt mình được múc đồ ăn.Tôi hay chú ý đến một người bạn nhỏ bán vé số quẩn quanh ở đó, trưa nào cũng bắt gặp. Nói cứ loanh quanh, lẩn quẩn, chờ người ta ăn xong thì mới tiến đến mời mua.

Có bận tôi cũng mua ủng hộ khá nhiều, tiền bạc xong xuôi tôi mới lấy cớ hỏi thăm: "Thằng em, sao anh chỉ thấy em mời khách lúc họ ăn xong vậy? Không như mấy bà kia, toàn lăng xăng giành bán trước?"
Nó cười tủm tỉm nói: "Dạ, rồi anh có thấy mấy bả bán được không?" Tôi nghĩ: "Ờ, hình như không được mấy!" Rồi nó giảng giải cho tôi nhiều "đạo nghĩa" ở chung quanh công việc tưởng chừng hết sức đơn giản này.
- Thứ nhất, không mời khách khi người ta chưa ăn xong, vì lúc đó hầu như ai cũng đang đói và quạu, với họ cũng ngại cầm tiền ra tay vì sẽ bị dơ tay.
- Thứ hai, người ăn ăn không nên mời vì họ đang nhai mà chìa vào mặt giống như "chặn ngang họng" vậy, thì làm sao người ta nuốt nổi cơm được.
- Thứ ba, khách ăn xong mới mời là tốt nhất, nhưng cũng phải chờ người ta lau miệng, xỉa răng xong thì hãy mời. Vì lúc đó họ no bụng, tinh thần sẽ thoải mái hơn, dễ dàng
móc hầu bao ra nhất.

Em bé bán vé số dạo
Tôi ngồi đờ đẫn cả người như cậu học trò say sưa nghe giáo sư giảng bài. Rồi tôi hỏi vặn lại: "Học ở đâu được những thứ này…mà cưng học lớp mấy rồi?" Thằng bé nói: "Dạ, em cũng thèm đi học lắm nhưng còn mắc đi kiếm ăn nên thôi. Em đi bán nhiều, gặp nhiều kiểu người nên tự rút ra được kinh nghiệm ạ!" Nghe vậy tôi cười: "Dữ bây!". Thằng bé cũng cười, lí lắc nói: "Dữ…thì mua ủng hộ em đi!" Tự nhiên tôi thấy vui vẻ nên móc hầu bao ra để mua thêm một ít vé số nữa. Dù biết là khó lòng mà trúng được nhưng vẫn vui vì nghe được "bài học" sâu sắc như thế. Thằng nhóc này quả là một nghệ sĩ đầy lịch lãm trong cuộc đời trần trụi này.

Trưa nay cũng vậy, đang ngồi nhai rạo rạo muỗng cơm thì mắt tôi ngó dác dáo tìm nó. À, nó cũng đang bưng dĩa cơm ngồi ăn ngay gốc cây. Thấy tôi, nó cười ranh mãnh. Được một lúc khá lâu, khi tôi đang ngồi nhấp ly trà đá thì bỗng nghe tiếng chửi đông đổng của bà chủ quán cơm. Tiếp sau đó là thằng bạn bán vé số của tôi, nó đang tháo chạy ra ngoài. Bà ta la toang cả một góc đường: "Trời ơi, thằng kia! Thằng bán vé số kia, mày đứng lại cho tao!" Hét xong bà ấy đuổi theo, làm ai cũng phải ngừng ngang việc đang làm để nhìn theo. Người bạn bán vé số nhỏ tháo chạy ra ngoài rồi vướng chân vào cái bàn nhựa nên ngã nhào.

Tự dưng "máu gà" trong tôi bừng bừng trỗi dậy, tôi đi đến, che chở cho anh bạn nhỏ này: "Nè, chị Thanh, chuyện đâu còn có đó. Nó đói quá mới vào ăn cơm của chị, không có tiền thì tôi trả cho, làm gì mà rượt thằng nhỏ té dữ vậy?" Vài anh xe ôm gần đó thấy bất bình nên cũng xông ra phụ tôi: "Phải, phải rồi, bao nhiêu tiền mà làm dữ vậy?" Mọi người ở chung quanh cũng ra bênh vực cậu bé bán vé số đen đuổi.
Thấy vậy, bà chủ bằng một thái độ hục hặc cất tiếng: "Hừm, thằng kia, sao mày làm thế riết vậy? Tao đã nói bao nhiêu lần rồi, mày như thế nào, nói tao nghe coi?". Cậu bé sợ sệt, nhìn chung quanh một lượt, rồi từ từ nói nhỏ khiến cho ai cũng ngỡ ngàng: "Dạ, đĩa cơm 22 ngàn, cô Thanh bán con có 5 ngàn, con ăn xong mấy hôm liền mắc cỡ quá…nên con mới nhét 2 tờ vé số lại dưới đĩa cơm. Cô Thanh không cho con làm vậy, nên mới dí theo bắt cầm lại ạ!". Ai cũng chưng hửng sau lời nói của thằng bé, đúng là đừng là người võ đoán mà…

Bà Thanh lại cất giọng sang sảng bảo: "Mày khổ mới lăn ra vỉa hè để kiếm sống, tao cũng khổ nhưng khổ ít hơn mày một chút, tao chia sẻ chút hơi ấm với mày…mày đừng có mà phụ lòng tao nữa…nghen!". Bà ấy vừa dứt câu nói, tôi đã đếm được ít nhất là 5 người đàn ông quanh đó nghẹn ngào nước mắt. Cái cảm giác nhận được sự ấm áp giữa người với người sao mà ấm áp, bình dị mà thiêng liêng quá chừng!
(Minh họa)
Xong chuyện, đám đông giải tán. Tôi mua thêm cho nó hộp cơm nữa, trong hộp có món thịt kho hột vịt, thằng bé lại năn nỉ chị Thanh lất kéo cắt cái hột vịt ra làm đôi. Tôi không hiểu để làm gì. Xong xuôi, nó khoanh tay trước ngực, cúi chào tôi và chị Thanh thiệt lễ phép.

Đang loay hoay móc tiền ra, chị Thanh hất hàm cho tôi thấy. Theo cái hất hàm của chị, tôi nhìn qua bên kia đường, dưới cây cột điện nắng đổ chói chang, có một ông lão mù đang ngồi run run với xấp vé số dày cộm. Thằng bé con nhẹ nhàng tháo cái nón vải mình đang đội, đội sang cho ông cụ rồi tay mở hộp cơm, cầm cái muỗng xúc từng ít cơm kê sát vào miệng và đút cho ông ăn.

Chị Thanh nhìn tôi lắc đầu ngao ngán: "Đó, thằng em mày thấy hông, nhìn đi…nhiều khi mình còn thua cả đứa con nít đấy!" Tôi quay lưng đi, không biết nói gì nữa. Cuống họng tôi cứ dâng lên nghèn nghẹn, hai dòng nước mắt cứ vậy chảy ra.

Ôi! Khổ đau của một phận người, biết bao nhiêu là đủ…. Và có những chuyện chính mắt thấy tai nghe, mà chưa tìm hiểu ngọn nguồn thì đừng nên là người võ đoán.
Sài Gòn, những cuộc đời mưu sinh vất vả!





Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 06/May/2023 lúc 11:09am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22125
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 09/May/2023 lúc 7:15am

Dạy Con Từ Thuở Nằm Nôi 

Sự quan trọng của việc học ngoại ngữ thì ai ở Việt Nam cũng rõ. Để mở cánh cửa thông thương với thế giới, nhất thiết phải thông thạo, phổ biến là tiếng Anh. Nhìn sang các nước láng giềng, Thái Lan đã phổ cập Anh văn vào chương trình phổ thông. Singapore từ lâu đã nhận các sinh viên VN sang du học. Trung quốc bảo thủ trung thành với ngôn ngữ cổ truyền cũng phải đặt ra các chương trình phát triển Anh ngữ. Một cô đào nổi tiếng “kỳ nữ” của làng điện ảnh Trung quốc từng rớt kỳ thi học viện Điện ảnh Bắc kinh chỉ vì Anh văn quá ẹ. 

Tuy vậy không phải ai cũng hoàn toàn đồng ý. Một ông nội từng học sinh ngữ chính Pháp văn, đưa ý kiến:

– Pháp văn cũng tốt. Tiếng Pháp nghe rất… du dương.

Bà nội tỏ ra am tường tin tức:

– Hồi đó sau khi tổng thống Miterrant đến VN, học bổng sang Pháp rất nhiều. Saigon có phong trào rủ nhau đi học tiếng Pháp. trường tiểu học song ngữ Pháp Việt mở ra phải quen lớn mới đút đơn vào được.

Mẹ thở dài:

– Pháp văn qua… mốt rồi. Bây giờ người ta chỉ học tiếng Anh thôi, rồi tới tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Hàn…

Chú góp ý kiến:

– Thằng bé không có khiếu ngoại ngữ lắm. Bởi vậy mình chọn con đường xéo một chút cho vắng người, đỡ phải tranh giành. Ai cũng Anh văn rồi chỗ đâu cho nó… đi!

Với xu thế xã hội hiện nay, tiếng Anh hầu như là ngôn ngữ bắt buộc thứ hai sau tiếng Việt mẹ đẻ. Hiệu trưởng một trưởng đại học đã khẳng định không biết tiếng Anh, sinh viên coi như… mù chữ!

Ngay cả giáo viên tiểu học, trung học cũng đòi hỏi phải có trình độ Anh văn chuẩn tức là phải đưa ra văn bằng chứng thực theo đúng đòi hỏi.

Ông thầy giáo già dạy lớp Ba học sư phạm từ thủa 9 + 3, nghĩa là học hết lớp 9 thì học thêm 3 năm để hoàn tất chương trình trung học song song với chuyên môn sư phạm. Vốn tiếng Anh của ông rơi rớt, chỉ còn vỏn vẹn chữ “Hello”. Sau này qua các cuộc cải cách nâng cao trình độ giáo viên cho kịp thời, ông phải đóng tiền ôn thi, thi theo đúng trình tự và bảo đảm nhận được một chứng chỉ theo “chuẩn châu Âu” để nộp cho ban Giám hiệu. Lăn lộn đối phó hết các lớp từ thấp lên cao, nộp văn bằng xong xuôi. Kết quả cuối cùng vẫn chỉ còn đọng trong óc ông mỗi chữ “Hello”!

Các bà mẹ hiện đại tiếp xúc nhiều với internet bắt ham khi thấy con cái của những người nổi tiếng như diễn viên, người mẫu, đại gia… lấy chồng Tây hoặc cho con đi học trường quốc tế từ lứa tuổi mẫu giáo, nói tiếng Anh vèo vèo như gió.

Thế là hội các bà mẹ bỉm sữa truyền nhau kinh nghiệm dạy tiếng Anh từ thuở nằm nôi, từ mẫu giáo bằng cách cho con nghe tiếng Anh, nhạc tiếng Anh, nói chuyện với con bằng tiếng Anh. Rồi tiếp theo xem phim hoạt hình, youtube thiếu nhi tiếng Anh. Dạy trẻ học tiếng Anh thành phản xạ tự nhiên trước tiếng Việt, trở thành mục tiêu của cha mẹ.

Thật ra giờ muốn mù tiếng Anh cũng khó biện hộ vì trường lớp mở ra nhan nhản khắp mọi nơi. Hãy xem: Gọi em là ca sĩ/ Bởi vì lúc nào anh cũng thấy em sing. Nào mình cùng yêu mình cùng feel rồi cùng chill. Tôi từng say no vì người ta tỏ thái độ. Mình đẹp ra nhờ ảnh hưởng nếp sống healthy. Học sinh trường trung học Phan Huy Uncle (Phan Huy Chú)… Nghe mà ù cả tai.
Gia đình khá cho con học trường quốc tế suốt 12 năm để sau này đi du học luôn khỏi qua thời gian luyện Anh văn.

Còn những nhà tầm tầm không thể theo đuổi trường quốc tế, chỉ đù sức học trường quốc tế ở bậc mầm non để trẻ học cách diễn đạt tự nhiên. Cách phát âm khó nhất đối với người Việt trong nước là những âm cuối. Điều này có thể khắc phục nếu được giao tiếp Anh ngữ sớm.
Vì thế con gái cô hàng bún đậu mới 2 tuổi rưỡi đã phân biệt viên kẹo màu purple và con gấu màu pink chứ không cần gọi tên màu tím hay màu hồng

Còn bé con 20 tháng tuổi của chủ tiệm trang điểm biết được fish, shoes, mirror… qua những tấm hình trước khi bập bẹ tiếng Việt. Thực ra cô bé này có cha là Việt kiều nên trong nhà mẹ nói tiếng Việt và cha nói tiếng Anh để có thể phát triển song ngữ một lúc nơi đứa bé.

Do quá ám ảnh việc vật lộn với ngoại ngữ khi tuổi đã lớn nên nhiều gia đình buộc con học từ rất sớm. Thật ra tại một số quốc gia trên thế giới, mỗi công dân từ nhỏ tuổi đã buộc phải thông thạo 2,3, thậm chí 4, 5 ngoại ngữ. Hồi Pháp thuộc, những người học chương trình Pháp nói tiếng Pháp “như gió” và thấm nhuần văn hóa Pháp nhưng vẫn giữ được ngôn ngữ, văn hóa Việt, tinh thần Việt. Trong khi đó con gái út của một hoa hậu, 3 tuổi chưa nói được tiếng Việt vì cô giáo ở trường và bà vú ở nhà người Phi đều nói tiếng Anh, anh em nói chuyện với nhau cũng tiếng Anh. Học sinh những trường này thậm chí còn không nói sõi tiếng Việt. Bởi vậy phụ huynh của một trường quốc tế với chi phí khoảng nửa tỷ đồng một năm. lại phải thuê giáo viên buổi tối về kèm con học tiếng Việt.

Đánh giá một con người bây giờ không chỉ là sắc đẹp, văn bằng chuyên môn mà còn là trình độ Anh văn. Như một sinh viên đại học Fulbright từng có biệt danh là hotgirl IELTS 8.5!
Bởi vậy, các lớp dạy tiếng Anh mọc ra như nấm đáp ứng mọi độ tuổi, mọi trình độ, mọi văn bằng, đủ các kỹ năng nói, đọc, nghe, viết… và đương nhiên mọi túi tiền.

Ngày nay việc học hành dễ dàng hơn trước vì có nhiều chương trình học Anh văn miễn phí trên mạng. Trẻ con có thể khá ngoại ngữ phần nào mà không cần tốn tiền, ngoại trừ một chiếc điện thoại mà sau đó khó tránh khỏi một hậu quả đi kèm là mắt cận thị sớm.

Các bậc cha mẹ đều hết lòng lo cho sự nghiệp ngoại ngữ của con em. Một ông bố đóng tiền cho hai con đi học thử ở một trung tâm Anh ngữ. Nghe cô thư ký giải thích một hồi về các chương trình khuyến mãi xem chừng hời hiển nhiên, bùi tai quá, bèn vay ngân hàng đóng học phí hơn trăm triệu, trả lãi vay gần 10 triệu/tháng. Chẳng may chưa được bao lâu thì mới nhận ra lớp học không như quảng cáo: không có giáo viên bản địa, thường xuyên lớp nghỉ vì trường và chủ nhà tranh chấp đòi mặt bằng nên bị cúp điện, cúp nước… Rồi một phụ huynh lại nghe lời đường mật “đóng trước cho niên học năm sau sẽ được bớt 50%”… Đi kiện để đòi lại học phí thì được hứa chờ giám đốc mới sắp xếp lại hệ thống! Nhưng chờ tới bao giờ thì không thấy nói!

Khi xét tuyển vào đại học, nhiều trường đã “chê” các chứng chỉ ngoại ngữ của VN vốn rất tai tiếng vì các vụ mua bằng. Trước kia bằng giả quảng cáo bán nhan nhản trên NET, nhưng nay là bằng giả “thật” tức là có ghi danh đóng tiền vào danh sách trường lớp thi cử hẳn hoi. Chỉ có điều kỳ thi diễn ra cho có để chính thức lấy bằng mà không cần học hành gì cả.
Bây giờ chỉ xét các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như SAT, TOEFL, TOEIC, IELTS…

Phong trào lấy bằng IELTS nở rộ. Đi đâu cũng thấy hỏi nhau. Mấy “chấm” rồi? Học luyện thi IELTS từ tiểu học chứ chẳng chơi. Một học sinh lớp 10 mất 3 buổi tối một tuần luyện thi IELTS. Ngoài ra sáng chủ nhật luyện nghe, nói một thầy, một trò với giá “hữu nghị” (vì bà cố của trò là bạn tập thể dục với bà ngoại của thày) 600 ngàn/ một buổi. Mục tiêu để khi thi tốt nghiệp trung học đã có IELTS 8 “chấm”. Nếu không đi du học thì cũng dễ thẳng tiến vào đại học.
Nhiều bé sau khi tan học lớp mầm non cũng liền được cha mẹ dắt ngay tới lớp Anh văn thiếu nhi. Phụ huynh giải thích: “Nghe nói vào lớp Một mới đi học ngoại ngữ là trễ rồi. Thời gian vàng là học trước 5 tuổi”.

Nhưng nói cho cùng đa số những bé con đó sống trong gia đình có cha hay mẹ hay cả cha lẫn mẹ cùng là giáo viên tiếng Anh, làm với công ty ngoại quốc hoặc sinh sống trong khu vực có nhiều gia đình ngoại quốc nên dễ có môi trường thực tập.
Bởi học là cả một quá trình… gian khổ chứ đâu có vài tháng thông thạo được. Cho nên tốt hơn hết nên bắt đầu từ sớm. Các trường Anh văn quốc tế khỏi nói, mọc ra như nấm với học phí trên trời mà không hề sợ ế khách.

Dù sao trường VN cũng không hề kém cạnh. Các trường mẫu giáo đều mở lớp dạy thêm Anh văn ngoài giờ. Chương trình mẫu giáo đầy đủ các môn: Toán, Vẽ, Hát… Cuối ngày hết giờ học, con nít mệt phờ, tóc tai người ngợm ướt đẫm mồ hôi chua lè vẫn phải ở lại trường lăn lóc ba tiếng đồng hồ một tuần để học thêm Anh văn. Về đến nhà, cha mẹ vô cùng sung sướng khi nghe con líu lo gút mo-ning, hao a du, théng kìu… Lên lớp Một, học sinh vẫn tiếp tục hết giờ học nhà trường tất tả đi học thêm Anh văn ba buổi tối một tuần hoặc hai buổi cuối tuần.

Giỏi nhưng không đủ tiền vào trường quốc tế là thi vào lớp song ngữ hoặc lớp chuyên ngoại ngữ trường công. Muốn vào lớp này cần luyện thi vài năm trước và sau khi đậu vào, muốn theo kịp, học sinh phải rất… khỏe mạnh. Bởi lẽ ngoài chương trình phổ thông học như tất cả mọi người, học sinh còn học thêm một số môn song ngữ.
Để theo một chương trình nặng như thế, học sinh lại phải đi… học thêm. Chen chân vào các trường có lớp song ngữ này không dễ chút nào vì đó là trường chuyên. Trong trường có nhiều lớp nhưng không phải tất cả đều là lớp song ngữ cả. Những lớp song ngữ thường nằm dãy riêng, phòng có máy lạnh cũng như mọi tiện nghi đầy đủ đẹp đẽ. Bởi dính tới Anh văn, tức dính tới… tư bản nên thường là sang như vậy!

Một giáo viên tư gia thu học phí tám trăm ngàn/tháng, tuần ba buổi, mỗi buổi một tiếng rưỡi, nếu đóng chín trăm thì được học “thầy ngoại” một tiếng/tuần. Một giờ “thầy ngoại” đắt gấp 4.5 “thầy nội” mặc dù ông thầy ngoại ở những lớp đó thường được “vớt” từ đám Tây ba lô và chỉ học bốn giờ đồng hồ trong một tháng, thậm chí có nơi thầy ngoại một tháng đứng lớp có một giờ thôi. Một giờ cho suốt một tháng thì học được bao nhiêu. Dẫu sao học viên nhìn “thầy ngoại” rất bắt mắt và tin tưởng hơn! Trung tâm nào quảng cáo “thầy ngoại” hoặc “thầy bản xứ” làm chiêu câu khách có kết quả rõ rệt… Điều đó đáp ứng nhu cầu của học viên bởi ai tới cũng hỏi câu đầu tiên: “Có thầy ngoại không?”. Có mới học, không thì thôi bất kể dạy ra sao…

Học Anh văn nhân thể trám thời gian cho lũ trẻ con khỏi rảnh rang nhiều quá, mất công la cà ngoài đường, mê mải chơi game cho nên cạnh trung tâm, các lớp tư gia cũng rộn rịp vô cùng. Nhà bà Bảy có ba người con: anh Hai tốt nghiệp Cử nhân Anh văn, chị Ba học Sư phạm khoa Nga văn với Anh văn là sinh ngữ phụ, chị Tư có chứng chỉ B Anh văn. Thế là nhà bà treo bảng Trung tâm Anh văn dạy suốt ngày sáng trưa chiều tối đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi trình độ. Lớp của anh Hai có mười em học ở phòng khách, chị Ba dạy năm trò trong phòng ngủ dẹp gọn gàng, chị Tư kèm sáu nhóc ở bàn ăn… Hết lớp này ra, lại lớp khác vào nườm nượp. Bà Bảy lo trông chừng đống giày dép trước cửa tránh kẻ gian đi ngang quơ, kiêm giám thị la hét lũ nhỏ giữ gìn trật tự, vừa bày hàng bán da-ua, bánh kẹo, nước ngọt… Cả nhà sống thảnh thơi nhờ cái Trung tâm Anh văn cấp hẻm này.

Cũng không hiểu sao nhiều nơi không gọi là trường hay lớp Anh văn… mà nhất định gọi là Trung tâm ngoại ngữ hay Trung tâm Anh văn… nghe “oai” hơn thì phải. Một số nơi học phí rẻ nên đông học viên nghèo. Mỗi lớp nhồi nhét vài chục học viên chen chúc trong phòng học nhỏ xíu. Dĩ nhiên những trung tâm loại này thường dạy căn bản với các lớp học thi lấy chứng chỉ thấp. Thiên hạ thường học quáng quàng sao lấy được những chứng chỉ buộc phải có để hoàn tất hồ sơ tốt nghiệp đại học hoặc nộp xin việc… Học… mệt lắm trong khi những kiến thức từ những tấm bằng căn bản đó chẳng đủ đ ể dùng chuyện gì trong thực tế. Chỉ thị trường buôn bằng lúc nào cũng rộn rịp.

Vô số trường ngoại ngữ. Các trường Anh văn kiểu mới có phòng ốc máy lạnh, trang trí đẹp mắt, phương pháp học cũng mới mẻ nên thu hút nhiều học viên. Lợi nhuận thu được quá cao nên có trường mở đến mấy chục chi nhánh khắp nơi mà vẫn không gạt hết khách. Do nhiều trường mở quá nên các trường tìm mọi cách cạnh tranh.
Một phụ huynh rảo một vòng các trung tâm Anh văn để tìm chỗ học tốt cho con trai. Cô thư ký miệng trơn như bôi mỡ sau khi quảng cáo, đã yêu cầu:
– Học phí đóng ba tháng một lần.
Ba tháng gộp lại là cả một số tiền lớn nên chị nọ phân vân:
– Tôi không biết cháu nó theo kịp không?
Cô thư ký sốt sắng:
– Chị đóng trăm rưởi, em mời thầy đến “tét” ngay, rồi đóng tiền học liền.
Cảm thấy bị “ví” quá, chị thận trọng:
– Để tôi còn bàn với gia đình một chút.
Cô thư ký đổi giọng coi thường:
– Chị có “khả năng” không đó? Ý cô muốn nói có đủ tiền đóng học phí không mới nói chuyện tiếp chứ cứ bày đặt hỏi chương trình này, giáo viên nọ tới khi nghe giá tiền de luôn mất thời giờ quá. Cô dịu giọng lại ngay dỗ dành:
– Chị đóng tiền “tét” trước giữ chỗ rồi lúc nào muốn học sau cũng được. Thôi được, chị để số điện thoại và địa chỉ lại đây…

Chị phụ huynh muốn bốc hỏa khi hôm trước đi ăn đám cưới nghe con chị họ nói tiếng Anh vèo vèo nhờ anh rể là người Ấn Độ, cháu ông chú hát tiếng Anh líu lo vì có dâu lai Singapore. Chị bàn với gia đình hay là mình ra khu Đề Thám kiếm ông Tây nào đứng lớ ngớ ngoài công viên mời về nhà dạy, giá rẻ mà chất lượng thì đúng là… Tây!
Phong trào du học rầmk rộ khắp nơi. Trước kia thường sau khi tốt nghiệp phổ thông xong, học sinh mới du học chương trình đại học nhưng nay thì khác, nhiều gia đình lo cho con du học từ lớp 9, lớp 10 và đi đủ khắp các nơi. Nếu không Anh, Mỹ, Canada, Úc… thì Thái Lan, Mã Lai, Singapore… Học xứ nào cũng được miễn ra khỏi biên giới VN là… bảnh rồi.

Chị bán trái cây ngoài chợ nhỏ chịu chơi tới mức thế chấp căn nhà ọp lấy tiền cho con gái đi Mỹ học từ lớp 10. Dự định hai tháng sau khi con gái rời VN, chị sẽ xin tòa lãnh sự sang thăm con rồi ở lại tìm việc làm, rửa chén lặt rau gì đó rồi tìm cách ở lại, rồi bảo lãnh tiếp cho chồng và đứa con út sang Mỹ… Thật nhất cử lưỡng tiện. Một đứa con du học mà mở đường cho cả gia đình xuất ngoại luôn!!

Cho nên sau nhiều tuần suy tính thiệt hơn, chị quyết định bàn với chồng kế hoạch thắt lưng buộc bụng nhằm dồn tài chính cho con đi học Anh văn, không phải để ganh đua ở Saigon vì xem chừng mình chẳng hơn ai nổi, mà là bắt đầu một chương trình dài hơi nhằm ươm giấc mơ… xuất ngoại!

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22125
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 10/May/2023 lúc 9:21pm

ĐỪNG BAO GIỜ GHEN TỊ VỚI HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI KHÁC   <<<<<<

18%20Top-Rated%20Beaches%20in%20Thailand%20|%20PlanetWare


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 10/May/2023 lúc 9:33pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22125
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/May/2023 lúc 5:51am

Người Đàn Bà Việt Nam

 
Mẹ vợ của tác giả

Khi nói về người đàn bà Việt Nam, Tôi lại thường nghĩ đến Bà Mẹ Vợ của Tôi, hiện nay vẫn còn sống và đang ở tại Việt Nam…

Ngày theo chân người con gái Tôi yêu (về sau là Vợ Tôi) về nhà nàng để trước là ”hợp thức hóa” tình trạng quen biết của hai đứa chúng tôi, sau là Tôi muốn biết ông già, bà già vợ tương lai ra  sao?

Người Tôi gặp đầu tiên chính là Bà Mẹ của nàng.

Vì hôm ấy Ba nàng đi vắng nên Tôi chỉ gặp Mẹ nàng (tức Bà già vợ tương lai của Tôi) Bà thật thà, hiếu khách, thương con, nên rất dễ dàng tiếp chuyện, vốn là tay”măng dê pạc lê” nên với Tôi chỉ sau một hồi xã giao đã lấy được cảm tình của Bà ngay trong ít phút …

Bà là người miền Nam, chân chất và ít khi đi xa khỏi Xã Lương Hòa Lạc, (Mỹ Tho) suốt ngày chỉ lăng xăng với cửa hàng tạp hóa phía trước của nhà,

Bà có tài mài dao kéo rất sắc, nên bà con trong Xã khi dao kéo bị”lụt” đều đưa đến cho Bà làm…

Ấy, cái tài vặt này của Bà xem ra cũng “đắt hàng” ra phết!

Vấn đề mua hàng để bán đều do một tay của Hạnh (người con gái tôi yêu), vì cả ngày Bà bận rộn với khách hàng nên muốn đi đâu cũng chẳng được!

Tôi là người Bắc, gốc Hà Nội, từ bé đến nay chỉ sống ở thành thị nên khi tiếp súc với dân quê, tôi thấy thích thú lắm, và lạ lắm, Bà dắt Tôi sang chào hàng xóm, như ngầm khoe ”chàng rể tương lai”, tướng Tôi được cái cao ráo, dễ nhìn, lại giả bộ ”hiền khô” nên ai trong Xã cũng có cảm tình, mà ngay lũ trẻ con trong Xã cũng ”khoái” Tôi ra mặt, có lẽ vì mỗi lần về Xã Tôi đều mua kẹo cho chúng nó ăn thả cửa!..

Bà thứ bảy trong gia đình, nên mọi người đều gọi Bà là “Bà Bảy” chứ chẳng  bao giờ gọi tên thật.( cái tên Nguyễn Thị LÝ, giản đơn như tâm tính của Bà) đó cũng là cái đặc thù của người miền Nam chúng ta.

Mỗi lần Tôi đến là “cơm gà cá gỏi” lia chia, vì Bà ân cần phục vụ ăn uống tối đa mà!

Gia đình Tôi vốn dòng dõi Khoa Bảng, ( ngoại tổ là Ngài Ngô thời Nhậm ),  nên cũng rất khó khăn  trong việc Hôn nhân, con cái lớn lên dựng vợ gả chồng là “Quyền” của cha mẹ, do đó khi nghe phong phanh Tôi đang “quen đậm”với một người con gái miền Nam, gia đình lại sống ở Xã, thì chẳng ai trong nhà ưng chịu,

Nhưng khi Tôi đưa nàng về giới thiệu cùng gia đình, thì mọi người đã bị chinh phục liền bởi tính tình hiền dịu,  đoan trang, dáng điệu e ấp ngoan hiền trong bộ quần áo dài trắng học trò, và tài nấu nướng tuyệt vời mấy món ăn miền Nam của Nàng, chả biết có phải Bà Mẹ vợ Tôi “gù” cho không!?…

Người đời vẫn thường nói “giặc bên Ngô, không bằng bà cô bên chồng”,  nên khi Tôi thấy nàng thân thiện được hai cô em gái của tôi là Tôi “yên trí lớn”, an tâm vô cùng…

Sau khi làm chạm ngõ, đám hỏi xong xuôi thì một năm sau chúng Tôi được Cha Mẹ hai bên đồng ý cho làm đám cưới.

Ngày cưới của Tôi bạn bè quen biết và bạn bè trong Phi Đoàn đi dự rất đông, có lẽ người trong Xã Lương Hòa Lạc lần đầu tiên mới nhìn tận mắt những chàng Phi Công “lắm túi, nhiều phẹc ma tuya” nên ai cũng trầm trồ, khen gia đình nàng tốt phúc! (Chẳng hiểu có thật vậy không? Nhưng nghe thiên hạ đồn như vậy là Tôi “khoái” cuời“tít mắt”!!!)

Xem ra người sung sướng nhất lại là Bà già vợ của Tôi thì phải?

Ngày làm đám cưới cho con, Bà đã thức suốt mấy đêm để đôn đốc mọi người làm những món ăn đặc sắc, bà con chòm xóm nghe đồn bên đằng Trai là người Hà Nội (Bắc kỳ rặc) nên ai nấy cũng hăng hái tham gia giúp đỡ, họ đến một phần vì tò mò cũng có, một phần vì quen biết chòm xóm nên “mỗi người một tay”cho vui tình chòm xóm ấy mà?

Nhớ trong thời gian còn “Bồ Bịch” mỗi khi biệt phái Mỹ Tho, sau những lần hoàn tất phi vụ, Tôi đều bay sát nóc trường Lê ngọc Hân, mục đích báo hiệu ngầm cho nàng biết là Tôi đã sẵn sàng có thể hẹn hò với nàng rồi, mỗi lần như vậy, nàng thích lắm, có dịp “lấy Le” với bạn bè!

Hoặc có những lần nàng được nghỉ học ở nhà, Tôi bay sát nóc nhà nàng, làm những vòng tròn nhỏ xung quanh nhà nàng, và đột nhiên bay vút lên cao, rồi chúc mũi máy bay đâm xuống ngay nhà nàng, khi xuống thật thấp mới luợn bay lên cao lại, làm Bà Mẹ vợ “xanh máu mặt” tưởng phi cơ rớt, nên la “bài hãi”, trong khi nàng thích thú cười vang…

Nghĩ lại bây giờ mà cho làm thì dại gì dám làm “điên rồ” như vậy! Cũng may lúc ấy mấy ông An Phi không hay, chứ nếu biết thì chắc tôi cũng “tả tơi hoa lá” không chừng?

Vì Cuộc Chiến, nên vợ Tôi và hai cháu gái, con của chúng tôi, vẫn ở Xã Lương Hòa Lạc, và Sài Gòn, thỉnh thoảng nàng và hai con mới sang Cần Thơ chơi vài ngày rồi về…

Những lúc ấy, Tôi thật hạnh phúc, căn nhà do Sư Đoàn cấp cho Tôi trong khu Cư Xá Gia Đình Sĩ Quan bên cạnh sông Hậu giang, lại vang lên những tiếng cười nói của trẻ thơ, những hoan ca chồng vợ...

Ôi cuộc sống mến yêu làm sao….


Nếu không có ngày 30 tháng 04 năm 1975 oan nghiệt! Tôi bị đi tù khổ sai trong các trại tù mang tên “cải Tạo” tại miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa “mút mùa Lệ Thủy”, qua những năm tháng tù đầy mới biết cuộc sống “đá vàng” “tình đời đen bạc”!!!

Cái Hạnh phúc Gia đình ngày nào, trôi theo thời gian, nhạt nhòa theo năm tháng có Bác và Đảng,

Trong thời gian Tôi bị bệnh “Kiết Lỵ”, anh em nghĩ Tôi chắc không thể qua khỏi cơn bệnh ngặt nghèo này, vì Tôi đi đại tiện liên tục, nên anh em đã phải mắc một cái võng bằng bao cát có khoét một cái lỗ ngay dưới phần bụng để Tôi đại tiện lúc nào cũng chẳng sao, ngay sát cạnh một cái hố nhà cầu, cách xa Lán Trại…Anh em cùng chung cảnh tù khổ sai như tôi cũng đã thương tình làm cho một mái che sương che gió…

Tiết trời lạnh giá, nhưng đâu giá lạnh bằng trong tim, khi vào giai đoạn này Tôi như linh cảm ra được Vợ Tôi đã “ôm cầm thuyền khác”…

Trong cùng cực của đớn đau riêng mình,  ý trí sinh tồn vươn mạnh trong Tôi…Tôi tự nhủ lòng quyết trí vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần và vật chất lúc này,  phải sống mà về lấy lại hai con, và nhìn tận mắt sự đời đen bạc....

Những ngày bệnh hoạn nặng nề dần trôi, Tôi luôn xin Trời Phật chở che, xin hương hồn Mẹ Tôi và anh Cả Tôi đã mất, hãy linh thiêng cứu giúp Tôi tai qua nạn khỏi….

Và như một phép mầu, Tôi may mắn được chuyển ra bệnh viện của dân ở ngoài tỉnh, và Tôi đã đuợc cứu sống, nhờ ở đó có những bác sĩ Quân y VNCH cũng bị đi tù như tôi, nhưng vì là bác sĩ nên  bị điều ra đây để làm việc.

Vừa khỏi bệnh, trở lại Trại chưa được bao lâu, sức còn yếu, mặt mũi còn xanh sao như tàu lá chuối, nên chỉ làm công tác trực nhà cho anh em đi Lao động, thì Tôi được tin có thân nhân ra thăm nuôi!

Sung sướng làm sao, đang đói khát mà được thăm nuôi thì thật là chuyện không tưởng đối với Tôi…Càng ngạc nhiên bội phần khi thấy người đi thăm nuôi Tôi chính là Bà Mẹ Vợ!?

Gặp nhau tại nhà thăm nuôi, phút giây đầu tiên cả Tôi lẫn Bà Mẹ vợ đều sững sờ, nghẹn ngào không nói lên lời,

Nhìn Bà vốn đã nhỏ con gầy guộc, nay xác sơ tiêu điều, hai hàng nước mắt của Bà tuôn chảy, làm nhạt nhòa đôi mắt nhân từ vốn sẵn có…

Bà đứng như trời trồng bên mấy bao tải đựng đồ thăm nuôi Tôi, lòng Tôi vốn đã nát tan bây giờ như tan nát não nùng, cố nén để khỏi bật ra tiếng khóc tức tưởi, Tôi chạy lại ôm chầm lấy Bà, thân thể Bà nhỏ nhoi trong vòng tay dài ngoằng gầy guộc của Tôi…

Tôi thương Bà quá…Một người đàn bà trọng tuổi, cả cuộc đời chỉ quanh quẩn ở trong nhà, thế mà bây giờ dám vượt vạn dặm, từ Nam ra Bắc, thăm hỏi nhiều nơi mới biết chỗ Tôi đang Cải Tạo mà đến thăm, Bà đã phải lội qua 07 con suối, có lúc nước cao ngang lồng ngực, cứ mỗi lần đến con suối nào cũng phải hai tay ôm chặt bao đồ đội trên đầu, bì bõm lội qua lội lại 07 lần mới xong…

Gặp nhau trong giờ phút éo le này, với Tôi sao như nghe trong tim mình như đang ruớm máu…

Ít lâu sau, cả Tôi và Bà đã lấy lại sự bình tĩnh, Bà từ tốn thăm hỏi sức khoẻ của Tôi cùng sinh hoạt trong trại ra sao? Tôi chỉ ầm ừ cho qua chuyện vì cách chúng Tôi khoảng 03 thước, anh “Cán gáo” Việt Cộng đang đưa đôi mắt “cú vọ” dò xét từng cử chỉ, từng hành động của chúng Tôi,

Qua những lời Bà kể lại, Vợ Tôi đã đi lấy chồng khác, người đàn ông này lớn tuổi, đã có vợ và bầy con gần khôn lớn,

Tay này cũng cùng nghề Cây, như Bố vợ Tôi, nhưng có thân nhân bên phía Việt Cộng do đó không bị “đánh Tư Sản” như Bố vợ Tôi, nên vì tiếc của, bỗng nhiên mất trắng mấy cái xe Be, mấy trại cưa, trại cây, nên ông già Vợ Tôi đã “đành lòng” ép con ( là vợ Tôi) lấy tay này, với hy vọng sẽ được can thiệp để lấy lại gia tài…Nhưng “Tham thì Thâm” cũng “xôi hỏng bỏng không”, chẳng “nước non” gì!!!

Vừa kể cho Tôi nghe, Bà mẹ vợ của Tôi vừa khóc nức nở, Bà khẳng định một điều chỉ có Tôi mới xứng đáng là rể của Bà, tuy sống cùng nhà, nhưng Bà  và tay kia luôn tránh gặp mặt nhau…

Vì quá nhớ thương Tôi, mà Bà đã lén bán tư trang, gom góp tiền nong rồi dò đường mà ra Bắc thăm nuôi Tôi…Bà nói dọc đường ăn cuớp, ăn cắp đầy rẫy, nhưng chắc thấy Bà quê mùa, yếu ớt, lại ngơ ngáo nên bọn bất lương cũng chẳng màng để ý tới, do đó mà Bà tới đây, đồ đạc thăm nuôi Tôi vẫn còn nguyên vẹn…

Trước giờ chia tay, Bà nắm lấy hai bàn tay Tôi, nghẹn ngào căn dặn:

-Hãy giữ thân, để về với Má, Má đợi con nghe không?

Ôi! Sao Tôi nghe mà não lòng biết mấy, lòng dặn lòng sẽ phải sống để có ngày về.

Ước hẹn đó Tôi khắc trong tim, nên Tôi đã nén thương đau để sống tiếp cuộc đời Cải Tạo.

Là một trong những người tù không mang số, chuỗi ngày “Cải Tạo” nào ai biết ngày được tha, nên “ước hẹn” tự đặt ra đó, chính là cái phao giữ lấy thân Tôi, cho đến một ngày bỗng nhiên Tôi được gọi cho ra trại, chấm dứt giai đoạn tù đầy khổ sai tại miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa của một người tù không mang số…

Tôi gặp lại Bà Mẹ vợ, sau nhiều năm trời xa cách, Bà nay đã “Lão” và Tôi đã “Già”, chúng Tôi vẫn giữ liên lạc với nhau, thường xuyên, Bà vẫn coi Tôi như là ”con rể” của năm xưa, và Tôi vẫn gọi Bà bằng cái tên trìu mến: Má.

Thời gian sau, Chính quyền sở tại gây khó dễ tứ bề với những người Cải Tạo đuợc tha cho về như Tôi,

Tôi thấy cần phải có một người phụ nữ làm lá chắn mới tồn tại trong nước được, nên sau một thời gian quen biết và hợp tính hợp nết với một người con gái gần nhà, Tôi chính thức lập gia đình mới, Bà vẫn giữ quan hệ bình thường với Tôi, những lần gặp nhau, hai Má Con vẫn chuyện trò quên cả giờ giấc, Bà thông cảm với số phận bọt bèo của Tôi, nên cũng rất vui khi thấy Tôi buớc thêm một bước nữa, và gặp được một người đàn bà hiền lành…

Rồi đến cuối năm1991, gia đình Tôi được sang sống bên Hoa Kỳ theo diện Tỵ Nan Chính Trị, (HO8)

Ngày lên đường rời nước, tại Phi Trường Tân sơn Nhứt, Bà lại nghẹn ngào nắm lấy tay Tôi và nhắn nhủ:

-Con mang 02 đứa con của con đi được như thế này là Má yên tâm rồi, hãy nhìn về phía trước mà thẳng tiến…Nên nhớ sau lưng con Má vẫn dõi bước con đi…Má tôn trọng quyết định của con, dù biết trước khó có ngày gặp lại….

Bây giờ đã hơn mấy chục năm xa cách, Bà vẫn thỉnh thoảng nói chuyện với Tôi qua điện thoại,  mỗi lần Tôi gửi quà về biếu Bà, Bà quý lắm,  đi khoe cùng khắp xóm.

Tiếng nói của Bà nay đã khác xưa, yếu lắm thì phải, nhưng khi Tôi hỏi thì vẫn ráng cười vui, thều thào nói dối cho Tôi yên lòng:

-Má vẫn sống, đợi con về…

Tiếng nói chân tình, đầy luyến nhớ của Bà, đã khiến Tôi canh cánh bên lòng câu ước nguyện: Sẽ trở về,

Nhưng:

-Má ơi! Làm sao con biết được ngày về?  

 Khi Quê hương vẫn chìm trong sầu thảm,

Thành phố đã đổi tên, biết đến ngày nào lại đổi lại như xưa Má nhỉ???


KQ: NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22125
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 13/May/2023 lúc 4:13pm

Mẹ Mãi Là Tổ Ấm


4798%201%20MeMaiLaToAmNTTD

      Minh lo nộp đơn xin việc làm dù còn vài tháng nữa mới tốt nghiệp đại học. Hôm qua mẹ Minh đã góp ý:

     – Con xin việc nơi nào gần nhà mình, không ngoài tiểu bang, không ngoài thành phố là được.

     Minh bực mình kêu lên:

     – Mẹ ơi, sao mẹ “khoanh vùng” hạn chế con vậy?  Hồi con vào đại học mẹ bắt con không được chọn trường xa, con đã chiều mẹ rồi. Nay con ra trường, mình cần job chứ job đâu cần mình, con phải nộp đơn xin nhiều nơi mới có cơ hội tìm được việc làm tốt. Nếu mẹ không thích đi xa thì cứ ở lại đây, con sẽ thỉnh thoảng về thăm mẹ.

     Vừa nghe xong mẹ đã sụt sùi kể lể:

     – Con nói thế là muốn bỏ mẹ hả. Nhà có hai mẹ con, con đi đâu mẹ theo đó như ngày xưa con từng nói mẹ con mình không thể xa nhau, mẹ luôn là tổ ấm của đời con. Mẹ đã quen đi lại trong thành phố này và quan trọng là mẹ đang có công việc tốt đẹp tại tiệm may Lily.

     Minh cũng mủi lòng thương mẹ chẳng biết tính sao. Từ bé đến giờ Minh đã từng mong muốn thế. Đâu ngờ điều này cũng thật phiền phức. Hay là ông trời đang… quả báo chàng?

     Mẹ Minh khéo tay may vá giỏi, qua Mỹ bà xin làm trong tiệm sửa quần áo của người Việt Nam, bà thay đổi vài tiệm, khi thì chủ khó tính, khi thì tiệm khá xa nhà bà đi làm thấy oải, đúng lúc này thì một bà Mỹ, khách hàng sửa đồ quen thuộc của bà giới thiệu bà đến tiệm may sửa quần áo “Lily” của người Mỹ, địa chỉ tiệm rất gần nhà là mẹ thích rồi, qua ba tháng thử việc người chủ nhận thấy sự làm việc tận tụy và khả năng tay nghề của bà nên đã nhận bà vào làm chính thức, trả lương hậu, benefit đầy đủ, ngày làm 8 tiếng rõ ràng không như tiệm Việt Nam có khi hết giờ chủ cần bà vẫn phải ở lại làm cho xong việc để giao cho khách mà chẳng được trả thêm đồng nào. Chủ tiệm Lily cần người thợ như bà và quý mến bà lắm, bà cũng mến chủ. Quen chỗ quen việc, bà muốn làm việc ở đây cho tới khi về hưu hay lúc mắt mờ tay run không cầm nổi cây kim sợi chỉ mới thôi.

     Minh đang hào hứng với kế hoạch ra trường có công việc vừa ý rồi sẽ tính tới chuyện kết hôn với người yêu Scarlett. Đi bất cứ nơi đâu, mỗi tiểu bang hay thành phố lạ đều cho Minh những cảm giác tò mò thích thú. Minh sẽ làm quen nơi ấy, sẽ làm việc và xây dựng tương lai. Đối với chàng điều quan trọng là có job chứ không phải gần nhà hay bám mãi vào một thành phố như mẹ chàng. Bà không muốn thay đổi nơi chốn, không muốn phải học từng con đường con phố và xin việc làm lại từ đầu.

4798%202%20MeMaiLaToAmNTTD

     Điều Minh lo ngại nữa là Scarlett là người Mỹ mà mẹ chàng mấy lần đã tuyên bố để nhắn nhủ “cảnh báo” trước với chàng:

     – Mẹ làm nghề sửa quần áo giao tiếp với hầu hết khách là người Mỹ, mẹ đã gặp nhiều người Mỹ tử tế rộng lượng cho tiền tip hậu hĩ còn hơn tiền công và nhất là chị chủ tiệm người Mỹ rất thân thiện dễ thương. Tóm lại mẹ quý mến người Mỹ lắm nhưng sau này mẹ không muốn con dâu mẹ là người Mỹ, phải là người Việt Nam.

     Bởi thế Minh chưa dám hé môi cho mẹ biết về Scarlett chứ đừng nói tới chuyện đưa nàng về ra mắt mẹ. Thế là cả hai việc trọng đại của cuộc đời Minh phải qua vòng duyệt xét vô lý của mẹ.

     Cách đây vài năm mẹ con Minh ở trong khu chung cư rẻ tiền nhưng là tổ ấm của hai mẹ con kể từ khi cha Minh qua đời. Mẹ đi làm may sửa quần áo nuôi Minh ăn học. Thỉnh thoảng khi thì máy lạnh khi thì vòi nước khi bóng đèn hư thế là chú Hưng lại đến sửa. Chú Hưng làm việc full-time chuyên sửa chữa điện lạnh, ngoài ra chú còn biết thêm về điện nước nên được chủ trọng dụng, chú được cấp một căn phòng trong chung cư nên bất kể ngày đêm chung cư luôn có sẵn thợ, mỗi lần đến chú Hưng chuyện trò vài câu với mẹ thành quen, chú Hưng hay cho Minh quà, đáp lại mẹ mời chú bữa cơm khi tình cờ chú có mặt.

     Cứ như thế thì Minh quý mến chú Hưng biết bao. Nhưng một hôm Minh đi học về sớm bắt gặp chú Hưng đang nắm tay mẹ âu yếm tỏ tình thế là Minh nổi giận phản ứng dữ dội đuổi chú Hưng ra khỏi nhà mặc cho hai người đã thay phiên nhau giải thích họ yêu nhau và muốn chính thức thành vợ chồng cùng lo cho Minh tiếp tục học hành. Minh đe dọa chú Hưng nếu không tránh xa mẹ, Minh sẽ “thanh toán” chú về tội dụ dỗ bà mẹ độc thân, chia rẽ tình mẹ con. Minh đe dọa mẹ, sẽ bỏ học, bỏ nhà đi hoang cho mẹ được tự do thảnh thơi ở với người ta. Bà sợ quá đã năn nỉ con và thề hứa với con sẽ dứt khoát quên chú Hưng. Để chứng minh điều đó bà đã chuyển nhà đi thuê ở chung cư khác và cắt đứt liên lạc với chú Hưng. Năm đó mẹ 45 tuổi và Minh 17 tuổi.

     Bây giờ Minh mới biết mình đã ích kỷ, đã quá đáng, mẹ còn trẻ, mẹ cũng cần có cuộc đời riêng của mẹ. Chàng tiếc rẻ và ân hận, giá ngày ấy Minh đừng cấm cản, để mẹ tái giá với chú Hưng thì ngày nay mẹ có chú Hưng bên cạnh thương yêu và chăm sóc đỡ đần, cuộc đời đỡ cô đơn và mẹ sẽ tự tin hơn, bao dung hơn. Mẹ không cần bám theo Minh từng bước trong cuộc sống nữa và Minh cũng yên tâm sống cuộc đời riêng của mình.

     Minh chợt lóe lên một ý tưởng sẽ đến tìm chú Hưng. Chàng cầu mong chú vẫn chưa lấy ai, còn kịp cho chàng giúp mẹ nối lại chuyện tình dang dở, hay ít ra chú cho mẹ chàng những lời khuyên vì  mẹ từng quý mến chú Hưng, tin cậy và nghe lời chú lắm. Trở về căn chung cư cũ với hi vọng mong manh Minh vừa mừng vừa cảm động nhớ lại bao kỷ niệm nơi đây. Chàng vào office hỏi  thăm về chú Hưng thợ bảo trì của chung cư. May quá chú vẫn còn làm việc ở đây.

      Chú  giống mẹ có năng khiếu nghề nghiệp, tận tụy với nghề và làm việc nơi nào vừa ý thì ở lại dài lâu, có lẽ vì thế mà họ hợp nhau, yêu nhau. Biết đâu tình yêu của chú dành cho mẹ cũng chung thủy dài lâu như thế, chú vẫn yêu thương mẹ như mẹ vẫn yêu thương chú.

     Minh hồi hộp ngồi đợi. Khi vừa thấy Minh với vẻ mặt căng thẳng chú Hưng lo ngại:

     – Chú không còn liên lạc với mẹ cháu từ lâu rồi, cháu đừng tìm chú làm bậy à nhe.

     Minh phải cười cười cho chú an tâm:

     – Cháu ghé hỏi thăm chú giờ này sống ra sao thôi mà.

     Chú Hưng vẫn dè dặt:

     – Bình thường…

     – Ý cháu muốn hỏi chú lập gia đình nữa chưa?

     Bây giờ chú Hưng mới thực sự yên tâm, chú tâm sự:

     – Chú chưa yêu được người phụ nữ nào như đã yêu mẹ cháu. Thà ở vậy còn hơn lấy đại cháu à, đời chú đã một lần gãy đổ nên chú sợ lắm.

     Minh cũng tâm sự với chú Hưng, chàng xin lỗi chú Hưng và mong muốn hai người nên nối lại tình xưa.

4798%203%20MeMaiLaToAmNTTD

      Chiều thứ bảy Minh nhờ mẹ làm một bữa cơm để đãi hai người bạn. Bà tưởng là hai đứa bạn thân của Minh thỉnh thoảng có đến chơi nhà. Bà đã  vui vẻ làm vài món ăn thật ngon. Khi tiếng chuông cửa reo Minh biết ngay là người khách thứ nhất: chú Hưng, chàng đã rút lui vào trong phòng. Người ra mở cửa là mẹ chàng. Vừa thấy người xưa bà ngạc nhiên và hoảng hốt kêu lên:

     – Trời ơi! Sao anh đến đây?! Tôi đã thề với con và cấm anh không được tìm tôi mà.

     – Hãy nghe anh nói…

     Mẹ Minh vẫn khăng khăng gạt đi:

     – Anh khỏi cần nói, ra khỏi nhà tôi ngay nếu không muốn đổ máu. Thằng Minh nó đang ở nhà đó. Tôi van anh, tôi xin anh.

     – Anh nhớ em quá… Hơn 5 năm trời anh mới gặp lại em.

     Giọng bà nghẹn lại:

     – Chính xác cho đến ngày hôm nay là 5 năm 2 tháng và 13 ngày. Nhưng tôi vẫn phải… mời anh ra khỏi nhà.

     Minh xuất hiện, reo lên trêu chọc mẹ:

     – Mẹ ơi, một là mẹ có trí nhớ tuyệt vời, hai là mẹ vẫn thương yêu chú, đếm từng ngày xa cách chú. Chính con tìm chú và mang chú trả về cho mẹ. Con xin lỗi đã làm mất đi mấy năm trời tươi đẹp của hai người.

     Nói xong Minh đi vào trong phòng cho hai người cùng mừng vui tái ngộ. Lát sau lại có tiếng chuông cửa reo, mẹ Minh lại là người ra mở cửa, thấy một cô gái Mỹ bà hết sức ngỡ ngàng, hoang mang và lẩm bẩm: “Không lẽ cô này là khách hàng sửa quần áo ở tiệm Lily, hôm nay tiệm đóng cửa cô ta  tìm đến tận nhà mình phàn nàn mắng vốn? Mà sao cô ta biết địa chỉ nhà mình nhỉ?” Trong nghề nghiệp may sửa quần áo là làm dâu trăm họ, dù khéo léo đến đâu cũng không thể vừa lòng hết mọi người mọi lúc, bà đã vài lần bị khách bắt đền phải sửa đi sửa lại, thậm chí có người hối hả đòi lấy ngay, lấy gấp. Bà luống cuống:

     – What is… your name?

     Cô gái Mỹ còn đang ngẩn ngơ bà lịch sự hỏi thêm:

     – Tell me what’s wrong with your clothes. I will fix ít…

     Minh lại từ trong phòng đi ra, chàng vui vẻ chỉ cô gái và giới thiệu:

     – Mẹ ơi, không phải khách hàng sửa quần áo của mẹ đâu. Đây là Scarlett bạn học cùng với con và cũng là… người yêu của con.

     – Ủa cô gái này là… là… là bạn gái con hả? Vậy mà làm mẹ hết hồn.

     Scarlett cúi đầu chào lễ phép như một cô gái Việt Nam dù tiếng Việt của cô còn ngọng nghịu líu ríu:

     – Con… kính… chào… bác… ạ.

     Bà có chút cảm động khi thấy cô gái xinh đẹp người Mỹ nói tiếng Việt lúng túng.. Minh tiếp tục lấy cảm tình của mẹ:

     – Vâng Scarlett là bạn gái của con, cô ấy đang học tiếng Việt và học nấu nướng các món ăn Việt để hòa đồng trước là với nhà mình sau là với cộng đồng Việt đó mẹ.

     Mẹ Minh mỉm cười nhìn Scarlett:

     – Sit down. Please… À quên… cháu hiểu tiếng Việt mà. Mời cháu ngồi.

     Rồi bà trách yêu Minh:

     – Con mời hai người khách làm mẹ thật bất ngờ.

     Cả nhà cùng ngồi vào bàn ăn vui vẻ. Minh đã chuộc lỗi với mẹ và chú Hưng. Chàng đã hiểu tình yêu của chú Hưng dành cho mẹ và tình yêu của mẹ vẫn y nguyên cho chú Hưng kể từ ngày bị chàng phân ly. Tương lai đang ở phía trước. Minh tin rằng chàng và chú Hưng sẽ giúp mẹ hiểu, chấp nhận Scarlett là con dâu tương lai, cô ấy sẽ là nàng dâu ngoan hiền như cô gái Việt trong ước mơ của mẹ và nhất là Minh sẽ có thể nộp đơn xin việc bất cứ nơi đâu.

     Chàng sẽ là con chim tung cánh vào cuộc đời và mẹ mãi mãi vẫn là tổ ấm yêu thương.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 136 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.395 seconds.