Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: NIỀM TIN & HY VỌNG&GƯƠNG TỐT&CHIA SẼ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 135 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 05/Nov/2021 lúc 12:05pm

Văn Chương Việt Nam Cộng Hòa 


Cô bạn (trẻ) tặng tôi quyển sách của Erich Maria Remarque, bản dịch trước 75 mà em kiếm được ở tiệm sách cũ. Remarque là nhà văn người Đức mà có thời tôi “ngốn” hầu như không sót cuốn nào. Ông viết như thì thầm kể chuyện, chẳng lý luận, triết lý gì cao siêu cả, nhưng rất buồn, và rất người. Thời Hitler, Remarque phải sống lưu vong, tác phẩm bị cấm và bị đốt. Bây giờ, cầm sách của ông trên tay, tôi lại nhớ đến thời sau 1975, thời sách bị cấm và bị đốt ở Sài Gòn.

Sách bị tịch thu, chất đống lên xe ba gác chở đi thì tôi chứng kiến, còn có đem đốt hay không thì tôi không thấy.

Tôi cũng phải “cúng dường” vài chục cuốn sách (cũng còn giấu được một mớ), trong đó có hai quyển của Remarque: “Chiến hữu” và “Một thời để yêu, một thời để chết”. Có phải thừa tiền đâu mà mua sách làm kiểng. Toàn là tiền “bán cháo phổi” ngoài giờ, cân nhắc lắm mới dám mua một quyển, còn không thì thuê sách đọc. Đêm chia tay, cạn nguyên xị rượu đế. Sách “đồi trụy phản động”, nọc độc văn hóa đế quốc Mỹ mà như tình nhơn, quẳng xuống, rồi lại cầm lên mân mê, thì thầm, “Mai tao sẽ chất đống ngoài cửa để người ta mang tụi mày đi hóa thân thành tro. Duyên đến đây là hết, nhưng nợ còn. Tao sẽ nhớ tụi mày. Nợ thằng nào nhiều, tao nhớ thằng đó nhiều…” 

Hơn 40 năm nay đâu có đọc lại Remarque, vậy mà dạo này thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ, dù nhớ tên người này xọ tên người kia, dù nơi này biến thành nơi nọ, nhưng đại khái tình tiết chưa quên sạch. Vẫn nhớ. Nhớ và ngẫm.

Sách khoa học kỹ thuật được phép giữ lại, nhưng cũng có cách ra đi của nó. Một trường hợp tôi biết, ảm đạm hơn là tôi chia tay “đồi trụy phản động”. Một giáo sư tu nghiệp ở Mỹ về một ngành kỹ thuật. Ông được xem là hàng đầu trong lãnh vực đó ở miền Nam lúc đó, khi về nước đem theo một số sách chuyên môn, coi như gia sản nghề nghiệp. Vài năm sau 75, ông âm thầm bán sách trang trải cuộc sống. Thằng bạn tôi, một kỹ sư trẻ, gom hết tiền dành dụm, rụt rè tìm đến nhà vị giáo sư mua quyển sách ao ước và cũng nhân thể ra mắt, trò chuyện với thần tượng. Giáo sư đóng cửa phòng, không tiếp, chỉ cho vợ ra, đưa sách và báo giá. Tên hậu bối trả tiền, cầm sách thờ thẫn ra về. Giao dịch diễn ra lặng lẽ đến nặng lòng, cứ như thời Đông Châu liệt quốc. Đời cơm áo sinh tồn, sao mặn chát thế này! 

Với dân kỹ thuật thì sách technology và handbook của Mỹ sánh ngang hàng… thê tử. Có những ngày tháng tôi đã cày cục copy bằng tay, vừa viết, vừa dịch nhẩm trong đầu một quyển handbook mượn được, nên hiểu được loại sách đó trân quý với dân trong nghề đến cỡ nào. Vật bất ly thân mà phải chia tay thì còn tê tái nào hơn. Đã đành, bán cái mình sở hữu để sinh tồn đâu có gì phải thẹn, nhưng bán sách, bán cái gia sản nghề nghiệp, thì chẳng khác gì bán cả ước mơ, hoài bão… Ông giáo sư biết thẹn. Tên hậu bối biết thẹn, biết thẫn thờ, biết chia sẻ cái thẹn với tiền bối. Trí thức là người biết thẹn. Tôi gọi cả hai là trí thức. 

Nhưng không phải “trí thức” nào cũng biết thẹn. Đâu cần phải “diện bích” cả chục năm như ai đó mới ngộ ra một chủ nghĩa sai hay đúng, hiện thực hay mụ mị. Mẹ tôi, một người đàn bà mù chữ (nghĩa đen), thấy người ta đấu tố nhau trong cải cách ruộng đất, con tố cha, vợ tố chồng… bà hãi, hãi cho đến chết vẫn còn hãi. Với bà, nghèo chịu được, khổ chịu được, đói chịu được, nhưng đảo lộn luân thường đạo lý như thế thì không… Liệu cứu cánh có biện minh cho phương tiện được chăng? Mà cứu cánh gì? Là ấm no hay quyền lực? Ngay cả về mặt kinh tế, trong thời chiến tranh lạnh người ta cũng đã thấy cái “ưu việt” của làm chủ tập thể và hưởng theo nhu cầu rồi. 

Hoài bão hay lựa chọn của con người, nhiều khi khởi đầu bằng cảm xúc hơn là lý trí. Lý trí đến sau đó để hợp lý hoá hậu quả của cảm xúc. Nhưng lý trí cũng giúp con người phản tỉnh để nhận ra mình đã làm đúng hay sai. Sai lầm là thuộc tính của con người. Trí thức là người biết sai, biết thẹn để sửa sai. 

Nhưng nhiều người tuyên bố, nếu được làm lại từ đầu, họ vẫn lựa chọn như cũ. Thật đẹp và lãng mạn! Thế ra, phản tỉnh chỉ bộc phát khi hậu quả của cảm xúc bị thiệt thòi thôi sao? Chọn cái xấu, đập cho chết cái ít xấu hơn là đúng, là đẹp? 

Nhưng chiến tranh, đau thương, mất mát, độc lập (thật sự), đói nghèo, số phận của một dân tộc đâu phải là chuyện lãng mạn. 

Một bậc đàn anh đồng môn của tôi, trước 1975 phụ trách vài mục âm nhạc, văn hóa cho đài phát thanh, mà cũng là tay sừng sỏ trong giới xuất bản. Sau 1975, khốn đốn vô cùng, nhưng đoạn tuyệt hẳn với nghề viết lách, làm chân lon ton, chạy vặt cho một nhà xuất bản. Vài năm trước, gặp ông giám đốc mới có mắt nhìn người, cất nhắc cho làm biên tập sách. Ông huynh trưởng mắc bệnh “muội đèn” của Cao Bá Quát, thấy đoạn văn hay nhưng phạm húy, tiếc, không nỡ cắt. Ông anh không cắt, thì đời cắt ông anh. Ông lại tiếp tục làm chân lon ton. Thân già bốn mươi ký lô, tính luôn giày dép và quần áo, đã bền bỉ chọn một thái độ sống như thế. Người ta có thể không cho viết, nhưng không thể bắt mình viết theo ý người ta. Ngòi bút có máu, báo chí sách vở còn lưu giữ cả đấy, không chơi bài ba lá với lịch sử được đâu.

Cô bạn tặng tôi quyển sách của E. M. Remarque là dân… “gia công”, một từ lóng để chỉ con cái của những người tập kết ra Bắc hồi năm 54. Bọn trẻ sinh ra ở Bắc và trở về Nam sau 75. Tôi hỏi đùa,

“Thế em là dân Sài Gòn hay người Hà Nội?” – “Là dân Sài Gòn chứ! Hà Nội chỉ là nơi cha mẹ "gia côn" ra em thôi. Em lớn lên ở Sài Gòn, học Tiểu học ở Sài Gòn, bạn bè Sài Gòn…” 

Tội nghiệp! Sài Gòn khi em lớn lên đã là thành phố buồn hiu, dè dặt và nhẫn nhục, một thành phố "trầm cảm" với dăm ba người mất trí nghêu ngao hát bên hè phố, hay những người một thời cầm bút, cầm phấn, bây giờ đạp xích lô, vá xe đầu đường, bơm mực bút bi… 

Đầu thập niên 80, sách cũ loại tự điển hay kỹ thuật được bày bán công khai, nhưng sách “đồi trụy phản động” thì phải lén lút. Hồi đó làm nghiên cứu, tôi thường ra… chợ trời sách ở đường Đặng Thị Nhu. Chỉ một sạp duy nhất có quyển “Handbook of Chemical Engineers”, giá bốn chỉ vàng. Khi cần tra cứu là tôi đến đó giả vờ xem sách, ráng nhớ mấy con số, rời xa xa khỏi sạp là rút sổ tay ghi lại. Đến riết, chủ sạp quen mặt biết ý, chỉ tay, “Cầm lấy, đọc thoải mái!” Có một cảm thông kỳ lạ giữa người mua, kẻ bán và tên đọc sách “cọp”. 

Phước đức bảy đời là những người buôn bán sách cũ. Họ chứng kiến những khoảnh khắc chia tay não lòng của người bán, và những thèm thuồng tri thức của người mua. Chợ sách (cũ) khác chợ đời. Chợ buồn bã, trầm mặc như số phận đời người… Những dấu son chữ ký còn trên sách hẳn đã làm kẻ bán đoạn lòng, người mua nao lòng. Đọc mà lúc nào cũng bồi hồi nghĩ đến chủ nhân trước của sách… 

Cô bạn tôi, Sài Gòn có gì để em tự hào về gốc gác? Cha mẹ em là cán bộ trí thức, nên nhà nhiều sách “ngụy” (để tham khảo) hơn là máy móc tiện nghi… Em đọc lén. Khổ thân em! Những gì em đọc khác với những gì em học ở trường. Đó là chưa kể họ hàng em nội ngoại, bên thua, bên thắng (cuộc)… Trong lớp học, em phải viết ra những điều không phải em nghĩ. Nói và làm, đúng và sai, khẩu hiệu và thực tế cứ lộn tùng phèo trong đầu. Những thực tế tréo ngoe làm em có đôi chút phá rào, cảm nhận đúng sai. Em tự hỏi, nhưng ai trả lời? 

Làm việc ở nước ngoài gần hai mươi năm, ngày trở về, em thấy một Sài Gòn hào nhoáng hiện đại nhìn đâu cũng thấy building, cầu vượt… nhô lên từ những bãi nhà tôn, ổ chuột. Có những người giàu nhanh quá, siêu nhanh giữa bầu không khí ô nhiễm (đen lẫn bóng). Hàng rong bị săn đuổi giữa những hàng xe hơi lộng lẫy. Em đứng tần ngần ở quán cà phê đường Huỳnh Tịnh Của, ngắm nghía căn nhà cũ kỹ gần sáu bảy chục năm. Đẹp quá! Chẳng còn là bao những căn nhà xưa như thế này, cũng không còn những con phố yên tĩnh. Mọi thứ ồn ào và tương phản đến lạ lẫm. Em thở dài, Sài Gòn bây giờ như bức tranh lập thể siêu thực. Sài Gòn không còn là Sài Gòn của em nữa. Sài Gòn muộn màng của em cũng không còn, thì Sài Gòn một thời của tôi ở đâu? 

Có lần em buột miệng, “May mà cha em mất rồi, chứ nếu còn sống…” Em không phải là người duy nhất nói với tôi điều đó. Vài bạn bè tôi, cha mẹ họ thuộc hàng "công thần", trong những lúc trà dư tửu hậu cũng nói thế. Độc lập là khát khao của cả dân tộc, chứ đâu phải của riêng ai. Độc lập bị tham vọng quyền lực đánh lận nên mới ra nông nỗi thế này. Người bạn (già) của tôi ở Hà Nội nói: “Các anh bị đau một, chúng tôi bị đau những hai lần.”

Tôi là độc giả thầm lặng của facebook “CLB cuộc chiến chống ung thư”, nơi những con người tuyệt vọng chia sẻ với nhau từng mẩu hy vọng. Trong đó có một status thế này: “Cha tôi đã không qua khỏi, còn một ít thuốc giảm đau, bạn nào cần, tôi xin tặng lại.” Đọc mà nhòe cả mắt… 

Quyển sách cô bạn tặng, “Tình yêu bên bờ vực thẳm”, bản dịch của Huỳnh Phan Anh, chỉ lật vài trang đầu, tôi đã nhận ra một Remarque quen thuộc: …Hãy để tôi đi, nàng thì thầm. Ravic không nói gì, siết chặt tay nàng hơn nữa. Ravic có cảm tưởng nàng không trông thấy chàng, và xuyên qua chàng, dường như nàng đang nhìn vào cõi xa xăm nào đó, trong đêm tối trống vắng.

Con người trong tác phẩm của Remarque thường là những số phận bị săn đuổi, với những ước mơ, tính toán thật giản dị và tử tế. Tử tế với những người bạn tình cờ biết nhau một đêm, tử tế cả với chính kẻ thù của mình. Con người bị săn đuổi, nên lúc nào cũng vội vã, họ cảm nhận được giá trị của chia sẻ, của khoảng khắc tồn tại và yêu thương. 

Một thời triết lý vụn đã qua, mọi thứ đã lụi tàn trong ngọn lửa “đồi trụy và phản động”. Hồi trước đốt sách, nhưng liêm sỉ còn kháng cự ít nhiều. Bây giờ liêm sỉ bị thiêu rụi bởi thực dụng, bởi đạo đức giả, bởi diêm dúa của đồng tiền và quyền lực. Con người bị cầm tù bởi "hiệu ứng" Stockholm mất rồi! 


Trong “Một thời để yêu, một thời để chết”, tôi nhớ lõm bõm câu (đại ý): Không cần phải cứu vãn những giấc mơ, mà phải cứu vãn niềm tin. Niềm tin còn, thì giấc mơ tự nó sẽ phục hồi. 

Bốn mươi sáu năm rồi đấy! Cuộc đời có khi tràn ngập những tuyệt vọng, nhưng đúng là niềm tin cần được cứu vãn. Tôi cần niềm tin. Đất nước này cần niềm tin. Niềm tin sự thật sẽ không bị vùi lấp. Niềm tin cái xấu sẽ bị đào thải: Nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền.

  

Vũ Thế Thành

Đà Lạt vào Thu 2021
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 09/Nov/2021 lúc 10:47am

Hai Nửa Hy Sinh

 

Cô vốn là một người con gái xinh đẹp. “Vệ tinh” xung quanh cô nhiều không kể xiết, nhưng cô bỏ ngoài tai tất cả để chọn anh – một công nhân làm việc ở nhà máy, thu nhập còn không đủ cho 3 bữa ăn hàng ngày. Cô chấp nhận từ bỏ cả gia đình, thậm chí là công việc đầy tương lai của mình để cưới anh.

Sau khi kết hôn, anh và cô mượn được nhà kho của một người bạn, họ sắp xếp lại thành một tổ ấm giản dị. Mùa đông đến, căn nhà kho trống trải hút gió lại càng trở nên lạnh giá. Khi ấy chưa đủ tiền mua chăn, cô thường bị giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì lạnh. Những lúc đó, anh chỉ biết ôm chặt cô vào lòng, dùng hơi ấm của cơ thể sưởi ấm cho cô.

Một ngày cô trở về nhà với vẻ mặt thất thần nhợt nhạt, anh lo lắng hỏi cô có phải bị bệnh rồi không? Cô chỉ mỉm cười nói: “Em hơi mệt thôi!” rồi hân hoan rút từ trong túi ra một tờ bạc nhét vào tay anh: “Chúng mình có tiền rồi anh ạ, mình đi mua một chiếc chăn thật ấm để đắp nhé.” Anh sững người ngạc nhiên nhìn tờ tiền trong tay cô, giọng run run: “Làm sao em lại có nhiều tiền vậy?” Cô vui vẻ kể lại cho anh tiền là do cô kiếm được khi đi phát tờ rơi. Cô phải đứng từ sáng đến tối mới được trả ngần ấy tiền. Nói rồi cô vội vàng kéo anh ra khỏi nhà, không cho anh hỏi thêm điều gì nữa. Họ mua môt cái chăn vừa tầm tiền. Từ đó, giữa đêm cô không còn bị giật mình thức giấc nữa.

Vài năm sau, anh tìm được công việc tốt hơn, rồi kiếm được nhiều tiền, tự mở công ty. Không bao lâu anh đã xây cho cô một ngôi nhà khang trang, mua ô tô cùng rất nhiều đồ dùng đắt tiền khác. Anh nói muốn dành cho cô một cuộc sống ấm no đầy đủ bù đắp lại những tháng ngày khó khăn vất vả trước đây. Cuộc sống bỗng vụt thay đổi khiến cô có phần bàng hoàng chưa kịp thích nghi với điều kiện mới. 

Ngày chuyển nhà, anh bảo những đồ đạc cũ trong căn nhà kho của họ trước đây anh đều muốn vứt đi không giữ lại bất cứ cái gì. Nhưng cô khăng khăng nói muốn giữ lại cái chăn để đắp. Và rồi một thời gian dài nữa họ vẫn dùng cái chăn cũ ấy, giờ đây nó đã trở nên xù xì cũ kĩ, còn bị rách khá nhiều chỗ. Anh không ngừng phàn nàn với cô: “Thôi bỏ cái chăn cũ này đi em, mình có thể mua một cái chăn mới ấm áp và tốt hơn rất nhiều. Em xem cả nhà mình toàn những đồ đắt tiền, nhìn cái chăn cũ này trong nhà trông thật chướng mắt”. Nhưng cô vẫn cố chấp nhất quyết giữ lại cái chăn cũ ấy, vì chỉ khi đắp nó cô mới cảm thấy ấm áp và được che chở. 

Một hôm, anh về nhà mang theo một cái chăn mới và nhất quyết bảo cô bỏ cái chăn cũ đi. Lần này dù không nỡ nhưng cô vẫn nghe theo lời anh. Từ đó, hàng đêm cô ngủ không còn ngon giấc nữa, trong lòng cô lúc nào cũng cảm thấy thấp thỏm lo lắng khiến cô lại không ngừng giật mình giữa đêm. Và mỗi lần tỉnh dậy như thế, hai mắt cô lại đầm đìa nước. Anh vốn không biết rằng để mua được cái chăn đó cô đã phải đi bán máu lấy tiền chứ không phải đi phát tờ rơi như cô nói với anh. Lần đầu tiên bán máu, biết bao đau đớn, cũng chỉ vì muốn có cái chăn này. Vậy mà anh lại nỡ vất bỏ nó. Cô dần cảm thấy anh không còn yêu cô như xưa nữa. 

Một ngày anh có việc gấp phải ra ngoài, quên mang theo máy tính xách tay quen thuộc. Trên màn hình của anh vẫn hiện lên trang blog anh viết hàng ngày. Và cô bất chợt đọc được dòng chữ anh hình như mới viết không lâu.

“Ngày hôm ấy em từ đâu về khuôn mặt tái xanh nhợt nhạt khiến cho tôi lo lắng vô cùng. Rồi em nói em đi phát tờ rơi để mua chăn cho hai đứa. Tối hôm đó chúng tôi nằm ngủ ấm áp trong chiếc chăn mới, thấy em nằm cuộn tròn trong lòng tôi say trong giấc ngủ, tôi thương em biết bao. Đã bao đêm rồi em không được ngủ ngon đến vậy. Và rồi tình cờ tôi nhìn thấy trên tay em có một vết sưng nhỏ, dường như bị kim tiêm đâm vậy. Tôi bỗng hiểu ra tất cả. Hóa ra em nói dối tôi em đi phát tờ rơi, thực ra em đã đi bán máu để có tiền mua chăn, chỉ vì một cái chăn mà em đã phải khổ sở đau đớn đến vậy. Đêm đó tôi đã khóc vì thương em và cũng thầm hứa sẽ cố gắng làm việc, phấn đấu trở thành một người thành đạt, để có thể bù đắp lại những ngày tháng khốn khó này cho em. Và giờ đây tôi đã thực hiện được lời thề đó. Hôm qua tôi quyết định đến trạm hiến máu, tôi chỉ muốn cảm nhận một chút nỗi đau em từng trải qua. Khi chiếc kim tiêm đâm vào mạch máu, một cảm giác nhói buốt lan dọc khắp cơ thể. Nhưng tôi không thấy đau, ngược lại, rất hạnh phúc. Tôi lấy tiền bán máu và đi mua chiếc chăn mới này. Tôi muốn nó là món quà bất ngờ dành cho em…” 


Nước mắt cô đã ướt đẫm tự độ nào. Hóa ra tình yêu của anh dành cho cô vẫn sâu đậm và lớn lao đến vậy. Mùa đông năm nay anh đã đổi máu của mình tặng cho cô chiếc chăn ấm, có lẽ đó cũng sẽ là chiếc chăn ấm áp nhất cô có trong đời…

 

Doanh Doanh sưu tầm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 11/Nov/2021 lúc 11:21am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 13/Nov/2021 lúc 9:20am
Người chị dâu
gốc Tàu của tôi


Beautiful%20Chinese%20Girl%20|%20Beauty%20Of%20Chinese%20Women%20|%20Pictures%20Of%20Chinese%20%20Women%20-%20Tokitobashi.Com
Dòng máu Trung Hoa thấm đều ba anh em chúng tôi thì không còn được nguyên chất nữa.

Người lo đến cái ngày lạc giống nhất, có lẽ là ba tôi. Triết lý qua làn khói thuốc phiện, chén nước chè tàu, ba tôi thường bảo:

- Thế nào một trong ba đứa cũng phải cho về quê mới được!

Công việc gây lại nòi giống được anh tôi đảm nhận bằng cách cưới, sau bốn năm trời nghiên bút, một người vợ đặc Tàu. Cái hỷ tin ấy bắn từ bên kia trùng dương sang khiến ba tôi vuốt râu cười khoái chí, trong khi mẹ tôi có vẻ không bằng lòng. Rồi, mặc dầu sự phản đối nhỏ nhặt của người đàn bà phương Đông yếu đuối, chị dâu tôi đã ở dưới cái nóc nhà thân mật với chúng tôi, cái nóc nhà sau này từng chứng kiến những ngày buồn thảm của đời chị.

Hỡi chị! Nếu số phận đã bắt chị vào làm dâu một gia đình cơ khổ, làm vợ một người chồng không bằng người, làm một người đàn bà lưu lạc, chị hãy nhận ở đây, trong mấy dòng chữ này, một lời an ủi, để may ra lòng đau khổ của chị được san sẻ một vài phần.



- Ừ, rồi tha hồ mà vui. Chốc nữa chị dâu mày sắp về đấy!

Mẹ tôi bỏ rá gạo vo xong xuống miệng chum, nhìn tôi và cười một vẻ mai mỉa. Từ hôm nhận được tin anh tôi cưới vợ, mẹ tôi đâm ra buồn rượi suốt ngày. Là vì mẹ tôi đã có định kiến sẵn về cuộc hôn nhân của anh tôi, và người con dâu của mẹ tôi phải là người biết gồng gánh, biết chịu khó xay lúa, giã gạo, cáng đáng mọi việc trong nhà. Tôi còn nhớ hôm cầm đến ảnh anh chị tôi, mẹ tôi thở dài:

- Cái ngữ này rồi lại chỉ xõng xác ra là hết!

Tôi nhỏ nên vẫn dễ tưởng tượng. Tôi tưởng tượng chị dâu tôi là một thiếu phụ sang trọng, đẹp đẽ, bó chân và chuốt bím bằng dầu thơm. Năm sáu lần, cầm bức ảnh chụp từ bên Tàu gửi sang, tôi sung sướng vì sắp được làm em một người Trung Hoa quý phái, yêu tôi và cho tôi nhiều tiền. Mà chị dâu tôi đẹp thật, nói là yểu điệu thì đúng hơn.

Đôi má hồng luôn, và cặp mắt ngơ ngác như vừa qua cái thảm cảnh phân ly, chị tôi nhìn chúng tôi, thằng lớn dắt tay thằng nhỏ, ngó chăm chú cái con người bắt đầu đến làm thân với hơi bàn ghế trong nhà. Mẹ tôi lúc ấy không có ở đấy. Chỉ có mình ba tôi yếu đuối ngồi trên sập gụ mỉm cười. Tôi đánh bạo xán lại gần chị. Chị vui vẻ vuốt tóc tôi, và dúi vào tay tôi hai hào chỉ. Tôi càng mến chị tôi hơn lên, quấn quít bên chị suốt ngày. Hình như chị dâu tôi sống giữa sự lãnh đạm của mọi người, trừ anh cả tôi - chồng chị - và tôi, những người đem lại cho chị một phần lớn tình lưu luyến của gia đình.

Thậm chí đến anh hai tôi cũng thường bảo tôi:

- Mày cứ xán lại gần chị ấy, mẹ ghét lắm đấy!

Mỗi lần anh tôi mắng, tôi thường đem những đồng hào mới tinh ra khoe:

- Này, anh xem, chị ấy tốt lắm kia!

Chị dâu tôi sống trong sự bỡ ngỡ có đến ngót hai tháng. Một hôm đi học về, tôi ngạc nhiên thấy chị đang xay lúa, thở hổn hển và luôn luôn đưa khăn mặt lên lau trán. Tôi chạy ngay xuống nhà bếp, giận dỗi hỏi mẹ tôi:

- Sao mẹ bắt chị cả xay lúa thế? Chị cả có quen làm những công việc ấy đâu!

Mẹ tôi trừng mắt:

- Không quen thì không làm à? Tao mua con dâu về có phải để mà thờ đâu!

Tôi ức quá, toan cãi, nhưng nghĩ đến ngọn roi mây, lại thôi. Mẹ tôi, nói đúng ra, không phải là người ác. Sự cần cù có từ khi lấy ba tôi, và cái thành kiến xấu xa về mẹ chồng, con dâu nuôi ngấm ngầm trong những đầu óc bảo thủ, là hai cớ chính xui mẹ tôi khinh ghét những kẻ không quen làm.

Thông minh, chị dâu tôi dần dần làm được mọi việc. Từ chiếc áo dài hoa, đôi giày nhiễu, chị tôi đã nhũn nhặn đổi sang bộ quần áo màu chàm thẫm, đôi dép da trâu mà chị tôi không bao giờ rời ra nữa. Cực khổ nhất là mấy tháng đầu, khi chị tôi chưa nói thạo tiếng Việt Nam. Nhớ đến sự cực khổ ấy, có lần chị tôi đã nhắc lại:

- Thà cứ câm đi mà hơn, chú ạ.

Nhà tôi là nhà nghèo, cơm thường ghế khoai cho đỡ gạo. Trừ tôi là được ăn cơm trắng. Nấu niêu cơm ngon lành mà tôi thường ăn hết ấy, tai hại, lại là công việc của chị tôi, một người đàn bà Tàu xưa nay chỉ quen sống trong cảnh đài các. Một hôm ăn quà no, tôi bảo đùa chị:

- Chị ăn hộ cả cơm cho em nhé!

Chị tôi ăn thật, ăn ngon lành, nhưng với một vẻ sợ hãi làm tôi đoán ra là lâu nay chị thường thèm những bữa cơm gạo trắng lắm. Từ đấy, tôi thường kín đáo dành lại trong nồi một hai bát và bao giờ, bao giờ, chị dâu tôi cũng nể lòng ăn hết!

Chị tôi hay khóc lắm, khóc rưng rức suốt ngày. Chị thường bảo tôi bằng một giọng lơ lớ:

- Mẹ hay mắng lắm, em ạ!

Tôi còn nhỏ, không biết can gián, yên ủi thế nào cho khéo, ngoài cách khóc theo với chị tôi. Tôi hiểu biết người đàn bà ấy lắm, người đàn bà buồn khổ sàng từng hạt tấm xuống nong, trong khi trời chiều sàng từng giọt hoàng hôn xuống tóc. Trông chị ngồi tẩn mẩn làm những công việc hằng ngày mà có lẽ trước kia, chị không bao giờ ngờ sẽ phải dúng tay tới, tôi thấy tâm hồn xúc động, bâng khuâng... Tôi nghĩ đến cái tổ quốc xa xôi với những manh áo chàm giang hồ khắp tứ xứ, cái tổ quốc mà tôi chưa từng biết bao giờ!

- Tối rồi em ạ, thắp đèn mà học đi!

Ô hay! sao lúc viết mấy dòng chữ này, tôi còn thấy như một niềm bối rối, gió tối bận bịu trong chùm tre, một chấm lửa lung lay châm loe vào bóng đêm bất tận!

Người chị dâu tôi... Người chị dâu tôi...

Tôi là người biết cảm sầu rất sớm, nên người đàn bà lìa quê hương ấy đã là cái đề cho tôi khóc bằng thơ để làm ố hoen cả một buổi bình minh đáng lẽ rất tươi đẹp.

Hai năm sau, chị dâu tôi sinh thằng cháu đầu lòng thì ba tôi mất. Mẹ tôi yếu, gia đình sa sút thêm. Chỉ còn mình tôi là được đi học. Chị dâu tôi phải về ở nhà quê làm việc. Ngày đưa chân cả nhà tôi ra ga để lìa bỏ cái tỉnh thành bạc bẽo, tôi sụt sùi bảo chị dâu tôi:

- Chị về chịu khó hầu mẹ nhé. Đến Tết em về, em mua nhiều bánh cho cháu.

Chị tôi gật, ứa nước mắt.

Từ đấy cứ tuần tuần, tôi gửi về một bức thư, phần nhiều là thư khuyên mẹ tôi ăn ở rộng lượng với mọi người trong nhà. Làm như thế, tôi mong mỏi sẽ vợi được ở lòng người chị dâu đau khổ của tôi những nỗi buồn rầu khi xa đất nước...

Mỗi một dịp được nghỉ về nhà, với tôi hồi ấy, là sự giải thoát cái ngục tù thành phố, nơi tôi chỉ mơ màng thấy hình bóng một người đàn bà lưu lạc. Tội nghiệp, những lúc trông thấy mặt tôi, chị dâu tôi cứ đứng ngây người ra, vì cảm động. Tôi giấu mẹ tôi những thức quà biếu chị, có lúc là chai dầu thơm, có khi là vài thước lụa. Chị tôi thường phàn nàn:

- Chú tử tế với chị quá. Chị chả biết biếu chú gì được bây giờ.

Có, chị ạ, chị đã biếu em một thứ quà quý nhất, một tấm lòng thương người, một chân tình xứng đáng. Và bây giờ, trong cát bụi cuộc đời, tâm hồn em vẫn còn sáng mãi những cảm tình chân thật buổi đầu.

Thường thường, chị kể chuyện cho tôi nghe:

- Chú ạ, ngày xưa chị sung sướng lắm kia. Chị là con một trong gia đình quý phái, cũng được nuông chiều như chú bây giờ, có phần hơn thế nữa.

Nói xong, chị tôi lại khóc. Chị tôi chỉ biết khóc. Những bữa cơm khoai, những ngày lam lũ đã làm chị chạnh nhớ đến cảnh sum họp năm nào.

Thời hạn nghỉ của nhà trường rất ngắn, nên thường thường tôi chỉ ở nhà được ba hôm là cùng. Mỗi lần lên tỉnh, chị tôi hay cho tôi tiền, hoặc bỏ giấu vào túi áo, hoặc nhét dưới đáy va ly và dặn quen miệng:

- Chú chăm mà học, rồi về dạy cháu.

Anh cả tôi vì công việc làm ăn ở tỉnh, chỉ có thể về quê thăm nhà mỗi năm vào dịp Tết. Vắng hai người thân ái nhất, chị tôi trở lại sống buồn bã như ngày mới về nhà chồng. Tiếng xay lúa ồ ồ nhiều lúc đến tận hai giờ sáng, như những nhịp đời thương nhớ âm vọng trong thời khắc và lòng người.

Hai năm sau, chị dâu tôi hoàn toàn thành một người đàn bà quê Việt Nam đặc. Trên cánh đồng rộng rãi của làng Đông Bích, người ta thường thấy một dải áo chàm in bật trên nền trời mỗi sáng, chăm chỉ và lặng lẽ như dấu hiệu một cuộc sống vâng lời, ngu muội.

Chị dâu tôi đã khác với ngày trước lắm rồi. Ba năm đôi, mấy đứa cháu tôi thi nhau ra đời, thi nhau sống một cách cơ cực và thi nhau kết thêm một ít dây liên lạc trói buộc chặt chẽ người mẹ chúng nó với cái đất nước này.

Người đàn bà ấy đã thôi không bao giờ còn dám hy vọng trở về quê hương nữa.



Tôi bước ra đời, xếp sách vở lại, mang vào trong bụi bặm cái hình bóng một người chị dâu lam lũ, nghèo hèn, chút chân tình nhận được khi trái tim chưa biết đập một tiếng giả dối nào.

Sáu năm rồi, tôi không sao quên được dĩ vãng và những kỷ niệm buổi đầu. Vài ba lá thư mỏng mảnh thỉnh thoảng rơi vào trong cái tẻ lạnh của đời tôi, đem lại nỗi nhớ nhung còn vấn vương ở góc trời cũ. Mẹ tôi bây giờ đã già, ngót bảy mươi tuổi. Chị tôi thêm được mấy cháu, đôi mắt lâu ngày tôi chưa gặp, chắc đã mờ dần dần.

Tôi đi con đường tôi, đem châu báu của lòng ném hết vào những cuộc tình duyên vô vọng. Tôi hao phí thanh xuân đi để chóng thấy cái ngày già sắp tới, để tự phụ là mình biết sống đúng theo linh hồn.

Trên nền năm tháng cũ, hình ảnh chị dâu tôi vẫn đứng, buồn bã với manh áo màu chàm cũ, mắt nhìn từ quãng trời xa về, bóng hoàng hôn mơ hồ ôm trùm lên sự vật.

Chỉ có tôi là sống ích kỷ, còn người mẹ già, người chị dâu đau khổ, mấy đứa cháu rách rưới, vẫn sống theo khuôn phép, lặng lẽ và cần cù.

Sáu năm! Tôi xa quê hương sáu năm rồi mà không một lần nào nghĩ đến chuyện trở lại. Cái sức khỏe yếu ớt của mẹ tôi còn đứng được hay không, tôi không biết, và người chị dâu lưu lạc của tôi, có nói dối mấy đi nữa, chắc cũng đã quá chiều, xế bóng rồi...



. Rút từ tập truyện ngắn Chân trời cũ.
Nhà xuất bản Nguyễn Hà, Hà Nội, 1942


Hồ Dzếnh
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 16/Nov/2021 lúc 9:23am

Tiếng Hát Chiều Thanksgiving

Happy%20Thanksgiving%20banner%20with%20autumn%20vegetables.%20Vector.%20Stock%20Vector%20%20Image%20by%20©almoond%20#126659130

Vừa mở cửa, thấy bà Hoa, Heather cười:

– Hi, “ba Noi”!

– Hi, Heather! Happy Thanksgiving!

– Cảm ơn “ba Noi”. Happy Thanksgiving to you too!

Thấy bà Hoa bước vào, mọi tiếng động của nhóm người trẻ nơi phòng khách đột ngột ngưng. “Ba Noi” vẫy tay về phía nhóm người trẻ, chúc:

– Happy Thankgiving đến mọi người.

– Cảm ơn Bà. Chúng cháu cũng chúc Bà như thế.

Heather nhìn các bạn, giới thiệu:

– Xin giới thiệu đến các bạn, đây là “my ba Noi”.

Nhiều bàn tay vẫy vẫy. Người con trai của bà Hoa bước đến.

– Happy Thanksgiving, Măng!

– Cảm ơn con. Măng cũng chúc vợ chồng con và các cháu như rứa.

– Măng ra ngoài “deck” ngồi với nhóm người lớn; trong này mấy đứa nhỏ ồn ào lắm.

– Răng dịch Covid mà con tụ họp nhiều người rứa?

– Dạ, chỉ vài cặp láng giềng lớn tuổi, con cháu của họ ở xa, không về được và vài đứa bạn học của mấy đứa con của con, vì nhà xa, phải ở lại trường. Con mời họ dự Thanksgiving để họ đỡ tủi thân. Đi, Măng ra “deck” ngồi chơi.

Từ ngày ông Trực – chồng của bà Hoa – qua đời, Bà chỉ thích sống cách biệt để được “yên thân già”:

– Măng ở trong ni chơi với các cháu, được không, con?

– Tùy Măng.

Sau khi cô dâu và các con đến chào, bà Hoa xoay sang Heather, đùa:

– Heather! Cho bà Nội vui chung, được không?

– Okay! Nếu “ba Noi” chấp nhận được sự phá rối của tụi cháu.

– Không ai phá rối được Bà; vì, chỉ thấy cây đàn là Bà vui rồi.

Nhìn thanh niên Á Đông đang ôm Guitar, Heather nói:

– Johnathan! Biết nhạc Việt không, hát cho “my ba Noi” nghe đi!

– Nhạc Việt anh chỉ biết có một bài, nhờ hồi đó thường nghe “my on Noi” đàn và hát. Anh thích bài này nhưng lâu quá không đàn; còn hát thì…tiếng Việt anh nói còn không được mà hát cái gì!

– “My ba Noi” cũng chơi đàn. Có thể Bà biết bài mà anh thích đó. Đàn đi.

– Để anh dợt lại xem.

Trong khi Johnathan “từng tưng”, cố nhớ lại dòng nhạc xưa thì Heather đến bên bà Hoa, nói nhỏ:

– “Ba Noi”! Johnathan là bạn trai của con đó.

– Cái gì? Con có bạn trai?

– Con lớn rồi! Tháng Năm này con tốt nghiệp đại học. “Ba Noi” quên rồi sao?

Im lặng. Bà Hoa thầm nghĩ: Mới ngày nào Bà và Tú – người yêu đầu đời của Bà – đi bên nhau còn e ấp, ngượng ngùng mà bây giờ cháu nội của Bà đã ở vào tuổi đầy mộng mơ như rứa à? Không thể tin được!

Bất chợt Johnathan reo vui:

– Heather! Sorry, anh chỉ có thể đàn phân đoạn nào anh nhớ thôi. Được không?

– Okay.

Vừa nghe vài “notes” của tình khúc Nhìn Nhau Lần Cuối của Nguyễn Vũ bà Hoa lặng người! Giai điệu u hoài của tình khúc này như khơi dậy trong lòng Bà nỗi đau xưa! Qua khung cửa sổ, nhìn mây trôi lặng lờ, bà Hoa tưởng như có thể thấy lại được Bệnh Viện Hạm Hát Giang, HQ 400, đang hải hành chầm chậm trong vịnh Đà Nẵng vào buổi chiều xưa.

Chiều xưa ấy, sau khi tan trường, thấy Tú – trong quân phục xanh xám của Hải Quân – đang đứng đợi cạnh cổng trường Phan Châu Trinh, Hoa reo vui:

– Anh đến Đà Nẵng khi mô, răng không cho em hay?

– Chuyện nhà binh mà cho em hay sao được! Tàu đang công tác tại Thuận An, về đây nhận nhiên liệu và cũng để đón một sĩ quan cùng khóa với anh, sẽ thuyên chuyển xuống tàu.

– Khi mô “tàu anh” đi?

– Mai.

– Rứa anh có ghé nhà em không?

– Anh sẽ ghé để “trình diện” hai Bác và xin phép hai Bác cho em với cậu em của em tối nay xuống tàu chơi.

– Tối ni “tàu anh” có chi vui rứa?

– Mấy “thằng” cùng khóa với anh đón chàng sĩ quan mới nhận nhiệm sở, tụ họp nhau ca hát cho vui. Em đi, nha!

– Anh mà không cho em đi, mai mốt em biết được, em sẽ buồn anh lắm đó!

Câu nói ngọt ngào của Hoa làm Tú vui thích bao nhiêu thì tối đó, trong phòng ăn của sĩ quan, thấy bác sĩ Long – phục vụ trên HQ 400 – cứ quanh quẩn, “xoắn” lấy Hoa, Tú càng khó chịu bấy nhiêu!

Khi được yêu cầu, Hoa hát tình khúc Love của Bert Kaempfert và Milt Gable:

“L is for the way you look at me
O is for the only one I see
V is very, very extraordinary
E is even more than anyone that you adore can…”

Hoa chọn nhạc khúc Love vì nàng muốn kín đáo thể hiện tình yêu nàng dành cho Tú. Nhưng, vì bác sĩ Long, ngay khi thấy Hoa nơi hạm kiều, đã bị “coup de foudre”; do đó, Long không thể đè nén, không thể giấu diếm tình cảm Long dành cho Hoa. Tú hiểu lầm, nghi rằng Hoa ham địa vị, muốn mượn lời ca tình khúc Love để hé lộ tình cảm nàng dành cho Long.

Hoa hát xong, Tú nén giận, lấy Guitar từ tay Long, vừa đàn vừa hát ca khúc Nhìn Nhau Lần Cuối như gián tiếp nói lên niềm thất vọng của chàng:

“Em, giờ hai đứa mình xa nhau rồi
Ðường em đi mây giăng đẹp lối
Ðường anh về gió mưa tơi bời…”

Là một thiếu nữ đẹp, nhưng Trời lại phú cho Hoa bản tính cứng rắn, ngay thẳng, chân thật; do đó, Hoa chỉ âm thầm đau khổ chứ chưa bao giờ tìm hiểu tại sao Tú lại đột ngột đoạn tình với nàng!

Hôm nay – sau khi Johnathan ngưng đàn – bà Hoa cảm ơn Johnathan rồi xuống bếp, mở cửa sau, ra “deck”; vì muốn chôn vùi hình bóng xưa!

Nhóm người nơi “deck” hơi nhổm người, cúi chào bà Hoa. Người con cả nói nhỏ:

– Mấy người này Măng đã gặp vào những dịp nhà con có tiệc. Măng nhớ không?

Bà Hoa chỉ nhớ mặt chứ không thể nhớ tên. Nhưng vì phép xã giao, Bà chỉ gật đầu, chúc Thanksgiving. Người con cả mời:

– Măng ngồi đi.

Vừa ngồi xuống, bà Hoa thấy ông mặc áo trắng đến bàn lấy miếng thịt gà tây đút lò rồi quay sang nói với ông đang bưng ly rượu chát:

– “Tụi nó” – cộng sản Việt Nam (csVN) – mà nhân đạo gì! Theo báo Tuổi Trẻ online, ngày 30/10/2020, khi được Mỹ quyết định viện trợ cho Việt Nam hai triệu USD để khắc phục hậu quả thiên tai, sau khi “tụi nó” chia chác nhau, nhín lại chút ít, đem gạo tặng cho Lào để chứng tỏ với thế giới là “tụi nó” cũng nhân đạo.

Ông mặc áo “ca- rô” lên tiếng:

– Trường học cho học sinh Việt Nam thì không có nhà vệ sinh; đồng bào miền Trung bị lụt lội khốn khổ như vậy mà đem gạo đi cho người dưng!

Một bà phàn nàn:

– Trường học mà không có nhà vệ sinh thì làm sao, Trời!

Ông mặc áo “ca- rô” nhún vai:

– Cũng trong bản tin đã đề cập, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác nhận rằng: “Không khỏi xót xa khi nhìn thấy trẻ em đến trường phải đu dây qua những dòng sông dữ ở nhiều tỉnh miền núi hay phải chèo xuồng đến trường ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”. Đã vậy, thầy giáo Đỗ Việt Khoa còn cho biết vấn nạn lạm thu trong trường học!

Ông mặc áo trắng ngạc nhiên:

– Trường học không có nhà vệ sinh, học sinh phải “đu dây” đến trường mà học sinh còn bị lạm thu. Một xã hội như thế mà lúc nào người csVN cũng vỗ ngực khoe bảnh!

Ông áo trắng bực dọc:

– Mẹ! Hồi đó csVN chủ trương “đánh Mỹ ‘kíu’ nước”. Bây giờ, trên đài VOA tiếng Việt, ngày 20/11/2020, cho hay: “Một báo cáo mới công bố của Viện Giáo Dục Quốc Tế – Institute of International Education – cho thấy số lượng sinh viên Việt Nam ‘đăng ký’ học tại các đại họa Hoa Kỳ vẫn đứng hàng thứ sáu trên toàn cầu…” Mẹ! Sao “tụi nó” không cho con cháu tụi nó qua Nga, Tàu, Tiệp Khắc học mà lại qua xứ “đế quốc Mỹ” và “tư bản giãy chết” này để học?

Ông mặc áo ca-rô cười cười:

– Tin này mới nhục cho “bác” Hồ và đảng csVN: Trên Vietnamnet, ngày 15/11/2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “phán”: “Dù ai là người thắng cử, ông Joe Biden hay ông Donald Trump, Mỹ vẫn là người bạn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam!”

Ông mặc áo xám cười lớn:

– Đó là lời xác nhận sự nhầm lẫn của “bác” và đảng csVN. Đó cũng là lời thú tội chân thành và đầy đủ nhất của csVN trước thế giới, trước người dân Việt Nam và trước vong linh của mấy triệu người Việt đã bị csVN đưa vào cuộc chiến “chống Mỹ” vừa qua!

Ông mặc áo ca-rô bảo:

– Tôi nhớ, báo Công An Nhân Dân – ngày 02/09/2019 – đăng tin Tổng Thống Đức, Walter Steinmeier, đã xin lỗi Ba Lan trong bài phát biểu hôm 01/09 khi hồi tưởng lại việc phát xít Đức tấn công quốc gia này 80 năm trước. Không biết chừng nào đảng và người csVN xin lỗi người dân miền Nam Việt Nam đây?

Ông mặc áo ca-rô vừa dứt câu, bà Hoa nghe tiếng Johnathan thì thầm phía sau:

– Chào “ba Noi”, cháu đi.

Bà Hoa quay lại:

– Bà tưởng nhà cháu xa, không về được vì Covid-19 mà!

– Các bạn của cháu nhà xa; chỉ có Heather và cháu là gia đình ở đây. Bây giờ cháu phải đi đón “my on Noi” về dự Thanksgiving với gia đình cháu.

– Ủa, “on Noi” của cháu không sống với gia đình của cháu à?

– Không. Ông sống trong viện dưỡng lão.

– Ô, tội nghiệp Ông!

– “My on Noi” không bị bệnh gì hết; chỉ quên thôi.

– Ông quên nhiều không?

– Nhiều! Nhưng cũng có nhiều điều Ông nhớ hoài; như bài hát mà lúc nãy cháu đàn đó, Ông vẫn hát được vài câu; còn những gì mới xảy ra Ông không thể nhớ được.

– Nếu tình trạng của Ông như rứa thì đâu đến nỗi phải vô viện dưỡng lão!

– “My ba Noi” bệnh, yếu, không thể lo cho “my on Noi”. “My ba Noi” phải sống với Cô của cháu; Ba Mẹ cháu bận đi làm, không lo cho “my on Noi” được

Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát trở lại, bà Hoa lo sợ, tù quẫn và trầm cảm nhiều hơn. Chiều nay, nhân trang điểm phơn phớt, chưng diện áo quần đẹp đẽ để đến nhà con dự tiệc, bà Hoa muốn đi “vòng vòng” cho khuây khỏa và Bà cũng muốn nhân cơ hội này tìm hiểu về viện dưỡng lão để “dọn đường” cho cuộc đời còn lại của Bà:

– Bà có thể đi với cháu đến thăm “on Noi”, được không?

– Được. Bà để xe của Bà tại đây. Đón “my on Noi” xong cháu sẽ đưa Bà về lại đây.

– Mất công Johnathan không?

– Không. Cháu phải trở lại đây đón Heather đến nhà cháu dự tiệc Thanksgiving.

                                                                                               ***
160%20Best%20Happy%20Thanksgiving%20Quotes%202021%20-%20Quote.cc

 

Vừa bước về phía người đàn ông Á Đông ngồi lặng lẽ cạnh cửa sổ của một phòng khách trang hoàng rất mỹ thuật Johnathan vừa nói:

– Có lẽ “my on Noi” sẽ vui khi gặp Bà.

– Tại sao?

– Vì trong đó không ai nói được tiếng Việt.

– Ông có thể nhận ra Johnathan hay không?

– Đôi khi Ông nhận ra; đôi khi không. Ngay như Ba cháu mà nhiều khi Ông cũng không biết! Thiệt là buồn!

Khi được nhân viên yêu cầu ký tên vào danh sách người thăm viếng, bà Hoa hỏi:

– Johnathan! Tên “on Noi” là gì đề Bà điền vô đây?

– John Phan.

Nói xong Johnathan cũng ký tên, nhận lãnh “on Noi”.

Khi bà Hoa và Johnathan đến bên ông John, Johnathan nói:

– Hi, “on Noi”! Vô phòng lấy quần áo, cháu đón Ông về.

Im lặng. Thấy ông John cứ nhìn Piano, bà Hoa cảm thấy xót xa quá nhưng không biết phải làm gì! Để xua đuổi nỗi ám ảnh về khoảng đời vô vị – như ông John – có thể xảy đến cho Bà, bà Hoa giở nắp Piano, “gõ” vài “notes” cho đỡ buồn! Không ngờ âm thanh bên “B***” như từng đợt sóng ngầm, dội thẳng vào tâm thức u uẩn; rồi, với động tác vô thức, mười ngón tay của Bà “tìm về” tình khúc Nhìn Nhau Lần Cuối lúc nào bà Hoa cũng không hay!

Bà Hoa vừa đàn hết phân đoạn đầu, Johnathan giật mình; vì ông John cầm tay chàng, lắc lắc. Johnathan quay sang:

– “On Noi”! Ông muốn đi về, phải không?

Ông John lắc đầu, chỉ tay về phía bà Hoa. Johnathan giải thích:

– Đó là “ba Noi” của …

Johnathan chưa dứt câu, Ông John đứng lên, chậm chạp bước về phía bà Hoa, nghiêng mặt, nhìn Bà. Bà Hoa nhìn Ông, hơi mỉm cười, khẽ cúi chào – chính lúc đó Bà đàn sai; vội ngưng đàn. Với ánh mắt hết sức thiết tha, ông John thều thào:

– Đàn tiếp đi, Hoa!

Bà Hoa giật mình, tưởng Bà đang mơ, vội quay sang, hỏi Johnathan:

– Nghe chi không, Jhonathan?

– Vâng. Nhưng cháu không hiểu.

– Ông gọi tên Bà và bảo Bà đàn tiếp.

– Thiệt sao? Thế thì Bà làm ơn đàn tiếp đi!

Bà Hoa đàn lại tình khúc Nhìn Nhau Lần Cuối. Bất ngờ, bà Hoa nghe – từ sau chiếc “mask” của ông John – tiếng hát thều thào:

“…Em, anh xin em kỷ niệm ngày xưa
Dù hun hút tựa như giấc mơ
Đừng bôi xóa đừng quên nhé em!…”

Bà Hoa ngưng đàn, nhìn ông John, hỏi:

– Tên Việt Nam của Ông là gì?

– Tú, HQ 400.

– Trời, anh!

Gọi “người xưa” xong, bà Hoa ôm mặt, khóc! Johnathan bước đến, ngạc nhiên:

– “On Noi” nói gì mà Bà khóc?

– Ông nhận ra Bà! Ông và Bà là “bạn xưa”.

Trong khi bà Hoa quẹt nước mắt thì nhiều tiếng vỗ tay vang lên từ cửa phòng khách. Bà Hoa vẫy tay về phía nhóm người đang vỗ tay.

Cô quản lý và nhóm người giúp việc trong Katy ***isted Living cùng bước đến gần hơn. Sau khi niềm xúc động lắng xuống, bà Hoa nhìn ông Tú rồi nhìn mọi người, giọng nghẹn ngào:

– Chúng tôi là “bạn xưa”; bất ngờ nhận ra nhau trong chiều Thanksgiving này.

Cô quản lý cười vui:

– Thật là món quà tuyệt vời mà Bà và ông Phan nhận được vào Thanksgiving.

Bà Hoa đáp:

– Cảm ơn cô quản lý. Sau Thanksgiving, bạn tôi sẽ trở lại đây – nếu quý vị trong Katy ***isted Living cho phép – mỗi ngày tôi sẽ vào đây bầu bạn với người “bạn xưa” của tôi. Được không ạ?

Cô quản lý vui mừng:

– Chúng tôi rất hân hạnh. Bất cứ lúc nào, trong giờ làm việc, Bà cũng có thể đến đây.

Bà Hoa bước về phía ông Tú:

– Đi, anh! Vô phòng lấy quần áo, đi về với Johnathan.

Ông Tú lẳng lặng theo Johnathan vào phòng.

Khi ông Tú và Johnathan trở ra, cô quản lý chợt nhớ, vội nói với bà Hoa:

– Lúc nãy Bà đàn, chúng tôi rất ngạc nhiên; vì âm hưởng thiết tha của dòng nhạc nghe rất lạ, rất khác biệt; do đó chúng tôi muốn đến nghe.

– Đó là một trong những tình khúc ướt lệ của nền âm nhạc Việt Nam trước năm 1975. Có lẽ cô cũng chơi đàn cho nên cô mới có thể nhận ra được sự khác biệt đó.

Động từ “chơi đàn” khiến cô quản lý chợt nhớ, vội reo lên:

– Oh Yeah! Tôi sẽ đàn bài Thank You for Being a Friend (1) để mừng hai người “bạn xưa” vừa tìm lại được nhau!

Tiếng vỗ tay cùng tiếng Piano vang lên rộn rã. Cô quản lý – không tháo “mask” – hát. Mọi người cũng để “mask”, hát theo:

“…Thank you for being a friend
Traveled down a road and back again
Your heart is true, you’re a pal and a confidant…”

Trong khi mọi người vừa hát vừa nhìn ông Tú vừa nghiêng vai nhè nhẹ theo tiếng B*** trầm trầm thì Johnathan đưa ông Tú đến cạnh bà Hoa.

Bà Hoa, ông Tú và Johnathan đều đưa khuỷu tay chạm vào nhau, ánh mắt ngời sáng niềm vui!

______________________

(1) Andrew M Gold; Kobalt Music Publishing Ltd., BMG Rights Management.

ĐIỆP MỸ LINH

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 18/Nov/2021 lúc 9:31am

Quê Nhà, Quê Người !


3816%201%20QueNhaQueNguoiTMTu%20Cathy%20ST

     Có phải nếu mình ở một nơi nào trên dưới ba mươi năm thì mình là người thuộc địa phương đó, đúng không? Đã biết bao nhiêu lần tôi đặt ra câu hỏi đó sau một ngày nhìn vào lịch thấy con số ghi năm đã bước vào năm thứ ba mươi của một người tị nạn.

     Bây giờ có ai mới quen gặp tôi, hỏi: Bà ở đâu đến vậy? Thì chắc tôi sẽ trả lời rất tự nhiên, tôi ở Seattle, hay khi đang đi du lịch thì sẽ trả lời, tôi ở Mỹ đến. Tôi sẽ không trả lời là tôi ở Việt Nam đến nữa, chỉ trừ người ta hỏi, bà là người nước nào? Thì lúc đó tôi chắc chắn nói, tôi là người Việt Nam, để cho họ không nhầm với người Trung Hoa, Nhật, hay Phi.

     Đúng, tôi ở Mỹ trên dưới ba mươi năm rồi, tôi là một người Mỹ. Bây giờ thử xem lại con người Mỹ của tôi.

     Trước tiên mặt mũi, chân tay tôi chẳng có gì thay đổi cả. Vẫn khuôn mặt cấu trúc ít góc cạnh của người Á Đông và cái mũi tẹt khiêm tốn, tóc sợi to và đen, khi có tóc bạc thì nhìn thấy ngay, muốn giấu thì phải nhuộm.

     Đối với người Á Đông thì tôi được gọi là người có nước da trắng, nhưng mầu trắng này thực ra là mầu ngà, và đứng cạnh một ông Tây, bà Mỹ nào thì nó vẫn cho cái căn cước da vàng rất rõ rệt. Khi tôi nói tiếng Anh thì cách phát âm vẫn có vấn đề, đôi khi nói nhanh quá thì sẽ vấp phải lỗi nói tiếng Anh theo cách dịch tiếng Việt trong đầu. Như thế bị chê là nói tiếng Anh bể (broken English). Về cách phục sức, nhà ở, xe cộ bên ngoài, tôi có thể không kém một người Mỹ chính gốc.

     Nhưng khi bước vào nhà tôi, từ những bức tranh treo ở phòng khách, bát đũa bầy ở bàn ăn, chai nước mắm, hũ dưa cải trong bếp và nhất là sách, báo tiếng Việt ở khắp nơi trong nhà, thì chắc ai cũng sẽ nhận ra ngay đó là một gia đình Việt Nam. Như thế thì tôi là người San Jose hay người Hà Nội, người Mỹ hay người Việt? Tôi ở đất này đến ba mươi năm rồi cơ mà.

     Người ở Lạng Sơn, Thanh Hóa ra Hà Nội ở trên dưới ba mươi năm thì tự nhận mình là người Hà Nội; người ở Hải Phòng, Hải Dương vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 75, 76 tự nhận mình là người trong Nam.

     Tôi ở Mỹ tìm về Việt Nam không ai chịu nhận tôi là người Việt nữa, dù tôi có yêu quê hương đến quặn thắt cả ruột gan, có gặp lại họ hàng nước mắt khôn cầm thì khi thăm viếng, hỏi han, họ vẫn thỉnh thoảng nói rất tự nhiên: chị đâu có phải là người Việt nữa, bây giờ chị là người Mỹ rồi, chắc cái này không hạp với chị, cái kia chị không ăn được, cái nọ chị không biết đâu.

     Những lúc đó tôi chẳng biết mình phải phản ứng thế nào cho đúng. Cứ cãi tôi vẫn Việt, hay nhận đúng rồi tôi là Mỹ? Không, cả hai cùng sai cả. Những khi cần quyên tiền đóng góp vào việc công ích nào ở Việt Nam thì ai ai cũng nhắc lại cho tôi đến ngàn lần tôi là một người Việt Nam chính gốc. Rằng tôi phải có bổn phận và tình thương với đất nước, đồng bào. Tình thương thì nhất định lúc nào tôi cũng đầy ắp trong ngực rồi, tôi chẳng cần ai nhắc nữa, nhưng bổn phận thì cho tôi… nghĩ lại.

     Tôi đã đóng góp bổn phận của tôi cho đất nước đó rồi. Một mối tình chết tức tưởi trong chiến tranh hơn ba mươi năm về trước, xương thịt của người tôi yêu nằm trong lòng đất, rồi lại phải đào lên, đốt thành tro than, bị đuổi mộ như đuổi nhà, đã trả bổn phận đó thay tôi rồi. Không đủ hay sao?

     Bây giờ tôi phải có bổn phận đóng thuế hàng năm ở đất nước tôi đang sống để phụ với chính phủ sửa đường, xây trường học và nuôi những người ở khắp nơi mới tới, như trước kia đất nước này đã nuôi người Việt, vì giấy tờ cá nhân hiện tại xác định tôi là người Mỹ. Tôi phải làm bổn phận công dân.

     Có những ngày tôi lái xe bị kẹt ở xa lộ vào một buổi chiều mưa mùa thu; hay một buổi sáng mùa xuân vắng lặng, êm ả, đứng trong nhà nhìn ra mặt hồ, tôi cảm nhận được nơi mình đang hiện diện không phải là quê mình, không phải nước mình.

     Chẳng có một lý do gì cụ thể, chỉ là những giọt mưa đập vào kính xe, chỉ là mặt nước hồ gờn gợn sóng. Mưa trên xa lộ Mỹ nhắc nhớ đến những cơn mưa tháng Năm ở Thị Nghè, nhà mình ở Trần Quý Cáp, nhà anh ở trước rạp ciné Eden đứng trú mưa với nhau.

     Nước ở hồ Sammamish trước nhà nhắc đến nước sông ở bến Bạch Đằng mỗi lần qua phà sang bên kia Thủ Thiêm chơi với bạn, hay sóng nước ở bắc Mỹ Thuận những lần qua phà đi thăm họ hàng ở tận Bạc Liêu. Những lúc đó tôi bất chợt bắt gặp mình Việt Nam quá, vì những cái bóng Việt Nam thật mờ, thật xa lại chồng lên hình ảnh rõ rệt ngay trước mặt mình. Và kỳ diệu làm sao, những cái bóng đó nó mạnh đến nỗi mình quên mất là mình đang ở Mỹ. Chắc tại tôi là người Việt Nam.

3816%202%20QueNguoiQueNhaTNTu

     Lại có những lần ở Việt Nam, tôi bị muỗi đốt kín cả hai ống chân, bị đau bụng liên miên cả tuần lễ. Đi đâu cũng phải hỏi đường, ai nhìn mình cũng biết mình từ đâu đến và đang đi lạc. Tiền bạc tính hoài vẫn sai. Nhiều khi đứng chênh vênh trên đường phố Sài Gòn, biết đất nước này vẫn là quê hương mình, những người đi lại chung quanh là đồng bào mình, nhưng sao không giống Việt Nam của mình, hình như đã có điều gì rất lạ.

     Ngôn ngữ Việt thì thay đổi quá nhiều, pha trộn nửa Hán nửa Ta, chắp đầu của chữ này với cuối chữ của chữ kia, làm nên một chữ mới thật là “ấn tượng”. Cách phát âm của người Hà Nội bây giờ không giống cách phát âm cũ của ông bà, cha mẹ tôi ngày trước, và họ nói nhanh quá, tôi nghe không kịp. Cái tiếng nói trầm bổng, thanh lịch, chậm rãi, rõ ràng từng chữ của thời xa xưa bây giờ chỉ còn là cổ tích.

     Ngửng mặt lên nhìn bầu trời, vẫn bầu trời xanh biếc của thời tuổi trẻ, cúi xuống nhìn mặt đất, vẫn mặt đất thân quen, nhưng sao lòng hoang mang quá đỗi, và thấy đã có một khoảng cách nghìn trùng vô hình giữa mình và quê hương đất Việt. Chắc tôi là người Mỹ!

     So sánh thời gian tôi sinh ra, sống ở Việt Nam và thời gian tôi bỏ Việt Nam ra đi, sống ở Mỹ, hai con số đó đã gần ngang nhau. Tôi được học từ nhỏ quê hương là nơi tổ tiên lập nghiệp, là nơi chôn nhau cắt rốn. Ở trong nước có bài hát nổi tiếng “Quê hương mỗi người có một”, như là chỉ một mẹ thôi. Nhưng có người lại nói: Nơi nào mình sống ở đó suốt một quãng đời dài, có những người thân chung quanh mình, hưởng những ân huệ của phần đất cưu mang mình, thì nơi đó cũng được gọi là quê hương mình. Như vậy thì tôi có một hay hai quê?

     Tôi sống ở Mỹ thì bạn bè gặp nhau thường nói: Cái này người Việt mình không hạp, hoặc người Mỹ họ mới thích nghi được việc này, người Việt mình không quen.

     Khi đi dự buổi tiệc cuối năm của một công ty lớn ở Mỹ, toàn là những người Mỹ sang trọng thì thấy rõ ngay mình là người Việt đi lạc, dù mình có sang trọng, lịch sự như họ. Hóa ra ở Mỹ hay về Việt Nam mình đều lạc chỗ cả.

     Tôi nhớ mấy năm trước có lần trò chuyện với mẹ của một người bạn, lúc đó cụ ngoài 80 hãy còn minh mẫn, cụ theo đạo Phật. Trưởng nam của cụ và con dâu cụ tự nhiên rủ nhau theo đạo Công giáo. Găp tôi, cụ hỏi: Không biết anh Bình nhà tôi khi chết thì đi đâu? Phật giận anh ấy, vì anh ấy bỏ đi, Chúa chắc gì cho anh ấy vào, vì anh ấy mới quá! Năm nay cụ ngoài 90 tuổi rồi và không may, cụ bị Alzheimer. Vậy là cụ không còn minh mẫn để lo con mình không có chỗ dung thân cho phần hồn. Bây giờ thỉnh thoảng nghĩ lại những lời cụ nói, thấy mình ngay ở đời sống này cũng đã là một vạt nắng phất phơ bay. Quê nhà, quê người, quê Mỹ, quê Việt. Chao ôi! Cái thân cỏ bồng.

     Nhưng lạ lắm, tôi biết chắc mình là người Việt, nhất là khi tôi nằm mơ. Trong giấc ngủ tôi thường gặp cha mẹ, gặp ngay trong những ngôi nhà cũ ở Việt Nam, gặp bạn bè cũng gặp trên đường phố Việt Nam từ ngày rất xa xưa, và bao giờ trong mơ cũng đối thoại bằng tiếng Việt. Tỉnh dậy đôi khi vẫn ứa nước mắt, dù là một giấc mơ vui. Thấy nhớ quê nhà quá đỗi!

     Tôi nhớ lại trong những truyện ngắn, những bài thơ Đường tôi đọc thời rất xa xưa về người bỏ làng đi xa lâu năm trở về không ai nhận ra nữa. Hồi đó sao mà mình thương những ông già trong thơ đó thế! Bây giờ nghĩ lại thì người trong sách đó còn may mắn hơn mình, họ đâu có đi đến tận một nước khác như mình. Họ chỉ bỏ làng, chứ không bỏ nước. Thế mà khi về còn ngơ ngác, bùi ngùi, tủi thân vì lạc chỗ ngay trong làng mình.

     So sánh tôi với người bỏ làng ra đi trong những trang sách đó thì hoàn cảnh của tôi đáng buồn hơn nhiều. Không những đã bỏ làng, bỏ nước đi, còn nhận Quốc tịch của một nước khác.

3816%203%20QueNhaTMTu

"Khi về đổi họ thay tên.

"Núi chùng bóng tủi, sông ghen cạn dòng".

Trần Mộng Tú

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 20/Nov/2021 lúc 9:53am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 22/Nov/2021 lúc 8:52am

Độc Thân Nhưng Không Cô Đơn 

  Đừng%20nhầm%20lẫn%20giữa%20độc%20thân%20với%20cô%20đơn,%20có%20nhiều%20người%20độc%20thân%20nhưng%20lại%20%20chẳng%20cô%20đơn%20tí%20nào!

Vài năm trước nước Mỹ bỗng dưng có một dạo ồn ào tranh luận về một tình trạng sức khoẻ công cộng – lạ thì không lạ nhưng lần đầu tiên người ta bàn tới một cách nghiêm chỉnh – sau khi vị Tổng Y sĩ lúc ấy là Vivek Murthy đã lên tiếng cảnh báo rằng tình trạng này đang trở thành một dịch bệnh ở Mỹ: bệnh cô đơn. Và không chỉ nước Mỹ mới lo lắng về điều này mà luôn cả Thủ tướng Theresa May của nước Anh lúc ấy cũng đã bổ nhiệm một vị bộ trưởng đầu tiên để lo giải quyết vấn đề bệnh cô đơn trong nước.

Trong khi căn bệnh này thường liên quan đến người lớn tuổi – là những ông bà già sống một mình thui thủi không có ai để trò chuyện trong nhiều ngày và cũng là câu chuyện hay được nhắc tới trong những cuộc bàn luận về cuộc khủng hoảng sức khoẻ trên – thì trên thực tế không có một nhóm tuổi nào được đặc miễn khi nói đến cô đơn. Kết quả một cuộc nghiên cứu cho thấy một điều đáng lo ngại là những người trẻ trưởng thành có thể là những người Mỹ cô đơn nhất.

Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho căn bệnh cô đơn này, từ việc ngày càng ít người tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự và tôn giáo cho đến sự phổ biến của kỹ thuật như mạng xã hội và điện thoại di động đã thu hút và lấy hết thì giờ rảnh rỗi của mọi người. Tuy nhiên, trong lãnh vực hoạch định chính sách và nghiên cứu, các giới chức trong chính quyền và các chuyên gia thường chỉ ra hai thủ phạm chính: tỷ lệ kết hôn giảm và ngày càng có nhiều người Mỹ sống độc thân.

Do dư luận trong dân chúng ngày càng tỏ ra quan tâm về vấn đề này, năm 2018, một uỷ ban trách nhiệm về người già tại thượng viện đã cho tổ chức một cuộc điều trần về tình trạng cô đơn và những hậu quả tiềm ẩn của nó. Một trong những chuyên gia có mặt tại buổi điều trần là giáo sư Juliane Holt-Lunstad thuộc Đại học Brigham Young đã giải thích vấn đề trên phần nào có liên quan đến tình trạng chung của xã hội hiện tại là có hơn một phần tư dân số Mỹ (chính xác là 28 phần trăm) đang sống độc thân, hơn một nửa số người lớn ở Mỹ không lập gia đình và cứ năm người thì có một là chưa từng kết hôn.

Mà thật vậy, lối sống của người Mỹ trong nửa thế kỷ qua đã có những thay đổi đáng chú ý. Năm 1960, 72 phần trăm người trưởng thành ở Mỹ là có gia đình, và chỉ 13 phần trăm hộ gia đình có một người ở.

Một điều người ta thường dễ dãi cho rằng những người không lập gia đình và những người sống một mình hiển nhiên là những người cô độc, và do đó có khả năng cảm thấy mình cô đơn nhiều hơn những người khác. Trong khi một số nhà nghiên cứu lại thường lấy cuộc sống độc thân một mình như là thước đo về sự cô độc của một người. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn vào cuộc sống của nhóm người sống một mình này người ta thấy thực tế lại rất khác với nhận định trên. Đối với phần đông những người sống độc thân một mình, cuộc sống của họ không có gì là trở ngại cả. Thay vì từ bỏ các mối quan hệ, những người này lại định nghĩa mối quan hệ một cách cởi mở hơn.

Để xác định rằng người sống một mình có cô đơn hơn người sống chung với người khác hay không, các nhà nghiên cứu thường chỉ so sánh mức độ cô đơn của hai nhóm nói trên. Nhưng lối so sánh này lại bỏ qua yếu tố lựa chọn – với những người sống một mình ngoài ý muốn được gộp chung với những người tự nguyện sống một mình để có được sự riêng tư. Một khía cạnh quan trọng khác nữa cho thấy sự khác biệt giữa những người sống độc thân một mình và những người sống chung với người khác là vấn đề tài chánh. Trong một nghiên cứu khá rộng dựa trên thống kê về sự khác biệt tài chính giữa người sống một mình và người sống chung với người khác, và kết quả cho thấy người sống một mình có sự độc lập hơn về tài chánh, đầy đủ hơn về mặt vật chất và do đó họ cũng ít cảm thấy cô đơn hơn.

Một số vấn đề tương tự cũng xảy ra trong các cuộc nghiên cứu về sự cô đơn ở những người độc thân và các nhà nghiên cứu cũng lại phạm sai lầm khi gộp chung những người chưa từng lập gia đình với những người vừa mới ly dị hoặc vừa trở thành goá bụa – là những người rõ ràng là đang cảm thấy rất cô đơn.

Ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy sống độc thân một mình không hẳn là động lực chính đưa tới tình trạng cô đơn như người ta thường gán cho trước đây. Trước thế kỷ 20, sống một mình trên thực tế hầu như không có ở Mỹ. Nhưng rồi sau đó lại là xu hướng sống mà nhiều người cao niên ở Mỹ đã chọn sau khi các chương trình như An sinh Xã hội và Medicare cung cấp cho họ phương tiện để được tự do và độc lập về tài chánh. Và đó cũng là xu hướng mà nhiều phụ nữ đã chọn một khi cuộc sống của họ không còn cần phải dựa vào ông chồng vì chính họ có thể kiếm việc làm để tự nuôi thân.

Những xu hướng tương tự vẫn đang tiếp tục cho đến ngày nay. Sống một mình có thể là một thách đố đối với những người lớn tuổi có vấn đề sức khoẻ hoặc đi đứng khó khăn, tuy nhiên, gần 90 phần người cao niên vẫn muốn sống tại căn nhà của họ, nơi họ có nhiều gắn bó với nó và một cuộc sống độc lập, không nhờ cậy vào ai. Trong một cuộc nghiên cứu gần đây, một số phụ nữ độc thân trong lớp tuổi 30 và 40 được hỏi điều gì là ưu tiên số 1 trong cuộc sống của họ. Có tới 44 phần trăm cho biết là muốn được sống một mình, trong khi chỉ có 20 phần trăm nói rằng họ muốn lập gia đình. Trong số những người trẻ trưởng thành, sống tự lập một mình được coi là một bước thành tựu trong đời. Và khoảng 6 phần trăm vợ chồng Mỹ hiện đang sống tách biệt hai nơi khác nhau, không hẳn vì công việc bắt buộc như vậy mà vì họ muốn thế.

Một sự thật mà nhiều người độc thân nhận ra là người ta không nhất thiết phải có người bạn đời sống chung trong nhà để giúp họ khỏi cô đơn. Vậy thì biện pháp để tránh cô đơn cũng khá đơn giản: Những người có nhiều bạn bè hoặc người thân để có thể tìm đến trong những lúc cần thì thường có xu hướng ít cô đơn hơn. Những người độc thân và sống một mình có dư khả năng để tìm và xây dựng tình bạn tốt đẹp và duy trì mối quan hệ thân thiết với những người khác.

Trong khi một số người than rằng tình trạng tỷ lệ kết hôn giảm đang làm ảnh hưởng đến cấu trúc của xã hội, thì kết quả của nhiều cuộc thăm dò toàn quốc cho thấy nỗi lo lắng đó là không đúng. Nếu so sánh với những người hiện đang kết hôn và những người từng kết hôn trước đây, thì người độc thân suốt đời thường giữ mối liên lạc gần gũi với anh chị em và cha mẹ của họ hơn và giao du với bạn bè và hàng xóm của họ thường xuyên hơn. Khi cha mẹ già cần giúp đỡ thì sự giúp đỡ đó thường đến từ những đứa con độc thân hơn là những đứa có gia đình.

Và hôn nhân không phải là thứ thần dược có thể chữa lành căn bệnh cô độc trong xã hội: Các cặp bạn tình dọn vào sống chung hoặc kết hôn thì thường có khuynh hướng ngày càng sống khép kín. Họ ít giữ liên lạc với anh chị em và cha mẹ và ít giao du với bạn bè hơn trước. Trong một chương trình trò chơi truyền hình có tên là Family Feud trước đây có lần người dẫn chương trình đưa ra câu hỏi cho người tham gia: Người đàn ông mất gì trước nhất sau khi lập gia đình? Câu trả lời là mất bạn, và điều này phần nào đã hỗ trợ cho sự nhận định trên.

Quả thật người ta đã lo lắng quá mức về tình trạng cô đơn trong xã hội Mỹ mà lý do là vì các nhà nghiên cứu đã nhìn sai vấn đề. Một phúc trình từ Uỷ ban Kinh tế Hỗn hợp của quốc hội sau khi thu thập đầy đủ dữ liệu đã đi đến kết luận rằng “không có bằng chứng cho thấy tình trạng cô đơn đã gia tăng.” Tuy nhiên, quan niệm chung của xã hội Mỹ cho đến nay vẫn đi theo lối mòn cũ cho rằng cuộc sống độc thân là không tốt. Trong khi đó, nhiều triệu người độc thân và sống một mình tiếp tục sống cuộc sống của họ một cách trọn vẹn và vui vẻ, và ngày càng có thêm người tham gia vào nhóm người độc thân này.

Người sống độc thân hoàn toàn được tự do sắp xếp cuộc sống và nơi ở của họ theo cách họ muốn – họ có quyền tự quyết định khi nào ngủ, khi nào thức dậy, khi nào ăn, ăn gì, xem chương trình gì trên tivi; họ có quyền điều chỉnh nhiệt độ trong nhà theo đúng ý muốn mà không bị người khác phàn nàn; họ có thể mua bất cứ món đồ gì họ muốn, mặc bất cứ loại quần áo nào họ thích mà không bị phản đối. Một cuộc sống tự do như thế thì tại sao lại nói không, và hơn nữa đã được chứng minh là người độc thân không cô đơn.

Huy Lâm

https://vietluan.com.au/60430/doc-than-nhung-khong-co-don



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 22/Nov/2021 lúc 9:08am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 23/Nov/2021 lúc 12:34pm

Mừng Lễ Tạ Ơn


Một%20câu%20chuyện%20cảm%20động%20nhân%20Lễ%20Tạ%20Ơn
Ngày Thanksgiving đang tới. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Lê Ngọc Anh là chuyện lễ tạ ơn đầu tiên trên đất Mỹ. Tác giả là cư dân Wisconsin nhưng hiện đang thăm Nam Cali, viết "Mừng Lễ Tạ Ơn / Happy Thanksgiving” như một chia xẻ về những ngày sống trên Nước Mỹ. Mong bà tiếp tục viết.

* * *

Lễ Tạ Ơn đầu tiên của gia đình tôi trên đất Mỹ tại Thành Phố Westminster, Nam California, cách đây mười chín năm. Lúc đó chúng tôi mới đến Mỹ được vài tháng.

Hãng của chồng tôi, nhân dịp lễ tặng nhân viên mỗi người một con gà tây to tướng. Tôi tần ngần trước con gà tây, không biết phải thanh toán nó như thế nào đây? Nướng ư? Không xong, vì cái lò nướng của nhà tôi quá cũ kỹ, nó không chịu làm công việc đó. Sau một hồi vận dụng đầu óc, tôi đi đến quyết định nấu cary gà tây, nhưng mà nồi đâu mà nấu cho hết. Lại phải diễn một màn đi mượn nồi... Xóm tôi ở chung quanh phần đông là dân H.O., nên mượn một cái nồi to đúng cỡ cũng không khó. Ra chợ Mỹ gần nhà, mua khoai tây và các thứ linh tinh cũng tạm đủ gia vị để nấu cary.

Cuối cùng, tôi cũng giải quyết được con gà tây khổng lồ đã làm khổ lòng tôi không ít, vì tôi phải đánh vật với nó khi chặt ra thành những miếng nhỏ để nấu. Món cary nấu xong được phân phối tới cửa nhà của hàng xóm, kèm theo một nụ cười và một câu nói mang âm hưởng năn nỉ: "Các bác ăn dùm! Cảm ơn!". Có lẽ thấy khuôn mặt tôi thành khẩn quá, cộng vào đó không nấu mà cũng có ăn, nên ai cũng hoan hỉ đón nhận. Thật là mừng hết lớn vì sợ ế. Phần còn lại được lũ bạn học của con trai tôi chiến đấu sạch sẽ, còn tấm tắc khen ngon và bảo đây là lần đầu tiên chúng nó được ăn cary gà tây. Tôi nói: "Không có lần thứ hai đâu các con!". Dù làm một lễ Tạ Ơn không theo đúng truyền thống và ý nghĩa của người bản xứ, nhưng chúng tôi đã cũng đã có một mùa Thanksgiving đáng nhớ.

Lễ Tạ Ơn gần đây nhất của chúng tôi vào khoảng thời gian năm ngoái - 2011, là lễ Tạ Ơn đầu tiên của vợ chồng tôi ở xứ tuyết Wisconsin với gia đình con trai. Trong một đêm trước lễ Tạ Ơn hai ngày, tôi cảm thấy mệt và khó thở, toàn thân run bần bật như người mắc mưa, đo áp huyết thì thấy cao kinh khủng. Tôi đánh thức chồng con dậy, con tôi nói phải gọi 911 ngay.

Chỉ trong chốc lát toán cấp cứu địa phương đã có mặt, tiếp đến là xe cấp cứu và toán nhân viên y tế của bệnh viện cùng tới kịp thời. Sau khi khám nghiệm, họ quyết định chở tôi vào ngay bệnh viện. Họ đã làm tất cả các cuộc xét nghiệm. Các bác sĩ và y tá cùng rất ân cần và dịu dàng. Với vốn Anh Ngữ của thời Trung Học, tôi yêu cầu họ nói chầm chậm, nếu nhanh quá sẽ không lọt vào lỗ tai của tôi. Họ cười thông cảm và thong thả giải thích tình trạng sức khoẻ của tôi, cùng cách thức theo dõi bệnh trạng và việc sử dụng thuốc men.

Từ lúc cấp cứu cho đến lúc xuất viện, họ không hề hỏi đến bảo hiểm hay bất cứ thứ gì ngoài họ tên của tôi, ngày tháng năm sinh, và địa chỉ. Cấp cứu bệnh nhân là ưu tiên số một. Trước khi tôi ra về, các bác sĩ và y tá trong phòng tới chúc mừng tôi sẽ có một lễ Tạ Ơn vui vẻ tại nhà và yên tâm chữa bệnh. Những cái bắt tay, những vòng tay ôm ấm áp tình người đã thể hiện đúng tinh thần "Lương Y Như Từ Mẫu". Họ với tôi là những người không cùng tiếng nói, không cùng sắc tộc, nhưng họ đã đối xử với tôi với đầy tình nhân ái.

Qua sự việc trên, tôi bỗng thấy... nhớ Mẹ. Ngày còn bé tôi ít gần Mẹ vì bà bận bịu buôn bán. Sau khi thôi học ở nhà giúp Mẹ trông nom cửa hàng thì tôi mới thực sự gần gũi Mẹ. Thời thiếu nữ của tôi ở Pleiku, tôi học được ở Mẹ nhiều điều bổ ích cho đời sống. Mẹ tôi học rất ít, nhưng bà là người có kiến thức và có những suy nghĩ rất cấp tiến so với những người cùng độ tuổi của bà. Mẹ tôi thường nói sống ở đời điều quan trọng là phải biết nhớ ơn, biết tôn trọng, và biết cảm thông. Cửa tiệm nhà tôi ở ngay cổng Chợ Mới Pleiku, người người qua lại rất tấp nập vào buổi sáng, nhưng vào buổi trưa thì vắng khách. Tôi thường hay nhổ tóc sâu cho Mẹ, bà chỉ cho tôi xem tướng người ta qua từng bộ phận trên khuôn mặt. Đó là những kinh nghiệm mà bà đã tích lũy qua sự tiếp xúc với nhiều người. Sau này tôi đem ra áp dụng và được khen là đã đoán đúng tính tình của mọi người.

Bài học đầu tiên Mẹ dạy là phải biết nhớ ơn. Bà nói những gì mình có được như nhà, xe, tiền bạc,..là do khách hàng đem tới. Buôn bán giống như đi làm dâu trăm họ, mình phải biết làm vừa lòng khách và tôn trọng khách, bất kể họ là thành phần nào trong xã hội. Không bao giờ đánh giá khách hàng qua quần áo hoặc bộ dạng của người ấy.

Có nhiều người khi nhắc tên ca sĩ hoặc nghệ sĩ, thường hay kêu con nọ thằng kia. Mẹ tôi nói các cụ ngày xưa không coi trọng nghề xướng ca, nhưng mình không nên gọi họ là con ca sĩ X hát hay quá, hoặc thằng nghệ sĩ Y diễn vui quá... Phải tôn trọng họ, vì họ mang tiếng hát và niềm vui đến cho chúng ta. Phải gọi họ là cô nọ hay anh kia.

Lễ Tạ Ơn của nước Mỹ gợi cho tôi nhớ nhiều những chuyện đã xẩy ra trong đời sống chung quanh mình. Nhớ ơn ai, không phải đợi đến ngày lễ Tạ Ơn trong năm mới thể hiện, nhưng dù sao đó cũng là ngày nhắc nhở mình "ăn trái nhớ kẻ trồng cây" như các cụ già thường nói. Có những điều mình chợt quên, ngày lễ này gợi lại cho mình nhớ phải làm một cái gì để thể hiện lòng biết ơn. Cũng có những điều tuy đơn giản, nhưng rất giá trị trong đời sống, mình có được và hưởng được, nhưng mình không biết trân quý. Buổi sáng thức dậy, ánh nắng xuyên qua khung cửa sổ, kéo bức mành lên tôi thấy những con sóc nhỏ nhanh nhẹn chạy nhẩy trên mặt đất và những cành cây thật dễ yêu. Hàng cây sau vườn, lá bắt đầu chuyển màu và tạo thành một bức tranh có màu sắc đẹp lạ lùng đối với tôi. Lá rụng bay trong gió buổi trưa rơi xuống đất, vang lên âm thanh sào sạc, gợi cho tôi cảm nhận mùa thu đã về, và cũng cho tôi biết thế nào là mùa thu, một mùa thu đúng nghĩa.

Xin đa tạ đất trời cho tôi thấy rõ rệt bốn mùa trong năm, cây xanh, mưa mát, nắng chói, lá vàng, lá đỏ, và tuyết trắng. Cảm ơn mưa cho xanh lá. Cảm ơn nắng lên sau nhiều ngày mưa ướt át. Cảm ơn gió thổi lá thu bay cho thi sĩ làm thơ và nhạc sĩ viết những bài hát hay cho đời thưởng thức. Cảm ơn trăng huyền ảo trải xuống hàng cây khô ven đường. Cảm ơn mùa xuân cho cỏ cây hoa lá đơm bông, làm vui đất trời và làm vui con người. Cảm ơn những khắc nghiệt của cuộc đời, cảm ơn những đổi thay đau lòng nhưng đã giúp tôi được trưởng thành hơn. Xin cảm ơn những người bạn đã cho tôi hiểu thế nào là tình bạn, một tình bạn chân thành. Bạn đã cho tôi những tình cảm ấm áp, cùng dìu dắt nhau qua những ngõ hẹp của cuộc đời. Những người thiếu phụ đôi mươi thay chồng săn sóc và dạy dỗ con, vừa làm mẹ và vừa làm cha, sống mòn mỏi trong những năm tháng dai dẵng đợi chờ..."Ngày về xa quá! Người ơi...!".

Ngày hôm nay, dù ý nguyện chưa đạt, nhưng tôi bằng lòng với những gì đang có, vì tôi tin rằng mỗi người đều có một định mệnh đã được an bài, không phải muốn là được. Xin tạ ơn Trời Phật, tạ ơn Thượng Đế đã cho con những hạnh phúc đơn sơ mà quí giá, đã cho con một đức tin, một chỗ dựa tinh thần để con vững chãi bước về phía trước.

Xin tạ ơn quê hương Việt Nam đã cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm. Dù buồn, dù vui, và dù đau xót, quê hương Việt Nam vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi. Cùng xin tạ ơn quê hương mới, nơi dung thân của những người ra đi mà vẫn mang theo quê hương Việt Nam trong từng nỗi nhớ...!!! Cũng chỉ vì hai chữ "Tự Do".

Lê Ngọc Anh
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 24/Nov/2021 lúc 10:06am

Tha Hương Ngay Trên Quê Mình

 ____________________________

Nguồn Thời Báo



Phan

Chừng một năm trở lại đây, Sài Gòn mọc lên những quán cà phê gợi lại ký ức của những năm 1980 – 1990.
Khách đến cửa hàng cà phê 81 (đường Nguyễn Văn Nguyễn, Q.1) dễ bị “choáng” bởi số lượng đồ cũ và vẻ hoài cổ. Nhưng món đồ được chủ quán – anh Nguyễn Hoàng (35 tuổi) – bài trí hợp lý và có “gu”. Trước quán dựng chiếc Vespa cổ, bên trong là nền gạch trắng đen, những mặt bàn thô mộc, chiếc máy may, khung tranh theo áp phích quảng cáo nhạc xưa, những tờ họa báo… Anh Hoàng cho biết: “Tôi thấy mọi người luôn phải làm việc mệt mỏi, nên muốn quán giống như ngôi nhà cho mọi người thả trôi những mỏi mệt đó đi”. Chị Nguyễn Thị Sương (28 tuổi) đã đến quán vài lần, chia sẻ: “Lần nào tôi cũng chọn chỗ ngồi là bộ bàn ghế kê phía sau quán, vừa uống nước vừa ngắm những loại hoa lá trồng trong chiếc gáo dừa, thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn”.


Còn quán cà phê Năm Mười Mười Lăm (đường Ngô Thời Nhiệm, Q.3) gợi tò mò ngay từ cái tên. Anh Nguyễn Tuấn Kiệt (25 tuổi, chủ quán) giải thích: “Tên quán được đặt theo trò chơi trốn tìm, người chơi sẽ đếm năm mười mười lăm… đến một trăm thì đi tìm những người đã trốn. Tôi mong quán sẽ giúp mọi người có cảm giác thư giãn, gợi lại những ký ức tốt đẹp”. Chính vì tiêu chí của quán là trở về tuổi thơ nên đâu đó trên những chiếc bàn, chủ quán đặt mớ đá để khách có thể chơi trò ô ăn quan, thảy đá… Không riêng gì những bạn trẻ, mà cả người lớn tuổi hay cả gia đình lớn nhỏ… cũng tìm đến đây. Anh Thái Văn Minh vừa bày cho cô con gái chơi ô ăn quan vừa nói: “Cháu nó học nhiều rất mệt nên cuối tuần tôi luôn tìm những nơi thoáng đãng cho cháu thư giãn. Ở đây không khí mát mẻ nên cháu thích lắm”.
Có thể tìm thêm một vài quán mang đậm dấu ấn Sài Gòn xưa cũ, như quán Sài Gòn Retro nép mình trong một chung cư trên đường Trần Quốc Toản (Q.3). Chiếc c***ette dìu dặt những bài nhạc “sến già nam nữ”, ghế gỗ kê ngoài ban công nhìn ra khoảng không gian xa vắng, quán mới mở hơn hai tháng nhưng cũng có một lượng khách đáng kể. Quán nước Hồi Xưa (Q.1) cũng mang dáng dấp xa xưa đúng như tên gọi, với tông màu đỏ chủ đạo. Quán Lão Hạc bên bờ kênh đường Hoàng Sa (Q.1) cũng tạo cho khách cảm giác “phiêu” bởi cách bài trí không đụng hàng và rất … Sài Gòn.
Một điều thú vị… ngược đời là hầu hết chủ nhân của những quán cà phê này có mong muốn quán đừng quá đông để người đến quán có thể cảm nhận trọn vẹn không khí thân thuộc, đầm ấm.

Anh Nguyễn Hoàng – chủ quán 81 – chọn kinh doanh quán cà phê là nghề gắn bó lâu dài, anh đã tìm hiểu nhiều thông tin, hình ảnh về Sài Gòn xưa. Những món đồ trong quán là công sức gom góp của anh nhiều năm nay. Mỗi khi đi đó đi đây, anh đều chú ý mua về khi thì cái máy phay, khi là ấm trà, bình nước, bật lửa thời chiến tranh… Những thức uống đơn giản như sắn dây, chanh mật ong, cà phê… do anh trực tiếp mua nguyên liệu về pha chế theo nhu cầu từng khách. Anh Hoàng nói: “Tôi luôn dặn nhân viên đối xử với khách như bạn. Vì vậy, dù quán chỉ mới mở sau Tết âm lịch này nhưng đã có một lượng khách quen, nhiều người trở thành bạn bè thân thiết”. Một đôi ngày, anh chủ lãng đãng này lại sắp xếp lại bàn ghế, vật dụng và nghĩ ra điều gì đó mới mẻ, như việc bỏ cây sả vào bình nước tạo chút hương thư giãn, thắp những chiếc đèn dầu cho câu chuyện của khách thêm nồng ấm.

Ai nghe câu chuyện mở quán của anh Tuấn Kiệt (chủ quán Năm Mười Mười Lăm) cũng sẽ bật cười thú vị, bởi anh đã từ quê nhà Tiền Giang lên Đà Lạt học khoa kiến trúc của Đại học Yersin, sau đó xuống Sài Gòn mở quán cà phê. Đa số vật dụng của quán đều do anh mang từ nhà nội ngoại dưới quê lên. Đó là những chiếc dĩa sành sứ hiện giờ khó tìm thấy, là chiếc tủ gạc-măng-rê, tổ chim sâu, cái võng… Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Hiệp (52 tuổi), mỗi tuần đều lên thăm quán và chiên bánh nhúng – một loại quà quê làm từ bột gạo và trứng gà, làm bánh tằm, bánh chuối… cho khách. Món thịt kho nước dừa trong thực đơn buổi trưa của quán cũng do bà dậy sớm kho rồi gửi xe đò lên cho con trai mỗi ngày. Còn cha của anh Kiệt tự tay trồng những chậu lúa, vườn rau mồng tơi trên lầu 2 của quán.

Với cà phê Sài Gòn Út Lành, chủ quán cũng là người mê Sài Gòn và cố công tìm cho kỳ được những món đồ của Sài Gòn những năm 1980 để bài trí cho quán. Chấp nhận bày biện ít bàn ghế để quán trông như một ngôi nhà, chủ quán còn tự tay sên các loại mứt, trái cây để làm cocktail. Làm yaourt, kem chuối… Trên trang Facebook của quán, chủ quán luôn chuyện trò với khách với cái tên Út Lành, lúc thì mời đến uống cà phê, lúc cảm ơn khách đã ghé… bằng ngôn ngữ ngày cũ khiến khách rất thích thú. Quán còn chủ động bớt cho khách 5.000 đồng nếu khách không xài điện thoại, và không mở WiFi để khách dồn tâm trí vào cuộc gặp gỡ ngoài đời thực.

Yến Trinh (blog mientrung 10/4/2015)

Chiều. Ngồi đọc đoản văn cũ của một người không quen… nhưng thật gần qua hai chữ “Sài gòn”. Nhớ đoản văn cũng của một người không quen khác viết về Sài gòn mà tôi mới đọc gần đây…

Tha hương
Ðêm Sài Gòn, đêm của những cán bộ vung tiền như nước với các trận cười thâu đêm.
Ðêm Sài Gòn, đêm của những cô bé miền Tây nai tơ bung nở trong vòng tay du khách.
Ðêm Sài Gòn, đêm của những đứa trẻ lang thang bán vé số, đánh giày.
Ðêm Sài Gòn, đêm những người mẹ tảo tần oằn gánh cuộc đời rảo bước trên từng con hẻm nhỏ.
Ðêm Sài Gòn, đêm những người cha còng lưng cho một cuốc xe đạp thồ mong ngày mai con mình khôn lớn.
Ðêm Sài Gòn, đêm của những sinh viên ra trường đau đớn cầm mảnh bằng tung lên trời cao cho một ngày mai thất nghiệp.
Sài Gòn phóng khoáng, Sài Gòn hào sảng đón vào mình những tứ xứ tha phương.
Sài Gòn tươi khỏe, Sài Gòn năng động đang gồng mình gánh cả đất nước.
Ðêm Sài Gòn, đêm của những mảnh đời tha hương



Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 135 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.414 seconds.