Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Quê Hương Gò Công
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Quê Hương Gò Công
Message Icon Chủ đề: Chuyến trở về đặc biệt Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
tuavanle
Admin Group
Admin Group
Avatar

Tham gia ngày: 30/May/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 335
Quote tuavanle Replybullet Chủ đề: Chuyến trở về đặc biệt
    Gởi ngày: 09/Feb/2011 lúc 9:28pm

Chuyến trở về đặc biệt

Chủ Nhật, 06/02/2011 07:59

Năm 1965, cậu bé 10 tuổi Lê Thành Ân rời Sài Gòn theo người thân sang Mỹ. Và 45 năm sau, ông trở lại quê nhà trong vai trò Tổng Lãnh Sự với nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu từ cuối tháng 8-2010. “Là Tổng Lãnh Sự Mỹ người Việt đầu tiên ở TPHCM, đối với tôi đó vừa là vinh dự vừa là thách thức” - ông Ân bày tỏ

Một bức bình phong được đặt cạnh lối vào nhà ông Lê Thành Ân, sắc gỗ đen ánh lên vẻ thâm nghiêm. Chưa thôi ngẩn ngơ với chùm tranh sơn mài tả cảnh sinh hoạt dân gian cổ xưa được cẩn trên đó, khách đến thăm nhà ông lại trầm trồ trước những tủ, kệ đầy ắp bình gốm và cơ man tượng Phật, mục đồng, nho sinh, chú Tiễu, ông Táo, cô Tấm... bằng đất nung.
 

 

Giữa không gian sống hiện đại nhưng đậm chất Á Đông ấy, hoa phong lan khoe sắc khắp những góc phòng và trên chiếc độc bình gốm sứ ngự giữa chiếc bàn khách ngoài kia điểm xuyết mấy cành đào tươi rói. Hương Xuân - vị Tết như đã sớm tràn ngập mái ấm này!
 
“Năm nay là lần đầu tiên sau 45 năm chúng tôi ăn Tết tại quê cũ. Điều đó thật ý nghĩa và thú vị đối với tôi vì được đón Tết cổ truyền của dân tộc trong năm bắt đầu nhiệm kỳ mới với vai trò tổng lãnh sự” - ông Ân mở đầu câu chuyện.
 
Cơ duyên trên đất khách
 
Lê Thành Ân là người con thứ bảy trong gia đình gồm có 9 người con ở Gò Công, khi lên 10 tuổi được người thân đưa sang Washington D.C (Mỹ) ở với người cô và mẹ của cô. Năm 1975, Lê Thành Ân đang là sinh viên năm thứ ba ngành kỹ sư điện tử tại Đại học George Washington.
 

 

Từ sự kiện năm 1975, ông được gặp Lâm Chí Tâm - con gái của một quan chức ngành ngân hàng qua các hoạt động từ thiện trên đất Mỹ. Duyên kỳ ngộ, tình yêu giữa hai người nảy nở và đến năm 1981, họ thành vợ thành chồng.
 
“Đám cưới của chúng tôi lúc ấy đậm chất truyền thống, cô dâu và chú rể đều mặc áo dài, khăn đóng” - bà Tâm nhớ lại. Khoảng 5 năm sau, gia đình ông Ân đoàn tụ khi mẹ ông sang Mỹ theo chương trình định cư có trật tự (cha ông đã mất trước đó, năm 1972); nhiều người thân của ông ở Việt Nam cũng sang Mỹ và Pháp định cư.
 
 

Ông Lê Thành Ân, Tổng Lãnh sự Mỹ người Việt đầu tiên tại TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY

 
 
“Tôi gia nhập ngành ngoại giao vào năm 1991 sau 15 năm làm công chức ở Bộ Hải quân Mỹ” - ông Ân kể. Cũng vào năm ấy, ông đưa cả gia đình sang Bắc Kinh (Trung Quốc) để nhận nhiệm sở với cương vị viên chức ngoại giao.
 
Lần lượt những năm sau đó là Tokyo (Nhật Bản), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore, Seoul (Hàn Quốc), Paris (Pháp) và bây giờ là TPHCM. Lần này, Lê Thị Mỹ Liên - 26 tuổi, con gái đầu của ông bà - và con trai kế là Lê Thành Nghiêm, 25 tuổi, không theo gia đình sang Việt Nam vì đang học tiến sĩ và làm cho công ty tại Mỹ; còn cô con gái út Lê Thị Mỹ Anh, 17 tuổi, cùng ba mẹ về lại quê cha đất tổ.
 
Văn hóa cội nguồn không phai
 
Sống ở nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng chất Việt Nam trong ông Ân và những thành viên gia đình hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Ông Ân và bà Tâm thường trò chuyện bằng tiếng Việt và luôn nhắc các con nói tiếng mẹ đẻ trong nhà.
 
Mong cho thế giới luôn hòa bình và mối quan hệ Việt - Mỹ ngày càng phát triển.
Tổng Lãnh sự
Lê Thành Ân
Họ có một quy ước đối với các con là mỗi khi gặp bà ngoại hoặc bà nội đều phải nói bằng tiếng Việt. Ông Ân cho biết: “Bé út (Mỹ Anh) nay đã đọc được tiếng Việt, vào quán có thể đọc thực đơn để gọi món ăn mà không sợ... bị đói. Sử dụng tiếng mẹ đẻ để luôn nhớ mình là người Việt, đó là cách giữ gìn văn hóa nguồn cội”.
 
Trong cuộc trò chuyện với tôi (được yêu cầu nói bằng tiếng Anh theo nguyên tắc của ngành ngoại giao), thỉnh thoảng ông Ân nói tiếng Việt, rất tròn câu rõ chữ! Bà Tâm, khi nghe chồng nhắc đến văn hóa nguồn cội, đã kể say sưa về những ngày Tết cổ truyền của gia đình trên đất khách.
 
“Từ 23 tháng Chạp, chúng tôi bàn soạn mâm cúng ông Táo. Cũng xôi chè, hoa quả, hương đèn cùng lời khấn cầu mong bếp nhà ấm cúng quanh năm, rồi tiễn ông Táo về trời” - bà Tâm kể.
 

Ông Ân phụ họa: “Ở những nước có tổ chức Tết âm lịch mà chúng tôi từng cư trú như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc thì ăn Tết lớn hơn. Riêng ở Mỹ, cộng đồng người Việt đón Tết khá xôm tụ.
 
 
 
Ông Lê Thành Ân và vợ - bà Lâm Chí Tâm - tại tư gia. Ảnh: HỒNG THÚY
 
 
Những ngày trước Tết, vợ chồng tôi đi mua sắm quần áo mới cho bản thân và các con, sau đó lo trang hoàng trong nhà. Ngày Tết, nhà tôi chưng rất nhiều hoa, nào đào, nào mai, nào phong lan và có thêm vài chậu quất... Ngoài ra còn có mâm ngũ quả nữa.
 
Gia đình tôi theo đạo Phật nên có lập bàn thờ cúng tổ tiên và bàn thờ Phật. Sau lễ cúng giao thừa, chúng tôi đi lễ chùa và sáng mùng 1 ở nhà chờ những người có “tên đẹp” như Tài, Thọ, Lộc... đến xông đất! Rồi các thành viên trong gia đình tụ họp lại, xếp hàng trước bàn thờ thắp hương vái gia tiên, sau đó chúc Tết lẫn nhau, người nhỏ tuổi hơn phải cung kính bái lạy người lớn, tiếp đến là trao tiền mừng tuổi”.
 

Thích nhạc Trịnh, mê cải lương

Thật bất ngờ khi nghe Tổng Lãnh sự Lê Thành Ân cho biết ông thích nhạc Trịnh Công Sơn, yêu những bản tình ca ngọt ngào và triết lý của nhạc sĩ tài danh này.
 
Thú vị hơn, mỗi khi có chương trình Chuông vàng vọng cổ là ông Ân đưa vợ đi xem; vở cải lương ông thích nhất là Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Rất dễ hiểu bởi tại nơi ông chào đời, vọng cổ và đờn ca tài tử rất phổ biến.
“Những làn điệu vọng cổ mượt mà nhắc tôi nhớ lại thời thơ bé từng được ba mẹ dẫn đi xem cải lương. Ký ức ấy vẫn theo tôi đến bây giờ và không thể nào phai mờ được” - ông Ân chia sẻ.

Kể từ khi lấy ông Ân cách đây 29 năm, bà Tâm lui về làm nội trợ. Bàn tay khéo léo và tài vun vén của người vợ, người mẹ với những bữa ăn ngon đã trở thành hậu phương an lành của ông Ân và các con.
 
Những ngày Tết năm nay trên quê hương, bà Tâm dự định vẫn nấu những món ăn truyền thống mà bà đã từng nấu bao năm qua cho gia đình và để đãi khách như tôm kho tàu, thịt kho trứng, cải chua, dưa giá... “Mứt và bánh kẹo, tôi sẽ ra chợ Bến Thành mua. Tôi sẽ tự gói bánh tét, nấu một bữa chay vào sáng mùng 1 theo lễ tục Phật giáo. Món “ruột” Tết này tôi sẽ làm là xôi vò cơm rượu. Tôi làm được những món đó cũng nhờ ba mẹ, anh chị đôi bên - những người lưu giữ văn hóa cổ truyền rất kỹ - bày dạy cho” - bà Tâm cho biết.
 
Theo ông Ân, năm nay có thể Mỹ Liên và Thành Nghiêm không có điều kiện sang Việt Nam vui Tết cùng gia đình nhưng phong vị Tết trong nhà ông sẽ vẫn đầy ắp. “Tết này đặc biệt hơn, tôi sẽ mặc áo dài khăn đóng màu xanh, vợ tôi sẽ mặc áo dài màu đỏ đi lễ. Theo thông lệ, Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại sẽ tổ chức tiệc tất niên. Khi đó, tổng lãnh sự sẽ lì xì cho con cháu của các nhân viên”.
 
Đặc ân và trách nhiệm
 
Trở lại VN sau 45 năm, ông Lê Thành Ân cảm thấy thích thú và bất ngờ trước vẻ đổi thay của thành phố. “Nét Sài Gòn cũ vẫn còn hiện hữu ở nhiều con đường, khu dân cư, biệt thự cổ, phố Tây. Nhịp sống thật sôi động và hối hả. Những công trình mới, hiện đại đang mọc lên khắp nơi” - ông Ân nhận xét.
 
Ông Lê Thành Ân cho rằng việc sang nhậm chức tổng lãnh sự nhiệm kỳ 3 năm lần này là một chuyến trở về đặc biệt của bản thân ông. Là tổng lãnh sự Mỹ người Việt đầu tiên nhận nhiệm sở tại quê nhà, đối với ông đó vừa là đặc ân vừa là thách thức.
 
 
 
Tổng Lãnh sự Lê Thành Ân cùng vợ - bà Lâm Chí Tâm (bìa trái) - và con gái út Lê Thị Mỹ Anh trong trang phục truyền thống Việt Nam. Ảnh: Hồng Thúy
 
 
Ông nói: “Đây là vinh dự lớn của tôi khi được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm làm đại diện cho Chính phủ Mỹ tại TPHCM, đại diện cho các giá trị Mỹ, làm cầu nối trong việc phát triển mối quan hệ của hai nước.
 
Tôi nhận thức rõ sự kỳ vọng của nhiều người Mỹ, bao gồm cả cộng đồng Việt kiều đối với tôi nên sẽ nỗ lực hết mình”. Một trong những ưu tiên của Tổng Lãnh sự Lê Thành Ân trong nhiệm kỳ của mình là tập trung phát triển hợp tác giáo dục, giúp sinh viên, trí thức Việt Nam có cơ hội và điều kiện học tập tại Mỹ. Gia đình ông còn dự định tham gia công tác xã hội, gây quỹ từ thiện... để giúp đỡ trẻ em và người nghèo ở Việt Nam.
 

 

Năm mới, qua giai phẩm Người Lao Động Xuân Tân Mão, Tổng Lãnh sự Lê Thành Ân gửi gắm: “Tôi chúc mọi người có sức khỏe tốt và thịnh vượng. Mong cho thế giới luôn hòa bình và mối quan hệ Việt - Mỹ ngày càng phát triển, sẵn sàng đối thoại để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn”.
 
Dương Quang



Chỉnh sửa lại bởi trankimbau - 31/Mar/2011 lúc 6:01am
IP IP Logged
Phanthuy
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 960
Quote Phanthuy Replybullet Gởi ngày: 09/Feb/2011 lúc 10:27pm
Tết vui nhất của Ông Bà Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Saigon
07/02/2011 (GòCông)
Vợ chồng Tổng lãnh sự Lê Thành Ân (trái) đón khách đến chung vui đêm giao thừa - Ảnh: Nghĩa Phạm
Không tết nào vui như năm nay, đó là tâm sự của ông bà Tổng lãnh sự Mỹ gốc Việt sau gần nửa thế kỷ xa quê hương.
Không khí đêm giao thừa ở nhà riêng của Tổng lãnh sự Mỹ tại Saigon Lê Thành Ân thật rộn rã. Nụ cười nở trên môi gia chủ khi đón chào khách khứa đến chung vui thời khắc đầu năm mới. Tại một góc nhà, chiếc đầu lân được đặt ngay ngắn bên cạnh mặt nạ ông địa, hai biểu tượng không thể thiếu trong dịp hội hè ngày tết của người Việt. Trên bàn, mâm ngũ quả đã được bày biện sẵn với những chén xôi vò cơm rượu hương vị béo nồng, phong tục xuất xứ từ quê nhà Gò Công của ông tổng lãnh sự. Cũng như phong tục đón tết miền Nam, các món trái cây trên mâm ngũ quả theo đúng tinh thần “cầu vừa đủ xài”. Sắc đỏ vàng rực rỡ hiện diện khắp nhà, ở chậu lan năm sắc, cây mai vàng nở rộ, cành đào e ấp. Bánh chưng, bánh tét và kẹo mứt được mang ra liên tiếp để đãi khách.
Khi bầu trời thành phố bắt đầu sáng rực pháo hoa ngay giờ phút chuyển giao thiêng liêng, ông bà tổng lãnh sự lặng lẽ thắp nhang trước bàn thờ, rước ông bà tổ tiên về ăn tết với con cháu. Sau đó, ông bà và con gái út là cô Mỹ Anh cùng nhau xông đất chính ngôi nhà của mình. Ông chia sẻ với phóng viên Thanh Niên: “Thật hạnh phúc khi được về Việt Nam và có cơ hội ăn một cái tết ấm cúng như vầy”.
Xuân nguồn cội

Nội chuyện đưa vợ đi sắm tết và dạo chợ hoa mà nghe xung quanh toàn tiếng Việt là đã cảm thấy ấm lòng

Tổng lãnh sự Mỹ tại Saigon Lê Thành Ân
f
Có dịp trao đổi với vợ chồng ông Lê Thành Ân mới thấy tết cổ truyền có ý nghĩa như thế nào với những người Việt Nam xa xứ. Đó là ngày tưởng nhớ tổ tiên; ngày thân bằng, quyến thuộc được sum vầy; ngày con cháu thực hiện truyền thống ngàn đời của dân tộc. Bao năm qua, nhờ sự chu đáo của cha mẹ hai bên và thói quen giữ gìn nếp sống của người Việt, gia đình ông Ân vẫn đều đặn đón tết “đúng điệu”, cũng gói bánh tét, làm xôi vò cơm rượu, cũng chưng dưa hấu, mai đào, cũng cúng ông bà 2 mâm chay - mặn hôm mùng 1. Sau đó, ông bà dành ngày đầu năm mới để đi viếng chùa cầu lộc. Ngài tổng lãnh sự nhận xét: “Tập tục chuẩn bị tết nhất là điều gì đó hết sức đặc biệt trong văn hóa người Việt. Dù giàu hay nghèo, mỗi khi tết đến, ai nấy đều có cùng một mối quan tâm: gia đình là trên hết”. Và sau gần nửa thế kỷ xa quê, cuối cùng ông Ân đã có thể ăn tết tại Việt Nam, trên cương vị là Tổng lãnh sự Mỹ gốc Việt. Do vậy, khó có thể diễn tả hết sự xúc động của gia đình ông trong cái tết đầu tiên ngay trên quê hương sau bao năm qua.
Sinh ra tại miền Nam, ông Ân đã rời Gò Công từ năm lên 10, còn phu nhân Lê Chí Tâm (bà lấy theo họ chồng - PV) theo cha mẹ đến Mỹ năm 14 tuổi. Sau bao lần chỉ hưởng không khí tết Việt Nam qua truyền hình, tạp chí, cái cảm giác được thực sự hòa mình vào tết chung của dân tộc như lần này thật sự đặc biệt.
Tết của tình nồng

Tổng lãnh sự Mỹ Lê Thành Ân sinh năm 1954 tại Gò Công trong một gia đình 9 người con. Năm 1965, ông sang Washington ở với bà trẻ và dì. Vì cha mất sớm, vào năm 1972, ông bảo lãnh mẹ sang Mỹ với mình. Ông Ân gia nhập Hải quân Mỹ sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư điện tử tại Đại học George Washington năm 1976 và kế đến là lấy bằng thạc sĩ Khoa học chuyên ngành Quản trị kỹ thuật của đại học này vào năm 1978.

Đến năm 1981, ông kết hôn với bà Tâm (tên hồi con gái là Lâm Chí Tâm) và có 3 người con, với con gái đầu lòng là Mỹ Liên, kế đến là con trai Thành Nghiêm. Con gái út Mỹ Anh được sinh ra tại Hồng Kông khi ông chuyển sang công tác tại Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1991. Trong công tác ngoại giao, ông từng nhận nhiệm sở tại Bắc Kinh (1991-1994), Tokyo (1994-1997), Kuala Lumpur (1997-2001), Singapore (2001-2004), Seoul (2004-2007) và Paris (2007-2010).


Ông Ân chia sẻ: ăn tết ở Mỹ, hoặc các nước khác, không sướng bằng ở Việt Nam. Chỉ tính riêng khoản thời tiết là đủ thấy. Tết ở miền Nam vô cùng ấm áp, với nắng vàng rực, chứ không như ở Mỹ là đầu ngày phải lo dọn dẹp tuyết phủ ở hè nhà hoặc trên xe. Còn ở những nước châu Á cũng ăn tết âm lịch, không khí cũng khác xa, một phần vì ít người Việt nên tết đìu hiu, quạnh quẽ. Để tạo không khí, ông bà thường mời đồng nghiệp người Mỹ đến nhà ăn tết. Mục đích chính là chia sẻ niềm vui với bạn bè, sau nữa là giới thiệu văn hóa truyền thống Việt Nam. Mỗi vị khách đến được nhận bao lì xì đỏ, bên trong là mẩu giấy ghi lại quẻ bói đầu năm tương ứng với tuổi của người đó. Tất nhiên đây chỉ là những lời phán chung chung trên internet, nhưng cũng là một cách thú vị và dễ nhớ để giới thiệu phong tục tết cho người nước ngoài. Năm nay, ông Ân thích thú ngắm cảnh đường phố chuyển mình một cách đầy màu sắc vào những ngày giáp tết. “Nội chuyện đưa vợ đi sắm tết và dạo chợ hoa mà nghe xung quanh toàn tiếng Việt là đã cảm thấy ấm lòng”, ông nói. Bà Tâm cũng tiết lộ khoảng thời gian bà thích nhất chính là mấy ngày trước tết, lúc bà con đua nhau mua sắm rôm rả và chợ hoa được mở khắp nơi. Bà thú nhận đã bị cuốn vào không khí vô cùng nhộn nhịp ấy và lần đầu tiên mới biết thì ra việc chuẩn bị tết còn lắm thứ phải lo, chứ không như những cái tết khác trước đó ở nước ngoài. Và đường hoa Nguyễn Huệ thật sự đẹp hơn lời đồn, tạo nên nét đặc trưng của thành phố mỗi khi xuân về, bà tâm sự.
Trong buổi trò chuyện đầu xuân, Tổng lãnh sự Mỹ cho biết ông trân trọng cơ hội có thể trở về quê nhà lần này, trên cương vị là đại diện cho chính phủ Tổng thống Barack Obama nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương. “Tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành vai trò cầu nối trong mối quan hệ Việt - Mỹ”, ông cho biết.

Có kiêng có lành


Ông Ân thắp nhang tưởng nhớ tổ tiên - Ảnh: Nghĩa Phạm

Ông bà Ân cũng rất tin chuyện xông đất, nhưng lúc còn bên Mỹ thì khó làm theo đúng kiểu là người nào hạp tuổi đến nhà trước. Do vậy, ông bà tự mình xông đất, kết hợp tên của hai người là Ân, Tâm rồi bỏ dấu đi để thành ra An Tâm, để mong muốn điềm lành trong ngày đầu năm mới. Năm nay đặc biệt hơn mọi năm là có con gái Mỹ Anh cùng tham gia phong tục này.

Cũng do ảnh hưởng từ mẹ ruột và gia đình chồng, bà Tâm luôn nhớ kỹ lời dặn là không nên quét nhà trong 3 ngày tết. Bà nói đùa là rác trong những ngày này quý đến nỗi phải được gói kỹ để tránh thất thoát tài lộc trong năm. Và bà quan niệm, ông bà dạy sao thì nghe vậy. Có kiêng thì có lành.

PhanThuy-CA
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.158 seconds.