Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Quê Hương Gò Công
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Quê Hương Gò Công
Message Icon Chủ đề: Vàm Láng - LỄ HỘI NGHINH ÔNG Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
6cauhuyen
Newbie
Newbie
Avatar

Tham gia ngày: 29/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 18
Quote 6cauhuyen Replybullet Chủ đề: Vàm Láng - LỄ HỘI NGHINH ÔNG
    Gởi ngày: 06/Nov/2007 lúc 4:20pm

LĂNG ÔNG NAM HẢI & LỄ HỘI NGHINH ÔNG

Hàng năm, từ ngày 9 tháng 3 âm lịch, dân vùng biển Gò Công và khách thập phương hoan hỉ kéo về Vàm Láng (thuộc huyện Gò Công) dự lễ hội Nghinh Ông, một lễ hội lớn nhất của cư dân vùng biển tại Tiền Giang.

Ðường về Vàm Láng rất thuận tiện. Từ thị xã Gò Công xe đi khoảng 6km về ngã ba Tân Tây, rồi rẽ phải đi khoảng 9km về Vàm Láng. Ðến đây du khách sẽ thấy sự sầm uất của một thị tứ vùng biển. Dân cư đông đúc, lăng miếu u nhàn, chợ búa buôn bán cả về đêm, cảng cá rất lớn, tàu ghe tấp nập, sôi động và thịnh vượng.

Lăng Ông Nam Hải tọa lạc tại ấp Lăng xã Vàm Láng, là lăng thờ cá Ông của hai xã Kiểng Phước và Vàm Láng.

Tương truyền, vào nửa sau thế kỷ XVIII, trong cuộc chiến chống phong trào Tây Sơn, Nguyễn Ánh nhiều phen thất bại, đến mức viện cả quân Xiêm (Thái Lan) sang đánh, nhưng cũng phải chuốc lấy thất bại. Một lần, Nguyễn Ánh liều lĩnh gom quân vây thành Bình Thuận (Phan Thiết), bị quân Tây Sơn đánh cho tan tác, Nguyễn Ánh vội vàng gom tàn quân xuống chiến thuyền chạy về phía Nam, nhưng cũng bị đuổi theo quyết liệt. Ðến cửa Soài Rạp thì sóng gió nổi lên. Thuyền Nguyễn Ánh được một con cá Ông dìu vào bờ, trong lúc đó thuyền của quân Tây Sơn bị gió đánh gãy cột buồm. Nguyễn Ánh thoát nạn. Sau lên ngôi vua (1802) với vương hiệu Gia Long, ông muốn tỏ lòng tri ân, phong cho cá Ông tước “Nam Hải Ðại Tướng Quân”, rồi lịnh cho các nơi như Cần Giờ (Gia Ðịnh), Kiểng Phước (Gò Công), (Vĩnh Luông, Vĩnh Long) … là những nơi gần chiến thuyền của ông cập bờ, phải xây cất đình thần và thờ phụng “Nam Hải Ðại Tướng Quân” – vị thủy tướng mà ông mang ơn. Hiện nay sắc thần còn được thờ một cách tôn kính tại đình làng Kiểng Phước.

Trong lăng Ông Nam Hải tại Vàm Láng, du khách sẽ thấy nhiều xương sườn cá Ông – một phần di cốt vị thủy tướng. Tương truyền, thời ông Huỳnh Văn Bìn làm hương cả (khoảng cuối thế kỷ XIX, chú thích của L.A.S), có một cá Ông lụy xác tấp vào làng Ðông Hòa (Gia Ðịnh) ở bên kia sông Soài Rạp, ông phó hương cả Vạn phát hiện, nhưng chỉ còn khúc giữa của con cá. Dân làng đưa về Kiểng Phước, để cho rả thịt, rồi đưa cốt về đình, đặt trong quan tài cho dân làng kính bái. Không bao lâu sau, một ngư phủ ở Phước Hải (Bà Rịa) đến Vàm Láng xin thỉnh hài cốt của “Ông”, vì cho rằng “Ông” về báo cho dân làng Phước Hải biết do “Ông” phạm lỗi với thiên đình, nên khi chết thân trôi dạt 3 nơi: đầu ở Phước Hải, thân ở Kiểng Phước, đuôi ở Vũng tàu, nếu đưa được 3 khúc về Phước Hải thì dân làng Phước Hải sẽ ăn ra làm nên. Nhưng ngư phủ Vàm Láng không chịu, vì nếu cho cốt “Ông” thì dân Vàm Láng sẽ mất lộc.

Vì thế, sau đó Lăng Ông Nam Hải được xây dựng mới, thật khang trang.

Cũng như nhiều lăng thờ cá Ông ở Nam Bộ (Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bế Tre, Kiên Giang v.v… ) Lăng Ông Nam Hải ở Vàm Láng có kiến trúc cơ bản giống một ngôi đình của cư dân trồng lúa nước. Do xây dựng khá muộn (1922) và được tu bổ nhiều nên kiến trúc chủ yếu bằng gạch, xi măng, hợp chất ô dước, ngói, gỗ.

Bên trong gồm 3 phần chính:

Chánh điện: nơi để xương cá Ông.

Một bên là bàn thờ tả lý ngư.

Một bên là bàn thờ hữu lý lực.

Cả hai bàn thờ dùng để thờ hai hộ vệ của Oân.

Ngoài ra còn có võ ca là nơi biểu diễn văn nghệ, để dân ven biển vui chơi trong mấy ngày lễ hội, sau những tháng ngày vật lộn với sóng gió biển khơi.

Có thể nói, lăng thờ cá Ông ở Vàm Láng cũng như một số nơi khác, vừa mang chức năng tín ngưỡng, là nơi trú sở của thần linh: vừa là nơi mang chức năng thế tục, là nơi vui chơi giải trí trong những ngày hội của cư dân làm nghề đánh cá.

Trong sinh hoạt văn hóa của vùng Vàm Láng, đáng kể nhất là lễ hội Nghinh Ông.

Từ ngày mồng 9 tháng 3 âm lịch, dân các nơi đã kéo về Vàm Láng, mỗi lúc một đông. Dân đi biển tại Vàm Láng thì đã nghỉ ngơi vài ngày trước đó để nhâm nhi, thư giãn và chuẩn bị tàu thuyền cho lễ hội. Tại Lăng Ông, người ta đã dựng một giàn thí ở phía trước. Cờ hoa đủ màu. Hàng quán mở ra khắp nơi. Một số trò chơi được chính quyền địa phương tổ chức làm cho không khí trở nên vui tươi, huyên náo.

Từ 7 giờ sáng ngày 9 tháng 3 âm lịch. Ban khánh tiết hội Lăng tổ chức rước sắc thần. Ðoàn rước có trên 50 người cùng 2 xe ngựa đến đình Kiểng Phước. Cúng an vị và thỉnh sắc, nhạc lễ làm đúng theo thủ tục từ xưa. Kèn trống nổi lên cho đến khi sắc thần được rước về lăng. Rồi tại lăng, lễ cúng an vị lại được tổ chức trong sự chờ đợi và theo dõi cũa hàng ngàn người.

Khoảng 3 giờ chiều, lễ cúng thủy lực, có các phẩm vật dưới biển, trên đất để dâng lên các thần. Nhạc lễ phục vụ cho đến khi hết cúng.

Tới 8 giờ tối, trong ánh đèn đủ màu, cờ hoa rực rỡ, lễ cúng vong linh thiên vị trước giàn thí. Trên giàn, hàng chục mâm bánh trái và chất đầy hàng mã. Cúng xong là đến lễ xô giàn thí. Những năm chưa có lệnh cấm đốt pháo, người ta tổ chức đốt pháo ran trời. Năm nào được mùa cá thì đốt pháo bông. Nay không đốt pháo, dứt nhạc lễ là xô giàn thí, hàng mã được đem đốt, trẻ em tranh nhau trèo lên lấy bánh trái, mặt mày hớn hở.

Từ trước đến nay, ở vàm Láng, mỗi lần tổ chức lễ hội Nghinh Ông đều có rước đoàn hát bội về biểu diễn. Năm nào ngư phủ khá giả thì hát bội nhiều đêm, năm thất bại thì diễn chừng 2 đêm. Sau lễ xô giàn thí thì đoàn hát bội diễn trên sân khấu cho đến canh một, canh hai mới kết thúc.

Rạng sáng ngày 10 tháng 3 âm lịch, hơn 70 tàu có đặt hương án và được trang hoàng cờ đèn rực rỡ. Thanh niên trai tráng ăn mặc tươm tất đếu đứng sẵn trên tàu. Tiếng trống từ Lăng Ông Nam Hải đổ hồi báo hiệu cho mọi người biết rõ lễ nghinh Ông sắp được tiến hành.

Ban khánh tiết, các bô lão, đội nhạc lễ cổ truyền và đội lân rước long đình có bài vị thủy tướng lên một chiếc tàu lớn, được trang trí đầy cờ và đèn rực rỡ. Ðội lân múa trên tàu, tiếng trống lân rộn rã vang trên bến, báo cho tất cả tàu thuyền nổ máy, chuẩn bị xuất phát.

7 giờ, chiếc tàu lớn chở đội lân, đội nhạc lễ và ban khánh tiết buông neo ra đi, theo sau là hơn 70 tàu trang hoàng rực rỡ. Cả một vùng biển ầm ầm trong tiếng trống, tiếng kèn, tiếng máy và đặc nghẹt tàu đi, khung cảnh thật hoành tráng. Những năm chưa cấm đốt pháo, phía trước các mũi tàu là hàng dây pháo. Pháo nổ cho đến khi tàu quay về các bến.

Khi đoàn tàu tiến ra biển cả, trên chiếc tàu lớn có đặt mâm heo quay, xôi, bánh trái. Ðội nhạc lễ gồm 10 người, trong đó có 4 cô đào thày và 6 nhạc công (1 trống hầu, 1 trống cái, 1 đờn cò, 1 bạt lớn, 1 đầu đường và 1 kèn) diễn trước long đình. Tàu đi chừng 8km thì làm thủ tục rước Ông (tức Nghinh Ông) và chờ Ông lên “vọi”.

Theo quan niệm của cư dân vùng biển: thì năm nào gặp Ông lên vọi thì năm ấy được mùa. Nếu chưa gặp Ông lên vọi thì chờ một chú cá lớn nào đó lên vọi để hình dung về “Ông”. Và như thế cũng dâng tràn niềm hạnh phú về một năm đánh cá sẽ đại thắng.

Khi tưởng tượng ra Ông vọi, đội lân múa để nghênh đón. Nhang đèn, rượu, trầm hương đều được dâng lên, chủ lễ đứng ra khấn vài thỉnh mời Thủy tướng. Các bô lão cúi lạy. Ðội nhạc lễ biểu diễn một cách cung kính. Tàu đi đủ vòng cho đúng thủ tục, rồi quay về bến.

Ðoàn tàu trở về, cờ hoa rực rỡ. Chiếc tàu có long đình nổi trống, đi vào các bến để chúc sự tốt lành cho các đội tàu.

Bên các bờ rạch, nhà nhà đều đặt bàn hương án ngoài trời, với đầy đủ hương hoa, lễ vật, khói nhang nghi ngút.

Tàu trở về lăng. Trên bờ lại có sẵn một đội lân nghênh đón (trước đây có thêm pháo nổ). Long đình, lư hương, mâm heo quay, bánh trái được long trọng đưa vào lăng làm lễ an vị, trong sự chào đón hoan hỉ của hàng ngàn người.

Từ lúc này đến phần Hội, đoàn hát bội diễn các tuồng xưa. Diễn ngày, diễn đêm tùy theo sức đóng góp của các đội tàu (Ðội tàu được phân theo ngành: ngành sông cầu, ngành đáy chạy, ngành lưới gộc v.v…). Dân làng thả sức xem hát, ăn uống, vui chơi suốt 2 ngày nữa.

Trong mấy ngày lễ hội, tại Vàm Láng, diễn ra nhiều trò chơi, nhiểu cuộc thi thể thao như: bónh chuyền, bónh đá, kéo co, bơi lội… làm cho không khí ngày hội thêm vui tươi, huyên náo.

Từ xưa, nơi này đã có câu ca:

Vui gì bằng lễ Nghinh Ông
Ðèn hoa, pháo nổ, mịt sông ánh trời
Cuộc vui nhiều khách đến nơi
Nghèo giàu hỉ hả ăn chơi ba ngày.

Tục thờ cá Ông của cư dân vùng biển nói chung, cư dân Vàm Láng nói riêng, hàm chứa trong đó niềm khát khao chân thành, mộc mạc của những con người luôn phải đối mặt với sóng gió hết sức hiểm nguy. Và thông qua lễ hội Nghinh Ông, là dịp để những người đánh cá thả hết tâm hồn mình vào những trò chơi giải trí, mà quên đi những ngày mệt nhọc, gian nguy, để hướng tới một mùa bội thu sắp đến. Tục thờ cá Ông ở Vàm Láng đã tạo nên một bản sắc riêng trong dòng chảy tín ngưỡng dân gian khá phổ biến của vùng văn hóa Nam Bộ.
Ðược tham dự những ngày lễ hội đầy ấn tượng này, hẳn chẳng bao giờ quên.

IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.174 seconds.