Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: ĐỜI SỐNG GIA DÌNH Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 125 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22153
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/May/2021 lúc 5:55am

CƠN MƠ


hinh%20nen%20tinh%20yeu

Tôi thường đi ngủ vào lúc 5 giờ sáng, và giấc mơ của tôi cũng bắt đầu sau đó ít phút.

Tôi thấy mình thức dậy vào lúc 5 giờ sáng. Vợ tôi đang nấu dưới bếp. Tiếng reo của ấm nước siêu tốc. Tiếng va chạm của thức ăn với dầu nóng. Tiếng chén đĩa đụng nhau. Tiếng hát của nàng.
Nếu không đang ở trong giấc mơ, hẳn tôi cảm thấy rất phiền. Tôi bước ra khỏi giường, đầu rối bù, chân đất đi vào nhà vệ sinh.


Trong mơ, tôi là kẻ rất siêng năng. Bằng chứng là tôi đã thức dậy vào lúc 5 giờ sáng. Tôi đánh răng rất ky, rửa mặt bằng sữa chống nhờn rồi bước ra cổng ngắm mấy bông hoa tóc tiên hồng lúc này còn ngái ngủ. Tôi nghe người ta đếm một, hai, ba, bốn trên loa phát thanh phường.

Nếu không ở trong mơ, tôi hẳn rất bực mình.
Tôi ngồi xuống và hít thở đều đặn. Tôi cảm thấy thèm thuốc, nhưng biết nếu hút thuốc bây giờ thì tôi sẽ không muốn ăn sáng nữa.
Nếu không phải trong mơ, hẳn tôi đã hút thuốc. Tôi vốn là kẻ thiếu ý chí.

 

Trong mơ, tôi là một kẻ khá nguyên tắc, bằng chứng là tôi đã không hút thuốc trước bữa ăn.
Hai chúng tôi cùng ăn sáng. Tôi cũng không nói chuyện với vợ. Vợ tôi thường khó chịu về việc tôi vừa ăn vừa nói đủ thứ chuyện trên đời. Lúc cao hứng, tôi còn bắn văng mọi thứ ra xung quanh.

Trong giấc mơ, vợ tôi khá hài lòng vì tôi chỉ há miệng khi cần cho thức ăn vào. Tôi hoàn thành bữa ăn một cách chậm rãi, và đặc biệt là không uống nước trong lúc ăn vì điều đó sẽ làm loãng dịch vị của dạ dày, do đó không tốt cho sự tiêu hóa.
Tôi biết vậy vì vợ tôi là bác sĩ. Tôi tin cô ấy. Thế nhưng trong thực tế, tôi không thể ăn nếu không có nước.
 Trong mơ, tôi là một người hiểu đạo lý, bằng chứng là tôi đã không uống nước trong bữa ăn. Tôi đi làm lúc 7 giờ.

Trong mơ, tôi có một công việc. Trong thực tế tôi cũng có một công việc, nhưng vợ tôi không gọi đó là công việc.
Theo nàng, mọi công việc đều phải kiếm ra tiền. Công việc của tôi thì không. Nó đơn thuần là một sự tinh tấn về mặt tâm linh, một hành động hướng thượng và mang tính cứu rỗi. Vợ tôi gọi nó là sự lười biếng, bằng chứng là tôi đi ngủ vào lúc 5 giờ sáng, thời gian mà đáng lẽ mọi người phải thức dậy và bắt đầu bận rộn.

Trong mơ, tôi làm thứ công việc giống như tất cả mọi người. Tôi đến công sở, bắt tay với đồng nghiệp, cúi chào ông chủ, cặm cụi vào một đống giấy tờ được xây lên từ những con chữ đứng nghiêm và siêng năng kí tên vào bảng lương.

Trong thực tế, công việc của tôi chỉ là ngồi yên lặng, không làm gì cả.
Trong mơ, công việc của tôi là làm tất cả mọi thứ, trừ việc ngồi yên lặng.
Tôi tan sở vào lúc 16 giờ 30 phút. Tôi phóng rất nhanh. Tôi đi xuyên qua các tán cây, thỉnh thoảng người nảy lên vì những cái ổ gà không kịp tránh.
Những chiếc xe khác vùn vụt lao qua. Trong mơ, người ta chạy xe nhanh khủng khiếp, tôi cũng thế.

Thực tế thì tôi thường đi rất chậm, không bao giờ quá 40km/giờ. Tôi khẽ ư ư trong cổ một giai điệu. Tôi hay mang khẩu trang. Bằng cách đó, tôi có thể cử động miệng một cách thoải mái mà không sợ người ta phát hiện.
Thực tế thì tôi chỉ lao đi, và với tốc độ suy nghĩ nhanh hơn cả tốc độ chạy xe, tôi khó có thể đủ thư thái mà cất lên một giai điệu đẹp.

Tôi về nhà lúc 16 giờ 40, vợ tôi về sau đó ít phút với một mớ túi thức ăn treo lủng lẳng. Tôi đi tắm. Trong thực tế thì tôi rất lười tắm.
Trong mơ, tôi là một kẻ rất vệ sinh. Vợ tôi là bác sĩ, cô ấy nói rằng lười tắm sẽ dễ mắc bệnh phong cùi. Tôi tin lời cô ấy, bằng chứng là tôi tắm rửa rất nghiêm túc.

Tôi bước ra sân, ngắm mấy bông hoa tóc tiên hồng lúc này đã cụp mặt xuống, chắc chúng lấy làm xấu hổ vì sự tàn lụi của mình.
Tôi lại nghe người ta đếm một, hai, ba, bốn trên loa phát thanh phường. Nếu không phải trong mơ, hẳn tôi đã lấy làm khó chịu.
Trong mơ, tôi là kẻ rất độ lượng, hoặc dễ dãi, bằng chứng là tôi lắng nghe mọi thứ âm thanh xung quanh một cách bình thản. Tôi không hút thuốc trước bữa ăn. Trong thực tế thì tôi hút thuốc mọi lúc có thể.

Trong mơ, tôi là một kẻ có ý chí, bằng chứng là tôi không bao giờ hút thuốc khi dạ dày trống rỗng.
Vợ tôi nói tôi sẽ phải bỏ thuốc. Hút thuốc rất có hại. Tôi đang cố gắng, cô ấy là bác sĩ và tôi tin cô ấy.
Tôi lắng nghe tiếng ấm siêu tốc, tiếng thức ăn va vào dầu nóng. Tôi vào bếp xem vợ tôi có cần phụ giúp gì không. Trong thực tế thì tôi chỉ ngồi yên và không làm gì.

Vợ tôi gọi tôi là đồ vô dụng. Nàng bảo nàng sẽ bỏ đi khi thời cơ đến. Trong mơ, vợ tôi rất hài lòng về tôi, bằng chứng là nàng cười với tôi, và vào một lúc nào đó, hình như nàng còn suýt nhìn tôi âu yếm nữa.
Chúng tôi ăn tối lúc 19 giờ. Không uống nước, không nói chuyện. Vợ tôi nói nàng rất hạnh phúc khi lấy tôi. Tôi là một người đàn ông chuẩn mực và biết nghe lời. Cái thứ hai là quan trọng, nàng nhấn mạnh.

Trong mơ, chúng tôi là một cặp đôi hạnh phúc. Chúng tôi đi ngủ vào lúc 22 giờ. Chúng tôi sẽ làm tình nếu như hôm đó vợ tôi cảm thấy hào hứng.
Nàng là bác sĩ, nàng nói rằng làm tình trong lúc người phụ nữ hào hứng thì đứa con sau này sẽ thông minh. Một tinh thần hưng phấn sẽ lan toả yêu thương. Và đứa trẻ sinh ra từ tình yêu thương sẽ có một nhân cách và trí tuệ hoàn hảo.

Trong thực tế thì chúng tôi không bao giờ đi ngủ cùng nhau. Nàng ôm điện thoại cho đến khi thiếp đi. Tôi ngồi yên trong phòng của tôi, đốt thuốc và tìm cách cứu rỗi linh hồn con người.
Lâu lắm rồi tôi không đụng vào nàng. Nàng cũng không cho phép điều đó xảy ra. Nàng nói nàng sẽ đi khi thời cơ đến, và từ giờ cho đến lúc đó, nàng muốn giữ cho linh hồn mình trong sạch.
Khi nói điều đó, mũi nàng nhăn lại để cho sự khinh bỉ thoát ra qua hơi thở.

Nàng thường tỉnh dậy vào lúc 5 giờ sáng, ấy là lúc tôi bắt đầu đi ngủ, và giấc mơ của tôi cũng bắt đầu sau đó ít phút.
Tôi thấy mình thức dậy vào lúc 5 giờ sáng. Xung quanh rất yên lặng. Không có tiếng động ở dưới bếp. Tôi thấy mình bước ra sân. Không có âm thanh nào phát ra từ chiếc loa phường.

Tôi nghĩ mình đang mơ. Tôi thấy mình tự tát vào mặt một cái thật mạnh để xem mình mơ hay tỉnh. Nhưng cái tát cũng không làm tôi nhận thức một cách rõ ràng hơn.
Tôi nghĩ về vợ tôi. Hẳn tôi đang tỉnh, vì nếu ở trong mơ, chắc tôi sẽ rất buồn. Hiện tại thì tôi lại chẳng buồn vì sự ra đi của cô ấy. Nó là một điều mà bạn biết chắc sẽ xảy ra.
Giống như khi bạn bắt đầu một ky nghỉ lễ với chút buồn man mác rằng ít ngày nữa nó sẽ kết thúc, và bạn sẽ bận rộn trở lại. Bạn chấp hận nó với một chút nuối tiếc, nhưng không đủ để hình thành một nỗi buồn.

Có một thứ cảm giác giống như sự bình thản, sự bình thản của lòng can đảm đến từ ý nghĩ rằng trong cuộc sống của mình, có nhiều điều ý nghĩa hơn đang đợi bạn phía trước.

Suy nghĩ ấy làm tôi cảm thấy dễ chịu. Tôi thấy mình đi vào giường, nằm xuống, mỉm cười và ngủ thiếp đi.
Lúc ấy là 5 giờ sáng, và cơn mơ, như thường lệ, cũng bắt đầu sau đó ít phút

Tạ Xuân Hải
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22153
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 04/May/2021 lúc 5:47am

BỐ, VÀ MẸ, VÀ PHỞ




Giải%20Đáp%201%20Tô%20Phở%20Bao%20Nhiêu%20Calo?%20Cosopho.com

Tiệm phở Kim Long, 2 giờ chiều thứ Bảy, khá thoải mái. Không có khách đứng chờ đầy trước cửa, không có người ngồi san sát, ăn uống rộn ràng, và không có cái huyên náo chóng mặt của những giờ ăn trưa.
Vắt chanh vào tô phở đang bốc khói, tôi chợt nhớ là đã lâu lắm tôi mới trở lại đây.

Thời mới lớn ở Sài Gòn, tôi được dạy rằng con gái không nên đi ăn tiệm một mình, và ý nghĩ đó đã theo tôi một thời gian dài…
 Sau ba mươi năm sống, làm việc ở Mỹ, và đi nhiều nơi trên thế giới, tôi đã học được sự dạn dĩ và tự tin của người Tây phương. Tôi nghiệm ra rằng, có những điều tôi coi là “chân lý” khi xưa thật ra chỉ là những ràng buộc hay quan niệm lỗi thời, nhất là những “luật lệ” dành cho phái nữ.

Cho nên, hôm nay khi đi ngang quán, nhớ ra rằng từ sáng tới giờ mình đã làm xong nhiều việc trừ việc tiếp năng lượng cho cơ thể, tôi chỉ ngần ngại vài phút, rồi ghé vào.
Nhưng, khi tô phở bưng ra, tôi bỗng thấy thiếu thốn quá. Bởi vì chỉ có mình tôi ngồi đây…

Bố tôi thích văn chương, và thích ăn phở. Tôi thừa hưởng của Bố cả hai điểm này. Tôi nghe nói có nhiều người ghiền phở, có thể ăn phở thay cơm cả tuần lễ. Bố và tôi thì không tới “đẳng cấp” đó, nhưng nếu phải ăn phở liên tiếp mấy ngày chắc tôi sẽ không thấy khổ sở, khó khăn gì lắm.

Mẹ tôi thì lại không thích phở. Thời tôi bắt đầu biết nghĩ, cũng là lúc cả nước chìm trong cơn họa đói kém, tôi thường tự hỏi có phải Mẹ tôi nói vậy để nhường miếng ăn cho chồng con không (thưở đó, hầu hết các bà mẹ Việt Nam đều chẳng thích ăn gì cả.) Chứ – theo tôi, ai mà không thích ăn phở!

Từ mấy chục năm trước, nhà văn Thạch Lam đã viết rằng thưởng thức phở ngon là “một nghệ thuật đáng kính”. Nhưng, viết để ca tụng phở, để đưa phở lên ngôi thì chắc không ai vượt được nhà văn Vũ Bằng.

Đối với ông Vũ, tô phở vừa là một bức tranh lộng lẫy “Một nhúm bánh phở; một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau thơm xanh biêng biếc; mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu… ba bốn thứ màu sắc đó cho ta cái cảm giác được ngắm một bức họa lập thể…”
Vừa là một kết hợp tuyệt diệu của hương và vị “Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm… rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm dịu, ngọt một cách thành thực, thiên nhiên, không có chất gì là hóa học…..” (*)

Khi đọc rằng mùi phở có “sức huyền bí quyến rũ”, tôi hết sức đồng ý với ông Vũ. Nhưng khác với năm 1952 thời mà ông nói rằng người giàu hay nghèo đều có thể thưởng thức phở, trong những năm cuối thập niên bảy mươi và đầu tám mươi, phở đã trở thành món ăn rất xa xỉ và xa vời đối với rất nhiều người Việt.

Sau chiến tranh, chính quyền Hà Nội vơ vét tài nguyên cả nước để trả nợ cho các nước đàn anh, Việt Nam bị Hoa Kỳ cấm vận, và chính sách “hợp tác xã” ngu dốt, bất công làm cho nông dân không muốn sản xuất.

Ba vấn đề dồn dập đã xô cả nước vào cảnh đói, nhất là ở những thành phố nơi thực phẩm không tới được như Sài gòn. Gia đình tôi còn thuộc một “giai cấp” được liệt kê rõ trong câu thành ngữ mới “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo: nhà nghèo”, cho nên thiếu thốn là chuyện đương nhiên.
Thời đó, Sài gòn xác xơ. Những con đường đông vui, nhộn nhịp ngày trước chỉ còn lại vài hàng quán lèo tèo, ngơ ngác. Nhưng ở đầu đường nhà tôi vẫn còn một xe phở, người trong xóm gọi là phở chú Lưu.

Xe phở trông đặc biệt quyến rũ vào buổi tối. Có lẽ, ngọn đèn néon treo lơ lửng trước quầy đem lại chút ấm áp cho góc phố buồn hiu. Có lẽ, ánh sáng của ngọn đèn và cái tối ở chung quanh càng làm cho chiếc tủ kính nhỏ thêm rực rỡ, nổi bật miếng thịt bò tái đỏ óng, và những cục bò viên nâu hồng, mũm mĩm.

Thời đó, ở nhà tôi chỉ có ai bị đau nặng mới được ăn phở. Những lúc đó tôi thường tình nguyện đi mua, để được ngắm chú Lưu làm phở.
Chú lật tấm lá chuối xanh nõn che trên rổ bánh phở, hé ra những sợi phở to bản, trắng mươn mướt. Bốc một nhúm bánh bỏ vào cái rổ có cán dài. Múa tay nhúng rổ vào nồi nước đang sôi. Đảo qua, đảo lại, rồi nhấc lên, xóc xóc mấy cái.
Đập đập vào thành nồi cho ráo rồi đổ bánh vào tô.
Nhón hai lát thịt chín nâu nhạt xếp lên trên. Nhẹ tay nâng cục thịt tái ra khỏi tủ kính, lia dao thái vài miếng mỏng tanh bày bên cạnh.
Rải lên mặt tô ít hành hoa xanh biếc. Lật nắp thùng nước lèo. Một làn khói bay lên, tỏa mùi hồi, quế, xương bò mùi hương phở – nồng ấm, quyến rũ.
Một tay cầm tô, một tay cầm cái muôi lớn, khoát nhẹ cho những sao mỡ vàng óng chạy dạt ra. Múc một muôi nước, đảo tay đúng một vòng, nước chan vào tô vừa hết…
Từng bước, chính xác, nhịp nhàng, Tác Phẩm Phở được hoàn thành bằng đôi tay dẻo như múa của chú Lưu trước sự say sưa theo dõi của tôi.

Bây giờ, đôi khi mấy đứa con tôi bỏ phí thức ăn, tôi vẫn nhắc “Hồi nhỏ, chỉ khi nào Mẹ hay các cô bị đau dữ lắm mới được ăn phở…”
Mà, tội nghiệp, lúc mạnh khỏe thì thèm chứ lúc đau ốm, đắng miệng, ăn đâu thấy ngon. Húp vài muỗng, nhăn mặt, đẩy qua một bên. Tô phở được đậy lại, để dành cho người ốm, từ sáng tới chiều.

Niềm vui chính của tôi lúc đó là quanh quẩn trên căn gác nhỏ đầy sách của Bố, tha thẩn thăm viếng từ quyển này sang quyển khác.

Có những đêm đã khuya, Bố lên gác gặp tôi vẫn đang ngồi ở đó. Bố rót cho tôi một ly trà làm bằng một công thức lá, hạt do ông tự nghiên cứu, ngâm nước sôi trong lon Guigoz.
Ấp hai tay hai bên ly trà nóng, tôi ngồi xếp bằng bên cạnh Bố, thưởng thức cái ấm áp, gần gũi giữa hai Bố con trong đêm im vắng.

Tôi yêu cái hạnh phúc thinh lặng, nhẹ nhàng. Ở bên nhau, không nói hay làm điều gì quan trọng nhưng lòng rung lên một niềm trìu mến.
Những khoảnh khắc như thế lưu lại trong tôi rất lâu, êm đềm và sâu lắng. Vì thế, tôi thích theo Bố đi dạo phố.
Hai Bố con đi lòng vòng, có khi ghé vào tiệm sách, đứng đọc một lúc rồi về. Chỉ có thế, nhưng tôi thấy vui vẻ, bình an khi đi bên Bố trong đám đông người.

Hồi đó, trong cảnh đói khổ, chứng kiến biết bao nhiêu điều nát lòng ở chung quanh, tôi nghĩ rằng mình còn có cái lót dạ dày là may mắn rồi.
 “Miếng ăn là miếng tồi tàn”, tôi hiểu và nhớ lời cha mẹ dạy. Tôi không than phiền khi đói và không tỏ ra thèm thuồng món gì. Ít ra, là tôi nghĩ như thế.

Nhưng, có lẽ vì Bố là Bố của tôi nên ông biết tôi rõ hơn.
Một buổi tối, Bố dắt tôi đi ra phố. Đến đầu đường, ông dừng lại, bảo tôi “Con ăn phở nhé.”
Tôi ngạc nhiên, tròn mắt nhìn Bố. Hôm đó tôi không bị đau, cũng không làm được điều gì đặc biệt. Phải mất cả mấy phút tôi mới hiểu là Bố muốn tôi được ăn phở, chỉ vậy thôi.

Bố gọi cho tôi một tô phở tái có cả bò viên, món mà tôi rất thích. Và ông ngồi bên cạnh, chờ tôi ăn.
Được thuởng thức cả một tô phở dĩ nhiên là sung sướng, nhưng điều lạ là tới giờ tôi không còn nhớ hương vị tô phở đó mê ly cỡ nào.
Tôi chỉ nhớ cảm giác thật hạnh phúc và đặc biệt, giống như tôi là vô cùng quan trọng đối với Bố, giống như tôi là con cưng nhất của Bố.

Bây giờ – mấy chục năm sau, tôi đã hiểu rằng ngày đó Bố không có đủ tiền để đãi cả sáu đứa con cùng một lúc.
Tôi đoán rằng Bố đã lặng lẽ để dành tiền, đến khi vừa đủ, Bố dắt một đứa đi ăn. Có thể không phải đứa nào cũng ăn phở. Có lẽ Bố chọn cho mỗi đứa một món. Vì, Bố biết tính các con của Bố.

Khi Bố Mẹ tôi qua Mỹ đoàn tụ, tôi đã có thể mời Bố Mẹ đi ăn nhiều món ngon ở vùng Bắc Cali. Dần dần, tôi đã tin rằng Mẹ tôi thật sự không thích phở (bà chỉ thích ăn ngọt, thí dụ như các loại chè và đậu hũ nước đường có nhiều gừng.)
Và Mẹ tôi cũng thật sự không thích đi ăn tiệm, cho nên chúng tôi chỉ đem các món đến nhà biếu Mẹ. Chỉ có Bố là thích đi ăn tiệm với chúng tôi. Và trong các tiệm phở, Bố thích nhất là phở Kim Long.

Cách đây khoảng sáu năm, Bố tôi bắt đầu bị lẫn. Dấu hiệu đầu tiên là Bố không phản đối gì khi tôi và cô em kế hè nhau dọn phòng Bố, vất hết báo cũ mà Bố sưu tập, chất đống dưới sàn.

Hôm đó, tôi cũng hơi lấy làm lạ, nhưng chỉ nghĩ Bố không còn quan tâm tới sách báo nhiều nữa vì đã lớn tuổi rồi. (Sau đó, tôi mới học được rằng khi một người bỗng dưng đổi tính nết rõ rệt, từ nhiều cá tính sang quá dễ dàng hay ngược lại, thì rất có thể là óc có vấn đề.)
Lúc đó, tôi không ngờ rằng khi tôi hí hửng “giải tỏa” đống báo cũ cũng là lúc sự minh mẫn của Bố đang bị tuổi già lấy đi. Giống như những tờ báo tôi đã vất ra khỏi nhà, sự minh mẫn đó không bao giờ trở lại.

Hình chụp quang tuyến cho thấy trong đầu Bố có nước, nhưng bác sĩ không thể xác nhận đó là nguyên nhân cho sự suy yếu của não bộ hay vì bệnh Alzheimer.
Bệnh Alzheimer thì không chữa được, khoang não có nước thì có thể giải phẫu nhưng kết quả không chắc chắn.
Hơn nữa, ở tuổi của Bố tôi, giải phẫu óc là một mạo hiểm quá lớn. Cho nên, chúng tôi chỉ biết theo dõi những thay đổi trong đầu óc Bố, đến từng bước, từ từ, lạnh lùng.

Thời gian đầu, Bố có một tính mới là rất thích đi xe hơi. Nhìn thấy xe hơi của bất cứ ai là ông muốn leo lên và khi lên rồi thì không chịu xuống. Vì thế, mỗi cuối tuần tôi đều lại chở Bố đi xe hơi cho thỏa thích. Tôi chở Bố đi chợ, đi công viên, và dĩ nhiên đi ăn phở.

Lúc đầu, hai Bố con mỗi người một tô. Dần dần, Bố ăn uống không được gọn gàng như trước cho nên tôi không ăn, chỉ ngồi canh Bố. Những lúc đó tôi thường nhớ lại tô phở duy nhất đi ăn riêng với Bố.
Ngày xưa, Bố ngồi bên cạnh, vui vẻ chờ tôi ăn. Ngày nay, tôi cũng ngồi chờ Bố ăn nhưng trong lòng man mác nghẹn ngào.

Tôi nghĩ đến chu kỳ của đời người. Bệnh tật làm cho người già trở thành trẻ thơ, nhưng chăm sóc người già khó hơn rất nhiều. Bởi vì, khi ở bên trẻ thơ, nhìn chúng lớn như một cây non tươi đẹp, lòng mình hăng hái với những dự tính tương lai. Ngược lại, sự lụi tàn của cha mẹ già luôn đem lại nhiều xót xa, tiếc nuối.

Tuy vậy, mỗi lần đi ăn với Bố, tôi đều tự nhắc rằng ngày hôm nay là một món quà của thời gian, và tôi nên trân trọng từng giây phút. Bởi vì, ở tình trạng của Bố, có thể tuần sau món quà đó không đến nữa.

Điều tôi nghĩ đã thành sự thật. Những buổi đi chơi đơn giản đó đã chấm dứt khoảng hơn sáu tháng nay. Tôi vẫn đến thăm Bố cuối tuần, nhưng gần đây Bố không còn thích đi đâu và ông không còn tự ăn được nữa.
Cho nên, đã lâu lắm, tôi mới trở lại tiệm Kim Long. Chỉ một mình.

Rồi ký ức tôi lại lang thang về với một bữa ăn mới gần đây…
Mùa lễ Giáng Sinh năm ngoái, tôi ghé phòng nội trú của con trai, giúp cháu dọn đồ về nhà giữa hai khóa học.
Hai cậu bạn ở chung phòng đã lên máy bay từ sớm, để lại căn phòng như thành phố sau cơn bão. Bản năng Mẹ nổi lên, tôi nhất định dọn dẹp trước khi rời phòng.

Khi căn phòng trở nên sạch sẽ thì cũng đã tới giờ ăn chiều. “Hay là con dắt mẹ vô cafeteria – chỗ con thường ăn, để mẹ thử cho biết?” Vừa nói tôi vừa mỉm cười tựa như đang nói giỡn. Bởi vì, tôi muốn dọn đường cho con không thấy khó xử, nếu nó muốn từ chối.

 Tôi đọc rằng con nít bên Mỹ vừa mới lớn đã không muốn đi chung với cha mẹ, sợ bạn bè nghĩ là mình không “ngon lành”, không “cool”.
Tôi nghe nói con trai càng không thích đi với mẹ, bởi vì, trong mắt bạn bè, hình ảnh đó rất “con nít”, rất không “tạo ấn tượng”, nói chung là rất “nhà quê”.
Vì vậy, tôi cảm thấy vui và hơi ngạc nhiên khi con trai tôi gật đầu không chút ngần ngại.

Cafeteria lớn và đẹp với đủ loại thức ăn được sắp xếp rất mỹ thuật. Không khí nhộn nhịp của đám sinh viên vừa xong khóa học, thoải mái và háo hức làm cho tôi thấy thật rõ cái hạnh phúc ngời ngời của những người trẻ may mắn…
Có những điều đẹp đẽ và sâu sắc đến với chúng ta một cách tình cờ trong đời.

Khi dắt tôi đi ăn, chắc Bố không nghĩ điều gì xa xôi hơn là đãi đứa con gái nhỏ một “chầu phở”. Nhưng, hành động đó không những trở thành một kỷ niệm sâu đậm mà còn cho tôi một bài học quý báu khi làm mẹ. Rằng, thỉnh thoảng chúng ta nên dành thì giờ đi chơi và trò chuyện với từng đứa con.
Trong lúc đó, ta cho con tất cả sự quan tâm, chú ý, và ngược lại. Những khoảnh khắc đó sẽ trở nên những kỷ niệm rỡ ràng, sẽ đem lại một cảm xúc trìu mến, bình an, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, và sẽ tồn tại rất lâu.

Ngày hôm đó, ngồi đối diện với con ở cafeteria, tôi cảm được bài học đó thật là rõ nét. Và cũng trong lúc đó, những ký ức với Bố Mẹ bỗng dưng trở về, quấn quít với niềm vui xen lẫn chút tự hào về đứa con trai bé bỏng ngày nào nay đang trở thành người lớn.
Người lớn đủ để sải những bước nhanh nhẹn và tự tin trong sân trường bên cạnh bà mẹ nhỏ bé, xuềnh xoàng trong bộ quần jean áo thun và mái tóc cột ngược lên.

Tôi biết bữa ăn với con trai sẽ được cộng thêm vào rương kỷ niệm của tôi, bên cạnh lần đi ăn phở với Bố.
Thời gian rất vô tình, cho nên điều duy nhất chúng ta có thể làm là chú ý, trân quý, và thưởng thức những cảnh đẹp, những hương thơm, những thương mến, và những nụ cười trên con đường đời mà ai cũng đi qua. Xin đừng hối hả .

Khôi An



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 04/May/2021 lúc 5:48am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 06/May/2021 lúc 10:11am
4094%201%20Thg5BuonLamMeOiDCL
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 08/May/2021 lúc 9:35am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 13/May/2021 lúc 7:46am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 14/May/2021 lúc 8:51am

Ơn Mẹ



Mẹ mang thai con chín tháng mười ngày. Mỗi ngày như mọi ngày mẹ leo lên chiếc xe đạp đi làm. Con đường từ nhà đi ra nông trường cao su xa thật xa. Trên xe mẹ cột phía sau là sạt lai và cây phạt chồi.

Sạt lai là mẹ để dẫy cỏ và phạt chồi là để quất những cây cỏ vượt cao cho thấp xuống để dễ làm. Thời buổi tem phiếu mẹ đem theo cơm độn khoai mì và chút cá trích kho. Những ngày nóng quá cần có chút canh thì bình nước mang theo là món canh nhà nghèo mà mọi người gọi là “canh toàn quốc.” 

Con như thế nào ư? Con vẫn nằm ngủ ngon lành trong bụng mẹ, nguồn nước dinh dưỡng ít ỏi nhưng vẫn cho con sức sống để phát triển. Người ta khi mang thai được ăn hai phần bổ dưỡng vừa cho con vừa cho mẹ. Còn mẹ chắc có lẽ chỉ dành đủ cho con bởi mẹ gầy nhom ốm yếu. Có khi nào mẹ được ăn một bữa no nê và ngon miệng đâu. Mẹ ăn để được sống mà lo cho gia đình. Còn con lại thừa hưởng tất cả tinh huyết và dinh dưỡng của mẹ. Con bất hiếu ngay khi còn trong bụng mẹ. Mẹ ơi! 

Mẹ làm việc bởi vì lao động là vinh quang. Nhất là lao động chân tay chứ còn lao động trí óc chỉ dành cho bọn tư sản. Người ta ca tụng người vô sản vì vô sản thì chẳng có gì kể cả thức ăn. Con người phải lao động chân tay cật lực mới sinh ra sản phẩm đổi lấy miếng ăn để sinh tồn. Mẹ phải dẹp vào rương chiếc áo dài nhà giáo để thực sự đóng góp vào sự đi lên của xã hội mới để kiếm cơm cho cả nhà. Mang con đi làm mẹ đã mệt mỏi  biết bao nhiêu khi phải làm việc với cái bụng càng ngày càng lớn. 

Mẹ dẫy cỏ giữa trời nắng chang chang. Cái sạt lai thúc vào bụng làm con khó chịu. Con đạp mẹ một cái thật mạnh. Mẹ ngừng tay ôm bụng rồi xoa lấy con dỗ dành:

-Mẹ xin lỗi, xin lỗi con. Đau phải không con?

Mẹ phạt chồi, hai tay cầm cái dao dài quất mạnh trên những đám cỏ. Cái trớn của nhát chém phải mạnh thật chính xác mới chém đứt những chồi cây cỏ hôi hay cỏ tranh cao khỏi đầu. Con không chịu nỗi khi cả con người con ảnh hưởng theo sự di chuyển của thân hình mẹ liên tục. Con tống mẹ một cái rõ mạnh để mẹ biết con đang rất khó chịu. Mẹ mất đà cái dao chặt cỏ văng ra xa. Mẹ ngồi xuống ôm bụng xuýt xoa.

Hết giờ làm, mẹ cột vật dụng lao động sau xe. Lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt, mẹ uống một hớp nước còn sót lại để lấy sức trên đường về. Mẹ leo lên xe. Mẹ ơi! đầu con đã chúi xuống gần đụng vào cái yên xe mẹ ngồi. Hai chân mẹ đạp xe thì con cũng không thể nào nằm yên được. Con mệt lắm rồi, con không chịu được sau một ngày mẹ làm việc không ngừng lại cỡi xe đạp lên dốc như thế này đâu. Con đạp, con chòi, con gồng lên trong vùng nước ấm bao bọc quanh con. Mẹ không thể đạp được nữa, mẹ dừng xe lại và dựng vào một gốc cây cao su. Mẹ trải tấm vải nilon dùng che mưa lên trên đám lá cao su và nằm xuống. Ôi thật tuyệt vời mẹ của con ơi. Con khó chịu gò lên méo cả bụng mẹ. Mẹ nằm xuống nghỉ ngơi nhìn lên tàng lá cao su, ánh nắng chiều đang nhấp nháy mỉm cười với mẹ. Mẹ vuốt bụng mình để đưa con về vị trí tốt nhất, mẹ vuốt liên tục, mẹ xoa vào con với tất cả yêu thương và xót xa. Con từ từ dịu lại và nằm im.

Giữa rừng cao su bạt ngàn thẳng tắp, mẹ nhỏ bé cô độc với cái thai vượt bụng nằm phơi mình trên đám lá quả thật là một bức tranh tuyệt đẹp. Rừng cây không một bóng người, không một nhiếp ảnh gia nào có thể chụp được tấm hình tội nghiệp của mẹ tôi. Con đường về nhà vẫn còn xa và mẹ còn bao nhiêu là việc phải làm. Con thương mẹ quá nên nằm yên ráng chịu đựng. Mẹ thấy không? Con mẹ đã yêu mẹ ngay từ còn là một bào thai . Con muốn nói ngàn lần hơn." Con Yêu mẹ và cám ơn mẹ đã nặng nề cưu mang con."

Đúng ra mẹ phải nghỉ sớm để tịnh dưỡng chờ sinh. Nhưng với quy định của nhà nước thời gian nghỉ sinh rất ngắn. Mẹ muốn dành những ngày ấy để nghỉ dưỡng sau khi sinh còn non ngày non tháng. Vì thế con cứ cùng mẹ lên đường mỗi sáng sớm và về nhà khi đã hoàng hôn. Vì định mức công nhân một ngày lao động mẹ phải làm nhiều giờ hơn người khác mới có thể hoàn thành. Cận ngày sinh, mẹ phải dừng làm việc nhiều lần để lấy lại sức. Mẹ phải nghỉ lại giữa rừng cao su đôi ba bận mới có thể đạp xe về nhà.

Con đã đủ ngày tháng để sinh ra đời. Con cần ánh sáng mặt trời, con cần tự mình hít thở khí trời. Con muốn nhìn thấy mẹ, muốn mẹ ôm con vào lòng. Hai ngày liền con trở mình, con đạp con chòi, mẹ không thể đi làm được. Và một sáng tinh sương, khi kẻng báo hiệu giờ công nhân ra điểm danh đi làm, mẹ ôm bọc đồ em bé vào trạm xá nông trường. Cô mụ Ba nhìn mẹ với cái bụng không to mấy mỉm cười:

- Chưa sanh đâu, yên chí đi cô. 

Mẹ đi ra hành lang trạm xá và bước từng bước nặng nề đau đớn. Các cô ý tá cứ nghĩ còn lâu lắm mẹ mới sinh nên ra đứng nói chuyện, thờ ơ chuẩn bị đồ nghề cần thiết để rước con ra. Thế nhưng con phản đối, con  chòi đạp quyết liệt, con không muốn chờ đợi, con không muốn mẹ phải quá đau đớn vì con. Mẹ nói ba đi mua cho mẹ ly sữa nóng để uống cho lại sức. Ba vừa bước ra khỏi cửa trạm xá là mẹ chuyển dạ. Mẹ vào nằm trên giường sanh và quả quyết con sắp ra. Bà Mụ Ba chưa chuẩn bị xong đồ nghề, y tá còn đang nói cười ngoài hành lang thì trên giường sinh, nước ối vỡ òa và con đã ra đời. Con nhỏ xíu chỉ hai ký bảy khóc to, lớn họng  trong trạm xá buổi sáng mùa hè tháng 7. 

Ba đem sữa về tới trạm xá là con đã nằm yên vị bên mẹ. Mẹ đưa tay nhận con từ người nữ hộ sinh già hiền hậu. Mẹ mân mê từng ngón tay, ngón chân con, mẹ xoay người con xem có dấu vết gì lạ. Da con nhăn nhúm xấu xí, người con bé tí nhưng mũi cao, khóc to và sinh mau nên mọi người đều khen con rối rít. Con là đứa bé làm mẹ mệt mỏi nhiều nhất nhưng con ra đời nhanh nhất vì con yêu mẹ.   

Mẹ từng bước chậm chạp đi về giường sinh, cô y tá bồng lấy con đi theo mẹ. Chiếc giường sản phụ bằng sắt từ thời Tây đã nhiều tuổi lắm rồi,  là chiếc giường đầu tiên con trai mẹ được nằm. Chiếc chiếu trải lên nó đã cũ, ở vành chiếu các cọng cói đã rớt ra xấu xí. Thời đại mới XHCN nước ta còn nhiều khó khăn. Mẹ con mình cùng chia sẻ. 

Mẹ lấy một cái khăn lông cũ trải xuống chiếu để đặt con lên. Con mặc bộ đồ em bé cũng đã cũ có những vết ố của sữa. Áo này là của anh tư, mẹ mặc cho con để dễ tính, bú no, mau ăn chóng lớn. Mẹ dùng một cái tã lớn để quấn con thật kín, thật chặt. Mẹ nằm xuống xoay người nhìn con trong hạnh phúc vô bờ của một người mẹ. Mẹ đã an toàn vượt cạn và con ra đời khỏe mạnh bình an.  

Ngoài kia trời mùa hè nóng bức oi nồng, những lát chiếu gãy đâm vào lưng mẹ rõ đau. Những con ve ngoài sân trạm xá trên cây phượng vĩ kéo đàn inh ỏi để chào đón con. Mẹ nói cây phượng đó già tuổi lắm rồi, ngày còn bé mẹ hay ra hái hoa ép vào vở học trò. Bây giờ mẹ đã làm mẹ, cây vẫn xanh lá hoa phượng đỏ rực một góc sân thật đẹp. 

Nói sao hết về mẹ về con. Nguồn sữa mẹ đầu đời con nhận được chắc là ngon lành và bổ dưỡng. Da con không còn nhăn nhúm xấu xí, mặt con căng ra mũm mĩm dễ thương. Những ngày mẹ đi làm, con ở nhà với nội, uống nước cháo thay sữa mẹ. Mẹ về, mồ hôi ướt đẫm, hai bầu sữa căng cứng. Mẹ lau sạch sẽ hai đầu nhũ hoa và xịt những tia sữa đầu tiên lên vách. Bà nội nói đó là những giọt sữa đầu nắng, con bú vào sẽ đau bụng. Mẹ bồng lấy con và cho con bú. Con bị ngộp vì sữa xuống nhanh,  khi con vội nhã ra sữa xịt đầy mặt mũi. Mẹ lại âu yếm nhìn con:

- Từ từ con cưng. Háu ăn quá vậy. 

Có lẽ nơi xấu xí và hôi hám nhất là giường sản phụ. Nó bao gồm nhiều mùi tệ hại nhất. Mùi dầu khuynh diệp nồng nặc, mùi của khói than xông lên giường chiếu nằm cữ. Mùi của thuốc xông, lá xông và mùi của nước đái. Vâng! chỗ khô con nằm, chỗ ướt phần mẹ. Mà vì là con trai con cứ xỉa lên trời mà bắn súng nước. Tội nghiệp mùng, mền, chiếu gối và đôi khi cả mặt mẹ cũng vương đầy nước đái của con. Mẹ ơi! biết nói thế nào cho hết những gì mẹ đã hy sinh cho con. 

Những lúc con ấm đầu sổ mũi mẹ thức suốt canh thâu. Những lúc con đi tướt liên tục, mẹ vất vả chăm sóc. Những lúc con quấy khóc cả đêm mẹ bồng con trên tay dỗ dành. Khi con khóc mẹ dường như cũng khóc, con cười mẹ rạng rỡ niềm vui. Con tập vào đời bằng nghị lực và sự cố gắng của mình ngay từ hồi bé xíu. Mẹ khuyến khích con nhưng không đưa tay ra giúp để con tự mình cố gắng. Khi con nằm ngửa hai chân đạp lòng còng, mẹ cột một chùm vải cho con tập nhìn tập với. Con tập lật, nhiều lần cố gắng cũng không xong. con khóc vang lên đòi giúp nhưng mẹ không lật con lại mà cứ để phải tự mình làm. Khi con lật được phải tự mình tập trườn, tập bò, tập ngồi, tập đứng chựng, tập đi. Mỗi giai đoạn con phải tự chủ bản thân và luôn luôn có mẹ một bên để vỗ tay khuyến khích. Bước chân đầu tiên con đi được là lao vào người mẹ hân hoan. Mẹ bồng con đưa lên cao mừng rỡ. Con đã tự đứng trên đôi chân của mình và bước tới trước Phải chăng đó là giáo dục của mẹ để con phải tự lập và đối diện với khó khăn trong cuộc đời mình. Cám ơn Mẹ. Cám ơn những gì mẹ đã cho con ngay từ những ngày thơ ấu và cả khi con đã trưởng thành. 

Con đã lớn lên bằng sự giáo dục nghiêm khắc của ba và sự vỗ về khuyên răn của mẹ. Gia đình qua Mỹ định cư theo diện HO. Ba và mẹ đã không còn trẻ để có thể tìm cơ hội dễ dàng. Gia đình tị nạn nghèo nên chúng con luôn thiệt thòi hơn các bạn cùng lớp. Mỗi cuối tuần nhà mình thường đi tìm những nhà bán garage sale để mua đồ cũ. Quần áo chúng con và cả cha mẹ đa phần đều ở chỗ này. Mẹ mua về, giặt sạch và chúng con đến trường rất tinh tươm sạch sẽ. Chúng con không hề thấy mình thiệt thòi hay thiếu thốn. Mẹ luôn dạy các con rằng tư cách làm người không phải qua lớp quần áo mặc ngoài mà từ nội tâm và kiến thức. 

Nghỉ hè mẹ không cho con rong chơi, mẹ bảo con xuống phụ anh Hai sửa xe. Mẹ nói khi con có một chiếc xe riêng của mình con sẽ gặp những lúc xe giở chứng. Con biết được cách giải quyết những trục trặc hư hỏng của chiếc xe là con thực sự làm chủ nó. Hãy lợi dụng kỳ nghỉ hè này học thêm một nghề cầm tay. Nhờ vậy mà con đã nhiều lần giải quyết những trục trặc ở xe con và bè bạn. Con đã tiết kiệm được tiền và giải quyết cấp kỳ những trở ngại của xe trên xa lộ. Cám ơn mẹ.

Mẹ ơi! Vùng con ở tuyết rơi trắng xóa. Tuyết ngập lối đi, tuyết đội vương miện lên những bụi cây trồng trước nhà. Tuyết đóng lại rơi xuống mái hiên như những sợi dây trắng xóa, lấp lánh đẹp như thạch nhũ. Tuyết làm bạc đầu cây Magnolia mẹ trồng trước nhà. Con nhớ mẹ quá mẹ ơi! Tóc mẹ đã bạc khi con trưởng thành, khi con đã làm chồng làm cha. Giờ này con muốn ôm mẹ vào lòng, muốn bồng mẹ lên xoay mấy vòng như những mùa Xuân năm trước. Con đã thức suốt đêm khi con con bị bệnh, con đã mừng rỡ khi bước đầu tiên nó chạy vội vào con. Con đã rơi nước mắt khi nhìn vợ con sau khi sinh nằm trên giường nệm trắng tinh, thức ăn bổ dưỡng. Còn mẹ con tưởng tượng cái giường nhỏ với cái mùng cáu vàng vì nước đái của con ngày xưa mà thương mẹ quá mẹ ơi!. 

Vợ con đem lên cho con tô mì gói có cái trứng gà ở trên. Con lại nhớ tiếng mẹ gõ cửa phòng con lọc cọc. Mẹ bưng vào tô mì mẹ nấu một gói rưởi với hai cái trứng chiên ốp la để lên trên cùng với mấy con tôm. Mẹ bảo:

- Bài vở nhiều vừa ăn vừa học đi con.

Rồi mẹ bước ra khỏi phòng và đóng cửa lại. Lúc đó đói mà bài vở quá nhiều, con ăn vội vàng, làm bài xong là vội đến trường. Con không kịp nói hay quên hẳn câu nói cám ơn mẹ cũng như bưng tô mì đã hết ra ngoài. Chiều con về phòng con mẹ đã dọn dẹp xong. Những ngày con đi học xa nhà, những ngày đi lính, nhìn ra biển trời mênh mông, trên hạm đội con nhớ tô mì mẹ nấu chảy nước mắt. 

Tháng năm có ngày Lễ Mẹ, con ở bên này nhớ mẹ nhiều. Con gửi về cho mẹ chậu hoa bonsai làm quà mừng mẹ khỏe mạnh. Nếu tình hình dịch bệnh đã qua, mẹ nhớ cố gắng thu xếp qua thăm con và cháu. Cây bonsai dáng nhỏ nhưng chắc chắn, sau này nó sẽ ra hoa đẹp lắm. Con biết khi mẹ mở gói quà, mẹ nghĩ ngay là của con gửi về tặng mẹ. Chỉ có con mới tặng mẹ cây hay hoa để trồng vì con biết mẹ thích chăm chút và nhìn từng chồi non mới nhú, những cánh hoa mới bắt đầu hé nụ. Mẹ sẽ thấy trong hộp còn có một gói nhỏ, trong đó có một ngư ông bằng sành ngồi câu. Cây bonsai là mẹ, người câu cá là con, con núp dưới bóng mát của mẹ để lớn lên trưởng thành và ra ngoài làm việc. Dù con là thằng bé đi học mẫu giáo, một người lính hay một ông già ngồi câu cá thì con vẫn là con của mẹ, vẫn nhờ dòng sữa mẹ lớn lên.

Mẹ ơi! Ơn nghĩa sinh thành biết chừng nào con đền đáp được. Con nguyện cầu cho mẹ khỏe mạnh, an lạc  để sống đời với con.

Nguyễn thị Thêm

Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 15/May/2021 lúc 7:36am

Ai cũng có một người mẹ vĩ đại mang tên Bà Ngoại


ba%20ngoai

Tôi vừa sinh con, và mẹ tôi đã lên chức bà ngoại (Ảnh: MXH).

Khi em bé cất tiếng khóc chào đời, dường như tất cả mọi sự chú ý đều dành hết cho em.
Nhưng trong lúc tất cả đều hướng về sinh linh bé bỏng ấy thì có một người chỉ nhìn thấy con gái mình, đó là bà ngoại.

Tất nhiên bà ngoại cũng rất vui vì có cháu nhưng bà sẽ “hoãn” lại một nhịp để gánh vác vai trò là mẹ, thay vì là bà, bởi bà biết lúc này con gái bà cần được bà chăm sóc hơn bao giờ hết.
Hình ảnh người mẹ chăm con gái mới sinh và những dòng tâm sự của cô con gái đã lấy đi biết bao nước mắt của nhiều người:

“Sau sinh, mẹ tôi chăm tôi còn kỹ hơn tôi chăm con mình.
Ừ thì sẽ có người bảo rằng sao bà không chăm cháu tận tụy như chăm con gái, nhưng mẹ tôi biết rằng vai trò của bà ngoại có thể hoãn lại được một chút, bởi vì có một cô gái đang khóc với bộ ngực đau nhức.

Bà ngoại giặt quần áo bẩn, quét nhà để con gái đi lại không bẩn chân.
Bà ngoại không ngại ngùng giặt tay những tấm lót sữa, cũng như những chiếc quần khổng lồ dính đầy sản dịch của bà đẻ.
Bà ngoại đã từng bỡ ngỡ khi sinh con, nên bà hiểu rằng lúc này mẹ cần giúp đỡ hơn lúc nào hết. Bởi vì bà hiểu hơn ai hết làm mẹ là công việc khó khăn biết nhường nào, và họ mong manh ra sao trong khoảnh khắc bắt đầu làm Mẹ.
Nhưng vì bất kỳ người phụ nữ nào cũng đều làm như thế nên cả xã hội coi đó là việc bình thường.”

Mẹ của người mẹ – bà ngoại không bao giờ ngơi tay, sẵn lòng làm mọi thứ để con gái mới sinh có thời gian nghỉ ngơi.
Trong mọi lo toan của con, bà ngoại đều nhớ về chính mình. Bà cũng từng tất tả lo toan, cũng đau đớn sợ hãi nên bà gắng sức chu toàn mọi thứ, để con gái vừa mới sinh con được an tâm nghỉ ngơi…

“Mỗi người mẹ đều là cô con gái nhỏ bé của mẹ mình. Và người ở cạnh người mẹ mới sinh nên là mẹ của mình”.
Bởi mỗi bà mẹ mới sinh cần sự chăm sóc của một người phụ nữ khác – người hiểu được khoảnh khắc này mong manh như thế nào, điều mà chỉ một người mẹ mới có thể có.

Và bằng tất cả sự rộng lượng và nhẫn nại, chỉ người mẹ ấy mới đem lại cảm giác bình an và được chu toàn.
Chẳng thế mà khi sinh con, cô gái cũng muốn ở với mẹ, để được mẹ chăm sóc thấu hiểu, lo từ miếng ăn giấc ngủ, để được nũng nịu, được một lần nữa trở thành cô con gái bé bỏng của mẹ.

Hạ An | DKN
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22153
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 18/May/2021 lúc 8:54am


Bai%20Viet%20ve%20Me




Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 18/May/2021 lúc 8:59am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22153
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 21/May/2021 lúc 7:34am

Anh Không Ly Hôn Nữa...


Dear.vn – “Đêm hôm đó khi trở về nhà, trong lúc vợ tôi dọn bữa ăn tối, tôi nắm lấy tay cô ấy và nói rằng, tôi có việc cần phải nói với cô ấy. Cô ấy ngồi xuống, lặng lẽ ăn. Một lần nữa tôi nhìn thấy nỗi đau trong đôi mắt cô ấy…

Đột nhiên, tôi không biết phải làm thế nào để bắt đầu câu chuyện. Nhưng tôi phải nói cho cô ấy biết những gì tôi đã suy nghĩ. Tôi muốn ly hôn. Tôi nêu vấn đề ra một cách bình tĩnh. Dường như cô ấy không bị khó chịu với những lời tôi nói, thay vào đó chỉ nhẹ nhàng hỏi, tại sao?

Tôi tránh trả lời câu hỏi của cô ấy. Điều này đã làm cô ấy giận dữ. Cô ấy ném đôi đũa đi và hét vào mặt tôi, anh không phải là một người đàn ông! Đêm đó, chúng tôi đã không nói chuyện với nhau. Cô ấy thổn thức. Tôi biết cô ấy muốn tìm hiểu những gì đã xảy ra đối với cuộc hôn nhân của chúng tôi. Nhưng tôi khó có thể cho cô ấy một câu trả lời dễ chịu gì, cô ấy đã để Jane đánh cắp mất trái tim tôi. Tôi không còn yêu cô ấy nữa. Tôi chỉ thương hại cô ấy!

Thực sự cảm thấy tội lỗi, tôi thảo lá đơn ly hôn ghi rõ cô ấy sẽ sở hữu căn nhà, chiếc xe hơi và 30% cổ phần của công ty tôi. Cô ấy liếc nhìn nó và sau đó xé nó ra từng mảnh nhỏ. Người phụ nữ đã trải qua hơn chục năm cuộc đời mình với tôi đột nhiên đã trở thành một người xa lạ. Tôi cảm thấy tiếc cho cô ấy vì đã đánh mất thời gian thời gian, nguồn lực và sức lực, nhưng tôi không thể rút lại những lời đã nói – tôi đã quá yêu Jane. Cuối cùng cô ấy òa khóc trước mặt tôi, và đó là những gì tôi mong đợi xảy ra. Đối với tôi, tiếng khóc của cô ấy sẽ là cách để giải tỏa nỗi đau. Ý tưởng về việc ly hôn đã dằn vặt tôi suốt nhiều tuần qua giờ dường như chắc chắn và rõ ràng hơn.

Ngày hôm sau, tôi trở về nhà rất muộn và thấy cô ấy đang cắm cúi viết tại bàn làm việc. Tôi không ăn bữa tối mà đi ngủ luôn và ngủ thiếp đi rất nhanh bởi vì tôi đã mệt mỏi sau một ngày bận rộn với Jane. Khi tỉnh giấc, cô ấy vẫn ngồi viết ở bàn. Tôi không quan tâm vì vậy tôi trở mình và ngủ tiếp.

Buổi sáng dậy, vợ tôi bắt đầu trình bày điều kiện ly hôn: Cô ấy không muốn bất cứ thứ gì từ tôi, nhưng cần tôi thông báo một tháng trước khi ly hôn. Cô ấy yêu cầu rằng trong một tháng đó, cả hai chúng tôi phải cố gắng để sống một cuộc sống bình thường nhất có thể. Lý do cô ấy đưa ra khá đơn giản: con trai của chúng tôi sẽ có kỳ thi của mình trong một tháng tới và cô ấy không muốn làm nó phân tâm với cuộc hôn nhân tan vỡ của chúng tôi.

Tôi có thể chấp nhận được điều kiện này. Nhưng cô ấy còn yêu cầu nhiều hơn thế, cô ấy yêu cầu tôi nhớ lại cách mà tôi đã đưa cô ấy vào ra phòng cô dâu trong ngày cưới của chúng tôi. Cô yêu cầu mỗi ngày trong thời gian một tháng tới tôi phải đưa cô ấy ra khỏi phòng ngủ của chúng tôi tới cửa trước vào buổi sáng. Tôi nghĩ rằng cô ấy bị điên rồi. Chỉ để giúp cho những ngày cuối cùng của chúng tôi cùng nhau là chấp nhận được tôi đành chấp thuận yêu cầu kỳ quặc của cô ấy.

Tôi đã nói với Jane về điều kiện ly hôn của vợ tôi. Cô ấy cười to và cho rằng đó là một yêu cầu ngu xuẩn. Bất kể vợ tội có mánh khóe gì, cô ấy có phải đối mặt với việc ly hôn, Jane nói một cách khinh bỉ.

Vợ tôi và tôi đã không đụng chạm gì về thể xác kể từ khi ý định ly hôn của tôi được thể hiện một cách rõ ràng. Vì vậy, khi tôi bế cô ấy vào ngày đầu tiên, cả hai chúng tôi tỏ ra khá lóng ngóng, vụng về. Con trai tôi vỗ tay và theo sau chúng tôi: Cha đang bế mẹ trên tay của mình. Lời nói đó của con trai mang lại cho tôi một cảm giác đau đớn. Từ phòng ngủ đến phòng khách, sau đó đến cửa, tôi đã bước đi trên mười mét với cô ấy trên tay. Cô ấy nhắm mắt và nói nhẹ nhàng, đừng nói với con trai của chúng ta về việc ly hôn. Tôi gật đầu và cảm thấy có chút gì đó đổ vỡ. Tôi đặt cô ấy xuống ở cửa ra vào. Cô ấy đứng đó chờ xe buýt để đi làm. Tôi lái xe một mình đến văn phòng.

Vào ngày thứ hai, cả hai chúng tôi đã hành động dễ dàng hơn. Cô ấy dựa vào ngực tôi. Tôi có thể ngửi được mùi hương từ áo khoác của cô ấy. Tôi nhận ra rằng tôi đã không nhìn người phụ nữ này một cách cẩn thận trong một thời gian dài. Tôi nhận ra cô ấy không còn trẻ nữa. Có những nếp nhăn trên khuôn mặt của cô, mái tóc cô đã ngả màu xám! Cuộc hôn nhân của chúng tôi đã lấy đi nhiều thứ của cô ấy. Trong một phút, tôi tự hỏi tôi đã làm được những gì cho cô ấy.

Vào ngày thứ tư, khi tôi nâng cô ấy lên, tôi cảm thấy một cảm giác thân mật trở về. Đây là người phụ nữ đã có mười năm chung sống với tôi. Vào ngày thứ năm và thứ sáu, tôi nhận ra rằng cảm giác của sự thân mật của chúng tôi đã tiếp tục tăng lên. Tôi đã không nói với Jane về việc này. Việc bế vợ tôi đã trở nên dễ dàng hơn khi thời gian một tháng dần trôi qua. Có lẽ mỗi ngày đều luyện tập như vậy đã làm tôi trở nên khỏe hơn.

Một buổi sáng, cô ấy đã lựa chọn kỹ càng những đồ để mặc. Cô đã thử một vài bộ nhưng không thể tìm được một bộ nào phù hợp. Cuối cùng, cô ấy thở dài, tất cả quần áo của mình đã trở nên rộng hơn. Tôi đột nhiên nhận ra rằng cô đã quá gầy, đó là lý do tại sao tôi bế cô ấy đã dễ dàng hơn.

Đột nhiên điều đó như một cú đánh vào tôi … cô ấy đã phải chôn giấu nhiều đau đớn và nỗi cay đắng trong tim. Một cách vô thức, tôi đưa tay ra và chạm vào đầu cô ấy.

Lúc này con trai chúng tôi chạy đến và nói, Cha à, đến giờ bế mẹ ra rồi. Đối với thằng bé, việc thấy cha mình bế mẹ mình trên tay đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của nó. Vợ tôi ra hiệu cho con trai của chúng tôi lại gần và ôm nó thật chặt. Tôi quay mặt đi vì sợ rằng tôi có thể thay đổi quyết định của tôi ở phút cuối cùng này. Sau đó tôi bế cô ấy trong vòng tay, bước từ phòng ngủ, ngang qua phòng khách, và đi qua hành lang. Cô ấy vòng tay qua cổ tôi một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. Tôi ôm cô ấy thật chặt, giống như vào ngày cưới của chúng tôi.

Điều làm tôi buồn là cô ấy còn nhẹ hơn nhiều so với tôi tưởng. Vào ngày cuối cùng, khi ôm cô ấy trong vòng tay của tôi, tôi lại khó có thể cất được bước chân. Con trai chúng tôi đã đi đến trường. Tôi ôm cô ấy thật chặt và nói rằng, anh đã không nhận thấy rằng cuộc sống của chúng ta ddax thiếu đi sự thân mật. Tôi lái xe đến văn phòng …. nhảy ra khỏi xe thật nhanh mà không cần khóa cả cửa xe. Tôi sợ bất cứ sự chậm trễ nào của mình sẽ khiến tôi đổi quyết định của mình… Tôi bước lên mấy bậc thang. Jane mở cửa và tôi đã nói với cô ấy, Xin lỗi Jane, anh không muốn ly dị nữa.

Cô ấy nhìn tôi, ngạc nhiên, và sau đó sờ trán tôi. Anh có bị sốt không? Cô ấy nói. Tôi gỡ tay cô ấy ra. Xin lỗi, Jane, tôi nói, anh sẽ không ly dị. Cuộc sống hôn nhân của anh có lẽ đã tẻ nhạt vì cô ấy và anh không đánh giá cao những chi tiết của cuộc sống chung, chứ không phải vì bọn anh đã không còn yêu nhau nữa. Giờ đây anh nhận ra rằng vì rằng anh đã bế cô ấy vào trong nhà vào ngày cưới, tôi sẽ bế cô ấy như vậy cho đến khi cái chết chia lìa anh và cô ấy. Jane dường như choàng tỉnh. Cô ta cho tôi một cái tát như trời giáng rồi đóng sầm cửa lại và bật khóc. Tôi xuống cầu thang và lái xe đi. Tại tiệm hoa bên đường, tôi mua một bó hoa cho vợ tôi. Cô bán hàng hỏi tôi cần ghi những gì trên thiệp. Tôi mỉm cười và viết, anh sẽ bế em ra khỏi phòng vào mỗi sáng cho đến khi cái chết chia lìa đôi ta.

Tối hôm đó, tôi về đến nhà, với hoa tay tôi, và nụ cười nở trên môi, tôi chạy lên cầu thang, chỉ để thấy vợ tôi nằm trên giường – cô ấy đã ra đi. Vợ tôi đã chiến đấu với căn bệnh UNG THƯ trong nhiều tháng qua và tôi đã quá bận rộn với Jane để có thể nhận ra điều đó. Cô ấy biết rằng mình sẽ chết và cô ấy muốn ngăn tôi khỏi bất kỳ phản ứng gì tiêu cực từ con trai của chúng tôi, trong trường hợp chúng tôi sẽ ly hôn với nhau – Ít nhất, trong con mắt của con trai của chúng tôi – Tôi là một người chồng đầy tình yêu thương … .

Các chi tiết nhỏ trong cuộc sống của bạn thực sự là quan trọng trong một mối quan hệ. Nó không phải là biệt thự, xe hơi, tài sản, hay tiền trong ngân hàng. Những thứ đó tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho hạnh phúc, nhưng bản thân chúng không thể đem lại hạnh phúc cho chúng ta.

Vì vậy, hãy dành thời gian để trở thành bạn thân của người bạn đời của bạn và làm cho nhau những việc nhỏ mà có xây dựng được sự thân mật. Hãy có một cuộc hôn nhân thực sự hạnh phúc!

Nếu bạn chia sẻ, bạn có thể sẽ cứu vãn được một cuộc hôn nhân nào đó. Nhiều người gặp thất bại trong cuộc sống là những người không nhận ra họ đã đến gần với thành công thế nào khi họ quyết định bỏ cuộc

Hãy nhớ rằng tình yêu là những thứ quý báu nhất trong tất cả các kho báu. Nếu không có nó bạn sẽ chẳng có gì, và nếu có nó bạn có tất cả mọi thứ. Tình yêu không bao giờ mất đi, ngay cả khi xương cốt của một người mình yêu đã trở thành tro bụi. Cũng giống như mùi thơm của gỗ đàn hương không bao giờ mất đi, ngay cả khi nó đã bị nghiền nát, tương tự như vậy nền tảng của tình yêu là linh hồn, nó không thể phá hủy và tồn tại mãi mãi. Vẻ đẹp có thể mất đi, nhưng tình yêu thì không bao giờ.


st

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22153
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 24/May/2021 lúc 9:47pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 125 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.398 seconds.