Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: ĐỜI SỐNG GIA DÌNH Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 125 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22140
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/Dec/2016 lúc 3:44pm

Món Quà Của Ông Santa Claus

Image%20result%20for%20the%20gift%20Santa%20Claus

Chị Bông đang ngồi trước computer để tìm kiếm gía vé máy bay cho cả nhà về Texas trong mùa lễ Giáng Sinh này. Cứ như một trò chơi đuổi bắt, có gía rất rẻ nhưng ngày giờ không thích hợp, chị liền du di dời đổi ngày giờ và hỏi ý chồng để cùng quyết định trước khi mua vé, thì khi chị quay lại gía vé đã tăng lên mấy chục đồng một cái, tính ra nhà chị cần 5 vé là mất toi gần 200 đồng, y như là chị bị…móc túi giữa ban ngày một cách công khai không được quyền kêu cứu. Không biết ai mà nhanh tay lẹ chân đến thế, đã chớp mất cái gía vé hời ấy của chị rồi.
Nếu chị chê, càng chậm trễ phút giây nào thì gía vé càng không bảo đảm rẻ hời nữa. Hãng máy bay chỉ chờ cơ hội để bán gía thật đắt cho những trường hợp cần thiết để bù trừ cho quanh năm suốt tháng đã bán gía rẻ khuyến khích người xử dụng đường bay.
Thế là chị đành mua vé. Thôi rút kinh nghiệm cho những lần sau, vợ chồng phải bàn trước trường hợp linh động để chị dứt khóat mua vé ngay khi gía rẻ.
Anh Bông cằn nhằn vợ:
- Đã mấy lần rồi mà lần nào em cũng bảo lần sau sẽ rút kinh nghiệm là sao? Cái tội tham lam, gía rẻ rồi còn muốn kiếm nơi khác rẻ hơn. Cứ khư khư muốn chính em là người tìm kiếm mua vé máy bay trên net để tìm được gía rẻ cho vừa ý cơ.
- Còn hơn để cho anh làm cái rụp, gía nào cũng mua cho xong.
- Thế mà có lần còn rẻ hơn em mua đấy, lựa chọn đã đời cuối cùng gần tới ngày phải mua gía cắt cổ.
Còn 4 tuần nữa tha hồ cho chị chuẩn bị, có trẻ con nên phải mang nhiều hành lý, không thể giản tiện như người lớn được, mà thời buổi này hãng máy bay nào cũng có quy luật ký gởi hành lý phải trả tiền. Phần phục vụ ăn uống trên máy bay thì ít đi, chỉ lèo tèo ly nước và gói chip nhỏ. Tính tóan chi li thế không biết các hãng máy bay có ngóc đầu lên được không hay lại khai lỗ vốn và xin tài trợ của chính phủ?
Cô Tabi 7 tuổi hay tin mẹ đã mua xong vé máy bay về Texas thăm ông bà ngoại, nó mừng lắm, ríu rít như chim:
- Mẹ ơi con không biết phải mang theo những quần áo gì? cả những cuốn sách của con nữa, con sẽ đọc sách cho bà ngoại nghe.
- Con hãy mang những quần áo nào mà con thích, chúng ta sẽ đi lễ đêm Giáng Sinh tại Texas đấy nhé, con sẽ không phải đi giày ủng cao vì Texas không có tuyết như Utah .
- Ồ, con chưa bao giờ đi lễ tại Texas cả. Thích qúa!
Chợt Tabi nhảy dựng lên:
- Không , không thể được mẹ ơi…Ai sẽ ở lại nhà mà nhận những món qùa đêm Giáng Sinh của ông Santa Claus?
- Ông sẽ để dưới gốc cây thông, khi chúng ta trở về sẽ mở qùa.
Tabi rên rỉ:
- Nhưng món qùa của con không thể nằm im trong hộp mãi được, mẹ biết không năm nay con mơ ước ông Santa Claus sẽ cho một con chó con.
Chị Bông ngạc nhiên kêu lên:
- Một con chó con? Không phải là thú nhồi bông chứ?
- Dĩ nhiên, nó phải là con chó bằng thật để chơi với con.
- Con ơi, hãy mơ thứ khác đi, một cái áo len đẹp hay một đôi giày ấm đi trong nhà vào mùa Đông?
- Nhưng con chỉ thích con chó con.
Chị Bông đi tìm chồng, anh Bông đang ngồi đọc báo dưới nhà, chị thì thầm bên anh:
- Mùa Gíang Sinh này con Tabi mơ món qùa tặng của ông gìa Santa Claus mang tới là một con chó anh ạ, và nó không muốn đi Texas nữa, ở nhà để đợi món qùa này Mình tính sao đây?
Anh Bông gấp tờ báo lại, băn khoăn như vợ:
- Nó càng ngày càng lớn và đòi hỏi nhiều. Em hãy khuyên nó bỏ ý định ấy đi vì nhà mình bận rộn lắm, không ai có thể chăm sóc chó. Ngay cả Tabi, mình còn phải tắm rửa cho nó, tối ngủ đôi khi còn đái dầm nếu không mang diaper thì ướt cả nệm đó thôi.
Đó là đôi lúc Tabi uống nhiều nước vào buổi tối, hoặc nó quên đi tiểu trước khi đi ngủ. Nhưng Tabi vẫn luôn phụng phịu phản đối bố mẹ đã coi nó như một baby.
Hàng năm vợ chồng chị Bông vẫn là người thay ông Santa Claus, bí mật mua qùa cho các con để dưới gốc cây trong đêm Giáng Sinh.
Tabi viết thư cho ông Santa Claus, còn Betsy 4 tuổi chưa biết viết thì nói ra, đó những mơ ước trẻ con như một cái váy màu hồng như công chúa, hay hộp bút chì màu mới tinh v..v… Anh chị Bông đọc lén thư các con và mua qùa về, đợi chúng ngủ say đặt dưới gốc cây là xong. Sáng mai hai cô con gái thức dậy sớm chạy ra cây Giáng Sinh và sung sướng nhận gói qùa mang tên mình mà cứ tưởng là đêm qua ông gìa Santa Claus đã chui xuống từ ống khói mang đến . Trong gói qùa cho hai cô, bao giờ cũng có kèm theo lá thư, ông khuyên chúng phải chăm học và ngoan ngoãn thì năm nào ông cũng đến cho qùa.
Thế mà năm nay, món qùa của Tabi đã khác hẳn, không là đồ vật nữa, mà là một con vật sống động thì anh chị Bông biết làm sao đây? Chẳng lẽ cho ông gìa Santa Claus thất hứa?
- Hay là mình nói thật với nó ông gìa Santa Claus chỉ có trong sách truyện thôi? Hay ông Santa Claus năm nay bị cảm cúm H1N1 nên phải nằm nhà không đi phát qùa cho trẻ em được?
Anh Bông gạt đi:
- Cả hai câu ấy đều khó tin dù với một đứa trẻ con 7 tuổi còn ngây thơ như Tabi, thà cứ để Tabi lớn dần và tự hiểu ông gìa Santa Claus chỉ có trong huyền thoại. Em chỉ có cách duy nhất là thuyết phục nó đừng mơ ước con chó nữa.
- Ừ nhỉ, với lại còn con bé Betsy và thằng cu Holden mai này lớn thêm nữa, chúng nó phải tiếp tục hưởng những món qùa của ông Santa Claus trong suốt tuổi ấu thơ chứ.
Chị Bông lại đi lên lầu để gặp Tabi, chị dỗ dành sao đó mà nửa tiếng sau mặt chị tươi tỉnh đến bên anh:
- Tabi đồng ý không mơ ước chó con nữa. Khi nào lớn thêm chút nữa nó nhất định sẽ có một con chó yêu để nâng niu và chăm sóc. Vậy hành trình về Texas của chúng ta hoàn toàn không bị cản trở.

*************

Anh Bông đã chu đáo nhắn bưu điện giữ thư từ, và nhờ hai hàng xóm bên cạnh để ý giùm nhà cửa trước sau và một thứ quan trọng nhất là thuê người cào tuyết nếu tuyết ngập đầy lối đi, trong thời gian vắng nhà, thì anh mới yên tâm. Nhớ năm nào cả gia đình anh cũng vắng nhà vào dịp Giáng Sinh, hai tuần lễ sau về nhà, trời lạnh cóng mà đứng trước núi tuyết ngoài sân cao gần bằng đầu người, không có lối vào nhà, anh tưởng chừng như mình bất lực và gục ngã trước thiên nhiên, sau nhờ hàng xóm cho mượn xẻng và phụ anh cào tuyết làm tạm một lối nhỏ vào cửa chính, để vợ chồng con cái được bước vào nhà, mở heat lên, anh mới thấy được ở nhà mình vào mùa Đông là tuyệt vời nhất.
Cả nhà ra phi trường vào ngày 18 tháng 12 bằng taxi, thay vì lái xe van như dự tính ban đầu, vì mỗi ngày tiền gởi xe có mái che trong phi trường là 28 đồng, tính ra tốn gấp đôi tiền taxi.
Phi trường vào dịp lễ nghỉ cuối năm thật đông vui, ai cũng tay xách nách mang và chộn rộn. Anh chị Bông đã ký gởi hầu hết va ly để rảnh tay bồng bế dắt díu 3 đứa trẻ.
Ngồi trên máy bay rồi mà cũng chưa được yên với chúng, đứa này đòi ăn, đứa kia đòi uống, và thằng cu Tí Holden thì không thể nào thiếu bình sữa để bú dù đã hơn 2 tuổi .
Đến nhà ông bà ngoại thật là sung sướng, ông bà đã mua sẵn bao nhiêu là qùa bánh , trái cây và nhất là cây Giáng Sinh ngay giữa phòng khách với lấp lánh kim tuyến và qủa cầu đủ màu rực rỡ làm Tabi chợt nhớ tới món qùa mơ ước của mình, nó nũng nịu nói với bà ngoại:
- Bà ơi, cháu mơ một con chó con từ ông gìa Santa Claus mà mẹ bảo cháu còn bé không chăm sóc được nên cháu không dám mơ ước nữa.
Bà dỗ dành:
- Đúng rồi, vì ở Utah bố mẹ cháu rất bận rộn, không thể giúp cháu được đâu.
Đang sống ở xứ lạnh tuyết rơi, về đây ít lạnh hơn và đường phố không có tuyết nên Tabi và Betsy thích ra ngoài sân chơi làm thằng Holden cũng chạy ra theo, chúng sống ở xứ lạnh quen, nên cái lạnh của Texas nếu trời có chút nắng nhẹ so ra chẳng thấm vào đâu, chúng chơi trò trốn tìm và đuổi bắt nhau từ sân trước đến sân sau cho đến khi thấm lạnh mới chịu vào nhà.
Đêm Giáng Sinh cả nhà cùng đi lễ. Nhà thờ Việt Nam ở đây to lớn và đông người hơn ở Utah nhiều, ai cũng mặc quần áo đẹp và trang trọng, hai cô bé Tabi và Betsy đã nhanh chóng làm quen được với vài đứa trẻ khác đồng trang lứa, còn thằng Holden cũng lủn củn chơi với một thằng bé khác đang ngậm bình sữa như nó. Thế nên suốt buổi lễ hầu như ông bà, cha mẹ đều không bị quấy rầy .
Đêm về sau bữa tiệc Giáng Sinh thật khuya cả nhà mới đi ngủ.
Sáng hôm sau Tabi là người thức dậy sớm nhất trong số 3 chị em nhà nó, như thói quen khi ở nhà, nó chạy ra phòng khách nơi có cây Giáng Sinh để tìm món qùa Giáng Sinh, và ngạc nhiên đến sung sướng khi cô bé thấy một chú chó con mũm mĩm đang ngồi chồm hổm trong một cái hộp to, chó con mở hai con mắt to đen nhìn Tabi thân thiện.
Cô bé qùy xuống ôm chầm lấy con chó và reo lên:
- Đây chính là mơ ước của tôi.
Cô bé thấy một phong thư bên cạnh chó con, có ghi tên của ông Santa Claus gởi cho Tabi, thế là nó liền mở ra đọc ngấu nghiến: “ Vì Tabi là một cô bé ngoan biết vâng lời cha mẹ, cô không dám mơ ước một con chó con vì chưa biết cách chăm sóc, nên ông Santa Claus cảm động lắm, vẫn gởi tặng cô bé con chó con này để làm bạn với cô suốt 2 tuần lễ tại Texas. Khi nào cô về Utah thì con chó vẫn ở lại đây để ông bà ngoại chăm sóc giùm, và mùa hè cô bé sẽ trở lại Texas thăm ông bà ngoại và thăm chó con luôn nhé, cho tới khi nào cô cảm thấy mình đã lớn hoặc bố mẹ rảnh tay hơn thì sẽ có một chó con khác cho cô trong một đêm Giáng Sinh huyền diệu”
Tabi hét to lên đánh thức cả nhà cùng thức dậy:
- Ông Santa Claus gởi chó con cho Tabi rồi !
Cả Betsy và Holden cũng có qùa của ông Santa Claus, ông theo chúng nó về Texas để tặng qùa đấy.
Nhìn nét mặt vui tươi của Tabi, Betsy, và vẻ lăng xăng của Holden , anh chị Bông mỉm cười nháy mắt với ông bà ngoại, người đã hoàn thành nhiệm vụ thay ông gìa Santa Claus mang những món qùa kỳ diệu của ông đến cho những đứa trẻ này.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22140
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/Dec/2016 lúc 11:53am

Hoa Thiên Lý Đâu Rồi?

Image%20result%20for%20Hoa%20Thiên%20Lý

Tôi để hai túi xách lên trên quầy tính tiền, đứng trước tôi là một người cũng đang lấy từ trong xe chợ đầy ắp những món hàng để lên quầy, quay lại nhìn thấy tôi chị lịch sự :
- Chị có ít hàng, lên tính tiền trước đi.
Gương mặt của người phụ nữ này bỗng làm tôi bàng hoàng, với đôi mắt to lồ lộ và nhất là cái mụn ruồi nơi khóe miệng gợi cho tôi hình ảnh quen quen. Tôi không thể không buộc miệng:
- Chị ơi, trông chị quen qúa...hình như chị tên là…
- Tôi tên Lam.
Tôi reo lên vui mừng và kinh ngạc:
- Trời ơi, đúng rồi Lam “Ruồi” đây phải không? Cái mụn ruồi trên môi này đi kèm theo với cái tên thì không thể nào quên được.
Người phụ nữ cũng mừng rỡ nắm lấy cánh tay tôi:
- Thì ra là Thao, hàng xóm của tôi ngày xưa khi chúng mình còn bé chứ gì?
Hai chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Qủa đất rộng bao la nhưng cũng đủ chật hẹp để quanh quẩn cho người gặp lại người, mà có khi tưởng chỉ là ao ước, là trong giấc ngủ mơ.
Lam “Ruồi” và tôi ra khỏi chợ. Lam mới dọn về California hai năm nay, còn tôi chỉ là khách vãng lai, đến đây thăm người nhà, nếu tôi không cao hứng đi chợ mua thêm vài thứ lặt vặt thì làm gì có cuộc hội ngộ bất ngờ này!.
Chúng tôi đến một qúan nước ngồi nghỉ chân và chuyện trò. Ôi, bao nhiêu thứ để nói sau hơn mấy chục năm mới gặp lại. Sau cùng, Lam hỏi tôi:
- Thao còn nhớ anh Phượng không?
- Làm sao quên, vì cái tên anh như tên con gái mà lại là một loài hoa mà Thao ưa thích. Bây giờ anh ấy ra sao? vợ đẹp, con ngoan chứ gì?
Lam rầu rầu:
- Đời anh là một chuỗi bất hạnh. Lấy vợ, vợ bỏ, lấy vợ nữa thì không hạnh phúc, đưa nhau sang Mỹ chỉ làm khổ nhau. Anh cố chịu đựng vì mấy đứa con, mà trời cũng không tha…
Tôi buồn lây và sốt ruột hỏi:
- Còn chuyện gì đến với anh Phượng nữa?
- Anh ấy mới mất vì đau bao tử. Bệnh trầm cảm dẫn đến loét bao tử, chảy máu bao tử.
- Trời ơi, tội anh qúa!
Tôi thốt lên và không cầm nổi những giọt lệ rưng rưng. Lam kể:
- Ngày ấy anh Phượng đau khổ vì Thao nhiều lắm, mãi anh ấy mới đi lấy vợ. Thỉnh thoảng anh Phượng vẫn nhắc đến Thao, tiếc rằng anh không còn sống để hôm nay gặp lại Thao
Tôi nghẹn ngào:
- Chính Thao mới là người đáng tiếc, không gặp anh để nói một lời xin lỗi.

*************

Ngày xưa nhà tôi và nhà Lam ở cạnh nhau trong một xóm nhỏ, hai đứa lại học từ tiểu học đến trung học đều chung lớp chung trường nên chơi rất thân. Tôi hay sang nhà Lam chơi, thậm chí có hôm còn ngủ lại ở nhà Lam nữa, mẹ tôi đã nói đùa với mẹ Lam:
- Nếu một đứa là trai một đứa là gái thì cho chúng nó lấy nhau nhỉ!
Nhà Lam bán tạp hóa, có đủ thứ từ bánh kẹo, ô mai, đến nước mắm, dầu lửa, xà bông, kim chỉ v..v…bố Lam đi lính đóng quân xa nhà, nên chỉ có hai mẹ con, họ khá bận rộn vì cửa hàng tạp hóa này, vì thế tôi rất sung sướng được sang nhà Lam làm giúp nó. Hai đứa bằng tuổi mà Lam khôn lỏi hơn tôi, cho tôi một viên kẹo bé hay một qủa ô mai mà sai tôi quét nhà, lau nhà, nhặt rau hay nấu nồi cơm trong lúc mẹ nó đi cất hàng chưa về. Mẹ tôi biết thế, vẫn âu yếm mắng tôi:
- Việc nhà thì nhác, việc chú bác, việc hàng xóm thì siêng.
Một hôm, nhà Lam có khách, là anh họ của Lam từ Qui Nhơn vào ở trọ để học đại học. Nhà Lam quanh năm vắng vẻ, neo đơn, thiếu bóng dáng đàn ông nên cũng rất cần người anh họ này cho thêm ấm cúng.
Anh đến với mấy cái túi xách và cái va ly quần áo. Hôm ấy tôi cũng có mặt ở nhà Lam như thường lệ, thấy Lam ríu rít thân mật với anh tôi cũng bắt chước, con bé 13 tuổi ngây thơ chạy vào căn buồng của anh, xem anh lôi những thứ trong va ly ra và xắp xếp đồ đạc một cách tò mò và hào hứng. Anh đã dí tay vào mũi tôi, mỉm cười:
- Cô bé này con nhà ai mà ở đây?
Tôi cũng mỉm cười, hồn nhiên:
- Em tên là Thao, bạn của Lam đấy, còn anh tên gì?
- Anh tên Phượng.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Là hoa Phượng hả anh?
- Ừ, vì trước cửa nhà anh có cây hoa Phượng, nên mẹ đặt tên anh là Phượng luôn.
Anh Phượng moi móc trong túi xách ra, đưa cho tôi một gói kẹo:
- Cho em này, kẹo mạch nha em có thích không?
- Thích, nhưng em vẫn thích ăn ô mai hơn
- Thôi, lúc khác anh sẽ mua ô mai cho em.
Từ ngày có anh Phượng, tôi và Lam thấy vui hơn, vì ngoài lúc cặm cụi học bài trong buồng, anh lại ra chơi với cbúng tôi, bày ra nhiều trò mới lạ. Anh Phượng chiều tôi đủ thứ, mua ô mai của chính nhà Lam để cho tôi, vẽ cho tôi những bức hình đẹp, và mỗi lần Lam và tôi tranh cãi chuyện gì, bao giờ anh cũng bênh tôi và về phe với tôi.
Có lần tôi đang ngồi nhặt rau muống cho Lam thì bỗng rú lên, hất đổ cả rổ rau vì thấy một con sâu rau to tướng đang quằn quại trong đám lá, tôi chạy bổ vào người anh, ôm lấy anh mà khóc, không nói nên lời. Anh Phượng vỗ về tôi:
- Không sao đâu, sâu rau hiền lắm. Để anh nhặt nốt chỗ rau cho.
Hôm ấy hình như anh ôm tôi khá lâu, trong vòng tay anh, tôi cảm thấy an toàn hơn bao giờ.
Thời gian dần qua đi, anh Phượng đã là một người thân quen đến nỗi tôi thuộc cả giờ giấc đi học về học của anh, và những công việc anh thường làm ở nhà.
 Chắc anh cũng thân quen với tôi như thế, hôm nào tôi sang nhà Lam trễ là anh hỏi tại sao, có hôm tôi chơi chán, muốn về nhà thì anh lại cầm chân tôi bằng một trò chơi hấp dẫn, anh lấy xà bông pha với nước và lấy cái ống hút nhúng vào đó, thổi lên khoảng không những qủa bong bóng trong trẻo và mỏng manh, chơi vơi và lơ lửng cho tôi và Lam cùng đuổi bắt những qủa bong bóng phù du chóng tan vỡ đó mà không biết chán.
Sau nhà Lam có một giàn hoa Thiên Lý, mùa hoa nở những chùm hoa màu phơn phớt xanh  treo đầy trong đám lá, tỏa mùi thơm ngọt ngào. Tôi thích ủ hoa Thiên Lý trong túi áo cho thơm, còn anh Phượng thì thích ngồi đọc sách hay học bài dưới giàn hoa trong những buổi trưa êm ả.
Một hôm anh gọi tôi ra sau nhà và nói::
- Anh hái tặng Thao một chùm hoa Thiên Lý nhé, em thích chùm nào?
Tôi được dịp đòi hỏi:
- Chùm nào chín nhất và to nhất thì hái cho em.
Rồi tôi nhanh nhẩu chạy vào nhà bưng ra một cái ghế đẩu cho anh đứng lên. Tôi chỉ hết chùm hoa nọ đến chùm kia mới chọn được chùm hoa vừa ý. Anh đưa hoa cho tôi và dịu dàng nói:
- Áo em, tay em sẽ thơm mãi mùi hoa Thiên Lý .
Tôi ngây thơ, hớn hở:
- Thật thế không anh?
- Với anh thì đó là sự thật..
Thấy tôi vẫn ngơ ngác chẳng hiểu gì, anh nói sang chuyện khác:
- Thế em có biết hoa Thiên Lý nấu canh ăn rất ngon không?
- Em không biết.
Anh trêu chọc tôi:
- Trời ơi, em là con gái Bắc mà không biết món canh hoa Thiên Lý sao?
- Vậy để em về nhà hỏi mẹ em nhé?
Tôi định chạy về nhà hỏi mẹ, nhưng anh đã nắm tay tôi lại. Dưới giàn hoa Thiên Lý chỉ có hai người, hôm ấy mẹ Lam vắng nhà và Lam đang bán hàng phía trước.
Anh nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lùng, khác thường, mãi anh mới run run giọng nói:
- Thao ơi, anh …rất yêu em.
Anh bất chợt ôm lấy tôi làm tôi hoảng sợ vùng thật mạnh thoát ra khỏi tay anh
- Thao ơi, em đừng chạy đi, anh rất yêu em..
- Không! Không!...
Tôi kêu lên từ chối và hoảng sợ, vùng vằng và tàn nhẫn vất chùm hoa Thiên Lý anh vừa trao xuống đất để chạy như ma đuổi lên nhà trên rồi về nhà mình chỉ trong phút giây, mà tim tôi vẫn còn đập thình thịch. Tôi ngồi trốn trong phòng của mình và khóc nức nở âm thầm, vì sợ mẹ biết.
Anh Phượng, hình ảnh thân quen đẹp đẽ trong tâm hồn tôi đã tan vỡ, bây giờ là một anh Phượng khác, hoàn toàn xa lạ. Thì ra, tôi đã coi anh như tình anh em, như người nhà, bỗng chốc anh chuyển thành tình yêu làm tâm hồn tôi bị tổn thương. Ở cái tuổi 15 tôi vẫn còn trẻ thơ chưa đủ lớn khôn để đón nhận tình yêu đôi lứa.
Hôm sau và những hôm sau nữa tôi không sang nhà Lam, tôi sợ anh và giận anh. Lam hỏi tôi tại sao nhưng tôi không dám kể cái điều “ghê gớm” ấy ra.
Một tuần sau thì anh sang nhà tôi, có lẽ anh không chịu đựng nổi sự lánh mặt của tôi lâu hơn nữa. Nhưng vừa thấy anh bước vào nhà chào hỏi mẹ tôi, thì tôi đã la lên, đã đuổi anh:
- Anh đi về đi, em không muốn nhìn thấy anh .
Mẹ tôi ngơ ngác còn anh lúng túng giải thích sao đó với mẹ tôi và nhìn tôi bằng ánh mắt buồn bã, đầy ân hận trước khi bước ra khỏi cửa.
Câu chuyện anh Phượng tỏ tình với tôi cuối cùng cả hai nhà đều biết, bố mẹ tôi trách anh, mẹ Lam cũng trách anh, rằng tôi còn bé nhỏ đã biết gì chuyện yêu thương, mà anh nỡ làm hoen ố đi cái tình cảm trong trắng của chúng tôi bấy lâu.
 Anh thất vọng, thất tình và mặc cảm. Cuối năm ấy anh Phượng bỏ học, đi lính.
Một hai năm sau thì bố Lam về xóm và mang vợ con đến một tỉnh lỵ miền Trung, nơi ông đóng quân, khỏi phải xa cách đôi nơi nữa.
Tôi và Lam bặt tin nhau từ đó, rồi tới biến cố 1975, bao nhiêu chuyện bể dâu của cuộc đời. Hình ảnh người bạn gái cùng xóm và anh Phượng tưởng như chìm khuất suốt đời trong bụi mờ qúa khứ…

************

Sau này mỗi một tuổi đời lớn lên trong cuộc sống, tôi càng thấm thía hiểu được mối tình của anh, tôi luôn bị dày vò ân hận vì mình mà anh Phượng dang dở chuyện học hành, đời lính trôi dạt đó đây.
Tôi mắc nợ anh Phượng một lời xin lỗi. Anh không có tội gì cả, vì tình yêu không bao giờ có tội, tình anh cho chưa đúng lúc mà thôi.
Hôm nay tình cờ gặp lại Lam, biết tin anh cũng là biết anh không còn trên cõi đời này. Và những lời xin lỗi của tôi sẽ không bao giờ được thực hiện.
Anh Phượng ơi! suốt bao nhiêu năm qua, tay em và áo em có còn thơm mùi hoa Thiên Lý trong ký ức của anh, như ngày xưa anh đã nói không?
Giàn hoa Thiên Lý ơi, nơi mà một buổi chiều anh đã hái hoa tặng tôi, đã chứng kiến mối tình đầu nồng nàn tha thiết của anh dành cho tôi, thật đẹp, thật tự nhiên như giàn  Thiên Lý tới mùa hoa nở.
 Những chùm hoa Thiên Lý ấy đâu rồi??

Nguyễn Thị Thanh Dương

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 28/Dec/2016 lúc 5:03pm

Ba Tôi! Người Đánh Máy Mướn!


Image%20result%20for%20Người%20Đánh%20Máy%20Mướn!


Năm 1961, thằng em thứ sáu, vừa lên 5 của tôi, bị viêm màng não rồi chết. Thân phụ tôi đang làm Trưởng Ty Bưu Điện Rạch Giá buồn bã quá, xin đổi về Sài Gòn làm ở Bưu Điện Trung Tâm gần Vương Cung Thánh Đường dắt cả gia đình chạy trốn một kỷ niệm buồn đau!

 Nhà thì chính phủ cho một căn, ở lầu hai cư xá Bưu Điện trên đường Hai Bà Trưng, nằm trong con hẻm lớn, đối diện nhà thờ Tân Định.

Rồi năm 63, cuộc đảo chánh 1/11 của các tướng lãnh. Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ là Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị giết. Cái chết của Tổng Thống Diệm đã chấm dứt luôn cuộc sống tương đối dể thở của các công chức bậc trung.

Nhà đông con, vật giá càng lúc càng tăng, con cái ngày một lớn, tiền ăn, tiền quần áo, tiền trường đè nặng lên vai Ba. Nên Ba phải làm thêm ‘job’ nữa. Đánh máy mướn!

Vốn xuất thân từ thư ký, sau vừa làm, vừa học, thi đậu cải ngạch thành Cán Sự Bưu Điện, nên Ba đánh máy rất nhanh, chỉ nhìn vào văn bản mà không cần nhìn vào bàn phím chữ. Đánh bằng mười ngón, tốc độ nhanh, nghe như tiếng rào rào đổ trên mái tôn. Mưa!

Cuối đường Phan Đình Phùng, đi về phía Chợ Lớn, rồi quẹo tay phải sang đường Lý Thái Tổ có rất nhiều tiệm Ronéo. Trong tiệm, ngoài giàn máy Ronéo, còn có vài cái máy đánh chữ, bàn ghế ngồi do chủ tiệm cung cấp. Làm ăn chia, tứ lục, 6/4.

Muốn in Ronéo, phải đánh trên giấy stencil. Đó là loại giấy có tráng sáp để khi đánh, chữ sẽ khắc dấu trên sáp; rồi khi đưa vào máy, mực sẽ tràn ra phủ đầy trên những dấu lõm. Dán stencil vào máy, rồi quay bằng tay hay bằng điện. Bài viết sẽ lần lượt được in ra.

Khách hàng đến là các giáo sư, mướn đánh máy bài giảng ở trường đại học, bán ‘cours’ cho sinh viên.

Khách hàng cũng có thể là các nhà văn chuyên viết truyện dài đăng trên báo hằng ngày mà Miền Nam lúc bấy giờ gọi là viết “feuilleton” như Dương Hà, An Khê, Ngọc Linh, Sơn Nam… Họ mang những bản thảo viết tay, thường là khó đọc, đến mướn đánh máy cho rõ ràng để thợ sắp chữ nhà in dễ đọc, dễ sắp chữ trên bản kẽm rồi in ra thành tiểu thuyết.

Giá cả có khác nhau tùy theo khách hàng thường xuyên như các giáo sư hay các nhà văn. Ngoài ra cũng có nhận đánh đơn từ các loại.


Image%20result%20for%20Người%20Đánh%20Máy%20chu


Mỗi ngày, Ba cỡi chiếc xe đạp đòn dông, đi làm theo giờ hành chánh từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Tan sở lại phải chạy xuống tiệm Toàn Thắng ở cuối đường Phan Đình Phùng để làm cái ‘job’ thứ hai.

Khoảng 9, 10 giờ đêm, mệt mỏi, rã rời sau 16 tiếng đồng hồ làm việc, Ba mới theo đường Phan Thanh Giản, chỉ cho chạy một chiều, để quay trở về Hai Bà Trưng, Tân Định.

Má vẫn thường chờ Ba cơm tối; nhưng 8 anh em tôi thì đã đi ngủ mất rồi. Hôm nào được lãnh lương hoặc đánh máy có tiền nhiều, Ba vẫn thường ghé qua xe bán bánh mì Tám Cẩu ở ngã tư Cao Thắng và Phan Thanh Giản, gần rạp hát Đại Đồng, mua vài ổ bánh mì về cho con.

Về nhà Ba vô giường, bế từng đứa dậy, đặt ngồi ngoài bàn, rồi bảo: “Ăn đi con!”. Ăn thì khoái thiệt nhưng ‘bù ngủ’ híp con mắt luôn! Em gái tôi cắn miếng bánh mì nhai, chưa kịp nuốt thì gục xuống bàn… ngủ tiếp. Ba lại bế từng đứa, cho vào giường ngủ.

Người ta thường bảo người mẹ như cánh cò. Cánh cò lặn lội bờ sông… Ba tôi không phải là cánh cò, Ba tôi là đại bàng nhưng con đông quá, bám vào đôi cánh của Ba nặng trĩu. Ba không bay cao, bay xa được mà chỉ bay là đà; nhưng vẫn phải rán mà bay để tìm mồi về cho vợ và con trong thời khốn khó!

Ba chưa từng bao giờ từ bỏ ước vọng là con mình sẽ được ăn học đàng hoàng, tới nơi tới chốn để cuộc đời không phải vất vả như ba!

Bước ra đời, nếu mình có thành công, có giỏi hơn người khác thường là bị dèm pha, xúc xiểm, ganh tị… nhưng mỗi thành công dù rất nhỏ trên trường đời của con thì Ba lại tự hào, hãnh diện coi thành công đó là rất lớn và là chính của Ba luôn?

Năm 63, tôi thi đậu vào Petrus Ký. Đỡ cho Ba không phải lo tiền trường. Vì nếu rớt, phải đi học tư, tốn lắm! Việt Nam lúc đó đậu vào một trường công lập nổi tiếng như Petrus Trương Vĩnh Ký cho con trai hay Gia Long cho con gái là rất khó. Trường rất có kỷ luật nên học trò trường công không dám ‘cúp cua’ đi chơi nên thường học giỏi hơn học trò trường tư dù giáo sư trường tư lại nổi tiếng dạy hay hơn! Vì dạy hay hơn nên mới được chủ trường tư mời dạy!

Ngày coi kết quả thi vào Petrus Ký, trời đổ trận mưa to. Thầy Trường, dạy luyện thi đệ thất, có danh sách học trò thi đậu, báo tin vui cho Ba. Ba nhường áo mưa cho con, còn mình đội mưa đến. Thầy và Ba bắt tay nhau, hỉ hả cười rạng rỡ, dù nước mưa còn chảy ròng ròng trên má. Tôi thấy thương Ba quá trời! Sao mà khổ dữ vậy? Tôi thấy đậu vô đệ thất, cho dù là của một trường trung học nổi tiếng nhứt miền Nam đi chăng nữa, thì có gì là lớn đâu? Mấy thằng bạn học chung với tôi cũng thi đậu đó thôi!

Rồi khi thi đậu Tú Tài một rồi hai, Ba cũng mừng như chính Ba thi đậu vậy!

Khi vào đại học, Ba muốn con học Luật Khoa để trở thành Luật Sư chẳng hạn… Có lẽ đường hoạn lộ công danh của Ba đã từng bị áp bức, bị đối xử bất công quá hay chăng mà Ba không muốn con mình phải gánh chịu. Phải biết Luật để cho tụi nó sợ mà không dám áp bức lại mình?

Tôi thì thấy chồng ‘Cours’ là đã ‘ớn’. Lại phải tốn rất nhiều tiền để mua nên không muốn đi học Luật; dù trường đó, con đường Duy Tân đó, thơ mộng và có biết bao nhiêu là con gái, tiểu thơ con nhà giàu chưng diện, ẹo tới, ẹo lui?

Ba nói một, hai lần thì tôi vẫn giả bộ tảng lờ. Nhưng lần thứ ba thì con Ba, cái thằng bất hiếu, cứng đầu cãi lại: “Con là con ếch, con nhái mà Ba muốn con to bằng con bò! Không được đâu!”.

Tôi đã nhẫn tâm làm tan nát niềm ước vọng của Ba tôi rồi; mà tôi cứ ‘thản nhiên’ như không? Trời ạ!

Sau nầy vào Đại Học Sư Phạm ra trường, đi dạy, một hôm Ba nói: “Thôi không làm luật sư; làm giáo sư cũng được!”. Dù tôi chỉ là Giáo Sư Trung Học Đệ Nhứt Cấp ‘quèn’ mà thôi?!

                                                                             ***


Image%20result%20for%20cai%20tao

Rồi 75 đến, nước mất nhưng nhà tôi nhứt định không tan. Cũng sống lầm than mà cũng không nghe Ba một tiếng thở than? Đi tù cải tạo sáu tháng vì là viên chức ngụy quyền, cấp trưởng ty.

Trong tù, Ba tôi vẫn ăn mặc một cách đàng hoàng, tề chỉnh. Đêm trong trại, Ba xếp quần áo lại, lót dưới gối trên đầu nằm cho thẳng thớm. Sáng ra, mặc áo bỏ vô quần, mang giày như thuở còn đi làm; dù mấy thằng cán bộ nhiều lần mỉa mai, phê bình Ba là còn giữ tác phong ‘tiểu tư sản’?

Ba chỉ nói: “Mình mất nước chớ không mất tư cách!”.

Ra tù, Ba lại trở về Sài Gòn, ra Lý Thái Tổ ngồi đánh máy mướn để nuôi đàn con: đứa thì đi tù vì là sĩ quan Ngụy, đứa thì bị đuổi!

Ba vẫn ăn mặc rất đàng hoàng, vẫn áo trắng bỏ vô quần, vẫn mang giày, dù cũ, ra đánh máy mướn, làm đơn cho bà con cô bác Sài Gòn đi thăm nuôi chồng, con đang ở tù cải tạo.

Cuộc sống cực kỳ khốn khó mà Ba vẫn không than van; vẫn không phiền trách ai đã làm cho mình mất nước!

Bà con ở Hố Nai, có thời đi lính Liên Hiệp Pháp, xuống nhờ Ba đánh đơn gởi Tổng Thống François Mitterrand để xin đi định cư. Là người học chương trình Pháp, Ba viết thơ cảm động làm sao đến nỗi ông Chánh Văn Phòng của Tổng Thống hồi đáp ngay, rồi Ba dịch ra tiếng Việt cho bà con nghe là: “Tổng Thống Cộng Hòa Pháp đã nhận được thơ ông và chỉ thị cho bổn chức chuyển hồ sơ qua Bộ Ngoại Giao để làm các bước tiếp theo!”. Sau đó cũng có vài gia đình được đi Pháp định cư.

Có lần ông chủ một cây xăng ở Rạch Giá bị đánh tư sản, bị đuổi đi vùng kinh tế mới, khổ quá, ông trốn về Sài Gòn và gặp lại Ba. Ông vẫn còn gọi Ba là ông Trưởng Ty như ngày cũ?!

Ông nói vì không có hộ khẩu nên không làm được thông hành và chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ; dù con ông đã gởi đơn về bảo lãnh. Ba lại giúp ông làm đơn gởi cho bọn Công An, bộ phận xuất nhập cảnh ở đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn và Tòa Đại Sứ Mỹ ở Bangkok, Thailand. Đơn thành công và ông được ra đi!

Trước ngày đi, bùi ngùi từ giã, ông nói: “Tôi đi rồi không biết chừng nào mới có dịp gặp lại ông Trưởng Ty” Rồi rưng rưng nước mắt, bắt tay chào vĩnh biệt!

Raoul Wallenberg (1912 –1947), nhà ngoại giao Thụy Điển, đã cứu hàng chục ngàn người Do Thái ở Hungary thoát khỏi Holocaust, lò hơi ngạt của Phát Xít Hitler trong Thế chiến thứ hai. Ông đã cấp những thông hành bảo vệ (Schutz-P***) và cho những người Do Thái ẩn náu trong những tòa nhà thuộc tòa đại sứ Thụy Điển ở hải ngoại.

Ngày 17.1.1945, Hồng quân Cộng Sản Liên Xô tiến vào Budapest, Hungary bắt ông giam cầm và ông chết ngày 17.7.1947 trong nhà tù Lubyanka ở Moskva.

Trái tim vĩ đại của một con người nhân hậu đã mãi mãi thôi không đập nữa!

Chủ Nghĩa Phát Xít và Chủ Nghĩa Cộng Sản đều tàn ác như nhau.

Chính bọn chúng đã giết đi những người nhân hậu!

Dĩ nhiên thân phụ tôi không thể cứu được nhiều nạn nhân như ông Raoul Wallenberg đã từng làm; nhưng chí ít Ba tôi cũng đã giúp được một số người, dù con số đó rất nhỏ nhoi, vượt thoát khỏi gông cùm Cộng Sản.

Chỉ có một trái tim nhân đạo mới dám, mới làm được như thế!

Ba từng nói: “Giúp được ai, dù là chuyện nhỏ, để làm cho họ bớt thống khổ hơn là điều phải làm con ơi!”

                                                                             ***

Năm 81, thằng em thứ 5 của tôi liều chết vượt biên đến được Pulau Bidong, Mã Lai. Về Adelaide, Nam Úc định cư, nó lần lượt lãnh Ba và các anh em qua. Rồi cả gia đình đoàn tụ!

Đêm nay, ngồi trước bàn phím computer, viết bài nầy do anh Hoàng Định Nam, báo Trẻ Garland Texas đặt bài, nhân Father’s Day bên Mỹ, tôi lại nhớ đến cái bàn máy đánh chữ của Ba. Nhớ mười ngón tay xương xẩu, cong vòng của Ba, gõ trên bàn đánh máy mà ngày xưa người ta thường cảnh báo về già sẽ bị đau tim mà chết. Nhưng Ba không sợ! Mười ngón tay đó của Ba đã nuôi anh em con ăn học, đủ để sống sót và làm lại cuộc đời nơi đất lạ quê người. Tụi con xin cảm ơn Ba!

Ba bỏ tụi con đi, năm nay nữa là 15 năm chẵn. Tiếng gõ trên bàn máy chữ vẫn rào rào như tiếng mưa rơi… vẫn còn vang động đâu đây!

Nhớ và thương vô cùng cái dáng của Ba còng lưng trên xe đạp trong những ngày ngược gió.

Nhớ bánh mì Tám Cẩu Ba mua; mà đút vào miệng chưa kịp nhai tụi con đã gục đầu xuống bàn… mà ngủ tiếp.

Nhớ cái bắt tay của Ba với thầy Trường ngày con đậu vào đệ thất.

Người ta cần tới Father’s Day, Chúa Nhựt, tuần lễ thứ ba của tháng sáu như ở Hoa Kỳ hay Chúa Nhựt, tuần lễ thứ nhứt của tháng chín ở Úc để kỷ niệm ngày từ phụ, để nhớ tới phụ thân!

Còn con, con nhớ Ba mỗi ngày, khi còn sống, cho đến lúc nào đó con sẽ được gặp lại Ba!

                                                                                        đoàn xuân thu



Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 28/Dec/2016 lúc 5:11pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 29/Dec/2016 lúc 12:21pm

Chiếc roi



Má về với ba khi còn rất trẻ. Ba, hai mươi tuổi. Má, mười tám tuổi. Má dứt sữa anh Nhiên không lâu thì có mang tôi. Tôi cách anh Nhiên hai tuổi.
Người khác thường gọi anh mình bằng thứ : chẳng hạn anh hai, anh ba. Riêng tôi, tôi gọi anh mình bằng tên : anh Nhiên.


Image%20result%20for%20cong%20em

Anh Nhiên là con đầu lòng, sức khỏe kém, quặt quòa quặt quẹo, nay đau, mai yếu, nay ấm đầu, mai sổ mũi. Bịnh hoạn rề rề làm anh nhỏ con, ốm nhom ốm nhách, nên đi chơi hoặc đi học thường hay bị những thằng, không biết thế nào là phải trái, xúm lại hiếp đáp.
Một tối anh dẫn tôi đi xem truyền hình công cộng trong xóm, có thằng lớn con hơn giành chỗ, lấn tôi té xuống đất. Anh Nhiên tôi binh em, nhào vô ăn thua đủ. Tội nghiệp! anh Nhiên tôi nhỏ con, ốm yếu bị nó bự con, khỏe mạnh, đè gần chết. Tôi nóng mũi, binh anh mình, hốt một bụm cát vụt vô mặt nó. Thằng mắc dịch đó hét lên vì không thấy đường, lo lấy hai tay dụi mắt. Tôi thừa cơ nhảy vô đấm, đá tưng bừng, rồi hai anh em chạy tuốt về nhà.
Bữa sau ba nó đến mắng vốn. Ba nó nói : hai anh em tôi ỷ đông đánh con ổng. Ba tôi chỉ giả lả cho qua chuyện. Sau đó ba tôi hỏi đầu đuôi gốc ngọn.
Anh chỉ nói: “Con hổng muốn quánh nhau với nó. Mà hổng quánh hông được.”

Lớn lên, hai anh em cùng học chung trường Petrus Ký. Anh học trước tôi hai lớp. Không biết bao nhiêu lần anh bị buộc phải đánh nhau với mấy thằng bạn học hay ăn hiếp anh, tôi đều nhào vô ăn thua đủ, đến nỗi phải bị gọi lên văn phòng gặp thầy tổng giám thị.
Thầy hỏi: “Sao hai anh em tụi bây quánh nó?”
Tôi trả lời: “Tại nó ăn hiếp anh con”.
Còn anh Nhiên tôi thì lại nói: “Con hổng muốn quánh nhau với nó. Con muốn yên thôi mà nó hổng cho yên. Hổng quánh hông được.”

Một chiều, tan học, từ trong lớp tôi tà tà ra nhà giữ xe đạp bên hông trường để anh Nhiên chở tôi về. Trận đánh lộn mới vừa tan. Cái thằng học cùng lớp với anh, cái thằng vừa mới đánh anh, đã chạy mất tiêu. Mấy thằng khác chỉ đứng nhìn, không nói, không can ngăn gì hết mà còn hò reo inh ỏi trong khi anh Nhiên tôi bị đánh chảy máu mũi và bị bầm tím một bên mắt.
Tôi tức mình quá, vừa giận vừa thương anh, nên cự nự:
“Sao anh không đợi tui ra rồi hãy quánh”
Anh trả lời: “Tao đâu muốn quánh nhau với nó. Tao chỉ muốn yên thôi mà nó hổng cho yên. Hổng quánh hông được.”
Tôi xé một tờ giấy tập, vò cho nhầu, mềm, chậm máu mũi cho anh.
Tôi giận mình sao lại tà tà ra trể. Tôi giận mấy thằng kia chỉ khoanh tay đứng nhìn, không làm gì hết, mà còn khoái chí đứng xem một đứa hung hăng, mạnh bạo bức hiếp một người yếu đuối, thế cô. Tôi giận luôn cả anh nên suốt đường về, tôi không thèm nói với anh lấy một câu.
Về nhà má tôi nấu nước sôi, pha muối, thấm vảo hai miếng bông gòn, miếng thì lau máu mũi cho anh, miếng thì chậm lên con mắt bị bầm. Anh nằm trên chiếc đi-văng, nhìn lên trần nhà bằng một con mắt, có vẽ suy nghĩ lung lắm, rồi lẩm bẩm:
“Mình hổng muốn quánh nhau với nó. Mà hổng quánh hông được.”
Tôi thì đi tới, đi lui, hậm hực nói: “Lần sau anh đợi tui ra tới rồi hãy quánh. Anh với tui cho nó một trận để cho nó bỏ cái tật cà khịa.”


Image%20result%20for%20chien%20tranh

Năm sáu tám, khi anh đang học đệ nhứt, thì Tổng công kích Tết Mậu Thân bùng nổ. Hình ảnh con nít, bà già chết còng queo trong lửa đạn, nhà cửa tan hoang cháy làm anh xúc động.  Anh trầm ngâm, ít nói hẳn đi. Tối ngày chỉ nghe anh lẩm bẩm:
“Mình hổng muốn quánh nhau với nó. Mình chỉ muốn yên thôi mà nó hổng cho yên. Hổng quánh hông được.”
Anh suy nghĩ gì lung lắm – phải làm một cái gì đó -.
Một cái gì đó anh phảỉ làm là : bỏ học giữa chừng năm đệ nhứt, không thi tú tài hai và đăng lính.
Năm năm sau, năm bảy ba, anh Nhiên tôi tử trận ở Quảng Trị. Xác anh được mang về Huế, bỏ vô hòm kẽm, cò chì, đưa lên máy bay chở về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Ba má tôi nhận tin báo tử. Chỉ một đêm chờ sáng, lên nhận xác anh Nhiên mà tôi thấy ba, má tôi già háp, gầy sọm hẳn đi.

Image%20result%20for%20linh%20vnch%20tu%20tran

Anh Nhiên tôi chết trẻ, hai mươi ba tuổi, chưa lập gia đình, chưa vợ, chưa con. Vì không có vợ, con nên không có ai để chít cho anh một vành khăn tang trắng. Ngược lại, theo phong tục mà ông ngoại tôi biểu: trên đầu chiếc quan tài của anh Nhiên tôi có một vành khăn tang trắng dành cho anh để tang ba má. Trước giờ di quan, ông ngoại tôi cầm chiếc roi bằng nhánh cây dâu giá giá lên chiếc quan tài của anh giả bộ làm như đánh, để trị anh tội bất hiếu : chết trước khi ba má qua đời.
Ba tôi đứng kế bên, đột nhiên dằn lấy chiếc roi dâu trong tay ông ngoại, bẻ làm hai quăng xuống đất, rồi nói:
“ Thằng Nhiên, nó chết trận, nó đền nợ nước. Nó có tội gì đâu? mà ba lại đánh nó.”

đoàn xuân thu.


Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 29/Dec/2016 lúc 12:45pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 03/Jan/2017 lúc 6:31pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22140
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 05/Jan/2017 lúc 12:11pm

Khói bay vô mắt!


Related%20image

Con của má viết xong một bài văn, đôi khi đọc lại thấy cũng có cái trúng mà cũng có cái trật; nhưng điều mà con sắp nói ra lần nầy chắc chắn là trúng. Trúng trăm phần trăm! Cái đó là: Ai cũng có Mẹ, ai cũng có Má hết! Và ai cũng thương Mẹ, ai cũng thương Má mình sâu thẳm tận đáy lòng. Con cũng không là ngoại lệ!

Chiều cuối năm, quê người, năm hết, tết đến chợt nhớ Má, nhớ Ba biết bao nhiêu mà nói!

khoi-bay-vo-mat-2Nhớ năm 1964, ông Trưởng Ty Bưu Điện Ban Mê Thuột đương nhiệm, bất ngờ  ôm hết tiền trong két sắt, dắt vợ con mà dông tuốt qua Lào. Số tiền nghe đâu cũng khẳm, lên tới vài ba triệu, (lúc đó là rất lớn, vì vàng chỉ khoảng hai ngàn đồng một lượng). Đó là tiền của mấy ông chủ đồn điền cà phê trên cái xứ Ban Mê Thuột nầy gởi.

khoi-bay-vo-mat-3Ban Mê Thuột là đi 7 phút đã về chốn cũ, đi lâu hơn Pleiku được 2 phút, vì lớn hơn một chút. Mấy ông nhà văn, gốc lính, đến đây viết bài gọi tưng nó lên, là thủ phủ cao nguyên, nơi đóng bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Ban Mê Thuột viết tắt là B.M.T nên thiên hạ chơi chữ, đặt cho vài cái mỹ danh là ‘Bụi Mù Trời!’; vì tỉnh lỵ vốn nằm trên vùng đất bazan, đỏ quạch, sình tới ống chân, nhão hoét khi mùa mưa tới, rất tốt cho mấy đồn điền trồng cà phê. Mùa nắng, xe qua, cuốn theo từng lốc bụi mù. Xứ rừng, chim kêu, vượn hú, vui sao được? Nên còn gọi là cái xứ ‘Buồn Muôn Thuở!’

Sau cái vụ thụt kết rồi chạy của ông ‘thần’ nầy, mấy xếp lớn trên Tổng Nha Bưu Điện lo sốt vó, bèn điều một ông khác từ Sài Gòn lên trên ấy để sắp xếp, kiểm tra lại sổ sách coi ông Trưởng Ty cũ chính xác ôm theo hết bao nhiêu tiền, để biết mà bồi thường cho khách hàng ký gởi. Ông nầy không muốn đi, bèn xách giấy vô nằm nhà thương, né, vì sợ chết… do tình hình chiến sự ở vùng cao nguyên lúc đó đã bắt đầu ác liệt. Quốc lộ 14 từ Ban Mê Thuột đi Buôn Hồ, ngược về hướng Bắc lên tới phố núi cao, phố núi đầy sương, Pleiku, hay chạy về hướng đông, hướng biển, để tới Tuy Hòa bị VC cắt hoài bằng cách đắp mô, giựt mìn, phục kích công voa. Từ Sài Gòn ra Ban Mê Thuột phải bay bằng máy bay cánh quạt  DC-3 của hãng Hàng Không Việt Nam.

Ba bị điều đi, mấy ổng hứa: “Đi đi! Hai tháng rồi về!”, nên không thoái thác được, dù Ba Má rất đông con. Cả 7 đứa leo nheo lóc nhóc ở Cư Xá Bưu Điện Hai Bà Trưng. Ba đi, phải làm giấy ủy quyền cho Má tới cuối tháng là ra phòng lương bổng của Tổng Nha Bưu Điện lãnh một phần lương về để nuôi mấy đứa con. Nhà nghèo, chỉ có một đầu lương của Ba. Giờ còn phải chia hai. Nhà vắng Ba như thiếu cái cột cái, thiếu cái mái. Gió! Trống huơ, trống hoác!

Tới bữa, cơm không thiếu nhưng đồ ăn thì dè xẻn lắm! Có bữa không có đồ ăn luôn! Má phải nấu cơm hơi nhão rồi nén lại, cuốn vô mo cau, xong dùng chỉ tét thành từng khoanh như bánh tét cho tụi con chấm với nước mắm kho quẹt ăn mà trừ bữa. Hồi còn Ba ở nhà, Ba đi đánh máy mướn thêm, nên cũng có đồng vô đồng ra mà đắp đổi. Ba đi, nhà vắng, tiền cũng ‘hẻo’ theo luôn. Và Má dàu dàu buồn vì vắng chồng vốn đã quen hơi hướm! Sớm tối có nhau!

Mấy ông quan lớn, ăn trên ngồi trốc, thiệt không có chút từ tâm nào mà hiểu, mà cảm thông cho hoàn cảnh gia đình của cấp dưới! Mấy ổng chỉ lo cho thân mấy ổng mà thôi! Hứa hão là Ba đi chỉ hai tháng ; mà rốt cuộc Ba phải xa nhà, xa vợ, xa con hơn cả năm trời. Ở nhà chỉ Má, một mình, chèo chống!

trang-het-ca-mau-bong-1Má thương con ăn đói, nên cuối tháng ra sở lãnh lương của Ba về, Má xuống cái tiệm bán bê thui nằm gần cầu Kiệu và chợ Tân Định mua đâu khoảng 300 gram thịt bê thui.  Về, má bắt chảo lên cho mỡ vào, xào với đậu phộng, bún tàu, củ hành. Dọn ra một dĩa, nhỏ xíu, lớn hơn bàn tay một chút. Vậy mà khói bay lên, thơm phức. Con chạy u ra chợ, mua về thêm bốn ổ bánh mì thiệt bự! Rồi Má kêu mấy anh em con xúm lại mà ăn!  Mà ngộ! Má không ăn gì hết! Hỏi: “Sao Má hõng ăn gì hết! Má!” “Ờ! Má xào, cái hơi nó lên no rồi! Tụi con ăn đi!”

Nhỏ khờ đâu biết Má nói vậy là để nhường mấy miếng thịt bê ít ỏi, bé tí teo đó cho đám con mình. Nên tụi nhỏ thiệt tình tranh nhau đớp láng! Dĩa thịt bò hết sạch, vẫn còn thòm thèm, ngẩng nhìn lên, thấy mắt má chớp chớp. Má nói bâng quơ: “Củi ướt quá, khói bay vô mắt Má!”

Sau nầy lớn lên, xa Má, xa Ba, con lập gia đình, rồi bận bịu lo cho vợ cho con. Nước mắt cứ chảy xuôi hoài vậy sao cà?  Rồi vợ chồng con cái bỏ nước ra đi. Và Má với Ba đều mất. Ngẫm lại! Có trả hiếu được đồng xu cắc bạc nào đâu để bù lại những ngày Má nhịn; cho đám con mình đỡ thèm ‘cao lương mỹ vị!’ Mà thiệt thịt bê thui xào đậu phộng đâu có phải là ‘cao lương mỹ vị’ gì cho cam ở cái đất nước Úc Châu này!

Cuối năm, quê người, vậy là con xa Má gần hai mươi năm rồi đó mà không về tảo mộ. Xin má đừng buồn! Con nhớ khói bếp quê nhà dữ lắm! Con cũng muốn về quê cũ, thăm mộ má, thắp một nén nhang để thưa với má rằng: Thằng con của Má ngày xưa giờ đây không còn đói nữa; mà phải nói còn hơn là no đủ. Là phủ phê, là thừa mứa! Hõng phải chỉ có tụi con không đâu mà bất cứ người nào, rất bình thường như làm hãng ở đất nước Úc nầy cũng y như vậy! Nếu con về tảo mộ má chắc là được rồi, chắc cũng có đủ tiền để mua vé máy bay, bay về với Má; nhưng về khi quê nhà mình vẫn còn tan hoang, con no đủ trong khi bà con mình vẫn chìm trong thiếu đói, thì trong tận đáy lòng con, con thấy mình hình như có lỗi với quê hương mình nhiều lắm đó! Má ơi!

***

“Chiều em đi chợ Footscray, mua dùm anh ba ký bê thui!”

Vợ con, hơi ngạc nhiên, hỏi lại: “Mua chi nhiều dữ vậy? Ăn hõng hết, bỏ tủ lạnh, thịt cũ lần sau ăn, hõng có ngon! Mà anh muốn ăn món gì?”

“Đừng có cãi! Mua cho anh ba ký! Tiền nè!

Vợ con nghe lời chồng sai, bèn cầm tiền te te, rẹt rẹt đi ra chợ. Về nhà, nó hỏi: “Anh muốn ăn món gì? Để em làm!”

“Thì bê thui xào củ hành, đậu phộng với bún tàu!”

“À! Bê thui xào lăn!”

khoi-bay-vo-mat-5Rồi nó bày ra thớt, thịt bê thui xắt nhỏ, vừa gắp, trộn với tương hột, nước cốt dừa, đậu phộng rang. Uớp thêm gia vị: hạt nêm, tiêu, đường, hành tỏi bằm, bột cà ri, bún tàu, nấm mèo, ớt tươi rồi thêm hành tây, hành lá, mò om! Đủ hết trơn hõng thiếu một món gì! Rồi nó xẹt xẹt, bật lò ga nghe cóc cóc, đặt chảo lên cho nóng, đổ dầu ô liu, hành, tỏi vào phi vàng, xào với bột cà ri. Thơm phức! Xong trút thịt vào chảo chung với nấm mèo, hành tây, nước cốt dừa. Lấy cái xạng mà xào tới xào lui! Nước từ cả ba ký thịt bê thui tươm ra, hơi sắc lại, là nó bắc xuống bếp. Đổ thịt bê thui lên từng cái một, trên một chồng dĩa chừng chục cái, rắc đậu phộng đâm dập dập; rồi ngắt mấy cọng mò om rắc lên mặt dĩa.

Con nhỏ nầy cũng biết nấu ăn quá chớ nhưng chắc ‘tài’ không bằng Má đâu! Con nghĩ vậy nhưng để trong bụng chớ nói ra làm chi cho nó tự ái! Phần hồi xưa, đói, má nấu đã ngon, con ăn cái gì thấy cũng ngon hơn bây giờ nhiều!

Móc ‘mobile phone’, gọi hai thằng con. “Hai đứa chở mấy đứa cháu về thăm ông bà nội chiều cuối năm nhá!” Nửa tiếng sau, hai chiếc xe lần lượt ngừng cái kịt trước cổng; mấy đứa nhỏ chạy ào vào nhà: “Hello! Ông Nội! Hello! Bà Nội! Cha! Thơm quá!”

Thằng con lớn, nịnh, đến bên, chép chép cái mỏ, nheo mắt hỏi: “Má cho tụi con ăn cái gì mà thơm quá tay vậy?” Thằng kế nói: “Bữa nay anh em mình trúng mánh ‘ăn’ rồi!”

Vợ con trả lời tụi nhỏ: “Ờ! Ba tụi con muốn ăn bê thui xào đậu phộng, củ hành với bún tàu đó mà! Người ta gọi là bê thui xào lăn! Vậy mà ổng hõng có biết gọi tên nó là gì!”

Vợ con dọn lên bàn, ê hề, cho mỗi người một dĩa. Con nói: “Dọn cho anh thêm hai dĩa nữa để anh mời Ba Má về ăn!” Sau đó với hai đứa con trai, hai đứa con dâu và bốn đứa cháu: “Thôi! Mấy đứa ăn đi!”

khoi-bay-vo-mat-4Rồi con khóc!  Đứa cháu gái nhìn con trân trân, ngạc nhiên hỏi: “What’s wrong? Ông Nội?”

Giựt mình, con trả lời: “Ờ! Khói bay vô mắt Nội đó mà!”

Nhưng ở đây xài bếp ga mà! Làm gì có khói! Phải rồi khói bếp của quê nhà!

Quê người, gia đình đông đủ chiều cuối năm, thức ăn ê hề, dư dả đến mức thừa mứa trên bàn; mà Ba Má đã mất hết còn đâu!

đoàn xuân thu.



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 05/Jan/2017 lúc 3:03pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22140
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 10/Jan/2017 lúc 1:32pm



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 10/Jan/2017 lúc 1:36pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22140
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/Jan/2017 lúc 2:55pm
Chiếc xích lô chở mùa xuân  <<<<<<




Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 12/Jan/2017 lúc 3:09pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22140
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 13/Jan/2017 lúc 5:01pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22140
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 19/Jan/2017 lúc 10:25am
Tết ở quê mình-- Nghe (Mp3  <<<<     
Image%20result%20for%20Tết%20ở%20quê%20mình



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 19/Jan/2017 lúc 10:27am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 125 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.516 seconds.