Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: ĐỜI SỐNG GIA DÌNH Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 125 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22153
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 23/Jun/2011 lúc 7:55am

Đường Về Không Đơn Côi

                Phạm Lệ An



 
- Cô có sao không?

      Giọng nói nhỏ nhẹ bằng tiếng Anh vang lên bên cạnh khiến An Hạ giật mình. Nàng dùng khăn giấy chậm bớt những giọt nước mắt còn ràn rụa trên mặt và ngước nhìn… Một người đàn ông Á đông đang cúi nhìn nàng chờ đợi. An Hạ hơi bối rối chưa biết nói gì trước ánh mắt lo lắng kia thì ông ta lại hỏi tiếp:
- Cô là người Việt?
      Còn đang nghẹn ngào nên An Hạ chỉ gật nhẹ đầu thay câu trả lời, người đàn ông mỉm cười. Dù lòng đang rối bời nhưng An Hạ vẫn nhận ra rằng ánh mắt và nụ cười của người đối diện đầy vẻ thân thiện.
- Ồ thật quí hóa, không ngờ gặp được đồng hương…
 
      Một giọng Bắc khá chuẩn. An Hạ thầm nghĩ, quí hay không không biết chứ còn gặp trong hoàn cảnh như thế này thì đối với An Hạ thật không dễ chịu chút nào. Chẳng lẽ người đàn ông này không nhớ rằng đây là trong nhà thờ hay sao mà lại hỏi chuyện lúc An Hạ đang quì cầu nguyện thế này. Cũng may bây giờ là buổi trưa nhà thờ vắng người nên không đến nỗi làm phiền ai. Trước thái độ vồn vã của người đàn ông, An Hạ định nói một câu gì đó cho đỡ bất lịch sự nhưng đầu óc nàng mụ mẫm quá nên cuối cùng cũng chẳng nói được câu nào. An Hạ cầm ví đứng dậy, nàng nhìn lên bức tượng Chúa trên cao, dù cố gắng giữ lại nhưng nước mắt An Hạ lại lặng lẽ rơi thành dòng… Lạy Chúa, con tuy không có đạo nhưng hôm nay trong lúc thất vọng nhất tình cờ có duyên lại được gặp Ngài, xin Ngài hãy dẫn dắt con ra khỏi nỗi buồn để có thể tiếp tục sống những ngày sắp tới cho thật tốt… Một tờ khăn giấy đưa tới trước mặt, An Hạ cầm lấy chậm nước mắt và nói nhỏ:
- Cám ơn anh…
 
      Nàng quay lưng đi ra cửa, người đàn ông cũng lẳng lặng theo sau.

      An Hạ hơi ngạc nhiên, tự dưng ở đâu lại xuất hiện một “đồng hương” thế này nhỉ? Lúc nãy vừa lái xe vừa khóc suýt chút xíu là An Hạ gây ra tai nạn nên nàng sợ quá ghé đại vào ngôi nhà thờ nhỏ bên đường cho tâm trạng lắng dịu xuống và suy nghĩ phải làm gì sắp tới. Thành phố nơi An Hạ định cư hơn mười năm nay có rất ít người Việt sinh sống. Nếu như bình thường thì An Hạ đã hỏi thăm người đàn ông vài câu nhưng hôm nay An Hạ không vui nên nàng chẳng thiết tha đến điều gì cả.
 
       An Hạ vừa đi về hướng xe của mình vừa cho tay vào ví tìm chùm chìa khóa xe. Ngồi trước tay lái nàng lại bật khóc khi nhìn thấy tấm ảnh chụp vợ chồng nàng tươi cười vui vẻ bên nhau mùa Hè năm ngoái trong cái móc treo chìa khóa. Vậy mà sao nỡ… hở anh? An Hạ úp mặt trên volant khóc không thành tiếng. Tim nàng như bị nghiến nát khi nhớ lại hình ảnh Chi và chồng mình trong phòng ngủ nhà nàng sáng nay… Nỗi đau bị phản bội của An Hạ hình như nhân lên gấp đôi khi người tình của chồng nàng không ai khác hơn là người bạn gái thân nhất của nàng. Có tiếng gõ bên ngoài kính xe… An Hạ ngẩng lên nhìn qua màn nước mắt. Nàng chau mày khó chịu khi nhận ra người bên ngoài chính là người đàn ông đồng hương khi nãy. Hạ kính xuống, An Hạ chưa kịp tỏ nỗi bất bình thì ông ta đã nhanh miệng:
- Xin lỗi cô, tôi đoán là cô đang có chuyện buồn và không muốn bị quấy rầy nhưng tôi thật sự không yên tâm khi cô muốn lái xe trong tình trạng như thế này…
 
       Người ta đã rào đón như vậy nên An Hạ đâu thể buông lời trách móc được. Nàng đành dịu giọng:
- Anh yên tâm, tôi sẽ không sao đâu…
Ông ta vẫn lắc đầu:
- Nhìn cô cứ khóc hoài như vậy làm sao tôi yên tâm được… hay là cô cho phép tôi được chuyện trò với cô vài phút được không?
       An Hạ bối rối chưa biết nên từ chối như thế nào thì người đàn ông lại nói tiếp:
- Cô đừng từ chối, nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ những người gặp cảnh khó khăn, huống chi cô lại là đồng hương, tôi không thể nào để cô đi trong hoàn cảnh như thế này được…
      An Hạ ngạc nhiên nhìn thẳng vào mắt người đàn ông. Nhiệm vụ? Nàng nhíu mày:
- Ý anh là...
- Không dám giấu cô, tôi tên Khang, là counsellor của giáo xứ này... Lúc nãy tình cờ thấy cô khóc lâu quá nên định hỏi xem có giúp được gì không...
 
        Trời bên ngoài khá lạnh, mũi của người đàn ông đã đỏ lên vì lạnh. Ông ta đã nói như vậy thì An Hạ khó thể từ chối. Thôi kệ, hãy nghe xem ông ta khuyên An Hạ phải làm gì, biết đâu những ý kiến chuyên nghiệp sẽ giúp được An Hạ lúc này...
- Mời anh vào trong xe ngồi cho ấm…
Và An Hạ nói sau khi người đàn ông đã ngồi cạnh nàng:
- Anh có lòng như vậy tôi thật không dám chối từ. Nhưng thú thật tôi nghĩ trường hợp của tôi chưa đến nỗi phải nhờ đến counsellor...
 
Người đàn ông cười nhẹ:
- Tôi biết cô đang nghĩ gì... Nhiều người thường hay bị dị ứng khi nghĩ đến gặp counsellor vì họ có thói quen nghĩ rằng chỉ có những người có vấn đề trầm trọng lắm thì mới cần được giúp đỡ… Thật sự không phải vậy... Không tin cô cứ cho tôi thử xem có giúp được cô không... Bảo đảm không có kết quả không tính tiền...
 
        An Hạ cảm thấy lòng vơi đi chút xíu với nụ cười ấm áp và câu pha trò của người đồng hương tốt bụng.
 
        Không biết Khang thật sự có tài thuyết phục người khác nói ra tâm sự của mình hay tại An Hạ đang cần người để gửi gấm nỗi niềm riêng mà sau đó An Hạ đã kể hết chuyện của nàng cho Khang nghe. Từ chuyện vợ chồng nàng gặp nhau, yêu nhau, kết hôn và sống hạnh phúc bên nhau đã được mười năm tại thành phố nhỏ này. Cho đến nỗi vui mừng không sao kể xiết của An Hạ khi gặp lại Chi, người bạn khá thân thời trung học. Và chuyện mới nhất là sáng nay lái xe gần tới sở chợt nhớ là bỏ quên tập hồ sơ nên trở về lấy và bắt gặp Chi với chồng mình trong phòng ngủ cũng được An Hạ kể hết với Khang…
 
         Sau khi kết thúc câu chuyện An Hạ lại mũi lòng rơi nước mắt. Bằng một giọng nhẹ nhàng và trầm ấm Khang đã khuyên giải và an ủi nàng thật tận tình. An Hạ thút thít khóc nhưng vẫn lắng nghe giọng đều đều của Khang đang rót vào tai. Những lời nói ấy hình như đã phần nào xoa dịu được tinh thần An Hạ.
- “Trời không có đường cùng...”
 
         Đang buồn não ruột mà nghe Khang nhại một câu giống y như trong phim kiếm hiệp, An Hạ cũng tức cười, nụ cười đầu tiên từ lúc gặp Khang, dù hơi gượng nhưng vẫn là một dấu hiệu tốt:
- Cám ơn “toa thuốc” của anh, tôi thực sự đã cảm thấy dễ chịu hơn... và đã biết mình nên làm gì...
 
***
 
         Rồi dù cho có đau lòng đến đâu đi nữa thì An Hạ cũng phải đối diện với Chi và Danh để giải quyết chuyện tình cảm của ba người. Nàng quyết định dọn ra ngoài để lại tất cả cho họ. An Hạ còn nhớ rõ nét mặt sững sờ của Chi khi nghe nàng quyết định như vậy. Riêng Danh thì nàng chỉ đọc được trong mắt chàng một chút xót xa, bỡ ngỡ. Dù Danh có đề nghị bán nhà rồi chia đôi tài sản nhưng An Hạ vẫn một mực chối từ. Khang cũng khuyên An Hạ nên nghĩ đến tiền bạc có thể bảo đảm cho tương lai của mình nhưng An Hạ vẫn khăng khăng không đổi ý. Có lẽ mọi người đều cho rằng An Hạ dại hay “quân tử tàu” nhưng hơn ai hết An Hạ hiểu rõ đối với nàng vật chất bây giờ chẳng có ý nghĩa gì khi mà tình cảm vợ chồng hơn mười năm còn có thể đổ vỡ chỉ trong một thoáng.
 
          Cũng may là trong thời gian khó khăn nhất lúc nào An Hạ cũng có Khang bên cạnh. Qua sự giới thiệu của Khang, An Hạ mướn lại tầng trên của một căn nhà hai tầng. Khang tháo vát và xoay sở giỏi lại quen biết nhiều và hết lòng giúp đỡ nên chẳng bao lâu An Hạ đã “an cư”. Biết tinh thần An Hạ vẫn chưa hoàn toàn bình phục nên mỗi tuần Khang đều gọi phone để trò chuyện với nàng ít nhất một lần… Khang thường đùa:
- An Hạ là “bệnh nhân” đầu tiên mà tôi “chữa bệnh” qua điện thoại đấy...
 
        Khang quả thật là một người có lương tâm nghề nghiệp. Dù vẫn còn buồn nhưng tinh thần của An Hạ đã ổn định nhiều. Rồi không biết từ khi nào Khang bắt đầu xuất hiện thường xuyên ở nhà nàng. Những buổi “chữa bệnh” dần dần được thay thế bằng những cuộc đối thoại tâm đắc giữa hai người bạn ngày càng thân thiết...
 
          Nửa năm trôi qua... Những săn sóc và lo lắng của Khang dành cho An Hạ từ lúc nào đã không còn thuần túy là công việc của một counsellor nữa. Qua ánh mắt, qua lời nói, qua cách thay đổi lối xưng hô của Khang, An Hạ dễ dàng nhận ra điều này. Và nàng cố gắng tránh không tạo cơ hội cho Khang có thể bày tỏ những tình cảm đó. An Hạ biết mình không thể đón nhận Khang vì trong tim nàng hình ảnh Danh vẫn còn hiện diện. Hay nói cách khác nàng vẫn còn yêu Danh. Có những buổi tối không dằn được lòng An Hạ đã cố tình lái xe ngang nhà cũ dù biết rằng sau đó khi trở về nhà nàng sẽ khóc. Có nhiều lần nàng ngừng xe bên kia đường, nhìn vào nhà và nhớ lại khoảng thời gian hạnh phúc bên Danh. Trong tình cảm An Hạ biết mình rất yếu đuối và không dễ quên. Có lẽ An Hạ sẽ tìm cách nói với Khang để chàng đừng mất thì giờ với An Hạ nữa. Nhiều khi An Hạ nghĩ hay là mình cứ tiến tới với Khang, biết đâu sẽ quên được Danh. Nhưng An Hạ không dám liều lĩnh. Nàng không thể ích kỷ, không thể khiến một người vì nàng mà đau khổ...
 
***
 
         Trong khi An Hạ vẫn chưa tìm ra được dịp thuận tiện để cho Khang biết tình cảm của nàng thì một buổi tối Khang gọi điện thoại cho An Hạ. Giọng chàng nghe thật lạ:
-An Hạ sửa soạn, anh đến chở em đi thăm một người...
An Hạ ngạc nhiên:
- Thăm ai hở anh?
- Chút nữa gặp Hạ anh sẽ nói sau, em chuẩn bị nhé...
 
        An Hạ chưa kịp hỏi thêm thì Khang đã cúp máy. Linh tính báo cho nàng biết hình như có chuyện chẳng lành nhưng nàng không có thì giờ suy nghĩ. An Hạ chỉ kịp rửa mặt thay đồ là Khang đã gọi cửa.
 
An Hạ vừa ngồi vào xe đã hỏi:
- Thật ra có chuyện gì hở anh? Em có linh cảm không tốt...
 
        Khang mở máy nhưng chưa cho xe chạy, chàng quay lại nhìn Hạ, nói chậm rãi:
- Anh Danh bị tai nạn xe hơi đang nằm nhà thương không biết có qua khỏi không. Cô Chi gọi cho anh nhắn em vào gặp anh ấy, có thể là lần cuối...
 
Tim An Hạ nhói lên, nàng thảng thốt:
- Không! Không thể nào...
 
Nước mắt bắt đầu rơi, như chợt nhớ ra An Hạ hỏi:
- Nhưng tại sao Chi lại biết anh mà gọi nhắn, sao không gọi thẳng cho em?
 
Khang nắm lấy tay An Hạ bóp nhẹ như để trấn an nàng:
- Anh nghĩ cô Chi sợ em bị sốc nên không dám gọi thẳng cho em, còn tại sao biết số phone tay của anh thì anh không biết...

Khi Khang và An Hạ vào đến bệnh viện thì thấy Chi bên ngoài phòng bệnh, mắt đỏ hoe. Chi có vẻ bức rức phân trần:
- Xin lỗi anh Khang và An Hạ... tại từ lúc được người ta đưa lên xe cấp cứu cho đến khi chìm vào hôn mê anh Danh chỉ gọi tên An Hạ cho nên...
 
An Hạ sững sờ nhìn vào mắt Chi, ánh mắt đau khổ và chịu đựng kia cho nàng biết là Chi không gạt nàng. Thật vậy sao anh? Chẳng lẽ trong tim anh vẫn còn em? Chẳng lẽ em đã làm sai khi nhất định nhường anh cho Chi? Như vậy tại sao anh lại... với Chi hôm đó? Rồi tại sao sau đó một câu phân trần hay xin lỗi em anh cũng đã không nói?
 
An Hạ nhìn qua cửa kính. Danh nằm bất động trên giường, đầu quấn băng trắng xóa.
Nàng nghẹn ngào:
- Bây giờ anh ấy sao rồi Chi?
- Bác sĩ nói vết thương ngoài da thì không có gì trầm trọng, chỉ có não bộ là bị chấn thương nặng nên tạm thời chưa thể tỉnh lại được.
 
      Một tuần lễ trôi qua, một tuần thôi mà An Hạ tưởng chừng như một tháng. Bao nhiêu chuyện dồn dập xảy đến gần như cùng lúc. Danh đã thực sự trở thành người thực vật. Các bác sĩ đành phải bó tay. Không ai có thể trả lời cho An Hạ là khi nào Danh mới tỉnh dậy. Họ nói cách duy nhất giúp được cho tình trạng của Danh là vào thăm thường xuyên và nói chuyện thật nhiều với chàng. Quan trọng là nhắc về những chuyện trong quá khứ.
 
       Nhưng điều khiến An Hạ bất ngờ nhất là sự bỏ đi của Chi. Chi đã gửi cho An Hạ một email thật dài xin lỗi nàng về những chuyện đã xảy ra và nói là rời khỏi thành phố này và không bao giờ trở lại nữa. An Hạ đã khóc thật nhiều khi đọc email của Chi. Nàng hiểu rõ cảm giác bẽ bàng của Chi nên đã không còn giận Chi nữa.
 
***
 
An Hạ thay bó hoa mới vào chiếc bình để trên chiếc tủ nhỏ đầu giường. Sau một hồi loay hoay cắm cắm sửa sửa, An Hạ hài lòng lùi ra một chút xoa tay ngắm nhìn công trình của mình. Màu trắng tinh khiết của những đóa hoa khiến lòng nàng dịu hẳn lại.

An Hạ nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường. Nàng nhìn nét mặt như đang say ngủ của Danh một cách trìu mến. Cầm nhẹ lấy bàn tay Danh ủ trong hai bàn tay mình, nàng nói nhỏ:
- Anh coi nè, hôm nay em đặc biệt mua loại hoa bách hợp trắng mà anh thích nhất... Màu trắng đẹp quá phải không anh?
- Anh còn nhớ hôm nay là ngày gì không? Kỷ niệm 12 năm đám cưới của tụi mình đó. Vậy mà anh xấu ghê đi, cứ nằm hoài ở đây không chịu thức...
 
An Hạ lại rơi nước mắt, nàng đưa bàn tay của Danh lên và khẽ áp má vào, An Hạ thì thầm:
- Anh biết không? Khi quyết định rời xa anh, em tưởng là em sẽ có thể quên anh, thậm chí là ghét anh... nhưng không phải... hình như càng cố quên anh em lại càng nhớ, càng muốn ghét anh em lại càng thương. Những khi nghĩ về anh thì những kỷ niệm ngọt ngào của chúng ta cứ hiện ra khiến em nhớ anh quay quắt...
 
- Chi nói với em là tuy anh sống chung với Chi nhưng lúc nào anh cũng nghĩ đến em. Đồ đạc trong nhà anh không cho Chi dời đổi hay bỏ đi một món nào. Mỗi buổi tối anh đều ngồi tại bàn làm việc của em mở những tấm hình cũ mà chúng ta chụp chung ra coi...
 
- Chi còn nói anh theo dõi sinh hoạt của em rất kỹ và anh còn tỏ vẻ ghen khi thấy dạo sau này Khang cứ lên nhà em. Số phone của Khang mà hôm trước Chi gọi cũng là tìm được trong điện thoại cầm tay của anh...
 
- Cuối cùng Chi đã biết được là hạnh phúc không thể do giành giựt mà có. Chi biết anh không yêu Chi mà chỉ yêu em nên trước khi bỏ đi Chi đã xin em hãy tha thứ và trở về với anh vì lỗi là do Chi cố tình quyến rũ anh. Chuyện này thì Chi không đúng chút nào, nếu anh cương quyết thì đâu ai có thể quyến rũ được anh. Nhưng thôi, dù sao anh cũng là đàn ông, và đàn ông thì vốn dễ mềm lòng trước sự cám dỗ nên em quyết định tạm tha cho anh lần này, nhớ là chỉ một lần thôi đó nha...
 
An Hạ bắt đầu chậm rãi xoa bóp mấy ngón tay của Danh theo cách bác sĩ dạy, nhìn thấy móng tay đã khá dài nên nàng quay sang tìm cái cắt móng tay trong hộc tủ. Hình như ngón tay của Danh đang cử động trong bàn tay nàng thì phải. An Hạ quay lại, nâng bàn tay của Danh lên và nhìn chầm chập vào những ngón tay chàng. Nàng thở dài thất vọng, có lẽ chỉ là ảo tưởng...
 
An Hạ vừa cẩn thận cắt từng móng tay cho Danh vừa thủ thỉ tiếp tục:
- Anh biết không? Khang thật sự là một người rất tốt. Bây giờ suy nghĩ lại lúc đầu khó khăn đó nếu không có Khang chẳng biết em sẽ xoay sở ra sao. Có lẽ anh ghen cũng không sai vì có những lúc em tưởng mình đã xiêu lòng vì Khang. Nhưng lúc nào cũng vậy... ánh mắt xót xa và bỡ ngỡ của anh nhìn em lần cuối đã ngăn không cho em gật đầu với Khang vì em trực giác ra được rằng chúng ta vẫn chưa thật sự mất nhau...
 
Ngón tay trỏ của Danh cử động nhẹ, lần này thì An Hạ nhìn thấy và cảm nhận rất rõ ràng. Tim nàng như ngừng đập. An Hạ nhìn thấy mi mắt Danh hơi động đậy, Danh thật đã tỉnh rồi. Quýnh quáng một lát An Hạ mới định thần bấm chuông gọi y tá...

***
- Hạ có anh trai không nhỉ?
 
An Hạ hơi ngạc nhiên, nàng quay đầu lại nhìn Khang đang đứng khoanh tay tựa lưng vào thân cây. Mắt chàng nhìn ra sân bệnh viện, nơi có mấy người già đang ngồi hong nắng...
- Không anh ạ, An Hạ lớn nhất nhà...
Và như chợt nghĩ ra nàng nói tiếp:
- Kể cũng ngộ ghê, chúng ta quen nhau hơn nửa năm, nói đủ thứ chuyện nhưng hình như chưa bao giờ nói về chuyện này... Còn anh thì sao? Nhưng mà sao tự nhiên anh lại hỏi vậy?
- Ngược với An Hạ, anh là con trai út...
Ngừng một chút, Khang tiếp:
-... nên không có em gái...
- Ý anh là...
- Muốn Hạ làm em gái của anh...
- Ủa... chứ không phải... An Hạ bỏ ngang câu nói bối rối nhìn Khang.
Khang nheo mắt:
- Sao Hạ không nói tiếp? Hay muốn anh nói giùm?
An Hạ đỏ mặt:
- Anh này... anh biết em định nói gì sao...
- Đừng quên anh giỏi nhất là đoán ý người khác nhé...
An Hạ chọc:
- Anh là counsellor chứ đâu phải... thày bói, sao biết em định nói gì...
- Vậy chúng ta đánh cuộc nhé, nếu anh đoán trúng em định nói gì thì em đồng ý chúng ta kết nghĩa anh em...
- Vậy nếu anh đoán sai thì sao?
- Anh sẽ không đoán sai...
- Trời, anh này tự tin thiệt...
Khang hất mặt:
- Dĩ nhiên...
- Vậy anh nói đi...
- Em định nói là... “Ủa chứ không phải anh muốn em làm vợ anh sao?”. Đúng không?
 
An Hạ vừa phục vừa xấu hổ, nàng không ngờ Khang lại dám nói một cách thẳng thắn như vậy. Nàng cúi gầm mặt không dám nhìn Khang:
- Anh này thiệt tình...
Khang cười nhỏ:
- Đúng ra hôm trước anh có muốn như vậy thật, nhưng sau khi chứng kiến cảnh em và Danh vượt qua bao nhiêu trở ngại để có nhau, anh đã xác định được vị trí của mình...
 
An Hạ chớp mắt cảm động. Nàng cảm thấy cuộc sống thật đẹp đẽ và quí giá. Và quí hơn hết có lẽ là tình người... An Hạ như choáng ngộp trong hạnh phúc... Với tình yêu vừa tìm lại và nhất là từ nay còn có thêm một ông anh mà nàng hết lòng quí mến...


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 23/Jun/2011 lúc 7:57am
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 25/Jun/2011 lúc 9:51pm
VỢ HIỀN
Tràm Cà Mau
 
 
Mai chưa hề đọc thánh kinh, nhưng nàng đã biết chọn chỗ ngồi thấp nhất để được nâng lên cao nhất trong lòng chồng con.
1.
Vợ tôi không phải là một người đàn bà có nhan sắc khuynh nước đổ thành. Bởi tôi, vốn tài mạo tầm thường và cũng không có nhiều may mắn bất ngờ để lọt mắt xanh những cô có nhan sắc chim sa cá lặn. Vả lại tôi cũng thường nghe bố tôi tuyên truyền nhồi nhét trong cái đầu từ nhỏ rằng, đẹp đến mấy rồi cũng trở thành méo mó xấu xí, và vợ đẹp là vợ người ta. Vợ tôi cũng không có tài ba xuất chúng, bởi tôi vốn nể sợ và có thành kiến với những người đàn bà tài giỏi, vì họ thường kiêu ngạo và hay thành độc tài vợ trị. Ðộc tài đảng trị thì có thể bỏ nước chạy ra biển chết, chứ độc tài vợ trị thì không chạy đâu cho thoát cả!

Vợ tôi chỉ là một người đàn bà trung bình trên tất cả mọi mặt. Với một vóc dáng tầm thường bên ngoài, không vêu vao xấu xí khó nhìn. Bên trong nàng mang một tấm lòng hiền hậu, bao dung, biết hành xử khôn ngoan khéo léo, để đem lại cho gia đình hạnh phúc êm ấm lâu bền mà tôi vô cùng biết ơn mỗi khi nghĩ đến.
Trong nhiều năm chung sống, chưa bao giờ nàng nặng lời với tôi, chưa bao giờ có cử chỉ hay ngôn ngữ thiếu lịch sự, cũng chưa lần khóc lóc giận hờn đòi hỏi điều này điều kia, hoặc đặt điều kiện làm khó, hay so đo chuyện nhà với gia đình người khác.

Ngoài tình cảm thắm thiết chia sẻ của vợ chồng, nàng âu yếm như một người tình, khoan dung rộng lượng như một người mẹ và hiểu biết như một người tri kỷ.

2.
Năm tôi hai mươi tám tuổi, mẹ tôi nóng ruột thúc hối ép tôi lập gia đình. Bà đưa cái công thức cổ xưa của mấy ông Tàu bày ra là "tam thập nhi lập". Tôi cũng chưa đến ba mươi, mẹ tôi cứ gán đại thêm cho hai tuổi để dễ bề ép uổng.

Tuổi đó, thích được quen nhiều bạn gái, bạn thôi thì được, nhưng nghe đến chuyện hôn nhân là xanh mặt. Vì qua kinh nghiệm bạn bè, kinh nghiệm giao tiếp trong sở, tôi thấy đa số mấy anh có vợ rồi thì dường như bị khép chặt trong cái vòng "chuyên chính" của bà vợ nhà! Cái vòng tuy lỏng lẻo và êm ái, nhưng bằng sắt, rất chặt và siết cứng.

Một anh bạn thân, lâu lâu giận vợ, đến nhà tôi ở lại, nằm rũ ra trên giường như đống mền rách rầu rĩ nói với tôi:
- Tao chỉ mong có được một ngày an bình, sung sướng như mày, một ngày thôi cũng đủ.

Nghe thế thì không sợ sao được? Trong sở tôi có mấy anh bạn bị vợ cào rách mặt và phải lấy cớ là dao cạo râu cắt. Ai cũng biết chuyện gì đã xảy ra, vì mặt mày các anh láng lẫy, trơn tru, có sợi râu nào đâu mà phải cạo cho dao cắt!

Một ông lớn tuổi khác, vợ vào tận sở xé áo và kêu bằng mày tao, còn tố cáo ông mang bằng kỷ sư giả bên Pháp về.

Nhan nhản những tấm gương gia đình u ám trước mắt như vậy, thì chỉ có ngu quá hoặc liều mạng mới không sợ mà thôi.Tôi khất lần mãi không được, phải bẻn lẻn theo mẹ, đi ra mắt, và xem mặt nhiều cô con gái các gia đình mà bà quen biết. Tôi theo lời dạy của một anh quân sư quạt mo, cứ mang bộ mặt đưa ma đến nhà người ta và ăn nói nhát gừng cộc lốc, thì không ai muốn gả con gái cho, và các cô thấy vậy thì cũng ớn lạnh mà dạt ra. Thế mà cũng có nhiều nhà khen tôi hiền lành, muốn gả con gái cho. Tôi tìm đủ lý do nói riêng với mẹ để chê bai từ khước. Cô thì chê mặt dài, cô thì chê mũi lớn, cô khác chê mắt có đuôi, cô thì mồm như có râu. Toàn cả những lý do vu vơ. Mẹ tôi phiền muộn thở dài, vì biết con trai bà cũng chẳng có sự nghiệp gì sáng giá,chẳng có một phong cách đặc biệt nào, mà đòi hỏi quá đáng chăng?

3.
Không nỡ để mẹ buồn, tôi đem Lam, người bạn gái thân thiết nhất về giới thiệu với mẹ, bà vui vẻ chịu ngay. Bà khen Lam láu lỉnh, bặt thiệp và xinh đẹp.Mẹ tôi đến thăm xả giao nhà Lam hai lần để dò xét gia thế, và quyết liệt chống đối cuộc hôn nhân, lấy lý do là mẹ Lam dữ dằn và có cách cư xử thiếu lễ độ với chồng. Tôi nói:

- Con cưới Lam chứ cưới bà ấy đâu mà mẹ sợ?

Mẹ tôi nhất quyết tin rằng, mẹ hổ thì khó sinh được con cừu. Vì cách đối xử của cha mẹ, ảnh hưởng đến tính tình con cái. Cha mẹ dữ dằn, con cái khó mà hiền lành được, vì ngày ngày học cách ăn nói, cách đối xử, tiêm nhiễm những thói quen của cha mẹ, và đem ra xử sự với đời, mà không biết đó là xấu. Tôi cố bào chữa cho Lam, nhưng mẹ tôi đã nhất quyết, không lay chuyển được. Bà nói:

- Mẹ thương con, mẹ không muốn sau này con khổ vì đời sống gia đình thiếu hạnh phúc. Vì không có gì khổ bằng có vợ dữ dằn, hỗn láo, có thể làm người chồng buồn phiền sinh ra rượu chè, cờ bạc, trai gái hư hỏng. Mẹ thương con, lo cho tương lai con nên mẹ không chịu.

Tôi định nói với mẹ rằng, con trai của mẹ cũng chẳng hiền lành chi, mà chê thiên hạ. Nhưng sợ mẹ buồn nên im lặng. Mẹ của Lam biết được ý kiến của mẹ tôi, nổi tự ái, nói nhiều lời tàn nhẫn, tổn thương đến gia đình tôi, và tuyên bố không bao giờ gả Lam cho tôi. Khi bị trắc trở, ngăn cấm thì tình yêu càng thêm tha thiết bốc lửa, và hai đứa tôi càng quyết vượt qua hàng rào ngăn cản của gia đình. Muốn sống cho nhau, và sống chết vì tình yêu.

Một lần chìu ý mẹ, tôi miễn cưỡng đi xem mặt một cô mà mẹ tôi gọi là gia đình phúc hậu đàng hoàng. Tôi chẳng tha thiết gì, chỉ giữ đủ lịch sự tôi thiểu để cho mẹ khỏi mất mặt. Lần đó Lam biết được, nàng giận dữ sỉ vả tôi:
- Anh là một thằng đểu cáng, xấu xa đê tiện, một kẻ hèn nhát núp váy mẹ, không dám làm gì cả. Anh không xứng đáng với tình yêu của tôi.

Tôi nghe mà bàng hoàng, như bị sét đánh. Hai đứa giận nhau. Tôi chợt nhớ tới lời nhận xét của mẹ, và thấy bà cũng có lý phần nào. Nhưng tim tôi vẫn nát tan xót xa vì chuyện tình đổ vỡ.

Ngay sau đó, Lam có người yêu mới là Tuân. Tuân cũng là trong đám bạn bè quen biết lâu dài với tôi, tính tình Tuân hiền lành, chịu đựng, và Tuân đã bền bỉ theo đuổi Lam từ lâu. Nửa năm sau, tôi đi dự đám cưới Tuân, Lam với trái tim vỡ nát, nhưng cũng vui mừng vì Lam lấy được chồng hiền lành và đàng hoàng, có thể bảo đảm đời sống tinh thần vật chất cho gia đình sau này. Tôi thật tình nghĩ rằng, tôi không bằng được Tuân về nhiều mặt. Lam bỏ tôi là phải.

4.
Mẹ tôi làm như lấy vợ cho bà, cứ khóc lóc thúc giục mãi. Tôi tâm sự với một người bạn cũ. Anh cười và nói:

- Hay là cậu thử tìm hiểu Mai, em gái tôi xem sao. Nó cũng sẵn có cảm tình với cậu đó. Mai hiền lành lắm.Ðược bạn khuyến khích, tôi bắt đầu tìm hiểu Mai. Nàng không đẹp, không xấu, chăm chỉ, hiền lành. Trước đây, đến nhà bạn chơi, tôi chỉ thấy Mai thấp thoáng đâu đó sau bàn học, hoặc lẳng lặng rút lui sau khi cúi đầu chào lễ phép.

Dẫn Mai đi chơi, tôi không tìm hiểu được chi nhiều về Mai, vì nàng quá thụ động, khi nào cũng nhẹ nhàng chìu chuộng, ít đưa ý kiến riêng. Khi hỏi ý, nàng thường bảo:

- Dạ, anh cho em đi đâu cũng thích cả, anh vui thì em cũng vui.Tôi đem nhận xét về cái hiền lành của Mai nói với một người bạn. Anh cười hô hố và nói:

- Trời ơi, khi mới quen thì em nào mà không hiền lành như thánh mẫu, dịu dàng như tiên cô. Khi cưới về thì cái đuôi dài thòng mới lòi ra, và dữ như chằng tinh. Em nào cũng vậy cả.
Tôi hỏi thẳng anh của Mai, anh trả lời:

- Con nhỏ hiền lành, biết nhường nhịn và rất dịu dàng. Cậu có phước lắm mới gặp nó. Không phải vì nó là em gái mà tôi khen đâu.

Mẹ tôi đến thăm gia đình Mai nhiều lần, khen mẹ của Mai phúc hậu, hiền lành, cư xử lịch sự, phải phép với chồng. Bà nghĩ rằng, nhất định Mai cũng học được nề nếp gia đình của mẹ, không nhiều thì ít. Bà thúc tôi làm đám cưới ngay. Tôi xin hoãn một thời gian để tìm hiểu thêm, mẹ không chịu và bảo:

- Lấy vợ thì lấy liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha.

Tôi nói rằng, nếu nghe được lời dèm pha đúng, thì cũng là điều tốt, mình khỏi phải xét đoán lầm người. Mẹ tôi lại giảng cho tôi rằng, chín mươi phần trăm cách cư xử của con cái là do ảnh hưởng sinh hoạt tốt xấu của cha mẹ. Cha mẹ gieo vào đầu con cái thứ tư tưởng nào, thì nó sẽ hành động theo lối đó. Thương mẹ, tôi tạm quên kinh nghiệm ghê gớm trong đời sống gia đình của bạn bè và đồng sự, liều thân lấy vợ cho mẹ vui lòng.

Có một ông bạn bảo rằng, lại thêm một thằng đàn ông ngu muội đi vào vết xe đổ nghìn năm của nhân loại

.5
Tôi cưới Mai, nàng như cái bóng dịu hiền bên tôi.Tôi thấy mình tan loãng vào tình yêu êm đềm, và chợt nhận ra đời sống gia đình êm ái, thoải mái và hạnh phúc hơn nhiều lần đời sống độc thân. Không thấy gò bó tù túng trong dây ràng buộc của gia đình như nhiều người thường bảo. Mai lo lắng cho tôi những thứ cần thiết lặt vặt trong cuộc sống bình thường, bổ khuyết cho tôi những thiếu sót, dịu dàng an ủi tôi những khi lo buồn. Tôi nói với vợ:

- Anh ngu quá, biết lấy vợ mà sung sướng hạnh phúc như thế này, thì đâu để độc thân đến gần ba mươi tuổi. Uổng thật.

Những khi chúng tôi có ý kiến trái ngược, Mai dịu dàng phân tích thiệt hơn cho tôi nghe, rồi để cho tôi quyết định. Sau khi quyết định xong, dù có trái ý nàng, Mai cũng vui vẻ cố gắng giúp tôi hoàn thành công việc. Không như các bà khác, những lúc chồng làm trái ý, thì các bà mong cho ông chồng thất bại để chứng tỏ ý kiến của bà là đúng, là hay. Mai thường nói:

- Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn. Nếu ai cũng khăng khăng giữ ý của mình, thì chẳng làm nên được việc gì cả.

Cũng có khi quyết định của tôi sai lầm, đưa đến kết quả không tốt. Những lúc này, Mai thường hết lời dịu dàng an ủi tôi, và cho rằng tôi không có lỗi gì cả, ví ai cũng có thể sai lầm, và Mai cho rằng nàng cũng có phần lỗi, vì chưa tận tình giúp tôi đầy đủ ý kiến để làm quyết định. Từ đó, tôi cảm thấy mình phải lắng nghe ý kiến của vợ nhiều hơn.Tôi nghĩ, nếu những lúc này mà Mai dằn vặt, nằng nặc buộc tôi tôi, thì chưa chắc tôi đã thấy mình lầm lỗi. Mai không như một số đàn bà khác, đúng hay sai cũng đổ lỗi cho chồng, và những khi chồng thất bại trong đời, là cái dịp cho các bà chê bai, mai mỉa, nói những lời tàn nhẫn.

Ngoài xã hội, có những lúc tôi vô tình hoặc thiếu may mắn, gây nên những sai lầm với người khác, Mai tự đứng ra, gánh vác hết trách nhiệm thay tôi. Tự ái đàn ông, đâu cho phép tôi để vợ gánh vác trách nhiệm thay mình. Tôi thấy thương và quý vợ nhiều hơn. Mai bảo:

- Chuyện nhỏ, để em gánh vác giúp, anh để tâm trí làm những việc khác ích lợi hơn.
Tôi thầm nghĩ, tôi thì làm chi có việc lớn mà gánh vác.

6.
Những năm mới lấy nhau, tài chánh gia đình khó khăn, đắp trước bù sau hàng tháng. Áo quần đơn sơ, ăn uống dè xẻn. Thế mà Mai bao giờ cũng vui vẻ, chưa bao giờ nghe Mai than thở hoặc so sánh với các bạn bè khác. Nàng thường nói:

- Chúng ta nghèo vật chất, nhưng giàu hạnh phúc, tinh thần thanh sạch, thế là đủ. Ðời sống biết đủ là đủ.
Chính vì Mai không than thở, nên tôi thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn về tài chánh gia đình. Buổi chiều về, tôi đi dạy thêm cho các lớp đêm. Ngày nghỉ, tôi mở lớp dạy kèm luyện thi cho từng nhóm nhỏ. Tài chánh gia đình nhờ đó mà dồi dào hơn, có thêm tiền, nhưng Mai không vui, mà chỉ lo cho tôi thiếu sức khỏe sinh bệnh hoạn.

Năm đó, tôi không chịu theo bè cánh với nhóm tham nhũng, chúng đày tôi về một tỉnh nhỏ xa xôi. Tôi buồn phiền lắm. Không đi thì không được, đi thì bỏ hết công chuyện làm ăn riêng tư. Mai khuyên tôi nhẫn nhịn, và gắng tìm vui trong hoàn cảnh mới.

Khi chúng tôi về tỉnh nhỏ, Mai thường an ủi và nâng đở tinh thần tôi, đặt mua các thứ sách báo tôi thích, để giải trí và quên đi phần nào nổi buồn nơi tỉnh nhỏ. Mai xin được việc ở một nhà dạy trẻ, để phụ thêm kinh tế gia đình....

Khi chạy vội về Sài Gòn vào năm 1975, chúng tôi mất tất cả, trở thành trắng tay. Tôi lo lắng và muộn phiền lắm, nhưng nhờ thái độ trầm tĩnh và chịu đựng của Mai mà tôi bớt bối rối. Trước ngày miền Nam sụp đổ, chúng tôi bàn nhau là nên ở hay đi. Ý Mai thì nên đi để bảo toàn tính mạng cho gia đình, khi yên ổn thì quay trở về cũng chẳng mất mát gì. Phần tôi thì vì yêu mến quê hương một cách lãng mạn, quyết ở lại, muốn cùng chia sẻ khổ đau, sống chết cùng quê hương. Chủ nghĩa đối với tôi không quan trọng, tôi nghĩ chính thể nào cũng thế thôi, cũng cùng là người Việt, cùng giòng giống tổ tiên, thì việc gì mà phải bỏ chạy?

Tôi đã lầm to. Thảm họa trùm xuống khắp miền Nam. Ðau khổ, lao tù, đói lạnh, đè nén, áp bức. Tôi cũng ôm gói đi tù như mọi bạn bè, Trong tù, tôi vô cùng ân hận về quyết định sai lầm, để thân xác mình bị tù đày, để vợ con bơ vơ, đau khổ, đói rách, không vốn liếng, không tài sản.

Ba tháng sau khi tôi đi tù, Mai thấy chồng chưa được thả về, đã xoay xở rất mau. Nàng mua áo quần cũ, cắt ra may thành áo quần trẻ em đem bỏ mối tại các chợ trời hè phố. Ðêm nào cũng may đến mười hai giờ khuya. Một mình nuôi chồng tù tội, nuôi con thơ dại, ngược xuôi trong cuộc đổi đời. Những năm tháng nằm tù, có nhiều thì giờ suy nghĩ, tôi mới sâu sắc nhận ra mình mang ơn vợ quá nhiều. Tình cảm nàng dành cho tôi tràn đầy dịu dàng, bao dung, âu yếm và hy sinh. Tôi biết mình là kẻ có phước được vợ hiền....

7.
Khi tôi được ra tù, thể xác tiều tụy, tinh thần suy nhược, đời sống bất ổn, bị đe dọa thường trực. Hàng tuần bị tên công an khu vực đến thúc giục đuổi đi    về vùng kinh tế mới, và nói lời hăm dọa. Tôi nản lòng bàn với Mai để dọn về vùng kinh tế mới cho yên thân. Nàng đã khôn ngoan giải thích rằng, bằng mọi giá phải bám vào thành phố, để sống còn và để bớt bị độc tài áp bức, bớt khốn khổ vì cái u mê của chế độ hành hạ. Nàng thường khuyên tôi:

- Mình hãy xem cuộc đời này như một trò chơi không vui, đừng quá quan tâm đến những gì xảy ra cho mình, cho thiên hạ chung quanh. Những đau khổ mà mình đang chịu đựng cũng là một thứ thử thách, làm cho mình lớn thêm lên, trưởng thành hơn, và cứ vui với những gì nhỏ nhoi nhất có thể có trong thời gian này. Không xấu xa nào có thể tồn tại mãi mãi được, ánh sáng tương lai sẽ có ngày chiếu rọi trên quê hương.
Mai đã an ủi, khuyên nhủ và dịu dàng dắt tôi đi qua quãng đời đau khổ trong chế độ lạ lùng vô nhân kỳ quái này. Chúng tôi bữa đói bữa no dắt nhau đi trong đời sống mịt mù của xã hội chủ nghĩa trá hình.
Khi tôi ngỏ ý tham gia một tổ chức phục quốc chống lại chính quyền cộng sản trong thành phố, thì Mai đồng ý ngay. Nàng nói:

- Chúng ta đã vất súng đầu hàng, chỉ mong được bình yên sống và góp phần xây dựng lại quê hương.Nhưng kẻ chiến thắng đọa đày nhân dân xuống vực thẳm. Không cho ai yên sống. Chính họ đã buộc chúng ta đứng dậy, cầm lại súng. Việc đáng làm thì phải làm. Nếu ai cũng trốn tránh cả, thì đau khổ này biết bao giờ dứt được? Nhưng phải thận trọng để khói phí thân làm việc dã tràng.

Cùng với bạn bè cũ mới,chúng tôi tổ chức mua súng, liên lạc với các nhóm kháng chiến khác. Ra một tờ báo bí mật chuyền tay. Mai đã ngược xuôi giúp đỡ chúng tôi, mang tin tức, chuyển vận hàng hóa. Chúng tôi mơ mộng một ngày ánh sáng tự do chiếu rọi trên quê hương, trở lại đời sống không áp bức kẹp kềm.Một vài người trong nhóm bất cẩn, tổ chức bị đổ bể, đa số anh em bị bắt. Tôi chạy thoát được với cái áo có nhiều lỗ đạn bắn thủng bên hông. Mai nhờ người nhắn tôi bình tĩnh chờ nàng sắp đặt.Nàng vay mượn và bán hết đồ đạc trong nhà, đóng tiền cho tôi bí mật vượt biên...

Phút cuối chủ thuyền cho vợ con tôi cùng đi với lời hứa trả tiền sau. Tôi cám ơn Trời Phật đã xui khiến cho chúng tôi còn có bên nhau trong đời.Trên biển đói khát Mai nhường phần ăn uống cho con, cho chồng, với lý do là tôi cần sống hơn nàng, tôi có thể làm được nhiều việc ích lợi hơn. Nhưng theo ý tôi, thì chính Mai mới xứng đáng để sống sót vì đời sống nàng có nhiều ý nghĩa, tốt đẹp hơn.

Những ngày khó khăn nắng cháy cực khổ tại trại tỵ nạn, nàng dành lấy hết tất cả việc vặt vãnh như lãnh thức ăn, xách nước, nấu nướng, chăm sóc con cái, để cho tôi có thì giờ tham gia tiếp tay phụ giúp các công tác chung trong trại. Mai dặn tôi tráng xa những nơi có tranh giành, có chút quyền lợi, chỉ kê vai gánh vác những việc có ích chung mà không ai làm. Với khuyến khích và an ủi của vợ, tôi làm được nhiều việc hữu ích cho cộng đồng. Trong lúc đó, một vài anh bạn tôi, tham gia việc cộng đồng mà như làm việc quốc cấm, bị vợ cằn nhằn, ngăn cản, mỉa mai rằng việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng.

Nhiều người than vãn về những thiếu thốn, khó khăn, cực khổ trong trại tỵ nạn. Mai thì khi nào cũng vui vẻ, lạc quan, và cho rằng tương lai được sống đời tự do đang rõ ràng trước mắt. Những thiếu thốn khó khăn trong trại tỵ nạn là đương nhiên. Ở đây cũng còn sung sướng hơn những ngày tháng sống với chế độ công sản u ám, bất trắc, chèn ép, sợ hãi. Những khi con tôi chê cơm, Mai nhắc nhở cho chúng những ngày khoai sắn qua bữa, những ngày đói khát trên biển khơi, thì chúng vội vàng ăn ngon lành những chén cơm trong trại tỵ nạn.

8.
Chúng tôi đến Mỹ vào mùa Ðông, tuyết phủ ngút ngàn, trắng xóa cả đất trời. Chưa biết có thể làm gì để nuôi sống gia đình trong miền đất mới, nhưng nhờ trợ cấp xã hội trong thời gian đầu, đắp đổi tạm sống qua ngày. Dù không dư giả, tiền trợ cấp xã hội được Mai chia ra làm ba phần: hai phần ba nuôi sống gia đình với chi tiêu dè xẻn tiện tặn, một phần ba gởi về giúp những bạn bè đang đói khó khắc khoải trong lao tù, trong các vùng kinh tế mới....

Hai vợ chồng dắt nhau đi tìm việc, và không nản lòng. Tôi tìm được một chân rửa chén bát tại khách sạn Holiday Inn. Mai tìm được một chân làm bánh ngọt Donut. Chúng tôi tự túc được rồi, và từ đó mà tiến lên, tôi tìm được công việc khác trong hãng tiện có đồng lương khá hơn. Chúng tôi bắt liên lạc với bạn bè xa gần, và ao ước được đóng góp phần nào vào nỗ lực làm vơi khổ trên quê nhà.

Thư của bạn bè hồi âm với lời lẽ bi quan, nhiều người khuyên tạm quên chuyện quê hương đi, mà lo cho đời sống bản thân và gia đình trước đã...

Nhiều đêm Mai thì thầm:

- Chúng ta có yên lòng hưởng hạnh phúc, tự do khi cả quê hương đang chìm đắm trong khổ đau? Chúng ta có quên được bao nhiêu người đang kỳ vọng chúng ta nơi quê nhà? Liệu chúng ta có làm được gì không hay chỉ mải mê lo cho đời sống riêng tư? ...

Chưa bao giờ tôi nghe Mai phàn nàn, sanh nạnh với tôi về công việc trong nhà.Chưa bao giờ nàng lên giọng sai bảo tôi hút bụi, quét nhà, rửa chén bát. Nếu rảnh, thì tôi làm, nếu tôi bận xem những trận thể thao hấp dẫn, thì thôi. Nhiều lúc Mai không cho tôi rửa chén bát, giành lấy mà làm, vì những lúc đó nàng rảnh rang.

Chúng tôi cùng làm việc nhà trong tinh thần chia sẻ, không phải trong trách nhiệm phân chia việc nào chồng làm, việc nào vợ làm. Mai chưa bao giờ tranh hơn thua với chồng. Nàng quan niệm rằng, vợ chồng không cần tranh hơn thua nhau, hơn chồng cũng không được gì mà chỉ tổ tình yêu bị tổn thương.. Chưa bao giờ Mai lớn tiếng hay khăng khăng quyết đoán việc gì. Khi nào cũng dịu dàng thảo luận và sẵn sàng chờ lúc thuận tiện để thuyết phục thêm. Tôi đã nghe thấy vợ nhiều người bạn, sẵn sàng xẵng tiếng với chồng, mở miệng ra là nói nặng lời, nói điều chua chát khó nghe, và tôi biết mình may mắn có vợ hiền ...Những lúc tôi gặp khó khăn ngoài xã hội, mang bực bội và cái không vui về nhà, Mai thường khuyên tôi rằng:

- Mục tiêu tối thượng của đời người là đi tìm hạnh phúc. Ði làm kiếm tiền cũng chỉ để mua hạnh phúc. Hạnh phúc đích thực của cuộc sống là gia đình vui vẻ, ấm êm và dễ chịu. Không tội chi đem cái khó khăn bực bội của bên ngoài về nhà cho mất vui, mà phí phạm ngày tháng yên ấm của gia đình. Dù giàu sang danh vọng đến mấy, mà gia đình thiếu hạnh phúc thì đời không còn ý nghĩa gì.
Thế là tôi tìm được nguồn vui và yên tĩnh tâm hồn...

9.
Nhiều khi nằm bên nhau, tôi hỏi Mai:

- Sao hơn mười mấy năm sống bên nhau, chưa bao giờ em làm cho anh buồn lòng, chưa bao giờ em làm cho anh phải nổi giận. Em có khi nào buồn giận anh không?Nàng nói:

- Sách dạy cho em biết rằng, người cho thì được nhiều hạnh phúc hơn người nhận. Không cầu thì sẽ được, không đòi thì sẽ có. Biết vui với cái tương đối mà mình đang có, thì trở thành kẻ sung sướng nhất trong đời. Cho đi tình thương chân thành, thì được   nhận lại bằng tình thương. Nhiều người đàn bà đòi hỏi ở chồng quá đáng, ngoài khả năng của chồng. Bao nhiêu cũng không thỏa mãn cả. Họ không nhìn thấy sự hy sinh của người khác, mà chỉ cố bươi móc lỗi lầm cỏn con của chồng để mà trách móc, giận hờn. Làm thế không có lợi gì cả, mà chỉ là cách phá hoại hạnh phúc gia đình hữu hiệu nhất.

Tôi thành thực mà nói rằng đã học được rất nhiều điều tốt của vợ tôi. Nàng càng dịu dàng, càng thu mình nhỏ lại, thì tôi càng thương yêu trang trải bù đắp cho vợ nhiều hơn. Mỗi khi đi làm về, thấy nét mặt tươi vui hân hoan của vợ, thì bao nhiêu mệt nhọc bực bội trong ngày đều tiêu tan.Khi tôi phạm phải lỗi lầm, hành động sai quấy, vợ tôi thường an ủi rằng, mình là con người chứ đâu phải là thần thánh chi, mà không có sai lầm. Ðừng buồn, cái thiệt hại này cũng là bài học tốt về sau. Những an ủi, khuyến khích tinh thần của vợ, làm cho đời sống tôi nhẹ nhàng, êm ái, thư dãn, không bị dồn ép, không bị áp lực cuộc sống, không có căng thẳng gia đình như nhiều bạn bè khác.
Trên bước đường tha hương, một lần vợ chồng Tuân-Lam ghé thăm chúng tôi. Tuân là bạn cũ, Lam là người xưa. Vợ tôi biết rõ mối tình cũ giữa tôi và Lam, nhưng nàng tin chồng, và rất lịch sự, vồn vã đón tiếp họ hết lòng. Có lẽ Mai cũng biết chuyện xưa của chúng tôi đã nguội lạnh từ lâu, chẳng ai còn tiếc thương chi. Tuân vẫn hiền lành phúc hậu như xưa, nét mặt chịu đựng. Ðêm khuya tôi vẳng nghe tiếng Lam đay nghiến dằn vặt chồng ở phòng bên cạnh, nói những lời thiếu lễ độ.

Về sau, mỗi lần nghĩ đến Lam, lòng tôi phơi phới, vì may mắn, cuộc đời không phải gắn liền với một người đàn bà như Lam. Tôi biết ơn mẹ nhiều hơn. Kinh nghiệm sống của mẹ đã giúp cho cuộc đời tôi có hạnh phúc hơn. Và tôi biết thương yêu, nể trọng vợ hơn nhiều.

10.
Một chị bạn gia đình không được hạnh phúc, hỏi vợ tôi bí quyết để được chồng thương yêu nể nang. Mai cười mà nói:

- Không có bí quyết nào cả. Chỉ có câu chuyện sau đây, tôi thuộc nằm lòng từ thời còn đi học. Chuyện ở trong sách tập đọc của Pháp. Rằng:

- Có một anh nông dân đem bò ra chợ tỉnh bán. Suốt ngày không bán được phải dẫn bò về. Ðường xa mệt nhọc, con bò trở chứng không chịu đi. Có người gạ đổi con bò lấy con ngựa hồng tung tăng. Anh tưởng được ngựa sẽ thong thả dong cương ra về, nhưng con ngựa lạ chủ không chịu cho anh cưỡi và cũng trì kéo dằng dai. Một người khác dẫn con heo nái ngoan ngoãn đi qua, gạ đổi heo lấy ngựa, anh đổi liền.Ðường xa mệt nhọc, con heo cũng nằm ì không chịu đi, bí quá, anh đổi heo lấy một con dê nái. Con dê càng cứng đầu khủng khiếp, anh vật lộn với dê phờ phạc.Ðêm đã tối mịt mù, một hành khách đề nghị đổi dê lấy một con gà trống lớn. Vừa đói, vừa khát, vừa mệt, anh ôm con gà vào quán đổi lấy bữa cơm. Thế là một bữa ăn trả giá bằng một con bò. Ăn xong, anh nông phu thong thả ra về, vừa đi vừa ca hát khỏe khoắn.

Khi về đầu làng, có bạn quen hỏi đi đâu mà về khuya thế. Anh kể chuyện đi bán bò, và đổi con gà lấy bữa cơm. Người bạn hết hồn, khuyên anh khoan về nhà, mà bà vợ nổi cơn tam bành lên, không khéo vợ chồng xô xát gây ra án mạng. Anh nông dân bảo rằng, chắc vợ anh cũng thấy việc làm của anh là có lý. Người bạn ức quá, đánh cá một con bò, nếu chị vợ mà không gây gổ, thì anh nông dân sẽ được một con bò, còn ngược lại, phải mất lại một con bò khác. Người bạn đi theo núp bên ngoài nghe cuộc đối thoại của vợ chồng anh nông dân.
Chị vợ hỏi anh, đã ăn gì chưa, đi đường có mệt lắm không, bò bán có được giá không? Anh đáp rằng đã ăn rồi, con bò không bán được mà trên đường về nó không chịu đi nên đã đổi con bò lấy con ngựa rồi. Chị vợ nói rằng, có con ngựa cũng tốt, nó sẽ kéo xe, giúp mình di chuyển mau chóng hơn. Anh chồng cho biết con ngựa không chịu cho anh cưỡi nên đã đổi lấy con heo nái. Chị vợ cũng tán thành ngay và còn dự trù con heo mùa sau sẽ sinh ra một bầy heo khác, rất có lợi. Anh chồng cho biết thêm, con heo cũng trở chứng không chịu đi nên đổi lấy một con dê cái. Chị vợ tiếp liền, là con dê cũng rất có lợi, từ nay mỗi sáng gia đình sẽ có sữa dê mà uống. Anh chồng lắc đầu và cho biết đã đổi con dê ương ngạnh lấy con gà trống lớn. Chị vợ anh nông phu tiếp rằng, có con gà cũng tốt, mỗi sáng nghe nó gáy cũng vui tai. Anh chồng bảo là buổi sáng ra đi không đem tiền theo, đói quá, đã vào quán đổi con gà lấy bữa cơm.

Nghe xong, chị vợ anh nông phu đến quàng hai tay, ôm vai chồng và nói rằng, anh làm như thế là phải. Lấy của che thân, chứ đừng lấy thân che của. Ði cả ngày mệt nhọc đói khát, không ăn chịu sao nổi. Em đã để sẵn khăn, múc sẵn nước, anh đi tắm cho khỏe."
...
Mai kết luận rằng: "Muốn được chồng thương cũng rất dễ, đừng bao giờ tranh hơn thua với chồng, việc gì đã lỡ, thì cho qua luôn, vui vẻ chấp nhận, và dịu dàng, nhường nhịn chồng là yếu tố căn bản để được chồng thương".

1.
Ngoài song thân ra, người tôi biết ơn nhiều nhất là vợ tôi. Ðời sống tôi có ý nghĩa hơn, sung sướng hơn, hạnh phúc hơn nhờ vợ khôn ngoan dịu dàng. Nhiều đêm thức giấc tôi nhẹ hôn lên mắt vợ, thầm so sánh tấm lòng hiền chân của vợ với trái tim của một vị nữ thánh. Phần nàng, thì luôn luôn: "Em chỉ muốn làm cái bóng nhỏ và âm thầm bên đời anh thôi".

Mai chưa hề đọc thánh kinh, nhưng nàng đã biết chọn chỗ ngồi thấp nhất để được nâng lên cao nhất trong lòng chồng con.

Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 28/Jun/2011 lúc 8:38pm

Nghiệp Chướng

 


Tôi gặp Tịnh hôm thứ bảy vừa qua ở chùa Quan Âm Thiền Viện , nhìn cái mặt buồn thiu , tôi nghĩ chắc lại chuyện người mẹ ghét bỏ cô , đúng là một chuyện đáng thương cho những người con có mẹ mà không sao kêu lên được tiếng mẹ ơi . Chúng tôi quen nhau khi cùng đứng ngắm tượng Phật Bà Quan Âm giữa sân chùa . Lúc đó nhìn thấy Tịnh đứng trầm ngâm như hồn vía lạc đi đâu , ánh mắt thật buồn . Còn tôi cũng đứng lâm râm khấn nguyện , chỉ cầu xin sức khỏe được tốt để cho con cháu nương nhờ được ngày nào hay ngày ấy , như nấu cơm dùm lúc con cái đi làm quá bận rộn , coi sóc các cháu dùm khi con cái phải đi công tác xa , cùng vài ba chuyện lặt vặt không đáng kể . Tôi sắp xếp công việc của mình nên cũng có thời gian để giúp con , giúp cháu . Tôi nói " chừng nào mẹ yếu thì thôi " . Mấy đứa nhỏ nhìn tôi cười tranh nhau nói " mẹ còn lâu mới yếu , mẹ sống trên cả trăm tuổi lận " . Tôi trợn mắt đùa " vậy là để tụi con "đì" mẹ chứ gì ? " .
Phải nói tôi là một "bà già" rất hiểu tâm tình tâm tư của mọi người chung quanh cuộc sống của mình , nên bỗng nhiên được mọi người trao cho mảnh bằng "nhà tâm lý học " ngang xương . Nếu ai mà hỏi sao hồi đó chị không đi học để lấy bằng cho rồi ", thì tôi bảo " shi` hụt có nửa điểm không thôi đã mở văn phòng từ lâu à nha " . Dí dõm rứa cũng khiến thiên hạ cười thật vui . Cho nên tôi được mệnh danh là " người mẹ vui vẻ ". Thật ra cũng có những lúc bực dọc , nhưng thiệt giống như lửa rơm , cháy nhanh mà dập tắt cũng lẹ . Cả cuộc đời chẳng hề giận hờn ai mà phải để trong bụng , cứ theo mình suy nghĩ , người giận mới là người thực sự đau khổ . Người làm cho mình giận thì họ đã khoái chí xong thì quên mất rồi , với lại khi giận khi nhìn vô gương thiệt là xấu xí , mười hai con giáp chả giống con nào cả , cho nên "ngu" sao mà giận hờn cho thiệt thân mình . Nói tôi vô tư , thì nhất định là sai , có lẽ dùng chữ hồn nhiên tôi thích hơn, bởi gặp bất cứ chuyện gì xảy ra thì trước tiên tôi hay tự nhủ " bình tỉnh ...bình tỉnh ". Chuyện gì ai cho to lớn mà gặp tôi là hóa nhỏ liền , rồi chuyện nhỏ thì hóa không mà hình như điều này tôi học từ những người mang tư tưởng bao dung yêu chuộng hòa bình .
Ái dà tôi lại đi một vòng chi mà xa xôi vạn lý khiếp luôn , bị tôi đang nói về nhân vật tên Tịnh đó mà . Tôi quen Tịnh hơn 10 năm rồi và cũng làm nhà phân tích tâm lý tư cho cô ta cũng ngần bằng ấy năm tôi quen biết . Những ngày lễ Vu Lan , đó là ngày báo hiếu cho cha mẹ . Tôi vẫn thấy Tịnh cài trên ngực một đóa hoa màu hồng , chứng tỏ cô ta còn mẹ nhưng khi tôi hỏi về mẹ của cô thì cô cứ bị nghẹn ngào . Chừng chúng tôi có độ thân thiết , thì cô ta hỏi tôi " chị có tin vào nghiệp chướng không ? " . Điều đó thì hẳn nhiên là tôi rất tin . Cô cho biết mẹ cô có rất nhiều con cái , nhưng cô là đứa con độc nhất bị ghét bỏ mà gần như là thù hằn . Nghe những câu chuyện cô kể thì tôi cũng khó hình dung sao mà có chuyện kỳ cục đến như thế ?. Cô tâm sự với nụ cười gần như muốn khóc ,khi nào những món ăn bị thiu không ai thèm ăn thì bà mẹ kêu Tịnh lấy về mà ăn ,rất nhiều bửa tiệc trong gia đình bà mẹ luôn đưa mắt theo dõi coi Tịnh ăn cái gì ,hể thấy cái nào ngon thì mang giấu đi , đồ bị chê thì kêu Tịnh ra điều vồn vã " ăn đi ...ăn đi " . Làm cho mọi người nhìn vô tưởng đâu Tịnh cũng được đối xử công bằng . Mới đây, trong một dịp gặp gỡ gia đình , bà chị dâu mang đồ ăn tới quá nhiều , lúc tan tiệc kêu gọi mọi người mang về dùm . Con cái ai lấy gì cũng được , bà mẹ chỉ cần nhìn thấy Tịnh đứng lên lấy là bà nhào tới dòm ngó kiếm chuyện liền ,đưa tay tém tém , túm túm làm cho Tịnh bị tổn thương , miếng ăn có đáng gì và Tịnh đâu có thiếu thốn .Tịnh cũng có phân trần , nhưng người trong gia đình cứ lấy cớ là mẹ già rồi hơi đâu mà để bụng . Người không đứng trong hoàn cảnh thì làm sao mà biết nỗi đau của người khác , nên Tịnh từ đó có chuyện gì cũng đành phải u uất để trong lòng.
Tịnh kể với tôi khi cả gia đình còn ở Việt Nam, lúc đó gia đình cũng rất khó khăn, chật vật .Nhưng Tịnh là một người rất biết tự trọng , cô bảo khi cô mang thai thì chồng bị bắt trong một chuyến vượt biên ,tiền bạc bị tiêu sạch cho cuộc ra đi đó . Tịnh may mắn còn có một cô bạn rất tốt bụng thường hay giúp đỡ . Cô bạn có một sạp hàng trong chợ , sáng nào Tịnh cũng ra chợ để phụ giúp người bạn buôn bán , tới trưa sau khi ăn cơm hàng cháo chợ xong thì Tịnh về nhà để ngủ trưa ,rồi chiều mới ra lại phụ bán hàng tiếp cho bạn . Sau khi dẹp hàng sạp Tịnh về luôn nhà bạn ăn cơm tối rồi mới về nhà . Có một buổi trưa Tịnh bảo ,đã muốn quên đi cho đỡ buồn tủi nhưng không sao quên được , câu chuyện như một cây gai đâm trong tim , cứ mỗi lần nhớ tới thì bị mũi gai lún sâu vào làm nhói buốt cả lòng ngực. Trời Sài Gòn hôm đó đã vào mùa hè nên thật là oi bức , Tịnh mang cái bụng bầu ì ạch từ chợ trở về , vừa thấy Tịnh bước vô nhà , bà mẹ đang ngủ trưa vội vùng đứng lên thật nhanh đi vào bếp mang nồi cơm trên bếp cất vội vào tủ rồi khóa bằng cái ổ khóa thật lớn . Tịnh nhìn thấy hành động của người mẹ thì đứng chết lặng cả người , nhìn gương mặt người đàn bà đã mang nặng đẻ đau mình ra giống như một con người nào thật vô cùng xa lạ . Cái miệng với đôi môi mỏng rít chặt , mím lại giống như một sợi chỉ , ánh mắt sòng sọc lên với những tia máu đỏ trong tròng mắt . Tịnh cảm thấy chới với gần như đầu gối muốn khụy xuống ,rồi run rẩy đi vào chiếc gường của mình , đưa tay tìm lấy một chiếc khăn lông tắm to trong vô thức trãi ra trên gối , Tịnh nằm nghiêng xuống để mặc cho hai hàng nước mắt cứ thế mà đổ tuôn như hai dòng suối tưởng chừng không bao giờ vơi đi .
Tôi bấy giờ nói với Tịnh " bất cứ điều gì thì mình nên tìm ra nguyên nhân của sự việc " . Tịnh kể vào lúc cô ta mới mười sáu tuổi . Ông già của Tịnh lúc đó có một cô bồ trẻ , chỉ hơn Tịnh 2 tuổi . Bỗng dưng không hiểu chuyện gì đã xảy ra , cô ta ngang nhiên tìm đến nhà . Thật xui hôm đó lại có bà già ở nhà . Người cha run sợ quýnh lên nói cô ta là bạn của Tịnh , và ông đã chận Tịnh ngay trước nhà khi cô vừa đi học về , ông nói " cứ nhận là bạn con rồi ba cho tiền đi sắm đồ " . Tuổi trẻ vô tư , không hề biết hậu quả về sau Tịnh nhận bừa để câu chuyện qua đi. Cho nên có thể đây là một nguyên nhân chăng?. Mẹ Tịnh mãi sau này mới khám phá ra cô ta là nhân tình của chồng mình , bởi thời gian đó bà đam mê bài bạc đâu thèm để ý vào những chuyện gì khác , đánh bạc nặng tay bị thua để mắc một món nợ lớn , ba Tịnh phải bán một căn nhà để trả nợ cho bà .
Thời thiếu nữ của Tịnh thiệt buồn , cha theo vợ bé , mẹ đi bài bạc . Tới khi nhà tan cửa nát , cô vợ bé nhỏ hơn tuổi con của mình lấy hết tiền của rồi đá đít ông già để cho ông thân tàn ma dại mới quay trở về gia đình . Bà mẹ bị con ma bài bạc xui khiến làm mất hết nhân cách , gặp ai cũng vay mượn để đi bài bạc cho đã cơn ghiền . Gia đình Tịnh suy sụp tới chín từng địa ngục thì sự may mắn vụt đến như một tia sáng le lói ở dưới đáy vực sâu . Người anh lớn gửi giấy tờ về bảo lãnh gia đình qua Mỹ . Lúc bấy giờ Tịnh đã về ở bên nhà chồng,thời gian đó chương trình những người con có gia đình đều bị loại ra khỏi danh sách . Mẹ Tịnh thật vui không sao che đậy được khi biết Tịnh vì có gia đình sẽ bị ở lại. Thì như một phép lạ đã xảy ra hay sự sửa đổi bộ luật vào đúng thời điểm , gia đình Tịnh được chính phủ Mỹ chấp thuận cho ra đi với hồ sơ riêng . Ngày được giấy tờ bảo lãnh , Tịnh mừng quá mang qua khoe với gia đình , thì đụng ngay gương mặt của bà mẹ cùng giọng nói rít qua hàm răng " còn lâu mới đi được " , hậm hực mỉa mai đủ điều ,nói những câu không tiếc lời mạ lị như dao vạch lên da thịt của con mình , gương mặt đỏ lên vì giận dữ như thể nói thẳng với Tịnh cùng với lời nguyền rũa " mày phải ở lại với địa ngục " , rồi gương mặt biến thành xanh xám , có vẻ hăm he sẽ sẳn sàng làm bất cứ điều gì miễn Tịnh phải ở lại địa ngục để chạy cơm chạy áo , bửa đói , bửa no mởi thỏa mãn lòng oán ghét trong bụng của bà .
Tới ngày gia đình và những người con còn độc thân lên đường , bà mẹ vẫn còn căm gan và không ngớt lời nguyền rũa tiếp những gì đen tối nhất sẽ mang lại cho Tịnh . Nhưng dầu bà có muốn thì cũng không nằm trong khả năng của bà mong đợi .Hai năm sau Tịnh và chồng con được ra đi về miền đất hứa . Ngày Tịnh đến chỉ có vài người trong gia đình ra đón vì biết bà không ưa nên cũng chìu theo ý của bà . Tịnh nhớ, vẫn là gương mặt lạnh lùng đanh lại khi Tịnh và chồng con vừa đến nơi . Tịnh quả thật đã quá mệt mỏi với những thái độ ghẻ lạnh của người mẹ , nên cứ giả đò như không nhìn thấy . Chưa được một tháng sống nương nhờ thì bà mẹ nói xiêng , nói xỏ , bất cứ chuyện gì trong gia đình đều trút lên Tịnh và mấy đứa con , còn bảo con của Tịnh là đồ âm binh có nghĩa là ma quỉ . Chồng Tịnh quá đau lòng và cũng may gặp lại bạn bè đi qua trước ,họ biết được hoàn cảnh cay đắng của gia đình Tịnh nên mang cả gia đình Tịnh về ở trong cái nhà chứa đồ cũng khá lớn ở phía sau vườn . Hai vợ chồng , hai đưa con chui rúc trong cái ổ chó vậy mà Tịnh cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng hơn khi phải đối diện người mẹ đẻ ra mình vẫn tánh nào tật nấy . Ở Mỹ vẫn tém tủm cất giấu đồ ăn không cho Tịnh và các con được ăn, chỉ cho ăn những đồ thừa dư ra .
Mấy chục năm qua , kể từ lúc bà mẹ khám phá ra sự bao che bất đắc dĩ cho người cha về chuyện cô nhân tình đến nhà bất ngờ , giữa Tịnh và bà mẹ vẫn như kẻ thù không đội trời chung . Sau này vợ chồng Tịnh có công ăn việc làm ổn định điều này cũng làm cho bà xốn mắt khó chịu hơn .Trong thâm tâm hình như bà chỉ muốn nhìn Tịnh phải nghèo khổ thì bà mới được vui . Tịnh nói có lẽ cho tới chết mới thôi .Tôi có xem một cuốn phim nói về câu chuyện tiền kiếp . Trong kiếp trước hai người phụ nữ dành một người đàn ông , trong một lúc nóng giận có một người đã bị đâm chết . Tái sinh trong kiếp hiện tại họ là hai mẹ con và đứa con bị đâm ở kiếp trước rất thù ghét người mẹ của mình . Người mẹ là người đàn bà lỡ tay đâm chết đối thủ cũng chính là đứa con của mình hôm nay . Bà mẹ đó đã yêu thương hy sinh hết lòng cho đứa con ,cũng giống như Tịnh đã làm hết mình trong khả năng để chìu lòng mẹ mình . Nhưng cũng không sao làm thay đổi cái nhìn của đứa con trong phim và cái nhìn của mẹ Tịnh ở ngoài đời .
Tôi rất thương Tịnh , coi cô như em , nên có chuyện gì buồn tôi đều lắng nghe và sẽ chia cùng cô em gái này . Tịnh cũng đồng ý với tôi về chuyện oan gia nghiệp chướng . Có lẽ kiếp trước Tịnh đã gây nên một lỗi lầm nào ghê gớm lắm , để cho tới kiếp này cái nghiệp chướng đó vẫn còn đeo đẳng mãi không tha . Ngày lễ Vu Lan đối với Tịnh lại càng thấy thật tội nghiệp còn hơn những người đã không còn mẹ trên đời ,vì tận đáy lòng cũng không thể nào giả dối để hát được những câu như ...lòng mẹ bao la như biển thái bình rạt rào ... Tịnh nói sao mà mỉa mai cho Tịnh quá . Tôi chỉ biết khuyên Tịnh hãy để mọi sự xuôi theo tự nhiên bởi những gì Tịnh làm hết sức vẫn không thay đổi được thành kiến đã quá sâu đậm ở cái nhìn nơi người mẹ .Mỗi ngày tuổi đời càng chồng chất , sự chịu đựng cũng có giới hạn . Chẳng lẽ cứ phải đối diện với nỗi đau hoài sao ? . Càng nghe chuyện của Tịnh tôi chỉ biết thở dài khuyên Tịnh "thôi người mẹ đã không thương , coi mình như kẻ thù thì không nên gặp mặt nữa ". Bởi tôi cứ thấy càng ngày vết thương của Tịnh cứ bị xé toạc ra mỗi khi đối diện với người mẹ của mình. Không biết tôi khuyên như vậy có đúng không ? Thật trong câu chuyện này tôi có giỏi đằng trời cũng không sao tìm ra một biện pháp nào ổn thỏa cho Tịnh ...
 


Mầu Hoa Khế
June 2011



Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 28/Jun/2011 lúc 8:43pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 30/Jun/2011 lúc 8:54am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22153
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 01/Jul/2011 lúc 8:53am
TẬP LÀM VĂN
 
 
Chuyện Có Thật
        









Đề: Em hãy phân tích câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn"
 Câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn cho ta thấy nước ta có nguồn nước rất dồi dào. Nước rất quan trọng trong đời sống chúng ta: cây cối cũng cần nước, ví dụ: đậu bắp, động vật cũng cần nước, ví dụ: trâu, bò, gà, vịt... Không có nước thì con người sẽ chết.
Câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn làm em liên tưởng đến câu tục ngữ "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" nghĩa là ăn quả rồi phải nhớ giữ lại hạt để trồng cây mới.
            
Đề: Hãy đặt câu có từ "đỡ đần".
Vì em chăm học nên em đỡ đần.
            
Đề: Tả một loại cây mà em biết.
Hàng ngày chúng em vui đùa dưới bóng cây khoai lang.
            
Đề: Em hãy kể lại câu truyện "Thánh Gióng".
Ngày xửa ngày xưa, đất nước ta sinh ra được một cậu bé Thánh Gióng trông rất là quái nhân vì đã 3 tuổi mà vẫn không biết nói biết cười. Đột nhiên một hôm giặc tới, Thánh Gióng nhảy tót lên mình ngựa, sau khi đã ăn một bữa cơm khủng khiếp với hàng thúng cà muối mặn mà vẫn không khát nước. Thánh Gióng đánh giặc xong không biết đường về nhà vì chưa ra khỏi nhà lần nào. Thánh Gióng không biết đi đâu về đâu nên đành phải bay lên trời.
            
Đề: Tả cảnh bình minh trên quê em.
Tờ mờ sáng một đám mây từ từ vén váy, một cục đỏ ối lồi ra, trên con đường làng thẳng tắp những hàng cây cỏ bợ, bà con tấp nập rủ nhau ra đồng...
            
Đề: Tả mái đình.
Hôm nay cô giáo cho chúng em về làng quê chơi, đầu làng có cái mái đình cong cong, khi chúng em đến mái đình rung rinh chào đón chúng em.
            
Đề: Tả vườn rau muống.
Nhà em có một vườn rau muống. Chiều chiều mẹ em lại bắc thang lên hái lá về nấu canh.
   
         
Đề: Tả chú bộ đội.
Cạnh nhà em có một chú là bộ đội. Năm nay chú đã 20 tuổi đời. Chú luôn đeo súng ngắn bên mình, mỗi khi ngồi xuống, khẩu súng của chú lại chìa ra trông rất oai hùng.
       
     
Đề: Em hãy giải thích câu tục ngữ "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh".
Câu tục ngữ nói lên sự dã man của bọn giặc cướp, khi đã tràn vào làng mạc, nhà cửa thì không cứ đàn ông, mà cả đàn bà, trẻ em chúng cũng đánh đập, hành hạ. Câu tục ngữ trên nhằm kêu gọi nhân dân đánh đuổi quân giặc xâm lược.
            
Đề: Hãy phân tích bài ca dao: "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa".
Đây là cảnh làm nông của một gia đình khá giả. Họ có ít nhất ba thửa ruộng. Một thửa ruộng do chồng cày, một thửa thì vợ đang cấy và một ruộng đang bừa. Họ có ít nhất hai con trâu. Một con đi cày, một con đi bừa.
            
Đề: Tả chú thương binh.
Gần nhà em có một chú thương binh, chú đã bị thương 2 lần. Một lần ở Buôn Mê Thuột và một lần ở đùi.
            
Đề: Tả cây hoa hướng dương.
Hôm nay em đi học về nhặt được một hạt hướng dương. Em cho nó vào chậu, sau nó mọc một cây như chiếc đũa. Em chăm bón nó và nó nở một bông hoa như cái nắp ấm. Sau đó hoa rụng hết cánh, em lấy hạt vào rang ăn.
            
Đề: Bình luận câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn".
Uống nước nhớ nguồn là khuyên chúng ta phải nên tiết kiệm nước, khi tắm phải từ từ, không được xối ào ào...
            
Đề: Tả cây đàn bầu.
Đàn bầu là đàn có một dây. Dây bầu nằm trong ruột bầu, ruột bầu để mẹ em nấu canh chua.
            
Đề: Tả con đường làng.
Xa xa con đường có bác nông dân tay dắt cày, vai vác trâu đang từ từ tiến về đầu làng.
            
Đề: Tả ông nội.
Nhà em có nuôi một ông nội. Năm nay ông 70 tuổi. Ông nội em ăn rất khoẻ, lại còn biết trông nhà.
            
Đề: Tả bác hàng xóm.
Bên cạnh nhà em có bác tên là Sẵn, ngày ngày bác ra đồng đi cày ruộng, con trâu đi trước bác đi theo sau. Mỗi lần bác kêu tắc tắc là con trâu lại đi qua bên phải qua bên trái trông thật vui mắt. Khi bác đưa cây roi lên đánh vào mông chú trâu thì ếch nhái hai bên bờ ruộng kêu inh ỏi.
            
Đề: Tả công viên.
Gần nhà em có một cái công viên. Buổi sáng hay có các cụ già đi bộ tập thể dục. Buổi trưa hay có các bác xe ôm đỗ xe ngủ. Buổi tối hay có các cô chú ngồi ôm nhau.
            
Đề: Tả một loại cây mà em biết.
Nhà bà ngoại em có trồng một cây dưa hấu. Lá cây xanh thẫm diệu kỳ. Thân cây rất to, 5 người ôm không xuể.
            
Đề: Tả chú gà trống.
Nhà em có nuôi một chú gà trống. Chú khoác trên mình bộ váy sặc sỡ. Sáng nào chú cũng dậy sớm chạy ra sân và kêu cục ta cục tác để dụ đám gà mái. Em rất yêu quý chú vì hàng ngày chú đều đẻ trứng cho mẹ em đi chợ
bán.



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 01/Jul/2011 lúc 9:06am
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2011 lúc 11:49am
TÌNH XƯA NGHĨA CŨ
 
Tác Giả: Phó Tế Nguyễn Mạnh San   
Thứ Hai, 04 Tháng 7 Năm 2011 05:29

Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San trong cuối thập niên 1970s và đầu 1980s làm thêm nhiệm vụ đón tị nạn từ các trại tị nạn Đông Nam Á tới Oklahoma.

(LTS: Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San vừa xuất bản Tuyển Tập Pháp Luật Hoa Kỳ Thực Dụng, gồm nhiều bài viết do tác giả kể lại những kinh nghiệm và cảm xúc trong nhiệm vụ của một chuyên gia luật pháp tại Tòa Án Liên Bang Oklahoma và cũng là một tuyên úy mục vụ trại giam. Các bài trong Tuyển Tập trích đăng nơi đây sẽ giúp thêm kiến thức pháp luật cần thiết trong đời sống tại Hoa Kỳ. Trân trọng cảm ơn Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San.)
 
TWA%20Terminal%20at%20Kennedy%20Airport%20in%201965 
 
Chắc hẳn những người Việt Nam chúng ta cho đến giờ phút này, có rất nhiều người không thể quên được cuộc di tản không tiền khoáng hậu, vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975 của mấy trăm ngàn người Việt, đã phải rời bỏ quê hương yêu dấu của mình được phép đến Hoa Kỳ theo diện tỵ nạn cộng sản và tiếp theo những ngày tháng năm sau đó, có hàng vạn người tiếp tục bỏ nước ra đi, vượt biên bằng những chiếc thuyền nhỏ mong manh trên biển cả hoặc bằng đường bộ, để hy vọng sẽ đến được bến bờ tự do Hoa Kỳ. Cũng chính vì lý do bất khả kháng phải rời bỏ quê hương yêu dấu của người Việt Nam chúng ta, ra đi không hẹn ngày về này mà đã có hàng ngàn người đã phải bỏ mạng trên biển cả, hoặc nhiều đàn bà và con gái bị hải tặc hãm hiếp bất kể tuổi tác, rồi kể cả những người đã may mắn đến được bến bờ tự do Hoa Kỳ, cũng phải chịu đựng biết bao nhiêu hoàn cảnh ngang trái, éo le, vui buồn lẫn lộn: Vui vì đã tìm được sự tự do trên xứ người, buồn vì phải xa lìa những người thân yêu nhất đời của mình như cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột thịt, họ hàng xa gần và bạn bè thân thiết, tưởng chừng như muôn đời sẽ không còn được gặp lại mặt nhau nữa, nên có một số người trở thành mồ côi cha mẹ, mất vợ hay mất chồng, phải sống trong trạng thái cô đơn, và vì xa mặt cách lòng nên đã dẫn đưa đến một số thảm cảnh khó xử: Người có chồng còn bị kẹt lại ở Việt Nam sẵn sàng chấp nối với người có vợ còn đang bị kẹt lại ở Việt Nam vì không biết đến ngày nào mới được đoàn tụ với nhau tại Hoa Kỳ.

Có một số những trường hợp, những người cựu quân nhân QLVNCH khi còn ở trong các trại tỵ nạn không dám khai thật trên giấy tờ với cơ quan di trú, là mình đã có vợ con còn đang ở Việt Nam vì sợ khai sự thật có thể sẽ làm liên lụy đến người ở lại nên đành phải khai dối là độc thân. Nhưng sau hơn 33 năm, những người Việt thuộc đợt di tản đầu tiên hay những người vượt biên đến Hoa Kỳ đã được trên dưới 20 năm, thì hầu hết đã trở thành người Mỹ gốc Việt, nghĩa là đã nhập tịch cả rồi, và những cặp vợ chồng vì hoàn cảnh ngoài ý muốn của họ đã đưa họ đến cuộc sống vợ chồng chắp nối mà chúng tôi vừa nêu ở trên, thì ngay sau khi có chương trình đoàn tụ gia đình dành cho những người Việt tỵ nạn, có những cặp vợ chồng sống trong tình trạng chắp nối này, đã tự giải quyết tình trạng của mình một cách ổn thoả tốt đẹp, có nghĩa là cả 2 bên đều đồng ý chia tay nhau, để mỗi bên được tự do tiến hành thủ tục nạp đơn với cơ quan di trú Hoa Kỳ, xin bảo trợ chồng con hoặc vợ con còn đang bị kẹt lại tại quê nhà.

Cho đến ngày hôm nay, theo tin tức cho chúng tôi biết, vẫn còn một số trường hợp vợ chồng chung sống với nhau trong hoàn cảnh chắp nối, nhưng họ chưa muốn chia tay nhau để mỗi bên được tự do bảo trợ cho chồng con hay vợ con đang còn sống tại quê nhà vì nhiều lý do tình cảm tế nhị, không tiện nói ra đây. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp này, họ rầt muốn giải quyết tình trạng chắp nối, mặc dù đã sống chung với nhau trong nhiều năm qua, nhưng vì cả hai bên đều sợ bị liên lụy đến pháp luật, nhất là đối với cơ quan Di Trú Hoa Kỳ nên đôi bên không dám xúc tiến giải quyết vấn đề này. Sau đây chúng tôi xin trình bày cùng đọc giả một câu chuyện có liên hệ đến pháp luật, đã xảy ra cách đây nhiều năm, với mục đích duy nhất của chúng tôi là xin góp ý kiến cho những cặp vợ chồng chắp nối nào ở Hoa Kỳ và hiện nay người bạn đầu đời của mình cùng với các con của mình vẫn còn bị kẹt lại tại quê nhà, mà những cặp vợ chồng này thực sự rất muốn chia tay nhau từ lâu, để mỗi bên được quyền tự do quyết định nạp đơn bảo trợ cho những người thân yêu nhất đời của mình, thì vẫn còn chưa muộn; đồng thời cũng là một dịp ngàn năm một thuở cho mình được thể hiện câu: “Tình Xưa Nghĩa Cũ” và nhắc nhở lại lời thề hứa năm xưa: “Thương Hoài Ngàn Năm” lúc ban đầu hai người yêu nhau.

Thật sự, như chúng ta thường biết, khi một sự việc xảy ra về mặt tình cảm, nhiều khi không còn có cách gì có thể giải quyết được sự éo le ngang trái của những người trong cuộc gây ra. Nhưng nếu chúng ta đem áp dụng những nguyên tắc pháp lý để giải quyết vấn đề tình cảm, thì hầu như mọi vấn đề khó khăn thế mấy của vấn đề, đều có thể giải quyết được, miễn là những nhân vật chủ yếu trong cuộc phải hy sinh chấp nhận một ít hay nhiều sự thiệt thòi về phần mình. Có như thế mọi rắc rối khó khăn của vấn đề tình cảm sẽ được giải quyết một cách ổn thoả cho người ở thế chủ động cũng như cho người ở thế thụ động. Một trường hợp xảy ra có nội dung tương tự như nhiều trường hợp khác, đã được giải quyết một cách tốt đẹp trong nhiều năm qua mà chúng tôi trực tiếp cũng như gián tiếp đã thu thập được từ những nhân vật chủ yếu trong câu chuyện, để xin được kể lại câu chuyện này cùng quý đọc giả và quý vị sẽ nhận xét thấy vấn đề pháp lý trong câu chuyện tình cảm này sẽ được giải quyết như thế nào, và trực tiếp giúp cho 2 người c
hủ yếu trong cuộc sẽ không còn bị cắn rứt trong lương tâm về vấn đề tình cảm riêng tư của mỗi người như sau:

Ông Tư là một cựu công chức trung cấp của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, đã được một trực thăng Hoa Kỳ đưa lên hạm đội 7 đang đậu ngoài khơi hải phận quốc tế vào những giờ phút chót trước khi nước mất. Ông ra đi bỏ lại Việt Nam vợ và 4 con dưới tuổi vị thành niên. Khi sang tới Hoa Kỳ, nhờ trước kia ông đã được chính phủ gửi đi tu nghiệp nhiều lần tại đây nên ông được một cơ quan tư nhân thâu dụng ông vào làm việc theo đúng ngành mà ông đã học trước kia. Sau gần 3 năm làm việc miệt mài chăm chỉ cho quên thời gian tẻ lạnh, để tâm tư ông vơi đi một phần nào nỗi nhớ vợ nhớ các con, cuộc sống của ông gần giống như một nhà tu hành tại gia, sáng xách ô đi tối xách ô về. Suốt trong thời gian này, ông không kề quen biết một người đàn bà nào khác. Những lúc đêm khuya thanh vắng, tuyết rơi lạnh lẽo về mùa đông, ông lại đem hình ảnh người vợ xinh tươi chụp chung với 4 đứa con yêu dấu của ông ra nhìn ngắm, để hồi tưởng lại những kỷ niệm hạnh phúc êm đềm xưa kia, làm sưởi ấm một phần nào cõi lòng cô quạnh của ông trong căn phòng đơn độc nơi xứ lạ quê người. Nhiều lúc ông nhìn ngắm hình ảnh vợ con trong tấm hình, làm ông động lòng thương xót mắt nhoà lệ, không còn thấy gì nữa trên tấm hình mà chỉ còn nghe thấy tiếng lòng mình thổn thức, ngậm ngùi nuốt những giọt nước mắt từ từ lăn trên đôi má xuống đôi môi ông. Nhưng người ta vẫn thường nói thời gian là liều thuốc thần tiên, quả thật đúng như vậy, chuyện gì phải đến thì cũng sẽ đến, có lúc buồn thì cũng phải có lúc vui và chỉ có thời gian mới có thể chứng minh được lòng mình.

Vào một hôm trời nắng ấm, ông Tư tình cờ gặp lại một nữ cộng sự viên duyên dáng trước kia làm việc chung một cơ quan với ông tại Việt Nam. Cô tỏ ra rất vui mừng được gặp lại ông và kể lại cho ông nghe chuyện gia đình của cô, chồng cô là một cựu sĩ quan pháo binh trong QLVNCH, nên sau một thời gian ngắn bị cầm tù ở miền Nam, thì bị đưa ra ngoài Bắc tiếp tục ở tù và không biết đến bao giờ chồng của cô mới được thả ra về, nên cô cùng 2 con đã tìm đủ mọi cách vượt biên để sang được tới đây. Rồi thoạt tiên trong tình bạn đồng nghiệp cũ, hai người thường đi lại thăm hỏi nhau, coi như bạn và chỉ trao đổi với nhau qua những câu chuyện bâng quơ cho vui, thỉnh thoảng ông lại tình nguyện đưa đón 2 con của cô đi shopping riêng với ông, giúp cho ông có cảm giác như ông đang dẫn con của ông đi chơi với ông. Trong thời gian hai người gặp lại nhau thắm thoát trôi qua mau, tưởng chừng như một cơn gió thoảng, nhất là trong lòng ôngTư bị nguội lạnh từ nhiều năm qua, nay chạm phải luồng điện ái tình làm hâm nóng lòng băng giá của ông lại. Do đó, hai người đã phải lòng nhau như câu “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lòng biết thuở nào ra” và không đầy một năm sau, cô bạn đồng nghiệp của ông đã cho ra đời một cậu bé kháu khỉnh giống hệt ông như 2 giọt nước. Thế rồi đi xa hơn nữa, hai người đã dẫn nhau đến toà án địa phương để cùng nhau ký giấy giá thú chính thức thành vợ chồng…

Cuộc sống êm đềm của đôi uyên ương chắp nối này đang đi đến độ nồng thắm tuyệt đỉnh của tình ái, là cô sắp sửa tặng thêm cho ông Tư một công chúa xinh tươi nữa, thì ông lại nhận được một điện tín khẩn cấp của vợ ông gửi cho người bạn ông ở Pháp từ Việt Nam qua, báo tin cho ông biết là thằng con trai đầu lòng của ông 15 tuổi, bị đưa đi làm lao động công trường đã chết vì bệnh sốt rét. Tin này như một tia sét đánh trúng vào con tim ông, làm lương tâm ông hồi tỉnh lại, tự thú nhận với lòng mình là từ bấy lâu nay ông đã phạm một lỗi lầm quá lớn đối với vợ con ông ở quê nhà. Vì quá mãi mê vui thú bên người vợ chắp nối này mà ông đã quên hết tình xưa nghĩa cũ với người bạn đời ban đầu của mình, quên tất cả những lời thề hứa sẽ trung thành suốt đời mình với người vợ trong nghi thức thành hôn tại Nhà Thờ, quên cả trách nhiệm và bổn phận làm người cha đối với 4 đứa con còn thơ dại. Mặc dù nhiều lần vợ và đứa con lớn, đều viết thư hối thúc ông hãy làm giấy bảo lãnh cho vợ và các con sang đoàn tụ với ông ở bên này, nhưng ông vẫn đánh ván bài tảng lờ như không biết gì hết. Theo giải thích của ông cho biết, sở dĩ ông phải đánh ván bài tảng lờ như thế là vì 2 lý do: Điều thứ nhất, khi ông tới Hoa Kỳ, ông đã khai báo với nhân viên sở di trú là ông còn độc thân. Lúc đó ông nghĩ rằng khi khai như vậy sẽ tránh cho vợ con ông còn kẹt lại quê nhà không bị chính quyền cộng sản hạch hỏi và gây khó khăn vì có chồng đi vượt biên, hơn nữa chồng lại là một công chức trung cấp cho chính phủ VNCH hiện đang tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Điều thứ hai ông đã lập giá thú với người vợ chắp nối tại đây, ông nghĩ rằng nếu ông nạp giấy tờ bảo trợ cho vợ và 4 con với sở di trú, thì ông sẽ bị truy tố ra toà về 2 tội phạm: Tội thứ nhất là tội song hôn có chứng cớ hiển nhiên qua 2 tờ hôn thú. Tội thứ hai là khai man trá tình trạng độc thân qua lời tuyên thệ trước mặt nhân viên chính quyền của sở di trú Hoa Kỳ, là cơ quan có quyền tài phán. Qua những lời giải thích về sự việc diễn tiến trên đây của ông Tư, chúng ta nhận thấy ông đã viện dẫn những lý lẽ để biện minh cho hành động của ông đối với vấn đề này một cách quá chủ quan, không vững chắc, chỉ được căn cứ vào sự hiểu biết thông thường của riêng ông, vì ông thiếu sự hướng dẫn chuyên môn về Pháp Luật Hoa Kỳ thuộc loại pháp luật đa dạng và phức tạp nhất trên thế giới hiện nay. Như chúng tôi đã trình bày ở phần đầu, là giải quyết một vấn đề tình cảm thì rất khó khăn, nhiều khi phải bó tay đầu hàng, không tìm ra lối thoát và đành phải chờ đợi phép lạ mầu nhiệm của Thượng Đế ban ơn xuống thì mới giải quyết được. Nhưng ngược lại, để giải quyết một sự việc bằng pháp lý, thì sự việc đó dù khó khăn đến đâu đi chăng nữa, vẫn có thể giải quyết được, miễn là chúng ta được hướng dẫn về pháp luật một cách chính xác tường tận. Nên nhớ rằng chúng ta đều là những người phải rời bỏ quê hương theo diện tỵ nạn cộng sản, sang đây trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, không có thời gian để chuẩn bị tư tưởng cũng như vật chất nên mọi điều sai lầm của chúng ta trên giấy tờ, qua những lời khai không đúng sự thật với cơ quan di trú, đều có thể xin điều chỉnh lại cho đúng thực trạng, tuỳ theo từng trường hợp của mỗi cá nhân qua nhân chứng, qua những giấy khai sinh, giấy rửa tội, giấy hôn thú hay bằng những lời khai hết sức thành thật và hợp lý của chúng ta.

Trong trường hợp của ông Tư trên đây, là ông vẫn muốn bảo trợ vợ và 3 con sang đây theo diện đoàn tụ gia đình, mà ông vẫn không bị liên lụy đến pháp luật như ông đã nghĩ. Sau khi biết đích thực ông Tư thật tâm muốn bảo trợ cho vợ và các con sang đây đoàn tụ gia đình với ông, dù ông đang ở trong một tình trạng khó xử với người vợ chắp nối và sắp sửa có thêm 1 con nữa với người vợ này. Nhưng tình xưa nghĩa cũ với người vợ ban đầu đã sống lại trong con tim của ông, hình ảnh một người vợ hiền thục, duyên dáng, nết na, đảm đang đã chung sống với ông hơn 12 năm trước ngày mất nước, nhất là trải qua nhiều năm xa cách nhau, biết bao nhiêu sự đổi thay chua xót ở quê nhà mà vợ ông vẫn giữ một lòng chung thủy với ông, lòng hy sinh, tận tụy làm việc cực nhọc mỗi ngày của vợ ông để nuôi dưỡng 4 đứa con thơ dại thay cho ông, với niềm hy vọng duy nhất là sẽ có ngày được đoàn tụ với ông. Hơn thế nữa, đứa con trai đầu lòng của ông là biểu tượng của biết bao kỷ niệm êm đẹp cho mối tình đầu của vợ chồng ông, thì nay nó đã chết. 

Sự ra đi vĩnh viễn của nó làm thức tỉnh con tim ông, ông rất hối hận và ăn năn về những hành động sai quấy của mình đối với vợ con từ bấy lâu nay, càng nghĩ về vợ con ông đang sống thiếu thốn cơ cực ở quê nhà bao nhiêu, thì lương tâm ông lại càng bị dày vò cắn rứt bấy nhiêu, vì trong tiềm thức ông lúc này cho ông biết ông là kẻ chủ mưu phản bội người vợ chung thuỷ của ông và là người cha vô lương tâm vô trách nhiệm với con cái. Nay ông muốn làm tất cả những gì mà ông có thể làm được, để đem được vợ con sang đây, hầu có thể đền bù lại một phần nào những lỗi lầm mà ông đã phạm đối với vợ con ông.

Chúng ta vẫn thường suy luận và cùng đồng một quan điểm với nhau rằng, nếu một người nào đó trong chúng ta đã làm những điều lầm lỗi và người đó đã tự thú trong lòng, là chính mình đã làm những điều lỗi lầm đó và hứa với lòng mình là sẽ không bao giờ tái phạm những lỗi lầm đó nữa, thì những lỗi lầm đó sẽ được tha thứ và người đó sẽ trở thành kẻ đáng thương hơn đáng trách. Chúng ta có thể coi ông Tư cũng nằm trong trường hợp của một người đáng thương hơn đáng trách và ông Tư đã đến gặp chúng tôi để yêu cầu được hướng dẫn về mặt pháp lý đối với cơ quan di trú, để ông tiến hành thủ tục bảo trợ cho vợ con ông sang đây theo diện đoàn tụ gia đình như sau:

1. Tiến hành thủ tục xin ly dị người vợ chắp nối tại toà án địa phương nơi cư ngụ. Trước khi tiến hành thủ tục, ông Tư cần lựa lời giải thích cho bà ta biết rõ lý do tại sao ông phải ly dị bà ta và cần phải bày tỏ lập trường vững chắc của ông, là toà án lương tâm của ông không thể cho phép ông tiếp tục làm ngơ vấn đề bảo trợ người vợ đầu tiên và các con của ông đang chờ đợi ông từng ngày từng giờ từng phút từ Việt Nam. Thuyết phục bà nên hiểu rằng, dù ông có ly dị bà ta nhưng bổn phận thiêng liêng cao cả và trách nhiệm pháp lý của ông đối với đứa con hơn 1 tuổi và đứa con sắp trào đời của ông với bà ta, cũng như 2 đứa con riêng của bà ta vẫn không có gì thay đổi, ông hứa sẽ luôn luôn chu toàn săn sóc chúng nó về vật chất cũng như về tinh thần.

2. Ông nên nói cho bà ta biết, dù bà còn hay không còn thương yêu người chồng cũ của bà nữa, nhưng bà hãy nghĩ đến 2 đứa con riêng của bà với ông ta, hai đứa nhỏ hoàn toàn vô tội, không vì một lý do gì mà bà nỡ để chúng nó mồ côi cha. Sau này chúng khôn lớn, chúng sẽ oán hận mẹ nó là đã phản bội cha chúng nó. Như vậy việc ly dị sẽ giúp ích cho cả 2 người: Bà ta sẽ dễ dàng nạp đơn bảo lãnh cho chồng của bà, còn ông sẽ bảo lãnh cho vợ và các con của ông.

3. Trong trường hợp bà ta bằng lòng ly dị ông, ông chỉ cần nhờ một luật sư (tốn khoảng từ $150 đến $300) để thảo ra một thoả ước hỗ tương, ông bằng lòng sang nhượng những gì của ông mà bà ta đòi hỏi, dành quyền người mẹ nuôi dưỡng 2 đứa con của ông cho bà ta, ghi rõ số tiền ông phải cấp dưỡng hàng tháng cho bà ta để nuôi 2 đứa con cho đến tuổi trưởng thành, ghi rõ quyền đến đón 2 đứa con về với ông cuối tuần là bao nhiêu lần của mỗi tháng. Ông có thể đưa bản thoả ước này cho bà ta ký tên và có thị thực chữ ký, hoặc ông có thể đưa bà ta đến văn phòng luật sư của ông để ký tên. Tuỳ theo luật lệ của mỗi Tiểu Bang, sau khi luật sư đệ nạp hồ sơ xin ly dị tại toà, thông thường phải chờ đợi tối thiểu từ 6 tuần trở lên mới nhận được bản án ly dị.

4. Trong trường hợp bà ta không chịu ly dị ông, ông vẫn có thể nhờ luật sư tiến hành thủ tục ly dị bà ta tại toà mà không cần có sự ưng thuận của bà ta. Như vậy thời gian để nhận được bản án ly dị sẽ kéo dài lâu hơn, vì cả hai bên sẽ phải đối chất nhau trước phiên toà xử, và có thể phải chờ đợi từ 3 cho đến 6 tháng mới nhận được bản án ly dị. Lẽ dĩ nhiên bà ta sẽ được quyền nuôi con và ông phải cấp dưỡng tiền hàng tháng cho bà ta nuôi 2 đứa con của ông (Child support), có thể ông phải cấp dưỡng tiền thêm cho 2 đứa con riêng vẫn còn dưới tuổi vị thành niên của bà ta. Vì khi ông ký giấy giá thú với bà ta, là mặc nhiên ông đã chấp nhận chúng nó làm con nuôi của ông, vì khi đó chúng nó vẫn còn dưới tuổi vị thành niên, nhưng ông không phải cấp dưỡng tiền cho bà ta (Alimony) vì bà ta đang đi làm việc có lợi tức cao.

5. Khi đã nắm trong tay bản án ly dị, tức nhiên tình trạng gia đình của ông trở lại như cũ, ông đến sở di trú ngoại kiều tại địa phương để tiến hành thủ tục bảo trợ cho vợ và 3 con của ông. Trong đơn bảo trợ phải kèm theo giấy hôn thú và giấy khai sanh của các con, kèm theo bản dịch các giấy tờ này từ tiếng Việt sang tiếng Mỹ. Vì lời khai man là độc thân trước đây của ông nên sở di trú trước khi chấp thuận đơn xin bảo trợ, ông có thể nhận được thư của sở di trú mời ông đến phỏng vấn, để nghe ông giải thích về sự sai lệch này. Ông cứ khai hết tất cả sự thật, là lúc đó ông sợ vợ con ông ở Việt Nam sẽ bị liên lụy vì chức vụ của ông thuộc thành phần công chức tín nhiệm trong chính phủ VNCH trước ngày mất nước. Nên hiểu rằng luật di trú Hoa Kỳ đôi khi được thi hành một cách linh động tuỳ theo từng trường hợp đặc biệt, nó bao hàm tính chất chính trị nhiều hơn là áp dụng biện pháp chế tài theo luật hình sự. Do đó, vấn đề khai sự thật của ông sẽ được nhân viên hữu trách sở di trú xét như một trường hợp đặc biệt về sự sai lầm của ông, miễn là trong tay ông không còn có 2 tờ giá thú bị coi là phạm tội song hôn (bigamy) và lời khai gian độc thân trước kia của ông sẽ được điều chỉnh lại thành có vợ, để ông hội đủ điều kiện nạp đơn xin bảo trợ cho vợ và các con của ông từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đoàn tụ gia đình.

Đúng như sự dự đoán của chúng tôi đã cố vấn cho ông Tư về vấn đề vừa nêu trên, ông đã thuyết phục được người vợ chắp nối này, để bằng lòng ly dị ông theo tất cả những điều kiện được vị luật sư ghi trong tờ thoả ước do ông đề nghị. Ông cũng không gặp một trở ngại nào với sở di trú trong việc xin điều chỉnh tình trạng và nạp đơn bảo trợ cho vợ con của ông. Điều đáng mừng hơn nữa, là chúng tôi được biết vợ và 3 người con của ông đã được đoàn tụ với ông tại Hoa Kỳ và hiện nay 2 trong 3 người con của ông, một người trở thành nha sĩ và một người đã trở thành dược sĩ; còn mối liên hệ tình cảm giữa ông và người vợ chắp nối hiện nay ra sao, thì hoàn toàn chúng tôi không biết rõ. Sở dĩ chúng tôi kể lại câu chuyện cũ này đã xảy ra cách đây hơn 15 năm, là vì mới khoảng hơn 2 tháng trước đây, có 2 trường hợp nội dung cũng tương tự như trường hợp của ông Tư trong câu chuyện trên đây, đã gọi điện cho chúng tôi từ Tiểu Bang California và Texas yêu cầu được tư vấn về vấn đề này. Trước khi xin được kết thúc đề tài mang tính chất vừa tình cảm lẫn pháp lý này, chúng tôi cầu mong sao, nếu còn có những trường hợp tương tự như trường hợp của ông Tư trong câu chuyện kể trên, thì sớm đưọc điều chỉnh lại tình trạng và được đôi bên giải quyết một cách công bằng ổn thoả, để cho những người vợ hiền chung thuỷ, những người chồng gương mẫu, những người cha biết thương yêu con cái và những đứa con thơ dại, mau sớm được sum họp gia đình tại nơi phần đất tự do này. 

Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 12/Jul/2011 lúc 8:38am

Cánh Chim Cuối Trời


    
     
      Đức chúc mũi phi cơ nhắm mục tiêu, bấm nút thả trái bom cuối cùng. Ánh lửa loé sáng và đất cát cày lên bụi mù. Nhẹ nhàng nhấc bổng thân tàu, Đức quay mũi chiếc chiến đấu cơ ra biển, bỏ lại  đàng sau đất nước Iraq đang mịt mù khói lửa.

      Trời trong và xanh, chiếc hàng không mẫu hạm bên dưới nhỏ như chiếc lá im lìm trên mặt nước. Đức hạ dần cao độ, đổi hướng bay ngược với chiều gió, nhắm sàn tàu lao xuống. Khi chiếc hook sau lái phi cơ móc được sợi dây cable giăng ngang trên sàn tàu, và phi cơ rùng mình ngừng hẳn lại, Đức mới thở ra một hơi thật dài:
      -     Mission accomplished! Không biết đây là lần thứ bao nhiêu rồi.
 
     
      Ra khỏi phòng hành quân sau khi tường trình về phi vụ của mình, Đức húyt sáo nho nhỏ, lách mình qua những hành lang chật hẹp trở về phòng ngủ dành cho mình và một người bạn đồng ngũ. Henry vẫn còn đang nằm trên giường đọc sách, chắc là chờ tới phiên bay đêm. Đức mặc nguyên áo bay, ném mình xuống giường:
      -     Hi Henry. Mày khoẻ chứ?
      Henry ngồi thẳng dậy:
      -     Hi Doug. Tao bình thường. Còn mày, mệt hả?
      -     Ừ. Bây giờ tao cần ngủ nguyên một ngày!
      Henry nhoẻn miệng cười:
      -     OK. À, có một lá thư cho mày để trên bàn viết đó.
      -     Thư cho tao? Tao đâu có …
      -     Thực ra thì tên phát thư đưa cho tao lá thư của học trò một trường trung học viết gửi lính tráng đang ở ngoài mặt trận nhân dịp cuối năm. Tao thấy tên người gửi hình như là người Việt nên tao dành cho mày.
      -     Thế à? Thôi, cứ để đấy. Bây giờ tao ngủ đây.

      Đức nhắm mắt, giấc ngủ tới dần, người Đức lâng lâng như đang cùng phi cơ bay bổng trên trời, nhưng  bỗng dưng Đức giật mình ngồi bật dậy vì trong giấc mơ Đức thấy phi cơ do mình lái lao vào một đám cháy, và nổ tung. Đức ôm ngực hồi hộp. Chỉ là một giấc mơ thế nhưng trái tim vẫn còn như đập liên hồi. Đức đứng dậy thay quần áo, bước vào phòng tắm, bỏ hẳn ý định ngủ thêm một giấc miệt mài.

  
      Nước lạnh làm Đức tỉnh táo hẳn. Ngồi xuống bàn viết, Đức với tay cầm lấy lá thư, nhủ thầm:
      -     Người gửi là Loan Nguyễn! Chắc chắn là Việt Nam rồi.

      Đức mỉm cười, xé cạnh phong bì, lôi tờ giấy hình như từ một tập note book, đưa mắt đọc thoáng qua. Cũng không có gì đặc biệt, chỉ là những lời thăm hỏi bình thường của một học sinh năm cuối của một trường trung học tham dự phong trào viết ra tiền tuyến để cám ơn những người đang bảo vệ tự do cho đất nước, nhưng cuối thư cô gái ghi lại địa chỉ của mình, và một dòng tái bút:

      “Cha tôi một thời cũng từng là quân nhân của Việt Nam Cộng Hoà. Sau cuộc chiến, chúng tôi được đất nước này đón nhận, và cho chúng tôi đã có một đời sống yên lành. Chúng tôi biết ơn Hoa Kỳ, và xin cám ơn những người lính như anh”.

      Những dòng chữ hình như viết với chân tình chứ không phải là khách sáo khiến Đức nghĩ ngợi vẩn vơ. Cha Đức cũng là cựu quân nhân của VNCH, năm 1975 theo đoàn người di tản qua đất này, nhưng lúc nào cũng mong một ngày về vinh quang, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Đức lớn lên tại nơi này, và ngày tốt nghiệp trung học, được nhận vào University Of California at San Diego và Naval Academy tại Annapolis, Đức đã băn khoăn không biết là nên theo học USD để được ở gần nhà hay chọn binh nghiệp theo bước chân của cha ngày xưa. Ông Nhân, cha Đức, không ép uổng con trở thành bác sĩ, nha sĩ hay luật sư như đa số các gia đình VN, nên để mặc cho con lựa chọn, tuy nhiên ông khuyên Đức là lúc nào cũng nên nhớ ơn đất nước đã cưu mang gia đình mình trong cơn hoạn nạn, và nếu phải hy sinh cho quốc gia này thì cũng nên. Đức chọn binh nghiệp vì những lời tâm tình của cha, và cũng vì muốn bay bổng ở những chân trời xa lạ, quyến rũ những người trẻ tuổi vừa mới bước chân vào đời.

      Thư của Loan làm Đức nhớ tới cha và tâm huyết của một người suốt đời chỉ biết hy sinh. Đức cầm thư Loan đọc lại thêm một lần, thẫn thờ cầm bút viết thư trả lời để cám ơn một người lạ đã nghĩ tới những người lính xa nhà vào dịp cuối năm.

 
0O0

  
      Bà Tâm thấy Loan dạo này hình như rất lạ. Con bé vui ra mặt, nhiều lúc liú lo như chim, nhưng cũng có những lúc thẫn thờ, đưa mắt nhìn ra ngoài khung cửa như thể là đang nhớ tới một người. Nhiều đứa con trai, mà Loan nói là bạn, thường ghé qua nhà thăm hỏi nhưng bà Tâm thấy hình như Loan chẳng chú ý tới ai. Bà cũng không mong gì hơn, chỉ muốn Loan chú tâm vào học hành vì ngày thi tốt nghiệp cũng gần kề. Con gái 18 tuổi, không còn bé bỏng nhưng bà vẫn chưa hết lo âu. Đêm hôm nhiều lúc bà tỉ tê với chồng, băn khoăn cho tương lai con cái nhưng ông Tâm hình như không mấy quan tâm:
      -     Chúng nó lớn cả rồi, mai mốt vào đại học xa nhà, tốt nghiệp, lấy chồng hoặc đi làm xa, tự chúng sẽ biết lo thân. Chúng nó khôn ngoan và giỏi giang hơn chúng mình nhiều, bà đừng lo.

      Vẫn biết thế nhưng bà vẫn không yên tâm. Hôm nay thấy Loan nhận một lá thư, vui mửng ôm vào ngực chạy tuốt vào phòng, bà muốn chạy theo hỏi xem là thư của ai nhưng dằn lòng đợi cho tới lúc cả nhà quây quần trong bữa cơm tối bà mới làm như vô tình hỏi Loan:
      -     Chiều nay con nhận thư gì mà vui vậy? Được nhận vào đại học nào hả con?
      Loan lắc đầu, nhoẻn miệng cười:
      -     Thư của bạn con.
      -     Bạn hả? Đứa nào vậy?
      -     Ở xa. Mẹ không biết đâu.
      -     Ờ, thì mẹ hỏi vậy cho biết mà.
      Loan tần ngần nhìn ông Tâm:
      -     Bố! Ngày xưa lúc còn ở quân đội, bố có nhận được thư của người lạ bao giờ không?
      Ông Tâm ngơ ngác, nghĩ ngợi rồi chợt hỏi:
      -     Con muốn nói là những lá thư thăm hỏi chiến sĩ vào những dịp đặc biệt như Tết?
      -     Dạ.
      Ông Tâm mỉm cuời:
      -     Có một lần.
      -     Rồi sao bố?
      -     Sao là sao?
      -     Bố có trả lời, có liên lạc với người gửi thư sau đó không?
      Ông Tâm buông đũa cười lớn:
      -     Không. Cô nữ sinh đó không để lại địa chỉ, chỉ ghi tên trường. Khi bố đóng ở Đông Hà có một phái đoàn nữ sinh ra thăm tiền đồn, ủy lạo chiến sĩ, nhưng chỉ thăm rồi thôi. Đâu có cô nào muốn kết thân với lính, nhất là lính mang cấp bậc Chuẩn Úy như bố thì đâu có ai thèm.
      Loan lắc đầu, mỉm cười chỉ bà Tâm:
      -     Ớ ờ! Thế ai đây Bố?
      Ông Tâm cười hì hì:
      -     Cái này là duyên số. Bố và mẹ là con nhà hàng xóm. Mà sao hôm nay con lại hỏi bố chuyện này.
      Loan có vẻ ngập ngừng, cúi đầu ấp úng:
      -     Con quen một người trong trường hợp tương tự.
      Bà Tâm hỏi dồn:
      -     Sao? Quen bao giờ? Có thân không?
      -     Cũng đến gần một năm rồi rồi mẹ… Bạn thôi, nhưng con quí anh ấy lắm.
      -     Anh ấy là ai?
      -     Người Mỹ gốc Việt mẹ à, lớn lên ở bên này cũng  như con, qua đây mới vào trung học.
      -     Thế hả? Anh ta đóng ở đâu, và con đã gặp mặt bao giờ chưa?
      Châu, em gái của Loan, chen vào câu chuyện:
      -     Trời ơi, mẹ tra vấn kỹ thế, cứ từ để chị con kể cho nghe đi mẹ.
      Bà Tâm lườm con:
      -     Học không lo học. Quen biết vớ vẩn làm gì cho mất thì giờ.
      Ông Tâm cười an ủi vợ con:
      -     Bà cứ lo xa. Các con đều ngoan và học giỏi cả. Bố nghĩ là các con đều biết suy nghĩ chín chắn. Thế anh gì đó bây giờ đóng ở đâu hả Loan?
      Loan nhìn bố biết ơn:
      -     Dạ, anh ấy tên là Đức, cấp bậc đại úy, hiện phục vụ trên một hàng không mẫu hạm đang tham chiến tại vùng biển Iraq. Con chưa gặp mặt bao giờ, chỉ thư từ trao đổi, và nói chuyện qua điện thoại vài ba lần.
      -     Thế ra là Hải Quân.
      -     Dạ, anh Đức bay phi cơ chiến đấu đó bố.
      Châu kêu lên:
      -     Ah! Pilot.
      Loan cười lắc đầu:
      -     No. Aviator!
      -     Là sao?

      Loan nhớ lại một lần nghe Đức hãnh diện giải thích sự khác biệt giữa hai danh từ này nên cười với Châu:
      -     Pilot lái máy bay đáp xuống phi trường, nhưng aviator, và chỉ có aviator, mới cất cánh và đáp xuống hàng không mẫu hạm. Khó hơn đáp xuống phi trường trên đất liền nhiều!
      Châu gật đầu, vịn vai chị hỏi nhỏ:
      -     Đẹp trai không? Có hình đem cho cả nhà xem đi.

      Loan chỉ cười, không trả lời. Bà Tâm nhè nhẹ thở dài, nghĩ thầm. Biết ngay mà. Vui buồn thất thường thế này thì “yêu” rồi chứ không chỉ “quí” thôi đâu! Bà nghĩ tới những ngày tháng cũ ở quê nhà, mỗi lần ông Tâm đi hành quân, bà ngồi đứng không yên, lo sợ là niềm bất hạnh có thể ập đến bất cứ lúc nào. Bà không muốn các con bà phải rơi vào hoàn cảnh như bà năm xưa. Trời ơi, thiếu gì kỹ sư, bác sĩ ở cái xứ yên bình này. Yêu ai không yêu lại đi yêu người lính ngoài chiến trường! Tội nghiệp, con bé còn ngây thơ quá. Bà đưa mắt nhìn con, nhưng thấy nét mặt như đang reo vui của Loan, bà chỉ biết kín đáo dấu nỗi buồn.
 
0O0

 
Loan mở email, chăm chú đọc lại lá thư cuối cùng của Đức thêm một lần.

 
“Em yêu,
 
      Từ ngày quen em tiếng Việt của anh tiến bộ nhiều lắm rồi đó, em thấy không? Và bây giờ  em là “Em yêu” chứ không phải là “Honey” nữa, em bằng lòng chưa?
      Anh sẽ về gặp em, sẽ đưa em đi dự senior prom như em muốn, và không chỉ như thế đâu, anh sẽ còn tới thăm em hàng ngày, để rồi khi phải trở về đơn vị anh sẽ không bao giờ quên những giây phút bên em.
      Em, anh có những ước mơ đội đá vá trời, muốn bay bổng lên trời xanh và hoà mình vào vũ trụ, nhưng anh cũng có những ước vọng rất tầm thường như được vuốt mái tóc người con gái mình yêu thương. Anh đợi ngày về phép để được dắt tay em đi trên con đường ven biển,  được ôm em trong vòng tay, đứng trên bờ đá nhìn sao đêm lấp lánh trên trời, và thủ thỉ với nhau về chuyện chúng mình.
      Ừ, chúng mình còn trẻ như em nói. Em còn những tháng năm đại học, và anh cũng còn những tháng ngày lênh đênh nên lúc này chưa thể có nhau trong vòng tay, thế nhưng không ai cấm chúng mình ước mơ, vẽ cho nhau một trời hạnh phúc vì sẽ được sống với nhau đời đời.
      Mỗi lần mở cell phone là anh nhìn thấy hình em, cô con gái VN tóc dài e ấp mỉm cười. Anh mang phone trong túi áo gần trái tim, kể cả khi phải mặc đồ bay, để luôn luôn cảm thấy có em bên mình, và anh đang đếm từng ngày, đợi đến mùa hè rực rỡ để gặp em.
 
Yêu và thương nhớ em.
 
Anh Đức.”

  
      Tình yêu đến quá mau làm Loan nhiều lúc thấy ngỡ ngàng. Ban đầu thì chỉ là những lá thư/email thăm hỏi, và rồi từ thăm hỏi qua tâm tình. Niềm cô đơn của của những tháng ngày dài trên biển của người con trai phương xa đã làm Loan xúc động, và không chỉ có thế, Loan cũng như những người con gái mới lớn của thành phố nhỏ, không thể nào không mơ mộng về những bến bờ chưa một lần đặt chân. Đức cũng gửi về những tấm hình của những nơi Đức đã đi qua, và cả những tấm hình Đức mặc áo bay bên chiếc phi cơ trước giờ cất cánh, trông oai phong và lãng mạn làm rung động lòng người.

      Lâu lâu Đức được phép gọi điện thoại từ biển khơi về cho Loan. Những lời ngập ngừng từ lúc ban đầu dần dần trở thành thiết tha, nhớ nhung, và cuối cùng là hẹn hò thương yêu, nhất là sau khi Đức nhận được những tấm hình của Loan. Tình yêu đến thật nhẹ nhàng nhưng cũng thật thiết tha của những tâm hồn Việt Nam trên xứ lạ. Loan vui, và ngày nào Loan cũng đợi chờ.

      Thế nhưng đã hơn một tháng nay không thấy Đức gọi điện thoại hay gửi email. Loan biết là có những lúc vì lý do an ninh mọi người phải im lặng tuyệt đối, nên dù Loan có gửi hàng chục cái emails cũng không có hồi âm, tuy thế chưa bao giờ Loan phải chờ đợi lâu như lúc này. Lá thư cuối cùng làm Loan náo nức bao nhiêu thì sự đợi chờ mong tin làm Loan bồn chồn bấy nhiêu, nhất là Loan không thể gọi điện thoại tới một con tàu lênh đênh ngoài khơi, chỉ có Đức mới có thể gọi về qua một hệ thống viễn liên đặc biệt mà thôi.  

      Tắt máy laptop, bỏ vào backpack, Loan thẫn thờ dời thư viện nhà trường. Loan muốn về nhà ngay xem có thư từ gửi qua bưu điện hay không, nhưng lại ngại ngùng sợ thất vọng và buồn thêm. Hay là anh ấy đã gặp một người con gái khác, và không còn yêu mình nữa? Loan lắc đầu không tin cái ý nghĩ vửa thoáng qua đầu. Anh ở đâu, anh có biết là Loan đang nhớ anh lắm không!

 
0O0

  
      Đêm đã khuya lắm, cả nhà hình như đã ngủ yên, chỉ còn mình Loan ngồi thẫn thờ. Trang sách mở rộng nhưng Loan chẳng đọc thêm được chữ nào. Bỗng dưng màn hình PC chớp sáng và hàng chữ “You got mail” nhấp nháy báo tin. Loan mừng rỡ mở hộp thư, thế nhưng rồi thất vọng tràn trề. Không phải là thư của Đức mà của một người nào đó có cái tên “tonyl”!

      Loan đã định nhấn nút “delete” xoá bỏ vì nghĩ chắc lại là một lá thư rác rưởi như hàng chục emails Loan vẫn nhận hàng ngày, thế nhưng hàng chữ tiêu đề ghi rất rõ là “Gửi chị Kim-Loan” nên Loan tò mò mở ra xem.

 
“Thưa chị,
 
      Tên tôi là Tony Lê, một trong số ít người Mỹ gốc Việt phục vụ trên chiếc hàng không mẫu hạm với hàng ngàn nhân viên này. Tôi không phải là bạn của anh Đức, thế nhưng đã gặp nhau một vài lần trên boong tàu, nên có thể nói là quen biết nhau.
      Tôi làm việc trong nghành I.T., đặc trách hệ thống email của chiến hạm, và là người “clean up” những hộp thư mỗi khi có người thuyên chuyển hay không còn ở với chúng tôi. Anh Đức không còn ở với chúng tôi, và đêm nay tôi đã ngập ngừng trước khi xóa bỏ account của anh. Tôi thấy trong hộp thư hơn 10 lá thư của chị, và tất cả đều được flagged là thư mới, chưa đọc lần nào.
      Thưa chị, tôn trong sự riêng tư nên dù có khả năng, tôi không bao giờ đọc thư người  không gửi cho mình. Tuy nhiên hơn mười lá thư gửi cho người không còn trên chiến hạm nên tôi nghĩ là chị chưa được thông tin, và nghĩ tình người Việt với nhau, nên tôi xin được gửi tới chị thư này.
      Anh Đức đã ra đi rồi chị! Anh không trở về trong chuyến bay cuối cùng. Phi cơ anh trúng hoả tiễn phòng không, nổ tung trên vòm trời Iraq, và dù đã cố gắng hết sức, toán cấp cứu cũng không  tìm được một dấu vết gì trong sa mạc hoang vu. Anh ra đi là một sự mất mát lớn lao cho đơn vị, và bạn bè đồng ngũ trên chiến hạm này đều rất xót thương. Gia đình anh đã được thông báo, nhưng tôi  nghĩ có lẽ chị là một người thân bị xót tên nên  tôi …”

  
      Loan oà lên khóc, và không thể nào đọc hết lá thư. Nước mắt nhạt nhòa lăn trên má, Loan ôm mặt nức nở, mặc cho niềm đau vỡ oà. Mẹ ơi, ngày xưa mẹ lo lắng mỗi lần bố đi hành quân. Bố trở về an toàn, mẹ khóc vì mừng vui trong lúc bạn của mẹ có chồng tử trận ôm quan tài khóc như đứt từng khúc ruột. Mẹ không muốn con chịu niềm đau chia lìa, có ngờ đâu …

 
0O0

  
      Cơn bão trái mùa đã đi qua thành phố nhưng trời vẫn còn u ám. Bãi biển hẻo lánh chỉ lác đác vài bóng người. Trên cầu tàu người con gái mặc áo đen cầm bông hồng đứng cúi đầu trầm lặng. Gió lạnh thổi mái tóc tung bay, và thân hình người con gái rung lên từng cơn. Cô ta ném bông hoa xuống nước, đứng nhìn thật lâu cho đến khi đoá hồng nhung theo nước thủy triều trôi xa bờ. Người đàn bà đứng tuổi tới gần, ôm vai cô gái dỗ dành. Cô gái gục trên vai người đàn bà, chắc là mẹ, khóc nức nở. Người đàn bà thở dài, đưa mắt nhìn ra khơi. Bà mẹ thì thầm với con, và dìu nhau về hướng thành phố. Trên không mây đen vẫn trôi lững lờ, và một cánh chim hải âu lẻ loi bay về hướng cuối trời.
 
Trần Quang Thiệu
July, 2011
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 18/Jul/2011 lúc 7:44pm

Nhành Cây Lạ

                              Minh Mẫn



Mỗi lần bác Tư ra vườn, nhìn thấy nhành cây từ nhà kế bên xuyên qua tường rào, lòng bác cảm thấy bực bội khó chịu!

-         Tại sao tao bảo triệt hạ nhánh cây nầy, chúng mầy không làm   đượcBác Tư càu nhàu bầy trẻ.

 
Thật ra không phải con cháu bác Tư không muốn chặt, nhưng khổ nổi, lọai cây gì mà vừa dẻo, vừa dai; nhất là loại cây quý, nhánh lá xanh tươi, đẹp lắm, tương tự như cây đa mà không phải đa, trong vườn nhà bác Tư cũng có giống tương tự, trồng trong cái chậu to đùng để làm kiểng, nó phát triển chậm và không tươi tốt như cây nhà kế cận.

 
 Bác Tư và bác Sáu là bà con đầu ông đầu bà, giòng họ bà con ở chung một xóm; từ thuở ông tằng cố tổ khai sơn lập nghiệp phương Nam, con cháu sanh sản bầy đàn, tụ tập thành một ấp. Nhiều đời cháu chắt nủa quen nửa lạ, chúng được ông bà cho biết tất cả là bà con, nhưng giai hệ thế nào chả ai  rõ. Những lúc chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau, bác Tư và bác Sáu quý nhau như anh em ruột. Bác Tư nhường miếng đất của mình cho bác Sáu về ở kế cận cho vui. Bác Sáu từng cư ngụ nước ngòai, hiện cũng có con ở nước ngòai, thỉnh thỏang nhận được thuốc men, bánh kẹo, thường chia sớt cho bác Tư; lũ nhỏ của bác Tư thích nhất chocolate, thằng bé lên ba, cứ chạy qua nhà bác Sáu ngữa tay nói bập bẹ hai chữ: chọt lét. Bác Sáu lấy tay cù lét vào nách cháu, nó lắc đầu, chạy về cầm miếng giấy bạc nó đã liếm sạch chocolate, đưa cho bác Sáu, bác vẫn làm như không hiểu:
 cháu cho ông miếng giấy nầy để vấn thuốc phải không?
 Nó lắc đầu quầy quậy, chỉ miếng giấy bạc rồi đưa vào miệng; bác Sáu lại đùa:
con muốn ăn giấy thế cơm?
 Nó dẫm chân tức tối, bác Sáu đành dỗ cháu:
 Ông hết rồi, chừng nào có, ông sẽ cho cháu.

 
Bác Tư còn cho thằng cháu vô công rỗi nghề qua ở giúp bác Sáu

 
Cứ thế, gia đình bác Tư qua lại nhà bác Sáu như chung một mái ấm. Một hôm bác Tư cần một số tiền lo việc riêng, giữa lúc bác Sáu chưa sẵn tiền, bèn tìm lời thối thoát, bác Tư ngỡ bác Sáu chê mình nghèo, sợ không trả nỗi, sanh hờn giận.

 
-         Chúng mầy không được qua nhà ông Sáu nữa nghen; Họ giàu có nên khi dể mình. Bác Tư đâm ra hằn học với con cháu

 
Lũ trẻ cũng chả hiểu tại sao hai bên hòa thuận, nay  ông mình lại gắt gỏng. Bà Tư cũng biết tánh chồng, không  bận tâm tìm hiểu nguyên nhân
Bác Tư ngồi bật dậy khỏi ghế sofa, vói tay lật từng tờ lịch. Block lịch từ đầu đến cuối năm, không bao giờ xé bỏ. Một dãy lịch block những năm qua, bám bụi, bác vẫn còn treo trên góc tường đầu giường nằm.

 
-         Ồ, đây rồi, Ất Dậu, con gà hử! bác bấm tay, lẩm nhẩm: năm năm rồi, lẹ quá.

 
Bác Tư lật tới tờ lịch đánh dấu ngày bác Sáu  xây nhà trên đất mình. Những tờ lịch mỏng như tờ giấy quyến vấn thuốc rê, bác Tư ghi rõ từng buổi tiệc tùng, ma chay, ngày giờ sinh đẻ con cháu; ngày vay nợ, bán ruộng, ngày hai ông bà cãi vã để bác Tư gái khăn gói về nhà mẹ mình…
Cái tính tỉ mỉ chi li đến độ bác Tư gái nhận tiền của chồng cho, lúc hưng phấn, cũng ghi vào. Nhà sản xuất lịch, biết được bác Tư, chắc họ hả dạ vì không uổng công sản xuất. Block lịch như thế trở thành chứng nhân và chứng tích của thời gian cho mọi việc xẩy ra trong gia đình bác Tư. Còn cái cây quý hiếm từ lúc bác Sáu đem từ nước ngòai về trồng, có lần bác Tư ngỏ ý muốn chiết nhánh lấy giống, bác Sáu hẹn khi trổ cành. Giờ đây cành đã chui sang nhà bác Tư, chưa kịp chiết thì tình cảm đã bị sứt mẻ; cái cây lạ mà quen đó, đã xuống giống được hơn ba năm, bác Tư thắc mắc, giống gì mà phát triển tươi tốt nhanh thế. Hoa trổ đẹp nhưng không mỏng manh như cây họ thảo, màu trắng tinh khiết như hoa bưởi; chúng nhú nụ tròn trỉnh bụ bẫm, nhưng chưa kết trái.

 Những cây cảnh bác Tư trồng trong chậu, phân bón dồi dào, thế mà nó cứ chai lỳ không phát tiết, thân cây bị sâu bọ gặm nhấm xù xì; hoa kiểng mà nào ra kiểng, cứ như hoa giả không bằng! Bác thèm cái cây lạ của bác Sáu lắm, nhiều lúc muốn thương lượng với bác Sáu, mang hẳn về trồng bên đất nhà mình, nhưng ngượng miệng, không dám tỏ lời.

  Mẹ mầy tính sao cái nhánh cây chọt ngang qua nhà mình? Bác Tư buồn rầu, bực bội, gắt gỏng hỏi bác Tư gái

 -  Ông tính sao thì tính, làm sao đừng mất tình làng nghĩa xóm là được. Bác gái trả lời nhát gừng; Biết tính nóng nảy của chồng, bác gái không muốn tham gia ý kiến; Ông nên nhớ, bác Sáu nhà mình không phải đơn độc như mình, họ có bề thế với xóm giềng, họ xã giao rộng trong xã hội, gia đình họ là trí thức; con cháu họ có địa vị trong và ngòai nước…

 Bác gái chỉ gợi ý để chồng suy nghĩ kỷ trước tánh khí nhỏ nhen của chồng. Bác Tư kéo một hơi thuốc lào, ngã vật xuống ghế sofa; Mỗi lần cần suy tính việc gì, bác thường mượn điếu cầy hổ trợ tinh thần; Những tiếng sùng sục của nước trong ống tre, làn khói mỏng manh từ ống điếu, vật vờ trong căn nhà ẩm tối, con thằng lằn quen hơi, bò đến thừa hưởng mùi nicotine quen thuộc. Giọng lè nhè, bác nói:
Giàu có, địa vị, uy tín thì đã sao nào! luồn cúi mới được như thế; ta đây đếch cần, thà nghèo mà thanh thản; ta sẽ cho chúng nó biết tay…

 
Bác Tư gái vẫn im lặng. Thằng Cu Cỏn được ông nội cho qua giúp việc nhà bác Sáu, ngày nào cũng qua lại báo cáo nội tình sinh họat của gia đình bác Sáu; Từ hôm bác Tư hằn học, bác Sáu vẫn im lặng, ít giao tiếp; bác Sáu cũng dặn con cháu, kẻ ở người ăn không nên lời qua tiếng lại với người nhà bác Tư. Được thể, bác Tư nghĩ rằng bác Sáu sợ mình, bèn vu khống bác Sáu xúi con cháu hãm hại mình; Thằng Cu Cỏn cũng bịa chuyện bác Sáu bóc lột nó, hà hiếp nó. Nó xúi bác Tư:
 Ông nội đòi đất lại, đuổi họ đi, đất đó cho con ở, con sẽ cưới vợ, sanh con để phụng dưỡng ông bà nội.
Bác Tư, sau một tuần thuốc lào, tươi tỉnh hẳn, nhiều phương án hiện ra trong đầu rõ như lằn chỉ trong lòng bàn tay:
 Ừ, thằng cu Cỏn nói thế mà phải, cứ xúi nó quậy phá trong nhà ông Sáu, tự khắc buồn chán mà bỏ đi; Mỗi ngày mình đứng trước cổng chửi đổng, cho đám con cháu gây áp lực suốt, có ma mà ở được. Hoặc  chặt bỏ nhánh cây, hoặc bảo thằng Cu Cỏn tưới nước sôi vô gốc cây cho bỏ ghét. Má nó thấy sao?

 
- Ông ơi, không dễ như ông tưởng đâu. Ông quậy kiểu đó thì an ninh khu phố đâu để yên cho ông? Giá đình bác Sáu từng được cấp bằng khen là gia đình gương mẫu của huyện. Cái nhánh cây ông còn không làm được thì đừng tính tới cái gốc. Ông không nhớ Tài Nguyên Môi Trường và câu lạc bộ cây cảnh đã ngắm nghía  vườn kiểng của  bác Sáu, họ muốn bao thầu  những lọai quý hiếm đó sao!
Bác Tư gái tìm cách can ngăn. Thằng con cả của bác Tư cũng hết lời can gián bố nó. Bác Tư thịnh nộ:
 Mấy người không thấy nó lên giọng trịch thượng dạy đời mình sao. Dẫu sao, trước một ngày, hay một chuyện, tôi cũng lớn hơn mấy tuổi mà nó không kiêng nể, làm như trên đời nầy có mỗi mình nó khôn; Bà không nhớ ngày nó mới dọn về, chân ướt chân ráo đã biểu mình xây lại mặt tiền,vẽ lại bảng hiệu, thay cái nầy, đổi cái kia, còn đòi giáo dục dạy dỗ con cháu mình nữa chứ. khuyên mình không nên quản lý con cháu kiểu phong kiến; Làm như tụi mình  kém văn minh, thiếu hiểu biết. Xen sâu vào nội tình của mình, mấy người chịu được sao.

 
Bác Tư đánh trúng vào lòng tự ái gia môn của cậu con cả, cậu im lặng suy nghĩ, nhưng bác gái vẫn cố phân trần: Người ta xem mình như gia đình, họ góp ý mình thấy được thì chấp nhận. Họ ở nước ngòai nên cái hiểu của họ cũng thóang hơn mình; Họ nói có lợi cho mình chứ có lợi gì cho họ.

 - Tôi đồng ý với bà, nhưng chuyện nhà, ông ta lại thuật  cho cả khu phố biết là sao? chẳng khác nào bêu rếu cho mọi người thấy gia đình mình dở, ông ta giỏi!

 - Điều nầy ông tự ái là đúng, nhưng trong buổi họp tổ dân phố, người ta bảo ai có ý kiến đóng góp xây dựng khu phố Văn Hóa, từ giáo dục đến vệ sinh môi trường và cả kiến trúc… cho bộ mặt khu phố đẹp hơn, bác Sáu mới đưa ra ví dụ nhà mình như vậy thôi!
 Bác gái cố bênh vực bác Sáu.

 - Cả cái con bé trốn học, chơi game, thế mà ông ta bảo đừng trừng phạt, đừng đánh đập nó, ông ta còn muốn mình sắm cái vi tính cho nó ở nhà chat và chơi games nữa chứ. chuyện lạ đời thế mà nghe được …

 - Ba á, lối giáo dục bây giờ không phải  đánh đập, trừng phạt mà phải nghiên cứu khuyết điểm của con cháu để lái nó sang cái khuyết nhẹ hơn, từ từ làm mới cái sở thích của nó, điều đó đúng chứ không sai đâu. 
 Cậu con cả lên tiếng

 Thằng Cu Cỏn chạy về, nói nhỏ vào tai ông nội:
 họ đã nhận đơn thưa của con, nay mai sẽ  đem ra tòa án nhân dân giải quyết nội à!

 Bác Tư gật gù ra vẽ đắc ý:
Được lắm, lần nầy cho mầy biết tay, giỏi mà cậy thần ỷ thế luồn lách.

 Bác Tư gái ngày càng trầm lặng, ra chiều suy nghĩ mông lung; cậu con cả cũng ít nói; bầy  cháu như đoán được không khí nghiêm trọng, chúng ít ồn ào mỗi khi về thăm ông bà. Cuộc sống như chìm trong ngột ngạt; Mỗi mình cô dâu trưởng lo lắng nhiều bề:
 Kinh tế gia đình đang khủng hoảng, tài chánh cạn kiệt; khu phố cảnh báo nạn hư hỏng của bầy cháu; chuyện dồn dập như thế mà cha chồng không lo, lại lo cái chuyện vặt vảnh kỳ cục như thế. Cô dâu trưởng nhận thấy rằng, từ ngày Bác Sáu về, mấy đứa con của cô ít nhiều cũng biết nghe lời bác Sáu mà hiếu kính với cha mẹ ông bà. Bác Sáu cũng góp ý cho khu phố trong chương trình Hiếu học và Hướng nghiệp, bao nhiêu cái tốt đó không đủ khỏa lấp thành kiến nhỏ nhen của bố chồng.

 - Ông Tư cho biết, theo đơn thưa của gia đình ông, bác Sáu đóng góp cho khu phố mục đích che đậy âm mưu phản loạn mà bác Sáu cấu kết với nước ngòai. Xin ông cho biết rõ và những chứng cứ để khu phố có cơ sở truy tố. ông khu phố trưởng hỏi

 - Thưa ông, nếu mà có bằng cớ thì đâu cần phải thưa gửi làm gì. Nhân dân đóng góp, nhân dân kiểm sóat mà lịi thằng cháu nội tôi phụ giúp việc nhà cho ông ấy, biết rõ hành tung bí mật của ông ta có nguy hại cho an ninh đất nước. Nếu khu phố không tin chúng tôi thì sau nầy sự cố xẩy ra, khu phố chịu trách nhiệm. bác Tư cố phân trần

 Ông khu phố trưởng nghe nói thế, sợ liên đới trách nhiệm, bảo bác Tư viết tờ tường thuật và cam đoan là sự thật. Biết đâu vụ nầy giúp mình có thêm công trạng bảo vệ an ninh khu phố. Ông khu phố làm tờ trình chuyển qua an ninh; Mấy hôm sau, một quyết định từ trên đưa xuống, buộc bác Sáu ra khỏi khu phố với lý do đơn giản:
 Theo đơn tố cáo của nhân dân, ông Sáu có hành vi đe dọa an ninh chính trị khu phố.

 Bác Sáu không ngạc nhiên khi nhận được quyết định, bác mỉm cười, yêu cầu khu phố trưng bằng cớ kết tội; Lời vu cáo chưa đủ thuyết phục thì không thể là cơ sở để ra quyết định như thế. Ông khu phố không biết trả lời thế nào, thế là tình tạng nhùng nhằng. Xét hộ khẩu mỗi đêm, cũng bắng thừa, không có một lỗi nào để phải trục xuất, Bác Sáu vẫn bình chân như vại.

 Bác Tư gọi bầy con lại để nghe ý kiến. Cậu con cả nói:
 Ba làm như thế thất bại, tại sao mình cứ phải vu khống, trục xuất người ta. Cách loại trừ xưa rồi, mình phải sống chung với kẻ thù để chuyển hóa và khống chế. Trước nay ba không chủ động được họ vì quan niệm “ cách sống chung”  thiếu cập nhật. Mình phải thấy cái tốt của họ, lợi dụng cái tốt của họ để làm lợi cho mình; đừng khống chế  đối phương như khống chế cây kiểng, hãy để cho nó tự phát, lái nó sang chiều hướng mình muốn. chúng ta quen chống kẻ thù vì ta kém họ nhiều mặt.Hơn nhau không phải giàu sang, quyền thế mà là tài năng chuyển hóa.

 Bác Tư gật gù như có lối thóat. Bác gái nhìn thằng con trưởng ra vẻ thán phục. Cô con dâu hãnh diện về người chồng khôn ngoan. Bác Tư lên tiếng:
Vậy cái nhành cây xuyên qua nhà, mình giải quyết bằng cách nào?

 Thằng Cu Cỏn tiu nghỉu vì đơn thưa của nó không hiệu nghiệm. Cô dâu trưởng lên tiếng:
Thưa ba, thưa má, chạy vòng vo, làm lớn chuyện, cuối cùng chúng ta trở lại nhánh cây. Khác nào Chủ Nghĩa xã Hội là con đường đi đến Tư Bản dài nhất! Nhành cây xuyên qua nhà mình, tuy cái gốc thuộc nhà bác Sáu, vấn đề là nhánh cây thuộc quyền quản lý của mình. Mình chặt bỏ là hạ sách, mình để nó tự do phát triển, xâm lấn không gian  là ta bất lực. Chúng ta phải tận dụng cái đẹp, cái quý của nó để làm lợi cho ta. Thưa ba má, ngày mai con sẽ bó đất cho nó đâm chồi để lấy giống; đồng thời con sẽ nhờ viện Thực Vật cấy gen cho ra màu hoa và trái theo ý mình, và tìm lọai tương cận để tháp cành,  có như thế, gốc người mà nhánh ta, ai làm gì được nào. Hơn nhau cái trí mà không cần phải dùng thủ đọan quyền lực triệt nhau ba à. Đẹp người mà cũng đẹp ta.

 Bác gái thở phào nhẹ lòng, trách yêu con dâu:
sao lâu nay con không nói để khỏi mất lòng lối xóm, lại khỏi lao tâm khổ trí ba mầy. Tôi xin bổ túc ý nhỏ với ba mầy, khi chiết nhánh thành công, cây mới nên trồng ra đất cho nó đủ sức sanh trưởng tự nhiên. Còn nhánh biến đổi gen hay tháp cành gì đó cứ để tự nhiên phát triển bên không gian của mình, vừa đẹp mắt mà khỏi bận lòng như bấy lâu nay.
 Bác gái nói xong, ngúyt chồng như trêu cợt.
Cả nhà như vửa thóat khỏi cái không khí nặng nề. Cháu bé lên ba vẫn còn cầm miếng giấy bạc đưa cho ông nội đòi chọt lét. Bác Tư nghiệm ra rằng, bấy lâu bực bội, khổ tâm cũng bởi do chính ông tưởng tượng, gây khổ cho mình. Sinh họat bên nhà bác Sáu vẫn bình thường. Thằng cu Cỏn ái ngại nên tránh mặt bác Sáu. Bác Sáu vẫn gọi nó qua phụ giúp. Nhành cây lạ sau vườn vẫn xanh tươi đều đặn. Bác Tư không còn thấy nó chướng mắt mà trở thành nhành cây vừa lạ vừa quen. Bác Tư vói tay ghi vào tờ lịch: ngày đổi mới Tư Duy


Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 18/Jul/2011 lúc 7:50pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22153
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 21/Jul/2011 lúc 2:08pm

Vết thương

Nguyễn Ngọc Tư

 

Tôi nhớ hoài bản sơ yếu lý lịch mà Phúc viết năm em mười hai tuổi. Ở dòng nơi sinh em ghi: dưới gốc bàng. Tôi nhớ vẻ mặt trong vắt của em khi phụng phịu: “Thiệt vậy mà, anh Hai quên rồi sao?”.

Không, có chết tôi cũng không quên buổi sớm hôm ấy, khi tôi và má nuôi nhìn thấy Phúc ở dưới gốc cây, xung quanh lá khô rơi đầy. Người ta túm em trong bọc vải đẫm sương, người em đã tím, em không khóc nữa nhưng dường như đã khóc rất nhiều, môi em khô rốc, bợt bạt.

Khuôn mặt nhòe nhoẹt máu, một bên mắt em đã bị chuột gặm nham nhở. Tôi - bảy - tuổi khóc điếng, hình dung mình cũng đã từng nằm dưới gốc cây nào đó, cùng kiến, chuột và bóng đêm. Hôm má nuôi ôm tôi lên cũng giống như bây giờ, gói em trong tay, bà hơi trùng trình, lảo đảo, nom em nhỏ nhoi như trái bí, trái bầu nhưng mang sức nặng của một sinh linh.

Chúng tôi mang em về Sương, về ngôi nhà nhỏ chênh vênh trên khu vườn chôn chi chít những tiểu sành - những hòn máu bị vứt bỏ mà má nuôi tôi nhặt từ bệnh viện. Tôi lẳng lặng xách dao dọn một khoảng cỏ, chuẩn bị tấm vải và cái quách nhỏ. Nhưng thật lạ lùng, em vẫn sống, tiếc là chỉ còn một mắt. Lần đầu tiên má nuôi tôi tin có kỳ tích trên đời.

Vẫn những buổi chiều lên, vẫn khu vườn hiu hắt, những giọt máu chưa thành hình không đủ để hóa linh hồn, chỉ vật vờ những ngọn khói mỏng xiêu xiêu. Nhưng từ khi có Phúc, có tiếng cười giòn tan vắt vẻo trên tàng cây, khói cũng bớt khóc than. Để hình dung ra mình đã lớn như thế nào, tôi nhìn Phúc lớn.

Nhưng khó hi vọng được nhìn thấy mình, vì Phúc khác biệt tôi. Phúc không thèm nhớ mình là đứa bé bị ruồng bỏ đã đành, vết thương - hốc mắt trống phập phồng trên gương mặt, em cũng chẳng để ý. Phúc hay đòi má nuôi tôi kể lại ngày lượm được em, để lấy làm sung sướng, ra vẻ kinh ngạc, ngỏn ngoẻn: “Vậy mà con sống, ngộ thiệt”. Thời gian đi qua Phúc có vẻ nhẹ nhàng.

Tôi thì không. Tôi thường buồn bã, chờ đợi, ham muốn điều gì đó không rõ ràng. Vài bóng người lạ mặt lảng vảng trong vườn khói của má nuôi tôi cũng làm tôi hi vọng và tuyệt vọng. Chẳng có ai tìm mình.

Có lần bắt gặp một người phụ nữ ngồi than khóc bên cạnh một ngọn khói nhỏ, tôi ôm mấy gộc củi ra sân, bửa như điên dại. Ước gì mình cũng hóa khói... Nghe vẳng trong nhà tiếng Phúc nói với má: “Anh Hai đang khóc…”. Khi chỉ có hai chúng tôi, Phúc tần ngần hỏi nhỏ: “Có má thương mình không đủ sao anh Hai?”.

Với Phúc sống là đủ, có người nuôi cưu mang là đủ, có một con mắt nhìn đời cũng đủ. Đi đường, thấy bất cứ đám tang nào, em cũng bỏ dép ghé vào, thắp mấy cây nhang, lạy ba lạy. Thấy tôi ra vẻ ngạc nhiên, em thầm thì: “Biết đâu họ là cha má mình...”.

Em có thể điềm nhiên chơi dưới gốc cây bàng năm cũ, vừa ngó nghiêng vừa nói: “Để em kiếm con chuột hỏi nó coi tha con mắt em đâu?”. Rồi thấy tôi ngồi đằng xa, mướt mồ hôi, mặt cắm xuống đất, em rón rén lại, chìa trái bàng khô ra:

- Anh Hai, coi con mắt em rớt ở đây nè, chà, nó cũ mèm rồi.

Con mắt còn lại lấp loáng ánh cười.

Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ ước gì mắt Phúc có cả đôi. Nó sẽ làm cho khuôn mặt em xinh đẹp hơn, cho cái cảm giác chông chênh ở em không còn nữa. Và quan trọng, ở Phúc không còn dấu tích bị bỏ rơi. Của em và của tôi.

Ý nghĩ ấy ngày càng vây lấy tôi như con rắn đói điên cuồng quấn mồi. Tôi thôi học theo má nuôi làm công việc quét dọn trong bệnh viện. Đồng lương ít ỏi, tôi bỏ bệnh viện đi làm thợ hồ. Nhiều bữa gạch cắt tay đổ máu, thấy em chắc lưỡi hít hà, tôi cười:

- Đứt chút đỉnh nhằm nhò gì. Miễn là có tiền làm mắt giả cho em...

Phúc cúi đầu, đang thoăn thoắt quấn vải bó tay tôi bỗng chậm rãi, đắn đo. Tôi lại bỏ việc ở công trường, bởi quần quật bốn tháng trời cũng chưa đủ chi phí cho ca phẫu thuật. Người quen giới thiệu một chỗ bưng bê ở nhà hàng thị xã. Bà chủ tốt bụng hay biểu vào phòng, nhờ đấm bóp, cho thêm tiền. Bắt gặp cái ánh nhìn rất ướt của bà, lòng tôi lạnh ngắt lạnh ngơ. Tôi chợt nhận ra, buột miệng nói “Chết cha…”, mình chỉ nóng bừng khi đứng trước Phúc. Em không còn đơn thuần là đứa em gái nhỏ. Điều đó làm tôi càng nôn nóng. Thật hạnh phúc khi nhìn thẳng vào em, ôm ghì em trong tay mà không bị ám ảnh bởi gốc cây, con chuột...

- Anh làm tháng nữa là đủ tiền...

Má nuôi tôi rầy: “Cái thằng, lải nhải hoài chỉ chuyện đó”. Phúc không nói gì, ngồi trước thau giặt đồ to tướng, tay vò miết chiếc áo tôi còn vương vất mùi dầu thơm của người chủ nhà hàng. Dường như em lại lặng đi… Tôi không hiểu cái lặng đi đó, không hiểu sao nhắc tới chuyện mắt, Phúc không giấu được buồn.

Phúc lẳng lặng bỏ đi, không trở lại. Má nuôi tôi nói chính tôi đã đẩy Phúc đi. Tôi chạy ra ngã ba Sương, vô vọng ngó những con đường chạy hun hút đằng phía chân trời.

Những ngọn khói không còn vật vờ than thở nữa, chúng nhận ra làm người cũng chẳng sướng gì khi phải chịu đựng những nỗi đau. Chúng an phận khói… Chúng để mặc tôi rấm rứt với cách trả lời bằng câm lặng của Phúc.

Rằng Phúc cũng đau, nhưng em không tránh né bởi quay về hướng nào thì trên mặt em cũng còn vết, nên em tự giẫm bừa lên đó, để chỗ đau chai sạn. Rằng em tuyệt vọng khi cố gắng kiệt sức mà chỉ thấy khiếm khuyết của mình hằn vết sâu nhói trong mắt tôi…

Tôi thường đem củi ra bửa đến khuya, đến kiệt sức, vì nhớ Phúc. Thật kỳ lạ, trong cái nhớ quay quắt đó, tôi không mảy may nghĩ về vết thương, trong tôi long lanh nụ cười trong vắt của Phúc, giọng nói giòn tan của Phúc.

Và mắt của Phúc không bao giờ lầm lũi cúi nhìn, không nề hà chuyện mình có đủ đôi hay không, mắt em luôn lấp lánh sáng, hay háy nguýt, ứ đầy những hờn giận, thương yêu...

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 22/Jul/2011 lúc 4:06pm

Định Nghĩa Hôn Nhân <<<


 


Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 22/Jul/2011 lúc 4:13pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 125 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.977 seconds.