Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: ĐỜI SỐNG GIA DÌNH Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 125 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22115
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 17/Jul/2020 lúc 8:27am

Có Những Con Đường


ConDuong
Ăn cơm xong Khoa và Huy ra ghế sofa khi Nhi mang đến hai tách trà nóng mới vừa pha, hai người đàn ông nhâm nhi uống trà, còn Nhi dọn dẹp bàn ăn.


Huy vẫn thường được vợ chồng Khoa mời đến ăn cơm như thế này, hơn cả tình bạn, Huy như một thành viên trong mái nhà này.

Tiếng Huy đằng sau lưng Nhi đang đứng rửa bát:
– Hôm nay Huy có một món quà nhỏ tặng vợ chồng Khoa, nhưng sẽ có ích cho Nhi đấy.
Nhi quay đầu lại:
– Anh Huy làm cho Nhi hồi hộp, cái gì vậy anh?
– Một bức tranh Huy mới vẽ, xứng đáng để treo ở …bếp của Nhi, để Nhi vừa rửa bát vừa nhìn tranh cho mau xong việc ấy mà !

Huy lấy từ cái túi xách ra một bức tranh đưa ra trước mặt vợ chồng Khoa
Nhi đứng sựng nhìn bức tranh, đó là một rừng Thu lá đổ có những con đường nhỏ quanh co và mất hút sau những gốc cây xa tít ở cuối trời.Tất cả là một màu vàng úa, hiu quạnh và nên thơ.

Khoa tấm tắc khen:
– Đẹp ! Huy vẽ bức tranh này lâu chưa?
– Mới tuần trước Huy coi movie trên ti vi, cảnh rừng Thu làm Huy xúc động nên cố ghi nhớ những hình ảnh, màu sắc, để vẽ lại, chỉ trong vòng vài ngày là xong.

Nhi thì kêu lên:
– Anh Huy là hoạ sĩ từ bao giờ thế?
– Tay vẽ nghiệp dư ấy mà, khi nào Huy thích thì mới vẽ.- Huy đáp.
– Trời ơi, vẽ được thế này thì là hoạ sĩ rồi, vậy mà bây giờ Nhi mới biết. Anh Khoa, chúng ta phải treo bức tranh này ở phòng khách, phải không anh?
– Ừ, phòng khách nhà mình đang cần một bức tranh.
– Thế mà anh Huy nói treo bức tranh này ở trong bếp, anh định chê Nhi không biết thưởng thức tranh đấy hả?- Nhi nói giọng trách móc, rồi cô nhìn Huy- mà anh Huy đã đặt tên cho bức tranh này chưa?

– Huy gọi nó là “Có những con đường”. Còn ý kiến của Khoa và Nhi?
Khoa vừa nâng ly trà vừa ngẫm nghĩ:
– Để Khoa xem nào…Tại sao cả một cảnh rừng Thu bát ngát thế kia bị bỏ quên, để chỉ biết đến những con đường mòn nhỏ ??
Phải gọi là “Mùa Thu chết”, hay “Thu vàng” hay là “Mùa Thu lá bay”.

Nhi bật cười ôm lấy vai chồng:
– Anh ơi, anh chỉ toàn lấy tên ở các bản nhạc ra thôi…
– Thế Nhi hay hơn anh thì hãy đặt một cái tên đi!
– Em cần phải có thời gian, để lòng mình thấm với tranh, và sẽ có một cái tên chính xác.

Khi Huy giã từ vợ chồng bạn để ra về, Nhi vẫn chưa nghĩ ra tên nào khác đặt cho bức tranh.
Khoa đang loay hoay tìm một góc tường để treo tranh, anh trân trọng ướm hết chỗ này đến chỗ kia, làm Nhi phải liếc anh một cái và nũng nịu:
– Anh cưng bức tranh hơn em nữa, em ghen cả với anh Huy đấy.
– Yên trí đi em, vợ anh là nhất mà bạn anh cũng …nhất. Nghe thì ba phải nhưng tình vợ chồng, tình bạn bè khác nhau, làm sao em so sánh được.
Huy và anh là bạn thân từ Trung học đến Đại học, có cả một thời gian dài gần gũi và chia xẻ những buồn vui…
– Thôi em hiểu rồi, tình bạn của hai anh bao la như anh đã từng nói chứ gì. Nhưng này anh, em ngạc nhiên thật đấy, Huy có học vẽ bao giờ đâu mà vẽ bức tranh này đẹp thế?
– Anh ta có khiếu về vẽ, và nhất là cái cảnh rừng Thu kia đã gây một ấn tượng nào đó với Huy, nên Huy mới vẽ xuất thần và nhanh chóng như thế.

Nhi âu yếm nhìn chồng:
– Cũng như anh đấy nhỉ, tính đơn giản thực tế thế mà ngày xưa viết thư tình cho em thật là lãng mạn đam mê, làm em cảm động, có bao nhiêu lá thư tình của anh em đều thuộc hết.
Khoa vụng về gạt đi:
– Thôi đừng làm anh mắc cở, cái thuở mới yêu ấy mà…

Một tuần sau Huy vào nằm bệnh viện vì bị cảm, vợ chồng Khoa trên đường đến thăm bạn, Khoa nói với vợ:
– Bệnh cảm nghe đơn sơ, tầm thường như vậy có thời đã thành dịch làm chết bao nhiêu người trên thế giới, mà nếu không chết thì cũng làm khổ người ta, sổ mũi sụt sùi cả ngày, đau cuống họng, mệt mỏi chẳng muốn làm việc gì cả…

Nhi đùa:
– Mà những anh chàng độc thân như Huy không có tay vợ chăm sóc càng dễ bị cảm hơn.
Sao anh không giục Huy lấy vợ đi, tội tình gì mà cứ độc thân mãi thế?
– Ai mà biết được cái thằng bạn gàn của anh!
– Gàn thật đấy anh ạ, người gì mà hiền lành ít nói, ế vợ là phải rồi.
Khoa bênh cho bạn:
– Còn lâu Huy mới ế vợ, có mấy cô theo mà anh ta chưa thèm đấy !.

Đôi bạn vào đến phòng, Huy nằm trên giường bệnh, chăn phủ lên tới ngực, anh kể bị cảm , bác sĩ cho thuốc không khỏi, nên phải vào bệnh viện.
Nhi lập lại điều cô vừa nói với chồng:
– Tại anh Huy độc thân nên trời bắt anh cảm đấy. Anh Khoa có bao giờ bị cảm nặng thế này đâu!
Huy giữ im lặng, anh thường hay trả lời bằng sự im lặng, vợ chồng Khoa đã quen với cá tính của anh rồi, dù đôi khi họ không thể hiểu anh đang nghĩ gì!

Về đến nhà Khoa bảo Nhi :
– Chiều mai em chịu khó nấu ít cháo gà, cho nhiều hành lá, hạt tiêu…mang vào cho Huy. Đang cảm, ăn một bát cháo nóng ngon lành là nhẹ người ngay.
Tội nghiệp Huy, sống xa thân nhân, chỉ có vợ chồng mình bên cạnh, nên anh phải lo cho Huy, em nói đúng, nếu Huy lấy vợ, ấm thân nó mà cũng…khoẻ thân anh.
Nhi mắng yêu chồng:
– Anh chiều bạn quá đấy, lo còn hơn con mọn.

Hôm nay Nhi nấu một nồi cháo gà, cho Huy và cho hai vợ chồng cô cùng ăn luôn, mỗi lần Khoa bị cảm anh đều thích được ăn cháo gà để giải cảm, lần này đến lượt Huy.
Khoa dặn Nhi mang cháo vào bệnh viện sớm cho kịp giờ ăn chiều, đừng đợi anh về sẽ muộn.

Nhi sửa soạn một hộp cháo và bát thìa đầy đủ. Đến bệnh viện cô vào thang máy lên lầu 3, đang lúng túng chưa biết nên đi hướng nào thì có một cô y tá đi tới, Nhi hỏi phòng 303, cô y tá chỉ đường và nói hôm nay ca làm việc của cô chăm sóc cho bệnh nhân phòng 303. Nhi cám ơn và xách giỏ đi tiếp, vừa đi Nhi vừa nghĩ nếu Huy có vợ thì cái việc vặt này đâu phải của Nhi.

Đến trước cửa phòng 303, Nhi nhẹ xoay nắm cửa bước vào, cô tưởng sẽ thấy Huy mỉm cười, rồi cô sẽ đặt giỏ xuống, múc cháo nóng ra tô cho Huy ăn, và cô sẽ kể một câu chuyện nào đó vui vui trong ngày của hai vợ chồng cô cho Huy nghe…

Nhưng Nhi hơi khựng lại, Huy đang nằm ngủ, một giấc ngủ sâu thì phải, Nhi lúng túng không biết phải làm gì, cô không muốn đánh thức Huy dậy, giấc ngủ sâu cần thiết cho người bệnh hơn là một tô  cháo, nhưng chẳng lẽ cô ra về? công lao nấu một nồi cháo ngon để mang đến đây. Thôi thì đành ngồi đợi một lúc.

Nghĩ thế Nhi nhè nhẹ ngồi xuồng ghế, và ngó ra phía cửa sổ, chỉ thấy trời mây, Nhi không dám nhìn Huy, vì nhìn trộm khi người ta đang ngủ là một điều bất lịch sự, mà cô không thể hoá thân thành bức tượng để nhìn ra cửa sổ mãi được.

Nhi nhè nhẹ mở ngăn kéo bàn cạnh giường Huy mong tìm được một cuốn báo hay  cuốn kinh thánh cũng được, để  đọc cho đỡ sốt ruột
Bên trong ngăn kéo có một cuốn sách nhỏ, bìa màu đen xinh xắn trông như một cuốn Kinh thánh.
Nhi mở cuốn sách, thì ra đó là cuốn nhật ký của Huy, một trang, hai trang và Nhi kinh ngạc khi thấy những lá thư tình của Khoa gởi cho Nhi trước kia được chép lại đầy đủ. Sao lại thế này nhỉ?


Trời ơi ! những trang thư riêng tư ấy là do Huy viết, Huy viết dùm cho Khoa, nhưng cho chính cả lòng Huy nữa.
Thì ra Huy cũng yêu Nhi, thuở cả ba còn ở giảng đường đại học. Khoa và Huy cùng có cảm tình với Nhi, nhưng Huy tự ý rút lui vì cuộc tình tay ba nào cũng sẽ có một kẻ dư thừa, anh làm kẻ dư thừa để cho Khoa tiến lên, Khoa không hề biết điều đó, Khoa vô tình và đơn giản quá, đôi khi anh không hiểu nổi những thầm lặng sâu kín của Huy dù họ rất thân nhau.

Khoa biết mình vụng về không có tài ăn nói nên nhờ Huy trổ tài văn vẻ viết giùm những lá thư tỏ tình với Nhi, và lấy được người mình yêu.
Nhi bàng hoàng run rẩy gấp vội cuốn sách bỏ vào ngăn kéo, thuở đó cô mến cả Khoa và Huy,  hai anh đều đứng đắn thành thật, mỗi người có những ưu điểm riêng, nhưng rồi những lá thư tỏ tình ký tên Khoa làm cho cô cảm động và xiêu lòng với lời cầu hôn của Khoa.

Đã ba năm làm vợ Khoa, cô vẫn giữ những lá thư tình đầy ắp yêu thương ấy nào đâu biết rằng là những cảm xúc của một người khác gởi cho cô.
Nhi đỏ mặt bối rối khi nghĩ nếu ngày xưa Huy cứ đến với Nhi biết đâu cô đã là vợ Huy, người đàn ông đang nằm ngủ trên giường này, bên cạnh cô, là chồng của cô, chỉ một chữ “nếu” đơn sơ mà thay đổi cả một kiếp người. Ai mà biết được !!

Nhi xách giỏ đứng dậy, cô muốn chạy trốn ra khỏi đây ngay, cô sợ Huy thức dậy bất ngờ thì anh sẽ đọc thâý những bối rối vụng về của cô và Nhi không biết phải ứng xử làm sao cả. May quá Huy vẫn ngủ say, Nhi đi như chạy trong hành lang bệnh viện, hình như cái hành lang quá dài hay tại cô chạy quá chậm? mà cô vẫn còn luẩn quẩn nơi đây và lại đối diện cô y tá lúc nãy, cô ta mỉm cười với Nhi.

Về đến nhà Khoa vẫn chưa đi làm về, Nhi đổ hộp cháo đi và ngồi thừ người ra ở phòng khách, nghĩ ngợi lung tung, bất chợt cô nhìn lên bức tranh Huy vẽ đang treo trên tường, bức tranh được Huy đặt tên là “Có những con đường”.

Nhi là người nhạy cảm, bây giờ thì cô đã hiểu ý nghĩa của bức tranh, đó là những con đường của Huy và Nhi đi bên nhau nhưng chẳng bao giờ gặp nhau ở một điểm, những con đường tuyệt vọng trong màu vàng úa của mùa Thu chết.
Cô đã hiểu cái tâm hồn nghệ sĩ của Huy, khi yêu người ta làm được nhiều thứ, những lá thư tình kia, bức tranh này , là lời của trái tim Huy dành cho cô.

Khoa đi làm về tới nhà là hỏi ngay:
– Em đã mang cháo đến cho Huy chưa, nó có ăn hết không?
Lần đầu tiên trong đời cô nói dối chồng:
– Em mang cháo đi, vừa xuống xe, chỗ parking, hấp tấp làm sao rơi cả giỏ, cháo đổ hết nên phải quay về nhà.
Khoa nhăn mặt:
– Em bao giờ cũng là người chu đáo cẩn thận sao lần này đoảng thế! Nhưng sao em không về lấy cháo khác mang lên cho nó?
Nhi thoái thác:
– Thôi để lần khác, bây giờ chắc Huy cũng ăn bữa chiều rồi.
– Ừ thôi vậy, để chốc anh gọi hỏi thăm nó.

Huy thức giấc, anh vừa trải qua một giấc mơ đẹp tuyệt vời, trong một góc rừng Thu vắng như trong bức tranh mà Huy đã vẽ, Huy và Nhi đi trên những con đường mòn đó, anh nắm tay Nhi, cùng bước nhẹ trên lá vàng khô, trong gió thổi êm êm Nhi nũng nịu tựa đầu lên vai anh, tóc cô bay lất phất qua mặt anh một mùi hương quen thuộc làm anh ngây ngất, cái mùi thơm mà anh vẫn gọi là “ảo ảnh”.

Đó là mùi thơm trong giấc mơ, nhưng bây giờ mùi thơm ấy hình như vẫn đang quanh quẩn ở bên anh? Mộng và thực nối liền nhau như chuyện liêu trai….
Mỗi lần Huy đến chơi nhà vợ chồng Nhi, chỉ cần Nhi thoáng qua bên anh, anh sẽ nhận ra ngay Nhi đang đứng ở hướng nào, vì Huy đã quen với mùi thơm của Nhi, anh không biết Nhi đã dùng lotion, dầu thơm hiệu gì, nhưng mùi hương làm anh bị mê hoặc, anh gọi mùi đó là “ảo ảnh”, vì mùi hương và người đều ở xa quá tầm tay anh.

Có lần như một kẻ thất tình Huy lang thang đi Mall một mình, anh vào một tiệm bán mỹ phẩm thử tất cả các loại lotion, các loại dầu thơm để cố tìm ra mùi hương nào quen thuộc của Nhi.

Bất ngờ Huy nghe có tiếng cười khúc khích phía sau, là Nhi, anh như một thằng bé con đang ăn vụng bị bắt gặp, anh đỏ mặt nghe Nhi nói:
– Bắt gặp quả tang anh Huy đi mua quà tặng người yêu rồi nhé, anh thích loại gì? Có cần Nhi góp ý kiến không?
Lúc đó Huy chỉ muốn được nắm lấy bàn tay Nhi mà nói:” Đây là mùi hương mà anh yêu thích, anh đang đi tìm em”.

Nhưng Huy chỉ bối rối nói:
– Có nhiều mùi hương… lạ qúa…mùi nào cũng như… ảo ảnh, không là thật Nhi ạ..
Kể từ hôm đó cho đến giờ Huy vẫn chưa tìm ra mùi hương “ảo ảnh” đó.

Cô y tá mở cửa phòng bước vào làm Huy trở về thực tế, cô vừa sửa soạn làm thuốc vừa mỉm cười:
– Trông anh vui quá, anh vừa nói chuyện với một cô bạn gái thật dễ thương mà.
Huy ngạc nhiên:
– Tôi có gặp ai đâu?
Cô y tá cũng ngạc nhiên:
– Cô ấy hỏi thăm tôi phòng 303, cô mang theo một giỏ đồ ăn, tôi tửơng cô đã gặp anh rồi.

Cô y tá không đùa, Huy linh cảm là Nhi đã đến đây, thảo nào khi vừa tỉnh giấc Huy đã ngửi thấy mùi hương “ảo ảnh” quen thuộc.
Anh đã mơ một giấc mơ mà người trong mơ đang ngồi bên cạnh, gần mà xa, xa mà gần ! Nhưng tại sao Nhi lại ra về, không chờ anh thức dậy??

Đợi cô y tá vừa ra khỏi phòng, Huy mở ngay ngăn kéo bàn, cuốn nhật ký của anh để vội vàng lệch lạc, cuốn nhật ký mà Huy luôn luôn mang theo bên mình, để bất chợt có thể ghi lại những cảm xúc của mình.
Huy cầm cuốn sách lên, Nhi đã đọc nó, những ngón tay Nhi đã chạm vào đây, như đã chạm vào trái tim anh.

Tiếng điện thoại reo, Huy nghe đầu dây bên kia là Khoa, Khoa hỏi thăm và kể anh đã bảo Nhi nấu cháo để mang đến cho Huy, nhưng cô ấy sơ ý làm đổ cháo ngay tại parking bệnh viện, nên không vào thăm Huy được. Thôi, xin lỗi nhé,bao giờ Huy về sẽ được ăn bù bất cứ món gì.
Thế là Huy hiểu Nhi đã đến đây, một niềm vui, nỗi khổ và sợ hãi cùng lúc đến với Huy.

Sau hôm rời bệnh viện, Huy đến nhà Khoa dùng bữa cơm chiều như đã từng đến, căn nhà bạn vẫn ấm cúng, Khoa vẫn nồng nhiệt, chỉ có Huy là lúng túng ngại ngần như một kẻ phạm tội có thể bị kết án bất cứ lúc nào.
Anh thực sự chỉ muốn tình yêu thầm kín của anh được dấu mãi trong lòng, dù suốt cả đời người, để anh được gìn giữ nâng niu như một báu vật. Thế thôi!

Khi mới bước vào nhà anh đã nhìn thấy Nhi, cử chỉ cô cũng bối rối như anh.
Như thường lệ, sau bữa cơm Nhi lại dọn trà ra phòng khách cho hai người bạn nhâm nhi, và có thêm Nhi nữa, chắc cô đã qua được cơn bối rối, cô chỉ vào bức tranh của Huy và nói:
– Anh Huy này, Nhi cũng nghĩ ra một cái tên cho bức tranh rồi.
Khoa cười và đùa:
– Gớm, Nhi suy nghĩ đến mấy tuần mới xong một cái tên, chắc là phải độc đáo lắm?
– Em cũng gọi đó là “Có những con đường”.
– Thì có khác gì cái tên Huy đã đặt đâu?
– Vâng, em cũng thích thế! rất có ý nghĩa, như Huy và vợ chồng chúng ta luôn đi bên nhau, gần gũi nhau…Chúng ta mãi mãi là những người bạn quý của nhau cho dù cuối đời hay cuối trời cuối đất như những con đường trong bức tranh kia…có phải không anh Huy?

Huy nhìn Nhi, trong đôi mắt trong sáng và trung thực của cô anh nhận thấy cả một trời bao dung dịu dàng, lòng anh bỗng nhẹ nhàng thanh thản, và anh tin rằng những con đường tình tuyệt vọng trong bức tranh của anh rồi đây sẽ trở thành những con đường bạn bè đẹp đẽ giữa anh và vợ chồng Nhi mãi mãi.

Nguyễn Thị Thanh Dương
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22115
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 22/Jul/2020 lúc 9:00am

Trăm Năm Thắp Lửa Bên Lề 

Hình minh họa

Ngay từ đầu tiệm đã không có bảng hiệu gì, mấy chục năm sau cũng không một chữ, nhưng người ta vẫn tìm được bánh mì cô Vẹn ở góc ngã ba Cây Bàng, vì khách xúm đông. Lại có một cách định vị khác, “thấy tiệm nào có bà già tóc trắng như đội bông bắc cái ghế ngồi đằng trước, cứ ghé là ngay chóc”. Nghe có vẻ đó là một tượng đá dính cứng vào vỉa hè.

Nhưng bà già đâu ngồi nín thinh như đá. Tay lúc nào cũng nhúc nhắc cây quạt, ở cái tuổi tám mươi, ánh mắt vẫn nhảy múa khi cười. Lá bàng chưa rơi tới đất bà đã chực sẵn để lượm rồi, khách vừa trờ tới, bà kêu luôn, “hai ổ xíu mại không bì nhiều ớt”, rồi day qua hỏi anh chàng vừa tắt máy xe, “má bây còn đắp thuốc đầu gối không?”. Hai bên cũng không phải họ hàng gì, chỉ là mua bánh mì tiệm bà miết rồi quen, thuộc cả nết ăn, gia cảnh.

Những người đứng coi tiệm thay cho bà già cảm thấy việc giao lưu với thực khách mới khó, nhất là khi làm không kịp thở, hơi đâu mà đưa chuyện. Những thứ thuộc về “kỹ thuật” như ướp tỏi qua đêm cho thịt ngon, khìa nước dừa cứng cạy cho màu đẹp, nướng bánh mì sao cho đừng quá lửa, làm dưa chua giòn mà không cậy phụ gia độc hại cũng đâu phức tạp mấy. Nhưng bà già bảo, coi khách như người nhà cũng là một thứ hương vị đặc biệt mà không phải tiệm bánh mì nào cũng có. Nói vậy thì nghe vậy, ai dám cãi với người gần sáu mươi năm bán bánh mì kẹp thịt, tiếng ngon đồn xa đến tận quận Mười Ba.

Mà mấy chữ “coi khách như người nhà”, bao gồm cả việc làm sao cho món ăn sạch sẽ, bổ khỏe, thơm ngon. “Đâu phải họ ít tiền thì phải ăn những thứ mạt hạng”, bà già thường nói (và làm) vậy. Giữ tiệm mấy chục năm không điều tiếng, thực khách phần đông là học trò, dân lao động, buôn gánh bán bưng. Họ là người dưng, vẫn được trao cho ổ bánh thơm hệt như ổ dành cho con cháu trong nhà.
Vách nhà vẫn còn treo hình cô Vẹn hồi năm hai mươi sáu tuổi, tay nách một đứa con, một đứa khác đứng bên chân, tay níu ống quần mẹ. Ba má con mặt hơi căng thẳng, chụp cho có để gửi vô khám cho anh chồng lông bông coi. Nhập băng rải truyền đơn, chọi gạch quân cảnh cho vui, chồng xộ khám nửa năm, nhìn hình vợ con có chút bồi hồi. Ngoài ổ bánh mì gởi kèm theo tấm hình, còn có lá thơ, vợ biên rằng, “Tôi mở tiệm bánh mì được chừng chục bữa nay. Bán đồ ăn được cái là lỡ ế thì nhai trừ cơm, không sợ đói. Mình ở trong đó khỏi lo”. Thật ra, anh chồng cũng đâu có lo, bởi anh ham chơi ít để ý chuyện trong nhà. Ngồi tù chỉ nghĩ coi làm gì cho vui, khi hết hạn. Anh càng yên chí hơn khi ngốn hết ổ bánh mì kẹp thịt vợ gởi vô, lạnh nguội rồi mà vẫn ngon lành, lúc còn nóng chắc hớp hồn người ta phải biết.

Lúc chồng được thả, đến ông xe kéo chở anh về cũng biết tiệm cô Vẹn, dứt khoát không lấy tiền bởi “bà nhà anh đã từng cho tôi ăn thiếu hai cái bánh mì, giờ coi như huề”. Anh chồng về hỏi vợ, cô Vẹn hơi lơ mơ chẳng nhớ, chừng như từng cho nợ rất nhiều người, họ trả cũng được, không thì chẳng sao.

Không biết có phải vì bà chủ rộng lòng, mà tiệm bánh mì cô Vẹn đứng vững bao nhiêu mùa bàng thay lá, bao biến cố ngoài đời lẫn trong nhà, con trai đi du học mọc rễ bên Tây, con gái thất tình tự tử may sao không chết, cả khi ông chồng lén vét tiền vàng đi vượt biên cùng nhân tình, biệt tích. Tiệm bánh đi qua bao chính biến, chứng kiến cuộc đổi cờ tốn xương máu. Chính thể thay đổi không làm bánh mì cô Vẹn mất ngon.

Tháng Hai năm rồi, có ông già đeo túi bao tử xệ hông tìm tới tiệm bánh mì, hỏi cô Vẹn còn nhớ đây không, hồi bảy lăm đây từ Phước Long chạy về, cởi đồ lính mà không có gì thay, đó ngoắc vô cho đây bộ đồ Tây, còn dúi thêm ổ bánh mì qua cơn đói”. Cô Vẹn tám mươi vén tóc vành tai nói, “ờ, tình cảnh tới nông nỗi vậy mà còn khen tui đẹp, chồng không thương uổng quá”. Ông già cười rung hàng răng giả, thấy cuộc đời không đến nỗi tệ với mình. Vượt biển tha hương mấy chục năm, về như kẻ lạ, chỉ có bà chủ tiệm bánh mì vẫn quen thuộc như thường, như mới hôm qua, vẫn lấy tiền ổ bánh kẹp thịt đúng giá, tuyệt không nhận thêm đồng nào, dù năn nỉ mấy, “coi như trả tiền bộ đồ hồi ấy”.

Ông chủ tiệm sách cũ kế bên thấy vậy, nói vói qua, “Thôi bạn hiền ơi, cô Vẹn chảnh nào giờ”. Sẵn vui miệng kể luôn, đận bảy lăm ông đội tai bèo về tiếp quản Sài Gòn, ghé qua lộn hết mấy túi vét tiền kêu dồn nửa ký thịt khìa vô ổ bánh mì, ăn cho đã cơn thèm. Cười ngất, cô Vẹn chiều ý anh lính vàng da vì sốt rét, trao cái bánh mì đầy vun nhưng chỉ lấy đúng hai xu, như ổ thường năm bảy lát thịt. Hỏi cô chủ buổi loạn lạc vầy không sợ cướp bóc sao mà buôn bán tỉnh trân, cô cười, “bánh mì mà bị cướp cũng là để no bụng người ta, chớ mất đi đâu”.

Nhiều người vẫn nhớ tuổi ăn tuổi lớn của mình trùng với thời kỳ đất nước khó khăn. Sáng lót lòng không khoai luộc ở nhà thì chỉ có chút tiền còm mua ổ bánh mì chan nước sốt, xịt thêm ít xì dầu. Món ăn đơn giản, nhưng bánh ở tiệm cô Vẹn vẫn ngon hơn chỗ khác. Sau này mới biết cô cho vào nước sốt ít thịt băm nhỏ, nghĩa là thêm chút dinh dưỡng cho lũ học trò nghèo.

Nhưng chưa bao giờ cô Vẹn nói mình làm phước cho ai, con cháu cũng được dặn hoài, “tiệm mình sống được là nhờ ơn khách”. Nên nước sốt cà phải làm từ cà chua, chứ không phải pha bột với phẩm màu. Bì tự làm ở nhà, không phải lấy bì chợ không nguồn gốc. Anh cháu ngoại cô Vẹn, có lần mua thịt chợ chiều cho rẻ, bị rầy nhức xương.

Anh chàng từng làm công chức ngành văn hóa bốn năm rưỡi, một bữa kêu nghỉ, về quản lý tiệm bánh mì. Hỏi lý do thì chỉ cười, “về nói tiếng mình”. Đi làm nhà nước thì phải nói tiếng chim chắc, người nhà thắc mắc. Chỉ bà ngoại anh, tức cô Vẹn lẫy lừng, nói gọn mỗi câu “mai thức sớm học ngoại nấu xíu mại”.

Tiệm cô Vẹn truyền cho đời thứ ba. Anh chàng bỏ đời công chức chưa lâu, còn hăng, hay sôi nước miếng bàn chuyện chính sự với cánh xe ôm chờ khách quanh đó, nào là nước mình sắp vỡ nợ đến nơi rồi, tới đây ông nào lên, ông nào xuống. Bà già ngừng quạt hỏi “nhà còn gạo không?”, rồi không chắc thằng cháu nhận ra mình cà khịa, bà già nói thêm, “chuyện xuống lên của mấy ổng có làm hương vị bánh mì nhà mình ngon hơn?”.

Với bà già, hay thím bán hủ tiếu gõ bên kia đường, con nhỏ bán nước mía, mấy ông xe ôm, những người luôn bị (hay được) gọi là dân đen, chuyện cờ hoa vô cùng xa lạ, chẳng ăn nhập gì với đời mình. Vị trí bên lề, chưa chắc là do bị gạt ra, mà biết đâu do chính người ta lựa chọn. Một thế đứng bình thản, không ngả theo gió nào, không bị rủ rê lôi kéo. Kiếm tiền bằng công việc lương thiện, chỉ cần vậy thôi, là đủ. Như cô Vẹn từng nói khi con trai muốn đón bà qua Tây ở cùng với nó, “Ở đây còn nhiều người ưng bánh mì má làm, má ở lại”.


Nguyễn Ngọc Tư
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22115
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 30/Jul/2020 lúc 9:14am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22115
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 01/Aug/2020 lúc 8:44am

CHẾT OAN


Registered%20Nurse%20-%2024hr%20Care%20Services

 

Bạn tôi gọi phone, giọng nghiêm trọng: Kiếm gấp giùm một người giúp việc nữ đứng tuổi, có năng khiếu săn sóc người già.
– Cho ai?
– Cho ông bà già, ông già bị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn cuối, đau đớn lắm, bao nhiêu người giúp việc thuê làm chỉ vài tuần là hoặc ông già đuổi hoặc người ta bỏ việc vì tính khí cáu bẳn của ông già.

Giới thiệu đến người thứ 41, bạn tôi mới ưng ý.
Vâng, siêu sao ôsin mà tôi giới thiệu là một người phụ nữ đẫy đà, có đủ các tiêu chuẩn đặt ra. Nàng khoảng 40 xuân xanh, chưa từng lấy chồng.
Một tuần sau khi đưa nàng vào chăm sóc ông già của bạn tôi, tôi nhận được điện thoại của bạn gọi đến, giọng vui như chim sáo.

Này nhé, tuyệt vời! Cả mấy tháng nay, đêm nào ông già cũng đau đớn không ngủ được, các loại thuốc giảm đau gần như không còn tác dụng. Vậy mà từ khi có nàng, ông già vừa rên lên khe khẽ, lập tức nàng đến đỡ đầu ông già lên, áp sát vào lòng mình, nơi có đôi gò bồng đảo phốp pháp mềm hơn gối lông ngỗng, ấm áp hơn nắng ban mai, lại thêm những tiếng đập thổn thức đều đặn của trái tim tràn nhựa sống, bàn tay nàng mềm mại vừa xoa nhẹ hai bên thái dương của ông vừa hỏi với giọng du dương:
– Ông ơi, ông nhìn lên bức tranh kia kìa, có đẹp không ông? Con hát ru cho ông dễ ngủ nghe!
– Ừ! Khẽ thôi!
Và thế là nàng hát, hát thật khẽ, thật nhẹ, thật hay.
Và ông già ngủ thiếp đi một mạch cho đến sáng.


Này nhé, bấy lâu nay, lúc nào ông cũng gắt gỏng chuyện người ta cứ ép ông ăn ăn uống uống.
Cuộc sống đối với ông như vậy là đã quá đủ rồi.
Vậy mà nàng cứ bưng chén xúp đến, nhoẻn một nụ cười thật mộc mạc dễ thương với ông, lấy cái khăn ướt lau khắp mặt cho ông, đưa bàn tay mềm mại xoa nhẹ lên khắp bụng ông nói thì thầm:
– Ông ơi, bụng lại xẹp hết cả rồi, cho vào tí xúp ông nhá!
Ông lại nhìn nàng như muốn bật cười vì tính hay dụ dỗ ông của nàng:
– Ừ!
– Tí thôi í mà, con nấu cho ông đấy, ngon lắm!

Và cứ thế, đút cho ông một muỗng, nàng lại nói một câu, vuốt lên bụng ông mấy cái.
Ăn xong, nàng lại còn nghiêng tai áp sát xuống bụng ông, nói thì thầm:
– Bụng ơi, đủ chưa? Cố mà nghiền kỹ cho ông nha!
Cố mà đánh nhau với mấy thằng ma cô cho nó chết hết đi cho ông mau hết bệnh nha!

Thế là ông lại cười, cười to nữa là đằng khác. Này nhé! Mỗi lần lau rửa chỗ vết mổ, lau rửa cái của quí của ông, bàn tay nàng cứ như diễn viên múa chèo ấy, nâng nhẹ lên, lấy bông gòn nhúng nước ấm, lau cẩn thận như sợ chạm phải kíp mìn nổ, vừa lau vừa nhìn ông cười duyên hỏi:
– Ông ơi, con lau cho ông, ông có thấy dễ chịu không? Lau cho nó sạch sẽ, thoáng mát ông nha!
Ông lại nhìn nàng, ánh nhìn đầy vẻ biết ơn, ánh nhìn tràn ngập niềm vui sướng, thích thú. Trong đáy mắt ông có điều gì đó mới mẻ.
Phải nói,nghe chuyện của nàng, mũi tôi phình to hết cỡ.

 

Không đầy một tháng sau, bạn tôi lại gọi điện thoại lúc nửa đêm, giọng hốt hoảng, cầu cứu, hỏi địa chỉ và điện thoại liên lạc với nàng. Tôi ngơ ngác:
– Nàng đang chăm sóc ông bà già mà?
– Không! Bà già đuổi nàng đi cả tuần nay rồi.
– Tại sao?
– Bà già ghen! Này nhé, không ghen sao được! Lúc đầu tìm được người chăm ông tuyệt vời thế bà mừng lắm, giao khoán trắng cho nàng chăm ông, bà lên lầu ngủ thẳng giấc.


Sau vài ngày, bà mới để ý thấy ông dạo này là lạ thế nào ấy. Này nhé, lâu lắm rồi không thấy ông cười, vậy mà mấy tuần nay cứ thấy ông cười nói vui vẻ!
Này nhé, da dẻ ông cứ như là có sắc hồng ấy!
Này nhé, chẳng thấy ông rên la đau đớn vật vã nữa!

 

Bà giành chén xúp trên tay nàng để ngồi xuống cạnh giường ông, cũng nhẹ nhàng đưa muỗng xúp vào miệng ông. Khó nhọc lắm ông mới há miệng ra, thức ăn chưa kịp đụng lưỡi, ông nhăn mặt, nhè ra cả gối, mắng bà là cho cả ký muối vô chén xúp hả?
Này nhé, tối đến, bà bảo nàng lên gác vào giường bà mà ngủ cho ngon giấc để bà ngủ trong phòng nàng.


Nàng tròn xoe mắt ngạc nhiên thưa cả tuần nay nàng có ngủ trong cái phòng dành riêng cho nàng đâu!
– Thế mày ngủ ở đâu?
– Dạ con ngủ luôn bên cạnh ông cho tiện để ông trở mình là con xoa cho ông ngay.

Thế là ba máu sáu cơn, bà đuổi nàng cuốn xéo khỏi nhà ngay lập tức.
Khổ nỗi, suốt một tuần rồi, không có nàng, ông cứ nằm yên, mắt mở trừng trừng nhìn lên trần nhà, thực hiện khẩu hiệu ba không: Không nói! Không ăn! Không ngủ!

Cuộc họp đại gia đình ngay lập tức được tổ chức để biểu quyết áp đảo bà già là phải chiều lòng ông già trong những ngày cuối cùng sống trên cõi đời này.
Bà già ấm ức lắm nhưng đành gọi các con lại để nói rằng mẹ nghĩ kỹ rồi. Thôi thì cứ gọi cái con đó lại đi, để ba con được nhẹ nhàng sung sướng trước khi ra đi!

Tôi đã phải vất vả mới truy tìm lại được nàng.
Tôi tất tả, háo hức, đưa nàng trở lại nhà ông bà già bạn tôi. Tôi có cảm giác như mình đang thay Chúa Trời đưa nước thánh diệu kỳ đến ban cho một người đàn ông đang đau đớn vì bệnh tật trong những ngày cuối cùng, bớt đau đớn vật vã.

 Nhưng không, muộn rồi, ông già vừa ra đi. Người ta phải vuốt mắt ông mãi ông mới chịu thôi không nhìn trân trân lên trần nhà để tìm kiếm phép lạ nữa…

Châu Thổ
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22115
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 11/Aug/2020 lúc 10:02am

Nhà Mẹ, Nhà Con

Hình internet


Nhà Mẹ con ở nửa đời 
Mẹ chưa phiền trách một lời dở, hay


Nhà con Mẹ ở ba ngày 
Thấy, nghe, đủ việc đắng cay tình người 

Nhà Mẹ con được phép lười 
Nhà con Mẹ phải làm người siêng năng 

Nhà Mẹ con thỏa thích ăn 
Nhà con Mẹ phải uống ăn đúng giờ

Nhà Mẹ con mặc sạch dơ 
Nhà con Mẹ dọn tay quờ quạng tay 

Nhà Mẹ con không ngại nói sai 
Nhà con Mẹ nói phải lọt tai láng giềng 

Nhà Mẹ con dữ, con hiền
Nhà con Mẹ phải nể kiêng từng người 

Nhà Mẹ thỏa thích con cười 
Nhà con Mẹ phải làm người nghiêm trang

Nhà Mẹ con bước dọc ngang 
Nhà con Mẹ phải đàng hoàng đứng, đi 

Nhà Mẹ mua sắm con thi (đua)
Nhà con Mẹ dám thích gì con ơi 

Ngẩm suy hai chữ tình đời 
Thăm con ba bữa chơi vơi lững lờ 
Nhà Mẹ giàu có con nhờ 
Nhà con nhiều của Mẹ mơ cũng thừa ...

st.
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22115
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/Aug/2020 lúc 9:26am

Ông Thông Gia


ong%20va%20chau
Tôi sung sướng đằm mình trong nước mát. Trên đầu tôi, chung quanh tôi, nắng chói loà. Tôi bập bềnh trôi. Có tiếng sáo diều văng vẳng.
Đang say sưa ngụp lặn bỗng tôi bị một cái gì va vào làm tôi vùng vẫy, sặc sụa.

– Cậu ngủ say quá thể! – tôi nghe tiếng người, tiếng cô Lương – Dậy đi, cậu.
Cô Lương lột tấm chăn tôi trùm kín đầu. Tôi giằng lại không được. Thế là tỉnh hẳn.
– Có việc gì mà cô đến sớm thế? – tôi càu nhàu.

Tôi tiếc giấc mơ. Tiếc lắm. Không dễ gì gặp được một giấc mơ như thế. Với tôi, dòng sông quê hương mà tôi vừa được thoải mái trầm mình trong đó giờ đây xa lơ xa lắc. Nó gần như mất hẳn trong trí nhớ.
Giấc mơ như một món quà bất ngờ. Món quà tan biến chỉ vì cái nhà cô Lương thổ tả kia.
Tôi nghe tiếng dép lẹp kẹp đi về phía bếp, tiếng nước đổ vào ấm, tiếng bật công tắc.
– Sớm gì mà sớm. – tiếng cô Lương nói – Trưa rồi.

Tôi vẫn còn chưa hết bực mình. Kim đồng hồ trên bàn chập nhau ở con số 12. Trưa thật rồi.
Cô Lương chậm rãi pha trà. Giữa chúng tôi, hơi trà ngào ngạt và ấm áp bốc trên miệng chén.
Ở khoảng cách gần, tôi thấy cô già sọm – hai mắt lõm sâu, má hóp, da mặt đã có màu bao xi măng. Mấy chiếc răng cửa hơi đưa ra, cái duyên của cô ngày trước, giờ xuống màu, với những khe rộng hơn trước.
Giọng cô không còn trong, không còn cao, nó mệt mỏi, khàn khàn. Từ nốt ruồi ở quai hàm bên phải chui ra một sợi râu bạc.
– Cửa cũng không thèm đóng. – cô chép miệng, trách – Em chỉ việc đẩy vào. Có ngày trộm vét sạch. Thật đấy. Cậu biết hôm nay ngày gì không?
– Ngày gì?
– Ngày Ông Táo lên chầu giời rồi đấy.
– Ờ…
Lại một năm trôi qua. Cô Lương là cuốn lịch sống của tôi. Không có cô nhắc, tôi sẽ không biết mình đang ở đâu trong dòng chảy vô hình ấy.
Đã nhiều năm, mỗi khi phải lấy áo ấm ra mặc, thấy tuyết rơi, tôi biết là mùa đông đến; phải lôi cái quạt máy trong đống đồ xếp xó ra cho nó chạy, tôi biết đã vào hè.
– Em mang ít đồ cúng sang cho cậu.
Trên nóc tủ tôi thấy có mâm ngũ quả, xôi lạc, gà luộc. Và nén nhang mới bén.
– Cảm ơn cô.
Cô cười không tươi.
– Đàng nào em chả cúng. Cậu thì cái gì cũng phiên phiến, phiên phiến. Tết nhất phải có chút gì gọi là hương khói để nhớ đến tổ tiên, ông bà. Tết này cậu sang em, ăn Tết bên em nhá?
– Ờ…
– Hôm nay em sang đây – cô nói, giọng ngập ngừng – là có việc phiền cậu…
Tôi đặt chén trà xuống, nhìn cô, chờ đợi. Ở đây, chỉ tôi là người thường nhờ vả cô. Chứ cô chẳng bao giờ nhờ vả tôi.
– Việc gì vậy?
Cô ngần ngừ.
– Em muốn phiền cậu đi Berlin với em một chuyến.
Tôi ngạc nhiên. Từ khi dọn về đây ở gần cô, tôi chưa thấy cô đi đâu.
– Đi Berlin? Làm gì chứ?
Cô nhoẻn cười, ngượng ngập:
– Hỏi vợ cho cháu Hiếu.

Tôi và cô Lương có một tình bạn dài nửa thế kỷ.
Tình bạn của chúng tôi bắt đầu bằng một món ăn. Cô Lương không phải người bình thường. Ở đất thủ đô, cô là người nổi tiếng. Cô nổi tiếng không phải vì cái gì to tát, mà nổi tiếng nhờ món bún mọc.
Tôi sẽ không tả nó ngon như thế nào. Không ai có thể tả được cái sự ngon. Chuyện ấy là của riêng cái lưỡi. Cứ phải ăn mới biết.
Chỉ có thể nói gọn một câu: bún mọc là món độc quyền của cô Lương trong toàn thành phố. Về món này không ai cạnh tranh được với cô.
Quanh gánh bún cô Lương, khách ngồi chật vỉa hè đợi đến lượt. Đông thế mà cô tài nhớ lắm ai đến trước, ai đến sau, lần lượt múc cho từng người suất bún nóng hổi, thơm phức, nước dùng ngọt lịm, húp bỏng miệng.

Những viên mọc của cô, được chế tạo cách nào không biết, nêm nếm thế nào không biết, mềm và đàn hồi, cắn ngập chân răng, như thể chúng không phải được nặn bằng thịt lợn tầm thường của trần thế.
Đến đây tôi phải nói ngay rằng giữa hai chúng tôi không hề có chuyện ong bướm. Đơn giản vì cô Lương không phải là một cô. Cô không phải đàn bà.
Trở thành khách quen của gánh bún mọc, tôi gọi anh chàng Lương này bằng cô, như cách mọi người gọi.
Có người còn gọi là cô đồng Lương. Gọi thế không đúng – Lương không phải cô đồng. Không hầu đồng, không am miếu, không hương khói, đàn địch, không con công (con nhang?) đệ tử, sao gọi thế được.

Các nhà khoa học viết khá nhiều về hiện tượng ái nam ái nữ, tôi có đọc, nhưng không hài lòng. Thế giới “ái” rất đa dạng, rất phức tạp, theo tôi quan sát. Nó không dễ giải thích.
Đơn giản hoá nó, sơ lược hoá nó, trong cái nhìn bất biến, đinh ninh, miêu tả qua lăng kính duy vật cho ra vẻ khoa học là không được.

Lấy cô Lương làm ví dụ. Đực rựa, có vợ có con hẳn hoi. Chị vợ, tôi đã gặp, xinh gái, đàn bà trăm phần trăm, mẹ của hai đứa con giống bố như đúc.
Một gia đình như mọi gia đình. Cái khác là trong gia đình này anh chồng từ tấm bé đã thích trang điểm theo cách nữ – ở nhà không biết thế nào, chứ ra đường là phải thoa một chút phấn hồng lên má, quệt một đường son nhẹ lên môi.
Lại còn đeo nịt vú nữa chứ (nó hiện rõ qua lần áo phin nõn), ai cũng thấy. Nói ỏn ẻn, đi nhún nhẩy, hai tay phẩy phẩy bên hông, như thể đàn bà. Thế mới thành cô Lương.

Nhưng “cô” không có một nhân tình đàn ông nào, tuyệt không. Chưa ai bắt gặp “cô” cặp kè với một người phái nam. Vì thế, nói rằng trong con người cô Lương có thứ tình dục đồng giới, bệnh hoạn, theo cách nhìn của thế hệ tôi, là nói bậy.
Tôi là người không háo lên án ai, lên án cái gì. Tôi chỉ háo ăn ngon. Qua một lần nếm thử đã đủ để tôi trở thành khách quen của gánh bún mọc cô Lương. Thấy tôi, khi nào cô cũng đon đả:
– Kìa, anh giai! – rồi khi múc bát mọc rồi, cô tươi cười hỏi, không thể nói rằng cô hỏi lấy lệ – Anh giai thêm hành trần nhá? Ớt tươi chứ? Anh giai sành một cây, em biết tính ông anh mà, ăn mọc chẳng chịu tra tương ớt đâu. Ngần này đủ chưa?
Rồi lại sợ mất lòng một ông khách nào đó nghiện tương ớt, cô bả lả:
– Nói vậy chứ bách nhân bách tính, có người thiếu tương ớt là nhạt mồm nhạt miệng, ăn mất ngon, có phải không ạ?
Hoặc:
– Anh giai nom có vẻ mệt, em nhúng hai trứng nhá? Anh giai bổ dưỡng đi cho chị em vui.
Tôi đỏ mặt vì những lời chớt nhả ấy. Khách tủm tỉm nhận xét: múc cho tôi, trong muôi của cô bao giờ cũng có nhiều mọc hơn cho người khác, một chút thôi, nhưng hơn.

Họ đùa cợt bảo: là do tôi đẹp trai. Tôi soi gương chẳng thấy mình đẹp trai tẹo nào, có lẽ tại hai chúng tôi có duyên tiền kiếp.
Đùng một cái, không thấy cô Lương dọn hàng. Không ai biết cô biến đi đâu.
Khách hàng nghiện bún mọc buổi sáng nhìn cái vỉa hè quen thuộc từ lâu đông nghịt giờ đây trống trơn, chưng hửng dắt xe đi.

Hỏi người chủ ngôi nhà trước gánh bún mọc của cô Lương, một ông già cao lêu đêu, ông ta lắc đầu: không biết.
Cô Lương đến xin đặt nhờ gánh bún thì ông cho, ông không khoảnh. Ông cho cô ngồi nhờ ở hàng hiên nhà ông vô điều kiện.
 Để cảm ơn ông, sáng nào cô cũng làm một bát mọc tú hụ bưng vào cho ông.
 Khi khách quá đông, ngồi chật cả lối ra vào, ông chưa kịp trách thì cô Lương đã bẽn lẽn xin gửi ông ít tiền hàng tháng, coi như thuê chỗ.
– Cô ấy cứ giúi vào tay, bắt tôi phải nhận. Chứ tôi cũng không đòi. – ông nói như phân bua – Thời buổi này giúp nhau được chút gì thì giúp, là cái nghĩa đồng bào.
Vỉa hè nào phải của tôi. Nhưng cô ấy là người biết điều. Thấy làm phiền người nhà đi ra đi vào, cô ấy ngại. Tôi không biết cô ấy dọn đi đâu, thật vậy.

Hoá ra trong những ngày ấy cô Lương ở tù. Với người Việt ta, ở tù không phải sự lạ. Thiên hạ gặp nhau thấy ngờ ngợ thì không hỏi quê quán, họ hàng mà hỏi: mình gặp nhau ở trại nào nhỉ?
Tôi gặp lại cô Lương ở một nơi mà cả hai đều không ngờ: Trại tị nạn Hồng Kông.
– Giời ạ, cậu?! – trông thấy tôi, cô Lương túm lấy, mừng quýnh. Rồi trợn mắt lên, thì thào – Cậu, sao lại ở đây?
– Thì có gì lạ?
– Cậu là cán bộ kia mà.
Cô Lương thay đổi đến khó nhận ra: Son phấn không, áo quần luộm thuộm, nhếch nhác, trên mép là một hàng ria nham nhở.

Bây giờ tôi không còn là khách hàng nữa, cô gọi tôi bằng “cậu”. Tiếng “cậu” của ta có nhiều nghĩa, là cách bạn bè thân mật gọi nhau, cách con gọi cha, vợ gọi chồng, cháu gọi em ruột của mẹ.
Khi dùng với người ngoài nó lại là cách xưng hô tỏ sự tôn trọng đối với người có dòng dõi hoặc thuộc vai vế xã hội trên mình.
– Cán bộ thì đã sao? – tôi ôm chầm lấy cô – Đến đây lâu chưa?
– Hai năm rồi. Còn cậu?
– Mới.
– Em tưởng chỉ có dân chúng em khổ quá mới phải ra đi thôi – cô Lương cụp mắt nhìn xuống bàn chân đầy bụi di di trên mặt đất – Ai tự dưng bỏ nhà bỏ cửa, bỏ quê hương bản quán? Báu lắm đấy, cái đồng đất xứ người… Mà tại sao cậu lại phải đi?
– Chuyện dài – tôi đáp – Lúc nào rảnh, tôi kể. Còn cô, đang đắt khách sao cô lại dẹp hàng, rồi ở đây?
– Cũng là chuyện dài, cậu ơi.
Chuyện dài ấy là thế này:

Trước, hai mẹ con cô Lương là xã viên hợp tác xã thu mua đồ phế thải, nôm na là hợp tác xã đồng nát.
Dân ta vốn thích oai, gọi vống lên cho sướng, chứ xã viên của cái hợp tác xã này vẫn là những bà đồng nát ngày trước. Đòn gánh trên vai, hai đầu hai thúng, họ lang thang khắp phố phường mua đủ thứ đồ vứt đi: Sắt vụn, nồi thủng, mâm bẹp, giấy lộn, tóc rối…, đem bán lại cho các vựa.

Để được phép làm việc ấy, tháng tháng họ phải đóng một khoản tiền cho hợp tác xã, coi như mua sự hợp pháp.
Mẹ cô Lương là con gái Ước Lễ, Hà Đông, làng này nổi danh cả nước về nghề giò chả.
Chồng chết sớm, bà mở hàng ăn kiếm sống, nuôi con. Có nghiệp tổ, miễn chăm làm thì không giàu được cũng đủ sống.
Mở hàng mới được ít lâu thì đùng một cái, nhà nước ra lệnh cấm tiệt mọi nghề dính dáng tới lương thực, tức là tuốt tuột mọi thứ – gạo, ngô, khoai, sắn và bất cứ thứ gì có chứa tinh bột Vốn liếng thế là tong.

Cũng có vài hàng phở, hàng cháo lòng đánh liều, bán chui ở trong nhà. Bà không có cái gan ấy. Để được bán chui phải chạy vạy, phải đi đêm với đủ loại quan nha, chức sắc: Cán bộ phòng thuế, cán bộ quản lý thị trường, công an khu vực… mới yên.
Suy đi tính lại, chỉ có cái nghề mạt hạng, bị khinh khi, là nghề đồng nát, người ta mới không nhòm đến.

Cuộc sống vất vả làm sức khoẻ bà suy sụp, rồi mất. Cô Lương còn lại một mình. Cô bỏ gánh giấy vụn, đi làm thuê cho một quán phở chui.
Cho đến khi ông nhà nước thấy cuộc sống sa sút quá, kinh tế xuống dốc quá, thành phố tiêu điều quá, mới rộng lượng ngoảnh mặt đi cho những người buôn thúng bán bưng muốn làm gì thì làm, cô Lương mới dám nghĩ tới việc vay mượn họ hàng sắm sanh gánh bún mọc cho mình. Rồi lấy vợ, đẻ con.
Ai ngờ một gánh bún mà làm nên cơ đồ.
Cô Lương trở nên giàu có. Nói giàu là nói trong khái niệm tương đối. Giàu ở đây là có nhiều tiền hơn người quanh mình thôi, chứ chẳng phải thiên ức vạn tải gì.

Có đồng ra đồng vào, cô cũng chẳng sung sướng. Thời bấy giờ, giàu cũng là cái tội cái nợ. Người dư dả đồng tiền ngẩn ngơ không biết dùng nó làm gì.
Sắm sửa thì hàng xóm biết, gửi tiết kiệm nhiều tiền thì nhà nước biết. Phải tìm mọi cách giấu cho kín cái giàu, không được hở cho bất cứ ai.

Đã trở thành thói tục người này theo dõi người kia, nhà này nhòm ngó nhà khác, không trừ cả thân thuộc. Thành thử cô Lương phải hết sức giấu giếm cái sự giàu của cô, như các cụ nói, như mèo giấu cứt. Nhưng chẳng lẽ cứ tích tiền để đấy trong lúc nó mất giá hàng ngày?

Nhờ ông anh họ mách nước, cô trở thành người “chơi” đồ cổ. Ông này rất sành đồ cổ, nhất là trong lĩnh vực gốm sứ, tôi có nghe tiếng.
Ngay Viện bảo tàng Lịch sử cũng phải mời ông cố vấn mỗi khi phải xác định niên đại một hiện vật mà nhận định của các chuyên gia không thống nhất..
Người như thế lẽ ra phải ở trong biên chế, nhưng ông không được nhận vì lý lịch – cha ông có thời làm thông phán trong phủ Toàn quyền.
Ông khuyên cô:
– Chú cứ nghe tôi: để tiền vào đồ cổ là an toàn nhất hạng.
Nó là thứ không thiu không thối, càng để lâu càng có giá. Chú quen nghề đồng nát, biết nhiều nhà, cứ lân la dò hỏi, biết đâu đấy, có khi vớ được của quý cũng nên.
Gặp đồ cổ chú cứ gọi tôi, tôi biết cái gì quý, cái gì không quý, trả bao nhiêu là vừa.

Nhà nước mua lại đồ cổ của dân bằng giá rẻ mạt, như cướp không, chẳng ai muốn bán. Dân đào được đồ cổ cũng bị thu mua, chỉ được tí tiền gọi là bồi dưỡng.
Mình trả cao hơn nhà nước là người ta bán. Quen rồi, người nọ mách người kia, chú sẽ mua được khối thứ. Mua rồi cứ để đấy.

Cô hỏi ông anh:
– Mua để đấy phỏng có ích gì?
– Xì, chú không biết nhìn xa.
– Là thế nào ạ?
Ông nói chắc nịch:
– Thể nào rồi cũng có một ngày khác bây giờ. Lúc ấy chú cứ gọi là ngồi trên đống của.

Cô Lương nghe lời ông anh. Cô làm quen với giới buôn đồ cổ “chui”. Cô dò hỏi, cô lùng sục, gặp đồ quý, cô mua.
Dần dà, nhờ sự dạy dỗ của ông anh, cô cũng trở thành một chuyên gia đáng nể.
Cầm cái bát, cái đĩa hay lọ độc bình lên, ước lượng nặng nhẹ để biết xương, xem men, xem dáng, cô có thể nói ngay niên đại của món đồ, thuộc đời nào Tống, Đường, Minh, Thanh hay Lý, Trần.
Còn hơn chuyên gia, cô sở hữu một số đồ độc nhất vô nhị. Các cụ nói: cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, đồ cổ thì thứ nào cũng lớn hơn kim hết.

 Thế rồi một ngày kia có người chào cô mấy cái đĩa men ngọc đời Lý, men rạn, cực hiếm. Cô mua ngay.
Cũng ngay đấy công an ập vào khám để tìm những hiện vật Viện bảo tàng vừa mất trộm. Người ta tìm ra tức khắc – chính là mấy cái đĩa ấy.
Để “làm rõ” lý lịch những đồ cổ khác, người ta thu tất tần tật các thứ cô tích cóp được trong mấy năm trời.

Cô Lương bị bắt vì tội “tiêu thụ của gian”. Cô ở tù gần một năm, không xét xử, gọi là giam cứu.
– Rồi họ xác minh cô vô tội?
– Làm gì có chuyện ấy?! – lần đầu tiên tôi thấy cô cười gằn – Họ bảo em nhận tội đi rồi họ tha, không nhận thì cứ ở đấy.
– Rồi cô nhận?
– Chứ sao.

Ra tù, cô trắng tay. Với tấm giấy tạm tha trong túi. Cô vợ xinh gái đi theo một tay cán bộ phòng thuế. Có thể gây dựng lại cuộc đời bằng gánh bún mọc, như trước kia, nhưng cô không còn sức, nói cho đúng, sau khi ở tù ra cô chán mọi sự, không còn ý chí, không còn ham muốn.

Nghe người ta mách, cô dắt hai con xuống Hải Phòng tìm đường đi xứ khác. Cũng lại do ông anh họ chuyên gia đồ cổ:
– Chú đi đi, chú đã bị bỏ tù một lần, coi như có vết, không tiền án cũng tiền sự, ở đây khó sống lắm. Bây giờ người ta đi ầm ầm. Tôi xin lỗi chú. – ông quệt nước mắt, sụt sùi – Cũng là tại cái thằng tôi chú mới sa vào vòng tù tội…
Chuyện vượt biên xưa như trái đất, khỏi kể. Sóng gió, đói khát, cạn nhiên liệu, chìm tàu… vân vân. Tất cả những cái đó xảy ra với bất kỳ ai. Người có số may mắn hiếm lắm.

Tôi bằng lòng đi Berlin với cô Lương. Cô nói không có tôi đi cùng, cô sẽ lúng túng, không biết ứng xử thế nào với nhà gái cho phải phép.
Ở nhà cô, một chàng trai cao, to, để ria mép, trân trân nhìn tôi.
– Cháu Hiếu đấy – cô Lương nói, vẻ tự hào pha ngượng nghịu.
– Chào cháu – tôi chào nó, biết rằng nó sẽ không chào tôi trước – Bác không nhận ra cháu đấy.
– Gutten tag … – nhìn tôi, nó nói – Bác khoẻ?
Cô Lương liếc tôi, cái nhìn biết lỗi.
– Khi chúng mình gặp lại nhau, cháu mới bằng ngần này. – tôi cười xuề xoà với cô Lượng, rồi giơ bàn tay úp sấp làm hiệu chỉ chiều cao của nó hồi ấy – Từng ấy năm, cháu làm sao nhớ được tôi là ai.

Nghe cô kể thì thằng Hiếu sáng dạ, học trung cấp cơ khí, bây giờ đã là trưởng ca hay trưởng kíp gì đó trong một nhà máy, công việc tốt, lương cao.
– Ba, con ra tiệm nét một lát – nó bước ra cửa – Con đi chếch meo. Ba với bác chuẩn bị sẵn sàng nhé!
Tôi nhớ lúc còn nhỏ, hai đứa con cô Lương không gọi cô bằng “ba”. “Ba” hiện đại hơn, sang hơn “bố”.
Đi ngang tôi, thằng Hiếu vẫy tay:
– Chuýt!
Thì ra cái Audi đen bóng đậu ngoài phố, lối vào nhà, là của nó.
– Bọn trẻ giờ thế cả. Không biết lễ phép là gì – cô Lương thở dài – Sang đây chúng nó thành Tây cả. Nó vừa nói cái gì vậy, cậu?

Tôi giải thích. Cô Lương không biết computer là cái gì.
– Cậu đừng chấp – cô Lương bảo tôi – Thế là toi cái Tết. Mình lên đấy rồi về chắc gì kịp ăn Tết.
Em mời cậu Tết này ăn Tết với em, mời thật tình, mà hoá ra mời rơi. Cậu vào đây mà xem: em đã lo sẵn hết cả: măng lưỡi lợn nhá, chân giò nhá, lá giong gói bánh nhá, thịt xay làm mọc nhá… tất tần tật.
 Em nghĩ lại rồi, em đi một mình cũng được, bắt tội cậu đi với em những ngày này, em ái ngại quá.
-  Vẽ, đi là đi. Tôi nói rồi, với tôi ngày Tết chẳng có gì quan trọng. Cô đừng nghĩ ngợi.
– Thằng Hiếu lấy Tây hay ta đấy?
– Ta, cậu ạ. May thế!
Cô chị thằng Hiếu lấy Tây. Bố vợ với con rể chỉ gút tần tác, gút tần nác với chuýt là hết chuyện. Cô Lương rầu lắm.

Cô còn rầu hơn nữa là đến bẹo má thằng cháu ngoại một cái cũng không được, sờ cái giống của nó cũng bị cấm – Tây nó không thích. Nó sợ cô làm bẩn con nó.
Cô phân trần:
– Nhà gái đòi phải có chạm ngõ, ăn hỏi, rồi mới cho cưới. Lôi thôi quá, cậu ơi. Lần trước gọi điện về, thằng Hiếu đã giục. Em bảo: để thư thư, Tết ra đi cũng được. Đùng một cái, ông bố vợ nó bị đâm xe.
– Nặng không?
– Nặng, mới khổ. Bà mẹ vợ bảo thằng Hiếu phải tức tốc về đón em lên để chính thức có nhời với người ta.
Nếu chẳng may ông ấy có mệnh hệ nào họ còn cho cưới chạy tang.
– Hiểu rồi. Cô biết nhà gái chứ?
– Thằng Hiếu có nói gì trước với em đâu.
Mặt cô Lương chảy dài. Khi cô buồn, hay là có điều suy nghĩ, cô bước những bước chậm chạp, cái lưng gù xuống.

Làng chúng tôi ở miền Nam nước Đức. Làng nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, an bình. Nói chung, làng quê ở vùng này đều thế: Gọn gàng, tiện lợi, bé tí, mà cái gì cũng có – bưu điện, cửa hàng dược phẩm, bệnh viện, trạm xăng, siêu thị.

Thằng Hiếu vui vì tôi nhận lời đi cùng bố nó, nhà trai như thế là đủ hoành tráng. Nhưng nó chê ỏng chê eo nơi ở của chúng tôi:
– Cháu đã bảo ba cháu dọn lên Berlin, ông ấy không chịu, kêu ở thành phố lớn ồn. Ra đến nước ngoài mà còn chui rúc xó xỉnh.
Ở cái chốn nhà quê thế này, bác tính, vui thú nỗi gì cơ chứ? – nó nói với tôi trên con đường làng hẹp – Sorry bác, mấy ông khốt giống nhau như đúc, sợ thay đổi như sợ cọp…
Cô Lương im lặng. Tôi ậm ừ. Tôi cảm thấy mếch lòng. Cứ như thể bố nó không chịu đi là do tôi, ông ấy thích ở đây là vì ở đây có tôi.
– Được cái ông bố vợ cháu khá. – thằng Hiếu hồn nhiên tiếp tục – Khác hẳn bố cháu. Còn nhanh nhẹn lắm, cứ như thanh niên í. Hồi mới sang, ông í đứng đường bán thuốc lá lậu, rồi cầm đầu hẳn một băng, kiếm khẳm. Tậu được nhà. Nhà hẳn hoi, chứ không phải căn hộ. Thay xe như thay áo. Mẹ vợ cháu cũng đảm, làm chủ một resto trên năm chục bàn. B
Ba cháu mà như người ta thì đâu đến nỗi như bây giờ. Mèng ra cũng có một cái imbiss . Tội nghiệp, không biết liệu ông bố vợ cháu có tai qua nạn khỏi không?

Không giống nhiều thanh niên khác, Hiếu vẫn nói thạo tiếng mẹ đẻ, chỉ thỉnh thoảng nó mới chêm vào vài tiếng Đức quen miệng, vài tiếng Anh thời thượng.
Trên xe, nó nói với tôi nhiều hơn nói với bố.
– Này, anh Hiếu, thế ông ấy đã làm… hừm, gọi là cái gì nhỉ, à, cái di chúc chưa đấy? – giữa câu chuyện, cô Lương đang lim dim ở ghế sau, nhổm lên nói.
– Ông ấy khoẻ như vâm, – thằng Hiếu nhún vai – nghĩ gì đến di chúc.
– Vạn nhất ông ấy không qua khỏi mà không có di chúc để lại thì, hì hì…, vợ chồng anh dễ bị thiệt lắm.
Trong câu nói của cô Lương có âm sắc mai mỉa. Nhưng con trai cô không nhận thấy.
– Ông ấy có gì để lại? Khôn như rận, ba ơi, cái gì cũng tên vợ hết. Ông ấy sợ. Bọn Đức khiếp lắm, trốn thuế cả chục năm rồi chúng nó vẫn moi ra đấy.

Chúng tôi đến Berlin vào buổi tối.
Bà thông gia phốp pháp, son phấn tưng bừng ngay cả khi đang điều khiển nhà hàng. Nhác trông cũng thấy sự không môn đăng hộ đối giữa nhà trai với nhà gái.
– Chúng em không oẻ hoẹ tương tàu đâu, thưa hai bác – bà nói, giọng ngọt lịm – Nhưng mà, thưa hai bác, gì thì gì mình vẫn cứ phải giữ lề thói cha ông. Con nhà gia giáo chữ lễ phải coi trọng, là nhất, có đúng thế không ạ? Em dễ tính, cứ phiên phiến, thế nào cũng xong, chứ ông nhà em cổ lắm, nhất nhất cứ phải theo phép xưa mới chịu. Phật tử đấy ạ. Chăm đi chùa lắm. Mà chùa thì xa, có phải gần đâu. Tối nào cũng ngồi thiền, tụng kinh niệm Phật đấy ạ.

– Ông bà nghĩ thế là chí phải. – cô Lương chắp tay lễ phép – Chúng tôi nhất nhất xin theo. Ngặt vì mình ở xứ người, có nhiều cái không thể được như ở nhà, chúng tôi có điều gì thất thố xin ông bà bỏ qua cho.

Cô Lương nói trơn tru trước sự ngạc nhiên của tôi. Thường ngày cô có cái giọng ấy, có õng ẹo cũng là chất phác, mộc mạc.
– Con Thuỷ đâu rồi? – bà cao giọng gọi vào trong bếp – Ra đây.
Một cô gái trẻ, vận quần áo đúng mốt, có hở một chút rốn, nhanh nhẹn chạy ra. Mắt thằng Hiếu sáng lên. Hai đứa nhìn nhau lúng liếng. Con bé này rồi cũng đảm chẳng kém mẹ, tôi nhận xét.

– Con chào hai bác đi. Bây giờ thế đấy, hai đứa chúng nó quen nhau từ lúc nào em đâu biết, chúng nó đâu có báo cáo báo cầy gì với bố mẹ.
Thôi thì không bằng lòng cũng phải bằng lòng, bác không kén dâu, chúng em cũng chẳng kén rể, mà có kén cũng chẳng được, thời bây giờ chúng nó kén nhau chẳng khiến ta, em nói thế có phải không ạ? Là cái duyên cái số cả.
Nhà trai đến, có nhời với chúng em là chúng em vui rồi. – bà rơm rớm nước mắt – Vui đến, buồn cũng đến.

Năm nay nhà em gặp hạn. Ông nhà em lái xe cẩn thận lắm, mà vẫn bị. Tổ cha cái thằng Đức lợn ấy, nó phóng bạt mạng, mới ra nông nỗi.
Thổi bong bóng thằng ấy thấy có hơi rượu, nhưng cảnh sát bảo còn dưới mức cho phép. Chúng nó bênh nhau mà, bọn Đức thế cả, ai chả biết. May, nhà em đã mua bảo hiểm toàn phần…

Cô Lương đến lúc ấy mới dám lí nhí hỏi câu cô muốn hỏi.
– Thưa, bệnh tình ông nhà… thế nào rồi?
Bà thông gia vui vẻ:
– May, tưởng nặng, hoá không phải. Không phải mổ xẻ gì hết, chỉ mấy mũi khâu, băng bó xong nằm tĩnh dưỡng ít hôm là về. Nhà em hiếu khách lắm, ông ấy mà gặp hai bác thì chuyện dứt không ra đâu.
Mấy hôm nữa, khoẻ lại rồi, nhà em sẽ đưa hai bác đi thăm các danh lam thắng cảnh ở đây. Còn bây giờ em xin mời hai bác dùng bữa rồi về nghỉ ở nhà em. Được cái nhà không đến nỗi chật, em đã chuẩn bị, hai bác mỗi người mỗi phòng ạ.

– Cảm ơn bà, bà chu đáo quá. Bác cháu đây (cô Lương chỉ tôi) trước cũng ở Berlin, bác cháu đã gọi điện đặt phòng ở một khách sạn quen rồi – cô nói dối ráo hoảnh, làm tôi một lần nữa ngạc nhiên – Chúng tôi nhận phòng xong là ăn tối luôn ở đấy cho tiện rồi mới lại yết kiến bác…

Khi chúng tôi đến phòng bệnh thì thấy một bác sĩ Đức đang ở trong đó, đang đọc bệnh án.
Nhác thấy người bệnh qua cánh cửa khép hờ, cô Lương lùi phắt lại như bị điện giật, nắm chặt lấy tay tôi.
– Ông sao vậy? – tôi ghé sát vào tai cô Lương, thì thào.
Cô Lương xua xua tay:
– Không, không sao.
Mắt vẫn không rời khe cửa, mặt cô Lương đờ ra, xám ngoét.
Cô lôi tôi khỏi chỗ.
– Thằng Hiếu đâu rồi?
– Tôi không biết. Nó vừa đây mà.
Thì ra thằng Hiếu dừng lại ở ngoài cổng hút thuốc. Cô Lương lật đật chạy đến, túm lấy nó, tôi hối hả theo sau.
Đứng trước mặt con, cô dằn giọng:
– Hiếu, bố vợ mày tên là gì?
Nó trố mắt:
– Sao, có chuyện gì mà ba hỏi thế? Sao mặt ba tái đi thế?
– Tao hỏi: bố vợ mày tên gì?
Thằng Hiếu ngớ ra.
– Ông ấy tên là Khởi, ông Khởi. Có chuyện gì thế, ba?
– Đúng, đúng là nó.
Cô Lương lẩm bẩm rồi cúi gập xuống như một thân cây bị đốn. Tôi vội đỡ cô. Thằng Hiếu lại càng hốt hoảng:
– Ba, ba sao vậy? Bác có biết ba cháu bị sao không?
Tôi lắc đầu. Cô Lương phẩy phẩy tay:
– Đi về. Đi về.
– Sao đến đây rồi lại đi về, ba?
– Đi về là đi về.

Tôi đoán là có chuyện nghiêm trọng, liên quan tới người bệnh đang nằm trong kia. Tôi kéo cô vào quán nước gần nhất. Dọc đường cô như người mất hồn, mặc tôi muốn đưa cô đi đâu thì đi.
Đặt cô ngồi xuống ghế, tôi gọi mấy ly bia. Cô run run cầm cái ly lên, lẳng lặng uống cạn. Đợi cô uống xong, rồi ghé sát vào tai cô thì thào:
– Ông biết ông ta?
Cô Lương nhìn chằm chằm vào khoảng không, môi mím chặt:
– Chính là nó. Chính là nó đấy, ông ạ.
Khi có người thứ ba, chúng tôi không xung hô với nhau như thường ngày nữa, mà “ông, tôi”. Cái đó đã trở thành quy ước, nó gắn chặt thêm tình thân giữa chúng tôi, như giữa hai kẻ đồng mưu.
– Mà nó là ai kia chứ? – tôi gặng.
Cô hít vào một hơi rồi thở ra hộc ra, như muốn trút hết không khí khỏi lồng ngực:
– Là thằng làm đời tôi tan nát ấy. Nó. Chính là nó. Có đến chết tôi cũng không quên mặt nó, cái thẳng khốn nạn ấy. Chính là cái thằng giả dạng đem bán cho tôi mấy cái đĩa cổ, rồi làm hiệu cho đồng bọn ùa vào khám nhà để tống tôi vào tù đấy.
Một giọt nước mắt xúc động lăn trên gò má, cô lấy mu bàn tay quệt đi. Rồi ngẩng lên, nhìn vào mặt con:
– Thằng Hiếu nghe đây!

Thằng Hiếu ngẩn ngơ trước thái độ không bình thường của bố. Bình thường bố gọi nó bằng anh, một điều anh Hiếu, hai điều anh Hiếu, với giọng trịnh trọng của ông bố đã có tuổi nói với đứa con đã thành nhân, không bao giờ bố gọi nó bằng thằng.
Trước mặt nó giờ đây không phải là ông bố hiền lành, ông bố đụt, mà nó đã quen thấy, mà nó hằng coi thường. Trước mặt nó là một người đàn ông dữ dằn đang nổi cơn điên.
Nó bất giác khoanh hai tay lại, cử chỉ từ lâu nó không làm.
– Dạ.
– Nghe tao nói đây: Mày sẽ không lấy cái con nhà ấy, hiểu không? – cô nhìn thẳng vào mắt nó, dằn từng tiếng, như bắt nó phải khắc trong trí
– Con ấy có là tiên cũng không lấy nữa, không được. Thằng Khởi là kẻ thù của gia đình ta. Chính nó đã làm cho gia đình ta điêu đứng. Hôm nay có súng trong tay thì tao đã bắn chết nó…
Thằng Hiếu im lặng ngồi phịch xuống ghế. Hai tay ôm đầu, nó ảo não nhìn bố.
Vẫn giọng chắc nịch, cô Lương không nói, mà tuyên bố:
– Thà chết, chứ tao không thông gia với cái giống ấy.

Tôi ôm lấy vai cô:
– Việc gì thì cũng phải bình tĩnh, từ từ suy nghĩ, trước hết là phải bình tĩnh, không nên nóng nảy. Bây giờ ta về khách sạn. Rồi tính tiếp.
Ngày hôm đó kẻ vất vả nhất, khốn khổ nhất, là thằng Hiếu. Nó lái xe chạy cuồng giữa ba đỉnh của một hình tam giác – khách sạn, nhà thương, nhà hàng.
 Nghe lời tôi, nó nói dối bố mẹ vợ rằng lễ vấn danh theo kế hoạch như thế là phải hoãn – bố nó bất thình lình trúng gió, nằm liệt, không đi lại, không làm gì nổi.
Ông bố không nói gì, nhưng bà mẹ và cô con gái cuống lên, nằng nặc đòi đến thăm. Nó phải ra sức cản, viện lẽ chừng nào bố nó chưa được định bệnh thì không thể và không nên đến, biết đâu đấy, chưa chừng bố nó nhiễm chứng cúm châu Á ngay trước khi lên đường đi Berlin cũng nên, bệnh ấy vừa xuất hiện, người bệnh cần được cách ly.
Lời nói dối có hiệu quả – ở Đức người ta sợ cúm châu Á còn hơn sợ dịch tả.

Tôi không nói với cô Lương đó là kế hoãn binh của tôi. Tôi nói ra, cô sẽ nổi khùng. Cả ngày, cô chẳng nói chẳng rằng, chỉ nằm ngửa nhìn lên trần.
Đêm đến, thấy cô có vẻ đã nguôi ngoai, tôi mới lựa lời khuyên nhủ:
– Cô nóng quá. Sự đời rắc rối, nó đã xoay ra thế rồi, sức mình không cải được, thì đành chấp nhận, chứ biết làm sao?
Cô Lương trợn mắt:
– Cậu nói thế là ý thế nào? Là em phải quên đi, phải chịu làm thông gia với thằng khốn kiếp ấy? Cậu muốn em muối mặt đến gặp nó để xin con Thuỷ cho thằng Hiếu?

Cô Lương tung chăn ngồi dậy, ôm đầu rền rĩ
– Không, cậu ơi, không, em không thể nhìn mặt nó. Em không thể làm thông gia với nó. Không là không.
– Thì tôi có bảo cô phải đến gặp nó đâu. Tôi chỉ muốn nói là hai trẻ đã trót yêu nhau rồi, thì mình phải nghĩ cách sao cho vẹn cả mọi đường…
– Cách gì?
– Thì phải nghĩ đã chứ. Sao cho chúng nó không đau khổ.
– Chúng nó đau khổ thì mặc chúng nó.
Cô Lương quay đi, chấm dứt câu chuyện.

Tôi vắt óc chẳng nghĩ ra cách nào hay ho. Khuyên được nạn nhân hoà giải với kẻ thù là chuyện vá trời.
Gần sáng, tỉnh dậy, thấy cô Lương vẫn thức, tôi pha trà, rồi bảo:
– Thế này: tôi đưa cô ra ga đi tàu về trước, tôi ở lại. Mình sẽ nói rằng cô đã được chuyển về bệnh viện địa phương tiếp tục điều trị.
Cô lắc đầu:
– Việc gì phải nói dối? Như thế cầm bằng em sợ nó, em không dám giáp mặt nó. Em không sợ nó. Em căm thù nó.
Tôi thở dài:
– Từ từ đã nào. Có phải cô nhờ tôi đi để làm việc hỏi vợ cho thằng Hiếu không nào? Trông thằng Hiếu mà thương. Nó sợ cô đến nỗi không dám vào đây, mỗi lần tôi mở cửa lại thấy nó lấp ló ở đấy.

Cô Lương ngước mắt lên, hỏi:
– Cậu nghĩ sao? Nó sợ hay nó ghét mặt bố nó?
Tôi quả quyết:
– Nó sợ đấy. Lúc cô thiếp đi, tôi ra ngoài thì gặp nó. Tôi đã kể cho nó nghe hết sự tình, tức là tất cả mọi chuyện mà tôi biết. Nó khóc. Nó thương bố lắm.
Mặt cô Lương dãn ra ra khi nghe tôi nói thế.
– Nhưng mà em dù sao thì cũng không thể thông gia với cái giống chó má ấy được, cậu ơi. – cô lại ôm đầu – Không đời nào.
– Thì tôi đứng ra mà. Không phải cô. Tôi cũng không để cô muối mặt gặp thằng ấy. Coi như tôi là bố nuôi thằng Hiếu, cô không đến được thì tôi thay mặt nhà trai đến chạm ngõ.
Còn sau này ra sao hạ hồi phân giải.
Nghe đến đấy cô Lương quay mặt vào tường, im lặng.

Nằm trên giường bệnh là một người khoẻ mạnh. Nụ cười hồ hởi nở trên gương mặt phương phi, ông ta đưa tay cho tôi bắt.
Nước da ngăm ngăm đen làm tôi hình dung ra ông trong bộ cảnh phục và câu nói cửa miệng của dân Hà Nội chỉ đám công an: “chân chì, da thiết bì, mũ bình thiên”.

Thằng Hiếu cho biết: khi tai nạn xảy ra, ông bố vợ nó có bị thương, có chảy nhiều máu thật, nhưng hoàn toàn tỉnh táo. Mới lấy máu bôi lem nhem khắp mặt mũi, rồi giả bộ ngất.
Tưởng thế là đủ để cảnh sát làm một biên bản thuận lợi cho sự bắt đền, nào ngờ thấy máu me bê bết, họ vội gọi xe cấp cứu chở phắt đi bệnh viện. Mà ở bệnh viện thì tình trạng thương tật của ông thế nào người ta biết ngay.
Sở dĩ ông còn được nằm nán lại mấy ngày là vì ông vờ bị choáng, thỉnh thoảng lại ngất đi, tính kiếm thêm ít điểm cho sự bồi thường về sau.

Nó dẫn tôi đến, rồi đứng ngoài, để hai người lớn nói chuyện.
– Tôi trông ông quen quen. – ông ta vui vẻ nói.
– Tôi cũng vậy. Tôi cũng có cảm giác chúng ta đã gặp nhau, nhưng ở đâu thì không nhớ ra. – tôi nói cho có chuyện.
– Già rồi là hay quên lắm, tôi cũng không nhớ ra.

Tôi cố lấy giọng trịnh trọng:
– Chắc cháu Hiếu đã thưa với ông: tôi là cha nuôi của cháu. Bố cháu ngã bệnh thời khí, nhất thời không đến được, nên tôi mạn phép được thay mặt nhà trai, trước hết để vấn an ông, sau là có lời xin ông bà cho cháu Thuỷ làm dâu…

Ông bố vợ thằng Hiếu cười hì hì:
– Biết rồi, biết rồi. Lại bà nhà tôi đây, bà ấy chúa hay vẽ chuyện. Cũng là phú quý sinh lễ nghĩa thôi. – rồi hạ giọng, thân mật – Chứ hồi tôi với bà ấy lấy nhau ấy mà, lễ nghĩa quái gì đâu, chẳng chạm mặt, cũng chẳng ăn hỏi. A lê hấp, cưới. Mà cưới tập thể cơ đấy, ông ạ.

Nhoáng nhoàng, nhoáng nhoàng, buồn cười lắm: chủ toạ buổi lễ chưa nói dứt câu thì cả đám cô dâu chú rể đã xông vào xơi kẹo bánh ào ào như tằm ăn rỗi, rồi ào ào kéo nhau đi tuốt…
Giọng nói của ông ta gợi nhớ đến một cái gì quen quen.
Cả gương mặt nữa. Tôi đã thấy nó ở đâu nhỉ?

– Tôi là người hiện đại. – ông ta tiếp tục vui vẻ – Lễ nghĩa là cái gì? Che mắt thế gian thôi. Cưới là cái gì? Là để lên giường có giấy phép, hì hì, có sự thừa nhận chính thức của nhà nước, để không bị ghép vào tội hủ hoá, có đúng thế không nào?
Ông trạc tuổi tôi, ông còn nhớ người ta trị cái tội ấy nghiêm khắc thế nào. Kinh lắm. Lũ trẻ bây giờ chúng nó măng phú hết, chúng nó đếch cần lễ nghĩa gì ráo…
– Quả có thế.
– Ở bên Tây này khỏi nói, dưng mà ở trong nước cũng thế, mới lạ. Gọi là sống thử, chưa cưới cũng ở chung, vui ra phết…
– Dù sao thì…
– Ông muốn nói: cứ phải theo thủ tục của ông bà để lại mới tốt chứ gì? Ờ, thì cũng tốt, cũng tốt thôi.
 Thừa còn hơn thiếu, ít nhất thì để cho bà nhà tôi sướng, làm như thế, tức là đủ thủ tục thì bà ấy sướng lắm đấy…
– Dạ.
– Ông thấy cần làm gì cứ làm, tôi không phản đối. Mà này…
– Ông bảo sao?
Ông ta suồng sã nháy mắt với tôi:
– Có cái hủ tục ấy anh em mình mới có dịp gặp lại nhau chứ.

Thế là thế nào? Trong một thoáng tôi sực nhớ ra: phải rồi, trước mặt tôi, người đang nằm trên giường kia chính là tên công an đã hành tôi nhiều đêm trong cuộc hỏi cung kéo dài bất tận.
Chuyện là thế này. Tôi có bà cô ruột ở Sài Gòn. Qua họ hàng vào thăm bà biết tôi từng bị bắt đi cải tạo, bà thương tôi, khi sửa soạn vượt biên bà muốn đưa tôi cùng.
Trước đó tôi còn không biết mặt bà. Cô cháu tôi không gặp may. Tên chủ tàu phản thùng. Nó thu vàng rồi báo công an. Cả tàu bị bắt. Tên Khởi này không phải là người hỏi cung chính, hắn là phụ tá.
– Tôi nhớ ra rồi. Ông là… Điều tôi không ngờ là chúng ta lại tình cờ gặp nhau ở đây. – tôi cười chua chát – Ông nhận ra tôi?
– Chứ sao! – hắn cười to – Trí nhớ công an mà. Chúng tôi không quên cái gì. Chúng tôi được huấn luyện để không quên.
– Tài thật. Bằng ấy năm rồi mà ông vẫn nhận ra ngay.
– Còn hơn thế nữa kia. Tôi biết tại sao lại là ông, chứ không phải bố thằng Hiếu, đến.
Hắn nói chậm, rõ từng tiếng:
– Ông đến là vì cô đồng Lương không muốn giáp mặt tôi.

Tôi ngạc nhiên. Phải nói là sửng sốt mới đúng. Chúng tôi chỉ thập thò ở cửa phòng bệnh của hắn chưa đến một phút.
– Quỷ quái, ông đã nhìn thấy? Ông nhận ra ông ấy?
Vẻ đắc thắng, hắn hơi nhổm người lên, cười vào mặt tôi:
– Sao không? Chỉ thoáng thấy ông ấy ở ngoài cửa là tôi nhận ra liền. Tôi biết: ông ấy còn căm tôi lắm. Ông khác, ông quên rồi.

Tôi lắc đầu, cố giữ vẻ bình thản:
– Không, tôi không quên.
– Ông quên. Bằng chứng là ông không nhận ra tôi khi bước vào đây. Ngay cả khi ngồi trước mặt tôi, ông cũng không nhận ra. Ông chỉ nhận ra khi tôi nhắc.
– Tôi vốn không có tài nhớ mặt người. – tôi lạnh lùng – Nhưng sự việc thì nhớ. Có nhiều sự việc con người không thể quên.
– Thế là tốt. Nhớ nhiều quá chẳng hay gì.

Khởi cười khẩy, cái cười khẩy rất đểu, làm tôi nhớ thêm một chi tiết trong cuộc hỏi cung. Đêm ấy hắn cũng cười như thế khi hỏi tôi: “Bà cô cậu bảo nếu tớ thả hai cô cháu cậu ra, bà ấy xin chết bốn cây. Liệu hai cô cháu cậu có định cho tớ leo cây không đấy?”
Tôi nhìn vào mặt hắn:
– Tôi có điều không hiểu: tại sao ông lại ở đây?
– Dớ dẩn. Ông đặt một câu hỏi không nên hỏi tí nào. Đơn giản là trả lời: cũng như các ông thôi.
– Chúng tôi khác, ông khác. Ông ở trong đám người có quyền đè đầu cưỡi cổ kẻ khác. Ông đi làm gì?

Khởi vẫn không mất vẻ tươi cười:
– Tội nghiệp, ông âm lịch quá. Con người ta sinh ra đã biết lựa chọn rồi, đã biết so sánh rồi, so sánh để lựa chọn cho đúng. Cái tốt hơn đặt bên cái tốt kém, thì cái tốt kém là cái xấu. Tôi chọn cái tốt.
Nếu không thể chọn cái tốt nhất. Ở trong nước cũng thế, ở đây cũng thế.
Tôi khen hắn, thật lòng:
– Ông thật tinh quái.
– Chúng tôi được dạy dỗ để trở thành tinh quái mà. – hắn cười, vừa độ lượng vừa thoả mãn – Ông cứ xem các nhà lãnh đạo quốc gia của chúng ta bây giờ xem – có ông nào không giàu đâu.
Tôi không làm được như họ, bởi vì tôi không có cái thế của họ. Thì tôi phải đi tìm chỗ khác. Có thế thôi.
Người như tôi nhiều. Người như ông với cô Lương hiếm.
Ông không nên tự hào về sự hiếm ấy. Đó là sự lạc hậu.

Tôi mím môi, thở dài qua mũi.
Hắn nắm tay tôi:
– Quên, tôi chưa hỏi ông: cô Lương, à ông Lương, sang đây không làm ăn gì à? Không mở cái quán nào?
– Không. Ông ấy đi làm nhà máy. Rồi về hưu.
Hắn cũng thở dài:
– Dại. Dại quá. Có tài nấu nướng như ông ấy, mở một cái imbiss cũng khẳm tiền. Có tiền là có điều kiện cho con ăn học đến nơi đến chốn.
– Hai cháu cũng được học hành tử tế đấy chứ, cũng nên người đấy chứ. Tôi không thấy có gì đáng phàn nàn.

Hắn đặt bàn tay béo tốt, gần như mũm mĩm, lên tay tôi, một lần nữa:
– Thế này nhé! Chuyện thằng Hiếu với con Thuỷ coi như xong. Ông Lương không đến cũng được. Kể cả ông nữa. Cứ coi ông là người đại diện nhà giai đi. Không sao.
Không phải chúng ta là người quyết định. Làm gì còn có sự gả bán nữa. Thời này không phải thời chúng ta.
– Dù sao thì chúng tôi cũng phải có lời xin cháu làm dâu đàng chúng tôi. Mình cứ giữ cho đủ lễ.
Hắn nhếch mép cười buồn. Rồi bảo:
– Con người ta tham lắm, ông ạ. Nói thật với ông, không muốn có một thằng rể chỉ tốt nghiệp trung cấp. Tôi muốn một thằng rể bét ra cũng phải kỹ sư, tiến sĩ. Hoặc một ông chủ công ty lớn. Hai đứa chúng nó đặt tôi vào thế kẹt. Biết làm thế nào? Thôi thì đành chịu vậy.

Khi tôi kiếu từ, hắn còn nói theo:
– Ông yên trí, tôi sẽ nhào nặn lại thằng Hiếu. Nó chịu khó, chăm làm, cũng có chút chí tiến thủ, không như bố nó.
Cái nó thiếu mà tôi không cho nó được là không nó không có cao vọng.

Câu chuyện tầm phào này đến đấy là kết thúc. Như mọi câu chuyện tầm phào khác, nếu nhìn bằng cái nhìn chăm chú thể nào ta cũng tìm thấy trong đó một cái gì đáng để ta suy ngẫm, cho dù sau đó chẳng đến được một kết luận rõ ràng.

Tôi không tường thuật cho cô Lương nghe cuộc đối thoại giữa tôi với thằng Khởi. Nó không chỉ là kẻ thù của riêng cô Lương. Nó còn là kẻ thù của tôi nữa. Điều này tôi giấu, không nói ra.
Nếu tôi nói, có thể cô Lương sẽ cảm thấy lòng căm thù của cô được san sẻ. Nhưng, khốn nạn thay, không phải vì được san sẻ mà hận thù nơi cô nhẹ đi. Có khi nó còn nặng thêm, vì cô thấy nó có lý hơn.

Chỉ có thời gian mới có khả năng xoá đi hận thù. Mà thời gian đủ để xoá là bao lâu thì không ai biết, không ai có thể chỉ ra.
Ba năm liền, hai ông thông gia không giáp mặt nhau, không gửi cho nhau một lời hỏi thăm.

Năm thứ tư, tôi bắt gặp hai kẻ thù một thời đi cùng nhau ở quảng trường Brandenburg.
Giữa hai người là đứa cháu mới chập chững biết đi.
Nó tin cậy giao hai bàn tay bé tí cho hai ông nó dắt.

Vũ Thư Hiên
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22115
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 17/Aug/2020 lúc 10:06am

Trên Đời Này Chỉ Có Một Người Mãi Mãi Chờ Đợi Bạn...

Hình minh họa

Mẹ giờ đã già rồi nên hay lẫn lộn, mỗi lần tôi gọi điện đến, luôn sốt sốt sắng sắng hỏi một câu: Khi nào con về?

Không chỉ cách xa hàng ngàn cây số, phải bắt tận 3 tuyến xe, mà công việc của tôi bận rộn đến nỗi có phân thân ra cũng không làm hết việc, còn lấy đâu ra thời gian mà về quê thăm mẹ. Tai của mẹ cũng lơ đễnh lắm rồi, tôi giải thích đi giải thích lại mà mẹ vẫn như không nghe được gì, vẫn hăm hở hỏi đi hỏi lại: “Khi nào con về?” Quá tam ba bận, cuối cùng tôi đã không giữ được kiên nhẫn nên phải nói như hét vào điện thoại, giờ thì mẹ chắc nghe rõ rồi, nên lặng lẽ không nói thêm gì mà cúp điện thoại. Vài ngày sau mẹ lại gọi điện hỏi tôi câu hỏi đó, chỉ là lần này giọng bà có vẻ ngượng ngùng, không còn tự tin nữa. Giống như một đứa trẻ không được giải hòa nên vẫn chưa cam tâm.

Ngày nhỏ, cứ mỗi lần mưa to gió rét, tôi không muốn đi học nên thường giả vờ đau bụng, mẹ phát hiện đã cho tôi một trận. Giờ mẹ già rồi lại đi dạy tôi nói dối, tôi vừa giận lại vừa tức cười. Những cuộc nói chuyện thế này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, tôi không cầm lòng được mà trả lời mẹ rằng tháng sau tôi nhất định về. Mẹ vui quá nghẹn ngào không nói thêm gì nữa.

Chẳng hiểu vì sao công việc tôi lúc nào cũng bận ngập đầu, cảm thấy việc nào cũng quan trọng hơn việc về nhà thăm mẹ, cuối cùng hết tháng tôi vẫn không về được. Mẹ ở đầu dây bên kia như phảng phất một nỗi buồn sâu thẳm, trong lòng tôi vô cùng áy náy: “Mẹ giận con rồi à?” Lần này tôi mới nói vậy mà mẹ nghe thấy luôn, mẹ trả lời không cần suy nghĩ: “ Con à, mẹ biết con rất bận, nhưng chỉ mất có vài ngày thôi mà”.

Mẹ gọi điện thúc giục liên tục: “Nho chín rồi, lê cũng chín rồi nhanh về ăn đi con.” Tôi nói: “Có phải cái gì hiếm đâu mẹ, ở đây thiếu gì à! Bỏ ra mấy chục nghìn thì có mà ăn ốm.” Mẹ nghe vậy chắc buồn lắm nên tôi lại vội vàng dỗ mẹ: “Nhưng toàn là hoa quả bón phân hóa học và thuốc trừ sâu thôi, làm sao ngon như quả mẹ trồng được.” Mẹ nghe xong thì bật cười đắc ý.

Hôm đó là thứ 7, thời tiết vô cùng nóng bức, tôi không dám đi đâu ra khỏi nhà, chỉ bật điều hòa ngồi yên trong phòng, con gái tôi lẽo nhẽo đòi ăn kem mút nên tôi đành phải ra ngoài mua. Ngoài trời hơi nóng bốc lên nghi ngút, tôi đột nhiên nhìn thấy bóng mẹ ở xa xa, nhìn bộ dạng của mẹ tôi biết mẹ vừa từ trên xe xuống, trên tay là một chiếc làn, sau lưng khoác một bịch nặng. Mẹ khom người tránh bên trái lại né bên phải, sợ người khác đụng phải đồ đạc của bà.

Trong dòng người đông đúc, mẹ lách đi từng bước rất khó khăn. Tôi chua sót vẫy tay gọi mẹ, mẹ ngẩng gương mặt đầy mồ hôi lên nhìn tôi, khi thấy tôi đang chạy đến gần, mẹ mừng quá không nói nên lời, nước mắt chan hòa cùng những giọt mồ hôi. Vừa về đến nhà, mẹ hồ hởi bỏ đồ trong làn ra. Tay mẹ gầy gò, gân xanh chằng chịt, cả mười đầu ngón tay đều có băng dính, ngón nào cũng có vài vết đứt đang rỉ máu, trái tim tôi đang thắt lại đau đớn, còn mẹ vẫn cười nói vô tư: “Ăn đi con, nhanh ăn đi, những quả này mẹ đã chọn kỹ càng rồi.”

Tôi không thể nào tưởng tượng được mẹ chưa hề đi đâu ra khỏi lũy tre làng, mà chỉ vì câu nói của tôi nên vượt qua hơn nghìn cây số chỉ để đến tìm con. Mẹ ngồi xe giá vé rẻ nhất, chiếc xe khách không có điều hòa, trên xe vừa nóng lại vừa bức, nhưng những quả nho và lê chín mọng kia lại nguyên vẹn, không hề bị dập nát.

Tôi vẫn không tin được vào mắt mình, sao mẹ lại đến được đây? Tôi chỉ đoán rằng trên thế giới này, chắc người mẹ nào cũng có một phép màu. Mẹ chỉ ở lại ba ngày, mẹ nói công việc tôi quá vất vả, bận rộn từ sáng đến tối, lại còn chăm sóc con cái, bà chỉ lo lắng vậy thôi chứ chẳng giúp đỡ được gì. Đến cả đồ đạc trong bếp, bà cũng không dám chạm vào vì sợ sẽ vỡ hỏng đi. Mẹ âm thầm mua vé rồi lặng lẽ xách đồ ra về.

Mới về được một tuần mẹ đã nói nhớ tôi, rồi không ngừng thúc giục tôi về nhà. Tôi mỉm cười: Mẹ ơi, mẹ kiên nhẫn một chút đi.

Ngày hôm sau tôi nhận được điện thoại của dì út, dì nói: “ Mẹ con ốm nặng rồi, con về nhà ngay đi!” Tôi sốc quá tối sầm mặt mũi, nước mắt lưng tròng chạy ngay ra bến xe, tôi vội vàng lên chuyến xe cuối cùng. Trên xe tôi âm thầm cầu nguyện, tôi hy vọng mẹ chỉ là đang dối tôi. Tôi mong rằng mẹ sẽ không sao, tôi sẵn sàng nghe những lời cằn nhằn của mẹ, và sẵn sàng ăn hết những gì mà mẹ nấu, sẵn sàng sắp xếp thời gian để thường xuyên về thăm mẹ.

Giờ đây tôi mới nhận ra một điều, bất kỳ ai có sống đến 80 tuổi cũng cần có mẹ bên cạnh. Cuối cùng tôi cũng về đến cổng làng, mẹ chầm chậm chạy ra đón tôi, bà tươi cười hạnh phúc, tôi ôm chầm lấy mẹ, vừa khóc vừa cười nói: “Mẹ nói bệnh cái gì, thế mà mẹ cũng nghĩ ra được à?” Bị trách như vậy nhưng mẹ vẫn vui, mẹ chỉ cần được nhìn thấy tôi thì tôi có trách sao cũng được.

Mẹ vui quá cười nói luyến thắng, tíu tít ra ra vào vào như con nít. Mẹ bày một bàn toàn đồ ăn ngon, đang đợi tôi khen ngợi thì bị tôi phê bình không thương tiếc: “Cháo đậu đỏ quá nhừ, vỏ bánh sủi cảo nặn quá dày, thịt kho quá mặn…” Nụ cười của mẹ đột nhiên trở nên ngượng ngùng, mẹ miễn cưỡng gãi đầu rồi quay đi. Trong lòng tôi đang cười thầm vì đắc ý. Tôi biết rằng hễ tôi mở mồn khen ngon là y như rằng mẹ ép tôi ăn bằng hết, thậm chí còn làm thêm để lúc về bắt tôi xách theo. Vì thế nên tôi mới bị mẹ nuôi thành béo tròn như thế này, có làm cách nào cũng không giảm được cân. Còn nữa, nếu không chê bai như vậy thì tôi làm gì có cơ hội được tranh vào bếp.

Tôi nấu cơm cho mẹ ăn, nói chuyện cùng mẹ, mẹ nhìn tôi chằm chằm một lúc lâu. Đôi mắt hiện rõ tình yêu thương vô bờ bến, không cần biết tôi nói gì mẹ cũng đều gật đầu tán thành, lắng nghe một cách chăm chú, thậm chí cả lúc tôi ngủ trưa mẹ cũng ngồi cạnh giường mỉm cười lặng lẽ nhìn tôi. Tôi nói: “Mẹ thương con như vậy, sao không về ở cùng con?” Mẹ nói không quen ở thành phố. Chả được mấy hôm tôi lại sốt ruột đòi về, mẹ năn nỉ tôi ở lại với mẹ thêm một hôm thôi cũng được. Mẹ đã nhờ dì lên huyện mua thức ăn, chắc chỉ một lát nữa là về đến nhà, mẹ nói hôm nay mẹ nhất định nấu cho tôi những món thật ngon.

Phố huyện cách nhà 9 km, mẹ nhờ mua tất cả những gì mẹ cho là ngon nhất về nấu cho tôi ăn, như vậy mẹ mới cảm thấy thoải mái.

Từ lúc ở nhà dì út về, mẹ hăng hái chuẩn bị đồ ăn, cuối cùng mọi thứ đã sẵn sàng trên bàn, tôi không thể không ngạc nhiên – Cá kho không cạo vảy, lông tơ của gà nhổ chưa sạch, đậu cô ve xào thậm chí còn có một sợi tóc… Dù là món thịt hay là món chay, đều khiến người khác không dám động đũa. Mẹ hồi còn trẻ rất sạch sẽ, thế mà bây giờ già rồi lại lôi thôi bẩn thỉu thế này.

Mẹ nhìn thấy tôi chỉ lật đi lật lại không ăn, lại tưởng rằng tôi buồn vì muốn về nên bà đành buồn bã nói đưa tôi đi bắt chuyến xe đêm. Trời tối đen như mực, mẹ nắm lấy cổ tay tôi nói rằng tôi không quen đi đường đất trong thôn. Mẹ đưa tôi ra đến cổng làng, đưa tôi lên xe mẹ không ngừng dặn nọ dặn kia, xe chuyển bánh rồi mẹ mới chịu xuống xe. Cửa xe kẹp vào áo của mẹ khiến bà suýt nữa thì té ngã, tôi thò đầu ra ngoài thấy bóng mẹ gầy gò ống thấp ống cao, tôi nghẹn ngào nói với ra: “Mẹ, mẹ cẩn thận nhé!” Tai mẹ nào có nghe rõ, vừa lò dò chạy vừa vẫy tay theo rồi gào lớn: “Con à… mẹ không giận con đâu, mẹ biết con rất bận mà.”

Tôi thật không nỡ xa mẹ, còn mẹ thì lại không quen cuộc sống nơi thành thị, cả chặng đường tôi buồn bã không biết nên phải làm sao. Sau lần đó, mẹ không bao giờ giục tôi về nhà nữa, mỗi lần gọi điện chỉ toàn kể rất nhiều chuyện vui: Con bò cái vừa sinh một con bò con, đầu xuân sang năm mẹ sẽ trồng thật nhiều hoa quanh sân… Tôi cứ thế yên lặng lắng nghe, lòng tràn đầy ấm áp và hạnh phúc.

Vào một ngày cuối năm, tôi lại nhận được điện thoại của dì út, dì nói: Mẹ con ốm nặng rồi, con mau về đi. Tôi làm sao tin được, hôm kia tôi còn vừa nói chuyện với mẹ kia mà, bà còn nói bà rất khỏe, rồi dặn tôi đừng quá suy nghĩ. Dì út chắc chỉ dối tôi như lần trước vậy thôi, tôi nửa ngờ nửa tin nhưng vẫn lập tức bắt xe về quê.

Trên đường còn mua một hộp to loại bánh kem mà mẹ thích ăn. Xe về đến đầu làng, không thấy mẹ ra đón, toàn thân tôi toát lạnh run rẩy, tôi dự cảm thấy có điều gì đó chẳng lành. Dì út nói với tôi: “Khi dì gọi điện cho con thì mẹ con đã không còn nữa, bà ấy ra đi rất thanh thản.” Tôi đau đớn gục xuống…

Thì ra 6 tháng trước mẹ đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, nhưng bà không nói với ai, vẫn vui vẻ lạc quan đến tận khi nhắm mắt xuôi tay. Thậm chí còn tự chuẩn bị chu đáo cho tang lễ của chính mình. Dì còn nói với tôi rằng mắt mẹ bị đục thủy tinh thể, nhìn gì cũng rất khó khăn. Tôi ôm chặt hộp bánh trước ngực, như thể trái tim vừa bị ai giật mất, nước mắt nhạt nhòa không ngừng rơi xuống.

Trời ơi sao mọi chuyện lại phũ phàng như vậy? Tôi nên trách ông trời hay phải trách bản thân vô tâm, từ nay tôi không còn mẹ nữa ư? Không còn ai gọi điện giục tôi về, không còn ai ngày ngày chờ đợi tôi… Thì ra mẹ biết chẳng sống được bao nhiêu ngày nữa nên mới liên tục gọi điện gọi tôi về, chỉ để muốn được nhìn thấy tôi thêm vài lần, nói với tôi thêm vài câu…

Thì ra ngày cuối cùng làm cơm cho tôi, đôi mắt mẹ đã không còn nhìn rõ, tôi quả thật quá vô tâm! Đêm đó khi tôi lên xe rồi một mình mẹ đã làm thế nào để lần mò về nhà? Mẹ có bị ngã không? Tôi vĩnh viễn sẽ không bao giờ biết được. Mẹ, những giây phút cuối đời mẹ vẫn vui vẻ nói với con, hoa bìm bịp nở tím hàng rào, hoa đậu tím như màu áo con mặc khi xưa. Mẹ để lại tất cả sự ấm áp và tình yêu, rồi sau đó lại lặng lẽ ra đi.

Con biết, mẹ là người duy nhất trên đời không bao giờ giận con, là người sẵn sàng chờ đợi con mãi mãi. Vì biết thế nên con mới dám để mẹ đợi lâu như vậy. Nhưng mà mẹ ơi, con thực sự có bận thật không? Hàng ngày con vẫn nghe đâu đó phảng phất câu thơ: “Ai có mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn lên mắt mẹ nghe không!” Nay con hối hận lắm mẹ ạ, những ngày tháng để mẹ cô đơn, để mẹ sống thấp thỏm trong chờ đợi!

Bạn đã bao giờ bạn thực sự quan tâm đến cha mẹ bạn? Nếu cha mẹ bạn vẫn còn sống nhớ hãy đọc bài viết này, dù bạn có sống chung với họ.
Nếu một ngày bạn thấy trong bếp mẹ dọn không còn sạch như trước;
Nếu một ngày bạn nhìn thấy những món ăn mẹ nấu không còn sạch sẽ cầu kỳ nữa;
Nếu một ngày bạn thấy nồi niêu xoong chảo không còn sáng bóng nữa;
Nếu một ngày bạn thấy hoa và cây cảnh của cha đang dần bị bỏ rơi;
Nếu một ngày bạn thấy tủ quần áo bị bao phủ đầy bụi;
Nếu một ngày bạn thấy rằng mẹ nấu ăn quả thực quá mặn;
Nếu một ngày bạn thấy rằng cha mẹ thường quên tắt đèn;
Nếu một ngày bạn tìm thấy những thói quen của cha mẹ không còn nữa, hay là khi họ không còn muốn đi tắm mỗi ngày;
Nếu một ngày bạn thấy rằng cha mẹ không ăn được trái cây giòn và rau xanh nữa;
Nếu một ngày bạn thấy rằng cha mẹ thích ăn rau nấu nhừ một chút;
Nếu một ngày bạn thấy rằng cha mẹ thích ăn cháo;
Nếu một ngày bạn thấy rằng những hành động và phản ứng của họ chậm hơn rồi;
Nếu một ngày bạn nhìn thấy khi ăn cơm cha mẹ ho không ngừng, đừng lầm tưởng rằng họ đang bị cảm mạo hay bị ho thông thường…
Nếu một ngày bạn thấy họ không còn thích ra ngoài …
Nếu có một ngày như vậy, tôi muốn nói với bạn rằng, bạn phải chấp nhận rằng cha mẹ bạn đã già, đã thực sự cần đế sự quan tâm chăm sóc của con cái rồi. Nếu bạn không thể chăm sóc, bạn nên tìm một người nào đó để chăm sóc cho họ, và hãy thường xuyên quan tâm đến họ, không để họ cảm thấy bị bỏ rơi.

Ai trong chúng ta rồi cũng đến lúc phải già đi, cha mẹ sẽ già trước chúng ta, chúng ta nên đổi vị trí với họ mà suy ngẫm và chăm sóc cho họ, như vậy mới có thể kiên trì và không cảm thấy phiền phức. Khi cha mẹ không thể tự chăm sóc cho bản thân, phận làm con phải nên chú ý, việc đại tiểu tiện của họ sẽ không tự kiểm soát được hoặc còn nhiều việc họ đều không tự làm được nữa. Khi trong phòng có mùi hôi tanh, bản thân họ có thể không ngửi thấy, xin đừng bao giờ phàn nàn sao họ bẩn sao họ hôi, phận làm con là giúp họ dọn dẹp, và đừng làm tổn thương “lòng tự trọng” của họ.

Khi họ không còn muốn tắm, hãy dành thời gian để tắm cho họ, bởi vì bản thân họ tự tắm cũng không sạch được. Khi chúng ta dùng bữa, xin vui lòng chuẩn bị cho họ một phần ăn thật nhừ, bởi vì răng họ có lẽ không còn nhai được nữa.

Từ khi chúng ta sinh ra, ai bón cho ăn, ai thay tã? Khi ốm đau bệnh tật ai chăm sóc, ăn uống học hành sách vở ai lo cho? Ai là chỗ dựa của bạn trong cuộc sống? Nếu một ngày họ thực sự không thể đi được nữa, khi vai diễn đều đảo ngược trở lại bạn có thể diễn vai diễn đó được không?

Phận làm con là chăm sóc cha mẹ, như tương lai muốn con cái chăm chúng ta. Lòng hiếu thảo là phải kịp thời và đúng lúc.


st.
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22115
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 19/Aug/2020 lúc 11:30am

Chồng già vợ trẻ là “duyên 3 đời”

trẻ là tiên, Vợ già chồng trẻ là duyên 3 đời”.

Nhưng trong trường hợp cặp uyên ương Marc Lavoine và Line Papin, tưởng nên nói lại “Chồng già vợ trẻ là duyên 3 đời” mới hợp.

Đúng vậy. Vì họ yêu nhau hết mình. Không ai thấy có sự chênh lệch tuổi tác.
Chàng rể trong ngày cưới ở Paris V, được Bà Thị trưởng Paris vừa tái đắc cử làm lễ, một vinh hạnh lớn, tuyên bố với báo chí : “Tôi đã ném qua cửa sổ tuổi tác của ông và cả của cô dâu để cả hai chỉ biết sống cho tình yêu và hạnh phúc lứa đôi”.

Line%20Papin%20a%20epouse%20Marc%20Lavoine


Marc Lavoine và Line Papin

Trong thực tế, ngay như ở Pháp, không phải không có  nhiều cặp “đôi đũa lệch” như vậy. Những cặp này rất hạnh phúc bằng tình yêu chân thật của mình. Bởi họ từ hai người xa lạ mà yêu nhau là nhờ “duyên”, nhưng đến được với nhau, thành vợ thành chồng phải là “phận” 3 đời.
Gần đây, ông cựu Tổng thống  François Mitterrand có bà vợ 2, Bà Anne Pingeot, nhỏ hơn ông 27 tuổi.

Vì đã đổi câu ca dao xưa mà chắc ông bà không chịu, nên phải xin trả lại cho cặp uyên ương đang ngự trị nước Pháp hiện nay, ông Tổng thống Emmanuel Macron “Vợ già, chồng trẻ là duyên 3 đời”.
Ông chỉ kém bà có 24 tuổi. Nhỏ tuổi hơn con của bà. Bà vô cùng hài lòng làm Đệ I  Phu nhân và thường tìm cơ hội xuất hiện trên truyền thông hay công chúng.

Trong tình yêu, hai người càng khác biệt càng dễ thu hút, bù trừ cho nhau để đối phương tự hoàn thiện hơn.
Vợ lớn tuổi sẽ điềm đạm, dịu dàng, đảm đang, như người mẹ, không giận dỗi vì những điều nhỏ nhặt.
Bà ấy giúp người đàn ông trẻ con muốn trưởng thành, mạnh mẽ hơn, để che chở và bảo vệ cho người vợ gìà mà mình yêu bằng cả tấm lòng.

 

 Đàn ông trẻ mang đến những cảm xúc mới mẻ, nhiệt huyết, giúp bà vợ già luôn cảm thấy ấm áp và trẻ trung.
Anh giống như nắng ấm an nhiên, em có thể bình yên dựa vào, lúc nào cũng có thể mỉm cười hạnh phúc.
Vả lại chẳng có quy luật nào cho một cuộc hôn nhân. Muốn bền vững và hạnh phúc, điều này phải xuất phát từ cả hai phía. Vì vậy “chồng già vợ trẻ là tiên”, “vợ già chồng trẻ là duyên ba đời”!

Cái đẹp là họ yêu nhau và kết hôn thành vợ chồng, trước luật pháp và trước họ hàng.
Trong lúc đó, cũng là Tổng thống Cộng hòa Pháp, ông François Hollande, chỉ yêu và lấy – lấy nhưng không biết có yêu hay không? Và yêu tới đâu? – đặc biệt là không bao giờ làm đám cưới. Thế mà cũng dám đem vào Điện Élysée để bà ấy tự lập  Đệ I  Phu nhân của nước Pháp. Ghê thật!

Nhưng Hollande vốn là dân chơi nhà nghề nên từ dinh Élysée, đêm xuống, trùm mặt tuy lúc đó chưa có coronavirus, lái moto một mình đi bắt trộm mèo.
Chuyện đổ bể, Tổng thống bèn nhờ AFP loan tin Tổng thống từ nay “bye bye em” Đệ  I  Phu nhân.
Và em đành rời khỏi ghế Đệ I Phu nhân, không kèng không trống!

Chuyện tình giựt gân hay gay cấn của giới lãnh đạo quốc gia chỉ có xảy ra ở Pháp vì “Pháp là nước trước kia có vua, nên ông Tổng thống có nhiều vợ hay nhiều bồ là chuyện bình thường”, như lời Bà Tổng trưởng Tư Pháp thời Mitterrand trả lời báo chí.

Line Papin và Marc Lavoine

Nhà báo Christine Ferniot (ngày 15/07/20) giới thiệu “Line Papin là nhà văn nữ đáng chú ý trong kỳ khai giảng mùa văn học năm nay (2016)”.

Quyển sách đầu tiên của Line là “L’ Éveil” do nhà Stock xuất bản năm 2016, 256 trang, được giải thưởng “Thiên chức” (Prix de la Vocation) và tiếp theo, được giải thưởng “Cành Dương Liễu Xanh” (Prix des Lauriers Verts).
Năm đó, Line mới 21 tuổi. Tiếp theo, “Toni” và “Les os des filles” lần lượt được xuất bản.

L’ Éveil ra đời lúc Line mới 21 tuổi nhưng sách đã cho thấy sự trưởng  thành chín chắn của tác giả. Thật xuất thần!
Line sanh ở Hà Nội, mẹ là người Hà Nội, cha là người Pháp, sử gia chuyên về Việt Nam, Khoa trưởng Lịch sử Trường  Pratique des Hautes Etudes, Paris.




Line Papin

Lúc nhỏ ở Hà Nội, Line thường vào Thư viện khu phố đọc sách. Trước mặt cha mẹ, cô đọc sách của cô. Khi một mình, Line say mê đọc thơ, tiểu thuyết cổ điển, những tác phẩm cận đại.
Line có thể kể về Valery Larbaud (nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà bình luận, dịch thuật của Pháp) trong lúc các cô  gái cùng lứa tuổi thì mê đọc Harry Potter. Có lẽ vì vây mà Line sớm thành người lớn.

Năm 10 tuổi, Line cùng cha mẹ qua Pháp sống. Giữa cảnh nên thơ của khu phố Paris, cô cơ hồ như quên hằn Hà Nội. Bỗng những mùi thơm quyến rũ của hoa, cái nóng ẩm ướt của Việt Nam hâm nóng ký ức của cô.  Những cảm xúc đó làm chất liệu cho quyển sách đầu tay của cô về tình yêu và sức hấp dẫn của sách.

Về học vấn, Line học văn chương và lịch sử nghệ thuật.
Trước khi hoàn chỉnh tác phẩm, Line trở về Hà Nội một mình để tìm lại kỷ niệm, những vết tích xưa. Nhưng tất cả đã thay đổi. Ngôi nhà cũ và khu phố đều bị san bằng. Line thất vọng thốt lên : “Việt Nam của tôi đã không còn nữa”!

Còn Marc Lavoine? Marc sanh năm 1962, con một nhân viên Bưu điện, cộng sản và vô thần; còn mẹ làm thư ký, theo công  giáo.
Học Trung học kỹ thuật về nghề in, chuyên đóng sách mạ chữ vàng, nhưng Marc vẫn luôn luôn mê hài kịch và ca hát. Có lẽ do ảnh hưởng cha thích thổi kèn nhạc jazz, mẹ mơ làm vũ nữ.

Bỏ học năm 16 tuổi, Marc bắt đầu viết bài hát. Lên Paris sanh sống, Marc tìm cách xin vào làm ca kịch.
Một cô bạn tìm cho chàng một việc làm soát vé và dẫn khán giả vào chỗ ngồi ở rạp Olympia ở Paris. Và cũng từ đây, Marc được giới thiệu lao hẳn vào ca kịch.
Marc ăn khách nhờ có giọng nói truyền cảm dễ làm rung động lòng người.
Nay thì Marc đã thành danh là ca sĩ, kịch sĩ, ký giả và sống thật sự bằng những đam mê này.


Marc Lavoine

Đám cưới Line và Marc

Hôm 25 tháng 7 vừa qua, Bà Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris vừa tái đắc cử hôm cuối tháng 6, tới Tòa Thị xã Quận V làm đám cưới cho ca sĩ Marc Lavoine và nữ tiểu thuyết gia Line Papin.
Lễ cưới hành chánh xong, Bà Thị trưởng nhìn tân lang và tân giai nhân, niềm nở tuyên bố “Marc và Line là 2 người rất đẹp mà tôi yêu quí và ca ngợi”.

Bà Thị trưởng thuộc đảng Xã hội chủ nghĩa nên làm đám cưới cho người khác mà không bao giờ làm đám cưới cho chính mình. Chị bắt bồ và nghe nói đã từng là bồ với ông cựu Tổng thống xã hội chủ nghĩa François Hollande.
Đám cưới của Line và Marc diễn ra thât đẹp, thật ấm cúng, chỉ có vài người trong gia đình của 2 bên và nhân viên nhà xuất bản của cô dâu có mặt để làm chứng ký hôn thú.

Ngoài ra có 2 ký giả của tuần báo Paris Match, nhiếp ảnh gia Fred Meylan và phóng viên Arthur Loustalot đặc biệt được tham dự.
Điều trùng hợp, không biết tự nhiên hay có chủ ý, cũng chính tuần báo này trước đây đã được ông Mitterrand chọn để cho phổ biến câu chuyện tình “Năm anh 27, em sanh ra đời” thầm kín của ông với bà Anne Pingeot?

Quên tuổi tác sai biệt, chàng và nàng chỉ biết yêu nhau mãi mãi và cho mãi mãi. Còn nữa. Họ còn nói với nhau những lời yêu nhau, không biết cạn lời!
Theo tập quán, Marc không có quyền thấy áo cưới của cô dâu trước ngày J.
Áo của Line do nhà thời trang Delphine Manivet ở Paris thực hiện.

Được cưới người đẹp Line, Marc Lavoine chắc chắn không phải chỉ vì đã ném qua cửa sổ tuổi tác mà thôi.
Theo đương sự kể lại, chàng đã 3 lần cầu hôn mới thành công. Lần đầu tiên trong xe taxi, lần thứ nhì, thưa với cha mẹ của Line.
Nhưng phải tới lần thứ ba, một hôm trước bạn bè, chàng bèn quì xuống đất, chấp tay, cung kính cầu xin nàng chấp thuận lời cầu hôn.

Tưởng đây cũng đáng làm bài học cho những anh chàng cầu hôn gặp khó khăn mà đem áp dụng.
Mối tình của Marc và Line rất đẹp kéo dài suốt hai năm đến khi đám cưới.
 Thật ra Marc bị cú sét ái tình tuy trước đó, anh đã có 2 đời vợ và có 2 dòng con.
Con dòng trước nay khá lớn. Khi nói “Chồng già vợ trẻ là duyên ba đời”, theo một cách suy diễn nào đó, nghĩ cũng đúng với trường hợp của Marc vì đây là mối duyên thứ ba. Mà đúng là duyên với cái ý nghĩa đẹp của nó.

Tháng 10/2016, trên chương trình “Carte blanche” của đài France Inter do Marc điều hành, Line được mời tới để nói về quyển sách đầu tay L’ Éveil của cô vì Marc đã đọc kỹ tác phẩm  và say mê chuyện kể trong sách.
 Phải nói lúc bấy giờ, Marc đã si tình tác giả. Yêu người qua văn chương. Thật đẹp. Thật lãng mạn!

Tình của văn nhân và nghệ sĩ có khác.

Line nói chuyện xong về quyển sách của mình nhưng nàng lại không ra về ngay mà cố ý nán lại để nói chuyện thêm với nhà báo.
Marc đã không chịu nổi cú sét sau khi đọc truyện thì nay Line cũng khó xa lạ với giọng nói nhiệt tình, truyền cảm mãnh liệt của ca sĩ, kịch sĩ và ký giả.

Họ yêu nhau một phần vì cùng cảm thông với nhau về quá khứ của họ mà nay họ không được sống nơi đó.
 Line mất Hà Nội năm 10 tuổi. Marc mất Algérie. Hai xứ như hai chị em song sinh của Pháp thuộc địa.
Nhưng Marc về lại quê hương của cha và mẹ. Còn Line mất hẳn quê Mẹ. Cả kỷ niệm xưa cũng không còn.

Sau thời gian ngắn sống ở Paris, Line bị chứng bịnh nguy hiểm là “chán ăn” (anorexie) nhưng may mắn, Line đã vượt qua được, nên trong ngày cưới, Marc nói “Tôi sẽ đem lại hạnh phúc cho người mất gốc và sống còn qua chứng chán ăn”.
Nay họ cưới nhau còn có ý nghĩa cùng nhau xây dựng lại: quá khứ của 2 gia đình đã mất làm một!

Đám cưới tổ chức trong vòng thân mật và gia đình nhưng cũng rất giới hạn vì mùa dịch vũ hán.
Mọi người bỗng cảm thấy xúc động khi cùng nghe một tiếng nói ngắn gọn “Oui” (Đồng ý).
Tiếng vỗ tay nhẹ nhàng cất lên sau câu “Tôi tuyên bố 2 người là … “. Hai gia đình và cả mọi người có mặt siết tay nhau làm thành một vòng tròn tình thân.
Trước Tòa Thị xã Quận V là Văn miếu Panthéon, nơi đây hai năm trước họ lần đầu tiên trao nhau cái hôn tình yêu.


Nguyễn thị Cỏ May

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22115
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 25/Aug/2020 lúc 8:36am

Mẹ Bác Sĩ


Những%20hình%20ảnh%20về%20mẹ%20cảm%20động%20nhất!!!Nghe%20đi%20nghĩ%20đến%20mẹ%20mình%20mà%20...

Bà Mậu thoải mái ngồi đợi ở phi trường LAX, bà biết rằng 1 tiếng đồng hồ nữa, khi hết giờ ở phòng mạch thì con trai bà mới đến đón. Hai vợ chồng nó đều là bác sĩ, đều bận rộn nên sự chờ đợi vẫn là đặc ân và hãnh diện đối với bà.
Khi bà Mậu sửa soạn hành lý đi Calif. bà đã gởi gấm bà Diệu, hàng xóm cũng là bà bạn thân ở bên cạnh để ý trông nom nhà cửa giùm. Bà Diệu đã vui vẻ nhận lời và nói:
- Mẹ bác sĩ sướng thật, mỗi lần đến thăm con tha hồ mà khai bệnh cho con nó tận tình khám chữa. Con giỏi giang cha mẹ được nhờ.
Bà Diệu luôn gọi bà bằng cái tên dài “Mẹ bác sĩ ” vừa thân mật vừa nể nang. Bà Mậu thích thú nhưng vẫn khiêm nhường:
- Vậy chớ thằng nhỏ cũng còn khờ lắm chị à…
Bà Diệu dặn dò:
- Mẹ bác sĩ nhớ hỏi nó giùm tôi sao mấy tuần nay mắt trái tôi bị một chấm đen hiện ra nhé, không biết có nguy hiểm gì không?
- Chị thiệt lo xa, đằng nào cũng sắp đi khám bác sĩ mắt rồi mà.
- Biết rồi, nhưng 2 tuần sau mới đến hẹn, tôi nóng ruột quá, bà cứ hỏi giúp tôi.
- Tui nhớ chứ, tui sẽ hỏi nó và gọi phone cho chị hay liền...

Con gái bà Mậu đã đến chở mẹ ra phi trường.
Bà Mậu có 2 đứa con, thằng Thông là bác sĩ lấy vợ cùng nghề, sống ở California, cô Minh em gái thì học business và lấy chồng Mỹ, hiện sống cùng tiểu bang New Jersey, cùng thành phố với mẹ, cách nơi ở của mẹ không xa.
Ông Mậu mất cách đây 2 năm, nên chỉ còn mình bà sống trong căn phòng của apartment mà hai vợ chồng đã sống bấy lâu nay.
Bà Mậu ngồi ngắm nhìn thiên hạ xung quanh nhưng cũng không quên để mắt xem có bóng dáng con mình không, khi vừa thấy Thông đi tới là bà mừng rỡ đứng dậy kêu lên:
- Má nè con…
Gương mặt Thông không lộ vui mừng như bà mẹ, vừa kéo va ly cho mẹ vừa hối hả đi, làm bà Mậu chỉ biết hấp tấp bước nhanh theo cho kịp với con.
- Má à, má đến chơi vào thời điểm này vợ chồng con rất bận.
- Ừa, má biết lúc nào vợ chồng con cũng bận, má không làm gì phiền con đâu, má chỉ đến chơi, nhìn thấy mặt con và 2 đứa cháu nội là má thấy đủ vui rồi.
Khi ngồi vào chiếc xe sang đẹp của con trai, bà Mậu cũng cảm thấy chút khép nép như đang đi nhờ xe ai đó, bà cất tiếng hỏi phá tan sự im lặng:
- Vợ con khỏe không? Hai cháu nội má chắc lớn dữ ha?
- Cả nhà đều bình thường.
Chắc thấy mình trả lời cộc lốc nên Thông dịu giọng lại:
- Hàng tháng con gởi má 500 đồng có đủ không? Má cần thêm thì cứ nói con biết…
- Không sao, má còn lãnh tiền quả phụ của ba con mà, con Minh cũng cho má tiền, má còn dư chút đỉnh nữa nè, ráng hai năm nữa má đủ tuổi lãnh tiền gìa là khỏe re, con khỏi phải gởi tiền cho má nữa.

Xe về tới khu nhà của Thông, phải qua một cổng security mới vào trong, nơi có những ngôi nhà đẹp đắt tiền.
Cô Nguyệt con dâu bà Mậu đang đứng làm bếp chỉ chào “Hi, má” rồi tiếp tục công việc của mình.
Bà Mậu mang va ly vào một phòng trống, nơi mỗi lần đến bà thường ở, thay vội quần áo bà ra phòng khách tìm hai đứa cháu nội, ôm thằng Peter một cái, ôm con bé Sophia một cái, rồi bà ra chỗ bếp với con dâu:
- Con để đó má mần phụ cho…
Cô con dâu từ chối:
- Món này má không làm được đâu…
Con dâu bà luôn không cần sự giúp đỡ của bà, không phải vì cô tôn trọng bà như 1 người khách, mà cô muốn tạo ra một khoảng cách. Bà Mậu đã từng cảm thấy mình xa lạ và vô dụng khi đến nhà con trai mình.
Bà lại ra phòng khách chơi với cháu, cũng may còn 2 đứa trẻ ngây thơ, có người ôm ấp và chơi với chúng thì chúng vui thích lắm.
Con bé Sophia 4 tuổi, giống mẹ và đẹp gái như mẹ.
Thằng Peter năm nay 6 tuổi, thì giống y hệt cha nó nên bà Mậu vẫn gọi thầm nó là “thằng cu Đen” như cái tên ngày xưa vợ chồng bà hay gọi Thông, cũng đôi mắt một mí duyên dáng, cũng nụ cười đẹp, cũng dáng người cao ráo, chỉ khác là làn da nó không bị ảnh hưởng khí hậu và mùi biển mặn mà ngăm ngăm như cha nó ngày xưa.
Bà thương hai đứa cháu, bà nhớ thằng con trai, bây giờ nó là một bác sĩ có phòng mạch đông khách và nổi tiếng chẳng những trong cộng đồng người Việt mà cả với người bản xứ.
Bà không được gần gũi con trai cả về thực tế lẫn tình cảm, thì còn cháu bà, nhất là thằng Peter, mỗi lần bế cháu bà đã tìm lại cái cảm xúc hạnh phúc yêu thương như ngày xưa bế thằng Thông, thằng cu Đen vậy.
Vợ chồng bà Mậu là ngư dân nghèo vùng biển Phước Tỉnh, Vũng Tàu, ông Mậu lái ghe đánh cá mướn cho người ta, cái nghề cha truyền con nối.
Gia đình ông cũng nghèo cha truyền con nối, từ trước 1975, đến sau 1975 càng nghèo khó hơn.
Năm 1987 có người móc nối nhờ ông làm tài công cho một chiếc ghe vượt biên, cái gía họ trả công là vợ con ông được đi theo.
Bà Mậu và thằng Thông, con Minh cùng lên 1 chuyến “taxi”, chờ ghe lớn tới bốc đi, nhưng khi chiếc “taxi” chở bà Mậu cặp sát được ghe lớn, bà vừa đưa được 2 con xuống ghe lớn thì bể chuyện, ghe của công an đang đi tới, nên chiếc “taxi” phải vội vàng bỏ chạy, mang theo một số người chưa kịp lên ghe lớn, trong đó có bà Mậu.
Ghe lớn do ông Mậu lái đã thoát được ra khơi, còn những “taxi” đều bị bắt hết và người thì bị tù giam.
Những ngày đầu tiên ở trong tù bà Mậu như phát khùng vì lo lắng cho số phận chồng con, được tin chiếc ghe lớn đi trót lọt ra khơi, ra hải phận quốc tế, lòng bà càng thêm lo âu hơn là mừng rỡ. Ghe chồng con bà có vượt qua được sóng gío tới bến bờ bình an không? hai đứa nhỏ sẽ ra sao khi không có mẹ bên cạnh? Bà thầm trách số phận, trách chồng thà cứ bình yên ở nhà làm nghề cá no đói mà có nhau, còn hơn là ra đi thập tử nhứt sinh, hay ly tán như thế này.
Những ngày ngồi trong tù là những ngày bà khóc ròng, đau đớn, buồn bã vì nhớ con, nhớ chồng...
Ông Mậu đến đảo Mã Lai báo tin về, lòng bà Mậu cũng nguôi ngoai và vui mừng hi vọng đợi chờ ngày đoàn tụ với chồng con.
Nhưng ông chồng bà bao năm trong nghề đánh cá, cá mắc vào lưới của ông thì bây giờ trời qủa báo sao đó, ông mắc vào lưới tình với một bà bỏ chồng đi vượt biên tìm tự do, tìm hạnh phúc.
Hai người tằng tịu với nhau từ trên đảo Mã Lai, qua Mỹ họ tiếp tục chung sống ăn ở như vợ chồng nên ông Mậu cứ tìm cách thoái thác chưa chịu bảo lãnh vợ, cho đến khi ông bị bà kia bạc tình, phản bội, bỏ ông đi theo người đàn ông khác khá giả hơn ông, thì ông Mậu mới tỉnh cơn mê, lo giấy tờ cho vợ sang xum họp gia đình.
Bà Mậu sau đó biết chuyện này đã không oán trách chồng mà còn chất phác tuyên bố với người quen biết:
- Thiệt cám ơn chị ta hết sức, thời gian đầu ở Mỹ cuộc sống khó khăn chị đã chăm sóc an ủi ông Mậu, sau đó chị ra đi trả ông Mậu lại cho mẹ con tui.
Bà Mậu sang Mỹ năm 1993. Khi đó thằng Thông đã 16 tuổi và con bé Minh 14 tuổi, bà nhà quê, ít học, chữ Việt Nam viết không rành, nói chi đến học ăn học nói tiếng Mỹ mà đi làm, nên chỉ ở nhà lo chuyện nội trợ, cơm nước, chăm lo cho chồng con...

*
***

Buổi chiều thứ bảy vợ chồng Thông đều nhận khám ít bệnh nhân, phòng mạch đóng cửa sớm, để gia đình quây quần bên nhau. Họ thích ra biển để thư giãn sau một tuần lễ căng thẳng bù đầu vì công việc.
Bà Mậu cũng được dịp đi biển với con cháu, bà sửa soạn mặc quần áo cho Peter, cho Sophia, lấy những chiếc mũ, chiếc khắn tắm hay đôi giày đôi dép cho cháu… những thứ mà cô con dâu không thể ba đầu sáu tay làm hết được, dù cô khinh khỉnh không muốn bà mẹ chồng đụng tay vào chuyện nhà của cô.
California có nhiều bãi biển tắm, ngày nào mà chẳng đông người, vì đất California là nơi du lịch, ngày cuối tuần thì càng đông hơn.
Bà Mậu lăng xăng bên hai cháu nội. Bà âu yếm nhìn thằng Peter cởi trần vui đùa trên mép biển, mỗi khi cơn sóng nhào tới thằng bé lại vội vàng chạy lên bờ, có khi nó ôm chầm lấy bà tìm sự che chở và cười vang vì vui thích, nó nhút nhát không dám ra xa hơn, cứ trò chơi ấy mà không biết ngán.
Chẳng bù cho cha nó, thằng Thông ngày xưa, ngay từ lúc 3-4 tuổi đã dạn dĩ, quen với sóng với gió rồi. Những khi theo mẹ ra biển đón ghe cha về bến, nó dám lội ra xa khi thấy bóng cha trên chiếc ghe đang lửng lơ thả trôi vào bờ, để cha sẽ nhảy ra ẵm nó lên, công kênh nó lên vai mặc cho sóng biển xô tới phủ kín mặt mũi hai cha con.
Vợ chồng bà âu yếm gọi Thông là “Thằng Cu Đen” vì thằng bé được sinh ra nơi miền biển, nó được nuôi lớn bằng cá tôm từ biển, và được nếm bao lần mùi biển mặn, mùi gió chướng, mùi gió mùa, cái thứ gió chở đầy mùi tanh của biển cả ngay trước mặt hay dù từ chân trời, góc biển nào thổi về. Tất cả những thứ đó đã thấm vào thằng Thông, làn da nó xạm lại, rắn rỏi và khỏe mạnh, đúng là con nhà nòi ngư dân.
Ông Mậu thường khề khà bên chén rượu và hãnh diện nói với vợ:
- Thằng cu Đen lớn lên sẽ là tay đi biển giỏi như tui cho bà xem.
Nhưng ông đã đóan lầm, thời vận đã đẩy đưa cuộc đời gia đình ông sang hướng khác, thằng cu Đen đẹp trai cao ráo của ông không là anh ngư dân giỏi, mà trở thành một bác sĩ giỏi sống ở Mỹ, cái điều mà cả tổ tiên nhà ông, cho đến đời ông, chưa ai dám mơ tới.

*
***

Cả nhà còn đang ngủ muộn vì chiều qua chơi biển thật lâu và vui, sau khi ăn uống nhà hàng cho đến tối khuya mới về đến nhà.
Bà Mậu thức dậy trước đang dọn dẹp lau chùi chỗ bếp thì con trai đã đến bên cạnh:
- Má khỏi phải làm ba cái việc này, mỗi tuần vợ con đều thuê người đến dọn dẹp nhà cửa rồi.
- Không sao, má rảnh thì làm cho sạch, trong khi người ta chưa đến có sao đâu con…
Giọng Thông có vẻ ái ngại khi hỏi:
- Má có cần mua thêm quần áo gì không? Lát nữa con nói vợ con đưa má đi mua…
Bà Mậu ngạc nhiên:
- Chi vậy con? Khi không má mua quần áo làm gì chớ, đồ má mặc cả đời không hết…
- Chiều nay là buổi tiệc mừng sinh nhật bà mẹ vợ của con ở nhà hàng, mời nhiều khách khứa, cả nhà mình sẽ tham dự… chỗ đông người má cũng nên tươm tất một chút.
- À, má hiểu rồi...
Bà Mậu khựng lại rồi tiếp:
- Má có đem theo đồ đàng hoàng mà con, quần tây và chiếc áo có bông thiệt bự, cổ nhún tai bèo nè, chiếc áo sơ mi màu đọt chuối nè, bắt mắt lắm, người bạn mua về từ Việt Nam giùm má đó. Má ưng hết sức.
Thông bỏ đi, còn lại một mình bà Mậu tự nhiên thấy lòng xốn xang buồn.
Ôi, phải chi nó cứ mãi là thằng cu Đen bé bỏng đi đâu cũng níu áo mẹ, túm áo cha, dù là những chiếc áo cũ, chiếc áo rách sờn vai.
Mà thôi, bà đã quen với những điều này rồi, con bà là một bác sĩ tài ba thành đạt thì nó phải cao sang với đời chứ, chẳng lẽ bà muốn nó là một anh ngư dân nghèo khổ như bà hồi ở Việt Nam để mẹ con thông cảm, gần gũi với nhau sao!
Gia đình bên vợ của Thông rất danh giá, họ xuất thân giàu có từ trong trứng nước, hai ông bà sui gia đều là bác sĩ từ thời còn ở Việt Nam, anh em, con cháu, dâu, rể của họ cũng toàn là bác sĩ, nha sĩ, có lần bà nghe Thông hãnh diện kể về nhà vợ, tổng số bác sĩ và nha sĩ trong đại gia đình cha mẹ vợ lên đến hơn 20 người. Nghề nghiệp y khoa của họ cũng cha truyền con nối như nghề đánh cá đi biển nhà bà.
Nếu Thông không là bác sĩ thì khoảng cách giữa Thông và gia đình vợ là một trời một vực Bà Mậu vẫn hãnh diện khi kể cho bạn bè, người quen về bên sui gia danh gía của mình.
Buổi chiều trong khi vợ chồng Thông sửa soạn quần áo để đi dự tiệc thì bà Mậu than là bị đau bụng, bà hỏi xin con thuốc để uống và nằm đắp mền nghỉ ngơi.
Thông hỏi mẹ:
- Má thích ăn gì thì con sẽ mua về cho má?
Bà Mậu rên khe khẽ:
- Má đau bụng quá trời ăn gì nổi, mà nếu tối đói bụng thì có nhiều đồ trong tủ lạnh rồi.
Thế là bà không thể đi đến nhà hàng dự tiệc sinh nhật bà sui gia được.
Nhưng khi cả nhà Thông lên xe đi khỏi thì bà Mậu tung mền ra, nhà cửa vắng tanh chẳng có chuyện gì làm, bà bỗng nhớ đến một bà bạn cũng ở gần đây, là đồng hương Phước Tỉnh của bà, thuở đó hai bà nhà ở gần nhau, cùng nghèo khổ như nhau, cùng chia sẻ bao nỗi vất vả, bao nỗi buồn lo chồng chất của cuộc sống nơi miền biển, nơi chôn nhau cắt rốn của họ.
Lần nào đến Calif. bà Mậu chẳng ghé thăm bà Chung, nhân dịp trống trải này thì gặp bạn luôn.
Bà Chung cũng góa chồng, lớn hơn bà Mậu mấy tuổi nhưng lanh lợi hơn nhiều, qua Mỹ bà nhanh chóng hội nhập vào đời sống mới. Bà sống ở apartment diện housing, tiền nhà hầu hết do chính phủ trợ cấp, mấy con bà sống gần đó, nên bà vẫn chạy qua chạy lại phụ giúp con cháu khi cần, mà vẫn giữ được cuộc sống tự lập không lệ thuộc con cái là bao.
Bà Mậu mở cuốn sổ tay tìm số phone và gọi bạn, bà Chung nói sẽ lái xe đến đón bà Mậu đi chơi.
Bà Mậu hẹn bà Chung ở ngoài cổng khu nhà.
Bà Chung đưa bà Mậu đi vòng quanh thăm mấy chợ Việt Nam, vì sống ở tiểu bang New Jersey đâu có nhiều chợ, nhiều hàng quán Việt Nam như khu Bolsa này.
Rồi bà ghé vào một khu shopping rộng lớn, lái xe đến trước cửa một nhà hàng, bãi đậu xe đã đông, nên bà Chung đang tìm cách len lách vào, trong khi bà Mậu tò mò nhìn ngó xung quanh.
Bà Mậu bỗng giật mình khi nhìn thấy gia đình Thông đang sánh vai cùng bố mẹ vợ bước vào một nhà hàng, hai đứa cháu nội của bà đang tíu tít bên ông bà ngoại của chúng. Họ thật là những khách hàng lịch sự, sang trọng trong bữa tiệc sinh nhật chiều nay
Bà Mậu vội quay ra hốt hoảng hỏi bạn:
- Chị tính vào nhà hàng này hả?
Bà Chung khoe:
- Ừ, nhà hàng này có nhiều món ngon lắm, nhưng hôm nay chắc có người đặt tiệc nên đông qúa, tôi chưa tìm ra chỗ đậu xe…
- Thôi, thôi, thôi… đi chỗ khác, tôi không thích ăn nhà hàng đâu.
- Làm gì mà chị phản đối liên hồi như tôi sắp đưa chị vào hang hùm, ổ rắn vậy? Ở Mỹ mà, tiền già của tôi cũng dư sức bao chị vô bất kể nhà hàng nào. Chị thích đi ăn ở đâu, tôi sẽ đãi chị?
- Ra Phước Lộc Thọ đi, ở đó cũng ngon rồi.
Bà Chung cụt hứng trách bạn:
- Tưởng gì, lần nào đến Cali chị cũng đòi ra ăn hàng ở Phước Lộc Thọ, lúc nào cũng nhà quê in như hồi còn ở Phước Tỉnh với ba con cá con tôm vậy đó...
Bà Mậu chống chế:
- Tui theo con đi ăn nhà hàng nhiều lần rồi, lạ gì đâu, ra chỗ Phước Lộc Thọ, vừa ăn vừa ngắm nhìn ông đi qua bà đi lại cho vui, có khi lại gặp được người quen.
May quá, bà Chung đã mải lo tìm chỗ đậu xe trước nhà hàng nên không trông thấy những gì bà Mậu đã thấy. Nếu không, bà không biết giải thích làm sao với bà bạn thân này.
Đến khu Phước Lộc Thọ, hai bà ghé vào một tiệm, tiệm không đông khách, bàn ghế thênh thang nên bà Mậu tha hồ ngồi một ghế, gác chân lên một ghế, đủng đỉnh ngắt từng cọng rau răm xanh tươi ăn với hột vịt lộn hiệu Long An nóng hổi rắc muối tiêu ngon lành.
Rồi mỗi bà ăn một dĩa bánh bèo, một ly chè là vừa no bụng vừa ngon miệng...
Cách hai bà là một bàn khách đang ăn gỏi đu đủ bò khô, uống cà phê sữa đá, vui vẻ nhộn nhịp cứ như đang ở Việt Nam.
Thật thú vị và thoải mái khi đi với bà Chung, bà Mậu không phải e dè như khi đi với cô con dâu cao sang của bà. Bà từng theo vợ chồng Thông đi ăn nhà hàng coi bộ sang trọng lắm mà chưa cho bà cảm giác như thế này.
Bà Chung kể:
- Con trai và con dâu chị ăn nên làm ra tại Calif. này đó. Chồng bác sĩ nhãn khoa, vợ bác sĩ phụ khoa, toàn là nghề hốt bạc.
Bà Mậu sung sướng:
- Tui thiệt hãnh diện vì tụi nó đó chị Chung à…
Bà hãnh diện thật, khoe thêm:
- Hai ông bà sui gia cũng bác sĩ luôn. Chèng ơi, sao mà họ giỏi dữ vậy không biết!
Bà Chung gật gù:
- Tui phát ghanh với chị đó, được là mẹ bác sĩ.
Thật thế, bác sĩ vẫn là nghề cao siêu đối với bà Mậu từ đời tám hoánh nào rồi. Ngày xưa ở Việt Nam đâu có tiền mà mỗi chút mỗi gặp bác sĩ, mỗi lần ốm đau bất kể nhức đầu, đau bụng hay bịnh gì đi chăng nữa cứ… đè nhau ra cạo gió, xông hơi, cực chẳng đã bịnh không hết mới đi khám bác sĩ.
Sau 1975 càng tồi tệ hơn nữa, bác sĩ là cấp cao không thèm đếm xỉa tới bịnh nhân, thậm chí bịnh nhân lo lắng hỏi han cũng chẳng được bác sĩ mở miệng trả lời trả vốn cho mấy chữ, nội mấy cô y tá phường xã cũng đủ uy quyền gắt gỏng, nạt nộ những bịnh nhân vừa nghèo vừa dốt như bà.
Vậy mà bây giờ con trai bà là bác sĩ, có lần bà đến phòng khám của Thông để khám mắt, nhìn cơ ngơi của con với những dụng cụ, máy móc soi mắt tinh vi, nhìn mấy cô nhân viên vừa là Việt Nam vừa là người Mỹ răm rắp và nghiêm chỉnh làm việc cho bác sĩ và Thông nói tiếng Mỹ vèo vèo với nhân viên, bà Mậu càng tự hào và nể phục con trai mình.
Đến thăm phòng mạch của con dâu bà cũng cảm giác nể phục như thế. Cho nên bà vẫn tự hào, tự an ủi mình là chiều chuộng con, nhường nhịn con, thua thiệt con cũng xứng đáng lắm.
Bà Mậu thật thà nói với bà Chung:
- Tui cũng không ngờ con trai mình là bác sĩ, qua Mỹ chỉ cầu nó lớn lên đi mần việc công nhân, thoát khỏi nghề đi biển cực nhọc như cha ông nó ở Việt Nam là tui mừng rồi.
Hai bà ăn uống chuyện trò đủ thứ xong, bà Chung chở bà Mậu trả về nhà.
Vợ chồng Thông vẫn chưa về, bà Mậu lại thơ thẩn một mình trong căn nhà vắng.
Bà nào có đau bụng đau bão gì, chẳng qua bà nói thế để không đi dự đám tiệc sinh nhật bà sui, điều mà bà cảm thấy con trai cũng như con dâu bà không hề mong muốn bà có mặt, mà thật ra chính bà cũng thấy ngại ngùng giữa đám người giàu sang có học thức cao ấy. Tới đó bà biết ăn nói làm sao cho xứng với họ?
Số bà không may, chồng chết trước, lại không được gần gũi con cháu. Xưa có lần bà coi tử vi ông thày đã nói số bà “canh cô mồ quả” thui thủi một mình, thật không sai.
Hai đứa con qua Mỹ từ nhỏ, cách sống và cách suy nghĩ của chúng như người Mỹ. Con Minh lấy chồng Mỹ càng Mỹ hóa hơn, bà Mậu không thể đến nhà con gái thường xuyên chứ đừng nói chuyện dọn vào ở chung, dù bà đã từng mong muốn kể từ khi ông Mậu từ trần.
Mỗi lần đến nhà con gái, gặp con rể bà Mậu chỉ chào được một chữ “Hi.” rồi thôi, rồi bà cười trừ thay cho lời nói mỗi khi đối diện với thằng rể Mỹ, mà con rể cũng không mấy thân thiện với bà mẹ vợ, anh ta không muốn “người lạ” ở lâu trong nhà, dù người ấy là bà mẹ vợ.
Nó đã hỏi vợ nó:
- Tại sao mỗi lần mẹ em nhìn anh bà lại cười? Anh có cái gì khôi hài lắm sao???
Con Minh phải giải thích:
- Mẹ em cười là thân thiện với anh đó, vì mẹ không thể nói chuyện với anh.
Vợ chồng con gái vẫn thỉnh thoảng ghé đến apartment thăm bà, mỗi dịp lễ Mẹ, Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh và Năm Mới họ đều tặng bà quà, và bà phải hiểu rằng bà cũng chỉ được đến nhà thăm họ như khách thế thôi.
Chỉ khi nào con rể đi công tác xa nhà mấy hôm thì bà Mậu mới cảm thấy tự do thoải mái khi đến thăm con gái và cháu ngoại, bà được ngủ lại nhà con gái. Đó là những ngày bà sung sướng hạnh phúc mà không món quà tặng nào sánh nổi.
Thỉnh thoảng không thể đến thăm cháu ngoại, bà Mậu lại sốt ruột gọi phone cho con gái và thật thà hỏi:
- Chồng con sắp đi công tác chưa? Má trông nó đi quá trời nè…
Hoặc bà hỏi kỹ hơn:
- Chuyến này nó đi công tác mấy ngày, hả?
Chẳng ai như bà, cứ mong con rể thường xuyên đi công tác mà không sợ con gái buồn, miễn là bà được thảnh thơi đến nhà nó.
Còn về vợ chồng con trai bác sĩ của bà cũng chẳng khác vợ chồng con gái bà là bao, cả hai đều giữ khoảng cách với bà. Dù họ không tìm được người giúp việc, mấy lần bà Mậu ngỏ ý về ở chung để trông cháu và lo cơm nước cho hai vợ chồng, nhưng Thông đều từ chối với lý do:
- Má là má con làm sao con có thể để má làm như người giúp việc được.
Con trai bà cũng có lý của nó, nhưng bà mẹ nào chẳng muốn đỡ đần cho con cho cháu? đối với bà được chăm lo cho con cháu là niềm vui, bà tha thiết muốn được làm điều đó mà con không chịu thì bà đành phải tiếp tục sống một mình, càng rảnh rang bà càng buồn vì nhớ cháu. Cả cháu nội, cháu ngoại đều xa qúa tầm tay của bà. Nhưng bất cứ ai hỏi đến chuyện này thì bà Mậu đều hớn hở trả lời và gỉai thích luôn:
- Thằng con trai bác sĩ của tui, hai vợ chồng nó giàu có, lại có cha mẹ vợ ở gần, đâu cần tui giúp đỡ gì nữa, thỉnh thoảng tui đến thăm là chúng nó mừng vui rồi, tui ở gần con gái để chạy qua chạy lại thăm cháu ngoại, tụi Mỹ đâu thích mẹ vợ ở chung, nhà ai nấy ở cho thoải mái, chớ thằng rể Mỹ cũng biết điều với tui lắm. Bà Mậu ngồi suy nghĩ lan man và ngóng ra cửa chờ đợi vợ chồng Thông về. Bà nhớ hai cháu, chỉ mong có chúng nó để bà chơi đùa với chúng và âu yếm chúng .
Lòng bà rộn ràng chờ đợi, bà chẳng dại gì tự ái để mất con mất cháu, máu mủ ruột thịt của mình mà. Bà đánh đổi tất cả sự lạnh nhạt của vợ chồng Thông để được đến gần họ.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22115
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/Sep/2020 lúc 10:43am

Một Mẹ Có Thể Nuôi Lớп 10 Con Nhưng 10 Người Con Không Nᴜôi Nổi Mìпh Mẹ


"Một người mẹ có thể nuôi mười đứa con, mười đứa con chẳng nuôi được một mình mẹ". Đây là câu nói chứa đựng sự thật phũ phàng về tình trạng chữ "hiếu" trong lòng người hiện nay. Báo hiếu người mẹ đã tần tảo nuôi mình khôn lớn khó thế sao?


Cách đây không lâu, câu chuyện về một cụ bà ở TP.HCM đã khiến không ít người phẫn nộ và đặt dấu hỏi lớn cho "chữ hiếu" trong mỗi con người trong xã hội hiện nay. Bà từng sống trong sự hiếu thuận của 10 người con tám trai, hai gái khi còn sở hữu hai căn nhà trị giá nhiều tỷ đồng. Khi cụ ông mất, bà cũng đến tuổi gần đất xa trời nên quyết định bán nhà chia tài sản cho các con. Không ngờ, chính quyết định ấy đã khiến bà lâm cảnh nay đây mai đó. 

Lúc đầu, bà còn dự định đến ở với mỗi người một tháng để cảm nhận tình thương yêu của con cháu và được các con ủng hộ hết mình tại thời điểm đó. Tuy nhiên, do phát sinh tranh chấp trong quá trình chia tài sản, 10 người con cho rằng mẹ thiên vị anh cả và nhất quyết không chịu đón bà về phụng dưỡng mà đùn đẩy nhau, yêu cầu người anh cả, người có học thức và lương cao, phải chịu trách nhiệm nuôi mẹ cả đời. Tuy nhiên, vì không hợp con dâu cả, suốt hai năm qua bà Nguyệt không ổn định được chỗ ở. Vất vưởng hết nhà con trai đến nhà con gái, ở đâu cũng có chuyện, nhiều lúc buồn chán bà Nguyệt lại đi lang thang xin ăn, tối vào chùa tá túc cho qua đêm. Bà tâm sự thấy khó chịu, ngột ngạt và như đứa trẻ bị bỏ rơi. 

Bà Nguyệt chỉ là một trong vô vàn những trường hợp tương tự khác xảy ra trong xã hội hiện nay. Nuôi con cực khổ bao năm, mẹ chẳng tiếc cho ta cái gì. Nhưng giờ đây các con khôn lớn lại tiếc với mẹ nhiều thứ đến vậy? Tiếc từ vật chất, đồ ăn thừa bữa nay để mẹ ăn nốt bữa mai. Tiếc cả tinh thần, quan tâm mẹ ruột lại sợ khó xử với nhà chồng. Nhìn tình cảnh ấy, ai là người cay đắng nhất? Vẫn là mẹ mà thôi.

Câu nói của người xưa "Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường" đã dạy cho chúng ta rằng người mẹ đóng vai trò quan trọng thế nào trong việc nuôi dạy và chăm sóc con cái. Mẹ chính là người vun vén tổ ấm, chăm lo mọi bề, là người chịu bao gian khổ cay đắng từ cuộc sống để giúp con cái lớn khôn. Thời gian có thể hằn lên những vết chân chim trên mặt mẹ, nhuộm trắng mái đầu xanh nhưng không thể cướp được tình yêu thương vô bờ mẹ vẫn luôn dành cho con cháu mà chẳng mong chờ đền đáp lấy một lần.                             


Ai rồi cũng sẽ già. Mỗi gia đình đều thường có ít nhất một người lớn tuổi. Và chỉ đến khi ta già ta mới hiểu được, làm người già khổ tâm và bất lực ra sao. Vì vậy, hãy nhớ rằng, người đang làm trời đang nhìn. Mọi hành động trên đời đều có nhân quả. Mỗi người sống hàng chục năm tháng, đừng để đến khi nhắm mắt xuôi tay nghĩ lại quá khứ mà nghẹn ngào hối hận. Lương tâm của bạn sẽ trân trọng những tấm lòng son.

Muốn thành người, ta đừng bao giờ đánh rơi chữ hiếu, bỏ quên lòng thương và gạt bỏ cha mẹ sang một bên. Ân nghĩa cha mẹ sinh thành và dưỡng dục cao như trời biển, ta có trả cả đời cũng chưa thể hết. Đừng lãng phí hay chậm trễ bất cứ một phút giây nào lạnh nhạt với chính cha mẹ của mình.

Một người mẹ có thể nuôi lớn 10 đứa con nhưng 10 người con nuôi một mình mẹ không nổi? Hiếu thảo có khó đến vậy hay không? Đừng nghĩ rằng có tiền là có hiếu. Vật chất đầy đủ có đồng nghĩa với nụ cười và hạnh phúc tuổi già của cha mẹ chúng ta chưa?

Có rất nhiều người dù được con cháu chu cấp tiền bạc đầy đủ, nhà cao cửa rộng thì đã sao, họ vẫn không cảm nhận được lòng hiếu thảo vì thật ra, chữ hiếu không có quan hệ gì với tiền bạc. Hai chữ "hiếu thảo" chỉ đơn giản là tình cảm, là sự chân thành, là trái tim biết quan tâm và thấu hiểu. Nó nằm ở hành động thường xuyên của chúng ta chứ không phải những tờ giấy có mệnh giá như một đơn vị trao đổi. 

Hàng trăm hàng vạn người ngoài kia chẳng có cơ hội cung phụng cha mẹ mình núi vàng núi bạc, nhà lầu xe hơi nhưng họ vẫn có lòng hiếu thảo và được mọi người kính trọng, ngợi khen. Dù khó khăn về vật chất, mỗi tháng họ vẫn trích ra một phần thu nhập để cha mẹ được an hưởng tuổi già. Bày tỏ những lời thương yêu chân thành, truyền tải sự thương kính cha mẹ qua lời nói dịu dàng, chăm sóc những công việc trong gia đình để cha mẹ có thời gian an hưởng đúng nghĩa. 

Báo hiếu đâu cần làm việc gì lớn lao, quan trọng là khiến cha mẹ cảm nhận được tình cảm của con cái dành cho mình. Cha mẹ dành tất cả tình cảm, cuộc sống cho con nhưng đâu cần nhận lại nhiều, chỉ cần biết con cái quan tâm đến mình thôi là hạnh phúc lắm rồi.

"Một ngày con lớn, một ngày con khôn, một ngày con phải đi xa Mẹ,
Bước chân vững vàng, khó khăn chẳng màng, biển rộng trời cao con vẫy vùng,
Một ngày chợt nắng, một ngày chợt mưa, lòng Mẹ chợt nhớ con vô bờ,
Nhớ sao dáng hình, nhớ sao nụ cười, nhớ con từng giây phút cuộc đời..."
Ai từng nghe bài hát "Nhật ký của mẹ" đều không thể không thấu hiểu và xúc động trước nỗi lòng người mẹ dành cho con. Tình yêu ấy đi theo đứa trẻ từ lúc lọt lòng cho đến ngày khôn lớn. Một tình yêu vô tư và không có bến bờ, bao la và thấu tỏ trời đất. Nếu con cái không biết hiếu thảo và quan tâm thì có còn xứng đáng với tình yêu ấy không?

Người ta còn có câu: "Trong nhà có một người già như có một báu vật". Hãy biết ơn vì cha mẹ tuy đã già nhưng vẫn còn ở lại bên cạnh, tiếp tục bảo ban và chăm nom cho ta. Hãy yêu thương cha mẹ bằng tất cả tấm lòng mà ta có để sau này không phải hối tiếc. 

Dương Mộc


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 02/Sep/2020 lúc 10:43am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 125 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.539 seconds.