Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình
Message Icon Chủ đề: Chữ THƯƠNG Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
Hoang Ngoc Hung
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 14/Jun/2007
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 234
Quote Hoang Ngoc Hung Replybullet Chủ đề: Chữ THƯƠNG
    Gởi ngày: 11/Jul/2007 lúc 11:33pm
QUỐC VIỆT
 
Không biết bao nhiêu người nghiệm ra được chữ thương

 

TTCN - “Đời người như con đường. Khi bé thơ, ta chập chững tập đi. Thời thanh niên, ta chạy. Rồi lại tập đi khi đến hồi thất thập. Nhưng nếu sống qua được tuổi 100 thì ta không tập, không đi, cũng không chạy nữa, mà chỉ ngồi bên đường, mỉm cười ngó người ngược xuôi”. Có một đời người trải dài ba thế kỷ đã chiêm nghiệm ra điều ấy.

Cội đa già ở góc vườn rụng lá lác đác trên sân vắng. Cánh cửa chỉ khép hờ để nắng chiều rọi xiên xiên lên những câu liễn xưa. Cụ bỏ quyển sách đang đọc dở khi thấy có khách lạ vào nhà. Tôi rụt rè cúi chào. Cụ móm mém: “Bây được chừng tuổi rồi?”. Nghe tôi trả lời tuổi 28, cụ chỉ cười: “Cỡ sắp chít của ta thôi”.

Cụ tên Ngô Văn Bi. Ở đất Gò Công, Tiền Giang hình như ai cũng biết và kính mến cụ. Sinh năm 1896, cụ là nhân chứng hiếm hoi vắt dài qua ba thế kỷ của miền đất lắm thăng trầm này. Răng không còn chiếc nào, cụ phào phào tiếng gió kể cho tôi nghe về cuộc đời mà cụ nói rằng: “Bây thích thì ta kể nghe chơi chứ đời ta có đỗi gì lạ đâu. Nó giản đơn, quê mùa hệt như ngọn cỏ đã sinh ra trong đất thì phải xanh, hết xanh đến già, rồi tới ngày cũng phải chết để đất cho cây khác nảy mầm…”.

Bận xưa tía má cụ là người mần ruộng. Cụ ré tiếng khóc đầu tiên trong cuộc đời cũng trên cánh đồng xanh mượt màu lúa. Tía cụ nghèo, không đầy bồ kinh thư trong bụng nhưng rất kính người học chữ. Ngay lúc tóc cụ còn lởm chởm ba vá miếng dừa, tía đã gửi cụ cho ông thầy đồ ở đầu làng.

Thời giặc giã. Trò đói, thầy rách. Việc rèn chữ, rèn người được đổi bằng mấy giạ lúa cuối năm. Những chiều nắng ráo, thầy trò trải chiếu ngoài sân cùng đọc sách thánh hiền. Ngày mưa dầm, khói phân trâu hun muỗi, ánh lửa lá dừa lập lòe thay bấc dầu để học chữ trong lều tranh.

Lên lứa thanh niên cụ lại học thêm tiếng Tây từ mấy cậu nhà giàu đi học Sài Gòn về. Nhưng đây cũng là giai đoạn cụ phải đi mần để phụ tía má. Ruộng nhỏ không vắt hết sức trai, những ngày nông nhàn cụ theo cánh thợ mộc, thợ chạm trổ, vẽ tranh đi làm nhà cho người ta. Dân quê nghèo ít học vừa thương cụ như em út vừa quý cụ như ông thầy. Họ tận tâm truyền nghề cho cụ.

Lúc rảnh rỗi cụ lại dạy chữ cho họ. Ấy thế mà cụ nên nghề. Cái khiếu của cụ không chỉ làm cho tía má, cánh thợ xóm làng ngạc nhiên mà nhiều địa chủ, phủ quan, chùa chiền ở xa nghe đồn cũng đến tận nơi mời về làm cho mình. Cụ đi xa suốt, lúc thì ở Sài Gòn, khi thì miệt Cần Thơ, Bạc Liêu, thậm chí cả Nam Vang.

Cụ vẽ tranh thủy mặc, khắc câu liễn Nho, nhưng “ngón ruột” của cụ là tạc tượng. Những pho tượng không đa dạng, cầu kỳ như bây giờ mà chỉ là Phật bà, ông Tiên, con công, con hổ … đặt ở gian thờ cúng hay trước sân nhà, ngoài mồ mả tổ tiên.

“Đám bạn bận xưa cũng hay hỏi ta mần sao mà nhiều người mê tài nghệ vậy. Ta nói thiệt bụng có gì đâu. Ta chỉ ráng quậy quọ vẽ bụi tre ra bụi tre, con gà ra con gà thôi…”. Nhưng thời ấy nước khổ, dân nghèo, tay nghề của cụ cũng chả tung tác được bao nhiêu. Về sau, cụ còn học thêm nghề lái xe từ ông Ba Nghệ ở Sài Gòn để được rong ruổi khắp nơi.

“Chữ nghĩa giúp ta biết kiềm chế, giữ mình. Còn ông Ba Nghệ lại giúp ta biết cuộc sống thực với cả người hiền lẫn người lưu manh. Nếu không có ổng, có lẽ ta không thể sống nổi đến ngày hôm nay”.

Cuộc đời lang thang giúp cụ thấy và nghe được bao nỗi niềm của thiên hạ. Những mảnh đời nghèo đói, khổ đau lay lắt khắp xóm làng thành thị lúc bấy giờ khiến cụ nhiều đêm mất ngủ. Số phận và hoàn cảnh riêng không đưa đẩy cụ vào con đường như một số chí sĩ có hoài bão lớn cùng thời. Nhưng nó cũng thôi thúc cụ rẽ thêm vào một nghề như hầu hết các bậc nho sĩ xưa hay làm là học thuốc cứu người.

Cụ học làm thuốc bắc, thuốc nam. Cụ biết chữa nhiều bệnh, và cụ rành nhất là các bài thuốc chữa ung nhọt, khối u. Hầu hết những người tìm đến cụ đã lành bệnh, mặc dù cụ chỉ nhận mình là người học lóm, “bà con qua được là nhờ may thầy may thuốc mà thôi”.

Tiếng đồn xa. Người bệnh quê mùa tứ xứ đến cầu cứu cụ... Nghề thuốc tay trái gặp cơ duyên trở thành tay phải. Mặc dù 10 người cụ chữa thì đến 7-8 người được miễn phí hoàn toàn. Bây giờ mắt cụ mờ, tay chân cụ run rẩy lắm rồi mà vẫn còn nhiều người tìm đến.

Về già, cụ sống bình lặng tại căn nhà của tía má để lại ở thị xã Gò Công. Nhà ba gian, mái ngói, rộng khoảng 60m2, đầy những bảng chữ Nho, tranh, tượng, lọ bình cũ kỹ. Muốn vào nhà cụ phải đi qua một con đường rợp tán dừa giữa đồng lúa xanh. Ngoài làm thuốc, cụ có hai thú vui điền viên là chăm sóc vườn cây kiểng và kể chuyện xưa cho mọi người nghe.

Đó là những câu chuyện về Tần Thủy Hoàng bạo chúa, Nguyễn Huệ anh hùng, Napoleon chinh phạt châu Âu... Những câu chuyện thường được mở đầu và kết thúc bằng hai câu thơ: “Làm vua chẳng biết thương dân. Phải mang nặng tiếng, dầm xương ngoài đồng”…

“Vậy là bây cũng lại hỏi ta cái câu mà bao nhiêu người xưa nay đã từng hỏi ta…”. Cụ phào phào trả lời câu hỏi “sống thọ quá bách niên như vậy, thiệt lòng cụ có sợ chết không?”. Cụ kể rằng cụ lấy vợ năm 30 tuổi và ngay cuối năm ấy cụ đã đóng cho vợ chồng hai cái quan tài để ở chái nhà sau. Không phải cụ sợ chết ngay lúc ấy mà chỉ vì nhà có gỗ sẵn, khỏi để con cháu tốn kém. “Một cái thì bà lão nhà ta đã mang đi cách đây 22 năm. Còn một cái vẫn đang chờ ta …”.

Cụ bảo thường ở đời, khi đến tuổi 60-70 người ta hay sợ chết! Lên tuổi 80-90, người ta lại canh cánh chờ đợi cái chết đến. Nhưng nếu qua được tuổi 100, chẳng mấy ai còn nặng lòng cả sự sống và cái chết. “Nó đến ngay cũng được. Mà nó chưa thèm đến cũng được. Chả sao cả!”.

Cụ kể những năm gần đến tuổi 100 cụ cũng có cảm giác cô đơn, nhưng sau đó nó lại nhẹ nhàng qua đi tự nhiên. Cụ có hai con gái, một người 84 tuổi, một người 82 tuổi, chắt, chít đầy nhà. Đời cụ nhìn lại lúc nhỏ thì cố học, lúc trẻ thì cố làm, về già lại muốn có một cái gì đó để lại. “Nhưng rồi cuối cùng ta cũng chả để lại được cái gì đâu!”.

Lần đầu, trong di chúc của mình cụ để lại cho cháu con tài sản dành dụm cả đời. Lần hai, khi tuổi đã quá già, cụ để lại những lẽ sống ở đời: cách đối xử với vợ con, anh em, hàng xóm, với quê hương, sông núi. “Tài sản của ta có là cái gì với sắp nhỏ bây giờ. Chúng có nhà gạch, xe máy, truyền hình, tủ lớn, tủ nhỏ… Vậy là ta nghĩ mình chỉ còn kinh nghiệm sống để lại cho chúng. Hi vọng mai này chúng hành xử cho đúng với đạo đời !”.

Cụ kể tích xưa, chuyện nay. Cụ viết thành sách, khắc liễn, làm câu đối “tình phu thê”, “nghĩa huynh đệ”, “ơn sinh thành” … treo ngay cửa ra vào như những bức gương cho con cháu soi mình!

“Những năm gần đây ta như người ngồi bên đường, nhìn ngắm thiên hạ ngược xuôi, tự dưng cứ trăn trở mãi một điều”. Cuối cùng cụ gạt tất cả, chỉ để lại duy nhất một chữ “THƯƠNG” trong di chúc cuối cùng. Cái chữ mà cụ đã sống với nó qua ba thế kỷ mới “ngộ” ra. Người ta chỉ cần có một chữ “thương” trong lòng là đã đủ để đứng thẳng mà làm người...

“Mấy ông bác sĩ cứ đến hỏi ta có bí quyết gì mà sống thọ dữ vậy? Rồi họ săm soi mãi cái chuyện ta ăn gì, uống gì, ngủ nghỉ ra sao. Ta nói rằng ta cũng như mọi người bình thường thôi. Đói thì ăn, khát thì uống. Phận người dài bao nhiêu mà thèm khát nhiều hay kiêng cữ làm chi cho mắc khổ. Chỉ có điều ta chọn chữ thương, không hay ghét giận nên lòng ta nhẹ, ít nặng bệnh như người đời”.


IP IP Logged
Hoang Ngoc Hung
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 14/Jun/2007
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 234
Quote Hoang Ngoc Hung Replybullet Gởi ngày: 31/Jul/2007 lúc 12:25pm

Bạn nghĩa là luôn tha thứ  

Người lớn giận không như trẻ con. Giận là không thèm nói chuyện, không thèm nhìn mặt. Là xóa hẳn nhau ra khỏi cuộc đời. Giận là giận thật lâu có khi là mãi mãi.

Viết cho Quỳnh Anh, Lan Anh, Ngọc Ánh ... và cho tôi

Ngày xưa còn bé, bạn bè giận nhau chỉ cần chu miệng “bo bo xịt”, ngoảnh mặt đi là xong. Lý do giận nhau cũng nhỏ xíu, khi thì do đứa này không cho đứa kia liếm chung viên kẹo, lúc thì đứa nọ kéo tóc đứa kia, rồi khóc, rồi méc cô “Bạn này đánh con, con không chơi với bạn nữa”. Giận rồi chơi, chơi rồi giận, nhẹ nhàng như không. Có thể việc giận nhau đơn giản quá, nên việc làm hòa cũng dễ dàng. Chỉ vài phút sau là quên béng mất, lại bá vai bá cổ chơi chung như thể chẳng hề có gì xảy ra. Một ngày giận nhau bao nhiêu lần không đếm xuể.

Lớn lên một chút, giận nhau là lấy tay che tập không cho nhìn bài, là lấy phấn vạch một đường phân cách trên bàn. Để thỉnh thoảng, đứa bên đây liếc sang đứa bên kia, rồi len lén lấy tay bôi vạch phấn. Khi vết phấn mờ đi cũng là lúc lý do giận nhau tan đi sạch sẽ. Lại chụm đầu vào cùng nhau đọc chung một quyển sách. Chuyện giận hờn trở thành xa lơ xa lắc, có chăng chỉ còn sót lại một dòng trong lưu bút “Có nhớ cái lần mày giận tao không?” 

Trong tình bạn, trẻ con ấy thế mà hay. Không câu nệ, không phán xét. Mọi thứ đều nhanh chóng cho qua, cứ thế mà phủi sạch mọi phiền giận ra khỏi bộ nhớ.

Người lớn vốn vẫn luôn kêu ca rằng trí nhớ mình kém và hay quên, nhưng lại nhớ đến kỳ lạ từng chi tiết những điều mình không hài lòng về người khác, xét nét nhau từng lời ăn tiếng nói. Thế nên lý do giận nhau của người lớn cũng rất vô cùng, không đếm nổi và đôi khi cả không lý giải được vì sao.

Người lớn giận không như trẻ con. Giận là không thèm nói chuyện, không thèm nhìn mặt. Là xóa hẳn nhau ra khỏi cuộc đời. Giận là giận thật lâu có khi là mãi mãi.

Người lớn tự cho mình hiểu biết thế nhưng lại dở hơn trẻ con rất nhiều. Người lớn thậm chí không hiểu được cái ý nghĩa rất đơn sơ của tình bạn: BẠN NGHĨA LÀ LUÔN THA THỨ! Thế nên trong lúc người lớn thề thốt, trẻ con chỉ cần một cái ngoéo tay là giữ mãi TÌNH BẠN.

15.06.2007

(Theo blog Ngochanh)

IP IP Logged
Hoang Ngoc Hung
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 14/Jun/2007
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 234
Quote Hoang Ngoc Hung Replybullet Gởi ngày: 31/Jul/2007 lúc 12:26pm

Bản chất và ý nghĩa của sự cáu giận

(previsl)

“Cả giận mất khôn”. Khi nổi cáu, sự khôn ngoan trốn biệt tăm và đưa ta đến những con đường tăm tối. Người ta thường ví nó như con quỷ nhỏ, “nằm vùng” trong mỗi người, chờ dịp để xổng ra.

Cáu giận là một trong những trạng thái tình cảm của con người. Cáu tốt hay xấu? Nguyên nhân? Hậu quả? Làm thế nào để chế ngự những cơn cáu? Tại sao có những dân tộc chưa văn minh nhưng rất văn hoá, không hề biết đến con quỷ cáu giận ẩn náu trong mỗi người bình thường?

Cô ấm ức lắm. Bản quyết toán tháng, đãng trí, cô quên một số liệu (kể ra thì cũng lớn). Sếp đến trước mặt cô, khoan thai đặt xuống bàn, cười khẩy, nhẹ giọng: “Hình như công việc ở đây không thích hợp với cô thì phải”. Ý hắn muốn đuổi mình đây. Hừ, đợi đấy. Tưởng một kế toán “mù” trước những kiểu trốn thuế chắc...

Trên đường về nhà, cô vô ý đụng xe vào một thằng bé. May, nó chỉ xây xước nhẹ. Đến lúc dừng xe, mua thịt mới biết nó đã nẫng gọn chiếc ví, tiền chẳng có bao nhiêu nhưng quan trọng là chứng minh thư, giấy tờ xe máy, lại cái thư của cậu bạn cũ chưa kịp xé nữa thì phải. Báo công an xong, về nhà đã quá muộn. Vậy mà nửa tiếng sau, mới thấy chồng về, mặt đỏ lựng, sặc mùi bia. Cô cố nén, làm quấy quá mấy món ăn chẳng được như mọi ngày. Cơm dọn lên, thằng con chun mũi, gẩy gẩy... trông đã ngứa mắt, lại biết bóng gió như người lớn: “Mẹ ơi, con với bố có phải phạm nhân đâu!”.

Thế là cô “nổ”. Đập chiếc bát xuống mâm. Một cơn cáu giận bất chợt bùng lên như cây xăng bị chập điện, bốc cháy, làm cả nhà và ông hàng xóm ở chung cư sững sờ. Chiếc nồi cao áp bật nắp van, thỏa sức xả hơi.

Tóm tắt cơ chế của cơn cáu là thế này: một chuỗi điều không mong muốn cứ nối tiếp nhau xảy ra, tích lũy dần, lên men và chỉ một nguyên cớ hết sức nhỏ nhặt kích động là đủ để cơn cáu nổi lên, nhấn chìm tất cả. Có lẽ trong đời, một người hiền lành nhất cũng có đôi lần như vậy.

Bản chất sinh lý

Tiếng Hy Lạp gọi cơn cáu giận là “Khole”, từ này cũng có nghĩa là mật. Người ta quan niệm khi mật bị nóng lên thì cơn cáu bùng phát. Việc quy về một sự thay đổi sinh lý của cơ thể không phải là thiếu logic, có điều chưa chứng minh được mà thôi.

Thực ra cơn cáu giận là do hệ thần kinh thực vật bị kích thích, não tiết ra chất adrenalin với nồng độ tích luỹ dần, rồi thể hiện bằng cách giải tỏa bùng phát. Huyết áp tăng, tim đập loạn xạ. Đó là ý kiến của nhà tâm lý học Pháp trong tác phẩm “Les Colères” (Những cơn cáu) của ông. Sự kích thích về sinh lý học do adrenalin tăng lên nuôi cơn cáu đến một mức độ sẽ huy động toàn bộ cơ thể nhằm thực hiện một hành động mạnh mẽ.

Lúc đó, trời cũng chỉ bằng... cái vung thôi. Chiếc bát bị đập xuống mâm đến vỡ làm mấy mảnh là chuyện hết sức bình thường. Nó có thể mạnh mẽ hơn nhiều dẫn đến hậu quả tai hại khi không được kiềm chế. Chẳng nhẽ cáu một mình. Phải có đối tượng để hứng chịu. Nếu đối tượng này cũng đồng thời lên cơn cáu tương tự thì thôi rồi, hai khối thuốc nổ gặp nhau, hậu quả sẽ khôn lường.

Chính sự tiết adrenalin này giúp ta phân biệt cáu “thực sự” với cáu “giả vờ”. Ví dụ trong tình huống của một vụ án: anh chồng bố trí để một gã bờm xơm với vợ mình, rồi vác dao xông vào, cáu ầm ĩ để tống tiền. Anh ta không bắt ép được não sản sinh ra chất này.

Testosteron cũng góp mặt. Bạn cứ thử quan sát mà xem, ông bố bao giờ cũng biểu lộ cơn cáu của mình một cách ầm ĩ. Còn bà mẹ thì thường cáu một cách... nhẹ nhàng hơn. Phải chăng con quỷ nhỏ mang tên “cáu kỉnh” này nhiều nam tính hơn nữ tính? Nhà tâm lý Bruno Fortin bảo: Hình như vậy. Testosteron luôn thường trực ở nam giới góp phần xúi bẩy các cơn cáu nổi loạn.

Sức mạnh thể chất của nam giới làm những cơn cáu dữ dằn hơn. Một đồng minh luôn luôn hỗ trợ đắc lực cho “con quỷ" cáu, đó là rượu. Đã cáu, gặp rượu nữa thì bất chấp tất cả. Bởi vậy, có người với ý đồ thực hiện cơn cáu giận để làm một việc gì đó còn mượn rượu để cáu.

Nhưng chính truyền thống của chế độ phụ hệ đã ăn sâu vào đầu óc cho người đàn ông chút quyền độc đoán và tự do hơn trong sự cáu giận.

Ý nghĩa của những cơn cáu

Theo nhà tâm lý học Bruno Fortin, cơn cáu là phản ứng khi những nhu cầu không được đáp ứng, thỏa mãn. Nó làm cho ta có sức mạnh. Cơn cáu gắn với tình huống một người bị xử sự không phù hợp với những niềm tin và hệ thống giá trị theo quan niệm của mình. Sự đụng chạm đến danh dự hoặc vi phạm sự cân bằng mà ta muốn duy trì thường trở thành ngòi nổ cho cơn cáu. Khi đó, ta cảm thấy bị xúc phạm, bị đe dọa, bị khinh miệt.

Cơn cáu của người phụ nữ nói trên là do cô cảm thấy bị cậu con trai coi thường, ông chồng hờ hững, mặc kệ, không giúp đỡ, tên kẻ cắp khốn kiếp chiếm đoạt của cô những giấy tờ rất cần thiết và lão sếp tỏ thái độ khinh miệt. Cô đã cố gắng nén mọi cảm xúc, riêng mình chịu, bỏ qua tất cả để yên cửa yên nhà. Vậy mà bị đối xử như ôshin vì câu nói của đứa con mà cô cho là đầy xúc phạm. Như một “con giun xéo lắm cũng quằn”.

Cơn cáu cũng có thể xuất hiện như phản ứng trước sự tấn công. Một người đi xe máy bị người khác muốn vượt lên trước đã chèn ngang, làm anh bị đổ xe. Anh quắc mắt, nổi cáu với tay lái ẩu. Đó là cách khẳng định lẽ phải thuộc về mình khi quyền lợi, người đi đúng đường, bị xâm phạm.

Người xưa đã tổng kết, cáu giận là một phần “không thể thiếu của cuộc sống” mà người ta gọi là “thất tình” (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục). Nó có thể có tính tích cực theo khẳng định của Catherine Fourment, chuyên gia tâm lý trẻ em: “Cáu là một phản ứng tự nhiên. Một đứa bé dù chưa có ý thức bị người ta giằng mất bình sữa nó đang bú, lẽ tự nhiên nó nổi cáu để 'sự tấn công thô bạo' ấy khỏi tái diễn. Có một tính chất bình thường và tự vệ trong khi cáu”. Cáu có tác dụng đòi lại sự công bằng.

Thế nhưng trong “thất tình” nếu như vui toàn lợi là lợi, thì cáu có hại nhất. Về mặt sức khỏe, nó gây huyết áp cao, đau đầu, đau tim, mất ngủ... và có thể dẫn đến tử vong.

Làm chủ cảm xúc của mình

“Cả giận mất khôn”. Khi nổi cáu, sự khôn ngoan trốn biệt tăm và đưa ta đến những con đường tăm tối. Đọc “Tam Quốc diễn nghĩa”, bạn còn nhớ câu chuyện: Đại đô đốc Đông Ngô là Chu Du thấp cơ thua trí Khổng Minh. Mỗi lần “trúng quả lừa” ông ta đều ghìm cơn cáu đến mức “tức khí nổi lên đầy bụng, ngã nhào xuống ngựa, thổ ra một búng máu tươi”, quân sĩ phải xúm vào cấp cứu. Đến lần thứ ba, thì ngửa mặt lên Trời mà than rằng: “Sinh Du hà sinh Lượng!” (Trời đã sinh Chu Du, sao còn sinh Gia Cát Lượng!) rồi gục chết. Uất ức bị ghìm nén mà không thể hiện được bằng cơn cáu thì hại như thế đấy.

Người ta thường ví nó như con quỷ nhỏ, “nằm vùng” trong mỗi người, chờ dịp để xổng ra. Cho nên, hoặc để nó bùng phát để giải tỏa một căng thẳng (nhưng không bao giờ là cách giải tỏa tốt nhất) hoặc phải có “mẹo” để trấn áp nó.

Nhà tâm lý học Bruno Fortin đề xuất mấy “mẹo” sau đây:

- Đừng coi là quan trọng những cái không quan trọng.

- Hãy tập trung vào điều cần làm để đạt được mục đích của mình.

- Hãy học cách nhận biết những dấu hiệu của cơn cáu khi chúng sắp bùng nổ.

- Hãy chấp nhận những điều không như mong đợi.

- Hãy biết thư giãn, hài hước.

- Cố gắng tối đa để tự điều khiển hành vi của bản thân và đừng tìm cách điều khiển hành vi của người khác.

Cũng có cách điều khiển cơ thể để làm giảm bớt cơn cáu như ngồi thoải mái trên ghế, thở sâu để nhịp tim trở lại bình thường. Nếu bạn từng tập cách thư giãn thì đây là lúc áp dụng hiệu quả nhất.

Có những dân tộc không biết cáu

Cáu không phải một xung năng sống còn như đói, khát, ham muốn... Đó là một trạng thái xúc cảm, để giải toả những dồn nén. Cho nên, ở một số dân tộc, đúng hơn là một số bộ lạc sống giữa thiên nhiên, họ không có trạng thái xúc cảm này. Từ “cáu” không có trong ngôn ngữ của họ. Đối với họ, cáu chỉ là sự ứng xử của trẻ con, đáng xấu hổ.

Đó là những người Abron ở Tân Ghine, người Bochinan ở Nam châu Phi, người Eskimo Utkus, người Lepcha ở Hymalaya. Những dân tộc này ghét các trạng thái tình cảm tương tự cáu giận và cho rằng nó phá hoại sự cố kết của cộng đồng. Lâu dần thành một nét văn hoá của họ: không biết cáu. Họ giải quyết các xung đột bằng sự hài hước. Đúng là một nét văn hoá rất văn minh.

(Theo Đẹp)

IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.133 seconds.