Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn  
Message Icon Chủ đề: TRUYỆN HAY CHỌN LỌC Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 189 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 26/Apr/2018 lúc 11:07am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 27/Apr/2018 lúc 10:18am

Công Tử Vượt Biên




Sài Gòn, vào những năm 1977, 78, nếu có ai lỡ lời nói hai chữ vượt biên thì mọi người đều e dè, sợ sệt. Chỉ cần lỡ lời vài ba câu có dính líu đến hai chữ vượt biên là có thể cải tạo mút mùa. Vậy mà y lại có cái biệt danh thật là ngộ nghĩnh và hết sức ngang tàng: Công tử vượt biên. 
Tôi biết y rất rành, rành hơn bất cứ người bạn thân thiết nào của y, là vì một lý do rất đơn giản. Nhà tôi là chỗ trú chân đầu tiên của y mỗi lần vựơt biên thất bại, trốn về Sài Gòn chờ móc nối chuyến kế. Mỗi lần như vậy, nhiệm vụ của tôi là đạp xe tới nhà y báo cho gia đình chuyến đi lại thất bại, cần thêm tiền chi tiêu và không quên nhắn thêm câu: "ba má, tìm cho con mối khác". 
Mỗi lần thất bại như vậy, tôi lại càng thấy rõ sự trưởng thành và quyết tâm của y. Bẩy lần vượt biên không làm y nản chí mà trái lại càng làm y thêm kinh nghiệm và mưu lược hơn. Trong cuộc đời tôi, y là người bạn tôi mến phục và học hỏi được nhiều nhất. Người bạn mà có lẽ khó kiếm được trong lúc sống dưới chế độ mà "cái cột đèn nếu có chân nó cũng vượt biên". Tôi không biết được tình bạn ngày xưa đối xử giữa Bá Nha và Tử Kỳ như thế nào. Riêng tôi, lúc nào khi nghĩ tới y tôi đều nhủ thầm. Một trong những cái may mắn nhất trong đời tôi là được quen y. Tôi gặp y vào năm cuối cùng của trung học, trường Nguyễn Bá Tòng, Gia Định, lớp 12C1.

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên gặp y trong sân trường Nguyễn Bá Tòng. Y là học sinh duy nhất chuyển từ trường tư Lasan Taberd tới. Chúng tôi thì ngược lại, phần lớn chuyển từ trường công Hồ Ngọc Cẩn qua. Sáu chúng tôi, băng con nhà nghèo hiếu học, đang đứng chơi trước cửa lớp, thì thấy y. Y tuy tới một mình nhưng rất là tự nhiên và tự tin. Trong khi đó băng chúng tôi thì lại e dè, ngại ngùng khi đối mặt. Có lẽ là vì tại Tường, một người bạn trong đám chúng tôi khi thấy y, nói nhỏ: 
"Cái thằng đó con trường Tây. Ông già nó giầu có tiếng trong xóm tao đó. Chị tao ngày xưa làm thợ dệt cho nhà nó. Nó con út, số bọc điều. Giầu tiền xài không hết. Tao nghe nói nhà nó bị kiểm kê đến hai ba lược rồi. Vậy mà nó vẫn phây phây như thường". 
Minh, người học sinh giỏi nhất trong đám tôi nhìn Tường hỏi: 
"Thế nó học cừ không?" 
"Tao không biết. Nhưng mà mấy thằng Tây con chắc chẳng học hành gì đâu. Tối ngày đi chọc gái rồi mút xúc-cù-là." 
Tôi nhìn y từ trên xuống dưới để cố tìm xem có chất xúc-cù-là trong người y như Tường nói không. Cảm tưởng đầu tiên của tôi về y là giữa hai chúng tôi là hai thái cực. Y dáng dong dỏng cao, mái tóc bồng bềnh, quăn tự nhiên. So với chiều cao của người Việt Nam, thì y bỏ xa. Tôi thì ngược lại. Bạn bè thường gọi là "Lùn Mã tử". Tóc tôi lại thưa, loại rễ tre, xỉa thẳng đứng lên trời. Y đẻ trong gia đình giầu có, nhà tôi thì lại thiếu ăn hàng ngày. Tôi con cả, y con út... Có lẽ chúng tôi chỉ có một điều giống nhau. Học tầm thường, chả có gì đặc biệt. Tôi nhủ thầm như vậy trước khi bước vào lớp học đầu tiên của niên khóa 1978-79. 
Không những tôi lầm, mà cả Tường cũng lầm luôn. Sự học vấn và kiến thức của y làm ngạc nhiên không những chúng tôi mà cả thầy chủ nhiệm vật lý Nguyễn Văn Lành. Tôi còn nhớ thầy có nói: "Em rất có khiếu về vật lý. Sau này có cơ hội nhớ theo nghành này. Em nhé". Chỉ trong hai tuần lễ học, bọn chúng tôi phần lớn chuyển từ Hồ Ngọc Cẩn qua, đã phải bầu y nắm một chức vụ quan trọng nhất trong lớp, đó là trưởng ban học tập. 
Sở dĩ chức này quan trọng là vì trưởng lớp do chi đoàn chỉ định, trưởng ban học tập do học sinh bầu. Trưởng ban học tập phải là tay cự phách. Nó đòi hỏi không những thầy cô tin yêu mà anh em nể phục. Trưởng lớp phải là chi đoàn hay cảm tình đoàn. Trưởng ban học tập không cần nhưng phải là tay chiến, dám đối mặt với cả thầy cô lẫn chi đoàn. Y không những không chi đoàn mà còn lại là thành phần chế độ bất dung. Tư bản mại sản. 
Có lẽ y chiếm được hết cảm tình của lớp chúng tôi qua cách đối xử đặc biệt đầu tiên với cô hóa học Nguyễn Thị Hoàng Hoa, phó chủ nhiệm lớp. Sau một tuần lễ học, cô khảo bài bốn học sinh trong lớp. Tất cả đều không thuộc bài. Cô tức giận đỏ mặt, hét ầm ầm. Cả lớp im lặng. Y bỗng nhiên đưa tay lên xin phát biểu. Cô gật đầu. Y nói: 
"Thưa cô, chúng em không thuộc bài thật là không đúng. Nhưng thái độ của cô đối xử với chúng em cũng không được hoàn toàn lắm". 
Cả bọn chúng tôi đều trố mắt nhìn y như một con quái vật. Cô nổi tiếng là dữ nhất trường. Thầy giám hiệu cũng phải kiêng. Cô đẹp, giỏi, hơi lớn tuổi, chưa lập gia đình nên ... chẳng sợ ai. Tôi nhớ mặt cô đang từ đỏ chuyển sang tái xanh. Cô vừa nói vừa thở: 
"Em nói rõ tôi nghe chỗ nào tôi đối xử không đúng ?" 
Y ung dung trả lời:
"Chúng em không thuộc bài, cô la thì đúng nhưng không vì vậy mà cô tức giận, nhăn nhó. Cô sẽ già lẹ, đau tim, chết sớm. Chúng em không thuộc bài, cô có quyền la nhưng không có quyền tự hành hạ thân thể mình như vậy." 
Cô nhìn y một lúc rồi không nhịn được phải phì cười. Cả lớp chúng tôi phá lên cười theo. Đời cô từ đó cũng thay đổi nhiều vì học được một nhân sinh quan mới từ y. 
Y học giỏi không chỉ một vài môn mà đặc biệt ở tất cả các môn học. Từ Toán, Lý, Hóa, cho đến Luận văn, Anh văn, Sinh vật, và cả... Chính trị nữa... Thầy Khải tập kết, chuyên dậy môn Chính Trị học, có lần ngạc nhiên hỏi: "Kiến thức em về Bác thật là uyên bác. Có nhiều chuyện về Bác không hiểu em đọc từ đâu mà thầy cũng chưa từng nghe tới bao giờ". 
Sau này, Tường có kể tôi nghe y nói y lấy từ những chuyện danh nhân và lãnh tụ nổi tiếng trên thế giới rồi cứ việc sửa George Washington, Charles De Gaule thành... Giặc Hồ. 
Không mời mà y tự nhiên coi như đã nhập vào băng chúng tôi. Không những thế mà thái độ y như đứng đầu băng chỉ huy anh em. Minh ức lắm. Vì y bị giáng chức, xuống thứ hai. Minh có biệt danh là Đại Tướng vì tên họ là Dương Văn Minh. Một trong những Đại Tướng có ảnh hưởng rất lớn đến sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam. Phạm Tất Đồng tự Thủ Tướng đứng thứ ba. Kế tới là Tường Kiếm Hiệp, Khánh Khổ, Sáu Luận và tôi "Lùn Mã Tử". 
Chúng tôi thường gọi y là Công Tử. Sau vài lần vượt biên hụt, đổi thành Công Tử Vượt Biên. Biệt danh của Sáu Luận sau bị Công Tử đổi thành Luận Bò. Lần đầu nghe, tôi thích lắm vì nghĩ Công Tử giống tôi, cho sức học của tôi hơn nó. Công Tử giải thích: "Không đâu, nó vẫn hơn mày, nhưng tại nó cứ hay cãi bậy với tao. Nó biết sai vẫn cãi cối. Nên là con bò rừng."
Luận Bò hình như rất thích cái biệt danh này hơn. Được có tiếng hay tranh cãi với Công Tử là một vinh hạnh. Tôi buồn bã trở lại vị thứ bẩy của mình. Tuy đứng cuối trong nhóm nhưng vẫn là thứ bẩy của lớp. Tôi vẫn đứng trên nhiều người lắm, trên cả thằng chi đoàn trưởng lớp. Công Tử, dĩ nhiên đứng đầu lớp. 
Một lần Tường Kiếm Hiệp khám phá ra trường Lê Văn Duyệt có một cô học sinh rất mi nhon, hay đạp xe ngang qua trường tôi đi học. Hôm đó cả bọn ở lại trễ chờ. Cô bé tuyệt vời, nhỏ nhắn, xinh đẹp thật vừa xứng với kích thước… của tôi. 
Tôi đang ngây ngất ngắm thì bỗng Công Tử phán: "Con nhỏ này, tưởng gì chứ cho tao ba ngày là tao sẽ ẵm em đi học ngay." Cả bọn nhao lên, chửi bới um sùm. Công Tử nói: "Tụi bay dám cá không, nếu tao làm được thì từ đây sẽ là đại ca nhóm. Còn không, bao tụi mày một chầu. Đi đâu ăn cũng được." Chúng tôi đồng ý. 
Ba ngày sau, Công Tử đạp xe chở nàng ngang qua trường chúng tôi. Tôi nhìn nàng ôm eo ếch của Công Tử thật tự nhiên và tình tứ. Phải chi trong đời tôi được một lần đạp xe chở nàng đi học nhỉ? Từ đó tất cả đều phục tùng tuy rằng sau này khám phá ra cô bé là em họ của Công Tử. 
Chuyến vượt biên đầu tiên của Công Tử vào cuối tháng mười một năm đó. Chúng tôi được tin, hùn tiền, đãi Công Tử bữa tiệc cuối cùng tại vườn nhà Tường Kiếm Hiệp vào chiều thứ bẩy. Sở dĩ nhà Tường được chọn là vì ở cuối xóm dưới. Chung quanh nhà là ruộng rau muống. chúng tôi tha hồ phóng xú uế tới chế độ mà không sợ sự soi mói của mấy tên công an phường. 
Căn nhà Tường nhỏ ba gian, vá víu bằng đủ mọi loại vật liệu kiếm được. Mái nửa lá nửa tôn, thỉnh thoảng chen vài viên ngói mẻ, vách chỗ gạch chỗ đất, có chỗ vá cả bằng miếng các tông bự. Tường sống với ba và chị. Ba Tường và Tường chuyên môn cắt, bó rau muống để chị Tường đem bán ngoài chợ nhỏ. Trước khi mất nước, chị Tường làm thợ dệt cho nhà Công Tử. Ba Tường phải kiêm luôn việc bán rau. Giữa nhà đặt một cái bàn nước cọc cạch, mấy cái ghế xiêu vẹo và hai tấm phản hai bên để ngủ và nghỉ ngơi. Đặc biệt chung quanh vách nhà là những giá sách với đầy áp sách...kiếm hiệp. Bố con Tường mê đọc truyện kiếm hiệp và ....cắt rau muống. Đặc biệt dù nghèo cũng không muớn, mà chỉ mua chuyện về đóng thành sách, trưng khắp nhà. 
Hôm đó chúng tôi đãi Công Tử bằng một con gà luộc, một đĩa dồi chó và ba chai bia quốc doanh. Thủ Tướng nói phải cho Công Tử ăn món quê hương để suốt đời nhớ... Việt cộng. 
Công Tử ở lại nhà Tường mãi tới đêm khuya để nói chuyện với ba Tường. Tôi tưởng họ đang bàn chuyện đất nước hoặc kinh tế thế giới. Sau nghe mới biết họ đang nói chuyện... kiếm hiệp. 
Tối Chủ nhật hôm sau, Công Tử đáp chuyến xe lửa đi Nha Trang rồi xuống ghe ra khơi. Ngày thứ hai kế là ngày dài nhất của bọn chúng tôi. Ngồi nhìn chỗ trống của Công Tử trong lớp, bọn chúng tôi lúc bồi hồi, lúc phập phồng, lúc lo lắng. Chúng tôi phải báo cáo láo với thầy Lành là Công Tử bị ốm nặng. 
Qua sáng thứ năm, Công Tử lù lù bước vào lớp, cả bọn nửa buồn nửa vui. Buồn vì Công Tử đi chưa được, vui vì lại gặp được người mình muốn. 
Giờ ra chơi, cả bọn bu lại hỏi. Công Tử kể:
 "Tao xuống ghe nhỏ để ra ghe lớn. Đợi tới gần sáng chả thấy ghe mẹ gì mới biết bị lừa, nên về thăm tụi mày lại".
Tháng sau, Công Tử lại từ giã chúng tôi để đi Phan Thiết. Mặc dù tài chánh eo hẹp, chúng tôi cũng cố gắng tổ chức lại một bữa tiệc tiễn tại vườn nhà Tường. Lần này thiếu món dồi vì nghe nói thịt chó ăn xui.
Hình như thịt gà cũng xui nên Công Tử lại trở về đi học lại. Hai lần sau đó, chúng tôi chỉ đãi uống chứ không ăn. Khánh Khổ than với tôi: "Khổ quá, Công Tử chưa tới Mỹ thì mình đã phải khai phá sản". Lúc nào y cũng có thể than khổ. 
Lần thứ năm Công Tử đi ở Vũng Tàu thì bị bắt và đưa vào Bình Ba cải tạo. Chúng tôi không thể giấu được trường mãi. Lúc đó thầy trò trong trường mới biết tới một nhân vật có biệt danh "Công Tử Vượt Biên". 
Chi đoàn họp liên tục, phê bình, kiểm điểm sáng tối. Bọn chúng tôi thủ khẩu như bình. Huyền thoại về Công Tử được mọi người mọi lớp truyền tụng hơn cả huyền thoại về ...Bác.
Mỹ Ngọc, hoa khôi của trường tuyên bố sẵn sàng ra đi với Công Tử bất cứ lúc nào dù là đi ... kinh tế mới. Bích Huyền, Bích Ca, hoa hậu song sinh đều đồng ý nâng một khăn, sửa một áo nếu Công Tử có.... sức. Thầy chủ nhiệm bị giám hiệu gọi lên khiển trách vì để Công Tử nghỉ ốm nhiều mà không báo cáo. Cô Hồng Hoa thỉnh thoảng trong lúc giảng bài đi xuống ngồi vào chỗ trống của Công Tử, thương nhớ về một người học trò ưu tú của mình. 
Bốn tháng sau, bố mẹ Công Tử tìm được mối chạy năm cây vàng để công an thị xã Vũng Tàu lén chở Công Tử về Sài Gòn. 
Sợ phường khóm gây rắc rối cho nhà mình, Công Tử tới nhà tôi trú ngụ vì bố tôi là tổ trưởng tổ dân phố có thể biết trước ngày nào phường khóm tới khám nhà. 
Công Tử, tôi và đứa em kế chia nhau căn gác lửng cuối nhà. Căn gác nhỏ chỉ kê vừa hai cái bàn học và trải cái chiếu gai. Vậy mà Công Tử ở đó hơn nửa năm. 
Trong năm đó Công Tử vượt biên hụt hai lần nữa. Lần sau nhờ có kinh nghiệm nên không bị tó. Tôi trở thành người đưa tin giữa Công Tử và gia đình. Mỗi lần sang nhà Công Tử nhắn tin, tôi đều ghé lại nhà Luận Bò để cho tin tới mọi người trong nhóm. 
Đối diện nhà Luận có một bông hoa sống mà Luận theo đuổi từ hồi mặt mới mọc mụn. Luận thường tự hào gọi nàng là "Thiên hạ đệ nhất Niên".
Niên thường ngồi cạnh cửa sổ nhà để xếp hàng nhà Niên dệt mướn. Thỉnh thoảng cuồng chân, nàng đi dạo vài vòng trước nhà... Lúc nào Niên cũng mặc áo vàng in bông cúc nổi và quần xa tanh bóng đen. Tôi thắc mắc, Luận thất tình trả lời: "Hỏi Công Tử đó. Tao tốn cả đời theo đuổi không thành. Công Tử chỉ nhập nhóm ca với em mấy ngày là em mê tít. Mẹ kiếp, giọng Công Tử bắc kỳ the thé vậy mà mắt em cứ lim dim, phê giọng trầm và ấm". 
Đó là lần đầu tiên tôi mới hiểu tại sao Luận hay so đo, ghen tương với Công Tử. 
Niên dáng thanh và cao. Nếu mang guốc cao gót, tôi chắc Luận chỉ đứng tới tai Niên. Công Tử đứng với Niên thật là xứng đôi, như Rồng với Phượng. Niên đứng với Luận như Phượng với... Ngưu. Tôi chắc chính Luận cũng biết vậy. Khi tôi về là Luận vội chạy qua nhà Niên để cho tin và cũng để... chiêm người đẹp.
Chiều hôm ấy tôi cố tình nói chuyện về Luận rồi đưa đẩy tới Niên. Tôi có hỏi sao Công Tử không tìm cách liên lạc với Niên. Công Tử trả lời:
"Mày nghĩ tao đang nghỉ hè hay sao mà thăm với viếng. Việt Cộng biết chuyện giữa tao và Niên. Tao chắc nó bám Niên kỹ lắm. Nếu tao gặp Niên là sẽ gặp... Bác. Cuộc đời có những cái mình phải hiểu để sống. Số tao sinh ra là để vượt biên, đi Mỹ học, số Niên là ở đây hát... xây dựng chủ nghĩa. Hai đường đi hai nẻo, phải dứt khoát thì mới làm được cái mình muốn". 
Rồi Công Tử kể tôi nghe chuyện tình với Niên. Câu chuyện tình đầy tính chất... xã hội chủ nghĩa. 
Mùa hè năm trước, tất cả các học sinh trong phường phải đăng ký sinh hoạt. Như thường lệ Công Tử ra trình diện trễ hai ngày. Tên ủy viên thanh niên gai gai, cho Công Tử đứng chờ chơi. Đang lúc đó thì Niên tới phàn nàn là tổ ca của nàng thiếu nam, chỉ toàn mấy em gái choai choai mười hai mười ba thôi. Công Tử kể: "Tên ủy viên nghe xong, sực nhớ tới tao, nó đưa hàm răng vàng ố, ám khói thuốc lào ra cười hô hố chỉ tao nói: "Đồng chí xung phong vô tổ ca ngồi kia kìa". Tao đứng dậy tính phản đối, thấy Niên quay qua nhìn, tao gật đầu ngay".
Cũng như mọi chàng trai đất Việt, lần đầu tiên gặp người đẹp, Công Tử bỡ ngỡ nói một câu hết sức... lãng mạn cách mạng. "Dân Việt nam ăn toàn bo bo không, sao lại có người như Niên, xinh đẹp như vậy". Niên đỏ mặt, đổi đề tài, hỏi nhà Công Tử ở chỗ nào trong phường để nàng biết tới gọi đi họp. Công Tử kể tiếp: "Tao chỉ nhà, Niên không tin nói nhà tao chỉ đến bà chị kế tao là hết. Tao nói ông già anh mới nhận anh làm con nuôi tối qua".
Hôm sau Niên đi hỏi dò trong xóm mới biết Công Tử là con út, ít khi ra đường nên phần lớn mọi người không biết tới. Gặp Công Tử, Niên hỏi: "Anh làm gì mà tối ngày cứ ru rú ở trong nhà không?" Công Tử đáp: "Tại chưa gặp Niên nên không muốn, bây giờ thì lúc nào cũng nằm ngoài đường".
Từ đó phường 7, quận Phú Nhuận có chuyện tình để mọi người kháo cho qua những tháng ngày vô vị dưới chế độ ba khoan. Khoan sống, khoan hưởng và khoan yêu. Họ nhìn Công Tử và Niên để ước sao cho cuộc tình được êm đẹp và thành tựu. Hình như Công Tử và Niên cũng thấy. Họ lúc nào cũng quyến luyến và ước mơ.
Mùa hè chấm dứt, chị phụ trách sinh hoạt phường, tổ ca, Quách Thị Cẩm Niên đặt bút phê vào sổ sinh hoạt của Công Tử: tiên tiến vượt chỉ tiêu. Tên ủy viên thanh niên phường gầm gừ phản đối ngầm.
Một ngày cuối đông năm 1979, Công Tử đưa tiền cho đứa em gái tôi dặn ra chợ Phú Nhuận mua xôi và thịt vịt. Hôm đó nhà chúng tôi được thưởng thức một món mà mọi người ưa thích. Tôi có linh cảm thật nhiều. Tối hôm đó Công Tử nói: "Bố mẹ tao đóng tiền bán chính thức xong rồi. Ngày mai em họ tao tới đón tao xuống Rạch Giá".
 Công Tử đưa tôi thẻ căn cước mới có tên Tàu là Lý Phu Trình. Tôi nói: "Công Tử Vượt Biên giờ trở thành Cái Nị Dượt Piên". Chúng tôi cười nói nhiều tới khuya. 
Ba tháng sau, không thấy tin tức gì của Công Tử, tôi ghé qua nhà hỏi. Bà mẹ Bắc Kỳ, thật Việt Nam, thấy tôi ôm mừng khóc "nó đã tới được Mã Lai rồi con ạ". Tôi từ giã vội để chạy qua nhà Luận báo tin.
Mọi lần thì khác, nhưng lần này vừa thấy chiếc xe đạp Mỹ mà Công Tử để lại cho tôi đậu trước nhà Luận, Niên có linh cảm, chạy vội băng qua đường.
Đó là lần đầu tiên tôi giáp mặt Niên. Niên có gương mặt trái xoan. Cặp mắt không to không nhỏ, rất đi đôi với khuôn mặt. Mũi Niên hơi cao, có sóng, không tẹt như mũi người Việt nam. Mái tóc dài ngang lưng, không dầy không thưa nhưng đen nhánh như hai hàng lông mi của nàng. Da Niên trắng tựa như người sinh đẻ ở Gia Nã Đại. Mái tóc đen dài, gương mặt trái xoan, làn da trắng, chiếc áo vàng in hình bông cúc nổi, cái quần xa tanh bóng đen, những thứ ấy tương xứng, đối chọi làm Niên đã đẹp càng đẹp thêm. Không chỉ đẹp, dáng Niên cao cao trông sang và quyền quý. Phải nói Niên là một kỳ công tuyệt mỹ của Tạo hóa. Bây giờ tôi mới hiểu hết câu nói đầu tiên, ngớ ngẩn của Công Tử khi gặp Niên. "Dân Việt nam ăn toàn bo bo không, sao lại có người như Niên, xinh đẹp như vậy".
Niên bước vào nhà Luận, căn nhà tự nhiên sáng hẳn ra. Không hiểu từ mái tóc Niên hay từ thân thể Niên, cũng có thể từ sự tưởng tượng của tôi, tôi như thấy một mùi thơm ngọt dịu thoảng qua. Niên không để ý gì cả, chỉ hỏi vội: "Ảnh có tin gì chưa anh ?" Tôi gật đầu đáp: "Tới Mã Lai rồi". Chưa đầy một phút sau, hai dòng nước mắt đã chảy dài trên gương mặt xinh đẹp của Niên. Tôi không cầm được nước mắt. Luận Bò cũng khóc. Chúng tôi nhìn nhau khóc thật dễ dàng.
Chín tháng sau tôi mới nhận được lá thư đầu tiên của Công Tử gửi từ một nơi có cái tên lạ hoắc của tiểu bang Texas. College Station. 
Thủ Tướng gật gù giải thích: "Thì đúng rồi, Công Tử phải ở chỗ những người giỏi của nước Mỹ. College Station là chỗ của những người ít nhất phải có bằng Đại học ở." Chúng tôi đều nhất trí. 
Tôi mang thư qua nhà Công Tử khoe. Hai ông bà nhìn tôi một lúc rồi khẽ nói:
"Hai bác có chuyện muốn nói với cháu. Trước khi nó đi, hai bác có đóng thêm một chỗ, phòng nếu đi không xong sẽ có mối khác cho nó. Lúc nó đi có nói nếu trót lọt thì để dành cho cháu để cám ơn gia đình cháu đã giúp nó. Tiền bác đã đóng rồi, lấy về cũng không được. Cháu về thưa với bố mẹ, rồi sang cho hai bác hay".
Trên đường về, tôi bàng hoàng như người bị say sóng. Bố tôi nghe xong nói: "Trời Phật thương gia đình mình rồi con ơi. Cơ hội ngàn vàng con đừng bỏ. Con phải đi để cứu các em con và cứu cả bố mẹ. Con đi bố chỉ mất chức... tổ trưởng là cùng. Chức cái quái gì, toàn là làm không công cho tụi nó không. Đã vậy chúng con phê bình bố là không quản lý tốt".
Hai tuần sau, tầu tôi cập bến Mã Lai. Tôi cũng được chuyển qua đảo Pulau Bidong như Công Tử. 
Vì thuộc diện hốt rác nên tôi ở đảo gần hai năm. Sau khi từ chối cả Úc, Pháp, Ý và Thụy Sĩ, tôi mới được Mỹ hốt. Tôi tới Houston vào cuối đông năm 82. Trời năm đó lạnh và u ám.
Công Tử ra đón tôi ở phi trường. Vẫn phong thái và kiểu nói của năm xưa, tôi thấy trời đất chuyển ấm và sáng dần.
"Lùn Mã Tử, tao trốn mày gần nửa vòng trái đất, vậy mà mày cũng bám theo. Làm sao tao có thể dứt mày được đây?"
Tôi trả lời:
"Khánh Khổ nói số mày đẻ bọc điều, sinh ra để sống trong nhung lụa. Số tao với nó là số khổ, do đó tao phải bám sát mày. Chỉ cần một tí cái bọc điều của mày, là hưởng suốt đời không hết".
Đúng như Đại Tướng đoán trước, chương trình học bốn năm của Đại học Mỹ, Công Tử chỉ tốn ba năm hơn. Tôi vào trường được hơn một năm, Công Tử tốt nghiệp kỹ sư cơ khí và chuyển lên Fort Worth làm cho một hãng máy bay quốc phòng nổi tiếng. 
Ngày tôi ra trường, Công Tử lái xe về mừng. Gặp tôi, Công Tử thành thật:
"Tao tính mua tặng mày một món quà thật lớn. Nhưng tuần sau tao xong Cao học, mày lại phải trả nợ, mua đồ mừng tao. Do đó đổi ý không mua gì cả. Mày mới ra trường chưa có nhiều tiền, chơi cái trò tư bản này không xong đâu".
 Tôi có hỏi Công Tử có tiếp tục học lên Tiến Sĩ không? Công Tử trả lời:
 "Phải ngưng một thời gian, ba má tao nói ngưng học, đi lấy vợ học mới...thông ra thêm. Ông bà cũng già rồi, tao tính về thăm một chuyến, tiện thể tính bề gia thất".
Ngập ngừng một lúc tôi mới nói Công Tử một điều mà tôi đã giấu hơn sáu năm nay:
"Niên đã lấy chồng lâu rồi, chắc giờ con cũng đã lớn".
Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi thấy mặt Công Tử đổi sắc. Công Tử nhìn tôi một lúc như muốn hỏi điều gì, nhưng rồi thôi, chỉ quay đi nhìn về một hướng xa xa. 
Tôi hiểu Công Tử muốn hỏi gì nên khẽ đáp:
"Luận Bò".
Houston, đầu Đông, năm......

st.



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 27/Apr/2018 lúc 10:50am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 30/Apr/2018 lúc 10:37am

Sài Gòn muộn màng của em cũng không còn…




Cô bạn (trẻ) tặng tôi quyển sách của Erich Maria Remarque, bản dịch trước 75 mà em kiếm được ở tiệm sách cũ. Remarque là nhà văn người Đức mà có thời tôi “ngốn” hầu như không sót cuốn nào. Ông viết như thì thầm kể chuyện, chẳng lý luận, triết lý gì cao siêu cả, nhưng rất buồn, và rất người. Thời Hitler, Remarque phải sống lưu vong, tác phẩm bị cấm và bị đốt. Bây giờ, cầm sách của ông trên tay, tôi lại nhớ đến thời sau 75, thời sách đồi trụy phản động bị cấm và bị đốt ở Sài Gòn.  


Sách bị tịch thu, chất đống lên xe ba gác chở đi thì tôi chứng kiến, còn có đem đốt hay không thì tôi không thấy. Báo “Sài Gòn Giải phóng” số ra ngày 15/7/75 đưa tin:



Nhà máy sản xuất giấy Kissme hoạt động 24 trên 24 giờ đã sản xuất 50 tấn giấy vệ sinh và thấm nước trong tháng 6-75. Nguyên liệu làm ra giấy gồm 60% giấy vụn lượm lặt trong thành phố và 40% là gòn và lồ ô (cây nứa giống như tre trúc).
Tôi cũng phải “cúng dường” vài chục cuốn sách (cũng còn giấu được một mớ), trong đó có hai quyển của Remarque: “Chiến hữu” và “Một thời để yêu, một thời để chết”. Có phải thừa tiền đâu mà mua sách làm kiểng. Toàn là tiền “bán cháo phổi” ngoài giờ, cân nhắc lắm mới dám mua một quyển, còn không thì thuê sách đọc. Đêm chia tay, cạn nguyên xị rượu đế. Sách đồi trụy phản động, nọc độc văn hóa đế quốc Mỹ mà như tình nhơn, đã quẳng xuống, lại cầm lên mân mê, thì thầm, Mai tao sẽ chất đống ngoài cửa để người ta mang tụi mày đi hóa thân thành tro thành mẹ gì đó. Duyên đến đây là hết, nhưng nợ còn. Tao sẽ nhớ tụi mày. Nợ thằng nào nhiều, tao nhớ thằng đó nhiều
Hơn 40 năm nay đâu có đọc lại Remarque, vậy mà dạo này thi thoảng tôi vẫn nhớ, dù nhớ tên người này xọ tên người kia, dù nơi này biến thành nơi nọ, nhưng đại khái tình tiết chưa quên sạch. Vẫn nhớ. Nhớ và ngẫm.   
Sách khoa học kỹ thuật được phép giữ lại, nhưng cũng có cách ra đi của nó. Một trường hợp tôi biết, ảm đạm hơn là tôi chia tay “đồi trụy phản động”. Một giáo sư tu nghiệp ở Mỹ về một ngành kỹ thuật, ông được xem là hàng đầu trong lãnh vực đó ở miền Nam, khi về nước đem theo một số sách chuyên môn, coi như gia sản nghề nghiệp. Vài năm sau 75, ông âm thầm bán sách trang trải cuộc sống. Thằng bạn tôi, một kỹ sư trẻ, gom hết tiền dành dụm, rụt rè tìm đến nhà vị giáo sư mua quyển sách ao ước và cũng nhân thể ra mắt, trò chuyện với thần tượng. Giáo sư đóng cửa phòng, không tiếp, chỉ cho vợ ra, đưa sách và báo giá. Tên hậu bối trả tiền, cầm sách thờ thẫn ra về. Giao dịch diễn ra lặng lẽ đến nặng lòng. Câu chuyện cứ như thời Đông Châu liệt quốc. Đời cơm áo sinh tồn, sao mặn chát thế này!
Với dân kỹ thuật thì sách technology và handbook của Mỹ sánh ngang hàng… thê tử. Có những ngày tháng tôi đã cày cục copy bằng tay, vừa viết, vừa dịch nhẩm trong đầu một quyển handbook mượn được, nên hiểu được loại sách đó trân quý với dân trong nghề đến cỡ nào. Vật bất ly thân như thế mà phải chia tay thì còn tê tái nào hơn. Đã đành, bán cái mình sở hữu để sinh tồn đâu có gì phải thẹn, nhưng bán sách, bán cái gia sản nghề nghiệp, thì chẳng khác gì bán cả ước mơ, hoài bão… Ông giáo sư biết thẹn. Tên hậu bối biết thẹn, biết thẫn thờ, biết chia sẻ cái thẹn với tiền bối. Trí thức là người biết thẹn. Tôi gọi cả hai là trí thức.
Nhưng không phải “trí thức” nào cũng biết thẹn. Đâu cần phải ‘diện bích” cả chục năm như ai đó mới ngộ ra một chủ nghĩa sai hay đúng, hiện thực hay mụ mị. Mẹ tôi, một người đàn bà mù chữ (nghĩa đen), thấy người ta đấu tố nhau trong cải cách ruộng đất, con tố cha, vợ tố chồng… bà hãi cách mạng, hãi cho đến chết vẫn còn hãi. Với bà, nghèo chịu được, khổ chịu được, đói chịu được, nhưng đảo lộn luân thường đạo lý như thế thì không… Liệu cứu cánh có biện minh cho phương tiện được chăng? Mà cứu cánh gì? Là ấm no hay quyền lực?. Ngay cả về mặt kinh tế, trong thời chiến tranh lạnh người ta cũng đã thấy cái “ưu việt” của làm chủ tập thể và hưởng theo nhu cầu rồi.

Chiến tranh, đau thương, mất mát, độc lập, đói nghèo, số phận của một dân tộc đâu phải là chuyện lãng mạn.
Hoài bão hay lựa chọn của con người, nhiều khi khởi đầu bằng cảm xúc hơn là lý trí. Lý trí đến sau đó để hợp lý hoá những hậu quả của cảm xúc. Nhưng lý trí cũng giúp con người phản tỉnh để nhận ra mình đã làm đúng hay sai. Sai lầm là thuộc tính của con người. Trí thức là người biết sai, biết thẹn để sửa sai.
Nhưng nhiều người tuyên bố, nếu được làm lại từ đầu, họ vẫn lựa chọn như cũ. Thật đẹp và lãng mạn! Thế ra, phản tỉnh chỉ bộc phát khi hậu quả của cảm xúc bị thiệt thòi thôi sao? Chọn cái xấu, đập cho chết cái ít xấu hơn là đúng, là đẹp?
Nhưng chiến tranh, đau thương, mất mát, độc lập (thật sự), đói nghèo, số phận của một dân tộc đâu phải là chuyện lãng mạn. Cuộc chiến kết thúc đã hơn bốn mươi năm, nhưng lịch sử chỉ đang bắt đầu viết lại. Những phóng viên trẻ thời chiến W. Burchett, Stanley Karnow, Neil Sheehan, David Halberstam… và vòng nguyệt quế Pulitzer chạy theo thời cuộc đã tạo ra góc quét gần 360 độ của cái gọi là quan điểm “chính thống” về chiến tranh Việt Nam, không thể đảo ngược. Một khi những cây đa cây đề đã xem đó là chân lý lịch sử, đụng vào quan điểm chính thống, họ sẽ nghiền nát.
Thế hệ trẻ sau này, với nhiều tài liệu được giải mật hơn, với phương pháp sử học chặt chẽ hơn, đã dám lật ngược “chính thống”. Sự thật đang hé dần, từ lật ngược đến lật tẩy chẳng còn bao xa, Mark Moyar với “Triumph Forsaken” chẳng hạn. Nghe nói có bạn trẻ gốc Việt ở nước ngoài đang làm luận án về truyền thông trong chiến tranh Việt Nam. Lịch sử sớm muộn sẽ tung cú đấm vào sự trí trá, xảo quyệt của ngôn ngữ và hình ảnh được chọn lọc có ý đồ trong thời chiến.
Sách đấy, tài liệu mới đấy. Đọc đi, hơn là cứ rù rì, tự an ủi mình và an ủi nhau với cái gọi là “oral history” cũ kỹ, nôm na là hóng chuyện không kiểm chứng, rồi cứ thế truyền miệng. Dù có tránh né cách này hay cách khác, thì mọi mỹ từ, mọi lý luận, lý lẽ và cả lý sự đều là sự tiếp cận với ngụy biện. Nói êm ái hơn, đó là một cách xoa dịu nỗi đau “lạc đường”. Hào quang có được từ chút tự do của một chế độ, nhưng buộc phải tắt ngúm ở chế độ kế tiếp. Tiếc nuối làm gì! Ông Nguyễn Đổng Chi chỉ viết một bài phê phán Phan Khôi không đúng mà ray rứt, ân hận cho đến chết. Biết thẹn vẫn là yếu tính của trí thức.
Một bậc đàn anh đồng môn của tôi, trước 75 phụ trách vài mục âm nhạc, văn hóa cho đài phát thanh, mà cũng là tay sừng sỏ trong giới xuất bản. Sau 75, khốn đốn cực kỳ, nhưng đoạn tuyệt hẳn với nghề viết lách, làm chân lon ton, chạy vặt cho một nhà xuất bản. Vài năm trước, gặp ông giám đốc mới có mắt nhìn người, cất nhắc cho làm biên tập sách. Ông huynh trưởng mắc bệnh “muội đèn” của Cao Bá Quát, thấy đoạn văn hay nhưng phạm húy, tiếc, không nỡ cắt. Ông anh không cắt, thì đời cắt ông anh. Ông lại tiếp tục làm chân lon ton. Thân già bốn mươi ký lô, tính luôn giày dép và quần áo, đã bền bỉ chọn một thái độ sống như thế. Người ta có thể không cho viết, nhưng không thể bắt mình viết theo ý người ta. Ngòi bút có máu, báo chí sách vở còn lưu giữ cả đấy, không chơi bài ba lá với lịch sử được đâu. 
Cô bạn tặng tôi quyển sách của E. M. Remarque là dân… “gia công”, một từ lóng để chỉ con cái của những người tập kết ra Bắc hồi năm 54. Bọn trẻ sinh ra ở Bắc và trở về Nam sau 75. Tôi hỏi đùa, thế em là dân Sài Gòn hay người Hà Nội? – Là dân Sài Gòn chứ! Hà Nội chỉ là nơi cha mẹ “gia công” ra em thôi. Em lớn lên ở Sài Gòn, học từ tiểu học ở Sài Gòn, bạn bè Sài Gòn…
Tội nghiệp! Sài Gòn khi em lớn lên đã là thành phố buồn hiu, dè dặt và nhẫn nhục, một thành phố trầm cảm với dăm ba người mất trí nghêu ngao hát bên hè phố, hay những người một thời cầm bút cầm phấn, bây giờ đạp xích lô, vá xe đầu đường, bơm mực bút bi…
Đầu thập niên 80, sách cũ loại tự điển hay kỹ thuật được bày bán công khai, nhưng sách “đồi trụy phản động” thì phải lén lút. Hồi đó làm nghiên cứu, tôi thường ra… chợ trời sách ở đường Đặng Thị Nhu. Chỉ một sạp duy nhất có quyển “Handbook of Chemical Engineers”, giá bốn chỉ vàng. Hễ đến, là tôi giả vờ xem sách, ráng nhớ mấy con số, rời xa xa khỏi sạp là rút sổ tay ghi lại. Đến riết, chủ sạp quen mặt biết ý, chỉ tay, Cầm lấy, đọc thoải mái!  Có một cảm thông kỳ lạ giữa người mua kẻ bán…
Phước đức bảy đời là những người buôn bán sách cũ. Họ chứng kiến những khoảnh khắc chia tay não lòng của người bán, và những thèm thuồng tri thức của người mua. Chợ sách (cũ) khác chợ đời. Chợ buồn bã, trầm mặc như số phận đời người… Những dấu son chữ ký còn trên sách hẳn đã làm kẻ bán đoạn lòng, người mua nao lòng. Đọc mà lúc nào cũng bồi hồi nghĩ đến chủ nhân trước của sách…
Cô bạn tôi, Sài Gòn có gì để em tự hào về gốc gác? Cha mẹ em là cán bộ trí thức, nên nhà nhiều sách “ngụy” (để tham khảo) hơn là máy móc tiện nghi… Em đọc lén. Khổ thân em! Những gì em đọc khác với những gì em học ở trường. Đó là chưa kể họ hàng em nội ngoại, bên thua, bên thắng (cuộc)… Trong lớp học, em phải viết ra những điều không phải em nghĩ. Nói và làm, đúng và sai, khẩu hiệu và thực tế cứ lộn tùng phèo trong đầu. Những thực tế tréo ngoe làm em có đôi chút phá rào, cảm nhận đúng sai. Em tự hỏi, nhưng ai trả lời?
Có những người giàu nhanh quá, siêu nhanh giữa bầu không khí ô nhiễm (đen lẫn bóng)
Làm việc ở nước ngoài gần hai mươi năm, ngày trở về, em thấy một Sài Gòn hào nhoáng hiện đại nhìn đâu cũng thấy building, cầu vượt… nhô lên từ những bãi nhà tôn, ổ chuột. Có những người giàu nhanh quá, siêu nhanh giữa bầu không khí ô nhiễm (đen lẫn bóng). Hàng rong bị săn đuổi giữa những hàng xe hơi lộng lẫy. Em đứng tần ngần ở quán cà phê đường Huỳnh Tịnh Của, ngắm nghía căn nhà cũ kỹ gần sáu bảy chục năm. Đẹp quá! Chẳng còn là bao những căn nhà xưa như thế này, cũng không còn những con phố yên tĩnh. Mọi thứ ồn ào và tương phản đến lạ lẫm. Em thở dài, Sài Gòn bây giờ như bức tranh lập thể siêu thực. Sài Gòn không còn là Sài Gòn của em nữa. Sài Gòn muộn màng của em cũng không còn, thì Sài Gòn một thời của tôi ở đâu?
Có lần em buột miệng, May mà cha em mất rồi, chứ nếu còn sống… Em không phải là người duy nhất nói với tôi điều đó. Một vài bạn bè tôi, cha mẹ họ thuộc hàng công thần, trong những lúc trà dư tửu hậu cũng nói thế. Độc lập là khát khao của cả dân tộc, chứ đâu phải của riêng ai. Độc lập bị tham vọng quyền lực đánh lận nên mới ra nông nỗi thế này. Người bạn (già) của tôi ở Hà Nội nói: Các anh bị đau một, chúng tôi bị đau những hai lần.
Em hỏi tôi có đọc sách triết không, về Sartre, Miller… gì gì đó. Tôi đã gạt mấy cha nội triết gia này ra khỏi đầu tôi hơn bốn mươi năm rồi em. Tôi muốn J. P. Sartre vô trại cải tạo để tự tìm ra con người ổng là ai. Muốn Henry Miller nói chuyện tay đôi với má mì ở quán bia ôm. Muốn Nietzsche đứng trên con thuyền nhỏ giữa sóng to gió lớn và hải tặc để ông ta hét toáng lên Thượng đế đã chết!…Cứ nhìn vào cuộc đời của mấy ông triết gia thì biết, điều họ nói và cái họ làm thật khác xa. Những lý luận của họ chỉ thích hợp ở trường học, ở tháp ngà nghiên cứu, nơi mà họ thư thả hệ thống hóa những luận thuyết.
Triết lý thực sự ở ngay chính cuộc sống của mình, của riêng mình trong mọi tình huống, mọi lẽ sống…Nhận thức được về nó. Không nhận thức được thì cảm nhận nó. Điều quan trọng là phải sống với nó, chứ không phải nói để người khác sống, còn mình thì sống kiểu khác.
Một khi con người còn biết chút chia sẻ, còn có chút lòng trắc ẩn thì đời đâu quá tệ, phải không? Không quá tệ, nhưng đi theo được nguyên tắc đó suốt đời mình không phải là điều dễ dàng. Tôi là độc giả thầm lặng của facebook “CLB cuộc chiến chống ung thư”, nơi những con người tuyệt vọng chia sẻ với nhau từng mẩu hy vọng. Trong đó có một status thế này: Cha tôi đã không qua khỏi, còn một ít thuốc giảm đau, bạn nào cần, tôi xin tặng lại. Đọc mà nhòe cả mắt…
Quyển sách cô bạn tặng, “Tình yêu bên bờ vực thẳm”, bản dịch của Huỳnh Phan Anh, chỉ lật vài trang đầu, tôi đã nhận ra một Remarque quen thuộc: … Hãy để tôi đi, nàng thì thầm. Ravic không nói gì, siết chặt tay nàng hơn nữa. Ravic có cảm tưởng nàng không trông thấy chàng, và xuyên qua chàng, dường như nàng đang nhìn vào cõi xa xăm nào đó, trong đêm tối trống vắng.
Con người trong tác phẩm của Remarque thường là những số phận bị săn đuổi, với những ước mơ, tính toán thật giản dị và tử tế. Tử tế với những người bạn tình cờ biết nhau một đêm, tử tế cả với chính kẻ thù của mình. Con người bị săn đuổi, nên lúc nào cũng vội vã, họ cảm nhận được giá trị của chia sẻ, của khoảng khắc tồn tại và yêu thương.
Một thời triết lý vụn đã qua, mọi thứ đã lụi tàn trong ngọn lửa “đồi trụy và phản động”. Hồi trước đốt sách, nhưng liêm sỉ còn kháng cự ít nhiều. Bây giờ liêm sỉ bị thiêu rụi bởi thực dụng, bởi đạo đức giả, bởi diêm dúa của đồng tiển và quyền lực. Con người bị cầm tù bởi hiệu ứng Stockholm mất rồi!
Trong “Một thời để yêu, một thời để chết”, tôi nhớ lõm bõm câu (đại ý): Không cần phải cứu vãn những giấc mơ, mà phải cứu vãn niềm tin. Niềm tin còn, thì giấc mơ tự nó sẽ phục hồi.
Bốn mươi ba năm rồi đấy! Cuộc đời có khi tràn ngập những tuyệt vọng, nhưng đúng là niềm tin cần được cứu vãn. Tôi cần niềm tin. Đất nước  này cần niềm tin. Niềm tin sự thật sẽ không bị vùi lấp. Niềm tin cái xấu sẽ bị đào thải: Nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền.
Vũ Thế Thành, Đà Lạt cuối tháng tư 2018


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 30/Apr/2018 lúc 2:16pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/May/2018 lúc 12:53pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 08/May/2018 lúc 5:08pm

Tôi Phải Về Cho Mẹ Tôi Ăn…

Hình do tác giả gửi theo bài


Câu trả lời của anh bạn lớn tuổi làm tôi chưng hửng vì nhiều lý do. Thứ nhất là muốn tìm vài sợi tóc đen trên đầu anh không dễ. Không lẽ anh còn mẹ? Thứ hai là tôi chỉ nghe bạn bè từ chối rủ đi uống bia với ba lý do thường nhất: Thứ nhất là “vợ tôi nhằn quá ông ơi!” Thứ hai là “sợ cảnh sát quá ông ơi!” Và thứ ba là lý do sức khoẻ, “tôi đang uống thuốc ông ơi!”

Tôi như người lâu quá không được nghe những lời tử tế nên hụt hẫng với lời tử tế khi được nghe. Dĩ nhiên không ai biết trên đời còn bao nhiêu người con hiếu thảo, nhưng tôi thì biết có một người mẹ già đang hạnh phúc.

Trên đường tôi lái về nhà vì anh bạn đã từ chối lời mời ngắn gọn, không khách sáo gì nhiều của tôi: “Già Nguyên. Chiều nay trời đẹp. Ghé Wing Stop làm vài ly bia hơi không?”

Anh trả lời: “Sao hôm nay chú phá lệ thế? Chưa đến cuối tuần mà!”

Tôi đâu dám nói lời khó nghe trong hãng là tôi đã hay tin sáng mai anh vô hãng làm gì nữa cho mất công dậy sớm, vì anh đã có tên trong danh sách hãng cho nghỉ bớt công nhân theo tình hình ít việc nên dư người. Cũng vì thế mà tôi phá lệ, mời anh đi uống cốc bia tạm biệt những ngày vui từ hôm anh vô làm chung với tôi được vài tháng nay.

Nhưng lại đến anh gọi tôi qua điện thoại: “Hay chú ghé nhà tôi đi. Tôi cho mẹ tôi ăn… chay chiều nay. Nhanh thôi! Rồi anh em mình nhậu.”

Tôi trả lời anh: “Nói hay. Làm ơn ghé đâu đó, nhắn tin cho tôi địa chỉ nhà anh. Đừng vừa lái vừa nhắn tin nha anh!”


Tôi đến nhà anh lần đầu. Hoá ra anh không nói chơi mà là chuyện thật, sau khi chị nhà mở cửa cho tôi. Trong mắt tôi là người đàn ông đã làm ông ngoại từ mười năm qua. Nhưng tay anh bưng bát cơm, tay cầm thìa cơm, chạy xình xịch quanh ghế mẹ ngồi là bà cụ ở tuổi chín mươi. Cụ chúm chím cười, liếc mắt theo tàu hoả là thìa cơm không ra cơm mà cháo không ra cháo; Bà cụ đợi tàu hoả tài tình là hễ nó tới miệng thì cụ mở miệng ngay chứ không để nó chạy qua…

Có lẽ, hơn sáu mươi lăm năm trước, cụ là chiếc tàu hoả chở thìa cơm cho cậu con trai một tuổi. Rồi tôi rùng mình khi chợt nghĩ tới, nếu anh tử trận ở Cổ Thành vào mùa hè đỏ lửa 1972 thì bây giờ ai đút cơm cho mẹ anh ăn? Suy ra có bao nhiêu bà mẹ không có con trai đút cơm cho ăn khi về già vì các anh đã tử trận trên nhiều “địa danh tên vẫn chưa quen người dân thị thành” ở Việt Nam. Hôm nay lại tháng Năm đã về với ngày lễ “Chiến sĩ trận vong”, không biết trên thế giới có bao nhiêu bà mẹ tuổi già cô quạnh vì con trai đã chết bởi chiến tranh?

Tôi bị thôi miên bởi người lính cũ tóc đã bạc trắng vẫn phải đi làm. Đau đớn thay khi ngày mai là ngày anh mất việc, mà cũng không được biết trước “Ai là anh em tôi” theo tinh thần Công giáo của người anh sùng đạo. Người ngoại đạo tôi chăng? Những người được nghỉ lễ Chiến sĩ trận vong có hưởng lương đang làm gì nhỉ? Một vài người ngồi soạn ra cái danh sách những người hãng không còn cần mướn nữa vì hết việc. Sao người lính cũ này lại mất việc vào một ngày tháng Năm, vào mùa lễ nhân loại nhớ ơn người chiến sĩ…! Có quá nhiều câu hỏi trong tôi tới rối trí, rồi thành khiếm nhã vì cứ đứng trân ra đó, thay vì thăm hỏi mọi người.

Chị nhà xin lỗi đang dở tay trong bếp. Anh nhà với tôi thì đã quen nên khỏi khách sáo. Anh nói với tôi: “Bia trong tủ lạnh đó chú em. Làm trước một chai đi. Anh cho mẹ anh ăn xong thì mình nhậu.”

Tôi mới xuống tới cửa bếp để mở tủ lạnh lấy bia thì chị nhà đã trao cho tôi chai bia được chị tiện tay khui sẵn luôn cho tôi. Chị nhà có vẻ ít nói, nên những vết chân chim nơi khoé mắt sâu hơn người hay cười. Nhưng chị trông hiền, mẫu người kín kẽ…

Tôi đứng luôn ở cửa bếp để thăm hỏi chị. Mắt nhìn anh bạn đang làm trò trên phòng khách để dỗ mẹ anh ăn cơm chiều.

Dưới cửa bếp, chị nhà trò chuyện với tôi: “Nghe anh nói về chú, chị cũng mừng. Cảm ơn chú…”

“Nghe anh nói về chị, em cũng mừng. Cảm ơn chị.”

Tôi còn điều nhớ mãi sau xã giao dở tệ của mình khi nghe chị nói, “…đúng ra là việc của chị. Nhưng thậm chí từ hồi bà ngoại tụi nhỏ nhà chị nằm một chỗ, cũng một tay anh lo chứ chị làm được gì đâu. Nay tới bà nội, anh ấy cực quá mà chị cũng không giúp được gì…”

Tôi nói: “Hình như em thấy bà kém trí nhớ nhiều rồi, phải không chị?”

“Sao chú biết? Anh kể à?”

“Dạ không. Chỉ là ban nãy, em thưa bác lúc em đến. Bác nhìn em lạ lắm! Em không biết diễn tả. Xin lỗi chị.”

Phía nhà trên. Tàu hoả đã biến thành máy bay đầm già. “Còn vài thìa nữa thôi mẹ ạ! Bây giờ mình chơi máy bay đầm già cho mau hết nhá? Mẹ nuốt hết đi. Con bay nhanh lắm đó!”
Máy bay ông già tóc bạc chứ đầm già gì, ông bay từng thìa cơm cho mẹ đến vã mồ hôi trán.


Tôi không thể nào báo tin cho anh hay là ngày mai anh khỏi cần dậy sớm để vô hãng vì tôi đã được xem qua danh sách. Thôi thì chuyện của ngày mai. Nói chi sớm với người đã sáu mươi sáu tuổi. Chuyện gì tới cứ để Chúa, Phật độ trì cho anh…

Cảm ơn anh về chuyện kể của người lính cũ trong mùa Chiến sĩ trận vong không có mùi thuốc súng, trong mùa lễ mẹ không phải vất vả “đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” vì mẹ già đễnh đãng chỉ cần thìa cơm không chan nước mắt, chỉ cần vừa ăn vừa cười đã là hạnh phúc tuổi già.

Anh nói với tôi: “…Em bước vô phòng bố mẹ anh mà xem. Anh kê hai cái giường đơn vì hai người già không thể ngủ chung một cái giường. Bởi người này ngủ thì người kia lại thức, phá giấc của nhau. Nhưng bố anh chăm sóc cho mẹ anh kỹ lắm từ ngày mẹ anh mất trí nhớ hoàn toàn. Chỉ ông trời oái oăm là cho bố anh đang mạnh khoẻ, tỉnh táo, nhưng cảm cúm một trận rồi đi luôn trong vài ngày. Từ đó, mỗi sáng khi anh vào phòng để lo cho mẹ anh trước khi anh đi làm, Mẹ anh hay hỏi, có thấy ông nhà tôi đâu không? Anh cứ nhớ bố anh hay trả lời khôi hài để mẹ anh cười, Ông nhà bà đi mua hoa về tặng cho ngày sinh nhật của bà rồi! Bà phải đẹp cho ông nhà vui đấy! Bà phải nghe tôi: đánh răng, tắm rửa, thay quần áo, cho thật đẹp vào… Những lúc ấy anh nghĩ mà ân hận với bố của anh lắm! Thường cha với con trai đâu có gần nhau trong đời sống gia đình, rồi con trai lớn lên thì cha lại già đi nhiều hơn lo nuôi cơm là lo lắng vì thời anh lớn lên là đi lính. Sự cách biệt tuổi tác, khoảng cách thế hệ nên suy nghĩ, lối sống, quan điểm, sở thích… càng xa đến như không có liên hệ gì với nhau! Nhưng thực sự là tình sâu nghĩa nặng, chỉ đàn ông không nói ra được tình cảm của mình với người cùng phái thôi!

Anh đi tù mất mấy năm về, hai món kỷ niệm anh làm được trong trại tù cải tạo là cái tẩu cho bố anh, vì anh biết bố anh thích hút thuốc tẩu hơn thuốc lá; Vật thứ hai anh làm được trong tù là cọng dây điện thoại anh nhặt được thì ngồi uốn nắn thành tên của vợ anh. Những năm ấy mẹ anh, vợ anh đi thăm nuôi anh, nhưng từ tiền đò xe, tới chút đường thẻ, chút mắm ruốc xào sả ớt cũng một tay bố anh tiện tặn cho con lúc nó ngặt nghèo. Thế mà anh chưa bao giờ nói với bố anh được một tiếng cảm ơn, nói một lần cũng đủ là con thương bố lắm! Nhiều khi anh như thoáng thấy bố anh vẫn ra vô căn phòng này để chăm sóc cho mẹ anh. Anh muốn chận đường ông cụ chỉ để nói một lời, con cảm ơn bố! Nhưng đó chỉ là những lúc áp huyết anh lên cao quá nên hoa mắt thôi, ngồi nghỉ một lát sẽ rõ ràng lại. Chỉ ân hận trong lòng mình râm ran mãi...

Có những hôm mẹ anh thức dậy, nói một mình: đi đâu nữa rồi…? Mắt mẹ anh nhìn đăm đăm vào cái giường trống của bố anh. Nhưng chỉ một lát, một chút, một khoảnh khắc thời gian cũng có thể đúng. Vì sau đó là tình trạng mất trí nhớ trở lại ngay. Cụ không xuất thần nữa! Nhưng thoáng buồn đọng lại một chút trên gương mặt mất trí nhớ rồi mới tan hết…”

“Thế anh có cho bác sĩ hay không?” Tôi hỏi.

Anh trả lời tôi: “Theo bác sĩ, có thể sau giấc ngủ thì cụ tỉnh được một chút. Một chút thôi, không đủ để nhớ ra được một việc, một chuyện. Chỉ là một thoáng nhớ, mơ hồ…”

“Nhưng có hy vọng phục hồi lại trí nhớ cho cụ không?”

“Không. Người nhà còn không tin, nói gì tới bác sĩ. Anh chị thử mẹ anh nhiều lần lắm rồi! Cứ đem những vật mẹ anh yêu thích suốt cả đời ra để gợi nhớ. Nhưng cụ không nhớ hoàn toàn. Đem cho mẹ anh những món ăn mẹ anh thích nhất. Cụ cũng dửng dưng như không màng tới, thậm chí không thèm nhìn… Bây giờ cụ ăn như bản năng sống, vậy thôi. Anh nghĩ là cụ cũng không thưởng thức được hương vị gì nữa nên cụ lười ăn lắm!”
…...
Anh em tôi ra bàn ăn ngoài sân sau nhà, ngồi bù khú với nhau rôm rả chuyện đời xưa ở quê nhà; từ thuở miền nam còn bình yên tới thời khói lửa mịt mù; rồi cuộc triệt thoái oan khiên mà hệ lụy sẽ không bao giờ hết cho tới hôm nay…

Chúng tôi im lặng khá lâu sau đó. Có lẽ mỗi người suy nghĩ riêng. Rồi chị nhà bưng ra cho đĩa trái cây và dọn đi những món mặn.

Tôi kể cho anh nghe…

“Hồi lâu rồi. Em bị mất việc trong hãng nên đi giao pizza trong thời gian chờ việc mới gọi mình đi làm. Em còn nhớ cái nhà già ở góc đường Coil. Rd với đường 15. Rd trên thành phố Plano. Em đem pizza cho mấy cô y tá ăn trưa. Nhưng em chứng kiến một ông cụ Mỹ trắng cự nự mấy cô y tá không cho ông đẩy xe lăn của một bà cụ Mỹ trắng. Em nghe ông dõng dạc nói: Vợ tôi không còn nhớ tôi. Nhưng tôi còn nhớ bà ấy là vợ tôi. Không ai đẩy xe cho vợ tôi an toàn hơn tôi đâu! Sao các người không cho phép tôi?

Ông cụ nói rồi khóc. Khóc bất lực với luật lệ khi phải trao tay cái xe lăn cho anh chàng hộ pháp người Mỹ đen to lớn. Làm em tò mò! Em hỏi cô y tá quen, Nếu họ là vợ chồng, thì làm khó họ chi?

Cô y tá trả lời cho em: Bạn không biết! Tuy họ là vợ chồng. Nhưng khi đã vào đây thì ông được chăm sóc riêng bên khu nam, bà được chăm sóc riêng bên khu nữ. Họ chỉ được trò chuyện, gặp nhau trong giờ xem tivi chung ngoài đại sảnh. Ai không khoẻ thì xem tivi nhỏ trong phòng riêng. Họ chỉ được gặp nhau trong giờ phơi nắng ngoài trời. Nhưng để cụ ông đẩy xe cho cụ bà, nhỡ xảy ra tai nạn thì trách nhiệm lại thuộc về chúng tôi vì chúng tôi chịu trách nhiệm đẩy xe lăn cho cụ bà chứ không phải cụ ông…

Từ đó, mỗi lần tới nhà già, em ưa để ý cụ ông. Em có cảm tưởng ông ấy luôn để mắt tới vợ ông khi có thể vào những lúc được gặp nhau. Vì em bắt gặp ông rất ranh mãnh, ông đi đến chỗ vợ ông thì bị cô y tá nhắc nhở ông đừng có đẩy xe của bà. Ông cãi là ông đi bỏ rác mà. Nhưng ông cụ cũng lượn ngang xe lăn của bà vợ, đẩy đẩy vài cái cho đỡ ghiền hay sao đó! Rồi cười trừ với cô y tá khi cô ấy đến tháo tay ông ra khỏi xe lăn của bà…”

“Ừ. Phải như hồi trẻ thương vợ được một phần thôi thì mấy bà cũng đỡ. Bố anh chăm sóc cho mẹ anh cả chục năm chứ ít đâu. Lúc mẹ anh tuy mất trí nhớ nhưng còn khoẻ, bố anh lấy sợi dây xích chó xích tay ông một đầu dây, tay bà một đầu dây, rồi dắt bà đi bộ thể dục. Ai thấy cũng phải cười. Có những chiều anh đi làm về tới xóm nhà mình, nhìn bố mẹ anh xích tay nhau bằng sợi dây xích chó, anh cũng bật cười, nhưng mắt cay sè…

Khi mẹ anh yếu nhiều vì không ăn ngủ được. Bố anh gõ mõ tụng kinh cả đêm. Con cháu gì chạy hết, có đứa nào ở nhà nữa đâu. Chúng nó làm sao mà ngủ thì làm sao đi làm! Nhưng bố anh tin là nghe kinh thì mẹ anh ngủ được. Chuyện thật ra là ông ngủ gục chứ bà có ngủ đâu! Nhưng ông cứ tin là bà ngủ. Đó là đoạn bố anh hết sức. Ông mất sau khi đuối sức không lâu. Nhắc lại chuyện thấy thương bố anh quá!”

Tiếng chị nhà gọi anh vô giúp mẹ. Tôi sẵn cáo từ ra về vì trời đã nhá nhem tối. Nghĩ đến từ mai anh được ở nhà suốt ngày để chăm sóc mẹ, cũng đỡ vất vả cho anh. Nhưng eo hẹp tài chánh cũng khó lắm vì anh chị với mẹ sống chung nhà thì chỉ mình anh đi làm. Sáu mươi sáu tuổi còn đi làm đã đủ biết chính phủ và con cháu không giúp đủ cho những người già cần giúp đỡ. Chỉ còn Ơn trên giúp được họ, nhưng họ mới chỉ là một hoàn cảnh, còn bao hoàn cảnh khó khăn hơn nữa. Trong khi Ơn trên chỉ có một thượng đế, lại ở xa…

Phan
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 10/May/2018 lúc 11:40am

Mẹ Chồng Tôi   <<<<<


Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 11/May/2018 lúc 6:46am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/May/2018 lúc 8:11am

CHIẾC VÒNG CẨM THẠCH



Lời TG: Tôi viết truyện này từ lời kể của một người chị, đây là câu chuyện có thật vào những năm 1940 – 1945, nay tôi phóng tác thành truyện ngắn này gửi đến độc giả xa gần đọc giải trí trong lúc nhàn tản nhé.
 
  Ba tôi một thanh niên khá đẹp trai, tướng ông to cao khỏe mạnh, theo lời các cô tôi kể lại lúc đến tuổi cặp kê ba tôi bị ông nội ép phải gá nghĩa cùng con gái nhà phú hộ nọ ở trong vùng, nhà cô gái này giàu có nhất nhì trong làng, nhưng sự việc không thành bởi ba tôi đưa ra lý lẽ khá thuyết phục khiến ông nội tôi thôi không ép buộc, đã vậy ông nội còn cho ba tôi được trọn quyền chọn con dâu cho ông, thấy cha mình thấu hiểu tình cảm không thể gượng ép nên đã nhượng bộ cho mình khiến cha tôi mừng như bắt được vàng.
 
  Ông bà nội ngày càng lớn tuổi, ông bà muốn nhìn thấy cha tôi yên bề gia thất trước khi ông bà Nội đi “đoàn tụ” với tổ tiên, bà nội tôi đi hết chùa này miếu nọ cầu khẩn Trời Phật, cầu khẩn các chư thần phù hộ độ trì để ông bà sớm có cô dâu hiền.
 
  Một sáng nọ ông bà nội đang ngồi uống trà trên bộ “Trường kỹ “, ba tôi dắt chiếc xe đạp từ dưới nhà sau đi lên, khi đi ngang nơi ông bà nội đang ngồi ba tôi cất tiếng thưa ông bà nội để đi xuống trường làng dạy học cho đám học trò, vừa định ngồi lên yên xe, ba tôi nghe tiếng ông nội vang lên:
 
  -Trời còn sớm bửng hà, bây đi sớm quá (dậy) thằng Hai, dựng xe đó đi ngồi đây tía hỏi bây chút chuyện coi.
 
 Bà nội nghe vậy nói đỡ cho ba tôi:
 
 -Ông coi chừng (Thẳng) ( cách bà gọi ba tôi khi nói chuyện với ông nội) có chuyện gì nó mới gấp rút (dậy) chứ, mọi bữa nó đi (mần) đúng giờ lắm mà.
 
 Ba tôi đáp lời sau câu nói của bà nội:
 
 -Dạ hôm nay trường có chút chuyện, có mấy quan về thanh tra trường, ông Đốc biểu mọi người tới sớm chào đón cho phải lễ, nhưng công (diệc) con làm nó ít liên quan đến thanh tra nên tới chậm chút xíu chắc cũng chẳng ăn nhằm gì đâu má.
 
 Nói xong ba tôi dựng chiếc xe đạp dựa vào cây cột nhà bằng gỗ ở kế bên, ba tôi ngồi xuống bộ Trường kỹ phía đối diện với nội tôi để chờ nghe nội hỏi han đôi điều.
 
 Ông Nội thấy vậy gật gật đầu ra chiều ưng ý, ông nội bắt đầu truy vấn ba tôi:
 
 -Tía hỏi thiệt bây nè, bây từ chối con Bông con ông phú hộ làm tía phải vấn an ông ta hỗm rày, tía tưởng bây mau chóng kiếm đứa khác (dề) cho tía má (dui lòng) ai dè bây (mần thinh) luôn, bây tính để tía với má buồn cho chết hay sao bây?
 
 Nghe ông nội nhắc lại vụ vợ con khiến ba tôi chới với, vì ba cứ tưởng nội hỏi chuyện khác, nào dè cứ nhằm đề tài này ông dí ba tôi riết khiến mỗi lần gặp mặt ông nội ba tôi “ngán càng” vô cùng, hôm nay thấy ông nội “ăn thua đủ” với đề tài này nên biết né mấy cũng không xong, ba tôi bèn thú thiệt:
 
 -Thưa tía (dới) má, con cũng muốn tía má có dâu hiền để rồi có cháu bồng  ẵm cho (dui nhà dui cửa), ác một cái con phải coi tánh tình của họ kỹ càng mới được, bằng không gặp người không hiền thục thì con sợ tía má buồn sanh bệnh.
 
 Ông nội nói với cái giọng giận rung:
 
 -Bây cứ (lần khân) riết rồi chừng nào hai con khỉ già này mới có cháu bồng ẵm, bây mà chưa có (dợ) tao với má bây chết chắc khó xuôi tay nhắm mắt quá.
 
 Ba tôi xanh mặt vội đáp lời:
 
  -Tía má tha tội cho con, con cũng gấp rút tìm kiếm đó mà, thôi để con trình với tía má luôn nè, con chỉ sợ tía má không ưng bụng thì rắc rối thêm.
 
 Nghe ba tôi sì ra một tin “sốt dẻo” mắt ông nội sáng rực lên, ông hỏi dồn:
 
 – Nếu bây ưng đứa nào thì cứ cho tía má biết, không cần con nhà “Trâm anh thế phiệt” đâu, miễn sao nó sống biết trên biết dưới, hiền lành lễ phép là tao với má bây chấp nhận thôi.
 
 Thấy ông nội tôi “mở rộng cửa” ba tôi bèn chộp ngay ý này, ba cho nội biết:
 
 -Dạ cô này là cô Ba Năng con của thầy cai  Huờn ở làng bên đó tía.
 
 Ông bà nội nghe tía tôi tiết lộ danh tánh ý trung nhân của mình và tên tuổi của thân phụ cô ta nữa, ông nội làm bộ giận dữ, ông đứng lên đập mạnh tay xuống cái bàn ông nói lớn lên:
 
 – Chèn ơi ! Chọn con ai không chọn nhè con gái của thầy Cai Hườn hả bây, thiệt là… 
 
 Ông nội cố ý bỏ lửng câu nói khiến tía tôi như có lửa đốt trong lòng, tía bậm gan hỏi nội :
 
 – Tía , tía thương con mà tía, cô Ba Năng được người được nết lắm đó tía, khó khăn lắm con mới (de) được cô này đó tía, hổng lẽ tía chê hả tía.
 
 Thấy thằng con mình bị khớp bởi câu cự nự của mình, và cũng không muốn ba tôi sợ sệt thái quá, ông nội tôi ” đổi tông”, với gương mặt hiền lành cố hữu của mình, nội tôi nói:
 
 –  Cái thằng thiệt là chết nhát nhe bà, tui mới hù nó chút nhẽo mà nó xuôi cò rồi, ai nói với bây tía chê con Ba Năng hồi nào, hơn nữa thầy cai Hườn là tâm giao với tía lâu nay bây đâu có biết, tự nhiên tía quên phức (dụ) thầy Cai, tía mà nhớ sớm thì bây khỏi cần de cũng dính luôn .
 
 Không những ba tôi mừng rỡ sau câu nói của ông nội, mà bà nội cũng mừng vui không kém vì bà biết chắc rằng một thời gian ngắn nữa thôi hai ông bà sẽ có cháu để bồng ẵm cho thỏa mãn mơ ước bấy lâu nay.
 
                              * * *
 
  Ngày cưới ba má tôi rạng rỡ bên nhau, họ hàng hai bên ai cũng mừng cho mối tình đẹp đã được đơm hoa kết trái từ đây, lúc trao nhẫn cưới và đồ trang sức cho cô dâu, bà nội đeo xong cho má tôi các đồ trang sức, thay vì bà lui về nơi cạnh ông Nội tôi để lễ cưới được tiếp sang phần khác, nhưng không, bà nội tôi vẫn đúng y một chỗ bà cười mĩm một mình rồi bà lòn tay vô túi áo bên trong cái áo dài móc ra chiếc vòng cẩm thạch lên nước sáng bóng, bà lấy miếng vải nhung gói chiếc vòng để lau sạch bụi, bà nội nắm tay má tôi bà tròng chiếc vòng cẩm thạch vô rồi nội nói:
 
 -Má tặng riêng cái vòng này cho con, con nhớ giữ gìn cẩn thận nhe, đây là di vật ngoại má để lại đó, con đeo nó cũng như má lúc nào cũng bên con lâu dài đó nhe con.
 
 Khỏi phải nói má tôi cảm động vô cùng, bản năng tình cảm trỗi dậy má tôi ôm hôn bà nội thật thắm thiết khiến hai họ cũng bùi ngùi thương mến.
 
                              * * *
 
 Những năm kế tiếp làng quê nội tôi cũng như khắp nơi ở miền nam chiến tranh loạn lạc, phong trào kháng chiến chống pháp rầm rộ, những cuộc bố ráp, bắt bớ khiến làng xóm bất an vô cùng. Rồi cũng trong những năm này nội tôi hai ông bà lần lượt “an vui miền cực lạc”, cũng mừng một điều ông bà nội tôi còn có cái diễm phúc trước khi về bên kia thế giới, ông bà được cô con dâu (tức má tôi) sanh ra một trai đầu lòng là anh Hai tôi bây giờ, rồi thêm một cháu gái là tôi, tiếc một điều hai anh em chúng tôi chưa biết được ông bà nội bằng xương bằng thịt của mình, sau này chúng tôi được biết ông bà nội qua hai di ảnh trên bàn thờ lúc nào cũng nghi ngút khói hương.
 
  Vùng quê nội không còn yên tĩnh nữa, sau khi họp cả gia đình lớn lại ba má tôi xin phép mấy cô để lên Sài gòn sinh sống, ba tôi để lại nhà cửa đất đai mồ mả cho mấy cô thừa hưởng, ba má tôi dắt díu hai con lên Sài gòn để bắt đầu  cho những ngày sống tha hương ngay trên đất nước mình.
 
 Ba tôi mướn một căn nhà ở vùng Cây Thị thuộc Gia Định ngày xưa, rồi ba chạy khắp nơi để xin việc làm, cuối cùng ông cũng được thu nhận vô làm công chức của Ty Kiến thiết, vì vậy ba tôi đành bỏ ngang nghề “gõ đầu trẻ” để làm một  ông công chức, ban đầu ba cũng chưa toàn tâm toàn ý với công việc, do nhớ ông bà nội, nhớ nhà cửa ruộng vườn, nhưng nhớ nhất là đám học trò nhỏ quê nghèo .
 
 Dần dà ba thích nghi với công việc mới, ba được xếp ngạch trật với đồng lương đủ sức bao giàn cho cả nhà sinh sống hàng ngày..
 
 Má tôi mang thai con Tư là nhỏ em tôi sau này, ba mừng lắm vì ngày xưa không có hạn chế sinh đẻ, ai muốn sinh bao nhiêu con thì tùy ý, miễn sao nuôi nấng các cháu cho nên người, còn việc học hành thì không tốn xu lớn xu nhỏ nào hết, học trò thời bấy giờ chỉ đóng tiền nguyệt Liểm chia làm hai kỳ, đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt với số tiền tượng trưng lấy có.
 
  Ngày má tôi có dấu sanh (do mấy bà mụ vườn chỉ cho má tôi lúc còn dưới quê), ba tôi nhanh chóng mướn chiếc xích lô máy chở má tôi vô nhà Bảo sanh gần chợ Gò vấp, phải công nhận các cô y tá rất thân tình với sản phụ, má tôi còn đủ sức đi đứng “xông xổng” nhưng mấy cô bắt nằm lên băng ca để các chú y công khiêng vô giường nằm, các cô nại lý do sợ đi đứng nhiều ảnh hưởng đến thai nhi.
 
  Má tôi nằm đã hai ngày trời mà chưa thấy chuyển dạ, tội nghiệp ba tôi ông nhờ bà Hai bán chè cư ngụ sát bên nhà ngó chừng giùm chúng tôi ở nhà để ba rảnh tay ứng trực canh chừng má tôi khi sanh nở. Tối nọ khi các sản phụ chìm trong giấc ngủ, bổng dưng má tôi la làng lên:
 
 -Ừa để tui trả chỗ này lại cho bà, bà đừng xô đẩy tui nữa, ui da đau quá.
 
 Các sản phụ đều giật mình, họ ngơ ngác nhìn về phía má tôi họ không hiểu điều gì xảy ra với má tôi, một bà nằm gần bên hỏi thăm má tôi:
 
  -Chị Hai nè, chị nằm mơ thấy gì mà la thất thanh vậy, tui nghe chị la tui hết hồn luôn, trong lúc tui mơ màng cứ tưởng trộm cướp gì không hà.
 
 Lúc này ba tôi đang ngủ gà ngủ gật ngoài hàng ba của dãy phòng nơi má tôi nằm, nghe vợ mình la làng nên ông nhanh chóng chạy vô, ba tôi nghe má kể cho bà kế bên:
 
 -Chị ơi, tui nằm mơ thấy một bà Tây trắng bà này lớn con lắm, bả đòi tui trả cái giường này lại cho bả nếu không chịu bả sẽ xô tui ra ngoài. Trời phật ơi tui ớn quá chừng, vậy là phòng sanh này có ma đó chị.
 
 Bà nọ và ba tôi nghe má tôi kể như vậy hai người đều “nổi da gà”, tuy vậy ba tôi cố điềm tĩnh trấn an má tôi:
 
-Có nhiều khi mình nằm nghiêng bị cấn tay chân máu chạy không đều nên mới thấy ác mộng đó. Thôi ngủ tiếp đi lấy sức để còn sanh nở.
 
Bà nằm kế bên cũng cố ra vẻ “an nhiên tự tại”, bà cũng khuyên má tôi đại ý na ná như ba tôi vừa nói với má, cố nén sợ sệt má tôi lại nằm xuống dỗ giấc ngủ vừa dang dở, chừng một tiếng đồng hồ sau má tôi lại la thất thanh, rồi cả phòng ai cũng thức giấc, ba tôi lại chạy vô nghe má tôi thuật lại giấc mơ như lần trước, má kể rằng:
 
 -Lần này bà đầm nọ rủ rê thêm hai ba bà đầm nữa, có bà da đen thui như “Chà và ma ní”, cái bà đen này hung dữ hơn mấy bà da trắng nhiều, bà ta nhéo tui đau gần chết tui năn nỉ dữ lắm nhưng bà ta cứ nhéo.
 
 Kể xong má tôi lật ống quần cho mọi người xem bắp chuối của cặp giò bị bầm nhiều vết đỏ .Ba tôi thật sự hoảng sợ vì ông tin lời má tôi nói không sai và lúc dưới quê ba tôi cũng đã từng chứng kiến mấy người bạn cùng trang lứa bị ma giấu trong bụi tre gai quanh làng.
 
 Má tôi dứt khoát đòi ra hàng ba nằm chung với ba tôi để trả lại cái giường cho bà đầm nọ, chứ ương ngạnh lại thì sẽ khổ sở với mấy bà đầm này vô cùng, trong lúc loay hoay dọn đồ ra ngoài má tôi vô tình quơ tay mạnh trúng ngay thanh sắt  trên đầu giường khiến cái vòng cẩm thạch của nội cho bị vỡ tan làm mấy mảnh, má tôi thẩn thờ nhớ lại câu nội nhắn nhủ lúc đeo chiếc vòng cho má, giờ thì không giữ được nữa rồi, bất giác hai dòng lệ tuôn chảy trên gương mặt má khiến cho ba ái ngại vô cùng.
 
 Sáng hôm sau ba tôi trình bày với cô mụ trong bảo sanh viện tình trạng má tôi thấy ác mộng và xin đổi qua giường khác, má tôi được toại nguyện họ cho má tôi nằm giường khác cạnh cửa sổ thoáng mát, trong khi dọn đồ vô giường mới cho má, ba tôi đi ngang nơi hai cô y tá đang trò chuyện, ba nghe họ nói lõm bõm :
 
 -Công nhận bà đầm linh thiệt , đâu phải có mình chị này bị đâu, mấy người rồi, nghe đâu bà đầm sanh con rồi chết trên cái giường này đó.
 
 Nghe câu chuyện này, sau khi dọn xong giường mới cho má, ba chạy u ra chợ mua nhang đèn bánh trái đem vô bảo sanh viện, chờ đêm về ba bày ra bên gốc cây da phía sau bảo sanh viện, ba tôi thì thầm khấn vái điều gì đó mà từ khi ông cúng xong má tôi chẳng còn mơ thấy nà đầm lần nào nữa.
 
 Má xuất viện về mang theo con út Tư thật dễ thương, hai anh em tôi vui mừng vì từ nay có thêm đứa em để cùng chơi với mình cho bớt tẻ nhạt. 
 
 Từ lúc bể chiếc vòng cẩm thạch má tôi buồn vô hạn, biết vậy nên đến kỳ lương nọ ba tôi tới tiệm bán nữ trang ông mua lại cho má tôi chiếc vòng cẩm thạch khác, chiếc vòng này màu sắc cũng một chín một mười so với cái vòng của nội cho má tôi, khỏi phải nói má tôi vui mừng với món quà của ba sắm cho, má tôi tự an ủi chắc là ở trên cao kia bà nội sẽ vui lòng khi thấy má còn mang chiếc vòng ( Má tôi nghĩ chắc nội không biết được vụ “Linh miêu tráo chúa” thời nay đâu).
 
 Từ lúc đeo chiếc vòng cẩm thạch này má tôi thay đổi tánh tình rất nhiều, má nói nhiều, ăn nhiều, đặc biệt má cứ đòi ăn gà mà phải để nguyên con mới ăn, nếu chặt ra từng miếng má chê bai nào là không ngon, hoặc thịt nhão nhoẹt. V.v..
 
    Mỗi ngày má tôi ăn hết một con gà, vì thương vợ nên ba tôi cũng chìu chuộng mua về cho má ăn, có một điều kỳ lạ là má tôi ăn nhiều vậy đó mà thân hình ngày càng ốm lại, lâu dần ba tôi lấy làm lạ, ông bèn ra nhà thuốc tây mua thuốc bổ về cho má uống, mấy ông đốc tờ quen với ba chỉ cho loại thuốc thích hợp để ba mua về cho má uống, vẫn không có kết quả sau khi uống thuốc, ba tôi bèn đưa má vô nhà thương để khám bệnh, mấy ông đốc tờ khám kỹ lưỡng nhưng chẳng biết má tôi vướng căn bệnh gì, bí thế quá ngài ta bèn phán:
 
 -Bà nhà của ông bị bệnh suy nhược cơ thể, cần tẩm bổ lâu ngày sẽ bình phục.
 
 Thời gian dài trôi qua, thể trạng má tôi vẫn y như “bộ xương cách trí”, cả nhà ai cũng buồn rầu vô hạn.
 
 Thế rồi một hôm khi má tôi đang ngồi chơi bên ngạch cửa trước nhà, ngoài đường có một ông thầy tu đi khất thực, đến nhà tôi ông dừng lại đứng cúi đầu chờ bá tánh cúng dường, ba tôi đem ít trái cây cúng cho thầy, thầy ngước lên niệm Phật và cảm ơn ba tôi, bổng đôi mắt thầy sáng quắc lên thầy chỉ vào mặt má tôi thầy nói:
 
 -Không xong rồi, gia chủ bị ma ám dữ lắm, nó nằm trong chiếc vòng bà mang trên tay đó.
 
 Ba tôi điếng hồn khi nghe nhà sư kia nói điều này, ba liền chắp tay sá thầy một sá rồi hỏi :
 
 – Có cách nào cứu (dợ) con được không thầy ? Xin đội ơn thầy suốt đời.
 
 Nhà sư thong thả nói :
 
 -A di đà Phật, thí chủ phải hủy chiếc vòng oan nghiệt kia đi bà sẽ khỏi bệnh, vì có cái vong của ai đó đang ẩn trong cái vòng này .
 
 Ba tôi không cần suy nghĩ, ông nhanh chóng tháo cái vòng cẩm thạch đang đeo trên tay của má tôi ra, ba chọi mạnh xuống nền xi măng trước nhà khiến chiếc vòng bể tan tành, lúc này tự nhiên má tui khóc ré lên kể lể là ba tui phá căn nhà má tui đang trú ẩn khiến bà không nơi nương tựa, ba tôi điếng hồn không hiểu chyện gì xãy ra, nhưng dưới nhản quan của người đạo hạnh thầy biết rõ ràng đây là cái vong nhập vô người má tôi để nói lên hoàn cảnh hiện tại của họ, thầy bèn kêu ba tôi :
 
 – Thí chủ yên chí đi, tui bày cho thí chủ như vầy nè….
 
 Nhà sư đã kêu ba tôi cứu cái vong này bằng cách nhờ thợ điêu khắc làm một tượng người phụ nữ, rồi mua vài cái vòng làm bằng vàng đeo vô cổ tay bức tượng, thầy sẽ đem bức tượng về chùa của thầy cho vong linh nghe kinh kệ để sớm siêu thoát.
 
 Ba tôi làm theo lời dặn của thầy, ba đem pho tượng gỗ vào chùa Tân Nghĩa ở Gò vấp gửi vô đây để vong kia đừng quấy phá má tôi nữa.
 
 Nhờ sự mầu nhiệm của Phật pháp, nhờ đức cao trọng vọng của thầy trụ trì chùa Tân Nghĩa nên má tôi thật sự khỏi bệnh tà ma trong một thời gian rất ngắn…
 
                               * * *
 
  Miền nam rồi cũng đến lúc bớt chiến tranh loạn lạc nên ba tôi vội đem hết gia đình để quy cố hương. 
 
 Má tôi qua đời , rồi ba tôi cũng “đi xa”, trước lúc chia tay người thân ba tôi trăn trối:
 
 -Ba má còn một món nợ với thầy trụ trì chùa Tân nghĩa, sau này có dịp trở lên Sài gòn các con phải tìm cho bằng được ngôi chùa này, cho dù sư thầy khuất núi đi chăng nữa các con nên cúng dường chư Phật nơi chùa này cho ba, có như vậy ba má mới yên lòng nơi chín suối.
 
 Tôi mang tâm nguyện của cha mìnhđi hỏi khắp nơi, bạn bè, anh em quen biết chẳng ai biết được ngôi chùa Tân nghĩa này ở đâu, tôi hy vọng một ngày nào đó tìm ra tông tích ngôi cổ tự này để thực hiện tâm nguyện cuối đời của đáng sinh thành ra anh em chúng tôi.
 


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 15/May/2018 lúc 9:07am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 16/May/2018 lúc 10:24am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 22002
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 19/May/2018 lúc 9:23am

TÌNH QUÊ



Chỉ còn ít hôm là tôi sẽ trở lên thành phố tiếp tục năm cuối cùng đại học.

Chiều. Tôi mặc bộ đồ lao động đi ra cánh đồng rộng của quê hương. Tôi dự định sẽ làm sạch mớ cỏ lúa của ruộng nhà tôi trước khi trở lên thành phố học.
Tôi đi trên bờ ranh nhỏ, thở hít làn không khí trong lành. Mặt trời chiều đã trốn mất sau những đám mây. Cánh đồng trông quạnh quẽ. Xa xa có bóng vài người đang cuốc đất đắp bờ. Tôi bỗng phát hiện một chiếc nón lá đang nhấp nhô giữa đồng. Tự dưng, tôi nghe một niềm vui len nhẹ qua hồn. Mỉm cười, tôi ngó bâng quơ lên bầu trời đang lãng đãng những bóng mây.
- Hù!
Nón lá kéo nghiên để lộ một khuôn mặt với nụ cười tươi tắn.
- Khỏi có giật mình đi. Thi thấy anh lâu rồi!
Tôi cười:
- Bao giờ?
- Hồi anh mới ra khỏi bờ dừa.
Tôi nheo mắt nhìn thửa ruộng nhỏ đang làm cỏ.
- Sao hôm nay Thi siêng vậy?
- Thi phải cố gắng hoàn tất trước khi vào năm học mới với đám học trò chứ anh.

Tôi lẳng lặng bước xuống thửa ruộng của mình, chỉ cách ruộng nhà Thi một bờ ranh.
Thi hỏi:
- Bao giờ anh trở lên trường ?
- Sáng mốt!
Thi là cô bạn gái thân nhất của tôi. Từ nhỏ chúng tôi đã chơi thân với nhau. Thi kém tôi hai tuổi. Lúc tôi vào đại học được một năm thì Thi cũng vừa tốt nghiệp cấp ba. Gia đình không muốn cô đi xa nên cô nàng thi vào trường Trung học sư phạm tỉnh.
Ra trường, nhỏ xin về dạy học ở trường gần nhà.
Thi đã leo lên bờ ranh, đứng ngắm “thành quả” của mình. Cô xoa xoa tay nói:
- Xong!
Thi ngồi xuống bờ ranh quay mặt về hướng tôi.
- Ruộng anh còn nhóc cỏ.
Nàng lại nheo mắt:
- Năn nỉ đi, em phụ cho.
Ôm dống cỏ xếp lên bờ ranh, tôi nói:
- Anh không cần năn nỉ cũng biết Thi sẽ phụ vì em rất tốt, hay giúp đỡ mọi người.
Cô nàng chun mũi:
- Thôi đừng có nịnh, “ông Khinh” ơi!
Cô nhỏ lại kêu tôi:
- Anh Thanh, nghỉ tay chút lên Thi nói cái này cho nghe.
Tôi lên ngồi cạnh cô nàng:
- Nói gì?
- Anh hay gì chưa?
Thấy dáng điệu trịnh trọng của Thi tôi “ém” cười.
- Chưa!
- Thằng cha Vũ “coi mắt” Thi.
Tôi giật mình ngó Thi chăm chăm:
- Bác sĩ Vũ?
- Ờ!
- Thi chịu không?
Nhỏ nháy mắt:
- Em “ưng”!

Nỗi bực dọc ghen hờn bỗng trào lên trong tôi. Thi nói tiếng “ưng” sao mà nghe trơn tru quá vậy? Tôi nghĩ thầm: Phải rồi. Bác sĩ, danh nghe “le” lắm. Hơn nữa ở thôn quê bác sĩ còn hiếm. Mở phòng mạch kiếm thêm, giàu chán. Hèn chi từ bấy lâu nay Thi có xem tôi ra gì đâu!
Chua chát, tôi nói:
- Thành thật chúc mừng Thi.
Rồi tôi ngồi im, “ngầu” mặt.
Ðợi tôi “ngầu” một lúc, Thi bỗng chỉa ngón tay trỏ vào hông làm tôi nhột điếng. Nhỏ nói:
- Con người gì dễ bị tác động. Mới nghe đã vội tin. Sao anh không nhớ là Thi đâu có ưa thằng cha Vũ. Hồi nhỏ, hắn hay bắt nạt, lấy sâu nhát Thi. Rồi có lần hắn còn đánh anh nữa đó.
Nghe Thi nói, tôi ngó trân cô nàng.
Nhớ lúc nhỏ, ba chúng tôi chơi thân với nhau. Vũ lớn hơn tôi mấy tuổi. Nó ỉ lớn nên hay bắt nạt bọn tôi và sáng tác nhiều trò nghịch.
Còn nhớ có lần nhà tôi có đám giỗ. Ðêm trước đó má Vũ với má Thi đến phụ má tôi làm bánh ích. Bọn tôi chơi ở trước sân. tôi kêu bọn nó chờ để tôi vào nhà xinh bánh ra ăn. Khi trở ra không thấy chúng đâu mà ở góc tố bên hè, tiếng nhỏ Thi ré lên kinh hãi.
Vũ đốt cây nhang ngậm phần cháy vào trong họng rồi nhăn răng “khè khè”. Ánh sáng làm răng nó đỏ và to bằng ngón tay. Trông mặt Vũ y như mặt quỉ.
Thấy Thi đang bụm mặt run lẩy bẩy, tôi tức, dọng Vũ một cái. Nó trả đũa bằng cách tát vô mặt làm tôi chảy máu mũi. Từ đó Thi ghét Vũ luôn. Thấy mặt nó là cô nàng nguýt, háy như thù lắm. tôi không ngờ Thi lại nhớ dai dễ sợ.
Mấy hôm trước tôi có gặp Vũ. Anh chàng giờ cao lớn và bảnh trai. Nghề nghiệp cũng ổn định. Vậy mà sao Thi không chịu vậy cà?
Tôi thăm dò:
- Anh thấy Vũ rất đầy đủ điều kiện để lo cho Thi. Làm bác sĩ cũng “le” nữa. Anh nghĩ Thi nên chịu...
Cô nàng bỗng trợn mắt nổi nóng:
- Chịu... chịu... cái gì. “Ông” làm như “tui” ham “le” lắm vậy. Chọn chồng cho “tui” chứ bộ cho... “ông” hả? Lãng xẹt!
Tôi ngồi im, nhìn Thi giận mà mở cờ trong bụng.
Cô nàng bình thường rất dịu dàng nhưng khi phật ý rất dễ nỗi nóng. Cách xưng hô “ông, tui” cho thấy là nàng đang giận lắm. Thi có lối nói chuyện rất tự nhiên. Nàng hay gọi tôi là “ông Khinh, cha nội...” Vì vậy mà tôi thấy Thi “rất riêng”. Thi còn có tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Thi luôn trân trọng niềm vui và nỗi buồn của người khác. Chính vì vậy mà đã đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều cô gái, vậy mà tôi vẫn luôn nhớ đến Thi, nhớ đến quê nhà.
- Thôi anh biết rồi. Ðừng nổi nóng nữa cô nhỏ ạ.
Tôi đưa tay bẹo má cô nàng. Quên tay tôi đang dính bùn nên mặt nàng “lảnh đủ”. Tôi lật lưng bàn tay cọ cọ vết bùn. Một cảm giác nhẹ nhàng, êm ái dâng lên, làm tôi cứ... cọ mãi. Cô nàng bỗng xô tay tôi ra:
- Thôi đi, đừng có lợi dụng.
Rồi nàng cười:
- Mình làm cỏ tiếp, anh Thanh. Kẻo tối.
Hai đứa chúng tôi cùng đứng trên một thửa ruộng, vừa nhổ cỏ vừa rì ràm trò chuyện. Chiều lướt êm trên đầu bọn tôi.
Ruộng đã sạch cỏ, chỉ còn những hàng lúa xanh tươi đang rập rờn theo chiều gió. Tôi và Thi đến mương nước rửa tay chân rồi cùng ngồi trên bãi cỏ. Hoàng hôn chầm chậm trôi. Một cơn gió lướt tới, Thi ngửa mặt lên trời kêu lên:
- Mát quá!
Nàng bỗng lay tay tôi:
- Kìa anh nhìn xem, giống con trâu ghê!
Theo hướng tay Thi chỉ, tôi nhìn nơi cuối chân trời, một đám mây mang hình con thú. Nhớ lúc còn thơ, buổi chiều bọn tôi thường ra đồng chơi, cũng nhìn lên những đám mây rồi cãi nhau bảo giống con này con nọ. Có lần Thi nói con bò, tôi nói con trâu. Hai đứa tranh cãi. Rốt cuộc tôi phải thua Thi vì lối nhận xét của nàng:
- Con bò, sừng của nó cụt hơn sừng trâu...
Thi bỗng chép miệng:
- Chiều quê êm ã và đẹp làm sao!
Tôi cũng đồng tình:
- Ðúng, nhất là ngồi giữa tĩnh yên thế này, càng thấy lòng thanh thản, không gợn một chút bon chen lợi dụng đời thường.
- Chính vì vậy mà Thi yêu quê. Mãi mãi gắn chặt với quê hương mình, không muốn đi đâu xa hết.
Tôi cũng tiếp:
- Anh cũng vậy. Mai này ra trường, anh sẽ xin về đây.
Thi ngó tôi:
- Liệu có được không?
- Chắc được thôi. Vì quê mình còn nghèo, đất cần phải được nghiên cứu tăng năng suất, mà nghề của anh là thuộc về nông nghiệp mà!
Thi lại ngó mênh mông. Nàng chợt lay cánh tay tôi, chỉ:
- Anh nhìn nơi ruộng bác Bảy Thinh. Có nhớ gì không?
- À, nhớ chứ! Trên cánh đồng này lúc xưa ruộng bác Bảy là nhiều cua, nhiều ốc nhất. Cho nên mỗi lần xách thùng ra là anh em mình chạy đến ruộng bác trước.- Anh còn nói cua, ốc rủ nhau đến đấy “ăn giỗ”!
Tôi ngó cô nàng:
- Và anh còn nhớ cả nét mặt Thi rạng rỡ khi anh xớt thêm cho Thi mớ cua, ốc lúc trở về.
Cô nàng cười nheo nheo mắt ngó tôi:
- Nhớ dai quá vậy “ông”?
Tôi cũng nheo nheo:
- Không nhớ sao được. Kỷ niệm đẹp mà!
Mải nói chuyện mà hoàng hôn dã tím chẳng hay. Thi kêu lên:
- Tối rồi. Về anh Thanh ơi. Còn tắm rửa, ăn cơm. Thi đói bụng quá trời.

Tôi và Thi bước đi. Hương đồng nội đang thấm đẫm trong gió, mùi hương dịu dàng êm ái thật dể thương như mối tình chơn chất của chúng tôi.
Chợt dưng dội trong tôi hình ảnh những ngày thơ. Cũng trên mênh mông cánh đồng này những chiều chúng tôi đã đi với nhau. Bao giờ cũng vậy, Thi trước tôi sau. Rồi bây giờ cũng thế, và tôi mơ ước mãi mãi về sau chúng tôi sẽ đi cùng nhau trên cánh đồng này, đi suốt cả cuộc đời.
Qua khỏi bờ dừa đã thấy lố nhố những ngôi nhà. Tôi bỗng chồm tới chộp tay Thi dặn dò:
- Nhớ không được ưng ai hết. Chờ ra trường anh về anh cưới. Nghe chưa?
Cô nàng nheo mắt, chun mũi trong bóng tối mờ mờ trông thật dễ thương.
- Biết rồi! Khổ quá! Nói mãi.
Thi lại chỉa ngón tay trỏ vào tôi:
- Còn anh, lên thành phố mà lang quạng với cô nào, là em... em...
- Em sao?
- Chặt anh làm... ba khúc!

Nói xong, cô nàng quay đầu chạy miết vào một ngõ trồng toàn hoa dâm bụt. Tôi ngó theo, bỗng mỉm cười thầm nhủ:
“Tướng này trồng ớt cay lắm chớ chẳng chơi!”

Sưu tầm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 189 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.549 seconds.