Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn  
Message Icon Chủ đề: TRUYỆN HAY CHỌN LỌC Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 190 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 25/Sep/2018 lúc 8:00am

Một Nụ Cười



Vào dịp cuối năm 1984, một buổi họp mặt các cựu tù nhân chính trị được tổ chức ở San Diego. Xướng ngôn viên của buổi lễ cho biết : “Khi tôi xướng tên trại nào, nếu quý anh là trại viên của trại đó, xin đứng dậy và tự giới thiệu tên của mình để các anh em khác được biết”. Nhiều trại cải tạo ở miền Bắc được lần lượt xướng tên như “Phong Quang”, “Yên Báy”, “Vĩnh Phú”, “Thanh Cẩm”, “Lý Bá Sơ”, “Nam Hà”, “Phú Sơn” v.v Trại nào cũng có năm bảy anh đứng dậy và giới thiệu tên của mình. Khi xướng tên trại Nam Hà, tôi đứng dậy và có thêm bốn anh nữa , trong đó có một anh, tự giới thiệu tên của mình là Lê Trung Đạo. Tôi lẫm nhẫm Lê Trung Đạo, Lê Trung Đạo…sao tên nghe quen quá, hình như anh ấy ở chung đội với tôi thì phải. Khi phần giới thiệu các anh em trại Nam Hà chấm dứt, tôi đi đến bàn của anh Đạo, đứng đối diện và nhìn kỹ anh ấy. Tôi nhận ra anh Đạo ngay. Tôi ôm chầm lấy anh, và anh ấy cũng ôm tôi trìu mến. Tôi thì thầm bên tai Đạo : “Em còn nhớ anh không? ” Đạo trả lời ngay: “Anh Uyển, mà sao em có thể quên được, thật vui mừng được gặp lại anh. Em trông chờ ngày này đã lâu lắm rồi!”

Khi cùng sống trong cảnh đọa đày nơi trại Nam Hà, phân trại C, tôi và Đạo nằm gần nhau. Ra đồng, bắt được con cua, con cá, tôi và Đạo cùng chia sẻ với nhau. Đạo là một Thiếu Úy Cảnh Sát Đặc Biệt, mới ra trường, không biết làm Trưởng G hay H gì đó..mà bị đày ra cải tạo ở miền Bắc. Anh còn quá trẻ, khoảng 24, 25 tuổi. Tôi xem anh như một người em của tôi và tôi rất quý mến anh. Đạo chưa lập gia đình. Anh chỉ còn một mẹ già đang sống ở Vĩnh long. Vì vậy, từ ngày bị đưa ra Bắc, Đạo chưa bao giờ nhận được quà của thân nhân từ trong Nam gởi cho anh. Anh sống hiền hòa, vui tính, nên anh em trong đội ai cũng mến anh. Đạo xem tôi như một người  anh trong gia đình, anh tâm sự với tôi : “Đời em chẳng còn gì nữa, chỉ có một người mẹ, mà từ ngày bị đày ra Bắc, đã trên 5 năm rồi em chẳng có tin tức gì của mẹ em. Không biết bà còn sống hay đã ra người thiên cổ”

Đạo nắm tay tôi và cảm động nói: “Giờ đây em chỉ có anh là người duy nhất thương mến em, cho em chút an ủi để sống qua ngày!”
Như có một động lực nào thúc đẩy, Đạo tâm sự với tôi : “Anh ạ,mình phải sống chứ anh, mà muốn sống, dù là cuộc sống thấp nhất, cũng phải có một ước mơ gì đó để mà mộng tưởng, để tiếp sức cho mình. Các anh em ở đây , dĩ nhiên ai cũng mơ ước sớm được trở về với gia đình. Ngoài xã hội thì kẻ này mơ trúng số, kẻ kia mơ nhà cửa , ruộng vườn v.v. Nhưng sống nơi địa ngục trần gian này, anh em mình mơ ước điều gì đây? Tất cả đều nằm ngoài tầm tay của mình. Đạo nói tiếp em chợt nhớ lại một câu chuyện cổ tích của Pháp, tựa đề là “Un Peu De Soleil Dans L’eau Froide” kể lại câu chuyện một ông lão nghèo khổ, sống cô đơn một mình trong căn lều nhỏ bé, trống trước, trống sau. Bổng một bà tiên hiện ra và cho ông một điều ước. Bà tiên cứ nghĩ, thế nào ông lão nghèo nàn này cũng sẽ ao ước có một căn nhà, hoặc ao ước có nhiều tiền bạc..v..v. Nhưng bà tiên vô cùng ngạc nhiên, khi ông lão nghèo khổ ấy chỉ xin “Một Nụ Cười”

Ông lảo bất hạnh trong câu chuyện cổ tích, đã chỉ cho Đạo một mơ ước, mà dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể đạt được, đó là một nụ cười. Không cần phải là nụ cười của giai nhân, mà chỉ cần một nụ cười thân ái của ai đó, chân thành trao cho anh, vì yêu mến anh, có thế thôi.
Cuộc sống tù đày cứ kéo dài triền miên trong đói khổ, vô vọng. Nhưng khi nghĩ đến một nụ cười, Đạo thấy tâm hồn mình có chút an ủi, nhẹ nhàng. Hằng ngày , Đạo ước mơ nhận được nụ cười. Đêm đêm Đạo cũng ước mong trong giấc mơ, anh sẽ gặp được một nụ cười. Nhưng buồn thay, những giấc mơ đến với Đạo chỉ là những cơn ác mộng mà thôi.

Nhưng thật kỳ diệu, từ ngày Đạo ôm ấp ước mơ có được một nụ cười, anh thấy cuộc đời của anh có chút ý nghĩa, vì dù sao anh cũng có một ước mơ, để mà thương, mà nhớ, mà mong chờ.
Một hôm, đội được dẫn đi gặt lúa, khi đi ngang qua cỗng cơ quan, Đạo thấy nhiều chiếc áo vàng đứng ở đó. Nhìn lướt qua, Đạo chợt thấy một nữ cán bộ nhìn anh mỉm cười. Anh không tin ở mắt mình, anh nghĩ rằng có thể cô ta cười vu vơ gì đó, chứ đâu phải cười với anh. Anh quay lại nhìn một lần nữa, vẫn thấy cô ta nhìn anh và mỉm cười.
Từ ngày ấy, mỗi khi đội đi ngang qua cỗng cơ quan, Đạo đều bắt gặp nụ cười của người nữ cán bộ dành cho anh. Vì vậy khi đi lao động, Đạo luôn luôn đi cuối hàng để dễ đón nhận nụ cười của cô nữ cán bộ. Đạo cũng cười đáp lễ với cô ta. Đạo bắt đầu thấy cuộc đời của mình, có một chút gì thi vị, đáng sống. Khi ăn, khi ngủ, nụ cười đó luôn luôn theo anh, cho anh niềm an ủi, và chút lạc quan để sống. Anh em trong đội đều biết mối tình mắt nhìn mắt và trao đổi nụ cười của Đạo và cô nữ cán bộ.

Không những Đạo nhớ đến nụ cười, anh còn nhớ đến đôi mắt như muốn nói với anh muôn ngàn lời, anh nhớ đến người con gái ấy. Ban đầu anh nghĩ rằng cứ giã bộ vui vẻ cho qua ngày. Nhưng trong tâm trí anh, luôn luôn nhớ đến cô gái ấy và anh nhận ra rằng anh đã yêu cô ta. Đạo nhớ lại ngày xưa Elvis Presley đã hát một bài hát nỗi tiếng là bài Don’t Gamble With Love nay thật đúng như trường hợp của Đạo. Bây giờ Đạo không còn cho rằng lao động là khổ sai nữa, mà anh trông chờ mỗi buổi sáng được đi ngang qua cỗng cơ quan, để đón nhận nụ cười của người nữ cán bộ.
Một buổi chiều khi đi lao động về,nghe các anh em Công Giáo tập hát bài “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”, Đạo mới biết, đêm nay là đêm Noel. Khi cửa phòng giam đóng lại, anh em Công Giáo vội vã thiết trí một ngôi sao Giáng Sinh và hàng chữ “Mừng Chúa Giáng Sinh” ở vách tường cuối phòng. Họ nắm tay nhau ca hát, đọc kinh, cầu nguyện. Đạo nằm mơ màng, lơ đãng nhìn về cuối phòng, chung quanh hàng chữ “Mừng Chúa Giáng Sinh”, Đạo tưởng tượng như có những bóng đèn màu chớp sáng. Anh mơ hồ nghe như có tiếng nhạc bài Silent Night dịu dàng thoảng đi trong gió…Anh thiếp đi trong giấc ngủ yên lành.

Vào một buổi sáng chúa nhật, chúng tôi được gọi ra sân để nhận quà của thân nhân từ trong Nam gởi ra. Thường thì 80 đến 90 phần trăm anh em đều nhận được quà. Riêng Đạo thì chưa bao giờ nhận được quà của thân nhân. Nhưng thật bất ngờ, hôm nay cán bộ lại kêu tên Đạo lên nhận quà, ai cũng ngạc nhiên và mừng cho Đạo. Anh nhận một gói quà bình thường, nhưng cách gói quà, khác với những gói quà từ trong Nam gởi ra. Đạo sững sốt nhận gói quà, đem về phòng, cẩn thận mở ra. Một mãnh giấy nhỏ nằm trên những gói đồ ăn, anh đọc vội hàng chữ “Trìu mến gửi anh Đạo – Em : Kim Chi”. Với mấy chữ ngắn gọn đó, Đạo biết ai gởi cho anh món quà tình nghĩa này. Anh ôm gói quà vào lòng. Anh không ngờ người nữ cán bộ có nụ cười dễ thương đó, lại dám liều lĩnh gởi quà cho anh. Hai hàng nuớc mắt chảy dài xuống má, đây là những giọt nước mắt hạnh phúc mà từ lâu anh không hề có.
Trại Nam hà, Phân trại C, nơi chúng tôi đang ở, phía sau là con đường làng. Trại chỉ ngăn cách với bên ngoài bởi những bụi tre thấp và hàng rào kẽm gai. Dân chúng đi ở ngoài, chúng tôi có thể thấy họ. Thường vào buổi chiều, sau khi ăn cơm xong , chúng tôi hay ra ngồi chơi ở sân sau đó, nhìn người qua lại. Một hôm, chúng tôi thấy cô cán bộ Chi đi lui, đi tới ở ngoài hàng rào, rồi thình lình quăng vào trong một cái gói nhỏ. Chúng tôi biết cô ấy gởi gì đó cho Đạo, chúng tôi mang vào cho anh. Đạo không biết Chi gởi gì cho anh, nhưng anh cảm động lắm. Anh em hiếu kỳ đứng quanh giường của của Đạo, để xem cô Chi đã gởi gì cho anh: đó là một gói xôi và một con gà vàng rộm. Đối với tù nhân, đói triền miên như chúng tôi, thì gói xôi gà này là cao lương mỹ vị bậc nhất trên thế gian này. Đạo rất hào phóng, anh chia đều xôi, gà cho tất cả 32 anh em trong đội, mỗi người được một muỗng xôi và chút ít thịt gà. Có người ăn ngay, nhưng cũng có vài anh em để đó, hít hít mùi thịt gà cho đỡ thèm.

Đạo thấy thương Chi quá, vì yêu anh, nàng đã gan liều làm những việc như vậy, vì nếu bị phát giác, nàng ở tù như chơi. Đạo càng thương Chi khi nghĩ đến tương lai : một cán bộ công an yêu một sĩ quan cảnh sát ngụy...thì đời nào có thể sum họp được. Anh thở dài !

Vào một sáng chúa nhật, một anh trật tự đến phòng chúng tôi, bảo anh Đạo chuẩn bị ra có người thăm nuôi. Chúng tôi rất ngạc nhiên, vì từ bao năm nay, Đạo thuộc diện con mồ côi, chưa hề có ai gởi quà cho Đạo, nói gì đến chuyện thăm nuôi.Thế mà hôm nay, lại có người thân nào đó đến thăm Đạo. Chúng tôi mừng cho Đạo. Khoảng 9 giờ sáng, anh được cán bộ dẫn ra nhà thăm nuôi. Chúng tôi hồi hộp chờ Đạo trở vào để xem anh nhận được những quà gì của thân nhân đem đến.

Nhưng chúng tôi chờ mãi…đã ba , bốn giờ chiều rồi, vẫn chưa thấy Đạo trở vô trại. Thường một trại viên được gặp mặt thân nhân khoảng 15, 20 phút, tối đa là nửa giờ. Thế mà , Đạo ra nhà thăm nuôi đã hơn bốn, năm tiếng rồi mà chưa thấy vô. Chúng tôi bắt đầu lo lắng cho Đạo, không biết chuyện gì đã xảy ra cho anh, lành hay dữ. Và từ đó, chúng tôi không còn biết tin tức gì về Đạo nữa.

Hôm nay gặp lại Đạo, tôi đem chuyện ấy ra hỏi Đạo, anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây:
 Anh Uyển nhớ không, ngày chúa nhật hôm đó, em được dẫn ra nhà thăm nuôi, nói là có thân nhân đến thăm. Em vô cùng ngạc nhiên vì em đâu có thân nhân nào từ trong Nam có thể ra thăm em. Bước vào nhà thăm nuôi, em thấy Chi và một ông Thượng Tá công an ngồi ở đó.Chi vội vã đứng lên giới thiệu : “Đây là cậu Du của Chi, đang công tác ở tỉnh Thái Bình, em nhờ cậu ấy đến thăm anh.” Đạo bối rối nhìn Chi, nhìn ánh mắt, nụ cười của Chi. Chi mặc đồ công an, trên cổ áo có đeo quân hàm Thiếu Úy. Chi biết Đạo ngỡ ngàng, thắc mắc nên cô nói ngay : “Anh đừng lo, em bảo anh làm gì thì cứ làm theo, chớ có hỏi han gì hết”. Chi dẫn Đạo vào một căn nhà ở gần nhà thăm nuôi, nhà không có ai cả. Chi bảo tôi cởi bộ áo quần tù ra, và mặc ngay bộ đồ công an đã để sẵn ở đó; ngoài áo quần, có cả nón, cặp da và giấy chứng nhận đi công tác miền Nam. Em như trên trời rớt xuống, nhưng không có thì giờ để hỏi Chi, việc gì đang xảy đến cho em. Khi em đã mặc xong bộ đồ công an, Chi nhìn em mỉm cươì , rồi kéo em ra ngỏ, bảo em leo lên một chiếc xe Jeep nhà binh đậu sẵn ở đó., và chạy ra ga xe lửa Phủ Lý. Chi bảo em cứ ngồi trên xe, Chi vào mua vé xe lửa đi về Sàigòn. Khi đưa em lên xe lửa, Chi ân cần căn dặn: “Không nên về nhà, cũng đừng liên lạc với mẹ, mà tìm một người bà con nào đó ở tỉnh khác xin trú ngụ vài ngày, rồi tìm đường vượt biên. Tốt nhất là đi đường bộ qua ngã Campuchia”. Chi đưa cho em một gói giấy và nói: “Đây là ít tiền để anh tiêu dùng, nhớ là phải vượt biên ngay nhé!”. Chi cầm tay em và chân thành nói : “Em là vợ của anh, anh đừng quên em!”. Em ôm Chi vào lòng, nước mắt ràn rụa. Chi cũng khóc trên vai em. Xe lửa từ từ lăn bánh, hình ảnh Chi cô đơn đứng một mình trên sân ga, nhỏ dần, nhỏ dần.. Em thấy nhiều lần Chi đưa tay lên lau nước mắt. Trong tim em, mối tình mà Chi dành cho em quá sâu đậm, đã chiếm trọn cuộc đời em. Em vỗ vỗ vào trái tim của mình “Đạo, Đạo, mày phải sống xứng đáng để đền ơn đáp nghĩa cho Chi nghe chưa”

Khi xe lửa dừng lại ở ga Bình triệu, Sàigòn, em không về nhà em ở Vĩnh Long, mà đến nhà dì em ở Cần Thơ xin trú ngụ.Chồng của dì  là một Đại úy Công Binh Việt nam Cộng Hòa, trước năm 1975, ông phục vụ ở Tiểu Đoàn 24 Công Binh Kiến tạo, mới được trả tự do. Gia đình dì, dượng tôi đang âm thầm chuẩn bị vượt biên. Dì, dượng em vui vẻ chấp thuận cho em cùng đi theo. Emi đã đưa gói tiền mà Chi trao cho tôi, cho dì tôi để bà tiêu dùng. Mở gói ra xem, dì bảo em : “Tiền đâu mà cháu có nhiều vậy?” Em trả lời ngay : “Của vợ con cho đó!”

Vào một đêm tối trời, ghe máy chở cả nhà ra cữa biển Đại Ngãi, vì tàu lớn đang đậu ở đó. Sau 3 ngày và 4 đêm, tàu đã đến hải phận Thái Lan, được tàu tuần duyên của Thái Lan đưa về trại Sikiew. Trong cuộc phỏng vấn thanh lọc, nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc hỏi em rất ít. Em nghĩ là họ có đầy đủ hồ sơ cá nhân của ngành Cảnh Sát Đặc Biệt. Họ chỉ hỏi em là làm Trưởng G hay Trưởng H, em trả lời. Người nhân viên đó lấy trong tập hồ sơ ra một tấm ảnh, anh ta nhìn em rồi gật đầu.Thế là em vượt qua cuộc thanh lọc. Mấy tháng sau, họ chuyển em qua trại Pulau Bidong ở Mã Lai, để chờ chuyến bay đi định cư ở Mỹ.

Em mau chóng gởi thư cho má ở Vĩnh Long, báo tin em đã bình yên đến trại Pulau Bidong ở Mã Lai, đang chờ chuyến bay để đi định cư ở Mỹ. Khoảng 2 tuần sau, em vui mừng nhận được thư hồi âm của má, và một bất ngờ thú vị đến với em là có cả thư của Chi nữa! Má em đã viết : “Đạo con, má rất vui mừng nhận được tin con đã đến nơi bình yên. Má cho con biết là Chi đang ở đây với má. Chi đã kể cho má nghe hết mọi chuyện. Má rất hạnh phúc có được một con dâu hiếu thảo như Chi, má mừng cho con”

Đạo run run mở thư của Chi ra đọc: “ Anh Đạo yêu quí của em, nghe anh đã đến đảo và đang chờ chuyến bay để đi Mỹ, má và em mừng quá anh ơi. Khi anh đi về Nam chưa đầy một tháng, họ đuổi em ra khỏi ngành công an. Em đã về Vĩnh Long ở với má, em thay anh phụng dưỡng, săn sóc má, anh yên tâm ! “
Với lời lẽ chân tình, mộc mạc, em uống từng chữ, từng lời trong bức thư ngắn gọn của Chi, em áp bức thư vào ngực và đi vào giấc ngủ.

Thưa anh. Năm 1982, em được đi định cư ở Mỹ. Khi có thẻ xanh, em đã làm hồ sơ bảo lãnh Chi. Trong thời gian ở với má ở Vĩnh Long, không biết Chi hỏi thủ tục bảo lãnh ở đâu mà nàng ra Thái Bình, nhờ người cậu Thượng Tá Công An của nàng, làm một giấy hôn thú của em và Chi, có đầy đủ chữ ký và khuôn dấu đỏ xác nhận của chính quyền địa phương.

Năm 1987 khi em được nhập quốc tịch Mỹ, em đã bổ túc hồ sơ bảo lãnh. Chi đã nhanh chóng được phỏng vấn. Lúc này, những trường hợp gian dối chưa xảy ra nhiều, nên việc chấp thuận cho chồng bảo lãnh vợ tương đối dễ dàng nếu có đầy đủ giấy tờ chứng minh.
Vào một ngày se lạnh ở miền Nam Cali, em và vài bạn bè thân quen đến đón Chi ở phi trường Los Angeles. Em đã ôm Chi vào lòng, vì quá cảm động, em chỉ thốt lên được một tiếng “Em!” Chi cũng vậy, nàng thổn thức trên vai tôi “Anh!”. Chỉ 2 tiếng “Anh” “Em”, nhưng đã gói trọn cuộc tình mà chúng em nghĩ là không bao giờ có thể sum họp được. Tạ ơn Trời Đất ! 
Đạo xây qua người đàn bà ngồi bên cạnh, và giới thiệu với tôi : “Thưa anh, đây là Kim Chi, vợ em” Chi bẽn lẽn cúi đầu, che dấu nụ cười đã đem lại sức sống và hạnh phúc cho Đạo.
Tôi đã được nghe, được biết nhiều mối tình ly kỳ, éo le lắm. Nhưng nếu nói đến một mối tình thật lãng mạn, mà người con gái đã dám hy sinh sự nghiệp và cả tính mạng mình cho người yêu, thì không thể không nói đến mối tình của nàng  nữ cán bộ công an Kim Chi và chàng Thiếu úy Cảnh Sát Lê Trung Đạo.

Bửu Uyển


%20


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 25/Sep/2018 lúc 8:09am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 26/Sep/2018 lúc 1:28pm

Mùa Thu của Cuộc Đời


Its%20a%20beautiful%20world

- Những ngày gần đây bà có ý định tự kết liễu cuộc đời mình hay không?
Vị bác sĩ chuyên môn về những bệnh tâm thần chăm chú nhìn Hồng Loan với ánh mắt soi mói như muốn thăm dò từng phản ứng của nàng. Nhưng vẻ mặt bất biến của người đàn bà trẻ tuổi ngồi trước mặt ông, với đôi mắt buồn vời vợi, ánh nhìn xa xăm, không chớp mắt, ánh nhìn như của một pho tượng đẹp, không mảy may cho ông ta một ý tưởng nào về tâm tư  lúc đó của Hồng Loan.

Thời gian như chậm lại, không khí có vẻ như nặng nề đôi chút. Người bác sĩ không thấy bệnh nhân trả lời bèn lên tiếng:
- Có hay không thưa bà?
Hồng Loan quay mặt nhìn người bác sĩ mà từ ba bốn năm nay nàng đã thôi tới thăm. Một thời gian dài bệnh trầm cảm của nàng đã suy giảm, nàng đã không còn phải uống nhiều thuốc như trước kia, nàng đã tự tìm được một phương thức giải quyết những suy tư đen tối. Để rồi, mới đây nàng lại rơi vào cái vực thẳm của tâm hồn, chơi vơi, chơi vơi giữa những làn sóng của những ý tưởng mờ ám… Chưa bao giờ nàng thấy cuộc sống lại vô nghĩa như thế. Nhưng tất cả những suy tư, nàng đã giấu kín trong lòng, không bao giờ để bộc lộ ra ngoài. Nàng không bao giờ cho gia đình bạn bè hay biết những cảm giác đang xâu xé con người nàng, đang dày vò nàng ban đêm, khi nàng một mình trên chiếc nệm êm ấm phải đối phó với trăm ngàn mủi dao châm chích vào tâm trí nàng.
- Có không? Điều này rất quan hệ. Tôi thành khẩn xin bà nói thực….

Hồng Loan cảm thấy tội nghiệp cho vị bác sĩ với những lời lẽ quá lễ phép. Ông ta đang trông chờ nàng trả lời có để đưa nàng vào nhà thương dành riêng cho những người “có tư tưởng tự ám hại thân mình?” Ông ta không muốn phải chịu trách nhiệm cả về mặt lương tâm nghề nghiệp lẫn luật pháp? Ông muốn biết liệu rồi người bệnh nhân trẻ đẹp của ông có đi tự tự hay không để ông ngăn chặn trước?
- Thưa bà, nếu bà có ý định tự ám hại thân thể thì bà phải cho tôi biết…

Nàng không muốn bị đưa vào một phòng biệt lập, để rồi bị canh chừng từng giờ từng phút, như thể nàng là một người điên. Nàng không muốn bị đè ra chích những mũi thuốc an thần…
- Thưa bác sĩ, không, tôi không hề có ý nghĩ tự tử. Nhưng tôi bị ám ảnh…
- Bà bị cái gì ám ảnh, thưa bà?
- Cái chết. Hình ảnh cái chết ám ảnh tôi, mỗi đêm, làm tôi không còn ngủ được yên giấc. Tôi hay bị những cơn ác mộng kinh hoàng. Chúng làm tôi tỉnh dạy giữa đêm. Tôi không ngủ lại được. Không biết thuốc ngủ có giúp tôi được không, thưa bác sĩ?
- Tôi sẽ cho bà thuốc an thần, tôi hy vọng thuốc sẽ giúp bà có giấc ngủ yên bình hơn. Nhưng bà cũng nên biết, khó mà có thể trấn áp được những cơn ác mộng… Bà có thể cho tôi biết vì sao bà bị ám ảnh bởi cái chết? Bà có ai trong gia đình mới qua đời? Một người bạn, một người thân thương...?

Hồng Loan hơi rùng mình khi nghe câu hỏi của vị bác sĩ. Quả nhiên, ông ta nói đúng. Một người thân thương của nàng đã vĩnh viên ra đi bỏ nàng chơi vơi với cuộc đời trống rỗng. Nhưng miệng nàng lại nói:
- Không, mọi chuyện bình thường. Không có ai thân thiết của tôi mới qua đời cả.
- Thế chuyện gì đang làm cho bà bận tâm? Cái gì làm cho bà lo âu? Bà có thể cho tôi hay?
- Chẳng có gì làm cho tôi bận tâm. Tôi chỉ cảm thấy buồn chán, tôi không hiểu vì sao…

Nàng chợt thấy khó chịu khi đã không có đủ can đảm nói ra sự thật. Sự thật là nàng hiểu rõ vì sao nàng buồn, vì sao nàng thấy cuộc đời vô vị, vì sao nàng thao thức bao đêm với những ý tưởng điên rồ quay cuồng trong tâm trí.
- Có gì thay đổi trong gia cảnh của bà hay không? Có điều gì khác lạ làm cho bà buồn bực lo nghĩ?
- Không thưa bác sĩ. Mọi chuyện vẫn thế, vẫn tẻ nhạt như bao giờ…

Đã bao nhiêu lần nàng thổ lộ tâm tư nàng với vị bác sĩ này? Ông ta biết rõ hoàn cảnh gia đình nàng, biết rõ rằng giữa nàng và Huân không còn gì hết, nàng chỉ còn ở cùng nhà với người chồng hơn mười lăm năm vì đứa con gái còn bé. Giữa hai người không còn tình cảm thương yêu. Chỉ còn là một cuộc sống chung chạ vô nghĩa. Hai người ở bên nhau như hai người ở trọ. Nhạt nhẽo. Vô vị. Những ngày dài lê thê, trôi qua, buồn bã, như cảnh trời xám xịt của mùa Thu. Mùa Thu của cuộc đời. Nàng nhớ lại lời nói của vị bác sĩ những lần đầu khi phỏng vấn nàng, “tại sao bà không chấp nhận một cuộc ly dị?” Tại sao? Tại vì đứa con khi đó mới lên mười. Mà nó lại rất yêu bố nó, có khi còn yêu hơn cả yêu nàng. Có thể nói Huân cũng thương yêu nó rất nhiều. Hay anh làm ra vẻ như vậy. Huân biết cách làm cho đứa con gắn bó với mình. Cái gì mẹ nói không thì bố nó nói okay. Huân biết mua chuộc sự yêu thương của đứa bé. Chính sự việc đó càng làm cho nàng bực bội. Nhưng làm sao chấp nhận một sự đổ vỡ? Làm sao chấp nhận làm cho một tâm hồn ngây thơ bị hoen ố? Không, thà nàng chịu khổ một mình, không thể bắt đứa bé chịu một phần đau thương. Không phải chỉ là sự hy sinh về phần nàng. Nàng sợ một tai họa xãy đến cho đứa bé, chỉ có thế thôi…Tự nhiên Hồng Loan nhớ lại cuộc nói chuyện đã lâu lắm, có lẽ đã từ năm năm trước, của nàng với vị bác sĩ này:
- Bà đang sống trong một xã hội phương Tây. Hạnh phúc cá nhân là điều quan trọng cho một cuộc sống bình thường thưa bà.
- Vâng, nhưng tôi vẫn là một người mẹ Việt Nam…
- Truyền thống xứ bà không chấp nhận  sự ly dị?
- Không hẳn thế, thưa bác sĩ. Nhưng tôi thương con tôi, tôi không muốn một sự bất trắc…
- Theo tôi nghĩ, cháu bé cũng sẽ không bị ảnh hưởng gì nhiều… Sức khỏe của bà rất quan trọng cho đứa bé… Bà cần một cuộc sống cân bằng để chăm lo cho nó…
- Tôi chịu đựng được một mình. Tôi chỉ cần sự trợ giúp của thuốc men…
- Thuốc men chỉ giúp một phần thôi thưa bà. Bà cần suy nghĩ…
- Tôi đã suy nghĩ rồi…suy nghĩ nhiều là đàng khác. Chính vì vậy mà tôi… buồn.
- Bà thật can đảm…
- Tôi không nghĩ đó là một sự can đảm. Tôi nghĩ đó chỉ là một sự cắn răng chấp nhận.

Mà đúng vậy, nàng đã phải chấp nhận số phận của mình. Mười lăm năm trước nàng đã có thể quyết định xa rời Huân một cách dễ dàng. Khi đó Bé Hạnh chưa ra đời. Năm năm sóng gió, trước ngày hai người có con với nhau. Bây giờ nghĩ lại nàng không thể tưởng tượng nổi tại sao khi đó nàng lại không quyết định rời bỏ Huân. Khi đó, hành động ấy thật đơn giản. Cái gì đã ngăn cản nàng? Khi đó nàng bơ vơ, không có ai ngoài Huân. Nàng không thể rời bỏ cái mỏ neo duy nhất mà nàng có trên đời. Nghĩ lại lúc đó nàng thiếu can đảm. Thực ra bỏ Huân nàng củng đâu có chết? Nàng có tất cả những yếu tố thiết yếu để có thể sống độc lập. Vậy mà… Bi giờ nàng thấy sao nàng khờ đến thế! Thật là lạ lùng! Để rồi sau này số phận nàng được an bài, nàng chỉ còn cắn răng chịu đựng.
- Liên lạc giữa hai vợ chồng bây giờ thế nào? Có tốt hơn không, thưa bà?

Lời nói của vị bác sĩ làm cho nàng chợt bừng tỉnh khỏi cơn mơ. Có tốt hơn không? Làm sao tốt hơn? Mà cũng không xấu hơn. Mọi chuyện vẫn thế, vẫn như bao năm trước đây. Vậy mà mười mấy năm trời đã trôi qua, nhìn lại nhiều khi nàng thấy hoảng. Rồi mai sau sẽ ra sao? Nàng nhớ đến bài ca Doris Day hát khi nàng còn là một đứa bé, “Que sera sera, whatever will be will be, the future’s not ours to see, que sera sera…” Mà sao nàng lại cứ phải chấp nhận những gì đến với nàng như thế nhỉ? Hồng Loan quay nhìn vị bác sĩ. Nàng thầm nghĩ, “Bác sĩ tâm thần, họ kiên nhẫn lạ lùng!” nàng nói:
- Vẫn như bao giờ thưa bác sĩ. Hai người vẫn hai phòng riêng. Nhà tôi ở trên lầu, tôi với cháu bé ở dưới nhà.
- Sinh hoạt gia đình thế nào thưa bà? Còn tranh luận gay go nữa thôi?
- Thường thì không. Đôi khi nhà tôi làm cho tôi bực mình. Khi đó thì có chuyện. Gay cấn một lúc rồi thôi. Đâu lại vào đó thưa bác sĩ…

Làm sao mà thôi có tranh luận gay go? Nàng và Huân là hai đối cực. Cái gì nàng ghét thì Huân thích. Cái gì nàng chấp nhận thì Huân phản đối. Việc gì nàng làm thì Huân tỏ ý không bằng lòng. Vậy mà Huân không thể không có nàng. Lý do thật đơn giản. Anh muốn có một người để chăm lo cho gia đình, trông nom săn sóc con cái, đi chợ làm cơm, giặt rũ ủi quần áo, vân vân…Ở nhà cái gì cũng đến tay nàng. Thậm chí đi mua cái kìm cái búa cái đinh cũng nàng đi. Huân không làm một cái gì khác ngoài đi kiếm tiền… Mà anh ta cho thế là đã làm đầy đủ bổn phận. Riết nàng thấy nản. Nhìn chồng những đứa bạn thương yêu chăm lo cho vợ, phụ giúp làm việc nhà, sao nàng thấy ngao ngán cho thân phận mình….
- Bà vẫn ở chung với ông nhà?
- Đâu còn cách nào khác? Tôi còn cháu bé…
- Cháu năm nay lớp mấy rồi nhỉ?
- Lớp Bẩy.
- Lớp Bẩy… Như vậy bà còn năm năm nữa.
- Chín năm. Bác sĩ chưa kể bốn năm đại học.

Nay mình đã quá bốn mươi lăm. Chẳng bao lâu nữa mình đã già? Lạ thật mà sao thời gian trôi nhanh như vậy được nhỉ? Mình có sẽ còn cuộc sống riêng để hưởng nữa hay thôi? Ngày bé Hạnh ra Đại Học thì mình cũng đã gần sáu mươi. Không biết có còn kịp để làm lại cuộc đời? Làm lại cuộc đời? Số nàng có được may mắn gặp một người thương yêu nàng săn sóc nàng như nàng thèm muốn hay không? Nhưng dù có phải thoát ly để sống một mình cũng vẫn còn hơn là ở đời ở kiếp với Huân. Nàng nghĩ vậy. Trong hai người chỉ có Huân là cần nàng, còn nàng đâu cần Huân? Ra đi nàng không mất mát gì hết, trái lại nàng được tự chủ, tự do, được thoát khỏi mọi ràng buộc một chiều.
- À! Rồi bà có tính gì hay không ?
- Tôi chưa biết. Chắc tôi sẽ ra ở riêng. Tôi hy vọng như vậy. Tôi chán cảnh sống chung lắm rồi. Chỉ thêm lắm rắc rối buồn phiền… Thôi tôi xin kiếu từ. Tôi còn phải đi đón học cháu bé…
- Tôi gửi toa thuốc xuống Nhà Thuốc Tây dưới nhà. Bà nhớ uống thuốc đều đặn, mỗi tối trước khi đi ngủ. Ba tháng nữa xin bà trở lại gặp tôi.

Hồng Loan bước ra khỏi bệnh viện, trong lòng không vui. Vị bác sĩ đã chẳng giúp gì được nàng ngoài kê đơn thuốc cho nàng. Nàng hy vọng loại thuốc mới sẽ giúp nàng ngủ yên bình để sáng ra đi làm nàng không thấy mệt trong người, không thấy bần thần khi ngồi vào chiếc bàn làm việc. Ngoài sân bệnh viên đã lác đác những chiếc lá khô mà những cơn gió thổi thốc vun sang hai vệ đường. Nàng bỗng thấy chạnh lòng. Mới mùa Hạ đây mà nay đã bước sang Thu. Ngước mắt lên trời, nhìn những tàn cây mới chuyển màu, nàng lấy lòng mình nao nao một nỗi buồn bâng quơ. Một cơn gió lạnh làm cho nàng rùng mình. Theo phản xạ nàng lấy tay kẹp hai mép chiếc áo len mỏng trước ngực. Chỉ vài tuần nữa Thu sẽ đến hẳn, những lá cây chết sẽ theo cơn gió bay lơ lửng trước khi đổ xuống để rồi khô héo sột soạt dưới bước chân người đi… Hồng Loan mỉm cười trước hình ảnh thơ mộng của mùa Thu vừa thoáng qua tâm trí nàng. Bỗng dưng nàng muốn đi thăm Công Viên của Tình Yêu để nhớ lại những kỷ niệm…

Nàng đi đón Bé Hạnh đưa nó đến gửi nhà bà ngoại rồi lái xe đến nơi ấy. Công viên Tình Yêu năm bên bờ con sông lớn chảy qua thành phố. Muốn đến đây, Hồng Loan đã phải lái xe hơn nửa tiếng đồng hồ. Đã bao nhiêu lần trong những năm vừa qua nàng tới đây, nơi hẹn hò của nàng với tình nhân, nàng không đếm xuể. Những ngày thứ bẩy, những ngày nàng nói với Huân nàng đi làm phụ trội, nàng đã đến nơi này để được gặp người yêu, người đã mang hạnh phúc đến cho nàng. Chính Quang là liều thuốc đã chữa căn bệnh trầm cảm của nàng, chính anh đã mang đến cho nàng ý nghĩa của cuộc sống, anh đã ban cho nàng những  giây phút tuyệt vời, bù đắp lại những nhàm chán của những ngày trong tuần. Hồng Loan đã sống cho những ngày thứ bẩy đó, nàng chờ mong mỗi ngày thứ bẩy như con chờ quà của mẹ đi chợ về. Sau ngày thứ bẩy là một chuổi những ngày nàng thẫn thờ mong thời gian trôi qua mau, nhưng nàng đã dấu kín tất cả, sự náo nức khi thứ bẩy đến cũng như sự u buồn trong những ngày còn lại, nàng dấu kín trong lòng, không để bất cứ ai biết. Những sáng thứ bẩy, nàng cũng uể oải thức dậy, cũng uẻ oải bước lên xe ra đi. Huân không sao biết được rằng nàng đã nói dối, nàng không đi làm, nàng đã có những hẹn hò với tình nhân. Nhiều lúc nàng tự hỏi nếu Huân biết thì sao? Cái gì sẽ xẫy ra? Có thể chàng sẽ lờ đi, chàng sẽ chẳng nói điều gì, có thể….

Loan bước ra khỏi xe, mở cửa sau với tay lấy chiếc áo choàng, mặc vào. Khí trời lành lạnh, những làn gió nhẹ làm cho nàng bừng tỉnh, nàng bước nhanh qua cổng, đi vào phía bên trong công viên. Đã tám tháng qua nàng không còn tới nơi đây mỗi ngày thứ bẩy nữa, lý do đơn giản là vì những cuộc hẹn hò với Quang đã chấm dứt. Lòng nàng bồi hồi xúc động khi vừa vào nơi đây, những hình ảnh đẹp của một thời hiện ra trong tâm trí nàng. Mới ngày nào, Quang còn đứng chờ nàng nơi đây mỗi lần hẹn hò để rồi khi hai đứa vừa thấy nhau là vui mừng chạy tới ôm nhau thật chặt, thật lâu. Rồi Quang đặt trên má nàng một nụ hôn nồng cháy và âu yếm nói khẽ vào tai nàng, “ anh thương em quá à!”. Hai đứa nắm tay nhau và anh dìu em đi vào thế giới của yêu thương. Mà trên cõi đời này đối với Hồng Loan không gì quí hơn tình thương, cái mà nàng khát khao từ mười mấy năm trời. Sống với Huân, tim nàng đã lạnh nguội, nàng đã không còn biết tình yêu là gì. Nàng không thể hiểu vì sao mà khi xưa nàng lại chấp thuận lấy Huân làm chồng nữa. Những ngày xa xưa đó đã trôi vào dĩ vãng, nàng cũng chẳng còn muốn tìm hiểu, nàng chỉ biết rằng giờ đây Huân đã thờ ơ với nàng, đã không tỏ vẻ gì là yêu nàng nữa, đã nhạt nhẽo với nàng…. Và để bù đắp sự thiếu thốn tình cảm, để đáp lại sự thèm muốn của con tim, nàng đã sẵn sàng đi tìm một người để yêu và nhờ trời nàng đã gặp Quang. Hai đứa đã yêu nhau ngay từ phút ban đầu, khi vừa mới quen nhau…

Hồng Loan bước chậm theo con đường sỏi có hàng cây cao hai bên chạy ngoằn ngoèo theo những bãi cỏ thênh thang và những vườn hoa. Thu đã về, lá đã rơi rụng, hoa đã tàn, những cây hồng cũng đã bắt đầu trụi lá, chẳng bao lâu nữa người làm vườn sẽ cắt hết những cành chỉ còn để trơ lại thân cây và dăm ba cành lớn. Mới mùa Thu năm trước, Quang đã dìu nàng đi, dưới bầu trời u ám, và để cho nàng vui, anh đã khe khẽ hát cho nàng nghe bài ca của Nat King Cole:
It was fascination, I know
And it might have ended right then, at the start
Just a p***ing glance, Just a brief romance
And I might have gone on my way, empty hearted
It was fascination, I know
Seeing you alone with the moonlight above
Then I touch your hand and next moment I kiss you
Fascination turned to love
It was fascination, I know
Seeing you alone with the moonlight above
Fascination turned - to - love

Thế mà giờ đây anh đã ra đi để cho nàng trong lòng một vực thẳm hụt hẫng, một bầu trời thương nhớ, một ngàn kỷ niệm, và bao nhiêu sót thương mênh mông, mênh mông. Bây giờ đây, nơi nào trong cái công viên này cũng có hình bóng anh hiện ra, nụ cười mỉm của anh, ánh mắt trìu mến, lời nói ngọt nào văng vẳng bên tai nàng…Anh, người nàng thương yêu ngút ngàn, cái trán cao, mái tóc dài, đôi mắt đen láy với ánh nhìn xa xăm, làm sao nàng quên cho được. Mất anh, nàng mất tất cả, mất nguồn sống, mất niền hy vọng, mất tương lai, mất cả ý chí. Anh đã là cái cột để nàng dựa vào, là sức mạnh đưa đẩy nàng đi tới, là bục thềm nâng nàng lên cao…

Hồng Loan nhớ tới những ngày Mùa Xuân vừa qua, Công Viên tràn ngập những bông hoa muôn màu, đủ loại, nàng và người tình đi tản bộ nơi khu vườn hồng, xung quanh là những pho tượng khỏa thân bằng cẩm thạch tuyệt đẹp. Quang thích chụp hình nàng vui cười bên những bông hoa tươi thắm, anh nói nịnh, “anh thấy em còn xinh đẹp hơn cả những bông hoa kia!” Anh vòng tay anh ôm lưng nàng, hai đứa đi dạo ngắm cảnh, lâu lâu anh lại cúi xuống hôn lên má nàng. Mùa Xuân là mùa của yêu đương, hai đứa sung sướng được ở bên nhau, Hồng Loan thấy tràn ngập hạnh phúc bên người nàng thương yêu. Nàng quên hết những ưu tư, nàng chỉ sống cho những ngày vui hiếm hoi đó.

Mủa Hè, hai đứa ngồi trên băng dài dưới anh nắng chói chan, nàng nhắm mắt ngả đầu lên vai anh, nghe anh kể lại những chuyện xưa trong cuộc đời anh. Có khi hai đứa nằm dài trên cỏ, anh nằm ngửa mặt lên trời, còn nàng nằm xấp, chống ai tay, tinh nghịch lấy cây cỏ dại vờn lên má anh. Nàng hỏi anh đã có bao nhiêu người yêu  trước nàng và bắt anh nói về những người tình đó cho nàng nghe. Không phải vì nàng ghen, vì ai lại đi ghen với quá khứ, nhưng vì nàng tò mò muốn biết đẹp trai như anh thì có bao nhiêu em gái bu quanh… Nàng nhớ tới những lần hai đứa đi dọc ở bờ sông, đến khi mỏi chân, hai đứa ngồi nơi những bậc thang đá đi xuống dòng nước, anh nhặt những cục gach dẹt lấy sức liệng xa để hòn gạch chạy nhanh trên mặt nước. Nàng ngac nhiên reo lên, “Sao anh hay quá ta!” rồi lấy hai tay ôm đầu anh hôn lấy hôn để, để anh phải dọa, “Coi chừng, người ta đang nhìn kià!” làm cho em hốt hoảng nhìn sang phải sang trái rồi chu chéo, “Cái anh này! chỉ biết dọa em là giỏi thôi! Làm gì có ai nhìn chúng mình đâu?” Thế là anh phá lên cười, “I got you!” làm cho nàng phụng phịu, “Không thèm chơi với anh nữa đâu!” Rồi những lần anh đưa nàng xuống tiệm ăn bên bờ sông, hai đứa ăn bữa trưa, anh uống rượu say mèm, nàng ngăn mà không được.
- Anh lại say rồi đó anh thấy không?
- Anh đâu có say vì rượu? Anh say vì tình! Vì anh yêu em anh vui, anh uống rượu.
- Nhưng anh uống nhiều quá!
- Em thương anh nhiều nhưng anh không được uống cho say! Lát nữa anh còn phải lái xe về!

Quang vẫn lái 200 miles mỗi thứ bẩy để được đến gặp người yêu. Đã thế mỗi khi ngồi lên chìếc Corvette là anh nhấn ga cho chiếc xe vọt tới như một chiếc máy bay phản lực nhỏ. Nàng biết người yêu mình có hai cái thú: uống rượu và phóng xe,  và nàng đã có linh tính rằng một ngày nào đó chuyện không may sẽ xẩy đến, nàng sẽ mất người yêu. Nhưng nàng có nói gì thì nói, Quang không nghe. Anh đùa:
- Giờ có em, anh sẽ sống đến 90 tuổi…
- Em không muốn mất anh…
- Em yêu, em sẽ không bao giờ mất anh hết…

Thế nhưng mùa Đông năm trước, tai họa đã xẩy ra, làm cho nàng mất đi người yêu vĩnh viễn. Nàng đã khóc hết bao nhiêu nước mắt. Quang, hạnh phúc của đời nàng, đã ra đi trong một ngày thứ bẩy tuyết đổ dữ dội, một ngày mùa đông sầu thảm mang tang tóc đến cho nàng. Dường như linh tính đã báo cho nàng biết trước, nàng đã gọi điện thoại bảo anh ở nhà đừng đi, nhưng anh đã không chịu. Anh đã nói:
- Ở nhà sao được hả em? Một tuần anh chỉ được thấy em có một lần…
- Nhưng tuần này có bão tuyết, lái xe đường trường nguy hiểm lắm.
- Em cứ yên tâm, anh sẽ chạy chậm, không sao đâu… Anh sẽ chờ em ở nơi hẹn như cũ.

Nàng đã đến nơi hẹn, tuyết phủ trắng xóa cả một vùng mênh mông, trời lạnh căm căm, nàng đã chờ người yêu mãi cho tời gần trưa mà không thấy bóng dáng anh đâu. Nàng biết chuyện gì đã xẩy ra và nước mắt nàng đã tuôn trào… “ Anh ơi! Anh đâu rồi? Giờ này anh ở nơi đâu, để em ngóng trông anh thế này?” Tâm trí nàng mờ đi, hình ảnh ghê rợn ẩn hiện trong óc nàng làm cho tim nàng quằn quại đau khổ. Thôi thế là hết, hết những ngày hạnh phúc, hết niềm vui, hết hy vọng, cả một bầu trời đen tối đã đổ xấp xuống đời nàng…

Thứ bẩy tuần này Hồng Loan quyết định sẽ đi thăm mộ người yêu. Nàng tự thì thầm như thể đang nói với Quang, “Anh không đến với em thì em sẽ đến với anh vậy. Anh yêu ơi, em sẽ không thể sống vắng bóng anh được! Rồi một ngày em sẽ theo anh, em sẽ theo anh, anh chờ em anh nhé…”

Hướng Dương txđ
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 28/Sep/2018 lúc 8:07am

THU VÀNG


   Suốt tuần qua trời mưa dầm rả rích, ẩm và lạnh. Cuối tuần Thoa cũng không có hứng đi ra ngoài. Nằm đắp chăn, nghiền ngẫm cuốn truyện ngắn của một người bạn vừa gửi tặng, mà bận quá Thoa chưa rờ tới.
   Sáng thứ hai, vừa bước xuống giường, Thoa tới bên cửa sổ vén màn ngó ra vườn. Ánh nắng rực rỡ reo vui trên mấy đóa hồng nở muộn. Mấy bụi cúc đủ màu lộng  lẫy trong ánh nắng mai. Những trái táo đỏ rụng nằm lăn lóc trên thảm cỏ xanh mượt. Trên cây đào dại, mấy con chim cũng thi nhau cất tiếng hót ríu rít, như để chào đón ông mặt trời trở về sau một tuần đi vắng! Tự dưng Thoa cảm thấy vui lây với cái vui của vạn vật.
   Nhưng một sự thay đổi kỳ thú đang chờ đợi Thoa trên đường tới sở làm. Chỉ qua một tuần thôi, mà các  con đường với những hàng cây xanh thẳng tắp  giờ đã rợp lá vàng, lá đỏ. Rất nhiều người có cùng một ý nghĩ với Thoa: Không nơi nào mùa thu đẹp bằng nơi này. Mọi nơi, mọi chốn, những công viên, những núi đồi, những cánh rừng đều được bao phủ bằng nhiều gam màu lộng lẫy huy hoàng. Vàng, cam, hồng, đỏ, tía, nâu, đồng, xanh... tất cả được trộn lẫn vào nhau tạo nên những bức tranh lập thể mà từ ba mươi năm nay Thoa ngắm hoài vẫn không thấy chán. Chẳng vậy mà rất nhiều du khách khắp nơi trên thế giới đã phải bỏ tiền ra để tới cái xứ có tiếng là tủ lạnh này để ngắm lá thu! Cây phong lại có mặt ở khắp nơi. Vì vậy khi nhớ tới câu " rừng phong thu đã nhuộm màu quan san". Thoa thấy lòng dấy lên một sự cảm hoài thật khó tả!

 


   Đi ngang cái công viên nho nhỏ cách sở làm chừng trăm thước, nhìn đám lá vàng đang đuổi bắt nhau trên thảm cỏ, tự dưng mấy câu thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư hiện về:
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô...

   Hình ảnh con nai vàng ngơ ngác khiến Thoa nhớ tới thuở nào mình hãy còn là một con nhỏ ngu ngơ, sống vui vẻ cùng gia đình trên vùng Tây Nguyên xa thẳm. Cái tỉnh lỵ Kontum nhỏ bé nhưng khí hậu tuyệt vời. Những cô con gái má đỏ môi hồng, tính tình thật thà dễ yêu. Chẳng vậy mà biết bao chàng sĩ quan của Quân Lực Lực Việt nam cộng hòa  đã từng bỏ quên con tim ở chốn này!

 

   Thoa bắt đầu cuộc sống mới của mình ở ngôi trường Trung- Tiểu học Tháng Têrêxa. Năm Đệ thất con bé vướng víu, bực bội trong chiếc áo dài trắng lụng thụng của nữ sinh trung học. Cả cái đám lóc nhóc Minh, Thơ, Hải, Ngân,  Thoa...cứ canh chuông ra chơi là đã chân trong chân ngoài chạy ù ra sân, vừa chạy vừa cột hai vạt áo lại với nhau cho khỏi vướng khi nhảy lò cò. Vì vậy mà áo quần lúc nào cũng nhăn nhúm thảm hại. Không kể những hôm chơi u mọi, hai bên trì kéo nhau vạt áo tét lên gần tới nách, đầu bù tóc rối, mặt mày nhễ nhại mồ hôi!..Bị mẹ rầy rà, cô nào cũng cố gắng đàng hoàng được ít hôm rồi đâu lại vào đó! Mấy bà mẹ đành phải chào thua.!
   Năm đệ thất được đánh dấu bằng sự trở về dòng chánh của cô Anna vào cuối năm. Học trò thương cô giọt ngắn giọt dài, khiến mắt cô cũng đỏ hoe. Cô Anna trắng bóc, mỗi lần mắc cỡ mặt cô đỏ như đánh phấn hồng và bị ...cà lăm. Vì vậy mà đám học trò hay chọc cho cô đỏ mặt!
   Năm đệ lục, lớp Thoa được Soeur Marie ưu ái tặng cho cái danh hiệu để đời là Hỏa Ngục. Bởi vì giờ nữ công gia chánh  của Soeur chỉ được các chị lớn tuổi hoan nghênh. Đối với tụi nhóc này là cả một cực hình. Vì vậy trong khi  hai  bàn tay bẩn thỉu đưa những đường kim mũi chỉ  một cách khó nhọc thì cái miệng cũng làm việc tận tình. Không xì xào nói chuyện, cũng lén nhai nhóp nhép một món gì đó: cóc, me, ổi dầm...  Nhỏ Thọ còn cả gan chun xuống gầm bàn ở cuối lớp, trước mặt chị Loan là người nổi tiếngkhéo tay. Chị thêu giùm và bù lại nhỏ kể cho chị nghe chuyện cổ tích, tất nhiên là do nhỏ tự...sáng tác! Tội nghiệp chị Loan hiền lành, dịu dàng và...dễ tin.
Có lần Soeur Marie, sau khi đã gõ thước xuống bàn vài lần vẫn không sao vãn hồi được sự im lặng, bèn thu xếp " hành trang" bỏ đi một nước,  ném lại một câu xanh dờn (nhưng mặt lại đỏ như Trương Phi):
- Tui chịu hết nổi cái lớp này rồi. Nơi đây dúng là Hỏa Ngục. Mặc kệ mấy người, tui không thèm dạy nữa! ".
   Báo hại bữa đó bà Nhất tới bắt nghe mô- ran mệt nghỉ và cả lớp phải xin lỗi Soeur Marie hết lời bà mới chịu trở lại để tiếp tục huấn luyện cho những bà nội trợ tương lai...
   Ngày đầu của năm đệ ngũ, cả lớp đang ồn ào vì giáo sư chưa tới bỗng im phăng phắt, có tên còn há hốc miệng...tất cả sững sờ nhìn bà soeur đang bước vô lớp. Phải nói đây một nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn. Soeur độ chừng hăm hai, hăm ba tuổi. Người cao dong dỏng, mảnh mai trong chiếc áo dòng đen. Tuy nước da bánh mật nhưng mịn như nhung. Đôi mắt to tròn long lanh dưới cặp lông mày gọn xinh như vẽ. Soeur có chiếc mũi cao, thon, đẹp chắc không thua gì mũi của Nữ Hoàng Cléopâtre thuở xa xưa. Và nụ cười thì ôi thôi mê hồn! Và tất cả những thứ đó được đặt trên một khuôn mặt trái xoan với đôi má hồng như thoa phấn. Sau khi kiểm chứng lại, biết là mình lộn lớp soeur cười ngượng nghịu đi ra trong sự thất vọng não nề của học sinh lớp đệ ngũ. Nhiều tiếng kêu theo ơi ới : Ma soeur...ma soeur, nỡ lòng nào bỏ tụi...con cho đành! Soeur Francoise mắc cỡ đi càng nhanh. Đúng là nhứt quỷ nhì ma...
Nhưng may thay,sau đó bà sơ xinh như mộng này trở lại trong giờ Sử - Địa và hội họa. Chưa năm nào Thoa học Sử Địa hăng như năm nay. Trả bài lúc nào cũng 20/ 20 ...Còn vẽ là môn ruột của Thoa mà!
   Soeur Francoise chẳng những đẹp mà còn hát hay nên được Soeur Hiệu Trưởng cho làm Trưởng Ban văn nghệ của trường. Năm đó Thoa quên mất không biết vì lý do nào, trưởng ban văn nghệ của ty thông tin lại vô trường Têrêsa tập văn nghệ chung. Ông ta tên Hoàng, trẻ tuổi đẹp trai. Nhưng thay vì phải theo dõi những diễn viên đang tập vở kịch Trầu Cau, cặp mắt cú vọ của ông ta cứ dán chặt vào khuôn mặt xinh đẹp của Soeur Francoise. Một hôm con Kim Ly bắt gặp " hắn" nói nho nhỏ gì đó với soeur, chịu không nổi nó chạy đi mét với Soeur Hiệu Trưởng. Vậy là chấm dứt màn hợp tác với ty thông tin!
   Hè năm đó soeur Francoise trở về dòng chính ở Đà Nẳng. Soeur ra đi mang theo vài lu nước mắt của lũ học trò trường Thánh Têrexa! Có điều bí mật mà cho tới giờ Thoa chưa hề bật mí với đứa bạn nào, là Thoa có một tấm ảnh của soeur chụp bán thân và một tấm thiệp Giáng Sinh rất đẹp của soeur tặng. Hôm đó Thoa đang cầm quyển sách đứng tựa cửa lớp để ôn bài, Soeur Francoise đi ngang cầm tấm thiệp nhét vào quyển sách của Thoa rồi đi thẳng, cứ như là không có chuyện gì xảy ra! Con bé há hốc miệng nhìn theo mà con tim thì đập thình thịch!
   Năm Đệ Tứ là năm thi Trung học Đệ Nhứt Cấp nên đứa nào cũng cắm đầu học không dám lơ là. Môn Toán- Lý- Hóa xưa nay là kẻ thù không đội trời chung với Thoa, vậy mà năm này cô nhỏ cũng phải " tụng" kịch liệt. Vô trường thi mà ngồi đó cắn bút nhìn trời hiu quạnh thì bước ra cửa chắn chắn là phải đạp vỏ chuối! Hơn nữa Soeur Madeleine phụ trách môn này là người rất nghiêm. Đừng có mà giỡn mặt !
   Năm này cũng tạm ngưng chương trình cuối tuần cả bọn dung dăng dung dẻ đạp xe qua Phương Hòa mua nhãn, mua mít. Lên Phương Nghĩa ăn mía Thanh diệu. Chiều chiều sắp hàng ngồi mút cà rem trước hàng ba nhà nhỏ Thơ, hoặc tối tối dẫn nhau đi ăn bò viên, chè.. ngoài hàng keo và dẫn nhau đi coi phim...Ấn Độ!
   Một bữa Chúa Nhựt, Thoa đang ngồi coi tiệm cho mẹ đi công chuyện, bỗng con Lài từ ngoài hớt hải đi vào. Mặt nó vốn xanh từ thở nào tới giờ lại càng trắng không thua tờ giấy:
- Thoa, mày hay tin gì chưa?
- Chưa.
- Con Minh chết rồi!
Thoa đứng bật dậy như bị lửa đốt, lập bập:
- Cái gì? Mày...mày nói đứa nào chết?
- Con Minh lớp mình. Nhà nó xuống Pleiku xem hội chợ. Trên đường trở về bị Việt Cộng bắn. Họ lầm xe nhà nó với xe ông Quận Trưởng. Tụi mình tới nhà nó đi.
   Lúc Lài và Thoa tới nhà của Minh ngoài bờ sông Dakbla thì đã thấy Thơ, Sương, Liên, Hải, Ngân ở đó rồi. Cả đám nhìn thi hài của đứa bạn thân  nằm trên bộ ván mà khóc như ri. Minh hiền lắm. Ai nói gì nó cũng chỉ cười cười. Vậy mà nó vắn số! Mẹ của Minh cứ ôm lấy mấy đứa bạn của con mà khóc, mà gào...Minh nằm đó, bất động, nét mặt bình thản như đang ngủ. Viên đạn quái ác xuyên qua cổ, trúng động mạch nên máu ra lai láng và nó không hề tỉnh lại lần nào.
   Cả lớp đi đưa Minh về nơi an nghỉ cuối cùng vào một ngày mưa tầm tả. Nước mắt hòa với nước mưa. Ông Trời chắc cũng buồn lây! Cái nghĩa trang công giáo nằm ngay trước cửa trường Kim Phước Lasan. Nhóm của Thoa có thói quen hai ba hôm sau giờ tan trường là ghé lại thăm mộ Minh ít phút. Cho nó đỡ cô đơn. Thoa không nhớ là lần thăm thứ mấy, nhưng hôm đó có một tờ giấy học trò nằm ngay ngắn trên ngôi mộ mới. Nhỏ Thơ cầm lên và đọc cho mọi người nghe. Thì ra đó là một bài thơ:
Chiều hôm nay nắng vàng vương nghĩa địa
Trút nguồn thương tôi dệt mấy vần thơ
Gởi đến em người chưa biết bao giờ  
Trong giấc mộng hình như vừa gặo gỡ...
(Bài thơ còn dài nhưng Thoa chỉ nhớ được ít câu)


Cả đám lúc đó còn rất ngây thơ vô tội, nên thấy đây là một cữ chỉ xúc phạm trầm trọng đến linh hồn của Minh, nên đã hội ý với nhau viết một bức thơ sỉ vả tác giả một cách thậm tệ! Sau đó không thấy hắn sáng tác gì thêm. Chắc phản ứng mãnh liệt của tụi Thoa đã dập tắt nguồn cảm hứng của hắn!
...Sau khi lều chõng xuống Ban Mê Thuột thi Trung Học Đệ Nhất cấp, bọn Thoa đã tứ tán mỗi đứa một phương: Sàigòn, Đà Lạt, Đà Nẵng, Qui Nhơn...Những chị lớn tuổi trong lớp thì lên xe bông, theo chồng bỏ cuộc chơi...
-Bà xã ơi, tới sở rồi. Còn mơ mộng gì mà ngồi yên đó?
Tiếng của Đạt, chồng Thoa, đã cắt ngang dòng tư tưởng đang đưa hồn nàng trở về cái thời ăn chưa no, lo chưa tới. Thoa cười:
- Lúc nãy ngang công viên thấy lá vàng, em nhớ lại cái thời còn đi học ở Kontum...
Đạt cười trêu vợ:
- Cái thời mà em còn mài đũng quần ở trường Têrêxa đó phải hôn? Để coi, anh nghe tới lần thứ một trăm lẻ mấy hồi he?...
Thoa nguýt chồng:
- Anh kỳ! Cứ chọc em hoài. Thấy người ta hiền...
Nhưng Đạt đã ra khỏi xe, băng qua đường để vô tiệm. Thoa lẩm bẩm:
- Tối nay về nhà biết tay tui...!

TIỂU THU

Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 28/Sep/2018 lúc 8:11am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 29/Sep/2018 lúc 12:31pm

Chuyện Một Tấm Hình


Hoa nhắm mắt, cúi gập đầu xuống mặt bàn, trong cơn đau đớn tuyệt vọng. Trên mặt bàn là một tấm hình lớn chụp một người đàn bà đứng trên một mỏm đá cao tuốt xa bờ biển, mắt nhìn ra khơi, vẻ mặt buồn, gió làm tóc bay phất phới sau lưng, một tuyệt tác nghệ thuật. Đã cả giờ Hoa ngồi nơi đây, nhìn bức hình rồi lại nhìn ra ngoài chiếc cửa sổ trông ra vườn. Ngoài kia trời sáng trăng, ánh trăng màu vàng nhạt toả xuống soi sáng cả khu vườn rộng mênh mông trên sườn đồi nằm sau căn nhà nàng. Những chiếc cây cypress cổ thụ như những bóng ma khổng lồ chập chờn, những cành vươn ra xa đen xì đu đưa theo cơn gió. Trải dài trên đất, những hàng cây hoa hồng cũng đang giao động. Hoa không hiểu tại sao vào một ngày trăng đẹp mà lại có những cơn gió mạnh như vậy.

Bây giờ đã 2 giờ sáng. Đêm nay nàng không muốn ngủ, nàng muốn ngồi đây suốt đêm để hồi tưởng tới những năm tháng vừa qua, để nhớ tới những kỷ niệm đẹp nhưng buồn, sống lại trong tâm can những hình ảnh của cuộc đời nàng, một cuộc đời vô vị mà nàng đã phải chap nhậ bao lâu cho tới khi nàng gặp được người nàng yêu, hưởng được những ngày tuyệt vời, để rồi bây giờ lại phải xa người ấy.

Hoa đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ nàng cho tới năm nàng 4 tuổi. Cha nàng, một viên chức hành chánh cao cấp trong chế độ Miền Nam, đã phải rời mái ấm gia đình đi vào nhà tù Cộng Sản vào tháng 6 năm 1975 và từ đó nàng đã không còn bao giờ được gặp người cha thân yêu nữa. Mặc dù mẹ nàng chăm lo thương yêu nàng tận mực nhưng nàng không hiểu được tại sao tình phụ tử cứ sống thôi thúc bên trong nàng kể từ ngày đau buồn ấy, ngày cha nàng ốm chặt nàng trong lòng, hôn nàng rất lâu trước khi rời nhà ra đi. Sau này khi đã đủ lý trí để hiểu và cảm nhận, khi đó chắc nàng đã khoảng tám chin tuổi, mẹ nàng đã kể lại như thế và nàng đã khóc sưng húp đôi mắt. Mẹ nàng có lẽ đã hối hận nhưng bà nói bà đã cho con gái biết chuyện đó để cho nàng hay rằng cha nàng cũng đã yêu nàng không kém nàng yêu ông.

Năm 1979, cả nhà bà ngoại Hoa đóng tàu vượt biển nên mẹ nàng và nàng cùng đi theo. Trước khi bỏ nước ra đi, trong những lần đi thăm nuôi chồng, mẹ nàng đã cho ông biết ý định muốn vượt biên cùng với gia đình và, với tấm lòng hy sinh cao cả, ông đã chấp thuận để hai mẹ con đi. Ông nói vì muốn cho con có một tương lai tươi sáng mà ông đã chấp nhận thiệt thòi, và điều này càng làm cho Hoa thương yêu cha nàng hơn. Nhờ Trời Phật phù hộ, con tàu đã đi thoát dễ dàng và chỉ ba ngày sau đã đến trại tị nạn và chỉ sáu tháng sau thì cả gia đình bà ngoại và hai mẹ con nàng đã đến bến bờ tự do. Cả nhà đã lập nhiệp ở một tiểu bang nhỏ nơi miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Những năm đầu ở xứ lạ quê người, ai nấy đều vất vả kiếm sống, mẹ nàng cũng  vơi đi nỗi nhớ chồng. Nhưng trong đầu Hoa lúc nào cũng lởn vởn hình bóng người cha thiếu vắng mà nàng ước mong sẽ được xum họp.

Thời gian hàn gắn những vết thương lòng, Hoa lớn lên trong sự yên bình ấm cúng của mái gia đình bé nhỏ của hai mẹ con và chẳng bao lâu đã học hết bậc tiểu hoc, trung học, lên đại học để rồi tốt nghiệp kỹ sư. Nàng đã trở thành một thiếu nữ kiều diễm, thông minh, tháo vát, và điều mà nàng tự hào nhất là tinh thần phấn đâu và độc lập mà nàng đã hun đúc được cho chính mình. Khi làm bất cứ việc gì, nàng cũng cố gắng đạt tới thành công, khi gặp bất cứ trở ngại gì, nàng cũng không chùn lòng, mà luôn kiên trì tìm cách vượt qua. Con người nàng trong cái tuổi hai mươi đã là một con người sống về lý trí hơn tình cảm, sống dựa vào đầu óc hơn là con tim. Có lẽ những kinh nghiệm gay go trải qua đã hun đúc nàng thành một con người cứng rắn luôn luôn biết tự chủ. Thế nhưng Hoa không phải là một con người không có cảm tính, trái lại nàng rất thân thiện, dễ thương đối với mọi người. Dễ hoà đồng, rất nhậy cảm, và lại nhiều lòng nhân ái, nàng có nhiều bạn. Ngoài việc chăm chú  học hành, Hoa cũng đã dành nhiều thời giờ tham gia sinh hoạt cộng đồng và làm những công tác từ thiện. Nghĩ về chính mình, Hoa cho rằng trong nàng có tới hai con người, một con người sống bằng lý trí và một con người đa cảm, dễ rung động, sót sa, nồng nhiệt.

Năm nàng mười tám tuổi, khi còn học năm cuối ở trung học, nàng đã gặp Bình. Hai đứa đã quen biết nhau khi sinh hoạt cộng đồng ở địa phương. Bình hơn nàng sáu tuổi, mới từ Việt Nam qua được vài năm, và đang học ở College. Chiều chiều, Bình thường hay đến cổng trường đón nàng và vì vừa đi học vừa đi làm nên Bình có tiền để đưa nàng đi ăn quà, đi chơi, hay đi movies. Khi hết trung học, Hoa đã đến học cùng college với Bình để dễ được gần nhau và dần dần hai đứa trở nên thân thiết, tuy Hoa không chắc nàng đã yêu Bình. Vì Bình quá thương Hoa nên nàng cũng thấy tội nghiệp anh và thương lại. Một nhận xét về anh đã làm cho Hoa suy nghĩ đắn đo, không muốn tiến xa hơn, đó là tính tiêu xài hoang phí, không biết lo xa, không biết dành dụm cho ngày mai của Bình. Có lần nàng hỏi anh:

  • Sao anh hoang phí, không chịu dành dụm vậy? Lỡ ngày mai đau ốm không đi làm được lấy tiền đâu mà xài?

Bình ngớ mặt nhìn người bạn gái ấp úng:

  • Tính anh quen như vậy rồi. Anh không giữ tiền trong túi được….

Rồi anh đề nghị mỗi tuần lãnh lương, anh đưa cho Hoa giữ hộ anh một số tiền để dành… sau này làm đám cưới!

Một hôm Bình nói với Hoa rằng anh muốn xin cưới nàng, làm cho Hoa suy nghĩ đắn đo vì mặc dù Bình tốt bụng, hiền lành, dễ thương và chịu khó và Hoa có nhiều nhiều thiện cảm với anh, nhưng nàng thấy rằng vì anh không tính đường xa mà chỉ nghĩ đến ngày hôm nay, anh không thể bảo đảm tương lai của hai đứa, trong khi Hoa lại có tham vọng tiến thân. Nàng muốn có một cuộc đời sung túc, vững chắc, để có thể lo cho các con cái sau này. Thấy không thể lấy Bình được, nàng đành lòng tìm cách xa anh và việc đầu tiên nàng làm là hoàn trả lại anh số tiền anh gửi nàng, vịn cớ mẹ nàng đã hay biết và không bằng lòng vì “con gái không được giữ tiền hộ con trai.”

Xa Bình không phải là dễ, Hoa muốn thôi nhưng Bình không chịu thôi, anh tiếp tục theo đuổi nàng trong một thời gian khá dài. Bình rình mò theo dõi Hoa để xem có phải vì Hoa có người khác mà bỏ anh hay không. Hoa cố giải thích rằng tính tình hai đứa không hợp, lấy nhau sau này sẽ khổ nhưng anh không chịu nghe và nhiều lần Bình tới nhà Hoa gõ cửa đòi gặp, và khi nàng trốn thì anh dọa đập đầu vào tường tự tử làm cho nàng bao phen hoảng vía. Nhưng rồi cuối cùng mọi chuyện cũng qua đi, Bình cũng đành chịu, không còn đến quấy rầy người yêu cũ nữa. Hoa cũng buồn lắm vì nàng đã thấy lương tâm cắn rứt, nàng hối tiếc đã để cho Bình thương yêu nàng để rồi bị hắt hủi. Để quên nỗi buồn, Hoa đã cắm đầu vào công việc học, nàng bớt các cuộc vui chơi bạn bè và tạm thời ngưng mọi sinh hoạt xã hôi.

Hơn một năm sau đó Hoa gặp Quân, một người bạn học cùng trường cùng lớp, kết thân với anh và một thời gian sau, một mối tình nẩy nở. Hoa cảm phục Quân vì anh có chí tiến thân như nàng và cùng một lúc đi học anh lại còn đi làm kiếm tiền để gửi về giúp đỡ mẹ già khi đó còn ở Việt Nam. Quân nói anh đã làm giấy bảo lãnh cho mẹ từ khi mới ở tị nạn qua Mỹ và chỉ còn một hay hai năm nữa thì mẹ anh sẽ được đoàn tụ với anh. Hơn nữa Hoa cảm thấy vui khi có được một người bạn trai để khỏa lấp nỗi trống trải do sự thiếu vắng Bình gây ra trong lòng nàng. Hoa tin tưởng rằng, không như Bình, Quân sẽ có thể mang lại một tương lai vững chắc cho gia đình nếu hai người tiến tới hôn nhân.

Ba năm trôi qua, Hoa ra trường trước Quân, nàng phải hy sinh đi nhận việc một tiểu bang Miền Tây Bắc xa xôi, sống tự lập một mình để có tiền giúp Quân cho anh yên tâm học cho xong. Ngoài những khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần, Hoa lại phải còn đối đầu với những cuộc tấn công tán tỉnh của những chàng trai khác, nhất là của những bạn đồng nghiệp người ngoại quốc. Nàng đã phải cố gắng lắm mới không bị cám dỗ khi mà, xa nhà sống một mình, đã bao nhiêu lúc nàng cảm thấy cô đơn và yếu lòng. Giờ đây nghĩ lại nàng cũng không hiểu vì lý do gì mà nàng đã trung thành với Quân như vậy và nàng tự hỏi nếu hồi đó nàng chịu giao du với một người khác thì nàng có thể đã không lấy Quân và cuộc đời nàng đã có thể khác hơn.

Thời gian ở xa nhau, Hoa và Quân liên lạc với nhau bằng thư từ và chỉ khi Hoa về thăm mẹ thì hai đứa mới gặp lại nhau, vậy mà mối tình giữa hai đứa vẫn tồn tại, Hoa đinh ninh rằng đó là tình yêu nhưng sau này nàng nhận thức ra rằng đó nàng đã lầm. Mối tình giữa Hoa và Quân chỉ do nhu cầu cần có nhau, cần sự giúp đỡ của nhau, và vì kéo dài nên có gắn bó, thân thiết mà thôi. Hai đứa không yêu nhau thắm thiết, không sống vì nhau, và mặc dù Hoa ở xa nhưng nàng không nhớ nhung hay mong mỏi ngày về thăm Quân. Quân không ưu ái chăm lo cho nàng, không có những cử chỉ yêu thương trìu mến. Đối với Hoa anh có vẻ khô khan, vụng về, thờ ơ, tình yêu của anh, nếu có, nhạt nhẽo, không nóng bỏng, không có gì thể hiện ra ngoài. Yêu thương là dâng hiến trái tim cho người mình yêu, là dành tất cả cái gì đẹp nhất mình có, làm tất cả để vừa lòng người mình thương, nhưng Hoa đã không nhận thức ra điều ấy.

Khi Quân đã ra trường và đồng thời đã đón được mẹ anh sang, thì hai đứa đã đồng ý lấy nhau. Bây giờ ngồi nghĩ lại, Hoa chẳng hiểu tại sao nàng lại đồng ý lấy Quân trong khi chính nàng khi đó cũng do dự, không chắc mình đã quyết định sáng suốt. Hình như nàng đã lấy chồng chỉ vì cần lấy chồng, nàng đã không ý thức rằng sau này trong cuộc sống chung sẽ có sự đối nghịch. Trong thời gian quen nhau nàng đã chỉ thấy bề ngoài của Quân, nàng đã không ở bên anh để biết những tâm tính giấu kín của anh. Trong cuộc sống chung lần lần nàng mới khám phá được con người thật của Quân, nàng mới thấy nhiều cá tính của anh mà Hoa thấy không thích hợp nếu không nói là sung khắc với mình.

Một biến cố đau lòng đã xẩy đến với Hoa một năm sau nàng lấy Quân: sau hơn sáu tháng ốm đau, người mẹ mà nàng thương yêu quí trọng nhất trên trần gian đã ra đi, bỏ nàng bơ vơ trong cuộc sống gia đình đầy sóng gió, nàng nay không còn một nơi để trở về ta túc khi bực mình gây gổ với chồng. Bốn năm lấy chồng, nàng vẫn chưa có con, giữa hai người có hàng trăm vụ cãi vã, sung đột vì tính tình sung khắc, vì những ý thích khác biệt, vì sự ích kỷ lợm giọng của Quân. Anh đã lộ rõ ra là một con người ích kỷ chỉ nghĩ tới mình, coi vợ như là một người ở chung ở trọ, không yêu thương gì nàng. Quân cũng không giúp đỡ gì Hoa, tất cả mọi việc trong nhà đều một tay Hoa làm. Quân không những lười về hành động mà lại còn lười cả suy nghĩ, cái gì anh cũng nói không biết làm, để rồi cái gì cũng đến tay Hoa kể cả những việc đàn ông mà đáng lẽ Quân phải làm. Hoa thầm nghĩ nàng đã lấy lầm người và có lần tức quá Hoa hét lên:

  • Cái gì anh cũng nói anh không biết là tại sao? Sao anh học được nên kỹ sư mà lại không biết?
  • Anh không biết làm thì em gọi thợ chứ sao em la anh?
  • Cái gì cũng gọi thợ, một tí là gọi thợ, tốn tiền vô ích anh có biết không?
  • Em khỏi lo vụ tiền…
  • Không phải chỉ là tiền mà thôi, chuyện một tí thì anh phải học làm. Đàn ông gì như anh, không sờ vào một việc gì hết là sao? Cái gì cũng đến tay em… Sao em làm được mà anh không làm được?
  • Thì tại em chịu khó … làm.
  • Sao anh không chịu khó làm như em đi? Thế anh nói gọi thợ thì anh gọi đi!
  • Anh đâu biết ai mà gọi?
  • Anh mở Yellow Pages tìm thợ mà gọi chứ khó gì?
  • OK để anh lo…

Nhưng rồi Quân cũng không gọi thợ, Hoa phải tự đi xuống garage, lấy đồ nghề làm lấy. Nàng cứ loay hoay tìm tòi và rồi cái gì cũng sửa được một mình. Đã thế Quân không nhìn nhận công lao của vợ, anh không biết giá trị của Hoa, lúc nào cũng coi mọi chuyện là bình thường. Hoa rất buồn nhưng không làm sao được, nhiều khi nàng muốn bỏ đi quách đi cho rồi, nhưng đi đâu, khi nàng không còn còn nơi nào khác để tới?

Một chuyện làm nàng khổ sở hơn nữa là giữa mẹ và vợ, Quân đứng hẳn về phía mẹ của anh. Anh lo lắng chăm sóc bà như chăm sóc người yêu, chăm lo từng li từng tí cho bà. Hoa không trách lòng hiếu thảo của Quân nhưng nàng cảm thấy sót sa khi Quân dành tất cả tình thương yêu quí mến cho mẹ mà không để lại chút xíu nào cho nàng. Đối với Hoa, Quân không khi nào có một lời hỏi han, khích lệ, an ủi, không bao giờ có một lời cám ơn hay một lời xin lỗi. Quân không như những người chồng khác chăm lo săn sóc, chiều chuộng vợ. Sự vô cảm của anh làm cho Hoa sót sa thấy mình chẳng là gì của Quân hết.  Những lúc tức tối, Hoa hét lên:

  • Tại sao anh không yêu thương tôi mà lấy tôi? Tại sao anh chỉ biết lợi dụng tôi mà thôi là thế nào?
  • Tôi lợi dụng cô ở chỗ nào?
  • Thì anh coi tôi như một đứa ở chăm lo cho anh và mẹ anh ngày hai bữa cơm, giặt rũ, ủi đồ, làm công việc nhà mà anh thì không nhúng tí tay nào vào hết!
  • Tôi tưởng đó là công việc của người đàn bà trong nhà?
  • Sao anh biết lo cho Mẹ?
  • Mẹ tôi thì tôi phải lo chứ có gì lạ?
  • Thế còn tôi? Tôi là cái quái gì của anh? Anh nói đi, anh nói đi!

Sau những lần cãi nhau như vậy, Hoa thường bỏ nhà lái xe ra bờ biển ngồi nhìn trời đất, ngẫm nghĩ về thân phận mình, sót sa, đau đớn. Nhiều lần ý định tự vẫn đến trong đầu nàng, và nàng đã muốn từ mỏm đá cao nhẩy bổ xuống vực thẳm, nơi dưới kia có sóng cuồn cuộn đổ vào những tảng đá lởm chởm, nhọn hoắc. Nhưng nghĩ tới thân xác mình bị những cạnh đá cắt nát thịt, máu chảy nhuộm đỏ áo quần, nghĩ tới lúc đầu va vào những tảng đá trước khi bị nước biển cuốn ra khơi, Hoa rùng mình khiếp sợ và hồi tỉnh, và ý tưởng tự kết kiễu cuộc đời mình qua đi. Vả lại nàng còn quá trẻ để chết, cuộc đời nàng còn dài, và nàng nghĩ rồi sẽ có một sự đổi thay…

Một sự đổi thay! Quả nhiên cuộc đời nàng có đổi thay, nhưng Hoa không biết đó là một sự đồi thay tốt hay xấu hơn. Cuối cùng thì nàng đã có bầu, nàng sẽ có một đứa con. Nhiều đêm thao tức không ngủ được vì quá nhiều

ưu tư, bên Quân ngủ yên giấc, Hoa thấy buồn nhiều hơn vui vì nay có con thì cuộc đời nàng sẽ gắn bó mãi mãi với người đàn ông mà nàng không yêu. Những đêm không ngủ đó, nàng không có nước mắt để khóc, nàng chỉ thấy tủi thân, sót sa cho số kiếp của mình. Thế rồi đứa con ra đời, một đứa bé gái èo uột đẻ thiếu tháng. Để chăm sóc cho con ban đêm, Hoa đã dọn ra phòng riêng để hai mẹ con được ngủ bên nhau. Từ đó Quân ngủ một mình, anh tuyên bố anh thấy ngủ một mình thoải mái hơn là ngủ với vợ, một lời tuyên bố thật vô tình làm cho Hoa đau nhói trong tim. Nhưng từ lâu hai người đã mạnh ai nấy sống cuộc đời mình riêng rẽ, cuộc sống vợ chồng đã chỉ còn là một cuộc sống của những kẻ chung nhà, buổi chiều tối ngồi ăn những bữa cơm gần như im lìm, ai nấy nghĩ tới những chuyện riêng tư của mình, không ai nói chuyện với ai, ngoại trừ những chuyện cần nói. Ngay cả đi chơi phố hai người cũng không đi với nhau, Hoa chỉ cùng đi khi đi  thăm gia đình bạn bè. Không những tính tình hai người khác nhau mà ý thích cũng khác nhau, Quân thì thích chơi và xem thể thao, thích xe hơi, trượt tuyết, trượt sóng, coi những phim bạo động… còn Hoa thì thích đọc truyện, đọc thơ, thích hát, thích chuyện trò với bạn để tâm sự, thích xem những phim tình cảm.

-*-*-*-*-*-

Thời gian trôi nhanh, thấm thoát đã mười ba năm, mười ba năm dài lê thê, mười ba năm làm cho lòng Hoa tê tái, hết cả cảm xúc, hết ham muốn, hết hy vọng. Bé Hồng nay đã là một thiếu nữ xinh đẹp mỹ miều và đã bao nhiêu năm qua, vì phải chăm lo cho lẽ sống duy nhất của nàng là đứa con, Hoa đã quên cả bản thân. Giờ đây con đã lớn khôn, những đêm nằm bên nó mà không ngủ được, Hoa mới lại nghĩ tới mình, nghĩ tới những thèm muốn của con tim và thân xác, nàng lại ao ước, lại mơ mộng. Và nàng mơ tới những gì mà suốt bao lâu nay nàng đã không có, mơ có được một người để yêu, để được chiều, được cưng. Nàng mơ ước được ôm ấp, được thủ thỉ vào tai những lời yêu đương ngọt ngào, được vuốt ve…. Một hôm Bé Hồng ngây thơ hỏi mẹ:

  • Mẹ ơi sao con thấy bạn con chúng nó nói mẹ chúng nó ngủ với bố mà mẹ lại không ngủ với bố?

Nàng ứa nước mắt trả lời:

  • Thì tại mẹ thích ngủ với con hơn. Mẹ thương con hơn!

Mẹ thương con nhiều bởi vì mẹ đâu còn ai để thương? Những người đàn bà khác may mắn có một người đàn ông để yêu thương, còn mẹ có ai đâu? Nàng bỗng mơ tưởng đến hình bóng của một người tình, nàng vẽ ra trong đầu những chuyện thơ mộng, những hình ảnh lãng mạn, những cuộc đi chơi tay trong tay, những lần ôm nhau, những bữa ăn chỉ có hai người ngồi đối diện, mỉm cười sung sướng. Nàng tưởng tượng ra những nụ hôn nồng cháy, những vòng tay ghì chặt, những vuốt ve mơn trớn, những lời nói yêu thương, và nàng thấy như có một cái gì thôi thúc bên trong mình. Những giấc mơ đó, nàng tưởng không thể nào có, nào ngờ!

Một hôm ước mơ thầm kín của Hoa trở thành hiện thực. Hôm đó, một ngày Thứ Bảy như mọi ngày Thứ Bảy nàng đi làm overtime, không hiểu sao nàng cảm thấy buồn, và ngồi suy nghĩ vẫn vơ  cả giờ trước chiếc máy vi tính, chẳng còn muốn làm việc. Cuối cùng nàng quyết định ra về sớm để đi ngắm biển. Và nàng đã ra biển vào cái ngày định mệnh ấy, cái ngày nàng leo những dốc đá cao tuốt đi xa ra khỏi bờ cả năm sáu trăm thước, để rồi đứng đó nhìn cảnh trời mây nước biến mênh mông, và lại mơ mộng. Gió biển lồng lộng thổi vào khuôn mặt buồn vời vợi của Hoa, mái tóc dài và chiếc váy của nàng bay phất phới về phía sau lưng. Hoa đã mặc một chiếc váy rộng màu hồng và một chiếc áo màu đỏ chót, màu hồng và màu đỏ mà nàng yêu thích. Nàng đứng đó cả tiếng đồng hồ, đứng một mình giữa khoảng không gian bao la của biển cả và mây xanh.

Khi Hoa quay trở lại bờ để về nhà, khi vừa bước khỏi những tảng đá để xuống tới bãi cát thì nàng để ý đến một người đàn ông lớn tuổi, một tay ôm một chiếc máy ảnh khổng lồ, tay kia cầm chiếc tripod, đứng đó chăm chú nhìn về phía nàng như đang chờ đợi. Quả nhiên khi Hoa vừa đi qua thì người đàn ông bước tới và lịch sự ngỏ lời:

  • Xin lỗi cô, tôi muốn được tiếp chuyện với cô một chút có được không ạ?

Hoa ngạc nhiên dừng lại nhìn người đàn ông xa lạ. Dáng điệu đứng đắn chững chạc, mái tóc dài muối tiêu, trán cao, đôi mắt to đen linh động, nụ cười mỉm chi trên môi, chiếc quần jeant, chiếc áo pull bó sát tấm thân vạm vỡ, chiếc áo bốn túi loại dân chụp hình nhà nghề hay bận khoác bên ngoài, giọng nói nhã nhặn, tất cả đã thu hút cảm tình của Hoa. Đáng lẽ ra nàng đã không đáp ứng sự làm quen người đàn ông xa lạ này nhưng không biết vì sao nàng đã dừng lại và trả lời:

  • Dạ thưa ông ông có chuyện gì ông muốn nói với tôi?
  • Tôi là Hoàng, nhiếp ảnh gia tài tử. Lúc nãy khi xoay ống kính chụp cảnh thiên nhiên, tình cờ tôi thấy cô đứng nơi mỏm đá. Thấy hình ảnh quá thơ mộng, tôi đã zoom lại gần và chụp vài tấm. Tôi xin lỗi đã vô phép, nhưng đối với người làm nghệ thuật con người và thiên nhiên là một. Tôi đã nghĩ rằng hình bóng cô là một phần bất khả tách của cái cảnh biển cả sóng gió mà tôi muốn chụp. Đây này, tôi muốn cho cô xem…

Hoa xem những tấm ảnh đó thấy thích và muốn môt tấm hình để làm kỷ niệm. Hai người cho nhau địa chỉ email, nói thêm đôi ba câu làm quen, rồi chia tay.

Hoa và Hoàng trao đổi thư từ, trở nên thân mật và tâm sự với nhau về cuộc đời mình. Hoàng định cư ở một thành phố nhỏ nhưng nổi tiếng đẹp cách nơi Hoa ở hai giờ bay. Trước đây anh đi dạy học nhưng nay đã nghỉ hưu sớm để có thể hưởng thú vui của cuộc đời anh là đi chụp hình những cảnh đẹp thiên nhiên. Lúc đầu vì sự chênh lệch tuổi giữa hai người - anh hơn Hoa mười sáu tuổi - Hoàng nói anh chỉ coi Hoa như là một cô em gái, nhưng nàng đã nói rằng tuổi không là một trở ngại để hai đứa đi chơi với nhau và yêu nhau. Vì duyên số Hoa đã lấy Quân và đã không có hạnh phúc nên nay nàng thích người lớn hơn mình nhiều tuổi già dặn kinh nghiệm sống, hiều biết rộng, vị tha, và biết nuông chiều thương yêu nàng, phải chăng vì nàng muốn tìm nơi người yêu hình bóng một người người cha?  

Hàng tháng Hoàng bay lên thăm Hoa một lần vào cuối tuần và Hoa bỏ sở đi chơi để được hưởng những giây phút thần tiên bên người tình. Trong niềm hạnh phúc tràn ngập đó, Hoa sung sướng vì được người yêu chăm sóc chiều chuộng, và càng hiểu biết về Hoàng hơn thì nàng lại càng kính nể anh và yêu anh hơn. Hoa thương anh vì anh khoan dung, đa tình đa cảm, có máu nghệ sĩ lãng mạn và chịu chơi. Hoàng đã coi Hoa như là một món quà cuối đời của Thượng Đế.  Anh nói:

  • Em mang đến cho anh niềm hạnh phúc cuối đời, nhờ có em anh mới lại có những ngày vui sướng như thế này.

Hoa sung sướng trả lời:

  • Em cũng cám ơn anh đã mang đến cho em những nỗi vui tràn ngập. Có anh, cuộc sống có ý nghĩa hơn. Chỉ tiếc em gặp em quá muộn. Giá em gặp anh khi chưa lấy chồng chắc chắn em sẽ lấy anh….và em đã không phí mất gần hai mươi năm trời.

-*-*-*-*-*-

Nhưng ở đời cái gì đẹp không bao giờ tồn tại mãi, phải chăng đó là sự thể mà nhà Phật gọi là vô thường? Mối tình giữa hai đứa đang tiến triển hài hòa thì bỗng trắc trở. Cách đây ba tháng, vì sơ hở Hoa đã để cho Quân đọc được một email Hoàng gửi cho nàng. Quân cũng đã tìm ra tấm hình chụp mà nàng đã cất giấu kỹ. Những cuộc tranh cãi gay go trước mặt Bé Hồng đã làm cho Hoa buồn bực vô cùng, nàng đã quì gối xin Quân giải quyết kín đáo chuyện giữa hai người lớn, không để Bé Hồng biết nhưng Quân không nghe. Hành động ích kỷ của Quân thúc đẩy Hoa quyết định mang con đi sinh sống ở một nơi yên bình khác để cho Bé Hồng khỏi bị ảnh hưởng về mặt tinh thần. Nàng đã chọn một tiểu bang Miền Đông, nơi nàng đã xin hãng thuyên chuyển tới làm việc. Ngày mai hai mẹ con sẽ bước lên máy bay ra đi. Có Bé Hồng bên cạnh, Hoa can đảm bước tới, nàng không hoang mang sợ sệt, không lo nghĩ ưu tư.

Đã hơn ba tháng Hoa không gặp lại người yêu. Nàng đã vịn vào nhiều cớ để trốn tránh Hoàng, nàng không còn đến những nơi hẹn hò và cũng ngưng trả lời những thư anh viết. Cuộc đời có nhiều oái oăm, sự ra đi biệt tích của Hoa khỏi cuộc đời Hoàng là một. Hạnh phúc đã đến với nàng chỉ mới trong một thời gian ngắn ngủi thì đã vuột đi, nàng không biết bao giờ có nó trở lại. Tất cả là số phận. Một ngày nào, khi con nàng trưởng thành, Hoa mong sẽ đi tìm lại người yêu cũ. Tạm thời vì Bé Hồng còn cần bố, nàng đành phải hy sinh.

Nghĩ đến đây, Hoa lẩm bẩm như muốn thủ thỉ vào tai Hoàng: “Anh yêu ơi, em xin anh tha thứ cho em. Em không thể giải thích cho anh biết tại sao em hạnh động tàn ác với anh như vậy được là vì con em. Chúng mình phải tạm thời xa cách. Đến khi nào hoàn cảnh cho phép, em sẽ đi tìm lại anh, Em vẫn thương anh ngút ngàn, anh có hay chăng….?”

Hướng Dương txđ
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/Oct/2018 lúc 7:01am

Chuyện Tình Trên Phá Tam Giang


chuyen%20tinh%20tren%20pháDu tắt máy cho thuyền của minh tiến từ từ vào khoảng nước trống dành cho chỗ họp chợ mỗi ngày, rồi dùng mái chèo bơi nhẹ vào khu chợ nổi. Đã gần 4 giờ sáng một vùng đầm phá Tam Giang còn chìm trong bóng đêm bỗng sáng dần lên từ những ánh đèn pin. Ánh đèn pin từ tám hướng đổ về theo sự di chuyển của hàng trăm chiếc thuyền bé nhỏ rải rác khắp nơi. Rồi những chiếc thuyền ấy tiến đến gần nhau khiến ánh đèn chụm lại, tạo nên một điểm sáng lớn giữa mênh mông sông nước. Đó là cảnh họp chợ tại chợ nổi thôn Mỹ Thạnh khi chúng ta quan sát từ trong bờ. Trên đầm phá, tiếng mái chèo khua nước, tiếng gọi bạn í ới, tiếng cười đùa của các ngư dân rộn ràng khi gặp nhau. Không ai biết cái chợ nổi Mỹ Thạnh có từ bao giờ, Du chỉ biết từ nhỏ đã theo ba mạ đi bán tôm cá đánh bắt được trên đầm phá là đã thấy nó rồi. Ngày trước nó chỉ là nơi họp chợ của dân trong làng trong việc mua bán trao đổi thủy hải sản. Bây giờ cái chợ nổi nầy là nơi họp chợ của cả một vùng đầm phá vì sự lâu đời và sự di chuyển thuận tiện của nó. Khi bóng đêm còn chưa tan hết, chợ đã bắt đầu đón nhận những ghe thuyền của người dân sống bằng nghề sông nước sau một đêm đánh bắt vất vả đổ về đây và thương lái cũng chờ đón để mua. Cuộc mua bán diễn ra nhanh chóng khoảng một hai giờ rồi tan. Người bán muốn bán nhanh để về nhà thu xếp ngư cụ, công việc gia đình, ngủ một giấc để chuẩn bị cho buổi đánh bắt ngày hôm sau, còn người mua hay thương lái cũng muốn mua nhanh để kịp phiên chợ sáng của chợ huyện, chợ lớn thành phố, nếu họp chợ quá lâu tôm cá sẽ không còn tươi ngon nữa hoặc lỡ cả một phiên chợ không bán được. Cả một khoảng sông nước sáng lên từ những ánh đèn pin như thế xen lấn trong tiếng ồn ào làm cho chợ nổi càng lúc càng thêm đông đúc, náo nhiệt.

Tuy goi là chợ nhưng đa số ai đến họp chợ ở đây đa số đều biết nhau, biết tên họ, quê quán tuổi tác của nhau khác với những ngôi chợ trên bờ. Ngoài việc mua bán tôm cá thủy hải sản cũng là dịp mọi người thăm hỏi sức khỏe công việc của nhau, thông tin cho nhau những tin tức mà họ nghe được chẳng hạn cái chết thương tâm của hai đứa con ông An đuối nước khi đi bắt nuốc, đám ma của ông Lê được nhiều quan chức đến điếu vì con ông đang có chức quyền cao ở tỉnh…Chính vì thế buổi họp chợ ngoài việc mua bán, trao đổi còn là niềm vui của những người quen biết được gặp nhau.

Cô Nụ một thương lái quen cho chiếc xuồng nhỏ của mình cập mạn thuyền của Du cười bổ bả:

- Thế nào chú Du, đêm qua đánh bắt được nhiều chứ, có gì bán cho tôi nào?

Du cười nhẹ:

- Ít thôi cô ạ nhưng bù lại có mấy con cua nên cũng bù cho một đêm vất vả.

- Cậu đưa đây cho tôi cân nhé.

Nói xong cô Nụ nhanh nhẹn đở lấy cái xô đựng thủy sản từ tay Du, phân loại và lấy cân cân lấy, tính toán rồi lấy tiền trả cho Du, sau đó dùng mái chèo bơi đi. Du hỏi với theo:

- Cô Nụ ơi, có thấy thuyền của Duyên đến họp chợ chưa cô nhỉ?

Vừa bơi thuyền cô Nụ vừa trả lời:

- Chưa thấy bóng dáng cô ấy đâu, chắc một lát nữa đến thôi mà, cậu chờ đi, chưa gì đã nhớ rồi à?

Du còn nghe tiếng cười có vẻ đùa vui của người đàn bà trong gió. Kệ cô ta đi, có gì mà mình phải mắc mớ giấu diếm nhỉ? Trai gái lớn lên yêu nhau là chuyện thường tình mà. Du cười một mình và cảm thấy vui vẻ hạnh phúc. Anh và Duyên từ nhỏ sống cùng thôn, tuy nhà một đứa ở đầu thôn còn một đứa ở gần cuối thôn, cả hai cùng học chung lớp từ tiểu học, lên cấp 2, chưa hết cấp 3 phải bỏ học vì hoàn cảnh. Mỗi ngày đi học cùng về chung một đường, ngày mưa cũng như ngày nắng nên tình cảm cũng tự nhiên mà đến vậy thôi. Hoàn cảnh mỗi đưa nghỉ học có hơi khác nhau. Năm Du học lớp 10, một hôm ba Du đi giăng lưới ở phá về đột ngột cảm lạnh rồi mất, Du phải nghỉ học thay ba kiếm sống trên phá, còn Duyên học xong lớp 11, mạ cô bỗng dưng bệnh qua đời, ông già buồn tình bỏ bờ xuống nước, suốt ngày ở trên chồ lấy công việc đánh bắt, chăm nom nò sáo nuôi thủy sản để làm vui. Thương ông già cô đơn, một mình thui thủi sống đơn độc giữa bốn bề sóng nước mênh mông, bệnh tật thất thường ai lo? Duyên đành nghỉ học theo ba ra chồ để sống. Thời gian hai đứa từ đó gặp nhau cũng ít ỏi đi, thường ở phiên chợ sớm nầy thôi nên mặc dù mua bán đã xong Du cũng nấn ná chờ Duyên đến.

Du chèo thuyền len lỏi vào chợ nổi tìm Duyên. Duyên đã thấy thuyền Du từ xa nhưng còn bận xem cân hàng lấy tiền đã, hơn nữa vội gì lên tiếng người ta để ý. Duyên biết khi cân cá xong thế nào Du cũng tìm nàng. Du cho thuyền cập mạn song song với thuyền của Duyên hỏi:

- Cân xong chưa Duyên?

Duyên nhìn anh nói nhẹ:

- Gần xong rồi anh. Anh chờ em một chút nhé.

- Ừ! Thì chờ.

Cả hai cho thuyền thong thả rời chợ nổi, Du cầm một chiếc hộp nhỏ đưa sang cho Duyên nói gọn lỏn:

- Tặng em.

Duyên dừng tay chèo đón lấy:

- Gì vậy anh?

- Đoán đi.

- Không đoán cũng biết. Cái kẹp tóc đúng không?

Du chưng hửng ngạc nhiên:

- Sao đoán hay vậy.

Duyên cười:

- Ông nầy mau quên quá.

- Quên sao?

- Chẳng phải mấy hôm trước anh nói trên nhà chồ gió thổi nhiều lắm, làm tóc Duyên rối hết rồi nhìn coi không đẹp để anh mua cái kẹp tóc cho Duyên.

- Ừ nhỉ. Anh mau quên thật. Còn gói thuốc bánh nầy em đưa cho ba nhé.

Duyên nhìn Du cười cà rởn:

- Cho người ta nói lại đó. Ba của ai nè.

- Thì ba của Duyên.

- Nhưng ai gọi là ba:

- Thì ba của Duyên cũng là… ba của anh mà. Nói chi ngộ hè.

- Cưới con người ta hồi nào mà gọi là ba?

- Trước sau gì cũng gọi là ba. Gọi trước cho quen miệng không được sao?

- Anh khôn thí mồ. Mà anh mua thuốc cho ba hoài, ổng hút càng nhiều càng ho thêm có ích chi mô?

- Người già quen tật khó bỏ được mà, em hiểu cho ba đi. Hơn nữa ở chồ bốn bề lộng gió, lạnh người hút cho ấm mà.

Đến một chỗ rẽ, họ chia tay. Duyên cho thuyền ra phá về chồ, còn Du hướng lên bờ để lo cho một ngày mới đang chờ đợi phía trước. Lòng họ cảm thấy ấm áp một chút vì được gặp nhau dù chỉ là giây phút ngắn ngủi.

Từ ngày ba mất, Du phải bỏ học, thay ba kiếm sống trên phá để lo cho mạ và đứa em gái đang tuổi ăn tuổi mặc, con bé lại sắp thi tốt nghiệp nên cũng cần được chăm sóc nhiều hơn. Mạ đôi khi trái gió trở trời lại lăn ra bệnh, tất cả gánh nặng cơm áo Du đều phải cáng đáng lo toan nhưng anh không phiền hà về chuyện đó. Cũng như dân vạn chài, sáng sớm Du đã dong thuyền ra phá để thả lừ bủa lưới, buổi trưa khoảng 2 giờ lúc nầy nước cao, con nước đứng, tôm cá đi ăn nhiều là có thể kéo lừ thu hoạch. Sau đó lại chọn hướng gió thả lừ tiếp, mỗi tay lừ dài khoảng 10m, dân chài nào cũng có vài chục hoặc hàng trăm tay lừ như thế. Đợt thả lừ nầy chờ nửa đêm là kéo lên thu hoạch và đem ra chợ sớm để bán. Thuở ba Du còn sống, tôm cá còn nhiều giăng lưới thả lừ không đi xa mấy, đánh bắt tôm cá cũng đủ cái ăn cái mặc hằng ngày, tuy không khá giả hơn ai nhưng không phải lo toan nhiều về cuộc sống. Nay tôm cá ngày một ít đi, người ta lại đánh bắt nhiều, có kẻ lại dùng xung điện, lưới cào để tận diệt, tôm cá nào sinh sôi nẩy nở cho kịp để thỏa mãn lòng tham của con người kia chứ, nên muốn đánh bắt được nhiều tôm cá thuyền càng lúc càng phải đi xa bờ hơn nữa.

Hoàn cảnh của gia đình Du đã khổ mà nhiều gia đình trên đầm phá cũng khổ không kém, Có người nghèo đến nỗi không sắm được chiếc thuyền để bủa lưới thả lừ, ngày ngày chỉ biết mò trìa, suốt ngày ngâm mình trong dòng nước lạnh lẻo để bắt trìa cũng chỉ đủ miếng cơm hằng ngày. Đó là chưa nói đến chuyện thời tiết, mấy hôm vừa rồi xảy ra một tai nạn rất thương tâm làm chết cả gia đình. Anh Hải ở thôn bên đang kéo lừ bỗng cơn dông từ đâu ập đến, sóng duềnh cao làm thuyền lật, anh cố gắng kéo vợ con lên bờ, đuối nước cả gia đình cùng chết, đau đớn hơn thuyền của người mẹ chồng kéo lưới gần đó nghe tiếng người đàn bà kêu cứu nhưng sóng lớn quá không thể nào đến được, chừng biết ra người bị nạn là gia đình con trai mình khóc hết nước mắt. Cũng có người may mắn thoát chết, đó là vợ chồng anh Phiên ở Điền Hải.Đêm đó thuyền thả lưới gặp sóng to, gió thổi mạnh làm chiếc thuyền dạt ra cửa biển. Hai vự chồng cố gắng chèo chống đở đến kiệt sức cho đến khi thuyền sắp chìm. Họ đánh liều bỏ thuyền cột phao vào người rồi để mặc cho người trôi theo dòng nước. Cũng may sóng đây họ tầp vào đê chắn sóng và họ được một chiếc tàu cá cứu sống. Biết được điều đó, Du cũng không thấy buồn cho hoàn cảnh của mình.

Một buổi sáng, thuyền chú Ba Địa – bạn của ông Bảy, ba Duyên cập vào nhà chồ, chú cột dây, gọi ông Bảy ơi ới rồi cùng ông Bảy đem lên nhà chồ mấy can nước, một số vật dụng cần thiết mà ông Bảy nhờ mua như mắm, muối xà bông, bột ngọt. Từ ngày vợ mất, ông Bảy buồn tình ra chồ sống, ít khi lên bờ. Mấy thứ lặt vặt thường hay nhờ chú Ba Địa lên bờ mua hộ vì chú về nhà trên bờ thường xuyên. Ông Bảy gọi Duyên đem bình rượu thuốc mà ông ngâm để dành khi có bạn đến chơi, Duyên lúi húi ra sau nướng miếng khô cá cho hai ông nhấm rượu. Nhìn theo Duyên chú Ba Địa hỏi ông Bảy:

- Con nhỏ năm nay bao nhiêu rồi anh?

Ông Bảy nhìn ông bạn già của mình:

- Chậc. Ông hỏi tui mới nhớ. Con nhỏ năm nay đã hai hai còn gì. Mới đây mau quá. Mạ nó mất đã năm năm rồi, lúc đó nó mới mười bảy tuổi. Tui bỏ ra đây sống một mình, nó thương tui bỏ học ra đây sống cùng tôi cho tới bây giờ.

- Con gái lớn rồi phải lo dựng vợ gả chồng cho nó đi chớ. Ông không nghe người ta nói có con gái trong nhà như hủ mắm treo đầu giường sao?

Ông Bảy vặn vẹo:

- Chú nầy nói lạ, con mình mình biết chứ. Nó đâu phải như con gái người ta lo ăn diện đâu mà chú lo.

- Tui nghe nói nó với thằng Du con bà năm Nghĩa quen nhau lâu rồi đó.

- Chuyện nầy tui biết. Hai đứa nó sống cùng thôn, từ nhỏ tới lớn học chung lớp chung trường mà. Tính tình thằng Du cũng là đứa hiều hậu tui cũng ưng, mà nói thật hoàn cảnh của nó nghèo quá tui không đành cho con Duyên chịu khổ.

- Ừ! Bạn già với nhau thì tui nói vậy, thàng Du tui cũng chịu chứ con của bà Thu ở nhà hàng bên Cồn Tộc hay thằng con của thằng cha Nhung trưởng công an xã là tui không ưng cái bụng đâu đó.

- Chuyện của gia đình tui mà chú khéo lo. Thôi vô một ly cho ấm bụng cái đã.

Duyên ở bên trong đang trở miếng khô cá, nghe hết. Cô tủm tỉm cười. Cô biết ông Bảy thương cô nên nói vậy thôi. Ngọn lửa trên bếp bập bùng làm hồng thêm má người thiếu nữ, chợt cô giật mình khi nghe tiếng cha gọi:

- Duyên ơi, đang nướng cá à. Có mùi khét rồi đấy. Cái con nầy…

Khi chú Ba Địa về rồi, ông Bảy ngồi trầm ngâm một mình,lặng im không nói năng nhưng trong bụng ông nghĩ lung lắm: Duyên năm nay cũng đã hai hai rồi chứ còn nhỏ nhít gì nữa đâu, ở cái xứ đầm phá nầy ngày xưa ở cái tuổi ni đã là đàn bà một nách mấy con rồi chứ có phải sống độc thân như vậy đâu. Từ ngày vợ mất ông cảm thấy hụt hẩng trong lòng, bỏ ra chồ ở, vui cùng sông nước. Con bè thương cha ra chồ để săn sóc ông bỏ cả ước mơ làm cô giáo của mình. Ông biết thế nên ông thương con bé lắm chứ. Ông cũng biết tình cảm của con gái ông với thằng Du ở đầu thôn, hai đứa học chung quen nhau từ thời để chỏm, tắm còn ở truồng làm gì lão không biết, tánh tình cũng hiền hậu ăn ở tử tế mọi xóm giềng, ông không có gì chê trách nếu Du làm rể ông, nhưng ngặt nổi thằng nầy gia đình nghèo quá, một mình gồng gánh chuyện gia đình, mẹ già ốm yếu ho hen, còn đứa em gái còn đang học hành, gả con gái cho nó liệu con mình có chịu khổ nổi hay không? Hay vài ba bửa lại cắn đắn bỏ nhau thì khổ đời con gái ông tội nghiệp. Mà có phải con Duyên không ai để ý đến đâu. Bà Thu chủ nhà hàng ở Cồn Tộc, có của ăn của để lại là mối quen biết làm ăn, chuyên thu mua tôm cá nò sáo của gia đình ông nhiều lẩn ướm hỏi Duyên cho con trai bả, mới hôm qua đây thôi chứ có xa xôi gì đâu khi lão đem tôm cá cho nhà hàng bả còn dạm hỏi, nhắc lại nếu ưng con bả thì sau đám cưới bà ta giao lại nhà hàng nầy cho vợ chồng nó, bả rút về Huế lo mấy cửa hàng hải sản ngoài đó. Lão có lạ gì thằng Quân con bà Thu đâu, nó ỷ gia đình giàu có khá giả, không chịu lo học hành. Học chưa hết lớp mười hai đã bỏ ngang,tối ngày đàn đúm ăn nhậu, phá trời không mời thiên lôi, tuy chưa có tai tiếng gì nhưng ông không ưa ngữ thanh niên ấy, Ông nhớ hôm Duyên đi cùng ông đến nhà hàng để cân cá, nó nhìn con Duyên chăm chú như muốn ăn tươi nuốt sống con bé, Duyên không thích cái nhìn như muốn lột da lột thịt nó nên nó đứng tránh xa ra dù thằng Quân cố tình bắt chuyện, chớt nhã. Lão biết hết chớ, nhưng lão tảng lờ thản nhiên như không biết. Mấy lần sau Duyên ghét không đi theo ba nữa, thằng Quân thấy lạ lân la hỏi ông:

- Ủa! Hôm nay cô Duyên không đi với bác sao?

Ông ầm ừ cho qua chuyện:

- Nó bận rồi.

Thằng Quân nhìn ông như dò hỏi:

- Chắc má con có thưa chuyện hỏi cưới Duyên cho con với bác rồi chứ?

Ông trả lời gọn lỏn:

- Có.

Thằng Quân háo hức:

- Con thật lòng thương Duyên. Rồi bác nghĩ sao?

- Nghĩ sao là nghĩ sao?

- Bác ủng hộ chứ?

- Cậu nầy hỏi lạ? Chuyện ăn ở một đời của nó sao lại hỏi tui, sao cậu không hỏi con Duyên? Nó ưng đâu tui gả đó.

- Bác nói là Duyên ưng ngay mà.

- Tui là cha nó nhưng chuyện nầy là tự nó quyết định cậu ơi.

Ông Bảy biết về làm dâu nhà bà Thu thì Duyên sung sướng đấy, được làm chủ cả người ta, thậm chí muốn gì có nấy, không còn phải ngày đêm sống trên nhà chồ nhỏ bé chật chội, hằng ngày đối mặt với sóng nước mênh mông, vắng người hiu quạnh nhưng biết sống có lâu bền không khi có thằng chồng phá gia chi tử, tối ngày chỉ lo nhậu nhẹt đàn đúm. Lại nữa, còn lão Nhung, trưởng công an xã, mượn cớ đi tuần tra bọn ngư tặc lộng hành thường hay ăn trộm tôm cá của bà con trên đầm phá ghé nhà chồ của ông thường xuyên, mỗi lần có chút rượu vào là lời ra hỏi cưới con Duyên cho thằng con trai thứ của chả. Lão Nhung tâng bốc thằng con trai thứ lão thấu trời xanh: nào là đẹp trai có phong độ như tài tử ci-nê-ma, nào là sui gia với chả tôm cá trong nò sáo của lão không thằng ăn trộm nào dám sờ mó tới, ông cứ yên tâm ngủ thẳng cẳng…Ai mà không biết tánh khí thằng con trai lão Nhung: vợ chồng lão chiều chuộng con quá mức nên thằng nhỏ có thèm học hành gì đâu, ham đua đòi ăn diện, mai xe nầy một xe nọ, học chưa xong một nghề để nuôi thân thì lấy gì để nuôi vợ con. Lão chỉ ừ hử cho qua chuyện vì thẳng thừng từ chối thì mích lòng, hơn nữa lão cũng không nở xa con, nó luôn biết ý cha không bao giờ làm ông buồn lòng, nếu ông muốn đám nào chắc nó sẽ nghe theo dù nó không muốn. Thôi thì cứ thư thả đã. Hôm lão Nhung rề rà câu chuyện cưới hỏi, cũng có mặt chú Ba Địa nhà chồ gần đó, chú nói kháy một câu:

- Vậy chớ hôm nọ hồ của nhà ai bị bọn trộm khoắng gần sạch hết mấy trăm ký cua vậy ta?

Lão Nhung chưng hửng mặt quạu quọ:

- Tui mà bắt được bọn ăn trộm cua trong hồ của tui là tui xử liền. Cái thứ không biết kiêng nể ai cả. Chú đừng tưởng tui bỏ qua chuyện đó nghe, tui đang tìm kiếm thủ phạm đó. Còn cái nò sáo của chú đó, khéo mà trông chừng, kẻo nó ra tay thì đừng trách tui không nói trước à nghe.

Rồi chả đứng lên, phủi đit cái phạch, quày quả bước xuống đò nổ máy đi mất. Hai ông già còn ở lại đưa mắt nhìn nhau phá lên cười.

Du cho thuyền ra phá từ lúc nắng chiều đã nhạt. Anh thông thả neo thuyền chổ anh đánh dấu thả lừ buổi trưa. Giờ nầy còn sớm, anh nhìn những sợi nắng còn sót lại trong một ngày sắp tàn rải trên sông một màu đỏ ửng lấp lánh. Anh trông về phía xa, chổ nhà chồ của Duyên mà thấy nhớ và thương cô tha thiết, không biết cô giờ nầy đang làm gì có nhớ anh không? Tội nghiệp cô, sống thui thủi trên nhà chồ nhỏ bé kia, làm bạn với sóng nước mênh mông bên ông già trầm lặng ít nói, luôn đau đáu nhớ thương người vợ đã mất chắc cô buồn lắm. Chẳng có ai làm bạn để chia sớt nỗi vui buồn. Anh muốn giúp cô thoát khỏi nỗi buồn hiu quạnh kia nhưng anh biết phải làm gì bây giờ, hoàn cảnh của anh chắc cô cũng hiểu, chờ đợi có lẽ là một sự bất công đối với cô, con gái có thì, anh nằm xuống khoang thuyền, lấy bao thuốc rút một điếu gắn lên môi, đốt lửa rồi chợt thở dài buồn hiu.

Đêm đã dần khuya, trời bắt đầu trở gió, từ xa vài tia chớp ngoằn nghoèo rạch những vết chân chim lên bầu trời tối sẩm, Du thầm nghĩ có lẽ khuya nay trời mưa. Anh hy vọng kéo lừ xong trời hãy mưa. Gió bắt đầu thổi, mưa bắt đầu trút nước, sóng lô nhô từng đợt sóng .Cái lạnh như len vào từng thớ thịt của anh. Anh lặng lẽ cắm cúi kéo lừ, trút cá dính trông lồng vào xô. Bỗng anh nghe trong tiếng gió, có tiếng ai kêu cứu. Anh ngừng tay lắng nghe. Đúng rồi có tiếng người kêu cứu, hình như xuất phát từ nhà chồ của Duyên thì phải. Đúng là tiếng Duyên rồi. Chuyện gì thế. Anh vội buông lừ xuống nước nổ máy. Con thuyền chồm lên sóng, băng băng hướng về phía nhà chồ. Trong giây phút nầy sau Du cảm thấy con thuyền đi sao chậm thế. Tiếng kêu cứu càng lúc càng rõ hơn, đúng là tiếng Duyên:

- Cứu, cứu với. Ai cứu với.

Thuyền anh lướt tới ánh lửa trên nhà chồ mỗi lúc một gần. Trên nhà chồ Duyên đã thấy dáng thuyền của anh. Cô bụm tay nói to giọng như bị tiếng mưa át đi:

- Anh Du ơi cứu ba em với. Bọn trộm cá, bọn trộm cá…

Tiếng cô như nấc nghẹn lại. Du nhìn về phía nò sáo thấy hai chiếc thuyền đang nhầp nhô trên sóng, tiếng ông Bảy hét lên dữ dội:

- Lũ ăn cướp. Bọn bây là một lũ ăn cướp.

Ông đưa chiếc chèo giơ cao đánh vào lũ trộm cá. Một đứa đỡ mái chèo của ông giật mạnh làm ông lúi húi ngã sấp, thuyền chao đảo rồi lật úp. Du giận dữ hét lên một tiếng thật lớn tăng tốc cho thuyền mình đâm thẳng vào mạn thuyền của bọn trộm cá. Chiếc thuyền dạt qua một bên, chao đảo chòng chành như sắp lật. Hoảng hốt hai tên trộm nổ máy cho thuyền chạy ra xa trốn mất. Du vội vàng đỡ lấy ông Bảy người bấy giờ đã mềm nhủn bất động:

- Bác Bảy ơi có sao không? Con là Du đây bác Bảy ơi.

Trên chồ Duyên cũng sợ hãi không kém:

- Anh Du ơi! Ba em có sao không?

Du lính quính:

- Anh cũng không biết nữa. Phải đưa bác đi cấp cứu thôi.

Du đón vội Duyên xuống thuyền rồi nhắm hướng bờ mà lướt tới.

Mấy hôm nay nằm trong trạm xá làm ông Bảy cảm thấy khó chịu, buồn bực không yên. Một phần ông thấy mình bất lực trong việc bảo vệ tài sản của mình. Ai đời có trộm đến nhà chẳng những không bắt được chúng mà còn bị bọn chúng đánh cho bất tỉnh. Một phần mắc cở với Du, thấy mình có lỗi với nó quá. Đáng lý ra mình nên tin tưởng nó hơn, giao con Duyên cho nó sớm hơn nếu lỡ ông có mệnh hệ nào con nhỏ biết nương tựa vào ai. Nếu không nhờ có Du đêm ấy không biết ông có còn sống không? Âu là trời muốn thử lòng ông đây mà. Hàng xóm đến thăm, ai cũng mừng cho ông tai qua nạn khỏi. Thằng cha Nhung cũng đến thăm càm ràm:

- Đã trộm cá còn đánh người tội nặng đây. Phen nầy tui quyết bắt cho được bọn ác ôn nầy. Tui đã nói với ông rồi làm sui gia với tui là bọn chúng không dám đụng tới nò sáo của ông mà.

Thằng cha Nhung đi rồi, chú Ba Địa xí một tiếng rõ to:

- Chả là cái gì mà bọn trộm sợ chứ. Tối ngày chỉ lo tìm cách gài độ ăn nhậu là hay nhất.

Ông Bảy không nói gì, liếc nhìn ra ngoài sân thấy Du và Duyên đang ngồi trên băng đá trò chuyện với nhau, mặt mày đứa nào đưa nấy hình như tươi rỡ. Chắc tụi nó mừng ông sắp xuất viện về nhà đây mà. Mấy hôm nay cực cho chúng nó quá. Mấy ngày ông nằm đây, Duyên phải chầu chực lo cơm nước thuốc thang cho ông, chuyện nò sáo ông giao cho ông bạn già là chú ba Địa coi giùm, còn thằng Du nó cũng lăng xăng chạy tới chạy lui lo lắng cho ông như chính cha ruột của nó không bằng. Tới bây giờ ông mới cảm thấy mình già rồi, cần có một người đàn ông khỏe mạnh trong nhà để con gái của ông có nơi nương tựa gởi gắm. Ông tính rồi qua tết thong thả sẽ làm đám cưới cho hai đứa rồi giao hẳn nò sáo, hồ nuôi tôm cho chúng làm ăn. Ông sẽ lên bờ sống. Trong thâm tâm ông cảm thấy mình có lỗi với vợ quá. Ai đời thương vợ mà lại bỏ tuốt ra ngoài chồ sống mấy năm nay để bả nằm hiu quạnh một mình giữa những người xa lạ, thương vợ gì kỳ vậy ta?

Mấy hôm sau trước khi ra chồ trở lại, ông Bảy ra phần mộ của bà, bày mâm quả, đốt nhang khấn nguyện:

- Bà nó ơi, có sống khôn thác thiêng về đây chứng giám cho lòng thành của tui đối với bà. Qua tết tui sẽ làm đám cưới cho con Duyên và thằng Du. Chắc bà biết thằng Du con chị năm Nghĩa ở đầu thôn của mình chớ. Nó là thằng tốt đáng tin cậy. Tui giao con Duyên cho nó, giao hết tài sản trên đầm cho tụi nó. Tui lên bờ sống với bà. Bà chờ tui với nghe bà ơi.

Khói hương từ những cây nhang bốc lên, thoang thoảng bay trong gió sao nghe thấy có mùi thơm lạ.


Nguyễn An Bình

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 03/Oct/2018 lúc 6:24am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 04/Oct/2018 lúc 6:59am

Cánh Cửa Sổ


canh%20cua%20soVinh vừa đặt xong giá vẽ thì thấy Linda xuất hiện ở ngã tư trước mặt. Hôm nay Linda ra công viên sớm hơn thường hệ. Cả tháng qua Linda chạy bộ một mình. Trước kia lúc nào cũng có Stéphane chạy cạnh. Hai cô cậu, sau khi chạy xong mấy chục vòng quanh công viên, thì dừng lại vừa đi vừa thở. Sau đó hai đứa đến chỗ Vinh ngồi, ghé mắt nhìn bức tranh Vinh đang vẽ, lúc nào cũng tấm tắc khen ngợi. Vinh quen hai đứa trẻ từ đầu tháng 5. Khi trời Montréal bắt đầu nóng, Vinh thường mang giá ra công viên vẽ cảnh và những người, đủ mọi lứa tuổi, cũng bắt đầu chiều chiều ra ngồi hóng gió hay chạy bộ quanh công viên.

Bây giờ mới chớm thu, lá trên cành chưa vàng nhưng bầu trời âm u,buổi chiều đã nghe lành lạnh. Linda hôm nay thôi mặc chiếc áo cánh mỏng và chiếc quần sọt. Chiều nay cô bé mặc bộ đồ jogging ống dài màu xanh sẫm, tay dài, có mũ che đầu. Vinh bắt đầu tò mò chú ý sự một mình của Linda. Tuần trước khi như thường lệ, Linda dừng lại ghé mắt nhìn bức tranh Vinh đang vẽ, Vinh cất tiếng hỏi:
– Stéphane đâu rồi, sao dạo này không thấy?
Cô bé nhún vai, thản nhiên trả lời:
– Không chơi nữa. Nó còn con nít lắm.
Vinh trố mắt:
– Bộ cô lớn lắm hay sao?
– Vừa 18 tuổi. Stéphane cũng bằng tuổi. Nhưng con trai 18 tuổi còn khờ lắm.
Cô bé bỗng vụt hỏi:
– Ông mấy tuổi?
Vinh điềm nhiên trả lời:
– Bốn mươi.
– Tôi cho ông chừng ba mươi, ba mươi mốt thôi. Tôi có thể là một người tình bé nhỏ của ông!
Nói xong, cô bé cười khanh khách, đứng thẳng người, hai tay chống nạnh, chạy dậm chân tại chỗ một hồi, rồi đưa tay vẫy chào Vinh, rời công viên chạy thẳng về nhà.
Chiều hôm nay, chạy bộ xong, Linda lại ghé xem tranh.
– Lá đang xanh sao ông lại vẽ có chiếc đã nhuốm vàng?
Vinh cười, giọng pha chút tinh nghịch:
– Tôi nghe lá đã vàng. Tôi diễn tả cảnh thu bằng cảm giác chứ không vẽ mùa thu qua màu sắc quan sát.
– Tâm hồn người nghệ sĩ buồn cười quá nhỉ! Nhưng mà hay! Ông Vinh, tôi có một đề nghị.
Vinh ngạc nhiên nhìn Linda, chờ đợi:
– Tôi đề nghị ông vẽ cho tôi một bức hình với…tôi là… người mẫu.
– Tôi ít khi vẽ chân dung.
– Ai cấm ông vẽ tôi một cách lập thể, siêu thực hay ấn tượng gì gì đó. Thêm nữa tôi muốn ông vẽ tôi… khỏa thân.
Tuy bỡ ngỡ và dao động bên trong trước đề nghị đột ngột, táo bạo của Linda, Vinh cố giữ vẻ tự nhiên để hỏi lại:
– Cô trả tôi bao nhiêu bức tranh đó?
– Tôi không trả ông bằng tiền, tiền không có giá trị bằng…
Linda bỏ lửng câu nói, đứng nghiêng hông, ưỡn ngực, hai tay chống nạnh, mặt nghếch lên y như các cô làm mẫu đứng cho thợ chụp hình bấm máy.
Vinh lúng túng đáp:
– Tôi không dám, tôi không dám.
Rồi như để tránh tiếp tục câu chuyện, Vinh làm bộ chăm chú nhìn giá vẽ, tay cầm bút màu phớt phớt vào gốc cây phong vừa mới phác họa. Linda đến sau lưng Vinh, tay chắp đằng sau, khom người nói vào tai anh:
– Từ nay đến cuối tuần bố mẹ tôi vắng nhà. Nhà tôi số 432 đường Léa, con đường trước mặt đó, bên hông nhà có cái cửa sổ màu hồng. Lát nữa ông về, đi ngang qua đó, nếu thấy cửa sổ mở tức là ở trong nhà không có ai ngoài tôi. Ông không cần bấm chuông vì cửa không khóa. Tôi chờ ông.

Nói xong cô bé bắt đầu chạy. Nhưng Linda chỉ chạy một vòng công viên rồi men theo đường Léa chạy về nhà. Vinh cầm cục phấn màu trong tay mà không thấy hứng vẽ gì thêm. Trong trí anh hiện ra thân hình đầy sinh lực, khêu gợi của Linda. Nhưng liền sau đó, trong trí anh lại hiện ra hình ảnh Thục, vợ anh. Thục, người vợ Vinh vừa thương vừa quý, một người vợ đảm đang, trung thành, hy sinh gánh phần nặng nhọc trong nhà cho Vinh rảnh rỗi thì giờ để vẽ. Thục lúc nào cũng hãnh diện nghề họa của chồng, điều làm Vinh vô cùng cảm động, nhất là anh thừa biết những bức tranh của anh chưa mang lại lợi tức lớn lao nào cho gia đình. Nghĩ đến Thục, lòng ham muốn của Vinh có phần vơi đi. Trong một cố gắng làm dịu thêm rạo rực, Vinh nghĩ xấu về Linda. Có thể đó là một cô bé tâm trí bất bình thường hay một cô bé bụi đời. Dính vào cô ta có thể bị rắc rối, bị bệnh tật. Hoặc có thể Linda là một thành phần bất hảo, lập kế dụ Vinh vào nhà rồi hăm dọa hô hoán lên anh vào nhà ăn trộm hay cưỡng dâm cô để tống tiền.

Nhưng trong khi Vinh thu dọn đồ nghề cho vào cặp những ý nghĩ xấu về Linda tan biến dần. Một cô bé ăn mặc đúng thời trang, chiều chiều chạy bộ để giữ gìn sức khoẻ không thể nào là một cô gái bụi đời. Nhìn cung cách nói chuyện của Linda có thể nói cô bé táo bạo chứ không thể cho là tâm trí bất bình thường được. Còn gian manh Vinh không nghĩ Linda dụ anh vào nhà để làm tiền vì anh có gì để lộ ra là một người có tiền. Linda có thể chỉ đơn thuần là một cô gái dạn dĩ và lãng mạn mà thôi.

Vừa đi vừa suy nghĩ, chân Vinh đã nuốt một đoạn đường Léa lúc nào không hay. Nhà Linda là một loại town house mới, sơn màu xám nhạt. Bên hông nhà, hai cánh cửa màu hồng mở toang. Bên trong có ánh đèn tuy trời còn sáng. Vinh định bụng đi ngang qua cho biết chứ không vào. Rồi khi đi ngang qua cửa trước,Vinh chậm bước lại, tần ngần một chút rồi tiếp tục bước đi.

Nhưng đi qua khỏi nhà Linda rồi, lòng Vinh không nhẹ nhõm như anh tưởng. Trái lại lòng anh bứt rứt, anh có cảm tưởng như vừa để sẩy mất một thứ gì anh từng mơ ước. Biết đâu cô bé chẳng thích anh thật, mà có thể thích từ lâu nhưng anh không hay. Có thể Linda bỏ rơi Stéphane vì anh, để được tự do gần gũi anh. Và biết đâu thân hình đương độ của Linda chẳng sẽ là nguồn cảm hứng vô biên cho một bức tranh lõa thể để đời của anh.

Vinh sốt nóng trong ý nghĩ đầy kích thích, và không biết vô tình hay cố ý, anh bước vòng trở lại. Ngôi nhà màu xám nhạt với cánh cửa sổ màu hồng hiện ra. Vinh ngước nhìn lên, hai cánh cửa sổ vẫn mở toang. Anh thấp thoáng thấy một khuôn mặt đàn bà. Vinh bước mau lại gần, khuôn mặt đàn bà hiện rõ nét. Vinh khựng lại, hoa mắt. Linda đang đứng ở cửa sổ nhìn anh, miệng cười rạng rỡ. Nhưng bỗng đằng sau Linda, khi ẩn khi hiện, khuôn mặt Thục với đôi mắt đen sâu, đang yên lặng nhìn Vinh.


Trang Châu

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 05/Oct/2018 lúc 6:41am
Tình Yêu Không Trọn Vẹn
 
      Ngồi giữa căn nhà rêu phong, dột nát. Lan Ngầu cầm bút viết lại cuộc đời mình sau những năm dài đắm chìm trong lao lý.
 
      Bước qua năm 19 tuổi, vừa tốt nghiệp tú tài toàn phần, nàng thi đỗ vào trường Đại học Khoa học Sài gòn. Học được một năm nàng quen Cẩn, người bạn chung trường. Thời gian nối tiếp thời gian hai người yêu nhau. Cuộc tình kéo dài cho đến ngày ra trường, tưởng rằng sự gắn kết sẽ đi đến những gì họ thường hay mong ước. Nhưng định mệnh trớ trêu bao hy vọng đã tan theo mây khói. Ngày ra trường Cẩn lên Cao Nguyên còn nàng phải về Duyên hải, một khoảng cách Địa lý dường như vô tận, có chăng là những bức thư tình bay qua, bay lại với những ngày đầu để thỏa đi những gì thương nhớ. Nhưng ngày tháng, công việc cứ nối tiếp nhau, thời gian đã làm cho con người quên hẳn cái dĩ vãng tươi đẹp ấy và chỉ nhớ những gì hiện tại mà thôi. Thật là oan uổng.
 
      Chỉ một năm sau, Cẩn đã bước sang ngưỡng cửa mới, chàng yêu và lấy Ngọc Mai làm vợ. Mai một người đàn bà lý tưởng, hiền hậu luôn luôn một mực vì chồng. Bỡi thế Cẩn rất thán phục trước người vợ chân thành của mình. Qua mười năm chung sống họ rất hạnh phúc, tương lai tươi đẹp ở phía trước dường như đang đón chào đôi thanh nam, thiếu nữ nầy.
 
      Lan cũng thế, khi chia tay người bạn cũ, nàng cũng gặp may mắn kết đôi với một người đàn ông giàu có, nàng không phải đi làm việc hàng ngày như Cẩn mà vẫn sống trên nhung lụa xa hoa. Cuộc đời cứ ngỡ như đang ngự giữa Cung hoàng, không phong ba, bão nỗi mà im lìm như sóng biển tháng ba.
 
      Chuyện đời thật là khó hiểu, sau mười năm làm việc tại Kom tum Cẩn được lệnh thuyên chuyển về Nha Trang. Bước đầu chưa có nhà nên chàng phải thuê một căn hộ để ở tạm một thời gian. Ngày ngày đi làm việc tình cờ chàng gặp lại Lan nơi quán nước. Cuộc hội ngộ khá đặc biệt, không hẹn lại đến, mừng, tâm sự, quên mất mỗi người có một mái ấm riêng, có bao nhiêu kể hết, hẹn hò như lúc còn thuở Sinh viên. Về đến nhà cả hai mới té ra mình đã có gia đình, muốn dừng lại để tránh mọi xáo trộn trong cuộc sống. Nhưng tiếc thay tình cũ không rủ cũng đến, hai người bắt đầu đi đêm trở lại, phản bội gia đình mà trong lòng mỗi người không ai đều muốn cả.
 
      Bước lấn bước, sự kiềm hãm càng ngày càng trở nên lỏng lẻo. Lan quây về thật sự với Cẩn, dù trước đó chàng đã bao lần chối từ. Nhưng qua sự cứng rắn của Lan khiến chàng đành phải ngã lòng.
 
      Thời gian rồi thời gian nàng không muốn làm người tình lén lút nữa mà nàng buộc chàng phải về ly dị vợ và nàng cũng thế, để được cùng sống chung với nhau. Và, nàng đã thực hiện điều nầy trước, còn chàng thì cầu cưa vì vợ mình là người đàn bà tốt, chẳng lỗi lầm gì mà phải vội chia tay. Chàng từ chối liên tục mỗi khi nàng yêu cầu hay nói đến ba chữ về ly dị vợ.
 
      Một hôm vì quá yêu chàng nên nàng thốt ra những lời lẽ dường như không cần suy nghĩ nữa:
-Anh có yêu em không? Anh Cẩn.
-Đương nhiên là anh vẫn yêu em, nên anh mới lén lút gia đình để được gần em đến ngày hôm nay đây. Thế mà sao em lại hỏi đi, hỏi lại chỉ một câu hỏi, nghe thật nhàm chán vô cùng. Anh xin em đừng hỏi nữa có được không.
-Thương, yêu em. Thế sao không về ly dị vợ để được sống cùng em?
-Anh đã nói với em nhiều lần là anh không thể Lan à, em hãy hiểu cho anh.
 
       Cẩn vừa nói xong “Anh Không thể “ Thì một viên đạn vô tình hay cố ý đã ăn sâu vào quả tim của Cẩn và chàng đã ngã qụy dưới chân người tình ác máu.
 
      Lan vẫn đứng im lặng và khóc ngất. Nhà chức trách đến còng tay và dẫn nàng lên xe về Ty Cảnh Sát.
 
      Trước Toà nàng bị lãnh án chung thân. Sau hai mươi năm thụ án nàng được khoan hồng. Ngày trở về với mái tóc phơi sương, gầy yếu, nàng ngồi trong căn nhà rêu phong, dột nát cũ của cha mẹ nàng còn sót lại và ngồi viết lại một quảng đời mình „Tình Yêu không Trọn Vẹn „
 
Thủy Điền
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 06/Oct/2018 lúc 8:23am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22097
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 08/Oct/2018 lúc 8:10am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 190 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.688 seconds.