Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chuyện Linh Tinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh  
Message Icon Chủ đề: THÁNG TƯ ĐEN...... VÀ TẤT CẢ.. Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 93 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 14/Sep/2021 lúc 1:16pm

Viên kẹo đường, ngậm hoài chẳng tan


Jaime%20and%20Lainy&#39;s%20Vietnamese%20Boat%20People%20Map!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!


Nhân buổi họp mặt kỷ niệm ngày thành lập con tàu Cap Anamur và ủy ban cứu giúp người vượt biển, Tám còn đang say sưa ngắm nghía những tấm ảnh triễn lãm thuyền nhân dán trên một mảng tường lớn thì nghe được từ phía sau lưng một giọng nói ấm áp :

– Em ơi, em có phải đi tàu 95/695 không ?

Quay lại hướng có âm thanh vừa phát ra, Tám nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc lịch sự với gương mặt khá quen thuộc ẩn sau đôi kính trắng thật dày. Chỉ trong thoáng giây, Tám đã gọi tên anh, nhớ luôn cả họ và chữ lót .. Từ miền bắc California xa xôi, anh có chút công việc ở các nước Tây Âu và nán lại tham dự ngày họp mặt. Hai anh em mừng rỡ ôm chầm lấy nhau và câu chuyện của hai mươi ba năm về trước cứ tuôn ra như những mạch nước ngầm, như những dòng sông đang rủ nhau hội tụ về biển lớn.

Chất giọng Huế ấm áp và chân tình của anh đã đưa Tám đi ngược dòng thời gian và những chập chùng kỷ niệm của một thời quá khứ xa xôi như chợt bừng sống lại. Một chuyến ra khơi, rủi may đều được định đoạt trên số phận của mỗi con người. Anh xin Tám cái địa chỉ và hứa sẽ gửi cho Tám tấm hình chụp chiếc ghe vượt biển năm xưa. Trước phút chia tay, anh cũng dúi vào tay Tám cái đĩa hình ảnh (DVD) tư liệu về con tàu Cap Anamur làm kỷ niệm.

Vài tuần lễ sau đó, như anh đã hẹn, Tám nhận được một bì thư khổ lớn gửi từ thung lũng hoa vàng. Tấm hình màu được in rõ nét với những khuôn mặt khốn khổ chợt vui mừng như vừa được thoát xác. Tin vui chợt đến giữa phút giây tuyệt vọng đối diện với tử thần. Những câu chuyện ngỡ đã đi vào quên lãng chợt sống lại như chỉ mới hôm qua, dù bụi thời gian đã phủ lên cuộc đời của Tám một màu tro lạnh.

**

Con bé gái chừng năm, sáu tuổi nằm suỗi chân tay trong khoan ghe chật hẹp, nóng hầm. Mồ hôi ướt đẫm trên má, trên môi và se mái tóc dài ngang lưng thành những chùm dính kết, rối nùi. Gương mặt bé xanh xao như tàu lá vì say sóng. Chiếc ghe vẫn căng buồm theo hướng gió và lướt đi chầm chậm giữa một vùng biển lớn, mênh mông. Con bé quay đầu qua một bên và hình như không còn sức để la khóc. Nó ọe lênh láng lên người Tám giữa khi con sóng biển có ngọn trắng xóa và cao hơn mấy cái đầu người đang hung hăng, dũng mãnh ngoài kia. Người mẹ với gương mặt đầy dao kéo thẩm mỹ ngước lên nhìn Tám ngại ngùng và nói lời xin lỗi. Cơn đói, khát và say sóng khiến cho Tám cũng không phản ứng hay nói được lời nào. Chị nhanh tay lấy từ trong cái giỏ xách nhỏ xíu móc ra một viên kẹo bé xíu như đầu ngón tay út và dúi vào tay Tám. Chị cười gượng gạo và nói nhỏ :

– Em ăn đi !

Lên trại tị nạn, thỉnh thoảng hai chị em có dịp gặp lại nhau, lúc đi nhận thư hay ở lớp học ESL, Tám cứ nhắc hoài viên kẹo ngày đó. Với giọng nói dịu dàng như lần trên ghe vượt biển, chị ân cần :

– Trời đất, có cục kẹo nhỏ xíu mà em cứ nhắc hoài !

Sau này, Tám mới biết được, chị là phu nhân của tướng Lê Văn Hưng. Chị thuộc diện được cứu xét “ưu tiên” nên chỉ lưu trú ở trại tị nạn trong thời gian khá ngắn ngủi rồi được chuyển sang trại khác để sớm lên đường đi định cư.

Ở đời này, hình như niềm vui luôn song hành với nỗi buồn. Nhớ về những ngày tháng xa xưa, lắm khi Tám buồn rơi tuôn nước mắt nhưng cũng có những niềm vui như những viên kẹo đường, ngậm hoài chẳng tan và giúp mình bước đi tiếp tục giữa cuộc sống lưng chừng, sấp ngửa.


Vưu Văn Tâm



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 14/Sep/2021 lúc 1:20pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 23/Sep/2021 lúc 1:31pm

Chúc Thư Của Người Lính Già


Tôi người lính già  xa tổ quốc
Xa chiến trường lưu lạc tới đây
Nơi quê người sương pha tuyết đổ
Mang nỗi đau con ngựa lạc bầy.

Ngày tôi bỏ đi, bạn bè đồng đội
Vẫn hiên ngang đến phút sau cùng
Đã tự hiến thân mình cho tổ quốc
Thắng hay thua thì cũng vẫn can trường.

Không phải chỉ chịu ơn người đã chết
Tôi như còn mang món nợ nước non.
Chết không nghĩa là đã tắt hơi thở
Sống đôi khi cũng có nghĩa chết mòn.

Khi tôi chết ván hòm xin đậy nắp
Có vui chi nhìn người lính chết già
Hổ thẹn đã không tròn ơn nước
Tiễn tôi chi, thêm phí một vòng hoa.

Hãy quên tôi, người lính già lưu lạc
Đừng phủ lá cờ tổ quốc cho tôi
Anh em tôi trong những giờ tuyệt lộ
Nằm lại bờ lúc chiến hạm ra khơi.

Chiến hữu tôi chết đầu sông cuối biển
Ngày tan hàng đành nằm lại quê hương
Không ai trổi cho khúc kèn truy điệu
Không có ai phủ giúp ngọn cờ vàng.

Hãy phủ cờ lên nấm mồ tử sĩ
Xác bị xới đào trong nghĩa trang xưa
Hãy rải hoa trên con đường thấm máu
Phút lui binh phải gãy súng buông cờ.

Anh là ai, mang ngọn cờ tổ quốc
Nhân danh ai, đứng phủ lá quốc kỳ.
Chúng ta là những con người bỏ ngũ
Quên anh em nằm lại, để ra đi.

Ta lành lặn để bao người thương tật
Ta sum vầy đành để bạn chia phôi
Ta đến bến để bao người chết biển
Dù ấm êm cũng thương nhớ một đời.

Danh dự này dành cho người đã chết
Đã hy sinh để giữ vững ngọn cờ
Không phải tôi, người lính hèn bỏ ngũ
Để sống còn trong lúc bạn sa cơ...

Huy Phương
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 04/Oct/2021 lúc 8:57am

"Giải Phóng" Rồi Còn Vác Mặt Sang Mỹ Làm Cái Gì Vậy?


Nguoi%20Tu%20Cai%20Tao%20-%20YouTube


Mấy tuần trước, trong mục Nối Nhịp Thân Yêu của đài Little Saigon Radio, có một thịnh giả gọi điện thoại vào đài nhờ làn sóng điện giúp ông tìm một người bạn. 

Nhưng lời nhắn của ông làm tôi rất khó chịu. 

Theo những chi tiết ông cho biết về ông và về người bạn ông muốn tìm, tôi đoán ông phải là người đã lớn tuổi. Vẫn theo ông, trước năm 1975, ông là sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Bạn của ông cũng phục vụ trong quân ngũ. Ông phải ở trong hạng tuổi trên dưới sáu mươi. 

Nghe những chi tiết ông cho biết về ông và bạn ông, tôi đoán ông đã ở lại Việt Nam sau biến cố tháng Tư năm 1975. 

Và vì thế, ông làm tôi khó chịu.

Ông gọi biến cố năm 1975 là "giải phóng". 

Hai chữ này đã lâu tôi không nghe. Vì ông gọi điện thoại vào đài Little Saigon nên tôi mới nghe lại hai chữ ấy.

Nếu người dùng hai tiếng này là một cán binh Cộng sản hay một người làm việc cho nhà cầm quyền Hà Nội, hay là một người dân miền Bắc thì tôi không có ý kiến mặc dù nhiều người dân ở miền Bắc cũng rất mỉa mai khi dùng hai chữ này, và một số khác thì phủ nhận hoàn toàn không nghĩ đó là một cuộc giải phóng.

Nhưng người đàn ông gọi vào đài lại là một người sống ở miền nam, lại từng có thời ở trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà.

Điều đó làm tôi rất khó chịu.

Nếu ông ta không ở trong quân đội, thì sự khó chịu của tôi cũng nhỏ thôi. 

Nhiều ngưòi ở miền Nam trong khoảng thời gian ngay sau ngày 30 tháng 4 cũng đã dùng hai chữ này. Bị bắt phải dùng cũng có. Phải dùng để được yên thân cũng có. Mà tự nguyện dùng vì nghĩ là sẽ được tha cũng có. Rồi một hồi sau, thành ra quen miệng mà dùng. 

Nhưng rất nhiều trong số những người này, sau cơn hốt hoảng ban đầu, và thấy thực sự họ cũng chẳng hề thấy là được giải phóng gì hết, nên hai chữ này không còn được đem dùng nữa. 

Chuyện quen mồm rồi cũng bớt …quen. Vì thế, hai chữ giải phóng cũng thưa thớt dần và nay, ít người còn dùng chúng trong những lúc nói chuyện hàng ngày. 

Người đàn ông gọi điện thoại vào đài nhờ tìm bạn, cho tới cách đây mấy ngày, thì vẫn dùng hai chữ ấy. 

Ông cho biết ông cũng là sĩ quan. Như thế chắc chắn ông có đi tù Cộng Sản. Vậy mà ông vẫn dùng hai chữ "giải phóng" để nói về mốc thời gian năm 1975.

Sau những đối xử tàn tệ , dã man trong tù Cộng Sản, ông vẫn dùng hai chữ "giải phóng" để nói về ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Trong khi ông ở tù, chắc vợ con ông ở bên ngoài cũng không khá gì như hầu hết những người Việt ở miền Nam thời ấy. Đời sống phải khốn khổ trăm bề. Nhưng ông lại vẫn dùng hai chữ "giải phóng" một cách bình thản. 

Ông ra tù, có thể được thân nhân bảo lãnh sang Hoa kỳ sống. Ông vẫn vui vẻ làm giấy tờ, chạy đôn chạy đáo hoàn tất thủ tục để đi khỏi Việt Nam. 

Sau những chạy vạy vất vả đó mãi rồi ông cũng được giấy đi Mỹ. Vậy mà ông vẫn dùng hai chữ "giải phóng" để nói về cái duyên cớ ông đi tù, vợ con nheo nhóc khốn đốn và cuối cùng ông đi Mỹ, xa rời cái vùng đất gây cho ông và gia đình ông bao nhiêu khốn khổ. Nhưng ông vẫn dùng hai chữ "giải phóng".

Cũng có thể ông ở tù Cộng sản nhiều năm nên được cho đi Mỹ. Ông ở tù lâu như thế, mà vẫn gọi cái ngày khởi đầu thời gian ở tù Cộng sản của ông là "giải phóng".

Ông sang Mỹ muốn đi đâu, ở tiểu bang nào, làm việc gì tuỳ ý. Vậy mà ông vẫn dùng hai chữ "giải phóng" để nói về cái ngày ông phải bỏ đất nước ông đã lớn lên để ra ngoài sinh sống.

Thì tôi không thể hiểu được. 

Việc dùng hai chữ "giải phóng" không thể nói là quen miệng mà dùng mãi đến ngày nay. Ở trong tù bằng ấy năm, ra tù sống thêm một thời gian, khốn khổ là chuyện ắt phải có. Vậy mà vẫn, mở miệng ra nhắc đến cái ngày khốn nạn đó là ngày "giải phóng" thì sao được.

Không thể quen được. Em họ tôi đi bộ đội bỏ xác ở Trường Sơn. Nhưng cô tôi không một lần, trong các thư từ, nói là nó "đi Nam giải phóng, chống Mỹ cứu nước". Mà cô tôi là người sống suốt đời ở miền Bắc.

Mấy chục năm qua đã là thời gian đủ để nhìn lại xem đó có phải là ngày giải phóng không.

Nếu là một đứa bé, một kẻ thất phu như chữ nghĩa người xưa vẫn dùng mà mở miệng ra dùng những chữ ấy thì còn có thể tha thứ được. Nhưng đây cũng là người cầm bát cơm lên biết đổi đầu đũa mà còn nói ra những lời lẽ còn nặng hơn là tiếng chửi lại mình, tiếng nhục mạ danh dự của chính mình thì không thể không bực mình cho được. 

Không lẽ bỏ Việt Nam đi tìm miếng ăn. 

Nhưng cho dẫu có như thế, thì cũng chẳng thể nào gọi đó là ngày "giải phóng" được.

 "Giải phóng" rồi còn vác mặt sang Mỹ làm cái gì vậy?

 

●Bùi Bảo Trúc 

Ngày 8 tháng 9 năm 2012



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 04/Oct/2021 lúc 9:04am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 04/Oct/2021 lúc 7:45pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 10/Oct/2021 lúc 9:48pm

Nỗi Niềm Của Vợ Tù Cải Tạo 


Một%20Thời%20Để%20Nhớ:%20Vợ%20Người%20Tù%20&quot;Cải%20Tạo&quot;%20!

Cho phi cơ lượn vài vòng trên không trung, Dinh cảm thấy vui hẳn lên với cảm giác được hoàn toàn tự do. Nhìn xuống, thấy đồng ruộng xanh ngát, tự dưng một giòng nhạc khởi lên trong lòng, Dinh hát theo điệu Valse Lente

“Làng tôi yêu mến có lũy tre đầm ấm,

 khoát bóng lên lều tranh…”(1) 

Hát đến đây, Dinh thoáng giật mình; vì chàng là sĩ quan Bộ Binh chứ không phải Không Quân; thế thì làm sao chàng có thể lái được máy bay? Vừa khi đó, nhận ra kim chỉ nhiên liệu xuống đến chữ E, Dinh vội cho phi cơ đáp khẩn cấp.

Gặp vài người Dinh mới nhận ra những người này không nói cùng ngôn ngữ với chàng. Thấy quân phục của Dinh nhiều người kéo đến, nhìn Dinh bằng đôi mắt sôi sục căm thù.

Thấy ánh mắt căm thù, Dinh hãi sợ, bỏ chạy. Nhóm người lạ đuổi theo. Một âm thanh hãi hùng vang lên trong đêm: “Ngụy trốn trại! Ngụy trốn trại! Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!” Nhóm người vừa đuổi theo vừa lượm đá quăng về phía Dinh. Dinh trúng thương, ngã xuống.

Khi tỉnh giậy, trong nhiều tiếng lao xao/mơ hồ, Dinh nhận ra tiếng Duy – con lớn của chàng – quát đứa em:

- Dục! Coi ổng còn thở không?

Dinh muốn đáp: “Ba không sao đâu”, nhưng nói không được! Trong khi Duy và Dục bồng Dinh để lên giường, Dinh cố nhớ lại giấc mơ. Dinh tự hỏi, tại sao những lần trốn trại và những đòn thù xưa cứ ám ảnh chàng hoài? Dinh muốn lấy điện thoại, gọi cho Huyền – chị của Dinh, ở Mỹ – nhưng Dinh không thấy được gì cả!

Sau khi bảo tài xế Taxi lái đến bệnh viện Đồng Nai, Duy than:

- Mẹ bà nó! Đây rồi ổng nằm một đống, đái ỉa một chỗ, ai lo được, Trời!

Dục đáp:

- Ông là anh cả, trưởng nam, ông phải lo chớ ông tính “bán cái” hả?

- Mẹ! Con c. tao chứ trưởng nam. Cũng vì hai chữ trưởng nam mà năm 75 ổng không chịu di tản; vì ông bà già của ổng không chịu đi. Mẹ bà nó! Ngoại trừ sĩ quan cấp nhỏ như ông Bảng, ở tù ngắn hạn, Mỹ không nhận; còn ai ra tù cũng nạp hồ sơ xin đi Mỹ, mà ổng không nộp; vì bà già của ổng không chịu ở với ông Bảng.

-Bởi vậy tui với ông mới bốc cứt mà ăn.

Dinh muốn gào lên: “Ba không xin đi diện H.O. vì bà Nội chỉ một phần; lý do chính là vì hai con đều trên 21 tuổi, không được chấp thuận. Lúc đó, chỉ vì thương bà Nội và thương hai con – và cũng vì Ba không biết được rằng Ba cứ qua Mỹ, từ từ Ba sẽ bảo lãnh bà Nội và hai con sang sau – mà Ba không đành đi Mỹ một mình. Ba đã quyết định sai; nhưng sự sai lầm đó, cũng như sự sai lầm của Ba năm 75 là do tình thương mà ra.” nhưng không nói được! Dinh vừa đau xót, vừa tủi thân, vừa giận hai thằng con thiếu giáo dục!

Đây không phải là lần đầu tiên Dinh nhận ra sự thiếu giáo dục ở thế hệ trẻ. Ngay từ khi được ra tù, trên chuyến xe lửa về Nam, Dinh rất buồn lòng vì nhận thấy ngôn từ và hành động của những người trẻ trên xe lửa cũng như tại những ga xe lửa, đều khó chấp nhận. Về đến nhà, thấy Duy và Dục cũng ứng xử như những người trẻ vô học, Dinh rầy. Duy đáp: 

-Thời buổi này kiếm hột cơm đổ vô họng còn chưa có, ở đó mà lễ nghĩa, đạo đức! 

-Con nên nhớ, ông bà mình dạy rằng: “Đói cho sạch, rách cho thơm.” 

-Lời ông bà, lời thánh hiền, xưa rồi! Lời “bác và đảng” là tiền. Tiền! Tiền!”  

-Con nói chuyện với Ba mà con dám dùng những lời thiếu giáo dục như vậy, hả?

-Có ai giáo dục tui đâu mà thiếu với đủ? 

Dinh nghẹn lời! Từ đó, Dinh cố tình tránh mọi va chạm với hai con.

Lòng buồn vô hạn. Nhưng khi nhận biết Duy và Dục, mỗi đứa một đầu, cố sức khiêng Dinh vào nhà thương, Dinh lại cảm thấy thương con vô vàn. Dinh muốn khóc nhưng khóc cũng không được, rồi Dinh từ từ lịm vào hôn mê!

Khi tỉnh lại, Dinh cảm biết thân người bên phải có thể cử động và có vật gì chụp vào miệng và mũi chàng. Dinh nghe giọng Bảng – em của Dinh – lay gọi chàng rồi Dinh nghe tiếng Duy:

-Dục! Mày ở đây với ông Bảng, tính gì cho ổng thì tính; tao về lục hình của ổng, đem đi phóng lớn để lo hậu sự cho ổng.

Dinh muốn gào lên“Con ơi! Ba chưa chết, con ơi!” nhưng nói không được. Bảng nạt:

-Hậu sự cái gì? Để tao điện qua cho cô mày.

Duy đáp:

-Bệnh của ổng như vậy tiền núi chữa cũng không lành nói gì xin bà Huyền. Mỗi lần xin bả cho có vài trăm đô chớ mấy!

Bảng im lặng, bấm số. Sau khi Bảng cho hay Dinh bị stroke Huyền khóc nức nở. Chờ cơn xúc động của Huyền dịu xuống, Bảng nói:

-Chị à! Chị cố bình tĩnh nghe em nói. Ba Má không còn, chỉ còn chị, nếu không cho chị biết, nhỡ anh Dinh có gì thì em làm sao đây?

-Hiện tại bác sĩ đang làm gì cho anh Dinh?

-Bác sĩ nói trễ quá, không làm gì được. Họ cho ảnh ra phòng ngoài, nằm chung với mọi người rồi.

-Trời! Tình trạng của Dinh phải nằm ở phòng hồi sinh chứ tại sao lại nằm phòng ngoài?

-Em đâu biết.

-Tìm bác sĩ, yêu cầu bác sĩ trực tiếp nói chuyện với chị, nhanh đi!

Bảng “dạ”. Huyền không nghe được gì nữa. Một chốc sau, Huyền nghe giọng Bảng nói văng vẳng: 

-Chị tôi mới là người có khả năng thanh toán viện phí. Bác sĩ không nói chuyện với chị tôi thì tôi với hai thằng này là ba mạng cùi chứ làm sao tụi tôi trả được!

Nghe giọng lạ “Allo”, Huyền hỏi:

-Thưa, có phải bác sĩ là người đã khám nghiệm cho Trần Dinh không ạ?

-Vâng.

-Thưa, theo bác sĩ, em tôi có khoảng bao nhiêu phần trăm hy vọng sống sót?

-Một phần trăm. Nhưng bệnh viện này không đủ phương tiện để giúp ông Dinh.

-Nếu vậy, xin bác sĩ làm ơn chỉ cho tôi bệnh viện nào có thể cứu em tôi.

-Nếu có phương tiện tài chánh, bà nên đưa ông Dinh đến bệnh viện Chợ Rẫy.

-Thưa, nhờ bác sĩ cho một xe hồng thập tự đưa em tôi đến Chợ Rẫy, được không ạ?

Một thoáng chần chừ. Huyền tiếp:

-Thưa bác sĩ, người em kế của Dinh là Bảng, người mà lúc nãy đã yêu cầu bác sĩ nói chuyện với tôi đó. Bảng sẽ làm giấy cam kết với bệnh viện rằng Bảng và tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả mọi phí tổn mà bệnh viện đã cung cấp cho Dinh.

-Vâng, nếu thế thì không gì trở ngại.

-Cảm ơn bác sĩ.

Vừa trao điện thoại lại cho Bảng bác sĩ vừa nói:

- Xong, anh vào gặp tôi ngay.

Sau khi “đăng ký” cho Dinh vào bệnh viện Chợ Rẫy, Bảng bảo Duy và Dục ở lại trông chừng Dinh, Bảng đến ngân hàng nhận tiền Huyền gửi về bằng Moneygramme.

Khi trở lại bệnh viện, thấy Dinh đã được đưa ra phòng ngoài, nằm cùng giường, nhưng ngược đầu với một bệnh nhân khác, Bảng trách:

-Duy, Dục! Sao hai đứa mày không xin cho Ba tụi bay nằm riêng một giường mà để ổng nằm hửi cẳng người ta, tội quá vậy?

Duy đáp như Dinh là người xa lạ:

-Ổng nằm đây không lâu đâu mà lo.

-Mày nói cái gì?

-Bác sĩ ở đây cũng nói giống bác sĩ ở Đồng Nai chứ khác gì đâu. Ông không cho tui về rửa ảnh lo hậu sự cho ổng thì tui điện cho vợ tui, biểu vợ tui lục hình, đem đi rửa lớn, mua nhang đèn sẵn, thì cũng vậy thôi.

Những lời đối đáp của Duy và Bảng khiến Dinh chỉ muốn chết ngay tức thì! Riêng Bảng, nghe Duy nói rồi nhìn Dinh, Bảng cảm thấy đau lòng. Chỉ vì tình gia đình mà Dinh phải chịu hết khổ lụy này đến oan khiên nọ. Bảng cảm thấy cay cay ở mắt khi thầm nghĩ: Thôi, nếu số phần của anh chỉ đến đây thì biết đâu đó cũng là một giải pháp tốt; bởi vì, bên kia cuộc sống, có thể con người không quá thủ đoạn và đê tiện như trên đất nước Việt Nam hôm nay!

Sau giây phút mủi lòng, Bảng bảo Duy và Dục ở lại trông chừng Dinh, Bảng trở về Đồng Nai thanh toán tiền bệnh viện.

Bảng vừa rời bệnh viện, Duy bảo Dục ra phía trước bệnh viện mua thức ăn. Dục vừa đi thì y tá vào phòng, hỏi:

-Có ai tên Trần Duy ở đây không?

-Có. Tui.

Người đàn ông phía sau người y tá bước đến gần Duy:

-Ba mày tên gì?

-Trần Dinh.

-Mày có người bà con nào bên Mỹ không?

-Có. Chị của Ba tui.

-Bả tên gì?

-Trần thị Huyền.

Vừa nói người này vừa ra dấu cho Duy bước ra sân:

-Bà Huyền emailed thông báo bệnh trạng của ông Dinh cho những người cùng khóa Sĩ Quan Thủ Đức với ông Dinh. Những người này góp được một số tiền. Anh tôi điện về, bảo tôi ứng trước số tiền đó để giúp ông Dinh.

Sau khi nhận tiền, Duy tìm Dục, bảo Dục trông chừng Dinh, Duy phải đi gấp. Duy đến những nơi ăn chơi mà lúc nào Duy cũng mơ ước mỗi khi Duy lái xe ôm đưa khách đến.

Hôm sau Bảng trở lại gặp lúc Duy đang xin bác sĩ cho Dinh xuất viện. Bảng cản:

- Không được. Bệnh của Ba mày như vậy mà mày đem ổng về để ổng chết hả?

Duy muốn đem Dinh về vì Duy nghĩ tình trạng của Dinh, nếu sống được thì cũng chỉ báo đời thôi; càng để Dinh nằm bệnh viện lâu bao nhiêu thì lệ phí càng tăng bấy nhiêu. $650.00 đô-la mà những cựu Sĩ Quan Thủ Đức gửi về biếu Dinh, tối hôm qua Duy “đi thoải mái” “chỉ tốn có một trăm đô chớ mấy”! Duy dự tính trả tiền nhà thương khoảng hai, ba trăm, số tiền còn lại Duy sẽ mua một “quần bò” thật “xịn” để tặng con nhỏ làm ở quán bia ôm mà Duy thích. Lý do là như vậy, nhưng Duy lại đáp khác:

-Đem ổng về có gì vợ tui lo giúp để tui còn đi làm ăn chứ bộ tui ở trong này để vợ con tui chết đói sao?

-Thì mày với thằng Dục thay phiên nhau ở đây.

-Ông đâu có bưng cứt đổ đái cho ổng. Ông đâu có ở đây để hửi mùi hôi mùi thúi và nghe người bệnh rên la cả đêm.

Bảng xoay sang bác sĩ:

-Xin lỗi bác sĩ, chị tôi bên Mỹ điện về, bảo tôi nhờ bác sĩ giúp cho anh tôi được nằm một phòng riêng.

-Ở đây không bệnh viện nào có tiêu chuẫn như vậy.

-Vậy thì xin bác sĩ cho anh tôi nằm một mình một giường. Bác sĩ giúp giùm, chị tôi không quên ơn bác sĩ.

Câu cuối Bảng nói rất nhỏ; cũng chính câu cuối của Bảng khiến bác sĩ gật đầu:

-Vâng. Tôi có thể giúp anh điều đó.

Bác sĩ rời phòng. Bảng hỏi Duy:

-Thằng Dục đâu?

-Nó cũng lo đi làm ăn chớ bộ nó ở đây lo ôm xác ổng sao!

-Mày ăn nói mất dạy. Ngày nào Ba mày có quyền có chức thì Mẹ con mày dựa hơi; khi Ba mày đi tù, Mẹ mày lấy cán bộ, giao hai đứa mày cho Bà Nội mày nuôi. Bây giờ Ba mày trong tình cảnh này thì hai đứa mày chỉ mong cho ổng chết nhanh, phải không? Chờ đó, tao gọi cho cô mày.

-Gọi cho bả làm đ. gì! Mẹ bà nó, cho nhỏ giọt!

Không muốn đối đáp với đứa mất dạy, Bảng bấm số điện thoại. Sau khi nghe Bảng trình bày, Huyền bảo:

-Bảng mở speakerphone, để gần tai bên phải của anh Dinh. Bảng cầm tay phải của anh Dinh và cố để ý phản ứng của anh Dinh.

Khi Bảng báo cho Huyền biết mọi điều đã xong, Huyền vừa khóc vừa nói rất chậm:

-Dinh ơi! Chị đây. Nếu chị nói gì mà Dinh nghe và hiểu được thì Dinh bóp tay Bảng, nha!

Bảng reo lên:

-Đó, đó, ảnh bóp tay em.

Huyền tiếp:

-Dinh biết ai nắm tay Dinh không?

Nhiều tiếng reo lên: “Ối Giời! Ông ấy biết đấy.” Huyền tiếp:

-Mấy anh Thủ Đức bên này và bên Úc chung lời cầu nguyện cho Dinh. Dinh gắng vượt qua, nha!

Bảng không kềm được xúc động:

- Anh Dinh nghe và biết hết, chị à!

Huyền tiếp:

-Dinh nên ở lại bệnh viện để bác sĩ lo cho Dinh, nha!

Lại nhiều tiếng reo của bệnh nhân cùng phòng: “Đấy, đấy, ông ấy nắm chặt tay người em. Thế có tội không!”  Huyền lại tiếp:

-Dinh! Như vậy là dấu hiệu tốt. Bảng sẽ yêu cầu bác sĩ, bằng mọi cách, chữa cho Dinh…

Cuộc điện đàm vừa đến đây thì phải ngưng; vì người nằm cùng giường với Dinh được chuyển sang nằm chung với bệnh nhân khác. Và một bệnh nhân trẻ, tên Diên, bị băng nơi chân, được đưa vào.

Bảng tìm vị bác sĩ – mà lúc nãy Bảng yêu cầu ông ấy giúp cho Dinh được nằm riêng một giường – để “trả ơn”, như Bảng đã hứa.

Khi trở lại phòng bệnh, Bảng thấy Trang – vợ cũ của Dinh – đang hối hả đi về phía phòng bệnh. Chưa biết Trang đến phòng bệnh để làm gì, nhưng Bảng không muốn Dinh bị xúc động mạnh khi gặp lại Trang. Bảng gọi:

-Chị Trang!

Trang quay lại:

-Ủa, chú làm gì ở đây?

-Em cũng muốn hỏi chị câu đó.

-Thằng con của tôi bị tai nạn xe gắn máy, được đưa vào đây. Còn chú?

Sau khi nghe Bảng kể qua bệnh trạng của Dinh, Trang khóc. Bảng nói:

-Chị với anh Dinh hết duyên hết nợ thì thôi; chỉ tội nghiệp cho anh Dinh là nếu anh Dinh bị xúc động mạnh trong tình trạng này thì anh ấy sẽ khó qua. Em yêu cầu chị là chị cố gắng đừng cho anh Dinh biết có sự hiện diện của chị trong phòng bệnh.

-Chú cho tôi thăm cháu xem tình trạng của cháu như thế nào rồi tôi sẽ liên lạc với chú.

-Nè, chị ghi số điện thoại của em đi. À, chị cũng phải lánh mặt thằng Duy với thằng Dục nữa, nha! Hai thằng đó mất dạy lắm!

Vừa ghi số điện thoại Trang vừa hỏi:

-Anh Dinh, Duy và Dục hiện nay sống ở đâu, chú?

-Vẫn ở kinh tế mới đó…

Bảng chưa dứt câu, Trang chợt nghe giọng Tâm – chồng của nàng:

-Ôi Giời, Trang! Em đến sao không vào thăm con ngay mà lại ở đấy? Nó hỏi em hoài. Còn mấy đứa kia đâu, sao em không đưa các con đến thăm anh nó?

 

******

Vừa đẩy chiếc xe lăn có Dinh ngồi bên trong, Bảng vừa nói:

-Ra nghĩa trang thăm mộ, cúng tạ Ba Má và mấy đứa em xong, mình trở về để người ta làm “vật lý trị liệu” cho anh, nhen!

-Bảng cúng chứ anh lạy đâu được!

-Thì anh ra với em cho “dzui”.

Đến bên nghĩa trang, bất chợt Bảng hỏi:

-Anh Dinh! Anh xem bà nào mà trông quen quá vậy?

Dinh nhìn ra đường mòn, hơi ngờ ngợ, không tin vào mắt chàng. Người phụ nữ đến gần, lấy nón xuống, nhìn Dinh. Dinh gằn giọng:

-Cô còn gặp tôi để làm gì?

-Em biết em có lỗi với anh nhiều lắm. Nhưng anh nên cho em nói với anh những điều cần nói; nhỡ mai này chúng ta không thể gặp lại nhau…

-Gặp lại để làm gì?

-Anh cho em thố lộ với anh một lần, chỉ một lần thôi!

-Vâng. Cô muốn nói gì, nói đi!

Bảng lẻn đi về. Trang ngồi lên phiến đá nhỏ:

-Những lời của em không phải là những lời chạy tội mà chính là nỗi thống khổ của người vợ tù cải tạo.

-Chuyện cải tạo, cải tiết xưa rồi, đừng nhắc nữa!

-Vâng. Em sẽ tôn trọng yêu cầu của anh. Ngược lại em cũng yêu cầu anh cho em được nhắc lại chỉ một chi tiết thôi.

-Chi tiết nào?

-Anh nhớ lần em đến trại Yên Bái thăm anh không?

Dinh gật đầu. Trang tiếp:

- Anh còn nhớ là hôm đó anh quyết liệt từ chối, không muốn nghỉ qua đêm với em trong “lán” cạnh cổng trại hay không?

Làm thế nào Dinh có thể quên được. Trước khi Trang được phép thăm nuôi, Dinh đã cố gắng thuyết phục bạn tù thực hiện những buổi văn nghệ đặc sắc. Dinh giả vờ hăng say, vui thích vừa đàn vừa hát những nhạc phẩm sặc mùi “cách mạng”. Dinh thực hiện mọi phương thức để tạo niềm tin nơi ban quảng giáo – chỉ với mục đích sẽ tìm cơ hội vượt ngục. Sự thay đổi thái độ của Dinh làm bạn tù bất mãn, nhưng ban quản giáo lại hài lòng. Nhờ vậy, khi Trang ra thăm, ban quản giáo cho Dinh được ở lại “lán” với Trang một đêm. Dinh cương quyết từ chối. Nhưng…

Trang tiếp:

-Chính em là người đã khóc và năn nỉ anh; vì em thương anh, em nhớ anh, em chỉ muốn được ôm anh trong vòng tay.

-Nhắc lại để làm gì?

-Em chỉ muốn anh biết sự thật.

-Sự thật gì? Cô lấy chồng cán bộ, tôi mừng cho cô.

-Anh đừng tàn nhẫn với em!

-Ai tàn nhẫn với ai?

-Anh Dinh! Anh phải biết rõ nguyên do trước khi anh phán xét.

-Rồi, Mẹ con cô nghèo khổ, vì trước 75 tôi là một sĩ quan sạch. Cô lấy cán bộ vì cô chịu cực không được. Còn gì nữa?

Trang gục xuống:

-Còn một đứa con mà anh không biết, anh ơi!

-Tôi vừa về nhà sau thời gian quá dài nằm nhà thương. Cô đừng đày đọa tâm hồn tôi nữa!.

Trang đứng lên, đội giọng:

-Tôi sẽ trở lại trong vài phút.

Trang trở lại với Diên. Thấy Diên, Dinh ngạc nhiên đến sửng sờ! Diên có đôi mắt buồn buồn của Dục và đôi chân mày rậm, sóng mũi cao, cái cằm nhòn nhọn của Duy. Trang bảo Diên chào “Bác”. Diên chào. Dinh đưa tay phải ra, Diên lễ phép bắt tay Diên với cả hai tay và miệng hơi mỉm cười. Ôi! Nụ cười của Diên sao lại y như nụ cười mà ngày xưa Dinh thường thấy mỗi khi Dinh soi gương! Trang bảo:

-Con ra tiệm bi-da chơi, chờ Mẹ một tý nữa thôi.

Diên chào Dinh một lần nữa rồi đi. Trang hỏi:

-Anh nghĩ gì?

-Thú thật với cô tôi không hiểu tôi nghĩ gì!

-Sau lần đi thăm nuôi anh ở Yên Bái, em không “to be”. Em vừa phải chống chọi với những cơn nôn mửa mỗi ngày, vừa chịu đựng những lời đay nghiến, chửi rủa thậm tệ của Má anh và vừa suy nghĩ xem có nên cho mọi người biết sự thật hay là phá thai? Em không thể phá thai, vì em đạo Thiên Chúa. Cuối cùng em cho Má anh biết sự thật. Má anh lý luận: Ba anh cũng tù cải tạo, khi Ba anh chết Má anh còn không được tin chứ đừng nói đến chuyện Ba anh được phép nghỉ qua đêm với Má anh. Chú Bảng là sĩ quan cấp nhỏ, cũng đi tù mà thiếm Bảng không được ở lại qua đêm; còn anh là một sĩ quan trung cấp, em là cái thớ gì mà được ở qua đêm với anh? Má anh than với mọi người rằng em đã lấy Tâm, một cán bộ thường theo tán tỉnh em mà quanh xóm ai cũng biết. Anh Dinh! Em có thể chịu cực nhưng em không thể chịu nhục.

-Má tôi mất lâu rồi, nên để Má tôi yên.

-Em không đổ lỗi cho Má anh. Em chỉ trình bày sự việc.

-Rồi, cô bất mãn Má tôi, cô đi. Nhưng tại sao cô lại bỏ Duy và Dục cho Má tôi nuôi?

-Sau 75, gia đình bên anh sa sút như thế nào thì gia đình bên em cũng không thể khác được. Nhưng ít ra, bên anh còn có chị Huyền giúp đỡ. Em nghĩ, Duy và Dục ở lại, trước nhất là hai con có được miếng ăn; hai nữa là Duy và Dục có thể đỡ đần Má anh những lúc Má anh cần. Thứ ba là em không biết Tâm đã hay tin em có thai hay chưa? Nếu Tâm biết em có thai, chưa chắc Tâm chịu lấy em. Nếu Tâm không lấy em thì làm thế nào em nuôi được cả ba đứa con? Anh tưởng em không đứt ruột khi phải xa hai con hay sao?

Trang nghẹn ngào, khóc! Một lúc lâu lắm, Dinh hỏi:

-Chồng cô có biết chuyện của Diên không?

-Dạ, không. Sau khi em lấy Tâm, em năn nỉ Tâm xin thuyên chuyển thật xa để chôn vùi quá khứ. Khi sinh Diên em cho tiền bác sĩ và y tá, yêu cầu họ xác nhận Diên bị sinh thiếu tháng.

-Hiện tại Diên làm gì?

-Dạ, Diên vừa tốt nghiệp đại học, ngành tin học.

-Tại sao mãi đến nay cô mới cho tôi biết sự thật về Diên?

-Nếu anh vẫn khỏe mạnh và nếu em không thấy anh trong trạng thái hôn mê lúc ở nhà thương thì có lẽ em sẽ không tiết lộ.

-Sự tiết lộ này có mục đích gì?

-Dạ, mục đích thứ nhất, em muốn minh oan với anh; nhưng em không xin anh tha thứ. Mục đích thứ nhì, em muốn hỏi ý kiến anh xem em có nên cho Diên biết sự thật hay không?

Sau một lúc nhíu mày suy nghĩ, Dinh đáp:

-Thôi, hãy để cuộc sống của Diên phẳng lặng và tươi đẹp như vậy.

-Em cảm ơn anh. Chiều rồi, em phải về.

-Vâng.

Tần ngần một lúc, Trang để tay lên vai Dinh:

-Anh cho em đẩy xe anh vào nhà, nha!

-Thôi, tôi tự lo được.

-Lúc trẻ, em cùng anh đi không trọn đoạn đường. Bây giờ già, anh cho em đi cùng anh một khoảng ngắn của đoạn đường còn lại, nha!

Khi Trang đẩy chiếc xe lăn của Dinh đến lề quốc lộ, cạnh tiệm bi-da, Dinh ra dấu cho Trang dừng xe, rồi bảo:

-Cô vào bảo Diên ra đón xe về kẻo trễ.

Biết Dinh muốn thấy Diên một lần nữa, Trang quay đi.

Khi Diên chào, bắt tay từ giã Dinh, Dinh nhìn vào mắt Diên – chính lúc đó Dinh cảm nhận được niềm thương yêu vô bờ dâng ngập trái tim chai sạn của chàng. Dinh bịn rịn, không muốn rời tay Diên.

Nhưng, chiếc xe đò dừng lại.

Xe đò từ từ lăn bánh. Dinh nhìn theo chiếc xe với tất cả xót xa và thương cảm. Vừa khi đó, từ tâm thức buồn thảm của Dinh, giòng âm thanh xưa vọng về: 

“Giọt nước mắt thương con, con ngủ Me mừng…

Giọt nước mắt thương em, trên vận nước điêu linh.

Giọt nước mắt không tên, xin để lại Quê Hương…” (2)

Dinh kín đáo đưa tay thấm nước mắt rồi tự lăn chiếc xe dọc theo lề đường…

 

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/ 

1.- Nguồn Mến Yêu của Hoàng Trọng

2.- Nước Mắt Cho Quê Hương của Trịnh Công Sơn



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 10/Oct/2021 lúc 9:50pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 19/Oct/2021 lúc 9:33am

Anh Lính Ngụy May Mắn.

"…nói đến một mối tình thật lãng mạn, mà người con gái đã dám hy sinh sự nghiệp và cả tính mạng mình cho người yêu, thì không thể không nói đến mối tình của nàng Kim Chi và chàng Trung Đạo…"

3587%20AnhLinhNguyBuuUyenST
Hình Minh Họa

      Vào dịp cuối năm 1994, một buổi họp mặt các cựu tù nhân chính trị được tổ chức ở San Diego. Xướng ngôn viên của buổi lễ cho biết :mì “Khi tôi xướng tên trại nào, nếu quý anh là trại viên của trại đó, xin đứng dậy và tự giới thiệu tên của mình để các anh em khác được biết”. Nhiều trại cải tạo ở miền Bắc được lần lượt xướng tên như “Phong Quang”, “Yên Báy”, “Vĩnh Phú”, “Thanh Cẩm”, “Lý Bá Sơ”, “Nam Hà”, “Phú Sơn” v.v Trại nào cũng có năm bảy anh đứng dậy và giới thiệu tên của mình. Khi xướng tên trại Nam Hà, tôi đứng dậy và có thêm bốn anh nữa , trong đó có một anh, tự giới thiệu tên của mình là Lê Trung Đạo. Tôi lẫm nhẫm Lê Trung Đạo, Lê Trung Đạo…sao tên nghe quen quá, hình như anh ấy ở chung đội với tôi thì phải. Khi phần giới thiệu các anh em trại Nam Hà chấm dứt, tôi đi đến bàn của anh Đạo, đứng đối diện và nhìn kỹ anh ấy. Tôi nhận ra anh Đạo ngay. Tôi ôm chầm lấy anh, và anh ấy cũng ôm tôi trìu mến. Tôi thì thầm bên tai Đạo : “Em còn nhớ anh không? ” Đạo trả lời ngay: , “Anh Uyển mà sao em có thể quên được, thật vui mừng được gặp lại anh. Em trông chờ ngày này đã lâu lắm rồi!”
       Khi cùng sống trong cảnh đọa đày nơi trại Nam Hà, phân trại C, tôi và Đạo nằm gần nhau. Ra đồng, bắt được con cua, con cá, tôi và Đạo cùng chia sẻ với nhau. Đạo là một Thiếu Úy Cảnh Sát Đặc Biệt, mới ra trường, không biết làm Trưởng G hay H gì đó..mà bị đày ra cải tạo ở miền Bắc.Anh còn quá trẻ, khoảng 24, 25 tuổi. Tôi xem anh như một người em của tôi và tôi rất quý mến anh. Đạo chưa lập gia đình. Anh chỉ còn một mẹ già đang sống ở Vĩnh long. Vì vậy, từ ngày bị đưa ra Bắc, Đạo chưa bao giờ nhận được quà của thân nhân từ trong Nam gởi cho anh. Anh sống hiền hòa, vui tính, nên anh em trong đội ai cũng mến anh. Đạo xem tôi như một người anh trong gia đình, anh tâm sự với tôi : “Đời em chẳng còn gì nữa, chỉ có một người mẹ, mà từ ngày bị đày ra Bắc, đã trên 5 năm rồi em chẳng có tin tức gì của mẹ em. Không biết bà còn sống hay đã ra người thiên cổ”
       Đạo nắm tay tôi và cảm động nói: “Giờ đây em chỉ có anh là người duy nhất thương mến em, cho em chút an ủi để sống qua ngày!”
       Như có một động lực nào thúc đẩy, Đạo tâm sự với tôi : “Anh ạ,mình phải sống chứ anh, mà muốn sống, dù là cuộc sống thấp nhất, cũng phải có một ước mơ gì đó để mà mộng tưởng, để tiếp sức cho mình. Các anh em ở đây , dĩ nhiên ai cũng mơ ước sớm được trở về với gia đình. Ngoài xã hội thì kẻ này mơ trúng số, kẻ kia mơ nhà cửa , ruộng vườn v.v.
       Nhưng sống nơi địa ngục trần gian này, anh em mình mơ ước điều gì đây? Tất cả đều nằm ngoài tầm tay của mình. Em chợt nhớ lại một câu chuyện cổ tích của Pháp, tựa đề là “Un Peu De Soleil Dans L’eau Froide” kể lại câu chuyện một ông lão nghèo khổ, sống cô đơn một mình trong căn lều nhỏ bé, trống trước, trống sau. Bổng một bà tiên hiện ra và cho ông một điều ước. Bà tiên cứ nghĩ, thế nào ông lão nghèo nàn này cũng sẽ ao ước có một căn nhà, hoặc ao ước có nhiều tiền bạc..v..v. Nhưng bà tiên vô cùng ngạc nhiên, khi ông lão nghèo khổ ấy chỉ xin “Một Nụ Cười”
       Đạo như chợt tỉnh, ông lão bất hạnh trong câu chuyện cổ tích, đã chỉ cho Đạo một mơ ước, mà dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể đạt được, đó là một nụ cười. Không cần phải là nụ cười của giai nhân, mà chỉ cần một nụ cười thân ái của ai đó, chân thành trao cho anh, vì yêu mến anh, có thế thôi.
       Cuộc sống tù đày cứ kéo dài triền miên trong đói khổ, vô vọng. Nhưng khi nghĩ đến một nụ cười, Đạo thấy tâm hồn mình có chút an ủi, nhẹ nhàng. Hằng ngày , Đạo ước mơ nhận được nụ cười. Đêm đêm Đạo cũng ước mong trong giấc mơ, anh sẽ gặp được một nụ cười. Nhưng buồn thay, những giấc mơ đến với Đạo chỉ là những cơn ác mộng mà thôi.
       Nhưng thật kỳ diệu, từ ngày Đạo ôm ấp ước mơ có được một nụ cười, anh thấy cuộc đời của anh có chút ý nghĩa, vì dù sao anh cũng có một ước mơ, để mà thương, mà nhớ, mà mong chờ.
       Một hôm, đội được dẫn đi gặt lúa, khi đi ngang qua cổng cơ quan, Đạo thấy nhiều chiếc áo vàng đứng ở đó. Nhìn lướt qua, Đạo chợt thấy một nữ cán bộ nhìn anh mỉm cười. Anh không tin ở mắt mình, anh nghĩ rằng có thể cô ta cười vu vơ gì đó, chứ đâu phải cười với anh. Anh quay lại nhìn một lần nữa, vẫn thấy cô ta nhìn anh và mỉm cười.
       Từ ngày ấy, mỗi khi đội đi ngang qua cỗng cơ quan, Đạo đều bắt gặp nụ cười của người nữ cán bộ dành cho anh. Vì vậy khi đi lao động, Đạo luôn luôn đi cuối hàng để dễ đón nhận nụ cười của cô nữ cán bộ. Đạo cũng cười đáp lễ với cô ta.  

       Đạo bắt đầu thấy cuộc đời của mình, có một chút gì thi vị, đáng sống. Khi ăn, khi ngủ, nụ cười đó luôn luôn theo anh, cho anh niềm an ủi, và chút lạc quan để sống. Anh em trong đội đều biết mối tình mắt nhìn mắt và trao đổi nụ cười của Đạo và cô nữ cán bộ.
      Không những Đạo nhớ đến nụ cười, anh còn nhớ đến đôi mắt như muốn nói với anh muôn ngàn lời, anh nhớ đến người con gái ấy. Ban đầu anh nghĩ rằng cứ giã bộ vui vẻ cho qua ngày. Nhưng trong tâm trí anh, luôn luôn nhớ đến cô gái ấy và anh nhận ra rằng anh đã yêu cô ta. Đạo nhớ lại ngày xưa Elvis Presley đã hát một bài hát nỗi tiếng là bài:Don’t Gamble With Love nay thật đúng như trường hợp của Đạo. Bây giờ Đạo không còn cho rằng lao động là khổ sai nữa, mà anh trông chờ mỗi buổi sáng được đi ngang qua cỗng cơ quan, để đón nhận nụ cười của người nữ cán bộ.
       Một buổi chiều khi đi lao động về, nghe các anh em Công Giáo tập hát bài “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”, Đạo mới biết, đêm nay là đêm Noel. Khi cửa phòng giam đóng lại, anh em Công Giáo vội vã thiết trí một ngôi sao Giáng Sinh và hàng chữ “Mừng Chúa Giáng Sinh” ở vách tường cuối phòng. Họ nắm tay nhau ca hát, đọc kinh, cầu nguyện.   Đạo nằm mơ màng, lơ đãng nhìn về cuối phòng, chung quanh hàng chữ “Mừng Chúa Giáng Sinh”, Đạo tưởng tượng như có những bóng đèn màu chớp sáng. Anh mơ hồ nghe như có tiếng nhạc bài Silent Night dịu dàng thoảng đi trong gió…Anh thiếp đi trong giấc ngủ yên lành.
       Vào một buổi sáng chúa nhật, chúng tôi được gọi ra sân để nhận quà của thân nhân từ trong Nam gởi ra. Thường thì 80 đến 90 phần trăm anh em đều nhận được quà. Riêng Đạo thì chưa bao giờ nhận được quà của thân nhân. Nhưng thật bất ngờ, hôm nay cán bộ lại kêu tên Đạo lên nhận quà, ai cũng ngạc nhiên và mừng cho Đạo. Anh nhận một gói quà bình thường, nhưng cách gói quà , khác với những gói quà từ trong Nam gởi ra. Đạo sững sốt nhận gói quà, đem về phòng, cẩn thận mở ra. Một mãnh giấy nhỏ nằm trên những gói đồ ăn, anh đọc vội hàng chữ “Trìu mến gửi anh Đạo – Em : Kim Chi”. Với mấy chữ ngắn gọn đó, Đạo biết ai gởi cho anh món quà tình nghĩa này. Anh ôm gói quà vào lòng. Anh không ngờ người nữ cán bộ có nụ cười dễ thương đó, lại dám liều lĩnh gởi quà cho anh. Hai hàng nuớc mắt chảy dài xuống má, đây là những giọt nước mắt hạnh phúc mà từ lâu anh không hề có.
       Trại Nam hà, Phân trại C, nơi chúng tôi đang ở, phía sau là con đường làng. Trại chỉ ngăn cách với bên ngoài bởi những bụi tre thấp và hàng rào kẽm gai. Dân chúng đi ở ngoài, chúng tôi có thể thấy họ. Thường vào buổi chiều, sau khi ăn cơm xong , chúng tôi hay ra ngồi chơi ở sân sau đó, nhìn người qua lại. Một hôm, chúng tôi thấy cô cán bộ Chi đi lui, đi tới ở ngoài hàng rào, rồi thình lình quăng vào trong một cái gói nhỏ. Chúng tôi biết cô ấy gởi gì đó cho Đạo, chúng tôi mang vào cho anh. Đạo không biết Chi gởi gì cho anh, nhưng anh cảm động lắm.
       Anh em hiếu kỳ đứng quanh giường của của Đạo, để xem cô Chi đã gởi gì cho anh: đó là một gói xôi và một con gà vàng rộm. Đối với tù nhân, đói triền miên như chúng tôi, thì gói xôi gà này là cao lương mỹ vị bậc nhất trên thế gian này.   Đạo rất hào phóng, anh chia đều xôi, gà cho tất cả 32 anh em trong đội, mỗi người được một muỗng xôi và chút ít thịt gà. Có người ăn ngay, nhưng cũng có vài anh em để đó, hít hít mùi thịt gà cho đỡ thèm.
       Đạo thấy thương Chi quá, vì yêu anh, nàng đã gan liều làm những việc như vậy, vì nếu bị phát giác, nàng ở tù như chơi. Đạo càng thương Chi khi nghĩ đến tương lai : một cán bộ công an yêu một sĩ quan cảnh sát ngụy..thì đời nào có thể sum họp được. Anh thở dài !
       Vào một sáng chúa nhật, một anh trật tự đến phòng chúng tôi, bảo anh Đạo chuẩn bị ra có người thăm nuôi. Chúng tôi rất ngạc nhiên, vì từ bao năm nay, Đạo thuộc diện con mồ côi, chưa hề có ai gởi quà cho Đạo, nói gì đến chuyện thăm nuôi.Thế mà hôm nay, lại có người thân nào đó đến thăm Đạo. Chúng tôi mừng cho Đạo. Khoảng 9 giờ sáng, anh được cán bộ dẫn ra nhà thăm nuôi. Chúng tôi hồi hộp chờ Đạo trở vào để xem anh nhận được những quà gì của thân nhân đem đến.
       Nhưng chúng tôi chờ mãi…đã ba , bốn giờ chiều rồi, vẫn chưa thấy Đạo trở vô trại. Thường một trại viên được gặp mặt thân nhân khoảng 15, 20 phút, tối đa là nửa giờ. Thế mà , Đạo ra nhà thăm nuôi đã hơn bốn, năm tiếng rồi mà chưa thấy vô. Chúng tôi bắt đầu lo lắng cho Đạo, không biết chuyện gì đã xảy ra cho anh, lành hay dữ. Và từ đó, chúng tôi không còn biết tin tức gì về Đạo nữa.
       Hôm nay gặp lại Đạo, tôi đem chuyện ấy ra hỏi Đạo, anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây:
“ Anh nhớ không, ngaỳ chúa nhật hôm đó, em được dẫn ra nhà thăm nuôi, nói là có thân nhân đến thăm. Em vô cùng ngạc nhiên vì em đâu có thân nhân nào từ trong Nam có thể ra thăm em. Bước vào nhà thăm nuôi, em thấy Chi và một ông Thượng Tá công an ngồi ở đó. Chi vội vã đứng lên giới thiệu : “Đây là cậu Du của Chi, đang công tác ở tỉnh Thái Bình, em nhờ cậu ấy đến thăm anh.” Đạo bối rối nhìn Chi, nhìn ánh mắt, nụ cười của Chi. Chi mặc đồ công an, trên cổ áo có đeo quân hàm Thiếu Úy. Chi biết Đạo ngỡ ngàng, thắc mắc nên cô nói ngay : “Anh đừng lo, em bảo anh làm gì thì cứ làm theo, chớ có hỏi han gì hết”. Chi dẫn Đạo vào một căn nhà ở gần nhà thăm nuôi, nhà không có ai cả. Chi bảo tôi cởi bộ áo quần tù ra, và mặc ngay bộ đồ công an đã để sẵn ở đó; ngoài áo quần, có cả nón, cặp da và giấy chứng nhận đi công tác miền Nam. Tôi như trên trời rớt xuống, nhưng không có thì giờ để hỏi Chi, việc gì đang xảy đến cho tôi.
       Khi tôi đã mặc xong bộ đồ công an, Chi nhìn tôi mỉm cươì , rồi kéo tôi ra ngỏ, bảo tôi leo lên một chiếc xe Jeep nhà binh đậu sẵn ở đó., và chạy ra ga xe lửa Phủ Lý. Chi bảo tôi cứ ngồi trên xe, Chi vào mua vé xe lửa đi về Sàigòn. Khi đưa tôi lên xe lửa, Chi ân cần căn dặn: “Không nên về nhà, cũng đừng liên lạc với mẹ, mà tìm một người bà con nào đó ở tỉnh khác xin trú ngụ vài ngày, rồi tìm đường vượt biên. Tốt nhất là đi đường bộ qua ngã Campuchia”. Chi đưa cho tôi một gói giấy và nói: “Đây là ít tiền để anh tiêu dùng, nhớ là phải vượt biên ngay nhé!”.
       Chi cầm tay tôi và chân thành nói : “Em là vợ của anh, anh đừng quên em!”. Tôi ôm Chi vào lòng, nước mắt ràn rụa. Chi cũng khóc trên vai tôi. Xe lửa từ từ lăn bánh, hình ảnh Chi cô đơn đứng một mình trên sân ga, nhỏ dần, nhỏ dần..    

       Tôi thấy nhiều lần Chi đưa tay lên lau nước mắt. Trong tim tôi, mối tình mà Chi dành cho tôi quá sâu đậm, đã chiếm trọn cuộc đời tôi. Tôi vỗ vỗ vào trái tim của mình “Đạo, Đạo, mày phải sống xứng đáng để đền ơn đáp nghĩa cho Chi nghe chưa”
       Khi xe lửa dừng lại ở ga Bình triệu, Sàigòn, tôi không về nhà tôi ở Vĩnh Long, mà đến nhà dì tôi ở Cần Thơ xin trú ngụ. Chồng của dì tôi là một Đại úy Công Binh Việt nam Cộng Hòa, trước năm 1975, ông phục vụ ở Tiểu Đoàn 24 Công Binh Kiến tạo, mới được trả tự do. Gia đình dì, dượng tôi đang âm thầm chuẩn bị vượt biên. Dì, dượng tôi vui vẻ chấp thuận cho tôi cùng đi theo. Tôi đã đưa gói tiền mà Chi trao cho tôi, cho dì tôi để bà tiêu dùng. Mở gói ra xem, dì bảo tôi : “Tiền đâu mà cháu có nhiều vậy?” Tôi trả lời ngay : “Của vợ con cho đó!”
       Vào một đêm tối trời, ghe máy chở cả nhà ra cữa biển Đại Ngãi, vì tàu lớn đang đậu ở đó. Sau 3 ngày và 4 đêm, tàu của chúng tôi đã đến hải phận Thái Lan, được tàu tuần duyên của Thái Lan đưa về trại Sikiew. Trong cuộc phỏng vấn thanh lọc, nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc hỏi tôi rất ít. Tôi nghĩ là họ có đầy đủ hồ sơ cá nhân của ngành Cảnh Sát Đặc Biệt. Họ chỉ hỏi tôi là làm Trưởng G hay Trưởng H, tôi trả lời. Người nhân viên đó lấy trong tập hồ sơ ra một tấm ảnh, anh nhìn tôi rồi gật đầu.Thế là tôi vượt qua cuộc thanh lọc. Mấy tháng sau, họ chuyển tôi qua trại Pulau Bidong ở Mã Lai, để chờ chuyến bay đi định cư ở Mỹ.
       Tôi mau chóng gởi thư cho má tôi ở Vĩnh Long, báo tin tôi đã bình yên đến trại Pulau Bidong ở Mã Lai, đang chờ chuyến bay để đi định cư ở Mỹ. Khoảng 2 tuần sau, tôi vui mừng nhận được thư hồi âm của má tôi, và một bất ngờ thú vị đến với tôi là có cả thư của Chi nữa! Má tôi đã viết cho tôi : “Đạo con, má rất vui mừng nhận được tin con đã đến nơi bình yên. Má cho con biết là Chi đang ở đây với má. Chi đã kể cho má nghe hết mọi chuyện. Má rất hạnh phúc có được một con dâu hiếu thảo như Chi, má mừng cho con”
       Đạo run run mở thư của Chi ra đọc: “ Anh Đạo yêu quí của em, nghe anh đã đến đảo và đang chờ chuyến bay để đi Mỹ, má và em mừng quá anh ơi. Khi anh đi về Nam chưa đầy một tháng, họ đuổi em ra khỏi ngành công an. Em đã về Vĩnh Long ở với má, em thay anh phụng dưỡng, săn sóc má, anh yên tâm ! “
       Với lời lẽ chân tình, mộc mạc, tôi uống từng chữ, từng lời trong bức thư ngắn gọn của Chi, tôi áp bức thư vào ngực và đi vào giấc ngủ.
       Năm 1982, tôi được đi định cư ở Mỹ. Khi có thẻ xanh, tôi đã làm hồ sơ bảo lãnh Chi. Trong thời gian ở với má tôi ở Vĩnh Long, không biết Chi hỏi thủ tục bảo lãnh ở đâu mà nàng ra Thái Bình, nhờ người cậu Thượng Tá Công An của nàng, làm một giấy hôn thú của tôi và Chi, có đầy đủ chữ ký và khuôn dấu đỏ xác nhận của chính quyền địa phương.
      Năm 1987 khi tôi được nhập quốc tịch Mỹ, tôi đã bổ túc hồ sơ bảo lãnh. Chi đã nhanh chóng được phỏng vấn. Lúc này, những trường hợp gian dối chưa xảy ra nhiều, nên việc chấp thuận cho chồng bảo lãnh vợ tương đối dễ dàng nếu có đầy đủ giấy tờ chứng minh.
      Vào một ngày se lạnh ở miền Nam Cali, tôi và vài bạn bè thân quen đến đón Chi ở phi trường Los Angeles. Tôi ôm Chi vào lòng, vì quá cảm động, tôi chỉ thốt lên được một tiếng “Em!” Chi cũng vậy, nàng thổn thức trên vai tôi “Anh!”. Chỉ 2 tiếng “Anh” “Em”, nhưng đã gói trọn cuộc tình mà chúng tôi nghĩ là không bao giờ có thể sum họp được. Tạ ơn Trời Đất !
       Đạo xây qua người đàn bà ngồi bên cạnh anh, và giới thiệu với tôi : “Thưa anh, đây là Chi, vợ em” Chi bẽn lẽn cúi đầu, che dấu nụ cười đã đem lại sức sống và hạnh phúc cho Đạo.
      Tôi đã được nghe , được biết nhiều mối tình ly kỳ, éo le lắm. Nhưng nếu nói đến một mối tình thật lãng mạn, mà người con gái đã dám hy sinh sự nghiệp và cả tính mạng mình cho người yêu, thì không thể không nói đến mối tình của nàng Kim Chi và chàng Trung Đạo.

Bửu Uyển



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 19/Oct/2021 lúc 9:34am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 21/Oct/2021 lúc 8:11am
Hai chị em


Đánh%20bại%20tất%20cả%20các%20bộ%20ảnh%20khác,%202%20chị%20em%20soán%20ngôi%20&quot;công%20chúa%20mùa%20cúc%20họa%20%20mi&quot;%20năm%20nay%20vì%20quá%20xinh


 Chị quen anh Hân, trung úy phi công. Anh đến nhà chơi, thấy em gái quấn quít Hân, chị nhường. Hai người tổ chức đám cưới, chị gom hết tiền để dành tặng đôi vợ chồng mới.
Em có thai đứa con đầu lòng được 6 tháng thì Hân đi tù cải tạo. Chi thương em đang có con dại, thay em đi ra Bắc thăm nuôi Hân. Con được hai tuổi, em đi buôn hàng chuyến, lỡ có thai với người tài xế. Chị tiếp tục đi thăm, dối Hân em dẫn con đi vượt biên rồi. Thấy Hân mừng cho tương lai vợ con mình, chị xấu hỗ, tủi thân, âm thầm khóc lặng lẽ trên chuyến tàu lửa từ Hà Nội về lại Sài Gòn.
Hân về, biết sự thật. Buồn, dẫn con gái đi vượt biên. Nghe tin hai cha con chết trên biển, chị lập bàn thờ. Lấy tấm hình Hân đứng bên cạnh chiếc máy bay phản lực F5 Hân tặng chị hồi mới quen rọi lớn ra, bỏ vào khung đặt lên bàn thờ, chị khóc gọi Hân ơi…

st.
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 21/Oct/2021 lúc 8:13am
Hai chị em



Twin%20Sisters:%20A%20World%20Apart%20%282015%29%20|%20Watch%20Free%20Documentaries%20Online


 Chị quen anh Hân, trung úy phi công. Anh đến nhà chơi, thấy em gái quấn quít Hân, chị nhường. Hai người tổ chức đám cưới, chị gom hết tiền để dành tặng đôi vợ chồng mới.
Em có thai đứa con đầu lòng được 6 tháng thì Hân đi tù cải tạo. Chi thương em đang có con dại, thay em đi ra Bắc thăm nuôi Hân. Con được hai tuổi, em đi buôn hàng chuyến, lỡ có thai với người tài xế. Chị tiếp tục đi thăm, dối Hân em dẫn con đi vượt biên rồi. Thấy Hân mừng cho tương lai vợ con mình, chị xấu hỗ, tủi thân, âm thầm khóc lặng lẽ trên chuyến tàu lửa từ Hà Nội về lại Sài Gòn.
Hân về, biết sự thật. Buồn, dẫn con gái đi vượt biên. Nghe tin hai cha con chết trên biển, chị lập bàn thờ. Lấy tấm hình Hân đứng bên cạnh chiếc máy bay phản lực F5 Hân tặng chị hồi mới quen rọi lớn ra, bỏ vào khung đặt lên bàn thờ, chị khóc gọi Hân ơi…

st.
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 23/Oct/2021 lúc 12:59pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 28/Oct/2021 lúc 12:02pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 93 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.375 seconds.