Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: MƯỜI ĐIỀU RĂN NGƯỜI GIÀ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 68 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 08/Nov/2021 lúc 10:40am

Cha Mẹ Già Và Con Cái Tại Hải Ngoại - Nguyễn Thượng Chánh, DVM

Cha%20mẹ%20già%20và%20con%20cái..P2


Trong xã hội ngày nay có nhiều vấn đề cấm kỵ mà ít có người dám đề cập đến chẳng hạn như việc cha mẹ bị con cái đã trưởng thành rồi hay còn trong tuổi vị thành niên ngược đãi và bạo hành cả tinh thần và đôi khi cả thể xác nữa.

 Nỗi khổ của cha mẹ VN tại hải ngoại

Đây không thể nói là chuyện ngỗ nghịch, hỗn láo, bất lịch sự thỉnh thoảng có thể xảy ra ở bất cứ đứa trẻ nào đang lúc bị bực bội hoặc đang tức tối vì một lý do nào đó.
Hành vi nói trên trở thành một vấn đề thật sự khi nó xảy ra quá thường xuyên và càng ngày càng có khuynh hướng trầm trọng thêm hơn.
Đứa con bất hiếu trở thành mối đe dọa thường trực đối với cha mẹ và không khí gia đình lúc nào cũng trở nên căng thẳng và rất nặng nề.
Đối với các gia đình Việt Nam sống tại hải ngoại cũng còn cần phải nói đến vấn đề thiếu sự đồng cảm do khoảng cách thế hệ generation gap gây ra.
Chênh lệch về tuổi tác cộng thêm sự dị biệt giữa hai nền văn hóa Đông và Tây cũng thường là những nguyên nhân dẫn tới sự va chạm giữa cha mẹ và con cái.

Cha mẹ thì khư khư muốn ôm giữ những giá trị đạo đức của nền văn hóa Khổng Mạnh lấy chữ hiếu làm đầu. Con cái lớn lên, học hành và trưởng thành tại xứ người, hấp thụ nền văn hóa Tây phương, rất thực tiễn và coi trọng chủ nghiã cá nhân, nên sự thông cảm giữa cha mẹ và con cái đôi lúc không thể như sự mong muốn của mọi người được.
Rồi còn phải nghĩ đến cơn khủng hoảng tuổi vị thành niên (teenage crisis) nữa. Trong giai đoạn nầy cô chiêu hay cậu ấm có thể nổi chứng lên bất tử khiến cha mẹ không biết đâu mà rờ và cũng đôi khi muốn khùng luôn theo tụi nó.
Có người đổ thừa rằng con hư là tại cha mẹ không biết dạy dỗ, cưng chiều quá mức. Đúng, nhưng vấn đề nhân sinh nầy không đơn giản như vậy mà nó còn vượt xa hơn ra ngoài phạm vi tôn giáo, và giáo dục gia đình nhiều lắm.

Nói chung người VN tị nạn thuộc thế hệ thứ nhứt sống tại hải ngoại ít có vấn đề do con cái gây ra như các gia đình dân bản xứ da trắng. Phải chăng con cái của chúng ta đã cảm thông được những khổ cực và nhọc nhằn mà cha mẹ chúng phải hy sinh gánh chịu để lo cho chúng có được một tương lai tươi sáng như ngày hôm nay.
Nếu lỡ có xảy ra chuyện gì không đẹp mắt thì tâm lý cố hữu của người mình là tốt khoe, xấu đậy nên cũng không ai có thể biết được tầm quan trọng của vấn đề cha mẹ bị bạo hành nó như thế nào. Chuyện bị con cái ngược đãi là chuyện vô cùng xấu hổ và nhục nhã đối với các bậc cha mẹ.
Các quốc gia Tây phương trước kia, cũng như VN, họ xem vấn đề cha mẹ bị con cái bạc đãi như một điều cấm kỵ tabou cần phải che đậy lại và không nên bàn luận đến. Nhưng từ những năm gần đây, tư duy có thay đổi nên tình hình có khác đi.

Ngược đãi cha mẹ già là một vấn nạn trong nhiều gia đình ngày nay.

Khi cha mẹ bị con cái ngược đãi, bạo hành - nỗi đau xé lòng-ANTD.VN

https://anninhthudo.vn/khi-cha-me-bi-con-cai-nguoc-dai-bao-hanh-noi-dau-xe-long-post443736.antd 

Ngày nay, chuyện cha mẹ già bị ngược đãi đã trở thành một sự thật trong mọi gia đình cũng như trong bất cứ một xã hội nào.
Đối với người Việt Nam mình, thì đây là một vấn đề cấm kỵ, không nên bàn luận vì nó chẳng có tốt đẹp gì khi nói ra.

Người già VN thường bị kém năng lực, yếu sinh ngữ nên mọi thứ, mọi việc đều phải nhờ cậy, tùy thuộc vào người khác và vào sự giúp đỡ của con cháu họ.

Bởi vậy đôi khi bị đối xử không được tốt đẹp nhưng các cụ cũng ngậm đắng nuốt cay bỏ qua và có khi còn tìm cách bào chữa và tha thứ cho con cháu của họ nữa.

Không ít người già đôi khi không biết là họ đang đã bị ngược đãi.

Thế nào là bị ngược đãi

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (2002) sự bạc đãi là:
Khi một hành động (hay không có hành động thích hợp), một cử chỉ hay một thái độ khác thường nào đó xảy ra hoặc được lập đi lập lại nhiều lần trong bối cảnh cần có sự tính nhiệm và tạo cho người cao tuổi sự thiệt thòi và khủng hoảng.
Ngược đãi người già có thể được biểu lộ qua nhiều hình thức khác nhau:

1) Về thể xác: xô, đẩy, bóp mạnh tay, kềm giữ chặt chẻ, lắc mạnh, liệng chọi đồ đạc, ép buộc ăn uống, nhốt trong phòng, cố ý quên, không săn sóc, bắt cụ phải chờ đợi rất lâu để giúp đi vào phòng vệ sinh, dằn vặt mạnh đồ đạc.

2) Về tâm lý: không thèm để ý đến cụ, trừng mắt, nói lớn tiếng, cất cao giọng, ăn nói cọc lóc, chê bai, chỉ trích, khiếm nhã, chế ngạo, hâm dọa, xem các cụ như một đứa con nít, hạ nhục, bôi bác niềm tin và sự tín ngưỡng của cụ, làm tổn tương tới bản sắc và giá trị con người của cụ, nói lời bần tiện, hạ thấp phẩm giá, tuổi tác và mức độ tự chủ của cụ trong cuộc sống.

3) Về tình dục: bị sách nhiễu, sờ mó, bóp, hoặc các cụ có thể là nạn nhân của « tình trạng khoe của » (exhibitionniste), trưng ra cho cụ nhìn. Các cụ có thể bị chế ngạo khi muốn bày tỏ hay bàn luận về vấn đề tình dục của mình.

4) Về tiền bạc: có thể xảy ra dưới nhiều hình thức.

Chẳng hạn như bòn rút tiền bạc, nữ trang, đồ đạc. Làm áp lực với cụ trong việc chia gia tài.
Ngoài ra các cụ là những con mồi dễ bị kẻ gian mạo nhận qua điện thoại bảo phải gởi gấp một số tiền nào đó vì con của cụ bị tai nạn ở xa.

- Bị dụ đem tiền đầu tư gian lận, hoặc đầu tư chính đáng nhưng không thích hợp với hoàn cảnh của cụ.

- Bị lường gạt từ người thân trong gia đình mà cụ rất tin cậy.

- Bị kè gian mạo nhận tên tuổi rút lấy tiền trong ngân hàng.

- Bị ép buộc sử dụng thẻ tín dụng một cách không thích hợp.

- Bị bòn rút lấy lén tiền bạc khi cụ ủy quyền procuration cho một người thân nào đó lo việc quản lý sổ trương mục ngân hàng của cụ.

- Các cụ thường là con mồi của các dịch vụ mua bán bằng điện thoại télémarketing.

- Các người già là mục tiêu của kẻ gian vì các cụ sống lẻ loi, vì tuổi tác cao, vì bệnh hoạn, trí não kém, vì thiếu sự quan tâm của gia đình.
Người già thường bị ngược đãi.

** Các cụ thường hay bị người lạ mặt ngược đãi.

Trả lời: Sự thật các cụ thường bị ngược đãi bởi chính người nhà, người mà cụ quen biết và tin tưởng.

**Nếu bị ngược đãi, các cụ liền tố cáo ngay.

Trả lời: Thật ra các cụ bị xâu xé giữa tình cảm của cụ đối với kẻ đã ngược đãi cụ và lòng mong muốn tố cáo người đó. Về mặt tâm lý học, các cụ có thể đang sống trong tâm trạng bị lệ thuộc (dépendance) đối với người ngược đãi cụ.

**Nguy cơ bị ngược đãi tùy thuộc vào mức lợi tức và tiền bạc mà cụ có.

Trả lời: Ngược đãi có thể xảy ra cho bất kỳ ai, bất kỳ ở giai cấp nào trong xã hội.

Hậu quả của vấn đề ngược đãi người già

- Tạo cho các người già một cảm giác lo sợ, khiến họ tìm giải pháp cách ly, sống ẩn dật, và gây trở ngại cho các cụ trong việc tham gia vào những sinh hoạt xã hội.

- Tạo cho cụ cảm giác bất an.

- Tự khép mình lại

- Dẫn đến bệnh lo âu anxiété

- Trầm cảm dépression- lẫn lộn, nhầm lẫn trí nhớ confusion

Chuyện đáng buồn: các cụ chọn giải pháp chấm dứt cuộc đời.

Thống kê Québec cho biết, 10 năm qua vấn đề tự tử của các cụ từ 50 tuổi trở lên như sau:

- Năm 2000: 378 người.

- Năm 2008: 449 người

Ngoài ra vấn đề tự tử ở lớp người từ 64 tuổi đến 75 và những người từ 75 tuổi trở lên thường bắt nguồn từ tình trạng cô đơn, kế đến là lý do xung khắc trong đó phải kể đến vấn đề bị ngược đãi.

Một vài con số

Sau Nhật Bản, tỉnh bang Québec là nơi dân số người già tăng nhanh nhất.

Tính từ 1986 đến 2009: nhóm người từ 65 tuổi trở lên đã tăng từ 657 430 (9,8% dân số) lên 1,2 triệu người (14,9%).

Theo phỏng đoán, đến năm 2031, số người già sẽ tăng lên 2,3 triệu người, chiếm 25,6% dân số lúc đó.

Ngược đãi người già là một hiện tượng không mới mẻ gì trong xã hội ngày nay. Nó có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào và có liên quan đến tất cả mọi người.

Nhưng đau đớn nhất là hầu như đa số chúng ta đều coi thường nó.

Mọi người đều nhắm mắt lại và cố ý ngoảnh mặt làm ngơ, kể cả một số người già.

Họ không muốn chấp nhận một sự thật đau lòng và cũng không muốn nhìn nhận họ là nạn nhân của việc ngược đãi đến từ bên trong gia đình.

Đó mới thật sự là điều đau đớn nhất

Chuyện bên Pháp

Tại Pháp càng ngày càng có nhiều bậc cha mẹ bắt đầu ra khỏi bóng tối một cách e dè để nói lên sự thật về tình huống mà họ là nạn nhân từ bấy lâu nay.

Theo các nhà chuyên môn, thì khó mà phát họa ra được hình ảnh mẩu (portrait robot) của một đứa trẻ hung dữ như thế nào cũng như cha mẹ nạn nhân của chúng ra sao.

Vấn đề con cái bạo hành cha mẹ thường hay thấy xảy ra trong những gia đình neo đơn theo kiểu gà mái nuôi con (single mom, monoparental). Thường thì ngưòi mẹ bắt đầu nếm mùi bạo hành từ những đứa con (trai hoặc gái) của mình khi chúng còn rất nhỏ tuổi.

Các đứa trẻ nầy thường lớn lên trong bối cảnh con cưng được nuông chiều tột bực chẳng khác nào con của vua chúa (enfants rois).

Cha mẹ vì thương con một cách mù quáng nên không ấn định rõ rệt những ranh mức nào mà đứa trẻ cần phải dừng lại.

Thông thường thì bạo hành đã nhen nhúm từ lúc đứa bé còn rất nhỏ tuổi (9-10 tuổi) nhưng cha mẹ lại sơ ý không thể nhận biết các dấu hiệu từ trước được.

Theo nhà phân tâm học Jean Pierre Chartier, những trẻ em nầy đã được nuôi nấng trong một không khí loạn luân” có nghĩa là chúng cảm thấy các ý muốn của chúng đều được được cha mẹ thỏa mãn từ lúc chúng còn thơ ấu và đầy quyền lực.

Rồi bất thình lình một lúc nào đó, trong giai đoạn nhạy cảm nhất của tuổi choai choai, một biến cố nào đó làm thay đổ tình hình chẳng hạn như bà mẹ muốn bước thêm một bước nữa với một người đàn ông nào đó, thế là cậu ấm hay cô chiêu không thể chấp nhận được. Người mẹ không còn cách nào khác là phải cầu cứu đến cơ quan chánh quyền để nhờ được giúp đỡ: như xin cho đứa con được chữa trị thérapies, trợ cấp xã hội cho đứa con, hay gởi nó vào trại giáo hóa nếu có bạo hành thể xác.

Nếu đứa con đã đạt tuổi trưởng thành pháp lý, 18 tuổi, cha mẹ có thể đuổi nó ra khỏi nhà hoặc thưa nó ra trước pháp luật. Thế là chấm dứt tình nghĩa mẹ con hay cha con.

Chuyện bên Canada

Mấy năm trước đây, Katia Gagnon có viết một bài về Cha mẹ bị con vị thành niên ngược đãi tại tỉnh bang Quebec, Canada. Tựa đề bài phóng sự là Le Tabou des Parents Battus và đã được tờ La Presse Montreal đăng tải ngày 10 fevrier 2010.

Bài phóng sự đúc kết lại khảo cứu của Giáo sư Daniel Pelletier, một nhà hình sự học criminologue.

Đây là một khảo cứu thăm dò do Université du Québec en Outaouais thực hiện. Có tất cả 1834 học sinh vị thành niên adolescents trung học cùng với 557 bậc cha mẹ của chúng đã được phỏng vấn về vấn đề bạo hành đối với phụ huynh.

Sau đây là tóm lược những điều nhận xét:

*Bạo hành thể xác (violence physique) 11% đối với các cháu gái và 9% đối với các cháu trai.

*Bằng cách nào: thường nhất là « xô, đẩy » ông bô bà bô, 6% trường hợp liệng, chọi vật gì đó, có lẽ chọi vào tường cho đỡ tức, 1% đe dọa bằng vủ khí như dao chẳng hạn.

*Đặc biệt con gái thường tấn công bà mẹ, con con trai thì hay tấn công người cha.

*Bạo hành tinh thần: 45% cô cậu choai choai nhìn nhận là họ có chửi thề, nói nặng lời đối với cha mẹ mình nhưng thường nhất là đối với người mẹ ( có lẽ bà má hay lải nhải, bắt bẻ từng li từng tí, quá chi tiết khiến mấy đứa con dễ bực mình đổ quạu, nên phản ứng lại).

*Khảo cứu cho biết thường những vụ bạo hành đều phát xuất ra từ những lý do vô duyên lãng nhách chẳng hạn như: bà già muốn mua cho mình một cái quần trong Zeller, WalMart (tiệm quá bình dân) nhưng cô con gái không bằng lòng, rồi đôi co phải quấy với bà mẹ thế là chiến tranh nổi lên.

*1 trên 10 bậc cha mẹ đã từng là nạn nhân của bạo hành về thể xác. Đây cũng tương tợ một số liệu thăm dò của phía Hoa Kỳ.

Cha mẹ không đi thưa thì chánh quyền không thể can thiệp được.Theo nhà nước, thì không đi thưa có nghĩa là hành động của đứa con không có gì nguy hiểm hết và có thể chấp nhận được. Thật ra, là cha mẹ sợ xấu hổ, sợ nhục nhã, mắc cỡ nếu họ làm rùm beng lên.

Theo lối suy nghĩ thường tình trong xã hội, thì một đứa trẻ không thể là mối đe dọa cho cha mẹ được, chỉ có cha mẹ bất tài và thiếu trách nhiệm mà thôi.

Bởi lý do nầy mà cha mẹ phải sống triền miên trong vòng lẩn quẩn của bạo hành mà không có cách nào để thoát ra khỏi nó được.

Trường hợp có thưa gởi của cha mẹ vì họ bị hành hung hoặc có đe doạ đến tính mạng, cảnh sát có thể bắt giam đứa con ngay và gởi cậu ta vào các trung tâm giam giữ trẻ em phạm tội.

Nhưng thường đây chỉ là trường hợp đối đế lắm mà thôi.

Một vụ án thương tâm:

“…Thế hệ di dân thứ nhất tới Canada đã hy sinh cả đời mình để hy vọng con cái sớm tìm được chỗ đứng tốt đẹp dưới ánh mặt trời ở miền đất mới. Tham vọng càng cao cố gắng càng nhiều và rất may nhiều bậc cha mẹ cho tới lúc gần chết hay bước vào nhà già mới đạt được nguyện vọng ấp ủ trong hàng chục năm tủi nhục và vất vả. Tuy nhiên, không thiếu gì những đấng song thân hy sinh mồ hôi nước mắt trong bao nhiêu năm mà chỉ nhận lại được kết quả phũ phàng: con cái thoái chí, hư hỏng, nghiện ngập và nhiều khi còn mang lại nỗi đau khôn cùng cho cha mẹ.

Một vụ án vô cùng thương tâm đang được xét xử tại tòa án ở Newmarket, Ont. trong tháng 12, 2014. Một vụ án chỉ có trong thời đại bạo hành và sắc dục lên ngôi mà chúng ta mới phải chứng kiến: một bà mẹ bị sát hại và người cha bị thương nặng trong một vụ dẫn cướp vào nhà. Thủ phạm là ai?

Kẻ âm mưu giết cha mẹ để có tiền, có tình lại chính là cô con gái rượu của nạn nhân, người Việt gốc Hoa nhưng có cái tên Tây đọc lên nghe chẳng khác tên một dân Canada chính cống: Jennifer Pan…”

(Ngưng trích Thời Báo Canada- Khi con gái âm mưu giết cha mẹ)

Càng lệ thuộc vào con cái càng có vấn đề!****

Tầng lớp người già càng ngày càng gia tăng thêm lên mãi nên và một số các cụ chọn giải pháp được sống ở nhà để được gần gũi với con cháu.

Không ít cha mẹ già hải ngoại không muốn, cũng như không dám tách rời xa con cháu vì vấn đề ngôn ngữ và tiền bạc. Từ trước tới giờ, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ trong vấn đề giao dịch với người bản xứ da trắng, các cụ đều phải nhờ vào con vào cháu để thông dịch và giải quyết. Sống tại hải ngoại trên 30 năm nhưng nhiều cụ cũng chưa nắm vững sinh ngữ giao dịch tối thiểu...

Nay tuổi già sức yếu khiền nên các cụ càng thêm hốt hoảng. Càng lệ thuộc vào con cháu (tình cảm, tiền bạc, săn sóc, giúp đỡ, thông dịch )…) thì càng sinh ra nhiều vấn đề mâu thuẩn và đụng chạm với lớp trẻ. Con cháu cũng có gia đình riêng của chúng, cũng có nhũng khó khăn, bực bội trong đời sống, trong công ăn việc làm của tụi nó…Bám hoài theo tụi nhỏ thì làm sao mà được, mà buông con cháu ra thì sợ.

Có nhiều đứa con vì thương cha mẹ, vì “chữ hiếu”, vì thiếu tự tinh, không đủ bản lĩnh quyết định cuộc đời mình, nên vẫn sống lây quây, ăn bám bên cha mẹ được ngày nào hay ngày đó, để được khỏe….

Thời gian qua mau. Rồi tụi nhỏ cũng phải già đi. Gái lỡ thời, trai ế vợ là chuyện thường xảy ra trong nhiều gia đình VN.

Bởi vậy…

Một số cha mẹ già thức thời, chọn giải pháp nhà già hay viện dưỡng lão nursing home là thực tế và hữu lý hơn hết. Đây là nói trong bối cảnh các cụ sống tại hải ngoại mà thôi.Còn tình hình người già bên nhà sống ra sao, người gõ không được rõ lắm, nhưng biết chắc chắn, dù cho ở bên nhà hay tại hải ngoại… là mình cần phải có tiền càng nhiều thì càng tốt…

Theo tác giả, tại hải ngoại, hầu như đa số cha mẹ già VN thường có khuynh hướng muốn con cái ở gần mình, nhưng tụi nhỏ thì ngược lại. Chúng muốn tự lập, và ở xa để được tự do, đỡ bực bội, rắc rối, đỡ phải nghe ý kiến thế nầy thế nọ mỗi khi chúng muốn làm hay không làm một việc gì.

Giới trẻ đôi khi bị cha mẹ trách móc, bắt lỗi chúng thế nầy thế nọ, so sánh chúng với con cái người khác, cố tình làm cho chúng có mặc cảm tội lỗi v,v…


Càng Già Càng Khó Tánh

Một vài cảm nghĩ của con cái VN tại Montreal đối với cha mẹ

Một số trích dẫn tiêu biểu từ tác phẩm Les Vietnamiens de Montréal:

Les Vietnamiens de Montréal» là tên một quyển sách nghiên cứu xã hội, nhân chủng học do Giáo sư Louis-Jacques Dorais và Eric Richard thuộc Đại học Laval, Québec thực hiện và do Les Presses de lUniversité de Montréal xuất bản năm 2007. Sách hiện có trong tất cả thư viện Québec.

Dân Còi Nghĩ Gì Về Người Việt Tị Nạn Tại Montréal

«Lo làm việc…Lo cho cuộc sống của mình, con đường nhỏ bé mình đi một mình ên…Chấp nhận trách nhiệm của chính mình. Đó là những điều tôi thật sự quyết định làm. Thí dụ, khi tôi phải lo buổi cơm tối ở nhà cha mẹ, tôi phải làm như thế nầy, như thế nọ…không được như vầy, không được như vậy, v.v…Thật sự là chán ngán! Nay, thì tôi về nhà lúc nào tôi muốn. Bởi thế mà tôi đã bỏ đi ở riêng. Tôi thật sự cần có đời sống của riêng tôi, tôi muốn làm gì thì làm, tôi tự quyết định những gì mình muốn làm. Tôi không cần phải nghe Pa Má tôi phán: «Không, đừng làm như vậy, đừng, đừng và đừng…»! Để cuối cùng mình không được làm gì hết (nữ 21t, định cư Québec lúc 4t, trg 119).

« Với cha mẹ tôi, rõ ràng là ổng bả còn mang tâm thức mentalité của Việt Nam. Ổng bả muốn con cái mình học y khoa hoặc lãnh vực khoa học về sức khỏe. Nếu mình không làm theo như ý, ổng bả xem đó là một sự thất bại. Và ổng bả tối ngày đem mình ra so sánh với con của người khác… Nhìn theo một khía cạnh nào đó thì ổng bả đang hạ giá trị mình xuống. Chắc chắn là trên một bình diện nào khác, cha mẹ mình ước mong điều tốt đẹp cho mình, nhưng khi mình không có khả năng là mình không thể làm được. Chấm hết! » (nam 22t, định cư tại Québec lúc được 6 tháng tuổi, trg 120).

«Ổng bả đem so sánh mình một cách không thương tiếc với người khác. Việc đó làm mình rất bực bội vì mình lúc nào cũng cảm thấy bị đặt trong tình trạng phải tranh đua, và lúc nào mình cũng vẫn là người thua cuộc hết » (nam 19t, sanh tại Québec, trg 120).

«Vâng, chúng tôi có với nhau một mối quan hệ rất tốt đẹp ngoại trừ việc Pa Má tôi còn mang nặng cái đầu óc, cái mentalité quá Việt Nam hoàn toàn khác biệt với tâm ý mentalité của dân bên nầy. Cái gì cũng gắt gao, cũng đều bị ổng bả kiểm soát hết, những khi tôi nói thật sự tất cả bất cứ chuyện gì. Một mặt khác, tôi không muốn làm xúc phạm đến cha mẹ tôi, và làm họ phải buồn lòng. Nói chung thì nó như thế đó, đó là một vấn đề thuộc về quyền tự do (nam 19t, sanh tại Québec, trg 121).

«Cha mẹ tôi thuộc về một thế hệ khác. Về mặt sinh hoạt, tôi thường ham đi chơi với bạn bè khiến ổng bả rất bực mình. Những chuyện như thế lúc nào cũng làm ổng bả khó chịu hết » (nam 25t, đến Québec lúc 6t, trg 121).

Ở đâu cũng thế mà thôi

Cho dù chọn giải pháp nào đi nữa các cụ cũng vẫn có thể là nạn nhân của sự ngược đãi và bạo hành từ người thân trong gia đình hoặc từ nhân viên chăm sóc trong các nhà già.

Đó có thể là sự ngược đãi về tinh thần (thiếu lễ độ, đóng mạnh cửa, nói nặng nói nhẹ, nhục mạ, chê bai, chửi bới, xiên xỏ, xem các cụ như con nít), về tình dục, về thể xác (xô, đẩy, mạnh tay mạnh chân…), bỏ mặc các cụ trong phòng, trên ghế, không nói năng đếm xỉa đến các cụ, không thay tã lót, lợi dụng về tiền bạc và v,v…Thưòng thì các cụ không dám tố cáo các hành vi trên vì sợ bị trả thù.

Riêng đối với một số người thân trong gia đình thì họ cũng xem thường việc nầy không có gì là quan trọng lắm.

Các cụ rất buồn khổ và chỉ còn biết khóc thầm mà thôi.

Đây là một vấn nạn trong xã hội ngày nay nhưng ít người có can đảm đề cập đến.

Thế hệ boomerang (Generation boomerang) và gia đình phong cầm (famille accordéon).

Thế hệ boomerang là khái niệm mới xuất phát tại Âu Mỹ từ năm 2000 để ám chỉ con cái (đa số ở vào lớp tuổi 24-35) đã trưởng thành và sống riêng ngoài gia đình cha mẹ trong một thời gian nay vì hoàng cảnh khó khăn phải về tá túc trở lại nhà cha mẹ.

(Boomerang là tên một loại vũ khí của thổ dân Úc Châu, hình dáng cong cong và khi ném đến mục tiêu thì nó liền quay trở về vị trí ban đầu.)
HTTP://SELECTION.READERSDIGEST.CA/SANTE/FAMILLE/COMMENT-AGIR-AVEC-LA-GENERATION-BOOMERANG


Một vấn nạn rất phổ biến hiện nay tại hải ngoại là chim bay trở về tổ. Việc làm khó khăn, không có tiền, tình duyên lận đận là những nguyên nhân chính để cô chiêu cậu ấm quay về nhà cha mẹ để ăn ở trong một thời gian...
Sống chung với cha mẹ già thế nào cũng có đụng chạm.
Thường là bà mẹ vì thương con như hồi chúng còn trẻ nên bà gánh vác hầu như tất cả mọi chuyện. Từ nội trợ, lo cơm nước, dọn dẹp phòng ngủ mỗi ngày cho con cái vv… Mẹ làm với một tấm lòng bao dung.

Nếp sinh hoạt thường lệ của cha mẹ già vì vậy bị xáo trộn và con cái ở tạm cũng cảm thấy « mất tự do » và không được thoải mái như lúc chúng ở riêng muốn làm gì thì làm. Chúng cũng sinh bực bội, khó chịu…

«Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình».

Audio-Video-Hiểu Đời / Tâm Sự Tuổi Già - Dương Trạch Tế (Nên Nghe)

Con cái lúc đi sống riêng, lúc thì trở về sống với cha mẹ một cách bất thường. Nhân số gia đình lúc tăng lúc giảm như cái đờn phong cầm. Người ta gọi đây là gia đình phong cầm (famille accordéon).

Các nhà xã hội đều nhấn mạnh đến vấn đề mâu thuẩn thường hay xảy ra khi cha mẹ già sống chung vối con cái đã trưởng thành rồi. Các cụ khó có thể tận hưởng tuổi già một cách thanh bình và trọn vẹn được. Con cái ở chung với cha mẹ mãi mãi thì sẽ khó trưởng thành và mất tánh tự lập đụợc. Mọi việc từ nhỏ tới lớn đều ỷ lại vào cha vào mẹ.

Rồi còn chuyện tìm vợ, tìm chồng, xây dựng gia đình nữa…Một vấn nạn rất phổ biến hiện nay tại hải ngoại là chim bay trở về tổ. Việc làm khó khăn, tình duyên lận đận là những nguyên nhân chính để cô chiêu cậu ấm quay về nhà cha mẹ để ở một thời gian miễm phí, ăn ngủ tự do và free. Gia đình cha mẹ không tránh khỏi bị xáo trộn. Tốn kém gia tăng, nhà cửa bừa bãi, bạn bè của con cái đến chơi.Bà mẹ thường là nạn nhân đầu tiên: dọn dẹp phòng ngủ cho con trẻ, nấu nướng, quét nhà, quét phòng, giặc rửa, rửa ly rửa chén tối ngày mà không bao giờ dám than phiền và la bọn nhỏ. Bọn nhỏ ỷ có mẹ nên ỷ y, cứ việc sống tự do theo ý họ. Lâu ngày, thì phải có đụng chạm, điện xẹt giữa cha mẹ và con.
Gia đình phong cầm (accordéon) có nghĩa là nhân số gia đình có lúc tăng có lúc giảm.

Kết luận

“Tạ cảm ơn nước mắt sầu tuôn chảy
Thấm qua từng ngõ ngách của con tim
Như dòng nước cuốn trôi bao vẩn đục
Để tâm hồn còn lại với bình yên”. (Thơ dịch ra Việt ngữ: ttk/Diễn Đàn Thơ Văn)

Merci la vie pour toutes les larmes pleurées. Elles sonts le témoin de racines profondes et nettoient l’âme./.

Đọc thêm

- RFA-Giáo dục con cái trong thời hiện đại
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/WomenMagazine/giaoduc-20040824.html

- Thời Báo Canada-Khi con gái âm mưu giết cha mẹ
http://thoibao.com/khi-con-gai-am-muu-giet-cha-me/

- Nguyễn Thượng Chánh –Tuổi già trên đất lạ
http://vietbao.com/p117a226599/tuoi-gia-tren-dat-la

Huy Phương- Nước mắt chảy xuôi-Người già Việt ở phương Tây
http://tintuccaonien.com/docs/docs_1/1_2_128.htm

- Tâm sự tuổi già
http://saigonecho.info/main/doisong/suytudongdoi/22563-hiu-i.html

- Video Nước mắt người già bên Viêt Nam
http://www.youtube.com/watch?v=YY7zUUqnv8U

- Maltraitances des ainés
http://maltraitanceaines.gouv.qc.ca/"gclid=CO2boOGky6QCFZJ95Qodox0LjA

Le Figaro-Le grand retour des jeunes adultes chez papa-maman
http://www.lefigaro.fr/conjoncture/2012/04/02/20002-20120402ARTFIG00431-le-grand-retour-des-jeunes-adultes-chez-papa-maman.php

- Parent abuse. The abuse of parents by their teenage children. Government of Canada
http://www.canadiancrc.com/PDFs/Parent_Abuse-Abuse_of_Parents_by_Their_Teenage_Children_2001.pdf

- Jean Pierre Robin-Le Figaro-Le grand retour des jeunes adultes chez Papa Maman
http://www.lefigaro.fr/conjoncture/2012/04/02/20002-20120402ARTFIG00431-le-grand-retour-des-jeunes-adultes-chez-papa-maman.php

Montreal

Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 08/Nov/2021 lúc 10:43am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 22/Nov/2021 lúc 9:36am

Chìm nổi cả đời người…


…dù đi bao xa, bến đỗ bình yên nhất vẫn là được ở bên cha mẹ
Hiếu Liên:- Chìm nổi cả đời người, dù đi bao xa, bến đỗ bình yên nhất vẫn là được ở bên cha mẹ”. Cuộc sống không như ý, cha mẹ chẳng thể ăn đời ở kiếp với ta. Lúc nhỏ chẳng thấu hiểu được nỗi khổ mẹ cha. Khi trưởng thành, muốn báo hiếu thì đâu còn được nữa, chỉ còn lại một tiếng thở dài buông giữa đêm khuya mà thôi…
giua%20dem

Chìm nổi cả đời người, dù đi bao xa, bến đỗ bình yên nhất vẫn là được ở bên cha mẹ

Hà Thu là một cô gái xinh đẹp, duyên dáng. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô quen biết một chàng trai người Úc và nhất quyết đòi sống cùng anh. Lúc đó đã là 5 năm 20 ngày cô chưa gặp mặt cha mẹ. Hà Thu và chàng trai người Úc chìm đắm trong men say tình yêu. Người đàn ông hy vọng Hà Thu có thể theo cậu về Úc. Anh hứa sẽ lấy cô và mang lại hạnh phúc cho cô.

Hà Thu đã tin. Cha mẹ cô cảm thấy những lời ấy không đáng tin cậy, cho rằng quyết định của Hà Thu quá vội vàng. Thế nhưng cô vẫn cương quyết muốn đi theo người đàn ông ấy. Một tháng trước khi rời khỏi nhà, hàng ngày Hà Thu đều cãi nhau với cha mẹ.

Cô đã nói rất nhiều lời khó nghe, những lời làm tổn thương người khác. Cô cảm thấy rằng cả đời này cha mẹ cũng không thể tha thứ cho mình. Ngay cả bản thân cô cũng không thể nào tha thứ cho mình khi quyết định làm những việc ấy, nói ra những lời ấy.

Khi rời đi, Hà Thu chỉ để lại một mảnh giấy ghi vỏn vẹn 3 chữ: Con đi đây.

Tới Úc, Hà Thu mới phát hiện ra rằng người đàn ông đó sớm đã kết hôn. Sau khi sắp xếp tạm ổn thì người đàn ông đó cũng đã không quan tâm tới cô nữa. Trên người Hà Thu không có lấy một đồng, cô cũng không có sở trường, nghề nghiệp gì, phải sống rất vất vả.

Nhưng cô không còn mặt mũi nào trở về nhà, Hà Thu chỉ có thể gắng gượng mà sống. Cô làm thêm ở nhà hàng để cố duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu nhất. Ban ngày bận rộn, cô có thể tạm quên đi cảm giác xấu hổ và cô đơn khi bước chân ra khỏi nhà. Nhưng vào lúc đêm khuya thanh vắng những cảm xúc ấy lại bủa vây lấy cô.

Chỉ có thể báo chuyện vui, không báo chuyện buồn, Hà Thu hối hận là ngay từ ban đầu cô thường cố nói với cha mẹ rằng: “Anh ấy đối xử với con rất tốt, con không phải đi làm”. Cô luôn cảm thấy có lỗi với cha mẹ, ngay cả việc hiếu thuận cơ bản nhất cũng không làm được.

Kỳ thực chúng ta cũng giống với Hà Thu, ban đầu thường hay tìm lý do trách móc cha mẹ.

Bản thân tôi, từ nhỏ vẫn luôn muốn trở thành một bác sỹ khoa thần kinh hoặc bác sỹ tâm lý, bạn biết lý do vì sao không? Là vì cha mẹ tôi, họ muốn tôi trở thành luật sư, thành nhân viên công vụ hoặc phải ở trong ngành tài chính, chỉ cần là những nghề thuộc giai tầng cao trong xã hội là được. Mẹ tôi chỉ quan tâm tới điều này.

Mẹ thường gây áp lực với tôi, ép tôi phải phù hợp với sự mong đợi của bà. Nhưng bà lại không hề quan tâm tới cảm xúc của tôi, hầu như tôi luôn thấy rất cô đơn. Bởi thế tôi đã quyết định trốn chạy khỏi ngôi nhà đã khiến mình đau khổ, tìm kiếm thứ mà tôi cho là “cái tôi” của mình.

Ngày càng trưởng thành lên, tôi cũng muốn tạo dựng quan hệ với người khác, muốn trở thành “người có ích”, “được người khác cần”, “quan trọng với người khác”, những cảm giác tôi chưa từng có được khi ở nhà. Lúc đó tôi cho rằng trở thành một bác sỹ khoa tâm lý là có thể giúp mình thực hiện được điều này. Do đó tôi đã xin vào một trường đại học ngoài thành phố, cách nhà càng xa càng tốt.

Mặc dù không thi đỗ Đại học Y nhưng tôi cũng đã được dọn ra khỏi nhà. Trong khoảng thời gian đi học ở ngoài, tôi thường nghĩ Tết năm sau, kỳ nghỉ hè năm sau mình sẽ về. Nhưng tôi vẫn luôn thiếu một động lực để thực hiện việc đó. Đúng hơn là trong tâm cảm thấy một áp lực vô hình nào đó đang đè nặng lên.

Ngoài những lúc bắt buộc, tôi hầu như không mấy khi gọi điện cho cha mẹ. Hễ cha mẹ hỏi thăm, tôi chỉ ậm ừ qua loa “Con vẫn ổn ạ” cho xong chuyện. Không phải là tôi cố ý qua mặt cha mẹ, mà từ trong tâm mình tôi cảm thấy họ không cần biết. Tôi dựng lên một bức tường ngăn cách giữa chúng tôi, từ chối không cho cha mẹ bước vào cuộc sống của mình.

Một ngày, cha gọi điện cho tôi: “Mẹ con ốm rồi”. Bạn không thể tưởng tượng nổi là tôi đã sợ hãi tới mức nào. Tôi thấy như thế giới có thể sụp đổ ngay dưới chân mình. Chỉ suýt chút nữa thì mẹ không được nhìn thấy tôi và tôi cũng không có cơ hội nói lời tạm biệt mẹ.

Sau này tôi mới hiểu rằng không phải là mẹ không yêu tôi, chỉ là mẹ yêu tôi theo cách riêng của bà. Đó có thể không phải là cách mà tôi mong muốn. Nhưng tôi thì lại không bao giờ muốn hiểu.

Khoảng cách xa nhất trong đời người không phải là bạn đứng trước mặt tôi mà không biết rằng tôi yêu bạn. Chính là tới phút cuối cùng tôi có thể nói ra “Tôi yêu bạn”, nhưng bạn lại không còn đứng trước mặt tôi nữa. Điều đau khổ không phải là chia ly, mà là khi chia tay nhau không được nói lời từ biệt.

Không để cha mẹ lo lắng chính là sự hiếu thuận lớn nhất. Khổng Tử có câu rằng: “Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương”. Ý là khi cha mẹ còn sống thì không được đi ra ngoài. Nếu thực sự phải ra ngoài cũng phải có quy tắc, đừng để cha mẹ phải lo lắng.

Trước kia tôi không cho rằng điều này có gì đúng đắn lắm. Nhưng khi ý thức được rằng cha mẹ không thể nào ở với mình cả đời, tôi mới bắt đầu trở nên nhẫn nại hơn, biết lắng nghe hơn. Trong tâm mình, tôi muốn được hiểu cha mẹ nhiều hơn, muốn được chia sớt ngọt bùi lẫn đắng cay, muốn được quan tâm đến cảm xúc của họ nhiều hơn.

Khi còn trẻ tôi không sợ gì cả nhưng khi lớn lên tôi lại càng nhát gan hơn. Tôi bắt đầu để tâm tới cuộc sống bình thường nhưng rất đỗi trân quý mà cha mẹ ban cho tôi.

Bây giờ đi taxi tôi sẽ nhắn lại biển số xe cho cha mẹ, cố gắng về nhà trước 10h tối, học cách chăm sóc sức khỏe, tập thể dục. Trước khi đi công tác tôi cũng báo lại lịch trình chi tiết cho cha mẹ. Trước kia tôi luôn cảm thấy cha mẹ dặn dò quá “thừa thãi”, quá “lắm lời”, bây giờ:

Tôi rất sợ, sợ cha mẹ già không có nơi nương tựa.

Sợ tôi sẽ phải hối hận.

Sợ cha mẹ không chờ đợi được.

Tôi sợ nhất là những lời yêu thương chưa kịp nói ra lại trở thành lời cáo biệt. Những lời ác khẩu trót nói ra lại trở thành vĩnh hằng.

Tất cả chúng ta đều không muốn thừa nhận rằng cha mẹ mình sẽ già đi, bởi vì điều đó thật quá tàn nhẫn. Mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ thường phải trải qua hai lần đau đớn: Một lần là khi chúng ta bắt đầu muốn được sống độc lập, thoát khỏi sự chở che của cha mẹ. Một lần khác là khi chúng ta phải đối diện với sự già yếu của cha mẹ.

Khi buộc phải thừa nhận rằng cha mẹ rồi cũng sẽ già yếu đi, cũng sẽ không thể sống trọn kiếp này cùng ta, bạn hãy hy vọng rằng mình đã để cha mẹ có thể sống trong những ngày thảnh thơi nhất. Hãy nói với cha mẹ rằng: “Con yêu cha mẹ! Mong cha mẹ hãy chăm sóc thật tốt cho bản thân mình. Cha mẹ phải luôn luôn bình an và mạnh khỏe nhé!”.

Cuối cùng, sau biết bao sóng gió, tôi cũng trở về nhà để chung sống dưới một mái nhà với cha mẹ, và cảm thấy hạnh phúc biết bao.

Trở lại với câu chuyện của cô nàng Hà Thu. Cô ấy từng gọi cho tôi, kể rằng mình đã nói thẳng mọi sự thật với cha mẹ và cầu mong một lời tha thứ từ họ. Ở đầu dây bên kia vẫn là một giọng hiền từ vang lên: “Về đây với cha mẹ đi Hà Thu, con sẽ được an toàn!”.

Cuối năm, cô bay từ Úc về nhà, lòng bình yên và nhẹ nhõm. Sau quá nhiều trốn chạy, ông trời vẫn luôn có cách để mọi thứ quay trở về đúng vị trí của mình.

Đứa trẻ nào ban đầu cũng đều quấn quýt cha mẹ, coi cha mẹ là tình yêu lớn nhất. Nhưng khi đến tuổi trưởng thành, những đứa trẻ thơ ngây năm nào đã không còn như thuở trước, bắt đầu oán giận cha mẹ mình. Kịp đến khi hiểu chuyện hơn một chút, họ cảm thấy mình đối đãi với cha mẹ quả là không đúng. Họ mang tình yêu được chôn sâu suốt bấy nhiêu năm ra ngoài ánh sáng. Một lần nữa, họ lại yêu cha mẹ như ngày còn trẻ dại.

Tăng Sâm, một trong những môn đệ nổi tiếng nhất của Khổng Tử, là người chí hiếu với mẹ, được liệt vào 24 tấm gương hiếu thảo. Tương truyền rằng khi mẹ ông cắn vào ngón tay cũng khiến ông động lòng, bồn chồn. Có lần bị mẹ lấy roi đánh, Tăng Sâm khóc nức nở. Mẹ hỏi: “Trước nay bị đánh con không bao giờ khóc lóc. Cớ sao nay lại khóc?”. Tăng Sâm gạt nước mắt thưa rằng: “Thưa mẹ, mấy lần trước mẹ đánh thấy đau, con biết rằng mẹ còn khoẻ. Hôm nay vung roi đánh không thấy đau nữa, biết rằng mẹ đã yếu đi nhiều. Con đau lòng nên khóc”. Thật là một người con chí hiếu!

Nếu có thể, tôi luôn hy vọng rằng có thể sống chậm hơn một chút, thời gian hãy trôi chậm đi, ngày tháng dài rộng mãi để cha mẹ cả đời vất vả có thể được tự hào vì tôi đã trưởng thành, hạnh phúc vì có tôi ở bên.

Cha mẹ là trách nhiệm ngọt ngào nhất của tôi, bởi vì tôi yêu họ hơn cả sinh mệnh của mình.

Hãy về nhà ôm chặt cha mẹ mình trong vòng tay, hãy tranh thủ những ngày tháng ít ỏi còn lại nói với họ rằng: “Con yêu cha mẹ! Cảm ơn cha mẹ!”. Bởi vì:

Khi cha mẹ còn, đời người còn có nơi lui tới,
Khi cha mẹ mất, đời người chỉ còn lại chốn về,
Dù đi bao xa, tâm cuối cùng cũng vẫn hướng về bên cha mẹ…

                                                                                                                                                                Hiếu Liên. ĐKN

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 27/Nov/2021 lúc 9:13am

Niềm Đau Tái Ngộ


old%20friend

Tuy xa quê hương đã hơn 40 năm Trình vẫn không quên hình ảnh ở quê nhà. Có nhiều đêm khó ngủ Trình nằm cả giờ hình dung lại khung cảnh ngôi nhà thuở xa xưa khi Trình chưa đầy mười tuổi, nơi có cây chiêm chiêm trước ngõ, có hàng rào dâm bụt nở bông thật xinh, có cái giếng đá nước trong và ngọt ngào uống thật ngon. Đối với bao nhiêu người khác thì nơi Trình lớn lên chẳng có gì thơ mộng, đó chỉ là một làng quê nghèo nàn, thiếu mọi tiện nghi của cuộc sống, vậy mà Trình vẫn luôn nhớ đến và càng lớn lên, càng xa nơi đó Trình càng nhớ nhiều hơn.

Năm 13 tuổi Trình lên Trung Học nên phải rời quê nhà xuống sống ở Hội An, một thành phố cổ kính của miền Nam. Lần đầu tiên xa nhà, xa Ba Má, xa bạn bè, bỡ ngỡ với cuộc sống xa lạ Trình lo âu và buồn lắm. Vài tháng sau thì bắt đầu quen dần với cuộc sống nơi phố thị nên không buồn và lo âu nữa, rồi sau đó Trình thấy thích cuộc sống ở thành phố vì có những tiện nghi như đèn điện, nước máy, được nghe nhạc trên radio.

Trình ở trọ trên đường Kiến Thiết, đối diện với Tiểu Khu, cách tiệm phở “ông giàu” ba căn nhà. Tiệm phở này có đặc điểm là mỗi tô phở có kèm theo một đĩa đu đủ chua, chỉ năm sáu lát nho nhỏ thôi nhưng khách thích lắm, không ai biết tên ông chủ nhưng thiên hạ gọi phở “ông giàu” vì đa số công chức ở Hội An đều mắc nợ ông, họ ăn phở của ông và ghi sổ, cuối tháng lãnh lương thì đến thanh toán tiền nợ.

Lớn lên ở thôn quê nghèo nàn, quanh năm chỉ quanh quẩn với hình ảnh “đất cày lên sỏi đá”, “người bừa thay trâu cày”, v.v... nay làm quen với đời sống ở thành phố thấy biết bao điều mới lạ để học; một hôm đứng trước hiên nhà trọ nhìn xe cộ chạy ở ngã năm gần đó Trình thấy một ông cảnh sát đứng trên bục ngay giữa ngã năm điều hành lưu thông, xe đạp và xe gắn máy đến đó vẫn tiếp tục chạy nhưng xe hơi phải dừng lại, rồi ông cảnh sát chỉ đường nào thì xe phải chạy theo đường đó, một chiếc xe đầu làm vậy và những chiếc khác đến sau cũng làm vậy. Trình suy nghĩ rồi tự hỏi “ông cảnh sát có quyền bắt xe hơi chạy theo đường ông muốn?” hay “ông cảnh sát biết những người lái xe đó muốn đi đâu?”, suy nghĩ mãi mà không tìm được câu trả lời. Hôm sau đến trường Trình hỏi thầy Tứ, thầy người Sài Gòn dạy toán và rất thương Trình, thì thầy giải thích rằng những người lái xe và cảnh sát có học về luật giao thông nên tài xế dùng bàn tay ra dấu và cảnh sát hiểu.

Lên đệLục thì bạn bè biết nhau rõ hơn và thân thiết hơn, thằng bạn thân nhất của Trình là Côn, cũng là người ở quê lên như Trình, hắn hiền lành, học giỏi, vui tính, có máu văn nghệ nên rất hạp với Trình. Lúc bấy giờ cũng đã quen thuộc đường sá ở Hội An nên thỉnh thoảng hai đứa đi dạo phố với nhau, Trình thích nhất là sau buổi cơm chiều hai đứa rủ nhau ra đường Bạch Đằng hóng mát, xem người ta câu cá và nghe nhạc của rạp chiếu bóng Hòa Bình, rạp này thường xuyên cho chơi bài “Oh! Carol” do Neil Sedaka hát. Mặc dù lần nào đi dạo mát ở bờ sông cũng nghe bài này mà vẫn thích nghe chứ không chán, chắc là vì lời lẽ vừa si tình, vừa đau thương, vừa khờ dại.

Đám bạn của Trình còn có Hùng, Bằng (dân Bắc di cư), hai đứa này không biết văn nghệ văn gừng gì nhưng khoái đi tắm sông, tắm biển nên cả bọn hay rủ nhau ra tắm sông ở cầu An Hội, gần chùa Cầu, ở đó nước sâu và tương đối sạch, lại có cây cầu bắt qua bên cồn cát nên khi bơi mỏi thì níu chân cầu nghỉ mệt. Ít lâu sau thì khám phá ra phía bên kia của cồn cát có bãi sông nước trong sạch nên kéo qua bên đó tắm; vì chỗ này xa nên mỗi lần đến đó tắm thì hùn tiền mua một nải chuối mang theo, tắm xong nghỉ ngơi ăn chuối thật thú vị.

Hội An có bãi biển Cửa Đại rất đẹp, nước trong xanh, cát trắng và mịn, chỉ cách thành phố có bốn cây số nên nhiều lần Trình và đám bạn rủ nhau ra đó tắm biển. Dọc theo bờ, chính phủ có để nhiều phòng thay đồ, gọi là phòng cho xôm tụ chứ thực ra chỉ là những cái hộp đóng bằng gỗ vừa đủ cho một người đứng. Từ trong phố cuốc bộ ra Cửa Đại mất hơn một giờ nên Trình và đám bạn chỉ tắm biển vào cuối tuần, mang theo đồ ăn. Khi đã xuống nước rồi thì tắm say sưa chẳng muốn về, lúc thì nắm tay nhau nhảy sóng, khi thì thi nhau bơi ra thật xa, xa đến nỗi những phòng thay đồ thấy nhỏ như những chiếc hộp. Ngoài khơi là Cù Lao Chàm, nhìn hòn đảo Trình mơ ước có ngày sẽ đủ sức bơi ra đó.

Một hôm Côn đến khoe:

- Tau mới mua cây đờn guitar.

Trình ngạc nhiên hỏi:

- Mi biết đờn hả?

- Biết sơ sơ.

- Học ở đâu vậy?

- Tự học thôi, mua sách về học, nay mua đờn để tập

- Tau thì biết chơi mandoline

- Thiệt không? mẹ cái thằng nói láo!

- Thiệt đó, rồi mi sẽ biết tài của tau.

Chuyện Trình biết đánh đàn cũng khá đặc biệt. Khi lên sáu, lên bảy, Trình ở vùng bị việt cộng (VC) chiếm nên trẻ con chẳng học hành gì cả ngoài việc sinh hoạt thiếu nhi, Trình và Ba Má ở với bà Nội, chú Tạo và chú Cần. Suốt ngày Trình quanh quẩn trong nhà phụ Má làm những việc lặt vặt như mót củi, quét nhà, hái rau; hai chú trước có đi học nhưng nay ở nhà làm ruộng, đôi khi vào rừng đốn củi. Buổi tối thì thỉnh thoảng bạn của hai chú đến đem theo cây Banjo để ca hát vì hai chú có cây mandoline, những buổi tối như vậy Trình thích lắm, say sưa nghe và nhìn các chú đánh đàn. Nghe riết Trình đâm ra thích đàn nên khi hai chú đi làm thì Trình lấy cây mandoline ra tập, sau một thời gian ngắn Trình chơi được nhiều bài. Một hôm hai chú đi làm về sớm bắt gặp Trình đang cầm cây đàn nên chú Tạo quát:

- Phá hả mi? biết gì mà cầm đờn?

- Cháu đờn được mà.

- Thiệt hả? đờn tau nghe thử coi.

Trình liền chơi bản “Xuân và tuổi trẻ”, vừa đàn vừa hát nguyên bài, không sai một nốt, không sai một nhịp làm chú Tạo “lé mắt”.
- Thằng ni tài! thôi được, tau cho mi tập nhưng cẩn thận nghe con, đứt dây là tau đánh mi nát xương.

Trình biết chú nói thiệt chứ không dọa nên từ đó bớt đụng tới cây đàn.

Sau khi biết nhau về khả năng văn nghệ thì Côn rủ Trình đi mua cây đàn mandoline cũ rồi hắn huấn luyện cho thằng Huy, bạn cùng lứa nhưng ở lớp khác, đánh nhịp. Thỉnh thoảng Trình và Côn đến nhà Huy hòa tấu, cả bọn hay chơi bài Bambino vì bài này dễ, Côn khá rành về nhạc lý, Huy thì học nốt nhạc cũng mau, Trình nghe người ta chơi sao thì đánh lại y chang nhưng không cách chi đọc được nốt nhạc dù cố gắng học. Ngoài chuyện cùng say mê văn nghệ Côn và Trình còn thích chơi cờ tướng, hai đứa trình độ ngang nhau, vừa đánh cờ vừa chọc quê rất vui, nhất là khi có mấy thằng cùng lớp bu chung quanh coi và la hét.

Tuy vui tính và ưa thích văn nghệ nhưng Côn có ý thức về chính trị sớm. Một hôm Trình đến ty Thông Tin đọc báo thấy ngoài sân có sáu xác chết của VC, họ trưng bày xác để cảnh cáo những người bí mật theo VC, Trình kể chuyện đó cho Côn thì hắn phán ngay “bọn đó chết là đáng đời, nếu thích CS thì ra ngoài Bắc ở theo tinh thần Hiệp định Geneve, ở chi trong ni đi gài mìn, ám sát, làm tay sai cho VC”, rồi Côn kể tiếp ngoài Bắc nhiều khẩu hiệu “đả đảo đế quốc” bị dân thêm vào hai chữ CS phía sau.

Năm đệ Ngũ là năm vui nhất vì học ít và chơi nhiều, cuối năm đó thì Côn và Trình đã là bạn tri kỷ, thương nhau như anh em. Lên đệ Tứ thì bớt chơi và lo học vì cuối năm thi lấy bằng Trung Học, mảnh bằng này là một bước ngoặc trong đời của những học sinh con nhà nghèo vì có đứa phải tìm việc làm giúp gia đình, có đứa chuyển ngành, đi học sư phạm để kiếm sống. Nói đến những dự định trong tương lai thì Côn và Trình đều muốn trở thành giáo sư; thấy mấy thầy được học trò yêu thương, kính mến, được xã hội quý trọng, lương bổng cũng khá, bảo đảm có một cuộc sống sung túc thì hai đứa thấy chọn nghề thầy giáo là hợp lý nhất.

Sau khi hoàn tất bậc Trung Học thì Trình phải theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống, đến chia tay Côn, hai đứa buồn vô hạn vì nghĩ rằng sẽ không có dịp gặp lại. Hành trang của Trình là một chiếc xách tay đựng áo quần và ít giấy tờ. Trình lội bộ ra bến xe đò Hội An, đón xe lên Vĩnh Điện, rồi từ đó lấy xe đò Đà Nẵng-Sài Gòn. Xe đến Nha Trang thì trời đã tối nên ngừng lại nghỉ qua đêm. Tối hôm đó Trình tưởng tượng thành phố Sài Gòn qua những câu chuyện nghe được từ các đàn anh đã có dịp viếng thăm Hòn Ngọc Viễn Đông. Trình nhớ anh Đức (trên Trình 3 lớp) kể chuyện về Sài Gòn như một thành phố ở một quốc gia nào khác, nơi đó hai người hàng xóm chẳng hề biết nhau, mặc ai nấy sống không dòm ngó lẫn nhau; xe cộ chạy như nước, có một loại xe rất đặc biệt chỉ có ở Sài Gòn thôi là xe xích lô máy; người đông chen chúc, phố xá sang trọng, và các phòng trà thì hết chê! Rồi anh khoe với Trình chiếc áo chemise trắng có dấu môi son đỏ chói chỗ bờ vai, anh nói đó là quà của cô vũ nữ đẹp nhất ở vũ trường Maxim tặng anh để làm kỷ niệm.

Năm thứ hai ở Đại Học thì Trình có quen với Thanh Xuân, sinh viên năm đầu Đại Học Sư Phạm. Ở lứa tuổi đôi mươi thì đi thăm người yêu là nguồn vui lớn, nhưng cũng có trường hợp phải chịu một chút cực hình trước khi được hưởng nguồn vui. Mỗi lần đến thăm Thanh Xuân ở trong cư xá Trần Quý Cáp Trình phải chờ dài cổ, tưởng nàng trang điểm gì ghê gớm nhưng khi nàng xuất hiện thì chẳng thấy trang điểm gì cho lắm, vài lần đầu Trình cố chịu đựng nhưng sau đó Trình than thở:

- Sao em bắt anh chờ lâu dữ vậy?

- Nghe anh đến em muốn gặp anh ngay nhưng mấy chị không cho, họ dạy rằng chờ là thước đo tình yêu của các anh, có yêu mới chờ, chờ càng lâu là yêu càng nhiều, anh nào không chờ nỗi là chỉ muốn chơi qua đường chứ không thật tình.

- Nhưng em cũng biết anh đâu phải như vậy?

- Em biết chứ, nhưng không nghe theo lời dạy đó thì sống sao nỗi với mấy chị ấy.

Một hôm Trình ngồi đọc sách chờ Thanh Xuân trong cư xá Trần Quý Cáp thì có một chàng vào thăm bạn gái, khi nhân viên cư xá hỏi tên thì nghe anh ta khai là Vũ Côn, Trình nghe tên bạn cũ và giọng nói cũng giống nên ngước nhìn thì đúng hắn, bình tĩnh chờ cho đến khi nhân viên vào bên trong Trình mới vội bước tới ôm choàng Côn và nói lớn “Trình đây mi”, hai đứa gặp lại nhau sung sướng vô ngần. Côn lên giọng:

- Mi chạy đường trời cũng không khỏi tau.

- Còn mi là con đỉa đói thì tau tránh sao được, cô nào bị mi theo thì đố mà thoát khỏi.

Từ đó Côn và Trình hay gặp nhau vào cuối tuần, nhắc lại những kỷ niệm ở Hội An trong khi đi dạo phố, uống cà phê, xem văn nghê, hoặc Trình rủ Côn về nhà dùng cơm. Nhiều lần Côn và Trình hẹn nhau đi thăm bạn gái trong cư xá Trần Quý Cáp, có khi ngồi chờ lâu hai đứa đánh cờ tướng với nhau, cả hai có trí nhớ khá tốt nên chơi cờ tướng mà chẳng cần bàn cờ và chẳng khi nào cải nhau, có lần chơi xong một ván cờ mà hai người đẹp vẫn chưa xuất hiện.

Côn khoe là đang học năm thứ hai Đại Học Sư Phạm; Trình thấy khi nhỏ Côn là một học trò ngoan, giỏi, ham học, hiền lành, sống có kỷ luật thì chắc Côn sẽ thành công trong ngành giáo dục và sẽ trở thành một giáo sư giỏi, gương mẫu. Sau ba năm tiếp cận với văn minh của Sài Gòn, Trình thấy được một lãnh vực mới thích hợp với mình hơn và con đường tiến thân cũng tốt hơn, đó là ngành kỹ thuật. Trình nghĩ đến làm giáo sư là một nghề cao quý, được học trò kính trọng nhưng sẽ đứng hoài ở một chỗ nhìn học trò đi qua, còn theo ngành kỹ thuật thì cần học hỏi liên tục và nhờ vậy con đường tiến thân luôn rộng mở.

Côn có vẻ không vui khi Trình cho hay là đang học năm thứ hai ở Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, hắn trách nhẹ:

- Mi đổi ý, bỏ rơi tau?

Trình hiểu và thông cảm bạn nên giải bày:

- Khi tụi mình ở đệ nhất cấp đâu có nghe ai nói đến ngành kỹ thuật, sau mấy năm sống ở Sài Gòn tau mới biết, vả lại mi giỏi Việt văn thì làm thầy giáo là đúng nghề, còn tau khá toán thì theo kỹ thuật hạp hơn, nhưng nghề nào cũng tốt cả, miễn mình làm cho chu đáo.

Ra trường, Côn về dạy ở Sa Đéc còn Trình thì ra làm việc ở Đà Nẵng nên mỗi năm chỉ gặp nhau một lần khi Côn nghỉ hè về thăm quê, về sau Côn lập gia đình với cô gái miền Nam và ở luôn trong đó.

Sau đại họa 30/4/75 thì Trình mất liên lạc với Côn. Ba năm sau Trình vượt biển và định cư ở Canada, coi như vĩnh viễn từ biệt Ba Má và các em, và người bạn cũ cũng bị quên. Rồi một ngày trong tháng Tư năm 2006 em gái Trình email cho hay là Côn ghé nhà thăm, Trình mừng lắm liền email hỏi cô em tin tức của Côn để liên lạc nhưng cô em không biết gì hơn là Côn còn dạy học ở Sa Đéc và vợ Côn có cửa hàng buôn bán vật liệu xây cất nên rất khá giả. Trình email bảo cô em nếu Côn trở lại thì nhớ xin địa chỉ và email cho Trình, cô em email trả lời “em có xin số điện thoại và email nhưng anh Côn nói không cần thiết đâu, chưa chắc hắn còn nhớ tôi”.

Tháng 12/2006 em Trình cho địa chỉ, email và số phone của Côn, Trình rất vui vì nghĩ rằng Côn nhớ mình nên trở lại thăm nhưng không phải vậy, khi hỏi Côn trở lại thăm khi nào thì em Trình email trả lời “thấy anh muốn liên lạc với bạn cũ nên trong chuyến đi du lịch miền Tây em ghé Sa Đéc tìm anh Côn”.

Côn và Trình vô cùng sung sướng khi liên lạc được với nhau, những emails và những cuộc điện thoại luôn nhắc lại kỷ niệm xưa và cuộc sống sau 4/75. Thời gian Trình vượt biển và đến được Canada thì Côn bị tù ở Rạch Giá vì tội vượt biên, cũng may là Côn đi một mình, gia cảnh lúc ấy rất thê thảm không đủ tiền cho vợ và con đi theo. Côn ở tù gần một năm, ra tù về lại Sa Đéc, Côn phụ vợ buôn bán, hơn một năm sau nhờ người quen chạy chọt nên được cho dạy lại.

Biết anh vợ của Côn và hai người chị họ định cư bên Houston nên đầu năm 2008 Trình đề nghị vợ chồng Côn nên đi Mỹ thăm bà con và sang Canada ở chơi với Trình một tuần, Côn đồng ý ngay và sẽ cho biết thời gian dự tính sang Canada để Trình lấy một tuần nghỉ hè.

Thông thường thì tái ngộ nói lên một niềm vui; khi hai người bạn gặp lại sau một thời gian dài xa cách thì đó là niềm vui, khi anh em gặp lại sau một lần chia ly thì đó là niềm vui, khi cha con gặp lại sau nhiều năm bôn ba ở xa làm lụng kiếm tiền nuôi gia đình thì hẳn là một niềm vui lớn v.v... nhưng đó là trước 4/75. Sau cái ngày tang thương năm 1975 thì cuộc đời của người Việt bị đảo lộn, những chuyện quái gở lại xảy ra hàng ngày và trở thành “chuyện bình thường”, còn những chuyện bình thường thì trở nên hiếm hoi, và tái ngộ trở thành niềm đau thay vì niềm vui!

Côn đến phi trường Pearson International của Toronto vào chiều thứ Sáu cuối tháng 8/2008, sau hơn 34 năm mới được bắt tay và quàng vai bạn cố tri nên Côn và Trình đều vui mừng vô cùng. Về đến nhà Trình thì vừa đủ thì giờ cho Côn cất hành lý, nghỉ ngơi chút đỉnh trước khi dùng cơm chiều. Câu hỏi đầu tiên của Côn:

- Mi có tính về Việt Nam sống sau khi về hưu?

- Không, Trình trả lời ngay.

- Sao vậy? bây giờ khác lúc mi đi nhiều.

- Khác thế nào?

- Đất nước bây giờ phồn thịnh hơn nhiều, tiện nghi đầy đủ, cái gì cũng có, làm tiền cũng dễ, ăn chơi thoải mái.

Trình thất vọng với câu trả lời của Côn nhưng cũng điềm tĩnh tiếp tục câu chuyện để hiểu thêm về Côn, rồi Trình nói:

- Mi cũng biết tau bỏ nước ra đi không phải vì thiếu những thứ đó, tau đi vì thiếu tự do, vì không chịu nổi sự cai trị của bọn vô học nhưng độc tài, tàn ác.

- Tau hiểu, nhưng đó là chuyện xưa rồi, mi bỏ qua đi, giữ làm chi cho buồn bực.

- Chuyện đó đâu có xưa, ngày nay cũng bọn vô học đó cầm quyền, cũng thiếu tự do, nhưng thôi, mình sang đề tài khác đi, mi và tau có thiếu gì chuyện vui hơn để nói.

Hôm sau đưa Côn đi thăm Niagara Falls, Trình tránh chuyện thời sự, cố giữ chủ đề về cuộc sống và thắng cảnh ở Canada. Trình nhận thấy có vấn đề về quan điểm chính trị với Côn và cố tìm giải pháp để vẫn nói chuyện về Việt Nam mà giữ được hòa khí trong thời gian Côn ở chơi. Thỉnh thoảng Trình mới nói về sinh hoạt của người Việt tị nạn CS ở hải ngoại cho Côn biết, và để xem phản ứng của Côn ra sao, và lần nào Trình cũng thất vọng. Có lần Côn gay gắt hỏi:

- Các ông ngoài này làm ồn ào thì được gì? CS vẫn cầm quyền và càng lúc càng mạnh.

Trình thất vọng vô cùng với câu hỏi này nhưng cố điềm tĩnh giải thích:

- Tụi tau ngoài này không lật đổ được bọn VC trong nước đâu nếu không có sự nổi dậy của dân trong nước, nhưng những người tị nạn CS đã lập được nhiều thành tích đáng kể trong hơn 30 năm qua như nói lên sự thật về VC, về cuộc chiến VN, làm sáng tỏ chính nghĩa của miền Nam; xây dựng rất nhiều tượng đài ghi lại dấu tích cuộc tị nạn không phải vì chiến tranh mà vì hòa bình, ghi lại những anh hùng trong và sau cuộc chiến, những công trình này là những vết sẹo để lại trên bộ mặt lừa đảo, gian ác của Hồ chí Minh và đảng CSVN và nói lên tội ác của VC.

Thấy Côn im lặng nghe nên Trình nói tiếp:

- Người Việt tị nạn CS cũng đã lập được nhiều Cộng Đồng Người Việt Tự Do ở khắp thế giới để phổ biến văn hóa Việt Nam và sinh hoạt đấu tranh đòi tự do và dân chủ cho Việt Nam, thành quả quan trọng nhất mà các Cộng Đồng này đạt được là gì mi biết không?

Bất ngờ trước câu hỏi này Côn lúng túng trả lời:

- Biểu tình chống cộng 30/4.

- Sai rồi mi ơi, thành quả mà người Việt tị nạn tự hào nhất là dương cao ngọn cờ chính nghĩa của Việt Nam. Từ sau 30/4/75 đến nay cờ vàng tung bay khắp thế giới nhiều lần mỗi năm trong khi đó cờ VC chỉ ủ rũ trong khuôn viên các tòa đại sứ, ra bên ngoài là bị dập xuống ngay dù VC đã bỏ biết bao tiền bạc và công sức để phất cờ đỏ bên ngoài các tòa đại sứ, một việc họ làm dễ dàng trước tháng 4/75 nhưng nay bị người Việt tị nạn CS khống chế không làm nổi.

Một hôm Trình đưa Côn đi ăn tối ở nhà hàng Việt Nam, thấy tiệm treo tấm plaque hình bản đồ Việt Nam chia đôi với Sài Gòn là Thủ đô của miền Nam và cờ vàng làm nền, Côn liền chỉ trích:

- Đất nước đã thống nhất lâu rồi mà sao còn treo bản đồ chia đôi Nam Bắc.

Trình đáp thẳng thừng:

- Dân tị nạn tụi tau thấy thời bị chia đôi còn có tự do và đáng sống hơn thời thống nhất.

- Thế còn lá cờ của miền Nam đã bị xóa sổ rồi mà treo chi nữa?

Thấy Côn nhận định về lá cờ như kẻ thiếu học, Trình bực mình thì ít mà đắng cay thì nhiều, cố kềm chế cơn giận, Trình ôn tồn giải thích:

- Mi lớn lên ở miền Nam, hấp thụ một nền giáo dục nhân bản, học lịch sử đất nước từ những người thầy có kiến thức sâu rộng, từ những sử liệu trung thực, thì mi phải biết rằng cờ vàng ba sọc đỏ là quốc kỳ của Việt Nam sau bao triều đại, sau bao đổi thay, sau bao thăng trầm; còn cờ đỏ sao vàng là cờ của đảng cộng sản VN do Hồ chí Minh lập ra. Tuy bây giờ đám tị nạn tụi tau là công dân Canada nhưng vẫn giữ cái gốc Việt Nam, vẫn chào quốc kỳ Việt Nam, vẫn hát quốc ca Việt Nam. Lịch sử trung thực sẽ tồn tại mãi mãi và luôn được tôn trọng; đảng phái, chính quyền là giai đoạn. Tau có thể không chứng kiến được cuộc quang phục đất nước nhưng chuyện đó sẽ đến.

                                                                                               oOo

Từ nhà đến phi trường mất khoảng một giờ lái xe nhưng Trình dành hai giờ để đưa Côn đi, khi gần đến nơi và biết chắc đoạn đường còn lại không bị kẹt xe thì Trình ghé tiệm cà phê để trò chuyện lần cuối trước khi chia tay. Trình tự nhủ lần trò chuyện này tuyệt đối không đụng đến chính trị, và Trình đã làm được nên suốt một giờ Côn và Trình đã ôn lại những kỷ niệm êm đềm thời Trung học ở Hội An cũng như những kỷ niệm trong mấy năm Đại học ở Sài Gòn.

Trên đường về nhà Trình suy nghĩ miên man về Côn với những cảm xúc ghét thương lẫn lộn (thất vọng và thương hại thì đúng hơn), Trình thất vọng ê chề vì từ một cậu học trò ngoan, giỏi, hiền lành, hiếu học đến một giáo sư gương mẫu, hiểu biết nhiều về văn hóa, nay Côn lại ăn nói như một con vẹt không khác chi một cán bộ VC ở làng quê. Trình tự hỏi “sao Côn có thể thay đổi tệ hại đến như vậy?” và không thể nào trả lời được. Trình cố tìm cách chống chế, biện minh cho Côn, cố chứng minh rằng Côn vẫn còn xứng đáng là một nhà giáo nhưng không làm được.

Trình nhớ sau 4/75 nhiều người ngoài Bắc vào cũng ăn nói kiểu đó, khi ấy họ chỉ sống với VC có 21 năm, nay Côn sống với VC đã hơn 33 năm nên chắc đã bị tẩy não; nhưng rồi Trình cũng nhớ có một số người ngoài Bắc vào Nam cuối năm 1975 vẫn nhận ra những cái hay, điều tốt của miền Nam và vẫn chỉ trích những sai lầm, tội ác của VC; và ngày nay có biết bao người trong nước vẫn trân trọng miền Nam, vẫn nhận biết cờ vàng là của nước Việt, vẫn đấu tranh chống kẻ thù phương Bắc, đòi tự do, dân chủ, trong đó có nhiều người trẻ sinh sau 75; những điều này cho thấy VC không tẩy não được nhiều người có tư cách, có sức mạnh tinh thần.

Tại sao Côn không còn tư cách, không còn hiểu biết như khi còn đi học? Đối với Trình thì những trí thức nằm vùng làm tay sai cho VC trước 75 là không tưởng, là sai lầm, là khờ dại, và có thể tha thứ được; nhưng từ khi miền Nam thất thủ thì hầu hết người dân cả hai miền đều thấy VC là bọn hận thù giai cấp, cuồng tín, bị cộng sản quốc tế tẩy não để đánh thuê cho Nga, Tàu, là bọn vô học, chậm tiến, độc tài, tàn ác, tham ô; và những kẻ có học thức, những kẻ khoa bảng ngày nay mà ca tụng VC, theo VC, làm tay sai cho VC không phải vì họ sai lầm hay khờ dại mà vì họ hèn nhát, tham tiền, tán tận lương tâm, biết VC là thối tha, dơ bẩn nhưng vẫn khen, vẫn nịnh bợ để có chút bổng lộc; nói cách khác họ là những kẻ vô liêm sỉ và điều này làm cho Trình rất đau khổ khi nghĩ đến Côn, thằng bạn tri kỷ năm xưa.

                                                                                                                                                              Trần Phố Hội
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 29/Nov/2021 lúc 11:12am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 01/Dec/2021 lúc 10:36am

Đạo Đức, Sức Khỏe, Và Kéo Dài Tuổi Thọ

 Lý%20do%20chính%20khiến%20tuổi%20thọ%20trung%20bình%20của%20con%20người%20tăng%20cao%20-%20Tuổi%20Trẻ%20%20Online

Đạo đức, sức khỏe, và kéo dài tuổi thọ có mối quan hệ như thế nào? Thiền sư nổi tiếng Trung Quốc thời nhà Đường, Thạch Tây Thiên (hay được gọi là sư Thạch) đã cho biết bí mật của sức khỏe và việc kéo dài tuổi thọ qua một toa thuốc.

Nhà sư đã viết: “Một trái tim tốt bụng, một phần từ bi, một nửa phần hiền dịu, ba phần mười sáu sự chân thật, một phần đầy niềm tin, một phần đầy sự trung thành, năm phần tám sự hiếu thảo, một phần đầy sự trung thực, tất cả công đức, và một phần bất kỳ của sự hòa nhã và thân thiện”.

Người tốt luôn đối xử tử tế và suy nghĩ cho người khác. Họ ít khi tranh đấu cho quyền lợi cá nhân. Họ tôn trọng người già và quan tâm đến trẻ em. Những người ở xung quanh sẽ tự nhiên kính trọng họ, nên tính tình họ rất trầm lặng, họ có quan hệ tốt với người khác và cảm thấy hạnh phúc.

Trong cuộc sống, khi tinh thần tốt thì thân thể cũng hoạt động tốt. Toàn thân sẽ vận động tốt hơn, miễn dịch được tăng cường, và cơ thể sẽ trở nên khỏe mạnh một cách tự nhiên.

Những người xấu sống vì sự ích kỷ. Họ chỉ nghĩ đến bản thân, họ ganh tị và tranh đấu chỉ vì những lợi ích nhỏ. Họ luôn cảnh giác, nuôi dưỡng sự thù địch và căng thẳng.

Chính áp lực tâm lý này là một gánh nặng cho cả tinh thần và thể xác của họ, làm ảnh hưởng đến các nội tạng, hệ miễn dịch, và dẫn đến nhiều bệnh khác. Làm sao người đó có thể sống lâu được ?

Sư Thạch đã đưa ra một phương thức chung để chọn đúng bài thuốc. Ông viết: “Tất cả các vị thuốc phải được nấu trên một chiếc chảo của lòng tốt bụng và vị tha”.

“Hãy cẩn thận đừng để chảo bị cháy hay cạn nước trong khi chuẩn bị. Sự nóng nảy cần phải được loại bỏ. Bài thuốc này cần được đặt trên một chiếc chảo ‘công bằng’ cho đến khi nó trở thành một chất bột, cùng với sự ‘suy xét cẩn thận’.”

Hãy làm viên thuốc to như trái của cây Bồ Đề và uống ba lần trong một ngày. Thuốc nên được uống với canh “hòa ái”. Nếu bạn có thể thực hiện theo đúng toa thuốc này, bạn sẽ không bị mắc bệnh.

Nhà sư nói: “Đừng lén lút làm những điều xấu, vì lợi ích bản thân mà làm hại người khác, đừng khinh thường và làm thương tổn người khác, đừng có những mưu mô ở đằng sau nụ cười, cũng đừng vô cớ gây rắc rối cho người khác. Bạn phải kiêng hết tất cả những thứ đó.”

“Nếu tất cả 10 vị thuốc ở trên được dùng thì sẽ sống lâu và hạnh phúc. Nếu chỉ 4 hoặc 5 vị thuốc được dùng thì có thể loại trừ bớt một số nghiệp, kéo dài tuổi thọ, và tránh được một số điều xấu. Nếu không dùng vị thuốc nào, thì không thể làm được gì cả.”

Cho dù Biển Thước hay Lộc Nghị (những thầy thuốc nổi tiếng Trung Quốc) có sống lại, họ cũng không thể cứu được, bởi vì người đó đã vô phương cứu chữa. Cho dù người đó có làm gì đi nữa – cầu trời, đất, hay thần thánh – tất cả đều vô dụng.

Bài thuốc này tốt cho mọi lứa tuổi, không phải mất tiền mua, và cũng không cần phải nấu nướng. Tại sao mọi người lại không thử nó ?


Tác giả: Epoch Times
Nguồn: vietdaikynguyen


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 01/Dec/2021 lúc 10:43am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 04/Dec/2021 lúc 9:04am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 17/Dec/2021 lúc 12:38pm

Bỏ Cái Tật Ghiền

3%20More%20Tips%20for%20Girls%20at%20the%20Gym%20|%20Longevity
Vừa bước vào là đã thấy bị kích động với cái không khí sôi động náo nhiệt trong gym. Máy móc chạy rào rào, người tập lăng xăng, chạy nhảy, múa may. Có kẻ cử tạ vất rầm rầm trong khi các cụ lớn tuổi ngồi lặng thinh đạp xe, mắt lim dim như không thèm màng đến nhân tình thế sự. Họ đến đây với cùng chung một mục tiêu là trau dồi sức khỏe nhưng nguyên do thì có khác: Trẻ vì YÊU ĐỜI! Còn già vì... SỢ CHẾT!!!

   Gym còn là nơi trình diễn “Body show” miễn phí của các diễn viên tài tử, nam lẫn nữ, đủ tuổi, đủ cách, đủ kiểu, đủ cỡ, mặc tình mà xem! Nơi thì người đẹp uốn mình, bẻ mông, búng chân nhảy nhót theo kiểu “Pole dance” trong các hộp đêm khiêu vũ thoát y. Các lực sĩ thể hình phùng mang trợn mắt cử tạ trông như nặng nghìn cân, mặt mày đỏ gấc, gân cổ nổi vòng vòng, bắp thịt cuồn cuộn. Người mẫu thì show quần áo thể thao thiếu vải, bó sát người, trình diễn những đường cong. Cái nầy thì ông già thấy bắt mắt nhất, cứ len lén nhìn nhưng sợ có người bắt gặp. Còn các mệ đi tập thể thao mà tay xách giỏ, tay kéo va-li y như đi ra phi trường về Việt Nam. Họ lăng xăng vừa tập vừa phát biểu cho cái đài phát thanh “Chúng tôi muốn biết” lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt.

***

   Ở lứa tuổi bảy mươi, bụng to ngực lép, ông không còn thể lực và sắc đẹp của tuổi thanh xuân, nên rất ngưỡng mộ những người chịu khó tập luyện để có thân hình đẹp. Với ông đó là biểu tượng của người biết tự trọng và có kỷ luật với bản thân mình!

   Có người nói đi tập ở Gym trở thành ghiền. Ông có người bạn độc thân một mình ở căn hộ đầy đủ tiện nghi nhưng quanh năm tắm gội trong Gym, viện lý do cho đở tốn tiền nước, tuy rằng căn hộ cung cấp nước miễn phí! Làm sao giải thích được đây?

   Có người bảo nếu vài ngày không đi tập ở gym trong người như muốn bịnh! Ôngkhông tin. Đối với ông đi gym muốn bịnh thì có!!! Mới tập thì đau mình nhức mẩy. Tập lâu sinh chán ngấy. Mưa gió nóng lạnh gì cũng phải ráng mà đi! Ngồi nhà gỏ phím hay đọc chuyện sướng hơn! Nếu không sợ chết ông chả thèm đi chi cho nó mệt!!!

   Nhưng một hôm,

     “Ánh hồng lên rực rỡ”!”

     “Ông thấy lòng sống lại tuổi đôi mươi”!!!

   Người đẹp xuất hiện, đã biến đổi cuộc sống nhàm chán của ông, mang đến nguồn sinh khí mới!

   Ngày đầu tiên đến gym người đẹp lúng túng bước lên máy đi bộ, loay quay mãi vẫn không làm cho máy chạy được. Không bỏ lỡ cơ hội ông già làm quen ngay:

     - Bộ cô mới… đi.. lần đầu à?

   Người đẹp có vẻ bẽn lẽn thưa:

     - Dạ,.. mới thử ạ.

    - Ai cũng vậy thôi, lần đầu bao giơ cũng… khó khăn, nhưng không sao, để tôi giúp cho...

     - Dạ. Cám ơn.

   Ông chồm người, với tay sang bấm giùm mấy cái nút xanh đỏ trên cái máy đi bộ và giải thích cách sử dụng cho người đẹp. Vô tình ông khám phá ra cái mùi hương thoang thoảng ngất ngây và cái vóc dáng thanh tao, cử chỉ điềm đạm. “Người sao mà coi được ghê”! Ông nghĩ, tâm hồn ông xao xuyến với cái cảm giác bàng hoàng, lâng lâng như mấy hôm ăn bún mắm bị lên máu!

   Ông phải công nhận rằng người đẹp có nhiều hấp dẫn, nổi bật như con thiên nga giữa bầy vịt đẻ. Tiếng nói của cô nhỏ nhẹ thanh tao như tiếng hót của loài chim Yến. Trông nàng tràn đầy sức sống, tươi mát, yêu đời. Chỉ nhìn thôi đã thấy cuộc đời nầy còn có nhiều điều đáng sống, làm mắt người ta như muốn nhìn, tay người ta muốn táy máy, trái tim đập rộn ràng!!!

   Máy bắt đầu chạy chậm chậm. Người đẹp vui mừng nhìn ông với cặp mắt biết ơn miệng nở nụ cười tươi rói:

     - Dạ... cám ơn Bác.

   Ông già đang thả hồn bay bổng, bị khựng lại như đang chạy xe bị lọt ổ gà, lao chao tay lái. Lấy lại bình tỉnh ông tự trấn an: “Người ta lịch sự, gọi mình bằng “Bác”, cách xưng hô theo con đó mà, chứ “sồn sồn” cỡ nầy không chừng có cháu nội cháu ngoại đầy đàn!”

   Rồi ông cười xã giao đề nghị:

     - Không có chi, cô đừng có ngại. Tôi tập ở đây đã lâu nên rành lắm. Để tôi hướng dẫn giùm cho.

     - Dạ... cám ơn.

   Chữ “Bác” không còn thấy nữa. Yên tâm là mình nghĩ đúng, ông thừa thắng xông lên luôn, lăng xăng giúp người đẹp. Và từ đấy ông trở thành Huấn Luyện Viên thể thao phục vụ người đẹp vô cùng tâm đắc! Người đẹp thì hết lời ca tụng khiến ông tưởng bở, như bay bổng tận mây xanh, tâm hồn phơi phới, thấy mình như trẻ lại tuổi thanh xuân ngày nào khi mới biết yêu!!!

   Và từ đấy ông thấy cái không khí trong gym khôngcòn buồn tẻ nữa. Ông thuộc nằm lòng giờ giấc và thói quen của người đẹp nên bao giờ cũng đến gym trước để “Xí” hai cái máy chạy bộ cạnh nhau, một máy cho ông, một máycho người đẹp. Cái trò “Xí” chổ nầy rất thông dụng ở trong gym, là điều mà trước đây ông ghét cay ghét đắng! Ông thường chửi đổng: “Mẹ nó! Cái truyền thống 'Ngàn năm chen lấn' nầy sang đến Mỹ cũng không chịu bỏ!”. Bây giờ cái bịnh truyền nhiễm nầy lại lây đến ông! Nhiều khi ông cũng thấy cái “Bản mặt” dày cui của mình “Ê ê” vì những cái nguýt lạnh lùng, những cái bĩu môi khi dễ của mấy mệ bị giành mất máy! Tuy biết mình lẩm cẩm, nhưng ông còn đủ lý trí để thấy các bà muốn gởi ông lời châm biếm “Cái thứ già dê mất nết!”. Ông mặc kệ, đường ta ta cứ đi. Người đẹp đang cần sự chăm sóc, ai nỡ lòng nào phụ bạc cho đành!!!.

   Một hôm vì chuyện bất khả kháng ông đi tập trễ, đã vô cùng xúc động khi được người đẹp chờ sẵn với nụ cười rất tươi, chỉ ông cái máy bên cạnh mà cô đã “Xí”, thỏ thẻ bảo:

     - Biết thế nào… cũng đến, Người ta… nóng ruột muốn chết!

    Ôi chu choa ơi! Cái lối xưng hô trổng của người đẹp sao mà dễ thương quá, nghe mát cả ruột gan, y như người đang khát nước ngoài sa mạc được cho uống ly nước đá chanh đường! Ông đoán là người đẹp “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, rồi thấy hí hửng trong lòng. Ông tự bảo mình: “Thấy chưa, đã bảo mà, 'Già”'nầy còn ăn khách lắm!”, rồi cười mỉm chi ruồi sung sướng!!!

   Và cứ thể “Dòng đời trôi lặng lẽ” ông già âm thầm xây “Lâu đài tình ái”.

   Rồi một hôm ông cảm thấy mình sao là lạ. Ông tự hỏi lòng, “không lẽ ta đã yêu?". Rồi ông chống chế: “Làm gì có chuyện ấy!”. Nhưng không yêu sao thấy nhớ và muốn gặp người đẹp hằng ngày? Cái ý tưởng nầy làm ông thấy hổ thẹn với lương tâm, nên vội vã tự bào chữa: “Ối, chơi văn nghệ mà, mình có làm gì bậy bạ đâu mà trách, có ai chơi lặm lại không ghiền? Mình chỉ ghiền đi gym thôi, vô tội vạ”!!!

   Tuy nói vậy nhưng ông thấy áy náy trong lòng. Ông càng hổ thẹn hơn khi bà xã ông vô tình khen “Chà, lúc nầy ông siêng tập dữ nhe!” Bà đâu có biết ông chẳng những “Siêng” mà còn “Ghiền” nữa!!!

   Ông có thói quen thức rất sớm. Sáng nào cũng vậy ông quen rồi với mùi cà phê phin bay ra tư nhà bếp. Rồi lạch kạch tiếng muỗng khua, bà xã ông vừa đi vừa khuấy tách cà phê nóng hổi cho nó nổi bọt, đúng điệu cà phê ngon, đang bốc khói thơm phức!

   Mấy ông già nhiều khi hành động giống như trẻ con. Con nít có thể tự múc cơm ăn, nhưng vẫn thích há mồm cho mẹ đút! Ông biết cách tự pha cho mình tách cà phê ngon, nhưng vẫn thích ngồi lì mà đợi cho bà xã mang vào phòng!!! Hình như bả lại thích cái thái độ trẻ con của ông chồng lười, vì thích được làm cái thiên chức “Làm Me người ta”, cái thiên chức cao cả nhưng nhiều khi cũng vô cùng khó chịu cho các ông chồng!

  Ông ngửi mùi cà phê thấy biết ơn bà xã và biết rằng mình có phước! Ông sung sướng đốt điếu thuốc lá hít một hơi dài rồi nhâm nhi hớp cà phê nóng mà thấyhạnh phúc tràn đầy!!!

   Nhưng từ lúc bị Bác Sĩ bắt phải cai thuốc lá, ông thấy Bác Sĩ đã đi quá xa, đã xâm phạm đến đời tư của ông, nhưng vì sợ chết nên không dám cãi! Từ đấy ông không những không còn vui để hưỡng thụ tách cà phê buổi sáng, mà lại thấy ghét lây đến cả bà xã của ông mỗi khi bà mang tách cà phê vào phòng! Vì cái mùi cà phê ma quái làm khơi động cơn ghiền thuốc lá. Cà phê phải đi chung với thuốc lá!!! Bà mang cà phê cho ông có khác nào xúi ông hút thuốc trong lúc ông đang cai?

   Sau nhiều tháng đau khổ, sau cùng ông cũng cai được thuốc, kể cả khi ngửi mùi cà phê hoặc khi nhâm nhi ly rượu Cognac cũng không thấy them! Một vài lần ông thử hút lại chơi. Có ngon lành gì đâu, nó cay xè đầu lưỡi. Rồi cơn suyễn lại trở lại hành hạ cái thân già. Từ đấy ông tự ý bỏ thuốc lá luôn được mấy năm nay!!!

  Nhưng từ ngày người đẹp xuất hiện, cái tật ghiền lại trở về! Nhưng lần nầy, không phải ghiền thuốc lá mà là ghiền người đẹp!!! Ngày xưa, sáng sớm vừa thức dậy là tay đã mò bao thuốc lá còn bây giờ thì nghĩ ngay đến chuyện đi gym, không màng đến ly cà phê sáng. Ông thấy bồn chồn, nôn nóng trong lòng đi thay quần áo thể thao rồi ngồi đợi, thỉnh thoảng nhìn cái đồng hồ treo tường, cái cảm giác không khác gì ngày xưa thuở ông còn ghiền thuốc lá, khi cơn ghiền đến là phải lục lạo đi tìm hoặc phải chạy đi mua cho được gói thuốc bất kể gió mưa!!!

   Ông bị nghiện đi gym nặng quá rồi, hết thuốc chữa!

   Cón sớm quá nên ông ngồi nghĩ vẩn vơ. Mới đây mà đã nữa thế kỷ rồi từ ngày ông bà cưới nhau. Nàng là hoa khôi xóm cù lao mà ông mất cả hai năm trời mới chiếm được trái tim người đẹp! Rồi mỗi năm ông đều được nghỉ phép mươi hôm về nuôi vợ đẻ. Ông đùa “Sao mà nhạy con thế, tui chỉ đi trên gió thôi là mẹ mầy đã ụa mửa rồi!” Con cái sinh năm một, đứa lớn bế đứa nhỏ chạy đầy nhà. Nhờ hợp tuổi và tài buôn bán của vợ nên lương thượng sĩ của ông dư nuôi vợ tám con, nhà cửa khang trang, xe cộ đề huề! Mọi người đều nói ông đẻ bọc điều cưới được bà vợ giỏi!!!

   Người xưa nói “Nhàn cư vi bất thiện”, ở nhà không động đến móng tay nên ông sanh tật, tuy không dám làm gì bậy bạ, nhưng chỉ có cái tật hay ghiền! Hết ghiền thuốc lá bây giờ lại sinh ghiền đi gym! Hậu quả của cái tội ghiền thuốc lá là sự baọ hành của bịnh suyễn làm ông sống dở chết dở! Không biết hậu quả của cái tội ghiền gym là sự bạo hành gì đây? Chắc là tan nhà nát cửa! Ôi cha, chắc phải là khủng khiếp lắm!!!

   Nghĩ đến điều nầy ông chợt thấy rùng mình, kinh hoàng như người vừa chợt tỉnh cơn ác mộng! Ôngtự trách: “Mẹ nó, mi ngu vừa vừa thôi. Thiếu gì thứ để ghiền sao lại ghiền cái thứ ôn dịch nầy, cái thứ làm cho nhà tan cửa nát?” Hơn nữa có được “Xơ múi” gì đâu? Chỉ là làm mọi không công để được cái ảo giác đang sống trong “Lâu-đài tình ái”!!!

   Như kẻ u mê vừa tỉnh ngộ, ông thấy mình còn may mắn đa thức tỉnh kịp thời, vẫn còn thời gian hối cải! Ông hối hận lắm, trách mình sao có thể thả mồi bắt bóng bấy lâu nay? Thiếu bàn tay bà xã trong cái nhà nầy, thì coi như đời ông chấm dứt! Ông quyết tâm rồi, phải bỏ cái nghiện đi gym trước khi mất vợ!!!

   Không còn muốn đi gym nữa, bổng nhiên ông thấy thiếu thốn cái gì? Đúng rồi, ông đang thèm tách cà phê buổi sáng do chính tay bà xã khuấy cho! Nhớ kỳ lạ. Ông chợt biết rằng mình đã ghiền nó tư lâu, ghiền nặng, nhưng không biết quí nó vì bị cái ghiền gym đàn áp!!!

     “Ghiền thứ nào cũng chết, ngoại trừ ghiền tách cà phê nóng của bà xã mình!”, ông nghĩ. Nó giúp ông sống hùng, sống mạnh, sống vinh quang trong mấy chục năm nay! Nó thơm tho, ấm áp, ngọt bùi. Nó là tình vợ chồng, là hạnh phúc gia đình mà ông đã vô tình quên lãng!!!

   Ông bổng nghe tiếng muỗng khua và mùi cà phê thơm phức. Bà xã ông “Lách cách” quậy tách cà phê bước vào phòng, miệng cười tủm tỉm không biết có ý đồ gì?

   Hôm nay trông bà sao đẹp lạ lùng, đẹp như bà tiên trong chuyện thần thoại, tươi mát như ngày nào mới cưới! Như trâu già lâu ngày mới ngửi được mùi cỏ non, trái tim già bỗng thấy xôn xao. Mặt nước hồ thu bấy lâu nay phẳng lặng như tờ bổng lăn tăn gợn song! Cái ghiền cũng lăn tăn kéo đến rồi lần lần trở thành ồ ạt như sóng biển đại dương!!!.

     “Trời đất ơi”, ông giật mình vì vừa khám phá ra là mình còn thêm một cái ghiền động trời nữa, mà ông nào có biết! Ông tặc lưởi nói thầm trong bụng trong khi với tay vặn nhỏ ngọn đèn bàn:

     “Sóng muốn lặng mà gió không chịu ngừng!… Ghiền thứ nào rồi cũng chết, thôi ghiền đở cái nầy... cho nên cửa nên nhà!!!”.

***

   Có tiếng ỏn ẻn rồi tiếng cười khúc khích:

     - Cái ông già dịch nầy... đợi tui đóng cửa có được không?

   Từ hôm ấy, ông già đổi giờ tập ở gym từ buổi sáng sang buổi chiều, để có nhiều thì giờ thưởng-thức “Cà-phê sáng” với bà xã! Bây giờ thì mặc sức mà ghiền! Ghiền thoải-mái, ghiền vô-tư!!!

   Chú Chín Cali


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 17/Dec/2021 lúc 12:42pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 29/Dec/2021 lúc 8:52am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 31/Dec/2021 lúc 8:21am

Thư Gửi Bạn: Về Hưu


06%20trường%20hợp%20về%20hưu%20sớm%20vẫn%20có%20thể%20nhận%20lương%20hưu%20tối%20đa%20năm%202021

    ... Ngồi trong sở, đợi “đi về” ngày mai, tôi đọc thư anh thấy chạnh lòng nửa buồn nửa vui. Buồn vì tiếng “hưu”, vui vì được anh cổ võ. Vẫn bực nhất là cái tiếng “hưu”. Hưu thì hưu chứ sợ chi ai, có chăng là sợ cô hàng xóm nhà tôi chê già. Cái “Cô Láng Giềng” của ông nhạc sĩ Hoàng Quý ấy mà.

Còn “được” về hưu hay không chắc còn tùy vào thằng boss anh ạ. Muốn cũng chẳng được mà không muốn cũng chẳng xong. Thôi thì ta cứ “nhắm mắt lại, tới đâu hay đó “, hay nói theo kiểu cụ Nguyễn Văn Vĩnh là “Nhăn răng HÌ một tiếng   cho ... bớt vẻ trang nghiêm (Tôi sửa lại đấy).

...Về hưu đôi khi cũng là cái hay. Nhưng có điều này cần phải nói với anh trước nhé. Tôi “đi” sau nhưng lại “về” trước anh, nghĩa là tôi đi làm sau anh mà lại “về vườn” trước anh.

Anh có nghe câu hát hồi chúng mình còn nhỏ không? "Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ ..." Chăn trâu thì sướng thật đấy vì có thời giờ để mà nằm trên mình trâu và miệng hát nghêu ngao. Về hưu thì không phải thế đâu đấy nhé. Lắm việc lắm!

Về hưu mới thương vợ anh ạ. Tôi đề nghị các bà nên cầu nguyện cho các đức ông chồng ít nhất trong đời phải được “về hưu” một lần, càng sớm càng tốt để cho các đức lang quân biết được giá trị của các bà. Sao nó lắm việc thế hả anh. Cứ gọi là tối mắt đấy, hay là tại tôi “được chiều” quen rồi.

Khi nghỉ việc tôi hăng lắm. Tôi tuyên bố với nhà tôi: Em đi làm, anh nội trợ. Ngon chưa, vung vít chưa? Mới có mấy ngày thử việc, tôi “đừ quá anh ạ. Tôi làm đủ chuyện, toàn những công việc ngày xưa nhà tôi làm cả. Vai trò nay được hoán chuyển là nhà tôi đi làm về thì bật TV lên coi, còn tôi làm bếp. Chuyện bếp núc tôi tưởng là dễ hóa ra nó còn khó hơn cả việc mình làm ở sở. Cứ nguyên cái lọ muối với chai nước mắm không thôi, cả hai nó cùng làm cho thức ăn mặn cả mà lúc nào dùng muối lúc nào dùng nước mắm mới chết chứ. Hỏi vợ thì quê, đường đường một đấng nam nhi mà ai lại đi hỏi cái chuyện cỏn con ấy. Ai biết được luộc rau chín rồi, đậy nắp để đó không vớt ra ngay thì nó “nhũn nhùn nhùn ra. Luộc trứng muối, lúc bóc vỏ sao nó cứ ra từng tảng, bóc xong chỉ còn toàn lòng đỏ, lòng trắng theo vỏ mất rồi ... Ôi thì cứ trăm thứ phải học.

Đến bữa cơm, vợ con tôi có ai diet đâu mà sao thức ăn còn nhiều thế. Mẹ con cứ “nhìn nhau mà chẳng nói ...” (bài hát). Lát sau, thấy đứa con lẳng lặng mang về một “mẹt pizza”, mắt ai nấy đều sáng rỡ. Tôi ngẩn cả người. Thế này là thế nào?

Đến lúc thu dọn chiến trường, đem bát đĩa đi rửa. Tôi nhớ tới lời một vị thiền sư dậy đệ tử: Khi một người đạt đến độ cao nhất của hiểu biết, của tình thương và của tỉnh thức thì người ấy đạt tới quả vị Phật. Ông dậy tiếp, tỉnh thức là mình đang làm cái gì thì mình biết mình đang làm cái ấy, đang rửa bát thì biết mình đang rửa bát.  Học thiền cũng dễ thôi, thành Phật cũng dễ thôi! Chả phải tỉnh thức cũng phải tỉnh thức, xà bông nó trơn nhầy nhẫy ấy, nếu không tỉnh thức, tuột tay một cái là “choang” ngay, vợ nằm cười khúc khích thì ngượng đến chín người. Nếu “choang” nhiều lần, vợ sốt ruột nhìn mình bằng con mắt băng giá như Tình em như tuyết giăng đầu núi, và chẳng bao giờ tìm thấy trong ánh mắt nàng Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời nữa cả.

 Kỳ tới anh gặp tôi, nếu anh thấy có đệ tử theo tôi là anh biết tôi “thành đạo” đấy nhé. Thôi thì hôm nay tôi tạm ngưng ở đây, tôi sẽ báo cáo những chuyện “về hưu” khác sau này. Tôi phải đi cọ cái buồng tắm cái đã, đống quần áo giặt đang đợi tôi đây. Lại phải học, không biết phải sử dụng cái máy giặt ra sao?

Chúc anh sớm về hưu để chị ấy được nhờ. Vạn tuế các ông chồng về hưu, vạn tuế, vạn vạn tuế!!!

 

NGUYỄN GIỤ HÙNG



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 31/Dec/2021 lúc 8:28am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/Jan/2022 lúc 8:58am

Về già _ chúng ta dựa vào ai?

 BM

Khoảng chục năm nay chúng tôi bắt đầu nghĩ về cuộc sống khi về già. Ở cùng con là lựa chọn truyền thống và phổ biến nhất từ trước tới nay ở Việt Nam. Nhưng ở  thế hệ chúng tôi, lựa chọn này đã không còn dễ dàng như với các thế hệ trước.

 

Chúng tôi đi học xa nhà từ 18 tuổi rồi tự lập luôn ở thành phố lớn, hầu như không có bà con họ hàng, quê hương… bên cạnh. Rồi con cái cũng vậy, chúng hầu hết đều đi học ở nước ngoài và không muốn về Việt Nam. Thế hệ chúng tôi lại ít con, mỗi nhà hai đứa là nhiều nhất, và cũng không ít người không lập gia đình hay không có con. Cho nên khi bọn nhỏ muốn định cư ở nước ngoài thì cha mẹ hầu như đều được khuyên rằng về già thì theo con sang đó sống.

 

Định cư theo con rồi ngồi trong bốn bức tường


BM

Note: hình trong bài là minh họa


Nhưng, thế hệ chúng tôi hiểu rõ sự quý báu của cuộc sống có tự do cá nhân. Cha mẹ chúng tôi thường sống với những người con khác ở quê hương-những đứa con không đi xa và có nhiều thời gian hơn để chăm sóc cha mẹ. Khoảng cách thế hệ vốn đã lớn thì còn lớn hơn với những đứa con trưởng thành và sống xa cha mẹ, do không sống chung nên cũng khó hiểu nhau và thiếu thốn những ký ức chung.

 

Thế thì con cái chúng tôi-những đứa trẻ trưởng thành ở Anh, Mỹ, Úc… thực chất hầu như đều đã trở thành những quả chuối (da vàng nhưng bên trong thì “trắng”) làm sao chúng có thể chăm sóc cha mẹ già Việt Nam trăm phần trăm? Mà lại là Việt Nam đã bị bứng ra khỏi hoàn cảnh và môi trường sống quen thuộc từ tấm bé, với bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp cũ…, để sang sống ở một môi trường hoàn toàn lạ lẫm, thậm chí ngôn ngữ cũng không thông thạo? Nhiều đứa sẽ lấy vợ, lấy chồng Tây, khoảng cách thế hệ, văn hóa và dân tộc tính ngày càng lớn nhưng thời gian dành cho gia đình ngày càng ít, liệu cha mẹ già có thể sống vui với chúng những ngày cuối đời? Những người chúng tôi quen biết thân quý thì chúng không biết, và ngược lại. Những gì đã tạo nên ký ức của chúng tôi không có giá trị tương tự với chúng, và ngược lại.


BM
 

Có thể nói, khi sang nước ngoài sống cùng với con thì chúng tôi là cái cây bị bứt hết gốc rễ. chỉ còn phụ thuộc vào mỗi một mình con cái. Nếu chúng “trở mặt”, không dành đủ thời gian hay không chăm sóc được như ý, cha mẹ sẽ tủi thân vô cùng vì không có ai khác để chia sẻ. Cô đơn trong bốn bức tường thôi.

 

Rất nhiều đứa bé được cho đi học xa nhà từ tuổi thiếu niên hầu như đều cảm thấy Việt Nam không còn là nhà của nó nữa. Mọi thứ đều xa lạ, trừ cha mẹ. Bạn bè, thầy cô, khí hậu, thời tiết, thức ăn, văn hóa, lối sống… những gì nó quen thuộc và thích nhất đều ở bên kia đại dương cả rồi.

 

Cha mẹ nài nỉ: Con đi đâu thì cứ đi nhưng mai mốt ba mẹ già rồi thì về Việt Nam ở với ba mẹ. Ba mẹ có một mình con!


http://baomai.blogspot.com/

Nó trả lời: Con xin lỗi nhưng con  cũng không lựa chọn làm con một của cha mẹ (tức là việc cha mẹ do chỉ có một đứa con nên suy luận rằng nó phải có nghĩa vụ tuân theo cha mẹ là không hợp lý).

 

Sợ cha mẹ buồn, nó nói rõ: sẽ chăm lo cha mẹ khi về già, nhưng nó không ở Việt Nam như ý cha mẹ muốn.

 

Không đi theo con thì về già sống ra sao? Rất nhiều người trong chúng tôi tính sẽ vào nhà dưỡng lão.

 

Ngay cả những gia đình con cái đều ở Việt Nam thì hầu hết cũng nghĩ sẽ vào nhà dưỡng lão khi già yếu, cũng với những lý do đó.

 

Nhà dưỡng lão ở Việt Nam


BM


Mô hình nhà dưỡng lão đã được đặt ra từ hai, ba mươi năm nay, nhất là khi dân số già ở Việt Nam ngày càng tăng. Nhưng vì nhiều lý do nên nó vẫn chưa phổ biến.

 

Tôi cho rằng tài chính là lý do lớn nhất.

 

Phần đông người Việt Nam vẫn sống dưới mức trung lưu. Người bình dân thường thường sẽ sống như tập quán là sống cùng con cháu khi về già. Những người giàu có, chủ doanh nghiệp hay có nhiều tài sản cũng vậy, con cháu họ sẽ chăm sóc.


BM

Số đông là tầng lớp công chức và trí thức trung lưu mong muốn cuộc sống độc lập, tự do không phụ thuộc con cháu thì lương hưu quá thấp. Nếu chỉ dựa vào lương hưu thì không đủ trả chi phí cho nhà dưỡng lão (lương hưu thấp nhất khoảng 4 triệu đồng, cao là khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, trong khi phí trả cho nhà dưỡng lão thấp nhất khoảng 7 triệu đồng/tháng (nhu cầu cơ bản, thường phải cộng thêm các phí khác, tổng khoảng 10 triệu cho gói thấp nhất), trung bình khoảng 12-15 triệu/tháng). Hoặc phải bán nhà cửa đi (thường tầng lớp này cũng chỉ có một tài sản lớn nhất nhà cửa), nhưng thế thì con cháu sinh sống chỗ nào? Văn hóa làm cha mẹ của người Việt là phải để lại tài sản cho con, thế cho nên dù chật chội, thiếu thốn thì nhiều người già vẫn không bán tài sản để hưởng thụ cá nhân mà chọn cách ở với con cháu cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

 

Thứ hai, chưa có niềm tin vào nhà dưỡng lão.


https://baomai.blogspot.com/

Tôi có người bạn đã gửi ba của nó vào một nhà dưỡng lão tư nhân ở Củ Chi, ven Sài Gòn. Chi phí thấp nhất (phòng năm giường) là 10 triệu đồng/tháng. Cao nhất (phòng riêng) là 18 triệu đồng/tháng, chưa kể phụ phí đồng phục, chăm sóc khi bị bệnh và trong các ngày lễ tết.


Bạn tôi là con gái một. Mẹ bị tâm thần đã vài chục năm, không hung dữ phá phách nhưng suốt ngày đi lang thang rồi ghé tiệm của con xin tiền.

 

Khi bạn tôi có bầu đồng thời ba nó bị đột quỵ, không còn cách nào khác, nó phải gởi ba vào nhà dưỡng lão.

 

Hai ngày đi cùng nó lên thăm cha, tôi đã đủ ngậm ngùi.

 

Nhà dưỡng lão chia làm bốn loại khách hàng: Thứ nhất là các cụ ông/cụ bà còn tương đối khỏe mạnh và minh mẫn. Thứ hai là các cụ yếu hơn nhưng vẫn đi đứng được, có người lúc tỉnh lúc lẫn.

 

Thứ ba, các cụ phải chăm sóc gần như toàn bộ, ăn phải có người đút, hầu hết không tự di chuyển được hoặc khá yếu nên phải ngồi xe lăn. Thứ tư là các cụ gần như chỉ còn sống thực vật, cho ăn qua ống.


BM


Các ông bà cụ trong nhà dưỡng lão này không được mặc áo quần riêng, cũng không được dùng đồ cá nhân. Vào đây, họ đều được phát mấy bộ đồ đồng phục bằng thun dày màu cam, cổ tròn, cả ống tay áo và ống quần đều được may ngắn hơn bình thường để đỡ vướng. Tóc thì húi cua sạch cả cụ ông lẫn cụ bà, nên nhìn vào gần như chẳng phân biệt được bà hay ông. Bát chén riêng không được dùng mà ăn bằng cái tô inox của Nhà dưỡng lão.

 

Mỗi tuần, con cháu được lên thăm các cụ vào thứ bảy và chủ nhật. Đó là những ngày rộn ràng, vui tươi nhất của các cụ. Khi người thân đến nơi, bảo vệ sẽ báo vào bên trong (người thân không được vào khu lưu trú). Bảo mẫu sẽ săn sóc, chải tóc, thay quần áo cho các cụ nếu cần, rồi đẩy xe lăn ra sảnh tiếp đón. Khu này rộng, có mái che, nhiều bàn ghế, lại gần một hồ sen, có cây cảnh, tượng Phật nên thoáng mát và có thiên nhiên để ngắm nhìn. Thường các gia đình mang rất nhiều thức ăn đủ loại lên để “thăm nuôi” ông bà cha mẹ. Vô số thức ăn bày trên bàn, người này mở, người kia giục, người nọ xúc… ông bà vừa ăn chưa hết miếng này thì con cháu đã mở hộp thức ăn khác, xúc miếng khác..


BM


Đến xế chiều, con cháu lần lượt ra về. Các cụ trở vào khu lưu trú. Khi hai cánh cửa mắt cáo ngăn cách hai khu khép lại cũng là lúc các cụ thầm đếm xem còn bao nhiêu buổi sáng, buổi chiều và buổi tối thì đến ngày được gặp con cháu lần nữa.

 

Tôi may mắn được chứng kiến bữa cơm của họ.


BM


Bữa cơm gồm hai món: canh rau và một món mặn.  Tất cả đều được nhân viên nấu nóng trong bếp, nhưng tất cả đều mang một cái màu: màu … cháo lòng, và một cái mùi: mùi thức ăn ít gia vị, nhạt nhẽo và được nấu lâu trên bếp.

 

Cơm trong nhà dưỡng lão đều từ nhão đến rất nhão, để các cụ già dễ nuốt. Canh cũng quanh đi quẩn lại  bí đỏ, bí xanh, bắp cải… tất cả đều lõng bõng và chín nhừ. Thức ăn mặn thường là cá, trứng chiên hoặc ít thịt nạc kho nhạt. Các cụ khỏe còn tự xúc ăn được. Các cụ còn lại thì nhân viên sẽ đổ hết tất cả thức ăn, cả canh lẫn thịt vào một cái tô và xúc cho họ. Nhiều ông bà cụ nhai móm mém chưa xong miếng trước đã phải há miệng ra để nhận tiếp miếng sau.

 

Nhà dưỡng lão cho biết do lo ngại bụng dạ các cụ yếu nên thức ăn nấu rất nhạt và hầu như không có gia vị. Thành ra nhìn các cụ sau khi vào trại thì đều hồng hào, tăng cân (có lẽ một phần do ít vận động chăng), nhưng không cụ nào tỏ vẻ thích bữa ăn của trại. Họ đều mong chờ những ngày con cháu đến thăm, mang thức ăn hợp khẩu vị. Có cụ có tiền thì có thể mua thêm ít thức ăn vặt, nhưng rất hãn hữu.

 

Vài cụ ông còn khỏe mạnh thì nghe radio (tự mang vào), hoặc đọc báo. Nhưng báo cũng có rất ít loại. Sách không thấy cuốn nào. Không có thư viện mặc dù số người còn đọc được cũng khá đông.

 

Nhà dưỡng lão có các hoạt động văn nghệ nhưng tôi không gặp.


BM


Phòng ngủ thường có 4 giường sắt cỡ 80 cm, đệm bọc simili thường gặp ở bệnh viện. Toilet chung nằm ở bên ngoài. Tuần hai hoặc ba lần, các cụ được tắm. Nhà tắm là một phòng chung rất đơn giản chia làm hai phần, bên trong là khu vực tắm với mấy vòi nước, thông thống không có gì che chắn. Nhân viên sẽ đẩy ba cụ vào một lần, xối nước tắm rồi đẩy ra ngoài, lau khô, mặc áo quần. Không còn gì là riêng tư nữa. Tôi cho rằng điều đó gây tổn thương nhân phẩm của các cụ và nó làm tôi đau lòng.

 

Với 18 triệu đồng, các cụ sẽ được một phòng riêng, rất nhỏ nhưng có máy lạnh và toilet trong phòng.


BM


Ở một nhà dưỡng lão khác quảng cáo là do Nhật đầu tư, tình hình vui vẻ hơn rất nhiều. Các cụ được mặc dùng tư trang cá nhân như áo quần riêng, bát chén, chăn gối…, tất cả. Chất lượng bữa ăn phong phú và ngon hơn, được đổi bữa thường xuyên, lượng trái cây và sữa cũng nhiều hơn. Các cụ ở trong phòng riêng một hoặc hai người, đầy đủ tiện nghi. Giờ ăn, họ ngồi quanh một bàn ăn ấm cúng giống như ở nhà. Nhân viên vẫn tắm cho các cụ nhưng tắm riêng từng người một, trong phòng tắm kín. Sự riêng tư được tôn trọng. Chất lượng cuộc sống và phục vụ ở đây tốt hơn hẳn so với nhà dưỡng lão Việt Nam, nhưng tất nhiên giá tiền cũng cao hơn. Và do họ không có cơ sở rộng nên nhà dưỡng lão chỉ nhận rất ít người.


BM


Tất cả là nhà dưỡng lão tư nhân. Ở TP HCM có một nhà dưỡng lão Nhà nước, gọi là Nhà dưỡng lão Thị Nghè. Vào đây, ngoài tiền còn phải đáp ứng một số yêu cầu như là cán bộ có quá trình cống hiến cho nhà nước.

 

Người già dựa ai?


https://baomai.blogspot.com/

Có những nhóm bạn thấy rõ thực tế của cuộc sống xa con sau này, đồng thời cũng sợ hãi sự cô độc và thiếu thốn ở nhà dưỡng lão nên bàn nhau xây dựng các nhóm dưỡng lão gia đình. Chung tiền thuê một ngôi nhà có vườn gần biển hoặc gần núi tùy thích, sống chung với nhau và thuê người chăm sóc. Chi phí tất nhiên là cao, nhưng lúc ấy bán hết tài sản đi để lấy tiền sống những ngày cuối đời thì chẳng cần phải băn khoăn.

 

Đó có lẽ là mô hình tốt nhất.


BM


Hoặc cũng có thể thuê người giúp việc sống với mình, nhưng như vậy sẽ rất buồn bã và cô đơn vì không có bạn bè; các nhu cầu tối quan trọng như dinh dưỡng, y tế cũng không đảm bảo.


Ở Việt Nam không có chế độ phúc lợi thuê người giúp việc chăm sóc người già yếu neo đơn, cho nên chỗ dựa cho người già hầu như chỉ có một cái gậy duy nhất: tiền.

 

Nếu con cháu có hiếu và có đủ điều kiện (thời gian, tiền bạc, tâm trí) để người già sống quây quần cùng con cháu đến cuối đời thì đó là cuộc sống hạnh phúc nhất. Tứ đại đồng đường, cha mẹ con cháu đều được nương tựa vào nhau cả về tinh thần và vật chất.

 

Có lần trong bệnh viện tôi gặp một đôi vợ chồng già không có con. Ông bệnh, bà vào chăm sóc nhưng chủ yếu động viên tinh thần. Hai cụ già đều trên 80 tuổi không thể chạy đi mua thức ăn hay các việc lặt vặt khác được. Có một anh con trai là cháu của ông bà hàng ngày mua thức ăn vào, nhưng anh cũng không sốt sắng gì lắm, chỉ làm theo trách nhiệm rồi về.

 

Bà cười nhạt nói với tôi: “Già dựa ai? Dựa tiền. Ai nuôi? Tiền nuôi. Mình có tiền còn sai nó làm được, chớ không thì nó cũng bỏ thôi con à”.


BM


Chúng ta rồi ai cũng già đi, không chừa một ai, rồi ai cũng sẽ đến ngày mắt mờ, tai điếc, chân run và tè dầm ra tã. Bạn đời, bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ đều đã mất đi hoặc đều run rẩy như ta cả.

 

Nhưng có ai nghĩ đến điều đó? Khi chúng ta còn trẻ như lũ con cháu bây giờ, chúng ta cũng y như chúng, không có lấy một giây nghĩ rằng sẽ có ngày bản thân già đi.

 

 

 

Huỳnh Mai

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 68 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.305 seconds.