Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: MƯỜI ĐIỀU RĂN NGƯỜI GIÀ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 68 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 21997
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 07/Oct/2017 lúc 6:38am

Ông Cụ Già Trong Nursing Home

Tôi gặp ông cụ già trong nursing home,
Ngồi trong chiếc xe lăn lặng lẽ,
Ánh mắt xa xăm,
Nhìn qua khung cửa sổ.
Ở ngoài kia có một khu vườn hoa nở,
Ông có biết không?
Có cả gió mênh mông,
Những con chim nhẩy nhót trong lùm cây đâu đó,
Và một khung trời quá khứ,
Của ông.
Ông đã từng có một mái nhà,
Là một người chồng,
Là một người cha,
Ông đã có những tháng ngày êm đềm hạnh phúc,
(Dù dài lâu hay thoáng chốc),
Vòng tay run rẩy này xưa từng ôm ấp những đứa con,
Dắt chúng ra công viên,
Bờ vai héo gầy này xưa từng cõng những đứa con,
Cha và con cùng đùa vui thỏa thích.
Bây giờ các con ông đã lớn,
Có những cuộc sống riêng,
Ông sống ở nursing home,
Giữa những người xa lạ,
Các con đến thăm ông vào những ngày cuối tuần vội vã,
Hay những ngày lễ,
Đến đón ông về nhà.
Các con ông đang là mẹ, là cha,
Cũng như ông ngày xưa,
Họ bận bịu vì đàn con,
Vì công việc, vì chuyện đời, cơm áo…
Chắc hẳn người cha trẻ cũng dắt con ra công viên những khi rảnh rỗi,
Và cõng con trên vai ,
Cho con mơ được với tới trời xanh,
Cũng ấp ủ, dỗ dành,
Khi chúng dỗi hờn.
Nên ông đừng buồn,
Khi đang bị chìm dần vào quên lãng,
Đó là quy luật của cuộc sống,
Có những người cha,
Đang về già,
Hay đã xuôi tay nhắm mắt,
Vẫn để lại bao kỷ niệm êm đẹp,
Cho lũ con yêu nối tiếp bước vào đời

Nguyễn Thị Thanh Dương

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 21997
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 07/Oct/2017 lúc 11:28am
"Thọ" chưa hẳn là may mắn


Cứ mỗi lần có dịp phải vào nhà dưỡng lão để thăm người quen hay bạn bè, tôi thường có những suy nghĩ và ám ảnh, liệu rồi sau này lúc già yếu, bệnh hoạn, tôi có phải vào nằm ở đây không, mà ví như cha mẹ tôi còn sống, tôi có khả năng nuôi nấng săn sóc cha mẹ tôi ở nhà không hay lại phải đưa quý cụ vào đây?
“Nước mắt chảy xuôi” là thành ngữ Việt Nam nói đến tình thương chỉ có thể từ cha mẹ dành cho con cái, theo dòng thuận của đời người, từ cao xuống thấp, để khuyên chúng ta đừng đòi hỏi một sự báo đáp từ con cái. Nhưng sự thật, các bậc cha mẹ cũng buồn lòng khi thấy con cái đối xử với mình tệ bạc, nhất là đến tuổi già, bệnh tật, có khi bị bỏ quên, cha mẹ cảm thấy cô đơn, cần sự an ủi, săn sóc. Trong một bài viết về nỗi niềm của cha mẹ già bị bỏ quên trong xã hội hôm nay, tôi nhận được lá thư của một vị cao niên ở tận miền Ðông, bày tỏ ý kiến của cụ:
“Tôi đã khóc, khóc cho chính mình và cho ai trong tuổi già ở xứ này.
Ông kể lại có cụ già đã chết cả một hai tuần, không ai biết.
-Con cái ở đâu?
Ðó là những người có con mà còn vậy, còn những người không con thì chắc phải vô trường hợp này quá. Vì tôi không con gái, chỉ hai ‘đực rựa’, một ở Cali, một ở gần đây, nhưng ít khi kêu, và có khi không kêu hỏi thăm được một tiếng, lúc cần tiền hay cần gì đó mới kêu.
- Có lúc tôi nghĩ:
Hay mình bất hiếu với cha mẹ nên con cái nó bạc với mình chăng?
Ở Florida này cũng có một bà Việt Nam ở riêng, mỗi tuần có cậu con trai mang đồ ăn tới.
Hôm đó cậu ta kêu cửa, nhưng không ai ra mở.
Cậu ta tưởng bà cụ đi vắng bèn treo gói đồ ăn vào hàng rào cổng.
Mấy ngày sau trở lại, thấy gói đồ ăn vẫn còn, mới khám phá ra bà mẹ đã chết.
-"Thật là thảm!”
Ðây chắc chắn là chuyện này có thể tránh được.
-Nếu mẹ ở nhà riêng, con nên có một cái chìa khóa nhà để dùng lúc cần thiết.
-Ðem thức ăn đến cho mẹ, khi mẹ đi vắng, dù bận thế nào đi nữa, thì cũng vào nhà, để thức ăn vào tủ lạnh cho mẹ.
-Nếu mẹ ngủ thì cũng vào nhà xem mẹ có khỏe không?
-Ðiện thoại cho mẹ nhiều lần mà không nghe trả lời thì phải nhờ người ở gần, đến gõ cửa nhà mẹ xem sao, hay vội vàng chạy lại xem sự thể thế nào?
-Câu chuyện như trên có thể xẩy ra bất cứ ở đâu.
-Trái tim của người mẹ có nhiều chỗ dành cho đứa con, như đôi cánh của một con gà mẹ có thể dang ra che kín mười đứa con bé dại, nhưng người mẹ có chỗ nào trong trái tim của con.
Ngày xưa, mẹ chưa bao giờ biết nói tiếng “bận” với con.
-Khi đang ăn mà con “làm bậy” cũng phải buông đũa đứng dậy.
-Nửa đêm dù đau yếu, mỏi mệt nghe tiếng con khóc cũng phải mở mắt, vỗ về và ôm con vào lòng.
-Sao các con bây giờ vẫn thường nói tiếng “bận” với cha mẹ.
-Vì bận nên các con đưa cha mẹ già lú lẫn vào nursing home,
-Vì bận, nên theo lời một cô y tá cho biết, nhiều gia đình bỏ cha mẹ vào đây rồi không bao giờ lui tới thăm viếng.
-Cô cho biết nhiều người đã ở đây năm sáu năm rồi, không hề có ai lai vãng.
-Có bao nhiêu lý do để những đứa con có thể nêu ra để không còn chỗ nào trong lòng, nhớ đến cha mẹ.
-Đàn ông chúng ta nên vui, vì hiện nay trong các nhà dưỡng lão 70% là quý bà, vì các ông đã quy tiên sớm hơn vợ mình, thông thường ít nhất là 6 năm, để ngày nay khỏi phải chịu cảnh cô đơn, buồn tẻ.
-Trước ngày Giáng Sinh tôi có dịp vào viếng thăm một người bạn sắp qua đời trong một nursing home.
Trên hành lang dẫn vào phòng người bạn, và ngay trước chỗ làm việc của nhân viên ở đây, tôi thấy nhiều ông bà cụ ngồi trên những chiếc xe lăn, nhìn những người qua lại.
Các cô y tá đã sắp xếp cho các cụ ra ngồi trên hành lang đối điện với văn phòng làm việc, một phần để trông chừng các cụ, một phần cho các cụ đỡ buồn.
Nhưng các cụ nhìn sự vật một cách dửng dưng, đôi mắt đờ đẫn, có người đã gục đầu xuống ngủ. Giá mà có người đẩy xe lăn đưa các cụ đi dạo một vòng ngoài trời nắng ấm kia, chắc hẳn các cụ vui hơn và biết đâu cuộc sống sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa.
Giờ này trong công viên hay trên những con đường trong thành phố nhiều người mẹ đang đẩy chiếc xe đưa con đi dạo, nhưng vài mươi năm nữa ai sẽ đẩy chiếc lăn cho bà.
Phải chăng định luật của cuộc sống và tình thương là “nước mắt chảy xuôi”, sẽ không bao giờ có một dòng nước chảy ngược về nguồn.
Người Âu Mỹ thường thèm địa vị của các bậc cha mẹ người Á Ðông lúc về già vẫn còn được con cái lui tới săn sóc, nhưng họ cũng nên nhớ lại, họ chỉ nuôi con cho đến năm 18 tuổi là hết bổn phận, trên pháp lý, không ai trừng phạt gì họ được, mà trên mặt tình cảm cũng không có gì phải cắn rứt lương tâm.
Trong xã hội văn minh này, một đứa trẻ bỏ học, đi lang thang ngoài đường hay bị đối xử tàn tệ, cha mẹ có thể ra tòa và mất quyền nuôi dưỡng, còn những cụ già vô gia cư, đói khát bị bỏ bên lề đường, không ai có trách nhiệm và chẳng có ai phải ra tòa.
Ðiều đáng nói là các cụ già cũng như những đứa trẻ, đều yếu đuối, không có khả năng tự bảo vệ và rất dễ xúc động, buồn vui.
Trong một xã hội đáng gọi là văn minh, các trẻ em và người cao niên đều được che chở, bảo vệ và săn sóc chu đáo.
Các cụ có các cơ quan xã hội lo thuốc men, thực phẩm nhưng với nỗi cô đơn, phiền muộn ai là người lo cho các cụ, trong khi những đứa trẻ có người an ủi, vỗ về và nói với nó những lời dịu ngọt.
Ngân khoản của liên bang cấp để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng có đến 90% dành cho việc ngăn ngừa lạm dụng trẻ con, 7% để ngăn ngừa bạo hành trong gia đình nhưng chỉ có 2% sử dụng trong việc ngăn ngừa ngược đãi người già.
Không biết có bao nhiêu đạo luật và ngân khoản dành cho việc chống lại việc ngược đãi súc vật? Cứ vào “Pet-Abuse.com” chúng ta sẽ tìm thấy hàng nghìn trường hợp công dân Mỹ, già và trẻ, đàn ông lẫn đàn bà bị tù tội, phạt tiền vì bạc đãi, bỏ đói, đánh đập hoặc giết những con vật thân yêu trong nhà.
Bỏ quên một bà mẹ già trong nhà dưỡng lão nhiều năm có phải là một trường hợp ngược đãi không ?
Tôi nghĩ là không....... Nếu có, luật pháp đã bắt đứa con phải phạt vạ hay vào nhà tù.
Theo người xưa, tuổi thọ là một ơn Trời và là một phúc đức lớn cho gia đình nào có cha mẹ tuổi thọ cao, trước nhất là của chính người cao tuổi nhưng đồng thời cũng là cho con cháu, bởi vì cha mẹ có sống lâu, con cháu mới có cơ hội được thể hiện lòng hiếu thảo. Có ba điều người ta thường mong ước ở đời là
Phước , Lộc , Thọ.
Phước có chỗ đứng cao hơn hết, Lộc thì phù du, mà ở đây Thọ chưa hẳn đã là may mắn.

Vu Trung Hien



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 07/Oct/2017 lúc 11:29am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 21997
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/Oct/2017 lúc 9:38am

Khát Vọng

Image%20result%20for%20cha%20me%20gia%20picture


   Bà Tâm đã lớn tuổi. Thế mà mười năm trước, vì thương đứa con trai út nên bà đã vượt biển sang đoàn-tụ với con. Lúc đầu, vì vui cảnh xum-họp nên bà không thấy cô-đơn, lạc-lõng. Nhưng vài ba năm sau, cái cảm-giác cô-đơn và lạc-lõng ấy cứ ám-ảnh mãi trong tâm-tưởng. Bà Tâm như một cái bóng lởn-vởn trong nhà. Bà bị bỏ rơi trong những sinh-hoạt thường-nhật của con cháu.

   Bà Tâm lần bước đến bên cửa. Bà nhìn ra ngoài. Cánh đồng xanh biếc ngày nào nay tuyết đã phủ trắng xóa. Những cành cây khẳng-khiu run-rẩy trong gió đông. Hơi lạnh xuyên qua kiếng làm bà rùng mình. Bà vội-vã kéo cái màn gió xuống rồi đến ngồi co-ro bên máy sưởi chạy bằng dầu hỏa. Bà không hiểu vì sao con bà lại chọn cái thành-phố Philadelphia ở miền Đông Bắc nước Mỹ mà sống. Nó vừa lạnh, vừa thiếu bóng dáng đồng-hương. Bao lần bà bảo con dọn về New Orleans vì ở đó không những ấm-áp mà còn có làng Việt-Nam. Thế nhưng con cháu bà không chịu, chúng nằng-nặc đòi ở vùng ngoại-ô Philadelphia. Chúng bảo bà ở đâu càng có đông người Việt, ở đó càng có nhiều chuyệc rắc-rối xảy ra. Bà không đồng-ý nhưng không thể bắt con cháu làm theo ý mình. Vả lại, đã chắc gì chúng nghe lời bà khi bà chỉ như là một cái bóng trong nhà.

   Bà Tâm khóc tấm-tức. Bà tủi-thân. Hôm qua, hai bà cháu nói chuyện nhưng chẳng ai hiểu ai. Ngay cả cái tên Mike của đứa cháu đích-tôn mà bà gọi còn không đúng. Bà cứ một Mai, hai Cờ làm thằng cháu chẳng biết có phải bà gọi nó không. Người con trai của bà thuở trước làm nghề đánh cá. Khi sang đây, có dịp học sửa máy lạnh. Vừa có công ăn việc làm đã vội vênh-váo là kỹ-sư này nọ. Ngày còn ở Việt-Nam, bà nghe tin con học-hành thành-tài nên mừng cho nó. Đến khi mẹ con đoàn-tụ bà mới chưng-hửng. Dầu sao, đối với bà nghề nào cũng cao, cũng quý, miễn là đừng làm nghề ăn trộm. Đồng tiền mang về phải xứng-đáng với công sức mình bỏ ra. Còn người con dâu yêu-quý của bà ngày nào cắp rổ đi buôn rỗi mà bây giờ đã trở-thành cán-sự điện-tử. Cái tên Thùy dễ-thương không còn nữa. Nó đã được thay thế bằng cái tên Trizze mà bà Tâm không tài nào phát-âm được. Thật ra, con dâu bà đâu tài giỏi thế. Cô chỉ biết hàn và ráp nối dây điện. Bà Tâm tủi-thân khóc vì con cháu bà học đòi làm trí-thức. Chưa thành-tài đã vội-vàng gột-rửa cái gốc-gác quê-mùa của mình.

   Chín, mười năm ở Mỹ, bà Tâm chỉ có một khát-vọng duy-nhất là về Versailles ở. Bà cần những người dân quê như bà để nương-tựa lẫn nhau. Bà cần làng, cần xóm. Làng-xóm là một cái gì linh-thiêng ràng buộc con người lại. Con cháu bà muốn tách-rời khỏi làng-xóm, đó là quyền của chúng. Bà chẳng thể cản-ngăn. Nhưng phần bà, bà không thể tách-rời khỏi xóm-làng. Từ nhỏ, bà đã sống trong lũy tre xanh, bà đã được bao-bọc bởi những con sông nhỏ hiền-hòa. Bà Tâm để dành được một ít tiền và dự-định sẽ về Versailles một chuyến. Mấy năm nay bà nghe nói hội chợ tết ở đó vui lắm. Nào là thi-đua trèo cột mỡ, đu dây, chèo thuyền. Nào là đánh phết... Từ ngày di-cư vào Nam, những trò chơi ngày Tết này chỉ còn trong tâm-tưởng, hay trong câu chuyện của mấy bạn già với nhau. Bà Tâm háo-hức đợi chờ ngày Tết đến. Bà điện-thoại cho mấy người quen cũ ở Versailles, hẹn ngày xuống thăm. Bà quên mất bà đã lớn tuổi. Bà hớn-hở như sắp được dự cuộc chơi.

   Bà Tâm cảm thấy lạnh. Bà điều-chỉnh máy sưởi cho ngọn lửa cháy cao hơn. Bà lấy vạt áo lau những giọt nước mắt đang lăn trên gò má nhăn-nhiu. Tết qua rồi mà con bà chưa lấy được vé máy bay. Tiền cũng chẳng trả lại. Bà không tiếc tiền nhưng bà tiếc giấc mơ của một người có tuổi đã bị con cháu làm vỡ tan. Con trai bà đã dùng số tiền đó, cùng vợ đi casino ở Atlantic làm một màn may-rủi, và đã ra về trắng tay.

***

   Ra khỏi tiệm vàng Kim-Thành, bà Tâm cẩn-thận nhìn quanh xem có ai để ý đến mình. Thấy có vẻ an-toàn bà mới nhập vào giòng người trên đường phố. Bà vừa đi, vừa lo. Một tay chống gậy, một tay bà giữ chặt túi áo. Mãi đến khi tới Văn-Phòng Công-Ty Du-Lịch Hoài-Hương bà mới yên-tâm. Bà mở cửa và vội bước vào.

   Bà Tâm đã quyết-định về Việt-Nam ở. Để có tiền mua vé, bà đã đem bán hết những kỷ-vật yêu-quý của đời bà: Cái kiềng vàng mẹ bà cho làm của hồi-môn, sợi dây chuyền mẹ chồng cho trong ngày cưới, đôi bông tai chồng bà mua cho bà ngày lưới được mùa... Tổng-cộng được hơn hai ngàn. Bà độ tiền vé chừng một ngàn rưỡi. Như vậy, bà còn khoảng năm trăm đồng để đem về Việt-Nam. Việc đầu tiên bà sẽ làm là ra Bắc tìm và sửa-sang lại mộ-phần bố mẹ. Còn bao nhiêu, bà mua cho gia-đình mỗi đứa cháu một con trâu. Rồi bà sẽ trở lại miền Nam, sống những ngày cuối cùng của cuộc đời. Bà ao-ước sau khi mất, bà sẽ được nằm bên cạnh chồng.

   Ước-mơ của bà Tâm chỉ đơn-giản như thế. Bà không còn tin-tưởng thằng con. Thế nên, bà phải lặn-lội thân già bắt xe xuống phố, đích-thân bán đi những kỷ-vật thân-yêu, và chính tay bà cầm tiền đi mua vé máy bay.

   Thấy bà Tâm vào, nhân-viên văn-phòng niềm-nở đón chào:
    - Mời Cụ ngồi. Thưa Cụ, Cụ muốn tham quan Việt-Nam, ạ?
    Bà Tâm lắc đầu:
    - Cô nói gì tôi không hiểu. Tham quan, tham tướng gì?
    - Ý cháu muốn hỏi là Cụ muốn đi du-lịch?
    - Không. Tôi già rồi còn hơi sức đâu mà du với lịch. Tôi chỉ muốn về ở luôn thôi. Cô bán cho tôi cái vé một chiều.
    - Cụ không đùa chứ? Ở đây sung-sướng và đầy-đủ tiện-nghi như thế mà Cụ đòi về Việt-Nam? Hay là Cụ có chuyện buồn trong lòng?
    Hỏi cho có lệ, hỏi vì nghề-nghiệp phải hỏi nên không đợi bà Tâm trả lời, nhân-viên văn-phòng đã tiếp:
    - Thưa Cụ, không được đâu, ạ. Nếu Cụ mua vé một chiều, người ta sẽ biết ngay ý định của Cụ. Và do đó, rất khó xin được giấy thông-hành. Cháu biết nhiều người cũng lấy lý-do đi tham quan... A, đi du-lịch rồi ở lại luôn. Nhưng những người đó đều mua vé khứ-hồi nên chính-phủ không biết. Cứ ngỡ họ đi.... du-lịch thiệt. Vả lại, mua vé khứ-hồi có lợi cho Cụ hơn. Cụ vừa tiết-kiệm được tiền, vừa có sẵn vé máy bay trong tay. Nếu Cụ muốn trở về đây thăm con cháu, Cụ không còn phải lo-lắng gì nữa cả.
    Bà Tâm đã quyết-định ở lại nên đâu còn tha-thiết đến chuyện trở về Mỹ thăm con cháu. Nhưng vì nghe nói vé khứ-hồi rẻ hơn nên mắt bà sáng lên. Bà mừng quá. Như vậy là bà có thể đem về thêm được một ít tiền. Bà nghe nói đồng đô la ở nhà rất có giá. Con cháu bà ở ngoài Bắc đang đói khổ. Bà tiết-kiệm được xu nào hay xu ấy. Trâu chỉ có thể giúp cày bừa. Phải có cái gì cho con cháu chúng nó ăn uống nữa chứ. Nghĩ thế, bà hỏi:
    - Nếu tôi mua vé khứ-hồi thì sẽ tiết-kiệm được bao nhiêu?
    Nhân-viên văn-phòng lẩm-nhẩm tính:
    - Cả gần tám trăm đó, Cụ.
    Bà Tâm mừng-rỡ:
    - Nếu thế thì cô làm ơn bán cho tôi cái vé khứ-hồi.

   Bà Tâm mân-mê túi tiền. Bà tính nhẩm trong đầu và bất chợt mỉm cười sung-sướng. Chín, mười năm ở Mỹ, đây là lần đầu tiên bà có nụ cười tươi vui nở trên khuôn mặt già nua của mình. Bà lần từng đốt ngón tay. Con cháu bà đông mà bà chỉ đủ tiền để mua cho mỗi gia-đình một con trâu. Bây giờ, mua vé khứ hồi tiết-kiêm được cả gần tám trăm. Bà có thể xây mộ-phần của bố mẹ lớn hơn một chút, sửa-sang lại ngôi mộ của chồng, và dọn sẵn cho mình một chỗ nằm bên người bạn đời. Với số tiền tiết-kiệm này, bà còn có thể mua cho gia-đình mỗi đứa cháu thêm một con trâu nữa. Phải có con này, con kia tiếp sức nhau thì cày-bừa mới chóng mà trâu mới được khỏe. Bà vẫn biết thế. Bà Tâm say-sưa trong giấc mộng. Trên môi bà, nụ cười vui của một người có tuổi nở tươi.
    - Thưa Cụ, tổng-cộng tất cả là hai ngàn mốt, ạ.
    - Bao nhiêu?
    Bà Tâm hoảng-hốt. Bà ngỡ mình nghe lầm:
    - Bao nhiêu? Cô nói bao nhiêu?
    - Thưa Cụ, tổng-cộng tiền vé máy bay và chi-phí cho dịch-vụ là hai ngàn mốt, ạ.
    Bà Tâm không tin:
    - Cô tính làm sao mà nhiều thế! Chẳng lẽ chi-phí cho dịch-vụ văn-phòng lại cao hơn tiền vé máy bay sao?
    - Thưa Cụ, chi-phí cho dịch-vụ chỉ có ba trăm đồng thôi. Cộng với tiền vé máy bay là một ngàn tám nữa. Vị chi là hai ngàn mốt.
    - Lúc nãy tôi nghe cô nói nếu mua vé khứ-hồi thì có thể tiết-kiệm cả gần ngàn bạc cơ mà?
    Nhân-viên văn-phòng mỉm cười:
    - Thưa Cụ, đúng thế. Để cháu cắt-nghĩa Cụ nghe. Năm nay, người Việt mình về quê ăn tết đông lắm. Họ đã mua vé cả bốn, năm tháng trước nên bây giờ không còn bao nhiêu vé nữa. Hãng hàng-không ở đây biết người Việt nặng tình quê-hương nên dù vé máy bay có mắc đến đâu cũng mua mà về. Vì thế, đang từ một ngàn rưỡi, họ tăng lên một ngàn tám. Cụ lại muốn về trong dịp này nên văn-phòng chúng cháu phải trả trước cho hãng hàng-không một trăm đồng. Gọi là giữ chỗ. Khi có người nào đó vì lý-do gì không về Việt-Nam nữa, hãng hàng-không sẽ ưu-tiên cho Cụ. Hai trăm kia là chi-phí cho những dịch-vụ linh-tinh khác như visa, huê-hồng cho công-ty...
    Bà Tâm chưng-hửng:
    - Cô nói thế cũng phải. Nhưng tôi có thấy tiết-kiệm được đồng nào đâu. Xin cô làm ơn bán cho tôi cái vé một chiều thôi.
    Nhân-viên văn-phòng nhìn bà Tâm, ánh mắt cô lộ vẻ thương-xót:
    - Thưa Cụ, quả thật Cụ tiết-kiệm được gần tám trăm đồng cơ đấy. Để cháu đưa Cụ xem cái output của máy điện toán. Đây, thưa Cụ, nếu mua vé một chiều giá sẽ là một ngàn sáu. Tiền lệ-phí làm giấy tờ lại cao hơn cho loại vé khứ-hồi. Vả lại, thưa Cụ, bây giờ không còn vé một chiều nữa. Cụ muốn đi ngay thì bắt buộc phải mua vé khứ-hồi thôi.
    Bà Tâm buồn quá nên không chú tâm đến lời cắt-nghĩa của nhân-viên văn-phòng xem có hợp-lý hay không. Vả lại, bà nghe nhầm hai chữ output thành Ông Bụt nên cũng chẳng thắc-mắc đến chuyện mắc rẻ nữa. Nhân-viên văn-phòng đã đưa Ông Bụt ra mà nói thì còn điều gì khiến bà phải nghi-ngờ. Nụ cười của một người có tuổi đã tắt trên môi tự bao giờ. Bà trả lời những câu hỏi như một cái máy. Bà ngồi như một bức tượng khi nhân-viên văn-phòng chụp hình làm giấy thông-hành cho bà.

   Sau khi in vé và làm xong giấy tờ cần-thiết , nhân-viên văn-phòng ân-cần hỏi-han:
    - Thưa Cụ, cụ có thân-nhân gì ở đây không, ạ?
    Bà Tâm định trả lời là có nhưng vì đang buồn con nên bà lặng thinh. Nhân-viên văn-phòng ngỡ bà không có thân-nhân nên nói:
    - Thưa Cụ, ngoài dịch-vụ bán vé máy bay đi du-lịch, văn-phòng của chúng cháu còn đảm-nhận nhiều dịch-vụ khác nữa. Một trong những dịch-vụ đó là đại-diện cho người có tuổi đi du-lịch ở nước ngoài.
    Bà Tâm ngạc-nhiên:
    - Du-lịch mà còn cần người đại-diện nữa sao?
    - Có chứ, thưa Cụ. Để cháu trình-bày hơn thiệt cho Cụ nghe.
    Chẳng đợi bà Tâm có đồng-ý hay không, nhân-viên văn-phòng đã tiếp:
    - Chúng cháu biết nhiều người có tuổi như Cụ không mấy thích-hợp với đời sống bên này. Do đó, khi có phong-trào... du-lịch Việt-Nam, họ liền lấy cớ đi du-lịch để về nước ở luôn. Vì tình đồng-hương, vì bổn-phận của kẻ làm con, làm cháu, chúng cháu thấy có trách-nhiệm với những người có tuổi như Cụ. Cụ thử nghĩ xem, về nước rồi Cụ sẽ làm gì để sống. Trong khi đó, số tiền già hàng tháng mà chính-phủ cấp-dưỡng cho Cụ sẽ bị cúp đi. Thật là uổng quá! Do đó, văn-phòng chúng cháu mới đảm-trách dịch-vụ làm đại-diện cho những người có tuổi đi du-lịch lâu như Cụ. Cụ chỉ cần ký giấy ủy-quyền cho văn-phòng chúng cháu. Hàng tháng chúng cháu sẽ đại-diện Cụ mà lãnh số tiền già đó. Chúng cháu chỉ xin hai mươi lăm phần trăm, phần còn lại là của Cụ hết. Nhân-viên của công-ty chúng cháu ở Việt-Nam sẽ đến nhà giao tận tay cho Cụ. Như vậy, tháng nào Cụ cũng có tiền để sống. Không những khỏi phải nhờ đến con cháu mà Cụ lại còn có thể giúp-đỡ chúng nữa.

   Bà Tâm như ngọn cỏ khô được tắm mưa. Bà tươi-tỉnh hẳn lên. Giấc mơ xây lại mộ-phần cho bố mẹ, tậu thêm một con trâu cho mỗi đứa cháu sống lại trong bà. Bà cảm-động nhìn nhân-viên văn-phòng. Đôi mắt bà rớm lệ:
    - Cô thật có đức. Cô biết nghĩ đến những người có tuổi như chúng tôi. Tôi cầu mong Trời Phật luôn phù-hộ cho cô...
    Nhân-viên văn-phòng đưa tờ đơn đã đánh máy sẵn và bảo bà ký vào:
    - Xin Cụ đừng nói thế. Đó chỉ vì tình đồng-hương, vì bổn-phận của con cháu mà thôi...
    Bà Tâm móc hết tiền trong túi, khoảng hơn hai trăm đồng, bà đưa cả cho nhân-viên văn-phòng:
    - Nhờ cô giữ giùm cho tôi. Gần ngày về Việt-Nam tôi sẽ đến lấy cái ví da và xin lại số tiền này. Thời buổi bây giờ trộm cắp nhiều, tôi mang nó trong người không tiện.
    - Xin Cụ an-tâm. Cháu sẽ giao lại cho Cụ đầy-đủ.
    Bà Tâm thành-thật:
    - Tôi già lại lẩm-cẩm nên nãy giờ quên hỏi tên họ cô. Cô cho tôi biết để tôi...
    - Thưa Cụ, cháu tên là Christine Nguyễn, ạ.
    - Thủy-Tiên, hở? Ồ, cái tên thật đẹp và thật cao-quý! Y như con người của cô vậy.

***

   Ngồi trên máy bay mà bà Tâm như sợ ai lấy mất hai trăm bạc của bà. Tay bà lúc nào cũng giữ chặt lấy cái túi áo. Bà lo-âu cũng phải vì đó là gia-tài duy nhất của bà đem từ Mỹ về. Hai trăm bạc làm sao đủ để bà xây lại mộ-phần bố mẹ, sửa-sang ngôi mộ của chồng, và tậu cho gia-đình mỗi đứa cháu một con trâu? Mộ-phần của bà không cần thiết phải xây nữa, được nằm bên cạnh chồng là bà mãn-nguyện rồi.

   Ngày đến lấy visa, bà Tâm yêu-cầu Công-Ty Du-Lịch Hoài-Hương đừng làm đại-diện cho bà nữa. Bà không muốn nhận số tiền hàng tháng của chính-phủ vì bà cảm-thấy như có một cái gì không phải. Christine Nguyễn gật đầu chấp-nhận lời yêu-cầu của bà. Khi bà Tâm xin lại số tiền bà gởi ngày trước, Christine Nguyễn chỉ đưa bà hai trăm và giữ lại số tiền lẻ, bảo đó là lệ-phí phải trả cho văn-phòng. Bà Tâm khóc-lóc kể ước-mơ của mình nhưng Christine Nguyễn như không nghe thấy, chỉ chúc bà đi đường bằng-an.

   Khi Bà Tâm đi rồi, Christine Nguyễn mở chồng hồ-sơ của bà ra, lấy tờ đơn ủy-quyền, và cẩn-thận bỏ vào ngăn tủ.

Ngục-Thu-Yên



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 16/Oct/2017 lúc 9:23pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 16/Oct/2017 lúc 9:16pm
Buồn Cho Cái Tuổi Già


Image%20result%20for%20cha%20me%20gia%20picture

Bên nầy ( dân Tây ) có lời khuyên:
- Không mua nhà lớn để con cháu thỉnh thoảng đến thăm có nơi ở, hãy xài tiền đó đi. Cứ để chúng thuê khách sạn vì đó là lý do người ta xây khách sạn ( ...that is what hotel for ).
- Nên ở gần con để tiện thăm viếng, nhưng không quá gần để chúng đem con đến gởi hằng ngày. Nên nhớ là bạn đã làm xong bổn phận của mình ( ... you have paid your due ).


***

SỰ THẬT: Cha mẹ và con cái.

Lạc quan hay bi quan ? Hay cần phải có cái nhìn triết lý ?

Bài nên đọc để hiểu rằng mình chỉ nên lo cho con cái xong bổn phận rồi thì đừng bao giờ trông cậy ở chúng điều gì. Mình hãy sẵn sàng khi già không còn làm việc nổi thì vào nursing home như vậy thì mình sẽ bớt khổ. Đời sống này ai cũng giống như vậy mà thôi! Mình cũng còn có phúc hơn rất nhiều người là bên này mình được hưởng trợ cấp dù có làm việc hay không cũng được và có cả housing nữa vậy thì chả nên bi quan mà nên chấp nhận những gì cuộc đời đã dành sẵn cho mình rồi!.. Không chừng tới khi già lại cùng các bạn đồng tuổi vào ở chung một nursing home thì lại còn vui nữa đấy!

Mời quí vị đọc và nhớ để đời hai thân già bớt khổ.....!!!!!


Quí vị thấy những cặp vợ chồng có 9,10 người con ,dù là kỹ sư, bác sĩ,họ vẫn khổ vì con cái bạc bẽo!!! Nói chi quí vị chỉ có 4 hay 5 con!

Chính bản thân tôi đã gặp nhiều cha mẹ khổ vì sự bạc bẽo của con cái ở xứ Mỹ này ! Con họ là những người có học, giầu có, nhưng họ vẫn phải đi " share" phòng hay "get line " sau lưng tôi để xin nhà " low income "... Bài đọc sau rất chính xác và thiết thực. Xin quí vị đọc và nhớ dùm tôi cho đời mình bớt khổ vì chính những đứa con mà mình đã suốt đời hy sinh cho chúng nên nguời. Tôi đã đọc được 1 bài rất hay: Nếu lỡ sanh con thì : vui với con khi chúng còn nhỏ. Lo cho chúng hoc hành nên người,và khi chúng trưởng thành, có gia đình rồi thì quên chúng đi để sống.Và đây là điều quan trong : Đừng trông mong chúng báo hiếu , kẻo thất vọng nặng nề...!!!!???( sách nói nhé ).Chính vì biết rõ điều này nên bản thân tôi ,đã 73 xuân xanh, ngày ngày đi phòng " gym " 3 tiếng để tập thể dục, bơi lội...vì bà xã đã bịnh rồi, tôi bịnh nữa là chỉ còn nước dắt nhau vào " nursing home " thôi???
Thân chào và chúc quí vị nhiều sức khỏe .

Một bài rất hay, hãy ráng đọc cho hết, đừng đọc nửa chừng rồi cho qua !!!

****************

Trong truyện cổ, người ta có kể chuyện một ông phú hộ và bốn người con trai. Khi bốn người con này lớn lên lập gia đình, ông phú hộ này đem một phần gia tài chia cho bốn người con, phần còn lại vợ chồng ông giữ để dưỡng già. Mấy năm sau khi vợ ông qua đời, mấy người con sợ rằng ông sẽ tìm vợ mới, lúc có con, gia tài này phải chia cho những đứa con khác. Chúng bàn với nhau thuyết phục cha, về ở với mình, săn sóc cha thật chu đáo, sung sướng để ông không cảm thấy cô đơn, khỏi cần phải tục huyền. Ðược ít lâu, chúng thuyết phục ông phú hộ chia hết tài sản cho chúng. Bùi tai và thấy không cần giữ riêng cho mình một tài khoản nào, ông đồng ý đem gia tài chia hết cho bốn đứa con.

Sau đó ông đến ở với đứa con thứ nhất, nhưng đứa con này nghe vợ, chỉ được ít hôm, bảo ông đến ở nhà đứa em kế. Cứ như thế, không ở được với đứa con nào. Không một đồng xu dính túi, người cha bị bỏ rơi, phải đi khất thực từng nhà. Bấy giờ cây gậy cũng còn có ích hơn là những đứa con. Cây gậy đó có thể giúp ông già xua đuổi những con chó, dò dẫm trên đường, tránh những vũng nước và giúp ông những lúc yếu chân sắp ngã.

Câu chuyện này sao giống câu chuyện của một bà mẹ ở Quận Cam. Sau Tháng Tư 1975, hai vợ chồng đem một đàn con vượt biển sang Mỹ. Trong nhiều năm, ông bà vừa nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài, dựng vợ gả chồng cho con, vừa tậu được một căn nhà khang trang trong vùng Bolsa. Sau khi người chồng qua đời ít lâu, bà vợ được con cái thuyết phục nên bán ngôi nhà đi, chia đều cho các con rồi về ở với con cháu cho đỡ cô đơn. Bà nghe theo, và cũng lần lượt ở với nhiều đứa con, chịu cảnh bạc đãi và cuối cùng bà quyết định phải rời khỏi nhà những đứa con ấy. May thay, trên đất Mỹ, bà già cô đơn này còn có chỗ nương tựa, đó là một món trợ cấp nhỏ và ngôi nhà “housing ” mà chính phủ đã đành cho bà. Nếu ở một xứ sở khác, chắc bà cũng cần đến một cây gậy.

Những đứa con mua nhà mới có thể đã không tính đến một chỗ cho cha mẹ già khi xế bóng, nhưng tôi biết nhiều bậc cha mẹ khi luống tuổi, con cái lập gia đình đi xa cả rồi, mà vẫn giữ cái nhà cũ nhiều phòng, với ý nghĩ dành cho con lúc trở về thăm viếng. Tôi có một người bạn đượccon trai bảo lãnh sang Mỹ, nhưng chỉ ít lâu sau cô con dâu muốn chồng bán căn nhà đang ở và đi mua lại một cái nhà nhỏ hơn, lấy lý do để tiết kiệm cũng là lý do để cha mẹ chồng phải dọn ra.

Cha mẹ đối với con lúc nào cũng hết lòng. Mẹ có thể lăn vào lửa để cứu con, cha có thể đổ mồ hôi nhọc nhằn để đứa con có được một nụ cười hạnh phúc, nhưng những đứa con, khi đã có gia đình riêng của mình, không giữ được sự chăm sóc, lo lắng cho đời sống của cha mẹ. Người mẹ nào cũng mỗi đêm kéo chăn đắp cho con, sờ trán con, hạnh phúc theo từng nụ cười của con, nhưng bây giờ con ở xa, thời giờ dùng để gọi về thăm mẹ đôi khi cũng hiếm hoi.

Ông Chu Dung Cơ nói về mối liên hệ giữa cha mẹ già và con cái:
“ Cha mẹ thương con là vô hạn, con thương cha mẹ là có hạn. Con bệnh cha mẹ buồn lo. Cha mẹ bệnh con đến nhòm một cái, hỏi vài câu thấy là đủ.
Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào.
Nhà của cha mẹ là của con. Nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Ốm đau trông cậy vào ai? Nếu ốm đau dai dẳng có đứa con hiếu nào ở bên giường đâu ( cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử )”.

Và lời khuyên đối với các bậc cha mẹ là: “ Khác nhau là như vậy! Người hiểu đời coi việc lo cho con là nghĩa vụ, là niềm vui không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình. ”

Cũng có nhiều con cái nuôi cha mẹ. Luận Ngữ chép, Tử Du hỏi về đạo hiếu. Khổng Tử đáp: “ Ngày nay người ta cho nuôi cha mẹ là hiếu, nhưng đến chó ngựa kia, người ta cũng nuôi, nếu nuôi mà không kính hiếu cha mẹ thì có khác chi! ”. Người già không khác những đứa trẻ, nhiều khi hay tủi thân, hờn dỗi và dễ phiền muộn, con cái có thể cho cha mẹ ăn uống, hầu hạ cha mẹ khuya sớm nhưng rất khó biết đến nỗi buồn của cha mẹ lúc về già.

Người thợ hớt tóc cho tôi biết về con cái của ông, cả hai đứa con đều có nhà riêng, cùng ở trong quận Cam, nhưng không mấy khi chúng điện thoại hỏi thăm ông. Tháng trước, ông bệnh, nằm nhà một tuần lễ mà cũng chẳng đứa con nào ghé qua thăm. Ông nói thêm: “ Chỉ trừ lúc nào chúng cần nhờ đến ông việc gì đó ”, và buồn bã kết luận: “Ở Mỹ này, có chín đứa con, cha mẹ già bệnh cũng phải vào nursing home thôi! ”

Tuy vậy, nursing home ở Âu Mỹ, mang tiếng là văn minh, hiện đại nhưng liệu rằng đây có phải là nơi yên ổn cho những ngày cuối cùng của tuổi già không? Tại các viện dưỡng lão trên đất Mỹ mỗi năm có hàng chục nghìn trường hợp khiếu nại vì cách đối xử của nhân viên như bỏ bê, đánh đập, đại tiểu tiện, ói mửa mà không dọn dẹp, không cho uống nước, tệ hại nhất là đối với những bệnh nhân Alzheimer. Năm ngoái, phúc trình của Bộ Y Tế Minnesota cho ta thấy chỉ trong vòng 5 tháng đã có 15 trường hợp bệnh nhân mất trí nhớ bị hành hạ, trong đó có những vụ như bị chọc ghẹo liên tục, bị nhổ nước bọt vào miệng. Phải chăng nhà dưỡng lão, chặng cuối đời của người già là chốn địa ngục có thật trên trần gian như thế!

Vậy thì con cái có hiếu tâm, xin cầu nguyện cho các đấng sinh thành sớm ra đi trước khi họ trở thành những người mất trí lú lẫn, nằm suốt ngày một chỗ, tiêu tiểu không kiểm soát được. Thấy cha mẹ lớn tuổi mà còn minh mẫn, mạnh khỏe nên mừng, mà thấy cha mẹ ra đi nhẹ nhàng,trước khi phải chịu những cảnh đau lòng của tuổi già lại càng mừng hơn.

Tuy vậy, rất nhiều gia đình người Việt trên xứ người có được niềm an ủi là họ có những đứa con Việt Nam, nhất là những đứa con của một gia đình nghèo khó, lớn lên trong chiến tranh và thông cảm được nỗi thiệt thòi bất hạnh của cha mẹ.
st.



Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 16/Oct/2017 lúc 9:20pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 21997
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 17/Oct/2017 lúc 9:49pm


Tâm sự
người tuổi hoàng hôn xa xứ





Song An Châu

Tôi ở Mỹ sao nghe buồn quá, chẳng thấy gì vui lúc cuối đời. Con cháu giờ đây đã lớn khôn rồi, mỗi đứa gia đình ở mỗi nơi. Tuổi già bóng xế chỉ nằm ngồi, ra vào ngoài ngỏ trông lên trời, nhìn vầng mây trắng thảnh thơi trôi. Phải mình được như vầng mây trắng, trôi bốn phương trời để thảnh thơi. Không chỉ ở đây căn nhà vắng, nhìn quanh, nhìn quẩn chỉ mình tôi.

Giờ đây chịu cảnh phải xa nhà, ở Mỹ mà tôi sao buồn quá, ngồi nhìn xe cộ chạy mau qua. Nhớ lại ngày xưa ở quê nhà, nơi vùng sông nước Hậu Giang ta, với chiếc xuồng con bơi theo lòng rạch, hái bông điên điển đem về nhà, nấu nồi canh chua, con cá lóc, với tộ cá rô kho nước dừa, bữa cơm đạm bạc, sao ngon quá!

Bây giờ da diết nhớ chuyện xưa, ở đây cuộc sống đã dư thừa, vật chất phủ phê, nhưng vẫn thấy thiếu. Thiếu tình, thiếu nghĩa, thiếu yêu thương. Bỏ nước ra đi tưởng chung đường, nhưng qua xứ lạ rồi ai nấy, cắm đầu cắm cổ kiếm đồng tiền, xênh xang giàu có rồi lên mặt, mất tình mất nghĩa mất yêu thương.

Cuối đời lại nhớ đến quê hương, ngồi nhìn mây trắng trôi bàng bạc, con hạc kêu chiều vọng cố hương, nghìn trùng xa cách chưa về được. Vọng tưởng ngày về nơi quê cũ, nhìn khoảng trời xanh ở sau vườn, nhìn hàng cau, ngọn đơm bông trái, hái lá trầu xanh ngoại đã trồng. Bây giờ ngoại mất, mất người trông, chăm lo tưới nước cả việc vun trồng, tỉa lá trầu ngon đem ra chợ bán, mua trà, mua thuốc, mua rượu về cho ông. Nay ông cũng đã về chín suối, chắc gặp bà tôi lúc lìa đời, thiên đàn hạ giới đâu ai biết, nếu có gặp nhau cũng vui rồi!

Bao năm xa xứ nhớ quê nhà, nhớ đàn em nhỏ, nhớ mẹ già, nhớ trường làng cũ ngày đi học, cùng bạn vui đùa dưới góc đa. Nhớ những trưa hè, ngày nắng hạ, cùng bạn bè đánh đáo bắn bi, những trò chơi vui, không thiếu gì, thời trẻ thơ sao vui vẻ quá!

Ngoài đời, người ta thường nói khi già nhớ đến chuyện xưa, nhớ lại thời mình chưa già, còn son trẻ. Bây giờ, tuổi mình đã quá “thất thập cổ lai hy” không còn gì nữa, như ánh sáng mờ nhạt của buổi hoàng hôn chờ ánh chiều tắt nắng, không còn vui cười như thời trẻ, chỉ là những tháng ngày buồn tẻ sống cho hết đời này, rồi mai đây cũng trở về cát bụi. Thôi rồi một kiếp trần ai, cũng xong một đời nơi dương thế….


Song An Châu
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 20/Oct/2017 lúc 11:55am
Thư Tình Viết Muộn



Image%20result%20for%20Thư%20Tình%20Viết%20Muộn
Sống với nhau hơn 60 năm,"sáu mươi năm cuộc đời", được 14 mặt con mà mình chưa bao giờ "to tiếng" với nhau, cằn nhằn thì có, nhưng chưa một lần em phải buồn phiền vì anh uống rượu, hút thuốc, đánh bạc và lăng nhăng, vì anh không thích những thứ đó, vì anh đã có em.
Cụ Nguyễn Văn Tuyết (Cụ đã từ trần ở Paris, hưởng thọ 91 tuổi.)


Paris, ngày 14, tháng 10, năm 2010
Bà nó à!
À mà thôi, gọi là EM đi cho tình tứ như ngày xưa chúng mình cùng chung giường chung gối, chung cả đường đi lẫn lối về em nhá. Dù rằng nay đôi ta mỗi người một ngả, lại đông con nhiều cháu mà còn xưng hô "anh em" thì e rằng con cháu nó cười. Nhưng đây là tình thư của anh gửi tới em, lá thư đầu tiên và cũng là lá thư cuối cùng. Anh viết thư này từ ngày 14/10/20xx, mỗi ngày vài dòng, khổ nỗi mỗi khi viết đến tên em là như có hơi nước che mờ cặp kính nên anh đành phải buông bút, dụi mắt thở dài! Viết lâu rồi đấy mà chưa nói được gì với em! Chuyện tình trong 60 năm dễ gì nói trong vài trang giấy, kể trong vài ngày.
Thôi thì thế này nhá, nếu không xong để gửi qua đường bưu điện thì anh sẽ mang đến nơi em đang ở để trao tận tay. Anh biết nơi em ở rồi, kể từ khi em dọn về bên ấy, anh đã rất nhiều lần đi vòng quanh bên ngoài để ngắm một căn nhà 2 tầng (*) nhỏ-nhắn, xinh-xắn, mà nghe đâu em khoe với hàng xóm rằng:
- "Tôi ở tầng dưới, còn tầng trên để dành cho nhà tôi"...


****************
Em à!
Nhớ lại ngày nào em là thiếu nữ 16 tuổi xinh tươi làng Vạn, hoa khôi huyện Yên Phong, còn anh là trai làng Đại Lâm, chúng mình cùng tỉnh Bắc Ninh, nhưng anh theo gia đình ra Hà Nội học nên không có dịp"thả thơ".
Em còn nhớ những vụ "thả thơ" này không? Dì Phách, cô em gái của em nói rằng em đẹp lắm lại là con nhà có của nên trai huyện trai làng nhiều người ngấp nghé, mỗi khi em đi chợ thì họ len lén bỏ thư vào cái làn mây em xách tay, khi về nhà mới biết, thế là mấy chị em đọc thư tỏ tình của các chàng nhát gái mà cười bò ra, nghe cũng vui đấy nhỉ. Nhưng anh thì chưa có dịp thả thơ như thế.
Khi bố anh cần người giúp ông trong việc kinh doanh nên đã bắt anh lập gia đình sớm, anh có quen biết nhiều cô gái ở Hà Nội nhưng không thương ai. Thế rồi một hôm bố anh bảo diện vào rồi đi chợ huyện Yên Phong với ông, anh hỏi bố rằng con đi chợ làm gì thì bố nói:
- Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.
Khi đến chợ rồi mới biết ngày đó em cũng đi chợ, có lẽ người lớn đã sắp xếp cho chúng mình trông thấy nhau. Nghĩ lại cũng buồn cười nhỉ, bây giờ khác xưa rồi, trai gái quen biết và yêu rồi mới dẫn cha mẹ hai bên gặp nhau.
"Anh trông thấy em đi chợ anh thương". Bố chưa kịp hỏi ý kiến anh có bằng lòng"cô ấy"hay không thì anh vội nói trước:
- Chưa gặp đã bén hơi. Tại duyên số rồi bố ơi!
Thế là bố khuyên anh"cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha"nên anh vội nhờ người đem tặng em"một thúng xôi vò, một con lợn béo một vò rượu tăm. Tặng em đôi gối em nằm, cái chăn em đắp.." năm đó chúng mình vừa tròn 17.
Họ hàng nhà trai khen em xinh gái và có duyên, nhưng bố anh thì nói:"vợ chồng cùng tuổi nằm duỗi mà ăn", và để cho con đừng có ỷ lại nằm duỗi mà ăn nên ông cụ đã giao cho vợ chồng mình xưởng sửa chữa và cho thuê xe xích-lô.
Khởi đầu là thế, mình sống đầm ấm bên nhau, không vất vả về kinh tế nên năm 1941 em sinh con gái đầu lòng, anh đặt tên con là Trinh. Rồi lần lượt có thêm con Thục, con Thuý, cả ba xinh gái giống mẹ. Sau 3 cô con gái là em sinh liền cho anh 4 cậu con trai, tên các con là Phong, Tuấn, Quang, Anh. Đời sống gia đình đang thanh bình ấm êm, các con đi học có xích lô đưa đón thì bỗng"trời đất nổi cơn gió bụi", em má hồng chịu nỗi chuân chuyên, bụng mang dạ chửa mà phải cùng gia đình di cư vào Nam. Vừa đến Hải Phòng thì em sinh con gái thứ tư nên mình đặt tên con là Nguyễn Thị Hải, và Hải là đứa con thứ tám cùng theo bố mẹ di cư 1954 vào vùng đất lạ.
Cưới năm 1939 tới 1954 khi di cư mới được có 8 con nên em nói còn ít. Nhớ hôm dẫn em vào bảo sanh viện, anh nắm tay em an ủi thì em mỉm cười nói:
- Anh còn phải đưa em vào bảo sanh viện tám lần nữa, vì thầy tướng số nói em sẽ có 16 người con tất cả".
Nghe em nói xong anh cười to khiến mấy bà bầu ngồi ở phòng chờ đợi quay sang nhìn vợ chồng mình, chắc họ tưởng mình vui vì mới có con đầu lòng. Nghĩ vậy nên anh ghé vào tai em thì thầm:
Bao nhiêu cũng được, chỉ sợ vất vả cho em thôi, còn anh thì ..lo tất.


************
Vào tới Saigon, gia đình mình ở số nhà 247 đường Thành Thái, Chợ Lớn, gần ngã tư Trần Bình Trọng. Em vẫn tề gia nội trợ, còn anh, xoay đủ nghề. Từ mở trường dạy lái xe hơi lúc mới vào rồi làm tôm đông lạnh ở Rạch Giá, lập trại trồng nấm rơm ở suối Lồ Ồ Dĩ An, thầu xây dựng với anhThúc, làm cho USOM, và như em biết đấy, công việc cuối cùng của anh là làm việc ở tòa Lãnh Sự Pháp Saigon, nhờ đó mà sau 30/4/1975 gia đình ta đi định cư tại Paris.
Tuy nhiên anh đã không giúp em được toại nguyện theo như lời khuyên của thầy tướng số nên trong thời gian ở Saigon, vợ chồng mình chỉ thêm được có 4"cậu"là Tiến, Thắng, Thụy, Xương và 2 "cô" Loan, Hà, vị chi là 14 mụn con gồm 6 gái, 8 trai, còn thiếu 2 vì thế em mới nuôi thêm 2 cháu ngoại là Yến và Việt, con của Thúy để cho đủ 16 đứa.
Nay tuy không được vuông tròn trọn vẹn nhưng tất cả đã ổn định cả rồi. Hiện tại ở Mỹ có 3 cô 2 cậu, ở Pháp có 4 cậu, 3 cô. Con nào cũng có gia đình hạnh phúc một vợ một chồng và đã tặng cho em rất đông cháu nội ngoại và đã hơn 10 chắt rồi đó. Duy chỉ còn cô út Thu Hà, đẹp, thông minh hoạt bát, nhiều chàng ngấp nghé lắm nhưng con gái út của chúng mình lơ là chuyện này mà lại siêng năng nghiên cứu kinh sách nhà Phật. Tại duyên số thôi.
Anh rất hài lòng vì các con, trai gái thì hiếu thảo con dâu nào cũng coi như con đẻ, nhất là Yến, vợ Quang, hiện là chị dâu trưởng, là gương mẫu cho các em. Còn con rể ư? Các cụ xưa gọi con rể là tế-tử nên anh thấy tế-tử nào cũng tử tế cả, các anh ấy là người biết điều, lo toan mọi bề cho vợ con, lại hiền lành. Duy chỉ có chồng của Thúy, tức bố của Yến-Việt là quân nhân nên vất vả và luôn phải xa gia đình, nghèo và hơi ngang. Em nhớ không, lần đầu tiên hắn đến nhà mình thăm con Thúy mà lại ngồi gác chân mang giầy nhà binh lên bàn! Anh giận quá! Nhưng bù lại, nay mỗi lần anh sang Mỹ thăm con cháu, thì bố Việt chở anh ra khu chợ ABC mua bánh ngọt, đi ăn hủ tíu Mỹ Tho, lại còn bảo vợ chồng Việt "niềng" răng cho ông ngoại, anh thấy vui vui nên nói:
- "Khỏi niềng, răng của ông còn rất tốt và đẹp nữa, con chỉ cần bỏ vào ly nước ngâm với thuốc sát trùng cho ông là đượ rồi."
Anh nói tới đâu rồi nhỉ? Thế đấy, còn minh mẫn nhưng hơi lộn xộn nên thư viết cho em cứ chuyện nọ xọ sang chuyện kia. À nhớ ra rồi, tới chỗ vuông tròn.
Anh nói không được vuông tròn trọn vẹn là vì con gái đầu lòng đã ra đi khi vừa tới Mỹ, và hai con trai hy sinh cho Tổ Quốc, cậu cả Phong bị thương ở Ban-Mê-Thuột rồi hy sinh, cậu Tuấn thì tử trận trên biển, chìm theo hộ tống hạm HQ10 trong trận hải chiến để bảo vệ Hoàng Sa chống lại quân xâm lược Trung Cộng vào ngày 19 tháng 1 năm 1974.
Em à, anh không muốn nhắc chuyện xưa làm đau lòng em khi mất đi 2 đứa con trai tuổi còn quá trẻ, nhưng cũng là một đóng góp cho đất nước như biết bao các gia đình khác. Mới đây ông HQ Đặng Thanh Long đã thay mặt Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng, Tổng Hội Hải Quân Hải Ngoại đem cuốn Hải Sử Tuyển Tập và Hải Sử HQVNCH đến tặng gia đình ta với bút tích ghi ở trang đầu như sau:
"Kính biếu gia đình liệt sĩ Hoàng Sa HQ Nguyễn Văn Tuấn".


*************
Thấm thoát thời gian mau thế đấy em nhỉ, chả cần nói nhiều thì các con cũng biết từ lúc có đứa con đầu lòng ở Hà Nội rồi có thêm cô Út Hà ở Saigon rồi gia đình ta di tản, bảo lãnh, vượt biển vượt biên mà được thế này cũng là tạ ơn trời đất lắm rồi. Nhưng bất hạnh thay, em lại bỏ anh mà đi! Dễ chừng gần chục năm rồi chứ ít sao? Lúc trước anh nhớ chính xác ngày giờ năm tháng em ra đi, nhưng sau lần anh bị té dập đầu thì trí nhớ không còn tốt. Thôi để anh mở sổ ra xem ngày nào em bỏ anh ra đi. Đây rồi, ngày 14 tháng 10 năm 2002, và anh viết lá thư này cho em cũng vào ngày 14 tháng 10, em đi đã được 8 năm rồi đó.
Em à! Anh nhớ rõ là em bị bệnh thận, đang lọc máu thì bị té dập xương chậu và sau một thời gian ngắn thì em ra đi! Ngày đó mắt anh đã khô, khi thấy con cháu vây quanh mẹ, quanh bà nức nở khóc làm anh nghẹn cổ họng.
Thôi thế cũng xong, vì hiện nay em luôn được mạnh khỏe, không còn lo lắng về bệnh tật, cuộc sống mới lại bình an, thảnh thơi mãi mãi. Nhưng cẩn thận nhá, mỗi lần "vân du" em nhớ mang theo áo ấm và gài dây an toàn kẻo gió mạnh lại thổi bay mất thôi.
Em nhớ không? Lúc sinh thời mỗi lần mang thuốc và nước đến cho em thì anh chỉ nói vắn tắt: "Thuốc đây, bà uống đi!" Nay anh muốn gọi tiếng EM, nói thật nhiều lời thương yêu thì giọng anh đã khò khè, thở không ra hơi! Hối hận quá!
Khi em đi rồi mà đàn chim bồ câu cứ đúng giờ nó lại bay về đậu trên thành cửa sổ, cái của sổ của căn phòng trên tầng thứ 15 của tòa biu-dinh thuộc thị xã Alfort Ville, ngó ngay ra bờ sông Seine, từng đôi chim gù-gù sát cánh bên nhau chờ những miếng bánh mì mà em bẻ vụn ra rồi rắc cho chúng ăn.
Ngày đó anh cằn nhằn em hoài vì cái việc cho chim ăn, nó ăn rồi ị, sương mù và mưa phùn làm bánh mì thừa ướt nhão nhẹt ra rồi mốc xanh lên khiến anh lại phải dọn. Bực mình anh la thì em nhỏ nhẹ nói:"tội nghiệp chúng nó". Thôi đành cứ để em cho chim ăn rồi anh dọn phân và thức ăn thừa kẻo gió lùa vào phòng mình hôi cứt chim. Khi em về trên đó rồi, mình anh ở lại mỗi ngày phải nhìn từng đôi chim gù gù tỉa cánh cho nhau mà nhớ em vô vàn. Đó là lý do thầm kín anh không muốn rời căn phòng này để về ở với con cháu.


************
Có những chiều Hè hoàng hôn nắng úa, đứng ngắm hình em treo trên tường, anh thì thầm:"sao em không nói với anh"rồi ngó qua cửa sổ anh bỗng thấy như có mưa phùn chiều Đông, thì ra mắt anh mờ và anh cảm thấy lạnh lẽo!
Tất cả đồ dùng của em còn để nguyên chỗ cũ, nhìn đâu cũng thấy em vì thế các con xin dọn cho gọn gàng thì anh không cho. Bẩy cô cậu thay nhau thuyết phục bố về ở với các con nhưng anh nhất định không muốn rời xa nơi này, tuy không còn là tổ ấm nhưng còn cái ghế em ngồi, còn cửa sổ mà em đứng rắc bánh mì cho chim ăn. Anh không thổ lộ những điều thầm kín đó mà chỉ nói:
- "Bố còn khỏe, tự lo cho mình được mà, các con cứ yên tâm".
Mà anh còn khỏe thực, mỗi sáng không còn lái xe ra Paris 13 để ăn hủ tíu và mua báo Văn Nghệ Tiền Phong nữa thì anh đi bộ quanh phòng, đi dăm ba bước anh dừng lại nghỉ dăm phút, cứ như thế mỗi giờ cũng đi được hơn một vòng. Anh cũng vẫn ăn được, mỗi ngày cô Hải mang cơm nóng canh sốt sang cho bố rồi dọn dẹp nhà của, Hải về thì cô út Hà sang lo mọi việc giấy tờ về sức khỏe của bố. Cậu cả Quang tuy ít nói nhưng phân công đâu ra đó cho các em trai Thắng Thụy Xương luân phiên trực đêm bên bố và chở bố đi Paris 13, khu phố Việt, phố Tàu.
Tuy sống độc thân nhưng anh không cô độc, mỗi thứ Bẩy và Chúa Nhật là con trai gái dâu rể, cháu nội ngoại kéo nhau về tụ họp trong căn phòng nhỏ này. Khi trước còn khỏe thì anh nấu một nồi phở thật to, nay thì mỗi con mang theo một thứ, căn phòng không chỉ ấm cúng mà còn nóng lên nữa ấy chứ. Những lúc đó thì anh lại nghĩ đến em, để cho con cháu vui chơi, anh lẳng lặng đi nằm, ứa nước mắt vì sung sướng nghe tiếng cười của con cháu nhưng cũng ứa nước mắt khi thiếu tiếng em! Thì ra "con nuôi cha không bằng bà nuôi ông", ông nuôi bà.
Cách nay khá lâu, anh đang vịn tường để đi vào phòng tắm thì bị té, các con vội đưa đi cấp cứu, bệnh viện khám phá ra một mạch máu trong đầu bị nghẽn khiến anh té chứ không phải tại anh vô ý.
Nhớ mãi hôm ấy thấy em đến thăm anh trong bệnh viện, anh vội vàng ngồi dậy, ba chân bốn cẳng chạy ra đón em và anh bị vấp té, choàng mở mắt thì biết anh vừa nằm mơ và giận quá tại sao mình không cẩn thận để bị té rồi tỉnh lại mà không được nắm tay em. Vừa lúc đó anh nghe cô ý tá nói:
- Từ nay cụ phải dùng cái này.
Ngó xem thì ra là cái gậy chống, ở cuối có 4 chân bịt cao su. Nếu anh chống gậy này mà đi thăm em thì đúng là"ba chân bốn cẳng rồi".! Anh không thích chống gậy, trông giống ông cụ quá! Đối với anh, em vẫn còn khỏe và còn trẻ, người cõi tiên thì "trẻ mãi không già" mà.
Nằm bệnh viện được mấy ngày thì anh đòi về nhà, nhớ căn phòng quá, nhưng các con không cho, lựa khi các con không có mặt, anh"ba chân bốn cẳng"vào phòng bác sĩ trực năn nỉ xin xuất viện và họ "đắc-co".
Về nhà được mấy ngày thì anh lại "ba chân bốn cẳng" mang hoa đến tặng em, nhưng gõ của hoài mà không nghe tiếng ai trả lời, hình như mấy cô tiên đưa em vân du trên cẩu Vồng hay du Nguyệt Điện thì phải. Rõ chán! Cả đời ở bên nhau, anh chưa bao giờ tặng em một cánh hoa, tại anh thấy em là hoa đẹp rồi. Anh mong sớm có ngày được đoàn tụ cùng em nắm tay nhau tung mây lướt gió.
Sống với nhau hơn 60 năm,"sáu mươi năm cuộc đời" được 14 mặt con mà mình chưa bao giờ "to tiếng" với nhau, cằn nhằn thì có, nhưng chưa một lần em phải buồn phiền vì anh uống rượu, hút thuốc, đánh bạc và lăng nhăng, vì anh không thích những thứ đó, vì anh đã có em. Tính đến nay xa em đã 8 năm, thời gian cũng quá đủ suy ngẫm về thói đời hay coi thường hạnh phúc đang có sẵn trong tay mà không biết vun quén. Anh đang mong ngày tái ngộ.
Cầu được ước thấy, mới tuần trước đây anh đang đứng vịn tường tập thể dục thì tự động ngã, bệnh viện cho biết những mạch máu li ti trên đầu bị vỡ, các con bao quanh lo lắng và bác sĩ họ đang cố gắng nối lại, nhưng anh nói "Thôi".
Sống với con cháu như vậy là quá đủ rồi, lo cho các con như vậy cũng tạm ổn, nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống thì không ai bằng. Tuy các con không giầu có gì, nhưng đủ ăn và hạnh phúc, nhất là các con một vợ một chồng, như đũa có đôi và anh chị em thương yêu nhau. Anh nói với các con:
- "Các con như đũa có đôi, để ba về với mợ chứ, căn phòng trên lầu nơi mợ ở dành cho ba đã có sẵn tiện nghi rồi, các con đừng lo lắng và bịn rịn nữa. Chúc các con ở lại bình an, đùm bọc và thương yêu nhau như từ trước tới nay".
Em à! Hôm nay là ngày 14 tháng 9 năm 2010, chỉ còn đúng một tháng nữa là trùng vào ngày em đi, 14/10, bác sĩ cũng vừa báo cho biết họ sẽ "búc" vé cho anh. Như vậy là mọi việc đã sẵn sàng tốt đẹp, anh không mang theo gì cả. Khi nào có vé thì anh sẽ gọi phôn cho em biết để mở cửa cho anh vào. Nếu em nghe không rõ tiếng người mà chỉ thoáng phì phò tiếng gió thì biết đó là lúc anh đã cất cánh.
Hẹn gặp em một ngày rất gần.
Vĩnh biệt các con và các cháu cùng các chắt.
Nguyễn văn Tuyết.



Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 20/Oct/2017 lúc 11:59am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 23/Oct/2017 lúc 11:28am
Cơn mưa muộn màng

Ông đến với bà lúc mười giờ sáng. Tắt máy chui ra khỏi xe, gió bốn bề ào tới dàn chào, mạnh tới nỗi ông lao đao suýt ngã phải vội vã trụ người lại kéo cổ áo lên. Nhìn quanh, không có ai ông vẫn cảm thấy ngượng. Đến thăm bà, lần nào ông cũng thấy lọng ngọng, không hiểu tại sao.

Mưa suốt đêm qua, lê thê dài tới tận hôm nay. Tưởng như chỉ có khu vườn của bà là hơi tạnh, dòng nắng mỏng như tơ lấp loáng trên những ngọn cây, chưa đủ để khô vườn. Bốn bề toàn người da trắng khoảng vườn của bà vẫn phảng phất mùi hương khác hẳn vườn lớn vườn nhỏ xanh um trong vùng. Cỏ cây cùng bụi bông giấy phủ kín cội cây làm tím ngắt một góc vườn dường như vẫn chắt chiu chút hương dư của Sài gòn. Mùi chanh, mùi sả, mùi ngò? Hay chính mùi da thịt chan hòa từ bao năm trước còn luấn quấn suốt đời trong tiềm thức của ông?

Bà mở cửa cho ông, nhìn lướt qua gương mặt trầm uất của ông, bà lùi lại né đường cho ông bước vào. Ông đi theo hành lang treo chùm đèn pha lê hắt những tia sáng mỏng như lân tinh trên bức tranh thuỷ mặc. Phòng khách mở rộng ra vườn sau, đổ xuống một triền đồi xanh ngắt. Mưa và sương và nắng đang dành nhau sắc hình lóng lánh. Bà cũng vậy, nhan sắc, thời gian, danh tiếng thăng trầm đang giành giật nhau cật lực trên gương mặt của bà. Người ta có một thời để yêu, một thời để chết, trên gương mặt bà, một thời bão nổi, một thời giằng co và một thời đầu hàng. May quá, sắc đẹp của bà vẫn là kẻ thắng trận. Da cổ da mặt không phản bội son phấn, môi vẫn ngọt như mật hoa, cánh tay để trần, thịt da chưa rung rinh nhão nhề chảy xuống.

Bà đem tới cho ông tách trà nóng, đĩa bánh ngọt rồi lặng lẽ ngồi xuống một chiếc ghế khác, cách xa ông khoảng hai mét thảm màu đất, đôi mắt bà nhìn xuyên vào ông thăm thẳm. Ông thực sự bối rối:

"Sao cô không đến nghe anh nói chuyện?"

"Em chưa đủ già để bám vào trò chơi rắc rối sự đời đó."

"Cô ghê gớm nhỉ. Dám nói với anh như vậy há? Cô có biết anh của cô là ai không?"

"Anh nhiều chức tước quá trời, làm sao biết nổi."

Nhắm nói không lại bà, ông đành hỏi lảng sang chuyện khác:

"Hôm nay cô không đi làm à?"

Bà lắc đầu, cười. Thấy ông có vẻ ngượng sau câu hỏi, bà lại tỉnh bơ cười kiểu khác, trong một chớp mắt đôi môi quyến rũ của bà đổi qua đổi lại ba dạng cười. Bà quá quắt hay tại ông nghĩ bà quá quắt.

"Thứ Hai em cho nhân viên nghỉ. Cũng sắp Tết rồi. "

"Tết này cô có định đi đâu không?"

"Ớn quá rồi, người ta holiday mình cũng cũng phải holiday không thì sợ quê một cục. Kỳ này em tính đóng cửa nghỉ holiday... trong nhà."

"Chắc anh cũng vậy thôi. Mỗi lần tết đến anh thấy hoảng hốt. Càng ngày anh càng bị đẩy xa bầy con của anh. Biết làm gì bây giờ, anh phải bám vào bất cứ cái gì khác có thể bám được thôi."

Bà cười tủm tỉm:

"Coi bộ cũng quyết liệt lắm phải không? Đọc báo thấy ba bốn chính phủ lưu vong... hết hậu cộng sản, cương lĩnh cứu nguy tổ quốc đến xách động biểu tình... chỗ nào cũng có anh. Ai nặng nợ làm vợ anh coi bộ cũng chua chát lắm."

Ông hạ giọng:

"Đừng châm chọc anh. Không có ba mớ lẩm cẩm đó anh sống bằng cái gì bây giờ. Nghĩ lại hồi đó, anh ngu quá, yêu em đứt ruột đứt gan anh vẫn chọn vợ chọn con. Nghĩ lại, cả đời chẳng được sống cho mình, toàn sống cho kẻ khác, thương mẹ, anh cũng chỉ làm bà rầu lòng, thương vợ thương con vẫn bị vợ con oán trách từ đầu tới cuối, nghĩ ngao ngán quá."

"Em lu bu chẳng có thì giờ nghĩ ngợi lăng quăng như vậy đâu. "

"Đừng nói như vậy. Không phải cô đã cay đắng với tôi cả đời đó sao?"

"Cay đắng hay không là quyền của em, anh hy sinh tình yêu của em cho vợ cho con, hợp đạo đức quá trời còn ăn năn gì nữa. Vợ anh vừa đẹp vừa có bằng cấp, vẫn lặng thinh cho anh quậy từ Sàigòn quậy sang đây còn đòi gì nữa. Cũng lạ, đàn ông càng lớn tuổi càng rên rỉ tợn. Thế là bọn đàn bà tụi em thảm thiết theo, mở miệng cằn nhằn toàn nghe những chuyện mồ mả trối trăn đáp lại. Khiếp quá."

Ông kêu lên:

"Trời đất cô học ở đâu vậy? Hồi xưa cô ngọt như mía lùi."

Bà cười khúc khích:

"Không đúng sao? Từ lúc biết tô son đánh phấn, có thấy các anh lành mạnh bao giờ đâu. Dính vào ông nào bọn em cũng tàn đời như nhau... Hú hồn hú vía hồi đó em không lấy anh... sống với em chưa chừng anh còn vùng vằng khủng khiếp hơn vợ con anh nữa kìa. Bà xã anh là dưa em là dừa, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tránh dừa gặp dưa... Anh không bao giờ được sống như anh muốn đâu. Anh là người... "

Bà nhoẻn cười cúp ngang câu nói sửa lưng của bà. Ông xốn xang ngồi không yên bụng. Bà đứng lên, kéo rộng thêm màn cửa bên phải. Ông cũng đứng lên, ông muốn gần bà thêm một chút. Ông muốn ôm lấy vai bà, hai tay ông lóng cóng vuốt dọc tấm màn cửa dệt những đường hoa văn rất lạ mắt.

"Cô chọn màn cửa ở đâu đẹp quá... anh ngu thật, nếu như hồi đó anh bỏ hết sống với em, chắc đời anh không tệ hại như bây giờ. Anh ân hận lắm em biết không? "

Giọng ông nói khao khao, từng lời tưởng như chẳng dính dấp gì nhau, đang sờ màn cửa ông bày đặt ân hận. Ông sờ màn cửa hay sờ da sờ thịt? Giọng ông ngậm ngùi vậy mà bà có vẻ chới với, bà giả ngộ dang xa, nhìn ông chăm chú hơn, giơ hai tay lên đầu:

"Ba đầu sáu tay vừa vừa cho em nhờ với. Đóng kịch thương hại nước non, yêu vợ yêu con đã đời, giờ mò tới đây cho em vào xiếc nữa. Chờ tới lúc anh ân hận, mồ mả nhà em xanh cỏ rồi."

"Năm hết Tết tới cô đừng nói nhảm, hồi tết 75 cũng tại cô nói nhảm, mình mất nhau..."

Bà buông người xuống ghế, cười ngất:

"Ngon chưa. Vác vợ con dông một lèo giờ lại đổ hô cho người ta, không biết xấu hổ!"

Câu nói tưng tửng của bà không hàm ý trách móc vậy mà ông rúng động hết cả người. Ông cầm tách trà lên, bỏ tách trà xuống... Người đàn bà này... ông muốn làu nhàu một câu cho đỡ tức. Thay vào đó ông lẩm bẩm chủ ý cho bà nghe thấy.

"Đúng rồi! Mấy chục năm, ờ há hai muơi năm ngoài không nghe ai nhắc tới chữ xấu hổ này bao giờ."

"Thì qua tới đây, người mình đâu có biết xấu hổ là gì nữa. Xấu hổ làm sao sống nổi."

"Mỗi lần bứt rứt chịu không nổi lò dò tới thăm cô, anh vẫn cảm thấy bồn chồn rất khó tả. Té ra anh xấu hổ, cô coi ngần này tuổi, sắp sửa già lọm khọm, bỗng dưng anh tìm được cảm giác thẹn thùng đã mất từ mấy chục năm trước. Cũng may nhờ cô anh không già nữa. Người già đâu có biết xấu hổ nó méo tròn ra làm sao. "

"Anh thiệt tức cười, đã xấu hổ còn méo với tròn trong đó nữa. "

Đứng xớ rớ coi cũng kỳ, ông lại ngồi xuống ghế:

"Có thể anh quên, cô nhớ giỏi hơn anh, cô thấy sách truyện, tiểu thuyết tả con gái mắc cở, con trai đỏ mặt. Có tả ông già bà lão đỏ mặt tía tai bao giờ đâu. "

"Thôi đi ông, người già ai dám chạm nọc họ, lỡ họ lăn đùng ra đó, mặt mày tím lịm, có mà mang họa..."

"Cô ăn nói cũng bạt mạng quá nhỉ."

Bà ngửa cổ lên, vuốt tóc cười. Ông nhìn bà say đắm, thấy bà lạnh tanh, điện pin, điện bình, điện cao thế đều bơ đi không giật, ngượng quá ông nhìn quanh, bàn ghế loại chiến đấu, màn cửa bằng gấm. Khác với ông ba chân bốn cẳng chạy trước 30 tháng Tư. Hơn hai mươi năm nhìn lui nhìn tới công danh tiền của vợ con nhì nhằng. Bà chậm chân bỏ nước trễ hơn ông nhiều. Vậy mà, quay đi quay lại bà làm chủ chợ, chủ shop mua phòng mạch mở thẩm mỹ viện. Hồi bà mới sang ông lén vợ tới thăm, âm mưu gỡ gạc chút ái tình thiu thừa ngày cũ... Loay hoay mãi ân thừa nghĩa vụn mọc gai trong cột sống, lúng túng không xoay xở nổi vài ghim giúp bà làm vốn. Môi miệng xuông tình, môi miệng cứng đờ ra.

Lằng nhằng mấy năm, phòng khách nhà giàu rộng mênh mông. Nhìn quanh chẳng thấy ghế nào cận kề nhau. Không đến thăm bà, ông xốn xang mất ngủ, cảm giác bần thần giống như người bị mất trộm. Ngôi nhà của bà bực bội cách gì đi nữa vẫn có hơi hướm của Sài gòn. Chưa Tết bà đã chưng cây mai, mai kiếm ở đâu ra ông không tiện hỏi. Tới thăm bà ông ngượng, tay vụng chân thừa. Lần nào ra về cũng thở ra.

Bây giờ ông không thở ra nữa, ông thở dồn lên cổ, ruột đau dần như đứt từng khúc nhỏ. Lôi thôi gì đây nữa? Nước non trong bụng, máu thịt trong da. Ông ngồi im tay chân tê nặng, lắng nghe cơ thể mình rục rịch những âm thanh đầy ám muội.

Như chiếc xe già tuổi, xác phàm của ông dạo này bắt đầu giở quẻ, hết phổi đến gan, chữa xong bệnh gan mò ra sạn thận. Ông gồng cứng bụng lên chịu trận. Bối rối quá, ông ngồi im phăng phắc. Bà lại tuởng ông ngây ngất vì mình... ít ra bà cũng phải trả một chút hận lòng... leo lét cũ. Ngày xưa ông nổi tiếng Don Juan, trêu cợt không biết bao nhiêu mảnh tình. Ông đẹp trai, chủ hãng thầu sở Mỹ. Đêm Sài gòn xập xình, ông cũng xập xình lên xe xuống đường rước tình nhăng nhện vào chiếc Mustang bóng lộn của ông. Bà lúc đó vừa mới lớn, choáng váng vì vẻ khinh mạn sành đời của ông, thêm giọng nói trầm mềm âu yếm nữa. Hình như cô nào cũng được nghe giọng nói chứa chan này, nhưng lúc đó còn trẻ dại bà cứ nhắm mắt tin bừa ông chỉ âu yếm một mình bà thôi... Sa ơi! Cát Vàng yêu quí của anh ơi. Bà tên Hoàng Kim Sa... ông kêu như vậy tim gan nào chịu nổi. Có vợ con đàng hoàng, ông cứ tỉnh bơ thả dê đầy đường, cô nhỏ ngu khờ lao vào mê trận của ông... Sài gòn có những trận mưa trộm, mới đó nóng như đổ lửa, đường phố đen nghẹt người, chiều vừa chập choạng mưa thình lình ập xuống, ào ào như trút nước. Kim Sa ngày đó ôm quần áo trốn sang nhà cô bạn đầu ngõ, thay áo đẹp lẻn ra đường lớn nép sát bờ tường của khu phố lầu chờ ông trờ xe tới hớt lên.

Đếm không biết bao nhiêu trận mưa. Hột cát vàng ngơ ngẩn nhìn bong bóng dồn nhau chảy vào cống lớn. Có cuộc tình nào của Sài gòn không phập phồng như mưa bong bóng? Chưa đủ hai mùa mưa... Sài gòn ì ùng... xe nhà binh, áo trận đầy đường. Sài gòn tiệc tùng để hấp hối, Sài gòn nhảy nhót để quằn quại. Chết chóc bom đạn chạy quanh ngoài ven rừng. Bà nhớ ông chặt lòng chắc dạ, dù oán hận bời bời, ông cũng là người tình đầu đời. Bà biết chắc ông chưa chui vào lính một ngày nào, ai ngờ nổi ông lại là người yêu nước thương dân cuồng nộ như bây giờ. Lúc mới qua, bà cũng háo hức đi nghe ông nói chuyện, nghe ông lập thuyết này thuyết nọ. Nghe ông diễn thuyết tình tự nước non bà muốn chổng chân lên trời đi bằng đầu. Thật ra phải nói ông đang trồng chuối đi hia bảy dặm bằng chính cái đầu già câng câng của ông mới đúng. Ông là tay nhà thầu hạng gộc. Ông chơi quần vợt ở Cercle, ông ăn cơm Tàu ở Bát Đạt, ông thầu câu lạc bộ Mỹ, thầu giặt quần áo Mỹ thầu luôn súng đạn phế thải và rác Mỹ... Vậy mà, bẵng đi một thời, bà chậm chân kẹt lại, gặp lại ông ở xứ người, bà tưởng mình nhìn lầm người khác. Ông biến thành một đại gia cực kỳ yêu nước.

Giờ ông ngồi đó, mắt như lạc thần... chẳng lẽ ba chục mạng đàn bà, những tình thừa tình thẹo tình giả tình thật đang quần nhau trong trái tim ứ máu huê tình làm mặt ông xám ngoét đi như vậy? Lỡ ông yêu mình chân thật thì sao? Không phải suốt đời mình quay quắt đi tìm một chút tình sâu nặng đó sao? Dù sao ông cũng là một phần đời của mình. Nói mỉa nói mai, lời qua lời tiếng lại đay nghiến gì đi nữa, nửa lời nửa tiếng cũng hiểu nhau hơn những người khác.

Chịu không nổi, ông bám thành ghế đứng lên, miệng nói lúm búm:

"Toilet...xin lỗi... anh phải vào toilet..."

Không đợi bà trả lời ông đi thẳng một mạch. Ác đức thì thôi, nhà sang như thế này, toilet làm xa lắc xa lơ tận góc cùng bên phải. Bà ái ngại nhìn theo ông, chắc ông bị lạnh bụng rồi, bà đi vào quầy rượu, tìm chiếc ly bầu rót cho ông một ly cognac.

Chuông cửa ngân lên một điệu nhạc. Vô tình cầm luôn ly rượu trên tay bà đi vội ra cửa. Nhìn soi vào chấm gương giữa cửa, gương mặt Dân bị ống kính khúc xạ hai mắt tròn quay đầy chấm hỏi. Bà đành mở cửa, không thể để anh đứng mãi ngoài hiên nhà. Động đất hay dịch bệnh? Điềm xấu hay điềm lành? Hai kẻ thề không đội trời chung lù lù dẫn xác đến nội trong một giờ. Dĩa nhạc cổ điển xoay vòng rơi đúng vào cơn lốc, violon rít lên, kèn đồng nghe như gió thổi vào loa thành hình trôn ốc.

Anh nhìn như găm kim vào người bà. Anh không dám hỏi, chiếc xe màu mắm ruốc của ông nằm lù lù giữa driveway. Anh chờ bà lên tiếng, nhưng bà chỉ nhìn phớt qua mặt anh đủ để cho anh thấy bà không muốn anh hỏi tới nữa. Nửa lời phân trần cũng không luôn. Đúng ra, bà không muốn gì nữa hết. Lựng khựng ngay giữa lối vào bà rủa thầm... cả hai người.

Nắng lên dọi vào khoảng hành lang rộng, mặt hai người vẫn tối xầm như đêm ba mươi, những câu hỏi bốc khói không bốc lời ngời ngời phóng ra những điện cực chạy rần rần trong người bà.

" Ông ta mò đến đây làm gì? "

"Còn anh, giờ đi làm ai khiến anh dẫn xác tới đây rình mò tôi?" "Bộ ông ta ở đây cả đêm qua?"

"Đêm hay ngày cũng vậy thôi, anh cướp nghề công an khu vực hồi nào nhanh vậy? "

Cả hai giương mắt hỏi qua đáp lại bằng loại nhạc không lời. Nhạc cổ điển đang hắt ra từ một góc nhà. Anh chúa ghét nhạc cổ điển, không hiểu mô tê gì cũng bày đặt hít hà khen ngợi. Ông cũng đi ra từ một góc nhà luôn.

Anh nổi cộc, không thèm lịch sự nữa, lần này anh gằn giọng hỏi bà:

"Ông ta bầy trò gì ở đây vậy?"

Bà sững sờ hết nhìn tình cũ lại quay sang tình mới. Tiến thối đều lưỡng nan. Không hiểu ông áp dụng chiến thuật gì lại sầm sầm đi ra, bụng quấn chiếc khăn tắm trắng phau của bà nữa chứ? Oan gia thiệt. Bà giơ ly rượu lên muốn xáng vào mặt ông cho bõ ghét. Mửng trây trúa này của ông bà rành quá mạng rồi. Mới sáng bảnh mắt, ông dẫn xác tới tắm táp trong nhà bà như thế này làm sao Dân chịu nổi.

Bà nhìn ông, muốn rách cả mắt, ly rượu màu hổ phách sóng sánh trên tay. Cả ba người tình cờ đứng hàng dọc trong khoảng hall. Màn cửa gió bay... bà thấy tay chân mình như co rút lại, táo ông táo bà, biến thành ba tên học trò đứng dưới cột cờ buổi sáng... này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi. Bà mong mình có thể hát lên bài ca xương máu đó. Dân là vừng hồng chói chang nhức mắt nhưng đầy ắp hy vọng, ông là dĩ vãng mù mịt nhưng thân cận như thịt với da... Bà cứ thế đứng ngây người ra. Bà chờ Dân bỏ đi. Chắc chắn Dân sẽ bỏ đi. Dân sẽ không bao giờ trở lại nữa. Ông lão lớ quớ kia rồi sẽ thắng trọn cuộc cờ này. Dân đi thẳng ra cửa thật. Ông vẫn đứng như trời trồng, khăn tắm quấn chặt ngang bụng.

Dân lách người đi qua như không muốn chạm vào người bà. Choang... ly rượu bể tan trên nền nhà lót marble. Bà ngửng mặt lên nhìn ông, không muốn nhìn giòng rượu màu hổ phách chảy loang trên mặt đá hồng. Rượu bầm chóng mặt nhìn như máu.


Hai tuần nằm bệnh viện, vợ con vào thăm ông cứ ngóng hột cát vàng lóng lánh. Tin vui nho nhỏ lúc nằm bệnh viện vợ con mang vào làm ông bình phục nhanh hơn những lần nhập viện trước... Cabramatta sẽ được phép họp chợ ì xèo mua bán suốt đêm như Chợ Lớn của Việt Nam ngày nào... Quán cóc, xe đẩy, hàng rong, xôi mặn, xúc xích, vịt lộn, thịt nướng, cháo lòng, cháo cá, bánh khọt, giò chá quẩy, nghêu luộc, sò nướng, ốc xào dừa... Thấy vợ hào hứng kể, ruột gan ông cứ cồn lên vì ân hận. Ăn ở với vợ gần bốn chục năm, bao giờ ông cũng chân trong chân ngoài. Quen cẳng quen đùi nhau, ra vô cả đời, đụng da đụng thịt ê càng như đụng bàn đụng ghế. Mấy chục năm diễn mãi một vai tuồng, làm sao hào hứng nổi. Tội nghiệp mặt hoa da phấn của vợ nhìn mãi lổn nhổn như da gà turkey... vợ trét phấn chê dầy như vôi tường, vợ để mặt trần chê mặt mày tái mét. Nói cho cùng, vợ ông có bao giờ xát muối đâm kim tua tủa vào gan ruột của ông như Kim Sa đâu.

Rời bệnh viện về nhà. Nằm mãi tay chân nặng như bị cùm, ông chỗi dậy lết xuống nhà bếp tự pha cà phê uống cho tỉnh người. Tết qua từ lúc nào không ai nhớ. Từng năm từng tháng cứ lừ đừ qua đi như bóng đè. Ông không biết phải đi đâu nhưng theo quán tính vẫn lái xe ra đường. Gần đến nhà bà, ngang qua công viên, cỏ và cây cùng xanh ngắt, ông tắp xe vào sát lề nhìn sửng vài cô gái mặc áo chẽn chạy bộ dọc theo công viên băng về phía đồng cỏ của sân gôn. Lâu rồi ông không dám đến thăm bà nữa. Tia nhìn lạnh tanh của bà khiến ông nản lòng hơn bất cứ lời xua đuổi nào.

Mùa nào của người kệ thây thiên hạ, sau Tết người mình cứ gọi là xuân thì năm mới. Xuân thì của ông bây giờ coi như tiêu diêu miền tiên cảnh. Ông còn nhúc nhích thế này là may mắn lắm rồi, vợ ông hôm chạy dốc vào bệnh viện, thấy chồng còn sống đã vừa cười vừa khóc... trời ngó lại cho ông sống thêm ngày nào mẹ con tôi ơn trời ngày đó. Ông ôm đồm quá, lúc nào cũng sống gấp bốn lần thiên hạ người ta một vợ năm con đủ sụm bánh chè, ông sáu bảy nhân tình, chưa kể đầu đường xó chợ đếm không nổi. Chưa gãy cột sống là may lắm rồi...

Đang miên man ông giật mình nhảy nhổm người trên ghế.. Kim Sa và Dân đang chạy bộ băng ngang công viên. Giờ này muôn nghìn ngọn đèn giăng chi chít trên hai hàng cây chưa được thắp sáng, vậy mà hai kẻ chạy bộ cứ chấp chới như muôn triệu bóng đèn, vàng chói trong mắt ông. Dân mặc quần sọc, áo thun xanh đậmbó chặt vồng ngực u nần cuồn cuộn. Hột cát sông Hằng của ông lộng lẫy hơn bụi hướng dương vàng hực bên kia bồn cỏ. Bà mặc T shirt vàng, lao người chạy ù tới qua mặt Dân rồi đứng lại múa hai tay lên trời cười như nắc nẻ. Ông muốn bóp còi xe phá đám, tiếng cười của bà chắc ông nghe bằng âm hưởng!? Còi xe Sydney hay còi xe Sài gòn? Cầu trời khấn phật họ đừng trông thấy ông. Ông nghẹt thở quá, không phải cái nghẹt thở bình thường của kẻ bị phụ tình. Trái tim ông rền lên những âm động nguy kịch hơn nhiều. Ông muốn mở máy xe vọt đi cho khuất mắt. Nhưng tay ông run bần bật, đút mãi chìa khóa không chịu khớp vào khe máy. Ông giơ chùm chìa khóa lên nhìn, khóa xe, khoá cửa, khoá gara... Khóa cái gì nữa bây giờ? Hồi đó, thấy quân đội bỏ dân chạy tán loạn... mất Ban mê Thuột, Pleiku, Kontum, bỏ rơi Huế, bỏ luôn Đà Nẵng... Lúc hốt hoảng bỏ nhà ra đi, ông cũng tự tay khoá chặt cửa trước cửa sau của ngôi nhà đồ sộ đường Công Lý. Sài gòn có bao nhiêu ngôi nhà khoá chặt cửa, mất vẫn hoàn mất. Ông để lại bao nhiêu mối tình. Không khóa nổi tình yêu đừng già đừng trẻ. Tình yêu! Từ nay đừng nhắc tới danh từ ôn dịch này nữa. Ông nhìn xuống cánh tay nhão nhừ của ông đặt trên bánh lái, rồi vội vàng nhắm mắt lại. Già rồi, già thật mất rồi. Mãi đến hôm nay ông mới chịu nhìn xuống thịt xương của mình.

Thời gian như nén chặt trong sâu thẳm bùi ngùi. Lúc ông ngửng lên, xanh trời xanh đất đều biến mất. Mây giông từ biển ùa vào. Gió ào lên, hột cát vàng lóng lánh của ông chạy vun vút, biến khỏi tầm nhìn. Ông thót người nhớ những cơn mưa thịnh nộ của Sài gòn. Té tát ra với ai ông cũng là người tệ bạc hết. Kim Sa mười chín tuổi, áo mưa chùm đầu chạy lúp súp ra xe... ông ngồi yên vị trong xe, giầy không chịu ướt chỉ với tay mở sẵn cửa, hột cát vàng ướt át nép sát vào ông cho đỡ lạnh. Bao nhiêu năm trời ông không bao giờ tự hỏi... vừa mới lớn lên yêu nhằm người có vợ như ông, Cát Vàng khóc bao nhiêu hồ nước mắt?

Ông kẹt dưới mưa, trận mưa cuồng nộ của Sài gòn năm 75 bò sang tận đây để hỏi tội. Mặt không ướt, chỉ có kính xe dòng dòng đổ nước, ông vẫn quơ tay lên chùi mắt. Cơn mưa thịnh nộ càng lúc càng hung dữ.

Lệ Hằng

Reply%20With%20Quote
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 25/Oct/2017 lúc 11:17am

Một Kiếp Phù Sinh 


Nursing Home, Một Chiều Mưa Bão
Người đàn bà đến bên cửa sổ ghé mắt nhìn ra ngoài trời. Qua lớp mưa mù dầy đặc trắng xoá ngoài kia bà chẳng nhìn thấy được gì ngoài những tia chớp xé toạt không gian kèm theo hàng loạt tiếng sấm như long lỡ đất trời. Thời tiết chiều nay quá xấu, xấu hơn người ta đã dự đoán và xấu hơn sự suy nghĩ của Quang, đứa con trai lớn của bà. Đã mấy tháng rồi nó mới có dịp bay về thăm bà vậy mà hôm nay trời lại mưa bão quá chừng! 
Trước khi lên máy bay nó còn gọi báo cho bà biết:
– Bên đây thời tiết đẹp lắm má! Mong rằng khi con bay sang đến Cali thì trời quang mây tạnh, con sẽ chở má đi ăn và ở chơi với má đến tối mới về lại khách sạn.

Bà biết Quang đã đặt mua vé máy bay hơn hai tuần trước nên chuyện mưa bão hoàn toàn là do "ý trời". Hôm Quang gọi điện thoại báo tin sẽ sang thăm và ở chơi gần một tuần lễ, bà thật vui mừng và không tin vào tai mình, nhưng vẫn thấy lo lo trong lòng nên đã hỏi lại:
– Lần này con qua thăm má lâu vậy mà sao lại đi có một mình vậy con?
Quang hiểu ý má nên nói ngay để bà yên tâm:
– Hè này ba má vợ con từ Việt Nam sang thăm và ở chơi với tụi con trong vòng ba tháng. Họ đã ở nhà con được sáu tuần rồi, giờ đây muốn đi thăm bà con ở những tiểu bang khác. Nhân tiện mấy đứa nhỏ được nghỉ hè nên vợ con sẽ dắt chúng đi chơi cùng ông bà Ngoại. Con nghĩ đây là dịp hay nhất để sang "hủ hỉ" với má ít hôm để má đỡ buồn!

Bà có tất cả ba người con. Quang là anh cả và cũng là đứa quan tâm đến bà nhất nhưng ông trời cũng khá trớ trêu nên hai mẹ con gần như lúc nào cũng sống xa nhau. Hồi nó mới 13 tuổi đã phải theo ba xuống tàu vượt biên. Gần mười năm sau hai má con mới gặp lại thì nó đã trưởng thành và thường xuyên phải đi công tác xa nhà hai người cũng ít có dịp sống cạnh nhau. Nó là đứa vất vả với gia đình nhiều nhất và cũng là đứa có hiếu nhất trong mấy anh em. Ngay từ những ngày mới đặt chân lên nước Mỹ nó đã đi bỏ báo, chạy bàn làm đủ thứ việc để kiếm tiền phụ giúp ba lo cho má và hai em còn kẹt ở lại Việt Nam. 

Rồi đến khi xong lớp mười hai thay vì vào Đại Học thì nó lại quyết định theo khóa đào tạo chuyên viên kỷ thuật hai năm để sớm ra trường kiếm việc làm phụ giúp ba bảo lãnh một nữa gia đình sang Mỹ đoàn tụ. Phải chờ đến khi nhà cửa đã ổn định, các em đã vào đại học hết nó mới chịu quay lại trường để lấy bằng Kỷ Sư Xây Dựng.

Hai đứa em nó thì may mắn hơn thằng anh rất nhiều vì không phải nếm mùi "vượt biên" và lúc nào cũng có mẹ bên cạnh chăm sóc. Có lẻ chính vì thế mà tụi nó không có những đức tính chịu thương, chịu khó như anh của chúng. Con gái lớn của bà sau khi xong trung học thì vào Y Khoa rồi tốt nghiệp Bác Sĩ một cách khá dễ dàng, nó ra trường hai năm sau thì kết hôn với anh chàng Mỹ trắng lớn hơn vài tuổi và cùng học chuyên ngành Giải Phẩu. Cuộc sống của hai vợ chồng nó cũng khá hạnh phúc. Bà mừng cho con gái của mình.
Riêng thằng Út sau khi xong Đại Học ngành Tài Chính đã về đầu quân cho một hãng xe hơi khá nổi tiếng trong vùng. Làm được vài năm thì nó kết hôn với một cô Việt Nam vốn thuộc dòng danh gia quý tộc từ trước năm 1975 tại Sàigòn. Vợ chồng nó cũng khá đầm ấm. Bà cũng mừng cho thằng Út của mình.

Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của vợ chồng bà là Quang đã ngoài ba mươi tuổi mà vẫn chưa chịu cưới vợ. Thấy ba má cứ hối thúc chuyện vợ con thì nó bảo:
– Má ơi! Mấy cô Việt Nam lớn lên bên này nhìn cao lắm con với không tới nổi đâu, còn mấy nàng người Mỹ thì lại không phù hợp với tính cách của con. Chắc ba má còn lâu lắm mới có "cháu Nội đích tôn" để ẩm bồng!

Ấy vậy mà chỉ vài năm sau đó khi nhà máy chuyển sang làm việc ở Florida thì Quang tình cờ quen với một cô du học sinh Việt Nam mới ra trường và đang đến hãng nó xin việc. Hai đứa quen nhau, yêu nhau và tiến đến hôn nhân như là một duyên phận được sắp xếp từ kiếp nào! Bà cũng mừng cho tụi nó quá!
Có thể nói đây là khoảng thời gian viên mãn nhất của gia đình bà khi con cái đã lớn, đều thành đạt và có cuộc sống khá ổn định. Sau những chia cắt, mất mát, hy sinh giờ đây vợ chồng bà đã có thể mỉm cười khi thấy thành quả của mình gieo trồng bấy lâu nay đã sinh quả ngọt. 

Nhưng rồi tai ương hoạn nạn bỗng đổ xuống cho gia đình bà một cách bất thình lình! 
Mười năm trước chồng bà được phát hiện có khối u trong trong não. Bệnh trạng của ông biến chuyển quá nhanh và ông đã ra đi chỉ trong vòng vài tháng sau đó. Ông mất quá bất ngờ khiến cho bà thật sự bị hụt hẩng, biết bao dự tính mà hai vợ chồng bà đã phát thảo cho tuổi già của hai người đành phải bỏ dở dang. Năm đó bà mới 62, vẫn còn đi làm part-time nhưng vì tinh thần và sức khỏe quá suy sụp nên các con đã khuyên thôi má hãy về hưu sớm đi, tụi con đủ khả năng lo cho má mà. Bà cũng không thể nào làm khác hơn vì thấy sức khỏe của mình ngày càng xuống dốc trầm trọng!

Khi chồng mất rồi bà mới cảm nhận hết nổi trơ trọi trên đời. Bốn mươi hai năm cùng sánh bước bên nhau, tuy có một khoảng thời gian chia cắt nhưng họ vẫn luôn tin tưởng sẽ có ngày trùng phùng.
Giờ đây chỉ còn lại một mình bà lủi thủi ra vào trong căn nhà trống, bà bắt đầu thấy sợ bóng đêm, sợ một mình, sợ ngày dài và sợ cả đêm thâu. Bác sĩ cho biết bà đang bị trầm cảm nặng, trước mắt cần phải thay đổi môi trường sống thì mới mong thuyên giảm.

Ba đứa con họp lại bàn với nhau sẽ đưa má về ở với ai? Trước tiên vợ chồng Quang có mời bà sang ở với tụi nó, bà cũng muốn lắm nhưng ngặt một nổi nó cứ đi công tác xa nhà luôn nên bà ở lại Cali vẫn hay hơn. Dẫu sao bên này bà vẫn còn hai đứa con và đám cháu Nội, Ngoại. Nhưng giữa đứa con gái và thằng Út bà sẽ chọn ai? Nhất định bà không muốn sẽ trở thành người-nước-ngoài khi sống trong gia đình của con gái mình, tụi nó nói toàn tiếng Mỹ, làm sao bà có thể hoà nhập được. Cuối cùng bà quyết định về ở với thằng Út, vợ nó đang mang bầu đứa thứ hai bà nghĩ mình sẽ có thể "hụ hợ" chúng trông chừng đám cháu nội sau này.
Nghĩ như thế nên bà quyết định bán căn nhà bốn phòng ngủ của mình để đưa tiền cho thằng Út mượn-vốn-làm-ăn. Với số tiền của bà cộng thêm tiền của ba má vợ, tiền vay ngân hàng và tiền dành dụm của hai vợ chồng nó bấy lâu nay cũng tạm đủ cho thằng Út "ra riêng" mở một đại lý bán xe khá khang trang. Đồng thời từ ngôi nhà nhỏ ba phòng ngủ hai vợ chồng nó đã mua một căn nhà trên núi thật tráng lệ.

Lúc còn sống trong căn nhà nhỏ mỗi ngày bà còn thấy thằng Út, nhưng từ khi dọn sang nhà mới bà hầu như không thấy mặt con mình đâu nữa cả. Nó đang bơi trong cả núi công việc nên làm sao có thời gian dành cho bà! Thêm vào đó căn nhà rộng lớn thênh thang quá, nó dường như kéo tình mẹ con của bà ngày càng xa thêm. Khi thằng Út đi làm về thì bà đã an giấc, vào buổi sáng lúc bà đang lui cui lo điểm tâm sáng cho cả nhà thì nó từ trên lầu đi xuống tai vẫn áp vào cái điện thoại, nó đưa tay vẫy vẫy như chào bà rồi đi thẳng vào garage lấy xe đến chỗ làm.

Chỉ vào dịp cuối tuần thì thằng Út mới nghỉ trọn vẹn ở nhà vào ngày Chúa Nhật. Đây là lúc nó dành thời gian cho vợ con của nó! Thường gia đình nó hay đi chơi cả ngày, khi về đến nhà thì vợ chồng con cái kéo nhau lên lầu, sau khi hỏi thăm bà vài câu xã giao lấy lệ. Mùa hè gia đình nó đi chơi xa có khi một hay hai tuần mới về.
Bà ở nhà bơ vơ, buồn tủi, đơn độc. Lúc đó bà chỉ biết khóc thầm một mình với mây trời, hoa lá và chim chóc trong vườn.

Còn đứa con gái của bà thì cũng không khá hơn em nó chút nào. Từ ngày bà dọn về sống với thằng Út nó chỉ ghé thăm bà "năm khi, mười họa" lấy cớ bây giờ má ở xa quá và cao quá con phải lái xe cả tiếng đồng hồ mới đến nơi. Nó luôn than thở rằng lúc này con phải vừa đi dạy, vừa làm việc trong bệnh viện nên bận lắm má à! Bà chỉ biết cười buồn mà chẳng nói được lời nào!

Khoảng thời gian này niềm vui hiếm hoi nhất của bà là mỗi lần Quang về thăm. Đó là dịp duy nhất mà gia đình cùng sum họp bên nhau. Trong một lần cả nhà đang quây quần bên bàn ăn thì bà buông đũa nhìn từng đứa con của mình rồi chậm rãi nói:
– Má xin các con hãy giúp má thực hiện ước nguyện cuối cùng của đời mình.
Mọi người bỗng im lặng và đổ dồn ánh mắt về phía bà. Quang hỏi bà với giọng khá ôn tồn:
– Chuyện gì vậy má. Má hãy nói cho mấy anh em tụi con biết ngay đi.
Bà cười buồn và chậm rãi nói:
– Má muốn vào Nursing Home ở con à! Má nghĩ trong đó sẽ tốt cho má và tốt cho cả … các con nữa. Từ nay các con không phải lo lắng nhiều cho má như trước!
Quang im lặng suy nghĩ vài giây rồi ngẩng lên nhìn hai đứa em. Chúng nó đang cuối mặt lẫn tránh ánh mắt của anh. Quang đã hiểu ra tất cả rồi và bằng giọng khá điềm tĩnh, anh nói:
– Ngày mai chúng con sẽ chở má đi chọn Viện Dưỡng Lão. Nếu má thấy ưng ý cái nào nhất thì tụi con sẽ thu xếp cho má vào ở ngay trước khi gia đình con về lại Florida. Con hứa trong thời gian tới sẽ bay qua thăm má thường xuyên hơn.

Sáng hôm sau thằng Út lấy cớ có hẹn với khách hàng và cô con gái của bà bảo phải trực bệnh viện nên cả hai không thể đi cùng. Chỉ có vợ chồng Quang dẫn bà đi chọn Nursing Home. Mặc cho Quang nài nỉ khuyên bà hãy chọn một nơi "cao cấp" chút để ở nhưng bà nhất định từ chối. Cuối cùng bà đã vào sống trong Viện Dưỡng Lão này vì thấy không khí và cách phục vụ của mọi người khá chu đáo, thân thiện. Nhưng điều quan trọng nhất khiến bà đưa ra quyết định này là vì nó nằm ở khoảng giữa và không xa nhà của hai đứa con là bao, cũng tiện đường cho tụi nó có đi đâu thì dễ dàng tấp vô thăm bà.

Những suy tính của bà tưởng sẽ khả thi nhưng suốt thời gian hơn ba năm bà sống trong Viện Dưỡng Lão cho đến nay thằng Út chỉ đến thăm bà đếm chưa đủ trên mười đầu ngón tay. Lý do nó đưa ra chính đáng quá mà, má ơi dạo này con mới mở thêm một cái chi nhánh bán xe nữa ở tiểu bang khác nên phải bay đi bay về như con thoi. Mỗi lần nó đến thăm bà chừng độ nữa tiếng là tối đa nhưng nó nói chuyện với bà thì ít mà nói với cái điện thoại của nó thì nhiều. Bà đâm ra mang mặc cảm làm phiền nó, nên có lần bà đã bảo:
– Chừng nào con có thời gian rãnh rỗi thì thu xếp vô thăm má. Má ở trong này cũng tốt lắm, các Bác Sĩ, Y Tá và nhân viên đều rất tận tình, chu đáo. Con cứ yên tâm mà lo công việc của mình.

Thế là sau này nó chỉ nhắn tin "thăm" bà trên điện thoại là chủ yếu. Vậy cũng tốt cho nó và cả cho bà. Bà khỏi phải mong ngóng và chờ đợi những lần nó đến thăm và nếu vì lý do gì đó nó không đến được thì bà sẽ không phải buồn suốt mấy ngày liền. Thêm một điều nữa là từ ngày dọn vào đây sống bà không hề thấy bóng dáng của con dâu và ba đứa cháu Nội đâu cả. Bà nhớ ba đứa cháu của mình nhiều lắm vì bà cũng đã từng gần gũi, chăm sóc chúng suốt năm năm trời rồi còn gì. Sau này bà mới biết rằng hai vợ chồng thằng Út không muốn dẫn con vô đây thăm bà Nội vì sợ môi trường sống của người già sẽ dễ lây bệnh cho tụi nhỏ!!!

Con gái của bà thì cũng không hơn gì em nó. Lúc trước nó hay tạt vô thăm bà trên đường đi làm về nhưng cũng chỉ là vài tháng một lần, mà lần nào nó cũng đều than rằng lúc này con bận dữ lắm vì sắp tới Mark và Ben sẽ vào Đại Học, tụi con đang cật lực kiếm tiền để chuẩn bị cho hai anh em nó vào Harvard hay Yale. Tính sơ sơ chi phí của hai đứa sau bốn năm cũng cỡ nữa triệu đô la là ít. Đây cũng là một lý do chính đáng nó đưa ra khi không thể vào thăm bà thường-xuyên-như-trước. Bà chỉ nuốt nước mắt vào lòng. Nhớ mới ngày nào lúc ba mẹ con còn ở lại Việt Nam, khi chồng và con trai còn ở đảo, mỗi ngày bà phải đi buôn bán nên thường gửi con cho hàng xóm ngó chừng dùm. Chiều nào về tới nhà cũng thấy hai chị em nó mếu máo đứng chờ; hôm nào bà nghỉ bán thì tụi nó mừng lắm, xúm xích bên má không rời nữa bước. Giờ đây mọi việc đã khác xưa rồi! Các con nay đã lớn. Bà thì đã già. Tụi nó cần gì ở bà nữa chứ?!

Càng nghĩ bà càng thương cho thằng Quang. Cứ mỗi buổi chiều sau khi ra khỏi hãng là nó gọi nói chuyện với bà suốt đoạn đường lái xe về nhà. Rồi thì cách vài tháng là nó bay sang thăm bà một lần, nếu là dịp lễ thì nó đi với vợ con, thường thì nó bay sang một mình ở chơi với bà từ chiều Thứ Sáu đến chiều Chúa Nhật thì về, để sáng thứ hai đi làm sớm. Hai mẹ con tuy xa nhưng cũng thật gần. Nó là niềm an ủi duy nhất mà bà có được ở tuồi gần đất xa trời này.

Vào sống trong Viện Dưỡng Lão lâu ngày bà càng thấy thương cho những người đồng cảnh ngộ như mình. Cho dù họ là Trắng, Đen, Vàng hay… "pha trộn" thì họ và bà cũng đều có chung một nổi buồn của tuổi già như nhau. Ở trong này mỗi khi ai đó có con cái sắp sửa vô thăm là dễ biết lắm. Họ sẽ chộn rộn chàng ràng suốt từ mấy hôm trước. Họ nói năng huyên thuyên, cười đùa luôn miệng. Đó là dịp cho họ lôi những bộ cánh lâu ngày được cất kỷ trong tủ ra mặc thử, đi tới đi lui ngắm nhìn mình trong gương, như sắp chuẩn bị đi dự giải Oscar. Thiết nghĩ vào thời điểm 50 hay 60 năm trước thì buổi hẹn hò đầu tiên của họ chắc cũng chỉ hân hoan và hạnh phúc đến thế là cùng!

Có lần một bà Mỹ Trắng sống cạnh phòng bà sang khoe rằng ngày mai con trai của bà ấy sẽ đến thăm và chở đi xem phim vì là Sinh Nhật 80 tuổi của bà. Nhiều người đã đến chúc mừng cho bà mẹ hạnh phúc này. Tới ngày hẹn, bà mẹ đó đã dậy thật sớm, ngồi trang điểm hàng giờ thật cẩn thận trước gương và thay bộ đầm mới nhất chưa một lần mặc qua rồi chờ con trai đến đón. Thời gian chậm rãi trôi qua một giờ, hai giờ… cho đến bốn, năm giờ đồng hồ sau bà vẫn không thấy bóng dáng con mình đâu cả. Bà sốt ruột gọi cho nó nhưng điện thoại đã tắt mất rồi!!! Cuối cùng, một nhân viên của Nursing Home với vẻ mặt đầy ái ngại đã mang đến trao cho bà một bó hoa thật lớn, thật đẹp và một tấm thiệp với biết bao lời lẽ thật hoa mỹ. Lý do con bà không đến được vì có công việc đột xuất vào giờ chót và anh ta hứa sẽ đến thăm mẹ vào một-dịp-khác.

Bà mẹ đáng thương kia đã ôm bó hoa và chết lặng trong lòng. Không ai dám bước đến để an ủi bà một lời nào cả. Bà lẳng lặng ôm bó hoa vô phòng mình, lẳng lặng đặt nó lên giường và sáng hôm sau bà đã lẳng lặng ra đi với chiếc áo đầm mới tinh còn mặc trên người.

Người mẹ tội nghiệp kia cũng mang một chứng bệnh tim như bà, cũng có một đứa con bận rộn như hai đứa con của bà. Tuy nhiên, sức chịu đựng của bà xem chừng tốt hơn người mẹ kia vì con gái và thằng Út cũng đã từng thất hứa với bà khá nhiều lần!!! Cũng từ sau cái chết của bà-hàng-xóm mọi người đã cảnh báo với nhau rằng không được tin bất kỳ lời hứa hão nào cả, dù cho đó là lời hứa của núm ruột mà mình đã đẻ ra! 

Mải lo suy nghĩ miên man mà bà quên khuấy rằng mưa ngoài trời đã tạnh từ bao giờ. Ngó nhìn đồng hồ. Ôi chao trễ quá rồi! Quang có nói khoảng ba giờ máy bay sẽ đáp xuống, con đi hành lý rất gọn nhẹ nên sẽ ra mướn xe liền; chắc trễ lắm là năm giờ con sẽ đến chỗ của má. Bây giờ đã gần tám giờ tối rồi nhưng vì mùa hè nên trời vẫn còn sáng, bà nghĩ chuyến bay của con mình chắc đã tạm hoãn ở đâu đó và có lẽ nó cũng sắp đến rồi. Bà nhìn ra cửa sổ lần nữa, những tia nắng yếu ớt bắt đầu chiếu xuyên qua các đám mây đen còn lãng đãng trên cao. Từng mảng bầu trời trong xanh dần xuất hiện sau gần một ngày lẫn trốn biệt tăm.

Trong niềm vui mừng khôn tả bà lục trong ngăn kéo lấy thỏi son đã lâu ngày không dùng tới, bà cầm nó lên định tô phớt hồng đôi môi của mình thì mắt bà bỗng vô tình dừng lại ở cái TV đang treo trên tường. Tiếng cô xướng ngôn viên đang thông báo trong mục Breaking News cho hay chiếc máy bay mang số 707 của hãng hàng không XXX đến từ Florida đã gặp tai nạn khi đáp xuống đường băng tại phi trường Los Angeles vào lúc 3:10pm chiều hôm nay do thời tiết quá xấu. Một nhân viên của phi hành đoàn và vài hành khách đã bị thương nặng, những nạn nhân đã được đưa vào bệnh viện hiện trong tình trạng khá nguy kịch. Mọi chi tiết sẽ được thông báo sau.

Thỏi son trong tay bà rơi ngay xuống đất. Bà thấy như mọi thứ đều tối sầm lại. Ngay khi lúc đó bà nghe ngực mình đau khủng khiếp như không còn đủ hơi sức để thở. Bà cũng không còn kiểm soát được tứ chi của mình nữa nên đành để nó đổ quỵ xuống sàn nhà. Trong giây phút giữa đôi bờ sanh tử bà bỗng nghe tiếng con trai của mình gào lên thản thốt: "Má ơi! Con đây nè má!" Bà cố nhướng mắt lên nhìn gương mặt thân yêu của con mình lần sau cuối, mỉm môi cười đầy mãn nguyện với nó, rồi thanh thản từ từ khép mắt lại.

Một chiều mưa bão trong Nursing Home có một người mẹ đã vĩnh viễn ra đi và có một đứa con đã vĩnh viễn mất mẹ!
Chuyện bình thường cũng như bao chuyện bình thường khác đã xảy ra trên thế gian! Người ta đến cuộc đời này với những hạnh phúc, những khổ đau rất riêng và cũng rất chung để rồi lần lượt ra đi sớm hay muộn, trước hay sau … không trừ một ai!
Kiếp người vốn dĩ chỉ là duyên hợp. Chỉ là vô thường!


Nguyễn Bích Thủy 
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 21997
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 30/Oct/2017 lúc 7:52am

Người Mẹ Cô Đơn 


Sáng nay rỗi việc, tôi nhận lời ủy thác của anh bạn nhờ tôi chở một bà cụ với hai cái va li và một tấm nệm từ Dallas đi Arlington, vì xe anh không chở được tấm nệm nên anh mới nhờ tôi.

Tôi đến căn nhà mới xây (theo địa chỉ). Nhìn qua cũng biết giá trị căn nhà hơn hai trăm ngàn. Tôi nghĩ nhà đất ở đây rẻ, chứ căn nhà mới này ở Cali, hay Boston, thì bạc triệu. Người Việt Dallas giàu quá khi tôi vừa lái qua những căn nhà xập xệ của người Mễ chừng vài chục ngàn.

Xe lăn bánh, tôi không khỏi ngậm ngùi với hành trang nghèo nàn của bà cụ nhỏ thó, bệnh hoạn. Ngoài tấm nệm, hai cái va li cũ, lớn nhỏ không đều, lại khác hiệu, đủ biết chủ nhân không giàu; một bà cụ gần đất xa trời còn lỉnh kỉnh túi xách, rổ nhựa đựng quần áo chưa giặt-có cả hũ thức ăn khô gì trong đó nữa… "Người đàn bà đi cầu hôn thần chết". Tôi đặt tên cho cụ trong tư tưởng kín bưng của mình.

Thấy cụ thở không ra hơi lúc lên xe làm tôi cũng hơi lo. Nhưng nhìn kiếng chiếu hậu thì cụ không đến nỗi khiến tôi phải đổi lộ trình vô bệnh viện gần nhất. Tôi mong đến nơi càng sớm càng tốt.
Xe ra xa lộ bon bon rồi. Cụ khoẻ lại sau cú leo lên cái xe hơi cao. 
Cụ hỏi tôi, "Anh được mấy cháu?" -để mở đầu tâm sự của người mẹ cô đơn trên nước Mỹ bao la… Cụ vô chuyện lòng nhẹ hều như hơi thở của cụ ban nãy…
"…Ông nhà tôi ngày xưa là sĩ quan Phòng 7 – Tổng tham mưu. Sau 75 đi tù. Nhưng tôi nhờ được tay cán bộ lớn bảo lãnh chồng tôi ra. Tôi chỉ nói chồng tôi là người bắt điện thoại ở Tổng tham mưu ngày trước… Vì thế, ông nhà tôi về sớm, nhưng không được đi theo diện H.O là vậy! Ông ấy về sớm, nhưng buồn chán nên chết sớm…"

Bà cụ khóc trong kính chiếu hậu – thật cay đắng! Tôi nghĩ thế, nhưng không hiểu cay đắng lẽ gì? Cay đắng cho người vợ lính trong chiến tranh và hoà bình ở quê xưa, hay cay đắng cho chuyện nhờ cậy bên thắng cuộc, và hậu quả…

Cụ tỉ tê cho tôi nghe, từ băng sau xe, tiếng cụ rặt giọng bắc làm tôi nhớ mẹ tôi nhiều…
"… tôi kém phước anh ạ! Tôi có mười hai người con. Chín đứa còn ở Việt nam, ba đứa bên Mỹ. Tôi không đi ở nhà con này, con kia như anh nghĩ đâu. Tôi đi ở thuê nhà người ta đây! Vì con gái tôi ở Arlington thì nó đang sống chung với chồng con và bố mẹ chồng của nó. Tôi đâu ở chung được. Thằng con trai thì cũng sống chung nhà với vợ con và bố mẹ vợ của nó. Tôi cũng không ở chung được. Còn căn nhà mà anh đến đón tôi là nhà thằng con cả. Cả đời tôi mới ở nhà con đúng mười ngày thì phải nhờ anh đến dọn đi đây…"

"Bác qua Mỹ lâu chưa? Trước đây, bác ở đâu?" Tôi hỏi cụ,
"Tôi qua Mỹ được 9 năm. Mỗi năm tôi ở Mỹ 9 tháng, về Việt nam 3 tháng – toàn ở mướn chứ không ở với con cái nào được, như tôi đã nói. Nhưng bây giờ tôi phải ở Mỹ lâu dài để trị bệnh. Khổ là tôi không thể ở nhà thằng con cả được. Hôm tôi mới từ Việt nam qua, tháng trước. Tôi ở nhờ con cháu ở Apartment vì tôi bệnh quá nên cũng cần có người ở bên tôi đêm hôm. Nhưng phòng nó chật chội và phiền phức quá nên thằng cả đến đón tôi về nhà nó ở. Tôi cũng bất đắc dĩ vì bệnh hoạn chứ đâu muốn làm phiền con cái. Nhưng buồn lắm anh ạ! Tôi ở được đúng mười ngày thì hôm nay phải dọn đi thôi. Tôi định dọn về Houston, ở với đứa con gái của người hàng xóm với tôi bên Việt nam xưa kia. Nó hứa giúp tôi. Nhưng con gái tôi đã xin trị bệnh cho tôi ở Arlington, nên tôi phải dọn về Arlington để trị bệnh vài tháng. Không chết thì tôi dọn về Houston với con gái người hàng xóm…"

Tôi nghe tâm sự buồn nên cũng kém vui mà thưa cụ, "Bác lớn tuổi rồi, lại bệnh hoạn. Đâu thể xa con cái ruột của bác được, vì khi hữu sự thì ai lo cho bác. Và sao lại đi sống với người con của người bạn ở mãi Houston. Bác nên suy xét lại chuyện đó cho cảm giác của con cái bác. Các anh chị có hoàn cảnh đã khó, bác làm mẹ nên không nên… xử sự như thế! Bác hiểu ý cháu chứ! Bác ở share phòng ở nhà người dưng vì hoàn cảnh, nhưng gần con gái bác là ổn lắm rồi! "
"Thì bây giờ tôi dọn đến ở với hai vợ chồng ông này ở Arlington. Họ đã hơn sáu mươi tuổi, nhà không con cái. Ông chồng ở nhà ăn tiền bệnh, vợ còn đi làm. Tôi cũng gần con gái tôi rồi, có gì nó chạy sang giúp tôi… Anh nói cũng phải nhỉ!"
"Cháu xin lỗi…"
"Anh ạ! Họ cho tôi thuê một phòng, không hạn chế sử dụng restroom anh ạ! Tôi thật mừng."
"Bác nói sao…?"
"Cơ khổ. Ở nhà thằng con cả, thì con trai lớn nó ở riêng phòng lớn nhất, có restroom riêng trong đó. Không ai được vào phòng nó."
"Rồi! Thằng đó là bác sĩ hay nha sĩ?"
"Không. Nó là dược sĩ. Nhưng sao anh hỏi vậy?"
"Cháu đoán thôi! Bác đừng nghĩ xấu về những người tuyệt đối vệ sinh nên không chung chạ được với ai! Hiểu thế, tốt hơn cho bác. Mọi phiền não nhẹ bay… ô-kê!
"Ô-kê. Tôi hiểu ý anh rồi…”
Cơ khổ. Còn lại hai vợ chồng thằng cả, thằng con nhỏ và tôi, bốn người xài chung một restroom. Mỗi sáng, tôi đã chịu khó nín nhịn chờ đợi, hỏi con trai, con dâu, cháu nội đã sử dụng restroom xong chưa, rồi mới đến mình. Thế mà thằng con cả vẫn quát vào mặt tôi chiếm dụng restroom lâu quá, chỉ vì một hôm nó đau bụng bất tử sau khi đã dùng restroom trước đó.

Tôi ở mới có chục ngày, mà sáng nào nó cũng cằn nhằn tôi đi restroom xoành xoạch suốt đêm thì nhà cửa nào chịu nổi… Tôi khổ quá! Mình bệnh hoạn, tuổi già, thật là phiền phức…"
"Sao bác không ở bên Việt nam với con cháu đông vui. Thui thủi bên này một mình làm gì cho khổ."
"Thì bệnh thì phải đi tìm thầy, tìm thuốc chứ sao anh. Hóa trị với xạ trị thì tiền đâu cho đủ ở bên Việt nam…"
"Cháu không hiểu được anh con cả của bác sao lại để bác bệnh hoạn, tuổi già như thế này mà đi ra ở share phòng với người dưng? Bác có chuyện gì ai lo? Cơm nước hàng ngày ai nấu cho bác ăn, ai giặt giũ cho bác…?"

"Thì phước phần là thế! Tôi bây giờ chỉ còn cậy vào đứa con gái. Nó cũng đã sáu mươi tuổi rồi. Nhưng còn làm dâu hàng ngày. Tôi lại còn làm khổ nó miếng cơm, tô cháo, gói quần áo cần giặt giũ… Nó làm sao mà kham nổi lo lắng cho chồng con, bố mẹ chồng ngày hai bữa, lại còn mẹ ruột bệnh hoạn phải chạy tới chạy lui. Tôi định về Houston là vậy!

Tôi nghĩ mà buồn cái thằng Cả nhà tôi sướng từ bé. Nó chẳng thiếu thứ gì vì thời trẻ tôi làm ăn được lắm! Cung phụng nó đủ điều hơn người. Nó đi đại học, ra trường, thì mê con vợ nó bây giờ đó. Nó về nhà bảo tôi cưới vợ lúc gia cảnh tan hoang. Tôi bấm bụng bảo nó, ai lại đi cưới vợ tháng bảy. Cho mợ một tháng để dọn dẹp nhà cửa, và cho qua tháng ngâu đã con. Nói thế để có thêm chút thời gian nghĩ cách cho con chứ mẹ nào từ chối được con cái chuyện nó muốn lập gia thất. Ai ngờ nó đi báo với bên nhà gái, bố mẹ nó đi vượt biên, chết hết rồi!
Có con cái nào như thế chứ! Đám cưới nó không có mặt tôi mà nó nhẫn tâm được. Nó bỏ nhà, bỏ mẹ, bỏ đàn em đi sống riêng, đến khi tôi gượng dậy làm ăn lại được thì nó mới mò về nhà, quát tháo…

Tôi làm ăn lại được thì mới có tiền cho gia đình thằng con trai với gia đình đứa con gái vượt biên, bây giờ chúng ở Arlington là vậy! Còn thằng cả thì làm ăn khá nên cho con nó đi du học, tìm cách ở lại rồi bảo lãnh bố mẹ với em nó qua sau…"
"Tức là thằng cháu đích tôn của bác. Anh chàng làm dược sĩ đó, sanh đẻ bên Việt nam?"
"Phải."
"Cháu hiểu rồi! Không có gì thắc mắc nữa! Anh ấy không giống những người trẻ sanh đẻ bên Mỹ là vậy!"
"Cái thằng ấy làm tôi buồn còn hơn bố nó. Nó đi kiểm tra căn phòng tôi ở. Nó hỏi tôi đạo gì? Tôi nói, trên có Trời, Phật. Rồi đến Thần, Thánh… Nó bảo tôi: Cái đạo của bà là đạo cô hồn, chẳng ra gì hết. Tội lỗi, tội lỗi quá!
Nó hỏi tôi đẻ chi cho lắm, để chẳng ở với ai được, rồi làm phiền gia đình nó? Tôi bảo thời bà nào có biết kế hoạch hoá gia đình là gì đâu!

Tôi thấy phải dọn ra khỏi nhà thôi. Nhưng mấy hôm không khoẻ nên còn vướng bận để nó nói tôi, sao bà không ở bên Việt nam cho xong. Già cả, bệnh hoạn còn lết sang Mỹ làm gì… để phiền cho gia đình nó!
Tôi đi chậm vì chân tôi yếu. Tôi đâu có lết như ăn mày. Anh hiểu không, anh hiểu cái chữ lết nó làm tan nát lòng dạ tôi. Tôi đau đớn hơn ung thư nhiều…"

Nước mắt bà cụ lại chảy thành dòng trên gương mặt nhăn nheo. Làm tôi nghĩ đến cha nào con nấy. Lẽ ra người ta phải học thành nhân trước khi thành tài, thì đời nay tranh nhau lấy bằng… súc vật, để kiếm thật nhiều tiền, đi xe hiệu, ở nhà mới… Người con cả ở nhà mới xây mà để mẹ bệnh hoạn đi ở share phòng. Cụ nói trong nước mắt, "nhẽ như người ta, nó cũng đưa tôi đi, sắp xếp cho tôi chỗ ăn chỗ ngủ ở nơi lạ lẫm quê người này chứ! Anh thấy đấy, anh xin số điện thoại của nó để khi anh đưa tôi đến nơi thì gọi cho nó biết. Nó bảo không cần đấy phỏng! Nhưng khi nó thấy anh chất đồ, ràng buộc cẩn thận như người chuyên nghiệp, người làm việc có trách nhiệm, lương tâm… xe anh lại tốt và mới. Thì nó xin anh số điện thoại để khi nó cần chở đồ sẽ gọi anh. Đấy…"

Biết nói gì để an ủi bà cụ hơn là im lặng chia chung nỗi ngậm ngùi của phận người. Muốn kể cho bà cụ nghe chuyện Đức Phật đi hoằng pháp, nhưng người ta không biết ngài chính là Đức Phật nên hỏi ngài, "Thưa ngài, Đức Phật ở đâu, làm sao tìm gặp Người?" Đức Phật trả lời, "Phật ở trong nhà bạn. Cha mẹ của bạn là Phật. Hãy trở về nhà phụng dưỡng cha mẹ cho thật tốt, là thờ phụng Phật."

Nhưng kể ra câu chuyện đó là bất nhân với bà cụ vì người nghe phải là cha con anh cả. Càng nên kể thêm những chuyện nhân quả cho những người quên học bài học làm người trước khi học thành tài để giàu có. Phải chăng phong thổ địa dư làm nên người anh cả trong bài ca dao bất hủ,
"bốn con ngồi bốn góc giường
mẹ ơi, mẹ hỡi, mẹ thương con nào mẹ thương con út mẹ thay thương thì thương vậy có tày trưởng nam trưởng nam ăn được gì đâu một trăm cái giỗ đổ đầu trưởng nam"

Thôi làm thằng anh Hai như đứa bé mồ côi theo phong thổ địa dư xứ nó, câu chuyện ngắn chữ mà dài ý, kiệm lời mà sâu xa. Nó không tốt nghiệp đại học nào, không có bằng cấp gì… mà ai cũng xem trọng cái khí khái của nó. Chuyện kể mắc cười mà người đọc chậm nước mắt như sau:
… một cái xe hơi bóng loáng đang chạy trên đường. Không ai biết bên trong xe có người mẹ giàu có, đang dỗ dành cậu ấm của mình ăn miếng bánh kem đi con, ngon lắm đó! Nhưng thằng bé nhà giàu cáu gắt với mẹ vì không muốn ăn, nó bấm kiếng xe hơi xuống và ném quách miếng bánh kem xuống đường.

Trong khi thằng bé mồ côi nhanh mắt thấy được, nhanh chân chạy đến, nhanh tay xớt ngay miếng bánh lên tay mình. Phải cái xe vận tải nhanh hơn lao tới nó. Nó thì nhanh hơn thần chết là lao mình thoát thân – miếng bánh tõm xuống miệng cống. Công cốc.
Con em gái nó khóc ré lên,
"Anh Hai thiệt tình! Làm bánh lọt xuống cống rồi lấy gì ăn?"
"Thôi nín đi em…"
Nó xoè bàn tay còn dính kem của nó ra, "Nè, cho em ba ngón. Anh Hai hai ngón."
Anh Cả với anh Hai khác nhau ở tư cách chứ không phải văn bằng, địa vị hay nhà, xe… Nhưng nói ra làm gì cho thêm đau lòng bà cụ…

Tôi đến căn nhà mà bà cụ sẽ ở trọ vài tháng để chữa bệnh. Tôi biết bà cụ này không chết đâu, sức khoẻ có tệ nhưng nghị lực lớn lắm! Khoẻ lại là cụ sẽ đi Houston. Linh tính tôi mách bảo về bà cụ mới gặp lần đầu nhưng hiểu cụ như thân vì tôi cũng không thích làm phiền, để khổ cho người nhà.

Con gái cụ xin nghỉ làm nửa buổi để giúp cụ dọn vô nơi ở mới. Tách xách theo túi cơm, canh nấu vội cho mẹ có cái ăn. Tội cả hai người bị hoàn cảnh hành hạ đến khổ tâm. Đêm nay, người con khó ngủ vì lo mẹ có ngủ được không ở chỗ lạ. Trong khi sáng mai chị vẫn phải thức dậy đúng giờ để còn đi làm. Chị còn phải lo chồng con, cha mẹ chồng… thêm người mẹ ruột bệnh hoạn cũng cần bàn tay con cái giúp đỡ lúc tuổi già, đau yếu,… Còn cụ, đên nay có ngủ không, trong căn phòng lạ, khi nghĩ tới người con cả và thằng cháu đích tôn của mình. Ai rót cho cụ ly nước sau cơn ho khan đêm khuya, hay cụ tự hứng nước mắt mình để giải khát nỗi cô đơn trên xứ Mỹ lạnh lùng.

Tôi thì không ngủ được đêm nay rồi, vì bà cụ… đúng là "má tui"! Hoàn cảnh nào cũng chơi ngon, chơi đẹp, xả láng sáng về sớm. Tôi dọn nệm cũ trong căn phòng ấy ra, vì ông chủ nhà ăn tiền bệnh thì làm được gì, nhìn ông đi… còn chậm hơn bà cụ. Tôi bỏ nệm của cụ lên giường thẳng thớm, xách đồ vô phòng cho cụ xong xuôi. Tôi chào từ biệt để ra về. Nhưng cụ,
"Này anh ạ! Cảm ơn anh đã giúp tôi tận tình. Nhưng thế này, hôm qua, bạn anh có nói với tôi là một trăm đồng tiền xe. Thì đây, tôi xin gởi anh một trăm. Tôi xin gởi thêm anh hai chục… biếu anh uống cà phê, chơi thôi!"

Đúng là bà già chịu chơi chơi tới cùng giăng mùng chơi tới sáng, nên tôi nói, "Thôi bác cất hết đi. Coi như cháu giúp bác. Cháu không làm nghề này, chỉ vì sáng nay rảnh và xe cháu chở được tấm nệm nên cháu mới đi giùm ông bạn cháu thôi."

"Đâu thế được! Anh cầm lấy cho tôi vui. Tôi còn một việc nhờ anh giúp, là sáng nay tôi không ăn sáng ở nhà thằng cả. Bởi tôi kể chuyện ngày xưa thì cháu nội bảo là bà chẳng có chuyện gì mới để nói hay sao? Tôi ở trong nhà từ sáng tới… sáng mai thì biết đâu chuyện mới để nói. Tôi kể về thằng cả ngày còn bé, thì vợ nó nói nhàm quá, kể hoài… Mà giời không cho tôi câm nên tôi đói vì giận – không ăn. Tôi định bụng bảo anh chở tôi đi ăn sáng khi ra khỏi nhà. Nhưng bây giờ thì tôi mời anh đi ăn… bữa kỷ niệm với tôi. Anh chở tôi đi ăn… món gì thật ngon vào. Tôi không có nghèo đâu, còn đồng nào trong túi thì cứ tiêu đồng ấy cho nó vui vẻ. Mình đi thôi anh ạ!"

Từ chối cách gì cũng không được với bà cụ. Ra nhà hàng thì lại chưa tới giờ mở cửa. Tôi bảo cụ, bác cháu mình vô chợ rảo chơi, cho bớt nóng. Bà cụ kể chuyện đi thi quốc tịch bị rớt. Nhưng tôi cho là cụ quá giỏi tiếng Anh nên… rớt. Dù cụ đi thi quốc tịch không mất tiền vì đã tám mươi. Nhưng lần sau đi thi lại thì bớt nói tiếng Anh… sẽ dễ đậu hơn. Vì người hỏi thấy người được hỏi trả lời được là hỏi tới, hỏi tới… Bác chỉ cần nhớ cháu dặn là bác không bao giờ nói: Tôi không biết – I don't know. Mà bác chỉ nói: Tôi biết. Nhưng tôi quên – I know. But, I’m forgetting.

Bác quên chừng hai, ba câu là đậu liền. Vì người già có quyền quên, nhưng công dân Hoa Kỳ không có quyền không biết Tượng Nữ thần Tự do đặt ở đâu; Tổng thống đầu tiên của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ tên là gì, Tổng thống đương kim là ai?…

Bà cụ thật lanh trí, chỉ cần nghe và hiểu được một từ trong câu hỏi là cụ đoán ra cả câu hỏi – và biết trả lời bằng tiếng Anh – đúng. Nên bị hỏi tới, hỏi tới, hỏi tới… rớt luôn là vậy! (Thường mấy tay phỏng vấn thi quốc tịch Mỹ nhưng là người Mễ ở Texas không có thiện cảm nhiều với người Việt thì ai cũng biết và thường nghe nói tới trong chuyện thi quốc tịch ở xứ cao bồi. Gặp người phỏng vấn mình là Mỹ đen là dễ nhất, Mỹ trắng khó hơn, nhưng công bằng. Chỉ có Mễ là không ưa Việt nam…)

Tôi đi ăn tô mì với bà cụ rồi chia tay. Biết nói gì hơn những lời chúc may mắn cho việc chữa trị bệnh tật của bà cụ. Chúc cụ chóng hồi phục, chừng nào muốn đi Houston thì gọi cho hay. Tôi không làm nghề đưa đón nhưng với bà cụ thì tôi khoái cái lối chơi xả láng trước đi, đời có bao lâu mà hững hờ…

Tôi sẽ nhớ câu "còn đồng nào trong túi thì cứ tiêu đồng ấy cho nó vui vẻ." Tôi sẽ đưa cụ đi Houston khi cụ không thay đổi quyết định, vì nghĩ cho cùng những ngày ở trọ trần gian của cụ cũng chỉ còn ít ỏi như những đồng tiền còn lại trong túi thì tiêu hết đi, tiếc gì, miễn vui vẻ là được. Cũng cóc cần chừa mặt mũi cho con cái khi con đẻ tống mẹ bệnh hoạn ra đường ở tuổi gần đất hơn trời…

Phan
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 21997
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/Nov/2017 lúc 10:25am
Thân tặng các cụ cao niên sống trong “Nhà Già"
Irving%20Place,%20Gramercy%20Park.%20The%209%20Most%20Beautiful%20Streets%20in%20New%20York%20City%20via%20@PureWow

Ngẫm nghĩ mà thương mấy cụ già.
Một thời nhân vật của nước ta.
Thời thế đổi thay, đời thay đổi.
Lưu vong sang Mỹ, sống “Nhà Già”.
Con cháu trưởng thành, nên gia thất.
Căn phòng chỉ có, vợ chồng già.
Thể dục, thể thao không còn sức.
Loanh quanh, lẩn quẩn hết ngày qua.
Đọc báo, truyền hình hoài cũng chán.
Tìm vui khuây khỏa với bạn già.
Mỗi bữa hẹn nhau cùng họp mặt.
Vui cười, trò chuyện, đấu Bi-da.
Kết quả thắng thua không đáng kể.
Giải khuây cho hết một ngày qua.
Vơi bớt nỗi buồn thân viễn xứ.
Tạm quên việc nước ở quê nhà.
Vui được ngày nào hay ngày đó.
Chờ “Tàu Thiên Cổ” đón đi xa.


TC- Lão Mã Sơn.
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 68 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.301 seconds.