Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: MƯỜI ĐIỀU RĂN NGƯỜI GIÀ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 68 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 21997
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 10/Jan/2017 lúc 12:03pm

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 21997
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 23/Jan/2017 lúc 10:19am

Anh Ba Gà!

Image%20result%20for%20ga%20trong


Trước ngày 30 tháng Tư năm 75 tới, những người có kinh nghiệm đau thương ở miền Bắc trước 54, rất thông minh, nhanh nhạy với thời cuộc, đã bỏ nước ra đi trước khi Trời sập!

Nhưng cũng có người có thể đi được nhưng chọn ở lại. Sau bị quê xệ vì lầm!

Nên xa em rồi nhớ em nhiều; bèn viết nhạc để trải nổi lòng… thòng!

Dù biết thân, nịnh nọt hết mức, vẫn bị bọn Tuyên huấn kiểm thảo ráo riết, phê bình nặng nề là tiểu tư sản. Em ôm chân đế quốc Mỹ chạy đi rồi mà khóc than cái nổi gì?

Thiệt là cái gân gà khó nuốt! Nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đổ mồ hôi hột, buộc phê phán em Khánh Ly qua bên đất Mỹ hỏng có tiếng gà gáy trưa đâu nhe!

“Em ra đi nơi này vẫn thế/ Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ/ Vườn xưa vẫn có tiếng Me ru/ Có tiếng em thơ / Có chút nắng trong, tiếng gà trưa!”

Lúc đó, tui cũng muốn dọt hết sức; giờ nghĩ vẫn còn ấm ức; vì không biết cách nào?! Chỉ biết chạy vô chạy ra như con ‘gà mắc tóc!’

***


Image%20result%20for%20gà%20mái

Thưa bà con! Năm nay, năm Đinh Dậu, mình bàn về con gà mái trước. “Lady first” mà!

Gà mái, chân dài tới nách, trường túc bất chi lao như bao em hoa hậu, là biểu tượng sinh sản, lông rực vàng nắng xuân…trông rất đáng ‘cắn’yêu!

anh-ba-ga-7Úc gọi một người nữ là ‘chick’ (gà); để ca ngợi mấy em!

“What are the chick’s doing tonight?” “Các nàng sẽ làm gì tối nay?”

Nhưng mấy thằng Úc lựu đạn cũng có một thành ngữ là ‘bird brain’, não như chim; nghĩa là nhỏ nên ngu?!

Gà mái tơ cũng là một loại ‘chim’ khờ khạo, ngu quá xá là ngu! Nên Úc gọi em là ‘chick’ có nghĩa là đẹp, hấp dẫn; nhưng cái đầu trống rỗng. Thiệt là bậy bạ! Phân biệt giới tính… vì dê em hỏng có được?!

Do đó muốn dê sảng mấy em Úc tóc vàng sợi nhỏ, cái mỏ cong cong; thì đừng có khờ, ngu ngơ gọi ‘chick’ nầy ‘chick’ nọ! Kẻo không còn cái răng mà ăn cháo gà.

Việt Nam mình gọi em là gà, trước Úc vài trăm năm lận! Bằng cớ, ca dao, “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”.


Rồi em trẻ đẹp như gà tơ mà phải lấy một ông già (như tui chẳng hạn) bèn than thân trách phận như vầy: “Gà tơ xào với mướp già/ Vợ hai mươi tuổi, chồng đà sáu mươi/ Ra đường chị giễu, em cười/ Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng/ Đêm nằm tưởng cái gối bông/ Giật mình gối phải râu chồng nằm bên/ Sụt sùi tủi phận hờn duyên/ Oán cha trách mẹ tham tiền bán con!”

Còn về con gà trống, thì anh Ba Gà, bạn nhậu của tui, thôi ca tụng con gà trống hết biết đi. Điều đó không làm tui ngạc nhiên chút nào hết! Vì trong khai sanh ảnh tên Dậu, sanh năm Dậu. Ảnh thứ Ba trong nhà, nên bà con lối xóm kêu là anh Ba Gà.

Anh Ba Gà gáy rằng: Gà trống có đủ 5 đức tính mẫu mực theo mấy chú Ba Tàu là: văn, võ, dũng, nhân và tín?!

Văn: Hai cái mào ở dưới nhìn như mũ cánh chuồn của ông tiến sĩ, chữ nghĩa đầy mình… Võ: cựa gà như dắt bên chưn hai cái dao găm.

Dũng: liều chết đánh nhau dẫu xù lông tước máu, để bảo vệ lãnh thổ biên cương và đàn gà mái của mình! Nhân: có ăn thì ‘túc túc’gọi một bầy gà vợ và đám gà con của mình cùng mổ!

Cuối cùng là Tín: luôn gáy đúng giờ, giữ lời… bất kể Sài gòn giờ trời mưa hay nắng ?!

Anh Ba Gà còn thêm rằng: Xa quê đã lâu nhưng đêm ngủ với con gà mái của ảnh; nàng không có gáy mà chỉ ngáy. Nên anh nhớ vô cùng tiếng gà gáy trưa eo óc, chơi vơi, lảnh lót vang xa !

Theo anh Ba Gà dày công nghiên cứu đồng loại thì: Cứ bình minh! Gà như chiếc đồng hồ chạy bằng thóc, đập cánh, vươn cổ gáy là do đồng hồ sinh học của nó, tạo hóa có lập trình sẵn.


Image%20result%20for%20gà%20đạp%20mái

anh-ba-ga-3Nhưng ban ngày, gà trống gáy là để dụ khị mấy em gà mái (ham nghe hát hò) đến cho chàng đạp mái!

(Giành gái thì ghét nhau vì tiếng gáy. Con người nào có khác gì đâu?!

Trong bàn nhậu bốn người, thì ít nhứt có hai chiến hữu gáy đã lỗ tai luôn!

Tui vẫn ngồi cười ruồi, chăm chăm gắp mồi, đưa vô miệng nhai rau ráu rồi chiêu thêm một cốc whiskey. Vì trộm nghĩ đi ăn nhậu, nghĩa là ăn rồi nhậu chớ đâu phải vô trường gà mà lại gáy te te!)

Người Việt mình quan niệm vật dưởng nhân. Nên nuôi gà dù mến tay mến chân nhưng cuối cùng thân phận gà là phải nhảy vô nồi cháo…

Gà được làm thịt để cúng trong đám giỗ, đám cưới. Đám là có thịt gà…

Tết cũng có luôn! Chiều 30, rước ông bà về vui ba bữa. Tới ngày mùng Ba gọi là cúng tất cũng là gà.

“Khách đến nhà không gà thời vịt!” Lòng hiếu khách của bà con Lục tỉnh Nam Kỳ mình vậy đó; nên khi nhà có khách là đám gà mừng lắm …vì sắp được đi đầu thai rồi.

Anh Ba Gà, thuật lại cuộc tình ái truân chuyên của ảnh như vầy: Sau ba năm đi ở rể, chai cả hai vai, gánh nước đêm trăng để tìm bạn chung tình!

Mà nhà gái hà tiện, hà tặn cho ăn uống cực kỳ kham khổ. Miếng thịt gà xé phay chỉ thấy trong mơ! Chỉ giếng đâu thì dắt anh ra kẻo anh chết khát vì cà nhà em!

Tía Má anh Ba Gà trầu rượu coi Tía má em đòi thêm sính lễ gì nữa để đi cầm đồ có tiền cưới vợ cho thằng cu của nhà mình.

Má em tằng hắn, sai tui đi cắt cổ gà nấu cháo, xé phay, để đãi Tía Má tui!

Ghê quá ai làm tui ăn thì được. Phần tui tên Ba Gà nữa kêu cắt cổ gà, tui từ chối! Cắt nó không chết tội nghiệp!

Nghe bà già vợ tương lai lầm bầm gì đó! Rồi thấy bả tự tay hạ thủ; nhưng con gà không chết; chạy cà niểng vòng vòng, máu chảy ròng ròng… trông rất thảm thương!

Tui khèo em Chín bờ đò, người vợ tương lai của tui, ra sao hè, nói nhỏ: “Tía má em, vốn hà tiện, vắt chày ra nước, lại chảnh, bày đặt gà vịt chi cho nó tốn hao? Sao không bắt chước nhà thơ Nguyễn Khuyến.

“Đã bấy lâu nay bác tới nhà/ Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa/ Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá/ Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà!”

Đang rù rì rù rỉ với em sau hè chợt nghe tiếng the thé cuả Má em gọi: “Thằng Chín à (Tui thứ Ba mà; nhưng vì tính cưới em nên bên vợ đổi thứ của tui một cách ngang xương hè)

“Đem hai con gà nầy lên cúng coi! Một con để trên bàn thờ! Đầu quay vô lư hương, há miệng, chân quỳ, cánh duỗi! Là đang chầu ông bà cố tổ của nhà nầy!

Con còn lại, cúng trên bàn, đầu quay ra ngoài, đừng chổng phao câu ra! Coi không đặng!

anh-ba-ga-4Ổi vẻ chuyện! Có cái phao câu; hồi chổng ra, hồi chổng vô làm em Chín và tui phải lăng xăng như ‘gà mắc đẻ’.

Cúng xong, xé phay với bắp chuối hột, rau răm, rắc đậu phọng rang đâm dốt dốt. Xong mời anh chị suôi cầm đủa.

Sau khi bàn thảo về đám cưới xong, Tía má tui húp vài muỗng cháo rồi xin kiếu; về cho kịp con nước.

Đưa Tía Má tui xuống bến nước. “Ba năm ở rễ khổ lắm hả Cu?”

Nghe Má tui hỏi vậy! Tủi thân, tui muốn trào nước mắt! Con khổ lắm Má ơi!

Tía tui nói: “Không ở rễ gì hết ráo. Không con gà nầy thì con gà khác! Thiếu gì gà!”

Tui bèn cười hí hí làm sao mà dám hỏng chịu. Con bỏ bùa em Chín bờ đò rồi Tía Má cứ thân tâm thường an lạc đi!

Vì em Chín đã dặn: “Chuột kêu chút chít trong rương. Anh đi cho khéo đụng giường Má hay!”

Thằng Ba Gà nầy đã đóng dấu nhà bưu điện lên con cò đó rồi… Cò giò lên cây! Sức mấy?!

Đừng tưởng thấy con khờ mà tưởng con ngu.Con lù khù nhưng con biết vác cái lu mà chạy đó!

Hèn chi sau nầy chị Ba Gà, không biết ăn cái giống gì, mà hệt như cái lu vậy đó!

Có vẻ Anh Ba Gà gáy hơi nhiều về đời sống tình dục của loài gà:

“Hai Lúa làm ruộng, có nuôi một chú gà trống rất sung. Đạp mái hết gà mái rồi tới vịt mái khiến chúng đẻ liên tục, nên rất lấy làm hả hê!

anh-ba-ga-2Một bữa, Hai Lúa đi làm ruộng về, thấy gà trống đang nằm chổng mông trước sân, bên trên là mấy con quạ đang bay vòng quanh chờ ăn xác.

“Ối trời đất ơi! Sao mày vội bỏ tao mà đi sớm vậy?!”

Gà trống mở he hé mắt nói: “Nè Hai Lúa! Đi chỗ khác chơi! Kẻo lũ quạ mái bay hết mất bây giờ!”.

Anh Ba Gà giờ đã già! Tình dục vẫn như xưa! Có số lượng nhưng không có chất lượng! Người ta nói như gà đâu có sai!

Dẫu vậy, tạo hóa cho vậy mình chịu vậy nên anh Ba Gà vẫn gáy như thường khi nghe tui nói già rồi tui đã nghỉ chuyện tù ti tú tí. Bây giờ tui là con gà chết, gà tử mị!

Anh Ba Gà không chịu: “Có con gà trống hoa mơ. Nó đi đạp mái bạc phơ cả đầu. Bạc thì bạc có sao đâu! Nếu không đạp mái sống lâu làm gì?”

đoàn xuân thu.



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 23/Jan/2017 lúc 10:54am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 21997
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 05/Feb/2017 lúc 1:19am
Đôi Chim Cu Đất và Mối Tình Già


Kết%20quả%20hình%20ảnh%20cho%20Đôi%20Chim%20Cu%20Đất

Vợ chồng tôi dọn đến Irvine khi các con bắt đầu vào lớp tiểu học. Thành phố mới thành lập được vài thập niên nên tổ chức tiện nghi để con trẻ có thể học hành từ lớp vỡ lòng đến chương trình đại học. Những năm đầu, chúng tôi hạnh phúc nhìn các con đi bộ băng ngang công viên đến trường nhưng rồi thời gian đó đã qua nhanh và ngôi nhà xưa kia đầy đủ năm người hiện nay chỉ còn vợ chồng già lủi thủi bên nhau.

“Chim nhà” đủ lông đủ cánh đã bay đi tìm tương lai ở phương trời xa, chim trời bay ngang mỗi ngày thấy căn nhà vắng vẻ, để ý rồi làm tổ như câu nói “đất lành chim đậu.” Sống đời hưu trí nên thanh thản, tôi có thói quen uống cà phê khi người vợ trẻ dậy sớm đi làm. Một mình ngồi nhâm nhi mùi thơm vị đắng, tôi sung sướng được dịp quan sát cảnh vật chuyển mình vào lúc trời bừng sáng.

Mùa xuân năm nay, tình cờ tôi có đôi bạn. Vợ chồng Dove đến xây tổ dưới mái nhà. Mourning Dove là tên Mỹ vì tiếng gáy nỉ non như than khóc nhưng thực ra đó là tiếng lòng ỉ ôi của chim đực gọi mái. Chúng sống có đôi, cùng ấp trứng nuôi con theo giờ giấc quy củ, chẳng bao giờ thấy giận hờn, lại thường say đắm tỏ tình. Chỉ vài đặc điểm ấy thôi cũng chứng tỏ chúng là những cặp uyên ương lý tưởng mà xã hội loài người thầm mong ước. Người Việt gọi chúng là chim Cu Đất, Cu Gáy hay chim Cổ Cườm.

Từ cửa sổ, tôi có thể quan sát đôi chim một cách kín đáo sau bức màn che. Nhìn chúng đi lại, dễ phân biệt con trống và con mái vì chồng nó giống tôi, thân hình đẫy đà hơn “my Dove” một chút. Chim Cu Đất có đôi mắt đẹp, nhìn nó tôi thường bị hớp hồn bởi nét thơ ngây thanh tịnh và chất từ bi ở một thế giới hòa bình không thật trên cõi đời này. Yêu nhau, đạp mái xong thì nàng mang thai, ấy cũng là lúc cả hai cùng bay để tìm nơi an cư tạm trú.

Chim mái tình cờ chọn chỗ nằm ở ngay dưới mái nhà của chúng tôi. Chim đực chiều ý vợ, nàng bảo sao chàng nghe vậy, rồi tha về những cành khô để nàng làm tổ. Xây xong thì nàng đẻ hai trứng, vợ chồng thay phiên ấp ủ sáng chiều, vợ nằm thì chồng kiếm ăn mang về nuôi đến khi hai chim con ra đời, mỗi đứa một việc giống như cảnh “chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa.” Sau đó, chim bố và chim mẹ cùng bay luẩn quẩn gần tổ tìm thêm hạt để mớm cho con. Chúng há miệng to lắm, kêu tíu tít gọi mẹ hoặc bố để dành miếng ăn.
Khoảng năm giờ, khi nắng chiều bớt gay gắt và màu vàng ngọc vẫn còn lung linh trên đầu cây ngọn cỏ, nhiều hôm, tôi thấy vợ chồng chim đứng phơi nắng sát bên nhau trên giàn dậu trước căn phòng bếp, càng nhìn cảnh mặn nồng thiên hướng ấy tôi càng thấy động lòng yêu thương! Vào giờ này, vợ tôi cũng đã về sau một ngày làm việc, chúng tôi cùng ngắm đôi chim rỉa lông, chùi mỏ, mắt khép mắt mở âu yếm hôn nhau. Chim vợ nhiều hưng phấn, rên rỉ trong cổ tựa như “love me tender, love me sweet, never let me go” rồi rúc đầu vào lông chồng say đắm.

Khoảnh khắc đó, đứng bên cửa phòng, tôi có thể chiêm ngưỡng được cảnh gia đình chim đầm ấm ở cả hai nơi. Giữa tổ, hai chim con no nê thản nhiên nằm ngủ trong lúc bố mẹ đứng sổ lông tỏ tình bên hàng giậu thưa. Tôi quay lại định khoe thì thấy vợ tôi cũng đang chăm chú nhìn và mỉm cười. Nhưng có lẽ cử chỉ tự nhiên sỗ sàng ấy đã làm nàng ngượng ngùng nên mau chóng quay về với bếp núc, sửa soạn đồ ăn cho bữa cơm chiều.

Khi nắng tắt, không gian nhuộm màu xám đục là lúc mẹ về bên con. Mẹ nằm giữa, hai con hai bên và mỗi đứa ủ một đầu cánh dự trù nhiệt độ ban đêm sẽ xuống thấp. Lạ thay, chim bố không bao giờ nằm chung tổ mà hay một mình trên mái nhà, cứ như thi sĩ tìm cảm hứng, đứng thơ thẩn nhìn hoàng hôn đi. Chẳng tối nào ngủ cùng vợ con nhưng mỗi sớm mai, bình minh vừa lên là đã thấy nó bay vờn quanh tổ để thay vợ ấp trứng từ sáng đến trưa. Khi vợ ấp thì chàng vất vả bay đi bay về kiếm từng hạt cây nuôi nàng cho đến khi mỏi cánh. Vợ chồng chỉ gần nhau nghỉ ngơi trên hàng dậu vào lúc chiều tàn suốt hai tuần chờ trứng nở ra con.

Nhìn tổ chim kích thước giới hạn, tôi tò mò suy ra chút sự thật. Tổ ấm xây hình tròn, nhỏ đủ cho gia đình chim chỉ một mẹ hai con chứ không có chỗ để chim bố ngủ đêm nhưng tôi thắc mắc chẳng biết chàng sẽ về đâu hằng đêm? Ngủ vất vưởng một mình dưới cành lá kín hay cũng lập phòng nhì, năm thê bẩy thiếp như các đấng nam nhi loài người? Mỗi chiều khi hoàng hôn dần tắt nắng, chim bố vô tư giữa trời với nét thanh thản, có lẽ chàng tự mãn vì đã lo xong bổn phận một ngày đầy đủ đối với gia đình? Tôi cố đoán xem chim nghĩ gì sau giây phút ân ái với người tình bên hàng dậu rồi cô đơn đứng trên nóc nhà mà chẳng thể nào hiểu thấu tâm tư nỗi lòng của nó.

Thế rồi một buổi sáng, bình thường như mọi ngày, tôi không còn thấy đôi bạn ấy nữa. Chim con ra ràng đã đủ lông cánh bay xa và bố mẹ chúng cũng giã từ tổ ấm. Gia đình chim bỏ tôi đi không lời từ biệt. Tôi ngơ ngẩn bắc thang lên thăm và thấy tổ được xây đắp thật công phu thế mà đôi chim cũng chẳng màng, sẵn sàng trả lại trời đất những gì chúng đã vay mượn! Ngắm cái tổ rơm một thời hạnh phúc bây giờ te tua hoang tàn mà lòng buồn mênh mang, tôi đành phá đi và hốt chùi rác rưởi cho ngôi nhà sạch sẽ trở lại. Thế là vợ chồng chim đã tá túc ở đây gần một tháng mùa xuân để chồng nuôi vợ, vợ ấp trứng ra con rồi đường ai nấy đi không chút bận bịu, không cả một tiếng trách móc kêu than. Anh đường anh, em đường em, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi! Tự do bay đi, tự do bay về khắp bốn phương trời, trước và sau thời gian sum họp.

Chim đi rồi, nhớ vợ chồng chim nên tôi đọc sách tìm hiểu. Hóa ra người đời vẫn thường dễ lầm. Có cái lầm bé nhưng đôi khi cũng “bé cái lầm” nghĩa là lầm lớn, tựa như câu chuyện tình của chim Cu Đất! Chẳng ai có thể ngờ chúng yêu nhau suốt đời, không tin cũng phải tin. Chung thủy chỉ một vợ một chồng từ lúc trưởng thành cho đến phút biệt ly lìa trần. Ý trời hay ý chim? Dĩ nhiên phải là ý trời và vì sống theo ý trời nên chim “đạo đức” ngay thẳng có sẵn trật tự thiên nhiên, rõ ràng hiệu nghiệm hơn những giáo huấn hay dự luật gia đình của xã hội loài người. Qua bao thế kỷ, tình người vẫn điêu ngoa, gian dối, ngoại tình, ly dị, “ông ăn chả bà ăn nem,” “vợ cả vợ hai... cả hai đều là vợ cả,” bất chấp phép vua hay lệ làng từ thời cổ đại đến văn minh. Phải chăng tiếng chim Cu êm ái là tiếng lòng thánh thót nên đẹp và trong sáng? Còn tiếng hát loài người “Yêu ai yêu cả một đời,” vừa nghe xong, chúng ta đã có ý nghĩ xấu vì mang đầy hoài nghi lẫn ngờ vực!

Câu chuyện tình của đôi bạn Dove đến đây vẫn chưa kết thúc bởi vào khoảng đầu xuân năm sau, chúng tôi lại thấy vợ chồng Cu Đất tha cành khô đến làm tổ cũng tại nơi chốn cũ. Biết ngay nàng chim say tình nên bây giờ sắp đến ngày đẻ trứng. Rồi chỉ vài tuần, chim mẹ lại sinh hai con, nuôi nấng trong tiết xuân nên chúng lớn nhanh như thổi. Bình minh mỗi sáng, tôi may mắn nghe lại tiếng chim “cúc cu” rộn ràng khi ngồi uống cà phê một mình. Buổi chiều, vợ chồng lại nhìn chúng đứng trên hàng dậu âu yếm, chùi mỏ, tỉa lông rúc vào nhau như chuyện mùa xuân cũ năm xưa.

Tôi vui hơn vì có bạn. Hạnh phúc thay gia đình đôi chim Cu! Chúng cư xử với nhau hiền hòa, không thấy cảnh chịu đựng mà chỉ thấy yêu thương, ấp trứng nuôi con và cất tiếng hót “cúc cu” từng ngày. Đôi khi tôi cảm nhận sự thật để phân bì loài chim với loài người. Mối tình già nào xét ra cũng mang ít nhiều mâu thuẫn chẳng bao giờ được suôn sẻ giống như mối tình của chim Cu Đất. Ai cũng sống một đời, chim cũng thế! Chả lẽ chim lại khôn hơn người hay tất cả đều do bản năng sắp đặt và con người sân si nhiều dục tính chỉ là nạn nhân đáng thương hay đáng tội? Ít ai tâm niệm và đắc ý có thể “Yêu ai yêu cả một đời” như tính năng bẩm sinh của đôi chim Cu Đất trong cõi ta bà ngày nay.

Mỗi độ xuân về, tôi lại có ý chờ. Đôi chim giữ thông lệ, bay đến xây tổ mới dưới nóc nhà, chắc hẳn nàng yêu chồng quá nên lại thai nghén sắp trở dạ? Vợ chồng tôi mỗi năm mỗi già, sức khỏe yếu dần và theo năm tháng tính tình một ngày một khó, mà nhìn quanh ít thấy ai thân thiết hơn nên vẫn phải cố gắng chịu đựng gắn bó với nhau. Tuy nhiên, chuyện đời ở thế gian này vốn dĩ chẳng lúc nào phẳng lì như mặt nước hồ thu mà ngược lại chất chứa đầy rủi ro, hận thù, đe dọa muôn loài mỗi lúc mỗi nơi!

Hôm ấy, ra phố về nhà vào giữa trưa, tôi bàng hoàng thấy lông chim bay tơi tả và hãi hùng nhận ra vài vết máu loang lổ dính trên giàn dậu. Tim đập mạnh, tôi âu lo vì biết vừa có án mạng xảy ra ở nơi đây. Nhìn lên nóc nhà, hai chim con ngủ gục thỉnh thoảng kêu khẽ có lẽ vì đói lạnh? Bố mẹ chúng vắng tổ nhưng ai đã bị giết khi mỏi cánh nghỉ ngơi ở hàng dậu? Đợi đến chiều khi vợ tôi về, chúng tôi cùng ra quan sát thì thất vọng nhìn cảnh tượng thảm thương! Hỡi ôi... chỉ nửa ngày mồ côi mà một con đã rớt nằm chết dưới đất, con trong tổ đang quằn quại vì bị kiến cắn. Tôi vội vã leo lên ẵm chim xuống, đưa cho vợ chăm sóc rồi dọn sạch đàn kiến. Chúng manh nha ngửi thấy mùi tử khí nên bắt đầu bu quanh thân xác con vật đáng thương.

Chim con chưa mọc lông nên vợ tôi ủ khăn ấm cho thân trần nó đỡ lạnh rồi để lại vào tổ đợi mẹ hay bố nó bay về. Quả nhiên, gần chập tối, nhìn từ cửa sổ sau bức màn che, tôi thấy một con đã bay về nằm xòe cánh ấp. Trời chiều nên chẳng rõ chim bố hay mẹ? Không bỏ rơi con nhưng liệu lòng nó có đau khi thấy thiếu mất một? Suốt bữa cơm muộn buổi tối hôm đó, vợ chồng tôi không ngớt bàn chuyện gia đình chim. Buồn vì đoán chừng diều hâu đã ăn tươi nuốt sống chim bố hoặc mẹ và chim con bất hạnh đã được chúng tôi chôn cất trước nhà. Dù sao, vợ chồng vẫn còn vui khi thấy bố mẹ nó sống sót bay về lo lắng cho con.

Tảng sáng hôm sau, cầm ly cà phê nóng trên tay, tôi bước ra thăm tổ chim thì cảnh đau thương thêm một lần nữa hiện ra trước mặt. Đàn kiến bu đầy thân chim con chết trong tổ một mình, bố hay mẹ đã bay đi, bỏ lại xác con lúc nào không hay! Thế là hai nấm mộ chim sơ sinh được an táng gần nhau. Kể từ hôm ấy, Dove không bao giờ trở lại nhưng chuyện tình một thời hạnh phúc qua nhiều mùa xuân của đôi chim Cu Đất vẫn mãi mãi nằm trong kỷ niệm của gia đình chúng tôi bởi vì vợ chồng tôi nhận ra rằng... cái tai nạn của gia đình Dove cũng có thể ngày mai xảy đến với bất cứ gia đình nào! Quả tình, không ai biết trước được tương lai. Bất hạnh chợt đến, chợt đi chẳng bao giờ rung chuông báo động và dĩ nhiên suy diễn thêm thì mỗi sáng rời nhà, người vợ trẻ của tôi chắc gì một ngày như mọi ngày sẽ về ăn chung bữa cơm chiều? Với tuổi già, chỉ có hôm nay là hệ trọng rồi tự hỏi còn bao lâu nữa sẽ đến ngày giờ vĩnh viễn chia phôi thì hiểu ngay bài toán cuộc đời.

Rất gần, gần đất xa trời! Vậy thì một ngày với tuổi già là quý, “không vui cũng mất một ngày” thế sao vẫn bất lực để những mâu thuẫn xâm chiếm tâm hồn? Yêu, ghét, hờn giận, hiền hòa, khó khăn, gắn bó, chịu đựng chỉ là những trạng thái tâm lý. Con người dễ dàng sửa đổi tâm trạng nếu có tri thức. Chân lý đi từ chữ “hiểu” vần đến chữ “thương” một cách nhanh chóng với tất cả nồng nàn tha thiết.

Chỉ một tai nạn bất ngờ ập đến đã kéo sập tổ ấm gia đình Dove giống như học thuyết hiệu ứng Domino. Giả sử chàng Dove đã bị tàn sát, tôi cũng không biết nàng Dove hiện nay đã chết theo chồng, tái giá hay còn góa bụa độc thân. Nhưng chuyện tình hạnh phúc và bất hạnh của đôi bạn Dove chính là những bài học quý giá, chân thành, ngoạn mục cho mối tình già của vợ chồng tôi vào ngả rẽ cuối đường đời. Bao khó khăn vô nghĩa hầu như tự tan biến ở cả hai phía. Yêu không nghĩa là ôm nhau ngủ hằng đêm, cứ tự do bay nhảy cho tâm hồn sảng khoái nhưng cố giữ tình chung thủy với bổn phận chu toàn. Yêu là biết quên mình để yêu người, chung tình như Mourning Dove! Cảm ơn chim Cu Đất và cảm ơn Em..

Cao Đắc Vinh


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 16/Feb/2017 lúc 7:32pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 07/Feb/2017 lúc 5:47pm

Con Người Khi Về Già, Nhất Định Phải “Quản Lý” Tốt 4 Điều Này…


Trong cuộc đời mỗi con người, “sinh, lão, bệnh, tử” vốn là lẽ rất thường tình, là quy luật mà không ai có thể chống lại được. Bởi vậy, khi tới tuổi xế chiều, thay vì ủ rũ tiếc nuối, hãy tận dụng những năm tháng còn lại để sống đời an lạc.


Con người chúng ta, khi đã về già, trên khuôn mặt sẽ xuất hiện những nếp nhăn, mái tóc cũng bắt đầu ngả sang màu bạc. Lúc này, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy đôi chút bi thương, cũng có vài phần tiêu cực.

Nhưng chỉ cần chúng ta giữ vững tinh thần, quản lý tốt cuộc sống của mình, buông bỏ đi những cảm xúc tiêu cực, thì chúng ta sẽ có một tuổi già đầy hạnh phúc.
Muốn được như vậy, khi đến tuổi già, nhất định phải nhớ kỹ hai từ: “Quản lý”.

1. Quản lý tốt tiền bạc
Tiền không phải là vạn năng, nhưng không có tiền thì rất khó có thể thực hiện được những điều mình mong muốn. Con người, khi đã ở cái tuổi xế chiều, trong tay nhất định cần có một chút tích lũy.
Khi bản thân mình có một khoản tiết kiệm, thì dù muốn mua gì hay muốn ăn gì đều có thể tùy theo ý của mình.
Hãy chắc chắn giữ lấy một khoản cho tuổi già, chưa đứng trước quan tài nhất định chưa nên phân gia sản.

2. Quản lý tốt người bạn già
Vợ chồng sống với nhau, từng cùng nhau trải qua những bữa cơm thanh đạm, sống những ngày tháng yên bình, hai người đã trở thành một phần không thể thiếu của nhau. Nhưng sau khi già rồi, luôn sẽ có một người ra đi trước, người đi kẻ ở, có tiếc nuối những ngày tháng bên nhau cũng đã muộn màng.
Bởi vậy, khi còn ở bên nhau, mỗi tuần hãy dành thời gian 1 tiếng đồng hồ cùng người bạn già đến một nơi nào đó yên tĩnh mà tâm sự chuyện đời.

Cùng nhau nhớ lại những niềm vui, hạnh phúc hay ngọt ngào đã từng trải qua khi còn trẻ, hay tâm trạng của hai người khi lần đầu được làm cha mẹ. Đây cũng là cách rất tốt để có thể hâm nóng tình cảm của hai vợ chồng.

3. Quản lý tốt bằng hữu
Sau khi già rồi, bạn bè thân hữu nếu có cơ hội gặp nhau thì nhất định nên ngồi lại hàn huyên. Phải biết rằng, đã đến cái tuổi này, gặp được nhau một lần là điều vô cùng quý giá, sau này không biết còn có cơ hội để gặp được nhau nữa hay không.

Trân quý những “lão huynh đệ” này, có rảnh rỗi thì cùng nhau uống chút trà, ngâm thơ, ngẫm lại mọi sự trên đời.
Cũng đừng bỏ qua cơ hội kết giao với những bằng hữu mới, bởi vì tình bạn là thứ tốt đẹp nhất để gắn kết giữa những người xa lạ.

4. Quản lý tốt bản thân
Đừng nghĩ rằng bản thân mình đã già, cũng đừng cho rằng già rồi thì không cần quan tâm tới vấn đề ăn mặc. Càng già càng nên chú trọng bề ngoài sạch sẽ, gọn gàng.
Các nhà tâm lý học nhìn nhận rằng, tâm thái cởi mở phóng khoáng thường sẽ khiến người ta cảm thấy trẻ trung hơn.

Quản lý tốt bản thân thật sự là điều rất quan trọng, cũng là cách thức tốt để đảm bảo sức khỏe, nó khiến chúng ta cảm thấy thoải mái, tâm hồn như ánh bình minh, tràn trề sức sống, trường thọ.
Hãy “quản lý” tốt tuổi già của mình, bắt đầu từ 4 điều nêu trên, nhất định sẽ mang đến cho bạn rất nhiều thay đổi bất ngờ!
st.

Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 21997
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 16/Feb/2017 lúc 7:29pm
Tết Trong Trại Dưỡng Lão Pháp

     Người già Việt Nam xa xứ đã buồn, bị con cháu gửi vào trại dưỡng lão hoặc không còn con cháu mà phải vào đây, càng tủi phận. Thường xuyên đến một số trại dưỡng lão mà tôi góp phần chăm sóc những năm qua, tôi càng hiểu rõ nỗi buồn trong những ngày Tết cổ truyền của họ.
 

Tác giả trước cửa trại dưỡng lão Cousin de Méricourt ở ngoại ô Paris, nơi có bảy cụ người Việt Nam, ít nhất 72 tuổi,  già nhất 98 tuổi.

      Châu Âu trời băng tuyết, lạnh ngắt, con cháu ở xa, nghỉ hai ba ngày phép, đi máy bay, hay lái xe hàng trăm cây số để lên ăn bữa cơm với cha mẹ, thấy ngại. Các cụ ở trong trại dưỡng lão được phân cái buồng nhỏ chừng 12 mét vuông, con cháu đến thăm phải thuê khách sạn, lại lóc cóc đến ăn cơm rồi vội về, không hào hứng đón Tết. Còn đón cha mẹ về nhà là cả một vấn đề. Họ ái ngại do phải đi làm, không lo cho thân sinh được.
Lần đầu còn nhớ con cháu, sau cũng quen dần. Trước các cụ còn khỏe, còn gói bánh chưng, làm chả, gọi con cháu đến lấy. Chúng cảm ơn rối rít. Sau chân yếu tay mềm, chẳng làm được, kẻ đến thăm thưa dần, chưa kể có cụ còn đãng trí nhầm đứa nọ ra đứa kia, việc thăm hỏi càng ít nữa.
     Thanh niên hiện đại giản tiện nhiều thứ, ngày lễ Tết chẳng còn nhớ cha mẹ, ông bà đang đợi. Nhân vật hoài cổ, nặng kí ức xưa, mấy ai còn sống, bị coi là người của thời “cổ lỗ”. Càng thọ càng đau mỗi khi Tết đến. Con cháu không hiểu, nghĩ các cụ lạc hậu đòi hỏi. Thời đại @, khoa học tân tiến chỉ cần nhấn vào con chuột là cả nhà có mặt trên vi tính dù ở bốn phương trời. Chúng liền mua tặng bố mẹ cái máy vi tính hay điện thoại di động và nhiều đứa con nói thêm một câu xanh rờn: “Ông/ bà/cụ sướng nhé, chúng con mơ đấy”. Nhận món quà quý của con cháu, nước mắt các cụ chảy ngầm bên trong.
     Tủ lạnh luôn ắp thức ăn, cần thì có trợ lý xã hội. Các cụ còn mong gì nữa? Con phải đi làm để kiếm sống, con phải tiếp đối tác... Các cụ hiểu. Đêm nằm thầm khóc. Cụ mơ cái ngày xưa ấy… Cha mẹ cụ làm mâm cơm cúng tổ tiên, con cháu chầu chực hạ mâm, xúm lại ăn uống kể trăm thứ chuyện trên đời… Gặp tình huống vui hài, cả nhà cười ran. Chút rượu nồng, nhiều đứa phấn khích kể chuyện mối tình đầu… hứa đem người yêu ra mắt ông bà… Bây giờ, chúng đâu cần ra mắt, chúng sống với nhau từ lâu, không thích cưới xin khỏi ràng buộc.
     Các lão niên cứ lủi thủi trong phòng trên dưới 10 mét vuông khép kín. Trước còn sức khỏe, các cụ còn ra chợ châu Á xem đón Tết dù lệch ngày, cho khớp Chủ nhật. Tuổi càng cao, họ chỉ còn đi bộ gần nhà, hưởng sái không khí rớt lại của Tây đón chào năm mới chăng đèn kết hoa.
     Năm nay năm Gà, chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, Tòa Thị chính tặng quà cho các cụ: hộp thịt gà trống hầm rượu - món đặc sản ở Pháp và chai rượu Beaujolais có hình con gà trống, và hộp sôcôla. Dù tình cờ, đây là niềm vui nhỏ cho người già neo đơn.  
     Một số cụ may mắn còn có vài họ hàng còn sống ở Việt Nam gọi điện sang hỏi han, chúc Tết. Dù trái giờ, dù sức khỏe không cho phép, cụ cố thức để mong một cú điện. Nhiều cụ, anh chị em ở Việt Nam già cũng mất cả. Thế là hết. Buồng các cụ lạnh tanh, không hoa đào, hoa mai, không mâm cúng tổ tiên… Chỉ có chương trình TV duy nhất làm bạn. Các cụ loay hoay bấm tivi. Ngồi miên man chẳng thiết ăn.
     Mặc dù sống trên nửa, thậm chí gần ba phần tư thế kỷ ở xứ người, những đồng bào già của chúng ta cũng không thể “nhập gia tùy tục” mà không khổ tâm, áy náy. Các cụ cay đắng nhớ câu: “Vui như Tết”; rồi thở dài chép miệng: “Buồn như Tết bên Tây.”

Trần Thu Dung
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 21997
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 20/Feb/2017 lúc 12:44am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 21997
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 23/Feb/2017 lúc 1:05am

Cuộc tái ngộ buồn!!


Image%20result%20for%20my%20nhan%20ngay%20xua




Chuyện tôi sắp kể cho các bạn nghe, tôi biết được do một sự tình cờ trong hoàn cảnh éo le. Dạo ấy tôi được cử đi thực tập ngắn hạn ở trường Đại học Grenoble miền Nam nước Pháp. Vé do trường Grenoble gửi sang, ngày đi và ngày về rất sít sao. Nhưng có dịp như thế mà không đi chơi Paris được mấy ngày thì thật phí. Tôi có con bạn đang ở Paris, nên email hẹn hò nó để nó dẫn đi chơi mấy ngày. Nhưng khổ nỗi là việc đăng ký đổi ngày đi sớm hơn rất khó, cứ nằm hoài ở danh sách dự bị.


 Mãi đến trước ngày bay một hôm phòng vé mới báo tôi có chỗ trên máy bay. Lẽ ra tôi phải gọi điện báo gấp cho nó là đã đổi được vé thì tôi lại tiếc mấy trăm ngàn đồng tiền gọi điện, nghĩ rằng mình đến sân bay Paris lúc 6 giờ sáng Chủ Nhật mùa Đông, đến nhà nó lúc 7 giờ thì cô nàng chưa ngủ dậy, lo gì.

Related%20image

Thế mà, khổ cho tôi, thân gái dặm trường, đến nhà nó bấm chuông mãi không ai trả lời. Về sau mới biết nó không nhận được điện thoại của tôi, nghĩ rằng tôi không đổi được vé nên tối thứ bảy đã đến nhà bạn chơi, chiều chủ nhật mới về. Trời rét, phải lang thang ngoài đường thì có mà chết cóng. Tôi bèn nghĩ kế chui xuống ga tàu điện ngầm ngồi vô thức xem tàu đến, tàu đi, cố đợi cho qua một ngày.

 Ngồi được khoảng hơn nửa tiếng thì thấy có một bà già châu Á tiến đến nói với tôi bằng tiếng Pháp: “Này cô Tàu kia ơi, cô có biết chắc rằng cô cần đi chuyến tàu số mấy không đấy? Tôi để ý thấy rất nhiều đoàn tàu qua rồi mà cô không lên chuyến nào cả”. Tôi trả lời bà rằng, thứ nhất tôi không phải là “cô Tàu”. Thứ hai là tôi chẳng chờ chuyến tàu nào cả mà tôi chờ trời tối để đến nhà cô bạn. Rồi tôi cố vận dụng hết khả năng tiếng Pháp để kể lại câu chuyện dẫn tôi đến hoàn cảnh éo le hiện nay.

 Nghe hết chuyện, biết tôi đến từ Việt Nam thì mắt bà sáng lên, bà chuyển sang tiếng Việt: “Trời Phật, thế là hôm nay tôi gặp may rồi, tôi được nói chuyện bằng tiếng Việt rồi. Lâu nay gặp người châu Á, hỏi ra thì toàn là người Tàu, vì vậy hôm nay tôi gọi cô là cô Tàu luôn, không ngờ lại gặp được người Việt. Bà đề nghị tôi về nhà bà nghỉ ngơi, đến chiều tối sẽ gọi điện cho cô bạn, khi nào gọi được rồi thì bảo nó đến đón. Với hoàn cảnh tôi lúc ấy thì lời đề nghị của bà là lời đề nghị vàng. Tôi thật may. Nhưng bà thì cứ nằng nặc nói bà mới là người gặp may.


Image%20result

Bà kể rằng bà ở một mình trong một căn hộ 2 phòng ngủ, rất cô đơn, không có bạn bè, không họ hàng thân thích, rất mong có một người khách Việt tới thăm mà bao năm nay không có. Bà là người Hà Nội giữa thế kỷ 20, cho nên mọi khái niệm ngày nay đều rất xa lạ với bà. Chẳng hạn bà hỏi tôi làm gì, tôi trả lời là giảng dạy ở trường Đại học Bách khoa, “Thế thì cô là giáo sư rồi”. “Không bà ạ, cháu chỉ là trợ giảng thôi, chục năm nữa cháu mới được là giảng viên chính, rồi nếu có bằng Tiến sĩ mới có thể (có thể thôi bà nhé) được phong Phó giáo sư.

 Còn giáo sư thì phải cao hơn nữa” “Ồ, ở thời tôi, dạy trường Thành Chung là giáo sư rồi. Mà có mấy khi gặp được các ông giáo sư ấy. Gặp được anh học sinh Thành Chung là may mắn lắm rồi”. Rồi bà nhắm mắt lại, như thể đang nhớ lại cái thuở ngày xưa ấy. Rồi như muốn trải lòng, bà kể về anh học sinh Thành Chung của bà.

 Dạo ấy tôi là cô gái 18 tuổi, bán hàng khô ở chợ Đồng Xuân. Cái sạp hàng ấy là mẹ tôi để lại. Bà bán ở đấy từ năm nào tôi không biết, nhưng khi lớn lên thì tôi giúp mẹ bán hàng. Rồi khi bà già yếu thì tôi bán là chính, cho đến khi bà qua đời. Phải nói là tôi cũng xinh. Không phải là tôi tự khen đâu, mà là bạn bè tôi bảo thế. Cũng nhiều anh để ý, ngỏ lời. Nhưng tôi cảm anh học sinh Thành Chung ở phố Hàng Giấy, lại cũng tên là Thành Chung luôn. Anh Chung trắng trẻo, thư sinh và con nhà gia giáo.

 Image%20result%20for%20ha%20noi%20xua

Tôi đã một lần hẹn hò đi xem chớp bóng, và một lần đi chơi tận trên Chùa Láng với anh. Bọn tôi mang bánh mì đi và buổi trưa ngồi trên bậc tam cấp ăn bánh. Anh hẹn sẽ dẫn tôi về ra mắt bố mẹ sau khi anh thưa chuyện và được ông bà đồng ý. Thế thôi cô à. Thời ấy với bọn tôi thế là ước hẹn rồi, chứ nào có dám cầm tay nhau. Không như bây giờ chúng nó ôm hôn nhau mọi nơi mọi lúc, rồi còn dọn về sống chung, sống thử nữa chứ.

 Thế rồi, cái số tôi nó long đong. Sau hôm đi chơi Chùa Láng về thì không thấy anh ra chợ gặp tôi nữa. Một tuần, hai tuần, rồi cả tháng luôn. Có lần tôi thử đi qua cổng nhà anh hy vọng trông thấy bóng anh trong nhà, nhưng tuyệt nhiên không. Sau đó ít lâu thì có hiệp định Geneve. Một ông lính Tây đầu bếp thường ra mua hàng của tôi, mê tôi từ lâu nhưng không dám ngỏ lời. Hôm ấy ông ấy bảo lính Pháp sắp rút rồi, ông ấy sẽ được hồi hương, ông ấy cầu hôn tôi để đem theo về Pháp. Tôi cũng lưỡng lự suy nghĩ mấy hôm, cũng không biết bộ đội Việt Minh vào thì tình hình ra sao, lại lúc anh Chung biệt tăm biệt tích, tôi đồng ý lấy ông lính Tây đầu bếp.

 Ông ấy đưa tôi về Paris, thuê căn hộ nhỏ cùng sống. Ông ấy vẫn đi làm nhà bếp quân đội. Lương Hạ sĩ nhất cũng chẳng phong lưu gì nhưng hai vợ chồng đủ sống giản dị. Tiết kiệm chút thì cũng có đồng để dành. Không biết tại ông ấy hay tại tôi mà sống mãi với nhau chúng tôi vẫn không có con. Ông ấy cũng ít bạn bè, ít giao lưu, nên tôi cũng chẳng giao tiếp với ai. Thỉnh thoảng ông ấy có dẫn tôi đi các cuộc tụ tập thì tôi cũng chỉ ngồi nhìn, nói thì không sành, nghe thì lõm bõm câu được câu mất. Thành ra tôi chẳng có bạn bè gì cả. Sau khi ông mất thì tôi càng cô đơn. Tôi không có nghề nghiệp, không có thu nhập nên được hưởng tiền tuất suốt đời. Mối liên hệ duy nhất còn lại của tôi là thư từ của con bạn cùng bán hàng ở chợ ngày trước và tin tức về ông Chung.

Related%20image


 Cái thư thứ nhất nó viết cho tôi: Mày ơi, sáu tháng sau khi mày đi ông anh của mày mới ló mặt ra chợ mày ạ. Ông ấy có vẻ buồn, đứng đằng xa nhìn mãi. Rồi mấy lần đều không thấy mày, ông ấy mới đến hỏi tao là mày đi đâu. Lúc đầu tao còn trêu, còn nói anh bỏ nó, nó thất tình, thắt cổ tự tử rồi. Thấy ông ấy hốt hoảng tao không dám đùa nữa, tao mới bảo mày lấy ông Tây, đưa nhau về Pháp rồi. Ông ấy mới kể là khi ông ấy thưa chuyện với bố mẹ thì ông bà kịch liệt phản đối, nói rằng không môn đăng hộ đối cả về gia đình lẫn bản thân. Gia đình người ta giàu có danh giá, còn nhà mình thì chỉ có sạp bán hàng khô, bố mẹ đều đã mất. Bản thân thì anh ta đỗ Thành Chung, mà mày thì chỉ biết đọc biết viết. Lúc đầu anh ý cũng cương quyết đòi lấy mày cho bằng được, nhưng rồi bà mẹ đòi từ, thậm chí đòi tự tử. Anh ý cũng còn là người phụ thuộc, chưa đi làm nên đành chấp nhận theo bố mẹ. Cưới vợ rồi mày ạ. Cưới một người anh ý không yêu, nhưng cũng có bầu rồi.

 Trong thư thứ hai, cô bạn bảo ở nhà bây giờ đang có chiến dịch cải tạo tư sản và công thương nghiệp tư nhân. Các nhà tư sản thì công tư hợp doanh, còn bán hàng như bọn tao thì vào hợp tác xã. Cũng may tay chủ nhiệm của ngành hàng khô chúng mình là tay biết điều. Ông ta bảo ông chỉ làm danh sách, làm thống kê báo cáo rồi thu tiền đi nộp thuế, còn buôn bán ra sao, thế nào là do các bà các cô tự lo, lời ăn lỗ chịu. Thế là hàng tháng bọn tao chỉ việc nộp thuế và nộp một ít lệ phí cho hợp tác xã, còn thì mọi việc vẫn như xưa. Nhưng còn bố anh Chung có cái xưởng dệt kim thì phải vào công tư hợp doanh mày ạ. Cấp trên đưa một người về làm giám đốc, còn ông ấy thì làm phó. Lợi tức chia theo phần trăm, nghe nói cũng chẳng được mấy.

Image%20result%20for%20ha%20noi%20xua


 Thư thứ ba nó kể mới bi đát chứ. Ông già nhà anh Chung làm phó giám đốc chẳng có quyền hành gì, thu nhập cũng kém, ông ấy từ chức và giao cho nhà nước quản lý rồi. Mấy cái nhà cho thuê thì nhà nước bắt thu tiền nhà theo khung giá nhà nước, rẻ bèo. Nhưng hư hỏng thì lại bắt chủ nhà sửa chữa. Cuối cùng lại cũng giao cho nhà nước nốt. Chuyện còn buồn hơn là ông bà già vì buồn bực, bị trầm cảm, ốm đau và đã mất cách nhau không lâu. Ông Chung bây giờ một vợ ba con vất vả lắm, nhà vẫn ở Hàng Giấy nhưng không phải được ở cả nhà như trước mà chỉ được ở một phòng thôi. Ông ấy chỉ có một chiếc xe đạp cà tèng, ngày hai buổi đi lấy hàng bỏ mối nuôi con mày ạ. Trông gầy gò, đen đủi, tội nghiệp lắm.

 Tôi nghĩ mà thấy thương cảm quá, bèn rút tiền tiết kiệm mua một chiếc xe đạp Peugeot gửi về tiếp tế cho ông ấy. Nghe con bạn kể thì khi nhận được xe cả nhà bất ngờ và sướng lắm. Thời ấy, thời tem phiếu, phiếu nhân dân, gạo 12 kg, thịt 1 lạng thì một chiếc xe đạp Peugeot bán đi sống được hàng năm. Mấy năm sau thì tôi lại ki cóp gửi cho một chiếc xe máy Peugeot 103. Ông Chung gọi người đến bán luôn trong thùng. Bán xe máy đập hộp mới được giá, các cô ngày nay có biết hay không? Cứ thế, tôi giúp cho cả nhà ông ấy qua cơn lận đận một thời, cho đến khi con cái trưởng thành, kinh tế khá giả.

 Tôi hỏi bà:

– Rồi sau này bà có gặp lại ông Chung không? Bà về thăm Hà Nội hoặc bà mời ông Chung sang thăm Paris?

– Ừ, có. Nhưng …

Bà nhắm mắt lại, nói như cầu nguyện:

– Nhưng…, giá mà không có cuộc gặp ấy, giá mà không mời ông ấy sang, thì có lẽ tôi không mất ông mãi mãi …

– Trời ơi! – Tôi kêu lên – Ông ấy gặp tai nạn ư?

– Không, không phải. Ừ, nhưng mà thôi, kể ra cũng coi như gặp tai nạn vậy,

Tôi sốt ruột, nhưng bà cứ trầm ngâm. Bà bảo cứ từ từ rồi bà kể cho mà nghe. Dạo ấy, – bà bắt đầu – Sau khi thông thương liên lạc được dễ dàng, tôi mới biết vợ ông ấy cũng đã mất được nhiều năm. Phần tôi thì trước đây tôi cũng không báo cho ông ấy biết việc ông Tây nhà bếp của tôi đã mất lâu rồi. Nhưng bây giờ tôi đã báo và nghĩ mình nên mời ông ấy sang thăm mấy tháng. Cô cũng biết đấy, tuổi này rồi thì chỉ còn cái nghĩa thôi. Đã không có duyên với nhau thời tuổi trẻ thì đến tuổi này làm gì còn tình yêu, tình dục nữa. Nhưng tôi cứ muốn gặp lại một lần.


Image%20result%20for%20hut%20thuoc%20lao

 Khi tôi ngỏ ý mời thì ông ấy im lặng, không trả lời. Mãi sau mới nhận được thư của anh con cả của ông ấy. Thư nói rằng, thưa bác, bố cháu nhận được thư của bác ngỏ ý mời bố cháu sang thăm. Nhưng bố cháu ái ngại lắm bác ạ, và có phần mặc cảm. Bố cháu bảo rằng mình đã phụ bạc người ta mà người ta lại tốt với gia đình mình thế vậy, đã giúp đỡ nhà mình suốt bao nhiêu năm khó khăn. Nay lại thịnh tình đài thọ mình sang Pháp chơi, nếu mình nhận lời thì hóa ra quá lạm dụng lòng tốt của người ta. Vì vậy, thưa bác, bố cháu và ba anh em cháu rất cám ơn bác nhưng xin phép bác cho bố cháu được ở lại nhà.

 Tôi phải viết thư cho anh trai cả nhà ông ấy, nói rằng chúng tôi không đến được với nhau là do cái duyên chứ chẳng phải lỗi tại ai, rằng bố anh ngày xưa đỗ Thành chung, là người học cao biết rộng, thuộc thơ tiếng Pháp làu làu, hát bài hát Pháp, đọc tiểu thuyết tiếng Pháp rồi kể lại cho tôi nghe. Một người như thế mà suốt đời không được đặt chân đến thành Paris hoa lệ, không được vào nhà thờ Đức Bà, không được ngồi thuyền ngắm cảnh trên dòng sông Seine thì thật tiếc.

 Thư đi thư lại mãi, rồi được các con ông ấy động viên, ông ấy mới chịu đi. Tôi gửi giấy mời để ông ấy xin visa rồi lại gửi vé máy bay sang. Ngày nay có các chuyến bay thẳng Hà Nội-Paris nên ông ấy di chuyển cũng không khó khăn gì. Tôi đã dặn chi tiết ông ấy mặc áo màu gì, đội mũ gì, tay cầm cái gì để tôi dễ nhận ra. Đồng thời tôi cũng làm cái biển đề “Mr. Thành Chung” để ông ấy biết. Tôi đã chuẩn bị là khi gặp ông ấy ở sân bay tôi sẽ khẽ khàng ôm ông ấy một cái như các bà Pháp bên này vẫn làm khi gặp bạn bè lâu ngày. Thế nhưng, cô biết không, khi chúng tôi gặp nhau, cả hai đều như khựng lại một phút. Vẫn biết đã hơn 50 năm trôi qua, ai cũng già đi, nhưng tôi không thể tưởng tượng được người đàn ông phong độ ngày xưa bây giờ lại là một ông già lụ khụ đến thế. Tôi vẫn ôm ông một cái lấy lệ, và ngửi thấy mùi thuốc lào thoảng trên áo ông. Có lẽ về phía ông ấy, ông cũng thất vọng vì nơi tôi không còn gì là nét của cô bé bán hàng khô xinh đẹp năm xưa.

 Đưa ông về nhà. Cái khó chịu nhất là ông đi Paris mà vẫn mang theo chiếc điếu cày. Tôi bảo ông muốn hút thì ra ngoài ban công mà hút. Ông nghe lời, nhưng mỗi lần ông hút thuốc thì lại ho sù sụ và mùi thuốc lào vẫn phảng phất trong phòng suốt ngày đêm. Ngồi trên ghế sô fa như tôi và cô đang ngồi đây, thỉnh thoảng ông lai co chân đặt cả hai bàn chân của ông lên ghế. Tôi nhắc ông thì ông đặt chân xuống nhưng thỉnh thoảng lại quên. Nhìn cảnh ông đặt cả hai bàn chân lên sô fa theo thói quen nhưng chợt nhớ, giật mình đặt chân xuống, tôi vừa tức, vừa buồn cười, lại vừa cả thương hại nữa. Dẫn ông ấy đi chơi, đi thăm Paris, ông ấy toàn hỏi những câu ngớ ngẩn. Cô xem, người thanh niên phong độ, thông minh uyên bác ngày xưa bây giờ già đi thì không nói làm gì, nhưng tôi cứ cảm giác như là một ai đó giả danh, đội lốt người yêu xưa của tôi, chứ không phải ông ấy. Có lẽ phía ông ấy cũng thế, ông không tìm thấy nơi tôi cô bé bán hàng khô xinh đẹp ngây thơ, lúc nào cũng mở tròn đôi mắt to và môi hé mở đón chờ như nuốt lấy từng lời ông ấy. Có lẽ ông ấy cũng thấy tôi là một mụ già khó tính giả danh.

 Thế rồi đáng lẽ ở lại ba tháng theo hạn visa thì khi được một tháng ông ấy rụt rè bảo tôi: “Bà ạ, cám ơn bà đã cho tôi đi xem Paris trong tháng rồi. Xem thế cũng đã đủ. Tôi ở đây không quen, và cũng không muốn làm phiền bà lâu quá. Tôi xin phép bà cho tôi về. Rất, rất cám ơn bà”. Tôi cũng nói một câu lấy lệ: “Ông cứ ở chơi thêm, có phiền gì đâu…” nhưng trong bụng thì cũng đồng ý cho ông ấy về để giải thoát cho mình.

 Image%20result%20for%20tinh%20gia

Ôi, thì cũng như cô hỏi: “Một tai nạn?” thì cũng coi như một tai nạn vậy. Sau khi về đến Hà Nội, ông ấy có gọi điện sang báo tin là đã về đến nơi an toàn và lại cám ơn. Rồi từ đó chúng tôi không liên lạc với nhau nữa. Ôi, giá mà không có cuộc gặp ấy. Giá mà đừng mời ông ấy sang. Thì có phải trong tôi vẫn còn hình ảnh chàng trai tuấn tú thông minh ngày xưa. Tôi dù cô đơn ở đây, nhưng trong tim tôi, trong trí óc tôi vẫn còn một hình bóng thương yêu để tôi nương tựa trong những ngày cuối đời. Đằng này tôi đã mất tất cả. Bây giờ trong tôi trống rỗng. Tôi cô đơn lại càng cô đơn. Bây giờ thì cô đã hiểu  vì sao gặp cô hôm nay tôi như chộp được vàng, tôi nói là tôi gặp may mà.

 Tối hôm ấy, sau khi gọi điện  được cho con bạn tôi, nó lao đến ngay. Ba người chúng tôi lại tiếp tục nói chuyện khá lâu. Ba ngày sau đó, theo đề nghị của tôi, không phải một mình con bạn đưa tôi đi chơi mà cả bà già nữa. Bà già bảo từ nay bà có thêm hai người bạn Việt, và ba ngày đó là ba ngày hạnh phúc nhất trong những năm cuối của đời của bà.

 Từ Grenoble, nơi tôi thực tập, thỉnh thoảng tôi lại gọi điện nói chuyện với bà. Kể cả sau khi về Hà Nội cũng vậy. Mấy năm sau thì bà mất. Ông Chung nghe nói cũng mất rồi. Cầu chúc hai ông bà gặp lại nhau dưới suối vàng với đúng hình ảnh anh chị ngày xưa.

muathuparis

Trọng Mai



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 23/Feb/2017 lúc 1:26am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 26/Feb/2017 lúc 6:42am
Người Mất Trí    <<<<<

Image%20result%20for%20Người%20Mất%20Trí%20-%20Truyện%20ngắn%20của%20Phạm%20Thành%20Châu
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 27/Feb/2017 lúc 3:15am
Son Hằn Trên Tóc Bạc
 
Vết son đỏ hằn trên tóc bạc,
Đôi mắt già dáo dác láo liên,
Bần thần tiếc nuối không yên,
Mỉa mai ngọn gió bên hiên xầm xì.
 
Thầm nghĩ mình ngu si quá đỗi,
Đi tin người đáng tuổi cháu con,
Mày ngài, má phấn, môi son,
Lại thương ông lão đã non thất tuần.
 
Quên căn cước thuyền nhân tỵ nạn,
Hùa kéo bè kết đảng lang thang,
Nhởn nhơ áo gấm về làng,
Vung tiền trợ cấp vênh vang lòe đời.
 
Gặp khách già ham chơi trống bỏi,
Nàng "chân dài" sành sỏi ra tay,
Chỉ trong nhấp nháy mấy ngày,
Con nai bảy bó rơi ngay vào tròng.
 
Nàng ỏn ẻn cố công làm nũng,
Một rằng "anh", hai cũng rằng "anh".
Nhìn đôi mắt ướt long lanh,
Hồn già như cưỡi mây xanh mấy từng.
 
Con tim héo tưng bừng mở hội,
Thầm tự khen đến buổi xế chiều,
Lại còn gặp được "tình yêu",
Hí ha hí hửng quyết liều đưa chân.
 
Biết bao lần thân nhân ngăn cản,
Bạn bè cùng can gián lắm khi,
Nhưng lòng đã muốn ra đi,
Lo chi tình nghĩa, sá gì trúc mai.


Trau chuốt mảnh hình hài khú đế,
Chưng diện đồ như thể diễn viên,
Nhướng mày nhíu mắt làm duyên,
Nói cười tựa gã thiếu niên phát cuồng.
 
Sung sướng được sổng chuồng về xứ,
Cho bõ ngày lữ thứ lưu vong.
Cháu con giờ cũng tạm xong,
Tiền già rủng rỉnh thong dong mặc tình.
 
Ly dị vợ, một mình giong ruổi,
Đem căn nhà bán vội chia đôi,
Cầm về sắm sửa cơ ngơi,
Chủ quyền cho đứng tên người tình con.
 
Trốn biệt bạn bè còn kẹt lại,
Vì lòng luôn e ngại gặp người
Cùng nhau chiến đấu một thời,
Nay đang chịu cảnh đổi đời đắng cay.
 
Vui thụ hưởng từng giây từng phút,
Của mang về vùn vụt sang tay.
Một ngày thức giấc chợt hay,
Tiền nong đã chắp cánh bay qua cầu.
 
Người tình nhỏ giờ đâu biệt tích,
Chỉ công an đến tịch thu nhà.
Chủ quyền tên của người ta,
Tên mình chẳng có, xót xa ra đường.
 
Ôm trọn nỗi đau thương về Mỹ,
Tìm gia đình năn nỉ ỉ ôi.
Nhưng dù gãy lưỡi mòn môi,
Vợ con nhất quyết trọn đời không tha.
 
May mắn được vô nhà dưỡng lão,
Sáng trưa chiều trệu trạo miếng ăn,
Đêm dài mộng mị trôi lăn,
Hoang mang nẻo nhớ, nhọc nhằn lối quên.


Vết son vẫn hằn trên tóc bạc,
Chốn mơ tàn, lác đác sao rơi.
Trong căn phòng trọ cuối đời,
Có người ngồi nắn tuổi trời mà đau.
 
Trần Văn Lương
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 21997
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 05/Mar/2017 lúc 6:58am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 68 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.381 seconds.