Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Âm nhạc
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Âm nhạc
Message Icon Chủ đề: Ông Tây ca cải lương vọng cổ Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Chủ đề: Ông Tây ca cải lương vọng cổ
    Gởi ngày: 17/Mar/2010 lúc 6:41am
 
Thật thú vị !
mk
 
 

Ông Tây ca cải lương vọng cổ

 
 
Tây nói tiếng Việt ,viết chữ Việt thì có thể thấy ,nhưng ca vọng cổ và hát cải lương Nam bộ thì bảo đảm chỉ có một không hai. Các tay đàn ca tài tử ở Cồn Thới Sơn- Mỹ Tho, phải phát kinh khi một ông khách nước ngoài tham quan và xin hát vài bản nhạc giúp vui. Các cô con gái của anh nói tiếng Việt khá lắm, và cũng có hát chung 1 vài khúc, nhưng hát thì chưa hay bằng anh. Anh ta tên Bernard, người Pháp gốc, hoàn toàn không lai Việt Nam đâu nhé!

http://www.youtube.com/watch?v=Z05mlLUQJSo
 
 
 
mk
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 17/Mar/2010 lúc 7:43pm

Ca sĩ tân nhạc với vọng cổ!

Nghệ sĩ Phương Thanh ca vọng cổ

TTCT - Tại tụ điểm ca nhạc Trống Đồng Sài Gòn với hơn 2.000 người NGHE, khi ca sĩ Phương Thanh vừa kết thúc bài hát sôi động Trống vắng THÌ khán giả hét to: “Vọng cổ, vọng cổ đi”. Phương Thanh bèn xuống xề một câu vọng cổ Lan và Điệp, khán giả vỗ tay rần rần... Hình ảnh này chẳng còn là cá biệt...

Có một thời nghệ sĩ cải lương ồ ạt hát nhạc trẻ để kiếm sống, bây giờ thì ngược lại. Khi biểu diễn, hàng loạt ca sĩ trong và ngoài nước đã hát ca cổ để lôi kéo sự chú ý của khán giả. Đã qua rồi cái thời hát vọng cổ - cải lương bị cho là... không sang, không ăn khách!

“Hơn Tân nhạc!”

Đó là lời khẳng định của ca sĩ Phương Thanh, Ngọc Sơn, Minh Thuận, Nguyên Vũ, Thanh Thúy, Long Nhật... khi nói về việc mình ca vọng cổ. Hội trường Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM chiều 25-11-2007, ca sĩ mới toanh Dương Ngọc Thái bỗng lấy được cảm tình đặc biệt của khán giả bằng câu vọng cổ vào cuối một bản nhạc trẻ.

Có chứng kiến những tràng pháo tay giòn giã, sự nồng nhiệt của khán giả khi câu vọng cổ bất chợt vang lên giữa một đêm ca nhạc, mới rõ vì sao ca vọng cổ đang phổ biến mọi lúc mọi nơi trong những show diễn của giới ca sĩ đến thế.

Diễn ở các tụ điểm ở Sài Gòn, Phương Thanh, Ngọc Sơn thường xuyên nhận được yêu cầu “hát cải lương đi” dẫu đã hết hơi với những bản nhạc sôi động. Nguyên Vũ, Thanh Thúy về miền Tây, khán giả thách đố “hát cải lương được không?”, rồi ồ lên ngạc nhiên trước câu xuống xề khá ngọt ngào của hai ca sĩ này. Ca sĩ Minh Thuận hát ở bar, phòng trà Planet, Điểm Hẹn Sài Gòn... cũng thường được khán giả đề nghị “cho xin một câu vọng cổ đi”. Ông bầu Tuấn Thasô của Đan Trường còn đưa cả vọng cổ vào live show của ca sĩ này để tạo điểm nhấn. Ca sĩ Cẩm Ly đang có những bài hát đinh, lọt vào top ten ca khúc được yêu thích, có xen những đoạn vọng cổ vào giữa bài như bài Vọng cổ buồn...

Không chỉ ăn khách trên cái nôi đất phương Nam, làm live show mini ở địa bàn biểu diễn quen thuộc là Hà Nội, Hải Phòng, những câu vọng cổ chêm vào buổi diễn của ca sĩ Long Nhật cũng lấy được hàng tràng pháo tay của người xem đất Bắc...

Song, hát vọng cổ ở hải ngoại mới là tâm điểm của giới ca sĩ. Những khán giả xa xứ luôn hoài hương thường rất thích nghe câu hát của quê nhà. Họ vỗ tay, ôm hôn, tìm gặp ca sĩ sau khi biểu diễn để khen ngợi, mời về nhà chơi... Khán giả phản ứng tốt, bầu show tiếp tục mời, thu nhập lại thêm rủng rỉnh, nên có ca sĩ thổ lộ dù không có hơi cũng ráng tập vài câu vọng cổ để dành lấy điểm khi diễn ở nước ngoài. Nhiều nghệ sĩ cải lương kỳ cựu cho biết có những chương trình văn nghệ hải ngoại họ tham gia, không có ca vọng cổ - cải lương, khán giả không xem.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết diễn ở Mỹ, nhớ mãi chuyện khán giả yêu cầu ca sĩ Ý Lan: “Ý Lan ơi, hát vọng cổ đi, Ý Lan ơi!”. Ý Lan bèn rủ rê hai ca sĩ Kim Anh, Quang Thành nhiều lần hát vọng cổ với mình, được khán giả thích thú, hoan nghênh nhiệt liệt. Hai ca sĩ Khánh Hà, Lưu Bích hát dòng nhạc cách xa cải lương mà thỉnh thoảng vẫn hát vọng cổ lúc biểu diễn. Ca sĩ Như Quỳnh, Mạnh Đình, Phi Nhung, Hương Thủy, Ái Vân... không chỉ ca vọng cổ mà còn đóng trọn vai những nhân vật chính trong những vở tuồng nổi tiếng như Về đất Kinh Châu, Nửa đời hương phấn, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài...

Các trung tâm băng nhạc hải ngoại như Asia, Thúy Nga Paris đều đầu tư và tạo điều kiện để ca sĩ của họ hát cải lương. Sau những cái tên đã nêu, một lớp ca sĩ mới nổi đã hát vọng cổ cho các trung tâm như Duy Trường, Y Phụng, Thiên Kim, Băng Tâm...

“Xin cảm ơn!”

Hiếm có ca sĩ nào dám nhận mình hát vọng cổ hay như nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp. Ngọc Sơn, Phương Thanh, Thanh Thúy, Minh Thuận, Nguyên Vũ đều lắc đầu, le lưỡi khi nhớ về những lần tập dượt tốn biết bao công sức để được tham gia một vai nhỏ trong các trích đoạn cải lương. Với nhiều ca sĩ như Nguyên Vũ, hát vọng cổ, đóng cải lương là niềm đam mê, ước muốn từ thuở bé.

Trong cơn sốt ca sĩ hát ca cổ hiện nay, Ngọc Sơn và Minh Thuận nhận xét: “Nhiều ca sĩ bây giờ cố gắng lên được một câu vọng cổ để kiếm mấy tràng pháo tay dù chẳng thật lòng yêu thích cổ nhạc”. Có những ông bà bầu, ca sĩ xác nhận ca vọng cổ chỉ là một “chiêu” để chinh phục khán giả ở sự bất ngờ về cái lạ.

Ca sĩ Quang Thành kể khi còn ở VN, anh thấy nhiều bạn trẻ, sinh viên, trí thức thường ngại ngùng khi bày tỏ mình thích cải lương, vọng cổ. Nhưng đến Mỹ, anh thấy từ người già đến trẻ em, từ bác sĩ kỹ sư đến người lao động đều hãnh diện xưng mình là người rành cải lương. Trong các cuộc liên hoan, họp mặt họ chứng tỏ sự am hiểu bằng cách ca vài câu vọng cổ. Với những người tha hương, vọng cổ - cải lương đã là giá trị riêng của VN trên quê người.

Là một ca sĩ và người tổ chức thành công một số chương trình ca cổ, ca nhạc ở Mỹ, Quang Thành khẳng định: “Ca sĩ bên Mỹ mỗi khi có thể, ai cũng muốn trổ tài ca cổ của mình cả. Nhiều ca sĩ đã xin học hát cải lương đàng hoàng với những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như Bạch Tuyết, Thanh Sang, Ngọc Giàu, Hương Lan, Phượng Mai, Bạch Mai...”.

Khi ca sĩ Minh Thuận ca vọng cổ, ngôi sao phim truyền hình Hàn Quốc So Ji Sub nghe mê mẩn và vỗ tay nồng nhiệt. Ca sĩ Long Nhật tâm sự thật lòng: “Vọng cổ, nghệ thuật cải lương hay như vậy mà khán giả trẻ không biết đến là rất uổng. Ca sĩ nếu có điều kiện nên đưa loại hình nghệ thuật dân tộc này đến với khán giả trẻ nhiều hơn nữa”. Còn ca sĩ Nguyên Vũ thì xúc động nói: “Nguyên Vũ thấy âm nhạc dân tộc của mình rất quí giá, dễ đi vào lòng người. Ca sĩ trẻ cần tìm hiểu và đưa vọng cổ đến các bạn trẻ”.

Nói về hiện tượng ca sĩ nhạc trẻ hát cải lương, nghệ sĩ Thanh Sang - vừa được ca sĩ Kim Anh nhận làm “sư phụ” để theo học ca cổ - cho biết: “Dù ca hay hay dở, ca với mục đích nào đi nữa tôi cũng xin trân trọng cảm ơn các ca sĩ nhạc trẻ đã hát vọng cổ - cải lương. Khi thấy ca sĩ hát vọng cổ, khán giả trẻ mặc nhiên cho rằng những thần tượng của họ yêu thích cải lương thì bộ môn này sẽ đến gần với họ hơn”.  

HÒA BÌNH



Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 17/Mar/2010 lúc 7:49pm
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 17/Mar/2010 lúc 7:55pm

Chung kết Chuông vàng vọng cổ 2009

 
(TT&VH) - Sau 3 đêm bán kết diễn ra vào tối 11, 12, 13/9 tại rạp Hưng Đạo Sài Gòn, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2009 (CVVC) (HTV tổ chức) đã chọn được 10 thí sinh xuất sắc nhất bước tiếp vào vòng chung kết (21/9 đến 15/10/ 2009).

Trong đó, thí sinh Lê Minh Hảo (Bến Tre), người từng lọt vào chung kết năm 2008, đạt điểm cao nhất ở vòng bán kết. Đặc biệt, hai cô gái dân tộc ít người đến từ miền Bắc là Nông Thị Gấm (Bắc Cạn, dân tộc Tày) và Ninh Thị Như Huỳnh (Tuyên Quang, dân tộc Cao Lan) cũng đã ghi tên mình vào vòng chung kết cùng các đồng nghiệp phía Nam.


Chủ đề của chung kết năm nay là Thiên sử Việt Nam ca, từng đêm chung kết có chủ đề riêng như: Đồng vọng, Bách gia, Vạn niên...

Trong các đêm chung kết 1 và 2, thí sinh được tự chọn bài ca và trích đoạn theo chủ đề và sẽ có 3 thí sinh bị loại sau 2 đêm thi. Từ chung kết 3 trở đi các tiết mục sẽ do BTC đưa ra và thí sinh có 1 tuần để tập luyện. Cũng từ vòng này, sau mỗi đêm sẽ có 2 thí sinh bị loại để còn lại chỉ 3 thí sinh cho đêm chung kết 5 (chung kết xếp hạng). Đặc biệt trong đêm chung kết xếp hạng này, các thí sinh sẽ bốc thăm trình bày một bài ca cổ mà không có bất kỳ sự chuẩn bị nào trước.


Ninh Lộc
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 17/Mar/2010 lúc 8:06pm

Bài Vọng cổ     
 

Tôi vượt biên một mình rồi định cư ở Pháp. Năm đó tôi mới 49 tuổi, vậy mà đi tìm việc làm đến đâu người ta cũng chê là tôi già! Vì vậy, một hôm, khi chải tóc, tôi nhìn kỹ tôi trong gương. Tôi bỗng thấy ở đó có một người có vẻ như quen nhưng thật ra thì́ rất lạ: mắt sâu; má hóp; mặt đầy nếp nhăn trên trán, ở đuôi mắt, ở khoé môi; mái tóc đã ngả bạc cắt tỉa thô sơ như tự tay cắt lấy.

Từ bao lâu nay tôi không để ý, vì bị chê già, bây giờ mới soi gương và tôi thấy rằng tôi của hồi trước "Cách mạng thành công" và tôi của bây giờ - nghĩa là chỉ sau có mấy năm sống dưới chế độ gọi là ưu việt - thật không giống nhau chút nào hết. Tôi già thiệt, già trước tuổi. Cho nên, tôi nhìn tôi không ra. Từ đó, mỗi ngày tôi...tập nhìn tôi một lần, nhìn kỹ, cho quen mắt!

 

Một người bạn làm việc lâu năm ở Côte d'Ivoire (Phi Châu) hay tin tôi đã qua Pháp và vẫn cọ̀n thất nghiệp, bèn giới thiệu tôi cho Công Ty Đường Mía của Nhà Nước. Không biết anh ta nói thế nào mà họ nhận tôi ngay, còn gửi cho tôi vé máy bay nữa!

Xưa nay, tôi chưa từng quen một người da đen gốc Phi Châu nào hết. Và chỉ có vài khái niệm thô sơ về vùng Phi Châu da đen như là ở đó nóng lắm, đất đai cọ̀n nhiều nơi hoang vu, dân chúng thì da đen thùi lùi, tối ngày chỉ thích vỗ trống, thích nhảy tưng tưng v.v... Vì vậy, tôi hơi...ngán. Nhưng cuối cùng, tôi quyết định qua xứ da đen để làm việc, danh dự hơn là ở lại Pháp để tháng tháng vác mặt Việt Nam đi xin trợ cấp đầu nọ, đầu kia...

Nơi tôi làm việc tên là Borotou, một cái làng nằm cách thủ đô Abidjan gần 800km! Vùng này toàn rừng là rừng. Không phải là rừng rậm rạp cây cao chơm chởm như ở Việt Nam. Rừng ở đây cây thấp lưa thưa, thấp thấp cỡ mươi, mười lăm thước...coi khô hóc. Không có núi non, chỉ có một vài đồi trũng, nhưng đồi không cao và trũng không sâu...

Nhà nước phá rừng trồng mía. Ruộng mía ngút ngàn! Nằm ở trung tâm là khu nhà máy, khu cơ giới, khu hành chánh, khu cư xá v.v.. nằm cách nhau cỡ vài cây số.

Muốn về thủ đô Abidjan, phải lái xe hơi chạy theo đường mòn xuyên rừng gần ba chục cây số mới ra tới đường cái tráng nhựa. Từ đó chạy đi Touba, một quận nhỏ với đông đảo dân cư. Từ đây, lấy máy bay Air Afrique về Abidjan, mỗi ngày chỉ có một chuyến.

Phi trường Touba nhỏ xíu, chỉ có một nhà ga xây cất sơ sài và một phi đạo làm bằng đất đỏ, mỗi lần máy bay bay lên đáp xuống là bụi bay...đỏ trời!

Tôi hơi dài dòng ở đây để thấy tôi đi "làm lại cuộc đời" ở một nơi hoang vu hẻo lánh mà cảnh trí thì chẳng có gì hấp dẫn hết! Thêm vào đó, tôi là người Á Đông duy nhứt làm việc chung với Tây trắng (chỉ có năm người) và Tây đen (đông vô số kể). Ở đây, thiên hạ gọi tôi là "le Chinois" - thằng Tàu - Suốt ngày, suốt tháng tôi chỉ nói có tiếng Pháp. Cho nên, lâu lâu thèm quá, tôi soi gương rồi... nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, trông giống như tên khùng! Chưa bao giờ tôi thấy tôi cô đơn bằng những lúc tôi đối diện tôi trong gương như vậy.

Một hôm, sau hơn tám tháng "ở rừng", tôi được gọi về Abidjan để họp (Đây là lần đầu tiên được về thủ đô!). Anh tài xế đen đưa tôi ra Touba. Chúng tôi đến phi trường lối một giờ trưa. Sau khi phụ tôi gởi hành lý, anh tài xế nói:

- Tôi ra ngủ trưa ở trong xe. Chừng nào Patron (ông chủ) đi được rồi tôi mới về.

Ở xứ đen, họ dùng từ " Patron " để gọi ông chủ, ông xếp, người có địa vị, có tiền, người mà họ nể nang v.v... Nghe quen rồi, chẳng có gì chói lỗ tai hết!

Tôi nói:

- Về đi! Đâu cần phải đợi!

Hắn nhăn răng cười, đưa hàm răng trắng toát:

- Tại Patron không biết chớ ở đây lâu lâu họ lại huỷ chuyến bay vào giờ chót, nói tại máy bay “ăn-banh” ở đâu đó. Máy bay cũng như xe hơi vậy, ai biết lúc nào nó nằm đường.

Rồi hắn đi ra xe. Tôi ngồi xuống một “phô-tơi”, nhìn quanh, hành khách khá đông, nhiều người ngồi với một số hành lý như thùng cạc-tông, bao bì, va-ly v.v... Không phải họ không biết gởi hành lý, nhưng vì những gì họ gửi đã đủ số ký-lô giành cho mỗi hành khách, nên số cọ̀n lại họ...xách tay, cho dầu là nhiều món vừa nặng vừa cồng kềnh!

Không khí nóng bức. Mấy cái quạt trần quay vù vù, cộng thêm mấy cây quạt đứng xoay qua xoay lại, vậy mà cũng không đủ mát. Thiên hạ ngủ gà ngủ gật, tôi cũng ngã người trên lưng ghế, lim dim...

Trong lúc tôi thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe có ai ca vọng cổ. Tôi mở mắt nhìn quanh rồi thở dài, nghĩ: "Tại mình nhớ quê hương xứ sở quá nên trong đầu nghe ca như vậy." Rồi lại nhắm mắt lim dim... Lại nghe vọng cổ nữa. Mà lần này nghe rõ câu ngân nga trước khi “xuống xề": "Mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rũ bóng... đang vươn lên ngọn khói... á... lam...à... chiều...

Đúng rồi ! Không phải ở trong đầu tôi, mà rõ ràng có ai ca vọng cổ ngoài kia. Tôi nhìn ra hướng đó, thấy xa xa dưới lùm cây dại có một người đen nằm võng. Và chỉ có người đó thôi. Lạ quá ! Người đen đâu có nằm võng. Tập quán của họ là nằm một loại ghế dài bằng gỗ cong cong. Ngay như loại ghế bố thường thấy nằm dưới mấy cây dù to ở bãi biển họ cũng ít dùng nữa.

Tò mò, tôi bước ra, đi về hướng đó để xem ai vừa ca vọng cổ lại vừa nằm võng đong đưa. Thì ra là một anh đen còn trẻ, còn cái võng là loại võng nhà binh của quân đội Việt Nam Cộng Hoà hồi xưa. Tôi nói bằng tiếng Pháp:

- Bonjour!

Anh ngừng ca, ngồi dậy nhìn tôi mỉm cười, rồi cũng nói "Bonjour". Tôi hỏi, vẫn bằng tiếng Pháp:

- Anh hát cái gì vậy?

Hắn đứng lên, vừa bước về phía tôi vừa trả lời bằng tiếng Pháp:

- Một bài ca của Việt Nam. Còn ông? Có phải ông là le Chinois làm việc cho hãng đường ở Borotou không?

Tôi trả lời, vẫn bằng tiếng Pháp:

- Đúng và sai! Đúng là tôi làm việc ở Borotou. Còn sai là vì tôi không phải là người Tàu. Tôi là người Việt Nam.

Bỗng hắn trợn mắt có vẻ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, rồi bật ra bằng tiếng Việt, giọng đặc sệt miền Nam, chẳng có một chút lơ lớ:

- Trời ơi! ...Bác là người Việt Nam hả?

Rồi hắn vỗ lên ngực:

- Con cũng là người Việt Nam nè!

Thiếu chút nữa là tôi bật cười. Nhưng tôi kềm lại kịp, khi tôi nhìn gương mặt rạng rỡ vì sung sướng của hắn. Rồi tôi bỗng cảm nhận nỗi xúc động dâng tràn lên cổ. Thân lưu vong lại “trôi sông lạc chợ” đến cái xứ “khỉ ho cò gáy” này mà gặp được một người nói tiếng Việt Nam và biết nhận mình là người Việt Nam, dù là một người đen, sao thấy quý vô cùng. Hình ảnh của quê hương như đang ngời lên trước mặt...

Tôi bước tới bắt tay hắn. Hắn bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay, vừa lắc vừa nói huyên thuyên:

- Trời ơi!... Con mừng quá! Mừng quá! Trời ơi!... Bác biết không? Bao nhiêu năm nay con thèm gặp người Việt để nói chuyện cho đã. Bây giờ gặp bác, thiệt... con mừng "hết lớn" bác à!

Rồi hắn kéo tôi lại võng:

- Bác nằm đi! Nằm đi!

Hắn lại đống gạch "bờ-lóc" gần đấy lấy hai ba viên kê bên cạnh võng rồi ngồi lên đó, miệng vẫn không ngừng nói:

- Con nghe thiên hạ nói ở Borotou có một người Tàu. Con đâu dè là bác. Nếu biết vậy con đã phóng Honda vô trỏng kiếm bác rồi! Đâu đợi tới bây giờ...

Hắn móc gói thuốc, rút liền ra một điếu, rồi đưa mời tôi:

- Mời bác hút với con một điếu.

Hắn đưa gói thuốc về phía tôi, mời bằng hai tay. Một cử chỉ mà từ lâu tôi không còn nhìn thấy. Một cử chỉ nói lên sự kính trọng người trưởng thượng. Tôi thấy ở đó một "cái gì" rất Việt Nam.

Tôi rút điếu thuốc để lên môi. Hắn chẹt quẹt máy, đưa ngọn lửa lên đầu điếu thuốc, một tay che che như trời đang có gió. Tôi bập thuốc rồi ngạc nhiên nhìn xuống cái quẹt máy. Hắn nhăn răng cười:

- Bộ bác nhìn ra nó rồi hả?

Tôi vừa nhả khói thuốc vừa gật đầu. Đó là loại quẹt máy Việt Nam, nho nhỏ, dẹp lép, đầu đuôi có nét cong cong. Muốn quẹt phải lấy hẳn cái nắp ra chớ nó không dính vào thân ống quẹt bằng một bản lề nhỏ như những quẹt máy ngoại quốc. Hắn cầm ống quẹt, vừa lật qua lật lại vừa nhìn một cách trìu mến:

- Của ông ngoại con cho đó! Ổng cho, hồi ổng cọ̀n sống lận.

Rồi hắn bật cười:

- Hồi đó ổng gọi con bằng "thằng Lọ Nồi".

Ngừng một chút rồi tiếp:

- Vậy mà ổng thương con lắm à bác!

Hắn đốt điếu thuốc, hít một hơi dài rồi nhả khói ra từ từ. Nhìn cách nhả khói của hắn tôi biết hắn đang sống lại bằng nhiều kỷ niệm... Tôi nói:

- Vậy là cháu lai Việt Nam à?

- Dạ. Má con quê ở Nha Trang.

- Rồi má cháu bây giờ ở đâu?

Giọng của hắn như nghẹn lại:

- Má con chết rồi. Chết ở Nha Trang hồi giải phóng vô năm 1975.

- Còn ba của cháu?

- Ổng hiện ở Paris. Tụi này nhờ có dân Tây nên sau 1975 được hồi hương. Con đi quân dịch cho Pháp xong rồi, về đây ở với bà nội. Con sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, về đây, buồn thúi ruột thúi gan luôn!

Tôi nhìn hắn một lúc, cố tìm ra một nét Việt Nam trên con người hắn. Thật tình, hắn không có nét gì lai hết. Hắn lớn con, nước da không đến nỗi đen thùi lùi như phần đông dân chúng ở xứ này, nhưng vẫn không có được cái màu cà phê lợt lợt để thấy có chút gì khác khác. Tóc xoắn sát da đầu, mắt lồi môi dầy...

Tôi chợt nói, nói một cách máy móc:

- Thấy cháu chẳng có lai chút nào hết!

Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng nghiêm trang:

- Có chớ bác. Con có lai chớ bác.

Hắn xoè hai tay đưa ra phía trước, lật qua lật lại:

- Bên nội của con là nằm ở bên ngoài đây nè.

Rồi hắn để một tay lên ngực, vỗ nhè nhẹ về phía trái tim:

- Còn bên ngoại của con, nó nằm ở bên trong. Ở đây, ở đây nè bác.

Bỗng giọng hắn nghẹn lại:

- Con lai Việt Nam chớ bác!

Trong khoảnh khắc, tôi xúc động đến quên mất màu da đen của hắn, mà chỉ thấy trước mặt tôi, một thanh niên Việt Nam, Việt Nam từ cử chỉ tới lời lẽ nói năng. Tôi với tay vỗ nhẹ lên vai hắn mấy cái, gật đầu nói:

- Ô ! Bác thấy. Bây giờ thì bác thấy...

Hắn mỉm cười:

- Ở đây người ta nói con không giống ai hết, bởi vì con hành động cư xử, nói năng không giống họ. Bà nội con cũng nói như vậy nữa! Còn con thì mỗi lần con nhìn trong kiếng, con vẫn nhận ra con là người Việt Nam. Bác coi có khổ không?

Rồi nó nhìn tôi, một chút trìu mến dâng lên trong ánh mắt:

- Bây giờ con gặp bác rồi, con thấy không còn cô đơn nữa. Gặp một người giống mình, ở cái xó xa xôi hẻo lánh này, thiệt là Trời còn thương con quá!

Tôi im lặng nghe hắn nói, nhìn hắn nói mà có cảm tưởng như hắn đang nói cho cả hai, cho hắn và cho tôi. Bởi vì cả hai cùng một tâm trạng...

Hắn vẫn nói, như hắn thèm nói từ lâu:

- Nhớ Sài Gòn quá nên con hay ca vọng cổ cho đỡ buồn. Hồi nãy bác lại đây là lúc con đang ca bài "Đường về quê ngoại" đó bác.

- Bác không biết ca, nhưng bác rất thích nghe vọng cổ.

Giọng nói của hắn bỗng như hăng lên:

- Vọng cổ là cái chất của miền Nam mà bác. Nó không có lai Âu lai Á gì hết. Nó có cái hồn Việt Nam cũng như cá kho tộ, tô canh chua. Bác thấy không? Bởi vậy, không có gì nhắc cho con nhớ Việt Nam bằng bài ca vọng cổ hết.

- Bác cũng vậy.

Tôi nói, mà thầm phục sự sâu sắc của hắn. Và tôi thấy rất vui mừng có một người như vậy để chuyện trò từ đây về sau...
Có tiếng máy bay đang đánh một vòng trên trời. Chúng tôi cùng đứng lên, hắn nói:

- Nó tới rồi đó. Con phải sửa soạn xe trắc-tơ và rờ-mọt để lấy hành lý. Con làm việc cho hãng Air Afrique, bác à.

Rồi hắn nắm tay tôi lắc mạnh:

- Thôi, bác đi mạnh giỏi. Con tên là Jean. Ở đây ai cũng biết Jean le Vietnamien hết. Chừng về bác ghé con chơi, nghen.

Bỗng, hắn ôm chầm lấy tôi siết nhẹ, rồi giữ như vậy không biết bao nhiêu lâu. Tôi nghe giọng hắn lạc đi:

- Ghé con nghe bác... Ghé con...

Tôi không còn nói được gì hết. Chỉ vừa gật gật đầu, vừa vỗ vỗ vào lưng hắn như vỗ lưng một người con...

Khi hắn buông tôi ra, tôi thấy hai má của hắn ướt nước mắt. Tôi vội vã quay đi, lầm lũi bước nhanh nhanh về nhà ga mà nghĩ thương cho "thằng Jean le Vietnamien". Hồi nãy, nó ôm tôi, có lẽ nó đã tưởng tượng như là nó đang ôm lại được một góc trời quê mẹ...

Trên máy bay, tôi miên man nghĩ đến "thằng Jean" rồi tự hứa sẽ gặp lại nó thường, để cho nó bớt cô đơn. Và cũng để cho tôi bớt cô đơn nữa!

-oOo-

Bây giờ, viết lại chuyện thằng Jean mà tôi tự hỏi: "Trong vô số người Việt Nam lưu vong hôm nay, có được bao nhiều người khi nhìn trong gương vẫn nhận ra mình là người Việt Nam? Và có được bao nhiêu người còn mang mểnh trong lòng bài ca vọng cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nằm nguyên trong đó?"

Tiểu Tử
 

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 17/Mar/2010 lúc 8:42pm
 
 
 
Bài viết của Tiểu Tử bao giờ cũng thâm thúy.
Để lại chút buồn man mác trong lòng người đọc.
 
Xin cám ơn Thầy Hùng.
mk
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.145 seconds.