Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chuyện Linh Tinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh
Message Icon Chủ đề: TRUYỆN NGẮN Gởi trả lời Gởi bài mới
Trang  of 6 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 21999
Quote Lan Huynh Replybullet Chủ đề: TRUYỆN NGẮN
    Gởi ngày: 19/Jan/2010 lúc 11:42am

XUÂN NẦY MẸ Ở ĐÂU?


Bà Xuân vói tay kéo chốt cửa lầu, bước ra sân thượng. Hôm nay bà thấy trong người không khoẻ. Nhưng vẫn lên lầu để chăm chút mấy cây kiểng ông Dương giao. Mùa nắng tưới mỗi ngày hai lần. Mùa mưa thì ít hơn. Đôi ba ngày một lần. Có khi cả tuần lễ không tưới cũng không sao.
Bà nhìn cây lựu đã cao chừng bốn gang tay, trổ hoa thơm ngát. Tách một cánh hoa lựu vò nhẹ trong tay, mùi thơm quyến rũ. Tuy nhiên, bà chưa hề thấy ở đâu sản xuất nước hoa từ hoa lựu bao giờ. Chậu tần bì quá nhiều nhánh chìa ra giống như những chiếc đũa tre màu xanh nối kết theo hình bức tranh lập thể. Đồng thời cũng giống như hàng dễ vỡ. Đụng đến là gãy làm chảy những giọt nhựa như nhựa cây xương rồng trắng đục, đặc quánh. Những chậu xương rồng xanh tua tủa gai trắng. Mấy khóm bông giấy cũng có nhiều hoa, rụng đầy.
Bà thích nhất là chậu hồng màu đỏ thẫm.
Hồi trước, ngày đầu tiên Howard đến với bà trên tay là một bó hoa hồng thẫm có điểm mấy nhánh cúc baby. Đó là ngày hạnh phúc nhất của bà. Giở tập ảnh cũ bà không khỏi ứa nước mắt. Không hiểu sao cuộc đời bà là những chuỗi ngày vui buồn xen kẻ nhau. Không khác gì cảnh những ngọn đồi chập chùng, hết lên cao lại xuống thấp. Hết xuống thấp lại lên cao.
Năm 1971, bà sinh Christine, tên Việt Nam là Bảo Trân. Bà yêu con bé có mái tóc vàng và đôi mắt nâu nâu trong veo với hàng mi cong vút. Mỗi ngày từ chỗ làm về, Howard cứ ở suốt bên chiếc nôi của con. Hết sửa chăn lại thay tả. Hết đong đưa chiếc nôi lại hát khe khẻ một bản nhạc ru êm.
Bé Trân mới 8 tháng tuổi mà tủ lạnh đầy ắp thức ăn.
Howard bảo:
- Christtine không ăn được thì em ăn đi. Có sức khoẻ mà lo cho con.
Trong ngày về Mỹ lần thứ ba Howard chỉ kịp ghi cho bà mấy dòng:
- Anh sẽ trở lại đón em và con.Đừng quên anh. Đừng bỏ con.
Cái gì vậy? Chuyện gì vậy? Bà Xuân tự hỏi và không tìm được câu trẻ lời. Bà mất liên lạc với Howard từ đó.
***
Tháng 9 năm 1975.
Bà Xuân âm thầm làm một cuộc chia ly với con gái Christine khi cô Lan bạn bà chuẩn bị vượt biên. Vì không có đủ tiền nên bà để con đi một mình. Hành trang của con bé là giấy khai sinh, một bức ảnh Bảo Trân đứng trước sân nhà, một bức ảnh chụp chung với mẹ cha cùng địa chỉ của Howard. Vậy thôi!
Mãi đến 29 năm sau, những người biết chuyện còn thắc mắc: Sao bà gan vậy? Bà không sợ cảnh mất chồng lại mất cả con sao? Bà cười mà nước mắt nhạt nhoà. Đã 29 năm qua bà hoàn toàn không liên lạc được với chồng con. Bà chỉ biết một điều: Christine đã được Cô Lan giao tận tay cha.
Tính đến hôm nay, bà Xuân đã vào ở trong nhà ông bà Dương 25 năm rồi. Ôi! Nghĩa tình nói sao cho hết. Lúc cho Bảo Trân đi vượt biên xong bà như người mất hồn. Nhưng vẫn phải đi làm kiếm sống. Sáng sớm bà đến chợ chồm hổm ở Ngã ba Bà Quẹo Tân Bình mua rau cải tươi từ Hốc Môn chở đến. Đem về ngồi bán ở ven đường ngã tư Bảy Hiền. Ông Bà Dương tốt bụng, thương tình cho bà ngồi trước cửa. Tối đến về ngủ trong một căn gác trọ gần Nhà Thờ Ba Chuông. Vợ của một sĩ quan Mỹ sống như vậy trong hai năm. Một lần bị công an rượt , bà ù té chạy. Hàng bán bị hốt hết. Bà ngồi bệt xuống trước thềm nhà ông bà Dương khóc hoài. Thành thật mà nói, ông bà Dương rất có tình người. Biết bao ngày ông bà đã từng mua hộ những hàng ế của bà cho bà nhẹ gánh đi về.
Lúc nầy, bà Dương mang
thai đứa con thứ ba. Cần một người chăm sóc em bé. Ông bà Dương vừa yên ủi bà Xuân vừa hỏi:
- Chị Xuân, bây giờ không còn người thân nào bên cạnh, chị có vui lòng về ở chung với chúng tôi không? Vợ tôi sắp sinh rồi. Được có chị một bên thì tôi cảm ơn Thượng Đế lắm.
Qua hai hàng nước mắt, bà Xuân gật đầu. Phải! Bà đâu còn người thân nào ở Sài Gòn. Cô em gái của bà đã qua Mỹ vào những ngày đầu của tháng 5 năm 1975 rồi. Vẫn chưa tin tức. Mà liên lạc làm sao khi bà đã thay chỗ ở mấy lần. Trong đời thường, hễ ở đâu có tình thương thì ở đó có sự êm ấm. Bà Xuân tá túc tại nhà ông bà Dương từ đấy cho đến khi ông bà có đứa con gái thứ năm.
Khi cô con út ấy đã là thiếu nữ tuổi đôi mươi. Nỗi nhớ thương Christine cũng chất ngất ở trong lòng bà. Bà Xuân cứ khóc thầm. Buồn lặng lẽ.
***
Đang thả hồn về quá khứ chợt bà nghe tiếng ông Dương gọi:
- Chị Xuân ơi. Chị đâu rồi?
- Tôi đây. Có gì vậy chú Dương?
- Xuống đây rồi biết.
Giọng ông như reo lên:
- Tin vui. Tin vui.
Bà Xuân bước xuống bậc
thang cuối cùng, thấy lòng hồi hộp. Ông Dương ngồi ở ghế dài chìa tờ báo ra, nói:
- Chị lại đây mà xem nầy. Tên chị phải không? Tên con chị phải không?
Bà Xuân đỡ lấy tờ báo trên tay ông Dương. Đọc đến đâu nước mắt lăn dài theo đến đó.

Tìm Mẹ.
Tôi là Christine - Tên tiếng Việt là Bảo Trân.
Tìm Mẹ tên Nguyễn Thị Thanh Xuân. Trước năm 1975 nhà ở gần Nhà Thờ Ba Chuông. Gửi tôi đi Mỹ với Cô Lan. Ai biết Mẹ tôi hiện ở đâu làm ơn nhắn giùm. Xin hậu tạ.
Hai bức ảnh kèm theo khiến bà Xuân khuỵu xuống sàn nhà, khóc ngất. Đúng là con gái của bà . Bức ảnh thứ nhất Howard một tay bế con một tay quàng vai bà âu yếm. Bức ảnh thứ hai Bảo Trân mặc áo đầm xanh màu bích ngọc, tóc cột cao thắt nơ. Bà vẫn còn lưu giữ trong
album một ảnh giống y như vậy. Tạ ơn trời đất. Thượng Đế còn thương. Bà lẩm nhẩm.
Một tháng sau nhờ toà soạn của tờ báo, Christine đã liên lạc được với bà. Việc đầu tiên, vợ chồng và hai con gái của Christine sẽ đi Việt Nam thăm mẹ.
Ngày gặp nhau, Bà Xuân không thể nào tưởng tượng nỗi: con gái Bảo Trân bé bỏng ngày nào giờ đã là thiếu phụ hai con. Với vóc dáng như vận động viên bơi bội: Da rám nắng, người thon thả, nhanh nhẹn. Đi bên cạnh người chồng nói nói, cười cười thật đẹp đôi và hạnh phúc. Còn người mẹ mà Christine hết lòng tìm kiếm giờ tuổi đã ngoài 60. Hơn thế nữa, những biến cố dập dồn trong cuộc đời khiến bà già đi trước tuổi: Ốm yếu, hom hem.Trong vòng tay sum họp hai mẹ con cứ ôm nhau khóc hoài. Chàng rể Mỹ thì đứng nghệch ra. Hình như xót xa cho vợ.
Christine về Việt Nam 3 lần, mọi thủ tục bảo lãnh đã hoàn tất. Năm sau, bà Xuân sang Mỹ.
Một ngày của tháng 4 năm
2005. Lại cũng tháng 4 định mệnh. Bà gặp Howard tháng 4. Tạm chia tay vào tháng 4 năm 1972. Tháng 4 năm 2003 bà gặp lại con. Rồi tháng 4 năm 2005 bà được định cư nơi quê hương của chồng.
Cuộc đời bà Xuân thêm một lần đi vào bước ngoặt.

* * *
Ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ, bước vào nhà đứa con gái yêu, bà thấy cái gì cũng lạ lẫm. James và Christine hoàn toàn không biết nói tiếng Việt. Cho nên khá vất vả cho bà Xuân. Mấy chục năm ở trong nhà ông bà Dương, nơi đó cũng nhà cao, cửa rộng. Nhưng căn nhà của Christine phải nói là quá đẹp. Nhà có sân trước nhiều cỏ mượt, cắt rất kỹ. Nhìn xa như một tấm thảm xanh mịn. Bên hiên trồng nhiều hoa: Hồng cam, hồng thẫm, cẩm tú cầu, cúc tím. Ở lối vào có hai cây hoàng điệp cao cũng quá đầu. Trước hai cửa sổ là hai cây táo sai trái. Căn nhà làm bà đứng tần ngần rất lâu. Bốn phòng ngủ. Phòng nào cũng có phòng tắm riêng. Phòng khách bày trí nhẹ nhàng và sang trọng. Dùng toàn màu trắng và màu cà phê sữa nhạt. Phòng ăn thì sang quá. Bà hỏi Christine:
- Nhà sắp có tiệc lớn phải không?
Con bà đáp:
- Chỉ là bữa ăn gia đình bình thường thôi mẹ .
Bà Xuân lúng túng trong khung cảnh sang giàu của con theo suy nghĩ của bà. Đêm đầu tiên trên đất Mỹ bà thức trắng. Đêm thứ hai, thứ ba và đến ngày thứ sáu thì Christine trách:
- Mẹ cứ ngủ ngày hoài . Sao mẹ không chịu đi ra đi vào gì cả.
Bà Xuân thấy buồn. Vừa mệt, vừa đói. Sao con bà không nấu cho bà cơm. Bắt bà phải ăn thức ăn của Mỹ. Trái cây trên bàn bà chỉ thích chuối thôi. Bà thấy nhớ cơm vô cùng.
Một tuần lễ trôi qua, thấy bà quá buồn Christine mua cho bà một nồi cơm điện theo yêu cầu của mẹ. Sợ mùi thức ăn ám vào nhà bà phải nấu bằng bếp ga nhỏ xíu ở sân sau. Một tô canh nấu bằng mì gói. Thôi cũng đủ cho cái bao tử của bà. Giấc ngủ bà tạm quen với giờ ở Mỹ rồi. Nhưng giặt giũ thì trở ngại vô cùng. Bà không biết dùng máy giặt máy sấy gì cả.
Thế rồi, đợi cho Christine đi làm bà giặt tay, đem phơi ở hàng rào bên hông nhà. Hàng giờ bà ngồi đợi cho khô, mong cho khô trước giờ con gái trở về nhà. Không ngờ hôm đó Christine về sớm. Cô gom hết mấy bộ quần áo vào nhà :
- Mẹ đừng có phơi như vậy mất đẹp cho cái nhà. Hàng xóm nhìn vào xấu lắm.
Bà Xuân cảm thấy buồn, thấy khó chịu. Bà bắt đầu thấy hối tiếc khi rời bỏ quê hương. Ôi ! Con của bà . Đứa con gái mà bà banh da xẻ thịt đẻ ra đã xử tệ với bà như thế. Người đâu mà vô tình. Bà bảo bà thèm nước mắm, Christine nói;
- Chồng con của con và cả con cũng không chịu nỗi mùi ấy đâu.
Bà bảo thèm thức ăn Việt Nam, cô trả lời:
- Mẹ hãy tập ăn thức ăn Mỹ. Cuộc đời còn lại của Mẹ ở Mỹ mà.
Hồi sống với ông bà Dương, bà có một phòng riêng đầy đủ tiện nghi. Tự do ăn uống. Tự do ngủ nghỉ. Còn bây giờ. Đúng 9 giờ bà phải vào phòng. Lý do hai đứa bé ngày mai đi học sớm. Chúng chỉ được phép nói chuyện với bà 10 phút mỗi ngày. Không khí trong nhà ngột ngạt từ cái hôm bà ăn một lúc hai trái bắp luộc mà bà tưởng tất cả cho bà. Christine đã nói với chồng vẻ giận dữ:
- Mẹ kỳ thật. Nhà có 5 người. Mẹ đã ăn mất phần của một người rồi.
Bà nghe và nói được tiếng Anh mà. Tủi thân. Bà khóc. Con cái ở Mỹ , sống theo kiểu Mỹ có khác. Bà nhớ câu chuyện đọc ở đâu đó lâu rồi. Ở một xứ xa, những cha mẹ đã già thường được các con đưa vào rừng. Không phải để ngắm cảnh hay săn bắn. Mà là bắt các cụ trèo lên cây. Các con đứng dưới đất mà rung. Người nào yếu sức té xuống chết thì khiêng đi chôn. Người nào còn khoẻ bám chặt vào cây rung mãi không rớt thì đem về nuôi tiếp.Phong tục gì mà kỳ cục! Bà nghĩ thân phận mình. Bà mới 68 tuổi. Tại khổ cực nên già. Sang đây ăn uống thất thường càng gầy đi thấy rõ. Sao con bà không thấy cho. Bỗng bà chợt nhớ ra, hồi đi đứa cháu họ ở Michigan có cho bà số phone. Phải rồi. Ngày mai bà sẽ gọi. Mặc dù Christine căn dặn nhiều lần:
- Mẹ đừng có bắt phone, cũng đừng gọi cho ai. Tốn tiền lắm.
***
Cầm cái thư trong tay, bà Xuân mở ra, run rẩy: Vé máy bay! Bà nói chuyện với Khoa mới hai tuần, cháu đã gửi vé cho bà sau khi nhiều lần hỏi:
- Bác đã nghĩ kỹ chưa? Mà không sao. Cứ sang ở với cháu. Khi nào muốn về với chị ấy cháu sẽ lo. Bác vui lên đi nhé.
Bà chìa tấm vé máy bay ra sau giờ ăn tối, Christine và
James nhìn sững. Thật lâu, Christine cầm lấy. Đọc vội ngày giờ bay. Cô hỏi:
- Sao mẹ không cho con biết trước?
Bà cố ngăn cơn khóc như sóng ở trong lòng bà, trồi lên, dồn dập.
- Mẹ muốn đi khỏi đây một ít lâu.
Ai về phòng nấy...
Hôm James chuẩn bị đưa bà Xuân ra phi trường, Christine đến bên bà, nhẹ giọng:
- Mẹ đi chơi vài tuần rồi về. Các cháu sẽ nhớ mẹ.
Không cầm tay, cũng không ôm hôn. Bà Xuân nuốt ngược nước mắt vào lòng:
- Mẹ chưa biết sẽ quay về lúc nào. Cảm ơn con.
Khi bà đã vào xe, Christine nói với:
- Mẹ! Con xin lỗi mẹ.
Rồi đóng cửa xe lại. Đi thắng vào nhà.
***
Xong phần kiểm tra hành lý, James ôm nhẹ vai bà Xuân:
- Mẹ đi bình an.
Và không hề nói con mong mẹ quay về.
Thắm thoát bà Xuân đã về ở với vợ chồng Khoa 9 tháng hơn. Nhiều lần Christine gọi. Khóc có. Xin lỗi có. Mời bà quay về có. Nhưng bà Xuân đã nguôi đi bao đắng cay. Đã quen với nơi ở mới trên vùng đất Tự Do.
Ngôn ngữ không đến nỗi quá bất đồng nhưng bà không thể nào sống yên cùng con cho được. Khi mà bà xa Christine gần 30 năm. Đứa con ấy là con của Mỹ. Sống và lớn lên trên đất Mỹ, ăn thức ăn Mỹ. Cảm tình và cách đối nhân xử thế cũng theo Mỹ nốt. Người Mẹ nào mà chẳng thương con. Bà khóc nhiều ngày mỗi lần nhớ câu hỏi của Christine qua
phone mấy ngày nay:
- Xuân nầy mẹ ở đâu?
Nhưng bà làm thế có gì quá đáng không? Bà đã gặp con. Đã tận mắt thấy cảnh đời giàu sang nệm ấm, chăn êm của con. Với tình thương yêu của người mẹ thật lòng bà mong gia đình con bà mãi mãi là một mái gia đình hạnh phúc. Còn bà giống như vệt màu rơi không thể nào tạo được màu sắc hài hoà trên một bức tranh mà hoạ sĩ thấy rằng đã đủ đẹp.

Hoàng Yến



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 19/Jan/2010 lúc 12:07pm
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 21999
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 20/Jan/2010 lúc 10:46am

http://honque.net/XemAudioVideo.aspx?BaiID=856

Truyện ngắn: Uyên Ương Gãy Cánh
Tác Giả: Miên Du Đà Lạt
Thúy Anh diễn đọc (Little Saigon Radio - CA)


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 20/Jan/2010 lúc 10:48am
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 21999
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 22/Jan/2010 lúc 9:22am

Lá thư cuối cùng của người lái xe tải



Một lần trên xa lộ, tôi thấy một nhóm cảnh sát hoàng gia Canada và vài người công nhân đang tháo gỡ phần còn lại của một chiếc xe tải bị mắc kẹt bên vách đá. Tôi đậu xe lại, nhập vào nhóm tài xế xe tải đang lặng lẽ quan sát đội công nhân.

Một cảnh sát bước lại chỗ chúng tôi chậm rãi nói: "Rất tiếc, người tài xế đã chết khi chúng tôi phát hiện ra anh ta. Có lẽ anh ấy bị lạc tay lái trong lúc trời có bão tuyết hai ngày trước đây. Thật khó để nhận ra người bị nạn nếu chúng tôi không may mắn thấy ánh nắng phản chiếu từ kính chiếu hậu". Viên cảnh sát lắc đầu buồn bã, rút trong túi áo khoác một lá thư: "Đây này, các anh nên đọc cái này. Tôi đoán anh ấy đã sống được khoảng hai giờ trước khi chết vì lạnh".

Tôi chưa bao giờ thấy cảnh sát khóc. Tôi nghĩ họ đã thấy quá nhiều cái chết và chứng kiến nhiều cảnh tượng hãi hùng nên họ không còn cảm giác gì trước những việc tương tự. Nhưng viên cảnh sát ấy đã lau nước mắt và đưa tôi lá thư. Đọc thư, tôi cũng như những người tài xế khác, không nói lời nào, chỉ lặng lẽ giấu những giọt nước mắt, trở về xe của mình.

Những từ ngữ trong thư như nung cháy tôi. Và sau nhiều năm, nó vẫn còn khắc sâu trong trí nhớ, như thể tôi đang cầm nó trước mặt. Tôi muốn chia sẻ lá thư đó với bạn, bạn bè của bạn và gia đình của họ.


Thư của Bill, tháng 12 năm 2000

"Vợ yêu quý của anh,

Đây là lá thư mà không người đàn ông nào muốn viết. Nhưng anh cũng đủ may mắn khi có một ít thời gian nói lên những gì anh đã quên nói nhiều lần trước đây.

Anh yêu em, em yêu ạ. Em đã từng nói đùa rằng anh yêu chiếc xe tải còn hơn cả yêu em bởi vì anh dành nhiều thời gian cho nó quá! Anh yêu cái khối sắt này vì nó cần cho chúng ta. Nó chứng kiến anh vượt qua những nơi khó khăn, những giờ khó nhọc. Anh đã có thể luôn kỳ vọng vào nó trên những chuyến hàng xa và nó luôn mau chóng giúp anh hoàn thành công việc. Nó không bao giờ làm anh thất vọng. Nhưng em có biết rằng anh yêu em cũng bởi những lý do đó. Em cũng đã chứng kiến anh vượt qua những thời khắc khó khăn.

Anh nhớ anh đã than phiền về chiếc xe cũ kỹ vậy mà anh không nhớ em cũng từng than thở khi mệt mỏi trở về nhà. Anh quá lo nghĩ đến những rắc rối của mình đến nỗi không nghĩ gì đến em. Anh nghĩ về những thứ em đã phải từ bỏ vì anh: quần áo, du lịch, tiệc tùng, bạn bè... Em đã không bao giờ trách móc và vì lý do nào đó anh đã không bao giờ nhớ cám ơn em. Khi anh ngồi uống cà phê với bạn bè, anh luôn nói về chiếc xe và những khoảng tiền sửa chữa nó. Anh nghĩ anh đã quên mất em là người bạn đời của anh.

Sự hy sinh và phấn đấu của em cũng nhiều như việc anh cố gắng để có được một chiếc xe mới. Anh rất hãnh diện về chiếc xe này và anh cũng rất hãnh diện về em. Nhưng anh chưa bao giờ nói với em điều đó. Anh cho đó là điều dĩ nhiên em đã biết. Nhưng nếu anh dành nhiều thời gian với em thay vì để chùi rửa, lau bóng chiếc xe thì anh đã có thể nói những lời thật lòng mình với em.

Nhiều năm tháng qua, trong những lần rong ruổi trên đường, anh biết những lời cầu nguyện của em luôn theo anh. Nhưng lần này những lời đó không đủ. Anh đang đau quá. Anh đang trên chặng đường cuối cùng. Và anh muốn nói lên những điều mà lẽ ra anh phải nói nhiều lần trước đây. Những điều bị lãng quên vì anh quá quan tâm đến chiếc xe và công việc.

Anh đang nghĩ đến những ngày kỷ niệm của hai đứa hay ngày sinh nhật đã bỏ lỡ, cả những vở kịch, những trận đấu hockey của các con mà em phải tham dự một mình vì anh đang đâu đó trên đường. Anh đang nghĩ về những đêm em cô đơn và nghĩ đến anh đang ở đâu, công việc như thế nào. Anh đang nghĩ về những lúc anh muốn gọi cho em chỉ để nói lời chúc ngủ ngon nhưng vì lý do gì đó lại tiếp tục chạy xe. Anh nghĩ về những giây phút thanh thản, yên lành khi nghĩ đến em cùng các con. Những bữa cơm gia đình em dành nhiều thời gian để chuẩn bị và tìm nhiều lý do để giải thích với các con vì sao anh không ăn cùng. (Vì anh đang bận thay dầu cho xe, anh đang bận sửa xe, anh đang ngủ vì buổi sáng anh phải đi sớm,...). Luôn luôn có một lý do nào đó! Khi chúng ta lấy nhau, em không biết thay bóng đèn, nhưng chỉ hai năm sau em đã có thể sửa lò sưởi những khi trời bão trong khi anh đang chờ dở hàng ở Florida.

Anh đã phạm nhiều sai lầm trong đời nhưng nếu nói anh chỉ có một lần quyết định đúng, anh nghĩ đó là khi anh hỏi cưới em.

Cơ thể anh đang đau. Nhưng tim anh thì đau hơn nhiều. Em không có mặt lúc anh ra đi, lần đầu tiên từ khi chúng ta có nhau. Anh thật sự thấy cô đơn và sợ hãi. Anh cần em nhiều lắm và anh biết đã quá trễ rồi. Anh nghĩ thật là tức cười, bây giờ tình yêu của anh thì đang ở xa anh ngàn dặm còn khối sắt vô tri đã sai khiến cuộc sống của anh nhiều năm nay thì đang ở đây. Nhưng anh cảm thấy em đang ở cạnh. Anh có thể cảm nhận tình yêu của em, trông thấy khuôn mặt em. Em đẹp lắm, có biết không? Anh nghĩ gần đây anh không nói với em điều đó dù em vẫn rất xinh đẹp.

Hãy nói với các con rằng anh yêu chúng rất nhiều. Anh sợ phải ra đi quá nhưng giờ phút đó đã đến rồi em yêu ạ. Anh yêu em rất nhiều. Hãy nhớ chăm sóc bản thân và luôn nhớ rằng anh đã yêu em nhiều hơn bất cứ cái gì trên đời. Anh chỉ quên không nói với em điều đó mà thôi.

Anh yêu em!

Bill."

Lời ngỏ:

"...Nếu bạn đang chờ đến ngày mai, tại sao lại không thực hiện mọi thứ ngay trong ngày hôm nay ? Bởi nếu ngày mai không bao giờ tới, bạn sẽ phải hối tiếc rất nhiều vì đã không dành những giây phút hiếm hoi còn lại để sẻ chia một nụ cười, một cái ôm...

...Hãy giữ những người mà bạn thật sự yêu thương trong vòng tay của mình, thì thầm vào tai họ, nói với họ rằng bạn yêu thương họ nhiều như thế nào..."

- Nếu tôi biết rằng...



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 22/Jan/2010 lúc 9:24am
IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 23/Jan/2010 lúc 9:29pm

Hai quả táo

 

Có hai người bạn, hoạn nạn có nhau, coi nhau như anh em ruột thịt. Thượng đế không tin nhân gian vẫn có những tình bạn chân chính như thế nên muốn thử hai người.

Một ngày, hai người bạn đó bị mất phương hướng trên sa mạc rộng lớn, tưởng như cái chết đang cận kề. Lúc đó, thượng đế mới xuất hiện: "Các con của ta, phía trước mặt có một cây táo lớn, trên cây có hai quả táo, ai ăn được quả to thì sẽ tránh được cái chết và thoát khỏi sa mạc, còn ai ăn quả nhỏ thì chỉ có thể giúp con kéo dài hơi tàn và cuối cùng cũng bị chết đau đớn".

Hai người bạn đi lên phía trước một đoạn quả nhiên phát hiện ra một cái cây và cùng phát hiện ra 2 quả táo trên cây. Tuy nhiên không ai trong số họ muốn lấy quả táo mang lại ánh sáng của sự sống.

Đêm đã dần khuya, hai người bạn vẫn ngồi nhìn nhau trìu mến, họ đều tin rằng đây là đêm cuối cùng của họ.

Khi mặt trời lại một lần nữa mọc lên từ phía Đông sa mạc, một trong hai người bạn tỉnh dậy, anh phát hiện ra người bạn kia không còn ở đó, trên cây lại chỉ còn lại một quả táo khô, nhỏ bé. Anh cảm thấy vô cùng thất vọng, không phải bởi chuyện sống chết mà là bởi vì người bạn kia đã phản bội anh.

 
Anh căm phẫn ăn quả táo kia và tiếp tục đi về phía trước. Đi được khoảng hơn nửa tiếng, anh nhìn thấy người bạn mình đang nằm dưới đất, anh ta đã hoàn toàn tắt thở nhưng bàn tay vẫn nắm chặt một quả táo còn nhỏ hơn quả táo kia rất nhiều.
 


Chỉnh sửa lại bởi ranvuive - 23/Jan/2010 lúc 9:29pm

IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 26/Jan/2010 lúc 10:52pm
Ở Cuối Hai Con Đường -PhạmTín AnNinh-HạtSương Khuya Đọc<<<XIN BẤM VÀO
Beautiful%20forest%20Royalty%20Free%20Stock%20Photo
 


Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 26/Jan/2010 lúc 11:06pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 28/Jan/2010 lúc 6:03pm
"Thằng Chó Đẻ" Của Má
hikers%20by%20small%20mountain%20tarn%20,%20north%20rams%20head%20,%20kosciuszko%20national%20park%20,%20snowy%20mountains%20,%20new%20south%20wales%20,%20australia%20stock%20photo





Má ơi ! Bữa nay là ngày 23 tháng chạp, ngày đưa ông Táo . Không biết những người Việt lưu vong như tụi con có còn giữ phong tục hằng năm cúng đưa ông Táo về Trời hay không, chớ vợ của con năm nào đến ngày này cũng mua hoa quả bánh ngọt cúng đưa ông Táo, cũng thành khẩn như ngày xưa, hồi còn ở bên nhà.

Năm nay, nhờ vợ của con lau dọn bàn thờ ông Táo để sửa soạn bày lễ vật ra cúng, nên con mới nhớ ra là ngày 23 tháng chạp. Ngày này cũng là ngày sanh của má. Hồi đó, má hay nói: « Ngày sanh của đứa nào còn khó nhớ, chớ ngày sanh của tao là ngày ông Táo về Trời, không dễ gì quên ! ». Và ngày này hồi đó, khi cúng vái, má hay cầu khẩn : « Ông về ở trển nhờ tâu lại bữa nay tôi lên thêm một tuổi, cầu xin Ngọc Hoàng bớt cho tôi chút đỉnh khổ cực … ». Hồi đó, nghe má cầu xin, con phì cười. Bây giờ, nhớ lại, con bỗng ứa nước mắt…Cuộc đời của má - theo lời tía kể - cũng lắm gian truân từ ngày má bỏ cái làng quê ở bờ sông Vàm Cỏ để đi theo tía dấn thân làm cách mạng vào những năm 1928/29. Gia đình giòng họ từ bỏ má cho nên hồi sanh con, tía bận đi xa, má nằm chèo queo một mình trong nhà bảo sanh, chẳng có người nào đi thăm hết. Vậy mà sau đó, má vẫn tiếp tục bôn ba …Mãi về sau, khi con lên sáu bảy tuổi, có lẽ chỉ vì sanh có một mình con nên tía má mới « trụ hình » - vẫn theo lời tía kể - với nhiều cực nhọc và khó khăn tiếp nối dài dài…Hỏi sao sau này mỗi lần đưa ông Táo má không có lời cầu khẩn nghe tội nghiệp như vậy ?

Nhớ lại, cách đây ba năm má thọ tròn trăm tuổi. Tính ra, từ ngày con đi chui theo ý má muốn - má nói : « Mầy đem vợ con mầy đi đi, để tao còn hy vọng mà sống thêm vài năm nữa » ! – cho đến năm đó, con xa má 25 năm. Con mới 72 tuổi mà cứ bịnh lên bịnh xuống nhưng năm đó con quyết định phải về. Và con đã về …

Thằng Bảy, con chị Hai Đầy ở Thị Nghè nghỉ chạy xe ôm một bữa để đưa con về cái làng quê nằm bên sông Vàm Cỏ. Nó nói : « Đi xe đò chi cho tốn tiền, để con đưa cậu Hai về, sẵn dịp con thăm bà Tám luôn ».

Hồi tụi con bước vào nhà, cả xóm chạy theo mừng. Con nhỏ giúp việc vội vã đỡ má lên rồi tấn gối để má ngồi dựa vào đầu giường : « Thưa bà cố, có khách ». Má nhướn mắt nhìn, hai mắt sâu hỏm nằm trên gương mặt gầy nhom đầy vết nám thâm thâm : « Đứa nào đó vậy ? ». Con nghẹn ngào : « Dạ, con… ». Chỉ có hai tiếng « Dạ, con » mà má đã nhận ra con ngay mặc dầu đã xa con từ 25 năm ! Má nói : « Mồ tổ cha mầy ! Trôi sông lạc chợ ở đâu mà bây giờ mới dìa ? Mà dìa sao không cho tao hay ?» Con ngồi xuống cạnh má: " Sợ cho hay rồi má trông" Má nói mà gương mặt của má nhăn nhúm lại: " Tao trông từ hai mươi mấy năm nay chớ phải đợi đâu tới bây giờ ! " Rồi má nhắm mắt một vài giây mới để lăn ra được hai giọt nước mắt. Cái tuổi một trăm của má chỉ còn đủ hai giọt nước mắt để cho má khóc mừng gặp lại thằng con ... Xúc động quá con gục đầu vào vai má khóc ngất, khóc lớn tiếng, khóc mà không cần biết cần nghe gì hết. Cái tuổi bảy mươi hai của con còn đầy nước mắt để thấm ướt cái khăn rằn má vắt trên vai...

Suốt ngày hôm đó, má con mình nói biết bao nhiêu chuyện, có sự tham dự của họ hàng chòm xóm. Nhớ gì nói nấy, đụng đâu nói đó ...vui như hội. Vậy mà cuối ngày, không thấy má mệt một chút nào hết. Con nhỏ giúp việc ngạc nhiên: "Bình thường, bà cố nói chuyện lâu một chút là thở ồ ồ. Bữa nay sao thấy nói hoài không ngừng ! Có ông Hai dìa chắc bà cố sống thêm năm bảy năm nữa à ông Hai !"

Đêm đó, má "đuổi" con vô mùng sớm sợ muỗi cắn. Con nằm trên bộ ván cạnh cái hòm dưỡng sinh của má. Con hỏi: "Bộ cái hòm hồi đó má sắm tới bây giờ đó hả ?" Má cười khịt khịt vài tiếng rồi mới nói: "Đâu có. Cái hòm mầy nói, tao cho cậu Tư rồi. Hồi Cao Miên pháo kích quá, tao đem cậu Tư về đây ở, rồi ổng bịnh ổng chết. Tao có sắm cái hòm khác, cái đó tao cho thằng Hai con cậu Tư. Tội nghiệp thằng làm ăn suy sụp nên rầu riết rồi chết !" Con nói chen vô: " Vậy, cái nầy má sắm sau đám của anh Hai" Má lại cười khịt: "Đâu có. Cái hòm sắm sau cái hòm cho thằng Hai, tao cho dì Sáu rồi. Hồi chỉ nằm xuống, nhà chỉ không có tiền mua hòm thì lấy gì làm đám ma ? "Ngừng lại một chút rồi má mới nói : " Còn cái hòm nầy chắc tao không cho ai nữa. Họ hàng quyến thuộc lần hồi chết hết, còn lại có mình tao thôi, có nó nằm gần tao cũng yên bụng !"

Nằm tơ lơ mơ một lúc bỗng nghe má hỏi: " Thằng chó đẻ ... ngủ chưa ?" Con trả lời : "Dạ chưa" Má tằng hắng: " Tao tụng kinh một chút nghen" Con : "Dạ" mà nghe tiếng "Dạ" nghẹn ngang trong cổ. Mấy tiếng "Thằng chó đẻ" của má kêu con đã làm cho con thật xúc động. Hồi đó – lâu lắm, cách đây sáu mươi mấy bảy chục năm, hồi con còn nhỏ lận – má hay gọi: "Thằng chó đẻ, lại hun cái coi !". Hồi đó, mổi lần cưng con, nựng con, ôm con vào lòng má luôn luôn gọi con bằng " thằng chó đẻ" ! Mà con thì chỉ biết sung sướng khi nghe má gọi như vậy. Rồi con lớn lần, má không còn gọi con bằng "thằng chó đẻ" nữa. Con không để ý và chắc má cũng không để ý đến chuyện đó. Mãi đến bây giờ má lại gọi con bằng "thằng chó đẻ", gọi tự nhiên như hồi còn nhỏ. Chỉ có mấy tiếng thật thô thiển bình dị, nghe khô khan như vậy mà sao con cảm nhận tình thương thật là tràn đầy. Và đối với má, dầu tuổi đời của con có cao bao nhiêu nữa, con vẫn là "thằng nhỏ","thằng chó đẻ cưng". Con bắt gặp lại sự sung sướng của hồi đó khi được má gọi như vậy. Rồi bao nhiêu hình ảnh thuở ấu thời hiện về trong đầu con, liên miên chớp tắt. Đêm đó, con trằn trọc tới khuya...

Sáng hôm sau, má biểu con đẩy xe lăn đưa má đến từng bàn thờ để má thắp nhang tạ ơn Trời Phật, Ông Bà. Cuối cùng, đến bàn thờ của tía, má nói: "Ông ơi, Có thằng nhỏ nó dìa đó. Ông độ cho nó được mạnh giỏi, độ cho vợ con nó ở bên tây được suông sẻ trong công việc làm ăn..." Đứng sau lưng má, con phải cắn môi thật mạnh để khỏi bật lên thành tiếng nấc !

Đẩy má ngang bàn viết cũ của tía, con thấy trên tường có
treo hai khuôn kiếng lọng văn bằng đỏ chói có đóng dấu cũng đỏ chói của Nhà Nước. Con ngừng lại đọc: một tấm là huân chương hạng nhứt và một tấm là huy chương hạng ba cấp cho Lê thị Ráng. Con hỏi: " Cái gì vậy, má ?" Má nói: " Mề-đai của tụi nó cho tao. Tụi nó bươi chuyện thời ông Nhạc nào đâu hồi mấy năm 1928-29 rồi chạy lại cho. Cái hạng nhứt đó cho năm ngoái, còn cái hạng ba mới cho đây" Con cười: " Vậy là họ hạ cấp má rồi" Má hỏi: "Sao mầy nói vậy ?" Con giải nghĩa: "Thì từ hạng nhứt tuột xuống hạng ba là bị hạ cấp chớ gì nữa ?" Má cười: "Mầy không biết. Cái đầu hạng nhứt đó, cho treo chơi chớ không có tiền. Cái hạng ba đó mới có cho tiền" Con đùa: "Vậy má chia cho con chút đỉnh lấy hên coi !" Má khoát tay: "Ối ...từ ngày nhận cái mề-đai đó tới nay đã ba tháng rồi mà có thấy tụi nó đưa tiền đâu. Nghe nói còn mấy khâu gì gì đó chưa thông nên có hơi trễ !" Thấy trên văn bằng đề "Lê Thị Ráng" con thắc mắc: "Ụa ! Mà Lê Thị Ráng đâu phải là tên của má. Trong khai sanh của con, má là Lê Thị Láng mà !" Má cười khục khục mấy tiếng rồi mới nói: "Để tao nói cho mầy nghe. Hồi đó tao sanh mầy ở gần nhà thờ Cha Tam, trong Chợ Lớn. Cô mụ người tàu, nói tiếng Việt còn lơ lớ. Cổ hỏi tao tên gì để làm khai sanh. Tao nói tao tên Ráng, mà R cổ nói không được, nên ra sở khai sanh, cổ nói Ráng thành Láng là như vậy" Mãi tới bảy mươi hai tuổi con mới biết tên đúng của má là "Ráng" !

Hôm đưa ông Táo, con có tổ chức một bữa tiệc để ăn mừng một trăm tuổi của má, có họ hàng tham dự đầy nhà. Vừa ngồi vào bàn, dì Bảy Giang nói: "Theo phong tục mình, con cái phải quì lạy để chúc thọ mẹ cha. Bây giờ, chị Tám được một trăm tuổi, hiếm lắm, quí lắm. Mầy phải lạy má mầy đi rồi ăn uống gì ăn" Mọi người vỗ tay tán thành. Má cũng cười, nói: "Ồ phải ! Hồi nẳm, đám cưới của mầy, mầy có đi học lạy với cậu Bảy Dinh, nhưng bên đàng gái miễn lễ chỉ bắt xá thôi, rồi về đây tía mầy cũng miễn luôn. Cho nên tao chưa thấy mầy lạy ra sao hết. Đâu ? Mầy lạy tao coi !" Mọi người lại vỗ tay nữa. Con đứng trước mặt má, chấp tay ấp úng: "Thưa má. Hôm nay là ngày sanh thứ một trăm của má, con xin lạy mừng thọ má" Rồi con lạy ba lạy, cũng đủ điệu bộ lên gối xuống gối như con đã học lạy cách đây gần năm chục năm. Con lạy mà nước mắt chảy quanh. Con biết rằng lần lạy đầu tiên này có thể là lần lạy cuối cùng, bởi vì qua Tết, con sẽ trở về Pháp với cái lạnh cắt da của mùa đông, rồi sau đó biết có còn về nữa hay không ? Sức khỏe của con càng ngày càng kém, bao nhiêu thứ thuốc uống vô hằng bữa liệu kéo dài sự sống của con được đến bao lâu ? Điều này, con đâu dám cho má biết. Mọi người lại vỗ tay khi con lạy xong. Rồi thì nhập tiệc. Bữa tiệc hôm đó thật là vui. Người vui nhứt là má.

* * *

Má ơi ! Bữa nay là ngày sanh thứ 103 của má, ngày đưa ông Táo về Trời. Vậy là ba năm qua rồi, con đã không về thăm má. "Thằng chó đẻ" của má vẫn còn « trôi sông lạc chợ », để cho má cứ phải trông nó về, trông hằng ngày, trông mòn con mắt, trông khô nước mắt !

Má thương con , xin má tha thứ cho con... tha thứ cho con ….



Tiểu Tử



Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 28/Jan/2010 lúc 10:23pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 31/Jan/2010 lúc 3:21am
 
TÌNH YÊU
 
 
Câu chuyện bắt đầu với một anh chàng tên Paul và một cô nàng tên Ella.

Cả hai đang là sinh viên đại học.

Một ngày hè, cả hai gặp nhau lần đầu tiên trên sân bóng rổ của trường. Ngẫu nhiên, họ được xếp chơi chung một đội. Hôm đó cả hai đều rất vui.

Lúc về, Ella giả vờ hỏi mượn điện thoại của Paul rồi gọi vào máy mình. Thế là cô có số của Paul. Sau đó, Ella gửi tin nhắn cho Paul, giả vờ như mình nhầm số. Paul trả lời lại. Ella lại gửi tiếp tin nhắn khác. Cứ thế, họ nhắn tin qua lại. Từ nhắn tin, họ chuyển qua gọi điện. Từ nói chuyện trên điện thoại, họ hẹn hò gặp nhau. Và rồi tình yêu đến với họ lúc nào không biết. Cả hai những tưởng, họ sẽ ở bên nhau cho đến cuối đời. Tình yêu của họ sẽ là vĩnh cửu.

Nhưng ba má Ella thì không nghĩ vậy. Họ phản đối. Họ cho rằng Paul không xứng với Ella và rằng chuyện yêu đương nhảm nhí hiện giờ sẽ phá hỏng tương lai tươi sáng của con gái họ.

Ella không đủ mạnh mẽ để chiến đấu với ba má mình. Ella muốn chia tay. Paul không đủ mạnh mẽ để chiến đấu với Ella hòng cứu lấy tình yêu của hai người. Anh chỉ có một lựa chọn duy nhất: để Ella bước khỏi cuộc đời mình. Ella bị buộc đi du học ở nước ngoài. Vậy là hai người mất luôn liên lạc.

Đau đớn thật đó. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua.

Năm năm sau, lúc này cả hai người đều đã trưởng thành và tự lập, Ella vẫn còn độc thân và Paul thì có người yêu khác, Mary. Nhưng sâu thẳm tâm hồn, Paul chỉ yêu duy nhất một mình Ella thôi. Chỉ là, anh không có cơ hội để nói với cô điều đó.

Một lần, đang cùng Mary dạo phố, Paul vô tình trông thấy Ella. Cô thật sự chỉ đứng phía bên kia đường thôi. Chỉ cách anh có một sải chân. Trái tim anh như ngừng đập. Thật sự không rõ bản thân đang làm gì nữa, anh vùng người chạy băng qua đường, bỏ mặc Mary ở lại phía sau. Bần thần và ngơ ngẩn, anh đã không nhìn thấy một chiếc xe tải đang chạy tới.

Lúc Mary hét lên kinh hoàng cũng là lúc Ella quay người nhìn lại. Cô nhận ra khuôn mặt ấy, ánh mắt ấy. Trái tim cô cũng như ngừng đập.

Ella nhào vào đám đông đang tụ tập. Paul vẫn còn thở. Bên cạnh anh lúc này là Mary, đang nói trong nghẹn ngào: "Paul, anh không được bỏ cuộc... hãy gọi tên em, hãy gọi 100 lần, 1000 ngàn lần... được không anh? Đừng ngừng lại, gọi tên em... đừng nhắm mắt, anh... mở mắt ra nào và hãy gọi tên em..."

Paul được đưa đến bệnh viện. Cả Mary và Ella đều đi theo. Họ không biết nhau. Mỗi người đứng một góc, cúi đầu cầu nguyện.

Vị bác sĩ trở ra, đứng trước mặt Mary và nói: "Cô Ella, chúng tôi xin lỗi, anh ấy đã bỏ cuộc sau khi gọi tên cô được 157 lần. Chúng tôi đã tận hết sức."

Mary gục người khóc nức nở, cô không quan tâm đến chuyện vị bác sĩ ấy đã gọi nhầm tên.

Chỉ có Ella, người run rẩy quỵ ngã nơi góc phòng là thấu hiểu. Cô biết tại sao Paul ngừng lại ở lần thứ 157. Bởi vì đó là ngày họ chia tay nhau. Ngày 15 tháng 7. Năm năm, cô đã bỏ rơi tình yêu của mình đến 5 năm. Và bây giờ nỗi đau gấp ngàn lần ngày trước đang quật vào tim cô. Đau đớn.



Nếu bạn thực sự yêu một người, đừng rời bỏ anh/cô ấy. Không bao giờ rời bỏ. Bởi vì có thể bạn không biết được, tình yêu đó có ý nghĩa thế nào với người ấy đâu. Đôi khi nó có giá của cả một mạng người. Hãy trân trọng và giữ gìn tình yêu của mình. Chiến đấu vì nó. Và bạn sẽ không bao giờ hối hận.


IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 01/Feb/2010 lúc 11:26pm
Quán nhớ PDF Print E-mail
Tác Giả : Nguyễn Ngọc Tư   
Thứ Ba, 26 Tháng 1 Năm 2010 19:27

Trong đám bạn nhỏ cùng xóm, lớn lên tản mác, chỉ nó là người đi xa nhất,

cách núi sông đã đành, lại còn cách biển, bên nầy bên đó không thể cùng lúc ngắm mặt trời lên. Lâu lắm nó mới về, nó bảo, bây giờ xứ mình cái gì cũng khác, nhờ có tình bạn tụi mầy mà tao còn biết đường về, nhờ một thứ nữa là cái tiệm tạp hoá của dì Hai, may, cứ nhìn tiệm đó mà tao không lạc.

Lối sống văn minh không làm nó quên tiếng "tiệm" ngày xưa, ngày mà cả nó và tôi còn nhỏ xíu, ngày nào má nó cũng kêu thằng Út ơi, thằng Út à, chạy lại đằng tiệm mua giùm má ít đồ. Buổi sáng chạy ra mua tương mua củi về nấu bữa cơm sớm cho má nó lót lòng đi làm phụ hồ, ba đi đạp xích lô, trưa cả hai người về, cho đỡ mệt. Chiều xách chai mua dầu về thắp đèn, bữa nào ba nó vui, muốn nhâm nhi với mấy ông bạn, nó đong thêm xị rượu. Nó biết đi tiệm mua đồ từ lúc còn chưa biết mặt của mấy tờ giấy bạc, ở nhà đưa tiền, nó chạy lại xòe tay ra mấy tờ bạc bèo nhèo đưa dì Hai, "má con dặn mua hết bi nhiêu đồng muối". Dặn mua ít món còn nhớ, dặn nhiều nó phải vừa đi vừa nhẩm, gặp cái chạc cây, vấp ngã, quên mất, lại phải mếu máo chạy về hỏi lại. Ở nhà sai biểu cái gì còn mê chơi, dùng dằng chứ bảo đi tiệm là nó te tái đi ngay, mua món đồ còn dư một vài trăm, thể nào dì Hai cũng thối lại bằng mấy cục kẹo chanh, kẹo dừa xanh xanh đỏ đỏ, ngọt dai dẳng cả một tuổi thơ của đám con nhà nghèo.

Tiệm tạp hóa của dì Hai cất dựa mé sông, nhà nhỏ, hàng hoá chất đầy ra lối đi, treo lùm đùm líu đíu không thấy được đầu người. Nhỏ vậy, chật chội vậy mà dường như hỏi món gì cũng có, gạo củi mắm muối thì nói gì, tiệm có cả những thứ năm thì mười họa mới bán được một lần. Chen chúc nhau những kệ cao kệ thấp, thùng nhỏ, thùng to, hủ sành, hủ mủ... không có cái thứ tự nào cho món lớn nhất như sịa nia thúng mủng, nhỏ nhất như cục đá lửa, cái dao lam... Bạn tôi nói với tôi rằng, mười mấy năm qua, mỗi lần bước vào những siêu thị hàng hóa bày bán hào nhoáng, nó vẫn thường nhớ tới tiệm của dì Hai, nó nói có một cái gì đó đầy sự sống, ấm áp trong cái quán bề hộn, hỗn độn của dì. Nên nhớ nhiều lắm. Nhớ đùm cốm gạo treo trên vách, mấy cái keo đựng bánh kẹp, bánh men, cái diệm đựng củ cải muối để kế bên rổ hột vịt, ở góc nhà là thạp đường mía vàng ong óng, một lần nó lén lấy tay mút thử, dì Hai rầy, "cái thằng sao ở dơ ở dáy vậy con, sao không nói để dì lấy dao xắn cho". Nó còn nhớ nắp đậy trên cái lon đựng tiền lẻ của dì lúc nào cũng dính dâm dấp bột gạo, bội củ năng. Qua bao nhiêu năm rồi, nó vẫn thắc mắc, tự hỏi, làm sao dì nhớ rành vị trí từng thứ hàng hoá trong tiệm của mình, để người ta hỏi cái gì, dì lẹ làng, phăm phăm lôi ra ngay thứ ấy, mà từ cái chỗ đôi khi ta không ngờ tới. Tôi cười, với dì, cái tiệm đó có một trật tự riêng, tụi mình không biết được đâu.

Bởi dì đã mở tiệm hàng này từ lúc chúng tôi chưa được sinh ra. Có vài ba cái tiệm như thế cho xóm lao động nghèo nhưng không có cái nào lâu đời như tiệm của dì. Mỗi gia đình trong xóm nhỏ nầy, ai đi ai đến dì rành hết thảy. Buôn bán lâu năm dì còn thuộc nết ăn, xài từng nhà. Như cậu Ba chỉ thích ăn bí hầm dừa với đường mía, vừa ngọt dừa thanh, dì Chín mê món cháo trắng ăn với cải xá bấu, sáng nào cũng nấu, nhà mợ Bảy thích xài xà bông bột hơn loại kem... Với cư dân trong xóm, khi đã vượt qua được đận cơm ngày hai bữa thiếu trước hụt sau, ai cũng tự hỏi, hồi đó sống sao được nếu vắng những tiệm buôn bán lẻ trong xóm mình ha. Làm ngày nào đủ chi ngay ẩy, đủ hai ký gạo, hai trăm đồng muối, năm trăm đồng đường, với bột ngọt, tương, chao... lắt nhắt, vụn vặt, không người bán biết mua ở đâu. Rồi mấy đứa con gái đểnh đoảng như tôi vất vả biết chừng nào, đôi khi không lấy được chồng chứ hỏng phải chuyện chơi, vì lâu lâu vô bếp một lần, đang nấu canh, kho cá, tá hỏa lên trong nhà hết đường hết muối, sai đứa con nít chạy lẹ ra tiệm mua về nêm vẫn kịp, thiệt hú hồn, may quá. Lớn lên, xa nhà, đi rày đây mai đó, nhớ về xóm cũ, từng cái cây ngọn cỏ, còn đường dường như mỗi thứ đã trở thành một phần đời... Cả cái tiệm tạp hóa bình dị, mộc mạc của người đàn bà goá chồng hiền hậu mà cả đời chẳng đứa nào quên tên gọi: dì Hai.

Nó lại thăm, dì Hai than lúc nầy già cả rồi, con mắt ngó không thấy đường, đêm nào cũng nghe đau nhức mình mẩy. Dì nắn bóp tay nó (cái bàn tay chuyên môn lén quẹt đường mía ăn), khen lúc nầy con lớn quá, mập ra. Nó cười, thì mười mấy năm rồi còn gì, xóm xưa trở thành phố thị, hàng quán tíu tít mọc lên. Mọi thứ đã đổi rồi, sao dì với tiệm của dì không thay đổi gì hết vậy? Dì Hai cười, nếu cái gì cũng đổi hết thì bây biết đường đâu mà về.

Tôi thấy chút xíu nữa nó đã rơi nước mắt. Nó nén lòng, mếu máo cười, bảo, "Lâu quá, hỏng ăn kẹo của tiệm dì hai, dì bán cho con năm trăm kẹo đi, dì!". Dì cười, "Cái thằng, buôn bán gì, lâu lâu con mới về, dì đãi'", rồi dì lụm cụm lấy cho nó một vốc kẹo dừa.

Hồi xưa nó cũng mê chỉ mỗi món kẹo dừa, mê tới mức cả hàm răng sún hết trọi.

Trích trong quyển "Nước chảy mây trôi"



Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 01/Feb/2010 lúc 11:27pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: Online
Số bài: 21999
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 03/Feb/2010 lúc 10:22am

Vạn Lý Thăm Chồng

Bài của Thu Thuỷ
(Thương tặng các bạn gái đồng cảnh ngộ)


Ðã gần 19 năm sống tha hương, mỗi lần nhìn mưa phùn rả rích lất phất rơi đem theo cái lạnh cắt da, mình cảm thấy lòng se thắt lại, nhớ hoài kỷ niệm thật buồn khi cùng ba con nhỏ dại băng rừng vượt suối ra tận Thanh Hóa tiếp tế lương thực cho anh Trường.
Chuyến đi nhiều gian nan ấy hằn sâu trong tâm khảm mình mặc dầu đã 21 năm rồi từ ngày bốn mẹ con dắt díu khệ nệ khiêng từng thùng thiếc bao bị đệm cả hơn trăm ký lô đồ ăn lên tàu Thống Nhứt ra Thanh Hóa.


Mình còn nhớ rõ buổi chiều ấy thật ảm đạm, nắng đã tắt từ lâu như tia hy vọng mong chồng được thả về đã tiêu tan, lòng nặng trĩu âu lo, mình cùng cậu Thu em
trai của chị Tố Nga chuyển các thùng đồ ăn nặng trĩu lên tàu (chồng chị Tố Nga cùng ở chung trại Thanh Hóa, chị cảm thông mình đơn chiếc yếu đuối nên cho em trai ra ga Lê Lai phụ mình). Sau khi đã kiểm kỹ lại các thùng thiếc và chắc chắn không cái nào bị mất mát, cho các con ngồi vào toa xong, mình vội vã cám ơn cậu Thu, lúc ấy cũng hấp tấp nhảy mau ra khỏi toa vì một hồi còi tàu rú lên, báo hiệu tàu sắp rời ga.

Lần đàu tiên trong đời được đi xe lửa, ba con mình ngạc nhiên lạ lùng mở to mắt nhìn các trẻ nhỏ cùng lứa tuổi đang nô đùa trong các dãy nhà san sát cạnh đường rầy dọc theo xóm Bàn Cờ, Hòa Hưng, Phú Nhuận, Bình Triệu. Mặc dầu mình đã nói trước với các con là bốn mẹ con sẽ đi thật xa ra Bắc thăm Ba, đem đồ ăn tiếp tế cho Ba nhưng hai đứa con trai còn quá nhỏ, trí óc non nớt không mường tượng nổi rằng đây là cuộc hành trình gian nan dài cả 1200 cây số. Chỉ có con gái đầu lòng Thủy Tiên khôn lanh và lớn hơn, mơ hồ cảm thấy không phải là một chuyến đi bình thường nhiều thú vị như khi xưa cùng đi với cả gia đình ra Vũng Tàu hoặc lên Ðà Lạt. Thủy Tiên thu mình lại, ngồi rúc vào một góc băng, cặp mắt xoe tròn, lo âu nhìn các hành khách xa lạ chung quanh. Sơn, Tùng vô tư lự và hiếu động, ngồi không yên, tò mò chạy lăng xăng trong toa. Mình xót xa nhìn các con thầm cầu nguyện cho bốn mẹ con được bình an suốt cuộc hành trình.

Ðêm đến bốn mẹ con co rút ngồi sát vào nhau, cố dỗ giấc ngủ một cách khó khăn. Ðùi mình tê cứng, sưng húp lên vì muốn cho các con được ngủ thoải mái, mình luân phiên kê đầu mỗi đứa trên đùi mình, để các con đỡ mệt. Lưng mình đau rả rời vì ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ bất động. Ngồi kiểu nầy suốt ba ngày ba đêm chắc chết mất, mình nhủ thầm, ngao ngán và mệt mỏi. Liếc mắt thấy các người đồng hành mạnh ai nấy tìm một khoảng trống nhỏ dưới chân hoặc ngay cả lối đi chật hẹp để trải tấm nylon nằm cho đỡ mỏi lưng, mình cũng bấm gan trải đại các tờ báo dưới băng, kêu Sơn Tùng thu mình co chân lại nằm đỡ, nhờ vậy Thủy Tiên có thể tạm thời nằm dài ra trên băng cây (có đến ba người lớn ngồi chen chúc trên một băng). Mình thì chịu đựng hết nổi, lăn kềnh ra ở lối đi, đắp vội cái khăn quàng cổ lên mặt để bụi cát từ giày dép các hành khách qua lại không rơi vào mắt. Chưa bao giờ mình thấy thấm thía câu "buồn ngủ gặp chiếu manh" như lúc nầy. Bốn mẹ con nằm được "thoải mái" hơn, đỡ tê cóng chân tay, nên mệt mỏi ngủ thiếp đi, đến sáng lúc nào không hay, mặc dầu trong đêm bao nhiêu chân thản nhiên bước qua người và đầu cổ mình. Thiên hạ nằm la liệt : người lớn thì tràn ngập lối đi, trẻ con nhỏ người hơn cố chui rúc xuống gầm băng, các bộ đội quen ngủ võng trong rừng thì
treo võng nằm vắt vẻo như vượn, đong đưa qua lại tỉnh bơ trên đầu hành khách. Quang cảnh trong toa thật hỗn độn chưa từng thấy : tiếng ho, tiếng khạc nhổ, tằng hắng, tiếng trẻ nhỏ la hét khóc ban đêm, xen lẫn tiếng đập ruồi muỗi chát chúa, chưa kể lâu lâu nước tiểu trẻ con đái dầm ban đêm chảy dài loang ra sàn thối tha dơ bẩn.

Trời hừng sáng bốn mẹ con lồm cồm ngồi dậy, áo quần nhớp nhúa hôi hám, phờ phạc người, thấy ai nấy đều lấm lem, lấy lon hoặc ca súc miệng, phun ra cửa sổ toa, làm vệ sinh lau mặt ngay tại toa. Ban đầu còn ái ngại, sau đó mình cũng quen đi, thản nhiên cho các con súc miệng như mọi người. Tàu ngừng ở các ga lẻ ở miền Trung, cảnh buôn bán tấp nập vô trật tự : ai cũng hấp tấp mua bán vì sợ tàu chạy bất thình lình, không kịp đưa hoặc thối tiền.Thôi thì tiếng la ó cãi vả mắng chửi chí chóe nổi lên, đinh tai nhức óc. Thủy Tiên, Sơn, Tùng mừng rỡ vì được dịp ăn các món cháo lòng, miến gà, cơm tấm bì, cơm sườn, hột vịt lộn, bán dọc theo các ga. Ðã năm năm nay từ sau 75, quen ăn uống kham khổ, các con ngạc nhiên thấy lần nầy mình cứ mua tới tấp đồ ăn, đâu có ngờ rằng sở dĩ mình phung phí là mình lo các con mệt đói, ngả bệnh không đủ sức để tiếp tục băng rừng vô trại. Mình thì ngao ngán ăn uống qua loa cho có sức cầm cự, nôn nóng mong sao cho tàu mau đến Thanh Hóa, chán chường nhìn thắng cảnh qua cửa sổ mặc dầu dọc đường có biết bao bãi biển xanh biếc và núi non hùng vĩ của miền Trung.

Sau ba ngày trời ròng rã sống trong địa ngục hôi hám của toa xe chật chội dơ dáy, bốn mẹ con đến Thanh Hóa. Lại một phen chật vật, chen lấn, mồ hôi nhễ nhãi, bốn mẹ con mới khệ nệ khiêng đủ các thùng thiếc nặng cồng kềnh xuống ga. Thật là "trầy da tróc vảy" vì chỉ cần sơ hở một chút thì bị mất cắp đồ hoặc bị móc túi ngay. Sơn mới mười tuổi đầu hơn còn Tùng chưa đầy chín tuổi, nhưng đã tỏ ra bảo bọc che chở má và chị yếu ớt, giành xách các bao bị đệm to. Nhìn các con nhỏ bé khẳng khiu oằn vai dưới gánh nặng mình đau lòng tủi thân vô cùng. Vì đâu mà nên nỗi nầy? Mình cắn răng để khỏi bật khóc, mím môi nhìn lên trời xanh, thầm cám ơn ơn Trên đã phù hộ bốn mẹ con đi đường bình an vô sự.

Ðường vào trại xa cả năm chục cây số mà đã xế chiều hết xe đò đi ngang trại, nên bốn mẹ con đành phải vào tạm trú ở nhà trọ gần ga. Nói là nhà trọ, nhưng thật sự chỉ là những tấm phên tạm dựng lên sơ sài, trong có nhiều giường tre ọp ẹp cho khách mướn nghỉ đêm đỡ, đợi sáng sớm hôm sau lấy xe đò vô trại. Bốn mẹ con kinh hoàng chui rúc nằm trên chõng tre cũ kỹ xiêu vẹo. Mình lấy các thùng thiếc bao bị sắp xếp lại, và tấn xung quanh cái mùng rách nát vá víu cả trăm lỗ, vì nghe nói đồ ăn để ngoài mùng sẽ bị chuột cống chiếu cố. Ðêm đó mình phải đương đầu, dương Ðông kích Tây với lũ muỗi đói vo ve bay tới tấp, xuyên theo các lỗ rách của mùng. Nhưng hãi hùng nhứt là mục kích từng đoàn chuột cống kếch xù đánh hơi mùi đồ ăn, chạy lúc nhúc xung quanh các thùng thiếc y như những bóng ma trong các phim kinh dị. Nửa đêm, Sơn bị "Tào Tháo rượt", mình phải bấm gan rùng mình dẫn con ra nhà vệ sinh nhớp nhúa tận sau hè, tối om và thối tha. Hai mẹ con sợ hãi gớm ghiếc không dám nhìn cái thùng phẩn đầy dòi và ruồi nhặng, lại càng thêm rùng mình rợn xương sống khi trở về giường dưới bóng cây đa, với tàn lá âm u ma quái.

Tờ mờ sáng, mình giật mình vội đánh thức các con dậy để cùng nhau gom góp hành lý, khập khểnh khiêng lần ra bến xe đò gần đó, sắp hàng mua vé. Chen vai thích cánh với làn sóng người hỗn độn, nón lá rách bươm, mình mớỉ khổ sở giành giựt mua được vé xe đò vào gần trại. Sau khi chuyển được đồ đạc lên xe, mình thở phào ôm các con ngồi vào băng phía cuối xe. Mình tự phục thầm lấy mình là không hiểu có sức mạnh phi thường nào mà mình có đủ sức cùng các con khiêng lên xe cả trăm kí lô lương thực. Chiếc xe đò già nua sét rỉ, chậm chạp lăn bánh... Gió mát buổi sáng tinh sương hiu hiu thổi, Thủy Tiên, Sơn, Tùng lim dim ngủ gà ngủ gât, vì đêm qua không được ngon giấc bởi lũ chuột và muỗi. Nhìn các con ngủ thơ ngây như thiên thần, mình cảm thấy ruột gan se thắt lại. Một ông lão nông dân ngồi gần thấy cảnh bốn mẹ con lặng lẽ nắm tay nhau, thu mình trong góc xe, tỏ vẻ ái ngại hỏi thăm. Mình bâng quơ trả lời qua loa, lòng tự ái không muốn ai thương hại. Lâu lâu đi ngang các ổ gà, xe giằng mạnh, tung xốc các hành khách ruột gan như muốn lộn ra ngoài. Xe chạy độ một tiếng rưỡi thì ngừng trước một lều tranh được dựng bên đường, nơi điểm hẹn sẽ có xe trâu mỗi ngày từ trại ra đón các thân nhân trong Nam ra thăm nuôi trại viên. Bốn mẹ con tụt xuống xe, quần áo xốc xếch đầy bụi bặm, mặt bơ phờ thiểu não.

Mình vội kiểm lại đồ đạc, mừng rỡ thấy không bị mất mát hư hao vì trộm cắp và lũ chuột. Mình xoa đầu ba con khuyến khích khen "Các con giỏi lắm, đã phụ Má xách đồ ăn nặng cho Ba mà lại ngoan nữa. Ba sẽ rất mừng gặp lại các con và biết ơn Má con mình đã đem đồ ăn ra cho Ba". Thủy Tiên, Sơn, Tùng lặng lẽ không đáp, chỉ nắm chặt tay mình lại, lòng mình ấm lại, bao nhiêu nỗi nhọc mệt như tan biến, vì biết rằng bên mình còn có các con ngoan. Mình nhủ thầm : "Can đảm lên! Mình đã gần tới đích rồi! Ðường đi dầu có hiểm trở cách mấy, mình cũng không ngại. Chỉ còn một đoạn đường ngắn nữa thôi! Cố gắng lên!"

Ðúng như các chị bạn đi thăm nuôi trước đã nói : một lát sau tới giờ hẹn, một người đàn ông đánh xe trâu lù lù tiến ra lều tranh. Bốn mẹ con mừng rỡ, lại một phen vất vả, chất đồ đạc lỉnh kỉnh lên xe, sau đó lầm lũi theo sau xe trâu. Con trâu già chậm chạp kéo chiếc xe. Tiếng bánh xe khô nhớt cứ cót két vang lên, người đàn ông thì lầm lì ít nói. Trời nắng gắt nhưng lạnh vì lúc ấy đã vào tháng ba. Bốn mẹ con bỡ ngỡ rảo chân bước mau theo xe, ba con chạy lúc thúc sát theo mình, ngây ngô chỉ chỏ cảnh vật, hỏi han lăng xăng chừng nào sẽ gặp lại Ba. Như người không hồn, mình im lặng nối gót theo các con, âm thầm thất thểu đi. Vô tư lự, Thủy Tiên, Sơn, Tùng hồn nhiên tung tăng chạy nhảy dọc theo đường mòn thích thú khi gặp các hoa dại tím mọc cạnh dòng suối con, ba đứa hái vài cành hoa buộc lại thành một bó nhỏ, nói với mình là để tặng Ba, làm mình càng xúc cảm, se thắt cả lòng.

Xa xa núi Lam Sơn mờ hiện ra và thấp thoáng kế bên là trại Lý Bá Sơ. Núi rừng tĩnh mịch âm u làm mình chợt rùng mình khi nghĩ đến các anh phải chôn vùi những ngày dài nơi sương lam chướng khí nầy, không biết ngày nào đoàn tụ với vợ con. Mình vội xua đuổi ý nghĩ hắc ám ấy, giựt mình khi nghe Tùng than mỏi chân quá. Mình vội bồng con lên, cố gắng lê bước theo xe trâu. Không hiểu nghĩ sao, người đàn ông lại lên tiếng ngắn ngủi "Chị cho cháu nhỏ ngồi đỡ một đoạn lên xe đi." Tùng mừng rỡ vội nhảy thót lên thùng thiếc ngồi trong lúc Thủy Tiên, Sơn lộ vẻ bất bình, trừng mắt nhìn Tùng. Mình thở dài chép miệng nói nhỏ với hai đứa lớn. "Thôi! Em nó còn nhỏ mà con!"

Gần xế chiều, con trâu già phì phèo nước bọt tiến vào trại, bốn me con thiểu não lê gót theo, dép cứ bị sình ướt nhầy nhụa trên đường bám chặt thật khó đi. Thấy Thủy Tiên, Sơn bực dọc giựt mạnh dép lên than thở trơn trợt khó đi, người đàn ông cười khẩy mỉa mai nói: "Ðất nầy nó như thế đấy, cứ thích bám chặt mãi lấy người đi". Mình nhếch mép ngoảnh mặt nhìn nơi khác, chả buồn đối đáp. Trút tất cả các thùng bao bị vào nhà tiếp tân, mình cảm thấy như trút đi một gánh nặng trĩu đè lên vai mình suốt mấy ngày nay.Ðầy đủ đồ ăn tiếp tế và thuốc men đã được an toàn vô tận trại. Mình mừng khấp khởi nghĩ nhờ cả trăm ký lương khô và thuốc men nầy mà chồng mình sẽ có sức khỏe để chống chọi với rừng thiêng nước độc.

Trong nhà tiếp tân mới xây cất xong (oái oăm thay sau nầy mình mới nghe nói lại là nhà nầy do đội Xây dựng của anh Trường vừa xây xong chưa kịp lắp cửa nữa), ngoài bốn mẹ con còn có chị Lang từ Gò Công và chị Cao từ Thủ Thiêm ra thăm chồng trước mình một ngày. Hai chị đã được nói chuyện với chồng lúc trưa, nhưng trễ quá không còn xe trâu đưa ra đường cái đón xe đò về Thanh Hoá nên hai chị nán ngủ qua đêm đợi mai sáng về cho đỡ nguy hiểm. Nhìn nét mặt dàu dàu buồn của hai chị, mình cảm thông sâu xa nỗi buồn nhớ mong ấy. Khắc khoải đợi chờ, hăm hở từ trong Nam xuôi ra Bắc vượt ngàn dặm, băng rừng vượt suối, bất chấp hiểm nguy đang chờ đợi mình, để rồi được hội ngộ ngắn ngủi với chồng chỉ trong nửa tiếng, không được một cái nắm tay vội vã, chớ đừng nói chi một nụ hôn thắm thiết, còn gì thảm não cho bằng.

Cho các con ăn qua loa xong, mình ra tận phía sau, dắt các con đại tiện trong nhà vệ sinh nhỏ tạm thời được cất lên thật thô sơ và như mọi hố xí ở miền Bắc có cái thùng phân đầy dòi lúc nhúc. Hai đứa lớn kinh tởm, nhắm mắt nhắm mũi vội "ị" cho xong, chỉ có Tùng sợ té vào thùng phân, nhứt định nín không chịu vô cầu đầy ruồi nhặng thối tha. Mình đành buộc lòng để Tùng "ị" trên bờ gần ao sen và múc thùng nước giếng kế bên dội mạnh xuống ao. Sau ba ngày trên tàu không tắm gội, ba đứa nhỏ mình mẩy nhớp nhúa được mình kỳ cọ rửa ráy thơm tho, nên vừa lên giường xong là lăn kềnh ra ngủ ngon lành. Mình cũng vội vàng tắm gội sau đó vì ba ngày trời trong toa xe như địa ngục trần gian, mình cảm thấy bứt rứt ngứa ngáy khó chịu không thể tả.
Ðêm xuống dần, tiếng chim bìm bịp kêu thật buồn bã, hoà lẫn với tiếng côn trùng nỉ non làm mình cảm thấy não nuột cả lòng. Ðưa mắt nhìn vào trại hẻo lánh phía xa xa, mình thầm nghĩ giờ nầy chắc anh Trường đã được báo có vợ con ra thăm nuôi, chắc anh cũng trằn trọc không ngủ được như mình. Mình kéo cao cổ áo len, định đi ngủ, chợt thấy cánh cửa chưa được gắn nên phòng cứ mở toạc ra, gió lạnh ngang nhiên lùa vào, mình vội bàn với hai chị bạn cùng nhau kéo cánh cửa nặng trĩu chận đỡ ngang qua cho chắn bớt gió lại và cũng để phòng ngừa cán bộ liều lĩnh đột nhập vào như đã có tiếng đồn ở các trại kế bên.

Trời vừa hừng đông, mình còn chập chờn mệt mỏi trong giấc ngủ đầy mộng mị thì bị đánh thức nhỏm phắt dậy vì tiếng tru tréo lanh lảnh chát chúa của một nữ cán bộ bên tai : "Thế lầy là thế lào? Ai mà dám cả gan ỉa trên bờ ao như thế lầy? Ðể cho ông già Ðào phải đi hốt đồ dơ như thế?" (Ông Ðào là một tù nhân tự quản hình sự đã già). Mình điếng người chợt nhớ đêm qua trời tối nên mình sơ ý không thấy rõ để dội kỹ phẩn của Tùng xuống ao vì vậy mà còn rơi rớt vài "cục" trên bờ. Mình và các con rán nín cười khi nghe nữ cán bộ tiếp tục hét ỏm tỏi ngoài sân để chửi bóng chửi gió.

Nghe tiếng chân nhiều người dừng lại trước nhà tiếp tân, mình và hai chị bạn vội kéo lê cánh cửa gỗ qua một bên. Hên phước làm sao, đúng ngày đội xây dựng đang tụ tập điểm danh trước khi rã hàng lao động trước nhà tiếp tân. Các bạn anh Trường nhìn mình xì xào nói nhỏ : "Anh Trường ở phía sau hàng đó chị, chị thấy ảnh chưa? Một lát nữa chị sẽ gặp ảnh". Mình hồi hộp khi thấy bóng anh Trường thấp thoáng phía sau. Mình an tâm thấy anh lành lặn mạnh dạn tiến vào phòng tiếp tân, nơi đó có cán bộ chễm chệ lạnh lùng ngồi sẵn ở đầu bàn. Bốn mẹ con lính quýnh ngồi phệch xuống ghế đối diện. Vợ chồng mình nghẹn ngào nói không ra lời, mắt nhìn mắt, cái nhìn thật sâu đậm thiết tha, nói lên sự chờ mong khắc khoải từ bao nhiêu năm dài. Ba con vội bíu lấy Ba hôn thật thắm thía. Anh cảm động xoa đầu ba đứa nhỏ, nghẹn lời. Anh chép miệng nhìn mình : "Sao Em ốm quá vậy? Em có sao không?" Mình ràn rụa nước mắt, chỉ biết siết bàn tay chai cứng vì lao động của anh.

Tùng nhõng nhẽo quen vòi vĩnh nên sáng sớm hôm đó chưa ăn sáng, bụng đói cồn cào, được dịp mè nheo với Ba như ở nhà : "Ba ơi! Con đói bụng quá!" Nhưng cán bộ dửng dưng, nhứt nhứt theo luật định không cho thân nhân ăn uống với trại viên, làm Tùng tiu nghỉu, phụng phịu oà lên khóc. Thủy Tiên, Sơn cũng oà lên khóc theo em như đưa đám ma, làm vợ chồng mình càng cảm thấy uất nghẹn. Anh Trường chỉ kịp hỏi thăm về sức khỏe, học hành của các con, còn mình thì lật đật hỏi anh về đời sống lao động ở trại, những câu hỏi thật nhạt nheo và rổng tuếch.

Sau đó thì cán bộ lạnh lùng dõng dạc tuyên bố : "Ðã nửa giờ qua rồi, cuộc thăm viếng đến đây chấm dứt! Nếu anh học tập lao động tốt thì sẽ được thăm viếng lâu hơn, có khi được cả ngày". Cả gia đình miễn cưỡng nói những lời tạm biệt, tha thiết dặn dò nhau giữ gìn sức khỏe và luyến tiếc bịn rịn chia tay, sau khi mình phụ chất các thùng ăm ắp đồ ăn lên xe "cải tiến" (xe cút kít có tay kéo như xe kéo trong Nam). Mình thẫn thờ nhìn anh còng lưng đẩy xe nặng trĩu các bao bị đồ ăn đầy bụi đường và mồ hôi nước mắt của vợ con. Bóng anh khuất dần... tiếng kẽo kẹt của bánh xe hòa lẫn với tiếng khóc thút thít hờn dỗi của Tùng cứ xoáy mạnh vào đầu mình nhức nhối. Mình ôm đầu lảo đảo ngồi phệch xuống thềm đá. Thủy Tiên, Sơn vội rầy Tùng : "Nín đi, Tùng đừng khóc nữa, đừng làm má buồn nữa!" Mình ôm choàng lấy ba con, nghẹn ngào nhìn Tùng tha thứ.

Chợt nhớ cả bốn mẹ con bụng đói meo, chưa ăn sáng, mình chạy vội ra sau bếp, hì hục nhóm lửa nấu nồi nước sôi, bỏ vào chút đỉnh bún Tàu còn sót lại trong bao hành lý, và nêm thêm chút muối tiêu bột ngọt. Bốn mẹ con đói quá, ăn ngấu nghiến ngon lành tô miến "thất nghiệp" nhớ đời đó. (Tiếc công lặn lội cả mấy ngàn cây số, nên mình dồn gởi tất cả cho anh Trường, chỉ để lại cho bốn mẹ con chút đỉnh bún Tàu và vài bịch mì gói ăn đỡ dạ thôi). Ăn xong, bốn mẹ con tom góp đầy đủ hành lý để kịp theo xe trâu trở lại đường cái đón xe đò trở về Thanh Hóa. Lúc đó anh Trường đã trở ra để kịp tiễn đưa vợ con về. Giây phút biệt ly thật não nùng. Cả nhà bịn rịn, lưu luyến không muốn xa rời. Các anh bạn đang lao động chung quanh cũng ứa nước mắt ái ngại nhìn mình cùng ba con mọn thất thểu leo lên xe trâu. Anh Trường mấp máy môi nói : "Em và các con về bình yên!" Mình lí nhí ngậm ngùi run giọng : "Anh ở lại rán được mau về".Mình vốn ghét ba chữ "lao động tốt", tránh không nhắc đến. Ba con vẫy tay luyến tiếc chào ba.

Mưa phùn lại lất phất rơi, cái lạnh xé da cắt thịt : đúng là rét tháng Ba ở miền Bắc!! Cái lạnh lẽo ngoài trời không ghê gớm da diết đeo đẳng bằng cái lạnh cô đơn trong tâm hồn. Ngồi co gối trầm ngâm trên xe trâu, mình thẫn thờ như người mất hồn. Ðồ ăn, hành lý đã được chuyển đầy đủ vào trại, bận về thật nhẹ gánh, nhưng sao lòng cứ canh cánh nặng trĩu ưu tư. "Chàng ở đầu sông Tương, Thiếp ở cuối sông Tương!" Mình bất giác rùng mình nhớ lại khi xưa có người quở trách bảo tại sao đám cưới hai đứa lại làm vào tháng bảy mưa ngâu, dễ bị chia lìa ngăn cách như Ngưu Lang Chức Nữ.

Ðường về xa dịu vợi, xe trâu lắc lư trên đường mòn gập ghềnh thả bốn mẹ con mệt nhoài xuống đường cái để lấy chuyến xe đò chót về Thanh Hóa. Tới đây mới vỡ lẽ : không thể nào mua vé tàu về Nam được, mà phải trở lộn ra Hà Nội mới hy vọng có vé về Sài Gòn. Mình thất sắc ngao ngán lo âu nhìn các con nhỏ dại lại phải cực nhọc một phen lặn lội nữa ra tận Hà Nội. Vé đi Hà Nội hiếm như vàng, muốn mua vé chợ đen cũng không có. Mình thất vọng bối rối, hoang mang không biết tính sao thì thời may có người mách bảo cứ năn nỉ ở quày vé nói có con mọn bịnh cần mua gấp vé về Hà Nội thì họa may mua được vé. May mắn thay thấy mình chạy thất thểu với ba con mọn đùm đề lôi thôi lếch thếch, người bán vé thương tình "nhín" được bốn vé cho bốn mẹ con. Như bắt được vàng, mình hăm hở kéo các con lên toa dành cho các người có con mọn liều lĩnh đi Hà Nội vì không còn cách nào khác.

Tới Hà Nội, mình mừng rỡ gặp lại hai chị Cao và chị
Lang cũng đang chờ mua vé về Sài Gòn.Ba chị em hỏi thăm nhau tíu tít và chen lấn rách cả áo, tóc tai bù xù mới mua được vé về Sài Gòn tối hôm đó. Không biết làm gì cho qua thì giờ vì sân ga chật hẹp tràn đầy người, sợ lưu manh cướp giựt móc túi nên mình dẫn các con đi một vòng hồ Hoàn Kiếm và lấy xe điện "leng keng" xuống chợ Ðồng Xuân mua vài món lặt vặt, đem theo đi đường. Khí hậu Hà Nội lạnh hơn Thanh Hóa nhiều nên Thủy Tiên, con gái yếu đuối hơn, than lạnh và vì đi bộ nhiều nên cũng than mỏi chân. Mình vội kêu một xích lô đạp chở bốn mẹ con về ga trở lại sau khi sắp hàng dẫn các con vào ăn phở ở một tiệm nổi danh phố Nam Ngư cho ấm bụng và lấy sức lại vì ban sáng chỉ ăn một tô miến lõng bõng nước và muối tiêu.

Tối hôm đó bốn mẹ và hai chị bạn mừng rỡ nhảy lên toa tàu Thống Nhứt trực chỉ về Sài Gòn. Hành lý thì gọn ghẽ nhẹ nhàng, nhưng mỗi người mang nặng một tâm tư. Lần nầy thì các con đã quen cảnh hỗn độn và dơ dáy trên tàu nên ba đứa biết thân phận, mỗi đứa tìm một góc kẹt dưới băng, chui rúc vào như đàn chó con, co ro khoanh tròn mình lại ngủ.

Một hồi còi tàu rú dài trong đêm tối... Tàu chuyển bánh nặng nề, chậm chạp và uể oải, uể oải như tâm hồn mình, trống rỗng và chán chường.. Tiếng còi tàu lại rít lên trong bóng tối dày đặc. Mình mệt mỏi nhắm nghiền mắt lại chập chờn thoáng thấy xa xa bóng anh Trường âm thầm mất hút vào trại, đâu đây như còn văng vẳng tiếng ba con thơ dại ú ớ trong mơ : "Ba ơi! Ba ơi!" Mình thiếp dần, thiếp dần... Chân tay rã rời. Con tàu vẫn lạnh lùng tiến trong màn đêm âm u như một bóng ma...

Thu Thủy



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 03/Feb/2010 lúc 10:24am
IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 05/Feb/2010 lúc 12:00am

 

HẸN NHAU NGÀY 28

Hẹn%20nhau%20ngày%2028Lần đầu gặp mặt, Hân ngỡ ngàng khi "đối tượng" là một thanh niên mặt búng ra sữa. Thế nhưng, hắn luôn mồm xưng anh và gọi cô là em.

Hân quen Khương trên một trang web hò hẹn online. Tất cả khởi đầu từ một đoạn giới thiệu mang đầy tính khiêu khích: "Trần Lê Ngọc Hân, viết lách tự do, sinh năm 1974, tuổi Dần. Ai không sợ bị thịt thì cứ nhào vô".

Ba ngày sau khi đăng hai câu giới thiệu ấy. Hân nhận được rất nhiều thư nhưng cô khá ấn tượng trước một lá thư khiêu khích không kém trong hộp mail: "Nguyễn Đăng Khương, thiết kế nội thất, tuổi Mèo. Mèo là chú của cọp nên không sợ bị thịt, sẵn sàng nhào vô".

Đọc e-mail, Hân khinh khỉnh: "Nhỏ hơn một tuổi à? Cũng không đến nỗi".

Thế nhưng, Khương chỉ mới 20 xuân xanh, thua Hân 13 tuổi, vẫn đang học đại học. Cũng là Mèo nhưng đi sau Hân hơn một con giáp. Buổi hẹn hò offline đầu tiên ở Hands, quán cà phê yêu thích của Hân nhìn khuôn mặt búng ra sữa của Khương, Hân suýt té ghế. "Em trêu tôi đấy à?", Hân gằn giọng.

Khương tỉnh queo: "Ban đầu định là vậy nhưng bây giờ thì không. Chị đẹp hơn em nghĩ", Hân xô ghế đứng dậy, quay đi không thèm ngó lại.

Thế nhưng Khương không dễ bảo như Hân nghĩ. Một tháng sau buổi hẹn hò thất bại ấy, Khương xuất hiện trước mặt Hân, cũng tại Hands, với dáng vẻ hoàn toàn khác. Tóc húi cua, hàm râu quai nón gọn gàng, vóc dáng cao ráo, săn chắc nổi bật trong chiếc áo pull màu đỏ vang và quần bò bạc thếch. Trước ánh mắt sững sờ của Hân, Hương nhe răng: "Sao? Bây giờ tôi xưng anh với Hân được chưa?".

 

Hân tự rủa sả mình sao lại tiết lộ quán cà phê Hands và cả thói quen ngồi đồng ở đây để Khương biết đường mò đến. Cô đốp chát ngay: "Trừ khi em tẩy được cả giấy khai sinh".

"Giấy tờ không quan trọng, một người làm việc tự do, chẳng bao giờ ký hợp đồng như em hẳn phải hiểu điều đấy chứ", Khương đốp chát lại.

"Nhưng như vậy không có nghĩa em có thể lớn lên bằng tôi", Hân phản bác.

Khương gân cổ cãi: "Cũng không có nghĩa là anh nhỏ hơn em, phải không? Thôi thì em cứ xem anh như là một con mèo, còn em là một con cọp, bỏ qua chuyện tuổi tác, được không?". "Chị không rảnh để chơi với em, nhóc à!". "Vậy có rảnh để yêu không?". "Không, chỉ rảnh để cưới thôi".

Khương im lặng. Hân vẫn giữ gương mặt điềm tĩnh nhưng trong bụng hò reo chiến thắng . Đàn ông nào cũng vậy, nghe đám cưới là rụt vòi, huống chi Khương chỉ mới 20 tuổi, còn thích bay nhảy. Thật tình, Hân cũng thấy tiếc cậu chàng đẹp trai này nhưng giá 20 nhân thêm cho hai thì còn có cơ may...

Đột ngột, Khương lên tiếng: "Em hứa đấy nhé, rảnh để cưới, ghi cho anh địa chỉ nhà em, mai anh sang nhà hỏi cưới".

Hân sa sầm nét mặt: "Đùa đủ rồi đấy, cậu làm tôi bực rồi đấy!".

Khương vẫn kiên nhẫn: "Người ta bảo con gái tuổi Dần thường muộn chồng. Nếu lấy chồng sớm thế nào cũng goá bụa. Em bây giờ lấy chồng được rồi, anh cũng không sợ bị em khắc chết".

Hân bật cười, không thể nghĩ ra thêm lý do để xua đuổi con mèo si tình từ trên trời rơi xuống này. Vậy là yêu nhau!

Một ngày mưa, Hân nằm cuộn tròn tấm chăn mỏng, gối đầu lên ngực Khương, thì thầm: "Em muốn sinh con", Khương ngái ngủ: "Bao giờ?".

"Ngay bây giờ, em muốn làm tình không dùng bao cao su". Khương giật mình, tỉnh cả ngủ, mắt mở to: "Em đùa à?".

 

"Không, em nói thật. Em đã hơn 30 tuổi rồi, cũng đã đến lúc sinh con". Khương im lặng. Hân lại tiếp: "Anh không cần lo. Em tôn thờ chủ nghĩa độc thân nên chỉ muốn sinh con chứ chẳng ràng buộc trách nhiệm gì ở anh cả. Nếu thích, anh có thể đến thăm con, không thì thôi, em chẳng mang con đến mè nheo hay làm phiền anh đâu".

Khương vẫn im lặng.

"Chắc lại sắp vùng ra khỏi chăn và bỏ chạy. Rồng hay mèo hay ngựa thì cũng nhát như nhau cả, ôi đàn ông". Hân nghĩ một cách ca thán. Trải qua vài ba mối tình, Hân không còn ngạc nhiên hay đau lòng trước phản ứng hiện giờ của Khương. Những người tình trước của cô có say đắm đến mấy cũng bỏ chạy khi nghe đến chuyện sinh con.

Khương bước ra khỏi chăn thật nhưng không khoác áo và rời khỏi phòng như những anh chàng khác.

Anh lặng lẽ rít thuốc hồi lâu rồi bảo: "Mình cưới nhé!". Hân tưởng mình nghe lầm: "Sao?". Khương quay lại nhìn cô, cười dịu dàng: "Đám cưới, anh nói là mình làm đám cưới". Đến lượt Hân im lặng, cô chưa lường trước tình huống này.

Nhìn vẻ mặt của Khương, Hân biết anh không đùa. Hân khinh khỉnh: "Anh không cần vì đứa con mà cưới cả con vợ già đâu. Em nói rồi, em tôn thờ chủ nghĩa độc thân".

Khương bật cười, dụi đầu vào ngực Hân: "Anh không vì đứa con mà cưới em. Anh muốn dùng đám cưới để hợp thức hoá mong ước sinh con của em, không được sao? Bỏ quách cái chủ nghĩa độc thân của em đi, cũng đã đến lúc em cần một gia đình đúng nghĩa rồi đấy cưng" và anh hôn cô thật nồng nàn.

Khương nói là làm nên ngay tuần sau, anh đưa cô về ra mắt mẹ và xin cưới. Bố Khương mất từ khi anh còn nhỏ, nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ Khương đón Hân bằng ánh mắt sắc sảo pha chút lạnh lùng.

Khương chỉ mới hơn 21 tuổi, chưa đến lúc lập gia đình, bà tự hỏi ở cô gái này có điều gì khiến con trai mình say mê đến vậy. Hân rợn người khi mẹ Khương đưa mắt "chiếu tướng" cô từ đầu đến chân mình.

Cô chưa từng biết sợ ai hay điều gì nhưng giờ đây, tim cô đang đập mạnh. Rõ ràng, mẹ Khương không như những trở ngại mà Hân từng đối đầu.

Sau mấy phút căng thẳng, bà tằng hắng hỏi: "Cháu là người ở đâu?". "Dạ, cháu sinh ra ở Sài Gòn nhưng cả nhà cháu đã qua Mỹ định cư, chỉ còn mình cháu ở đây thôi ạ".

"Sao cháu không đi theo họ?".

"Dạ, tại vì cháu thích ở Việt Nam", Hân đáp hơi khiên cưỡng, không lý nào lại nói với mẹ chồng tương lai rằng mình ở lại Việt Nam lúc ấy chẳng qua vì mối tình đầu với một anh chàng kiến trúc sư.

"Cháu bao tuổi rồi?".

Hân lúng túng. Yêu Khương đã hơn năm nhưng cô vẫn ngại khi thú nhận với ai đó cô hơn anh 13 tuổi, dù sau khi Khương nỗ lực thay đổi ngoại hình, trông cô chẳng đến nỗi già hơn anh.

Ngay lập tức, Khương đỡ lời cho người yêu: "Dạ, cô ấy tuổi Dần ạ".

Gương mặt mẹ Khương bỗng biến sắc, bà gằn giọng: "Tuổi Dần thì không được, không cưới xin gì cả". Khương thảng thốt: "Sao vậy mẹ?".

"Sao trăng gì? Con gái tuổi Dần lấy chồng sớm có số sát phu, con thừa biết mà".

"Trời ơi, đó chỉ là chuyện vớ vẩn. Sao mẹ tin được".

"Không vớ vẩn, nếu muốn, hai đứa chờ mười năm sau, bước qua tuổi 30 rồi cưới". Mẹ Khương nói với giọng đắc thắng, bà thừa biết chẳng đứa con gái nào chịu điều kiện vô lý này.

Khương cũng đắc thắng đáp ngay mà quên mất điều mình đang cố giấu: "Cô ấy đã qua ba mươi rồi mẹ ơi". Nhìn đôi mắt mở to của mẹ Khương lúc ấy, Hân rên thầm trong bụng: "Thôi rồi".

Sau ngày hôm ấy, sóng gió phủ chụp lên mối tình của họ. Mẹ Khương kiên quyết phản đối, thậm chí lấy cái chết để doạ con. Khương cố gắng thuyết phục mẹ nhưng vô ích. Sợ Hân buồn, anh khuyên cô kiên nhẫn cho anh thêm thời gian.

Trước mặt Khương, Hân luôn tỏ ra điềm tĩnh nhưng đêm về, cô ôm gối khóc. Đã lâu lắm rồi từ sau mối tình đầu tan vỡ cũng bởi định kiến tuổi Dần, Hân mới khóc vì một người đàn ông.

Nửa năm sau, mẹ Khương tìm gặp Hân. Cô hẹn bà ở Hands vào ngày 28 Tết, ngày làm việc cuối cùng trước Tết Nguyên Đán của Hands. Năm nào cũng vậy, Hands luôn đóng cửa vào 28 Tết và khai trương lại vào mùng Bốn. Hân vẫn còn nhớ ngày đầu tiên mình lồng tay vào tay Khương cũng là 28 Tết.

Hands nằm cuối một con hẻm nhỏ yên tĩnh giữa trung tâm thành phố sầm uất. Người không biết khó có thể tìm ra Hands giữa những con đường ngoằn ngoèo và chi chít như bàn cờ. Hands nhỏ, có chưa đến năm cái bàn nhưng nhờ vậy mà tuyệt đối yên tĩnh. Hân vẫn thường một mình đến Hands với chiếc laptop, ngồi vào chiếc bàn kê sát ô cửa sổ trắng và gõ lóc cóc viết bài. Và giờ đây, cô cũng đang ngồi ở chiếc bàn ấy, đối diện với mẹ Khương.

Mẹ Khương mở đầu chuyện một cách nhẹ nhàng: "Cháu có thật sự muốn làm con dâu của bác không?".

Hân im lặng, cân nhắc hồi lâu và khẽ đáp: "Cháu thật sự muốn làm vợ Khương và cháu mong bác đồng ý".

Vẫn giữ vẻ tự nhiên, bà hỏi: "Cháu nghĩ Khương muốn cưới cháu vì điều gì?". Hân im lặng, cô muốn trả lời vì tình yêu nhưng không hiểu sao không thể thốt nên lời. Mẹ Khương mỉm cười ý nhị: "Cháu không đủ can đảm để trả lời vì tình yêu, đúng không?". Hân mím chặt môi: "Bác muốn nói gì?".

Mẹ Khương vẫn điềm tĩnh: "Bác muốn cháu chủ động rời xa Khương trong một năm, không liên lạc và không giải thích bất kỳ điều gì cả. Nếu nó thật sự yêu cháu, nó sẽ vượt qua khoảng thời gian ấy và sẵn lòng chờ cháu quay về. Khi ấy, bác sẽ không phản đối chuyện đám cưới nữa. còn ngược lại, tình cảm hiện giờ nó dành cho cháu chỉ là đam mê nhất thời và hai đứa nên kết thúc. Bác cũng đang thắc mắc liệu cháu có thật sự tin là Khương yêu mình không hay chỉ đang say mê một phụ nữ từng trải và có chút nhan sắc. Sao? Cháu có tự tin để thử không?".

Bằng những nhận xét tinh tế của mình, bà thừa hiểu Hân là cô gái ngang tàng và có lòng tự tôn rất cao. Bà biết mình đã đánh trúng đòn và chắc chắn Hân sẽ đồng ý. Một cách chậm chạp, Hân khẳng định lại điều bà đang nghĩ: "Quyết định như vậy, bác nhé!".

Một năm trôi qua, Hân đang ngồi trên taxi đến Hands. Cây kim giờ trên tay của cô đang nhích dần đến số 11. Đêm đã khuya nhưng Sài Gòn vẫn chưa muốn ngủ. Hôm nay là 28 Tết.  "Lại là ngày 28, không biết nên yêu thương hay nguyền rủa nó đây?", Hân vừa nghĩ vừa nhìn mông lung.

Không khí hội hè phủ khắp nơi nhưng lòng Hân trống rỗng. Cô vừa mong gặp lại Khương vừa sợ mình sẽ thất vọng.

Một năm qua, giữ đúng lời hứa vời mẹ Khương, Hân bẻ sim điện thoại, thay đổi chỗ ở, đóng cửa Facebook, không đến Hands và bất cứ nơi nào khác mà Khương có thể tìm đến. Cô vác ba lô đi khắp nơi, từ Đà Lạt, Nha Trang đến Hà Nội, Sa Pa... Cô đi vừa để viết bài vừa để quên đi nỗi cô đơn đang giày vò mình.

Hân biết ở Sài Gòn, Khương đang điên cuồng tìm cô. Hân đau lòng khi nghĩ đến gương mặt hốc hác và đôi mắt trũng sâu của anh. Ngày nào, Khương cũng gửi e-mail cho Hân và giăng trên Facebook lời van xin tha thiết: "Hân, em đang ở đâu? Đừng tránh mặt anh nữa!". Hân đọc hết, biết hết nhưng im lặng. Cô chỉ biết động viên chính mình và đánh dấu chéo vào quyển lịch cầm tay khi mỗi ngày trôi qua.

Đã có lúc Hân tưởng mình bỏ cuộc khi những lá e-mail của Khương thưa dần rồi mất hẳn. Dòng chữ tha thiết trên Facebook đã được thay bằng những câu cập nhật cuộc sống thường ngày của anh.

Thỉnh thoảng, Khương lại khoe những tấm ảnh anh chụp khi đi du lịch đâu đó, vây quanh anh luôn có những cô gái xinh đẹp và trẻ trung. Hình ảnh đó làm Hân vừa ghen vừa có cảm tưởng mình như bị xóa sổ khỏi cuộc đời của Khương.

Những lúc ấy, Hân ngồi lặng câm trước laptop và nhếch mép: "Đàn ông..." nhưng nước mắt lại rơi trên má cô nóng hổi. Hân quệt đi ngay, dù gì, đây cũng không phải lần đầu tiên cô không được lựa chọn.

Là con gái tuổi Dần, Hân đã khá quen với điều này. Người tình đầu của Hân cũng đã không thể vượt qua định kiến của gia đình và bỏ rơi cô chỉ vì hai chữ "tuổi Dần". Với những người tình sau, Hân chẳng bao giờ đặt quá nhiều hy vọng vào họ. Rồi cũng như nhau cả thôi!

Thế nhưng lần này khác, Hân biết mình yêu Khương, yêu thật sự kể từ sau mối tình đầu nên cô không thể dễ dàng bỏ cuộc. Máy bay bà già thì đã sao? Tuổi Dần thì đã sao? Chẳng lẽ cô không được quyền yêu như bao người phụ nữ khác? Và Hân vẫn ôm ấp một hy vọng nhỏ nhoi, vẫn đánh dấu chéo vào quyển lịch cầm tay khi mỗi ngày trôi qua. Cô chờ ngày được gặp lại Khương.

Chiếc taxi đỗ xịch trước con hẻm nhỏ cắt ngang những dòng suy nghĩ của Hân. Cô thanh toán cước phí rồi lặng lẽ gõ chân trên con đường lồi lõm quen thuộc. Bây giờ là 11 giờ rưỡi đêm 28 Tết và cô đang đến Hands. Nếu thật sự yêu và còn nhớ Hân, Khương chắc chắn đang đợi cô ở Hands, ít nhất là qua 12 giờ đêm nay.

Hands không khác một năm trước là mấy. Vẫn một mảng tường trắng in đầy những dấu tay bằng sơn đủ màu của các vị khách, vẫn những chiếc bàn gỗ mộc mạc được lau chùi sạch sẽ đến bóng loáng, vân những cây mai giả nhỏ xíu đặt trên bàn và những phong bao lì xì đỏ đính lục lạc đong đưa reo vui bên ô cửa sổ...

Hân đưa mắt tìm kiếm chiếc bàn kê sát ô cửa sổ trắng. Tim cô như rơi tõm xuống. Chiếc bàn trống không. Hân đưa mắt nhìn quanh. Hands vẫn còn lác đác dăm vị khách nhưng tuyệt nhiên không có người cô muốn tìm.

Hân tưởng như mình không đứng vững. Một cơn khó thở dâng lên khiến tim Hân đau thắt. Cô ôm lấy lồng ngực, lê chân khó nhọc về phía chiếc bàn quen thuộc và gọi một ly cappuchino. Mọi vật trước mắt cô nhoè đi. Hân biết mình đang khóc. Cô quệt nước mắt và cố gượng cười với cô phục vụ, nhưng nụ cười của cô phản chiếu xuống vệt nước trên mặt bàn trông méo mó và thảm hại như nụ cười của anh hề vào ngày rạp xiếc vắng khách.

Cô phục vụ ái ngại hỏi: "Chị không sao chứ?". Hân lắc đầu, cố pha trò: "Không, chỉ là tôi có hẹn một người quan trọng nhưng lại bị cho leo cây".

Cô phục vụ cợt vỗ tay lên trán: "à, thì ra là chị" rồi quày quả đi về phía quầy bar. Cô gái trở lại với một chiếc máy MP3 và bảo: "Sáng nay, có một anh chàng cũng nói câu tương tự như chị vậy. Anh ấy nhờ tôi trao lại thứ này cho cô gái nào ngồi ở chiếc bàn kê sát cửa sổ và cũng bị người ta cho leo cây".

Hân đón chiếc máy từ tay cô phục vụ, tim cô đập mạnh liên hồi. Tay run run, cô gắn tai nghe và nhấn nút play. Giọng Khương vang lên trầm ấm như đang ở thật gần: "Em đang khóc vì anh đã không đến, có phải không? Anh đã chờ em suốt một năm qua ở Hands và lần nào, anh cũng thất vọng ra về. Anh liên lạc với em bằng mọi cách nhưng vô ích. Anh biết em vẫn quan sát anh từng ngày, anh van xin em rồi khiêu khích em trên Facebook để em xuất hiện nhưng tất cả đều công cốc".

"Anh tự hỏi mình đã làm gì sai để em phải xa lánh anh như vậy? Sáng nay, anh đến Hands từ rất sớm và chờ em đến tận trưa. Em vẫn mất hút. Anh thật sự không đủ kiên nhẫn nữa. Khi em nghe được những lời này, anh đã ngồi trên máy bay sang Pháp. Anh sẽ làm việc ở đó trong ba năm và có thể lâu hơn. Có lẽ chúng ta không còn gặp lại nhau. Chúc em mạnh khoẻ và hạnh phúc".

Những lời cuối của Khương như nhoè đi. Hai tai Hân lùng bùng, cô ngồi phỗng như tượng rồi đột ngột đứng bật dậy.

"Không thể như thế! Mình phải ra sân bay", Hân hốt hoảng vùng chạy. Cô va mạnh vào chiếc bàn và đánh đổ ly cappuchino. Dòng cà phê nóng rẫy đổ trên tay cô nhức buốt nhưng Hân không quan tâm.

Cô luýnh quýnh chạy đi nhưng vấp phải chiếc ghế và ngã sõng soài. "Mình và Khương không thể kết thúc như vậy, không thể", Hân bật khóc ngon lành như một đứa trẻ.

Chợt một đôi tay mạnh mẽ nâng cô dậy và ôm siết cô vào lòng. Mùi da thịt quen thuộc khiến Hân như bừng tỉnh. Trước khi Hân kịp nhận biết điều gì đang xảy ra, một nụ hôn nồng nàn gắn chặt lên môi cô và giọng Khương thầm thì: "Em là cọp mà sao mít ướt thế? Anh mới trêu một tí đã khóc, vậy mà nỡ bỏ anh đi suốt một năm trời?".

Hân lắp bắp:"Anh... anh... không phải là anh...". Khương mỉm cười dịu dàng: "Anh chẳng đi đâu cả, có đi cũng phải tha con cọp này cùng đi. Anh chờ em ở đây suốt một năm qua. Em ác lắm, thoả thuận với mẹ mà chẳng nói với anh câu nào".

"Anh biết hết rồi sao?".

"Sáng nay, mẹ đã kể hết cho anh nghe và dặn anh phải đến đây đón em. Mẹ biết chúng ta yêu thương nhau thật lòng nên không phản đối nữa. Về nhà thôi em, mẹ đã làm thức ăn khuya, chờ con dâu tương lai về đó".

Hân cứ tưởng như mình đang mơ. Cô khẽ dụi đầu vào ngực Khương, miệng cười mà mắt đỏ hoe. Những bao lì xì đỏ đính lục lạc đang đong đưa reo vui như chia sẻ niềm hạnh phúc cùng họ. Mùa xuân đã ở khắp mọi nơi


IP IP Logged
Trang  of 6 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.156 seconds.