Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình
Message Icon Chủ đề: Chuyện Ngày Xưa, Chuyện Ngày Nay! Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Chủ đề: Chuyện Ngày Xưa, Chuyện Ngày Nay!
    Gởi ngày: 13/Jan/2010 lúc 10:18pm

Không nhớ thời gian nào, mykieu đọc được bài viết này ( hình như trên một forum nào đó ) , thấy hay, lưu vào computer . Không nhớ link nguồn .
Hôm nay, tìm dữ liệu trong máy, tình cờ đọc lại bài này ; vẫn thấy hay !
Xin mời cả nhà cùng ... "Buồn-Vui" với tác giả .

Trân trọng,
mk



 

Chuyện Ngày Xưa, Chuyện Ngày Nay!

 

 Vân Giang

 

 

 

Tất cả những câu chuyện cổ tích đều bắt đầu bằng hai tiếng Ngày xưa. Khoảng thời gian xa lắc xa lơ và không gian lung linh huyền diệu ấy có đầy những người tốt bụng đôn hậu, những Ông Bụt Bà Tiên luôn xuất hiện để cứu giúp kẻ khốn cùng. Mọi người luôn yêu thương đùm bọc lẫn nhau, điều thiện luôn thắng cái ác, và đất nước sau bao tang thương dâu bể cuối cùng cũng được hưởng thái bình an lạc!

Khi còn bé được nghe Bà và Mẹ kể cho nghe vào những lúc trưa hè hay trong những đêm mưa lạnh - các câu chuyện cổ tích thần tiên với những kết thúc tốt đẹp luôn thắp lên trong tôi ánh lửa ấm áp của ước mơ và hạnh phúc.

Sài Gòn của tôi - chỉ mới gần ba mươi năm - thế mà bỗng dưng đã trở thành một khoảng đời vời vợi, mọi cái đã thay đổi, đã biến mất, đã không còn...


Trong tâm tưởng tôi, những ngày êm đẹp yên vui cũ, Sài Gòn của một thời, chợt trở về từ hai tiếng Ngày Xưa...

Ngày xưa, khi tôi còn học vỡ lòng dưới một mái trường nhỏ bé mái lợp tole xi măng, vách đan bằng phên nứa nằm cạnh ao rau muống xanh rờn bèo tấm, Thầy Cô đã dạy cho tôi biết kính trọng công ơn Cha Mẹ, yêu mến Ông Bà, anh chị em, lễ phép với người lớn, không tham của rơi, không hái hoa bẻ cành nơi công cộng; lên xe nhường chỗ cho người già em bé, gặp đám tang phải ngã mũ chào, không ghẹo phá người tàn tật; phải biết quý trọng hạt gạo người nông dân một nắng hai sương làm ra...


Tôi đã được học về gương hy sinh anh dũng cũa tiền nhân qua những bài lịch sử ca tụng Bà Trưng Bà Triệu, Vua Lê Lợi, Quang Trung; Danh tướng Trần Bình Trọng "Thà làm Quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc!" Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt mà lo việc nước bị giáo đâm thủng chân máu chảy đầm đìa vẫn chẳng hay; Trần Quốc Toản tuổi nhỏ bóp nát quả cam vì không được vào dự Hội nghị Bình Than bàn mưu chống giặc;Lê Lai cứu Chúa tráo long bào; Đức Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa sắt với áo giáp nón sắt bay về trời sau khi phá tan giặc Ân; Vua An Dương Vương bị tráo mất nỏ thần tuốt gươm chém bay đầu công chúa Mỵ Châu nơi bờ biển khi Rùa Thần hiện ra với lời mách bảo " Giặc ngồi sau lưng Bệ hạ!"...


Không ai dạy cho tôi lòng hờn căm và thù hận, không ai dạy tôi sự đua tranh để đạt cho được danh hiệu này khác hay những mưu toan tính tóan để cầu lợi cho mình. Tuổi thơ của tôi không phải tập đánh trống ếch ầm ĩ để làm lễ chào mừng hay học những bài hát suy tôn kiểu "đêm qua em mơ gặp..."


Chúng tôi hồn nhiên chơi đùa học tập suốt 9 tháng của chương trình học, 3 tháng hè thật sự là thời gian nghỉ ngơi của cả Thầy và trò ( mỗi năm đến hè là Ta nghỉ hè... ) học sinh không phải đi học thêm học nếm, đi làm kế hoạch nhỏ kế hoạch lớn gì cả! Thầy Cô giáo thì không phải họp hành bình chọn Tấm Gương Sáng Tấm Gương Mờ, viết sáng kiến tối kiến kinh nghiệm, học chính chị chính em, cải tiến cải lùi gì ráo trọi! Nghỉ là nghỉ, chấm hết, chỉ có vậy thôi! Hết 3 tháng hè trở về trường gặp lại bạn bè sau thời gian xa cách tay bắt mặt mừng kể lể biết bao chuyện vui buồn mới thú vị làm sao!


Thời của tôi còn trong chiến tranh, địa lý dạy tôi biết đất nước mình bắt đầu từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, bị chia đôi hai miền bằng vĩ tuyến 17, nơi có giòng sông Bến Hải và cây cầu mang tên Hiền Lương từ sau hiệp định Gèneve 20/7/54. Địa lý cũng cho tôi biết đất nước tôi có nhiều mỏ quặng quý, rừng vàng biển bạc; Miền Bắc có đủ bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, miền Trung có nhiều Lăng tẩm Đền đài một thời Vua Chúa nhưng đất đai khô cằn sỏi đá, miền Nam đất đai trù phú mưa thuận gió hòa sông ngòi chằng chịt tôm cá nhởn nhơ...


Tuổi thơ tôi được dạy để yêu thương đồng bào ruột thịt "Máu chảy ruột mềm" biết "Anh em như thể tay chân, gà cùng một Mẹ chớ hoài đá nhau!" biết "Bầu ơi thương lấy Bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn": Chúng tôi được học để làm một con người biết tự hào mình là người dân nước Việt, từ nguồn cội Con Rồng Cháu Tiên năm mươi con theo Mẹ lên núi năm mươi con theo Cha xuống biển. Để biết chia sẻ miếng cơm manh áo cho người cơ nhỡ " Thương Người như thể thương Thân! "


Tuổi thơ trong chiến tranh của tôi hồn nhiên trôi êm ả dưới mái trường với những bài giảng êm đềm của Thầy cô không gợn chút tối tăm thù hận dù đất nước vẫn triền miên cuộc chiến hai miền Nam Bắc. Không ai dạy cho chúng tôi cách vót chông tre làm vũ khí, cách gài trái đánh mìn, cách đào đường đắp mô đắp ụ, dấu tài liệu rải truyền đơn... Không bài học nào dạy cho chúng tôi lòng căm thù phía bên kia, càng không dạy những câu chữ nặng mùi chính trị, những lời chửi bới xấu xa về Lũ, Bọn, Tên, Thằng... Chúng tôi chỉ được học bài học đầu tiên về sự tha thứ cho kẻ thù, lòng yêu thương và tình nhân ái!


Lớn thêm một chút, vào Trung Học; những bài học về đất nước ngàn năm văn hiến với biết bao máu xương đổ xuống để xây dựng và gìn giữ của Ông Cha dạy cho chúng tôi biết quý trọng và yêu mến mảnh đất nhỏ bé cong cong hình chữ S thiêng liêng và hào hùng này. Chúng tôi không được dạy theo cái cách "Ta và Tàu có tình hữu nghị môi hở răng lạnh "(!!) mà phải học để biết rằng nước ta đã phải trải qua một ngàn năm bị quân phương Bắc đô hộ, mà giặc xâm lăng thì luôn luôn dòm ngó quê hương nhà để mong thôn tính nước ta! Chúng tôi không phải học một lý tưởng vĩ đại xa lạ nào từ một đất nước xa xăm với những học thuyết xa vời hoang tưởng, cho dù từ một nước Nga được biết đến với những vũ khí chiến tranh hủy diệt, một nước Mỹ giàu có nổi tiếng toàn cầu, hay một nước Đức lạnh lẽo với bức tường ô nhục chia đôi Đông và Tây Bá Linh sau một cuộc chiến huynh đệ tương tàn!


Chiến tranh vẫn hiện diện trên những trang báo hàng ngày, trong tiếng gầm gừ xa xa vọng về của tiếng đại bác, trong những đóm lửa hỏa châu đỏ quạch mờ khuất một phía trời, lời những bài hát kể về niềm ly biệt nỗi chia xa "... Anh sẽ ra đi về miền cát nắng, nơi có quê hương mịt mù thuốc súng..." " Chiều trên Phá Tam Giang anh sực nhớ em! " Ôi Sài Gòn của tôi, Sài Gòn hồn nhiên mơ mộng dù trong cuộc chiến, trong hy sinh mất mát, trong khói lửa tang thương! Từng lớp bạn bè tôi khoác áo chinh nhân rời trường xa lớp từ giã phố phường, có người đã phải trở về trong chiếc quan tài phủ màu cờ Tổ quốc với những vòng hoa trắng và hai hàng nến nhỏ lệ khóc tiễn biệt. Những đứa bạn tôi có đứa vừa cài hoa cưới sang ngang, rượu giao bôi chưa nhạt đôi môi đã phải nghẹn ngào chít lên đầu vành khăn tang trắng... Nhưng chúng tôi đã chỉ được dạy để thù ghét chiến tranh chứ không được dạy để đổ hờn căm lên những con người: trong cuộc chiến, đối mặt nhau ngoài chiến trường giữa làn tên mũi đạn chúng ta là kẻ thù, buông súng rồi tàn cơn chinh chiến chúng ta lại là Anh Em! Chúng tôi đã được dạy để mong chiến thắng kẻ thù bằng lòng cao thượng, tình thương và lòng thành thật! Chúng tôi, những người tuổi trẻ Sài Gòn ngày xưa đã ngây thơ nhìn chiến tranh qua những lăng kính màu, tuy có đôi chút ảm đạm nhưng vẫn pha chút màu xanh của hy vọng, màu hồng mơ ước và châp chùng màu tím của lãng mạn!


Lãng mạn lắm chứ, hình ảnh "em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân, bên người yêu tật nguyền chai đá..." Cả cái hình ảnh đau thương của người con gái cúi đầu xõa tóc ngậm ngùi bên tấm thẻ bài còn lại của người thân mà Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh chụp cũng đem đến một vẻ đẹp lãng mạn cho sự hy sinh và lòng thương tiếc vô bờ. Người lính nào khi "Vui ra đi mà không ước hẹn ngày về.." cũng sẽ ấm lòng biết bao với ý nghĩ ở hậu phương lúc nào cũng có một bóng hình dõi mắt theo bước chân đi và đổ lệ xót thương một khi mình nằm xuống! Chúng tôi đã mang cái đẹp và hào hùng một cách lãng mạn ấy đi qua chiến tranh trong những lời ca, những hình ảnh về người lính với những ước mơ về hòa bình và hạnh phúc " Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn anh trở về đây, trở về đây tìm tuổi thơ mất năm nao.."


"Một mai qua cơn mê, xa cuộc đời bềnh bồng, anh lại về bên em..." Những người lính từ mặt trận về lại Sài Gòn trong những ngày phép hiếm hoi gặp người yêu dấu, bạn bè, gia đình chỉ nói về những nhớ thương và ước vọng cho một ngày hòa bình sẽ đến khi kết thúc chiến tranh, không ai kể lại những tàn ác khốc liệt trong cuộc chiến đã đối đầu. Chúng tôi không được dạy để đào sâu hận thù, không được dạy để biết tàn nhẫn và độc ác! Chúng tôi đã sống trong chiến tranh nhưng không có lòng thù hận, hồn nhiên và lãng mạn cho một ước vọng hòa bình để bàn tay nắm lấy bàn tay! Ôi Sài Gòn của tôi, Sài Gòn mộng mơ, Sài Gòn diệu vợi! ngày xưa êm đềm và những ngày tháng yên vui xưa cũ!



Hồi xưa, không có nhiều những câu khẩu hiệu đao to búa lớn, chẳng phải học tập, thảo luận, quyết tâm quyết tính gì cả, nhưng trong mỗi chúng tôi, ngay từ thuở còn bé thơ, đã được hình thành một nhân cách Việt Nam, một Con Người Việt Nam với lòng tự hào dân tộc và tình yêu thiêng liêng quê hương đất nước. Từ những người lao động nghèo nàn sống chui rúc chật chội dưới những mái nhà dột nát tối tăm trong các xóm nhỏ ngoại ô tới những công chức thanh bạch ngày hai buổi đến nhiệm sở với đồng lương ít ỏi, cho tới những người được gọi là ăn trên ngồi trước, nhà cao cửa rộng lên xe xuống ngựa áo mão xênh xang, chúng tôi cùng có chung một mong ước thiết tha về ngày hòa bình an vui cho nước non nhà, mơ ước một ngày dứt chiến tranh không còn đau thương tao loạn để người dân cả hai miền được ấm no hạnh phúc.

Không ai dạy cho chúng tôi sự trả thù hay cách giết chóc nếu một mai hòa bình, chúng tôi luôn nghĩ về một hình ảnh cảm động tuyệt diệu về ngày ấy, khi dân hai miền ôm chầm nhau trong vòng tay mừng mừng mừng tủi tủi, kể lể biết bao nỗi niềm về những ngày nhớ nhung xa cách, những đau thương dâu bể đã qua (!). Chúng tôi đã đi qua chiến tranh mà không nhìn thấy hết tất cả những góc cạnh xấu xa khủng khiếp của nó, chúng tôi đã luôn hồn nhiên và lãng mạn dù ở vị trí nào, ở hoàn cảnh nào. Và, có phải không, tôi có thể nói một cách hơi quá một chút về Sài Gòn ngày xưa của tôi, của chúng tôi, Sài Gòn cổ tích nên đã quá đỗi hồn nhiên nhân hậu trong một cuộc chiến không cân sức với một đối phương luôn luôn giảo quyệt, ác độc, thù địch và dư thừa thủ đoạn!

Sài Gòn của tôi quá mơ mộng dù ở vào cuối thế kỷ 20 chứ không phải từ một thời nào trong những câu chuyện cổ: Cổ thành Quảng Trị ngày nào trong chiến trận với bao máu xương chết chóc được nhớ tới như một bản anh hùng ca "Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu.." Bình Long An Lộc với những trận đánh không cân sức giữa một rừng người và pháo giặc dày đặc được biết đến bởi hai câu thơ của một nữ sinh vô danh nào đó ghi vội giữa lòng thị trấn "An Lộc địa sử ghi chiến tích. Biệt Kích Dù vị quốc vong thân!" Những bức chân dung trên công viên trước tòa nhà Quốc Hội của các anh hùng trên các mặt trận và lời những bài hát buồn "Anh, hỡi anh vừa ở lại Charlie! Anh, hỡi anh giã từ vũ khí.." " Anh không chết đâu anh, anh chỉ về với Mẹ mong con..." Chúng tôi đã sống trong chiến tranh để mong một ngày hòa bình, với những hàn gắn và xây dựng, với những tha thứ và yêu thương, và tương lai và hạnh phúc. Như những kết thúc ắt có mà tất cả các câu chuyện cổ tích đều có. Tiếc thay, và cũng đau đớn thay! đó chỉ là kết thúc của những câu chuyện ngày xưa!

Ngày hôm nay, tôi vẫn đang sống trên đất này, nhưng đã không còn là một Sài Gòn cổ tích của ngày xưa! Sài Gòn thay da đổi thịt hàng ngày, hàng giờ (như người ta thường nói) và tôi gần như đã không còn nhận ra cái thành phố mà tôi đã được sinh ra, lớn lên, cùng chia sẻ và chịu đựng biết bao tháng ngày vui buồn sướng khổ, có lẽ cũng lại sẽ là nơi mà tôi sẽ gởi nắm xương tàn một mai khi nằm xuống! (nói cho văn hoa sách vở thế thôi, chứ ở Sài Gòn bây giờ tấc đất tấc vàng! Người sống còn chen chúc nhà thuê phòng trọ không mảnh đất cắm dùi, nói gì đến người chết mà muốn chôn cất cho mồ yên mả đẹp thì cũng chẳng dễ dàng chi! Tốt nhất là cứ chết xong tống vào lò thiêu quách rồi mang thả xuống sông xuống biển cho rảnh nợ, hoặc đem ra giữa đồng trống mà gởi gió cho mây ngàn bay! Hay sợ bị kết tội làm ô nhiễm môi trường thì mang gởi hũ cốt vào chùa để nghe kinh nghe kệ sám hối ăn năn những tội lỗi đã làm ... ) Sài Gòn ngày nay vẫn là thành phố đẹp và sang trọng nhất nước với những tòa nhà cao nhiều tầng lấp lánh ánh đèn, đường phố rộng lớn xe cộ chạy như mắc cửi, hàng hóa đầy ắp thừa mứa và những cuộc vui thâu đêm suốt sáng nhưng là của một lớp người khác, một đời sống khác! Cái mà ngày xưa gọi là nhân nghĩa và tính cách thì ngày nay người ta gọi là lạc hậu! Ăn ở cho nó lịch sự tử tế với lối xóm hả? Xưa rồi Diễm! (câu này cũng là câu mới, giống như "bỏ đi Tám" của mình hồi xưa). Dân Sài Gòn ngày nay đi ra đi vô không thèm nhìn mặt nhau (nhà mày lớn, nhà mày cao nhưng đâu có bằng nhà ông!) Nhà bên này Bố mới mất, cả nhà ôm nhau khóc thương thảm thiết, tang gia bối rối xiết bao, nhà bên cạnh thì đèn đuốc sáng choang, đàn hát tưng bừng nói cười rộn rã yến tiệc linh đình ăn mừng chiếc xe 4 bánh mới tậu! Chạy xe ra đường có đụng chạm va quẹt gì tí chút là dựng xe ăn thua đủ: Mù à! Không biết đi xe thì đừng có bày đặt chạy! Yếu còn bày đặt ra gió!... Bọn trẻ sinh sau 75 còn hăng máu hơn, có đụng chạm gì thì chẳng thèm cãi cọ ồn ào lôi thôi chi cho to chuyện, chỉ móc hàng (mã tấu, dao lê) giấu sẵn trong người ra tự xử!

Ngày xưa chúng tôi chọn một ngành học nào bất kỳ, trước hết là do lòng yêu thích, việc kiếm tiền chỉ là phần phụ thêm: Tôi thích đi dạy học vì yêu nét đẹp dịu dàng của cô giáo với tà áo dài quấn quýt bước chân và những lời giảng ngọt ngào bảng đen phấn trắng. Anh mơ làm bác sĩ với tâm nguyện xoa dịu nỗi đau, chữa lành cơn bệnh. Bạn muốn trở thành kỹ sư xây nên những chiếc cầu nối liền hai bờ ở một miền quê xa hẻo lánh để trẻ thơ ngày hai buổi tới trường... Chúng tôi học suốt 12 năm miệt mài để thi vào một trường Đại Học duy nhất, cho một nguyện vọng duy nhất. Ra trường, mỗi người thực hiện ước mơ hoài bão của mình bằng tất cả lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, mà tương lai của mỗi người tùy thuộc vào chính những cố gắng hết mình của họ.

Ngày nay học sinh thi một lúc 2,3 trường đại học. Nguyện vọng 1,2, 3 lung tung ở các ngành nhiều khi đối chọi lại với nhau! Không phải vì học giỏi mà chỉ vì không định hướng được cho mình. Người ta chọn ngành nghề nào trước hết là do có kiếm được nhiều tiền hay không! Bác sĩ thì ngoài việc được nhận tiền bồi dưỡng của người nhà bệnh nhân còn có thể kiếm tiền bằng cách mở phòng mạch riêng! Giáo viên Anh văn có thể mở lớp tại nhà hay đi làm thêm tại công ty ngoại quốc! Kỹ sư công chánh tha hồ mà xây cầu đường, thả sức ăn chặn ăn bớt vật liệu!... Kết quả là những kỳ thi trắng xóa tài liệu "quay cóp", những thí sinh thi dùm, thi mướn, những điểm được bán, những bằng cấp giả, những nhân tài chẳng có chút thực tài!

Có thể nói được với ai về nỗi nhục nhã khi nhìn những cô gái trẻ, rất trẻ, lũ lượt xếp hàng chờ tới lượt mình vào cho mấy ông già Đài Loan coi mắt để cưới làm vợ (!) hòng mong nhận số tiền nhỏ nhoi trả hiếu cho Cha Mẹ, mặc cho số phận đưa đẩy chẳng biết đến bến bờ nào (mà nhiều phần là đục hơn trong!)

Có thể nói thế nào về một lớp trẻ sống như trôi dạt hờ hững bên những bất công đầy dãy của xã hội mà đồng tiền là thước đo duy nhất, mọi thứ trên đời đều dễ dàng được đổi chác mua bán theo từng giá cả riêng!

Trong khi hàng triệu người Việt Nam sống tha hương trên khắp thế giới lúc nào cũng mang nặng một nỗi niềm thương nhớ quê Cha đất Tổ, hàng triệu trái tim Việt Nam luôn hướng về mảnh đất dấu yêu và những hoài niệm thiêng liêng, thì ngay tại đất nước này, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút luôn có những người dân Việt canh cánh bên lòng chờ một chuyến đi xa! tới một nơi nào đó, làm một công việc gì đó, sống một cách nào đó... miễn là đi khỏi nơi này, miễn là rời xa, dù mãi mãi, hay chỉ trong một thời gian có hạn! Ngày nay chúng tôi sống và lạc loài ngay chính trên mảnh đất quê hương của chính mình! Chúng tôi không những chỉ đánh mất những cái mình đã có, mà còn không thể có được những điều mình cần có!

Tôi sẽ dạy thế nào đây, bài học vỡ lòng cho cháu trai tôi, một đứa trẻ được sinh ra vào một ngày không thể nào quên của cả một dân tộc, về những câu chuyện cổ tích của một Sài Gòn ngày xưa mang dáng dấp êm đềm an vui thời tuổi trẻ, hay những nhọc nhằn khốn khó một thời xuôi ngược trải qua? Bài học nào cho cháu hiểu được ngoài những nợ nần chồng chất của quá khứ, sự trống rỗng tăm tối của một ngày nay nhiều bất trắc và âu lo, sẽ còn lại được những gì?!

Tất cả những câu chuyện cổ tích đều có một đoạn kết tốt đẹp! Tôi ước gì có thể kể cho cháu trai tôi, và những cháu gái - trong tương lai - của tôi, câu chuyện kể về một Sài Gòn cổ tích đẹp như mơ với đầy đủ những thăng trầm biến đổi, những người tốt kẻ xấu, những mất mát hy sinh, những nát tan tuyệt vọng, nhưng cũng có những ngọt ngào và không thiếu những niềm vui!

Và, khi đó, tôi sẽ kết thúc câu chuyện Sài Gòn cổ tích của tôi, theo cái cách mà Bà tôi, rồi Mẹ tôi đã từng dùng làm câu kết mỗi khi kể cho tôi nghe xong một câu chuyện hồi tôi còn nhỏ: Cuối cùng, sau những khó khăn đen tối tưởng chừng không thể vượt qua được, đất nước lại hưởng cảnh thái bình an lạc, nhà nhà lại đoàn tựu trong hạnh phúc ấm no!

 

 

(Hết)




Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 13/Jan/2010 lúc 10:20pm
mk
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 14/Jan/2010 lúc 10:18pm

QUÀ MỘT THỜI

Vân Giang

Lời tác giả: Thân tặng bạn bè tôi, những người dân Sài Gòn đã sống cùng thời với tôi trên mảnh đất thân yêu này, dù còn ở lại hay đã đi xa; Những người bạn mới quen và cả những người chưa từng quen biết. Để nhớ về những món quà tuyệt diệu của tuổi thơ mà bây giờ chỉ còn lưu lại trong chúng ta hương vị ngọt ngào của một thời đã xa mãi mãi.

 
***

Tôi là một người có "tâm hồn ăn uống". Cái thân hình đều đặn ba vòng bằng nhau bây giờ là kết quả (hay hậu quả?!) của mấy chục năm miệt mài thưởng thức một cách hết sức nhiệt tình những món ngon và chưa ngon của hầu hết những quán hàng tiệm ăn to nhỏ lớn bé trong lòng thành phố! Ăn trong nhà hàng máy lạnh có nhạc nhè nhẹ êm dịu mọi người nói năng nhỏ nhẹ lịch sự hay ăn trong một quán nướng ồn ào tiếng cụng ly côm cốp cười nói rân trời của mấy ông bợm nhậu, hay ăn nhỏ nhẻ mát mẻ trong một sân vườn cạnh bờ sông bốn bề gió lộng nước lách tách vỗ sóng bên sàn gỗ dưới chân...
Tôi đã ăn cùng với bạn bè, người thân, người yêu và cả với người ghét (thí dụ như phải đi ăn đám cưới của cảnh sát khu vực chẳng hạn!) những món ăn đã có từ thời xưa hay những món vừa được sáng chế ra lúc mới đây, những món có tên gọi bình dân hay những món nghe nghĩ mãi chẳng biết là món gì bởi cái tên gọi vừa cầu kỳ vừa bí hiểm! Có món tôi thích, có món không. Nhưng chưa bao giờ có một món ăn nào làm cho tôi chợt ngẩn người vì một nỗi nhớ nhung lạ lùng, đến dường như khắc khoải, như trong một lần gần đây khi đi qua một ngôi trường tiểu học nhỏ nằm cạnh một đường ray xe lửa, trong khi đứng chờ bên cạnh thanh chắn ngang đường ray, giữa tiếng bánh sắt nghiến rầm rập, hình ảnh hai em bé học sinh cùng uống chung một chiếc ly nhựa nhỏ nước xi rô bất giác làm tôi nhớ đến món quà của tuổi nhỏ ngày xưa, bây giờ không còn thấy bán nữa: cục đá nhận! Và tôi nhớ đến bàng hoàng tha thiết những món quà hồi tôi còn nhỏ, những món quà của một thời!

.

.

Ồ, nói ra thì thấy lạ lùng, chứ hồi nhỏ quả không mấy ai là không mê cái vị ngọt lạnh dễ chịu của cục đá nhận mà cách làm vừa đơn giản vừa… mất vệ sinh của xe nước giải khát bán ở cổng trường! Có lẽ khi ấy kem cây chưa có nhiều, lại mắc không phù hợp với túi tiền ít ỏi của lũ học trò nhỏ chúng tôi, nên cục đá nhận vừa lạnh vừa ngọt, có màu sắc rực rỡ lại rẻ tiền được hoan nghênh số một!
Người bán hàng dùng một cái bàn bào nước đá bằng gỗ bốn chân có một lưỡi dao bào bằng thép trên mặt đặt cục nước đá lên, bào ra những vụn đá tơi xốp trắng toát đầy cái đĩa nhôm nhỏ hứng ở dưới, nhanh nhẹn dùng một cái ly nhựa nhỏ hốt đầy đá bào vào ấn chặt như cách ta làm bánh bằng khuôn, gõ nhẹ cho cục đá bào đã được nén chặt trong ly rớt ra, vớ lấy chai xi rô màu xanh, đỏ hay vàng theo yêu cầu (xanh lá cây là mùi Bạc Hà, vàng là Chanh, đỏ là Cam hay Lựu) trên nắp chai xi rô bằng nhựa đã đục sẵn một lỗ nhỏ, xịt mấy cái trên cục đá nhận cho nước xi rô thấm vào, vừa xịt vừa khéo léo xoay tròn cục đá cho màu loang đều, có khi còn rưới thêm một chút nước chanh muối lên trên nếu được nằn nì xin thêm. Đứa học trò trả tiền chộp ngay lấy cục đá nhận ngửa cổ mút lấy mút để vị ngọt lạnh trong lúc đứa bạn không có tiền kiên nhẫn chờ kế bên đợi khi cục đá nhạt màu vì đã gần hết xi rô thì được mút ké một chút, cứ thế hai đứa nhỏ vừa đi vừa kề đầu chụm vai chia nhau một cục nước đá nhận đã hết cả vị ngọt lẫn mùi thơm, chỉ còn trơ cái lạnh và nhạt trên đầu lưỡi bị nhuộm màu!

. .
 
Ở cổng trường tiểu học của tôi hồi đó có nhiều hàng quà rong lắm. Mặc dù đã có lời dạy không nên ăn quà vặt nhưng hầu hết học sinh đều vi phạm bởi sức hấp dẫn của những món quà này. Mà ngày xưa thì quà bánh cũng chẳng lấy gì làm phong phú đẹp đẽ như ngày nay, chỉ những món đơn giản rẻ tiền mà sao nhớ nhung đến thế, hay vì trong những món quà thời ấy còn chất chứa cả một thời trẻ dại hồn nhiên chưa biết nghĩ suy gì?! Trẻ con ngày nay đi học hầu hết đều được Cha Mẹ đưa đón bằng xe riêng, ít thấy em nào đi một mình, hàng quà lại bị cấm bày bán trước cổng nên chẳng còn cảnh lê la ăn quà trước khi vào lớp như chúng tôi ngày xưa. Hồi tôi nhỏ, đi học toàn là tự đi bộ một mình, mấy đồng bạc cắc đút túi cứ như muốn nhảy ra khỏi tay trước những mẹt quà bày sát lối vào trường, thôi thì đủ món đủ thức tùy theo mùa theo vụ:

.

.

Đây là hàng bánh tráng kẹo có bà bán hàng mặc áo nâu nhanh nhẹn trở bánh trên bếp than nhỏ trong một cái nồi bầu miệng loe bằng đất nung, vừa thoăn thoắt bẻ bánh mới nướng xong còn đang nóng hổi, kéo những đường mạch nha dẻo quẹo trên mặt bánh rắc lên nhúm dừa nạo trắng muốt rồi gập đôi miếng bánh lại, món quà này tương đối mắc tiền, chỉ khi nào có tiền nhiều một chút tôi mới ăn.

.

.

Đây là mẹt hàng của một chị còn trẻ tuổi tóc búi gọn phía sau gáy, bán đủ thứ bánh kẹo xanh đỏ rất ưa nhìn:



Những cái bánh bằng bột gạo nướng với đường nhỏ xíu tròn tròn như những cái móc dùng để treo màn cửa màu vàng cam được xâu từng chùm vào một sợi dây lác để đeo vào cổ như một sợi dây chuyền, những xấp me ngào bột màu nâu đỏ nhỏ cỡ đồng xu ăn với muối ớt chua chua ngọt ngọt, những viên cốm nếp ngào đường tròn cỡ nắm tay thơm thơm mùi gừng, những cục kẹo ú đẫm bột hình khối tam giác màu vàng nhạt, những cục kẹo sữa màu trắng đục cắn vào có vị bùi béo của đậu phụng rang giã nhuyễn gói bằng giấy màu trắng có chữ màu xanh, những viên kẹo màu xanh màu vàng màu đỏ bọc giấy bóng kiếng trong thơm mùi trái cây, những bịch mứt dừa nhuộm đủ màu, những bịch bánh tráng tròn nhỏ màu vàng đỏ mặn mà…

.


.

Còn ai nhớ vị ngọt chát của những trái Trâm Bầu to bằng đầu ngón tay cái màu tím thẫm ăn vào nhuộm tím cả lưỡi cả miệng? Những trái Nhãn Lồng mọc hoang nhỏ cỡ đầu ngón tay út vỏ màu trắng ngà với chút xíu cơm mỏng dính ngòn ngọt. Những trái Sung chín đỏ nhìn ngon mắt nhưng nhạt phèo và ruột đôi khi có đầy kiến gió. Những trái Chùm Ruột chua ghê răng ăn với muối ớt. Những trái Bình Bát trông giống như trái Mãng Cầu Xiêm nhưng lổn nhổn hạt chua chua… Loại trái cây mọc hoang dại trong lùm, trong bụi nơi vùng ngoại ô thành phố được bày bán trong những mẹt hàng nho nhỏ bên cổng trường thuở ấy đã gợi thèm thuồng biết bao đứa học trò nhỏ mỗi lúc ghé nhìn.

.



.

Và đây nữa, những trái Cóc xanh gọt vỏ rồi tách thành một bông hoa nhiều cánh ngâm trong nước Cam Thảo vàng, những lát xoài sống ăn với mắm ruốc tím có điểm những khoanh ớt đỏ thắm, chùm trái Trường trông giống như những trái Vải tí hon vỏ màu đỏ nâu, những chùm trái Sai vỏ đen nhung với lớp ruột màu vàng cam có cái hạt dẹp dẹp nho nhỏ trông giống như .. một con ve chó lớn! Và Thơm xẻ miếng, và Đu Đủ, Mận, Mít bày trong một cái tủ nhỏ bằng kính có đặt cục đá ướp lạnh.

. .

Tôi không biết ăn Ô Môi. Thứ trái cây dài ngoằng và cứng ngắt ấy không ngờ là hậu thân của những bông hoa đỏ thắm xinh đẹp vẫn mọc dọc bờ sông nhiều nhà ở miền tây Lục Tỉnh. Trái Ô Môi hơi giống trái Phượng nhưng to hơn, cũng có vỏ màu nâu đen. Khi ăn phải hái phơi kỹ trên nóc nhà cho khô, dùng dao chặt thành từng khúc ngắn, vạt hai bên vỏ trái cho lộ ra lớp hạt xếp đều đặn dính liền nhau bởi một lớp cơm màu nâu đen như nước màu kho cá, và cái mùi thum thủm của nó thì thật khó tả! Tôi chịu! Chỉ nghe đã muốn bịt mũi chạy xa, vậy mà bọn bạn tôi cứ mua từng khúc gặm ngon lành, còn cẩn thận mút cho bằng hết những chiếc hạt ấy, nghe kể rằng ngọt nhưng hơi chát ăn mãi không chán!

.
.

Tôi rất thích đến bên thùng xe làm bắng sắt tròn của ông hàng Kẹo Bông Gòn. Ở giữa tâm vòng tròn có một cái lõi nhỏ, mỗi khi ông bán Kẹo cho vào đó ít đường cát trắng, vừa đạp cái bàn đạp cho vòng thùng tròn quay thì lớp đường kéo tơ hiện ra càng lúc càng nhiều, đưa đôi đũa quơ quanh một vòng thành một lớp bông gòn xốp mịn nhìn thật đẹp mắt, cho vào miệng lớp bông ấy tan nhanh để lại vị ngọt ram ráp trên đầu lưỡi như một chút tiếc nuối. Hàng kẹo kéo thì lúc nào cũng có quay số, số bao nhiêu thì được trúng bấy nhiêu kẹo, nhưng hễ số kẹo càng nhiều thì ông hàng kẹo kéo lại kéo nhỏ cây kẹo thêm một chút, rốt cuộc nếu gộp tất cả số kẹo trúng thưởng vào chung thì có lẽ vừa bằng một cây kẹo mua bằng tiền không quay số mà thôi!

. .

Còn hàng kem cây.



Ngày xưa chúng tôi gọi là hàng “Cà Rem” . Người bán Kem có hai bình thủy để cân đối hai bên “boọc ba ga” một bên đựng kem các mùi như Va ni, Sầu Riêng, Dừa… một bên đựng kem đá với các màu xanh đỏ vàng tượng trưng cho Cam, Chanh và Bạc Hà. Mỗi khi bán, tùy theo giá tiền người bán sẽ dùng dao cắt cục kem lớn nhỏ khác nhau, dùng một que nhỏ ghim vào miếng kem mà đưa. Một loại kem khác, thứ này mắc tiền hơn, mà người ta thường bán trong tiệm nhưng cũng có những xe đẩy bán trước cổng trường, là loại kem múc bằng muỗng tròn để lên trên những cái bánh bột mỏng hình loe dài như một đài hoa xinh xắn có đủ các màu vàng xanh trắng, rưới lên trên khi thì một ít đậu phụng rang giã nhuyễn với một chút sữa đặc có đường, khi thì một chút xi rô xanh xanh đỏ đỏ. Trẻ con không thích ăn kem ly, phải đứng tại chỗ mà ăn, mất thì giờ; vừa đi vừa ăn ngon mà nhanh hơn. Hôm nào có tiền kha khá một chút thì mua hẳn một cái bánh mì ngọt kẹp mấy cục kem có rưới sữa và rắc đậu vào thì quả là ngon hết chỗ chê!

 
. .

Buổi sáng đến trường sớm mà chưa ăn sáng ở nhà, đã có hàng xôi của bà hàng với hơi nóng nghi ngút bốc lên kèm theo mùi thơm hấp dẫn! Bà hàng lấy một miếng lá chuối cỡ hai bàn tay xoè, đặt lên trên đó một miếng bánh tráng phồng cỡ bàn tay, thường có hai loại xôi là xôi đậu xanh và Xôi Nếp than, ai muốn ăn gì thì bà sẽ xới xôi ấy lên trên miếng bánh phồng, trét một lớp nhưn đậu xanh nấu chín tán mịn lên, rưới một muổng mỡ hành có lẫn mấy miếng tóp mỡ béo ngậy, rắc một lớp đường cát trắng và sau cùng là chan lên một muổng nước cốt dừa. Xôi được gói chặt lại sao cho miếng bánh phồng bọc kín hết như một lớp vỏ bánh, cắn vào vừa bùi vừa béo, thơm ngon làm sao! Cạnh đó lại có bà cụ người Bắc mặc áo vải trắng đầu vấn khăn nhung bày một thúng bán xôi Lúa hay còn gọi là Xôi bắp, cụ có hàm răng đen nhánh với miệng cười hiền từ, thoăn thoắt xé lá gói những gói Xôi bắp với những hạt Bắp màu trắng đục hầm mềm và những hạt nếp dẻo thơm phức, cũng là đậu xanh nấu chín nhưng đậu của xôi Bắp thì giã tơi thành một lớp bột khô rắc lên trên, chan vào một muổng nhỏ hành tím bào mỏng phi vàng rồi sau cùng là một muổng muối đường.

. .


Ít tiền hơn đã có hàng khoai luộc. Cũng tỏa khói nghi ngút nhưng giản dị hơn, chỉ một nồi hay rá nhỏ đặt trên bếp lửa, này là khoai lang Bí vỏ nâu đỏ ruột vàng, khoai lang Dương Ngọc vỏ hồng tím ruột tím nhạt, cả khoai lang trắng ruột trắng như bột, khoai Đà Lạt thì củ nhỏ mà ốm nhưng mật tươm cả ra ngoài vỏ, lâu lâu mới thấy bán. Khoai Mì (Sắn) thì cắt thành từng khúc xếp ngay ngắn bên cạnh những củ khoai Mì Tinh (có người còn gọi là khoai Bình Tinh) và củ Chuối (Dong Riềng) và những củ Từ vỏ vàng nhạt hay những củ khoai Môn tròn trĩnh.

. .

Cũng là khoai mì, nhưng khoai mì chà bông làm bằng những củ khoai bột tán nhuyễn, trộn thêm xác dừa khô nạo và đường cát trắng, thêm chút muối đậu, gói trong lá chuối, có thể dùng lá cây Dứa dại cắt ngắn từng khúc thay cho muổng xúc ăn, hay nắm lại thành nắm như nắm xôi mà ăn; vừa ngọt, vừa bùi. Lại thơm và béo của dừa khô trộn lẫn, ngon không biết tả sao cho vừa!

. .

Khoai mì mài ra lấy bột đem lọc kỹ, để ráo sẽ cắt thành sợi dài mà dẹp, hấp chín rồi cũng trộn chung với dừa khô nạo nhuyễn là sẽ thành món bánh tằm khoai mì trộn dừa, muốn có màu sắc hồi đó người bán không dùng màu hóa chất mà lấy màu xanh của lá dứa, màu tím của lá cẩm, màu đỏ của trái gấc chín, nên những sợi bánh tằm ăn vào mỗi màu có một mùi thơm riêng biệt, vì vậy ăn ít ngán hơn.

. .

Hồi đó trước cổng trường tôi có một bà già người Tàu mà mọi người thường gọi là Thím Xẩm bán bánh ướt rất ngon. Bánh ướt của người Tàu khác bánh ướt của người Việt ở chỗ bánh họ tráng dầy hơn, lại thoa lên trên một lớp mỡ có hành lá xắt nhỏ rồi cuộn lại thành từng cuộn dẹp, ăn với nước mắm pha loãng và giá trụng. Bà Tàu già ấy quanh năm chỉ thấy mặc một chiếc áo vải màu đen bạc phếch, một chiếc quần ngắn trên mắt cá bó ống và một đôi giày vải đen có thêu đã cũ mèm. Tóc bà cắt ngắn tới ngang cổ, cài một chiếc lược sừng đã bóng lộn vì thời gian. Mặc cho lũ chúng tôi tíu tít hối thúc bà già vẫn chậm chạp cắt bánh, lấy rau, rót nước mắm, rửa đĩa, thu tiền, những động tác chậm chạp của tuổi già và đôi mắt một mí hum húp như thuộc về một nơi chốn khác, không phải là cái nơi ồn ào nhộn nhịp của một cổng trường đang giờ sắp mở cửa.

. .

Cái bánh tôm ăn chung với bánh ướt của bà Tàu già cũng ngon lạ lùng. Khá giống với bánh Cóng của Sóc trăng, nhưng không có tôm, cũng không có giá, tuy gọi là bánh tôm nhưng chỉ có đậu xanh hột được hấp chín và bột gạo, chiên vàng thành những cái bánh tròn xốp, ăn không biết chán.

..

Cùng một thứ ăn với nước mắm như bánh ướt là huyết heo hấp. Những miếng huyết heo vuông vức cỡ lòng bàn tay màu đỏ nâu được hấp chín rải lên trên từng lớp mỡ hành xếp đầy trong chiếc nồi được ủ nóng bằng mấy lớp bao bố dầy cộm. Người bán dùng dao cắt miếng huyết heo thành từng lát, cho thêm mỡ hành, giá trụng và một nhúm rau thơm cắt nhỏ, chan nước mắm lên, thế là xong! Nhưng món quà này ăn mau ngán, nên người bán hàng, một ông già mặc áo quần màu nâu, đầu đội mũ cối nhựa trắng, chở chiếc nồi trên yên sau chiếc xe đạp cọc cạch cũ kỹ, lâu lâu mới ghé qua cổng trường, dựng chiếc xe đạp vào một góc tường quen thuộc, vừa phì phà điếu thuốc vấn vừa chờ đợi đám khách hàng nhỏ tuổi.

. .

Cũng bán hàng trên xe đạp và cùng là đàn ông bán hàng là món gỏi khô bò. Trong chiếc thùng một mặt có kính đựng đầy ắp những sợi đu đủ xanh bào mỏng, khô bò màu đen sánh cất trong một ngăn tủ nhỏ, chai giấm trắng, chai nước tương đen, chai nước ớt màu đỏ xếp cạnh chồng đĩa nhôm nhỏ, nắm đũa nhôm chiếc cong chiếc thẳng cắm trong một ống đựng treo lủng lẳng, ông hàng gỏi có một chiếc kéo sắt đen và to vừa dùng để cắt khô bò, vừa dùng nhắp thành những tiếng đều đều báo hiệu thay cho tiếng rao mời.




Cái đĩa nhôm trầy trụa và trẹt lét của ông hàng gỏi chỉ được tráng qua nước rồi lau vội bằng một cái khăn màu cháo lòng sau khi có khách ăn xong, lại được bốc đầy có ngọn nắm đu đủ bào, vài sợi khô bò nhỏ xíu cỡ đầu que diêm đặt khéo léo lên trên, một chút rau thơm thái sợi và một nhúm đậu phọng rang vàng giã dập, chan đẫm nước giấm và nước tương, thêm chút ớt đỏ cay cay, chúng tôi vừa ăn vừa xuýt xoa xin thêm giấm, thêm nước tương, ăn hết đu đủ húp cạn hết cả nước giấm mà vẫn còn thấy thòm thèm!

..

Bánh mì tương cũng là món quà được bọn học trò chúng tôi chiếu cố tận tình vì rẻ mà lại ngon; chỉ có một khúc bánh mì không xẻ ra, rưới một muổng tương đen, một muổng tương đỏ, thứ tương người ta vẫn dùng để ăn phở nhưng có lẽ người bán đã cho thêm ít đường cho dịu bớt, và thêm ít bột cho sánh lại, gắp vào một ít đồ chua làm bằng củ cải trắng và cà rốt cắt sợi ngâm giấm đường là có một món vừa ngon vừa no bụng. Nếu có tiền thì ăn bánh mì bì, bì làm bằng da heo cắt sợi nhuyễn, thêm chút thịt đùi heo chiên cắt nhỏ như que tăm, trộn một chút thính gạo rang vàng cho thơm, bánh mì bì ăn với hành lá xắt nhỏ phi chín chung với tóp mỡ, chan nước mắm chua ngọt, ngon hơn bánh mì tương một bậc, và cũng mắc tiền hơn!

..

Bắp thì có hai thứ, bắp luộc đựng trong thúng ủ tấm bàng tròn, hơi nóng bốc lên cùng với mùi lá dứa thơm phức, những trái bắp vỏ ướt nước nóng hổi cầm bỏng cả tay, xé lớp vỏ như những lần lụa mỏng mềm mại phía trong cùng là lớp hạt vàng rực đều đặn hiện ra trông thật bắt mắt, hạt bắp luộc dẻo và ngọt, nếu ăn bắp non thì cái cùi bắp mềm mà ngọt không thua gì mía hấp. Bắp nướng thì phải ngồi đợi một bên cái bếp than làm như một cái máng chữ nhật nhỏ của bà hàng, chờ lớp vỏ ngoài cháy đen một phần, bà mới bóc hết làn vỏ bắp ra để những hạt bắp được nướng chín trên lửa từ từ trỡ sang màu vàng ruộm, rồi vàng cháy, mùi bắp nướng thơm lừng tỏa ra trong không khí, xé một miếng vỏ bắp bọc lấy cái cuống trái bắp nướng dốc ngược đầu xuống một chén mỡ hành đặt cạnh bếp, dùng một đoạn sống lá chuối chẻ dập đầu thoa đều mỡ hành lên khắp trái bắp, mùi thơm của bắp và mỡ hành làm chúng tôi nuốt nước miếng thèm thuồng, cầm vội vàng trái bắp nóng hôi hổi trên những ngón tay lóng ngóng và gặm hối hả, vị mặn mà của mỡ hành có lẫn vài miếng tóp mỡ dòn dòn, hạt bắp vừa cứng vừa dẻo, nhồm nhoàm một cái đã thấy chỉ còn trơ lại cái cùi khô khốc vô duyên!

.
.


Bây giờ ít thấy bán đậu đỏ bánh lọt, thứ quà ngon mà mắc tiền hơn đá nhận xi rô, vẫn bán trước cổng trường trên những chiếc xe đẩy bằng nhôm sáng loáng thuở nào. Trong những chiếc thẩu tròn xếp thành dãy người ta đựng nào là đậu xanh hấp chín màu vàng đậm đà, nào là đậu đen chín bở, đậu đỏ đều hạt, đậu Mỹ màu trắng hạt to như đầu ngón tay cái,và một cái thẩu đầy những sợi bánh lọt màu trắng trong và dai ngập trong nước đừa đục màu sữa, lại có cả hạt É lấm tấm như những chùm trứng Ếch tí hon có lẫn những tảng nhỏ Lười Ươi nâu như màu mận chín, nước đường thắng kẹo đựng trong hũ thủy tinh trong được múc bằng một cái muổng đặc biệt làm bằng nửa quả Mù U khô cắm trong một cây đũa tre dài.

..

Đã lâu lắm tôi không còn thấy ai bán Bông Cỏ với Hột Lựu. Hình như món ăn này, cũng như món mía hấp, mía ghim đã lặng lẽ biến mất tự lúc nào chẳng ai hay biết. Mía hấp thì thường là một người đàn ông trung niên đẩy xe ba bánh rao bán trên đường phố vào khoảng tối khuya, tiếng rao "Mía hấp" kéo dài hơi ngân nga và ánh sáng chập chờn của một ngọn đèn dầu nhỏ thắp trong chiếc lồng đèn vuông thường gợi nhớ vào những tối trời tạnh mưa, không khí ẩm và lạnh mà mùi thơm ngọt ngào của những cây mía nóng hổi khi mở nắp chiếc vung to lớn của ông hàng mía lan tỏa trong không gian thật là dễ chịu. Ông hàng Mía hấp có một cái bào to với một bên thân bào là dao bén ngót. Những khúc mía màu nâu tím hay vàng mơ được hấp chín trong một loại nước có vị thuốc Bắc xếp đầy trong một cái thùng sắt to đặt trên bếp than cháy âm ỉ để giữ cho nước trong nồi lúc nào cũng nóng già, khi có người mua ông dùng bào róc sạch vỏ rồi nhanh nhẹn trỡ lưỡi dao tiện thành từng khẩu mía ngắn và đều nhưng không tiện đứt hẳn mà vẫn còn dính vào nhau, mía hấp ăn thơm và mềm, người già răng yếu cũng có thể ăn được. Mía ghim thì chỉ là mía thường, róc vỏ, bỏ mắt và tiện ra thành những lóng ngắn nhỏ cỡ một đốt ngón tay, ghim vào trong một đoạn tre ngắn được chẻ ra nhiều thanh nhỏ ở một đầu thành ra một bông hoa ngộ nghĩnh xoè tròn người ta thường bán trước cửa rạp hát hay rạp xi nê hồi đó. Mía bây giờ người ta đựng trong bịch nylon, tuy cũng tiện tròn nhưng nhìn tẻ nhạt chứ không xinh xắn hấp dẫn như mía ghim thuở đó!

. .

Bông Cỏ thì đặc biệt hơn, trông giống như Sương Sa nhưng hơi mềm mình, và lại thơm ngon hơn nhiều. Có lẽ tuổi nhỏ với khẩu vị đơn giản và đồng tiền có hạn nên món nào hồi xưa mình ăn đều thấy ngon lạ ngon lùng, hay bởi vì những món ăn thời ấy còn chất chứa cả một khung trời ký ức êm đềm dịu ngọt nữa mà bây giờ cho dẫu có ăn bất cứ món gì mình cũng thấy không thể sánh bằng? nhưng món Bông Cỏ thì quả là hơn đứt Sương Sa hay Thạch của người Bắc, Đông Sương của người Trung. Bông Cỏ hình như là xuất xứ từ bên Tàu, cách làm cũng khá lạ, phải ngâm nước một đêm cho nở rồi mới cho vào trong một cái bao vải dày (gọi là bao bồng bột) cùng với một vài (bao nhiêu?) trái chuối Xiêm chín, nhồi lấy nước sền sệt pha chung với nước lã sao cho vừa đủ lượng nước cần dùng, cho vào thau để yên trong mấy giờ sẽ đông lại như Sương Sa nhưng mềm và dẻo hơn, dùng cái muổng như cái vá xới cơm nhưng dẹp và mỏng hơn vát nhẹ thành từng miếng mỏng cho vào ly, ăn với bột mì tinh cắt nhỏ vuông vức pha màu hồng đỏ luộc vừa chín còn cái ngòi bột trăng trắng nhỏ xíu trông giống như những hột Lựu tươi vừa tách ra khỏi trái chín cây (vậy nên mới được gọi tên là Bông Cỏ Hột Lựu), chan nước đường thắng kẹo và nước cốt dừa béo ngậy, thêm vào chút dầu chuối đựng trong cái ve nhỏ xíu mà thơm lừng. Đôi khi người ta còn bán chung với Sương Sáo và Sương Sâm, một thứ màu đen có mùi hôi nhẹ của thuốc Bắc, một thứ màu xanh biếc của lá cây với những đám bọt nhỏ phía trên mặt, ăn cùng với đường cát trắng lạo xạo trong miệng và những vụn đá bào mát lạnh.

. .

Lớn thêm một chút, vào Trung Học, tôi nhớ tới những xe bán Bò Bía trước cổng trường, người bán thoăn thoắt gói những cuốn nhỏ bánh tráng có ít củ sắn và cà rốt thái sợi xào chín giữ nóng trong một cái thau nhỏ đặt trên bếp lửa, cho thêm vài lát Lạp Xưởng mỏng tanh, một ít tép ruốc chấy vàng nhuộm đỏ, có khi một ít trứng chiên vàng cắt sợi, một lá Sà lách, vài ngọn rau thơm, ăn với tương ngọt và tương ớt có ít đồ chua, một ít hành phi dòn và một ít đậu phọng rang giã dối. Cuốn Bò Bía ngọt thì chỉ là một cuốn bánh bột mỏng gói cây kẹo dòn và ít dừa nạo sợi, rắc ít mè rang vàng, chỉ tiện ở chỗ có thể cất vào trong cặp dành ăn trong giờ ra chơi, còn thì chẳng có gì đặc biệt!

.
.

Xi rô kem khác với kem ly, vì có cả đá bào và nước xi rô trộn chung với mấy muổng kem thành một thứ vừa dùng để múc ăn vừa có thể uống như nước được, có thấy bọn học trò xúm quanh hối thúc bà hàng thì mới thấy món quà này được ưa chuộng ra sao. Ya ua cũng có thể ăn theo cách này, chung với đường và đá gọi là ya ua đá. Sinh tố bịch thì làm bằng các loại trái cây cho vào máy xay nhuyễn, thêm đường thêm nước thành một loại thức uống ngon lành cho vào bịch ny lon nhỏ cột chặt bỏ tủ đá cho đông cứng lại, bọn con gái chúng tôi vẫn thường mút một đầu bao mút như mút đá nhận mặc cho bọn con trai tròn mắt thèm thuồng mà giả vờ trêu chọc.

. .

Những quả ổi luộc ngâm trong nước cam thảo màu vàng luôn là món hấp dẫn tôi hơn cả Me và Cà Na ngâm. Xẻ đôi trái Ổi ra, màu ruột vẫn trắng ngà và dòn tan, nhưng lớp vỏ ngoài lại hơi mềm và ngọt mùi cam thảo, trét lên một lớp muối ớt cay cay thì thật là tuyệt! Me thì dòn và đã được lấy sạch hột, Cà Na hơi chát mà chua chua, trời ơi còn Xoài sống thì cắn miếng nào biết miếng đó, Chùm ruột chỉ nhìn thôi đã ứa nước miếng vì thèm, Cóc chín trái vàng lườm và thơm nức mũi. Những món trái cây ngâm ấy được gói trong mấy tấm lá chuối xanh rờn, một góc là nhúm muối ớt đỏ tươi ngon lành, buổi trưa trời nắng đổ lửa hay buổi sáng rét nhẹ chúng tôi đều chiếu cố tận tình như nhau! Vậy mà chẳng thấy đứa nào đau bụng đau bão gì, ấy thế mới lạ!

. .

Còn hàng Phá Lấu trên đường Pasteur, nơi có xe nước mía Viễn Đông nổi tiếng một thời với những cây tăm tre xiên vào từng xâu nhỏ gan, lưỡi, tim … phá lấu màu nâu đen thơm phức vừa miệng đặt trong mấy cái đĩa nhôm bày trên một mẹt hàng có bốn chân gác chéo, mà tôi đã đi ăn cùng với người bạn trai đầu tiên. Ly nước mía mát lạnh hơn cả những câu chuyện thủ thỉ không đầu không đuôi tuổi học trò nhớ lại vẫn còn cảm thấy ngọt ngào. Hẻm Casino SaiGon có hàng Bún chả và bánh cuốn Thanh Trì một ngày nào đã dung dăng dung dẻ cùng các bạn vào ăn sau khi mỏi chân mỏi mắt khắp phố phường, trong Crystal Place hay trong P***age Eden. Hiệu kem Pole Nord nằm bên thương xá Tax với một dãy ki ốt hoa tươi trên đường Nguyễn Huệ một tối nào tôi nhận từ tay người bạn trai sắp theo tàu đi xa một bông hồng màu đỏ thắm với bàn tay ấm áp ân cần. Quán cơm Bà cả Đọi nằm trên một căn phòng nhỏ thấp sâu trong hẻm với những món ăn được dọn ra trên chiếc đi văng bóng gỗ bóng màu thời gian, những món ăn quen thuộc như bữa cơm thường ngày gợi nên cảm giác gia đình cùng ăn với bọn bạn là sinh viên miền Trung vào SaiGon trọ học….

Vậy mà thoắt cái đã mấy mươi năm! Những món ăn tôi đã ăn trong cả một thời ấu thơ cùng với bạn bè, những món ăn tôi đã chia sẻ cùng với những người thân thương một thuở, bây giờ có món vẫn còn bày bán đâu đó trong thành phố, có món đã lâu lắm chẳng còn nhìn thấy lại. Nhưng cùng với thời gian trôi qua, và mọi điều đã thay đổi, tôi mãi mãi sẽ chẳng bao giờ còn có thể thêm một lần nữa nếm được cái hương vị ngọt ngào tuyệt diệu của những món quà ấy, cho dù có tha thiết ước ao, hay thèm thuồng mong đợi đến thế nào!
Như có lần tôi đã bày tỏ cùng một người bạn ít tuổi hơn nhiều, và lại không cùng sinh ra, lớn lên trong cùng một hoàn cảnh sống, về những món ăn ở một nơi mà cô đã đến, nghe ca tụng nhưng thất vọng lúc nếm thử, rằng cái hương vị trong ký ức của mỗi một người khi ăn một món ăn nào là hương vị rất đặc biệt chỉ riêng người ấy mới cảm nhận được, gói ghém cả những ngọt ngào của quá khứ và kỷ niệm, mà không phải ai cũng có thể sẻ chia. Nhớ lại những món ăn một ngày nào, là tôi nhớ lại biết bao là êm ái và dịu ngọt, mà những món quà tuy tầm thường bé nhỏ ngày xưa ấy, cho dẫu chỉ là quà của một thời, nhưng lại là một thời của những tháng ngày yên vui mãi mãi trong tâm tưởng, mà những khoảnh khắc quý báu ấy thì mãi mãi tôi chẳng bao giờ có thể nguôi quên.


Vân Giang
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
SaoMai
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jul/2008
Thành viên: OffLine
Số bài: 331
Quote SaoMai Replybullet Gởi ngày: 03/Feb/2010 lúc 1:02am
Một bài viết thú vị- Cảm ơn anh Hùng đã đăng tải
IP IP Logged
nguyenthanhnhan
Newbie
Newbie


Tham gia ngày: 31/Mar/2010
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 9
Quote nguyenthanhnhan Replybullet Gởi ngày: 01/Apr/2010 lúc 7:47pm

A B C thử

IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.156 seconds.