Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: NHÓM 12 YÊU THƯƠNG Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 153 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 10/Sep/2022 lúc 12:55pm

Quế Thanh!

Hình%20Ảnh%20Áo%20Bà%20Ba%20Truyền%20Thống%20Mang%20Nét%20Dịu%20Dàng%20Người%20Con%20Gái%20Việt%20-%20Ôn%20%20Thi%20HSG

Ai cũng biết có nhiều loại rau ăn với mắm kho. Ðó là bông bí rợ, điên điển, lục bình, so đũa; đọt bầu, đọt bí đao, đọt bí rợ, đọt mướp; lá chùm ruột, lá lốt, lá vông nem; rau càng cua, rau đắng, rau dền, rau diệu, rau dừa, rau má, rau mát, rau muống chẻ, rau ngổ, rau nhút, và cải trời; có đầy dẫy trong vườn hay ngoài ruộng.

Nhiều loại rau như vậy nhưng khi ăn mắm kho có ít nhứt ba loại không thể nào thiếu cho được! Ðó là rau ngổ, cọng bông súng và hẹ ruộng (hẹ nước).

Ở Mỹ Tho có cái địa danh ‘Chợ Bưng’! (quê của bà Ngoại tui). Hồi xưa tui cứ tưởng bà con mình đi chợ nầy mua gánh, bán bưng không hè; sau ngẫm lại không phải.

Chợ Bưng là chợ của đồng Bưng; nơi đất nhiễm phèn nên có rất nhiều hẹ nước. Không có bán hẹ nước ngoài Chợ Bưng vì một lẽ muốn ăn với mắm kho thì cứ ra ruộng mà nhổ về ăn, ngu sao mà mua hè?

Bà con mình thường nói đồng ruộng. Xài riết quen nên mình không phân biệt được đồng và ruộng. Cứ tưởng là một thứ. Ruộng rộng chừng vài công. Nó có bờ đê và đường nước. Ruộng để trồng lúa. Từ ruộng, ông bà mình đào mương lên liếp để lập vườn. Sống ở vườn ít cực hơn ở ruộng. Nên mẹ mong gả thiếp về vườn. Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh.

Còn đồng rộng hơn ruộng nhiều. Trên đồng có đưng (cói), tranh, lác. Nó rộng đôi khi cả ngàn mẫu. Rộng đến nỗi chó chạy cong đuôi. Chạy tới ngáp ngáp mà vẫn chưa có giáp. Nên có tên là Ðồng Chó Ngáp.

Ðồng dọc mé sông nước lên nước xuống thì gọi là biền. Còn đất giồng bao vòng vòng thì mình gọi là đồng bưng. Vì trên đồng đó nó có cái bưng. Bưng và biền đều có nhiều Việt Cộng. Vì sình bùn không lính quốc gia làm sao mà lội cho nó giáp?

Đồng Tháp Mười – nguồn dulich24.com.vn/ 

Mà nổi tiếng nhứt là Ðồng Tháp Mười, Tây gọi là “Plaine des Joncs”, tức là Ðồng Cỏ Lác. Chiều ngang Ðồng Tháp Mười từ Hồng Ngự tới Tân An khoảng 120 cây số. Chiều dọc từ Cao Lãnh tới Svay Riêng (bên Miên) khoảng 70 cây số tính ra khoảng 8,000 cây số vuông tức 800 ngàn mẫu tây. Nếu kể cả khu giữa hai sông Vàm Cỏ thì non một triệu mẫu Tây, tương đương 10,000km².

Tháng Bảy tới tháng Mười âm lịch hằng năm vào mùa nước nổi. Vùng trũng Ðồng Tháp Mười, nơi giáp ranh biên giới Campuchia, do mưa kéo dài nên nhiều sông ngòi, kinh, rạch, đồng đất đã có nước về. Dẫu nước chưa nhảy lên bờ nhưng cũng bắt đầu lé đé và đó cũng là lúc những đám hẹ nước không biết từ đâu ngoi lên giữa mênh mông mùa nước nổi.

Tuy vậy không ít dân Sài Gòn hay ngay cả người Miền Tây vẫn chưa biết tới loại hẹ nước độc đáo nầy. Như miệt Cần Thơ, mấy em mình hỏi tui rằng sao em hổng thấy hẹ nước đó anh Hai?

Tại sao vậy? Chẳng qua thằng Tây nó ‘ác’ lắm. Nó cho xáng cạp, xáng múc đào kinh dẫn nước rửa phèn. Rồi phù sa sông Hậu theo nước của con kinh bồi lấp bưng, biền ngày một chút. Lâu ngày chày tháng vùng trũng đó thành đồng bằng, thành đất thuộc để bà con mình đào mương lên liếp lập vườn hết ráo.

Vì hẹ nước chỉ khoái mọc hoang trong bưng biền còn nhiễm phèn vào mùa nước nổi; nên miệt vườn Cần Thơ làm sao có nó cho em thấy để em nhổ về ăn với món mắm kho?

o O o

Nhắc tới mắm kho là tui nhớ tới 2 người. Một là Má tui. Trên cõi đời nầy không ai kho mắm ngon bằng Má tui. Kể cả ‘bà chằn lửa’ của tui.

Hai là tui nhớ ‘Cú Sin’, tên tiếng Tàu. Còn tiếng Việt là gì? Em nói Quế Thanh. Quế Thanh giống tên mấy người đẹp trong truyện chưởng của Kim Dung. Tui nịnh em! Quế Thanh tên đẹp quá! Tên em làm anh nhớ tới tài tử Chân Trân trong phim ‘Mùa thu lá bay’ phỏng theo tiểu thuyết của Quỳnh Giao. Em nghe tui nịnh sảng, tui sánh sắc đẹp của em với Chân Trân nên em khoái quá trời!

Chẳng qua tháng Giêng, năm 1973 tui đang là SVSQ khoá 4/72 Trường Bộ Binh Thủ Ðức. Ði Chiến dịch Hiệp định Paris, tui về xã Tân Phú Trung, quận Bình Ðại, tỉnh Kiến Hoà (Bến Tre). Xã Bốn cho ba đứa tụi tui vô ở trong cái phòng hội đồng nhân dân xã trước cửa đồn nghĩa quân.

Bảo Huân

Quế Thanh dân Chợ Lớn về thăm Má. Nhà là tiệm bán bánh thuẩn cho đám cưới, kế bên đồn. Năm đó tui mới 21 tuổi, khờ câm hè. Quế Thanh mới 17 tuổi coi bộ còn khôn hơn tui.

Lương sinh viên sĩ quan bằng lương trung sĩ độc thân chỉ có 4,500 đồng. Cơm tháng do vợ một trung đội trưởng nghĩa quân nấu một tháng tới 4 ngàn. Nên tui đành sống cầm hơi, bữa đói, bữa no nhờ đồng bào mời ăn đám giỗ. Quế Thanh chắc thấy tội nghiệp nên kêu tui ăn khính cơm em nấu. “Anh đừng đi xuống ấp kiếm cơm nữa; coi chừng VC nó giết anh”.

Uý trời đất ơi! Giờ nhớ lại 4 tháng đi Chiến dịch Hiệp định Paris ở cái làng quê đó, tình cờ được Quế Thanh nuôi cơm là khoảng thời gian đẹp nhứt của đời tui.Tàn mùa đi chiến dịch, tui trở về trường Bộ Binh. Quế Thanh trở lại Sài Gòn.

Ngày 10, tháng Tám, năm 1973, tui ra Vũ Ðình Trường quỳ xuống đứng lên thành chuẩn uý. Ðược 15 ngày phép mãn khóa, tui vô Cư xá Lữ Gia, đường Nguyễn Văn Thoại, Chợ Lớn tìm gặp Quế Thanh. Em không mặc sườn xám như hồi còn ở quê. Quế Thanh diện đầm đẹp như nữ tài tử Chân Trân thiệt. Gặp tui, em nhí nhảnh cười tươi như hoa mười giờ nở. Quế Thanh dắt tui đi ăn mắm kho và uống beer 33 tại một nhà hàng gần rạp Ðại Nam trên đường Trần Hưng Ðạo.

Sau đó tui được biệt phái về đi dạy ở trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Một chiều đi dạy về, con gái ông chủ nhà trọ nói có Quế Thanh từ Sài Gòn đến tìm anh. Chờ hoài không được nên cô ấy đã trở lại Sài Gòn.

Vậy là đôi ta mất nhau từ độ ấy. Nhơn duyên ai cũng có phần số hết trơn. Nếu có trách gì nhau xin Quế Thanh hãy trách ông Trời; chớ nào phải lỗi tại anh đâu!

Hơn 50 năm rồi mà tui vẫn còn nhớ như in bữa đi ăn mắm kho với Quế Thanh ngày cũ! Hu hu!

Đoàn Xuân Thu

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 13/Sep/2022 lúc 6:23am

Lạc dấu chân thu

tdh2 

Thu đem lá trải vàng đầy trước ngõ
nỗi nhớ chừng yên ngủ giữa đời xa
che chưa kín nổi buồn ngày xưa đó
nên khung trời kỷ niệm đã phôi pha

Ước hẹn cũ như vừa chao lòng nhớ
buổi xa tình nghe buốt lạnh hồn đơn
trời tháng tám xanh cao như cái thuở
nắng thanh bình tô thắm lại nước non

Giờ cất bước lên đường đâu có thấy
nỗi hoài mong cách biệt một quê nhà
ngồi vẽ lại hương đời lên trang giấy
như suối lòng sót đọng hạt châu pha

Trăng thu lạnh ươm vàng lên cỏ biếc
phía sau vườn sầu rũ bóng mây che

lòng xa quá vươn dài theo nuối tiếc
nỗi nhớ vừa khép lại bóng chiều quê

Thèm hơi ấm bếp chiều khi lòng thấy
mẹ không còn nhóm lửa sưởi đôi tay
vì hồn mẹ nương theo dòng nến chảy
con theo chiều trôi dạt giữa trời tây !

Ngày về biết cõi lòng còn mong đợi
khi ngàn xanh vừa héo úa thu vàng
đời đổi khác biết phương nào trở lại
đông sắp về đâu nắng ấm hè sang ?

  Trần Đan Hà

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 16/Sep/2022 lúc 10:24am

Tôi đâu ế chồng!


Tôi tên Chi, Trần Thị Chi. Nếu ai đọc “Chí Phèo” của Nam Cao ngày xưa, họ sẽ liếc vô tui, nói nhỏ với nhau:

– Xấu hơn Thị Nở!

Nhưng bây giờ trên đất Mỹ, hiếm người biết về “Thị Nở” nên tôi chỉ nghe xầm xì ở các chợ VN:

– Nó làm cho mấy cô xấu bỗng đẹp ra.

– Vậy thì vợ tao quá đẹp.

Tôi tự biết, mình là người con gái xấu, răng hô, mắt hí.

Nhưng khi lớn lên trổ mã, tôi cũng biết rằng, mình có bộ ngực đẹp, đốm son trên núm, mông tròn, người cân đối. Ðúng là quý tướng, có chồng giàu sang, hưởng đời sung túc, như tôi đã đọc ở quyển sách tử vi, năm 12 tuổi.

Vậy là tôi không quan tâm sự xấu của mình mà chỉ thấp thỏm chờ “Ðúng là quý tướng, có chồng giàu sang, hưởng đời sung túc”.

Tôi định cư với gia đình ở Boston năm 14 tuổi. Tuổi lỡ cỡ, muốn kiếm tiền nên tôi chỉ học xong trung học và tìm việc làm.

– Chi, dọn bàn 12, rảnh thì rửa giùm đống chén!

Tôi làm cho tiệm phở VN, bồi bàn kiêm rửa chén khi ế khách, bà chủ keo kiệt chỉ trả lương bồi bàn, được 6 tháng, tiệm bị đóng cửa vì phạm vệ sinh, tôi nhảy qua nhà hàng Tàu.

– Hầy, nị làm pể chén nhiều quá! Pửa nay lau nhà bù lại.

– Rảnh thì cắt hành giùm ngộ! Tối ngộ chở dzề.

– Không rảnh!

– Lấy đồ ăn, khỏi nấu.

– Không thích đồ Tàu.

Hai tháng sau.

– Cho nị hộp bánh trung thu của Trung Quốc.

– Không ăn bánh Tàu.

Thằng chủ Tàu Trung Quốc răng hô hơn tôi, nói chuyện nước miếng văng phèo phèo.

Bữa kia nhà hàng đóng cửa sớm, ăn Tết Trung Thu, ai cũng uống rượu, tôi làm chai bia, hừng hừng.

 toi%20dau%20e%20chong

            Hồ Đắc Vũ

Mọi người lãnh lương ra về, nhà hàng vắng tanh, tôi đợi chủ trả tiền. Nó từ phòng rửa mặt, bước ra:

– Hầy, nị có cái mông ngon quá. Cho ngộ mần một phát!

Tôi hỏi:

– Mần cái gì?

Thằng Tàu già hẩy hẩy, tôi giận, táng một cái hết ga.

– Ái da, xẩy ngộ dồi!

Xẩy là đúng! Tướng chả như con heo mọi, nên chả ở lại còn hàm răng bay mất.

Xong.

Cha chủ vô bệnh viện, tôi ra khỏi tiệm.

Lúc đó tự dưng tôi thấy buồn.

Mấy năm cuối trung học ai cũng có bạn, có bồ, tôi thì tới 19 tuổi vẫn chưa có người con trai nào chào “Hello”.

Vậy là con Chi này nổi chứng, tình nguyện đi lính 3 năm vì nghĩ rằng đi lính là “gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân” (hồi đó mẹ tôi hay đọc câu này) sẽ gặp nhiều đàn ông, làm giảm bớt tỉ lệ ế chồng.

Tôi vô đơn vị Ranger, làm việc cho toán Cấp cứu Tác chiến, có nghĩa là tôi tác chiến và làm các công việc cấp cứu tạm cho quân nhân bị thương tại chiến trường trong lúc đợi trực thăng tải thương. 8 tháng sau, tôi được chuyển tới Afghanistan.

Ban đầu tôi chỉ làm việc như một y tá hạng nhẹ tại căn cứ Pratt, ở thị trấn Baghlan thuộc vùng quân sự phía Bắc Afghanistan.

– Hey, Chin (tên riêng của tôi trong quân đội) bạn được nhập vô toán Ranger tối nay, chuẩn bị mọi thứ.

– Ok!

Vậy là tôi tham dự vô chuyện tác chiến thật sự, tôi có dịp đụng thẳng, bắn thẳng tụi khủng bố. Ha, đó là điều tôi mong muốn.

Vùng núi đá, bắc Mazar-e-Sharif, 7 giờ tối lạnh ngắt với những hang động, nhóm Taliban của Mazuk cà thọt trùm khăn ngồi im trong động đá, dưới đám râu tóc lờm xờm đám tròng mắt đỏ ngầu như những con sơn cẩu rình mồi.

– Mẹ, tụi nó đang hớn hở nướng gà tây cho lễ Phục Sinh sắp tới.

Mazuk văng câu chửi thề.

Trung đội Ranger áp sát mục tiêu.

Ðại úy “Clark già”, trung đội trưởng:

-Tụi chuột Taliban hay chơi mìn cóc cá nhân, nhào ra đánh phủ đầu với B40, rút lẹ vô hang đá độn thổ. Tụi bây dàn 2 hàng ngang, buộc dây vô giày, thằng sau nắm dây thằng trước, bò chậm, lấy dao rà mìn, nếu gặp, tránh qua, áp sát vách đá, tao đi đầu, mình sẽ làm BBQ bọn rệp tối nay. Ok?

Ông gọi căn cứ:

– Mẹ, tối quá, đèn!

Mấy phút sau, hỏa châu nổ đều, khu tác chiến sáng trưng, trung đội Ranger tiến tới, “Clark già” nằm xuống lấy dao rà mìn, tôi bò phía sau.

5 phút đèn tắt, đúng lúc trung đội chạm hang núi.

– Tụi con xơi bãi mìn.

Khẩu M60 chơi những tràng đạn tung bãi mìn, và bọn chuột nhào ra bắn xối xả…

Cái bẫy của trung đội Ranger sập xuống.

“Clark già” la:

– Ðốt đèn!

Những cây soi sáng được ném vô lòng hang, tụi Taliban lố nhố phía xa.

Bao nhiêu súng, bao nhiêu đạn đổ hết vô hang đá cùng một lúc.

Tiếng M-16, AK-47, M60, B40, cộng với tiếng Ả Rập la hét như ngày tận thế.

Bỗng, yên lặng!

Chưa tới 10 giây, “Clark già” nhìn thấy sự việc:

– Rút ra khỏi hang, mở đường chạy.

Ông phóng nhanh tới cửa hang, đúng lúc mấy trái B40 nổ.

– Ầm! Ầm! Ầm!

Những người lính Ranger can trường bật ngã.

Bọn Taliban túa ra như bầy chuột núi từ một hang đá bên trái, tấn công mạnh, bọn trong hang cũng quay ra tấn công sau lưng, trung đội nằm giữa 2 mặt đối địch, tụi nó chơi 2 gọng kềm hốt sổ trung đội Ranger.

“Clark già”:

– Rút hết ra ngoài tựa lưng vách núi, đánh thẳng, mở đường máu, liên lạc!

Trái B-40 nổ, người lính liên lạc vừa gục xuống, tôi chạy tới, chụp lấy máy.

“Clark già” hét lên:

– Chin, Chin! gọi ngay pháo cối! Trực thăng tải thương.

Tôi lúng túng với máy liên lạc siêu tầng trên lưng người liên lạc.

– Clark, mật hiệu?

– “Chuột chiên”.

Chừng 2 phút, 2 phát cối nổ tung trên vách núi.

Tôi la:

– Clark! Dạt ra 2 bên, cối sẽ làm cỏ, trực thăng tải thương tới ngay.

Tôi bỏ máy, nâng đầu người lính truyền tin, mặt đầy máu, mắt dại lại, thở từng đọan ngắn, anh ưỡn ngực, la lên:

– Cứu!…

Giật mạnh, đầu quẹo qua, ngất đi.

Tôi đâm liền 2 mũi cấp cứu ngay cổ, siết chặt băng cầm máu trên đầu và mặt, người lính liên lạc co giật, há to miệng, triệu chứng của hụt hơi, sắp bất tỉnh hoặc sắp đi luôn.

Như một cái máy, tôi tống thêm mũi cấp cứu, áp môi vô miệng anh, tiếp hơi.

Người lính bắt đầu thở mạnh, đã hết co giật, đôi môi ấm lại dưới môi tôi. Trực thăng tải thương tới.

“Clark già”:

– Chin! Cô đưa anh ta đi luôn, xong tuồng, rảnh rồi.

Cuối tháng.

Clark già gọi vô phòng:

– Chin, tháng này bị tụi nó phục kích, chơi màn độn thổ nhiều, bị thương khá đông, cô được chuyển qua bệnh viện dã chiến ở thành phố Mazar-e-Sharif.

Ông đẩy tờ giấy trên bàn:

– Công lệnh đây! Rất cám ơn một chiến sĩ xuất sắc như cô.

3 ngày sau, tôi nhận nhiệm vụ tại phòng chỉnh hình, nơi theo dõi và tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân bị thương tứ chi, và các bộ phận bên ngoài, như mắt, tai mũi họng, hàm, mặt.

Tôi coi một phòng có 4 thương binh.

Kent, TQLC, bay xương quai hàm, đã được nối bằng hàm của lính tử trận, đang bình phục. Roberto, Ranger, mất một chân, đang bình phục. Mandes, chuyên chất nổ, mìn bẫy, mất 2 cánh tay, tới cùi chỏ, mới tới dưỡng thương tuần trước. James, da đen, trung sĩ Ranger, bị chấn thương mắt, đang điều trị.

Việc của tôi là phát thuốc, cho uống thuốc, theo dõi tình trạng vết thương, ghi chú và gởi phúc trình cho bác sĩ. Tôi dành thêm thì giờ để thăm hỏi, nói chuyện với các thương binh.

Kent:

– Tôi gọi cô là…?

– Chin.

– Rin?

Giọng anh ngọng, vì quai hàm chưa lành hẳn.

– Hôi có hể nói hình hường? (Tôi có thể nói bình thường)

– Chắc chắn! Anh có thể hát và thành ca sĩ luôn, nếu muốn, nhưng không phải bây giờ.

– Hao hâu nữa? (Bao lâu nữa)

– Sắp rồi! 3 tháng nữa thôi.

– Hâu hóa! (Lâu quá).

Tôi cười:

– Thì tập hát bây giờ, khi chờ đợi.

– Ừa!

Kent uống thuốc, bắt đầu hát i ỉ bài “Take me home country road”.

Tôi vỗ tay:

– Không kém John Denver!

Bước tới Roberto.

– Hi! Roberto, anh uống thuốc giùm.

Tôi đưa thuốc. Roberto cúi đầu, im lặng.

Tôi hỏi:

– Có chuyện gì vậy?

– Cô nghĩ tôi sẽ làm gì khi về nhà dự sinh nhật cô bạn gái?

– Thì tặng quà và hôn cô ta.

– …!

– Mời đi ăn! Mời vô bar…

Roberto mở to mắt nhìn tôi:

– Mẹ, rồi nó sẽ mời bạn say sưa, nhảy đầm.

Tôi nhún vai:

– Tất nhiên, vui mà!

– Nhưng…

Robert đứng phắt dậy với cái chân còn lại, la lên:

– Tôi sẽ ôm cô ta nhảy với cái chân lủng lẳng này? Hả, mọi người?

Anh ôm lấy tôi, khóc.

– Không sao, rồi anh sẽ có loại chân giả loại mới, chơi thể thao, chạy và nhảy đầm dễ dàng.

Hết khóc.

– Chắc không cô?

– Bao nhiêu người đã xài rồi. Anh sẽ có trong vài ngày tới.

Tôi quay qua:

– Chào Mandes.

– Chào.

Anh chống 2 tay chỉ còn tới cùi chỏ:

– Cô sẽ nói: Anh sẽ có đôi tay điều khiển bằng hệ thống điện tử…

Tôi cười:

– Giống như hôm qua…

– … Có thể đi tự làm vệ sinh, nấu ăn…

Tôi tiếp:

– Hút bụi, lau nhà như người bình thường.

Mandes tần ngần:

– Những chuyện đó vợ tôi làm hết rồi… Tôi muốn hỏi về chuyện khác.

– Chuyện gì? Nhảy đầm như Roberto, hoặc bắn súng?

– Không.

Mandes, nhỏ giọng:

– Có còn ôm vợ, vuốt ve rờ rẫm tình tứ được như xưa?

Máu con gái bùng lên nóng đầu, đỏ mặt, tôi nhớ những đoạn phim sex đã lén lút coi:

– Tôi không biết chuyện này … nhưng chắc làm được, nếu anh cố gắng.

Tôi quay đi, tránh đôi mắt đam mê của Mandes.

Cuối phòng là giường của James, người lính liên lạc, trúng B-40, chấn động thị giác, đã giải phẫu, đang bình phục.

– Hi, James.

– Chào cô gái xinh đẹp Chin!

– Chào anh! Anh đã thấy được tôi xinh đẹp à?

– Không! Còn tối thui, nhưng tôi biết cô Chin xinh đẹp.

Chin ngồi xuống bên giường.

James ngồi dậy:

– Chin! Tôi có thể hỏi.

– Ừ!

– Giọng nói của Chin có âm hưởng của Châu Á. Cô từ đâu: Phi, Nhật, Ðại Hàn, Tàu?

– Việt Nam.

James sờ soạng, nắm lấy tay tôi, người lính Mỹ da đen, đen hơn những người da đen khác bật cười:

– Ha ha ha, Chúa ơi! Tôi lai Việt Nam. Chào Kô Chìn. Ha, chào Kô.

James tuôn một tràng.

– Pa tui là thiu úy, sĩ kwan trong 3.500 TQLC đổ bộ vô bãi Shu Lai (Chu Lai) năm 1965, đóng tại Ðà Nẵng…

Tôi nhìn người Mỹ đen, không một vết tích gì của Việt Nam trên khuôn mặt đang vui vẻ kể lể của anh ta.

– …Pa tui cỡi má tôi tại Ðà Nẵng, cùng về Mỹ năm 1972, ở Boston, sinh tôi năm 1998, tôi là con út trong 3 người.

Tôi nói tiếng Việt:

– Rất vui khi biết anh là VN.

– Ðà Nẵng, miền Nam.

Tôi đứng dậy, lòng nao nao khi quen James.

Mỗi cuối tuần, bệnh viện thường dọn bữa ăn sáng “tươi” cho các thương binh. Sau khi giúp những người khác, tôi trở lại, lấy phần ăn cho tôi và James.

Dắt anh ra ngoài thềm. Nắng ấm, trời xanh, không gợn mây.

– Tôi đã thấy màu trắng hồng của ánh sáng.

James khoe.

Tôi đẩy ly cà phê sữa qua bên phải, để khay đồ ăn xuống bàn, lấy miếng thịt ham nướng, đưa cho anh ta.

– Trước mặt anh là ớt ngâm chua, xà lách.

– Cám ơn Chin.

Hai người ăn buổi sáng ngon như ở nhà.

-Sau khi pa tôi qua đời, mẹ tôi vô nhà già, tôi về pên ông nội ở Washington, học hành, lớn lên, đi lính ở đó sau khi xong đại học kiến chúc.

Lúc này, James đã nói tiếng Việt rất nhiều.

Tôi ngồi nhìn anh.

– Cô Chin nói về mình đi, tôi muốn biết.

– Chin!

– Tôi sợ làm anh không vui và mất đi buổi sáng thật đẹp …

James nắm tay tôi, tự nhiên tôi run, cố nói:

– Tôi sinh ra nơi ba anh đổ bộ, nhưng tuốt dưới một làng nhỏ nghèo xơ xác ven biển Chu Lai.

“… Nắng thiêu đốt, làm cong đám lá rong lớn phơi trên bờ cát, chị Hậu, hốt từng bó dồn vô chiếc bao tải, chị mệt mỏi đứng dậy. Nắng bỗng lung linh như ngàn vì sao, chị Hậu ngước mặt, há miệng hớp liên tục, trời tối một màu tím, ngả sang đen… Tiếng khóc la của con Chi giữa trưa nắng, khiến mấy người hàng xóm chạy ra bãi…”.

– Mẹ tôi qua đời vì kiệt sức, ba tôi cõng tôi theo ghe biển vượt biên.

James thở dài:

– Lại một thảm cảnh.

– Vậy là anh mất đi buổi sáng đẹp.

– Nhưng tôi lại có những phút yên lành với Chin.

Tháng sau.

Tôi nói:

– Bác sĩ cho biết sẽ mở băng mắt anh tối mai.

– Buổi tối?

James hỏi.

– Ánh sáng bớt gắt, đỡ làm mắt anh dị ứng.

– Cô Chin sẽ ở đây với tôi?

– Tôi sẽ.

– Tôi muốn nhìn thấy ánh sáng và Chin cùng một lúc.

Chin thấy điều gì đó nhói lên trong lòng.

“Nếu chẳng may James nhìn thấy khuôn mặt xấu xí của mình”, “Nếu chẳng may James không thích mình”

– Ok, James.

Chin nói thật nhỏ, lẳng lặng ra khỏi phòng.

“Ckark già” đến thăm James từ buổi chiều.

– Hello con trai!

James nắm tay Clark, người chỉ huy chịu chơi.

– Rồi mầy lại thấy cái bản mặt chán ngắt của tao như mọi khi.

– Ðó là điều may mắn của con, tạ ơn Chúa.

– Và tạ ơn người đã cứu mầy, con trai.

Clark cúi xuống nói nhỏ với James điều gì đó.

Bác sĩ và cô y tá tới.

– Hello bạn James! Chỉ vài giây ngắn ngủi nữa bạn sẽ nhìn thấy căn phòng dưỡng bệnh, nơi bạn vượt qua cơn thương tật, buổi chiều vàng rực ngoài cửa sổ và cuộc sống quen thuộc của các đồng đội trại Ranger…

Cô y tá mở từng lớp băng trên mặt James…

Mọi người chung quanh chờ đợi

“Clark già” chép miệng:

– Mẹ, hồi hộp như gỡ mìn.

Chỉ còn một vòng băng, James đưa tay, anh sụt sùi:

– Khoan! Tôi mong muốn được thấy người đồng đội đã cứu tôi, người đã mang lại cho tôi hy vọng và can đảm trong những ngày bệnh hoạn…

Anh yên lặng, cúi mặt.

– Clark! Tôi mong muốn được thấy Chin ngay phút đầu tiên tôi mở mắt.

Anh bác sĩ định gọi phone.

– Tôi đây.

Chin từ cửa bước vô.

Cô y tá tháo vòng băng cuối cùng.

James chớp chớp đôi mắt, anh ngước mặt, đưa 2 tay lên theo truyền thống của Ranger:

– Huraaahhhh!

Anh nhìn mọi người.

Một giây yên lặng…

James bước tới, anh quỳ xuống trước Chin, tay cầm cuộn băng vừa gỡ.

– Em có chịu lấy anh hông?

Chin cầm tay James, bật khóc.

Như vậy là tôi đâu có ế chồng!

Chin cười.

Còn quý tướng, có chồng giàu sang, hưởng đời sung túc… Ðợi coi!

Hồ Đắc Vũ

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 19/Sep/2022 lúc 1:10pm

Thơ TỪ MÙA THU ẤY - Nhạc: Giovanni Marradi: Remember When - Shadows - Just For You - 11-2018      <<<<<


The%20Best%20Fall%20Foliage%20Spot%20in%20Your%20State%20|%20Slideshow%20|%20The%20Active%20Times



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 21/Sep/2022 lúc 12:42pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 21/Sep/2022 lúc 12:37pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 26/Sep/2022 lúc 10:24am

Mùa Thu Xứ Lạ


Trời xám xịt màu mây, những hạt mưa nhỏ lắc rắc nhưng đủ thấm lạnh người phương xa khi chúng tôi không chuẩn bị nón và áo khoác cho một ngày ẩm ướt này.

Chuyến xe lửa đến rất đúng giờ, chúng tôi đứng dưới sân gare M***y Palaiseau vùng ngoại ô của Paris, để chờ một bà đầm không họ hàng nhưng vô cùng thân thiết, bà là vợ của ông anh chồng trước đây của tôi, anh Ba du học từ năm 18 tuổi, rồi lấy vợ đầm và ở lại Pháp sinh sống làm việc hơn nửa đời người, anh mới mất năm ngoái và đó là lý do chúng tôi muốn ghé thăm ngôi nhà nhỏ nhưng rất ấm áp thân tình của anh chị.

Khi gọi phone để báo tin là chúng tôi sẽ đến, tiếng bà cười khanh khách và giọng nói vang vang líu lo một tràng tiếng Pháp mà ông xã nhà tôi phải  ráng vận dụng thứ ngôn ngữ Phú Lang Sa đã lâu không dùng của mình để hiểu rõ điều bà muốn nói, đại để là bà sẽ đến sân ga đón chúng tôi, bà đã nhận ra chúng tôi là người Việt Nam, người thân của chồng bà, bà sẽ chuẩn bị để tiếp chúng tôi tại nhà. Vì đã gặp nhau vài lần trước đây khi chúng tôi qua Paris, nên tôi tin chắc mình sẽ nhận ra bà sau mấy năm dịch bệnh ngăn cách. Vậy mà hơn một giờ rồi vẫn không thấy bóng dáng bà đâu, đi tới đi lui trong sốt ruột trông ngóng, chúng tôi nhận ra mình không nói rõ hơn với bà đầm vị trí của sân ga, nó còn có cái cổng ở phía sau nữa, biết đâu bà ấy đang ở bên đó.

Quả thật là bà đầm đang chờ chúng tôi cũng cả tiếng đồng hồ trong kiên nhẫn mưa lạnh, chúng tôi ôm nhau thật chặt, trong lúc tôi rưng nước mắt vì xúc động khi thấy bà khòm lưng trong 2 cây gậy chống, thì bà lại cười khanh khách vì vui mừng gặp lại chúng tôi.

Lên xe bà nói huyên thuyên mà không cần biết chúng tôi hiểu được mấy câu, thỉnh thoảng bà lại thò tay ra sau để nắm lấy tay tôi thân thiết, trong khi anh xã tôi thót tim mấy lần vì tay lái gan dạ của bà đầm gần 90 tuổi trên con đường chắc cũng quen thuộc với bà mấy mươi năm ở đây.

Xe ngừng lại ở một nghĩa trang nhỏ trên đồi, bà muốn chúng tôi thăm mộ anh trước khi về nhà, nơi yên nghỉ của người đàn ông mà bà dành cả đời để yêu thương chăm sóc, bà kể mỗi ngày bà đều đến đây, đi bộ khi trời nắng và đi xe khi trời mưa, chúng tôi đứng im trước mộ anh để nghe bà đọc một bài thơ(?) có tiếng bổng tiếng trầm, dĩ nhiên là không thể hiểu hết nhưng câu cuối thì tôi biết .”.je t'aime pour toujours” tôi biết bà đã yêu anh ấy biết bao nhiêu, một người phụ nữ tận tụy hết lòng cho người đàn ông mà mình yêu thương. Thế mới biết tình yêu đâu có ranh giới của màu da, chủng tộc, hay rào cản của tôn giáo hoặc phân biệt giai cấp xã hội như thói đời. Tình Yêu là đi thẳng vào trái tim của người đồng điệu để rồi ở lại đó suốt đời. Bà Marie là người như thế đó.

Đứng trên ngọn đồi, nhìn xuống cỏ xanh ngút mắt, thấp thoáng mấy ngôi nhà trong tàng cây, ở đó có một mái ấm đã từng giữ một trời hạnh phúc của bà, tôi ngậm ngùi nhìn chung quanh là những ngôi mộ hàng xóm của anh và chắc chỉ có anh là người Việt Nam duy nhất. Buồn ơi, kiếp sống tha hương.

Mộ anh chất đầy bình hoa tươi, không có di ảnh, chỉ có hàng chữ nhỏ đề tên anh, họ Trần, không có tên Tây nào đính kèm như một số Việt Kiều khác. Anh đã sống và chết như một người Việt, chỉ có điều anh không có cơ hội để trở về quê hương chọn nơi yên nghỉ dưới bóng dừa xanh, con sông nhỏ nơi anh đã sinh ra, khi mà thời thế đất nước có quá nhiều thăng trầm thay đổi, trước lúc mất chắc anh buồn lắm khi không kịp nhìn quê hương mình thay đổi, người dân mình thật sự hưởng hạnh phúc tự do, đó là điều anh đã từng mong đợi cũng như bao nhiêu người yêu nước khác đau đáu trong lòng khi nghĩ về Quê Mẹ điêu linh. Rồi ở một nơi nào mơ hồ sương khói, anh gặp lại tất cả những người thân yêu trong gia đình, Ba Má, anh hai, anh chị năm, anh chị sáu, anh Tài. Mọi người đoàn tụ có vui không?

Ngôi nhà im lìm lạnh ngắt khi bước vào, tôi hình dung gương mặt của anh năm nào lúc ngồi trên chiếc xe lăn đón chúng tôi tận cửa, sự trìu mến thân thương của ông anh cả dành cho những đứa em phương xa lâu ngày mới gặp.. Cái bàn này anh đã ngồi với chúng tôi, nhìn chúng tôi nói cười rôm rả, còn bây giờ anh nhìn chúng tôi bằng đôi mắt của khung ảnh trên bàn, cũng dịu dàng mà sao buồn quá.

Bà đầm mở cửa cho chúng tôi vào phòng riêng của anh, cánh cửa chắc cũng đóng kín từ khi anh mất trong nỗi buồn đau nặng trĩu, khung cảnh thâm trầm âm u vì thiếu ánh sáng bỗng bừng lên khi tấm rèm được kéo qua, chút nắng chiều lọt khe hở đọng lại trên tấm bản đồ Việt Nam mà anh đã đặt trân trọng giữa phòng, lần đầu tiên tôi cảm nhận được điều gì đó thật thiêng liêng khi nhìn thấy tấm bản đồ của đất nước mình được đặt ở một nơi xa xôi cách nửa vòng Trái Đất, trong ngôi nhà của một người Việt Nam lưu lạc hơn nữa thế kỷ trước.

Xin được cúi đầu ngưỡng mộ lòng yêu nước của anh, người mà tôi hết sức kính yêu như người anh cả trong gia đình, chính anh đã viết những bức thư đầy tình cảm, để xoa dịu nỗi buồn của tôi khi vừa mới ra khỏi trại giam với những mất mát đớn đau và cũng chính anh đã giúp đỡ tiền bạc cho tôi trong bước đầu của cuộc sống khó khăn vất vả ở quê nhà.Thật lòng nếu không có sự vận động của các anh em chồng bên Pháp thì chưa chắc gì con trai tôi được ra đi an toàn,  để ngày nay cháu sống yên ấm bởi lòng nhân ái của tổ chức thiện nguyện Thụy Sĩ chăm sóc đến suốt đời. Ơn này cũng có anh trong đó.

Nhìn quanh quất trong căn phòng đầy sách vở của anh, bất chợt tôi nhận ra cái ca nhựa đã phai màu thời gian của Tài được đặt kín đáo  trên nóc tủ. Ôi cái ca tầm thường dùng để đựng cơm trong trại giam nhưng đối với anh em chúng tôi thì nó rất quý giá, bởi vì nó là kỷ vật còn giữ lại sau cái chết oan nghiệt của anh ấy, trên cái ca đã được Tài khắc hai bài thơ để tặng tôi, những dòng chữ sắc nét và đầy khẩu khí của một tử tù chính trị, ngoài ra cũng có cả lời yêu thương mà tôi dành cho Tài trong tháng ngày buồn hiu ấy.

Đường đi của đồ vật coi rất đỗi  tầm thường này cũng không kém phần ly kỳ, đầu tiên ai đó cho tôi cái ca nhựa màu đỏ, tôi viết vào đó chữ “Tài yêu” và nhờ người bạn tù chuyển vào phòng biệt giam cho anh, sau đó vài ngày thì nó được trả lại cho tôi với những dòng chữ khắc chi chít trong đó, tôi nhớ rất rõ bài thơ anh đã viết , nói lên tâm trạng của anh lúc bị gông cùm trong biệt giam “Hổ kia sa cơ đành khuất nhục Kêu gào gầm thét thấu trời xanh Nay ta thất thế bị giam cầm Cắn răng ngậm miệng nuốt hờn căm Một lòng vì nước vì dân tộc Thì có xá chi chút ngục tù Chung thân,án tử cơn gió thoảng…”

Và còn nhiều nữa bài thơ anh tặng riêng cho tôi , những dặn dò tha thiết mà mỗi chữ mỗi lời đã khiến nước mắt tôi rơi vì thương anh ấy.

Giữa bốn bức tường trại giam không biết cất giấu vào đâu để cái ca tránh bị thu giữ, tôi bèn ném nó qua hàng rào kẽm gai cho một người quen thân tin cậy vì anh ta sắp mãn hạn tù với lời nhắn gửi mang về Sài Gòn trao tận tay anh chị chồng tôi, rồi không biết bằng cách nào anh chị lại chuyển được nó qua Pháp, vì trong thời điểm đó sự qua lại Sài Gòn - Paris rất khó khăn, và ông anh của Tài đã cất nó trên nóc tủ suốt 40 năm nay như giữ gìn nguyên vẹn một kỷ vật của gia đình.

Bây giờ thì tôi đã nhìn thấy nó, để hăm hở bắt ghế leo lên mang cái ca xuống, rưng rưng xúc động khi cầm nó, cảm giác giống như được nắm cánh tay anh ấy ngày xưa, sao mà gần gũi thân thương quá đỗi.

Bằng thứ  tiếng Pháp Google, tôi giải thích với bà đầm về những dòng chữ kỷ niệm ghi trên đó và xin bà cho tôi được giữ nó như một ân huệ cuối cùng mà tôi mong bà không từ chối.

Marie trầm ngâm một lúc, bà rất yêu chồng và cũng muốn giữ lại tất cả những gì thuộc về chồng của bà trong căn phòng riêng tư này, nhưng bà cũng đồng cảm với tâm trạng của tôi, một người Việt xa lạ xuất hiện trong ngôi nhà này, nhưng hình như đã gắn bó với nhau lâu đời cái duyên kỳ ngộ, hai người đàn bà có cùng một nỗi đau mất mát khi người chồng thân yêu của mình đã ra đi mãi mãi về cõi vĩnh hằng.

Bà tìm một bao giấy gói cái ca lại cẩn thận và trao nó cho tôi, giống như nghi thức xếp cờ và trao cho người quả phụ có chồng đã hy sinh ngoài mặt trận. Tôi mang ơn bà về nghĩa cử này như tôi đã từng mang ơn anh ba, người anh đáng kính của Tài đã dành cho tôi mọi yêu thương trong suốt những năm tháng đã qua Ra về mang theo ánh mắt dịu dàng của anh trên khung ảnh, mang theo những cánh hồng đẫm nước mưa rơi rụng trước thềm nhà, mang theo gói quà quý giá vừa  được bà thương tặng Chúng tôi ôm nhau từ giã, thân hình bà gầy gò yếu đuối trong lớp áo khoác, nhưng tôi biết trái tim bà đã mạnh mẽ biết bao nhiêu khi phải sống trong ngôi nhà vắng lặng này với bóng hình người chồng thân yêu lúc nào cũng như quanh quẩn đâu đây. Thật lòng không biết lúc nào chúng tôi mới có dịp gặp lại bà khi khoảng cách địa lý quá xa xôi, và với tuổi cao sức yếu của cả hai bên thì liệu bà có thể đợi chờ để gặp lại chúng tôi lần nữa.?

Nghĩ như vậy thôi mà đã thấy buồn hiu hắt rồi

 

Ngọc Ánh

Paris tháng 9 /2022

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 27/Sep/2022 lúc 8:37am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 30/Sep/2022 lúc 12:28pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 01/Oct/2022 lúc 3:11pm

NGÀN THU ÁO TÍM   <<<<<

Trung%20Học%20Kiên%20Thành%20:%20Ngàn%20Thu%20Áo%20Tím
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22108
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 03/Oct/2022 lúc 7:37am

TÌM MÃI ĐÓA PHÙ DUNG.




Tôi ngồi trước computer lòng lâng lâng bao nhiêu cảm xúc khó tả. Tôi vừa phát hiện ra face book của Hải khi tình cờ đọc một bài viết ngắn đầy cảm xúc của anh. Hải nhắc đến tên tôi, đến một kỷ niệm đáng nhớ nhất thời chúng tôi yêu nhau, anh đã đi tìm cho tôi đóa hoa Phù Dung trong rừng thu Đà Lạt và anh còn nợ tôi đóa hoa Phù Dung ấy cho đến tận bây giờ, hơn 40 năm qua.

Ngày xưa khi vừa học xong tú tài tôi vào làm kế toán trong một hãng xe hơi của Pháp tại Sài Gòn và quen Hải. Chàng là kỹ sư mới ra trường loại giỏi và được chủ hãng rất tín nhiệm.

Hai chúng tôi yêu nhau, tuổi còn rất trẻ, mới đi làm, chưa kịp nghĩ đến chuyện cưới xin thì Hải được hãng cho học bổng sang Pháp du học 3 năm để nâng cao trình độ kỹ sư. Thật là một giấc mơ lớn, một cơ hội hiếm có để được đến nước Pháp và học hỏi. Chàng hứa hẹn và an ủi tôi:

-          Ba năm nhanh chóng lắm anh sẽ trở về làm việc cho hãng và chúng ta sẽ kết hôn.

Tuy buồn vì phải xa người yêu, tôi vẫn vui mừng khích lệ Hải:

-          Chắc chắn là anh phải đi Pháp chứ. Miễn là đừng ở lại vì cô đầm  “Người em mắt nâu. Tóc vàng sợi nhỏ” như thơ Cung Trầm Tưởng nhé..

Chàng xa, nhưng tình yêu chúng tôi vẫn gần qua những lá thư. Khi chỉ còn một năm nữa Hải về nước thì biến cố 1975 đã làm tan tành tất cả, những mộng ước chỉ là bọt bèo tan vào bể dâu. Hải kẹt lại ở Pháp. Sau đó tôi lập gia đình để theo gia đình chồng vượt biên theo diện bán chính thức.

…..

Qua face book tôi được biết Hải đã lấy vợ Tây, câu nói đùa của tôi năm xưa đã vận vào đời chàng, hai người ở với nhau có một con và bà vợ Tây đã li dị chàng mấy năm nay. Con của Hải sang Mỹ làm việc và chàng đã theo con sang Mỹ định cư. Thật tình cờ chàng ở cùng tiểu bang với tôi, cách nhau 6 giờ lái xe.

Không biết có phải trời già sắp xếp cho chúng tôi cùng lẻ bóng lúc về chiều để sau này tái ngộ nhau không mà hoàn cảnh tôi cũng chẳng tốt lành hơn chàng là bao, góa chồng không con cái.

Tôi nôn nao vui mừng muốn lên lạc ngay với Hải, tôi muốn reo lên cho cả thế giới và Hải biết rằng em đây, người xưa của anh đây, chỉ 6 tiếng lái xe thôi là anh sẽ gặp lại em sau trùng trùng xa cách. Chắc Hải sẽ bất ngờ và sung sướng, chúng tôi sẽ có một ngày tái ngộ hơn cả trong mơ..

Tôi rộn ràng dự tính sẽ ra mắt Hải trong bộ dạng tốt đẹp nhất, tôi lục tung closet tìm đủ kiểu quần áo, đủ sắc màu để làm điệu sao cho trẻ trung, xong tôi ngồi vào bàn trang điểm thử chải kiểu tóc sao cho lãng mạn nên thơ. Nhưng khi nhìn mái tóc nhiều sợi bạc và thưa mỏng, sợi rơi xuống đất sợi còn cài trong lược tôi bỗng chạnh lòng. Trong gương kia không phải là cô gái thuở hai mươi tuổi yêu anh nữa, mà là một bà già tuổi xấp xỉ 65 với những nếp nhăn khóe mắt khóe môi.

Những hình ảnh năm xưa của tôi và Hải hiện về. Cũng như Hải, không bao giờ tôi quên một buổi chiều chúng tôi trên đồi thông trong chuyến du ngoạn Đà Lạt do hãng tổ chức cho nhân viên mùa Thu năm ấy. Chúng tôi cùng lãng mạn đi trong rừng thu, Hải muốn  tìm đóa hoa Phù Dung trắng xóa của bài hát “Hoài Thu”  xem đẹp thế nào để tặng cho tôi vì anh biết tôi thích nhất câu này trong bài hát. Trên con đồi dốc bạt ngàn thông reo tôi và Hải chạy đuổi nhau từ gốc thông này đến gốc thông kia, khi bắt kịp tôi anh tự thưởng công chiến thắng bằng một nụ hôn dài. Chúng tôi hôn nhau trong nắng trong gió giữa trời xanh mây trắng thênh thang. Đi xuống đồi chúng tôi đã băng qua những bụi hoa Dã Quỳ vàng rực rỡ mọc bên sườn đồi và lang thang đến tận một con suối hai đứa mới chịu dừng chân. Hải đã hái mấy hoa Dã Quỳ từ lúc nào và tặng cho tôi để chụp hình kỷ niệm. Anh bảo không tìm ra hoa Phù Dung chỉ có hoa Dã Quỳ vàng đền cho em yêu.

Dĩ vãng đẹp và đáng yêu thế đấy..

Tôi thẫn thờ cụt hứng buông lược, giấc mơ gặp Hải cũng nguội lạnh tan biến. Tôi trở về thực tế, đôi chân thường xuyên đau yếu vì khớp gối này không còn là những bước chân ngày xưa cùng anh chạy đuổi nhau trên đồi thông vắng nữa, mái tóc bạc sợi mỏng này không là suối tóc trên vai rối bời theo gió và anh đã bảo tóc tôi đẹp hơn mây trời Đà Lạt nữa, nụ cười tôi bây giờ không còn tươi xinh như ngàn hoa Đà Lạt nữa. Tôi đã biết phận mình, đã lo xa cho mình, tìm hỏi để biết rằng muốn vào ở nursing home giá trung bình hiện nay phải hơn 5,000 đô la Mỹ cho một tháng, vài trăm ngàn tiết kiệm cả đời của tôi sẽ để chi trả cho lúc tuổi già vô dụng như thế. Một ngày buồn nào đó tôi sẽ vào nursing home vì đôi chân này và vì bất cứ lý do gì của tuổi già sức yếu. Đường đời không còn đủ dài để cho tôi đi tìm lại người xưa.

Đương nhiên Hải cũng già đi, héo tàn đi. Hai người tuổi về già gặp lại nhau có còn cảm xúc, còn rung động và yêu nhau như ngày rất trẻ không? Mỗi thời gian, mỗi tuổi tác và mỗi hoàn cảnh đều cho người ta những cảm xúc khác nhau. Gặp lại cố nhân biết đâu chỉ thêm bẽ bàng, biết đâu sẽ làm mất đi những hình ảnh thơ mộng cũ? Thà rằng không! Không bao giờ gặp lại.

Tôi quyết định im lặng coi như hồi nào đến giờ Hải vẫn biệt tăm biệt tích trong cuộc đời tôi, coi như tôi chưa bao giờ đọc được Face book của Hải và tôi sẽ chấm dứt không vào đọc nữa. Tôi sợ sẽ nhìn thấy hình ảnh Hải của hiện tại. Trong tôi Hải vẫn mãi là chàng trai của tuổi đôi mươi.

Cứ để Hải lãng mạn nuối tiếc tiếp tục đi tìm cố nhân, cứ để anh suốt đời còn nợ tôi một đóa hoa Phù Dung và giữ mãi hình ảnh

tình cảm thuở ban đầu.

Tôi mỉm cười, cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản. Tôi mơ màng nhắm mắt lại, thấy có hai người tuổi trẻ, tuổi đang yêu, vui vẻ đùa giỡn chạy tìm nhau trên đồi thông Đà Lạt, nụ hôn trong gió mà chẳng gió nào làm bay mất nụ hôn ấy. Đà Lạt ngàn hoa, nhưng anh và em đi lạc trong rừng hoa nên cứ mãi hẹn hò nhau, cứ mãi đi tìm cho nhau một đóa Phù Dung.

Nguyễn Thị Thanh Dương.

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 153 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.352 seconds.