Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chuyện Linh Tinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh
Message Icon Chủ đề: HÀNH HƯƠNG Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Chủ đề: HÀNH HƯƠNG
    Gởi ngày: 06/Feb/2009 lúc 5:45am
Tháng Giêng – Hành hương ký…

Đi chùa đầu năm đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Theo thông lệ từ xa xưa, cứ vào dịp tháng giêng, đông đảo các phật tử và du khách lại bắt đầu cuộc hành hương, cầu cho năm mới được bình an, muôn sự hanh thông. Nếu ngoài Bắc, những địa danh như chùa Hương, Yên Tử, Đền Đô là địa chỉ của phật tử thì trong Nam, Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), núi Bà Đen (Tây Ninh) và chùa Bà (Bình Dương) lại là điểm dừng chân không thể thiếu của đại bộ phận những người hành hương...

  • Heo quay “quay vòng”

Đông đảo người dân ở các nơi về lễ rằm tháng Giêng tại chùa Bà Châu Đốc.

Tin đồn về sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ núi Sam khiến người dân ở khắp nơi trong cả nước đổ về Châu Đốc để cầu lộc, cầu tài. Chỉ cần nhìn tủ áo mão xếp chồng cao như núi, những tủ khánh vàng để tạ ơn Bà tràn ngập là có thể hiểu niềm tin của các tín đồ Bà Chúa Xứ lớn nhường nào.

Ban chủ trì miếu Bà đã phải dành riêng 1 tầng lầu chỉ để xếp và triển lãm những món đồ tạ ơn của chúng sinh cúng cho Bà. Một nhân viên bảo vệ tại đây cho biết, chỉ riêng áo mão 1 năm đã lên tới 3.000 – 4.000 bộ. Trong đó có những bộ trị giá gần chục triệu đồng.

Rằm tháng giêng được xem là một trong những lễ chính thu hút người dân khắp nơi đổ về vía Bà. Trong số đó đông nhất có lẽ là người dân Sài Gòn. Những chuyến đi thường bắt đầu lúc 11 giờ khuya và đến nơi là 4 giờ sáng. Bắt đầu từ mùng 1 Tết, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe như thế đổ về Châu Đốc, nhất là 14, 15 tháng giêng (ÂL) năm nay lại rơi vào đúng thứ bảy, chủ nhật.

Suốt dọc con đường trước miếu Bà là những phòng trọ, hàng ăn, gian hàng bán đồ cúng san sát. Chưa kể đội ngũ bán nhang, xe ôm, bán vé số, ăn xin, bán các ấn phẩm bói toán chỉ chờ xe dừng là ào tới bu đen lấy khách.

Giá phòng trọ 2 giường lên tới 350.000 đồng/đêm nhưng hầu như từ Tết đến nay cũng đều hết phòng. Dịch vụ đặt heo quay khá đắt hàng và cũng nảy sinh nhiều mánh khóe. Hóa ra nhiều người sau khi cúng xong quay ra bán rẻ lại cho tiệm, tiệm thu lại chỉ bằng 1/3 - 1/5 giá ban đầu, sau đó tiếp tục quay vòng heo cho những khách hàng kế tiếp. Có lẽ chỉ có chủ tiệm mới biết con heo đó đã được Bà “dùng” bao nhiêu lần!

Trong số những dịch vụ ăn theo Bà, xin xăm, coi bói được xem là dịch vụ phát đạt nhất ở núi Sam, Châu Đốc. Tôi làm quen thằng bé tên Em làm nghề bán nhang dạo, chưa từng đến lớp vì “nhà con nghèo, tới 6 anh em, ba mẹ làm nghề lên đồng”. Theo chân Em, chúng tôi phát hiện cả một đường dây bói toán công khai ngay khu vực núi Sam. Lần theo những lối đi nhỏ lên núi là những cái am được xây dựng khá kiên cố. Mỗi am chứa khoảng trên dưới chục “thầy”, mặc đồng phục pijama giống hệt nhau. Các “thầy” đều rất trẻ, tuổi trên dưới 30, in danh thiếp riêng để tiếp thị.

Việc giành khách của các “thầy” vì vậy cũng khá công khai và quyết liệt. ở am này, mỗi thầy có một cái bàn riêng và ngăn với nhau bằng những tấm vách. Thầy này phán tất nhiên tín chủ của thầy khác cũng nghe luôn. Khỏi phải nói về nội dung những gì các thầy phán, tất cả đều chung chung, thêm vào đó là những hạn nạn khủng khiếp mà thân chủ và gia đình sẽ gặp phải nếu không để thầy cúng giúp... Bạn tôi được thầy khuyên lập tới... 365 bát nhang để cúng.

  • “Hương hành” ở chùa Bà (Bình Dương)

Rằm tháng giêng, người người lại đổ xô về chùa Bà (Bình Dương), cách Sài Gòn chừng 30km, nhưng bắt đầu từ mùng 10 (ÂL) ngay từ 4 giờ sáng từng đoàn xe đã nối tiếp nhau đổ về Bình Dương. Những ngày này, vào lúc 11-12 giờ đêm trên Quốc lộ 13, những ánh lửa của các cây nhang khổng lồ vẫn lập lòe sáng và bắn thẳng những tàn lửa đỏ vào những người đi sau...

Năm nay, công tác trật tự ở chùa Bà Bình Dương được tổ chức khá tốt. Tình trạng ăn xin hầu như đã được dẹp, tình trạng buôn bán hàng rong cũng đỡ hơn rất nhiều. Bảo vệ, công an chốt trực 24/24 đã làm giảm thiểu những vụ lộn xộn. Tuy nhiên, dịch vụ “đốt nhang thuê” vẫn tràn ngập. Lợi dụng việc chỗ đốt nhang quá đông, các đối tượng này tìm tới bất cứ người nào cầm nhang đốt, tự động châm và sau đó là đòi tiền...

Thật khó khăn để có thể chen chân được đến sát chính điện. Khói nhang và hơi người đặc quánh khiến cho nhiều người muốn xỉu. Tất cả những cây nhang vừa cắm đã bị rút ra để nhường chỗ cho những cây nhang khác. Nhang cộng với vàng mã được đốt liên tục.

Nạn móc túi vẫn tiếp diễn, cứ vài chục phút lại có người la lên vì bị móc điện thoại di động, bóp. Anh Nguyễn Đình Dân (nhà ở Gò Vấp) mặc dù rất cẩn thận và đã bắt được tận tay kẻ móc túi, song chiếc điện thoại vẫn không cánh mà bay. Kẻ móc túi là một phụ nữ sau khi chuyền chiếc điện thoại cho đồng bọn liền lăn đùng ra xỉu khiến mọi người xung quanh tưởng cô ta bị ngộp vì khói nhang. Chị Thủy (quận Phú Nhuận) đúng nghĩa là người bị “hương hành” nói: “Mắt tôi không thể mở nổi vì khói nhang. Ráng hết sức cắm được nén nhang vào lư nhang cũng là lúc mặt bị tôi bỏng rát...”.

Mọi người đều có quyền có niềm tin và tín ngưỡng riêng, nhất là khi những niềm tin ấy lại luôn hướng tới cái thiện, tới sự tốt đẹp cho cuộc sống, cho gia đình và bản thân. Song, không nên để niềm tin bị lợi dụng bởi những hoạt động dị đoan hay kiểu cúng bái tốn kém, lãng phí, đi ngược lại nét văn hóa lễ hội tháng giêng.

  • Dập tắt kịp thời đám cháy tại chùa Bà

Lúc 8 giờ 22 phút ngày 11-2, tại khu vực thắp nhang đèn cầu nguyện của chùa Bà (Bình Dương) đã xảy ra vụ cháy do khách hành hương viếng chùa gây ra. Ngay khi ngọn lửa bùng cháy, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh Bình Dương đã huy động hai xe cứu hỏa cùng hơn 10 chiến sĩ đến ngay hiện trường và kịp thời dập tắt ngọn lửa, không gây thiệt hại, bảo đảm an toàn cho khách hành hương tiếp tục viếng chùa thắp nhang đèn cầu nguyện.

Trong mấy ngày qua, nhất là hôm nay và ngày mai là thời kỳ cao điểm khách hành hương từ khắp nơi đổ về tỉnh Bình Dương viếng chùa Bà. Đây là thời gian dễ xảy ra hỏa hoạn. Để bảo vệ cho lễ hội chùa Bà và rằm tháng Giêng an toàn, lực lượng PCCC tỉnh đã phối hợp với Ban tổ chức lễ hội thực hiện nghiêm chỉnh công tác PCCC; đồng thời bố trí 10 chiến sĩ và 2 xe chữa cháy thường trực tại khu vực chùa Bà và một số chùa nằm trên địa bàn thị xã Thủ Dầu Một, nhằm ứng phó kịp thời khi cháy xảy ra.

NHÓM PV



Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 06/Feb/2009 lúc 5:48am
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.115 seconds.