Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Âm Nhạc
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Tuổi Trẻ Gò Công :Âm Nhạc
Message Icon Chủ đề: Sài Gòn nhạc sến ơi ! Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Chủ đề: Sài Gòn nhạc sến ơi !
    Gởi ngày: 26/Dec/2008 lúc 10:23am
Sài Gòn nhạc sến ơi !

Theo Sài Gòn giải phóng thứ Bảy, số ra ngày 6-11-2004

Và như thế-nhạc sến vẫn còn-như một nét văn hoá bình dân, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của một tầng lớp cư dân Sài Gòn và cả miền Tây mênh mang sông nước. Nhạc sến vẫn hay, vẫn đủ làm thổn thức bao trái tim ưa đơn sơ, chân chất và chân thành.

 
 

Xin nói ngay, nói dứt khoát và không rút lời rằng "Nỗi buồn hoa phượng" (nhạc sĩ Thanh sơn) là ca khúc hay nhất thế kỷ về đề tài học trò, mùa hè.... Thế nhưng, "Nỗi buồn hoa phượng" hơn nửa thế kỷ qua vẫn bị xem là "nhạc sến"-một cách gọi để phân biệt "thể loại nhạc" xuất xứ từ Sài Gòn.

Sài Gòn là đất của những kẻ nhập cư, du cư, được chọn là "đất lành" của người dân mọi miền đất nước, nơi hội đủ nét văn hoá, ngôn ngữ, âm sắc, giọng nói của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tâm trạng của người xa xứ, nỗi buồn của kẻ du cư-mà hầu hết là thành phần bình dân, lao động-cộng với bối cảnh sống của Sài Gòn một thế kỷ trước đã tạo ra một dòng nhạc dễ hát, dễ thuộc, buồn bã sướt mướt từ đó hình thành thứ gọi là "nhạc sến" bây giờ.

Nếu không có những xóm Bàn Cờ, Tôn Đản...những khu bình dân nhà tre, vách nứa, mái tôn, tường gạch, không có những khu ổ chuột mọc lên dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc, nơi xóm vắng ngoại ô, đèn vàng heo hút sẽ không bao giờ có được những hình ảnh: "Tôi ở ngoại ô...một căn nhà xinh có hoa thơm trái lành...gần kề lối xóm, có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn...". Không có những ngõ tối lầy lội đêm mưa sẽ không có hình ảnh: "Gác lạnh về khuya cơn gió lùa...trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa...nhớ ai mà đèn hiu hắt...gác trọ buồn đơn côi...phố nhỏ vắng thêm một người...".

Bối cảnh sống của một đô thị còn trên đường "đô thị hoá", còn những đường phố xa hoa lộng lẫy bên cạnh xóm nghèo quạnh hiu; những đường sá nhỏ bé, cảnh quan hoang vu hay những xóm nhỏ quần tụ...từ đó nảy sinh những mối tình nghèo, nỗi cô đơn thân phận, những tình yêu không đủ ước mơ cao sang chỉ có thể nuôi mộng: "Nhẫn cỏ cho em", "hoa sứ nhà nàng"...Tư duy, ngôn ngữ người miền Nam (và sau đó là cả người nhập cư miền Bắc) vốn là tư duy rất cụ thể, không hoa mỹ ẩn dụ cao siêu, cứ nghĩ sao nói vậy, thấy gì gọi tên cái đó...và dòng nhạc sến sướt mướt ra đời, nhưng đêm đêm lắng nghe lắm khi người nghe rơi lệ là thường. Bình tâm lắng nghe, có lúc không thể không kêu lên: "Hay quá!..."

Bao nhiêu thế hệ cắp sách ai mà không có trong đời một mùa hè thổn thức “màu hoa phượng thắm như máu con tim, mỗi lần hè sang kỷ niệm…người xưa biết đâu mà tìm…”. Cái “người xưa” ấy quả đã khuất bóng trong dòng đời ồn ào tất bật, đã mang mái tóc, màu hoa, rời sân trường ra đi biền biệt chưa chắc có ngày gặp lại…Bao nhiêu thế hệ đã thổn thức ma 2lại thường thổn thức khi đã lớn, đã già, đã hiểu cái lẽ vô thường: “Người xưa biết đâu mà tìm…”

Nhạc sến đấy. Nó hay và đúng.

Sài Gòn giờ đây những xóm lao động bình dân đang dần thay đổi. Nhà cửa khang trang, Karaoke, đèn màu tưng bừng…những chung cư kiểu mới mọc như nấm hứa hẹn những cuộc đời khác. Sài Gòn văn minh và mới mẻ thêm nhiều. cảnh quan thay đổi, nếp sống thay đổi nhưng tâm tình vẫn còn nguyên vẹn những rung động ban sơ mộc mạc của một thời.

Và như thế-nhạc sến vẫn còn-như một nét văn hoá bình dân, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của một tầng lớp cư dân Sài Gòn và cả miền Tây mênh mang sông nước.

Nhạc sến vẫn hay, vẫn đủ làm thổn thức bao trái tim ưa đơn sơ, chân chất và chân thành.



Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 26/Dec/2008 lúc 10:28am
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 26/Dec/2008 lúc 10:29am

Tâm Lý Nhạc Sến

Trần Kiêm Đoàn

Âm nhạc là một phương tiện được chắt lọc, hệ thống hóa và ghi dấu để sáng tạo và diễn đạt ý tình bằng âm thanh. Nền âm nhạc Việt nói chung và ngành tân nhạc Việt Nam nói riêng thường bị “phủ bóng” do ảnh hưởng trực tiếp của âm nhạc cổ điển Trung Hoa, phương Đông và âm nhạc phương Tây. Vì không có một quá trình quặn mình tìm tòi, thí nghiệm để khai phá và sáng tạo tiền phong nên sự kế thừa trở nên dễ dãi. Đấy là hệ quả trực tiếp mở cửa cho “nhạc sến” ra đời.

Hai sắc hoa tigôn (ViVi _Võ Hùng Kiệt)

Thật tội nghiệp cho dòng âm thanh vô tư. Một câu hát xướng lên chưa dứt mà nghe bình luận “đồ nhạc sến” là… trăng rụng xuống cầu; người hát sẽ tiu nghỉu như mình vừa làm một điều gì thiếu nghệ thuật. “Sến” là gì và tiêu chí nào để thành nhạc sến vẫn còn mù mờ nhân ảnh lắm. Những nhà Tây học thì cho rằng, hình dung từ “sến” phát xuất từ tên nàng vũ nữ có thân hình nguyên tử tên là Maria Sến (Maria Schell). Cô đào này thường nhún nhảy hát bài Mambo Italiano trong cuốn phim Anh Em Nhà Kamazov nổi tiếng thời sáu mươi. Hình ảnh nầy đã gây ra một ảnh hưởng đại chúng buồn cười trên các đường phố lớn miền Nam: Lớp người trẻ bình dân lao động thích bộ đi nhún nhảy và hát nghêu ngao những bài ca mùi mẫn, sướt mướt giai điệu và lời ca trữ tình ướt nhẹp, dễ dãi như “Em ơi, nếu mộng không thành thì sao…?!”

Những nhà ngữ học dịch thuật như Cao Xuân Hạo thì tầm nguyên từ “sến” có thể đến từ “con sen” hay “ôshin” là người ở đợ giúp việc trong nhà. Dẫu cho đứng về phía Tây hay phía Ta thì khái niệm “sến” hay “nhạc sến” đều đồng nghĩa với những gì thuộc về tầng lớp bình dân lang thang dọc đường gió bụi, không sang, không quý phái. Định kiến (khi đúng, khi sai, có khi cường điệu) về nhạc sến thường thiếu công bằng. Thí dụ như về giai điệu thì cho rằng, âm điệu nhạc sến thì rên rỉ, cạn cợt, luyến láy, đong đưa tùy hứng như nam nữ ôm nhau nhảy nhót ngoài đường. Ca từ thì bị nhận xét là quá sáo mòn,vụng về, rẻ tiền; có khi bắt chước dễ dãi, bày tỏ tình ái làm ra vẻ thiết tha mà tầm phào, đóng trò đến… mắc cở. Nhất là khi nhạc sến do các “danh ca sến” trình bày thì hồn phách… phiêu du!

Vì chẳng ai có thẩm quyền và chưa hề có một chuẩn mực phân định rạch ròi thế nào là sến và thế nào là không sến, nên “sến” cũng chỉ là những nhận định chủ quan, bốc đồng tùy hứng. Thậm chí, cũng có giai cấp dành cho nhiều loại “sến”. Thời tôi ở Huế vào những năm sáu mươi thì sến có ba giai cấp: Sến làng, sến nốt, sến phông ten. Đạt tới mức thượng thừa “sến phông ten” rồi thì… sến không thể nào sến hơn được. Kể tên thì đơn giản là thế, nhưng khi đem ra phân tích và đối chứng với thực tế sinh động của cuộc sống thì e phải cần tới một đại hội thảo luận nhạc sến. Hãy mời hết thảy dân khoa bảng đầu sổ ưa nhạc Tây, các cụ cao niên khoái nhạc Ta, đến bà con lao động mù chữ cuối sổ thích ca Kim sanh, cải lương Nam bộ, hò, vè, hát ví, hát dặm… liên tục góp ý suốt ba ngày ba đêm mới mong đem trình làng cho hết ý được!

Trương Chi Mỵ Nương (ViVi _Võ Hùng Kiệt)

Nói về phản ứng tâm lý có điều kiện thì tác động và ảnh hưởng của “nhạc sến” về mặt tâm lý và tình cảm rõ ràng không nhỏ và không đơn giản đối với thế hệ Chiến tranh Việt Nam. Nhạc sến có riêng một dấu ấn âm thanh khó phai mờ trong từng góc kín cảm xúc và hoài niệm của cả một thế hệ. Mùa Hè năm ngoái, tôi được hội ngộ với những người bạn cũ – những người đã cùng có mặt trong một thời chiến tranh khốc liệt nhất ở Huế – tại nhà Mộc Lan và Trần Như Hùng ở Sài Gòn. Sau bữa ăn chiều đầy ý vị thì đến mục chơi nhạc. Với ngón đàn dương cầm điêu luyện của Mộc Lan, cung đàn vĩ cầm tài hoa của Hoàng Ngọc Đức, tay đàn Tây ban cầm vang bóng một thời của Đặng Nhiếp, một thế giới “nhạc sang” được hòa tấu. Những symphony, sonata, concerto của Beethoven, Mozart, Chopin, Schubert… quý phái, sang trọng được tấu lên trong khi những bạn hiền lim dim nhâm nhi chút men Cordon Blue đầy “ấn tượng”. Thế giới sinh hoạt bạn cũ Huế xưa trầm lắng như đến và đi từ quá khứ. Tôi mơ hồ cảm thấy như mình đang ở Huế, Sài Gòn, Paris, New York… vì có một cái gì na ná giống nhau. Phải chăng chỉ có sự khốn khó mới khác nhau, chứ còn sự giàu có, sang cả thì ở đâu cũng cùng chung mẫu số? Giữa chừng, Mộc Lan đứng dậy hô lên: “Thôi, chừ chơi nhạc sến đi!”. Trần Như Hùng hào sảng: “ Dẹp rượu Tây, chơi rượu đế ngâm nhộng tằm cho đã!”

Nửa phần hội ngộ sau đó, không khí như bừng sống lại. Chúng tôi dang tay nhau trở về quê hương, về tình bạn, về những ngày xưa thân ái. Lê Duy Đoàn, Nguyễn Đặng Mừng, Lê, tôi và tất cả bằng hữu có mặt… đều hết mình lên gân ca hát. Khi vui, ai cũng dễ trở thành ca sĩ tài hoa vì có thể hát hết tất cả những bản nhạc trên thế gian mà mỗi mảnh âm thanh, dẫu tài tình hay vụng về tới đâu, cũng đều có một khung trời riêng của nó. Hầu như hôm đó, những bản nhạc sến làng, sến nốt, sến phông ten… đều chỉ là những cỗ xe hư ảo để làm phương tiện cho chúng tôi kéo nhau về một vùng đất rất thực: Quê hương, hoài niệm và tình bạn đang quây quần hòa quyện với nhau.

***

Âm thanh, hình ảnh, mùi vị có tác dụng vực dậy những cảm thức thường ngủ sâu trong một góc kín nào đó của tâm hồn. Mỗi lần nhớ về… nhạc sến, tôi làm sao quên được mùa Giáng sinh năm 2003 tại Sacramento, khi làm việc với một gia đình có con bỏ nhà đi hoang và vợ chồng sắp ra tòa ly dị. Đây là một hồ sơ yêu cầu áp dụng tâm lý trị liệu (psychotherapy) cho ngươì chồng. John Dewey, người chồng, là một cựu chiến binh Việt Nam. Lý do ly dị của cặp vợ chồng nầy là vì người chồng thay đổi tính tình, càng ngày càng trở nên hung hãn với vợ con. Theo lời người vợ thì sau ngày rời chiến trường Việt Nam trở về Mỹ, anh John Dewey đã xin giải ngũ và làm nhân viên cho một hãng hàng không dân sự. Sau ngày từ giã chiến trường, anh trở nên ít nói và thường có vẻ như quay quắt về một điều gì đang ám ảnh tâm trí. Nhiều khi anh bày tỏ mặc cảm có lỗi là vì sao anh không bị chết như bạn bè mà an toàn trở lại quê nhà như thế. Anh không cho đó là sự may mắn của riêng anh mà chỉ là một sự bất công của sự đời, cuộc chiến.

Công chúa Huyền Trân (ViVi _Võ Hùng Kiệt)

Nếp sống lặng lẽ của Dewey thay đổi dần qua những phản ứng hoảng hốt bất thường như chợt có một sự ám ảnh săn đuổi anh bén gót. Có khi đang ngồi trong nhà bình yên, anh nhảy vọt lùi lại, mồ hôi vã ra như tắm, ôm chầm vợ và gào lên là nghe tiếng máy bay trực thăng, tiếng súng máy, tiếng kêu gào của những người lính đang chết. Có lúc anh vật vã ngồi bưng mặt khóc như trẻ thơ. Cuối cùng, anh trở nên thô bạo. Ăn nói cộc cằn với vợ con, cử chỉ chân tay bất chấp. Anh bị đuổi việc vì có hành động vũ phu với bạn làm cùng sở.

Sau cuộc chiến Việt Nam, một ngành bệnh lý mới ra đời. Đó là “Hội chứng Hậu chấn thương Tâm lý” thường được viết tắt trong sách vở tài liệu y khoa tâm bệnh học là PTSD (Post Traumatic Stress Disorder). PTSD là một căn bệnh tâm thần tạo nên bởi sự ám ảnh quá sâu đậm và có tác dụng tâm lý dữ dội. Nguyên nhân là vì người bệnh đã trực tiếp chịu đựng, chứng kiến hay bị ảnh hưởng dây chuyền về một hay nhiền biến cố khủng khiếp trong đời sống như cảnh đâm chém, giết nhau, tra tấn, tàn phá, hãm hiếp, tranh đoạt, tấn công… Cảnh khủng khiếp xẩy ra như một tiếng nổ phá tung bức tường vô hình bảo vệ sự bình an của tâm thức. Sau tiếng nổ ấy, tâm lý người bệnh không còn như xưa. Vết thương của biến cố lẩn khuất đâu đó thường đột ngột trở về, có khi chỉ trong nháy mắt (flashback) nhưng đã hành hạ tinh thần và thể xác người bệnh một cách nghiêm trọng sau đó. Dewey là một con bệnh PTSD trầm kha!

Lần đầu gặp John Dewey, anh tỏ ra lạnh lùng như đá. Theo bài bản của khoa tâm lý trị liệu, tôi phải mở cho được cánh cửa tâm lý bí mật của khách hàng để thu thập dữ kiện và đánh giá bệnh trạng. Tiếp theo lần gặp sau, tôi cũng chẳng thu lượm được gì thêm về nội dung tâm lý của anh ngoài những câu chuyện kể chung chung về cuộc chiến và con người, đất nước Việt Nam mà anh đã trải qua hơn bốn năm.

Lần thứ ba, tôi đổi cách thu thập dữ kiện. Tôi theo phương pháp “thính thị làm hưng phấn tâm lý” của Eric Galloway bằng cách mượn và treo một bức tranh đoàn máy bay trực thăng đang tải thương và mở những bản nhạc nhẹ thời chiến thế hệ 60. Phản ứng đầu tiên của Dewey khi mới bước vào văn phòng là đứng sững nhìn chằm chằm vào bức tranh. Rồi anh ta day qua nghe nhạc và hỏi bằng giọng thì thầm: “Có nhạc Việt Nam không?” Tôi gật đầu, đổi băng “nhạc lính”. Những bài hát nghe quen một thời (nhạc sến?!) bủa vây trong bom đạn làm tôi bị dính vào một cảm giác quen thuộc, sống lại một thời quá khứ. Âm thanh có khi trôi nổi, hoảng loạn, dật dờ, sắc nhọn, hư ảo… nhưng có sức khơi gợi một chân trời quá khứ vế thân phận bọt bèo cù con người giữa gọng kìm cuộc chiến. Ngồi trên xứ Mỹ mà tâm thức khơi vơi trôi dạt về một phương trời cũ. Lạ thay, bên cạnh tôi, John Dewey cũng ngồi lặng yên với dáng vẻ và đôi mắt sâu thăm thẳm hồi tưởng như thế. Tôi đang “phỏng vấn” người lính cũ bằng cái tâm cảm thông yên lặng. Chúng tôi hỏi và trả lời qua cơn lũ suối nguồn âm thanh “sến” một cách kỳ bí. Kể cả những vấp ngã và luyến láy vô duyên hay sự bốc đồng diễn cảm tài hoa trong giọng ca thanh thanh non nớt, khàn khàn thuốc lào hay nhão nhoẹt làm dáng của những “danh ca nhạc sến” một thời cũng dẫn cảm xúc và tưởng tượng của chúng tôi như sống thực về một chân trời cũ.

Cánh sen vàng (ViVi _Võ Hùng Kiệt)


Những bản nhạc quen thuộc, một thời đã được hát đi hát lại quen tai như chuyện thường ngày ở huyện, mở vào lối mòn hay thói quen nào đó của cảm quan nghệ thuật tuy khác nhau ở phương tiện và khái niệm, nhưng chung chung ai cũng có.. Có người khen hay vì tai họ nghe hay. Có người chê “sến” vì tai họ quen nghe những gì khác sến. Nhưng với chúng tôi thì đấy là chỉ dấu của phương tiện âm thanh tạo ra phản ứng có điều kiện như tiếng kồng Pavlov. Dewey và tôi đã cùng một thời tai cùng nghe tiếng nhạc ấy trộn lẫn với tiếng máy bay gào thét và bom đạn quanh mình. Khi nghe, chúng tôi không nghe nhạc đơn thuần mà cùng nghe một bản giao hưởng của âm thanh và ký ức.

Những lần gặp sau đó, Dewey thổ lộ tâm sự riêng với những bức xúc, dằn vặt, trầm cảm, tuyệt vọng, ước mơ của đoạn đời đã qua và những bóng ma của quá khứ đang ám ảnh. Dăm bản nhạc “sến” (?!) và vài hình ảnh quá khứ đã góp phần đắc lực giúp tôi mở đường tìm hiểu tâm lý biến chuyển của Dewey. Khi đã xác định được vấn đề và nguyên nhân tạo ra vấn đề thì những bước tiếp theo nhằm giải quyết vấn đề chỉ còn là yếu tố thời gian.

John Dewey và nhạc “sến” không phải là hai mặt của dãy núi Pyrenees sương tuyết, ngạo nghễ bắt người ta phải thừa nhận bên nầy là chân lý, bên kia là sai lầm. Trong tương tác thì con người và đối tượng đều cùng một thể. Đông tàn, Xuân đến chẳng đúng, chẳng sai.

Giữa mùa Đông California, 2008
Trần Kiêm Đoàn



Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 26/Dec/2008 lúc 10:33am
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 26/Dec/2008 lúc 10:40am

Chuyện nhạc sến nhạc sang

Duy Tâm


Số báo Xuân Việt Weekly 2006 có mở ra một diễn đàn tranh luận về nhạc “sến” và “sang”, nhân dịp ca sĩ Lê Uyên dự tính ra một CD nhạc do tiếng hát của chị (vốn không sến) sẽ kết hợp với “vua sến” Tuấn Vũ,… đã bị nghệ sĩ Ngọc Phu nhận định là… thất bại. Chuyện đó còn chưa thể đi đến kết luận được, cho tới khi cuốn CD, DVD đó ra đời. Việt Weekly nhận được một bài viết của tác giả Duy Tâm, bàn về nhạc “sến” và “sang”. Thấy phía độc giả dường như có nhu cầu trao đổi về đề tài này, chúng tôi quyết định dành đất cho quí vị trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, kể từ số báo này. Mọi trao đổi bài vở, xin email về tòa soạn:
vietweekly@vietweekly.com

***

 


Gần đây trong làng tân nhạc Việt Nam, thường hay nhắc đến những từ nhạc sến, nhạc sang. Người ta có thể nôm na hiểu rằng nhạc sến là loại nhạc phổ thông mang tính cách quần chúng. Có người cho rằng, nhạc sến là nhạc quê hương, nhạc lính hoặc nhạc tình cảm ướt át, ủy mị viết theo thể điệu Bolero, Rumba. Có người tàn nhẫn hơn cho là nhạc rẻ tiền, không có giá trị nghệ thuật, chỉ giới bình dân mới nghe.
Nếu như chúng ta dùng từ nhạc “sến” để phân biệt nhạc Bolero, Rumba với các loại nhạc khác, tự bản thân chữ sến không có ý nghĩa miệt thị, xem thường. Nhưng ở đây, với tư cách của một khán giả say mê âm nhạc, xin được phép trình bày ý kiến riêng của mình về giá trị nghệ thuật của những tác phẩm mà nhiều người đã tàn nhẫn cho là nhạc sến.
Trong một chương trình DVD Thúy Nga gần đây, Minh Tuyết trình bày ca khúc Lạnh trọn đêm mưa của Huỳnh Anh và đã nhận được nhiều sự khen ngợi từ khán giả. Điều đáng nói là, lần đầu tiên Minh Tuyết hát nhạc phẩm mà nhiều người cho là “sến”. Theo tôi, đây là nhạc phẩm mà Minh Tuyết hát truyền cảm nhất từ trước đến nay, hay hơn những ca khúc thời trang trẻ mà cô đã hát bao nhiêu năm qua.

Mưa buồn ơi thôi ngừng tiếng
Mưa cho phố nhỏ càng buồn thêm
Mưa rơi gác xưa thêm lạnh vắng
Phòng côi lắng tiêu điều
Đường thưa vắng đìu hiu

Nhạc phẩm Lạnh trọn đêm mưa, trong vỏn vẹn 3 câu đầu, người nghe đã dễ dàng cảm nhận được không gian, thời gian với tất cả những nét chấm phá cô đọng của cảm giác. Không gian là căn gác nhỏ trong lòng con phố vắng đang chìm dưới một cơn mưa dai dẳng, thời gian là màn đêm, nhân vật đang gởi gấm tâm tư vào sự yên tĩnh của màn đêm của cơn mưa. Tình cảm tuy có ướt át và có thể ủy mị nhưng trong khía cạnh văn chương, bài nhạc đã thành công về mặt cú pháp, văn phạm. Về nghệ thuật, lời lẽ rất hòa hợp với âm điệu ngũ cung, tuy đơn giản mà rất thành thật và dễ dàng cho người nghe sử dụng trí tưởng tượng để hòa tâm hồn vào cảnh vật và nhân vật.
Trong ca khúc 24 giờ phép, Trúc Phương đã vẽ ra một chuyện tình thời chiến lồng trong bối cảnh hết sức mộc mạc, chân chất mà vô cùng lắng đọng.

“Từ xa tôi về phép,
24 giờ tìm người thương trông người thương
Chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà
Chiều nghiêng nghiêng nắng đổ
Và người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ”

Chàng lính trẻ chỉ có vỏn vẹn 24 giờ phép. Thời đó làm gì có điện thoại, internet, email. Chỉ liên lạc với nhau bằng thư từ có khi phải gởi đi cả tháng trước. Nhưng hình ảnh “người thương trông người thương” trong một buổi chiều nắng đổ, đã vẽ ra một bức tranh lung linh màu sắc. Chàng bước đi trên con đường quen thuộc đến nỗi bàn chân nghe quen từng viên sỏi nhỏ. Lối nhân cách hóa của Trúc Phương trác tuyệt. Và càng trác tuyệt hơn khi ông viết “và người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ”.

Có lẽ nàng đã đứng đợi chàng từ lâu lắm rồi? Có thể 1 tiếng, 2 tiếng hay nàng đã đợi chờ chàng từ sáng sớm? Giờ đây sống giữa thế kỷ tân tiến với sự phổ thông của cellular phone, nghe lại câu hát trên mới thấy cái tội nghiệp thật dễ thương của những người con gái Việt Nam thời chinh chiến. Cuộc tình trong 24 giờ phép của Trúc Phương thật quá tình tứ, quá lãng mạn mà vô cùng trong sáng.


Nghe Thanh Thúy hay Hoàng Oanh hát nhạc phẩm này mới thưởng thức trọn vẹn nét tuyệt diệu của nhạc phẩm 24 giờ phép. Ở giọng ca Thanh Thúy, tình cảm lắng đọng đến mức độ không gian và thời gian dường như ngừng lại. Ở Hoàng Oanh, người nghe cảm nhận được điều đẹp đẽ nhất của tình yêu đến từ những điều bình dị nhất. Thanh Thúy đưa tình yêu về một cõi trời mây nào đó thoát tục mà con người không biết đến. Hoàng Oanh vỗ về tình yêu một cách nhẹ nhàng như cơn gió thoảng đưa hương thơm của những cành hoa ngoài đầu ngõ làm khoan khoái cõi lòng.
Nhạc Trúc Phương hầu hết là nhạc viết theo thể điệu Rumba, Bolero, với các tác phẩm đã được thử thách với thời gian như Đò chiều, Chiều cuối tuần, Đêm tâm sự, Bóng nhỏ đường chiều, Trên bốn vùng chiến thuật, Mưa nửa đêm, Tàu đêm năm cũ,… Lệ Thu cũng đã từng trình bày ca khúc Đò chiều của Trúc Phương rất tuyệt vời.

Nhạc sĩ Lam Phương đã có rất nhiều các ca khúc viết theo thể điệu Rumba, Belero rất nổi tiếng như Nghẹn ngào, Tình chết theo mùa Đông, Trăm nhớ nghìn thương, Ngày sau sẽ ra sao, Chuyến đò vỹ tuyến… Tác phẩm Thành phố buồn bất tử tiêu biểu cho hàng trăm ca khúc để đời khác của ông.

“Thành phố buồn lắm không em
Nơi chúng mình tìm phút êm đềm
Thành phố nào vừa đi đã mỏi
Đường quanh co quyện gốc thông già
Chiều đan tay nghe nắng chan hòa
Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em…”


Không ai trong chúng ta khi nghe bài hát này mà không hình dung đến thành phố Đà Lạt với nét đẹp nên thơ và những chuyện tình thật đẹp. Và cuộc tình đẹp thường là những chuyện tình thật buồn. Nghe Chế Linh hát Thành phố buồn, người ta như chìm đắm trong một câu chuyện tình lãng mạn với nỗi buồn nhè nhẹ thấm vào da thịt như buổi chiều của thành phố cao nguyên.

Tác phẩm Thành phố buồn đã trở thành một trong những bài hát phổ thông. Người lớn cũng thích nghe Thành phố buồn, tuổi trẻ lớn lên ở Việt Nam hay hải ngoại cũng thích nghe Thành phố buồn. Sinh viên, trí thức hay người bình dân vẫn thấy cõi lòng rung động với dòng nhạc du dương, với những lời ca mang nhiều hình ảnh, màu sắc thật đậm đà của Thành phố buồn.

Trong chương trình nhạc thính phòng chủ đề Nhạc Lam Phương, chiều Chủ Nhật ngày 28 tháng 11, năm 2004, tại vũ trường Majestic, miền Nam california, Ý Lan đã trình bày một số tác phẩm của ông trong đó có nhạc phẩm Đèn khuya viết theo thể điệu Bolero. Nghe Ý Lan vừa hát, vừa diễn xuất mới cảm nhận được rằng những dòng nhạc bất tử luôn vượt qua biên giới của định kiến.

“Không biết đêm nay vì sao tôi buồn,
buồn vì trời mưa hay bão trong tim…”

Lời lẽ giản dị nhưng thấm sâu vào tim ta những cảm giác ngọt ngào, đậm đà tình thiêng liêng của quê hương và của lòng mẹ.
Còn nhiều nữa, hàng trăm tác phẩm Bolero, Rumba bất tử khác như Chuyến tàu hoàng hôn của Minh Kỳ, Hoài Linh; Nỗi buồn gác trọ, Phố vắng em rồi của Mạnh Phát; Tình sầu biên giới, Tà áo cưới, Ai nhớ chăng ai của Hoàng Thi Thơ; Lối về đất mẹ, Bao giờ em quên của Duy Khánh; Chuyện tình TTKH, Biển mặn, Tạ từ trong đêm của Trần thiện Thanh; Mưa rừng, Nếu ta đừng quen nhau của Huỳnh Anh; Chuyện tình Lan và Điệp, Nó, Chuyện một đêm của Anh Bằng; Nỗi buồn hoa phượng, Lưu bút ngày xanh của Thanh Sơn…

Nhạc sĩ Hoàng Trọng tác giả nổi tiếng chuyên viết nhạc Tango như Ngàn thu áo tím, Tình đầu, Người tình không chân dung… cũng đã viết nhiều tác phẩm Bolero rất hay như Cánh hoa yêu. Nhạc sĩ Trường Sa tác giả của những bài như Một mai em đi, Xin còn gọi tên nhau, Rồi mai tôi đưa em đã rất thành công với các ca khúc Một lần xa bến, Hành trang giã từ theo thể điệu Belero, Rumba. Nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả Hoa Soan bên thềm cũ, Chiếc lá cuối cùng cũng có nhiều bài nhạc Belero xuất sắc như bài Quán nửa khuya, Mùa xuân đầu tiên.

Ca khúc Quán nửa khuya của Tuấn Khanh cũng như Trăng tàn trên hè phố, Những ngày xưa thân ái của Phạm Thế Mỹ đã là những tác phẩm vượt thời gian, những tình khúc bất tử thời chinh chiến vẫn còn được hát với tất cả sự trân trọng của người hát lẫn người nghe. Đó là những ca khúc người ta nghe hoài vẫn thấy hay, vẫn thấy xúc động. Ngay cả nhạc sĩ Phạm Duy cũng có bài Ngày em 20 tuổi một tác phẫm tuyệt vời đã được nhiều ca sĩ hát theo thể điệu Bolero.

Những ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc này ngoài Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Chế Linh còn phải kể đến Duy Khánh với Xuân này con không về, Đưa em vào hạ; Phương Dung với Những đồi hoa sim, Nỗi buồn gác trọ; Thanh Tuyền với Nỗi buồn hoa Phượng, Gõ cửa; Giao Linh với Những đóm mắt hỏa châu, Giờ này anh ở đâu; Trúc mai với Những ngày xưa thân ái, Hàn mặc Tử; Nhật Trường với Đồn vắng chiều xuân, Lâu đài tình ái và Anh Khoa, Thái Châu, Hương Lan, Băng Châu, Dạ Hương… Trong số các ca sĩ trẻ phải kể đến Như Quỳnh, Phi Nhung, Trường Vũ, Quang Lê. Gần đây trong cuốn Video Âm nhạc vòng quanh thế giới của trung tâm Asia mới phát hành cuối tháng 12, ca sĩ trẻ Đặng Thế Luân và Băng Tâm đã trình bày liên khúc Trăng tàn trên hè phố và Những ngày xưa thân ái thật xuất sắc. Điều đáng mừng là vẫn có những tiếng hát tiếp nối những giọng ca lừng lẫy đã hát những ca khúc này. Tôi dám khẳng định rằng “Đừng tưởng những ca khúc Bolero dễ hát, hát được là một chuyện nhưng hát hay lại là một chuyện khác”.

Điều đặc biệt ít ai để ý là có một số ca sĩ không chuyên hát nhạc Bolero, Rumba nhưng cũng đã hát một số bài rất thành công như Thái Thanh với ca khúc Ngày tạm biệt của Lam Phương, Lệ Thu với Đò Chiều của Trúc Phương, Sầu lẻ bóng của Anh Bằng, Thanh Lan đã hát Từ đó em buồn của Trần thiện Thanh rất cảm động.

Một nhà văn nào đó đã viết “Không có tác phẩm nào là sến mà chỉ có phong cách trình diễn là sến mà thôi”. Điều đó không có nghĩa là bài nhạc Bolero, Rumba nào cũng hay. Nhưng nếu đánh giá hay vơ đũa cả nắm là dòng nhạc này “sến”, nhạc đại chúng không có giá trị cao về nghệ thuật, quả là hẹp hòi, nông cạn nếu không nói là sai lầm.

Các bạn trẻ ngày nay thích nghe những dòng nhạc mới với lối hòa âm mới, sôi động, trẻ trung nhưng lời viết dễ hiểu nếu không nói là đơn điệu và không còn mang chất trữ tình, thiếu chất thơ như những dòng nhạc ngày xưa. Những bài nhạc tình nổi tiếng như Cô đơn mình anh, Nhớ anh, Thà rằng như thế, Quả tim khô máu, Dẫu có lỗi lầm, Oâi tình yêu, Mắt nai cha cha cha, Trái tim bụi đời là những bài nhạc thời trang với lời lẽ chấp vá, ý tưởng theo một khuôn khổ công thức như “Đêm nay một mình anh lang thang, em ơi hãy mau quay về đây…” “Một cuộc tình trôi qua, anh trông theo với nỗi chờ mong, em xa xăm, một mình ngồi đây…” “Có một người vẫn yêu một người…” Hàng trăm, hàng ngàn ca khúc đều có lời lẽ từa tựa như nhau. Xét về giá trị nghệ thuật, kém xa những bài nhạc Bolero, Rumba nổi tiếng kể trên. Như vậy, nhạc nào nên gọi là nhạc sến?

Thời gian trôi qua, sẽ có một lúc nào đó người ta sẽ không còn nhớ đến tác giả mà chỉ nhớ đến tác phẩm. Âm nhạc cũng sẽ không ngừng thay đổi theo thời gian. Những gì có giá trị thật sự sẽ mãi mãi tồn tại cho dù người ta có đánh giá những tác phẩm đó một cách nhất thời. Một đêm nào đó thật xa hiện tại sẽ có những cặp tình nhân dìu nhau trên đường phố hát ngêu ngao những câu hát thật tình tứ như:

Những đêm trời trăng thanh,
Quán bên đường vắng tanh
Chỉ còn em với anh.”

Họ sẽ không biết đó là tác phẩm bất tử Con đường xưa em đi của Châu Kỳ. Nhưng người ta vẫn sẽ hát và sẽ còn lưu truyền những dòng nhạc thi vị đó như ca dao, tục ngữ được truyền tụng đời này qua đời khác. Còn hình ảnh nào đẹp hơn bằng hình ảnh rất tiêu biểu của những con đường Saigon về khuya, quán xá vắng tanh, chỉ còn có đôi tình nhân và ánh trăng thanh treo trên đầu con phố.

Hãy đến với âm nhạc bằng tấm lòng cởi mở để thưởng thức trọn vẹn những tác phẩm đã một thời làm rung động hàng triệu con tim Việt Nam qua những giai đoạn thăng trầm của đất nước. Các ca sĩ trẻ nên chọn những bài nhạc hay, hợp với giọng hát đừng để bức rào định kiến nhạc sang, nhạc sến làm cản trở sự thăng tiến trong nghề nghiệp. Người ta không thể nói một dĩa thịt bò steak ngon hơn một trái bắp nướng mỡ hành. Đôi khi trong những đêm mưa, trái bắp nướng sẽ là một món ăn tuyệt hảo hơn cả một dĩa thịt bò hầm khoai tây

Đêm nay trong giá lạnh của một ngày Đông, sau khi viết xong bài viết này, tôi ngả mình trên giường nệm ấm trong căn phòng vắng lặng. Tôi chợt thèm nghe tiếng hát Thanh Thúy và dòng nhạc Trúc Phương, nhạc phẩm Mưa nửa đêm đưa hồn tôi về lại con phố cũ của Sàigòn năm xưa với những đêm chưa ngủ nằm nghe tiếng mưa rơi.


“Tôi thiếp đi trong niềm vui và đêm rớt
những giọt mưa cuối cùng"...
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 26/Dec/2008 lúc 10:42am
Nhân ngày Valentine, bàn chuyện nhạc sến
Soạn:%20AM%20699555%20gửi%20đến%20996%20để%20nhận%20ảnh%20này

Thần tình yêu

Nhạc sến đã được bàn đi bàn lại nhưng đến hôm nay vẫn không hết thời sự. Dân gian có câu: “Bàn dai cho khoai bà nát”, nhưng khoai đã nát nhừ như … nhạc sến rồi mà vẫn chưa ra môn ra khoai, chứng tỏ nhạc sến là một đề tài muôn thuở. 

Một năm, chúng ta chỉ có một ngày lễ Tình nhân thôi, lại là thứ ngày lễ nhập khẩu. Nếu không có món hàng nhập khẩu này thì cơ hồ chúng ta chẳng có ngày nào để tôn vinh tình yêu cả. Nhạc sến trong hình hài hôm nay là một cung cách khác để nhạc Việt tôn vinh tình yêu. Nghe có vẻ trái lẽ, vì nhạc sến toàn là nỉ non oán trách than thở, tóm lại là “não tình”, làm sao nó có thể tôn vinh tình yêu được? Nhưng trong ca khúc Việt, ngay cả toàn bộ ca khúc mà con người đã viết và đã hát, lượng tình ca/tình khúc chiếm bao nhiêu phần trăm? Có lẽ không dưới 90%. Và trong 90% ấy, bao nhiêu tình khúc có màu sắc “hồ hởi, phấn khởi”? Ít lắm. Còn hầu hết là màu sắc “âm tính”. Chính màu sắc “âm tính” tôn vinh tình yêu hơn bất kỳ một thứ cảm xúc “hồ hởi, phấn khởi” nào. Bởi nó chứng tỏ rằng, không có tình yêu, con người không thể sống được, không thể làm nghệ thuật được. Âm nhạc, hay bất kỳ một loại hình nghệ thuật nào khác, là sự thăng hoa (sublimation) của năng lượng sống, phân tâm học gọi là Eros – tên gọi của thần Tình yêu. 

Tình yêu mà toàn hoa thơm quả ngọt thì … chán chết! Cầu được ước thấy sẽ làm con người trở nên lười biếng và nông cạn, và nhất là không có nhu cầu sáng tạo nghệ thuật. Chính vì những gập ghềnh trắc trở trong tình yêu và trong đời sống mà người ta phải bù đắp bằng nghệ thuật. Và hơn bất kỳ một chức năng nào, nghệ thuật – đặc biệt là âm nhạc – có chức năng mang lại sự an ủi và nâng đỡ tinh thần con người. Trái với quan niệm thông thường, rằng âm nhạc muốn nâng đỡ tinh thần con người phải có màu sắc “dương tính” - nghĩa là phải cứng cỏi, xốc vác, đầy khí thế …-  như một dụng cụ thể thao vậy, âm nhạc lại đào xới nỗi buồn, sự mất mát, nỗi thất vọng … đến tận cùng để con người đi tới giới hạn của các cảm xúc “âm tính” rồi trở lại đời sống trên một bình diện khác, một tương quan xúc cảm khác. Chịu dồn nén để thăng hoa, từ các xúc cảm “âm tính” để kích hoạt năng lượng sống – nghệ thuật khởi đi từ nguyên tắc tương phản nhiều hơn là nguyên tắc song hành.  

“Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”, hạnh phúc như “miếng ngon” làm ta “nhớ lâu” nhưng nỗi bất hạnh như “đòn đau” lại khiến ta “nhớ đời”! Một mối tình đơn phương, một nhân duyên sóng gió khiến tâm hồn ta chao đảo và trống trải. Lúc ấy, hoặc chủ động đến với âm nhạc hoặc ngẫu nhiên bị cuốn vào một giai điệu “âm tính” nào đó, ta cảm thấy khoảng trống trở nên mênh mông hơn, nỗi buồn trở nên sâu xa hơn. Trong khoảnh khắc, ta như chạm tới giới hạn của cảm xúc con người và chính từ giới hạn tưởng chừng không thể chịu đựng nổi ấy, ta trở lại thăng bằng và phục sinh. Âm nhạc đã khai triển tâm hồn ta theo mọi chiều kích, bởi chiều kích “âm” cũng chỉ là đối xứng gương của chiều kích “dương” mà thôi. 

Một vở cải lương mà không có những đoạn anh chàng kép độc nhả một mạch vài chục hay vài trăm từ không lấy hơi để rồi “xuống xề” buồn đứt ruột khiến bà con rút khăn tay chấm nước mắt lia lịa thì còn gì là cải lương nữa? Một cuộc tình cầu được ước thấy dẫn thẳng tới hôn nhân thì chỉ còn chuỗi ngày lặp đi lặp lại đối phó với nguy cơ buồn chán cùng hiểm hoạ … ly dị thì cần gì âm nhạc (trừ nhạc đám cưới)? Cuộc đời mà “đánh đâu thắng đấy” thì hà tất chúng ta cần đến thứ nghệ thuật nào ngoài nghệ thuật quảng cáo? Tình yêu của con người đầy gian truân, “mười phần chết bảy còn ba”, mới khiến nó trở nên quý giá và là đề tài bất tận cho nghệ thuật. Chính vì màu sắc “âm tính” của tình yêu mà một năm chỉ có một ngày lễ Tình nhân thôi, chứ 365 ngày Valentine cả thì … sống sao nổi?

o0o 

Bây giờ trở lại chuyện “sến”. Chúng ta hay dùng khái niệm “sến” theo nghĩa “âm tính”. Nhạc “mùi”, nhạc “não tình” là những thứ nhạc mang màu sắc “âm tính”, bị bỏ vào một rọ và dán nhãn: “sến”. Nếu màu sắc “âm tính” là một thuộc tính của thế giới cảm xúc, hơn nữa, lại là một kênh cảm xúc chủ đạo, thì việc chống lại hiện tượng ca khúc “não tình” là một nỗ lực vô vọng. Nếu nó tồn tại trong đời sống là vì nó có những lý do để tồn tại, có những cơ sở tâm lý, cơ sở xã hội cho sự ra đời và lan tràn của nó. Không thể loại trừ nó như một cách thế biểu hiện cảm xúc, cho dù nó là một cách thế tiêu cực. Viết một tình khúc “hồ hởi, phấn khởi” là cực khó, nếu viết được một tình khúc “dương tính” thành công và để đời thì bạn có cơ may là … thiên tài. Còn viết một tình khúc “lâm ly, bi đát” nói chung là dễ ợt. Dĩ nhiên, viết được một tình khúc “lâm ly, bi đát” cỡ  F.Schubert hay E.Grieg cũng là chuyện vài phần tỉ, nhưng để viết một thứ “não tình” như nhạc Việt đã có và đang có đầy rẫy thì là “chuyện thường ngày ở huyện”. 

Soạn:%20AM%20698829%20gửi%20đến%20996%20để%20nhận%20ảnh%20này
 

Như thế, khái niệm “sến” theo nghĩa tệ nhất và cũng đúng nhất chính là sự phản sáng tạo, phi sáng tạo chứ không mang nội hàm “âm tính”. Những ca khúc sao chép vụng về chuyện đời thường, mô phỏng thô thiển các xúc cảm hời hợt, “sinh sản vô tính” khiến nhạc Việt lụt lội như hiện nay là kết quả của một văn hoá âm nhạc hạ cấp. Âm nhạc là thứ phải được giáo dục, và điều cần được giáo dục nhất là văn hoá âm nhạc. Cũng như mọi lĩnh vực văn hoá khác, để có văn hoá âm nhạc, tâm hồn con người cần được đào luyện bởi những tác phẩm âm nhạc đích thực – dù là những tác phẩm có màu sắc “âm tính” - chứ không thể là những đồ “dởm”, những ca khúc “sến” theo nghĩa phản sáng tạo như chúng ta đang “bị” nghe hiện nay. 

Ngày Valentine bàn về “sến” để chúng ta đừng “sến hoá” luôn cả ngày lễ dễ thương này nhân danh nhưng ca khúc về tình yêu. 

Thiên Lang

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 26/Dec/2008 lúc 10:43am
Câu chuyện nhạc sến và phần kết (luôn) bỏ lửng...
Soạn:%20AM%20547020%20gửi%20đến%20996%20để%20nhận%20ảnh%20này
Thái Thanh...

Những cuộc tranh luận (hoặc thảo luận) về thói sến, về nhạc sến sẽ còn kéo dài bất tận chừng nào những người muốn khu biệt "sến" và "nhạc sến" khỏi những giá trị âm nhạc khác hoặc đã được nhận diện hoặc còn mù mờ - còn tự đặt mình vào thế của những nhân vật trong câu chuyện "Bộ quần áo mới của Hoàng đế"...

Trong câu chuyện kể nổi tiếng của Andersen, bao nhiêu quần thần và dân chúng, rồi cả Hoàng đế nữa, vì không muốn bị mang tiếng ngu dốt nên đã "nhắm mắt" mà khen bộ quần áo tưởng tượng của 2 gã lừa đảo. Câu chuyện ấy cũng không có phần kết trọn vẹn theo... truyền thống, rằng liệu Hoàng đế tỉnh ngộ ra sao, 2 kẻ lừa đảo có bị trừng trị không...

Chuyện này khiến người viết liên tưởng tới những cuộc tranh luận triền miên quanh chữ "sến", nhất là khi nó gắn với âm nhạc thành "nhạc sến". Phải chăng vì sợ bị quy kết là sến mà người ta phải cố tạo ra một khái niệm "nhạc sang" mù mờ để bám vào đó cho ra vẻ không sến? Vì sợ sến mà người ta cố làm mọi cách để chứng tỏ nhạc sến... không sến?

Thực tế, cả "sang" và "sến", nói một cách nặng lời thì đều... vớ vẩn như nhau. Vớ vẩn ở cái cách người ta quan niệm về chúng. Trước nay, người ta vẫn quen đưa ra những thuật ngữ không chuẩn mực và tranh cãi triền miên bất tận về những thứ không chuẩn ấy. Vì không có gì chuẩn mực nên trong khi nhiều người chê những bài hát Mỹ Tâm hát là "nhạc thị trường", "nhạc dành cho trẻ con" thì cô vẫn tự tin phát biểu rằng nhạc của mình là "nhạc salon". Có ai cấm đâu nên nói sao chẳng được? Thế nào là "nhạc salon"? Dám chắc người khẳng định nhạc mình "salon" sẽ không thể trả lời được.

Bởi mãi tranh cãi quanh một chuyện vớ vẩn cho nên mới có những chuyện... tầm phào như mãi mê truy nguyên nguồn gốc từ nguyên của "sến" mà không đưa ra được một định nghĩa nào chính xác hoặc gần sát nhất cho "nhạc sến". Đã vậy, trong suốt cuộc tranh luận, người ta luôn nơm nớp một nỗi sợ bị quy kết là "sến" nên hoặc phải lên án nhạc sến thật dữ dội và bám chặt vào cái phao "nhạc sang", hoặc phải bênh vực "nhạc sến" nhiệt tình để gỡ gạc chút nào hay chút ấy, rằng thứ nhạc được gọi là sến ấy thực ra... không sến. Cuộc tranh cãi sẽ kéo dài bất tận.

Việc định nghĩa nhạc sến không hề đơn giản. Định nghĩa được nó tức là đã xác lập được vị trí của nó như một thể loại âm nhạc (hay nhỏ hơn là thể loại ca khúc). Nhưng chuyện thể loại nhạc Việt, ai cũng đã biết, còn mông lung hơn chuyện "sến" gấp nhiều nhiều lần. Bởi vậy, những nhận định qua loa về nhạc sến với những tính từ chung chung, thường hàm ý tiêu cực, chỉ có tác dụng tham khảo sơ sơ chứ không thể giúp định vị được "nhạc sến" với "tư cách" là một thể loại hay một phong cách âm nhạc. Khi người phê bình đã thủ sẵn trong mình ý nghĩ rằng nhạc sến là thứ âm nhạc cần phải... dẹp bỏ, cho dù chưa rõ bản chất của nó ra sao, thì không mong gì chuyện "sang", "sến" được giải quyết dứt điểm.

Soạn:%20AM%20547018%20gửi%20đến%20996%20để%20nhận%20ảnh%20này
...và Thanh Tuyền

Sến đã là một thuộc tính tình cảm của con người và người ta có quyền đòi hỏi tìm ở âm nhạc, phim ảnh những gì đáp ứng được trạng thái tình cảm ấy. Chừng nào người ta còn "sến" thì nhạc sến sẽ không thể mất đi. Ở góc độ khác, "sến" trong nghệ thuật còn do những quan niệm hay định kiến cố hữu. Chẳng hạn so sánh hai trường hợp ca sĩ: Thái Thanh và Thanh Tuyền. Thái Thanh luôn được coi như đại diện ưu tú của "nhạc sang" vì bà toàn hát những bài hát được xếp là "sang", còn Thanh Tuyền được coi như một ca sĩ cực sến vì chuyên hát nhạc sến. Nhưng khi Thanh Tuyền hát một số bài của Trịnh Công Sơn (tức "nhạc sang" - theo quy ước) thì thấy chẳng khác bao nhiêu cách Thái Thanh vẫn hát, thậm chí Thái Thanh còn "chảy" hơn cả Thanh Tuyền. Ai sến hơn ai trong trường hợp này? Định kiến sẽ đứng ra phân xử và thường là Thái Thanh sẽ thắng vì có thành tích hát "nhạc sang" nhiều hơn. Đó cũng là cách để các ca sĩ hát "nhạc sến" mãi mãi không thể với tới "nhạc sang" được trong khi ca sĩ hát "nhạc sang" vẫn có thể hát những bài rất sến dưới chiêu bài "sang trọng hoá", như cách mà ca sĩ Quang Dũng giải thích gần đây khi hát những bài như Thành phố mưa bay, Tôi vẫn nhớ...

Cứ như thế, chuyện "sang", chuyện "sến" sẽ mãi tụ quanh trong một cái vòng luẩn quẩn. Bởi vậy, có chăng để câu chuyện này có một phần kết tạm là nên khép lại những tranh cãi vòng vo thế nào là sang thế nào là sến, để rồi sau đó, chuyển sang một câu chuyện khác, ở đó, "sến" được soi dưới những góc nhìn có tính chuyên môn về âm nhạc chứ không phải bằng những định kiến cũ kỹ. Câu chuyện của Andersen về bộ quần áo của Hoàng đế cũng không có phần kết trọn vẹn - tức là câu chuyện về bộ quần áo vô hình sẽ còn kéo dài nếu thiên hạ vẫn sợ ngu dốt, thì nên chăng ta viết thêm một câu chuyện khác để giải thích chuyện đó thay vì cố mà nghĩ ra một đoạn kết khiên cưỡng và để lại nhiều... ấm ức. Câu chuyện về sến chắc chắn sẽ còn trở lại trên Bàn tròn Giai Điệu Xanh nhưng dưới một cơn cớ khác.

Nguyễn Minh

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
nguyenngochai
Newbie
Newbie


Tham gia ngày: 08/Mar/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 4
Quote nguyenngochai Replybullet Gởi ngày: 19/Oct/2009 lúc 1:00am
Cám ơn ông Hòang-ngọc-Hùng về nhửng bài sưu tầm về chủ đề "Nhạc Sến"

Chử sến có ý miệt thị, khinh bỉ.  Không một lọai nhạc nào có thể bị khinh bỉ được.
Tôi không hiểu sao chử sến được dùng một cách thông dụng như vậy.  Rất đau lòng!

Có ai dám cho rằng nhạc Pháp của Christophe hoặc nhửng bài country music của Dolly Patton là nhạc sến?  Còn nhạc của The Beatles hay Francoise Hardy có sến không?

Hai-Nguyen
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.387 seconds.