Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Lịch Sử - Nhân Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Lịch Sử - Nhân Văn  
Message Icon Chủ đề: MỘT THỜI ĐỂ NHỚ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 11 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 16/Sep/2023 lúc 8:52am

Sài Gòn Năm Xưa 


Đầu thập niên 70, tôi bước chân vào giảng đường đại học. Từ miền Trung vào, Sài Gòn đối với tôi như một miền đất hứa vừa hấp dẫn, vừa hứa hẹn những điều mới lạ.

Hồi đó, đậu được mảnh bằng tú tài toàn phần cũng khó như thi đậu vào một trường đại học lớn bây giờ. Cả lớp 60 học sinh chỉ đậu có sáu đứa. Chín mươi phần trăm phải thi lại vào kỳ hai. Ở một thành phố nhỏ của miền Trung như quê tôi, con gái đỗ tú tài toàn phần có thể đếm trên đầu ngón tay.

Vào đến thành phố được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, tôi thấy cái gì cũng lạ lẫm. Từ những tòa nhà cao tầng, đến những con đường xe cộ tấp nập, đến những cô gái Sài Gòn ăn mặc theo mốt Hippy (1), rồi áo dài tay Raglan, mini jupe…

Ngày Văn Khoa khai giảng, số lượng sinh viên đông đến mức chóng mặt. Nữ sinh viên thì quá nhiều cô đẹp, cô nào cũng ăn diện ngất trời như đi dạ hội.

Sau này, tôi còn biết Đại Học Văn Khoa Sài Gòn cũng là nơi nhiều ca sỹ nổi tiếng thời đó đang theo học như Hoàng Oanh, Thanh Lan, Từ Dung… Và các nhạc sỹ như Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng… thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện tại đây.

Ngay cả khí hậu Sài Gòn hồi đó cũng là một điều lạ lẫm. Những năm tháng đó chưa có biến đổi khí hậu như bây giờ. Trời nắng nóng quanh năm, thỉnh thoảng vào mùa Hè có những cơn mưa giông đến thật nhanh, thật ào ạt. Người đi đường chỉ cần tạt vào một mái hiên đứng trú mưa khoảng ba, bốn phút là cơn mưa dứt hẳn. Và nắng lại bừng lên chói chang gay gắt như chưa từng có cơn mưa bao giờ.

Mưa Sài Gòn khác hẳn với mưa miền Trung. Ngoài đó, mùa mưa kéo dài lê thê hết ngày nọ đến ngày kia, có khi kéo dài cả mươi ngày, tuần lễ là chuyện thường. Đi học hầu như lúc nào cũng mang áo mưa, hai vạt áo dài trắng bao giờ cũng gấp lên, hai ống quần trắng bao giờ cũng buộc túm bằng hai sợi dây thun, nếu không muốn bị dính đầy bùn nước. Mùa lạnh, đi học sớm hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, hai bàn tay tê cóng thu trong tà áo dài.

Vào Sài Gòn quanh năm không cần có áo mưa, cũng không cần mặc áo lạnh, tôi thấy hành trang đi học của mình đơn giản hơn nhiều. Và những người bạn Sài Gòn học cùng giảng đường cho tôi cảm nhận tính cách người Nam hồn hậu tự nhiên, ít rào đón như người miền Trung. Có khi họ giành chỗ cho bạn nhưng bạn chưa đến, họ vui vẻ vẫy tôi đến ngồi vào chỗ, khi thấy tôi đi trễ phải trải giấy dưới nền mà ngồi – chuyện thường ngày ở những giảng đường đông đúc như Văn Khoa Sài Gòn.

Ngày Văn Khoa khai giảng, số lượng sinh viên đông đến mức chóng mặt… (Hình: Khoa Văn Học)

 

Nhà trọ cách trường không xa lắm, nên hàng ngày đi học tôi vẫn đi bộ. Hôm nào cũng đi qua cầu Phan Thanh Giản, (2) để đến trường. Những hôm có thời khóa biểu học cả ngày, tôi mua một ổ bánh mì, một chai nước. Buổi trưa, bạn bè ở lại giảng đường khá đông, người nào cũng gặm bánh mì, nói chuyện rôm rả, rồi ngả lưng xuống ghế giảng đường. Trước giờ vào học không quên rãi sách vở ở các dãy ghế có tay quay để dành chỗ cho bạn.

Hồi đó, không hiểu sao khu trung tâm Sài Gòn có một sức hấp dẫn kỳ lạ đối với tôi. Từ Đại Học Văn Khoa ở đường Đinh Tiên Hoàng, tôi đi bộ xuống chợ Bến Thành, lang thang qua những con đường như Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ. Lê Lợi… như thể phải đến đấy mới thấy được linh hồn Sài Gòn.

Đến trung tâm Sài Gòn, thế nào tôi cũng ghé vào nhà sách Khai Trí để thấy cả một thế giới tri thức của con người Đông Tây kim cổ. Không có tiền mua thì tôi coi… cọp. Rồi sà vào những đống hàng hóa bán solde (3) đổ đống ven lề đường với vải vóc. giày dép… Túi tiền sinh viên chỉ cho phép tôi mua những món hàng như thế. Bây giờ nghĩ lại, tôi ngạc nhiên không hiểu sao ngày xưa mình lại có thể đi bộ khỏe thế. Có lẽ vì vui nên không thấy đường dài.

Một lần vào ngày Chủ Nhật, tôi đi xe Velo- Solex lên nhà một người chị ruột ở đường Lê Đại Hành. Lúc đi ngang qua Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (4), do mất bình tĩnh khi tránh một người đi bộ ngang qua đường, tôi bị té xe ngã giữa đường, bị một vết thương rách da ở cằm. Mấy người dân sống ở gần đó chạy đến đưa dầu cho tôi thoa. Đau thì ít, sợ thì nhiều, tôi hoảng hốt chẳng biết phải làm gì.

Hồi đó, đâu có điện thoại để gọi người thân như bây giờ. Lúc đó, một anh thanh niên đi xe Honda dừng xe đỡ tôi dậy. Anh bảo tôi gởi tạm chiếc xe Velo cho một thanh niên đang ngồi sửa xe đạp ven đường trước Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, để anh chở tôi đến bệnh viện may vết thương ở cằm. Tôi đã gởi xe cho anh thanh niên không hề quen biết này, mà không hề có chút nghi ngại để cho anh thanh niên kia chở đến bệnh viện.

Chủ Nhật, tôi đi xe Velo- Solex lên nhà một người chị ruột. (Hình minh hoạ: Ngo-Quyen.org) 

Vị bác sĩ vừa may vết thương ở cằm tôi, vừa nói: “Em mà không may chỗ vết thương này thì sẽ trở thành một cái sẹo to đấy.”

May xong vết thương, anh thanh niên tốt bụng kia lại chở tôi về chỗ cũ. Từ xa, tôi đã thấy chiếc xe Velo – Solex của tôi vẫn dựng bên đường.

Tôi cảm ơn hai người thanh niên không quen biết kia và nghĩ sao Sài Gòn lại có nhiều người tốt như vậy. Nếu là người gian, anh thanh niên kia có thể thu dọn đồ nghề rồi mang luôn chiếc xe của tôi đi thì ai biết đâu mà tìm. Hình ảnh hai con người tốt bụng đó vẫn mãi mãi ở trong ký ức tôi với lòng cảm mến và biết ơn sâu sắc.

Sau này, trải qua bao nhiêu năm, có dịp vào Sài Gòn đi ngang qua con đường Trần Quốc Toản, ngang qua Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (5) năm xưa, tôi vẫn nhớ về chuyện xưa với một chút ngậm ngùi dâu bể.

Bây giờ – mấy chục năm sau – khi đã sống định cư ở thành phố Sài Gòn, có dịp chứng kiến cảnh cướp giật, hôi của ngoài đường mỗi khi có tai nạn xảy ra, hoặc sự vô cảm, thờ ơ của người Sài Gòn mỗi khi có tai nạn thương tâm ngoài đường, tôi lại bồi hồi nhớ lại hình ảnh Sài Gòn năm xưa cách đây năm mươi năm, hơn nửa thế kỷ.

Mức độ văn minh hiện đại của cuộc sống tỷ lệ nghịch với sự băng hoại của thế thái nhân tình! Hai người thanh niên tốt bụng ngày xưa bây giờ làm gì? Ở đâu? Còn sống hay đã chết? Nếu còn sống, họ đã là những ông già trên dưới tám mươi tuổi.

“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
(Vũ Đình Liên)

Trong lòng tôi, họ mãi mãi vẫn là biểu tượng cho một Sài Gòn nhân hậu năm xưa.


Vương Hoài Uyên

(1) Mốt HIPPY: Mốt thịnh hành vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70.

(2) Cầu Phan Thanh Giản: Bây giờ là cầu Điện Biên Phủ.
(3) Bán solde: Bán hạ giá, từ thông dụng hồi đó.
(4) Đường Trần Quốc Toản: bây giờ là đường 3 Tháng Hai.
(5) Học Viện Quốc Gia Hành Chánh: bây giờ là Học Viện Hành Chánh Quốc
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 29/Sep/2023 lúc 9:01am

Grall Nhà Thương Xưa Nhất Sài Gòn - Trang Nguyên    <<<<<<


Bệnh%20viện%20Grall%20–%20Wikipedia%20tiếng%20Việt



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 29/Sep/2023 lúc 9:03am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 18/Oct/2023 lúc 9:18am

Sài Gòn 

 

Tôi sống ở Sài Gòn 20 năm và xa Sài Gòn đã 30 năm. Mỗi khi nhớ tới quê nhà, Sài Gòn vẫn như một đốm sáng không bao giờ tắt. Có lẽ vào độ tuổi thanh niên, độ tuổi mà cuộc sống mãnh liệt nhất, tôi đã gắn bó với Sài Gòn. Biết bao chuyện để nhớ. Nhất là vào thời điểm tháng tư.

Tôi không xa Sài Gòn vào tháng 4 năm đó. Không một toan tính nào trong rất nhiều toan tính được hanh thông. Ngày quân đội cộng sản tiến vào Sài Gòn, tôi vẫn còn nguyên tại nhà. Nhà tôi ở Thị Nghè, một trong những mũi tiến công của địch quân. Chín năm trước đây, năm 2005, khi tờ Việt Mercury ở San Jose ra số đặc biệt 30 năm nhìn lại ngày mất Sài Gòn, Nguyễn Xuân Hoàng có hú tôi viết bài cho anh. Ngày đó, tôi đã ôn lại giờ phút Sài Gòn bị dày vò. “Tiếng chân người, tiếng nói xôn xao từ ngoài đường vọng vào ầm ĩ. Tôi chẳng buồn nhìn ra ngoài. Chiếc cổng sắt im lìm bỗng có tiếng gõ mạnh. Tôi mở chiếc lỗ nhỏ trên cánh cửa kín mít nhìn ra. La Phương! Tôi vội vàng mở cửa. Người ký giả kỳ cựu của làng báo Sài Gòn uể oải bước vào. Chẳng ai buồn nói. Chỉ mới mấy bữa trước La Phương còn lạc quan vào một giải pháp trung lập. Cuộc chiến có trên 20 năm tuổi sẽ được kết thúc bằng một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai phía. Người cựu ký giả của hãng thông tấn Pháp AFP có liên hệ nhiều với người Pháp đã khẳng định một cách lạc quan như vậy. Tình hình chính trị mấy ngày qua như càng ngày càng xấu đi. Ba Tổng Thống trong vài ngày là một chỉ dấu không tốt đẹp gì. Hy vọng đặt cả vào một Dương Văn Minh được lòng nhiều phe phái. La Phương nhún vai, lắc đầu. Moa cũng không hiểu sao nữa! Ngồi một lúc, La Phương ngơ ngẩn ra về…Nghe thấy tiếng xe tăng chạy ngoài đường, tôi vội ra coi thử xem sao. Hai chiếc đầy nhóc lính cộng sản đứng giương cao lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam phần phật bay theo gió đang tiến vào Saigon theo đường Hùng Vương dẫn tới cầu Thị Nghè. Bỗng tôi nghe thấy tiếng súng ở phía cầu. Mọi người nhốn nháo. Những thanh niên đeo băng đỏ, mặt đằng đằng, chạy tới chạy lui. Khu chợ đồ Mỹ tự phát bên lề đường như đàn kiến bị phá vỡ tổ. Chỉ một lúc, đâu lại vào đấy. Người ta kháo nhau về mấy tiếng súng vừa qua. Lính giữ cầu đã nổ súng vào đoàn xe và bộ đội trên xe đã bắn lại. Xác chết còn nằm trên cầu. Những người đi coi về kể lại như kể về một chuyện xảy ra trên màn ảnh. Tôi đứng nhìn khu chợ càng ngày càng phình ra. Họ bán những đồ Mỹ hôi được bằng cách phá kho Tân Cảng ở gần đó. Đồ dùng hằng hà sa số đủ thứ. Bàn ghế, dụng cụ văn phòng, máy lạnh, quạt máy, kem đánh răng, sữa bột, bánh kẹo, đồ chơi, đồ nhà bếp… Giá cả rẻ rề. Chỉ mấy ngày trước giá đồ Mỹ còn vắt vẻo trên cao, chẳng phải ai cũng mua được. Bây giờ đồ Mỹ lê la dưới đường, giá cũng sát sạt dưới đường. Người mua kẻ bán bận bịu như không hề biết là họ đang bị kéo đi theo một khúc quanh của lịch sử. Khúc quanh gắt dữ dằn”.

Đời tôi cũng quanh theo khi vào giữa tháng 5, tôi xách chiếc túi nhỏ tới trường Trưng Vương trình diện đi “học tập cải tạo”. Đó là lần thứ nhất tôi xa Sài Gòn. Chẳng kịp nhỏ được một giọt nước mắt. Cải tạo (sic) về, chúng tôi như những con kiến bị vây khổn, chỉ tính đường thoát đi xa. Mãi tới mười năm sau, tôi mới thực sự xa Sài Gòn. Lần này tôi mới có nước mắt, không biết là nước mắt vui hay buồn!


Sài Gòn đến với tôi trước khi tôi tới Sài Gòn. Cuối thập niên 1940, ông anh họ con một ông bác tôi, từ Sài Gòn ra Hà Nội chơi. Anh em tôi cứ ngơ ngẩn khi nghe ông anh nói tiếng Sài Gòn trong lúc chơi đùa với nhau. “Tìm” được ông anh Sài Gòn nói là “kiếm” khi chúng tôi chơi trò trốn tìm. “Được” lại gọi là “đặng”. “Thằng ấy” thành “thẳng”. Và tiếng “ủa” ông anh tôi thốt ra thường xuyên khiến chúng tôi cười ngất. Ngày đầu ở Sài Gòn, thấy một đám cãi nhau ngay trước cửa nhà ở đường Lê Thánh Tôn, gần chợ Bến Thành, tôi chạy ra coi. Hai bà buôn bán la lối, xỉa xói kịch liệt. Tôi dỏng tai ra nghe. Những âm thanh lạ lùng hình như không phải là tiếng Việt. Khi trở vào nhà, ông bác tôi hỏi mấy người đó gây nhau chuyện chi vậy, tôi ngây ngô trả lời: “Cháu chẳng hiểu họ nói gì!”. Ông bác tôi cười ngất thằng cháu Bắc Kỳ di cư ngồ ngộ! Mới nghe thì thấy giọng Sài Gòn cũng ngồ ngộ. Cái giọng như một thứ trái cây chín nẫu, nhẽo nhẹt nhưng thơm ngọt tình thân. Ông Hải Phan có những phân tích kỹ lưỡng về cái giọng Sài Gòn: “Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang, sang sảng riêng…Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu... Người miền khác có thích hay khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này. Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dzìa nghen!” . Chủ nhà cũng cười “Ừ, dzậy anh dzìa hen!”. Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!”. “Thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên lên tiếng “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu thoải mái…Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?” . Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói “Sao kỳ dzậy ta?” “Sao rồi ta?” “Được hông ta?”…Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà…hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà, “coi dzậy mà hổng phải dzậy”.


Sống lâu với Sài gòn, đã quen với cái giọng Sài Gòn, thấy dễ thương chi lạ. Nhất là nghe người con gái Sài Gòn thủ thỉ tiếng Sài Gòn. Những đứa trẻ di cư năm 1954 đó, sống với Sài Gòn, chơi với bạn bè Sài Gòn, lớn lên bồ với con gái Sài Gòn, thấy giọng Sài Gòn nghe rất hợp với những thủ thỉ tâm tình. Nhiều ông bạn Bắc Kỳ di cư của tôi chỉ vì một cái giọng mà rước về nguyên một con người. Ông M.Q.H. diễn tả sự khác biệt này bằng một hình ảnh: “Nếu phải so sánh Sài Gòn với Hà Nội chẳng hạn, thì ta có thể so sánh ngay hai loại ổi của hai xứ. Ổi đào Hà Nội thơm lừng, ngọt ngay, ruột đỏ tươi rất đẹp, nhưng cùi mỏng, hột to, vừa khó nhá vừa chỉ nhắm được tí là hết. Ổi sài Gòn to hơn nắm tay, cùi dày, không ngọt và thơm như ổi đào nhưng giòn tan, cắn một miếng là mát lịm, lại có thể chia cho nhiều người ăn, chấm muối ớt, nghe qua là chảy nước miếng. Con gái Sài Gòn cũng vậy, nghe qua là…chảy nước miếng!”.

Sài Gòn dần dần thân tình, thấm vào máu, nằm trong tim của lũ chúng tôi. Vậy nên tới bây giờ, nhớ về quê hương, chỉ nhớ tới Sài Gòn. Tôi đã bao lần định trách khéo ông Du Tử Lê đã làm chết tim tôi khi nghe bản nhạc “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn” được phổ từ thơ của ổng. Vậy mà bao lần gặp ông, khi ở Cali, khi ở Montreal, tôi chẳng thốt ra lời được. Những địa danh Thị Nghè, Xa Lộ, Hàng Xanh làm tôi chết điếng nỗi nhớ nhà.

ngỡ hồn tu xứ mưa bay

tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa

đêm về trên bánh xe qua

nhớ em Xa Lộ nhớ nhà Hàng Xanh

nhớ em kim chỉ khíu tình 

trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre

nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè

nắng Trương Minh Giảng lá hè Tự Do

nhớ nghĩa trang: quê bạn bè

nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường

đêm về trên vết xe lăn

tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào? 

Sài Gòn, cái nôi của tuổi mới lớn, là những chói chang trong mỗi chúng tôi. Tuổi trẻ chúng tôi ở đó. Tình yêu đầu của chúng tôi ở đó. Mảng đời tươi vui nhất của chúng tôi ở đó. Dễ gì quên được. Nhà văn Lý Thụy Ý cũng không bao giờ quên: “Sài Gòn của một thời tôi mới lớn, những “con đường tình ta đi” Duy Tân, Trần Quý Cáp, Tú Xương, Công Lý. Những chiều bát phố Lê Lợi, Tự Do. Những rạp ciné. Món bánh tôm hẻm Casino. Những xe bò viên Nguyễn Thiện Thuật. Bánh mì thịt trước chợ Trương Minh Giảng, gỏi đu đủ - khô bò - nước mía Viễn Đông (góc Lê Lợi - Pasteur)…Sài Gòn của tôi “sáng nắng chiều mưa”. Mưa như được lập trình sẵn. Hoặc chiều hoặc sáng, có khi… cùng giờ nên người Sài Gòn có thể nhởn nhơ bát phố khi “cơn mưa qua”, rất ít khi mưa như… đòi nợ! Nắng Sài Gòn không quá gắt. Có lẽ nhờ thế nên mới chợt mát chỉ qua màu áo lụa Hà Đông. Sài Gòn của tôi có những ngôi trường đi vào thơ và nhạc như Văn Khoa, Luật, Gia Long, Trưng Vương, những con đường địa chỉ báo như Lê Lai, Phạm Ngũ Lão… Hồn đất và hồn người quyện nhau hồn hậu, chân tình…Sài Gòn của tôi trẻ - luôn luôn trẻ. Không phải vì thiếu phố cổ hay người Sài Gòn không thích “ra vẻ cụ” mà vì Sài Gòn luôn luôn mới, hồn nhiên và dễ thương, không điệu đà, kệch cỡm. Sài Gòn của tôi còn nhiều hơn thế. Không diễn tả hết dù văn hoa cách mấy. Không lớn lao gì, kỷ niệm chỉ chứa đầy ngăn cặp học trò. Sự ồn ào sống động, dễ thương của vùng đất và con người. Đi xa, cứ về đến cầu Sài Gòn hay cầu Bình Điền là coi như đến nhà. Như bạn bè cùng trang lứa, tôi giữ Sài Gòn như giữ chính cuộc đời mình. Khóc một ngày khi thương xá Tam Đa bị thiêu rụi. Thức một đêm khi Eden bị đập bỏ”.

Sài Gòn ngày nay đang bị cắt lìa khỏi quá khứ. Những thương xá Tam Đa, hành lang Eden, đường Tự Do còn níu chăng những bước chân bát phố của chúng tôi một thời hoa mộng. Những Pagode, Brodard, Givral ngày xưa nay đã bị cày nát, mất máu. Có một lần, về với Sài Gòn, ngồi lại với bạn bè còn lại tại Givral, tôi đã như được sống lại thời xưa cũ. Nếu cần khóc, chắc tôi cũng khóc được, nhưng ngày đó tôi chỉ lâng lâng như một thời quá khứ bỗng vụt dậy, khẽ lay vai tôi, ấn chìm hồn tôi xuống. Givral nay không còn nữa. Ngày nghe tin Givral bị khai tử cùng với hành làng Eden, nhà sách Xuân Thu, tôi đã lặng đi. Bạn bè cũ ngày đó, nay biền biệt. Nhà thơ Đỗ Trung Quân tiếc nuối. “Givral khai trương đồng thời với tòa nhà Vincom Center. Nó vẫn nằm ở vị trí cũ. Nhưng, tất nhiên, nó không còn như cũ. Một Givral mới với một lịch sử đi qua quá sâu đậm với người Sài Gòn. Những ai nặng hoài niệm một không gian ấm cúng kiểu Tây hẳn sẽ hoàn toàn lạ lẫm với Givral hôm nay, kiến trúc tổng thể của khối nhà Vincom pha trộn kiến trúc Á- Âu, nó phảng phất đường nét của kiến trúc đâu đó trên đảo quốc Singapore. Givral mới cũng xóa hẳn phong cách kiểu Pháp đã có hơn nửa thế kỷ của nó. Giờ đây, dù lộng lẫy, nó chỉ như một quán cà phê hộp có bán bánh ngọt. Thế thôi! Hóa ra muốn làm văn hóa, hay tìm lại một không gian mà lịch sử tình cờ để lại nơi đây, không dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi những người tiếp quản, và tiếp tục nó cần nhiều điều hơn chỉ là nơi “xơi bánh ngọt – uống cà phê”.

Sài Gòn đã mất dấu. Lâu lắm tôi không về lại Sài Gòn. Song thân tôi đã lần lượt theo nhau đi trong hai năm liền. Đó là hai lần cuối cùng tôi về lại Sài Gòn, để sống những giờ phút buồn bã của chia lìa. Cũng đã trên chục năm. Ngày đó, Sài Gòn mới chỉ mất quán Cái Chùa. Nhìn trên mạng internet thấy những hình ảnh diêm dúa của Sài Gòn ngày nay, tôi thấy hụt hẫng. Trát son trát phấn, Sài Gòn như xa lìa chính mình. Không còn là Sài Gòn của chúng tôi. Ông Nguyễn Hậu, một người mới từ Bắc vào Sài Gòn, cũng thấy tiếc Sài Gòn xưa, Sài Gòn thời đích thực là Sài Gòn. “Sài Gòn xưa thật đẹp, văn minh và thanh bình với những con người hiền lành, mộ đạo. Nếu không có những bức ảnh tư liệu mà mỗi ngày càng được người ta chia sẻ càng nhiều, không có hàng ngàn những bản thu âm trước 1975 về dòng nhạc trữ tình Sài Gòn đã một thời lên tới đỉnh cao của văn hóa/ nghệ thuật, rồi các kiệt tác văn chương…, những người sau này ắt hẳn chẳng bao giờ tin vào điều đó – Hòn ngọc Viễn Đông – vì sách giáo khoa không nói như vậy. Tôi đến với mảnh đất này với tâm thế của một người hiền lành và tôi cũng nhanh chóng nhận ra mình chưa đủ tử tế và hiền như Sài Gòn. Tôi tri ân Sài Gòn như đất mẹ thứ hai đã cho tôi biết bao điều tốt đẹp, đã dung dưỡng và trao cho tôi những điều thật tử tế. Tôi đến và ở lại Sài Gòn không chỉ vì mưu sinh, một ước mơ ngông cuồng nữa, mà vì tôi yêu, tôi thấy mình thuộc về mảnh đất này. Tôi cũng biết nhiều người xứ tôi đã làm cho Sài Gòn dữ và biến dạng đi từng ngày. Tôi chỉ có tâm nguyện một ngày còn ở lại nơi này là một ngày gieo xuống những hạt mầm lành, gieo xuống sự tử tế và gìn giữ những hạt mầm tử tế còn sót lại… Tôi chỉ là một tay Bắc Kỳ lạc thời, tơ tưởng và hướng đến cái đẹp và sự tử tế. Tôi tin vào những giá trị bền vững theo thời gian và trên con đường ngược chiều ấy tôi tìm thấy hay nói đúng hơn là nhận ra những người cũng ấp ôm một điều tốt đẹp nào đó cũng đang cố gắng đi ngược chiều đồng loại. Tôi nhớ hoài một câu nói của người bạn đời của mình: “Đêm hỗn mang thắp hỏa châu đi tìm bộ lạc”… Có lần một người bạn Sài Gòn mà tôi rất quý mến nói “anh thật sự là một người Sài Gòn”, với tôi, đó là lời khen tặng mà tôi trân trọng vô ngần và có thể nói là hãnh diện nhất (Có lẽ là không xấu hổ với những tiền bối đến đây từ những năm 54 và rất được người Sài Gòn yêu mến)”.


Cái mà Sài Gòn làm được là đã thu phục được chân tâm của những con người ở bên kia vĩ tuyến. Chỉ bằng sự văn minh và đáng yêu của chính mình. Chắc chúng ta hầu như ai cũng biết về giai thoại nhà văn Dương Thu Hương đã ngồi khóc trên vỉa hè Sài Gòn ngày bà theo đoàn quân tiến vào Sài Gòn. Bà đã trả lời nhà báo Đinh Quang Anh Thái của báo Việt Tide vào cuối năm 2007: “ Khóc thì tôi có hai lần khóc. Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cả mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bầy trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, c***ette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ. Ông Thái đừng quên rằng, ở miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói. Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ . . .nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải”.

Sự hàm hồ của lịch sử đã cướp đi cái tên Sài Gòn. Sài Gòn ngày nay đang đội vòng gai. Nhưng cái tên Sài Gòn vẫn mãi mãi ở trong lòng người dân Việt, nhất là trong sâu thẳm tâm trí của chúng tôi, những đứa con của Sài Gòn. 

 

SONG THAO  
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 26/Oct/2023 lúc 8:16am

Thương nhớ BẾN PHÀ miền Tây ! <<<<<<

Thương%20nhớ%20BẾN%20PHÀ%20miền%20Tây%20!%20-%20YouTube


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 26/Oct/2023 lúc 8:21am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 11/Nov/2023 lúc 3:03pm
Đường Pasteur - Nhớ người không quen

   
Saigon%201969%20-%20Đường%20Pasteur,%20bên%20phải%20là%20ĐH%20Kiến%20Trúc,%20bên…%20|%20Flickr

Đối với tôi, đường Pasteur là con đường rất đẹp, với lề đường rộng và cây xanh chen lẫn các ngôi biệt thự xây từ thời thuộc địa vẫn còn tồn tại.

Đây là con đường sang trọng và tao nhã, với cây cao bóng cả thả nắng vàng xuống mặt đường mỗi ngày.Thật khó hình dung con đường này, vốn lộ giới chỉ khoảng 20 - 25m, thời Pháp thuộc thực chất là hai con đường chạy dọc hai bên một con rạch nước chảy, có lẽ đổ ra rạch Nhiêu Lộc, đều mang số 24.

Năm 1865, khi người Pháp đã ổn định chế độ thuộc địa, họ đặt tên đường bên trái là Olivier còn đường bên phải là Pellerin. Sau con rạch được lấp đi và hai đường nhập làm một, thành đường Pellerin.

Năm 1955, chính quyền TT Ngô Đình Diệm đổi thành đường Pasteur. Tháng 8.1975, đường đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai nhưng cho đến năm 1991, lấy lại tên Pasteur. Đường chạy từ đường Võ Văn Kiệt cho đến Trần Quốc Toản khoảng 2,5 cây số.

Có lẽ sự kiện đầu tiên mang tầm vóc lớn nhất mà cư dân dọc hai bên đường chứng kiến là sự kiện nhà yêu nước Phan Châu Trinh mất năm 1926. Linh cữu của cụ được quàn trên con đường này, nhà Bá Huê Lầu của ông Huỳnh Đình Điển ở số 54. Tang lễ được thân hào nhân sĩ Sài Gòn tổ chức cử hành như nghi thức quốc tang. Từ tờ mờ sáng, người người từ khắp thành phố và vùng phụ cận đổ về đường Pellerin để đưa tang.

Đám tang đi theo lộ trình từ nhà 54 qua đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn), đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng) rồi đi thẳng xuống Phú Nhuận đến nghĩa trang Gò Công tương tế ở Tân Sơn Nhứt. Đó là một sự kiện chấn động vì lễ tang của cụ lớn chưa từng có ở Sài Gòn, với hơn 6 vạn người tham dự đưa linh cữu đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Sự kiện lớn đó khuấy động không khí yên tĩnh của con đường toàn biệt thự kín cổng cao tường này. Dù vậy, đoạn đường Pellerin phía trung tâm Sài Gòn thuộc quận 1, mé Hàm Nghi vẫn sôi động hơn do hoạt động buôn bán so với hai bên dãy phố từ ngã tư giáp đường Lê Duẩn ngày nay đi xuống phía đường Trần Quốc Toản với đa số biệt thự.

Đường%20Pasteur%20-%20Nhớ%20người%20không%20quen

Người đi xe đạp trên đường Pellerin khoảng 1950. Trong hình là chỗ gãy góc của đường Pasteur, đó chính là ngã tư Pasteur - Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng). Ảnh: TL

Một nhà sưu tầm dĩa nhạc cho biết thời thập niên 1920 - 1930, trên đường này có đại lý hiệu dĩa Béka là hãng Société indochinoise d’ Importation ở số 40-44 rue Pellerin, vừa bán máy vừa bán dĩa mà anh thỉnh thoảng thấy in trên bao bì dĩa hát xưa. Anh kể khi tò mò lục báo Phụ Nữ Tân Văn xuất bản thời đó tìm tung tích hãng dĩa mới biết ngay góc Pasteur và Hàm Nghi bây giờ từng có dinh lãnh sự Trung Hoa mới được dời về năm 1936, là sự kiện long trọng đối với người Hoa ngụ cư nên họ kéo nhau đi xem chật đường. Sau này, đây là tòa đại sứ Đài Loan cũ trước khi dời về đường Hai Bà Trưng trước năm 1975.

Báo chí xưa thuật lại: đầu hè năm 1937, ngã tư Pellerin và Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) có một vụ đụng xe đáng nhớ. Buổi chiều, một chiếc xe tracteur kéo theo chiếc rờ mọt trên đường này chạy xuống đến ngã tư nói trên thình lình thấy một chiếc xe đạp ba bánh của chú Lý Yên chở vài chục tĩn nước mắm từ chợ Bến Thành định đưa lên Phú Nhuận bán.

Anh tài xế xe tracteur thấy chiếc xe đạp đó liền bẻ tay lái qua bên phải để tránh nên chạy lủi xuống mé sông. Thình lình, có một chiếc xe mui kiếng của bà Phạm Thị Vân ở dưới đường Pellerin chạy lên bị chiếc tracteur đụng ngay phía hông trái rất mạnh. Anh lái xe mui kiếng thấy xe mình bị đụng liền lấy tay lái qua phải, ủi chiếc xe nước mắm lật ngang, bao nhiêu nước mắm bể hết ráo.


Đường%20Pasteur%20-%20Nhớ%20người%20không%20quen
Cuối cùng, chiếc tracteur vẹo bánh trước, chiếc xe mui kiếng bị móp hông trái và xe đạp ba bánh hư nát. Nước mắm bốc mùi khiến dân khu phố chung quanh bị ám ảnh đâu cũng có mùi nước mắm mất mấy ngày.



Trang báo quảng cáo một nhà buôn trên đường Pasteur. Ảnh: TL

Lúc đó, nhà số 2-4 là Ngân hàng Indochine. Số 25 là quán cà phê kiêm nhà hàng Yeng Yeng, hiện nay là một cơ sở của Saigon Tourist. Số 93 Pasteur là dưỡng đường của bác sĩ Trần Văn Đỗ, được quảng cáo có nhiều phòng rộng rãi để nuôi bệnh và sản phụ; có cả nhà mổ và sinh khó, có cả rọi kiếng (X quang), chụp hình phổi tim bao tử, trị bệnh bằng tia cực tím.

Bên kia đường, số nhà 80, thời gian sau xuất hiện thêm một ông “y khoa học sĩ bào chế” tên Nguyễn Văn Cung gần Chợ Cũ chuyên trị bệnh hậu như nhức mỏi, phong thấp, bại xụi, tê thấp, lao phổi, máu huyết, tê bại, phong đơn, phong tình… Số nhà 162 trước đây là nhà Đốc phủ Hải, hiện nay là một tòa nhà lớn cho thuê làm văn phòng.

Trước năm 1975, khi tôi còn nhỏ đã có nhiều dịp đi ngang con đường xinh đẹp này, nhưng kỷ niệm lại không vui vì phải đi chích thuốc ngừa phong đòn gánh (bây giờ gọi là bệnh uốn ván) ở Viện Pasteur cuối đường. Lúc đó, nhớ mang máng chỗ phở Hòa bây giờ chỉ là xe phở bán trên lề đường mà tôi được ăn sau khi chích ngừa.

Đường%20Pasteur%20-%20Nhớ%20người%20không%20quen

Gần đó là nhà may Thiết Lập rất nổi tiếng ở Sài thành thường quảng cáo trên báo, mà nhà tôi thường có tờ tuần báo Thẩm Mỹ Tân Tiến để chị tôi đọc mục dạy cắt may của bà Nguyễn Thị Bắc, chủ nhân. Thời đó, áo dài kiểu tay raglan đang thịnh hành. Nhìn vào tiệm may thấy thợ ngồi đông đúc, nghe nói tới 50 thợ may. Báo chí đăng trung bình mỗi ngày tiệm giao khoảng 100 áo dài cho khách, các ngày gần lễ Giáng sinh hay Tết còn nhiều hơn.



Tiệm may Thiết Lập. Ảnh: TL

Trên con đường này, lưu dấu một hình ảnh mà những người lớp tuổi bảy mươi sống ở Sài Gòn trước năm 1975 trở lên còn nhớ. Trong cuốn Hồi ký của Nguyên Sa, ông kể một kỷ niệm về thời còn làm báo ở Sài Gòn, thỉnh thoảng ông đi chơi cùng nhà văn Mai Thảo trên chiếc xe Fiat hiệu Austin, lòng vòng các đại lộ Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ… Mai Thảo lái xe đến một căn nhà gần bờ sông Sài Gòn, cả hai ngồi trong phòng khách nhà một thiếu nữ mắt rất đen và to mà Mai Thảo quen biết. Cô ta đến sau bức bình phong, thay bộ đồ để đi chơi cùng hai ông. Phía sau bức bình phong chỉ ló ra đầu và hai chân, cô ta nhìn Nguyên Sa cười có vẻ e thẹn. Sau đó, cả ba lên xe đi chơi tối, có khi đi chơi ở nhà hàng - vũ trường Arc en Ciel.

Lần cuối cùng Nguyên Sa gặp cô gái ấy là trên đường Pasteur. Ông kể khi đang yên vị trên xe thì “Mai Thảo dừng xe có phần gấp gáp, không có nét bay bướm nào. Anh đang phóng nhanh bỗng thắng két, tấp xe vào lề, đậu xe bên phía tay mặt đường Pasteur. Mai Thảo ra khỏi xe không một lời giải thích”. Cả hai xuống xe, băng qua con lộ xe chạy một chiều vun vút.

Nguyên Sa thấy: “Mai Thảo dừng lại trước một người hành khất, một người phụ nữ, móc trong túi ra một nắm giấy bạc, anh chuyển nắm giấy bạc sang tay kia, tìm kiếm thêm. Tôi không nhận ra người hành khất là ai, chỉ thấy mặt loang lổ những vết cháy nổi lên những mảng thịt nửa đỏ nửa tím sậm dị dạng. Hai mắt vết cháy càng rõ, lòng trắng và lòng đen bị hủy hoại lổn nhổn. Bạn tôi bỏ nắm tiền vào chậu bằng nhôm, những tờ giấy chạm vào tay người đàn bà hành khất. Dường như nàng biết ngay người cho tiền là ai, ai có thể cho nàng nhiều tờ giấy bạc như thế. Nàng ngẩng mặt lên gọi “anh”. Mai Thảo vỗ nhẹ vào bàn tay nàng có tiếng nói bằng xúc giác, không có âm thanh nào được cất lên”.

Khi trở lại xe, Nguyên Sa nói ngay tên nàng. Mai Thảo gật đầu. Cẩm Nhung, tên người phụ nữ thay áo sau tấm bình phong mỗi lần hai ông đến đưa nàng đi làm, đi ăn hay ra hóng mát. Cô bị tạt axít trong một trận đòn ghen mà báo chí đưa rất nhiều. Nguyên Sa nhìn bạn ngậm ngùi: “Cẩm Nhung!” và Mai Thảo nhìn về phía trước, như nói một mình “Nhung đấy!”.

Con đường không quá dài, nhưng mỗi đoạn đường mang đến một cảm giác khác. Nhớ hồi nhỏ, ra Lê Lợi mua sách cùng với anh thì thế nào cũng phải ghé góc Lê Lợi - Pasteur ăn gỏi khô bò và uống nước mía. Xuôi xuống, qua công viên trước dinh Độc Lập thì biệt thự và cây xanh nối tiếp, đến gần cuối đường, đi qua viện Pasteur ngay góc Trần Quốc Toản có một bô rác nhỏ làm xấu con đường xinh đẹp này. Rồi lớn lên, đi làm. Thỉnh thoảng tôi ngồi uống cà phê trên vỉa hè gần cổng trường Đại học Kiến trúc ở số 196 Pasteur.

Ở đó, tôi nghe một đàn anh hành nghề kiến trúc sư tốt nghiệp từ trước năm 1975 kể câu chuyện khó tin trong trường. Anh kể trường này có nhiều… ma mà sinh viên ở lại trường làm bài khuya thường “thấy”. Ma là phụ nữ ngồi ru con ở đầu tường gần khu nhà vệ sinh. Ma cụt giò chiếm phòng chấm bài. Cuối họa thất 1 có cô nữ sinh mặc áo dài trắng ôm cặp ngồi trên bàn vẽ đung đưa chân, khu khác còn chàng thanh niên thường thơ thẩn.

Bài viết đăng trên một diễn đàn cựu sinh viên kiến trúc kể rằng hồi lính Nhật chiếm Sài Gòn trước năm 1945 có đóng trụ sở ở đây, phía dãy nhà văn phòng và họa thất là khu chuồng ngựa, gần đó là phòng giam người. Người dân gần đó chứng kiến lính phát xít Nhật giết nhiều người ở đây nên có oan hồn uổng tử đi lởn vởn.
Đường%20Pasteur%20-%20Nhớ%20người%20không%20quen


Điều đáng tiếc nuối nhất với tôi là vườn hoa Vạn Xuân đối diện Đại học Kiến trúc phía bên trái ngay góc ngã tư Pasteur - Trần Quý Cáp mà những năm 1980 tôi còn thấy. Trước năm 1975, đối diện vườn hoa này ngoài Đại học Kiến trúc còn có trường tiểu học Trần Quý Cáp, phòng đọc sách thiếu niên Trung tâm Sài Gòn. Vạn Xuân là vườn hoa nhỏ, một trong hai vườn hoa đẹp ở Sài Gòn cùng vườn hoa Chi Lăng. Vườn có cây cối xanh tươi, phía xa có ngôi nhà kiểu thuộc địa sơn vôi màu vàng, được dân quanh đó gọi là Nhà đèn, cảnh trông như một vườn hoa ở nước Pháp trong tranh vẽ.

Trước năm 1975, đây là nơi nam sinh các trường Lasan Taberd, Võ Trường Toản hay nữ sinh Marie Curie, Gia Long, Trưng Vương thích đến dạo chơi, có nhiều kỷ niệm thuở học trò. Từ thập niên 1980, vườn hoa này nhập vào khuôn viên nhà thi đấu thể thao Phan Đình Phùng nên bị xóa sổ.



Vườn hoa Vạn Xuân nay không còn. Ảnh: TL

Tôi vẫn đi con đường này hằng ngày, thỉnh thoảng nhìn vào trụ sở Hội Mỹ thuật thành phố, ở ngôi nhà 218A. Ở đó, bỗng nhớ những dòng chữ của họa sĩ Hà Cẩm Tâm, học trường Mỹ thuật Gia Định ra, vẽ đẹp và viết nhiều bài rất hay trên trang Gió O. Tháng 4.1997, về thăm nhà sau 20 năm ở xứ người, ông sẵn dịp làm một cuộc triển lãm cá nhân tại Hội Mỹ thuật thành phố. Cuộc triển lãm kéo dài trong mươi ngày đầu tháng 6.1997 với 45 bức tranh sơn dầu vẽ tại Sài Gòn trong một tháng.

Trong bài Tưởng mất mà còn, ông nhắc đến nhà văn Dương Trữ La là bạn thân thiết: “Dương Trữ La ở phòng tranh chơi với tôi suốt buổi chiều. Ra ngồi uống cà phê vỉa hè đường Pasteur, tôi ngước mắt nhìn hai hàng cây trẻ thơ hai bên đường năm nào mà hôm nay đã thành những cổ thụ già như trong Ai xuôi vạn lý của Lê Thương. Chẳng nói nhiều với nhau, thỉnh thoảng chỉ nhắc lại kỷ niệm, bạn bè kẻ còn người mất, người chết kiểu này, kẻ sống kiểu kia, người ở lại, kẻ ra đi mịt mờ sương khói. Trong tâm thức, cả hai đều chung một con đường tuần cảm, một chấn động đầy vơi, một nỗi bàng hoàng, một niềm chua xót...”. Vài câu lay động lòng kẻ hậu sinh, tuy chưa bao giờ hân hạnh gặp và nay ông cũng đã mất.

Kỷ niệm vụn về con đường nhắc lại mà thấy hơn 60 năm vèo qua quá nhanh trên thành phố này.

PHẠM CÔNG LUẬN





Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 11/Nov/2023 lúc 3:05pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/Nov/2023 lúc 8:58am

Xem Hát Miền Quê Tôi

(Hình minh họa)

Nghe tiếng trống 3 dùi một: Thùng thùng! Thùng! Thùng thùng,Thùng!..là tôi nôn nao cả người. Đó là tiếng trống “rao bảng” của gánh bầu Trình về hồi sáng mà thằng Tửng đã thông báo cho cả bọn chúng tôi hay. Mẹ đã hứa cho tôi tối được xem hát, nhưng với điều kiện là phải xắt và bằm xong một thúng chuối cây cho con ụt (heo)! Chuyện nầy không nặng mà cũng không nhẹ nhàng gì. Với con dao xắt mà thợ rèn rèn để chuyên dùng cho việc xắt chuối nên nó bén ngót;và nhờ cái cán dài tựa vào vế, nên cây chuối to đùng tôi chỉ khứa có 6 khứa là xong một lát, nhưng sao lần nầy tôi thấy ngán cái việc tầm thường nầy quá! Còn nửa thúng nữa mới xong, tôi định bỏ dao chạy ra xem (“rao bảng”), nhưng sợ mất thời gian mà trễ xuất hát. Đúng ra tôi muốn đến sớm để cùng lũ bạn chơi đùa và “ăn” nước đá nhận, chứ tới tối mới mở màn, thì làm sao trễ được? Phải chi có thằng Tửng lại, biểu nó phụ bằm thì hay biết mấy!


Từ “rao bảng” thời bây giờ ít được nhắc tới nên các bạn khó mường tượng được. Như vầy: Khi gánh hát vừa tới nơi thì có bộ phận trang trí sân khấu...và một bộ phận đi... “rao bảng”!

Thường bầu hát mướn một cỗ xe ngựa, (loại phương tiện giao thông cao cấp thời ấy ở quê tôi), hai bên hông và sau xe được treo 3 tấm bảng đề tên tuồng hát và hình ảnh ấn tượng nhất của vở tuồng được diễn tối hôm đó. Trên xe có một cái trống chầu và một người đánh trống, thường là người trong đoàn, nhưng đôi khi cũng là người tình nguyện ở lớp tuổi đàn anh của chúng tôi (để được đi xe ngựa và được đánh trống chơi)! Sau xe ngựa là cả bọn chúng tôi... chạy bộ theo; dọc đường lại được các bọn khác tháp tùng, nên xe “rao bảng” cũng coi xôm tụ lắm.

Cứ hai tiếng nhặt, một tiếng khoan (Thùng thùng! Thùng!) theo bước chân ngựa thật chậm từ đầu làng đến cuối làng. Và như thói quen như nghe tiếng chuông cà rem; nghe tiếng trống, thì ai cũng biết gánh hát về!


Tiếng trống xa dần. Hồi sáng thằng Tửng nói tối nay hát tuồng Tôn Tẩn Hạ San tôi càng háo hức được xem. Tôi khoái chuyện nầy qua lời kể của mẹ tôi, nên lấy lại khí thế xắt cho xong nửa thúng còn lại. Để khích lệ tinh thần, mỗi lần khứa dao, tôi đọc thầm trong bụng: “Tôn-Tẩn-Hạ-San-Tôn-Tẩn- phực!”, đến “phực”, 6 khứa dao, là xong một lát chuối; lát mới tôi đếm lại từ đầu: “Tôn-Tẩn..phực!” được 5,10 cái “phực” thì đã mỏi tay. Tôi kiên nhẫn thêm vài cái “phực” nữa thì thằng Tửng áo vắt trên vai, cổ lòng thòng chiếc ná thun, vốn là vật bất ly thân của nó; hổn hển hỏi tôi:

- Chưa rồi sao mậy?

Tôi mừng húm:

- Mầy phụ bằm với tao đi! Gần xong rồi!

Nó tự động lấy tấm thớt và con dao quen thuộc, ngồi cạnh tôi, hốt chuối ra bằm. Thao tác nhuần nhuyễn như đầu bếp chuyên nghiệp bằm thịt!

Trong bọn, tôi thích thằng Tửng nhất, vì nó xông xáo và hay giúp đở bạn bè. Nó lại có nhiều tài vặt mà bọn chúng tôi không có hoặc thua xa; như dám bơi qua lại con rạch cái hai lần khi nước chảy xiết, biết cỡi trâu, đặt lờ, bắt cá và leo cây như khỉ, còn gan dạ nữa! Đi chơi với nó không hề bị đói. Mùa vú sữa thì ăn vú sữa ở đinh, chùa. Các mùa khác thì...chui rào hái trộm! Gần tết, khi ruộng vừa gặt xong, những chỗ nước đọng lại, nó chỉ huy chúng tôi đắp hầm bắt cá. Trong lúc chờ đợi cá nhảy vào, nó làm bẫy cò ke để bắt những con cò xấu số đang lặn hụp tìm mồi.

Được cá, nó bảo chúng tôi bứt gốc rạ khô, đốt lên rồi thảy cá lớn cá nhỏ vào. Chỉ một lát, mùi cá chín bốc lên ngậy cả mũi. Khều cá ra, lấy rạ chà sơ lớp cháy bên ngoài, để lộ lớp thịt vàng lươm…

Tôi dừng tay lại:

- Mầy rủ tụi nó chưa?

- Rồi! Làm lẹ đi!

Cứ mỗi lần gánh hát về thì bộ mặt làng tôi coi xôm tụ lắm. Mới 4 giờ chiều mà mấy chị đã trưng bày các “cửa hàng” của mình: 4,5 xề mía chặt khúc, mấy xề đậu phọng nấu. Tấp nập nhất là “cửa hàng” nước đá của chị Tuyết. Đó là một bàn chữ nhật khá cũ kỹ, ở trên để một bàn bào nước đá, cả chục cái ly và 2 chai sirô. Chị liên tục bào đá, hứng vào một ly rồi ém chặt lại, sau đó xịt sirô vào, lật úp ly lại, lấy ra khối đá hình cái ly đượm màu sirô đỏ thắm, trao cho người mua, toàn là bọn trẻ lứa tuổi chúng tôi! Cứ thế chúng tôi mút! Mút liên tục (nếu không thì sirô theo đá tan ra thì uổng lắm).Tay nầy tê thì đổi qua tay kia, mút chừng nào khối đá còn một miếng nhỏ, chúng tôi bỏ tọt vào miệng nhai rào rạo! Món nầy gọi là “nước đá nhận”, xem ra rất thích hợp với chúng tôi, bởi vừa ăn, vừa chơi đùa được, lại tiện lợi là, sau khi ăn xong, hai môi đỏ đẹp như thoa son; hai tay sạch trơn, như vừa rửa vậy!

Không hiểu sao, cái món vừa ngon lành, vừa rẻ tiền, vừa tiện lợi như thế mà ngày thường các chị không bán, mà phải đợi đến gánh hát về?


Gánh hát đêm đầu, người xem đông. Vì diễn ở nhà lồng chợ, chợ làng tôi cũng như chợ huyện thời ấy chỉ là một dãy nhà nhiều căn liên tục, xung quanh không rào, không cửa (mới gọi là nhà lồng), nên gánh hát về phải lấy vải dày bao xung quanh, chỉ chừa một cái cửa để “bán vé”. Nói “bán vé” chứ vé viết gì đâu? Người bán “vé” luôn là bà bầu, tức là vợ của ông bầu gánh hát, kèm theo là con hay người trong đoàn mà bà tín cẩn. Cứ người lớn vô cửa thì 3 đồng, con nít 1 đồng. Những đêm cuối, thì người lớn 2 đồng, con nít vẫn giữ nguyên, bởi 1 đồng chỉ giá trị 2 gói xôi! Tuy vậy, bà bầu cũng “du di”, thấy đứa nào sạch sẽ... như tôi (!), thì bà cho 2 đứa 1 đồng! Bởi cái “du di” nầy mà xãy ra nhiều chuyện buồn cười:

- Sao 2 thằng đó 1 đồng mà tôi với con tôi tới 3 đồng?

- Thì…thì tại 2 đứa đó dễ thương.

- Vậy chớ con tôi dễ ghét lắm hả? Tui với nó 2 đồng rưỡi  thôi!

- Bà vô 4 người mà trả có 2 đồng rưỡi, chắc chết tôi quá! Dắt một đứa, cõng một đứa, bồng một đứa….

- Em bé không tính tiền mà!

- Thôi vô đi bà nội, rầu bà quá!

2 anh em thằng Xoài thằng Mận là chuyên gia coi cọp. Chúng đợi ở cửa, lợi dụng lúc đông người, xô đẩy nhau, chúng chen vào. 10 lần cũng lọt được 5,6, những lần còn lại bị... kéo lổ tay, đuổi ra.

Tôi vốn nhát gan, nên mua “vé” đàng hoàng. Thằng Tửng nói với tôi:

- Mầy mua “vé” được rồi đó!

- Đợi một hồi cho bớt chen lấn rồi hãy vô.

- Đồ ngu! Mầy vô sau, đứng sau người ta, có nước... hửi đít họ chớ làm sao mà coi?

Rồi kéo tôi ra sau hông nhà lồng, chỉ vào một chỗ; nói:

- Lát nữa mầy vô, mầy lại cây cột nầy nghen!

Tôi ầm ừ, vì không phải lần đầu tiên tôi a tòng với nó. Nó dặn lại:

- Nhớ à nghen!

Vào cửa, vừa tới cây cột nó chỉ thì ở ngoài nó đánh vào vải “bịch, bịch”, biết ám hiệu, tôi nhìn quanh rồi giở vải cho nó chui vào. Chiến thuật nầy hiệu quả hơn của Xoài, Mận nhiều, vì hầu hết nó vô trót lọt! Nếu xui rủi bị phát hiện thì nó cũng không bị kéo lỗ tai; mà là tôi! Tôi khoái nó ở chỗ, dù có trót lọt hay không, hôm sau nó cũng đãi tôi một chầu đá nhận!

“Rạp hát” không có ghế ngồi cho khán giả, muốn ngồi ghế thì tự đem ghế nhà vào, thường là mấy bà già, còn hầu hết thì ai vô trước, đứng trước, ai vô sau đứng sau. Còn vô sau mà muốn đứng trước thì cứ chen lấn! Mấy đêm đầu, người sát như nêm, mùi mồ hôi ngậy mũi, tiếng cãi cọ luôn xãy ra khi chờ đợi mở màn: 

- Mấy thằng quỷ nầy làm gì chạy tới chạy lui hoài vậy? Một người bịt mũi: 

- Ai bỏ “bom nguyên tử” vậy ta?

Mọi người vừa bụm miệng thì lại có tiếng: 

- Hùm... “trái” nầy còn ác liệt hơn nữa!

Ai cũng cười rung cả bụng. Một chị gái: 

- Lợi dụng hả?

- Chật phải cho người ta đụng chớ? Sợ thì ở nhà đi!

Quê tôi trước sau có 4 gánh hát (chuyện hi hữu tại một xã nghèo thưa thớt dân cư), mà bầu Bời, bầu Trình là kỳ cựu nhất. Đào kép trong đoàn đa phần cũng là con em trong làng. Dẫu sống đời lang bạc, nhưng họ cũng ít nhiều ưu ái với nơi cắt rún chôn nhau. Hậu trường các gánh khác chúng tôi dễ gì được vào xem. Với các gánh nầy, chúng tôi vào thoải mái, miễn đừng lớn tiếng, phá phách, với đừng... ăn ổi chín là được! Lần đầu tôi cầm trái ổi chín rục, thơm lừng, vừa cắn một miếng thì chị Ẩn, đào chánh giật lấy. Tôi ngơ ngác: 

- Ổi của em mà!

- Biết rồi! Trái nầy em cho chị.

- Bộ chị có bầu hả? Sáng mai em hái cho chị.

Chị vò đầu tôi: 

- Không phải, nhưng ăn trước bàn tổ không nên, ông bầu thấy ổng quánh bây giờ.

Chị lại cười: 

- Ví (với) một lát, mấy em không được ăn me trước mấy ông thổi kèn nghe không?

Tôi ngơ ngác dạ dạ cho qua. Sau nầy mới biết, không cho ăn ổi vì sợ... ông tổ thích mùi ổi chín mà bỏ đi (về nhà người ăn ổi); còn không cho ăn me trước mấy ông thổi kèn vì sợ mấy ổng... thèm chảy nước miếng mà thổi không được! Từ đó, tôi còn nghe người lớn nói như vầy: 

- Ăn cướp không bao giờ cướp đồ (tài sản) của gánh hát!

- Sao vậy?

- Vì họ cùng một ông tổ mà ra, hồi đó ông tổ gánh hát bỏ nghề rồi đi... ăn cướp (?) 

- Ối! Xa lơ xa lắc, giờ cướp đại, chết thằng tây nào? 

- Bậy! Nếu cướp của gánh hát thì bị quan bắt liền, hồi trước ổng thề như vậy.

- Ờ hén.

- Có ghe cướp, cướp nhằm ghe gánh hát mà không biết, chừng về thấy mấy cái rương toàn là râu ria, áo mão, hoảng hồn, đem trả không kịp!

Khán giả đa số là bà già, ông già, các lớp đàn anh đàn chị chúng tôi, tức khoảng 17,18 tuổi, tuổi sắp có chồng, có vợ! Thời đó, nam 18, nữ 16 có chồng có vợ là chuyện thường tình. Lớp trên 20, con cái đùm đề, ít ai đi coi. Tuổi trung niên còn ít nữa, không hiểu vì sao!

Có một khán giả rất đặc biệt là thằng Hợp (sau nầy là kép cải lương của anh sáu Triều), nó ngồi một chỗ cũng rất đặc biệt: Dưới “bàn vua”. Đó là cái bàn chữ nhật như cái buya-rô của thầy giáo, không trải drap, phía sau là cái ghế đẩu, tượng trưng cho ngai vàng! Không hiểu sao, đêm nào cũng có cái bàn ấy đặt sát tấm màn phong cảnh tận cuối sân khấu, dù đêm đó không có vai vua cũng vậy!

Hợp ngồi xếp bằng dưới cái... “long bàn” ấy. Áo luôn phanh ngực, lâu lâu quẹt mũi,nhìn xuống coi.. khán giả, bởi mặt bàn che khuất tầm nhìn, làm sao coi đào kép?

Có gánh hát nào lại cho khán giả ngồi chỗ đó, ngoài gánh bầu Bời, bầu Trình? Ban đầu mở màn thấy nó ngồi, ai cũng cười dễ dãi, sau thành quen, xem như đó là ghế danh dự dành cho nó vậy!

Có lần vị vua nào đó lâm triều, vừa ngồi xuống ngai (ghế đẩu), vua duỗi chân ra, đạp nhằm nó, vua “ý” một tiếng, làm “bá quan văn võ” (thường có 4 người - 2 văn 2 võ) cũng giật mình. Khán giả thì cười rần. Rồi đâu cũng vào đấy, vua làm việc vua, nó ngồi tiếp!

Lại lần khác, vua vỗ bàn quát: “Giáp sĩ đâu?”, cùng lúc ngoài rạp có tiếng tía nó gọi: “Hợp ơi, về biểu!”, nó lật đật “dạ” một tiếng thật lớn còn hơn cả tập thể gánh hát “dạ” trong hậu trường, rồi vội vàng đứng dậy, đội luôn cả “long bàn” trên đầu. Vua quan ngơ ngác, còn khán giả thì cười vỡ bụng.

Thế mà hôm sau, nó cũng không vắng mặt ở chỗ ngồi danh dự đó!

Cũng nên nói thêm, gánh hát không có máy đèn. Ánh sáng là chiếc đèn măng sông duy nhất được treo giữa sân khấu và hàng ghế đầu tiên của khán giả. Nói “hàng ghế” cũng đúng, vì dường như đêm nào cũng có 1,2 hàng ghế thượng hạng dành cho các cụ, dù ghế nầy do các cụ mang tới. Đó hàng ghế bất khả xâm phạm trong một điều luật bất thành văn: Các anh chị và lũ chúng tôi ở phía dưới, cãi cọ, chen lấn làm gì làm, tuyệt nhiên không ai dám lướt qua các hàng ghế trưởng bối đó. Các cụ dù vô sau, chỉ cần đưa ghế lên (cho dễ đi), là có hàng loạt tiếng nói:

-Tránh ra cho bác Bảy (ông Ba,bà Hai...)đi cà tụi bây ơi! - Cái thằng nầy lì quá, nói nãy giờ mà cứ giỡn hoài!

Đó không phải là văn hóa kính lão, là điều đáng tự hào của quê hương tôi đó sao?

Về tuồng tích thì thường là những trích đoạn của các truyện Tàu mà cô Năm tôi thường đọc cho các người lớn trong làng nghe trong các buổi đám cưới, đám giỗ, hay những lúc nông nhàn, như “Phụng Nghi Đình”, “Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê”,“Tôn Tẩn hạ San”, “Triệu Tử Long đoạt ấu chúa”, “Chiêu Quân cống Hồ”... Thật tình, giờ tôi nhớ được nội dung những chuyện ấy là nhờ nghe cô Năm đọc, còn coi hát bội, tôi không nhớ gì hết ngoài mấy tiếng “tróc mã đề thương, ứ ư,ứ ư...” bởi hát bội thường “hát” chữ nho, hiểu đâu mà nhớ?!

Vài năm sau (khoảng năm 1959), các gánh hát bội của bầu Trình, bầu Bời dần dà ế khách, bị lép vế bởi các đoàn cải lương ở xa đến như Điền Viên, Kiếp Bướm, Ánh Sáng. Gánh bầu Trình phải diễn luôn cả suất ban ngày mà hầu như không đủ sống, bởi khán giả toàn là lũ nhí chúng tôi, mà tụ lại không bằng một gánh Sơn Đông mãi võ! Suất đêm là chính, lại bị “sập giàn” hoài!(*), bởi cũng chỉ có đám chúng tôi vào coi, chỉ là ham vui, hơn là ham coi hát!

Cửa vé vắng tanh, thằng Mận, thằng Xoài không còn cơ hội “thừa nước đục thả câu”, còn tôi cũng không dám giở màn cho thằng Tửng chui vào. Thằng Hợp cũng tự động rời khỏi đít “long bàn”. Các “cửa hàng” mía, đậu phọng đã dẹp tiệm, chỉ còn lại “cửa hàng” nước đá của chị Tuyết. Chị bào nước đá thư thả hơn, gọi tụi tôi là “cưng” chứ không là “tụi bây” như trước, và ly nước đá cũng cao hơn, sirô nhiều hơn!

Ban ngày tôi thường lân la vào hậu trường chơi, chị Ẩn nằm một mình trên võng, thấy tôi chị cười, khoe hai hàm răng đều đặn, không phấn son mà tôi thấy chị đẹp lắm, song trông chị buồn còn hơn khi chị đóng vai Chiêu Quân lúc rời xa đất Hán!

- Ủa? Sao có một mình chị ở đây vậy? Mấy anh đâu hết rồi?

Mắt “Chiêu Quân” nhòa lệ:

- Mấy ảnh đi bắt cá hết rồi, chị ở nhà nấu cơm.

- Sao hồi sáng không mua, bắt làm chi cho mệt?

Chị rời võng, đến thêm củi cho nồi cơm tổ bố. Có lẽ khói cay, làm mắt chị ươn ướt, đỏ hoe:

- Hát ế quá đâu có tiền mua cá, em!

Hai giọt nước mắt chị rơi xuống, tôi chạnh lòng, vừa thương chị, vừa ân hận về việc đã bao lần a tòng với thằng Tửng giở vải để cho nó vào coi cọp. Chị lau nước mắt cười thật buồn, hỏi tôi:

- ... Ổi nhà em có trái nhiều không?

- Có, có nhiều lắm. Sao chị bảo không nên ăn ổi chín chỗ này?

Chị vẫn cười buồn:

- ... Chị muốn ăn ổi chua.

- Chị có bầu hả? Sao bụng chị nhỏ xíu vậy?

Chị hơi vui vì lời trẻ con của tôi; không đáp, chỉ gật nhẹ. Tôi nhanh nhẩu:

- Vậy chị chờ em chút nghe.

Rồi chạy vụt ra réo to:

- Tửng ơi Tửng! Tửng ơi Tửng! Về nhà tao chơi.

Chiều hôm ấy ông bầu đến từ giã bà con ở dãy ngã tư. Ông buồn hơn mọi ngày. Khi đến nhà thầy Tư (tiệm thuốc bắc) thì bà con cũng kéo đến. Chú Chín chệch Xồi:

- Tui tặng ông bầu 2 ký lường (đường) táng uống lước (nươc). Chừng nào lảnh (rảnh) dìa (về) hát cho dui (vui).

Chú Chín chệch Xồi sống ở làng đã lâu đời, có vợ Việt, ăn mắm sống nên không “nị, ngộ” như các chú Tàu ở huyện.

Một lát chú Hai Cộc xách một xô cá từ mé triền lên:

- Mới tát đìa! Biếu anh Ba (ông bầu thứ ba) và anh em ăn lấy thảo.

Thằng Hợp vừa hít mũi vừa bưng một đĩa lớn bánh cam bánh cồng đầy ắp (chắc bán ế) lại, thưa:

- Má con nói biếu ông bầu ăn uống nước.

Thiếm tư quay quanh rồi nói:

- Ở đây cũng có bánh trái rồi... Hay là đứa nào mang qua nhà lồng cho mấy em ở bển. Đem cá của anh hai cho mấy em làm luôn thể, tối rồi.

Thầy Tư ngập ngừng nói với ông bầu:

- Hổm rày chắc vất vả lắm hả anh Ba?

- Thì anh thấy đó, cứ “sập giàn” hoài!

Chú Chệch Xồi:

- Hay là ông bầu dìa mua bán dí (với) tui, kiếm ăn lược lám ló!(được lắm đó)

Mọi người ái ngại cho câu nói thiệt lòng của chú Chín. Nhưng ông bầu chỉ thở dài:

- Làm như cái “nghiệp” anh Chín ơi! Khi ế anh em cứ than thở đòi về làm ruộng, nhưng khi được bà con ái mộ thì quên hết! “Cái nghiệp” khó dứt lắm anh ơi. Như con tằm ăn dâu phải nhả tơ đền nợ dâu vậy.

Sáng hôm sau khi tôi định xách thêm bọc ổi chua và gói muối ớt cho chị Ẩn thì thấy thằng Tửng bọc một áo xoài đứng ở trước cửa. Tôi trố mắt hỏi nó:

- Mày ăn cắp hả?

- Tao xin đàng hoàng. Tao nói xin cho chị Ẩn, thiếm Bảy bảo hái cho khá khá. Ăn cắp gì mà nhiều dữ vậy?

Khi chúng tôi đến, mọi người đang ăn cơm. Chị nắm tay chúng tôi, nghẹn ngào:

- Cám ơn 2 em nghen!

Ăn cơm xong mọi người lỉnh kỉnh gánh gồng xuống ghe. Tôi và Tửng đứng trên bến. Chị vò đầu chúng tôi rồi xuống sau cùng:

- Mấy em ở lại rán học giỏi nghe. Lần sau chị về chị bao mấy em coi hát khỏi mua vé.

Thằng Tửng coi bộ sượng sùng vì lời chị. Tôi nói:

- Chừng nào chị về nhớ ẵm em bé về chơi nghen.

Ghe rời bến, chị yếu ớt vẫy tay. Ghe đi xa, chúng tôi nhìn đến khuất bóng mới thôi. Tôi ngó qua Tửng, nó ngượng ngùng quẹt nước mắt. Lần đầu tiên tôi thấy nó khóc. Và lần cuối cùng tôi gặp chị Ẩn.

   

Kha Tiệm Ly

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 26/Dec/2023 lúc 10:14am

Xe Đò Một Thuở...


Hoài niệm trên những chuyến đi.

Đồng bằng Nam bộ sông nước chằng chịt, ngày xưa phương tiện đi lại chủ yếu bằng đò ghe, cho đến thập niên ba mươi, người Pháp thành lập vài hãng xe chở khách đi miền Tây, thời ấy đường bộ chưa phát triển, xe đến bến khách phải chuyển tiếp bằng đò ghe nên người ta gọi là xe đò cho tiện, nghe vậy thôi, sau này tôi tìm hiểu thêm chút ít, biết rằng người Bắc gọi xe đò là xe khách hoặc xe ca, còn người Trung lại gọi xe đò giống như người Nam.

Một số người giải thích vì hầu hết các chủ nhà xe đi miền Trung là người Sài Gòn nên “xe đò” trở thành phương ngữ chung cho tiện. Và rồi câu chuyện sôi nổi hơn khi nhà văn nhắc tới kỷ niệm thời học sinh trung học từng đi xe đò từ Rạch Giá về Cần Thơ mà ông có nhắc lại trong tập “Hồi ký Sơn Nam”: “…Tiền xe từ Rạch Giá đến Cần Thơ là một đồng hai (120km) nhưng nhỏ tuổi như tôi chỉ tốn có 6 cắc. Tôi lên xe ngồi để người phụ xế sắp đặt chỗ ngồi cho gọn, khép nép, chung quanh xe là nhiều người rao hàng để hành khách ăn buổi sáng vì buổi trưa mới đến bến Cần Thơ, tôi còn nhỏ, ba tôi cho riêng tôi 2 cắc, rất tủi thân vì trong khi ấy gia đình khá giả dám trả 1 đồng hai (hai chỗ dành cho trẻ con rộng rãi hơn) lại dành cho con một cái bánh bao to để ăn dọc đường.

Xe khách bóp kèn inh ỏi, chạy vòng quanh để tìm kiếm khách…”

Nhưng điều thú vị nhất là ông kể hồi thời kỳ đầu xe đò do người Pháp làm chủ toàn là loại xe nhỏ chở khách chừng hơn hai mươi người, nhưng chỉ một thập niên sau, người Việt mình giàu có tham gia mở công ty lập hãng, nhập cảng máy, khung gầm từ châu Âu châu Mỹ, đóng thùng thành xe đò loại lớn chở hơn năm chục hành khách, cạnh tranh ác liệt trong giai đoạn đường bộ được mở rộng và phát triển ở các tỉnh miền Tây và Ðông Nam Bộ, giao thông kết nối khắp nơi, nhu cầu đi lại của người dân càng nhiều, tạo thành thời vàng son của xe đò, khi chiến tranh Ðông Dương nổ ra, Nhật vào chiếm miền Nam, xăng dầu khan hiếm, bị giám sát chặt chẽ, ngành xe đò suy giảm, một số hãng xe hoạt động cầm chừng và phải thay đổi nhiên liệu cho xe hoạt động.

Cụ Sơn Nam kể: “Xe ô tô chở khách phải dùng “ga”, hiểu là than củi tràm, bỏ vào cái thùng tròn đặt bên hông xe phía sau, trước khi cho xe nổ máy thì quạt cho than tràm cháy, hơi ga ấy bị đốt, gây sức ép cho máy xe chạy, gọi “Autogène”, theo mô hình của Kỹ sư Thịnh Hưng Ngẫu chế tạo ở Sài Gòn”.

- Kỷ niệm kinh hoàng về chiếc xe than ..

Hình ảnh chiếc xe đò nhỏ chạy bằng than đốt trong cái thùng phía sau xe được lặp lại từ sau khi bọn cộng sản vào tiếp quản trong giai đoạn từ sau năm 1975 đến 1985, chắc người Sài Gòn tuổi trung niên trở lên đều biết rõ, tôi từng đi loại xe sử dụng nhiên liệu này, mỗi lần chui vào cửa xe phía sau là đều phải cẩn thận với cái thùng than cháy nóng được treo dính ở đuôi xe, thường thì người ta chỉ cải tiến xe đò lỡ – tức là loại xe Renault cũ xì từ giữa thập niên 50. Tuy giới lái xe gọi đó là xe đò hỏa tiễn nhưng nó chạy chậm hơn xe chạy xăng hoặc dầu, có lúc xe chạy ì à ì ạch khi than cháy không hết, lơ xe phải dùng thanh sắt mở lò đốt cời than, hoặc thỉnh thoảng gặp đường vồng xóc, than văng ra khỏi cửa thông không khí, rớt xuống đường cháy đỏ rực.

Vô phúc cho chiếc xe đạp nào chạy phía sau tránh không kịp, cán phải cháy lốp xe.

Xe đò hỏa tiễn chạy những đường ngắn như Sài Gòn – Long Khánh, Chợ Lớn – Cần Giuộc – Gò Công, Sài Gòn – Long An, còn xe đò dài vẫn chạy bằng xăng dầu, nhưng không còn nhiều như trước, trên mui phía đầu xe thường có thùng phuy nước dùng để làm nguội máy, kế tiếp là nơi chở hàng hóa, xe gắn máy, xe đạp cho khách buôn chuyến và khách đi tỉnh xa.

Tôi còn nhớ mãi lần đầu được đi xe lô về quê bên ngoại ở Càn Long, Trà Vinh, năm đó tôi chín tuổi, đi cùng với người anh bà con, xe lô có bãi xe ở Bến Bạch Ðằng và Bến Chương Dương. Bãi xe lô hay nhiều bãi bến xe đò khác khắp nơi trong thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn đều nằm hai dãy dọc theo đường phố, phòng vé là một cái quầy hay cái bàn gắn tấm biển to đề tên từng hãng xe, chạy lộ trình nào, riêng xe lô không cần bán vé, khách đến bãi xe còn chỗ trống cứ lên, đủ người thì bác tài chạy. Loại xe này gọi đúng tên là “Location”, sơn màu đen, kiểu xe ô tô chở chừng bảy tám người nhưng bác tài cố nhét thêm hành khách.

Xe lô chạy nhanh hơn xe đò vì không bắt khách dọc đường, không lên xuống hàng hóa cồng kềnh, lại có khi qua cầu tạm không cần bắt hành khách xuống cuốc bộ, để gió lùa vào cho hỉ hả đám hành khách ngồi chật cứng như nêm, lại thêm giỏ xách túi bị, va li lỉnh kỉnh, bác tài mở cửa sau bung lên cột chặt lại, người ngồi phía sau ngó ra phố phường.

Xe chạy ra khỏi Phú Lâm, nhìn cảnh đồng lúa xanh tươi hai bên đường, lòng cảm thấy phơi phới mặc dầu lâu lâu tôi phải nhấc mông trở cẳng vì bị ngồi bó gối.

Nói là đi xe lô thì hành khách không cần xuống bộ qua cầu tạm, chứ lần đó tôi vẫn phải xuống cuốc bộ như bao chuyến xe đò khác. Tôi mới ca cẩm, xe lô cái nỗi gì, có mà “lô ca chân” theo lời hát của một tuồng cải lương trên truyền hình, sau năm 1968, cuộc chiến ngày càng ác liệt, cầu đường nhiều nơi bị “mấy thằng việt cộng” gài mìn phá hủy, có nơi phải dựng cầu tạm, đầu cầu có đặt trạm kiểm soát của quân cảnh hay cảnh sát, đường về Trà Vinh chỉ hơn 160 cây số mà qua mấy chục cây cầu, lại phải chờ phà Mỹ Thuận, đi xe lô cho được nhanh mà về đến nơi phải mất năm sáu tiếng đồng hồ, huống hồ chi hành khách đi miệt Hậu Giang, Cà Mau xuống ở bến xe còn phải đón đò về nhà ở vùng U Minh, Miệt Thứ mất cả ngày đường. Chỉ có xe thư tức là xe đò làm nhiệm vụ giao nhận thư từ bưu phẩm chuyển cho bưu điện tỉnh mới được ưu tiên, không phải lụy phà hay bị cảnh sát xét hỏi.

Bây giờ xe đò tiến bộ hơn nhiều, xe có máy lạnh, ghế nằm thoải mái cho khách đường xa, duy chỉ không có phòng vệ sinh trong xe, lại còn tặng thêm nước uống, khăn ướt lau mặt, xe chạy nhanh nhờ có cầu qua hai con sông Tiền và sông Hậu, tôi ngồi xe Taxi ngày nay chạy một lèo về tới chợ Cà Mau chỉ mất sáu tiếng đồng hồ. Nếu không kể đến loại xe dù bắt khách dọc đường, thì xe đò là phương tiện đi đường xa tương đối rẻ tiền.

- Từ thời Quốc Gia Việt Nam tới thời Việt-Nam-Cộng-Hòa

Hồi đó khu xa cảng miền Tây là bến tập trung các xe đò về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh đó lại có bến xe Chợ Lớn đi về Cần Giuộc, Gò Công, Lý Nhơn, về sau bến xe này gộp lại với Xa cảng miền Tây mở rộng thành Bến xe miền Tây nằm trên đường Kinh Dương Vương quận Bình Tân, còn bến Miền Ðông dành cho xe đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc trên đường Petrus Ký trước kia thì gộp lại với hai bến xe nhỏ là Nguyễn Cư Trinh đi lộ trình cao nguyên và Nguyễn Thái Học đi Long Hải – Vũng Tàu – Phan Thiết, rồi sau đó vài năm chuyển về bến xe Văn Thánh, và cuối cùng yên vị tại Bến xe miền Ðông trên đường Ðinh Bộ Lĩnh hiện nay.

Nhưng nghe đâu hai bến xe này sẽ phải dời ra xã Tân Túc huyện Bình Chánh và Suối Tiên Q9 để có diện tích rộng hơn, đáp ứng được cho nhu cầu ngày càng tăng, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến Bến xe An Sương, bến này đúng ra có xe đi Tây Ninh – Bình Phước – Bù Ðăng, Bù Ðốp vùng Tây Trường Sơn, nhưng cũng có xe đi vài tỉnh thành của cả ba miền, do hai bến xe miền Ðông và miền Tây nhỏ hẹp.

Ai cũng có kỷ niệm lần đầu đi xe đò, mỗi chuyến xe chuyên chở nỗi niềm hoài niệm, có người nhớ chuyện tiền vé như nhà văn Sơn Nam, có người lòng phơi phới nhìn thấy phong cảnh đồng lúa xanh tươi chạy dài bên quốc lộ như tôi, cũng có người nhớ mùi mồ hôi, mùi xăng dầu giữa nắng gió miền Trung.

Nhớ bến bãi ồn ào í ới ngày xưa và cũng có người tuổi đời chồng chất, nhớ cảnh xuống xe qua cầu xe lửa Bến Lức, Tân An thuở xa lắc xa lơ hay những lúc đi tắm biển ở thành phố Vũng Tàu xưa.

Một thời kỷ niệm và đầy nhung nhớ.


Nguồn Sài Gòn Xưa
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 24/Feb/2024 lúc 4:47pm
Nghề xà ích ngày xưa

Cho đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in người đánh xe ngựa ở Mỹ Tho là ông Bảy Tốt, người ta thường ông ‘Xà Tốt’, bởi ‘tài’ xe ngựa bấy giờ còn có tên là ‘xà ích’.

Nghề%20“Xà%20Ích”%20ngày%20xưa%20Cho%20đến...%20-%20Sài%20Gòn%20trong%20tim%20tôi%20|%20Facebook


Vào những năm 1970, do chiến tranh loạn lạc mà mẹ dắt tôi xuống tận Ngã ba Trung Lương (thuộc TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bây giờ) để thuê quán bán hàng nước giải khát. Lúc ấy mặc dù mới 12-13 tuổi nhưng tôi thường đi xe ngựa vào chợ Mỹ Tho mua hàng cho mẹ.

Do quen nên ông Bảy thường cho tôi đi nhờ và tôi được ngồi ngay trên chiếc càng phía trước đối diện với ông Bảy, lúc về có hàng hóa thì bỏ hết vào cái cần xé được ông treo ở hông xe. Con đường dài tới 5-6 km ngựa phải chạy tới 20-30 phút. Ông Bảy là người vui tính, ông và tôi hay nói đủ mọi thứ chuyện trên đời.

Nghề%20“Xà%20Ích”%20ngày%20xưa%20Cho%20đến...%20-%20Sài%20Gòn%20trong%20tim%20tôi%20|%20Facebook


Ông Bảy bảo ông biết đánh xe từ hồi còn thanh niên, xe ngựa thời bấy giờ được người ta gọi là xe ‘thổ mộ’. Khi tôi nói ông giải thích rõ hai từ này, ông Bảy cười:

Ông cũng chẳng hiểu chính xác, người thì bảo rằng người Hoa kiều ở Việt nam đọc là ‘Thụ Mã’, nhưng giọng họ không rõ như vậy nên phát âm gần như hai từ ‘Thổ Mộ’. Lại có người nói mui xe ngựa được đóng khum khum y như cái gò mộ đất, bèn gọi là ‘Thổ Mộ’. Nhưng kệ, mình cứ kêu ‘xe ngựa’ là chính xác nhất.

Rồi ông Bảy còn kể tôi nghe chuyện ra đời của chiếc xe ngựa. Ông bảo xe ngựa có xuất xứ bên phương Tây, sau đó đến Trung Quốc, nhưng mỗi xe có hai con ngựa cùng kéo gọi là ‘song mã’.

Trước đó những nhà giàu mua ngựa về làm phương tiện đi lại vì ngày ấy người ta chưa có bất kì một loại xe nào. Thế nhưng chỉ một người cỡi được thôi, cùng lắm là hai người chứ làm sao chở được cả nhà khi đi đám tiệc hoặc đi chơi, nên họ nghiên cứu ra cái xe để dùng ngựa kéo. Ông cho rằng đó cũng là một sáng kiến tuyệt vời và phải khẳng định nó là tiền thân của những loại xe nhỏ, xe to sau này.

Nghề%20xà%20ích%20ngày%20xưa%20-%20Tạp%20chí%20Đáng%20Nhớ


Khi người Pháp đưa sang Việt Nam thì vẫn có hai ngựa kéo, nhưng chỉ ít lâu sau người Việt tự chế xe ngựa chỉ cần một ngựa mà thôi, làm người Pháp phục lấy phục để.

Bánh xe ngựa thời trước năm 1945 được làm bằng gỗ, những đoạn gỗ được xẻ cong cong chỉ dài khoảng 40-50 cm thôi, nhưng phải là gỗ Hương hoặc gỗ Cam se mới chắc và bền, sau đó được bào gọt cho thật nhẵn rồi ghép lại bằng những đinh vít chắc chắn. Tăm xe được làm bằng những thanh sắt tròn và đặc chịu được sức nặng cả tấn, rồi để tránh ma sát và tránh bị bào mòn bánh gỗ người ta làm chiếc ‘vỏ’ bằng loại cao su đặc dày đến 3-4 phân.

Có một điều đặc biệt nữa là khi gắn bánh xe vào trục người ta không cần đến bạc đạn (ổ bi) như các loại xe bây giờ mà trục ngang của xe cũng bằng gỗ hương.

Tôi chợt hỏi: “Thế thì nó nhanh mòn phải thay liên tục sao ông Bảy?”. Ông lắc đầu: “Gỗ hương hay cam se chắc lắm, phải mấy năm mới phải thay chứ không phải thay hoài đâu.”

Khi xe đạp, xe máy, xe hơi có nhiều thì xe ngựa ở các thành phố lớn cũng giảm đi đáng kể, song ở nông thôn vẫn dùng, vì đường xá ở các làng quê bấy giờ chưa được rải nhựa hay bê tông như bây giờ nên về mùa mưa sình lầy lắm, chỉ xe ngựa mới đi được.

Nghề%20xà%20ích%20ngày%20xưa%20-%20Tri%20Thức%20-%20Tài%20Nguyên

Ông Bảy đánh xe ngựa mãi từ năm 1950, nhưng rồi do chiến tranh và sự biến đổi của đất nước, cộng với hoàn cảnh gia đình nghèo toàn phải đi đánh mướn hay gọi là làm phu xe, mà ông phải gián đoạn. Cho tận đến năm 1976, ông phải bán đi 8 sào đất ruộng cộng với số tiền tích trữ bao nhiêu năm trời mới mua được con ngựa và cỗ xe, nên mới chính thức làm nghề liên tục.

Lúc này thì rất ít xe ngựa chạy bằng bánh gỗ nữa mà thay bằng bánh hơi cho nhẹ nên kiểu dáng xe bị thấp hơn, người ngồi trên xe không còn oai phong như trước nữa. Ông Bảy giải thích rõ ràng rằng, thường thùng xe ngày xưa cao ngang với bụng ngựa và được gắn 4 cái ghế đàng hoàng. Nhà giàu thời đó cầm ba toong, đội mũ nỉ, mặc bộ quần áo Tây… ngồi trên ghế cao trông lẫm liệt lắm. Nhưng từ khi thay bằng bánh hơi buộc lòng thùng xe phải đóng thấp xuống, xe ngựa chở khách mà chỉ kéo có một ngựa cần phải đóng thùng cho cân xứng với bánh xe để không bị tròng trành. Vách thùng đóng cao ngập đầu người ngồi, nắng thì kéo bạt ra, mưa phải trùm kín bít bùng.

Xe chở khách chuyên nghiệp hầu như không có ghế mà chủ xe chỉ trải chiếc chiếu sạch dưới thùng xe, khách lên xe thì treo dép, guốc lên các móc phía trên đầu, quanh gánh, thúng mủng. Hàng hóa thì để ngoài gờ hai hông hoặc trên nóc thùng chứ bên trong không thể bỏ thêm cái gì nữa, vì xe chở 6 người, mỗi bên 3 người ngồi ngang chân người nọ phải đặt sát vào mông người đối diện.



Ông Bảy mỗi lần ra bến đợi khách hay đưa khách về bến thường hay ghé quán nhà tôi nên tôi biết xà ích ngày xưa bỏ một số tiền sắm cái ngựa không phải dễ, bởi nghe ông Bảy bảo tới 4-5 cây vàng. Thế nhưng dù có chạy 4 hay 6 chuyến đi về từ ngã ba Trung Lương vào đến chợ Mỹ Tho đi nữa thì cả ngày cũng chỉ mua được 10 ký gạo. Thậm trí sáng ra ông chỉ dám uống ly cà phê, trưa ăn ổ bánh mỳ không để tối đến về nhà ăn cơm chứ bản thân tôi chưa bắt gặp ông Bảy ngồi ăn hủ tiếu hay bún trong tiệm, quán bao giờ. Nhưng khi ngựa bị đau bệnh ông lại phải mướn ngựa kéo xe để giữ khách, những ngày hôm ấy nếu đủ khách chạy hàng chuyến mới còn dư chút đỉnh, thiếu khách coi như huề hoặc lỗ.



Gia đình tôi trở lại Tây nguyên năm 1981. Đến mãi năm 1997 tôi mới về thăm lại thì nghe nói ông Bảy đã bỏ nghề ngay sau khi tôi đi vài năm, phần do tuổi cao, sức yếu, phần vì xe hơi phát triển nhiều người ta chê xe ngựa chạy chậm không đi. Tôi định đi tìm ông, nhưng người làng bảo họ ‘cũng lâu lắm rồi chẳng gặp lại ông ấy nữa, có khi ông Bảy đã mất’. Đành thôi. Thế nhưng nhìn về nơi bến xe ngựa ngày xưa tôi vẫn hình dung như có ông với râu tóc bạc phơ đội chiếc nón lá không còn lành lặn như ngày nào ngồi trên càng xe cầm roi điều khiển con ngựa chuẩn bị xuất bến.

K’Sim (Dăk Nông)
Saigon Xưa ST


Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 29/Feb/2024 lúc 4:18pm

Ký Ức "CẦU BA CẲNG" Cầu Đi Bộ Đầu Tiên Ở Saigon Với ...<<<<<<

KÝ%20ỨC%20“CẦU%203%20CẲNG%20“%20CÂY%20CẦU%20ĐI%20BỘ%20ĐẦU%20TIÊN%20Ở%20SÀI%20GÒN%20|%20TANG%20HOANG%20XÓM%20KÊNH%20%20HÀNG%20BÀNG%20BÃI%20SẬY%20CHỢ%20LỚN%20-%20YouTube


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 29/Feb/2024 lúc 4:37pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22144
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 01/Mar/2024 lúc 4:13pm

Sài Gòn Trăm Nhớ Nghìn Thương


Tôi là con gái Bắc kỳ chính cống, nhưng lại lớn lên ở Sàigòn, nên Sàigòn đối với tôi là một ‘quê nhà’ thắm thiết vô cùng. Tôi đến với Sàigòn, thuở Sàigòn còn là một thành phố với những hình ảnh mộc mạc thanh khiết. Gái Sàigòn đơn giản hiền hòa với áo bà ba trắng, với quần đen ống thật rộng, với đôi guốc mộc nhẹ tênh hình cái thuyền, với mái tóc dài ôm trọn khuôn mặt không chút phấn son.

Hồi mới tới Sàigòn, gia đình tôi tạm trú tại nhà bà dì ở đường Quai de Belgique, sau này đổi thành Bến Chương Dương. Ðứng ở trên lầu, tôi có thể nhìn thấy quang cảnh thuyền bè đi lại tấp nập. Những chiếc thuyền chở đầy những buồng chuối vàng au, những lồng gà, lồng vịt, những chùm dừa xiêm còn nguyên cả cành nằm chen chúc nhau, khoe cái vỏ xanh láng mướt. Tất cả tượng trưng cho sự trù phú của miền Nam.
Nhà dì tôi ở gần chợ Cầu Kho nên ngày đầu tiên chúng tôi đã được một ông chú họ dẫn đi chợ. Tôi mê nhất là gian hàng trái cây bởi vì có nhiều thứ ngoài Bắc không có. Tôi còn đang trố mắt ngó những trái to tròn như trái banh có hai mầu khác nhau, trái xanh mướt như ngọc, trái tím thẫm như mầu trái bồ quân thì cô bán hàng đã đon đả nhìn ông chú tôi:
– Mua ‘dú sữa’ đi thầy hai. ‘Dú sữa’ của em đặc biệt ‘giường nhà’ ngọt lắm đó.
Thì ra mấy trái mà tôi đang ngó là mấy trái vú sữa ở vườn nhà cô ta. Hồi đó tôi mới có 12 tuổi, còn ngây ngô chưa biết nói tiếu lâm nên hơi ngạc nhiên khi thấy ông chú tôi nhìn cô ta cười tủm tỉm với đôi mắt tinh nghịch:
– Vú sữa của cô ngon thiệt hả?
Cô ta gật đầu lia lịa:
– Ngon thiệt mà thầy hai.
Chú tôi chọn mua một chục trái, cô ta đưa thêm 4 trái và nói:
– Thường một chục có 12 trái thôi nhưng là của ‘giường nhà’ nên một chục em tính 14 trái lận.
Chú tôi đưa tiền trả, thay vì phải thối lại 50 xu, cô ta cầm tờ 1$ xé toạc ra làm đôi, đưa chú tôi một nửa. Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Ngày đầu tiên đã học được hai cái đặc biệt của Sàigòn. Một chục là 12 hoặc 14, nửa tờ giấy 1$ là 50 xu.
Phải công nhận người miền Nam rộng rãi và đơn giản. Một chục mà cho thêm thành 12 tới 14 và thay vì mất công đi tìm tiền xu thì cứ việc cầm tờ giấy 1$ xé béng ra làm 2 là xong ngay. Giản dị và tiện lợi biết bao.

Sàigòn đã thu phục tình cảm của tôi một cách nhanh chóng. Hai mươi mốt năm sau, khi rời bỏ Sàigòn tôi đã khóc như phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Sàigòn đã trở thành một nơi chốn thân thiết vô cùng. Không yêu Sàigòn sao được khi Sàigòn là nơi chứng kiến tất cả kỷ niệm vàng son của thời con gái. Sàigòn với ngôi trường Trưng Vương yêu dấu, nơi đã cho tôi biết bao nhiêu người thầy đáng kính, bao nhiêu người bạn dễ thương, bao nhiêu tình cảm quí mến chân thành. Làm sao quên được con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rợp lá me bay, những chiều tan học, tràn ngập những tà áo trắng quấn quít gót chân son. Thảo cầm viên đã được nghe không biết bao nhiêu lời thì thầm tâm sự của các nàng Trưng Vương, những giờ nghỉ học, vừa chuyện trò, vừa lang thang hái trộm những cánh hoa mầu tím, ép vào những trang sách học trò. Con đường Thống Nhất rộng thênh thang đưa tới rạp Norodom tưng bừng rộn rã của những ngày Đại hội Văn nghệ học sinh. Tôi như vẫn còn mường tượng thấy khung cảnh rộn ràng trong hậu trường sân khấu. Tuy bận rộn sửa soạn cho những màn trình diễn, nhưng các chàng Chu Văn An vẫn không bao giờ quên gửi đến các nàng Trưng Vương những ánh nhìn say đắm. Chỉ một cái nhìn thật nhanh, thật nhẹ mà sao cũng đủ làm cho ai kia má phải ửng hồng. 

Vòng ra bờ sông là bến tàu lộng gió của những sáng đón đưa, những chiều hò hẹn. Con đường Lê Lợi với những chiều thứ bảy đẹp trời cùng bạn bè dạo phố. Mỗi lần đi qua tiệm Kim Sơn ở góc đường, chúng tôi luôn luôn phải vờ chăm chú ngó mấy món hàng linh tinh bầy bán lề đường, để tránh những cặp mắt nhìn hau háu của mấy ‘ông nội’ ngồi ‘pẹc mơ năng’ ở ngoài hiên giống như mấy ‘Side-walk café’. Tiệm sách Khai Trí là nơi hấp dẫn nhất. Luôn luôn làm chúng tôi mê mẩn trước những cuốn tiểu thuyết còn thơm mùi mực mới.
Màn cuối cùng của buổi dạo phố thường thường là góp tiền lại, rủ nhau vào một tiệm kem. Vừa nhấm nháp những thìa kem dâu, kem dừa mát rượi, vừa nghe những bản nhạc ngoại quốc nổi tiếng thịnh hành mà chúng tôi thay phiên nhau yêu cầu nhà hàng để dĩa hát, như A Certain Smile, You’re My Destiny, I Went to Your Wedding, Diana v.v…

Hôm nào có phim hay cả bọn lại rủ nhau chui vào một trong hai rạp ciné permanent Lê Lợi hay Vĩnh Lợi. Mỗi lần vào đây là chúng tôi phải đề cao cảnh giác. Vì luôn luôn có một số các chàng thanh niên hay lợi dụng sự đông đúc chen lấn để dở trò ba mươi lăm. Một hôm có một chàng đứng sát sau lưng định dở trò, tôi bèn làm như vô tình quay ngang người lại hích cho chàng một cái cùi chỏ nên thân. Tan ciné, tôi kể chuyện cho lũ bạn nghe, chúng cười hi hí có vẻ khoái chí lắm. Từ đó các bạn tôi học được màn” hích cùi chỏ” để trừng trị các chàng gian manh. Sau khi xem ciné, nếu còn đủ tiền rủng rỉnh trong túi, chúng tôi rủ nhau vào hẻm Casino làm một chầu bánh tôm, bún chả. Nếu chỉ còn ít tiền, thì ra góc Viễn Ðông. Ðứng ở lề đường ăn phá lấu với thịt bò khô. Ăn xong, ớt còn cay xè trong miệng mà vẫn đủ tiền uống một ly nước mía cốt vắt thêm miếng chanh nhỏ xíu, hoặc sang hơn, vắt nguyên nửa quả quít thì còn gì sướng hơn nữa. Có hôm thay vì ăn ở góc Viễn Ðông, chúng tôi lại đi ngược chiều ra góc chợ Bến Thành. Nơi có hàng bò viên nóng hổi, thơm phức mùi tiêu với hành ngò. Sau đó, tráng miệng bằng một ly đậu đỏ bánh lọt. Hoặc rủ nhau vào quán Bà Ba Bủng ở đường Thủ Khoa Huân, sau chợ Bến Thành, ăn bún riêu, bánh cuốn. Sàigòn có không biết bao nhiêu món ngon, hấp dẫn những cái miệng thích ăn quà vặt của các nàng Trưng Vương thuở đó.


Khi Mùa Giáng Sinh tới, Sàigòn tưng bừng như mở hội. Người ta không phải bận tâm lo mua quà tặng nhau như ở xứ Mỹ. Ðêm Noel, có đạo hay không, mọi người cũng thích rủ nhau đi dạo trên đường Tự Do. Trai thanh, gái lịch, quần áo lượt là, chen vai, thích cánh, suốt dọc hè phố từ nhà Quốc Hội đến nhà thờ Ðức Bà. Người trẻ đi để ngắm nhau. Người lớn tuổi đi tìm không khí Noel, cái không khí mà suốt bao nhiêu năm sống trên đất Mỹ tôi không làm sao tìm lại được. Hầu như tất cả dân ‘chịu ăn chịu chơi’ của Sàigòn đều có mặt trên đường Tự Do. Ði dạo mỏi chân, mọi người lại rủ nhau vào ngồi trong Givral, La Pagode, Continental, hay ngồi ở công viên rộng lớn trước nhà Quốc Hội hoặc trước tòa Ðô chánh để chờ nghe tiếng chuông đổ hồi rền rã của nhà thờ Ðức Bà báo hiệu lễ nửa đêm, mừng Chúa ra đời.

Sau lễ, mọi người về nhà ăn Réveillon. Nồi cháo gà nóng hổi, khói lên nghi ngút, là món không thể thiếu trong bữa tiệc mừng Giáng Sinh đặc biệt này. Noel của Sàigòn thật vui, thật đầm ấm, thật nhẹ nhàng, thoải mái. Không có quá nhiều lo nghĩ về vấn đề tài chánh phải chi tiêu cho quà cáp.
Không khí Noel ở đất Mỹ mang tính cách thương mại nhiều hơn là không khí thiêng liêng đặc biệt của ngày lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Trước Noel cả mấy tháng người ta đã trưng bầy cây Noel để bán. Bắt mọi người phải nhìn ngắm mãi đâm nhàm chán. Gần sát ngày lễ Noel ai cũng tất bật lo chuyện mua quà, gói ghém cho kịp giờ mở quà đêm mừng Chúa ra đời. Tất cả chỉ có vậy. Ðêm Noel người ta chỉ thấy quá mệt mỏi. Rộn ràng được một chút lúc mở quà. Sau đó là hết. Trống vắng buồn tênh. Thời tiết lạnh lẽo, nhà thờ Việt Nam thì ở quá xa, hơn nữa kiếm được chỗ đậu xe không phải là dễ. Mùa đông buốt giá, chưa kể nếu có tuyết, đường trơn trượt nguy hiểm. Do đó ít ai nghĩ đến chuyện đi lễ nửa đêm. Bởi vậy cứ mỗi lần mùa Giáng Sinh tới là tôi lại nhớ Sàigòn da diết. Nhớ thánh lễ nửa đêm thật tưng bừng ở nhà thờ Ðức Bà. Nhớ con đường Tự Do tràn ngập người đi của những đêm Noel đầm ấm năm xưa.

Tết đến còn vui hơn nữa. Xung quanh chợ Bến Thành những gian hàng bán bánh mứt được dựng lên san sát với nhau. Tiếng rao hàng của những loa phóng thanh vang lên rộn rã. Người đi mua sắm tấp nập. Ai cũng” tay xách nách mang”. Ngày Tết, không nhà nào là không có đủ thứ mứt, hạt dưa, bánh chưng, dò chả.
Nhắc đến Tết ở Sàigòn là ai cũng phải nhớ ngay đến chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ với những cành đào, cành mai tươi thắm. Những chậu cúc, chậu thược dược đủ màu đua nhau khoe sắc. Những chậu quất trĩu quả vàng tươi. Những bát thủy tiên toả hương thơm thật dịu dàng, thanh khiết. Nhưng có một thứ hoa đẹp nhất làm chợ rực rỡ hẳn lên đó là”hoa biết nói.” Các nàng thiếu nữ yểu điệu trong những tà áo dài đủ mầu, tha thướt đi dạo trong chợ hoa là hình ảnh đẹp nhất của ngày Tết ở Sàigòn.
Tôi còn nhớ thời con gái, cứ 23, 24 Tết là chúng tôi đã nôn nao sửa soạn quần áo để rủ nhau đi chợ hoa. Dạo chợ hoa là một náo nức không thể thiếu của các nàng thiếu nữ mỗi lần Tết đến. Cũng như đi chợ hoa để ngắm người đẹp là một điều bắt buộc, không thể nào quên của các chàng trai.

Chợ hoa ở đây (vùng Hoa Thịnh Đốn) sao tẻ nhạt quá. Có lẽ vì hoa không đủ thắm, lại chỉ có lưa thưa, bầy bán rải rác nên không hấp dẫn được người đi. Vả lại các chàng nếu có muốn đi chợ hoa để ngắm người đẹp, thì cũng chỉ tìm thấy những áo ‘cốt’ dầy cồm cộm, to xù xù di động. Chứ làm sao có thể tìm lại được những bóng dáng yêu kiều trong tà áo dài lả lướt của chợ hoa Nguyễn Huệ năm xưa. Thời tiết lạnh lẽo quá, ít ai ở đây còn nghĩ đến chuyện mặc áo dài đi chợ Tết, nên hình ảnh chiếc áo dài trở nên hiếm quí vô cùng. Thật tội nghiệp cho những người Việt Nam xa xứ nơi tôi ở. Phải cố gắng tưởng tượng mùa xuân trong cái giá buốt của mùa đông. Hoa tuyết rơi mà phải tưởng tượng là hoa đào nở, gió đông lạnh lẽo mà cứ cố nhắm mắt lại để mơ tưởng đến ánh xuân nồng. Tết năm nào tôi cũng cố gắng tìm cho được một cành hoa vàng forsynthia để trang hoàng nhà cửa. Ðể tự đánh lừa mình là nhà ta cũng có mai vàng.

Tết nhất đến nơi mà sao giọng Don Hồ cứ buồn não nuột, anh chàng đang hát một bài mà tôi rất thích của nhạc sĩ Ðức Huy:

“Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều. Nhất là những buổi chiều hay mưa. Cũng may Cali trời mưa ít không như Sàigòn. Nếu không, tôi đã khóc một giòng sông…”

Ngoài cửa sổ, chiều nay trời thật đẹp. Những giải nắng vàng còn vương vấn trên mấy ngọn cây cao. Mấy hôm nay trời tạnh ráo, không có lấy một giọt mưa nhỏ. Vậy mà không hiểu sao bỗng nhiên lòng tôi chùng hẳn xuống và …hình như hồn tôi đang “Khóc một giòng sông..”

Hồng Thuỷ
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 11 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.266 seconds.