Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Quê Hương Gò Công
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Quê Hương Gò Công
Message Icon Chủ đề: Di tích Chiến Lũy Pháo Đài (GoCong) Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Chủ đề: Di tích Chiến Lũy Pháo Đài (GoCong)
    Gởi ngày: 09/Dec/2013 lúc 10:19pm

Lũy Pháo Đài - Gò Công

(Tiền Giang)



Di tích Chiến Lũy Pháo Đài

Tên thường gọi: Lũy Pháo Đài; thuộc ấp Pháo Đài, x.Phú Tân, h.Gò Công Đông, t.Tiền Giang. Di tích nằm ngay Cửa Tiểu trên cù lao Phú Tân nên đi đến chủ yếu bằng đường thủy.
Để bảo vệ Cửa Tiểu, năm Minh Mạng thứ 15 (1834), triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây một bảo (đồn, chốt) bằng đất gọi là đồn Từ Linh, chu vi 60 trượng (378m), cao 5 thước 5 tấc (2,57m), mở hai cửa. Năm Thiệu Trị thứ 3 và thứ 7 (1834-1847), được sửa chữa lại. Sau khi thành Định Tường thất thủ, tháng 4 năm 1861, Trương Định về Tân Hoà xây dựng căn cứ kháng Pháp. Đồn Từ Linh được sử dụng làm chiến lũy, gọi là Chiến lũy Pháo Đài, có trang bị súng thần công loại lớn (vị trí đặt khẩu thần công trước kia nằm bên ngoài, giữa hai hướng cửa thành Tây và Tây Bắc, cách đầu bờ sông Cửa Tiểu và rạch chừng 60m).
Xung quanh lũy Pháo Đài là thành đất đắp cao, hình lục lăng (lục giác), diện tích khoảng 3.000m2, trên thành đất trồng me, chính giữa có cây trôm to và giếng nước. Theo hướng Đông - Nam có gò Thổ Sơn tròn cao 21m, đường kính 15 - 20m. Bên ngoài thành lũy là rừng kè, đước, dừa nước, bần. Dưới lòng sông, để bảo vệ cửa sông và ngăn chặn tàu chiến của địch, có đắp bãi xung phong trên bờ. Đồng thời, để có thể bắn được tàu địch và đẩy địch dạt sang bờ Trại Cá cho nghĩa quân tiêu diệt, Trương Định đã cho đổ đá hàn một đoạn theo chiều rộng của sông Cửa Tiểu trước chiến lũy về hướng Tây khẩu thần công chừng 120m - 150m gọi là đập Đá Hàn. Chiến lũy Pháo Đài đã cùng nghĩa quân trấn giữ cửa biển quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 1987, Chiến lũy Pháo Đài được Bộ VHTT công nhận là di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Năm 2000, Sở VHTT Tiền Giang đã tiến hành xây dựng nhà Bia di tích lũy Pháo Đài, cao 9,4m, rộng 84m2, mái ngói, cột bê tông, nền tôn cao 2m so với mặt đất, xây dựng lại đồn nhưng với diện tích nhỏ hơn và phục hồi 2 súng thần công.



http://wikimapia.org/14705891/vi/L%C5%A9y-Ph%C3%A1o-%C4%90%C3%A0i-Ti%E1%BB%81n-Giang







Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 09/Dec/2013 lúc 10:28pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 09/Dec/2013 lúc 10:25pm

.
Thứ Sáu, 09/08/2013, 07:22 (GMT+7)
.

Tháng tám, về thăm Chiến lũy Pháo Đài


Sắp đến ngày giỗ lần thứ 149 của Anh hùng dân tộc Trương Định (20-8-1864 - 20-8-2013), tôi quyết định làm một chuyến hành hương về thăm Chiến lũy Pháo Đài (Phú Tân, Tân Phú Đông). Dù biết khá đầy đủ thông qua nghiên cứu nhiều tài liệu, hình ảnh về Chiến lũy Pháo Đài nhưng thật tình đây là lần đầu tiên tôi mới có dịp đến thăm nên tâm trạng rất phấn chấn.

Chiến lũy Pháo Đài là di tích lịch sử dân tộc, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1987 và năm 2000 Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Tiền Giang đã tiến hành xây dựng nhà bia di tích Chiến lũy Pháo Đài.

Nhà bia có kiến trúc trông rất xinh đẹp, thoáng mát, trang nghiêm, mái ngói, cột bêtông, nền tôn cao và đã tiến hành phục hồi 2 súng thần công. Tôi nghĩ, có lẽ di tích Chiến lũy Pháo Đài luôn được chăm sóc cẩn thận để nơi đây xứng đáng là một điểm mà nhân dân và du khách đến thăm viếng, hồi tưởng lại một quá trình chiến đấu gian lao mà anh dũng của cha ông trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Cùng với Lăng mộ Trương Định, Nhà Đốc Phủ Hải ở TX. Gò Công, Đền thờ Trương Định, Đám lá tối trời… ở huyện Gò Công Đông sẽ tạo nên một chuỗi liên hoàn những điểm tham quan truyền thống, về nguồn, nhất là đối với thanh, thiếu niên trong các trường học. Nhưng khi tìm tới nơi, tôi cảm thấy hụt hẫng, vì thực thế không phải như vậy. Toàn bộ khu di tích lịch sử cấp quốc gia chìm trong cây hoang, cỏ dại, tiêu điều gần như một phế tích.


Đường%20dẫn%20vào%20Chiến%20lũy%20Pháo%20Đài.
Đường dẫn vào Chiến lũy Pháo Đài.


Đường dẫn vào khu di tích là một lối mòn ẩm ướt mà xe máy chỉ có thể đi một chiều, hai bên là những bụi lùm lau sậy, sú vẹt cao khuất tầm nhìn… Lũy hình lục giác được tôn tạo bằng xi măng nay bị cây cỏ dại che phủ, muốn bước đi thật khó khăn.

Trong khuôn viên Chiến lũy Pháo Đài, các loại cỏ dại mọc um tùm, vàng úa nham nhở, có lẽ vừa mới bị phun thuốc diệt cỏ vài hôm. Các bụi cây dại mọc lấn các cây cảnh quanh nhà bia. Trên bậc thềm và nền nhà bia cũng như nhà bát giác đầy lá cây, bụi bẩn; lư hương ở hai bên nhà bia trơ cát, không tìm thấy dấu tích của chân nhang. Giếng khơi thì khô cạn đáy và người ta cắm nhiều cây vào đó, chẳng biết để làm gì…Một cảnh tượng hoang tàn!

Tình cờ gặp một anh nông dân đang cắt cỏ cho dê ăn trong khuôn viên Chiến lũy, tôi bắt chuyện và được anh cho biết: “ Khu di tích này có một người trông coi tên là Tư Sung, nhà cũng gần đây, có hưởng lương hàng tháng nhưng không thấy làm gì nên mới có cảnh hoang phế thế này. Bà con nhân dân ở đây bức xúc lắm nhưng không biết nói với ai!”.

Đọc kỹ nội dung văn bia “Lịch sử Chiến lũy Pháo Đài”, người viết phát hiện một chỗ “lạ” ở đoạn mở đầu: “Để bảo vệ Cửa Tiểu, năm Minh Mạng thứ 15 (1834) triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây một Bảng bằng đất gọi là Đồn Từ Linh…”. Đúng ra phải là “Bảo”. “ Bảo” (堡) có nghĩa là lô cốt, boong ke, ụ súng hay cũng được hiểu là thành nhỏ, bờ lũy. Còn chữ “Bảng” đặt đây hoàn toàn không có nghĩa gì cả.

Người viết bài này nghĩ rằng cơ quan chức năng đã thấy chỗ “lạ” này nhưng có lẽ vì một lý do nào đó mà mặc kệ (!). Thiết nghĩ, đối với một di tích lịch sử cấp quốc gia, mọi thứ đều nhất thiết phải chỉnh chu, dù chỉ là một con chữ trên văn bia.

Điều nữa nghĩ cũng cần phải nói, là đã có hiện tượng mối mọt đụt khoét rui, mè trên nóc nhà bia và nhà bát giác vì nó được làm bằng loại gỗ không thật tốt, chắc chắn tuổi thọ của những mái nhà này cũng sẽ không dài.

Thiển nghĩ, địa phương nào có được di tích lịch sử nói chung, nhất là di tích lịch sử cấp quốc gia là một niềm tự hào rất lớn, nhưng để niềm tự hào đó được tồn tại và phát huy thì phải có trách nhiệm giữ gìn, tu sửa di tích luôn khang trang, sạch đẹp và trang nghiêm. Để  một di tích lịch sử cấp quốc gia - Chiến lũy Pháo Đài như tình trạng hôm nay thì thật là có lỗi với tiền nhân đã anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm và cả với nhân dân trong hiện tại.

Chiến lũy Pháo Đài không chỉ mang ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, du lịch, mà còn mang ý nghĩa tâm linh. Đây cũng là một phần hồn cốt quê hương để tạo nên “Gò Công địa linh nhân kiệt”. Mong sao đến ngày giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định sắp tới và mãi mãi về sau, Chiến lũy Pháo Đài sẽ được trùng tu, chỉnh trang, xứng tầm với một di tích lịch sử cấp quốc gia.


LÊ MINH HOÀNG

.
http://baoapbac.vn/phong-su-ky-su/201308/thang-tam-ve-tham-chien-luy-phao-dai-329987/



mk
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.284 seconds.