Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thể Thao
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Thể Thao
Message Icon Chủ đề: MERDEKA CUP, 42 NĂM TÁI DIỂN cho VIỆT ...... Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
HEICHPE
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 17/Sep/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 474
Quote HEICHPE Replybullet Chủ đề: MERDEKA CUP, 42 NĂM TÁI DIỂN cho VIỆT ......
    Gởi ngày: 26/Oct/2008 lúc 7:25pm

MERDEKA , 42 NĂM TÁI DIỂN NGÀY HUY HOÀNG CHO MÔN TÚC CẦU  CỦA VIỆT-NAM

 
19h30 ngày 25/10, sân Bukit Jalil: ĐT Malaysia - U22 Việt Nam
Câu chuyện sau 42 năm In E-mail
25/10/2008 07:38
Mùa Thu năm 1966, dưới sự dẫn dắt của ông thầy người Đức Karl Heinz Weigang, thế hệ của những bậc tiền bối như Phạm Huỳnh Tam Lang, Đỗ Thới Vinh đã gây tiếng vang lớn khi đưa ĐT Miền Nam Việt Nam giành Merdeka Cup sau khi vượt qua ĐT Myanmar với tỷ số 1-0. 42 năm sau, cái tên Việt Nam thêm một lần được nhắc đến ở giải đấu truyền thống lâu đời nhất của người Mã Lai nói riêng, ĐNÁ nói chung. Lần này, ĐT U22 - đại diện cho sắc Đỏ Việt Nam giành quyền chơi trận chung kết sau chuỗi thành tích ấn tượng.

Merdeka Cup giờ không còn danh giá như trong quá khứ. Giá trị cũng như chất lượng của nó ngày càng giảm sút. Trong quá khứ, Merdeka thu hút được những tên tuổi lớn tham dự như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Iraq, Kuwait… Thậm chí, cả những CLB danh tiếng thế giới như Hamburg (Đức), Sao Paolo (Brazil), Tirol Innsbruck (Áo), Budapest (Hungaria)… cũng từng là khách mời của giải đấu này. Nhưng giờ, Merdeka Cup đã mất đi rất nhiều ý nghĩa khi khách mời thường là những đại biểu ĐNÁ, các gương mặt trung bình của lục địa vàng hoặc chỉ là những đội bóng trẻ đến từ nhiều châu lục đang “rảnh rỗi”. Nếu tính theo giá trị kinh tế, phần thưởng từ chiếc Cúp Merdeka 2008 chỉ mang lại cho đội vô địch số tiền ít ỏi 10.000 USD.

Image
Thanh Bình (trái) sẽ lập công cho ĐT U22 VN? - Ảnh: Hoàng Yến

Tuy nhiên, đối với các cầu thủ U22 VN, giá trị của sân chơi này không thể tính bằng tiền, mà có thể, nó sẽ trở thành nền móng cho hành trình chuẩn bị SEA Games 25. Họ đang bay bổng với chuỗi thành tích ấn tượng bất ngờ.

Bên phần sân đối diện, đội chủ nhà Malaysia tỏ rõ quyết tâm giành ngôi vô địch. Thứ nhất, họ muốn chứng minh sức mạnh trước khán giả nhà. Thứ hai, họ muốn tiếp nối chuỗi thành công ấn tượng, làm đòn bẩy tinh thần trước thềm AFF Suzuki Cup 2008.

So với thầy trò HLV Mai Đức Chung, Malaysia - với tư cách ĐTQG đương nhiên được đánh giá cao hơn. Từ đầu giải, họ toàn thắng cả 4 trận, ghi 18 bàn và chưa để thủng lưới lần nào. Trong khi đó, con số tương tự ở đội U.22 VN là thắng 2, hòa 2, ghi 11 bàn và thủng lưới 4 lần.

Để chống lại sức mạnh của đối thủ, BHL U22 VN vẫn tiếp tục sử dụng sơ đồ 4-2-3-1, lối chơi từng mang lại hiệu quả cao ở những trận đấu trước. Điều đáng tiếc ở trận này là hậu vệ cánh Chu Ngọc Anh không thể tham gia do chấn thương. HLV Mai Đức Chung dự kiến sẽ đưa trung vệ Phạm Minh Đức (của Thể Công) vào đá cặp với Xuân Hợp, còn Long Giang sẽ chuyển sang cánh phải, Văn Duyệt chuyển sang bên trái.

Trước cuộc đấu này, tinh thần của các tuyển thủ U22 VN đang rất tốt. Trở ngại lớn nhất đối với chúng ta là thể lực. Và vì thế, nếu phải thi đấu thêm hiệp phụ thì bất lợi sẽ thuộc về thầy trò HLV Mai Đức Chung. Tuy nhiên, bóng đá luôn tồn tại bất ngờ và không ai lường trước điều gì sẽ xảy ra. Đội mạnh hơn chưa chắc đã thắng, còn đội gặp bất lợi nhiều hơn cũng có thể không thua.

ĐỘI HÌNH DỰ KIẾN

ĐT Malaysia: Mohd Elias; Norhafiz Zamani, Irwan Fadzli, Daudso Jamaluddin, Abdu Radzak, Amirulhadi Zainal, Shukor Adan, Indra Putra, Hardi Jaafar; Adha Radzak, Safee Sali.

U22 VN: Tấn Trường, Long Giang, Xuân Hợp, Minh Đức, Văn Duyệt, Công Huy, Nhật Nam, Danh Ngọc, Thanh Bình, Đình Tùng, Tăng Tuấn.

DỰ ĐOÁN: 1-1 (U22 VN thắng phạt đền)


 
 
 
 
 
U.22 Việt Nam vô địch Merdeka Cup 2008: 
Trở về trong vinh quang 
 
26/10/2008 18:52 
Long Giang (giữa) cùng hai cựu tiền bối Tam Lang và Văn Mộng bên chiếc Cúp Merdeka - Ảnh: Khả Hòa
(TNO) Từ 14 giờ chiều nay (26.10), đông đảo phóng viên, các quan chức của LĐBĐVN và người hâm mộ đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để chào đón đội tuyển U.22 VN mang vinh quang về cho đất nước sau khi giành chiếc Cúp Merdeka tại Malaysia.

Thật bất ngờ, trong số những người ra đón đoàn còn có hai cái tên lừng lẫy của bóng đá VN: Phạm Huỳnh Tam Lang và Nguyễn Văn Mộng - những người mà 42 năm trước cũng đã nâng cao chiếc cúp này.

Đúng 15 giờ 10, trưởng đoàn Nguyễn Hưng Thái là người bước ra đầu tiên. Thấp thoáng phía sau là "bố" Mai Đức Chung, người đã xây dựng nên một U.22 VN chơi kiên cường với đầy tính hợp lý trong đấu pháp.

HLV Mai Đức Chung là người bị các phóng viên vây nhiều nhất và nụ cười luôn nở trên môi vị HLV có duyên với đội trẻ này. Với chức vô địch trong tay, "bố" Chung (cách gọi trìu mến của các tuyển thủ) như trẻ thêm ra. Rất nhiều người hâm mộ đã đến chúc mừng đội tuyển, và các nhân viên sân bay cũng xin được chụp hình lưu niệm với đội.


"Bố" Chung như trẻ ra với chiến thắng tuyệt vời - Ảnh: Khả Hòa

Hòa trong niềm vui trên, cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang chia sẻ: “Đêm qua, tôi xem trận chung kết mà nhiều lúc tim như muốn nhảy cả ra ngoài. Các cháu chiến đấu thật kiên cường, điều đó khiến tôi cảm nhận như mình đang sống lại những giây phút của trận chung kết ngày ấy. Chính tinh thần thi đấu đã làm nên chiến thắng quật cường của U.22 VN trước Malaysia. Tôi xin chúc mừng các cầu thủ trẻ đã đem lại niềm vinh dự cho bóng đá nước nhà sau 42 năm”.

Còn đối với ông Huỳnh Văn Mộng, cảm giác hân hoan cũng không giấu được: “Trận đấu thật khó khăn. Nhưng ngay từ phút 75 tôi đã cảm nhận được chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta. Bởi tinh thần quật cường của các cháu đã làm cho các cầu thủ Malaysia mất bình tĩnh. Giờ đây, có mặt ở sân bay để đón đội tuyển, tôi lại cảm thấy mình như đang trẻ lại ở tuổi đôi mươi với tinh thần rạo rực mà các cầu thủ trẻ đã mang lại. Tuyển U.22 đã giành được chiến thắng tưởng như không thể. Thật đáng trân trọng khi đó là chiến thắng ngay trước đội chủ nhà”.

Đại diện cho các tuyển thủ, đội trưởng Mai Xuân Hợp nở nụ cười khi là người "tháp tùng" chiếc Cup Merdeka 2008 đầy vinh quang. Trông chiếc cúp nặng thấy rõ nhưng Xuân Hợp vẫn cứ khiêng một cách nhẹ tênh khi có niềm hạnh phúc lâng lâng tiếp sức. “Em mỏi rã rời cả tay nhưng không... chán anh ạ. Quả thật tuyệt vời! Khi loạt luân lưu kết thúc, em cảm nhận được hàng triệu người hâm mộ ở quê nhà đang vui như thế nào, suốt đêm qua không tài nào ngủ được”.


Thanh Bình và đội trưởng Xuân Hợp (phải) tháp tùng cùng chiếc Cúp Merdeka - Ảnh: Khả Hòa

Vẻ mặt chân chất, nụ cười tươi không lẫn vào đâu được của Đức Thiện như càng tươi hơn. Bởi được gọi vào U.22 VN đã là một bất ngờ đối với Vua phá lưới tại VCK U.21 Báo Thanh Niên vừa qua, nhưng ghi được thêm 2 bàn thắng và trở về cùng chiếc cúp vô địch khiến Đức Thiện như đang nằm mơ. Đức Thiện hồ hởi khoe: “Mỗi lần được tung vào sân là em tự nhủ phải thi đấu với 200% sức lực, cho xứng với màu áo quốc gia mà mình đang mang trên người. Bàn thắng ghi vào lưới Sierra Leone trong trận bán kết có lẽ suốt đời em không thể nào quên được”.

Trái ngược với nhiều đồng đội, người hùng của U.22 VN - thủ môn Tấn Trường lại tỏ ra bình thản nhất. “Trận chung kết em tự tin lắm bởi chỉ có như vậy thì toàn đội sẽ thêm phần tự tin. Trong loạt đá luân lưu, đối phương sút 5 quả đầu rất hiểm. Đến quả thứ 6 thật may là đối phương sút khá lộ và em đã cản phá được, góp phần mang về chiến thắng cho đội. Xin dâng tặng chiến thắng này cho người hâm mộ thân yêu”.


Merdeka Cúp đã giúp Đức Thiện thêm trưởng thành - Ảnh: Khả Hòa

Sau khi xuống sân bay, tuyển U.22 VN đã di chuyển xuống trung tâm Thành Long và sẽ ở đây cho đến khi dự trận giao hữu với các cựu ngôi sao Brazil. Riêng Thanh Bình vì xa nhà đã lâu nên đã xin phép về thăm gia đình và được BHL đồng ý.

HLV Mai Đức Chung cho biết: “Chúng tôi sẽ thi đấu thoải mái trong trận đấu này trên tinh thần giao hữu. Sau đó, đội sẽ tiếp tục tham dự Cúp Hoàng gia Myanmar. Lực lượng của tuyển U.22 VN sẽ được giữ nguyên chứ không có cầu thủ nào được trả về cho đội tuyển quốc gia, cho đến khi Cúp Hoàng gia Myanmar kết thúc".

Thành Trung - Anh Tứan

                           _*_*_*_*_

 Văn Quang
  
 Cảm xúc 42 năm cúp Merdeka
 Lâu lắm rồi tôi không còn chú ý đến giải Merdeka, nó rơi vào quên lãng bởi nền bóng đá Việt Nam cà xịch cà đụi, nhất là trong thời gian gần đây, đội tuyển bóng đá Việt Nam với HLV người nước ngoài Calisto, vừa cầm quân đã có ngay 6 trận thua liên tiếp càng thêm nản chí.
 
 Nhưng mấy ngày qua, cái tin đội bóng đá U22 VN thắng liên tiếp tại giải Merdeka ở
Malaysia, vào đến trận chung kết khiến dư luân xôn xao. Có lẽ tâm trạng một số rất đông người hâm mộ ở VN cùng mang tâm trạng ấy. Ngay như Đài Truyền hình VN, khi được hỏi "Sao không trực tiếp truyền hình trận chung kết cúp Merdeka?". Người phụ trách trả lời tỉnh bơ rằng: "Chúng tôi không nghĩ là VN có thể vào đến chung kết nên không mua sóng". Câu trả lời bị chỉ trích là vô trách nhiệm. Nhưng suy cho cùng đó là một sự tính toán thiệt hơn của những anh "con nhà nghèo". Đúng ra nếu có đội bóng quốc gia mình tham dự một giải đấu lớn trong khu vực thì ít ra cũng phải chiếu một trận chung kết, dù đội bóng của quốc gia mình có được vào hay không.
 
 Đến Đài Truyền Hình còn suy nghĩ như thế thì người hâm mộ "quên" cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Chỉ đến khi Đội U22 VN vào chung kết tối Thứ Bảy 25-10 vừa qua, người hâm mộ mới náo nức đòi xem.
 
 Rấy may là trước sức ép của dư luận, Đài THVN đã sửa chữa sai lầm bằng cách cấp tốc mua sóng để trực tiếp TH trận đấu này trên kênh VTV2. Tuy nhiên cũng có điều đáng tiếc là sự thông báo muộn màng nên nhiều khán giả không xem được.
 
 Riêng tôi xục xạo mãi mới "tóm" được nó trên VTV2. Dù có chậm ít phút, nhưng được xem trực tiếp cũng là may mắn rồi. Tôi "cay cú" xem trận chung kết này không phải vì chính trận đó mà vì những cảm xúc của 42 năm trước, năm1966, khi tôi tường thuật trận chung kết Merdeka (qua đài phát thanh, chưa có truyền hình và dưới bút hiệu Hoài Giang Ngọc) mà các cầu thủ của miền Nam VN đã lên ngôi vô địch. 42 năm qua rồi, những những hình ảnh của Tam Lang, Vinh, Thới, Có, Liêm, Ngầu, Rạng, Thách… còn in đậm trong ký ức. Tôi muốn được sống lại, được nhớ về những giây phút hào hùng đó của bóng đá VN. Tôi muốn được so sánh xem các cầu thủ 22 tuổi của VN ngày nay đá như thế nào so với các "đàn anh", hay đúng hơn phải gọi là các "cha chú" ngày nào cũng trên sân cỏ Malaysia.
 
 Chính sau chiến thắng này của các "cha chú" đã làm nên một chuyện tình nổi danh trong làng nghệ sĩ VN thời đó. Khi chàng cầu thủ và cũng là thủ quân hào hoa Tam Lang và đoàn tuyển thủ vô địch Merdeka bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, rừng người chào đón tưng bừng. Đệ nhất danh ca, Cải Lương chi bảo của Sài Gòn (BT) ôm bó hoa đến quàng lên cổ Tam Lang. Và vòng tay ân tình giữa "giai nhân và tài tử" cũng bắt đầu từ đó. Chuyện tình có thể qua đi hoặc tan vỡ nhưng dấu ấn thì không bao giờ mất. Đối với tôi, đó là một chuyện tình đẹp, đẹp hơn cả những chuyện tình của Beckham, của Ronaldo béo và Ronaldo bảnh bao hiện nay.
 
 Với tất cả những cảm xúc của 42 năm trước, tôi ngồi chứng kiến cuộc so tài "đỉnh cao" của giải giữa U22 VN và
Malaysia. Tôi không tường thuật lại trận đấu, chỉ xin ghi lại vài cảm nghĩ chợt đến. Trước hết, Đội VN được đánh giá thấp hơn Malaysia về tài nghệ cũng như thể lực. Mọi dự đoán đều nghiêng về phía Malaysia, nhất là khi họ là đội chủ nhà, trên sân có vài chục ngàn khán giả reo hò ủng hộ.
 
 Thoạt nhìn cục diện trận đấu, tôi rất thất vọng, dù biết rằng chiến thuật của đội yếu hơn là phòng thủ, chờ cơ hội tấn công nhanh. Nhưng càng đá, càng thấy đội mình lép vế quá, chỉ phòng thủ mà không tổ chức được một đường tấn công nào cho ra hồn. Lòng "tự ái dân tộc" nổi lên, làm tôi bực bội. Làm tôi nhớ đến danh thủ bóng bàn Mai Văn Hoà chuyên đánh "cò cử", chỉ đỡ chứ không có những cú "tiu" tới tấp như Lê Văn Tiết. Lớp trẻ ngày nay thiếu những nét hào hoa, thiếu những đường bóng sắc sảo như "cha chú" ngày xưa.
  
 
Bởi không tấn công thì khó mà tìm ra một đường bóng đẹp.
 Nhưng hết hiệp 1, bước sang hiệp 2, các cầu thủ U22 VN lại càng phòng thủ kiên cố hơn. Bóng chỉ chơi trên nửa sân. Các cầu thủ Malaysia to con, kềnh càng, liên tiếp mở những đợt vây hãm và sút bóng như mưa bấc. Tôi có cảm nghĩ, đây không phải là một trận đấu "bình đẳng" mà là trận một bên cứ áp đặt lối chơi, mang banh vào gần cửa thành, sút chí chạp. Một bên chống đỡ, lăn xả vào mà chống, bất cần thân thể. Các cầu thủ như những anh "điếc không sợ súng", theo đúng lời dạy của Huấn luyện viên, chỉ biết chống, không cho đối thủ sút vào thành của tôi. Có thế thôi. Về mặt này thì hàng thủ VN rất đáng khen. Họ đá bóng như một cuộc chiến thực thụ, dũng cảm, lì đòn, bọc lót rất cẩn thận. Thủ môn cũng tỏ ra bình tĩnh, nhạy bén và xuất sắc cứu thua nhiều bàn.
 
 Mặt khác, các chân sút của
Malaysia hầu hết đều khoẻ nhưng khả năng ghi bàn quá yếu. Trong tình hình này, nếu trong hàng trăm cú sút của Malaysia, chỉ cần một cú chui vào khung thành là kể như trận đấu đã được quyết định. VN hầu như không thể tìm được cơ hội gỡ hoà, dù chỉ một bàn. Nhưng khả năng đó đã không xảy ra càng làm cho từ HLV đến cầu thủ Malaysia nôn nóng tìm bàn thắng ngay trong hai hiệp chính. Buộc hai đội phải đấu thêm 2 hiệp phụ.
 
 Hai hiệp phụ này đội VN chơi bê tông hơn, bỏ hẳn khu trung tuyến, kéo về phòng ngự gần, áp sát từng đối thủ. Đội VN cố kéo trận đấu vào những quả đá luân lưu. Và họ đã làm được điều này, như thế chính VN là đội áp đặt lối chơi. Trong khi HLV là ông Mai Đức Chung, một người VN hoàn toàn chứ không phải ông Calisto người nước ngoài, ông này là HLV của Đội Tuyển VN chứ không phải đội U22. Tôi nghĩ Đội tuyển VN không cần vọng ngoại, chỉ cần một HLV biết cách chỉ huy chiến thuật như ông Mai Đức Chung là đủ.
 
 

 
 
 
 
Bước vào chấm phạt đền thì mọi lợi thế vế thể lực, về sân nhà, về khán giả hỗ trợ tinh thần đều vô ích. Tất cả chỉ còn là sự bình tĩnh của từng cầu thủ được uỷ nhiệm đứng trước khung thành. Chẳng thiếu gì những cầu thủ lừng danh trong những trận đấu quan trọng, sút phạt đền không thành công.

Nụ cười của thủ môn Tấn Trương sau khi đỡ được cú sút của cầu tủ số 5 Malaysia mang lại chức vô địch giải Merdeka cho U22 VN sau 42 năm chờ đợi.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
5 quả đá đầu tiên cả hai đội đều sút rất đẹp. Nhưng đến quả thứ 6, cầu thủ số 5 của Malaysia bị thủ môn Tấn Trường của VN xô ra. Cầu thủ Mai Tiến Thành là người thứ sáu sút luân lưu, quyết định có mang lại chiến thắng cho VN hay không. Anh đã thành công để mang chiến thắng về cho đội U22 VN.
 
 Cảm xúc của tôi chính là được sống lại những giây phút hồi hộp của 42 năm trước với những "danh thủ" một thời lừng lẫy mà nay đã vắng bóng. "Những người muôn năm cũ hồn ở đâu bây giờ"? Tôi không biết ở nước ngoài, đến nay còn bao nhiêu người Sài Gòn năm xưa nhớ đến những trận "đá banh" như thế này. Xin chia sẻ chút cảm xúc này với các bạn.
 
************************************************************************
 
Thứ Tư, 09/11/200505:01 (GMT+7)
 
 
 
 

Merdeka và trận chung kết “lửa”

Đội tuyển miền Nam trước giờ lên đường sang Malaysia dự Merdeka 1966

TT - Tháng 8-1966, sau 1 giờ 30 phút bay với vô số phen bị “quăng lên, quật xuống” bởi loại máy bay cổ lỗ bốn cánh quạt, đội Tuyển miền Nam có mặt ở Malaysia. Bản doanh của họ không phải khách sạn mà là tầng lầu của một cư xá dành cho học sinh với các phòng chỉ được trang bị quạt máy.

Trước đó họ đã chuẩn bị cho giải thế nào?

Bài tính Merdeka

Nhà vô địch trẻ nhất - trung vệ 19 tuổi Nguyễn Văn Mộng kể: “Hồi đó đội tuyển tập trung gọn lắm. Do cầu thủ phần lớn chỉ chơi loanh quanh cho các đội ở Sài Gòn nên anh em rành rẽ lối đá của nhau lắm. Trước giải, ráp với nhau chừng hai, ba tuần, cao nhất một tháng là đá ngon lành. Chuẩn bị dự Merdeka 1966, 17 cầu thủ được gọi tập trung cho đội tuyển.

Trước khi đi dự Merdeka, Hãng Phi Mã cho đội tuyển 20 bông (giống phiếu khuyến mãi bây giờ - NV) mua xe Vespa với giá rẻ ưu đãi so với thị trường. Thấy vậy, mấy hãng bán quạt máy, đồ điện... cũng theo gương Phi Mã tặng anh em bông mua hàng làm quà cho gia đình”.

Hồi ấy, giải Merdeka (có người còn gọi là Cúp Độc lập hay Cúp Quốc khánh Malaysia ) nặng ký hơn nhiều so với SEAP Games (nay là SEA Games) bởi nó giống như một giải châu Á thu nhỏ. Merdeka 1966 có 12 đội tham dự, trong đó có các đội mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Hong Kong (đội tuyển trước đó vài năm đã có một thời lừng lẫy ở châu Á với “túc cầu đại vương” Lý Huệ Đường)...

Thể thức thi đấu của Merdeka 1966 cũng thật lạ lùng. Sau khi bắt thăm phân cặp, các đội sẽ thi đấu với nhau và sau đó các đội được chia thành hai bảng theo nguyên tắc: thắng theo thắng, thua theo thua. Hai đội đầu bảng sẽ vào tranh chung kết.

Với thể thức này, theo tính toán của ban huấn luyện, Tuyển miền Nam đã chủ động thua chủ nhà Malaysia với tỉ số 2-5 ở trận đầu tiên để được xếp vào bảng các đội thua. Tính toán này theo trung vệ Nguyễn Văn Mộng và tiền vệ Nguyễn Ngọc Thanh... là hợp lý bởi “không mất nhiều sức lực trước các đối thủ mạnh và tìm được bốn trận thắng trong năm trận ở vòng bảng (thua một trận duy nhất trước Ấn Độ với tỉ số 0-1). Do hơn Ấn Độ về hiệu số bàn thắng bại nên Tuyển miền Nam lọt vào chung kết với Miến Điện (nay là Myanmar ).

Với các tuyển thủ miền Nam thập niên 1960: “Ngán nhất là gặp Miến Điện!”. Tuyển Miến Điện trong mắt họ ngày ấy là đội bóng có kỹ thuật, thể lực và rất giàu ý chí. Theo nhận định khách quan của nhiều người thì “trình độ của Miến Điện ngày ấy 10, chúng tôi giỏi lắm chỉ được 8”. Kém thế hơn, Tuyển miền Nam còn gặp bất lợi khi mất Phạm Văn Lắm - một trung vệ cự phách ở hàng phòng ngự - vì bị thẻ đỏ do ẩu đả trong trận thua Ấn Độ.

Những quân bài chủ lực

“Đội hình ngày ấy có tuổi bình quân 24-25 và chiều cao trung bình của hàng phòng ngự tròm trèm 1,70m. Đây là một yếu tố quan trọng để có thể đối đầu với lối tấn công bão táp của Miến Điện - ông Mộng kể - Chúng tôi có một trụ đồng làm chỗ dựa là trung vệ Tam Lang. Ngày ấy anh nổi danh với tuyệt kỹ phá bóng từ phía sau mang tên “bọ cạp nước” (thời đó người Nhật đã quay phim ngón độc này của anh để tập luyện). Biệt danh này bắt nguồn từ chỗ: những cú ra đòn của con bọ cạp thường rất chính xác và rất... độc. Vì vậy anh em mới dùng hình ảnh con bọ cạp để nói về cú bay người “cạp” bóng từ phía sau của ảnh.

Phải nói đây là tuyệt nghệ bởi bay người phá bóng phía sau rất dễ bị phạt lẫn nhận thẻ. Nhưng với anh Tam Lang, dù chạy sau đối thủ 3-4m ảnh vẫn thực hiện những cú bay người chuồi phá bóng chính xác trong chân đối phương. Không biết bao nhiêu lần ảnh đã cứu thua cho đội bằng miếng “bọ cạp” này. Nhiều tiền đạo trong và ngoài nước thời đó cũng rất ngán miếng “cạp” này của ảnh. Có ảnh trong hàng phòng ngự, chúng tôi rất vững lòng”.

Một quái kiệt khác là tiền vệ Đỗ Thới Vinh (Vinh “đầu sói”). Kỹ thuật điêu luyện, lối chơi thông minh của Vinh “sói” đã làm điên đảo hầu hết những đối thủ từ Á đến Âu mà tuyển miền Nam đã gặp thời ấy như Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật, các đội Djugaden, Helsinborg (Thụy Điển), Lask (Áo)... Vinh “sói” còn có cách lấy lòng khán giả rất điệu nghệ.

Tiền vệ Nguyễn Ngọc Thanh, người cùng Vinh “sói” trấn giữ hàng tiền vệ trong cả hai lần đoạt chức vô địch ở SEAP Games 1959 và Merdeka 1966, nhớ lại: “Trận gặp Malaysia, Vinh bị một cầu thủ Malaysia chơi xấu lộn mấy vòng trên sân. Vừa đứng dậy, Vinh lao ngay tới tay cầu thủ ấy. Nói thiệt lúc đó tụi tui sợ xanh mặt vì nghĩ Vinh sẽ đánh nhau với tay này. Nào đâu, anh lại bắt tay với cầu thủ này. Quá bất ngờ, khán giả Malaysia vỗ tay rần rần... Cũng nhờ điều này mà khán giả Malaysia ủng hộ tụi tui rất nhiều trong trận chung kết”.

Đội hình tham dự Merdeka 1966

Thủ môn: Châu, Chinh.
Hậu vệ: Tam Lang, Lắm, Có,
Mộng, Ngôn 2, Hiển.
Tiền vệ: Vinh “đầu sói”, Thanh, Hội.
Tiền đạo: Chánh, Đức, Phụng, Chiêu (trung phong), Xê, Ngôn 1.

Đội hình trận chung kết

Thủ môn: Châu.
Hậu vệ:  Hiển, Có, Tam Lang, Ngôn 2.
Tiền vệ: Thanh, Vinh.
Tiền đạo: Chánh, Chiêu, Ngôn 1, Phụng.

Bàn thắng kỳ lạ

Tuyển miền Nam vào trận chung kết với đội hình 1-4-2-4. Thay trung vệ Lắm là lão tướng 36 tuổi Huỳnh Văn Có - cầu thủ lớn tuổi nhất giải.

Ngồi ngoài sân trong vai cầu thủ dự bị, ông Mộng tường thuật lại trận đấu:

Hiệp một, tuy thế trận giằng co nhưng Miến Điện vẫn trên chân tuyển miền Nam . Tuy kém về thế trận nhưng may mắn đã thuộc về chúng tôi khi có đến ba cú sút của Miến Điện tìm đến cột dọc hoặc xà ngang.

Hiệp 2, khoảng phút 61, 62 gì đó, Vinh “đầu sói” chuyền bóng cho trung phong Chiêu. Đảo người qua một cầu thủ Miến Điện, Chiêu bất ngờ tung cú sút từ cự li khoảng 25m. Cả đời tôi chưa thấy cú sút thành bàn nào kỳ lạ đến như thế. Nó giống như một cú đánh bida ba băng vậy. Cột dọc thứ nhất bật quả bóng đi một đường ngang thẳng băng sang cột dọc thứ hai rồi bật luôn vào lưới trong sự ngơ ngác của thủ môn đội Miến Điện.

(Bình luận về bàn thắng này, trung phong Hà Tam (tự Há), người đã cùng tuyển miền Nam đoạt chức vô địch SEAP Games 1959 (SEA Games lần 1) tổ chức ở Thái Lan nói: “Sự kỳ lạ này xuất phát từ việc trụ thành thời đó vuông chứ không tròn như bây giờ. Có lẽ yếu tố này đã tạo nên đường đi quái dị của quả bóng - NV)

Dẫn 1-0. Ban huấn luyện ra lệnh chuyển đội hình thành 1-4-3-2-1 để tăng cường phòng ngự ở khu vực giữa sân. Ngồi ngoài sân, chúng tôi bắt đầu cảm nhận được một điều: những đồng đội trên sân đang sắp sửa chịu đựng những cơn cuồng phong Miến Điện.

Thật vậy! Nửa sân là tình trạng của chúng tôi trong gần 30 phút cuối. Có lúc chúng tôi tưởng chừng như bị cuốn trôi trước những đợt tấn công liên tục của đội Miến Điện. Trên sân, anh Tam Lang khản giọng vì điều động đồng đội di chuyển bịt các lỗ hổng trong đội hình. Sự lăn xả cùng một ngày may mắn với sự trợ giúp của trụ thành đã giúp những đồng đội của chúng tôi trên sân chặn lại bàn thắng của đối phương.

Bị ép nhưng thi thoảng đội vẫn mở được những đợt phản công nguy hiểm. Nếu tôi nhớ không lầm Ngôn 1 cũng vài lần bắn bóng bật cột dọc của Miến Điện, và phút 82 Ngôn 1 trong một đợt phản công đã đưa bóng vào lưới Miến Điện. Ngồi ngoài sân, chúng tôi sướng điên người nhưng niềm vui chợt tắt ngấm khi trọng tài không công nhận bàn thắng vì cho rằng Ngôn 1 đã việt vị.

Thế là lại tiếp tục cắn răng chống chọi với những đợt vây hãm mới. Tiếp sức cho mấy anh trong sân, ngoài sân, tôi cứ hét vào: còn 3 phút, 2 phút... rồi 1 phút. Tiếng còi hết giờ vang lên, nhiều đồng đội của tôi gần như đứng không vững vì kiệt sức trong lúc những tiếng hô Việt Nam , Việt Nam ... của khán giả Malaysia vang dội khắp khán đài.

23 giờ đêm hôm đó, tin đoạt cúp vô địch Merdeka được Đài phát thanh Sài Gòn loan đi trong cảnh Sài Gòn chìm trong giấc ngủ.

HOÀNG VŨ

 ********************************************************** 
 
 
Thứ Sáu, 11/11/2005, 04:01 (GMT+7)

Đấu trường vinh quang - Ngày ấy & bây giờ (kỳ 10)

Click%20here%20zoom%20image!

HLV Phạm Huỳnh Tam Lang giơ chiếc cúp Vô địch bóng đá A1 toàn quốc đầu tiên của CSG

 
 
Phạm Huỳnh Tam Lang - ký ức một thời vang bóng

Thủ quân Tam Lang được đồng đội công kênh cùng chiếc cúp vô địch Merdeka 1966. (Ảnh do nhà báo Hồ Nguyễn - Sài Gòn Giải Phóng - chụp lại tại trụ sở AFC trong chuyến đi thi đấu tại Malaysia của tuyển TP.HCM vào năm 1992)

TT - Trong sự nghiệp cầu thủ, có lẽ ít ai có được hạnh phúc và vinh dự trong nghề nghiệp như người con của vùng đất Gò Công (Tiền Giang) - cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang. Ngoài cúp vô địch Merdeka 1966, ông còn đoạt được nhiều huy chương khác ở SEA Games trong vai trò cầu thủ rồi HLV.

Dẫn dắt đội Cảng Sài Gòn trong vai trò “thuyền trưởng”, ông góp công lớn mang về cho đội bốn chức vô địch (1986, 1993-1994, 1997, 2001-2002) cùng hai danh hiệu vô địch Cúp quốc gia (1992, 2000), đó là chưa kể đến hàng chục ngôi vô địch ở các giải bóng đá khu vực phía Nam...

Ngày hạnh phúc trên đất khách

Nhâm nhi ly cà phê cùng chúng tôi sau giờ huấn luyện tại Trung tâm thể thao Thành Long, vị danh thủ lừng lẫy một thời của bóng đá miền Nam trước 1975 như trẻ trung trở lại khi nhắc tới giải Merdeka 1966. Ông kể: “Năm 1960, khi mới 18 tuổi, tôi được gọi vào đội tuyển miền Nam. Sớm chiếm được vị trí trong đội hình chính thức, nhưng chiếc băng đội trưởng thì chẳng bao giờ tôi nghĩ đến.

Đùng một cái, trước giờ bay sang Malaysia, HLV Weigang họp đội và đề nghị bầu chọn đội trưởng mới thay cho tiền vệ nổi tiếng Nguyễn Ngọc Thanh. Cũng chẳng biết vì sao ngày ấy anh em lại tín nhiệm và dồn phiếu cho tôi giữ vai thủ quân.

Ngày xưa, Merdeka là một giải đấu danh tiếng, ra đời từ thập niên 1950, luôn qui tụ những đội mạnh nhất của châu Á. Được mời dự giải đã là một vinh dự. Chính vì vậy mà khi đoạt chức vô địch, chúng tôi như đắm mình trong hạnh phúc vô bờ trên đất khách quê người. Hai ngày sau lúc trở thành nhà vô địch Merdeka, toàn đội không về nước ngay mà ghé lại Singapore để thi đấu giao hữu một trận với đội tuyển nước này khi họ vừa tách ra khỏi Liên bang Malaysia.

Khi máy bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, cả đội không thể tin vào mắt mình vì sự đón tiếp trọng thể. Mỗi người chúng tôi đứng trên một xe jeep mui trần diễu hành về tòa đô chính (trụ sở UBND TP.HCM ngày nay) để ra mắt hàng ngàn khán giả đang chờ đợi. Để ghi nhận công sức của đội bóng, các mạnh thường quân và Tổng cuộc Túc cầu tặng mỗi cầu thủ một chiếc lắc được làm bằng 5 chỉ vàng ròng. Việc khen thưởng chỉ dừng lại ở đó, nhưng để lại trong lòng mỗi cầu thủ chúng tôi những dấu ấn đậm nét”.

Nếu muốn gặp lại hoặc tìm kiếm thông tin về những danh thủ từng một thời vang bóng của bóng đá miền Nam trước 1975, bạn chẳng cần đi đâu xa mà hãy đến sân bóng số 5 của Trung tâm thể thao Thành Long vào mỗi chiều thứ sáu hằng tuần.

Chính HLV Tam Lang là một trong những người đưa ra lời kêu gọi các cựu tuyển thủ hãy đến với nhau để tập luyện, cũng là dịp để chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống hiện tại. Trong mười cầu thủ ngày xưa thì hết bảy, tám người luôn gặp cảnh lao đao khó nhọc trong việc mưu sinh độ nhật. Chính ông lại đứng ra kêu gọi thành lập hội tương tế cựu cầu thủ. Một việc làm thầm lặng nhưng đong đầy ý nghĩa...

Tiếng sét ái tình

Ba ngày trước lúc đội tuyển bóng đá miền Nam VN dự Cúp Merdeka 1966, toàn đội bỗng nhận được giấy mời xem một suất hát của Đoàn cải lương Dạ Lý Hương. Trước giờ kéo màn, đại diện đoàn hát nói vài lời phi lộ và gửi lời cầu chúc đội tuyển “mã đáo thành công”.

Cô đào hát nổi tiếng, được khán giả xưng tụng là “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết bước ra từ cánh gà sân khấu. Thay cho câu vọng cổ mùi mẫn là bó hoa tươi thắm để trao tận tay thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang. Ngay ở lần chạm mặt ấy, nói như người cựu danh thủ thì: “Tôi như bị cô ấy hớp hồn khi nhận hoa...”.

Ngưng một thoáng vì xúc động bởi chuyện cũ hiện về từ ký ức xa xưa, Tam Lang nói: “Sau giải Merdeka, những cuộc hẹn hò giữa chúng tôi nối dài hơn và kết thúc bằng lễ cưới vào đầu năm 1967. Tiếc là quãng đường đi chung của chúng tôi quá ngắn. Do không phù hợp nhau về nhiều mặt nên chúng tôi đành phải nói lời chia tay vào năm 1974. Sau này, cả hai cùng có gia đình riêng rất hạnh phúc. Tôi có một cháu gái (20 tuổi, đang du học ngành dược tại Úc) còn Bạch Tuyết được một cháu trai. Hai gia đình luôn xem nhau như những người bạn thân thiết và cũng hay lui tới thăm viếng lẫn nhau mỗi khi có điều kiện”.

“Có một giai thoại cho rằng vì quá ghen tuông với những cảnh mùi mẫn trên sân khấu nên anh xách súng rulô rượt bắn kép hát đóng chung với chị Bạch Tuyết?”. Nghe chúng tôi hỏi, Tam Lang cười ngất rồi nói: “Đúng là khi còn đá cho đội cảnh sát của chế độ cũ, tôi được gắn lon trung sĩ và được phát khẩu súng ngắn. Ngay sau đó tôi trả súng lại vì thấy nguy hiểm, đồng thời cũng không muốn giữ súng vì đâu có chi cần thiết để giắt kè kè bên người.

Do đó không hề có chuyện tôi xách súng rượt kép hát ngay trên sân khấu như đồn đại đâu. Ngay cả cái lon trung sĩ cũng là chuyện chẳng đặng đừng vào thuở ấy. Lương cầu thủ chẳng được là bao, do vậy ông bầu của đội mới gắn cho tôi thêm lon trung sĩ cảnh sát để có thêm vài đồng lương hằng tháng. Và cũng chính vì cái lon trung sĩ tạm bợ ấy mà tôi phải đi học tập ba ngày sau 30-4-1975...”.

Thăng trầm của một đời người

Sau ngày 30-4-1975, bóng đá lại cuốn hút Tam Lang trở lại với sân cỏ. Giữ vai trung vệ cho Cảng Sài Gòn được gần năm năm, ông chính thức nói lời chia tay để chuyển sang nghiệp HLV. Vừa giã từ đôi giày crămbông, ông được ngành TDTT thành phố cử đi tu nghiệp lớp HLV quốc tế tại CHDC Đức.

Ngày ấy, cái tin Tam Lang được cử ra nước ngoài học để lấy bằng HLV, mà lại là học ở một đất nước XHCN, đã trở thành đầu đề bàn tán khá lâu dài. Người này thì thắc mắc: “Sao lại cử cầu thủ “ngụy” đi học nghề làm thầy đá bóng?”; người khác lại cho rằng: “Chắc cha Tam Lang này là dân Việt cộng nằm vùng nên chỉ phải đi học tập ngắn ngày, nay lại được chọn cho đi học ở nước ngoài”...

Năm 1981, tức sau hơn một năm tu nghiệp, ông tạm biệt CHDC Đức với tấm bằng HLV loại ưu để quay lại với Cảng Sài Gòn trong cương vị mới - HLV trưởng. Riêng việc được chọn đi học nước ngoài, mãi về sau này mới có lời giải đáp thỏa đáng từ chính người trong cuộc: ông được tín nhiệm cử đi học ở nước ngoài nhờ vào bản lý lịch khá tốt - có cha là liệt sĩ chống Pháp, hi sinh năm 1945.

Nhắc về người cha quá cố, cựu danh thủ lừng lẫy một thời xúc động kể lại: “Số phận của tôi hẩm hiu lắm chứ không đầy rẫy vinh quang như nhiều người lầm tưởng. Tiếng là có cha, nhưng cho tới lúc trưởng thành tôi chẳng hề biết tường tận nét gì đó trên gương mặt của cha ngoài việc cảm nhận về cha mình qua di ảnh còn để lại. Nhưng nỗi đau lớn nhất là cho tới giờ phút này vẫn không hề biết mộ phần của cha nằm nơi đâu! Ông bị địch bắt rồi thủ tiêu ngay trong khám khi tôi vừa lên 3. Cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay, mẹ tôi vẫn không nguôi nỗi ray rứt về mộ phần lẫn ngày mất của chồng...”.

Vào lúc làn sóng vượt biên rộ lên, nhiều bè bạn đã rủ rê Tam Lang theo chân họ xuống tàu ra nước ngoài tìm vận hội mới. Thậm chí có người còn dọa rằng: “Ông là dân cảnh sát ngụy, ở lại không được trọng dụng đâu. Chi bằng theo tôi vượt biên đi...”. Ông chỉ lắc đầu.

Đơn giản chỉ vì: “Tôi là dân đá banh. Ngoài đá banh ra, đi nước ngoài biết làm gì để sống. Hơn thế, tôi không đành lòng ra đi để lại người mẹ hiền suốt một đời thủy chung thờ chồng, lam lũ kiếm sống để nuôi dạy con khôn lớn...”. Ngồi nhắc lại chuyện xưa, ông cho rằng đó là một quyết định đúng đắn - sự đúng đắn phải đi qua rất nhiều tháng ngày trăn trở, suy tư...

 Tam Lang....: “Tôi không cho là như vậy. Tôi luôn tâm niệm rằng con người từ lúc sinh ra cho tới lúc mất đi thì phải luôn làm việc, luôn cống hiến.

Đó không chỉ là ước mơ mà còn là nguồn sống. Với tôi, dù đã qua tuổi lục tuần từ lâu nhưng niềm tin và tình yêu với quả bóng vẫn luôn đong đầy. , tôi vẫn không thể ngờ được rằng có ngày mình vinh dự , nhất là với một người từng có ít nhiều tháng ngày tham gia chế độ cũ...”.

Ở tuổi 63, giọng nói của người cựu danh thủ này vẫn còn sang sảng. Ông nói: “Tôi cảm thấy mình có lỗi rất lớn với người hâm mộ. Bao thế hệ cầu thủ đã đi qua, nhưng giấc mơ đem tấm HCV về cho đất nước vẫn không làm được. Thời của tôi và các đàn em không làm được, do vậy tôi luôn nung nấu giấc mơ ấy bằng cách gầy dựng những thế hệ cầu thủ trẻ cho bóng đá Thành Long nói riêng và cho TP.HCM nói chung. Biết đâu mai này, trong số những tài năng trẻ ấy có người sẽ làm nên chuyện như lớp cha ông ngày trước...”.

SĨ HUYÊN

*******
Ghi chú:
Xin cám ơn nguòi viết vầ tôi xin phép đưa lên trang mạng Gò-Công trong tinh thấn nhớ về một thời , những ngày TẾt tại quê nhà Gò-Công đều có những trận giao hữu bóng tròn với các đội bóng đến từ Sai Gòn hay tỉnh bạn. Những lấn tổ chức như thế , muốn co thu nhập cao , quân bình chi thu , hội tuyển Gò-Công phải mời cac danh thủ xuất thân từ đất Gò Công như các anh Nguyễn Văn Tư , biệt danh MỦI TÊN VÀNG , vi anh Tư luôn thủ vai TẢ BIÊN, mổi lấn được đồng đội giao bóng , anh nhận và dắt bóng băng băng như MỦI TÊN  xuyên qua hàng hậu vệ của đội đối phương , anh làm phiền  không ít cho thủ môn đối phương.Thời đó cầu vương Lý Huệ Đương cùa Trung Hoa phai thán phục anh..va anh hậu vệ Quời , hàng phòng vệ vững chắc cho thủ thảnh hội nhà..Những cầu thủ ưu tú nấy đã làm nể mặt các hội đến từ Thụy Điển như Djugarden ...hay hội Nam Hoa của cấu vương Lý Huệ Đuòng..Đất Gò Công tiếp tục cống hiến cho bộ môn túc cầu quốc gia các cầu thủ danh tiếng nhu TAM LANG. Hải , Phi , thủ môn Lưu Kim Hoàng , hửu nội Bữu..Những lần tổ chức túc câu ngày TẾT , người người thìch nghe đâu đây tiếng nòi của khán giả tỉnh nhà : " Trận banh nấy có các anh ở Sai Gòn về tăng cường nhu  anh Tư , anh Quới , anh Tam Lang...nên đi xem lắm..". Một kỷ niệm đã qua.....
Với anh TAM LANG , 42 năm vế trước , anh là một trong những cấu thủ vinh danh làng bóng Việt Nam trong giải Merdeka 1966.. Giờ đây năm 2008 , một lần nửa Việt Nam đoạt vô địch MERDEKA CUP, vinh quang về cho Việt Nam , trong  đội bóng Việt Nam lại có đươc một LONG GIANG , xuất thân từ hội bóng học sinh của quận ,  rồi tỉnh , trở thành tuyển thủ quốc gia, anh Long Giang cũng từ Gò Công (Tài liệu tham khảo thêm  củng cùng trang thể thao phía dưới :Nguyễn Thành Long-Giang : Cuộc sống không chỉ có hoa hồng...) đã góp phần mang vinh quang về cho Việt Nam đoạt CUP MERDEKA 2008 .
42 năm về trước , Tam Lang khoác chiếc áo sò 5 , vị trí TRUNG VỆ ,ngày nay cùng miền đát có biển TÂN THÀNH , có LONG GIANG , một trung vệ cũng khóac áo số 5 làm nên lịch sữ thề thao lần thư NHÌ mang chiếc CUP MERDEKA cho Việt Nam nói chung và hành diện cho miền đất nhỏ bé Gò Công nói riêng.
Tôi ghi tãn mạn vài dòng , cũng để nhớ về TAM LANG , trung vệ đẹp trai , đã một thời được làng báo miền Nam ca tụng mối tình giửa anh và "Cải lương chi bảo" Bạch Tuyết , một môi tình giửa sân khấu va thể thao...
Xin ghi rắng : "Tam Lang danh thủ thời vang bóng,
                        Cải Lương Chi Bảo nay về đâu !"
                                  hp

 
 


 


Chỉnh sửa lại bởi HEICHPE - 31/Oct/2008 lúc 6:47pm
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 19/Nov/2008 lúc 7:58pm

CK%20Merdeka%20Cup%202008:%20U-22%20Việt%20Nam%20tái%20hiện%20lịch%20sử?%20%20%20
Năm 1966, ĐT miền Nam VN giành chức vô địch Merdeka Cup lần đầu tiên (Ảnh: Tư liệu)

hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 19/Nov/2008 lúc 8:06pm
Kỷ niệm 40 năm đoạt giải Merdeka 1966
Quỳnh Nga





... nhớ lại một thành tích bất hủ của làng cầu miền Nam Việt Nam. Ðó là chức vô địch Merdeka năm 1966.

...những dấu tích lịch sử oai hùng của miền Nam Việt Nam mà chức vô địch túc cầu Merdeka của đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa
Giải Merdeka được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1957 và trải dài không gián đoạn cho đến nay .
 
 Giải được tổ chức nhằm đánh dấu ngày độc lập của Malaysia, quốc gia sáng lập ra giải Merdeka và vận động trường mang cùng tên là vị thủ tướng đầu tiên của nước này, ông Abdulraman. Ông Abdulraman xuất thân là một tuyển thủ bóng tròn đội tuyển quốc gia, là cha đẻ của giải Bóng Tròn Thiếu Niên Á Châu và cũng là chủ tịch Liên Ðoàn Bóng Tròn Châu Á suốt thập niên 1960.

Giải Merdeka năm 1966 được đánh dấu lần tổ chức thứ 10 liên tục, với sự tham dự của 12 quốc gia sừng sỏ về bộ môn bóng tròn như Ðại Hàn, Nhật, Miến Ðiện, Kuwait, Singapore, Ðài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia, Ấn Ðộ, Việt Nam Cộng Hòa và nước chủ nhà Malaysia. Giải tổ chức rất quy mô, thời bấy giờ được đánh giá tương đương như giải Vô Ðịch Bóng Tròn Châu Á.

Rời phi trường Tân Sơn Nhất, con chim sắt của hãng Hàng Không Việt Nam tung cánh lên đường bay sang thủ đô Kualalumpur, mang theo phái đoàn đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa gồm 22 người như sau:

Nhà dìu dắt: Thiếu Tá Cao Văn Phước

Huấn luyện viên: Weigang (Tây Ðức)

Phụ tá huấn luyện viên: Trần Văn Thông

Trọng tài quốc tế (FIFA): Hồ Văn An

Thông tin, báo chí: Ký giả lão thành Huyền Vũ

Thành phần: cầu thủ 17 người

Thủ môn: Lâm Hồng Châu, Hồ Thanh Chinh

Hậu vệ: Lai Văn Ngôn II, Phạm Văn Lắm, Phạm Huỳnh Tam Lang, Phan Dương Cẩm (Hiển), Nguyễn Văn Có, Nguyễn Văn Mộng

Tiền vệ: Ðỗ Thới Vinh, Nguyễn Ngọc Thanh, Quách Hội

* Tiền Ðạo: Trần Chánh, Quang Kim Phụng, Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Văn Ngôn, Nguyễn Văn Xê, Lê Văn Ðức

Có thể nói, đây là chuyến xuất ngoại tranh tài quốc tế lần đầu tiên của đội tuyển bóng tròn Việt Nam Cộng Hòa có được huấn luyện viên người nước ngoài cầm quân.

Ông Weigang đến với làng cầu miền Nam Việt Nam thật bất ngờ, không một bổng lộc, lương hướng, hay hợp đồng ký kết mà hoàn toàn với sự tự nguyện nhân thời gian ông đang công tác dài hạn tại Việt Nam.

Nhiều người tưởng ông chỉ là một huấn luyện viên tài tử. Thật ra ông là huấn luyện viên được Liên Ðoàn Bóng Tròn Thế Giới (FIFA) cấp bằng đàng hoàng.

Sau năm 1980, qua lời mời của Liên Ðoàn Bóng Tròn Việt Nam, ông Weigang trở lại nắm vai trò huấn luyện cho hai đội tuyển Trẻ và Quốc Gia. Nhân dịp này, ông đề bạt người học trò năm xưa là cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang làm phụ tá. Sau thời gian hai năm làm việc có xảy ra sự bất đồng ý kiến giữa ông Weigang và Liên Ðoàn Bóng Tròn Việt Nam. Sau đó, ông ra đi nhận lời sang làm việc với một câu lạc bộ chuyên nghiệp hàng đầu của Malaysia, sau khi từ chối lời mời của nhiều quốc gia khác.

Quay trở lại năm 1965, sự có mặt của ông Weigang ở Việt Nam đã làm thay đổi hẳn bộ mặt làng cầu Ðồng Nai và mang lại luồng sinh khí mới. Từ đấu pháp cổ điển WM 3-2-5 mà đội tuyển Việt Nam thường xuyên áp dụng, ông chuyển sang đấu pháp 4-2-4. Phương án tập thể dục và thể lực thực tiễn đã đưa các tuyển thủ vào cuộc sống tập thể, sinh hoạt vui vẻ, kỷ luật, đoàn kết, cùng tạo cho anh em ý chí và tinh thần quyết thắng. Tất cả yếu tố trên đã dẫn đến đích vinh quang, qua chiến thắng của giải Merdeka năm 1966.

Có mặt tại thủ đô Malaysia sau hai ngày nghỉ ngơi, đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa ra quân trận đầu tiên là trận phân bảng với đội chủ nhà. Ðội thắng sẽ nằm ở bảng A và đội thua sẽ ở bảng B. Trận này không tính điểm trong giải. Về mặt chiến thuật, nhà dìu dắt Cao Văn Phước và Huấn Luyện Viên Weigang cùng thống nhất ra quân với thành phần dự bị và chấp nhận nhường bước trước đội chủ nhà 2-1 để được rơi vào bảng B hầu tránh hai đối thủ nặng ký là Ðại Hàn và Miến Ðiện.

Sau những trận phân bảng, kết quả như sau:

* Bảng A: Miến Ðiện, Ðại Hàn, Kuwait, Ðài Loan, Indonesia và Malaysia

* Bảng B: Nhật, Ấn Ðộ, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore và Việt Nam Cộng Hòa

Tưởng cũng nên biết, điều lệ giải Merdeka năm 1966 là chỉ lấy hai đội đứng đầu hai bảng vào tranh chung kết chớ không phải lấy mỗi bảng hai đội nhất nhì vào vòng bán kết để đá chéo như luật lệ hiện nay của FIFA áp dụng.

Bước vào phần thi đấu chính thức của giải, sau hơn hai tuần lễ tranh tài đầy cam go và quyết liệt, kết quả chung cuộc hai bảng như sau:

Bảng A: Miến Ðiện đứng đầu với thành tích 4 thắng 1 huề. Ðại Hàn về nhì với 3 thắng 2 huề

Bảng B: Việt Nam Cộng Hòa về nhất với thành tích 4 thắng 1 thua và Ấn Ðộ về nhì

Ðội tuyển Việt Nam Cộng Hòa bước vào giải khí thế thật hùng dũng với các chiến thắng như chẻ tre, trước Hồng Kông, Thái Lan, Nhật, Singapore, qua đấu pháp 4-2-4 và chỉ duy nhất một đội hình chánh thức như sau, trong bốn trận ra quân:

Thủ môn: Lâm Hồng Châu

Hậu vệ: Ngôn II, Hiến, Tam Lang, Lắm

* Tiền vệ: Vinh, Thanh

* Tiền đạo: Ngôn I, Chiêu, Phụng, Chánh

Qua 4 trận toàn thắng, với 8 điểm so với đội về nhì là Ấn Ðộ, chỉ được 5 điểm sau 4 trận. Với 3 điểm cách biệt, cuộc chạm trán cuối cùng với Ấn Ðộ chỉ còn là trận đấu thủ tục đối với Việt Nam Cộng Hòa vì thắng thua cũng đứng đầu bảng. Ngược lại, Ấn Ðộ quyết thắng để còn cơ hội cứu vãn danh dự ở trận tranh 3-4 với Ðại Hàn.

Ðội tuyển Việt Nam Cộng Hòa bước vào trận đấu với Ấn Ðộ trong tư thế dè dặt, cố tránh va chạm để bảo toàn lực lượng cho trận chung kết. Trận đấu diễn ra ngang ngửa, suốt 85 phút chỉ còn lại 5 phút phù du là chấm dứt. Ai cũng nghĩ đôi bên sẽ đâu lưng ra về với tỷ số 0-0. Tuy nhiên, trong một pha xuống bóng bất ngờ từ cánh phải của một tiền đạo Ấn Ðộ, mặc dù hậu vệ trái Phạm Văn Lắm truy cản đường bóng này trong tình trạng hợp lệ, trọng tài vẫn thổi phạt sát vòng cấm địa Việt Nam Cộng Hòa và dẫn đến thành bàn thắng cho Ấn Ðộ.

Không dằn được sự bình tĩnh, Lắm phản ứng với trọng tài và bị lãnh thẻ đỏ. Trước đó, trung phong Quang Kim Phụng, trong một pha xuống bóng va chạm với một trung vệ Ấn Ðộ, đã phải rời sân. Như vậy, cả hai đành phải vắng mặt ở trận chung kết với Miến Ðiện.

Thế là Huấn Luyện Viên Weigang phải sắp xếp lại đội hình như sau:

* Thủ Môn: Châu

* Hậu Vệ: Hiển, Có, Tam Lang, Ngôn II

* Tiền vệ: Vinh, Thanh

* Tiền Ðạo: Ngôn I, Chiêu, Ðức, Chánh

Ðội hình trên cho thấy Huấn Luyện Viên Weigang đem Nguyễn Văn Có vào đá vai trung vệ. Phan Dương Cẩm (tức Hiển) từ vị trí trung vệ ra thế vai hậu vệ trái của Phạm Văn Lắm và tiên đạo Lê Văn Ðức được đưa vào trám chỗ Quang Kim Phụng.

Ngược lại, phía Miến Ðiện vẫn giữ nguyên thành phần chủ lực.

Trước tiếng còi khai mạc trận chung kết, 40,000 khán giả đã ngồi kín Sân Vận Ðộng Quốc Gia Merdeka với sự chủ tọa của quốc vương Mã Lai và Thủ Tướng Abdulraman.

Ðội tuyển Việt Nam Cộng Hòa ra chào sân trong màu áo vàng, quần trắng và vớ vàng đã được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả Malaysia, nhất là tiền vệ Ðỗ Thới Vinh, người dễ nhận ra nhất trong đội hình Việt Nam. Với cái đầu hói và những pha lừa bóng lắt léo cùng những cử chỉ pha trò của anh trên sân cỏ đã thu phục hoàn toàn sự yêu mến của khán giả cũng như báo chí nước chủ nhà. Ðỗ Thới Vinh được giới truyền thông và báo chí Malaysia tặng cho danh hiệu “chiếc hộp ảo thuật của Việt Nam”.

Mặc dù bất lợi về thực lực nhưng bù lại, với ý chí quyết tâm, toàn đội Việt Nam đã “ăn miếng trả miếng” với địch thủ một cách xuất sắc. Hiệp một chấm dứt mà không bên nào mở được tỉ số. Vào hiệp hai, cơ hội bằng vàng đã đến với đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa ở phút 72 của trận đấu.

Từ đường chuyền của thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang ở phần sân nhà đưa lên, nhà ảo thuật Ðỗ Thới Vinh khéo léo dẫn qua hai cầu thủ Miến Ðiện, mở xuống vừa đúng tầm trung phong Nguyễn Văn Chiêu băng xuống. Chiêu dùng ngực hứng bóng, xoay người, tung quả sút hiểm hóc từ xa 25 mét bằng chân trái, bóng đi như ánh chớp vào góc thượng của khung thành trong sự ngỡ ngàng của đệ nhất thủ môn Á Châu thời bấy giờ là Tin Tin An, mở tỷ số 1-0 cho đổi tuyển Việt Nam.

Bàn thắng này là bàn thắng duy nhất của trận đấu và cũng là bàn thắng đáng giá ngàn vàng đưa đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa lên ngôi vương giải vô địch Merdeka 1996 trong nỗi vui mừng tràn ngập của toàn thể phái đoàn Việt Nam.


22 nhân vật trong phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tham dự giải Merdeka 1966 ai còn, ai mất, hiện sống ở đâu?


Năm người đã vinh viễn ra đi:

* Ký giả lão thành Huyền Vũ, rời Việt Nam vào Tháng Tư năm 1975, định cư tại Virgina Beach, Virginia, Hoa Kỳ, và mất tại đây vào Tháng Chín năm 2005.

* Trọng Tài Quốc Tế Hồ Văn An, được Hiệp Hội Ký Giả Thể Thao Việt Nam bầu chọn là Chiếc Còi Vàng năm 1972, tức trọng tài hay nhất trong năm, đã ra đi âm thầm ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn, năm 2003.

* Huấn Luyện Viên Trần Văn Thông qua Mỹ theo diện đoàn tụ khoảng cuối năm 1980, định cư tại California và mất năm 1995.

* Tiền vệ Ðỗ Thới Vinh mất tại Việt Nam năm 1995 vì bệnh tiểu đường. Anh là tên tuổi được mọi người ái mộ từ trong nước ra tới hải ngoại. Thế mà ra đi trong hoàn cảnh, thật đơn chiếc và túng thiếu.

* Trung phong Nguyễn Văn Chiêu, người ghi bàn thắng duy nhất trước Miến Ðiện để đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa đoạt giải Merdeka 1966, vĩnh viễn ra đi năm 1987 tại Long Thành trong hoàn cảnh thật đáng thương tâm, chỉ có người vợ hiền cùng mấy người con khóc nức nở trước thân xác lạnh lẽo của chồng và cha trong căn chòi lá nằm sâu trong thị xã Long Thành. Ðám tang anh thật vội vã, không kèn không trống, ngoài người vợ đầu ấp tay gối hơn 20 năm trời, mấy đứa con cùng vài người quen biết, tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Mộ phần không tiền xây cất, đắp ụ đất sơ sài. Sau này, tuyển thủ Võ Thành Sơn từ Mỹ về quyên góp những bạn bè thân thích một ít tiền xuống tận Long Thành xây đắp lại mộ phần cho anh.

Có thể nói, trung phong Nguyễn Văn Chiêu và tiền vệ Ðỗ Thới Vinh là đôi bạn thân thiết khoác chung màu áo từ đội Quan Thuế rồi vào quân ngũ đá cho Tổng Tham Mưu. Giải ngũ, cả hai trở về đội Quan Thuế và cùng đá trong Ðội Tuyển Quốc Gia. Cuộc đời hai anh gắn liền cả chục năm trời bên nhau. Tại giải Merdeka năm 1966, Vinh và Chiêu là hai người lập công trạng lớn nhất đem vinh quang về cho Việt Nam. Giờ đây, cả hai cùng rủ nhau kẻ trước người sau ra đi trong âm thầm, thiếu vắng đồng đội tiễn đưa, không một điếu văn nhắc lại một thời huy hoàng của hai anh trên sân cỏ.

Xin hai anh đừng buồn mà hãy ngậm cười nơi chín suối vì những đồng đội thân thương và những người mộ điệu còn trên cõi tạm này vẫn mãi mãi ghi nhớ hình bóng của hai anh.


8 người còn ở lại Việt Nam:

* Thiếu Tá Cao Văn Phước: nhà dìu dắt đội tuyển túc cầu Việt Nam Cộng Hòa, cấp bậc sau cùng là đại tá (Cục Quân Vận). Sau khi đi cải tạo trở về, vì tuổi cao, từ chối ra đi theo diện HO. Anh hiện đang sống với gia đình ở Việt Nam.

* Hậu vệ trái Phạm Văn Lắm: đang bị chứng bệnh tai biến mạch máu não, hoàn cảnh gia đình hiện nay rất túng thiếu.

* Trung vệ Phan Dương Cẩm (tự Hiển): đang ở Việt Nam với cuộc sống bình thường.

* Trung vệ Nguyễn Văn Có: hiện ở Việt Nam và cuộc sống khó khăn.

* Trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang: hiện ở Việt Nam đang huấn luyện cho câu lạc bộ thành phố ở giải vô địch hạng nhất.

* Tiền vệ Quách Hội: hiện ở Việt Nam đang bị chứng bệnh tai biến mạch máu não.

* Tiền vệ Nguyễn Ngọc Thanh: đang ở trong tình trạng đau ốm triền miên, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

* Thủ môn Hồ Thanh Chinh: hiện ở Gò Vập, nghề nghiệp chính là dạy quần vợt.


9 người định cư tại nước ngoài:

* Thủ môn Lâm Hồng Châu: rời Việt Nam vào Tháng Tư năm 1975, hiện định cư tại tiểu bang Maryland cùng với gia đình.

* Tiền đạo cánh trái Nguyễn Văn Ngôn (tức Ngôn I): đi theo diện bảo lãnh của gia đình tới Mỹ năm 1990 hiện định cư ở Florida.

* Trung phong Quang Kim Phụng: qua Mỹ theo diện bảo lãnh của người em ruột là tuyển thủ Quang Ðức Vĩnh hiện sống ở tiểu bang Virginia.

* Tiền đạo cánh phải Nguyễn Văn Xê: qua Mỹ theo diện bảo lãnh của gia đình, hiện định cư tại Houston, Texas.

* Tiền đạo cánh phải Trần Chánh: vượt biên năm 1978 hiện định cư ở Ðức cùng với gia đình.

* Tiền đạo Lê Văn Ðức: đi Pháp theo diện bảo lãnh năm 1980 hiện đang sinh sống tại Paris.

* Hậu vệ Nguyễn Văn Mộng: qua Mỹ năm 1988 định cư với gia đình tại San Jose, California, hiện tại đang mở trung tâm huấn luyện căn bản bóng tròn mang tên Ða Phước ở Cần Giuộc, Việt Nam.

* Hậu vệ Lai Văn Ngôn (Ngôn II): vượt biên tới Mỹ năm 1982, định cư tại Quận Cam, California, cựu chủ biên tuần báo Khỏe Ðẹp, hiện nay về hưu và sống bình yên bên gia đình.

* Huấn Luyện Viên Weigang: hiện đang huấn luyện cho một câu lạc bộ chuyên nghiệp hàng đầu của Malaysia.

Sau đây là những tuyển thủ đã từng tham dự giải Merdeka năm 1966 trở về tham dự trong buổi dạ tiệc bóng tròn cũng như tham dự giải tứ hùng quốc tế của đội tuyển bốn cộng đồng Ðại Hàn, Nhật, Mexico và Việt Nam vào hai ngày 11 và 12 Tháng Mười Một năm 2006:

Lâm Hồng Châu (Maryland);

Nguyễn Văn Ngôn I (Florida);

Quang Kim Phụng (Virgina);

Nguyễn Văn Xê (Houston, Texas);

Lai Văn Ngôn II.
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 19/Nov/2008 lúc 8:12pm

Chiếc cúp vô địch Merdeka 1966 đang ở đâu?

Đóng 

Tam Lang và chiếc cúp vô địch Merdeka 1966

 
Trung vệ Phạm Văn Lắm  
 
Chiếc cúp vô địch Merdeka 1966 có hình một cầu thủ đang co chân sút bóng rất đẹp. Ông Lắm cho biết chiếc cúp có đế bằng gỗ và nặng khoảng 5kg.
 
Sau khi đội trở về Sài Gòn, chiếc cúp được đặt ở trụ sở Tổng cuộc Túc cầu trong sân vận động Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất). Theo thủ quân Tam Lang và các cựu tuyển thủ, chiếc cúp có lẽ đã bị thất lạc trong những ngày Sài Gòn giải phóng.

Còn theo ông Mộng, lần cuối cùng ông nhìn thấy chiếc cúp này là vào khoảng năm 1976. Ông kể một lần đi qua ngã tư Phú Nhuận (ông Mộng vẫn không nhớ được chính xác ở con đường nào - NV), ông tình cờ bắt gặp chiếc cúp lăn lóc trong một hàng lạc xoong ở lề đường.

 “Tôi dừng xe hỏi mua.Người bán ra giá 500 đồng. Một số tiền quá lớn với tôi hồi ấy... Và thế là đành đau lòng chia tay chiếc cúp mà cả đội đã nỗ lực hết mình mới giành được. Chiếc cúp đã tuyệt tích từ đó! Nhưng tôi tin nó vẫn còn được một người nào đó lưu giữ, bởi với số tiền lớn như đã nói ở trên, người nào mua nó từ hàng lạc xoong trên vệ đường ngày ấy chắc chắn phải có tình yêu sâu nặng với bóng đá...”.

Mịt mờ về số phận của chiếc cúp nhưng những lão cầu thủ vẫn hi vọng: khi hình ảnh của chiến thắng Merdeka 1966 được tái hiện trên Tuổi Trẻ, biết đâu chủ nhân đang lưu giữ nó sẽ giúp nó trở về với bóng đá VN...

Hi vọng là thế!

HOÀNG VŨ



Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 19/Nov/2008 lúc 8:16pm
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 19/Nov/2008 lúc 8:24pm

 
HLV Weigang (dấu tròn)  và đội tuyển miền Nam trong những ngày tập huấn trước giải Merdeka 1966 -  Ảnh tư liệu


Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 19/Nov/2008 lúc 8:58pm
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.168 seconds.