Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Quê Hương Gò Công
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Quê Hương Gò Công
Message Icon Chủ đề: Ký Ức Trổ Hoa Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
Admin
Admin Group
Admin Group


Tham gia ngày: 01/Jan/2006
Thành viên: OffLine
Số bài: 199
Quote Admin Replybullet Chủ đề: Ký Ức Trổ Hoa
    Gởi ngày: 10/Jun/2007 lúc 10:21pm

Trần Thành Mỹ

(Thân gởi Quý thân hữu, đồng nghiệp, cựu học sinh Trung học Gò Công nhân chuyến sang Cali đầu tiên tháng 10 năm 2004).

Phi trường San Francisco đây rồi, cái tên mà ngày xưa chúng tôi thường kháo nhau là ở đây các cô gái rẻ lắm vì 100 quan được đến 6 cô (đọc theo Pháp Việt: cent francs six cô). Nhớ lời bạn bè dặn dò kỹ lưỡng, vì lần đầu sang Mỹ, vào Mỹ khó lắm. Mỹ tự xem là thiên đàng hạ giới và nhất là sau biến cố 11-09-01, du khách cần phải thận trọng trong việc mang hành lý vào ra.

Theo ngõ dành riêng Visitors, No citizens, trình giấy tờ. Nhìn cậu kiểm soát châu Á, mặt "đằng đằng... Mỹ khí", bụng thấy đánh lô tô dù tên mình là Mỹ chính cống nhưng chỉ "quọt quẹt" tiếng cờ Hoa trộn "hầm bà lằng" với Hòa Lan Pháp. Một cảm giác hãnh diện ngầm tự nhiên len đến với tôi vì ở đâu dân da vàng ta cũng ngẩng đầu cao được và tia hy vọng loé lên. Dòng tư tưởng bị cắt ngang bằng câu hỏi: Thời gian ở đây bao lâu? Đi với ai boyfriend... hay husband? Bất giác tôi vui vẻ trả lời husband. Chắc các bạn cũng thừa hiểu tại sao tôi không nhịn được mỉm cười về chữ boyfriend. Dù biết chắc chắn trăm phần trăm là nhân viên nầy chỉ hỏi theo thông lệ thói quen nghề nghiệp nhưng vốn không cưỡng nỗi tính khoái được khen, vuốt ve tình cảm chủ quan của con người, hy vọng là mình chắc có lẽ cũng còn chút "hơi hướm", "sáng giá" chưa đến nỗi lụm khụm như bà lão 70.

Rời phi trường dễ dàng trót lọt, tôi ngỡ ngàng, bàng hoàng nhìn Cali vào thu nắng ấm. Khung trời quen thuộc nhỏ bé của riêng tôi như do chiếc đũa thần biến mất nhường chỗ cho cảnh trí hùng tráng bao la, tự do phóng khoáng. Xe như thác lũ trên xa lộ với 5, 6, 7 hàng mỗi bên nhấp nhô như tàu trên biển khơi sóng cả. Hàng rào danh dự hai bên là những ngọn đồi tròn đầu nâu xanh xám sát cánh bên nhau mang dáng dấp bao mảng voi đang phủ phục cận kề, hình thù hai chiếc mông khổng lồ của ông bà chằn đang quì chào hay lum khum ngắm biển, những tảng đá cá nược cá voi vượt trùng dương lướt sóng. Phong cảnh vĩ đại, sơn thủy hội ngộ trùng phùng làm lòng mình lắng lại, đưa hồn ai như trút bỏ phiền ưu nhâm nhi giây phút sảng khoái diệu kỳ.

Nhà chú em nằm trên ngọn đồi ở Danville miền Bắc Cali. Vẫn biết Cali nằm trên vòng đai núi lửa và động đất Thái Bình Dương, nhà dưới 4 tầng đều xây bằng gỗ, thế mà thật sửng sốt bất ngờ đến chiêm ngưỡng thán phục kiến trúc, kỹ mỹ thuật tân kỳ hiện đại.
Lần sang Mỹ nầy, chúng tôi đồng ý cùng hát bài "Những bước chân âm thầm", không kèn không trống, không hó hé báo tin bạn bè bà con quen thuộc hầu dành tất cả 1 tháng Mỹ du nầy cho chú em bệnh nặng.
Hơn mười ngày "cấm cung", "khuê môn bất xuất". Bầu trời Cali lúc nầy chỉ còn thu gọn bằng những vầng mây trắng như sương khói bay ngang, xa xa đang nhuộm đầu các anh đồi trọc đầu hay tóc ngắn, tầm nhìn cũng bị ngăn cách bởi vòng đai đồi, nhà rộng, cây cao. Đến đây phải dở nón cúi chào thua Hiệp Chủng quốc đã biến vùng khô hạn nầy thành vùng đất phì nhiêu trù phú.

Cuộc đời là vòng lẩn quẩn mà, đi vô rồi lại đi ra, vòng vo rồi ngày tháng cũng trôi qua, nhưng thật ra cũng buồn chán quá. Mở điện thư tìm chút gió ngàn phương ấm mát! Hàng chữ mấy hôm liền "Cô cho em số phone để dễ liên lạc" từ Houston, Texas gõ bưng bưng đánh thức gợi dậy bao kỷ niệm lắng sâu. Cái phao của tôi đấy, "Kỳ Sơn ơi, số phone đây". Thế rồi trên dưới hai tiếng đồng hồ sau, bắt đầu cuộc phiêu lưu qua điện thoại vòng quanh Canada, Mỹ. Dĩ vãng trở về quyện lấy hồn tôi bằng sợi tình sợi nghĩa thiêng liêng, những tiếng nói nghe lạ hoắc vẫn còn âm hưởng ngày nào. Những câu nói "chị Mỹ, anh Lừng, đố anh, chị đoán tôi là ai", "cô ơi, thầy ơi, chắc thầy, cô không nhớ em đâu. Em là..." đưa hồn tôi về thế kỷ 20 đã qua trên 45 năm về trước.

Phổi tôi như muốn tung lên vì được truyền dưỡng khí nhiệm mầu tình người, nghĩa bạn bè thầy trò cao trọng thâm sâu. Thật không bút mực nào tả được nỗi cảm động, sức truyền cảm qua làn sóng du hồn tôi vào thế giới Chân Thiện Mỹ chỉ có tình thương. Máu tim tôi như được thanh lọc bằng mạn lưới tâm lý tuyệt hảo, sôi sục bằng kỷ niệm vui buồn của quê hương trộn lẫn với đất tạm dung. Óc tôi như con thoi mới nối liền hai đầu mối chỉ quá khứ xa vời và hiện tại đầy bất ngờ. Các bạn đừng ngạc nhiên khi thấy cụ già 70 quên mất tuổi đời, đi đứng tung tăng như được tháp chân tay mới, tai mắt mở to cười nói không ngưng như muốn ôm vào lòng thời gian diễm phúc. Nhớ chuyện Ngũ Tử Tư ngày xưa, qua một đêm lo lắng vì quốc sự trở thành bạc trắng, tóc chúng tôi như được truyền sinh lực vô hình chỉ mới nở hoa... râm.

Ngày hội ngộ mới cảm động làm sao! Cửa mở. Trước mặt là hai mái tóc bạc phơ của anh chị Lý Nhẫn với nụ cười rạng rỡ năm xưa. Chúng tôi phá lên cười mà nước mắt lưng tròng. Bao chuyện kể, giành nhau mà nói, không cần đầu đuôi gì, như muốn trút cạn tâm tư, sợ thời gian mất hút. Kế tiếp là những cuộc gặp gỡ ở San Jose, Westminster thâm tình, thú vị. Đồng hương đồng nghiệp, học trò ruột, học trò rể, dâu, học trò bạn, học trò "ké" (theo lời Mai) đều theo vận nước ly hương, dù tự do, thành đạt trên mảnh đất quê người được thiên nhiên ưu đãi quá sức tưởng tượng nầy, ai ai cũng phải một mực đi theo con đường một chiều trẻ già, "tre già măng mọc" của mỗi đời người. Phúc thay cho những ai còn khoẻ mạnh bình an ở giai đoạn cuối nầy. Bụi phấn và bụi đường cuộc sống cũng vô tình rải muối tiêu trên mái tóc xanh các em nhỏ của tôi ngày trước. Nay dù thời gian đã hững hờ nhuộm vôi mái tóc, thay đổi hình hài dung nhan, trở thành nội ngoại, các em vẫn còn giữ vững cái khí phách, hồn quê, truyền thống của quê hương nước mẵn đồng trơ.

Ngắm các ông bà tóc đã điểm sương, anh phát tướng, chị có bề thế, chững chạc, cười nói hồn nhiên quanh bàn tiệc khi tại tư gia ở San Jose của Kim Nga và học trò rể Bích, Đức Hồng Nga, Tư Én, Cúc Nay, hay Thượng Châu, Nhựt Hoa ở Los Angeles, khi ở tiệm ăn nổi tiếng Bánh cuốn Tây Hồ do các ông Chiêu, Xuân, Nhựt trong Hội Ái hữu Gò Công khoản đãi điểm tâm, nhà hàng cơm chay Vạn Hạnh do Tươi Hồ chủ xướng, Golden Dragon Restaurant ở San Francisco cùng gia đình Nghĩa Cúc Hoa, qua cuộc nhận diện trùng phùng ngoài dự đoán. Tôi cứ ngỡ là mình đang vinh hạnh dự cuộc hội đàm lịch sử mà nhiều sứ giả mang tên bao cường quốc Nhựt, Đức, Mỹ, Nga, Hoa. Trước khi "xuất Bỉ gia", chúng tôi cũng có nghiên cứu sơ địa hình địa thế, vậy mà thực tế vẫn làm đảo lộn mọi phỏng đoán, dự tính, ngoài ước mơ, trong bầu không khí thân tình gần gũi.
Đến đâu chúng tôi cũng được bạn bè, "nghĩa sĩ", học trò con, cháu tiếp đón như người thân trong gia đình giáo dục. Những cú điện thoại reo vang đưa chúng tôi vào võng mây kỷ niệm thuở còn trên bục giảng. Thầy nào chả có ưu khuyết điểm, tật nầy tật nọ, "cái bia" sống cho các em "bá nhơn bá bụng, bá bao tử" thỏa thuê bình nhắm bắn một cách vô tư.

Những câu thăm hỏi hay tin Lừng, Mỹ tới Mỹ của anh chị Ba Huyền, anh Vỹ, anh Công, anh Lộc, chị An, anh Thái An, anh Nghiêm các học sinh cũ ở xa: Hà, Lương, Mỹ, Yến, Thoại, Cơ, Bạch, Thu, Tuyền, Hồng, Hai, Trí, Sáng, Ngọc, Hồng Thinh, Ngọc Anh, Thìn, Bổn, Thông, các em ở cùng Xóm Sáu Xóm Cỏ quê tôi... là những vì sao toả sáng vào tâm trí lâng lâng đưa tôi về lối cũ trường xưa từ 46 năm về trước. Tôi như không còn nhớ mình đang ở đâu, thổn thức trong tim, tôi chỉ biết thầm cám ơn Ơn Trên đã cho tất cả chúng con những giây phút kỳ thú nầy vinh danh tình người, nghĩa thầy trò trân quí bất diệt.
11-10-04, Cảm động và nể tình Tươi Hồ ân cần thuyết phục đến miền Nam Cali, Little Saigon do người Việt sáng lập, chúng tôi nhận lời tuần sau sẽ đến bằng xe đò do người Việt làm chủ và khách cũng toàn là người Việt để rồi sau đó cùng du ngoạn ở Las Vegas và Grand Canyon. Chương trình thật hấp dẫn và xôm tụ "hết hồn".

14-10-04, San Jose, anh chị Nhẫn Lý đến rước đi ăn điểm tâm. Toàn món ăn quê hương, thực đơn tiếng Việt, thực khách nói tiếng Việt. Đến đây gặp lại chị Nguyễn thị Nga dạy từ 1960 hiền lành hiếu khách như ngày xưa, có cả Đức, Hồng Nga, Kim Nga. Nhìn đĩa bánh cuốn to đầy giò, bánh cống, bánh tôm chiên, ngó sang bên ông xã, tô phở loại nhỏ gần bằng hai tô phở tàu bay Bỉ, bất giác tôi nhớ các con tôi phải thưởng thức "phở Lừng" của bố và bánh cuốn "ăn cho biết" của mẹ làm mà cứ hít hà khen ngon. Ý nghĩ tôi bị cắt đứt bằng tiếng nói dịu dàng của Hồng Nga: "Cô cứ thong thả ăn, ăn không hết thì bảo họ cho vào hộp mang về". A ra thế, ở cái xứ Cờ Hoa nầy có khác xứ Bỉ không có ổi của tôi.

Về nhà con trai anh chị Lý Nhẫn, may mắn được biết Thư, cô dâu út hiền dịu dễ mến của anh chị lại là con gái anh Phạm ngọc Quýnh, bạn anh Lừng hồi thời Trung học hiện ở Canada, mừng rỡ gọi ngay. Anh Sấm đến. Bao nhiêu năm không gặp mà vẫn còn nhìn ra anh với dáng dấp ôn tồn nhã nhặn, khiêm tốn ngày xưa. Tay bắt mặt mừng.

Thình lình, giữa bầu không khí hâm nóng ký ức ấy, ông xã tôi lại "lăn đùng" ra trước mắt "bá quan văn võ", mặt đỏ gay, phì phào "chắc tôi lên máu quá" làm ông bạn già Lý, hồn phi phách tán, tóc bạc phơ muốn dựng đứng lên, vội vã một mạch phóng xe về tìm máy đo tim. Lừng thật! Chưa trình diện làng đã lăn ra thở dốc. Chiều hôm ấy, hai "bồ tèo" "Khương tử Nha" Lý Nhẫn lại phải vượt con đường thiên lý "Trường... đồi" đưa chúng tôi về, xuôi ngược hai tiếng đồng hồ. "Thương nhau qua mấy dốc" cũng phải "đèo".... Thứ Bảy 16-10, Đức & Nga đến đón chúng tôi trở lại San Jose do Kim Nga, Bích mời. Cuộc gặp gỡ nầy bắt đầu đánh dấu tài nấu nướng của các em gái Gò Công làm tôi hả dạ, nức... bao tử và cũng qua chuyến đi nầy xác định quê tôi quả có bao thầy cô hết lòng vì học sinh, và nhất là nhiều học trò rể dâu đáng quí như Én, Thông, Mai, Bích, Bằng,... Điểm đáng nêu lên ở đây là các bà nội trợ liên kết với nhau chặt chẽ, chẳng chút giấu nghề. Kim Nga nói toạc móng heo, đọc vanh vách "recipe" thêm vài "truc" để nấu món ăn cho ngon hơn, một cách vui vẻ, thích thú. Hôm nay còn có mặt Nghĩa Cúc Hoa, Phước Phúc, Yến Minh, Mai, cùng Lưu Chính, Diệu, Tư Én, Dung, Thủy bạn Mai và gia đình anh Nghĩa (Bến Tre) bạn của Bích. Bất giác, tôi liên tưởng đến các bà mẹ già quê tôi trong đó có má Nghĩa, đảm đang, trung hậu và vô vụ lợi. Có người may mắn còn có dịp trở về gặp mặt, người khác như tôi chẳng được vuốt mắt mẹ lần cuối cùng cuộc đời sống chết vì cháu vì con.

Đêm nầy tôi về nhà Đức Hồng Nga, ông xã tôi sang bên anh chị Lý Nhẫn. Hôm ấy vì quá mải mê lần giở lại những trang kỷ niệm, tôi đã vô tình "chia uyên rẽ thúy" Đức Nga gần một đêm thức trắng. Tuyệt nhất là tôi được gặp mẹ của Nga, 84 tuổi, da dẻ hồng hào, mắt còn tinh anh, sáng suốt sử dụng dễ dàng hai ngôn ngữ Pháp Anh, kể chuyện đời thật có duyên điểm đệm tếu và đầy sắc thái dân tộc. Với tuổi đời cao như thế, bà còn biểu diễn được thế võ gia truyền mà mỗi chiêu bà còn nhớ được tên chữ Hán. Có những bà mẹ Việt Nam như thế, dân tộc ta hy vọng luôn được trường tồn. Chủ nhật, Hồng Nga, Kim Nga đưa chúng tôi về Blackhawk. Đi đã được ăn, nói còn được gói mang về. Một thùng đầy hồng, ổi, bưởi, đu đủ, thanh long vườn nhà thêm mấy món ăn trong đó có món gỏi da cá đuối đặc biệt Gò Công do Kim Nga trộn, lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy và thưởng thức. Lạ miệng tuyệt ngon.

Thú thật với các bạn mình còn "khờ khạo" quá và cũng vốn là tay đầu bếp từng rút kinh nghiệm trong chồng sách dạy nấu ăn nổi tiếng Tây, Ta, Tàu... mà cứ dở dở ương ương, nên đã dại dột hỏi tên những món ăn khoái khẩu. Hậu quả làm cả nhà thảng thốt vì bao thứ lạ hiếm ngon, bong bóng cá trắng tinh, da cá đuối khô tinh luyện, đủ loại mắm, mực tôm khô... khó tìm ở vùng ít đồng hương, được hai Nga cẩn thận gói kỹ dặn dò: "Cô đem về Bỉ nha cô". Chí tình và tế nhị hơn nữa, biết nguyên nhân chúng tôi sang kỳ nầy, nên mỗi lần đưa về, ngoài việc viếng thăm lên tinh thần bệnh nhân, không quên cụ bị thức ăn theo đến nỗi chú em "bất ly cục kịch" phải thốt lên: "Người Gò Công chị tốt bụng quá". 20-10-04, Bắt đầu 3 ngày viếng Nam Cali, Westminster, Little Saigon. Xe đò Hoàng cũng đầy đủ tiện nghi không kém các xe chở khách du lịch đi "Tour" ở Âu châu, có khác chăng là không khí Việt Nam, từ món ăn như "cơm tay cầm" Ba lẹ, xôi đủ loại đến giải trí toàn bằng nhạc kịch Việt Nam, video Paris by night, Asia,... đưa hồn mình về quê cha đất tổ quên mất cảnh trí hùng vĩ chung quanh.

Tươi Hồ ra đón. Tôi nhận ra ngay dáng dấp và nụ cười của cô bé ngày xưa trực tính tốt bụng hay cà rỡn nầy một cách dễ dàng. Viếng sơ Little Saigon cái đã, chữ Saigon không thôi đã mang dáng dấp quê hương rồi còn nhìn lại được lá cờ vàng ba sọc đỏ. Có cả Lít cùng đi. Cậu nầy cũng lạ, qua xứ "Lady first" rồi mà vẫn còn giữ "canh cánh bên mình" lễ tục Việt Nam. Đang thao thao bất tuyệt, bất thần cậu ta dừng bước trước một gian hàng mỹ phẩm sang trọng, vẫy gọi một cô bán hàng xinh đẹp: "Ra chào thầy cô của ba đi con", rồi xoay qua chúng tôi cười cười nói nhỏ: "Con dâu của em đó". Thế mà có hiệu lực thật sự. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên vô cùng là cô gái trẻ trung nầy, không chút bực dọc, niềm nở tiến về phía chúng tôi, khoanh tay cúi đầu thi lễ.

IP IP Logged
Admin
Admin Group
Admin Group


Tham gia ngày: 01/Jan/2006
Thành viên: OffLine
Số bài: 199
Quote Admin Replybullet Gởi ngày: 10/Jun/2007 lúc 10:21pm

Tuyệt chiêu.
Tối đến Thượng Châu khoản đãi. Anh Nhựt và chị Hoa mới gặp lần đầu thế mà tôi có cảm tưởng như thân quen từ lâu, anh Nhựt thì có lẽ từ những bài viết hay hình ảnh của anh trên báo còn Hoa thì do... "thần thông cách cảm", đúng rồi. Thượng vẫn chững chạc, khiêm tốn, đứng đắn còn cái cô Châu nầy, đã gần làm bà ngoại rồi mà vẫn còn phong độ ngày xưa, liếng thoáng có duyên, cười giòn, sùng đạo. Lật qua những trang thơ của cháu gái Trang đài Trần Nguyễn dịch ra nhiều thứ tiếng ngoại, là dân Việt ai chẳng tự hào là thế hệ thứ hai còn duy trì phát huy làm nổi tiếng văn hóa cội nguồn. Thu Bằng ra sở trễ cũng đến thăm. Anh học trò rể Bằng này như Bích của Kim Nga đều xem thầy cô bà xã như của chính mình, quí hoá thay!

Trên bàn ăn, nổi bật màu vàng của xôi vò mềm rời từng hạt, bên cạnh màu vàng nâu của những chiếc bánh giá chiên giòn thơm phức "có cầu chứng" Gò Công, bất giác tôi thấy cồn cào trong ruột, đói ơi là đói. Quê hương chúng mình đây được gói ghém trong món ăn quen thuộc, tôi cảm thấy thèm nhai ngấu nghiến, nuốt vào lòng hạt nếp nở thành xôi, bột quyện nước tỏa hương thơm đất mẹ.
No nê "cành hông", khuya lắc khuya lơ mới trở về nhà Tươi Hồ. Thế mà các bà vẫn chưa hết chuyện, thật ra chuyện cả mấy mươi năm làm sao tóm tắt dễ dàng, nhớ đâu nói đó miễn là tiếng Việt thì thôi. Được biết Hồ trường chay, và nhìn thấy bàn thờ Thiên Nhãn, tôi nhớ đến chú tôi, một người Gò Công theo đạo Cao Đài Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bị đày ra đảo Réunion cùng với Đức Hộ pháp Phạm công Tắc về tội chống Pháp, ngài Khai pháp Trần Duy Nghĩa.

21-10- 04. Mười hai chúng tôi điểm tâm ở một tiệm trong hệ thống Bánh cuốn Tây Hồ. Hân hạnh được gặp ông Chiêu, một tấm gương sáng thành công trong việc lập nghiệp ở đất tạm dung hiện đại có tầm vóc lớn. Vui mừng nhận diện anh Xuân, ông quận trưởng gốc xứ dừa mà bao nhiêu năm từng "xả thân" phục vụ gắn bó với vùng nước mẵn "vừa gồng vừa co". Cám ơn anh đã gởi biếu một thùng to đầy đặc san mới cũ cho tôi đọc "đã thèm".

Cảm động làm sao khi thấy chị Lệ mà không có anh Thâu, người rể Gò Công đã vì quê hương thứ hai nầy giã từ giáo trình khoác y chính trị, Nghị viên Hội đồng hàng tỉnh. Chị cũng cho xem hình ảnh đám tang của anh được cử hành thật trọng thể nhờ sự tương trợ của Hội Ái hữu Gò Công Cali, cùng với bạn bè thân hữu và học trò cũ của anh chị. Cao đẹp thay nghĩa cử nhân hậu nầy. Còn vui hơn do có thêm Vui, dáng dấp còn trẻ măng mà vì "khai sụt tuổi" nên chưa về hưu được. Vui đưa chúng tôi đến gặp chị Nhan Nguyệt Mai bạn học cùng lớp ở Gia Long năm 1948 mà chị Lệ tình cờ khám phá ra nhân buổi đi bách bộ vòng quanh chung cư. Cuộc hạnh ngộ bất ngờ ngắn ngủi khó quên.

Chụp ảnh lưu niệm. Ông xã tôi nhìn tôi cười cười, nhà tôi biết rõ là tôi hay trốn ống kính lắm, từ hồi nào đến giờ. Nhưng hôm nay khác rồi. Dù hình hài bề ngoài có co giãn theo thời gian, cái cốt lõi chung thủy chân chất bên trong vẫn không mất. Còn hình ảnh nào bằng những mái tóc hoa râm chụm lại như bó hoa nở rộ, những nụ cười của hai thế hệ từ hai lục địa vượt trùng dương cách xa trên 11 giờ bay rạng rỡ bên nhau. Thế mà máy ảnh của phó nhòm Lừng hết pin. Tiếc quá, đành thôi.

Chia tay ở đây, về nhà Nhựt Hoa. - đây là cây sứ tây "ngọc lan", hoa quỳnh, bông giấy, bao loại lan quí... Kia là những chùm nhãn thấp lè tè, cành ổi quằn trái de ra ngoài hàng rào, hoa trái quê nhà làm ấm mát tình hoài hương. Tôi ngẩn ngơ vì trên 20 năm mới nhìn thấy lại cây mít cây xoài cây táo, thanh long... Bụng tràn đầy kỷ niệm mà Nhựt Hoa còn vồn vã mời nhấm thêm hương vị Gò Công lẫn Cali, nào bún mắm tôm chua, nào tôm hùm hít hà chan hòa "nước mắt quê hương" hảo hạng. Cả hai Nhựt Hoa không có học với chúng tôi nhưng một mực đối với chúng tôi tự nhiên như thầy trò, thành thật không quên. Điều mà tôi thích thú nhận chân thêm là gái xứ Gò mặn mà không trắng mà hễ trắng rồi thì ra phơi nắng, nắng cũng khó "ăn". Thật đấy. Tươi, Vui đưa chúng tôi đi vòng vòng thăm khu Phước Lộc Thọ. Bỉ nổi tiếng thế giới về kim cương ở vùng Anvers, thế mà đến đây tôi tưởng như mình lạc lối trên Giải Ngân hà đầy tinh tú Việt Nam trong đó có vì sao Gò Công. Ở vùng nầy thật khó tìm thấy dân "chính quốc", quê hương như trải ra trước mặt làm nổi bật tên tuổi con Lạc cháu Hồng. Ghé qua "supermarket", thường xứ văn minh nào chả có, thế mà ở đây, đối với người dân "gốc mắm", nhan nhản bao nhiêu loại "thơm phức" nhìn đã con mắt, phát thèm.

Xế đến nhà Vui đi ngang qua Disneyland. Vừa được ngửi mùi trái cây nhiệt đới vừa trầm trồ bao loại thứ rau. Toàn cây nhà lá vườn thứ thiệt trăm phần trăm. Ngoài rau cay cay như râm húng ngò gai, càng cua còn có cả đăng đắng như rau má, rau đắng, rau om, ớt đủ màu ớt hiểm, sừng trâu, tía tô chen lấn với bạc hà, bắp tây, xả gừng khoe hương sắc mọi mùa. Lại được thưởng thức mang về bánh da lợn đậu xanh, bánh bò rễ tre nước dừa lá dứa "made in home".

17 giờ đến nhà hàng Vạn Hạnh. Trọ học bao nhiêu năm ở tiệm cơm chay Tín Nghĩa Saigon, thế mà phải xin chào thua những món ăn "diet" mang nhiều tên mặn nơi đây. Lần nầy có thêm sự hiện diện của Lợi, Nghĩa, Vui, Lít, Tươi, Oanh, Thông Mai học trò dâu và đặc biệt là thầy Nguyễn Tiến Đức dạy Anh văn. Anh không thay đổi bao nhiêu, vẫn lối "phớt tỉnh Ăng lê", "thi ân bất cầu báo" mà phát ngôn thì rất ư là "tiếu ngạo giang hồ" độc đáo làm bàn tiệc vui nhộn lên. Phần tôi xúc động mạnh được gặp lại đồng nghiệp ân nhân đã tỉnh bơ nhẹ nhàng trao cho thí sinh tờ giấy nháp có ghi đầy đủ lời giải đề Anh văn 43 năm về trước. Xin chân thành tri ân và cũng xin anh thứ lỗi đã bật mí bí mật nghề nghiệp nầy.

Bầu không khí thâm giao bao trùm làm tôi nghẹn lời không ngăn nổi nước mắt khi các em rầm rộ đưa tay đề nghị "năm tới cô qua". Hồ ít ăn ít nói nhất cũng bồi thêm: "Đi đi thầy cô để già nữa hết đi được". Đúng rồi đừng chờ tới "hết xí quách", "cúp thùng thiếc" không được đâu mà cũng không nên ngán sợ vì "đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người..." ngại tè-rô-rít-xùm terrorism) ngán phi cơ, mỏi gối long chân.

22-10-04. Giã từ Los Angeles, Tươi, Thượng, Nhựt Hoa đưa tiễn. Thình lình, "cuộn sóng xanh" Bích Thủy ập đến cười nói rộn vang. "Bị" làm bà nội trẻ rồi mà không mất một ly "lí lắc" "rậm đám" "nhanh nhẩu" ngày xưa, miệng mời "phải chi cô ở lại thêm, em..." tay dúi vào tôi mấy CD của cô dâu Hạ Vy ca sĩ. Hoa dịu hiền bịn rịn nắm chặc tay tiễn tôi, tôi lặng người nhớ đến mợ tôi, cô ruột Hoa, suốt đời chỉ sống vì chồng vì con. Nhựt "lây quây" tìm cách trả tiền trước vé xe đò, Tươi "xông xáo" nhờ anh "lơ" đưa vào gầm xe một thùng to đầy cây trái vườn nhà, nào chou nào chuối sứ, nải nào nải nấy nặng "chình chịch", trái nào trái nấy bự "kềnh càng", to hơn cả cườm tay "ú nù ú nú" của tôi nữa cơ. Trước phút lên xe, quây quần bên nhau từ giã, Nhựt thay mặt cho các em có hay vắng mặt ân cần nhắc lại lời đề nghị "tái hồi" gồm cả vé khứ hồi cho năm tới và không để cho chúng tôi kịp hết bàng hoàng, trang trọng trao cho một bức tranh nổi cao hai con công xanh với hàng chữ "Các học trò Gò Công thân tặng Thầy Cô nhân chuyến đến Mỹ ngày 21 tháng 10 năm 2004". Vinh danh nghĩa thầy trò thâm sâu.

Giã biệt Nam Cali trở lại San Jose như đã hứa. Đức ra đón đưa đi "cho biết đó biết đây" chút ít "sự tình". 20 năm "ru rú" ở Bỉ vùng nói tiếng "đớt" (Dutch), nay được "thả giàn" nói năng thoải mái tự do tiếng mẹ, đầu óc không còn bị choáng váng bởi chữ "đu ma" (doe maar = cứ làm đi) ám ảnh. "Chào ông bà đi con". Có những cháu cao hơn chúng tôi cả cái đầu mà vẫn còn vòng tay gật đầu phát âm tiếng Việt hẳn hoi, lễ độ. Nhìn được tận mắt thành quả tốt đẹp của các em bây giờ, đoàn tụ gia đình, nuôi dạy con cái thành đạt, tiếp tế cho thân nhân bạn bè còn lại ở quê nhà, do sự cần cù, siêng năng, nhẫn nại, qua quá trình kinh nghiệm bản thân, thành thật là phải tự hào cho dân Việt nói chung, Gò Công nói to với nhau mừng là "con hơn cha nhà có phúc", trò hơn thầy đất nước hiển vinh. Nghỉ ngơi nhà Đức Nga. Mẹ Nga nhỏ nhẹ: "Hồi hôm tôi nằm chiêm bao thấy cô đi về Bỉ rồi, tôi buồn quá. Mới biết cô đây, mà sao thấy thiệt nhớ cô". Mẹ ơi, ngoại ơi, các bà mẹ Việt Nam là thế "nước mắt chảy xuống". Mẹ Nga như đã cảm thông nỗi bất hạnh sâu xa của tôi không được bên mẹ lúc cuối đời, biết mà vẫn thứ tha thương mến. Tình mẹ sao mà sâu thẳm vô bờ.

Tô canh chua me cá bông lau bạc hà, bắp tây rau om thơm nực mũi bên cạnh đĩa cá nục ướp muối xả chiên giòn, cá bống kèo kho tiêu mằn mặn, nhất là nước chấm, mắm tôm chà hồng sẫm hòa hợp "ton sur ton" với vài khoanh ớt đỏ tươi cay. Như lân thấy pháo, chúng tôi tự nhiên chan húp quên thôi không còn nhớ "cao lương mỹ vị" theo câu: "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật,... đám ma Việt Nam’. Tối đến Đức còn truyền cho nhà tôi thêm vài thế võ dưỡng sinh luyện tập gìn giữ sức già như anh Lý đã chỉ giáo vài chiêu Tiên thiên khí công bồi dưỡng bằng thiền trà Ten Lu Tea quí hiếm. Trò hơn thầy rành rành rồi đó, các em gái đã thay nhau đổi món ăn ngon, sắm vật liệu cho tôi mang về thực tập, các cậu trai đầy nội lực thâm hậu thêm bao nhiêu thành công lực trong việc tề gia vươn lên. Phúc thay. Thứ Bảy 23-10-04, Xông nhà mới hai bạn già Nhẫn "lúc nào cũng có Lý" để rồi cùng nhau đến Phước Phúc, Yến Minh, Mai, học trò láng giềng, mẫu gia đình trên thuận dưới hòa trong sự bảo lãnh đùm bọc tin thương của anh chị Nghĩa & Cúc Hoa. 17giờ, vào nhà Tư & Én, đã thấy có Chiến, Trắng. thêm vài người bạn của Tư. Bao tên tuổi được nhắc lại, kỷ niệm vui thường được nêu ra. Không một ai cần nhớ đến những lỗi lầm "ba cái lẻ tẻ" đáng gì đâu. Phút giây nầy trong bối cảnh quê hương xa vời vợi, sự hiện diện của mỗi người đánh dấu mốc thời gian và không gian thu hẹp đậm tình. Trước mắt tôi lần lượt những mái đầu xanh ngày trước, đôi mắt tinh anh ranh mãnh, giọng nói tiếng cười e ấp sang sảng ồ ề, xoay trở dọc ngang linh động. Ở mỗi em tôi nhớ lại một nét quen thuộc nào đó, một câu chuyện bên lề...

Vui hơn nữa là có mặt anh chị Nghiêm Châu. Anh đến Gò Công "cu ky" sống hết lòng với trường lớp và ra đi cũng "mình ênh", được ghi rành rành trong "sự vụ lệnh" bấy giờ đó "sư tẩu" Châu xinh đẹp mà chúng tôi may mắn được anh hãnh diện trình làng hôm nay. Đúng như tên, anh rất nghiêm, hăng say hoạt động chứ không đứng yên nghiêm, nhưng trái nghĩa vì mỗi lần gặp là luôn thấy nụ cười khoe hàm răng đều trắng. Anh ở Sacramento nên muốn tìm lại không khí thân quen cũ, phải mất hơn hai tiếng đồng hồ "xe... phi xe phi đường xa". Đậm đà thay nghĩa tình đồng nghiệp.

Hủ tiếu Mỹ tho nóng hổi vừa thổi vừa ăn, món cá mặt quỉ hấp đầu to như đầu heo sữa quay, cơm chiên cá mặn thêm ê hề bao món khác mà tôi mù tịt không biết tên..., ngon chi lạ, chỉ cần nếm mỗi thứ một "gắp" là đủ no mắt no dạ thấm tận tủy xương. Tiệc vừa tàn lại sang thăm nhà Nay Cúc đang có khách. Kể chuyện vòng vo Tam quốc một hồi lại được biết Cúc là em chồng chị Trần thị Lệ về dạy ở trường từ 75-80, hiện ở Pháp. Bàn đầy thức ăn nhậu có cả món "tam bảo vị" nham cua. Nhất món ăn quê hương rồi, vùng nào cũng tuyệt. 24-10-04, Gia đình Nghĩa đưa chúng tôi viếng San Francisco, các ông ít hơn nên đi Cadillac do Nghĩa hướng dẫn, các bà trong xe to mới mua của Cà Na Vũ con trai của Mai. Có dịp tiếp xúc mới thấy gia đình "ông cò" nầy giữ vững giềng mối truyền thống tổ tiên, đáng quí. Điểm hay là biết lựa chọn, thanh lọc dở hay, bổ sung dung hòa cũ mới. Các cháu trai Nhân (con Nghĩa & Hoa), Vũ không giơ tay cao, "hai" (Hi) mà nghiêng đầu vòng tay thưa chào. Suốt buổi du ngoạn Vũ lúc nào cũng có mặt bên tôi, khi phải giải thích câu hỏi luôn miệng của "sư bà" già mê mẩn tinh thần vì bao thứ mới lạ nhìn thấy lần đầu, khi phải "túi bụi", tay dắt, chụp ảnh, tay "khệ nệ" mang bao thứ quà mà gia đình mua tặng thầy cô.

Từ cầu Golden Gate nổi tiếng thế giới nhìn xa xa cù lao trại giam Alcatraz nay đã biến thành khu du lịch, tôi liên tưởng đến đảo Côn Nôn (Ile de Poulo Condore) thời Pháp thuộc nay là Côn đảo nước mình. Cũng là nơi kiêng cố "kín cổng cao tường" dành riêng cho tội phạm can án nặng nhưng ở các xứ tự do có khác, thường là ăn cướp giết người, trong khi đó ở các quốc gia bị xâm lăng đô hộ, vì cán cân công lý hư nghiêng, tù nhân lại là những ai chống đối, những nhà ái quốc cách mạng xung phong "lève-toi, peuple". Lại nhớ đến đường đi về Gò Công quê mình chỉ cách Saigon 58 cây số, tưởng chừng như "vèo" một cái đến nơi, mong có ngày Golden Gate Mỹ Lợi hùng vĩ bắc ngang. Hy vọng tràn trề.

17 giờ buổi chiều cuối ở San Jose, nhà Bích Nga. Vừa đến đã thấy có hai vị khách lạ, chừng được giới thiệu thì ra là phu quân của hai chị Thảo Nga, anh Lợi và anh Quốc. Anh Sấm phone cáo lỗi không đến được, gởi lời chia tay thật thân tình. Chị Thảo vẫn còn trẻ đẹp, không phải chỉ trẻ bề ngoài thôi đâu mà gương hiếu học của chị thật hiếm có, bây giờ vẫn tiếp tục dạy và tiến thân. Ánh vẫn hiền lành như xưa, nha sĩ Thuận tôi nhận ra tức khắc. Nhắc lại những bạn học cũ thành đạt ngày trước. Lẩu mắm, bún riêu món chủ lực hôm nay trộn với đủ loại rau tươi làm mặn môi cay mắt. Kim Nga vẫn bãi buôi, vui nhộn, ca ngọt nấu ngon. Còn ông học trò rể quí hóa Bích, vị chủ nhà hiếu khách, một MC độc đáo, bằng cử chỉ hành động chân tình, lời nói hoạt bát tiếu lâm, biến bầu không khí thêm phần hứng khởi, sôi động hào hứng thành những kỷ niệm không quên.

Những câu nói tự tấm lòng cởi mở không gò bó gượng ép màu mè e dè như phép mầu tạo nguồn sinh lực, trẻ hóa tâm hồn khai miệng mắt tai, biến chúng tôi trong phút chốc thành nhà thơ, hùng biện, chứng nhân ca tụng "tính bổn thiện" của thế nhân. Phước với bài thơ bát cú, Nghĩa hai câu thơ tặng thầy cô, từng lời phát biểu của các anh chị về Gò Công, những bàn tay siết chặt, ý kiến của các em mong cô thầy cố giữ gìn sức khoẻ để tái ngộ năm 2005, chi phí do các em đài thọ, lưỡi tôi như líu lại, tim tôi oà vỡ, tôi khóc nức nở không còn mắc cỡ... cám ơn. Mưa rơi rơi ngoài hiên.

25-10-04, Hai Nga đưa chúng tôi về. Đến nhà, bao cú điện thoại gọi thăm không gặp đã được cô em ghi rõ "message". Bác sĩ Sáng và Lộ công Thông cũng có nhã ý mời chúng tôi sang miền Đông Hoa kỳ năm tới, phí tổn xin đừng lo. Vui miệng kể cho các bạn một cuộc điện đàm hiểu lầm lý thú. Số là một cậu học trò rể, nghe qua giọng nói và tên đã tưởng tôi là bạn của bà xã, tỉnh bơ tự nhiên chuyện trò. Chừng vỡ lẽ xin lỗi rối rít mà không ngỡ là cô giáo đang thích chí cảm ơn cái vô ý dễ thương ấy biết dường nào. Các bạn thấy chưa, tôi còn phong độ lắm đó, chắc chúng mình còn có dịp trùng phùng.

27-10-04, Chuẩn bị cho ngày mai lên đường. Chuông reo cửa mở, Đức & Nga đẩy vào hai valises đúng chắc mẽm kí lô qui định, đầy khẳm trái cây vườn nhà hai miền Nam Bắc Cali, quà của các em để mang về Bỉ, nhớ Mỹ, chúc "thượng... máy bay bình an", nhắc nhở uống thuốc cho đều, tập thể dục nhẹ cho khoẻ hầu đúng hẹn ngày hội ngộ. Cảm động đến ngây người không còn biết nói gì hơn, nước mắt rưng rưng. 28-10-04, Rời cổng nhà chú em lòng buồn rười rượi vì chú bịn rịn, nài nỉ anh chị ở nán lại thêm mà thật sự mình cũng muốn lắm nhưng đành thôi. Cũng con đường ngoằn ngoèo lên cao xuống thấp điểm tô bằng "Vạn lý trường thành" đồi dưới bầu trời rộng mở mênh mông, cũng phi trường San Francisco nổi tiếng nầy, thế mà hôm nay sao cảm thấy nghẹn ngào ngộp thở, mình nhớ, mình tiếc,... mà lòng vẫn biết có đến ắt có đi, có gặp gỡ tất có chia tay,... tái ngộ. Ngẫm nhớ lại câu nói của Nghĩa khi tôi ngỏ ý cám ơn: "Chính chúng em mới phải cảm ơn thầy cô vì khó có mấy ai may mắn như chúng em, đến từng tuổi nầy rồi, có người đã làm nội ngoại, mà còn được đón tiếp thầy cô mình, trên đất lạ quê người, sau bao nhiêu năm không gặp." Lập luận ân tình sâu sắc quá, thành thật nghiêng mình chào thua. Tuy nhiên, không biết làm sao mà nói lên hết được nỗi vui mừng, hãnh diện có dịp nhìn lại, mặt giáp mặt, hay qua âm thanh, đồng nghiệp bao năm tận tụy vì Gò Công, học sinh đồng hương trên bước đường xa quê. Chính các em đã tạo cho thầy cô diễm phúc ấy, cơ hội ngàn vàng nầy. Hơn thế nữa, những cuộc họp mặt quây quần bên nhau, bỏ công sức lập Hội thân hữu chứng tỏ quyết tâm bỏ khuyết giữ ưu, bảo tồn, phát huy tập tục văn hoá nước nhà. "Hậu sinh khả úy" thật đáng hoan nghênh. Lắm lúc cô còn có cảm tưởng như mình đang được chiếc đũa thần huyền ảo biến thành "bé bỏng... bự" để tận hưởng bao săn sóc quí chìu đặc biệt bởi những tấm lòng cao trọng nghĩa ân. Thôi, nếu các em không thích nghe kể công đáp nghĩa trực tiếp, cô âm thầm kính dâng tâm tình nầy cảm tạ Đấng Tối Cao chúc phúc.

Xin thân thương chào giã biệt các bạn, các em, cuộc gặp gỡ bất ngờ quí hiếm nầy đã để lại trong chúng ta một ấn tượng tốt đẹp về cuộc đời, niềm tin vào tình yêu quê hương, tình đoàn kết sâu hằn trong máu tim. Các em đã gieo vào lòng tất cả thầy cô nào từng một lần đứng trên bục giảng niềm quí mến vô biên khi chứng kiến tận mắt những thành quả trên đất lạ quê người bằng công sức nhẫn nại tự hào dân Việt. Với bao lao lực ý chí vươn lên, các em đã để hết tâm huyết vào việc nuôi dưỡng giáo dục thế hệ tương lai duy trì truyền thống dung hòa với nếp sống mới đáng được đề cao. Các em đã mặc nhiên đóng dấu ấn vàng son trên bảng vàng văn hóa nước nhà "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" mà thế giới văn minh ngày nay khó tìm ra tông tích.

Rồi "trên đường về nhớ đầy", "lòng chợt vui như say", thắm thiết say vì men đời mang hy vọng đưa con người xích lại gần nhau thêm gắn bó, chia xẻ buồn vui biến đường trần trong phút giây nào đó thành "đường lên Thiên thai", nơi thiên nhiên ưu đãi cho tất cả những ai cần cù kiên nhẫn vượt khó khăn thử thách, nơi hun đúc những trái tim có tình người, nghĩa thầy trò vinh danh bất diệt, nơi mà lòng người biết mở hội để ký ức trổ hoa.

IP IP Logged
hoangngochung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 27/Nov/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 513
Quote hoangngochung Replybullet Gởi ngày: 16/Mar/2014 lúc 11:55pm

danh ca Bác Sĩ Trung Chỉnh và nhạn trắng Gò Công Phương Dung
hung0989077120@ahoo.com
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.148 seconds.