Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Quê Hương Gò Công
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Quê Hương Gò Công
Message Icon Chủ đề: ĐỀ TỰA TẬP THƠ THY LAN THẢO Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
thylanthao
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 02/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 1051
Quote thylanthao Replybullet Chủ đề: ĐỀ TỰA TẬP THƠ THY LAN THẢO
    Gởi ngày: 07/Jun/2007 lúc 5:51pm

Một chút phân vân , một chút ngaị ngần khi nghe Thy Lan Thảo ngỏ ý nhờ tôi viết cho anh một tựa nhỏ .Tôi không biết phải làm thế nào để không phụ lòng anh , người đã tìm đến với thơ tôi từ thuở tôi hãy còn là một cô bé con vừa ngậm ô mai , vừa thút thít khóc khi làm những bài thơ tình cho lính gửi đăng trên các báo .

Tưởng chừng như mới đó đã mấy mươi năm ...

Thăng trầm , biển dâu với đời lưu lạc .Niềm đau mất nước , nỗi buồn quặn thắt của kẻ lưu vong , nợ núi sông nửa đời cung kiếm gãy nhưng vẫn sáng rực niềm tin hẹn một ngày về và hình ảnh người mẹ hiền trải dài trong suốt thơ anh đã cho tôi trân trọng một tấm lòng . Người lính chiến Cộng Hòa khẳng khái , trung kiên tuyên thệ trước khi rời trường Mẹ , mang phương châm "Cư An Tư Nguy "Vùng vẫy bốn phương trời :

            " Đêm vũ đình trường Tăng Nhơn Phú

            Ngàn cành tay thề giữ núi sông

            Ra đi đáp lại lời sông núi

            Nhiệt huyết đời trai trọn ý lòng "

                        ( Mẹ hiểu lòng con )

Và dấn thân vào cuộc chiến là trách nhiệm của kẻ làm trai khi quê nhà binh biến :

            " Tự nguyện hiến dâng đời gió bụi

            Diệt thù dành lại chữ tự do

            Bốn vùng chiến thuật chân không mỏi

            Lòng vẫn yên xây mộng hải hồ "

                        ( Oan Khốc Sông Ba )

Nhưng chí trai không thỏa , tháng tư đen như một cơn địa chấn bạo tàn đã vùi dập tất cả ước mơ tuổi trẻ , chỉ còn đây là nỗi tủi nhục , hờn căm của một người lính bị bắt buộc phải giã từ vũ khí :

            "Nhưng mộng đời trai tủi bước lầm

            Đầu quân dưới trướng - tướng vinh thân ...

            ...Niềm tin đã mất trời cao rộng

            Ngăn bước đời trai ,nhục núi sông "

                        ( Oan khốc Sông Ba )

Ngày anh buông súng trở về trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng của một người lính không còn chỗ đứng , vòng tay người mẹ hiền đã là một điểm tựa bền vững để an ủi , xẻ chia tiếp tục nâng đở bước anh đi :

            " Tan cuộc chiến , ta nhớ màu mắt mẹ

            Khi ta về buồn tủi khóc ôm ta

            Thương con trẻ lỡ đời cung kiếm gãy

            Đất nước vô tình , ai thấu nỗi xót xa "

                        ( Quê hương rồi sẽ đẹp )

Dù bị gông cùm trong tay kẻ thù, người lính Cộng Hòa vẫn nêu cao gương kiên cường . kiêu dũng , giữ vững sắt son như ngày nào ngôi trường mẹ đã hun đúc chí trai :

            "Ta thân chiến bại trong tù ngục

            Mắt vẫn ngời sao ý buổi đầu

            Lửa nghĩa trung đài đêm mãn khóa

            Lòng ta giữ mãi có quên đâu "

                        ( Đôi mắt ngày về )

Và thật xót xa của một kiếp người tù tội , anh vẫn không quên một cuộc tình xưa, nhưng có còn cần thiết không khi thực tế đời anh cháo rau mới chính là nhịp thở , nên thơ anh chỉ còn lại đau đớn ngậm ngùi :

            " Cũng có lúc núi rừng sâu ta nhớ

            Mắt thật buồn trong dáng của em xưa

            Nhưng ở đó ta cần khoai để thở

            Như ngày xưa ta cần mắt của em mơ "

                        ( Về trên xe quốc lộ )

Nhưng khi thoát được vùng đất lưu đày, đến bến tự do, thì quê hương đã nghìn trùng cách biệt:

            "Chiều nay chút lạnh giao mùa đến

            Em có buồn không , em Việt Nam

            Một chuỗi ngày thơ xưa luyến mến

            Nghìn trùng xa cách buốt con tim "

                                    ( Chuyển mùa )

Anh ấp ủ Gò Công , nơi chôn nhau cắt rốn của anh , như chiếc nôi êm đềm của một thời niên thiếu .Thị trấn có những ngôi nhà mái ngói âm dương , hoang sơ cổ kính , có những con phố nhỏ tình thân như phố Tàu ở mãi Hội An .Anh nhớ từng địa danh , từng món ăn quen thuộc của một vùng quê nghèo : hoa so đũa luộc ăn với mắm tôm chà , những trái cerise chua chua , ngọt ngọt trên đường về Hòa Nghị , những mùa xuân đoàn tụ yên vui đã mất với bồn mai tứ quý , với mắm tôm chua ... Ở đó anh có một người mẹ vẫn ngồi trên ván gõ, tựa cửa trông con , nhưng đã bao lần xuân qua , quê người , đất khách anh vẫn chưa một lần về thăm lại ...Ăn miếng canh rau mà nhớ về quê Mẹ , những tháng ngày đạm bạc nhưng thắm đượm tình quê :

            " Canh tập tàng nêm thêm chút muối

            Đọt bầu, đọt bí ,lá mồng tơi

            Ngan ngát rau dền bông bí đỏ

            Mẹ húp , con chan - ngọt ý đời "

                        ( Canh rau tập tàng )

Từ giọng hát nào đã đưa anh về bãi bờ yêu dấu cũ : Những tà áo bay trên cầu Long Chánh , vị ngọt ngào của cam Vĩnh Hựu giữa buổi trưa hè , Tháng sáu trẻ con Vàm Láng khoe áo mới trong lễ đón ngênh Ông...

            " Rau dền xanh lá hương ngan ngát

            Đất tạm dung vẫn tưởng quê nhà

            Nhạn Trắng Gò Công cao tiếng hát

            "Nỗi buồn gác trọ " ngút đường xa "

                        ( Nhớ Mẹ )

Và anh nhắn gởi nỗi nhớ thương về quê cũ :

            " Cuối tháng em về cho ta gởi

            Tấm lòng thương nhớ của riêng ta

            Gặp em nếu mẹ ta thăm hỏi

            Em bảo ta ngàn đêm xót xa "

                        ( Nhắn gởi )

Thy Lan Thảo xót thương quê nghèo đắm chìm trong đêm dài Việt Nam tăm tối , mất mùa hạn hán trong cơ trời , ách nước , ngàn nỗi tai ương ở một thư gửi chị :

            " Chị kể Gò Công trời hạn hán

            Dân nghèo bỏ xứ kiếm ăn xa ..."

                        ( Cờ vàng sẽ bay )

Anh cũng ghi khắc ân nghĩa thâm sâu của Mẹ già, của người chị hiền đã thăm nuôi anh trong những tháng năm tù tội từ Nam ra Bắc, trong cảnh đời cơ cực :

            " Hôm nay ăn bát cơm thơm dẽo

            Nhớ Mẹ ru con nát cả lòng "

                        ( Nghĩa ân còn nhớ )

            " Chị vẫn âm thầm đời đạm bạc

            Hàng ngày hai buổi đến trường xưa

            Chữ nghĩa văn chương nào thấy sáng

            Cuộc đời dạy học chẳng tròn mơ "

                        ( Chút ý ngày về )

Nhưng đậm nét nhất trong thơ anh vẫn là hình ảnh người mẹ hiền rạng rỡ, như biển Thái Bình, như vầng dương muôn thuở:

            " Trong suốt đời ta chỉ một người

            Dáng tiên hiền diệu dẫu xa xôi

            Mẹ luôn dõi mắt theo chân bước

            Của đứa con trai đến cuối đời "

                        ( Đau xót đời ta )

Thảo ngay , tình nghĩa của một người con chí hiếu với ray rứt khôn nguôi khi không về được để thọ tang trong ngày mẹ mất, cũng không làm thơ anh bi lụy, khi thắp lửa tin yêu với giấc mơ hồi hương :

            " Chừng đó mùa xuân thắm ý mai

            Anh dìu bước muội ngọt tình say

            Trong đôi mắt muội ngời tha thiết

            Anh thấy hình anh chất ngất đầy "

                        ( Sẽ có mùa xuân )

Trái tim người lính Cộng Hòa với chan chứa yêu thương, khẳng định niềm tin ở một ngày mai tất thắng :

            " Hồn quốc tổ sẽ cười vang sông núi

            Đường quê hương sẽ rợp bóng cờ vàng

            Đổi năm tháng nhọc nhằn đầy hận tủi

            Bằng tình thương dấu ái ngát trời hương "

                        ( Quê hương rồi sẽ đẹp )

Tôi quý trọng cái khí khái của một người lính Quốc Gia , với lý tưởng Tổ Quốc , Danh Dự , Trách Nhiệm như một hoài bão mà anh vẫn còn ấp ủ - tình nghĩa gia đình gắn bó, bền chặt- tình chiến hữu thâm sâu...Ngần ấy thứ đã nói lên nhân cách sống của anh giữa một cảnh đời chao đảo.Chúng ta hãy giang tay cho Thy Lan Thảo buớc tới , để thơ anh còn có dịp bay cao , bay xa hơn thế nữa về với những rặng tre , bờ cỏ ở quê nhà , những hình ảnh nồng đượm , đơn sơ , nhưng một Việt Nam tự do vẫn luôn làm ấm lòng người xa xứ .

                                                            Minneapolis tháng 6/2001

                                                           

                                                            M.H.HÒAI LINH PHƯƠNG

Nếu rêu phong vết hằn theo năm tháng - Thì đời ta chắc cũng lắm rêu phong.
IP IP Logged
Phanthuy
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 960
Quote Phanthuy Replybullet Gởi ngày: 08/Jun/2007 lúc 10:22am
Hay quá ! Đoạn cuối của tác giả cũng là ý của PT muốn nói với nhà thơ Thy Lan Thảo. Có lẽ mọi đồng hương Gò công đều mong muốn và mong ươc' như thế.
PhanThuy-CA
IP IP Logged
đông quyên
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 04/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 267
Quote đông quyên Replybullet Gởi ngày: 08/Jun/2007 lúc 11:46am
Không phải vậy đâu PT,có rất nhiều người mượn cớ  để tránh né,trốn chạy.Họ đã sai lầm hay cố tình sai lầm.''Tôi không muốn làm chính trị''.Không làm chính trị không có nghĩa là không được bày tỏ chính kiến,không được nói lên những u uẩn trong cõi lòng mình.Họ hài lòng với hiện tại,thành đạt nơi xứ người;con cái giỏi giang.Họ chủ trương đừng làm mất lòng ai để đừng bị ai làm gì  khi họ về thăm quê cũ .Họ có bổn phận đừng thích,đừng đọc thơ Thy Lan Thảo.Và họ có bổn phận phải im lặng để đừng bật ra tiếng nói đề kháng,tiếng nói mà từ chốn thâm sâu trong đáy lòng họ muốn thổ lộ ra.Vì vậy chưa chắc ai ai cũng có cùng ''mong muốn và ước mong như thế'.Buồn thì chịu nhưng sự thật phải nói ra.
bx
IP IP Logged
Phanthuy
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 960
Quote Phanthuy Replybullet Gởi ngày: 09/Jun/2007 lúc 10:10am
Cám ơn ý kiến của ĐQ và rất đồng cảm . PT đã dùng chữ co' lẽ thì cũng diễn tả được ít nhiều .
PhanThuy-CA
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.111 seconds.