29/07/2013 - 04:40
Nhiều người dân Gò Công vẫn hát Hoa sứ nhà nàng mà không hề biết tác giả của nó chính là ông thợ sửa đồng hồ phố huyện.
Tôi còn nhớ, năm 1986, băng nhạc Gò Công nổi lên như một hiện tượng của cả nước. Khắp trong Nam ngoài Bắc, mọi người đổ xô nhau tìm băng c***ette nhạc Gò Công của nhạc sĩ Hoàng Phương. Có người nhận xét băng nhạc này dường như có chất của nhạc Trầm Tử Thiêng hay có một chút gì đó giống nhạc của Trúc Phương… Nhưng không, nhạc Gò Công là dòng nhạc của xứ biển Gò Công không thể lẫn vào đâu.

Chỉ biết nhạc Gò Công, không biết tác giả
Tôi về biển Tân Thành (Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), trong luồng gió chướng mát lạnh. Bãi nghêu mênh mang, dòng người tấp nập đi ra biển. Văng vẳng bên quán cóc ven đường là khúc nhạc Gò Công - Chuyện tình hoa muống biển. Thời cực thịnh, nhạc Gò Công được mở khắp nơi, băng c***ette bán rất chạy nhưng toàn băng sang lại (sao chép) nên chẳng ai trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ. Nhưng nhạc sĩ Hoàng Phương không buồn, anh vẫn liên tục sáng tác những khúc ca ca ngợi quê hương mình. địa danh Gò Công nhờ vậy trở nên nổi tiếng, được mọi người biết đến.
Các bài hát của anh được viết trên nền nhạc Boléro, đơn giản, êm dịu và rất dễ hát. Bàng bạc trong nhạc Hoàng Phương ta luôn nghe thấy tiếng sóng biển rì rào, tiếng sóng như lời ru của mẹ mà anh đã được nghe từ thuở còn nằm nôi và kỷ niệm tuổi thơ, những ngày nô đùa cùng bạn bè trên bãi biển. Tình yêu quê hương đầy ắp, trong sáng, Boléro Gò Công của Hoàng Phương là như vậy.

Nguyên gốc bài Hoa sứ nhà nàng.

Tôi hỏi nhiều người dân Gò Công về anh nhưng họ chẳng biết ông Hoàng Phương nào cả, chỉ biết nhạc Gò Công thôi. Tôi phải vào Phòng Văn hóa-Thông tin huyện thì ở đây cho biết Hoàng Phương mất năm 2002, hiện còn một người con công tác ở huyện Gò Công Tây.
Cuối cùng tôi cũng tìm được anh Nguyễn Hoàng Tùng, sinh năm 1966, là con cả của nhạc sĩ. Anh cho biết đôi nét về cha của mình.

Thân thế người nhạc sĩ

Hoàng Phương tên thật là Nguyễn Kim Hoàng, sinh năm 1943. Ông nội ông là Nguyễn Kim Ngọc - Hương sư Ngọc, ở xã Long Bình, huyện Gò Công Tây. Cha ông là Nguyễn Kim Trọng về lập nghiệp tại xã Tân Thành, Gò Công Đông. Ông sinh ra ở xóm Cầu Muống, xã Tân Thành, cách thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang khoảng 17 km, cách bãi tắm biển Tân Thành chỉ 2 km. Lớn lên, ông học Trường Trung học Trương Công Định ở thị xã Gò Công. Những năm vào trung học, ông đam mê âm nhạc, tự học đàn violon và organ. Năm 12 tuổi, ông tìm đến nhạc sĩ Lê Dinh, lúc đó là thầy dạy nhạc ở Trường nam Tiểu học Gò Công để học nâng cao. Hết lớp đệ nhị (nay là lớp 11), ông ôm đàn về nhà, bỏ học.
Lúc nhỏ, nhạc sĩ Hoàng Phương bị một cái mụn mạch lươn ở mắt cá nên bị rút gân, chân đi khập khiễng. “Tái ông thất mã”, nhờ chân bị tật nên ông cũng không bị bắt đi lính, chuyên tâm học thêm đàn guitar, rồi học thêm nghề sửa đồng hồ của cha và nghề thợ bạc để kiếm sống. Năm 1968, ông lên Sài Gòn tham gia ban nhạc cùng Vinh Sử, Quốc Dũng, Lê Hựu Hà. nhạc phẩm đầu tay của ông là tác phẩm Hoa sứ nhà nàng cũng được sáng tác vào năm này.
Hoàng Tùng với cây đàn ghi ta kỷ vật của cha.

Sau thành công của Hoa sứ nhà nàng, ông cho ra đời một loạt tác phẩm: Mùa nhạn trắng, Tìm em quán phượng, Đàn thương cô quán trong làng, Anh về đẹp tình quê hương, Nhớ em, Sông quê tình nhớ, Căn nhà mộng ước… Tuy nhiên, người ta chỉ nhớ nhất bài Hoa sứ nhà nàng, dường như Vinh Sử và Lê Hựu Hà đã lấn át Hoàng Phương…
Sau 1975, Hoàng Phương về Gò Công mở tiệm sửa đồng hồ. Năm 1985, ông tích lũy ít vốn mở được tiệm vàng Toàn Tân. Nghiệp nghệ sĩ tưởng chừng như đã chấm dứt.


Trở lại từ Hoa sứ nhà nàng

Tôi thắc mắc, ngọn lửa nghệ sĩ đã tắt lịm trong ông 11 năm, vì sao đùng một cái năm 1986 Hoàng Phương sáng tác một mạch gần 20 bài và nổi lên thành hiện tượng “nhạc Gò Công”? Anh Hoàng Tùng cười: “Năm 1986, khi Bộ Văn hóa cho lưu hành bài hát Hoa sứ nhà nàng của cha tôi trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông sướng run người. 11 năm người ta lên án nhạc vàng, đến nỗi ông không dám cầm đàn, không dám khoe mình là nhạc sĩ. Bây giờ, bài hát của ông đã được Nhà nước công nhận. Cảm ơn làn gió đổi mới, tối ngày cha tôi ôm đàn, ghi ghi chép chép… rồi bày ra cha con hát với nhau!”.
Hoàng Phương và người vợ đầu. Ảnh trong bài: NN

Năm đó, ông sáng tác không mệt mỏi, hàng loạt bài hát về quê hương Tiền Giang: Trưa hè trên bãi biển, Chung một dòng sông, Gò Công hồng trang sử, Biển thức, Về nông trường Phú Đông, Tiếng chim mùa xuân, Nhà em đó bên kia sông, Biển Gò Công khi em đến, Chiều xuân qua thị trấn Gò Công, Ánh mắt quê hương, Khung trời quê, Khúc Cachiusa hát ở bên sông Tiền, Mỹ Tho thành phố cội nguồn, Mẹ Gò Công, Biển tím, Khung trời quê...
Hoàng Tùng nhớ lại: “Cha tôi bỏ hết công việc làm ăn để lao vào sáng tác. Ông còn liên hệ với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện dàn dựng biểu diễn các bài hát của ông cho công chúng Gò Công thưởng thức. Nhưng rồi cũng chẳng ai thèm nhớ. Lúc này cha tôi mới hiểu ra, mình không phải là nhạc sĩ hòa âm, phối khí nên dàn dựng nghe dở òm. Thế là ông gom tiền nong, lặn lội lên Sài Gòn tìm nhạc sĩ Quốc Dũng và Lê Hựu Hà. Họ phối khí hòa âm xong thì ca sĩ Bảo Yến (vợ Quốc Dũng) hát thử. Thấy hay thế là thu băng c***ette. Vậy là người ta ùn ùn đi tìm băng nhạc Gò Công”.
Trở về với biển
Sau năm 1986, Hoàng Phương tiếp tục cho ra đời các bài hát về quê hương và trở nên quen thuộc với không ít người yêu nhạc như: Hương sơ ri, Đôi mắt quê hương, Chiếc cầu chiều mưa, Nỗi sầu tương tư, Chiếc thuyền từ ly, Hẹn em bên cửa sông Tiền, Nhớ biển Gò Công, Xa rồi Gò Công, Chuyến xe Tiền Giang. Hoàng Phương cũng đã cùng với con trai là Hoàng Tùng cho ra đời bài Ao nhà ao bên.
Như hầu hết các ca khúc khác, ông vẫn dành cho tình yêu lứa đôi những giai điệu mượt mà hơn. Những chuyện tình dang dở, những mối tình quê, đậm đà, chân chất như chính những con người quê ông: thật thà, mặn nồng, chung thủy. Ở góc độ khác, nhạc Hoàng Phương là nhạc biển quê ông. Quê hương Hoàng Phương có hoa sứ, có sơ ri, có hoa muống biển, có con dã tràng… không lẫn vào đâu được. Có lẽ vì thế mà nhạc của ông đã đi vào lòng rất nhiều người yêu nhạc ở miền Nam thời đó và cho đến cả bây giờ.
Hoàng Phương hào sảng và mê đắm, ông sống đời nghệ sĩ đúng nghĩa, tất cả cho nhạc phẩm. Có thể nói Hoàng Phương là nhạc sĩ đầu tiên ở Tiền Giang dám bỏ tiền sản xuất băng c***ette gồm những ca khúc về tình yêu và vùng đất Gò Công. Trong cuộc đời ông, nghệ thuật không song hành với kinh tế. Về cuối đời, hai tiệm vàng lần lượt mất đi, cuộc sống mỗi ngày càng trở lên cơ cực, ông lên Sài Gòn tìm đến các trung tâm băng nhạc để kiếm sống nhưng cũng không vực dậy được kinh tế. Năm 2002, ông lâm bệnh nặng.
Ngày 14-8-2002, nhạc sĩ Hoàng Phương đã đi về với biển. Tôi trở lại biển Tân Thành vẫn nghe tiếng hát vọng về: “Mùa xuân không về phố bao giờ!”.


NGUYỄN NGỌC