Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Âm nhạc
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Âm nhạc
Message Icon Chủ đề: Trịnh Công Sơn Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Chủ đề: Trịnh Công Sơn
    Gởi ngày: 16/Feb/2011 lúc 7:03pm
.
 
Tôi nhân được email nầy với câu chú thích sau đây:
 
"Tôi có người bạn, biết rõ về gia đình cô nầy.  Cha mẹ là người Bắc, dời vào làm việc tại Huế.  Cô chị là Quỳnh Dung, học tại Quốc gia Hành Chánh. lấy một người học Đại Học Sư Phạm, hiện ở lại VN.  Cô thứ hai là Bích Diễm, cũng học Quốc gia Hành Chánh, hiện ở miền Nam Ca Li và đã Ly dị.  Cô Dao Ánh là  em thứ 3 trong gia đình, hiện cũng đã ly dị.  TCS quen thân với cả 3 chị em.  Khi TCS quen với gia đình thì cô Quỳnh Dung đã lớn tuổi và đi học xa nhà, anh ta thi1ch cô Bích Diễm nên khi cô Bích Diễm về Saigon học thì mới làm bài "Diễm Xưa".  Và anh ta lại thích cô Dao Ánh, lúc đó vừa mới lớn,  và nhỏ hơn TCS rất nhiều tuổi.  Người nghệ sỉ chỉ yêu thích tuổi thanh xuân và sắc đẹp. Đó cũng là lẽ thuờng tình, chứ không tính tới chuyện gì khác."


 
 
 Thư tình gửi một người - Trịnh Công Sơn

Ngày 1/4/2011, đúng mười năm sau ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm để rong chơi chốn vĩnh hằng, bà Dao Ánh – người tình đầu tiên – một trong những người tình đã mãi mãi bất tử bằng những ca khúc của ông cho công bố hơn 300 bức thư tình của Trịnh Công Sơn gửi cho bà.

Trịnh Công Sơn đã nói tiếng yêu em bằng ngôn ngữ thật đẹp, là bản chúc thư ca ngợi tình yêu, là thân phận, là những dằn vặt triền miên về kiếp người. Người ta nói nghệ thuật là đời sống riêng biệt, hiếm hoi. Trong trường hợp này, dường như tình yêu đã làm nên những cảm xúc để từ đó ra đời những tình khúc huyền thoại để lại cho cuộc đời. Xin cảm ơn bà Dao Ánh và gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cho phép Giai phẩm xuân Tân Mão Sài Gòn Tiếp Thị lần đầu tiên công bố những di bút rất riêng tư này.
 
Dao%20Ánh%20lần%20trở%20lại%20năm%201998.%20Ảnh:%20TLGĐ
Dao Ánh lần trở lại năm 1998. Ảnh: TLGĐ
Sau gần nửa thế kỷ, hơn ba trăm bức thư tình mới được chủ nhân của nó tiết lộ, hé mở phần sâu thẳm trong trái tim một nhạc sĩ tài hoa, gắn với một thời đoạn khai sinh những ca khúc bất hủ về tình yêu và thân phận...

25 tuổi, tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn đã chọn B’lao, một thị trấn chênh vênh giữa những tầng mây để sống như một kẻ ẩn dật, ôm theo mối tình si với người con gái xứ Huế mang tên Dao Ánh.

Bức thư đầu tiên anh gửi ngày 17/9/1964, với những lời mở đầu như một tiếng reo vui “Dao Ánh, Dao Ánh, Dao Ánh…”. Nét chữ của anh hồi ấy nắn nót như những nốt nhạc: “Anh cảm ơn Ánh nghìn lần đã yêu thích thiên-đàng-sương-mù của anh. Anh sẽ cố gắng yêu thích lấy nó đến bao giờ không thể. Ở đây có cái tự do của con người mỗi ngày chỉ thấy mình và trời đất…”.

B’lao bỗng hiển hiện thật rõ nét với hình ảnh một người đàn ông mơ mộng trầm tư ngày ngày chỉ có một niềm vui duy nhất là ra bưu cục đón nhận những bức thư. Anh viết về những ngày dài hoang vu, những buổi sáng thức dậy trong im lặng, những buổi tối trăng non… Anh gọi tên Dao Ánh không biết bao nhiêu lần trong thinh không… Anh dệt lên trong tâm tưởng một hình ảnh thật trinh nguyên, một Dao Ánh với “mái tóc thật dài, với tâm hồn lá non và tiếng cười hồn nhiên như một buổi sáng mùa xuân…”. Bắt gặp đâu đó trong những cuộc hẹn hò bất thành của anh là những giận hờn, trách cứ như biết bao người đàn ông khác trong tình yêu. Nhưng trách cứ của anh sao mà dịu dàng, sao mà ngọt ngào, yêu thương.

 
Thủ%20bút%20Trịnh%20Công%20Sơn.
 
Những kỷ niệm đẹp nhất giữa hai người đã trở thành cái cớ cho những suy tư về thân phận, về chiến tranh, về tình yêu của Trịnh Công Sơn tuôn trào. Hay có lẽ cái khoảng cách vời vợi giữa một tình yêu quá mộng mị đã giúp anh soi rọi một cách trầm tĩnh nhất vào cái hố thẳm của riêng mình, để gọi tên những cảm xúc cho Phúc âm buồn, Tuổi đá buồn, Lời buồn thánh, Như cánh vạc bay, Chiều một mình qua phố… Dao Ánh còn giữ lại nguyên vẹn bản viết tay đầu tiên của Mưa hồng, Tuổi đá buồn với lời đề tặng “bản của Ánh đó”. Suốt cả mùa hè năm 1965, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lơ lửng giữa sự sống và cái chết, với những cơn hôn mê trước giấc ngủ của một kẻ tuyệt vọng cùng cực. Những ca khúc phản chiến, kêu gọi hoà bình rúng động lòng người đã ra đời chính trong thời điểm này, như Ca dao mẹ, Lại gần với nhau, Người con gái Việt Nam da vàng... Những ca khúc tranh đấu quyết liệt để giành lại quyền sống, để được làm người.
 

Trịnh Công Sơn dạy tại B’lao chỉ ba năm, từ 1964 đến 1967, ba năm đều đặn với hơn ba trăm bức thư tình. Quả thật anh là người viết thư tình lãng mạn nhất của thời đại. Bức thư đầu tiên anh nói lời cảm ơn, và bức thư chia tay cuối cùng, anh cũng nói lời cảm ơn. Mỗi lá thư của anh như một đoản văn đầy chất thi ca, chứa đựng tâm trạng lo âu, dằn vặt triền miên về kiếp người, lòng tin vào những điều tốt đẹp đang dần mất đi trong cõi nhân gian. Đây thực sự là mảng văn chương ấn tượng trong cuộc đời nghệ thuật của Trịnh Công Sơn, bên cạnh gia tài đồ sộ về âm nhạc của anh.

Năm 1993, Dao Ánh đã trở lại Việt Nam, và gặp lại Trịnh Công Sơn. Xin trả nợ người đã được anh viết liền một mạch vào đêm mùng ba tết năm ấy. Dưới bản nhạc anh viết tặng Dao Ánh là một tiếng thở dài đau nhói: “Nỗi buồn xin lỗi bàn tay/Tấm thân hiu quạnh ngồi say một mình…” Dao Ánh đã ly dị chồng ngay sau cuộc hội ngộ buồn bã này.

 
Thủ%20bút%20Trịnh%20Công%20Sơn.
Thủ bút Trịnh Công Sơn.
Những lời cuối cùng anh viết cho Dao Ánh là những ngày anh nằm trên giường bệnh. Anh không thể cầm bút được, nên phải đọc cho người bạn Sâm Thương viết giùm mình, và gửi qua email. Vẫn là những lời an ủi thật dịu dàng: “Ánh cố gắng tìm được những niềm vui nhỏ nhắn trong cuộc sống bình thường là quý giá lắm rồi. Chúc Ánh một cái tết thú vị dù chỉ một mình hay với người khác…”.

Hơn bốn mươi năm đã qua, bao tao loạn, thăng trầm, chiến tranh liên miên, rồi lấy chồng, sang Mỹ... vậy mà Dao Ánh vẫn cất giữ nguyên vẹn những bức thư tình, những chiếc phong bì, kể cả từng chiếc lá dã quỳ anh ép trong thư, cả những giọt nến anh đốt lên để viết tên chị... Nhưng có một điều ít ai biết, là lúc đó Ngô Vũ Dao Ánh, em gái của Ngô Vũ Bích Diễm (nhân vật của Diễm xưa), chỉ mới… mười lăm tuổi.
 

Không ít người thắc mắc tại sao đến giờ này, Dao Ánh mới chịu công bố những bức thư tình. Chính chị đã phải trải qua những ngày dài đắn đo, nên mười năm sau ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng ta mới được chiêm ngưỡng nó. Trong thư gửi Trịnh Vĩnh Trinh, em gái Trịnh Công Sơn, Dao Ánh viết: “Hãy nghĩ về anh Sơn không phải chỉ để dành riêng cho một con người, một gia đình, một thành phần cụ thể nào cả… Dù cho mình có yêu thương anh Sơn thế nào đi nữa thì anh đã là một vĩ nhân rồi, và theo hướng nhìn đó anh đã là của tất cả mọi người. Dao Ánh đã tập nghĩ cho mình như thế, để có thể giao phó tập thơ này cho gia đình xuất bản, như một món quà để lại cho thế hệ đời sau và văn chương Việt Nam…”.
 
 
 
Bà%20Dao%20Ánh%20chụp%20chung%20cùng%20gia%20đình%20nhạc%20sĩ%20trong%20đêm%20nhạc%20Trịnh%20Công%20Sơn%20ở%20Vũng%20Tàu%20năm%202008.%20Ảnh:%20Nguyệt%20Vy
Bà Dao Ánh chụp chung cùng gia đình nhạc sĩ trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn ở Vũng Tàu năm 2008. Ảnh: Nguyệt Vy

Nhà thơ Nguyễn Duy, người được gia đình Trịnh Công Sơn tin cậy giao phó việc biên tập và xuất bản tác phẩm Thư tình gửi một người, thổ lộ: “Đọc hết ba trăm hai mươi bức thư tình, tôi gần như choáng váng. Cảm ơn những người tình như Dao Ánh đã biết gìn giữ tình yêu của anh Sơn trong bốn mươi sáu năm qua, tức là gần nửa thế kỷ. Dao Ánh vừa là một tình yêu rất cụ thể, đồng thời là một tình yêu biểu tượng. Một tình yêu cụ thể đã chấm dứt, nhưng biểu tượng tình yêu thì bất tử với thời gian…”.

    
 

B’lao, Ngày 25/Mars/1967

Bây giờ đã quá khuya, chương trình chuyên đề về tình yêu còn để lại một vị đắng rất mỏng. Mọi người cũng đã ngủ từ lâu và anh cũng phải quyết định một lần cho Ánh lẫn cho anh. Một quyết định thật khó khăn và chẳng ai trong cuộc dám dứt khoát với chính mình. Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Anh cam đành là kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố gắng đóng cho trọn vai trò của mình. Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng mình anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua.

“Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây”

Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả và sau quyết định này là một lối ngỏ thênh thang trên đó Ánh hãy đi vào những phiêu lưu mới đừng ăn năn, đừng băn khoăn gì cả. Tất cả đã rõ như một khoảng trắng. Cũng đành vậy thôi.

Bà%20Ngô%20Vũ%20Dao%20Ánh%20lần%20trở%20lại%20mười%20năm%20sau.%20Ảnh:%20Nguyệt%20Vy
Bà Ngô Vũ Dao Ánh lần trở lại mười năm sau. Ảnh: Nguyệt Vy
Anh đã nhìn tình yêu ở một độ cao nhất của thuỷ triều. Quyết định như không thuộc về anh. Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được. Để vĩnh biệt nhau trong tình yêu đó anh chỉ muốn khuyên Ánh, trong tương lai hãy tự tin hơn và bớt suy tính.

Anh đã bất lực không cứu vãn gì được cho tình yêu của mình. Thêm một lần đánh mất và thất lạc những vàng son.

Đã viết quá dài ngoài ý muốn nhưng nói một lần mà cho tất cả về sau.

Cầu mong thật nhiều bình an cho Ánh và đời đời hạnh phúc trong những dự tính mới ở tương lai.

Thân yêu

Trịnh Công Sơn


Chỉnh sửa lại bởi lo cong - 17/Feb/2011 lúc 8:36pm
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 28/Feb/2014 lúc 12:51pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 27/Jun/2015 lúc 3:32pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23135
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 04/Apr/2019 lúc 9:17am

Giải Thích Những Ca Từ “Bí Hiểm” Và Gây Khó Hiểu Trong Các Bài Nhạc Trịnh Công Sơn


Nhạc Trịnh Công Sơn không được xếp vào loại nhạc vàng, không phải ngẫu nhiên mà một số trang web âm nhạc ưu ái để hẳn một thể loại nhạc riêng, đó là thể loại Nhạc Trịnh. Nhắc đến Nhạc Trịnh Công Sơn, có lẽ người ta sẽ nghĩ đến những triết lý, sự mông lung trong nhiều tầng lớp ý nghĩa của ca từ bài hát.
Ngay cả những người sâu sắc và từng trải nhất cũng không dám khẳng định là “mình hiểu hết ý nghĩa nhạc Trịnh”. Bài viết này không có tham vọng giải thích cặn kẽ, chi tiết những ca từ nhạc Trịnh, chỉ viết lại những hiểu biết gom nhặt được trong quá trình tìm hiểu nhạc Trịnh. Hy vọng khi đọc qua bài viết này, người yêu nhạc Trịnh sẽ có cảm giác: À, thì ra là thế…
Nghe Những Tàn Phai
Chắc hẳn là ai cũng đã từng nghe “tụi trẻ” ngày nay thường để câu “thính” quen thuộc trên facebook: Cuộc đời là những chuyến đi… khi nhắc về các chuyến du lịch bụi. Không biết câu này xuất phát từ đâu, nhưng có lẽ những người yêu nhạc Trịnh sẽ thấy quen, vì nó rất giống với một câu trong bài Nghe Những Tàn Phai:
Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là những chuyến xe…

Có ai giải thích được cặn kẽ ý nghĩa của bài hát này?

Chiều nay em ra phố về 
Thấy đời mình là những đám đông 
Người chia tay nhau cuối đường 
Ngày đi đêm tới trăm tiếng hư không. 

Có ai đang về giữa đêm khuya, 
rượu tàn phai dưới chân đi ơ hờ 

Vòng tay quen hơi băng giá, 

Nhớ một người tình nào cũ, 

Khóc lại một đời người quá ê chề. 
Chiều nay em ra phố về 
Thấy đời mình là những quán không 

Bàn in hơi bên ghế ngồi 

Ngày đi đêm tới đã vắng bóng người. 
Chiều nay em ra phố về 
Thấy đời mình là con nước trôi, 

Đèn soi trên vai rã rời 
Ngày đi đêm tới còn chút hao gầy.

Nguyên bài là những lời lẽ có vẻ mông lung, như là không nhắc đến một điều gì cụ thể, giống như là tác giả đang nói về những chiêm nghiệm nào đó về cuộc đời?
Không phải vậy, thật ra bài hát này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết về một đối tượng cụ thể: Nhân vật chính là một cô gái làng chơi. Điều đó được ca sĩ Khánh Ly thừa nhận, bà đã được Trịnh Công Sơn trực tiếp giải thích ý nghĩa của bài này khi tập cho bà hát.
Đó là một người kỹ nữ, một gái giang hồ đã về già và hết thời, với những bước chân trở về nhà trong đêm sau 1 ngày rã rời. Cô gái đôi khi thấy đời mình là những đám đông, những chuyến xe… rồi rốt cuộc chỉ là tiếng hư không, vắng bóng người trong 1 đời người đã quá ê chề.
Rốt cuộc, từ một câu hát trong bài hát về cô gái điê’m, giới trẻ biến thành một câu nói có vẻ rất ngầu: Cuộc đời là những chuyến đi…

Dấu Chân Địa Đàng
Bài hát Dấu Chân Địa Đàng, ban đầu có tên là Tiếng Hát Dạ Lan, được Trịnh Công Sơn viết trong thời gian ông dạy học ở B’Lao – Lâm Đồng. Trong bài này có hình ảnh ẩn dụ vô cùng khó hiểu như “loài sâu ngủ quên trong tóc chiều”, “lời ca dạ lan”… 
May quá, những hình ảnh đó sẽ được chính tay tác giả giải thích, nếu bạn đọc được cuốn Thư Tình Gửi Một Người (tổng hợp những bức thư tình ông Trịnh gửi cho Dao Ánh). Khi hiểu được những ca từ này, người nghe sẽ thấy bài hát sẽ trở nên hay hơn.
Loài sâu này chính là một phiên bản khác của phận người, ôm chất chứa những buồn vui của nhân sinh, điều này càng được thấy rõ hơn trong những bức thư của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh: “Ngôn ngữ đã mất đi với những ngày nằm co như một loài – sâu – chiếu ở Blao” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Ở đây cũng có loài sâu đất reo đêm” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Đêm sáng mờ bên ngoài. Sâu đất reo rất trong ở bãi cỏ” (thư Blao, 23.10.1964), “Đêm đã lạnh và đã buồn. Cây cỏ lao xao. Anh chỉ còn nghe rõ tiếng sâu đất và tiếng dế reo…” (thư Blao, 29.12.1964), “Đêm rất dày đen. Sâu đất của núi rừng cũng đã reo lên âm thanh rất nhọn” (thư Blao, 23.9.1965).
Hình ảnh “dạ lan” cũng được nhắc tới trong bài này: “Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng”. Dạ lan là gì?
Nhà cô gái 16 tuổi Dao Ánh ở Huế (cách nhà Trịnh Công Sơn ở Huế một cây cầu là cầu Phú Cam) trồng nhiều hoa dạ lan và loài hoa này không chỉ thơm ngát trong vườn nhà Dao Ánh mà còn lừng hương trong nhạc Trịnh và trong nhiều bức thư tình tha thiết, da diết của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh: “Dạ lan giờ này chắc đã ngạt ngào cả một vùng tối đó rồi, đã cài lên từng sợi tóc của Ánh” (thư Blao, 31.12.1964), “Anh ao ước bây giờ mở cửa ra bỗng dưng có chiếc cầu bắc qua dòng sông và anh bước qua cầu rồi rẽ về phía tay phải đi đến căn nhà có mùi thơm dạ lan và đứng đó gọi tên Ánh thật thầm để chỉ vừa đủ Ánh nghe” (thư Blao, 26.9.1965).
Dĩ nhiên, “dạ lan” trong vùng kỷ niệm của Trịnh Công Sơn cũng như trong nhạc Trịnh, là hiện thân của vẻ đẹp và tình yêu thầm kín, thanh tao, thắm thiết của Dao Ánh, là biểu tượng, là hiện thân của cõi “địa đàng”, cõi “Thiên Thai”, cõi mơ ước hạnh phúc bất tuyệt muôn đời của nhân loại: “Mưa đã trở về cùng với đêm. Như một ngày nào Ánh rời xa anh để trở về với nếp sống bình thường, ở đó Ánh đi trên lối đi quen thuộc của những người đã đi trước mà không cần phải nhìn những bảng số hai bên đường. Sẽ bình thường và thản nhiên quên đã một lần dẫm chân qua một vực – thẳm địa đàng mà anh đã linh cảm trước từ lâu, như “địa đàng còn in dấu chân bước quên” của một thời anh đã âm thầm nghĩ rằng biết đâu Ánh không lớn lên từ một loài dạ lan nào đó” (thư Blao, 27.10.1964), “Bây giờ là tiếng nói đêm của anh với Ánh. Với Ánh dạ lan… ” (thư Blao, 22.11.1964).

Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời
Bài hát này, Trịnh Công Sơn đã nhân cách hóa “một dòng sông” và cho nó qua đời luôn. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc: Dòng sông sau khi qua đời thì nó sẽ trông như thế nào?
Trịnh Công Sơn giải thích: “Hôm đó mình ở Đà Lạt đi qua cầu, bắt qua cầu Hồ Xuân Hương thì gặp người tình cũ đi với người yêu qua cầu. Mình nhìn thấy. mình cảm thấy sự mất mát quá lớn trong cuộc đời này…
Bên cạnh đó khi đi qua cây cầu mình nhìn xuống thấy dòng nước chảy, mình nghĩ không chỉ mất người đó thôi mà mất cả dòng sông, dòng nước… mất hết cả. Cho nên cái mất mát tưởng là nhỏ nhưng cuối cùng lại lớn.
Cho nên có một dòng sông đã qua đời không phải chỉ là mình ví von người tình của mình là dòng sông, nhưng mà nàng đi qua một dòng sông, và mình mất nàng và mất luôn dòng sông.
Lúc đó dòng sông nó không còn ý nghĩa gì nữa, trước đó đẹp vô cùng tận nhưng mà từ phút đó trở đi thì không có ý nghĩa gì cả. Nó cũng là mang đến cho mình một nỗi buồn giống như sự mất mát kia. Cho nên vì vậy mới có bài có một dòng sông đã qua đời.
Mình nghĩ như thế này, khi ta đi qua một nơi trốn nào đó, tình cờ bạn đi qua một cái núi, bạn gặp người tình của bạn cùng đi với một người khác, thì cái núi đó cũng qua đời rồi chứ không phải dòng sông đã qua đời, núi cũng qua đời luôn”.

Cát Bụi
Trong bài Cát Bụi, nhạc sĩ họ Trịnh có cái câu này, chắc hẳn nhiều người nghe cho qua chứ không hiểu lắm ý nghĩa:
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không haỵ

Bà Đặng Tuyết Mai (vợ cũ của ông Nguyễn Cao Kỳ) trong một dịp gặp gỡ văn nghệ đã được Trịnh Công Sơn giải thích và mô tả sự khai sinh và khai tử (như được ghi lại trong bài hát “Cát bụi”) ở trong các làng xã xa xôi ở miền quê Việt Nam là:
“Khi một đứa bé được sinh ra thì bố mẹ đứa trẻ báo cho làng xã biết. Người ta ghi tên đứa bé vào một cuốn sổ bằng viết mực… thế rồi khi đứa bé lớn lên sau lũy tre xanh, trưởng thành, già… nếu chết đi thì người nhà cũng báo cho làng xã biết; người ta cũng lấy cái bút gạch tên người chết trong cuốn sổ đinh này là xong một đời người.”
Chính vì vậy mà sau khi một cuộc đời được chấm dứt câu “Vết mực nào xóa bỏ không hay” là thật chứ không phải là chuyện “mông lung” như chúng ta vẫn nghĩ.

Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ
Đây là một bài hát, một bài thơ thuộc dạng nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà đảm bảo từ cái tựa đề bài hát thôi là đã làm người nghe thấy mông lung, chóng mặt rồi. Sao tự nhiên đêm thấy ta là thác đổ? Nghe có vẻ siêu nhiên kỳ bí quá.
Có một vị đã thiền lâu năm đã thốt lên: “Trịnh Công Sơn phải là sư tổ môn thiền học mới ‘đạt’ được cái trạng thái ‘thác đổ’ này”.
Những ai theo thiền môn lâu năm đều biết, mỗi khi thiền xong, khi mở mắt ra là nghe thấy trong đầu còn có “âm vang như có tiếng thác đổ”. Thành ra “Nhiều đêm thấy ta là thác đổ” cũng là thật chứ không phải là chuyện siêu nhiên kỳ bí gì cả. Khi tỉnh ra, thì “vẫn như còn nghe”.

Một Cõi Đi Về
Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi…
Câu hát này sử dụng từ ngữ rất… Trịnh Công Sơn. Nhiều ca sĩ trẻ không biết “con tinh yêu thương” là gì, nên tự ý đổi lại thành “con tim yêu thương” cho nó thơ mộng.
Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rất nhiều lần giải thích cái hay, cái chất Huế độc đáo của từ “con tinh” trong bài này. Theo Trịnh Công Sơn thì các cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế hay bị gia đình, người thân mắng yêu là “đồ yêu tinh”. Cái “con tinh” đó đã đi vào văn học và đi qua dòng nhạc Trịnh trong bài hát Một Cõi Đi Về mà ông yêu thích nhất, nhưng đa số ca sĩ lại hát là “con tim”, làm cho câu hát không còn gì đặc biệt.
Có khi nắng khuya chưa lên
Mà một loài hoa chợt tím…
Ông Trịnh này lạ thật, đêm khuya thì làm gì có nắng, nên có 1 số ca sĩ đã đổi lại thành “có khi nắng mưa chưa lên” cho hợp lý, làm cho câu hát nghe rất khiêng cưỡng và buồn cười.
Thật ra đó là một sự ẩn dụ tinh tế của nhạc sĩ. Bài hát có bối cảnh buổi chiều, đường phố chưa lên đèn. Nhạc sĩ ví von đèn đường là một loại “nắng khuya”. Ý nghĩa của hai câu này là mới có buổi chiều, trời chưa tối, đường chưa lên đèn, mà loài hoa quỳnh tím ban đêm đã nở sớm rồi. Trịnh Công Sơn có lẽ bị ám ảnh bởi loài hoa đêm này, nên có hẳn hai bài hát dành cho loài hoa quỳnh là bài Quỳnh Hương và Chuyện Đóa Quỳnh Hương.
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào


Hai câu hát nổi tiếng này trong bài Mưa Hồng thực ra không có chứa đựng câu chữ nào là đánh đố hay khó hiểu. Nhưng nếu giải thích rõ ràng câu hát này ra thì sẽ có nhiều điều thú vị đằng sau đó.
Bài hát này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết tặng cô Dao Ánh, với bối cảnh ở Huế. Mưa ở Huế thì buồn lắm, có nhiều bài hát đã nói lên nỗi buồn của cơn mưa xứ Huế rồi. Những ai sống ở đất cố đô đều biết con “đường phượng bay” nổi tiếng trong Thành Nội với hai bên trồng toàn cây phượng vĩ.
Còn câu hát: “Em đi về cầu mưa ướt áo”, nếu ghi rõ nghĩa hơn thì sẽ là: em đi về, cầu cho mưa ướt áo em. Một người con gái đi ngoài mưa mù mịt, mưa rơi ướt sủng áo mỏng, lớp áo dán sát vào cơ thể. Không cần nói thì ai cũng biết hình ảnh đó gợi cảm biết nhường nào. Vấn đề ở đây là “ai cầu cho mưa ướt áo em?”. Hẳn nhiều người sẽ cho rằng chắc chắn đó là “anh”, để anh còn có dịp “thưởng thức” nữa chứ.
Tuy nhiên, cũng trong một buổi tiệc có mặt bà Đặng Tuyết Mai và Trịnh Công Sơn (đã nhắc đến bên trên), thì bà Mai đã đưa ra ý kiến của bà như sau:
“Riêng tôi (bà Tuyết Mai) thì cho rằng chính cô gái mới là người cầu mong cho mình bị mưa ướt, bởi lẽ người xứ Huế rất coi trọng gia phong lễ nghĩa, nhất là trong cách ăn mặc – lúc nào cũng phải thật kín đáo, không bao giờ dám để lộ thân thể dù chỉ là một chút xíu. Cô gái trong bài hát tự biết mình có hình dáng đẹp, muốn khoe nhưng không biết làm cách nào nên chỉ dám cầu mưa cho mình bị ướt áo để khoe vẻ đẹp cơ thể một cách tự nhiên mà vẫn giữ được sự ngượng ngùng, e ấp… Khi nghe tôi giải thích như thế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đứng dậy, với tay qua bàn tiệc bắt tay tôi kèm theo một nụ cười mãn nguyện".
Nếu bạn đọc có góp ý gì thêm về ý nghĩa của những ca từ trong nhạc Trịnh có vẻ cao siêu bí hiểm, xin vui lòng để lại lời bình luận (comment) bên dưới để người nghe, người đọc thưởng ngoạn được nhiều hơn.
Đông Kha (tổng hợp từ các bài viết)


Mời thưởng thức những bản nhạc được đề cập ở trên



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 04/Apr/2019 lúc 9:18am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23135
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 01/Apr/2021 lúc 11:33am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.191 seconds.