Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình
Message Icon Chủ đề: NÓI VỚI NHỮNG NGƯỜI CHA Gởi trả lời Gởi bài mới
Trang  of 2 phần sau >>
Người gởi Nội dung
trankimbau
Moderator Group
Moderator Group


Tham gia ngày: 02/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 424
Quote trankimbau Replybullet Chủ đề: NÓI VỚI NHỮNG NGƯỜI CHA
    Gởi ngày: 17/Jun/2007 lúc 10:34am
 
 
    Bạn,những người Cha,
 
    Hôm nay,chủ nhật thứ 3 của tháng sáu,trên đất nước Hoa Kỳ,có ngày lễ dành cho những người Cha.
    Các đứa con nhân dịp nầy bày tỏ lòng thương yêu ,bày tỏ sự biết ơn của mình với phụ thân.
    Bạn,những người cha đã già,những người cha chưa già,
    Bạn,những người cha thành công,những người cha chưa thành công,xin  cùng tôi đón ngày lễ nầy.Hãy mở lòng ra  nhận lấy hạnh phúc được chuyên chở đến từ những đứa con yêu.Nơi bạn ở,có thể,không như Hoa Kỳ,không có lễ dành cho người cha hôm nay.Nhưng bạn có biết ,trong lòng những đứa con của bạn luôn luôn ấp ủ sự tin yêu và thương kính cha mình.Cứ nhìn họ bằng ánh mắt từ ái và khoan dung,bạn sẽ thấy tình phụ tử thiết tha đến cỡ nào.
    Bạn hãy hãnh diện những gì bạn đã làm cho họ,thương yêu,lo lắng,đùm bọc,che chở,nuôi dưỡng,dạy dỗ.Những chia xẻ,cảm thông,tha thứ,ân cần,an ủi.Tất cả điều đó đã giúp cho con bạn lớn khôn,trưởng thành và cảm nhận bằng tấm lòng biết ơn đến cha mình.
    Còn chần chờ gì nữa,bạn,hãy cùng tôi nâng ly,dù bạn đang ở đâu trên vũ trụ nầy.NHỮNG NGƯỜI CHA!
kb
IP IP Logged
Phanthuy
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 960
Quote Phanthuy Replybullet Gởi ngày: 19/Jun/2007 lúc 1:19am
Hay qua' chu' Bau' ơi ! Ba của PT đã mất từ trước khi PT biết ngày Father's Day tức là trước khi PT qua Mỹ , nhưng tình cảm cha con ở nơi nào  thì chắc cũng giống nhau...vì thế đọc những dòng trên thấy  động lòng nhớ cha quá ! Cám ơn KB
PhanThuy-CA
IP IP Logged
nqtuan2910
Groupie
Groupie
Avatar

Tham gia ngày: 24/Oct/2007
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 65
Quote nqtuan2910 Replybullet Gởi ngày: 07/Apr/2008 lúc 8:29am
Kính chào Anh TK Báu
- Nói đến cha mẹ thì Tuấn yêu mến vô cùng, lúc hai vị còn sanh tiền lúc nào trong tâm Tuấn cũng cầu nguyện cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi... Nhưng khi song thân không còn nữa thì lời cầu nguyện không còn linh ứng. Nhân dịp về có đi Bình-Thành ghé phà Bình-Xuân có chụp một pose ảnh mé xa xa xóm Hương-sư... gởi tặng anh.
Photobucket
 
Thân ái
 
nqtuan2910
IP IP Logged
trankimbau
Moderator Group
Moderator Group


Tham gia ngày: 02/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 424
Quote trankimbau Replybullet Gởi ngày: 08/Apr/2008 lúc 7:57am
 
 
      nqtuan,
 
      Cảm ơn anh và rất cảm ơn anh. Không phải vì chiếc phà lạ quắc trên dòng sông quê Cha, mà vì tấm lòng và công trình anh đi tìm những sợi dây thân tình trói buộc cuộc đời của mỗi người chúng ta.
      Ông Hương Sư ngày xưa đó tên là Trần văn Lực, những người sống trong xóm nầy là con cháu nhà họ Trần. Và tôi, cháu nội của ông.
      Có thể quê hương bây giờ đang được cố gắng xây dựng để phô ra những nét văn minh và thịnh vượng. Nhưng bên cạnh cũng có những mất mát và tổn thương rất to lớn về phương diện tình cảm, hồi ức, kỷ niệm...
      Người con gái có thể nhờ thẩm mỹ để điều chỉnh nhan sắc của mình, đẹp hơn, quyến rũ hơn, nhưng chắc chắn phải trả bằng một giá.
      nqtuan,
      Tôi thèm nhìn lại con đò vượt sóng năm xưa đưa khách qua sông giữa ấp 3 và ấp 5 xã Bình Xuân cũng như tôi thèm nhìn lại những con người rất hiền hòa, chơn chất của quê tôi ngày xưa ấy. Có còn không anh, có được không anh?!. Ngôi trường Tiểu học Bình Xuân bây giờ ra sao, ao bèo trước trường, nhà lồng chợ, dãy phố, cánh đồng rẫy, cánh đồng ruộng, con đường đá đỏ có lối mòn 2 bên, xóm Nhà Lầu, xóm ông Cả Phúc, xóm ông Cai...
       nqtuan,
       Cuối cùng vẫn là cảm ơn anh. Anh đã cho tôi một thoáng quê xưa. 
kb
IP IP Logged
nqtuan2910
Groupie
Groupie
Avatar

Tham gia ngày: 24/Oct/2007
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 65
Quote nqtuan2910 Replybullet Gởi ngày: 08/Apr/2008 lúc 8:45am
Anh TK Báu thân mến
- Các con đò ngày xưa, nay thay bằng những chiếc phà cũ trước 30-4-1975 được sử dụng lại; Những gì anh nhắc vẫn còn tồn tại, địa danh xóm Hương sư, xóm Nhà Lầu, xóm ông Cả Phúc, xóm ông Cai... hỏi đến dân địa phương là nhớ liền không bao giờ quên được. Mọi trật tự bị xáo trộn đành chịu thôi như giòng nước chãy xuôi theo phía trước. Có con đường đất xưa nay được tráng nhựa chạy thẳng một lèo ra trường Bình-Đông hiền hoà, rồi quẹo trái ra cầu Nổi. Ngánh họ Trần ở xóm Hương-sư thuộc ngoại điệt của Họ Trần Công- Thạnh Trị. Anh có liên lạc với thầy Huỳnh-Ngọc-Ẩn định cư ở Hoa-Kỳ cách đây đã 2 năm rồi (Anh đây là cánh bên ngoại của Tuấn)
- Chúc sức khoẻ anh và gia quyến
Nqtuan
nqtuan2910
IP IP Logged
trankimbau
Moderator Group
Moderator Group


Tham gia ngày: 02/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 424
Quote trankimbau Replybullet Gởi ngày: 10/Apr/2008 lúc 8:19am
 
 
      Anh Nqtuan,
 
      Rất vui với chữ bà con, tiếng gọi quen và dễ thương của người Việt Nam mình. Chúng mình bà con làm sao vậy anh, có thể rõ hơn không? Thầy Huỳnh Ngọc Ẩn tôi biết có bà con với tôi và đã liên lạc được. Có vấn đề tôi không rõ ràng lắm. Ở Đồng Sơn, tôi có bà con rất đông, bên Ngoại. Nhưng má tôi họ Nguyễn mà những người tôi kêu bằng Cậu lại là TRẦN CÔNG(Trần Công Thành, Trần Công Nhựt, Cậu 10 Thành có tiệm bánh ở cặp theo bến đò, con là Trần Công Giao-đang ở Mỹ-, Trần Công Việt...Mộ bên Ngoại tôi cũng tại Đồng Sơn, hồi đó, mỗi năm tảo mộ, Cậu 10 Nguyễn văn Mai(ruột, mất cách đây mấy năm) ở Long An, chúng tôi gặp nhau ở nhà Cậu 10 Trần Công Thành hoặc ở nhà Cậu 5 Trần Công Nhựt, sau đó cùng đi tảo mộ. Hồi trước tôi còn nhỏ và không bận tâm lắm về vấn đề nầy nên không rõ,  nay anh nhắc lại, thấy cũng hơi là lạ mà không biết sao để giải thích.
           Mong đây cũng là dịp để tôi hiểu thêm về gia tộc mình qua anh. Được không Nqtuan?
           Kèm theo đây một lời cảm ơn và rất cảm ơn anh.
kb
IP IP Logged
loiquan
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 22/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 121
Quote loiquan Replybullet Gởi ngày: 11/Apr/2008 lúc 6:15am
Thưa hai anh trankimbau và nqtuan.
 
Cho tui hỏi chuyện này hơi mắc cười nhưng loiquan tu không khỏi tò mò.
 
Cái "thầy Huỳnh Ngọc Ẩn" gì đó có dây mơ rể má gì với cái lão...Phù thủy Gò Công (Huỳnh Ngọc Hùng) không ta !? (tôi hỏi vậy vì Huỳnh đúng là Hoàng mừ)
 
Hơn nữa, phải cầu cứu hai anh vì tôi thấy lão phù thủy ấy kỳ cục lắm; này nha, loiquan tui  hỏi "Thầy Hùng ui ! Thầy có bàn con gì với phe họ Hoàng (Huỳnh) ở Gò Công không? ". Hai anh biết tôi nhận được câu trả lời thế nào hôn !?..
 
"Dạ thưa ! Tui cũng bà con với bác loiquan nữa đó !" .
 
loiquan tui đang hoang mang vì "lạc đề" thì nghe Hoàng giáo sư nói thêm "Vì chúng ta đều kêu trời bằng ôn cả mà !"..lại còn "Chúc người bà con loiquan mạnh giỏi !" nữa chứ...!?
 
Thế nà thế nào !?
 
 
 
 
 
Cù lao Lợi Quan thương nhớ
IP IP Logged
nqtuan2910
Groupie
Groupie
Avatar

Tham gia ngày: 24/Oct/2007
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 65
Quote nqtuan2910 Replybullet Gởi ngày: 11/Apr/2008 lúc 6:57pm
Kính chào anh Lợi Quan thân mến,
- Chắc thầy HN Ngọc đùa cho vui vậy thôi, có thể là đồng nghiệp trong ngành Giáo dục đó; Tuấn biết họ Huỳnh có nguyên một Làng ở Bình-Lạc và Bình-Hưng phần lớn dân ở Gò Công gốc ở Tứ-Quảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Theo lịch sử dân mình vào Nam đổi họ gốc vì nhiều lý do: không thuần phục các vị vua cai trị ở Đàng Ngoài,... mai danh ẩn tích (Hoàng thành Huỳnh; Vũ thành ; đổi hẳn họ để hoạt động) hồi thời Pháp thuộc nguyên dòng họ Phan ở Phú Thọ Hòa- SàiGòn phài đổi hẳn ra họ Nguyễn vì dính họ với cụ Phan-Bội-Châu.
 
- Hồi xưa đi học Thầy hỏi đề tài gì phải trả lời đúng vấn đề chớ không được nói lòng vòng lệch đề là bị mất điểm ngay; Tuấn cứ nhớ những lời thầy đã dạy bên nghề nghiệp cái nào nên và không nên mà tránh (không học tùm lum. Đây là cách huấn luyện rất hay thời trước 30-4-1975 mà ngày nay ít ai để ý tới. Ông bà xưa thường nói: "Lời nói không mất tiền mua; lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".
 
- Gò Công có những dòng họ lớn: PHẠM-ĐĂNG, TRẦN-VĂN, PHAN-VĂN, TRẦN-CÔNG, NGUYỄN-VĂN, LÊ-VĂN, LỘ-CÔNG,...
 
- Tuấn đang làm tiếp Cha, viết lại các tông chi bà con bên nội ngoại lưu lại cho con cháu chắt chít về sau, chớ Cha mình đã làm như thế thì phải làm tiếp tránh những chuyện bà con lấy nhau không nên. Tuấn rất thích và cảm kích với anh TK Báu viết những lời nhã nhặn khi Tuấn post bài đầu tiên.
 
Chúc sức khỏe Anh Lợi Quan và gia quyến dồi dào nhé !!!
(- Anh có thân tộc bên anh Bảy Ẩn)


Chỉnh sửa lại bởi nqtuan2910 - 11/Apr/2008 lúc 7:33pm
nqtuan2910
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 19/Apr/2008 lúc 9:26pm
~::Trích Dẫn nguyên văn từ trankimbau

 
 
    Bạn,những người Cha,
 
    Hôm nay,chủ nhật thứ 3 của tháng sáu,trên đất nước Hoa Kỳ,có ngày lễ dành cho những người Cha.
    Các đứa con nhân dịp nầy bày tỏ lòng thương yêu ,bày tỏ sự biết ơn của mình với phụ thân.
    Bạn,những người cha đã già,những người cha chưa già,
    Bạn,những người cha thành công,những người cha chưa thành công,xin  cùng tôi đón ngày lễ nầy.Hãy mở lòng ra  nhận lấy hạnh phúc được chuyên chở đến từ những đứa con yêu.Nơi bạn ở,có thể,không như Hoa Kỳ,không có lễ dành cho người cha hôm nay.Nhưng bạn có biết ,trong lòng những đứa con của bạn luôn luôn ấp ủ sự tin yêu và thương kính cha mình.Cứ nhìn họ bằng ánh mắt từ ái và khoan dung,bạn sẽ thấy tình phụ tử thiết tha đến cỡ nào.
    Bạn hãy hãnh diện những gì bạn đã làm cho họ,thương yêu,lo lắng,đùm bọc,che chở,nuôi dưỡng,dạy dỗ.Những chia xẻ,cảm thông,tha thứ,ân cần,an ủi.Tất cả điều đó đã giúp cho con bạn lớn khôn,trưởng thành và cảm nhận bằng tấm lòng biết ơn đến cha mình.
    Còn chần chờ gì nữa,bạn,hãy cùng tôi nâng ly,dù bạn đang ở đâu trên vũ trụ nầy.NHỮNG NGƯỜI CHA!
 

TẢN MẠN VỀ BỐ

 (Tặng Gò Công thế hệ mới)

         

Nguời Việt dùng nhiều từ để gọi bố (ba, bọ, cha, tía, thầy, chú...). Cách gọi bố  là “ba” có vẻ thông dụng hơn nhưng cũng có gì đó chưa ổn như lời cậu bé sau đây giới thiệu về mấy con ba ba của mình: “Đây là con ba ba ông, đó là con ba ba cháu và kia là con ba ba ba...”.

 

          Thông thường, người con cả được gia đình gọi là “hai” - nếu tên khai sinh là Xuân thì xóm giềng sẽ gọi anh (chị) ta là hai Xuân; tất nhiên em của “Hai” là Ba.... Công thức ở đây là “Tên đủ = thứ tự lần sinh + Tên khai sinh”. Lạ một nỗi là có nhà dùng “số thứ tự lần sinh” để gọi...bố mình !?. Tại Phường Vĩnh Trung quận Thanh Khê - Đà Nẵng có ông chủ lò bánh tên M - bác là con thứ ba; các con của bác M gọi ba mình là...bốn. Cách gọi này quả có hơi bị lạ tai, khách đến nhà lần đầu không khỏi ngạc nhiên khi nghe các cháu gọi bố: ”Bốn ơi ! có khách tìm Bốn đấy !”. Khi hỏi: “nếu ba cháu là con cả thì cháu có gọi ba là ...hai hôn?” thì cháu ngần ngừ rồi đáp: “Vẫn gọi là Bốn” và giải thích: “Vì bốn là (oai) hơn...ba”; khi được hỏi tiếp: “Tại sao không gọi là cha hay ba cho rõ ràng ?” thì các cháu...cười (!?).

Có nơi gọi cha là “chú” và khi có em trai của bố (chú) đến chơi thì các cháu gọi chú bằng “Chú + tên riêng”; hoá ra việc tặng cho cái chức bố một thuật ngữ thật tường minh vẫn đang lùng bùng - và sự ấy nghe như không giảm vì phải thêm vào nào là”pa pa”, “dad”, “dady”,....

Khi nói về bố mình, nhiều ông con dùng "tía tui", “cụ khốt”, “ông via”, “bố già”, “khứa lão”; trang trọng hơn là “nghiêm đường”, “thân phụ”. Với người Hán, nếu bố là vua thì các con phải gọi bố là...phụ vương. Thế có ai thích “gọi con mình là cha” hay không ? Có đấy ! Gia đình công giáo rất vinh dự nếu có con là linh mục, vị này được tín đồ gọi là “cha”, bố đẻ của người cũng là tín đồ nên cũng gọi linh mục con mình là cha - rất logic. Cái sự logic này không chỉ chi phối vào ngoại lệ trên đây mà cả trong đời thường qua kinh nghiệm:

Sinh con rồi mới sinh cha

Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông

            Bởi muốn được gọi là cha thì phải có con, tương tự, muốn được gọi là ông thì phải có cháu. Do đó, nếu có anh cu con nào bảo “tuổi tôi bằng tuổi bố tôi” thì vẫn không sai vì khoảnh khắc hắn ta oe oe chào đời và được nhận danh hiệu “con bố nó” cũng là thời điểm mà... chồng của mẹ nó lên chức “bố nó”.

Từ (tiếng) “cha” đáng kính còn bị để dùng vào những trường hợp đáng tiếc - như khi bực mình thì người ta tương ra nào là “chết cha”, “mồ cha”, “mã cha”, “tổ cha”...:

- Cha đời cái áo rách này

Mất chúng mất bạn vì mày áo ơi

- Tổ cha con bướm khôn ngoan

Hoa tươi bướm đậu hoa tàn bướm bay

Hoặc:

Ba hồi trống giục mồ cha kiếp

Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời

            So với mẹ, hình như cha có uy với con cái hơn một chút (“mẹ đánh một trăm không bằng cha hăm một tiếng”).

Khi thơ bé con cái thường thích tâm sự với mẹ hơn nhưng khi lớn lên, qua công ăn việc làm thiên hạ thường đánh giá một người (nhất là con giai) qua nhân cách của người cha:

Cha nào con nấy

Cha nịnh thần, con mấy trung lương

(Nói thế chứ không hiếm cây đắng đã sinh trái ngọt và ngược lại)

            Cùng với người mẹ, người cha có vai trò không nhỏ trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho con cái và làm con thì phải nghe lời - không được cãi:

Cá không ướp muối cá ươn

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư

Câu ca dao trên cho thấy việc “làm theo lời cha” là không có gì để bàn. Không ít phạm nhân có tuổi thơ được bố chiều đến mức dung túng:

Con hư bởi tại cha dong

Vợ hư bởi tại thằng chồng cả nghe

Nói “con hư bởi tại cha dong” (dong: để cho tồn tại mà không trừng phạt) cho thấy làm bố thì không được dung thứ mọi lỗi lầm của con cái mà phải giúp các cháu thấy trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo lý trong mỗi hành vi của nó. Có câu:

Nhỏ không vá không khâu

Mai sau rách lớn chỉ đâu cho vừa

Hoặc:

Măng không uốn - để tre vượt vồng

(phương Tây cũng có quan niệm "ăn cắp cái trứng rồi sẽ ăn cắp con bò"). 

Các ông bố đời nay thương tỏ ra dân chủ với con cái hơn nhưng dù sao thì vẫn có vẻ nghiêm khắc hơn so với mẹ. Tuy các ông bố thường nghiêm là thế nhưng con cái vẫn dành cho bố lòng thương yêu đặc biệt, nhất là khi bố xa nhà:

...Bữa ăn nước mắt nhỏ sa

Cha ơi ! Sao nỡ xa nhà bỏ con

            Thậm chí không ít những cậu trai có vợ và đã ra ở riêng hẵn hoi nhưng...các vị vẫn nhớ bố lắm:

Trông lên thì nhớ cha già

Lòng con tưởng nhớ xót xa rầu rầu

Xa cha lòng những quặng đau

Ngày nao mới được bên nhau sum vầy

            Và thế là các anh tạm xa vợ để về với bố; dù khi xa vợ thì phải xa các thú vui nhờ vợ mới có (như được vợ nấu cho món canh rau sộp - sam - chẳng hạn):

Anh về Bình Định thăm cha

Bỏ cây rau sộp, lá già ai ăn

            Chàng trai trên đây vẫn hưởng hạnh phúc còn bố, bởi vì:

- Có cha có mẹ vẫn hơn

Không cha không mẹ như đờn đứt dây

- Con có cha như nhà có nóc

Con không cha như nòng nọc đứt đuôi

Thật thế:

Con người có bố, có ông

Như cây có cội như sông có nguồn

Thông thường:

Còn cha gót đỏ như son

Đến khi cha chết gót con đen sì

Còn cha lắm kẻ yêu vì

Một mai cha thác ai thì yêu con

            Thời nay, nhiều ông con có bố là “quan lớn” đương chức:

Nay con lắm kẻ yêu vì

Mai bố “xuống chức” ai thì yêu con

Nhưng đâu chỉ có “cầu danh” để con được yêu mà còn cả những đấng  bố dạy con “cầu lợi”, bất kể cách nào - kể cả đi ăn trộm. Các vị này vẫn có nhời rằng:

Con ơi học lấy nghề cha

Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm

           Rất may là con các ông “bố ăn trộm” không luôn nghe lời bố, nếu không ắt sẽ làm lượng “gia đình phạm pháp” tăng nhanh.

Thông thường, các ông bố không cho phép con cái làm trái lời; vậy phải chăng “Luôn làm theo lời cha mới là người con hiếu ?”.  Câu hỏi này ghi ở chương XV quyển Hiếu kinh; Tăng Sâm hỏi thầy mình là Khổng tử: “Tử tòng phụ chi lệnh, khả vị hiếu hồ ?”. Như mọi người đã biết thì câu trả lời của Khổng tử là “Không phải vậy ?” (“Thị hà ngôn dư !”) bởi theo ngài thì (“Tòng phụ chi lệnh, hựu an đắc vi hiếu hồ !” - làm theo lệnh cha chưa chắc là con có hiếu (1).

Nghĩ về ơn nghĩa sinh thành, hầu hết, phía con cái đều thấu hiểu:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Mà không chỉ con ruột mới hiểu công ơn thầy mẹ, người con rể sau đây đã hiểu công ơn bố mẹ vợ và nhận trách nhiệm với vợ mình rằng :

Công thầy mẹ em không đền đưọc

Cứ giao cho anh đền thế

Anh ra Thanh bổ quế

Vào Nghệ bổ sâm

Lên non anh ngậm ngãi tìm trầm

Đền công phụ mẫu lao tâm sinh thành

            Do đó, bố phải giúp con gái sống thế nào cho con rể không chỉ yêu thương con gái mình mà còn yêu quý gia tộc bên vợ. Người cha không chỉ giúp con bằng việc dạy mà còn cả việc nuôi; đã nuôi thì có dính dáng đến ăn mà ăn thì người Việt nhớ ngay đến cơm - do vậy mà có từ ghép “cơm cha”  - được dùng để khuyên con:

Cơm cha áo mẹ chữ thầy

Gắng công học tập có ngày nên danh

Cơm cha áo mẹ chữ thầy

Khuyên con cố học cho tày người ta

            Đáng tiếc là nhiều “ông con trời” lại không nghĩ như thế, theo các vị này thì:

Cơm cha áo mẹ ai ơi

Chẳng ăn cũng thiệt chẳng chơi cũng hoài

            Do vậy, nhiều ông bố ngày xưa đã giúp con sớm hiểu rằng:

Cơm cha áo mẹ ăn chơi

Bưng bát cơm người đổ bát mồ hôi

Bởi nếu sớm giúp con thấy được hạnh phúc gia đình thì có thể các cháu sẽ không rơi vào tình cảnh cay đắng như bạn trẻ sau:           

Cơm cha, áo mẹ đã từng

Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người

Cơm người khổ lắm bố ơi

Chẳng như cơm bố vừa ngồi vừa ăn.

            Làm bố tất phải giúp con nên người, phải “dạy con từ thở còn thơ”:

Dạy con từ thở tiểu sinh

Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi

Học cho cách vật trí tri…

            Mặt khác, các ông bố có khi cũng bị những “phút xao lòng” nhất là khi phải xa nhà nhưng cũng nhờ đã nghĩ đến gia đình mà biết quay về như anh chàng bố sau đây:

Chia tay em ở ga Thuận Lý

Anh quyết về lại Đông Hà

Phần thì thương mẹ sợ cha

Phần thương con nhớ vợ ...

...anh xót xa trong lòng

            Chia tay “em” nào đã rõ, may mà ổng biết rõ thân phận mình là tổng hoà các mối quan hệ...gia đình; là con nên vẫn sợ bị bố...mắng và là bố thì lại muốn nêu gương cho con. Mà không nêu gương cũng không được bởi lạng quạng thì mẹ nó sẽ mách với “bố của bố nó” và nếu không khéo xử thì “bố của bố nó” sẽ bị “ông của bố nó” vời đến hỏi “Này ! Anh có dạy được con không thì bảo ?”. Kính cảm hơn những nếp nhà đa (thế) hệ.

Đã có nhiều mỹ từ dành cho các ông bố nào là “công cha”, “cơm cha” - có thêm bài “Tình cha” do ca sĩ Ngọc Sơn ca rất mùi nữa đấy (2); chưa hết, còn có “ơn cha” được dùng trong câu ca dao sau:

Ơn cha ba năm cúc dục

Nghĩa mẹ chín tháng cưu mang

Ơn cha đền bạc, nghĩa mẹ đền vàng

Em đền chưa nổi

Huống chi chàng người dưng

            Quả là nhiều. Nhưng khi chuyện trò với các con (nhất là cánh giai) thì quý bố phải nhấn cho các cháu biết là dù hằng năm các mẹ có mỗi một ngày 8. 3 để “đi ra đi vào” (3)  trong khi phe bố thì khối ngày còn lại và cánh “bố” cũng nhận lắm mỹ từ (công cha, cơm cha, tình cha, ơn cha...), nhưng phe bố không bao giờ quí bằng phe mẹ đâu nhé !. Ấy ! Bố cứ bình tĩnh, bình tĩnh, không tin bố cứ hỏi mẹ xem.
                 Câu ca dao trên đã kể rõ mười mươi rồi, này nhé: “Ơn cha đền bạc, nghĩa mẹ đền vàng”, thế vàng quí hơn bạc có phải không nào?  Vậy, phe bố (bạc) bằng phe mẹ (vàng) thế nào được.  Với lại, người nhớn thì phải cho các vị con nít hiểu rằng cái “ơn” lắm khi chưa bằng cái “nghĩa”, có lúc chỉ cần tia một động tác nào đó thì đã tạo ra “1 ơn” rồi và còn được thế gian “thank you” nữa cơ; thế nhưng muốn được gọi là người có nghĩa thì phải... lâu ơi là lâu.; như lời ca dao trên thì phe bố chỉ nhận mỗi từ “ơn cha” còn phía mẹ còn được gọi “nghĩa mẹ” cơ mà ! Thế thì đúng là phe mẹ oai hơn bố rồi còn gì !.

        Đấy, các ông bố không chỉ phát huy vai trò của mình trong việc giáo dục con cái một cách chung chung mà còn phải góp phần giúp con đối xử với mẹ cho phải đạo. Không chỉ giúp cho con thấy mẹ vốn là người đáng quý từ lâu - từ thời Mẹ Âu Cơ kia mà còn cho các cháu thấy như thế vẫn chưa đủ vì “đã quý nay còn quý hơn !” (nói như quảng cáo về xà phòng Viso ý). Nếu các con có thắc mắc: “Bố cứ bảo chúng con phải quý mẹ hơn, còn bố, bố thì làm sao ?”. Bố cần đáp một cách hùng hồn: “Như các con ! ” - xong béng.     

        
            Trong cái tế bào của xã hội, đàn ông đàn ang thì dù có đẹp trai nhất nhà vẫn cần tâm niệm về một trong các mục tiệu hệ trọng của người làm bố là giúp cho “cả nhà thương nhau”.

Ngoài ra, có lẽ quý ông bố nên giúp cho con cháu từng bước nhận ra một cấp "bố" khác của mọi sinh linh trên vũ trụ, đó là bố "trời"; vâng, một trong những trách nhiệm vẻ vang của thân phụ giúp con (và cháu) không chỉ hiểu về thân phụ mà còn biết nhận ra thiên phụ !. Giúp các cháu phát triển tấm lòng (chứ không chỉ là trí óc) để phân biệt được cái sự "đẻ ra/born" và "tạo ra/make - 為/vi" để khỏi sống như người vô ơn với tạo hóa. 

 

Tỉ tì ti người đã, đang và sẽ hiểu về "thiên phụ" (hay thiên mẫu gì đấy), các dân tộc Phương Đông không xa lạ với khái niệm "thiên sinh nhơn", "tạo hoá sinh ra loài người...".

Thuở thơ bé thì luôn gọi "ba ơi" (khi ...cầu cứu), khi khôn nhớn lại kêu "chời ơi".

Bố cả đấy!.

 

    

 

Cùng gọi "Bố ơi !".

 

 

 
 
           

 _____________________________________________________________________

(1). “Khổng từ bàn về nết hiếu - Hoàng Ngọc Hùng. Tạp chí Giáo viên và Nhà trường - số 37 (12. 2000);

(2). Thưởng thức tại đây: http://nhac.caigi.com/music.php?direct=100_list&song_ID=329

(3) Trong dịp mừng ngày Quôó tế Phụ nữ (08/3), cánh phụ nam thường ca câu:
 
Hôm nay mồng Tám tháng Ba
Chị em phụ nữ đi ra đi vào
Anh em kính sợ hỏi chào
Chị em phụ nữ đi vào đi ra...


Chỉnh sửa lại bởi Hoang_Ngoc_Hung - 20/Apr/2008 lúc 7:43pm
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Hoang_Ngoc_Hung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 16/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1332
Quote Hoang_Ngoc_Hung Replybullet Gởi ngày: 19/Apr/2008 lúc 9:34pm

maos.jpg

(Nguồn ảnh: net)
hoangngochung@ymail.com
IP IP Logged
Trang  of 2 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.142 seconds.