Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình
Message Icon Chủ đề: TỪ THIỆN Gởi trả lời Gởi bài mới
Trang  of 2 phần sau >>
Người gởi Nội dung
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Chủ đề: TỪ THIỆN
    Gởi ngày: 09/Aug/2011 lúc 5:35pm

bọn trẻ áo lam

 

Hôm rồi tôi được đến thăm một ngôi chùa ở Đồng Nai, là nơi nuôi giữ hằng trăm cháu bé mồ côi. Có lẽ ai bảo rằng khi người ta đến đó, người ta làm từ thiện, nhưng đối với tôi, khi bước chân vào ngôi chùa ấy, tôi được bọn trẻ từ thiện cho tôi.

Điều tôi nhận được không phải là những bài pháp thí, những câu răn dạy mà chỉ là sự bình yên. giữa đời sống, đôi khi mình cần sự bình yên nhiều hơn là những giáo điều. Những tà áo nâu, vàng và xám tung tăng chạy chơi cùng nhau nơi một quãng sân rộng trồng tòan những cây mít, xòai, bưởi. Khi có đòan nào đến viếng chùa, bọn trẻ sẽ xếp thành một hàng dài đọc những kinh cầu cho cha mẹ, ông bà, đạo pháp, đất nước, chúng sinh v.v… có những bạn mắt nhắm tít lại, như thả hồn vào những lời kinh, hay đôi lông mày rậm nhíu thật chặt để cố nhớ, cố đọc theo kịp bạn bè... đó là bình yên đấy.

Điều tôi được bố thí không phải là tài vật, không phải là pháp thọai mà chỉ là sự bình yên. Bình yên khi ngắm bọn trẻ nô đùa bên Sư bà dáng cao cao, gầy gầy. Bình yên khi thấy bọn trẻ đem tặng mình chén tàu hủ giữa cái nắng trưa oi ả, bình yên khi thấy màu áo lam ngồi cặm cụi học bài trong góc chùa yên tĩnh, bình yên khi dùng một chén cơm chay. Sao tôi lại bình yên khi dùng một chén cơm chay ? vì đó là do những con người bình yên đến kì lạ, và giản dị đến chất phát nấu. Tôi tập ăn một chén cơm trong sự tỉnh thức, tôi cố gắng tìm trong từng món chay, từng hạt cơm sự từ tâm cúng dường của các Phật tử, sự yêu thương chan hòa của những vị làm công đức, niềm vui ngây thơ của bọn trẻ khi phụ các dì, các cô gọt củ cải đỏ, cải trắng, lặt mấy bó rau. Tôi tìm đựơc gì ngòai sự bình yên cơ chứ ? tôi chỉ thấy bình yên đến không bằng vũ lực không bằng sự đấu tranh mà là sự hòa quyện, yêu thương và chan hòa,

Trên tường những bức thư pháp với nét chữ chẳng chút cầu kỳ, chỉ là những nét phát đầy đơn sơ và bình dị... vậy mà vui, vậy mà cảm thấy bình yên. Tôi chợt nhận ra tôi khi tôi đến nơi đây, tôi nhận được quá nhiều, nhận được còn nhiều hơn tất cả những gì tôi đã mang lại cho bọn trẻ, cho các ni sư, đó là sự bình yên, yêu thương và an lạc.

Tôi chợt nhận ra từ cám ơn của cuộc đời đã đôi lần bị tôi bóp méo... cám ơn vì khách sáo, cám ơn vì tỏ ra bản thân lịch lãm, cảm ơn để nói tôi là người trí thức... tôi chưa học được như bọn trẻ biết nói cám ơn từ sự ngây thơ và hồn nhiên.

Tôi chợt nhật ra từ xin lỗi của cuộc đời từng bị tôi vò lại, rồi đặt ở một nơi khác... tôi tự xin lỗi để mong chờ sự thông cảm, mong chờ sự tự nhận lỗi về phần mình của người đối diện, tôi xin lỗi để người ta đừng nhìn vào lỗi của tôi nữa, tôi xin lỗi vì người ta dạy tôi phải như thế.... còn bọn trẻ chúng hồn nhiên xin lỗi, xin lỗi để thấy lỗi và để thấy mình còn là con trẻ.

Tôi chợt nhận ra những lo toan của tôi khi công việc bộn bề kéo đến chỉ là những động tác tự dối lòng... tôi hay cho chính mình là người quan trọng, tôi lo lắng với những việc bé xíu để tôi thấy tôi được cao hơn... còn vị sư bà kia lại khác, bà lo lắng vì tình thương và lòng từ tâm.

Tôi lại nhận ra mình học Phật như một nhãn mác của giới trí thức bây giờ, ai nói đến đâu tôi cũng có thể nói đến đó... nhưng tôi vẫn chưa thấy lòng mình an lạc, chưa nở được trên môi một nụ cười của trẻ thơ. Tôi học Phật như một cách chứng tỏ bản thân, vì những tư tưởng của Phật giáo giúp tôi viết văn hay hơn, có chiều sâu hơn v.v… nhưng tôi vẫn chưa có thang để bắt lên, trèo khỏi cái chiều sâu ấy... mà sợi thang chỉ là một nụ cười.

Một ngày nào đó, bạn ghé lại ngôi chùa với bọn trẻ áo lam, áo vàng chạy ra chào đón, chúng chắp tay hình búp sen nõn nà và xinh xắn. Chúng đọc cho bạn nghe những bài kinh nhật tụng đầy yêu thương. Xin bạn, khi trao cho chúng những món quà thì hãy bỏ lại, gác lại hai tiếng TỪ THIỆN, vì bọn trẻ, vì ngôi chùa đã cho bạn quá nhiều, nhiều hơn những vật dụng bạn mang đến cho họ... đó là Bình yên, là niềm vui, là nụ cười, là tất cả những gì họ có... còn những vật phẩm của bạn, đôi khi là những vật cầu tài, xả xui, hay vì làm ăn phát đạt, quay lại cảm ơn trời đất. Bọn trẻ, và vị Sư bà vẫn nhận,. nhận để gieo cho bạn một chút duyên lành của Bình yên..... đó là sự TỪ BI.

Cao Hồng Ân



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 09/Aug/2011 lúc 5:38pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 10/Aug/2011 lúc 7:40pm

Chuyến đi

Tháng trước, tôi có cơ hội được đến Đà Lạt. Chuyến đi kéo dài 2 ngày và 1 đêm. Đây là một chuyến đi giúp đỡ người nghèo ở những vùng xa xôi của tỉnh Lâm đồng. Đây là một chuyến đi thú vị nhất mà tôi từng được tham gia.

Chúng tôi bắt đầu khởi hành ở Sài Gòn vào lúc 4h sáng, trời còn sương mù và không khí se lạnh. Sau khi đã sắp xếp hành lý, quà bánh lên xe, chúng tôi lên xe và ngả lưng xuống ghế. Lúc đầu tiên, cơn buồn ngủ kéo đến, chúng tôi thiếp đi và thức dậy vào lúc 7h sáng, bởi tiếng gọi của người trưởng đòan. Cô ấy gọi chúng tôi thức dậy để tham gia một số sinh họat trên chuyến đi, bao gồm hát những bài hát về tuổi trẻ, chơi một số trò chơi nhóm, và ăn sáng với bánh mì và thịt. Nắng đã lên, ấm áp và tươi sáng, không khí chuyển dần sang mát mẻ hẳn khi chúng tôi lên đèo. Nắng vẫn gay gắt, nhưng không khí lõang hơn, và chúng tôi bảo với nhau rằng :” Đà Lạt đang ở rất gần”, chúng tôi đi ngang qua miếu 3 cô, và được nghe người trưởng đòan kể sự tích ngôi miếu ấy.

Chúng tôi đến Đà Lạt sau khi uống café, ăn bánh và dùng trà tại một nhà hàng nhỏ, tất cả đều free vì đây là một hình thức giới thiệu thương hiệu sản phẩm của họ. Chúng tôi ăn trưa với xôi  gà do một chị trong đòan mang theo.

Không khí trở nên lạnh hơn,  chúng tôi cảm nhận thấy lá cây như xanh hơn, hoa đẹp và rực rỡ hơn. Chị trưởng đòan bắt đầu giới thiệu về Đà Lạt, và lịch trình của chuyến đi. Chị bảo chúng tôi sẽ ghé lại một Tu Viện của các Ma-Sơ và bắt đầu gói quà, chị hướng dẫn chúng tôi cách gói và sắp xếp. Công việc ấy khá nặng, nhưng vì không khí mát mẻ, và những bài hát luôn được vang lên trong suốt quá trình làm việc, nên chúng tôi cảm thấy khỏe khoắn công việc được hòan tất nhanh trước thời hạn.

Tối đêm đó, chúng tôi ghé một nhà thờ trên đồi, đây là nơi chúng tôi sẽ tổ chức lửa trại và tặng quà cho những trẻ em người dân tộc K’ho. Không khí trên đồi lạnh lắm ! Ai trong chúng tôi cũng co ro, mặc dù đã khoát lên người 2 lớp áo lạnh. Chúng tôi bắt đầu chất những cây gỗ to để đốt lửa trại, và tốp còn lại sẽ thổi những chiếc bong bóng xinh xắn cho trẻ em. Buổi lửa trại bắt đầu, và khi đến gần bên đống lửa, ca hát và nhảy múa, chúng tôi cảm thấy ấm áp hạnh phúc. Tôi đặc biệt thích ngắm những gương mặt rạng rỡ niềm vui của những trẻ em nghèo khi chúng được nhận quà… vì chỉ còn hai ngày nữa là đến lễ Noel, chúng tôi đã bí mật chuẩn bị một bộ đồ của già Tuyết, mang cho một chú khá to người trong đòan,  ông già tuyết đã bước ra giữa những ánh nhìn trầm trồ của bọn trẻ. Chúng rất hạnh phúc, chúng tôi nghĩ thế. Chúng tôi cũng rất vui khi được mang đến niềm vui cho người khác.

Chúng tôi lên xe trở về khách sạn. Sáng mai chúng tôi rời Đà Lạt lúc 7h sáng, trong niềm luyến tiếc vì chưa ai có cơ hội được nhìn ngắm những đóa hoa tuyệt đẹp của phố núi. Tuy nhiên những đóa hoa trong lòng chúng tôi đang nở rộ. Tôi nghĩ rằng đây là chuyến đi rất có ý nghĩa, vì nó giúp tôi biết trân trọng hơn những gì tôi đang có, và biết san sẽ với mọi người nhiều hơn.

Cao Hồng Ân



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 10/Aug/2011 lúc 7:40pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 12/Aug/2011 lúc 9:14pm

Thầy Duy Nhiên ơi

Con xin phép được gọi người quản trò trên chuyến từ thiện hôm ấy là Thầy, một vị Thầy ở cạnh mọi người trong đòan vỏn vẹn gần 24 tiếng, đủ thời gian để con hiểu Thầy, đủ thời gian để con hiểu rằng trong Thầy tràn đầy một sức sống, một tình yêu cho tha nhân. Nhưng Thầy ơi, khỏang thời gian ấy không đủ để con học được hết những đức tính của Thầy, những kiến thức bao la của Thầy, cách Thầy quản trò làm cho cả đòan có những khỏanh khắc thật bình an và hạnh phúc.

Hôm rồi, con điện thọai cho cô Nga để hỏi thêm thông tin về chuyến đi sắp tới, con được cô báo tín rằng Thầy mất… vỏn vẹn như thế, con chưa kịp hỏi nguyên nhân, chỉ lặng lẽ nói với cô :” Cô ơi, con tiếc quá, Thầy là người rất tuyệt vời !”

Hôm đi cùng với Thầy, con đã hỏi Thầy về sự tích miếu Ba Cô, hỏi Thầy về hoa mắc cỡ, hoa trinh nữ, rồi tất cả những gì con thấy trên suốt chuyến đi… Thầy đã giải đáp tất cả, bằng một giọng kể hết sức hấp dẫn và thú vị… những tràn cười khiến cho chuyến đi dài đằng đẵng không làm cho cả đòan mệt mỏi… chuyến đi kéo dài 2 ngày, ngày cuối cùng là sinh nhật Thầy, con nhớ hôm ấy mọi người đã vỗ tay cùng Thầy cắt một chiếc bánh bông lan sơ sài... bài hát Happy birthday to you vang lên trên những con đường đèo hẻo lánh. Nắng như trong hơn và nhẹ nhàng hơn trong tiếng hát và nụ cười, con nhìn nụ cườin của Thầy, thấy giống hệt một đứa trẻ… bình yên, bao dung và đầy hiểu biết…

Chuyến đi ấy mang Thầy đến với con, mang mọi người đến với những người nghèo khổ nơi heo hút của tỉnh Lâm Đồng. Núi đồi bạt ngàn, bên phải là những rừng thông, bên trái là dốc đá thăm thẳm, những ruộng đồng bên dưới, màu xanh của nương rẫy, màu vàng đậm của những mái nhà trải ra trước mắt con_thằng bé lần đầu tiên đi xa như thế cho một chuyến đi từ thiện…. tuyệt vời thật Thầy ạh, con cảm giác như con đang sống thực với chính con “ cho con một trái tim mới biết thứ tha cho người, cho con là những vòng tay đón nhận người cô thế, cho con là những nụ cười sưởi ấm bao buồn đau, cho con là niềm tin mới hiến trao đời an vui… cho con là muối trần gian ướp mặn đời u tối”

Khi xe lăn bánh tiến về Sài gòn, trong lòng con hân hoan lắm, chuyến đi ấy đã giúp con có được những người bạn mới, những người bạn là những vị Thầy sống nơi các dòng tu, những người trẻ đầy nhiệt huyết giúp đời, những bác sĩ nhân hậu và riêng Thầy là người cho con hiểu hơn về Sức mạnh của tình yêu điều mà Chúa Jesu rao giảng và mang cả cái chết để minh chứng.

Con tin rằng Thầy sẽ được Chúa đón về nước Chúa, đón về với một vùng trời đầy yêu thương và bác ái… bởi lẽ ngay khi Thầy sống, trong từng giây phút, Thầy đã là “con trẻ”  những đối tượng đặt biệt của nước Trời.

Cảm ơn Thầy, cảm ơn chuyến đi ấy đã thay đổi con… con đã tìm được một cách sống vì mọi người và vì tha nhân nhiều hơn nữa, Thầy ạ… nhờ vào nụ cười của Thầy… con tin khi Thầy nằm đấy, nụ cười vẫn không tắt… và ngọn lửa “sai đi” vẫn cứ mãi sáng ngời…

Con không muốn viết một bài viết tạm biệt, hay vĩnh biệt Thầy, vì con hiểu Thầy không mất đi, Thầy đang hiện diện trong chúng con, trong nụ cười khi đòan chúng con trao quà cho người nghèo và hát cho nhau nghe…

Cao Hồng Ân



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 12/Aug/2011 lúc 9:16pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 13/Aug/2011 lúc 8:10pm

Đi chân trần qua những đồng cỏ khô cháy. Nghe thân cỏ gãy vụng nơi từng bước chân. An nhiên và tĩnh tại, mặc nhiên hôm nào đó ta trở thành cỏ. Cũng vỡ tan nơi những nẻo đời đang cuồn cuộn trôi.

Có con rùa mù từ biển sâu trồi lên giữa mặt biển bao la. Cổ rùa tự dưng đưa ngay vào giữa bọng cây đang trôi dập dìu nơi sóng lớn. Rùa bảo với cây, vậy là duyên. Nhưng rùa không thể mãi ôm bọng cây để trôi nổi giữa mù khơi, cuộc sống của rùa là nơi đáy biển thâm u huyền ảo. Cũng ngày nào đó, khúc gỗ yêu thương ấy tan ra giữa những cơn sóng hung hãn. Cũng một ngày nào đó, rùa vĩnh viễn nằm lại nơi tận cùng của đại dương sâu thẳm… nên duyên ấy dù giữ, hay không cũng vẫn sẽ vỡ tan như trăm ngàn con sóng lớn nhỏ ngoài kia.

Nếu nơi cõi Ta Bà này, mình không sống trọn vẹn với nhau từng giây phút của tình thân, của chia sẻ và yêu thương thì nơi cõi Bụt, mình cũng sẽ vẫn loay hoay, vẫn sẽ thơ thẩn bên những vết thương của ký ức. Rồi mình lại hẹn nhau ở một cõi khác nữa. Cứ thế, mình lại là khách trọ nơi các cõi ấy. Vì chưa bao giờ mình uống cạn và thưởng thức được vị ngọt của hiện tại.

Dòng vô thường cứ trôi, dòng quanh quẩn sống và chết cứ cuồn cuộn chảy. May cho mình, có người chỉ cho mình thấy ngoài khổ đau ra mình còn có khả năng chế tác ra hạnh phúc. Mình có khả năng như Bụt và các Bồ tát khác. Nếu Quan Âm có thể bố thí sự vô uý, thì với thân giả hợp này mình cũng có thể mang lại sự vô sở sợ cho người khác. Nếu Bụt Di Đà mang đến ánh sáng, mang đến Tịnh độ thì mình cũng có thể làm như thế bằng xác thân ngũ uẩn này. Cho nên bên cạnh những cuộc chạy trốn sự khổ, những chủng tử của súc sanh, quỷ đói, và địa ngục mình còn có viên ngọc mà Kinh Hoa Nghiêm Kỳ Diệu đã nhắc đến. Người bạn lành đem may viên ngọc vào trong túi áo của kẻ ăn mày. Kẻ ăn mày đi khắp chợ, khắp phố cầu xin từng đồng xu, hạt gạo, bữa cơm ngay lúc trong túi áo lại có vật giá trị trăm ngàn muôn lượng. Mình quên đi mình có khả năng chuyển hoá chốn đau thương này, và làm nơi này biến thành vùng đất của niềm hoan hỷ vô lượng. Một câu ái ngữ, một mắt lành trông chúng sanh, một hơi thở có ý thức chỉ bấy nhiêu đó thôi mình đã chạm được vào bản nguyện của chư Bụt và Bồ tát rồi.

Con rùa già mù loà sẽ ra đi trong hối tiếc, trong đau đớn khi nhớ về bọng cây. Cái hối tiếc, đau khổ ấy sẽ dẫn nó đến một thân mới cũng giống như ngày nó ra đi. Để loay hoay chờ đủ duyên tìm lại một bọng cây mới ở kiếp sau và kiếp sau nữa. Sóng vẫn làm công việc muôn đời của sóng, là xô đẩy những bọng cây trôi đi bất tận. Rùa vẫn tìm kiếm. Vậy thì nhân nào làm mình quanh quẩn ở chốn này… có phải là những mong cầu, hứa hẹn, chỉ núi thề sông hay không ? Sóng là dòng duyên trôi… có ai biết duyên nào sẽ đến đâu. Tuỳ duyên là một cách có thể chuyển hoá được đau khổ và vượt khỏi xoáy sinh tử. Vì không cầu mong, mà đều hoan hỷ với bất cứ chướng hay thuận duyên. Ai đi chùa, ai tu tập cũng biết đến từ Tuỳ Duyên. Và hay nói từ ấy vào khi mình gặp những ngịch cảnh, những nỗi khổ niềm đau. Nhưng mình vẫn âm thầm đi tìm những thuận duyên giống như rùa mù mải miết kiếp này sang kiếp khác tìm người tình bọng cây.

Cõi Tịnh Độ nếu không hiểu rõ, sẽ trở thành bọng cây ấy. Cõi đó không phải là nơi toàn là những thuận duyên. Nếu mình chưa liễu ngộ được ý nghĩa của từ tuỳ duyên thì đi đâu mình vẫn nhìn mọi việc với tâm phân biệt giữa thuận, và chướng. Mình lỡ thấy Bụt Di Đà xoa đầu người khác mà không xoa đầu mình. Mình sẽ giận và ấm ức Bụt nhiều lắm, và mình cho đó là Chướng duyên. Cho nên trong Kinh về cõi Bụt Ánh Sáng, có nói rằng cõi ấy không có từ KHỔ. Vì bài học đầu tiên của chúng sanh nơi cõi ấy là TUỲ DUYÊN, và không nhìn mọi việc với con mắt  nhị nguyên. Đúng-sai, Tốt-xấu, đau khổ-hạnh phúc, chướng-thuận. Đó là những ý niệm không có thực. Bị vướng vào những tư tưởng nhị nguyên này, mình sẽ đau khổ nhiều lắm, và chủng tử đố kỵ, chủng tử ngạ quỷ sẽ có cơ hội để đâm chồi nảy lộc. Mình phải gỡ những chỗ vướng mắc ấy, giống như người đi đường do sơ ý bị áo móc vào bụi gai. Người đó giữa trời nắng chang chang phải đứng lại gỡ ra, đôi khi gai còn đâm vào tay chảy máu, trầy da… nhưng vẫn phải tiếp tục vì đường còn xa, và thời gian không còn nhiều nữa,

Mỗi lần, mình cúi đầu lạy một vị Bụt, một vị Bồ tát mình hãy nguyện như vầy. Con nay có đủ hết tứ chi để làm thành 5 vốc. Con xin lạy Bậc Vô thượng trí, Bậc Chiến thắng phiền não, Bậc Từ Bi Vi Diệu giùm những loài súc sanh vì chúng không có trí tuệ để nhận biết chư Bụt, những loài ngạ quỷ vì họ không có giây phút nào ngơi sự đói khát để nhận biết chư Bụt, và những loài Địa ngục vì ngoài những đau khổ, nóng rát, kinh hoàng họ không có không gian nào để nhớ nghĩ đến Bụt. Xin lạy thay họ, và nguyện cho họ được mát mẻ, soi sáng và đủ đầy. Nếu thực tập như vậy đến lúc nào đó, mình sẽ không còn thấy mình và Bụt là 2 thực thể riêng biệt nữa. Mình ở trong tim Bụt, và Bụt ở trong tim mình. Không còn những đối tượng nữa mà chỉ còn lại lòng bi mẫn bao phủ khắp mười phương cõi đất này. Như thế là mình sống trọn vẹn trong từng động tác lễ lạy, mình sống và thưởng thức Tịnh Độ hiện tiền bằng tâm Từ Bi của Bồ tát Lắng Nghe, bằng nguyện lực oai hùng của Ngài Địa Tạng và sự tỉnh thức an nhiên của Mười Phương Chư Bụt.

Mỗi lần, mình ngắm nhìn Bụt, hay Bồ tát mình đừng xem đó là người có thể ban phước lành, người có thể cứu độ mà là những huynh trưởng, những tiền bối để mình học hỏi, noi gương và hoà điệu cùng các Ngài với tâm thành kính. Đó là mình ngắm Bụt, hiểu Bụt và nhìn Bụt với con mắt của trí tuệ, yêu thương chứ không còn hễ nhìn thấy Bụt là nghĩ đến tiền tài, danh vọng, vật chất nữa. Mình đã khoát lên Bụt những lớp màn của sự huyền bí, của cầu tài lộc từ rất lâu rồi, hôm nay chính tay mình sẽ gỡ những rèm che ấy để thấy Bụt tinh tuyền đến nhường nào. Mình gọi Phật là Bụt vì nghe có vẻ thân thương lắm ! Thấy tựa hồ như mình là đứa con nhỏ gọi cha ơi, mẹ ơi ! Từ Phật để dành cho những buổi lễ trịnh trọng và trang nghiêm khi ấy vị Thầy trở thành người chứng minh, và được khoát chiếc áo của sự oai nghiêm. Còn từ Bụt, mình dùng để tâm sự, để sẻ chia và thủ thỉ. Giống như ngày xưa, bên đạo Kitô, các môn đồ của Chúa Jesus gọi Ngài là Thầy… Lạy Thầy… nghe thương lắm ! Nó phá đi giới hạn, phá đi những rào cản của sự nghiêm trang đôi khi không cần thiết. Các vị đến giáo hoá nơi cõi thương đau này, đều muốn lắng nghe đau thương để ủi an chứ đâu cần nghe những lời tán dương sợ sệt. Chúa sẽ vui khi mình gọi Thầy ơi ! Phật sẽ vui khi mình gọi Bụt ơi… con kể Bụt nghe, con hứa với Bụt ! Bồ tát sẽ cười thật tươi khi mình gọi Ngài là Mẹ ơi ! Mẹ Quan Âm ơi… cho con phụ mẹ một tay nhé, Mẹ tần tảo sớm hôm nhiều rồi…  giống hệt như đứa con nhỏ nói với mẹ rằng :” Mẹ ơi, hôm nay con vào bếp với mẹ nha ! “… có người mẹ nào nỡ lòng từ chối lời đề nghị dễ thương như vậy ?

Đây là một phương pháp rất hay để đạt đến một sự chứng ngộ khó tìm được. Người chuyên môn gọi là TÂM ĐỒNG TÂM CHƯ PHẬT, còn nếu những đứa con trong nhà khi hiểu, thông cảm và chia sẻ với Cha mẹ thì gọi là con Ngoan. Sự đồng tâm ấy không có gì khó tìm, nếu mình biết cởi bỏ lòng ham thích huyền bí, phép lạ, và những điều khó hiểu. Mình không cần phải ngồi thiền, niệm Phật, trì chú hằng giờ liền để đạt tới cảnh giới này. Chỉ cần ngồi thật vững, thật thảnh thơi, trải tâm từ ra mênh mông với hết thảy mọi loài, rồi thủ thỉ nhỏ với Bụt… Bụt ơi, xin cho con được dự phần vào hạnh nguyện của Bụt… Bụt Ánh Sáng ơi, xin cho con cùng Bụt thiết lập Tịnh Độ…

Mỗi ngày lễ Tết , cả gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau cố gắng giữ chánh niệm, nói lời ái ngữ vì ai cũng mong năm mới sẽ có nhiều niềm vui, hạnh phúc. Ngay lúc đó, gia đình trở thành Tịnh độ, để mọi người biết tu tập ( tức là từ bi và tỉnh thức ) tụ hội về, đồng hướng về một mục đích chung là Giác Ngộ. Tịnh Độ không nằm ở phương Tây xa xăm, Tịnh độ có khả năng được thiết lập tại đây nơi những người dễ thương hội tụ. Trong đạo Kitô, Thầy Jesus nói rất hay, rất có hương vị của Tịnh Độ : Hễ ở đâu có từ hai người trở lên cầu nguyện vì danh Thầy, thì Thầy sẽ ở giữa những người đó !

Chỉ cần thân nhẹ, tâm an, miệng mỉm cười và cùng hỗ trợ nhau tu tập thì ấy là Tịnh độ, còn ở Kitô giáo là mời được Thầy Jesus về hiện diện nơi buổi cầu nguyện. Đó là phép màu có thật giữa thế gian.

Tịnh Độ có được, khi mỗi người nơi cõi giới ấy thành thục về pháp Tuỳ Duyên, để tha thứ cho nhau, hỗ trợ nhau tu tập. Mình không thấy việc tôi quan trọng hơn việc anh, mình không thấy tôi gồng gánh cõi này nhiều hơn anh, mình lại càng không thể thấy rằng vì mình tu giỏi, được gần gũi chư Phật mà tỏ ra ngạo mạn. Hay tệ hơn nữa là tôi ôm ấp nhiều nỗi khổ niềm đau hơn anh nên anh phải hiểu tôi chứ ! Sẽ không ai hiểu mình, nếu mình không tuỳ duyên mà hiểu người. Bụt Di Đà hiểu điều đó rất sâu sắc, nên Bụt hoá thành các loài chim quý ngày đêm hót vang. Những tiếng hót ấy là bài giảng pháp. Bụt hoá thành gió xao động hàng cây. Tiếng xào xạc của lá trở thành bài giảng pháp. Từ Nhất phẩm đến Cửu phẩm sen đều hiểu theo cách riêng. Bài pháp không dành riêng cho bất cứ phẩm nào mà thực sự lại dành riêng theo một cách đặc biệt. Chỉ cần hiểu như vậy về Bụt Di Đà, mình sẽ hiểu người đứng đầu Tịnh Độ phải có một tâm từ bi, và trí tuệ rộng lớn đủ hiểu tâm tánh của chúng sanh như trong lòng bàn tay. Và ý tứ đến mức sợ chúng sanh phát tâm phân biệt lớn nhỏ, nặng nhẹ mà phải chọn cách giảng pháp vi diệu như vậy.

Học ở Bụt Di Đà, mình sẽ thấy tình thương mình đưa ra hơi vô tư đôi khi trở thành sự kiêu mạn của người này, và sự tủi thân của người kia nếu như mình ở cương vị của một vị Thầy, một người lớn. Thì với địa vị càng lớn, tình thương và cách thể hiện tình thương càng phải có chánh niệm, tỉnh giác. Tình thương gây ra đau khổ, và ngã mạn là tình thương của Thế gian, đó không phải là từ bi mà chỉ là những luyến ái đời thường.

Vậy mình có thấy rằng nơi này, ngây bây giờ có thể xây dựng được một Tịnh Độ chỉ cần có sự tỉnh thức, từ bi và đoàn kết. Chỉ nhiêu đó là đủ cho một Tịnh Độ hình thành giữa Ta Bà rồi. Mình không nên xem Ta Bà là một danh từ không đẹp, nó có thể là uế trược nhưng nó là nền tảng của tất cả sự chứng đắc, là pháp của tất cả các pháp thành tựu giác ngộ. Cho nên, Ta Bà là một mảnh đất cần được chăm sóc, chuyển hoá và bồi dưỡng. Đừng phụ lòng Đất Mẹ này, khi mỗi ngày ta phải vay của đất hơi thở, ly nước,lá rau, miếng đậu phụ, mà lại thấy Đất Mẹ xấu xí, và mơ về một cõi đất ở phương Tây. Nếu ta không có khả năng trang hoàng cõi này cho tốt đẹp, thì ở cõi khác ta vẫn sẽ sống không an ổn vì gốc ta không an trụ vững chãi.

Niệm Bụt Ánh Sáng, ta phải thấy được Bụt đang ở trong ta, và đang cùng ta niệm. Từ niệm rất hay, không phải là kêu tên. Pháp môn Niệm Bụt được gọi là Tịnh Độ tông, Độ có thể hiểu là cứu thoát, giải thoát, Tịnh là thanh tịnh. Vậy tức là một pháp môn dùng sự thanh tịnh mà giải thoát chúng sanh. Do vậy, trước phải làm sao thanh tịnh tâm và thân này. Hãy thở với Bụt, hãy đi đứng nằm ngồi với Bụt. Để thấy Bụt là năng lượng rất lành, rất mát mẻ và sâu sắc. Bồ Tát Lắng Nghe dạy rằng khi niệm Bụt miên mật và đạt được thành tựu ta sẽ có khả năng ấn ngón chân cái xuống đất và cõi Ta Bà trở thành Tịnh Độ trang nghiêm. Đó không phải là khả năng của riêng vị Bồ tát ấy, mà cũng là của ta, của tất cả hữu tình này nếu chúng ta biết gọi : Bụt Ánh Sáng ơi ! Con mời Bụt về nơi đây cho con được phép ngồi thở với Bụt và Bụt cùng con niệm danh hiệu của Bụt nha !, hay giữa mọi người ta biết cách kiến tạo Tịnh Độ trong tỉnh thức trên nền tảng của pháp Tuỳ duyên.

Ta có thể chọn một phút giây nào đó, thật yên tĩnh và bình an, và tập thủ thỉ tâm sự với Bụt, Bụt ơi con không biết cách đi, cách đứng cho vững chãi và thảnh thơi. Bụt dạy con, và đi cùng con nhé ! Bụt sẽ vui lòng lắm. Không phải cứ ở chùa, ở Tịnh Độ là chắc chắn ta sẽ bước chân có tỉnh thức. Tỉnh thức nằm ở trong tim ta. Mỗi bước chân chạm xuống mặt đất là một lần ta phát khởi hạnh phúc. Vì ta có đôi chân này để bước đi, vậy xin dùng đôi chân này để mang đến lợi lạc cho tha nhân, cho hữu tình. Đi tỉnh thức không phải là đi cho thật chậm, mà càng không phải là đi nhanh. Mà đi phải có oai lực, và kiểm soát được đôi chân này, đôi tay này. Có những đứa trẻ bị bại liệt, chúng không có đôi chân để đi trên đất nhưng chúng vẫn là những thành viên của cõi Bụt, vì chúng đến đó bằng Tâm vươn lên khỏi nghịch cảnh như đoá sen vượt thoát bùn nhơ. Trong khi ta có đôi chân là có thêm một phương tiện nữa để vào cõi của Bụt Ánh Sáng ngay khi ta còn hiện diện ở Ta Bà này. Vì đường xá nơi cõi ấy toàn là pha lê, được trang hoàng bảy loại báu dát vàng bạc nên bước chân ta sẽ phát khởi được chánh niệm. Nếu ngay thời điểm này, ta không có chánh niệm trong từng bước đi, thì khi về cõi ấy ta sẽ luýnh quýnh, ngượng ngùng biết chừng nào ? Khi ở chùa, ở cõi Cực Lạc, chắc chắn cũng sẽ có những vị Thầy, vị Bụt giao cho ta công việc. Mình gọi là Phật sự. Phật sự là làm công việc cho Phật. Vậy mình không thể làm công việc ấy với cái tâm, cái ý hệt như làm thế sự được. Không thể để chút lửa sân, chút kiêu mạn vào từng động tác nhỏ. Phải ý thức, bình đẳng, và từ tâm ấy mới là ý nghĩa thật sự của Phật sự. Không phải làm vì công việc, mà làm vì lợi ích của hữu tình, không phải làm vì bản ngã mà làm vì Bồ đề tâm của mình và tha nhân, không phải làm vì ông Bụt ngồi trên điện thờ mà làm vì hàng ngàn, hàng vạn vị Bụt đang ẩn tàng trong mỗi người xung quanh. Nếu làm với tâm như vậy, ta sẽ thấy việc nào cũng vừa sức, việc nào cũng sẽ thành công, việc nào cũng đẹp lòng chư Bụt mười phương.

Danh hiệu Bụt không phải chỉ là tên gọi đơn thuần. Mỗi danh hiệu gắn liền với nguyện lực sâu dầy của vị Bụt ấy. Cho nên khi ta niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì ta phải hiểu đó là tập hợp của nhiều yếu tố mà điển hình là trí tuệ, từ bi, an lạc… và ta cho chúng mặc nhiên theo hơi thở này ngấm vào trong từng tế bào của ta.

 Khi ta niệm Bụt và bước đi trong chánh niệm thì ở cõi Cực Lạc, ta đã có mặt thông qua hình ảnh của đoá hoa sen. Tức là ta đã góp phần làm đẹp cho Tịnh Độ rồi…

Namo Avalokitesvara

Namo Shantideva

Nguyn nhng điu con viết ra trong Chánh nim đu cúng dường Như Lai, và vì li ích ca hu tình.

Cao Hồng Ân


Chỉnh sửa lại bởi cao the - 13/Aug/2011 lúc 8:14pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 15/Aug/2011 lúc 8:46pm

NỤ CƯỜI GIỮA PHỐ.

 

 

Đêm nay thành phố lạnh quá … người ta vì lạnh mà đổ xô ra đường, cái lạnh nối anh và em xích lại gần nhau và bàn tay tìm nhau để nắm chặt … hơi ấm truyền cho nhau giữa cái se lạnh của phố thị … bình yên như một bông tuyết.

 

… bên góc đường ở ngã tư Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo, có một người ngồi giữa phố đêm. Tôi gặp anh không một lý do nào cả, tôi đi học ngang qua nơi anh ngồi, tôi ghé lại, mỉm cười, rồi miệt mài với con chử và tương lai. Anh vẫn ngồi đấy, bụi khói lơ lững giữa đời. Có đôi lần anh đi ngang nhà tôi, từng bước chầm chậm giữa phố trưa nắng như lửa đốt, thân hình gầy gò và quần ngắn cũn cỡn, chiếc áo sơ mi bạc màu. Anh nhìn vào nhà tôi, lúc ấy tôi đang trông quán giúp Dì, tôi nhìn anh và tôi cười với anh, anh trả cho tôi một nụ cười tinh tuyền nhất trong những nụ cười tôi đã từng nhận được từ những người dưng … mối quan hệ của chúng tôi chỉ có thế, chỉ có những nụ cười, cúi xuống cười và đi … chỉ đơn giản là thế, anh trao tôi nụ cười tinh tuyền và tôi trao anh nụ cười của tất cả yêu thương vào những trưa hè đầy nắng, anh bước thấp bước cao trên phố trưa êm đềm … một mình, một dáng đi lẻ loi và cô độc. Tôi chạy vào nhà, lấy vội chiếc nón ngày trước đi du lịch hay đội, đến bên anh … giữa cái nắng trưa gay gắt, đội nó lên đầu anh, những sợi tóc lần đầu tiên tôi nhìn kỹ, lơ thơ và trơ trọi … anh nhìn tôi cười thật tươi, đôi mắt to tròn thường ngày, nheo lại vì nụ cười ấy, anh cười bằng tất cả những cơ mặt và lấy tay sờ sờ vào chiếc nón trên đầu, môi anh mấp máy nói một điều gì đó không rõ, tôi không quan tâm … chỉ biết nhìn anh cười và tự dưng tôi cũng cười theo … cười bình dị, cười như trẻ thơ … ngày hôm ấy tôi đã đến tận cùng của nụ cười, bình yên và hạnh phúc.

 

Có đôi lần giữa đời, tôi đã cười, cười vì thỏa hiệp, cười vì đau đớn, cười để thôi không khóc mướt vì những đau khổ. Xa xa nụ cười trưa hôm ấy là những tiếng cười về đêm của những quán bar đầy nhạc và đầy những hoan lạc, những niềm vui trần thế, đám thanh niên trao cho nhau những nụ cười, cười khi giải tỏa tạm bợ những nỗi khổ niềm đau, cười khi cha mẹ thấp thỏm ngồi nhà ngóng trông con, cười khi ngoài kia những người tàn tật chắt chiu 2,000 dồng tiền xu để dành cho tương lai và cười khi trong nhà lồng chợ, bác lao công vẫn miệt mài với từng nhát chổi, mỗi động tác là một mơ ước về nhỏ con gái cuối năm nay sẽ vào đại học … nụ cười trong hoan lạc có lẽ là nụ cười mà tôi sợ nhất, chúng vô cảm và lạnh lẽo đến ghê người.

 

Và xa hơn tí nữa, là nụ cười của cô gái ngày mai về nhà chồng nơi xứ lạ. Nàng ôm ấp mộng ước không như những bạn bè đồng trang lứa ngày vu quy, không mong một mái gia đình hạnh phúc, những đứa con bụ bẫm, chỉ mong mỏi ngày nào làm ăn có tiền, gửi về cho cha mẹ xây lại mái nhà tranh dột nát, cho thằng em cái áo trắng lành lặn đi học, cho nhỏ út một con gấu bông đẹp như trong mơ … ngày mai, trong lễ vu quy vội vàng ấy, người ta thấy hai kẻ một già, một trẻ đi cùng nhau, chỉ mới là ngày đầu tiên họ gặp, cũng chính là ngày họ có những mong ước rẽ đôi … sẽ về đâu những nụ cười xa vời ấy, vô vọng lắm phải không ?

 

Và khuya xuống, tôi hay ngắm phố đêm, vắng vẻ và lạnh lẽo, tôi bắt gặp cái cười của những người bán hoa, cái cười gượng gạo và lạnh tanh, những lớp phấn son rẻ tiền trên gương mặt ấy nhăn nhúm nhó, nứt toác. Có đôi lần tôi hay nghĩ về những nụ cười ấy, tại sao họ lại cười khi đời khinh miệt họ ? và rồi giữa đêm, tôi thấy chị về lại con hẻm ấy, mệt mỏi và khô quắt, chị đốt vài tờ giấy, thả xuống đất, bước qua bước lại, vài kẻ “đồng nghiệp” từ xa hỏi vọng lại : - “xả xui hả mậy?” … chị cười … và một tràng dài những lời chửi… đêm hôm ấy tôi hiểu hơn về nụ cười mang tính thỏa hiệp.

 

Một hôm nào đó, gần ngày tôi vào học Đại học và cũng là lúc bạn tôi mất trong một tai nạn giao thông khốc liệt … đó có lẽ là tin chấn động trong giới học sinh trường tôi dạo ấy. Khi tôi đến thắp cho bạn nén hương, tôi bắt gặp mẹ bạn nằm trên ghế salon, lăn lộn tức tưởi  với những cảm xúc dâng trào. Tôi đến bên cạnh, vội nói vài câu an ủi dư thừa : - “ Cô ơi, ráng khỏe lại, ráng nén đau thương lại, con nghĩ rằng bạn con thấy cô như thế bạn sẽ buồn lắm !” … có lẽ đó là những câu nói lố bịch nhất mà tôi từng thả ra vào lúc đau buồn nhất. Mẹ bạn nhìn tôi cười, cười nhạt nhòa với những hàng nước mắt cứ chảy, rả rích như trận mưa ban chiều, khi tôi đón xe đò về quê viếng bạn lần cuối … Cười và khóc hiện rõ trên khuôn mặt người phụ nữ ấy, tóc tai bươm ra, dính đầy mặt mũi, nước mắt cứ lăn dài theo những tràng cười, cô nhìn tôi … cười vào sự ngây thơ đến tội nghiệp ấy, tôi vội vàng chào cô và đi khỏi, không dám quay lại nhìn bạn lần cuối, sợ ánh mắt buồn tênh trên tấm hình tưởng niệm ngày ấy sẽ ám ảnh lấy tôi trên suốt những ngày dài ở Đại học … Tối hôm đó về nhà, không nuốt nổi bữa cơm chiều, trong đầu tôi chỉ toàn là hình ảnh của người mẹ mất con, khóc nấc  và cười trong đau thương, đêm đó, tôi chợt vỡ ra một điều, khi nước mắt không đủ truyền tải một thông điệp đau khổ, thì đau khổ sẽ lan dần ra nụ cười và nụ cười cũng là nước mắt, cũng đượm hương vị của đớn đau … tôi chợt giật mình tự hỏi giữa muôn vàn nhân loại đang cười và đang khóc này đây, ai là đau khổ thật và ai là hạnh phúc thật ? hay chỉ là chạy theo một vòng cung mênh mông của cảm xúc và niệm khởi … Khi đi đến tận cùng của đau khổ, ai đó sẽ bắt gặp hạnh phúc, để rồi nhận thấy nỗi buồn cũng đáng được trọng vọng như niềm vui. Đêm ấy tôi không ngủ, miên man với những  suy nghĩ viễn vong, những lý thuyết cao vời trước tuổi … tôi tự hỏi giờ này bạn đang cười hay đang khóc … có người bảo tôi chết sẽ được thanh thản, vì đời sống này đầy rẫy những khổ đau; lại có người bảo tôi chết khi không biết mình sẽ về đâu là khổ, là bất hạnh … tôi rùng mình, nghĩ về bạn, bạn sẽ về đâu ? lý thuyết nào sẽ đúng ? làm sao để biết mình đi về đâu ? tại sao chết đi rũ bỏ hết trách nhiệm mà lại khổ đau ? … những câu hỏi cứ tràn về, đầy ứ trong đầu … tôi chìm dần vào giấc ngủ. Sâu thẳm trong những cơn mộng mị mờ ảo, tôi thấy một đóm sáng, nhỏ bé nhưng mạnh  mẽ, tôi quờ quạng vén những mộng mị sang một bên và lao về phía đó … tôi gặp anh, gặp lại nụ cười giữa trưa nắng oi ả anh tặng cho tôi, trắng ngần và tinh khiết.

 

Tôi rất sợ vào những shop thời trang, sợ đứng gần những con manơcanh, đó là cái bệnh kỳ lạ nhất của tôi, mặc dù nhà tôi bán shop quần áo, tôi sợ nhìn những gương mặt muôn đời vẫn thế, sợ nhìn những hình nộm hay đúng hơn là sợ sự vô cảm của những nụ cười … và rồi một hôm giữa dòng đời, tôi bắt gặp trăm ngàn những gương mặt manơcanh ấy, chúng cười một cách bất biến, chúng nhìn tôi bằng ánh nhìn bất biến, tôi sợ hãi xô chúng ra chạy thật xa và chạy trốn … nhưng chung quanh tôi đầy rẫy những con manơcanh như thế, những mái tóc giả, những nụ cười giả, những ánh mắt giả, những cơ thể giả … và tôi giật mình sờ lại chính cơ thể tôi, cũng cứng ngắt, cũng khô ráo và trên môi tôi cũng là một nụ cười như thế, vô hồn và máy móc … tôi ngã quỵ hay đúng hơn là linh hồn tôi ngã xuống và xác tôi vẫn đứng vững vì chúng được làm từ chất liệu nào đó giả dối, tạm bợ … khi nhìn ra xung quanh, trời ạh, một biển manơcanh đầy rẫy, mênh mông những nụ cười ma quái … hồn tôi lại lòm còm bò dậy và tôi đã chấp nhận những nụ cười ấy, ánh mắt ấy là của tôi … và tôi mặc những thứ giả tạo ấy lên chính tôi, đi lại sống cùng những manơcanh … lạnh lẽo và u ám.

 

Gần hai tháng nay, mỗi khi đi học trên thành phố về, tôi không thấy anh nơi ngã tư gần nhà, có lẽ anh bệnh … tôi có gửi mẹ gói đồ tôi mua tặng anh nhân dịp Noel, mẹ bảo, mẹ không gặp anh mỗi sáng và hình như anh không ra ngã tư nữa … tôi điếng người, biết bao nhiêu suy nghĩ đổ dồn đến, vồ vập lấy tôi, anh không chịu nổi những cơn mưa mùa trước, hay vì không chịu nổi những nụ cười manơcanh … tôi lặng lẽ đi giữa phố lạ, vô hồn và chỉ nghĩ về nụ cười anh tặng tôi trưa hôm ấy … nụ cười với đôi mắt nheo lại vì vui, nụ cười với cái môi mấp máy nói lời cảm ơn, nụ cười với cả tâm hồn không chút vẩn đục v.v… tôi để mặc tâm trí tôi miên man như thế trên chuyến xe bus đến trường và cả trên những đoạn đường vắng tanh của khu công viên phần mềm Quang Trung. Tôi đang sợ mất đi một nụ cười bạn ạh ? Sợ lắm, vì ngoài những người thân của tôi ra, chưa ai trao cho tôi nụ cười trong sạch và tuyệt vời đến thế như thế cả … chúng được trả giá bằng tình yêu, bằng cảm xúc, bằng xác thịt và giúp đỡ chân thành của tôi ? … Chưa lần nào tôi nhận được nụ cười của người dưng lại trong sạch và tuyệt vời đến thế. Tôi viết entry này sáng thứ năm, khi đang ngồi nghe lại bài Sắc màu của Trần Tiến … và dạt dào những nỗi nhớ “ nhớ ra mình một mình”, “nhớ ra mình đã ở đâu đây” … Tôi đã từng ở nơi đây và lại về đây vì Vô minh và muôn vàn những nợ nần trần thế, có lẽ kiếp sau nữa, tôi vẫn sẽ trở về nơi này, để ngồi cho cảm xúc của chính tôi chảy tràn ra hòa quyện vào những mãnh đời bất hạnh, để cùng dìu nhau đi lên, tôi lại một lần nữa sẽ lọt thỏm giữa muôn vàn những nụ cười giả và cố gieo những nụ cười thật giữa đời giống như nụ cười của anh …

 

Anh là người khuyết tật ngồi bệt ở ngã tư gần nhà tôi, anh ngồi đó đợi lòng hảo tâm của người đời, mỗi ngày đi học, tôi ghé anh đưa tay lục túi lấy 2,000 đồng gấp gọn lại, nhét vào kẻ giữa những ngón chân của anh vì tay anh không lành lặn, không cầm được vật dụng, mẹ bảo có thể lúc nhỏ anh bị co giật … dáng đi quằn quại và đáng thương, giữa những trưa hè và thân hình dị dạng giữa phố đông người mỗi sáng tinh sương … trưa hôm ấy, tôi đứng thật lâu nhìn theo bóng anh in xuống mặt đường cháy nắng, chiếc bóng cũng như người, cũng cong quẹo dị hình … nhưng bạn ạh, tôi đã tìm được cho mình một lẽ sống, một chiếc neo giữa một buổi trưa như thế … bình dị lắm phải không ? Tôi nợ anh một lời hỏi thăm, nợ mấy cái quần short tôi định sẽ mua tặng anh, nợ một lần tôi sẽ lần theo dáng anh về tận nhà, để hôm sau tôi mang gạo đến … tôi đã dự định nhiều lắm, từ nụ cười anh tặng tôi, vậy mà …

 

Tôi hy vọng anh đã có người thân và người thân không cho anh ra đường ngồi đợi lòng hảo tâm nữa, người thân sẽ chăm sóc và thương yêu anh … tôi đã nghĩ về những điều xấu hơn, anh bỏ tôi, bỏ cái ngã tư đường đầy gió bụi và đầy manơcanh ấy mà đi … tôi nghĩ về anh, nghĩ về nhỏ bạn, nghĩ về nơi tôi sẽ về sau khi tôi nhắm được đôi mắt manơcanh của chính tôi lại và trên môi tôi thôi phải bạnh ra vì nụ cười giả dối … tôi nghĩ về ngày cuối cùng tôi nhắm mắt, nụ cười giữa trưa sẽ giúp tôi bình an khi tứ đại bắt đầu tan rã … ai đó bảo với tôi cười và khóc là vô thường, nhưng tôi tin nụ cười và giọt nước mắt phát xuất từ an lạc và từ bi sẽ tồn tại, sẽ thường hằng và hiện hữu …

 

Tôi còn chưa nắm tay anh một lần nào, chưa mua cho anh được hộp sữa, chưa dìu anh về nhà khi dáng anh cứ thấp thỏm, nhấp nhô giữa phố trưa nắng như thiêu đốt …anh ạh, mong rằng trưa Noel này, tôi lại được thấy anh, thấy nụ cười ấy, nụ cười từ một người khuyết tật, miệng không răng và môi bị lệch … nhưng anh biết không ? ngay cả những người đẹp tuyệt vời giữa phố manơcanh này, vẫn thua anh một nụ cười … vì rằng, “ Hãy như con trẻ nếu các người muốn được vào nước Trời” …anh là con trẻ ấy của một nước Trời xa xăm …

 

Cao Hồng Ân

 



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 15/Aug/2011 lúc 8:48pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 17/Aug/2011 lúc 8:40pm

MỘT CHÚT ƠN ĐỜI

 

 

Đêm vắng, thuyền trôi

Đường về Bảo sở xa ngai ngái

Một hoá thành, huyễn hoặc

Thoáng bình yên…

Ngọc châu giữ đó, không quen biết

Tìm mãi bao giờ, tìm mãi đâu ?

 

Mùa mưa bắt đầu. Giữa phố lạ, đôi khi ta thèm khát một góc quê nhà. Có tiếng ếch kêu, có tiếng dế gáy… và hơn thế nữa, phóng tầm mắt ra xa thật xa là đồng lúa, mênh mang kì ảo trong màn mưa trắng đục.

Giữa phố lạ, ta bắt đầu quen với nhạc Trịnh. Những biến tấu của ngôn từ. Có người bảo Trịnh viết tình ca, có người cãi rằng ông viết Đạo ca. Giữa bộn bề những cô đơn, giữa tiếng mưa, giữa quá khứ mịt mù và tương lai xa ngai ngái… ta chợt nhận ra rằng, ông đangchép lại Tâm ca của chính ông, và của cả thế gian này.

Tâm ca không phải là những triết lý dày đặc ngàn ngàn trang giấy. Tâm ca càng không phải những lý luận là rối óc người đọc ở lần đầu tiên. Tâm ca không làm người nghe chết ngộp giữa vô vàn những thăng hoa cảm xúc… Tâm ca là khúc ca được viết ngay trong hiện tại. Có lẽ khi ông sáng tác, ông đã ngồi trong đêm, hay nơi quán café nhỏ ở góc phố. Nhưng ta dám chắc chắn rằng ông viết nhạc khi đương ngồi thật thảnh thơi trong cõi yên bình của thực tại. Và Tâm ca đã vang lên như “chút ơn” “cho đời”. Bình yên đến mà không cần phải gọi mời.

 

“Hôm chợt thấy em đi về bên kia phố

Trong lòng bỗng vui như đời rất lạ”

 

Ai đó bảo rằng Trịnh tương tư một bóng hồng để rồi viết nên bài hát ấy. Nhưng hình ảnh “em” ấy sao mà nhạt quá, chỉ vài đường nét thôi. Môi hồng, tóc trầm, vai thơm. Cuộc sống là một chuỗi dài, rất dài những con đường được hoạch định phải có mục đích. Và khi nghe một khúc Tâm ca, xin ta đừng vội gắn vào đó một hình ảnh cụ thể. Ta đi tìm Bống của Trịnh, ta đi tìm Diễm của Trịnh. Và có thể tìm ra. Nhưng đến với chút ơn đời này, ta lúng túng quá. Sao mà tìm không ra nhỉ ? Hình ảnh đưa ra mơ hồ quá, nhưng với sự suy tôn của đoản Tâm ca, hình ảnh ấy đẹp lên như một phép màu. Ta hay cần có một cây thước để đo. Đo chiều dài, đo sự sáng, và cuối cùng là đo cái đẹp. Nhưng cái đẹp ở bài hát này, không phải là cái đẹp cụ thể, hữu hình. Nó như có đó, mà cũng như không. Chính nhờ cái đẹp ấy… những vùng đất lạ, những hoá thân của Trịnh bắt đầu được mở ra. Thật nhẹ nhàng giữa đôi bờ, có và không…

 

“Tôi tìm thấy tôi theo từng gót xa
Làm lời lá bay trên đường đi
Tôi tìm thấy tôi như giọt nắng kia
Làm hồng chút môi cho em nhờ

Môi thiên đường hót chim khuyên
Ôi tóc trầm ướp vai thơm
Ta nghe đời rất mênh mông
Trong chân người bước chậm chậm.”

 

Trịnh tan vào giọt nắng, tan vào từng gót chân của “em” bước trên hè phố vắng. Ông thấy trong giọt nắng cũng có sự hiện hữu của ông. Và chính sự hiện hữu tuyệt diệu ấy, đã làm cho vẻ đẹp thêm phần mềm mại và dịu dàng. Trịnh trở thành cái đẹp ấy, và cái đẹp ấy trở thành ông. Trịnh không mất đi, vì ông là giọt nắng, là những gót chân vui tung tăng trên hè phố. Chỉ khi nào giọt nắng không hoà mình vào cái đẹp, những gót chân không làm vang lên những lời hát ca bất tận thì khi ấy Trịnh mới thật sự không còn nữa. Và lúc ấy cái đẹp cũng không còn.

Và khi người nhạc sĩ chép Tâm ca ấy, thấy rõ được cái đẹp, từ những âm thanh thiên đường, tóc trầm và vai thơm… trên đôi môi những tiếng hát trong vắt, ngọt ngào của chú chim khuyên được tung bay giữa phố lạ. Khi nào, ta nghe được tiếng chim hót và cảm thấy rằng sao âm thanh ấy tựa hồ như thanh âm từ thiên đường vọng đến thì lúc ấy ta đa4 ở nơi của Trịnh đang đứng hồi viết bài hát này. Nghe chim hót. Mấy mươi năm nay ta nghe mải rồi. Khi ta chạy như bay đến sở làm, trên cao chim vẫn hót. Khi ta lo sầu giữa bệnh viện vì một một kết quả xét nghiệm không tốt, trên cao chim vẫn hót. Khi ta đứng ngồi không yên với bộn bề cuộc sống, thì chim vẫn hót trên cao. Ta chỉ nghe đó là tiếng chim, tiếng của một loài vật nào đó. Chưa bao giờ, ta thử dừng chính ta tại. Những giận hờn, lo toan, tham muốn của ta ngăn ta không tiếp xúc được với tiếng chim hót, ngăn ta không thấy bóng dáng mà ta “chợt thấy đi về bên kia phố” là biểu hiện của cái đẹp bất sinh bất diệt. Ta hay so sánh con chim này hót luyến không hay, bóng hồng này không đẹp bằng những cô đào, người mẫu. Cuộc sống đã cung cấp cho ta quá nhiều những thước đo. Hãy đến với hạnh phúc, mà không cân đong đo đếm, không đem hạnh phúc bỏ và khuông mẫu. ta sẽ nghe được như Trịnh. Chỉ một tiếng chim thôi, mà cà cõi Thiên đường đã hé mở. “em “ đến để làm thay đổi đời tôi, mang tôi ra từ một nỗi buồn thân phận nhỏ bé. Hoá ra cõi đất này là thiên đường, hoá ra cõi đất này đẹp như vậy mà sao ta không nhận ra. Ta cứ ngày đêm ôm ấp rằng… “trên từng vành nôi là từng nấm mồ. Sớm mai này lại khóc thiên thu”. “em” đến để chỉ cho tôi rằng, trong tôi không chỉ có mầm của sự chết, tôi còn có hạt giống của sự trường tồn. Vì em nhắc tôi rằng tôi có mặt trong tất cả. Tôi là mọi thứ, và mọi thứ là tôi. Những suy nghĩ, chán chê về sự mong manh đời người “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” đã hết. Nhờ “em” cả đấy “em” có biết không ? Chỉ một lần ta tiếp xúc với hiện tại, ta sẽ thấy hiện tại đẹp đến vô ngần. Vậy mà ta đâu hay đâu biết. Ta mải chạy, chứ đâu có  “bước chầm chậm” như vầy.

Trịnh nói với ta rằng chỉ cần bạn đi với tôi, đi thật chậm, thật chậm. Bỏ hết những thước đo, định kiến, nỗi khổ niềm đau, dự án, hoạch định xuống đó. Bước cùng tôi để ngắm nắng, hít thở khí trời, nghe chim hót là bạn sẽ thấy “em”_hiện tại đẹp như thế nào, đẹp đến mức tôi không biết viết ra sao. Chỉ dám lấy những tinh tuý của thiên nhiên mà so sánh, hương trầm, màu nắng, tiếng chim. Bạn sẽ vỡ oà ra sao mà “ đời mênh mông” đến thế, rộng rãi và tràn đầy hạnh phúc đến lạ kỳ. Sao không còn là nơi ôm ấp đầy những đau khổ của phận người. Đời rộng quá, mênh mông quá những cái đẹp trường tồn. Vậy thì sao ta phải vội vàng ?

 

“Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”

( Xuân Diệu)

 

Trịnh đang vỗ vai Xuân Diệu và nói thật nhẹ nhàng rằng, anh ơi, ta còn mãi đây. Ta chắc chắn sẽ không mất đi, nếu ta biết tiếp xúc với hiện tại màu nhiệm này. Nếu ta biết bước đi chầm chậm. Đừng vội vàng nữa, sóng và nước chẳng phải là hai. Sóng thể dạo chơi rồi tan vỡ vô thường, nhưng biển thì muôn đời vẫn thế, vẫn là biển của ngàn thu.

Độ trước, tôi miệt mài đau khổ về con sóng bao nhiêu, thì hôm nay tôi hạnh phúc bấy nhiêu vì tôi đã tìm thấy được đại dương rồi !

 

“Hãy còn bước đi cho bình minh lên sớm
Cho đời chút ơn biết tà áo nọ
Em là phấn thơm cho rừng chút hương
Làm lời hát ca cho trần gian”

 

Đã bao lần ta gục ngã ? Trịnh gọi ta, hãy đứng dậy nào, hãy bước đi. Chỉ cần một tà áo bay là đã đủ làm “ơn” cho cuộc sống này rồi. Chỉ cần sự sống được thể hiện mềm mại qua tà áo bay trong gió lộng là đủ mang lại bình minh. Vậy thì cuộc sống này cần được duy trì bởi những điều tưởng chừng như bé nhỏ đến vô vàn. Một bước chân kéo dậy cả mặt trời, một tà áo giản đơn cũng đủ làm nhân loại mang ơn. Bởi vì em ạ, em không hề bé nhỏ, vô ích. Trong em là tất cả cuộc sống này, và ngược lại. Em có thể là người ngày hôm nay vừa được nhận tin mình mang bệnh ung thư, có thể là người thất bại nặng nề trong cuộc sống, có thể là một đứa trẻ khuyết tật bẩm sinh, có thể là kẻ mang tất cả những bất hạnh của đời này. Nhưng em ơi, chỉ cần em gật đầu đồng ý cho sự sống hiện diện nơi em. Dù là phần bé lắm, nhỏ lắm. Nhưng đó vẫn là cách em mang lại cho cuộc sống này những món quà quý giá nhất.

 Trong khu rừng có muôn vạn mùi hương, em là một trong vô vàn những loại phấn thơm của rừng. Nhưng nếu thiếu em thì không còn bình minh, không còn hương của rừng, không ơn huệ ở đời. Và đời này sẽ im bặt những tiếng ca. Em hát ca cho “trần gian”, và “trần gian” cũng đang hát ca về em.

 

“Dưới đường phố kia có người nhớ em
Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường”

 

Trịnh tựa như đang thốt lên rằng, tôi đã tìm được sự sống từ em, trong lần gặp bỡ bất chợt nơi góc phố đầy nắng và rợp tiếng chim. Để khi ấy, tôi tiếp xúc được với màu nhiệm bất biến nơi cõi đời này. Nỗi nhớ ấy, không hẳn là nỗi nhớ. Mà là một sự giao tiếp thực sự, giữa ông và cái “đẹp” trường tồn. Lần gặp gỡ ấy, mang tôi trở về với thiên đường. Cuộc sống này bên cạnh những bất công, đen tối, giả trá và mong manh lại cũng chính là thiên đường sao ? Thiên đường với nắng, gió, thanh âm, hương thơm, và hơn hết nữa là không dễ vỡ, không chút gì là vô thường cả. Đó không phải là giấc mộng, mà là cảm giác của người lần đầu tiên bước ra khỏi đau thương của nhân gian, và dần tiếp xúc được với bất biến của hiện tại.

Nghe bài hát này, mỗi buổi sớm, tôi lại vượt qua được những nỗi đau của chính tôi, vượt qua được những thất bại, nhọc nhằn. Để khoát lên mình một chiếc áo tinh tươm của những lời yêu thương, để đeo trên cổ trang sức lóng lánh của nụ cười… vì tôi biết, khi “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”… đấy là lúc, tôi còn có thể cho đời, và đời sẽ cho tôi.

 

Cao Hồng Ân



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 17/Aug/2011 lúc 8:41pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 19/Aug/2011 lúc 11:16pm

XA XĂM… NHỮNG MÙA DẾ

 

Khi những chùm phượng thi thoảng gieo mình xuống nền đất chai sạm, thì cũng là lúc bọn sinh viên chúng tôi được nghỉ hè. Hè sớm… rợp trong tiếng ve rả rích, hoa học trò rực rỡ mà hồn nhiên. Cùng với nắng và gió. Phố lạ với ngót ngét 8 triệu con người, mà sao thấy lòng trống trãi lạ kỳ. Phố cũng gồng mình dung chứa những khoảnh hồn quê. Có gánh bánh xèo của cô Mười Xiềm, có gốc chuối, có cây khế, có rỗ rá mây tre. Nhưng sao giữa mịt mù khói bụi, tôi cứ mãi đi tìm. Một mùa hạ, với những cơn mưa rả rích. Đêm về, bầy trẻ con đi vòng khắp xóm nhỏ, tìm bắt những con dế than, dế lửa… Trưa hè, bè bạn quây quần ở quán dừa nước bên hông trường tiểu học nhắc lại những chuyện xưa… tối đến, chạy vòng khắp phố, nhẩn nha nhẩn nhơ rồi ghé vào quá nước mía ở góc nào đó bên bờ giếng nước lớn. Nghe vị ngọt của mía, của mít, của mứt chùm ruột , vị chua phảng phất của trái tắt, rồi còn vị mằn mặn của đậu phộng muối nữa chứ ! Phố lạ khác quê, vì dòng sống trôi đi nhanh quá, dẫu ai đó có mang quê lên để trang điểm hay cho lòng khách lạ bớt quay quắt nhớ cố hương… nhưng rồi cũng đâu vào đấy. Kẻ xa quê giống hệt như cây dừa trồng nơi quán phố, lòng cứ đau đáu những quầy dừa phải cắt vội khi trong ruột chưa có lấy giọt nước lành, vì người ta sợ, quả dừa rơi gây nguy hiểm cho khách hàng. Cứ ngập ngừng, bảng lãng giữa nỗi nhớ được chấp vá bởi muôn màu xa lạ.

Bạn ở lại đất lạ, chạy như bay theo việc làm thêm, kiếm thêm mảnh bằng ngoại ngữ, vi tính. Tôi lững thững về quê, giữa buổi trưa cuối hè nắng gay gắt, trên vai balô nặng chịt. Tôi phân vân giữa ở lại và đi về. Ở để được trưởng thành, để vững chãi hơn, để quen với không khí của thành phố trẻ, năng động và xông xáo. Về để gần gũi với gia đình, để chiều chiều đi bộ vòng giếng với mẹ, để rảnh rang rủ đám bạn cũ tụm năm tụm bảy, để thấy lòng này bình yên khi đôi chân thôi không chạy mải miết. Thế là về quê, như một cơ hội nào đó, tôi tự học cách yêu bản thân mình cho đúng nghĩa.

Trưa về trời đầy nắng. Chiều đến mưa rả rích. Đêm thì trời ráo hoảnh. Tên thi sĩ trong tôi mừng thấp thỏm, vậy là từ trên ô cửa nhỏ, tôi được ngắm bầy trẻ con đi lang thang khắp xóm bắt dế. Tay đứa nào cũng cầm cái đèn pin, lon sữa bò. Chúng cãi nhau õm tỏi, chúng hí hửng, hồi hộp đến ú tim khi nhìn thấy một bóng dế bay chao lượn trên ánh đèn đường. Cũng như tôi của ngày ấy xa xăm.

Nhưng sao mùa dế năm nay lạ quá. Bọn trẻ biến đi như cá lặn mất tăm hơi… tôi đợi mãi nơi ổ cửa, mong chờ ánh đèn pin xoẹt ngang. Rồi cơn mưa đến, rả rích từng giọt, dần dà nặng hạt và ầm ầm trút nước. Chắc hôm nay đài dự báo khuya sẽ mưa nên ba mẹ bọn nhóc không cho chúng đi bắt dế rồi… hôm sau vậy…

Hôm sau… Hôm mốt và những hôm tiếp theo nữa, phố vẫn im thin thít. Bọn trẻ đâu mất rồi ?

Ánh đèn đường trên cao vẫn sáng. Mưa ngoài trời như thoả hiệp với sự chờ đợi của tôi, rơi nhiều và dày hơn nữa. Chợt một con dế bay vào ô cửa nhỏ, đậu trên rèm cửa. Nó múa may đôi râu dài đen nhánh. Màu vàng đỏ ửng trên đôi cánh, gù gờ những hình thù bí hiểm và hung hăn. Nó nhìn tôi ( có lẽ là thế ), ngạo nghễ cười. Dế ở đây, còn bầy trẻ bắt dế đâu rồi ? …

Tôi lang thang đi tìm nơi những quyển sách về tâm lý trẻ con, thấy chẳng ai nói về tại sao con nít không còn mê chơi dế nữa, chẳng ai nói tại sao ma lực của tiếng dế gáy mùa mưa không còn đủ mạnh ?

Và một dịp nào đó, tôi tìm ra câu trả lời, mơ hồ lắm, và chẳng thấy sách vở nào nói đến. Tôi cũng chưa đủ tự tin bảo đó là đáp án chính xác như bác Chánh Tín vẫn thường hồ hởi chúc mừng người thắng cuộc trong game show nào đó trên đài. Nó nhỏ bé, và chỉ đủ làm tôi gầt gù.. ậm ừ…

Những buổi sáng, tôi thấy bọn trẻ vai đeo cặp thật nặng, được ba mẹ chở đi như bay trên những con phố còn tươi màu nắng mới. Chúng gặm ổ bánh mì trong vội vàng và hối hả. Những đứa trẻ tóc chưa kịp chải, mắt nhắm mắt mở vì cơn say ngủ… Trong sâu thẳm những đôi mắt còn ngái ngủ ấy nhìn những cây vợt, trái cầu, quả banh của đám thanh niên ngoài bờ hồ, tôi đọc được sự thèm thuồng. Ước gì được đánh cầu, ước gì được đá banh, ước gì… và ước gì.

Những buổi trưa, nắng gay gắt như đổ lữa. Nơi ngã tư phố, những chiếc cặp to hơn cả người đeo vẫn lảng vảng trên từng con phố, ngỏ hẻm. Chạy theo con chữ, và “rinh” chữ về nhà. Mùa hạ vẫn lắt lẻo trên cao. Lớp học ấy mở ra khi ngoài ô cửa lớp còn rợn ngợp tiếng ve. Ngày xưa, bà dạy tôi con ve vì trong năm biếng học, nên hè phải ôm tập học bài. Còn bây giờ vẫn là những học sinh giỏi, đôi mắt trĩu nặng vì cặp kiếng cận dày cộm, tập trắng chữ khôi… nhưng mùa hè cứ như những con ve rả rích. Ve ve ve.. đi học hè. Người giáo viên trong lớp học hè cũng mệt, có đôi lần cô tự thấy sao mà ái nái quá, cô giống như kẻ xấu cứ giành giật mùa hạ với bọn học trò nhỏ. Gia đình cô đang nghĩ ngơi ở biển, ở núi , ở thành phố sương mù. Nhưng con chữ thời nay sao nặng quá, kĩu kịt trên vai người dạy và kẻ học. Quyển sách giáo khoa đã dày, nay lại còn dày hơn gấp bội. Những con chữ muôn đời không dạy hết, học hết cứ được nhét vào một năm học ngắn ngủi. Làm sao học hết nếu không dạy ẩu, học ẩu, hoặc dạy thêm và học thêm ?

Những buổi chiều, bọn trẻ mệt lả người đi… vẫn cặm cụi học. Buổi sáng học toán 2 người, buổi trưa học anh văn 2 chỗ, buổi chiều học lý học hoá. Tiểu học thì áp lực thì vở sạch chữ đẹp, đọc nhanh viết giỏi. Trung học thì cổng trường như chuôi kim, phải học làm sao như sợi chỉ, xỏ vào vừa vặn, khít khao. Người ta dạy bọn trẻ học chạy, chạy rất nhanh. Dạy cả những kiến thức về thiên văn, địa lý, và những công thức để chế tạo ra thuốc nổ, những định luật để lưu hành dòng điện v.v.v nhưng chưa ai dạy chúng về cách chế tác ra hạnh phúc, nghị lực và yêu thương…

Ngày hôm qua, một trong số muôn vàn bọn trẻ chạy theo con chữ. Có một đứa đã “bỏ cuộc chơi “ khi làm bài thi đại học không tốt. Nó lặng lẽ về nhà, nhắn tin từ biệt bạn bè, rồi cũng lặng lẽ cầm chai thuốc rầy uống vào ừng ực. Nó là đứa học sinh giỏi hoá, nó dư sức biết công thức chế tạo ra thuốc rầy, và độc tính của thuốc. Nhưng làm sao bây giờ ? ở trường, ở xã hội chỉ những người dạy phải chiến thắng, phải thành công… bài học về chấp nhận và chuyển hoá thất bại, đau khổ sao mà xa vời vợi đến thế ? Học vội, và tự tử cũng thật vội vàng… xa xăm ngoài kia, cũng một đứa trẻ đang chiến đấu với bệnh ung thư, đứa trẻ ấy cũng mếu máo rằng :  bác sĩ ơi !làm ơn cho con thêm một ngày sống nữa thôi ! Đó không phải là lỗi của đứa trẻ tự tử, mà là lỗi của xã hội, lỗi của các bậc người lớn khi cứ ép bọn trẻ, định hướng bọn trẻ theo chiều hướng có lợi cho họ. Nhiều học sinh đỗ đại học, nhiều học sinh đỗ thủ khoa… các bậc người lớn sẽ có được nhiều nhiều thứ lắm ! Những bằng khen, những tiếng tăm có xứng đáng với mạng người hay không ?

Bọn trẻ có nghe dế gáy. Nhưng bài vở chồng chất, cả ngày mệt mỏi, phải ngủ sớm để mai còn chạy như bay theo con chữ mênh mang. Tiếng dế gáy còn lẩn khuất trong bụi cỏ, còn con chữ tràn đầy ra đường. Con chữ đem về danh dự cho mẹ cha, cho tương lai, còn con dế chỉ đem lại giây phút mơ hồ của tuổi thơ thôi… vậy giữa hai thứ, con trẻ phải chọn gì đây ?

Những người mẹ, ông bố còn nóng bừng bừng đôi gò má, khi thấy con mình còn thua con bé nhà bên vì nửa điểm môn Toán. Vậy là con nhà này phải học thêm một ông thầy dạy Toán nữa mới đủ… rồi còn biết bao nhiêu điểm số khác nữa. Môn lý, môn hoá,môn anh văn v.v.v Đôi khi người lớn bị rơi vào vòng xoáy của con chữ, nhưng khác hơn bọn trẻ, họ đứng trên phương diện của danh dự, của tự ái… con tôi phải hơn con anh. Mà có ai chịu thua ai đâu ? chỉ còn lại những tuổi thơ gắn chặt với những chuyến học “bay”.

Tôi bần thần nhìn lại xung quanh. Quê tôi giờ cũng như phố lạ. Đang chuyển mình trên con đường phát triển. Những nhân tài đỗ hai trường đại học, những anh kỹ sư, giám đốc cố bám trụ lại nơi đất lạ. Quê phải oằn mình, đào tạo, oằn mình hun đúc. Làm sao cho phố lạ thừa thãi rồi thì nhân tài sẽ tự động về lại quê thôi. Về để thấy trời ơi, mình thua bạn bè ở phố nhiều quá ! ở đây là mất tương lai, ở đây là đói triền miên không sắm được xe “hộp”, nhà cao. Công tác ở đây, mà bạn thót tim, chọt bụng khi đọc trên mảnh báo sáng nay, công ty ở phố lạ đang vào đợt tuyển nhân viên. Và bạn thấy thở không nỗi, mệt nhoài, chán chường. Nhưng biết đâu rằng, quê cũng mòn mỏi lắm rồi. Người quê chạy, và hồn quê cũng phải chạy. Chạy để tự biến mình giống như phố lạ. Xa xăm, ngút ngàn những cao ốc chọc trời… Con dế và người bắt dế trở thành huyền thoại. Khi ấy, cha mẹ giở sách cổ tích đọc cho con hằng đêm. Ngày xửa, ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có đám trẻ mùa mưa tụm năm tụm bảy đi bắt dế…

Đêm nay, con dế ấy lại bay đến đậu trên bệ cửa nhỏ. Nó nhìn tôi, ánh nhìn quay quắt. Anh ơi, sao tự dưng tôi lại ao ước bị săn đuổi, bị tìm kiếm. Lạ đời chưa kìa! Tôi nhanh tay chộp lấy nó, nghe nó vùng vẫy trong lòng tay. Lặng lẽ lên sân thượng, nơi gốc khế kiểng, thả tay ra, và tôi bảo nó hãy ráng bay thật xa, làm một chuyến phiêu lưu như chú Dế Mèn, về đến những vùng đất vẫn giữ được linh hồn của quê, của những mùa dế rộn ràng… Hình như nó nghe lời thật, vụt cánh bay đi trong màn mưa lất phất…

Tôi phải chọn gì đây giữa thoáng bình yên và tương lai phía trước ? Âm thầm, tôi thu xếp áo quần… ngày mai, tôi bước lại vào vòng xoáy, của con chữ, của kinh nghiệm, của hơn thua. Khép lại trọn một tuần quê dai dẳng. Và trong bao la những xoáy đời, có đôi lần tôi nghe tiếng dế gáy… khe khẽ, rả rích. Những mùa dế tuổi thơ.

Cao Hồng Ân

IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 20/Aug/2011 lúc 11:58pm

CHIẾC TRỐNG.

 

Tôi tặng vị ân nhân một chiếc trống nhỏ xíu… với lời nhắn, mỗi lần biển dậy sóng, anh cứ lắc trống sẽ nghe tung tung… mọi sự đau thương, mệt mỏi sẽ qua đi, và niềm vui lại lan rộng… nghe cứ như chuyện cổ tích, thần thoại nào đó. Nhưng phép màu ấy có thật, nếu chúng ta biết lắng tâm lại để nghe những âm thanh…

Chiếc trống tôi tặng, là thứ đồ chơi thường thấy của các trẻ em thôn quê. Mặt trống vốn là thứ không kêu, hai dây đính hạt gỗ cũng chẳng thể tự kêu được, tay cầm cũng thế. Nhưng chúng nằm đó, và kết hợp lại với nhau. Chỉ cần nhờ mình lắc nhẹ là âm thanh tùng tùng tung tung được vang ra…

Tiếng trống là một pháp được tạo thành khi nhiều pháp khác duyên lại với nhau. Nhưng đôi khi các pháp đã hợp lại rồi vẫn cứ nằm im thit thít. Cái trống nhỏ đã có rồi, nhưng nó vẫn chưa được xem là trống nếu như không có bàn tay xinh tạo thành chất xúc tác cuối cùng để vang ra những thanh âm vui nhộn. Đôi khi duyên hội tụ đủ đầy rồi, vẫn còn phải đợi một duyên khởi nữa để tròn vẹn, viên thành.

Sự nằm im chờ đợi ấy. Đầy dẫy ở cõi Ta Ba này. Những quả trứng được ra đời, vẫn còn phải đợi sự ấp ủ của gà mẹ. Những đứa con hình thành trong cơ thể người mẹ, đả trải qua giai đoạn “mang nặng”, và phải chờ qua một thời khắc khác là “đẻ đau”. Tập giấy trắng tinh, bút mực đủ đầy, vẫn phải chờ bàn tay người mới có thể tạo ra được những con chữ tròn trịa. Những tình cảm cứ ngỡ sẽ tiến xa hơn, nhưng vẫn phải đợi một lời nói. Những duyên khởi cũng tràn đầy trong không gian diệu hữu này, nhưng chúng không biết sự hội tụ nào cần có chúng.

Âm thanh của chiếc trống nhỏ là kết quả của muôn vàn các pháp, được tụ hội lại bởi muôn duyên, và duyên khởi. Nếu nhìn kỹ, mình sẽ thấy, âm thanh tùng tùng ấy không phải do riêng công của tay người, hay của những phần cấu tạo nên trống. Âm thanh ấy là của chung, của tất cả các pháp đã, đang, và sẽ tạo kết hợp lại cùng nhau. Thiền Sư bảo kết quả của các pháp tụ hội là vô thường, huyễn hoá. Nhưng khi ta thấy được tự thân của mặt trống, của hạt gỗ, của que cầm, của tay người đều có thể tạo ra âm thanh, đều phản chiếu lên được bóng hình của “thứ” mà chúng có thể tạo thành. Thì thanh âm đó không còn là huyễn hoá nữa, mà sự trường tồn, bất biến. Nên gọi, tự thân các pháp đã thể hiện đầy đủ tất cả các pháp khác hiện hữu trên thế gian này. Đấy là chỗ thấy chắc chắn có được, khi hành giả thiền quán về sắc thân vô thường, vạn pháp vô thường sẽ nhận chân được bản thể bất sanh bất diệt ẩn tàng trong những điều tưởng chừng như sanh trụ hoại diệt liên tục này.

Âm thanh tự tánh của chiếc trống vốn dĩ là sự tịch lặng. Chỉ vì các pháp hội đủ, duyên khởi đưa đến thì tiếng tùng tùng ấy phát ra. Mình nghe như thế bảo tùng tùng là âm thanh của trống. Đó là nghe và biết dưới con mắt của thế gian, thật sự âm thanh ấy là của muôn trùng duyên khởi, nó vốn không có, cũng không không, do duyên hợp tạo thành. Nó là thành quả khi các pháp nương theo duyên mà hội tụ và viên thành. Giống như người chưa học Phật thì chấp  vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đó là những thứ vô thường, mà lại quên mất sự thường hằng nằm trong tự tánh của tổng thể các pháp. Mình chạy theo con sóng, nhưng quên mất tự tánh của sóng cũng là nước. Nước có thể yên tịnh, cũng có thể xao động cuồng nộ nhưng bản chất của nước lại an nhiên. Chư Bụt, chư Bồ tát ngộ được sự an nhiên của nước, nên hành đạo giữa Ta Bà mà không hề bị nhiễm đắm bụi trần. Dạo chơi trên sóng dữ, lửa đỏ là thân tâm thơi thới, bình an. Bồ tát đi vào Địa ngục, thì Địa ngục hoá thành hồ sen. Địa ngục không phải là nơi ở ngoài ta, nó ở ngay trong tâm ta, dùng trí Bát Nhã đem vào lửa của sân hận, kinh hoàng thì lửa tự tiêu tắt. Cho nên có câu nguyện rằng, “ nếu con hướng về lửa, nước sôi thì lửa, nước sôi tự khô tắt; nếu con hướng về non đao, non đao tức thời liền sụp đổ “. Đó là oai lực của trí Bát Nhã thâm sâu mà hành giả đạt được khi Thiền quán, chứ tuyệt đối không hề có môt vị Bồ Tát tên Quán Tự Tại dùng thần thông bảo hộ, giúp mình vượt khỏi 3 đường xấu ác được. Tin Bụt, và Bồ tát thì phải thực hành theo các Ngài, tu tập theo các Ngài, chứ không thể cứ mãi ngồi đó mặc cả từng lời cầu xin.

Chư Phật ba đời, chư Bồ Tát mười phương vốn tồn tại không theo một dạng hình thể riêng biệt. Các Ngài là nguồn năng lượng lành vô tận vô biên bao trùm tất cả. Chỉ cần mình thôi chạy theo những con sóng, mà quay về nhận được tự tánh bất sanh bất diệt này thì chắc chắn mình cảm nhận được nguồn năng lượng vĩ đại ấy. Lúc đó, hành giả chỉ còn quỳ xuống mà đảnh lễ bằng cả thân tâm này, mỗi lần cuối xuống thật sát đất, để hôn lên đất, để quy phục lưới hạnh nguyện rộng dày, bao dung của các Ngài đã trải ra từ bao nhiêu lâu nay, mà mình không hề nhận thấy.

Mình quen cách đặt tên cho một tổ hợp các pháp tương đối, và tin rằng nó thường hằng, vĩnh cữu. Như thấy tổ hợp của thân này thì gọi là con người, thấy tổ hợp linh kiện thì gọi là máy móc, thấy miếng da căng ra bịt kín hai mặt của chiếc hộp rỗng thì gọi là chiếc trống.v.v. và xa hơn nữa thì thấy tổ hợp của quan tâm, chăm sóc thì gọi là yêu thương, thấy tổ hợp của vợ đẹp, con ngoan, nhà cao cửa rộng thì gọi là hạnh phúc. Những khái niệm về tổ hợp ấy đã bao đời nay giam giữ ta, khiến cho ta sanh ra phiền não, đau khổ, mong cầu. Đến mức ta vào chùa, quỳ dưới chân Bụt_ là Người từ bỏ tất cả, để xin lại những thứ mà Người ấy đã từ bỏ rất lâu rồi. Như vậy, những định kiến ngàn đời về tên gọi của các tổ hợp ấy khiến ta điên đảo, và chưa chắc việc đi chùa, lễ Bụt là cách đối trừ điên đảo hay là một các vi tế đang tự đào sâu, vun vén cho cội gốc của dây leo phiền não được tinh vi hơn, thâm độc hơn.

Hiểu được thế, ta nguyện sẽ đến Chùa bằng tâm không mong cầu. Không viết giấy nhờ Quý Thầy cầu an, cầu mua may bán đắt. Mà đến Chùa, lễ Phật như dịp ta tạm buông gánh phiền não, gánh nợ đời này ở trước cổng, rồi thong dong nhẹ bước vào Chùa. Một cơ hội, để thân nhẹ, tâm an, miệng mỉm cười. Những khoá tu nửa ngày, một ngày, ba ngày… an lạc cũng với mục đích như vậy, nhưng điều quan trọng hơn hết là chúng ta có tiếp nhận được sự an lạc ấy, và nguyện gìn giữ, lan truyền sự an lạc ấy cho người thương, người thân xung quanh khi ta kết thúc khoá tu hay không. Cho nên tâm mình nên như gió, bản chất thật của gió là không hương, không vị nhưng gió nguyện mang hết hương vị của thế gian. Hương thơm để dành cho những chúng sanh thích mùi thơm, mùi hôi thúi để dành cho những chúng sanh vì nghiệp báo chỉ nghe và chịu những sự sự thúi hôi, nhơ nhớp. Như các loài gián, chuột, vi khuẩn yếm khí chỉ chấp nhận được, và hạnh phúc khi ở trong cống rãnh, ao tù nước đọng. Gió là hạnh nguyện của chư Bồ tát khi truyền bá và hoằng pháp. “Không nhơ, không sạch, không cấu, không tịnh”… vì ngôn ngữ của Thế gian được hình thành nên bởi những cảm thọ, và những cảm thọ lại sanh ra các tưởng uẩn_ luôn luôn có những sự so sánh, đối nghịch như thanh tịnh trái với cấu uế, định tỉnh trái với điên đảo, lăng xăng.v.v.nên thể nhập vào cảnh giới Bất Nhị được Ngài Duy Ma Cật trình bày là sự ngồi bất động trong sự im lặng hùng tráng. Vì vốn dĩ cảnh giới ấy không thể diễn tả bằng ngôn ngữ của Ta Bà, nếu còn nói, còn hý luận thì không thể gọi là Bất Nhị pháp môn được. Chỉ có Gió biết được bản chất của Gió, chỉ có hành giả tu tập miên mật và tinh tấn mới nhận chân được tự tánh của mình.

Quán sâu về chiếc trống nhỏ bé, ta cũng đủ năng lực để mở tung cánh cửa Bất Sanh Bất Diệt, và phủ kín tâm này bằng niềm hỷ lạc vô tận mà không ngôn ngữ nào diễn tả được. Căn nhà có tạm vạn bốn ngàn cánh cửa để ra vào, vậy chỉ cần vào được nhà ấy, thì có thể thông suốt được tất cả các cửa còn lại. Nên có một vị Thầy dạy rất hay là nghe chim, nghe lá, nghe gió, nghe suối đều đã, đang, và sẽ thuyết Pháp Hoa Kinh.

Khi gặp những lúc sóng dữ, nghịch cảnh cầm trên tay chiếc trống, lắc nghe tùng tùng, ta sẽ được cho một công án để suy ngẫm. Và mỉm cười nhẹ nhàng khi nhận ra rằng, àh, các pháp đang tụ hội, nương theo duyên khởi mà sanh diệt. Sự tụ hội ấy là huyễn hoá, thì pháp kết quả cũng là khói mây. Nhìn lại, thấy vạn pháp trôi trong dòng chảy của duyên khởi trùng trùng điệp điệp, giải thoát không phải là có một chiếc thuyền để ngồi lên ngắm nhìn sự cuồn cuộn ấy, mà là sự hoà nhập vào dòng chảy đảo điên, mà nhận ra được bản chất của mình. Thì liền khi ấy thấy như có trôi theo dòng, nhưng là không khuất phục, thấy như là náo loạn, mà lại là an nhiên, tự tại, thấy như sân hận mà tràn ngập từ bi, thấy như cấu uế nhưng sáng thanh tịnh không nhơ. Phiền Não vốn là nhân của Như Lai, Hoa Sen được xem là thanh khiết nhất trong các loài hoa, lại bắt đầu đời sống trong ao tù, nước đọng, rễ bén sâu vào bùn nhơ để nuôi lớn Bồ Đề Tâm. Vậy không có chúng sanh cũng sẽ chẳng có quả vị Bụt, không có chúng sanh cũng sẽ không có đối tượng để nhập hạnh Bồ tát, không sanh già bệnh chết thì không có sự giải thoát, không phiền não sẽ không có Thiền định. Thiền Phái Trúc Lâm có câu kệ rằng :

“ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền “

Có đôi lần, hành giả nên quán mình là chiếc trống, những lời nói, tiếng hát, hành động, suy nghĩ là tiếng tùng tùng. Mình biết âm thanh ấy là không thực, nhưng nó đem lại niềm an lạc của tha nhân. Tựa như Bồ tát biết thân này là vô thường, bất tịnh nhưng không nảy ra ý định chán ghét, khinh miệt thân này mà trái lại còn trang nghiêm thân bằng Trí Bát Nhã, rồi dùng thân này để lợi lạc hữu tình, cúng dường Tam Bảo. Hãy im lặng khi vắng bóng của duyên khởi, nhưng khi bắt buộc phải nói thì hãy nguyện nói những lời ái ngữ, dùng vô thường để khiến mình và giúp người quay về với Tri Kiến Phật, với viên ngọc bị lãng quên trong túi áo kẻ ăn mày. Khi mình đau buồn, tay xìu xìu, mệt mỏi lắc trống, trống vẫn vang lên âm tùng tùng. Khi sân hận, khi vui vẻ, trống đều tùng tùng. Vậy dù đời có đau khổ, có bế tắc, có tuyệt vọng đến cùng cực mình hãy là chiếc trống, luôn vang lên những lời nói của ái ngữ, luôn toả ra năng lượng của Từ Tâm Vô quái ngại. Giống như vị Bồ tát Thường Bất Khinh, lặn lội đến với người đời để nói vỏn vẹn có một điều :” Anh ơi ! Tôi không dám xem thường anh đâu, vì trong anh có một vị Bụt còn ngủ quên, anh hãy cố lên nhé !”… câu nói ấy dễ thương lắm, vì được phát xuất từ một tâm Vô Ngại, chỉ miệt mài giúp hữu tình quay về nơi sự màu nhiệm ẩn tàng trong tâm thức này. Người đời có xua đuổi, chửi bới, thậm chí đánh mắng, Ngài Thường Bất Kinh Bồ tát vẫn cứ mải nhắc nhở. Vậy, mỗi khi ta mệt mỏi, sắp sửa để mình thất niệm giữa dòng đời vạn biến này, ta cứ nhắm mắt lại, buông thư và nhủ thầm :” Ngài Thường Bất Khinh ơi, con biết Ngài tin ở con, vì thậm chí những ai xua đuổi mà Ngài vẫn ở bên, thì chắc chắn Ngài sẽ ở bên con. Ngài biết nhắc nhở chúng sanh về vị Phật còn ngủ quên, thì nay Ngài cùng con đánh thức vị Bụt ấy nha !” Hãy tin rằng không ai có thể giải trừ đau khổ, phiền não cho ta ngoại trừ chính bản thân ta nỗ lực. Nhưng hãy tin rằng, ta sẽ giúp được cho những người thương trên con đường chuyển hoá, bằng lời nhắc nhở như Ngài Bồ Tát Bất Khinh đã, đang vẫn sẽ tiếp tục làm nơi cõi đất này với tâm từ bi vô giớn hạn đối với chúng sanh.

Thêm điều nữa về chiếc trống. Nó có thể phát ra âm tùng tùng vì nó rỗng. Chiếc trống không chứa đựng gì ngoài khoảng không bên trong nó. Hãy xem đó là một bài mẫu cho ta thực tập. Ta sẽ không đem lại niềm vui cho bất cứ ai nếu trong tâm ta còn chất chứa những định kiến, nội kết. Hãy xả bỏ những sân hận, si mê, và tham đắm để đến với người mình thương một cách tinh tuyền nhất. Mình không thể làm người khác thấy an ninh khi ở bên nếu trong lòng mình còn quá nhiều những định kiến, những sự bất tín nhiệm về họ. Mình có thể níu kéo được thân xác của người đó ở cạnh, nhưng tâm họ vẫn ở đâu đâu vì bản thân mình không như chiếc trống, không rỗng rang để vang lên những thanh âm khích lệ tinh thần, không rỗng rang để mỉm cười, mà trái lại có quá nhiều những cuộn sóng, bão tố để chẳng thể dung chứa một niềm tin. Chiếc trống nhỏ, âm thanh cũng rất nhỏ. Nhưng chiếc trống không sợ rằng âm thanh của nó sẽ tan mất giữa hư không, hay lọt thỏm trong vô vàn những tiếng động của dòng đời… vì sự rỗng rang của nội tâm tạo nên sự trường tồn của thực tại. Trống không lo lắng tiếng tùng tùng sẽ đi đâu, về đâu, sẽ lặn ngụp nơi nào, sẽ hoà điệu theo bài nhạc nào, sẽ vào ra nhĩ căn của ai trong vô vàn tha nhân. Hãy tập như trống, tin vào âm thanh vang ra từ sự rỗng rang, không chất chứa. Chịu va đập để cho tiếng tùng tùng làm vui tai mọi người, và hạnh phúc, hoan hỷ với sự tung bay rất cao, rất xa, rất rộng của những âm thanh tưởng như nhỏ bé, và đơn điệu ấy. Nhìn vào chiếc trống, ta không thể tìm thấy những thanh âm, nhưng chính từ nơi đó những tiếng tùng tùng được tạo ra. Tình cảm không phải là nhốt người mình thương, mình yêu vào tim; mà là hoan hỷ khi thấy họ được thong dong, tự tại với công việc, với cách sống họ chọn vì mình biết mình là nguồn cảm hứng cho cách sống, cho công việc ấy…

Nếu ta có tu tập, có quán chiếu thì bất cứ điều gì đến, đi đều là cơ hội để ta nhận rõ những bài học quý giá mà cuộc sống mang lại. Mỗi lần ta đảnh lễ Quá, Hiện, Vị Lai chư Tôn Pháp thường trú mười phương, ta phải nguyện ta nhìn ra được pháp giải thoát, phát tự tại ẩn tàng nhưng bao phủ , trùm khắp. Tại sao ta đảnh lễ ? Vì ta không còn biết làm gì nữa trước sự bao la, vô tận vô biên của các pháp đưa đến Giác Ngộ, ngoại trừ hành động cuối xuống thật chậm, thật chậm, chánh niệm và chánh niệm… Nguyện chư Tôn Pháp thẫm đẫm cả thân tâm này.

 

Nguyện những điều con viết ra đều trong chánh niệm và từ bi

Nguyện những điều con viết ra đều cúng dường Như Lai, và lợi lạc hữu tình.

Namo Avalokiteshvara

Namo Shantideva

 

Cao Hồng Ân

 



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 20/Aug/2011 lúc 11:59pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 25/Aug/2011 lúc 7:48pm
ChÚt Ít LòNg... GửI bAy TrOnG gIó...

Tôi hay đốt nhang. Không phải là một thói quen, mà là một cuộc thi đấu. tôi chẳng bao giờ đốt một cây đơn lẻ, tôi thích đốt 3 cây… Người già bảo một cây cho trời, một cây cho đất và cây còn lại cho cõi âm. Tôi nghe thế, ậm ừ. Những niềm tin truyền từ bao thế hệ, đến bây giờ tự dưng vụt tắt. Chẳn ai tin, chẳn ai nghe, hay có quá lắm cũng xem như một thứ cổ tích… của những người ngàn năm tuổi. Người già lại bảo bọn trẻ chúng bây hoang đàn chi địa, rồi dẫn nhau đi phá thai, ấy là tội giết người, ác nghiệp đấy con ạ. Tôi cười, luật pháp họ cho phép lấy gì mang tội. Mẹ lại đi giết con… có những điều xảy ra giữa xã hội này, khi nhìn dưới một góc độ nào đó, chúng khác nhau hòan tòan. Và cũng có những điều tự con người chưa mày mò ra được, xin đừng vội quy cho nhau hai tiếng “dị đoan”.

Người già, già lắm. Cũ mèm trong lối sống và suy nghĩ. Khi bọn trẻ bây giờ chạy theo rock&roll, chạy theo cái mà bên Tây, họ sống ầm ầm, tội gì mình không thử, chúng nó văn minh thế kia mà. Người già lại lụi hụi quét bàn thờ, chùi lại bộ lư, lâu lâu lại cầm từng món đồ vật lên nhìn ngắm. Họ bảo vật có linh hồn. Bọn trẻ hét tóang, trời ơi, ông bà lỗi thời rồi, đám nguyên tử, phân tử gì ấy cấu tạo nên chúng, vô tri mà, xài qua thời rồi bỏ đi cũng được. Tôi thường gặp những người già như thế, lọt thỏm trong những câu nói như thế của đám con cháu. Họ chẳng hiểu thế nào là một bản nguyên tố hóa học, thế nào lạ hạt Nơtron, electron, hay nhân gì gì đó, họ chỉ hiểu linh hồn ám ảnh vào mọi thứ…

Bọn trẻ bây giờ yêu nhau, bồng bế dẫn dắt nhau vào nhà trọ, nổ ra tí chuyện, chia tay, đau khổ, đường ai nấy đi… Người già cứ ngồi nghe mấy bài cải lương cũ rích, nào là yêu mà không dám ngỏ, nào là những câu đong đưa , tình tứ… sao không nói phức ra cho rồi… Baby, I love you. Người già khi con cháu lên thành thị đi học, họ dặn con gái lấy chữ “trinh” đặt lên hàng đầu… con nhỏ ngún ngỏay, 4 năm ròng, quần ngắn cũn cỡn, áo khóet sâu vào giữa đôi bồng đảo… chữ nào đặt trên đầu rớt hay còn… có trời mới biết.

Người già quan trọng chuyện đi nhà thờ, đi chùa chiền miếu mạo. Bọn trẻ quen ghé bar, vũ trường, quán café, v.v.v.. Mỗi khi bị bắt dẫn ông bà đi đến những nơi trái khóay, chúng hét tóang lên. Trời ạ, sao tôi khổ thế này. Già rồi, chân cũng già, và những bước đi cũng già cả lụm cụm lại. Người già đi chậm, bận tìm chỗ vừng chắc để khỏi ngã, không nhảy chân sáo, không tận hưởng cảm giác rất Yomost, không vừa đi vừa đọc rap… nghe những thứ so sánh có vẻ buồn cười và kệch cỡm… nhưng đó là sự thật, những khỏang trống, khó lòng nối lại… Có hai chiếc máy nho nhỏ giống hệt nhau về hình dáng, nhưng một cái để mang người già đến gần với thế giới này hơn. Máy trợ thính. Còn cái kia là để cho bọn trẻ. Phong cách, cá tính, riêng biệt với cuộc sốngv.v.v .. máy nghe nhạc… Hai đường thẳng song song. Chỉ là một công nghệ, một chiếc máy, hai con đường.

18 tuổi, tôi nếm tình yêu ngọt như mật trong ánh mắt và đôi môi. Ngất ngây. Hoan lạc. Hai đứa đèo nhau ra ngồi ngòai giếng nước. Mùa ấy gió chướng, gió thốc mạnh như bây giờ. Và đêm cứ nặng trĩu, đêm nương theo gió. Chẳng bay lên cao, chỉ là đà… lễnh đễnh. Về nhà, trước khi đồng hồ gõ nhịp 12 tiếng. Bà vẫn thức chờ tôi. Mẹ tổ cha thằng này, mày đi với con nào mà khuya lắm thế. Cháu đi với đám bạn. Mặt mày hí hửng thế, ráng mà học mày ạ.

Tôi yêu vội, chia tay cũng vội. Hè hết, tình cũng hết, sạch trơn. Đêm, không kéo dài nữa. Học xong là về thẳng nhà. Chuyên chú và tập trung. Bà nhìn tôi cười móm mém…

Tôi đậu đại học, bảo với bà tin ấy cho bà mừng. Bà nheo nheo, mừng quá mày ơi. Lên đó ráng học ráng hành. Cháu biết rồi bà cứ nói mãi… rời phố nhỏ, tôi bước chập chững như thằng con nít trên những con đường chật ních người và xe. Tôi ngắm những tòa cao ốc giữa biển người, và ngắm người trong ngồn ngộn khói và khói. Nhà tôi ở ngay sát một khu chợ đêm giữa trung tâm Thành phố. Khuya. Ban đầu, tôi lê lết khó nhọc vào thứ giấc ngủ nhập nhọang. Ồn quá… những tiếng ồn át cả thời gian.

Rồi dần dà về sau, tôi cứ thể, thả cái tôi trôi tuột vào giấc ngủ. Ngủ say mèm. Ngòai kia vẫn còn, còn hàng trăm con người quần quật nói cười giữa chợ đêm, giữa những khách hàng cách nhau nửa vòng trái đất. Dì tôi bán shop. Tôi sớm hiểu thế nào là “vật vã nói cười”. Dì cười tươi rói, bán quần áo “đắt như tôm tươi”, nhưng tôi biết dì mệt. Tuổi già bị cái vật vã của những tràn cười che phủ. Nó liền trở thành bầy mối, gậm nhấm và phá họai. Thẳng tay. Lạnh tanh… đêm về, tôi hiểu dì nằm đấy, nghe tiếng mối gặm… gặm những tàn phai, gặm lấn cả những xuân xanh.

Và hàng trăm đêm như thế, tôi trôi tuột, và mặc nhiên bên dưới nhân lọai, kẻ bán và người mua vẫn “kì kèo bớt một thêm hai”, vẫn nói cười, vẫn mệt nhọc… riết rồi thành thông lệ, tự dưng tôi dễ tánh. Không khen chê món nào, và cũng không nói khó ngủ ở những chỗ lạ lẫm. Vậy mà hay. Hôm nào đó, lâu lắm rồi, đi xem triển lãm thư pháp, người nghệ nhân viết một câu 5 chữ, chắc nịch mà uyển chuyển :” Bình thường tâm thị đạo”… tôi chẳng đi tìm đạo, vì chưa đến lúc… tôi chỉ biết, “bình thường” để dễ sống, dễ chấp nhận, và dễ thỏa hiệp với đời hơn. Thế là hết. Tự dưng khi nhận ra điều đó, tôi nhớ nhà, nhớ bà, nhớ mẹ, nhớ dì khủng khiếp. Nhớ đến mức mỗi khi đón một cơn gió chướng ( mùa này hay có gió chướng) tôi lại nhớ về những buổi chiều chở mẹ đi chùa, nhớ cái gió đêm 30 Tết, tôi dẫn bà lên tận sân thượng ngắm pháo hoa, nhớ sáng thứ bảy tôi đèo dì trên chiếc wave đỏ chạy qua quán hủ tíu bên Cầu Quay... Thời gian trôi nhanh quá. Đêm nằm nghe đồng hồ gõ nhịp… đều đều như tiếng mối ăn dặm… tích tắc… tích tắc… hay rào rào… rào rào…? Vì nỗi nhớ hay vì chuyến đi xa làm tôi thay đổi, không thích hàng quán, không thích bè bạn, chỉ muốn ở với gia đình mỗi bận từ Tp về. Và chính bà cũng thay đổi. Ban đầu, bà bảo mày lấy vợ đi, rồi cho bà đứa cháu bà giữ cho… tôi cười khì, chừng nào con gom đủ tiền sống, nghỉ làm rồi cưới luôn. Chừng nào ? chẳng biết, con tính khỏan năm 40 tuổi… mày điên rồi !

Và bắt đầu bà tăng dần cường độ lên. Mày kiếm con nhỏ nào, dẫn về bà cưới cho. Bao nhiêu tiền của, vàng bạc bà cho mày làm của hồi môn hết… cưới lẹ, đẻ mấy đứa nhỏ cho nó bò bò lên cầu thang cho vui… nhà buồn quá… tôi nghe bà nói bằng cả sức lực của tuổi già. Thấy thương quá, giống như bà khẩn khỏan. Chẳng lẽ bà cần cháu cố đến mức ấy ? Hay vì nhà mình trống trải quá… đúng rồi, trống hóac… quanh đi quẩn lại vẫn là tường, là gạch, là vật dụng. Chúng có linh hồn, nhưng chúng không tải nổi những tiếng cười. Nhà tôi thiếu tiếng cười, thiếu người, thiếu nhân sự, thiếu tất cả. Tôi đi… ám ảnh trên những chuyến xe là dáng bà đi lụm cụm, dáng mẹ ngồi cô độc trong phòng, là dì với những tràn cười với người dưng kẻ lạ… những kẻ mối người mang.

Tôi không lang man khi đang nói về người già và bọn trẻ mà lại tạt ngang kể lể chuyện gia đình mà đây là khúc dạo đầu, hơi dài, nhưng không ngắn… đủ để dạo chơi, và tản mạn… Lên Sài gòn, tôi đọc sách như điên, như con mọt ngấu nghiến cắn phập vào những trang giấy… Quản trị học, Kinh tế thương mại, Kĩ năng Marketing, Thế giới phẳng v.v.v chúng dạy tôi lắng nghe thị trường, lắng nghe người công nhân giống như mèo lắng nghe từng bước chân nhập nhọang của chuột… nhắm mắt, vểnh tai, cong đuôi và giấu móng đi để dành cho cú vồ lấy cuối cùng. Tôi phát triển cái nhìn nhiều hơn và xa hơn tôi tưởng. Trưởng thành hơn, thông thạo hơn trước. Thế mà, tôi vẫn chưa học được cách để lắng nghe… lắng nghe trong thông cảm và chia sẻ.

Tín chỉ ấy tôi được cấp không phải ở trường mà ở nhà… tôi tập ngồi nghe bà hát

“ chuối non dú ép chát ngầm

Trai tơ muốn vợ, khóc thầm giữa đêm

Khóc rồi, lại mẹ đánh thêm

Vợ đâu tao cưới nửa đêm cho mày “

Tôi cười ha hả khi câu hát ấy ám chỉ tôi. Bà hỏi mày có khóc thầm không. Để chừng nào cháu khóc, cháu sẽ nói bà. Vậy chừng nào mày mới khóc. Chừng nào bà đừng bệnh nữa, cháu sẽ ráng khóc… Bà tôi không khỏe nữa, giờ giống hệt như cây nhang cháy sắp tàn, ít khói và mỏng manh. Cô độc. tôi sợ nhang cháy hết… sợ nhìn thấy những chân nhang, đỏ quạch vô hồn.

… trở lại chuyện bọn trẻ và người già… Ai đó bảo rằng yêu thương là phải hiểu, vì hiểu mới sanh ra yêu thương… Nhưng thế nào là hiểu, thế nào là yêu thương ? Năm tôi yêu. Lang thang trong một khối thơ tình đồ sộ, tôi tìm được một câu thơ… kinh điển. Nhưng sao bây giờ nhìn lại, tôi thấy hình như nó không chỉ nói về tình yêu, không chỉ nói về những đau khổ mà còn là dạy về cách thực tập yêu thương.

“ Yêu là chết ở trong lòng một ít”

Dạo ấy. Tôi mơ màng về một lâu đài tình ái. Thả hồn vào những cuộc vui, như thiêu thân. Ừ, con thiêu thân chết vì ánh đèn. Tôi không hiểu đó là bản năng lao vào ánh sáng, hay trần trụi là vì nó cần ánh sáng đến thế. Tự dưng lúc ấy, tôi thương con thiêu thân. Thấy bọn chúng kéo bè kéo lũ mà chết. Thiên hạ gọi Chết chùm cho vui. Tôi bĩu môi, thấy kẻ khác chết mà vẫn cứ lao vào là ngu… một biến dạng khác của cái gọi là vô minh. Mà nếu thật, chúng chết vì tham vì ánh sáng, thì ngẫm lại, kẻ bảo chúng ngu có hơn chăng gì chúng. Khối kẻ đâm nhau, chém nhau vì chén cơm. Khối kẻ thấy chết vẫn lao vào kiếm chác. Khối kẻ đứng dậy chẳng đúng thời… nhiều nhiều lắm. Thiêu thân là tự đốt chính mình. Nghiệt ngã nhất là đốt mà không biết mình đang đốt. Mải mê. Miệt mài… Lúc trước, ba đem về cây đèn bắt côn trùng. Mỗi đêm mưa tạnh, cả nhà lại tắt đèn thường đi và mở đèn ấy lên. Lũ thiêu thân lao vào đông vô kể, nổ nghe lép bép. Có đứa chết nổ, có đứa chết liệm, có đứa chết cháy khói bốc lên khét lẹt… bất chợt tôi khóc. Mẹ hỏi sao vậy. Thương con thiêu thân_tôi trả lời. Giờ ngẫm lại, hồi ấy, tôi thương chúng hay tôi nghĩ đến chính tôi. Vẫn biết dòng đời ngòai kia. Chén cơm trả bằng nước mắt. “miếng ăn là miếng tồi tàn”. Thế mà sao vẫn phải lao vào, khác chi một thứ bản năng. Đúng rồi, một bản năng, dẫu có nhận ra rồi thì có giải quyết được gì đâu... 4 năm. Ngắn ngủn. Cũn cỡn như một chiếc váy thời thượng. Gió tốc, thổi bay…

Yêu thật sự. Yêu đúng nghĩa của yêu thì không phải chết. Chỉ là hy sinh. Cái chết mà thi sĩ ấy nhắc đến, hệt như cách nhà Phật họ đánh tan bản ngã. Dẹp chính con người mình đi, dẹp hằng ngày, dẹp từng chút một. Để yêu, để cảm thông hơn. Để thôi tức điên lên,vò đầu bức tóc, để tha thứ và lại yêu. Học được như thế, mới thật sự có thể yêu một người già. Hai đường thẳng song song mới tìm được cây cầu nối. Người trẻ bây giờ, học được điều ấy khó lắm. Khó như bắt con cá lội ngược dòng. Cuộc sống này là một dòng nước. Dòng nước là một dòng đời… mà dòng đời thì trôi theo, mang theo cuồn cuộn những bản năng, những ham muốn, những sân hận. Trong trường học, người ta đã hết dạy nghệ thuật sống. Không dạy về Tiết chế. Chỉ đơn thuần là cấm đóan, thậm chí là cách buông tay để trôi tuột…

Có lần, tôi tập ngồi bóp chân cho bà. Bà cười vui lắm, gương mặt tươi như mặt con trẻ. Người ta hình như đang đi lại một vòng tròn ngay trong kiếp sống này. Tôi không nói về thân xác, nó đã chịu quá nhiều những vết thương của đồng lọai, của bản thân và của thời gian. Vết chém, vết xăm, và những nếp nhăn… bà nằm đấy, ca hát như say. Tôi nhìn bà cười thật tươi. Tập chăm sóc cho người khác trong chánh niệm và yêu thương. Dẫu biết rằng, bà già rồi, như cái máy chạy mãi. Chạy cả một đời người, những bánh răng bắt đầu mỏi mệt. Chúng đình công và bà nhức. Cái nhức của tuổi già kỳ lạ lắm. Nó từ trong xương mà mom mem bò ra. Bò như đàn kiến. Nhức không nhiều, không dữ dội mà âm thầm, buông buốc. Tôi hít thở và ngồi xoa vào những nơi bà bảo nhức. Nhức quá chắc bà chết mày ạ. Người ta chết vì bệnh chứ ai chết vì nhức bao giờ. Mai mốt bà chết rồi mày coi. Bà phải sống để xem đám cháu cố nó bò lên cầu thang chứ. Ừ, đúng rồi, mà khi nào mày lấy vợ, lấy lẹ lẹ lên đi... Bà hồ hởi nói về tương lai… nhìn bà cười, cười thật tươi. Yêu thật là như thế…

Người trẻ à…30 năm…40 năm… trôi nhanh qua như một cái chớp mắt. Miệt mài, mộng mị cứ chạy mãi trong một vòng tròn. Cứ lần hồi, rồi lại đi qua những mô đất, những thành quách mà người già đã có lần ghé đến. Rồi sẽ về đâu… cũng lại gỡ chiếc mp3 ra để thay vào cái máy trợ thính. Nghiệt ngã lắm. Thứ lạnh hơn nước đá, lạnh hơn khí trời ở Bắc cực , là những quy tắc, những định luật bất biến. Và Già, Trẻ là thứ định luật ấy. Hãy tập sống với một người già, hãy lắng nghe và yêu thương để thấy cuộc sống này đẹp hơn, ấm hơn trên con đường chằn chịt những vết xe đổ… cố lên đi, bạn và tôi.

Cao Hồng Ân

IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 01/Sep/2011 lúc 9:49pm

KINH LẠY CHA nơi con mắt THIỀN QUÁN

        “KINH LẠY CHA

Lạy Cha chúng con ở trên Trời

Chúng con nguyện danh Cha cả sáng

Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời

Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày

Và xin tha nợ cho chúng con như chúng con đã tha kẻ có nợ chúng con

Xin giữ chúng con khỏi sa trước cám dỗ

Nhưng xin cứu chúng con ra khỏi sự dữ

Amen “

Bài Kinh Lạy Cha do chính Chúa Jesus dạy cho các môn đệ. Chúa Jesus là người cấp tiến trong nhận thức về Thiên Chúa vào thời đại ấy. Cho nên Kinh Lạy Cha mang một màu sắc hoàn toàn khác với những bài kinh khác như Kính Mừng,.v.v. Đa số trong đạo Thiên Chúa, các kinh đọc và lần chuỗi được chia ra làm 2 mảng. Mảng để tôn vinh Chúa, Đức Mẹ và mảng để thực hành. Tuy nhiên các giáo dân và có thể là cả những vị Linh mục không nhận thức rõ được điều này. Mảng để tôn vinh Thiên Chúa thì đứng đầu là kinh Kính Mừng, rồi kinh Sáng Danh, kinh Nữ Vương. Mảng để thực hành đầu tiên là Kinh Lạy Cha, rồi rất nhiều kinh của các vị Thánh , điển hình là bài Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô khó khăn...

Trở lại phần trên như đã nói, Jesus là một người đạo Chúa cấp tiến. Thầy ấy gần như đã phá vỡ hoàn toàn các định kiến của thời bấy giờ. Trao quyền năng cho con người. Trong ấy quyền năng cao nhất là sự THA THỨ. " ở đất này, các người cũng có quyền tha tội cho anh em của các người ". Vậy Thầy Jesus mang màu sắc của Cựu Ước là hình ảnh Chúa Cha oai nghiêm ra để đến gần với tâm lý của dân Do Thái, và từ sự gần gũi ấy, Thầy gần như lấy hết các quyền năng của Chúa Cha mà trao cho con người. Như việc Ngài dạy các môn đệ cách làm yên biển động và gió dữ. và bảo rằng " lòng tin của ngươi đã cứu ngươi ". Theo cách nói của Thầy ấy, Chúa Cha không còn một quyền lực nào trên con người ngoại trừ sự PHÁN XÉT, THƯỞNG PHẠT , ĐỊNH TỘI... Thầy Jesus giới hạn sự tác động của nhân vật Cha trên Trời trở thành danh từ mà phương Đông, Đức Thích Ca gọi là LUẬT NHÂN QUẢ.

 " không ai đến được với Cha Thầy, mà không qua Thầy "

 Nếu chấp vào văn tự, ta sẽ hiểu lầm rằng Thầy Jesus đang đề cao chính Thầy, và tự làm quan trọng hóa bản thân. Nhưng nếu hiểu thoáng ra tức là muốn ung dung tự tại nơi Cha Thầy thì phải thực hành theo giáo lý của Thầy. Mà Giáo lý của Thầy là tình thương, là từ bi, bác ái. Như vậy, Thầy Jesus không trực tiếp giảng dạy về cách Thiền Quán Từ Bi, nhưng gián tiếp dạy về Hành Từ Bi cho các môn đệ và giáo dân của Thầy. Muốn ung dung tự tại trong nguồn máy bất tận và công bằng của NHÂN QUẢ, cách duy nhất Thích Ca nói đến là sự Tu tập, và đoạn diệt các tham đắm. Không gieo nhân nữa thì sẽ không có quả. Tức là không có tác ý. NHÂN QUẢ dẫn đến LUÂN HỒI, Bồ tát ung dung tự tại cứu khổ trong LUÂN HỒI vì Bồ tát liễu ngộ sâu sắc và tột cùng của NHÂN QUẢ.

Vậy thì lời dạy của Jesus và Thích Ca có khác không ?

Thầy Jesus tuy là người cấp tiến nhất thời bấy giờ, nhưng vẫn không thể nào giảng dạy một đạo mà ko hề liên quan gì đến Thiên Chúa. Không thể nào bảo rằng " Duy ngã Độc Tôn". Như vậy, giáo lý của Ngài sẽ bị cho là TÀ GIÁO theo quan điểm của giáo hội lúc bấy giờ. Ngài không còn cách nào khác, ngoài cách giảng dạy đã chọn. Đem con người vào một giáo lý mới, nhưng cũng khẳng định Thầy vâng lời Cha Thầy đến để truyền ban giáo lý này cho các con. Nhận là Con Thiên Chúa để giáo lý có thể được chấp nhận tuyệt đối. Thừa hưởng cái cũ, nhưng cũng đồng thời phá nát những định luật cổ xưa. Thiên Chúa không nói hai lời, nhưng tại sao giới luật cho Moise lại khác, và cho Thầy Jesus lại khác. Vì Thầy Jesus không phải đến để rao giảng về nước Thiên Chúa của ngàn xưa, Thầy đến để dạy về cách biến cõi đất này nên Thành của Thiên Chúa, và thánh hóa dân chúng trở nên một với Thiên Chúa. Cách đó ở Phương Đông, dân chúng cũng ngỡ ngàng với một học thuyết, các Phật thể tánh vốn đồng, và chúng sanh cũng đồng một Phật tánh.

Kinh Lạy Cha thật sự là một cách cầu nguyện siêu việt và vĩ đại của Thầy Jesus, đó không phải là Kinh để đọc theo kiểu tính đếm, mà là Pháp để y giáo phụng hành, thực tập sâu sắc. Kinh ấy không phải để trừ tà ma mà là cách dạy nên những người có thể trừ tà bằng đức độ, và lòng tư bi vô lượng của chính bản thân họ.

Lương thực là thứ đầu tiên được nhắc đến, nhưng tại sao không là lương thực quanh năm, lương thực dư thừa mà là lương thực hằng ngày ? hằng ngày là hiện tại, vậy Thầy Jesus quan tâm là hạnh phúc hiện tiền chứ không phải ngày mai, hôm qua và mai sau. Điều cầu xin đầu tiên không phải là giàu có, mà là sự đầy đủ. Lương thực là ẩn dụ của sự đủ đầy, no ấm và hạnh phúc. Lương thực vừa của tâm linh và thể xác. Là chiếc bánh thánh nơi bàn lễ, là chén cơm ăn mỗi ngày.  Ý thức được rằng lương thực này của Cha ban, ta sẽ hứa thọ dụng trong chánh niệm, mà đối với người phương Tây là ăn một cách trịnh trọng. Ăn hạt lúa và nhận rõ tính chất tương quan trong hạt lúa. Điều này Kinh Hoa Nghiêm nói đến, bằng hình ảnh lưới trời Đế Thích, mỗi hạt châu phản chiếu muôn vạn hạt châu. Để thấy rằng Chúa Cha không phải là một hình tượng cụ thể mà tồn tại dưới dạng những định luật thường hằng của vũ trụ. Tìm Chúa Cha theo dạng tìm kiếm cụ thể hình dáng, mắt tai mũi lưỡi chính là giết chết Chúa Cha. Nhận ra sự hiện diện của Cha qua những điều bình dị của cuộc sống. Tìm Cha qua hạt lúa, hột cơm, tiếng cười, giọt nước mắt ấy mới là lòng tôn kính Cha Thật sự. Điều đó thể hiện rất rõ ràng qua " ý CHA thể hiện dưới đất cũng như trên trời ", và Thích Ca cách đó rất lâu cũng nói rằng : các định luật chi phối cả chư Thiên và chúng sanh.

 

và tha nợ chúng con
như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

 

Kế đến là sự mặc cả của sự tha tội, Cha ơi tha tội cho con nha, vì con cũng đã tha tội cho hết thảy những ai mắc nợ con rồi. Nói là sự mặc cả, nhưng thực chất Thầy Jesus đã đồng hoá con người, nâng tầm vóc của người cầu nguyện trở nên một với đối tượng lắng nghe sự cầu nguyện. Con cũng có thể tha tội cho người khác, và Cha cũng thế. Con và Cha không phải là hai thực tại riêng rẽ. Con trong Cha, và Cha ở trong con.

Trong các Pháp quán Tứ Vô Lượng Tâm, pháp quán thứ 4 là xả. Xả là bỏ. Ở đây Tha Tội cũng gần giống với Xả, không chấp giữ. Xả là pháp quán có thể vượt thoát Sanh tử bởi không còn vướng mắt, không thương ghét, hỷ nộ ái ố. Lúc nào cũng an lạc, thanh thản. Ké khác mang nợ con, và con mắc nợ với Cha. Vậy Thầy Jesus đã cố ý xoá đi ranh giới giữa kẻ vay và người trả nơi thế gian này. Hắn nợ ta vì biết đâu trong kiếp trước ta nợ hắn và chưa trả, hôm nay hắn đến đòi lại. Không còn hình ảnh vay trả giữa hai thực thể nữa, mà là sự công bằng và toàn vẹn của NHÂN QUẢ, của Ý CHA trong từng sát na. Sự vay trả trở thành một dòng sông, không khởi điểm và cũng không kết thúc. Ai nói dòng sông có bắt đầu và kết thúc là họ đang chấp vào hình tướng và có cái nhìn thiển cận. Sông đổ ra biển, và từ biển đổ về sông. Nước sông không mất đi đâu cả, ngàn năm nay vẫn thế. Vì con nhìn thấy được tất cả đang được vận hành theo Ý CHA, nên con nguyện không nhìn ai là người mắc nợ, và không tự xem mình là kẻ đi cho vay. Con chỉ là một tác nhân trong dòng cuộn tròn của Nhân Quả, cho nên khi tự xét thấy mình không nợ ai, và không ai nợ mình ấy chính là khi hoa sen vút cao lên khỏi bùn nhơ. Vượt thoát khỏi sự trả vay vốn dĩ, vượt thoát khỏi sinh tử luân hồi ấy là lúc CHA tha nợ cho con rồi, và con về với nước CHA. Là Niết Bàn theo Thiền Tông, Cực Lạc theo Tịnh Độ và Thiên Đàng theo Kitô giáo. Nơi sự bất sanh bất diệt được hiển bày.

Thầy Jesus dạy các môn đệ tu học theo Tân Ước phải dừng cuộc đòi nợ lại. Khi người cho vay không làm công việc thu nợ nữa, thì sẽ không còn bóng dáng hay danh hiệu của kẻ vay tiền. Sâu xa hơn, không chỉ dừng lại ở hai kẻ đi vay và cho vay, hay thiếu nợ và đòi nợ. Có lẽ, Thầy nhấn mạnh hơn rằng những danh xưng của thế gian này chỉ là tạm bợ, phù hoa, như dấu chân trên sa mạc. Chúng không có thật. Thầy Tư Tế làm công việc Tư Tế, nhưng không đền thờ, không giáo dân, không Thần Linh thì chức danh Tư Tế ấy có được hiểu hay không ? Cho nên danh xưng chỉ là cách định dạng, tóm gọn tạm bợ những gì nó bao gồm. Nhà vua có còn là vua khi không quần thần, không đền đài, thành quách, dân chúng,.v.v. Vì chúng con đã nhận thấy sự phù phiếm của danh xưng, đã dừng lại cuộc trả vay bất tận nên Cha tha cho chúng con. Cha chỉ tha thứ khi nào các con hội đủ những yếu tố ấy. Mà cũng không cần có một vị Cha cụ thể để làm công việc tha tội vĩ đại ấy, chính chúng con đã được sạch rồi. Cũng hệt như pháp Sám hối của Phật giáo

“ Tội do Tâm sanh, do Tâm diệt

Tâm đã diệt, tội cũng không còn

Tội hết, tâm không, hai vẳng lặng

Như Thế mới là chơn Sám hối “

Đức Thích Ca sanh vào một thời kỳ mà Tôn giáo sản sanh ra như cỏ sau mưa, phái thờ thần Lửa, thần Rắn, thần Nước, phái Loã Thể, phái Khổ Hạnh .v.v.. Nên việc Ngài lập ra một Tôn giáo, một Triết lý mới và đánh sập toàn bộ hệ thống của các Tôn giáo khác là việc hoàn toàn có thể. Nhưng đối với Jesus, Thầy là một vị đạt được phương tiện khéo. Dùng chính những sai lệch, những thiếu sót trong Cựu Ước, và Thiên Chúa giáo nguyên thuỷ để lập nên một tôn giáo, một nền tảng triết lý khác. Ta có thể gọi là “ bình cũ nhưng rượu mới “. Chỉ cần Ngài xưng là Con Thiên Chúa thì đã bị xem là phạm thượng rồi, thì quan điểm mới của Ngài, trao quyền năng cho con người sẽ bị đối xử như thế nào ? Khi cái thấy của Ngài không đồng với tất cả các vị Tiên tri mà dân Do Thái từng ngưỡng mộ ? Con thuyền của Jesus lập nên có đủ sức để cứu chúng sanh cũng như thuyền Bát Nhã của Thích Ca. Vì chúng không khác nhau, bất nhị. Nhưng từng sắc tộc, địa điểm mà phương tiện phải thay đổi, phải linh động. Ấy gọi là “khéo ứng các nơi chỗ “ để cứu độ chúng sanh.

 

Xin chớ để chúng con sa trước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”

 

Sau khi đã dừng lại giữa dòng sanh tử, vay trả không lúc nào ngơi nghĩ. Thầy mở ra cho dân Thầy thấy rằng đối tượng tăm tối không phải là Satan, Lucifer cụ thể như Cựu Ước đã từng đề cập mà là những cám dỗ và sự dữ. Những cám dỗ kéo con người bước đi vào lại nơi cuộc vay trả, trả vay đang quay cuồn cuộn. Sức hấp dẫn của những khổ đau không bao giờ đến bằng nước mắt, héo úa và sầu muộn mà hiện ra trước mắt hành giả bằng sắc đẹp, mùi hương, đàn hát, xác thịt, ngon ngọt. CHA giữ chúng con bằng cách nào ? bằng cách cho chúng con thấy rõ BẢN CHẤT VÔ THƯỜNG của vạn pháp. Cám dỗ kéo chân con, bắt con phải sa vào luân hồi, xin hãy thể hiện sự VÔ THƯỜNG nơi những cám dỗ ấy. Đức Phật quán 3 ma nữ con gái của Ba Tuần là già nua xấu xí. Thì hôm nay, Thầy Jesus dạy môn đệ nhìn thấy ấy là cám dỗ, và khổ đau ẩn tàng dưới lớp màn của hạnh phúc, dục lạc. Nhìn thấy đó là cám dỗ, thì nó mất ngay. Nhìn thấy đó là vọng tưởng thì nó liền tan. Ấy phải chăng là pháp thiền PHẢN QUANG TỰ KỶ, quay lại tìm tâm thì chẳng thấy tâm của Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi truyền đạo sang Trung Quốc ? Sự dữ là những ác nghiệp, cứu khỏi sự dữ là mang chúng con đi khỏi những ác nghiệp. Bằng cách nào ? Là dạy chúng con ác và thiện nghiệp cũng đồng một bản chất là NGHIỆP. Cha đã dạy chúng con dừng gieo hạt mầm của nghiệp báo lại rồi thì sự dữ ấy không còn đến được nữa. Bản dịch Tiếng Anh là “ Deliver us form evil “. Deliver nghĩa là mang ra khỏi, vượt thoát khỏi. Có lẽ hiểu bản Tiếng Anh sẽ sát với ý nghĩa hơn và dịch sang Tiếng Việt. Từ “ Cứu” thường bị hiểu lầm như từ “cứu” trong Phật giáo. Người ta hay hiểu “cứu” cũng giống như gà mẹ thấy gà con bị diều quạ tấn công liền dương đầu với diều hâu quạ dữ. Nhưng trong bài Kinh này, và trong các kinh điển Phật giáo, “cứu” được phát khởi từ Tâm Bi… Bi là mong muốn cứu thoát chúng sanh đang lâm nạn, sự mong muốn ấy phát triển đến một mức vĩ đại cao tột thì gọi là Đại Bi, và Đại Bi nên khéo ứng các nơi chỗ. Ứng nơi chỗ không phải để cứu theo cách của Thế gian, mà là mang lại Pháp môn thích hợp để cứu thoát. Như Ngài Địa Tạng độ thoát chúng sanh khỏi Địa Ngục… ta có thể dịch thành :” He can deliver Souls of Dead from Dell “. Độ thoát không phải là mang đi mà là trao cho phương tiện để có thể TỰ THÂN vượt thoát. Thầy Jesus từng bảo “ Chính đức tin của ông đã cứu ông “. Đó chính là ý nghĩa của cả câu “ cứu chúng con khỏi mọi sự dữ “, tức là hãy “hãy trao cho con Chánh pháp đặng con độ hết mọi đau khổ nơi thân tâm này”.

Điều đáng lưu ý là đối với những cám dỗ lại dùng cụm từ “giữ cho khỏi sa” , và sự dữ thì “ cứu khỏi “. Có thể Thầy Jesus quan niệm rằng cám dỗ là một đối tượng để quán chiếu. Dục lạc là một đối tượng khá thú vị cho hành giả quán chiếu về sự vô thường của xúc cảm nơi thân. Nên có một số người nói rằng “ tu mà không diệt được dục thì không phải tu “… Ta không dấn thân vào Địa Ngục thì ai sẽ vào giúp ta đây ? dấn thân vào Địa ngục là hành động điềm tĩnh, an nhiên trước cám dỗ, dùng trí tuệ rộng lớn mà nhận thấy được bản chất của vấn đề. Thân này huyễn hoặc, do duyên hợp tạo thành thì có “sa “ trước cám dỗ không ? Tuyệt đối là không. Nhưng phải “giữ”, Cha phải “giữ “con. Đó là sự duy trì chánh niệm cho miên mật, cho liên tục. Không phải cứ nhận được chân tướng của cám dỗ một lần là sẽ thoát được đó, lúc nào cũng phải cảnh giác, phải nuôi lớn chánh niệm hằng ngày. Khi con cầu nguyện thì con không gục ngã. Khi con ngồi Thiền, trì Chú, Niệm Phật thì chắc chắc con vượt khỏi lục trần. Nhưng trong đời sống hằng ngày, con phải làm thế nào để phát huy được hạt giống con đã gieo trong những giờ hợp ý cùng Cha, những thời công phu sáng chiều. Phải phấn đấu sống chánh niệm suốt 24/24 mỗi ngày. Và câu nói, “cha ơi giữ gìn con nhé !” là một câu nói rất dễ thương, và êm dịu. Khi đứa con nhờ Cha giữ gìn vì nó sợ những lúc nó quên lối về, thì lúc ấy nó đã thắp được mặt trời chánh niệm mà bước đi rồi…

 

Ta có thể kể lại chuyện Thầy Huệ Khả cầu đạo với Ngài Bồ Đề Đạt Ma

-         Thầy ơi, tâm con không an lành, xin Thầy giúp con

-         Vậy, con đem Tâm ra xem nào ?

-         Ơ hay, con không tìm được tâm con

-         Vậy là Thầy đã an tâm cho con rồi đấy !

Và câu chuyện giữa người Kitô hữu với Thiên Chúa :

-         Chúa ơi, xin giữ con khỏi sa cám dỗ, và giúp con thoát khỏi những sự dữ

-         Vậy, con hãy mang cám dỗ và sự dữ ấy ra cho ta xem nào ?

-         Con không làm được, chúng không hiện hữu.

-         Vậy, Cha đã giúp con rồi đấy !

Ta gọi dục lạc, gọi sắc thanh hương vị xúc pháp là những cám dỗ, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục là sự dữ. Nhưng bản chất của chúng vốn không thật, quay lại tìm thì chúng biến mất ngay. Vậy chỉ cần con canh phòng cẩn mật, hệt như lúc con quay lại tìm Tâm, hay tìm cám dỗ và sự dữ thì con sẽ được an lành.

Trong một bài Kinh  rất ngắn, Thầy Jesus hiển bày 3 pháp môn tối thắng của Phật giáo là HIỆN PHÁP LẠC TRÚ, QUÁN TỨ VÔ LƯỢNG TÂM, và TRỰC CHỈ NHÂN TÂM KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT. Những điều ấy chứng minh rằng, những phép quán ấy không thuộc riêng về Phật giáo, không phải do công của Đức Thích Ca sáng tạo nên. Đó là chân lý hằng hữu trong vũ trụ này, chỉ cần thắp đèn trí tuệ thì có thể thấy được “ Tận hư không biến pháp giới, quá, hiện , vị lai chư Tôn Pháp thường trú trong mười phương “. Những điều to lớn, khó tin ấy hoàn toàn có thật. Và Thầy Jesus cũng là một trong vô số hoá Phật đã diễn bày,và tuyên dương Chánh pháp giữa cõi Ta Bà này.

 

Cao Hồng Ân.

IP IP Logged
Trang  of 2 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.169 seconds.