Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình Tuổi Trẻ
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Tuổi Trẻ Gò Công :Tâm Tình Tuổi Trẻ
Message Icon Chủ đề: Câu thơ về lợn Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
6cauhuyen
Newbie
Newbie
Avatar

Tham gia ngày: 29/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 18
Quote 6cauhuyen Replybullet Chủ đề: Câu thơ về lợn
    Gởi ngày: 20/Nov/2008 lúc 7:42pm
 
 

Lợn,  heo, là gia súc thân cận và thân thiết với  người, nhất là con người thôn dã Việt Nam, từ vài ba ngàn năm nay, nhưng ít xuất hiện trong văn thơ, nghệ thuật. Nó tham dự thường xuyên vào văn hóa loài người, nhưng không đi vào biểu tượng, có lẽ vì hình dáng và lối sống lè tè, « không nghệ thuật », không thuận theo những quy ước trong tâm thức cộng đồng. Cảnh Lợn Đàn hay Lợn ăn cây Dáy  trong nghệ thuật dân gian Việt nam, tranh Đông Hồ, là một biệt lệ.

Trong trí nhớ của tôi, câu thơ về lợn, hay và tha thiết nhất có lẽ là của Nguyễn Khuyến trong thơ gửi bạn :

Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu
Lụt lội năm nay bác ở đâu ?
Mấy ổ lợn con rày lớn bé,
Vài gian nếp cái ngập nông sâu ?

Lời thơ ân cần, đằm thắm, chân thật và chân tình. Thật ở những lo lắng cho nhau,  thiết thân trong sinh hoạt bấp bênh ở nông thôn trước thiên tai. Và tình ở niềm tưởng nhớ, vừa thực tế vừa vu vơ. Hỏi « bác ở đâu » là vì vắng nhau, nhớ nhau chứ không phải vì không biết. Hỏi « lớn bé, nông sâu » không phải là thắc mắc thật sự, mà chỉ bày tỏ không gian và thời gian nhung nhớ. Về mặt đối ngẫu : đem « con » đối « cái » là tuyệt vời. (Cũng có người cho rằng Nguyễn Khuyến chế giễu bạn Bùi văn Quế, người Châu Cầu, huyện Thanh Liêm, Hà Nam, là địa phương chuyên nuôi lợn sề, bán lợn con, và nấu rượu, trữ nếp cái. Nhưng  chắc không đúng).

Trong thơ Nguyễn Khuyến còn có thịt lợn ngày ông Lên Lão :

Anh em hàng xóm xin mời cả
Xôi bánh trâu heo cũng gọi là

Và đặc biệt ngày Tết :

Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng
Ngoài cửa bi bô rủ chung thịt

Ở thôn quê ngày áp tết nhiều nhà chung tiền mua,  rồi chia nhau một con lợn ; hàng xóm nghèo cũng được một phần nhỏ, có khi là phần mỡ bạc nhạc. Nhưng nhà nào ngày Tết cũng có chút thịt để thực hiện câu ca dao :

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh

Đoàn văn Cừ ( 1913-2004) tả mâm giỗ ngày Tết

Thịt lợn đầy mâm thái miếng to

Tục chia thịt ở nông thôn ta chỉ là một công việc thực dụng, không nghe nói đến nội dung tượng trưng nào, như tục giết lợn ở Âu châu, mùa đông chung quanh ngày Tết dương lịch ; phong tục này có tính cách tế sinh, vừa nghi thức vừa cuồng bạo, một truyền thống mang nhiều ý nghĩa tiềm ẩn mà giới phân tâm học đang quan tâm.

Nguyễn Khuyến còn có câu đối nổi tiếng,  làm cho một hàng thịt lợn :

Tứ thời bát tiết canh chung thủy
Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang

Dịch nôm :

Bốn mùa tám tiết lòng chung thủy
Bờ liễu non bồ dục điểm trang.

Bồ và liễu là tên cây, họ dương, tượng trưng cho người phụ nữ thướt tha, yểu điệu. Đặc sắc là câu đối chữ Hán mà lại có được « bát tiết canh » đối với « đôi bầu dục » áp dụng cho hàng thịt lợn. Câu dịch nôm như trên chỉ làm lếu láo chiếu lệ, dù cố « vớt vát » cũng không sánh được với cách chơi chữ tài tình của Nguyễn Khuyến

Trong phong tục ngày Tết, con lợn đóng vai trò thiết yếu, như qua câu đố về cái bánh chưng :

Ruộng xanh mà trồng đỗ xanh
Trồng nếp trồng hành, rồi thả lợn vô

Hay nhất trong câu là từ « ruộng », chữ Hán là « điền », hình vuông vắn và chia tư như cái bánh chưng xanh mướt.

Thịt mỡ đi với dưa hành, vì hành làm tiêu chất mỡ ; do đó dân gian có câu :

Con gà tục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng

Lợn sống gần gũi với người, chuồng lợn thường tiếp giáp với chái bếp, để tiện bề chăn sóc. Lợn là nguồn lợi của gia đình, là nhiệm vụ của người phụ nữ, nên có câu ca dao đùa vui dí dỏm :

Đương khi lửa tắt cơm sôi
Lợn kêu con khóc, chồng đòi tòm tem !
Bây giờ lửa đã nhóm lên,
Lợn no con ngủ tòm tem thì tòm.

Và có tục ngữ :

Gái không biết nuôi heo là gái nhác
Trai không biết nuộc lạt là trai hư

Lại còn ca dao :

Nuôi lợn thì phải vớt bèo,
Cưới vợ thì phải nộp cheo cho làng.

Nữ sĩ Anh Thơ (1921-2005) trong Bức tranh Quê (1941) khi tả cảnh sáng sớm trong một gia đình  nông thôn, đã kết hợp lợn với bèo:

Người dậy cả, bà già lần thổi bếp,
Thằng cu con dụi mắt quét quàng sân.
Cùng trong lúc gà lồng kêu chiếp chiếp
Và lợn chuồng ủn ỉn dục cho ăn

Bên ao nước, bèo chen rau muống nổi,
Mẹ và con xắn váy cúi khom, và
Người vớt bèo, người khều rau, hái vội,
Vì trên đường lên chợ đã người qua.

Con lợn  khi sống, thì gần gũi với người phụ nữ, khi chết còn đóng góp vào hạnh phúc  lứa đôi, qua hôn lễ

…Mai mốt lấy chồng, anh sẽ giúp cho :
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm,
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo…

Do đó không cứ gì ở Việt Nam mà còn trên nhiều nền văn hóa khác, lợn cũng đóng vai trò quan trọng.

Từ điển Robert Văn Hóa, 2005, đánh giá : vai trò này là quan trọng hàng đầu trong đời sống xã hội, trước khi nông nghiệp được cơ giới hóa tại Âu châu. Tại Trung Quốc, chữ  « gia »  là  nhà  hội ý từ chữ « thỉ » là heo, đội một mái ngang, là bộ « miên ». Không nên hiểu đơn giản, là người Tàu ngày xưa đồng hóa ngôi nhà với chuồng lợn ; nhưng nhất định là có tương quan giữa con lợn và văn hóa loài người, trong thực tế và trong tâm thức.

Nhưng dường ngày xưa lợn được thả rong. Phùng khắc Khoan, 1528-1613, đã ghi lại trong Đào Nguyên Hành  làm giữa thế kỷ 16 :

Trâu, bò, gà,, lợn, dê, ngan,
Đầy lũ đầy đàn rong thả khắp nơi

Các nơi khác cũng vậy thôi. Trong Quốc văn giáo khoa thư, 1926, tôi vẫn nhớ bài tập đọc lớp Tư mang tên Truyện ngươi Thừa Cung, chăn lợn và hiếu học, cứ mỗi khi lùa lợn qua tràng, có tiếng giảng sách, thì đứng lại nghe. Về sau được thầy cho học, trở nên học trò giỏi và nổi tiếng. Ở Pháp, lợn được thả rong tại ngay thủ dô Paris, cho đến năm 1131, gây tai nạn lưu thông, làm thiệt mạng con vua Louis le Gros mới bị cấm. Ở Hy Lạp thời thượng cổ, theo trường ca Odyssée của Homère, lợn được nuôi đại trà và thả rong. Nhà thơ Nhất Uyên đã diễn ca trọn bộ 12110 câu :

Mười hai dãy trại cao nền
(…) Năm mươi lợn nái nằm dài chờ sinh
Lợn nọc chăn dắt ra đồng
Ba trăm sáu chục lợn con chạy cùng
Trong sân năm sáu chó săn
Dăm người phụ trại lo ăn, quét chuồng

Đoạn thơ nhắc lại truyền thuyết nàng Circé, phù thủy tóc vàng, có bùa phép biến hóa người thành lợn. Truyền thuyết chứng tỏ người và lợn thời đó sống thân cận nhau.

 

*

 

Tuy nhiên, ngay thật mà nói thì con lợn, con heo, không phải là một hình tượng văn học thông thường ; muốn tìm ắt phải có, nhưng phải cố công, chứ tự nhiên thì ít ai nhớ.

Con lợn đã xuất hiện rất sớm, từ những bài thơ quốc âm đầu tiên, như của Nguyễn Trãi :

Dài hàm, nhọn mũi, cứng lông,
Được dưỡng vì chưng có thửa dùng
Ý nói : nuôi chẳng qua chỉ để ăn thịt
Tiện chẳng hay bề biến hóa

Đào Duy Anh giải thích : con lợn là giống bần tiện, chỉ nằm mà ăn, không biết biến hóa. Ưng hay oan ? Nguyễn Trãi có ý ấy không ?

Trương hai con mắt, lại xem rồng.

Vẫn một lối giải thích : tuy lợn không biết biến hóa, nhưng người ta dùng thủ lợn luộc để cúng thần, thì nó lại trương hai con mắt, « thao láo như mắt lợn luộc » mà nhìn rồng trên bàn thờ thần, là loại giỏi biến hóa.

Đây là một bài thơ bát cú nhưng thiếu câu sáu nên chúng tôi không trích toàn văn. Cặp 3, 4 cầu kỳ :

Lỗi hòa đàn, tinh Bắc Đẩu
Lang một điểm, thụy Liêu đông

Trần văn Giáp giải thích : theo sách Tạp trở, đời Đường có vị thiền sư Nhất Hàng giỏi thuật số, muốn cứu một can phạm, đã bầy mưu : xem vườn nào có nuôi giống vật gì có bảy con thì bắt cả về. Người tù bắt được một ổ lợn mang đến. Nhất Hàng nhốt cả bảy con vào một cái ống rồi bịt lại. Thế là chòm sao Bắc Đẩu không mọc. Vua lo sợ vời đến vấn kế. Nhất Hàng khuyên nên làm đại xá. Vua nghe theo và người tù được tha. Nhất Hàng thả lợn ra, Bắc đẩu lại mọc.

Câu sau có nghĩa : ở Liêu Đông hiếm có lợn lang đầu, nên được xem là « thụy », nghĩa là điềm lành, có người mang lên dâng vua. Đi đến  Hà Đông, thấy đầy cả lợn lang đầu, bèn thẹn và lui về.

Điển cố cầu kỳ như vậy, tác giả dù uyên bác như Nguyễn Trãi, e cũng phải vắt óc mới tìm ra chứ không phải đến tự nhiên như khi tả cây chuối, lá chuối :

Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem

Nói khác đi và nôm na : tả con lợn thì dù cho đến Ức Trai có khi cũng phải bí ! Ngoài việc  tả lợn ăn ngủ, đẻ đái, khó còn chuyện gì khác để làm thơ. Vì như vậy, trong thơ văn ít thấy lợn.

Nhà thơ Ngô văn Phú,  bậc chánh tổng trong làng thơ thôn dã, trong ba bốn trăm bài thơ tả làng mạc, chỉ một lần tả con « lợn ủn ỉn » nhưng là ở một «  chợ ven đê » (1984). Huy Cận --hay cả Phùng Cung-- tả rất kỹ cảnh thôn dã với nhiều gia súc mà không hề đụng đến con heo. Có lẽ do thành kiến ăn sâu vào tiềm thức, như Đào Duy Anh đã giải thích : « Lợn là giống bần tiện, chỉ nằm mà ăn không biết biến hóa », không lao động, không săn bắt như mèo chó, không bươi chải như gà vịt.  Chưa kể lợn còn vô kỷ luật qua câu tục ngữ « lợn ở trong chuồng, thả ra mà đuổi » ; lợn sổng chuồng thì khó mà bắt lại. Đã vậy, ngày nay lợn còn chịu thêm  tiếng thị phi , là diễn phim kích dâm, hủ hóa.

Lợn có đóng góp thân xác cho đời, âu cũng là việc tiêu cực ngoài ý chí.

IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.174 seconds.