Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Trường Trung Học Gò Công Hay Trường PTTH Trương Đinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Trường Học Gò Công :Trường Trung Học Gò Công Hay Trường PTTH Trương Đinh
Message Icon Chủ đề: TÔI HỌC KHÓA 5 Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
thylanthao
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 02/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 1051
Quote thylanthao Replybullet Chủ đề: TÔI HỌC KHÓA 5
    Gởi ngày: 29/Jun/2007 lúc 7:51pm

Tôi học khóa 5

       Trường Trung Học Công Lập Gò Công             

                                                                        -*-

                                    - Thành kính biết ơn quý Thầy Cô đã dạy dỗ tôi suốt 7 năm trung học

                                    - Thương nhớ bạn bè cùng khóa đã từng chia xẽ buồn vui

                                    - Thương nhớ Gò Công , nơi chôn nhao cắt rún nay cách xa ngàn dặm

 

            Bây giờ ngồi đây viết lại những ngày còn đi học dưới mái trường trung học công lập Gò Công, tôi thấy đây là một việc làm tương đối khó với tôi vì với một khoảng thời gian tương đối dài, hoàn cảnh sống trong xã hội có nhiều thay đổi cũng như cuộc sống của cá nhân tôi đã phải trải qua nhiều khúc quanh theo từng khúc quanh của thời cuộc. Tôi rời trường trung học Gò Công sau niên khóa 1965- 66, tôi là học sinh khóa 5 của trường và là học sinh lớp đệ nhất khóa thứ 2 .

            Một khoảng thời gian hơn 8 năm trong lao tù Cộng Sản và gần 9 năm sống trong xã hội Cộng Sản sau lao tù đã một phần nào ảnh hưởng đến trí nhớ của tôi, nhưng lòng thiết tha với ngôi trường đã cho tôi một vốn liếng kiến thức căn bản, lòng quý trọng quý thầy cô đã bỏ nhiều công sức dạy dỗ tôi, lòng thương nhớ bạn bè đã từng kề cạnh suốt 7 năm trường, tôi cố gắng ghi lại những gì tôi còn nhớ, dĩ nhiên không thể nào không có sự thiếu sót, nhầm lẫn ....

            Tỉnh Gò Công là một tỉnh lỵ nhỏ nhất của nước Việt Nam Cộng Hòa, nếu là quận lại là một quận lỵ lớn nhất, Thời Tây là tỉnh, thời đệ nhất cộng hòa là quận lớn nhất của tỉnh Định Tường, đệ nhị Cộng Hòa trờ lại thành tỉnh, sau ngày trời sập, tỉnh Gò Công trở thành hai Huyện thuộc tỉnh Tiền giang, bây giờ là thị xã Gò Công với hai huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây thuộc tỉnh Tiền Giang, Tỉnh nhỏ dĩ nhiên trường học cũng nhỏ, Trường Trung Học Gò Công sinh sau đẻ muộn ,năm 1960 mới có mặt trên danh hiệu và phải một hai năm sau mới thực sự có cơ sở trường ốc riêng biệt

            Trước đây chữ khóa chỉ được dùng cho các khóa học quân sự hoặc hành chánh, chữ khóa không dùng trong trường học, nếu một người tốt nghiệp khóa 21 Thủ đức gặp một người tốt nghiệp khóa mười  thì biết người nầy là khóa đàn anh mà không biết chính xác về nhiều chi tiết khác, Thầy Nguyễn Văn Ba giáo sư Văn chương trường là người đầu tiên sử dụng chữ khóa để chỉ danh, xác định những học trò cũ đến thăm thầy, sau nầy nhiều người thấy tiện nên dùng rồi quen. Muốn biết mình học khóa nào thì lấy năm thi tú tài phần 2 trừ cho năm 1961... Thí dụ như tôi học khóa 5 gặp một người đồng hương học khóa 16 chẳng hạn, tôi biết ngay anh nầy học sau tôi 11năm và cũng nhỏ hơn tôi trung bình 11 tuổi .

            Trước khi trường Trung Học Gò Công ra đời, tỉnh Gò Công có trường tư thục Khai Trí do Ông Hiệu Trưởng Bùi văn Tuấn sáng lập, chỉ là một trường đệ nhất cấp nhưng cơ sở cũng khang trang sinh hoạt thể thao cũng có hội banh riêng và hai trường tư thục khác là trường Thăng Long và Trường Huỳnh Phước.Tỉnh Gò Công là một tỉnh nghèo, xứ đồng chua nước mặn, làm ruộng đủ ăn đã là may, một số ít sống nhờ vào biển là các làng dọc theo duyên hải, cũng như vài làng sống nhờ huê lợi vườn tược như Vĩnh Lợi, Vĩnh Hựu ...Để vươn lên khỏi cảnh nghèo đói, dân chúng thường cho con em ăn học mong đổ đạt hầu thay đổi đời sống, vị trí trong xã hội ... Việc học hành phải lên tận Sài Gòn hoặc Mỹ Tho, thật nhiều tốn kém và khó khăn, tuy nhiên gia đình nào trì chí thì con em đa số đều đạt được sở nguyện, ít ra cũng tạm đủ nuôi thân ...

            Cả tỉnh Gò Công năm tôi thi đệ thất chỉ tuyển có 100 nam và 50 nữ với số dự thi là 1.500 thí sinh, một cuộc đọ sức hào hứng nhưng quá gai go, các học sinh lớp nhất thường dự thi chỉ để lấy kinh nghiệm vì tại trường Nam Tiểu học tỉnh lỵ có 2 lớp Tiếp liên do Thầy Nhàn phụ trách, 1 lớp sáng và một lớp chiều, một trăm trò lớp tiếp liên cũng là thành phần gạo cội của đám thí sinh vừa rớt đệ thất, phải qua một kỳ thi mới được vào học 2 lớp tiếp liên nầy,Bên trường nữ tiểu học cũng có một lớp tiếp liên do cô Ngô Tuyết Huệ phụ trách, ngoài ra còn lớp tiếp liên bán công do Thầy Tạo phụ trách, một vài xã có lớp luyện thi đệ thất nổi tiếng như lớp nhứt thầy Tám Đủ ở Tân Phước, Thầy Xuyên ở Hoà Nghị, Thầy Chương ở Tăng Hòa , Tại trường nam tỉnh lỵ có 7 lớp nhất của 7 ông thầy đầy kinh nghiêm đó là Thầy Bích, Thầy Sắc, Thầy Ngọc, Thầy Lượng, Thầy Thức, Thầy Đạt, Thầy Sấm .

            Lớp tiếp liên chỉ học các môn thi( toán, luận văn, câu hỏi thường thức ), còn lớp nhất phải học các môn phụ khác như Hoạt Động thanh niên , thủ công, vẽ, nhạc, pháp văn, thể dục, đức dục ... các lớp nhất trong làng xã nhiều Thầy cô đã vu vi bỏ các môn phụ, Số học sinh thi đậu vào đệ thất cũng là sự đánh giá khả năng của phụ huynh đối với ông thầy... Trong lớp nhiều thầy chỉ lo rèn những học sinh có khả năng, trò nào dở quá ... cho dở luôn với hy vọng có tỷ số đậu cao vào đệ thất ...

            Trong giảng khóa chính thức, nhiều Thầy đã mở lớp luyện thi tại tư gia, một hai tháng hè trước ngày thi lớp luyện thi đệ thất được mở ra khắp nơi, Chính thức dạy tại trường Nam Tiểu học là thầy Nhàn. thầy dạy miễn phí cho học sinh lớp tiếp liên của thầy, còn những vị khác thì dạy tại tư gia. Tôi học lớp nhất với Thầy Ngọc, Ông thầy trẻ có bằng đíp lôm thời đó có tiếng là dạy giỏi, năm tôi học Thầy mới cưới vợ, Thầy có nhà riêng là một căn phố sát bờ sông trong dãy phố ở Kho Muối bên kia con lộ là xóm nhà cháy ( Trận hoả hoạn lớn nhất tỉnh thời đó )... Thầy dạy mỗi đêm 2 giờ chủ yếu là luyện toán, lớp đêm được hình thành tại bàn ăn nhà sau của thầy, học sinh đa số là học trò lớp thầy , có 2 trò nữ, một là trò Lê Kim Vun, em thứ 10 của thầy và trò Nguyễn thị Hồng em gái của trò Nguyễn văn Thắng ( hổn danh là Thắng Chín Tý ) nhà ở xóm Cỏ . Những trò khác là Võ Hiếu Để , Trò Út , Trò Cường chung lớp nhất với tôi , Trò Nguyễn Hồng Điệp ( tiếp liên bán công ) Trần Thành Kỉnh ( tiếp liên thầy Nhàn ) Tiêu Thái Diện ( tiếp liên )... Mỗi tháng thầy thu 30 $  Riêng với tôi Thầy không lấy tiền vì Thầy là bạn với anh tôi .Thuở đó tôi đóng tiền thầy không nhận tôi chỉ biết cám ơn mà sau đó không biết mua quà biếu thầy bây giờ nghĩ lại thấy còn mang nợ rất nhiều của thầy ( Nợ tiền nợ bạc còn dễ trả chứ nợ khai tâm rất khó trả ). Trong lớp đêm nầy người học trò giỏi toán nhất là trò Nguyễn văn Thắng, bài toán nào thầy chép đề xong thì trò là người nộp bài đầu tiên và dều trúng cả ... Trò còn dư giờ chỉ cho em gái là trò Hồng ... Học tài thi mạng năm đó trò Thắng rớt phải làm lại giấy khai sinh tên Nguyễn văn Hai, vào Tăng Hòa thọ giáo Thầy Chương và đậu vào khóa 6, trong cuộc chiến vừa qua Thắng đã mất tích trên chiến trường Miên với màu áo Sư Đoàn 9.

            Thầy Ngọc bận chuyện phải đi Sài Gòn , lớp đêm giải tán, Ba tôi dẫn tôi vào trường xin với Thầy Nhàn cho tôi học lớp luyện thi cuả thầy ... Trong tình đồng nghiệp và cũng là chỗ quen biết với Ba tôi, Thầy Nhàn nhận lời, tôi vào trể nên ngồi bàn chót, phòng học nằm trong dãy trệt sát gần kỳ đài,phòng lớp nhì của thầy Núi .

            Thầy Nhàn dạy toán và luận văn, tôi còn nhớ đề luận tự học sinh ra đề, với điều kiện đề không có trong bất cứ quyển sách luận văn nào . Thầy mang bài về nhà chấm, hôm sau thầy sẽ đọc cho cả lớp nghe một vài bài luận văn hay. Tôi còn nhớ bài luận đầu tiên tôi tự ra đề như sau:

            " Buổi trưa trời nắng, trò hãy tả lại cảnh phu lục lộ làm đường mà trò đã chứng kiến "

            Hôm sau Thầy Nhàn gọi tôi đứng lên và nói với cả lớp

            - Các trò lắng nghe, học lớp nhất mà trò nầy viết được bài luận như thế nầy ... Cũng hôm đó thầy có đọc bài của trò Dương lập Phủ, trò Phủ gốc người Kiểng Phước, tả cảnh bắt ếch trong một đêm mưa .

             Thế rồi ngày thi đệ thất cũng đã đến. Buổi sáng hôm ấy, thành phố Gò Công có một sinh hoạt khác hẳn bình thường, dân chúng các làng dẫn con em ra tỉnh dự thi, khăn nón, cơm đùm đứng tụ quanh trên các con đường trước trường nam và Trường nữ tiểu học nơi đặt hai trung tâm thi chánh của khoa nầy, Trên mỗi nét mặt của từng phụ huynh, người ta nhìn thấy được sự ưu tư lo lắng. Ở thời điểm nầy đây là một kỳ thi hết sức quan trọng, trước tiên là con em đi học được miễn phí suốt 7 năm liền, sau nữa là học trường công dù sao cũng ...dễ nên người hơn                       .Phòng thi của tôi nằm trong trường nhà đèn phòng giữa dãy cạnh bờ sông( phòng mà thời tiểu học, tôi học lớp ba B với cô Sáu Nghĩa). Buổi sáng thi luận văn và câu hỏi thường thức ... Bài luận đối với tôi tương đối dễ " "Trò đã làm một việc thiện .Hãy kể lại .Tôi làm bài với cảm giác dễ dàng nên tan trường đã ra về trong tâm trạng hân hoan thư thái. Buổi chiều thi toán. Đề toán gồn 2 bài một bài toán phụ và một bài toán chánh ... Bài toán chánh là bài toán về động tử " một người khởi hành bằng xe đạp từ Vũng tàu lúc 8 giờ sáng đi về Sài Gòn với vận tốc 23 km/giờ....Sau một giờ khởi hành thì xa đạp bị bể bánh, phải ngừng lại vá xe mất 15 phút. Cũng lúc 8 giờ một chiếc xe đò chạy từ Sài Gòn ra Vũng Tàu với vận tốc trung bình 54km/giờ . Hỏi hai chiếc xe sẽ gặp nhau vào lúc mấy giờ, điểm gặp nhau cách Sài Gòn bao nhiêu km

            Tôi làm toán cũng thấy dễ dàng như đã từng làm trong lớp, thầy Ngọc đã ra biết bao đề toán về động tử nầy, nhưng khi rời phòng thi mới biết trật bài toán chánh ... Bài luận dù viết dễ dàng với câu hỏi thường thức thuộc nằm lòng vẫn thấy khó qua được kỳ nầy vì đây là kỳ thi tuyển.

Tôi còn nhớ quý thầy gác thi có lẽ từ các trường làng về nên trông rất lạ, buổi sáng thi luận và câu hỏi thường thức trời nắng rất đẹp, tôi làm bài xong trước giờ, rảnh rỗi dò lại bài ... nhìn ngó mong lung ra sân trường ... Tôi nhìn thấy giám thị hành lang đi đi lại lại ... đều là những vị giáo sư dạy trường trung học mà hầu hết tôi đều biết tên như quý Cô Hồ ngọc Lệ, Trần Thành Mỹ, Giang thị Hạnh, Nguyễn Kim Hoa, Quý Thầy Trần Văn Kỳ, Nguyễn Văn Ba, Võ Văn Đài, Đoàn Huy Oánh , Vũ Ngọc An, Lê Quý An, Đào Vũ Thân  ...Buổi chiều thi toán xong, tan trường thi trời chuyển giông rất mạnh, Cây đa trước trường nữ và hàng me trên đường Gia Long trước ty Tiểu học đều bị gió đùa lả ngọn, lá me rơi bay đầy đường, bám trên áo, vương trên tóc người đi đường, tôi bước ra cổng trường thi với lòng thật buồn trên con đường trải đá xanh trước trường nữ công ... bụi cuốn mịt mù, quẹo qua đường Gia Long rẽ mặt trước Bưu Điện về hướng Cầu Huyện , tôi bước đi chậm chạp dù trời đang chuyển mưa giông .... Hay không bằng hên, kết quả chấm đậu một trăm trò nam, không có tên tôi, vớt thêm 5 trò tôi đứng hạng 103 đồng hạng với trò Võ Hiếu Để và trò Trần Văn Bán,Lớp nhất C của Thầy Ngọc đậu 5 trò có trò Trần Văn Tâm nhà gần ao trường đua, thường phải cắt cỏ cho ngựa ăn sau giờ học, đậu hạng khá cao )... Một kết quả rất khả quan lúc bấy giờ đối với học trò lớp nhất.Riêng lớp đêm luyện thi của thầy chỉ rớt có mấy trò là trò Út, Thắng, Cường ...

Thủ khoa là trò Trương văn Xệ học sinh lớp tiếp liên Thầy Nhàn, bên nữ là trò Trần Thị Phát ái nữ của thầy giáo Trần văn Đẩu. Đặc biệt là hai trò đậu thủ khoa bằng Tiểu học của hai trường Nam và nữ là trò Đổ văn Vân ( học trò thầy Sắc ) và trò Nguyễn Thị Hiếu đều không có tên ( và cả hai cùng đậu vào đệ thất năm sau ) Tất cả thí sinh trúng tuyển chỉ có 3 trò là người miền Bắc đó là Trò Thanh con trai của Ông xếp bắc Cầu Nổi , Trò Hoàng Mạnh Hùng Cường con của Ông Hoàng mạnh Hùng là cháu của Thầy Vũ Ngọc An, trò nầy là học sinh tiểu học Sài Gòn theo thầy An về Gò Công thi đệ thất nên trò chỉ học có một năm là xin chuyển trường về Sài Gòn, Bên nữ trò Uông Từ Mỹ là ái nữ của Ông Uông văn Cần, Trường ty Công Chánh .Ngoài ra còn có trò Hùynh kim Cúc ( Cúc tóc vàng ) Gốc nguòi Hòa Nghị nhưng có mẹ là người Bắc .Nguyễn Hồng Điệp có ba gốc người tỉnh Nghệ An.

Tôi còn nhớ khi Thầy Xướng danh thủ khoa( kết quả thi được đọc tại trường nam tiểu hoc, thầy xướng danh đứng trong cửa sổ phòng đầu, phòng lớp nhất thầy Lượng), nhiều phụ huynh trầm trồ bàn tán , Một ông bác có đầu tóc ( Sau nầy mới biết là ba của trò Huỳnh Công Hiệp ở Kiểng Phước ) vừa cười vừa nói :

 - Ý là Xệ mà còn đậu hạng nhất chớ phải Săn thì còn đậu cao nữa . Tôi nghe một ông bác đầu đội nón nỉ xám trả lời :

- Săn với Xệ gì anh , đậu hạng nhất rồi còn hạng gì cao hơn nửa hổng biết . ( Kỳ Thi đệ thất năm sau tôi cũng có đi xem kết quả, trên đường về tôi đi sau một phụ huynh và đã được nghe :

- Người ta là Chơi ( Trò Nguyễn văn Chơi đậu thủ khoa , sau nầy là sỹ quan khóa 25 võ bị ) mà đậu hạng nhất, Tao đặt mầy tên Siêng mà trợt vỏ chuối )

Rồi ngày khai trường cũng tới ( Niên khóa 1959-1960), Năm đó trường chưa bắt học sinh mặc đồng phục, tôi mặc quần tây dài áo sơ mi trắng may ở tiệm may Chí Thành, chiếc cặp da cũ truyền đời của người chị thứ Sáu đang học khóa 2 cùng trường, đi giày săn đal đặt ở tiệm Tân Tiến, Tôi đi cùng với chị tôi đến trường, nữ mặc áo dài trắng còn nam sinh thì đủ kiểu, quần dài cũng có mà sọt cũng có, thường mang săn đal, dép nhựt, hay giày ba ta trắng ... vải quần tây thời đó sang thì đạc rông, ọt lông, thường là kaki xanh, vàng hoặc trắng .

Mỗi học sinh phải mua ít nhất một huy hiệu trường làm bằng kim loại ( hình mặt trời mọc có khắc tên trường ) có kim gài phía sau, nam gắn trên miệng túi áo , nữ trên hò áo ( sau nầy phù hiệu làm bằng vải. học sinh phải may dính hẳn vào áo )

Lúc bấy giờ trường trung học mới chỉ có ba dãy hình chữ U , hai dãy song song  mỗi dảy có 3 phòng, một dãy ngang có 5 phòng, giữa là một kỳ đài với cột cờ khá cao, trường đang xây cất thêm văn phòng phía trước. Hai lớp đệ thất nam học tại nhà xe của dinh Tỉnh Trưởng ( lúc đó là Quận ) đối diện bên kia đường, Sân trường mới trồng mấy cây lim cao khoảng hơn thước.Trường báo giờ bằng một cái chuông có quả lắc buộc vào một sợi dây dùng tay để lắc chuông treo ở sà ngang phòng học đầu dảy bên trái ( năm tôi học đệ nhất giái chuông bị trò quỷ nào lấy mất, Chú hai Vũ Đình Lân phụ trách đi sổ các lớp vào lớp tôi tìm

- Anh nào lấy giái trả lại ngay, có lẽ vỉ giận nên chú nói ngắn lời, chúng tôi lủ quỷ có dịp cười thật đã ...Tôi nghe tiếng trò Năm ( Năm Lửa ) nhái giọng Bắc ... Trò nào cũng có hết lấy thêm làm chi ...) Lúc tôi lên đệ nhị cấp thì chuông được treo trên cành cây lim sát văn phòng giám thị .

Là một trường thuộc cấp Quận nên dù đã tới ngày khai trường, các lớp học các cấp vẫn còn thiếu nhiều giáo sư. Năm nầy cấp lớp cao nhất trường là lớp đệ tam ( Hai lớp ban A một lớp ban B )... Học bên khu nhà xe rất thoải mái cho học sinh chúng tôi vì xa mặt trời, giám thị băng ngang đường là chúng tôi đã trông thấy và hàng ngũ sẽ được chỉnh đốn ngay . Lúc đó giám thị là Thầy Châu Văn Giao, thầy thường băng qua lộ tay cầm cây roi ngắn ... Vào tới lớp  , tay thầy nhịp roi vừa nói :

 - Tụi bây cơm ghe bè bạn vào đây để giỡn phải không,  mẹ! Hồi nảy thầy nghe trò nào chửi thề đó, đứng lên coi ...Con nít con nôi mà bày đặt chửi thề .. Tụi bây coi chừng tao ...Lần nào tụi quỷ chúng tôi nghe thầy rầy cũng cố nín cười, tội cho nhiều trò vì nín quá mà mặt đỏ như ... Quan Công ... Tính Thầy nóng nhưng rất dễ, con gái thầy là trò Bích Liên học cùng đợt với tôi

Một trăm lẻ năm nam sinh được phân chia theo thứ hạng , 50 trò đậu đầu học lớp thất A , và các trò từ hạng 50 về sau học lớp thất B .

Tôi còn nhớ ngày khai trường có trò Lý Xéo ( khóa 4 ) đi lại khu đệ thất chúng tôi đang đứng để xem mặt trò Cọp và trò Hùm ( trò Xéo sau nầy tốt nghiệp cán sự điện tử Phú Thọ làm tại đài phát thanh SG , hiện định cư tại Úc ). Thời đó Thầy Châu văn Giao và Cô Sáu Hồ làm giám thị . Hiệu Trưởng là Thầy Đoàn Văn Xếnh,Thư ký trường là Thầy Trần Văn Lợi, lao công trường là Chú Bọ... Mặc dù đã khai trường nhưng lớp tôi mới có vài thầy dạy như Thầy Đặng Xuân Chiếu dạy Công dân, Thầy Võ văn Đài dạy Vạn Vật, thầy Nguyễn văn Hân dạy Việt văn và Hán văn, Thầy Phạm Hữu Thu dạy âm Nhạc, Thầy Võ văn Giàu dạy vẽ , Thầy Vũ Ngọc An dạy Anh văn , Sau ngày khai trường khoảng 2 tháng mới có đầy đủ giáo sư . Đây cũng là năm khóa 2 Quốc Gia Sư Phạm ( ban 3 năm ) ra trường ,có khá đông tân giáo sư khóa nầy về trường , Bắt đầu từ đây tương đối đã đầy đủ giáo sư

Có một vài thay đổi nhân sự khi trường tương đối tạm đủ giáo sư .

Thầy Hân về làm văn phòng, thầy Chiếu giữ chức thủ quỷ. Thầy Đài chức giám thị. Lúc đó trường chưa có chức Giám học và Tổng giám thị .Các thầy cô đứng lớp đầy đủ như sau :

Quốc văn và Hán Văn  cô Nguyễn thị Nhẩn ( Khóa 2 QGSP) Cô cũng là giáo sư hướng dẫn lớp  , Đức Dục Công Dân Cô Nguyễn Kim Hoa ( Khóa 1 QGSP ban 3 năm) Cô dạy hơn tháng xin ra làm việc văn phòng, thế cô Hoa là Cô Giang Thị Hạnh ( khóa 1 QGSP, Người Châu Đốc )Sau năm học nầy cô chuyển về dạy tại quê nhà, trường Thủ Khoa Nghĩa, Anh Văn Thầy Vũ Ngọc An, thầy có hỗn danh là An quắn, lúc đó trường có 3 thầy tên An, Lê quý An dạy anh văn cấp đệ lục và Phạm Đình An dạy sử địa, thay vì phân biệt bằng họ, lủ quỷ đâu có chịu, phải tìm một chữ nào vừa gợi hình, gợi ý vừa dui dẽ, Thầy Vũ An có mái tóc quăn, nên được gọi là An quắn, còn thầy Lê Quý An được gọi là An ngộp nước . lúc mới vào đệ thất tôi nghe hỗn danh nầy đã bắt cười khan ... tôi nhớ tôi có hỏi đàn chị lúc đó đang học đệ tứ ( khóa 2 ) là chị Phạm thị Lê... chị giải thích là tại vì môi thầy hơi hở giống như bị ngộp ...Hai sư phụ An đều ở Cali ... có đọc tới đây thầy cũng đừng phiền hà bởi vì ...thứ ba là học trò, phá mà không có ác ý   ... Sử địa toán Cô Nguyễn hữu Thơm ( Khoá 2 QGSP) Sau năm nầy cô Thơm đổi về dạy trường tiểu học Chi Lăng Gia Định phụ trách lớp tiếp liên, Lý Hoá và Vạn Vật Thầy Đặng Hữu Danh ( Khóa 2 QGSP) Vẽ Thầy Võ văn Giàu ( Người Biên Hòa ) Âm Nhạc Thầy Phạm Hữu Thu ( Trường có nhiều thầy tên Thu nên thầy có hỗn danh là Thu mũi đỏ ) Thể dục Thầy Nguyễn Như Thủy ( Khoá 2 QGSP ,Thầy thấp người, thường mang giày màu da trăn, gốc người Bình Dương )

Ở niên khóa nầy tình hình chiến sự tại Gò Công vẫn trong tình trạng tương đối thanh bình, trong tầm mắt của người học sinh chưa thấy cảnh chết chóc do chiến tranh gây ra ... Gò Công chỉ mới có một vài tên du kích về ám sát khủng bố rải truyền đơn, một số nhân viên Diệt Trừ Sốt rét ( Đi xe hơi và xe gắn máy sơn màu vàng ) bị ám sát cũng như dụng cụ hành nghề bị phá hoại .

Con đường học vấn còn quá thênh thang khi mới bước chân vào đệ thất. Năm Học lớp nhất chỉ có 4 Ông Thầy. Một Thầy Đứng lớp, một thầy dạy Nhạc, Một Thầy dạy Vẽ, một thầy dạy thể dục , giờ đây học với nhiều thầy cô quá, lại nhiều môn học mới .Trong số 160 trò chỉ có 25 trò chọn học sinh ngữ Pháp Văn nên trường bỏ luôn môn nầy, 3 lớp đệ thất A, B, C đều học Anh văn nên nam nữ học riêng .

Cả cuộc đời đi học tôi chỉ thích học và học chuyên cần có 2 môn đó là Việt Văn và Sử, cũng vì yêu thích 2 môn nầy nên lòng tôi vẫn rất quý Thầy Cô dạy môn nầy. Vào đệ thất học Văn với Thầy Hân tôi rất thích, bài giảng về ca dao tôi vẫn còn nhớ từng lời cũng như từng động tác của thầy diễn tả. Giọng nói của thầy không được trong sáng lắm nhưng không vì thế mà làm kém phần sinh động .... Thầy từ từ rút trong túi quần ra một chiếc khăn tay rồi làm động tác theo từng câu ca dao ... " Khăn thương nhớ ai ? khăn vắt trên vai ... Khăn thương nhớ ai , Khăn rơi xuống đất ...Sau 2 tháng Cô Nhẩn vào dạy thế ... Giọng miền Nam của cô cũng chinh phục được cảm tình của học sinh, cô siêng cho làm luận mang về nhà chấm, Trước khi phát bài cô thường đọc cho cả lớp nghe tiêu biểu một vài bài luận ... Tôi còn nhớ những trò thường được cô đọc bài luận là trò Trương văn Tâm , Trần Văn Mươi , Phạm Ngọc Đắc và tôi .( Năm 1967 Trong mùa thi tôi có dịp ghé qua Trung tâm khảo thí gần sở thú, tôi có nhìn thấy cô Nhẩn, cô mặc chiếc áo dài xanh, đang tươi cười đứng trước ghi sê phát chứng chỉ tú tài 2 ban C, cô chăm chú dán mắt vào tờ chứng chỉ cô vừa lãnh còn thơm mùi mực ...)

Một chút về thầy Hân, Đây cũng là một gương hiếu học của tỉnh nhà. Thầy dạy tiểu học khi dậu bằng đíp lôm, lúc tôi còn học sơ cấp Thầy phụ trách lớp Tiếp liên cùng với Thầy Đinh Ngọc Ẩn, Khi trường trung học mới mở do nhu cầu nên quý thầy cô có bằng đíp lôm đang dạy tiểu học được mời lên dạy trung học. Khi có đầy đủ giáo sư thì quý thầy nầy trở lại làm việc văn phòng, Thầy Hân vốn là người Hán...rộng ( cả nghĩa đen lẫn bóng ) lại trì chí chăm học, tự học  lần lượt đậu tú tài phần một và phần hai ban D ( cổ ngữ ) Sau đó thầy ghi tên học ban sử địa tại đại học văn khoa Sài Gòn Thầy đã đậu cử nhân và trong 4 chứng chỉ có chứng chỉ quốc sử hạng Bình, và cũng trong hàng ngũ giáo viên tiểu học chuyển lên dạy trung học cùng lượt với thầy có cô Trần Thị Lài sau nầy là hiệu trưởng trường Thống Nhất  Sài Gòn cho tới niên khóa trước ngày sập tiệm cô là sinh viên năm thú hai ban tiến sĩ khoa Nhân văn cuả đại học văn khoa Sài Gòn ... Một vài gương hiếu học tôi cố tình gợi lại để tuổi trẻ lấy đó làm gương ... Trong lớp đệ thất nầy có 3 môn tôi học bết bát nhứt là Vẽ , Thể dục và Âm Nhạc, Ở  niên khóa nầy tôi rất thích học môn Hán văn .

Bởi thích môn văn chương nên tôi còn nhớ, cô Nhẩn thường khuyến khích các bạn trong lớp mang sách vào trao đổi cho nhau đọc, năm đó cô dạy tác phẩm Nhị Thập Tứ Hiếu của Lý Văn Phức.

Năm nầy trò Trần Kim Thăng được bầu làm trưởng lớp ( vợ Thăng là chị Đạt thuộc khóa 4 ở lại năm đệ nhị chung lớp ) . Cũng trong niên học nầy tại Gò Công có một vụ bể hụi mà báo Thần Chung Sài Gòn đã đăng trên trang nhất, tôi còn nhớ cột báo khá dài có đăng bức ảnh của thầy Đẩu và thầy Giáp chụp tại sân quần vợt trường Nam tiểu học, người chủ hụi là vợ của thầy Đẩu

Niên khóa đệ lục bắt đầu, lớp học nằm trong khuôn viên trường từ cổng đi vô dãy phía tay trái 3 lớp đệ lục A,B,C nằm cạnh nhau , Trong lớp có thêm một trò mới từ trường khác chuyển về đó là trò Nguyễn Bá Thoại, trò là cháu nội của Ông Huyện Bỉnh và trò Vũ Đình Chương con của chú Hai Vũ Đình Lân một quân nhân giải ngũ về làm lao công cho trường, trò Hoàng Mạnh Hùng Cường chuyển trường về Sài Gòn, bên lớp A có trò Nguyễn Thoại Trì chuyển về Chu văn An. Thành phần giáo sư giảng dạy đều mới. Quốc văn Thầy Nguyễn Văn Ba ( Khoá 1 QGSP . Sai Gòn ) Thầy có hổn danh là Ba Ton, gốc người làng Tân Niên Trung là cháu nội của Đại hương Cả Thuận  Thầy dạy về Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi, dạy được 1 tháng thì xin ra làm giám thị chỉ còn phụ trách môn văn một lớp đệ lục C, Thầy Đoàn Huy Oánh đãm nhiệm môn nầy, nhắc tới Thầy Oánh trong trí tôi vẫn còn nghe rõ giọng nói của Thầy, buổi trưa thầy đọc bài giảng văn Đôi Gi Đá của Tô Hoài, Rồi bài Nhặt lá bàng, Giọng của thầy đều đều kéo dài ... giữa khi ngoài trời rực nắng ... Giá lúc đó mà có chiếc chiếu trải ra thì ... hết ý, ngoài ra thầy còn dạy tác phẩm Bích Câu Kỳ Ngộ, đi dạy thầy thường mặc quần dài vải ọt long  có sọc xanh nhạt. Công dân Thầy Lê Hoan cũng dạy một tháng rồi lên văn phòng làm việc , sau thầy bỏ nghề dạy thi vào Quốc gia hành chánh, ra trường làm việc ở Hậu Nghĩa, sau ngày trời sập, thầy ở tù vừa đủ tuổi để đi sang Mỹ theo diện H.O, Thầy Võ Văn Quang dạy toán kiêm nhiệm luôn Công Dân, Thầy cũng là giáo sư hướng dẫn  ( Khóa 2 QGSP , Hổn danh là Quang lùn, Quang niểng, Quang hột mít, sau 75 ở tù CS trên 3 năm , Thầy được thả về tại trại Công Binh Thành Ông Năm Hốc Môn ... Ngày được thả thầy về chung với một học trò cũ khoá 6 là trò Võ Văn Chợ Sĩ quan Không Quân ... Hai thầy trò trước khi chia tay có vào tiệm làm mỗi người một tô phở cho ấm lòng người chiến ...bại, Thầy cũng ân cần viết mấy chữ gữi về thăm Ông Sáu Tống nguyên quản lý trường Bán Công ... Người đã cho thầy ở trọ đi dạy suốt thời gian ở Gò Công , Nhờ trò Chợ chuyển giùm ... Thầy đi dạy thường mặc quần dài màu đậm, xách cái tép có 2 quai màu da bò đậm, đi bộ từ nhà ông Sáu Tống dọc bên hông khám đường tới trường . Khoảng năm 68 tình cờ gặp thầy trên đường Lê Lợi Sài gòn, thầy mừng rở kéo tôi vào quán Thanh Bạch uống nước, thầy hỏi thăm cặn kẻ về trường Gò Công ..., Anh Văn Thầy Nguyễn Tiến Đức ( ĐHSP SG ) , Thầy Đức có lối phục sức hết sức trẻ trung Thầy là con trưởng một gia đình đông anh em ... Tính nghệ sỹ, có thời gian  thầy  dạy môn  vẽ, thầy thường bôi bảng bằng ...tay ,Sử  Cô Trần Thành Mỹ ( Khóa 1 QGSP SG ), Khi vào lớp cô Mỹ thường đứng ngay giữa trước mặt học sinh, chờ lớp thật yên cô vừa cúi đầu miệng chào các em sau đó mới bước lên bục vào ghế ngồi, Cô gốc người Gò Công là con một trong một gia đình giàu có, cha là Ông Hội Đồng Quảng, ngôi nhà 3 gian có nền đá xanh cao cả thước có tam cấp bước lên ở xóm cỏ ,Địa lý Thầy Ngô Đình Thu ( ĐHSP SG )Lý Hóa Thầy Trần Văn Huệ ( ĐHSP SG) Thầy bị dị ứng mũi lúc nào tay cũng cầm khăn, thầy rất thường khịt mũi, sau thầy chuyển về dạy Trung học Chợ Gạo,Vạn Vật Thầy Trần Quang Hoàng ( Khóa 2 QGSP SG ) Thầy mang kính trắng , Thầy cũng rất siêng học sau lấy xong cử nhân giáo khoa Việt tại đại học Văn Khoa Sài Gòn , Trò Phạm Văn Tý xếp thầy vào họ mắt kép, sau khi nghe thầy giảng vạn vật bài Con Ong ( trò Tý tốt nghiệp khóa 23 võ bị , tử trận mất xác tại chiến trường An Lộc, vợ Tý kiên trinh thờ chồng ở vậy nuôi con tới bây giờ ) Sau ngày sập tiệm, Sau khi ra tù cải tạo, thầy Hoàng nhiều lần bị bắt về tội vượt biên, để rồi khi diện H.O ra đời thầy nộp đơn , và được chấp thuận và ngày lên máy bay cũng đến, một buổi tiệc tiễn hành trước khi đi một ngày ..tan tiệc Thầy thu xếp đồ đạc rồi đi nghỉ; Giấc ngủ ngàn thu đã đến với thầy, trời ơi! Định mệnh sao lại cay nghiệt với ông thầy khả kính, tôi nghe tin mà nước mắt lưng tròngVẽ Thầy Võ Văn Giàu, thầy gốc nhà giàu ở Biên Hòa, thầy dạy vẽ nhưng đàn rất hay, mấy năm sau thầy chuyển qua dạy nhạc, Trong lần các trường trung học thuộc tỉnh Định Tường dự thi văn nghệ tại Mỹ tho (năm 1962), trường trung học Gò Công có gửi đoàn văn nghệ tham dự do thầy Đặng Xuân Chiếu làm trưởng đoàn, thầy Giàu dự thi với môn độc tấu đờn Vua Gia Long( violon)  Xui cho Thầy mới kéo ò e mấy tiếng, dây đờn bị đứt, Thầy phải thay dây và trình diễn lại ... dù bị trục trặc thầy vẫn chiếm giải nhì toàn tỉnh, vào lớp thầy kể cho nghe thành tích, tôi còn nhớ rõ lời của thầy   - Cái gì cũng vậy , tình huống nào cũng phải bình tỉnh, tôi nghe giọng nói nhỏ của trò Tý kề bên tai tôi từ bàn nhì phía sau - nếu không đứt dây chắc thầy hạng ....5 , trong đoàn dự thi nầy về phía học sinh tôi còn nhớ có trò Đặng Xuân Thinh (Khóa 4 Trung Học GC, Chuyên viên Không Quân ) và trò Phạm Ngọc Đắc khóa 5, sau nầy là nhà thơ PNĐ Dạ Thảo, góp mặt thường xuyên trên đài phát thanh cũng như báo chí Sài gòn trong những năm 66, 67 , Đắc đền nợ nước trong màu áo sư đoàn 7 sau khi tối nghiệp khóa 26 Thủ Đức. Ngoài ra còn nhiều bộ môn khác như kịch, vũ, đơn ca, họp ca phối họp với trường tiểu học, quận Gò Công đã mang về nhiều giải, vũ khúc "Dòng sông xanh " do Cô Hồ Ngọc Lệ tập dượt, cô Mỹ hướng dẫn dự thi đã chiếm giải nhất, màn hòa tấu của ba thầy Sấm Sắc Lượng cũng chiếm giải nhất, Âm Nhạc Thầy Trần Trung Ngọc, Thầy Ngọc có hàm râu quai nón dáng người to cao trắng trẻo, Thầy có cây đờn " Vua Gia Long " đựng trong một khung hộp, vẫn thường kéo cho đám đệ tử nghe, Thầy là nhạc sỹ Tuấn Khanh.Trưởng lớp là trò Trần Văn Mươi, ( Mươi sau tốt nghiệp sư pham bổ túc ban 2 năm , bây giờ là nhân viên của trường). Năm nầy Hiệu Trưởng là Thầy Ngô Văn Dư. Trong năm nầy tại quận Gò Công có Ông Phó Quận bị báo chí Sài Gòn tố cáo là Hạm. Tôi còn nhớ tờ Buổi Sáng trên trang nhất có đăng bài điều tra về phó quận Gò Công ... Mở đầu bài phóng sự là 2 câu thơ

" Gò Công có biển Tân Thành

Có tên Sáu lõ tung hoành dọc ngang ...                   Bởi còn nhỏ nên tôi không nắm vững sự việc nầy lắm. Nhưng thời đó việc nầy đã làm xôn xao dư luận Gò Công, bây giờ trong trí nhớ tôi còn hình dung được dáng dấp của ông nầy, Ông đi làm bằng một chiếc xe gắn máy hiệu RuMi, một loại Vespa nhưng đầu máy thô hơn .

            Theo dòng thời gian tôi lên đệ ngũ , lớp có thêm trò Tốt là con của ông cò hiến binh mới đổi về , và trò Nguyễn văn Nhỏ thuộc khóa 4 học lại .Lớp học nằm cuối dãy ngang gần nhà để xe đạp .Thành phần giáo sư gồm quý vị thầy cô :

            Quốc văn Thầy Ngô Đình Thu ( ĐHSP SG ) Thầy Thu nhỏ con , tính vui vẻ , thầy dạy nghị luận đầu tiên cho tụi tôi, trước kia học văn tả cảnh nay học văn bình luận , tôi còn nhớ bài giảng mẫu của thầy là bài : Bình luận câu nói sau đây của Dương vương Minh    ... Học như đi thuyền trên dòng nước ngược , không tiến ắt phải lùi , Công Dân Thầy Nguyễn Phước Hải, Thầy gốc người Long An thầy dạy được một tháng thì đổi qua dạy lớp khác,mấy năm sau  nhập ngủ khóa 16 Thủ Đức cùng một lần với Thầy Võ Văn Quang, Nguyễn Tiến Đức, Nguyễn Quang Thâu, Nguyễn văn Ba...khi ra trường thầy về phục vụ trong ban Q phủ đặc ủy trung ương tình báo sau về làm trưởng phòng 2 tiểu khu Vĩnh Bình, vợ thầy ( sư nương )là học sinh khóa 6 trường gốc người Vĩnh Lợi, Thầy  Đoàn Huy Oánh phụ trách môn Công Dân, nửa năm sau thầy Đặng Xuân Quang dạy thế, lúc tôi nhập ngũ vào thụ huấn tại Quang Trung, tôi lại học Chiến Tranh chánh trị với Thiếu Úy Đặng Xuân Quang, tôi còn nhớ một buổi trưa thầy Oánh dạy về các toà án ở Việt Nam, sau khi kể xong các loại toà ở Việt Nam Thầy hỏi có trò nào thắc mắc gì không, Trò Nguyễn Ngọc Ẩn ngồi bàn nhất cạnh tôi đứng dậy

-         Thưa thầy ...Toà Bố là tòa gì ? Tôi còn nhớ thầy không trả lời mà dùng tay ấn đầu trò Ẩn bảo ngồi xuống, Cũng trong giờ công dân nầy, lần nào vào lớp cũng vậy sau khi mở sổ điểm ra là thầy Oánh gọi tên Đinh Văn Nhân và kế đó là Nguyễn văn Tạo, thầy gọi liên tiếp mấy tháng, sau cùng hai trò nầy trốn học giờ thầy luôn Sau thầy đổi về làm ở phòng kế toán Nha Khảo thí cùng với cô Kim Hoa , thầy Trần Văn Kỳ làm trưởng phòng, tôi nhớ không rõ hình như thầy được học bổng sang Úc lấy Master về quản thủ thư viện Thầy hiện định cư tại Úc

-         , Anh Văn Thầy Đoàn Trọng Thu , Sử Địa Cô Trần Thành Mỹ, Những trang sử của niên khóa đệ ngũ là những trang sử hào hùng nhất trong lịch sử Việt Nam đó là sử đời Trần với những vị vua vì tướng tài kiêm văn võ, với những trận đánh vang lừng thế giới  ... Tôi còn nhớ cô Mỹ giảng tới đoạn vua Trần anh Tông họp quần thần để công bố việc gả em gái là Huyền Trân Công chúa cho Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô Lý / Giọng Cô Mỹ trầm trầm ....

“Tướng trần Khắc Chung nghe vua công bố xong vội vàng quỳ xuống tâu

            - Nếu bệ hạ cần 2 châu Ô Lý , thì xin cấp cho thần 500 tinh binh chứ cần chi phải đổi với công chúa Huyền Trân .

            Vua Trần Anh Tông ( một vị vua nỗi tiếng đẹp trai đến nỗi bên tàu rất nhiều vị quan sang nước ta để được chiêm ngưởng long nhan ) tươi cười :

 - Ta biết với 500 tinh binh khanh có thể lấy 2 châu Ô Lý dễ dàng, nhưng mà ... chiếm đất thì dễ chứ thu phục lòng dân không phải dễ ...

            Tôi còn nhớ cô ngâm nga 2 câu thơ, tôi vẫn thường tự hào đọc nhiều sách sử nhưng đây là 2 câu thơ mà tôi mới được nghe lần đầu :

 " Hai châu Ô Lý bao nhiêu đất

Mà để cho ta mất cõi lòng ... để diễn tả nỗi lòng của Trần Khắc Chung với người yêu là công chúa Trần Huyền Trân .

            Thuở đó tôi nghe 2 câu thơ tôi thấy hay mà chưa thấy thấm ...Sau nầy nhất là lúc ra tù tôi mới thấm thía với 2 câu nầy diễn tả nỗi lòng của tướng Biệt Kích Trần Khắc Chung

   , Toán Thầy Huỳnh văn Bổn ( Cử nhân Luật Khoa , trong 3 chứng chỉ cử nhân thầy có 2 chứng chĩ hạng bình thứ  ) Gốc người Tân Tây ngoài giờ dạy thầy thường chơi bóng bàn và quần vợt, Để khỏi nhập ngũ, thầy ra ứng cử hội đồng xã ấp nên sau ngày sập tiệm thầy không bị cải tạo và sau một khóa học luật Cộng Sản bổ túc thầy hiện là luật sư tại tỉnh Tiền Giang, Lý Hóa Thầy Trần Văn Huệ ( ĐHSP SG).  Cũng là giáo sư hướng dẫn , Vạn Vật Thầy Đặng Hữu Danh , Vẽ Võ văn Giàu , Hán Văn Thầy Chương ( ĐHSP SG )thể dục thầy Tô Vĩnh Khâm gốc người Hòa Đồng cùng một đạo với ông hiệu Trưởng ( Cao đài phái Bến Tre ), Thầy dạy thể dục mà học trò lớp vẫn ngồi trong phòng suốt giờ, thầy nói chuyện thời còn nhỏ của thầy... Thầy kể chuyện gia đình thầy từng nuôi quân của Huỳnh Phú Sổ cả mấy tháng trời ... Năm nầy hiệu trưởng cũng là Thầy Ngô Văn Dư . Cuối niên học nầy Cô Trần Thành Mỹ tạm từ giã

 trường trở lại Sài Gòn tiếp tục học Đại học Sư Phạm ban Pháp văn để rồi khi tôi lên lớp đệ nhất cô lại trở về trường dạy Pháp văn lớp tôi. Cũng trong năm nầy trường có tổ chức giải bóng bàn toàn trường, Thầy Đặng Hữu Danh (sau động viên là Sĩ quan Truyền Tin ) làm trọng tài, Lớp tôi có nhiều trò ghi tên dự thi như Nguyễn Hồng Điệp ( Tiểu đoàn Hắc Long TQLC giải ngũ năm 72, khóa 3/69 đại đôi 41 Thủ Đức  ) TròĐinh văn Nhân( Cán sự Phú Thọ) , trò Võ Hiếu Để ( Con trai thứ của Thầy Đài , tử trận tại chiến trường Tây Nguyên trong màu áo Biệt Động Quân cấp Thiếu úy năm 72 )  trò Ngô hoàn Toàn ( tốt nghiệp trường sĩ quan Đồng Đế , khóa 4/68 tử trận tại chiến trường miền Tây trong màu áo Địa phương quân  năm 71 )Tranh bán kết trò Để hạ trò Nhân với tỷ số 2/1 vào chung kết với trò Hồ Văn Sơn lúc đó là học sinh lớp đệ nhị B ( Khóa 3/69 đại đội 41 Thủ Đức , sĩ quan quân nhu )   trò Để đã oanh liệt hạ trò Sơn với tỷ số 3/2 lãnh chiếc cúp vô địch toàn trường .

            Mùa hè cuối năm đệ ngũ tôi không còn thảnh thơi nữa. Ghi tên học lớp hè do thầy Đào Vũ Thân hướng dẫn lớp học được tổ chức trong miếu thờ Khổng Tử ... Tôi chỉ học có mấy ngày rồi bỏ ... bởi vì Thầy dạy có hay cở nào mà một lớp gần 200 học sinh ... Tai phải tốt , mắt phải tinh mới thu nhận được lời giảng của thầy, nếu không thì cũng Khổng Biết.

            Vào niên học lớp vắng trò Tốt theo cha đổi đi đơn vị khác , tròVõ Văn Triệu bị lao phổi chết .Thành phần giáo sư năm nầy như sau :

Quốc văn Cô Võ Kim Hoa  ( ĐHSP SG ) Gốc người Bình Ân có người em gái là chị Võ Thị Lành từng đậu đệ thất thủ khoa khoá 2 Trung học Gò Công , Cô dạy tác phẩm Kiều , Đông Dương tạp chí , Nam Phong tạp chí ..., Công Dân Thầy Huỳnh Văn Bổn , Anh Văn Thầy Nguyễn Tiến Đức ( ĐHSP SG ) Hán Văn Thầy Bùi Cận ( ĐHSP SG ) Sử Ký Thầy Đoàn Huy Oánh,Địa Thầy Trịnh Quang Lừng ( ĐHSP SG ) , Toán Thầy Tôn Thất Trấn Ninh, Thầy Ninh động viên khoá 22 Thủ Đức Ra trường chưa được một năm ...Thầy đền nợ nước .. Thầy rất đẹp trai, da trắng tóc quăn dợn, lúc thầy thụ huấn ở Thủ Đức, nhân nghỉ hè năm đệ nhất tôi có đến trường thăm thầy và thầy Thinh dạy Anh văn ... Tôi còn nhớ khi ra khu tiếp tân , nhìn thấy đứa học trò cũ từ tỉnh lẻ lên thăm, thầy có vẻ ngạc nhiên lắm  , Lý Hóa Thầy Nguyễn Hoài Thi, thầy đi dạy bằng chiếc lam rết ta, thường mặc áo sơ mi màu sậm, thầy dạy dựa theo sách vật lý của giáo sư Lê Văn Lâm, Vạn Vật Cô Hoàng Thị Phương Thảo  ( ĐHSP Sài Gòn ), Vẽ Thầy Võ Văn Giàu, Thể thao Thầy Đặng hữu Danh. Hiệu Trưởng Thầy Ngô văn Dư, Tổng giám thị Thầy Võ Văn Đài .. Niên học 62-63 tình hình chiến sự Gò Công có nhiều biến động, Trung Đoàn 12 dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ chịu trách nhiệm an ninh toàn quận ( Giờ chót là Đại Tá Nguyễn Hưũ Duệ tỉnh trưởng Thừa Thiên ) Hai con gà cồ ( 105 ly ) được đặt trong dinh quận để yễm trợ cho các làng.  Tôi còn nhớ buổi sáng ngày thứ tư lúc vào học gần được một giờ, khoảng 9 giờ 25 sáng  ( lâu quá nên không nhớ mấy tây !) trong những tuần lễ đầu của ngày khai trường, Cô Thảo vừa mới chuyển đời từ sinh viên sang giáo sư, cô đang ngồi trên bàn viết được kê trên một bục cao, từ bục cao bước xuống một bục thấp rồi mới tới nền xi măn ... Hôm đó hình như đụng trận hướng Tăng Hòa nên mũi súng hướng thẳng qua trường . Cô đang ngồi lật sổ bất ngờ tiếng súng départ xé trời, cô hốt hoảng đứng lên chạy vội về phía bàn học sinh,mũi nhọn guốc cao gót của cô lọt vào khe bục, cô hụt chân té nằm dài, học sinh trong lớp trò nào cũng xót xa cho cô nhưng lúc đó không có trò nào dám phụ đở cô dậy ... hình ảnh đó nhắc lại là như hiện rõ trước mắt tôi, lần đầu tiên cô nghe tiếng pháo, sắc mặt cô thất thần ..! Tôi còn nhớ cô mặc chiếc áo dài màu tím than ... Quý Thầy thường dạy xong cuối tuần thường về Sài Gòn, sáng thứ hai theo xe đò xuống sớm, sau nầy thường bị trể giờ vì Việt Công đã bắt đầu phá hoại mạnh, đấp đường, cuốc lộ, phá cầu thường xuyên xảy ra trên con lộ Gò Công Cầu Nổi. Trưởng lớp là trò Nguyễn Kỷ Nhựt, hai năm đầu trò có tên lót là Ký , sau đổi lại là Kỷ, Sau khi rời trường Nhựt gia nhập Không Quân và là Thủ Môn sáng chói của đội bóng tròn không quân vùng 4 .

            Đây là niên học cần phải có kết quả tốt, Tôi vẫn thích học Văn chương và sử, dù là năm thi các môn khác tôi chỉ nghe giảng trong lớp về nhà thường chỉ thích đọc sách của thầy Hà Như Chi , Quyển Việt Nam Thi Văn Giảng Luận nầy tôi đọc như nằm lòng, tôi rất thích lối phê bình thật bay bướm của tác giả ... Sau nầy tôi có dịp học giảng khóa Kiều với Thầy Phạm Văn Diêu, trong giảng khóa thầy bình giảng từng câu một của tác phẩm Kiều ... nhưng tôi vẫn tham khảo thêm tài liệu từ sách của Thầy Hà Như Chi, ngoài ra tất cả quyển sách luận đề tôi đều đọc qua ( nhà tôi có Anh học P. Ký , có chị học Gia Long , có chị học khóa 2 trung học Gò Công nên tôi được thừa hưởng rất nhiều sách ) ngoài môn văn chương sách gối đầu của tôi là Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Việt Nam Tranh Đấu Sử của Phạm Văn Sơn, và sử theo từng lớp của Trần Hữu Quảng, huyền sử, dã sử tôi đều đọc qua  cho nên diễn tiến lịch sử tôi rất rành gần ngày thi chỉ ôn lại vài niên hiệu là xong. Tôi nhẩm tính các hệ số các môn thi .. Tôi thấy có thể đậu với môn Việt văn và các môn phụ khác để bù qua Toán lý hóa, nên trong học thi tôi chưa biết thức khuya dậy sớm là gì .

            Ba tôi dẫn tôi đi thi tại Mỹ Tho gửi ở nhờ nhà người cô họ, Cô Sáu Kiên chuyên sống nghề nấu cơm tháng, nhà cô trên đường Ngô Quyền, năm đó cô cũng có người con gái tên Nga cũng đang học thi ... có thầy đến nhà kèm dạy dù đã cận kề ngày thi, nhà cô là một căn phố dài có gác lửng ... Có khoảng trên 10 trò từ Gò Công lên trọ thi tại nhà nầy . Trai ngủ trên gác gái ngủ dưới nhà tôi còn nhớ gái có Kim So , Kim Lài , trai có Ngô hoàn Toàn( Tứ B) , Nguyễn Hoàng Hải ( Tứ bán công ) Hữu  ( Tứ A ) Có Anh Minh ( Khóa 4 dẫn Toàn đi thi )  và nhiều tên khác mà với thời gian đành chịu không nhớ hết ...

            Lần đầu tiên xa nhà tôi nằm cố dỗ giấc mà không tài nào ngủ dược , quen ngủ với mẹ bây giờ mất hơi, với lại các trò kia thức học bài rù rì hoài ... tôi hơi lo sợ vì phải thức suốt đêm sợ e rằng ngày mai mất sức .

            Bài thi việt văn, Luận có 2 đề một đề văn chương và một đề luân lý,Tôi còn nhớ, bình giảng câu nói của Ngô Tổng Thống trong bài diễn văn đọc trước nông dân tỉnh Long Xuyên : ". Tôi chọn làm đề nầy. bài giảng văn là bài thơ con Muỗi của cụ Phan Bội Châu ( Hay Phan Tây Hồ ? )  Tôi rất biết cái ưu điểm của một bài thi là chữ nghĩa viết rõ ràng sạch sẽ, rất dễ có cảm tình với giám khảo chấm thi và tôi đã dễ dàng làm xong bài luận ... các môn khác tôi đều làm thoải mái chỉ trừ môn toán ... câu hỏi giáo khoa có 5 câu tôi làm được 4 câu còn bài toán thì bù trất tôi nhìn qua ngó lại thấy cũng nhiều tay cắn viết ... Không làm toán được tôi ngồi tự cho điểm và cộng thử thấy trên số điểm đậu ... Tự mình làm , tự mình chấm ... chắc là có thiên vị ..Hôm sau theo bạn bè ra xe về ... Đọc báo mới thấy dư luận phản ánh quá nặng về bài luận và bài Toán, Báo chí đã viết, thí sinh Trung Học bị .... muỗi chích. bài thơ con muỗi là một bài thơ ...dở mà tác giả chưa hẳn chính xác là của cụ Phan . Còn bài toán thì hết thuốc chửa , nguyên văn một bài toán hình học không gian trong quyển sách toán đệ nhị của giáo sư Nguyễn văn Phú ( Thường thì Trung Học Đệ nhất cấp toán chỉ cho đề hình học phẳng )

 Đây là năm đầu tiên kỳ thi chỉ mở một khoa trên toàn quốc, Bộ quốc gia giáo dục quyết định cho nâng điểm bài giáo khoa toán lên 13 điểm, và mở thêm khoa thi kỳ hai .

            Trò Nguyễn văn Năng là trò giỏi toán nhất lớp đệ tứ B, vào phòng thi trò làm dễ dàng dù bài toán của lớp đệ nhị, chú em ngồi bên cắn bút thấy trò Năng làm dễ dàng khều tay xin chép, Trò Năng không cho .. Khều qua khều lại gặp giám thị khó bắt gặp đuổi khỏi phòng thi với đề nghị cấm thi 2 năm ( Sau trò Năng tốt nghiệp cán sự bưu điện bị động viên Thủ Đức ra trường tự hủy hoại thân thể được giải ngủ )

            Tôi còn nhớ gần ngày có kết quả tôi đang đạp xe trên đường lên chợ thì gặp trò Nguyễn Hồng Điệp, Trò cho biết là trò Lê Công Hoàn lớp tứ A đã đậu và trò còn bình luận ...

 - Thằng Hoàn đậu là mình đậu .

            Và khi công bố kết quả tôi và Điệp cùng đậu . Nhà tôi ở trọ thi , tất cả đều rớt hết, Trường Gò Công năm đó kỳ nhất đậu 36%... Qua kỳ nhì bạn bè đậu hạng Bình và Bình Thứ quá nhiều, cả lớp chỉ có một hai trò rớt . Tôi còn nhớ trò Trần Công Điệp nhà ở đầu cầu Huyện là em cũa cô giáo Ngà có mẹ bán muối ngoài chợ ... Trò nầy có biệt tài là tất cả nhà trong xóm có cây trái gì ngon trò đều có nếm qua hết. Như Nhà Ông Thôn Khoa có 5 con chó dữ, cổng ra vào cao vòi vọi thế mà cây xoài thanh ca trước nhà trò ăn mỗi mùa khoảng nửa cây. Trò giang xe đò lên Sài Gòn để tình nguyện đi lính, xe tới Xã Lới Việt Cộng chận ngang đường bằng  mấy tàu lá dừa nên xe không dám qua, Trò Điệp nóng máu đi tới định dẹp mấy tàu lá cho xe chạy thì trong xóm bắn lóc chóc ra. Trò chạy ngược trở lại xe an toàn nhưng trong lúc chạy  làm sút ra chiếc dép, Im tiếng súng trò chạy lại định lấy dép thì viên đạn định mệnh đã kết liễu đời. Đây là người bạn học đầu tiên ăn đạn Việt Cộng .

            Bắt đầu từ năm đệ ngủ, phong trào đá banh trong lớp bắt đầu lên giữa 2 đội một và hai , vì hai đội nầy tuổi tác và sức vóc tương đối bằng nhau , đội 3 và đội 4 nhiều trò lớn hơn tôi tới 5 , 6 tuổi .Tôi ngồi bàn nhất phía cửa vào nên thuộc đội một có trò Thoại ( Sĩ quan phát hướng viên tiểu khu Gò Công , Trung ứng đội tuyển quân đoàn 4, thủ quân đội tuyển Gò Công ) rất mê đá banh và đá rất hay, Thường vào buổi sáng thứ bảy Trò Thoại ít khi ngồi yên , trò bận xếp đội hình để thách đầu với đội 2, thướng ăn cá là ly nước đá của anh Nhạn hay Anh Chơi bán trước cổng sân vận động hôm nào khá giả thì có thêm miếng kẹo đậu phọng hay miếnh bánh chao, bên đội 2 thì có Trò Nhân( Cán sự Công Chánh Phú Thọ ) , trò Tạo ( Phó Ty Công Chánh Gò Công tử nạn trong công vụ bên cù lao )và cũng trong năm nầy tên Ông Bầu được ghép cho trò Thoại cho tới bây giờ ... Cũng trong năm đệ tứ , Công An Gò Công có qua trường bắt nhiều học sinh hoạt động cho Việt Cộng ( lúc đó Chi Công An đóng tại tòa nhà có cây đa cạnh dinh Ông phó và trường nam ) lớp tứ A có trò Trần văn Tâm , Dương Hồng Hoàng lớp tôi có Nguyễn văn Thắng, tạm giam một hai ngày gì đó rồi cũng được đi học lại ( trong trường học thỉnh thoảng vẫn có truyển đơn VC)

             Lúc bấy giờ lao công trường có thêm chú Giảng Văn Đa giải ngũ về làm cho trường, chú Nguyễn văn Sua thơ ký đánh máy ( chú mất năm 1990 vì bị phong đòn gánh tại bênh viện Mỹ Tho )

            Lúc bấy giờ đa số các Cô ở trọ trong trường thánh Té rê sa còn các Thầy thường trọ nhà Ông Cả Tùng, một ngôi nhà ngói xưa có nền cao 3 gian rộng rãi nằm đầu đường Nguyễn Trãi, người Gò Công cố cựu sinh từ khoảng thập niên 30 trở về trước đều biết chuyện Thầy Giáo Bá là con Ông cả đã phải bỏ xứ ra đi ... Sau 75 thầy có trở về trong âm thầm lặng lẻ rồi lại ra đi cũng lặng lẻ như lúc trở về  ... Muốn biết chuyện của thầy cứ hỏi những người lớn tuổi ... tôi không tiện kể ra đây ..Một ít thầy cô khác ở rải rác một vài nhà quen  như thầy Nguyễn hoàng Đạt ở nhà của Anh em Hoà  Bình, và ăn cơm tháng bên nhà trò Nguyễn Hồng Điệp, Thầy Tăng như Bình ở nhà Ông trưởng ty công chánh, cô Hồ ngọc Lệ, Giang Thị hạnh ở nhà cô Kim Hoa, Thầy Nguyễn Hoài Thi ở nhà ông hiệu trưởng Khai trí , Thầy Võ năn Quang ở nhà Ông Sáu Tống, cô Mỹ Dung ở nhà Thầy Châu văn Giao ...

            Một vài hình ảnh trước cổng trường vẫn rất khó quên trong trí nhớ của tôi ... Hai xe nước đá nhận đậu đỏ bánh lọt của anh Nhạn và Anh Chơi vẫn bán trước cổng sân vận động từ năm tôi vào trung học cho tới năm tôi rời trường,trong xe có một chai keo bằng thủy tinh đựng kẹo đậu phọng loại hình chữ nhật nhỏ, gói trong giấy mỗi phong 10 miếng và bánh chao, sau nầy khi tôi vào lính mấy lần về phép có gặp lại 2 anh ... trong sắc phục Cảnh Sát Gò Công .

 

 Trước cửa miếu Tiên Sư cạnh trường có anh bán sách thường trải tấm ny long khoảng bằng chiếc chiếu trên để khoảng trên 50 cuốn sách, một vài đầu sách giáo khoa đã xuất bản trước đó một vài năm,  vài cuốn tiểu thuyết của Thanh Thủy, Nguyễn Ngọc Mẫn ...thỉnh thoảng mới thấy một vài quyển tên tác giả có chân trong Tự Lực Văn Đoàn .. sách bán giá bớt từ 35% tới 50%... Tôi nhớ anh ngồi trong nắng gió suốt mấy năm trời ... Trước cổng trường chỉ lưa thưa một vài cây dái ngựa , ( trái to giống như dái ngựa ) trái già tự nứt ra mà hột cây nằm trong những phiến mỏng bay lả tả trông rất đẹp mắt, nhất là cảnh xãy ra vào buổi trưa, học trò nữ nón lá nghiêng che...phiến lá trái dái ngựa là đà bay theo gió trông rất nên thơ,  buổi trưa học trò chúng tôi chờ giờ mở cửa tụ nhau đứng phơi mình trong nắng, có một số tụ mát tại dãy phố công chức trước tiểu khu, nhà của thầy Hoàng ba của trò Lê kim Hồng học lớp tôi, đa số là các anh khóa 2 như Đinh văn Minh , Lưu văn Lai ,Nguyễn văn Út, Trần văn Hoàng...

            Sau niên khóa đệ tứ nầy lớp tôi có trò Trần Văn Chót và Đào văn Xuân từ giã trường để theo Việt Cộng, Sau khi ở tù về đọc báo Việt Cộng tại Gò Công tôi mới biết Chót đã chết trong trận chiến vừa qua ... Được tin lòng tôi thấy bùi ngùi, thương cho bạn chọn lầm con đường đi, với cái chết nào trong cuộc chiến người nằm xuống cũng đều nghĩ mình đã đền ơn tổ quốc, điều tôi chỉ tiếc là Chót không sống để chứng kiến ngày miền Nam hoàn toàn phỏng dế.... , để nhìn thấy được con đường Bác đi là con đường thật đầy...Bi Đát, tôi nghĩ vẩn vơ, viên đạn kết thúc đời Trần văn Chót có phải được bắn ra từ một tay súng ... cựu học sinh trung học Gò Công !!??

            Ngồi đây, trên đất tạm dung nầy, cố nhớ để viết lại khoảng thời gian tôi đi học, lòng thấy bùi ngùi nhớ tiếc ... Cái thời thong thả vô tư thật dễ thương không bao giờ tìm lại được ... Biết bao bạn bè cùng đợt đã quên hết ... may mà mình còn nhớ chút chút ... Cũng là một niềm an ủi cho những chuỗi ngày sắp vào đông của cuộc đời ... Ở cái thời điểm mà thỉnh thoảng  nghe tin có người bạn học cũ vĩnh viễn từ giã cõi đời ...  Quý thầy cô tình cờ trong đời tha hương đọc thấy tên mình trong bài nầy chắc lòng cũng sẽ vui vì trong cuộc đời đưa đò bạc bẻo ít ra cũng còn có người khách qua đò năm xưa nhớ và nhắc đến tên mình .

            Tôi sẽ viết tiếp khóa 5 đệ nhị cấp trong một bài khác, cố nhớ lại để ghi nhớ công ơn Thầy Cô đã giảng dạy, để nhắc nhở bạn bè nhớ lại một thuở hoa niên ... Những điều tôi ghi nhớ còn thiếu sót rất nhiều rất mong bằng hữu bổ túc ... Cũng như Thầy Bạn xưa nay mất liên lạc tình cờ đọc được bài nầy hãy liên lạc về địa chỉ ...Thuylanvy@yahoo.com .Đất lạ quê người tìm lại nhau để nhắc lại cho nhau nghe một vài kỷ niệm xưa ... mà với thời gian nó đã rơi rớt đâu đó trên .... đường đời vạn nẻo.

            Houston , những ngày đầu tháng 9/2002

 

                   thủy lan vy

          ( Viết tại Kỳ Đà Động )

Tuổi già trí kém, ráng nhớ chút chút gọi là Khơi dòng kỷ niệm... Mọi sơ sót xin được bỏ qua.

           

 

Nếu rêu phong vết hằn theo năm tháng - Thì đời ta chắc cũng lắm rêu phong.
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.172 seconds.