Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Làm Quen Nhắn Tin | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Tổng Quát :Làm Quen Nhắn Tin |
Chủ đề: BẾN XE NGỰA GÒ CÔNG | |
Trang of 2 phần sau >> |
Người gởi | Nội dung |
Phanthuy
Senior Member Tham gia ngày: 01/Jun/2007 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 960 |
Chủ đề: BẾN XE NGỰA GÒ CÔNG Gởi ngày: 07/Oct/2010 lúc 10:55pm |
BẾN XE NGỰA GÒ CÔNG. Vừa tan lớp dạy, trên đường ra parking để lấy xe , tôi mở cell-phone thì nhận được một lô message của Lan Đinh và anh Sự báo tin anh Sáu Tài từ Texas sang Cali chơi và mời họp mặt tối nay tại nhà hàng Hồng Ân. Tôi liền gọi để hỏi thăm người về từ miền xa, Anh Sáu Tài bằng giọng vui vẻ bảo cứ đến nhà hàng lúc 7 giờ rồi sẽ hàn huyên. Bữa ăn dọn ra gồm bò 7 món và thêm con cá nướng dòn to tướng thơm phức. hi hi , ăn đi , ăn đi bà con rồi hãy nói tiếp mà !
Thức ăn thì ngon nhưng hình như ai cũng ham nói chuyện hơn. Thôi thì tha hồ giới thiệu gia đình , bản thân , công việc ngày xưa ngày nay , chỗ mình ở , tin tức bạn bè , người thân....vô cùng rộn rã . Vui quá , giờ tôi mới biết tất cả bà con ở 3 bàn tiệc hôm nay đa số là cư dân Bến xe ngựa Gò Công. Anh Sáu Đinh Văn Tài trước kia ở Boston , vừa dời sang cư ngụ ở Texas hai năm trước , và hôm nay về Cali thăm em là Lan Đinh và thăm bạn bè. Anh và bà xã có nhã ý mời tất cả bạn bè Bến xe ngựa cùng thân hữu họp mặt. Tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi biết cư dân Bến xe ngựa ly hương sang đinh cư bên Mỹ sao mà đông thế. Mọi người cùng tranh nhau nhắc lại những kỷ niệm vui thời đi học ,chuyện tình cảm hàng xóm , chuyện tình học trò ngây ngô, chuyện ngày xưa xảy ra ở Bến xe ngựa và cùng nhau điểm từng nhà một khu Bến xe ngựa gốm có những nhà nào. Anh Sáu Tài kể vanh vách tên những nhà ở hai bên đường thời đó .
Không ngờ Bến xe ngựa Gò Công đoan đường dài chỉ chừng 700 mét từ tiệm Hội Nguyên hàng cho tới nhà Ông Hội đồng Hộ vậy mà giờ ngồi đây trên đất Mỹ còn rất nhiều. Ngay bàn tiệc hôm nay gồm : Gia đình anh Tài , Đinh Lan , rồi Phan Thủy ở trong nhà thương phía đối diện. Ở sau nhà Đinh Thị Lan là nhà mấy anh bà con của gia đình Sáu Tài. Đó là các anh Hội , anh Quới, đang ở Hawaii.
Kế đó gần nhà anh Tài là gia đình anh Nguyễn Đình Hiền, phòng an ninh quân đội Gò Công . Anh Hiền có cha là Nguyển Đình Sỹ trước là Phó tỉnh trưởng Gò Công , mất ở Maryland .Tiếp theo có mặt gia đình anh Năm Minh ,Mười Loan con của nhà làm bánh Tư Thế. Anh Minh còn có người anh cả , là anh Hai Quang, trung tá phi công , hiện đang ở California . Anh có sinh hoạt trong Hội thân hữu Gò công nhưng hôm nay không có mặt. Chị Tư Kiều và vợ chồng cô Ngọc Dung đang ở miền Đông. Tất cả anh chị em của anh Minh đều đang sống trên đất Mỹ . Kế tiếp là gia đình Đại úy Đào Kim Sơn và chị Kim Anh. Kim Anh cũng là cháu của Dược sĩ Trần Nghĩa Đời , Hội trưởng Hội Thân hữu Gò Công. Hôm nay anh Đời không có mặt vì bận chuyện gia đình. Thật tiếc. Được biết gia đình anh Trần Nghĩa Đời cũng là cư dân Bến xe ngựa. Gia đình tiệm Hội Nguyên hàng cũng sang Mỹ được nhiều. Đáng lẽ gia đình chị Ngò là dâu của Hội Nguyên hàng cũng đến nhưng vì chị bận . Lại tiếc!
Anh Tài nói Đại tá Lợi Nguyên Tấn cũng là cư dân Bến xe ngựa. Gia đình ông dời đi Sài Gòn nên bán để mở tiệm Hội Nguyên hàng . Cư dân Bến xe ngựa còn phải kể đến Trung Úy Quyền, con của ông Sĩ , hiện cư ngụ tại Florida . Trung tá Lê Văn Thưởng, anh của chị Hường Lê ,con Bác Ba Vị , cư ngụ ở Hawaii , vừa mất mấy năm nay và Đại tá Đào Quang Hiển hiện ở Virginia . Ôi , địa danh Bến xe ngựa thân thương với con đường nhỏ như hẹp lại vì xe ngựa đậu chật đường , thêm rộn rịp vì dân buôn bán nhỏ họp chợ để bán buôn. Vậy mà trong khoảng chiều dài ngắn ngủi , hai bên đường có chừng 30 căn nhà hầu hết đều quen biết nhau nhưng sao mà bây giờ lưu lạc sang đất Mỹ nhiều đến như vậy. Tối nay gặp nhau , tay bắt mặt mừng , mọi người vui vui buồn buồn kể lại cho nhau nhiều kỷ niệm . Ngay cả hai vợ chồng anh Nguyễn Duy Sự là cư dân Nhà thờ nhưng vì là bạn hữu của gia đình anh Minh và anh Tài nên cũng biết rành rẽ Bến xe ngựa để cùng nhắc nhớ nhiều kỷ niệm thời học sinh . Ôi êm đềm và thân yêu làm sao . Gò Công ơi, chỉ có một xóm nhỏ thôi mà bao người xưa , bao kỷ niệm. Những khi họp mặt nhau như thế này là những giây phút vui vẻ quí báu dường bao để cùng nhớ về quê hương yêu dấu .
Tôi viết lại cuộc họp mặt này để các bạn Bến xe ngựa cùng nhớ và nhắc nhở các đồng hương xóm khác siêng họp mặt lại để thêm thấm đậm tình đồng hương láng giềng . Cảm ơn anh Sáu Tài và cảm ơn tất cả các anh chị , các bạn đã đến họp mặt nhắc nhớ. Hẹn nhau lần họp mặt tới nhé. Phan Thủy. Chỉnh sửa lại bởi Phanthuy - 12/Dec/2010 lúc 11:42pm |
|
PhanThuy-CA
|
|
IP Logged | |
mykieu
Senior Member Tham gia ngày: 10/Jun/2009 Thành viên: OffLine Số bài: 3471 |
Gởi ngày: 08/Oct/2010 lúc 6:51pm |
PhanThuy thân mến,
Đọc bài viết của Thủy, mk thích và nhớ về quê hương GC.
Dù sống SG từ nhỏ, nhưng hình ảnh GC trong trí nhớ mk luôn êm đềm- thân thương .
mk cũng chưa bao giờ được đi xe ngựa GC. Nhưng xe ngựa SG thì đã từng đi.
Trong bài viết về xe ngựa Gò Công , Thầy Phan Thanh Sắc tả xe ngựa Gò Công không giống xe ngựa SG. Xe ngựa GC có vẽ... "quý tộc" hơn !
mk xin phép Thầy Phan Thanh Sắc, mk post bài của Thầy lên DĐ , để bà con mình nhớ lại một thời xa xôi của Xứ Gò thân yêu :
1/ ĐI TÌM HÌNH CHIẾC XE NGỰA GÒ CÔNG XƯA
2/ CON ĐƯỜNG... BẾN XE NGỰA CHỢ GÒ
mk
Hình ảnh xe ngựa Gò Công ngày xưa
(trích từ "Con đường... bến xe ngựa chợ Gò"
Tác giả : Giáo Sư PhanThanhSằc)
( xem tiếp.... ) Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 11/Oct/2010 lúc 8:29am |
|
mk
|
|
IP Logged | |
mykieu
Senior Member Tham gia ngày: 10/Jun/2009 Thành viên: OffLine Số bài: 3471 |
Gởi ngày: 08/Oct/2010 lúc 6:54pm |
Giáo Sư PHAN THANH SẮC
ĐI TÌM HÌNH CHIẾC XE NGỰA GÒ CÔNG XƯASunday, 2. August 2009, 20:38:00 Tôi mãi tìm hình của chiếc xe ngưa Gò Công xưa (1925 - 1954), mà không thấy được. Tôi chỉ có bức hình Gò Công cũ (1940) chỉ cho thấy chiếc xe ngựa từ phía sau. Đấy chiếc xe ngựa Gò Công cũ có hình dáng như thế. Xe nầy chở có 2 người, người đánh xe ngồi phía trước bên trái thụp xuống dưới thùng xe. Thường thì xe từ các làng vào chợ Gò hay bận về chở khẳm như sau. Hai người ngồi trên nệm cỏ, nếu là đàn bà có thể ba người. Trên mỗi bên vè 2 người ngồi, đít lọt phân nửa vô nệm, bấp vế gát trên vè và 2 chân thỏng bên ngoài bánh xe. Nếu có ba trẻ nhỏ từ 5 đến 7 tuổi ngồi ké đâu lưng với người ngồi nệm, ngực tựa vào bàn dựa sau, chân thòng ra sau. Còn có thể chở thêm một khách đàn ông, ngồi ở trước thùng bên phải, ngồi giống như người cầm cương bên trái. Người đánh xe ngồi bên trái, chân phải để hờ trong thùng xe, chân trái gát trên bàn đạp trái. Người khách ngồi bên phải là đối xứng với người đánh xe, chân phải gác trên bàn đạp phải. Gọi là bàn đạp, là miếng sắt như cái dĩa phía dưới thanh sắt thòng xuống trước thùng xe để khách đặt chân bước lên thùng xe. Như vậy là cỗ xe lý tưởng của người đánh xe nào cũng muốn như thế: ngoài người đánh xe, xe chở 7 người lớn và hai ba trẻ nít. Chưa hết, xe còn chở ít nhứt là hai gánh nặng, dùng đòn gánh thọc một đầu dưới nệm phía sau và móc đôi gióng, hay dở bàn dựa lên, móc đôi gióng qua thanh sắt để bàn dựa. Xe chở nặng như thế coi chừng “chổng gọng”, là hai chân trước ngựa bị nhấc lên khỏi mặt đất, nguy hiểm. Nên khi chở nặng người đánh xe phải ngồi dưới thùng trước để dằn, người khách bên phải, ngồi thụp như vậy cũng là để dằn đầu cỗ xe. Ngồi xe ngựa như vậy, khách ngồi trên nệm tưởng sướng, hoá ra là hai chân bị ép, chỗ để chân bị 2 người ngồi trước thùng xe đặt đít lên. Phải cựa quậy để có chỗ, ngường nhau. Bốn người ngồi hai bên vè coi tênh hênh vậy mà sướng, không bị kẹt chưn. Sướng nhất là các em nhỏ ngồi dòm ra sau lộ. Tôi nhới hồi nhỏ có lần ngồi sau bị người ngồi trước ngả lưng ra sau, ép ngực bào bàn dựa, thở không được phải la lên, nhưng con nít khi đi xe ngựa là khoái ngồi thỏng chưn ra sau. Chở như vậy, mà hai bánh xe ngựa dạng song, có vẻ mỏng mảnh nhưng vững chắc vô cùng, tôi chưa thấy có trường hợp gãy sụm, chỉ có vòng cao su quấn quanh niền lâu lâu bị trợt trên đá lộ, sút ra hay bị đứt. Sút vòng cao su thì nắn vô cho ngay, dẫn xe tới cho vòng cao su khớp vào niền và tiếp tục chạy. Nếu đứt vòng cao su, người đánh xe ngựa lấy đồ nghề và nối thêm một khúc cao su bằng cách xỏ kẻm nối hai đầu với đoạn cao su khác. Xong nắn vòng cao su vào niền như lúc bị sút. Khi nắn vòng cao su sút hay phải nối thêm một đoạn cao su, có khi người đánh xe vẫn để khách ngồi trên xe và chỉ sửa một mình, một lát là xong ngay. Vòng cao su là cắt từ võ xe hơi lớn, thường phải nối hai đoạn ở bốn mối, cũng có thể do hảng cao su đúc rồi cắt ra từng vòng.. Giờ nhìn hai bánh xe thổ mộ xưa thì đúng là hai bánh xe ngựa Gò Công cũ. JUL.31, 09 DPN (Xem tiếp..... ) Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 11/Oct/2010 lúc 8:28am |
|
mk
|
|
IP Logged | |
mykieu
Senior Member Tham gia ngày: 10/Jun/2009 Thành viên: OffLine Số bài: 3471 |
Gởi ngày: 08/Oct/2010 lúc 6:59pm |
CON ĐƯỜNG... BẾN XE NGỰA CHỢ GÒSunday, 2. August 2009, 08:35:24 PHẦN NHẬP: NHỚ XƯA Năm 2004, tôi viết một bài ký tựa đề là “Con đường…bao điều không nhớ” chủ yếu là để ghi lại con đường chánh ở chợ Gò Công. Con đường hình thành từ các năm 1860 có tên dân kêu ban đầu là đường Kinh Lấp, rồi Tây sửa sang thành đường lớn rộng, có hàng cột lồng đèn ở giữa và đặt tên là Boulevard Rodier. Từ các năm 1950, đường như xưa, sửa tên Việt là Đại lộ Phạm Đăng Hưng cho tới 1975. Giờ là con đường thay da đổi thịt rộng lớn có nối dài mặt Nam: đường Trương Định. Bài ký xưa, giờ đọc lại, tôi vẫn nghĩ rằng đã ghi trung trực bao điều trên con đường, không bớt được, chỉ có thể thêm… Riêng có con đường nhánh phía Tây gần mặt chợ, xưa gọi tên dân dã nhưng thân quen: Đường Bến xe ngưa! Trong bài trên tôi có viết một cậu: Bến xe ngựa vang bóng một thời…nhưng không nằm trên đường chánh, tôi sẽ viết ký về đoạn đường nầy nếu có dịp. Cái dịp … tôi chờ mãi, mấy năm nay tôi viết hằng bao chuyện cũ, nhưng con đường Bến xe ngựa vẫn chưa viết được…Các điều tôi nhớ từ gần 70 năm qua cứ nhạt nhoà dần không rõ nét Thôi thì tôi cứ bắt đầu… PHẦN MỘT: THỜI VANG BÓNG RỘN RỊP NGỰA XE Cho tới cuối thế kỷ thứ 19, các con đường trong nội ô chợ Gò Công đã vạch xong. Con đường lấp con rạch cùng ngăn cách khu chợ cũ phía Đông và phía khu ngoài phía Tây từ Yên Luông xuống nên gọi là đường Kinh lấp. Ngoài con đường Kinh lấp được mở làm đường chánh rộng rãi rộng rãi tráng nhựa, còn các con dường khác đều hẹp, lót đá xanh. Đường nào cũng có chừa lề và trồng cây, thường là cây dầu và me. Ngộ là con đường trồng me gọi là “lộ me” Riêng con đường “quan” lộ ra bến đò Mỹ Lợi dài 13 cây số được trồng dương hai bên lề nên được gọi là “lộ dương”và con đường thật đặc biệt đi Chợ Gạo và lên Mỹ Tho không được trồng cây mà trồng cột dây thép nên gọi là “lộ dây thép”.Các con đường theo xưa gọi lộ tức là các con đường ở ngoài khu chợ Gò Công. Tức nhiên có con dường.ở gần giữa chợ là nhánh phía Tây đường Kinh Lấp sau dành làm bến cho các cỗ xe ngựa đậu nên gọi là “đường Bến xe ngựa”.Đấy ban đầu các con đường có tên dân gian và được nhớ mãi như thê, dù về sau đều có tên đường bằng tiếng Tây nhưng không ai muốn nhớ! Còn con đường bến xe ngựa, hồi đàng cựu (trước khi Tây vào) là một nhánh đường từ Yên Luông xuống có cầu ván qua kinh để đến khu chợ Thuận Ngãi, huyện lỵ Tân Hoà… Khi cất khu nhà thương và nhà bảo sanh năm 1917 thì con đường nầy được uốn nắn và dạng hình như ta thấy ngót nghét 90 năm nay. Nếu nhớ con đường bến xe ngựa thì tính từ đường lớn giữa bây giờ, chạy phía Tây trên một trăm thước và ngoẹo trái 40 thước nữa là đụng con đường khác. Lịch sử đường bến xe ngựa là chuyện con đường 150 thước nầy và sức sống thời quá khứ của nó. Còn muốn biết chiều rộng của nó, giờ ta nhìn các mốc chuẩn hai bên, may mắn là vẫn còn qua bao thăng trầm thế sự. Những mốc nầy có thể tính từ trước 1930 vài năm là năm bắt đầu con đường được làm bến xe ngựa. Bên lề đường phía Bắc là cái cổng lớn vào khu nhà xưa, giờ lọt thỏm ẩn một khu hộ mới…Khu nhà xưa nầy sẽ kể chuyện xưa …Lề đường mặt Bắc hiện có nhà theo dãy trồi ra hơn thước. Bên lề đường phía Nam là các mặt tiền các nhà phố chưa sửa hẳn như ngôi nhà hiện dùng làm Trạm thuế đối diện trụ sở Phường 1 và các căn kế tiếp vẫn giữ chớn lề đường xưa. Đường xưa là rộng…đã làm bến xe ngựa, là điểm đến của xe ngựa từ 40 làng trong tỉnh cũ, theo các “lộ”. Con lộ dây thép từ các làng của hai tổng Hoà Đồng Thượng, Hoà Đồng Trung. Con lộ Yên Luông từ hai làng Yên Luông Đông và Yên Luông Tây và các làng tổng Hoà Đồng Hạ. Hai con lộ Tăng Hoà, lộ Bình Ân từ các làng tổng Hoà Lạc Hạ và con lộ Tân Tây (xưa có gọi làng Tân Niên Tây tắt là Tân Tây, giờ thành thiệt!) từ các làng tổng Hoà Lạc Hạ. Tất nhiên là nhìn chung như thế, không chắc nịch, các làng của tỉnh Gò Công xưa chỉ có 6 con lộ chánh đó nhưng cũng có lộ làng thông nhau nên cứ thuận lộ nào mà vào chợ Gò được thì đi…Xe ngựa vào chợ Gò tức là vào đậu ở bến xe ngựa. Cứ đoán và có cơ sở là vào các năm sau khi khai thị Chợ mới Gò Công năm 1917: “Tháng Giêng năm Tỵ khai thị Gò Công” thì Gò Công bắt đầu có xe ngựa chở khách cùng với số xe ngựa “nhà” có từ trước, từ các làng vào chợ Gò Công. Số xe ngựa chở khách thuận lợi càng lúc số lượng càng đông cần nơi đậu có lớp có lang cho nên nhà cầm quyền Pháp chọn con đường nào thuận tiện để làm bến xe ngựa cho chợ Gò, theo cách thức Sài Gòn Gia Định năm 1920 lập nhiều bến xe ngựa như theo một bài ký về xe ngựa ở Sài Gòn ghi lại: Tận dụng sức kéo từ nguồn ngựa đua bị loại, xe ngựa bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn vào khoảng năm 1920, trở nên thông dụng ở lục tỉnh Nam Kỳ vào khoảng năm 1930, rồi nhân lên trên các tuyến nội thị xã, thị trấn tỉnh lẻ, hình thành nhiều bến xe ngựa còn được nhắc đến nay. Như các bến xe ngựa ở Sài Gòn: bến xe ngựa đầu ga Sài Gòn, Hóc Môn, Bà Điểm, Bình Tiên, cầu Ông Lãnh Theo cha tôi thì chợ Gò có bến xe ngựa trước khi tôi sanh ra cả chục năm. Vậy thì ở Gò Công có xe ngựa sau Sài Gòn không lâu, tức vài năm sau năm 1920 và bến xe ngựa cũng có từ đó. Từ năm 1930 vì nhà tôi làm ruộng tới hai nơi, hơn chục mẫu ruộng đồng gần nhà ở làng Thành Phô, và cả trăm mẫu ruộng biền bên Vàm Kinh, Cửa Tiểu làng Tăng Hoà, nên nhà tôi có xe ngựa riêng để chở má tôi vào trại ruộng Vàm kinh, Trại cá. Má dùng xe ngựa chở cá chạy nò ở rạch ruộng, ngày vài ba giỏ cần xé cá kèo, tôm đất ra chợ Tăng Hoà bán nếu còn con nước, hoặc ra chợ Gò bán, nếu cuối con nước rồi má đem cá tôm cua dành riêng về nhà. Xe ngựa riêng của nhà tôi không chở khách nên đăng bộ “xe nhà” có chữ P tức là chữ “privée” (voiture privée) viết tắt sơn trên số hiệu xe. Má kể, vì là xe nhà khi vào đậu bến xe ngựa, bên các xe chở khách, thường bị “phú lích” để ý tìm lỗi phạt phải mua một ề “cò” (như cò dán thư, cả vài chục con nên gọi là một ề). Chú đánh xe (má tôi nói xe từ các năm tôi chưa sanh tới sau khi tôi tám chín tuổi, có tất cả là ba chú đánh xe cho nhà tôi và thêm cha tôi là bốn) lấy tiền má tôi đóng tiền mua cò phạt Má tôi bảo chú đánh xe dán các ề cò phạt ở bình phuông xe, ề mới dán lên ề cũ. để các chú phú lích cũng ngại phải phạt hoài. Gần Tết, má cho gở các ề tem phạt để sơn vẹt ni mới cho chiếc xe để đi chợ Tết, đi về quê ngoại, thăm bà con. Từ năm 1940, tôi đã 5 tuổi sắp đi học và hơi biết biết về xe ngựa và nơi xe ngựa đậu là bến xe ngựa ở Chợ. Thường thì cha tôi đánh xe chở má và tôi đi chợ. Dần dần tôi biết nơi đậu xe ngựa nhà tôi tại bến xe ngựa. Giờ thì tôi nhớ lại, thường là chỗ trước nhà thuế bây giờ. Rồi thêm ba bốn năm sau cho tới gần tới năm 1945, tôi nhớ hết, nhớ dáng vẻ chiếc xe ngựa nhà của tôi, nhớ con ngựa “vang”, bộ lông vàng sậm với bộ đồ “bắt kế”…và nhớ nhiều mảng của cái bến xe ngựa! Về chiếc xe ngựa, tôi nhớ cho đến các năm đầu 1960, xe ngựa Gò Công khác nhiều chiếc “thổ mộ” ở Sài Gòn. Xe không có mui, tôi thấy giống như chiếc xe kéo nhưng dềnh dàng vì hai bánh nan hoa cao cả thước có trục dưới hai bộ nhíp thép đở thùng xe. Còn chiếc xe kéo thì khổ là kiếp ngựa người kẹp giữa hai gọng xe thẳng có miếng cây ngang chận trước ngực, tay người nắm gọng gần miếng chận, hai cánh tay tựa chịu hai phần gần đầu gọng xe, kìm xuống giữ sức nặng của thùng xe và người ngồi trên đó, hơi nghiêng người phía trước, lấy sức chạy tới. Tới chiêc xe ngựa, hai gọng xe to hơn vuông từ thùng xe, tròn gần đầu và cong xuống, chỗ có chốt giữ sợi dây da vòng phía dưới ngực ngựa. Ngực ngựa kìm sức nặng của thùng xe, tất cả người và đồ vật chở trên ấy. Bộ đồ bắt kế thắng ngựa vào xe đã được tính kỹ, đưa toàn sức ngựa cho việc kéo cái xe. Ngựa lấy sức của ngực và cổ vai nâng và đẩy kéo xe tới, có trớn rồi, bốn vó sẽ bỏ nước kiệu, chạy nước đại hay phi “đường xa” theo lệnh của người đánh xe. Lệnh bằng lời quen, bằng roi vóc, cán roi trở gỏ nhịp nếu đã tập ngựa quen hay ngọn roi quất trót trong không khí hú doạ, rồi thế nào cũng quất trót lên lưng ngựa, thúc ngựa ráng sức thêm…Ngựa phải ăn roi của người đánh xe, có khi cấp bách vóc ngọn roi cả dưới bụng ngựa. Ngựa đau và phải hết sức kéo xe nặng cho con người. Người đánh xe không rời ngọn roi vóc. Khi đậu xe ở bến, ngựa đứng nghĩ tại chỗ, người đánh xe cầm roi vóc đi “ba vòng bốn đỗi” hay vào tiệm cà phê, đi vô chợ tìm khách cho chuyến về. Không rời chiếc roi…rõ là sợ mất ngọn roi! Chuyện vui có thiệt. Sau 1955 người viết những dòng nầy làm thầy giáo và được biết vài năm trước tức năm 1952, 1953 số thầy vào nghề bằng con đường thật ngộ. Những năm đó tình hình toàn tỉnh hơi yên các trường làng hơi xa và xa chợ Gò bắt đầu mở lại, dạy lớp năm, lớp tư, lớp ba (lớp một, hai, ba bây giờ), thầy giáo thiếu nhiều, có làng thầy dạy ngày, đêm phải vào đồn lính ngủ, lương dù phù động hay công nhựt nhưng gấp mươi lần làm ruộng hay làm thợ. Trình độ làm thầy giáo làng lúc đó chỉ cần có bằng Xép ti phi ca (bằng tiểu học ngày nay, học hết 6 năm, biết tiếng Tây khá tốt vì học chương trình Tây). Các thầy có bằng cấp nầy vào dạy cũng nhiều nhưng không phải là đủ và hết. Tôi biết nhiều trường hợp vào nghề không phải tự xin mà do thầy cũ (đang giữ chức thanh tra, phụ trách giáo dục cả tỉnh thời đó) “kêu”. Có một thầy tôi gọi bằng anh và chính anh kể với tôi như sau: Hồi giặc Tây, tôi đánh xe ngựa từ chợ Bến Trong lên chợ Gò chở khách hằng ngày. Năm 1953 một buổi sáng khi tôi đánh xe lên Chợ và đậu xe ở bến, vùa cho ngựa uống nước pha chút đường thì có anh hai “planton”(tuỳ phái) ở trường Quan đến nói với tôi là ông thanh tra tiểu học cho mời tôi vào “bureau” trong trường Quan có việc cần. Tôi “à” vì biết ông thanh tra là thầy cũ của tôi hồi dạy lớp “Supérieur”, tôi đậu CEPCI (tiểu học) hồi năm 1945 nên nói với anh planton rằng tôi sẽ vào trường. Chú (anh nói với tôi) biết không, anh nói tiếp, tôi cặp roi vóc đi vào văn phòng gặp thầy cũ Nguyễn Huỳnh Mai, thầy nói liền. “ông Thanh tra đang chờ anh, anh vào đi”. Tôi dạ và định vào, bổng thầy Mai kêu tôi lại và nói, “anh cặp roi vào à, sợ mất roi sao, để đây”. Chừng đó tôi mới nhớ là cầm roi ngựa thật dị hợm, cười và xin lỗi, để roi phía ngoài. Khi bước vào, thầy thanh tra đang ngồi sau bàn viết đứng dậy bắt tay và chỉ ghế mời ngồi. Tôi khép nép ngồi và thầy nói liền, “Me xừ M. (tên anh) đang đánh xe ngựa à?” Tôi dạ, thầy mĩm mĩm và hỏi tiếp, “Me xừ bán xe ngựa đựơc không?”. Tôi nói dạ được, nhưng con đông, đánh xe để nuôi gia đình. Thầy nói, “Bán xe, đi dạy đi” Tôi nói dạ, nhưng lâu quá, quên chữ…Thầy bảo liền, “Ra gặp thầy Mai, lấy mẩu đơn về viết, sao bằng cấp và ngay ngày mai bận bộ đồ Tây tốt nhứt đến trường sơ cấp gần nhà đó, coi thầy cô khác dạy rồi tập dạy, gởi đơn lên, chừng nửa tháng sẽ có sự vụ lịnh đi dạy”. Anh nói tiếp, hồi lãnh sự vụ lịnh đi dạy ở trường làng…, thầy Thanh tra còn cho một trăm đồng bảo may một bộ đồ Tây mới để dạy học cho tươm tất, đi giày chứ không đi dép. Tôi mang ơn thầy nhưng nhớ cái roi vóc cặp nách mà tức cười… Trở lại với tôi, khi tôi vừa lớn lối 10 tuổi năm 1945, thì xe ngựa nhà tôi không còn nữa, để tôi có dịp tập tành cầm cương đánh xe ngựa. Vì thời cuộc căng thẳng giữa Pháp Nhật, má tôi đã có tôi là trai mong đợi và các em nhỏ nên bận rộn lo chuyện nhà nên việc bán cá trong trại ruộng ở Trại cá giao lại cho chị tôi; xe ngựa không còn cần thiết nữa, cha tôi bán con ngựa “vang”, nhưng còn giữ chiếc xe để dành. Tháng 11 năm 1945, Tây đốt nhà của chúng tôi và chiếc xe cũng cháy luôn. Thế là tôi chưa kịp biết kỹ về xe ngựa nhà của tôi nhưng lại quen về việc đi xe ngựa chở khách. Má tôi đón xe ngựa từ đầu lộ trước nhà lên chợ mua đồ và trở về. Cũng thời điểm đó tôi thường ở nhà cô ruột trên chợ để đi học và cái bến xe ngựa tôi quen lắm. Xe ngựa đậu nhiều là vào khoảng các năm 1948 trở đi, xe từ các làng chở khách và hàng rau cải, cá tôm để bán ở chợ Gò. Mỗi bửa sáng có thể vài ba chục xe đậu sẳn, đậu thường là hai bên đoạn đường thẳng từ chỗ cổng nhà bà Toà đến khúc cong. Khách muốn về làng nào thì đi dọc theo hai bên lề, nhưng thường bên lề trái ngó từ đầu đường, nhìn bàn dựa trên sau xe có in chữ đề tên làng, đứng chờ là đúng. Bên lề Nam tức lề trái, các tiệm bán vật dụng liên quan đến xe ngựa làm ăn sung túc lắm. Có một tiệm bán và sửa đồ bắt kế ngựa bằng da, nhiều loại. Người cầm cương nào cũng muốn ngựa mình có bộ đồ bắt kế đẹp, lục lạc phải kêu dòn, dây buộc bụng ngựa phải mềm và chắc, nhất là hai miếng “ba trắc” che mắt ngựa phải vừa rộng để ngựa chỉ thấy phía trước mà che được mắt ngựa không thấy tầm ngang…để ngựa luôn chạy thẳng mà không thấy xe khác qua mặt, ngựa sợ tạt ngang. Từ cổng nhà bà Toà chạy vô không có nhà nên trên lề có bán cỏ tây cắt đựng trong bao để chủ ngựa mua đút cho ngựa ăn tại chỗ và đem bao cỏ dư theo xe về… Khúc quanh bến xe ngựa có chổ đóng móng ngựa. Lộ xưa thường lót đá nên chỉ có móng sắt ngựa mới không làm mòn móng thốn gót. Người đánh xe ngựa luôn kiểm soát móng sắt ngựa, sút mất và mòn là phải đóng móng sắt mới ngay. Có người cứ thấy móng sắt ngựa mỏng rơi trên lộ thì lượm đem về và gắn ở đâu đó trong nhà coi như là vật may mắn. Kiểu tóc học trò trai thời xe ngựa là tóc hớt “móng ngựa”, tức tóc hớt ngắn, cao và tóc trên đầu bằng ngọn coi cũng ngộ ngộ…Sao nhớ quá, trên lộ quê, móng sắt ngựa nhịp lốc cốc đều đều, rồi tiếng lục lạc leng keng, rồi tiếng cốc keng ngân vang mà rời rạc nhấn chuông, lại thêm tiếng ngựa hí, ôi như là một điệu nhạc của tiếng lòng dỉ dãng … Nhớ thêm cuối bến xe ngưa, bên vách tường nhà thương có thơ hớt tóc ngựa. Ngưa cũng cần hớt bớt lông vào mùa nắng nực nội… Đấy tôi thấy hết trên các bến xe ngựa hồi xôn xao nhứt.. Tôi cũng nghe và biết chuyện thiệt là hồi năm 1947, 1949 có một người lính bên Đạo hận thù một ông đội Việt theo Tây đã giết hại bà con ở làng quê khi đi bố, buổi trưa chợ tan, tại bến xe ngựa, rút cái bàn dựa của một chiếc xe ngựa đang đậu, vụt mạnh vào đầu ông đội đang ngồi uống nước. Ông đội ngã chết tại chỗ và người ấy liệng bàn dựa, chạy qua các vườn chuối, theo ngỏ hẻm qua ngôi nhà cổ, qua cầu Long Chiến và về ấp Đạo Long Chánh và an toàn… Thời gian lại trôi đến các năm 1970, cái thùng xe ngựa như thùng xe kéo được cải biến thành cái thùng như xe bò, nhưng nhỏ gọn hơn. Hai bánh nan hoa, niền sắt, vòng cao su của chiếc xe ngựa cũ, thay thế bằng hai bánh xe hơi mòn bỏ ra, để chở nhiều người và nhiều hàng hoá hơn và để chạy trên các lộ xưa thành đường tráng nhựa, êm hơn, nhanh hơn và cũng dần bị thay thế bằng xe Lambretta ba bánh chở khách. Bến xe ngựa dần trở thành nửa bến xe Lam nửa bến xe ngựa để: Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo… PHẦN HAI: NGƯỜI XƯA Ở BẾN XE NGỰA Xe ngựa giờ thì đã mất hẳn trên con đường bến xe ngưa xưa, ban đầu có tên Tây là đường Escourbet rồi đổi thành đường Từ Dũ thời Việt. Có đường là có nhà, có người. Nhà có hồi xưa giờ cái mất cái còn, còn con người đến ở đầu tiên hai bên đường từ tám chín chục năm qua, đều đã mất hết, nhưng có thể còn những cái tên, những phương danh, không nhứt thiết là danh “thơm” nhưng là những tên “xã hội” còn được nhớ! Về nhà, thì dãy trái, đứng từ đầu đường thấy ngay căn lầu Hội Nguyên Hàng cất từ các năm 1960, do chủ nhân ông bà Trương Lương, ông gốc người Hoa, Bang Hẹ, bà người Việt, ban đầu có cái thum tạp hoá Thuân Nguyên ở đầu đường Phạm Đăng Hưng, ngó thấy mặt tiền chơ, thum bán thịnh vượng nên sau hai ông bà mua thêm căn phố trệt hình như là tiệm may Tương Lai cũ, phá bỏ cất lên lầu hai tầng. Giờ thì người con út họ Trương kinh doanh, đổi tên tiệm Hội Nguyên Hàng trở lại tên Thuận Nguyên, bán hàng kim khí và đồ đa dụng, kinh doanh cả 2 mặt tiền đường: đường chánh và đường bến xe ngựa xưa. Vậy tiệm Hội Nguyên Hàng có phía hông đường Bến xe ngưa. Lề đường phía hông nầy và chạy tới dọc lề bến xe bên Nam lúc đó rộng lắm cả 5 thước, nên chỗ dứt tiệm có một thum hớt tóc, hai ghế, cha hớt tóc, giờ giao cho con. Tiếp tiệm là dãy phố vài chục căn rộng y nhau chắc xưa do một nghiệp chủ cất cho mướn, giờ khó nhớ ai ở ai đi. Vậy cứ nhớ là kể, đặc biệt tiệm Ngọc Vinh chuyên đắp võ xe hơi, xe lam, vá ruột bơm chuyên nghiệp có tiếng, nhưng tiệm được biết nhiều không phải là ông mà là bà chuyên cho mướn tiểu thuyết cho dân quen ghiền đọc ở Chợ Gò. Hồi cuối năm 1954 tôi học xong ở Sài Gòn về chờ đầu năm 1955 đủ tuổi xin đi dạy, rảnh rỗi cả ba bốn tháng tôi đến mướn truyện chưởng đọc. Lần đầu tôi có đóng tiền thế chân, vài lận quen mặt, bà cười không lấy tiền thế chưn nữa. Tôi nhớ tôi đọc nhiều lắm. Đặc biệt bà Ngọc Vinh là lo cho mướn truyện, ai cũng biết bà vì bà cận thị nặng lắm đeo câp mắt kiếng dầy cộm như khu hai cái ly xây chừng. Sau, bạn tôi là thầy Nguyễn Văn Ba, vui cho tôi biết, bà là cô ruột thứ bảy của anh Ba, mê đọc truyện lắm. Ban đầu bà mua truyện về đọc, đọc thét được một đống sách, không biết ai bày cho bà, đóng kết bìa các cuốn sách bằng giấy xi măng rồi bắt đầu cho mướn. Bà cứ mua sách để đọc và đóng bìa cho mướn. Ban đầu là như vậy nhưng sau nầy sách nhiều lắm, chắc bà cũng không đọc hết…Chuyện cũng lâu lắm rồi. Vài hôm trước tôi gặp lại anh Lê Ngọc Phước là con trai thứ của ông bà Ngọc Vinh. Anh Phước là giáo viên cũ trường Tiểu học Thái Lập Thành từ năm 1966 do tôi làm Hiệu trưởng. Anh Phước rời nghề từ năm 1975 và sau đó có vợ và theo vợ bán gạo có nhà ở khu nhà máy Thầy Ngô. Tôi hỏi anh Phước về tiệm Ngọc Vinh xưa, anh cho biết nhà có tiệm cũ hiện người em trai út ở và làm nghề…Vậy là tiệm Ngọc Vinh vẫn còn để lại cho con. Nhớ nữa, các năm 1947 – 1948 tôi có hai bạn học là anh em ruột tên Hùng và Dõng con thầy giáo Trần Văn Đẩu dạy trường Quan. Thầy cao người, tóc bạc trắng ở nhà là một căn phố gần tiệm Ngọc Vinh. Năm 1949 tôi đi Sài Gòn học, không gặp, không biết hai anh bạn Hùng và Dõng giờ còn mạnh khoẻ không và ở đâu! Nhớ, chúng tôi hồi học Cours Supérieur C trường Quan Gò Công, chịu đòn dữ lắm, tôi nhát đòn nên ráng conjuguer verbes cho trúng nên lâu lâu có trật, thầy tha; một số bạn đứng bảng viết sai trật hoài, khi bị thầy trót roi mây cứ “pisser” trong quần, không ai dám cười vì “pisser par roulement” mà! Lại nhớ thêm một anh bạn ở đâu đoạn cong của con đường bến xe ngựa, cùng học lớp trên tên là Dương Văn Hội, cùng từ năm đó đến nay không gặp lại. Hình như anh Hội sau đá banh cho các hội ở Sài Gòn, anh Hội có hai người anh đá banh trước đây là Quới và Nhơn. Anh Quới nổi tiếng nhứt, ai mê coi đá banh đều nhớ. Đâu từ năm 1950 đến năm 1954 anh đá cho Hội Ngôi sao Gia Định và là tuyển thủ quốc gia. Tôi nhớ anh là “arrière” (hậu vệ) phải cùng trong đội tuyển với Coón, Mỹ, Hiếu, Tư…Sau 1955 anh Quới đá cho hội AJS (***ociation de la jeunesse sportive), còn thêm anh Tư (mũi tên vàng Châu Á) đá cho đội Cảnh sát Đô Thành. Tôi thì nhớ mãi và cho rằng anh Quới thiệt là người nổi tiếng của Bến xe ngựa xưa! Riêng anh Tư tôi không biết anh ở khu nào của chợ Gò Công tuy tôi biết và có gặp anh tại Sài Gòn trước 1954, khi đó anh làm “agent de mœurs” (lính kiểm tục) thuộc Cảnh sát để đá banh. Ngôi nhà xưa ba căn kiểu Tây đối diện với nhà thuốc Cổ Trung Nguơn xưa, trước các năm 1980 là nhà bên vợ anh Phạm Văn Báu, con ông Đốc Hợi, từng là y sĩ ở nhà thương Gò Công. Gia đình anh Báu cùng anh Tám Đạt là anh vợ anh Báu, đi nước ngoài năm 1982 nên nhà bị quản lý giờ làm trụ sở gì đó. Mới đây, du khách Pháp có du lịch đên khu chợ Gò Công, đi qua các đường phố đều thấy có nhà xưa kiến trúc Pháp thời thuộc địa còn sót lại và khi đến đường bến xe ngựa nầy thấy ngôi nhà dáng đẹp có trụ cờ riêng nên lầm cho là nhà việc làng ngày xưa, chụp hình đưa lên trang Blog du lịch bằng tiếng Pháp, năm 2007. . Tiếp theo ngôi nhà đẹp nầy, may mắn còn tồn tại đến giờ, là các nhà xưa dạng phố và nhà chỗ khúc đường cong hiện làm quán bán cơm bình dân. Các nhà xưa ở đoạn ngó qua nhà thương sanh xưa đều có sân vườn rồi mới đến lề lộ thành ra những căn nhà thụt vô sâu với bao chủ nhân, tôi không biết là ai…họ đi qua và nhà xưa, sân vườn xưa giờ là những căn trệt, căn lầu mọc lên, bán buôn, cái nầy cái nọ, lạ lẫm trong cái rộn rịp nhưng ơ hờ ngày nay…À có nhớ, đâu các năm đầu 1960, ở khúc cuối đụng đường Huyện Nguơn, trường Tư thục Khai Trí có dời về dạy trong dãy lớp ở đây vài năm, mới dời xuống khu đất kế bên chùa Ông...làm trọn vai trò rồi chuyển cho trường Bồ Đề và…giờ vẫn là trường… Trước khi nhớ qua bên kia đường…nhớ thêm các người ở, hay làm việc bên lề đường nầy, nhớ những người có tiếng đã qua. Các năm 1948 – 1950 có ông bác sĩ Thông mở phòng mạch cách tiệm Ngọc Vinh dăm ba căn, ông chửa bịnh cho dân các làng đi xe ngựa đến chợ Gò tức vào bến xe ngựa nầy, thật thuận tiện cho dân ở từ xa. Ông bị động viên vào ngành quân y, sau nầy nghe ông là tướng coi ngành quân y Sài Gòn. Nối tiếp ông bác sĩ Thông (rất tiếc giờ hỏi không ai nhớ họ), sau 1950, khi có ngôi nhà lầu lớn sau là nhà thuốc tây Cổ Trung Ngươn bên kia đường, ban đầu mở phòng mạch của bác sĩ Luçien Diệp Văn Quí, đi học bên Tây về. Ông bác sĩ nầy cũng vui vẻ biết thương, chửa bịnh giúp dân nghèo, nhưng không lâu, cũng phải vào quân y. Tới năm 1966, khi ông tử nạn giao thông, là đại tá cục phó cục quân y Sài Gòn. Ông, hồi mất chưa đến 50 là con trai của ông bà Diệp Văn Tri, ông bà mất để ngôi nhà thờ ngó qua bên hông Văn Thánh Miếu, hiện trạng nhà là chuyện buồn. Còn ông bác sĩ, năm 40 tuổi ông mới cưới vợ là cháu ngoại ông bà phủ Hải. Vợ ông không con, sống ở Thành phố, mới mất năm rồi. Ông có con trai của vợ lẽ, hiện ở Pháp, đang lo vụ kiện giành lại ngôi nhà thờ… Giờ thì từ đường chánh, đứng đầu đường bến xe ngựa, bên phải xưa là căn phố, mặt tiền ngó đường chánh nhưng hông chạy dài mười mấy thước bên lề phải. Lề đường phía phải xưa trên 3, 5 mét, nay thì tiệm kiếng Sài Gòn 1 mặt tiền lấn bên lề cũ, rộng hơn các căn cũ kế bên cả thước, nay lấn xưa. Chủ cũ là người Tàu, nghe gọi là Tài Kinh, tôi biết mặt chứ không quen. Đường bến xe ngựa bắt đầu bên phải nầy là tiệm Tài Kinh bán dầu, bên trái kia là tiệm Hội Nguyên Hàng bán đồ gia dụng, đều của người Tàu. Xưa khi tôi biết, các tiệm buôn ở khu chợ nhất là ở mặt chợ đều của người Tàu. Họ ghi bảng hiệu bằng chữ Tàu, thường hai ba chữ tận cùng bằng “Ký” như Lưu Sum Ký 劉飫記 ,Vưu Sưu Ký 尪嗖記 , Tài Ký…材記 (記 ký là hiệu tiệm) và tiệm lớn thì bảng hiệu tận cùng là “Hàng” như Hưng Vượng Hàng 興旺行, Hội Nguyên Hàng 會源行. Thật ra các tên bảng hiệu nầy do có người Việt biết chữ ‘nho” đọc từ bảng hiệu của người Tàu theo âm Hán Việt, người mình kêu theo, chứ từ chính miệng chũ nhân Tàu đọc ra sẽ là âm theo tiếng của Bang họ…Chữ 行“hàng” trên bảng hiệu 會原行 âm Hán Việt đọc là “hành” hay “hàng”. Chữ “hàng” có nghĩa là hãng, xưởng v.v Theo lề đường phía phải cách sau tiệm Tài Kinh vài căn có nhà thuốc Bắc, ghi bảng hiệu bằng tiếng Tàu là An Sanh Đường 安生堂 có chữ 堂 “đường” như Phước Sanh Đường .福生堂 ở đường chánh, giờ thì cất thành tiệm mới do bà con của tiệm xưa, họ Lôi 擂 buôn bán thúng rổ. Tôi nhắc đến mấy chữ Tàu âm theo “nho” nầy vì trước năm 1954, các tiệm Tàu ở khu chợ Gò trương bảng hiệu toàn bằng chữ Tàu, hoặc có ghi thêm chữ Việt thì rất nhỏ. Đến năm 1956, chính quyền ông Diệm không cho ngoai kiều và người Tàu làm mười mấy ngành nghề, nên người Tàu khách trú phải nhập tịch Việt để buôn bán, bảng hiệu viết lại bằng chữ Việt, nên dân chợ Gò Công mới quen dần các tên tiệm Tựu Phước, Tựu Nam, Đức Sanh, Vạn Sanh v.v. (kêu lên thì biết ngay là của người Tàu). Tiếp về bên lề mặt, nhìn rõ một cái cổng lớn có cửa sắt dẫn vào một ngôi nhà nằm sâu bên trong. Suốt các năm 1940 rồi đến các năm đầu 1950, tôi không biết là nhà của ai, chỉ thấy mặt ngoài từ cổng chạy theo bến xe ngựa là hàng rào chân gạch trên song sắt, dài tới 40 thước, rồi tiếp không có nhà cửa gì nữa mà là các vườn chuối sát lề đường cho tới đụng vách tường rào nhà thương, phía ngoài của nhà xác. Tới năm 1949, vẫn thấy các vườn chuối nầy. Qua năm 1950, lúc còn giặc Pháp, tỉnh cho dân cất tiếp nhà trên các vườn chuối. Lần lượt, vườn và nhà ông Ba Vị làm ở công chánh, cất lên , rồi ngôi nhà lầu khá tân tiến để cho ông bác sĩ Luçien nói ở trên khám bịnh và sau làm nhà thuốc tây Cổ Trung Nguơn. Tiếp là sáu bảy căn nhà trệt cho đến con đường hẻm băng qua ngôi nhà xưa qua đường lớn lên cầu Long Chiến. Rồi kê tiếp từ đầu con hẻm nầy lại hình thành một khóm cả chục nhà hai bên con hẻm nhỏ đến vách tường nhà thương, bên ngoài nhà xác. Anh Huỳnh Văn Hậu, bạn học và đồng nghiệp của tôi có gia đình ở một trong các căn trệt tiếp nhà lầu tiệm thuốc Tây, cho tôi biết các nhà và phố cất trên các vườn chuối ven đường là cất sau hết vào năm 1950 đó. Còn tiếp lề đường phải của khúc cong vì giáp vách của nhà thương nên không thể cất thêm nhà hay thum gì được, giữ trống trải như vậy một thời gian thật dài. Ít năm sau năm 1975, không còn là bến xe ngựa nữa, con đường vẫn giữ hình dáng như vậy và mới thay đổi khó nhận ra kể từ khu chợ mới thay chỗ khu nhà thương cũ. Bến xe ngựa chỉ còn những người xưa gọi, thanh niên giờ không bao giờ biết hình thù chiếc xe ngựa thời trước ra sao…Thấy xe thổ mộ, xe ngựa phục vụ du lịch Đà Lạt đừng liên tưởng đó là xe ngựa Gò Công thời 40 làng đi chợ Gò Công vào đậu ở bến xe ngựa….Xe ngựa Gò Công đã mất dấu 50 năm nay rồi… PHẦN 3: NHÀ BÀ TOÀ CÒN MÃI NHỚ QUÊN Đầu năm 1955, tôi làm thầy giáo và lần lượt quen với các đồng nghiệp trẻ cùng lứa tuổi. Tôi quen anh Lê Văn Đủ dạy ở Tân Niên Tây từ năm học 1955-1956 và biết anh đang ngụ với chị thứ Ba và anh rể trong khu nhà lớn bến xe ngựa. Có chuyện gì đó, anh rủ chúng tôi vào nhà chị và anh rể của anh. Tôi đến bến xe ngựa và vào cái cổng lớn mà tôi biết cả chục năm chưa lần đi vào. Qua cổng là sân đất có cây cỏ như sân trước nhà bà Phủ Hải, còn rộng hơn nữa, nhưng không phải là vườn kiểng. Phía trong là ngôi nhà xưa trên nền cao hình chữ đinh ba căn hai chái với hàng tư liền nhà dưới. Tường dầy và lợp ngói âm đương, chắc xây cất không lâu chỉ từ năm 1920 trở lại. Toàn khu nhà đóng cửa im ỉm. Trong sân quẹo qua trái giáp rào nhà ông Ba Vị là ngôi nhà đơn sơ thấp, vách ván lợp tôn của anh rể anh Đủ. Tôi cũng không biết do mối liên hệ gì mà anh rể anh Đủ cất nhà ở mép khu nhà lớn nầy. Được biết anh làm thợ máy và làm bình accu. Anh Đủ thứ 8 quê ở cù lao Phú Thạnh Đông, nhờ chị và anh rể nuôi cho anh học được trường Pétrus Ký Sài Gòn, nhưng học trể,. Anh lớn hơn tôi 2 tuổi mà vào trường nầy sau tôi 2 khóa. Anh thi đậu Trung học Pháp BEPCI năm 1955 và xin vào dạy ở tỉnh Gò Công ngay và nhờ thế chúng tôi quen nhau. Tôi nhớ có hỏi anh Đủ nhà của ai mà lớn quá và đóng cửa như vậy và anh nói là nhà Bà Tòa và chỉ biết có bao nhiêu đó thôi. Thế là cuối năm 1955 tôi mới biết ở bến xe ngựa có nhà Bà Tòa. Tôi cũng không tìm hiểu coi là bà Tòa nào. Nếu tôi muốn biết thì cũng dễ. Tôi có thể hỏi cha tôi, người sanh năm 1899, biết nhiều về Gò Công, hay tôi hỏi cô ruột tôi còn lớn tuổi hơn cha tôi, là bà Hội đồng tại chợ. Tất cả các bà lớn trên chợ, cô tôi đều biết. Như bà Phủ Hạt thường đến nhà cô tôi chơi, vì nhà cô tôi ở đầu đường vô Xóm Sáu cách nhà bà Phủ chừng 100 thước, bà Phủ gọi cô tôi là mợ bà con gần, dù rằng tuổi bà lớn hơn cô tôi, ngay cả tôi bà Phủ cũng gặp nhiều lần và biết là cháu bà Hội đồng. Nếu tôi hỏi cha tôi hay cô tôi thì đâu tới năm chục năm sau tôi mới biết giữa bà Phủ Hạt và bà Tòa và cả đến bà Phủ Hải có liên hệ gần đến mức không thể gần hơn! Năm 1956 anh Đủ lập gia đình và chúng tôi đến nhà anh chị Ba của anh Đủ phụ làm rạp cưới. Tối chúng tôi ở lại và vài ba anh em chúng tôi lấy chiếu nằm ở hàng tư nhà Bà Tòa ngủ. Tôi nhớ hàng tư rộng lắm có lan can, lót gạch Tàu, ngủ đở vài ba chục người cũng được…Duyên của tôi với nhà Bà Tòa là như thế. Rồi sau tôi cũng có vào nhà anh chị Ba anh Đủ khi có việc. Còn nhớ đâu các năm đầu 1960, trong khu nhà bà Tòa, mé bên nhà anh Ba của anh Đủ có hảng đệt, hình như tôi thấy dệt vải gì đó. Rồi vài năm sau tôi phải nhập ngũ. Bốn năm sau tôi về dạy lại, đổi nhiều trường, không gần gủi được với anh Đủ. Tôi không có dịp vào khu nhà Bà Tòa…Sau 1975, hoàn cảnh khiến tôi và anh Đủ cũng không gần nhau. Năm 1992, vào tháng 6,. anh mất, tôi không đến thắp cho anh cây nhang, thật vô tình! Anh mất nhầm lúc tôi đang chấm thi tốt nghiệp trung học tại Mỹ Tho. Năm ngày sau tôi về, đến thăm gặp con gái lớn của anh, nói lời chia buồn mà nước mắt dâng mi… Lần mới nhứt tôi vào khu nhà bà Tòa là vào năm 1990, tôi còn đi dạy và mất răng cửa phải, nên vào khu nhà bà Tòa tìm nha sĩ để làm cái răng giả. Cô Thủy làm cho tôi cái răng giả có thể tháo ra mà không lấy tiền. Cô nói, “em sẽ làm cho thầy cô cũ một cái răng mà không lấy tiền để cám ơn thầy cô đã từng dạy dỗ em”. Khi lấy cái răng, tôi mới sực nhớ đây là nhà Bà Tòa xưa, giờ phân ra cho nhiều người ở. Cô nha sĩ Thủy, học trò cũ lúc đó ở một căn nhà dưới và làm răng…sau cô cùng chồng con đi sống ở Mỹ.… Đó là lần chót tôi vào khu nhà bà Tòa. Giờ chắc cũng chia cho nhiều người ở…. Chuyện đời có nhiều cái muốn quên mà lại nhớ….lại là chuyện nhà bà Tòa. Tôi có quen anh Trần Văn Thảo, chủ lò bún hủ tiếu nổi tiếng Tám Thảo hồi các năm 80, 90 ở phía trong bến xe ngựa, anh xưa có quản lý hảng dệt Hưng Nam trong khu nhà bà Toà. Nhớ đến sự kiện tôi mới hỏi anh về người lập hảng dệt có liên hệ gì với bà Toà và anh cho biết nhiều đìêu rõ ràng: Năm 1959 anh quê từ Bình Xuân đưa gia đình vào chợ Gò và vào làm cho hảng dệt Hưng Nam. Ông chủ là ông Nguyễn văn Nam là con thứ 7 của bà Toà và ông Nguyễn Văn Tri. Năm mới mở xưởng dệt thì ông bảy Nam tuổi trên bốn mươi (vậy đoán ông sanh vào cuối các năm 1910) từng đi học bên Tây về nhưng nghe nói không đỗ đạc bằng cấp gì, rất giàu có vợ và hai con gái ở Sài Gòn; anh Tám Thảo môt tháng lên nhà ông một lần, nếu ông không lái xe xuống xưởng dệt, để đem trình sổ sách, nhận tiền trả công nhân xưởng dệt. Xưởng dệt cất bên phía trái từ cổng vào nhà bà Toà, có hai chục khung dệt và 60 máy nhỏ dệt dây thun. Tôi có thấy một công nhân coi ba bốn máy dệt dây thun, dây thun dệt ra được quấn theo cuộn chừng vài chục mét, dán nhản hiệu Hưng Nam Gò Công. Xưởng có lối 50 công nhân, anh Ba anh rể anh Tám Đủ làm thợ máy coi về nhà xưởng, điện, máy v.v. còn anh Tám Thảo coi tổng quát và được tín cẩn. Xưởng dệt nhiều loại vải và hoạt động đều đặn cho tới năm 1965, tình hình không yên ổn, công nhân nam bị bắt lính kể cả anh Tám Thảo. Ông Bảy Nam trông nom không xuể nên cho hảng Hưng Nam ngừng hoạt động và bán các máy dệt, chỉ còn nhà xưởng trống không đến năm 1975…Anh Tám Thảo cho biết thêm.ông Bảy Nam có người chị thứ tư là cô Tư Mỹ có chồng nhà giàu ở Sa Đéc, và có người em gái thứ Tám, còn vài anh chị khác anh Tám Thảo không nghe nói tới. Tôi hỏi anh Tám Thảo còn mẹ ông Bảy Nam là bà Toà, bà Toà tên gì, anh Tám Thảo nói không biết nhưng hình như sau khi ông chồng bà là ông Tri mất bà có gá nghĩa với một ông làm ở Toà nên dân chợ Gò gọi bà là bà Toà. Cám ơn anh Tám Thảo, anh đã cho biết nhiều chi tiết để tôi có thể tìm biết rõ được bà Toà là ai. Việc anh Tám nói, ông Bảy Nam khi về chợ Gò có ra thăm thầy Ba Thắng và gọi là chú. Vậy ông Nguyễn Văn Tri là anh thứ Hai của thầy Ba Thắng. Anh Tám Thảo nói ông Tri hồi đó có nhà thuốc Tây lớn ở Mỹ Tho. Người ở chợ Gò gọi là bà Toà là kêu theo chồng sau, không phải là cha của ông Bảy Nam. Tôi bổng nhớ mấy năm trước chị Trần Thành Mỹ, con cô ruột tôi, ở Belgium, gởi mail cho tôi có nhắc chuyện cô Tư Mỹ là con bà Toà Rỉ ở Mỹ, mươi năm trước có liên lạc với chị để nói chuyện về miếng đất hương hoả họ Trần, than phiền sao cháu bên ngoại họ Trần ở cũng phải đóng tiền! Chuyện nầy không liên quan gì người ngoài tôi không kể, nhưng về vai vế thì chị Trần Thành Mỹ vai là chị của bà Toà Rỉ và cô Tư Mỹ kêu chị Mỹ bằng dì… Thế là tôi có đầu mối. Tôi lật gia phả họ Huỳnh Đình tôi có được bản sao thấy: Ông Huyện Huỳnh Đình Nguơn và bà Dương Thị Hương (con gái duy nhất còn lại của bà Trần Thị Sanh), dân chợ Gò thường gọi là ông Huyện Nguơn và bà Huyện. Ông Huyện Nguơn mất năm 1892 và bà Huyện sống thọ tới năm 1930, khi mất chôn trong ngôi mộ đồ sộ, giới kiến trúc mới đây có đến khảo sát và gọi là ngôi mộ Bác lăng đẹp nhất miền Nam, hiện trong khuông viên chùa Long Thiền, Bình Nghị. Ông bà Huyện sanh 15 người con, còn 5 con: ba gái hai trai. Con gái lớn là Huỳnh Thị Nữ, con gái út là Huỳnh Thị Điệu tức bà Đốc phủ Nguyễn Văn Hải. Bà Huỳnh thị Nữ có ba gái đều có chức phận được nể trọng là bà Nguyễn Thị Marie và Nguyễn Thị Inée và bà Nguyễn Thị Biếu. Bà Marie là vợ ông Nguyễn Văn Tri và được dân chợ Gò gọi là bà Toà Rỉ. Tới đây tôi trở về chuyện bến xe ngựa có nhà bà Toà. Bà Toà tức là bà Toà Rỉ vợ ông Nguyễn Văn Tri có các con: cô Tư Mỹ, cậu Bảy Nam và cô Tám Bạch. Anh Tám Thảo chỉ nhắc đến ông Bảy Nam là chủ hảng dệt Hưng Nam, cô Tư Mỹ có chồng giàu ở Sa Đéc, cô Tám Bạch không con và tôi cũng có chuyện để kể. Còn hai người con trai nữa của bà Toà Rỉ không có chuyện để nhắc tới. Đặc biệt trong gia phả có ghi rõ cô Tư Mỹ tức Nguyễn Thị Mỹ có chồng là Huỳnh Thuỷ Lê và có 5 con: 3 gái hai trai có họ Huỳnh trai gái gì cũng có lót chử “Thuỷ”. Điều nầy khiến tôi tin rằng ông Huỳnh Thuỷ Lê là người Hoa giàu có ở Sa Đéc. Xem phần “dật sự”. Bây giờ, dân chợ Gò Công nếu còn thấy ngôi nhà bà Toà ở bến xe ngựa xưa đâu có biết đó là nhà bà Toà Rỉ do chồng bà có làm Toà và tên Tây Marie của Bà. Chuyện bên lề: Bà Nguyễn Thị Inée, em bà toà Rỉ, là bà Phủ Nguyễn Văn Hạt có mười mấy người con đặt tên chim…mà bà Thạc sĩ Cộng đồng Nguyễn Thị Oanh gần 80 tuổi, mới mất năm nay là con thứ mười bốn của bà. Người em của hai bà Toà Rỉ, bà Phủ Hạt là bà Nguyễn Thị Biếu (chị Trần Thành Mỹ mới cho biết) là bà Huyện Chỉ ở Saigon, đường Phan thanh Giản (trước) gần nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, có rể là thượng nghị sĩ Nguyễn văn Huyền rồi tháng 4 – 1975 làm Phó Tổng Thống với Tổng Thống Dương Văn Mnh, chính quyền Sài Gòn, con trai là giáo sư Toán nổi tiếng thời trước 1960, thầy Phan Ngọc Phương. Nhắc thêm bà Huỳnh Thị Điệu tức bà Phủ Hải là dì ruột của ba bà Toà Rỉ, bà Phủ Hạt và bà Huyện Chỉ. Còn chị Trần Thành Mỹ là cháu cố ông Trần Văn Hửu mà bà Toà Rỉ Marie, bà Phủ Hạt và bà Huyện Chỉ là cháu cố bà Trần Thị Sanh. Bà Sanh là em gái ông Trần Văn Hữu. Đấy mối liên hệ là như thế nhưng thật tế họ cũng ít liên lạc với nhau. Cô Tư Mỹ là con bà Toà Rỉ biết vai vế và địa chỉ chị Trần Thành Mỹ ở Belgium mới có thư từ một vài lần rồi đã mất cách nay cả chục năm… Mới đây được biết thêm về ông Nguyễn Văn Tri, chồng bà Toà Rỉ là được sĩ, là một trong những nhà sáng lập ra Gò Công Tương Tế Hội tại Sài Gòn và Nghĩa Trang Gò Công tại Tân Sơn Nhứt (1944). Tìm thêm thì thấy: Trong cuốn Gò Công xưa và nay trang 258 đến 262 thấy có ghi về Gò Công Tương Tế Hội được lập ngày 12 – 4 – 1919. Các ông Hội trưởng từ năm 1919 liên tục đến 1957… Ông Nguyễn Đức Long, Đốc phủ sứ, (1919 – 1920) Dược sư Nguyễn Văn Tri (1921 – 1926) Lê Quang Liêm, tự Bảy, Hội đồng quản hạt (1927) Nguyễn Đình Trị, Tri Huyện (1928 – 1931) Luật sư Vương Quang Nhường (1932) ……………………………………… Việc lập Nghĩa Trang Gò Công, đầu tiên (1944) tại Tân Sơn Nhứt, chôn 200 người Gò Công qui tiên và có chôn nhà chí sĩ Phan Chu Trinh…Năm 1948 nghĩa trang nầy nằm gần sân bay, không chôn được nựa nên Hội Tương Tế lúc đó do ông Lê Văn Trị, Cán sự, (1947 – 1953) lập thêm Nghĩa trang mới tại Tân Sơn Nhì (Gia Định) cạnh Quốc lộ 1, cách Bà Quẹo 3 km, diện tích 1 mẩu 45 sào 50 thước… (GC XƯA VÀ NAY 1969) PHẦN KẾT: DẬT SỰ HAY CHUYỆN CŨ! Mới đây tháng 5 – 2009, tôi có viết loạt bài theo tài liệu tiếng Pháp về cuốn tiểu thuyết L’amant (người tình) của nữ tác giả Pháp Marguerite Duras, được giải Goncourt năm 1984 và dựng thành phim năm 1992. Phim được chiếu trên thế giới và ở Việt Nam, gây nhiều chú ý, nhất là ở Việt Nam, nơi là bối cảnh chánh của chuyện phim và đặc biệt là phim quây nhiều cảnh ở đồng bằng sông Cửu Long thật đẹp. Nhà văn Marguerite Duras (1914 – 1996) viết lại mối tình thời thơ ấu, hồi lối năm 1929 với một người Tàu đứng tuổi ở một tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Sở dĩ tôi viết chuyện Tây nầy vì từ khi chiếu phim nầy ở Việt Nam, tôi nghe một dật sự là “người tình” Tàu sau khi cô đầm nhỏ về Pháp, cưới vợ thật môn đăng hộ đối, giàu sang ở Gò Công…nên tôi viết phần kết ghi: ĐẾN CHUYỆN CŨ Ở GÒ CÔNG Vào các năm đầu 1930, ở Chợ Gò trong giới quyền quí đều biết một bà thuộc một dòng họ cao trọng nhứt nhì Gò Công, bà được gọi bằng chức của chồng là ông toà và tên bằng tiếng Tây của bà: bà Toà R….Bà toà R… rất giàu và có 5 người con, trong đó có hai người con gái thứ tư và thứ tám. Bà gả cô gái thứ Tư cho một người rể Tàu giàu có ở Sa Đéc tên…. Người rể nầy sau lấy luôn cô em vợ thứ Tám. Gia đình tay ba nghe nói rất đầm ấm. Cô Tư M. có con và cô Tám B. không con. Cô Tám thương yêu và nuôi nấng các con của chị như con ruột. Gia đình của bà Toà R.. rời Gò Công vào các năm cuối 1930 để sống ở Sài Gòn, sau nầy nghe nói họ cùng gia đình con cháu đều sống ở ngoại quốc. Ông rể Tàu mất ở các năm cuối 1980 nghe nói thọ cũng trên 90 tuổi. Cô Tám mất vài năm sau đó. Chỉ có cô Tư, vợ chánh sống thọ, cách đây trên mười năm còn thư từ cho người họ khác là bà con, nhỏ tuổi hơn nhiều nhưng vai vế là “dì”, để phàn nàn chuyện người trong dòng họ ở trên đất hương hoả bên ngoại mà phải đóng tiền đất ở…Cô Tư tức cô vợ chánh của ông Tàu mới mất cách nay bốn năm…. Điều trùng với chuyện Tây ở trên là từ lâu trong vòng bà con với bà Toà R…đều biết là người rể Tàu của bà trước đó có một mối tình với cô đầm nhỏ tuổi con bà Đốc học trường Nữ Tiểu học Sa Đéc. Chuyện nầy biết từ những năm 1930… Rồi như ta biết, tiểu thuyết L’Amant xuất bản và được ngay giải Goncourt năm 1984 và năm 1992, phim L’Amant tên tiếng Việt là “Người Tình” được trình chiếu trên nhiều nước và được khen ngợi. Các tình tiết là cô đầm nhỏ con của bà Đốc học Sa Déc có người tình đầu tiên là người Tàu lớn tuổi giàu có. Các yếu tố trùng hợp để đoán một cách khá hợp lý là người tình Tàu của cô đầm nhỏ Marguerite Donnadieu sau nầy viết văn nổi tiếng là Marguerite Duras của nước Pháp, đó là người rể Tàu của bà Toà R… ở Gò Công…Không biết gia đình cháu chắt của các người xưa có nhìn nhận việc nầy không …nên người viết những dòng nầy không đề tên thật và chỉ ghi lại một dật sự lý thú mà không dám phương hại những người đã thành dỉ vãng… Phần 5 kết của bài viết về L’Amant” tôi viết y như thế và tôi đề ngày 23 – 5 - 2009 và “post” lên diễn đàn Edu.net.vn, “Gò Công ngày cũ” trang 33. Khi viết loạt bài L’Amant” cũng như cho tới ngày 23 – 5 – 2009, tôi không nghĩ có mối liên hệ nào giữa bà Toà R…và bà Toà có ngôi nhà xưa ở Bến xe ngựa cả. Đầu tháng 7 – 2009 khi nói chuyện với anh Tám Thảo xong, tôi mới khẳng định bà Toà có ngôi nhà xưa là bà Toà Rỉ và bắt đầu viết bài ký “Con đường…bến xe ngựa” nầy và hình như các chuyện có liên quan với nhau và một lần nữa tôi khẳng định “dật sự” chỉ là dật sự… Jul.20, 2009 PTS |
|
mk
|
|
IP Logged | |
mykieu
Senior Member Tham gia ngày: 10/Jun/2009 Thành viên: OffLine Số bài: 3471 |
Gởi ngày: 08/Oct/2010 lúc 8:10pm |
Ngày nay, mỗi dịp Xuân về, Saigon có "ĐƯỜNG HOA NGUYỄN HUỆ" , xe ngựa đưa vào "đường hoa" phải được chọn lựa kỹ , vậy mà Thầy Phan Thanh Sắc.... 'chê' !
Trong ký ức của Thầy, chiếc XE NGỰA GÒ CÔNG thật đẹp và hoàn hảo từng chi tiết .
"xe ngựa GC đẹp" , "xe ngựa GC hoàn hảo từng chi tiết" như GÒ CÔNG LUÔN ĐẸP VÀ TUYỆT VỜI trong lòng "Người-Con-Xứ-Gò PHAN THANH SẮC" !
mk
XE THỔ MỘ NGÀY XƯA, CÒN BÁNH NAN HOA VÒNG CAO SUTuesday, 4. August 2009, 02:10:00 ]
Bộ đồ bắt kế ngựa vào xe nầy cũ quá, may mà còn vòng quanh cổ gắn cả chục lục lạc! Hai miếng che mắt ngựa, ở Gò Công gọi là hai “ba trắc”, phải có hoa văn hay đóng cúc trắng mới đẹp. Con ngựa nầy dáng cao ráo đẹp, màu lông như vầy là ngựa “vang” (vàng) lai “kim” (trắng). Ngựa có thể đứng một chỗ như vầy cả một hai tiếng đồng hồ. Ngựa chỉ trở cẳng khi mỏi. Xe đậu có xiềng bánh.. Dây cương ngựa, hồi xưa không phải là dây luộc, mà là dây cương da vừa tầm . Sợi dây cương nầy quá dài chắc là để buộc ngựa khi vào bến. Vòng cuối dây cương nầy máng lên hai tay nắm có lỗ gắn đèn lồng để chạy ban đêm (cặp đèn phải đẹp). Xe nầy không có 2 bàn đạp phía trước dưới 2 gọng xe. Khách lên xe nầy từ phía sau. Cây sắt chống sau, mất miếng sắt để đạp leo lên. Nhớ hai gọng xe xưa có ngọn bịt đồng, chứ không vát như vầy, nguy hiểm. (chắc gọng nầy có gảy chút ngọn, chứ không ai dám để như ngọn dao như vầy) Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 08/Oct/2010 lúc 8:14pm |
|
mk
|
|
IP Logged | |
Phanthuy
Senior Member Tham gia ngày: 01/Jun/2007 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 960 |
Gởi ngày: 09/Oct/2010 lúc 1:25am |
Không ngờ cái bài tường thuật nhỏ của PT đã gợi hứng cho Mỹ Kiều lôi ra một mớ tài liệu thật quí hiếm của thầy Phan Thanh Sắc.
Hay qua' Mỹ Kiều ơi .
PT đinh xem một tí thôi vì ít thì giờ , thế nhưng tình tiết hấp dẫn lôi cuốn PT xem hết các bài của thầy Sắc
và đã học và biết thêm nhiều điều thú vị về Gò Công . Nhất là cái xe ngựa kìa.
Ôi lâu quá rồi mới thấy lại cái xe ngựa ngày xưa. Bùi ngùi quá.
Cám ơn thầy Phan Thanh Sắc và cám ơn Mỹ Kiều đã bỏ công rất nhiều vào đây .
Chỉnh sửa lại bởi Phanthuy - 09/Oct/2010 lúc 1:29am |
|
PhanThuy-CA
|
|
IP Logged | |
mykieu
Senior Member Tham gia ngày: 10/Jun/2009 Thành viên: OffLine Số bài: 3471 |
Gởi ngày: 09/Oct/2010 lúc 4:53pm |
Đôi khi chỉ một "bài tường thuật nhỏ", thậm chí , chỉ một chi tiết nhỏ , gợi lại cả một trời kỹ niệm đấy, PhanThuy ơi !.
|
|
mk
|
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 23200 |
Gởi ngày: 09/Oct/2010 lúc 10:48pm |
Ở thị xã Gò Công - chỉ còn chiếc này (để chở nước đá cây) - ảnh chụp tại Yên Luông Ảnh Hoàng Ngọc Hùng Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 09/Oct/2010 lúc 10:49pm |
|
IP Logged | |
Phanthuy
Senior Member Tham gia ngày: 01/Jun/2007 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 960 |
Gởi ngày: 10/Oct/2010 lúc 6:49pm |
Hello Lan Huỳnh ,
Tấm hình xe ngựa hay ghê. Làm mình nhớ quê nhà kinh khủng .
Nhưng cái xe ngựa này không giống xe ngựa chở người .
Nhìn con ngựa chở nặng thấy thương quá.
Nhớ ngày xưa đi xe ngựa PT cảm thấy xe ngựa sao mà làm gì cao quá là cao ( chắc lúc ấy còn bé quá )
Mỗi khi leo lên rất khó khăn , sợ ngựa chạy bất tử thì té chết, hi hi .
PT cám ơn Lan Huỳnh nha . Con người lúc nào cũng chịu khó làm vui mọi người , làm đẹp cho Gò Công.
Chỉnh sửa lại bởi Phanthuy - 10/Oct/2010 lúc 10:50pm |
|
PhanThuy-CA
|
|
IP Logged | |
lo cong
Senior Member Tham gia ngày: 30/Oct/2007 Đến từ: Canada Thành viên: OffLine Số bài: 2596 |
Gởi ngày: 12/Oct/2010 lúc 5:06pm |
Trich dẩn từ PhanThuy:
"Tối nay gặp nhau , tay bắt mặt mừng , mọi người vui vui buồn buồn kể lại cho nhau nhiều kỷ niệm . Ngay cả hai vợ chồng anh Nguyễn Duy Sự là cư dân Nhà thờ nhưng vì là bạn hữu của gia đình anh Minh và anh Tài nên cũng biết rành rẽ Bến xe ngựa để cùng nhắc nhớ nhiều kỷ niệm thời học sinh . Ôi êm đềm và thân yêu làm sao ."
Tôi ở Cầu Huyện nhưng cũng biết vài người ở Bến xe ngựa như Hoa Đinh, Lan Đinh, Bánh Rế,Minh (bánh bàng) và Huỳnh Kim Anh (Bánh tiêu). Ngày mới sang Mỹ Huỳnh Kim Anh có liên lạc với tôi, sau đó không có tin tức nữa từ mấy chục năm nay!
Chỉnh sửa lại bởi lo cong - 13/Oct/2010 lúc 7:06pm |
|
Lộ Công Mười Lăm
|
|
IP Logged | |
Trang of 2 phần sau >> |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |