Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn
Message Icon Chủ đề: CHĂN TRÂU KHỔ LẮM Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
LanH
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 01/Nov/2008
Thành viên: OffLine
Số bài: 596
Quote LanH Replybullet Chủ đề: CHĂN TRÂU KHỔ LẮM
    Gởi ngày: 31/Mar/2009 lúc 9:43pm

Chăn Trâu khổ Lắm  

Trong đời tôi có một khoảng tuổi thơ được sống trong cảnh thanh bình, mà tôi còn nhớ rõ ràng nhứt là thời gian ba, má tôi ở quận Thới Bình. Lúc đó nhà tôi ở trong ấp chiến lược, ấp nằm trong một bờ thành đất sét đắp cao khỏi đầu người lớn, mặt ngoài thành có cắm chông tre nhọn chi chít và trên mặt thành là một hàng rào tre bện khít khao, chó chui không lọt. Đứng trên bờ thành nhìn ra xa là một cánh đồng cò bay thẳng cánh.

 Nhứt là mùa xuân đồng ruộng khô ráo, thường những buổi chiều chúng tôi ra bờ thành xem người ta thả những con diều to lớn, gắn đuôi thiệt dài và bay thiệt cao dưới bầu trời xanh ngát, có con phát ra ra âm thanh vi vu như tiếng sáo thổi. Anh em chúng tôi cũng tự vót trúc, uốn sườn, dán giấy nhựt trình tạo thành những con diều nho nhỏ, rồi đem ra bờ thành thả chơi suốt ngày.

Đầu mùa mưa ong bầu thường làm ổ trong bọng những cây tre cắm rào trên bờ thành chiến lược, chúng tôi để miệng chai ngoài miệng lỗ, chỗ ra vào của ong, lấy cây gõ gõ bên ngoài thân tre lừa cho ong chui lọt vô chai, rồi đem về nhà, lật úp chiếc thùng thiết xuống, để ong bầu lên đít thùng, phủ miếng vải lại và lấy cái dĩa dằn lên lưng ong cho nó phát ra tiếng tè tèèè... nghe rất vui tai, chúng tôi gọi đó là máy hát.

Tuy nhiên những trò chơi nhẹ nhàng ấy làm tôi mau chán. Tôi rất thích cỡi trâu, vì vậy tôi thường ra đồng tìm chơi với nấy đứa chăn trâu. Mấy đứa chăn trâu khôn lắm, chúng biết ý tôi muốn gì cũng như chúng biết ý bầy trâu để chúng ra lịnh điều khiển trâu làm theo ý muốn của chúng. Trong đời sống dĩ nhiên cái gì cũng có giá phải trả, tôi muốn cỡi trâu thì phải trả tiền hoặc một gói xôi hay cái bánh ú, bánh lá dừa chẳng hạn. Vì vậy bao nhiêu tiền và quà bánh của má tôi cho ăn đi học tôi đem trả tụi chăn trâu hết, để đổi lấy mấy buổi cỡi trâu. Một hôm không tiền, không bánh, tôi xin chúng cho tôi cỡi trâu thiếu chịu. Bọn chúng không đồng ý, chúng đề nghị tôi vô vườn hái ô môi cho đem ra cho chúng ăn rồi chúng cho tôi cởi trâu. Ghiền cỡi trâu quá nên tôi làm theo, tôi trèo vô vườn người ta, không quen ăn trộm nên đứng sớ rớ, chưa hái được trái nào thì đã bị chủ vườn bắt gặp. Ông ta bèn dẫn tôi về nhà mắng vốn. Má tôi giận quá, bà đánh tôi một chập và cấm không cho tôi ra đồng chơi với đám chăn trâu đó nữa.

Năm ấy tôi được mười một tuổi, Thới Bình chưa có trường học, tôi học trong một nhà thờ, cô giáo là một bà Sơ hơi lớn tuổi. Đám học trò tuổi tác lộn xộn, đứa nhỏ thì bảy tám, đứa lớn thì mười mấy. Lớp học chia ra làm hai nhóm, nhóm nào chưa biết viết, biết đọc cô dạy tập viết, tập đánh vần, nhóm nào biết viết biết đọc rồi thì cô dạy làm toán, học công dân, đức dục và cho bài học thuộc lòng đem về nhà đọc. Tôi thuộc nhóm biết đọc biết viết, có bài thuộc lòng tôi còn nhớ cho tới ngày hôm nay:

“Các em là búp măng non, là đàn chim nhỏ dưới vòm trời cao, là hoa xuân thắm nắng đào, là hy vọng của đồng bào Việt Nam, giờ em chăm học chăm làm, thì mai sau sẽ giỏi giang giúp đời, nước nhà trông cậy em ơi, làm trai ta phải luyện rèn sức trai.”

Trong lớp tôi có quen với chị bé Hai, chị lớn hơn tôi hai ba tuổi gì đó, nhà chị có một cặp trâu, thường thì anh Bần, em kế của chị chăn, còn những ngày nghỉ học thì chị chăn phụ. Tôi thích chơi với chị hơn là chơi với đám chăn trâu, chị cho tôi cỡi trâu bất cứ lúc nào tôi muốn, không phải trả tiền, trả bánh gì hết và còn được chơi nhiều trò chơi thú vị. Nhứt là những buổi trưa chị thường tụ tập bạn bè trang lứa hoặc nhỏ cỡ tuổi tôi ra vườn. Ngoài vườn có một cái bụi mà chị và mấy đứa bạn đã dọn trống, bên trong bụi ngồi được năm sáu đứa, nhờ phía ngoài được che kín bằng lá dừa nước nên trời mưa chúng tôi có thể ngồi chơi bên trong mà không sợ ướt. Không biết ai nắn dùm chị cà ràng, nồi, tô, dĩa, chén bằng đất sét nung đỏ rất khéo, mấy chị có thể nấu cơm kho cá trong những món đồ chơi đó. Thường bữa trưa, chúng tôi tụ tập trong lùm bày trò chơi đám cưới. Trong nhóm chị bé Hai là nhiều sáng kiến nhứt, chị bày chúng tôi chặt lá đu đủ làm lọng, lấy tấm ván nhỏ làm mâm trầu cau, lễ vật là trái dừa hoặc nải chuối... Trong nhóm mình ên tôi là con trai nên lúc nào cũng được chọn làm chú rể, hôm nay làm chồng với chị nầy, mai với chị kia... Đám cưới cũng đầy đủ nghi thức, lạy bàn thờ, ăn trầu cau và rước dâu đi vòng quanh khu vườn, khi trở về chòi bày đồ ra ăn nhậu, dĩ nhiên là ăn giả bộ, sau khi ăn uống xong, mấy ngưòi khách đi về cho cô dâu chú rễ động phòng hoa chúc, cũng giả bộ ôm nhau ngủ đó thôi.  

Một buổi trưa chị bé Hai rủ mình ên tôi ra lùm cây, chỗ mà chúng tôi hay tựu tập, kéo tay tôi vô lùm, kêu tôi ngồi xuống coi chị đốt lửa cà ràng, sau đó chị đổ dấm vô lon sữa bò và bắt lên lửa hâm tới khi dấm ấm ấm. Chị bắt dấm xuống rồi cởi nút áo, vạch ngực ra, ngực của chị một bên u lên như núm cau và một bên xẹp lép, chị kêu tôi thoa dấm lên ngực và nhờ tôi bóp dùm phía bên xẹp cho chị, chị nói làm vài lần thì bên nầy sẽ bự bằng bên kia, lúc đó tôi còn nhỏ đâu biết khỉ gì, chị kêu tôi làm sao thì tôi làm vậy. Quả thật, vài lần sau đó ngực bên lép đã sưng lên, tuy mấy lần sau tôi đụng vô chị đau lắm nhưng vì muốn có bộ ngực cân đối chị phải cắn răng chịu đựng. Mặc dầu lúc đó tuổi tôi còn non trẻ, nhưng tôi mơ hồ có một niềm thích thú mà tôi không sao tả được. Một buổi trưa như thường lệ tôi và chị bé Hai chuẩn bị đồ nghề để “nâng cấp” ngực lép của chị, không biết đứa nào mách lẻo, mà má tôi với má chị đột nhiên xuất hiện, mặt mày người nào người nấy đằng đằng sát khí, mỗi người lôi một đứa về nhà. Tôi không biết má chị đánh chị cỡ nào, chớ má tôi thì nổi tam bành lục tặc, sắc mặt dữ dằn, chưa bao giờ tôi thấy bà ghê sợ như lần đó, mấy lần lầm lỗi trước kia bà bắt tôi nằm sắp lên giường, trước khi đánh bà kể những sai lầm tôi đã gây ra và cho biết số roi tôi phải chịu, nhưng lần nầy bà xả roi túi bụi... Sau khi bà trút hết cơn giận thì mình mẫy tôi có lằn tím và mông sưng như dề cơm cháy. Từ đó bà cấm tôi không được đi chơi với mấy đứa con nít “quỷ” đó nữa...

Cho tới hôm nay, đầu đã hai thứ tóc rồi, vậy mà mỗi khi nhớ tới những ngày êm ả hồn nhiên ở Thới Bình, tôi nhớ nhứt là trò chơi đám cưới và chuyện giữa tôi với chị bé Hai, mặc dầu mục đích chính của tôi lúc đó là muốn được cỡi trâu hơn là cùng mấy chị chơi những trò chơi cấm kỵ.

Những năm sống nơi xứ lạ quê người hình ảnh con trâu Việt Nam đã phai mờ trong tâm trí. Rồi một hôm đứa con gái lớn của chúng tôi đem về một cuốn sách có minh hoạ hình, bằng tiếng Hoà Lan, tựa đề là Een jongen in Vietnam (Một Em Trai Ở Việt Nam). Bìa sách có in hình một em trai, độ chín mười tuổi, bận áo sơ mi sọc màu xanh mới toan, tay cầm sợ dây mũi của con trâu, thân hình con trâu to tổ chảng đương đứng trên con đường làng, cạnh một căn nhà tường vôi rữa, xi măng trốc lòi gạch trông cũ kỹ làm sao. Con gái tôi thích lắm, nó đọc hết cuốn sách trong một buổi, sau đó nó sơ lược cho vợ chồng tôi nghe về câu chuyện trong sách. Đại khái là em bé Việt Nam vừa đi học, vừa chăn trâu, về nhà lo phụ giúp gia đình... Vậy mà ở trường em còn là học sinh giỏi và ước mơ tương lai em trở thành phi công hoặc tài xế máy cày...

Thật ra từ ngày Trúc Thanh, vợ tôi, mang thai đứa con gái đầu lòng thì chúng tôi lúc nào cũng bâng khuâng lo lắng, sống nơi xứ người, không biết làm cách nào để dạy con cho thành người Việt. Cuối cùng vợ tôi đề nghị, cứ theo lời của những bậc trí thức ngoài nầy, mình nên tìm về nguồn cội, may ra... Vậy là tôi phải một phen lục lọi tìm tòi sách Việt Nam viết về văn hoá, phong tục, ca dao, tục ngữ, hát ru con, vọng cổ; đọc báo, lướt mạng để tìm về... nguồn cội. Hay lắm, tôi nói với vợ, mình có thể ru con bằng ca dao, tới tuổi nó hiểu biết thì mình kể chuyện cổ tích Việt Nam cho nó nghe, khi lớn lên tức khắc nó trở thành người Việt chánh hiệu con rồng vàng.

Giờ đây ít nhiều gì vợ chồng tôi cũng hài lòng khi nhìn thấy con gái lưu tâm tới văn hoá Việt. Nhưng khi thấy cái hình của em bé chăn trâu ngoài bìa sách không giống một em bé chăn trâu thứ thiệt mà tôi đã biết qua và câu chuyện có vẻ lý tưởng quá cho một em bé chăn trâu. Nhưng hề gì, qua ca dao, tục ngữ và truyền thuyết, lịch sử tôi thấy người xưa đã từng lý tưởng hoá hình ảnh mục đồng lúc thì nhàn nhã như tiên, khi thì anh hùng tái thế làm tới đế vương... Tuy nghĩ là nghĩ vậy, nhưng khi dạy con tôi chọn lọc, bỏ bớt những câu lý tưởng có hơi quá trớn như: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ...”  Tôi giải thích cho hai con tôi biết rằng, chăn trâu cực khổ lắm, sáng dắt trâu ra đồng cho ăn cỏ suốt ngày, những ngày mưa thả trâu ra đồng không được phải lội ra đồng tìm cỏ non cắt bó từng bó đem về cho trâu ăn, trâu ỉa trong chuồn phải hốt cứt đem đổ, chiều phải tắm trâu, tối giăng mùng cho trâu ngủ..... Chừng đó công việc đã chiếm hết thời gian thì còn thời giờ đâu nữa mà học với hành. Đó là chăn trâu của nhà, nếu chăn trâu do chủ mướn mà lỡ để trâu đạp lúa hoặc ăn lúa ruộng người ta thì bị trừ lương. Thời địa chủ em chăn trâu nào lỡ để trâu đi mất thì bị chủ đánh đòn tàn bạo, có khi bị đánh và bỏ đói cho tới chết. Nói trắng ra chăn trâu chẳng có chút vui sướng nào như mấy em gái ở Hoà Lan “chăn” con ngựa của mình cỡi.

Tuy nhiên ngoài những cực khổ của em bé chăn trâu ra, tôi cũng kể cho hai đứa con gái tôi nghe những hình ảnh đẹp giữa trâu và người. Từ ngàn xưa nhà nông biết cách dùng trâu để cày, bừa ruộng hoặc cho trâu kéo cộ, kéo xe... Lúc nào trâu và người nông dân cũng hợp tác với nhau chặt chẽ, họ xem trâu như là một người bạn đời thân thiết. Vì vậy mới có những câu gắn bó người và trâu như:

Trên đồng cạn dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.

Mình cũng có thể tưởng tượng ra, sau những giờ người và trâu cày, bừa mệt nhọc. Bác nông phu với trâu ngồi dưới một gốc cây nghỉ mát, bác uống trà, còn trâu nằm cạnh bên nhơi cỏ và bác vuốt đầu trâu tâm sự:

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công

Chừng nào cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn... 

Nhờ tìm cách dạy con mà tôi học thêm rất nhiều về chuyện con trâu với những tập tục chọi trâu của từng vùng và lễ đâm trâu của người dân tộc. Trong những chuyện tôi thích nhứt là tranh chăn trâu của nhà thiền, nhưng cái nầy thì chưa giải thích cho hai con tôi nghe được.

Có một bức tranh con trâu ăn cỏ trên cánh đồng xanh và em bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo, Trúc Thanh và hai đứa con thích lắm, nên kêu tôi đem đóng khung treo lên tường. Thanh cũng góp chuyện kể cho hai đứa con gái nghe quê ngoại của chúng ở tận miền Trung nước Việt Nam, người ta vẫn còn dùng trâu cày ruộng, mai mốt về bển sẽ cho hai đứa tha hồ cỡi trâu. Nghe má nó hứa làm tụi nó nao nức ngày về Việt Nam xem con trâu thiệt và sẽ cỡi trâu cho biết. Hai đứa con gái tôi năm nay đứa nhỏ lên chín, đứa lớn trên mười. Chợt nhớ lại chuyện xưa, hồi ở tuổi chúng nó tôi cũng rất thích cỡi trâu. 

Mùa hè năm nay vợ chồng tôi đưa hai cháu về thăm quê ngoại ở ngoài Nha Trang. Xe chạy trên quốc lộ một, tới khúc nào có ruộng thì hai con tôi cứ để ý tìm xem trâu, nhưng không thấy trâu, hai đứa thắc mắc tại sao tôi nói với chúng rằng Việt Nam nhà nông cày ruộng bằng trâu nhưng sao thấy toàn là máy cày. Nghe chúng càu nhàu má nó lên tiếng:

 – Ở đây ruộng lớn nên người ta dùng máy cày cày cho lẹ, quê  ngoại có những thửa ruộng nho nhỏ nên nhà nông sợ tốn nhiên liệu nên mới dùng trâu kéo cày, về tới nhà ngoại rồi con sẽ thấy trâu đi thành bầy giống như trong phim Mùa Len Trâu mà con đã xem hồi ở bển.  

Xe chạy qua khỏi đèo Rù Rì chợt hai con tôi reo mừng hô lớn:

– Trâu kìa, trâu kìa...

Tôi dòm lại thấy mấy con bò đương ăn cỏ bên lề đường, tôi nói:

 – Không phải trâu đâu , con nhìn kỹ coi, con bò đó.

Đứa con gái nhỏ thắc mắc:

– Sao bò màu vàng, ốm nhom lòi be xường, không mập giống như bò ở Hoà Lan.

Con chị làm tài khôn giải thích:  

– Bò Việt Nam nghèo hơn bò Hoà Lan, ăn uống thiếu dinh dưỡng nên mới ốm nhom ốm nhách và nắng nóng quá làm da bò vàng.  

Nghe con gái tôi so sánh làm những người trong xe cười rộ.

Phong cảnh Vạn Giả sạch và mát, dưới là biển trên là rừng, núi. Nghe kể ngày xưa nơi đây được mệnh danh là rừng vàng bạc biển. Đất nước tôi từ Nam ra Trung, nơi nào cũng rừng vàng bạc biển, vậy mà mà dân đen cúi mặt xuống đất, bán lưng cho trời, quần quật như trâu nhưng vẫn kiếm không đủ cơm ăn... 

Những ngày lưu lại quê vợ, sáng sáng tôi hay ra quán cà phê, ngồi nghe dân quê nói... tục và chưởi thề. Hồi ở nhà mỗi lần “chat” với người quen, tôi thường nghe tiếng chưởi thề của đám nhỏ văng vẳng trong microphone. Hôm nay về đây mới nghe tận tai, nhìn tận mắt. Đám con nít bận đồng phục, quàng khăn đỏ ngồi chơi game la ó chưởi thề ỏm tỏi. Tôi mơ hồ một nỗi xót xa, một niềm thất vọng nào đó mà tôi chưa xác định rõ ràng. Vợ tôi vô tư, về quê chỉ chú ý tới chuyện thăm bà con, bạn bè, ăn uống, sửa sắc đẹp rồi rủ nhau cắm trại và đi hát karaoke...

Hổm rày lo dẫn hai con đi chơi đây đó nên chúng nó không có dịp coi trâu. Chiều nay trên đường về nhà tình cờ tới đầu xóm thấy người ta dẫn một bầy trâu đi ào ạt, tung bụi mịt mù, Đinh Bộ Lĩnh ngày xưa xua đám chăn trâu ra trận mạc chắc bụi cát bay cũng cỡ như vầy. Thấy trâu hai đứa con gái tôi mừng quá, không chờ trâu tới, a tầm phù chạy về phía trước để coi. Nhưng khi chúng gần tới bầy trâu thì tự dưng sựng lai và nép qua đường, lúc bầy trâu đi ngang đứa con gái nhỏ sợ quá đi thụt lùi nó không để ý nên đạp lên bãi cứt trâu, hoảng hồn khóc om xòm trời đất. Trong khi tôi đi tới bồng con nhỏ lên, thì con chị bịt mũi vừa chạy vừa hô to.

– Thúi quá, thúi quá, mấy con trâu thúi quá...

Về nhà tắm rửa xong thì đã tới giờ cơm. Cậu tư nói với hai đứa nếu muốn thì ngày mai cậu dẫn đi qua nhà ông Tám cho cỡi trâu, bên bển có bốn con trâu. Chợt hai đứa buông đũa rưng rưng khóc, hai đứa con tôi có tánh đương ăn cơm hễ ai nói chuyện dơ dáy thì chúng ăn không được. Thấy hai đứa khóc dì ba cũng buông đũa dỗ ngọt và dụ dẫn hai đứa đi ăn bánh bèo, món duy nhứt của quê ngoại mà hai đứa ưa chuộng.

Kỷ niệm những ngày về quê vợ, tôi nhớ được có bấy nhiêu. Khi ra ngoài nầy, hai con tôi đã trở lại trường học, vợ tôi thì vô xưởng làm, còn tôi vẫn tiếp tục cộng việc của mình và cũng không để ý tới chuyện trâu, bò gì nữa hết. 

Cũng như mọi năm, trước Tết, gia đình chúng tôi thường đi chợ Việt Nam mua sắm, tiện dịp xin lịch mới của Việt Nam đem về nhà treo. Vợ tôi xin được mấy tấm lịch còn nguyên trong bọc nylon. Đem về nhà hí ha hí hửng khoe với hai đứa con gái và đưa cho mỗi đứa một cuốn, biểu chúng đem treo trong phòng ngủ. Chúng cầm lịch rồi đi lại bàn ngồi xuống mở ra xem, chợt hai đứa đồng thanh hô lên một lượt:

– Eeewww... (Tiếng hô mỗi khi gặp chuyện ghê gớm.)

Rồi bỏ hai tờ lịch lại bàn, chúng chạy tuốc lên phòng. Chúng tôi không hiểu chuyện gì hết, vợ tôi bèn đi lại bàn xem. Tới phiên cô vợ chỉ tay xuống tờ lịch:

– Anh anh, lại đây coi nè.

Tôi đi lại thấy ngoài bìa tấm lịch in hình đầu một con trâu tổ bố. Vợ tôi nói tiếp:

– Hai đứa con mình chắc mất gốc hết rồi anh.

– Em nói gì kỳ vậy, sợ trâu đâu có ăn nhằm gì tới chuyện gốc gác.

– Sao hồi trước anh nói là dạy con cho thành người Việt chánh hiệu con rồng vàng mà.

Tôi ra bộ nghiêm trang, gật gù:

– Bây giờ anh không hiểu nổi cái mẫu người Việt đàng hoàng nó ra làm sao nữa, xin thưa thiệt với em, hồi hè vợ chồng dắt con về bên bển anh thấy từ già cho tới trẻ ăn với nói làm anh sợ con mình bị nhiễm quá chừng, mẫu người nầy không được đâu, thôi thì tụi nó thành người Tây, người Mỹ, người Tàu... cũng chẵng hề gì, miễn sao nó lớn lên sống cho ra một con Người là tốt lắm rồi.

Trúc Thanh không nói thêm gì, cô bậm môi, mắt đăm đăm nhìn vô tấm lịch, hồi sau cô ngước lên nói:

– Năm tới là năm con Trâu,  rõ ra năm tới là năm Kỷ Sửu.

 

Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

 



Chỉnh sửa lại bởi LanH - 31/Mar/2009 lúc 9:44pm
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.234 seconds.