Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Âm nhạc
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Âm nhạc
Message Icon Chủ đề: Nhạc sĩ Văn Phụng Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
HongLan
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 12/Jan/2014
Đến từ: Switzerland
Thành viên: OffLine
Số bài: 170
Quote HongLan Replybullet Chủ đề: Nhạc sĩ Văn Phụng
    Gởi ngày: 12/Mar/2014 lúc 1:30pm


Văn Phụng
Van%20Phung%202.jpg
Thông tin nghệ sĩ
Tên khai sinh Nguyễn Văn Phụng
Sinh 1930
Hà Nội
Nghề nghiệp Nhạc sĩ
Thể loại Tình khúc 1954-1975
Ca khúc tiêu biểu Bức họa đồng quê, Tôi đi giữa hoàng hôn, Ô mê ly, Xuân họp mặt, Mưa, Trăng sơn cước, Yêu
Ca sĩ trình bày thành công Châu Hà



Nhạc sĩ Văn Phụng (1930 -1999) tên thật là Nguyễn Văn Phụng, sinh năm 1930 tại Hà Nội, trong một gia đình có 8 người con mà ông là thứ hai.

Thuở ấy, phong trào âm nhạc cải cách (tân nhạc) mới du nhập vào Việt Nam và được giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng. Văn Phụng đặc biệt có năng khiếu về tân nhạc nên được các giáo sư dương cầm là bà Perrier và bà Vượng dìu dắt rất tận tình. 15 tuổi, ông đã nổi đình đám khi đoạt giải nhất độc tấu dương cầm với bản La Pirière d’une Viege tại Nhà hát Lớn Hà Nội, 16 tuổi ông đã thi đậu tú tài. Ngặt nỗi ông bố (vốn là thông phán) lại quá nghiêm khắc, ông cấm không cho cậu con trai đi theo phường “xướng ca vô loài” mà chỉ muốn con mình làm… bác sĩ, nhưng Văn Phụng theo học ngành y chỉ được một năm rồi bỏ học đi theo tiếng gọi của âm nhạc.

Năm 1948, Văn Phụng cho ra đời tác phẩm đầu tay Ô mê ly với tiết tấu sôi động, phấn chấn yêu đời Ô mê ly đời sống với cây đàn tình tình tang… Ô mê ly, mê ly đời ta. Ông thường cùng các bạn bè nam, nữ tụ tập đàn hát với nhau. Nếu như trong đám bạn trai, Văn Phụng như là một “chủ súy” bởi ngón đàn tài hoa thì trong đám bạn nữ vút lên một giọng hát rất đỗi “liêu trai” của Châu Hà, người thiếu nữ Hà Nội có mái tóc dài vẫn thường thả lỏng như một dòng suối. “Trai tài, gái sắc” cứ quấn quýt bên nhau, thế nhưng ông thông phán lại rất ác cảm với nghề xướng ca vô loài nên tìm đủ cách để ly gián tình yêu của con trai mình. Biết rằng gia đình Văn Phụng không chấp nhận mình, Châu Hà phẫn uất đi lấy chồng và theo chồng vào Sài Gòn để xa hẳn một quá khứ đẹp mà… buồn.
Châu Hà đi rồi, một thời gian sau Văn Phụng cũng được bố mẹ cưới vợ. Ông chấp nhận như là để khỏa lấp những trống vắng mà Châu Hà đã để lại cho mình. Vợ ông cũng là người Hà Nội nổi tiếng “đẹp người, đẹp nết” rất được bố mẹ chồng thương quý. Đến khoảng đầu thập niên 1950, vợ chồng Văn Phụng đã có 2 người con gái. Những tưởng mọi sự đã an bài, nhưng tình xưa đâu dễ quên… Tất cả những nỗi nhớ thương đều được ông đưa vào các ca khúc của mình Tìm đâu thấy liễu xanh xanh lả lơi. Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai. Ghi trong khóe mắt u hoài hình bóng ai. Tôi thấy em một đêm thu êm ái… Người em gái đứng im trong hồi lâu. Tôi ngập ngừng lòng muốn nói đôi câu. Xin cho suối nước non ngàn tìm đến nhau. Như chúng ta đôi đời hàn gắn thương yêu… (Suối tóc – 1954).
Rồi không ngăn được tiếng gọi của con tim, Văn Phụng vào Nam. Châu Hà lúc này đã trở thành ca sĩ chuyên hát ở đài phát thanh và các phòng trà cùng thời với những Mộc Lan, Linh Sơn, Ánh Tuyết… Văn Phụng cũng mau chóng hòa nhập vào làng ca nhạc miền Nam. Không chỉ sáng tác ca khúc, ông còn thành lập ban tam ca nam đầu tiên ở Việt Nam với Văn Phụng – Anh Ngọc – Nhật Bằng (1953-1954). “Tình cũ không rủ cũng tới” nhưng… không phải dễ dàng gì bởi còn đó những trói buộc gia đình, còn những lời đàm tiếu, dị nghị chung quanh. Chính những lúc buồn nản nhất, Văn Phụng đã viết Tôi đi giữa hoàng hôn (1962) với điệu slow rock: Tôi đi giữa hoàng hôn, khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương. Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài mà lòng thấy u hoài… Tôi thương nhớ ngày qua, trên bến Hoàng Hoa, trên những đường xa, thường thường hai đứa nắm tay nhau tươi cười, như thầm hẹn nhau mùa sau…. Ở Tôi đi giữa hoàng hôn không hề có sự yếm thế, bi thảm mà là một nỗi buồn lâng lâng, siêu thoát. nhẹ nhàng và trầm ấm đầy chất phương Đông: …Dù cho mưa gió bên mái tranh nghèo. Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mờ, niềm tin yêu hằng xin mãi mãi không hề phai. Nhớ… Nhớ… Nhớ đêm nao trên bến Hoàng Hoa, hai đứa nhìn nhau, không nói một câu…

Chính tình yêu đó, cuối cùng, vượt qua mọi trở ngại, “Kim – Kiều” đã lại tái hợp, tạo nên một đôi uyên ương nổi tiếng trong làng ca nhạc Sài Gòn một thời. Văn Phụng – Châu Hà có với nhau 2 người con gái (với người vợ trước ông có 5 gái, 1 trai).
Từ thập niên 50, 60, từ Hà Nội đến Saigon, nhạc Văn Phụng đã mang đến một nét mới lạ trong vườn nhạc Việt Nam. Qua các làn sóng phát thanh, các đài truyền hình, băng nhạc, các buổi trình diễn, phòng trà, dạ vũ… , các bản nhạc như Ghé bến Saigon, Suối tóc, Ô Mê ly, Trăng sáng vườn chè, Tôi đi giữa hoàng hôn, Yêu, Bức họa đồng quê.. ai nghe cũng mê thích vì nét nhạc khi vui tươi, lúc êm đềm, vài bản với hòa âm kiểu Âu Mỹ, kể cả lời ca cũng khác lạ với những bản nhạc thường nghe.
Từ năm 75 di cư ra ngoại quốc, nhạc Văn Phụng lại càng được trọng dụng. Các ban nhạc có khi đổi lại nhịp điệu cho hợp thời trang: slow đổi thành pop, boston thành rumba v.v… , ai mà không thích Ái Vân ca nhạc dân tộc tính Trăng sáng vườn chè… Nhạc sĩ Văn Phụng cùng thời với Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Phạm Duy, Phạm Nghệ, và vì thời cuộc cùng gia nhập ban Quân nhạc, ta gọi là “lính kèn”, với Nguyễn Khắc Cung, Nhật Bằng, Ðan Thọ, Vũ Thành, Hoàng Trọng v.v…
Văn Phụng đã được trời ban cho tài, không những là một nhạc sĩ về sáng tác mà còn là một nhạc sĩ về hòa âm, trình tấu và kỹ thuật âm thanh. Trước hết, về tài sáng tác, anh đã viết rất nhiều, bài nào thường cũng hay cả lời lẫn nhạc, nét nhạc và đầu đề thật là độc đáo nên ca sĩ nào cũng thích hát nhạc Văn Phụng. Về tài trình tấu, Văn Phụng chơi nhạc trong ban Quân nhạc Ðệ tam Quân khu, đài phát thanh và Vô tuyến truyền hình Quốc gia và Quân đội, tại phòng trà và vũ trường nhiều năm ở Hà Nội, Saigon và Hoa Kỳ, sử dụng nhiều nhạc khí. Tiếng kèn clarinet của anh lả lướt êm dịu như của những nhạc sĩ Âu Mỹ có tiếng về jazz và ngón chơi piano đặc biệt của anh, với những lèo láy bay bướm hay những hợp âm mới lạ, lồng theo tiếng ca, khi anh đệm nhạc cho một ca sĩ. Sau hết, về tài kỹ thuật âm thanh, Văn Phụng rất thành thạo cả về máy móc thâu thanh và các nhạc khí điện tử. Anh đã may mắn có nhiều kinh nghiệm về dụng cụ và kỹ thuật âm thanh khi anh làm việc tại đài phát thanh và cơ quan UFO Hoa Kỳ ở Việt Nam cùng đài TV56 PTA ở Virginia.
Nhạc sĩ Văn Phụng thật sự có một tâm hồn nghệ sĩ, một điều không bao giờ anh tự nói ra. Anh thích cây cỏ, thiên nhiên…Vài năm sau khi định cư tại Mỹ, anh mua được một căn nhà nhỏ ở đường Baclick, Springfield, Virginia. Anh thích thú trồng nhiều cây khác nhau, như 150 cây hoa hồng đủ các loại và biến mảnh vườn nhỏ của anh thành một tiểu thiên đàng, để sáng dậy sớm ngắm trời xanh, nghe chim hót, ngồi uống trà… Chính anh tự sửa sang vườn lấy, chăm sóc từng cây, nghiên cứu từng loại và anh kể là có lúc anh làm vườn cả ngày trong thời kỳ không có việc. Anh cũng thường nói nếu sau này được sống trong một căn nhà biệt lập trên núi, hoặc ở bãi biển, gần rừng cây để làm nhạc thì thật tuyệt. Giấc mơ đó đã muộn mất rồi!
Trong phòng nhạc, anh tự đóng lấy nhiều kệ bằng gỗ rất đẹp, chạy chung quanh tường, để xếp đàn, sách nhạc, dàn âm thanh v.v… Văn Phụng mất ngày 17/12/1999, để lại khoảng 60 ca khúc. Việt Nam cũng mất đi một thiên tài âm nhạc



IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.252 seconds.